pacman, rainbows, and roller s
Tiểu thuyết tình yêu

Tiểu Thuyết Tình Yêu

Đọc truyện tại Tiểu Thuyết Tình Yêu

Loading...

Truyện ma - Kỳ án ánh trăng - Trang 1

Full | Tiếp trang 2

Phần dẫn

Mùa xuân năm 1977

Ánh trăng lạnh lẽo soi trên đôi vai gầy guộc của Tưởng Dục Hồng, cô thấy lành lạnh. Lẽ ra đêm xuân không nên có cảm giác này mới phải. Cô cười thầm và trách mình thật chẳng ra sao: những ngày tháng ở Quý Châu làm một thanh niên học sinh đi thực tế cơ sở, khi thấy chán ngán, nửa đêm cô vẫn đi dạo một mình trong thôn là chuyện bình thường; lúc này đang ở trong vườn trường của trường đại học rất yên tĩnh, sao mình lại sợ hãi gì? Có đúng là tại cái nơi mình định đến lúc này không?

Ánh trăng sáng trong bao phủ khu nhà nhỏ hai tầng cách chỗ cô đứng không xa. Đó là khu nhà kiểu châu Âu được xây dựng vào những năm 30 của thế kỷ này, nghe nói đó là khu nhà cổ nhất trong Đại học Y, nay được dùng làm phòng thực nghiệm giải phẫu học. Phía bắc là cửa ra vào duy nhất, đó là một vòm cuốn khá dày, như kiểu hang đá; nóc của nó là ban công của tầng hai nhô ra. Lúc này nhìn vào, thấy vách cửa xám được ánh trăng soi trắng nhợt, bóng của mái vòm và ban công in xuống nền, làm cho phía trong cửa vòm tối om khác thường, hình như trong đó đang chứa đựng những thứ gì đó rất đáng sợ. Nếu ngày mai không phải làm bài thi giữa học kỳ của môn giải phẫu thì cô đã chẳng phải nửa đêm một mình đi vào khu nhà mà bên trong đâu đâu cũng bày các xác chết đủ loại cùng các đoạn chân tay dài ngắn và nồng nặc mùi phooc-môn. Dục Hồng là một sinh viên công nông binh đợt cuối cùng về học ở đây, trải qua bao nhiêu dày vò và khắc khoải chờ đợi trong suốt bảy năm trời "đi thực tế" ấy, rồi cũng đến ngày cô được thực hiện ước mơ của mình. Tuy nhiên, năm tháng trôi đi, nay cô đã ở tuổi 26, kiến thức cơ bản bị rỗng, dù cố đến mấy cũng không thể đọ trí nhớ và độ nhanh nhạy với cánh sinh viên 17-18 tuổi. Nhưng Hồng lại vốn có cá tính mạnh mẽ, cô luôn muốn nổi trội trong học tập, cho nên đêm nay cô đến phòng thực nghiệm giải phẫu hoàn toàn không vì nước đến chân mới nhảy, mà là muốn nâng cao kiến thức đã có, muốn làm rõ từng chi tiết cuối cùng mà cô còn mơ hồ. Then chốt của môn giải phẫu học là phải chịu khó nghiên cứu các tiêu bản thực thể để cảm nhận đa chiều và cụ thể, vì vậy phòng thực nghiệm giải phẫu là nơi ôn tập lý tưởng nhất. Trong trường Đại học Y số hai Giang Kinh này, lâu nay vẫn đồn đại một chuyện bí ẩn kỳ dị về phòng thực nghiệm giải phẫu. Chuyện thường xảy ra về đêm khuya, nhân vật chính có thể là một quái nhân thích ăn thịt các xác chết, có thể là một con ma hung ác, hoặc một cô hồn đầy oán hận; các nạn nhân phải hứng chịu đều là các sinh viên y khoa vô tội. Với các sinh viên y khoa, sau khi kết thúc giờ tự học lúc 11 giờ mỗi đêm, thì nơi đây trở thành vùng cấm địa. Tối nay Dục Hồng đã cùng các bạn đến đây ôn bài, rồi tắt đèn trước lúc chuông báo hết giờ, sau đó họ cùng trở về ký túc xá. Đến nơi rồi, Dục Hồng vẫn trăn trở mãi, cô cảm thấy mình ôn tập chưa được chu đáo, bèn quay trở lại đây. Đang suy nghĩ miên man, thế rồi cô đã đứng trước cửa vòm cuốn. Các mẩu chuyện đồn đại về ma quỷ, liệu có thật không? Tim cô đập dần nhanh hơn. Tất nhiên không phải là thật. Cô đã từng trải qua bao thăng trầm của quãng đời học sinh đi thực tế, đương nhiên cô không như các sinh viên trẻ nhẹ dạ cả tin vào các chuyện khiếp hãi này. Có lẽ vì sinh viên Y bài vở quá nặng nên đã bịa ra các mẩu chuyện cho chính mình được vui đó thôi. Nhưng tại sao mình lại chợt rùng mình?

Tim cô đập càng nhanh hơn, nghe rõ mồn một.

Để tự trấn tĩnh, Hồng đành nhè nhẹ nhắm mắt và thầm nhẩm lại mấy câu vè về cấu tạo quả tim và hướng lưu thông của máu do cô tự soạn cho mình: "Lên tâm nhĩ, xuống tâm thất, trái van hai lá, phải van ba lá, tĩnh mạch phổi tâm nhĩ phải, tâm thất trái động mạch chính, tĩnh mạch trong tâm nhĩ phải, tâm thất trái động mạch phổi....". Cô dường như nhìn thấy dòng máu đang chảy mạnh trong tim mình, cuồn cuộn chảy, không ngớt chảy qua chảy lại giữa tâm nhĩ và tâm thất. Tuy nhiên, cô vẫn bước qua bậu cửa xi măng khá cao để vào khu nhà thực nghiệm giải phẫu. Bậu cửa này cao tới một thước, cũng là một đề tài luôn được sinh viên các khoá hay bàn tán. Nghe nói nhiều năm trước, có lần một bể lớn chứa đầy phooc-môn của phòng thực nghiệm giải phẫu bị vỡ tràn ra lênh láng một nửa sân trường, nồng nặc mùi phooc-môn nhức mũi. Để phòng lặp lại sự cố tương tự gây ô nhiễm, nhà trường bèn cho xây cao bậc cửa này lên, coi như một con đập chắn phooc-môn. Nhưng cũng có cách nói khác - cách giải thích phổ biến của dân gian: bậu cửa cao một thước có thể nhốt ma quỷ ở trong nhà, và phòng ngừa các xác chết nhảy ra ngoài.

Sau bậu cửa là năm bậc thềm khá cao, rồi đến cánh cửa gỗ. Dục Hồng nắm vào tay nắm cửa bằng đồng, nghĩ bụng: "Lúc này mình quay ra vẫn chưa muộn."

Nhưng chẳng lẽ chỉ vì sợ hãi chốc lát mà bỏ lỡ dịp ôn bài thuận lợi như thế này?

Bỗng nghe thấy một điệu nhạc du dương từ phía trong vọng ra. Dục Hồng chững lại, chăm chú lắng nghe. Hình như có tiếng người thì thầm, để ý nghe kỹ hơn, còn thấy các âm thanh lách cách do đồ thủy tinh va chạm nhẹ phát ra.

Thì ra là một bữa liên hoan.

Tổ chức liên hoan trong phòng thực nghiệm giải phẫu ư?
có lẽ là một nhóm sinh viên năm cuối sắp tốt nghiệp không có bài vở gì nữa, đã đến đây để thư giãn. Nhưng cách đây hơn một giờ, nơi này rõ ràng vẫn có một đám đông sinh viên miệt mài ngồi học chuẩn bị thi giữa năm kia mà, sao chỉ sau chốc lát đã tràn đầy những âm thanh cốc chén bát đũa va chạm nhau? "Bè lũ bốn tên" đã bị đánh đổ, cách mạng văn hoá đã kết thúc, không khí xã hội đã thoáng hơn nhiều, và hiếm khi thấy các sinh hoạt có màu sắc tiểu tư  sản kiểu này.

Dục Hồng hít một hơi thật sâu, rồi mở rộng cánh cửa lớn của phòng thực nghiệm giải phẫu.

Một tháng sau

Giảng viên phụ đạo năm thứ ba y khoa là Lục Bỉnh Thành bước vào khu ký túc xá nữ sinh. Lòng anh đang bộn bề, nặng trĩu rất nhiều điều nghĩ ngợi nên đã quên làm thủ tục xuất trình thẻ công tác và ký tên. Cũng may, bà già gác cửa thường ngày vẫn gặp anh, biết anh là thầy giáo phụ đạo, đến đây tất có công tác cần thiết đối với sinh viên nên bà đã không chặn hỏi, để anh khỏi phải gián đoạn suy nghĩ.

Bỉnh Thành lên gác, rồi dừng lại trước cửa phòng 405. Trời đã gần tối mà hành lang vẫn chưa bật đèn. Cửa đang đóng im ỉm, anh thoáng đứng yên một lát rồi nhè nhẹ gõ cửa. Sau khe cửa hé mở là khuôn mặt của Tiểu Tĩnh.

"Chào thầy Thành!"

"Bạn ấy thế nào rồi?" Thành chưa bước vào vội, chỉ khẽ hỏi.

"Lúc ổn lúc không, có lúc vẫn rất tỉnh táo như ngày trước, và hiểu mọi việc rõ ràng hơn ai hết. Nhưng bất chợt lại bắt đầu nói những câu kỳ cục." Tiểu Tĩnh cũng cố hạ giọng nói cho thật khẽ.

"Thầy Thành đến phải không? Sao Tiểu Tĩnh không mời thầy vào trong này nói chuyện?" Một giọng nữ trong trẻo từ trong phòng vọng ra.

Dục Hồng mặc chiếc áo ngủ kẻ ca-rô màu lá cây nhạt, đang uể oải ngồi bên cửa sổ nhìn ra bên ngoài, cô chậm rãi chải mớ tóc đen nhánh đã dài sắp chấm vai, đôi bàn tay nhợt nhạt nổi lên những đường gân xnah. Thành hơi lim dim mắt, trong đầu anh hiện lên hình ảnh cô gái Dục Hồng cách đây không bao lâu với mái tóc cắt ngắn sát mang tai và khuôn mặt hồng hào đầy sức sống. Thế mà chỉ sau chưa đầy một tháng đã như biến thành một người khác hẳn. Đã xảy ra chuyện gì vậy? Hồng vẫn chăm chú nhìn ra cửa sổ, không ngoảnh người lại vì sự có mặt của Thành. Cô chải tóc mỗi lúc một chậm hơn, dường như cô muốn mái tóc ức vạn sợi mảnh mai này được chải thật kỹ đến từng sợi.

Thành chợt nghĩ: "Kể từ ngày vào trường cô ấy tư tưởng tiến bộ, lại cần cù giản dị, chứ đâu có cái gu tiểu tư sản thế này?"

"Thưa thầy, nghe nói thầy cũng tốt nghiệp ở trường này, thầy tốt nghiệp khoa nào khoá nào ạ?" Câu hỏi của Hồng hoàn toàn không mảy may gợn màu sắc bệnh lý nào.

Thành không cần suy nghĩ, trả lời ngay: "Tôi vào đại học năm 1961.

Dục Hồng hơi rung rung tấm thân mảnh khảnh, quay người lại với khuôn mặt tái nhợt: "Thế thì, chắc thầy đã nghe nói về ánh trăng?"

Đôi lông mày rậm và đen của Bỉnh Thành càng nhíu lại, anh nghĩ: "Đây là vấn đề gì? Cô ấy nói rồ dại mất rồi."

Nhưng anh lại trả lời: "Ánh trăng? Tôi không chỉ nghe nói mà còn thường xuyên nhìn thấy. Mấy hôm nay trời nhiều mây nên tất nhiên không thấy nhưng những hôm trời nắng thì đêm đêm đều có ánh trăng rất đẹp."

Dục Hồng ngừng chải mớ tóc dài, thả tay xuống và ngạc nhiên hỏi: "Thầy không biết thật à? Em cứ tưởng sinh viên thời ấy ai cũng từng nghe nói về ánh trăng? Thầy Thành ạ, hồi đó cuộc sống sinh viên của các thầy thế nào? Em rất muốn biết, và nếu có thể được trải nghiệm ít nhiều thì hay quá."

Nói rồ dại, rồ dại rồi. Thành thấy lòng nặng trĩu, có cảm giác đã để mất cô sinh viên này. Ánh mắt anh bỗng dừng lại ở bàn tay của Hồng vừa chải tóc, cô đang cầm chiếc lược cuốn có nhiều hàng răng - thứ lược vừa để chải tóc vừa có thể cài lên tóc làm đồ trang sức. Bắt mắt nhất là vài chục viên đá quý được gắn ở mặt lưng cái lược, có viên đen nhánh, có viên màu huyết dụ. Trong căn phòng hơi tối, ánh đèn trắng rọi vào vẫn khiến nó phản chiếu muôn tia sáng chói mắt.

Du Tĩnh đứng bên nhìn thấy Bỉnh Thành có vẻ hơi khác thường, nghĩ bụng: "Kể cũng phải thôi, thầy Thành sao có thể ngờ được rằng Dục Hồng lại có thể dùng chiếc lược quý giá đến như vậy. Tuần trước lần đầu nhìn thấy, mình cũng phải ngạc nhiên nữa là."

"Chiếc lược của em..." Bỗng nhiên Thành không biết nên nói tiếp thế nào nữa.

"Rất đẹp, phải không ạ? Những tia sáng sặc sỡ đan xen hắt ra từ những hạt đá quý màu đỏ màu đen chen nhau, khiến em thường xuyên ngắm nhìn mãi, rồi không hiểu sao càng ngắm lại càng thấy lòng rung động xốn xang... Đúng là đồ quý giá thật nhưng không đến nỗi bị coi là tha hoá trong sinh hoạt chứ ạ?" Dục Hồng nhìn thẳng vào mắt Bỉnh Thành.

"Không sao, em nghỉ ngơi nhé, đừng nên nghĩ ngợi gì nhiều." Thành vội chào rồi ra về.

Du Tĩnh bước ra theo, lặng lẽ tiễn Bỉnh Thành đến tận đầu cầu thang, Thành bỗng nói luôn: "Các em hãy giúp Dục Hồng thay quần áo giặt giũ... sáng nay tổ chuyên gia hội chẩn cho bạn ấy đã quyết định bạn ấy cần được điều trị chu đáo, cần phải nằm viện. Tôi hoàn toàn không muốn điều này nhưng áp lực từ Phòng quản lý sinh viên rất lớn, tôi chỉ còn biết phục tùng, cũng đã đánh điện cho gia đình bạn Hồng. Nếu họ không có ý kiến gì khác thì bạn Hồng sẽ bắt đầu nằm viện."

