XtGem Forum catalog
Tiểu thuyết tình yêu

Tiểu Thuyết Tình Yêu

Đọc truyện tại Tiểu Thuyết Tình Yêu

Loading...

Truyện ma - Kỳ án ánh trăng - Trang 5

Full | Lùi trang 4 | Tiếp trang 6

Chương 13 - Trôi dạt

Diệp Hinh hiểu rằng mỗi bước tiến gần ký túc xá, thì số phận trớ trêu cũng áp sát cô gần thêm một bước.

Cô bỗng vụt chạy như bay.

Trước đó cô đã dự tính sẵn hướng đi. Chỉ sau vài giây cô đã chui vào khu nhà ăn số 3 vẫn còn chưa chính thức hoạt động. Hinh bất ngờ hành động khiến Chu Mẫn, Trần Hy trở tay không kịp nên đành chạy theo ngay. Nhưng Hinh đã biến mất trước tầm mắt họ.

Đi qua nhà ăn số 3, thì đến hai dãy ký túc xá cán bộ viên chức. Hinh chạy quanh hai dãy nhà này một vòng rồi chạy vào khu nhà ăn số 5.

Chỉ sau vài lần luồn lách, Hinh đã cắt được "cái đuôi" Chu Mẫn, Trần Hy. Cô đi chậm lại, dần dần thở đều rồi ung dung đi qua nhà ăn số 5, bước vào "khu phố tạp hóa", cô thấy đã được an toàn hơn nhiều.

Đi trên quãng đường giữa hai dãy các cửa hiệu chưa được bao xa, Hinh bỗng nghe thấy những bước chân rầm rập chạy phía sau. Ngoảnh nhìn lại, Hinh nhận ra hai người trông quen quen – chính là hai nhân viên bảo vệ mà cô đã gặp sáng sớm hôm nay.

Hinh lại đành bỏ chạy thục mạng.

Chạy qua "phố tạp hóa" đến phía trước là nhà đun nước 5 giờ rưỡi sáng mới bắt đầu cung cấp nước sôi, cho nên lúc này không có sinh viên nào xách phích ra lấy nước, phía trước nhà vắng tanh. Hinh chạy qua hàng vòi nước thứ nhất rồi ngoái đầu lại, đúng là hai người bảo vệ ấy đã "tia" cô, họ chạy ào tới. Hinh vòng qua lò đun nước, chạy đến khu nhà tắm công cộng , hòa mình vào dòng người đông đúc đang ra đây để tắm. Hinh nhớ rằng trong ví tiền còn một tích kê tắm, cô bèn đưa cho người gác cổng.

Hai nhân viên bảo vệ chạy vụt ngang qua cổng.

Hinh thở phào bước ra khỏi nhà tắm. Bỗng tiếng loa phát thanh trên cao vọng tới: "Các bạn sinh viên chú ý, văn phòng học sinh và phòng bảo vệ phân viện lâm sàng cần sự giúp đỡ của các bạn: nữ sinh Diệp Hinh đã mất tích. Diệp

Hinh mắc bệnh nặng cần được điều trị kịp thời, nếu các bạn các thầy cô nhìn thấy Diệp Hinh, xin hãy đưa bạn ấy về ngay văn phòng học sinh . Lúc ra đi bạn Hinh mặc áo phông dài tay màu xanh nước biển, quần bò trắng, người cao 1,63m cân nặng khoảng 50kg, để tóc dài...". Tiếng phát thanh là một giọng nữ lanh lảnh, chính là trưởng trạm phát thanh: một nữ sinh sắp tốt nghiệp. Hinh ngao ngán quan sát xung quanh, các sinh viên đều nghiêm túc lắng nghe, có vài ánh mắt đang do dự nhìn cô.

Cô vội rảo bước, và không có ý thay đổi kế hoạch. Phía trước là khu nhà trồng hoa ươm cây của trường, nhà trồng hoa khóa cửa, cánh cổng tre của khu vườn ươm treo biển "không nhiệm vụ miễn vào", và cũng khóa, nhưng khe cửa khá rộng, cô có thể dễ dàng lách vào. Phía cuối vườn ươm có một cửa nhỏ thông ra ngoài trường, ra khỏi đó là đường Y Uyển.

Hinh bước nhanh ra khỏi vườn ươm, nhân viên bảo vệ lại ở phía sau, còn có cả Chu Mẫn, Trần Hy nữa ! Con mắt của quần chúng thật tinh tường, cô hết chỗ ẩn náu.

Cô lại quay vào vườn ươm, chạy len lỏi qua những cây non. Khi từ Nghi Hưng trở về, cô và Tạ Tốn đã cùng đi qua con đường nhỏ kín đáo này.

Tôi đang một mình chạy như điên. Tạ Tốn, anh đang ở đâu thế?

Chu Mẫn ở phía sau gọi to: "Hinh ơi, đừng chạy nữa, hãy về với bọn mình. Không ai ép cậu đi viện cả!"

Đời nào Hinh lại tin !

Một giọng nam vang lên, chắc là của anh bảo vệ: "Diệp Hinh, bọn tôi đã vào đây cả rồi, cô không thoát được đâu"

Hinh ngoái lại nhìn, đúng là mấy người chỉ còn cách cô vài chục mét, dù mình chạy ra đường Y Uyển vắng tanh vắng ngắt thì cũng vô ích. Chạy nhiều quá, chân Hinh run run, lòng cô lắng xuống, hy vọng cũng mong manh yếu ớt như sức lực cô lúc này. Cánh cửa mở ra ngoài đường đang ở ngay trước mặt, giơ tay ra là xong. Nhưng Hinh đã không còn can đảm để mở nó. Ra để làm gì? Để tiếp tục chạy trên con đường bằng phẳng, hai anh bảo vệ phía sau lực lưỡng đang ở phía sau sẽ chẳng tốn mấy hơi sức đuổi kịp ngay. Tội gì phải chuốc lấy sự bẽ bàng như thế!?

Tiếng bước chân nghe đã rất rõ

Cô bỗng nhớ lại hồi còn bé, mỗi khi cô sắp nhụt chí đầu hàng, mẹ cô thường bảo: "Con là Diệp Hinh kia mà, con sẽ làm được!". Hình như lúc này tiếng mẹ lại vang bên tai cô: "Con là Diệp Hinh kia mà, con vẫn còn có hy vọng!".

Hy vọng, vĩnh viễn là điều tốt đẹp, mãi mãi để con người ta theo đuổi.

Hinh giật mạnh cánh cửa, chạy ra khỏi vườn ươm. Đúng như cô dự đoán: con đường Y Uyển vắng tanh vắng ngắt không một bóng người để cho cô ẩn nấp vào họ! Phía sau cánh cửa, hình như có thể nghe thấy tiếng thở gấp gáp của những người đang đuổi theo cô. Có lẽ cô không thể thoát khỏi cảnh bị cưỡng chế, lẽ nào kể từ nay cô phảo vào nằm viện tâm thần – nó vốn không thuộc về cô. Làm ăn kiểu ấy, có công bằng với cô không? Cô chạy hờ hờ mấy bước, cánh cửa phía sau đã bị mở toang. Lúc này cô nhớ đến mẹ và người cha mới qua đời, nhớ đến Âu Dương Sảnh và cả Tạ Tốn. Tạ Tốn thật là tệ, đúng lúc người ta vô vọng nhất thì anh lại ở đâu?

Một hồi còi "pin, pin" khiến cô giật mình. Mắt cô sáng lên: một chiếc tắc xi đỗ từ xa đang ra hiệu cho cô. Quanh đây không có nhà dân, không có cửa hàng mua sắm, thế mà lại có tắc xi trên con đường khuất nẻo này?!

Chiếc tắc xi lao nhanh, rồi phanh gấp bên cạnh Hinh, người lái xe hỏi: "Diệp Hinh có phải không?". Hinh thấy không có lý do gì để mình không tin ở những điều đang xảy ra trước mắt, giọng cô run run: "Tôi đây"

"Lên xe đi"

Nhân viên bảo vệ đã chạy ra ngoài cửa, Hinh nhanh chóng mở cửa xe lên luôn. Đúng lúc mấy người kia chạy tới thì chiếc xe vụt lao đi, chỉ trong chớp mắt đã bỏ lại sau nó những người truy đuổi đang tức giận xen lẫn thất vọng và thở dài.

Hinh vẫn còn thở hổn hển, đã hỏi ngay anh lái xe "Anh đến quá đúng lúc, chẳng khác gì cứu mạng cho tôi, sao lại khéo thế này?"

Anh lái xe ngạc nhiên hỏi "Khéo à? Không đâu, có người gọi điện cho công ty chúng tôi, dặn là đến đây chờ đón một cô gái tên Diệp Hinh . Ở đây thật khó tìm, một con đường khuất nẻo lại không có biển số nhà gì hết, nên tôi đến hơi muộn một chút. Chẳng lẽ không phải là cô gọi xe à?"

Hinh rất ngạc nhiên, nhưng cô rất nhanh trí, cô sợ anh lái xe sẽ đỗ lại mất, bèn trả lời lấp liếm: "Đúng, đúng là tôi gọi"

Mình không gọi, vậy có thể là ai? Chỉ có Tạ Tốn mới biết con đường này, Hinh thực sự hy vọng đúng là Tạ Tốn. Nhưng tại sao anh ấy lại không xuất hiện?

Nhưng dù Tốn có xuất hiện và có ngồi ngay hàng ghế sau thì Hinh cũng sẽ quyết im hơi lặng tiếng, phớt lờ anh chàng. Và có lẽ Tốn sẽ nói: "Lúc nãy tôi không dám ló mặt ra vì sợ Hinh vẫn còn giận tôi, thấy tôi trên xe Hinh sẽ không  chịu lên". Sau đó anh áp sát mặt lại gần, ngắm nhìn Hinh và nói "Em gầy đi rồi".

Nghĩ đến đây Hinh không chịu nổi nữa. Những nỗi sợ hãi, lo âu, nghi hoặc, xen lẫn nhớ nhung, hờn giận đang trào dâng trong cô. Cô muốn xông vào đánh Tốn một trận, rồi òa khóc, rồi mắng cho hả: "Mấy ngày hôm nay anh đã đi đâu? Sao không đến tìm em? Sao bụng dạ anh hẹp hòi thế?". Sau đó lại dịu dàng nói: "Anh biết không, mấy hôm nay lúc nào em cũng nhớ đến anh!"

