"...chiếc lá thu đang bay nhè nhẹ, chiếc lá úa màu vào giây phút cuối cùng đã được thả mình trong gió..."
=====
1. Thiếu nữ tô son điểm phấn
"Chàng thả tấm che xuống, bức tranh dần hiện lên, có một thiếu nữ đang tô son, ánh mắt nàng sáng lên như niềm tin vĩnh cửu... Trên bàn trang điểm, có một phong thư vừa mở, đọng ở môi nàng còn nụ cười e ấp, thấp thoáng trong gương..."
*
- Em mở mắt được chưa?
- Một chút nữa, sắp đến nơi rồi! - Anh dìu tay cô đi từng bước một trong phòng tranh của anh! Anh không phải hoạ sĩ, chỉ là anh rất có khiếu hội hoạ, anh đã từng học Khoa mỹ thuật, cũng vì thế mà quen cô...
- Không chết vì mỏi chân thì em cũng "tò mò mà chết" thôi! - Cô đưa tay gỡ tấm khăn bịt mắt, trước mặt cô là hai bức tranh thì phải, nhưng lại đang bị che đi.
Anh từ từ thả tấm màn che xuống, đó là bức tranh cô gái ngồi bên bàn trang điểm. Cô không hiểu tại sao anh lại tặng nó cho cô, và không hiểu tại sao anh lại gọi đây là "món quà đặc biệt". Anh như hiểu được ánh mắt hiếu kì của cô, xoay bức tranh về phía đối diện, anh đứng ra sau cô nhỏ nhẹ:
- Đây là bức "thiếu nữ tô son điểm phấn"! Tất nhiên không phải ngẫu nhiên mà anh muốn tặng em! - Anh mỉm cười.
- Chẳng lẽ là bảo vật quốc gia đã bị thất lạc? Anh muốn em lập công chăng? Không! Anh đâu tốt thế... - Cô lắc đầu nhìn anh, cười tinh nghịch.
- Đằng sau đó là một câu chuyện đầy xót xa mà không hồi kết. - Giọng anh thấp xuống, anh nhìn cô dịu dàng.
- Vậy còn bức tranh đang che vải kia? - Cô đưa mắt sang ngang, định tháo tấm vải xuống.
- Đây là bức tranh anh vẽ lại! Còn bức tranh che vải sau khi kể xong câu chuyện này anh sẽ cho em xem. Nhưng phải hứa với anh là em sẽ nghe lời đấy! - Trông anh dường như thoáng buồn. Anh giữ lấy tay cô, không cho cô tháo tấm màn xuống.
- Anh sẽ ngộ sát em đấy! Em sắp chết vì tò mò rồi! - Cô ngước lên nhìn thẳng vào mắt anh, bỗng cô thấy xa lạ quá...
*
Người ta kể rằng vào thế kỉ XIII, khi Đại Việt ta phải đương đầu với 3 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông vô cùng dữ dội và đau thương, tất nhiên khi đất nước có chiến tranh thì ắt sẽ phải có rất nhiều cuộc chia ly không thể đoàn tụ. Phạm La Tư và Trần Bách cũng không tránh khỏi cảnh chia ly, họ là một đôi Kim đồng - Ngọc nữ, từ nhỏ đã luôn ở bên nhau. Hai người cùng có một biệt tài vẽ tranh rất đẹp, nếu cuộc sống cứ mãi yên bình, có thể họ sẽ trở thành đôi nghệ nhân nổi tiếng trong lịch sử.
La Tư là cô con gái thứ tư của điền chủ nhỏ họ Phạm, xinh đẹp, nết na. Sắc đẹp cũng như tài nghệ của cô đã khiến bao chàng trai say đắm, song họ cũng rất ngưỡng mộ Trần Bách nho nhã, đa tài. Họ như đôi uyên ương hoàn hảo nhất, sẽ cùng nhau tô vẽ lên bao cảnh hạnh phúc trên đời. Khi La Tư vừa tròn 14 tuổi, cũng là lần đầu tiên nàng ngồi trước gương mà tô son, điểm phấn... Nét đẹp trong veo, không chút trần tục đã khiến Trần Bách rung động, khi ấy chàng 17. Vào ngày sinh nhật của nàng, chàng đã vẽ tặng nàng một bức tranh, sau này người ta đặt tên là "thiếu nữ tô son điểm phấn".
