Chương 1: Để anh chàng mãi được nói lời yêu thương
Mặt trời lặn trong những ngày đầu hạ ướt át lạ thường. Hoa trái trong vườn bắt đầu chín đỏ, mùi hương chua chua, ngọt ngọt lan tỏa khắp ngôi làng nhỏ bé. Những cậu bé, cô bé của trường trung học huyện Uyển vai đeo ba lô, đi qua đài tưởng niệm Tam Nguyên về nhà. Cạnh hàng rào sắt của trường là ngôi miếu từ đời nhà Thanh đang bị tháo dỡ, cô bé học lớp tám Diệp Trăn Trăn đang đứng đó đợi cô bạn hàng xóm Nhan Thuấn Nhân.
Học sinh của ngôi trường trọng điểm này hầu như ngày nào cũng phải đi qua đài tưởng niệm Tam Nguyên. Tỉ lệ lên lớp của trường cấp hai huyện Uyển thuộc vào loại nhất nhì tỉnh, Diệp Trăn Trăn cũng là một trong những học sinh giỏi nhất của trường.
Nhan Thuấn Nhân lại là cô bé không mấy nổỉ bật về mặt thành tích học tập, nhưng về vẻ dễ thương thì không chỉ nổi tiếng ở trong trường mà còn nổi tiếng khắp tỉnh.
Khi mặt trời khuất dần sau dãy núi phía sau trường Diệp Trăn Trăn mới nhìn thấy Nhan Thuấn Nhân hổn hển chạy tới, bím tóc sau gáy lắc lư theo.
Diệp Trăn Trăn thấy bạn không biết mình đứng đây nên hét lên: "Thuấn Nhân, Thuấn Nhân!"
Nhan Thuấn Nhân nghe thấy bạn gọi liền chạy tới, giọng có vẻ trách móc: "Sao cứ phải đến nhà cậu ăn cơm? Khó khăn lắm tớ mới chờ được Lý Triệt tan học tớ muốn xem anh ấy chơi bóng rổ."
Trăn Trăn cười nói: "Chả thiếu con gái đến xem anh ấy chơi bóng rổ đâu, không cần cậu phải tham gia. Hôm nay nhà tớ có khách từ xa tới, mẹ tớ có làm món măng khô kho thịt mà cậu thích ăn nhất đấy."
Nghe thấy món măng khô kho thịt, Thuần Nhân vui hẳn lên: "Khách nào? Từ đâu đến thế?"
Trăn Trăn nói: "Từ Bắc Kinh tới. Người đó từng dạy anh tớ nữa đấy. "
Thuần Nhân biết, anh họ của Trăn Trăn là Diệp Vị Kỳ mấy năm trước đã từng đến Bắc Kinh học về nhiếp ảnh sau đó anh ta về quê mở một cửa hàng quay phim, chụp ảnh, làm ăn cũng rất được.
Cô bé cũng từng xem bộ ảnh kỷ niệm mà Diệp Vị Kỳ chụp choTrăn Trăn, đúng là rất đẹp. Thuấn Nhân rất muốn đi chụp, nhưng chụp một bộ ảnh kỷ niệm không rẻ chút nào, cô bé lại ngại nhờ Trăn Trăn hỏi giúp, nên đành thôi. Nay nghe thấy có nhiếp ảnh gia từ Bắc Kinh tới, cô bé hào hứng lắm.
Trăn Trăn nói thêm: "Nhiếp ảnh gia này nổi tiếng lắm nhé, ông nội bác ấy đã từng chụp ảnh cho Từ Hy Thái hậu đấy, rất nhiều tư liệu từ cuối đời nhà Thanh có nhắc tới tên tuổi của ông." Trăn Trăn lục lọi trí nhớ một hồi lâu mới nhớ ra: "Chính là Thời Duệ Ngọc, con trai của Thời Mộ Hề, đại sứ Trung Quốc ở Pháp năm Quang Tự cuối cùng đấy. "
Thuấn Nhân rất đỗi ngạc nhiên, nói: "Trời ơi, hóa ra là ông ta!"
"Ha ha ha", Trăn Trăn cười, "Cậu cũng nghe nói rồi à? Có phải là đọc mấy bài báo từ trong đống sách báo của ông cậu không? Thầy giáo của anh tớ chắc chắn là cháu trai của Thời Duệ Ngọc."
Trong lúc hai cô bé đang mải nói chuyện thì Lý Triệt cùng một đám con trai vừa la hét vừa chạy tới. Lý Triệt nhanh tay gõ vào đầu Thuấn Nhân một cái. Thuấn Nhân muốn đánh lại, nhưng cậu ta đã chạy xa rồi. Cậu ta chạy giật lùi, tay ôm quả bóng, nhe hàm răng trắng bóng ra cười với Thuấn Nhân.
Nhà Trăn Trăn và nhà Thuấn Nhân là hai căn nhà cũ nằm đối diện nhau qua đường Thạch Bản. Trên con đường này có một ngôi miếu rất lớn, bức hoành phi trên tầng hai đã bong ra từng mảng, nét chữ không còn rõ nên rất khó đọc. Nhưng bức hoành phi hình vuông ở tầng một có ba chữ được viết theo thể chữ triện Trinh bách lý vừa cổ kính vừa tao nhã thì vẫn còn nguyên vẹn. Trên và dưới bức hoành đó có hai bức điêu khắc "Phụng xuyên mẫu đơn"[1] và "Song sư hỉ cầu"[2] với những nét khắc rất tinh tế và điêu luyện. Mặc dù đã trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử và đã bị xuống cấp, nhưng nó vẫn giữ đưọc những nét tinh tế và có giá trị lịch sử to lớn.
[1] Phụng xuyên mẫu đơn: Phượng trong hoa mẫu đơn.
[2] Song sư hỉ cầu: Hai con sư tử vờn bóng.
Vừa đến cửa nhà Trăn Trăn, Thuấn Nhân đã nhìn thấy một cậu bé trạc tuổi mình đang đứng trước bàn thờ. Trăn Trăn không biết đã đi vào nhà từ lúc nào, gọi vọng ra: "Thuấn Nhân, Thuấn Nhân!"
Nghe thấy tiếng gọi, cậu bé quay đẩu lại. Hoàng hôn buông xuống, từng cơn gió nhẹ thổi tới, Thuấn Nhân nhìn vào đôi mắt cậu bé, bốn mắt nhìn nhau không rời.
Trăn Trăn nhìn thấy anh họ đang tiếp một vị khách nho nhã, lịch thiệp. Biết đó là khách từ xa tới, Trăn Trăn vội chào: "Cháu chào bác ạ!"
Diệp Vị Kỳ chưa kịp giới thiệu thì vị khách kia đã cười và nói: "Em của Diệp Vị Kỳ đây phải không? Đúng là một cô bé dễ thương."
Giọng nói của người đàn ông này nghe giống giọng cùa mấy người dẫn chương trình trên ti vi, khiến Trăn Trăn cảm thấy là lạ, cô bé không nói gì, chỉ biết cười. Người đàn ông giới thiệu: "Bác họ Thời."
Trăn Trăn lại chào thêm một tiếng: "Chào bác Thời." Ngưòi đàn ông dường như nhớ ra điều gì đó, gọi lớn: "Tử Chấn, Tử Chấn!"
Ông ta đứng dậy ra ngoài tìm, Trăn Trăn cũng theo sau, ra khỏi cửa liền nhìn thấy Thuấn Nhân đứng im ở đó, nhìn sang bên thì thấy một cậu bé mặc chiếc áo sơ mi trắng.
Người đàn ông họ Thời tiến đến, kéo tay cậu bé: "Tử Chấn, ngày mai bọn con sẽ là bạn cùng lớp rồi. Nào, đến làm quen với nhau đi."
Trăn Trân chủ động tiến đến bắt tay làm quen. Thuấn Nhân quay đầu đi vào nhà.
Trong nhà còn có một người phụ nữ trẻ, trang điểm nhẹ nhàng, mặc chiếc váy dài tới đầu gối, chân đi đôi xăng đan màu trắng. Thuấn Nhân thấy cô ấy rất đẹp, bèn nhìn chăm chú. Cô ấy cười hỏi: "Là Trăn Trăn phải không?"
Diệp Vị Kỳ đáp: "Đây là bạn học của Trăn Trăn, tên là Thuấn Nhân."
Bữa tối có món canh hạt dẻ, cá và măng khô kho thịt, nhưng lại để bên phía khách ngồi. Thuấn Nhân ngại không dám vươn người ra gắp, nên đành ăn những món ở gần mình.
Sau khi người lớn đã chúc tụng nhau sáu, bảy ly, mặt của người phụ nữ kia đỏ ửng. Phụ nữ mặt mày hồng hào âu cũng là cái tốt, Thuấn Nhân nhìn chăm chú, cô ấy thấy vậy liền cười nói: "Cái tên Thuấn Nhân là ai đặt cho cháu thế? Cháu họ gì?"
"Họ Nhan ạ", Thuấn Nhân trả lời. "Nhan trong từ Nhan Như Ngọc."
Cô ấy quay lại phía người đàn ông họ Thời nói: "Hân, anh có thấy cái tên Nhan Thuấn Nhân nghe rất lạ không, nó khiến người ta nghĩ tới Giang Thủy Anh trong Long Giang Tụng[3], cái tên Diệp Trăn Trăn nghe vẫn hay hơn."
[3] Tên một vở kịch từ những năm 60 của thế kỷ XX.
Diệp Vị Kỳ nói xen vào: "Ai nói vậy? Cháu thấy cái tên này hay hơn tên Diệp Trăn Trăn nhiều." Chưa nói xong, anh ta đã bị đá vào chân, cúi xuống nhìn thì thấy đó là chân của Trăn Trăn, cô bé vẫn đá gót giày thể thao vào chân của anh ta, không có ý thu chân về.
Mặt của Thuấn Nhân nóng bừng bừng, cô bé bặm môi không nói gì. Nghe có tiếng cười, Thuấn Nhân ngẩng mặt lên nhìn, thì ra là cậu bé mặc áo sơ mi trắng.
Thời Hân nhìn con trai một cái, Tử Chấn không lên tiếng mà nhìn sắc mặt của bố, rồi lại nghe người đàn bà kia đang nói: "Bài Hữu nữ đồng xa[4] trong Kinh thi viết rằng: Hữu nữ đồng hành, sắc như thuấn anh[5], Giang Thủy Anh trong vở kịch xuất thân như thế nào?"
[4] Nghĩa là: Có một cô gái đi cùng xe với tôi.
[5] Nghĩa là: Có một cô gái đi cùng xe với tôi, cô ấy xinh đẹp như một đóa hoa.
Thời Hân vội gắp thức ăn vào bát người đàn bà kia: "Lệ Huyên, em ăn thử xem, món măng khô này ngon lắm."
Trăn Trăn bỏ đũa xuống, nói vói Tử Chấn: "Tên tớ cũng có xuất xứ của nó đấy: Đào chí yêu yêu, kỳ diệp trăn trăn[6]"
[6] Nghĩa là: Xinh tươi mơn mởn đào tơ, xum xuê ngàn lá phất phơ đầy cánh.
Ăn cơm xong, Thuấn Nhân chuẩn bị về nhà, tranh thủ lúc mọi người không để ý, cô bé đến bên nói nhỏ vào tai Tử Chấn: "Tên của tớ không phải từ "anh" trong câu "sắc như thuấn anh”, mà là từ "nhân", có nghĩa là đồng cỏ xanh rờn ấy[7]."
[7] Thuấn anh: hoa dâm bụt. Trong tiếng Trung, từ "nhân" trong tên Thuấn Nhân phát âm là YIN, từ "anh" trong từ "thuấn anh" phát âm là YING. Hai chữ này phát âm gần giống nhau nên người khác dễ nghe và hiểu lầm tên Thuấn Nhân thành Thuấn Anh.
Lát sau không thấy Tử Chấn nói gì. Thuấn Nhân lại nói nhỏ vào tai cậu: "Cảm ơn bạn vì lúc nãy nhé."
Tử Chấn mỉm cười.
Nửa đêm, Trăn Trăn đang ngủ thì bỗng nghe thấy tiếng phụ nữ kêu khóc, còn có tiếng đồ đạc rơi xuống đất phát ra từ căn phòng cạnh phòng của Tử Chấn. Nghe kỹ thì thấy hình như là tiếng của người phụ nữ tên Lệ Huyên, còn nghe thấy cả tiếng cô ta đay nghiến. Trăn Trăn tò mò, rón rén lại gần cửa nghe ngóng.
Qua khe cửa, thấy Lệ Huyên đang bóp cổ Tử Chấn, Thời Hân đầu tóc rối bù, cố kéo Lệ Huyên ra ngoài, cô ta không theo, vẫn cứ khóc to: "Làm sao có thể không có? Ông muốn đem tài sản cho cái đứa con trai của đồ phù thủy đó, không cho mẹ con tôi, tôi phải bóp chết thằng khốn này!"
Thời Hân hét lên: "Giờ này lấy đâu ra tài sản? Cô mà tìm thấy được, coi như tôi lừa cô!"
Tử Chấn mặt đỏ gay, mím chặt môi, không chống cự cũng không cử động, thái độ rất thờ ơ.
Thời Hân cố kéo Lệ Huyên ra ngoài, phân trần: "Sợ cô không tin, tôi mới đưa cô đi cùng. Tôi gửi Tử Chấn ở đây, cô còn muốn gì nữa? Chờ khi nào về tới Bắc Kinh, chúng ta sẽ đi Mỹ tìm anh trai tôi, không bao giờ về Trung Quốc nữa, như thế được chưa?"
Lúc này Lệ Huyên mới ngừng khóc, ngẩng đầu, tóc tai xõa xượi nhìn chồng: "Anh và em còn có An An, ba người chúng ta sẽ mãi ở bên nhau, không xa nhau nữa, anh hứa nhé!"
Thời Hân không nói gì, cúi đầu nhìn con trai, dường như có chút do dự, rồi nói: "Không có chuyện gì đâu, con ngủ đi."
Tử Chấn không nói lời nào, chỉ nhìn bố chăm chăm.
Lệ Huyên thấy thế lại khóc lóc, kêu gào. Thời Hân đành phải kéo tay cô ta lôi ra ngoài.
Trăn Trăn thấy hai người đi ra ngoài, vội vàng quay lại phòng mình, trèo lên giường, tai còn nghe thấy tiếng ồn vọng lại từ phía sân trước. Cô bé không ngủ được lại dậy, đi giày vào rồi sang phòng bên cạnh.
