Teya Salat
Tiểu thuyết tình yêu

Tiểu Thuyết Tình Yêu

Đọc truyện tại Tiểu Thuyết Tình Yêu

Loading...

Truyện ngôn tình - Thành phố hoang vắng - trang 1

Full | Tiếp trang 2

Chương 1

Tại thành phố này, hệ thống cầu vượt thuận tiện và thông suốt đến khắp nơi, nhìn từ trên cao, trông nó như một đóa hoa cúc với những cánh hoa nở lộn xộn. Vào giờ cao điểm, dòng xe cộ chậm chạp nhích từng chút một, khí thải từ trên cao dạt xuống, cộng thêm tiếng ồn khiến con người như muốn phát điên. Nhưng khi chiều buông, thành phố bắt đầu lên đèn, mọi thứ như được ban cho phép màu, những cây cầu vượt trở nên rực rỡ, lộng lẫy và trở thành biểu tượng trong những cuốn sổ tay du lịch của thành phố. Tắm mình trong sự giao thoa của vô số ánh đèn xe, đèn đường, đèn led, đèn neon… trụ cầu nặng nề vụt biến mất, khối bê tông rắn chắc cũng được che khuất, trông cây cầu như lơ lửng giữa không trung, hoàn toàn xứng đáng được coi là biểu tượng của thành phố.

Vành đai một, vành đai hai, vành đai ba, vành đai bốn…

Liệu những con người trẻ tuổi sống trong các “vành đai” kia có từng ngờ rằng phần lớn hạnh phúc của họ lại được định nghĩa bởi những cây cầu vượt đó?



Nhà của Hà Thái Hồng nằm trên đường Cát Tường, ngay bên dưới cây cầu vượt có mức đầu tư đến hai trăm triệu với chiều dài cả ngàn mét.

Cô thấy rằng, bên dưới cây cầu vượt mới chính là thành phố thật sự. Dân cư đông đúc, những con đường chật ních, những cái cây xám xỉn vì khói bụi, những chiếc taxi như loài gián lạng lách khắp nơi, những tờ quảng cáo đầy rẫy trên cột điện, những lô cốt tạm bợ cất vội khi xây dựng công trình hạ tầng, hàng hàng lớp lớp dãy xe đạp xếp chật kín…

Như lời của mẹ Hà Thái Hồng, bà Lý Minh Châu từng nói, đi trên cầu là xe của người giàu, còn đi bên dưới là chân của người nghèo, vừa bước ra cửa đã thấy rõ sự phân biệt giàu sang, thấp hèn. “Thế giới này bình đẳng sao? Chính trị bình đẳng không có nghĩa kinh tế bình đẳng, kinh tế bình đẳng không có nghĩa pháp luật bình đẳng, hình thức bình đẳng không có nghĩa thực tế bình đẳng. Ờ, lúc tắm rửa ai nấy đều trần như nhộng nên bình đẳng đấy, nhưng mặc quần áo vào rồi thì nam nữ khác biệt. Ngủ cũng bình đẳng, nhưng giấc mơ thì có khi đẹp khi xấu…” Mỗi lần xảy ra tranh cãi, trình độ thạc sĩ như Hà Thái Hồng cũng không bao giờ là đối thủ của Lý Minh Châu, dù bà chỉ có bằng trung cấp. Cô chưa trải đời nhiều, lý luận suông không đọ nổi với thực tiễn. Từ nhỏ đến lớn, vô số điều trong thực tế đã chứng minh rằng, nhận định của bà Lý Minh Châu là hoàn toàn đúng.

Mỗi ngày đi làm, Hà Thái Hồng đều phải đi qua đoạn đường gập ghềnh để đến chân cầu chờ xe. So với cây cầu vượt mới tinh, đường Cát Tường trông đến là cũ kỹ, như cụ già mắc bệnh tim mạch cứ cách một thời gian lại lên cơn tắc động mạch. Dường như tháng nào cơ quan quản lý đô thị cũng cho đào đường, phô ra vô số những đường ống đủ màu sắc trong lòng đất, hết sửa ống nước lại sửa đường dây điện, đường ống ga… Đến khi chẳng còn gì để sửa thì mở rộng mặt đường, di dời nhà xuống cấp, xây thêm cầu vượt cho người đi bộ, các công trình của thành phố cứ mải miết được xây lên…

Xe buýt số sáu như con bọ cánh cứng xuất hiện ở trạm đúng giờ, rồi mang theo cô chậm chạp bò lên cầu vượt. Hằng ngày thời gian vẫn luôn bị lãng phí bởi nạn ách tắc giao thông, thế nên Thái Hồng thường tranh thủ khoảng thời gian này để suy nghĩ. Khoảng bốn mươi phút sau, xe vào khuôn viên yên tĩnh của trường Đại học F. Sau khi tốt nghiệp chương trình thạc sĩ, Thái Hồng làm dân trôi nổi quanh trường nửa năm trời, cuối cùng cũng tìm được một chân trợ giảng trong Đại học F. Giữa thành phố hiện đại, sầm uất này, các trường đại học mọc lên như nấm, số lượng nghiên cứu sinh tốt nghiệp mỗi năm lên đến cả vạn người, nhưng chỉ tiêu giảng viên thì ít ỏi đến mức tội nghiệp. Ngay đến người có thành tích xuất sắc như Thái Hồng nếu không được giáo viên hướng dẫn làm luận văn tốt nghiệp đề cử, cũng chẳng biết sẽ phải “trôi” đến phương trời nào…

Làm trợ giảng được một tháng, Thái Hồng dẫn một nhóm sinh viên năm hai đến tham quan phòng sách cổ trên tầng năm của thư viện trường, để làm quen với các thư mục tham khảo.

Hà Thái Hồng từng cắm rễ tại đây suốt mười ngày khi làm luận văn tốt nghiệp. Cô biết rằng ông Thái, người quản lý phòng này chính là bố vợ của hiệu trưởng trường, chỉ có kiến thức sơ sài về sách cổ, với độc giả thì luôn qua quýt cho xong chuyện, câu mà ông thích nói nhất là: “Em sinh viên này, chắc chắn em là chuyên gia trong lĩnh vực này rồi, chi bằng em tự vào kho sách tìm quyển này luôn nhé!” Trong khi tờ quy định dán trên cửa ghi rõ ràng rằng: “Tìm và xếp sách lên giá đều phải do thủ thư phụ trách, bạn đọc không được tự ý lấy sách.” Thường thì mọi người cần sách gấp nên cũng chẳng buồn đôi co làm chi. Chỉ có Thái Hồng từng cự lại ông một lần, đó là sau khi cô nghe đồn kho sách này từng làm mất một quyển sách cổ quý hiếm thời Tống. Cô khăng khăng yêu cầu ông Thái làm việc theo đúng quy định, kết quả là chờ suốt hai tiếng rưỡi, cuối cùng ông Thái quay về với hai bàn tay không: “Trên cơ sở dữ liệu ghi là có trong đó nhưng tìm mãi chẳng thấy đâu, hay là cô tự vào tìm thử xem?” Rồi không nói gì thêm, ông già đi một mạch về bàn ngồi đọc báo, luyện thư pháp khiến Thái Hồng giận tím mặt. Cho nên kho sách cổ không phải nơi tiện ở lại lâu, sau khi giới thiệu sơ qua một lượt, cô quyết định đánh bài chuồn, bèn mỉm cười nói với sinh viên: “Mọi người có câu hỏi gì nữa không? Nếu không, lớp ta nghỉ.”

“Mời em nói.”

“Cho em hỏi, ở đây có Kim Bình Mai không?”

Thái Hồng chớp chớp mắt, rồi hít một hơi thật sâu: “Uhm… cô nghĩ là có.”

“Ở đâu? Chúng em có thể xem không?”

“Ơ… Quyển này chỉ cho các giảng viên có học vị Phó giáo sư trở lên dùng làm tài liệu nghiên cứu.” Nhận ra ý đùa cợt trong giọng điệu của cậu sinh viên kia, mặt cô thoáng cứng đờ, nhưng vẫn cố gắng duy trì nụ cười trên môi.

Ai ngờ cậu chàng chẳng chịu nể nang gì: “Giờ là thời đại nào rồi mà còn không cho sinh viên xem? Cô tưởng bọn em ham lắm sao? Trên mạng đầy ra đấy,  em chỉ muốn xem để biết sách giấy nó ra làm sao thôi!”

“Ha ha…” Cả đám nhao nhao hùa theo, trong phút chốc, từng gương mặt trẻ măng kia đều nhìn cô với nụ cười đầy ẩn ý.

Đã sớm nghe danh sinh viên ngành này có truyền thống thích trêu chọc giáo viên mới. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Thái Hồng cũng từng bày trò trêu chọc giáo viên, đã từng bắt một thầy giáo già giảng giải “ý nghĩa đời người” cho mọi người nghe. Kết quả, thầy đọc làu làu câu danh ngôn của bậc thầy truyền cảm hứng – Nikolai Alekseyevich Ostrovsky: “Đời người chỉ có một, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và đớn hèn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng, cả đời ta, cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người.” Sau một tràng lên bổng xuống trầm, thầy mỉm cười hỏi lại: “Em à, đấy chính là ý nghĩa của đời người, em có đồng ý không?”

Ông trời ơi! Liệu cô có thể không đồng ý được sao?

Tùy cơ ứng biến, việc gì rồi cũng có cách giải quyết, nghĩ vậy, vẻ mặt Thái Hồng dịu xuống, giọng điệu ôn hòa, nói: “Có lẽ các em không biết, trong thời kỳ xây dựng đất nước, chỉ những vị quan to như bí thư tỉnh ủy mới có tư cách đọc quyển Kim Bình Mai này. Em muốn xem sách giấy, thử hỏi em nghiên cứu đề tài nào? Về in ấn ư? Ở đây có Thông giám cương lược thời Sùng Trinh[1], hoàn toàn có thể đại diện cho trình độ quan khắc của thời nhà Minh. Ông Thái, phiền ông mang một quyển ra cho mọi người xem thử.”

Ông Thái uể oải đứng dậy, liền bị cậu sinh viên kia ngăn lại: “Thông giám cương lược? Em xem quyển đó để làm gì? Phòng sách cổ gì mà đến Tứ đại kỳ thư[2] cũng không có, thế mà cũng gọi là phòng sách cổ sao? Thư viện không cho xem sách, thế mà cũng gọi là thư viện ư? Đổi tên thành phòng cơ mật thì đúng hơn.” Cậu nhóc nóng nảy vặn hỏi một câu.

Thái Hồng nhìn cậu, muốn cười lắm mà không dám, đành đánh trống lảng: “Uhm… Câu hỏi hay đấy! Em nhất định nhớ đi phản ánh lại với hiệu trưởng nhé!”

“Nhưng bọn em thật sự rất muốn xem, tò mò lắm cô ơi, chỉ lật qua liếc một cái thôi cũng được!” Một cậu sinh viên khác lên tiếng phụ họa.

Cả đám lại nhốn nháo…

Thái Hồng bó tay, lúng túng đưa mắt nhìn ông Thái một cái, phát hiện ông đang nhìn cô với vẻ hả hê. Quyển sách đó đương nhiên là có, trước đây cô cũng muốn mượn nhưng chẳng bao giờ mượn được. Dù có mượn được cô cũng không dám mang ra, bởi nó có rất nhiều hình minh họa. Ngay lúc ấy, một bóng đen lướt đến sau lưng, đám sinh viên đang vui cười hí hửng bỗng im bặt.