Khi chàng thả tấm che xuống, bức tranh dần hiện lên, có một thiếu nữ đang tô son, ánh mắt nàng sáng lên như niềm tin vĩnh cửu... Trên bàn trang điểm, có một phong thư vừa mở, đọng ở môi nàng còn nụ cười e ấp, thấp thoáng trong gương... Đó là bức thư mà chàng đã bày tỏ nỗi lòng với nàng, e thẹn và hạnh phúc, tại đó họ đã có một lời thề.... Nét đẹp của thiếu nữ trong sáng, thánh thiện như ánh sáng trăng, đôi môi mọng đỏ như cánh hồng mỉm cười khiến người đời sau còn xao xuyến. La Tư cũng là một mĩ nữ...
Tương truyền rằng một bức tranh mà họ cùng vẽ sẽ khiến người ta phải động lòng, bởi họ chỉ vẽ những cảnh mà đằng sau nó luôn ẩn chứa một câu chuyện. Những bức tranh mà họ vẽ luôn ẩn chứa niềm vui đoàn tụ, tình thương, niềm tin hay sự hi sinh ... nhưng đều toát lên nét vui, một tương lai tươi sáng. Người ta gọi họ là "Hoạ Thần" (Vẽ lên được thần sắc của tranh), thế nhưng nếu chỉ một trong hai vẽ, bức tranh lại thường trở nên thê lương khó tả.
Cũng bởi vậy mà khi Trần Bách theo nghĩa quân, La Tư không vẽ nữa...
Yêu nàng nhưng chàng cũng là một bậc nam nhi muốn lập công trả nợ cho đất nước, ngày chàng từ biệt nàng, chàng đã không hứa với nàng bất cứ điều gì, chàng muốn nàng hãy quên đi lời thề ẩn trong bức "thiếu nữ tô son điểm phấn" ngày nào. Lời thế ấy là gì thì không mấy người hiểu được. Chàng mong nàng sẽ quên chàng, bởi khi ra đi, chàng đã để lên vai tình nghĩa nước nhà, quên đi chuyện tình như một truyền thuyết với nàng. Không muốn nàng vì đợi chờ chàng mà mất đi hạnh phúc của người con gái... Khi ấy nàng 16 còn chàng 19, tuổi trẻ và những ước mơ hoài bão, nhất là vào thời phong kiến, khi "chí lớn của trang nam tử" luôn cao hơn so với hạnh phúc lứa đôi.
***
2. Mĩ nữ tô son điểm phấn
" Cũng bên bàn trang điểm năm nào, nhưng thay cho phong thư lại là một hộp gỗ đặt ngay ngắn trước gương, thiếu nữ năm nào bây giờ đã thành một mĩ nữ rạng rỡ. Nhưng bức tranh mang một vẻ u buồn, đôi mắt của mĩ nữ như toát lên bao nỗi ai oán... Quanh chiếc hộp gỗ, người ta còn thấy những giọt màu đỏ thẫm, đó là máu...."
*
- Vậy Trần Bách có trở về với La Tư không? - Cô cảm thấy lo sợ, tay cô siết lấy tay anh, người cô run lên...
- Anh cũng muốn họ quay lại với nhau, nhưng nếu thế thì đâu có bức tranh thứ hai! - Anh nhìn cô dịu dàng, nhưng anh biết anh cũng như Trần Bách, không thể mang lại hạnh phúc cho cô gái mình yêu thương...
- Bắt buộc phải "xót xa không hồi kết"? - Cô buông tay anh ra, hờ hững kéo tấm màn còn che khuất bức hoạ thứ hai...
- Sau khi anh kể xong em hãy kéo tấm màn ấy! - Anh lại gạt tay cô xuống, ánh mắt anh cứ chăm chú vào đôi mắt của "thiếu nữ" trong tranh....
