Full | Lùi trang 2 | Tiếp trang 4
Chương 9: Hãy chúc phúc cho chúng tôi
Triệu Chấn Đào và Nhan Thuấn Nhân bàn bạc về chuyện kết hôn, họ còn tìm hiểu xem ở An Huy, việc cưới hỏi có phong tục gì không.
Đương nhiên là có, nhưng Thuấn Nhân rời huyện Uyển đã mười năm, quê nhà có còn duy trì những nghi thức truyền thống không, Thuấn Nhân cũng không rõ. Nhưng có một việc chắc chắn sẽ có: cô dâu bắt buộc phải do anh trai cõng ra khỏi cửa khuê phòng, tiễn lên xe hoa. Nếu không có anh trai thì chọn trong họ hàng thân thích lấy một người, nhưng người thanh niên đó phải khôi ngô, tuấn tú, mặt mày sáng sủa.
Lúc còn bé, Thuấn Nhân thích cùng với mấy đứa bạn trong xóm chạy đến nhà người cô chưa lập gia đình xem anh cõng cô dâu. Cô dâu được cõng ra khỏi phòng, khóc sướt mướt, mọi người nói, cô dâu càng khóc càng thể hiện sự hiền thục, không đành rời nhà mẹ đẻ, không chịu lấy chồng để phải chịu khổ. Lúc đó, Thuấn Nhân còn nhỏ nên không thể lý giải được vì sao đi lấy chồng lại nói là đi để chịu khổ? Được ở cạnh người mình yêu không vui sao, mà lại khóc đến đáng thương như vậy? Khi cô dâu khóc thì người anh cõng cô dâu trên vai sẽ khuyên: "Phải biết đối nhân xử thế, bây giờ là người của nhà người ta rồi, không thể hành động theo cảm tính."
Thuấn Nhân không có anh trai. Trong lúc suy nghĩ, Thuấn Nhân cầm điện thoại nghịch, móng tay vô tình chạm vào bàn phím, màn hình xuất hiện một tấm hình.
Thuấn Nhân nói: "Không có phong tục gì hết."
Triệu Chấn Đào "ồ" một tiếng rồi nói: "Thế thì làm hai mâm, đơn giản chúc mừng mấy câu. Hai mâm liệu có đủ không? Làm hai mâm ở nhà em, sau đó em với anh về quê anh làm hai mâm nữa, ở quê anh cũng không có nhiều họ hàng đâu."
Thuấn Nhân nói: "Hai mâm được rồi."
Chụp một tấm ảnh ở phòng đăng ký kết hôn, nhân viên ở đó đóng dấu, mỗi người nhận một quyển màu đỏ, Thuấn Nhân cẩn thận bỏ quyển đỏ vào túi, kéo khóa lại.
Triệu Chấn Đào rất sung sướng, đi qua cửa hàng chụp ảnh, anh ta hỏi Thuấn Nhân có cần chụp ảnh cưới không. "Em chụp ở đây sẽ đẹp hơn nhiều so với cái hình chụp ở phòng đăng ký kết hôn lúc nãy đấy."
Thuấn Nhân lắc đầu từ chối. Hai người vào một quán ăn Quảng Đông ven đường để chúc mừng sự kiện trọng đại này.
Triệu Chấn Đào nói: "Anh đăng ký cho con trai hộ khẩu ở Bắc Kinh rồi, sau này, điểm số xét tuyển đại học sẽ thấp hơn ở tỉnh An Huy. Mẹ anh đang chăm sóc nó ở quê. Thằng bé này cũng lớn rồi, phải cho nó ra tiếp xúc với môi trường xung quanh, anh muốn đón hai bà cháu lên đây ở cùng mình."
Thuấn Nhân "à" một tiếng.
Triệu Chấn Đào tiếp tục: "Anh đã mua nhà ở Bắc Kinh, cũng đã sắp xếp công việc ở công ty, nửa năm nữa anh sẽ về công ty mẹ làm việc, em đi cùng anh đi."
Thuấn Nhân ngẩn người hỏi: "Còn công việc của em thì làm thế nào?"
"Bỏ việc đi!" Triệu Chấn Đào trả lời rất nhanh. "Phương tiện truyền thông ở Bắc Kinh nhiều, rất dễ xin việc mà em thích. Anh là người rất biết giữ lời, không để em ở nhà làm nội trợ đâu."
Thuấn Nhân tức đến nỗi vứt đũa xuống. Mối quan hê giữa Thuấn Nhân với mọi người ở nhà xuất bản đang rất tốt. Tuy thỉnh thoảng cũng có người bàn tán sau lưng, nhưng nhìn chung lãnh đạo rất tâm lý, biết quan tâm đến các nhân viên, chủ nhiệm nhóm cũng là một người học rộng, biết nhiều. Thuấn Nhân rất thích môi trường làm việc ở đây, cô làm việc rất hăng say, vui vẻ, ngày nào cũng duyệt bản thảo và trao đổi ký kiến với tác giả qua điện thoại, có lúc lại ngồi nói về những câu văn trong bài, lương tháng không cao, nhưng cũng có thể tiết kiệm được mấy trăm. Thế mà Triệu Chấn Đào chẳng thèm bàn với Thuấn Nhân một tiếng đã quyết định chuyện đi hay ở của cô. Thuấn Nhân phụng phịu giận dỗi nói: "Em không bỏ việc đâu, anh đi Bắc Kinh một mình đi."
Triệu Chấn Đào cười: "Được thôi, anh không ép em đâu. Nhưng anh cũng phải nói cho em rõ, anh đi Bắc Kinh sẽ không quay về đâu. Một mình em ở đây đi. Đợi đến khi em ba mươi tuổi, biết đâu anh sẽ quay lại ly hôn với em. Năm mươi tuổi, anh vẫn có thể lấy được gái mười tám, còn em thì sao?"
Môi Thuấn Nhân run lên như muốn khóc. Triệu Chấn Đào khuyên: "Việc gì phải khổ, buồn cười thật, em không hiểu à? Em nói xem, thế nào là sự nghiệp của một người con gái? Làm việc kiếm tiền? Ngốc quá đi mất! Nếu như dựa vào năng lực, trí tuệ của một người đàn bà có thể kiếm được tiền, sự nghiệp thành công thì đàn ông lại có thể tạo ra thêm một trái đất nữa rồi. Em chỉ là đến một thành phố khác làm thôi. Hơn nữa, Bắc Kinh là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, em đến đó rất có lợi cho sự phát triển của mình."
Triệu Chấn Đào nói cũng có lý. Thuấn Nhân nói: "Ở nhà xuất bản, em được vào biên chế rồi, rất ổn định."
Triệu Chấn Đào nói: "Sắp giải thể hết rồi. Bây giờ em không đi, đợi đến năm ba mươi tuổi, muốn đi cũng chẳng có đơn vị nào nhận. Tranh thủ lúc còn trẻ, tìm nhiều cơ hội cho mình. Đối với ngành nghề em đang làm, kinh nghiệm là tài sản lớn nhất đấy."
Thuấn Nhân có ý muốn suy nghĩ thêm về vấn đề này. Triệu Chấn Đào gắp một miếng cá chua ngọt, dùng đũa tách phần xương ra, rồi gắp vào bát của Thuấn Nhân, bên cạnh anh ta lại để một bát xương đuôi bò hầm.
Sau chuyện "tình một đêm", "con sên không vỏ" Brian thật giống một con ruồi, suốt ngày đậu trên người Trăn Trăn.
Dần dần, Trăn Trăn phát hiện ra Brian không phải là một tên lưu manh người Mỹ đến Trung Quốc săn gái, anh ta đúng là giám đốc chi nhánh của một ngân hàng Mỹ tại Trung Quốc.
Brian mấy lần dẫn Trăn Trăn đến dự tiệc của các thương nhân khiến tim cô ta không ngừng xao động. Cô ta rất muốn ra nhập thế giới của họ, cho dù chỉ là đứng bên lề quan sát.
Không muốn bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào gia nhập vào thế giới thượng lưu này, nếu Tử Chấn hẹn Trăn Trăn đến nhà ăn cơm, cô ta lại ưu tiên dành thời gian cho cơ hội đi dự tiệc. Cô ta rất muốn được dẫn Tử Chấn đến đó, điều kiện gia đình của Tử Chấn cũng không có vấn đề gì, chỉ tiếc là Tử Chấn lại chuyên tâm học hành, kiếm chút tiền ít ỏi, cứ như thể chẳng có chút tham vọng nào.
Mỗi khi Tử Chấn luyện tập, An An lại đến xem. Là một sinh viên chuyên ngành múa, lần đầu tiên An An xem Tử Chấn diễn xuất đã cảm động vô cùng. Những động tác dẻo dai và mềm mại như nước chảy mây trôi khiến An An say mê đến nỗi nhìn không chớp mắt.
Một nghệ sĩ múa của Mỹ khẳng định rằng: "Người nghệ sĩ múa bắt buộc phải kết hợp được giữa thể xác và tâm hồn, ngôn ngữ tự nhiên của cơ thể qua các động tác phải thể hiện tâm hồn."
Nghệ thuật là một giọt sương mai đầu tiên đọng trên chiếc lá buổi sớm, người nghệ sĩ là thiên sứ hôn lên giọt sương đó.
Anh ấy chính là thiên sứ.
An An bắt đầu chăm chỉ học nấu ăn. Ngày nào cô cũng đem cơm đến cho Tử Chấn, hộp cơm trông rất ngon và sạch sẽ, có thịt và rau xanh, màu sắc rất bắt mắt, bên ngoài còn buộc thêm một cái khăn có thêu hoa rất tinh tế. Viện nghiên cứu sinh nằm ở phía sau vườn trường, đi bộ ra chỉ mất mười phút, Tử Chấn rất ngại, nhiều lần nói An An đừng có mang cơm đến nữa nhưng An An không nghe.
Tử Chấn luôn cảm thấy mình nợ An An một điều gì đó, nên thường chỉ bảo An An trong việc học. Múa hiện đại và múa cổ điển là hai phạm trù rất thú vị, bổ trợ cho nhau nhưng lại rất độc lập. Suy nghĩ của An An rất ngây thơ nhưng lại mạnh dạn, Tử Chấn thường bị cô trêu chọc trong các tư thế múa đến buồn cười.
Được tin Thuấn Nhân bỏ việc đến Bắc Kinh, Xuân Nam rất ngạc nhiên, nhưng mọi việc đã được an bài, cô đành chấp nhận, nói với Thuấn Nhân: "Triệu Chấn Đào không đơn giản đâu, từ nay cháu đã bị anh ta dắt mũi rồi, sau này trong cuộc sống phải để ý một chút, mong rằng cháu được bình an vô sự."
Thuấn Nhân nói: "Anh ta định chuyển công tác cho cháu thôi, cháu không theo, lẽ nào lại ở lại đây? Anh ta chắc không đành phá vỡ con đường sau này của cháu đâu."
"Anh ta bao nhiêu tuổi? Cháu bao nhiêu tuổi? Hơn nữa anh ta rất từng trải, chẳng hiểu sao cô lại thấy hơi lo, việc này vội vàng quá." Xuân Nam thở dài. "Cháu đi Bắc Kinh rồi, có chuyện gì cô cũng không thể giúp được. Nếu anh ta ức hiếp cháu, người chịu thiệt sẽ là cháu thôi."
Những lời Xuân Nam nói khiến Thuấn Nhân cảm thấy không vui. Thuấn Nhân cảm thấy cô mình nghĩ về người khác tiêu cực quá. Không sai, Triệu Chấn Đào có tự cho mình là trung tâm của vũ trụ, nhưng cũng không đến nỗi lòng lang dạ sói. Thuấn Nhân cảm thấy cô Xuân Nam tỏ ra lo lắng, không nhịn được cười: "Người lớn tuổi như cô chỉ thích nghĩ nhiều, anh ta không thể như thế được, đã là vợ chồng rồi, anh ta lại từng ly hôn, anh ta không tốt với cháu, lẽ nào lại muốn hại cháu?"
Trước khi đến Bắc Kinh, Thuấn Nhân đã vào mạng đăng ký tìm việc, nên vừa mới đến đã nhận được giấy báo phỏng vấn của mấy công ty. Thuấn Nhân chọn vào làm cho một tòa soạn báo về mảng văn hóa.
Mùa đông ở Bắc Kinh rất lạnh, gió thổi từng cơn tê buốt. Đi giữa những con phố mà hai bên là những tòa nhà cao chót vót, gió rít lên từng cơn, như muốn thổi bay ô tô lên trời.
Thuấn Nhân mặc một chiếc áo len cao cổ, bên ngoài khoác một chiếc áo măng tô màu đen, tóc búi cao, tay cầm túi xách màu đen, cổ còn khoác thêm chiếc khăn làm bằng lông cừu ấm áp, đi ra ngoài.
