Tiểu thuyết tình yêu

Tiểu Thuyết Tình Yêu

Đọc truyện tại Tiểu Thuyết Tình Yêu

Loading...

Tiểu thuyết - Chỉ là chuyện thường tình - trang 1

Full | Tiếp trang 2

Dẫn nhập

Suốt cuộc đời này, không gặp được anh là nỗi cô đơn lớn nhất

Tháng Năm là khoảng thời gian Đỗ Tịch Nhan yêu thích nhất trong năm, đặc biệt là tháng Năm ở thành phố C.

Mùa hè chỉ vừa mới bắt đầu, ánh nắng hiền hòa, kèm theo làn gió nhẹ hiu hiu thổi. Hương hoa lan tỏa, cỏ cây xanh ngát một màu. Thiên nhiên thơ mộng như vậy thường khiến con người ta lâng lâng, thả hồn nghĩ tới tình yêu.

Hết giờ dạy buổi chiều, Tịch Nhan tay bưng cốc trà nóng, đứng trước cửa sổ nhìn ra bên ngoài. Một làn sương mờ mịt bao bọc xung quanh ánh nắng, như dòng ký ức muốn xua đi mà không sao xua nổi.

Cô sống trong ký túc giáo vụ, đối diện với sân bóng rổ của trường. Đám nam sinh trong ánh nắng le lói của buổi chiều tà, chạy qua chạy lại, mồ hôi đầm đìa như tắm. Ở bãi cỏ cạnh đó, một đám nữ sinh vây quanh reo hò cổ vũ.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Tịch Nhan trở về thành phố C, làm cô giáo dạy ngữ văn cấp hai. Ngày ngày khoác lên mình bộ đồng phục giản dị, buộc gọn túm tóc đuôi ngựa, dáng vẻ nghiêm trang mà lại dè dặt. Mặc dù vậy, vẫn có những học sinh bình luận sau lưng, rằng cô là cô giáo trẻ đẹp nhất trường. Tịch Nhan không hẳn là mỹ nhân có vẻ đẹp tiêu chuẩn, dáng dong dỏng cao, nước da trắng ngọc, đôi mày thanh tú, đôi môi nhỏ xinh, nhãn thần lạnh lùng, mang vẻ nhỏ bé yếu ớt nhưng cứng đầu.

Cô chưa từng nghĩ là mình đẹp, nhất là khi đứng bên chị Triều Nhan.

Mặc dù là chị em sinh đôi, song từ dung mạo đến tính cách hai người đều khác xa nhau. Triều Nhan khỏe mạnh, còn Tịch Nhan từ nhỏ đã yếu ớt, lại hay ốm đau. Khi Tịch Nhan mới vừa đầy tuổi, mẹ đưa cô về với ông nội ở quê.

Ông nội là một thầy lang có tiếng ở địa phương, để chữa bệnh cho Tịch Nhan, ông ngày ngày lên núi hái thuốc, sắc thuốc lá cho cô uống.

Buổi sáng mùa hè, hai ông cháu thường cùng nhau leo lên sườn núi sau làng. Ông vác cuốc, cháu đeo gùi thuốc trên lưng, tung tăng theo sau. Nước đọng trên lá cỏ làm ướt đôi giầy vải của cô bé, bước chân dẫm trên lá khô nghe sột soạt. Ông dạy cho cô bé, đâu là kim ngân hoa, đâu là xa tiền thảo, đâu là đỗ trọng… Chưa đầy sáu tuổi mà cô bé đã nhận biết được rất nhiều loại thảo dược rồi.

Sau này trở về thành phố, Tịch Nhan vẫn thường nhớ lại cái bóng lom khom của ông nội, hương thảo dược nồng nồng, và cả tiếng kêu râm ran của những con chim nhỏ trong rừng….

Dạo ấy, cứ cách một thời gian, bố lại cưỡi chiếc xe đạp cà tàng về làng thăm cô, mang cho cô kẹo que và sôcôla. Còn mẹ thì một lần cũng không đặt chân tới.

Năm sáu tuổi, đến lúc phải đi học, bố mẹ cùng tới đón cô. Đó là lần đầu tiên cô gặp mẹ đẻ của mình, một người phụ nữ ăn vận quần áo sang trọng, dung mạo đẹp đẽ.

Mẹ là cô tiểu thư lớn lên trong thành phố, có khí chất hơn người, tính cách ngang ngược kiêu ngạo, ông nội từ đầu đã không vừa lòng. Còn mẹ thì lại chê ông cổ hủ quê mùa. Chỉ khổ cho người bố trung hậu thật thà, bên nghĩa vụ làm con, bên trách nhiệm làm chồng, thật sự cũng rất khó xử.

“Cháu gái tôi giờ giao cho anh chị, sau này… phải đối tốt với nó nhé”. Ông nội nghiêm nghị, vẻ mặt lạnh như băng.

“Bố, bố nói thế nghe có được không, cứ làm như con là mẹ kế không bằng” mẹ bĩu môi, lộ vẻ xem thường.

“Tiểu Tịch, mau gọi mẹ đi con!”, bố đẩy đẩy Tịch Nhan, cô bé chậm rãi bước lên phía trước, ngước mắt nhìn người phụ nữa xa lạ xinh đẹp mà kiêu ngạo kia, miệng mở ra rồi khép lại mấy lần, sau cùng không nói ra được tiếng nào.

“Thôi thôi cho qua!” mẹ mất hết kiên nhẫn xua tay, “Nó lớn lên ở làng quê, chưa tiếp xúc nhiều, nhát gan là phải!”

Ông nội ôm Tịch Nhan, nựng: “Tiểu Tịch của chúng ta còn lâu mới nhát gan nhỉ. Cháu biết bơi, biết trèo tường leo cây này, lại còn dám một mình đi chăn bò trên núi nữa, lũ trẻ trong làng chẳng đứa nào bạo dạn mà lại cẩn thận hơn cháu cả!”

“Xem bố dạy nó những gì kìa, đúng là con bé nông thôn đặc sệt rồi!”. Nói rồi mẹ liếc mắt nhìn Tịch Nhan trong lòng ông, quần áo thì nhăn nhúm, đầu tóc như tổ quạ, nước da phơi nắng đen sạm, mặt lấm lem như chưa từng rửa bao giờ, còn vương nguyên hai hàng nước mũi thế kia – người ta nói chẳng sai, trẻ con mà không có mẹ chăm sóc chả khác gì cỏ dại.

Lần gặp đầu tiên ấy, mẹ đã không mong gặp nó. Nhiều năm sau này, tình cảm mẹ con cũng không có gì cải thiện. Trong mắt mẹ, chị Triều Nhan mới là bộ mặt, mới là niềm tự hào của mẹ.

Cũng khó trách mẹ, bởi Triều Nhan không chỉ xinh đẹp, mà còn thông minh ngoan ngoãn. Triều Nhan từ nhỏ đã bộc lộ tài năng, thành tích học tập năm nào cũng đứng đầu lớp, lại còn có năng khiếu hát, nhảy và đánh đàn. Các bậc phụ huynh biết Triều Nhan đều đem cô ra làm tấm gương, nhắc nhở con mình học tập. Câu cửa miệng của họ thường là: “Đỗ Triều Nhan thế này, Đỗ Triều Nhan thế kia…”

Có bố mẹ nào lại không mong có đứa con như thế? Sự tồn tại của Triều Nhan, dường như để chứng tỏ cái gọi là hoàn mỹ là hoàn toàn có thật.

Suốt những năm tháng ấy, Tịch Nhan chỉ là hạt bụi nhỏ ẩn khuất sau vầng hào quang của Triều Nhan. Mẹ không ưa cô, bạn bè thân thích cũng không chú ý tới cô. Cả khi chơi đùa với lũ trẻ hàng xóm, lúc nào Triều Nhan cũng là trung tâm, còn cô – chỉ là em gái của Đỗ Triều Nhan, không hơn.

Mỗi lần chơi trò trốn tìm, dù cô có trốn ở đâu, lũ bạn không ai tìm thấy. Bọn chúng chơi hết mấy lượt rồi, mà cô vẫn ở chỗ trốn ban đầu. Chỉ tới khi lũ trẻ tan cuộc về nhà, bố đứng đầu ngõ gọi: “Tiểu Tịch, mau về ăn cơm!”, cô mới phủi bụi đất trên quần áo, từ chỗ trốn chui ra. Qua một thời gian, Tịch Nhan mới biết rằng, không phải do cô trốn kỹ quá, mà bởi khi đi tìm, không có ai thật sự để ý tìm cô cả.

Chỉ tới khi Tô Hàng xuất hiện. Kể từ ngày đầy tiên anh và cô quen nhau, mới có anh luôn để tâm chăm sóc, lo lắng cho cô.

Tô Hàng…

Tay cô thoáng run rẩy, nước trà nóng trong cốc trào ra, nóng quá. Đặt lại cốc trà xuống bàn, bước đến bên bể, mở vòi nước, cô để dòng nước mát làm dịu vết bỏng ở tay.

Cơn bỏng rát ngoài da qua đi rất mau, Tịch Nhan lấy khăn lau khô tay, tiếp tục trông ra ngoài cửa sổ.

Ánh nắng vẫn rực rỡ, bóng cây rung rinh, những bóng người chạy qua chạy lại trên sân bóng, sức xuân phơi phới, áo trắng bay bay.

Tưởng chừng như quay trở lại ngày hè năm ấy, tiếng ve râm ran, tiếng cây ngô đồng xào xạc trong gió. Từng mảnh, từng mảnh nắng xuyên qua kẽ lá đậu trên vai người đi đường.

