XtGem Forum catalog
Tiểu thuyết tình yêu

Tiểu Thuyết Tình Yêu

Đọc truyện tại Tiểu Thuyết Tình Yêu

Loading...

Truyện ma - Cẩm Tú Kỳ Bào - Trang 1

Full | Tiếp trang 2

Chương 1 - Gặp gỡ

Tôi đưa tay đón lấy, chiếc áo được dệt bằng lụa xa tanh tơ tằm, cầm trên tay có cảm giác mềm mại như nước. Tay lỡ, xung quanh gấu viền hoa, ngực áo là một đóa uất kim hương được thêu tay bằng chỉ màu, cửa tay có hoa dây thêu nổi, tay nghề tinh xảo, hoa văn chìm thoáng ẩn hiện đường chỉ kim tuyến, càng tôn thêm vẻ sang trọng của chiếc áo. Khuy trên cùng của tấm kỳ bào là một viên ngọc trai trông cực kỳ tinh tế, kích cỡ viên ngọc tra đó chừng bằng móng tay út, màu hơi ngả vàng, nhìn qua đã biết là cổ vật.

"Tần Hoài đăng ảnh thanh kỳ bào!". Tôi thốt lên kinh ngạc, một luồng hơi lạnh chạy từ đáy tim lên đỉnh não.

Vị trí mà tôi mở hiệu may xường xám cũng không được coi là ổn lắm, nó nằm trong con phố nhỏ thông ra bên trái một đường cái lớn ở quận Gia Định. Con phố ngay trước mặt cửa hiệu chỉ rộng chừng mấy mét, thậm chí còn có thể nghe rõ mồn một tiếng mặc cả, ngã giá của đám tiểu thương với bà chủ sạp bán buôn hoa quả ở phía đối diện, thế nên dù không bán hoa quả, tôi cũng có thể nắm được tình hình thị trường hệt như mình kiêm luôn chân bán hàng đó vậy. Bên trái tiệm may là một hiệu sách đã tồn tại nhiều năm, trong đó không bán những cuốn tiểu thuyết ngôn tình hay giả tưởng thời thượng, mà chỉ mua bán sách cũ, gọi là cổ lỗ sĩ thì cũng được. Thế nên, thường ngày cũng chẳng có mấy khách đến đây, thi thoảng mới thấy vài người đeo kính trông ra dáng phần tử trí thức lai vãng tới, thường thì sau khi ra khỏi hiệu sách, họ luôn lẩm bẩm điều gì đó trong miệng mà không rõ điều gì. Còn cả những cô gái ăn mặc thời thượng đi ngang qua phố cũng không thể không dừng lại đây một lát, vì bên ngoài cửa hiệu là chiếc tủ kính với mặt gương lớn, họ có thể soi lại khuôn mặt mình, cũng coi như là một quang cảnh đẹp.

Ở một đoạn đường như vậy, môi trường như vậy, đã không thích hợp với việc mở hiệu may áo dài xường xám vốn tao nhã, lại càng không thích hợp với một hiệu sách cổ, song chủ nhân hai cửa hiệu chúng tôi đều chọn địa điểm này. Có cách nào nữa đây? Ai bảo giá nhà ở thành phố này đâu đâu cũng đắt đến kinh hoàng, lại còn cái nghề vốn buồn tẻ này, muốn chọn con phố đông đúc thì e rằng ngay cả tiền thuê nhà cũng không trả nổi. Chỉ đành tự an ủi mình rằng, chọn nơi độc đáo cho nổi bật.

Ngay trước cửa hiệu xường xám còn có hai cây đa lớn, có lẽ đã mọc ở đó từ lâu lắm rồi nên cành lá rậm rì, thân cây chắc hai người ôm chưa hết. Lạ lùng là khi đứng từ dưới trông lên, thấy lá trên ngọn cây dường như mọc lẫn vào nhau, đứng từ xa nhìn lại, những người không biết còn tưởng đó chỉ là một cây xanh tốt.

Người đi lại trên con phố này chẳng mấy khi đông đúc, phần lớn đều là cư dân sống quanh đây. Vào hai khung giờ cao điểm thì cũng có xe cộ tấp nập, người đưa đón con đi học, người đi chợ, người tất tưởi đến công ty hay vội vã về nhà... Chỉ sau tám giờ tối, cả con phố trở nên vắng lặng vô cùng, ngay cả taxi cũng rất ít khi thấy chạy qua. Vì vắng người nên càng cảm thấy tĩnh lặng đến khác thường, một trận gió thổi qua, cành cây già cỗi đung đưa, tiếng lá reo xào xạc, luôn khiến người ta có cảm giác lạnh lẽo trong lòng.

Phần lớn những người phụ nữ đến cửa hiệu của tôi đặt may áo dài xường xám đều thích tới vào buổi tối. Giá của một chiếc xường xám không hề rẻ, đa số khách ghé đến nhiều lần đều thuộc hàng khá giả, ít thời gian rảnh rỗi hơn mấy MM [1] hay khoe ngực, phần nhiều họ đều gọi điện hẹn trước sau đó mới đến lấy số đo và xem kiểu. Thứ nhất là do thói quen cá nhân, muốn làm hết sức để mỗi tấm kỳ bào [2] qua tay mình đều hoàn hảo, nên dù đã ghi chép tỉ mỉ số đo của mỗi khách hàng, nhưng lần nào đến đặt may cái mới, tôi cũng yêu cầu họ để mình đo lại một lần nữa. Thứ hai là xường xám quả thực khá kén người mặc, không giống như những loại trang phục khác, rộng một phân, chật một phân đều không thành vấn đề, nói hà khắc hơn, chỉ cần sai sót một chi tiết thôi cũng có thể "sai một li đi một dặm". Thế nên những khi bận rộn, phải làm việc đến tận rạng sáng là chuyện bình thường.

[1] Em gái

[2] Áo xường xám gọi theo âm Hán Việt

Mọi việc trong cửa hiệu từ trước đến nay đều do một mình tôi lo liệu, từ việc nhỏ như quét tước cửa nhà, đến việc lớn là cắt may, đều tới tay tôi hết. Lâu dần, cũng cảm thấy mình giống như một cái máy. Nhưng ở cái tuổi này, một đứa con gái còn có thể làm gì? Ngoài những hiểu biết về xường xám có tính di truyền ra, tôi nghĩ mình cũng chẳng có sở trường gì khác.

Nói đến yếu tố di truyền, thì chủ yếu là nói về ông nội tôi. Trước khi nhà nước Trung Hoa mới ra đời, ông nội là một thợ may có hạng, chuyên cắt may xường xám cho đám phụ nữ đài các thuộc tầng lớp xã hội thượng lưu. Dù trong những năm tháng chiến tranh loạn lạc, nhưng Thượng Hải vẫn là chốn ăn chơi xa xỉ. Ông nội thành danh từ rất sớm, khi còn trẻ đã được người ta tôn xưng là Lý Thần Bào, có thể thêm chữ "Thần" vào tên gọi, đủ biết tay nghề của ông ở mức nào. Nghe kể lại, có người mời ông đến may kỳ bào, chỉ cần liếc nhìn người con gái đó, ông đã có thể vẽ phác họa được thân hình và cả số đo không sai một li chỉ trong khoảng thời gian ăn hết một bát cơm. Tiếp sau đó, ông thiết kế kiểu dáng rất nhanh, còn việc cắt may thành tấm áo dài hoàn chỉnh thì dễ như trở bàn tay. Vì thế, tiền công may xường xám của ông nội luôn thuộc hàng đắt nhất ở Thượng Hải lúc bấy giờ.

Mấy chục năm rối ren biến động rồi đến khi giải phóng, cải cách mở cửa, đời sống toàn dân khấm khá lên, cái gì cũng biến chuyển đổi thay, danh tiếng của ông nội dù không còn vang dội như khi trước, song vẫn được lưu truyền, việc làm ăn tuy có buồn tẻ hơn nhưng vẫn đủ cho cả nhà ăn no mặc ấm. Thế nên so với phần lớn những người cùng trang lứa, bố tôi cũng coi như được sinh ra trong sung túc, không phải lo chuyện cơm ăn nước uống, xuất thân trong sạch.

Trong ấn tượng của tôi, ông nội rất mực hiền từ, lại kiệm lời. Hoặc cũng có thể nói mọi người trong gia đình tôi đều thích sự tĩnh lặng, ông nội, bà nội, mẹ tôi và tôi. Bởi không thích ồn ào, nên trong nhà cũng ít khách ghé qua, ba thế hệ cùng ngồi ăn cơm, không gian trầm tĩnh đến lạ lùng.

Thật ra ông nội cũng có phương diện khiến cho người khác cảm thấy ông rất nhiệt tình, khi may xường xám, ông chăm chú tới mức hoàn toàn quên mất bản thân. Sau cải cách mở cửa, nghề may áo dài xường xám ngày càng suy thoái, thông thường đơn đặt hàng phần lớn đều đến từ mấy tiệm rượu hay xưởng phim, kiểu dáng đơn điệu nên không cần đến ý tưởng sáng tạo nào. Dù vậy, ông nội vẫn bận bịu như trước, hàng ngày trừ những lúc ăn uống, ngủ nghỉ ra, thời gian rảnh ông đều ngồi trước khung cửa nhỏ trên lầu, đeo kính lão, bận bịu với từng đường kim mũi chỉ, để rồi trong chiếc tủ kính lớn bên ngoài cửa hiệu, treo đầy những tấm áo dài xường xám ông may mà chẳng hề bán nổi.

Sau khi mẹ ra đi, tôi vẫn luôn tưởng rằng mình sẽ sống lặng lẽ cùng ông bà nội như vậy đến già. Nhưng kỳ lạ là một đêm nọ, ông nội đột nhiên vứt lại hai bà cháu tôi, biến mất tăm mất tích không để lại đến một lời nhắn nhủ, từ đó về sau thì bặt vô âm tín.

Mỗi khi nhớ lại chuyện này, tôi thường cảm thấy buồn bực không sao lý giải nổi, cái ký ức vụn vỡ nhưng lại hết sức rõ ràng của thời ấu thơ ấy cứ phát đi phát lại trong trí nhớ, lần nào cũng gợi lên những cơn sóng lòng mà tôi đã muốn dập tắt. Ký ức vốn lạ lùng và ngang bướng vậy đấy, càng muốn quên đi thì càng nhớ hết sức rõ ràng, thế nên tôi chẳng bao giờ bắt được bản thân mình thôi nhớ đến ông. Những hình ảnh thường xuất hiện nhất trước mắt tôi là dáng hình ông nội, hiền từ và hòa nhã, trên khóe môi thường trực nụ cười khoan dung độ lượng nhưng nhạt nhòa, như có như không.

Đêm nay trời lại nổi gió, tôi ngồi ngẩn người nhìn góc phố vắng tanh, cực kỳ buồn chán. Cả ngày hôm nay không nhận được đơn đặt hàng nào, đáng lẽ có thể đóng cửa hiệu sớm hơn một chút, nhưng về nhà thì cũng không ngủ được ngay, rồi lại xem ti vi để giết thời gian. Cùng là ngồi ngây ra như vậy, thì tôi thích việc ở lại cửa hàng thiết kế mấy kiểu dáng áo dài mới hơn. Nhưng không biết vì sao mà làm mãi vẫn không khơi gợi được chút cảm hứng nào, cây bút trong tay cứ đi theo những đường vẽ một cách máy móc. Cuối cùng tôi đành quăng bút xuống rồi tựa đầu vào ghế mây, đến khi xương cốt cũng gào lên những tiếng kêu la vì cô đơn buồn chán, tiếng chuông điện thoại ma mị lúc nửa đêm chợt vang lên, huyệt thái dương của tôi cũng nhảy thót lên kinh sợ.