Người phỏng vấn Thuấn Nhân là tổng biên tập của tòa soạn. Vừa nhìn thấy cô mắt lão đã sáng lên, lão nhiệt tình mời Thuấn Nhân ngồi xuống, nói: "Tôi họ Khổng, tên tôi duy nhất chỉ có một từ "Tử". Nhưng không phải chữ "Tử" trong tên của thánh nhân Khổng Tử, "Tử" ở đây trong từ "tử đồng"[1]
[1] Tử đồng: ái khanh, tử đồng (cách vua gọi hoàng hậu)
Thuấn Nhân đứng dậy cúi chào: "Chào chủ nhiệm Khổng!"
Khổng Tử nói: "Tôi đã xem qua lý lịch của cô, điều kiện không tồi. Cô có sở trường gì không?"
Được tổng biên tập của một tòa soạn lớn khen, Thuấn Nhân thấy rất vui.
Thuấn Nhân nói: "Ca hát hay nhảy múa xoàng xoàng thì không có vấn đề gì, chỉ cần đơn giản thôi."
"Thế thì tốt quá rồi." Khổng Tử nhìn Thuấn Nhân bằng ánh mắt khen ngợi. "Uống rượu thì sao? Có thể uống được bao nhiêu?"
Thuấn Nhân cho rằng, lão ta hỏi mình về sở trường có thể là để sau này tòa soạn có mở tiệc thì nhân viên cũng nên biết một chút, nhưng câu hỏi này đã vượt qua khỏi dự đoán của cô.
Thuấn Nhân nói: "Em từ trước đến nay không uống rượu."
Khổng Tử thấy hơi thất vọng, nói: "Cũng được, luyện một chút rồi dần sẽ biết. Lựa chọn ai là do tôi quyết định, em được nhận vào làm. Ngày mai bắt đầu đến làm nhé, thử việc ba tháng, sau một năm sẽ nhận chính thức, hợp đồng một năm ký một lần. Sau ba năm sẽ ký hợp đồng dài hạn, quyền lợi bảo hiểm sẽ dựa vào luật lao động."
Thuấn Nhân hỏi: "Cụ thể em sẽ phụ trách mảng nào?"
Khổng Tử nói: “Em phụ trách phần quảng cáo, theo học chị Tào. Chị Tào sắp nghỉ hưu rồi, sau này em sẽ làm thay phần việc của chị ấy."
Tất cả dường như quá thuận lợi, không ngờ kiếm việc ở Bắc Kinh này còn dễ hơn ở tỉnh An Huy, đây là điều Thuấn Nhân không dự đoán được. Bước ra khỏi cánh cửa lớn của tòa soạn, Thuấn Nhân vui mừng gọi điện thông báo cho Triệu Chấn Đào, anh ta đang đi công tác ở Hồng Kông, chúc mừng vài câu rồi giục Thuấn Nhân nhanh đi đón con trai là Tiểu Bác.
Tiểu Bác năm nay tám tuổi, không nghịch ngợm, cũng không hiền lành như khúc gỗ, đúng giờ thì đi làm bài tập và lên lớp, thành tích học tập cũng bình thường. Mẹ của Triệu Chấn Đào lại xem thằng bé như một thiên tài hiếm gặp, bà ta cầm quyển vở bài tập của nó cho Thuấn Nhân xem và nói: "Con nhìn này, quá xuất sắc, biết viết cả tiếng nước ngoài cơ đấy, nó mới có tám tuổi thôi." Trong tiếng Hán của mình thôi
Thuấn Nhân nói: "Mẹ à, đấy không phải là chữ, là chữ cái, giống như chữ cái phiên âm trong tiếng Hán của mình thôi "
Bà Triệu nói: "Thì đó cũng là chữ cái tiếng nước ngoài, con hỏi bọn trẻ tám tuổi trên đường xem có mấy đứa biết viết nào."
Bà Triệu rất giỏi giang trong việc bếp núc, đối một người phụ nữ Giang Tây coi việc bếp núc là sự nghiệp cả đời của mình thì thừa tự tin vào bếp. Bà cho rằng dao bắt buộc phải treo trên tường, con dao treo hơi lệch trên giá cũng không được, phải treo thẳng. Bát cũng không được xếp chồng lên nhau, mà phải xếp từng cái, từng cái vào từng ô.
Đối với việc này, Thuấn Nhân đều chọn thái độ tiếp thu ngầm. Cô vốn chẳng có hứng thú với việc vào bếp, nhưng nhìn bà Triệu làm một cách hứng thú, cô đành một tay phụ giúp bà mẹ chồng khó tính.
Tòa soạn nhanh chóng ký hợp đồng một năm với Thuấn Nhân. Mỗi lần phải tham gia các cuộc họp, hay tiếp khách quan trọng, ông Khổng lại lôi Thuấn Nhân theo. Thuấn Nhân đi theo cũng chẳng nói được mấy câu, chỉ lặng lẽ ngồi một bên, thỉnh thoảng mỉm cười vẻ lịch sự. Chỉ thế thôi cũng đã đủ lắm rồi, đặc biệt là ông tổng giám đốc của một doanh nghiệp về thủy sản, ông này vốn định đưa ba mươi nghìn tệ để làm quảng cáo, kết quả là, Thuấn Nhân chỉ cười với ông ta một cái, ông ta liền sửa thành năm mươi nghìn.
Cuối tuần, Thuấn Nhân gọi điện cho Trăn Trăn, hẹn gặp. Trăn Trăn nghe nói Thuấn Nhân chuyển đến Bắc Kinh làm việc thì vui mừng khôn xiết. Biết tin cô mới ký hợp đồng, Trăn Trăn nói: "Chắc cậu đã thông báo cho Triệu Chấn Đào, giờ là chồng cậu rồi nhỉ? Tòa soạn mà không sướng điên lên mới là lạ, lần này họ cắn được một miếng thịt mỡ to rồi."
Hai người hẹn gặp nhau ở quán cà phê Thương Đào. Trăn Trăn vừa ngồi xuống liền nói: "Bây giờ cậu chẳng phải lo gì nữa, làm việc cũng như là chơi thôi, còn tớ chẳng biết phải làm thế nào?"
Thuấn Nhân lặng lẽ nhấm nháp ly cà phê, không nói gì. Trăn Trăn ngắm cô từ đầu đến chân, trong lòng nghĩ không hiểu sao người con gái này lại may mắn đến thế.
Từ nhỏ đến lớn, Diệp Trăn Trăn đều là học sinh được thầy cô chú ý, xưa nay cô ta khinh thường Nhan Thuấn Nhân ngoài gương mặt xinh xắn ra thì thành tích học tập bình thường. Nhưng từ khi bắt đầu lên trung học, Thuấn Nhân và Trăn Trăn đều thu hút được sự quan tâm của mọi người, đặc biệt là của bọn con trai, thậm chí Thuấn Nhân còn được để ý hơn cả Diệp Trăn Trăn.
Chỉ sau khi Thuấn Nhân lên tỉnh sống, năm lần bảy lượt tìm lý do gặp Tử Chấn, Diệp Trăn Trăn mới không làm cái việc ông tơ bà mối vô vị kia. Nhưng việc Thuấn Nhân thích Tử Chấn khiến Trăn Trăn phát hiện ra được Tử Chấn rất tốt. Kỳ nghỉ hè năm đó, nhìn cách Nhan Thuấn Nhân nhìn Tử Chấn, Trăn Trăn mừng thầm trong lòng. Cô ta cho rằng mình chiếm ưu thế, nhưng chẳng thể ngờ được, Thuấn Nhân và Lý Triệt bất ngờ chia tay, tốt nghiệp xong Thuấn Nhân tìm được bạn trai mới rồi nhanh chóng kết hôn, hơn nữa lại lấy một người giàu có. Xem ra đầu óc Thuấn Nhân không hề lú lẫn, cái gì nên giữ lại làm kỉ niệm, cái gì nên nắm lấy, cô đều biết rõ.
Diệp Trăn Trăn cảm thấy Thuấn Nhân là một cao thủ giấu mặt, đối với cao thủ mà nói thì cô ta rất tôn trọng và vui vẻ tiếp cận, Trăn Trăn nói: "Tử Chấn, nếu tương lai sau này mà cứ như thế, thì cũng chỉ là một người bình thường ở Bắc Kinh này, không chừng còn nghèo hơn cả người bình thường. Anh ấy không nghĩ tới mình thì mình cũng phải nghĩ tới con cái chứ, từ khi sinh ra cho tới lúc đi học cần không ít tiền. Cứ cái kiểu như anh ta, kiếm đến khi nào mới đủ?"
Thuấn Nhân hỏi: "Cậu không yêu anh ấy à?"
"Yêu chứ". Trăn Trăn trả lời. "Từ bé đến giờ, tớ chẳng yêu ai như thế, sau này cũng sẽ như vậy. Nhưng cứ tiếp tục yêu như thế này, dường như tớ bắt buộc phải từ bỏ hạnh phúc mà vốn tớ có thể giành được. Như vậy khi già rồi, tớ có hối hận không? Tớ không muốn hứa hão, chẳng ai dám đảm bảo cả đời minh chỉ giữ một niềm tin. Nều như hiện tại tớ không suy nghĩ một cách nghiêm túc về vấn đề này, đối với anh ấy, đối với bản thân tớ sẽ là một hiểm họa tiềm ẩn."
Thuấn Nhân nói: "Chẳng ai dám đảm bảo cả đời mình chỉ giữ một niềm tin, nhưng mỗi người có quyền lựa chọn làm ngừơi tốt hay người xấu."
"Không làm tổn thương người khác thì là người tốt." Trăn Trăn nói.
Thuấn Nhân nói: "Cậu cho rằng thế nào là làm tổn thương người khác? Đấm người ta một cái chảy máu, đấy gọi là làm tổn thương người khác à? Hay lừa tiền người ta, khiến người ta tan cửa nát nhà, đấy gọi là làm tổn thương người khác à? Làm tổn thương người khác là làm cho người ta có cái nhìn lệch lạc về thế giới chính diện, khiến họ cảm thấy thế giới này đen tối, xấu xa, tuyệt vọng. Nếu cậu làm điều đó, cậu đã làm người ta tổn thương rồi đấy, cậu không còn là người tốt nữa."
Trăn Trăn không đồng ý với lập luận đó của Thuấn Nhân, cô ta cười nói: "Cậu là người ngoài cuộc nên đâu thấy được bản chất, nếu cậu đã từng chứng kiến một thế giới khác... Ồ, đúng rồi, anh Triệu Chấn Đào nhà cậu chắc cũng từng dẫn cậu đi đến thế giới đó rồi. Thế giới đó gần ngay trước mắt, nhưng lại ngoài tầm với của chúng ta, nó hoàn toàn không giống với cái thế giới mà chúng ta đang sinh sống. Ở đó cậu có thể nhìn xuống toàn thể nhân loại, một câu nói của cậu, một cách nghĩ của cậu, có thể ảnh hưởng tới mồ hôi nước mắt tích lũy cả đời thậm chí đến mấy đời của một người dân bình thường. Như vậy cậu có còn muốn quay về với cuộc sống của một người dân đen bị đau khổ, bị chà đạp không? Cậu đã nhảy ra khỏi cuộc sống khổ cực đó, hơn nữa vĩnh viễn không bao giờ quay lại, cho nên không có tư cách giảng giải cho tớ nghe về cái đạo đức đục xương hút tủy đó. Tớ muốn sống cho ra sống một chút, tớ muốn được mọi người tôn kính, ngưỡng mộ. Tớ quá yêu Tử Chấn, tớ không nỡ vứt bỏ người đàn ông này, cho dù chỉ có một tia hy vọng, tớ cũng muốn cùng anh ấy đi vào cái vương quốc phồn hoa đó. Tớ đang rất cố gắng. Giấc mơ của tớ là được nắm lấy tay anh ấy cho tới khi xuống mồ." Trăn Trăn nhìn Thuấn Nhân. "Cậu hãy chúc phúc cho bọn mình."
Chương 10: Hy vọng được hồi sinh từ chính cơ thể mình
Triệu Chấn Đào rất ít khi ở nhà, Thuấn Nhân nhiều lắm thì một tháng cũng chỉ được gặp anh ta có hai, ba lần.
Ngoài lý do thường xuyên đi công tác ra, lý do chủ yếu là anh ta về nhà quá muộn, thường là một, hai giờ sáng trong tình trạng say khướt mướt, đập cửa ầm ầm, bấm chuông inh ỏi. Nửa năm đầu mới kết hôn, Thuấn Nhân hầu như ngày nào cũng phải đợi cửa, người mềm như bún, Thuấn Nhân phải dìu anh ta lên giường, lau người sạch sẽ, đắp chăn cho anh ta, sau đó đi giặt bộ quần áo, tất nhàu nhĩ như mớ giẻ lau, áo khoác ngoài phải dùng máy hút bụi hút những bụi bẩn, gấp lại gọn gàng rồi mới đưa đến tiệm giặt là.
Dần dần, Thuấn Nhân càng cảm thấy mệt mỏi, tòa soạn cách nhà hơi xa, lại không có xe, ngồi tàu điện ngầm rồi lại chuyển một chuyến xe buýt, sáng sớm tinh mơ đã phải dậy, đêm đến bị Triệu Chấn Đào giày vò thể xác, một đêm cũng chỉ ngủ được có ba, bốn tiếng. Bởi vậy, hễ Triệu Chấn Đào đi công tác xa thì Thuấn Nhân cảm thấy mình được nghỉ ngơi.
