Chương 4: Và người phụ nữ khác (3)
Vị bác sĩ lại hỏi tiếp. “Ông bao nhiêu tuổi?”
“Một trăm!”
“Đừng nói như vậy, ông hãy nói tuổi của mình đi!”
“Hai trăm!”
Ông thực là cục cằn. Sao ông lại nói mình hai trăm tuổi chứ? Ông còn trẻ hơn tôi năm tuổi, thế là ông khoảng... Vị bác sĩ lại hỏi tên ông.
“Shin Gu!”
“Ông hãy nghĩ thật kỹ vào.”
“Paek Il Seop!”
Diễn viên Shin Gu? Hay diễn viên phim truyền hình Paek Il Seop? Ông đang nói về Shin Kyu và Paek Il Seop mà tôi ngưỡng mộ sao?
“Ông đừng như vậy nữa, hãy nghĩ cho kỹ rồi trả lời chúng tôi.”
Ông uống một ngụm nước. Chuyện gì xảy ra vậy? Tại sao ông lại ở đây và tại sao lại bị hỏi những câu ngớ ngẩn như thế này? Sao ông không trả lời được những câu hỏi đơn giản đó mà lại khóc như vậy? Trước đây tôi chưa bao giờ thấy ông khóc cả. Tôi thì khóc nhiều rồi. Ông đã bao nhiêu lần thấy tôi khóc nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy ông khóc.
“Nào, ông hãy nói lại tên mình đi!”
Ông không nói gì cả.
“Thêm một lần nữa thôi!”
“Park So-nyo!”
Đó đâu phải tên ông, tên của tôi đấy chứ. Tôi vẫn nhớ cái ngày ông hỏi tên tôi. Ông đã trải đường vào lòng tôi giống như một con đường cũ. Giống như viên sỏi trong bãi sỏi, cục đất trong đống đất, hạt bụi trong đám bụi, tơ nhện trong mạng nhện. Hồi đó tôi còn trẻ lắm. Khi sống trong những năm tháng trẻ trung ấy tôi chẳng bao giờ nghĩ tới chuyện mình đang rất trẻ, nhưng giờ đây khi nghĩ về lần đầu gặp ông, tôi vẫn có thể nhớ được gương mặt thanh xuân của mình. Hôm đó, cô gái trẻ là tôi khi ấy đang đi từ chỗ máy xát về nhà trên con đường mới, đầu đội cái chậu inox đựng đầy bột mì. Đó là cái chậu inox chú Kyun mua cho tôi. Bước chân trẻ trung của tôi đang vội vã đi nhanh về nhà để nhào bột trong cái chậu này nấu thành canh bánh bột mì cho lũ trẻ. Máy xát cách nhà tôi mấy dặm, ở bên kia cây cầu. Trán tôi lấm tấm mồ hôi vì phải đội cái chậu đầy bột trên đầu. Ông đang đạp xe qua tôi thì chợt dừng lại gọi, “Cô ơi!”
Tôi vẫn bước đi, mắt nhìn thẳng. Ngực tôi như muốn đâm ra khỏi cái áo cánh cũ. Tôi đang mặc cái quần sờn rách.
“Cô đưa cái chậu đây cho tôi. Để lên xe tôi chở giúp cho.”
“Làm sao tôi có thể tin được lời của người qua đường mà đưa cái chậu cho anh chứ?” Tuy nói vậy nhưng bước chân của tôi cũng chậm lại. Quả thực cái chậu bột mì nặng tới nỗi tôi tưởng như đầu mình sắp vỡ tung. Dù tôi đã dùng khăn quấn thành miếng đệm đặt dưới đáy chậu nhưng dường như cả cái trán lẫn cái mũi của tôi đều sắp bẹp gí đến nơi.
“Dù sao thì tôi cũng đi xe không. Cô sống ở đâu?”
“Tôi ở ngôi làng bên kia cầu...”
“Có một cửa hàng tạp hóa ở gần cổng vào làng phải không? Tôi sẽ chở cái chậu đến đặt ở chỗ cửa hàng đó, đưa cái chậu cho tôi mà đi cho nhẹ. Đằng nào tôi cũng đi xe không, trông nặng thế kia cơ mà. Chỉ cần bỏ cái chậu đó xuống là cô sẽ đi nhanh hơn và cũng về nhà nhanh hơn.”
Tôi cứ ngây ra nhìn ông bước xuống xe, trong lúc đó tôi nhay nhay vạt khăn rủ xuống mặt của chiếc khăn đặt lót dưới cái chậu trên đầu. Nếu so với bố của Hyong-chol thì ông trông chất phác hơn, cả hồi ấy lẫn bây giờ. Ông trắng xanh nhợt nhạt như thể người chưa bao giờ lao động, khuôn mặt dài như cái bơm và đôi mắt ủ rũ của ông không đẹp cho lắm. Cặp lông mày rậm dài tạo cho ông nét thật thà, thẳng thắn. Cái miệng cho thấy ông là con người đáng tin, đáng trọng. Cặp mắt ông đang lặng lẽ nhìn tôi trông thật thân thuộc, cứ như tôi đã gặp ở đâu đó rồi. Khi thấy tôi cứ chăm chăm nhìn mặt ông mà không sẵn lòng hạ cái chậu bột mì trên đầu xuống, ông lại leo lên xe đạp. “Tôi không có động cơ lạ gì đâu. Tôi chỉ muốn giúp cô thôi vì thấy cái chậu có vẻ nặng quá. Tôi không thể ép cô cho tôi giúp nếu cô không muốn.” Ông đặt chân lên cái pê đan chắc chắn. Ấy là khi tôi vội vã cất tiếng cảm ơn ông. Tôi đưa cái chậu đang đội trên đầu cho ông. Tôi lặng lẽ đứng nhìn ông tháo mấy sợi dây chun dày buộc ở sau xe ra, đặt cái chậu lên và dùng dây chun buộc lại thật chặt.
“Vậy tôi sẽ chở nó đến chỗ cửa hàng đó!