"Tiểu Ảnh, tối mai đến nhà mình ăn cơm nhé, sinh nhật mẹ mình, bà ấy nhớ cậu lắm đấy!". Bên kia đầu dây là Hà Thanh Lâm, cô bạn cùng lớp, đồng thời là bạn thân nhất của tôi. Con nha đầu này suốt ngày điên điên dại dại, thích nhảy nhót chơi đùa ồn ã, hình như bị thiếu mất hai dây thần kinh có tên "yên tĩnh" và "buồn phiền". Cô ấy vui vẻ tới mức khiến cho những người bạn xung quanh cũng phải vui lây, so với tôi thì đúng là hai thái cực khác biệt. Có lẽ cũng vì như vậy, nên khi kết bạn, ngoài việc cảm thấy hứng thú ra, còn là một hình thức bổ sung cho nhau nữa, tôi tìm thấy những tế bào bị thiếu của mình ở cô ấy.

Tôi còn chưa hỏi gì, Hà Thanh Lâm đã nói liên tằng tằng, hệt như một khẩu súng liên thanh khai hỏa, bao nhiêu lần làm trò cười cho thiên hạ rồi mà bản tính vẫn không thể nào thay đổi được.

"Được rồi, được rồi! Ngày mai mình sẽ đóng cửa sớm rồi ghé qua!". Đúng là không thể xem thường uy lực của súng liên thanh, một loạt đạn đã quét sạch sành sanh sự buồn chán sắp lên nấm mốc của tôi rồi. Tôi mỉm cười nhận lời cô ấy.

"Nhớ đấy nhé, không được đến muộn, đừng có sát giờ rồi mới kiếm cớ này cớ nọ để không đến, còn nữa... Ừm, khi nào nhớ ra mình sẽ nói với cậu, dù sao thì ngày mai cậu nhất định sẽ đến đúng không? Ừm, trước tiên cứ thế đã, mình đi tắm đây, gác máy nhé. Bye!".

Thanh âm cuối cùng còn chưa dứt đã nghe thấy tiếng điện thoại tút tút vang lên.

Tôi lắc đầu cười, đặt máy xuống, quay người lại nằm duỗi lưng ra ghế thở một hơi dài. Xem ra ngày hôm nay không buôn bán được gì rồi, giờ chắc cũng đã mười giờ, đêm sẫm đen hơn mực, trên đường, đừng nói tới người, ngay cả một bóng ma cũng không thấy, thế nên tôi đóng cửa hiệu ra về.

Do trận mưa lớn lúc ban ngày, khu vực này lại không phải là trung tâm thành phố, đường sá lâu ngày không được cải tạo nên ổ gà trên mặt đường ngập đầy nước, hết hố này đến hố khác, dưới ánh sáng của đèn đường, những ổ gà sáng lóa lên như mặt gương nối tiếp nhau, tạc khảm lẫn nhau đến tận cuối phố. Thời tiết thế này quả thực khiến người ta không muốn bước chân ra khỏi cửa.

Tôi dọn dẹp xong những thứ trong tủ kính, đúng lúc đang định kéo cửa xuống thì khóe mắt chợt lóe lên, phát hiện ra một cô gái đang đứng nghiêm trang dưới gốc cây trước cửa hàng. Đó là một người con gái chừng ba mươi tuổi, tay cầm túi, trên người mặc chiếc áo dài xường xám may theo lối truyền thống, màu trắng tương phản hẳn với bóng tối xung quanh. Thân áo không có một chút hoa văn nào, màu trắng trơn như vậy khiến người khác không khỏi cảm thấy đơn điệu, nhưng cô gái ấy mặc trông cực kỳ trang nhã, đến bản thân tôi cũng cảm thấy nếu như điểm xuyết thêm một chút gì lên đó cũng sẽ phá hỏng đi vẻ thanh nhã ấy. Bộ áo dài này không hiểu sao nhìn rất quen, song tôi biết nó tuyệt đối không phải do mình may, bởi nếu như tôi may áo xường xám trơn, thì thế nào cũng sẽ chọn hoa chìm để tránh bị cứng nhắc. Từ trước đến nay tôi chưa từng nghi ngờ về khả năng thiết kế của mình, nhưng khi đứng trước bộ áo dài này tôi mới biết, bản thân mình quá là hời hợt, trong nghề này mình cũng mới chỉ thuộc dạng nhập môn mà thôi. Khi tôi còn đang ngẩn ra đó, cô ta đã uyển chuyển bước về phía tôi.

"Chào cô Lý, tôi có thể vào trong không?". Người phụ nữ đó nhìn tôi mỉm cười, để lộ ra hàm răng trắng sáng như màu áo. Cô ta gọi thẳng họ của tôi, rõ ràng là đã được bạn bè giới thiệu đến đây.

Tôi gật gật đầu, tránh sang một bên để cô ta đi vào trong cửa hiệu.

Người đó đi thẳng đến quầy, đặt món đồ trong tay lên trên bàn, sau đó nhìn tôi nói:

"Tôi có một tấm áo bị hỏng, cô có thể may lại giúp tôi không?".

Đôi mắt người này không to lắm nhưng quyến rũ một cách lạ thường, đầu mày cuối mắt đều chứa chan vẻ phong tình, một gợn sóng trong đôi mắt cũng khiến người khác cảm thấy cực kỳ dễ chịu.

Cô ta chầm chậm mở chiếc túi ra, khi đó tôi mới nhìn rõ chiếc túi được khâu bằng vải nhung màu cà phê đậm, kiểu dáng trông cách biệt một trời một vực với khí chất cao quý của người mang nó, có lẽ thức đồ bên trong cũng chẳng có gì quý giá, nên mới được đưa ra một cách tùy tiện thế này.

Tay cô ta đầy đặn nhưng linh hoạt, lại còn được chăm sóc rất tốt, sáng bóng một màu trắng muốt khỏe mạnh.

Ngay sau đó, một tấm áo dài xường xám màu xanh sẫm xuất hiện trước mắt tôi. Nụ cười vẫn luôn thường trực ở khóe môi, người ấy lấy tấm áo ra đưa cho tôi một cách cực kỳ cẩn thận.

Tôi đưa tay đón lấy, chiếc áo được dệt bằng lụa xa tanh tơ tằm, cầm trên tay có cảm giác mềm mại như nước. Tay lỡ, xung quanh gấu viền hoa, ngực áo là một đóa uất kim hương được thêu tay bằng chỉ màu, cửa tay có hoa dây thêu nổi, tay nghề tinh xảo, hoa văn chìm thoáng ẩn hiện đường chỉ kim tuyến, càng tôn thêm vẻ sang trọng của chiếc áo. Khuy trên cùng của tấm kỳ bào là một viên ngọc trai trông cực kỳ tinh tế, kích cỡ viên ngọc trai đó chừng bằng móng tay út, màu hơi ngả vàng, nhìn qua đã biết là cổ vật.

"Tần Hoài đăng ảnh thanh kỳ bào!".

Tôi thốt lên kinh ngạc, một luồng hơi lạnh chạy từ đáy tim lên đỉnh não.

Làm trong nghề này, chỉ cần lâu năm một chút thì không ai là không biết tấm "Tần Hoài đăng ảnh thanh kỳ bào". Từ nhỏ tôi đã được nghe ông nội nhắc nhiều lần về chuyện "Tần Hoài đăng ảnh thanh kỳ bào", tới mức ban đầu còn sợ hãi, sau này trở nên bình thản. Tới khi lớn lên rồi đi học, tôi thậm chí còn chẳng tin vào câu chuyện truyền miệng ly kỳ đó, cũng không tin rằng có tấm kỳ bào cổ như vậy trên đời. Thế mà giờ đây đột nhiên lại nhìn thấy nó giữa lúc đêm khuya thanh vắng này, những chi tiết liên quan tới câu chuyện lưu truyền dân gian kia bỗng hiện về từng li từng tí, khiến tôi không khỏi nổi da gà. Tuy nhiên nỗi sợ hãi đó cũng chỉ thoáng sượt qua, tôi nhanh chóng lấy lại được sự bình tĩnh của mình.

Tôi chưa từng trông thấy tấm "Tần Hoài đăng ảnh thanh kỳ bào" này, chỉ có điều kiểu dáng của nó đã hằn sâu vào trí não, vì câu chuyện được ông nội kể đi kể lại không biết bao nhiêu lần, thế nên muốn quên cũng khó. Lai lịch cái tên "Tần Hoài đăng ảnh thanh kỳ bào" xuất phát từ địa điểm và cảnh trí thời gian lúc đó.

Chuyện kể rằng có một tiểu thư con nhà giàu vì không thể lấy được người mình yêu, cuối cùng đã nhảy xuống sông Tần Hoài [3] tự vẫn giữa đêm khuya. Tấm áo xường xám này chính là tấm áo nàng mặc lúc tự tận. Khi đó hai bên bờ sông Tần Hoài ánh đèn [4] loang loáng, đuốc trên các thuyền cá lập lòe, tiếng người huyên náo, nhưng không ngăn được bi kịch đó xảy ra. Còn chữ "Thanh" tức là triều đại nhà Thanh, thực ra khi ấy đã là đầu thời kỳ Dân quốc, chỉ có điều có một nhóm học giả tuổi cao, nhất là những người Mãn vì tiếc nhớ triều đại nhà Thanh nên vẫn để tóc đuôi sam dài sau gáy. Nỗi lòng luyến tiếc đó còn được thể hiện cả trên trang phục, vậy nên người ta mới miễn cưỡng cho thêm cả một chữ Thanh vào tên gọi của tấm áo này, cũng từ đây tên gọi "Tần Hoài đăng ảnh thanh kỳ bào" ra đời. Thực ra khi đó chiếc áo xường xám này cũng chẳng có gì đặc biệt. Tuy nhiên, sau khi nhà đó chôn cất vị tiểu thư ấy xong, vẫn giữ lại tấm áo có viên ngọc trai ở khuy cổ ấy, hoặc vì thời đó ngọc trai vẫn còn được coi là có giá, hoặc vì nhà họ thương tiếc con quá nên lưu lại làm kỷ niệm. Vì hai chị em khi còn sống vẫn thân thiết với nhau, nên chiếc áo được đưa cho người em gái của nàng ấy.

[3] Con sông rộng nhất ở Nam Kinh, nổi tiếng với các chốn ăn chơi hai bên bờ

[4] Đăng ảnh

Ba năm sau, người em gái đi lấy chồng, song không ai để ý đến một điều rằng ngày cưới lại chính là ngày mà ba năm trước đáng lẽ ra nàng ấy cũng xuất giá. Hôm đó, khi người em gái mặc lễ phụ cô dâu bước xuống khỏi kiệu hoa, bỗng bị một con ngựa điên từ đâu chạy tới giẫm chết ngay tại chỗ. Đám người đưa dâu trở nên hỗn loạn, con ngựa điên đá bay cả chiếc rương đựng của hổi môn. Tiếng gió nghe nức nở, thổi tung cả tơ gấm lụa là bên trong, trong cái đám hỗn độn đầy màu sắc ấy, nổi bật lên một màu xanh sẫm. Gió thổi mạnh hơn, tấm áo màu xanh sẫm đó bay bổng lên rồi rơi ngay xuống bên cạnh thi thể cô dâu, chính là tấm áo xường xám được giữ lại từ ba năm trước. Người nào đã để tấm áo vào trong rương đựng của hồi môn, điều này không ai rõ.

Một thầy bói mù trên phố nói chiếc áo ấy là vật mang điềm dữ, vì oán khí của người chị gái còn quá mạnh, lại thêm việc hỷ của người em gái nên càng đậm sâu thêm, không được để lại trên trần thế nữa. Thế nên trong ngày chôn cất người em gái, chiếc áo được chôn theo. Vốn chỉ là một chiếc áo bình thường, nhưng vì liên quan đến hai câu chuyện ly kỳ, càng lan truyền nó càng được thêm thắt vào những chi tiết huyễn hoặc, ví dụ như được làm tinh xảo hiếm thấy trên đời, chất vải vô cùng sang trọng, từn hoa văn chìm đều là các sợi chỉ bằng vàng...