Nhìn thấy Tử Chấn vẫn giữ nguyên tư thế lúc nãy, không động đậy, Trăn Trăn đi đến bên cậu ta, nói: "Ngày mai họ đi rồi, sẽ không còn ai ăn hiếp bạn như thế này nữa đâu."
Tử Chấn không để ý đến Trăn Trăn, cậu ta leo lên giường, vùi đầu vào đống chăn.
TrănTrăn cảm thấy không có gì để nói, liền quay người đi về phòng, bỗng nghe thấy tiếng Tử Chấn nói sau lưng: "Đồ ăn nhà cậu nấu rất ngon.“
Cô bé quay đầu lại nhìn Tử Chấn, đắc ý gật đầu, rồi nói: "Cuối tuần, tớ sẽ dẫn bạn đi hái quả dại trên núi nhé!”
Trong sách địa lý của trường có nói, nơi đây có địa hình của vùng đồi núi Giang Nam[8], nhưng đối với bọn trẻ, những gò đồi xa xa kia quá cao, nếu đó chỉ là gò đồi thì không biết núi sẽ cao chừng nào? Những ngọn đồi gần làng không cao cũng không thấp, thích hợp cho bọn trẻ chơi đùa trên những con đường đi ngoằn ngoèo, hai bên đường cỏ mọc xanh rì.
[8] Là tên gọi chung của khu vực đồi núi có ranh giới phía nam là sông Trường Giang, phía bắc là Nam Lĩnh, phía tây là núi Vũ Di, phía đông là núi Tuyết Sơn.
Diệp Trăn Trăn hẹn Thuấn Nhân và Tử Chấn, anh họ của Trăn Trăn là Diệp Vị Kỳ cũng đang rỗi rãi, bốn người cùng đi dã ngoại. Trên đường đi, họ gặp bố mẹ của các bạn cùng lớp, họ vẫy tay chào, rồi tiếp tục đi.
Vị Kỳ nói: "Rời khỏi quê hương làm gì, tốt nghiệp cấp ba xong, cũng đừng đi đâu học đại học làm gì, cứ ở quê tìm một đứa tử tế, rồi lấy chồng cho xong."
Thuấn Nhân hai má đỏ ửng, ngượng ngùng không trả lời.
Trăn Trăn nói: "Anh à, theo anh thế nào là một người đàn ông tử tế?"
Vị Kỳ nói: "Thứ nhất, đương nhiên là phải có tiền."
Trăn Trăn hỏi: "Thế thứ hai là gì?"
Diệp Vị Kỳ gãi gãi đầu, nói: "Vẫn là phải có tiền", rồi quay sang Tử Chấn đang ngồi bên cạnh: "Tiền có thể giải quyết được rất nhiều vấn đề. Người ta nói, tiền không phải là vạn năng, đó chỉ là lừa đảo, tiền chỉ không giải quyết được bốn vấn đề sinh, lão, bệnh, tử, còn với mọi cái trên đời này, chỉ sợ không đủ tiền mà thôi."
Tử Chấn không nói gì, chỉ nheo mắt ngắm cảnh núi non phía xa xa, hai bàn tay đưa ra hứng lấy ánh mặt trời.
Thuấn Nhân ngồi sát lại, ngón tay dài của Tử Chấn dường như trong suốt dưới ánh mặt trời. Cô bé chăm chú nhìn cậu.
Thuấn Nhân ngạc nhiên, “a" lên một tiếng, rồi ghé sát vào tai Tử Chấn hỏi nhỏ: "Cổ cậu sao thế?" Từ viền tai kéo dài xuống yết hầu của cậu bé hằn lên vết móng tay cào màu đỏ.
Tử Chấn cúi đầu không nói, Thuấn Nhân thấy vậy cũng không hỏi thêm gì nữa.
Trăn Trăn cầm mấy cành cây lúc lỉu quả đỏ, ngoài vỏ lấm tấm vết chàm. Trăn Trăn lấy một cành đưa cho Từ Chấn, cậu bé cầm lấy, định xuống con suối gần đó để rửa. Trăn Trăn thấy thế cười hi hi rồi cắn một miếng. Thuấn Nhân cũng chạy theo sau, cô bé ngâm chân dưới làn nước trong mát, nước suối chảy qua những hòn đá phủ rêu xanh. Thuấn Nhân hỏi Tử Chấn: "Hộ khẩu của cậu chẳng phải ở Bắc Kinh sao? Hay là về Bắc Kinh thi đại học đi?"
Tử Chấn chỉ "ừ" một tiếng.
Thuần Nhân lại hỏi. "Cậu muốn thi chuyên ngành gì?"
Tử Chấn dường như rất có hứng thú với câu hỏi này, đôi mắt sáng hẳn lên, đáp: "Kiến trúc."
Thuấn Nhân có chút thất vọng, một lúc sau mới nói: "Theo tớ, cậu rất thích hợp với ngành nghệ thuật. Tớ rất hâm mộ những người học nghệ thuật."
Tử Chấn hỏi: "Nhà cậu có người làm về nghệ thuật à?"
Thuấn Nhân lắc đầu: "Nhà tớ chỉ có người học chữ thôi, cuối đời Thanh còn có người thi đỗ vào viện hàn lâm cơ, trong huyện có bia tưởng niệm đấy." Nói đến đây, cô bé cười vẻ đầy tự hào, nghiêng nghiêng đầu nhìn Từ Chấn: "Cái sảnh lớn trong phủ huyện chính là nhà tớ ngày xưa, sau ngày giải phóng thì bị đốt cháy. Thế nào, cậu thấy có to không? Còn có cả vườn hoa nữa đấy."
Tử Chấn không hiểu vì sao Thuấn Nhân lại nói mình thích hợp theo ngành nghệ thuật.
"Bởi nhìn cậu giống như bước ra từ trong tranh vậy, người làm nghệ thuật phải có thần thái như cậu." Thuấn Nhân nhìn cậu rồi cau mày suy nghĩ: "Nghệ thuật cũng có nhiều loại, cậu học gì thì hợp nhỉ? Họa sĩ? Diễn viên? Ca sĩ? À, đúng rồi, bố cậu chẳng phải là nhiếp ảnh gia sao? Học chụp ảnh cũng được đấy."
Tử Chấn nói: "Sao cậu giống bố tớ thế? Ông ấy còn bắt tớ theo học trường múa nữa cơ. Con trai học khối A mới đúng sở trường chứ?”
Thuấn Nhân không nhịn được cười: "Mười tám tuổi bắt đầu học múa cũng hơi muộn nhỉ?"
Tử Chân chăm chú nhìn cô bé: "Từ nhỏ tớ đã học múa rồi, mẹ tớ là nghệ sĩ múa ba lê."
Thuấn Nhân vô cùng ngạc nhiên. Tử Chấn đứng dậy, tìm một chỗ bằng phẳng, tay phải chống xuống đất, nhẹ nhàng nhấc người lên. Thuấn Nhân vội chạy tới kéo cậu xuống, vạch cổ áo cậu ra rồi nói: "Cậu bị thương ở chỗ này rồi, làm thế sẽ bị chảy máu đấy, về nhà băng lại vết thương đi. "
Thuấn Nhân đang nhìn vết thương của Tử Chấn. Trăn Trăn thấy vậy, liền chạy đến cười nói: "Các cậu đang thì thầm cái gì thế? Hai cái đầu sắp chụm vào làm một rồi, nói cho tớ nghe với."
Thuấn Nhân và Tử Chấn vội vàng đứng xa nhau ra. Thuần Nhân khẽ nói: "Tối nay tới gốc mận sau nhà tớ, tớ bôi thuốc cho nhé."
Tử Chấn nói: "Không cần đâu." Thuấn Nhân không nghe thấy, vì lúc này cô bé đã chạy tít lên sườn đồi rồi.
Có lẽ vì đều là những học sinh ngoan, nên bọn trẻ của trường trung học huyện Uyển khi tan học đều ngoan ngoãn trở về nhà. Nhưng hôm nay lại không giống mọi ngày, Thuấn Nhân ra khỏi lớp học, thấy nữ sinh cấp hai và cấp ba đang tụ tập ở tầng hai, mắt nhìn về phía sân vận động, bọn họ cười và hình như đang bàn tán chuyện gì đó.
Lý Triệt dẫn đầu mười mấy nam sinh chơi bóng rổ ở sân vận động, nhưng hôm nay không có các bạn nữ cổ vũ. Thuấn Nhân nhìn theo ánh mắt của các bạn nữ, thì ra Tử Chấn đang một mình ngồi đọc sách ở đó.
Trăn Trăn đứng sau Thuấn Nhân, nói: “Trời sắp tối rồi, cậu về trước đi, tớ đi gọi Tử Chấn."
Thuấn Nhân đi qua sân vận động thì Lý Triệt gọi; "Lại đây cổ vũ cho anh đi." Thuấn Nhân ngồi xuống xem cậu ta chơi, nhưng chưa được mười phút, cô bé cảm thấy chán nên đứng dậy bỏ đi.
Cô bé vừa đọc thầm: “m dương thù tính, nam nữ dị hành. Dương dĩ cương vi đức, âm dĩ nhu vi dụng, nam dĩ cường vi quý, nữ dĩ nhược vi mỹ"[9], vừa bực bội nghĩ, bạn bè cùng tuổi với mình, còn có ai đọc Nữ giới[10] đâu? Ông nội "thực cổ bất hóa"[11] lại bắt mình học thuộc lòng, thật là đáng sợ quá đi mất.
[9] Có nghĩa là: m dương khác tính, nam nữ cũng khác nhau. Dương lấy kiên cường, cứng rắn làm đức, âm lấy mềm yếu là dụng, nam lấy mạnh mẽ làm điều quý, nữ lấy mềm yếu làm cái đẹp.
[10] Nữ giới: một cuốn sách dạy đạo lý làm người cho phụ nữ của nữ tác giả Ban Chiêu thời Đông Tấn.
[11] Thực cổ bất hóa: ý là đọc sách cổ mà không biết vận dụng vào thực tế, giống như ăn vào mà không thể tiêu hóa được.
Thuấn Nhân đi men theo con đường cái về nhà. Đi qua hiệu ảnh của anh họ Trăn Trăn, nhìn thấy bên trong cửa kính có cô ma nơ canh mặc váy cưới. Theo khiếu thẩm mĩ của Thuấn Nhân thì bộ váy đó không đẹp lắm, trước ngực thêu thùa hơi rườm rà, màu sắc lòe loẹt. Cô bé ngẩng đầu nhìn cô người mẫu, rồi lại tuởng tượng ra cảnh mình mặc váy cô dâu không biết sẽ như thế nào. Nghĩ tới đó, cô bé chợt nhớ ra bên cạnh cô dâu phải có chú rể mặc com lê mới đúng, tự nhiên trong lòng rạo rực hẳn lên. Cô bé bỗng nhìn thấy Tử Chấn đang đứng cạnh ô cửa kính của cửa hông. Thuấn Nhân giả vờ như không nhìn thấy, đứng lặng một hồi, muốn đợi cho khuôn mặt đang nóng bừng bừng của mình dịu lại, nhưng một lúc lâu sau, mặt cô bé càng đỏ ửng, cô bé chỉ còn biết cúi đầu đi về nhà.
Tử Chấn chạy lên phía trước, nói: "Có phải cậu muốn chụp ảnh không? Mình biết chụp, mình chụp cho cậu nhé?"
Hai má Thuấn Nhân vẫn đỏ ửng, cô bé không ngẩng lên, cùng không dừng lại, nói: "Được thôi, cậu chụp cho mình nhé." Nhưng cảm thấy không mấy tự tin, cô bé lại hỏi: "Trăn Trăn đâu rồi? Cậu ấy nói về nhà với cậu mà."
Tử Chấn nói: "Tớ thích đi một mình."
Trời vừa tối, Thuấn Nhân đang ở trong nhà thì thấy Trăn Trăn gọi: “Anh tớ đánh nhau với Tử Chấn. Họ đang ở đồn cảnh sát chúng mình mau tới đó thôi."
Ông nội Thuấn Nhân đứng chống gậy ở cửa, giọng trách móc nói với Trăn Trăn: ''Bọn nó đánh nhau, gọi Thuấn Nhân đi làm gì? Con gái con đứa, đêm hôm không được ra khỏi nhà, nếu muốn đi thì mình cháu đi đi, Thuấn Nhân còn phải ở nhà học bài."
Trăn Trăn nói: "Ông ơi, Tử Chấn đến tìm anh cháu mượn máy ảnh, chắc là muốn chụp ảnh gì đó, chứ có chuyện gì to tát đâu, đi nói rõ với cảnh sát, để người ta thả hai người về. Thuấn Nhân đi cùng cháu thôi mà."
Thuấn Nhân lén ra sau lưng ông rồi đi ra ngoài, nắm tay Trăn Trăn kéo di. Ông nội tức quá, vứt chiếc gậy xuống nền gạch, nhưng bóng hai cô bé đã biến mất rồi.
Đi được nửa đường, họ gặp Vị Kỳ và Tử Chấn, người đi trước, kẻ đi sau, mặt ai cũng đùng đùng sát khí. Diệp Vị Kỳ nhận thấy hai cô gái đi tới, liền nói to: "Thật chẳng ra sao, hôm nay con trai lão Kỳ trực ban, vừa thấy anh đã nói: “Chắc hiểu lầm thôi mà", rồi chỉ nhắc nhở nó vài câu. Anh vừa nói vừa chỉ vào Tử Chấn.
Dưới ánh trăng, trên mặt Tử Chấn hiện rõ một vết bẩn. Thuấn Nhân nhìn kỹ thì thấy đó là vết máu, miệng Tử Chấn cũng sưng lên. Cô bé đẩy mạnh Diệp Vị Kỳ, nói: "Sao anh lại đánh cậu ấy?"
Vị Kỳ miệng môi cũng sưng vù, thấy mình có lỗi, nhưng lại không chịu nhận, giọng phản kháng nói: “Người đánh là nó, anh sẽ không cho nó mượn máy ảnh."
Thuấn Nhân hét lên; "Sao lại không cho mượn?"
Vị Kỳ càng cao giọng; "Cho em mượn thì được, cho nó mượn thì không, nó ăn cơm nhà họ Diệp, mặc đồ nhà họ Diệp, lại đi đánh anh, nó chán sống rồi."
Tử Chấn lại hùng hổ xông vào đánh, Vị Kỳ loạng choạng ngã xuống, hai người vật nhau ra, trong bóng tối nhìn không rõ lắm, chỉ nghe thấy tiếng đấm bùm bụp.