Ông phóng xe đi, ông, một người đàn ông tôi gặp lần đầu, đang chở lương thực của các con tôi. Vừa tháo cái khăn đang đội trên đầu ra phủi bụi bám trên quần áo, tôi vừa nhìn ông cùng chiếc xe đạp đang dần mất hút. Bụi bốc lên mù mịt quanh xe ông, tôi đưa tay dụi mắt để nhìn ông dần mất hút trong đám bụi. Gánh nặng trên đầu đã biến mất, tôi cảm thấy nhẹ nhõm lạ thường. Tôi bước đi trên con đường mới, nhẹ nhàng vung vẩy đôi tay. Một làn gió trong lành lùa vào trong áo tôi. Lần cuối cùng tôi được đi người không, chẳng có gì trên tay, trên đầu hay trên lưng mình là bao giờ nhỉ? Tôi ngước nhìn những chú chim bay lượn trên không trung giữa buổi chiều tà, ngâm nga một bài hát mà hồi còn nhỏ tôi thường hát cùng mẹ, và rảo chân đi về phía cửa hàng tạp hóa đó. Từ rất xa, tôi đã dõi tìm cái chậu bột mì. Vừa tiến lại gần, tôi vừa nhìn về phía lối vào cửa hàng nhưng không thấy cái chậu mà lẽ ra phải được đặt ở đó đâu cả. Đột nhiên tim tôi loạn nhịp. Bước chân tôi trở nên gấp gáp hơn. Tôi hoảng sợ hỏi người phụ nữ trong cửa hàng, “Không có ai gửi chậu bột mì ở đây cho tôi sao?” Nếu ông đã chở cái chậu đến đây thì tôi phải nhìn thấy rồi chứ, đằng này có thấy gì đâu. Cầm cái khăn trong tay, tôi vội vàng chạy tới chỗ người chủ cửa hàng, bà ấy đang nhìn tôi chằm chằm như muốn hỏi, “Có việc gì thế?” Phải đến lúc đó tôi mới hiểu ra tất cả. Rằng ông đã cướp đi bữa ăn tối của những đứa con tôi. Nước mắt tôi rơi lã chã. Tại sao tôi lại đi tin tưởng mà đưa cho ông, một người tôi chưa bao giờ gặp, cái chậu đựng thức ăn của gia đình mình? Tôi đã nghĩ gì thế? Tại sao tôi lại làm như vậy? Đến tận bây giờ tôi vẫn còn cảm thấy nỗi sợ điếng người ấy, khi mối lo thoáng qua khi dõi theo chiếc xe đạp của ông biến mất đã trở thành sự thực. Tôi không thể quay về nhà với hai bàn tay trắng như vậy được. Tôi phải tìm lại cái chậu bột mì bằng mọi giá. Tôi như nghe thấy trong tai mình âm thanh khô khốc của cái ống bơ va vào thành chum buổi sáng hôm đó, khi tôi vào kho đong bột để làm bữa sáng. Tôi không thể từ bỏ được khi biết rõ rằng chỗ bột mì trong cái chậu đó cung cấp đủ lương thực cho mười ngày. Rời khỏi cửa hàng, tôi cắm đầu cắm cổ đi tìm ông và chiếc xe đạp của ông. Tôi cứ đi mãi đi mãi, gặp ai cũng hỏi xem họ có nhìn thấy người nào trông giống ông không. Chẳng mấy chốc đã có người nhận ra ông qua miêu tả của tôi. Điều đó cho thấy ông thật là bất cẩn. Ông sống cách đấy đâu có bao xa. Ngay khi biết ông sống trong một ngôi nhà ở ngôi làng cách làng tôi năm dặm về phía thị trấn, tôi lao như tên bắn đến đó. Bởi vì phải tới chỗ ông trước khi ông dùng bột mì trong chậu thì may ra tôi mới có thể mang về nguyên vẹn.
Khi phát hiện ra chiếc xe đạp của ông đang dựng trước cửa một ngôi nhà tồi tàn nằm giữa cánh đồng, dưới chân đồi phía cuối con đường chạy thẳng vào trong từ lôi vào làng ông, tôi chạy ào vào nhà ông và hét lên, Aaaaa! Rồi tôi thấy tất cả. Người mẹ già của ông đang ngồi trên thềm nhà cũ nát, đôi mắt bà cụp xuống, đứa con trai chừng ba tuổi đang ngồi mút ngón tay, còn vợ ông đang trong tình trạng sinh nở khó khăn. Dù đến để thu hồi cái chậu bột mì bị ông đánh cắp, nhưng thay vì thế tôi lại lấy cái nồi treo trên tường trong gian bếp tối tăm chật chội xuống rồi đổ nước vào đun. Tôi đẩy ông ra một bên, vì ông loắn xoắn bên cạnh vợ mà chẳng biết làm gì, rồi tôi nắm lấy bàn tay vợ ông, người đàn bà mà tôi mới gặp lần đầu, và hét to, “Rặn đi! Rặn mạnh lên!” Tôi không biết phải mất bao nhiêu thời gian mới nghe thấy tiếng khóc của đứa bé mới sinh vang lên. Nhà ông không có lấy một cọng rong biển để nấu canh rong biển cho vợ ông. Bà mẹ già của ông bị mù. Trông bà cứ như đang trên đường sang thế giới khác rồi. Đỡ đứa trẻ xong, tôi đi múc bột mì trong chậu ra để nhào bột rồi nấu canh bánh bột mì, khi canh chín tôi múc ra mấy bát rồi mang một bát vào trong phòng của người mẹ vừa mới sinh. Đã bao nhiêu thập kỷ trôi qua rồi nhỉ, kể từ khi tôi đội lại cái chậu bột mì lên đầu và đi về nhà? Người đàn ông kia có phải là đứa trẻ sinh ra hôm ấy không? Cậu ấy đang lau tay cho ông. Rồi cậu ấy lại đặt ông nằm sấp xuống và lau lưng cho ông. Đã lâu quá rồi. Gáy ông giờ đã nhăn nheo. Cặp lông mày rậm rạp ngày nào nay đã thưa thớt và tôi không còn nhận ra khuôn miệng của ông nữa. Lúc này, cậu con trai của ông đang hỏi thay vị bác sĩ, “Bố ơi! Bố hãy nói tên của mình đi! Bố có biết tên của bố là gì không?”
“Park So-nyo.”
Không phải, đấy là tên tôi chứ.
“Park So Nyo là ai? Là ai hả bố?”
Tôi cũng đang băn khoăn về chuyện đó đây. Tôi là gì với ông? Là người như thế nào với ông?
Bảy tám ngày sau, cứ nghĩ mãi về tình cảnh của ông, tôi bèn mang theo một ít rong biển đến nhà ông, nhưng chỉ có đứa trẻ sơ sinh nằm đó, không thấy vợ ông. Ông kể rằng vợ ông sốt cao trong ba ngày liền sau khi sinh đứa bé và cuối cùng đã rời bỏ thế giới này. Chính cơn đói đã khiến bà ấy không vượt qua được kỳ sinh nở. Người mẹ mù lòa của ông vẫn ngồi trên thềm nhà cũ nát, chẳng rõ bà cụ có biết chuyện gì đang xảy ra hay không. Cả đứa trẻ lên ba ốm yếu kia cũng thế. Có lẽ cậu con trai bên cạnh giường bệnh của ông là đứa bé lên ba đó chứ không phải là đứa trẻ sơ sinh.