Trong ánh nắng ấy, dưới bóng cây này, còn cả nụ cười của cậu thiếu niên áo trắng.

Suốt cuộc đời này, không gặp được anh là nỗi cô đơn lớn nhất. Mà gặp rồi, vẫn cứ cô đơn…

Chương 1: Ngày chi tử nở hoa

Trước tòa giảng đường trường trung học cơ sở thành phố C có trồng hai cây chi tử (dành dành). Bước vào tháng Sáu, hương bay ngào ngạt, tưởng như có ai đó vô tình làm đổ lọ nước hoa, cả ngôi trường như chìm đắm trong hương thơm ngây ngất.

Một vài nữ sinh đem giấu những bông hoa chi tử trong hộc bàn, khiến mỗi lần bước qua, hương hoa cũng len lén quyện theo chân người.

Tịch Nhan bất giác nhớ lại thuở nhỏ, trong làng của ông nội cũng có mấy cây chi tử. Mỗi năm đến mùa hoa nở, các cô bé trong làng lại hái những bông chi tử trắng tinh, gài lên tóc, cài lên áo hay bỏ trong cặp sách. Dẫu chỉ là những cô bé nông thôn quê mùa, mặt mũi lấm lem, áo quần cũ mèm, nhờ có hương hoa bỗng trở nên dịu dàng, đáng yêu biết bao.

Những ngày chi tử nở hoa ấy, những niềm vui cũng đầy ắp như hoa nở trắng cành, rực rỡ, tươi đẹp.

“Bài học của chúng ta hôm nay tạm dừng tại đây”. Tịch Nhan đứng trên bục giảng, mỉm cười nhìn học trò, “Mời cả lớp nghỉ”.

“Các bạn, đứng!”, tiếng hô dõng dạc của lớp trưởng Liêu Khải cất lên, cả lớp đồng loạt đứng nghiêm, cúi chào.

“Cô chào các em!”

“Chúng em chào cô ạ!”

……

Tịch Nhan ôm một chồng dầy những vở tập làm văn của học trò, bước xuống bục giảng, hướng ra phía cửa.

Lớp học vốn yên ắng là thế bỗng xôn xao.

“Cô giáo Đỗ!”, sau lưng có tiếng gọi ngập ngừng, Tịch Nhan quay đầu lại, ra là lớp phó học tập môn ngữ văn Tiết Đình Chi.

“Sao vậy em?”. Tịch Nhan nhìn cô học trò nhỏ, một cô bé gầy nhỏ xanh xao, tướng mạo bình thường, dù không mấy nổi bật trong lớp nhưng lại viết văn rất hay.

“Cái này… em tặng cô!”. khuôn mặt Tiết Đình Chi dần ửng hồng, chìa tay phải về phía Tịch Nhan. Trong lòng bàn tay nhỏ nhắn, trắng trẻo là một chuỗi những bông hoa chi tử được xâu lại thành vòng.

Tịch Nhan đón lấy vòng hoa trong tay cô bé, đưa lên mũi hít hà, “Uhm, thơm quá!”

“Là bà ngoại em mới xâu sáng nay đấy ạ, bà bảo em mang tặng cô giáo Đỗ”. Tiết Đình Chi áy náy nói, cúi đầu, hai tay nắm chặt vạt váy trắng.

“Vậy cho cô gửi lời cảm ơn bà ngoại của em nhé”. Tịch Nhan vuốt nhẹ lên mái tóc cô trò nhỏ. Cô bé có hoàn cảnh thật đáng thương, bố mẹ li hôn, không ai chịu nuôi con, cô bé chỉ còn biết nương tựa vào người bà đã gần bảy mươi tuổi. Cô đơn lại sống nội tâm, trên lớp cô bé hầu như không có bạn.

Không hiểu vì sao, mỗi lần nhìn thấy Tiết Đình Chi, Tịch Nhan lại nhớ tới thời ấu thơ của chính mình mà thật lòng xót thương cô bé. Không chỉ cho cô bé là lớp phó học tập môn ngữ văn, mà còn nộp giúp học phí cho em lúc khai giảng.

Tịch Nhan đeo vòng hoa vào cổ tay trái, bước ra khỏi lớp học, hướng về phía tòa nhà giáo vụ.

Hoa chi tử là ký ức ngát hương suốt thời ấu thơ của cô. Những cánh hoa dày dặn, trắng tinh, đeo trên cành cây, trốn trong kẽ lá, như chú chim câu trắng vừa rời tổ. Mùi hương ngào ngạt như có sức nặng, phảng phất khắp nơi.

Đưa tay lên ngắm nhìn từng cánh hoa trắng muốt, hình ảnh cánh đồng làng năm nào chợt hiện ra trước mắt, một bầy trẻ nhỏ chạy nhảy trên con đường mòn, trên mái tóc đen rối bù, cài mấy bông hoa chi tử trắng xinh, hương bay trong gió…

Tịch Nhan cúi đầu bước, lên đến tầng ba, tại chỗ quẹo hành lang, cô đâm vào một người.

Những cuốn tập trong tay rơi cả xuống sàn.

“Xin lỗi”, Tịch Nhan cất lời, cúi xuống nhặt những cuốn tập rơi dưới sàn. Người kia cũng cúi xuống, và bằng một phong thái ung dung tự tại, giúp cô nhặt lên từng cuốn, từng cuốn một.

Tịch Nhan bất giác ngước lên nhìn, mắt gặp mắt, tim cô bỗng đập loạn nhịp.

Đó là một chàng trai khôi ngô tuấn tú khiến người ta nghẹt thở, các đường nét trên khuôn mặt đều rất hài hòa, hàng lông mày rậm và thẳng, đôi mắt dài và sâu, lông mi dày, sống mũi cao thẳng, đôi môi gợi cảm, từng góc cạnh đâu ra đấy.

Kỳ lạ nhất là đôi đồng tử, rõ ràng là màu nâu đậm, nhưng lại trong sáng và long lanh như hổ phách, tưởng như có thể nhìn thấu tâm can người đối diện chỉ qua một ánh nhìn. Bốn mắt nhìn nhau, ánh mắt lạnh lùng mà sâu thẳm ấy khiến cô ngừng thở trong tích tắc.

Trong lúc Tịch Nhan vẫn chưa kịp hoàn hồn thì người kia đã đứng dậy, đưa tập vở trong tay về phía cô.

“Cám ơn anh”. Tịch Nhan ấp úng câu cảm ơn trong miệng, đón lấy tập vở, ôm lại vào lòng. Người kia không nói lời nào, ánh mắt thoáng vẻ mơ hồ, chăm chú nhìn cô.

Cô có chút nghi hoặc, chớp chớp mắt, mình đâu có quen anh ta. Một chàng trai kiệt xuất như thế, nếu có từng gặp, nhất định phải có ấn tượng sâu sắc lắm chứ.

Ánh mắt anh ta không chút bối rối, cũng phải thôi, một anh chàng khôi ngô như thế, có người đẹp nào mà chưa từng gặp, làm sao lại phải kinh ngạc trước một cô gái tướng mạo bình thường quá đỗi thế này, cũng chẳng phải hiếu kỳ, chẳng qua là đang mải nghĩ suy điều gì mà nhìn cô vậy thôi.

Tịch Nhan trước nay vốn là người điềm tĩnh nhã nhặn, làm việc gì cũng hết sức đúng mực, không tính toán hơn thua, nhưng đối diện với ánh mắt thế này, nhất thời trong lòng cũng có chút bất an.

Có gì đâu, chỉ là một người lạ mặt thôi mà.

Nghĩ vậy, cô ôm chặt tập vở trong tay, nhanh chân bước qua anh ta, bước thẳng tới phòng giáo vụ mà không hề quay đầu lại.

Vừa bước vào cửa tổ giảng dạy lớp 6, một bóng người nhỏ nhắn từ trong chạy vụt ra.

Tịch Nhan bất ngờ, nhanh chóng tránh sang một bên. Vừa mới đụng độ với người ta xong, cô không muốn lại tiếp tục va chạm lần nữa.

Người vừa chạy lướt qua là Trác Thanh Y, cô giáo dạy tiếng Anh mới được phân về trường, nghe nói gia cảnh rất khá, phục sức đều rất hợp thời, đi dạy luôn có xe ô tô đưa đón, nhìn qua cũng đủ biết tiểu thư con nhà danh giá.

Tịch Nhan hiếu kỳ ngoảnh mặt lại nhìn, Trác Thanh Y chạy theo anh chàng kia, không biết nói với nhau những gì, rồi khoác lấy tay anh ta bước đi.

Tịch Nhan bước vào phòng giáo vụ, còn chưa kịp ngồi xuống thì cô giáo Trần dạy toán bên cạnh đã sáp lại gần: “Ban nãy có nhìn thấy anh chàng đó không? Liệu có phải bạn trai cô giáo Trác đó không nhỉ?”

“Có lẽ là vậy”. Tịch Nhan thuận miệng tiếp lời, hai người họ xem chừng có vẻ thân thiết, trai tài gái sắc chẳng phải rất xứng đôi hay sao.

Cô giáo Tống ngồi phía đối diện tham gia: “Theo tôi thì không phải, cái người lần trước lái con BMW tới đón cô ấy mới là bạn trai”.

“Ôi dào, con gái vừa xinh đẹp, gia đình lại có điều kiện như cô ấy, thay đổi bạn trai thì có gì là lạ? Ai như chúng ta, sống chết mãi một nơi một chốn”.