Thuấn Nhân khóc òa.
Bố của Trăn Trăn quát mắng ầm ĩ, kéo hai người đang đánh nhau dưới đất đứng dậy, rồi nắm lấy cổ áo bọn họ lôi về nhà
Bắt cả hai đứng ở gian nhà giữa, bố của Trăn Trăn cho Vị Kỳ một cái bạt tai: "Đã hai mươi mấy tuổi đầu rồi lại đi bắt nạt cái thằng mười ba, mười bốn tuổi, mày còn làm được cái gì nữa hả?" Nói đoạn, quay lại nhìn Tử Chấn.
Quần áo của Tử Chấn rách hết, mặt mày bẩn thỉu, lạnh lùng đứng một góc, dường như không có ý nhận lỗi. Bố Trăn Trăn nhìn cậu một lúc rồi nói: "Tao vốn không định nói thẳng ra đâu, nhưng chúng mày đã đánh nhau tới mức này, nên tao không nói không được. Bố mày và vợ bé đi Mỹ rồi, không quay về nữa, bố mày chỉ đưa tao chút tiền. Với số tiền nhỏ này mà nuôi một đứa học hết lớp mười hai thì chẳng biết thế nào cho đủ. Bố mày tuy là thầy giáo của Vị Kỳ, nhưng thực chất chỉ dạy nó có nửa năm, tình nghĩa cũng chẳng sâu đậm gì, thế mà sống chết đòi vứt mày ở cái nhà này, nhà tao dễ dãi nên mới để mày ở lại đây, nhưng mày cũng phải biết điều đó."
Tử Chấn nói: "Bây giờ cháu sẽ đi, không cần nhà bác phải nuôi đâu." Vừa dứt lời, cậu đã quay người đi ra cửa.
Trăn Trăn định giữ lại, nhưng bị bố mắng: "Cứ để cho nó đi. Đêm hôm thế này, chỉ có làm mồi cho lũ sói thôi."
Chương 2: Rời xa quê hương
Thuấn Nhân nhìn qua cửa sổ, thấy Tử Chấn đi ra khỏi nhà Trăn Trăn. Cậu đứng lặng lẽ giữa đường, mắt cũng chợt nhìn về phía nhà Thuấn Nhân.
Thuấn Nhân nhẹ nhàng mở cửa sổ, vẫy tay gọi Tử Chấn. Tử Chấn chạy về phía đó, mặt nghếch lên cửa sổ nhìn Thuấn Nhân cười. Thuấn Nhân thổi nhẹ vào vết thương trên thái dương cậu, nói: "Đợi tớ một chút, tớ lấy thuốc bôi cho cậu."
Cô bé rón rén mở cửa đi lấy thuốc, bỗng bắt gặp ông nội đang chống gậy nhìn, nét mặt giận dữ. Ông nội cầm gậy đánh vào lưng Thuần Nhân: "Nửa đêm, mở cửa sổ thì thầm với con trai, học bao nhiêu chữ mà để đâu hết rồi hả, không thấy xấu hổ à?"
Thuấn Nhân đau đến nỗi chỉ biết kêu la. Tử Chấn nhảy qua cửa sổ, cố giằng lấy cây gậy từ tay ông nội Thuấn Nhân: "Ông ơi, ông đừng đánh bạn ấy, ông đánh cháu đi, hãy đánh cháu đi ông, đều là lỗi ở cháu!" Ông nội giận, ném cái gậy về phía Tử Chấn, cái gậy sượt qua vết thương ở thái dương. Tử Chấn đau quá, tay phải ôm lấy mặt, tay trái giữ chặt lấy tay ông, không ngừng van nài: "Ông ơi, ông đừng, đánh Thuấn Nhân nữa, cháu xin ông mà, đừng đánh nữa!" Tử Chấn không cảm thấy máu từ thái dương chảy qua khe bàn tay rơi xuống đất. Ông nội ngạc nhiên vô cùng, kêu Thuấn Nhân nhanh đi lấy bông băng và thuốc.
Thuấn Nhân lấy thuốc sát trùng, nhẹ nhàng bôi lên vết thương, hai hàng nước mắt từ từ lăn xuống gò má. Ông nội nói: "Để nó ngủ ở phòng sau sảnh lớn một đêm đi, sáng sớm mai phải về nhà ngay."
Ông nội quay về phòng, đôi mắt Tử Chấn sáng long lanh nhìn Thuấn Nhân rồi cười. Thấy đuôi tóc cột sau gáy của cô bé rối tung lên, mũi cô đỏ ửng, Tử Chấn nói: "Cậu đẹp lắm!"
Trong lòng Thuấn Nhân rạng ngời hạnh phúc, cô bé e thẹn cúi đầu cắt miếng gạc. Tử Chấn lại nói: "Cậu có nét hơi giống mẹ tớ."
Nghe thấy vậy, Thuấn Nhân lại có vẻ hơi buồn, lông mày cau lại: "Tớ còn chưa già như mẹ cậu đâu."
"Mẹ tớ không già chút nào." Tử Chấn vội vàng phân bua: "Sau này cậu có dịp đến Bắc Kinh, tớ sẽ cho cậu xem ảnh của mẹ tớ. Mẹ tớ trẻ lắm, thật đấy."
Thuấn Nhân dùng tay ấn nhẹ vào miếng dán ở thái dương Tử Chấn, bỗng cô bé hỏi: "Theo cậu, thế nào là một cô gái tốt?"
Tử Chấn nhíu mày nghĩ một hồi lâu, câu này dường như rất khó trả lời, một lúc sau mới nói: "Theo tớ, tiên nữ là tốt nhất, vừa xinh đẹp, vừa có thể biến hóa rất nhiều thứ, lại không bao giờ già. Nếu được ở cạnh tiên nữ thì sẽ không bao giờ cảm thấy đau khổ."
Thuấn Nhân "hừm" một tiếng: "Trên đời này làm gì có tiên nữ, chỉ nhiều ma quỷ thôi, nửa đêm chúng sẽ ngồi trên nóc nhà cậu, thè cái lưỡi dài ngoằng ra gọi cậu."
Tử Chấn nói: "Thật đấy, nếu có thể bay được lên trên trời thì tốt biết mấy, đó là nơi sạch sẽ nhất. Cậu có biết trên thế giới này, chỗ nào gần bầu trời nhất không?"
"Thì là dãy núi Himalaya đấy." Thuấn Nhân còn nói thêm: "Cậu đến Tây Tạng, sau đó từ từ leo lên trời, chỗ đó chính là nấc thang để đi lên trời, lên đến đó thì thành tiên rồi."
Tử Chấn biết cô bé đang cười nhạo mình nên có chút thất vọng, bèn nói sang chuyện khác: "Thuấn Nhân, ngày mai tớ phải về rồi."
Thuấn Nhân hiểu ý Tử Chấn, cô bé ngạc nhiên hỏi: "Cậu có tiền mua vé rồi à?"
Từ Chấn lắc đầu: "Tớ lên tỉnh trước, sau đó bắt tàu hỏa về Bắc Kinh."
Thuấn Nhân lại tò mò hòi: "Cậu về Bắc Kinh tìm ai thế?"
Tử Chấn nói: "Bà tớ ở Bắc Kinh, bà không biết tớ bị đưa đến đây. Tóm lại, về sẽ tốt hơn ở đây."
"Bà nào thế?'’ Thuấn Nhân hỏi.
"Bà ngoại tớ," Tử Chấn nhìn Thuấn Nhân vói vẻ khẩn cầu: "Thuấn Nhân à, cậu chuẩn bị cho tớ một ít bánh bao nhé, đợi khi nào cậu đến Bắc Kinh, tớ sẽ mời cậu đi ăn kẹo hồ lô, ăn bao nhiêu cũng được."
“Ồ, kẹo hồ lô", cái này thì Thuấn Nhân biết: "Nó làm từ quả sơn trà, vỏ ngoài có bọc đường, đã từng thấy trên ti vi, nhưng tớ lại không thích ăn quả sơn trà."
Tử Chấn lại dỗ dành: "Thế thì tớ sẽ dẫn cậu đi thăm Thiên An Môn nhé! Chúng ta sẽ thăm Cố Cung, sẽ được nhìn thấy quần áo, đồ trang sức, ghế ngồi, giường nằm của các hoàng hậu ngày xưa, thú vị lắm đấy."
Nghe ra có vẻ thú vị hơn những thứ ở làng quê nhiều, Thuấn Nhân nói: "Để tớ xin ông nội mấy đồng để cậu bắt xe lên tỉnh sau đó ngồi tàu hỏa về Bắc Kinh."
Tử Chấn nói: “Cậu đừng coi thường tớ nhé, chỉ cần một ngày là tớ có thể về tới Bắc Kinh rồi."
Thuấn Nhân không tin, cười hi hi trêu Tử Chấn: "Thời Tử Chấn, Thời Tử, Thời Tử, Tiểu Sư Tử! Sau này gọi cậu là Tiểu Sư Tử.”
“Thời ở đây nghĩa là thời gian, Tử Thời là nửa đêm, Chấn Thời là sáng sớm, cái tên này là do mẹ tớ đặt đấy, có nghĩa là, đi tới ánh sáng”, Tử Chấn nói. “Sư tử là vua của các loài vật, tớ thấy hay gọi tớ là Tiểu Thạch Tử đi.”
“Được đấy, thế thì gọi cậu là Tiểu Thạch Tử nhé.”
Cả hai đang nói chuyện thì ông nội bỗng đi đến đứng cạnh bàn, nói: “Ngày mai ông cùng Thuấn Nhân đến trường, xem kết quả thi cử của Tử Chấn thế nào, nếu cháu đỗ thì từ mai ăn cơm ở nhà ông, tối về nhà họ Diệp ngủ. Chờ đến khi nào thi đại học, ông sẽ cho cháu tiền xe về Bắc Kinh thi. Bây giờ đứa nào về phòng đứa đấy ngủ, còn ở đây thì thào to nhỏ nữa là ông đuổi đấy!”
Thuấn Nhân vội vàng thu gom bông băng bỏ vào hộp, trong lòng vui sướng, chốc chốc lại nghếch đầu liếc nhìn Tử Chấn, thấy cậu đang lè lưỡi trêu mình. Thuấn Nhân quay về phòng, mở tủ cất hộp bông băng, nhưng khi nhét cái hộp vào, tay lại bị vướng vào góc nhọn của chiếc hộp khác, Thuấn Nhân cầm ra, để lên bàn.
Tử Chấn nhìn thấy chiếc hộp xinh xắn, liền đi tới để nhìn kỹ hơn: “Chạm trổ rất tinh vi, xem ra chiếc hộp này có từ thời nhà Minh.”
Thuấn Nhân trợn tròn mắt, trong lòng rất khâm phục, nhưng lời nói ra thì ngược lại: “Sao cậu nói cứ như ông cụ non thế, đến mấy thứ này cũng biết à?”
Tử Chấn ngạo mạn nói: “Ăn nhằm gì? Từ nhỏ tớ đã biết nhìn mấy thứ này rồi.”
Thuấn Nhân gạt chiếc khóa cài, mở nắp hộp, lấy sợi dây để dưới đáy hộp ra, sợi dây được tết bằng da bò.
Thuấn Nhân cầm sợi dây đeo vào cổ tay Tử Chấn: “Lúc rảnh rỗi tớ tết đấy, xong rồi lại lười đeo, cất trong cái hộp này lâu rồi, tặng cậu đấy!” Nói xong, cô bé buộc hai đầu sợi dây lại, rồi đút ngón tay trỏ vào: “Ôi! Cậu đeo rộng quá, cũng không sao, đợi khi nào cậu lớn, sẽ vừa thôi!”
Tử Chấn hỏi: “Ai dạy cậu tết sợi dây này vậy?”
“Mẹ tớ đấy. Đây là sợi dây may mắn, buộc lại rồi sẽ không gỡ ra được. Nếu ước một điều, đợi khi nào sợi dây tự nhiên bị đứt, điều ước sẽ trở thành hiện thực.”
Tử Chấn nhắm mắt lại cầu nguyện. Thuấn Nhân thấy bộ dạng cậu có vẻ nghiêm túc nên cảm thấy rất buồn cười.
Một ngày trước kỳ nghỉ hè, kết quả cuối học kỳ được công bố. Tổng số điểm của Trăn Trăn đứng thứ năm cả lớp, cả năm đứng thứ mười chín.
Các học sinh đang bàn tán xôn xao trước tờ kết quả thi dán trên bảng, Thuấn Nhân tìm thấy tên mình vẫn chỉ đứng ở mức khá trở xuống. Xem xong từng môn, nghi ngờ điểm số môn toán cao hơn bình thường mười mấy điểm, cô bé định quay về lớp học giở bài làm ra xem lại. Vừa định quay người đi, nhưng cô lại quay lại, tìm tên Tử Chấn. Tên cậu ấy rất dễ tìm, chỉ cách cái tên Trăn Trăn có vài dòng. Thuấn Nhân nhìn thấy tên cậu cao như núi Thái Sơn, Tử Chấn xếp thứ nhất. Thấy vậy, cô bé nhoẻn miệng cười sung sướng.
Về đến lớp học, Thuấn Nhân xem lại bài thi từ đầu đến cuối. Mặt sau bài thi còn có câu hỏi phụ mười lăm điểm, Thuấn Nhân không làm, thầy giáo nhầm lẫn đã cộng thêm mười lăm điểm của phần này. Thế nên môn toán được một trăm linh năm điểm, nếu trừ đi mười lăm điểm thì chỉ còn lại chín mươi điểm. Thuấn Nhân nhìn thấy Trăn Trăn đang ngồi gần đó, liền vẫy tay gọi cô bé lại, đưa cho bạn xem bài thi của mình. Trăn Trăn liếc nhìn Thuấn Nhân: “Cậu không thể được điểm cao như vậy.”
Giọng Thuấn Nhân nhỏ lại: “Phải đấy, thầy chấm thừa mười lăm điểm. Tớ định tan học sẽ đến tìm thầy để sửa lại.”
Trăn Trăn nói: “Ngày mai nghỉ hè rồi, nếu như nghỉ hè xong mới sửa lại thì ai mà biết được cậu chỉ đạt chín mươi điểm, muốn sửa thì sửa bây giờ đi, cũng phải sửa lại bảng xếp hạng dán ở tường kia nữa.”
Thấy Thuấn Nhân im lặng, Trăn Trăn lại cao giọng: “Cậu có đi không? Cậu không đi là tớ báo cho cô chủ nhiệm đấy.”