Không biết tôi là người như thế nào với ông nhưng ông đã là người bạn suốt cuộc đời tôi. Ai mà ngờ được chúng ta sẽ làm bạn ngần ấy năm khi ngay trong lần đầu gặp nhau ông đã khiến tôi rất thất vọng khi lấy cắp cái chậu đựng chỗ bột mì tôi cần để nuôi con tôi? Con cái chúng ta sẽ chẳng hiểu được đâu. Dường như chúng có thể dễ dàng lý giải chuyện có hàng trăm nghìn người chết trong chiến tranh hơn là hiểu được mối quan hệ giữa ông và tôi. Dù biết vợ ông đã mất, tôi không thể cứ thế rời khỏi nhà ông được, thế nên tôi đành mang chỗ rong biển đi rửa. Tôi nhào chỗ bột mì còn lại mà hôm trước tôi đã múc từ trong cái chậu của mình ra cho ông rồi nấu canh bánh bột mì với rong biển. Xong xuôi, tôi cho đứa trẻ mới sinh bú. Hồi đó tôi thậm chí không đủ sữa cho đứa con gái lớn của mình. Ông đã phải ôm con đi khắp làng để xin sữa. Cuộc sống đôi khi thật mong manh, nhưng có những cuộc đời bền bỉ đến đáng sợ. Đứa con gái lớn của tôi nói rằng khi ta cắt cỏ bằng máy, đám cỏ dại cứ bám chặt lấy bánh răng máy cắt, và ngay khi đang bị cắt thì chúng vẫn phát tán đi bao hạt giống để duy trì sự sống. Đứa con mới sinh của ông bú thật đáng sợ. Nó bú mạnh tới nỗi tôi tưởng như mình sắp bị nuốt chửng, thế nên tôi phải phát một cái vào cái mông vẫn còn đỏ hỏn của nó. Nhưng chẳng ích gì, vậy là tôi lôi thằng bé ra. Đứa bé mất mẹ ngay khi mới chào đời nên theo bản năng nó biết rõ có bầu sữa ở gần, thành thử cứ o e không chịu rời. Thế nên tôi đặt đứa trẻ xuống và định đi ra ngoài, đúng lúc đó ông lên tiếng hỏi tên tôi. Từ lúc tôi lập gia đình đến khi ấy, ông là người đầu tiên hỏi tên tôi. Tự nhiên cảm thấy thật e thẹn, tôi cúi gằm mặt xuống.
“Park So-nyo.”
Lúc đó ông đã bật cười. Tôi không biết tại sao tôi lại làm việc tiếp theo đó. Tôi rất muốn làm ông cười thêm một lần nữa. Thế là mặc dù ông không hỏi, tôi đã nói với ông rằng chị gái tôi là Tae-nyo, nghĩa là chị gái. Tên chị em tôi là thế: em gái - chị gái. Ông lại bật cười lần nữa. Rồi ông bảo với tôi tên ông là Eun-gyu, còn anh trai ông tên là Kum-gyu. Bố ông đã cho thêm chữ vàng và chữ bạc vào tên của hai anh em với hy vọng những người con của mình sẽ kiếm được thật nhiều tiền và sống một cuộc sống giàu có. Thế là mọi người gọi ông là két bạc còn anh trai ông là két vàng. Có lẽ vì thế mà anh trai ông sống sung túc hơn ông một chút xíu. Lần này thì đến lượt tôi cười. Thấy tôi cười ông cũng cười theo. Hồi đó hay bây giờ cũng thế, ông trông bảnh nhất mỗi khi cười đấy. Vì thế cho dù có ở trước mặt bác sĩ thì cũng đừng nhăn nhó, hãy cười lên. Nụ cười có phải trả tiền đâu.
Từ hôm đó cho đến khi đứa bé được ba tuần, ngày nào tôi cũng đến nhà ông một lần để cho đứa trẻ sơ sinh bú. Có hôm tôi đến vào buổi sáng sớm, có hôm lại đến lúc nửa đêm. Việc đó có trở thành gánh nặng đối với ông không? Tất cả những gì tôi làm được cho ông chỉ có thế, vậy mà trong suốt ba mươi năm trời sau đó, mỗi khi có việc gì khó khăn tôi lại tìm đến ông. Tôi nghĩ tôi bắt đầu đến với ông sau chuyện xảy ra với chú bọn trẻ. Vì lúc đó tôi chỉ muốn chết mà thôi. Tôi cứ nghĩ chết đi có khi lại tốt hơn. Mọi người đều gây khó dễ cho tôi, nhưng chỉ có ông không bao giờ chất vấn tôi điều gì. Ông đã bảo tôi hãy tiếp tục sống. Thời gian trôi đi thì vết thương nào cũng lành cả. Đừng suy nghĩ gì mà hãy bình tĩnh thực hiện những việc phải làm. Nếu không có ông thì không biết khi đó cuộc đời tôi sẽ ra sao nữa. Bởi vì lúc ấy tôi đau khổ đến quẫn cả trí. Chính ông là người đã chôn cất đứa con thứ tư chết từ trong bụng mẹ của tôi trên ngọn đồi. Giờ đây khi nghĩ về chuyện đó, tôi tự hỏi không biết có phải ông chuyển nhà tới Komso vì tôi đã trở thành gánh nặng quá thể với ông không? Ông không phải là người sinh ra để sống gần biển hay làm dân chài. Ông chỉ phù hợp với việc làm đất để gieo trồng hạt giống. Ông không có đất nên đi vỡ đất cho người khác. Đáng lẽ tôi đã phải nhận ra điều đó khi một người như ông mà lại chuyển đến Komso. Bây giờ tôi tự hỏi phải chăng ông chuyển đến Komso vì ông không đủ sức chịu đựng tôi nữa. Tôi nhận ra rằng mình thật tệ với ông.
Chắc hẳn lần gặp gỡ đầu tiên là vô cùng quan trọng. Tôi tin chắc rằng từ trong sâu thẳm tôi luôn nghĩ ông nợ tôi, và tôi thể hiện điều đó bằng cách làm bất cứ việc gì mình muốn. Như cái cách tôi tìm bằng được ông khi ông chở chậu bột mì của tôi đi, cách tôi tìm bằng được ông khi ông chuyển đến Komso mà không nói với tôi một tiếng. Ông không phù hợp với cuộc sống ở Komso. Đứng trước bờ biển, trông ông thực sự lúng túng và lạ lẫm. Tôi vẫn nhớ như in vẻ mặt của ông khi ông đứng trên cánh đồng muối bên bờ biển. Tôi không bao giờ quên được vẻ mặt ấy, nhưng giờ đây khi nghĩ đến điều đó tôi lại cho rằng có lẽ vẻ mặt đó ngụ ý, “Đến tận đây mà cô ta vẫn tìm được mình sao?”
Vì ông mà Komso đã trở thành nơi không thể nào quên đối với tôi. Tôi chỉ luôn tìm ông mỗi khi có chuyện gì đó bản thân không xoay xở nổi. Còn khi mọi chuyện êm ấm thì tôi lại quên mất ông. Tôi cứ nghĩ mình đã quên ông. Khi ông nhìn thấy tôi đến, câu đầu tiên ông hỏi tôi là, “Có việc gì vậy?” Đến giờ tôi mới thổ lộ điều này, hôm ấy tôi đến gặp ông, đó lần đầu tiên tôi đến để xem ông ra sao, chứ không phải vì có chuyện xảy ra với mình.
Trừ lần bỏ trốn tới Komso ấy ra, ông lúc nào cũng ở nguyên một chỗ, cho đến khi tôi không tới tìm ông nữa. Cảm ơn ông vì đã luôn ở nguyên một chỗ. Có lẽ tôi sống tiếp được là nhờ điều đó đấy. Tôi xin lỗi vì hết lần này tới lần khác cứ hễ thấy bất an là lại tới tìm ông, thế mà thậm chí tôi chẳng cho ông nắm tay mình. Mặc dù vẫn tìm ông nhưng chỉ cần thấy ông có ý tới tìm tôi là tôi lại cư xử thật tàn nhẫn. Tôi thật chẳng ra gì. Tôi xin lỗi ông, vô cùng xin lỗi. Ban đầu là vì tôi thấy bối rối, về sau là vì tôi cảm thấy chúng ta không nên, và sau đó nữa là vì tôi đã già. Ông là tội lỗi của tôi và cũng là niềm hạnh phúc của tôi. Tôi muốn mình tỏ ra có phẩm cách trước mặt ông.