Triệu Chấn Đào cũng không yêu thương Tiểu Bác như Thuấn Nhân tưởng tượng, thậm chí anh ta còn ghen tị với tình cảm mà bà Triệu và Thuấn Nhân dành cho thằng bé.
Triệu Chấn Đào thấy Tiểu Bác có quá nhiều đồ chơi thì cũng không vui, anh ta cho rằng không cần thiết phải chiều chuộng nó như thế. Thái độ của anh ta không thể coi là cách giáo dục nghiêm khắc của người cha, bởi anh ta đã từng nói với Tiểu Bác trước mặt Thuấn Nhân: “Con trai, lớn lên, tranh thủ thời trai trẻ, kiếm không đủ hai mươi đứa bạn gái thì đừng có kết hôn.”
Thuấn Nhân lên án kiểu dạy con kỳ lạ đó của Chấn Đào, thì anh ta nói: “Ai bảo bọn con gái cứ đâm đầu vào, liên quan gì đến thằng bé?”
Việc này dường như có nghĩa là cứ nhặt được ví rơi trên đường thì mang về nhà tiêu tùy thích. Thuấn Nhân không sao chấp nhận được cái tư tưởng tiêu cực đó, đặc biệt là anh ta lại dạy một đứa trẻ chưa đến mười tuổi. Lẽ nào giấc mộng của anh ta là nuôi dưỡng một Tây Môn Khánh[1] của thế kỷ hai mươi mốt?
[1] Tây Môn Khánh: là một nhân vật chính trong tiểu thuyết Kim Bình Mai của Tiếu Tiếu Sinh, nhưng đã từng xuất hiện trong tiểu thuyết Thủy Hử của Thi Nại Am. Đây là một nhân vật hoang dâm vô độ, tư thông với vợ của Võ Đại Lang, anh trai Võ Tòng.
Sau này, Thuấn Nhân phát hiện ra thái độ tiêu cực của Triệu Chấn Đào xuất phát từ việc anh ta bị quá nhiều phụ nữ lừa, nên trong đầu anh ta mới hằn sâu mối hận, anh ta bị lừa mà cứ thấy mình oan ức lắm, không lượng sức mình mà điên cuồng theo đuổi mấy cô thiếu nữ mười bảy, mười tám tuổi, lại còn tưởng bở là mấy con bé đó đơn thuần là yêu mình chứ không hề màng tới tiền tài, danh lợi của mình. Trên thực tế, kiểu đàn ông như anh ta thuộc loại lừa đảo. Các chiêu trò lừa đảo trên đường phố cho thấy, người đi lừa đều là những người thích lợi dụng người khác. Tình cảm cũng vậy, ôm lấy cái tư tưởng lợi dụng đi săn gái, chỉ có thể săn được gái dỏm mà thôi.
Công việc của Thuấn Nhân ở tòa soạn khá thuận lợi, ngoài chuyện Khổng Tử lôi đi tiếp khách, nói mấy chuyện trên trời dưới bể kêu gọi mấy doanh nghiệp rút hầu bao ra thì cũng không có yêu cầu gì quá đáng. Thuấn Nhân có lúc cũng ngồi hát phụ họa theo mấy ông sếp, nhưng lại cảm thấy xấu hổ. Khổng Tử khuyên răn: “Một quảng cáo thành công ở chỗ nó dẫn dắt được nhu cầu của người tiêu dùng hướng về sản phẩm, khiến họ mua sản phẩm đó. Đây không phải là lừa đảo, mà là buôn bán. Chúng ta cung cấp dịch vụ hứa hẹn, còn khách hàng là người trả thù lao.”
Lý lẽ nghe ra có vẻ hợp tình hợp lý, nhưng Thuấn Nhân vẫn thấy chỉ có một mẩu quảng cáo bé xíu mà thu về hàng mấy chục nghìn tệ, thật là giết người ra tiền. Thuấn Nhân không phải nhân viên nghiệp vụ, nhưng cô biết trong cái lợi tức thu về đó có phần trăm không nhỏ bỏ túi Khổng Tử. Chỉ cần một phi vụ làm ăn thì số tiền ông ta bỏ túi cũng đủ cho một gia đình nông dân ở huyện Uyển sống cả năm. Nếu người nông dân biết làm việc trí óc thì cũng đâu đến nổi nghèo, Thuấn Nhân nghĩ, như thế họ sẽ có cuộc sống sung túc hơn.
Gần đây, trong người Thuấn Nhân không được khỏe, trễ kinh hai tháng rồi. Tới hiệu thuốc mua que thử, hai vạch đỏ nổi lên rõ ràng. Đến viện phụ sản khám nhưng lại sợ bộ mặt lạnh lùng của mấy bà bác sĩ, nên Thuấn Nhân thấy khó xử. Cô chợt nhớ ra bác sĩ Trịnh Học Mẫn quen hồi năm thứ ba đi nghỉ hè ở Bắc Kinh, bác sĩ Trịnh làm nhẹ tay, thái độ lại nhiệt tình, cởi mở. Thuấn Nhân đến bệnh viện lấy số từ rất sớm. Trịnh Học Mẫn là bác sĩ giỏi chuyên khoa sản, đúng lúc đang khám cho bệnh nhân, Thuấn Nhân chờ mấy tiếng mới đến lượt mình.
Trịnh Học Mẫn nhìn Thuấn Nhân thấy quen quen, lục lọi trí nhớ vài giây liền nở nụ cười thân mật: “Cháu là bạn gái của Tử Chấn phải không? Tử Chấn sao không đến? Lâu lắm rồi cô không gặp nó.”
Thuấn Nhân cảm thấy không thể để cô Trịnh tiếp tục hiểu nhầm nữa, nên giải thích: “Cháu và Tử Chấn chỉ là bạn thời trung học thôi. Cháu lấy chồng rồi, ở nhà cháu đã thử que rồi, lên hai vạch cô ạ!”
Bác sĩ Trịnh cười thân thiện, bảo Thuấn Nhân đi xét nghiệm nước tiểu, rồi lên giường kiểm tra một chút, lại hỏi mấy câu cần thiết. Bác sĩ Trịnh cau mày, Thuấn Nhân thấy thái độ đó, trong lòng lo lắng. Trịnh Học Mẫn cười an ủi rồi nói: “Rau tiền đạo[2], phải cẩn thận, nhất định không được làm việc nặng, phải nghỉ ngơi nhiều, bảo ông xã chăm sóc chu đáo. Nửa tháng khám lại một lần, đến gặp trực tiếp, cô sẽ khám luôn cho, không cần phải chờ đợi.”
[2] Rau tiền đạo: là tình huống chảy máu thường gặp ở ba tháng cuối thai kỳ, gây đẻ khó, cần phải chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời để tránh tai biến cho mẹ và thai nhi.
Thuấn Nhân nói: “Phải chờ cô ạ!”
Triệu Chấn Đào nghe Thuấn Nhân thuật lại lời bác sĩ Trịnh nói, thì lo lắng lắm, bà Triệu lại nói: “Nghe làm gì mấy lời bác sì nói, có người đàn bà nào mà không sinh đẻ đâu, dọa ai cơ chứ, chân giạng ra một cái là đẻ rồi. Chấn Đào, con cứ làm việc của con đi, không cần phải lo lắng làm gì cái chuyện bé như hạt gạo này.”
Bà Triệu rất chăm chút cho cái thai trong bụng Thuấn Nhân, ngày nào cũng đi chợ mua nào là gà ác, nào là tim lợn, thịt nạc về hầm cho con dâu ăn. Thuấn Nhân nhắm mắt nhắm mũi ăn, rất muốn ăn nhiều rau xanh, nhưng bà Triệu mỗi lần bưng lên là cả một bát thịt to, một bát canh cũng to, nhưng đĩa rau lại nhỏ xíu. Thuấn Nhân nhìn thấy đĩa rau cứ như thể nhìn thấy châu báu, ăn hết một cách vui vẻ, muốn đi lấy thêm thì bị bà Triệu lườm cho cháy mặt, bà ta ra lệnh cho Thuấn Nhân ăn hết chỗ thịt đó rồi muốn làm gì thì làm.
Tin Thuấn Nhân mang thai khiến Khổng Tử buồn bã vô cùng. Bản thân Thuấn Nhân cũng thấy hơi ngại, mới đến tòa soạn đã thế này rồi, khác nào muốn hại người ta. Thế là Thuấn Nhân chủ động đề nghị: trong thời gian nghỉ dưỡng thai chỉ lấy một nửa số tiền lương cơ bản. Khổng Tử nghe Thuấn Nhân nói thế liền thở ra một hơi, vẻ thanh thản.
Từ lúc mang thai, Thuấn Nhân không cùng Khổng Tử chạy khắp nơi tiếp khách nữa, cũng không phải ngửa cổ uống cái thứ rượu đắt như cắt cổ mà lại khó uống đến muốn chết đó nữa, cũng không cần phải nhẫn nại ngồi hít cái thứ khói thuốc độc hại của bọn đàn ông thở ra và không phải nghe những truyện cười dung tục. Cuộc sống trở nên nhàn hạ, có khi Thuấn Nhân lại hẹn Trăn Trăn đi dạo phố mua sắm, mua một đống đồ dùng của trẻ sơ sinh.
Tối về nhà, Thuấn Nhân lại ngồi trên giường, giở từng món đồ ra xem. Đôi tất mềm mại, bộ quần áo bé xíu, chiếc mũ hình con vật ngộ nghĩnh. Thuấn Nhân nhẹ nhàng sờ chúng, trong lòng ngập tràn hạnh phúc. Cuộc đời cô cuối cùng cũng nhìn thấy một tương lai đáng để mong chờ và thực sự thuộc về cô, một tương lai trong sáng, non nớt, tươi mới, thơm ngát và đầy đủ.
Thời Hân phát hiện thấy dạo này Tử Chấn không về nhà ăn cơm nữa, cũng không có bất kỳ lời giải thích nào, không được nhìn thấy Tử Chấn, cũng không có cơ hội nói chuyện. Lẽ nào lại cứ để nó giống như một nghệ sĩ tinh thần hoảng loạn nhảy như điên cho đến lúc không nhảy được nữa, sau đó nghèo nàn, bệnh tật cứ vây lấy rồi trở thành huyền thoại sao? Việc này khiến ông ta không thể ngồi yên được.
Ông ta kêu An An lôi Tử Chấn về nhà, nhưng cũng chẳng có tác dụng. Đến An An, Tử Chấn cũng xa dần. Để tiện cho việc được gần gũi anh trai, An An làm một cái thẻ ở phòng tập của Tử Chấn. Loại thẻ này, Tử Chấn cũng đã từng làm cho Trăn Trăn một cái, nhưng Trăn Trăn ngày càng ít đến.
Trong giáo trình dạy của Tử Chấn bao gồm cả nhảy Hip hop, mặc bộ đồ tập, Tử Chấn đứng dựa vào chiếc gương lớn trên tường nhìn học trò luyện tập, trán và cổ nhễ nhại mồ hôi.
An An đưa cho Tử Chấn một chai nước suối, nói: “Anh à, lâu rồi em không thấy chị Trăn Trăn đến, anh chị chia tay rồi à?”
Tử Chấn trả lời: “Đâu có.”
An An nói: “Em nghĩ, anh thuộc típ đàn ông nghĩ tình yêu phải gắn liền với hôn nhân nhỉ? Không biết đánh giá cao sự nghiệp của đối phương, thậm chí không thể lý giải được giá trị của đối phương, như thế cũng được gọi là tình yêu sao? Là nhu cầu sinh lý thôi phải không? Nếu anh chọn lựa cách bỏ qua vấn đề này thì em cảm thấy buồn cho anh. Có vô số cô gái có thể cùng anh lên giường, nhưng hiểu được tâm hồn anh thì chỉ có một. Thượng Đế chỉ tạo ra một người để dành cho một người, cho nên trong Kinh thánh, Adam chỉ có mình Eva.”
Tử Chấn nói: “Con gái đang trong độ tuổi như em mà lại không có bạn trai sẽ biến thái rất nhanh đấy. Em đã hiểu được như vậy rồi thì nhanh tìm người yêu đi, quan tâm nhiều thế để làm gì?”
An An nhìn anh: “Phải đấy, em nên tìm người yêu rồi. Nhưng Adam của em đang lãng phí thời gian với con rắn tham lam ấy.”
Tử Chấn nói: “Em càng ngày càng ăn nói linh tinh rồi đấy, nói với anh trai của em những lời này thì thật là hoang đường.”
An An vẫn nhìn Tử Chấn, mắt không rời: “Anh chẳng phải là anh trai em, chúng ta không có quan hệ huyết thống.”
Tử Chấn không nói nữa, cầm lấy cái áo dưới sàn nhà rồi đi ra ngoài, An An theo sau, Tử Chấn đi vào phòng vệ sinh nam rồi chốt cửa lại.