Thuấn Nhân vội cầm bài kiểm tra mang đến phòng giám hiệu. Trên đường đi ngang qua bảng xếp hạng, cô bé dừng lại nhìn một lúc, nếu như phải trừ đi mười lăm điểm thì tên của cô bé lại bị tụt xuống tám bậc nữa. Nấn ná hồi lâu, cô bé thở dài một tiếng, đành phải đến phòng giám hiệu vậy.
Thầy Vương dạy môn toán không có ở đó, Thuấn Nhân đến tìm cô giáo chủ nhiệm. Cô nhìn lên chiếc đồng hồ treo tường: “Đã là buổi chiều rồi, bảng xếp hạng đó không kịp sửa nữa rồi, chờ thầy Vương về, em bảo thầy sửa ở bài kiểm tra là được rồi.”
Thuấn Nhân quay lại lớp học, ngại ngùng nói: “Thầy Vương không có ở đó, cô chủ nhiệm nói, bảng xếp hạng không cần sửa.”
Trăn Trăn nhắm mắt lại, không nói gì. Thuấn Nhân cúi đầu trở về chỗ của mình.
Tan học, Trăn Trăn đeo cặp chuẩn bị về nhà, Thuấn Nhân chờ Trăn Trăn đi ra cửa lớp học rồi mới thu dọn sách vở. Đến ngã ba gần đường Thạch Bản, nhìn thấy bóng dáng của Tử Chấn và Trăn Trăn, Thuấn Nhân định đi nhanh để đuổi kịp họ, nhưng rồi lại do dự, bước chậm lại. Cô bé nghe thấy tiếng Trăn Trăn nói: “Trà trộn vào đám đông để kiếm danh lợi, đúng là câu để nói loại người này, là bạn tốt của nhau, tớ mới không lên tiếng, chuyện này mà cả trường biết được thì sẽ chẳng có ai chơi với cậu ấy.”
Nghe thấy câu này, tim Thuấn Nhân đập mạnh hơn, lại nghe thấy Tử Chấn nói: “Đây cũng không hẳn là mưu đồ của cậu ấy, chỉ là cậu ấy may mắn mà thôi, tớ thấy người có vận may mới đúng là có thực lực.”
Trăn Trăn nói: “Điều này cũng chưa chắc, chắc chắn tớ sẽ đỗ vào trường hạng nhất, chứ cậu ấy đỗ được vào trường hạng ba đã là giỏi lắm rồi! Cái này không thể chỉ dựa vào vận may mà được đâu nhỉ?”
Tử Chấn không nói gì, chạy lên phía trước gọi to: “Lý Triệt, Lý Triệt! Chơi bóng không?”
Trăn Trăn quay đầu lại nhìn thấy Thuấn Nhân, định nói gì đó nhưng lại quay đầu đi tiếp.
Ông nội Thuấn Nhân đã suy nghĩ hai ngày nay, ông quyết định cho Thuấn Nhân lên tỉnh học. Ông nghĩ, Thuấn Nhân cũng lớn rồi, cần có một gia sư kèm cặp, hơn nữa kết quả học tập ở trường trung học huyện Uyển này tuy không tốt lắm, nhưng khi lên tỉnh, nó nhất định sẽ là đứa giỏi, cháu gái mình tài mạo song toàn cũng phải thôi. Nghĩ vậy, ông liền ra bưu điện gọi cho cô con gái đang ở trên tỉnh, nói cô giúp việc liên hệ chuyển trường.
Cô con gái đang sống trên tỉnh này là người con thứ ba của ông, tên Nhan Xuân Nam, đã kết hôn với một anh thủ trưởng trong quân đội. Ông Nhan tuy cũng có chân đứng trong trường đại học Bắc Kinh, nhưng trước mặt con gái cũng mất hết cả uy phong, dùng lời Nhan Xuân Nam mà nói thì là: “Thời của bố đã qua rồi.”
Thời của Nhan Xuân Nam là trong nhà phải có ô sin, có bảo vệ, phải theo phong cách phương Tây. Thời của ông Nhan lại ngồi ở cái nhà cũ kỹ gần đường Thạch Bản mà đọc Mao Trạch Đông toàn tập, trong cuộc sống thì cái gì cũng lơ mơ, động vào việc gì cũng không biết phải giải quyết thế nào. Ông Nhan không muốn cháu gái mình lạc vào cái thời của ông, xã hội bây giờ sang trang mới rồi thì để nó nhanh nhanh hòa nhập, nếu không sẽ bị cơn lốc xoáy của thời đại nhấn chìm. Cơn lốc ấy đã nhấn chìm con trai và con dâu ông rồi, cháu gái ông nhất định không được đi vào vết xe đổ đó.
Thuấn Nhân vốn định nhân dịp nghỉ hè sẽ về quê một người bạn cùng lớp chơi mấy ngày. Những ngọn núi dưới quê cao lắm, nếu trèo lên đó mà nhìn xuống dưới, cánh đồng lúa giống như bàn cờ, xanh xanh từng mảng, xa xa là những ngôi nhà tường trắng ngói đen, mây bay quanh những ngọn núi, giống như những làn khói bất tận, không khí trong lành, mát mẻ.
Trên thành phố thì làm gì có những cảnh sắc này. Ở đó chỉ có nhà cao, xe cộ đi lại tấp nập, có quần áo thời trang và giọng nói cũng khác. Thuấn Nhân vừa mừng vừa tủi, cô bé đi lại trong phòng suy nghĩ một lúc lâu, nói với ông là còn chưa tạm biệt Trăn Trăn rồi đi ra ngoài.
Trăn Trăn nghe Thuấn Nhân nói cô sắp phải đi, liền nói: “Viết thư hay gọi điện cho tớ nhé, điện thoại nhà cô cậu có đơn vị chồng cô ấy trả tiền nên gọi thoải mái, nhà tớ cũng sắp lắp điện thoại rồi, cậu có thể gọi tới chỗ anh tớ, nhờ anh ấy gọi tớ sang nghe.”
Thuấn Nhân gật đầu, nhưng mắt vẫn ngó nghiêng tìm kiếm.
Trăn Trăn nói: “Tử Chấn đến thôn Đường phụ đạo cho Tôn Chính Quảng rồi, ngày mai mới về. Tớ sẽ chuyển lời cho cậu.”
Thuấn Nhân “ừ” một tiếng, chần chừ một lát rồi lại nói: “Tớ ghi cho cậu số điện thoại nhà cô tớ nhé?”
Trăn Trăn nói: “Không cần đâu, cậu gọi cho tớ là được rồi, cậu gọi về thì không mất tiền.”
Nhà của cô Thuấn Nhân là một ngôi nhà nhỏ màu hồng có hai tầng. Đến nơi, cô đã đứng đón ở cổng. Bảo vệ và người giúp việc vội xách va li hành lý của ông cháu Thuấn Nhân vào nhà. Cô bé chào cô một tiếng rồi vào theo ông.
Xuân Nam tự tay đi rửa táo, rồi bưng một đĩa lên phòng khách. Thuấn Nhân vẫn đứng đó, không dám ngồi. Xuân Nam thấy vậy cười và nói với ông Nhan: “Bố, sao bố lại để cho nó quê mùa, cứ như là lần đầu ra tỉnh thế? Gia đình nhà ta dù sao cũng là mấy đời dòng dõi quan lại kia mà.”
Ông Nhan có vẻ không vui: “Sao lại gọi là quê mùa được? Đấy gọi là lễ phép. Người lớn còn chưa ngồi, trẻ con sao dám ngồi? Từ lúc văn hóa phương Tây du nhập vào thì đen trắng, phải trái đảo lộn hết cả.”
Thuấn Nhân với đĩa trái cây, gọt táo mời ông, Xuân Nam ngắm cô bé từ đầu đến chân, nói: “Nhìn dễ thương thật đấy, toàn chọn những nét đẹp của bố mẹ. Thế nào? Ngày mai cô đưa cháu đi chơi công viên nhé?”
Tuy hỏi thế thôi, nhưng cô đã quay sang nói với anh bảo vệ: “Tiểu Giang này, cậu gọi cho thư ký Phương, bảo anh ta thông báo cho công viên Cổ Thành ngày mai đóng cửa sớm một tiếng, tôi muốn đi dạo một vòng.”
Ông Nhan vội xua tay, nói: “Thôi đi, thôi đi, bố không thích thế đâu, họ mở cửa khi nào thì chúng ta đến lúc đó, đừng có làm phiền họ.”
Xuân Nam cũng không ép, cô dẫn Thuấn Nhân đi xem hết tầng trên lại xuống tầng dưới, có phòng vệ sinh, phòng cho người giúp việc, kho, phòng khách, phòng đọc sách, phòng bếp, ban công. Xuân Nam chọn một phòng nhỏ quay về hướng nam cho Thuấn Nhân ở. Cô chỉ cho cô bé biết công tắc bóng đèn, ổ cắm ở đâu, rồi lại nói: “Chú của cháu bị suy nhược thần kinh, nên cháu nhớ là phải đi ngủ trước mười một giờ tối nhé.”
Thuấn Nhân hỏi: “Thế lỡ bài tập còn chưa làm xong thì sao hả cô?”
Xuân Nam tiện tay bê chậu hoa trên bàn ra ngoài ban công rồi nói: “Thì không làm nữa, hôm sau làm cũng được mà.”
Mới đến được có hai, ba ngày, Xuân Nam đã mua cho Thuấn Nhân bao nhiêu là quần áo, giày dép đẹp. Anh bảo vệ tên Tiểu Giang còn lái xe đưa cô bé đi dạo mấy khu mua sắm.
Thuấn Nhân thấy chán, nhà ở đây không cao như trong tưởng tượng, xe cộ cũng không nhiều, đường phố rất rộng, đến mức không biết đi đâu. Hơn nữa lại không có người bạn thân nào để nói chuyện. Cô của Thuấn Nhân có hai người con trai, cả hai đều chưa tới mười tuổi và rất nghịch nghợm, hết leo trèo rồi lại phá phách.
“Sắp đến ngày khai giảng rồi”, Thuấn Nhân nghĩ.
Thuấn Nhân không thích dạo phố lắm, cả ngày chỉ ngồi đọc sách trong phòng đọc của chú. Những loại sách cổ điển kiểu Tứ thư, Ngũ kinh, Nhị thập tứ sử, nhà ở huyện Uyển đều có, cô bé lại lấy Bàn về chiến tranh của Carl Von Clausewitz[1] ra đọc, được vài trang, cảm thấy không thể đọc tiếp được nữa bèn gập sách lại. Cô bé lại nhìn thấy trên bàn có chiếc điện thoại, cầm trên tay nghịch nghịch một hồi rồi gọi đến hiệu ảnh của anh họ Trăn Trăn. Diệp Vị Kỳ nghe thấy giọng của Thuấn Nhân ở đầu dây bên kia thì mừng lắm, cô bé hỏi Trăn Trăn có ở đó không, Vị Kỳ nói cô ấy đã về quê chơi rồi. Hai người nói chuyện một lát, thấy không còn gì để nói nữa, Thuấn Nhân định cúp máy, nhưng chần chừ vài giây rồi lại nói: “Phiền anh gọi hộ Tử Chấn qua nghe điện thoại.”
[1] Carl Von Clausewtz (1780-1831) là một binh sĩ của vương quốc Phổ, một nhà lịch sử học quân sự, lý luận học quân sự có tầm ảnh hưởng lớn.
Vị Kỳ nói: “Nó cũng không có ở nhà.”
Thuấn Nhân lại hỏi tiếp: “Cậu ấy đi đâu thế?”
Vị Kỳ đáp: “Không biết.”
Thuấn Nhân không tin lời Vị Kỳ nói, nhưng lại ngại không dám hỏi tiếp, đành buồn thiu đặt điện thoại xuống, nhìn lên trần nhà. Cô bé nghĩ, là con gái chán thật, muốn tìm một người cũng phải rào trước đón sau, trong lòng muốn nói lại không thể nói ra. Ngày nhỏ ghét đọc mấy quyển sách cổ văn, nhưng rốt cuộc nó cũng có cái lý của nó, đều là những thứ mà ông cha đã đúc kết lại qua mấy nghìn năm, không nghe thánh hiền dạy bảo, chắc chắn sẽ không thu được quả ngọt.
Thuấn Nhân mở ngăn bàn, lấy ra một tập giấy viết thư, để lên bàn, dùng tay xoa xoa cho phẳng, rồi mở nắp bút ra, tên người nhận để trống, chỉ nắn nót viết hai chữ: “Xin chào”, theo sau là một dấu chấm than, rồi xuống dòng viết ba chữ: “Tiểu Sư Tử.” Suy nghĩ đắn đo một hồi, lại xóa đi, viết thành: “Thời Tử Chấn.” Nhìn một hồi, cô bé vẫn cảm thấy không được thỏa đáng cho lắm, lại xóa đi, cuối cùng quyết định không viết họ tên nữa mà để trống một dòng dưới chữ: “Xin chào”, mở đầu bằng câu: “Một mình nơi tha hương làm khách lạ”, trong lòng nghĩ mở đầu bằng mấy câu thơ cho bức thư thêm phần sinh động.
Viết mãi cũng chỉ được có ba dòng, đọc đi đọc lại mấy lần, thấy cũng không hay lắm, cô bé dừng bút, suy nghĩ. Viết thư cho Tử Chấn không phải là cách hay, cậu ấy sẽ nghĩ mình có ý gì đó, như thế thì thật mất mặt, hay là gọi cho cậu ấy một cú điện thoại, như thế sẽ tự nhiên một chút, kiểu gì chả có lúc cậu ấy ở nhà.
Suy đi tính lại, Thuấn Nhân liền xé vụn tờ giấy, sau đó gom lại, soi dưới ánh mặt trời xem có đọc được chữ gì không, nhìn kỹ thì chỉ thấy dấu chấm than sau chữ “xin chào”, còn lại đều không rõ nữa, thế là cô bé cất tập giấy viết thư vào trong ngăn kéo, lôi quyển Bàn về chiến tranh ra xem. Nghe thấy bên ngoài có tiếng ồn, thấy không thể nuốt nổi mấy dòng chữ cứng nhắc ấy nữa, cô bé đành bỏ sách xuống, nhìn ra bên ngoài cửa sổ. Bầu trời ở đây không cao như ở huyện Uyển, nó thấp lắm, dường như với tay cũng có thể chạm tới, bầu trời chỉ có một màu xanh xám. Đã lâu rồi Thuấn Nhân không nhìn thấy mặt trời.