Đôi khi tôi kể cho ông nghe những câu chuyện mà tôi bảo mình đọc được từ trong sách, nhưng thực ra tôi đâu có đọc. Thực ra tôi đã hỏi con gái mình rồi mới kể cho ông nghe. Một lần tôi kể với ông rằng ở đất nước Tây Ban Nha có một nơi gọi là Santiago. Ông vất vả lắm mới học thuộc được cái địa danh đó và cứ liên tục hỏi tôi, “Nơi đó ở đâu?” Tôi bảo ông rằng ở đó có một con đường hành hương, phải đi bộ ba mươi ba ngày mới hết. Con gái tôi rất muốn đến đó. Vì thế thỉnh thoảng con gái tôi lại kể với tôi về nơi đó, thế nhưng tôi lại kể cho ông nghe cứ như thể chính tôi muốn đi đến đấy. Khi ấy ông đã bảo rằng nếu tôi muốn đi tới đó đến vậy thì hôm nào chúng ta sẽ cùng đi. Lòng tôi se lại khi nghe ông nói rằng chúng ta nên cùng nhau đi tới đó. Kể từ sau ngày hôm ấy, tôi không đến tìm ông nữa. Sự thực là tôi không biết nơi ấy ở đâu mà cũng không hề muốn đi đến đó.
Chuyện gì xảy ra với tất cả những điều chúng ta đã làm cùng nhau trong quá khứ ông nhỉ? Khi tôi hỏi con gái tôi câu này, mặc dù thật ra ông mới là người tôi muốn hỏi, con gái tôi bảo, “Thật lạ khi nghe mẹ nói những chuyện như thế, mẹ ạ,” rồi nói, “Chẳng phải những điều đó sẽ hòa mình vào trong hiện tại chứ không biến mất hay sao?” Những lời đó sao mà khó hiểu thế! Ông có hiểu câu đó nghĩa là gì không? Con gái tôi nói rằng tất cả những việc đã xảy ra thực chất đều hòa mình vào trong hiện tại, những việc ngày xưa đều trộn lẫn vào những việc hôm nay và những việc hôm nay lại trộn lẫn vào những việc trong tương lai và những việc trong tương lai lại trộn lẫn với những việc ngày xưa, chỉ là chúng ta không thể cảm nhận được mà thôi, nhưng giờ đây tôi không thể tiếp tục được nữa.
Không biết ông có nghĩ rằng những việc đang xảy ra hiện nay đều có liên hệ với những việc trong quá khứ và trong tương lai, chỉ có điều chúng ta không thể cảm nhận được thôi? Tôi cũng không biết nữa, đó có phải là sự thực không? Đôi khi nhìn các cháu của mình tôi lại nghĩ chúng giống như những đứa trẻ đột nhiên từ đâu đó rơi xuống chứ chẳng có mối liên hệ nào với tôi cả. Chẳng hề có bất cứ mối liên hệ nào với tôi.
Chuyện chiếc xe đạp tôi nhìn thấy ông đi trong ngày đầu gặp ông là thứ đồ ông đi ăn trộm, rồi chuyện trước khi gặp tôi đang đi trên con đường mới với cái chậu đựng bột mì trên đầu thì ông đã lập kế hoạch bán chiếc xe đạp ăn trộm ấy đi để mua một bó rong biển, những chuyện như thế có hòa trộn vào đâu không? Rồi cả chuyện cuối cùng ông không bán được chiếc xe đạp ấy nên bèn đưa đến dựng ở nơi đã lấy trộm nhưng chẳng may lại bị chủ nhân của nó phát hiện ra và được một phen hú vía nữa chứ? Có phải những việc như thế đã ngưng đọng lại ở khoảng nào đó của quá khứ và mang chúng ta đến tận đây chăng?
Tôi biết sau khi tôi mất tích ông đã lang thang khắp nơi để tìm tôi. Tôi biết rằng ông, một người trước đây chưa từng lên Seoul, đã lên ga Seoul rồi đi quanh tàu điện ngầm, hễ gặp ai hao hao giống tôi là ông chặn lại hỏi han. Ông đã đi qua đi lại nhà tôi nhiều lần, hy vọng nghe ngóng được tin tức về tôi. Ông đã rất muốn gặp và nói chuyện với các con tôi. Có phải chính điều đó đã khiến ông đổ bệnh thế này?
Tên của ông là Lee Eun-gyu. Thế nên nếu bác sĩ có hỏi nữa thì đừng nói tên ông là Park So-nyo mà hãy bảo tên ông là Lee Eun-gyu nhé. Giờ đây tôi sẽ để ông được hoàn toàn tự do. Ông là bí mật của cuộc đời tôi. Ông đã tồn tại trong cuộc đời tôi, một sự hiện diện mà bất kỳ ai quen biết tôi cũng chẳng tài nào đoán ra. Mặc dù không ai biết ông đã tồn tại trong cuộc đời tôi, nhưng ông chính là người mang bè đến mọi con nước lớn để giúp tôi vượt qua thác lũ an toàn. Tôi đã rất vui vì có ông. Tôi đến để nói với ông rằng tôi đi qua được cuộc đời mình là bởi tôi có thể tìm đến với ông những lúc lo âu chứ không phải những khi hạnh phúc.
Bây giờ tôi phải đi đây.
Ngôi nhà như đông cứng lại.
Sao ông lại cửa đóng then cài thế này? Đáng lẽ ông nên mở cửa để bọn trẻ hàng xóm có thể vào chơi chứ. Trong nhà không có chút hơi ấm nào. Cả ngôi nhà lạnh lẽo như một tảng băng. Tuyết đã rơi đầy xung quanh mà không ai quét dọn cả. Sân trước ngập tràn tuyết trắng. Băng bám ở khắp mọi nơi có thể bám được. Dạo bọn trẻ đang lớn, chúng hay bẻ cột băng làm kiếm để chơi trò trận giả. Hình như vì tôi không có nhà nên chẳng còn ai để mắt đến ngôi nhà này. Lần cuối có người ghé qua ngôi nhà này chắc cũng đã lâu lắm rồi. Chiếc xe máy của ông dựng trong nhà kho. Trời ạ, nó cũng đã đóng thành băng. Tôi mong ông không đi cái xe máy đó nữa. Có ai đi xe máy ở cái tuổi này không? Ông tưởng mình vẫn còn trẻ sao? Tôi lại đay nghiến theo thói quen rồi. Ấy thế nhưng, những lúc đi xe máy trông ông thật là bảnh, chẳng giống người nhà quê chút nào. Thời còn trẻ, những lúc ông vuốt keo, mặc áo da và cưỡi xe máy vào làng thì ai nấy đều phải trầm trồ nhìn theo. Tôi nghĩ có một bức ảnh từ thời đó ở đâu đấy... Trong cái khung ảnh treo trên cánh cửa phòng ngủ chính... A, kia rồi. Đó là hình ảnh của ông khi còn chưa đến ba mươi tuổi. Khuôn mặt ông tràn đầy đam mê chứ không phải như bây giờ.