Nhưng Tạ Tốn không hề xuất hiện. Cô giữ nguyên thói quen trầm tĩnh của Diệp Hinh mọi ngày, lặng lẽ ngồi đó, chỉ hiềm nước mắt cô "thật quá yếu đuối" cứ rơi lã chã.

Anh lái xe thấy tiếng thút thít bèn liếc nhìn, thấy cô đang khóc, anh có phần lúng túng: "Sao thế? Đừng khóc nữa! Có phải bọn người vừa nãy uy hiếp gì cô không?". Hinh gật đầu, rồi lại lắc đầu. Anh lái xe rất lấy làm lạ. Anh thấy nghi ngờ vị hành khách này, bèn nhắn vào máy bộ đàm: "Ban điều độ! Tôi số 2875, muốn hỏi người vừa nãy gọi xe là nam hay là nữ?"

"Hỏi để làm gì? Là nữ" . Ban điều độ ngán ngẩm trả lời qua ống nghe.

Là nữ? Vậy không phải Tạ Tốn gọi xe. Sao có thể như vậy? Ngoài anh ta ra, còn có ai biết mình sẽ chạy ra cửa sau của khu vườn ươm? Mà nếu đúng thế thì tại sao Tạ Tốn lại không đến? Có biết mình đang cần anh ấy như thế nào không?

"Cô định đi đâu?" Anh lái xe đã yên tâm, anh vốn chỉ định hỏi câu này. Hinh ngớ ra giây lát, nhưng rồi nói luôn: "Ra ga tàu hỏa"

Tạ Tốn, anh đang ở đâu? Hinh không dám nghĩ thêm nữa. Cô vừa định ngẫm nghĩ thêm nữa thì đầu lại thoang thoảng đau. Anh lái xe nhìn Hinh rồi nói: "Cô không mang hành lý, đi ra ga để làm gì?"

Hinh chợt hiểu ra, nghĩ bụng "hỏng rồi", mua vé tàu hỏa thì phải xuất trình chứng minh thư, chắc nhà trường đã gọi điện cho nhà ga, họ đang chờ mình đến. Dù có mua được vé thì nhà trường cũng sẽ cử người vào tận sân ga. Chỉ có vài chuyến tàu để đi về nhà, mình tránh mặt sao được? Và, trong người cô chỉ có mấy mươi tệ, thì mua vé tàu sao được? Nghĩ đến cảnh nhà trường đã bố trí thiên la địa võng để tìm cô về, cô thấy ớn lạnh, bèn gọi to: "Anh ơi, phiền anh đỗ lại đã, tôi nghĩ lại rồi, tôi xuống đây thôi!"

Anh lái xe thầm nguyền rủa, đành miễn cưỡng ngừng xe bên đường. Hinh lóng ngóng chui ra khỏi xe, vét nốt số tiền trong túi trả cho anh ta: "Anh khỏi phải trả lại". Rồi cô quay đi luôn. Anh lái xe chỉ còn biết lắc đầu, đếm lại tiền rồi chầm chậm cho xe chạy. Máy bộ đàm bỗng vang lên giọng nghiêm nghị của điều độ viên: "2875 chú ý, đại học Y số 2 Giang Kinh vừa gọi điện đến, trách rằng anh đã chở một nữ sinh viên trốn học đi mất, nếu cô ta còn đang ở trên xe, thì anh cứ tiếp tục lái không dừng lại, và đưa thẳng về cổng đại học Y số 2 Giang Kinh, sẽ có người đón nhận..." Anh lái xe kinh ngạc vội ngoái lại nhìn, nhưng cô gái kia đã biến mất không thấy bóng dáng đâu.

Hinh cũng đoán có lẽ nhân viên bảo vệ đã ghi lại được số xe tắc xi, rồi gọi điện cho công ty để cùng phối hợp. Nếu xuống chậm chút nữa thì chắc cô đã là con cua trong rọ rồi!

Đi đâu bây giờ? Hinh đưa ra một quyết định mà chính cô cũng không ngờ: về trường. Chỗ này không cách xa trường là mấy, nếu cứ nhởn nhơ kiểu này, khó mà nói chắc sẽ không bị chú ý. Nhà trường sẽ huy động lực lượng đi tìm cô, chưa biết chừng sẽ "thông báo tìm người" trên đài truyền hình nữa. Mặt khác, rõ ràng họ đã nhìn thấy mình trốn khỏi trường, thì sẽ không ngờ rằng mình có "gan cóc tía" để xuất chiêu "mã hồi". Cho nên trong phạm vi trường sẽ lơ là cảnh giác. Đây là một chiến thuật đã quá nhàm: nơi nguy hiểm nhất lại chính là nơi an toàn nhất. Hinh thậm chí còn nghĩ rằng: họ vẫn quên chưa khóa cánh cổng vườn ươm.

Càng nghĩ càng thấy kế hoạch của mình rất có tính khả thi, nhưng về trường, rồi sao nữa?

Trạm phát thanh. Hàng ngày trạm phát thanh ngừng hoạt động lúc 6 giờ rưỡi, sau đó thường là không có ai ở đó. Căn phòng ấy rất chật rất bí, chỉ có chị trạm trưởng và Diệp Hinh là có chìa khóa cửa... Hôm nay chị ấy còn thông báo "truy nã" cô... thì chắc là không có ai ngờ rằng cô sẽ trốn vào đó.

Màn đêm buông xuống thật đúng lúc, một trận mưa nhỏ cũng đến rất kịp thời làm dịu bầu không khí mỗi lúc một thêm oi bức của mấy hôm nay. Mưa đã tạnh, mây cũng tan, mặt trăng ló ra, nhưng không khí trong trường vẫn nằng nặng hơi nước mát trong.

Đúng như Hinh dự đoán, cánh cửa nhỏ của vườn ươm quay ra đường Y Uyển vẫn chưa đóng. Cô bước trên nền đất ướt, xuyên qua khu vườn, vòng đến nhà ăn vẫn mở cửa buổi tối, rồi vào khu nhà điều hành giảng dạy. Trạm phát thanh của trường đặt ở khu văn phòng hành chính – một toà nhà nhỏ. Đó là một tòa nhà 3 tầng được xây dựng vào những năm 50, nằm sát hơi chếch với khu nhà hành chính cũ. Từ khi hầu hết các phòng ban hành chính đã chuyển đến khu nhà được quyên tặng mới xây thì nó cũng trở nên lạnh lẽo vắng tanh như khu nhà hành chính cũ. Nghe nói nay mai sẽ dùng nó làm nhà thực nghiệm động vật học. Tối đến, toà nhà hành chính nho nhỏ này rất hiếm người qua lại. Lúc này Diệp Hinh có thể nghe rõ tiếng bước chân mình. Nhưng cô vẫn thấy hồi hộp. Nếu Tạ Tốn có mặt ở đây thì tốt hơn nhiều, tiếc rằng anh ta chỉ có trong trí tưởng tượng của mình mà thôi.

Vẫn hay nói trạm phát thanh đóng trên tầng 3 của tòa nhà này, nhưng đúng ra là nó chỉ nằm tại một gian gác ở góc phía đông. Bắt đầu từ tầng hai, cầu thang ở phía đông của tòa nhà bắt đầu xoáy đi lên, càng lên càng hẹp, qua tầng 3, nó tiếp tục đi lên gần đến tận nóc thì thấy có một cửa nhỏ. Hinh lấy chìa khóa mở cửa, rồi bật đèn. Trạm phát thanh chật chội một cách thảm hại. Hinh và cả nhóm phát thanh thường tự chế nhạo rằng công tác của họ là "hành đạo trong vỏ ốc sên". Cửa sổ kính duy nhất bị một tấm ván bọc vải nhung bịt lại để cách âm. Tất cả đã trở thành điều kiện tối ưu cho Diệp Hinh lánh nạn đêm nay. Cô có thể bật đèn mà bên ngoài không ai nhìn thấy. Trốn ở đây cũng còn một cái lợi nữa. Hinh nhích cánh cửa sổ bằng gỗ lên, hé ra một khe hẹp, từ đây có thể nhìn qua ô cửa kính thấy bóng một tòa nhà nhỏ ở xa xa, đó là khu nhà giải phẫu.

Lúc trưa gặp ông Phùng – ông già gù kỹ thuật viên – hỏi ông về "ánh trăng", rõ ràng ông ta biết, định nói nhưng lại nín lặng. Sau đấy cô gạn hỏi thì ông ta có phần hơi nao núng. Hay là đêm nay mính sẽ nhân đà này lại tìm đến hỏi tiếp? Chưa biết chừng ông ấy sẽ cho biết vài điều bí mật cũng nên. Nhưng ông Phùng đã nhắc lại rằng cô không được đến tìm ông sau lúc nửa đêm, cô cũng chưa rõ ngày mai mình sẽ phải trôi dạt phương nào, chỉ e không thể đợi được nữa.

Khi vừa nhích tấm cửa gỗ lên thì tiếng mưa rơi rào rào vọng vào. Lại mưa rồi. Mỗi khi gặp trời mưa, Hinh chỉ toàn muốn ngồi nhà để tận hưởng cảm giác an toàn dễ chịu. Nếu là đang ở ký túc xá thì cô sẽ ngồi thu lu trên giường để đọc sách hoặc nghe nhạc. Nhưng lúc này ngồi trong trạm phát thanh chật chội, xung quanh là những thiết bị phát thanh vô cảm, rơi vào một "kỳ án" mơ hồ mà cô là người bị hại, số phận chưa biết sẽ ra sao... thì hoàn toàn trái ngược với cảm giác đầm ấm mà cô vẫn mong hướng tới. Cô bất giác khẽ thở dài. Nếu anh chàng tệ hại Tạ Tốn đang ngồi đây, thì mình sẽ cho anh ta được nghe "phát thanh"

Hinh bỗng thấy lòng nao nao. "Đúng là đã nhiều ngày qua mình đã không đến để phát thanh!". Hinh đến trước bàn làm việc, cô bật cười: trên bàn là một bản thảo phát thanh có nội dung "tìm người" mà chị trưởng trạm phát thanh đã đọc chiều nay. Hinh bật máy chỉnh âm, sửa soạn đâu ra đấy, rồi bật bộ ê-qua-li-dơ, trước mặt là một màn hình nho nhỏ, mỗi lần bắt đầu phát thanh nó thường hiện lên các đường sóng nhấp nhô định vị bước sóng và tần số âm.