Thuấn Nhân nhìn thấy Lý Triệt ở nhà ăn của tòa soạn, ngạc nhiên vô cùng. Thuấn Nhân không hiểu tại sao anh ta lại đột ngột xuất hiện ở Bắc Kinh, hơn nữa lại xuất hiện ở nơi cô đang làm việc.
Lý Triệt cầm phiếu ăn, đang xếp hàng chờ đến lượt mình, nhìn dáng vẻ như là người của tòa soạn rồi.
Thuấn Nhân bưng đĩa cơm ngồi xa xa, ăn vội vàng, cô nghĩ đây có lẽ là một việc ngẫu nhiên rất ít khi xảy ra. Thuấn Nhân muốn biến đi thật nhanh trước khi Lý Triệt phát hiện ra mình.
Đây đương nhiên không phải là việc ngẫu nhiên, Lý Triệt chủ động bưng đĩa cơm lại ngồi trước mặt Thuấn Nhân. Anh ta nói với Thuấn Nhân, anh ta biết tin Thuấn Nhân đến Bắc Kinh từ Châu Văn, lại hỏi Trăn Trăn thì được biết địa chỉ nơi Thuấn Nhân làm việc. Phòng máy tính của tòa soạn đang tuyển người nên anh ta đến đây. Công ty cũ của anh ta giảm biên chế, cầm đồng lương giải thể ít ỏi trong tay, anh ta trở thành kẻ thất nghiệp. Anh ta có thể tìm một công việc khác, nhưng chẳng có ô dù, chẳng có chỗ dựa, tình trạng thất nghiệp sẽ còn kéo dài. Chẳng có ai muốn mình giống như con khỉ trong đoàn xiếc, nhảy lên nhảy xuống để được một chút thức ăn. Ngọn cỏ duy nhất mà Lý Triệt có thể bám vào là Thuấn Nhân, bất luận là Thuấn Nhân hay chồng cô, chỉ cần nói vài câu là có thể làm thay đổi cuộc đời anh ta.
Thuấn Nhân đã kết hôn, Trăn Trăn còn nói cô mang thai rồi. Lý Triệt liền chuyển hướng suy nghĩ, hy vọng cô có thể nể tình xưa nghĩa cũ mà giúp mình một tay.
Yêu cầu này, Thuấn Nhân cảm thấy không quá đáng lắm, cô nói: “Anh ở phòng máy tính của tòa soạn không tốt à? Anh muốn tôi giúp việc gì?”
Lý Triệt nói: “Tập đoàn Thái Tín của chồng em hay ở tỉnh đều được cả, không nhất thiết phải vào nhà nước, chỉ cần có người nhà nâng đỡ là được rồi.”
Thuấn Nhân nghĩ hồi lâu, mới nói: “Triệu Chấn Đào có ấn tượng không tốt về anh, cô tôi cũng không thích anh. Tôi chẳng có cách nào cả, anh thấy đấy, tôi cũng chỉ là một biên tập viên bình thường, nếu giúp được anh, chắc chắn tôi sẽ giúp.”
Lời Thuấn Nhân nói ai nghe cũng biết đó là những lời nói thật, Lý Triệt càng rõ hơn. Triệu Chấn Đào có điên mới sắp xếp bạn trai cũ của vợ vào làm ở công ty mình, còn như Xuân Nam, cô ấy chẳng có nghĩa vụ phải đi giúp đỡ một thằng nhà quê từng làm tổn thương cháu mình.
Thuấn Nhân là người con gái xinh đẹp, xung quanh người đẹp sẽ có nhiều đàn ông tình nguyện giúp đỡ, đây mới là nguyên nhân cơ bản mà Lý Triệt tìm gặp Thuấn Nhân. Anh ta hy vọng Thuấn Nhân có thể nói tên mấy người có thế lực sùng bái cô, như thế anh ta mới có nhiều cơ hội lựa chọn. Nhưng Thuấn Nhân cứ cắm cúi ăn cơm, chẳng có dáng vẻ gì đang động não suy nghĩ về vấn đề này.
Lý Triệt nói: “Anh nghĩ tới một người, anh ta có thể giúp anh, nhưng em phải đi nói chuyện mới được.”
Thuấn Nhân nhìn Lý Triệt, anh ta nói: “Con trai độc nhất của nhà họ Thời, Thời Tử Chấn.”
Thuấn Nhân không nói gì, nghĩ miên man. Lý Triệt lấy đũa gõ vào tay Thuấn Nhân, nói: “Bố của Tử Chấn buôn bán đồ cổ, làm cả đời rồi, tài sản đè chết người. Anh muốn đến đó làm việc, lại là công ty liên doanh với nước ngoài, nếu được làm ở một vị trí tốt một chút thì tiền lương không tồi đâu.”
Thuấn Nhân nói: “Anh học công nghệ thông tin, đến đó thì làm được gì?”
Lý Triệt dùng thìa khua đi khua lại trên khay, dáng vẻ đắc ý nói: “Buôn bán đồ cổ thì cũng phải làm trên máy tính, chắc chắn là cần đến người như anh. Hơn nữa môi trường ở đó cũng thích hợp với anh, được tiếp xúc với nhiều người thành công.”
Thuấn Nhân nói: “So với Triệu Chấn Đào và cô tôi thì hình như Tử Chấn còn ghét anh hơn? Anh ấy ghét anh nhất đấy.”
Lý Triệt thở dài một tiếng, nói: “Thế nào cũng được, anh làm việc cho bố nó, chứ có phải cho nó đâu. Em giúp anh nói chuyện với ông ấy nhé, may mà chúng ta cũng là đồng hương, là bạn học, từng yêu nhau một thời gian, hơn nữa anh và nó từng học chung môt học kỳ.”
Khuôn viên trường múa thật yên tĩnh. Khu giảng đường nằm dưới bóng cây râm mát, những cành liễu xanh vươn mình đón ánh nắng mặt trời. Trên tảng đá lớn khắc dòng chữ: “Học văn hóa như học nghệ thuật, luyện múa đi đôi với luyện nết người.”
Thuấn Nhân đợi một lát đã thấy Tử Chấn đi đến, vẫn là bước chân nhanh nhẹn, hăng hái ngày nào.
Tử Chấn nhìn Thuấn Nhân mặc chiếc váy rộng, đi dép bệt, miệng nở nụ cười, nói: “Sắp làm mẹ rồi cơ đấy.”
Thuấn Nhân nói: “Ngồi đây nói chuyện nhé.” Nói xong, chỉ vào cái ghế đá dưới bóng cây.
Tử Chấn lắc đầu: “Ghế đá lạnh lắm, em ngồi đó không tốt đâu, đến ký túc của anh đi.”
Ký túc của nghiên cứu sinh thì hai người một phòng, phòng của Tử Chấn rất sạch sẽ, cửa kính trong suốt, giường gọn gàng, chẳng giống phòng của con trai một chút nào. Không khí trong phòng lại thoang thoảng mùi thơm nhẹ nhàng tỏa ra từ chậu lan bên khung cửa sổ.
Thuấn Nhân nói: “Anh và Trăn Trăn cũng sắp kết hôn rồi nhỉ? Đã định ngày tháng chưa?”
Tử Chấn rót nước cho Thuấn Nhân: “Còn trẻ mà, tốt nghiệp xong rồi tính.” Anh nhìn Thuấn Nhân rồi cười: “Còn em? Đã gặp bác sĩ Trịnh khám chưa?”
Thuấn Nhân nói: “Em gặp rồi, khám đến mấy lần rồi, sau này em sẽ sinh ở đó luôn.”
Thuấn Nhân không biết mở lời thế nào, cứ xoay xoay điện thoại trong tay, Tử Chấn nói: “Cái điện thoại này đẹp đấy chứ, hiệu gì thế? Anh cũng muốn mua cho Trăn Trăn một cái.”
Tử Chấn vươn người lấy điện thoại lại xem, Thuấn Nhân chợt nhớ ra cái màn hình, nhưng không kịp nữa rồi, mắt Tử Chấn cứ nhìn chăm chăm vào màn hình, một hồi sau mới đưa lại cho Thuấn Nhân, dường như có chút ngượng nghịu, lấy tay xoa xoa cánh mũi, vẫn dáng vẻ không biết làm gì cho phải.
Ánh mắt Thuấn Nhân nhìn Tử Chấn giống như nhìn vào một đứa trẻ mình yêu thương, mỉm cười nói: “Anh đừng vì thế mà cho rằng em đa tình chứ?”
Tử Chấn mặt đỏ ửng, cười cười nói: “Không đâu, không đâu.”
Thuấn Nhân nói: “Lý Triệt thất nghiệp rồi, anh ta muốn vào làm trong công ty của bố anh, anh có thể giúp được không?”
Một hồi lâu không thấy Tử Chấn nói gì, Thuấn Nhân nói: “Nếu không tiện thì thôi vậy, không sao đâu, anh đừng nghĩ nhiều.”
Tử Chấn cố kiềm chế không thể hiện cảm xúc, giữ bình tĩnh, nhưng vẫn để lộ một chút đau thương trên nét mặt. Hai bàn tay đan vào nhau, ôm lấy đầu gối, giọng thấp xuống nói: “Để anh nói với bố xem sao, em chờ điện thoại của anh nhé.”
Thuấn Nhân cảm ơn, chuẩn bị ra về, đi đến cửa, lại quay người lại nói: “Anh phải tốt với Trăn Trăn hơn nữa, quan tâm nhiều đến cậu ấy, phải thường xuyên nói chuyện, tâm sự với cậu ấy.” Dường như còn nhiều lời muốn nói, nhưng cứ tắc nghẹn ở cổ họng, chỉ thốt ra được một câu: “Anh sẽ hạnh phúc.”
Tử Chấn không biết phải đáp trả những lời đó thế nào, theo sau tiễn Thuấn Nhân vài bước, trong lòng càng lúc càng đau buồn, bèn dừng chân không tiễn nữa, nhìn Thuấn Nhân xuống lầu một mình, từng cơn gió nhẹ thổi qua hành lang làm bay bay chân váy thêu hoa, rất giống những bông hoa dại lung lay trên sườn đồi năm ấy.
Tử Chấn xuất hiện ở tập đoàn Thời Thị. Thời Hân tưởng đã xảy ra một việc động trời.
Anh ngồi ở bàn làm bằng gỗ Tử Đàn trong phòng làm việc, không chút rào trước đón sau, đi thẳng vào vấn đề: “Con có một người bạn học học về máy tính, kinh nghiệm làm việc không nhiều, bố giúp cậu ấy sắp xếp một chỗ nhé.”
“Bạn nữ?”
“Con trai.”
“Nhân phẩm thế nào?”
“Nhân phẩm chẳng ra gì.”
“Thế con tiến cử cậu ta cho bố là có ý gì?”
“Để anh ta làm ở bộ phận máy móc được rồi, thời buổi này cũng chẳng có mấy người tốt.”
“Hình như con thấy bố nhất định sẽ nghe theo lệnh của con. Vì sao chứ?”
“Con không ra lệnh. Nếu bố cho rằng con đang ra lệnh, như thế chỉ có thể chứng minh một điều, bố bằng lòng thu nạp ý kiến của con.”
“Con có cách nào làm cho bố thấy công bằng một chút không?”
Tử Chấn nhìn bố, rồi nhổ ra hai chữ: “Giao dịch.”
Thời Hân cười lớn: “Đúng là con trai tôi! Được, con giúp bố một việc, con xem cho bố pho tượng này.”
Trên bàn dải một tấm vải nhung màu đỏ, bên trên đặt pho tượng Thích Ca Mâu Ni bằng đồng mạ vàng. Tử Chấn cúi người xuống quan sát một lúc, nhắm mắt lại, thở nhẹ một hơi, rồi thẳng người lên, quay qua nói với bố: “Đồ giả.”
“Có thể nhìn thấy được à?” Thời Hân hỏi.
“Pho tượng làm bằng đồng mạ vàng, được thờ cúng trong một thời gian dài, bị nhuốm màu hương khói, bình thường cũng có thể ngửi thấy mùi hương khói và mùi mốc. Thứ đồ giả này đã qua xử lý, nó được hun khói để nhìn cho giống đồ cổ, hơn nữa nó bị chôn dưới đất một thời gian, nhưng mùi khói quá nặng, mùi bùn quá nồng.”
Thời Hân nói: “Bảo bạn con đến làm đi, lúc nào cũng được.”
Tử Chấn không cảm ơn mà nói: “Con đi đây.”
Thời Hân cố nói với theo: “Con suy nghĩ đi, có muốn đến chỗ bố làm không? Bố có vài ý kiến cho sự nghiệp của con sau này, con cứ tham khảo xem sao.”