“Cô giáo Trần, chị quên là tháng sau chị kết hôn sao, đến giờ vẫn còn nói những lời như vậy, không sợ ông xã tương lai mà nghe thấy thì…”

“Nghe thì nghe chứ sợ gì, đàn ông vừa có sắc vừa có tiền, không câu kéo được đã đành, kêu ca một tí cũng không được sao?”

“Làm sao chị biết anh ta lắm tiền?”, cô giáo Tống tỏ vẻ hiếu kỳ.

“Cô không thấy sao, dưới nhà đậu con Mercedes bóng loáng đó thôi”.

. . .

Câu chuyện này mà để học sinh nghe được thì không biết giấu mặt vào đâu nữa, hóa ra các cô giáo của chúng cũng toàn là các “bà tám” cả.

Tịch Nhan thì không hứng thú gì với những anh chàng đẹp trai lắm tiền. Một người lạ mặt, một người bạn đồng nghiệp, nó cách xa cái thế giới của cô cả vạn dặm.

Cô tháo vòng hoa trên tay ra, đặt lên bàn, tiện tay giở một cuốn tập, chuyên tâm chấm bài.

Nhân sinh hà xứ bất tương phùng.[1]

Tịch Nhan dù có trí tưởng tượng phong phú thế nào cũng không thể nghĩ được rằng, “người lạ mặt” ấy lại có thể làm thay đổi cả cuộc sống của cô.

——-

[1] Là 1 vế của 2 câu thơ nổi tiếng Trung Quốc: “Hữu duyên thiên lý lai tương hội, nhân sinh hà xứ bất tương phùng”, có nghĩa là chỉ cần có duyên với nhau thì sẽ gặp được nhau, cuộc đời nào thiếu chỗ gặp mặt.

Chương 2: Anh là ánh sáng của đời em

Cuối tuần này là sinh nhật cô giáo Tống. Hết giờ học, cô hô hào mời mọi người đi ăn cơm, rồi đi hát, lời mời được hưởng ứng nhiệt tình, công việc bộn bề căng thẳng, mấy khi có dịp đi xả stress thế này.

Trong khi mọi người í ới gọi hẹn nhau, Tịch Nhan vẫn cắm cúi đọc sách, cả buổi không lên tiếng.

Từ từ gấp cuốn sách lại, Tịch Nhan lắc đầu: “Thôi, lát nữa mình có chút việc, các bạn đi đi”.

“Hẹn hò với bạn trai à?”, cô giáo Trần nháy nháy mắt, hỏi bằng giọng hết sức mờ ám.

Tịch Nhan thoáng ngẩn người, rồi nhún vai: “Mình đâu đã có bạn trai?”.

Ai ai cũng biết, thầy giáo thể dục của lớp 7/3 Trình Uyên đang theo đuổi Tịch Nhan, lúc nào cũng đặc biệt để ý, quan tâm tới cô.

“Vậy tụi mình đi đây, mai gặp nhé!”

“Bye bye!”

Tiếng bước chân dần mất hút nơi hành lang. Văn phòng trở lại vẻ tĩnh lặng. Sợi nắng cuối cùng của ngày hè lọt qua khung cửa sổ hợp kim nhôm rọi vào phòng, hơi chói mắt.

Phòng đang mở điều hòa. Trong cái không khí khô ráo ấy, có hương thơm dìu dịu lan tỏa, dần thấm vào lòng người.

Vòng hoa chi tử trên bàn, đã hai ngày trôi qua, những cánh hoa trắng ngần khi trước đã dần chuyển sang màu vàng. Sau vài ngày nữa sẽ thành vàng sậm, rồi héo khô. Nhưng hương hoa thì không hề thay đổi, vẫn ngào ngạt ngất ngây. Cái mùi hương thanh thanh nền nã ấy, chỉ cần đặt chân tới cửa phòng là đã ngửi thấy.

Đúng là hoa chi tử, thơm là thơm đến tận cùng, dẫu cho thân thể úa tàn thì hồn hoa vẫn cứ ngát hương, đọng mãi trong tâm trí người ta.

Cũng giống như chàng trai của mối tình đầu. Năm tháng qua đi, như dòng nước trôi chảy không ngừng, khi bạn tưởng như đã từ bỏ. Nhưng không, dù ở bất cứ nơi đâu, chỉ cần nghĩ tới anh ấy, một góc sâu kín trong trái tim lại nhói lên, vết thương như mới chỉ hôm qua.

Hóa ra hình bóng ấy chưa khi nào rời xa. Hạt giống ta trồng thuở thiếu thời, nay đã đâm rễ nảy mầm, ăn sâu vào trong từng tế bào cơ thể, cành lá quấn quít, mọc thành mụn ruồi nơi chân mày, thành đường vân trong lòng bàn tay, muốn một lúc nhổ sạch gốc rễ, đâu có dễ dàng?

Dẫu rằng người đó đã biến mất trong biển người, mà không nhắn lại một lời.

Muộn phiền và bi thương nhạt nhòa, tự do lan tỏa bao trùm bầu không khí.

Không, cô tự an ủi trong tim mình, Tô Hàng, em không nhớ anh, đó chỉ là hoài niệm về quá khứ, hoài niệm về một thời tươi đẹp nhưng thuần khiết mà thôi.

Tịch Nhan đứng dậy, với tay tắt điều hòa, hốt sạch đống vỏ dưa hấu đổ vào thùng rác. Lúc chiều, Trình Uyên mua dưa hấu đem tới, bảo để giải khát mùa hè cho chị em, nhưng kỳ thực là mang cho cô.

Trình Uyên cao lớn, ưa nhìn, tính tình cởi mở thân thiện, thường thích mặc bộ quần áo thể thao màu trắng. Tâm ý của anh, không phải cô không hiểu, chỉ là không làm sao đón nhận được mà thôi.

Bước ra khỏi tòa nhà giáo vụ. Ngôi trường sao mà trống trải, những ồn ào náo nhiệt của ban ngày đã lùi sau. Ngoài những học sinh có nhiệm vụ trực nhật đang quét dọn, ngôi trường gần như không một bóng người.

Tịch Nhan rảo bước trên con đường thẳng tắp rợp bóng cây, trở về ký túc xá. Hai bên đường là những cây ngô đồng rợp mát, cành lá đan xen như ngăn không cho ánh nắng lọt qua. Bên tai nghe tiếng kêu râm ran của những chú ve, những tán lá ngô đồng trên cao cùng gió hòa tấu bản nhạc xạc xào.

Đi qua sân bóng rổ, có một vài nam sinh đang thi nhau ném phạt, xem xem ai ném trúng nhiều hơn. Đều là những nam sinh nội trú cuối tuần không về quê, mới ăn cơm xong, thi nhau tìm người thua cuộc lãnh trách nhiệm rửa bát.

Riêng với ném phạt trong bóng rổ, nữ sinh thường có tỷ lệ ném chính xác cao hơn nam sinh. Bởi con gái thường cẩn thận, chỉ ném khi đã nắm chắc phần trúng, không tùy tiện ném cho xong; còn con trai thì khác, không cần quan tâm thành công hay không, chỉ cần ném bóng ra đã, trúng hay không tính sau.

Cũng giống như thái độ của con gái và con trai đối với tình yêu vậy.

Hôm qua trong lúc chấm bài, khi mở tập vở của Tiết Đình Chi, Tịch Nhan vô tình phát hiện phía sau vở viết: Liêu Khải, Liêu Khải, Liêu Khải, … bằng nét bút rất mảnh màu xanh nhạt, chi chít, kín đặc cả một trang vở.

Liêu Khải là lớp trưởng lớp 7/3, đồng thời là cán bộ phụ trách học tập của lớp, tất cả các thầy cô giáo đều hết mực cưng chiều cậu trò cưng này. Ăn nói lưu loát, có năng khiếu thể dục thể thao, tuy mới chỉ mười ba tuổi nhưng đã ra dáng một cậu thanh niên cao ráo, mặt mũi khôi ngô, sáng sủa, khi cười còn để lộ hàm răng trắng bóng.

Một nam sinh ưu tú nhường vậy, các cô bé nữ sinh đem lòng yêu mến cũng là điều dễ hiểu.

Tiết Đình Chi thầm thương trộm nhớ cậu cũng không có gì là lạ. Cũng như cô bé không có đặc điểm gì nổi bật là cô năm xưa, đem lòng thương nhớ nam sinh ưu tú Tô Hàng.

Lần đầu tiên gặp Tô Hàng, là mùa hè năm cô mười bốn tuổi.

Chiều hè năm ấy, ánh nắng chói chang ngoài cửa sổ, ve sầu ra rả kéo đàn trên ngọn cây ngô đồng. Bụi phấn hòa cùng nước bọt của cô giáo dạy sinh vật bay lượn trong không trung, học sinh trong lớp đều đang trong trạng thái gà gật. Tịch Nhan nằm bò ra bàn, hai mắt nhắm nghiền, khóe miệng còn vương cả nước miếng.

Chỗ ngồi của Tịch Nhan ở hàng ghế cuối cùng sát góc tường, vị trí quá ư là thích hợp để đánh một giấc mà không sợ bị phát hiện. Chỗ ngồi bên cạnh trước nay vẫn trống, bởi chẳng có ai muốn ngồi cùng bàn với cô cả.

Tịch Nhan khi đó không hứng thú gì với học hành, không thích chơi với các bạn đồng trang lứa, thứ duy nhất cô ưa thích là khu vườn nhỏ phía sau trường. Cô thường một mình trốn vào vườn chơi, quên hết mọi thứ xung quanh, thậm chí cả giờ lên lớp.