Hinh đeo tai nghe, dò tìm thông tin "tìm người" về cô. Cô chợt nảy ra ý định tinh nghịch: sau khi xác định rõ âm thanh sẽ không bị truyền ra loa bên ngoài, cô bật nút ghi âm, mỉm cười và đọc: "Có một nữ sinh tên là Diệp Hinh đã mất tích..."

Mới chỉ đọc xong câu này, nụ cười trên khuôn mặt cô bỗng tắt ngấm, đôi mắt cô dần mở to, hơi thở mỗi lúc một gấp.

Chương 14 - Nguồn cơn của nỗi khiếp sợ

Những tiếng rít chói tai phát ra từ hai ống nghe, nó dội vào màng nhĩ của cô một cách nhịp nhàng, tiết tấu của nó giống như tiếng bước chân, lại giống như tiếng tim đập, mỗi lần vang lên lại khiến Hinh rùng mình sởn gáy. Cô ngẩng đầu lên, toàn thân run run: trên màn hình âm tần của bộ ê-qua-li-dơ xuất hiện một cụm sóng âm đang chạy ngang rất nhịp nhàng. Chỉ âm thanh mới có thể hiển thị trên màn hình của bộ ê-qua-li-dơ, nhưng lúc này cô gần như nín thở, thì âm thanh ở đâu ra? Bốn bề im phăng phắc, tấm cửa gỗ đã chặn hết tiếng mưa rơi bên ngoài, thì sóng âm ở đâu ra?

Hinh thận trọng cắm giắc vào bộ loa, các tiếng ồn kiểu tạp âm tĩnh điện lập tức truyền ra, có điều nó không như các tạp âm sóng âm thông thường mà là rất có nhịp điệu. Nhịp điệu này chậm hơn nhịp tim đập, nhanh hơn nhịp thở. Hinh bỗng bước đi bước lại trong căn phòng, mỗi bước hòa cùng một tiếng động. Âm thanh này rất giống như nhịp bước chân chậm chạp.

Nhưng rõ ràng là tai cô không nghe thấy một tiếng bước chân nào.

Cô bước trùng với nhịp âm thanh đi ra đến cửa, mạnh tay giật cửa ra. Nhưng bên ngoài không hề có tiếng động nào, cả toà nhà im ắng đến ngạt thở. Cô nhìn xuống phía cầu thang xoáy trôn ốc, dưới ánh đèn sáng mờ, không tháy có gì cả. Cô thoáng cảm thấy nhẹ nhõm. Nhưng trước mặt cô bỗng tối om, đèn ở hành lang phía dưới tắt ngấm. Hinh thấy toàn thân mình cứng đơ, ngoảnh đầu lại nhìn máy ê-qua-li-dơ thấy các đỉnh sóng âm trên màn hình mỗi lúc một cao hơn, cường độ âm thanh kỳ quái phát ra qua amply mỗi lúc một lớn, hình như đúng là tiếng bước chân mỗi lúc một gần.

Sao mình vẫn còn đứng nghệt ra đây? Hinh thầm nguyền rủa mình. Cô vội đóng chặt cửa, gài chốt, áp lưng vào cửa, nhè nhẹ thở, như là để giữ khoảng cách với mối nguy hiểm.

Sau khi đã đóng cửa, thì âm thanh kỳ quái phát ra qua bộ loa lắng xuống, nhưng rồi lại dần mạnh lên. Hinh nghĩ ngợi: "Lẽ nào thực sự có cái gì đó khác thường sắp xuất hiện? Hay là ma sắp hiện ra?... Ôi, Tạ Tốn anh đang ở đâu?". Mà cho dù là có ma thật thì việc gì phải sợ chứ? Trong nhà này có đèn, có ánh sáng, chỉ cần có đèn thì... Vừa nghĩ đến đây thì đèn vụt tắt. Hinh kinh hãi trước những biến cố bất ngờ này. Trong bóng tối cô đứng ngây ra như tượng, rồi run lên bần bật không sao kìm nén nổi. Cô tưởng tượng Tạ Tốn đang nói bên tai cô: "Em đừng sợ". Thiếu chút nữa thì Hinh òa khóc.

Âm thanh kỳ quái vẫn chậm rãi vang lên, trên màn hình của máy ê-qua-li-dơ các làn sóng điện vẫn dập dờn nhấp nháy, đỉnh sóng âm mỗi lúc một cao hơn.

Liệu có cách giải thích hợp lý nào chăng?

Tủ điện nguồn dành cho trạm phát thanh đặt ở tường hành lang tầng 3, các thiết bị ở đây đang chạy bình thường, chỉ đèn điện là bị tắt. Hay là có ai đang quậy phá? Một cậu sinh viên nghịch ngợm nào đó đang chọc ngoáy vào nguồn điện, sự bất thường của dòng điện và từ trường cũng có thể khiến máy ê-qua-li-dơ nhận phải tín hiệu...

Âm thanh quái lạ vẫn mỗi lúc một mạnh lên. Hinh lần đến nơi, nhổ giắc nối ra, nhưng âm thanh vẫn cứ phát ra như cũ.

Sao những điều này có vẻ quen quen? Hinh chợt nhớ đến cuốn nhật ký đã ghi chép về "Nguyệt quang xã", anh sinh viên họ Tiêu lần đầu tiếp xúc với đám ma quỷ "Nguyệt quang xã", tuy đã ngắt nguồn điện nhưng máy quay đĩa vẫn chạy...

Bỗng nhiên tất cả im tiếng. Bộ loa trở lại là một chiếc thùng gỗ chưa đấu nối gì cả, sóng điện trên màn hình của máy ê-qua-li-dơ biến mất, chỉ còn một màu huỳnh quang. Trong bóng tối chỉ có thể nghe thấy tiếng trái tim cô đập.

Mưa gió đã đi qua, hay là một cơn bão tố còn lớn hơn sắp ập đến?

Sự im ắng kéo dài chừng mười giây, rồi bộ loa bỗng lại vang lên những tạp âm inh tai nhức óc, rít lên điên cuồng như muốn xé nát lòng người. Những sóng âm có quy luật trên màn hình của máy ê-qua-li-dơ lúc nãy bị thay thế bởi những hình sin quái gở nhấp nhô lên xuống, như một họa sĩ điên rồ đang cầm cây cọ hành hạ tấm vải.

Hinh bỗng thấy nhức đầu như búa bổ, những tạp âm dữ dội như điện truyền sâu vào trong óc cô, trong khoảnh khắc cô đã mất tri giác. Khi tỉnh lại, Hinh thấy các tạp âm đã biến mất và màn hình cũng hết các tín hiệu rối loạn.

Xung quanh Hinh hoàn toàn im lặng.

Nhưng rồi lại thấy văng vẳng một loạt âm thanh "lạo xạo" rất khẽ. Hinh chợt nhớ ra rằng lúc nãy cô quá lúng túng nên đã quên tắt máy ghi âm, các âm thanh hỗn loạn trong phòng vừa nãy chắc chắn đã được ghi lại. Cô chợt nảy ra một ý, cô bước lại trước bàn làm việc nói vào máy ghi âm: "Tôi là Diệp Hinh, lúc này là khoảng 22 giờ ngày 11 tháng 5. Cách đây ít phút, có những luồng sóng điện kỳ lạ hiện trên màn hình máy ê-qua-li-dơ, và các âm thanh phát ra loa, thoạt đầu có quy luật, và mỗi lúc một vang hơn. Sau đó đèn ở trạm phát thanh bị tắt thì sóng điện lại trở nên không có quy luật gì nữa, và rất chói tai. Bây giờ đã rất yên tĩnh, nhưng tôi.... tôi rất sợ, thật sự rất sợ hãi". Hinh đã thổ lộ nỗi lòng, cô thấy nhẹ nhõm phần nào nhưng nỗi khiếp hãi thì vẫn không hề vợi đi.

"Xẹt, xẹt..." khiến Hinh phát hoảng, âm thanh quái dị kia lại truyền ra loa, thoạt đầu rất khẽ rồi mạnh dần. "Mình nhất định phải làm một việc gì đó". Ý nghĩ đầu tiên nảy ra là đập nát bộ loa, nhưng cô hiểu rằng làm thế sẽ chẳng ích lợi gì, nên tìm cách khác có tính tích cực hơn.

Trong phòng này có mắc điện thoại nội bộ, có thể gọi đến phòng bảo vệ, nhưng như thế khác nào tự chui đầu vào thòng lọng? Bị đi nằm viện tâm thần thì đỡ kinh hãi hơn lúc này ở đây sao?

Một ý nghĩ chợt đến, Hinh dò dẫm trong bóng tối đi đến cửa sổ, mở cánh cửa gỗ, nhìn về phía xa xa, thấy tầng 2 của tòa nhà nhỏ còn sáng đèn le lói. Cô xác định có lẽ chỗ đó là phòng làm việc của thầy Chương Vân Côn ở khu nhà giải phẫu.

Hinh thầm kêu lên "tạ ơn trời đất". Lần mò sờ soạng một lúc, cô tìm thấy vài cuốn sổ tay, cầm đến trước màn hình huỳnh quang máy ê-qua-li-dơ để xem, cô tìm cuốn "danh bạ điện thoại nhà trường". Cô lần giở thật nhanh, miệng lẩm bẩm "Phòng nghiên cứu giảng dạy giải phẫu"... Cuối cùng Hinh đã tìm ra số điện thoại của phòng ấy. Tay run run bấm số điện thoại, tiếng chuông đang reo, một hồi, hai hồi... Hinh thầm cầu xin "mau đến nhấc máy, mau nhấc máy đi..." Nhưng không thấy gì. Khi cô dường như đã hết hy vọng thì tiếng chuông đã ngắt, có người nhấc máy và hỏi "alô?"

Chính là tiếng thầy Côn.

