Dẫu Tâm Lan đau đến quặn thắt nhưng trái tim cô không bao giờ thôi nhớ đến anh.
- Tâm Lan, nghe mẹ nói này. Dậy đi con, phải ăn chút gì thì mới có sức chứ? Da dẻ xanh như tàu lá, hay ngày mai con điện thoại tới văn phòng, nghỉ một vài hôm cho lại sức con à!
Ánh mắt bà Xuân đượm buồn. Bà nhìn đứa con gái tội nghiệp vẻ đầy xót thương. Để tô cháo và ly nước cam xuống bàn, bà cài chốt một bên cửa sổ lại. Giọng bà vẫn đầy lo lắng:
- Con mở cửa thế này, gió đêm lùa vào sẽ trúng gió mất thôi. Nghe lời mẹ, ráng dậy mà ăn vài miếng cháo cho tỉnh người đi con.
- Con thấy nhạt miệng quá, mẹ ạ!
Giọng Tâm Lan thều thào. Cô đã tự giam mình trong phòng suốt nhiều giờ đồng hồ ngay sau khi đi làm về. Buổi nói chuyện với Hoàng Minh khiến cô như nghẹt thở. Cuộc đụng chạm với Kiều Thanh càng làm cô mất bình tĩnh hơn. Tâm Lan vẫn luôn tự hỏi, gần mười năm qua, Hoàng Minh vẫn luôn lừa dối cô ư?
Bà Xuân ngồi xuống cạnh giường và đưa tay vuốt phần tóc đang che kín nửa khuôn mặt của Tâm Lan sang hai bên vành tai. Nét mặt bà Xuân vẫn điềm đạm và bình tĩnh như lâu nay bà vẫn thế. Nhưng mấy ai hiểu, trong lòng bà là cả một cơn giông ngập gió và từng đám mây đen luôn ùn ùn vây bủa.
- Ăn chút cháo nhé Tâm Lan. Mẹ mới nấu, ngon lắm. Sáng nay, mẹ còn gặp mẻ cam tươi, mẹ mua vài ký lận. Con bé Nguyên Thảo ngoan ghê, nó ăn hết tô cháo rồi tự giác vào phòng ngủ. Còn nhỏ thế mà đã biết thương mẹ, thương ngoại.
Tâm Lan bật người dậy ngay lập tức và chạy vội ra khỏi phòng, cô mặc kệ những cơn đau vùng lưng, vùng ngực đang hành hạ mình. Bà Xuân vội gọi với theo mà không hiểu đứa con gái đang định làm gì. Để tô cháo xuống bàn, bà lật đật chạy theo sau.
- Tâm Lan, đi đâu vậy con? Từ từ thôi chứ? Cầu thang trơn lắm, mẹ vừa mới lau nhà.
- Con qua phòng bé Thảo. Mẹ cứ để đấy lát con ăn được rồi ạ. Mẹ ngủ sớm đi nhé!
Giọng Tâm Lan khàn khàn đáp lại, rồi cô cẩn thận bước từng bước một theo như lời bà Xuân vừa cảnh báo. Cảm giác chòng chành như đi trên một chiếc cầu khỉ làm cô run rẩy. Sàn nhà lạnh toát khiến làn da bắt đầu nổi mẩn. Trong cơn sốt mê man lúc chiều còn đọng lại, cô xúc động nghẹn ngào nhớ thương: “Anh Minh, sao bữa nay lại giúp em lau nhà thế. Anh thật là tốt với mẹ con em…”
Cứ thế, chưa bao giờ cô ngừng suy nghĩ về anh, mặc cho những lời nói sau từng buổi gặp mặt đều có “độ sát thương” quá lớn. Vẫn mãi một tình yêu như vậy, trái tim cô dẫu có đau quặn thắt cũng chẳng bao giờ thôi hướng đến anh… Chẳng biết tới bao giờ, linh hồn cô và linh hồn anh mới được quyện hòa làm một?
Bé Nguyên Thảo vẫn thức và nghịch con gấu bông mà Hoàng Minh mua tặng nó vào dịp sinh nhật vừa qua. Con mèo trắng lim dim mắt, nó nằm gọn lỏn trong chiếc chăn bông được Tâm Lan gấp lại gọn gàng vào hồi sáng. Nghe thấy tiếng cửa mở, bé Thảo chồm người dậy và nói lớn.