*
Dù không một lời hẹn ước nhưng La Tư vẫn từng ngày ngóng trông Trần Bách, không một tin tức, không một phong thư gửi cho nàng. Nàng vẫn tin vào tình yêu của mình, tình yêu ấy sẽ giúp họ được đoàn viên. Nhưng chiến tranh không bao giờ mang lại hạnh phúc, cảnh đau thương muôn người phải chịu... Nhớ chàng, nàng chỉ biết nâng niu bức "thiếu nữ tô son điểm phấn", kỉ niệm duy nhất mà chàng để lại. Nàng vẫn tin vào ánh mắt hi vọng của thiếu nữ trong tranh mà chàng vẽ...
Vào một đêm mùa đông, người ta nhìn thấy La Tư ngồi vẽ bên khung cửa sổ lầu hai, cạnh đó cũng có một bàn trang điểm... Người ta thấy lạ vì nàng sẽ không bao giờ vẽ nếu không có chàng phối màu... Đêm mùa đông ấy, chính là ngày mà những người theo nghĩa quân được về thăm làng, bởi họ vừa thắng quân thù một trận rất lớn. Cũng như bao cô gái có người thương đi tiền tuyến, La Tư cũng hỗi hộp suốt từ mấy ngày trước... Giờ nàng đang ở tuổi 19, nét đẹp trở nên có phần sắc sảo, song vẫn dưới cặp mày thanh tú, đôi mắt ấy vẫn thật đẹp. Nàng lại ngồi trước bàn trang điểm, đây cũng là lần thứ 2 nàng tô son cho mình, bởi nàng chỉ đẹp khi có Trần Bách, nhưng đâu biết rằng kể cả khi không "điểm phấn", nàng vẫn như đoá mẫu đơn khoe sắc trong nắng... Rồi người cùng đi đánh giặc với chàng năm ấy trở về và đưa cho nàng một hộp gỗ, chàng đã không quay lại tìm nàng, chàng chỉ kịp nhờ người ấy đưa lại cho nàng một vật...
Cũng bên bàn trang điểm năm nào, thay cho phong thư lại là một hộp gỗ đặt ngay ngắn trước gương, thiếu nữ năm nào bây giờ đã thành một mĩ nữ rạng rỡ. Nhưng bức tranh mang một vẻ u buồn, đôi mắt của mĩ nữ như toát lên bao nỗi ai oán... Quanh chiếc hộp gỗ, người ta còn thấy những giọt màu đỏ thẫm, đó là máu của chàng trai. Trần Bách đã không thể trở về được nữa, trong hộp gỗ ấy chính là bàn tay phải của chàng. La Tư như chết lặng, nàng không muốn tin những gì chàng trai đưa hộp gỗ kể. Trần Bách đã mãi mãi ngã xuống, chàng tự chặt bàn tay của mình để cùng nàng xoá đi lời thề năm xưa!
" Nàng chỉ được vẽ cùng bàn tay này của ta thôi! Và ta cũng chỉ dùng bàn tay này cùng nàng vẽ lên hạnh phúc... Nếu một mai ai phản bội lời thề, bàn tay ấy sẽ lìa đứt"
Dù không chịu được nỗi đau ấy, nàng vẫn vẽ lại bức tranh mà nàng ngồi bên bàn trang điểm... Bàn tay phải của chàng, một phần linh hồn chàng còn ở đây, nàng sẽ không bi luỵ. Nhưng người ta kể rằng, mĩ nữ trong bức tranh ấy không hề "tô son điểm phấn", đôi mắt của nàng ai oán nhìn ra bầu trời lạnh lẽo, khung cửa sổ đã đủ nói hết cô đơn. Sắc đỏ trong bức tranh được tô bằng máu của nàng, nhưng kì lạ thay nó lại không hề bị đen vào. Có người bảo cả bức tranh ấy thấm quá nhiều nước mắt, tấm chân tình ấy đã cảm động cả đất trời. Chậu mẫu đơn bên cửa sổ đỏ rực như môi nàng, đó là màu máu của La Tư.