Du Tĩnh lập tức tròn xoe mắt: "Nằm viện tâm thần? Thật đáng sợ! Chẳng lẽ không còn cách nào khác ư mà phải thế này ạ?"

"Tất cả đều vì bạn ấy thôi mà!" Thành thở dài.

"Thầy Thành, tại sao lại bảo em ở đây?"

Có lẽ vì mặc bộ đồ trắng nên trông Dục Hồng càng nhợt nhạt hơn cách đây một tháng. Mái tóc cô cũng dài thêm, môt chòm tóc rủ xuống má khiến khuôn mặt xương xương của cô càng thêm ủ rũ. Ở đây tất cả đều là màu trắng.

Nghe nói màu trắng là màu của thiên đường, dãy hành lang khá dài và vắng lặng cho ta một cảm giác yên ắng. Du Tĩnh rơm rớm nước mắt đưa Dục Hồng vào nằm viện, cô cũng trải qua một tháng trời buồn bã, thấy chán chường đối với mọi việc cứ như thể chính cô mới là người nằm viện. Hôm nay, thầy giáo phụ đạo Bỉnh Thành gọi cô, lớp trưởng và bí thư chi đoàn của lớp, cả bốn thầy trò đi xe đạp vào viện thăm Dục Hồng. Dục Hồng lúc này suýt nữa khiến Du Tĩnh oà khóc, và mọi người có mặt cũng đều thấy có phần xót xa. Bỉnh Thành nhìn Từ Hải Đình là bác sĩ điều trị chính cho Hồng, Hải Đình cũng nhìn anh, ánh mắt giao nhau nhưng vị bác sĩ im lặng, hình như muốn nói: "Tôi không biết nên nói gì với cô ấy, tôi rất muốn giúp nhưng bất lực." Bỉnh Thành đành nói: "Đây là đề nghị của các chuyên gia, cha mẹ em cũng đã chấp thuận. Nhà trường và khoa đều rất coi trọng và hy vọng việc sớm điều trị sẽ giúp em khắc phục những vướng mắc về tư tưởng. Bác sĩ Đình đã cho tôi biết Hồng đã có tiến bộ, theo dõi thêm thời gian nữa là có thể ra viện."

Dục Hồng đưa mắt nhìn xuống, khẽ nói: "Em biết khoa và nhà trường đều quan tâm yêu mến em, em sẽ chịu khó chữa bệnh, và nghe lời bác sĩ Đình, gỡ bỏ những vướng mắc trong suy nghĩ, để có thể sớm trở về học tập cùng các bạn."

Bình thản quan sát, thì mấy câu nói này của Hồng hoàn toàn không có vẻ tâm thần gì cả. Du Tĩnh nhỏ nhẹ nài xin: "Thưa thầy, chúng ta nên đón Dục Hồng về sớm. Bác sĩ Đình có thấy Dục Hồng đã rất tỉnh táo không? Phải tiếp tục ở lại đây làm gì nữa ạ?"

Bác sĩ Đình nói: "Ngày mai khoa chúng tôi có cuộc họp đánh giá, tôi sẽ nhanh chóng thông báo kết quả đến nhà trường."

"Xin phiền các bác sĩ cố gắng giúp cho." Bỉnh Thành nói.

Nhưng đúng lúc Du Tĩnh chợt thấy lòng nhẹ nhõm thì Dục Hồng bỗng nói pha chút lạnh lùng: "Tôi có một thắc mắc rất lớn, xin hỏi thầy Thành: thầy chưa từng nghe nói về ánh trăng thật à?"

Bỉnh Thành vốn nghĩ bệnh trạng của Hồng đã có chuyển biến rõ rệt, lúc này anh thất vọng nhìn sang bác sĩ Đình, hình như muốn nói: "Tại sao lại vẫn thế này? Đã tiến bộ ở chỗ nào?"

Bác sĩ Đình nhìn thẳng vào Dục Hồng ôn tồn hỏi: "Dục Hồng hãy nói cho tôi biết, ánh trăng là cái gì? Là ánh trăng ban đêm thường thấy, hay là một ai đó, một việc gì đó liên quan đến ánh trăng?"

Dục Hồng đưa mắt nhìn ra xa, hơi nhíu mày: "Nếu em đã biết thì em cần gì cứ phải hỏi khắp lượt!"

Bỉnh Thành khẽ thở dài: "Hồng hãy chịu khó nghỉ ngơi, đừng nghĩ ngợi nhiều quá. Các bạn đều rất mong Hồng sớm mạnh khoẻ trở lại."

Người thất vọng hơn cả là Du Tĩnh. Chẳng biết bao nhiêu lâu nữa mới lại được nghe tiếng Hồng nói cười vui vẻ trong ký túc xá? Tĩnh cố nén nỗi thương cảm đang dâng trào, dịu dàng nói: "Hồng ơi, mình đã đến hiệu Ngũ Phường Cư mua cho cậu món mề vịt ngũ hương và món óc đậu mà cậu vẫn thích. Mình gửi ở chỗ cô y tá, cậu nhớ đến cầm về mà ăn. Chờ khi cậu về, chúng ta sẽ khôi phục lệ cũ: cuối tuần sẽ đi dạo phố Bắc Kinh, được không?"

Khuôn mặt xanh xao nhợt nhạt của Dục Hồng bỗng nở nụ cười: "Sao lại không được? Mình không chờ nổi nữa đâu!"

Hồng tươi cười khiến mọi người đều nghi hoặc: cô ấy đâu có bệnh tật gì? Hồng lại hỏi: "Nhắc đến đường phố Bắc Kinh ư? Mình ở đây ngày cũng như đêm, hôm nay ngày bao nhiêu rồi? Nếu mình ra viện, liệu có còn kịp đón ngày 1-7 đi diễu hành trên đường phố Bắc Kinh không?"

Du Tĩnh cười trả lời: "Hôm nay mới là 14 tháng 6, cậu hãy phối hợp điều trị với bác sĩ Đình cho tốt, chắc chắn sẽ kịp chung vui chào mừng sinh nhật Đảng ngày 1 tháng 7."

Dục Hồng chợt biến sắc: "Hôm nay là ngày 14 tháng 6 thật à? Cảm ơn trời đất đã để cho mọi người đến đây, nếu không thì gay rồi." Đôi mắt cô ánh lên nỗi kinh hãi cực độ hiếm thấy, hơi thở hình như cũng gấp hơn.

Bác sĩ Đình nhận ra tình huống không hay, anh tranh thủ hỏi luôn: "Hồng ơi, cái gì gay? Cô cho tôi biết được không?"

"Không!" Hồng khẳng định, như là không thể nào khác.

Bỉnh Thành lại nhìn bác sĩ Đình, như muốn nói: "Có lẽ bệnh cô ấy càng nặng hơn thì phải, đừng nói đến ra viện trước ngày 1 tháng 7, mà phải nằm lại qua mùa hè cũng nên."

Dục Hồng lại tỉnh bơ nói: "Thầy Thành, bác sĩ Đình và các bạn có thể tạm lui ra ngoài được không? Em có việc cần nói riêng với Du Tĩnh."

Bí thư chi đoàn đứng bên đánh liều nói xen luôn: "Nếu Dục Hồng có vấn đề tư tưởng gì thì tổ chức cũng có thể giúp đỡ, chứ đừng nên bàn bạc kiểu nhóm đơn lẻ."

Hồng cười khẩy: "Việc hệ trọng liên quan đến tính mạng, mà có thể tuỳ tiện nói cho cậu biết à?"

Bác sĩ Đình và Bỉnh Thành đưa mắt cho nhau rất nhanh, rồi ra hiệu cho lớp trưởng và bí thư chi đoàn cùng theo họ ra ngoài buồng bệnh, rồi khép luôn cửa lại. Nhìn qua cửa kính chỉ thấy Dục Hồng nắm chặt tay Du Tĩnh rất căng thẳng và xúc động nói gì gì đó, mặt Hồng đẫm nước mắt. Du Tĩnh thì hết sức hoang mang và không ngớt gật đầu.

Một lát sau Du Tĩnh đờ đẫn bước ra khỏi căn buồng, thầy Thành và bí thư chi đoàn vội vã hỏi ngay: "Hồng đã nói với em những gì?"

Du Tĩnh miệng há hốc không nói nên lời, bỗng nhiên mọi người nghe thấy một loạt tiếng động rầm rầm, tất cả ngoái lại nhìn thì thấy Dục Hồng lao tới cửa sổ và đập liên hồi vào cửa kính. Hai cô y tá vội chạy đến ghì chặt Hồng từ hai bên, bên trong cửa sổ Hồng vẫn gào thét.

Du Tĩnh buồn rầu nhìn vào, Hồng cũng đã thôi vùng vẫy, khuôn mặt cô đẫm lệ. Hai cô nhìn nhau một lát, Hồng chậm rãi lắc đầu, Tĩnh cũng thong thả gật đầu.

Sau khi Hồng bị đưa đi, bác sĩ Đình nói: "Cô Tĩnh ạ, để cô Hồng có thể mau bình phục, tôi mong cô đừng giấu tôi điều gì, có chuyện gì cô cứ cho tôi biết. Nếu cần tôi có thể hứa sẽ giữ kín đối với nhà trường. Thầy giáo Thành có thể  thông cảm cho tôi."

Sau một lát im lặng, Tĩnh nói nhỏ nhẹ: "Thực ra chẳng có gì đáng để giấu cả. Bạn ấy nói ... cháu là bạn tốt nhất của bạn ấy, bạn ấy mong sẽ được gặp lại cháu."

Sau tiếng còi báo tắt đèn, Du Tĩnh vẫn trằn trọc mãi. Những lời của Hồng nói trong tiếng khóc và nước mắt ngày hôm qua vẫn vẳng bên tai cô rõ rệt. Đến nay cô vẫn nửa tin nửa ngờ. Ngày mai, "bộ tam" bệnh viên tâm thần, Đảng ủy khoa và Hội sinh viên sẽ tổ chức "hội thẩm" mình, nhưng mình đã thề với Dục Hồng rằng nhất định sẽ không tiết lộ cho người thứ ba biết chuyện... Có phải mình đã quá ngây thơ? Lẽ ra mình nên "linh hoạt" một chút và đừng quá coi trọng lời thề như thế?

Ngoài cửa sổ ánh trăng sáng trắng như tuyết. Du Tĩnh mất ngủ, lúc này đầu óc cô càng rối bời: ánh trăng mà Dục Hồng nói, thực ra là cái gì? Ánh trăng ngoài kia đẹp là thế, sao lại làm cho Dục Hồng vốn cởi mở hoạt bát trở thành một con người như vậy?

"Reng reng reng ..." chiếc đồng hồ báo thức đặt ở đầu giường bỗng reo vang. Du Tĩnh kinh ngạc ấn nút đèn, kim đồng hồ đang chỉ đúng 12 giờ. Cô thấy trong lòng ớn lạnh: sao lại thế này nhỉ? Mình đã đặt chuông báo thức lúc nửa  đêm bao giờ nhỉ?

Nỗi tuyệt vọng chầm chậm lan toả trong cô: chẳng lẽ ... chẳng lẽ những điều Dục Hồng nói đều là thật hay sao?

Một cơn gió chợt thổi vào, cửa sổ phòng kí túc xác vẫn mở kêu kèn kẹt. Gió thốc vào trong màn, toàn thân Du Tĩnh râm ran nổi da gà. Gió đêm mùa hạ sao lại lạnh thế này?

Cô khoác áo ngồi dậy, xuống giường rồi ra dóng cửa sổ. Nhưng khi đến gần cửa sổ, chân cô bỗng như bị chôn chặt xuống đất. Tiếng đàn vi-ô-lông chậm rãi dịu êm từ ngoài cửa sổ vọng đến, bồng bềnh trong ánh trăng. Du Tĩnh bỗng như rũ hết mọi mệt mỏi, mọi thứ xung quanh cô trở nên trong trẻo tinh khôi, những phiền muộn hôm qua, những nỗi bất an ngày mai đều tiêu tan theo khúc nhạc. Vĩnh viễn níu giữ được cái cảm giác tuyệt vời thế này thì tốt biết mấy.

Vĩnh viễn tốt đẹp, chẳng phải là cái đích mà ai cũng luôn khắc khoải mưu cầu hay sao?

Hình như ở ngoài kia bên dưới cửa sổ chính là cái vĩnh viễn tốt đẹp ấy.

Trong khoảng khắc Du Tĩnh nhảy ra khỏi cửa sổ, cô mới nhớ ra lời dặn dò của Dục Hồng, nhưng tất cả đã muộn. Cô thét lên thê thảm, nhưng tuổi xanh đã ra đi không bao giờ trở lại nữa.

Mùa xuân năm 1982.

Hạ Tiểu Nhã không ngờ mình lại đứng trước cửa khu nhà giải phẫu vào lúc nửa đêm, bầu trời đang phủ kín mây đen. Còn nhớ buổi tối đầu tiên mới vào học, Tiểu Nhã và các bạn nữ cùng ký túc xá đã nói tường tận những câu chuyện ma quái liên quan đến phòng thực nghiệm giải phẫu: nghe nói trong đó mỗi xác chết, mỗi khúc cánh tay cẳng chân đều gắn liền với một câu chuyện rùng rợn, và đều dính dáng đến một hồn ma bơ vơ. Những câu chuyện ấy đã khiến cô ngủ không yên mấy đêm liền, cô hối hận vì mình đã chọn nhầm ngành học. Nhưng đêm nay thì khác. Sau những đợt thực nghiệm giải phẫu cơ thể động vật sống, và gần một nửa học kỳ vừa rồi học tập giải phẫu cơ thể người, cô đã gạt bỏ được nỗi khiếp hãi đối với cơ thể sinh vật, và hoàn toàn không tin vào những truyền thuyết ma quỷ này nọ. Chủ nghĩa duy vật là nền tảng của y học hiện đại, nếu đến giờ mà vẫn mê tín những chuyện thần thánh ma quỷ nhố nhăng thì đúng là mình đã chọn nhầm ngành nghề rồi.

Nhưng tại sao lúc này đứng trước cửa vòm cuốn của khu nhà giải phẫu, mình lại hơi run run? Có điều gì đáng để sợ như thế chứ?