Thành tích học tập lẹt đẹt, ngoại trừ môn thể dục, các môn học khác chưa khi nào cô đạt mức trung bình. Mỗi lần trả bài kiểm tra, cô cầm bài kiểm tra đầy những dấu gạch chéo đỏ chót, một mình trốn vào vườn trèo lên cây, giấu mình trong đám cây lá rậm rạp, cảm giác thật an toàn.

Nhưng dù có trốn kỹ thế nào, cuối cùng vẫn phải trở về nhà. Những lời trách móc của mẹ không những không giảm bớt, mà ngày càng thậm tệ hơn. Người mẹ với bản tính hiếu thắng, nhìn thấy bảng thành tích của cô, không nói không rằng cho ngay cái bạt tai, rồi còn phạt cô quỳ trên bàn giặt quần áo[1]. Người cha hiền lành dường như cũng bó tay với cô, ông không mắng cũng không đánh, chỉ thở dài an ủi mẹ cô: “Cha mẹ sinh con trời sinh tính, có đứa thế này đứa thế kia, âu cũng là số mệnh”.

[1] Dụng cụ giặt đồ ngày xưa, làm bằng gỗ, trên có các rãnh.

“Đứa kia” không ai khác là chị Triều Nhan, học trên Tịch Nhan một lớp, là học trò cưng trường điểm của thành phố, là “tài năng thiên bẩm” trong mắt thầy cô, đại diện cho trường tham gia nhiều cuộc thi khác nhau, được xưng là “hoa khôi khối trung học cơ sở thành phố C”, tài mạo song toàn.

Đối với chị Triều Nhan, Tịch Nhan chưa bao giờ cảm thấy đố kị. Bởi một thứ khi đã hoàn mỹ tới đỉnh điểm của nó, lúc đó cảm giác nó đem lại cho người khác, chỉ là sự ngưỡng mộ, chứ không phải là đố kị.

Nếu nói Triều Nhan là người ai ai cũng yêu mến, là đóa mẫu đơn xinh đẹp kiều diễm, thì Tịch Nhan, như chính cái tên của cô, là bông hoa hồ lô không chút bắt mắt, sống đơn độc trong góc tối âm u, cằn cỗi.

Tô Hàng mười bốn tuổi, như một chùm ánh sáng, chiếu rọi vào thế giới tối tăm u ám của cô, đem đến cho cô những hơi ấm đầu tiên của cuộc sống.

Chương 3: Cuộc đời nếu chỉ như lần đầu gặp gỡ

Cuộc đời nếu chỉ như lần đầu gặp gỡ.

Rất nhiều năm sau này, Tịch Nhan vẫn nhớ như in cái buổi chiều tháng Năm năm ấy.

Cơn gió ấm áp đầu hạ hiu hiu thổi, ánh nắng chói chang chiếu qua kính cửa sổ lóa cả mắt, óng ánh như mật ong, nhưng tất cả những thứ tưởng chừng như đẹp đẽ ấy lại đang phá hoại giấc ngủ ngon lành của cô.

Tịch Nhan nhoài người sang chỗ trống bên cạnh, chậm rãi nằm bò ra bàn, thả hồn theo gió mây.

“Cô giáo Lưu… tôi xin phép làm phiền cả lớp một chút!”

Cô giáo Đường chủ nhiệm lớp xuất hiện trước cửa lớp, nét mặt hớn hở.

“Không sao”, giảng xa xả cả buổi mà học trò bên dưới chẳng có mấy người chăm chú lắng nghe, cô giáo sinh vật ngại ngùng đứng sang một bên.

Cô giáo Đường tinh thần phấn chấn bước vào lớp, khác hẳn với vẻ nghiêm khắc thường ngày, miệng cười tươi như hoa:

“Chào các em, hôm nay cô đến giới thiệu với cả lớp một thành viên mới của lớp…”. ngừng một chút, cô hướng ra phía cửa lớp, “Em có thể vào được rồi”.

Còn đang chìm đắm trong giấc mộng chưa biết chuyện gì xảy ra, cả lớp bỗng xôn xao. Đang dưng thì bị đánh thức, Tịch Nhan bực bội cau mày, hai mắt vẫn nhắm nghiền.

Cô chủ nhiệm lớp mở volume to hết cỡ, tiếp tục cái giọng oang oang phá vỡ giấc ngủ người khác:

“Bạn theo bố mẹ chuyển từ Sơn Đông về thành phố C, bắt đầu từ hôm nay, bạn sẽ là một thành viên của tập thể lớp chúng ta, cả lớp hoan nghênh bạn nào!”

Một tràng pháo tay “bôm bốp” giòn giã vang lên, phá tan tành ý định ngủ nghê của Tịch Nhan.

Đúng là cái đồ đáng ghét, sớm không chuyển, muộn không chuyển, lại nhằm đúng lúc người ta đang ngon giấc…

Dù chẳng hứng thú gì với cậu bạn mới chuyển tới này, Tịch Nhan vẫn ngẩng đầu mở mắt nghía qua một cái, vừa hay bắt gặp cái dáng cao cao gầy gầy từ phía cửa bước vào, ung dung tự tại đứng trên bục.

“Chào các bạn, mình tên là Tô Hàng, chữ Tô trong Tô Châu, chữ Hàng trong hàng hải, rất mong nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ của các bạn!”, một giọng nam với âm phổ thông chuẩn vang lên, tròn vành rõ chữ, rồi khom lưng một góc 90 độ cúi chào.

Từ chỗ ngồi của Tịch Nhan chỉ nhìn thấy bóng bên cạnh, đường nét rõ ràng, tóc cắt ngắn, áo sơ mi trắng. Sống lưng gầy gầy cong thành một đường cung lớn, lộ ra những khớp xương gồ ghề.

“Woah, người Nhật Bản!”, không biết ai ở dưới bỗng thốt ra một câu, khiến cả lớp cười nghiêng ngả.

Không lâu sau, cùng với cử động từ từ đứng thẳng lưng lên của nam sinh đứng trên bục, lớp học im ắng trở lại, không một tiếng ồn.

Một tia nắng vàng óng từ cửa rọi vào, chiếu chênh chếch lên bục giảng.

Trong ánh nắng lung linh, cậu từ từ ngẩng đầu lên, đôi mày tuấn tú, sống mũi cao thẳng, nét môi dịu dàng mềm mại, lại thêm nước da trắng trẻo, không cần bàn cãi gì nữa đúng là một tiểu mỹ nam, như nhân vật trong manga[1] Nhật bước ra.

[1] Manga: truyện tranh

Ngoại trừ Tịch Nhan, nhãn cầu của toàn bộ nữ sinh trong lớp không hẹn mà cùng giãn nở hết cỡ, trên mặt không giấu nổi vẻ si mê.

Chúng nín thở chờ đợi, dỏng tai chờ nghe cô giáo sắp xếp chỗ ngồi - nếu may mắn được trở thành bạn cùng bàn với cậu bạn mới này, nhất định sẽ nhảy múa reo mừng, không khéo lại còn xúc động đến mất ngủ cả tháng cũng nên.

Cô chủ nhiệm lớp đảo mắt một vòng quanh lớp: “Tô Hàng, em tới ngồi hàng ghế số 7 tổ 5”.

“Ôi…”, một loạt tiếng kêu thất vọng, Tịch Nhan lại cau mày. “Sao lại để cậu ta ngồi cùng bàn với mình?”

Cô giáo cũng không còn cách nào khác, cả lớp hiện chỉ có mỗi Tịch Nhan ngồi một mình một bàn. Vả lại, với chiều cao của Tô Hàng, cũng chỉ có thể ngồi dãy cuối mà thôi.

Đúng lúc đó, tiếng chuông báo hết giờ vang lên.

“Tô Hàng, em tạm thời ngồi ở đó, nếu cần sẽ xem xét đổi chỗ sau”. Cô chủ nhiệm nhẹ nhàng căn dặn, rồi cùng cô giáo sinh vật rời đi.

Các bạn trong lớp vẫn ngồi nguyên tại chỗ, mắt không rời cậu bạn mới chuyển tới. Cậu gật đầu mỉm cười với mọi người, bước xuống, băng qua từng dãy bàn ghế, tới chỗ trống bên cạnh Tịch Nhan.

Kỳ thực, chỗ ngồi của Tịch Nhan ở hàng ghế số 7 tổ 6 phía sát cửa sổ, nhưng vì nắng chiếu rọi vào mắt, cô mới dời sang ngồi chỗ hàng ghế số 7, tổ 5.

Tô Hàng dừng lại trước mặt Tịch Nhan, thoáng ngập ngừng, rồi nhẹ nhàng: “Cảm phiền bạn nhường chỗ cho mình một chút”.

Thanh âm ngắn gọn mà rõ ràng như chính người phát ra âm thanh ấy vậy.

Tịch Nhan bộ dạng uể oải tiếp tục nằm bò ra bàn, vờ như không hề nghe thấy.

“Bạn à, bạn nhường chỗ cho mình được không?”.

Lần này, Tô Hàng cao giọng hơn. Nhưng cô vẫn chẳng thèm đoái hoài, thể hiện rõ ràng ý đồ muốn khiêu chiến, “ra oai phủ đầu” với cậu.

Cả lớp lặng như tờ.

Đám nữ sinh thì mắt chữ O miệng chữ A, còn hội nam sinh thì đang mở cờ trong bụng. “Tiểu ma nữ” Đỗ Tịch Nhan danh tiếng lẫy lừng này, học hành thì lẹt đẹt, thường xuyên đứng đội sổ, tính khí thì kỳ quái, đến thầy cô giáo còn chẳng quản nổi, để mặc cho cô muốn làm gì thì làm.

“Đỗ Tịch Nhan, cậu quá đáng quá rồi đấy”.

