Tiểu thuyết tình yêu

Tiểu Thuyết Tình Yêu

Đọc truyện tại Tiểu Thuyết Tình Yêu

Loading...

Tiểu thuyết - Chỉ gọi tên em - Trang 2

Full | Lùi trang 1 | Tiếp trang 3

Chương 3

Sáng hôm sau chúng tôi làm vệ sinh cá nhân xong, ăn sáng rồi tới giảng đường nghe giảng. Có một học giả nghiên cứu rất sâu về Trường Thành tới diễn thuyết cho chúng tôi nghe. Thầy còn mang một mảnh gạch vụn từ Trường Thành to bằng bàn tay đến, để các bạn sinh viên thử độ cứng của nó.

“Có thể dùng bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể các bạn, ai làm vỡ được sẽ có thưởng,” thầy cười nói.

Khi mảnh gạch chuyền tới tay tôi, tôi nói với cậu em bên cạnh: “No, cho anh mượn đầu cậu.”

“Anh mượn cái đầu lợn làm gì?” cậu ta đáp.

Tôi chẳng buồn đếm xỉa tới cậu ta, hai tay nắm chặt mảnh gạch vụn, vận hết tất tật công lực, tưởng tượng mình là Songoku trong Bảy viên ngọc rồng, miệng gầm AA... chuẩn bị biến hình thành Siêu Xay­da.

“Gãy rồi,” tôi nói.

“Gãy thật rồi?” Noãn Noãn kinh ngạc hỏi.

“Ngón tay anh gãy rồi.”

Lần này đến lượt Noãn Noãn không buồn đếm xỉa đến tôi nữa.

Tiết giảng kết thúc vào khoảng 10 giờ, các giáo viên kêu mọi người chuẩn bị rồi đi leo Trường Thành.

Lại nhớ tối qua các thầy còn dặn đi dặn lại nên đi giày thoải mái, các bạn nữ đừng điệu đà đi giày cao gót, nhớ mang bình nước, đừng vứt rác bừa bãi ở Trường Thành, ai dám ký tên lên gạch Trường Thành thì chết chắc vân vân.

“Còn phải chuẩn bị gì nữa?” tôi tò mò hỏi Noãn Noãn. “Chẳng nhẽ còn phải đeo cà vạt nữa à?”

“Em nghĩ là muốn mọi người chuẩn bị tinh thần không lại vui quá mà ngất đi,” Noãn Noãn nói.

Tôi nghĩ cũng có lý.

Hồi đầu muốn tham gia trại hè lần này phần lớn cũng là vì muốn được leo lên Trường Thành.

Chúng tôi sẽ leo đoạn Trường Thành Bát Đạt Lĩnh cách Bắc Kinh chừng 70 cây số, có thể đi thẳng tới bằng đường cao tốc.

Nếu thời cổ kỵ binh vượt qua Bát Đạt Lĩnh, chẳng phải phút chốc có thể đến sát chân thành Bắc Kinh sao?

Đang toát mồ hôi sợ thay cho Bắc Kinh, đột nhiên trong xe rộ lên tiếng “Ồ”.

Tôi quay đầu nhìn ra cửa kính, bị cảnh tượng trước mắt làm cho sững sờ.

“Đây...” tôi lắp bắp.

“Đây là Cư Dung Quan,” Noãn Noãn nói.

Hai bên Cư Dung Quan là núi cao sừng sững chót vót như những lưỡi gươm, giữa là khe sâu, quan thành Cư Dung Quan nằm ở chính giữa khe sâu đó.

Địa thế hiểm trở, chắn giữ vị trí xung yếu của Bắc Kinh, chẳng trách Lã thị Xuân Thu * từng đề: Thiên hạ cửu tắc, Cư Dung kỳ nhất.

*Lã thị Xuân Thu còn gọi là Lã Lãm là bộ sách do Lã Bất Vi – thừa tướng nước Tần thời Chiến Quốc sai các môn khách soạn ra những điều mình biết, hợp lại thành sách.

Cư Dung Quan không chỉ hùng vĩ, mà phong cảnh còn mê đắm lòng người, dãy núi hai bên ánh màu lam biếc, dòng suối trong xanh chảy ở chính giữa. Thật khó tưởng tượng nổi chiến tranh có thể thay thế vẻ hào hùng, tú lệ nơi đây.

“Xem ra Bắc Kinh có thể thở phào nhẹ nhõm rồi” tôi nói.

“Anh bảo gì cơ?” Noãn Noãn hỏi.

“Kỵ binh vượt qua Trường Thành – Bát Đạt Lĩnh, nhìn thấy Cư Dung Quan nhất định sẽ phải xuống ngựa chiêm ngưỡng cảnh đẹp này,” tôi nói. “Trong lúc cảm kích trước vẻ đẹp tú lệ nơi đây, có lẽ sẽ đột nhiên tỉnh ngộ, cảm nhận nhân sinh khổ đoản, đánh đánh giết giết quá vô vị, lên ngựa quay đầu rút về chưa biết chừng.”

Noãn Noãn trợn tròn mắt nhìn tôi, không nói gì.

“Em đừng lo.” Tôi cười cười với Noãn Noãn. “Bắc Kinh an toàn rồi.”

“Đã bảo anh phải chuẩn bị tâm lý mà.” Noãn Noãn trừng mắt với tôi. “Giờ lại toàn nói nhảm nữa.”

Qua Cư Dung Quan, chẳng mấy chốc đã đến Trường Thành – Bát Đạt Lĩnh. Nhìn đồng hồ, vẫn chưa đến mười một rưỡi.

Giáo viên nói giờ đi ăn mì trụng tương trước, ăn no xong còn có sức lên đường.

(Câu “ăn no còn có sức lên đường” nghe thật kỳ kỳ, phạm nhân bị chém đầu vào phút cuối đều được nghe câu này.)

Lúc ăn mì trụng tương, Cao Lượng khơi chuyện, cậu ta nói hồi nhỏ mẹ cậu ta thường nấu một nồi to tương, chỉ cần múc vài thìa tương rưới lên mì, đảo đảo mấy cái, xì xụp húp là hết một bát, bữa ăn coi như xong.

“Bình thường đều ăn thế đấy,” cậu ta nói.

Tôi bỗng nhớ ra từ lúc xuống máy bay đến giờ, một hạt gạo trắng cũng chưa từng nhìn thấy, chứ đừng nói đến cơm trắng.

Trong sách giáo khoa Địa lý có viết: Người miền Nam ăn gạo, người miền Bắc ăn mạch, cổ nhân nói quả nhiên không sai.

Lên đến cáp treo phía nam nối với Nam Tư Lầu, khoang cáp vừa khởi động, Noãn Noãn liền cười thích thú.

Em xoay người lại, quỳ lên ghế ngồi, nhìn ra bên ngoài cửa sổ, vẫy tay lia lịa, miệng còn nói gì đó.

“Ngồi chắc đi,” tôi nói.

“Lần đầu gặp cũng phải chào Trường Thành, nói câu ‘đã vất vả rồi’ chứ,” Noãn Noãn nói.

“Em...”

“Đây cũng là lần đầu em leo Trường Thành đấy.”

“Đã nói em chuẩn bị tâm lý mà,” tôi nói. “Giờ thì toàn nói nhảm rồi.”

“Anh mới nói nhảm ý.” Noãn Noãn lại xoay người ngồi ngay ngắn.

Xuống cáp treo, các giáo viên dặn dò ngắn gọn nên lượng sức mình, không miễn cưỡng cố quá, nhớ hẹn tập trung ở Phong Hỏa Đài.

Tôi nhìn ra xa, Trường Thành uốn lượn qua các mỏm núi, như một con rồng lớn đang đợi rướn mình bay thẳng lên bầu trời.

Nhìn sang trái phải, hai mặt tường thành độ cao không đều, hình dạng cũng không đồng nhất.

Cao Lượng nói những răng cưa lồi lõm kia gọi là tường lũy, cao gần một mét bảy, vừa đủ để che chắn cho những người giữ thành, phòng ngự kẻ địch bên ngoài. Tường lũy có các lỗ hổng để quan sát bên ngoài lúc tuần tra, dưới các lỗ hổng có một lỗ nhỏ hình vuông để đặt cung tên bắn; mặt thấp hơn chỉ cao một mét, gọi là tường hiên, cũng giống như những bức tường thấp khác.

“Tường hiên dng để làm gì?” Noãn Noãn hỏi.

“Tuần tra mệt rồi có thể ngồi nghỉ uống miếng nước,” tôi nói.

“Đừng nói bừa,” Noãn Noãn nói.

“Người ngựa đi trên đường lên thành, nhỡ may bị ngã xuống dưới thì nguy hiểm, tường hiên này có tác dụng bảo vệ,” Cao Lượng nói. “Hơn nữa tường hiên cách mỗi đoạn lại có một cửa tròn, trong cửa có bậc thang đá để binh sĩ lên thành xuống thành.”

Tôi nhìn Cao Lượng bằng ánh mắt kính trọng.

“Sau khi đến Bắc Kinh, cứ không có việc gì làm em lại leo Trường Thành mà,” cậu ta nói.

Chúng tôi cùng leo về phía Bắc, đoạn nào quá dốc còn có lan can sắt để mọi người vịn vào mà lên xuống.

Nhìn qua các lỗ hổng trên thành, toàn là núi non trùng điệp, cây khô, cỏ dại, làm thành một dải hoang vu.

Cứ cách trăm mét lại có một cái lầu thành hình vuông, loại hai tầng gọi là địch lầu, tầng trên cùng dùng để quan sát hoặc tấn công, tầng dưới để binh sĩ nghỉ ngơi hoặc trữ vũ khí; loại một tầng gọi là thành đài, bốn phía đều có lỗ hổng để tuần tra và tấn công.

Cao Lượng nói lầu Nam Tư, Nam Tam, Bắc Tam, Bắc Tư giờ vẫn hay gọi đều là các địch lầu.

“Chúng ta sẽ trèo lên Bắc Bát Lầu cao nhất so với mực nước biển trên đoạn Trường Thành Bát Đạt Lĩnh,” cậu ta nói.

Noãn Noãn dù gì cũng là con gái, thể lực yếu, thỉnh thoảng lại phải dừng lại dựa vào lan can thở lấy hơi.

Có lúc gió thổi khiến em nghiêng ngả, Cao Lượng nói đây là chỗ hút gió, nên gió rất lớn.

“Nếu là vào giữa mùa Thu Đông, gió còn mạnh hơn, trời còn lạnh hơn. Đến lúc đó leo Trường Thành mới càng có cảm nhận sâu sắc,” cậu ta nói.

Lúc này chúng tôi ai nấy đều mặc quần áo mỏng, chỉ mang thêm bình nước mà vẫn phải bám vào lan can lên xuống; vậy mà tướng sĩ giữ thành thời cổ cả người giáp sắt, tay mang binh khí, đầu đội cuồng phong chạy lên chạy xuống nơi này. Ngày ngày nhìn ra cảnh hoang vu bên ngoài, ngoài tấm áo bào của mình chẳng thấy nổi một bóng ai khác, hẳn phải đơn độc, cô quạnh đến nhường nào.

Muốn thấy bóng người lại cũng sợ thấy bóng người, bởi chỉ cần nhìn thấy một bóng người có thể sẽ đồng nghĩa với việc chiến sự bùng nổ, đây là kiểu tâm trạng mâu thuẫn gì?

“Nếu như...”