Hiện nay là thời đại mà con người vô cùng khao khát tri thức. Tiểu Nhã xuất thân trong một gia đình công nhân bình thường, vì thế cô càng nâng niu cơ hội được tiếp thu nền giáo dục ở bậc đại học. Mai là ngày thi giữa học kỳ về môn giải phẫu học, cô đã ôn tập khá đầy đủ, tuy nhiên mục tiêu của cô là phải giành được điểm tuyệt đối. Đúng thế, vì cô là con người luôn theo đuổi sự hoàn thiện trong tất cả mọi việc. Cô hiểu rằng nếu có thể nghiên cứu tiêu bản cơ thể nhiều hơn các bạn khác một lần, thì khả năng giành điểm tuyệt đối, được xếp thứ nhất, được học bổng sẽ càng lớn hơn. Cho nên đêm nay Tiểu Nhã không về ký túc xá, sau khi tiếng chuông báo tắt đèn vang lên, cô bèn đi một mình đến đây để ôn tập các tiêu bản.

Tại sao bậu cửa vào khu nhà giải phẫu lại cao đến một thước nhỉ?

Cô nghĩ ngợi lan man, cô muốn xua tan nỗi sợ hãi.

Đúng thế, chắc là ngày xưa người ta mê tín kiểu phong kiến: các xác chết không thể co đầu gối, nên chỉ cần xây cao bậu cửa thì chúng không thể chạy ra ngoài. Quá ư là hão huyền! Gió nhè nhẹ thổi, Tiểu Nhã thấy hơi lạnh.

Hay là quay về vậy?

Thế thì hèn, hèn quá. Tiểu Nhã rất ghét mình đôi khi bất chợt giở tính khí trẻ con. Cũng như các nữ sinh viên cùng lứa tuổi, thần tượng của cô là bà Ma-ri Quy-ri. Nhưng với ý nghĩ vừa rồi, có lẽ muốn làm người hầu cho Ma-ri Quy-ri cũng không xong. Tiểu Nhã bước vào màn tối đen kịt rồi đấy cánh cửa phòng thực nghiệm giải phẫu. Trước mắt cô bỗng le lói ánh sáng, cô vội rụt tay lại, suýt nữa thì ngã.

Thì ra là vừa lúc ánh trăng lọt qua áng mây dày rồi tỏa sáng xuống mặt đất. Nhát thế này thì sau này chẳng làm nên cái gì ra hồn. Tiểu Nhã ngán ngẩm nghĩ như vậy. Để chiến thắng bản thân, cô đã lấy hết can đảm mở toang cánh cửa phòng thực nghiệm giải phẫu.

Thầy phó văn phòng phụ trách sinh viên Y khoa Lục Bỉnh Thành ngồi chiếc xe Jeep của trường đi đến bệnh viện tâm thần. Gặp bác sĩ Từ Hải Đình, câu đầu tiên ông hỏi ngay: " Lần này chắc anh đã xác định cô ấy đã hoàn toàn bình phục rồi chứ?"

Hải Đình chưa thể hiện ngay sự không vui, ông nhớ lại chuyện cũ, thấy rằng cũng không thể trách thầy giáo Bỉnh Thành đa nghi, bèn nói: "Thầy Thành cứ xem xét đi. Chẳng phải mình tôi quyết định cho cô ấy ra viện, mà hai vị chủ nhiệm kỳ cựu hội chẩn cũng đã gật đầu."

"Cô ấy không nhắc đến ánh trăng gì gì nữa chứ?"

Bác sĩ Đình lắc đầu.

Hạ Tiểu Nhã đã gầy đi nhiều, nhưng đôi mắt vẫn rất có sức sống, thấy Bỉnh Thành, được biết là mình sẽ được về trường nên cô vui mừng khôn tả, hoàn toàn không có vẻ bệnh tật gì hết, tươi cười hỏi luôn: "Thầy Thành, các bạn vẫn khỏe chứ ạ? Em vẫn đang tự học, tuy em bị thiếu rất nhiều bài vở nhưng em vẫn muốn được thi kết thúc học kỳ."

Bỉnh Thành thở phào, cười và nói: "Mọi người đều khỏe, đều ổn cả. Em vẫn cần chú ý nghỉ ngơi, có dự thi học kỳ không, không quan trọng. Em có kiến thức cơ bản vững vàng, khoa sẽ bố trí cho em thi lại vào dịp hè, chắc chắn em sẽ đuổi kịp tiến độ của các bạn."

Anh lái xe họ Bành giúp Bỉnh Thành xách hành lý của Tiểu Nhã lên ký túc xá. Hành lang thì tối, khi sắp đi đến phòng 405, một nữ sinh mải vui chạy lại xô thẳng và anh lái xe, chiếc chậu rửa mặt rơi xuống đất, các thứ lược và bàn chải của Tiểu Nhã văng tứ tung.

Tiểu Nhã đi phía trước, bỗng ngoảnh lại kêu "ối", rồi thả ngay hành lý đang cầm xuống đất, chạy lại nhặt các vật dụng của mình. Dưới ánh sáng mờ mờ của đèn hành lang, Bỉnh Thành thấy thấp thoáng vài tia sáng rất mảnh. Anh chăm chú nhìn, thấy Tiểu Nhã đang cầm một cái lược có phần gáy rộng, những tia sáng kia phát ra từ lưng cái lược. Anh sải chân bước tới, nhìn cái lược thật kỹ. Nó cũng là cái lược kiêm chức năng cặp tóc, mặt lưng của nó đính vài chục hạt đá quý, có viên màu huyết dụ, có viên màu đen, rất đáng để làm đồ trang sức. Chuyện cũ mấy năm về trước lại hiện lên trong óc, anh nhớ đến cô sinh viên bị bệnh tâm thần, trở về trường sau một năm thì nhảy lầu tự tử - tên là Tưởng Dục Hồng - cũng dùng cái lược như thế này.

Bỉnh Thành hạ thấp giọng khẽ hỏi: "Tiểu Nhã, cái lược này ở đâu ra?"

Tiểu Nhã nói: "Khi nằm viện, có một bác là mẹ của một bệnh nhân đã cho em, mới đầu em ngại vì nó rất đắt tiền nên không dám nhận. Nhưng bác ấy cứ ép phải nhận, em không cưỡng lại được."

"Bệnh nhân ấy tên là gì?"

Em chỉ biết người ấy họ Uông, là bệnh nhân lâu năm, nhưng tuần trước đã ra viện rồi."

Tiểu Nhã vội vã bước ngay vào phòng, các bạn đang sốt ruột đợi cô, thấy cô đã hoàn toàn tươi tỉnh như xưa, nỗi lo lắng của mọi người đều vợi đi quá nửa, căn phòng nhỏ bỗng tràn ngập tiếng nói cười vui vẻ.

Ngồi lái xe quay về, anh Bành vẫn không nén được bèn hỏi Bỉnh Thành: "Thầy Thành ạ, anh em ở phòng bảo vệ vẫn nhắc đến vụ mưu sát 405 , có phải nó là căn phòng 405 ở đúng ký túc xá ấy không?" Vụ mưu sát 405 đúng là một bộ phim phá án đáng sợ mà thời kỳ đó ai ai cũng biết.

Bỉnh Thành nói không mấy mặn mà: "Họ toàn nói vớ vẩn, đúng là ký túc xá đã từng xảy ra vài vụ chết người nhưng đều là tự tử. Gần đến kỳ thi cuối học kỳ, do áp lực trong học tập quá lớn nên dẫn đến mà thôi."

Một tháng sau, khi anh Bành đang trong phòng trực ban lái xe thì một hồi còi hú thê thảm của xe cấp cứu làm anh bừng tỉnh. Chỉ nghe thấy những bước chân vội vã ở phòng bảo vệ kề bên, mọi người chạy đi chạy lại tíu tít. Anh mặc áo chạy ra, thấy có người gọi: "Anh Bành hãy trực ở vị trí của mình, kí túc xá có một nữ sinh khoa Y nhảy lầu, anh ở đó mà trực điện thoại, nhất định sẽ có lãnh đạo khoa xuống hiện trường."

"Ở phòng nào thế?" Bành hỏi lại.

"405."

Bành chợt thấy gáy mình lạnh toát.

Chương 1 - Vụ án mưu sát 405

"Có phải cô thấy số phòng này rất đặc biệt không?"

Diệp Hinh đang chăm chú nhìn tấm biển căn phòng 405, chợt giật mình bởi giọng nói lành lạnh này.

Một bóng người gầy mảnh lướt vào căn buồng, có mái tóc dài và chiếc váy ngắn buông gần chấm đất. Nếu không phải đang giữa ban ngày ban mặt thì chắc người ta phải nghĩ đến một "U hồn sảnh nữ"(chỉ mỹ nhân thất tình chết oan nghiệp – ND).

"Bạn còn nhớ bộ phim 'Vụ án mưu sát 405' hồi nhỏ chúng ta đã từng xem hay không? Nghe nói vì bộ phim ấy tình tiết rất đáng sợ và ly kỳ nên đã vang dội một thời, nó tác động mạnh đến tâm lý mọi người. Vì ấn tượng rùng rợn về bộ phim ấy quá sâu, nên người ta đã không dám đến ở những căn buồng ký túc xá, phòng khách sạn mang số 405. Thậm chí khu chung cư mới xây cũng không có căn hộ đánh số 405.

Thế mà căn phòng ký túc xá 405 này kể từ năm 1977 đến nay đã có 12 nữ sinh đều chết cùng một kiểu là nhảy lầu tự tử, lại cùng rơi vào một ngày 16 tháng 6. Liệu có phải là rất kỳ cục hay không?"

Diệp Hinh và các bạn nữ khác cùng phòng đều từ các vùng xa hàng nghìn cây số về đây học đại học, ai cũng mang một lô va-li hòm xiểng. Nhưng cô nữ sinh vừa đến thì lại khác, cô chỉ hai vai khoác túi nhỏ, không có thứ cồng kềnh gì khác. Cô nhìn phía trên của chiếc giường tầng kê bên trái cửa sổ, cười và nói: "Chỗ của mình đây rồi."

Tầng dưới chính là giường của Diệp Hinh.

Diệp Hinh vốn không có tính cả tin, nhưng cô vẫn thấy lời nói của "Sảnh nữ áo trắng" này có phần rờn rợn, Hinh cảm thấy hơi gai người, bèn hỏi: "16 năm có mười hai người chết, gần như mỗi năm chết mỗi người. Nếu là 16 năm chết mười sáu người thật, thì mới là đáng sợ chứ!"

Cô gái quay người lại, khuôn mặt dài ít được dãi nắng nên hơi nhợt nhạt, cặp môi mỏng cùng đôi mắt nhỏ và dài hơi chảy xuôi xuống duới. Cô nói rành rọt: "Ai bảo không phải mỗi năm một người? Có bốn năm yên ổn là vì nhà trường cũng thấy nghi hoặc, nên đã bốn lần cho đóng cửa phòng này để điều tra cho rõ ngọn ngành, nhưng chẳng có kết quả gì. Nhưng trong bốn năm ấy, các phòng khác cũng vẫn xảy ra các vụ nữ sinh nhảy lầu, xem chừng đề phòng cũng không lại được. Mấy thế hệ lãnh đạo trường đều sợ sẽ bị chỉ trích là mê tín nếu cứ cho đóng cửa phòng, cho nên họ đành phải cho mở lại phòng 405. Và chẳng sai tí nào, bốn năm trước là lần cuối cùng đóng cửa, sau khi mở cửa trở lại ba năm, thì mỗi năm lại có một nữ sinh từ phòng này nhảy lầu bỏ mạng."

Diệp Hinh thoạt đầu im lặng, sau lại thấy cô gái nọ nói năng đâu ra đấy, và không có vẻ gì là vu vơ vô căn cứ, Hinh tặc lưỡi hỏi đượm chút châm biếm: "Nói vậy tức là, trong sáu người chúng ta ở gian phòng này, nhất định sẽ có một người nhảy lầu chết vào ngày 16 tháng 6 sang năm? Thế thì mọi người nên viết sẵn di chúc đi, chưa biết sẽ đến lượt ai đây."

U hồn sảnh nữ nhận ra ý châm biếm trong lời nói của Hinh, bèn nói lạnh tanh: "Điều này chưa hẳn đã là ý kiến dở đâu! Tôi dám nói chắc rằng, phải có một người trong số chúng ta chết vào ngày 16 tháng 6 sang năm."

Một tiếng "choang" khá to vang lên. Thì ra là cái chậu rửa mặt bằng sắt tráng men bị rơi xuống đất, đứng bên cạnh nó là một cô gái vóc người nhỏ nhắn. Đó là Tần Lôi Lôi, cô bạn cùng phòng mà Diệp Hinh mới quen. Lôi Lôi vừa tắm gội và từ buồng tắm quay trở về phòng, cô giật bắn mình khi nghe thấy câu nói chắc nịch của Sảnh nữ.

Sảnh nữ bật cười khi khì, rảo bước đi đến nhặt hộ Lôi Lôi cái chậu men: "Đã thành công! Mình đã dọa được một người! Mình là Âu Dương Sảnh, cứ gọi mình là Sảnh cũng được!"

Diệp Hinh nghĩ thầm "Đúng là quá phù hợp, nếu lại có anh bạn trai trên là Ninh Thái Thần nữa thì càng giống như câu chuyện cổ xưa." Hinh định cười song lại cảm thấy bất lịch sự, nhưng có vẫn không kìm được hai mép cứ động đậy. Nhưng Sảnh vẫn nhận ra điều này:

"Để mình đóan xem nào: chắc chắn cậu là Diệp Hinh!"

Dường như Sảnh không nghĩ ngợi gì, đôi mắt cô nhìn xoáy vào Hinh khiến Hinh có phần bối rối đành nhìn ra chỗ khác và hỏi: "Sao cậu biết?"

Sảnh không giấu được vẻ đắc ý, cười và nói: "Đầu tiên là, danh sách sinh viên trong phòng, có thể tra ở phòng tiếp nhận sinh viên mới, cho nên đại danh của Diệp Hinh phải ở đó. Mình chưa hề gặp Diệp Hinh nhưng mình đã nghe nói  Hinh là cán bộ học sinh ưu tú, là nòng cốt văn nghệ nổi tiếng của tỉnh; và vì đã trải qua tập huấn diễn giảng lại có phong độ chững chạc, đã nhiều lần hướng dẫn chương trình các hoạt động văn nghệ cấp tỉnh. Hôm nay mình thấy cậu nói chuyện bằng tiếng Ngô Nông Nhuyễn với mấy bạn từ Giang Nam đến, rồi lại nói tiếng phổ thông rất chuẩn, cậu ăn mặc giản dị, lại kiên quyết không tin chuyện ma quỷ mình nói, cậu rất có chất làm cán bộ học sinh, rất khớp với sự hình dung của mình về Diệp Hinh. Ngoài ra, trông cậu còn có khuôn mặt sáng và đẹp. Nếu nói là "tên sao người vậy", thì mình đoán là phải trúng luôn."

