Polaroid
Tiểu thuyết tình yêu

Tiểu Thuyết Tình Yêu

Đọc truyện tại Tiểu Thuyết Tình Yêu

Loading...

Tiểu thuyết - Chỉ là chuyện thường tình - trang 3

Full | Lùi trang 2 | Tiếp trang 4

Chương 11: Tình như tình đầu

Để tiếp cận Trác Thanh Liên, Triều Nhan đã dốc toàn lực tính kế.

Trước tiên thông qua ông bố thị trưởng của Đào Chính Kiệt, cô nhanh chóng thay thế vị trí của Thẩm Gia Kỳ, trở thành MC của chương trình "Thế giới doanh nhân", tiếp đến tác động giám đốc đài, tổ chức một buổi phỏng vấn Trác Thanh Liên, lấy lý do là chương trình kỳ trước đạt tỷ lệ người xem rất cao, xô đổ những kỷ lục được lập ra trước đây của nhà đài.Thế nhưng, đối phương lại từ chối phỏng vấn. Triều Nhan gọi điện cả trăm lần, đều chỉ gặp trợ lý đặc biệt của Trác Thanh Liên, một giọng nữ ngọt ngào điềm đạm cất lên, lễ phép: "Rất lấy làm tiếc, giám đốc Trác của chúng tôi từ trước đến nay không nhận lời phỏng vấn của giới truyền thông".

"Vậy sao lần trước anh ta lại tham gia chương trình của chúng tôi?", Triều Nhan thẳng thừng, không úp mở.

"Đó là do yêu cầu quảng bá của công ty", người trợ lý lạnh nhạt trả lời, "Gần đây Trác Thị giành được một lô đất ở Thành Nam, hiện đang chuẩn bị xây dựng một khu vui chơi quy mô lớn".

Triều Nhan tỉ mẫn xem đi xem lại chương trình hôm đó, quả đúng Trác Thanh Liên trong khi phỏng vấn có đôi ba lần nhắc tới, đây cũng là dự án trọng điểm quy hoạch xây dựng thành phố của nhà nước trong năm nay. Trùng hợp làm sao, vùng đất đó cũng là nơi Triều Nhan trải qua thời thơ ấu, ngõ Tử Trúc.

Nhắc tới ngõ Tử Trúc, Triều Nhan không có chúc thiện cảm nào, thậm chí còn cố gắng xóa đi đoạn hồi ức ấy. Không ai tưởng tượng được rằng, cô phát thanh viên xinh đẹp nhất đài truyền hình thành phố C, lại sinh ra ở con hẻm cũ kỹ bẩn thỉu ấy.

Lúc ấy, cô đang học tiểu học, nhờ xinh xắn ngoan ngoãn lại thêm thành tích nổi trội, cô được thầy cô cưng chiều, bạn bè ngưỡng mộ. Điều duy nhất khiến cô cảm thấy tự ti là phải sống trong chốn hang cùng ngõ hẻm. Triều Nhan chưa bao giờ mời bạn đến nhà chơi. Thỉnh thoảng cô cười và nói với mọi người, rằng mình sống trong tòa nhà 5 tầng rộng rãi sáng sủa, có phòng ngủ riêng hướng về phía mặt trời, và còn được bài trí vô cùng trang nhã, thoải mái.

Thực tế là, cô và em gái Tịch Nhan ở chung một phòng, hoàn cảnh gia đình chỉ là tạm no ấm. Bố cô chỉ là anh nhân viên quèn, không đủ điều kiện để được đơn vị phân nhà, cả gia đình bốn người chen chúc trong căn nhà cũ kĩ bà ngoại để lại ở ngõ Tử Trúc. Trước cửa nhà là rãnh nước bốc mùi hôi thối, những con chuột cống to đùng nhảy nhót trên đám rác nổi lềnh bềnh, cầu thang gỗ hẹp bao năm không ai tu sửa, mỗi bước chân lại phát ra tiếng kêu cọt kẹt. Và căn gác xếp chật chội thấp lè tè tối om om, ban ngày cũng phải bật điện, một tấm vải bông giặt tới bạc màu che ngăn phòng ngủ với phòng khách.

Mẹ cô là giáo viên trường tiểu học trên phố, vốn cũng là người đoan trang có học thức, sau vì hoàn cảnh khó khăn đâm ra lôi thôi. Cả ngày đầu tóc bù xù, mặt mũi xanh xao, sau dần dần xa vào ham mê mạt chượt. Bà chê chồng thật thà vô dụng, vô cùng bất mãn về cuộc hôn nhân của mình, và còn đem những bất mãn của mình đổ lên đầu Triều Nhan. Bà ngưỡng mộ cuộc sống giàu có phát đạt của người ta, kỳ vọng Triều Nhan sẽ thay mình thực hiện ước mơ đổi đời. Bà nhịn ăn nhịn mặc, dành tiền mua quần áo đẹp cho Triều Nhan, không tiếc tiền cho cô đi học đàn piano, khiêu vũ, thanh nhạc, lễ nghĩa, nhằm đào tạo cô trở thành một thục nữ tiêu chuẩn, trở thành một sinh viên đại học danh tiếng tiền đồ rộng mở.

May thay, những tháng ngày ác mộng đó không quá dài. Năm Triều Nhan mười tuổi, gia đình họ đã rời ngõ Tử Trúc, chuyển đến khu đô thị do nhà nước xây dựng.

Triều Nhan không hiểu, Trác Thanh Liên vì sao lại hứng thú với mảnh đất đó. Theo tiết lộ của Lệ Mạn Lợi, không lâu sau khi anh ta từ Mỹ trở về, liền bắt tay loại bỏ các ý kiến trái chiều, thuyết phục chủ tịch Trác tiến hành dự án này, đồng thời tích cực xúc tiến, tham gia đấu thầu trong thành phố, dốc toàn bộ tinh lực vật lực mới giành được quyền khai thác mảnh đất ở Thành Nam đó.

Chồng của Lệ Mạn Lợi có quan hệ làm ăn với Trác Thanh Liên, cô bảo với Triều Nhan: "Xét trên góc độ kinh doanh, mảnh đất ở Thành Nam mà để phát triển bất động sản thì không có lời, bởi phải tái định cư rất nhiều hộ di dân. Mà theo tiêu chuẩn bồi thường giải phóng mặt bằng giờ cao hơn trước rất nhiều, nhà đầu tư dù chấp nhận đi khai phá mảnh đất nửa thành thị nửa đất hoang ấy, cũng sẽ không phá dỡ thành phố cũ. Hơn nữa, ngõ Tử Trúc hiện có hàng trăm hộ dân đang sinh sống! Có điều, thành phố C hiện vẫn chưa có khu vui chơi quy mô lớn nào, Trác Thanh Liên dám đổ một đống tiền vào đầu tư như thế, nhất định có cái lý của anh ta".

Những năm gần đây, nhà nước không ngừng nỗ lực đẩy mạnh xây dựng thành phố, cải tạo thành phố cũ được xem là trọng điểm của trọng điểm. Một loạt các khu ổ chuột quanh ngõ Tử Trúc cũng sẽ được cải tạo, đối với thành phố C, đây rõ ràng là một đại sự.

Ngày di dời giải phóng mặt bằng ngõ Tử Trúc, tập đoàn Trác Thị cùng ủy ban thành phố phối hợp tổ chức một buổi lễ khởi công nho nhỏ. Đài truyền hình cũng cử phóng viên đến quay phim phỏng vấn. Là giám đốc điều hành của tập đoàn Trác Thị, Trác Thanh Liên không thể không có mặt. Triều Nhan sao có thể bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng này? Bất chấp ánh nắng chói chang, cô cùng với phóng viên quay phim Tiểu Nhiếp, cùng xuất hiện tại hiện trường buổi lễ.

Mặt trời rừng rực chiếu rọi trên đầu khiến Triều Nhan hoa mày chóng mặt, lại thêm bụi mù mịt từ mấy cái máy xúc to tổ chảng, khiến cô phải đưa tay bịt mũi. Lớp hóa trang cầu kì xinh đẹp bị mồ hôi túa ra làm lem nhem hết cả, làm cô phải liên tục lôi ra bộ đồ trang điểm trong túi ra dặm lại phấn.

"Trác Thanh Liên sao giờ vẫn chưa tới? Để bao nhiêu quan khách lãnh đạo thành phố đứng đợi một mình anh ta, thật chẳng ra làm sao!"

Tiểu Nhiếp ngó nhìn đồng hồ, đã 9 giờ 5 phút rồi. "Rùa ngoại" học ở Mỹ về thì sao chứ? Vẫn không thay đổi được cái thói lề mề. Hàng nghìn con người chỉ vì anh ta mà phải đứng dưới cái nắng tháng bảy thiêu đốt, mồ hôi vã ra như tắm, đúng khiến người ta khó chịu.