Chương 11: Lý tưởng của cuộc sống là vì một cuộc sống lý tưởng
Trong thành phố có rất nhiều đại lý chuyên bán đồ em bé, về cơ bản thì chỉ có mấy thương hiệu chính. Lý Triệt tìm trên mạng rất lâu mới ra khỏi cửa, anh ta so sánh kỹ lưỡng, rồi chọn ra hai thương hiệu để xem xét. Sự giúp đỡ của Thuấn Nhân đối với anh ta quả là rất lớn, đến nổi ngay cả Thuấn Nhân cũng không nhận thấy được. Thuấn Nhân gọi điện thông báo tin vui cho anh ta cũng có thể nghe ra được cô không coi việc này là một việc quá khó khăn, thái độ nhẹ nhàng như không, thậm chí còn hoàn toàn không cảm thấy được đã nợ công tử nhà họ Thời một ân huệ, có lẽ vì Thuấn Nhân không hiểu được quan hệ giữa Thời công tử và phụ thân, cô cho rằng đó là điều đương nhiên, nhờ thì giúp, chỉ vậy thôi, cảm ơn là xong, nhưng cũng không đến nỗi phải khắc cốt ghi tâm.
Muốn làm một việc thành công, một trong những bí quyết đó là không được chỉ ra cho đối tượng mình nhờ vả cái khó khăn đang tồn tại. Lý Triệt vốn không thể đoán được rốt cuộc trong mắt Thời công tử thì Thuấn Nhân trị giá bao nhiêu, mà chỉ trong một thời gian ngắn như vậy đã có phản hồi, Lý Triệt rất ngạc nhiên. Anh ta muốn tỏ lòng cảm ơn Thuấn Nhân, cách thông thường nhất là tặng quà. Trong quãng thời gian này, tặng đồ em bé là tốt nhất. Lý Triệt dạo đến mấy cửa hàng, nghe cô bán hàng giới thiệu, anh ta mua một bao to, giá tiền còn thấp hơn sáu trăm tệ so với dự định trong đầu, anh ta không muốn để dành số tiền đó nên dùng nó mua một hộp sữa loại nhập khẩu cho bà bầu.
Anh ta gọi taxi mang đến nhà tặng cho Thuấn Nhân, muốn Thuấn Nhân ra cổng nhận. Không biết Triệu Chấn Đào có ở nhà không, Lý Triệt cũng không muốn vào nhà. Thuấn Nhân muốn từ chối, nhưng anh ta kiên trì nói khéo, nên đành xuống gặp. Bà Triệu nghe nói có người tới tặng quà, tranh xuống trước để nhận, nhìn thấy một bao to, mặt mày hớn hở ôm vào nhà, còn nhiệt tình mời Lý Triệt lên nhà chơi.
Thuấn Nhân không mời anh ta lên lầu. Bụng cô đã gần như vượt mặt, tóc cột sau gáy, bên tai rủ xuống mấy sợi tóc mai, mái tóc bóng mượt được ánh sáng chiếu vào nhuộm thành một màu nâu sẫm, thứ màu mà các cửa hiệu làm tóc không thể nào nhuộm nỗi. Trên mặt Thuấn Nhân không thấy có biểu hiện thường gặp của mấy bà bầu, nước da trắng ngần, cô mập hơn so với trước đây, trông lại càng đáng yêu. Người mẹ trẻ vẫn mang dáng vẻ của cô bé ngày nào.
Lý Triệt thấy thái độ Thuấn Nhân hơi lạnh nhạt, trong lòng cũng ái ngại, bỗng như nghĩ ra điều gì, anh ta nhìn Thuấn Nhân nói: “Anh sẽ mở cho em một diễn đàn trên mạng, cung cấp miễn phí các bản thảo, công ty anh mới chuyển đến làm cũng hợp với việc em làm lắm.”
Thuấn Nhân vừa cười vừa lắc đầu, xem ra chẳng có hứng thú gì với lòng tốt của anh ta. Cô chỉ nói: “Chăm chỉ làm việc đi.” Sau đó ôm bụng bầu, bước từng bước lên lầu.
Ngày đầu tiên tới công ty, được một người quản lý phòng nhân sự dẫn đến trước mặt chủ tịch hội đồng quản trị Thời Hân, nghe những lời không phải là cao giọng răn đe mà là một cuộc hàn huyên thân mật.
Từ khi cha sinh mẹ đẻ đến giờ đây là lần đầu tiên anh ta được một đại diện hợp pháp của một công ty lớn hẹn gặp, hơn nữa đó lại là một ông chủ của một công ty đa quốc gia nổi tiếng. Thời Hân da trắng, mũi cao, nhìn giống một nghệ sĩ lãng tử.
Khoảng cách giữa người và người không phải đặt trong cùng một không gian hay cùng một hoàn cảnh mà có thể biến mất được. Lý Triệt nhìn Thời Hân mà cảm thấy tủi nhục. Từ chân đến đầu Thời Hân đều viết bốn chữ: ta là đại gia. Không cần phải kiêu ngạo, không cần phải kẻ đỡ người nâng, người đàn ông trung niên này ngồi trên một chiếc ghế bọc da, Lý Triệt ngồi đối diện với ông ta mà cứ tưởng mình đang đối mặt với thiên binh vạn mã.
Ánh mắt thận trọng nhìn xung quanh, Lý Triệt cảm thấy mình chỉ là dân hạ đẳng, bộ com lê anh ta mới mua giống như là đi mượn, chiếc áo sơ mi mà Thời Hân mặc càng tôn thêm vẻ quê mùa của Lý Triệt.
Anh ta cố gắng tỏ thái độ tôn kính nhìn Thời Hân, nghĩ không biết tương lai mình bằng tuổi ông ta có thành công được như ông ta không. Trong trí tưởng tượng của Lý Triệt hiện lên hình ảnh, đó là hình ảnh một cậu bé bị lạc đường, bị vứt bỏ trên đường Thạch Bản ở huyện Uyển, nhưng vẫn phát ra một thứ ánh sáng trong suốt.
Lý Triệt có chút buồn thay, cậu bé đó dường như không may mắn lắm. Cảnh ngộ khổ sở, thiếu ăn thiếu mặc, thường xuyên bị đánh, ốm cũng không có tiền đi viện. Vì sao nhìn cậu ta vẫn rất bắt mắt? Huyết thống đúng không? Nhất định là cùng huyết thống rồi, Lý Triệt lại hận bố mẹ mình.
Vừa mới bước ra khỏi phòng của chủ tịch hồi đồng quản trị thì gặp một cô gái có dáng cao cao bước tới.
Mặc chiếc quần soóc ngắn đến nỗi không thể ngắn hơn, để lộ ra đôi chân thon trắng mịn, đi đôi giày cao gót màu bạc, mặc chiếc áo màu hồng đào, mái tóc xoăn dài bồng bềnh xõa xuống đôi vai.
Thiếu nữ đến trước mặt anh ta, nhíu nhíu đôi lông mày lá liễu nhìn anh ta hỏi: “Bố tôi có ở trong đó không?” Nói xong, tay chỉ về phòng làm việc.
Lý Triệt liền hiểu ngay thân phận của cô ta, lần này đúng là một miếng bánh ngon rơi từ trên trời xuống rồi, mà lại rơi trúng ngay đầu Lý Triệt. Anh ta cười nói: “Chào em, anh là bạn của Tử Chấn, sau này anh sẽ làm việc ở công ty này.”
Thiếu nữ “ồ” lên một tiếng, nở một nụ cười tươi rói hỏi anh ta: “Thật á? Thế anh có liên lạc với anh trai em không?” Cô gái sợ Lý Triệt không hiểu nên nói thêm một câu: “Anh Tử Chấn đấy.”
Anh ta cười: “Tử Chấn là bạn học thời trung học, anh với nó thân thiết lắm, có muốn anh giúp em gọi điện cho nó không?”
Cô gái cầm chiếc kính râm đang cài trên đầu xuống: “Em đã gọi cho anh ấy mà anh ấy không nghe máy, cũng không thấy có ở trường và ở phòng tập, anh gặp anh ấy thì tốt quá rồi.”
Lý Triệt đương nhiên là không thể gọi vào số máy đó, anh ta biết Tử Chấn không bao giờ coi anh ta là bạn. Lý Triệt giả vờ như đang suy nghĩ, nói: “Nếu thế chắc nó không tiện nghe điện thoại thôi, anh gửi tin nhắn cho nó xem sao.”
Anh ta nhắn cho Thuấn Nhân một tin. Tin hồi âm của Thuấn Nhân xem ra cũng thấy đáng ghét: “Tôi không biết.”
Lý Triệt lại nhắn lại một tin: “Phiền em hỏi hộ xem nó đang ở đâu, em gái nó có việc gấp muốn tìm nó.”
Sau khoảng hai mươi phút, Thuấn Nhân nhắn lại: “Anh đang bận.” Sau đó mở ngoặc: (Lời anh ấy nói.)
Lý Triệt gửi cho chính mình một tin nhắn: “Mình rất bận, lát nữa gọi lại”, rồi anh ta sửa số của chính mình thành tên của Tử Chấn lưu lại trong máy, sau đó đưa cho cô gái xem.
Cô gái bĩu môi phụng phịu: “Anh với anh ấy thân thiết thật! Em với mẹ em gọi điện, nhắn tin, anh ấy đều không trả lời.” Cô gái đưa tay ra, nói: “Làm quen với nhau nhé, em là An An.”
Từ hôm đó, An An bắt đầu hẹn gặp Lý Triệt, hơn nữa mỗi lần gặp mặt, đi ăn, đi uống đều do An An trả tiền. Y Na cũng sinh ra trong một gia đình thượng lưu, nhưng càng ngày Lý Triệt càng phát hiện ra An An và Y Na là hai thái cực hoàn toàn khác nhau. Không phải lần nào ra khỏi nhà An An đều ngồi xe hơi, cô thường đi tàu điện ngầm, lý do là muốn bảo vệ môi trường. Cô rất phóng khoáng đi mua đồ, nhưng chỉ cần không phải là những vật dụng cần gấp thì cô chờ đến mua giảm giá ở Hồng Kông hoặc mua hàng miễn thuế. Khi qua đường, cho dù chả có chiếc xe nào, cô cũng đợi đến lúc đèn xanh mới đi qua. Khi ăn, thường chỉ gọi hai món, hoặc một suất ăn, tuyệt đối không lãng phí.
Cô gái này ngoài mỗi lần rút hầu bao ra tính tiền để lộ mấy cái thẻ ngân hàng khiến người khác nhìn vào hoa cả mắt ra thì dường như là một cô gái vô cùng bình dị. Lý Triệt nhìn thấy trong ví tiền của An An có một cái thẻ ngân hàng màu đen, mà nghe nói đó là vua của các loại thẻ, thẻ làm bằng titanium, nhìn bề ngoài cũng biết được giá trị của nó thế nào.
Người phụ trách ngân hàng Hoa Kỳ nói: “Chủ của cái thẻ màu đen đó muốn dùng nó mua máy bay cũng không có vấn đề gì.”
Lý Triệt thèm muốn nên mượn nó ngắm rất lâu. Anh ta cho rằng chẳng cần phải che đậy cái tính hiếu kỳ, nếu đến cái thẻ này mà không cảm thấy tò mò thì người đó quá giàu có rồi. Cái thẻ của An An cũng chỉ là thẻ phụ của cái thẻ chính mà bố cô ấy đang giữ, nhưng đó cũng là cái mà không phải ai cũng mơ được. Lý Triệt cầm cái thẻ trong tay, nhờ An An chụp cho mình một tấm hình làm kỷ niệm.
Thông qua An An, Lý Triệt dần dần hiểu được, tập đoàn Thời Thị là một công ty gia đình đồ sộ, hơn một nửa trong hội đồng quản trị là người nhà họ Thời, công ty buôn bán đồ cổ của Thời Hân chỉ là một công ty con mà thôi. Đối với Thời Hân, việc chỉ có một đứa con trai thôi là một vấn đề rất nghiêm trọng, một khi đứa con trai duy nhất có gì bất trắc, thì bao năm phấn đấu của ông ta sẽ đổ ra sông ra biển. Lý Triệt hoàn toàn không thể hiểu được tại sao Thời Hân lại có thái độ đó với Tử Chấn.
Muốn làm bạn được với An An, có nghĩa là phải có cùng đề tài nói chuyện với cô. Đề tài của cô không ai khác chính là Tử Chấn. Lý Triệt lại là người để cô lấy cảm hứng nói về đề tài này. Giả dụ muốn nuôi lòng tin của ai đó đối với mình, việc nên làm nhất là lấy đề tài người ta muốn nói làm đề tài chính. Gốc của vấn đề ở đây là câu chuyện của An An và Tử Chấn, về điểm này cũng không mấy khó hiểu, nhìn vào thời gian ở bên cạnh nhau thì anh em nhà nó giống như hai người xa lạ. Chỉ có điều, lòng hiếu kỳ của đứa em gái đối với anh trai chỉ là màn che đậy, mượn cớ đó để che đậy tình cảm đối với người đàn ông thích mình. Lý Triệt nghĩ như thế.
