Tiểu thuyết tình yêu

Tiểu Thuyết Tình Yêu

Đọc truyện tại Tiểu Thuyết Tình Yêu

Loading...

Tiểu thuyết - Cho anh nhìn về em Quyển 1 - Trang 4

Full | Lùi trang 3 | Tiếp trang 5

Chương 13 – Chưa kịp bắt đầu đã kết thúc

…Nhưng mà, mọi việc không nên thế này. Tiểu Bắc, anh không ngờ rằng anh vừa mới bắt đầu chuẩn bị, cô ấy đã nhấn nút kết thúc.

Hàn Thuật trở về nhà, đi qua phòng bảo vệ anh nhìn thấy Chu Tiểu Bắc lưng đeo chiếc vợt cầu lông đang nói chuyện với nhân viên bảo vệ, lúc này anh mới nhớ ra mình và Tiểu Bắc hẹn nhau mỗi tuần gặp một lần. Anh chán nản xem lại đồng hồ, may mà cách giờ hẹn vẫn còn ba phút nữa, Chu Tiểu Bắc đến sớm rồi, nhưng trên tay Hàn Thuật đang cầm tấm rèm cửa mới mua, bỗng dưng anh cảm thấy hơi ngại.

Tiểu Bắc đang nói chuyện rất sôi nổi với chú bảo vệ đã ngoài năm mươi, phải có người khác nhắc thì cô mới để ý tới Hàn Thuật vừa đi qua. Cô túm chiếc vợt cầu lông vừa đi vừa nhảy đến bên Hàn Thuật rồi cầm cổ tay anh giơ lên xem đồng hồ, cô cười nói: “Sặc, những nhân tài như anh đều căn thời gian chuẩn thế sao?”

Hai người đã hẹn đi đánh cầu lông cùng nhau, sân bóng cũng đã đặt trước rồi. Hàn Thuật là người có sức lực tràn trề và yêu thể thao, nếu như lâu lâu không được hoạt động chân tay thể nào anh cũng thấy bứt rứt không yên. Lần này nhìn thấy Chu Tiểu Bắc trong bộ đồ thể thao từ đầu đến chân, không hiểu sao anh lại thấy có chút mệt mỏi. Nhưng anh không muốn làm Chu Tiểu Bắc mất hứng, dù sao chăng nữa anh cũng đã hẹn trước với cô rồi, vì vậy anh nói: “Cho anh năm phút, anh lên tầng thay quần áo, em lên đó ngồi nghỉ một chút hoặc ở đây tiếp tục nói chuyện, chỉ vài phút là anh xong thôi.”

Chu Tiểu Bắc không phản ứng gì, đi theo Hàn Thuật, được vài bước thấy xung quanh không có người, cô trêu anh: “Lông mày của anh đã mọc lên tận đỉnh đầu rồi kia kìa, một tuần rồi không gặp, không lẽ anh đã từ chức bố vinh dự lên chức ông ngoại rồi hay sao?”

Hàn Thuật giả vờ cười thật to: “Buồn cười quá nhỉ.”

“Nói thật nhé, quen nhìn cái vẻ vênh váo thường ngày của anh rồi, trông anh lúc này thành ra lại không quen lắm.”

Hàn Thuật đưa hai tay lên bóp mặt, làm điệu bộ thay đổi vẻ mặt, anh nở nụ cười tiêu chuẩn lộ ra sáu chiếc răng cửa và nói với Tiểu Bắc: “Như thế này cô nương đã hài lòng chưa?”

Nói xong anh tiếp tục băng qua bãi cỏ tiến về phía thang máy, Chu Tiểu Bắc vội vàng đuổi theo: “Thế này mới được chứ. Mà đúng rồi, Hàn Thuật…”

Khi cô đang nói câu này, không hiểu tại sao mà Hàn Thuật đang tiến về phía trước bỗng nhiên đứng sững lại như thể vừa nghĩ ra cái gì đó, Chu Tiểu Bắc dừng không kịp, thiếu chút nữa là đâm sầm vào lưng Hàn Thuật.

“Em có chuyện này muốn nói với anh.”

“Tiểu Bắc, anh có chuyện này muốn nói với em.”

Hai người gần như cùng lúc nói ra cùng một câu nói, nói xong cả hai đều ngẩn người ra.

“Em nói trước đi.” Hàn Thuật từ bỏ ý định nói chuyện hẳn hoi với Tiểu Bắc mà anh vừa chợt nghĩ ra, anh tôn trọng nguyên tắc “ưu tiên nữ giới”.

Chu Tiểu Bắc chống nạnh cười hì hì: “Những lúc như thế này chúng ta lại tâm đầu ý hợp thế nhỉ. Cho em nói trước thật à? Vậy được rồi!” Cô đứng thẳng người giả bộ nghiêm túc: “Anh Hàn Thuật, hai ngày nữa có thể em sẽ rời thành phố G, có một số việc em cần phải về Tân Cương để giải quyết.”

Cho dù vào thời điểm này nhưng sự nhạy cảm trong nghề nghiệp vẫn khiến Hàn Thuật chú ý tới cách dùng từ đặc biệt trong lời nói của Chu Tiểu Bắc, nói về Tân Cương, cô ấy dùng từ “về” chứ không phải là “đi”, cứ như nơi đó là quê hương của cô vậy, nhưng rõ ràng cô là người sinh ra và lớn lên ở đất Thẩm Dương, Tân Cương chẳng qua chỉ là nơi cô từng theo học trong một thời gian ngắn ngủi mà thôi.

Hàn Thuật quyết định không nói ra điều này, anh nhún vai: “Bao giờ thì em đi? Có việc rất quan trọng ư?”

“Chút việc riêng ấy mà, nhưng cũng có thể nói là quan trọng đối với em.”

“Thế cũng có vấn đề gì đâu, có cần anh đặt vé cho em không? Khi nào thì đi, để anh đưa em ra sân bay?”

“Đưa tiễn gì chứ, em có thiếu chân thiếu tay đâu, sân bay thì ai chẳng biết đi?” Chu Tiểu Bắc sồn sồn nói.

“Đi mấy ngày? Nếu không thì lúc em quay lại anh ra sân bay đón em?”

“Không cần đâu, em cũng chưa chắc là khi nào quay lại, em cũng đã xin trường cho nghỉ phép dài ngày rồi.”

“Ồ.” Hàn Thuật ngừng lại một lúc, anh thật sự có đôi chút khó hiểu, “Liệu có phải đã xảy ra chuyện gì không? Anh có thể giúp gì được em không?”

“Có lẽ là không.” Chu Tiểu Bắc cười nói, cô gãi gãi đầu, “Hàn Thuật, chúng ta cũng quen biết nhau lâu rồi đấy nhỉ?”

“Ừm.”

“Anh ấy, tuy là tính cầu kỳ lại hay thích làm đẹp, nhưng cũng vẫn đáng yêu ra phết.”

“Xin em đấy, đừng khen anh nữa, anh chịu không nổi!”

“Đừng có ngắt lời em, em khen anh chỉ là dạo đầu thôi, ý em muốn nói là… anh cũng nên thử xem, có những nơi, có những người, tuy không có gì là thú vị nhưng lại có một thứ rất khó diễn… biết nói thế nào nhỉ, sức hấp dẫn ư?”

Hàn Thuật im lặng nhìn Chu Tiểu Bắc, Chu Tiểu Bắc tự thấy những lời mình nói đến bản thân mình nghe còn thấy đau đầu, thế mà không hiểu tại sao cô lại tin chắc rằng Hàn Thuật sẽ hiểu được ý của cô.

Đúng vậy, Hàn Thuật nghe những lời nói của Chu Tiểu Bắc cũng mơ hồ hiểu được chút gì đó, anh đứng im tại chỗ, không nói gì, những lời định nói lúc trước giờ đã chẳng còn cần thiết phải nói ra nữa.

“Đến lượt anh rồi đấy, Hàn Thuật.” Chu Tiểu Bắc làm ra bộ chăm chú lắng nghe”. Một lúc sau vẫn chưa thấy Hàn Thuật nói gì.

“Anh câm rồi hay sao thế? Em cứ tưởng rằng anh định nói với em về cái rèm cửa mới của nhà anh đấy.”

Chu Tiểu Bắc tính tình phóng khoáng nhưng không phải là người hời hợt vô tâm, Hàn Thuật biết rõ điều này. Anh giơ thứ trong tay mình lên nhìn, cái gọi là bí mật chẳng qua chỉ là người trong cuộc tự mình cảm thấy là bí mật mà thôi.

Anh hỏi thẳng một cách dứt khoát: “Tiểu Bắc, em và cô ấy… bọn em quen nhau thế nào vậy?” Anh đã nghĩ kỹ rồi, nếu như Chu Tiểu Bắc có hỏi “cô ấy” là ai, anh sẽ làm như là chưa nói gì, rồi cho qua chủ đề này.

Chu Tiểu Bắc nghiêng đầu, Hàn Thuật ban đầu tưởng rằng cô đang không hiểu tại sao anh lại hỏi một câu kỳ lạ như vậy, nhưng hóa ra là cô đang hồi tưởng lại.

“Em tưởng anh sẽ hỏi em câu này sớm hơn, người miền Nam các anh đúng là hơi thiếu thẳng thắn. Anh muốn hỏi em và Tạ Cát Niên đúng không? Em và Tạ Cát Niên quen nhau trên chuyến tàu vào năm ngoái, cô ấy từ thành phố G tới Lan Châu, đúng lúc đó em cũng phải chuyển tàu từ Lan Châu đến Ô Lỗ Mộc Kỳ, ba mươi sáu tiếng đồng hồ, gần hai ngày hai đêm, cô ấy lại ngồi ngay đối diện với em, muốn không quen nhau cũng khó. Nói ra thì anh cũng không tin được, sự trùng hợp còn ở phía sau nữa cơ, lần đó em về Tân Cương chưa được bao lâu, vừa làm xong thủ tục đã lại phải vội vội vàng vàng quay về, không ngờ trong lúc chờ tàu ở ga Lan Châu em lại gặp cô ấy cũng đang trên đường trở về. Vé của em và cô ấy không cùng một toa tàu, thế là em phải đổi chỗ cho người khác, và lại ngồi đối diện với cô ấy. Anh không biết chứ, cô ấy hay lắm.”

“Lan Châu?” Hàn Thuật vắt óc tìm lại trong ký ức nghèo nàn của mình về Tạ Cát Niên, không có bất cứ điều gì liên quan đến địa danh này cả, hơn nữa, theo những thông tin thu thập được từ hồ sơ của Cát Niên, bố mẹ của cô đều không có ai là người miền Bắc. Anh không biết tại sao cô thân gái một mình xa xôi ngàn dặm lặn lội đến tận vùng phía Bắc làm gì.

Chu Tiểu Bắc hình như đã đoán ra được sự nghi ngờ của anh, cô nói: “Người ta đi du lịch đấy. Làm sao? Không được đi du lịch một mình à? Cách nghĩ của anh sao mà tầm thường thế nhỉ… Đừng có tưởng chỗ bọn anh đây thì bốn mùa đều đẹp, còn vùng sa mạc Tây Bắc thì trơ trọi sỏi đá nhé, thật ra ở đó có nhiều nơi đáng đi tham quan lắm đó.”

Đã nói đến đây rồi, Hàn Thuật cũng không muôn giấu giếm nữa, anh hỏi tiếp: “Lúc ở trên tàu cô ấy nói chuyện gì với em?”

“Thật ra anh muốn hỏi là cô ấy có nhắc đến anh hay không chứ gì?” Chu Tiểu Bắc nói không một chút vòng vo, khiến cho Hàn Thuật thấy hơi lúng túng, tuy rằng đây đúng là ý muốn của anh.