"Anh ta thật quá ngạo mạn", Triều Nhan nhận xét, nếu không cô cũng không phải nhọc công năm lần bảy lượt đến thế, "Có điều, ai bảo Trác Thị là doanh nghiệp lớn nhất thành phố, hàng năm nộp thuế tới quá nửa ngân sách thành phố. Trên phố chẳng phải người ta vẫn kháo nhau, Trác Thị mà hắt xì một cái, cả cái thành phố C này run như cầy sấy đấy thôi!"

"Mẹ nó chứ, tưởng lắm tiền là ghê gớm lắm sao!", Tiểu Nhiếp hậm hực chửi thề.

Đúng là không ăn được nho thì bày đặt chê nho xanh! Triều Nhan nghĩ thầm. Bỗng mọi người xôn xao cả lên, nhao nhao hướng về phía lối vào, mặt tràn đầy vẻ chờ đợi phấn khích: "Đến rồi, đến rồi!"

Triều Nhan đưa mắt nhìn theo đám đông, một chiếc xe Benz màu đen đang từ từ tiến vào. Xe vừa đỗ lại, mấy người đồng phục nhanh chóng bước lên phía trước, cung kính mở cửa: "Giám đốc Trác, xin mời!"

Cô vội đứng thẳng người lên, tim đập mạnh như có ai đó bóp nghẹt. Trác Thanh Liên, ngôi sao mới nổi của giới doanh nhân, rốt cuộc là người đàn ông như thế nào? Câu đố cuối cùng cũng sắp tìm được lời giải rồi.

Anh ta bước xuống xe, sải bước về phía bục chủ tịch, vẫy tay chào các vị lãnh đạo và khách quý, lễ độ chu toàn.

Triều Nhan không nhìn được thẳng mặt anh ta, chỉ thấy dáng người cao lớn rắn rỏi, mặt áo sơ mi cotton màu kem đơn giản, phối với quần màu ghi đậm, vừa thoải mái vừa sang trọng, nổi bật giữa một giàn các ông bụng phệ hói đầu.

Sau cùng, Trác Thanh Liên quay người, hướng về phía đông đảo quần chúng đang đứng dưới lễ đài. Triều Nhan chính thức được diện kiến dung nhan anh, trong lòng không khỏi ngợi khen, dáng vẻ ưa nhìn, người thật thậm chí còn đẹp hơn trong ảnh và trên truyền hình bội phần!

Thật khó để diễn tả vẻ đẹp của anh chàng bằng lời, hay đơn giản có thể mượn câu nói nổi tiếng của "em gái" Châu Tấn: "Anh ta thỏa mãn tất cả những mộng tưởng của phụ nữ về người đàn ông lý tưởng".

Trong bảng tiêu chuẩn của Triều Nhan, đầu tiên đương nhiên là chiều cao, cô không hứng thú gì với mẫu đàn ông kiểu Võ Đại Lang[1]. Trong tài liệu của Thẩm Gia Kỳ đưa cho cô viết rõ, Trác Thanh Liên cao 1m82, đúng chiều cao tiêu chuẩn

đối với nam giới.

[1] Nhân vật trong truyện Thủy Hử, anh trai Võ Tòng, có chiều cao rất khiêm tốn.

Tiếp đến là vóc dáng. Cô không thích mấy anh chàng thư sinh dáng vẻ yếu ớt, cũng không ưa kiểu vai u thịt bắp. Người đàn ông này dáng cao to, rắn rỏi, vai rộng, vòng ba săn chắc, đúng là ma nơ canh bẩm sinh, mặc cái gì cũng đẹp.

Thứ ba là tướng mạo. Anh không thuộc tuýp da trắng môi đỏ, cũng chẳng phải kiểu mắt to mày rậm. Mày tuy có rậm, nhưng mắt không phải là to lắm, đuôi mắt hơi xếch, hẹp dài nhưng gợi cảm. Lại thêm sống mũi cao thẳng, đôi môi vừa phải không dày không mỏng, đẹp trai quá thể.

Thứ tư là khí chất, bước vào thời đại nhan sắc ngày nay, đàn ông có ngoại hình đẹp thì không thiếu, nhưng những người có khí chất hơn người lại không nhiều. Trác Thanh Liên là người đàn ông có chiều sâu, khí chất thậm chí còn nổi trội hơn cả vẻ khôi ngô tuấn tú bên ngoài.

Mặc dù lăn lộn trong chốn thương trường, lại là một đại gia trẻ tuổi, nhưng từ đầu đến chân không vương chút dung tục hay dáng vẻ con buôn thường thấy, ngược lại ngời ngời phong độ của người có học thức. Cặp kính không gọng trên sống mũi, che giấu vẻ sắc sảo mà cuốn hút trong ánh mắt ấy, suốt buổi lễ nhộn nhịp huyên náo, trên môi luôn nở nụ cười điềm tĩnh khiến mọi người xung quanh chỉ còn biết thốt lên bốn chữ: "Ôn nhã tựa ngọc".

Lãnh đạo thành phố và các vị khách quý lần lượt lên phát biểu, ai nấy phát biểu hùng hồn, "mưa xuân" tung tóe, duy chỉ có Trác Thanh Liên từ đầu đến cuối vẫn giữ vẻ trầm tĩnh nho nhã.

Mười một giờ, buổi lễ kết thúc trong tiếng pháo đinh tay nhức óc và những tràn pháo tay nhiệt liệt. Trông thấy Trác Thanh Liên dợm bước về phía bãi đỗ xe, Triều Nhan vội vàng giục Tiểu Nhiếp, đưa mắt ra hiệu: "Mau, mau chặn anh ta lại!"

Không đợi Tiểu Nhiếp kịp phản ứng, cô đã xông lên phía trước, chạy đuổi theo Trác Thanh Liên, gọi lớn: "Giám đốc Trác, xin đợi một chút!"

Trác Thanh Liên nghe tiếng gọi dừng bước, quay người lại, nhìn cô bằng ánh mắt có chút nghi hoặc.

Lúc đó, Tiểu Nhiếp đã bắt kịp, miệng vẫn đang thở phì phò. Triều Nhan nở nụ cười chuyên nghiệp, chìa danh thiếp của mình ra: "Xin chào, giám đốc Trác. Tôi là Đỗ Triều Nhan, MC đài truyền hình thành phố C, tôi muốn thực hiện một bài phỏng vấn ngắn với ngài, không biết có tiện không?"

Trác Thanh Liên cầm tờ danh thiếp, nhìn chằm chằm vài giây, rồi ngẩng đầu, ánh mắt xoáy sâu trên khuôn mặt cô: "Cô đúng là Đỗ Triều Nhan?"

"Vâng". Không hiểu vì sao, ba chữ "Đỗ Triều Nhan" phát ra từ miệng anh ta, thanh âm trầm trầm, lại mang chút từ tính, cực kì êm tay.

"Nghe danh đã lâu!" Trác Thanh Liên thu lại ánh mắt phức tạp, khẽ mỉm cười, cả khuôn mặt bỗng trở nên sinh động: "Cô Đỗ, rất vui được biết cô".

Anh chủ động đưa tay ra, Triều Nhan vội vàng bắt chặt, ngón tay thon dài, một cảm giác êm ái ấm áp bao trùm lấy cô, khiến hai gò má bất giác ửng hồng.

Trước mặt người khác phái, Triều Nhan rất ít khi đỏ mặt. Vậy mà người đàn ông đứng đối diện này lại khiến cô đỏ mặt e thẹn như cô gái ngây thơ mới chập chững yêu lần đầu, trống ngực đánh thình thịch.

Lần đầu tiên gặp Tô Hàng, cũng là cái cảm giác này.

Năm ấy, cô mới là sinh viên năm nhất, tại góc quẹo hành lang văn phòng hội sinh viên, gặp cậu con trai tay ôm quả bóng rổ, không sớm một bước không chậm một chân, chạm trán với cậu ta.

Cùng lúc ngẩng đầu lên, không hẹn mà khuôn mặt cả hai đều ửng đỏ. Chính trong khoảnh khắc đó, cô đã biết thế nào là yêu.

Có người nói, gặp đúng người vào đúng lúc, rồi đỏ mặt tim run, thì đó, chính là tình yêu.

Chương 12: Kí ức phủ bụi

Học sinh nghỉ hè rồi, Tịch Nhan đâm ra rãnh rỗi, nằm cuộn tròn trên ghế sofa trong phòng khách, tay cầm điều khiển hết bấm trái rồi lại bấm phải.

Đột nhiên, một cảnh trên tivi thu hút được sự chú ý của cô.