Chừng mười năm sau, chiếc áo này lại bị bọn trộm mộ đào lên, rồi được một nhà buôn giàu có sưu tầm. Người con gái duy nhất của ông ta cũng chết một cách lạ lùng trong ngày cưới. Sau này chiếc áo tiếp tục được chuyển sang tay người khác, hễ trong nhà có con gái thì đều chết khi còn rất trẻ. Bởi vậy, nó trở thành một vật mang điềm dữ, trong giới làm kỳ bào không ai là không biết. Thế nhưng vẫn có những người hiếu kỳ, chỉ muốn được nhìn thấy nó một lần. Liên quan đến truyền thuyết về chiếc áo, cũng có rất nhiều phiên bản khác nhau. Có người nói, vì oán hận gia đình ngăn cản không cho kết hôn với người mình yêu, nên tiểu thư đó đố kỵ với tất cả những người yêu nhau, từ đó mới không ngừng xảy ra bi kịch tương tự. Cũng có người kể nỗi oán hận đó chính là oán hận người em gái, vì người mà cô em được gả cho chính là người mà cô chị đã yêu thương, thế nên mới xảy ra bi kịch trong chính ngày cưới... Đương nhiên câu chuyện không chỉ có hai phiên bản nảy, chỉ là chúng nghe có vẻ dễ tiếp nhận hơn những cái kia mà thôi. Tôi thì vẫn tin vào câu chuyện thứ nhất, trong sâu thẳm lòng mình tôi vẫn cho rằng tình thân máu mủ luôn sạch sẽ, không nỗi hận thù nào có thể làm vấy bẩn nó, còn tình yêu là thứ tình cảm thánh thần, thế nên sau khi người chị chết đi, người đàn ông mà nàng ấy yêu cũng sẽ sống một mình, làm sao có thể lấy người em gái được?

Vì bị ảnh hưởng của ông nội, từ nhỏ tôi đã rất tò mò về chiếc áo này. Bắt đầu từ ngày biết cắt may, tôi còn âm thầm làm mấy chiếc "Tần Hoài đăng ảnh thanh kỳ bào" theo hình ảnh tưởng tượng hiện lên trong trí não. Sau này tôi đưa cho bà nội xem, hỏi có giống hay không, nhưng lần nào cũng bị bà mắng cho một trận. Lần cuối cùng, bà còn không nói một lời, dùng kéo cắt phăng chiếc áo tôi đưa. Bà nội là một người phụ nữ tính nết dịu dàng, hàng ngày chỉ biết ăn chay niệm Phật. Còn nhớ năm tôi mười lăm tuổi, khi ông nội mất tích, không hề thấy bà có xáo động tình cảm gì lớn, cũng không dám hỏi vì sao, sau này tôi vẫn lặng lẽ may những tấm "Tần Hoài đăng ảnh thanh kỳ bào" và treo trong cửa hiệu để thưởng thức một mình.

Thực ra theo lời bà nội thì ông tôi cũng chưa từng thấy tấm áo đó bao giờ, chỉ là có một sự cuồng nhiệt với nó, gần như tới mức có thể quên ăn quên ngủ. Mỗi khi có thời gian rảnh rỗi, ông lại may kỳ bào, mà mỗi tấm kỳ bào ông làm ra đều thấp thoáng tới bảy tám phần hình dáng của chiếc "Tần Hoài đăng ảnh thanh kỳ bào" đó. Khi ấy, trên ba giá treo đồ trong cửa hiệu tràn ngập những chiếc "Tần Hoài đăng ảnh thanh kỳ bào". Ông làm chỉ để cho mình ngắm, người khác có trả giá cao đến mấy cũng không chịu bán, thế nên khi đó dù danh tiếng của ông trong nghề này vẫn còn vang dội, song chi tiêu của gia đình cũng chẳng lấy gì làm rộng rãi. Sau này ông đóng cửa hàng, chỉ nhận đơn cắt may trên căn gác nhỏ ở nhà mình, khi có thời gian rảnh rỗi ông vẫn tiếp tục duy trì niềm hứng thú ấy, tới nỗi những tấm kỳ bào cũng tích tụ lại nhiều hơn. Vậy mà bà nội cũng chưa từng oán trách ông đến một lần, vẫn thực hiện bổn phận của một người vợ chăm sóc ông từng li từng tí. Nhưng một năm sau ngày ông đi, bà gom tất cả đồ đạc của ông cùng những tấm kỳ bào đó đốt sạch sành sanh. Tôi biết, bà yêu ông sâu sắc nhưng cũng hận ông. Từ đó trở đi, không bao giờ bà cho phép tôi nhắc đến ông trước mặt mình nữa.

Tôi lật giở kỹ càng tấm áo xường xám mà người phụ nữ đó mang đến, cũng không phát hiện ra bất cứ chỗ nào bị hỏng. Còn đang nghi hoặc, cô ta đã đưa tay ra cầm lấy tấm kỳ bào, đầu ngón tay lướt qua mu bàn tay tôi lạnh như băng, dù đang là tiết hạ nhưng khi bất ngờ tiếp xúc với hơi lạnh đó, tôi vẫn bất giác rùng mình. Cô ta trong thấy liền mỉm cười, giải thích bằng chất giọng hết sức nhẹ nhàng:

"Tay tôi bốn mùa đều lạnh như băng, bác sỹ nói vì khí huyết không tốt nên mới vậy, là do năm đó tôi sinh con suýt nữa thì băng huyết nên để lại mầm bệnh. Làm đàn bà đúng là chẳng dễ dàng gì!".

"Ồ, đúng vậy. Nhưng chị xem chiếc áo này có vấn đề gì đâu? Tôi xem nãy giờ, thấy nó vẫn còn rất tốt mà".

Trên mặt tôi là một nụ cười cực kỳ chuyên nghiệp, song không để lọt tai những lời chị ta nói về bệnh tật của mình. Những người kiểu này không phải là hiếm, dù tuổi tác chưa phải là nhiều nhưng lại hay kể chuyện, có khi chỉ một chủ đề nhỏ thôi mà bọn họ cũng có thể kéo ra những câu chuyện dài cả mười tám nghìn dặm. Không cần bạn hỏi, một mình họ cũng sẽ lôi hết ngóc ngách trong nhà mình ra mà kể.

"Ôi, xem tôi này, thật là xấu hổ quá, làm mất thời gian của cô Lý. Đây, cô nhìn xem! Đường chỉ dưới nách bị bật rồi, tôi sợ nếu tự mình khâu sẽ không được phẳng, lại xấu đi mất".

Tôi nhận lại chiếc áo, quả đúng là dưới nách bị tuột chỉ chừng 2 tấc, nhưng nếu không đưa tay lên thì cũng không thể nào nhìn thấy. Đoạn chỉ bị đứt có màu vàng sáp, rõ ràng chiếc áo khá cũ rồi, đầu chỉ hơi xơ ra, giống như đã bị tuột từ lâu lắm. Tôi viết hóa đơn xong đưa cho người phụ nữ đó:

"Một vết nhỏ thôi, ngày mai là chị qua lấy được. Tuy nhiên phải đến sơm một chút, vì ngày mai tôi sẽ đóng cửa sớm".

"Cô Lý, hết bao nhiêu tiền?". Chị ta mở ví, rút ra một tờ năm mươi tệ.

"Không cần đâu, ở hiệu của tôi hễ sửa xường xám đều được miễn phí". Tôi chỉ lên quy định ghi bên cạnh bảng giá trên tường rồi nói với chị ta.

"Vậy thì cảm ơn cô Lý, tôi đi nhé!", nói rồi người phụ nữ đó quay người bước đi.

Tôi thở phào một tiếng rồi đặt tấm kỳ bào vào trong ngăn kéo, sau đó đóng cửa hàng.

Khi đi ra khỏi cửa, tôi nhìn hai đầu phố theo thói quen, chỉ thấy hai phía đều vắng tanh không một bóng người. Cửa hiệu của tôi nằm chính giữa phố, từ đây đi đến ngã rẽ ở hai đầu ít nhất cũng phải năm trăm mét. Từ lúc đóng cửa xong đi ra đây cũng chỉ mất tới hai phút là cùng, bước đi của người phụ nữ đó cũng không lấy gì làm nhanh, vậy mà đã mất tăm chỉ trong chớp mắt.

Gió thổi khiến cho những tán cây hai bên đường kêu lên xào xạc, loáng thoáng có tiếng giày cao gót vang lên lộc cộc, nghe phát sợ trong đêm khuya thanh vắng. Tôi hơi hoảng hốt, hơi run.

"Lý Ảnh, đóng cửa rồi à? Hôm nay buôn bán chán quá! Cả ngày được có một ngàn tệ, cứ kiểu này sắp phải uống gió tây bắc mà sống rồi".

Tiểu Lý ở cửa hàng quà lưu niệm sát vách cũng đang khóa cửa lên tiếng chào tôi. Trong đêm khuya thanh vắng thế này, có thêm một người để nói chuyện cũng sinh động hơn nhiều.

Tôi cười đáp: "Hôm nay cũng tệ thật! Nhưng cô cũng phải biết là một ngày mưa thế này mà kiếm được một ngàn tệ là tốt lắm rồi. Hôm nay tôi cũng đóng cửa sớm hơn một chút, hôm qua ngủ không ngon, mệt chết đi được!". Tôi khẽ lắc đầu rồi lại nghiêng tai lắng nghe, ngoài tiếng gió thổi trên lá cây ra thì đâu đó vẫn còn tiếng giày cao gót. Tôi đành phải tự an ủi mình rằng chắc chắn là vì đêm qua không được nghỉ nên mới sinh ra ảo giác thôi.

Chương 2 - Giấc mộng kỳ lạ

Vì sao tôi đang khóc? Cổ họng co rút lại, trong lòng không thấy buồn thương, mà nước mắt lại không sao ngăn nổi. Vừa khóc tôi vừa nhìn khắp xung quanh, khi cúi đầu xuống bỗng phát hiện ra mình đang mặc một chiếc áo dính đầy máu tươi. Nhìn quanh gian phòng một lần nữa, đó không phải là phòng ngủ quen thuộc của tôi, khung cửa sổ được làm bằng gỗ, ánh trăng chiếu qua làm nổi bật chữ "Hỷ" cỡ lớn dán trên mặt cửa. Tôi đứng lên, phát hiện trên bàn đang trải rộng một tấm kỳ bào, tay lỡ, xung quanh gấu viền hoa, ngực áo là một đóa uất kim hương được thêu tay bằng chỉ màu, cửa tay bọc nẹp vàng màu vỏ quýt. Khuy trên cùng của tấm kỳ bào là một viên ngọc trai nhỏ tinh tế.

Sau khi tạm biệt Tiểu Lý ở đầu đường, tôi nhét tai nghe MP3 vào tai mình.

Giọng ca nhẹ nhàng và vui nhộn của Thái Y Lâm ngay lập tức rót đầy vào màng nhĩ. Tôi vẫn thường thích mở âm lượng to hết cỡ, như vậy sẽ không nghe thấy một chút tạp âm nào bên ngoài, cảm giác như mình đang ở trong một buổi hòa nhạc vậy. Nghe nhạc, nhất là nhạc Thái Y Lâm, nếu mở âm thanh nhỏ sẽ rất loãng. Tôi bước đi theo tiết tấu của bài "Hải tặc", thực ra trong tính cách của tôi không phải là không có những tế bào theo thiên hướng sôi động. Từ nhỏ mẹ đã dạy tôi nhiều lễ nghi truyền thống của người Trung Quốc, đều là những điển hình mà các bậc trưởng bối đem ra để dạy trẻ con, kỳ thực bọn họ không biết rằng tôi cũng muốn được như bọn họ, không bị trói buộc bởi các tiểu tiết, muốn thể hiện bản thân mình.

Con đường này hễ qua tám giờ là trở nên vắng bóng người, vì thế có thể coi như đường của riêng tôi.