- Ba về! Ba về! Mẹ Lan ơi…
- Không. Mẹ đây con. – Vừa chốt cửa, Tâm Lan vừa nhắc con gái: Nhỏ tiếng thôi con gái, trời khuya lắm rồi. Phải để ngoại và gia đình cậu Lộc ngủ nữa chứ? Ba Minh đi công tác Hà Nội cơ mà, còn lâu lắm ba mới về. – Tâm Lan ngồi xuống mép giường, cô mở rộng vòng tay ôm lấy bé Nguyên Thảo. Sau vài giây, cô sững sờ nhìn con mèo trắng đang nằm bên cạnh.
- Vâng. – Mặt Nguyên Thảo buồn hẳn, con bé lại kéo chú gấu bông vào lòng và rúc đầu vào ngực cô. Tay con bé vuốt ve lên hàng lông thẳng mượt và trắng muốt của con mèo hoang. – Con biết rồi ạ. Con sẽ ngủ ngay đây.
- Ừ. Nhưng con mèo trắng này ở đâu ra vậy? Bé Thảo?
Câu nói của Tâm Lan vừa dứt thì con mèo trắng cũng mở mắt, tiếng kêu meo meo của nó không còn ai oán như bữa nào. Nó liếm láp ngón tay của cô, rất nhẹ. Theo phản xạ, Tâm Lan vội vàng rụt tay lại nhưng sau vài giây suy nghĩ, cô lại đưa tay ra vuốt ve nó. Nó nhắm nghiền mắt, cái đầu cọ cọ vào tay cô vẻ đầy nũng nịu ngỏ ý như muốn được gần gũi hơn.
- Con không biết ạ! Ngày nào con cũng thấy nó đứng ở bệ cửa sổ phòng. Con gọi nó, nó vô chơi với con suốt cả buổi tối.
- Sao lại ngày nào con cũng thấy nó ư?
- Hình như là nó thích con, mẹ ạ. Ở nhà ba Minh, con cũng nhìn thấy nó. Giờ ở nhà ngoại, nó cũng theo con tới đây. Chẳng phải là nó muốn làm bạn với con sao, đúng không mẹ Lan?
- Con không sợ mèo hoang sao? Nhỡ nó cắn con thì sao?
Tâm Lan đưa cái nhìn đầy vẻ lo ngại về phía con mèo không biết rõ nguồn gốc. Nhưng cô phải thừa nhận một điều rằng: nó rất đẹp, cô chưa bao giờ nhìn thấy con mèo nào trắng xinh và có bộ lông mượt mà như thế. Chỉ có điều, cô vô cùng ghét loài động vật mà nhiều người coi như “thú cưng” này. Nhưng cô sinh ra lại mang tuổi mèo, vì thế cô càng cố tránh xa nó càng tốt.
***
Tâm Lan còn nhớ như in năm lên bốn tuổi, một con mèo nhà hàng xóm đã cắn nát bét chú gấu bông – món quà duy nhất mà ba cô để lại trong suốt những năm tháng tuổi thơ của mình. Con mèo đó đã không chỉ tha con gấu bông của cô đi vĩnh viễn tới một nơi xó xỉnh nào đó của thành phố, mà còn rình từ phía sau, nhảy bổ lên và cắn trộm vào chân cô một cái, sâu hoắm. Khi cô quay lại để đuổi theo thì vấp té ngay ở bậc hiên nhà, chiếc răng sữa chưa đến tuổi phải thay bỗng lung lay đau buốt. Trong khi đó, con mèo đáng ghét kia đã leo tót lên ngọn cây cau ở giữa vườn và ngồi yên vị. Tiếng kêu của nó như tiếng cười nhạo, chế giễu cô. Cơn tức giận khiến Tâm Lan tháo ngay chiếc dép dưới chân mà ném thẳng lên cao. Dù chưa đụng phải một cái lông của con mèo đáng ghét này nhưng hai ngày sau đó, đôi dép có in hình hoa lan được bà Xuân mua vào tuần trước bỗng dưng bị cắn đứt cả hai dây quai đeo.
Tâm Lan căm ghét loài mèo từ đó. Mỗi lần thấy nó lảng vảng gần nhà, cô đều trừng mắt và đứng từ xa hù dọa nó như kẻ thù. Nhưng hễ nó nhe răng và những cọng râu trắng như cước vểnh lên thách thức thì Tâm Lan lại sợ hãi bỏ chạy. Bà Xuân bật cười khi thấy “hai con mèo” này quá ư là khác nhau.