Sau này người ta gọi đó là bức tranh "Mĩ nữ tô son điểm phấn", mặc dù mĩ nữ họ Phạm chỉ ngồi bên bàn trang điểm chứ không hề tô son... Hai bức tranh ấy đã ghép lại với nhau, tạo thành bi kịch tình yêu của đôi hoạ sĩ đa tài...
Nàng vốn là tài nữ, nên chỉ qua một ánh mắt đã làm chàng công tử nhà nọ si mê. Nghe người ta kể lại, tình yêu của vị công tử cũng không kém thiết tha, chỉ tiếc là trái tim nàng chỉ hướng về Trần Bách. Bởi bức tranh chỉ đẹp khi tâm hồn hoạ sĩ hài hoà... Trần Bách không thể quay về được nữa, vị công tử nguyện dùng cả đời mình để đem lại hạnh phúc cho nàng. Có ai hay trái tim nàng đã chết theo hơi thở của Trần Bách... Theo lễ giáo phong kiến, phận nữ như nàng không thể quyết định số phận của mình, nàng phải trở thành vợ của vị công tử ấy theo ước nguyện của cha mẹ...
*
- Vậy La Tư có đồng ý theo vị công tử ấy không? - Cô cảm thấy lòng buồn miên man, cô biết anh đã đưa ra quyết định của mình rồi...
- La Tư là người con hiếu thảo, nhưng cũng rất trọng tình nghĩa... Nên nàng đã đồng ý nghe theo sự sắp đặt của cha mẹ, với điều kiện trên kiệu hoa của nàng sẽ để hai bức tranh kia... - Anh hít một hơi thật sâu, chỉ nhìn lén cô rồi vội quay đi.
- Nếu vậy thì đâu phải không có hồi kết? - Cô siết chặt 2 tay của mình vào nhau.
- Không có kết! Không như Chúc Anh Đài có thể đến bên mộ Lương Sơn Bá, La Tư ôm chặt 2 bức tranh mà nhảy xuống sông khi kiệu hoa đi qua một cây cầu...
- Vậy thì tàn nhẫn với vị công tử kia lắm! - Cô ngước mắt lên, ngăn cho nước mắt không trào ra.
- Sau đó người ta chỉ vớt được 2 bức tranh, còn nàng ấy thì.... Không hiểu sao hai bức tranh không hề bị nhoè, có lẽ họ đã dùng loại giấy đặc biệt... - Anh đứng lên kéo tấm màn che bức tranh còn lại xuống...
- Nhưng vậy là La Tư đã giám chết vì Trần Bách, không phải là một thiên tình sử sao? - Cô bây giờ mới nhìn sang bức tranh thứ hai, đó là một khung giấy trắng... Anh chưa vẽ gì vào đấy.
- Trần Bách đã đem lòng yêu thương một cô gái khác, chàng chặt tay mình để phá vỡ lời thế với nàng thôi...
- Tại sao? - Lần này cô không ngăn được nước mắt, không phải cô khóc cho La Tư, cô khóc cho chính mình.
- Trên cây cầu ấy, La Tư đã gặp lại Trần Bách cùng vợ của chàng... Ở đó chàng đã chúc nàng hạnh phúc... Khi biết sự thật, nàng mới không kìm được mà nhảy xuống dòng nước chảy siết ấy...
- Em không tin! - Cô quay mặt đi, vậy là anh vẫn sẽ chia tay cô...
- Em có ngu ngốc như La Tư dành hết máu của mình để vẽ bức tranh "Mĩ nữ tô son điểm phấn" không? Mà dù em có vẽ, chúng ta chũng vẫn phải kết thúc! Vì em và cũng vì chính anh nữa. - Anh quay lưng lại phía cô, bước đi chậm rãi, xa dần......
- Em không tin! Anh không phải Trần Bách... - Cô hét lên, tuyệt vọng.
- Xin em đừng là "La Tư".. . - Anh nhìn cô một lần nữa, rồi không hề quay lại thêm lần nào...