Anh ta cố gắng kể rất tường tận, tỉ mỉ câu chuyện của Tử Chấn. Tử Chấn ở huyện Uyển chưa đến một năm, sống ở nhà của Diệp Trăn Trăn. Có một quãng thời gian, cậu ta đến ăn cơm ở nhà của một người bạn gái khác, tối đến lại về nhà của Diệp Trăn Trăn ngủ. Chẳng bao lâu cô bạn đó chuyển lên tỉnh học, Diệp Trăn Trăn có lúc mang đồ cho cậu ta, nhưng không phải ngày nào cũng có. Tử Chấn và anh họ của Diệp Trăn Trăn rất hay đánh nhau, lúc đó Tử Chấn còn nhỏ nên đánh không lại anh ta, cậu ta liền phóng hỏa đốt bếp nhà Trăn Trăn, sau đó bị bắt lên đồn công an, bố của Diệp Trăn Trăn còn nói với người ta là cho cậu ta xuống hố làm phân bón. Hai ngày sau, bà ngoại của Tử Chấn biết tin liền đến huyện Uyển đưa cậu ta đi.
Còn như chuyện của Tử Chấn và Trăn Trăn thì cũng là việc thuận theo tự nhiên mà thôi. Tử Chấn đi rồi, Diệp Trăn Trăn thường xuyên liên lạc với cậu ấy, tốt nghiệp cấp hai, Trăn Trăn còn đến Bắc Kinh thăm Tử Chấn. Đến khi lên đại học, Diệp Trăn Trăn hầu như cuối tuần nào cũng ở cùng Tử Chấn. Họ chính thức “tìm hiểu nhau”, bắt nguồn từ một buổi tối khi Tử Chấn say khướt rồi xảy ra chuyện đó với Trăn Trăn.
An An nghe đến đây nói: “Anh em chắc là bị cô ta lợi dụng rồi.”
“Anh em chắc chắn là một người rất coi trọng tình xưa nghĩa cũ, em không cảm thấy à? Tính ra thì Trăn Trăn là người con gái quen anh em lâu nhất đấy”, Lý Triệt nói. “Em nói không sai, chuyện đêm đó, Diệp Trăn Trăn đắc ý nói với anh đó là cái tròng để giữ lấy Tử Chấn.”
“Em không thích Diệp Trăn Trăn. Anh nói anh em đến nhà một người bạn nữ khác ăn cơm? Cô gái đó là người thế nào?”
“Ồ, cô ấy kết hôn rồi, hơn nữa sắp sinh em bé. Nếu như cảm giác của anh không sai thì từ nhỏ anh em đã thích cô ấy rồi. Đến bây giờ vẫn vậy”, Lý Triệt nhún nhún vai. “Hạnh phúc thường vụt qua ta thật nhanh. Những thứ nhỏ nhặt như sự xấu hổ, do dự, chờ đợi đến duyên…nếu chỉ trong tiểu thuyết thì sẽ rất hay, nhưng bày ra ngoài đời thật thì sẽ chỉ làm ta bỏ lỡ mất những cơ hội hạnh phúc, chứ chẳng còn ích gì.” An An đan hai tay vào nhau, đỡ lấy chiếc cằm, nói từ từ: “Thế cô bạn kia có thích anh em không?”
Lý Triệt cảm thấy câu hỏi này thật buồn cười: “Em đã thấy có người con gái nào không thích anh em chưa?” Nói xong câu này, Lý Triệt thở một hơi dài than thở: “Còn cô bạn kia, là đàn ông ai cũng phải thích, họ thật xứng đôi.”
An An nói: “Bây giờ chị ấy ở đâu? Em muốn gặp chị ấy.”
“Được thôi, anh sẽ hẹn trước, bốn người chúng ta cùng nhau đi ăn.” Ngón tay Lý Triệt gõ gõ trên bàn: “Ai cũng bảo nồi nào úp vun nấy, thế mới là hôn nhân. Nhưng với loại người như anh em và bạn gái cậu ta, thì một cái nồi không biết sẽ có bao nhiêu cái vung. Mà gay ở chỗ, có khi hôn nhân cũng thế chăng?”
Diệp Trăn Trăn ngồi đợi trên chiếc ghế nhựa màu xanh ở bệnh viện đã hai tiếng đồng hồ rồi. Chiếc kim chỉ giờ của đồng hồ treo tường ngày càng hướng xuống dưới, sắp hoàng hôn rồi. Cô ta mong có ai đó cho mình vài lời khuyên, thế nhưng đành phải chôn chặt bí mật này trong lòng.
Thời gian lựa chọn có hạn, nên làm thế nào đây, đứa bé trong bụng đã được bốn mươi ngày rồi, không sao biết bố của đứa bé là Tử Chấn hay là Brian.
Cô ta nghĩ một cách buồn bã, Brian là người phương Đông thì tốt biết mấy, cho dù đứa bé được sinh ra cũng không đến nỗi nhận ra con của người khác, mà không phải của Tử Chấn, việc này hỏng thật rồi. Brian từ trước tới giờ không nhắc đến việc kết hôn với Trăn Trăn, hơn nữa Trăn Trăn lại biết anh ta theo đuổi chủ nghĩa độc thân, huống hồ lấy một đứa trẻ ra để trói chân một người Mỹ thì thật là buồn cười.
Tử Chấn thì sao? Trăn Trăn vô cùng hy vọng đứa bé này là con của Tử Chấn. Nhưng nhỡ không phải thì sao?
Vấn đề nghiêm trọng quá rồi, Trăn Trăn quyến định không đi vào ngõ cụt nữa. Cái thai còn nhỏ, cô ta chọn cách uống thuốc phá thai. Thuốc uống ba ngày, ngày cuối cùng cô mới thở phào nhẹ nhõm. Cô ta nghĩ thầm mình không thể cứ thế mà chịu tội được, giờ nghĩ cách tranh thủ kiếm chác sự hàm ơn của anh ấy mới phải. Nghĩ vậy, cô ta gọi điện nói Tử Chấn tới bệnh viện.
Tử Chấn đọc xong bệnh án của Trăn Trăn, không nói một câu. Tay cầm bệnh án cứ run run lên như thể đang có người nắm chặt lấy tay anh mà lắc, anh khó thở, đầu dựa vào tường, miệng hơi há ra, lâu sau mới thở được một hơi.
Trăn Trăn nói: “Chúng mình còn đang học, em không muốn anh phải bận bịu thêm. Nhưng xin anh hãy nhớ lấy một việc, đừng bao giờ quên cái thai này.”
Tử Chấn muốn nói điều gì đó, nhưng trong lúc này dường như rất khó nói, một lúc sau mới nói được một tràng dài: “Em dựa vào cái gì mà không cần nó? Em dựa vào cái gì mà vứt nó như vứt một bọc rác? Dựa vào cái gì mà trừng trị nó giống như trừng trị một con kiến trên đường? Em vứt nó ở đâu? Ở thùng rác phải không?” Tử Chấn nắm chắc lấy Trăn Trăn, tay anh lạnh như băng: “Thùng rác hay nhà vệ sinh? Vứt ở chỗ nào? Đi tìm về đây!”
Trăn Trăn ôm lấy mặt Tử Chấn, lo sợ, vội vàng nói: “Tử Chấn, anh đừng như thế nữa. Chúng ta vẫn có thể có con mà, anh đừng như thế.”
Tử Chấn chạy loạn dọc theo hành lang bệnh viện, không biết đang tìm kiếm cái gì, lúc lúc lại đụng phải người khác, nói với chính mình: “Bố không phải không cần con, bố không muốn vứt bỏ con, bố rất vui vì con xuất hiện trên đời này, bố không cảm thấy con là gánh nặng của bố đâu, bố sẽ khiến con lớn lên trong hạnh phúc.”
Trăn Trăn ôm lấy anh mà lòng đau như cắt. Cô ta không chịu nổi khi nhìn thấy bộ mặt phờ phạc, ánh mắt như điên dại và hơi thở khó khăn của Tử Chấn, tim như đang vỡ ra từng mảnh. Làm thế nào mới xoa dịu nỗi đau trong lòng anh ấy đây? Người con trai Trăn Trăn một mực yêu thương, nếu như có thể khiến anh ấy bình thường trở lại thì cho dù phải trả giá thế nào, Trăn Trăn cũng bằng lòng, cô thà một mình chịu nỗi cay đắng này.
“Tử Chấn”, Trăn Trăn nói trong nước mắt. “Đấy không chắc là con anh. Em còn có một anh bạn người Mỹ tên là Brian, đứa bé đó có lẽ là con của anh ấy.”
Tử Chấn thấy đầu óc quay cuồng, nhắm mắt lại, đứng yên không nhúc nhích, sau đó anh lấy tay gạt đôi tay Trăn Trăn đang bám vào vai mình ra, giống như anh đang phủi một lớp bụi trên áo. Không nói không rằng, anh quay người đi ra.
Trăn Trăn cảm nhận được một điều gì đó, cố nắm lấy tay Tử Chấn, nỗi sợ hãi như thủy triều đang dâng, hết đợt này đến đợt khác, như muốn nhấn chìm lấy mình. Cô ta cố gắng gào lên trong tuyệt vọng: “Đừng rời xa em, đừng đi!”
Tử Chấn không quay lại, Trăn Trăn không sao giữ được anh.
Tử Chấn ra khỏi bệnh viện, ngẩng đầu nhìn lên bầu trời. Bầu trời u ám như chính tâm trạng của anh lúc này.
Tử Chấn nói một câu khinh bỉ: “Sao mình có thể yêu được loại đàn bà này nhỉ?”
Tiếng điện thoại kêu reng reng trong túi, người gọi đến là Trịnh Học Mẫn.
Trịnh Học Mẫn nói: “Thuấn Nhân ra rất nhiều máu, phải mổ, chồng nó lại đi công tác, mẹ chồng lại dẫn cháu về quê rồi, cháu đến ký vào giấy đồng ý mổ nhé?”
Thuấn Nhân cố chịu đau một mình tới bệnh viện. Trịnh Học Mẫn chẩn đoán cô ấy bị rau tiền đạo cuối thai kỳ nên ra nhiều máu, muốn giữ an toàn cho cả hai mẹ con bắt buộc phải mổ lấy thai. Thuấn Nhân nói cô ấy sẽ đơn thân ký vào tờ cam kết, nhưng chưa được một phút sau đã hôn mê rồi.
Tử Chấn ký tên xong, mệt mỏi ngồi chờ trên ghế ngoài phòng mổ. Anh được tin liền vội vàng chạy tới, trong lúc chạy lên lầu không may bị vấp phải đều nhọn lan can sắt, mắt cá chân đau buốt, cúi xuống nhìn thấy máu thấm vào tất, nhuộm một mảng gấu quần jean thành một thứ màu tạp nham, Tử Chấn chẳng để ý đến vết thương đang chảy máu, khuỷu tay chống lên đầu gối, đầu cúi xuống.
Thực ra, lúc con người ta không cần phải suy nghĩ đến bất kỳ điều gì là lúc hạnh phúc nhất. Khi không suy nghĩ là lúc cũng mất đi khái niệm về thời gian, thế giới là một cái hố đen của vũ trụ, khi con người vứt bỏ được suy nghĩ trong đầu, vứt bỏ được thời gian mới có thể bơi được ra khỏi cái hố đen đó.
Tử Chấn dường như nghe được giọng nói ngọt ngào của một cô gái. Anh mệt mỏi ngẩng lên, một nữ hộ sinh mặc chiếc áo blouse và đội chiếc mũ trắng ôm một thiên thần nhỏ bé đi ra, nói: “Chúc mừng, là một thiên kim tiểu thư.”
Tử Chấn đón lấy đứa bé từ tay cô hộ sinh, đứa bé nhỏ xíu được bọc trong chiếc tả khóc oa oa. Mặt đầy nếp nhăn, khuôn mặt chỉ nhỏ như trái táo đỏ ửng như người uống rượu, lông mày chưa có, nhưng tóc lại đen, hai mắt nhắm lại, tiếng khóc lanh lảnh nhưng nghe không có chút đau thương, càng giống như một lời chúc mừng sự có mặt của nó trên thế giới này. Tử Chấn bất giác nở một nụ cười, giọng nói vẫn còn mệt mỏi: “Mẹ thì sao? Có bình an không?”
Nữ hộ sinh gật đầu: “Ca mổ thuận lợi, tranh thủ lúc chị ấy chưa tỉnh, anh mau đi nấu ít canh bổ dưỡng cho chị nhà, mấy ngày này, chị nhà chỉ được ăn đồ ăn mềm thôi.”
Có việc làm là tốt rồi, lúc này Tử Chấn cũng đang muốn tìm việc gì đó để làm. Ra đến cổng bệnh viện, anh gặp bác sĩ Trịnh.
Trịnh Học Mẫn thở dài: “Chồng và mẹ chồng Thuấn Nhân đều gọi điện đến, cô còn tưởng họ hỏi Thuấn Nhân ổn không, ai dè, câu đầu tiên họ hỏi là trai hay gái. Cô nói là con gái, nghe thái độ của họ, cô nghĩ họ sẽ không tới bệnh viện đâu.”