“Nếu như nam nữ trên đời đều có thể đối với nhau bằng tấm lòng chân thành thuần khiết,” Noãn Noãn ngắt lời tôi, nói tiếp: “đến lúc đó Trường Thành có thể ngậm cười mà sụp đổ rồi. Có phải anh muốn nói thế không?”

“Hì,” tôi bật cười. “Em nghỉ đủ chưa?”

“Rồi,” Noãn Noãn gật đầu.

Cao Lượng thể lực khỏe, dọc đường cứ giơ máy ảnh như giơ súng chụp đông chụp tây chẳng ngơi nghỉ. Tôi và Noãn Noãn cứ đến một địch lầu lại ngồi nghỉ ngơi uống nước, ngắm nghía tứ phía.

Trên tường thành thường thấy mấy dòng chữ “Đã từng đến đây” do các du khách đề lên, hiện tượng này cũng thường thấy tại các danh lam thắng cảnh ở Đài Loan.

Xem ra Tôn Ngộ Không trong Tây du kí quả là hại người không nhẹ.

Còn nhớ hồi đại học đi thăm nhà ma Dân Hùng, ở đó đâu đâu cũng bị viết “đã từng đến đây”.

Có cậu học sinh chơi ác, khắc xong dòng chữ “đã từng đến đây” còn tiện tay viết thêm điện thoại liên lạc với địa chỉ thầy giáo.

“Xem ông còn dám tùy tiện nữa không nào.” Viết xong cậu ta chua thêm một câu.

Tôi đứng dậy xem trên tường còn có những chữ gì.

“Đến Trường Thành rồi! Mình là Hảo hán!”

Câu này quá thường, không chừng phải có đến tám nghìn viên gạch trên Trường Thành viết thế này.

“Mình phải học theo Trường Thành, kiên cường sừng sững nghìn năm!”

Kiên cường cũng tốt, nhưng phải có công, tâm, đức. Không có công, tâm, đức mà sừng sững nghìn năm chắc thành di họa nghìn năm mất.

“Tiểu Hồng! Tình yêu anh dành cho em ngun ngút như Trường Thành!”

Trò ngớ ngẩn làm lúc si mê, cũng có thể thông cảm. Tiểu Hồng làm ơn, đá thằng cha đó đi.

“XX của ta còn dài hơn Trường Thành!”

“Mẹ kiếp!” tôi không kìm nổi buột miệng.

“He he...” Thấy Noãn Noãn đang nhìn, mặt tôi đỏ bừng. “Anh luống cuống quá.”

“Không sao,” Noãn Noãn nói, “anh chửi được đấy”.

“Anh còn có thể chửi khó nghe hơn ấy chứ.”

“Chửi nghe xem nào.”

Tôi mở miệng, trước sau đều không phun được từ nào nữa, cuối cùng đành nói: “Hay bọn mình đi tiếp đi.”

Trèo lên phía trước một lúc, cuối cùng cũng­Phong Hỏa Đài, địa thế ở đây vừa cao vừa hiểm, tầm nhìn lại rộng rãi, vậy nên mới được dùng làm nơi đốt lửa báo hiệu.

Có khoảng hơn hai mươi sinh viên đang ngồi tán chuyện, Từ Trì nhìn thấy tôi bèn nói: “Anh Thái, chân anh vẫn ổn đấy chứ?”

Nghe cậu ta nói tôi mới cảm thấy chân mình đã hơi bủn rủn.

Trong bốn giáo viên đã có ba người tới nơi, thầy Lý phía Bắc Kinh bị tụt lại phía sau, thầy tới cũng có nghĩa là cả đoàn đã đầy đủ.

Mười phút sau, thầy Lý cuối cùng cũng cán đích.

Thầy thở hồng hộc, đếm lại số người, hắng giọng vài cái rồi nói:

Mọi người đều đã nghe câu “Bất đáo Trường Thành phỉ hảo hán” rồi, nhưng có nhất định phải leo Trường Thành mới chứng tỏ mình là hảo hán không? Các bạn cứ thử chọn một ngọn núi hiểm trở, rồi trèo từ chân núi lên đỉnh núi xem, ai dám nói các bạn không phải hảo hán? Hoặc giả các bạn đi bộ một lèo quanh Bắc Kinh, giữa đường không nghỉ, không gọi xe cấp cứu không khóc bố gào mẹ, lại chẳng phải hảo hán sao? Leo Trường Thành, mục đích không chỉ để chứng tỏ mình là hảo hán, nhìn dưới chân xem, các bạn đang giẫm lên những động mạch lịch sử. Có Trường Thành, nước Tần mới có thể thôn tính sáu nước, thống nhất Trung Nguyên; nếu như không có Trường Thành, lịch sử sẽ hoàn toàn thay đổi. Các bạn thường đọc trong sách những câu thơ ngắm vịnh Trường Thành cùng những tướng sĩ nơi biên cương, đó là nét đẹp của văn học; ngày hôm nay, các bạn leo một lượt, càng có cảm xúc sâu sắc hơn về nét đẹp văn học ấy, đồng thời các bạn cũng có thể cảm nhận tính chân thực của lịch sử. Lịch sử chính là dấu chân của nhân loại để lại qua hàng nghìn năm, dấu chân của các bạn lúc này đây cũng sẽ trở thành lịch sử trong tương lai đấy. Nhìn quanh bốn phía, địa thế càng hiểm yếu, càng thể hiện sự hùng vĩ của Trường Thành, nếu như Trường Thành được xây trên đồng bằng, thế lại chẳng như một bức tường sao. Đời người cũng thế, càng khó khăn trắc trở, càng có thể thể hiện giá trị của các bạn, càng có thể khích lệ các bạn tiến lên, hiểu được tầng đạo lý này, các bạn mới là hảo hán đích thực.

Thầy nói xong mọi người rào rào vỗ tay, thầy Lý quả thực nói rất hay. Tuy nhiên hơi cảm tính quá thì phải.

Thầy Trương phía Bắc Kinh đứng dậy, cũng hắng giọng nói:

“Lát nữa mọi người cùng đứng chụp một bức ảnh tập thể dưới Phong Hỏa Đài. Trong lúc chụp ảnh, mong các bạn sinh viên hãy cùng thầm cầu nguyện trong lòng: Nguyện Phong Hỏa Đài mãi không còn đốt lên khói lửa.”

Giờ thì sao đây? Cảm tính cũng có thể bị lây nhiễm rồi.

Thầy Trương mời thầy Chu phía Đài Loan cũng lên nói vài lời, thầy Chu chậm rãi đứng dậy, nhìn quanh khắp lượt, nói:

“Thường nghe người ta nói: Đây chính là lịch sử. Câu nói này còn có một ý nghĩa sâu xa khác. Chúng ta đều biết ‘đây’ trong Tiếng Anh nói là ‘dít-sờ’ (this), đọc lên nghe rất giống ‘lịch sử’, do vậy this is lịch sử có nghĩa là...”

Thầy ngẩng đầu lên, nhìn về phía xa, nói: “Đây chính là lịch sử.”

Nghe xong câu này, tôi chỉ còn biết ngã lăn ra đất.

Phong Hỏa Đài dù có đốt lên khói lửa, nghe thầy nói một câu, có lẽ cũng tắt luôn.

Cuối cùng là thầy Ngô phía Đài Loan, thầy chỉ điềm nhiên nói:

“Các bạn sinh viên trong lòng nhất định có rất nhiều cảm xúc muốn được bộc bạch. Thế này đi, tối nay trước khi đi ngủ, mỗi người hãy nộp một bài viết 500 chữ về cảm xúc khi leo Trường Thành cho tôi.”

Tôi vừa nghe xong liền từ dưới đất đứng bật dậy, tru lên một tiếng bi thương.

“Tôi chỉ đùa thôi.” Thầy bật cười ha hả. “Lát nữa còn phải leo tiếp, cho các bạn  liều thuốc kích thích ấy mà.”

“Hơi đâu đùa cái gì chứ.” Tôi hừ mũi.

“Thế còn anh?” Noãn Noãn hỏi. “Anh thì có cảm xúc gì?””

“Anh...”

“Có phải anh lại định nói cáp treo dài, Trường Thành lại càng dài, đến sợi mì ăn bữa trưa cũng dài hơn ở Đài Loan, tóm lại chỉ một chữ dài?”

Tôi cười không trả lời. Đúng là bị em nói trúng rồi.

Khi mọi người tập trung lại chuẩn bị chụp ảnh, thầy Chu lại nói:

“Mọi người lôi chứng minh thư ra để trước ngực chụp ảnh, như vậy mới kool.”

Giờ là lúc chụp ảnh tội phạm truy nã ư?

Tôi liếc trộm tấm thẻ chứng minh thư trong tay Noãn Noãn, còn em đường hoàn quay đầu nhìn chăm chú tấm thẻ của tôi.

Tôi khẳng khái đưa tấm thẻ cho em, em cười cười, cũng đưa tấm thẻ của em cho tôi.

Chứng minh thư của Noãn Noãn có in nổi bản đồ Trung Quốc màu trắng trên nền xanh dịu, còn có một cột biểu thị “Dân tộc Hán”.

“Tiếp tục lên đường thôi,” chụp ảnh xong, thầy Trương nói.

Mới leo được không lâu, đã thấy tận cùng của tường thành là vách núi, cụt đường rồi.

“Đây là nơi nàng Mạnh Khương khóc đổ Trường Thành phải không?”

“Không phải,” Noãn Noãn chỉ tay phải về phía Đông, “là ở Sơn Hải Quan kìa, nơi Trường Thành nhập vào biển.

“Thật không?”

“Phía đông thành Sơn Hải Quan có làng Đá Vọng Phu, phía bắc ngôi làng là ngọn núi Phượng Hoàng, miếu nàng Mạnh Khương ở chỗ đó. Sau miếu có một hòn đá lớn, gọi là đá Vọng Phu. Phía trên bên phải có một vết lõm, là dấu chân em Mạnh Khương đứng trên hòn đá chờ chồng.”

“Em đến đó rồi à?”

“Em nghe kể thế.”

“Sao em toàn nghe kể thế?”

“Vì tai em tốt mà.” Noãn Noãn cười.

Noãn Noãn dứt khoát ngồi xuống, vẫy vẫy tay với tôi, tôi bèn ngồi xuống cạnh em.

“Trên mặt biển Bột Hải phía đông nam miếu nàng Mạnh Khương, có hai rặng san hô cao thấp đối xứng nhau, rặng cao đứng như một tấm bia, rặng thấp nằm như một ngôi mộ, nghe nói đó chính là mộ nàng Mạnh Khương.” Ngừng lại một lúc, Noãn Noãn lại nói tiếp:

“Dù cho nước biển dâng thế nào, cũng vĩnh viễn không nhấn chìm được ngôi mộ đó.” Giọng Noãn Noãn khi kể chuyện rất dịu dàng, khiến người ta không muốn chen ngang phá tan không khí.

“Rất đẹp phải không?” một lúc sau, Noãn Noãn hỏi.

“Ừ.” Tôi gật đầu.

Liếc mắt sang thấy Noãn Noãn khẽ ngẩng đầu, nhắm mắt lại, thần thái rất thả lỏng.

Sau lưng vang lên hai tiếng he he, tôi và Noãn Noãn cùng quay đầu lại, đã thấy Cao Lượng đứng sau lưng.

“Xin lỗi nhé, quấy rầy hai người rồi,” cậu ta nói. “Thực ra có rất nhiều lỗ hổng trong truyền thuyết nàng Mạnh Khương.