Trong khói bụi mù trời, mấy cái máy xúc to đùng kêu ầm ầm, khung cảnh một buổi lễ khởi công náo nhiệt...

Cô quay đầu nói vọng vào buồng trong: "Bố, người ta sắp phá dỡ khu nhà cũ ở ngõ Tử Trúc rồi kìa, bố có biết không?"

Ông Đỗ chậm rãi từ phòng trong bước ra, tay cầm cốc trà: "Biết chứ, mấy tháng trước người ta đã thông báo rồi mà. Mẹ con chê nhà tái định cư nhỏ quá, lại ở chốn hoang vu hẻo lánh, nên chỉ lấy tiền đền bù thôi".

Tịch Nhan quay đầu lại, buồn bã chăm chú nhìn màn hình tivi, ngõ Tử Trúc, con ngõ nhỏ tồi tàn cũ kỹ từ những năm bao nhiêu của thế kỷ trước, nhưng lại lưu giữ hết thảy những kỷ niệm thời ấu thơ của cô. Giờ đây pháo nổ đùng đoàng, máy xúc chạy ầm ầm, những vết tích của cuộc sống năm nào cũng tiêu tan theo cát bụi kia, xóa sạch hết rồi.

Bà Đỗ nghe tiếng cũng chạy ra, trên tay là chiếc khăn len đang đan dở, ánh mắt cũng dán lên màn hình, bỗng mắt đột nhiên sáng rực: "Xem kìa, là Triều Nhan của chúng ta đó! Nó đang phỏng vấn ở hiện trường kia kìa!"

Ông Đỗ đặt tách trà trên tay xuống, ngồi vào ghế xích đu cạnh sofa khẽ đung đưa xích đu vẻ nhàn tản: "Con gái bà ngày nào chả xuất hiện trên tivi, có gì là lạ đâu?"

"Triều Nhan của chúng ta lên tivi thật là xinh đẹp, cần diện mạo có diện mạo, cần vóc dáng có vóc dáng, muốn khí chất cũng có luôn cả khí chất".

Bà Đỗ không tiếc lời ngợi khen, mê mẩn như đang thưởng lãm một món đồ thủ công tinh xảo, mặt nở nụ cười mãn nguyện, say mê. Có cô con gái xinh đẹp tài giỏi như thế, bạn bè thân thích ai cũng kính phục bà, không uổng công bao năm bà chăm chút cho Triều Nhan.

Ông Đỗ nhạy cảm đưa mắt qua nhìn cô con gái thứ hai, Tịch Nhan vẫn ngồi nguyên như cũ, vẻ mặt dửng dưng, không biểu lộ chút cảm xúc.

Tục ngữ có câu, lòng bàn tay, mu bàn tay, đâu đâu cũng đều là thịt. Hai cô con gái của ông, luận diện mạo, khí chất, tài năng, Triều Nhan có chút nổi trội hơn, bà Đỗ cũng chỉ toàn coi cô là niềm vinh dự của gia đình, nhưng ông Đỗ thì trong lòng yêu quý Tịch Nhan hơn, tuy cô không có vẻ đẹp rực rỡ như cô chị, nhưng tính tình hiền lành điềm đạm, sống rất chân thành. Ông thầm nghĩ, cô con gái út đã kế thừa một vài nét tính cách của mình, ví dụ như tâm hồn thanh tịnh, bằng lòng với hoàn cảnh, không ham hư vinh. Từ nhỏ đến lớn, tiêu điểm được mọi người chú ý đều tập chung vào Triều Nhan. Cô rất được lòng bạn khác giới, ngay từ lúc tiểu học đã có bạn cùng lớp viết thư tình cho cô. Sau này lớn lên, điện thoại hẹn hò liên tục không ngớt, bạn trai cũng lần lượt đổi từ người này qua người khác, mà đều là những anh chàng đẹp trai phóng khoáng. So sánh với vẻ trẻ trung sáng chói của chị Triều Nhan, Tịch Nhan nền nã hơn. Trong suốt bao nhiêu năm, cô chưa từng yêu ai, lúc nào cũng cô đơn một mình, khiến ông không khỏi lo nghĩ. Biết đi đâu tìm người hiểu được giá trị cô con gái út của ông đây?

Lúc ông nội Tịch Nhan còn sống, ông cực kì yêu thương cô. Kể cả khi cô ngang bướng nghịch ngợm, học hành đứng đội sổ. Dạo ấy, sự nghiệp của ông bắt đầu khởi sắc, bao tâm sức dồn cả vào công việc, việc giáo dục hai cô con gái giao cả cho vợ. Mà bà Đỗ tính tình nóng nảy, vì bảng thành tích lẹt đẹt của Tịch Nhan mà đâm ra bực dọc, không ngớt quát mắng. Tối tối trở về nhà, ông thường thấy những dấu tay hằn trên má Tịch Nhan, sưng đỏ cả lên, nhìn mà đau lòng. Mà con bé này cũng rất bướng bỉnh, bị đánh cũng không khóc, chỉ ngày cành lầm lì ít nói hơn.

Có lần, ông nội Tịch Nhan từ quê lên thăm, vô tình phát hiện ra dấu tích của những trận đòn, liền giận tím mặt, tay nâng mặt đứa cháu tội nghiệp, vội vàng hỏi: "Tiểu Tịch, mẹ cháu lại đánh cháu sao?" Tịch Nhan mắt ngấn lệ, lao vào lòng ông nội, khóc không biết trời đất gì nữa. Ông nội cũng nước mắt lã chã, vừa lau nước mắt cho cháu, vừa nựng dỗ cháu: "Đi, đi về quê với ông!"

Ông Đỗ từ cơ quan về, hết lời khuyên can mới làm nguôi bớt cơn giận của bố. Ông nội thở dài: "Con bé Tiểu Tịch tư chất không hề kém cỏi, thông minh lanh lợi, trong sáng lương thiện, chỉ cần biết cách dạy dỗ, nhất định rất có tương lai".

Lúc ấy, ông có phần hoài nghi. Ai mà có thể tưởng tượng được rằng, sau này Tịch Nhan không chỉ thi đỗ đại học, mà còn trở thành cô giáo dạy dỗ người khác. Cô nhóc nghịch ngợm khiến bố mẹ đau đầu ngày nào, lớn lên lại thành người chừng mực khuôn phép. Trong trường thì hòa nhã với đồng nghiệp, khiêm tốn cẩn thận, với công việc thì chăm chỉ thật thà, thành tích nổi trội. Học sinh trò nào trò nấy ngoan ngoãn vâng lời, các bậc phụ huynh thì tranh nhau muốn gửi gắm con em mình vào lớp của cô. Chưa đầy bốn năm, cô đã trở thành cô giá trẻ được biết đến nhiều nhất ở thành phố C, liên tục hai năm liền được bầu là chủ nhiệm ưu tú.

Cho nên, tuy Triều Nhan xuất sắc, nhưng Tịch Nhan cũng không thua kém gì, chỉ có điều một người thì ngoài sáng, còn một người lặng lẽ trong bóng tối mà thôi. Đối với sự "nhất bên trọng, nhất bên khinh" của vợ, ông Đỗ cũng có ý kiến: "Đường đường là sinh viên trường đại học có tiếng, mà lại đi làm người dẫn chương trình. Chưa nói chuyện không đúng chuyên môn, cũng chỉ được tí thời nhan sắc tuổi trẻ thôi, chẳng có tương lai gì cả!"

"Ông đúng là quê mùa!". Bà Đỗ đáp trả vẻ khinh thường ra mặt, "Dẫn chương trình trên truyền hình có gì là không tốt, giao tiếp xã hội rộng, có cơ hội gặp mặt biết bao nhiêu người quyền quý, quan chức tai to mặt lớn..."

Ông Đỗ ngắt lời: "Tôi còn lạ gì bà nữa, lúc nào cũng chỉ mong con gái lấy chồng giàu. Không môn đăng hộ đối, hoàn cảnh gia đình khác xa nhau, lấy nhau liệu có hạnh phúc được không?"

"Tôi thấy chả làm sao cả!". Bà Đỗ ngừng tay đan, nhíu mày, trừng mắt nhìn chồng: "Đỗ Diệu Hoa, tôi năm đó đúng là có mắt như mù, mới gã cho gã thư sinh nghèo là anh, quan không thăng, tài không phát, suốt đời chỉ biết có dưa cà mắm muối mà thôi!"

Những câu kiểu này, bà đã nói cả nghìn lần, Tịch Nhan nghe cũng phát nhàm tay rồi.

Trong mắt mẹ, bố chẳng có điểm gì đáng kể, nhu nhược vô dụng, không chí tiến thủ, là thứ đồ bỏ đi. Cô thật sự không hiểu, mẹ đã coi thường bố như vậy, sao lúc đầu còn lấy ông làm gì? Hay đúng là bà "có mắt như mù?"