Chương 3: Có những kỷ niệm trôi qua như thế
Không biết có phải do không hợp với phố xá hay không, không lâu sau khi khai giảng, Thuấn Nhân đã trở thành địch thủ của tất cả bọn con gái. Nói là “tất cả” thì cũng không được khách quan cho lắm, khái niệm “tất cả” ở đây là phải loại trừ mấy đứa chăm chỉ học hành, mấy đứa tồn tại mà cũng như không, còn lại, tất cả đều ghét Thuấn Nhân.
Nhưng lỗi một phần cũng do Thuấn Nhân, quần áo cô bé mặc không giống các bạn, không hòa nhập vào đám đông, đặc biệt là khi đi đường, nhìn thấy bạn cũng không thèm chào một tiếng. Ngoài bạn ngồi cùng bàn tên là Châu Văn biết Thuấn Nhân bị cận thị thì ấn tượng của tất cả các bạn trong trường về cô bé không hề thay đổi, dường như câu cửa miệng là “chỉ biết mình, kiêu ngạo, không lịch sự” của các bạn dành cho Thuấn Nhân đã được định sẵn rồi.
Cũng may là thái độ của các bạn nam đối với Thuấn Nhân còn tốt hơn. Tuy cũng có người hòa vào các bạn nữ nói xấu Thuấn Nhân, nhưng cũng có người giúp Thuấn Nhân chép bài trên lớp, xách cặp, thậm chí khi trời mưa còn nhường ô cho cô bé, còn mình thì ướt nhèm.
Thuấn Nhân không cảm thấy mang ơn bọn họ, bởi Châu Văn từng nói cho Thuấn Nhân nghe, sau lưng bọn họ không dành cho mình một lời tốt đẹp nào đâu, thậm chí còn thêu dệt những tin đồn thất thiệt, trong đó có chuyện chép bài hộ, xách cặp hay cho mượn ô dù…
Tối hôm sinh nhật, Thuấn Nhân dẫn Châu Văn về nhà cô Xuân Nam ăn cơm. Ăn cơm xong, hai đứa làm bài tập trong phòng của Thuấn Nhân, cô bé đem món quà mà cô tặng ra cho Châu Văn xem, là một chiếc máy nhắn tin màu đen dễ thương. Châu Văn dùng bút mực ghi lại số máy nhắn tin của Thuấn Nhân vào vở nháp của mình.
Thuấn Nhân nói: “Thực ra cái này đối với tớ cũng không có tác dụng gì lắm, ngày nào chúng mình cũng gặp nhau, trong nhà lại có điện thoại bàn.”
Châu Văn suy nghĩ, một lúc sau, đôi mắt bỗng sáng lên: “Cậu cho các bạn dưới quê số máy này đi, chẳng phải bạn từng nói, dưới quê còn mấy người bạn nữa sao?”
Thuấn Nhân được nhắc nhở, vội vàng cầm máy lên gọi về nhà cho Trăn Trăn. Trăn Trăn hỏi: “Tớ gọi cho cậu thì có được tính là điện thoại đường dài không?”
Thuấn Nhân không rõ lắm, nói: “Cậu cho Tử Chấn số của tớ nhé?”
Trăn Trăn nói: “Tuần trước Tử Chấn đánh nhau với anh họ tớ, cậu ấy lấy bình xăng ở bếp đốt củi ở sau nhà tớ, cháy hết cả bếp rồi. Bố tớ mới đưa cậu ấy đến trình công an, cậu ấy bị nhốt ở đó hai ngày, sau đó, bà ngoại của cậu ấy đến đón về Bắc Kinh rồi.”
Thuấn Nhân lặng đi một lúc lâu rồi mới nói được một câu: “Cậu có biết số điện thoại của nhà bà ngoại Tử Chấn không?”
Trăn Trăn nói: “Không biết, khi cậu ấy đi, tớ không có ở nhà.”
Châu Văn thấy Thuấn Nhân mãi không nói được lời nào, liền dùng bút gõ gõ vào tay Thuấn Nhân. Thuấn Nhân mới chợt tỉnh lại, cúp máy, đầu óc vẫn đang nghĩ tới cậu bạn Tử Chấn. Thuấn Nhân mở cửa, đi ra phòng khách. Lúc đó, cô Xuân Nam đang ngồi trên sofa xem ti vi. Thuấn Nhân đi đến trước mặt cô, để chiếc máy nhắn tin xuống bàn: “Cô ơi, cái này cháu không dùng đến, hay là cho các em dùng đi, chúng nó nhiều bạn hơn cháu mà.”
Cô Xuân Nam nói: “Cháu cứ cầm lấy đi, có cái này rồi mới có cái để mà kết bạn chứ.”
Thuấn Nhân lắc đầu.
Trên ti vi, cô gái có khuôn mặt tràn đầy sức sống như vườn đào giữa tiết trời tháng Hai ở miền quê, giọng ca ngọt ngào, cô gái hát: Em có thể chối từ bao tình yêu, em có thể quên đi bao giấc mộng, nhưng em không thể nào quên được gương mặt với nụ cười dịu dàng của anh.
Nhà văn Sarah người Mỹ viết rằng: “Cuộc sống là một con đường đẹp nhưng lại quanh co. Bên đường, những con bướm đang đậu trên những bông hoa sặc sỡ, có vô số hoa thơm trái ngọt, nhưng chúng ta rất ít khi dừng lại vãn cảnh, hoặc hái quả ngọt. Chúng ta chỉ cố gắng, khát khao đi tìm một con đường rộng lớn, tươi sáng hơn trong sự hoang tưởng của mình. Thế nhưng trong hành trình tiến về phía trước ấy, dần dần chúng ta lại rơi vào bóng tối ảm đạm, hoa thơm quả ngọt đâu chẳng thấy, cuối cùng lại phát hiện ra mình lạc vào sa mạc.”
Rất nhiều năm sau, Thuấn Nhân mới biết đại đa số con người đều như thế. Nhưng cô lại không nằm trong số này. Thực ra, nằm trong số nào cũng thế cả. Ai cũng muốn mình đạt được những thứ mà mình khao khát. Thế nhưng, cuối cùng của cuối cùng, chúng ta thật sự đã giành được cái gì?
Ông nội của Thuấn Nhân mất trước khi Thuấn Nhân thi đại học một năm, còn chưa kịp nhìn thấy tờ giấy báo đỗ đại học của cháu gái. Có lúc Thuấn Nhân nghĩ, ông nội chưa nhìn thấy cũng hay, cô chỉ thi đỗ vào một trường đại học tổng hợp của tỉnh, không phải trường loại một, tuy cũng là trường tốt, nhưng so với những trường lừng lẫy mà cha ông đã học thì thật thua kém vô cùng. Ngày thông báo kết quả, Thuấn Nhân và Châu Văn tay trong tay đến trường. Nguyện vọng của hai cô gái đều là khoa Ngôn ngữ. Châu Văn muốn sau khi tốt nghiệp sẽ về trường trung học, nơi mà bố mẹ cô đang công tác để làm giáo viên dạy văn, còn Thuấn Nhân, cô Xuân Nam đã thương lượng với trường, đầu ra sau khi tốt nghiệp sẽ không có vấn đề gì.
Thuấn Nhân nhận sách, đến lượt Châu Văn, quyển Tâm lý học văn nghệ đã phát hết, thầy giáo đến kho sách lấy thêm. Thuấn Nhân đứng đợi Châu Văn, các bạn nam đang xếp hàng chờ đợi, rảnh rỗi lại nhìn cô, Thuấn Nhân nói với Châu Văn: “Mình đợi bạn ở sân vận động nhé.”
Cô ngồi xuống ghế đá dưới bóng cây râm mát, giở quyển sách mới trên tay ra đọc, vừa nhìn bìa vừa đọc thầm tên sách, thỉnh thoảng lại ngẩng lên. Một sinh viên nam đang nhìn Thuấn Nhân. Cô vốn bị cận thị, nên cũng không dám chắc, nhưng dựa vào hướng khuôn mặt của cậu ta với lại chỗ mình ngồi thì chắc chắn là cậu ta đang nhìn mình.
Cảm thấy không được thoải mái lắm, cô định đứng lên đi về thì thấy Châu Văn ôm một chồng sách chạy tới, gọi lớn: “Nhan Thuấn Nhân!”
Châu Văn vừa dứt tiếng gọi, cậu sinh viên kia liền bật lên như lò xo: “Nhan Thuấn Nhân!”
Thuấn Nhân sợ hãi, lặng người ngồi đó. Cậu ta mặt mày tươi cười, nói: “Đúng là em rồi!”
Thuấn Nhân nghi ngờ nhìn cậu ta, bỗng sung sướng hét lên: “Lý Triệt!”
“Là anh đây! Anh cũng tới đăng ký.” Lý Triệt nhìn thấy quyển sách Thuấn Nhân đang cầm trên tay. “Em học khoa Văn à? Anh học khoa Công nghệ thông tin. Lâu lắm không gặp, em giờ sành điệu quá!”
“Thế trước đây em quê mùa lắm sao?” Thuấn Nhân cười rồi kéo tay Châu Văn: “Giới thiệu một chút nhé, đậy là bạn thân nhất của em thời trung học, tên là Châu Văn.”
Lý Triệt cũng tự giới thiệu về mình.
Châu Văn cười ha ha, nói: “Anh đẹp trai quá!”
Thuấn Nhân cũng cười theo: “Đương nhiên rồi, khi còn ở huyện Uyển, mỗi lần Lý Triệt chơi bóng rổ là có đến mấy chục bạn nữ đứng ngoài cổ vũ.”
Trên khuôn mặt Châu Văn lộ rõ vẻ hâm mộ và thán phục. Thuấn Nhân cũng thấy nở mày nở mặt, càng muốn tỏ ra mình với Lý Triệt rất thân thiết, thế là cô liền nói với Lý Triệt: “Cùng ăn cơm nhé, chúc mừng ngày tái ngộ của chúng ta.”
Lý Triệt gật đầu, Châu Văn cũng muốn thể hiện sự gần gũi, hỏi: “Anh thích ăn cái gì?”
Lý Triệt nhìn Thuấn Nhân, Thuấn Nhân nói: “Anh ấy thì cái gì cũng được. Tớ sẽ dẫn hai người đi, tớ biết chỗ có đồ ăn ngon.”
Lý Triệt đỡ đống sách đang ở trên tay hai cô bạn, để vào giỏ xe đạp, rồi dắt xe đi. Ba người vừa đi vừa nói chuyện rôm rả. Thuấn Nhân hỏi thăm Trăn Trăn, hóa ra cô ấy đã thi đỗ vào một trường đại học có tiếng ở Bắc Kinh. Thuấn Nhân bỗng cảm thấy tự ti, trong lòng thoáng một chút buồn. Lý Triệt thấy cô không nói gì, bèn quay ra nói chuyện với Châu Văn.
Thuấn Nhân nghĩ, sau này Trăn Trăn nhất định sẽ rất thành đạt, còn mình thì sẽ bị vùi dập ở cái tỉnh lẻ này cả đời. Mình cũng có thể coi là đã nỗ lực học hành, nhưng thành tích thì lại xoàng xoàng, tương lai sau này chắc cũng như thế là cùng, chăm chỉ, cố gắng, nhưng chẳng để làm gì.
Cái danh “tự cho mình là nhất” mà các bạn đặt cho Thuấn Nhân từ hồi học trung học, giờ lên đại học vẫn đúng, và có cả những lời thêu dệt. Càng về sau, lời đồn càng lan rộng, có người nói nhìn thấy Thuấn Nhân hẹn hò với một bạn nam trong công viên, người ác ý hơn thì nói Thuấn Nhân đợi phòng làm việc hết người rồi mới đến tìm chủ nhiệm khoa, có người còn nói Thuấn Nhân thuê phòng trọ để ở cùng với một người con trai, mà người này chính là bạn cùng lớp, chỉ có điều mỗi lần đi ra khỏi phòng trọ đều là lúc tờ mờ sáng nên không nhìn rõ mặt.
Đối với Thuấn Nhân, những lời thêu dệt kia chưa đủ để làm chấn động trường học, đến khi trên trang báo mạng của trường xuất hiện tấm hình Thuấn Nhân chụp chung với một bạn nam. Ảnh đã được xử lý, vì dùng ảnh trong thẻ sinh viên của Thuấn Nhân nên gương mặt có nét nghiêm nghị. Trong bức hình này, cần phải có sự thân mật một chút thì nó lại hơi gượng gạo. Bối cảnh trong bức ảnh là ký túc nam, còn nhìn thấy cả khăn mặt phơi trên dây thép trong phòng.
Sự việc làm ầm ĩ cả phòng giáo vụ, lãnh đạo, thầy cô trong trường còn mở một cuộc họp nói về vụ việc này. Thầy cô cho rằng, quần áo của hai người trong bức ảnh chỉnh tề, chỉ là cử chỉ hơi thân mật, hơn nữa vừa nhìn là biết ngay có dùng photoshop, nên không có vấn đề gì nghiêm trọng. Cuối cùng chỉ nhắc nhở, cảnh cáo kẻ đã tung bức ảnh này lên mạng rồi thôi.
Tuy ai ai cũng biết bức ảnh đó là giả, nhưng nó vẫn trở thành trò cười của sinh viên trong trường. Nhẫn nhịn được hơn một năm Thuấn Nhân mới xông tới ký túc nam. Nhìn thấy nam sinh kia đang thổi sáo, Thuấn Nhân bèn giật lấy cây sáo, ném ra ngoài cửa sổ. Cây sáo bay trong không trung rồi rơi xuống thảm cỏ dưới sân, nằm chỏng chơ không tiếng nhạc.
Trên tầng lại được dịp xôn xao.
Thuấn Nhân không biết chửi bới, nhìn thấy cây lau nhà bằng nhựa đang để ở góc tường liền cầm lấy, đánh tới tấp vào người cậu bạn kia. Mấy tên con trai còn lại vốn thích xem đánh nhau, nhưng nhìn thấy mặt Thuấn Nhân giận dữ đùng đùng, môi mím chặt, liền ba chân sáu tay đến lôi Thuấn Nhân ra. Giằng co không lại với đám con trai, Thuấn Nhân bị chúng lôi ra ngoài, lúc đó, cô còn cố hết sức ném cây chổi lau nhà vào người cậu sinh viên kia.