Cuối cùng cũng có người lên tiếng rồi, anh hùng đến cứu mỹ… mà không, phải là mỹ nhân xuống cứu anh hùng mới đúng!

Ánh mắt của mọi người đổ dồn về hướng vừa phát ra tiếng nói – ra là lớp trưởng Diệp Quân. Cô bạn học giỏi đa tài, trượng nghĩa nghiêm nghị, là cánh tay phải đắc lực của cô chủ nhiệm, là bảo bối tổng quản lớp 7/3.

“Lớp trưởng thì có gì mà ghê gớm? Cậu có giỏi thì đi mà mách cô giáo!”. Tịch Nhan ngẩng đầu lên khỏi bàn, hừ mũi vẻ coi thường, dù sao thì điếc rồi cũng đâu biết sợ súng nữa.

Diệp Quân tức khí, buột miệng: “Tô Hàng, tớ đổi chỗ cho cậu!”

Cả lớp lại được phen xôn xao.

Một lớp trưởng, một học sinh bét lớp, nước sông vốn không phạm nước giếng, nay lại khiêu chiến với nhau vì một nam sinh mới chuyển tới lớp!

Mọi người gần như nín thở, hồi hộp chờ đợi màn tiếp theo của vở kịch.

Diệp Quân đã bước lên phía trước, thẳng thắn nói với Tô Hàng: “Cậu qua chỗ mình ngồi đi”.

Tịch Nhan tay chống cằm, dửng dưng liếc xéo theo dõi màn kịch. Hóa ra đẹp trai lại có lợi như thế, ngày đầu tiên chuyển đến, ngay lập tức đã có nữ đại hiệp đứng ra hành hiệp trượng nghĩa, thấy chuyện bất bình chẳng tha rồi!

Tô Hàng quay qua Diệp Quân, nói nhỏ một tiếng “cám ơn”, rồi hướng con mắt về phía Tịch Nhan. Đôi đồng tử đen sâu hun hút ấy, thuần khiết không chút tạp chất, như biển đêm thăm thẳm nhấn chìm mọi thứ

“Đây là chỗ ngồi của mình, Đỗ Tịch Nhan, bạn trả lại chỗ cho mình được không?”

Lần thứ ba cậu nói câu này với Tịch Nhan, ngữ điệu vẫn không hề thay đổi, miệng vẫn mỉm cười thân thiện.

Đối diện với sự khiêu khích ngang nhiên của cô, cậu thiếu niên tuấn tú này không những không tức giận, trái lại còn mỉm cười với cô.

Tịch Nhan chăm chú nhìn khuôn mặt đẹp trai đến mơ hồ kia, ngẩn ra trong giây lát, rồi từ từ đứng lên khỏi ghế, trả lại chỗ ngồi cho cậu.

Mọi chuyện đã ngã ngũ, cả lớp thở phào nhẹ nhõm.

Nhất là đám nữ sinh, có cảm giác chẳng khác gì Tịch Nhan cũng vừa gây khó dễ cho họ trước đám đông vậy.

Tô Hàng ngồi xuống chỗ trống cạnh Tịch Nhan, nhét cặp sách vào hộc bàn “thình” một cái.

Quay qua phía cô: “Rất vui được quen bạn, Đỗ Tịch Nhan”.

Đôi mắt sáng, phong thái điềm đạm, đôi môi mỉm cười, cứ như chưa từng có chuyện gì xảy ra vậy.

Tịch Nhan trợn mắt nhìn cậu, xấu hổ không biết chui vào cái lỗ nẻ nào, trong thâm tâm thề cả đời không bao giờ thèm để ý tới cái con người này.

Cô cầm cục phấn, vạch ra một đường “ranh giới” giữa bàn – từ nay, Hán Sở[2] phân minh, bất cứ ai cũng không được quyền xâm phạm.

[2] Hán, Sở: tên hai nước nhỏ của Trung Hoa thời Xuân Thu, một bên do Lưu Bang (Hán), một bên do Hạng Vũ (Sở) đứng đầu, có cuộc chiến đấu tranh giành nổi tiếng trong lịch sử.

Đó chính là bối cảnh lần đầu gặp gỡ của Tịch Nhan và Tô Hàng.

Phải chăng số mệnh đã định, giữa hai người họ vẫn luôn có một hố sâu ngăn cách, dù có nỗ lực thế nào, cũng không thể vượt qua được?

Chương 4: Ban đầu, không liên quan tới tình yêu

Quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy.

Tịch Nhan nói được là làm được. Mặc dù Tô Hàng là bạn cùng bàn với cô, nhưng cô chẳng thèm ngó ngàng tới cậu, coi cậu có cũng như không.

Cả tháng trời kể từ ngày Tô Hàng chuyển tới trường trung học cơ sở C, hai người chưa nói với nhau câu nào.

Nhưng cũng trong một tháng ngắn ngủi đó, cũng đủ để mọi người nhận ra sự ưu tú của cậu. Bài kiểm tra chất lượng đầu tiên, văn học, số học, anh văn, vật lý điểm thành phần từng môn cũng như tổng điểm bốn môn, Tô Hàng đều xếp thứ nhất, đồng thời nhanh chóng trở thành thành phần chủ lực trong đội bóng rổ của trường.

Giờ thì mọi người đã hiểu, vì sao cái ngày đầu tiên cậu chuyển tới, cô giáo Đường lại vui mừng đến vậy.

Một học sinh ưu tú như vậy, cô chủ nhiệm cũng không thể cứ để cậu ngồi bàn cuối mãi, nhưng khi cô đặt vấn đề đổi chổ cho cậu, liền bị từ chối.

Theo nguồn tin tiết lộ, lý do Tô Hàng không muốn chuyển chỗ ngồi, là để giúp đỡ Tịch Nhan học hành tiến bộ, từ học sinh bét lớp trở thành trò khá giỏi. Nghe vậy cô giáo Đường lại càng ca tụng Tô Hàng, khen cậu nhiệt tình và có tinh thần trách nhiệm, dũng cảm đứng ra giải quyết một vấn đề lớn của lớp.

Nguồn tin tiết lộ bắt nguồn từ Diệp Quân, chức lớp trưởng của cô cũng nhanh chóng bị Tô Hàng thay thế, đành ngậm ngùi làm ủy viên học tập kiêm lớp phó học tập môn tiếng Anh.

Trên lớp Tịch Nhan không có bạn, nên sự thay đổi này cũng chẳng ai báo cho cô. Cô vẫn đến muộn, về sớm, ngủ gật trên lớp như trước, chẳng vì bên cạnh có thêm một người mà có chút thay đổi.

Sáng hôm đó, tiết học cuối cùng là tiết toán. Cô giáo đang chép đề kiểm tra lên bảng, Tịch Nhan như thường lệ nằm bò ra bàn ngủ gà ngủ gật.

Bên phải là cánh cửa sổ mở toang, ánh nắng giữa trưa chiếu thẳng vào mắt nhức nhối. Cô đành quay mặt về phía bên trái, cũng chính là phía bên Tô Hàng ngồi. Đúng lúc cô chuẩn bị chìm vào giấc mộng, chợt bị ai đó gõ nhẹ lên đầu hai cái.

Cứ tưởng bị cô giáo bắt quả tang ngủ gật trong giờ, Tịch Nhan giật nảy mình, vội vàng ngẩng đầu lên, cô giáo toán vẫn đứng nguyên trên bục giảng.

Kẻ đầu têu không ai khác chính là Tô Hàng, bạn cùng bàn với cô. “Cảm phiền cậu, Đỗ Tịch Nhan”, đối phương điềm đạm, “Cậu ngủ như vậy làm ảnh hưởng đến tớ”.

Cô cũng chẳng có hứng nói chuyện với cậu, dùng ánh mắt thiếu thiện cảm liếc xéo cậu một phát, rồi định nằm ra bàn tiếp tục giấc ngủ dở dang.

“Cậu ở bên cạnh ngủ say tít thò lò, lại rớt cả nước miếng ra, mình biết học kiểu gì đây?”, cậu bạn cùng bàn ý kiến ý cò.

Rớt nước miếng ư? Tịch Nhan đưa tay vuốt lên mặt, quả nhiên, trên tay còn nguyên cả nước bọt vẫn đang dinh dính. Được thôi, thế thì ta quay bên phải vậy. Nhưng ánh nắng vẫn không ngừng nhảy nhót trên khung cửa sổ, chói hết cả mắt thế kia.

Cô đành lấy khuỷu tay làm gối, giấu mặt vào trong khuỷu tay mà ngủ. Không ngờ, hai mắt vừa khép lại, đầu lại bị cốc hai cái.

“Lớp trưởng đại nhân!”. Tịch Nhan cuối cùng không nhượng bộ nổi nữa, trừng mắt nhìn khuôn mặt đẹp trai mà vô cùng đáng ghét bên cạnh, “Cậu năm lần bảy lượt phá hỏng giấc ngủ của tớ, rốt cục là cậu có ý gì?”.

Tiết ngữ văn hồi nãy, vừa học văn ngôn văn[1] xong, nên lời nói của Tịch Nhan cũng bị ảnh hưởng chút xíu.

[1] Ngôn ngữ dùng trong sách vở cổ của Trung Quốc.

Khóe môi Tô Hàng khẽ cử động vẻ như muốn cười nhưng đang cố nín lại: “Cậu có thể không ngủ gật trên lớp, chăm chú nghe giảng được không?”

Cô trợn mắt nhìn sang phía cậu, vẻ khiêu khích: “Tớ không thích học đấy, liên quan gì tới cậu?”.