Một thời gian không lâu sau, con mèo cái đến tuổi đủ lớn thì bỏ nhà đi. Tâm Lan vô cùng sung sướng dù ở cái tuổi trẻ con chẳng hiểu thế nào là khái niệm mà bà hàng xóm trả lời: “Con mèo nhà bác biệt tăm rồi. Nếu con thấy nó loanh quanh gần nhà, con nhớ nói bác nghe. Nuôi mèo cái chẳng được tích sự gì cả. Chưa bắt được con chuột nào đã le te đi gào đực”.
Bước vào giảng đường đại học, bạn bè ai nấy đều xưng hô và lưu số điện thoại của cô trong danh bạ với nick name vô cùng dễ thương: “Lan mèo”. Có người ác ý hơn sau khi nghe câu chuyện Tâm Lan kể, vội hỏi lớn: “Thế bao giờ bạn Tâm Lan nhà mình đi gào đực nhỉ?”. Tâm Lan tức giận mà vẫn mắc cười bởi giọng nói “ngang phè phè” của một cậu bạn người Bắc.
Tiếng kêu của con mèo hoang làm cô hoang mang đến hoảng sợ. Ánh mắt của nó nhìn cô ngày nào vẫn như muốn cào cấu từng khúc ruột, bới xé từng mảnh gan đã in hằn vào sâu trong suy nghĩ…
- Nó rất hiền, con còn dạy nó chơi bóng với con mà. – Bé Thảo tỏ vẻ thích thú khi kể về người bạn mới quen này.
- Thôi được rồi. Mẹ sẽ để nó chơi với con nhưng phải cần thận, biết không? Con ngủ đi… Ba không về đâu… Đừng có đợi… Bé Thảo có nghe lời mẹ nói không?
- Dạ. Con nghe.
Cô hôn lên vầng trán của con bé thay cho nụ hôn của người chồng đáng trách lẫn đáng thương vẫn thường làm.
- Bây giờ thì con ngủ được rồi, mẹ ạ.
Giọng nói trong trẻo của đứa con gái làm Tâm Lan sững người. Cô ú ớ nhìn đôi mắt trong veo của con bé. Và phải khó khăn lắm, Tâm Lan mới đặt được một câu hỏi khi mà tim cô vẫn đang đau quặn lên theo từng nhịp đập.
- Con chờ ba về chỉ đợi ba ôm và hôn con thôi sao?
- Dạ. Và con muốn thấy nụ cười của cả ba và mẹ trước khi đi ngủ nữa.
Bàn tay Tâm Lan xoa xoa hai bên bầu má của bé Nguyên Thảo. Con gái của cô đã biết nghĩ nhiều đến thế rồi ư? Cô an ủi bản thân mình. Rồi cô lại xoa xoa vùng bụng vẫn còn đang phẳng lì.
- Vậy hôm nay, mẹ ngủ cùng bé Nguyên Thảo nghe.
- Mẹ Lan nói thật không?
- Thật.
- Con yêu mẹ nhiều lắm!
- Mẹ cũng rất yêu con!
Tâm Lan cúi đầu và hôn lên vầng trán của bé Nguyên Thảo. Con bé cười tít mắt và chun chun mũi lại.
Trong trí nhớ của bé Nguyên Thảo, để được ngủ chung với cả ba và mẹ là khi nó bị ốm và khóc tu tu. Còn như những ngày bình thường, Hoàng Minh thường làm mặt nghiêm và nhắc nhở: “Nguyên Thảo lớn rồi. Con phải tập ngủ một mình và trông nom búp bê trong phòng chứ?”. Nguyên Thảo lắc đầu dở thói mè nheo. Hoàng Minh lại dịu giọng: “Nguyên Thảo không chỉ xinh đẹp mà còn cao lớn. Chiếc giường của ba mẹ lại nhỏ xíu vậy nè. Đúng không con gái? Mà hình như ba vừa nghe thấy tiếng chuột kêu chít chít phát ra từ phía phòng con nữa thì phải”. Nghe thấy thế, Nguyên Thảo hớt hải chạy về phòng. Lúc nào ba Minh cũng nhắc nhở, nếu nó không ngủ trong phòng riêng, thể nào chuột cũng tha những con búp bê tóc vàng hoe đi mất.