"Chào thầy Côn, em là Diệp Hinh ạ!". Hinh suýt nữa trào nước mắt, giọng cô run run.

"Diệp Hinh, bạn đang ở đâu? Sao nghe giọng bạn lạ thế? Từ chiều tới giờ cả trường đang đi tìm bạn". Rõ ràng là thầy Côn rất ngạc nhiên.

"Em sợ..". Hinh chẳng biết nên miêu tả cảnh ngộ của mình như thế nào, cô chỉ buột miệng nói ra được hai chữ. Lúc này cô nhận ra rằng cô chẳng cứng cỏi như cô vẫn tưởng.

"Đừng sợ, bạn đang ở đâu? Tôi sẽ đến đón bạn"

"Em đang ở trạm phát thanh, trên nóc khu nhà hành chính cũ. Xin thầy hãy mau đến đây nhưng thầy đừng nói với ai, được không ạ? Họ đang định đưa em đi viện tâm thần!"

"Bạn đã tin cậy tôi như thế, tôi sẽ rất thận trọng. Trước hết sẽ thu xếp ổn thỏa cho bạn đã, rồi sẽ tính sau."

"Thầy Côn hãy cẩn thận, ở khu nhà này có thể có nguy hiểm". Tiếc rằng Vân Côn đã dập máy.

Hinh ôm hai vai ngồi thu mình trên sàn nhà, ngẩng đầu lên nhìn màn hình của máy ê-qua-li-dơ; các đỉnh sóng âm vẫn dần dâng lên cao, các âm thanh quái dị phát ra loa lại dần mạnh hơn. Tay chân Hinh run bắn không thể kiểm soát được nữa.

Với Hinh, mỗi giây trong cảnh này dài tựa một năm. Tiếng động quái dị mỗi lúc một đến gần, càng nghe càng thấy giống những bước chân đất đang dần áp tới.

Cuối cùng, bộ loa như bị dùng hết công suất, phát ra một tiếng nổ dữ dội. Hinh vội bịt chặt hai tai, nghĩ bụng: mỗi nguy đã áp sát cửa.

Quả nhiên cửa phòng bị đập mạnh, cả nền nhà bị rung lên theo. Tiếng đập cửa quá dữ dội, có lẽ sớm muộn gì họ sẽ phá tung cửa để vào. Chắc vì đã bị khiếp sợ quá lâu, nên Hinh bỗng trở nên can đảm. Cô từ từ đứng dậy, hít một hơi thật sâu, tay nắm vào chiếc ghế đặt trước bàn kê máy chỉnh âm, để chuẩn bị - nếu cửa bị mở tung thì cô sẽ ném chiếc ghế ra.

Cửa vẫn bị đập ầm ầm không ngớt, rõ ràng là họ muốn vào bằng được.

"Diệp Hinh, tôi là Chương Vân Côn đây!"

Hinh thấy người cô nhũn ra như muốn ngã vật xuống đất. Vậy là vẫn có hy vọng.

Hinh run rẩy bước ra mở cửa, ngoài cửa tối om, thầy Côn tay cầm chiếc đèn pin to.

Hinh vội nói ngay: "Thầy Côn vào ngay đi, đứng ngoài nguy hiểm đấy!"

"Nguy hiểm gì? Sao tôi không thấy có chuyện gì cả?" Thầy Côn lia đèn pin khắp bốn phía.

Ơ kìa, bộ loa đã im tiếng. Hinh kinh ngạc quay đầu lại, cũng không thấy các sóng âm nhấp nhô trên màn hình hiển thị nữa. Hay là "kẻ khác người" ở đây đã hoảng sợ nên bỏ chạy rồi? Có lẽ nên ghi công cho ánh đèn pin, hoặc công ấy thuộc về thầy Côn hùng dũng tiến vào.

"Chúng ta nên mau đi khỏi đây." Thầy Côn cũng thấy chẳng nên nán lại lâu ở cái nơi tối đen như mực này.

"Vâng, nhưng xin phiền thầy cùng đi với em tới khu nhà giải phẫu."

Vân Côn ngần ngừ: "Bạn nói là... về phòng làm việc của tôi?... cũng được!"

Tại sao thầy Côn ngần ngại? Hinh có thể hiểu được: đêm hôm khuya khoắt, một thầy giáo trẻ ngồi cùng một nữ sinh trong phòng, là điều nên tránh. Huống chi mình lại đang là một "phạm nhân bị truy nã".

Hinh nhẹ nhàng nói: "Không phải là đến phòng của thầy, mà là xin thầy đi cùng em đến tầng một của nhà giải phẫu."

"Sao phải thế?" Giọng thầy Côn đầy vẻ ngạc nhiên.

"Bác Phùng kỹ thuật viên mặc dù thường làm việc ở đó, em muốn đến chơi, chưa biết chừng sẽ gặp được, em muốn hỏi bác ấy về một việc quan trọng. Gặp rồi, em sẽ nghỉ qua đêm ở một gian lớp học chứ không dám để thầy bị liên lụy. Em chỉ mong thầy đừng thông báo với phòng bảo vệ và phòng quản lý sinh viên, kẻo họ đưa em đi viện tâm thần."

Vân Côn hơi ngập ngừng, có vẻ do dự, nhưng rồi vẫn nói: "Tôi sẽ không nói với ai cả! Nào, ta đi!"

Hai người ra khỏi tòa nhà hành chính cũ, che chung một cái ô vì trời vẫn mưa. Có lẽ do trời mưa nên suốt quãng đường đi, không hề gặp một ai.

Bước qua bệ cửa xi măng xây cao, họ mở cửa. Phía trong là hành lang tối om, cố nhìn kỹ cũng không thấy một tia sáng nào. Vân Côn nói: "Có lẽ chúng ta đừng vào nữa, rõ ràng là bác Phùng không có ở đây!"

Vừa dứt lời thì thấy đèn hành lang bật sáng!

Nhưng hành lang vẫn không một bóng người.

"Có ai ở đây không? Có ai không đấy?" Vân Côn gọi to, chính anh cũng thấy đúng là có điều bất thường.

Nhưng Hinh thì dần dần hiểu ra rằng mối nguy hiểm vẫn bám theo cô.

Cô không muốn làm liên lụy đến Vân Côn.

"Thầy Côn ạ, chúng ta đi vậy, ở đây có uẩn khúc gì đó, rõ ràng là bác Phùng không có ở trong kia!"

"Có người đang làm trò ma hay sao? Ai đấy, hãy đường hoàng bước ra đây xem nào!" Vân Côn lớn tiếng gọi.

"Bác Phùng đang ở trong, đó là tiếng cưa điện của bác ấy." Hinh bước vào hành lang, chạy ngay đến gian cuối cùng. Vân Côn vội gọi theo: "Bạn Hinh chờ đã, cẩn thận đấy!" Có lẽ đế giầy bị ướt, Vân Côn trượt ngã nên bị rớt lại phía sau. Hinh như không nghe thấy gì, loáng một cái cô đã đứng ngay trước cửa căn phòng.

Cửa đang khép, tiếng cưa điện vang lên, đúng là từ trong đó phát ra.

Cô định đẩy cửa, tay đưa ra nhưng lại dừng tay hờ hờ ở đó. Cô lờ mờ cảm thấy có điều gì kì cục chi đây: không thấy ánh sáng lách qua khe cửa, tất nhiên là vì ông già gù có thói quen không bật đèn trong lúc xử lý thi thể, nhưng đêm mưa không thấy trăng sao, thì ông ấy làm việc sao được?

Sau phút do dự, Hinh vẫn đẩy cửa.

Cửa đã mở, cô ngây người như pho tượng. Cô không biết có nên tin ở mắt mình nữa không, bộ não thông minh của cô không thể chịu đựng nổi cảnh tượng kỳ quái đáng sợ đang diễn ra trước mắt.

Nhờ ánh đèn yếu ớt từ hành lang hắt vào, cô nhìn thấy chiếc cưa điện đang vận hành dữ dội trên cái bàn đặt thi thể.

Cô hình rõ ràng không có ai cầm cưa, chiếc cưa điện như bỗng có sức sống, nó tự xử lý thi thể trên bàn.

Cô nhìn rõ, đúng là trên bàn có thi thể, và nó đã bị xẻ ra vài đoạn.

Cô cũng nhìn rõ thi thể ấy có cái đầu hói, lưng gù. Chính là bác Phùng!

Đôi mắt bác Phùng vẫn mở to, hình như đang nhìn Hinh, ánh mắt lộ vẻ nài nỉ, tuyệt vọng, và cảnh cáo nữa.

Bao khiếp sợ, áp lực, hẫng hụt và mệt mỏi trong cô ít hôm nay, lúc này đã tích tụ đến ngưỡng không thể vượt qua được nữa. Hinh thét lên một tiếng rất dài, tiếng thét phá tan sự tĩnh mịch của đêm mưa trong khu trường.

Vân Côn chạy đến nơi, thấy Hinh ngồi rũ trên sàn, toàn thân run rẩy dữ dội, vẫn đang kêu thét lên kinh hãi. Anh cúi xuống ôm lấy cô, ôn tồn nói: "Bạn Diệp Hinh hãy bình tĩnh nào! Cứ kêu thế này sẽ ảnh hưởng đến các cán bộ giáo viên quanh đây."

Tuy đã gần đến mức suy sụp hoàn toàn nhưng Hinh vẫn nhớ ra rằng "kêu thét thế này, mình sẽ bị lộ, khác nào gọi nhân viên bảo vệ chạy đến?" Cô lập tức nín lặng, ngừng cả tiếng khóc, đứng lên rồi chạy ra ngoài.
Vân Côn đứng sau gọi ngay: "Diệp Hinh, bạn định đi đâu?"

Hinh đứng lại, nghĩ bụng: phải rồi, mình nên đi đâu đây?

Đầu cô bỗng như mơ hồ trống vắng, khuôn mặt đẫm lệ ngoái lại nhìn Vân Côn bằng ánh mắt buồn bã và bất lực. Vân Côn tiến lại dịu dàng nói: "Thế này vậy, đêm này dù bạn đi đâu, tôi cũng đi với bạn."