“Hở?” Tôi đứng lên.

“Thứ nhất, nàng Mạnh Khương và Tần Thủy Hoàng căn bản không phải là người cùng một thời, Tần Thủy Hoàng phải kêu nàng Mạnh Khương là bà cố cố cố cố..., vài từ cố nữa vẫn còn thiếu. Thứ hai, Trường Thành mà Tần Thủy Hoàng và các vị tiên tổ khác đã xây dựng chưa từng tới tận Sơn Hải Quan.”

Cao Lượng nói như đinh đóng cột.

Tôi tin những gì Cao Lượng nói là đúng với sử sách.

Nhưng, giữa nàng Mạnh Khương “đẹp” và nàng Mạnh Khương “thật”, nếu như hai nàng muốn xông vào đánh nhau một mất một còn, tôi thà giữ nàng Mạnh Khương “đẹp” lại lòng mình.

Dù gì tôi cũng đã lĩnh ngộ được cái “thật” của lịch sử, vậy hãy để tôi giữ lấy cái “đẹp” của nàng Mạnh Khương đi.

Nghe úi chao một tiếng, hóa ra Noãn Noãn muốn đứng dậy kết quả lại ngã phệt xuống đất.

“Chân hơi tê.” Noãn Noãn cười đứng dậy.

“Để anh giúp em.” Tôi đưa tay phải ra.

Noãn Noãn cũng giơ tay phải nắm lấy tay tôi, tôi thuận thế kéo một cái, em liền đứng dậy, phủi phủi ống quần.

“Có đường tắt,” Cao Lượng chỉ về một bên, “đi qua kia là có thể tiếp tục leo rồi.”

Cao Lượng dẫn tôi và Noãn Noãn lên Trường Thành qua đường tắt. “Sắp tới rồi,” cậu ta cứ luôn mồm nói vậy.

Nhìn thấy có một địch lầu không xa, tôi thầm nghĩ lại được nghỉ một lúc

“Cuối cùng cũng đến Bắc Thất Lầu,” Cao Lượng nói.

“Bắc Thất? Cậu khẳng định đây là Bắc Thất ư?”

“Đúng thế,” Cao Lượng nói. “Lầu tiếp theo là điểm cuối cùng, Bắc Bát Lầu.”

“Noãn Noãn!” tôi gọi lớn.

“Em ở ngay cạnh anh này,” Noãn Noãn nói, “anh gọi cái gì thế?”

“Mau, đây là lầu của em, em phải đứng đây chụp riêng một kiểu.”

Noãn Noãn và Cao Lượng hình như đều không hiểu mô tê gì.

Tôi giục mãi, Noãn Noãn nói: “Máy ảnh của cậu ấy chuyên nghiệp lắm, đừng lãng phí phim.”

“Phim cũng như tuổi trẻ ấy, đều dùng để lãng phí mà,” Cao Lượng cười cười.

Ồ? Lời Cao Lượng nói cũng sâu sắc thật.

Cao Lượng giơ ống kính ra ý Noãn Noãn mau chọn tư thế, Noãn Noãn nhìn ánh mắt gi­an tà của tôi, chỉ tôi nói: “Anh quay người đi, không được nhìn.”

Tôi quay người đi, Cao Lượng chụp tách một kiểu, rồi nói: “Anh Thái, anh cũng làm một kiểu không?”

“Thôi,” tôi lắc đầu, “cái lầu này chỉ có thể dùng để hình dung Noãn Noãn thôi.”

Phóng tầm mắt nhìn ra xa, Bắc Bát Lầu cô quạnh đứng giữa không trung, xa xôi nghìn trùng.

Tưởng như ông trời đã giơ tay ra túm Bắc Bát Lầu nhấc lên trời, vậy nên con đường tới Bắc Bát Lầu mới theo đó mà thẳng đứng như vậy.

Đường càng đi càng dốc, thành càng đi càng hẹp, gạch trên tường thành dường như cũng càng dày nặng hơn.

“Đoạn đường này được gọi là dốc Hảo Hán,” Cao Lượng nói. “Anh Thái, cố nữa lên.”

Tôi sắp nước mắt ròng ròng rồi đây.

Phàm là những nơi mang tên dốc Hảo Hán, đều là chỗ ngang nhiên hành hạ con người.

Hồi đại học leo lên dốc Hảo Hán ở núi Ali, leo đến nỗi cuối cùng đúng thành bốn chân bò trên mặt đường mà leo.

Tôi bảo Noãn Noãn leo trước tôi, làm thế ngộ nhỡ em trượt chân rơi xuống tôi còn có thể đỡ kịp.

“Sư huynh, em ở sau anh này.” Tôi quay đầu bèn thấy cậu em khóa dưới, nhưng đến câu chào tôi cũng chẳng còn sức mà nói nữa.

Cậu ta tay phải kéo tay Vương Khắc leo lên, tay trái còn giơ chữ V ra với tôi.

“Em hơi sợ độ cao, nên...” Vương Khắc dường như thấy ngại, nhỏ nhẹ nói.

Không ngờ tên tiểu tử này tinh thần tốt vậy, còn có thể nắm tay con gái nhà người ta nữa, điều này khiến tôi thật không thoải mái.

“Đừng khựng mông lại chứ huynh.” Cậu ta lại nói, “Em không tránh được đâu.”

Nếu như không phải... tôi hết hơi... chửi người... Vương Khắc lại ở đây... tôi nhất định chửi cậu... đồ đầu lợn.

Tôi hẳn phải mệt chết rồi, ngay đến tâm tư trong lòng cũng bị ngắt quãng thế nà

Noãn Noãn hình như cũng không chịu nổi nữa, dừng chân thở hồng hộc.

“Noãn Noãn,” tôi nói, “nói cho em chuyện này rất hay.”

“Gì?” Noãn Noãn quay lại.

“Em có biết ở Đài Loan đồ ngốc nói thế nào không?”

“Nói thế nào?”

“Chính là ‘bắc thất’.”

“Anh...”

Noãn Noãn trừng mắt chỉ tay về phía tôi.

“Muốn báo thù thì đi tiếp hẵng nói.”

Noãn Noãn biến phẫn uất thành sức mạnh, cắm đầu đi tiếp. Sắp tới rồi... sắp tới rồi...

Cuối cùng cũng tới rồi.

Noãn Noãn chẳng còn sức đâu mà mắng tôi, ngồi liệt dưới đất. Còn tôi đến sức để ngồi cũng chẳng có nữa.

Vương Khắc lia lịa cảm ơn cậu em nọ, thằng nhóc chỉ biết cười ngớ ngẩn.

“Không có gì đâu,” cậu ta nói, “tớ hay dắt mấy bà lão qua đường lắm.”

Thằng khốn, đến tay bà già đầy vết nhăn nheo cũng không tha.

Cảnh sắc trên Bắc Bát Lầu càng hoang vắng, người đứng ở nơi này càng cảm thấy cô độc.

Tôi thầm nghĩ những binh sĩ trấn thủ nơi đây ăn cơm thế nào được? Có khi còn đưa cơm lên nữa.

Lúc đi xuống ăn cơm, cứ nghĩ đến ăn no xong lại phải leo một đoạn thế này, thì sao mà ngon miệng cho nổi.

Có khi lâu ngày rồi chẳng buồn xuống ăn cơm nữa.

Thật khiến người ta quá thương cảm.

Thầy Lý sau rốt cũng lên tới nơi. “Thế nào rồi?” thầy cười hỏi.

“Liệt rồi ạ.” Cả đám sinh viên kêu thảm thiết.

“Đã lĩnh ngộ được ‘’Ỷ kiếm dục thùy ngữ, quan hà không uất hu ‘’* của thi nhân Cao Thích thời Đường chưa?” thầy hỏi.

‘’Ỷ kiếm dục thùy ngữ, quan hà không uất hu ‘’: Rút kiếm khỏi bao, chí hướng báo quốc tỏ cùng ai? Mặt sông biên cương, mênh mông khói sóng lặng như tờ.

“Một lĩnh ngộ quá đau đớn,” có sinh viên Đài Loan trả lời.

“Đây chính là lịch sử,” thầy Chu phía Đài Loan nói. “Mọi người nói có phải không?”

Lần này chẳng ai còn sức trả lời nữa.

“Hăng hái lên nào, các vị hảo hán.” Thầy Trương phía Bắc Kinh giơ máy ảnh lên. “Mọi người cùng chụp chung một bức ở đây, mong các bạn thầm nhủ trong lòng: tôi là một hảo hán yêu hòa bình.”

Lúc chụp ảnh, thầy Ngô phía Đài Loan kêu cậu em khóa dưới tôi nằm xuống đất giả chết, lại gọi thêm bốn sinh nữa lần lượt nắm lấy tứ chi cậu ta khiêng lên làm bối cảnh. Thật khổ cho thầy vẫn còn có hứng làm trò cười.

Từ đây, chúng tôi ngồi cáp treo phía bắc xuống thành. Ngồi trong khoang cáp, thấy buồn ngủ, nên xuống khỏi cáp treo, lên ô tô, chẳng bao lâu tôi đã ngủ thiếp đi.

Noãn Noãn lay tôi tỉnh, mở choàng mắt đã thấy mọi người đều đang xuống xe, tôi cũng nhổm dậy theo.

Trời đã tối, tôi cảm thấy mờ mờ ảo ảo, lúc xuống xe chân bước còn không vững.

“Cả đoàn đi rửa mặt mũi, xốc lại tinh thần trước đã,” thầy Lý nói. “Tôi thấy hay tối nay đừng ra ngoài nữa, cứ ăn trong nhà ăn của trường thôi.”

“Ăn trên xà ngang?” tôi hỏi Noãn Noãn. “Chúng ta đều biến thành vượn rồi sao?”

“Nhìn miệng em đây này.” Noãn Noãn nói lại rành rọt từng chữ: “Nhà – ăn.”

Hóa ra là ăn cơm tại căng tin trường, thế thì quá tốt, không cần phải vội vàng nữa.

Rửa mặt bằng nước lạnh xong, cũng coi như lấy lại được chút tinh thần. Bước vào căng tin, cuối cùng cũng nhìn thấy cơm trắng.

Ai chà, mấy ngày không gặp rồi, em vẫn trắng như thế, thật khiến người ta cảm động quá.

Lát nữa mà ta có ăn ít thì em đừng phật lòng nhé, đấy không phải lỗi của em, chỉ là vì ta mệt quá thôi.

Ý? Hình như em khô đi hả, sau này nhớ vào nồi cơm điện rồi phải uống thêm ít nước nhé.

“Anh lầm bầm cái gì đấy?” Noãn Noãn bê đĩa cơm đứng trước mặt tôi. “Vẫn chưa tỉnh à?”

“Tỉnh rồi chứ.”

“Anh chắc không?” Noãn Noãn đặt đĩa cơm, ngồi xuống đối diện tôi.

“Anh biết em tên là Noãn Noãn, người Hắc Long Giang, lên Bắc Kinh học, thích tỏ ra sành sỏi, tai rất thính nên thường hay nghe nói. Như thế đã coi là tỉnh chưa?”

“Anh vẫn còn quên một chuyện.”

“Chuyện gì?”

“Em muốn tới Noãn Noãn.”

“Anh lại buồn ngủ rồi.” Tôi nằm bò ra bàn giả vờ ngủ. Nằm một lúc, không nghe thấy Noãn Noãn có phản ứng gì.