*
Cuộc nói chuyện của anh và cô đã rơi vào tai của một nhà văn cao tuổi, khi ông vô tình tham quan phòng tranh của anh. Nhưng ông chỉ im lặng nghe hết xem anh sẽ kể với cô những chuyện gì. Cả đời ông cũng đã mất rất nhiều thời gian để đi tìm hiểu về bức "tô son điểm phấn" ấy, và sự thật là bộ tranh ấy có 3 bức, chứ không phải 2 như lời anh kể.
Hoặc là anh đã nói dối, hoặc là chính bản thân anh cũng không biết sự thật. Bởi câu chuyện này đã có hồi kết, và có bức họa thứ 3.......
***
3. Tô son điểm phấn
" Bức hoạ trọn vẹn, lần này không chỉ có nàng... "
*
Cô là một hoạ sĩ, còn anh cũng từng là một hoạ sĩ... Nhưng bây giờ anh đã quyết định sẽ ra Trường Sa, giống như nhân vật Trần Bách, anh không muốn cô đợi chờ trong vô vọng. Còn cô, kể từ khi anh biến mất, cô quyết định sẽ vẽ lại bức tranh "Mĩ nữ tô son điểm phấn". Không phải vì cô muốn đợi anh, mà cô chỉ muốn tìm ra giải thoát cho chính tâm hồn mình... La Tư vẽ bức tranh ấy trong 1 năm, mỗi ngày chỉ vẽ một chi tiết, cô đã tìm rất nhiều tài liệu về bộ tranh ấy, nhưng thực sự nó quá ít ỏi để cho cô biết kết thúc thật sự của thiên tình ấy...
Đầu tiên La Tư vẽ bàn trang điểm với rất ít son, phấn và một tấm gương lớn, gương rất sáng và dường như là chủ đạo của bức tranh, bởi mĩ nữ ấy luôn có khuôn mặt thấp thoáng trong gương. Rồi đến khung cửa sổ với chậu mẫu đơn đỏ rực, bên ngoài là ánh trăng nhè nhẹ phảng phất nỗi cô đơn. Vẽ mĩ nữ và khuôn mặt ai oán của nàng, cô không thể vẽ được đôi mắt nàng, bởi trong bản vẽ ấy, tương truyền đôi mắt đã bị La Tư cào rách trước khi nàng quyên sinh... Và cô cũng không vẽ được chiếc hộp gỗ ấy, vì cô không muốn lời thề của họ phải chấm dứt...... Nghĩa là sẽ không có bàn tay nào bị chặt đứt, sẽ không có lời thề bị xoá bỏ......
Cô đã ngĩ cô cũng sẽ bỏ ra 1 năm để vẽ bức tranh ấy, 1 năm để quên anh, thời hạn một năm cũng gần hết, mà cô thì chỉ càng thêm nhớ anh. Từ buổi chiều nghe anh kể câu chuyện ấy, cô và anh không còn gặp lại, không còn liên lạc. Cô mất anh một cách chóng vánh, không rõ ràng... Cô vẫn để bức tranh "trắng" ấy ở phòng tranh của anh, và hàng ngày cô đến đây để hoàn thành nó. Cô lưỡng lự rất lâu rồi quyết định sẽ không vẽ hộp gỗ nữa... Và mĩ nữ trong tranh ấy vẫn chưa có mắt.....
*
- Cô gái! Cháu vẽ thiếu chiếc hộp kìa! La Tư vẽ chiếc hộp ấy mất nhiều thời gian nhất đấy! - Nhà văn lặng lẽ nhìn ngòi bút của cô một lúc lâu mới lên tiếng.
- Bác biết bộ tranh này ạ? Vậy bác có thể cho cháu biết về "đôi mắt ai oán" của La Tư không? Thật sự cháu không tìm được bức ảnh nào có đôi mắt ấy! - Cô quay lại cúi người chào nhà văn cao tuổi.
- Thực tế khi La Tư vẽ bức tranh này, nàng đã bị loà... Còn chiếc hộp ấy, cháu không thể không vẽ chiếc hộp đâu! - Nhà văn ho nhẹ, mái đầu bạc của ông cũng đung đưa.
- Vậy đôi mắt cô ấy như thế nào? Dù sao cháu chũng không muốn lời thề của họ bị xoá bỏ! - Cô mỉm cười...