Ông Đỗ không đáp lời, những lúc thế này ông thường giữ im lặng. Trước mặt con gái, bị vợ không tiếc lời chê bai như thế, trong lòng ông nhất định không dễ chịu chút nào. Tịch Nhan cảm nhận được sự khó xử của bố, liền giải vây: "Ăn dưa cà mắm muối cũng tốt mà. Người cao tuổi ăn nhiều đồ dầu mỡ, cũng không tốt đâu".

Được con gái lên tiếng ủng hộ, ông Đỗ nhanh chóng lấy lại tinh thần, ông cầm tách trà trên bàn lên, nhấp một ngụm, thư thái: "Vẫn là Tiểu Tịch hiểu bố nhất".

"Hiểu cái đầu ông ấy", mẹ quay mặt sang, trông thấy Tịch Nhan còn đang lười biếng nằm cuộn tròn trên sofa, tóc để xõa tung, mặc áo phông lùng bùng, mặt không son phấn gì, dưới ánh đèn tuýp trông sao mà chán đời.

"Chị cứ lo cho cái thân chị đi đã, con gái gì mà tóc tai xõa xượi, mặt mũi không chút sức sống, chị không biết đường mà đánh đấm vào à?"

Phen này thì gay rồi, đang dưng thì chọc vào tổ kiến lửa! Tịch Nhan ngẩng đầu nhìn về phía bố, ông cũng đang nhìn sang cô, chẳng nói chẳng rằng, ánh mắt hiện lên vẻ đồng cảm. Có chút gì đó ấm áp nhẹ lướt qua trong tim. Bố hiểu và đồng cảm với cô. Hai bố con từ lâu đã vượt qua sự xa cách ban đầu, ngày càng ý hợp tâm đầu.

Mẹ vẫn đang lải nhải trách móc, toàn những câu khó nghe. Từ lúc Tịch Nhan bắt đầu hiểu chuyện, bao trùm cả nhà luôn là sự lất lướt của mẹ, may mà bố luôn cư xử đúng mực, nhẫn nhịn bao nhiêu năm.

Trong mắt cô, bố chẳng có gì đáng chê trách cả, cần cù chăm chỉ làm việc, thẳng thắn thật thà, cả đời bôn ba vì sự nghiệp, làm lụng vất vả vì gia đình, tiền kiếm được tuy không nhiều, cuộc sống có đôi chút khó khăn, nhưng trước sau xứng đáng là người chồng người cha mẫu mực. Một người đàn ông như thế, dẫu không có gì nổi trội, nhưng lại đầy tinh thần trách nhiệm, đem lại cảm giác an toàn. Cô thực sự không hiểu nổi, mẹ còn chưa vừa lòng điều gì.

Có lẽ, cô cũng giống như bố, chỉ muốn làm một người bình thường, được lấy người mình thương yêu, có một mái nhà đơn sơ nhưng ấm áp tình thân.

Cô không cần thứ gì khác, cũng không lấy làm phiền với cuộc sống dung dị, thiếu thốn vật chất. Không cần gấm vóc lụa là, nhà cao cửa rộng, chỉ cần được ở bên người mình yêu thương, thì đó chính là thiên đường.

Chỉ vậy thôi, chỉ niềm hạnh phúc nhỏ bé ấy thôi, mà sao mãi vẫn không với tới được?

"... Con gái con đứa hai lăm hai sáu tuổi đầu rồi, vẫn không có bạn trai, chỉ định ở mãi cái nhà này làm bà cô hay sao?"

Mẹ đột nhiên cao giọng, làm cô được một phen hết hồn. Cô nuốt nước bọt, cố gắng giữ cho giọng nghe sao thật nhã nhặn: "Không gặp được người phù hợp, mẹ bảo con phải làm sao đây?"

"Điều kiện của cô chỉ có thế thôi, đừng có mà kén cá chọn canh, vừa vừa phải phải thôi là được rồi!". Giọng mẹ lạnh lùng, giọng điệu gay gắt.

Tịch Nhan nhanh chóng cụp mắt lại, không nói nên lời, lời nói của mẹ không gì khác ngoài ý muốn nhắc cô nhớ rằng - cô làm sao có thể so sánh được với Triều Nhan?

"Đúng đấy, Tiểu Tịch, xem xem đồng nghiệp xung quanh có ai phù hợp không?". Bố phá tan sự im lặng, nhiệt tình hỏi han, "Hay để hôm nào bố đến văn phòng môi giới hôn nhân đăng kí cho con, giáo viên cấp hai bây giờ cũng có giá lắm đấy..."

"Để sau đi bố". Tịch Nhan miễn cưỡng đáp, lòng bỗng thấy lạnh lẽo, mình thật sự đã trở thành người thừa, là món hàng ế trong mắt bố mẹ rồi sao.

"Phải khẩn trương lên, việc trọng đại của cả đời người, không thể lề mề được!", mẹ lên tiếng tổng kết buổi giáo huấn, nói rồi hướng ánh mắt quay trở lại màn hình tivi.

Tịch Nhan đang dợm đứng lên khỏi sofa, uể oải rời phòng khách sau một cơn "oanh tạc", trốn vào phòng của mình. Mẹ đột nhiên la lên thất thanh, đầy kinh ngạc: "Chẳng phải giám đốc điều hành của Trác Thị đây sao? Không ngờ lại trẻ thế này, xuất thân thế gia, lại du học từ Mỹ về, tiền đồ rộng mở khỏi nói!"

Người mẹ nói có phải là Trác Thanh Liên? Chớ vội coi thường quanh năm suốt tháng không bước chân ra khỏi nhà, ngày ngày mở hội mạt chược tại gia với mấy bà hàng xóm, những chuyện kiểu này hóa ra lại tường tận chi tiết.

Tịch Nhan ngẩng đầu, liếc qua tivi, Triều Nhan tay cầm micro, miệng cười duyên dáng, đôi mắt đẹp lúng liếng lấp lánh: "Thưa giám đốc Trác, vì sao ngày lại quyết định đầu tư xây dựng khu vui chơi giải trí quy mô lớn tại Thành Nam?"

Cảnh quay tiếp theo, chuyển sang phía Trác Thanh Liên. Anh ta vẫn nguyên vẻ nho nhã thường ngày, thần sắc điềm đạm ung dung, không kiểu cẩn trọng, tay chân thừa thãi không biết để đâu như những nhân vật nhận lời phỏng vấn khác.

"Tuổi ấu thơ của tôi gắn liền với ngõ Tử Trúc, tôi lớn lên cũng chính từ con ngõ cũ kỹ, đơn sơ ấy. Lúc rời xa nơi ấy, tôi đã từng hứa với một cô gái rằng, tôi nhất định sẽ quay về tìm cô ấy!"

"Điều đó thì liên quan gì tới quyết định xây dựng khu vui chơi giải trí của ngài?", Triều Nhan đưa ra câu hỏi mà ai cũng muốn biết đáp án.

Sau một thoáng trầm tư, Trác Thanh Liên đáp: "Tôi hy vọng các em nhỏ bây giờ có thể được sống một tuổi thơ đẹp đẽ, vui vẻ hạnh phúc, không như chúng tôi ngày xưa, chỉ biết chơi trò trốn tìm!"

Nói đến câu này, ánh mắt anh nhìn thẳng vào ống kính máy quay, ánh mắt lạnh mà chứa chan thâm tình ấy, khiến trái tim Tịch Nhan một phen hỗn loạn.

Trong ánh mắt ấy đúng là có điện, dù cách sau màn hình tivi vẫn đủ sức mê hoặc người ta.

"Khỏi phải nói, trông anh ta đứng cùng Triều Nhan của chúng ta, xứng đôi quá đi mất!"

Tiếng nói của mẹ đưa Tịch Nhan trở về với thực tại, thu lại ánh mắt nãy giờ bị hút chặt vào màn hình lúc đứng lên không cẩn thận va vào đầu gối mẹ, một cuộn len hồng rơi ra lăn tròn đến bên bàn uống trà.

Tịch Nhan cúi xuống nhặt lại cuộn len, mân mê cái thứ đồ mềm mịn như nhung ấy trong tay, khiến cô có cảm giác lâu lắm rồi mới gặp lại, trong đầu hiện lên một cảnh tượng mơ hồ nhưng rất đỗi thân quen.

Trong ánh hoàng hôn của một buổi chiều nào đó, lâu lắm rồi, ánh tà dương vàng rực chiếu xuống con ngõ nhỏ, một bà cụ tóc trắng xóa, đờ đẫn ngồi trên băng ghế dài, tay không ngừng đan len.