Tôi nghĩ động tác của tôi lúc đó chắc chắn cực kỳ khôi hài, thử tưởng tượng xem, một người con gái đi giày da đế nhọn lại nhảy nhót như điên, sẽ là hình ảnh thế nào? Dù việc tôi nghe nhạc cũng là hành động hơi kỳ quái, song điều duy nhất đáng mừng là tôi không giống như đám người nào đó, cứ hát rống lên một cách phóng túng theo tiếng nhạc. Trước đây tôi cũng hát ra lời, nhưng từ sau cái lần ngồi trên xe buýt nghe thấy một gã trai hát như tiếng lợn kêu, tôi mới biết việc hát theo MP3 kinh dị tới mức nào, quả là cưỡng dâm thính giác, thậm chí là cưỡng dâm tập thể. Từ đó trở đi, mỗi lần nghe nhạc tôi thường cố kiềm chế để mình không hát theo thành tiếng.

Một đêm như thế này, may mà những cây ngô đồng bên đường che khuất nên cũng không cần phải lo sẽ có người trông thấy bộ dạng điên khùng, xấu xí của tôi. Đúng lúc tôi đang nghe tới mức linh hồn cũng sắp bốc lên theo tiếng nhạc thì bỗng thấy vai trĩu xuống, cảm giác như có một vật gì đó lạnh ngắt đặt lên trên, hơi lạnh lập tức xuyên qua lớp áo lụa mỏng thẩm thấu vào tận trong xương cốt. Tôi gần như nhảy vọt lên, kinh hoàng quay đầu lại, chiếc tai nghe bên trái tuột khỏi tai, buông lủng lẳng trước ngực.

Một người con gái đứng trước mặt tôi, tóc búi cao, khuôn mặt xinh đẹp, hai cánh tay để trần trong gió trông trắng trẻo mịn màng. Nhìn theo cánh tay ấy, tôi nhận ra nguồn cơn của cái lạnh trên vai mình, chính là tay trái của cô ta. Trên miệng cô ta vương một nụ cười, đôi mắt giống như hai trái nho chín mọng ngâm trong nước, khi cười tạo thành những gợn sóng lăn tăn xao động cực kỳ quyến rũ. Người này chẳng phải là người vừa mới vào cửa hiệu của tôi để sửa chiếc xường xám hay sao? Tôi thở phào một tiếng, tay trái khẽ vỗ lên ngực để điều chỉnh lại hơi thở đang rối loạn vì hoảng sợ:

"Làm tôi chết khiếp! Tôi còn tưởng là ai đó kia. Phải rồi, ban nãy quên mất không hỏi tên chị là gì?".

Tôi chợt nhớ ra vừa rồi quên mất không hỏi chị ta tên gì, với tính cách cực kỳ cẩn thận của tôi thì đây là một lỗi rất hiếm khi gặp, tôi cảm thấy hơi xấu hổ, còn lo sẽ để lại ấn tượng xấu đối với khách hàng vì sự qua loa sơ sài này.

"À, chồng tôi họ Lạc, chữ Lạc trong Lạc Đà. Thật lòng xin lỗi vì đã làm cô sợ. Tôi đứng bên đường gọi mấy tiếng mà cô không nghe thấy ư?". Cô ta cười rụt rè, nhấc bàn tay trái khỏi vai tôi rồi đưa lên vuốt vuốt sợi tóc mai để che đi sự bất an trong lòng, khuôn mặt mang vẻ xấu hổ của một cô gái mới chừng mười bảy mười tám tuổi.

Thấy vẻ áy náy ấy, tôi trái lại còn cảm thấy ngạc nhiên vì sự hoảng hốt ban nãy của mình, liền chỉ vào chiếc tai nghe MP3 trước ngực, đồng thời xoa dịu:

"Chị Lạc, không sao đâu, con người tôi có lúc hơi biểu hiện quá lên như vậy. Cũng không có gì đáng sợ, con đường này tôi cũng đã đi mòn cả ra rồi, có trách chỉ thì trách tôi để nhạc MP3 to quá!".

"Cô Lý thật biết cách an ủi người khác!".

"À...", lời nói tắc tịt, tôi vốn không phải người hoạt ngôn, vốn không bao giờ nói được những câu tâng bốc khách hàng. Chỉ đành bắt chước người phụ nữ kia, xoa xoa tay lên đầu rồi hỏi:

"Muộn như vậy rồi, chị Lạc còn chưa về ư?".

"Tôi đợi xe!". Cô ta vươn người nhìn ra đầu đường.

"Đợi xe? Đây chẳng phải là bến xe buýt ư?".

Vừa nói xong tôi liền thấy buồn bực, thấy ghét bản thân mình. Hôm nay làm sao thế nhỉ, sao mồm miệng toàn làm việc nhanh hơn não. Một thiếu phụ trông sang trọng thế này chắc phải có một người chồng giàu có, làm sao chen chúc trên xe buýt được?

"Chồng tôi đang cho tài xế đến đón. Cô Lý sống ở đâu, hay là lát nữa tiện đường tôi đưa về luôn?".

"Cảm ơn chị Lạc, nhà tôi ở ngay đằng trước kia rồi. Đáng lẽ phải mời chị qua đó uống cà phê, nhưng vì chị Lạc đang đợi người, nên tôi đi trước nhé, không làm phiền chị nữa!".

"Được rồi, tạm biệt cô!".

"Hẹn gặp lại chị!".

Cửa hiệu xường xám nằm cách nhà tôi chỉ chừng ba mươi phút đi bộ, đi hết đường lớn, quặt vào một ngã rẽ rồi đi thêm khoảng năm mươi mét là đến nơi tôi ở, khu đô thị Thần Thái. Vừa bước vào trong khu nhà, đột nhiên trong lòng cảm thấy có điều gì đó kỳ quái mà không hiểu tại sao, tôi liền quay đầu lại nhìn ra ngoài đường. Cách đó hai chục mét đã không còn nhìn thấy bóng dáng người thiếu phụ họ Lạc kia đâu. Mới rồi khi nói chuyện với chị ta, tôi đã tắt nhạc đi, ở một khoảng cách gần như vậy mà không hề nghe thấy tiếng động cơ hay tiếng phanh xe dừng lại, sao mà mới đó đã không thấy đâu rồi? Tôi dụi dụi mắt, thấy phía trước vẫn là một khoảng vắng lặng không một bóng người. Còn đang ngẩn ngơ thì chú Trần, nhân viên gác cổng ở chung cư đã lên tiếng:

"Tiểu Ảnh, về rồi đấy à?".

"Vâng! Chú Trần hôm nay trực đêm ư?".

"Ừ, Tiểu Ảnh, mới rồi cháu làm gì ở đằng đó thế? Đứng đây thấy cháu cứ đứng yên một mình mãi, chú còn tưởng có chuyện gì kia. Nếu như cháu không đi về đây, chắc chú đã phải chạy ra xem có chuyện gì rồi".

"Ở đâu ạ?".

Tôi giật thót người, phòng bảo vệ khu đô thị nằm đối diện với con đường mà tôi vừa đi qua, bây giờ là buổi tối, khoảng cách hai mươi mét thì có thể nhìn thấy tôi rất rõ, thậm chí xa hơn cũng vẫn nhìn thấy được. Thế nên mới rồi tôi đứng trên đường nói chuyện với thiếu phụ họ Lạc, chú Trần không thể chỉ trông thấy tôi mà không nhìn ra chị ấy.

"Ở chỗ đó ấy, cạnh bụi hoa hồng kia kìa!".

Tôi giật mình, chú Trần không nhìn thấy chị Lạc thật ư? Chị ấy mặc áo màu trắng, nếu như nhìn thấy tôi thì không thể nảo lại không nhìn thấy chị ấy được. Tôi đành tự an ủi mình, người phụ nữ đó thấp hơn tôi chừng năm phân, có lẽ tầm nhìn của chú Trần đã bị tôi che khuất. Cũng có thể là thị lực của chú Trần không tốt lắm. Tôi tặc lưỡi cho qua, sau khi chào tạm biệt chú Trần bèn cất máy nghe nhạc vào trong túi, sợ lại gặp chuyện gì kỳ quái nữa.

"Bà ơi, cháu về rồi!".

Hàng ngày, việc đầu tiên khi về đến nhà và việc cuối cùng tôi làm khi ra khỏi cửa là chào bà nội.

"Mau đi tắm đi, mồ hôi ướt hết áo rồi, mùi hôi chết đi được".

Bà nội là một người ưa sạch sẽ, mỗi khi tôi đi ra ngoài quay về thế nào cũng phải tắm, dù chỉ đi có nửa giờ cũng vậy. Lũ bạn tôi đều biết chuyện này nên phần lớn không thích đến nhà tôi chơi, bởi lần nào bà cũng chỉ đạo ngồi thế này không được, ngồi thế kia không được. Ngay cả tôi nhiều lúc còn không chịu được sự gò ép đó của bà chứ đừng nói là mấy đứa bạn, thế nên ở nhà thường chỉ có hai bà cháu, vắng tanh vắng ngắt. Nếu tính chi li ra, thì sự sạch sẽ của bà chỉ bắt đầu có từ sau khi ông nội biệt tăm.

Lúc tắm xong đi ra, bà nội đưa một nén hương cho tôi. Bà theo đạo Phật nên trong nhà có thờ một bức tượng Bồ Tát, nói là để trừ tà, cầu bình an. Bà còn bắt tôi hàng ngày mỗi khi về nhà phải thắp một nén hương, bản thân bà thì đều đặn như cơm bữa không bao giờ quên một buổi, bởi vậy trong phòng khách nhà tôi bốn mùa đều tràn ngập mùi đàn hương. Thắp hương xong, tôi ngồi xuống ghế sa lon xem ti vi cùng bà. Nghĩ đến việc hôm nay gặp chiếc áo xường xám truyền kỳ đó, lại thấy trong lòng ngứa ngáy, muốn hỏi nhưng không dám hỏi, cuối cùng thì sự tò mò vẫn chiếm thế thượng phong. Tôi ngồi dịch lại gần bà.

"Dạo này đang có mốt phục cổ bà ạ, những người đến cửa hiệu đặt may xường xám đều không thích mấy kiểu dáng mới nữa".

Tôi giả bộ nói một cách hết sức tình cờ, liếc mắt nhìn trộm phản ứng của bà.

"Vậy thì cháu làm theo mấy kiểu dáng cũ cho họ", trông bà nội rõ ràng là đang buồn ngủ, nói xong liền ngáp.

"Bà ơi, bà bảo là ông chưa từng nhìn thấy tấm kỳ bào đó ư?". Tôi sợ bà vào giường đi ngủ nên không quanh co làm gì nữa, hỏi thằng vào vấn đề.

"Tấm kỳ bào nào?".

"Chính là Tần Hoài đăng ảnh thanh kỳ bào ấy!".

"Lại nhắc đến cái thứ đó, bà đã bảo cháu là không được nhắc đến nó nữa cơ mà!".

Bà sầm mặt lại, gỡ cánh tay tôi đang ôm vòng quanh lưng mình ra rồi ngồi dịch sang đầu bên kia của ghế sa lon, khuôn mặt nặng nề u ám. Chỉ có khi cực kỳ tức giận bà mới không thèm để ý đến tôi như vậy, tôi thụt thụt đầu lưỡi, tự rủa mình nóng vội.

"Được rồi, được rồi, cháu không nhắc đến nữa được chưa? Bà không được giận nữa nhé! Sẽ có thêm nhiều nếp nhăn, già thì không đẹp nữa đâu. Cháu đi ngủ trước đây, ngày mai còn phải dậy sớm nữa". Tôi trơ mặt xông đến ôm chặt lấy bà, ghé sát môi vào má bà rồi hôn một cái. Có vẻ như cơ thể đang cứng ngắc của bà mềm dịu lại hơn một chút, người bà thương nhất là tôi, hễ khi nào bà giận, tôi chỉ cần nũng nịu một chút là bà hết bực ngay.