Chương 4: Và người phụ nữ khác (4)
Tôi vẫn còn nhớ ngôi nhà chúng ta từng sống trước khi xây lại. Tôi thực sự rất yêu ngôi nhà đó. Nói là yêu nhưng tôi nghĩ đó không chỉ là tình yêu. Chúng ta đã sống bốn mươi năm trong một ngôi nhà mà giờ đây không còn nữa. Khi đó lúc nào tôi cũng ở nhà. Luôn luôn. Cho dù ông có nhà hay không cũng vậy. Tôi chẳng nhận được tin tức gì của ông, dường như ông sẽ không bao giờ trở lại, nhưng rồi ông lại quay về. Có lẽ đó chính là lý do. Giờ đây tôi vẫn có thể thấy ngôi nhà cũ đó hiển hiện trước mắt mình như thể nó đang tỏa sáng. Tôi nhớ tất cả mọi thứ. Tất cả những chuyện đã xảy ra trong ngôi nhà đó. Những việc xảy ra vào những năm bọn trẻ ra đời, tôi đã chờ mong ông, quên ông, ghét bỏ ông rồi lại chờ đợi ông trở về. Bây giờ ngôi nhà đã bị bỏ lại phía sau một mình. Không hề có dấu vết của con người, chỉ có tuyết trắng bao phủ khắp sân.
Ngôi nhà là một thứ thật kỳ lạ. Tất cả mọi thứ đều hỏng hóc đi khi con người tác động đến, đôi khi có thể cảm nhận được chất độc của con người nếu ta tới gần người đó, nhưng nhà cửa lại không như vậy. Cho dù một ngôi nhà bền đẹp bao nhiêu mà không có người qua lại thì chẳng mấy chốc cũng sẽ bị phá hủy. Một ngôi nhà chỉ tồn tại khi có người sống trong đó, quét dọn lau chùi, chăm sóc nó. Hãy xem chính ngôi nhà này. Một bên mái nhà đã sụp xuống vì tuyết phủ. Sang xuân ông sẽ phải gọi người đến sửa lại mái nhà thôi. Có tờ quảng cáo ghi đầy đủ tên và số điện thoại của một đội thợ sửa mái nhà dán trên cái tủ đặt vô tuyến trong phòng khách đấy, nhưng tôi không rõ liệu ông có biết chuyện đó hay không. Nếu ông gọi đám thợ, họ sẽ đến sửa sang lại mái nhà. Ông không thể bỏ trống ngôi nhà trong suốt mùa đông như thế này được. Cho dù không có người sống trong nhà thì thỉnh thoảng ông cũng phải ghé qua bật lò sưởi lên một chút chứ.
Ông đi Seoul rồi à? Ông đang tìm tôi trên đó hay sao?
Căn phòng cất những quyển sách Chi-hon gửi khi đi Nhật Bản cũng thật lạnh lẽo. Những cuốn sách dường như cũng đã đóng băng. Từ sau khi Chi-hon gửi sách xuống đây, căn phòng này trở thành nơi tôi yêu thích nhất trong nhà. Khi cảm nhận thấy cơn đau đầu sắp hành hạ mình, tôi sẽ đi vào trong căn phòng này nằm nghỉ. Dạo đầu, dường như điều đó giúp tôi thấy khá hơn. Tôi không thích nói cho ông biết chuyện tôi bị đau đầu. Sáng mai chưa bảnh mắt là cơn đau đã ào đến và tôi thậm chí không thể nấu bữa sáng cho ông, nhưng tôi không thích trở thành một người bệnh trước mặt ông. Bao lần như thế khiến tôi cảm thấy cô đơn. Những lúc ấy tôi thường đi vào căn phòng cất sách của Chi-hon để nằm nghỉ. Có lần, ôm lấy cái đầu đau như búa bổ của mình, tôi tự hứa rằng tôi sẽ đọc ít nhất một cuốn truyện do Chi-hon viết trước khi nó từ Nhật Bản trở về. Thế là tay ôm chặt lấy đầu, tôi đi học đọc. Nhưng kế hoạch đó không thực hiện được. Khi tôi cố học đọc, tình trạng nhanh chóng trở nên tồi tệ hơn. Cố học chữ mà lại không thể nói với ông nên tôi thấy cô đơn vô cùng. Nói ra những điều như vậy khiến tôi cảm thấy lòng tự trọng bị tổn thương. Khi học đọc, ngoài đọc sách của con gái bằng chính đôi mắt của mình, tôi còn muốn làm một việc nữa. Viết thư từ biệt từng thành viên trong gia đình, trước khi tôi thành ra thế này.
Gió thổi mạnh khủng khiếp. Tuyết ngoài sân cuốn tung theo từng cơn gió.
Những đêm hè, khi chúng ta mang bếp ra ngoài trời để hấp bánh, là thời gian vui nhất của chúng ta trong cái sân này. Trong khi Hyong-chol còn đang đi hót phân gà và nhóm lửa để xua muỗi cho cả nhà thì những đứa em đã nhanh nhảu chạy đến ngồi lên phản đợi bánh đang hấp trong cái nồi đặt trên bếp than mau chín để ăn. Khi tôi lấy bánh trong cái nồi đầy vèn ra đặt lên khay mây là lũ trẻ sẽ tay nọ tay kia nhặt từng chiếc bánh cho đến khi hết sạch. Lũ trẻ ăn hết chỗ bánh đó còn nhanh hơn thời gian tôi hấp bánh. Trong khi cho thêm củi vào bếp lò để hấp thêm một nồi bánh nữa, cứ nhìn các con nằm bên nhau chờ đợi trên tấm phản gỗ, tôi lại thoáng thấy lo sợ. Bọn trẻ ăn khỏe quá! Mặc dù đã nhóm lửa để xua muỗi nhưng đàn muỗi vẫn bu đầy tay chân tôi để hút máu, và khi đêm về khuya, ăn hết mấy lượt bánh rồi, bọn trẻ lại nằm đợi tôi hấp thêm. Có những đêm hè bọn trẻ nằm song song bên nhau như thế, hết đứa này tới đứa kia ngủ thiếp đi, chờ bánh chín. Trong lúc lũ trẻ ngủ, tôi hấp xong những chiếc bánh còn lại, để ra rổ, đậy lại rồi đặt lên phản và đi ngủ, khi ấy sương đêm sẽ làm vỏ những chiếc bánh hấp hơi se cứng. Sáng ra vừa bảnh mắt, bọn trẻ lại kéo cái rổ về phía mình để ăn tiếp. Đó là lý do tại sao bọn trẻ vẫn thích những chiếc bánh hấp đã nguội lạnh, vỏ hơi se cứng. Có những đêm hè như thế đấy. Những đêm hè khi sao trên trời như trút xuống đầy sân nhà. Khi lang thang khắp các con đường, mặc dù đầu óc mông lung chẳng nhớ nổi điều gì, tôi vẫn rất nhớ nơi ấy. Ông không biết tôi nhớ nơi ấy đến mức nào đâu, nào là cái sân, cái thềm nhà, nào là vườn hoa, cái giếng. Sau một thời gian đi lang thang, tôi ngồi bệt xuống lề đường và vẽ những gì xuất hiện trong đầu mình. Đó chính là ngôi nhà ấy. Tôi vẽ cánh cổng, tôi vẽ vườn hoa, tôi vẽ những chum tương và vẽ cái thềm nhà. Tôi không thể nhớ được gì ngoài ngôi nhà ấy, ngôi nhà có trước ngôi nhà này, ngôi nhà đã biến mất từ lâu lắm, ngôi nhà có gian bếp kiểu truyền thống và khoảnh sân sau râm mát dưới bóng tán cây đại hoàng cổ thụ và gian kho nối liền chuồng lợn. Cái cổng bằng tôn có hai cánh với lớp sơn xanh đã bong tróc cả. Cái cổng của ngôi nhà ấy, với ô cửa nhỏ ở cánh trái và thùng thư bên cánh phải. Chỉ có dăm ba lần cả hai cánh cổng phải mở ra cùng một lúc, nhưng ô cửa nhỏ với tay cầm bằng gỗ thì lúc nào cũng mở hướng ra đường làng. Chúng ta không bao giờ khóa cổng. Dù chúng ta không có nhà, trẻ con trong làng vẫn chui qua ô cửa nhỏ trên cánh cổng màu xanh ấy vào nhà chúng ta để chơi đùa cho đến tận khi trời tối. Trong những ngày mùa bận rộn, mỗi khi đi học về sớm mà thấy ngôi nhà vắng tanh vì mọi người còn ở ngoài đồng thì cô con gái thứ lại leo lên cái xe đạp dựng dưới gốc cây hồng rồi nhấn nhấn pê đan. Khi tôi về, cô con gái thứ đang ngồi ở đầu hè sẽ lao vào lòng tôi và reo lên, “Mẹ ơi!” Khi đứa con trai thứ hai bỏ nhà đi, tôi để phần cơm cho nó ở gần lò sưởi và lúc nào cũng để cổng mở toang cả hai cánh. Nếu ai đó đá phải làm bát cơm chuệch choạc đi, tôi đặt nó lại chỗ cũ cho ngay ngắn. Ban đêm nếu giật mình tỉnh giấc vì tiếng gió thổi, tôi sẽ đi ra ngoài lấy mấy hòn đá nặng chèn cổng vì sợ gió thổi sập hai cánh lại. Mắt và tai tôi đã được luyện cho quen thuộc với từng âm thanh nhỏ từ cánh cổng.