Hàn Thuật lúc này mới để ý thấy hai người bọn họ đang đứng cạnh thùng rác bên thảm cỏ, một nơi thật chẳng có không khí chút nào, cuộc đối thoại bất thình lình này vốn đã đầy đường đột. Anh và Chu Tiểu Bắc đường đường là một đôi tình nhân nhưng khi nhắc đến chuyện riêng của nhau, hai người lại có vẻ chẳng để tâm chút nào, cảm giác này nếu suy nghĩ sâu hơn một chút, sẽ thấy thật kỳ lạ, trước đây hình như cả hai người đều không nhận ra điều này, họ đều vô tâm như nhau, hay cả hai đều cố tình lảng tránh? Có lẽ lần đầu tiên ở cửa hàng vải Chu Tiểu Bắc đã nhận ra điều gì đó, đã có cái gì đó rất rõ rệt nhưng cô không hỏi gì cả. Cũng như vậy, Hàn Thuật cũng không hề truy hỏi, người bạn gái Chu Tiểu Bắc của anh vì có gì mà vội vàng đi Tân Cương, đến cả ngày trở về cũng không rõ?

Chu Tiểu Bắc liếc nhìn thứ Hàn Thuật đang cầm trong tay: “Rèm cửa mới trông đẹp thật đấy. Các cửa hàng thích nhất những khách hàng như anh đấy. Hàn Thuật, những chuyện anh muốn biết, sao anh không tự mình hỏi cô ấy, em thề là, nếu như ngay từ đầu em biết em và cô ấy có mối liên hệ như vậy em đã hỏi han cho thật cặn kẽ rồi.”

Hàn Thuật có hiểu rõ hơn ý của Chu Tiểu Bắc, nhưng đôi mắt của cô vẫn bình thản đến lạ thường: “Hàn Thuật, anh cho rằng Phi Minh là con của anh sao? Em đã đánh hai trận cầu cùng cô bé này rồi, tuổi nhỏ nhưng đánh tốt lắm, vài năm nữa chắc em không thắng nổi cô bé đó đâu.”

Hóa ra ngay cả Tạ Phi Minh cô ấy cũng biết rồi. Hàn Thuật lắc đầu: “Anh không biết. Có lẽ là không phải… nhưng anh chợt cảm thấy, hình như không phải vấn đề về đứa nhỏ. Hôm nay anh đã đi tìm Tạ Cát Niên, đúng vậy, anh thừa nhận rằng trong lòng anh cảm thấy có lỗi, chỉ một câu nói thôi, cô ấy nói cô ấy tha thứ cho anh rồi, tất cả những gì trước đó đều đã qua rồi… nhưng mà, mọi việc không thể như thế được. Tiểu Bắc, anh không ngờ rằng anh vừa mới bắt đầu chuẩn bị, cô ấy đã nhấn nút kết thúc.” Sau đó, anh tự cười giễu mình. “Anh không biết làm thế nào để dừng mọi chuyện lại, không lâu trước, anh đã nói dối trước mặt giáo viên của con bé, họ đều tưởng rằng anh là bố của con bé thật.”

“Thường ngày trông anh khôn ngoan thế mà sao đến lúc quan trọng thì lại ngớ ngẩn vậy chứ… thôi được rồi, em hiểu rồi. Thế anh nói hay em nói đây?” Chu Tiểu Bắc vỗ vai Hàn Thuật bằng tư thế anh em mình đi đâu mà thiệt quen thuộc.

“Nói á? Nói cái gì cơ?”

“Đừng giả ngốc với em, trông anh đâu giống người hay nói thừa đâu.”

Hàn Thuật im lặng trong giây lát, nắm lấy bàn tay đang đặt trên vai mình của Chu Tiểu Bắc: “Chẳng bằng chờ em đi Tân Cương về rồi mình nói chuyện còn hơn. Nếu như em ở đó… ở đó… tóm lại, Tiểu Bắc à, cho dù cuối cùng quyết định thế nào đi chăng nữa, thì trong việc này người sai vẫn là anh.”

Chu Tiểu Bắc không nghĩ vậy: “Cho dù ai đúng ai sai đi chăng nữa thì thể nào em cũng bị mẹ em cho một trận, đối với bà, bỏ đàn ông là điều đáng hổ thẹn, bị đàn ông bỏ thì càng hổ thẹn hơn… anh đi thay đồ nhanh lên cho em nhờ đi, anh đã hứa là đánh với em ba tiếng cầu lông rồi đấy nhé, nhân lúc tâm trạng anh không tốt, bản cô nương không tin rằng lại không thắng nổi anh!”

Chu Tiểu Bắc và Hàn Thuật thực ra chỉ đánh được khoảng 40 phút, vì trong lúc đánh điện thoại của Hàn Thuật kêu bao nhiêu lượt, nhưng do anh để trong ba lô nên chẳng ai nghe thấy tiếng điện thoại kêu. Mãi đến khi nghỉ giải lao, anh mới gọi lại, sau đó tiến về phía Chu Tiểu Bắc, sắc mặt anh kỳ lạ đến khó tả.

“Sao, sao thế… chắt của anh chào đời rồi à?”

Hàn Thuật vừa lắc đầu, vừa lấy khăn lau mồ hôi trên mặt, anh nói: “Người ở Viện gọi, là việc công.”

“Hôm nay không phải là cuối tuần sao?”

“Vừa mới nhận được thông báo, vụ án của Sở Xây dựng do anh phụ trách… đương sự thừa lúc đi vệ sinh đã cạy lỗ thông gió của nhà vệ sinh, nhảy từ tầng sáu xuống, chết ngay tại chỗ. Đúng nửa tiếng trước.”

“Không phải chứ? Chính là vụ án mà anh nói sắp kết thúc rồi đấy á?” Chu Tiểu Bắc cũng giật hết cả mình, tuy rằng cô và ông trưởng phòng liên quan đến vụ tham ô đó không hề quen biết, nhưng một người đang còn sống sờ sờ bỗng dưng chết đi, vẫn khiến cho người ta phải sững sờ.

Chuyện liên quan đến bí mật công việc, Hàn Thuật cũng không nói quá nhiều, chỉ vội vàng gật đầu, anh nói với Chu Tiểu Bắc mấy câu rồi lao đến cơ quan, thậm chí quần áo cũng không kịp thay. Anh đã từng tưởng rằng, vụ án cuối cùng của anh ở khu vực Thành Nam giống như lời của Viện trưởng Thái nói, là một vụ án đơn giản như thái bắp cải, mọi chuyện đều chắc như đinh đóng cột, không cần phải phí nhiều công sức là có thể kết án được, sau đó, anh sẽ ra đi một cách thuận lợi, đến nhận chức mới ở Viện Kiểm sát Thành phố. Nhưng lần này Hàn Thuật đã sai rồi, bất kể là công việc hay tình cảm, những chuyện mà anh cho rằng là những việc đơn giản, thực ra lại phức tạp hơn rất nhiều so với những gì anh nghĩ.

Chương 14 – Tôi tha thứ không có nghĩa là tôi đã quên

.


Nếu như chỉ cần một câu xin lỗi mà Hàn Thuật có thể trở lại cuộc sống bình thường của anh ấy, không ai can thiệp đến ai cả, thế thì tớ sẽ tha thứ cho anh ấy, nhưng phải nói thật là tớ đã không còn hận anh ấy từ lâu rồi.

.


Hàn Thuật có việc đột xuất phải đi, Chu Tiểu Bắc ngồi một mình trong câu lạc bộ cầu lông, một người đàn ông trung niên thấy cô lẻ loi liền mời cô đánh hai ván, nhờ chơi với người đàn ông này mà Chu Tiểu Bắc có được cảm giác sảng khoái khi toàn thắng hai hiệp. Đánh xong, người đàn ông trung niên mời cô đi ăn tối, cô lấy lý do về nhà trông con từ chối người đàn ông đó, rồi xếp gọn đồ đạc ra về, mặt trời đã bắt đầu khuất bóng, chỉ còn vương lại một vệt đỏ ở cuối trời.

Câu lạc bộ cầu lông này Chu Tiểu Bắc rất ít đến, khu vực xung quanh cô cũng không rành lắm, hôm nay Hàn Thuật nói chuyện với cô về Tạ Cát Niên, cô mới nhớ ra trước đây Cát Niên có nói với cô rằng cách đây không xa có một quán mì bò rất ngon, Chu Tiểu Bắc đến giờ vẫn chưa được thưởng thức. Xem ra hôm nay Hàn Thuật không thể thoát thân trong thời gian ngắn được rồi, bây giờ chẳng phải là cơ hội tốt để đi thưởng thức món mì bò đó hay sao? Chu Tiểu Bắc thuộc típ người nói là làm, quyết định như vậy xong, cô lập tức đi về phía Cát Niên đã mô tả trước đây để tìm quán mì bò.

Chu Tiểu Bắc sống ở miền Bắc từ nhỏ, sinh sống trên vùng đồng bằng, người dân ở quê cô quen dùng Đông-Tây-Nam-Bắc để chỉ đường, hướng Đông Tây là phố, hướng Nam Bắc là ngõ, nói cái là hiểu ngay. Nhưng khi đến miền Nam, tất cả những khái niệm này chẳng còn ý nghĩa gì cả, thành phố G là một điển hình, bao nhiêu là phố to phố nhỏ, ngõ rộng ngõ hẹp nhiều như mạng nhện, hoàn toàn không thể căn cứ theo biển hiệu mà đi tìm được, đây lên một cái dốc, kia rẽ một cái ngõ, Chu Tiểu Bắc tự thấy cảm giác phương hướng của mình rất tốt, ấy vậy mà khi vừa đặt chân đến đây cũng bị hoa mắt chóng mặt. Mọi ngưòi ở đây chỉ đường cũng rất thú vị, không chỉ theo hướng, chỉ thích nói trái phải, rẽ trái, rẽ phải, lại rẽ phải, rẽ phải, rẽ, không cẩn thận thì đi thành hình logo của Mạng di động China Unicom.

Cũng may mà Tạ Cát Niên không như vậy, cô chỉ đường rất đặc biệt, cô nói, cậu từ phố X, sẽ nhìn thấy một tòa nhà cao ốc, vàng chói ấy, cậu đi về hướng ấy, rồi đi qua chỗ đèn xanh đèn đỏ nghiêng nghiêng ấy, đi về phía trước đếm khoảng đến cái đèn đường thứ năm, nhìn sang phía đối diện thấy có một cái ngõ, trong ngõ có rất nhiều quán ăn, cái quán mì bò đó không treo biển, chỉ có một cây long nhãn trông thế giống như “Khang long hữu hối”, bên cạnh cái cây ấy là quán mì bò.

Tạ Cát Niên nhắc đến những biểu tượng này với giọng điệu chắc nịch, cứ như so với khái niệm trái phải, đây mới là những thứ vĩnh hằng không bao giờ thay đổi. Chu Tiểu Bắc hôm đó khi nghe Cát Niên nói vậy thì thấy rất thú vị, bây giờ khi đi tìm, mới phát hiện ra tòa nhà cao ốc màu vàng chói, cột đèn xanh đèn đỏ hơi nghiêng, ngõ đối diện cột đèn đường thứ năm, quán ăn ở trong ngõ… cô không ngờ rằng tất cả những thứ này không sai một thứ nào, thậm chí ngay đến cây long nhãn kỳ dị đó, ngoài tên thế quyền thứ mười tám “Khang long hữu hối” của Giáng long thập bát chưởng mà Quách Tĩnh vẫn hay sử dụng trong tiểu thuyết Anh hùng xạ điêu do đạo diễn Hoàng Nhật Hoa dàn dựng, cô không thể tìm được từ nào thích hợp hơn để mô tả cái cây này nữa.