Cuộn len bảy sắc cầu vồng rơi xuống đất, bà cũng không hay biết, vẫn mải miết đan, mặt trời đã khuất núi rồi, bà vẫn ngồi nguyên chỗ cũ. Ngày nào cũng vậy, ngày nắng cũng như ngày mưa.

Mọi người trong ngõ đều gọi bà là "bà già điên", một vài đứa trẻ nghịch ngợm còn nhổ nước bọt ném đá về phía bà.

Mỗi lúc như vậy, lại có một cậu con trai đứng ra, mái tóc đen nhánh, gương mặt khôi ngô như tạc tượng, đôi mắt màu hổ phách, tuấn tú như chàng hòa tử trong truyện tranh Nhật Bản.

Cậu hét lên: "Cút hết đi!", rồi quăng vù vù cặp sách trong tay, như một quả chùy xích chĩa về phía bọn trẻ hồi nãy kiểu "vào đây cho biết tay". Sau một hồi la hét om sòm, lũ trẻ sợ chạy biến mất tăm. Ai chậm chân, không kịp chạy, thì bị nện cho một trận nên thân.

Khoan đã! Vừa nãy Trác Thanh Liên nói gì nhỉ?

"Tuổi ấu thơ của tôi gắn liền với ngõ Tử Trúc, tôi lớn lên cũng chính từ con ngõ nhỏ cũ kỹ, đơn sơ ấy".

"Lúc rời xa nơi ấy, tôi đã từng hứa với một cô gái rằng, tôi nhất định sẽ quay về tìm cô ấy!"

Giọng nói thâm trầm truyền cảm ấy, bỗng chốc bóp nghẹt trái tim Tịch Nhan

Cô nhớ ra rồi, cuối cùng cũng nhớ ra rồi...

Trác Thanh Liên, chính là cậu con trai sống trong ngõ nhỏ ấy.

Chương 13: Chuyện cũ thời niên thiếu

Lúc đó, cậu ta không tên Trác Thanh Liên, mà là Kiều Dật.

Kiều là họ mẹ, Dật là tên mẹ đặt cho cậu ta, nghĩa là "mất đi". Bởi cậu là đứa con không biết cha mình là ai.

Không chồng mà chửa, sinh ra đứa con lai lịch không rõ ràng, trong tư tưởng quan niệm cổ hủ ấy, chẳng khác gì kỹ nữ. Trong ngõ Tử Trúc, Kiều Dật và người mẹ "vô liêm sỉ" của anh đều là phận thấp kém, hèn mọn, bị người ta chỉ chỏ sau lưng: "Xem kìa, cái thứ nghiệp chủng không cha, cũng chả biết mẹ nó ngủ với ai đẻ ra nó nữa...". Thế nên, dù cho Kiều Dật có khuôn mặt khôi ngô tuấn tú hơn người, cũng vẫn không được người lớn và trẻ con yêu quý. Trên đời này, ngoài mẹ và bà ngoại, không có ai từng thực sự yêu thương cậu cả.

Cậu sở dĩ có mặt được trên đời này, người đầu tiên cậu phải cảm ơn, đó chính là bà ngoại. Mẹ mười chín tuổi đã có mang Kiều Dật, vốn định bỏ đi, chính bà ngoại đã hết lời khuyên nhủ mẹ giữ cậu lại. Bà ngoại lương thiện can ngăn: "Hãy giữ lại nó, dẫu sao cũng là một sinh linh nhỏ bé tội nghiệp!". Thế là, mẹ nghiến răng, bất chấp ánh mắt khinh nghiệt của người đời, sinh ra cậu.

Mẹ của cậu vốn rất đẹp, thời trẻ từng mệnh danh "hoa khôi ngõ Tử Trúc". Thân hình mảnh mai, làn da trắng ngần và đôi mắt to long lanh khiến bao người rung động.

Kiều Dật được kế thừa vẻ đẹp thiên phú ấy từ mẹ, từ nhỏ đã rất tuấn tú. Một khuôn mặt khôi ngô sinh ra trong hoàn cảnh gia đình phức tạp thường sản sinh ra tính cách cực đoan. Lớn lên trong những lời châm chọc mỉa mai nơi hang cùng ngõ hẻm, sớm trải nghiệm bao thăng trầm nhân thế, từ đó nuôi dưỡng tính cách lầm lì cộc cằn, lạnh lùng và kiêu ngạo ở cậu. Trong tim cậu, chỉ có bà ngoại và mẹ là những người thân yêu nhất, vì họ, cậu có thể bất chấp tất cả.

Kiều Dật lớn lên trong vòng tay yêu thương của bà ngoài, nên có tình cảm cực kỳ sâu sắc với bà. Năm câu mười tuổi, bà ngoại bị chứng mất trí do tuổi già, bệnh tình rất nghiêm trọng, mẹ cậu cũng không có tiền đưa bà đi bệnh viện. Bà cứ ra ngẩn vào ngơ, bất kể xuân hạ thu đông, ngày ngày quấn chặt chiếc áo bông cũ, đầu đội mũ len đen, ngồi như tượng sáp ngoài đầu ngõ, tay không ngừng đan áo len. Từ tinh mơ đến hoàng hôn, hết ngày sang đêm. Bà tay thì đan, miệng thì không ngớt lẩm bẩm: "Tiểu Dật à, bà ngoại đan áo cho con này, mùa đông đến sẽ không còn sợ lạnh nữa!"

Mẹ phải đi bán hàng, Kiều Dật thì phải lên lớp, không sao chăm sóc bà được. Có mấy ngày, mẹ quyết tâm, khóa cửa nhốt bà trong nhà trước khi ra ngoài. Bà ngoại trong nhà nước mắt ngắn dài, liên tục đập cửa sổ khẩn cầu: "Mau mở cửa ra, cho tôi ra ngoài đi!" chất giọng khàn đục, như những tiếng đàn run rẩy, vừa như rên rỉ van lơn, thê thiết mà tuyệt vọng. Cuối cùng, mẹ đành nuốt nước mắt mở cửa cho bà ra ngoài.

Kiều Dật mỗi chiều đi học về, đều trông thấy người trong ngõ Tử Trúc, nhằm hướng bà ngoại cậu mà chỉ trỏ, soi mói, những ánh mắt cười cợt ác ý ấy khiến cậu không sao chịu nổi. Nhưng điều khiến cậu bực nhất là lũ trẻ ranh trong sớm, ném đá, nhổ nước bọt vào bà cậu, láo toét xấc xược mà cười mà nói: "Bà già điên, ha ha, bà già điên!"

Nhìn vẻ mặt vô tội, ngây ngô của người bà bị nhục mạ giữa chốn đông người, Kiều Dật lòng đau như cắt từng khúc ruột. Cậu thét lên một tiếng, xông tới trước. Đường đường là một nam tử hán đại trượng phu, là người đàn ông duy nhất trong gia đình, nhất định phải bảo vệ người thân của mình, không để họ bị tổn thương! Cặp sách trong tay thành vũ khí, cậu nhằm hướng bọn chúng xông tới, với khí thế dũng mãnh không gì ngăn nổi, lần lượt hạ gục từng mục tiêu. Đợi đến lúc hoàn hồn lại, thì lũ trẻ kia đã khóc mẹ kêu cha, toán loạn chạy trốn rồi.

Không ngờ, lũ nhóc kia cũng không biết điều. Một hôm, chúng tập hợp vài tên côn đồ lớn trong ngõ Tử Trúc lại, mai phục trên đường cậu về nhà chờ thời cơ báo thù. Kiều Dật một thân một mình, thiểu số đánh không thắng nổi đa số, một lát đã bị đánh lăn ra đất.

Đại ca của lũ côn đồ là một tên chừng mười hai, mười ba tuổi, cậy thế lớn hơn, thường ngày vênh váo diễu võ dương oai khắp một vùng, tác oai tác quái đã thành thói quen, căn bản không coi cậu nhóc thấp hơn mình nửa cái đầu như Kiều Dật ra gì. Hắn quật cậu ngã xuống đất, một chân giẫm lên người cậu, giễu cợt: "Tiểu nghiệt chủng, cầu xin tha mạng đi, rồi "ông đây" tha cho!"

Giọng điệu khinh miệt của đối phương, phút chốc làm bừng lên ngọn lửa uất ức vì bị lăng nhục bấy lâu nay kìm nén trong lòng Kiều Dật.

Lẽ nào bởi vì anh là "tiểu nghiệt chủng", mà bất cứ ai cũng có quyền sỉ nhục, suốt đời không ngẩng mặt lên được sao? Kiều Dật thì không! Cậu thiếu niên khôi ngô trầm tĩnh có học ấy, bỗng vùng lên, hoàn toàn không quan tâm tới bản thân mình gầy guộc ra sao, đối phương to lớn thế nào, chỉ biết xông lên quyết chiến một phen...