- La Tư không hề vẽ mắt! Người vẽ đôi mắt sau này là Trần Bách! Bởi khi gần hoàn thành bức tranh ấy, nàng không còn nhìn rõ nữa! Còn chiếc hộp sao lại phá bỏ lời thề của họ được? - Nhà văn nhìn vào chỗ trống của chiếc hộp trong tranh.
- Chẳng phải chàng đã mất đi bàn tay phải sao? Vậy Trần Bách đã vẽ mắt của La Tư như thế nào ạ?
- Như người ta vẫn tưởng rằng đó là máu và bàn tay của Trần Bách, bởi nghĩ đến lời thề của họ và sự đau khổ của La Tư. Nhưng đó là máu của La Tư, khi vẽ nàng đã không may để dính vào, không phải chủ định. Trần Bách vẽ một đôi mắt đầy ai oán, bởi trong hộp ấy là bức thư mà chàng đã viết cho nàng, nói về việc chàng sẽ không quay về.
-Vậy bác có thể kể cho cháu nghe đoạn kết không ạ?
*
Sau khi La Tư nhảy xuống sông với 2 bức họa, vị công tử kia đã cứu được nàng, nhưng lại nói với mọi người là không tìm được. Vì Trần Bách xuất hiện, chàng đã nói dối, chàng không thay lòng, nhưng cuộc chiến đã lấy đi một bên chân của chàng, chàng chỉ là người tàn tật. Chỉ vì sự tự ti ấy nên chàng muốn rời xa La Tư. Chàng nhìn thấy chỗ trống trong đôi mắt của "mĩ nữ" thì đã hiểu được rằng:
"Nàng không có mắt nên không đọc được thư chàng gửi, nghĩa là chàng chưa hề phản bội nàng". Cho nên mới vẽ lên một đôi mắt ai oán, và mong rằng La Tư và vị công tử kia sẽ hạnh phúc. Và chàng lại biến mất... Sau đó dường như không còn nghe tin gì về cả nàng và chàng.
Người ta đoán là họ đã quay lại với nhau, rồi cùng nhau lưu lạc khắp nơi. Có người lại bảo La Tư ốm bệnh sẵn nên nàng đã mất sau đấy, có người lại nói nàng và vị công tử kia đã sống hạnh phúc sau sự biến mất của Trần Bách.... Cho đến sau này, chúng ta tìm được bức tranh thứ 3, chúng ta mới biết cái kết thật sự của thiên tình này. Đó là Bức hoạ trọn vẹn, lần này không chỉ có nàng, trong tấm gương phản chiếu hình ảnh một chàng trai đang cài trâm cho nàng. Đó chính là Trần Bách và La Tư, bức tranh này họ đã cùng nhau vẽ. Dù bị loà nhưng La Tư vẫn vẽ lại tấm gương lớn và hình ảnh mĩ nữ, còn chàng đã thêm vào một chiếc trâm cùng chính hình ảnh của chàng trong đó. Như người ta vẫn nói, chỉ cần họ cùng vẽ, bức tranh sẽ là một màu hạnh phúc yên bình.
Đó là một câu chuyện tình yêu đẹp, nhưng không hiểu tại sao lại bị dừng lại ở bức tranh thứ 2 với nỗi oán hận? Không ai chịu kể hết câu chuyện này... Người ta gọi bức tranh thứ 3 là "tô son điểm phấn", cũng là tên của cả bộ 3 bức tranh kể về tình yêu của Trần Bách và La Tư.
*
- Vậy họ đã sống hạnh phúc bên nhau! - Cô cười thật rạng rỡ.
- Ta tin cháu và chàng trai của cháu cũng vậy! Cô gái à! Hãy hoàn thành bức tranh này và nhớ đừng vẽ mắt! Đợi cậu ấy về và hãy vẽ bức tranh thứ 3! - Nhà văn cười, khoé mắt ông co lại, mãn nguyện, ông như đã tái hợp cho "Trần Bách" và "mĩ nữ họ Phạm" chuyển kiếp vậy.
- Nhưng cháu không biết bức hoạ ấy!