Đứng dưới gốc cây, mùi thơm của món mì bò nóng hổi bay tới, thật lòng mà nói, so với lúc đi ăn với Hàn Thuật, anh yêu cầu rất cao về quán ăn, bát đĩa, không khí thì Chu Tiểu Bắc lại thích những nơi dân dã như thế này hơn. Quán ăn rất nhỏ và rất sơ sài, nhưng đúng vào tầm ăn tối nên khách ăn rất đông. Chu Tiểu Bắc gọi mãi, bà chủ quán mới đưa cho cô một cái thẻ nhựa trên đề “Mì bò”, sau đó cô lại tiếp tục đi tìm chỗ ngồi trong cái quán ăn đông đúc đó mà phát chán.

Không gian trong quán cũng chỉ khoảng hơn mười mét vuông, bày một vài chiếc bàn to nhỏ, cao thấp khác nhau. Chu Tiểu Bắc đưa mắt nhìn, trong số đám người đang mồ hôi đầm đìa ăn uống thô tục kia cũng không ít những nam thanh nữ tú, cô nhìn quanh tứ phía, bỗng nhiên mắt cô sáng lên. Thật là kỳ lạ, lẽ nào thật sự là buổi sáng không được nói người, buổi tối không được nói ma ư?

“Cát Niên, Tạ Cát Niên?”

Chu Tiểu Bắc chẳng để ý gì nữa, cô hét ầm lên gọi người ngồi cách cô cả mấy dãy bàn.

Tạ Cát Niên đúng là đang ngồi ở đó, cô đi làm cả ngày, bây giờ mới được nghỉ, tiệm vải chỉ cách đây khoảng hai cái ngã tư. Những hôm Phi Minh đi học đánh cầu lông hay không có nhà cô thường hiếm khi nấu cơm, toàn ra quán ăn tạm cái gì rồi về.

Mì bò rất nóng, nên Cát Niên ăn rất chậm. Kiểu chậm của cô không phải là cố tình tỏ ra nho nhã, chậm rãi, mà là vì cô có nhiều thời gian, không có ai đang chờ cô, cô cũng không chờ ai cả, dường như bát mì này cô có thể ăn nhâm nhi đến tận tối đêm.

Cát Niên nghe thấy có tiếng người gọi mình, cô liền bỏ đũa xuống. “Chu Tiểu Bắc!” Cô bất giác nở nụ cười, vẫy tay gọi Chu Tiểu Bắc qua chỗ cô.

“Lần đầu tiên tớ đến đây đã túm ngay được cậu, cậu thấy có tình cờ không?” Chu Tiểu Bắc nói.

“Cứ bảo là hôm nào đi ăn mì bò cùng với cậu, đủng là chọn ngày không bằng gặp ngày.”

Trong lúc nói chuyện, Chu Tiểu Bắc mới phát hiện ra Cát Niên không phải đi một mình, ngồi đối diện với Cát Niên còn có một cô gái trẻ hoặc có thể nói là một người phụ nữ khác. Sở dĩ Tiểu Bắc không thể khẳng định được là vì cô gái này mặt trát bự phấn, khiến người ta không thể nhìn thấy được khuôn mặt thật của cô, nên chẳng biết đường nào mà đoán được tuổi, Chu Tiểu Bắc chỉ có thể đoán được là cô gái này vẫn còn ít tuổi qua thân hình gợi cảm trong chiếc áo phông màu hồng trễ cổ hở rốn hiệu Les của cô. Lúc này trời vẫn chưa tối hẳn, thực lòng mà nói, Chu Tiểu Bắc chưa bao giờ nhìn thấy ai ăn mặc lòe loẹt thô thiển giữa ban ngày ban mặt như thế này nên rất đỗi kinh ngạc.

Cô gái đó thấy Cát Niên gặp người quen liền vỗ đầu gối đứng lên, nhường lại chỗ ngồi của mình, rồi hất hàm nói với Cát Niên: “Tớ đi làm trước đây, các cậu cứ nói chuyện tiếp đi.” Cô gái không hề chào hỏi Chu Tiểu Bắc, nói xong là đi ngay, khi đi ngang qua chỗ Chu Tiểu Bắc, mùi thơm nồng nặc của một loại nước hoa rẻ tiền xộc vào mũi Tiểu Bắc, khiến cô phải cố nhịn mới không bật ra tiếng hắt xì. Cát Niên cũng không níu kéo cô gái, chỉ nói nhỏ một câu: “Cẩn thận chút nhé.”

Cô gái đó chỉ cười mà không nói gì, đi được vài bước, cô rút trong túi quần bò ra một bao thuốc lá nhàu nát, khom lưng châm lửa rồi khuất dần về phía xa.

Chu Tiểu Bắc tự xưng đã từng vào Nam ra Bắc, không có gì là chưa biết cả. Thực ra gia đình cô rất gia giáo, mẹ quản lý rất chặt, từ nhỏ đến lớn được giáo dục theo kiểu truyền thống, tuy cô thích ngao du khắp nơi, nhưng những người cô gặp và quen biết đều là những người nho nhã lịch sự. Cô không quen với cuộc sống xa hoa kiểu như Hàn Thuật, nhưng những người thuộc tầng lớp tận cùng xã hội cô cũng không thể tiếp xúc nổi. Cô gái ngồi đối diện với Cát Niên lúc nãy, trên người toát ra đầy vẻ phong trần, mệt mỏi, rất dễ khiến người khác liên tưởng đến những điều đen tối về nghề nghiệp của cô, loại người này, trước đây Chu Tiểu Bắc mới chỉ nhìn thấy trên những chương trình phóng sự của báo chí và truyền hình, lần này mặt đối mặt như vậy, cô không khỏi giật mình, nên không thể không nhìn cho kỹ được.

“Mì của cậu có rồi này, vẫn còn không chịu ngồi xuống à?” Cát Niên mỉm cười nhắc Chu Tiểu Bắc.

Chu Tiểu Bắc quay đầu lại, không nhìn theo cô gái nữa, cô tự thấy mình hơi đường đột, nên sau khi ngồi xuống ghế cô cười hì hì, rồi tò mò hỏi: “Bạn cậu đấy à? Có cá tính phết nhỉ.”

Cát Niên không tỏ vẻ ngạc nhiên gì trước thắc mắc của Tiểu Bắc, chỉ lấy hộp đựng gia vị ở bàn bên cạnh đưa cho cô: “Cậu có cần mấy thứ này không?… À, đúng vậy đấy, là bạn cùng buồng với tớ hồi trước.”

Có lẽ Cát Niên cũng biết, một câu trả lời đơn giản như vậy không thể thỏa mãn nổi tính tò mò của Chu Tiểu Bắc, cô cười cười rồi bổ sung thêm một câu: “Ở cùng với tớ ở ‘trong ấy’, được ra trước tớ một năm.”

Từ khi quen biết đến nay, Cát Niên không hề cố tình giấu Chu Tiểu Bắc về thời kỳ “đen tối” trong cuộc đời mình, tất nhiên cô cũng không cố tình “tuyên truyền” về sự ly kỳ trắc trở của cuộc đời mình. Về những năm tháng đó, điều mà cô hay nói nhất là “vào rồi, sau đó lại ra rồi”, chỉ đơn giản vậy thôi. Nếu ai không chú ý nghe hẳn sẽ nghĩ nơi cô ra vào chẳng qua chỉ là nơi rất đỗi bình thường trên thế gian này.

Nếu như không phải trên người bạn “cùng buồng” thời xưa của Tạ Cát Niên toát lên vẻ sa đọa, thì Chu Tiểu Bắc không thể nào tưởng tượng được Tạ Cát Niên mà cô quen biết lại có liên quan gì đến một tội ác thật sự nào đó. Trong mắt cô, Tạ Cát Niên là người như thế này: khuôn mặt nhỏ, các nét vừa vặn, không có nét nào đặc biệt hấp dẫn, không lộng lẫy không mê hoặc nhưng tất cả các nét này khi kết hợp lại với nhau lại vô cùng hài hòa, khiến cho người khác cứ muốn ngắm nhìn mãi. Cô không phải là quá xinh nhưng cũng không phải là xấu; nhìn cô không có vẻ ghê gớm nhưng cũng không phải là hiền lành; cô rất ít nói, nhưng lại không phải là kiểu người trầm lặng, tẻ nhạt; trông cô không có dáng vẻ gì của người tinh ranh, nhưng cái gì cần biết thì cô đều biết cả… Cô giống mọi thứ nhưng lại cũng không giống mọi thứ, dường như cô là một cá thể hỗn hợp đầy mâu thuẫn và mông lung, ấy vậy mà cô không lẫn với bất kỳ người nào khác, cô chính là cô, một cô gái 29 tuổi tên Tạ Cát Niên.

Tiểu Bắc nhớ lại lần đầu tiên hai người quen nhau trên tàu, lúc đó họ ngồi đối diện nhau, trong hành trình dài dằng dặc và vô vị ấy, biết tìm ai nói chuyện cho đỡ buồn? Chu Tiểu Bắc vốn là người hay chuyện, với ai cô cũng có thể ba hoa đủ mọi thứ chuyện, và tất nhiên cô không thể nào bỏ qua người cùng tuổi ngồi đối diện mình được. Tạ Cát Niên là người dễ bắt chuyện nhưng không hề dễ gần tí nào, Chu Tiểu Bắc nói đến cả chục câu, cô mới đáp lại được một hai câu, ấy vậy mà chỉ hai câu này thôi cũng khiến Chu Tiểu Bắc cảm thấy trong cả toa tàu này nói chuyện với cô là thú vị nhất, cô là người hiểu rõ nhất ý vị trong câu chuyện cười kín đáo của Tiểu Bắc, cô thường hỏi câu “rồi sao nữa?” một cách rất đúng lúc, khiến Chu Tiểu Bắc lại thao thao bất tuyệt kể chuyện tiếp, bạn cứ tưởng là cô ấy không để tâm nghe bạn nói, nhưng những lời mà cô ấy nói ra lại chính là những điều mà bạn muốn nói.

Đã đi qua được một nửa chặng đường, đêm cuối cùng trên chuyến tàu đi đến Lan Châu, hành khách trong toa chỉ còn lại vài người, Chu Tiểu Bắc gần như suốt đêm không ngủ, cứ như vậy cô tâm sự với cô gái tình cờ quen biết này về cuộc đời mình suốt hơn hai mươi năm qua, cô kể về chuyện vui của cô, chuyện hối hận của cô, chuyện bạn của cô, chuyện người cô yêu và người cô đã bỏ lỡ.

Tạ Cát Niên ngồi cạnh cánh cửa kính của toa tàu yên lặng lắng nghe, gần như không bao giờ ngắt lời cô, sự bình lặng của Cát Niên khiến Tiểu Bắc thấy quá khứ của mình như một dòng nước lớn, cứ chảy chầm chậm, chầm chậm trong toa tàu của hai người, những điều hạnh phúc, những điều cay đắng như những gợn sóng lăn tăn, hiện ra trước mắt rồi lại âm thầm tan mất.

Đó là lần tâm sự sảng khoái nhất của Tiểu Bắc kể từ trước đến nay, cô không phải là không có bạn bè, nhưng những lời tâm sự của cô không cần an ủi, không cần khuyên giải, cô chỉ cần người lắng nghe, lắng nghe một cách hiểu biết. Cô vẫn còn nhớ, hôm đó đúng ngày thời tiết xấu, trên cánh đồng hoang bên ngoài cửa sổ toa tàu, mưa như trút nước, những tia chớp lóe lên chiếu vào đôi mắt bình lặng của Tạ Cát Niên, như một sự đối chiếu tuyệt hảo.

Sáng sớm ngày hôm sau, vừa mới hơn bảy giờ, tàu đã vào ga Lan Châu, chính Cát Niên là người gọi Tiểu Bắc đang trong tình trạng mơ ngủ dậy để xuống tàu. Chu Tiểu Bắc đứng lại giữa đám người ở sân ga vội vàng chỉnh đốn lại hành lý của mình, bạn đồng hành của cô không biết đã biến mất từ lúc nào. Lần ấy, cô thậm chí còn chưa biết tên Tạ Cát Niên, những điều liên quan đến bản thân, Tạ Cát Niên tuyệt đối không nhắc câu nào.