Cứ nằm bò ra cũng không phải cách hay, tôi bèn từ từ ngồi dậy, len lén cầm bát đũa.

“Mỏi chân không?” Noãn Noãn hỏi.

“Ừ.” Tôi gật đầu. “Em cũng thế à?”

“Đương nhiên rồi, leo cả một ngày Trường Thành, lẽ nào chân vẫn còn bình thường được?”

“Tính hài hước của em sâu sắc thật đấy.”

“Thế ư?”

“Anh từng xem một bộ phim, nữ nhân vật chính và nam nhân vật chính đứng tránh mưa dưới cây dừa, đột nhiên từ trên cây rơi xuống một quả dừa, chàng trai nói: Là quả dừa đấy! Cô gái vặc lại: Từ trên cây dừa rơi xuống đương nhiên là quả dừa, lẽ nào lại là quả ổi chắc?” Tôi cười cười, “tính hài hước của em giống nữ nhân vật chính thật.”

“Anh thích xem phim à?” Noãn Noãn hỏi.

“Ừ,” tôi gật đầu, “phim gì cũng xem, nhưng phim nghệ thuật thì rất ít xem.”

“Sao lại thế?”

“Có lần anh xem một bộ phim nghệ thuật, trong đó Võ Tòng nói với Phan Kim Liên rất thâm tình thế này: trong lòng tôi, chị mãi là một bông hoa vàng trên đồng cỏ xanh.” Tôi cười sằng sặc. “Khoảnh khắc đó, anh sụp đổ luôn.”

“Sao lại cười kiểu thế?”

“Lúc đó anh cười thế đấy, kết quả bao ánh mắt như băng xung quanh đều chĩa hết lại. Từ đó anh không dám xem phim nghệ thuật nữa, sợ lại nghe thấy mấy câu thoại kinh điển kiểu thế.”

Nói xong, tôi lại không kìm nổi cười sằng sặc.

“Cười xong chưa?” Noãn Noãn nói. “Miệng anh không tê à?”

“He.” Tôi ngừng cười, nói: “Thật đến giờ anh vẫn còn sợ đây.”

Đột nhiên cảm thấy chỉ cần ở bên Noãn Noãn, tôi liền trở nên lắm lời.

Điều này có hai khả năng, một là em có thể khiến tôi bất giác muốn nói nhiều, hai là tôi dễ dàng cảm thấy em muốn nghe, thành ra càng nói càng nhiều chuyện.

Ngay như bây giờ, em có vẻ khá mệt mỏi, nhưng lại vẫn có tinh thần nghe tôi nói mấy lời nhảm nhí này.

“Thật mệt quá.” Em cúi đầu nhìn đĩa cơm. “Ăn không hết, phải làm sao đây?”

“Ăn không hết, gói mang về.” Tôi nói.

“Câu này không phải dùng thế đâu.”

“Ở Đài Loan dùng thế đấy.” Tôi cười he he mấy tiếng.

Tôi và Noãn Noãn ra khỏi nhà ăn, đi mấy bước, tôi bỗng dừng khựng lại.

“À. Suýt nữa quên mất,” tôi nói.

“Quên gì ?”

“Anh mới là ‘bắc thất’,” tôi chỉ mình nói. “Lúc ở Trường Thành trêu em, em đừng để bụng nhé.”

Noãn Noãn nghĩ một lúc rồi bật cười thành tiếng, nói: “Lần sau đừng có đem tiếng Đài Loan ra mắng em, em nghe không hiểu đâu.”

“Ừ,” tôi nói, “muốn mắng em nhất định phải mắng bằng tiếng phổ thông, thế em mới hiểu được.”

“Này!”

“Anh đùa thôi.”

Đi qua giảng đường, thấy phần lớn sinh viên đều đang ở bên trong, tiếng cười đầy ắp căn phòng.

Người nói chuyện, người khoe đồ lưu niệm hôm nay mua ở Trường Thành, có người lại xem ảnh trong máy kỹ thuật số.

Tôi và Noãn Noãn nhập hội với bọn họ, Từ Trì nói với tôi: “Anh Thái, em chụp trộm anh một cái đấy.”

Xích lại xem, hóa ra là kiểu tôi ngã phịch xuống đất ở Phong Hỏa Đài.

“Lúc đấy sao anh không làm chữ V?” Noãn Noãn nói.

“Em đúng là chỉ thấy cây mà không thấy rừng,” tôi nói, “hai chân anh choãi ra, chẳng phải là hình chữ V rồi còn gì?”

Tôi đắc ý cười ha ha, cười còn chưa dứt, mắt đã tia thấy cậu em khóa dưới đang ngồi cùng Vương Khắc trong góc giảng đường.

Tôi tò mò tiến lại.

Vương Khắc đang cúi đầu vẽ gì đó, cậu em ngồi đối diện, cũng cúi đầu xem Vương Khắc vẽ vẽ.

Tôi chen đầu vào giữa hai người, ba cái đầu vừa hay làm thành một tam giác cân.

Đó là một bản vẽ phác, Trường Thành uốn lượn trên các mỏm núi như một con rồng, người tới ngao du Trường Thành điểm xuyết thành những vây rồng.

“Vẽ đẹp quá!” tôi thốt lên cảm thán.

Vương Khắc ngẩng đầu lên, bẽn lẽn cười với tôi.

“Sư huynh.” Tên tiểu tử cũng ngẩng lên, ra chiều thần bí nói: “Sáng nhỉ.”

“OK,” tôi gật đầu với cậu ta, “anh hiểu.”

Lúc quay người định đi, tôi còn thấy ánh mắt Vương Khắc đầy vẻ bối rối.

“Ý của cậu ta là anh đang làm cái bóng điện giữa hai đứa ấy,” tôi nói với Vương Khắc. “Bóng điện chính là...”

“Sư huynh!” Cậu em đã hơi sốt ruột.

Vương Khắc đã hiểu ra, mặt lộ vẻ ngượng nghịu, lại cúi xuống vẽ tiếp.

Tôi cười thỏa mãn bỏ đi.

“Anh này, thật xấu gớm,” Noãn Noãn nói.

“Xấu gớm?” tôi hỏi. “Nghĩa là gì?”

“Gớm trong tiếng Đông Bắc nghĩa là rất, cực kỳ.”

“Ồ,” tôi bừng tỉnh lĩnh ngộ, “Noãn Noãn, em thật xinh gớm. Nói thế có được không?”

“Cách nói thì không sao,” Noãn Noãn bật cười, “nhưng tính từ miêu tả em có vẻ không thích hợp"

“Đã không thích hợp sao em còn cười vui thế?”

“Lương Lương!” Noãn Noãn hét lên.

Tôi vội vàng dạt sang bên Từ Trì giả bộ bận bịu.

Mọi người ngồi trong giảng đường nói chuyện rất khuya, mãi đến khi các thầy tới đuổi mới chịu tan.

Về đến phòng, vừa nhảy lên giường đã thấy hai mắt trĩu xuống.

“Anh Thái, lần sau anh đến Bắc Kinh, em dẫn anh đi leo đoạn Trường Thành Tư Mã Đài,” Cao Lượng nói.

Cậu ta bảo chỗ đó là đoạn Trường Thành heo hút, rất ít du khách, với lại phần lớn toàn là khách nước ngoài.

Cậu ta cũng nói Trường Thành Tư Mã Đài cực kỳ hùng vĩ hiểm trở, là thiên đường của các nhà thám hiểm, vân vân...

Tôi cũng chả nhớ nữa, vì cậu ta kể đến nửa tôi đã ngủ thiếp rồi, người đã ngủ trí nhớ vốn ngắn mà.

Chương 4

Ngày hôm sau tỉnh dậy, tôi nhảy một phát từ giường trên xuống, đây là thói quen hình thành từ hồi còn học đại học.

Một mặt có thể tức tốc tỉnh táo mà chạy cho kịp tiết đầu tiên, mặt khác, nhỡ may đáp xuống không thành công, cũng có đầy đủ lý do để không phải lên lớp.

Nhưng hôm nay tuy hạ cánh thành công, song hai chân lại mỏi nhừ.

Tôi gần như không đi được.

May mà đánh răng rửa mặt với ăn sáng không cần dùng đến chân, nhưng chặng đường đến giảng đường thì thật lê thê.

“Này.” Vừa bước vào giảng đường, Noãn Noãn liền đưa một lọ gì đó cho tôi.

Tôi cầm trên tay quan sát tỉ mỉ, là thuốc trắng Vân Nam dạng xịt.

“Hiệu nghiệm lắm đấy,” em lại nói.

Tôi xắn ống quần, xịt mỗi bên bắp chân ba phát, cảm giác mát lạnh, đau tê dường như cũng dần dần tan biến.

Trầm ngâm vài giây, tôi lập tức đứng dậy chạy khỏi giảng đường.

“Anh đi đâu đấy?” Tiếng Noãn Noãn với theo sau lưng. “Sắp vào giờ rồi.”

“Đùi cũng cần phải phun nữa,” tôi nói, đầu vẫn không ngoảnh lại.

“Thật là,” Noãn Noãn thấy tôi từ nhà vệ sinh quay lại bèn nói.

Thật là làm sao? Lẽ nào tôi có thể tụt quần giữa giảng đường phun thuốc lên đùi sao?

Hôm nay nghe nói người đứng lớp là một giáo sư đại học, sẽ giảng về đặc sắc ngôn ngữ của tiếng Hán.

Vốn nghĩ chắc sẽ là một học giả già nua, người như vậy thường có thể kiêm cả ảo thuật gia lẫn nhà thôi miên. Tức là vừa sẽ làm ảo thuật khiến mặt bàn có lực hấp dẫn, hút dính lấy mặt bạn; lại cũng là một nhà thôi miên dùng ngữ điệu giảng bài để ru bạn ngủ đi ngủ đi.

Thế nhưng vị giáo sư này tuy đã hơn 60 tuổi, song giảng bài lại rất hóm hỉnh thú vị, giọng điệu nhẹ nhàng không đao to búa lớn.

Bở đám sinh viên chúng tôi đến từ những khoa khác nhau, nên thầy hoàn toàn không giảng những lý luận uyên thâm.

Thầy nói từng âm từng chữ trong tiếng Trung đều có tính sắp xếp kết hợp mạnh, cách ngắt câu khác nhau, ý nghĩa cũng khác nhau. Thậm chí còn thường thấy những câu đọc xuôi cũng được, mà đọc ngược cũng xong.

Ví dụ như “Trẻ con ăn rau cải không thể hư hỏng” câu này sau khi sắp xếp tập hợp lại, có thể trở thành: “Trẻ con không thể ăn rau cải hư hỏng”, “Trẻ con hư hỏng không thể ăn rau cải” đều có nghĩa cả.

Lại có thể trở thành “Rau cải ăn trẻ con không thể hư hỏng”, tuy rằng câu này chỉ có thể xuất hiện trong mấy phim kinh dị.

Tiếng Anh phân làm các thời thì, là bởi coi trọng thời gian, vì vậy nó là ngôn ngữ mang tính khoa học; tiếng Trung không có thời thì, vì người Trung Quốc không chú trọng thời gi­an, không có quan niệm về thời gian.

“Đó là tán nhăng cuội thôi. Một động từ có ba cách viết, đúng là nhàn cư rửng mỡ. Thêm vào một từ biểu thị thời quá khứ chẳng phải là xong sao, hà tất phải khổ sở phân biệt. Đời người các thứ phải học nhiều vô vàn, đừng để động từ làm khó mình.” Thầy mỉm cười. “Đây chính là Phật.”