Một sinh viên ngượng ngùng cất tiếng chào: “Thầy Quý!”

Thái Hồng ngoảnh đầu nhìn, một người lạ mặt đứng sau lưng cô từ lúc nào không hay.

Người lạ mặt cất giọng nói tiếng phổ thông mang khẩu âm vùng khác: “Phan Tuấn Kiệt, em có biết phòng sách cổ phổ thông ở tầng ba không?”

“Dạ biết.”

“Đến đó tìm Lý Ngư toàn tập được xuất bản bởi Nhà xuất bản Chiết Giang Cổ Tịch năm 1991. Từ quyển thứ mười hai đến quyển thứ mười bốn chính là sách giấy mà em muốn xem đấy.”

Thái Hồng vội bảo: “Các em ấy không hỏi về Lý Ngư.”

Nét mặt người đó vốn lầm lì, lừ mắt liếc qua, không những trông hung dữ mà còn có vẻ đang rất bực mình. Anh nhìn đồng hồ, quay gót định bỏ đi, trông thấy Thái Hồng vẫn đang trừng mắt nhìn mình, đành nói: “Ba quyển đó chính là Kim Bình Mai - bản khắc hình mới.”

Cậu sinh viên họ Phan đánh bạo hỏi: “Thưa thầy, đó là… bản đầy đủ phải không ạ?”

“Bản tóm lược. Thầy tin rằng cái mà em muốn xem chắc chắn không phải nội dung “người lớn”, mà là muốn tìm hiểu chính trị, kinh tế, văn hóa và văn học đại chúng thời Minh, phải không?”

Anh giỏi lắm, trong lúc này đố ai dám nói không phải nào?

“Dạ phải, phải ạ. Cảm ơn thầy!”

Thật là biết lựa gió phất cờ. Đối với cô giáo thì cứ bám riết không buông, truy cùng đuổi tận, còn gặp thầy giáo thì luôn miệng vâng dạ vẻ nịnh hót.

Kỳ thị! Rõ ràng là kỳ thị giới tính mà!

Các sinh viên lập tức giải tán, Thái Hồng thở phào nhẹ nhõm, đang định mở lời thỉnh giáo thiên thần đến giải vây là thần thánh phương nào, vừa ngẩng đầu, người đó đã biến đâu mất. Cô vội hỏi ông Thái: “Người ban nãy là…”

“Không biết.”

Sau vài phút hàn huyên với ông Thái, rồi lật xem vài quyển sách, Thái Hồng nhìn đồng hồ, còn một tiếng nữa mới đến giờ cơm trưa. Cô cảm thấy cổ họng khát khô, bèn xuống lầu tìm nước uống. Trong lúc đợi thang máy, cô lướt đọc bản thông báo bên cạnh. Hóa ra hôm nay ở tầng này có một hội thảo học thuật với chủ đề: “Nghiên cứu về Bakhtin và chủ nghĩa giới tính” do ngành Nga văn và Trung văn của hai trường đại học thành phố đồng tổ chức. Dưới bảng thông báo có ghi chú: “Hội thảo có miễn phí cà phê, trà và đồ ngọt.”

Hà Thái Hồng đường đường chính chính vào bên trong, tự rót cho mình một cốc cà phê Maxwell đậm đặc và nhón lấy một chiếc bánh kem hạnh nhân ở cửa vào, tìm chiếc ghế trống ở dãy sau rồi lẳng lặng ngồi xuống. Mục đích của cô chỉ là ăn xong rồi đi, nào ngờ phát hiện giọng nói phát ra từ micro hơi quen, nhìn kỹ, người đang phát biểu chính là thầy Quý ban nãy. Cô quan sát một cách kỹ lưỡng, anh khoảng hơn hai mươi tuổi, vóc người tầm thước, mảnh mai, da ngăm ngăm. Mặt hơi gầy, nhưng đường nét sáng sủa, toát lên vẻ thông minh, nghiêm nghị. Thái Hồng thầm nghĩ, tướng mạo thế kia đúng là chẳng có duyên giao tiếp xã hội, một khi gây ra sai phạm, chắc chắn sẽ rất khó được tha thứ. Nghe những lời anh ta nói trong thư viện ban nãy, còn tưởng anh ta là giảng viên môn Văn học cổ điển chứ, bây giờ lại xuất hiện trong hội thảo về Bakhtin, có hơi kỳ lạ.

Thầy Quý này nói suốt hai mươi phút với vẻ hùng hổ, sắc lẹm khiến Thái Hồng cảm thấy lưng như bị kim chích. Cô đã gặp những nhân tài mới nổi như thế trong giới học thuật, họ trình bày thao thao bất tuyệt, nhìn người bằng nửa con mắt, mang lý luận ra chơi đùa, bóc tách từng mảng một, phân tích từng lớp khiến người nghe hoa mày chóng mặt, nhưng nghĩ kỹ, lại chẳng tìm ra được điểm chính, cũng không biết điều cốt lõi nằm ở đâu. Bạn sẽ nhận được rất nhiều sự khơi gợi, đồng thời cảm thấy anh ta mới mẻ, sáng tạo thiếu căn cứ. Với những học giả thuộc dạng “giác ngộ” này, bạn phải đứng cùng tầm cao với anh ta thì mới có thể theo kịp lối tư duy của anh ta. Đương nhiên, bọn họ dễ gây sự phản cảm từ những thầy giáo già nhất. Quả nhiên, các giảng viên trẻ bên dưới ghé tai rầm rì với nhau, vui vẻ thích thú, còn các vị giáo sư già ngồi dãy đầu thì mặt mày lạnh tanh, chẳng ai có ý kiến gì. Quan điểm học thuật của Thái Hồng không thuộc dạng bảo thủ, nhưng cũng chẳng chịu nổi thái độ độc đoán của anh thầy này, có lẽ là người của trường khác phái đến dựng “võ đài” ở đây chăng?

Lật giở tập tài liệu trên tay, cô tìm thấy thông tin sơ lược về anh: Tiến sĩ Quý Hoàng, bộ môn Lý luận văn nghệ – khoa Văn – trường Đại học F. Cô không khỏi ngạc nhiên, đấy chẳng phải cùng ngành sao? Còn là đồng nghiệp nữa chứ. Sao cô chưa từng nghe kể về người này nhỉ? Ngẫm nghĩ một hồi cô mới bình tâm trở lại, cô đến đây cũng mới được một tháng, khoa Văn lại lớn thế này, những người cô chưa từng nghe nói chắc chắn là nhiều vô kể.

Báo cáo kết thúc, giờ là phần hỏi đáp. Hà Thái Hồng nhã nhặn giơ tay: “Bài báo cáo của thầy Quý có những dẫn chứng phong phú khiến người ta có được sự thức tỉnh sâu sắc. Nhưng tôi có một thắc mắc nhỏ, thực ra là một chuỗi câu hỏi. Xin hỏi, tác phẩm của một tác giả nam làm thế nào để thể hiện kinh nghiệm của phái nữ? Làm sao để bật ra được tiếng nói thực sự của phụ nữ? Làm sao chúng ta có thể khẳng định được rằng người phụ nữ trong các tác phẩm đó không phải là sản phẩm tinh thần của tác giả nam? Chốt lại một câu, tiểu thuyết ngập tràn sức tưởng tượng và góc nhìn của đàn ông làm sao có thể đại diện cho phụ nữ?”

Một mũi tên trúng ngay hồng tâm. Yes!

Thái Hồng thầm nghĩ, thầy Quý ơi, tiếp chiêu đi!

Hàng ghế thính giả xôn xao. Người ở dãy bàn trên quay xuống nhìn cô, ánh mắt đầy sự khen ngợi.

Một giây, hai giây, ba giây…

Sau tiếng rít chói tai vang lên từ micro, anh chàng tên Quý Hoàng đó cất giọng: “Chắc hẳn cô giáo này đã đọc qua Hồng lâu mộng, xin hỏi Lâm Đại Ngọc có thể đại diện cho phái nữ không? Vương Hy Phượng có thể đại diện cho phái nữ không? Tác giả Tào Tuyết Cần có phải đàn ông không? Liệu cô có phải đã quá cố chấp với chủ nghĩa bản chất giới tính chăng? Hay là quá tin vào chuyện các tác giả nam, nữ do sự khác biệt về mặt sinh học nên trong sáng tạo cũng sẽ lộ rõ tính chất giới tính? Chẳng lẽ cô không thấy rằng bản thân việc sáng tạo là vô giới tính sao?”

Thái Hồng nhấp một ngụm cà phê, cười: “Tôi không nghĩ sáng tạo là một hoạt động vô giới tính. Thầy đã quá xem nhẹ tính quy định của hình thái ý thức đối với chủ thể sáng tạo, thầy đã xem thường sự vận động của nhân tố quyền lực trong tác phẩm văn học. Tiếng nói của phụ nữ phải tìm kiếm trong tác phẩm của nữ giới.”

“Tôi không phủ định trong tác phẩm của nữ giới có rất nhiều tiếng nói của người phụ nữ, nhưng xin đừng quên, dưới sự ảnh hưởng của ý thức chế độ phụ hệ, việc phụ nữ vứt bỏ sự khống chế lời nói để tưởng tượng ra một bản ngã tự do thuần túy vẫn là một thách thức rất lớn. Từ điểm trên mà nói, cho dù là tác phẩm của nữ giới cũng không thiếu tiếng nói của phái nam…”

MC hắng giọng, ra hiệu câu hỏi của Thái Hồng đã chiếm quá nhiều thời gian rồi, nhưng Thái Hồng vẫn muốn nói tiếp, vừa mở miệng đã nghe MC giảng hòa: “Thực ra đây là vấn đề gà đẻ trứng trước hay trứng nở ra gà trước, tiếng nói của nữ giới là gì cần phải nghiên cứu và định nghĩa một cách nghiêm túc. Xin mời người báo cáo tiếp theo là thầy Điền của trường Đại học E…”

Thái Hồng giận sôi máu, một đề tài hay thế, đang thảo luận dở dang lại bị người ta cắt ngang. Từ khi nào mà giới học thuật lại trốn tránh vấn đề, hời hợt, sơ sài thế kia? Cô hối hận vì đã bước vào phòng hội thảo này, nốc cạn cốc cà phê, nhét nốt miếng bánh kem vào miệng, cô bỏ về ngay giữa buổi hội thảo.

Ở tầng một cô gặp người quen, dừng chân trò chuyện đôi ba câu. Vừa bước ra cửa, đột nhiên một bóng người chặn cô lại.

Ngẩng lên nhìn, hóa ra là thầy Quý ban nãy.

“Cô là ai?” Anh chẳng khách khí, hỏi.

Thì ra người này không những hùng hồn, hung hăng, mà còn bất lịch sự.

Hà Thái Hồng quắc mắt nhìn, cười nhạt: “Tôi cảm thấy, chí ít thầy phải sửa câu hỏi thành: “Cô tên gì?”, hoặc “Quý danh của cô?” chứ!”

“Cô là ai?”

Thái Hồng lườm anh, nghênh mặt nói: “Tôi là ông nội của anh.”