Lúc quay trở lại thành phố, hai người lại gặp nhau ở phòng chờ, sự việc này khiến hai người đều cảm thấy ngỡ ngàng, Tiểu Bắc chỉ còn biết nói: “Duyên số, đúng là duyên số!” Vì thế không chút do dự, cô gần như ép chàng trai ngồi đối diện Tạ Cát Niên đổi ghé và đổi toa cho cô, và để tránh tình trạng hai người lại lạc mất nhau một lần nữa, Chu Tiểu Bắc chủ động trao đổi tên và điện thoại với Cát Niên, đây được coi là sự bắt đầu chính thức cho tình bạn của hai người.

Tất cả những điều liên quan đến mình, Tiểu Bắc đã kể hết trong lần đi, nhưng cô rất muốn tìm hiểu về Cát Niên. Cát Niên không kể mấy về bản thân mình, cô nói chuyện của cô chả có gì đặc biệt, nhưng để cho chuyến đi đỡ nhàm chán, cô muốn kể cho Tiểu Bắc nghe một câu chuyện, một câu chuyên về thời niên thiếu của cô.

“Nếu như tớ biết là người trong câu chuyện đó có thể liên quan đến tớ, thì tó thề rằng tớ sẽ chăm chú nghe từng từ từng chữ cậu nói.” Buổi xế chiều trong quán mì bò, Chu Tiểu Bắc thẳng thắn nói. Thực ra câu chuyện ấy Chu Tiểu Bắc không hề nghe hết, Cát Niên kể chuyện quá chậm, chậm đến mức khiến Tiểu Bắc thấy câu chuyện ấy chỉ có mở đầu mà không có kết thúc.

Câu nói này của Chu Tiểu Bắc khiến Cát Niên ngây ra trong giây lát, cô không nói gì.

Tiểu Bắc tự mình nói tiếp: “Thực ra, ngay từ lần đầu tiên tớ đưa anh ấy đến cửa hàng của cậu, cậu đã nhận ra anh ấy rồi, đúng không?”

Cát Niên vừa kịp ăn nốt miếng cuối cùng, cô nói: “Hồi đó cậu vừa nói với tớ rằng cậu trúng quả lớn, tìm được một đức lang quân tương lai tuyệt vời. Tớ không muốn cậu bị ảnh hưởng bởi những thứ vặt vãnh khác.”

“Những thứ vặt vãnh? Cậu mô tả công tố viên Hàn đáng kính của chúng ta thế sao?” Chu Tiểu Bắc cười ha hả, “Chắc chắn anh ấy sẽ buồn lắm đấy, cái ‘thứ vặt vãnh’ ấy thậm chí còn cho rằng mình là bố của con cậu nữa đấy.”

“Phi Minh không phải là con tớ, Hàn Thuật càng không thể nào là bố của nó được, Tiểu Bắc, cậu cứ yên tâm. Chuyện giữa tớ và Hàn Thuật đã qua từ lâu rồi, không đáng để ảnh hưởng đến cuộc sống bây giờ giữa cậu và Hàn Thuật đâu.”

“Cũng không đáng để ảnh hưởng đến cuộc sống của cậu? Cát Niên, Hàn Thuật không thể nào quên được, cậu thật lòng tha thứ cho anh ấy ư?”

Cát Niên lại một lần nữa im lặng, trên bức tường không rõ là màu vàng hay màu đen của quán mì gắn hai chiếc quạt máy, các cánh quạt dính đầy dầu mỡ vẫn đang quay, quay không ngừng, các vết bẩn trên quạt đã két thành từng cụm. Gió từ chiếc quạt treo tường thổi vào vỏ giấy đựng loại đũa dùng một lần trên bàn, những chiếc vỏ giấy bị thổi bay lên, Cát Niên đưa tay giữ chúng lại, từ từ vò chúng thành một nắm.

“Nói xin lỗi thì rất dễ, nói tha thứ cũng không khó. Tiểu Bắc, con người ta sống cũng chỉ vì sĩ diện, vui vẻ là do sĩ diện, buồn đau là do sĩ diện, tức giận là do sĩ diện, thù hận là do sĩ diện, áy náy cũng là do sĩ diện. Hàn Thuật chính vì tính sĩ diện này mà không chịu tha thứ cho bản thân mình, một khi anh ấy thấy cần một lời cầu xin tha lỗi tượng trưng thì tớ sẽ tha thứ cho anh ấy, điều này có gì khó đâu.”

“Anh ấy thì day dứt như vậy, còn cậu lẽ nào chưa bao giờ oán hận anh ấy ư?” Chu Tiểu Bắc hỏi.

Cát Niên đáp: “Hận? Nếu nói là chưa bao giờ hận thì không phải là người. Lúc đầu, tớ còn hận cả bản thân mình, lẽ nào tớ sống trên cõi đời này chỉ là để sống sau chấn song sắt, tối thì ngắm cảnh tắt đèn qua song cửa, sáng thì đạp máy khâu ở nhà tù, mỗi tháng nhận được một đồng mấy hào thù lao hay sao? Thế nhưng, hận mãi hận mãi rồi cũng nhạt nhòa, thời gian đã quá lâu rồi, tha thứ hay không tha thứ thì có nghĩa lý gì chứ? Đối với tớ, sự hối hận của anh ấy chẳng có gì quan trọng cả, sự hối hận của ai cũng không quan trọng. Cô gái vừa nãy cậu nhìn thấy rồi chứ, cô ấy là Bình Phượng, là bạn tù của tớ. Cậu đoán không sai đâu, cô ấy đúng là làm nghề ấy đấy, cứ vào tù ra tù mãi cũng vì chuyện này thôi. Lúc đầu đi bán dâm là vì nhà nghèo, lại phải nuôi mấy đứa em đi học, còn cảm thấy sự hy sinh của mình thật là vĩ đại. Nhưng về sau, trải qua mấy năm ngồi tù, cô ấy cũng muốn sống cuộc sống lương thiện, các em thì đã lập gia đình hết rồi, cũng chẳng giàu có gì, có lẽ cũng là vì biết ơn nên đôi lúc cũng dúi cho mấy chục hay trăm tệ, có lúc thì cho cái gì đó, nhưng lại sợ cô ấy nhắc lại chuyện cũ xấu hổ ngày xưa, dần dần chị em qua lại cũng ít đi. Cô ấy cũng chẳng nói là hận ai, cũng muốn sống cho ra người, nhưng khổ nỗi không có văn hóa, không có tay nghề, vất vả thì không chịu được, người tốt thì chẳng ai lấy, nhưng cũng phải ăn cơm chứ, thỉnh thoảng các em cho vài đồng đó còn chẳng nhiều bằng cô ấy ra ngoài làm một đêm, cô ấy cũng chẳng muốn nhìn kiểu tránh né của các em mình, không làm nghề cũ thì còn biết làm gì nữa? Cậu xem, chuyện của Bình Phượng thực ra cũng như chuyện của tớ, áy náy hay gì cũng thế, đều là chuyện của người khác, chẳng liên quan gì đến bọn tớ. Nếu như chỉ cần một câu xin lỗi mà Hàn Thuật có thể trở lại cuộc sống bình thường của anh ấy, không ai can thiệp đến ai cả, thế thì tớ sẽ tha thứ cho anh ấy, nhưng phải nói thật là tớ đã không còn hận anh ấy từ lâu rồi.”

Tiểu Bắc hỏi: “Nếu như anh ấy sẵn sàng cho cậu một sự bồi thường có giá trị, ví dụ như, tương lai chẳng hạn? Anh ấy dám nói với mọi người rằng Phi Minh là con anh ấy, cậu còn dám nói đó chỉ là áy náy nữa hay không? Cho dù cậu không muốn anh ấy quấy rầy cậu, nhưng anh ấy có thể làm được không?”

“Các cậu chẳng phải là…” Người ngạc nhiên bây giờ là Cát Niên.

Tiểu Bắc cười: “Hàn Thuật là một người đàn ông lý tưởng, nhưng trên thế gian này vẫn còn nhiều người đàn ông lý tưởng khác, các cô gái tuyệt vời thì lo gì không tìm được chồng?” Cô vừa nói vừa tỏ vẻ khinh thường rồi nắm lấy tay Cát Niên, “Đối với Hàn Thuật, tớ cũng có thể nói là thích anh ấy, nhưng tớ lại thích cậu hơn.”

“Thế thì chúng mình lấy nhau đi.” Cát Niên buột miệng nói.

Chu Tiểu Bắc chẳng thèm để ý đến ánh mắt của những người xung quanh, cười đã rồi cô mới lí nhí nói tiếp với Cát Niên: “Cát Niên, tớ đang chuẩn bị về Tân Cương rồi, Giang Nam sẽ phải cho tớ một câu trả lời. Tìm một người tốt mà lấy chồng đi, anh ấy cứ nói nhẹ như không, anh ấy là gì của tớ? Còn về Hàn Thuật, cái khác tớ không dám nói, nhưng anh ấy đối với cậu là thật lòng đấy. Nếu như cậu chịu giữ lấy anh ấy, ít nhất anh ấy cũng có thể cho cậu một cuộc sống ổn định, không chỉ cậu, mà cả Phi Minh nữa. Nếu đã có thể nói lời tha thứ, sao cậu không…”

Cát Niên gượng cười, ngắt lời Tiểu Bắc: “Những chuyện ấy, tớ tha thứ không có nghĩa là tớ đã quên.”

Trời đã về tối, khách trong quán mì mỗi lúc một ít, Tạ Cát Niên và Chu Tiểu Bắc ngồi đối diện với nhau.

“Cậu có vội về không… Được, nếu cậu muốn nghe nốt câu chuyện tớ chưa kịp kể hết, tớ sẽ kể.”

Chương 15 – Từ bướm đến nhộng


.

Câu chuyện về nàng Bạch Tuyết kết thúc trong tiếng cười, từ đó trở đi, Cát Niên dị ứng với tất cả các cuộc biểu diễn trước mặt mọi người. Từ một con bươm bướm dần dần cô đã biến thành một con sâu bướm.

.


Những người sắp qua tuổi thanh xuân khi nhìn lại mình đều thích nói một câu: Thời thanh xuân cần phải oanh liệt hơn một tí mới phải. Ký ức về tuổi trẻ nát bằm xương thịt, khi về già chuyện gì cũng không nhớ nữa, liếm liếm môi vẫn còn cảm nhận được vị tanh ngọt của dòng máu nóng hổi năm xưa. Nếu nói như vậy thì tuổi thanh xuân của Cát Niên hoàn toàn đạt tiêu chuẩn, hoặc có thể nói cô đã vô tình đạt chuẩn, dù bản thân cô không hề muốn như vậy.

Trương đại mỹ nhân (1) từng nói thế này: Cuộc đời của một người bình thường, cho dù có tốt mấy đi chăng nữa cũng chỉ như chiếc quạt hoa đào mà thôi, ngã vỡ đầu, máu thấm vào chiếc quạt. Người thông minh thì biết tô thêm vài nét cho nó trở thành bông hoa đào, người ngu dốt thì cứ dùng mãi chiếc quạt uế máu ấy. Tuổi thanh xuân cũng vậy, năm xưa ai mà chẳng có lúc liều lĩnh nóng vội, ai mà chẳng có lúc ngu dại, ngớ ngẩn, thế nhưng thời thanh xuân của mọi người là để trải qua, để tưởng nhớ, đa phần mọi người đều là người thông minh, sau khi trưởng thành đều có thể thưởng thức chiếc quạt hoa đào của mình qua tấm màn lụa. Thế nhưng Cát Niên lại không như vậy, cô ngã quá đau, máu thấm quá sâu, đâu có còn là chiếc quạt hoa đào gì nữa, rõ ràng là một chiếc khăn quàng đỏ.