"Nha đầu chết tiệt, lại trêu chọc bà già này. Mau đi ngủ đi! Nhớ đóng cửa sổ vào đấy!".

Bà dùng ngón tay trỏ dí vào trán tôi với vẻ yêu chiều. Nhìn thấy khuôn mặt bà đã quang đãng, tôi thở phào một hơi nhẹ nhõm. Dù rằng thường ngày không nói ra, nhưng tận đáy lòng bà thật sự không muốn nghe bất cứ chuyện gì liên quan đến ông nội tôi. Thế nên dù có tò mò đến mức nào, tôi cũng đành nuốt ngược vào trong bụng.

"Cháu biết rồi!".

Đóng cửa phòng ngủ lại, tôi nhảy phắt lên giường, duỗi tấm lưng mỏi nhừ ra một cách khoan khoái: "Nhớ sự ấm áp của mày thật đấy!".

Chiếc giường mềm mại quả thực vô cùng dễ chịu, mùi đàn hương bên ngoài phòng khách lọt qua khe cửa bay vào, dường như mang theo cả hơi thở của Phật, khiến tôi nhanh chóng chìm sâu vào giấc ngủ.

Vì sao tôi đang khóc? Cổ họng co rút lại, trong lòng không thấy buồn thương, mà nước mắt lại không sao ngăn nổi. Vừa khóc tôi vừa nhìn khắp xung quanh, khi cúi đầu xuống bỗng phát hiện ra mình đang mặc một chiếc áo dính đầy máu tươi. Nhìn quanh gian phòng một lần nữa, đó không phải là phòng ngủ quen thuộc của tôi. Khung cửa sổ được làm bằng gỗ, ánh trăng chiếu qua làm nổi bật chữ "Hỷ" cỡ lớn dán trên mặt cửa. Tôi đứng lên, phát hiện trên bàn đang trải rộng một tấm kỳ bào, tay lỡ, xung quanh gấu viền hoa, ngực áo là một đóa uất kim hương được thêu tay bằng chỉ màu, cửa tay bọc nẹp vàng màu vỏ quýt. Khuy trên cùng của tấm kỳ bào là một viên ngọc trai nhỏ tinh tế. Kích cỡ viên ngọc trai đó chừng bằng móng tay út, màu đã hơi ngả vàng.

Ấy, đây chẳng phải là chiếc "Tần Hoài đăng ảnh thanh kỳ bào" mà thiếu phụ học Lạc đó đã mang đến nhờ tôi sửa hay sao? Ở một không gian xa lạ như thế này lại trông thấy một vật tạm coi là quen thuộc, tôi thấy lòng mình cũng bình tĩnh lại.

"Két...".

Cánh cửa gỗ bị ai đó đẩy ra. Một cô gái chừng mười tám mười chín tuổi bước vào, mái tóc được tết theo kiểu thời Dân quốc, mặc bộ quần áo màu đỏ hệt như máu trên người tôi. Thấy tôi, cô ấy liền nói:

"Tiểu thư mau trang điểm đi, trời sắp sáng rồi!".

"Không!".

Tôi hét toáng lên, đây là cái nơi quỷ quái nào vậy? Tôi đang ở đâu đây? Lẽ nào, lẽ nào tôi vừa ngủ đã đi ngay vào một đường hầm thời gian? Nhưng tôi không có tiền ở đây, với lại còn một mình bà tôi thì ai chăm sóc?

"Tiểu thư, tiểu thư đừng nghĩ đến chuyện đó nữa! Đây là số mệnh!".

Cô gái đó mắt đã đỏ hoe, nước mắt chỉ chực tuôn rơi. Tôi càng không hiểu ra làm sao cả, đây là nơi đâu? Vì sao tôi cảm thấy xa lạ đến thế? Nhưng mà không khí đang chuyển dịch quanh đây vì sao lại có vẻ quen thuộc mà bi thương như vậy chứ?

Cô gái đó bắt đầu chải tóc cho tôi, vừa chải vừa lẩm bẩm:

"Đã chải thì chải đến cuối cùng...".

"Dừng lại, tôi không cần cô chải tóc cho tôi, cô cho tôi ra khỏi đây!".

Cảnh tượng này thực sự quá đáng sợ, nước mắt của cô ta như đang tuyên bố một bi kịch nào đó, nó khiến người ta đau lòng tới mức không sao dừng lại được. Tôi đẩy cô ta ra rồi đứng dậy.

"Tiểu thư, một lúc nữa là kiệu hoa của nhà họ Trần đến rồi, tiểu thư không thể không xuất giá. Đây là số mệnh của những người con gái trong nhà chúng ta, không thể nào tránh được. Cuộc hôn nhân này đã được định đoạt từ khi tiểu thư còn nhỏ, tiểu thư hãy nghĩ lại đi. Chuyện của tiểu thư và Liễu thiếu gia không thể nào thành được đâu, hơn nữa anh ta nghèo như vậy, có thể đem lại một cuộc sống tốt cho tiểu thư hay không?".

Đứa con gái xấu xa đó muốn kéo tôi lại, tôi hất tay cô ta ra rồi túm váy lên, bỏ chạy ra ngoài song cũng không biết chạy đi đâu. Trong bóng tối mờ mờ dường như có ai đó đang dẫn dắt con người tôi, trái tim tôi, thậm chí đến cả nước mắt của tôi cũng bị kiểm soát, nó tuôn ra một cách tự nhiên, không biết vì sao mình lại đau buồn đến vậy. Chạy xuyên qua một rừng cây, trước mặt đã là con sông rộng mênh mông, hai bên bờ đèn hoa rực rỡ, trên sông là vô số thuyền đánh cá, phía chân trời hơi phớt một màu xám tro. Trời đã sắp sáng rồi, nhưng đây là đâu kia chứ? Tôi thở dốc, trong khoảng rừng đen sẫm phía sau đã thấp thoáng ánh đuốc như những vì sao đang dịch chuyển, loáng thoáng có tiếng người kêu thét: "Bắt nó lại, không cho nó chạy!".

Khi tôi còn đang ngẩn ra thì một đám đông đã lao tới trước mặt. Một người đàn ông lớn tuổi chỉ tay vào tôi run run nói:

"Người là đồ bất hiếu, sau này nhà chúng ta biết đối mặt với nhà họ Trần thế nào đây?".

Ông ta vừa nói xong, đã vung tay tát tôi một cái khiến tôi ngã sóng xoài ra đất. Cơn đau từ trên má bắt đầu lan đi, tôi trợn tròn mắt định mắng lại ông ta.

"Không, con không lấy anh ta! Suốt đời cha chỉ quan tâm đến mỗi cái thể diện, cha hãy gả cái thể diện đó cho anh ta là được rồi!".

Một giọng nói vang lên bên cạnh tôi, quay đầu nhìn sang, tôi nhận ra không biết từ khi nào đã có thêm một thiếu nữ khác, khuôn mặt thanh tú, trên người mặc bộ áo cưới mà tôi vừa mặc. Cúi đầu nhìn xuống, trên người tôi đã lại là bộ quần áo ngủ của mình.

"Ngươi, ngươi, ngươi!". Người đàn ông đó tức giận tới mức không nói được nên lời, lại vung tay tát thêm cái nữa.

"Con có chết cũng sẽ không lấy anh ta!".

Thiếu nữ nói xong liền quay người nhảy xuống sông. Tôi đưa tay ra muốn giữ cô ấy lại, nhưng bàn tay đã vuột qua góc vạt áo, không làm sao giữ được, kinh hãi trơ mắt ra nhìn cô ấy rơi thẳng xuống sông. Ánh đèn ở hai bên dường như tối lại, trên bờ bỗng nhiên rơi vào một khoảng lặng vô thanh, ngay cả người đàn ông mới rồi còn hùng hùng hổ hổ cũng đột nhiên bạc nhược ngồi sụp xuống.

Mặt sông vỡ toang ra làm nước bắn tóe cả lên mặt tôi, trong chớp mắt người thiếu nữ đã chìm xuống nước, tấm áo tân hôn cô ấy mặc trên người còn dập dềnh trong chốc lát rồi cũng mất hút không nhìn thấy nữa. Tôi vừa khóc vừa gào lên:

"Đừng...".

"Tiểu Ảnh, Tiểu Ảnh, cháu làm sao thế? Mơ thấy ác mộng à?". Là tiếng của bà nội, tôi mở to hai mắt, thấy bà đang ngồi trên đầu giường, dùng khăn thấm nước lau mồ hôi trên trán cho tôi.

Vẫn chưa hoàn toàn tỉnh hẳn khỏi cơn mộng dữ, tôi khẽ thì thầm:

"Không sao đâu bà! Chỉ là một giấc mơ thôi".

Tim đập thình thịch, mồ hôi lạnh không ngừng túa ra, tôi nhõm dậy đi vào nhà tắm rửa mặt, thấy ngực mình vẫn phập phồng dữ dội.

Khi quay về phòng ngủ, đi ngang qua phòng khách, ngửi thấy mùi đàn hương, nhìn thấy hai ngọn đèn được làm thành hình ngọn nến thắp hai bên bức tượng Quan Âm, lòng tôi chợt yên ổn lại. Lúc ấy mới hiểu vì sao bà lại theo đạo Phật, hóa ra tín ngưỡng có khi cũng là một sự gửi gắm, có thể giúp chúng ta xua đi những thứ vướng bận trong lòng.

Thấy hương trong bát đã gần cháy hết, tôi lấy ra ba que mới rồi châm lửa đốt.

Khói hương cuộn bay lên, những nỗi sợ hãi trong giấc mộng cũng dần dần tiêu tán theo làn khói mỏng.

Chương 3 - Ảo giác

Vân Phong đưa tôi về, khi đi qua bụi trúc rậm rì ấy, tôi loáng thoáng nghe thấy tiếng giày cao gót, còn tưởng rằng Thanh Lâm đi theo tiễn chúng tôi, nhưng khi quay đầu nhìn lại chỉ thấy một bóng người màu trắng đứng ở đầu bên kia vườn trúc, trông hơi quen nhưng không phải Thanh Lâm, cũng không phải Hà phu nhân. Vân Phong thấy tôi quay đầu lại, cũng quay theo nhìn ra đó nói: "Em nhìn gì thế? Có ai đâu."

Đêm hôm đó tôi ngủ không yên giấc, cơn mộng mị ấy cứ trở đi trở lại. Nhưng khi tỉnh dậy, cảm giác ký ức rất mơ hồ, nhất là cô dâu khóc lóc rồi nhảy xuống sông đó, cố thế nào cũng không thể nhớ ra khuôn mặt.

Trời vừa sáng tôi đã đến cửa hàng, đây là lần sớm nhất kể từ khi bắt đầu mở hiệu. Chưa tới mười giờ tôi đã khâu xong chiếc kỳ bào mà thiếu phụ họ Lạc kia mang đến. Làm thêm mấy việc lặt vặt khác nữa, cũng vẫn chưa tới mười hai giờ. Vì đêm qua ngủ không ngon giấc nên vừa làm được mấy việc tôi đã cảm thấy mệt mỏi, bèn pha một cốc trà rồi nằm xuống ghế mây. Ánh nắng mặt trời bên ngoài cửa hiệu chiếu thẳng vào trong, rải một lớp vàng trên quần áo. Tôi nhìn những bộ xường xám treo trên giá, liên tưởng tới những cảnh mộng còn lưu lại trong trí nhớ của mình, sau đó tôi lục tìm lại trong đống áo xống chiếc xường xám cổ trong truyền thuyết, lòng chợt dậy lên một cảm xúc vô cùng phức tạp.