Đang nói chuyện, bỗng nghe thấy những tiếng bước chân vội vã, hình như có nhiều người đang chạy đến. Hinh thầm nghĩ "gay rồi", cô hiểu rằng mình không còn thì giờ nữa, không kịp giải thích với Vân Côn nửa lời, cô vụt chạy ra khỏi khu nhà.

Vừa bước chân ra cửa, thấy một ánh đèn pin cực mạnh chiếu thẳng vào cô, khiến cô không dám mở mắt ra nhìn, theo phản xạ, cô đưa tay lên che mặt. Có tiếng gọi: "Diệp Hinh ở đây! Tìm thấy rồi!"

Hinh biết chắc đó là các nhân viên được nhà trường cử đi tìm mình, không nghĩ gì khác, cô vụt chạy về hướng không có người. Cô cũng biết nếu cứ chạy trên đường trong trường, thì đèn pin đặc chủng kia sẽ bám sát, họ sẽ dễ dàng đuổi kịp cô. Phải nhanh chóng bỏ rơi họ mới được!

Chênh chếch với nhà giải phẫu là khu nhà hành chính cũ, cô nhớ rằng lối đi trong đó rất quanh co, có lẽ có thể trốn vào đó, cô bèn chạy thẳng vào khu nhà ấy.

Cô lên cầu thang rồi chạy lên tầng hai, nghe thấy phía dưới kia rất ồn ào, có người hô lên "cửa phía đông đã có người gác, hai anh hãy lục soát từng gian ở tầng một và tầng hầm. Mọi người còn lại hãy theo tôi lên gác!" Đó là tiếng ông Vu Tự Dũng phó phòng bảo vệ.

Đôi chân của Hinh đang run: liệu mình còn có thể trốn được bao lâu nữa đây?

Nhưng cô không chịu "đầu hàng", không thể để họ dễ dàng đưa mình đi viện tâm thần như thế.

Mỗi bước ba bậc cầu thang, Hinh tiếp tục chạy lên trên.

Tòa nhà hành chính cũ này có 5 tầng, cầu thang đưa thẳng lên nóc, sân thượng luôn thông thoáng, còn kê vài chiếc ghế xi-măng để mọi người ngồi nghỉ. Các bước chân vẫn đang đuổi sát phía sau, không còn cách nào khác, cô đành chạy một mạch lên sân thượng.

Mưa phùn táp lên mặt nhưng Hinh hoàn toàn không có cảm giác gì.

Hinh chạy một đoạn trên sân thượng, bỗng thấy ánh đèn pin lóe sáng trước mặt, thì ra đã có người lên đây theo một lối cầu thang khác. Thế là cô bị chặn cả hai phía trước sau.

"Này bạn Diệp Hinh chớ chạy nữa! Lẽ nào bạn không hiểu thiện chí của nhà trường dành cho bạn hay sao?"

Ôi, nếu mình chỉ là một con chim, thì mình có thể tự do bay đi!

Ý nghĩ này nảy sinh khiến Hinh cảm thấy mình đã thay đổi thật là đáng sợ.

Những người đuổi theo cô đều bước chậm lại, dàn từ hai phía thành một vòng cung vây lấy cô.

Không sao gạt bỏ được cái ý nghĩ đáng sợ kia, nhưng dường như cô không còn sức để khôi phục lý trí của mình cho tỉnh táo hơn.

Thế là Hinh trèo lên thành tường vây sân thượng, cao chưa đầy một mét.

Vu Tự Dũng gật mình "gay rồi!" Ông vẫy tay: "Dừng lại, mọi người dừng lại! Bạn Diệp Hinh định làm gì thế?"

"Làm gì à? Chẳng nhẽ ông không nhận ra hay sao?" Giọng Diệp Hinh lạnh như những giọt mưa đang hắt vào mặt.

"Em đừng làm bừa! Chúng tôi đến để giúp đỡ em, cứ yên tâm, nhà trường không hề hiểu lầm em. Sẽ quan tâm đến em nhiều hơn. Em mau xuống đi! Em còn chưa ăn tối kia mà? Chắc cũng rất mệt rồi! Nhà trường đã thu xếp cho em đến nhà khách, để em ăn uống tắm gội, rồi đi ngủ. Thế lại không tốt à?"

"Tiếp đó là, ngày mai đưa tôi đi bệnh viện tâm thần, đúng không?"

Ông Dũng không biết nên nói thế nào nữa, nhưng may có thầy Lý chủ nhiệm lớp Diệp Hinh kịp đi đến, nói: "Em Hinh xưa nay là một sinh viên rất hiểu biết, sao lại... Em mau xuống đây, cần gì thì nói xem nào!"

"Chẳng có gì để nói cả! Em biết thầy Lý không thể quyết định xem nên là thế nào, nhưng em mong thầy yêu cầu nhà trường bảo đảm rằng không đưa em đi viện tâm thần, thì em sẽ xuống ngay!"

Thầy Lý hơi đắn đo, ông Dũng thì cười nhạt, cất cao giọng: "Cho dù thầy Lý không thể quyết định, thì tôi có thể bảo đảm với em: chắc chắn sẽ không đưa em đi viện tâm thần! Bây giờ em xuống đi nào!"

"Tôi muốn nhà trường phải có văn bản chính thức, tuyên bố rằng bảo đảm ấy có giá trị trước pháp luật, có đóng dấu của Phòng quản lý sinh viên, thì tôi mới xuống!"

Ông Dũng không ngờ Diệp Hinh "khó nhằn" như thế này, ông phát cáu: "Này, sao em lại trẻ con như vậy? Em sẽ làm bừa chắc?"

"Có phải ông cho rằng tôi không dám nhảy không? Tôi biết trong số nữ sinh trước kia từng ở phòng của chúng tôi, đã có 12 cô nhảy lầu tự tử, ông cũng đã nói với tôi còn có vài cô khác nữa, tổng cộng là bao nhiêu?" Có lẽ, nhảy xuống dưới kia là cách duy nhất để giải tỏa mọi buồn phiền.

"Em..." Ông Dũng thực sự thấy điên tiết.

"Hinh ơi!" Một giọng nói rất quen thuộc vọng đến. Chính là mẹ cô!

Bà Kiều Doanh được ông Kim Duy Chúc trưởng phòng quản lý sinh viên đưa tới, đang chằm chằm bước đến. Bà quá kinh ngạc trước cảnh tượng trước mắt, bà đưa tay bịt lấy miệng, chỉ chực òa khóc, bà gọi "Hinh ơi" rồi đứng đờ ra không biết nên nói gì nữa.

"Em Hinh nhìn xem ai đây nào?" Ông Chúc lấy làm may vì mình đã sớm nhắc thầy Lý báo tin cho bà Kiều Doanh, bà đã ngồi chuyến bay trưa nay để đến Giang Kinh.

"Em thấy rồi!" Hinh nói lạnh lùng: "Mẹ ơi, sao mẹ cũng đến để ép buộc con?"

Sau phút bất ngờ nhìn thấy con, bà Kiều Doanh trấn tĩnh lại và dịu dàng nói: "Kìa con! Mẹ đâu có ép buộc gì con? Mẹ đến để thăm con, mẹ vẫn chưa đồng ý để đưa con đi viện! Mẹ chỉ... mẹ chỉ không muốn mất con, con là... là người thân yêu nhất trên đời này của mẹ!" Nói xong câu cuối cùng, bà nghẹn ngào.

Câu nói cuối cùng đã thực sự cảm hóa được Diệp Hinh, cô trào nước mắt, bước xuống sân thượng, tiến về phía trước và nhào vào lòng mẹ, cô khóc nức nở.

Chương 15 - Người đàn bà mặt sẹo và Uông Lan San

"Thành thật mà nói, tôi cho rằng thu xếp đưa Diệp Hinh đi viện tâm thần là một quyết định sai lầm". Ông Từ Hải Đình nhíu mày, nhìn chăm chú trang lịch in ở đầu cuốn sổ công tác, ông không nhớ mình đã khoanh một vòng tròn đỏ vào ngày 16/6 từ bao giờ.

Từ khi vị chủ nhiệm khoa thu xếp chương trình để về hưu thì các cuộc họp khoa đều do ông Đình và ông Đằng Lương Tuấn thay nhau chủ trì. Ông Tuấn chăm chú nhìn ông Đình. Chính ông Tuấn đã quyết ý chủ trương đưa Diệp Hinh đi viện, lúc này trước mặt các bác sĩ trẻ chưa có thâm niên, ông Đình lại nói mình "quyết định sai lầm" là có ý gì vậy? Hai ông đang tranh đua chức vụ chủ nhiệm, chỉ mai kia sẽ công bố bổ nhiệm ai làm. Nghe tin cấp trên tiết lộ, nói mình "hơi có ưu thế" thì ông Đình ra đòn này không phải là không có ý đồ.

"Trong những năm qua, bác sĩ Đình đã đưa các sinh viên tương tự đi viện, chắc anh đã cân nhắc kỹ mọi bề, thậm chí rất đau xót nhức nhối phải không?". Ông Tuấn từng sang Mỹ tu nghiệp 2 năm, ông rất hiểu sự tàn khốc trong cạnh tranh, nếu cứ nhân từ với Tương Công (Sự tích Tề Tương Công thời Đông Chu là một vua chư hầu hoang dâm tàn bạo. Nếu nương tay với y thì chỉ là tự chuốc lấy kết cục bi thảm) thì khác nào tự sát, vì thế ông trả đũa luôn.

Ông Đình biết ông Từ hỏi câu đó là có ý công kích mình, ông thấy hơi buồn, nhưng ông cố kiềm chế rồi chậm rãi nói: "Tình hình của Diệp Hinh không giống như các nữ sinh kia. Trước khi đi viện các cô kia học tập sút kém, hiện tượng nói năng lú lẫn rất rõ rệt, hoặc là lúc tỉnh lúc không. Còn Diệp Hinh thì kết quả học tập không những không giảm sút mà còn đạt mức ưu tú, môn giải phẫu được điểm tối đa, việc này chỉ mới cách đây vài tuần".