(1). Nhà văn Trung Quốc Trương Ái Linh (1920-1995), câu nói trên nằm trong truyện ngắn “Hoa hồng nhung, hoa hồng bạch” của bà.

Thê thảm không? Có vẻ như là có đôi chút. Nếu là người khác, e rằng sẽ cảm thấy rất đau đớn vì những chuyện đau khổ trong quá khứ.

Cát Niên thì không vậy, giống như ai đó đã nhận xét, trong cô có tinh thần lạc quan một cách tiêu cực. Cát Niên sợ đau, cô thuộc típ người có thần kinh cảm nhận nỗi đau rất nhạy cảm. Nghe nói ngay từ lúc ba tuổi, người nhà đưa cô đến bệnh viện để tiêm, người lớn để cô nằm úp mặt vào đùi, hai tay giữ chặt lấy người cô, ấy vậy mà bác sĩ vừa mới chọc kim tiêm vào, người cô không động đậy được nhưng hai chân thì đạp đổ cả bàn đựng dụng cụ tiêm bắn xa đến hơn một mét, không phải là vì cô có sức mạnh phi thường bẩm sinh mà là vì đau quá, không khống chế nổi mình. Thế nhưng từ khi đi học lớp vỡ lòng, mỗi lần bác sĩ trạm y tế đến lớp học để tiêm văc-xin cho học sinh, cô toàn là người đầu tiên sẵn sàng hy sinh, chủ động đến trước mặt bác sĩ rồi vén tay áo lên. Cô giáo hỏi: “Tạ Cát Niên, sao em dũng cảm vậy?” Cô trả lời rằng: “Con chỉ muốn rút ngắn thời gian sợ hãi thôi, tiêm xong rồi thì con sẽ không sợ nữa, không những thế lại còn có thể đứng bên cạnh xem các bạn khác sợ thế nào.” Chỉ vì câu trả lời này mà mặc dù “dũng cảm” nhưng chưa bao giờ cô nhận được một lời khen nào của cô giáo.

Cát Niên thích nằm mơ thấy ác mộng, bởi vì cô biết những điều trong mơ đều là giả, nếu đã là giả thì có gì phải sợ chứ, tỉnh lại rồi, ác thú không còn nữa, lúc này mới biết được buổi sáng đẹp như thế nào. Cô nói người ta sống trên cõi đời này, điều hạnh phúc nhất không phải là trúng giải độc đắc, mà là khi bị giam trong ngục tù, bỗng nhiên từ bên ngoài song sắt nhà tù có tiếng người nói vọng vào: “Bắt nhầm người rồi, cô về đi.” Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cô không bao giờ quên giữ lại cho mình một sợi dây cứu mệnh, nếu như sợi dây đó không cứu được tính mệnh của cô thì ít nhất cũng dùng để treo cổ tự tử được. Cho dù là ký ức đẹp đẽ hay đau khổ, những gì không quên được thì hãy ghi nhớ lấy nó, giống như bạn cứ ấn mãi vào vết thương của mình, rồi buông tay ra, bỗng nhiên lại thấy không còn đau như vậy nữa. Giống như Cát Niên trong ngày sinh nhật thứ mười tám, cái ngày đã thay đổi cả cuộc đời của cô, ngày mà cô từ một cô gái bình thường đến không có gì bình thường hơn được nữa trở thành một nữ tù nhân. Ấy vậy mà những hồi ức liên quan đến ngày hôm ấy, mười một năm nay, cô luôn luôn nghĩ về nó, rồi đến cuối cùng, cái mà cô nhớ được chỉ còn là cơn rét đó, bộ tóc dài để bao nhiêu năm bị người ta dùng kéo cắt mất, trong giây lát, sau gáy không có gì che phủ, thật là lạnh… Giống như đêm đầu tiên trong nhà tù, chỉ có một vài chấm sáng của ánh trăng rọi vào bên cạnh chân cô, thật là lạnh!

Thực ra nghiêm túc mà nói, trước năm ba tuổi Tạ Cát Niên là một cô bé rất hồn nhiên vui vẻ. Hồi đó bố mẹ cô đều bận đi làm, cô chủ yếu sống với ông nội, chỉ có cuối tuần mới ăn cơm quây quần cùng bố mẹ tại nhà ông.

Ông nội cô là một trí thức của xã hội cũ, sau khi về hưu, vẫn là thành viên hoạt động tích cực trong hội cán bộ hưu trí. Ông rất khéo tay, không những viết thư pháp rất đẹp, mà còn biết may rất nhiều quần áo đẹp. Ông nội không chỉ hay may cho Cát Niên những bộ váy hoa đẹp và độc đáo hơn rất nhiều so với các bạn khác mà còn dạy cô những điều khác nữa. Cô từ bé đã biết vẽ tranh thủy mặc, vẽ tranh khỉ hiến đào, đã từng nhiều lần giành được giải trong các kỳ thi vẽ tranh dành cho học sinh mẫu giáo, khi những bạn nhỏ khác thuộc lòng câu “mùa thu đến rồi, lá cây vàng rồi”, thì cô đã thuộc làu làu mấy câu thơ cổ: “Hạ mã ẩm quân tửu, vấn quân hà sở chi. Quân ngôn bất đắc ý, quy ngọa nam sơn thùy…”

Cát Niên thực ra chẳng hiểu mấy câu thơ đó nghĩa là gì, nhưng điều này cũng không ảnh hưởng gì đến việc cô cầm tay ông nội, dõng dạc đọc to bài thơ, những câu thơ quen thuộc đó, không có gì khó khăn đối với cô, cho nên trong lúc đọc thơ vẻ mặt cô trấn tĩnh mà nghiêm túc. Các bác các chú các cô bảo cô biểu diễn một tiết mục, cô lập tức quay người một vòng rồi vừa hát vừa múa, chẳng hề có chút sợ hãi hay xấu hổ nào cả. Sau này Cát Niên giở mấy tấm ảnh cũ hồi nhỏ ra xem, thấy hồi cô vẫn còn chưa phát triển, mặt tròn vành vạnh, má đỏ hồng hào, trông cứ như là quả táo ấy, có thể nói là hồi đó cô rất đáng yêu, thêm vào đó cô lại rất bạo dạn, rất muốn thể hiện mình, nên người lớn ai cũng thích cô, cô chính là niềm vui của mọi người. Nói thế thì chứng tỏ tuổi thơ của cô rất hạnh phúc, ít nhất trước ba tuổi là như vậy.

Không lâu sau khi Cát Niên tròn ba tuổi, một hôm ông nội đi đánh bài, lúc về thấy mặt ông đỏ như là say rượu, ông nói ông chóng mặt, rửa mặt rồi lên giường nằm, sau đó ông không tỉnh lại được nữa. Ông nội mất rồi, năng khiếu văn nghệ của Cát Niên cũng vĩnh viễn dừng ở giây phút ấy. Cho đến tận ngày hôm nay, những cái cô vẽ được vẫn chỉ là khỉ hiến đào, kỹ thuật vẽ tranh không có gì khác so với hồi cô ba tuổi, đó không còn là năng khiếu nữa, chẳng qua chỉ là ký ức ngây thơ ngày xưa mà thôi.

Tang lễ cho ông nội vừa hoàn tất, Cát Niên cũng phải dọn về ở cùng bố mẹ. Trong lúc thu dọn đồ đạc, mẹ cô thấy cô chậm chạp quá, thúc giục không biết bao nhiêu lần, khiến cô phải từ bỏ ý định đi tìm dụng cụ vẽ tranh trong căn phòng lộn xộn sau đám tang ông nội, cô chỉ kịp ôm lấy mấy bộ quần áo mình thích rồi trở về căn nhà chính thức của mình.

Tuy Cát Niên lúc đó mới đi học mẫu giáo không bao lâu, tình cảm với bố mẹ cũng không được gần gũi như với ông nội, nhưng cô yêu bố mẹ mình, giống như tất cả các đứa trẻ khác yêu bố mẹ mình vậy, bao lâu nay không mấy khi được gần bố mẹ càng khiến cô mong đợi được sống cùng với bố mẹ mình.

Bố của Tạ Cát Niên tên là Tạ Mậu Hoa, năm xưa làm lái xe trong đội xe của Viện Kiểm sát Thành phố. Tính cách của Tạ Mậu Hoa và tính ông nội cô khác hẳn nhau, bố cô không gặp được thời vận tốt, học hành lại ít, lái xe là điểm mạnh lớn nhất và cũng là duy nhất của ông, may mà chỗ ông làm việc cũng khá tốt, công việc coi như là ổn định. Bố cô là người đàn ông vô cùng nội tâm và nhút nhát, bất cứ chuyện gì hay việc gì ông đều rất ít khi thổ lộ ra ngoài, hoặc có thể nói chẳng có gì để thổ lộ, kể cả là trước mặt những người thân trong gia đình. Tương tự như thế, vợ ông cũng là người phụ nữ rất truyền thống và bảo thủ.

Mẹ của Tạ Cát Niên vốn không có việc làm, sau này nhờ vào mối quan hệ của bố cô, mới tìm được việc làm ở nhà ăn nhân viên của Viện Kiểm sát Thành phố. Tuy rằng trình độ học vấn của bà không cao, nhưng bà lại là người rất để ý chuyện ăn nói đi lại của người phụ nữ, bình thường bà lúc nào cũng nghiêm chỉnh, ăn mặc quần áo rất giản dị, nhìn thấy người phụ nữ nào có vẻ hơi hoạt bát sôi nổi hoặc ăn mặc hơi lòe loẹt một chút, bà thường thầm bày tỏ thái độ khó chịu đối với cái kiểu “lẳng lơ” này.

Ngay hôm đầu tiên được đón về nhà, nào là váy hoa, cặp tóc của Cát Niên không có cái nào lọt vào mắt của mẹ cô. Mẹ cô nói: “Con gái mà ăn mặc lòe loẹt thế, người khác không biết lại tưởng là con nhà không tử tế.” Trong khi mẹ cô nói những câu này, bố cô im lặng tán đồng. Cát Niên không hiểu thế nào là “không tử tế”, nhưng thông qua vẻ mặt của mẹ, cô cũng đoán được đó chẳng phải là từ gì tốt đẹp cả, lần đầu tiên trong đời cô cảm thấy lo sợ, cô sống với ông nội rất hạnh phúc, những bộ quần áo đẹp đẽ này cô cũng rất thích, chẳng hiểu sao bây giờ bỗng nhiên lại trở thành những thứ xấu xa như vậy.

Cô ngoan ngoãn mặc bộ quần áo “nhã nhặn” mà mẹ chọn cho cô, cô chuyển từ trường mẫu giáo gần nhà ông nội đến trường mẫu giáo của Viện Kiểm sát Thành phố và bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn mới của mình. Cô vẫn còn rất nhiều điều không đúng, vẫn còn rất nhiều điều cần phải thay đổi. Bố mẹ không thích cô nói nhiều, không thích cô ngày nào cũng cười vô tư thoải mái, không thích cô ham mê mấy thứ quỷ quái ít có, không thích cô làm trò cười cho người khác, như vậy trông giống như là bị điên vậy. Họ hy vọng cô trầm lặng hơn, và trầm lặng hơn nữa.

Tuy Cát Niên chẳng hiểu trầm lặng hơn nữa so với mấy con rối gỗ trong nhà hát múa rối có gì khác nhau, nhưng khả năng thay đổi của trẻ con là vô cùng to lớn, cho nên để thích nghi với những thay đổi này đối với cô không có gì là khó khăn cả. Cô giống như bao nhiêu đứa trẻ khác ở trong khu tập thể Viện Kiểm sát Thành phố, ban ngày chơi trò chơi ở trường mẫu giáo, tối về nghe bố mẹ phê phán mấy chị diễn viên xinh đẹp trong phim truyền hình trông như yêu tinh, hoặc bà nào đó trong cơ quan rỗng tuếch không chịu được, lại còn ai đó đúng thật là… nữa. Những từ ngữ này vừa mới mẻ mà vừa lạ lẫm đối với cô.