Tủ quần áo cũng đã đóng băng.
Cửa tủ thậm chí không mở được. Nhưng chắc trong tủ cũng chẳng còn thứ gì. Khi bệnh đau đầu bắt đầu nặng lên, tôi muốn đến với người đàn ông ấy, người mà tôi đã không gặp lâu nay. Tôi nghĩ có lẽ sẽ tốt hơn nếu tôi làm như vậy. Nhưng tôi đã không đi. Dằn lòng lại, tôi ở nhà để dọn dẹp đồ đạc. Tôi có thể cảm thấy ngày đó đang đến, cái ngày mà tôi lẫn đến độ không thể nhận ra điều gì nữa. Tôi muốn lo liệu mọi thứ thuộc về mình trong khi đầu óc còn sáng tỏ. Tôi gom những bộ quần áo vẫn treo trong tủ mà không thể vứt đi đâu được bọc vào một tấm vải mang ra đốt ở ngoài đồng. Những bộ quần áo mặc trong còn nguyên mác mà Hyong-chol mua cho tôi khi nhận được tháng lương đầu tiên vẫn ở nguyên trong tủ mấy chục năm nay. Ngay cả trong lúc đốt những thứ đó, đầu tôi cũng đau như muốn nổ tung. Những cái có thể đốt được là tôi đốt hết. Chỉ để lại chăn gối cho con cháu dùng khi chúng về nhà nhân dịp lễ tết. Tôi đốt cả cái chăn bông mẹ tôi dệt cho khi tôi đi lấy chồng. Tôi lôi hết những thứ đã theo tôi bao lâu nay ra ngắm lại một lần nữa.
Cả những thứ chưa hề dùng đến vì tôi cứ để dành, những chiếc đĩa tôi gom góp để tặng con gái lớn khi nó lập gia đình. Thế mà giờ Chi-hon vẫn chưa kết hôn. Nếu biết trước rằng ngay cả khi em gái nó đã lấy chồng và có ba đứa con mà nó vẫn chưa lập gia đình thì tôi đã cho em gái nó mấy cái đĩa ấy rồi. Tôi thật ngốc khi cứ nghĩ phải tặng mấy cái đĩa ấy cho Chi-hon vì đó là món quà tôi dành cho nó. Tôi lưỡng lự hồi lâu, rồi cầm mấy cái đĩa đó ra ngoài đập vỡ hết. Tôi biết. Rằng một ngày nào đó tôi sẽ không thể nhớ được bất cứ điều gì nữa. Và trước khi ngày ấy đến, tôi muốn lo liệu mọi thứ tôi từng dùng. Tôi không muốn bỏ chúng lại phía sau. Mọi đáy chạn cũng đều trống rỗng. Tôi đập vỡ mọi thứ đồ dễ vỡ rồi chôn hết xuống đất.
Ngay cả trong cái tủ đã đông cứng kia, thứ đồ mùa đông duy nhất còn lại cũng chỉ là chiếc áo lông chồn màu đen cô con gái thứ mua cho tôi. Khi bước sang tuổi năm lăm, tôi chẳng thiết ăn uống mà cũng không muốn đi đâu ra ngoài. Ngày tháng trôi qua, tôi chìm sâu trong mệt mỏi khó chịu, cảm giác giống như bị con gì đốt khắp mặt mày. Khi há miệng, tôi thấy như có mùi khó chịu từ trong cơ thể bay ra. Tôi chẳng nói chẳng rằng suốt mười ngày trời. Tôi cố gắng tống những suy nghĩ bi quan ra khỏi đầu, nhưng mỗi ngày lại thêm một nỗi buồn len vào trái tim tôi. Mặc dù đang giữa mùa đông, tôi cứ liên tục ngâm tay vào nước lạnh cóng để rửa đi rửa lại. Rồi một hôm tôi tới nhà thờ. Tôi dừng lại trong sân nhà thờ. Tôi quỳ xuống dưới chân tượng Đức Mẹ đang ôm thi thể người con trai. Tôi định cầu xin Đức Mẹ giúp tôi rũ bỏ sự chán nản này, tôi không thể chịu đựng nó lâu hơn được nữa, cầu xin Đức Mẹ rủ lòng thương xót tôi.
Nhưng tôi dừng lại, tự hỏi liệu mình còn có thể xin thêm được gì từ một người mẹ đang ôm đứa con trai đã chết. Trong lúc xem làm thánh lễ Misa, tôi nhìn thấy người phụ nữ ngồi trước tôi khoác trên người một chiếc áo lông chồn đen. Bị mê hoặc bởi sự mềm mại của nó, tôi từ từ ghé mặt vào nó lúc nào không hay. Chiếc áo lông chồn như cơn gió mùa xuân dịu dàng ôm lấy khuôn mặt già nua của tôi. Những giọt nước mắt tôi đang kìm nén bỗng trào ra. Người phụ nữ nọ nhẹ nhàng tránh sang bên cạnh khi tôi cứ cố gắng tựa đầu vào chiếc áo. Lúc về nhà tôi đã gọi điện cho đứa con gái thứ để bảo nó mua cho một chiếc áo lông chồn. Đó là lần đầu tiên tôi mở miệng trong suốt mười ngày.
“Áo lông chồn hả mẹ?”
“Ừ, áo lông chồn.”
Cô con gái thứ chỉ im lặng.