Tử Chấn nói: “Không sao, cháu chăm sóc cô ấy được rồi. Có điều mấy việc đó cháu chưa quen làm, cô phải chỉ cho cháu nhé.”
Trịnh Học Mẫn nói: “Ngày đầu mới mổ luôn cần có một người bên cạnh, còn đứa bé nữa, bận bịu lắm đấy. Cô đang nhờ mấy người bạn tìm người trông giúp theo tháng, người nào thạo việc tháng cũng ba bốn nghìn tệ chứ không ít đâu, rẻ nhất cũng phải hai nghìn.”
Tử Chấn nói: “Cô Trịnh à, cháu không mang theo nhiều tiền thế, ở đây có cột ATM nào không cô?”
Trịnh Học Mẫn chỉ cho anh chỗ rút tiền, rồi dặn thêm: “Đừng cho nó ăn lung tung nhé, sáu tiếng sau khi mổ mới được ăn đồ mềm. Ăn cháo, hay nước súp đều được, hiện tại đừng cho ăn đồ nhiều dầu mỡ nhé.”
Chương 12: Sau những chuyện xảy ra, hạnh phúc lại đến
Thông thường, hai mươi tư tiếng sau khi mổ không được xuống giường, Trịnh Học Mẫn nói trường hợp của Thuấn Nhân tốt nhất là nên kiêng trong ba ngày đầu.
Người giúp việc một tuần nữa mới đến làm, Trịnh Học Mẫn nói Tử Chấn đi mua băng vệ sinh ban đêm cho Thuấn Nhân. Đứng ở quầy bán hàng lâu đến nỗi đầu muốn loạn lên. Hàng trăm loại được bày ra trước mắt mà Tử Chấn không biết nên lấy loại nào. Chị bán hàng đến hỏi Tử Chấn cần loại như thế nào, anh ngại quá chuồn đi mất. Dạo đi dạo lại trong chợ, Tử Chấn nhìn thấy chỗ bán tã em bé có bán cả loại dành cho người lớn. Anh nghĩ công dụng chắc cũng giống nhau thôi. Nhặt lấy hai bao to, ra quầy tính tiền rồi đi thẳng đến bệnh viện.
Phòng Thuấn Nhân nằm là loại phòng bình thường, ba người một phòng, giá cũng rất rẻ. May mà nhờ mối quan hệ của Trịnh Học Mẫn, mới tới đã có giường ngay, hơn nữa giường nằm lại gần cửa sổ.
Thuấn Nhân gọi cho Triệu Chấn Đào rất nhiều lần, anh ta đều không nghe máy. Gọi cho bà mẹ chồng, rốt cuộc bà ta cũng nhấc máy, nhưng lại nói Thuấn Nhân thuê người giúp, bà ta còn bao nhiêu việc ở quê, không lên được. Thuấn Nhân nhìn thấy sản phụ giường bên có rất nhiều người nhà đến thăm, hết người này đến người khác, còn mình thì nằm trơ trọi một mình, trong lòng buồn tủi vô cùng. Thuấn Nhân không hy vọng Triệu Chấn Đào xem con như cục vàng, nhưng ít ra anh ta cũng phải đến nhìn mặt con một cái, hỏi xem có cần giúp gì không. Bà nội cũng vậy, có việc gì quan trọng hơn việc con dâu sinh em bé? Cứ nói thẳng ra là không đến, hà tất phải kiếm cớ?
Tử Chấn biết trong lòng Thuấn Nhân buồn lắm, anh mua vài quyển tạp chí dành cho mẹ và bé đến cho Thuấn Nhân đọc.
Đã mười mấy tiếng rồi mà Thuấn Nhân chưa đi tiểu tiện.
Tử Chấn tìm y tá, y tá đều đang bận, không rời đi được, Tử Chấn đành quay về phòng.
Thuấn Nhân môi trắng nhợt, đầu tóc rối bù, hai hàng nước mắt chực tuôn rơi. Cô vất vả đưa tay ra cầm lấy cái tã, cố gắng nhấc người lên, vết thương đau nhói, hai hàng lông mày nhíu lại, hàm răng nghiến chặt, hơi thở luồn qua kẽ răng, đau đớn, khổ sở là vậy. Thuấn Nhân cũng không hề than vãn một câu.
Tử Chấn ngả người, nhẹ nhàng ôm Thuấn Nhân vào lòng: “Bám vào cổ anh đi.” Thuấn Nhân chần chừ, Tử Chấn nhìn cô: “Nghe lời nào.”
Thuấn Nhân đưa hai tay ra, đặt lên vai Tử Chấn, tay trái của Tử Chấn ôm lấy người Thuấn Nhân, tay phải thò vào chăn, sờ đến cái lưng quần, hai mắt nhắm lại kéo xuống, hai má Thuấn Nhân đỏ ửng lên, cúi mặt xuống ngực Tử Chấn, không dám ngẩng lên. Tử Chấn nhẹ nhàng mặc tã mới cho Thuấn Nhân, nói: “Cảm thấy khó chịu thì cứ nói anh thay cho, biết chưa?”
Sẩm tối, Triệu Chấn Đào nhắn một tin đến hỏi xem có cần anh ta giúp gì không.
Vợ một thân một mình sinh con trong bệnh viện, bố đứa trẻ lại không đến, quá đáng hơn là mấy ngày sau mới nhắn tin hỏi có cần giúp gì không, hành động này vượt ra khỏi sức tưởng tượng của Thuấn Nhân, càng ngày cô càng không thể hiểu được trái tim Chấn Đào được làm từ cái gì ra mà không có chút cảm xúc. Thuấn Nhân nhắn cho anh ta lại một tin mà trong lòng uất ức: “Cảm ơn, không cần, tôi có người giúp rồi.” Triệu Chấn Đào cũng chẳng thèm nói gì thêm.
Thuấn Nhân nhìn cô con gái bé bỏng mới cảm thấy mình như có được một chỗ dựa, vết thương còn đau, không có cách nào bế con được, Thuấn Nhân đặt nó nằm cạnh chiếc gối, sờ nhẹ vào ngón tay bé xíu, non nớt của con, nước mắt rơi xuống khuôn mặt nhỏ bé.
Tử Chấn nói: “Đừng khóc nữa, anh sẽ giúp em mà.”
Thuấn Nhân lắc lắc đầu: “Đứa bé không có được người cha thương yêu nó, em thấy có lỗi với con quá.”
Tử Chấn nói: “Em đừng buồn, anh yêu đứa bé lắm.”
Thuấn Nhân lau nước mắt, ánh mắt nhìn Tử Chấn nói: “Có phải anh ốm rồi không? Trông anh có vẻ mệt lắm.”
Tử Chấn nói: “Đâu có, anh khỏe mà.”
Thuấn Nhân nói: “Trăn Trăn có thể đến giúp em vài ngày được không? Nhờ anh, em thấy ngại lắm, hơn nữa lại không tiện.”
Tử Chấn cười, nụ cười rất nhạt, nét buồn cứ như những gợn sóng nhỏ lăn tăn trên khuôn mặt, anh nói: “Không thích anh chăm sóc cho em, phải không?”
Thuấn Nhân e thẹn, không trả lời, tay vẫn mãi nghịch ngón tay nhỏ bé kia.
Tử Chấn nghĩ một lúc rồi nói: “Hay là gọi điện cho cô em?”
Thuấn Nhân nói: “Cô ấy còn phải có người hầu hạ, làm sao mà chăm sóc em được?”
Đêm đến, Tử Chấn ngồi trên chiếc ghế bên cạnh giường Thuấn Nhân nằm, đầu dựa vào thành giường ngủ gật, Thuấn Nhân chỉ hơi động nhẹ hay kéo cái chăn, Tử Chấn liền ngẩng lên hỏi có cần gì không.
Theo lời dặn của Trịnh Học Mẫn, Tử Chấn cứ đến giờ là cho Thuấn Nhân uống nước, ăn cơm, lau người. Tóc Thuấn Nhân bù xù, anh lấy lược chải cho gọn lại.
Chuông điện thoại kêu, Thuấn Nhân sợ ai đó tìm anh có việc gấp nên giục anh nghe máy. Tử Chấn không thèm nhìn xem ai gọi đã tắt nguồn, vứt sang một bên.
Tử Chấn nghĩ ra một cái tên đặt cho đứa bé.
“Gọi nó là Như Nhan nhé?” Tử Chấn nói: “Lớn lên nó sẽ xinh đẹp và hiền hậu giống như em.”
Thuấn Nhân có vẻ lo lắng nói: “Ai cũng nói con gái giống bố, nếu giống Triệu Chấn Đào thì gay to rồi.” Nói đến đây, mắt bất giác nhìn lên khuôn mặt Tử Chấn: “Sau này anh có con gái thì tốt biết mấy, chắc sẽ dễ thương lắm.”
Mười ngày sau, Thuấn Nhân xuất viện, Triệu Chấn Đào lại nhắn một tin hỏi xem có cần đến đón không. Thuấn Nhân vẫn cứ trả lời: “Cảm ơn, không cần.”
Lần này thì Triệu Chấn Đào rất lịch sự, anh ta nhắn lại môt tin, nói anh ta và mẹ đang ở nhà nấu cơm cho Thuấn Nhân, bảo cô đi đường cẩn thận.
Trịnh Học Mẫn và Tử Chấn cùng đưa Thuấn Nhân về nhà, đồ dùng quá nhiều, bác sĩ Trịnh vừa bế đứa bé vừa trông đồ dưới tầng, Tử Chấn cõng Thuấn Nhân vào thang máy.
Mặt Thuấn Nhân áp vào tai Tử Chấn, trong lòng đau khổ: “Anh sốt rồi, bị ốm sao lại không nói?”
Tử Chấn đứng nghĩ vài giây trước cửa thang máy, rồi tiếp tục cõng Thuấn Nhân đi về phía trước, đến cửa, đặt Thuấn Nhân xuống, còn mình quay xuống dưới tầng bế đứa bé.
Trịnh Học Mẫn thấy Tử Chấn có triệu chứng mệt mỏi do hạ đường huyết, nên không đưa đứa bé cho anh, cằm hất hất về phía đống đồ để dưới đất.
Triệu Chấn Đào ra mở cửa, Thuấn Nhân mời bác sĩ Trịnh vào nhà, rồi giới thiệu cho Chấn Đào. Tử Chấn để đống đồ cạnh tủ giày dép, hơi thở rất nóng, cảnh trước mắt lúc nghiêng lúc đảo, khó khăn lắm mới nhìn thấy đường đi, anh dựa vào tường thở một cách mệt mỏi.
Triệu Chấn Đào liếc một cái đã nhận ra cậu thanh niên trẻ tuổi này chính là người trên màn hình điện thoại của Thuấn Nhân. Từ trước đến nay, anh ta luôn cho rằng tấm ảnh đó do Thuấn Nhân tải trên mạng xuống, không thể đoán được đó là người có thật ngoài đời. Người con trai dáng vẻ mệt mỏi, khuôn mặt khôi ngô với nước da trắng, đôi mắt vẫn sáng trong như vậy. Sáng nay, Triệu Chấn Đào bay từ Thâm Quyến về, trong lòng cũng thấy có chút áy náy, anh ta tự tay làm hai con cá bỏ vào nồi hầm, nhưng giờ cảm thấy mình như bị cắm sừng. Máu ghen trong người sôi lên sùng sục.
Anh ta nhìn thấy người con trai kia sắp đi xuống tầng, liền lao tới: “Sao lại là mày đưa vợ tao về? Mày là thằng nào?” Rồi quay đầu trợn mắt nhìn Thuấn Nhân: “Cô nằm viện lâu như thế đều là nó đến chăm sóc hả? Thế mà nói có người giúp việc hả?”
Tử Chấn khó chịu hất tay anh ta ra, nắm đấm của Chấn Đào bay đến. Người mệt mỏi rã rời, Tử Chấn không kịp phản ứng, bụp mộp cái sau gáy, mắt mũi hoa lên, tai ù ù, lùi ra sau mấy bước, ngã dúi vào tường.
Thuấn Nhân kêu lên, chỉ vào Chấn Đào nói: “Anh dám đánh anh ấy! Anh còn đánh nữa thì tôi với anh sống chết một phen!”
Bà Triệu xông tới, nắm lấy tóc Thuấn Nhân: “Thảo nào sinh con lâu như vậy rồi mà không kêu một tiếng! Tôi nói rồi mà, con gái thật thà đến mức nào rồi cũng có lúc nói dối mà. Mày còn to mồm à? Mày lừa con trai tao, thật là mất mặt quá đi!”
Tử Chấn quát to: “Bà bỏ tay ra cho tôi!”
Trịnh Học Mẫn kéo tay Tử Chấn đi: “Đi thôi đi thôi, cái thằng này, việc nhà người, người ta lo.”
Tử Chấn nhìn Thuấn Nhân.