Về đến phòng, Thuấn Nhân ngồi khóc trên giường. Các bạn nữ cùng phòng lại tỏ ra vui mừng trước nỗi đau khổ người khác, chẳng có ai đến an ủi cô ấy, chỉ có Châu Văn hai mắt đỏ hoe đến ôm lấy Thuấn Nhân dỗ dành, an ủi.
Chuyện này có thể thêm mắm thêm muối để trở thành một cuộc ẩu đả vì tình, nhưng ngược lại, trên trang báo mạng của trường đăng một topic: “Loạt ảnh nóng của đám con trai mất nết.” Trong bức ảnh, nhân vật nam chính lại là tên con trai đã tung ảnh Thuấn Nhân và một nam sinh lên mạng, cậu ta đang ôm một cô gái không một mảnh vải che thân. Sự việc này đến tai hiệu trưởng, ông giận dữ gọi Lý Triệt và cậu kia lên phòng giám hiệu. Thế là lại xuất hiện một đề tài để bàn tán.
Châu Văn chạy về kể cho Thuấn Nhân nghe chuyện Lý Triệt và cậu kia bị gọi lên phòng giám hiệu viết bản kiểm điểm. Thuấn Nhân liền gọi Lý Triệt lại an ủi.
“Em không biết phải cảm ơn anh thế nào.” Thuấn Nhân chân thành nói: “Cảm ơn anh đã giúp em, em sẽ lấy hết tiền của tháng này ra mời anh một bữa thật ngon.”
Lý Triệt nghiêm túc lắc đầu: “Anh giúp em không phải là vì anh muốn em mời anh đi ăn. Thuấn Nhân, nếu cứ như thế này sẽ không được đâu, phải có người đứng ra bảo vệ em. Em làm bạn gái của anh nhé?”
Thuấn Nhân không ngờ Lý Triệt lại nói như vậy. Cô đỏ bừng mặt, cúi đầu nhìn xuống chân mà không nói câu nào.
Lý Triệt lại nói: “Anh chỉ muốn tốt cho em thôi, chúng mình cùng quê, anh sẽ không hại em đâu.”
Thuấn Nhân suy nghĩ một lúc, rồi ngẩng đầu nhìn Lý Triệt, nói: “Năm thứ ba hãy bắt đầu được không? Đợi khi em tròn hai mươi tuổi. Ông nội em đã nói, sau hai mươi tuổi mới được yêu.”
Lý Triệt gật đầu.
Vẫn biết rằng cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, nhưng cách mà cái kim lòi ra cũng thật khó hiểu. Việc hẹn ước với Lý Triệt, ngay cả với Châu Văn, Thuấn Nhân cũng không hề tiết lộ, thế mà chưa được nửa học kỳ, cả trường đều đã đồn ầm lên, thủ phạm chỉ có thể là Lý Triệt.
Thuấn Nhân trách Lý Triệt không giữ lời. Lý Triệt thì lại phủ nhận.
Một lần tình cờ, Thuấn Nhân đến thư viện mượn sách thì gặp Lý Triệt đi đằng trước cùng với một người bạn nam, Lý Triệt nói: “Thế nào? Ngưỡng mộ chưa? Dựa vào trí thông minh kém cỏi của bọn cậu mà tán được Thuấn Nhân mới là lạ.”
Thuấn Nhân tức giận hét lên: “Lý Triệt, anh đến đây!”
Lý Triệt cười hi hi, chạy tới trước mặt Thuấn Nhân: “Chuyện gì thế?”
Thuấn Nhân tức đến phát điên, quát vào mặt Lý Triệt: “Hóa ra là anh nói, vì sao còn chối?”
Lý Triệt vẫn cười thản nhiên: “Thì làm sao nào, sao lại trách anh thế? Chúng ta đã nói rồi mà, đây chỉ là chuyện sớm muộn thôi. Anh nói ra, sẽ không có ai bắt nạt em nữa.”
Thuấn Nhân không đáp, cảm thấy không vui, liền quay người bỏ đi.
Lý Triệt nói: “Cuối tuần khoa anh tổ chức đi cắm trại, em đi cùng nhé!”
Thuấn Nhân không quay đầu lại, chỉ nói: “Không đi, cô em không cho ngủ qua đêm ở ngoài.”
Lý Triệt thấy mất hứng, bọn con trai đứng xem vẫn chưa chịu đi, bọn họ thấy vậy liền chế giễu Lý Triệt: “Cậu thông minh quá ha, thông minh thì cũng chỉ đến thế là cùng, thế mà cũng gọi là bạn gái à?”
Lý Triệt đỏ mặt tía tai: “Sao lại không phải là bạn gái tớ chứ? Cái gì cô ấy cũng nghe tớ đấy.”
Đám con trai kia càng làm hăng: “Rõ ràng cậu và con bé đó chưa có gì với nhau. Trường này bao nhiêu đôi, có đôi nào kỳ quặc như bọn cậu không? Chả đẹp đôi tí nào, mỗi người một phách… Tớ khuyên thật, đừng có ngốc nữa, con gái trước sau gì cũng bị khóa môi thôi, đất ruộng phì nhiêu mà không trồng lúa, đấy không phải là cao thượng, mà là não có vấn đề! Nghe nói con gái không quên được người đàn ông đầu tiên, cậu không muốn Thuấn Nhân quên cậu cả đời này chứ?”
Lý Triệt không phản đối, hay nói cách khác, những lời này đối với Lý Triệt quá có lý. Nó gần với cái ngăn bí mật nơi sâu thẳm trong lòng Lý Triệt, mà cậu cho rằng, ngăn bí mật này chẳng sáng sủa chút nào.
Đêm đến, khi ký túc xá tắt đèn đi ngủ cũng là lúc bọn con trai thích bàn tán về bọn con gái trong trường. Thuấn Nhân là một đề tài nóng hổi để chúng lôi ra bình luận. Lúc này, bọn cùng phòng lại hỏi dò về mối quan hệ giữa Lý Triệt và Thuấn Nhân. Lý Triệt trả lời qua loa cho xong chuyện.
Khi không có giờ tự học, có lúc mấy thằng con trai trốn trong phòng xem phim sex. Lý Triệt xem rất say sưa, cậu ta hẹn Thuấn Nhân mấy lần, nhưng đều bị cô từ chối.
Thuấn Nhân bức xúc nói với Châu Văn. Châu Văn đáp: “Con trai đều như thế hết, chỉ cần cậu ta yêu cậu là được rồi. Lý Triệt tốt đấy chứ, học giỏi, lại đẹp trai, rất nhiều người thích cậu ấy. Cậu biết không, tớ cũng thèm được như cậu lắm đấy, cho nên cố mà giữ lấy.”
Lời của Châu Văn khiến Thuấn Nhân thắc mắc không biết mình có quá đáng lắm không.
Ngày Thanh niên Trung Quốc[1], trường tổ chức đi picnic. Thuấn Nhân và Châu Văn muốn chèo thuyền. Lý Triệt nhảy xuống thuyền, lấy giấy lau lau chỗ ngồi. Thuấn Nhân nhìn thấy cậu ta vo tờ giấy lại, rồi ném vào thùng rác trên bờ.
[1] Ngày Thanh niên Trung Quốc là ngày 4 tháng 5, để kỷ niệm cuộc vận động Ngũ Tứ vào ngày 4 tháng 5 năm 1919.
Lý Triệt đưa tay dìu Châu Văn xuống trước, sau đó dắt tay Thuấn Nhân xuống theo.
Trời chiều nắng nóng, nắng chiếu xuống mặt nước rồi phả lên mặt. Thuấn Nhân mặt mày đỏ ửng, đưa tay lau những giọt mồ hồi đọng trên trán. Lý Triệt đưa cho cô chai nước lọc, uống xong, mặt Thuấn Nhân càng nóng bừng, hai mắt trũng xuống như đang buồn ngủ.
Thuấn Nhân nói: “Chết rồi, nóng quá, tớ thấy chóng mặt, tớ muốn về trường.”
Châu Văn dùng hết sức chèo thuyền: “Cậu bị cảm nắng rồi. Cậu về trước đi, tớ chơi một lúc nữa rồi về.”
Lý Triệt cho thuyền ghé sát vào bờ, nói đợi mấy bạn kia rồi sẽ đưa Thuấn Nhân về. Thuấn Nhân nói: “Em ngồi xe buýt về trường cũng được, anh chơi tiếp đi.”
Lý Triệt kéo Thuấn Nhân lại nói: “Chúng mình cùng về trường vậy.”
Đang là ngày nghỉ, các sinh viên lại đi picnic gần hết, trường rất vắng vẻ. Muốn vào ký túc nữ phải đăng ký, Lý Triệt bèn đưa Thuấn Nhân về phòng mình, dìu cô nằm xuống giường.
Thuấn Nhân ngủ mê man, khi mở mắt trời đã tối đen. Nghĩ rằng mình phải về nhà ngay, nhưng mới nhấc người lên thì cảm thấy bên dưới đau vô cùng. Giật mình, cô sờ lên người, quần áo đâu hết rồi? Một người con trai ngồi cạnh giường, trong bóng tối cũng có thể nhận ra đấy là Lý Triệt. Lưỡi Thuấn Nhân tê dại hẳn đi, mãi không nói được lời nào.
Lý Triệt thấy Thuấn Nhân tỉnh lại, liền hỏi: “Sao không thấy ra máu? Em còn trinh không?”
Thuấn Nhân giơ tay cào mặt Lý Triệt, cổ họng nấc nghẹn, khóc không ra tiếng, miệng há to để thở. Lý Triệt thấy hơi sợ, ôm Thuấn Nhân vào lòng: “Anh chỉ thuận miệng hỏi vậy thôi, không thấy ra máu nên cuộc vui không được trọn vẹn cho lắm, anh tin đây là lần đầu tiên của em. Anh sẽ cưới em, em đừng như thế, thật đấy, anh nhất định sẽ kết hôn với em!”
Thuấn Nhân run lên vì tức giận, khó khăn lắm mới nói thành lời: “Anh đã cho cái gì vào chai nước?”
Lý Triệt không trả lời.
Thuấn Nhân lau nước mắt tìm quần áo, vừa khóc vừa khoác chiếc áo lên người, những chiếc cúc cứ như đang nhảy múa, không sao cài lại được. Cúi xuống nhìn chiếc cúc mà hai hàng nước mắt tuôn rơi, lần tay đóng cúc mà vẫn không sao làm được. Lý Triệt muốn giúp, nhưng Thuấn Nhân lại lùi về phía sau, cậu ta đành rút tay lại, đứng nhìn Thuấn Nhân mặc quần áo rồi đi giày, mở cửa chạy ra ngoài. Lý Triệt muốn đuổi theo nhưng lại không dám, đành đứng trên ban công nhìn bóng dáng mảnh mai của Thuấn Nhân dần dần xa khuất.
Cúc vàng đang nở rộ, hương thơm ngào ngạt, thỉnh thoảng có cơn gió nhẹ thổi tới làm rơi mấy cánh hoa, như những linh hồn cô đơn rơi xuống bên đường.
Ngày hôm sau, Lý Triệt đứng chờ Thuấn Nhân ở cửa lớp, nhìn thấy Châu Văn một mình đi ra, vội hỏi: “Thuấn Nhân đâu?”
Châu Văn đáp: “Cậu ấy nghỉ học về quê rồi.”
Lý Triệt giật mình, buông một câu: “Cô ấy bỏ học rồi sao?”
Châu Văn cười nói: “Đang học, bỏ làm sao được mà bỏ? Chắc là về quê chơi thôi, mấy hôm nữa lại lên ấy mà.”
Lý Triệt thở phào nhẹ nhõm, bỗng nhớ ra một việc, hỏi: “Châu Văn, sau khi tốt nghiệp, Thuấn Nhân sẽ ở lại tỉnh chứ?”
Châu Văn gật đầu. Lý Triệt nói: “Thực ra thì ở tỉnh cũng không hẳn là lựa chọn tốt nhất, anh ở đây hơn ba năm rồi, cảm thấy cũng thế cả, nên đến những thành phố lớn xem sao. Nghỉ hè, anh tính đưa Thuấn Nhân đến Bắc Kinh tìm bạn, em có đi không?”
“Hai người đi cùng nhau, em chen vào làm gì? Em không đi đâu.”
Lý Triệt cười: “Đúng rồi, người nhà của Y Na lớp em ở Bắc Kinh làm chức to lắm đúng không?”
Châu Văn lại gật đầu. Lý Triệt nói: “Thế em rủ bạn ấy đi cùng, bốn anh em mình cùng đi Bắc Kinh chơi một chuyến nhé?”
Châu Văn vui mừng nhảy cẫng lên: “Thật là một ý kiến hay!”
Căn nhà ở đường Thạch Bản lâu rồi không có người ở, ổ khóa đã bị gỉ. Thuấn Nhân cố gắng mở nhưng không được. Cô liền chạy tới chỗ anh họ của Trăn Trăn nhờ giúp đỡ. Vị Kỳ nhìn thấy Thuấn Nhân về thì vui mừng khôn xiết, hai tay đưa ra định ôm lấy vai Thuấn Nhân, nhưng cô lùi lại, hỏi: “Trăn Trăn có hay về quê không anh?”
Vị Kỳ đáp: “Đi ba năm mà chỉ về có một lần. Chắc là ở Bắc Kinh sướng quá, nên quên mất làng quê nghèo này rồi.”
Thuấn Nhân không đáp, chỉ đứng sau chờ Vị Kỳ mở khóa. Mở xong, Thuấn Nhân cảm ơn Vị Kỳ rồi bước vào nhà, chốt cửa lại.
Vừa bước vào đã nhìn thấy tấm di ảnh của ông nội treo trên tường với hàm râu dài ngay ngắn, gương mặt nghiêm trang. Thuấn Nhân lấy cái chổi sau cửa, cúi xuống quét từng lớp bụi trên nền nhà, bụi chất thành một đống nhỏ trên nền đá hoa cương, mấy giọt nước rơi xuống nền nhà. Thuấn Nhân lặng đi một hồi, ngẩng lên, hai mắt nhạt nhòa. Lại nhìn ông, Thuấn Nhân chạy tới, ôm chặt khung ảnh vào lòng, môi run run, một lúc lâu sau mới thốt ra được hai tiếng: “Ông nội!”
Chương 4: Hãy cứ mơ đi! Có lẽ nó sẽ thành sự thật
Đối với sinh viên thì kỳ nghỉ hè của năm thứ ba cần phải lên kế hoạch tỉ mỉ. Bởi đến học kỳ hai năm thứ tư, ai cũng bận rộn đi tìm việc, chẳng còn biết đến khái niệm nghỉ hè nữa.