Diệp Hinh đang ngán vì Sảnh ghép cô vào diện "cán bộ học sinh", nhưng sau khi nghe câu cuối cùng thì cô vừa ưng ý lại vừa ngượng nghịu, tan biến ác cảm với Sảnh. Cô mỉm cười: "Mình đúng là Diệp Hinh. Khá thật, mình không coi cậu là Âu Dương Sảnh nữa mà là quái nhân!"

Sảnh cũng cười vui:

"Đừng tâng mình lên như thế, chẳng qua chỉ là kết quả gian khổ nghiên cứu Agatha đó thôi."

"Agatha là ai?" Lôi Lôi đứng bên cạnh hỏi.

"Agatha Kristi là nữ văn sĩ Anh nổi tiếng về viết truyện trinh thám." Sảnh trả lời "Mình có toàn tập của bà ấy bằng tiếng Anh, các cậu hãy chịu khó dùi mài đi! Nó chẳng những làm cho sinh hoạt ngoài giờ của những con mọt sách như chúng ta thêm đa dạng, mà còn có thể giúp cho nghề bác sĩ của chúng ta sau này nữa. Các cậu nên biết: bác sĩ khám bệnh và việc trinh sát phá án đều là chung mục đích, đều cần vận dụng lô-gích."

Lôi Lôi vẫn chưa hết bàng hoàng, cô thận trọng hỏi: "Nhưng cậu vừa nói ngày 16 tháng 6 gì đó ... liệu có thật không? Sao cậu nói cứ như là tận mắt nhìn thấy vậy?"

"Mẹ mình là học sinh cũ của trường này, và là bác sĩ bệnh viện số 2 trực thuộc trường ta. Bà thuộc hết các loại sự tích ở đây. Về 'vụ mưu sát 405', mình đã moi dần từng mẩu chuyện từ bà mẹ mình."

Diệp Hinh thầm kinh hãi: "Bác ấy biết cậu được xếp vào đây ở, mà không lo lắng à?"

Sảnh cười ranh mãnh: "Các cậu đừng có kể lại với ai. Đúng là mẹ sợ mình bị xếp vào phòng 405 Hôm qua đưa mình đến trường, nhìn thấy phòng mình là 403, mẹ mình mới yên tâm ra về. Mẹ mình vừa đi xong, mình vội đến đổi chỗ ngay cho Dương Yến vốn được xếp vào ở phòng này. Mình vừa kể xong câu chuyện, Yến nghe sợ quá nên đồng ý đổi phòng ngay."

Lôi Lôi kêu lên: "Liệu ai có thể đổi phòng cho mình không nhỉ? Mình cũng muốn rời khỏi phòng 405 này!"

Diệp Hinh lại nhìn Âu Dương Sảnh bằng ánh mắt hết sức kinh ngạc.

Sảnh cười tỉnh bơ: "Cô em Lôi Lôi hãy chấp nhận đi ... cô nên bạo dạn hơn. Đó chỉ là chuyện kháo nhau, là vụ án chưa có lời giải, cho nên mình mới bằng mọi cách để được vào ở phòng này. Nói là để bắt ma hay để phá án cũng được, nếu có thể làm rõ sự thật thì lòng hiếu kỳ mãnh liệt đến đâu cũng sẽ được thỏa mãn, như thế lại chẳng hay à?"

Lôi Lôi nói: "Tớ chẳng cần thỏa mãn lòng hiếu kỳ, tớ nhát gan nên chỉ muốn lẩn tránh. Trừ phi cậu cho tớ biết những lời cậu vừa nói toàn là chuyện bịa đặt."

"Được, được. Tớ dọa cậu cho vui đó thôi. Thực ra các chuyện ma trong trường ta nhiều vô kể, tối mai tớ sẽ lần lượt kể cho các cậu nghe." Sảnh đã nhìn thấy ánh mắt của Diệp Hinh, cô cười và nói tiếp: "Chắc cậu đang nghĩ rằng mình như Âu Dương Sảnh mắc bệnh tâm thần, đúng không? Tớ xin nói rõ luôn: từ bé tớ đã rất mê các chuyện thần thánh ma quỷ. Cậu nhìn tớ trông như thế này, liệu có nói lên vài điều gì đó không?"

Diệp Hinh mạnh dạn quan sát Sảnh thật kỹ một lượt, mỉm cười: "Trông cậu như thế nào à? Lông mày thanh mảnh, đôi mắt dài, cái mũi thon thon, cái miệng nho nhỏ. Rất xinh."

Sảnh nói: "Cậu vờ vịt gì thế? Tớ luôn cảm thấy mình rất phù hợp để sắm vai 'U hồn Sảnh nữ'. Cũng là tại mẹ tớ cả thôi. Khi bà mang thai tớ, là thời kỳ cách mạng văn hóa đang rất dữ dội. Mẹ tớ thường bị động viên đi xem đấu tố, và đã tận mắt chứng kiến những người phải chết đứng vì bị đấu. Cho nên có lẽ tớ bị ma ám từ khi còn nằm trong bụng mẹ."

"Càng nói càng cảm thấy ly kỳ!"

Người vừa nói là một cô gái dong dỏng cao, tay ôm chăn màn, miệng hơi mỉm cười bước vào phòng. Sảnh hơi kinh ngạc:

"Chu Mẫn ... cậu được xếp vào phòng 403 kia mà?"

Chu Mẫn được chỉ định làm lớp trưởng tạm thời, sáng nay Diệp Hinh đã nghe Lôi Lôi nhắc đến, Mẫn là nhân vật nòng cốt của học sinh cấp ba thành phố Giang Kinh, đã nhiều lần được có mặt trong các buổi lễ long trọng của lãnh đạo thành phố. Cha của Mẫn từng được sang Đức tu nghiệp mấy năm, hiện đang là chủ nhiệm khoa Tim mạch của Phân viện 1 trực thuộc bệnh viện số 2 Giang Kinh.

"Tớ được xếp vào phòng 403. Cũng vì nghe nói về chuyện ma 'Vụ án mưu sát 405' nên tớ đã xin với thầy giáo phụ đạo cho đổi sang phòng này. Tớ muốn xóa bỏ cái chuyện mê tín này. Nếu nói tớ không sợ tí gì thì không đúng, nhưng Đảng ủy trường và các thầy ở phòng quản lý sinh viên đều rất ủng hộ. Cũng vì tớ là 'cán bộ học sinh'." Chu Mẫn đặt đám chăn màn lên chiếc giường còn bỏ không, sau đó bỗng ngoái lại nhìn Diệp Hinh rồi nói tiếp: "Cậu là Diệp Hinh chứ gì? Thấy giáo phụ đạo – thầy Lý bảo tớ chọn một bí thư chi đoàn. Tớ biết cậu và Phương Trọng Triết đều là cán bộ học sinh trung học ưu tú cấp thành phố, cấp tỉnh, nhưng vì tớ rất cần một người có thể thuận tiện công tác ở chỗ các bạn nam, nên bước đầu định để cậu Triết làm bí thư chi đoàn, mong cậu đừng nghĩ ngợi gì."

Đúng là Diệp Hinh hơi có phần không thoải mái, nhưng thấy Chu Mẫn nói không phải là không có lý, và thấy Mẫn rất thẳng thắn, cũng là hiếm có, nên Hinh cười nói: "Không đâu. Mình nghe nói ở Đại học Y bài vở rất nặng, mình đang lo sẽ không kham nổi đây này! Có thêm chút thời gian để học tập thì cũng tốt."

Chu Mẫn đang định nói: "Dù không làm cán bộ nữa thì cũng không được từ chối các công tác của lớp", nhưng nhìn thấy Sảnh đang đứng đó lạnh lùng quan sát nên cô kìm lại.

Sau khi Mẫn đi ra ngoài, Sảnh nhăn mặt lè lưỡi. Lôi Lôi đang kinh hãi, nhưng từ sau lúc Mẫn vào, Lôi Lôi gần như đã bình thản trở lại, cô mỉm cười "Sảnh thật là ... tại sao vừa gặp lớp trưởng của chúng ta cậu lại sợ cứ như chuột nhìn thấy mèo thế?"

Sảnh trả lời: "Tớ có sợ cậu ấy đâu. Nhưng trong các câu chuyện ma thì lũ cô hồn quỷ đói đều rất sợ các đạo sĩ bày trò phù phép. Số phận của tớ là bị đạo sĩ Chu Mẫn trấn lại. Chúng tớ là bạn cùng lớp hi học ở trường trung học trực thuộc bệnh viện Giang Kinh. Tớ từng bị Chu Mẫn chỉnh cho không biết bao nhiêu lần, nào ngờ khi lên đại học, âm hồn cậu ấy vẫn chẳng chịu tan cho!"

Diệp Hinh mỉm cười: "Cậu nói thế, rốt cuộc cậu là Sảnh, hay cậu ấy là âm hồn?"

Sảnh nghiêm chỉnh nói: "Thì có gì khác nhau? Cậu, tớ và cậu ấy chẳng qua chỉ là hạt bụi nhẹ tâng giữa trời đất này, hễ gió thổi là biến mất luôn."

Chương 2 - Những bước chân trong phòng giải phẫu

Mùa thu, gió mát trăng thanh. Đã quá giờ quy định tắt đèn từ lâu, Diệp Hinh trở mình mãi, rồi cuối cùng cũng ngủ được, cô nghĩ: liệu cô ta có đến nữa không nhỉ?

Từ không trung xa vắng vọng đến một làn điệu âm thanh thiên nhiên, mơ hồ khó bề cảm nhận là phát ra từ nhạc cụ nào, khúc nhạc lọt qua khe cửa sổ hé mở, Diệp Hinh thấy thực sự rất dễ chịu. Bỗng một làn ánh sáng trắng chợt lóe lên, một cô gái mặc áo dài trắng chậm rãi bước ra từ giữa vầng sáng chói mắt ấy. Diệp Hinh cố nhìn cho thật rõ khuôn mặt của cô gái ấy, bèn tiến sát đến phía trước. Một khuôn mặt nát bươm, máu me đầm đìa. Ngươi lại đến ư?

Ngươi muốn gì? Từng giọt máu tươi rỏ xuống mặt Diệp Hinh, cô kinh hoàng kêu lên một cách bất lực.

Vẫn lại là giấc mơ ấy.

Hai tháng tập quân sự đã nhanh chóng trôi qua, ngay sau đó là chương trình bài vở bộn bề khiến Hinh thấy thật sự mệt mỏi. Thêm vào đó là, gần đây cô trở thành nòng cốt của trạm phát thanh nhà trường, dường như cô phải bao trọn gói từ phỏng vấn, biên tập, cho đến đọc bản tin. Nhưng không hẳn vì quá mỏi mệt mà cô luôn luôn trằn trọc không yên, mà là, đã nhiều đêm liền cô toàn ngủ mê thấy cảnh tượng này.

Sau mỗi lần hoảng hốt tỉnh giấc, cô hồi tưởng lại và oán trách Âu Dương Sảnh đã kể câu chuyện 'vụ mưu sất 405'. Chắc vì mình quá căng thẳng thần kinh, nên đã bị nỗi sợ hãi xâm nhập đầu óc.

Nhưng Hinh vẫn thấy sợ ngủ, sợ lại ngủ mê thấy cảnh tượng ấy. Chính con người nắm giữ số phận của mình kia mà? Hinh nghĩ đến cha cô vốn là trưởng phòng của một nhà máy lớn, sau khi nghỉ việc ông chỉ suốt ngày ngồi bên bàn mạt chược, chìm đắm chẳng thể làm gì khá hơn. Trái lại, mẹ cô từ một công nhân dệt rất bình thường, đã chịu khó tự học hỏi vươn lên trở thành một nhà thiết kế thời trang nổi tiếng hiện nay. Hôm nọ Âu Dương Sảnh nói vậy không đúng: con người ta không phải là hạt bụi nhỏ bé hễ bị gió thổi là mất phương hướng. Con người là động vật cao cấp có khả năng chiến thắng bản ngã, không thần thánh ma quỷ nào có thể xâm phạm.

Càng nghĩ Hinh càng thấy nỗi sợ hãi rời bỏ cô thêm xa hơn, dần dần cô ngủ thiếp đi. Tiếc rằng cô lại không phải là người làm chủ giấc mơ. Tiếng nhạc du dương chơi với bồng bềnh, hình như đang nâng cô lên tận tầng mây trôi. Làn mây không ngớt co lại rồi giãn ra, rồi một vệt sáng trăng lại xuất hiện trước mặt Hinh.

Cô là ai? Hinh dường như có thể nghe thấy âm thanh dội lại từ bốn phía xung quanh. Cô gái đặt ngón tay lên môi và "xuỵt" ... rồi chìa bàn tay về phía Hinh.

Hồi còn bé mình vẫn nghe bà nội dặn không được đi ra bờ sông, quỷ chết đuối sẽ thò tay lên tóm chân người ta lôi xuống dìm chết. Cô gái này nếu như là hồn ma ngày trước nhảy lầu, liệu có lôi mình nhảy lầu hay không?

Hinh cảm thấy mình không thể tự chủ được, cô cứ từ từ đưa tay ra. Cuối cùng cũng chạm vào tay cô gái áo trắng. Lạnh buốt!

Hinh mở to mắt, muốn trước khi chia tay phải nhìn thật rõ mặt cô ta, nhưng Hinh cũng sợ lại nhìn thấy khuôn mặt máu me đầm đìa ấy.

Nhưng lần này thì khác, vầng sáng chói mắt dần dần nhạt đi, mặt cô gái trông mỗi lúc một rõ, một khuôn mặt trắng nhợt và toàn vẹn.

Là khuôn mặt của Âu Dương Sảnh!

"A!" Hinh hoảng hốt kêu to, nhưng cô bị Sảnh giơ tay bịt ngay miệng.

"Nhóc con ạ, ta đây mà! Đừng kêu lên kẻo làm mọi người tỉnh giấc!"

Hinh sợ hãi bừng tỉnh cơn mê, cố nhìn rõ trong bóng tối. Sảnh vốn nằm giường trên nhưng lúc này rõ ràng đang ngồi bên cô. Khuôn mặt trắng nhợt đang ở ngay trước mắt cô.

"Cậu làm gì vậy? Cậu làm tớ sợ hết hồn!" Diệp Hinh còn chưa hết sợ, cô thấy Sảnh vẫn mặc bộ áo ngủ dài, màu trắng, bàn tay lạnh giá đang nắm chặt tay cô.