Trước khi trông thấy nó, tôi từng mơ sẽ được nhìn thấy nó không biết bao nhiêu lần. Nhưng giờ phút này, khi nó được treo trong đống hàng mẫu kia, tôi lại nhận ra nó vốn không có điểm gì nổi bật. Nói về màu sắc, nó không tươi sáng bằng màu hồng đào, độ thuần khiết không bằng màu trắng bạc, độ nhã nhặn không bằng tím phớt. Luận về kiểu dáng cũng không thể bằng kiểu dáng tân thời, nhiều dáng xường xám ngày nay có thể coi là cổ kim kết hợp, những tấm áo dài được pha trộn với yếu tố hiện đại trông sinh động không hề ít. Nếu là áo dài thì mặc vào trông tao nhã, áo ngắn trông vui tươi, nhất là cũng không cầu kỳ về vóc dáng như khi trước. Dù là ở sân bay, cũng có thể tìm thấy một tấm xường xám phù hợp với vóc người mình, mặc vào cũng duyên dáng như thể được may đo.

Thế nên tôi mới thấy hơi thất vọng, nói cho cùng thì nó từng là mơ ước của ba thế hệ trong gia đình tôi, in dấu trong tâm trí chúng tôi suốt mấy chục năm. Nhìn thấy nó, tôi coi như đã hiểu được thế nào là hy vọng càng lớn thì thất vọng càng nhiều. Thứ mà nó hơn những chiếc xường xám khác có chăng chỉ là trải nghiệm thời gian. Cũng giống như tứ đại mỹ nhân thời cổ, người người đều gán cho họ những lời tán dương đẹp nhất, khiến các cô gái đẹp thời nay cũng không thể nào thoát được khỏi dấu ấn mà họ đã để lại với thời gian. Những từ ngữ mà người ta dùng để hình dung về những cô gái đẹp ngày nay cũng chỉ là cơm thừa canh cặn mà họ đã dùng qua. Có lẽ, nếu như bọn họ thực sự đi ra từ lịch sử, thì cũng chỉ trông hết sức tầm thường mà thôi.

Tôi ngồi tựa vào chiếc ghế mây bùi ngùi mất một lúc lâu. Nghĩ đến ông nội lại thầm cảm thấy sự ra đi của ông không chừng cũng có dính dáng đến chiếc áo xường xám này. Có thực là ông chưa từng trông thấy chiếc áo không? Nếu như một ngày ông nhìn thấy nó, liệu ông có cảm thấy sự theo đuổi suốt một đời mình quả là không đáng, như tôi đang cảm thấy lúc này hay không? Nghĩ tới những tháng năm uổng phí vì nỗi ám ảnh ấy, liệu ông có hối tiếc?

Tôi nhắm mắt lại, liền trông thấy đôi mắt hiền từ của ông. Dù rằng bà nội đã đốt hết tất cả các tấm ảnh cũ, nhưng tôi vẫn nhớ được khuôn mặt lẫn dáng vẻ của ông. Tôi tin chắc rằng ông vẫn đang sống trên thế gian này, cuối cùng cũng sẽ có một ngày ông quay về bên cạnh chúng tôi.

Chừng năm giờ chiều, cửa hàng vắng vẻ nên tôi bò toài trên quầy thu ngân ngủ gật.

"Kính coong!". Tiếng chuông gió vang lên giòn tan bên ngoài cửa. Tôi ngẩng đầu nhìn lên, thấy một đôi trai gái đứng ngược sáng đang đẩy cửa đi vào. Nam thanh niên đó hất mái tóc buông rủ trước trán với điệu bộ hết sức cẩu thả.

"Chị, em đến mượn mấy chiếc xường xám!", nói rồi cậu ta tự mình lật giở hàng mẫu bầy bên trong cửa hiệu, thái độ không hề có vẻ khiêm nhường của người đến mượn, thậm chí còn tùy tiện hơn cả đến cửa hàng của chính mình.

Nó là đứa em trai cùng cha khác mẹ với tôi, An Úy Bân, chỉ nhỏ hơn tôi ba tháng tuổi, là con riêng của bố tôi, qua đó có thể đủ thấy bố tôi đa tình thế nào. Khi còn nhỏ tôi hận ông ấy vô cùng, nhưng lúc tôi được ba tuổi ông ấy đã chết trong một tai nạn máy bay, từ đó tôi không còn cảm giác thấy nỗi hận thù vốn chất đầy trong lồng ngực nữa, tôi cũng không biết trút bầu tâm sự ra đâu, đành uất ức tích lại trong lòng. Sự sống dù đã sớm kết thúc, song nỗi đau mà ông để lại cho tôi vẫn kéo dài tới tận bây giờ.

Người đi cùng ông trong chuyến bay đó là mẹ của đứa em này, khi đó là một minh tinh màn bạc nổi tiếng. Cho tới tận hôm nay tôi vẫn không hiểu tại sao bà ấy lại thích bố tôi, mặc dù ông cũng có thể coi là đẹp trai, nhưng lại không hề giàu có, chỉ là một nhà biên kịch giỏi ăn nói. Vậy mà bà ấy đã chấp nhận từ bỏ hết danh lợi để sinh con cho ông. Đó là tình yêu ư? Vậy thì mẹ tôi được coi là gì? Sau khi bố tôi chết, mẹ luôn chìm đắm trong buồn bã, cuối cùng mắc chứng trầm cảm rồi tự sát. Cho đến tận lúc chết bà vẫn yêu bố tôi – người đàn ông đã thay lòng đổi dạ ấy. Ba người bọn họ ai cũng yêu tới mức điên cuồng. Bố tôi và người phụ nữ kia thì bất chấp tất cả điều tiếng của thế tục để được ở bên nhau, còn mẹ tôi thì sao? Yêu tới mức nhẫn nhịn tất cả, yêu đến phát điên, đến ngay cả tôi, giọt máu duy nhất cũng không sao giữ nổi bà ở lại.

Bà nội rất mực yêu mến một người con dâu như mẹ tôi, thế nên khi biết đến sự tồn tại của đứa chái Úy Bân này, bà nhất quyết không đồng ý để nó bước vào cửa nhà họ Lý, thậm chí không cho phép nó mang họ Lý. Ngay đến cả bố tôi cũng bị bà đuổi khỏi nhà. Khi ấy, trong mắt những người cùng thế hệ, hành động đó được coi là không thể nào tưởng tượng nổi, bởi vì Úy Bân là đứa cháu trai duy nhất của bà, là người nối dõi tông đường nhà họ Lý. Thế nên hồi đó cũng có rất nhiều lời đồn đại, phổ biến nhất là luận điệu bố tôi không phải con đẻ của bà.

Thậm chí đến sau khi ông nội tôi bỏ nhà đi, cũng có rất nhiều lời đồn đoán được thêu dệt, chẳng hạn như ông bỏ đi vì không chịu được sự chuyên chế và lòng dạ rắn độc của bà. Sự phong lưu của bố tôi ban đầu bị người ta khinh rẻ sau cũng trở thành thứ để bọn họ cảm thông, nên đối tượng bị chỉ trích đã trở thành bà nội và mẹ tôi. Người đời thêm thắt đặt điều, thế nên hai năm sau ngày ông nội bỏ đi, bà mang theo tôi, dùng tiền tích cóp cả đời mua một căn nhà khác, tránh xa cái không gian sống quen thuộc cũ.

Hồi nhỏ tôi cực kỳ căm ghét đứa em trai này, bởi vì chính mẹ nó là người đã khiến gia đình tôi tan vỡ.

Khi bắt đầu đi học, bà nội lo tôi vì chuyện của gia đình mà bị người ta khinh rẻ ở trường, thế nên cố tình cho tôi theo học tại một trường trái tuyến không ai quen biết. Đúng là oan gia ngõ hẹp, tôi vô tình học cùng lớp với An Úy Bân, dường như đó là sự chủ định rằng cuộc đời tôi và nó sẽ còn dính dáng đến nhau.

Nó mang họ An của mẹ. Sau khi bà ấy chết, nó được gia đình nhà ngoại nuôi dưỡng, dù bên đó giàu có, nhưng lại thiếu thốn tình cảm. Chúng tôi vẫn biết thân phận của nhau, nó cũng luôn muốn tiếp cận với tôi, nhưng tôi thường xuyên gây mâu thuẫn. Tôi ghét xuất thân của mình, mỗi lần nhìn thấy bọn bạn học được bố mẹ yêu chiều đưa đón, sự căm ghét của tôi với nó lại tăng lên thêm một chút. Khi lớn hơn, mới chớm biết yêu, có đứa bạn cùng lớp trêu:

"Tiểu Ảnh, trông khuôn mặt cậu với Úy Bân nhang nhác giống nhau, cả hai lại cùng mồ côi cha mẹ, cũng coi như là môn đăng hộ đối, từ nhỏ hắn lại bám riết sau lưng cậu hệt như con ký sinh trùng, hê hê...".

Đứa bạn học đó cười đầy ý tứ sâu xa, còn chưa nói hết câu đã bị tôi lao đến nện cho một trận tơi bời. Từ đó trở đi, không đứa nào dám trêu chọc tôi nữa, còn nó, vẫn cứ lẵng nhẵng bám theo tôi như trước, có khi tôi tức điên lên được, những câu từ độc địa nhất đều nói ra miệng. Sau này nghĩ lại, vẫn còn may, nó không vì thế mà rời bỏ tôi.

Cho đến năm chúng tôi mười sáu tuổi, mới bước vào năm đầu trung học. Lần đó cả lớp đi chơi tết ở Hàng Châu, tôi và đứa bạn gái vì mải chơi, không cẩn thận nên ngã xuống Hồ Tây. Cả một đám trẻ mới lớn đứng đó bó tay không biết làm thế nào, chỉ có mình nó không kịp nghĩ ngợi gì đã nhảy ào xuống nước để cứu tôi, mà nó không những không biết bơi, lại còn mắc chứng sợ nước dạng nhẹ. Cuối cùng, chúng tôi được người qua đường cứu sống. Con người vốn là động vật có tình cảm, vào cái khoảnh khắc mà Úy Bân nhảy xuống nước ấy, tôi thực sự cảm động. Cũng bắt đầu từ khi đó, tôi mới thừa nhận nó là em mình, tình cảm cũng ngày càng tốt đẹp lên, tuy nhiên trong đám bạn thân, ngoài Hà Thanh Lâm ra thì không ai biết quan hệ giữa chúng tôi. Để bà nội cũng thừa nhận Úy Bân, tôi thường nói tốt cho nó những lúc thì thầm to nhỏ với bà, song đã gần mười năm rồi mà tất cả sự nỗ lực của tôi vẫn uổng công, bà không chịu coi nó là cháu nội. Hễ nói nhiều, bà sẽ sa sầm mặt xuống mà nói:

"Bà sẽ vĩnh viễn không bao giờ quên được vì sao mà mẹ cháu lại ra đi".

Câu nói ấy đúng là thứ vũ khí giết người, là vết thương không bao giờ chữa khỏi trong tâm hồn chúng tôi. Khi bà nói ra, nó đau. Khi lọt vào tai tôi, lại càng đau. Thế nên tôi cũng không miễn cưỡng mong họ sẽ sống cùng với nhau trong phần đời còn lại nữa. Chỉ cần bọn họ đều sống khỏe mạnh đến trăm tuổi, là tôi đã cảm thấy thỏa mãn rồi.

Những lúc muốn tìm tôi, Úy Bân chỉ có thể đến cửa hiệu này.

Hồi đại học, Úy Bân học nhiếp ảnh, còn tôi học thiết kế. Hiện giờ nó cũng mở một studio ở nhà, thường đến đây mượn trang phục của tôi. Tuy nhiên cũng phải nói thực, tôi có thể mở cửa hiệu xường xám này, ngoài sự giúp đỡ của Thanh Lâm và Vân Phong, thì một phần khách đến đây cũng bắt nguồn từ nó.

Trừ bà nội ra, ba người này là ba người tốt nhất với tôi, cũng đồng thời là ba người quan trọng nhất trong cuộc đời tôi.