Tiếng Anh nói a book, a desk, a car, a tree, a man... đều chỉ có một chữ “a”, đơn giản; tiếng Trung lại có cách nói một cây, một hạt, một tờ, một cái, một quyển, một chiếc, một cỗ..., quá phức tạp.

“Đó là bởi người Trung Quốc biết vạn sự vạn vật đều có tính đặc trưng riêng, vì vậy đơn vị đo lường phải khác nhau, biểu thị sự tôn trọng.” Thầy cười lớn. “Đây chính là Đạo.”

Sức sống của tiếng Trung rất mạnh, một từ có thể có bao nhiêu nghĩa quan hệ mật thiết với từ tính của nó.

“Bạn sinh viên nào có thể lấy một ví dụ? Nếu lấy hay, tôi sẽ đích thân viết hai chữ ‘Tài tử’ tặng bạn đó.”

Thầy nói đùa: “Lên mạng bán, có lẽ cũng đáng mấy tiền đấy.”

“Chữ bút lông của vị giáo sư này cực kỳ đẹp,” Noãn Noãn thì thầm nói với tôi, “Lương Lương, thử xem?”

Tôi lắc đầu.

Tôi là người khiêm tốn, lẽ nào tài hoa của tôi cao tám đấu cũng phải để mọi người biết đến hay sao?

Cậu em khóa dưới đột nhiên giơ tay, làm tôi sợ thót tim, thầm nghĩ tên tiểu tử này điên rồi.

Chỉ thấy thầy giáo gật đầu nói: “Mời.”

“Sàng tiền minh nguyệt quang, mỹ nữ lai thưởng quang; y phục thoát quang quang, cộng độ hảo thời quang,” Cậu ta đứng dậy nói. “Bốn chữ ‘quang’ này đều có ý nghĩa khác nhau.”

“Bạn sinh viên này đến từ Đài Loan phải không?” thầy hỏi.

“Dạ.” Cậu ta gật đầu.

“Thật có dũng khí,” thầy giáo lại cười ha hả, “thiếu niên anh hùng.”

Xấu hổ quá, thật đáng xấu hổ. Tôi không ngẩng nổi đầu dậy.

“Vậy lát nữa thầy viết cho em chữ ‘tài tử’ hay ‘thiếu niên anh hùng’ nhỉ?” cậu ta nhỏ giọng hỏi tôi.

“Ngậm mồm vào,” tôi nghiến răng nói.

Thầy giáo tiếp tục để sinh viên Đài Loan cùng sinh viên Bắc Kinh thảo luận về sự khác biệt giữa cách nói hai v

Có người nói, sinh viên Đài Loan nói năng mềm mại nho nhã, ngữ điệu không quá lên bổng xuống trầm, thường dùng từ cảm thán; sinh viên Bắc Kinh nói năng hào khí, ngữ điệu cao, trầm bổng rõ ràng, dùng từ cũng khá tinh giản.

Ví dụ như sinh viên Đài Loan nói “Cậu thật là xinh ấy!”, sinh viên Bắc Kinh sẽ nói “Cậu xinh thật”.

Người ta nói cảm ơn, sinh viên Đài Loan sẽ nói “Đừng khách sáo”; người ta nói xin lỗi, sinh viên Đài Loan sẽ nói Không có gì.

Ngữ điệu luôn kéo bằng, nhỏ nhẹ chậm rãi.

Còn bất kể người ta nói cảm ơn hay xin lỗi, sinh viên Bắc Kinh đều nói “Không sao.”

Câu cuối lên giọng, ngắn gọn, khá có cảm giác hào hùng.

“Chúng ta thử làm một cuộc thử nghiệm nhỏ xem,” sau khi mọi người rào rào nói xong, thầy giáo nói.

Thầy đặt ra một tình huống: Bạn phải đi máy bay tới Bắc Kinh, muốn đi thăm Cố Cung và leo Trường Thành, trước khi ra khỏi nhà nói với mẹ xem phải ngồi máy bay mấy tiếng, mấy giờ tới Bắc Kinh, tới Bắc Kinh xong sẽ gọi về báo đã đến nơi an toàn.

Mọi người lần lượt nói xong, nội dung đều như nhau.

Kết quả phát hiện thấy một đoạn trần thuật gần 50 chữ này có vài chỗ khác nhau về cách nói.

Ví dụ, sinh viên Đài Loan sau cùng nói “Con sẽ gọi về nhà”; sinh viên Bắc Kinh lại nói “sẽ điện lại nhà”.

“Giờ dùng đầu ngón tay đếm xem các bạn vừa nói tổng cộng bao nhiêu chữ?” thầy nói.

Sau khi tính toán bình quân, sinh viên Đài Loan nói 52,4 chữ; sinh viên Bắc Kinh nói 48,

Để đánh giá khách quan, thầy giáo lại đưa ra ba tình huống nữa, kết quả cũng tương tự: trong một đoạn trần thuật gần 50 chữ, sinh viên Đài Loan bình quân dùng nhiều hơn 3 đến 4 chữ.

Tôi thấy không phục, nói với Noãn Noãn: “Mau ra bên ngoài giảng đường. Em nói thế nào?”

“Mau ra ngoài giảng đường.” Noãn Noãn nói.

Đếm ngón tay tính, em nói ít hơn tôi một chữ.

“Cái áo này không tệ,” tôi nói.

“Áo này đẹp đấy,” Noãn Noãn đáp lại.

“Cái áo này đẹp quá mất.”

“Áo này siêu đẹp.”

“Cái áo này quả thực quá tuyệt.”

“Áo này siêu siêu đẹp,” Noãn Noãn cười nói. “Em vẫn dùng ít chữ hơn anh.”

“Em cãi cố. Làm gì có ai nói siêu siêu đẹp.”

“Ở Bắc Kinh nói thế đấy.” Noãn Noãn cười he he.

Cuối cùng thầy giáo lấy tiểu thuyết kiếm hiệp ra làm ví dụ, kết thúc bài giảng buổi sáng hôm nay.

Trong tiểu thuyết kiếm hiệp, đại hiệp Bắc Kinh vừa bước vào quán trọ đã hét: Đem rượu lại đây!

Còn đại hiệp Đài Loan lại nói: Tiểu nhị, cho ta một bình rượu.

Đã thấy rõ khác biệt chưa ?

Đại hiệp Đài Loan thường không bỏ qua chủ từ và thụ từ trong câu, chính là “ta” và “tiểu nhị”; hơn nữa đơn vị đo lường cũng rất rõ ràng, một bình hay một vò, bắt buộc phải phân biệt rõ.

Đại hiệp Bắc Kinh lại đơn giản hơn nhiều, mặc ngươi có là tiểu nhị, tiểu tam hay là chủ tiệm, cứ đem rượu lại đây.

Rượu thì tay ai mang ra mà chả giống nhau.

Vì là ta nói, nên đương nhiên là mang ra cho ta, lẽ nào kêu ngươi đem đi tưới hoa?

Còn về đơn vị đo lường, bất kể dùng bình, vò, vại, chum, cốc, bát, nông hay sâu, cứ đựng được uống rượu là được.

Nếu như luyện đến cảnh giới cao nhất của võ công, đại hiệp Bắc Kinh sẽ chỉ nói: “Rượu!”

Còn đại hiệp Đài Loan dù có đạt đến cảnh giới cao nhất, có lẽ vẫn sẽ nói: “Cho bình rượu.”

Đương nhiên cũng vì vậy mà đại hiệp Đài Loan thường được các quán trọ đặc biệt chào đón.

Bởi chỉ lệnh của đại hiệp Đài Loan rõ ràng, đỡ khiến người ta nhầm lẫn.

Đại hiệp Bắc Kinh chỉ nói đem rượu, nhưng nếu tiểu nhị đem một vò rượu lớn cho đại hiệp Bắc Kinh, bạn đoán xem sẽ ra sao?

“Cái quái gì thế này!” đại hiệp Bắc Kinh tức tối gầm lên. “Ngươi định dìm chết ta đấy à?” Lúc đấy nhất định tiểu nhị sẽ lầm bầm rủa thầm trong miệng cái tên khốn nhà ngài cũng đâu có nói đem ra bao nhiêu rượu.

“Định làm phản hả?” Đại hiệp Bắc Kinh hừ một tiếng bèn rút kiếm ra.

Vì vậy trong tiểu thuyết kiếm hiệp, những trận đánh đấu trong quán trọ thông thường đều xảy ra ở miền Bắc.

Từ xưa Hà Bắc bao tráng sĩ bi ca khảng khái, thường là rượu vào mà đánh nhau, thế còn không bi sao?

“Vậy quán trọ ở Đài Loan thì sao ạ?” một sinh viên hỏi.

“Quán trọ Đài Loan đương nhiên diễn ra nhiều câu chuyện ái tình lâm ly,” thầy cười cười nói. “Các bạn không thấy bán rượu trong quán trọ Đài Loan thường là các tiểu cô nương sao.”

Thầy nói xong, cười rất mờ ám, rồi lập tức thu lại nụ cười, vỗ tay.

“Không tán nhăng cuội nữa, sáng mai chúng ta lại học tiếp phần Văn tự,” thầy nói. “Các bạn mau đi ăn trưa, ăn xong sẽ đi tham quan ngõ cổ.”

Ăn qua quýt bữa trưa trong nhà ăn trường, mọi người lên xe đến thẳng Cổ Lâu, leo lên lầu này có thể nhìn ra thành Bắc Kinh.

Đứng trên Cổ Lâu nhìn ra khu thành cổ Bắc Kinh và những ngõ cổ rối rắm phức tạp, tầm nhìn rất đẹp.

“Trước tiên chúng ta đi dạo gần Thập Sát Hải, cảm nhận một chút,” xuống khỏi Cổ Lâu, thầy Lý nói. “Lát nữa ngồi xe ba bánh dạo ngõ cổ, không cần cuốc bộ nữa.”

Thầy vừa nói dứt, tiếng hoan hô đã ầm ầm vang dội.

Tôi và Noãn Noãn tới cầu Ngân Định, cây cầu đá vòm nối liền Tiền Hải và Hậu Hải của Thập Sát Hải.

Cầu dài chưa đến mười mét, rộng gần tám mét, bên dưới còn có những con thuyền nhỏ xuôi dưới vòm cầu.

Đi từ cầu Ngân Định về phía Hậu Hải, bờ hồ cây cối sum sê, giữa vạt xanh của cây lá điểm xuyến những lầu gác đền chùa cổ kính.

Mặt hồ lặng như gương, phía xa xa, Tây Sơn như ẩn như hiện, vài con thuyền nhỏ lững lờ trôi trên mặt nước, tạo nên một bức tranh sơn thủy tuyệt đẹp.

Tôi cùng Noãn Noãn đi men theo con đường phủ kín bóng cây ven hồ, tuy đang giữa mùa hạ, nhưng lại cảm thấy rất mát mẻ.

Noãn Noãn mua hai bình sữa chua, chia cho tôi một bình, chúng tôi ngồi bệt xuống đất, cùng phóng tầm mắt ngắm nhìn cảnh hồ.

Dòng thời gi­an dường như chảy chậm lại, gần như ngưng đọng.

Tôi uống một ngụm sữa chua, mùi vị rất tuyệt, cảm giác giống yagurt của Đài Loan.

“Em từng trượt băng ở đây rồi đấy,” bẵng một lúc, Noãn Noãn lên tiếng.