"Tớ đoán nhé: có phải cậu tưởng mình là cô gái mặc áo trắng, đầu và mặt nát bươm trong giấc mơ của cậu hay không? Cậu nhát như cáy, gan của cậu bé tí tẹo!" Sảnh cười đắc ý, khiến Hinh rất ngán ngẩm:

"Tớ mà nhát gan? Cậu thử sang ngồi bên giường Lôi Lôi mà xem, nó lại không kêu ầm lên, làm cả khu nhà này tỉnh giấc ấy chứ?" Mồm nói cứng vậy thôi, thực ra Hinh đang cười thầm mình quá yếu bóng vía.

Sảnh khẽ chép miệng: "Chẳng hiểu tại sao đêm nay tớ không thể ngủ được. Nằm giường trên thấy cậu cứ trở mình liên tục, đoán rằng cậu cũng không ngủ nên tớ định rủ cậu ra ngoài đi dạo, nào ngờ cậu đã đang nằm mơ rồi!"

"Đúng thế. Tớ lại bị cậu làm thức giấc. Cậu đã đạt được mục đích rồi chứ? Nửa đêm khuya khoắt, tớ không thể đi ra ngoài với cậu, tớ đâu thuộc nhóm U hồn Sảnh nữ các cậu!"

"Hinh ơi, tớ xin cậu đấy!" Sảnh khẩn khoản, cô đóan rằng Diệp Hinh dễ tính nhất định sẽ chiều ý cô. Hinh vừa tỉnh cơn mê, quá sợ hãi nên khó mà ngủ lại được, cô bằng lòng.

"Nhưng cửa ra vào khu nhà đã bị khóa rồi, thì ra sao được?"

Sảnh hạ thấp giọng: "Từ lâu tớ đã trinh sát rồi: chỗ ngoặt giữa cầu thang tầng một lên tầng hai có một ô cửa sổ to, chấn song sắt bị mất một thanh, đó là "cống hiến" của các anh chị sinh viên hay thức đêm học bài. Người hơi béo thì không chui lọt qua nhưng gầy như cậu và tớ thì chắc chắn không có vấn đề gì. Bên ngoài cửa sổ là ô-văng khá rộng, nó cũng là mái che lối vào cầu thang; chúng ta sẽ bò từ ô-văng sang cửa sổ bên ngoài khu bể nước tầng một, cửa sổ này chỉ cách mặt đất chừng một mét rưỡi ..."

Sảnh đứng dậy tiến lại gần giường Chu Mẫn, đứng đó giây lát, rồi quay lại nói tiếp: "Đạo sĩ Chu Mẫn đã ngủ say, chúng ta có thể xuất phát!"

Dưới ánh trăng soi, Sảnh và Hinh đi mấy vòng quanh sân vận động, nói với nhau các chuyện về lớp mình, bình luận về vài bạn nam, và cùng cười vui. Sảnh bỗng chỉ tay về phía trước: "Chúng ta đến đằng kia xem sao, sau đó sẽ quay về, có được không?"

Nếu Sảnh nói rõ là đến khu nhà giải phẫu thì chắc chắn Hinh sẽ không đồng ý. Lúc Hinh từ chối thì đã muộn, hai người đã đứng trước khu nhà gác nho nhỏ cũ kỹ xây theo kiểu châu Âu, họ đứng nghệt ra chăm chú nhìn những bức tường xám nhợt nhạt bị ánh trăng hắt vào.

Không hiểu tại sao Hinh thật sự cảm thấy ớn lạnh: "Có lẽ mình mặc phong phanh quá, nên thấy hơi rét, chúng ta quay về thôi!"

"Đây là thánh địa sản sinh ra rất nhiều chuyện ma ở trường ta!' Sảnh nói tỉnh bơ, coi như không nghe thấy Hinh nói gì; cô ngây người nhìn khu nhà bằng ánh mắt đượm vẻ thành kính, khiến Hinh thấy kinh hãi.

"Cậu tệ quá, lừa tớ đến đây hành hương à? Rồi tớ sẽ phải nói chuyện nghiêm chỉnh với mẹ cậu rằng cô con gái của bà rất đồng bóng!" Nói rồi Hinh quay người định ra về.

Sảnh túm ngay Hinh níu lại: "Người ta vẫn nói các chuyện ma quỷ ở phòng giải phẫu này đều xảy ra sau lúc nửa đêm, mấy khi chúng ta có dịp đến đây vào lúc khuya khoắt thế này, cậu không muốn vào tận nơi xem xem thực hư thế nào à? Đừng sợ, đừng sợ! Trong ngần ấy chuyện ma, nào có ai chết trong phòng thực nghiệm giải phẫu này đâu? Đêm nay chúng ta phải khám phá cái bí ẩn ma quỷ này! Chắc sẽ không xảy ra chuyện gì cả, và chúng ta cũng tiện bẩm báo với đạo sĩ Chu Mẫn rằng chỉ trong một đêm đã quét sạch những chuyện mê tín kiểu phong kiến ám ảnh trường ta suốt mấy chục năm, tư tưởng của chúng tôi đã đủ tiến bộ chưa?"

Hinh vẫn không quay đầu lại: "Cậu thấy hứng thú thì cứ vào, rồi thì công lao quét sạch mê tín sẽ thuộc về cậu tất! Tớ không ăn theo cậu đâu!"

"Nhưng ... nhưng mà ..." Sảnh không biết nên nói gì nữa, nhưng cô vẫn túm chặt tay áo của Hinh.

Hinh bỗng hiểu ra: "Thì ra cậu cũng chỉ tỏ ra đam mê tìm hiểu vậy thôi, thực chất cậu cũng thấy sợ, đúng không?"

Sảnh giận dỗi nói: "Tớ sợ cóc gì! Bạn bè gì mà như cậu? Tớ đã hoài công đêm hôm khuya khoắt đi dạo với cậu suốt! Một mình tớ vào vậy, cậu đừng cản tớ!"

Thấy Sảnh vẫn túm chặt tay mình không buông, Hinh nghĩ cô bạn tốt song rất trái khoáy và ngoan cố này vừa lỳ lợm lại vừa đáng mến. Hinh đành nhượng bộ:

"Thôi được rồi! Chẳng biết kiếp trước tớ đã tích đức ra sao mà kiếp này lại gặp phẩi cô gái tinh quái như cậu. Nào, vào xem một lát rồi ra ngay!"

Hai người kề bên nhau cùng dò dẫm bước lên, nhẹ nhàng rón rén như rất sợ sẽ làm kinh động ... nhưng khu nhà này làm gì có ai mà phải lo sẽ làm kinh động đến họ?

Cuối cùng cũng đã bước đến sát cửa, Hinh khẽ nói: " Tại sao lại phải xây cái bậu cửa cao thế này?"

Sảnh đáp: "Có nhiều cách giải thích: để phòng khi mưa to, nước tràn vào. Để phòng rò rỉ phooc-môn ... Nhưng nói là để đề phòng ma quỷ chạy ra ngoài, là đáng tin hơn cả."

Hinh chép miệng: "Còn tiếp tục nói vớ vẩn, thì từ nay tớ sẽ không bao giờ tin lời cậu nữa!"

"Cậu đi trước đi!" Sảnh dừng bước.

Hinh chỉ còn biết lắc lắc đầu, rồi bước lên bậc thềm. Cả hai chăm chú nhìn tay nắm cửa bằng đồng rồi đứng đờ ra.

"Cậu mở cửa đi!" tòan thân Sảnh hơi run run.

Hinh lại đành lắc lắc đầu, nắm vào tay nắm rồi mở cửa.

Trước mặt là một vùng tối om. Sảnh bật đèn pin mà cô đã chuẩn bị từ trước, nhưng ánh sáng đèn pin không đủ mạnh, chỉ thấy lờ mờ hiện ra một hành lang. Cả hai lại đứng nghệt ra ở cửa. Sảnh vừa mở miệng: "Cậu ..." thì Hinh tiếp lời luôn: "Cậu đi trước đi chứ!" Hinh bước lên một bước, miệng lầu bầu: "Sảnh thật là ... tớ thừa biết cậu không dám đi trước!"

Hinh vừa dứt lời thì Sảnh đã tưng tưng nhảy vào, hoàn toàn không có vẻ sợ sệt như vừa nãy, cô lia đèn pin khắp các phía, gọi to: "Các người đâu rồi? Có tiểu muội tôi đến thăm, đừng để cho tôi phải thất vọng!"

Lúc này Hinh mới biết mình đã mắc lừa con bé Sảnh quái dị tinh ma, Hinh lầu bầu than thở, hậm hực nói: "Cậu gọi tướng lên như thế, dù có đồng loại của cậu ở quanh đây thì họ cũng sợ chết khiếp mà trốn biệt!"

Sảnh cười: "Được, thế thì tớ nhã nhặn một chút vậy!"

Đèn pin vụt tắt, xung quanh bỗng tối đen như mực, Sảnh cũng im lặng.

Một luồng gió lạnh xối xả bỗng bao phủ Diệp Hinh, khiến cô rét run cầm cập. Thì ra bóng tối có thể làm cho người ta khiếp hãi đến như vậy. Hinh hít sâu một hơi, nhưng cái lạnh vẫn không tan. Sảnh cũng tuyệt đối không nói một lời. Sau một lúc im lặng, Hinh bí quá đành phải lên tiếng: "Này Sảnh, đừng làm trò nữa, bật đèn lên đi!"

Sảnh không đáp. Xung quanh lặng ngắt như tờ.

"Sảnh đang ở đâu thế? Đừng làm trò khỉ nữa!" Giọng Hinh có phần run run.

Lại vẫn im lặng. Hinh bị cảm giác cô độc và nỗi sợ hãi hành hạ, mỗi giây trôi đi dường như dài vô tận.

Cô đang định kêu lên, thì một giọng nói nhỏ nhẹ vẳng đến: "Chớ nói to!"

Tạ ơn trời đất, chính là tiếng Sảnh.

"Cậu đừng vội mắng mỏ tớ! Tớ vẫn đang nghe kỹ xem ... hình như tớ nghe thấy tiếng bước chân." Sảnh nói nhỏ, nhưng Hinh nghe cứ như là sấm vang bên tai.

Gì cơ? Tiếng bước chân?

Hinh nín thở lắng nghe, đúng thế, những tiếng bước chân nặng nề hình như còn đang đi bên ngoài khu nhà, nhưng đang tiến lại gần hơn. Nó đang tiến về phía hai cô.

"Tớ cũng nghe thấy." Hinh khẽ nói, và cũng không biết mình còn có thể đứng nổi ở đây bao lâu nữa.

Tiếng bước chân mỗi lúc một gần, mỗi lúc một nặng nề hơn, cứ như là đang đi trên đường lầy từng bước đều để lại dấu chân lún sâu xuống bùn. Tim Hinh đập liên hồi. Người bình thường đâu có bước chân nặng trịch như thế? Nếu không phải người bình thường thì có thể là gì?

Chẳng lẽ cứ đứng ngây thế này mãi?

"Mau chạy đến gian cuối cùng nấp đi thôi!"

Sảnh kéo Hinh, cả hai cùng chạy đến hết hành lang. Sảnh lại bật đèn pin, ở hai bên phải và trái cuối hành lang có hai căn buồng nhỏ, cửa chỉ khép hờ. Vào lúc này mà Sảnh vẫn còn chớt nhả được: "Chúng ta có nên gieo một đồng xu, để quyết định xem nên nấp vào gian nào không?"

Hinh mặc kệ Sảnh đang nói rườm rà, cô kéo luôn Sảnh nấp vào gian bên phải. Sảnh vẫn chưa chịu thôi: "Này Hinh ạ, tuy chỉ là một quyết định đơn giản hai chọn lấy một, nhưng cũng vẫn có thể có hậu quả sai một bước ôm hận ngàn thu đấy!"

Căn phòng nồng nặc một thứ khí cực khó ngửi, nhức cả mũi. Nhưng lúc này Hinh hoàn toàn bị ức chế bởi tiếng bước chân kỳ dị ngoài cửa nên cô không để ý gì khác nữa. Sau khi bước vào buồng , Sảnh lập tức cài cửa.

Tiếng bước chân bỗng dừng lại ở cửa vào khu nhà. Hình như nó đắn đo xem có nên bước vào hay không.

Nguy rồi! Hinh chợt nhớ ra rằng khi bước vào hành lang, hai cô đã không đóng cửa ra vào khu nhà. Như thế khác nào ngầm ra hiệu cho người ta biết rằng bên trong này đang có người?

Thảo nào mà hắn đang do dự, chắc chắn đã rất thông thuộc khu nhà này, nên khi thấy cửa mở vào lúc nửa đêm thì hắn cho là chuyện khác thường. Ai có thể thông thuộc nơi này mà lại có bước chân nặng nề kỳ quái ấy? Lẽ nào các chuyện ma vẫn lưu truyền trong trường bao năm qua là có thật? Chẳng lẽ khu nhà nhỏ này là thánh địa của lũ ma quỷ quái dị?

Càng nghĩ lại càng sợ. Hinh lùi lại theo bản năng, bỗng nhiên có một bàn tay cứng đơ lạnh buốt áp lên má cô. Không, nó không có hơi người, nó là một bộ móng vuốt!

"Có phải là Sảnh không?" Hinh khẽ hỏi một cách tuyệt vọng. Tất nhiên không thể là Sảnh đang bỡn cợt. Rõ ràng là Sảnh đang đứng trước cô.

Sảnh quay lại kinh ngạc nhìn, rồi bấm đèn pin. Hinh thấy mặt Sảnh biến đổi rất nhanh, cô vội đưa tay bịt miệng mình để khỏi phải kêu to lên. Nhưng Sảnh lập tức cười rất tếu, lúc này Hinh mới biết mình lại bị mắc lừa Sảnh. Khi quay đầu nhìn thì cô lại vẫn sợ hết hồn hết vía!

Một bộ xương hoàn chỉnh đang áp sát ngay sau lưng cô!

Đó là tiêu bản bộ xương người dùng để dạy học, được treo vào một cái giá sắt. Khi mới vào trường, cô đã nhìn thấy nó một lần khi vào tham quan khu nhà giải phẫu. Không ngờ đêm nay lại gặp nó ở đây.

Tiếng bước chân lại vang lên, lần này là ở ngoài hành lang.

Hinh chỉ còn cách thầm cầu khấn không ngớt, mong bước chân ấy sẽ dừng lại trước khi đi hết hành lang.

Nhưng tiếng bước chân lại mỗi lúc một gần, nền nhà rung rung theo từng bước chân ấy, con tim của Hinh cũng rung theo.

Cuối cùng, tiếng bước chân dừng lại ở cuối hành lang.

Sảnh bỗng kéo Hinh lại gần, thì thầm bên tai cô: "Chắc hắn sẽ gieo đồng xu để quyết định rẽ vào gian nào. Chúng ta hãy trốn vào phía trong!"