Tôi cười, nói đùa với Úy Bân: "Trang phục ở cửa hiệu này không cho mượn, chỉ bán. Tuy nhiên vì là chỗ người quen, nên chị sẽ cho em thuê, về giá cả thì cũng sẽ ưu đãi chút ít".

"Xì, chị gái của em mà lại nhỏ nhen đến thế à? Cứ như trong mắt chỉ có tiền thôi ấy!". Vừa nói, nó vừa đi đến giá treo xường xám để chọn đồ, sau đó tiếp tục ba hoa:

"Gần đây không biết ở đâu ra cái mốt phục cổ, bao nhiêu người đến studio chụp ảnh đều nói muốn mặc xường xám, y phục đời Đường hay xiêm áo trong cung cái gì gì đó. Chị, lúc nào rỗi may cho em mấy bộ đời Đường có được không? Ừm, còn cả xiêm áo trong cung cũng cần, con mắt nghệ thuật và tay nghề của chị thì em yên tâm rồi".

"Em đừng có mà lừa gạt chị, lúc này cần giúp thì mới gọi một tiếng chị, còn khi không có việc gì lại Đại Ảnh, Tiểu Ảnh gọi bừa ra. Hơn nữa, chỗ chị là cửa hiệu xường xám, may những thứ đó ra rồi lại đủ thể loại đến tìm, thượng vàng hạ cám hỗn loạn cả lên. Chỉ được cái xúi giục người ta!".

Tôi đứng dậy đi ra bình đun nước, pha hai cốc trà đưa cho Úy Bân và cô gái đi cùng với nó: "Em uống nước đi, cứ xem thoải mái! Trong cửa hiệu hơi lộn xộn, ngày thường có mỗi mình chị lo liệu nên cũng chẳng có thời gian rỗi để thu dọn, em chịu khó một chút nhé!".

"Chị, gọi cô ấy là Tiểu Cổ được rồi!", Úy Bân ngước mắt lên, tiếp lời tôi:

"Hơn nữa, kinh doanh gì mà lại cứng nhắc thế này. Cũng là may áo xống, khả năng thì vẫn vậy, giờ chỗ nào chẳng treo đầu dê bán thịt chó, chị làm sao mà phải thật thà đến vậy?".

Nghe xem, nói năng kiểu gì thế? Tính cách của nó vẫn thẳng thắn như thế, có việc đến tìm tôi giúp mà cũng chẳng thèm nói mấy câu dễ nghe hơn một chút, khiến tôi dở khóc dở cười. Tuy nhiên ai bảo tôi chỉ có một đứa em trai này cơ chứ? Tôi cười lắc đầu, không thèm để ý đến nó nữa.

"Cảm ơn chị!". Tiểu Cổ nhận lấy cốc trà rồi nhìn tôi cười. Cô ấy trông rất đẹp, dáng người thanh tú, mái tóc dài mềm mại buông trên vai, nhìn hết sức dịu dàng, đúng là kiểu người mà Úy Bân thích. Tiểu Cổ đưa cốc trà lên mũi hít hai hơi, sau đó khen: "Trà thơm quá! Đây là trà gì hả chị?".

"Trà Phổ Nhị của Vân Nam đấy, uống nhiều có thể giảm cân, cũng có nhiều công dụng tốt cho dạ dày nữa".

Thực ra trà Phổ Nhị vốn không thơm mấy, khi pha, nước trà có màu hơi giống thuốc bắc, tuy nhiên khi uống thì lại cực kỳ vừa miệng. Nghe thấy Tiểu Cổ hỏi vậy, tôi biết ngay cô ấy cũng là một người khéo léo nhanh nhẹn, ra ngoài xã hội chắc chắn rất được chào đón, cũng coi như bù đắp được những chỗ thiếu sót trong tính cách của Úy Bân.

"Nếu vậy em cũng sẽ đi mua một ít trà về uống". Tiểu Cổ nhấp một ngụm, lông mày hơi chau lại. Thấy ngay là bình thường cô ấy rất ít khi uống trà, chắc chắn là một cô gái làm hư dạ dày bằng nước ép trái cây với sữa bò mất rồi.

"Dòng trà này cũng chia thành hai loại ngon dở, loại trung bình thì khoảng hơn một trăm tệ nửa cân, loại thượng hạng thì đắt hơn thế nhiều, tuy nhiên uống quen trà ngon rồi thì loại bình dân rất khó lọt miệng. Uống trà cũng có thể mắc nghiện đấy, mua trà này cũng phải xem cho kỹ, có loại dù bán giá cao nhưng chưa chắc đã là hàng tốt. Còn nữa, uống trà cũng phải nắm vững được trình tự, pha trà vào cốc như chúng ta đây là kiểu cho trâu bò uống, cũng khiến giá trị của trà bị giảm đi nhiều...". Bình thường tôi ít nói, nhưng khi nhắc đến chủ đề trà, đều không kìm nổi muốn ba hoa mấy tiếng.

"Ôi, chị đừng có làm hại cô ấy. Trà ngon thế này!", Úy Bân chen miệng vào nói tiếp: "Cô ấy chỉ quen uống những thứ đồ đóng chai thôi, từ nhỏ tới giờ đã uống trà này bao giờ đâu, có lần em mua cho một chai trà xanh còn kêu đắng cơ mà".

"Người ta không biết cách học uống hay sao?". Tiểu Cổ đưa tay trái ra kéo kéo cánh tay Úy Bân. Nhìn bộ dạng thân thiết của hai người đó, biết ngay Tiểu Cổ là bạn gái mới của Úy Bân. Đứa em trai này của tôi điểm gì cũng tốt, song lại mang cái tính phong lưu di truyền của bố tôi, rất dễ thay lòng đổi dạ. Nó thay bạn gái nhanh như thay áo, khi tôi chê trách nó cũng chẳng buồn phản đối, chỉ bảo vẫn chưa gặp được người phù hợp với mình. Nhìn bộ dạng cuống lên của Tiểu Cổ cũng biết cô ấy đang cố tìm cách lấy lòng tôi, chắc chắn là rất yêu Úy Bân rồi. Úy Bân đưa tay ra cọ cọ vào mũi cô bé, rồi ôm luôn vào lòng. Đây là lần đầu tiên Úy Bân thân mật như vậy với một cô gái trước mặt tôi, những cô bạn gái trước đây nó thường tỏ vẻ thờ ơ. Xem ra, lần này đã thực sự gặp được người hợp ý rồi.

Tôi cười, nói đỡ cho Tiểu Cổ: "Những người biết thưởng trà không phải là loại trà nào cũng thích, người không uống trà không có nghĩa là loại trà nào cũng không thích uống. Cũng như hứng thú và sở thích, thường chỉ có một hai thứ phù hợp với sở thích của mình".

"Đúng vậy, đúng vậy, em thích uống loại trà này mà!". Tiểu Cổ ra sức gật đầu phụ họa.

"Reng reng...".

Đúng lúc đó, chuông điện thoại vang lên.

"Xin chào, đây là cửa hiệu Cẩm tú kỳ bào!". Tôi nhấc điện thoại lên.

"Đừng có mà chuyên nghiệp thế có được không? Tiểu Ảnh, mấy giờ thì cậu đến? Bọn họ sắp đến đông đủ cả rồi", là Thanh Lâm gọi đến thúc giục tôi.

"Đại tiểu thư, sáu giờ tôi đóng cửa có được không?".

"Được được, cậu nhanh lên nhé! Mình bảo lão Vương đến đón cậu nhé?". Lão Vương là lái xe của nhà Thanh Lâm.

"Không cần đâu, phiền phức quá. Mình tự gọi xe đến được rồi".

"Vậy thì ok! Cậu nhanh lên một chút, biết chưa? Bye bye!".

Gác máy xong tôi giục Úy Bân: "Em đã chọn xong chưa? Chị sắp đóng cửa rồi, hôm nay là sinh nhật mẹ Thanh Lâm, cô ấy đang giục đấy!".

"Xong rồi, lấy mấy chiếc này, cứ để em tự gấp được rồi". Úy Bân xếp từng chiếc vào trong túi xách mà nó mang theo.

"Em đừng làm nhăn đấy!".

Bởi vì mấy chiếc treo trên giá đều là hàng mẫu, lại thêm Thanh Lâm đang thúc giục gấp quá nên tôi cũng không kịp xem Úy Bân lấy những chiếc nào, quay đầu lại nói với nó và cô bé đi cùng: "Tiểu Cổ, không phải chị đuổi bọn em đi đâu nhé! Hôm qua đã hẹn với đứa bạn là hôm nay tới nhà cô ấy chơi, thật là ngại quá, lần sau em đến chị sẽ chuyện trò với em sau!".

"Không sao, chị bận việc mà. Bọn em đi trước đây!". Tiểu Cổ nhìn tôi cười hết sức ngọt ngào, cô bé này quả là biết nghĩ cho người khác. Tôi không khỏi thấy mừng thầm cho Úy Bân.

"Vậy thì hẹn gặp sau nhé. Có thời gian rảnh thì ghé chơi".

"Tạm biệt chị!".

Tôi chuyển cô manơcanh bằng nhựa bên ngoài cửa hiệu vào trong, sau đó dọn dẹp gọn gàng mọi thứ. Cốc trà Phổ Nhị trên bàn Tiểu Cổ chỉ uống có một ngụm nhỏ, trà vẫn còn chưa nguội hẳn, thoang thoảng mùi hương như có như không. Phải mang đi đổ, tôi thấy đau lòng mãi.

Lúc sắp đi chợt nhớ ra người thiếu phụ họ Lạc kia vẫn chưa đến lấy áo, lúc ấy cũng năm giờ bốn mươi rồi, dù gì cũng là sinh nhật của người lớn, đến muộn thì hơi thất lễ, song cũng ngại chị Lạc khi đến sẽ nghi ngờ về thái độ làm ăn của tôi. Vậy nên tôi đành viết một mảnh giấy nhỏ dán trước cửa, hẹn chị ấy ngày mai đến lấy.

Nhà Thanh Lâm là một nhà giàu có điển hình, chỉ riêng phòng khách thôi cũng đã lớn hơn cả nhà tôi.

Khi tôi đến biệt thự nhà họ Hà, đã sáu giờ mười lăm. Thanh Lâm cũng không mấy khi sống ở nhà, cô ấy bảo ở đó xa xỉ quá, lại lắm quy tắc này nọ. Bà ngoại Thanh Lâm là một nhân vật có tiếng trong giới thượng lưu ở Thượng Hải, trong mấy chục năm Trung Quốc rơi vào những biến cố rối ren lớn nhất đó, bà ấy vẫn có thể chèo lái cơ nghiệp nhà họ Hà vượt được qua hết mọi cửa ải khó khăn, đủ thấy tài năng đến cỡ nào.

Tuy ở trên thương trường thì thét ra lửa, nhưng khi về nhà bà lại rất dịu dàng mềm mỏng. Chỉ có điều từ trước đến nay bà vẫn quen gò ép người khác, giờ tuổi tác đã cao, song vẫn đặt ra vô số quy tắc, nhất là một loạt quy tắc với đứa cháu gái duy nhất, lúc nào cũng cái này không được, cái kia không được. Hà Thanh Lâm thì tùy tiện cẩu thả, làm sao chịu nổi sự trói buộc đó? Theo như cách nói của cô ấy, ở trong ký túc xá đại học là một cách để thoát khỏi móng vuốt của ma quỷ, nên sau khi tốt nghiệp dù có phải nhảy vào hố lửa, Thanh Lâm cũng nhất quyết không chịu quay về nhà ở nữa. Công việc cũng tự mình tìm lấy, làm phiên dịch cho một doanh nghiệp nước ngoài, cô ấy bảo là để trải nghiệm cuộc sống ngoài xã hội. Nào có ai biết nó lại là người thừa kế của tập đoàn Hà Thị?