“Trượt băng?” Nhìn nước hồ xanh vắt màu ngọc bích trước mắt, tôi không khỏi thắc mắc: “Ở đây có sân trượt băng sao?”

“Mùa đông đến, mặt hồ kết băng, chẳng phải là sân trượt băng thiên nhiên còn gì?” Noãn Noãn cười khúc khích.

“Quả nhiên ve hè không biết đến băng,” tôi nói, “một người sống ở Đài Loan như anh rất khó tưởng tượng nổi.”

“Anh biết trượt băng không?” Noãn Noãn hỏi.

“Anh chỉ biết ăn băng thôi, không biết trượt băng.” Tôi cười hì hì, “Đến sân trượt băng anh còn chưa thấy nữa là.”

“Bao giờ có cơ hội, anh về quê em, em dạy anh trượt băng.”

“Được thôi. Em phải dạy kiểu, dắt tay anh, rồi nói anh giỏi thật, anh là thiên tài ấy.”

“Mơ đấy à. Em sẽ xuống, rồi mặc kệ anh, còn đứng bên cạnh mắng anh ngốc, làm thế anh sẽ học nhanh lắm.”

“Em mà dạy như thế, anh không học nữa.”

“Không được, anh phải học.”

“Sao chứ?”

“Em muốn nhìn anh ngã.” Noãn Noãn nói xong liền cười rũ.

“Em thật là xấu gớm,” tôi nói.

“Tính từ này thì sát thực hơn rồi đấy.” Noãn Noãn vẫn cười không dứt.

Chúng tôi lại đứng dậy tùy hứng dạo bộ, đi dạo ở đây thật là thoải mái.

“Em đã ở Bắc Kinh năm mùa đông rồi, mùa đông nào cũng đến đây trượt băng,” Noãn Noãn nói.

“Em tốt nghiệp đại học rồi á?” tôi hỏi.

“Vâng,” Noãn Noãn gật đầu, “sắp nghiên cứu sinh năm hai rồi, giờ này năm sau là em đi làm rồi.”

“Làm ở Bắc Kinh à? Hay về quê?”

“Chắc là vẫn ở lại Bắc Kinh làm việc.” Noãn Noãn như thở dài, nói: “Thời gian xa nhà càng dài, đường về nhà càng xa.”

“Nếu như em ở Bắc Kinh làm việc, anh sẽ đến Bắc Kinh tìm em,” tôi nói.

“Thật không?” Noãn Noãn mắt sáng bừng.

“Ừ.” Tôi gật đầu.

“Thế thì tốt quá, ở Bắc Kinh còn nhiều thứ hay lắm, em sẽ chỉ anh xem.” Noãn Noãn rất hứng thú. “Hay nhất là chúng ta có thể lại đi ăn món Tứ Xuyên, món Trùng Khánh, để anh cay ngất đi, chắc chắn là rất vui.”

“Nếu như vậy, anh sẽ lập tức về Đài Loan.”

“Không được, em cứ không cho anh về.”

Noãn Noãn cười rất vui vẻ, nét buồn vừa nãy phảng phất qua mắt em thoắt cái đã tiêu tan.

Trong lòng tôi lại cứ nghĩ đến lần sau gặp lại em ở Bắc Kinh, không biết sẽ thế nào?

Cũng không biết là khi nào nữa?

Và chúng tôi lúc đó, còn có thể ngây thơ đơn giản như bây giờ được không?

“He, nếu như em về quê làm việc, thì anh không tới tìm em nữa à?” Noãn Noãn đột nhiên cất lời.

“Anh không biết Hắc Long Gi­ang là nơi thế nào.” Tôi nghĩ ngợi một lúc, nói tiếp: “Có khi phải leo qua mấy ngọn núi tuyết, nhảy qua mấy con sông băng, chưa biết chừng đi đến hơn nửa tháng mới gặp một bóng người, hơn nữa người ở đó còn không biết nói tiếng phổ thông. Quan trọng là anh không biết săn bắn, không biết phải lấy gì nhét bụng đây.”

“Xem anh tưởng tượng về Hắc Long Giang thế nào kìa,” Noãn Noãn nói. “Hắc Long Giang cũng tiến bộ lắm đấy.”

Xem ra ấn tượng của tôi về Hắc Long Gi­ang e rằng đã dừng lại ở cuối đời Thanh, mà có khi còn sớm hơn nữa.

“Nếu như Hắc Long Giang thật như anh hình dung, thì anh còn đến không?”

Noãn Noãn dừng bước, quay lại đối diện tôi.

“Noãn Noãn.” Tôi cũng dừng bước.

“Ưm?”

“Anh sẽ đến.” Tôi bật cười.

Noãn Noãn cũng cười, nụ cười thật rạng rỡ, như ánh mặt trời mùa đông, tươi sáng mà ấm áp.

Tôi thành thật tin rằng, để thấy lại nụ cười rực rỡ của Noãn Noãn, đến Himalaya tôi cũng sẽ đi.

“Nhưng em phải dạy anh săn bắn trước đã,” tôi nói.

“Cứ không đấy,” Noãn Noãn nói, “tốt nhất cứ để gấu đen cắn chết anh.”

“Gặp gấu đen thì giả chết chứ sao, gì chứ giả chết thì anh có nghề lắm.”

“Còn cả hổ Đông Bắc nữa.”

“Ờm...” tôi nói, “có khi anh không đi thì hơn.”

“Không được, anh vừa hứa sẽ tới mà.”

“Hứa bừa cũng có phạm pháp đâu.”

“Này.”

“Được rồi. Anh đi,” tôi nói. “Nhỡ may gặp phải hổ Đông Bắc, anh sẽ nói lý với nó.”

“Hổ Đông Bắc không hiểu tiếng người đâu.”

“Để gặp em, anh nghìn dặm xa xôi, vượt núi băng ghềnh, chắc chắn khiến ông Trời cảm động. Ông Trời đã thấm thía cảm động rồi, huống chi là hổ Đông Bắc. Có khi nó còn ngậm ngùi xúc động chỉ đường cho anh cũng nên.”

“Đấy là vì nó đói muốn xỉu rồi, đột nhiên thấy thức ăn dâng đến miệng, nên ngậm ngùi xúc thì có,” Noãn Noãn vừa nói vừa cười. Tôi thấy thú vị, cũng cười hùa theo.

Tôi với Noãn Noãn vừa đi vừa cười nói, lại trở về cầu Ngân Định.

Thầy Lý đã tìm được hơn hai mươi chiếc xe xích lô, cứ hai sinh viên ngồi một xe.

Thầy để sinh viên lên xe trước, rồi đi dặn dò từng xe một, không biết nói những việc gì.

Thầy đến bên xe chở tôi và Noãn Noãn, chào người lái xe là bác phu, rồi dặn dò: điểm cuối cùng là Cung Vương Phủ, dọc đường đi nếu chúng tôi thích có thể tùy lúc xuống xe thăm thú, nhưng không được quá lâu.

“Cứ dạo từ tốn, thảnh thơi tản bộ.” Thầy Lý mỉm cười với chúng tôi.

Xe xích lô vừa lăn bánh, Noãn Noãn bèn nói em đến Bắc Kinh lâu vậy rồi nhưng đây là lần đầu tiên được ngồi xe ba bánh đi dạo ngõ cổ.

“Giống cô gái lớn rồi ngồi kiệu hoa ấy,” tôi nói.

“Hả?”

“Đều gọi là lần đầu tiên.”

“Anh nhạt thật đấy.” Noãn Noãn trừng mắt lườm tôi.

“Thưa ông, nghe giọng ông, chắc là người miền Nam?” Bác phu đột nhiên lên tiếng.

“Bác cứ gọi cháu bình thường thôi ạ.” Nghe bác ta gọi ông mà tôi rủn hết cả người. “Cháu từ Đài Loan tới.”

“Thảo nào,” bác phu nói, “người Đài Loan các ngài lịch sự lễ phép lắm, con người rất tốt.”

Tôi ngượng ngùng cười, rồi quay sang Noãn Noãn nói: “He, bác ấy nói anh rất lịch sự lễ phép đấy.”

“Đấy là khách sáo thôi,” Noãn Noãn dửng dưng nói.

“Cô gái ơi, hoàn toàn không khách sáo đâu.” Bác phu cười cười.

“Nghe thấy chưa, cô gái?” Tôi lấy làm đắc ý.

Không ngờ gọi tôi là ông, mà gọi Noãn Noãn chỉ là cô gái, thoắt cái đã cách tới cả hai thế hệ, điều này khiến tôi rất đắc ý.

“Tôi thấy ông đây rất vui tính,” bác phu nói.

“Vì hôm nay thời tiết đẹp quá đấy ạ!” Thấy còn chưa đã, tôi không kìm nổi dang rộng hai tay hét lớn: “Quả thực quá đẹp ấy!”

“Trẻ con,” Noãn Noãn nói.

“Cô gái, cô nói gì?” tôi hỏi.

Noãn Noãn quay đi không thèm đếm xỉa đến tôi nữa, nhưng không lâu sau lại bật cười khúc khích.

“Đúng là trẻ con,” Noãn Noãn quay sang, nhắc lại.

Mấy trăm mét bên ngoài rợp trời nhà cao tầng chen chúc, trên đường tiếng còi xe huyên náo, đèn neon thi nhau nhấp nháy; nhưng chỉ cần rẽ vào ngõ cổ, ta liền như được trở về mấy trăm năm trước, bắt gặp cuộc sống đơn sơ, giản dị của người dân Bắc Kinh.

Bà lão ngồi nghỉ lim dim trước tứ hợp viện, ông lão ngồi kéo đàn nhị trong đại tạp viện, những con người này vẫn không hề bị cuốn đi theo dòng chảy của thời đại.

Từ đường cái rẽ vào ngõ cổ, tựa như đi qua đường hầm thời gian, chiêm ngưỡng hai thời đại khác nhau.

Ở đây không có tiếng xe, có chăng chỉ là những tiếng rao hàng trầm bổng réo rắt của những người bán rong.

Những bức tường và mái ngói phủ rêu xanh, những cánh cửa sơn đỏ loang lổ, những vòm cửa tróc lớp sơn vàng, những hốc trụ cửa sâu trũng, nét cổ xưa hiển hiện mọi nơi trong ngõ cổ.

Tôi và Noãn Noãn xuống xe, bước vào một đại tạp viện, những người sống trong đó rất thân thiện chuyện trò với chúng tôi vài câu.

Những thanh dầm mờ sơn, những bức tường sứt góc, đều khiến chúng tôi say mê nhìn ngắm.

Bác phu xe kể cho chúng tôi mọi thứ về ngõ cổ, bác nói còn có những con ngõ rộng chưa đầy nửa mét.

“Người hơi béo một chút là lách không nổi rồi,” bác cười nói.

“Vậy nếu như hai người gặp nhau trong ngõ thì phải làm thế nào?” tôi quay sang hỏi Noãn Noãn.

“Dùng khinh công vậy,” Noãn Noãn cười nói, “phóc một cái là nhảy qua luôn.”

“Nhỡ hai người đều biết khinh công thì sao?” tôi nói. “Thế chẳng phải phóc phóc hai cái rồi binh một tiếng à.”

Noãn Noãn mang vẻ mặt vừa tức vừa buồn cười; còn bác phu thì bật cười ha hả, tiếng cười vang mãi khắp con ngõ.