Hai người dò dẫm bước vào trong cùng. Thì ra khi nãy Sảnh đã bật đèn pin nhìn thấy góc căn phòng có một tủ lớn, cô mở cửa tủ và nhanh tay lia đèn quét một lượt. trong tủ có treo vài thứ gì đó, vì gấp vội nên nhìn không rõ.

Nhưng cái tủ vẫn còn rộng chán. Hai cô vội chui ngay vào.

Tiếng bước chân tiến vào căn phòng!

Hắn dừng lại, một khoảng khắc chết lặng, rồi bỗng "rầm" một tiếng động mạnh.

Trong tủ tối om, cả hai cô đều không ngớt cân nhắc xem, có nên hé cửa tủ để nhìn xem hắn là ai? Nhưng sự sợ hãi đã chiến thắng trí tò mò, cả hai cô đều cố thở thật khẽ chứ đâu dám dại dột manh động?

Cả hai đều lấy làm may mắn bởi quyết định khôn ngoan của họ, vì tiếng bước chân lại vang lên!

Lần này tiếng bước chân không nặng nề như trước, mà là lệt sệt lê bước rin rít trên sàn bê tông.

Nhưng tiếng rin rít ấy đang tiến đến gần cái tủ mà hai cô đang nấp.

Trong bóng tối, Sảnh đưa tay về phía Hinh, Hinh cũng cảm nhận được bèn nắm lấy, Hinh thấy như mình đang nắm một tảng đá nho nhỏ. Thì ra là, những tưởng Sảnh vốn không biết sợ là gì, nhưng Sảnh cũng như mình – khi bước chân tiến lại gần, cũng có cảm giác tuyệt vọng!

Tiếng bước chân dừng lại ngay trước cái tủ, hai cô cực kỳ tuyệt vọng khi cánh cửa tủ đang từ từ mở ra. Không có một tia sáng, căn phòng vẫn không sáng đèn. Ai đã vào căn phòng tối om mà lại không bật đèn?

Hai cô co rúm người trong góc tủ, sau khi cửa tủ bị mở ra thì vẫn không thấy động tĩnh gì. Hình như người kia đang đứng đờ ra đó. Thế rồi một loạt tiếng "sột soạt", hình như có một bàn tay thò vào sờ sệt mò mẫm, lấy ra một thứ gì đó. Rồi đóng chặt cánh cửa tủ lại.

Tiếng bước chân lại rin rít rời xa cái tủ, hai cô áp tai vào vách tủ nghe ngóng, chỉ mong hắn đi cho xa. Nhưng các tiếng động vẫn quẩn quanh trong căn phòng.

Bỗng một tiếng thở dài nhè nhẹ vọng vào, hai cô không ai bảo ai đều rùng mình.

Một khoảnh khắc sau đó, xung quanh bất ngờ im ắng. Vào lúc yên lặng này Hinh mới cảm nhận ra cái mùi hắc nhức mũi trong căn phòng chính là mùi phooc-môn vẫn dùng để ướp các tiêu bản giải phẫu. Thực ra là mùi phooc-môn cay cay lúc nào cũng lan tỏa khắp khu nhà giải phẫu, hễ đặt chân vào khu nhà là ngửi thấy ngay. Chỉ khác là thứ mùi ấy ở căn phòng này nồng nặc khác thường. Hình như ngoài mùi phooc-môn còn có mùi thuốc gì đó cực kỳ khó ngửi. Không nghi ngờ gì nữa, có lẽ đây là nơi chứa một lượng lớn phooc-môn, và rất có thể còn chứa rất nhiều tử thi.

Lại một tiếng thở dài nhè nhẹ, nhưng đối với Diệp Hinh thần kinh đang căng thẳng như sắp đứt thì lại chẳng khác gì sấm nổ. Tiếp đó là một tiếng "két", hình như mở cửa sổ.

Rồi một tiếng "xẹt" nhẹ vang lên, sau đó Hinh ngửi thấy mùi hương thắp.

Người này rốt cuộc đang làm gì nhỉ? Đêm khuya, ai lại vào khu nhà giải phẫu để thắp hương?

Chỉ lát sau, một đợt âm thanh quái dị cực kỳ chói tai, ngắt ngứ rên rỉ não nề đã hoàn toàn phá tan sự yên tĩnh ở đây. Âm thanh quái dị vây bám vào gáy Hinh khiến cô rùng mình kinh hãi.

Thấy bên tai hơi ngứa, thì ra Sảnh đang ghé sát miệng vào tai cô thì thầm: "Chắc chắn là người này ... hoặc con ma này đã nhận ra chúng ta ở quanh đây, hắn bèn đốt hương tẩm thuốc mê làm chúng ta ngất xỉu, có lẽ hắn gây ra các tiếng động kỳ quái để tra tấn chúng ta đến chết, chúng ta không thể ngồi đây chờ chết ... ít ra, tớ muốn xem xem hắn đang làm trò gì, hoặc con ma đó đang định hại người như thế nào."

Kể cũng lạ, sau cơn sợ hãi cực độ, thì Hinh lại muốn biết rõ sự thật. Dù điều này có nghĩa là phải chịu rủi ro cực lớn hoặc phải bị khếp hãi nhiều hơn nữa. Hinh bèn gật đầu.

Cửa tủ được hé ra một khe hẹp, hai người ghé mắt nhìn ra, họ sợ ngây người bởi cảnh tượng trước mắt.

Căn phòng nhỏ không tối om như trước đó, cửa sổ hướng tây đã mở toang, ánh trăng sáng trong chiếu vào căn phòng, rọi vào một cái lưng còng. Trên cái lưng còng ấy là một cái đầu nhẵn trơn to tướng đang cúi xuống, phía trước hắn là một cái giường, trên giường có một người – có lẽ là một cái xác – đang nằm. Trên tay ông đang cầm cái cưa điện, đang định phân chia thi thể trên giường.

Hinh và Sảnh dường như cùng bám chặt lấy cánh cửa tủ, nên mới không ngã nhào ra người vì quá sợ hãi. Sau khi hết cơn thở dốc, họ bỗng thấy tay mình dính nhơm nhớp. Đưa lên mũi ngửi, thì sặc một mùi máu tanh. Đúng là máu tươi! Phòng tuyến mà hai cô thiết lập để ngăn chặn sự kinh hãi đã vỡ tung, họ cùng kêu thét lên.

Người lưng gù kia chậm rãi quay lại. Tuy đang cực kỳ hoảng sợ nhưng Sảnh vẫn nhớ ra phải bật đèn pin, cô chiếu vào mặt người ấy. Đó là một nam giới tuổi ngoài 50 có khuôn mặt dữ tợn và đang lộ vẻ hơi ngạc nhiên. Ông ta nói nghèn nghẹn: "Thật không ngờ lại là hai cô gái! Dám vào tận đây, rất can đảm đấy!"

Quan sát kỹ, thấy ông già choàng quanh người một chiếc "váy" bằng cao su, tay đeo găng cao su, đủ thấy chẳng qua ông chỉ là một kỹ thuật viên của phòng thực nghiệm giải phẫu.

"Thôi nào, đừng sợ. Tôi chỉ là một kỹ thuật viên, đang chia thi thể này thành các tiêu bản. Hai cô cũng thật là... nửa đêm khuya khoắt lại đến đấy nấp trong cái tủ đựng dụng cụ lần mò này nọ, có hay ho gì đâu! Thôi được, tôi cũng chẳng hỏi han hai cô học lớp nào, đòi xem thẻ sinh viên hoặc báo cáo phòng bảo vệ làm gì. Mau về mà đi ngủ đi!"

Ông già gù sợ sẽ làm cho hai cô thêm sợ hãi, nên thọat đầu ông dịu giọng nói chuyện với hai cô, nhưng đến mấy câu sau thì lời nói và vẻ mặt đều rất gay gắt, tỏ rõ ý không chấp nhận hai vị khách không mời mà đến này.

Sảnh thận trọng nói: "Thảo nào chúng cháu nghe thấy tiếng bước chân nặng nề như thế, thì ra là bác phải vác cái xác này vào đây! Cái xác này ở đâu ra thế ạ?"

"Còn phải hỏi à? Tất nhiên là lấy từ nhà xác, của bệnh viện trực thuộc số 1. Đoạn đường cũng ngắn thôi, và chỉ một cái xác, nên tôi mới cõng đến đây. Nếu chuyển nhiều hơn, tôi phải dùng xe ba bánh để chở. Các cô hỏi gì mà lắm thế? Mau đi về đi cho!"

"Bác ạ, có phải ... bác đã biết là chúng cháu đang ở trong khu nhà này, và đoán rằng chúng cháu đang nấp trong tủ dụng cụ của bác không? Bác là con người làm việc rất ngăn nắp phải không ạ?"

Ông già gù vốn tưởng hai cô gái sẽ mau lủi đi thật nhanh, không ngờ Sảnh lại hỏi hết câu này đến câu khác như vậy, ông vừa bực mình vừa thấy buồn cười: "Tất nhiên là thế ... nhưng sao cô biết?"

Sảnh đáp: "Vì cháu đoán rằng mọi ngày bác thường khép kín cửa ra vào, nhưng đêm nay cửa lại không khép thì sẽ đoán biết trong nhà có người. Và lại đoán rằng bọn cháu sẽ nấp ở đây. Bác đến nhìn cửa phòng, vốn chỉ khép hờ, nhưng khi vào đây rồi cháu đã quên nên mới khép chặt cửa lại, vì thế bác sẽ càng nghi ngờ hơn. Đúng thế không ạ? Khi vào tủ để nấp, bọn cháu rất lúng túng và đã làm lộn xộn áo quần và các thứ dụng cụ vốn được bác xếp ngăn nắp, nên bác đưa tay huơ vào là biết ngay bọn cháu đang nấp trong tủ. Bác cũng đóan rằng chắc chắn bọn cháu sẽ lén nhìn ra, nên mới bôi máu tươi vào cánh cửa, để dọa bọn cháu!"

Ông già gù cười nhạt: "Không ngờ cô bé này cũng khôn thật, cô đã đoán rất đúng. Có điều, lúc đầu tôi tưởng là mấy cậu con trai nghịch ngợm, nào ngờ lại là hai cô sinh viên. Thập kỷ 90 có khác, thời thế đã thay đổi, các cô gái thực là to gan!"

"Bác đã quá khen rồi! Chỉ là chúng cháu được cô giáo Agatha Kristi dạy bảo đó thôi! Bác có thể cho cháu biết tại sao bác lại làm việc về đêm không ạ? Phòng thì tối, sao bác không bật đèn, và tại sao còn phải thắp hương nữa? Khu nhà này ..."

Ông già gù ngắt lời: "Cô có thôi đi không? Vừa mới được khen là khôn, sao cô không chịu nghĩ xem: khu nhà này hay có người ra vào, lại không có tầng hầm, nếu ban ngày tôi mở xác ở đây thì đẹp mắt lắm hay sao? Đang yên đang lành, tội gì tôi lại muốn làm việc ban đêm? Tôi đã nhiều lần xin nhà trường bố trí cho một nơi tương đối kín đáo yên tĩnh để làm việc, nhưng nhà trường còn thiếu phòng thiếu kinh phí. Cơ sở vật chất ở đây toàn là các thứ từ bốn chục năm về trước. Còn về ... tại sao tôi không ưa thắp đèn để làm việc ... chỉ là vì sở thích cá nhân mà thôi. Các cô khỏi phải dài dòng nữa, còn không mau về đi!"

"Dù bác không nói thì cũng coi như đã nói rồi: bác sợ rằng nếu có đèn sáng thì các xác chết sẽ nhận ra bác, rồi các âm hồn sẽ bám theo bác mãi. Bác thắp hương cũng vì có ý xua đuổi tà ma. Cháu đã lại đoán đúng, phải không ạ?"

Âu Dương Sảnh được đằng chân lân đằng đầu, cô nói một chập dồn ép đối phương.

"Nói vớ vẩn!" Ông già gù bỗng đứng lên, ánh mắt hơi dữ tợn, bàn tay cầm chiếc cưa điện hình như hơi run lên vì tức giận. "Hôm nay tôi không chấp các cô làm gì. Các cô đi đi, chớ ăn nói linh tinh kiểu này nữa, rõ chưa? Tôi chỉ muốn điều tốt cho các cô mà thôi, đi đi!"

Hinh cũng cảm thấy Sảnh có phần hơi quá, bèn kéo tay Sảnh: "Về thôi!"

Đã gần bước ra khỏi phòng nhưng Sảnh lại ngoảnh lại: "Bác ơi, cháu muốn hỏi một câu cuối cùng: nghe nói trong khu nhà này có ma, thật thế không ạ?"

Ông già gù bỗng bấm nút máy cưa điện, ông quát to dường như còn át cả tiếng máy cưa: "Hoàn toàn đúng như vậy! Đúng là đêm nay tôi gặp ma, nên mới chạm trán cô bé con lắm mồm thế này! Xéo ngay!"

Cả hai cô chạy chầm chậm, lúc sắp ra đến cửa khu nhà, Hinh bỗng vấp ngã. Ngay lúc đang ngã ra, cô thấy phía trước lóe lên một làn ánh sáng trắng, bóng cô gái áo dài trắng vẫn thấy trong giấc mơ lướt qua rất nhanh, và hai chữ "Ánh trăng" nhỏ nhẹ thoảng bên tai cô.

Sảnh vội đỡ Hinh dậy, Hinh bỗng nắm chặt Sảnh, mơ hồ hỏi: "Ánh trăng là gì?" Sảnh cũng mơ hồ: "Cậu nói gì thế?"

Tiếng bước chân lệt sệt kia lại vang lên phía sau họ, đèn ở hành lang bỗng sáng lên, ông già gù đang rảo bước tiến lại, đôi mắt như muốn bật ra khỏi hốc mắt. Đi đến trước mặt Hinh, cô đặt hai tay lên vai cô và hỏi: "Này, cô bé đang lẩm bẩm gì vậy?"

Hinh dường như chợt tỉnh cơn mê, cô lắc đầu: "Gì ạ? Cháu có nói gì đâu!"

Sảnh nói: "Cậu vừa nói là ..." thì một bàn tay thô nháp bịt ngay miệng Sảnh. Cô nhìn thấy khuôn mặt già nua chằng chịt những nếp nhăn của ông già gù đang đầy vẻ nghiêm khắc, cô bèn nín lặng.

Ông nói rành rẽ từng tiếng một: "Bất kể là hôm nào, sau lúc nửa đểm cô tuyệt đối không được đến đây, nhớ chưa?"

Hinh gật đầu. Sảnh nói: "Ý bác là Hinh không được đến, nhưng cháu có thể thường xuyên đến phải không ạ?"