[1] Minh Tư Tông hay Sùng Trinh đế (6/2/1611 – 25/4/1644) có tên là Chu Do Kiểm, ông được coi là vị vua thứ mười bảy, cũng là vị vua cuối cùng của triều đại nhà Minh, đồng thời cũng là vị hoàng đế người Hán cuối cùng cai trị Trung Quốc trước khi triều đình rơi vào tay nhà Thanh của người Mãn Châu.

[2] Tứ đại kỳ thư là chỉ bốn tác phẩm nổi tiếng của văn học Trung Quốc thời kỳ nhà Minh là Tây du ký, Thủy hử, Tam quốc diễn nghĩa, Kim Bình Mai.

Chương 2

Ăn xong bữa trưa qua loa ở căng tin, Thái Hồng bắt đầu ngáp ngắn ngáp dài. Từ thời đại học cô đã có thói quen ngủ trưa, trải qua bốn năm đại học cộng thêm ba năm làm nghiên cứu sinh, nó đã ăn sâu bén rễ, không tài nào bứt ra được. Cho nên mẹ cô thường nói, con gái ngoan, không cần tìm công việc khác đâu, số con chắc chắn là làm giáo sư rồi. Ngoại trừ giáo sư ra, còn công việc nào có thể giúp con yên tâm ngủ trưa? Vì vậy, buổi trưa Thái Hồng nhất định phải ngủ một tiếng, tốt nhất là có giường, có chăn, có gối, nằm xuống có thể duỗi thẳng hai chân ra, nếu không được thì dù phải gục ra bàn, hay nghiêng ngả trên ghế cũng phải ráng chợp mắt bằng được, chứ không thể không ngủ. Tuy là trợ giảng nhưng Thái Hồng không có văn phòng riêng, cũng chẳng có phòng ký túc xá tạm thời trong khuôn viên trường. Đại học F nằm ở phía Nam thành phố F, là khu vực có giá nhà đất cao nhất nơi này. Ngôi trường ở thế tựa núi hướng sông, chiếm trọn cảnh đẹp của thành phố, nhưng từ lâu đã chẳng thể mở rộng thêm, chỉ còn cách mua thêm mấy khu đất ở ngoại thành, xây dựng hai chi nhánh, mỗi ngày có đến mười mấy chuyến xe buýt qua lại, ngược xuôi giữa điểm trường và trường trung tâm. Nghe nói trong thời kỳ kinh tế kế hoạch, việc phân nhà ở tại trường F là một vấn đề hóc búa. Còn giờ là thời kỳ kinh tế thị trường nên tình hình đơn giản hơn hẳn. Trường nhất loạt không giải quyết chuyện nhà ở, những ai không có nhà được nhận sáu trăm tệ tiền hỗ trợ. Trừ một số ít người có khả năng mua nhà, hầu hết những giáo viên trẻ đều thuê nhà trọ trong phạm vi cách trường năm trạm xe đổ lại. Đương nhiên, may mắn nhất vẫn là những người là dân bản địa như Hà Thái Hồng đây, ăn nhờ ở đậu tại nhà cha mẹ, sáu trăm tệ hóa ra lại thành tiền thưởng.

Buổi chiều không có tiết dạy. Thái Hồng vốn định đi xem cuộc thi bóng chuyền do khoa tổ chức hòng có cái gọi là “thái độ nhiệt tình”. Tuy không hứng thú với thể thao nhưng chỉ cần đứng một bên hò hét cổ vũ vẫn dư sức qua cầu. Thời gian thi đấu là một giờ chiều, cơn buồn ngủ ập đến, cô đang nghĩ nên về nhà ngủ luôn hay ra xem thi đấu, bất chợt di động đổ chuông.

“Tiểu Hà?”

“Cô Trần?”

Vừa nghe giọng nói ở đầu dây bên kia, đầu óc bắt đầu mụ mị của Thái Hồng dần tỉnh táo. Người gọi đến là cô Trần Tịnh Phân, thuộc bộ môn Văn học cổ đại. Thái Hồng từng theo học môn cô dạy, là một trong những học trò cưng của cô. Trong thời gian tìm việc, Thái Hồng đã từng nhờ cô gọi rất nhiều cuộc điện thoại, viết vô số thư tiến cử cho mình.

“Nhờ em giúp cô một chuyện nhé! Hôm nay con trai cô sốt cao phải truyền nước, tiết học chiều nay em dạy thay cô được không? Thực ra cô muốn cho nghỉ tiết học hôm nay, nhưng tháng trước con trai cô mổ ruột thừa nên đã cho nghỉ hai lần rồi, nếu nghỉ nữa cô sợ trong khoa có ý kiến.”

“Dạ được! Cô dạy môn nào?”

“Văn luận cổ đại.”

Thái Hồng suýt lăn đùng ra ngất xỉu.

Môn Văn luận cổ đại là một trong những môn khô khan nhất của khoa Trung văn. Thời sinh viên, Thái Hồng chỉ đến lớp học môn này đúng một lần, nghe xong Tư vô tà và Hưng quan quần oán thế là tạm biệt luôn. Tuy cô đã tốn rất nhiều công sức chuẩn bị cho kỳ thi và viết luận văn, nhưng thầy dạy môn này, một thầy giáo già nổi tiếng dễ dãi vẫn tức giận đùng đùng, cho cô sáu mươi điểm, báo hại cô năm đó không lấy được học bổng.

Đang định tìm lý do từ chối thì cô Trần đã dặn dò:

“Tiết học lúc hai giờ mười phút, em có hai tiếng để chuẩn bị bài giảng. Đừng lo lắng, em có nền tảng vững chắc, chắc chắn không có vấn đề gì. Hơn nữa, em chỉ cần giảng bài trong một tiếng đồng hồ thôi, thời gian còn lại cứ cho vài câu hỏi để sinh viên chia nhóm thảo luận, rồi cử đại diện lên báo cáo là được. Cô vừa dạy xong phần Khổng Tử, tiết này là Tư tưởng văn học của Mạnh Tử, em chỉ cần chú trọng giải thích Tri nhân luận sự và Dĩ ý nghịch chí là được.”

Mạnh Tử? Mẹ ơi! Thái Hồng thầm “cào tường”, nếu là Khổng Tử thì trong máy tính của cô vẫn còn lưu bài từ hồi đi học, dù sao cũng có thể “chém gió” được vài ba câu. Mạnh Tử! Trời ạ! Lần này thực sự là khóc thét! Thái Hồng thầm kêu gào: “Cô Trần ơi cô Trần! Cô có biết môn này em chỉ được sáu mươi điểm không? Cô lần này đúng là giao trứng cho ác rồi!”

Trong bụng nghĩ thế nhưng miệng vẫn cố nói cứng: “Dạ! Được ạ!”

“Phòng học là phòng 403, tòa số 6 ở khu Đông nhé.”

Thái Hồng vội lấy bút bi ghi lên mu bàn tay: “Dạ, em nhớ rồi.”

“Cảm ơn em, nhờ em nhé!”

Đầu dây bên kia, cô Trần thở phào nhẹ nhõm, còn Thái Hồng vắt chân lên cổ chạy về phía thư viện, lao thẳng vào phòng đọc sách cổ tra tài liệu. Suốt hai tiếng đồng hồ, cô ghi ghi chép chép, soạn giáo án đại cương, nhẩm tính thời gian giảng từng ý chính, khẩn trương đến quên cả ngáp. Những ai làm nghề giáo đều biết rõ, chuẩn bị bài giảng cứ phải làm hoài làm mãi, dù tốn bao nhiêu thời gian vào đó vẫn không đủ. Lần đi giảng thử, chỉ vì một bức hình minh họa trên Power Point mà Thái Hồng đã phải tìm kiếm cả ngày trời. Thấy sắp đến giờ, cô lướt nhìn bản giáo án viết lung tung như vẽ bùa, thôi kệ, tốt hay dở cũng chẳng còn thời gian nữa, cứ “xông trận” thôi! Thế là cô nhét xấp giấy vào túi, trong lúc vội vã ôm luôn vài cuốn sách tham khảo theo, ba chân bốn cẳng chạy thẳng đến tòa nhà số 6, cô thở hổn hển dừng trước phòng 403, cách giờ lên lớp đúng chín phút.

Trong giảng đường chỉ có sáu, bảy sinh viên, trên bàn mỗi người đều đặt một cuốn Tuyển tập văn luận cổ đại Trung Quốc của Quách Thiệu Ngu. Thái Hồng nhễ nhại mồ hôi, bước đến chiếc bàn ở dãy đầu, ngồi xuống, sực nhớ ra mình không phải là sinh viên, phải ngồi trên bục giảng mới đúng, lại vội vàng đứng dậy. May mà nhóm sinh viên người thì đọc sách, người thì tán gẫu, chẳng ai chú ý đến cô. Nhưng cô thì hồi hộp đến nỗi hai chân run lẩy bẩy, lòng bàn tay mướt mồ hôi, đầu căng như dây đàn, thế là quên sạch những gì đã chuẩn bị ban nãy. Tuy là trợ giảng nhưng Thái Hồng chưa chính thức lên lớp giảng dạy lần nào, cô chỉ là người hỗ trợ, công việc thường ngày chẳng qua là làm những việc như dẫn sinh viên đi tra tài liệu, tổ chức thảo luận, hướng dẫn viết bài luận. Trước đó, cô chỉ giảng thử vài lần lúc đi phỏng vấn mà thôi.

Ngay đêm trước hôm đầu tiên đi giảng thử, cô hồi hộp đến nỗi cả đêm không tài nào chợp mắt. Buổi sáng thức dậy, mặt mày tái nhợt, tay chân mềm nhũn, đánh răng thì làm vỡ cốc nước, ăn bánh bao thì làm dầu rơi xuống áo sơ mi. Thấy con gái cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ như người mất hồn, cha Thái Hồng sợ cô không đến trường đúng giờ, kiên quyết chở cô đi. Trước khi xuống xe, ông đưa tay vỗ mạnh vào vai cô, nói: “Con gái à, buổi phỏng vấn hôm nay cha không có gì để nói, chỉ muốn con ghi nhớ một câu của Lâm Bưu[1] thôi.”

“Câu… câu nào ạ?”

“Ra chiến trường, súng đã nổ, hôm nay ta nguyện chết trên chiến trường!”

Cha Thái Hồng hát bằng đúng giọng điệu trong vở kịch chiếu trên ti vi, từng chữ rành rọt, đúng âm điệu… Thái Hồng lập tức bình tĩnh lại, hơn nữa còn trở nên hưng phấn, khí thế bừng bừng bước vào hội trường, kết thúc buổi phỏng vấn trong thắng lợi.

Những lần phỏng vấn sau đó cô đều ghi nhớ câu nói này.

Hôm nay, Thái Hồng cũng nhủ thầm, ra chiến trường, súng đã nổ… súng đã nổ, ra chiến trường…

Súng chưa nổ, tiếng chuông báo vào giờ học đã reo. Sinh viên lũ lượt kéo nhau vào lớp, cả một phòng học rộng lớn, trong chớp mắt đã kín hết không còn ghế trống.

Nhìn những đôi mắt khát khao tri thức bên dưới, Hà Thái Hồng cảm động rưng rưng! Nhớ đến môn Văn luận cổ đại mấy năm trước, bình thường nhiều nhất chỉ có mười sinh viên, hôm nay nguyên cả giảng đường một trăm mười chỗ được ngồi chật kín, thậm chí có vài người còn ngồi ở bậc thang do đã hết chỗ.