Trong lúc cười cười nói nói, tôi bị mùi thơm thức ăn xào nấu bên đường thu hút, Noãn Noãn cũng chăm chú nhìn.

“Em muốn ăn không?” tôi hỏi Noãn Noãn.

Noãn Noãn hơi ngượng nghịu, gật gật đầu.

Tôi bảo bác phu dừng xe, tiến lại gần bên cạnh chảo dầu có một khối bột lớn đã nhào kỹ.

Hỏi là gì, thím bán hàng mới nói đây là bánh rán sữa, rồi thím véo một ít bột, dùng tay nặn thành hình tròn, thả bột vào chảo dầu cho nở to thành hình quả bóng, đến khi quả bánh có màu vàng ươm thì vớt ra, lại cho lăn qua đường trắng.

Tôi mua một ít đem về xe, chia cho Noãn Noãn cùng ăn.

Bánh rán sữa ngoài giòn trong non, vừa mềm lại vừa mịn, cắn một miếng hương sữa tỏa ra thơm phức.

Bác phu đạp xe đều đều, thỉnh thoảng còn ngâm nga hát khẽ.

Tôi và Noãn Noãn vừa ăn vừa nói chuyện, vừa nhìn ngắm xung quanh.

Ở một góc ngõ hẻm thế này, rất khó có cảm giác thời gi­an đang trôi đi, tinh thần cũng dễ dàng tĩnh lặng lại.

“Đến Cung Vương Phủ rồi.” Bác phu dừng xe.

Thầy Lý đứng trước Cung Vương Phủ điểm lại số người, thấy vẫn thiếu hai người nữa.

Một lúc sau, một chiếc xích lô chở cậu em khóa dưới tôi và Vương Khắc được bác phu hùng hục đạp đến với tốc độ nhanh nhất.

Tôi bước lại cốc cho cậu ta một cái, cậu ta làm mặt khổ sở kêu không phải quên thời gian, mà là bị lạc đường.

Hóa ra cậu ta và Vương Khắc xuống xe đi bộ vào tham quan các ngõ, càng đi lại càng xa, càng xa lại càng rối rắm, càng rối rắm lại càng loạn, kết quả mệt lử giữa mấy con ngõ chằng chịt, Vương Khắc còn sợ quá bật khóc.

May mà về sau có một cụ già tốt bụng dẫn hai bọn họ

Cung Vương Phủ tuy nổi danh nhờ được vua Hàm Phong ban thưởng cho Cung Thân Vương Dịch Hân, nhưng thực sự khiến nơi đây trở nên nổi tiếng lại là vì đây từng là dinh cơ của vị sủng thần của vua Càn Long – Hòa Thân.

“Văn hóa Vương Phủ là sự kéo dài của văn hóa Cung đình, Cung Vương Phủ lại là tòa vương phủ được bảo tồn hoàn chỉnh nhất hiện nay. Bởi vậy còn có câu nói ‘Một tòa Cung Vương Phủ, nửa bộ sử Thanh triều’.” Thầy Lý mỉm cười nói tiếp: “Các bạn sinh viên cứ từ tốn thăm thú. Có hứng nghe chuyện thì lát nữa đi với tôi.”

Vừa nghe thầy Lý nói vậy, mọi người đều nhất loạt bám đuôi theo thầy.

Trên đường đi, cảnh vật thanh bình tuyệt đẹp, sắc xuân ngập tràn, ngoài phủ rõ ràng đang nóng oi ả, mà bên trong lại mát mẻ vô cùng. Thầy Lý kể về các kiểu kiến trúc, như cổng vòm kiểu Âu ở cửa hoa viên, vào thời đó ở Bắc Kinh chỉ có ba cánh cổng như vậy; các lầu kịch được xây toàn bằng gỗ, ngay đến một cái đinh cũng không dùng; Bát Sảnh với những mái ngói đầy họa tiết chữ Vạn 卍 của Phật giáo và hình vẽ con dơi (ý chỉ vạn phúc), ngay đến hình dáng bên ngoài cũng tựa như một con dơi đang sải cánh; Lưu Bôi Đình nơi Hòa Thân và các văn nhân nhã sĩ thưởng rượu, bên dưới đình có những rãnh hẹp uốn lượn, ly rượu trôi trên mặt nước, dừng trước mặt ai người đó phải làm thơ, không làm được liền bị phạt rượu; Yêu Nguyệt Đài trên giả sơn, lấy ý thơ “Cử yêu bôi minh nguyệt, đối ảnh thành tam nhân” của Lý Bạch; hai hành lang dốc đứng nối liền Yêu Nguyệt Đài gọi là “Thăng Quan Lộ”, Hòa Thân thường đi qua Thăng Quan Lộ, nên mới từng bước từng bước leo cao đến vậy. Cuối cùng là đến cửa Mật Vân Động, thầy Lý nói: “Tiếp theo là bia Phúc Tự. Hãy quan sát kỹ chữ Phúc trên bia, thử xem có thể nhìn ra mấy chữ.”

Đám chúng tôi từng người nối đuôi nhau bước vào động, Noãn Noãn đi trước đột nhiên vòng lại nấp sau tôi, nói: “Anh đi trước đi.”

“Vì sao?” tôi hỏi.

“Phía trước tối lắm, em sợ ngã,” Noãn Noãn cười nói.

“Anh cũng sợ chứ.”

“Đừng nhiều lời nữa.” Noãn Noãn khẽ huých nhẹ tôi. “Mau đi thôi.”

Mật Vân Động nằm dưới giả sơn, tuy có chút ánh đèn nhưng vẫn rất tối tăm.

Nơi sáng nhất trong động chính là tấm bia Phúc Tự, bởi dưới bia được lắp đèn vàng.

Tôi tiến gần lại xem, bia được che bằng một tấm kính, rất nhiều người không sờ được bia bèn sờ tấm kính cho thỏa nguyện vọng.

Tôi không sờ mà chỉ nhìn chăm chăm vào chữ Phúc một hồi, rồi đi ra.

“Em nhìn được mấy chữ?” tôi hỏi Noãn Noãn.

“Em tuệ căn mỏng, chỉ thấy một chữ thôi.” Noãn Noãn hỏi: “Thế còn anh?”

“He he.”

“Thôi đừng vờ vịt đi, anh cũng chỉ nhìn thấy một chữ Phúc thôi chứ gì,” Noãn Noãn nói.

“Bị em đoán trúng rồi.” Tôi bật cười.

Thầy Lý thấy mọi người đều đã ra đủ, kêu mọi người tập trung lại, rồi nói: Bia Phúc Tự có hơn ba trăm năm lịch sử, do đích thân vua Khang Hy chấp bút; bên trên còn có ấn tỷ của Khang Hy. Trong thành Bắc Kinh, Khang Hy chỉ đề có ba chữ, hai chữ còn lại chính là “Vô Vi” trên bức hoành trong điện Gi­ao Thái của Tử Cấm Thành, nhưng Vô Vi lại không được đóng ấn tỷ của Khang Hy. Thái hậu Hiếu Trang mẹ vua Khang Hy, trước đại thọ sáu mươi đột nhiên lâm bệnh nặng, thái y bó tay hết cách, Khang Hy bèn viết chữ Phúc này để cầu phúc cho mẹ, Thái hậu Hiếu Trang nhận được chữ Phúc, quả nhiên khỏi bệnh. Tấm bia này là quốc bảo Đại Thanh, luôn được cất giữ trong Tử Cấm Thành, nhưng đã biến mất một cách thần bí vào thời Càn Long, không ngờ sau lại xuất hiện trong hoa viên sau của Hòa Thân. Vì sao Hòa Thân lại có nó trong tay vẫn là một bí ẩn không ai biết. Nhưng khi vua Gia Khánh lục soát nhà Hòa Thân, chắc chắn đã phát hiện ra vật quốc bảo bị mất này, vì cớ gì lại không mang đi ?

Thầy Lý chỉ ngọn giả sơn, kêu mọi người quan sát tỉ mỉ hình dạng ngọn núi, rồi nói tiếp: Tương truyền kinh thành có hai dòng long mạch, một dòng nằm giữa Tử Cấm Thành, một dòng là sông Hộ Thành, Cung Vương Phủ nằm chính tại điểm gi­ao nhau của hai dòng long mạch, do đó động bia có thể gây động long mạch. Lại nhìn ngọn giả sơn này, mọi người đã nhìn ra dáng rồng chưa? Trên giả sơn có hai miệng ang, có ống dẫn nước vào trong ang, nhưng ang có lỗ thủng. Nước từ đáy ang chảy xuống giả sơn, đá núi lâu năm ẩm ướt bèn mọc đầy rêu xanh, tạo thành Thanh Long, Thanh Long lại là rồng nhà Thanh. Bia Phúc Tự đặt ở động dưới núi, tuy chỉ cao hơn một mét, nhưng dài gần tám mét, gần như xuyên suốt cả ngọn giả sơn; nếu như đem tấm bia đi, ngọn giả sơn sẽ bị sụp, Thanh Long cũng sẽ bị hủy. Gia Khánh sao có thể cắt đứt long mạch Đại Thanh cũng như hủy hoại Thanh Long chứ? Vì vậy vua Gia Khánh ôm hận dùng đá lấp kín cửa Mật Vân Động. Năm 1962, khi trùng tu Cung Vương Phủ, các nhà khảo cổ mới vô tình phát hiện tấm bia Phúc Tự thất lạc đã lâu này trong động.

“Tới Cố Cung phải tận hưởng vương khí, tới Trường Thành phải tận hưởng bá khí, tới Cung Vương Phủ phải tận hưởng phúc khí. Mong rằng các bạn đều có thể hưởng được đầy mình phúc khí,” thầy Lý cười nói. “Còn về chữ Phúc này bao gồm bao nhiêu chữ? Cứ về rồi dần dần cân nhắc. Bây giờ mọi người tự do đi thăm quan, nửa tiếng sau tập trung ở cửa lớn.”

Cả đám sinh viên lần lượt tản ra, tôi và Noãn Noãn đi về phía xa vắng lặng, tới Mẫu Đơn Viện trong Thùy Hoa Môn.

Chính giữa Mẫu Đơn Viện có một cái hồ nhỏ, chúng tôi bèn ngồi nghỉ trên mấy tảng đá ven hồ.

“Chúng ta đều chỉ nhìn ra một chữ Phúc, như thế liệu có hưởng phúc được không?” Noãn Noãn nói.

“Ờ...” tôi thoáng nghĩ ngợi, “cũng không biết nữa.”

Mà tôi còn chẳng sờ vào tấm kính, không khéo tấm kính đã hút hết phúc khí của tấm bia Phúc Tự rồi cũng nên.

“Noãn Noãn,” tôi giơ má trái lại gần em, “làm đi, anh không ngại đâu.”

“Hả?”

“Vừa nãy em chắc chắn đã sờ vào tấm kính ấy, giờ lấy tay em sờ sờ mặt anh đi.”

“Anh mơ đấy à,” Noãn Noãn nói, “hơn nữa em cũng có sờ kính đâu.”

“Anh!” Cậu em khóa dưới tiến lại, nói: “Để em đến phục vụ anh.” Nói rồi, cậu ta chu mỏ, xồ vào tôi.

“Làm cái gì đấy?” Tôi đẩy cậu ta ra.

“Ở trong động em bị vồ ếch, vừa may hôn đúng vào tấm kính. Nào để em chia sẻ cho anh ít phúc khí.” Cậu ta lại chu mỏ xông tới.