Tịch Nhan bực bội, muốn ngủ thôi mà cũng không được yên thân! Nhưng trong mấy phút sau đó, đầu cô không ngừng bị cốc, hết cái này tới cái khác.

Cái gì mà học sinh ưu tú, cái gì mà lớp trưởng gương mẫu, có mà tên lưu manh chuyên bắt nạt phụ nữ yếu đuối thì có!

Cô tức tối nghĩ, ngẩng đẩu lên, nộ khí bừng bừng: “Đừng có động vào tôi!Nam nữ thụ thụ bất thân, Do you know?”

“I don’t know”. Tô Hàng ghé mắt liếc cô một cái, nửa cười nửa không: “Cậu thi tiếng Anh thì không qua, hóa ra cũng vẫn biết mấy câu tiếng Anh đấy chứ nhỉ”.

Cơn tức giận của Tịch Nhan đã lên đến đỉnh điểm. Nhìn về phía cô giáo trên bục giảng, cô nén giận trừng mắt nhìn cậu ta, tay nắm chặt nắm đấm: “Tô Hàng, cậu đừng có mà quá đáng quá thể! Tôi đã nhịn cậu lâu lắm rồi.”

Tô Hàng nhếch mép cười lớn, điệu cười phô trương kiểu trong phim của Châu Tinh Trì.

Tiếng cười của cậu ta làm chấn động cả lớp, và cả cô giáo toán đang cắm cúi viết trên bảng.

“Có chuyện gì vậy?”, cô giáo quay người lại, ánh mắt nghi hoặc hướng về phía họ.

Cũng ngay lúc ấy, Tô Hàng làm một việc mà đến nằm mơ Tịch Nhan cũng không bao giờ mơ tới…

Cậu chủ động đứng dậy, nói một cách rành mạch rõ ràng: “Dạ thưa cô, bạn Đỗ Tịch Nhan không lo làm bài, mà toàn quay đầu sang nhìn em thôi ạ!”

Cô giáo ngớ người ra mất một lúc, một cô giáo trẻ mới ra trường, đương nhiên không thể ngờ có một ngày lại nhận được lời báo cáo như vậy. Cô lúng túng nghiêm mặt lại: “Đỗ Tịch Nhan, lên lớp phải chú ý vào bài học chứ!”. Cả lớp lắng nghe câu chuyện lạ kỳ, rồi ồ lên cười. Hai nữ sinh bàn trên thì thào: “Đúng là cái đồ mặt dày! Tưởng mình là ai cơ chứ, ngoại hình tầm thường, học hành thì lẹt đẹt, bạn ấy dựa vào cái gì mà đòi thích Tô Hàng cơ chứ?”. những câu nói khó nghe cứ thế lọt đến tai Tịch Nhan, thực không nỗi sỉ nhục nào bằng.

Cô cúi gằm mặt, nhìn xuống ngăn bàn, nghiến răng ken két: “Tô Hàng, sao cậu không chết đi cho rồi?”.

Từ hôm đó trở đi, mỗi lần Tịch Nhan bước chân vào cửa lớp, đều thấy mọi người nhìn mình rồi đưa mắt nhìn nhau, cười chê cô “không biết liêm sỉ”. Cô từ một “người vô hình” mọi người nhìn thấy cũng như không, bỗng chốc trở thành “kẻ thù chung” của toàn bộ nữ sinh trong lớp.

Tất cả đều tại Tô Hàng. Cậu là người vốn sinh ra là để nổi bật, không chỉ tướng mạo hơn người, thành tích ưu tú, mà còn rất được lòng mọi người. Sau giờ học, cậu cùng với các nam sinh trong lớp chơi bóng rổ, không biết từ khi nào đã trở thành người lãnh đạo của cả đội. Còn hội nữ sinh trong lớp thì vây quanh, ríu rít thảo luận về chủ đề “Tô Hàng”.

Nụ cười ấm áp, tính cách phóng khoáng cởi mở, bảng thành tích học tập cao ngất ngưởng, cộng thêm phong thái mạnh mẽ, nhanh nhẹn trên sân bóng của cậu con trai miền Bắc… khiến hơn nửa số nữ sinh trong lớp đều mê mệt anh chàng thư sinh tuấn tú này.

Ngày thứ ba Tô Hàng chuyển tới, đã nhận được thư tình của nữ sinh trong lớp. Sau này, lại tiếp tục có không ít nữ sinh, hoặc công khai hoặc ngấm ngầm thể hiện tình cảm với cậu. Cậu vẫn mỉm cười đón nhận tất cả, và đối xử với tất cả mọi người như nhau, duy chỉ trừ có Tịch Nhan.

Tô Hàng dường như coi việc trêu chọc Tịch Nhan làm thú vui, cậu hay đem chuyện của cô thưa với thầy cô, cố ý làm cô tức điên lên, buộc cô phải nói chuyện với mình, mặc cho cô lườm nguýt, mắng nhiếc, căm ghét, coi thường cậu.

Không giống những cô nàng ái mộ Tô Hàng, Tịch Nhan đối với cậu không chút thiện cảm, chỉ cần cậu để cánh tay vượt qua “đường ranh giới”, cô liền dùng khuỷu tay huých cho vài chưởng, song cậu vẫn nhơn nhơn như chẳng có chuyện gì xảy ra.

Sau một thời gian bị cậu làm phiền đến mức không chịu nổi, Tịch Nhan rút ra kết luận: hắn là một tên tiểu nhân của tiểu nhân!

Kỳ thực, Tô Hàng từ lâu đã để ý đến cô.

Ngày đầu tiên chuyển đến, vừa bước vào lớp, cậu đã để ý tới cô bạn ngồi bàn cuối, từ đầu đến cuối nằm bò ra bàn ngủ gật là cô. Rồi lại được xếp ngồi cùng bàn với cô, cậu phát hiện ra rằng, Tịch Nhan trong lớp rất cô đơn, không có ai là bạn thân thiết.

Phải mất một tháng sau đó, Tô Hàng mới hiểu được Tịch Nhan là người như thế nào – học hành thì lẹt đẹt bét lớp, không được thầy cô và bạn bè chú ý tới, lầm lì, không hòa nhập.

Cậu ngầm quan sát, cả tháng trời, Tịch Nhan chỉ nói chuyện với bạn cùng lớp đúng ba câu. Mọi người cũng không thích nói chuyện về cô, căn bản không quan tâm tới sự tồn tại của cô. Khi lớp tổ chức các hoạt động tập thể, cô thường không có tên trong danh sách, một mình lặng lẽ đứng một góc.

Nhưng cậu cũng phát hiện ra rằng, cô viết chữ rất đẹp. Chạy bộ, nhảy xa, ném bi sắt, môn nào cũng rất xuất sắc. Một nữ sinh như vậy, thực sự không nên bị loại trừ ra khỏi tập thể.

Trong giờ học toán, cậu nhẹ nhàng quay sang, nhìn về phía cô bạn đang nằm bò ra bàn ngủ ngon lành. Ánh nắng chói lóa xuyên qua kính cửa sổ, chiếu lên mặt cô, dung mạo thanh tú, nước da trắng ngần, nét mặt khi ngủ thuần khiết như trẻ thơ.

Tô Hàng cố tình năm lần bảy lượt gây rối giấc ngủ của cô, ngắm cái cách cô nổi cáu, phùng mang trợn má, bướng bỉnh trừng mắt nhìn cậu, như một đứa trẻ, nhưng lại rất đáng yêu.

Tan học, trong khi các bạn khác có bè có đôi rủ nhau cùng về, riêng cô đơn độc lẻ loi, một mình một bóng. Nhìn cái bóng áo trắng váy xanh gầy gầy, có chút hiu quạnh ấy dần mất hút trên con đường dài rợp bóng cây, lòng cậu không khỏi xót thương.

Tô Hàng thích xem tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung – Cổ Long[1], trong huyết quản lại mang dòng máu hiệp nghĩa của người Sơn Đông. Cậu quyết định phải giúp đỡ Tịch Nhan, đưa cô thoát ra khỏi chốn bùn lầy tối tăm.

[1] Kim Dung, Cổ Long: tên hai tác giả viết truyện kiếm hiệp nổi tiếng của Trung Quốc.

Mới đầu, những tình cảm tốt đẹp Tô Hàng dành cho cô, hoàn toàn không liên quan tới tình yêu.

Rất lâu, rất lâu sau đó, Tịch Nhan mới hiểu rõ điều này. Có điều, tới khi cô hiểu ra được, thì đã quá muộn rồi.

Chương 5: Đương thời niên thiếu xuân áo mỏng

Biết được bí mật mà Tiết Đình Chi viết sau cuốn tập, là chủ nhiệm lớp, Tịch Nhan không quá ngạc nhiên, vẫn từng câu từng chữ sửa bài cho học trò của mình như bình thường.

Một cô trò nhỏ bé yếu ớt, kiệm lời, vậy mà lại có thể viết nên những câu văn đẹp khiến người ta kinh ngạc. Cô biết, trong trái tim cô bé này là cả một thế giới rực rỡ sắc màu, đủ để cô chống chọi với thế giới u ám thê lương bên ngoài.

Là vì cái tên mà cô đã giấu kín trong tim, vì cậu nam sinh có nụ cười ấm áp ấy?

Gặp người thầy hay vị phụ huynh nghiêm khắc, cứng nhắc nào đó, rất có thể đã coi đây là “yêu sớm”. Thế nhưng, đó liệu có thực đã là tình yêu?