Một cảm giác tự hào trỗi dậy trong lòng Hà Thái Hồng. Hơn một trăm sinh viên chen chúc trên giảng đường để lắng nghe cô giảng bài, đó là một cảnh tượng hùng tráng và khí thế biết bao! Cho dù là giáo sư của Đại học Bắc Kinh đến giảng dạy cũng chưa chắc được đối xử một cách nhiệt tình đến thế!

Cô Trần giỏi quá, có thể biến một môn học khô khan trở nên cuốn hút, tiết dạy sau của cô Trần, Thái Hồng nhất định phải đến nghe mới được!

Cô đứng dậy đi đến trước bảng đen, viết tên mình lên đó, sau đó khẽ mỉm cười, ánh mắt uy nghiêm quét qua giảng đường một lượt, định mở miệng nói, bỗng dưng mặt cô biến sắc.

Cô phát hiện ra một việc lạ lùng. Hầu hết sách mà sinh viên cầm trên tay là một quyển khác… Lý luận văn học phương Tây thế kỷ hai mươi. Rốt cuộc chuyện này là sao? Chẳng lẽ sinh viên vào nhầm phòng học?

Chẳng lẽ… bao nhiêu sinh viên thế kia đều vào nhầm phòng học?

Cô hắng giọng, định cất tiếng hỏi thì ngoài cửa bỗng có một người thủng thẳng đi vào.

Áo sơ mi trắng tinh, chiếc quần jean được giặt đến bạc màu. Gương mặt gầy, đôi mắt như chim ưng…

Oan gia ngõ hẹp, Hà Thái Hồng chau mày, mặt sầm xuống, trầm giọng hỏi:

“Thầy Quý?”

Trên mặt Quý Hoàng vẫn là vẻ lạnh tanh muôn thuở. Thái Hồng quan sát anh với sự bất mãn. Hừm! Tự tin quá nhỉ! Không thèm mang theo gì cả, trên tay đến một mẩu giấy cũng chẳng có. Đúng là không coi ai ra gì! Nghề giáo là truyền dạy đạo lý, tiếp nhận tri thức, giải đáp thắc mắc… anh tưởng anh đến đây uống cà phê chắc?

Trông thấy cảnh tượng trước mặt, Quý Hoàng thoáng ngẩn ra, rồi tiến lên trước, hỏi: “Không biết nên xưng hô với cô thế nào?”

“Họ Hà.”

“Cô Hà, tôi nghĩ là cô đi nhầm phòng rồi. Đây là lớp học của tôi.”

“Không, đây là lớp học của cô Trần, con trai cô bị bệnh, nên tôi dạy thay cô ấy một tiết. Chắc chắn không nhầm phòng được, cô ấy đã dạy ở đây cả tháng rồi.”

“Cô Trần? Là cô Trần nào?”

“Cô Trần Tịnh Phân.”

“Tình hình là thế này, môn học này của tôi do số lượng sinh viên đăng ký quá đông, tôi đã xin phòng giáo vụ đổi sang phòng học khác lớn hơn, tuần trước họ báo với tôi rằng, phòng học của tôi là 6 – 403. Tòa số 6 này sao lại có đến hai phòng 403 được chứ?”

“Phòng giáo vụ?” Thái Hồng khoanh tay trước ngực, cười. “Thế thì chắc chắn là bọn họ sắp xếp nhầm rồi. Thầy Quý, thầy tự nghĩ cách đi nhé!”

“Tôi có đến cả trăm học sinh, còn cô chỉ có mười mấy người. Tôi nghĩ người nên nghĩ cách phải là cô mới đúng.”

“Thầy Quý, trên đời này có từ gọi là ga lăng.”

“Cô Hà, cô rành rọt chủ nghĩa nữ quyền, hẳn phải biết từ “ga lăng” này bị mang ra phê phán từ lâu rồi.”

Dù giọng của hai người đều rất nhỏ, dù thái độ của hai người vẫn khách sáo, nhưng đám sinh viên vẫn ngửi thấy mùi thuốc súng nồng nặc. Dưới bục giảng bỗng xôn xao.

Hà Thái Hồng chỉ còn cách tiếp tục mỉm cười với sinh viên, sau đó, thấp giọng nói khẽ bên tai Quý Hoàng: “Thầy Quý, chúng ta đều là người mới. Cãi nhau trước mặt hơn trăm học sinh thế này không có lợi cho hình tượng của cả thầy và tôi. Tôi không ngại nói thẳng ra ở đây…” Cô nhìn thẳng vào mắt anh, gằn giọng nói từng chữ, từng chữ một. “Đây là lớp học của tôi, tôi bắt đầu lên lớp ngay bây giờ. Anh muốn giành lấy, được thôi! Thế thì hãy bước qua xác của tôi trước! Tôi nghĩ thầy Quý đây chắc cũng không muốn xảy ra mâu thuẫn với đồng nghiệp đâu nhỉ?”

Nếu là bình thường, Thái Hồng cũng chẳng đủ can đảm để nói những lời này, nhưng con giun xéo lắm cũng oằn! Huống chi câu nói của Lâm Bưu đang vang vọng bên tai cô. Cô ngẩng đầu, ưỡn ngực, nở nụ cười, khóe miệng khẽ run run bởi máu khiêu khích trong người đang sục sôi.

Trận chiến này quyết không được thua! Nhất là trước mặt sinh viên. Đám trẻ này cứ ghé miệng truyền tai nhau, tiếng đồn bay xa, chỉ mấy ngày, tất cả sinh viên khoa Văn đều sẽ biết rằng cô dễ bị bắt nạt. Về sau, cứ xin nghỉ là tìm cô, xin nâng điểm là tìm cô, rớt môn là tìm cô… chắc chắn cô sẽ gặp nhiều phiền phức. Cho nên, trước mặt học sinh, bằng mọi giá Thái Hồng phải gây dựng hình tượng kiên trì đến cùng nguyên tắc của mình.

Thậm chí cô còn nghĩ, nếu người này không chịu đi, cô sẽ tặng hắn ta một cú đấm, cho hắn nằm bẹp luôn.

Sau vài giây trầm mặc, Quý Hoàng chậm rãi xoay người, nói với học sinh phía dưới: “Các em, hôm nay thời tiết rất đẹp, thầy biết ở vườn hoa dưới lầu có một thảm cỏ rất rộng…”

Tiết học diễn ra rất thuận lợi. Không ai giơ tay, không ai đặt câu hỏi. Mười sáu sinh viên, một phần ba lớp lén đọc tiểu thuyết, một phần ba lớp cặm cụi làm bài tập, một phần ba còn lại thì chăm chú nhìn cô giáo, nhưng ánh mắt lại mơ màng, tựa như đang thả hồn mơ mộng. Trong lúc dạy, Thái Hồng có gọi một sinh viên nam trả lời câu hỏi, hỏi một đằng, cậu chàng uể oải trả lời một nẻo, tay còn cầm điện thoại nhắn tin. Cô cảm thấy thất bại ê chề. Tuy biết rằng lần đầu lên lớp, đa số mọi người đều thế, nhưng cô vẫn cảm thấy buồn bực. Cô hối hận trước kia đã cúp học môn này, hối hận đến nỗi bỗng thông cảm với người thầy đã cho cô sáu mươi điểm kia. Người ta tức giận là có lý do đấy chứ, chí ít hiện giờ cô rất muốn tặng cả đám sinh viên này “trứng ngỗng”!

Chuông hết tiết vang lên, cô mệt đến rã rời. Trong lúc xuống lầu, cô nhận được điện thoại của cô Trần Tịnh Phân.

“Tiểu Hà, sao hả? Lên lớp thế nào rồi?”

“Dạ, cũng được.”

“Lần đầu tiên, có chút hồi hộp đúng không?”

“À… Dạ…”

“Đừng lo lắng, lần đầu tiên đi dạy cô cũng gây ra nhiều chuyện lắm. Cảm ơn em đã giúp cô!”

“À, đúng rồi, cô Trần ơi! Ban nãy có người giành phòng học với em. Em nghĩ, cô nên phản ánh với phòng giáo vụ.”

“Ơ…” Đầu bên kia ngập ngừng một lát. “Là ai giành lớp học với em?”

“Quý Hoàng.”

Rồi cô kể lại tóm tắt tình hình lúc đó cho cô Trần nghe.

“Chết rồi! Tiểu Hà!” Trần Tịnh Phân nói. “Đây là lỗi của cô rồi.”

“Lỗi của cô?”

“Lớp học của cô vốn ở phòng 407, nhưng do tháng Chín thời tiết nóng quá, mà quạt máy ở phòng đó lại hỏng nên cô đi điều tra một vòng, phát hiện phòng 403 để trống suốt, bèn chuyển sang dạy ở 403, nhưng không báo với phòng giáo vụ.”

“Hả?” Thái Hồng há hốc miệng.

“Không sao, không sao đâu, cô quen Tiểu Quý, mai gặp cậu ấy cô sẽ giải thích cho cậu ấy sau. Mọi người đều là đồng nghiệp với nhau, mấy chuyện thế này cậu ấy không để bụng đâu.”

“Thế… uhm… Dạ được.”



Thái Hồng ủ rũ bước xuống lầu, mặt cúi gằm, lầm lũi bước đi. Lúc hết tiết, cô cố ý thu xếp đồ đạc một cách chậm rãi, nghĩ rằng sẽ có sinh viên nêu thắc mắc, đây là chiêu mà trước kia cô rất hay dùng hòng làm thân với giáo viên, nhưng tiếng chuông vừa reo lên, đám sinh viên liền cầm ba lô lên, đi một mạch. Chỉ còn lại một mình cô, trơ trọi đứng đó lau bảng, tắt đèn, cứ như đây không phải lớp học, mà là nhà xác vậy…



Hoa quế dưới lầu đã nở rộ, mùi hương ngây ngất lan tỏa trong khuôn viên trường. Thái Hồng đeo ba lô, chân bất giác đi về hướng vườn hoa. Anh chàng Quý Hoàng đó cũng là ma mới giống cô thôi, trừ việc có cái bằng học vị Tiến sĩ ra, tình hình cũng chẳng khá hơn cô là mấy. Nhưng dáng vẻ của anh ta lại rất lão luyện, có một vị giáo sư từng nói, chỉ có giáo viên “pro” nhất mới đến lớp vào phút chót trước khi vào tiết. Hứ! Thái Hồng mắng thầm, Quý Hoàng anh là cái thứ gì chứ? Nếu không có sự quấy rối của anh hôm nay, tiết dạy đầu tiên trong đời tôi cũng chẳng đến nỗi thảm hại như thế này, tâm hồn thuần khiết và tinh thần luôn phấn đấu vươn lên của tôi cũng không phải chịu tổn thương nặng nề đến thế.

Thái Hồng dùng suy nghĩ của mình thỏa sức đánh Quý Hoàng đến bầm giập. Bước qua một dãy cây hoa quế, cô lại bắt gặp hắn. Ra là tiết học của hắn cũng đã xong, nhưng vẫn chưa rời đi, có đến mấy sinh viên đang vây quanh hắn.

Cô dừng bước, đứng sau lưng hắn, vẻ mặt trầm tĩnh đứng đợi.

“Thầy ơi, em vẫn có chút không hiểu tiểu thuyết phức điệu là gì. Ý thầy là chỉ các loại hình thái ý thức hoặc tiếng nói hoàn toàn khác nhau cùng xuất hiện trong một bộ tiểu thuyết?”