Tâm Lan ngả người xuống tấm nệm lò xo, cô sải cánh tay sang bên để bé Nguyên Thảo gối đầu. Cô vừa kể những câu chuyện cổ tích xa xưa ru đứa con gái ngủ, lòng vừa nghẹn ngào nặng trĩu nhớ thương. Nước mắt cô ngấn lưng chừng nhỏ giọt và ngấm dần xuống gối chăn. Con mèo trắng nằm ngay bên cạnh bé Thảo, cái đầu ngọ nguậy nằm ngoan hiền. Cô đưa tay vuốt nó, bỗng có một mùi thơm rất lạ như mùi sữa ngai ngái, hay mùi da thịt của trẻ con lan tỏa khắp phòng.
Bà Xuân cũng đang khóc sau cánh cửa gỗ. Những gì đang xảy ra trước mặt, những gì mà bà vừa nghe được chợt thấy lòng quặn thắt, những kỷ niệm quá khứ chôn cất suốt mấy chục năm qua ùa về, nó làm bà đau nhức nhối.
***
Gần ba mươi năm trước
- Mẹ ơi. Sao ba đi mãi mà không về ạ? – Tâm Lan vừa buồn, vừa hỏi mẹ.
- Ba đi công tác cơ mà. Con phải ngoan, học thật giỏi, ba về ba mua quà lớn cho con. – Bà Xuân lúng túng vội xoa đầu an ủi đứa con tội nghiệp của mình.
- Nhưng con chẳng thấy ba viết thư về cho mẹ con mình bao giờ cả. – Tâm Lan thắc mắc với giọng điệu cằn nhằn.
- Ba bận công chuyện, ba phải kiếm tiền để nuôi hai mẹ con mình nữa chứ? – Bà Xuân vẫn dịu giọng và kiên nhẫn giải thích.
- Con nhớ ba lắm. Thế mẹ có nhớ ba không?
- Ừ. Mẹ cũng nhớ. – Bà Xuân cố khóc không thành tiếng và nghiêng đầu sang một bên để Tâm Lan không nhìn thấy những giọt nước mắt đang lăn dài.
- Hôm nay, con tới trường, bọn bạn chọc quê nói con không có ba nên không muốn chơi cùng. Lúc cô giáo phân chia tổ để học bài theo nhóm, cũng chẳng bạn nào chịu cho con vô chung. Buổi chiều đi học về, bạn nào cũng được ba tới rước. Còn con… lủi thủi mỗi một mình. – Tâm Lan cúi gằm mặt và kể lể. Giọng nói có phần hơi lạc đi một chút.
- Tâm Lan này, con không được nghe mọi người nói bậy. Từ ngày mai, mẹ ráng đi làm về sớm rồi đón con. Ba của con là người tốt, ba phải làm việc quần quật để gửi tiền về nuôi con và em trai ăn học. Ở ngoài Bắc rất lạnh, cuộc sống của ba con cùng cực lắm, con có thương ba không?
- Dạ. Con thương.
- Thương ba thì bé Tâm Lan của mẹ phải làm sao nhỉ?
- Phải học giỏi và nghe lời mẹ ạ. Khi nào ba về, ba mua quà lớn cho con.
- Ừ.
Bà Xuân đã từng dỗ dành Tâm Lan như thế mỗi khi cô hỏi về người cha của mình. Dẫu cho người đàn ông ấy có xấu xa hay tàn nhẫn với bà bao nhiêu đi chăng nữa thì bà cũng chẳng mảy may hay biểu cảm một chút gì ra ngoài khuôn mặt. Với tình yêu lớn lao dành cho người đàn ông không xứng đáng, bà vẫn luôn cố gắng xây dựng hình ảnh của một người ba hết mực thương yêu và có trách nhiệm với con cái trong lòng Tâm Lan. Kể cả sau này lớn khôn, cô đã hiểu rõ mọi chuyện thì lòng thù hận về một người ba bội bạc cũng đã vơi đi phần nào. Nỗi niềm của một tuổi thơ được bà xây dựng bằng những ngôn từ hoa mỹ và đẹp như truyện cổ tích, cô vẫn luôn khắc ghi đến từng chi tiết nhỏ cho tới tận bây giờ.
- Mẹ kể về ba đi. Con muốn nghe. – Tâm Lan năn nỉ trước giờ đi ngủ.
- Con thấy trong hình, ba có đẹp không?
Bà Xuân chỉ vào bức hình cưới đen trắng của hai vợ chồng lớn bằng bàn tay để ngay ở thành giường gỗ. Cuộc hôn nhân của ông bà đều không được hai bên gia đình ủng hộ vì mối thù truyền kiếp vẫn chưa thể nào hóa giải. Họ chấp nhận hai bàn tay trắng để cưới nhau, thề nguyền sống chết vẫn luôn bên nhau.