Đối với học sinh cấp hai, đó có thể gọi là “ái mộ”, âm thầm lặng lẽ thích một người, hoặc có thể bị các bạn gán ghép thành một đôi, hay chỉ vì không muốn cô đơn mà kiếm tìm một tình yêu nho nhỏ, liệu có mấy người thực sự hiểu được “tình yêu” là gì? Chẳng qua chỉ xem vài bộ truyện tranh Nhật Bản và phim thần tượng Đài Loan, rồi gặp một người khác giới khiến mình ngưỡng mộ, trong lòng hiếu kỳ, cũng muốn học theo diễn tập thực tế một phen.

Thế nhưng, không ai có thể phủ nhận sức mạnh của chữ “yêu”, và biết đâu đấy, đó lại là ánh chớp bừng lên trong đêm dài tối tăm, là ánh sáng và hơi ấm duy nhất trong cuộc đời học sinh ảm đạm.

Nhờ vào vầng hào quang của Tô Hàng, Tịch Nhan đã đấu tranh giải phóng bản thân mình ra khỏi chốn u ám thê lương, nếu không, cô vẫn sẽ mãi bị cái thế giới tối tăm ấy trói buộc.

Ngày đầu tiên tới trường báo danh, tại hành lang văn phòng, cô gặp lại cô giáo Đường, giáo viên chủ nhiệm lớp cấp hai ngày trước. Người mà cô từng sợ hãi căm ghét suốt một thời niên thiếu, nay gặp lại chợt thấy thân thiết vô cùng.

Đối diện với cô giáo cũ bây giờ hai bên tóc mai đã chuyển màu hoa râm, cô cung kính cất tiếng chào: “Em chào cô, cô giáo Đường!”.

Cô giáo Đường nheo nheo mắt, ngẫm nghĩ hồi lâu, mới nhận ra: “Ồ, Đỗ Tịch Nhan, là Đỗ Tịch Nhan ngồi ở dãy bàn cuối, lên lớp toàn ngủ gật, là học sinh cá biệt điển hình, lười học phải không?”.

Tịch Nhan cười, có chút ngại ngần: “Cô vẫn nhớ hết vậy sao?”

“Đương nhiên là nhớ rồi”, cô giáo Đường cười vui vẻ, “Khi ấy nghe tin em và Tô Hàng yêu nhau, cô còn nghiêm khắc phê bình em một trận. Có điều, năm đó em thay đổi nhiều quá, lại còn thi đỗ trường cấp ba có tiếng của thành phố, giờ lại thành giáo viên, thực sự khó mà có thể tưởng tượng được!”.

Đúng là khó mà tưởng tượng được, một học sinh với thành tích hạng bét như Tịch Nhan, chỉ bằng nỗ lực của một năm cuối cấp, lại có thể làm nên kỳ tích, bứt phá lên tốp đầu của lớp, rồi được trường cấp ba có tiếng của thành phố tuyển chọn với thành tích xuất sắc hơn 30 điểm thi tốt nghiệp.

“Thế còn Tô Hàng, em có tin tức gì của cậu ta không?”, cô giáo Đường đột nhiên hỏi.

Tịch Nhan thất sắc, nhẹ lắc đầu: “Dạ, em cũng không rõ lắm ạ”.

“Tô Hàng trước khi ra nước ngoài, còn trở lại trường thăm cô một lần”, cô giáo chăm chú nhìn Tịch Nhan bằng ánh mắt hiếu kỳ, “Nghe nói, em và cậu ta từng yêu nhau, có thật vậy không?”

Mười hai năm trước, cũng dãy hành lang này, cũng chính cô giáo này, từng nghiêm mặt trách cứ cô tuổi còn nhỏ mà không lo học hành, lại đi dụ dỗ cậu học sinh ưu tú là Tô Hàng yêu đương sớm, là con sâu bỏ rầu nồi canh.

Vậy mà giờ đây, cũng vẫn cô giáo già sắp về hưu nhàn rỗi ấy, lại quan tâm tới “chuyện tình yêu” của cô và Tô Hàng.

Nhìn vẻ mặt quan tâm của cô giáo đối diện, trong lòng Tịch Nhan bỗng cảm thấy có chút khôi hài.

“Cô xem, kể cả giữa em và Tô Hàng có những tình cảm vượt qua ranh giới tình bạn thật đi nữa, cũng bị cô tiêu diệt từ trong trứng nước rồi còn đâu”, cô trả lời qua loa.

Cô giáo Đường thoáng bối rối, lúng ta lúng túng: “Là cô giáo chủ nhiệm, cô cũng có cái khó của mình, chẳng qua là sợ yêu đương sớm ảnh hưởng đến việc học của các em mà thôi?”

“Các em” ở đây khi ấy không bao gồm “Đỗ Tịch Nhan”. Tô Hàng là học trò cưng, nghĩ cho thành tích của cả lớp, là một giáo viên chủ nhiệm, tuyệt đối không thể để một học trò ưu tú như thế bị học sinh yếu kém lôi kéo được.

Điều này thì Tịch Nhan hiểu, đã bao nhiêu năm trôi qua, cô từ lâu đã quên đi những lời tổn thương mà cô giáo nói năm ấy.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, chẳng mấy chốc mà tất cả đều đã thành quá khứ, còn có gì mà không thể tha thứ? Ngôi trường năm xưa cô chán ghét, nay lại trở về, và còn trở thành một cô giáo, một thành viên ở đó.

Cô đã trưởng thành, đã có đủ dũng khí để có thể mỉm cười đối diện với cô giáo từng làm tổn thương lòng tự trọng của mình, dáng vẻ nhẹ nhõm như mây bay gió thổi.

Thế nhưng, trong thâm tâm, cô vẫn sợ phải nghĩ tới quá khứ. Mỗi khi nghĩ tới, lại không ngăn được cảm giác âu sầu.

Đương thời niên thiếu xuân áo mỏng. Trong những ngày tháng ấy, càng đặt mình vào giữa mọi người, lại càng cảm thấy cô đơn.

Rời xa ông nội hiền từ, chuyển tới một nơi xa lạ. Niềm vui gia đình sum vầy từng mất đi, không những không được bù đắp mà càng trở nên xa cách, hời hợt bởi chia ly đã quá lâu. Ở nhà, nhìn bố mẹ và chị Triều Nhan ngày ngày vui vẻ nói cười, thân mật với nhau, cô có cảm giác như mình là người ngoài vậy.

Sáu tuổi nhập trường đi học, vẫn chưa hiểu biết, thành tích kém đến không thể kém hơn. Trong con mắt khinh khi xem thường của thầy cô và bè bạn, cô bắt đầu chán ghét chính bản thân mình, mặc cảm tự ti mình là người vô dụng.

Tịch Nhan mười bốn tuổi, tự giam mình trong cái thế giới hoang vu tối tăm. Ngồi ở góc khuất nhất của lớp, thờ ơ nhìn các bạn cùng lớp hò la huyên náo, trong lòng không hiểu chúng vì sao lại cao hứng tới vậy.

Không có tình bạn, chẳng có tình thân, không chút hơi ấm, phần lớn thời gian cô đều cụp mắt, trốn tránh con mắt soi mói của người xung quanh.

Tuổi dậy thì, trong khi Triều Nhan trước sau phổng phao, nở nang đầy đặn ra dáng một thiếu nữ, thì cô lại ngày càng gầy đi, cao trội hơn so với các bạn nữ đồng lứa, không còn chốn nào để ẩn náu. Giữa mọi người, có những ánh mắt vô tình hay hữu ý, tưởng như muốn ăn tươi nuốt sống cô.

Không ai biết rằng, cô chán ghét trường học, sợ phải lên lớp đến như thế nào. Mỗi sáng chờ đón xe buýt, cô chỉ mong nó mãi mãi không bao giờ tới bến. Nhìn xe gần tới trường, trong lòng cô lại dấy lên nỗi tuyệt vọng. Cánh cổng trường mở to như chỉ chực chờ cô bước tới là nuốt tọt vào trong.

Bước trên con đường rợp bóng cây trong trường, từng bước từng bước, cô đơn, chán chường, mệt mỏi không sao tả xiết, trong lòng lại chợt nghĩ, những ngày tháng u ám ê chề thế này, còn có thể gắng gượng đến bao giờ nữa?

May thay, cuối cùng cô đã thoát ra được, không để cuộc sống dày vò bản thân trong những tháng ngày đằng đẵng tưởng như không bao giờ kết thúc ấy.

Nhớ lại năm xưa, nhiều lúc, cô còn thấy rất cảm kích những tháng ngày trưởng thành ấy, nó giúp cô hiểu được tâm trạng bị người ta coi thường và bài xích là như thế nào, giúp cô hiểu rằng mỗi học sinh đều có lòng tự tôn, cần được đối xử công bằng.

Con vịt xấu xí ẩn náu trong góc tối trước kia bỗng lột xác trở thành thiên nga trắng thu hút ánh mắt bao người. Cởi mở phóng khoáng, biết tiến biết thoái. Bước lên bục giảng, ăn nói đĩnh đạc, phong thái sôi nổi. Lúc không nói chuyện thì nhã nhặn hiền hòa, ung dung quan sát xung quanh.

Thế nhưng, trong nhiều trường hợp, cô vẫn hết sức quan tâm tới những học sinh trầm tư kiệm lời. Nhìn thấy ánh mắt hoặc hờ hững hoặc trốn tránh của chúng, rồi lại nghĩ, liệu chúng có may mắn mà lột xác được như mình?

Tịch Nhan theo học tại một trường sư phạm. Học kỳ một năm thứ tư cô tới thực tập tại một trường trung học gần đó, cũng quen với một cậu thiếu niên như thế. Cậu tên tiểu Kha, là học sinh cá biệt của lớp, nghịch ngợm, chán học, thường xuyên trốn học đi chơi, đánh điện tử, thi mười môn trượt chín. Trước mặt thầy cô giáo, cậu toàn cúi gằm mặt, nín thinh, nhưng trên khuôn mặt còn chưa hết nét thơ ngây ấy lại đầy vẻ bướng bỉnh, ngỗ nghịch.