“Ừ. Ý thầy muốn nói là tác giả không có thái độ phê phán đối với những tiếng nói đó. Ông không phải muốn đem tất cả những tiếng nói khác nhau đó biên tập thành một tiếng nói thống nhất để làm cái loa phát ngôn cho ý thức của cá nhân mình, mà muốn những tiếng nói đó xuất hiện một cách tự nhiên.”

“Thưa thầy, em vẫn còn một câu hỏi, liên quan đến lý thuyết Carnaval hóa…”

“Đừng vội, vấn đề này thầy sẽ giảng kỹ ở tiết sau.”

“Thầy ơi, Bakhtin và Todorov…”

Thái Hồng lẳng lặng đứng đợi suốt ba mươi phút, những em sinh viên đó mới lục tục đi về hết. Quý Hoàng cũng xoay người định bước đi, chợt trông thấy cô, anh thoáng ngẩn ra, rồi dừng lại:

“Cô Hà, cô có vấn đề gì à?”

Thái Hồng lườm anh, hít một hơi thật sâu: “Tôi chẳng có vấn đề gì cả. Anh đang dạy về chủ nghĩa hình thức Nga à?”

“Phải.”

“Nói vậy thì, cả tháng nay anh dạy Phê bình mới? Cả môn này chỉ có một mình anh dạy thôi sao?”

Thái Hồng thầm tính, môn học này thường bắt đầu dạy từ Phê bình mới, tiếp theo đó là Chủ nghĩa hình thức Nga, theo như tốc độ giảng dạy một tháng một trường phái của anh chàng này, thì đây là môn học của cả năm học. Ở khoa Văn của các trường đại học thì môn thiên về lý luận thế này là một môn học rất phức tạp, chuẩn bị giáo án khó, ít điểm thú vị, không dễ thu hút sinh viên, thường sẽ do những vị giáo sư có kinh nghiệm nhất đảm nhiệm việc giảng dạy chính, hầu hết các trường hợp sẽ do mỗi giáo viên tinh thông một trường phái thay phiên nhau dạy. Thái Hồng còn nhớ, lúc trước, khi cô học môn này có đến bảy giáo sư khác nhau giảng dạy, kết quả, cô thầm ném một câu nhận xét chẳng chút nể nang về phía người thầy giảng chủ nghĩa giải cấu trúc: “Thưa thầy kính mến, thầy đã thành công trong việc khiến em chẳng hiểu đầu cua tai nheo gì, em cảm thấy thầy thực sự không biết mình đang nói về cái gì.”

“Đúng. Cô Hà có ý kiến gì đối với đề cương của tôi à?”

“Không. Tôi chỉ muốn tìm cơ hội bắt chuyện với anh thôi.”

“Bắt chuyện?” Anh nhìn cô với ánh mắt nghi ngờ. “Tại sao?”

“Uhm… Hồi nãy cô Trần gọi điện cho tôi, nói phòng học đó đúng là của anh.”

“Ồ.” Anh cúi đầu nhìn đồng hồ.

“Tôi sai rồi, xin lỗi anh. Để thể hiện sự hối lỗi của mình, tôi mời anh ăn cơm nhé!”

“Cô không cần khách sáo, tôi không đói.”

“Tôi cũng có vài vấn đề học thuật muốn thỉnh giáo anh.”

“Lần sau đi.”

“Là thế này, con người tôi rất ghét bị người khác lợi dụng sự áy náy của mình. Để không cho anh có được cơ hội đó, bữa cơm này tôi nhất định phải mời anh.”

“Từ trước đến giờ tôi chưa từng lợi dụng sự áy náy của người khác.”

“Chỉ là bữa cơm nhạt, ở ngay trong căng tin thôi mà.”

Thái Hồng cảm thấy giọng điệu mình lúc này hơi giống đang van xin, thế mà anh chàng này chẳng chịu nể mặt chút nào. Cô nở nụ cười gượng gạo, nhưng vẫn cố đứng chắn ngang lối đi của anh.

Quý Hoàng cúi đầu ngẫm nghĩ một lát, cuối cùng nói: “Được thôi.”

[1] Lâm Bưu, tên khai sinh: Lâm Dục Dung (1907 – 1971): là một nhà hoạt động chính trị và quân sự của Trung Quốc, nguyên soái của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng.

Chương 3
Quý Hoàng đẩy chiếc Merida từ bãi đỗ xe ra, hình như anh là một người yêu thích xe đạp địa hình.

Thái Hồng cũng rất thích đạp xe, giống người cha làm tài xế taxi của mình, Thái Hồng rất thích loay hoay với mấy thứ máy móc. Nhưng từ khi chiếc xe mới toanh thứ ba của cô bị mất trộm trong khuôn viên trường, cô đã từ bỏ việc đạp xe, chuyển sang ngồi xe buýt đi làm.

“Anh thích ăn ở căng tin bên nào? Khu Đông? Khu Bắc? Khu Tây? Hay khu Sướng Xuân Viên?” Thái Hồng hỏi.

“Có gì khác nhau sao?”

“Đương nhiên là có! Món Tứ Xuyên và đồ xào ở khu Đông được lắm. Canh và lẩu ở khu Bắc thì ngon. Khu Tây nổi tiếng về bánh và hải sản. Còn khu Sướng Xuân Viên hả, chủ yếu là món phương Bắc. Thầy Quý là người ở đâu?”

“Tôi là người phương Bắc. Nhưng tôi thích món Tứ Xuyên.”

Thái Hồng không kiềm được liếc nhìn anh một cái. Người phương Bắc ư? Không giống lắm. Nếu vẻ mặt không lầm lì, ánh mắt không sắc lẹm, chắc anh cũng được coi là một chàng trai khôi ngô. Nhưng dáng người anh không mấy cao, chưa đến một mét tám, người gầy khiến chân và cánh tay trông rất dài. Mấy sư huynh người phương Bắc của Thái Hồng ai nấy đều cao to, vạm vỡ, vai u thịt bắp, thế nên cô cảm thấy ngoại hình của Quý Hoàng cũng y như tên của anh vậy, thanh mảnh tựa trúc, trầm lắng thanh âm cổ kính và chan chứa hơi thở của vùng sông nước Giang Nam. Thậm chí cô còn nhớ đến một bài thơ: “Một mình trong khóm trúc, gảy đàn rồi hát chơi, rừng sâu không kẻ biết, trăng sáng chiếu lên người…”

“Thế thì ta đến căng tin bên khu Đông ăn nhé! Khu Đông thì tôi rành lắm, nó gần ký túc xá tôi ở lúc trước mà, thời gian thi cao học ngày nào tôi cũng ra đó ăn, lại còn ăn nhiều, tính ra giá tiền cũng ngang với mấy món thập cẩm. Tôi đề nghị anh nên thường xuyên ra đó ăn.” Vừa nói Thái Hồng vừa sải bước đi trước dẫn đường.

Quý Hoàng bảo: “Tôi cảm thấy mấy món thập cẩm ở đây cũng khá ngon đấy chứ, ngon hơn so với trường tôi trước kia.”

Thái Hồng không nén được muốn hỏi anh học trường nào, nhưng lại nghĩ chuyện này sớm muộn rồi cũng biết, nếu cứ hỏi, không khéo lại khiến người ta hiểu lầm mình có ý gì với hắn. Hơn nữa, Đại học F là trường đại học trọng điểm của quốc gia, được phân đến đây sau khi tốt nghiệp chắc chắn không phải hạng thường.

Vừa đi vừa chuyện trò, hai người đã đến căng tin. Bốn giờ chiều, chưa đến giờ cơm tối, quầy bán đồ xào ở tầng hai cũng không đông khách lắm.

Họ ngồi xuống chiếc bàn ngay cạnh cửa sổ, cô nhân viên phục vụ mang trà lên, đưa tờ thực đơn cho hai người.

Thái Hồng thích ăn ngon, trông thấy các món ăn ngon mắt, tâm trạng vui hơn hẳn, cô tủm tỉm cười: “Thầy Quý, thầy thích ăn gì? Cứ tự nhiên gọi.”

“Tôi không rành mấy món ăn ở đây, để cô gọi thì hơn.”

“Thế tôi quyết định thay thầy nhé!” Thái Hồng không khách sáo, đến thực đơn cũng chẳng buồn nhìn, nói với cô nhân viên: “Thịt viên tứ hỷ, thịt bò xốt cay, cá diếc xốt đậu, củ sen xào, uhm… Canh gì nhỉ? À, canh bồ câu ở đây cũng ngon lắm, thế thì chọn canh bồ câu hầm nhân sâm hoàng kỳ đi. Canh này bổ, có một thời gian rất được ưa chuộng, mọi người gọi nó là canh trạng nguyên.”

Nói đến các sự tích ở ngôi trường này, Thái Hồng vô cùng rành rẽ. Dù sao cô cũng trụ ở đây bảy năm rồi, lại là người bản địa, đối với lịch sử, hiện trạng và nếp sống của trường F cô đều tìm hiểu kỹ lưỡng và đã trải nghiệm qua.

“Tôi cảm thấy hai người ăn thì gọi hai món mặn một món canh là đủ rồi, không cần thịt bò xốt cay và cá diếc xốt đậu đâu. Cô phục vụ, phiền cô bỏ hai món này được không?”

Thái Hồng vội ngăn cản: “Đừng khách sáo, ăn không hết có thể cho vào hộp đem về.”

“Thật sự là không cần, cô đừng tốn kém quá.”

Thái Hồng hơi lúng túng. Cô rất hiếm khi đãi ai, đi ăn hàng thường được mời là nhiều, hiếm hoi lắm mới có cơ hội hào phóng một lần, không ngờ lại không được tự do gọi món… Hay anh chàng này đến từ vùng khác, văn hóa cũng có chút khác biệt chăng?

Cô nhấp một ngụm trà, mỉm cười: “Quên chưa giới thiệu, tôi là Hà Thái Hồng, thuộc bộ môn Văn học hiện đại và đương đại.”

“Cô là học trò của Quan Diệp, đúng không?” Anh hỏi.

Thái Hồng nhướn mày: “Sao thầy biết?”

Anh cười: “Thầy nào thì trò nấy mà.”

“Ý thầy là về mặt tài năng?”

“Cô ấy còn có mặt khác sao?”

“A… Uhm… Không có.” Hà Thái Hồng thầm nghĩ, thầy Quý à, thầy chưa nghe chuyện của giáo sư Quan Diệp tiếng tăm lẫy lừng của khoa Trung văn sao? Cô tài năng xuất chúng nhưng bị nhơ danh xấu tiếng bởi ở độ tuổi bốn mươi lăm vẫn quyến rũ thành công nhiều sinh viên nam, trong đó có một người vì yêu quá hóa hận, cuối cùng tự sát và trở thành đề tài xôn xao của trường F ba năm trước. Cha mẹ người đó phẫn uất, đã kiện cô ấy ra tòa với tội quấy rối tình dục khiến cô ấy suýt nữa phải vào tù, từ đó bị tước đi tư cách hướng dẫn tiến sĩ.

“Tôi rất thích Quan Diệp, ý tôi là, tài năng của cô ấy.”

“Tôi sùng bái cô ấy. Nếu cô ấy là đàn ông, tôi sẽ theo đuổi cô ấy bằng được.”