Vậy mà khi Tâm Lan mới chào đời chưa được bao lâu, từ một kỹ sư xây dựng giỏi giang và cần mẫn, ông bất ngờ trở thành kẻ nát rượu và cờ bạc không kể ngày đêm. Ông bỏ đi không nói một lời từ biệt và cũng chưa một lần trở về thăm hai mẹ con. Bà vẫn giữ một niềm tin nơi ông, vẫn hướng tình yêu của mình đến một người không biết còn sống hay đã chết.
Mọi người trách bà dại khi không chịu bước tiếp một lần đò để về già còn có người ở bên chăm sóc. Bà Xuân lắc đầu từ chối: “Tôi phải nuôi con gái mình. Nhất định ông ấy sẽ trở về tìm hai mẹ con tôi”. Cứ ngỡ, cuộc đời sẽ xuôi dòng như thế mà trôi đi, bình lặng cảnh “gà mái nuôi con” và trở thành thiếu phụ chờ chồng muôn kiếp như truyền thuyết núi vọng Phu… Nào ngờ…
Sắc đẹp của bà thời xuân trẻ được mọi người ví như bông hoa ngũ sắc, tiếc rằng hoa nở sớm khi cái giá lạnh của mùa đông còn sót lại mà chẳng kịp chờ nắng ấm xuân sang. Những ông lái buôn tiếng tăm người Tàu si mê bà như điếu đổ. Họ hứa sẽ tặng bà những thước lụa vải vóc dài với văn hoa đầy nét tinh xảo của người phương Tây, những món ăn hải sản nổi tiếng mà chỉ thời vua chúa mới được thưởng thức…, hay hứa sẽ cho bà và Tâm Lan một cuộc sống ấm no, đầy đủ, không kể phân biệt cách đối xử với đứa con chung và riêng. Vậy mà, bà Xuân lắc đầu từ chối tất cả những thứ xa hoa, những lời ong bướm đường ngọt. Và đó cũng chính là lý do mà bà mang bầu lần thứ hai do một tên yêu râu xanh đã không thể cưỡng lại tình yêu, dục vọng trước nhan sắc của bà.
Nỗi đau chồng chất nỗi đau. Cảnh người phụ nữ cô độc, bụng chửa con thơ khăn gói trên chuyến tàu từ Bắc vô Nam khi Tâm Lan vừa tròn ba tuổi. Từ đó, Tâm Lan có thêm một cậu em trai cùng mẹ khác cha, là Lộc.
- Dạ. Đẹp lắm. Ba cao lớn như một vị anh hùng vậy.
Tâm Lan giữ khư khư bức hình ba trong tay. Cô nhìn người ba không chớp mắt với một sự ngưỡng mộ trong mơ hồ. Từ khi Tâm Lan biết gọi ba, gọi mẹ thì người đàn ông ấy đã biến mất khỏi cuộc đời cô và chưa một lần xuất hiện.
- Ba con còn vẽ rất đẹp, ba con xây những ngôi nhà tình thương cho cả những người dân nghèo ở vùng sâu vùng xa nữa. Con có tự hào về ba con không?
- Có chứ ạ. Nếu bạn nào ở lớp còn chọc quê con là đứa không có ba, nhất định con sẽ nói cho bạn đấy biết, ba con là người tốt, ba con là một anh hùng giàu lòng nhân ái, ba còn làm nhiều việc thiện, để bạn ấy phải ghen tị với con.
Bà Xuân vỗ về cho Tâm Lan ngủ. Đã biết bao nhiêu đêm, bà tự xoa nỗi đau của mình mà vẫn luôn trông đợi người đàn ông ấy sẽ quay trở về, dìu bà vượt qua nỗi đau và cùng nhau đi về phía thiên đàng – nơi đấy có thể sẽ hong khô nước mắt. Đã biết bao nhiêu năm, bà luôn mong ngóng: “Tâm Lan lớn lắm rồi, sao ông vẫn chưa trở lại để nhìn thấy sự trưởng thành của con”.
***
Bà Xuân khép lại cửa phòng và bước xuống hành lang. Những câu hát ru khe khẽ của Tâm Lan làm bà càng thêm đau khổ. Bóng đêm đen kìn kịt trong căn nhà như muốn nuốt chửng bà xuống hố sâu của những niềm đau tang tóc.