Lý Triệt rủ được Châu Văn và Y Na lên Bắc Kinh chơi hơn một tháng, Thuấn Nhân suy nghĩ rất lâu, cũng đồng ý. Nhưng trước khi đi đến Bắc Kinh phải đến ra mắt và xin phép cô Xuân Nam.
Lý Triệt hơi bất ngờ, cậu ta cho rằng ba nữ, một nam đi chơi thì chẳng có vấn đề gì, người nhà chắc cũng không phản đối, nhưng cuối cùng cậu ta cũng phải đồng ý với yêu cầu của Thuấn Nhân.
Thuấn Nhân dẫn Lý Triệt đi mua vài món quà. Lý Triệt thấy cô chọn mấy hộp quà đắt tiền, sắc mặt không được vui cho lắm: “Cái này đắt quá, anh không có nhiều tiền thế đâu.”
Thuấn Nhân nói: “Phải mua. Mấy thứ này cũng không đắt lắm, nếu rẻ hơn, cô em sẽ coi thường anh đấy.”
Tới quầy thanh toán, Thuấn Nhân trả tiền rồi nhét vào tay Lý Triệt túi quà.
Đến nhà cô Xuân Nam, Lý Triệt thấy có bảo vệ đứng canh ở cửa, trong lòng vừa ngạc nhiên vừa sợ.
Xuân Nam nhìn thấy Lý Triệt tay cầm túi quà, rồi lại liếc Thuấn Nhân một cái, trong lòng cũng hiểu ra vấn đề. Cô nói Lý Triệt ngồi xuống, rồi kêu Thuấn Nhân vào bếp gọt hoa quả.
Thuấn Nhân vào bếp, Xuân Nam khép cánh cửa, hỏi nhỏ: “Sao không nói với cô một tiếng? Cô đã nhờ người giới thiệu cho cháu một anh chàng thạc sĩ cơ đấy, mới hai mươi sáu tuổi, điều kiện gia đình tốt lắm, là nhân tài của tỉnh mình đấy.” Thấy Thuấn Nhân nghe xong mà không được vui cho lắm, Xuân Nam lại nói: “Cậu này nhìn cũng đẹp trai đấy, nhưng nhìn mặt có vẻ hơi tính toán, nhà chắc cũng bình thường thôi nhỉ? Nhìn là biết ngay mà.”
Thuấn Nhân để đào mới gọt vào đĩa, bê lên phòng khách. Xuân Nam đi ra ngoài ngồi đối diện với Lý Triệt. Cô hỏi Lý Triệt học chuyên ngành gì, bố mẹ thế nào, rồi nói: “Nếu thế thì sau khi tốt nghiệp cậu phải tự lo việc làm rồi?”
Lý Triệt hai tay xoa đùi, nói nhỏ: “Cháu muốn sau khi tốt nghiệp, cháu và Thuấn Nhân sẽ lấy nhau, nên cháu sẽ cố gắng ở lại đây.”
Xuân Nam nói: “Thế cậu cứ tìm việc đi, nếu không được thì cô sẽ giúp đỡ.”
Lý Triệt vội vã cảm ơn, Xuân Nam nhìn cậu ta: “Nhưng có một điều kiện, cậu phải đối xử tốt với Thuấn Nhân nhà chúng tôi. Nếu cậu dám làm gì có lỗi với nó, chú của Thuấn Nhân sẽ không tha cho cậu đâu!”
Lý Triệt mặt mày trắng xanh, chần chừ một lúc mới nói: “Không đâu, không đâu ạ!”
Tàu hỏa đến Bắc Kinh mới chạy được có một đêm, Châu Văn vừa béo vừa lười, cả đoạn đường ngủ say sưa, Thuấn Nhân thì đọc một quyển truyện tiếng Anh, Lý Triệt và Y Na chơi bài cả đêm, cười nói rôm rả. Gần sáng, Thuấn Nhân ngủ mơ thấy mình đang ở ven đồi, có tiếng suối chảy róc rách như tiếng nhạc, cô đang hái sim chín về chia cho các bạn cùng ăn.
Lý Triệt thấy Thuấn Nhân nở nụ cười trong giấc mộng, đôi môi nhỏ xíu hé ra, để lộ hàm răng trắng như hoa bách hợp. Lý Triệt ghé sát tai Thuấn Nhân, nói:”Mơ thấy anh à? Sao vui thế?”
Thuấn Nhân tỉnh dậy, khó chịu quay người đi.
Tờ mờ sáng, tàu đã đến Bắc Kinh, mấy người bọn họ đang chải lại đầu tóc, nghe thấy có người gõ bộp bộp vào cửa, Lý Triệt đứng dậy nói: “Diệp Trăn Trăn đang lên giúp bọn mình lấy hành lý!”
Thuấn Nhân nghe thấy vậy liền ngẩng đầu nhìn ra ngoài cửa sổ, chỉ thấy bóng dáng một cô gái mặc váy dài, chân đi giày cao gót đang chạy. Thuấn Nhân đang lấy hành lý trên ngăn để hành lý, bỗng có ai đó đập vào vai cô, gọi: “Nhan Thuấn Nhân!”
Trăn Trăn nay đã cao hơn rất nhiều, da cũng trắng hơn, nói giọng Bắc Kinh chuẩn, Thuấn Nhân thấy vui lắm nhưng không biết thể hiện thế nào, chỉ cười và nói: “Cậu xinh thật đấy!”
Năm người bọn họ đi ra khỏi nhà ga, Y Na nói: “Các cậu ở đâu? Sắp xếp ổn chưa? Tớ về nhà đây, nếu không có chỗ ở thì về nhà tớ, nhà tớ rộng lắm.”
Trăn Trăn nói: “Cậu về trước đi, tớ sắp xếp được rồi, họ sẽ ở nhà của bạn trai tớ.”
Thuấn Nhân có chút bất ngờ: “Trăn Trăn, cậu có bạn trai rồi hả?”
Trăn Trăn nở nụ cười hạnh phúc: “Cậu có, sao tớ lại không có chứ?”
Thuấn Nhân nói: “Tớ mừng cho cậu.”
Nhà của bạn trai Trăn Trăn là tứ hợp viện nằm giữa thành phố náo nhiệt. Sân vườn rộng rãi, bốn mặt đều có những gian phòng biệt lập, nối với nhau là hành lang có mái che, trong sân trồng cây xanh, có cả bể cá vàng, trên tường dán nhiều bức thư pháp.
Thuấn Nhân nói: “Chủ nhà này phải là một người rất nho nhã. Ngôi nhà lâu đời như vậy mà thu dọn rất sạch sẽ.”
Trăn Trăn cười không đáp, quay lại nói với Lý Triệt: “Ở đây thế nào? Anh và Thuấn Nhân ở chung một phòng nhé?”
Thuấn Nhân vội vàng nói: “Mình và Châu Văn sẽ ở một phòng, Lý Triệt ở một mình được rồi.”
Lý Triệt nói đùa: “Chồng em đâu rồi? Sao không thấy bóng dáng đâu cả?”
Trăn Trăn nói: “Thầy anh ấy bị ốm, hôm qua phải qua bên đó chăm sóc thầy, lát nữa đến giờ ăn mới về.”
Sau khi thu xếp xong xuôi, Trăn Trăn dẫn mọi người ra, gọi một chiếc xe: “Bọn mình đến nhà hàng dùng bữa nhé?”
Trăn Trăn chọn một nhà hàng yên tĩnh, chưa đến giờ ăn trưa nên nhà hàng rất vắng khách.
Chiếc bàn ăn được đặt cạnh cửa sổ, không gian thoáng đãng, từ cửa sổ có thể nhìn ra hồ nước trong mát, một thanh niên đang ngồi trên sofa chơi điện tử trên điện thoại. Anh ta mặc bộ quần áo màu đen, đội mũ lưỡi trai, đi giày thể thao, ánh nắng lọt qua cửa sổ hắt vào bên phải khuôn mặt khiến lộ rõ sống mũi cao cao. Anh ta chơi rất say sưa. Thuấn Nhân chợt thấy sợi dây da bò đeo trên tay Tử Chấn ngày nào, tim loạn nhịp, tay vịn chặt vào cánh cửa, cho đến khi Lý Triệt, Trăn Trăn và Châu Văn gọi vào, Thuấn Nhân mới từ từ bước vào, ngồi xuống ghế.
Trăn Trăn giằng lấy điện thoại bỏ vào túi mình, rồi ngồi xuống bên cạnh người con trai đó, nói: “Tử Chấn, em không cần giới thiệu chắc anh cũng nhận ra phải không?”
Tử Chấn ngẩng đầu, vẫn là gương mặt không thích cười ngày nào, chỉ có ánh mắt thì sâu thăm thẳm. Đôi mắt ấy nhìn Thuấn Nhân, biểu hiện trên gương mặt vẫn không thay đổi, chỉ là nhìn Lý Triệt lâu hơn một chút. Thuấn Nhân nhìn sang Trăn Trăn, thầm nghĩ, hóa ra tiên nữ trong lòng Tử Chấn là một cô gái mắt nhỏ.
Lý Triệt quay sang hỏi Tử Chấn: “Lâu lắm rồi không có tin tức gì của cậu, cậu đang học trường nào? Học ngành gì?”
Trăn Trăn cướp lời, nói: “Học trường múa, chuyên ngành múa cổ điển. Đạt cấp mười ba môn múa Trung Quốc, giành được một đống giải thưởng.”
Từ khi nhìn thấy Tử Chấn, Châu Văn cứ há miệng nhìn, lúc này mới nói được một câu: “Anh thần tiên ơi!”
Lý Triệt lấy tờ giấy ăn đưa cho Châu Văn: “Nhanh lau nước miếng đi.”
Châu Văn lườm Lý Triệt một cái. Thuấn Nhân lấy hết dũng khí hỏi: “Trước đây cậu nói muốn học kiến trúc mà? Sao lại đi học múa?”
Tử Chấn nhìn về phía mặt hồ bên ngoài cửa sổ, dường như không nghe thấy tiếng. Thuấn Nhân cảm thấy hơi ngại bèn cầm ấm trà, rót cho mình một chén, hai tay cầm ly trà từ từ đưa lên miệng.
Lý Triệt nói “này” một tiếng. Thuấn Nhân giật mình, quay sang nhìn Lý Triệt, thì ra cậu ta đang gọi Tử Chấn.
“Chẳng phải trường múa tập trung rất nhiều mỹ nữ sao? Sao lại chọn Trăn Trăn?” Lý Triệt nói. “Thậm chí nó còn xấu hơn mức bình thường.”
Trăn Trăn nói: “Tử Chấn không phải loại đàn ông ham gái đẹp, anh ấy chỉ thích cô nào học hành giỏi giang thôi, con gái trường múa đều học dốt như bò ấy.”
“Đấy không phải lý do.” Lý Triệt thấy câu giải thích không chính đáng, quay qua với tay lấy tờ giấy gọi món mà Châu Văn vừa viết, nói: “Sao không gọi nhiều vào, hôm nay bọn mình phải ăn cho đã, gọi thêm, gọi thêm, thưởng thức đặc sản Bắc Kinh mà!”
Thức ăn được đưa lên, Thuấn Nhân ăn một cách buồn bã. Trăn Trăn không ngừng múc canh xương hầm cho Tử Chấn, nói: “Tử Chấn khổ luyện từ nhỏ, cột sống bị đau, nên phải chịu khó tẩm bổ.”
Tử Chấn gắp hết thịt vào bát cho Trăn Trăn, còn mình chỉ uống nước canh.
Lý Triệt hỏi: “Học múa phải ăn kiêng à?”
Trăn Trăn cười nói: “Đâu có, anh ấy ăn nhiều cũng có béo được đâu, vì tớ thích ăn thịt.” Nói xong, cô quay sang Tử Chấn hỏi: “Đúng không?”
Tử Chấn không ngẩng đầu mà chỉ “ừ” một tiếng.
Buổi chiều, Trăn Trăn dẫn bọn họ đi thăm công viên, về đến nhà thì trời cũng đã tối. Tắm giặt xong, Trăn Trăn chúc mọi người ngủ ngon rồi kéo Tử Chấn về phòng. Thuấn Nhân nhìn cánh cửa đóng lại mà lòng chua xót, cô lặng lẽ trở về phòng mình, cởi đồ để trên ghế rồi chui vào chăn ngủ.
Đang ngủ say, một bàn tay thò vào lưng rồi lần lần lên trên, Thuấn Nhân “a” một tiếng, mở mắt ra nhìn thì thấy Lý Triệt, cô thở nhẹ một hơi, khó chịu đẩy anh ta ra: “Anh làm cái gì thế?”
Lý Triệt nói nhỏ: “Anh nói Châu Văn sang phòng anh ngủ rồi.” Nói xong, anh gác chân lên người Thuấn Nhân, quay sang hôn cô. Thuấn Nhân thấy khó chịu, muốn mắng anh ta nhưng lại sợ mọi người nghe thấy, nên dịu lại nói: “Em đến ngày rồi, không làm thế được đâu.” Lý Triệt cứ cố sàm sỡ.
Từ phòng bên cạnh, Trăn Trăn nghe thấy tiếng Thuấn Nhân rên rỉ bèn bịt miệng cười. Quay người, đặt cằm lên vai Tử Chấn, lay anh nói: “Anh nghe đi.”
Tử Chấn vẫn quay lưng lại ngủ, không thèm tiếp lời. Trăn Trăn nũng nịu: “Mình cũng làm thế đi anh?” Thấy Tử Chấn không phản ứng gì, Trăn Trăn tiu nghỉu, đành nằm xuống vòng tay qua ôm lấy lưng Tử Chấn, thở dài.
Sáng sớm hôm sau, Lý Triệt gọi điện hẹn Tả Y Na đến hội chợ việc làm. Anh ta kêu Thuấn Nhân đi cùng, nhưng toàn thân Thuấn Nhân đau ê ẩm, nên cũng chẳng thèm để ý đến anh ta. Lý Triệt vội vàng ăn sáng rồi đi.
Trăn Trăn muốn dẫn Thuấn Nhân và Châu Văn đi thăm Vương Phủ Tinh, Thuấn Nhân không đi, Châu Văn lại gọi Tử Chấn, Trăn Trăn nói mười giờ Tử Chấn phải lên lớp. Thế là hai cô gái trang điểm thật đẹp, tay trong tay cùng đi chơi.