"Nhưng chuyện cô luôn miệng nói là đã gặp linh hồn cha mình thì cũng là biểu hiện tỉnh táo hay sao? Cô ta còn nói đã nhìn thấy ông kỹ thuật viên của phòng nghiên cứu giảng dạy bị xả thây, nhưng rõ ràng là ông ta vẫn còn sống, chỉ là xuất huyết não phải nằm viện để theo dõi mà thôi. Điều này cũng là biểu hiện tỉnh táo ư?". Ông Tuấn chỉ tay về phía buồng bệnh: "và còn hàng loạt lời nói cử chỉ không sao hiểu nổi nữa đều được ghi trong y bạ. Nếu tôi không nhầm thì chính anh và tôi đã cùng khám bệnh và cùng ghi vào y bạ đó kia mà!"

Các bác sĩ đưa mắt nhìn nhau, họ đều đã nghe nói trường hợp bệnh nhân Diệp Hinh là không bình thường, nhưng không ngờ lại là một ca mà hai vị phó chủ nhiệm này cũng khám bệnh.

"Anh nói đều đúng cả, nhưng vẫn cần phải phân tích kỹ hơn. Ta biết rằng cô Hinh đã phải chịu đựng áp lực rất lớn về tinh thần, khi con người bị căng thẳng quá mức họ sẽ nói ra những điều ẩn sâu trong tiềm thức, nhưng đó không có nghĩa là bệnh lý nghiêm trọng đến mức phải đi viện điều trị. Tôi cho rằng cô ấy chưa thật sự tin cậy tôi, anh và nhà trường nên còn nhiều điều chưa nói ra với chúng ta, vì cho rằng dù có nói ra thì chúng ta cũng không tin. Chúng ta đừng quên rằng chuyến đi Vô Tích của cô Hinh đã liên quan đến một vụ án mạng, chứ không phải là chuyện ngẫu nhiên. Chắc chắn cô Hinh đã cảm nhận được một điều gì đó nên mới có động cơ mãnh liệt để đi tìm lời giải cho "vụ mưu sát 405". Điều tôi muốn nói là không phải cô ta không hề muốn được chúng ta quan tâm. Chúng ta nên coi việc trợ giúp tâm lý là chính, chứ đừng vội vã điều trị thuốc men". Ông Đình đang suy nghĩ rất sâu về trường hợp Diệp Hinh.

"Nếu cho nằm viện thì chẳng phải sẽ càng tiện, và càng có thể trợ giúp tâm lý tỷ mỷ hơn cho cô Hinh hay sao? Nếu anh Đình nhất định bảo lưu ý kiến không cần cho nằm viện thì chi bằng cứ giao ca này cho mình tôi phụ trách điều trị". Ông Tuấn vẫn cảm thấy ông Đình đang cố cãi lấy được, nên ông lên tiếng mạnh hơn.

Ông Đình cười nhạt "Bác sĩ Tuấn thật sự nghĩ rằng đưa một cô gái có lẽ vẫn đang khỏe mạnh về tinh thần vào nằm viện của chúng ta, sẽ rất hữu ích cho việc trợ giúp tâm lý hay sao?"

Bệnh viện tâm thần nằm ở vùng ven "khu bệnh viện", mà trung tâm của nó là Đại học Y số 2 Giang Kinh, nằm kề vùng ngoại ô. Toàn bộ bệnh viện được một vành đai trồng toàn cây ngô đồng chẵn ba chục năm tuổi vây lại, hết sức yên tĩnh. Nhất là khu buồn bệnh, hoàn toàn cách xa chốn "ngựa xe như nước, áo quần như nêm" ồn ã ở bên ngoài, thật sự là nơi con người có thể hoàn toàn tĩnh tâm.

Khu buồng bệnh là một tòa nhà lớn ba tầng, bệnh nhân nam ở tầng hai và ba, bệnh nhân nữ ở tầng một. Phần lớn bệnh nhân đều nằm ở "khu lớn", khu này gồm các khoa: khoa bệnh thần kinh thông thường, khoa bệnh nặng, khoa chăm sóc người già và khoa cai nghiện. Mỗi khoa có đến vài chục giường bệnh bố trí trong một gian phòng rất rộng, bốn bề đều có phòng y tá trực ban được cách ly bởi các vách ngăn bằng kính thủy tinh hữu cơ – để các y tá dễ dàng quan sát mọi động tĩnh bên trong. Khoa bệnh thần kinh thông thường, có số bệnh nhân đông nhất, lại được chia thành hai khu vực, bên ngoài phòng y tá trực ban ở phía đông là nhà ăn kiêm vui chơi giải trí với vài dãy bàn dài, bốn góc treo bốn ti-vi màu. Bên ngoài gian vui chơi giải trí là phòng tiếp người nhà bệnh nhân và phòng làm việc của bác sĩ. Xa hơn nữa là một hành lang chạy dày đến tận khu nhà bảy tầng, là nơi khám bệnh kiêm văn phòng hàng chính. Một số ít bệnh nhân nằm ở tầng ba của "khu nhỏ", chỉ có vài căn buồng bệnh dành cho một người hoặc hai người, có y tá chuyên trách chăm sóc. Thường là một số nhân vật đặc biệt hoặc bệnh nhân nặng mới được bố trí nằm các buồng nhỏ này.

Từ lâu, các buồng nhỏ đã hết chỗ, bà Kiều Doanh cố "tác động" cũng không có kết quả, đành để cho Diệp Hinh vào nằm buồng chung của khoa thần kinh thông thường.

Hinh đã khóc không biết bao nhiêu lần, cũng cố tỏ ra trấn tĩnh không biết bao nhiêu lần, nhưng cô càng cố chứng minh trí óc mình vẫn mạnh khỏe thì nhà trường và các chuyên gia thần kinh lại càng cho rằng cô rất thất thường, trạng thái tinh thần sai lệch quá lớn, và càng giữ ý kiến buộc cô phải nằm viện.

Hầu như không ai còn tin cô nữa, thậm chí cả mẹ cô cũng vậy. Đã rất nhiều lần cô có cảm giác nỗi oan ức chứa chất trong lồng ngực khiến cô nghẹt thở, cô muốn đột nhiên "lên cơn" một phen cho hả. Dường như số phận của cô bị một "bàn tay đen" vô hình nắm lấy rồi mặc sức xoay vần. Nhưng Hinh vẫn suy nghẫm, và hiểu rằng nếu tiếp tục làm ầm ỹ thì chỉ khiến cho "bệnh án" của cô thêm dày hơn, đặc biệt là không thể "lên cơn", vì chứng cấp cuồng là dấu hiệu rà dấu hiệu rất chuẩn để các bác sĩ thần kinh phải dùng thuốc, cô không thể dại dột mà chấp nhận bị điều trị. Việc điều trị bệnh tâm thần chỉ dành cho bệnh nhân tâm thần, tác dụng của thuốc sẽ là có hại cho những người khỏe mạnh. Cô phải duy trì một bộ não tỉnh táo – đây là con đường duy nhất để nắm vững vận mệnh của mình.

Phải làm thế nào để không bị dùng thuốc? Hinh nhớ lại bộ phim Nhật Bản "Đuổi bắt" mà cô xem hồi nhỏ, nhân vật nam vì không muốn uống thuốc chữa thần kinh có hại cho mình nên lần nào anh ta cũng giả vờ uống thuốc, rồi đi vào nhà vệ sinh nhè ra. Có lẽ mình có thể dùng cái mẹo này.

"Đây là thuốc của em sáng nay. Tôi phải đứng chờ xem em uống xong. Trông em có vẻ là một cô gái ngoan ngoãn, lại là một sinh viên kia mà! Em biết không, có nhiều bệnh nhân không chịu nghe lời, khăng khăng rằng mình không bệnh tật gì cả, cứ học theo bộ phim Nhật Bản "Đuổi bắt" – ngậm thuốc nhưng không nuốt, hoặc là vào nhà vệ sinh rồi nhè ra. Cho nên chúng tôi đề phòng là chính: em phải uống từng hụm nước to... đúng thế... nếu chỉ nuốt thuốc mà uống ít nước, sẽ hại cho dạ dày. Tốt rồi, tôi sẽ ngồi với em một lúc." Chị y tá đã làm tan biến mọi hy vọng của Hinh. Hinh lim dim mắt, cô như cảm nhận được hai viên thuốc đang khoái trá trôi qua thực quản rồi xuống dạ dày mình, chuẩn bị tan vụn ra rồi thấm vào máu, sau đó tập kích hệ thần kinh nhạy bén và khỏe mạnh của cô bằng dược tính của nó. Chị y tá đứng quanh ở giường bên một lúc, thấy bệnh nhân ở "khu nhỏ" này không có khả năng nhè thuốc ra, chị mới chậm rãi bước đi. Hinh ngồi trên ghế đặt bên đầu giường, nhắm mắt. Chẳng rõ có yếu tố tâm lý hay không, hình như thuốc đã bắt đầu phát huy tác dụng: cô thấy mình bình tĩnh hơn như tư duy dường như lại có phần trì trệ. Những hình ảnh trong mấy ngày qua vốn đã đan xem rối mù... thì bây giờ vẫn cứ rối mù, có điều, chúng như một đống rác tạp nham chất chồng, không chút sức sống, cũng không chờ đợi cô tháo gỡ.

Chẳng lẽ cứ thế này mãi? Bỗng có ai đó đẩy cô một cái, cô bừng tỉnh. Chị y tá mỉm cười: "Diệp Hinh, em xem ai đến kìa!"

"Mẹ!" Hình như mẹ đang ở phòng đón tiếp người nhà, cô không nén được nước mắt tuôn trào. Bà Kiều Doanh rất xót xa, cũng trào nước mắt: có lẽ gộp những lần con gái bà khóc từ thời tiểu học, trung học lại, cũng chẳng khóc nhiều hơn mấy hôm nay.

"Con ạ, mẹ chủ trì một hội nghị định hướng công tác, đang đi đến hồi kết, mẹ phải trở về mấy hôm. Đây là bệnh viện tốt nhất của tỉnh, nên mẹ cũng yên tâm để con đến đây điều trị. Vài hôm nữa mẹ lại đến thăm con, con hãy chịu khó nghe lời bác sĩ..."

Hinh nín khóc, chăm chú nhìn khuôn mặt mẹ. Bà Kiều Doanh vốn vẫn còn nét duyên dáng phong lưu, nhưng bao lo nghĩ và mệt mỏi mấy hôm nay đã khiến bà già đi ít nhiều.