Có một lần, bố mẹ đưa cô đi ra phố mua sắm (bố mẹ của Cát Niên khi đi ra ngoài không bao giờ đi bên cạnh nhau, họ cảm thấy như vậy thật là ngại), đúng lúc đó có một đôi tình nhân đi ngược lại vừa đi vừa ôm nhau, kiểu thân mật như thế này ở thời đó rất hiếm, mẹ cô lầm bầm chửi mấy câu: “Đúng là không biết xấu hổ! Con gái tôi mà về sau cũng thế này thì tôi chặt gãy chân tay nó ra ngay!”

Lúc đó Cát Niên đang chăm chú quan sát dáng đi của mọi người xung quanh, nghe thấy mẹ bỗng nhiên nói câu đó, cô giật thót cả mình, không hiểu mình lại làm sai chuyện gì rồi. Cô sống với bố mẹ cũng được hai năm rồi, mà có vẻ như chưa bao giờ được bố mẹ yêu chiều, tuy rằng các cô chú trong khu tập thể Viện Kiểm sát đều nói cô là cô bé rất xinh xắn.

Năm cô năm tuổi, Cát Niên vừa đi học lớp vỡ lòng, lại đúng vào dịp trường mẫu giáo tổ chức biểu diễn văn nghệ với quy mô lớn. Trong lúc dàn dựng tiết mục, các thầy cô giáo rất thích đưa Cát Niên vào biểu diễn vì cô bạo dạn, khả năng thể hiện tốt, diễn cái gì giống cái đó. Năm đó Cát Niên được giao trọng trách là người múa chính trong một tiết mục biểu diễn múa, trang điểm xong rồi cô mới nhớ ra là chiếc vòng có chuông dùng để đeo khi biểu diễn cô lại để quên ở nhà mất rồi.

Cô giáo nói bảo bố mẹ Cát Niên mang ngay đến, nhưng Cát Niên không dám, tuy hôm đó cả bố mẹ cô đều được nghỉ. May mà nhà cô cũng không ở xa trường lắm, Cát Niên mặt trát đầy son phấn, lao như cơn lốc về tập thể nơi nhà cô ở. Lúc này đang là buổi trưa, cô sợ đánh thức bố mẹ vốn đã phải làm việc rất vất vả, nên nhẹ nhàng dùng chiếc chìa khóa được đeo bằng sợi dây màu hồng trên cổ để mở cửa, cô nhanh chóng mở tủ trong phòng khách và cuối cùng đã tìm được chiếc vòng của mình. Vừa định chạy về trường thì nghe thấy tiếng động phát ra từ buồng ngủ đang đóng kín cửa của bố mẹ.

Cát Niên tưởng rằng mình đã phát ra tiếng động quá to, theo bản năng cô ngập ngừng giây lát, cô đứng im tại chỗ mấy giây liền nhưng qua giọng nói của bố mẹ thì có vẻ như là họ không hề biết là cô đang ở nhà. Tính tò mò bẩm sinh của trẻ con thôi thúc cô nhón gót tiến gần về phía cửa buồng bố mẹ, lén ghé tai vào tấm ván gỗ mỏng, mới nghe được vài câu mà cô đã giật nẩy cả mình.

Tiếng nói não nề trong buổi chiều hè khiến người ta nghẹt thở, Cát Niên nghe rõ tiếng của bố và tiếng của mẹ, hình như họ đang cãi nhau, cũng có vẻ như họ đều đang bị ốm. Cô cảm thấy lo sợ, chân cô như bị một lớp keo dính chặt, khiến cô không nhúc nhích nổi nửa bước, cô cứ đứng ngây ra mà nghe những âm thanh đang dần dần nhỏ lại và biến mất.

Lạy trời, trong chốc lát, Cát Niên lại nghe thấy giọng nói bình thường của mẹ, câu trước Cát Niên nghe không rõ lắm, “…Sinh đứa nữa, em thì chẳng có gì mà ngại cả, nhưng công tác quản lý kế hoạch hóa gia đình ở Viện nghiêm lắm, mình sẽ bị kỷ luật đấy.”

“Kỷ luật thì kỷ luật, nếu không có được thằng con trai, thì cả đời này chẳng còn ý nghĩa gì nữa cả.”

“Sinh thì đơn giản thôi, nhưng làm sao mà đăng ký hộ khẩu được?”

“Thể nào mà chẳng có cách, nhờ vài người dò hỏi xem sao.”

“Ngày xưa sinh đứa đầu mà là con trai có phải tốt không, đỡ phải đau đầu mấy cái chuyện này.”

“Hay là, mình đem cho Cát Niên đi.”

“Hứ, cho dù thế nào đi chăng nữa cũng là con đẻ của anh, anh không sợ người ta chửi vào mặt anh à? Vả lại, đem cho ai? Chẳng phải là cái gì báu bở cho cam, ai người ta cần?”

“Này, anh có ý thế này, hay là mình chuyển hộ khẩu của Cát Niên vào hộ khẩu của chị gái anh, cho người ta ít tiền, để cho Cát Niên sống cùng với hai vợ chồng chị gái anh, như thế chuyện của chúng mình sẽ dễ dàng hơn nhiều. Nếu không được thì mất ít tiền, tìm người viết cho tờ chứng nhận tàn tật gì đó…”

Cát Niên vẫn đang chăm chú nghe, có vẻ như cô đã nghe hiểu nhưng cũng có vẻ như cô chẳng hiểu gì cả. Chiếc váy biểu diễn bằng vải voan xinh xắn ướt đẫm mồ hôi, dính chặt vào lưng cô, khiến cô vừa ngứa vừa nóng. Bố mẹ đang nói chuyện về cô, và cả về kẻ thù mà cô chưa biết mặt nữa. Họ thực sự chẳng yêu quý gì cô cả.

Đúng lúc này, Cát Niên chợt nhớ ra, vẫn còn một tiết mục biểu diễn đang chờ cô. Cô khom lưng chuồn ra khỏi nhà như một tên trộm, hít một hơi thật sâu lao thẳng đến phía sau hậu trường sân khấu của trường mẫu giáo. Các bạn khác đã chuẩn bị sẵn sàng để lên sân khấu rồi, lúc nhìn thấy Cát Niên xuất hiện với bộ mặt ướt nhèm như chuột, cô giáo viên phụ trách tiết mục múa của Cát Niên và các bạn vừa tức vừa thở phào nhẹ nhõm.

Trên sân khấu, nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn nhịp nhàng trong điệu múa. Cát Niên trong vai nàng Bạch Tuyết đang nhún chân nhảy múa, chiếc váy voan bay tung lên như những vầng mây trắng, cô chính là tâm điểm của sự chú ý.

Bố mẹ dậy chưa nhỉ? Liệu bố mẹ có đến xem mình biểu diễn không nhỉ? Bỗng nhiên cô nhớ ra, cô không nên hiếu động như thế này, bố mẹ thích cô yên tĩnh trầm lặng cơ, nếu không chẳng biết rồi bố mẹ sẽ đưa cô đi đâu.

Cứ như vậy, một đứa trẻ mải suy nghĩ về tương lai mờ mịt của mình đến mức quên mất cả các động tác múa. Cát Niên múa mỗi lúc một chậm dần, chậm dần, rồi cô đứng ngây ra một chỗ, chẳng biết phải làm thế nào nữa. Phía dưới sân khấu khán giả ầm ĩ hết cả lên, cô nhìn thấy và cũng nghe thấy tất cả. Giáo viên hướng dẫn tức đến phát điên, liên tục làm các động tác ra hiệu cho cô.

À, cô phải quay rồi, phải túm lấy tay của cậu bé hoàng tử và quay vòng một cách vui vẻ hạnh phúc. Cát Niên liền túm lấy một cậu con trai bên cạnh mình, một vòng, hai vòng, ba vòng… khi quay cô chẳng còn nhớ gì nữa, chỉ biết quay thôi. Đúng lúc này, tất cả mọi người cười ầm lên, mọi người vui chưa từng thấy, ai cũng cười lăn lộn hết cả. Cát Niên lúc này mới phát hiện ra, cậu bé đóng vai hoàng tử đó đang đứng ngây ra như phỗng ở bên góc sân khấu, cô đã kéo tay ai vậy?

Nhìn vào vết son phấn trên mặt cậu bé, Cát Niên mới chợt bừng tỉnh, người bị cô kéo tay quay vòng là con của một đôi vợ chồng vừa chuyển từ ngoại tỉnh lên Viện Kiểm sát Thành phố, cậu được gọi đến là để thay cho một chú lùn vừa bị sốt cao tuần trước. Cát Niên thậm chí còn chưa biết tên cậu bé là gì.

Cô cứ quay, quay mãi và cô đã kéo nhầm hoàng tử hoặc cô chưa từng là công chúa.

Câu chuyện về nàng Bạch Tuyết kết thúc trong tiếng cười, từ đó trở đi, Cát Niên dị ứng với tất cả các cuộc biểu diễn trước mặt mọi người. Từ một con bươm bướm dần dần cô đã biến thành một con sâu bướm.

Chương 16 – Thế giới hoàn mỹ của một con người

.


Càng lớn thế giới tâm hồn của Cát Niên càng rộng lớn hơn, cửa thì càng ngày càng nhỏ, nhỏ đến mức chỉ vừa đủ cho một người đi qua, thế nhưng chưa từng có ai đi qua cả, trên cánh cửa đã có nhiều lớp bụi bám, chỉ có mặt trong cửa là sạch trắng như bong.

.


Lúc học lớp Sáu, Cát Niên trông đã như một thiếu nữ dịu dàng. Sự hoạt bát sôi nổi, lanh lợi và khát vọng thể hiện mình của cô dần dần bị mai một, bây giờ cái mà mọi người hay thấy ở cô nhất chính là suốt ngày vùi đầu vào sách vở, gấp sách lại thì ngồi ngây ra một mình, ai có gọi thì cô chỉ mỉm cười e lệ mà thôi.

Đến lúc này, vợ chồng Tạ Mậu Hoa đã bớt mắng mỏ Cát Niên hơn trước, ngoài việc cô dành quá nhiều thời gian cho đủ các loại sách tham khảo khác nhau khiến bố mẹ cô rất không hài lòng ra thì có thể nói Cát Niên đã tạm đạt đến yêu cầu của bố mẹ: yên tĩnh, trầm lặng, ngoan ngoãn, không khiến cho bố mẹ phải lo lắng. Thực ra bố mẹ cô không còn mắng mỏ cô nhiều như trước nữa phần lớn là bởi vì bây giờ tâm trí của bố mẹ đều dồn cả vào việc “cố gắng” sinh con trai. Bố mẹ cô lúc sinh cô ra là đã làm ngược lại lời kêu gọi sinh con muộn của nhà nước, bây giờ tuổi cũng không còn trẻ nữa, bao nhiêu lần hy vọng rồi lại bao nhiêu lần thất vọng, nhưng khát vọng có được cậu con trai cứ cháy bỏng không nguôi, khó khăn cũng không nản y như khi Einstein phát minh ra ánh đèn vậy.

Công tác kế hoạch hóa gia đình rất nghiêm ngặt, vợ chồng Tạ Mậu Hoa âm thầm phấn đấu mấy năm liền, chuyện này chỉ có Cát Niên là biết rõ nhất. Khối lượng kiến thức đồ sộ mà cô đọc được cộng với thời gian dài dằng dặc tự chơi một mình khiến cô thông minh hơn các bạn cùng lứa. Bạn bè đồng nghiệp của bố mẹ cô và cả những người thân trong gia đình khi gặp cô đều phải thốt lên: “Con bé này duyên dáng lại xinh xắn, ngoan ngoãn quá.” Những lúc như thế này, vợ chồng Tạ Mậu Hoa mới liếc nhìn cô con gái với ánh mắt tự hào, nhưng Cát Niên chẳng bao giờ nói gì nhiều thậm chí đến khi cười cũng chỉ hơi hé môi mà thôi.