Thanh Lâm đợi tôi ở cổng từ trước. Thực ra tôi rất thích tòa biệt thự của nhà Thanh Lâm, nhất là bụi trúc Tương Phi ngay trước cổng, gió thổi trúc reo, lắc lư nhảy múa, bất kể ngày hay đêm đều mang đầy phong vị. Còn nhớ lần trước khi tôi nói với Thanh Lâm về cảm nhận đó của mình, cô ấy đã làm mặt quỷ với tôi rồi nói mình sợ nhất bụi trúc đó, ban đêm nhìn hệt như bóng ma, mỗi khi có gió thổi qua là lại lao xao như tiếng quỷ gào. Khi lên tám tuổi, cô ấy nghịch ngợm chui vào bụi trúc này chơi trốn tìm với mẹ, đã từng nhìn thấy một người con gái mặc áo trắng, nhưng bà ngoại lẫn mẹ đều không tin. Thanh Lâm bảo rằng sau lần ấy, dù là đi qua đó vào ban ngày nhưng cô ấy vẫn cảm thấy chỗ này ảm đạm làm sao.

Thanh Lâm mang họ mẹ, con rể của nhà họ Hà đã năm đời ở nhà vợ, mỗi thế hệ cũng chỉ sinh được một người con gái. Còn nhớ mẹ Thanh Lâm từng đẻ được một đứa con trai, song không may chết yểu. Năm cô ấy mười lăm tuổi, người bố cũng qua đời vì xuất huyết não. Người già đều nói năm đó xấu, đó cũng là năm ông nội tôi mất tích.

Mẹ Thanh Lâm vừa trông thấy tôi đã kéo tay một cách thân tình rồi nói:

"Ôi, Tiểu Ảnh lâu rồi không đến chơi, càng ngày càng xinh ra đấy! Bà ngoại của Thanh Lâm cũng thường xuyên nhắc đến cháu với cô".

Tôi cười, đưa chiếc hộp đang cầm trong tay cho cô ấy: "Chúc cô sinh nhật vui vẻ!".

"Đến chơi là được rồi, còn phải tặng quà nữa". Mẹ Thanh Lâm cười rồi nhận lấy.

"Không có quà thì lấy gì để mẹ của con vui lòng đây? Mẹ mình yêu thương cậu cứ như cậu mới là con gái của bà ấy vậy. Hễ nhìn thấy mình thì lại nói mình không tốt điểm này, không được điểm kia". Thanh Lâm giật lấy hộp quà trong tay mẹ, nhanh tay mở ngay ra.

"Thanh Lâm, không có quy củ gì cả, để bà ngoại con nhìn thấy rồi lại mắng cho đấy!". Mẹ Thanh Lâm rất chiều con gái, dù ngoài miệng nói lới trách cứ, song trong giọng điệu lại chứa đầy sự thương yêu. Cả tính cách lẫn tướng mạo của cô ấy đều giống nhau, mềm mại tới mức không có một chút góc cạnh nào.

"Mình biết ngay là áo dài xường xám mà. Đẹp quá! Mẹ, màu này rất hợp với mẹ đấy. Mẹ đừng có mặc mãi những áo quần màu trắng nữa, thử màu này xem sao, lát nữa lên nhà thay đi nhé!". Thanh Lâm lấy tấm kỳ bào bên trong hộp ra. Mẹ Thanh Lâm xưa nay vẫn thích mặc màu nhạt, quần áo đều là màu trắng sữa, trắng bạc. Tôi vốn định tặng cô ấy một chiếc xường xám màu trắng, nhưng màu trắng lại không đủ vui vẻ, nên chuyển thành màu phấn hồng, màu này không quá rực rỡ mà cũng không tới nỗi trầm.

"Cháu vẫn sợ cô sẽ không thích nó".

"Sao thế được? Chiếc áo đẹp thế này. Đi thôi, chúng Tiểu Ảnh vào nhà đi!". Thanh Lâm khoác tay mỗi người một bên rồi đi vào phòng khách.

Tiểu Ngọc, Tiểu Xuyến, Vỹ Hào đã đến trước rồi. Trong đám khách khứa, tôi thấy Vân Phong cũng ở đó, cánh tay bị một cô gái xinh đẹp giữ chặt lấy, khuôn mặt lộ ra vẻ đắc ý. Tôi chỉ đứng từ xa nhìn họ, vụ cãi lộn mấy ngày trước khiến tôi không thể không xem xét lại tình cảm giữa hai bên, xem tình yêu bắt nguồn từ đâu? Có lẽ tôi ngày càng xa trái tim anh ấy, vốn tưởng rằng anh ấy sẽ gọi điện xin lỗi hoặc cũng nhờ Thanh Lâm làm thuyết khách, nhưng anh ấy không hề làm bất cứ điều gì.

Nhớ năm thứ tư đại học, có lẽ là mùa đông nhỉ? Không biết khi đó chúng tôi cãi nhau vì chuyện gì, nhưng tôi có thể nhớ rõ rằng mình đã gây hấn một cách vô lý, kiên quyết bắt anh ấy phải xin lỗi mình ngay trên đường. Sau đó, vì không thỏa mãn với thành ý của anh ấy, tôi giận dỗi bỏ về ký túc xá. Khi ấy hình như là thời điểm lạnh nhất của Thượng Hải, để tôi tha thứ, anh ấy đã đứng bên dưới khu nhà suốt cả buổi tối. Thời đó tình yêu còn cháy bỏng đến vậy, anh ấy có thể bỏ qua tất cả sự im lặng lầm lì, sự điên cuồng quá khích và cả sự ồn ào vô lý của tôi.

Tình cảm mãnh liệt ngày ấy đã bị thời gian dần dần gặm nhấm, chỉ còn lại sự mục ruỗng, không biết rồi còn giữ được bao lâu.

Có lẽ do cảm nhận được ánh mắt của tôi, anh ngước lên nhìn, sau khi thấy tôi, anh bèn buông tay cô gái đó ra và đi đến. Trái tim tôi chợt ấm lên, nhưng khi nhìn thấy bóng dáng anh mỗi lúc một gần, tôi đột nhiên ấm ức tới mức muốn trốn đi. Tôi đứng dậy đi ra ban công, anh rảo bước nhanh hơn rồi giữ lấy tay tôi từ phía sau, hơi thở phả lên cổ tôi: "Ảnh, đã hết giận chưa?".

"Không đi với bạn gái mới của anh à?", tảng băng cứng ngắc ở đáy lòng tôi tan chảy vì cái ôm khẽ của Vân Phong. Cảm thấy trong giọng điệu của mình mang đầy ý vị ghen tuông, tôi thầm chửi mình yếu đuối. Có lẽ tình cảm suốt ba năm trời không chỉ đơn thuần là yêu, mà còn là một thói quen nữa. con người có những lúc chẳng thể thay đổi được thói quen, không phải cứ nói "không cần" là từ bỏ được. Con người vẫn yếu lòng như vậy, có những khi, dù rất tức giận nhưng trong đầu luôn nghĩ đến những điểm tốt của người kia.

"Em định đi đâu? Cô ấy chỉ là con gái của bạn bố anh thôi, anh vẫn xem như em gái. Ảnh! Em nhìn anh đi, không cho em nghĩ ngợi lung tung. Hồi đó anh phải vất vả mới theo đuổi được em, làm sao có thể dễ dàng từ bỏ như vậy được?".

Anh khẽ khàng quay đầu tôi lại để tôi nhìn vào mắt anh, ánh mắt anh thành thực tới mức khiến cho mọi nghi ngờ trong tôi tan biến. Tôi còn đang muốn vặn lại thì...

"Anh Phong, đây là chị dâu đúng không? Đẹp quá!", là người con gái đi cùng Vân Phong đến đây, tay cô ấy bê một chiếc khay, bên trên đặt mấy chiếc đĩa đựng đồ ăn nhẹ. Cô ấy cười nhẹ nhàng với Vân Phong nhưng khi nhắc đến tôi, cũng không hề nhìn thẳng vào tôi. Miệng nam mô bụng một bồ dao găm, tôi cảm thấy buồn nôn, liền sa sầm mặt, ngay cả một nụ cười cũng tiếc không thèm cười với cô ta.

"Miệng lưỡi ngọt thật đấy!". Vân Phong đón lấy chiếc khay đựng đồ điểm tâm, cảm giác thấy tôi không thoải mái, nên bàn tay đang đặt ở eo tôi cũng siết chặt hơn: "Đây là em gái anh, Ngưng Hương".

"Chào em, chị là Lý Ảnh!". Cố gắng nén sự khó chịu trong lòng xuống, tôi gật đầu với cô ta.

"Chào chị, chị Lý! Thôi, em không làm phiền hai người nữa nhé. Anh Vân Phong khéo đang mắng em không biết tế nhị là gì rồi đấy". Ngưng Hương mím môi cười, vừa nó vừa nháy mắt với Vân Phong, nói xong mới mang chiếc khay trống quay lại phòng khách.

Vân Phong nói một tràng những lời tốt đẹp, chúng tôi lại vui vẻ như thường.

Vì lại hòa giải với Vân Phong nên cả buổi tối hôm đó tôi thấy rất vui.

Dù là tiệc sinh nhật của mẹ Thanh Lâm, nhưng đến cuối cùng lại trở thành vũ hội của đám thanh niên chúng tôi. Cả buổi tối không thấy bóng dáng bà ngoại Thanh Lâm đâu, Thanh Lâm nói bà bị cảm nhẹ, đã đi ngủ từ sớm rồi. Khi ra khỏi nhà Thanh Lâm đã là một rưỡi sáng, Vân Phong đưa tôi về, lúc đi qua bụi trúc rậm rì ấy, tôi loáng thoáng nghe thấy tiếng giày cao gót, còn tưởng rằng Thanh Lâm đi theo tiễn chúng tôi, nhưng khi quay đầu nhìn lại chỉ thấy một bóng người màu trắng đứng ở đầu bên kia vườn trúc, trông hơi quen nhưng không phải Thanh Lâm, cũng không phải Hà phu nhân. Vân Phong thấy tôi quay đầu lại, cũng quay theo nhìn ra đó: "Em nhìn gì thế? Có ai đâu".

Tôi giật mình, sao anh ấy lại không trông thấy ai? Ra sức chớp mắt, đến lúc định thần, tôi nhìn lại thì chỉ thấy bên đó vắng tanh, đúng là không có ai thật. Bóng trúc lắc lư, gió thổi qua nghe tiếng lá kêu xào xạc, như tiếng rầm rĩ của linh hồn.

Tôi sợ tới mức bám vội lấy tay Vân Phong: "Phong, em quả thực có nhìn thấy người, một người phụ nữ mặc áo trắng!".

"Chắc chắn là em uống nhiều rượu nên hoa mắt rồi. Đi thôi. Không còn sớm nữa đâu!".

Vân Phong tỏ ra hơi thiếu kiên nhẫn, đưa tay lên nới bớt cà vạt, kéo tôi đi thẳng ra cổng chính.

Tôi còn quay đầu lại mấy lần, song không nhìn thấy bóng người đó nữa. Lẽ nào đúng là tôi đã nhìn nhầm?

Sau khi ra khỏi nhà họ Hà, mặt Vân Phong luôn xầm xì, lẽ nào chuyện nhỏ mới rồi đã khiến anh ấy không thoải mái? Cả hai người đều khó chịu, thế nên suốt dọc đường không ai nói một lời.

Khi về đến nhà, bà nội đã ngủ say, tôi nhón chân đi vào phòng mình. Vừa nhắm mắt lại, lập tức rơi ngay vào mộng cảnh, giấc mơ quái dị ngày hôm qua lại xuất hiện như một bộ phim nhiều tập.

Full | Tiếp trang 2

Loading...

Tiểu thuyết tình yêu là website chia sẻ những thể loại truyện hay nhất hiện nay, được nhiều người đọc yêu thích. Truyện được cập nhập hàng ngày. Hãy lưu địa chỉ web để truy cập nhanh hơn!

Chúc các bạn online vui vẻ !

Laptop Tùng Anh

Tour Phú Quốc

Vinhomes Cầu Rào 2

Trang Chủ