"Lẽ nào chính mẹ cũng cho rằng con có bệnh thật ư?"

Hinh đã hỏi câu này không biết bao nhiêu lần.

"Con gái ngốc nghếch của mẹ, con không có bệnh, lời con nói mẹ đều tin cả!". Bà Kiều Doanh ôn tồn trả lời mà lòng đau như dao cắt.

Hinh biết mẹ chỉ an ủi cô đó thôi, chắc chắn bà cũng tin rằng con gái mình cần được vào đây điều trị. Hai mẹ con bịn rịn chia tay. Lúc bà Kiều Doanh quay ra cửa, Hinh không nén được lại trào nước mắt.

Trở về giường của mình cô vẫn chưa thoát khỏi cảm giác cô độc sau khi mẹ ra về. Hai tay ôm vai, cô ngồi trên ghế suốt hai tiếng đồng hồ không hề nhúc nhích. Hình như trên thế gian này chỉ còn lại mình cô. Tạ Tốn thực đáng giận, anh đang ở đâu? Lẽ nào anh bụng dạ hẹp hòi như thế thật ư? Thế mà em vẫn đang nhớ đến anh đây, anh có biết không? Âu Dương Sảnh đáng thương, liệu bao giờ cậu mới khỏi bệnh? Mẹ thân yêu, con mong mẹ sẽ sớm trở lại, nhưng rồi sao nữa? Họ vẫn cứ giam cầm con ở đây như thế này... Có phải đây là cảm giác thật sự tuyệt vọng? Mọi nỗi hãi hùng trước đây chỉ là khiến cô kinh sợ mà thôi.

Cứ như thế, Hinh ngồi đến khuya, cô y tá vài lần đến khuyên Hinh đi ngủ, Hinh mới uể oải nằm xuống. Cô văng vẳng nghe thấy các cô y tá thở dài nói với nhau: "Cô sinh viên ấy thật đáng ái ngại, chắc là thuốc đã ngấm rồi đấy"

"Mới uống thuốc có một ngày mà có tác dụng nhanh thế kia à?"

"Cũng khó nói lắm"

Lẽ nào mình bị thuốc tác dụng thật nên mới sa sút như thế này? Nhưng tình thế lúc này mình không sa sút làm sao được? Liệu có phải ngày mai mình sẽ phấn chấn lên chăng? Nhưng nếu thế họ liệu có bắt mình uống thêm thuốc không? Hình như họ mong mình cứ xẹp đi như thế này thì mới gọi là thuốc có hiệu quả! Hinh nghĩ ngợi miên man rối bời, mơ màng ngủ thiếp đi.

Đây đâu phải là phòng 405, sao lại cũng có một khuôn mặt nát bươm? Không có tiếng nhạc, không có ánh sáng nhợt nhạt, nhưng lại thấy bóng cô gái áo trắng chập chờn mờ tỏ. Đúng là đang ngủ mê, nhưng hình như lại rõ hơn là cảnh có thật. Hinh chăm chú nhìn khuôn mặt dập nát của cô gái, hình như đã từng quen nhau...

"Tại cô nên tôi mới nên nông nỗi này, phải ở chung với đám người điên!"

Cô gái áo trắng lắc đầu. và giơ đôi tay về phía Hinh, mười ngón tay xương xẩu hướng tới mặt cô. Cô định xua tay cưỡng lại, nhưng đôi tay cô như bị đè nặng, bất lực không sao nhấc lên được.

Cơn ác mộng này không thể kéo dài lâu thêm nữa. Hinh mở to mắt, trời ơi... một khuôn mặt nát bươm!

Ánh đèn yếu ớt bật suốt đêm ở phòng y tá trực ban có thể hắt vào buồng bệnh nhân qua vách thủy tinh hữu cơ, vì cự ly quá xa nên quanh giường Hinh vẫn rất tối, tuy nhiên cô vẫn có thể nhìn rõ người phụ nữ ấy có khuôn mặt dập nát, một bàn tay bịt lấy miệng cô, bàn tay kia xoa lên mặt cô và nói: "Làn da thật mịn màng!". Hai cánh tay Hinh cũng bị hai bàn tay khác giữ chặt. Hai phụ nữ mặc quần áo bệnh viện màu trắng đang đứng bên giường Hinh, một người mặt nát bươm, nói đúng ra là mặt nham nhở chằng chịt, nhìn trong lúc mờ tối thế này phải giật mình, người kia thì nhìn không rõ mặt nhưng rất khỏe, đang ghì tay Hinh đau điếng. Hinh muốn kêu lên nhưng miệng bị bịt chặt nên đành chịu. Rất nhanh, người mặt sẹo thò tay lần cởi khuy áo ngủ của Hinh. Hinh giẫy giụa, quẫy chân nhưng họ khỏe hơn cô nhiều, xem chừng cô đã hết hy vọng. Đôi tay đang ghì cô bỗng buông ra, và một loạt những âm thanh quái dị vọng đến. Hinh lập tức nhảy xuống giường, ấn chuông cầu cứu phòng y tá trực ban. Rồi chỉ nhìn thấy ở phía xa xa, người phụ nữ mặt sẹo đang đánh nhau với hai người khác, các cô y tá nghe thấy tiếng chuông ở bên này bèn chạy vào, các bệnh nhân khác cũng bị tỉnh dậy bởi tiếng ồn, họ vây lại ngó xem. Các cô y tá kéo ba người tách ra. Ngoài người phụ nữ mặt sẹo, thì người thứ hai là một phụ nữ tuổi trung niên – nhìn vóc dáng thì có lẽ là người lúc nãy vừa ghì tay Hinh, người kia là một bà già tóc hoa râm. Một cô y tá trách móc: "Lại là các người! Nếu còn làm loạn lên nữa, chúng tôi sẽ báo cáo bác sĩ dí điện để điều trị cho các người!". Lúc này lại có một nam y tá thân hình lực lưỡng chạy đến, một cô y tá nói: "Cô sinh viên không vấn đề gì, còn ba người này thì phải đưa về giường, đêm nay phải trói lại mà ngủ kẻo lại gây rắc rối!".

Hinh vội nói: "Hình như bà già không làm gì đâu, đừng trách oan bà ấy".

Cô y tá cười nhạt: "Không làm gì à? Cô nhìn hai người kia bị đau ra sao thì biết".

Đúng thế, người đàn bà mặt sẹo lại bị thêm một vết máu trên mặt, còn người đàn bà to vâm thì trán sưng vù, cánh tay phải thõng xuống như là bị trật khớp. Rõ ràng là bà già ấy đã cứu Hinh. Hai người kia bị trừng trị là đáng rồi, bà già ra tay cũng khiếp thật. Nhưng bà già có vẻ rồ dại kia sao có thể khiến hai nữ bệnh nhân cao to, ít tuổi hơn hẳn bị ăn đòn khiếp thế? Bà già bỗng tỏ vẻ vô tội, nói nghèn nghẹn: "Tôi có làm gì đâu? Các... các cô nhìn xem, thân già này chưa bị họ nghiền nát ra là đã phải tạ ơn trời đất rồi, sao lại trói tôi?".

Hai nam y tá đưa bà già vào đầu tiên, hình như bà còn nguy hiểm hơn cả hai người kia. Hinh đưa mắt nhìn sang, thấy giường của bà cách giường của cô không xa lắm. Anh y tá ấn bà nằm xuống giường, thắt chặt bà bằng dây đai da buộc sẵn ngay mép giường. Còn hai bệnh nhân đã nạt nộ Diệp Hinh thì được đưa đi điều trị vết thương. Vẳng nghe thấy tiếng cô y tá cảnh cáo: "Nếu các người còn dám làm thế nữa thì sẽ bị đưa sang khu bệnh nhân nặng, rồi sẽ được gặp đối thủ còn dữ dằn hơn các người".

Lúc này Hinh mới cảm thấy rõ nỗi ê chề, sợ hãi, oán hận đang cùng ập đến với cô. Cô thút thít khóc, y tá đến an ủi cô cũng chẳng thiết nghe.. Vào lúc cô độc không biết bấu víu vào đâu, điều mà Hinh cần không chỉ là an ủi. Điều mà cô cần là tình yêu. Chỉ có tình yêu mới khiến cô lại có can đảm.

Nửa đêm về sáng, Hinh hầu như không chợp mắt. Vào giờ đến khám phòng buổi sáng, bác sĩ Đằng Lương Tuấn thấy đôi mắt Hinh có quầng thâm, ông nghĩ bụng: "có lẽ bệnh cô ta còn nặng hơn mình dự đoán". Cô y tá đứng bên báo cáo rằng cô sinh viên này từ sau khi uống thuốc đã rất yên ổn, hầu như cả ngày không nói một câu.

"Tốt rồi, vậy là thuốc rất phù hợp với cô ta". Ông Tuấn gật đầu tỏ ý bằng lòng, đồng thời đưa ra phác đồ điều trị cho Diệp Hinh. Ông là nhân vật hàng đầu thuộc trường phái phân tích thần kinh của bệnh viện này, tích lũy kinh nghiệm sau chuyến du học Mỹ, ông rất tin ở kỹ thuật lâm sàng của mình. Trông ông rất có phong độ, nói năng khúc chiết, rất dễ khiến cho bệnh nhân có thiện cảm, vì thế họ thường thẳng thắn bộc bạch với ông mọi nỗi niềm, rất có lợi cho việc điều trị của ông.

"Bạn Diệp Hinh đừng nên nghĩ ngợi nhiều, tôi đã lập phác đồ cho bạn, chỉ cần chúng ta nói chuyện vài lần để tháo gỡ những băn khoăn trong lòng, thì chỉ ít hôm sau bạn có thể ra viện". Ông Tuấn nói hết sức nhẹ nhàng để tranh thủ niềm tin và thiện cảm của Hinh.

"Xin tùy bác sĩ Tuấn, cháu nhất định sẽ làm theo ý bác sĩ". Thái độ ung dung của Hinh khiến ông Tuấn thầm ngạc nhiên, không biết nên mừng hay nên lo. Nếu cô ta thực sự nhẹ nhõm thế này thì thật là quá tốt, nhưng nếu chỉ là bề ngoài thôi thì sao? Mình sẽ tìm tác nhân gây bệnh như thế nào? Biểu hiện tỉnh táo thế này sẽ là cái cớ để Từ Hải Đình bắt bẻ này nọ !