Thái Hồng vừa dứt câu, thấy Quý Hoàng tỏ ra vô cùng ngạc nhiên, cô vội nói: “Anh đừng để ý, chỉ là câu nói đùa thôi.”

“Cô Hà, học thuật và tình yêu là hai chuyện khác nhau.”

“Là một… Cả hai đều cần cảm xúc mãnh liệt.”

Xem ra đây không phải đề tài thích hợp để bàn luận. Quý Hoàng trầm tĩnh lái sang chủ đề khác: “Nói đến cảm xúc mãnh liệt, cô có thể giới thiệu cho tôi cuốn sách nào mà cô có cảm xúc mãnh liệt không?”

“Tuyển tập trinh thám của Sherlock Holmes.”

Thức ăn được mang lên, Quý Hoàng thoáng dừng đũa: “Thế chẳng phải tôi có thể đoán được mật mã cô thường dùng rồi sao?”

Thái Hồng cười ha ha, hỏi: “Mật mã tôi thường dùng là gì?”

“221B, đúng không?”

Thái Hồng ngẩng lên, khẽ nheo đôi mắt to tròn của mình: “Thuốc lá mà bác sĩ Watson thích hút nhất là…”

“Ship’s tobacco.”

“Câu nói giàu tính triết lý nhất mà Sherlock Holmes từng nói là…”

“Chúng ta theo đuổi, chúng ta muốn bắt lấy. Nhưng cuối cùng trong tay chúng ta còn lại gì? Chỉ là một ảo ảnh, hoặc thứ tệ hơn cả ảo ảnh, khổ đau.”

Đinh đoong…

Như có thứ gì đó bí ẩn chạm mạnh vào tâm hồn Thái Hồng. Mặt cô chợt đỏ ửng, bao nhiêu lời muốn nói dồn lên cổ họng mà không thốt ra được. Quý Hoàng bỗng dừng lại, tay chỉ vào một đĩa thức ăn trên bàn, hỏi:

“Món này ngon quá, tên là món gì vậy?”

Hà Thái Hồng mấp máy môi, rồi ngoảnh đầu gọi cô phục vụ: “Cô phục vụ!”

“Quý khách còn muốn gọi thêm món gì ạ?” Cô phục vụ khác có vẻ ngoài như sinh viên bước đến hỏi.

“Món mà tôi gọi… À, thịt viên tứ hỷ.”

“Đây là món thịt viên tứ hỷ.”

“Món thịt viên tứ hỷ mà tôi gọi là món ăn Sơn Đông nổi tiếng được làm từ nấm đông cô, măng, trứng gà, gừng, hành, nước tương, rượu Thiệu Hưng, muối cất, hồi hương… Đây không phải thịt viên tứ hỷ, đây là thịt viên hầm.”

“Nó đều là thịt viên đấy thôi… Giá tiền cũng tương đương nhau.”

“Bản chất của hai món khác nhau. Một món là rán, một món là hầm.”

“Bản chất của cả hai đều là thịt heo.” Cô nhân viên chớp chớp đôi mắt long lanh.

Thái Hồng vênh mặt, bảo: “Cô này, cô làm việc trong quán ăn mà lại không phân biệt được thịt viên tứ hỷ và thịt viên hầm, đây gọi là tắc trách, không thạo nghề, khái niệm cơ bản sai lệch. Tôi không tranh cãi với cô, gọi quản lý ra đây. Món này tôi không gọi, tôi sẽ không trả tiền.”

“Uhm… Đừng gọi quản lý ra được không?” Giọng của cô nhân viên liền xuôi xị, giơ ngón tay trỏ đang quấn băng keo cá nhân. “Hồi nãy em mang đồ ăn lên bị phỏng dầu, đau quá, nhất thời phân tâm, nhớ nhầm tên…”

“Tiểu thư, cô trông tôi thế này có phải rất ngốc nghếch, rất tốt bụng? Đúng, tôi rất tốt bụng, nhưng lòng tốt của tôi không phải để cho người ta lợi dụng. Đừng viện lý do nữa, tôi muốn gặp quản lý của cô.”

Cô nhân viên mặt buồn rười rượi đi vào trong. Lát sau, lại buồn rười rượi đi ra, mang lên cả hai đĩa thịt viên tứ hỷ.

“Phạm lỗi biết sửa sai, như vậy là tốt.” Thái Hồng nhìn đĩa thịt viên một hồi rồi gắp một viên cho vào đĩa của mình.

Sau đó cô trông thấy nước mắt cô nhân viên phục vụ kia lã chã rơi xuống, cuối cùng ôm mặt khóc nức nở.

Thái Hồng liền trố mắt: “A… Em… Chỉ là chuyện vặt thôi mà, sao em phải khóc lóc như vậy chứ?”

“Hu hu… Em bị quản lý đuổi việc rồi…. Hu hu… Em không nhận được lương… Hu hu… Tuần sau phải đóng tiền nhà rồi… Em sắp phải ra đường ngủ rồi…”

“Em là… sinh viên trường này?”

“Em vừa tốt nghiệp, chưa tìm được việc làm… Nhà em ở dưới quê.”

“Sao em không nói sớm…” Thái Hồng đứng dậy. “Để chị đi nói với quản lý, ban nãy chỉ là hiểu lầm thôi.”

“Quản lý từ lâu đã không hài lòng với em, luôn muốn đuổi em…”

Quý Hoàng thở dài, rút ví: “Em này, tiền thuê nhà của em là bao nhiêu?”

“Ba… ba trăm tệ.”

“Đây là ba trăm tệ, em cầm lấy dùng trước đi.”

“Thầy tốt quá, em cảm ơn thầy nhiều!”

Người ta đã phong độ thế rồi, Thái Hồng cảm thấy mình cũng không thể biểu hiện quá tệ, cũng vội vàng rút ví ra: “Đây là hai trăm tệ, em cũng cầm lấy đi. Tìm công việc nào tốt hơn một chút, sinh viên đại học có gì mà không làm được hả, sao lại phải đi làm việc này!”

“Thầy cô tốt quá, tiền này coi như em mượn tạm hai người, sau này nhất định sẽ trả.”

“Thôi, không cần trả đâu, đừng khóc nữa. Tay bị bỏng, em về sớm nghỉ ngơi đi!”

Cô sinh viên đó cầm lấy tiền, thút tha thút thít rời khỏi.

Thái Hồng quay đầu lại, hít một hơi thật sâu, nhìn Quý Hoàng: “Thầy Quý, xin thầy hãy nói với tôi rằng những lời ban nãy của cô bé đó hoàn toàn là thật đi, cô nàng không lừa năm trăm tệ của chúng ta!”

“Tôi cảm thấy là thật…”

“Thế thì, thầy Quý, xin thầy đồng ý, bữa cơm này thầy trả tiền, bởi vì tất cả tiền của tôi đã cho cô nhóc hết rồi.”

“Cô Hà, nếu cô không quá chấp nhặt chuyện thịt viên tứ hỷ và thịt viên hầm thì ví tiền của chúng ta vẫn còn căng phồng…”

“Thầy Quý, tôi vẫn phải nói, thịt viên tứ hỷ và thịt viên hầm về bản chất thực sự rất khác nhau! Hai loại thịt viên này không thể coi là một được.”

Quý Hoàng đưa mắt nhìn cô, thở dài, từ chối tiếp tục tranh luận.

Ngay lúc đó, ánh mắt Thái Hồng lướt qua cửa sổ, nhìn xuống dưới, cô đột nhiên nói:

“Thầy Quý, chiếc xe đạp màu da cam là của thầy đúng không? Có người đang trộm xe của thầy kìa!”

Cả hai liền phóng ngay xuống dưới lầu.

Kẻ trộm đã cưỡi xe đạp của Quý Hoàng chạy xa trăm mét rồi.

Hà Thái Hồng vừa đuổi theo vừa hét: “Cướp! Cướp! Có người trộm xe đạp!”

Cô muốn đuổi theo tiếp, bỗng bị Quý Hoàng kéo giật lại, anh nói: “Đừng hét nữa, không ai có thể lấy cắp đồ của tôi ngay trước mũi tôi được đâu.” Nói rồi anh chặn một sinh viên nam đang chạy xe ngang qua: “Tôi là giáo viên của trường, đây là thẻ công tác của tôi, cho tôi mượn xe đạp của em dùng chút nhé!”

Rồi anh lao vút đuổi theo, trong chớp mắt đã mất hút.

Cậu sinh viên kia chu môi huýt sáo, nói với Thái Hồng: “Thầy ấy ở khoa Thể dục ạ?”

“Khoa Trung văn.”

Cậu chàng quay ngoắt lại nhìn cô: “Khoa Trung văn? Thế thì em dám cá là thầy ấy không đuổi kịp, mấy thằng trộm xe đa số đều thuộc khoa Thể dục cả. Đấy, đến cái khóa to đùng như thế mà chúng chỉ dùng tay bẻ là đứt.”

“Em này, em xem phim võ hiệp quá nhiều rồi đấy.”

Nhưng trong đầu Thái Hồng không nén nổi những dòng suy nghĩ miên man. Bàn tay Quý Hoàng kéo giật cô lại, rất ấm, rất có lực, và vẻ trầm tĩnh, vững vàng của anh đã trấn áp được cô. Chợt cô phát hiện, anh tuy mảnh khảnh nhưng người đầy cơ bắp săn chắc. Anh đi xe đạp trông cũng thật ra dáng!

Hai mươi phút sau, Quý Hoàng một tay lái xe đạp của mình, tay kia dắt chiếc còn lại ung dung xuất hiện trước mắt cô.

Thái Hồng nở nụ cười rạng rỡ: “Thầy Quý, thầy giỏi ghê!”

“Xin lỗi, tôi chậm mất vài phút, tôi đã đưa kẻ trộm đến phòng bảo vệ rồi.”

“Ơ… Anh bắt luôn kẻ trộm sao?” Thái Hồng và cậu sinh viên kia cùng sửng sốt.

“Cũng không khó lắm, khuôn viên trường chỉ rộng thế này, hắn ta có thể chạy đi đâu cơ chứ?”

Trả lại xe, cả hai quay lại căng tin, thức ăn đã nguột ngắt. Thái Hồng không quen ăn thức ăn nguội, chỉ ăn qua quýt vài thìa cơm với canh. Ngược lại, Quý Hoàng đói meo, chén sạch đồ ăn trên bàn. Thấy trong đĩa của Thái Hồng còn một viên thịt viên tứ hỷ, anh rất lịch sự hỏi: “Cô có phiền không nếu tôi ăn nó?”

Thái Hồng ngẩn người… Viên thịt đó tuy cô chưa đụng vào, nhưng nó nằm trong đĩa của cô, dù sao cô cũng đã dùng đũa của mình để gắp. Thái Hồng cười, có chút ngượng ngùng: “Không… không sao!”

Người ngồi trước mặt cô từ tốn ăn hết viên thịt viên tứ hỷ, Thái Hồng cảm thấy dáng vẻ anh rất buồn cười, thoáng ngập ngừng, cô nói: “Thầy Quý, tôi có thể hỏi thầy một câu hơi riêng tư không?”

“Cô cứ hỏi.”

“Tại sao thầy không bao giờ cười?”

“… Không phải không cười, chỉ là hơi ít khi cười.”

“Thường thì một ngày thầy cười mấy lần?”