Giáo viên chủ nhiệm lớp tiểu Kha, thầy Vương, là một người đàn ông trung niên nóng tính, nghiêm khắc. Ngày đầu tiên Tịch Nhan tới lớp thực tập, gặp đúng lúc thầy đang phạt tiểu Kha, thẳng tay cho cậu một cái bạt tai, rồi véo tai cậu, lôi xềnh xệch ra hành lang phía ngoài lớp, còn dùng chân đá cậu. Tịch Nhan trông thấy mà xót xa, bèn chạy tới ngăn lại. Thầy giáo Vương một tay gạt cô lui ra, giận dữ quát: “Nó hôm qua lại trốn học. Một học sinh hư như thế, không đánh thì sao mà dạy được!”

“Không có học sinh hư, chỉ có người thầy và phụ huynh chưa làm tròn bổn phận của mình”. Tịch Nhan buột miệng, thầy Vương sững ra giây lát, mắt chăm chú nhìn cô gái nhỏ bé yếu ớt đứng trước mặt, ngực ưỡn thẳng, nét mặt chăm chú.

Thầy giáo Vương thở dài: “Tôi hiểu tâm ý của cô, có điều, gặp phải học sinh như thế này, chẳng ai có đủ kiên nhẫn cả, đến bố mẹ cậu ta cũng bó tay rồi”.

Tịch Nhan bình tĩnh lại, thành khẩn nói: “Thầy Vương, thầy cứ lên lớp đi ạ, còn cậu nhóc này thầy cứ giao cho em”. Được sự đồng ý của thầy Vương, Tịch Nhan đưa cậu nhóc về phòng làm việc của mình, dùng khăn giấy lau sạch mặt mũi cho cậu. Hóa ra cũng là một cậu nhóc trắng trẻo xinh trai, có đôi mắt to, tròn, đen láy.

Chỉ trong một tháng thực tập ngắn ngủi, Tịch Nhan đặc biệt quan tâm tới tiểu Kha, tuyệt đối không quát mắng cậu; đối với từng tiến bộ nho nhỏ của tiểu Kha, đều không tiếc lời khen ngợi, động viên. Giờ lên lớp, cô để ý gọi tên cậu, đặt câu hỏi cho cậu trả lời. Sau giờ học, cô cùng lũ trẻ chơi trò chơi, mở tiệc đốt lửa trại, còn chuẩn bị món quà nhỏ cho riêng tiểu Kha, bởi đó là sinh nhật lần thứ 12 của cậu.

Mới đầu, tiểu Kha vẫn mang tâm lý thù địch và không hợp tác với cô, rồi dần dần, cậu chấp nhận cô, không còn cau mày nữa, mà thường xuyên để lộ nụ cười tươi tắn.

Trước khi kết thúc kỳ thực tập, buổi lên lớp cuối cùng, Tịch Nhan đứng trên bục giảng, nói lời từ biệt với cả lớp. Tiểu Kha giơ tay xin phát biểu: “Thưa cô, năm sau cô tốt nghiệp rồi, cô sẽ quay lại dạy chúng em nữa chứ ạ?”.

Tịch Nhan lắc đầu: “Cô trò chúng ta ở bên nhau vui vẻ, giờ chia tay cũng vẫn phải tươi cười chứ!” Cả tiết học sau đó, cô không dám nhìn tiểu Kha, bởi cô biết cậu đang nhìn cô không chớp mắt, mà trong mắt thì ngấn đầy những giọt lệ.

Sau khi trở về trường, Tịch Nhan thường xuyên nhận được thư của tiểu Kha, gần như là mỗi tuần một lá. Thật không ngờ, một cậu nhóc trên lớp vốn kiệm lời là thế, lại có biết bao điều muốn nói, muốn sẻ chia.

Trong thư, tiểu Kha hình dung ba của cậu như là “ác ma”, mẹ là “mụ phù thủy”, còn thầy chủ nhiệm lớp thì là “yêu quái”, duy chỉ có “cô giáo Đỗ thân thương nhất” thì được là thiên sứ xinh đẹp:

“Cô giáo Đỗ, hôm qua em mơ được gặp cô, một thiên sứ đẹp như tiên nữ, với mái tóc dài đen nhánh, mặc một bộ váy lụa màu hồng phấn, xinh đẹp cực kỳ. Có đôi cánh rực rỡ, trong tay còn cầm cả cây trượng lấp lánh nữa!”.

Khi ấy đang là lúc chuẩn bị tốt nghiệp, Tịch Nhan cũng bận nộp hồ sơ, tìm việc, không thể trả lời từng bức thư của tiểu Kha. Sau này, tiểu Kha cũng không gửi thư cho cô nữa. Cứ như vậy một thời gian, đến một ngày, tình cờ đi xe qua trường trung học ấy, qua làn kính xe, cô bất giác đưa mắt ngóng trông.

Trong ô cửa sổ nào đó của ngôi trường kia, có một đám học sinh, đã từng cùng cô chơi trò chơi, cùng cười vui vẻ. Trong số đó có tiểu Kha, với đôi mắt sáng tinh anh ấy.

Tịch Nhan vốn không dự định làm cô giáo, khi cô đi thực tập, trong lòng chỉ mang một tâm trạng lãng mạn hoài cổ, những mong qua những khuôn mặt trẻ thơ ấy, làm sống lại một thời thơ ngây hạnh phúc thuở thiếu thời.

Hôm đó không hiểu vì sao, đột nhiên có cảm giác kỳ lạ, một nỗi sợ không tên, mơ hồ ùa đến. Cô xuống xe trước cổng trường, bước vào trong.

Trong lớp 7/1, lũ trẻ đang trong giờ tự học. Nhìn thấy “cô giáo Đỗ”, cả lớp đều phấn chấn cả lên, vội quây tròn quanh cô giáo, líu lo kể chuyện, hỏi thăm cô giáo, còn có cô bé tinh nghịch hỏi: “Cô giáo Đỗ, sao cô không dẫn bạn trai đi cùng?”

Tịch Nhan cười không đáp, nhìn quanh lớp một vòng, ngạc nhiên hỏi: “Tiểu Kha đâu? Sao hôm nay lại không lên lớp?”

Cả lớp bỗng tĩnh lại, lặng ngắt như tờ.

Hồi lâu sau, mới có một cô bé mắt đỏ hoe, nhẹ nhàng cất tiếng: “Tiểu Kha mất rồi. Một tháng trước trên đường tới trường, bị xe đâm mất rồi”.

Tịch Nhan đờ người, cảm giác như vừa bị móc mất trái tim.

Thảo nào không thấy cậu bé viết thư cho cô nữa. Cậu nhóc trong sáng đáng yêu ấy, đã ra đi không một lời từ biệt.

Nếu có thể quay ngược về quá khứ, trở về một tháng trước, cô nhất định sẽ cẩn thận trả lời từng bức thư của cậu, chăm chú lắng nghe từng câu chuyện cậu kể, và nhất định sẽ không quên dặn cậu, trên đường đi học phải chú ý an toàn giao thông…

Trên xe buýt về trường, Tịch Nhan đưa hai cánh tay ôm tròn quanh mình, trông ra ngoài cửa xe nhìn từng tòa, từng tòa nhà lướt qua trước mắt. Tất cả không có gì thay đổi, người xe như nước, thanh âm huyên náo, bụi trần cuốn lên, tạp âm đinh tai.

Thành phố vẫn phồn hoa như thế, hồng trần cuồn cuộn. Duy chỉ có một sinh linh nhỏ bé đã lặng lẽ rời xa.

Trong mười hai năm ngắn ngủi của cuộc đời, cậu luôn bị người ta xem thường, khinh bỉ, ghét bỏ, chỉ bởi cậu là học sinh cá biệt.

Trong suốt những ngày tháng qua, cô đã luôn cố gắng kìm nén bản thân.

Ông nội mất, cô không khóc; Tô Hàng rời xa, cô cũng không hề rơi lệ. Nay vì một cậu trò nhỏ mới quen chưa đầy năm, cuối cùng khiến cô không thể kìm nén thêm nữa, nước mắt cứ thế tuôn rơi.

Tịch Nhan cuộn tròn người lại, ngăn nỗi đau bỗng nhói lên từ ngực, kêu khóc thảm thiết.

Trên xe lúc đó chỉ lác đác vài người, đều bị cô làm kinh động, lần lượt đưa mắt nhìn cô đầy vẻ lo ngại.

“Này, cô không sao đấy chứ?”, một người ngồi gần cất tiếng hỏi.

“Không sao…”, cô nghẹn ngào, cố ngăn dòng lệ, nhưng không ngăn được tiếng nức nở.

Trong tiếng nức nở ấy, cô đã thề với bản thân mình…

Đời này kiếp này, phải cố gắng làm tròn bổn phận của người thầy, hết lòng yêu thương từng học trò nhỏ.

Full | Tiếp trang 2

Loading...

Tiểu thuyết tình yêu là website chia sẻ những thể loại truyện hay nhất hiện nay, được nhiều người đọc yêu thích. Truyện được cập nhập hàng ngày. Hãy lưu địa chỉ web để truy cập nhanh hơn!

Chúc các bạn online vui vẻ !

Laptop Tùng Anh

Tour Phú Quốc

Vinhomes Cầu Rào 2

Trang Chủ

XtGem Forum catalog