Bà ngồi xuống ghế sô pha ngoài phòng khách và rót một tách trà nóng. Bà nhấp miệng và cảm thấy vị đắng nghét. Nước mắt rơi lõng bõng như muốn lấp đầy khoảng trống của chiếc tách. Bà cứ thế ngồi lặng đi.
Thời gian chậm rãi trôi qua trong căn phòng yên ắng, lặng thinh. Tiếng tích tắc kim đồng hồ chậm rãi gõ nhịp thời gian càng làm không khí đêm thêm nặng trịch.
Hai giờ đêm, có bàn tay ai đang đụng vào khóa cửa ở cổng, nó lay lay phát ra tiếng động. Dù rất khẽ nhưng nó cũng đủ làm bà Xuân chợt tỉnh dậy trong giấc ngủ chập chờn. Bà từ từ đi về phía cổng nhìn ngó xung quanh nhưng bóng dáng của Hoàng Minh và chiếc xe đã mất hút trong cơn xoáy dữ dội của trời đêm.
Bà lắc đầu vì nghĩ mình vừa trải qua một giấc mơ đầy mộng mị. Gió đêm tạt vào người bà, lạnh buốt. Bà như tỉnh hẳn mà vẫn không hiểu vì sao giữa đêm khuya khoắt thế này, bà lại đứng giữa sân nhà tối thui.
Bà Xuân lẩm bẩm rồi lại lắc đầu: “Già rồi, lẩm cẩm quá”.
Bình Nguyên chăm chú ngắm nhìn từng cử chỉ, đường nét xinh đẹp trên khuôn mặt Tâm Lan.
- Cậu Lộc đưa bé Thảo tới trường rồi hả mẹ? – Giọng Tâm Lan khàn khàn với cơn ho đau rát nơi cổ họng. Vầng trán hơi hâm hấp nóng. Cô ho hắng một lúc rồi tiến về phía bếp.
- Ừ. Con dậy rồi đấy à? Con bé Thảo với thằng Khánh ăn sáng xong rồi theo vợ chồng thằng Lộc đi luôn.
Bà Xuân quay người lại và mỉm cười với Tâm Lan. Cô cũng thừa tinh ý để nhận ra sự mệt mỏi đang hiển hiện trên khuôn mặt mẹ, mặc cho bà Xuân đã cố giấu diếm chúng đi bằng một nụ cười khẽ và cái nhìn trìu mến như mỗi ngày. Và bỗng dưng, nước mắt cô cứ trào ra như không gì có thể ngăn cản nổi.
Bà Xuân hốt hoảng. Bà vội vã khóa bếp ga rồi chạy lại phía Tâm Lan đang đứng. Nhưng khi bà chưa kịp nói gì thì Tâm Lan đã ôm chặt lấy bà và khóc nức nở như một đứa trẻ.
- Tâm Lan. Tâm Lan. Con làm sao thế này?
Bà Xuân vỗ vai Tâm Lan. Bà biết, nước mắt của con gái bà đã thấm qua lớp áo vải màu nâu, ngấm dần và vừa kịp chạm tới làn da. Chúng nóng hổi mà sao bà cảm thấy lạnh giá.
Tâm Lan vẫn khóc thút thít. Cô không trả lời. Cô cứ khóc trên vai bà như ngày học lớp một bị tụi trẻ hàng xóm ghẹo trêu là đứa bé không có ba.
Rồi bà Xuân cũng lặng im. Bà lắng nghe âm vang của tiếng khóc. Bà hòa mình trong nỗi đau và không sao cầm lòng nổi. Nước mắt bà cũng bắt đầu rỉ ra và chảy xuống.
Xót xa vô bến bờ.
Những nhịp đập thời gian lặng lẽ trôi đi, Tâm Lan dần lấy lại được bình tĩnh và thả lỏng vòng ôm. Cô nhích vài bước chân ra xa người bà Xuân một chút. Rồi tự dưng, đôi môi cô lại nở một nụ cười, cứ như thể những giây phút buồn bã vừa mới xảy ra không hề tồn tại.
- Con thích ở với mẹ. – Tâm Lan buông cả hai tay ra khỏi người bà Xuân rồi nở nụ cười mếu máo. Cô quệt nước mắt và nói tiếp. – Tại đã từ lâu lắm rồi, con không được dùng bữa sáng do chính tay mẹ nấu. Nên con… – Tâm Lan ngập ngừng.