“Con sẽ mua cho mẹ chứ? Hay là không?”
“Trời đang ấm áp mà mẹ. Mẹ đi đâu mà phải mặc áo lông chồn à?”
“Ừ.”
“Mẹ định đi đâu à?”
“Không.”
Cô con gái cười vang trước những câu trả lời nhát gừng của tôi. “Thế mẹ lên Seoul đi. Con sẽ cùng mẹ đi mua.”
Khi chúng tôi bước vào trong bách hóa và đứng trước quầy áo lông chồn, cô con gái cứ nhìn tôi chằm chằm mà không nói gì. Tôi không hề biết cái áo lông chồn của mình, ngắn hơn một chút so với cái áo tôi đã vùi mặt vào của người phụ nữ trong nhà thờ hôm nọ mặc, lại có giá đắt đến như vậy. Cô con gái đã không nói cho tôi biết. Khi hai mẹ con mang cái áo lông chồn về nhà, cô con dâu cũng tròn mắt ngạc nhiên. “Áo lông chồn cơ hả mẹ!”
Tôi không nói gì.
“Mẹ thật may mắn. Được con gái mua cho cái áo đắt như vậy. Con còn không thể mua nổi cho mẹ con một chiếc khăn lông cáo. Người ta nói rằng lông chồn được truyền cho thế hệ sau đấy. Khi nào mẹ không dùng nữa thì để lại cho con nhé.”
“Đây là lần đầu tiên mẹ bảo em mua thứ gì đó cho mẹ đấy! Chị đừng có nói như thế!”
Khi cô con gái thứ phản ứng mạnh với bà chị dâu như thể nó đang rất tức giận, tôi mới nhận ra. Lý do cô con gái cứ xem đi xem lại cái hóa đơn, Và lý do nó cứ nhìn tôi chằm chằm. Hồi đó nó vừa tốt nghiệp đại học và xin vào làm việc tại khoa dược của một bệnh viện. Lúc trở về từ Seoul, tôi cầm chiếc áo lông chồn ra bách hóa trong thị trấn để hỏi cô nhân viên bán hàng trong quầy quần áo lông chồn xem giá của nó khoảng bao nhiêu, và cứng đờ người. Ai mà biết được một mảnh áo mà lại đắt như vậy chứ! Tôi gọi cho cô con gái và bảo, “Hay chúng ta quay lại đó trả lại chiếc áo đi,” nhưng nó nói, “Chiếc áo đó rất mềm mại. Mẹ, mẹ hoàn toàn xứng đáng được mặc chiếc áo đó. Mẹ hãy mặc nó.”
Ở khu vực này ngay cả trong mùa đông thời tiết cũng rất ấm áp, thế nên rất hiếm ngày tôi có thể mặc áo lông chồn. Có khi ba năm liền tôi chẳng mặc lấy một lần. Mỗi khi thấy phiền muộn tôi lại mở tủ quần áo ra và vùi mặt vào chiếc áo lông chồn đó. Khi ấy tôi nghĩ lúc chết đi tôi sẽ để lại chiếc áo này cho cô con gái thứ.
Mặc dù lúc này trời đang lạnh cóng, sang xuân vườn hoa sát tường rào sẽ rộn ràng trở lại. Cây lê của nhà hàng xóm sẽ nở đầy hoa, hương thơm dìu dịu lan xa. Cây hồng leo với bao nhiêu bông hoa màu hồng phớt sẽ uốn cong những nhánh thân đầy gai reo vui trong gió. Đám cỏ dại dưới chân tường rào sẽ mọc tốt um sau trận mưa xuân đầu tiên. Có lần, tôi mua một đàn ba chục con vịt con ở dưới chân cầu trong thị trấn về thả trong sân nhà, thế là đàn vịt con kéo nhau về phía vườn hoa và giẫm cả lên hoa. Khi lũ vịt con hòa thành đàn chạy nhảy cùng lũ gà chiếp thì thật khó mà nói đâu là vịt con đâu là gà chiếp. Dù sao đi nữa, trong những ngày xuân khoảnh sân lúc nào cũng ồn ào bởi tiếng kêu của chúng. Cũng tại khoảnh sân này, một hôm cô con gái lớn bảo nếu bón phân vào gốc cây thì cây sẽ nở nhiều hoa hơn rồi mang cuốc ra xới đất dưới bụi hồng, đang cuốc thì nhìn thấy một con giun bò ngoằn ngoèo trong lòng đất, thế là nó sợ quá vứt vội cái cuốc sang bên rồi chạy ào vào trong nhà, cái cuốc rơi trúng làm chết một chú gà con. Tôi vẫn nhớ mùi đất hăng nồng xông lên mũi khi một cơn mưa mùa hè đột nhiên trút xuống khiến lũ chó và đàn gà vịt đang chơi ngoài sân phải nháo nhác chạy tới núp phía dưới thềm nhà, trong chuồng gà hoặc dưới chân tường rào. Tôi nhớ cả những hạt đất vo tròn trong cơn mưa bất chợt. Còn vào những đêm cuối mùa thu lộng gió, lá của cây hồng ở sân bên sẽ trút xuống và tung bay khắp nơi. Ban đêm có thể nghe rõ tiếng lá rụng lăn hối hả qua sân. Trong những đêm đông đầy tuyết, gió sẽ lùa tuyết vào tận thềm nhà.
Có ai đó đang mở cửa. A, bà bác!
Bác là bác của các con tôi và là chị dâu tôi, nhưng tôi đã không thể gọi bác là chị dù chỉ một lần. Bởi vì bác giống như mẹ chồng tôi thì đúng hơn. Tôi biết bác sang để xem nhà cửa thế nào vì tuyết rơi và gió lạnh. Tôi cứ tưởng không có ai chăm sóc cho ngôi nhà này, quên bẵng mất là còn có bác ở đây. Nhưng sao bác lại đi tập tễnh thế kia? Bác vốn luôn khỏe mạnh cơ mà. Có lẽ bác đang ngày một già đi. Đường có tuyết trơn đấy. Hãy cẩn thận.
“Có ai ở nhà không?”
Giọng của bác vẫn vậy, rất có uy.
“Không có ai trong nhà à?”
Biết là không có ai ở nhà nhưng bác vẫn thử gọi. Không đợi câu trả lời, bác bước đến ngồi xuống đầu hè. Sao bác lại ăn mặc phong phanh như vậy? Cẩn thận kẻo bị cảm lạnh bây giờ. Bác nhìn chằm chằm vào đống tuyết ngoài sân cứ như người mất hồn vậy. Bác đang nghĩ gì mà trầm tư thế?
“Cảm giác như có ai vừa đến đây...”
Một kẻ sắp thành ma đấy, bác ạ.
“Trời lạnh thế này mà đi lang thang ở đâu không biết.”
Bác đang nói đến tôi đấy à?
“Mùa hạ đi qua, mùa thu đi qua, mùa đông đã đến... Tôi không ngờ cô là người vô tình đến vậy đấy. Cái nhà này sẽ thành cái gì nếu không có cô đây? Chỉ là một cái xác không hồn. Khi ra đi cô còn mặc áo mùa hè, thế mà đông sang rồi cô cũng chẳng về. Liệu có phải cô đã là người của thế giới khác rồi không?”
Chưa đâu. Tôi vẫn đang phiêu bạt như thế này đây.