Đây không phải là một trận đánh lộn bình thường, mà là trận chiến vì danh dự. Kiều Dật mồ hôi đầm đìa, trong mắt bừng lên ngọn lửa phẫn nộ, như một trận giao tranh giữa hai con mãnh thú, hoa chân múa tay, chiến đấu chống lại sự không công bằng của số mệnh, tuyên chiến với tất cả những kẻ từng miệt thị mình!

Đương nhiên, kết quả vẫn rất thảm. Kiều Dật bị tên côn đồ đó đánh cho một trận te tua. Bại trận lần đầu tiên trong đời, trong lòng tràn ngập nỗi nhục nhã và căm hận, lê bước chân mệt mỏi rã rời, từng bước từng bước khó nhọc tiến vào ngõ Tử Trúc.

Ánh nắng rơi rớt cuối ngày vương trên khuôn mặt sưng húp như cái bánh bao của cậu, cánh tay bị thương, áo quần tả tơi, vết máu loang lổ, toàn thân như vừa bước ra từ đấu trường A Tu La[1], sắc mặt u ám hung dữ, duy chỉ có đôi mắt sáng rực, sáng đến phát sợ.

[1] A Tu La: Một loại quỷ thần hiếu chiến, thường bị coi là ác thần và thường tranh đấu với Đế Thích không ngừng.

Về đến đầu ngõ, vốn định nhẹ nhàng lướt qua bà ngoại, chuồn về nhà rửa sạch vết máu và bùn đất dính trên người, rồi thay quần áo, chạy ra dắt bà về nhà.

Ai dè, lúc cậu bước ngang qua chỗ bà, trông thấy một cô bé lưng đeo cặp sách, bước đến bên bà, cúi xuống nhặt cuộn len đang rơi dưới đất lên, đặt vào trong tay bà.

Điều khiến cậu ngạc nhiên hơn nữa, là bà ngoại tưởng như vô tri vô thức, không có phản ứng trước bất kì sự vật nào lại đưa tay ra đón lấy, gương mặt còn ánh lên nụ cười hiền hậu mà lâu lắm rồi cậu không được thấy.

Còn đang ngơ ngác, Kiều Dật nghe tiếng cô bé nhẹ nhàng cất lên: "Bà à, bà ngồi đan áo suốt từ sáng đến giờ, chắc là cũng đói rồi. Cháu có mang quýt theo đây, cháu bóc cho bà ăn nhé, được không bà?"

Nghe tiếng bà ê a điều gì không rõ, âm thanh hòa lẫn vào nhau, đến Kiều Dật cũng nghe không hiểu. Cô bé dường như lại hiểu hết, lấy trong cặp ra một quả quýt, bóc vỏ, từng múi từng múi một đút vào miệng bà.

Bà ngoại há miệng ăn, ăn một cách ngon lành. Rất nhanh, múi quýt cuối cùng cũng được ăn hết, bà ngoại miệng vẫn còn tóp tép, như muốn ăn nữa. Cô bé nhẫn nại vỗ về: "Bà ơi, nếu bà thích ăn, mai cháu lại mang đến nữa mà".

Nói rồi, cô bé rút khăn tay ra, cẩn thận lau sạch nước miếng chảy ra trên khóe môi bà, cười tinh nghịch: "Dáng vẻ bà lúc ăn, giống hệt như ông nội cháu, toàn bị rớt nước miếng ra ngoài thôi!"

Cảnh tượng ấy diễn ra tự nhiên như đã quen thân từ lâu, dường như đã xảy ra rất nhiều lần rồi, như bức tranh đẹp đẽ ngát hương. Thậm chí nhiều năm sau này, cậu sớm đã rời xa ngõ Tử Trúc, vẫn không sao quên được cảnh tượng khi đó.

Tháng sáu Giang Nam, hương hoa chi tử ngào ngạt đất trời. Dưới ánh mặt trời chênh chếch phía Tây, một bà lão tóc bạc phơ, ngồi trên cái ghế đẩu thấp lè tè, một cô bé thanh tú mảnh mai, mặc bộ đồng phục quần xanh áo trắng giản dị, khuôn mặt nhỏ nhắn mộc mạc, phản chiếu dưới những tia nắng sặc sỡ, đẹp như cánh hoa chi tử, thuần khiết trong trẻo, trang nhã mà ngát hương.

Kiều Dật ngẩn ngơ đứng nguyên tại chỗ, chăm chú nhìn theo, cho tới khi cái bóng gầy gầy nhỏ nhắn của cô bé khuất dần sau màn sương chiều.

Ngay sau đó, cậu dò hỏi và biết được, tên của cô bé đó là Đỗ Tịch Nhan.

Chương 14: Ngõ Tử Trúc

Sáng sớm vừa ngủ dậy, Tịch Nhan liền nhận được điện thoại của Tiết Đình Chi, cô bé giọng nức nở run run, còn cả tiếng nấc nghẹn ngào: “Cô giáo Đỗ, nhà của bà ngoại bị người ta dỡ đi rồi, em…em biết sống đâu bây giờ…”.

Tiết Đình Chi sống cùng bà ngoại ở ngõ Tử Trúc, thuộc khu vực di dời trong khu quy hoạch lần này của nhà nước.

“Em đừng lo, cô sẽ tới ngay!”. Tịch Nhan hỏi địa chỉ, gác điện thoại, liền mau chóng thay quần áo và xuất phát. Đi qua hàng hoa quả, nghĩ lần đầu tới thăm cũng nên mua chút đồ làm quà cho người lớn tuổi.

Tay xách nách mang một đống quà, đi xe buýt thì bất tiện, cô bèn bắt taxi nhằm hướng ngõ Tử Trúc thẳng tiến.

Xuống xe ở đầu ngõ, Tịch Nhan có đôi chút lạ lẫm.

Tử Trúc là con ngõ cổ từ lâu lắm rồi, nghe đâu đã hàng trăm năm tuổi. Đường lát đá xanh, ngõ hẻm chật chội, lại quanh co uốn khúc, đứng đầu ngõ không sao nhìn thấy cuối ngõ. Hai bên đa số là những ngôi nhà mái bằng hoặc nhà gỗ mái ngói kiểu cũ thấp lè tè, tường xanh ngói xám, cửa chính gỗ, cửa sổ gỗ, cầu thang gỗ. Ngẩng đầu nhìn bầu trời bốn bề xung quanh, là áo quần, ga trải giường đủ các màu sắc giăng phơi từng hàng từng hàng, trông cứ như bao nhiêu quốc gia đang khoe quốc kỳ.

Những năm 80, 90 của thế kỷ trước, sự chênh lệch giàu nghèo chưa sâu sắc như bây giờ, Tịch Nhan khi ấy chưa bao giờ thấy việc sống trong một khu ổ chuột nghèo khó như ngõ Tử Trúc là điều đáng xấu hổ, ngược lại còn tìm thấy ở đó biết bao niềm vui.

Tịch Nhan thích nhất là những buổi chiều tối mùa hè. Mỗi khi màn đêm chực ập xuống, từng hộ từng nhà trong con ngõ nhỏ lại mang giường tre, hay vài cái ghế mây, ghế đẩu ra đặt trước hiên nhà. Cơm tối xong, người thì “buôn” chuyện đánh bài, người lại nằm khểnh chân hóng gió, có người còn cao hứng đem đàn ra hát. Các cụ già thì phe phẩy quạt ba tiêu, quạt giấy, quạt lông chim, lũ trẻ thì rủ nhau chơi trốn tìm, nô đùa, nghe người lớn kể chuyện ở bãi đất trống trước nhà.

Khi ấy, lũ trẻ trong những ngày hè chói chang, chỉ mong nhất được cầm trong tay một que kem sữa mát lạnh. Bình thường bọn chúng chỉ có thể ăn kem đường, năm xu một que của bà cụ trong ngõ làm. Kem sữa thì đắt hơn nhiều, những đứa trẻ trong ngõ Tử Trúc thông thường chẳng bao giờ dám mơ tới.

Những ngày hè trong ký ức của Tịch Nhan, là bầu trời đêm xanh thẳm, với chi chít những ngôi sao lấp lánh, tiếng ve râm ran trên cây, tiếng ếch kêu oàm oạp vọng lại, bóng đom đóm lập lòe bay qua bay lại…còn cả tiếng cười trong trẻo mà sảng khoái của bầy trẻ con, vẻ giản dị mà trong sáng của thời đại bấy giờ.