- Mẹ không thích con nói dối, nhất là trong hoàn cảnh hiện tại. – Bà Xuân đưa tay vén những lọn tóc xõa trên gương mặt của Tâm Lan sang hai bên. Chưa bao giờ bà cảm thấy Tâm Lan lại tỏ ra hết sức trẻ con như thế này trong suốt nhiều năm qua. – Bởi vì, người đứng trước mặt là mẹ của con, chứ không phải ai khác. – Bà Xuân nhỏ nhẹ nói. Đồng thời, bà đưa tay gạt nước mắt cho cô.
Tâm Lan im lặng. Cô cúi thấp đầu xuống một chút. Hai bàn tay cô vân vê sợi dây quấn quanh vòng eo chiếc váy. Đôi vai mảnh cứ run lên đều đều theo tiếng nấc. Hành động có phần “ngô nghê” như đứa trẻ vừa mắc phải lỗi với người lớn khiến bà Xuân cười thầm.
- Tâm Lan. – Bà Xuân nghiêm giọng lại. – Sáng nay, mẹ làm món bún mọc mà con vẫn thích. Con không muốn thử sao?
Tâm Lan ngẩng đầu lên. Cô gật gật đầu. Đôi môi được giãn ra, nước mắt vẫn tràn xuống và tưới ướt những đường nứt nẻ. Lần này thì tự cô đưa tay quệt ngang sang hai bên má.
- Vậy thì ngồi ngoan ngoãn vào bàn ăn đi, con mèo nhỏ của mẹ ạ.
Bà Xuân cười âu yếm với Tâm Lan rồi quay trở lại bếp.
- À mà con đã khỏe hẳn chưa? Vội vàng tới công ty làm chi cho sớm. Nhỡ đổ bệnh nặng hơn thì tội nghiệp. – Vừa nhắc nhở con gái, bà Xuân vừa bưng hai tô bún mọc ra bàn ăn. Giọng bà hối thúc. – Con ra ăn mau cho nóng, kẻo nguội thì mất ngon. Mẹ để thuốc và nước lọc ngay trên bàn rồi đấy.
- Dạ. Mẹ cũng ăn luôn đi cho nóng ạ.
Tâm Lan ngồi xuống bàn ăn. Cảm giác nôn nao trước mùi thơm khó cưỡng của món bún mọc khiến cô vừa thèm thuồng vừa muốn chạy ào vào toilet ngay lập tức. Bà Xuân cũng đã phát hiện ra những biểu hiện lạ của Tâm Lan trong vài ngày gần đây.
- Con có tin vui phải không, Tâm Lan?
- Dạ? – Tâm Lan bước ra khỏi cửa toilet và cảm nhận được đường nét chân mày đang nhíu lại của bà Xuân như muốn nhắc lại câu hỏi thêm một lần nữa. Cô ấp úng thừa nhận. – Dạ vâng ạ.
- Con đang phân vân vì đứa bé trong bụng ư?
- Dạ, không ạ. Con sẽ làm tất cả để đứa bé được tồn tại.
Tâm Lan quả quyết và nhìn nét mặt có phần hơi lo lắng của bà Xuân. Cô kéo ghế và ngồi xuống phía đối diện.
Đôi khi số phận của những người phụ nữ rất giống nhau. Có thể điểm xuất phát khác nhau, những con đường mòn đi qua cũng khác nhau nhưng đâu đấy cái đích mà họ tìm đến lại luôn có điểm chung hoặc y chang như bản sao cóp nhặt. Tâm Lan đang nghĩ về cảnh một mình sẽ nuôi hai đứa con. Bà Xuân xót xa lòng, tại sao ông trời lại đối xử tệ với cả đứa con gái hết mình vì tình yêu như thế!
- Hãy sống mạnh mẽ lên con! – Bà Xuân ép chặt tay mình vào hai mu bàn tay của Tâm Lan đang để ngay ngắn trên mặt bàn.
- Con sẽ giống mẹ của ngày xưa. Vì thế, mẹ đừng quá lo lắng. – Giọng cô hơi lạc đi một chút.
- Mẹ xin lỗi. Mẹ chẳng giúp được gì cho con cả. Chỉ có một điều duy nhất mẹ muốn nói với con rằng, mẹ sẽ luôn ở bên cạnh và là chỗ dựa vững vàng cho con và các cháu.
- Mẹ! Con có tất cả những thứ mà hẳn cô gái nào cũng phải ước mơ cơ mà. Mẹ đừng lo cho con quá như thế, mẹ à!
- Được rồi. Thế chừng nào con đi khám thai?