"Vớ vẩn quá! Cô cũng không được!" Ông già gù mạnh tay đẩy, dồn hai cô ra tận cửa. Sảnh lại gợi hỏi: "Cháu nghe nói có cái bậu cửa cao thế này thì ma quỷ không thể bước ra khỏi khu nhà. Chúng cháu đã ra cửa, thì được an toàn rồi phải không ạ?"

Ông già không buồn trả lời nữa, chờ khi hai cô gái đã đi chừng vài ba chục bước, ông mới lạnh lùng nói với theo: "Xưa nay kẻ gây lắm tội nhất là người, chứ không phải là ma!"

Chương 3 - Bí ẩn xác chết

Năm nào cũng vậy, mùa xuân không hẹn vẫn cứ trở về. Bởi lẽ trái tim mọi người đều luôn khát vọng về nó. Mùa xuân năm nay, hoa lá ngát hương nơi sân trường đã về với Diệp Hinh, cô còn có được những đêm dài êm đềm không gặp ác mộng. Nhưng điều không mong đợi thì lại đến với Âu Dương Sảnh: vào tháng tư, cô mắc chứng viêm gan A, xét bệnh trạng của Sảnh thì cô cần phải nghỉ học từ một đến hai tháng. Lúc này Hinh đang ở trong phòng thực nghiệm giải phẫu, loay hoay với một cánh tay đang ngâm trong phooc-môn màu nâu đỏ và lại nhớ đến cô bạn thân tinh nghịch của mình. Kể từ sau lần mạo hiểm đến khu nhà giải phẫu lúc đêm khuya, đến nay hai cô đã dần dần không để ý gì đến các chuyện ma quỷ nữa. Họ cũng thường cùng nhau nghiên cứu nguyên do bí ẩn của 'Vụ án mưu sát 405', nhưng vì bài vở bộn bề, các hoạt động của trường cũng nhiều, mặt khác, lại thiếu các tư liệu, nên hai cô không biết nên bắt đầu từ đâu. Thêm nữa, cả hai lại sống giữa khu trường xanh tươi cây lá, chỉ thấy quanh mình rực rỡ ánh mặt trời, nên dần dần cả hai cũng giống như mọi người: chấp nhận coi những chuyện kinh dị hết sức hão huyền ấy chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, nên không cần nhớ đến làm gì nữa.

Sảnh vừa mới nghỉ dưỡng bệnh được ba ngày, thì Diệp Hinh – vốn luôn tự coi mình là con người độc lập tự cường – đã có phần ngơ ngác. Cũng không có gì là lạ, từ khi bước chân vào trường, hai người hầu như luôn bên nhau như hình với bóng. Kể từ sau cái đêm thu năm ngoái cùng mạo hiểm vào phòng thực nghiệm giải phẫu, cả hai lại càng ăn ý với nhau hơn. Nay Hinh bỗng cô đơn vì tạm thời vắng bóng Sảnh – bông hoa thổ lộ tâm tình, thì Hinh khó tránh khỏi có phần hẫng hụt. Tuy nhiên, Hinh vẫn thầm tự trách và giận chính mình đã quá kém cỏi, vì một cô bạn mà đã phải lúng túng rối trí. Hinh nhớ về kỳ nghỉ đông, mẹ cô đang làm thủ tục ly hôn, bà khóc và dặn dò cô: "Không bao giờ được gắn quá chặt tình cảm của mình với một ai đó." Bà nói vậy là vì đã bao năm bà bế tắc, giận chồng không có chí vươn lên. Và đó cũng là nỗi ngậm ngùi về một cuộc hôn nhân thất bại.

Nhưng rồi cô lại nghĩ liệu có phải mình đã quá lan man về chuyện này không? Tình bạn giữa mình và Sảnh rất trong sáng, một chút bất ổn hiện nay rồi sẽ nhanh chóng trở lại bình thường cùng với thời gian. Khi mới biết tin cha mẹ ly hôn, tâm trạng mình chẳng phải cũng đã từng rất nặng nề hay sao? Mình đã khóc, đã oán trách, thậm chí bỏ nhà ra đi ... nhưng nay chẳng phải đã phẳng lặng nhiều rồi hay sao? Khi mẹ hoặc cha nói chuyện điện thoại với mình, vẫn rất tình cảm đấy thôi! Hinh không muốn chìm đắm trong khoảng chân không mà Sảnh đã để lại, cô vùi đầu vào vùng trời nho nhỏ của mình – trạm phát thanh của trường. Chị trưởng trạm phát thanh sắp tốt nghiệp đến nơi, thấy kỹ thuật đọc của Hinh ngày càng thuần thục bèn đề cử cô kế nhiệm chị làm trưởng trạm. Đang là mùa xuân, nên các hoạt động văn nghệ của trường rất phong phú, trưởng ban văn nghệ của hội sinh viên nhà trường đang bận tối mắt tối mũi, bèn kết nạp thêm Hinh làm một cán sự để chuẩn bị cho một số buổi trình diễn văn nghệ và thi đấu. Hinh đã làm khá nhiều việc cho hội sinh viên, khi đứng trong phòng thực nghiệm giải phẫu im ắng này, cô lại nhớ đến Sảnh.

"Hinh ơi, cậu đang thất tình đấy à?" Tần Lôi Lôi hỏi khẽ Diệp Hinh đang có phần lơ đễnh. Trong học kỳ này, từ sau khi bắt đầu học môn giải phẫu, Lôi Lôi đã mạnh dạn hơn nhiều nhưng vẫn chưa có gan đi một mình vào phòng thực nghiệm giải phẫu để ôn bài, nên mới nài nỉ Hinh đi cùng. Tuy ban ngày đã được nghe giảng về các tiêu bản này, nhưng vì đông người ồn ào nên khó có thể yên tâm chăm chú nhìn cho rõ. Cho nên đến tối thường có sinh viên cùng khóa đến đây để nghiên cứu các phần của tứ chi bày la liệt trên bàn. Chúng đều là một phần của các tử thi cũ, chẳng rõ đã ngâm trong phooc-môn bao lâu. Một số sợi cơ thịt đã bị tuột ra, thêm vào đó là mùi phooc-môn nồng cay nhức mũi... Không thể nói là lý thú gì, nhưng ít ra cũng còn hơn là xem các xác mới chết đầm đìa máu me.

Hinh bỗng cầm một tiêu bản cánh tay giơ lên, làm động tác như định đánh Lôi Lôi: "Cậu nói nhí nhố quá, ngay cả người chết cũng phải chồm dậy đánh cậu đây này!"

Lôi Lôi giật bắn người: "Diệp Hinh, nhà người vốn là thục nữ miền Giang Nam, đi theo Âu Dương Sảnh nên cũng học được thói quậy phá rồi đấy!'

Lại là Sảnh, Hinh thầm than vãn: cô bé rồ dại ấy đã reo rắc thật không ít!

Chu Mẫn đang ngồi bên, khẽ cười: "Hinh lại đang nhớ đến Sảnh. Tớ cứ tưởng vì quá bận việc ở phòng phát thanh nên cậu quên nó rồi! Thì ra là không thể quên!"

Trần Hy thường hay đi với Chu Mẫn, đang khẽ hát "Không thể quên ... nước mắt của em, không thể quên ... nét yêu kiều của em" trong bài hát "Không thể quên" của Đồng An Cách.

Những câu nói tếu như thế, Hinh đã nghe nhiều rồi nên cô không mấy để tâm. Chu Mẫn lại nói: "Gần đây lớp ta phải tham gia khá nhiều hoạt động, nên tớ chẳng còn thì giờ mà học. Hinh thật là tệ, chẳng giúp đỡ tớ gì cả!"
Hinh biết rõ Mẫn đang ỡm ờ "trấn" cô, cô định nói: "Đâu phải tớ không muốn giúp cậu, nhưng hễ tớ định hăng hái một chút thì cậu lại 'từ chối khéo', chắc cậu sợ tớ có 'dã tâm' gì đó, thì tớ còn biết làm gì nữa", nhưng Hinh lại e sẽ làm mất vui, nên đành nói: "Thế thì lần sau cậu nhớ gọi tớ, tớ xin răm rắp nghe theo!"

"Không dám đâu! Đừng nói vậy! Cậu là quan to của hội sinh viên nhà trường, tớ chỉ là một lớp trưởng còm, đâu có vai vế gì để chỉ huy ai!"

Trần Hy cười khanh khách.

Hinh cũng cười. Cô chăm chú quan sát tiêu bản, bất giác lại nghĩ: nếu Sảnh có mặt ở đây thì nó sẽ nói những câu gì kỳ quặc để đối phó nhỉ? Bỗng nghe thấy những tiếng bước chân lệt sệt, Hinh chột dạ, nhớ đến ông già gù đầu hói đã gặp trong đêm hôm nào, cô bỗng mất tự chủ, rảo bước bước ra khỏi phòng thực nghiệm.

Phòng thực nghiệm giải phẫu đồng thời cũng là phòng học, ở tầng trệt của khu nhà giải phẫu gồm hai phòng thực nghiệm ở hai hướng bắc, nam; đều rất gần cửa ra vào khu nhà này. Đi tiếp vào trong, là phòng lưu trữ, phòng chuẩn bị và một gian nho nhỏ chẳng rõ dùng vào việc gì. Tận cùng hành lang là phòng xử lý tử thi mà hồi nọ hai cô gái đã gặp ông già gù. Hinh rảo bước lên mấy bước, rồi bỗng dừng lại và tự hỏi "tại sao mình lại đi gặp ông già gù ấy? Chẳng lẽ chỉ để chào một câu thôi ư? Vẻ mặt dữ tợn của ông ta hôi nọ, rõ ràng là ông ta chẳng thiết gì gặp lại mình, tội gì mình phải mua chuyện không vui?"

Cứ đến hỏi thăm một câu vậy! Lúc này đang là giờ tự học, ông ta chẳng có cớ gì mà nổi nóng. Hinh biết rõ mình đang nổi máu tò mò, muốn xem xem có phải ông già gù lại đang "dỡ hàng người chết" không? Nhưng ông ta đã nói: khi có người khác, thì ông ta không làm việc, và cũng không bao giờ thắp đèn để lảm việc. Nhưng tại sao trong phòng lại sáng đèn?

Đèn đang sáng, nhưng không thấy bóng ông già đâu. Trên chiếc giường sắt trong căn phòng nhỏ cũng không có tử thi chờ phân tách. Nghe Sảnh nói là vài năm nay ngày càng có ít người hiến xác cho y học, coi như lần trước mình đã có cơ may được xem một màn trình diễn. Hinh quay người định đi thì bỗng liếc thấy căn phòng khép hờ cánh cửa cũng có ánh đèn sáng lọt ra. Có lẽ ông ta đang ở đó. Hinh không hiểu tại sao mình cứ muốn gặp ông già gù đó, nhưng cô vẫn đi tới rồi đẩy cửa bước vào.

Cảnh tượng hiện ra trước mắt khiến cô nhìn mà hoa mắt.

Cô không buồn nhìn các thứ bày quanh căn phòng, cô chỉ để mắt đến một tủ kính rất to kê ở chính giữa, trong đó lại có một tử thi hẳn hoi. Nhìn kỹ, thì nên gọi nó là một tiêu bản cơ thể con người cực kỳ tinh xảo chứ không phải một tử thi bình thường. Trong đó, mỗi một cơ quan phủ tạng, mỗi một khúc xương, từng cơ thịt, từng mạch máu, từng sợi dây thần kinh dường như đều phát ra ánh huỳnh quang. Chúng hiển hiện rất hoàn chỉnh, các tầng thứ đều rõ ràng, khiến cho người xem tưởng như mình có khả năng nhìn xuyên thấu, và có thể nhanh chóng nắm bắt toàn bộ kết cấu phức tạp của cơ thể con người. Một điều khiến Hinh thấy rất tuyệt nữa là: tất cả các cơ, các mạch máu, sợi dây thần kinh đều được đeo biển ghi rõ tên họ bằng các chữ Hán và chữ Latinh rất nhỏ.

Sau khi tấm tắc một hồi, Hinh lại thấy hơi gai người; tác phẩm diệu kỳ đỉnh cao này dường như đã ngược với nguyên lý thông thường của giới tự nhiên. Ví dụ, xương, cơ, mạch máu, dây thần kinh vốn đan xen nhau nhưng tiêu bản này đã thể hiện chúng đồng thời xuất hiện, miễn là chính xác về góc độ. Các cơ quan dường như bị treo lơ lửng, tạo cảm giác lập thể rất rõ. Đôi mắt mình có khả năng nhìn xuyên thấu từ khi nào vậy, mà có thể nhìn rõ tất cả các mạch máu, các nội tạng nằm dưới các màng mỏng dưới cơ thịt? Và các bộ phận của cơ thể người cứ như là tiêu bản sống chứ không như các mô hình bằng chất dẻo mà giảng viên vẫn dùng để dạy học. Và các bộ phận của cơ thể người cứ như là tiêu bản sống chứ không như các mô hình bằng chất dẻo mà giảng viên vẫn dùng để dạy học. Thông thường, phải dùng phooc-môn và các thức thuốc để ướp thì mới có thể chống phân hủy – cũng tức là tiêu bản sẽ mất đi màu sắc tươi nguyên vốn có, biến thành màu nâu đỏ như các mảnh chân tay trong phòng thực nghiệm. Nhưng tiêu bản này thì sống động như còn tươi mới cùng màu sắc nguyên thủy của nó. Thứ thuốc gì có thể bảo quản chống phân hủy với hiệu quả thần kỳ đến thế này? Trong tủ kính không có đèn chiếu, tại sao các bộ phận của cơ thể người lại có thể phát ra ánh sáng?

Có lẽ đây là phát minh mới của khoa học công nghệ cao. Hinh tin chắc, có được tiêu bản giàu tính lập thể này thì học tập môn giải phẫu học sẽ có hiệu quả cao khác thường, hứng thú mà nó tạo nên sẽ thay thế cho việc xem các loại sơ đồ và tiêu bản khô khan tẻ nhạt. Tại sao khi lên lớp các thầy giáo lại không dùng thứ công cụ giảng dạy kỳ diệu này, mà lại cứ bắt chúng mình sờ nắn các tiêu bản cũ rích và mơ hồ lẫn lộn như vậy? Cảm giác mới lạ và lòng ham học không cho phép Hinh nghĩ nhiều, cô quan sát tỉ mỉ các bộ phận cơ thể mà cô đã được học, nhận thức của cô về cấu tạo cơ thể người càng thêm sáng tỏ.

Tiếng chuông gấp gáp bỗng vang lên, thì ra không ngờ đã đến giờ chuẩn bị tắt đèn, và cũng là nhắc nhở kết thúc giờ tự học buổi tối. Tiếng bước chân rộn lên ngoài hành lang, các sinh viên đang ra về. Hinh đang ngẩn người, thì nghe thấy tiếng Lôi Lôi gọi tên mình.