“Có thể ba năm tôi sẽ cười một lần.”

Khi anh nói câu này thì Thái Hồng đang uống trà, kết quả là “phụt!”, cô phun ra hết.

Chương 4

Vì bữa cơm không đâu vào đâu ấy mà Thái Hồng về nhà muộn. Bị anh thầy Quý hài hước kia ngắt ngang, chẳng hiểu sao tâm trạng cô cũng vui vẻ trở lại.

Nhà của Thái Hồng là nhà số 14 – lầu 7 – tòa 36, thuộc khu tập thể dành cho công nhân viên xưởng cơ khí Quang Hoa. Tòa nhà cũ kỹ ba mươi năm tuổi, thường được gọi là nhà lắp ghép, được xây bằng những tấm bê tông cốt thép đúc sẵn rồi lắp ghép lại mà thành, tường ngăn cách chỉ là một bức tường xi măng mỏng dính, tiếng động bên nhà hàng xóm có thể nghe rõ mồn một. Nhà của Thái Hồng ở tầng cao nhất, trời nắng thì nóng, trời mưa thì dột, mùa hè nóng như lò nướng, mùa đông lại lạnh như tủ đá. Trong nhà cũng có máy điều hòa, nhưng tiền điện mắc quá phải hạn chế dùng, vậy nên, phải nói là tháng Chín, tháng Mười là tháng đẹp nhất đối với những căn nhà lắp ghép.

Ngay cả với loại nhà lắp ghép như thế, khi phân chia nhà cũng phải giành nhau sứt đầu mẻ trán. Nếu không phải bà thím xếp trước nhà cô chê số mười bốn không may mắn, từ bỏ quyền lợi thì cả nhà Thái Hồng vẫn phải tiếp tục ở trong một căn nhà trệt vừa nhỏ vừa hẹp, lại phải sử dụng nhà vệ sinh công cộng cũng nên!

Lúc Thái Hồng về đến nhà, bà Lý Minh Châu đang ngồi dưới lầu cùng nhặt rau với mấy bà hàng xóm. Thái Hồng nhìn mẹ, thở dài não nề. Nếu như không phải ở thời đại này, có lẽ mẹ cô đã không phải chịu khổ, không phải sống cuộc sống như thế này. Trước giải phóng, ông ngoại Thái Hồng từng là nhà tư sản lớn nhất thành phố, bà ngoại Thái Hồng mười sáu tuổi đã được gả cho ông, về làm vợ ba. Bà rất được sủng ái, cho nên Lý Minh Châu có một tuổi thơ vô cùng vẻ vang. Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, thời chiến loạn, ông ngoại mang cả nhà qua Đài Loan lánh nạn, đúng lúc đó, ông ngoại của Minh Châu lâm bệnh nặng, mẹ bà đưa bà về Quảng Châu thăm bệnh, không kịp quay về. Không ngờ lần chia tay này không có ngày gặp lại. Do mối quan hệ với tư sản mà trong thời kỳ Cách mạng văn hóa, bà ngoại của Thái Hồng bị hành đến chết đi sống lại, đói nghèo cộng thêm bệnh tật. Trước khi mất, bà giao Minh Châu cho Hà Đại Lộ, một công nhân xuất thân ba đời bần nông nhưng có gia đình theo cách mạng. Nhận được sự “điều hòa” bởi thành phần giai cấp của Hà Đại Lộ, Lý Minh Châu mới có thể sống qua những năm tháng khó khăn ấy. Sau đó, quan hệ hai bờ dịu xuống, Lý Minh Châu tìm trăm phương ngàn kế để liên lạc với người nhà bên Đài Loan, nhưng qua nhiều người bà biết được cha mình đã qua đời từ lâu, gia sản đã bị hai phu nhân và con cái họ phân chia hết, họ sợ mẹ con cô tranh giành tài sản nên phớt lờ những lá thư mà Minh Châu gửi qua. Lúc đầu, Lý Minh Châu tức giận, tuyên bố tìm luật sư kiện họ, nhưng Hà Đại Lộ chỉ xem như gió thoảng qua tai. Mùa đông năm đó, bệnh viêm khớp của Minh Châu tái phát, nằm viện suốt hai tháng vẫn không khỏi, Thái Hồng dẫn bà đi khám Đông y, uống cả đống thuốc, lại bị bắt đi học Thái cực quyền, sau đó bà mới không làm ầm ĩ nữa.



“Ồ, Minh Châu, con gái bà về rồi kìa!” Dì Trần ở tầng hai cười, bảo.

“Biết nó về giờ này nên tôi mới ngồi dưới lầu đợi nó.” Lý Minh Châu cầm nửa rổ giá đỗ đã nhặt xong, đứng dậy, hỏi: “Thái Hồng, cái anh chàng Tần Tiểu Đồng mà dì Trần giới thiệu cho con lần trước, hai đứa tiến triển sao rồi?”

Thái Hồng cúi nhìn đất, ấp úng: “Bọn con có gặp hai lần rồi không liên lạc nữa.”

“Ối trời ơi! Sao lại thế chứ?” Lý Minh Châu giậm giậm chân. “Điều kiện của Tiểu Tần tốt thế, cao một mét tám, gia đình có hai ngôi nhà, ông già là người làm kinh doanh lớn, từng tuyên bố rằng chỉ cần con trai kết hôn là sẽ cho cậu ta căn nhà bên khu Tân Giang. Con có biết khu đó thế nào không hả? Là kiểu nhà chung cư hai tầng đấy! Một căn hộ hai tầng, một trăm hai mươi mét vuông, nhà cậu ta ở tầng sáu, có cả thang máy. Tính riêng căn đó thôi đã mấy triệu rồi, còn nội thất nữa… Cha mẹ người ta cũng nói rồi, muốn tìm một cô con dâu tri thức, hiểu lễ nghĩa… Dì Trần, dì nói thử xem, nhắc đến tri thức, lễ nghĩa, Thái Hồng nhà tôi là giảng viên đại học, học vấn cao, lại xinh đẹp, sắp tới học tiếp tiến sĩ tại chức, xung quanh đây liệu có ai có tri thức, hiểu lễ nghĩa hơn nó không hả?” Cơn giận bốc lên đầu, Lý Minh Châu cao giọng nói. “Con gái ngoan à! Con không nể mặt mẹ con, nhưng cũng phải nể mặt dì Trần chứ, đúng không? Con cũng không còn nhỏ nữa, chẳng mấy chốc mà thành ế chồng, còn ở đó kén cá chọn canh, chọn tới chọn lui, cuối cùng lượm phải gã không ra gì thì khổ.”

Thái Hồng sượng trân. Những khu nhà như thế này có cái gọi là “văn hóa hộ dân”, những gia đình ở đây coi trọng tình làng nghĩa xóm, vay mượn đồ hay giúp nhau đưa đón con đi học là chuyện hằng ngày. Mấy dì, mấy thím ngồi đây đều là những người hàng xóm đã trông coi cô từ nhỏ đến lớn, mọi người ngẩng lên, nhìn cô với vẻ luyến tiếc. Khổ nỗi Lý Minh Châu đã ban bố nhiệm vụ cho mấy bà thím này từ lâu, nhờ họ “quan tâm” đến Thái Hồng, làm cô ngày nào về nhà cũng bị bao vây, không “báo cáo tình hình” là quyết không cho lên nhà.

Thái Hồng cười gượng: “Mẹ à, không phải thế, không phải con không liên lạc với anh ta, mà là anh ta không liên lạc với con. Anh ta gọi điện cho con một lần, con gọi đáp lại một lần, sau đó anh ta chẳng gọi thêm lần nào nữa. Mẹ cũng không thể bảo con “cọc đi tìm trâu”, chạy theo anh ta chứ, đúng không? Dì Trần, con làm như thế, không có gì sai chứ ạ?”

Thái Hồng không có hứng thú lắm với kiểu “văn hóa hộ dân” này, nhưng những thanh niên trong khu tập thể người thì học đại học, người thì đi làm ăn… lũ lượt kéo nhau ra ngoài tỉnh sinh sống, Thái Hồng đương nhiên trở thành đề tài bàn tán của mọi người.

Dì Trần phẩy tay, cười xòa: “Cái đó là chuyện của thanh niên các cháu, mấy bà già bọn dì chỉ là bắc cầu cho các cháu thôi. Nói đi cũng phải nói lại, thanh niên bây giờ… Ôi thôi, không nói nữa. Thái Hồng, nếu cháu vẫn có ý thì dì sẽ nói vun vào cho, mẹ của Tiểu Đồng cũng thích cháu lắm đấy…”

“Không! Không! Dì Trần, chuyện này để cháu tự giải quyết là được rồi.” Thái Hồng ngượng đến nỗi không biết trốn vào đâu.

Lý Minh Châu lạnh nhạt đứng bên cạnh nhìn, bà hít một hơi thật sâu, đứng dậy, phủi phủi bụi trên người, nói: “Thái Hồng, về thôi!”

Thái Hồng dìu mẹ mình bước lên lầu. Từ khi mắc bệnh viêm khớp, Lý Minh Châu lên xuống cầu thang không được thuận tiện lắm, cả nhà cô tích cóp tiền định chuyển sang một căn hộ ở tầng thấp hơn, hoặc ở tầng cao hơn cũng được, miễn là có thang máy. Nhưng những căn nhà cũ như thế này bán không được giá, căn hộ chung cư mới xây ở gần đây thì quá đắt đỏ, còn dọn đến nơi xa hơn một chút thì lại khó khăn về giao thông cho Lý Minh Châu và Thái Hồng, thế nên đến giờ vẫn ở khu nhà này. Vậy mà trong chớp mắt, giá nhà đất tăng vùn vụt, càng trì hoãn càng không có hy vọng. Cha của Thái Hồng mỗi ngày đều dậy từ năm giờ sáng lái taxi, nhưng taxi ở thành phố này nhiều vô kể nên tiền cũng chẳng dễ kiếm. Năm ngoái lại bị một vụ tai nạn nhỏ, người thì không bị thương nhưng xe hỏng, phải đem đi sửa, tốn mất hơn mười ngàn tệ, muốn mua xe mới nhưng không đủ tiền, phải tiếp tục dùng xe cũ, cũng chẳng dám chạy đường xa.

Vào trong nhà, Lý Minh Châu ngồi xuống, Thái Hồng rót cho bà cốc nước trà xanh. Minh Châu nhìn con gái, vừa thở vừa nói: “Nói vậy là… cậu ta chê nhà mình?”

“Mẹ nghĩ rằng có học thức thì được cộng điểm sao? Thời buổi này, người có học thức cao chỉ có thể bị trừ điểm, nếu là gái đã có con và ly hôn thì chỉ còn một con đường chết mà thôi.”

“Con gái ngoan, mẹ xin lỗi con! Nếu như con sinh sớm vài chục năm, từ lúc ông ngoại con còn sống thì đã chẳng phải chịu cảnh này rồi. Năm xưa ông ngoại con cưng chiều mẹ lắm, riêng vú em cũng đã năm, sáu người. Cả nhà cùng ăn cơm, phụ nữ, trẻ con ngồi ăn ở bàn khác, chỉ có mẹ được ông ôm trong lòng, bón cho ăn trước rồi ông mới ăn.”