Không gian yên tĩnh, chỉ có con chim đang đậu trên cửa sổ màu hồng gõ gõ cái mỏ đen vào song cửa sắt. Thuấn Nhân cố gắng ngồi dậy, ngây người nhìn vết bẩn trên ga giường, đau đớn tụt xuống giường, kéo lấy tấm ga, khom khom đi vào nhà vệ sinh giặt.
Trời đã chuyển sang hè, nhưng nước máy ở miền Bắc vẫn lạnh thấu xương, Thuấn Nhân muốn tìm nước nóng, nhìn thấy công tắc của bình nước nóng bị tắt, đầu cắm công tắc lại treo ở đó. Cô cắm lại bình nước nóng, đứng chờ một lúc, lại thấy hoa mắt chóng mặt, tay vịn vào khung cửa, bên tai nghe tiếng bình nước nóng sôi sùng sục, không biết khi nào ga giường mới khô. Thuấn Nhân lo lắng nếu phơi muộn quá, trời tối ga sẽ không khô, bọn Trăn Trăn về thấy sẽ cười cho. Nghĩ vậy, cô lấy hết sức vặn vòi nước, xoa xà bông lên rồi chà mạnh. Chà chà chà… chà mạnh đến nỗi mắt hoa cả lên. Thuấn Nhân muốn tìm cái ghế để ngồi xuống giặt, mới vừa quay người lại, thì nhìn thấy Tử Chấn đang đứng dựa vào khung cửa.
Tay Thuấn Nhân dính đầy xà bông, đầu tóc bù xù, lúc lâu sau mới lắp bắp nói: “Anh muốn dùng nhà vệ sinh à? Em sẽ ra ngoài ngay, lát nữa giặt cũng được.”
Tử Chấn không nói gì, nhìn Thuấn Nhân từ đầu đến chân, ánh mắt dừng lại dưới chân cô. Thuấn Nhân cúi xuống nhìn, đến cô cũng phải giật mình, phía dưới quần ngủ toàn là máu, máu chảy xuống cả bàn chân. Tử Chấn nhìn lên mặt Thuấn Nhân, rồi lại nhìn vào thau đang ngâm chiếc ga giường, không nói năng gì, Tử Chấn bèn kéo tay Thuấn Nhân để lên vai, cõng cô chạy ra ngoài.
Thuấn Nhân mệt mỏi nói: “Phiền anh gọi giúp em một chiếc xe, em tự đi được rồi.”
Tử Chấn nói: “Bệnh viện không xa, nhưng xe ở đây không được rẽ trái, đi bộ một lát là tới.”
Tử Chấn hơi cúi đầu, cổ áo bị lệch để lộ một mảng vai, Thuấn Nhân nghiêng đầu áp mặt lên đó.
Tử Chấn đi rất nhanh, vừa thở vừa hỏi Thuấn Nhân: “Sao đi mà không gọi điện cho anh?”
“Có gọi, nhưng anh không ở nhà.”
“Khi anh về Bắc Kinh, anh đã cho Trăn Trăn số điện thoại, sao em cũng không gọi?”
“Cô ấy không nói cho em biết.”
Bốn cầu thang máy của bệnh viện đều chưa chạy xuống, trước cửa thang máy có đến mấy chục bệnh nhân đang chờ, Tử Chấn cõng Thuấn Nhân đi cầu thang bộ. Thuấn Nhân nói trong nước mắt: “Trăn Trăn nói anh bị đau cột sống, anh để em xuống đi.”
Tử Chấn không nói, đi một mạch đến tầng bảy tìm chủ nhiệm khoa. Anh gõ cửa gọi: “Cô Trịnh ơi!”
Trịnh Học Mẫn là bạn của mẹ Tử Chấn, đã từng đi du học ở Nhận Bản, là bác sĩ phụ khoa giỏi có tiếng. Thấy Tử Chấn cõng một cô gái, mồ hôi nhễ nhại, thoáng qua thì không hiểu chuyện gì, nhưng nhìn phía sau thấy máu ở quần Thuấn Nhân, vội nói: “Đặt cô bé lên giường đi, cô khám cho.”
Tử Chấn cẩn thận dìu Thuấn Nhân nằm xuống giường, quay lại, cúi đầu nói với Trịnh Học Mẫn: “Phiền cô Trịnh nhé, cháu chờ ở bên ngoài.”
Khoảng hơn mười phút sau, Trịnh Học Mẫn mở cửa đi ra, ánh mắt trách móc nhìn Tử Chấn. Tử Chấn thì không hay biết chuyện gì.
“Giờ mới biết đau lòng phải không? Sau này không được làm chuyện thô bạo như thế nữa đấy. Cô kê cho ít thuốc chống viêm, cầm lấy thuốc rồi đưa cô bé về nghỉ ngơi đi. Các cháu mới lớn, cứ thế này về sau không đẻ đái gì được thì làm thế nào?” Trịnh Học Mẫn nói.
Thuấn Nhân ngồi trên giường chờ Tử Chấn đi lấy thuốc, nhìn Tử Chấn chẳng nói chẳng rằng bước vào, đứng trước mặt không nhúc nhích. Thuấn Nhân chột dạ, không dám nhìn anh, cúi đầu nói: “Bác sĩ nói không sao, mình về đi.”
Vừa dứt lời, Tử Chấn quát lên: “Em không quẳng nó đi được à?”
Thuấn Nhân sợ đến mức toàn thân run rẩy, Tử Chấn giữ chặt lấy vai Thuấn Nhân, nói: “Con gái hiền lành không sai, nhưng hiền lành quá không có nghĩa là nhún nhường nó, em có hiểu không hả?”
Thuấn Nhân uất ức khóc to, nước mắt cứ thế tuôn rơi, cô lấy chiếc gối trên giường bệnh lau nước mắt. Tử Chấn thấy đồ ở bệnh viện bẩn, ở đó lại không có giấy ăn, trong lúc bối rối, anh kéo vạt áo thun của mình cho Thuấn Nhân lau nước mắt.
Tử Chấn không ngừng vỗ vỗ vào lưng Thuấn Nhân an ủi, một lúc sau tiếng khóc mới nhỏ dần. Anh lại cõng Thuấn Nhân về nhà, mất khoảng mười phút đi bộ. Về đến nhà, Thuấn Nhân ngủ thiếp đi trên vai Tử Chấn.
Tử Chấn đặt cô lên giường, đắp chăn cho cô, rồi quay lại nhà vệ sinh giặt ga giường. Đang giặt, máu nóng trong người cứ phừng phừng, anh vò chiếc ga giường nhàu nát rồi ném vào thùng rác bên cạnh.
Tay cầm chai nước lọc, Lý Triệt và Y Na dạo mấy vòng ở hội chợ việc làm.
Bắc Kinh rộng lớn ngoài sức tưởng tượng của Lý Triệt. Cậu ta nghĩ, chắc nó cũng chỉ rộng gấp ba, bốn lần cái thành phố mình đang học là cùng, không biết nên gạt bỏ ý kiến đi ô tô nhà của Y Na đi, mà lại chọn đi xe buýt. Nhưng chuyển qua chuyển lại đến mấy chuyến xe buýt rồi, cũng phải mất gần hai tiếng mà nhìn lên bản đồ thì mới đi được có một đoạn nhỏ. Sự phồn vinh của Bắc Kinh bỗng trở thành giấc mơ của Lý Triệt, anh ta muốn dang hai tay ra, ôm lấy Bắc Kinh vào lòng.
Cầu vượt chạy ngang chạy dọc, nhà cao chọc trời mọc san sát, là sinh viên chuyên ngành IT, đôi chân có thể đặt lên thôn Trung Quan, nơi được coi là Silicon Valley[1] của Trung Quốc, giây phút ấy khiến Lý Triệt xúc động muốn rơi nước mặt.
[1] – Ban đầu tên này được dùng để chỉ một số lượng lớn các nhà phát mình và hãng sản xuất các loại chip silicon (bộ xử lý vi mạch bằng silic), nhưng sau đó nó trở thành cái tên hoán dụ cho tất cả các ngành thương mại công nghệ cao (high tech) ở khu vực phía nam của vùng vịnh San Francisco.
Y Na đưa cho anh ta tờ rơi tuyển nhân viên của một công ty lớn ở Bắc Kinh, anh ta xem kỹ nội dung tờ rơi đó. Đây là đối tượng quan trọng mà Lý Triệt muốn tìm hiểu. Khi xem nội dung tờ rơi, trước tiên anh ta đọc tên công ty, sau đó đến phần đãi ngộ, đó là hai phần anh ta kỳ vọng nhất, cuối cùng mới đến phần điều kiện của người dự tuyển.
Có rất nhiều công ty lớn, mức lương học trả khiến Lý Triệt nhìn vào mà tim muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, nhưng tìm hiểu kỹ thì những công ty lớn đều yêu cầu bằng cấp từ thạc sĩ trở lên. Với chuyên ngành anh ta đang học, muốn bắt đầu bằng vị trí quản lý rất khó. Y Na cũng đang đọc tờ rơi tuyển nhân viên, cô ấy đọc từ từ, nghiên cứu từng mục một, thấy Lý Triệt đọc ngấu nghiến như muốn nuốt cả tờ rơi, Y Na không nhịn được cười, huých khuỷu tay vào người Lý Triệt, nói: “Cậu cho rằng thời đại này chỉ dựa vào thực lực thôi là được à? Ở cái đất nước này, phải có ô dù to mới dễ nói chuyện.”
Lý Triệt vẫn đang nghiên cứu mấy tờ rơi tuyển nhân viên, nói: “Công ty người ta là công ty nước ngoài, bố cậu có làm to đến đâu thì vẫn là của người Trung Quốc.”
“Công ty nước ngoài?” Y Na cười suýt phun cả nước trong miệng ra, công ty nước ngoài thì cũng là kiếm cơm trên mảnh đất Trung Quốc, anh cứ làm như là Bắc Kinh là thuộc địa của liên hợp quốc không bằng.
Lý Triệt mở to mắt ra nhìn Y Na, cứ như thể là đang nhìn người dưng, lâu sau, mới đưa tay ra bá vai Y Na: “Được! Cậu nói thế là có ý muốn giúp tớ rồi, không nói nhiều nữa, có lòng sau này sẽ hậu tạ!”
Y Na lùi ra sau một bước, chu miệng nói: “Ai nói sẽ giúp cậu? Dựa vào cái gì mà giúp cậu, thật đúng là…”
“Giúp được thì giúp đi”, Lý Triệt nói, giọng van nài. “Đi uống cà phê nhé, cậu theo mình từ sáng tới giờ rồi.”
Y Na giật lấy tờ giấy trong tay Lý Triệt, vo lại ném ra xa. Hai người ôm vai bá cổ bước đi.
Uống xong cà phê cũng gần đến bữa tối, Lý Triệt mời Y Na đi ăn cơm. Anh ta nghĩ cái nhà hàng thuộc loại khá này đối với cô ấy cũng chỉ như là hàng ăn vỉa hè, nhưng đó cũng là mức mà Lý Triệt chịu được, nghĩ cho cùng Y Na cũng thông cảm thôi.
Ăn cơm xong, Lý Triệt lại dẫn Y Na đến khu mua sắm Đông Phương mua giày. Lúc chọn giày, Y Na thấy thích một đôi giày nam, cô định mang ra cùng tính tiền. Lý Triệt đoán cô ấy sẽ mua tặng mình nên kiên quyết từ chối, Y Na đành thôi.
Lý Triệt gọi xe đưa Y Na về nhà, còn mình ngồi xe buýt về tứ hợp viện, đã mười một giờ đêm. Anh ta để cặp trong phòng, tính đi tắm một cái, đi đến sân, thấy Tử Chấn đứng ở bậc thềm nhìn mình chằm chằm, mặt hằm hằm rất đáng sợ. Lý Triệt có chút lo lắng, Tử Chấn xông tới nắm lấy cổ áo, đẩy anh ta vào tường: “Mày nghe cho rõ đây, từ nay không được ép buộc Thuấn Nhân làm điều cô ấy không thích! Còn để tao biết lần nữa thì tao sẽ chặt tay chặt chân mày!”
Lúc này Lý Triệt mới hiểu Tử Chấn đang nói gì. Anh ta cũng biết mình sai, nhưng vẫn ngoan cố: “Liên quan gì đến mày? Mày điên rồi! Có phải mày cũng muốn thế không?”
Tử Chấn giơ nắm đấm trước mặt Lý Triệt, anh ta sợ quá toan chạy đi, nhưng lại đập mặt vào tường, đau quá hét toáng lên.
Thuấn Nhân thấy có tiếng đánh nhau, vội chạy ra ngoài, thấy cảnh tượng đó thì có phần lúng túng, đứng đần ra đó. Tử Chấn và Lý Triệt nghe thấy tiếng bước chân, đều quay đầu lại nhìn Thuấn Nhân.
Tử Chấn bây giờ cao lớn hơn cái tuổi mười ba rất nhiều, nhưng vẫn còn là cậu bé thân quen dưới ánh trăng năm đó. Mọi chuyện như mới chỉ xảy ra vào ngày hôm qua. Tim Thuấn Nhân loạn nhịp, hai hàng nước mắt chảy ròng ròng, nhưng vẫn chạy tới lôi Lý Triệt ra sau lưng mình, nói với Tử Chấn: “Anh không được đánh anh ấy!”
Nghe thấy vậy, Trăn Trăn chạy tới đẩy Thuấn Nhân ra: “Cậu biết điều một tí đi, đừng có nói với bạn trai tớ bằng cái giọng như vậy!”
Thuấn Nhân nhìn thấy Trăn Trăn, không hiểu sao bỗng nổi đóa, giơ tay lên, nhưng chưa chạm mặt Trăn Trăn đã bị Tử Chấn nắm lấy. Thuấn Nhân nhìn vào đôi mắt ấy, ánh mắt như mặt nước hồ, tĩnh lặng không gợn sóng: “Nhớ lấy, không được đánh bạn gái anh.”
Thuấn Nhân đứng ngẩn người. Trăn Trăn chưa chịu buông tha, cô ta xông tới định nắm lấy tóc Thuấn Nhân. Tử Chấn hét lên: “Về phòng đi!”
Trăn Trăn không dám không nghe, bước đi, mà còn ngoái đầu lại nhìn Thuấn Nhân cười đểu.
Tiểu thuyết tình yêu là website chia sẻ những thể loại truyện hay nhất hiện nay, được nhiều người đọc yêu thích. Truyện được cập nhập hàng ngày. Hãy lưu địa chỉ web để truy cập nhanh hơn!