Đến giờ ăn trưa, Hinh bưng khay đến trước cửa sổ nhà ăn chờ lĩnh suất ăn. Rất đông người xếp hàng, thỉnh thoảng có bệnh nhân lỡ đánh rơi khay, cơm canh thức ăn vung vãi tứ tung trông chết khiếp, các nhân viên lại phải đến quét dọn, hàng ngũ lại càng chậm tiến.

"Cô đừng tưởng có thể trốn được tôi". Một giọng nói lạnh tanh. Hinh ngoái đầu lại, ớn lạnh: chính là người đàn bà mặt sẹo tối qua. Rõ ràng chị ta nhân lúc các y tá không để ý đã chen ngang đứng phía đằng sau Hinh. Các bệnh nhân đứng phía sau bắt đầu chỉ trích, thậm chí có người chửi bới thô tục. Người đàn bà mặt sẹo ngoảnh lại nhăn mặt, mím môi dọa dẫm khiến mọi người cũng bớt xì xào hơn.

"Chị đừng tưởng tôi sợ chị thật!". Hinh nói thản nhiên, chẳng buồn quay mặt lại. Cô cũng chẳng hiểu lòng can đảm của mình có từ đâu, nhưng cô biết, ở đây chỉ cô mới có thể bảo vệ cho chính cô.

Chị mặt sẹo ngớ ra, hoàn toàn không ngờ cô học sinh trông non choẹt yếu ớt này lại dám có gan như thế. Chị ta cười hì hì, đổi giọng: "Được, tôi thích cái tính này của cô! Thực ra tôi đâu có đáng sợ như thế, chỉ vì bị ở đây lâu quá thì thấy buồn. Cô lại mới đến, chưa quen biết ai nên tôi muốn kết bạn với cô để cùng âu yếm với nhau"

Hinh nghe chị ta nói hai chữ "âu yếm" thật quái dị nhưng cũng thấy sờ sợ, cô cố ra vẻ điềm tĩnh: "Tôi quá sẵn các bạn ở trường học, đằng nào thì tôi cũng không ở đây lâu, tôi chẳng lo sẽ bị cô đơn"

"Này, cô không biết thật hay giả vờ không biết thế? Đã vào đến đây thì đâu phải chỉ là nhức đầu sổ mũi lặt vặt, làm gì có chuyện dăm bữa nửa tháng là ra viện. Mà dù có ra viện thì chỉ ít lâu sau sẽ lại quay vào. Nếu không quay vào thì chỉ có một khả năng là lên chầu trời, giống như mấy cô gái ở trường cô ngày trước!"

Hinh bỗng chột dạ: "Chị cũng biết chuyện về các cô gái ấy à? Chị đã biết những gì?"

"Tôi đã ở đây mười mấy năm, sao lại không biết? "Vụ án mưu sát 405" nghe quen tai chứ?"

"Chị nói cụ thể hơn được không?" Hinh sốt ruột hỏi

"Cô đừng hung với tôi thì tôi sẽ cho cô biết. Đến giờ hoạt động tự do chiều nay, cô hãy đi bách bộ với tôi, có được không?" Chị mặt sẹo ôn tồn nói.

Hinh thấy dạ dày cô oi ói buồn nôn, cô giận mình suýt nữa mắc lừa chị mặt sẹo. Có phải tại mình uống thuốc thần kinh nên đầu óc bị lú lẫn hay không? Cô quay đi, không để ý đến chị ta nữa.

Chị ta không chịu thôi, lại bám hỏi: "Lát nữa ta cùng ngồi ăn với nhau có được không?"

"Được chứ, nếu có thể cho bà lão xấu xí này ngồi cùng hai người thì càng hay". Người nói câu này chính là bà già đã cứu Hinh tối qua. Chắc bà phải xấp xỉ tuổi bảy mươi, lưng hơi còng nhưng đầu tóc chải rất gọn ghẽ. Mặt bà đầy những nếp nhăn, đôi mắt mờ đục, cũng không có gì khác với các vị cao niên thường gặp; bà nói năng cũng rất bình thường, nhưng tại sao phải vào nằm viện tâm thần? Nghĩ đến đây Hinh khẽ thở dài. Cô tự thấy mình rất bình thường, thế mà cũng phải vào đây kia mà!

"Bà ạ, cháu cảm ơn bà tối qua đã giúp cháu!"

Bà già lấy làm lạ, nhìn Hinh: "Tôi giúp cô cái gì nhỉ?"

Hinh lại thở dài, xem ra bà già bị vào đây không phải là không có lý.

"Thực ra chỉ cô mới giúp được cô thôi". Bà già lẩm bẩm rồi chen lên đứng trước Hinh (nhà ăn của bệnh viện có quy định rằng người già trên 65 tuổi không phải xếp hàng khi lĩnh cơm). Bà bưng khay cơm canh từ ô cửa sổ nhỏ rồi quay đi luôn, chẳng buồn nhìn Hinh nữa. Hinh thấy lời nói của bà còn có ẩn ý gì đó, bèn bưng khay đồ ăn của mình đến ngồi bên cạnh bà.

"Cháu là Diệp Hinh, chẳng lẽ bà đã quên tối qua bà vừa cứu cháu à? Thôi được, dù bà nhớ hay quên cháu cũng xin cảm ơn bà! Cháu xin hỏi, bà là..."

Chị mặt sẹo cũng đến ngồi cùng, cười nhạt: "Bà ấy là Uông Lan San nổi tiếng ra trò! Nếu cô trò chuyện ăn ý với bà ấy, thì cô chỉ có chết! Mấy cô sinh viên của trường cô ngày trước đều thân với bà ấy, cô xem hậu quả là gì nào?"
Hinh lừ mắt nhìn chị mặt sẹo, nhưng không ngờ bà già lại nói: "Chị ta nói không sai đâu"

Hinh ngạc nhiên: "Sao lại nói thế? Làm gì có mối liên quan đó? Cháu không tin, các chị kia chết đều do các nguyên nhân khác... nói thế này tức là chắc chắn bà cũng biết về "vụ mưu sát 405"?"

"Những ai tự cho rằng mình biết, thường lại là chẳng biết gì" Bà Uông Lan San không trả lời thẳng vào câu hỏi.

"Thấy chưa, bà già này dở hơi!" Chị mặt sẹo không bỏ lỡ cơ hội, "trả thù" luôn

"Phải! Không dở hơi thì tại sao phải ở đây bốn chục năm? Trong những người hay ra vào chỗ này, có vài người nằm viện hơn chục năm là cùng, đã tưởng mình là bậc nguyên lão rồi" Bà San phản kích chị mặt sẹo, chứng tỏ bà hoàn toàn không có bệnh tật gì.

Vậy những con người này là thế nào đây?

Hinh bỗng thấy ngao ngán đến cùng cực, xem chừng mình đành phải thích nghi chung sống với đám người rồ dại kỳ cục này vậy. Nếu muốn giao lưu với họ thì mình cũng phải suy nghĩ như kiểu của họ chăng? Còn có việc gì khó hơn điều này đây? Họ rõ ràng là những con người cần được quan tâm giúp đỡ, nhưng ai sẽ giúp đỡ mình đây?

Điều Hinh có thể làm, dường như chỉ lại là ngồi ngây trên giường, có lẽ chỉ có cách này mới có thể giữ được sự tỉnh táo cho mình.

Đã đến giờ được hoạt động tự do, các bệnh nhân đều ra đánh bóng bàn, tập thể dục, đi bách bộ... chỉ có Diệp Hinh vẫn ngồi bất động trên giường. Chị mặt sẹo lại đến bên cạnh nói những câu vớ vẩn chẳng đâu vào đâu. Hinh chán ngán nhìn chị ta một hồi, rồi dứt khoát nhắm mắt lại không để ý nữa.

"Mấy cô kia lúc mới đến cũng thế này"

Một giọng thiếu nữ trong trẻo như tiếng chuông bạc. Tại sao mình lại chưa để ý rằng ở đây còn có một cô gái trẻ như thế? Hinh mở mắt ra nhìn, cô lạnh cả người. Đâu phải là một cô thiếu nữ, mà chính là bà già Uông Lan San. Tại sao bà ý lại bắt chước giọng của bé gái?

"Bà San, bà..."

"Chị ơi, chị ra kia đi dạo với em được không?" Đôi mắt mờ đục của bà San hình như cũng trong hơn trước, long lanh sức xuân mà chỉ tuổi trẻ mới có.

Hinh cảm thấy toàn thân rùng rùng ớn lạnh, cô đứng lên rồi lùi lại một bước "Bà... bà là ai?"

Bà San bước lên một bước, đưa tay ra nắm lấy tay Hinh: "Em là Tôn Tĩnh Tĩnh, em ít tuổi nhất ở đây, chuyện trò chẳng hợp với ai cả, may mà chị lại vào đây, tuổi không chênh nhau là mấy, chúng ta kết bạn đi"

Hinh đưa tay ra sau lưng, giọng run run: "Cô... năm nay bao nhiêu tuổi?"

"16 ạ!"

Hinh bấm nút chuông đặt ở đầu giường xin trợ giúp, một cô y tá đi vào, nhìn tình thế cô hiểu ra ngay: "Bà San lại quậy nữa à?"

"Em là Tôn Tĩnh Tĩnh kia mà!". Bà San eo éo cãi lại. Cô y tá đưa bà ta ra, bà ta vừa giãy giụa vừa ngoái đầu lại nhìn Diệp Hinh bằng ánh mắt dữ tợn ai oán, hỏi lạnh lùng: "Tại sao chị lại không chơi với em?"

Full | Lùi trang 4 | Tiếp trang 6

Loading...

Tiểu thuyết tình yêu là website chia sẻ những thể loại truyện hay nhất hiện nay, được nhiều người đọc yêu thích. Truyện được cập nhập hàng ngày. Hãy lưu địa chỉ web để truy cập nhanh hơn!

Chúc các bạn online vui vẻ !

Laptop Tùng Anh

Tour Phú Quốc

Vinhomes Cầu Rào 2

Trang Chủ