Thật ra, không biết từ lúc nào, Cát Niên không còn cảm thấy tủi thân và cô đơn khi bố mẹ không quan tâm đến mình nữa, cô cũng chẳng thấy mình có gì buồn tẻ cả. Chính vì không muốn trở thành một “đứa trẻ lưu lạc” mà cô đành phải thể hiện cho bố mẹ thấy mình là một cô bé trầm lặng yên tĩnh, thế nhưng trong tâm hồn cô chứa đựng cả một thế giới với muôn vàn màu sắc, thế giới ấy vô cùng rộng lớn, thế giới ấy vô cùng đặc biệt, trong thế giới ấy chỉ có một mình cô vui đùa thỏa thích.

Lúc người ta khen cô duyên dáng ngoan ngoãn có lẽ là lúc cô đang ngắm nghía đôi giày dưới chân họ. Từ hình dạng của chiếc giày có thể phán đoán rất nhiều điều về người đi giày, người đi chân chữ bát thì đế giày có những vết mòn rất đặc biệt, người có dáng đi không đồng nhất thi mũi giày hỏng rất nhanh, cô này ngày nào cũng đi giày cao gót, lúc nào cô ấy cũng thấy mình không đủ cao, mũi giày của chú kia có vết ướt, thế nhưng thành phố đã bao nhiêu lâu nay không có mưa rồi… Đương nhiên, sự tò mò của cô không chỉ dừng lại ở giày dép, đôi tay của họ, vết nhăn trên quần áo hay nét mặt của họ khi nói chuyện đều rất thú vị, quan sát những chi tiết như thế khiến Cát Niên cảm thấy vô cùng thích thú.

Sức tưởng tượng của Cát Niên cũng phong phú hơn các bạn đồng lứa, trò chơi hằng ngày cô thích nhất chính là ngồi tưởng tượng hết chuyện này đến chuyện khác. Nhìn thấy hai con kiến một con bò trước một con bò sau trên tường phía sau ghế sofa, cô có thể tưởng tượng ra rằng hai con kiến này vừa mới cãi nhau xong, một con bò phía trước, một con ngại ngùng lững thững đuổi theo đằng sau. Cục tẩy càng ngày càng nhỏ lại, cô coi nó như là một chị nữ béo, tối nào sau khi mọi người ngủ rồi, chị tẩy cũng phải tập thể dục để giảm béo, và cuối cùng chị đã được gầy như ý muốn.

Lúc cô ngây ra là lúc trong đầu cô toàn những thứ kỳ quặc như vậy, ấy vậy mà khi người khác gọi cô, cô lại lập tức trở lại thành một cô bé ngoan ngoãn dịu dàng như bình thường, cô vâng lời, dễ bảo và còn có chút rụt rè nữa. Cánh cửa thế giới tâm hồn này của cô đóng chặt, bố mẹ cô cũng chưa từng được bước vào, tuy rằng Cát Niên đã từng nghĩ rằng nếu như bố mẹ thích, cô sẽ rất sẵn sàng mở cửa cho họ. Thế nhưng, bố mẹ cô chưa từng phát hiện ra cánh cửa này, họ chỉ biết rằng cô con gái ngoan ngoãn này thỉnh thoảng có những hành động hơi kỳ quặc khác người, ví dụ như là táo thì cô thích cắt ngang, ăn mì thì thích quấn mì vào đũa thành những hình thù kỳ quặc rồi tự cười thầm một mình.

Càng lớn, thế giới tâm hồn của Cát Niên càng rộng lớn hơn, cửa thì càng ngày càng nhỏ, nhỏ đến mức chỉ vừa đủ cho một người đi qua, thế nhưng chưa từng có ai đi qua cả, trên cánh cửa đã có nhiều lớp bụi bám, chỉ có mặt trong cửa là sạch trắng như bong.

Cát Niên ngày càng ít nói, thế nhưng cô lại rất vui vẻ trong thế giới tâm hồn của mình, không hề thấy cuộc sống này có gì tẻ nhạt.

Nếu người khác không đem lại cho cô niềm vui thì cô sẽ tự tìm niềm vui cho mình.

Mỗi lần nhìn trộm thấy mẹ trong nhà vệ sinh tay cầm que giấy gì đó là Cát Niên biết, em trai cô lại một lần nữa mất tích rồi. Điều này khiến cô cảm thấy thích thú, thậm chí còn thấy may mắn, bởi vì ngày nào em trai cô chưa xuất hiện thì ngày ấy cuộc sống hiện tại của cô vẫn có thể được duy trì lâu hơn nữa. Tuy rằng ý nghĩ này có vẻ hơi ích kỷ, cô giáo có nói, đứa trẻ nào ích kỷ thì không phải là đứa trẻ ngoan. Ha ha, tha thứ cho cô bé hiền lành này nhé.

Vào khoảng học kỳ hai của năm lớp Hai, Tạ Mậu Hoa bắt đầu làm lái xe riêng cho Viện phó Viện Kiểm sát. Cát Niên cho rằng, chắc là ông Viện phó mới nhậm chức này phải làm việc cần mẫn lắm đây, bởi vì ông ấy suốt ngày đi công tác, bố cô cũng phải đi theo ông ấy khắp nơi, hai ba ngày mới về nhà một lần.

Trẻ con từ đâu ra nhỉ? Cho đến lúc này Cát Niên vẫn chưa tìm thấy câu trả lời từ sách vở, mặc dù tất cả những loại sách mà cô tìm được, tất cả những chữ mà cô đọc được cô đều thích xem, báo truyền hình báo phát thanh cô đều say sưa xem nhưng cô không hề tìm thấy chỗ nào giải thích em trai cô ra đời như thế nào, hoặc có lẽ có giải thích thì cô vẫn chưa hiểu hết. Tuy vậy, ít nhất có một điều Cát Niên rất rõ chắc chắn phải cần hai người mới có thể sản xuất ra em bé (giống như hai người cùng nhau làm bánh mì vậy, người nhào bột, người lên men), nếu một người không có thời gian thì thể nào cũng không thể cho ra sản phẩm được. Do vậy Cát Niên tạm yên tâm được một thời gian.

Nói ra thì con của Viện phó Viện Kiểm sát Thành phố cũng cùng tuổi với cô, hồi học lớp vỡ lòng còn học với cô nửa năm. Ấn tượng của Cát Niên về cậu bé này chỉ là cậu ta bị cô túm lấy tay bắt quay không biết bao nhiêu vòng, đến khi dừng lại thì phần vì bị chóng mặt phần vì sợ quá, há hốc cả miệng.

Nhớ lại thời gian đó, tuy những đứa trẻ đi học tại trường mẫu giáo của Viện Kiểm sát đều là con em cán bộ trong Viện, nhưng không phải đứa trẻ nào cũng như đứa trẻ nào, có những đứa trẻ là con lái xe, nhân viên nhà ăn như Cát Niên hoặc là con công nhân làm điện nước, bảo vệ, những đứa trẻ còn lại khác đương nhiên là con của kiểm sát viên và lãnh đạo.

Những đứa trẻ tuổi như Cát Niên hồi đó không hiểu mấy về sự khác biệt giai cấp, cũng không biết làm thế nào để phân biệt những thứ này, thế nhưng bố mẹ chúng thì hiểu rất rõ. Giống như con trai của Phó chánh án Viện, lớp vỡ lòng học được một tháng rồi cậu mới chuyển đến, lúc đó trông cậu vừa bé vừa thấp, lại còn bị cận thị bẩm sinh nữa, trên mũi đeo một đôi kính, đối với những đứa trẻ mà nói thì chẳng đẹp đẽ tí nào, vì cậu lớn lên ở ngoại tỉnh nơi bố cậu công tác nên khi chuyển đến đây, cậu chẳng hiểu tí nào tiếng địa phương, chỉ toàn nói tiếng phố thông, thứ tiếng mà nói lưỡi cứ xoắn hết vào nhau. Thời gian đầu, bọn trẻ con toàn cười giễu sau lưng cậu, không thích chơi với cậu, cô giáo cũng chẳng ngó ngàng gì đến cậu, nếu như không phải là một trong bảy chú lùn đã định tự nhiên bị ốm thì chắc chắn cậu không bao giờ có cơ hội được lên sân khấu. Cả một năm vỡ lòng, chẳng ai có ấn tượng gì với cậu bé này, sau khi tốt nghiệp mẫu giáo, cậu cũng không được như các cô cậu con nhà lãnh đạo khác đi học đúng tuyến ngay tại trường Tiểu học Thúy Hồ, mà bố mẹ cậu phải đưa cậu đi học tận trường Tiểu học thuộc trường Trung học số 7, nếu như không thỉnh thoảng nhìn thấy cậu đi học về thì chắc mọi người đã quên mất sự tồn tại của cậu bé này rồi.

Ấy vậy mà, chỉ trong vòng vẻn vẹn có hai năm, bố của cậu bé này từ chức vụ lãnh đạo một phòng ban tiến thẳng lên chức Viện phó, kể từ sau đó, mọi việc thay đổi hoàn toàn. Những cô cậu tìm đến nhà cậu chơi sau khi tan học không hiểu sao đông hơn trước nhiều, bọn họ nói nhà cậu có rất nhiều đồ chơi mới thú vị. Viện phó có lái xe riêng đưa đón, nhân tiện đưa đón con đi học luôn, Tạ Mậu Hoa chính là lái xe của Viện phó. Không nhớ là lần nói chuyện sau bữa cơm nào, rõ ràng Cát Niên nghe thấy bố nói với mẹ là thằng con trai nhà họ Hàn này trông chẳng ra sao cả. Thế mà bây giờ bố lại cứ hay xuýt xoa là cậu công tử nhà Viện phó hay ngồi sau tay lái ông thông minh – đương nhiên, Cát Niên không thế nào so sánh với cậu ta rồi.

Cát Niên không quan tâm đến mấy chuyện này, đến tận khi đi học cấp Một, cô vẫn cứ suốt ngày nhớ nhầm tên cậu bé ấy.

Có lẽ cậu bé vẫn còn nhớ lần biểu diễn tồi tệ khi bị người khác lôi nhầm hồi học lớp vỡ lòng nên tuy rằng bố mẹ của Cát Niên và bố mẹ cậu thường xuyên tiếp xúc với nhau qua công việc thế nhưng mỗi lần gặp nhau trong sân khu tập thể, cậu bao giờ cũng ngoảnh mặt quay đi.

Vào một buổi chiều cuối tuần, được bố mẹ cho phép, Cát Niên ăn cơm tối xong xuống chơi ở sân khu tập thể, lẩm nhẩm hát mấy bài hát nhi đồng mà chỉ có mình cô hiểu, chân đá sỏi dưới bóng mát trên con đường phủ đầy cây xanh trong khu tập thể, bỗng nhiên nghe thấy có tiếng người gọi từ xa phía sau lưng “Tạ Cát Niên”, cô ngơ ngác quay đầu lại, trên con đường xanh mát dài dằng dặc ấy không thấy ai khác ngoài cậu con trai nhà ông Viện phó, trong tay cậu vẫn còn đang cầm chiếc vợt cầu lông.

“Cậu gọi tớ đấy à?” Cát Niên ngây thơ ngập ngừng hỏi lại. Mẹ Cát Niên đã từng nói, khi người khác gọi mình mà mình không đáp lại chứng tỏ là con nhà thiếu giáo dục.

Thế nhưng cậu bé ấy chẳng đáp lại câu nào, ngay lúc đó, một đứa trẻ khác sống trong khu nhà cán bộ tình cờ đi qua, cậu ta chào cậu con trai nhà ông Viện phó, cậu con trai nhà Viện phó giả như không hề nghe thấy câu hỏi của Cát Niên chạy mất hút đi thật xa, để đến nỗi sự việc xảy ra một thời gian sau Cát Niên vẫn còn nghi hoặc thị giác của mình có vấn đề.