“Muốn chết à.” Tôi lách qua, giơ chân đạp cho cậu ta một cái vào mông.

Cậu ta cười ha hả, vừa cười vừa chạy lại bên Vương Khắc.

“Ít nhiều gì thì cũng được hưởng chút phúc khí mà,” Noãn Noãn nói.

“Thực ra...”

Noãn Noãn ngắt lời tôi, nói: “Anh đừng có nói mấy câu kỳ quái nữa, kẻo làm phúc khí sợ quá chạy mất dép đấy.”

“Ờ.” Tôi ngậm miệng lại.

Noãn Noãn thấy tôi không nói gì nữa, bèn nói: “Thôi anh có gì thì nói đi.”

“Anh sợ nói ra mấy câu kỳ quái.”

“Nếu như kỳ thật, thì em đành chấp nhận vậy.” Noãn Noãn bật cười.

“Vừa rồi anh muốn nói, thực ra có đến Cung Vương Phủ hay không cũng chẳng thành vấn đề, vì đến Bắc Kinh lần này quen được em, đã là một cái phúc lớn rồi.”

Noãn Noãn mỉm cười ngượng nghịu, khẽ đưa mắt nhìn ra hồ.

Tôi thấy em không nói gì, cũng không nói nữa, ánh mắt cũng dần dần hướng ra hồ.

“Dưới hồ có cá đấy,” rất lâu sau, Noãn Noãn rốt cuộc cũng lên tiếng.

Trên mặt nước có năm sáu con cá nhỏ dài chừng ba xăng ti mét đang bơi lội tung tăng ven bờ, Noãn Noãn nhúng tay phải xuống nước, đùa giỡn theo đàn cá.

Tôi cũng nhúng tay phải xuống hồ, lúc thì đùa phía sau chúng, lúc lại vượt lên chặn đầu.

“Ấy, anh đừng có làm thế, làm cá sợ bây giờ,” Noãn Noãn cười nói.

“Thế em sợ rồi à?” tôi hỏi.

Noãn Noãn không trả lời, chỉ khẽ gật đầu.

“Ừm... vậy...” tôi hơi bứt rứt không yên, “anh chỉ là nói ra chút cảm nghĩ thôi, em đừng bận tâm nhé.”

“Không sao,” Noãn Noãn nói.

Tay phải của tôi và Noãn Noãn vẫn đang ngâm trong nước, khựng lại không động đậy, như thể trong không khí có một thứ cảm giác tinh khiết, chỉ cần khẽ khuấy động mặt nước hoặc thu lại tay về sẽ có thể phá hỏng sự tinh khiết ấy.

“Sao miệng anh hôm nay nói ngọt thế?” Noãn Noãn nói. “Anh nói thật xem, có phải vì ăn

“Cũng có thể,” tôi nói.

“Ăn xong bánh rán sữa, đến giờ hương vẫn còn lưu trong miệng em đây này.” Noãn Noãn nhoẻn miệng cười.

“Anh cũng thế,” tôi nói. “Nhưng dù anh có ăn một đĩa lớn đậu phụ thối, miệng thối thì cũng vẫn sẽ nói thế. Vì đấy không phải lời đầu môi chót lưỡi, mà xuất phát từ trong lòng anh.”

Sau đó là một quãng im lặng.

Tôi nhìn đồng hồ, quyết định phá vỡ bầu không khí im lặng, nói: “Noãn Noãn, cũng gần đến giờ tập trung rồi đấy.”

Noãn Noãn thu tay phải lại, đứng lên.

Tôi cũng đứng lên, xoay xoay cổ cho đỡ mỏi vì ngồi lâu.

Tay trái Noãn Noãn đang rút khăn giấy khỏi túi, tôi đột nhiên nói: “Đợi chút.”

“Hả?” Noãn Noãn dừng tay lại, nhìn tôi.

“Em xem,” tôi chỉ xuống hồ nước, “hồ nước này giống cái gì?”

Noãn Noãn quay đầu quan sát chăm chú hồ nước, rồi khẽ kêu thầm một tiếng: “Giống con dơi.”

“Cuối cùng chúng ta cũng hưởng được phúc khí rồi.” Tôi cười hả hê. “Đừng lau tay khô đấy.”

Đi được mấy bước, Noãn Noãn bỗng lấy tay phải búng nước lên mặt tôi, cười cười nói: “Cho mặt anh cũng được hưởng chút phúc khí.”

Những giọt nước làm mắt kính tôi bị lóa, gỡ kính xuống lau khô rồi đeo lại, Noãn Noãn đã chạy đi xa tít.

Đến khi tôi tới được cửa lớn Cung Vương Phủ tìm Noãn Noãn định báo thù, tay phải cũng đã khô cong.

Thầy Lý dẫn cả đoàn đến một khu ngõ cổ vắng vẻ, bữa tối sẽ là những món ăn thường ngày của người Bắc Kinh.

Cửa tiệm không lớn lắm bị đám sinh viên chúng tôi ngồi cho chật ních.

Bác chủ tiệm biết một nửa số chúng tôi là từ Đài Loan tới, bèn đi từng bàn hỏi: “Có ăn quen không?”

“Có phải ăn không quen thì không cần trả tiền không?” tôi quay sang hỏi Noãn Noãn.

“Nói bé thôi.” Noãn Noãn lấy cùi chỏ huých huých tôi.

“Có phải ăn không quen...” tôi tăng cao âm lượng.

“Này!” Noãn Noãn hốt hoảng, kéo mạnh tay áo tôi, làm đũa trên bàn rơi hết xuống đất, phát ra tiếng kêu khô khốc.

Bác chủ bước lại, hỏi tôi và Noãn Noãn: “Ăn có quen không?”

“Quen lắm, rất quen, cực kỳ quen bác ạ,” Noãn Noãn vội vàng trả lời.

“Thực ra là không quen lắm,” tôi nói. “Cháu không quen ăn mấy đồ ngon thế này, cứ thấy có gì đó không thật, cứ như trong mơ vậy.”

Bác chủ ngây người một lúc, rồi bật cười ha hả, vỗ vai tôi nói: “Chàng trai tốt, đúng là một chàng trai tốt.”

“Anh cứ phải nói linh tinh mới ăn được cơm đấy à?” Giọng Noãn Noãn có chút bất lực.

“Quen lắm, rất quen, cực kỳ quen,” tôi cười cười nói, “em lợi hại đấy, ba kiểu quen hợp nhất, đúng là vô địch”

Noãn Noãn và một miếng cơm, cũng tự thấy buồn cười, không nhịn nổi nữa, bật cười khúc khích.

Bữa cơm rất thịnh soạn, có bắp cải luộc, đậu phụ tiêu cay, tôm rang, chân giò tỏi, thịt thái chỉ xốt xì dầu đặc sản Bắc Kinh, vân vân, món nào hương vị cũng đậm đà lại rất trôi cơm, khiến tôi ăn liền ba bát.

Thầy Lý bước đến bàn chúng tôi, mỉm cười nói: “Ông chủ tiệm vừa nói với thầy hôm nay giảm giá vịt quay, có làm chút không?” Mọi người tức khắc đặt đũa xuống, vỗ tay rào rào. Cứ thế hết bàn này đến bàn khác dậy lên tiếng vỗ tay.

Xem ra bọn sinh viên chúng tôi quả thật đã được hưởng phúc rồi.

Ăn xong, rời khỏi tiệm, bác chủ tiệm còn ra tận cửa tiễn chúng tôi.

Tôi nói với bác: “Hoan nghênh lần sau lại tới chơi Bắc Kinh.”

Bác chủ tiệm lại cười ha hả nói: “Thằng nhóc này được lắm.”

Tôi ăn quá no, vừa lên xe đã ngồi phịch xuống ghế, bị Noãn Noãn mắng: “Đồ tham ăn.”

Lúc xuống xe, cũng phải nhờ cậu em khóa dưới kéo dậy, tôi mới đứng lên được.

Mọi người dường như đã thành nếp, kết thúc một ngày hoạt động, quay về trường tắm giặt xong, lại tập trung tại giảng đường.

Cậu em khóa dưới mua một cái áo phông có in chữ Phúc, đem trải lên bàn cho mọi người rầm rộ nghiên cứu cái chữ.

“Đã ngẫm nghĩ ra chưa?” thầy Lý bước vào hỏi.

“Vẫn chưa ạ,” mọi người đồng thanh trả lời.

“Bộ bên phải là cách viết chữ ‘Thọ’ trong Lan Đình Tự của vua Khang Hy,” thầy Lý vừa chỉ vừa nói. “Bộ bên trái giống chữ ‘Tử’ và chữ ‘Tài’, góc trên bên phải nét bút giống chữ ‘Đa’, góc dưới bên phải là chữ ‘Điền’, nhưng chữ Điền này lại không đóng bộ khẩu, thầm chỉ phúc lành vô biên.”

Mọi người gật đầu lia lịa, như đã ngộ ra chân lý.

“Chữ Phúc này bao gồm chữ Tử, Tài, Đa, Điền, Phúc, Thọ, ý chỉ đa tử, đa tài, đa điền, đa phúc, đa thọ,” thầy Lý cười, “đã hiểu chưa?”

“Tâm cơ của Khang Hy thật sâu xa,” tôi nói.

“Đừng nói linh tinh đi,” Noãn Noãn nói.

“Hòa Thân mới được gọi là có tâm kế, thông minh tuyệt đỉnh. Chỉ đáng tiếc, ông ta có hướng cầu phúc, có đạo hưởng phúc, nhưng lại không biết tích phúc. Do vậy tuy vinh hoa một đời, lại là người nhiều phúc, cuối cùng vẫn rơi vào kết cục tự vẫn, nhà cửa bị tịch thu.” Thầy Lý ngừng một lúc, nói tiếp: “Ý nghĩa thực sự của phúc, thực chất là tích phúc.”

Thầy Lý nói xong, đoạn dặn dò mọi người mau về nghỉ ngơi sớm, rồi rời khỏi giảng đường.

Đám chúng tôi buôn chuyện một chập nữa, mới ai về phòng nấy.

Cậu em khóa dưới vừa về đến phòng liền mặc ngay chiếc áo phông chữ Phúc. Từ Trì còn lại gần sờ một vòng.

“Thoải mái quá,” cậu em nói, “Anh, anh cũng ra đây sờ đi.”

Tôi chẳng buồn để ý đến cậu ta.

“Anh, em còn mặc cả quần sịp chữ Phúc đây này,” cậu ta lại nói. “Không sờ thật à?”

“Đồ biến thái!” tôi túm lấy gối đập cho cậu ta mấy cái vào đầu.

Cậu ta cười ha hả, Từ Trì và Cao Lượng cũng cười phá lên.

Tôi nằm trên giường, ngẫm nghĩ về lời thầy Lý vừa nói: Ý nghĩa thực sự của phúc, thực chất là tích phúc.

Nếu như nói quen với Noãn Noãn thật sự là cái phúc của tôi, vậy lại phải tích phúc thế nào đây?

Full | Lùi trang 1 | Tiếp trang 3

Loading...

Tiểu thuyết tình yêu là website chia sẻ những thể loại truyện hay nhất hiện nay, được nhiều người đọc yêu thích. Truyện được cập nhập hàng ngày. Hãy lưu địa chỉ web để truy cập nhanh hơn!

Chúc các bạn online vui vẻ !

Laptop Tùng Anh

Tour Phú Quốc

Vinhomes Cầu Rào 2

Trang Chủ

XtGem Forum catalog