Những lời này Lý Minh Châu đã nói đi nói lại không biết bao nhiêu lần, Thái Hồng nghe nhàm cả tai, nhưng người lớn tuổi, tư duy của họ giống như hình tròn, bất luận là suy nghĩ chuyện gì, quanh đi quẩn lại rồi cũng về chỗ cũ. Thái Hồng rất thông cảm với mẹ, mỗi lần như vậy cô đều im lặng. Thời thơ ấu là thời kỳ huy hoàng nhất của bà, cũng nên để cho bà hồi tưởng lại một chút.

“Thôi, chuyện qua rồi không nói nữa. Nói vậy là, thằng nhóc họ Tần đó không mặn mà với nhà chúng ta?”

“Vâng.”

Mắt Lý Minh Châu lóe sáng, bà chộp lấy tay của Thái Hồng, nói: “Loại đàn ông như thế tuyệt đối không được lấy, từ đầu đã không coi trọng mình, về sau còn biết trông cậy gì nữa? Con ốm nó sẽ chăm sóc con sao? Không có tiền nó chịu nuôi con sao? Cuộc đời này là như thế đấy, đàn ông tìm kiếm giàu sang, phụ nữ tìm kiếm đàn ông. Đàn ông hy sinh phụ nữ để tạo dựng thành công cho chính mình, phụ nữ hy sinh chính mình để tạo dựng thành công cho đàn ông. Nếu chúng ta phải hy sinh nhiều thế thì tuyệt đối không được hy sinh cho nhầm người. Hiểu không hả? Nếu không thì sẽ xôi hỏng bỏng không, mất cả chì lẫn chài đấy con ạ.”

“Được rồi mà mẹ, mẹ đã nhìn thấu cõi hồng trần rồi đấy.”

“Làm phụ nữ không cần nhìn thấu cõi hồng trần, nhìn thấu đàn ông là được rồi.”

Mỗi lần nói đến những chuyện này, chẳng hiểu sao Lý Minh Châu lại vô cùng kích động. Thái Hồng biết rõ đó là bà đang thầm mắng chuyện năm xưa bà ngoại chỉ vì để thoát khỏi “năm thành phần đen tối” mà ép bà phải hạ mình lấy người công nhân thô lỗ Hà Đại Lộ. Theo tình hình thời đó, nếu không phải vì Lý Minh Châu có vẻ ngoài quá xinh đẹp khiến Hà Đại Lộ trúng tiếng sét ái tình, bất chấp sự phản đối của cha mẹ, quyết lấy bằng được bà thì bà cũng chẳng với tới được ông. Tiểu thư giai cấp tư sản vừa được gả vào nhà, mẹ của Hà Đại Lộ đã tung chiêu phủ đầu. Mỗi ngày Minh Châu phải dậy sớm nấu cháo, nấu nước cho cả nhà. Trời đông lạnh phải giặt quần áo của cả nhà, không được dùng nước nóng vì sợ để lại dấu. Mấy tháng sau, tay bị lạnh sưng như cái bánh bao, năm nào da tay cũng nứt nẻ, khiến đôi bàn tay búp măng ngọc ngà trở thành một đôi chân gà vừa đen vừa thô. Khó khăn lắm mới chịu được đến thời cải cách mở cửa, Lý Minh Châu chê Hà Đại Lộ lương ba cọc ba đồng, bắt ông chuyển sang nghề lái taxi. Năm đó, lái taxi thực sự kiếm được tiền, nhưng Hà Đại Lộ nghiện rượu, làm gì cũng phải nhấm nháp vài ba ngụm, nên lái xe xảy ra chuyện suốt, không bị phạt tiền thì gây tai nạn, đã từng bị treo bằng lái xe. Chiếc Santana đang lái hiện nay cũng là góp tiền mua chung với một tài xế khác, làm ngày làm đêm cũng chỉ kiếm được hai bữa cơm, vậy nên hy vọng được ở nhà mới đặt cả lên vai Thái Hồng. Hôm giới thiệu Tần Tiểu Đồng, Lý Minh Châu nói với con gái rằng, loại căn hộ hai tầng này là tốt nhất, sau này con sinh con thì cha mẹ qua đó trông con giúp, cha mẹ ở tầng dưới, các con ở tầng trên, không ai làm phiền ai. Không ngờ mộng đẹp lại tan vỡ nhanh như thế!

So với một Minh Châu nhanh mồm nhanh miệng, Thái Hồng thiếu hẳn tính chua ngoa. Tranh cãi với bà thà vào địa ngục còn hơn! Thái Hồng nén nỗi bực tức, cầm lấy rổ giá đỗ kia, im lặng nhặt từng cọng một. Cô biết mẹ mình một khi đã nói thì lời sẽ tuôn ào ào chẳng ngừng lại được, lý luận với bà là một việc tổn hao sức lực, thôi thì cứ ậm ừ cho qua chuyện, mệt rồi thì bà tự dừng lại thôi.

“Thái Hồng, cậu bạn Tô Đông Lâm đâu? Dạo này không thấy nó đến tìm con đi chơi nữa.”

“Tần Tiểu Đồng còn chẳng thích con, Tô Đông Lâm người ta chẳng phải càng có lý do để không thích con sao?”

“Con nói xem, cậu hai nhà họ Tô này cũng thật là… Mập mà mập mờ, chẳng biết đang chơi trò gì nữa?”

“Mẹ à, mẹ đừng có đoán lung tung. Tô Đông Lâm chỉ là một người bạn bình thường của con thôi. Buổi tiệc thiếu người nên gọi con đi cùng. Karaoke chán chê rồi thì tìm người tán gẫu, con chỉ là một tiếp viên trá hình, chỉ vậy thôi.”

“Nói ra thì, trong đám bạn bè của con cũng chỉ có cậu Tô Đông Lâm này là được nhất. Gia cảnh tốt, không thích phô trương, lại theo ngành Toán tin, tính tình cũng tốt, thêm nữa lại là bạn thời đại học, hiểu rõ nhau. Thái Hồng à, con cũng đừng lửng lơ với người ta, phải cố gắng nữa lên. Tuy kinh tế nhà ta không bằng nhà cậu ta, nhưng con là con gái, xinh đẹp lại có học vấn cao, cũng chẳng thua kém ai.”

“Cậu ta thế mà không phô trương ư? Suốt ngày lái chiếc Volvo khoe khoang khắp nơi, có ai mà không biết cậu ta là anh chàng đại thiếu gia đào hoa đâu!”

Nếu là mấy năm trước, đề tài cưới gả như thế này cô tuyệt đối không tham gia, nhưng đã qua rồi thời thiếu nữ thẹn thùng, ngây thơ. Trước sự nhồi nhét của Lý Minh Châu, Thái Hồng hiểu rằng trước mặt mẹ mình, thành thật khai báo, phục tùng mệnh lệnh mới là con đường tốt nhất.

“Được thôi, không nói Tô Đông Lâm nữa, dù sao cũng có sự chênh lệch quá lớn. Nếu con lấy được nó coi như trúng độc đắc. Lại nói thằng nhóc Tần Tiểu Đồng kia, nhà đúng là có tiền nhưng cũng chỉ là cử nhân, chẳng qua dựa lưng ông bố lắm tiền để mở công ty, kinh doanh thì chắc cũng bình thường thôi chứ gì! Hừ, nó không ưa con, mẹ nhìn nó còn thấy chướng mắt nữa là… Mẹ ghét nhất mấy gã nhà giàu mới nổi, có vài đồng bạc mà cứ tưởng ta đây hay ho lắm! Thái Hồng, con nói xem, lần xem mắt này chúng ta sai ở chỗ nào chứ? Con có chỗ nào không tốt? Chúng ta rút ra được bài học gì?”

Mọi sự khó, khó nhất là tự xét lại mình. Mỗi khi Thái Hồng đi xem mắt không thành, về nhà đều phải kiểm điểm với mẹ từng chi tiết. Quần áo mặc không hợp? Quá giữ kẽ? Hay đã quá thoải mái? Trong chuyện lễ nghĩa  đã có gì sơ suất? Hay là nói sai gì chăng? Quá vội vã? Hay quá vụng về?…

Thái Hồng ngẫm nghĩ một hồi, quả quyết nói: “Chắc chắn là không có.”

“Mẹ đã dặn con đừng có bàn luận chuyện “phú khang” với người ta, con có bàn không hả?”

Thái Hồng muốn phì cười. Có một lần đi xem mắt, cô đã huyên thuyên về Foucault cho đối phương nghe, dọa người đó sợ chạy mất dép. Sau đó còn quay lại mách lẻo với Lý Minh Châu, nói cô đạo đức giả, ra vẻ ta đây học thức cao. Minh Châu không nhớ được từ Foucault, nên đọc nhầm thành “phú khang”.

“Không có. Hắn bảo rằng không định nhận tiền của cha mẹ mình. Nếu cha hắn cho hắn một căn hộ, hắn yêu cầu chứng nhận tài sản trước khi kết hôn, hoặc là nhà mình trả cho nhà hắn số tiền tương đương một phần ba giá trị căn hộ. Con nhẩm tính, một phần ba cũng phải đến sáu trăm ngàn, chúng ta làm sao trả nổi chứ? Nên con nói với hắn rằng dẹp đi.”

Thực ra về chuyện nhà cửa, gã Tần Tiểu Đồng cũng chỉ nói bóng gió chút thôi, nhưng mới lần đầu gặp đã nhắc chuyện này làm Thái Hồng giận sôi máu. Sau đó, Tần Tiểu Đồng gọi điện cho cô cũng rất hờ hững, nếu không phải vì nể mặt dì Trần cô đã mắng hắn một trận tơi bời. Chuyện này vốn không nên nói ra, cô không muốn làm bà đau lòng, nhưng một khi mẹ Thái Hồng đã bắt đầu léo nhéo thì chỉ có cách này mới có thể ngăn bà lại.

Quả nhiên Lý Minh Châu im bặt. Thái Hồng vội chạy vào bếp rửa giá đỗ.

Không ngờ Lý Minh Châu cũng đi vào theo, giành lấy rổ giá đỗ: “Để mẹ rửa cho, đừng có làm xấu hai bàn tay kia, phải giữ mà lấy chồng chứ! Về phòng nghỉ ngơi đi. Hôm nay mẹ nấu canh xương, thịt bò xốt cay. Xào xong giá đỗ thì ăn cơm.”

Thái Hồng định bước ra phòng khách, chợt bị mẹ kéo giật lại, hỏi: “Đúng rồi, thằng nhóc họ Tần đó, lúc gọi món nó nhìn thực đơn như thế nào?”

Thái Hồng ngẩn ra: “Cái gì mà nhìn thực đơn như thế nào?”

“Khi xem thực đơn, nó nhìn bên trái hay bên phải?”

Thái Hồng ngẫm nghĩ, đáp: “Đương nhiên là bên phải rồi. Bên phải là giá tiền mà.”

“Đúng là đồ nhà giàu mới nổi. Người giàu thực sự chỉ xem bên trái, không xem bên phải. Con thì biết cái gì!”

Full | Tiếp trang 2

Loading...

Tiểu thuyết tình yêu là website chia sẻ những thể loại truyện hay nhất hiện nay, được nhiều người đọc yêu thích. Truyện được cập nhập hàng ngày. Hãy lưu địa chỉ web để truy cập nhanh hơn!

Chúc các bạn online vui vẻ !

Laptop Tùng Anh

Tour Phú Quốc

Vinhomes Cầu Rào 2

Trang Chủ