Khi còn ở quê, Tử Chấn đã từng nhìn thấy người ta giết mổ cừu, từng chú cừu ngoan ngoãn bị người ta lấy dây thừng buộc chặt cổ vứt thành một đống, người đồ tể rót nước sôi vào một cái chậu, chú cừu cảm nhận được cái chết đang đến gần, nhưng ánh mắt vẫn cứ ngoan ngoãn đến tuyệt vọng, con dao sáng loáng sắc bén đang cứa vào động mạch cổ, cừu con giãy giụa kêu lên những tiếng bi ai. Tử Chấn rất muốn tháo dây trói ở cổ cừu, thả nó về bên sườn đồi cỏ xanh, mặt trời rọi những ta sáng chói lóa xuống đồng cỏ, cừu con thong dong bước đi trong an toàn. Nhưng Tử Chấn không có cái năng lực đấy, nói đúng ra, là không có quyền đó.
Ánh mắt của Thuấn Nhân khiến anh ta nhớ tời đàn cừu đang tuyệt vọng dưới mũi dao sắc bén, nhưng lực bất tòng tâm. Trái tim Tử Chấn đau nhói, đang bị cơn sốt hành hạ, cổ họng đau rát, thở không ra hơi, nước mắt trào ra.
Trịnh Học Mẫn có cảm giác người Tử Chấn mềm đi, dường như đứng không vững nữa, cô vội vàng ôm lấy anh, dìu xuống dưới tầng.
Trịnh Học Mẫn sờ lên trán Tử Chấn, giọng như ra lệnh: “Đi cùng cô về bệnh viện tiêm mũi hạ sốt, cứ để sốt kéo dài thế này dễ bị viêm phổi cấp tính lắm.”
Tử Chấn nói: “Không cần đâu, cháu phải về trường, thầy giáo tìm cháu có việc.” Nói đoạn, anh giơ tay vẫy taxi, rồi mở cửa bước lên xe.
Trịnh Học Mẫn chẳng biết làm thế nào đành nói lớn: “Thế tan học xong phải đến tiêm đấy nhé!”
Hội trường chỉ bật một dãy đèn trên sân khấu, bốn phía rèm kéo kín mít.
Tử Chấn ngồi trên bục sân khấu nghe Phùng Dư giảng bài. Ông thấy Tử Chấn có vẻ không tập trung lắm, gập cuốn tập tài liệu trong tay lại, ông gõ vào chiếc ghế: “Đứng dậy, nghe nào!”
Tử Chấn cố nhấc người đứng dậy, Phùng Dư lại giảng tiếp, ông đọc phần gạch chân màu đỏ trong cuốn tài liệu cho sinh viên nghe, đang chuẩn bị giải thích phần đã học, ông ngẩng lên, phát hiện thấy Tử Chấn không còn đứng đó nữa. Phùng Dư sững người trong giây lát, lao tới chỗ sân khấu thì thấy Tử Chấn ngã sõng soài trên mặt đất.
Bệnh của Tử Chấn là một dạng nhẹ của gãy xương cột sống. Trong y học định nghĩa “nhẹ” là bởi sẽ không bị liệt, cũng không phải cưa bỏ, thế nhưng là một sinh viên chuyên ngành múa, Tử Chấn không thể múa được nữa.
Trăn Trăn kể rõ nguyên nhân dẫn đến việc Tử Chấn bị thương cho An An nghe, An An suýt nữa bóp cổ Trăn Trăn. Sở dĩ cô ta nói ra sự thật không phải vì cô ta dũng cảm, mà cô ta nghĩ cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra.
Tương lai của Tử Chấn khiến Trăn Trăn cảm thấy tối tăm, trong lòng đau đớn, tự trách mình, lo lắng phiền muộn, nhưng lại có một tia hy vọng nhen nhóm trong lòng. Cô ta hy vọng đây là cơ hội quay lại bên Tử Chấn. Cô ta quen Tử Chấn đã mười năm rồi, đã yêu anh mười năm rồi, tuổi thanh xuân của cô ta là ở bên Tử Chấn, máu thịt đã hòa vào nhau, nếu lấy Tử Chấn ra khỏi cuộc đời cô ta, thì khác nào giết chết tuổi thanh xuân của cô ta. Cô ta đã quen với việc có Tử Chấn bên cạnh, quen với việc quay người sang thì chạm vào Tử Chấn, quen với mùi thơm trên cơ thể Tử Chấn, quen với cái ôm dễ chịu, ấm áp của Tử Chấn, quen với những lời Tử Chấn thì thầm bên tai.
Brian chỉ giống như một món trang sức trên quần áo, cứ tưởng là sẽ thêm phần đẹp đẽ, nhưng thực ra nó chỉ tạo cảm giác dư thừa. Brian không vì có Trăn Trăn mà tuyệt giao với những cô gái khác, anh ta chưa bao giờ dậy mua cho Trăn Trăn đồ ăn vào lúc nửa đêm, anh ta cũng không bao giờ giặt cho Trăn Trăn bộ quần áo trong những ngày đèn đỏ. Trăn Trăn không bao giờ tiết kiệm, tích cóp cho việc kết hôn, anh ta cũng không bao giờ dẫn Trăn Trăn về nhà giới thiệu đấy là vợ chưa cưới của con.
Trăn Trăn không tìm được lý do xác đáng thể hiện sự hối tiếc của mình, cô ta bị An An khóa bên ngoài phòng bệnh, không cho vào thăm Tử Chấn. An An nói: “Anh ấy là một thiên sứ sống vì múa, chị đã giết chết một thiên sứ!”
Phẫu thuật xong, thuốc gây mê chưa hết tác dụng, Tử Chấn vẫn nằm ngủ mê man. Khuôn mặt mềm mại, thanh thoát đặt nghiêng trên chiếc gối khiến ai nhìn vào cũng muốn ngắm nhìn, vuốt ve. Bờ vai trần cứng cáp không tì vết.
An An hôn nhẹ lên đôi lông mày đẹp tinh tế.
Có nhiều khi, phạm sai lầm hay không lại không phải do mình phán quyết mà là do người khác.
Mẹ con Triệu Chấn Đào nhất nhất cho rằng Thuấn Nhân đã phản bội, hơn nữa họ còn nghi ngờ đứa bé đó không biết có phải của nhà học Triệu không. Bà Triệu còn mang đứa bé đi xét nghiệm AND, kết quả đúng là giống nhà học Triệu, tội lỗi của Thuấn Nhân miễn cưỡng được cho qua.
Qua đó Thuấn Nhân mới hiểu được một điều, có những chuyện không thể phán xét đúng sai khi chỉ dựa trên bề nổi. Vợ trước của Triệu Chấn Đào ngoại tình cũng có lý do của cô ta, điều này liên quan mật thiết đến Chấn Đào.
Theo như lời Triệu Chấn Đào, Thuấn Nhân là loại đàn bà trăng hoa. Mới sinh con xong đã gần gũi với một thằng đàn ông bất kể ngày đêm, lại ở với nhau đến mười ngày trời, khi chồng mình và thằng kia xảy ra xung đột trước cửa nhà, lại giả điên giả dại đi bảo vệ nó. Tội cớ rành rành ra đấy, còn minh oan nổi gì? Thuấn Nhân cũng chẳng thèm minh oan, cô và Triệu Chấn Đào chẳng có gì để nói nới nhau.
Thuấn Nhân bế đứa bé ra phường làm hộ khẩu.
Công an phường hỏi tên đứa bé, Thuấn Nhân trả lời: “Cháu tên Như Nhan. Như trong từ “nếu như”, Nhan trong từ “nhan sắc”.
“Họ gì?” Anh công an hỏi.
Thuấn Nhân chần chừ một hồi, rồi lại nhìn vào khuôn mặt đứa bé đang ngủ, giọng ngập ngừng nói: “Họ Triệu.”
Trên đường về, có lúc Thuấn Nhân nghĩ đến chuyện ly hôn.
Nhưng Nhan Nhan còn nhỏ quá, con gái vẫn cần có người bố bên cạnh che chở. Đi nhà trẻ, lên tiểu học, trung học, rồi đại học, con gái cần có một người bố tri thức để dìu dắt. Sau này đi nhà trẻ, các bạn trong lớp giới thiệu với nhau, sẽ hỏi đến bố mẹ, Nhan Nhan đáng thương sẽ trả lời thế nào đây? Tâm hồn nhạy cảm, yếu ớt của một đứa trẻ rất dễ bị tổn thương. Con gái sẽ oán trách người mẹ vô trách nhiệm đã chọn cuộc hôn nhân sai lầm, rồi đổ hết hậu quả lên người đứa trẻ.
Thuấn Nhân cố gắng nghĩ tới những điểm tốt của Triệu Chấn Đào, địa vị xã hội của anh ta cũng không tồi, sẽ đảm bảo được con gái lớn lên mà không bị bắt nạt. Chỉ cần anh ta không cãi nhau với mình, thì mình cũng sẽ cố gắng tạo ra bầu không khí vui vẻ trong gia đình. Con gái không chắc cảm nhận được bố mẹ nó không hợp nhau. Con trai của Triệu Chấn Đào hiền lành, Nhan Nhan có một người anh trai cũng tốt.
Thuấn Nhân áp mặt vào má đứa bé, nói nhỏ bên tai: “Nhan Nhan à, mẹ có lỗi với con. Mẹ phải chịu tủi nhục là đáng rồi, mẹ hứa sẽ cho Nhan Nhan một cuộc sống vui vẻ.”
Thuấn Nhân gửi một tin nhắn cho Tử Chấn: “Con gái em đã đăng ký hộ khẩu rồi, cảm ơn anh đã đặt tên cho cháu.”
Tử Chấn cảm thấy mình như đang trôi giữa biển mây, như đang bay ngược lại thời gian, quay về những tháng ngày thơ ấu đau thương nhưng lại thầm thương trộm nhớ một người. Đường nét dãy núi dần dần hiện rõ, đường viền lờ mờ hiện ra một cô gái tóc xoăn dài đến vai. Tử Chấn cố gắng cười với cô: “Em ngồi ở đây bao lâu rồi?”
Hai bên cánh mũi An An đọng những giọt nước trong như thủy tinh, đôi mắt đỏ sưng húp. Tử Chấn giơ tay lau nhẹ những giọt nước mắt còn đọng trên má, hai bàn tay An An giữ lấy tay Tử Chấn, nói trong tiếng khóc: “Anh ơi, sau này anh không múa được nữa rồi.”
Tử Chấn vẫn nở nụ cười như không hề nghe thấy.
Thời khắc ngã xuống sân khấu, Tử Chấn cho rằng mọi thứ đã kết thúc. Thực ra, đối với một số người, cái chết là thời khắc họ mong đợi nhất. Nhưng từ bỏ cuộc sống tìm đến cái chết luôn bị lên án, quý trọng mạng sống là một giá trị đạo đức tối thiểu.
Tử Chấn không hiểu ý nghĩa của việc mình đang sống. Một người con gái quen đã mười năm, yêu mình đến nỗi mất hết cả lý trí, bỗng nhiên phản bội mình. Còn một cô gái mình yêu đã mười năm, nhưng chỉ có thể mở to mắt nhìn cô ấy đau khổ mà không thể giúp đỡ. Từ trước tới nay, anh chưa bao giờ tự tin về bản thân mình. Trong thế giới này, anh chỉ là một kẻ lang thang buồn chán, làm thế nào mới xứng với một cô gái vừa hiền hậu vừa dịu dàng kia?
Anh nghĩ ít ra mình cũng phải có một gia đình êm ấm, phải có thứ mà tất cả mọi người trên thế giời này đều nghĩ một người đàn ông chân chính nên có. Trước mắt anh chưa làm được, không chỉ chưa làm được, mà còn rất nhiều chuyện đang ngày càng trở nên tồi tệ. Anh không có khả năng dàn xếp, cũng không có sức để dàn xếp. Không múa được nữa thì quan trọng lắm sao? Từ trước khi anh ngất trên sân khấu, mọi hy vọng đã tắt ngấm rồi.
Nụ cười yếu ớt của Tử Chấn khiến nước mắt An An lại lăn dài trên gò má. Cô với tay lấy điện thoại để trên tủ đầu giường đưa cho Tử Chấn: “Anh có rất nhiều tin nhắn.”
Tử Chấn cầm lấy điện thoại, xem từng tin một. Của Trăn Trăn, anh liền bấm nút xóa. Đến tin cuối cùng, anh ngừng ngón tay trên nút xóa, là của Thuấn Nhân. Anh mở ra xem, rồi mỉm cười.
An An thấy nụ cười của Tử Chấn thật đẹp, sát lại gần hỏi: “Ai nhắn thế?”
Tử Chấn nói: “Anh đặt tên cho một đứa bé mới sinh, mẹ bé lấy cái tên đó thật.”
An An muốn hỏi, là cái chị mà anh thích à? Nhưng lại không hỏi.
Có những anh chàng, chỗ nào có mặt anh ta, chỗ đó là thiên đàng.
An An cảm thấy ở bên cạnh Tử Chấn, mình có thể ngồi mãi như thế, cho đến khi bãi biển biến thành nương dâu, anh luôn luôn ấm áp và ngọt ngào.
Full | Lùi trang 2 | Tiếp trang 4
Chúc các bạn online vui vẻ !