- Nhưng ta biết! - Nhà văn đưa cho cô một bức ảnh chụp lại bức hoạ thứ 3, ông lại mỉm cười, nhìn ông hiền hậu như "Nguyệt lão" vậy, phải chăng ông đến đây để se duyên.
- Bác là hoạ sĩ ạ? - Cô lễ phép nhận lấy tấm ảnh từ ông.
- Ta chỉ là một nhà văn chưa viết được một tác phẩm tử tế thôi! Ta đã mất nửa đời người để đi tìm bí mật của "bức tranh thứ 2". Vì tò mò khi thấy chàng trai kia vẽ lại "thiếu nữ tô son điểm phấn" nên ta đã nghe được câu chuyện của hai cháu.
- Cảm ơn bác! - Cô nghiêng người vẽ tiếp chiếc hộp còn thiếu...
***
Ông sẽ viết lại câu chuyện của cô và anh, nhưng trong chuyện cô và anh sẽ là "La Tư" và "Trần Bách" chuyển kiếp, bởi đâu lắm sự trùng hợp khi cả anh và cô đều là hoạ sĩ. Ông lại tự hài lòng, không chỉ giúp cô và anh, ông đang giúp chính bản thân mình. Cảm hứng của ông cuối cùng cũng đã xuất hiện. Ông đã từng xem rất nhiều bức tranh vẽ lại bộ "tô son điểm phấn", nhưng chưa bức tranh nào làm ông phải thốt lên như anh và cô vẽ. Có phải định mệnh không? Hay kiếp trước ông đã mắc nợ họ nên mất nửa đời đi tìm bí mật của họ.
Ngước lên nhìn vài chiếc lá thu đang bay nhè nhẹ, chiếc lá úa màu vào giây phút cuối cùng đã được thả mình trong gió. Cảm hứng của ông chưa bao giờ dồi dào thế, ông phải viết thật nhanh, thật nhanh... Hay chăng ông chính là vị công tử kia chuyển kiếp, bởi vì còn một điều ông chưa kể với cô:
"Vị công tử là người đã thuyết phục Trần Bách rời xa nàng, là người ép chàng phải tòng quân trong khi chàng là một nghệ nhân, chỉ vì công tử ấy yêu nàng quá... Chỉ cho đến khi đôi mắt La Tư mờ đi, công tử ấy mới nhận ra là mắc nợ họ..."
Có phải vì thế mà kiếp này ông phải trả nợ. Ông không tin vào tiền kiếp, nhưng ông tin vào duyên phận... Có thể ông, cô và anh không phải là họ chuyển kiếp, nhưng trong tiểu thuyết của ông thì sẽ như thế! Ông còn chưa giới thiệu danh tính của mình với cô gái, và cũng chưa kịp hỏi cô và anh là ai? Nhưng kệ! Vì đó là duyên phận mà!
*
Một thời gian khá lâu sau, cũng phải năm, sáu năm sau ông mới gặp lại anh, thật vui vì đứng cạnh anh là cô. Ông nhìn thấy cô và anh đang cùng hoàn thiện chiếc trâm - chi tiết cuối cùng trên bức tranh thứ ba "tô son điểm phấn". Vậy là "La Tư" và "Trần Bách" đã cùng nhau vẽ lại bức tranh cuối trong kiếp này... - Ông tự nhủ thế! Bản thảo của tiểu thuýêt ông cũng hoàn thiện rồi, đây sẽ là một kết thúc đẹp.
Không hiểu sao ông luôn tin rằng họ có duyên tiền kiếp, và chắc chắn cảnh mà ông đang nhìn thấy cũng chính là cảnh kết cho tiểu thuyết của ông! Cô và anh dừng bút, dường như bức tranh đã hoàn thành...
"Lần này không chỉ có nàng, trong tấm gương phản chiếu hình ảnh một chàng trai đang cài trâm cho nàng"
Và đứng từ ngoài nhìn qua tấm tính lớn của phòng tranh, ông cũng nhìn thấy chàng trai đang cài lên tóc cô gái cây bút vẽ, họ cười trong hạnh phúc vẹn toàn...
Chúc các bạn online vui vẻ !