“Người đáng thương nhất trên thế gian này là người không được chết trong ngôi nhà của chính mình... Hãy tỉnh táo mà quay trở về nhà đi.”
Bác đang khóc đấy sao?
Ngước lên nhìn bầu trời xám xịt, đôi mắt bác đã ngấn lệ. Giờ trông bác thế này mới thấy đôi mắt của bác không đáng sợ chút nào. Tôi luôn sợ vẻ nghiêm khắc trong ánh mắt ấy nên phải nói thật là tôi chẳng dám nhìn thẳng vào mặt bác để không phải chạm mắt bác. Tôi nghĩ tôi thích thấy bác khi bác cương nghị hơn. Nhìn bác ngồi mà hai vai rũ xuống thế này thật chẳng giống bác chút nào. Khi còn sống tôi chưa một lần được nghe một lời tốt đẹp từ bác, vậy sao giờ tôi lại phải chứng kiến bộ dạng rũ rượi héo hon của bác chứ? Tôi không thích nhìn dáng vẻ yếu đuối thế này của bác đâu. Tôi không chỉ đơn thuần thấy sợ bác. Nếu những việc khó khăn xảy ra mà tôi không biết phải giải quyết thế nào, tôi lại nghĩ, bác ấy sẽ xử lý thế nào nhỉ? rồi lựa chọn làm theo cách tôi nghĩ bác sẽ làm. Thế nên bác cũng chính là hình mẫu của tôi đấy. Bác biết rằng tôi có tính nóng nảy. Mọi mối quan hệ trên thế gian này đều là hai chiều chứ không phải do một phía quyết định. Giờ bác sẽ phải chăm sóc bố của Hyong-chol vì ông ấy chỉ còn lại một mình. Mặc dù trong lòng tôi không thoải mái lắm, nhưng có bác ở bên cạnh bố của Hyong-chol thì tôi cũng an tâm phần nào. Khi tôi còn sống, tôi biết rõ rằng bác hoàn toàn phụ thuộc vào bố của Hyong-chol, bởi vì bác chỉ có một thân một mình, thế nên tôi ít khi thấy tổn thương, bực bội hay thất vọng. Tôi chỉ coi bác như một người lớn gặp hoàn cảnh không may trong gia đình thôi. Thế nên bác giống như mẹ chúng tôi chứ không phải chị gái. Nhưng bác ạ! Tôi không muốn vào phần mộ xây cho tôi mấy năm trước trong khu nghĩa trang tổ tiên đâu. Tôi không muốn vào đó. Hồi còn sống ở đây, mỗi khi đầu óc thoát được tình trạng u minh, tôi lại một mình đi lên sinh phần của mình. Làm thế để nếu có ở trong đó sau khi chết thì tôi cũng sẽ cảm thấy thoải mái. Tôi thích những tia nắng rực rỡ và những cây thông cao chót vót dù thân hơi cong, nhưng quả thật là quá cay cực và nặng nề nếu tôi vẫn là một thành viên của gia đình này ngay cả khi đã chết đi rồi. Để cố gắng thay đổi suy nghĩ ấy của mình, tôi sẽ lẩm nhẩm hát hò, nhổ cỏ rồi ngồi ở đó cho đến tận khi mặt trời lặn, nhưng không có gì ở đấy khiến tâm trạng tôi vui lên được. Tôi đã sống trong ngôi nhà này hơn năm mươi năm rồi, giờ xin hãy để tôi đi. Dạo chúng ta xây mộ, khi bác bảo phần mộ của tôi nên ở ngay dưới phần mộ của bác, tôi đã liếc xéo bác mà nói, “Ô! Vậy thì dù đã chết tôi vẫn có thể làm việc vặt cho bác nhỉ.” Đến nay tôi vẫn nhớ câu nói đó. Bác đừng có phiền lòng về mấy lời ấy nhé. Tôi đã suy nghĩ chuyện này rất lâu nhưng tôi nói thế không có ý xấu gì đâu. Giờ tôi chỉ muốn trở về nhà và nghỉ ngơi ở đó.
Ô, cửa gian nhà kho vẫn mở.
Gió đập sầm sầm vào cửa nhà kho như thể sẽ xé tan cánh cửa thành từng mảnh. Có một lớp băng mỏng trên tấm phản gỗ mà trước đây tôi vẫn thích ngồi. Nếu không để ý mà ngồi lên đó thế nào cũng trượt ngã ngay. Hồi xưa Chi-hon hay ngồi trong gian nhà kho này để đọc sách và bị bọ chét cắn. Tôi biết Chi-hon thường mang theo một cuốn sách rón rén trốn vào đây, giữa chuồng lợn và buồng đựng tro. Tôi đã không đi tìm nó. Nếu Hyong-chol có hỏi tôi Chi- hon ở đâu thì tôi cũng bảo không biết. Vì tôi thích thấy con bé đọc sách. Và tôi không muốn quấy rầy nó.
Có một đống rơm chất trên tấm ván che chuồng lợn. Đám gà mái sẽ chiếm lấy một góc đống rơm ấy để ấp trứng. Không ai có thể tìm thấy Chi-hon cuộn mình giữa đống rơm, vừa bôi nước bọt làm dịu những chỗ bị bọ chét cắn vừa đọc sách, Chi-hon chắc phải lấy làm thú vị bao nhiêu khi nấp trên đó đọc sách mà nghe anh trai nó mở tung hết các cửa phòng và chạy cả vào nhà bếp để tìm nó. Đám gà mái cũng thật đặc biệt. Những con gà mái đang ấp trứng trên đống rơm sẽ nhặng xị cả lên khi nghe tiếng giở sách sột soạt của con bé. Lũ gà mái mẹ vốn không chịu ấp trứng nếu ta không làm cho chúng những cái tổ ấm áp với đầy trứng làm mồi nhử, chúng rất nhạy cảm với tiếng ồn của Chi-hon, có lần chúng quác quác ầm ĩ tới mức anh trai con bé đã phát hiện ra nó.
Không biết Chi-hon đã đọc gì khi lặng lẽ trốn trong gian nhà kho với con lợn ủn ỉn liên hồi bên cạnh, đàn gà cục tác không ngừng phía trên, đủ thứ nông cụ như cuốc xẻng bừa cào và cả rơm rạ bao bọc xung quanh? Khi mùa xuân đến, con chó gầm gừ luôn mồm, nằm bên cạnh đàn con mới đẻ của nó ở phía dưới thềm nhà, giày mùa đông của cả nhà bị tha về khắp xung quanh chúng. Ta còn nghe thấy tiếng mưa nhỏ xuống từ mái hiên. Con chó vốn hiền lành là thế mà sao khi đẻ con lại trở nên hung dữ như vậy? Nếu không phải là người nhà thì chẳng ai đến gần nó được. Vì vậy khi con chó đẻ, Hyong-chol sẽ tô đậm lại dòng chữ “Chú ý nhà có chó” trên tấm biển lúc nào cũng treo trên cánh cổng màu xanh. Một lần nhân lúc chó mẹ ăn cơm tối xong rồi nằm ngủ, tôi bắt một con chó con dưới thềm nhà cho vào thúng, phủ một miếng vải bên trên, lấy tay che mắt con chó, rồi mang sang nhà bà bác.
Chúc các bạn online vui vẻ !