Hinh tiếc nuối bước ra khỏi căn phòng nhỏ. Lôi Lôi đứng ngoài hành lang trông thấy, cô sửng sốt: "Hinh ơi, cậu đang làm gì ở trong đó?"

Chu Mẫn và Trần Hy đi bên nhau bước ra khỏi phòng học, cũng mỉm cười ngạc nhiên, Hy nói luôn: "Cậu bạo thật đấy, dám vào trong phòng với cái xác lâu đến thế!"

Thì ra không chỉ riêng mình đã nhìn thấy cái tiêu bản này. Hinh nghĩ vậy, rồi cười: "Thì ra cậu cũng biết rồi, tớ chẳng thấy có gì đáng sợ cả!"

Trần Hy đáp: "Sao lại không đáng sợ? Lúc ban ngày, mình và Mẫn đi loanh quanh ngẫu nhiên nhìn thấy, sợ giật nảy mình, kêu lên rồi ù té chạy ra. Bây giờ nhớ lại vẫn còn thấy sợ!"

Hinh cảm thấy có điều uẩn khúc ở đâu đó: "Các cậu đã nhìn thấy gì? Cái xác ấy đáng sợ ở chỗ nào? Mình cho rằng đó là một tiêu bản rất hoàn hảo, mình đã nghiên cứu nó rất lâu. Các cậu cũng nên xem đi, sẽ rất bổ ích cho môn giải phẫu.".

Mẫn và Hy nhìn nhau, cứ như đang nghe chuyện hão huyền. Mẫn nói: "Tớ muốn hỏi cậu xem đã nhìn thấy gì? Chẳng qua chỉ là cái xác rữa nát, thịt da tơi tả, mặt mũi nát bươm, đã hỏng đến độ không thể quan sát được gì, cũng chẳng rõ là nam hay nữ nữa. Mình nghĩ có muốn xẻ ra làm tiêu bản cho phòng thực nghiệm cũng không xong! Thế mà cậu còn nghiên cứu nó!"

Hinh rất ngạc nhiên, nhưng cô chợt hiểu ra ngay: "Chúng mình nhìn thấy không phải cùng chung một cái xác. Cái xác xấu xí mà các cậu nhìn thấy lúc ban ngày, chắc chắn đã xử lý rồi. Mình nhìn thấy một cái xác rất đẹp mắt, cơ thịt và mạch máu đều rất rõ ràng, mỗi bộ phận đều gắn biển chú thích bằng chữ Hán và chữ Latinh. Mình cho rằng trên đời này không thể tìm thấy một công cụ học giải phẫu tốt hơn nó!'

Cả ba cô gái kia đều sửng sốt: "Thật thế không?"

Hinh dẫn ba cô bạn trở lại căn phòng nhỏ vừa nãy, cô lại phải kinh ngạc thêm lần nữa: giữa căn phòng không hề có tủ kính nào cả, mà là một chiếc giường sắt, trên giường là một cái xác cũ giống như Chu Mẫn vừa nói, cơ thịt của nó hầu như không còn chỗ nào lành lặn, lại còn đang bốc mùi thum thủm.

"Này Hinh, có phải cậu đã bị sốc khá mạnh vì căn bệnh của Sảnh không? Viêm gan A đâu phải căn bệnh vô phương cứu chữa, chỉ nghỉ ngơi vài tháng là ổn. Cậu đừng nghĩ ngợi quá nhiều kẻo ảnh hưởng đến sức khỏe." Chu Mẫn ôn tồn khuyên Hinh.

Hinh quá kinh ngạc, vẫn chưa hoàn hồn, ngập ngừng một lúc rồi mới nói được: "Ý cậu là ... cái đầu mình thiếu tỉnh táo, nên đã có ảo giác à? Cậu đừng nói bừa! Mình rất tin ở đôi mắt, trí nhớ và cả tinh thần trí tuệ của mình nữa!"

Thấy Hinh có vẻ bực dọc, Trần Hy vội nói: "Không phải Mẫn nói cậu ... có bệnh, mà ý là vì cậu quá mệt mỏi ... vào lúc khuya thế này, dễ bị giống như ngủ mê nhìn thấy các thứ kỳ dị. Hoặc có thể nói là tại cậu đã quá miệt mài học môn giải phẫu ..."

Hinh ngắt lời: "Khỏi phải nói nhiều nữa, ừ thì mình lẩm cẩm, ngủ mê ... muốn nói là gì cũng được! Sắp tắt đèn rồi đấy, nếu về muộn thì ký túc xá sẽ khóa cửa mất! Về thôi!"

Hinh nằm trên giường, mãi vẫn không ngủ được. Cô ngủ sao nổi? Một tiêu bản cơ thể rất bắt mắt và một cái xác rữa nát chết khiếp đang chập chờn hiện lên trong óc cô. Cô dường như lại nhìn thấy Mẫn và Hy đang cười nhạt - khi nhận thức của một con người đang rối loạn thì người đó đương nhiên trở thành đối tượng chế nhạo của mọi người.

Cách duy nhất để làm rõ sự thật, là lại đi xem một lần nữa. Có lẽ, chụp ảnh ghi lại sẽ là một thứ chứng cứ tốt nhất.

Bỗng một hồi chuông reo dồn dập, thì ra là tiếng chuông đồng hồ báo thức của cô. Cô ngờ ngợ ấn nút dừng chuông rồi nhấn nút đèn soi mặt chiếc đồng hồ điện tử: đồng hồ chỉ rõ ràng là 12 giờ. Mình thường đặt chuông báo thức lúc 6 giờ sáng kia mà, sao chuông lại reo vào lúc này nhỉ? Nhưng cô lại nghĩ ngay rằng: đến khu nhà giải phẫu vào lúc này, chính là điều tối kỵ. Lần trước mình bị Sảnh lừa đi đến, tuy chẳng có ma quỷ gì nhưng rốt cuộc chỉ là chuốc lấy  sự kinh hãi vô tận. Vả lại, cô vẫn còn nhớ lời dặn dò của ông già gù hôm đó: sau nửa đêm, cấm cô bước vào khu nhà giải phẫu...

Tại sao lại chỉ cấm mình?

Sảnh ơi là Sảnh ... đúng lúc mình đang cần cậu, thì cậu lại ở tận đâu? Nỗi bức xúc muốn tìm hiểu rõ sự thật để chứng minh cho mình dần dần lấn át bao nỗi ngại ngần, Hinh nhẹ nhàng ra khỏi giường, mở ngăn kéo lấy chiếc đèn pin và chiếc máy ảnh mẹ cô mua cho. Hinh bắt chước Sảnh: trước lúc đi, cô đứng bên đầu giường Chu Mẫn một lất, nghe thấy tiếng thở đều đều... sau đó cô mới ra khỏi phòng.

Cả khu trường lúc nửa đêm cũng đang ngủ say, bốn bề im lặng như tờ. Những đợt gió cát đầu mùa xuân đã hết, hương thơm mát trong của cây cỏ được dịp lan tỏa khắp bầu không khí, thực hết sức dễ chịu. Con đường rộng dẫn ra khỏi khu ký túc xá, ban ngày nườm nượp người qua lại, lúc này chỉ có Hinh một mình một bóng. Đi một quãng xa mới bất chợt gặp một vài đôi tình nhân sau hồi âu yếm đang ngẩn ngơ quên cả lối về.

Đứng ngoài bậu cửa cao trước khu nhà giải phẫu, Hinh mới cảm thấy có phần hối hận: hay là mình đã có ảo giác, đã nhìn nhầm, thì việc gì mà phải ngượng ngùng, để rồi phải đối mặt với rủi ro như thế này thì mới bõ tức?

Nhưng có gì mà nói là rủi ro mạo hiểm? Là các chuyện đồn đại về ma quỷ ư? Lần trước đánh liều đi cùng Sảnh, cuối cùng cũng chỉ là gặp một vị kỹ thuật viên mà thôi!

Hinh chẳng muốn mệt óc đắn đo gì nữa, cô bước qua bậu cửa, bước lên bậc thềm rồi đẩy mạnh cánh cửa.

Một màn tối đen chờ đón cô.

Kể cũng hay: ít ra là ông già gù kia đang không có ở đây, thì sẽ không có ai quát tháo nổi nóng với mình. Nhưng cũng lại là dở: vì đúng là ở đây chỉ có mỗi một mình mình.

"Sảnh ơi, lúc mình cần đến cậu nhất, thì cậu lại đang ở đâu?"

Hinh không quên khép cửa lại, rồi bật đèn pin, từ từ bước vào. Trong này còn im ắng hơn ngoài sân trường, cô chỉ nghe thấy tiếng bước chân, hơi thở của mình, và cả tiếng nhịp tim của cô đập nữa.

"Mình đang làm chuyện ngu ngốc gì thế này?

Phía sau, cách năm mét là cửa ra. Mình có thể chạy vụt ra ngay."

Nhưng cô vẫn chậm rãi và kiên quyết tiến bước. Cô biết phải như thế này thì mới đúng là Diệp Hinh. Căn phòng nhỏ cuối hành lang vẫn khép hờ cửa, ánh sáng yếu ớt bên trong lách qua khe cửa. Hinh đẩy cửa, thì bên trong bỗng sáng lên.

Chiếc tủ kính cùng với tiêu bản cơ thể con người cực kỳ hoàn hảo - chính nó là cảnh tượng cô đã nhìn thấy lần trước. Cô dụi mắt thật mạnh, không có hình ảnh bồng bềnh, không có làn ánh sáng mờ ảo nào cả, cô đã nhìn thấy hoàn toàn rõ ràng, đó là một sản phẩm của khoa học công nghệ cao, là người bạn đồng hành tuyệt vời nhất để học môn giải phẫu học. Đèn flash lóe lên, cô chụp vài kiểu từ các góc độ khác nhau. Cô tin chắc ống kính máy ảnh không bị đóng, cô tắt đèn flash rồi lại chụp thêm vài kiểu nữa. Cô mường tượng ngày mai sau khi đến buồng tối của câu lạc bộ nhiếp ảnh tráng phim in ảnh xong, rồi nhìn thấy vẻ mặt kinh ngạc của Chu Mẫn và Trần Hy thì mình sẽ hơi hơi đắc chí đây! Đã hoàn thành sứ mệnh, cô rất thỏa mãn và đang định đi ra, nhưng lại không nén được phải nán lại ngắm thêm cái thi thể ấy, càng ngắm càng thấy tuyệt vời không thể tả được, cô bất giác đứng lại. Dùng kỹ thuật gì để có thể đồng thời xử lý toàn thể và từng chi tiết đến mức không chút sơ suất, để mọi người có thể vừa nhìn trõ cấu tạo cơ thể và các cơ quan chủ yếu của cơ thể người, lại vừa có thể làm nổi bật rành rành các mạch máu và dây thần kinh nhỏ như sợi tóc thế này? Các chi tiết đã hòa nhập toàn thể theo phương thức này: trong con mắt của Diệp Hinh, các mạch máu và dây thần kinh độc lập dần dần nhập vào vị trí trong cơ và các nội tạng, cơ và các nội tạng dần dần được da và các màng mỏng bao bọc. Và da thì rất "thật", cứ như là người đang sống.

Như người đang sống? Hay thực sự đúng là người đang sống!

Hinh nhìn, rồi thấy các bộ phận của tiêu bản đã hòa nhập với nhau rất hoàn chỉnh, cái thi thể ấy còn đạt tới đỉnh cao hoàn mỹ nữa: làn da, bộ tóc, thậm chí cả quần áo nữa!

Nằm trong tủ kính lúc này là một cô gái mặc đồ trắng, vì đầu và mặt dập nát nên khó nhìn rõ, cô ta đang chầm chậm giơ tay về phía Hinh!

Hinh cảm thấy tiếng kêu kinh hoàng của mình bị nghẹn lại ở cổ họng, dường như ngạt thở. Cô quay người chạy ra cửa. Chạy một quãng ở hành lang, bỗng đầu bị va rất mạnh, rồi cô ngã xuống. Thì ra là chạy trong bóng tối cô đã đập đầu vào cửa ra khu nhà. Hinh thấy chóng mặt, cô khẽ lẩm nhẩm: "Ánh trăng ... ánh trăng là gì?"

Không nghĩ nhiều nữa, Hinh đứng dậy chạy ào ra ngoài khu nhà.

Ánh trăng ... ánh trăng là gì, ánh trăng ở đâu?

Hinh chạy một mạch về ký túc xá, hình như có một câu hỏi cứ nhắc đi nhắc lại mãi trong đầu cô. Cô lên giường nằm, nhưng không thể ngủ được. Cô nhắm mắt, nửa tỉnh nửa mê ... và cái âm điệu thiên nhiên kia lại văng vẳng bên tai cô, trong làn ánh sáng trắng nhợt, cô gái mặc áo dài trắng lại xuất hiện. Máu tươi trên mặt còn sẫm đỏ hơn trước, cô ta vừa từng bước tiến gần vừa lẩm bẩm: "Ánh trăng, ánh trăng..."

Ngoài cửa sổ là ánh trăng. Hinh ra khỏi giường, mở cửa sổ, tắm mình trong làn hơi thở trong lành của đêm xuân, thực là dễ chịu. Bên ngoài là từng mảnh từng khối ánh trăng.

Một làn gió đưa, se lạnh. Có lẽ, tại quá đắm đuối nên ta mới thế này chăng?

Hãy ra khỏi cái phòng ngủ bé như cái chuồng chim và những cơn ác mộng đeo bám ta, bên ngoài cửa sổ là ánh trăng và hương hoa tha hồ tận hưởng đến vô cùng.

Lại có cả Âu Dương Sảnh nữa.

Hinh chợt thấy bóng Sảnh ở dưới sân, đang ngẩng đầu nhìn thẳng vào Hinh. Hinh kinh ngạc kêu lên: "Sảnh ơi!" nhưng lại thấy Sảnh với vẻ mặt đờ đẫn, đứng đó bất động không nói một lời, chỉ thấy Sảnh khẽ lắc đầu chầm chậm.

Giống như thoắt ra khỏi bến mê, Hinh bỗng nhiên tỉnh hẳn, thấy mình đang đứng trên gờ tường mép ngoài cửa sổ...

Full | Tiếp trang 2

Loading...

Tiểu thuyết tình yêu là website chia sẻ những thể loại truyện hay nhất hiện nay, được nhiều người đọc yêu thích. Truyện được cập nhập hàng ngày. Hãy lưu địa chỉ web để truy cập nhanh hơn!

Chúc các bạn online vui vẻ !

Laptop Tùng Anh

Tour Phú Quốc

Vinhomes Cầu Rào 2

Trang Chủ