Tịch Nhan vẫn nhớ, đầu ngõ có mấy cây chi tử, xanh um tươi tốt, tràn đầy sinh khí, làm nền cho con ngõ nhỏ mộc mạc cũ kỷ, khiến nó trở nên rạng rỡ sinh động. Hàng năm cứ đến tháng Năm, tháng Sáu, trong tán lá xanh um hình bầu dục thấp thoáng những bông hoa chi tử trắng tinh dày đặn, từng chùm từng chùm đua nhau nở. Cánh hoa tầng tầng lớp lớp, hương thơm lan tỏa, nồng nàn mà bền lâu.

Trở về từ nhà ông nội ở quê, nhìn thấy những cây chi tử này, Tịch Nhan như gặp lại bạn cũ, vô cùng thích thú. Hàng ngày sau giờ học, Tịch Nhan đều quyến luyến quẩn quanh dưới gốc cây. Cô như mê muội hương hoa chi tử, mỗi lần bước qua đây, đều cảm thấy tâm hồn thư thái.

Nhưng bây giờ, đã không còn chút tâm tích cây chi tử nào nữa, khắp nơi chỉ còn cảnh hoang tàn đổ nát, là cảnh ngổn ngang bộn bề sau cuộc di dời. Tịch Nhan mặc kệ đám bụi mịt mù xộc vào mũi, bước vào hiện trường phá vỡ. Vừa được vài bước, phía trước có người ngăn lại: “Ở đây đang phá vỡ nhà, nguy hiểm lắm, mời cô ra ngoài cho!”

Tịch Nhan cất tiếng hỏi: “Các căn nhà quanh đây đều dỡ bỏ rồi sao? Nhà số 45 ngõ Tử Trúc đã dỡ chưa?”

“Nhà số 45?”, người đó chau may, đưa mắt nhìn cô một lượt từ đầu đến chân: “Đó là hộ đang bị cưỡng chế, họ sống chết nhất quyết không chịu dời đi. Chúng tôi đang làm công tác tư tưởng”.

“Đó là nhà học trò của tôi, tôi phải đi tìm họ”. Tịch Nhan bỏ qua lời khuyên can của mấy người công nhân, cẩn thận bước qua đám gạch ngói vỡ và cột nhà ngổn ngang trên nền đất, tìm đến nhà số 45 ngõ Tử Trúc.

Kỳ thực rất dễ tìm, không cần nhìn số nhà, bởi những nhà xung quanh đều đã dỡ bỏ rồi, chỉ còn ngôi nhà gỗ nhỏ rách nát đứng chơ vơ. Tịch Nhan gõ nhẹ lên tấm cửa gỗ sơn đỏ loang lổ, một lúc lâu sau mới có tiếng khe khẽ đáp lời: “Ai đó?”

“Tiết Đình Chi, là cô, cô giáo Đỗ đây”.

Cánh cửa gỗ mau chóng được mở ra, Tiết Đình Chi đứng bên trong cánh cửa, vừa nhìn thấy cô, tròng mắt bỗng chốc đỏ hoe: “Cô giáo Đỗ…”

Tịch Nhan theo cô trò nhỏ bước vào trong, bên trong có một khoảng sân tương đối rộng, ở giữa trồng một cây chi tử. Vòng hoa chi tử còn nguyên sương sớm lúc trước, phải chăng do chính bà ngoại của Tiết Đình Chi hái từ trên cây này xuống.

Ngôi nhà của Tiết Đình Chi, không có gì hơn ngoài bốn bức tường, trừ bàn, ghế, giường ra, tuyệt nhiên không có thứ gì đáng tiền. Hai bà cháu dựa vào nhau mà sống, chỉ biết trông chờ vào chút tiền trợ cấp của nhà nước mà duy trì cuộc sống, gia cảnh vô cùng khó khăn.

Bà ngoại của Tiết Đình Chi là một bà lão nhỏ nhắn nhưng minh mẫn, mặc dù đầu tóc bạc phơ, khuôn mặt đầy những nếp nhăn, nhưng ánh mắt vẫn sáng, sức khỏe vẫn tốt. Bà cụ tính tính ngay thẳng, kiên quyết không nhận quà mà Tịch Nhan mang đến, chỉ nắm tay cô, khẩn khoản: “Cô giáo Đỗ, mong cô giúp bà cháu chúng tôi, giữ lại ngôi nhà cũ kỹ này”.

Người già đều rất hoài cổ, ngôi nhà đã gắn bó gần cả cuộc đời, ai nỡ dứt bỏ ra đi? Hơn nữa, bà cụ không xu dính túi, mẹ Tiết Đình Chi đã tái giá, lại vừa nghỉ việc, lấy đâu ra tiền mà mua nhà khác?

Dù như vậy, Tịch Nhan vẫn hết lời khuyên nhủ: “Lần di dời này là chủ trương của nhà nước, nhà mình cũng không thể không theo, trước sau gì rồi cũng phải chuyển. Hay mình cứ chuyển tới khu tái định cư đã được sắp xếp, căn nhà này diện tích cũng tương đối lớn, tính theo giá thị trường bây giờ, có lẽ cũng không phải bù thêm nhiều đâu ạ. Mà nếu cần, cháu có thể giúp bà ứng ra trước…”

“Thế sao được?”, giọng bà cụ có phần kích động, “Lúc trước cô đã giúp nộp tiền học cho Đình Chi nhà chúng tôi, tôi còn chưa trả được! Bà cháu tôi tuy nghèo khó, nhưng có thể gặp được cô giáo tốt như cô, cũng là phúc phận mấy đời nhà chúng tôi rồi!”

Bà cụ cuối cùng cũng bị Tịch Nhan thuyết phục, đồng ý rời đi, chỉ mong gia hạn thêm vài ngày, vì còn phải thu dọn đồ đạc và tìm chỗ ở mới. Tịch Nhan nói: “Hay là thế này đi, bà và Đình Chi tạm thời dọn đến ký túc trường cháu ở tạm. Nghỉ hè cháu ở nhà bố mẹ mà.”

Bà cụ cảm động khôn xiết, không ngớt lời “làm phiền cô giáo Đỗ nhiều quá”. Tịch Nhan an ủi bà cháu thêm đôi câu, rồi cáo từ ra về. Trước khi về, nhân lúc bà cụ không để ý, bèn lén để giỏ quà lại trong phòng.

Cô lần theo lối cũ, lúc quay ra đến đầu ngõ, không cẩn thận giẫm phải cái đinh.

Mũi đinh vừa nhọn lại vừa sắc lại còn loang lổ vết gỉ sét xuyên qua đế dép, đâm qua da thịt, đau như xát muối.

Tịch Nhan cố nén cái đau nhói buốt, cà nhắc từng bước một băng qua đống đổ nát, nhằm hướng bến xe buýt phía bên kia đường.

Nhìn cô đi lại khó khăn, taxi đi ngang qua, đều cố ý giảm tốc độ, còn nhấn còi bim bim. Tịch Nhan chỉ biết lắc đầu, vừa nãy lúc đi đã gọi xe, mua quà, giờ trong túi chỉ còn vài đồng lẻ, chỉ có thể đi xe buýt.

Một chiếc ô tô đen lướt qua bên cạnh, tiến được vài mét, rồi đột ngột phanh gấp, quay đầu xe, tiến về phía cô, cuối cùng dừng lại trước mặt cô.

Tich Nhan thấy khó hiểu quay đầu lại, thấy chiếc xe Benz màu đen này sao quen quen.

Tim cô bỗng thót lại, không ngờ rằng, vào lúc này, xuất hiện tại chính nơi này.

Đúng lúc cô thảm hại, không nơi nương tựa như thế này.

Cửa xe nhanh chóng mở ra, một luồng gió lạnh phà tới.

“Đỗ Tịch Nhan, lên xe”. Năm từ ngắn gọn mà đầy sức mạnh, từng từ từng từ một vang vọng vào lòng cô.

Cô ngước mắt nhìn lên, một lần nữa, lại bắt gặp đôi mắt màu hổ phách ấy.

Con phố một sáng mùa hè, ánh mặt trời hừng hực, đứng gió, thời gian dường như cũng ngừng lại.

Anh gọi cô “Đỗ Tịch Nhan”, anh đã nhận ra cô từ lâu, nhưng lại xem cô như con chuột để vờn đùa.

Dù là Trác Thanh Liên của hiện tại, hay là Kiều Dật của ngày trước đều thích chơi trò trốn tìm.

Chương 15: Trốn tìm

Sở dĩ Kiều Dật thích chơi trò trốn tìm, cũng đều là vì Tịch Nhan.

Từ sau buổi chiều hôm ấy, anh bèn để ý quan sát cô. Cô bé trong sáng thánh thiện như thiên sứ ấy, kỳ thực cũng cô đơn giống như anh.

Tịch Nhan không có bạn chơi cùng, tất cả những cô bé, cậu bé chơi với cô, cũng chỉ vì người chị xinh đẹp nhưng kiêu ngạo của cô mà thôi.