Kể từ sau lần đó, Cát Niên không còn gặp lại cậu con trai nhà Viện phó nữa, cô cũng tìm được cho mình một thú vui mới. Những chữ cô biết mỗi ngày một nhiều hơn, có một lần ngẫu nhiên cô tìm được quyển tiểu thuyết võ hiệp đã có phần tơi tả ở dưới gầm giường của bố, cô lập tức bị lôi cuốn và đắm chìm trong thế giới võ hiệp, có lẽ thế giới tâm hồn của cô đã được trang hoàng bởi thế giới giang hồ lãng mạn này. Từ đó, nỗi đam mê tiểu thuyết võ hiệp của Cát Niên cứ ngày một mãnh liệt hơn. Từ hồi tiểu học cô đã bắt đầu gặm nhấm những quyển tiểu thuyết dày cồm cộm, gặp phải chữ nào không hiểu cô lại phải tra “Tân Hoa tự điển”. Mặc dù tình tiết trong tiểu thuyết cô chỉ hiểu lơ mơ, nhưng điều này không hề ảnh hưởng đến hứng thú của cô.

Sau này, tuy Cát Niên đã xem hàng trăm nghìn bộ tiểu thuyết võ hiệp, thế nhưng truyện mà cô thích nhất vẫn là cuốn sách tả tơi rách nát đến thê thảm mà cô phát hiện ra dưới gầm giường của bố, mà mãi sau khi lên lớp Ba cô mới biết đó là một cuốn trong bộ tiểu thuyết Thần châu kỳ hiệp của tác giả Ôn Thụy An. Cát Niên gửi gắm tất cả những kỳ vọng của cô về bạn đời vào nhân vật nam chính tên Tiêu Thu Thủy trong tiểu thuyết này.

“Gió đà thổi mát chốn chân trời, không biết sao rồi ý nghĩ ai? Hồng nhạn xa vời, tin tức vắng; sông hồ tràn ngập, nước thu đầy.” (1)

(1). Bản dịch Trần Trọng San. Nguyên văn âm Hán: “Lương phong khởi thiên mạt, Quân tử ý như hà? Hồng nhạn kỷ thời đáo, giang hồ thu thủy đa.”

Ôn Thụy An chỉ dùng có mấy câu đơn giản như vậy để giới thiệu về người đàn ông mà Cát Niên rất đỗi khâm phục và ngưỡng mộ. Anh phong độ phi phàm, trọng tình trọng nghĩa, hào hiệp trượng nghĩa, xứng danh là một đại anh hùng. Thế nhưng, cái thu hút Cát Niên nhất lại không phải là những câu chuyện về cái thiện chiến thắng cái ác, mà là câu chuyện tình say đắm giữa Tiêu Thu Thủy và Đường Phương.

Đường Phương là công chúa nhỏ của Đường Môn ở Tứ Xuyên, bà nội của Đường Phương là Đường Lão thái thái không thích Thu Thủy, thế nhưng thật trớ trêu, Đường Phương và Tiêu Thu Thủy tình cờ gặp nhau trên giang hồ, trong một trận giao đấu không quen biết họ vừa nhìn thấy nhau đã quyết định bên nhau trọn đời. Thực ra, trong suốt toàn bộ câu chuyện, Đường Phương và Tiêu Thu Thủy chỉ được ở bên nhau trong một thời gian rất ngắn, sau đó là cả một chuỗi thời gian dài xa cách, cả cuộc đời họ cứ đi tìm nhau, và để lỡ nhau hết lần này đến lần khác. Thế nhưng, Tiêu Thu Thủy đơn phương độc mã xông vào Đường Môn, xả thân chiến đấu mở ra con đường máu chỉ là để gặp được Đường Phương.

Từ trước khi hiểu được tình yêu, Cát Niên đã sắp đặt trước cho mình hình mẫu về câu chuyện tình của bản thân, giống như cô tự sắp xếp kết cục mà cô mong muốn cho tình yêu của Tiêu Thu Thủy và Đường Phương vậy.

Trong gió thu và lá thu rơi đầy, Tiêu Thu Thủy dắt tay Đường Phương.

Đường Phương nói: “Anh hãy đưa em đi đi.”

Tiêu Thu Thủy khẽ gật đầu, rồi hai người nắm tay nhau bay đi mất, thoát khỏi Đường Môn, thoát khỏi thế giới giang hồ, thoát khỏi sự kìm kẹp áp bức, bay đến một thế giới chỉ có riêng hai người mà thôi.

Không thể nào quên nổi, không bao giờ quên nổi, cái nhìn đầu tiên là anh ấy (cô ấy), mãi mãi chỉ có anh ấy (cô ấy). Đây là Tiêu Thu Thủy trong tưởng tượng của Cát Niên, và cũng là người yêu của cô trong tưởng tượng. Còn những người khác, ngớ ngẩn cũng thế, thông minh cũng vậy, đối với cô tất cả đều chỉ là người xa lạ mà thôi.

Để được xem tiểu thuyết võ hiệp, Cát Niên học được cách tiết kiệm tiền từ tiền ăn sáng, mỗi sáng cô tiết kiệm một tệ mấy hào để ra cửa hàng cho thuê truyện gần trường thuê truyện, bạn học của cô cũng đến đó, nhưng những sách mà bọn họ đọc đều là truyện tranh, cô còn học được cách bọc bìa sách giáo khoa ra ngoài tiểu thuyết để qua mắt cô giáo, qua mắt cả bố mẹ.

Có lẽ do bị phân tán sức chú ý, thành tích tiểu học của Cát Niên không được tốt cho lắm. Các đề toán cô đều biết làm, các bước làm đều đúng cả chỉ có kết quả là không đúng thôi; Ngữ văn vốn là thế mạnh của cô, thế nhưng những bài tập làm văn cô viết lại chả ra làm sao. Cô đại khái giống như cái bình bụng to mà miệng nhỏ, trong bụng có rất nhiều thứ nhưng lại không dễ gì mà dốc ra được.

Các thầy cô giáo đều không thể nào “tiêu hóa” nổi những bài văn của Cát Niên, không phải là vì nó quá hoang đường mà là vì nó quá kỳ quặc. Ví dụ như là, cô giáo yêu cầu viết một bài với tiêu đề “Điều tôi thích nhất”, Cát Niên thật thà viết thế này: Điều mà tôi thích nhất đó là ngồi một mình bên cạnh song cửa số hóng gió, cứ ngồi mãi như vậy, ngồi mãi như vậy, rất thích thú, rất thích thú…

Cho dù cô có dùng bao nhiêu dấu ba chấm, nhắc đi nhắc lại sự thích thú của cô bao nhiêu lần đi chăng nữa, đều không thể nào góp cho đủ số chữ mà cô giáo yêu cầu. Hơn nữa, cô giáo có vẻ như chẳng thấy việc ngồi bên cửa sổ có gì đáng thích thú cả, cô bắt Cát Niên miêu tả cụ thể hơn nữa, càng cụ thể hơn nữa.

Thích thú là thích thú, làm sao mà miêu tả bằng ngôn ngữ được chứ? Cho dù phần điền từ vào chỗ trống cô đều làm đúng hết nhưng chỉ vì mỗi phần làm văn này mà cô chưa từng bao giờ giành được giải thưởng gì. Cho đến trước khi học cấp Ba, lớp cô có bốn mươi học sinh thì cô luôn luôn xếp ở vị trí thứ hai mươi, nếu như lớp cô có năm mươi học sinh thì cô sẽ xếp ở vị trí thứ hai mươi lăm. Cô không phải rất xuất sắc, nhưng cũng không phải là quá kém, cô chưa từng gây ra chuyện gì ở trường, không đi muộn, về sớm, trên lớp không hay nói chuyện riêng, ngoài việc cô thích ngồi ngây ra một mình thì trong học bạ của cô chẳng có khuyết điểm nào khác. Bố mẹ cũng không có lý do gì để trách mắng cô, họ chẳng có hy vọng gì ở cô cả – hy vọng của họ đều dồn vào cậu con trai hiếm muộn hết rồi.

Khi Cát Niên lên lớp Ba, đúng vào lúc cô tưởng cậu em trai của mình sẽ không xuất hiện nữa thì trên mặt bố mẹ cô lộ ra nụ cười rạng rỡ, từ thời gian đó, mẹ cô không làm ở nhà ăn Viện Kiểm sát nữa, suốt ngày mẹ cô ở trong nhà, và ngày một béo hơn.

Nỗi lo sợ của Cát Niên ngày càng lớn. Cô để ý thấy bố mẹ thường thầm thì sau lưng cô, và bắt đầu thường xuyên gọi điện cho bác của cô, cô biết, bố mẹ đang chuẩn bị đưa mình đi nơi khác, để dành chỗ cho em trai. Lúc đó, cô đã từng lóe lên một ý nghĩ vô cùng ác độc, đó là mong sao lúc mẹ cô rửa bát, lau nhà, xem ti vi hoặc trong lúc lẩm nhẩm hát, em trai cô bị tụt ra khỏi bụng mẹ, không còn tồn tại trên cõi đời này nữa, vĩnh viễn không còn nữa, như vậy thì cô có thể tiếp tục được sống ở đây.

Chỉ tiếc rằng ý niệm của cô không thể chi phối được hiện thực. Khi bụng của mẹ to bằng ngọn đồi nho nhỏ, mẹ chuyển hẳn đến ở nhà bác ở ngoại thành, rất ít khi mẹ xuất hiện trong sân khu tập thể. Cát Niên tuần nào cũng mang đồ tiếp tế cho mẹ theo dặn dò của bố. Khi bụng mẹ to bằng ngọn núi, mẹ chuyển hẳn đến ở nhà một người họ hàng ở nông thôn.

Cuối cùng cũng có một ngày, Cát Niên vác trên mình một chiếc ba lô, vừa đi vào nhà bác vừa ngoái lại nhìn bố, bố cô đã quyết định để cô sống ở nhà bác.

Bác sắp xếp chỗ ở cho Cát Niên, trước khi bố về lần đầu tiên ông cúi xuống vuốt má Cát Niên. Ông hắng giọng mãi rồi mới nói: “Con cứ ở tạm đây rồi sau này bố mẹ đến đón con.”

Cát Niên siết chặt lấy chiếc ba lô bé nhỏ, giống như đây là tất cả của cô vậy.

Cô làm cho bố mẹ thất vọng rồi, lần này, cô không hề ngoan ngoãn gật đầu mà nhìn chằm chằm vào mắt bố, rồi hỏi: “Sau này là bao giờ? Có em trai rồi, bố mẹ còn đến đón con nữa không?”

Câu hỏi này khiến bố cô nghe xong không biết chui xuống đâu nữa, mặt ông biến sắc, rồi vội vã bỏ đi. Có lẽ chính vì câu nói này của Cát Niên mà rất ít khi bố đến thăm cô trừ những lúc đến đưa tiền sinh hoạt phí.

Bác dỗ dành Cát Niên: “Bố mẹ cháu không muốn xa cháu tí nào đâu, trong lòng bố mẹ cháu cũng thấy có lỗi với cháu lắm đấy.”

Thực ra là bác lo Cát Niên sẽ khóc nhè, nhưng Cát Niên lại hỏi lại bác: “Có lỗi là gì ạ?”

Full | Lùi trang 3 | Tiếp trang 5

Loading...

Tiểu thuyết tình yêu là website chia sẻ những thể loại truyện hay nhất hiện nay, được nhiều người đọc yêu thích. Truyện được cập nhập hàng ngày. Hãy lưu địa chỉ web để truy cập nhanh hơn!

Chúc các bạn online vui vẻ !

Laptop Tùng Anh

Tour Phú Quốc

Vinhomes Cầu Rào 2

Trang Chủ

pacman, rainbows, and roller s