Không thể không công nhận, Đỗ Triều Nhan thực sự là một tiểu mỹ nhân, da trắng như tuyết, mắt sáng răng trắng, phục sức thu hút mà hợp thời, càng làm tôn lên vẻ đẹp rực rỡ hơn người của cô.

Nhưng Kiều Dật lại không thích cô, cảm thấy cô kiêu ngạo ích kỷ, lại còn ra dáng điệu bộ. Đương nhiên, một Đỗ Triều Nhan cao ngạo xinh đẹp như công chúa, lúc nào cũng có hàng tá con trai vây quanh, cũng không khi nào để ý tới một Kiều Dật lặng lẽ trong góc tối là cậu.

Tịch Nhan vừa từ quê trở về nhà, vừa nhút nhát lại hướng nội, không hòa đồng, Đỗ Diệu Hoa lo rằng dần dà, cô bé càng trở nên nội tâm khép kín. Để tìm người chơi cùng với con gái, ông thậm chí mang “vật chất” đem ra mua chuộc. Chủ nhật nọ, Đỗ Diệu Hoa chặn đường Kiều Dật đang chạy chơi trong ngõ lại, dùng một que kem sữa “mua chuộc”, để cậu chơi cùng Tịch Nhan một buổi chiều.

Que kem sữa vừa thơm ngọt lại mát lạnh giữa ngày hè oi bức, đối với một đứa trẻ mười tuổi mà nói, rõ ràng có một sức hút ghê gớm. Kiều Dật vui vẻ nhận lời, thế là, Đỗ Diệu Hoa giao cô con gái út của mình cho cậu, rồi vội vội vàng vàng tới cơ quan làm thêm.

“Nói xem, cậu thích chơi trò gì?”, Kiều Dật hỏi.

“Trốn tìm”, cô bé tám tuổi Tịch Nhan cúi đầu thật thấp, rụt rè tự ti, so với cô bé miệng cười rạng rỡ, dịu dàng tựa thiên sứ trong buổi chiều hôm trước, dường như là hai con người hoàn toàn khác.

Chơi được nửa tiếng, dáng vẻ rụt rè của cô bé gầy gò mỏng manh này khiến Kiều Dật cảm thấy tẻ nhạt. Rất nhanh, cậu bỏ lại cô, chạy chơi một mình.

Đến chiều tối, Kiều Dật ra đầu ngõ dìu bà ngoại về nhà, rồi giúp mẹ dọn hàng. Hết việc này tới việc kia, chả mấy chốc trời đã tối mịt. Vừa lúc cả nhà đang chuẩn bị dọn cơm, Đỗ Diệu Hoa đột nhiên gọi cửa. Người đàn ông nho nhã, học thức là thế, cửa vừa mở liền túm ngay lấy cậu, nôn nóng hỏi:

“Có thấy Tịch Nhan nhà tôi đâu không?”

“Không phải em ấy đã về nhà từ lâu rồi sao?”

“Đâu có, nó vẫn chưa về nhà.”

Kiều Dật lúc này mới nhận thức được rắc rối mà bản thân đang phải đối mặt, tim thót lại, cậu vội vàng lao ra khỏi nhà, chạy như bay tới chỗ chơi trốn tìm khi chiều.

Tối hôm đó, cậu và Đỗ Diệu Hoa lùng sục lục tung cả con ngõ lên, cũng không thấy bóng dáng của Tịch Nhan đâu cả.

“Đỗ Tịch Nhan, Đỗ Tịch Nhan…” Cậu gọi to, trong lòng có lửa đốt, không ngừng oán trách bản thân. Tại sao lại bỏ rơi cô bé? Nhỡ đâu có chuyện gì với cô bé…Không, không đâu! Cô bé nhất định sẽ không sao cả!

Cậu bé trước nay lạnh lùng cao ngạo là thế, nay lần đầu tiên nếm trải thế nào là sợ hãi và lo âu.

Bỗng, từ phía sau cây chi tử đầu ngõ, truyền lại âm thanh yếu ớt, hình như là tiếng con gái đang nức nở.

Cậu luồn ra phía sau cây, bắt gặp Tịch Nhan gầy nhom đang ngồi trong bóng tối dưới gốc cây, nước mắt nước mũi tèm lem.

“Đỗ Tịch Nhan, em trốn ở đây làm cái gì?” Cậu nói qua tiếng thở hổn hển, gần như phát cáu.

Tịch Nhan ngước mặt lên nhìn cậu, bỗng nhoẻn miệng cười, long lanh rực rỡ.

Nói rồi cô ùa vào lòng cậu, reo lên: “Cuối cùng anh cũng tìm thấy em rồi!”

Đúng là đồ ngốc, đến giờ mà vẫn nghĩ là đang chơi trò trốn tìm hay sao!

Kiều Dật nghĩ, lòng chua xót, bất giác đưa cánh tay ra, ôm cô bé chặt hơn vào lòng.

Tịch Nhan tựa vào lòng anh, lặng yên hồi lâu mới khẽ nói: “Trước nay chưa có ai từng tìm được em cả, anh là người đầu tiên…”

Kiều Dật thấy tim mình thắt lại, cúi đầu xuống, vừa hay nhìn thẳng vào đôi mắt đen láy của cô bé. Ánh mắt lấp lánh, trong đó phản chiếu hình ảnh khuôn mặt cậu.

Không lâu sau, Đỗ Diệu Hoa cũng tìm được tới nơi. Kiều Dật không nói thêm lời nào, lặng lẽ trở về nhà, ăn cơm, học bài như thường ngày.

Đến tối đi ngủ, cậu giấu mặt vào chăn, trước mắt hiện ra, là vô số những đôi mắt trong veo sáng rỡ, long lanh ngấn lệ.

Bây giờ hồi tưởng lại, Tịch Nhan là chút dịu dàng duy nhất trong ký ức gần hai mươi năm nay của cậu, và cũng là…mối tình đầu.

Trác Thanh Liên ngồi trong xe, nhìn cô không chớp, ánh nhìn dịu dàng dần dâng lên trong mắt. Những ký ức ấu thơ hiện ra mồn một, sống động như mới chỉ hôm qua, bóp nghẹt lấy trái tim anh.

Tịch Nhan thì không sao chịu nổi. Ánh mắt tha thiết như thiêu như đốt của anh, dường như đang nhìn không phải cô, mà là một người khác.

Cô trốn tránh ánh mắt nồng nhiệt quá đỗi của anh, thoáng chút do dự, rồi tiếp tục bước về phía trước.

“Đỗ Tịch Nhan!”, anh gọi tên cô lần thứ hai, “Tôi bảo cô lên xe”.

Cô dừng bước, nhìn chằm chằm người đàn ông đang ngồi trên ghế lái. Gương mặt khôi ngô tuấn tú, cử chỉ tao nhã phóng khoáng, tựa như hoàng tử cưỡi ngựa trắng tới cứu công chúa gặp nạn. Đáng tiếc là, cuộc đời cô từ lâu đã có một hoàng tử khác.

Cô hắng giọng, đáp lại bằng giọng khiêu khích: “Thưa ngài, tại sao tôi phải lên xe ngài? Mà tôi cũng không biết ngài là ai cả!”

Trác Thanh Liên nghe tim mình run rẩy, ánh long lanh nơi đáy mắt lui dần, thay vào đó vẻ trầm ngâm.

“Em…”, anh bỗng có chút căng thẳng, giọng bỗng hóa khàn đục, “Không nhớ tôi một chút nào hay sao?”

Một người luôn giữ được bình tĩnh trước mọi người, tự tin thoải mái trước ống kính máy quay, giờ lại ngượng nghịu, lúng túng thế này, quả thật là hiếm thấy. Tịch Nhan bỗng nảy ra ý định trêu chọc. Cô nhướn mày, ra vẻ ngạc nhiên nhìn anh chằm chằm: “Kỳ quái! Tôi nhất thiết phải nhớ anh sao? Mà rốt cục anh là ai mới được?”

Trác Thanh Liên tưởng như nghe tiếng trái tim vỡ vụn trong lồng ngực.

Đáng lẽ ra, anh không nên cảm thấy bất ngờ.

Mười năm trước, cô từ lâu đã không quen anh rồi.

Full | Lùi trang 2 | Tiếp trang 4

Loading...

Tiểu thuyết tình yêu là website chia sẻ những thể loại truyện hay nhất hiện nay, được nhiều người đọc yêu thích. Truyện được cập nhập hàng ngày. Hãy lưu địa chỉ web để truy cập nhanh hơn!

Chúc các bạn online vui vẻ !

Laptop Tùng Anh

Tour Phú Quốc

Vinhomes Cầu Rào 2

Trang Chủ