- Con đang sắp xếp công việc. Ngay trước khi kết thúc tháng thứ ba là lần khám bắt buộc đầu tiên ở bệnh viện phụ sản, con sẽ tới gặp cậu Hùng – bạn học cấp ba ngày xưa với con và cũng là người đã hộ sinh cho bé Nguyên Thảo.
- Còn thủ tục ly hôn thì sao? Hai đứa có tính kéo dãn thời gian thêm để cùng nhau suy nghĩ lại không? Mẹ thấy đường đột quá, con ạ.
Bà Xuân thở dài nhìn con gái. Căn phòng bếp tĩnh lặng càng làm không khí vào bữa ăn sáng muộn thêm phần ảm đạm. Tâm Lan mím môi quơ chiếc đũa trong bát. Giọng cô khản đặc.
- Có lẽ sẽ nhanh thôi mẹ ạ. Chúng con đều có người quen bên tòa án.
Bà Xuân lặng im. Bà còn biết nói gì hơn khi cả hai vợ chồng chúng đều đã buông xuôi như thế.
- Mẹ đừng có nghĩ gì mẹ nhé! Con thiết nghĩ, biết đâu điều này lại tốt cho cả con và anh Hoàng Minh. Chẳng lẽ, con lại cứ mãi phải chịu cảnh chồng chung. Chẳng lẽ, anh ấy lại cứ phải nói dối hai người đàn bà trong cùng một thời điểm. Còn chuyện hai đứa bé…- Tâm Lan im lặng một chút, cô lẩm bẩm. – Con còn biết làm gì hơn ngoài việc yêu thương và chăm sóc chúng hết mình nữa đây?
Dứt lời, Tâm Lan cố gắng tỏ ra là một người hạnh phúc và cúi đầu nuốt những sợi bún hay vài ngụm nước lèo thơm ngon. Cô cố giữ cho đôi mắt mình ráo hoảnh mỗi khi ngẩng mặt lên nhìn bà Xuân. Đến khi cảm xúc không thể kìm nén được nữa, những giọt nước mắt bắt đầu rơi xuống vào tô bún khiến bà Xuân hốt hoảng.
Cô sụt sùi và nhận lấy vài tớ khăn giấy bà Xuân đưa. Bàn tay đưa ra nguệch ngoạc lau nước mắt, nước mũi. Rồi cô cũng vội vàng xin phép bà tới công ty luôn.
Dáng người cô yếu ớt, mong manh và run rẩy trong từng bước đi của chính mình. Con đường rộng thênh thang và bầu không khí trong lành chào đón cô một ngày mới nhưng có vẻ chẳng hề khởi sắc hơn một chút nào. Cô ghé vào một cửa hàng tạp hóa ven đường mua cuốn tạp chí gia đình với số mới nhất của tháng này. Và cái vẻ đẹp thanh thú, tự nhiên không hề sắp đặt trên khuôn mặt có phần nhợt nhạt của cô đã lọt vào tầm ngắm của một chàng trai lịch lãm đứng kế bên. Anh ta là Bình Nguyên, một kỹ sư làm bên phòng thiết kế công nghệ của Tập đoàn quốc gia. Bình Nguyên nhìn cô chăm chú, từng đường nét trên khuôn mặt, đến mái tóc đen cột chỏng cao hay bộ đầm trắng cô đang khoác trên người… Anh như bị hút hồn bởi từng cử chỉ từ phía cô, từ ngón tay lê dọc lật những trang báo, cho đến đưa bàn tay vén một vài lọn tóc đang bay về phía trước mặt… đến cả cái kiễng chân lên cao cố với một cuốn báo khác trên giá tạp chí. Những hành động của cô nhanh thoăn thoắt nhưng lại hết sức nhẹ nhàng và khéo léo.
Cuốn tạp chí tháng này rất bổ ích và có sức hấp dẫn lớn đối với những người phụ nữ đã lập gia đình. Ngay trang bìa là hình ảnh với nụ cười hạnh phúc của cô diễn viên cùng đứa con trai kháu khỉnh mặc bộ đồ đồng phục màu đỏ của một trường tiểu học Quốc tế. Tự dưng, lòng cô dấy lên một nỗi hoang mang và run rẩy cảnh:” gà mái nuôi con”. Đôi mắt màu nâu của cô đẫm nước:” Chẳng lẽ mình không mạnh mẽ và cười tươi như Kim Hiền được à?” Thế rồi, cô lại bật cười. Bình Nguyên sửng sốt vì sự thay đổi sắc thái biểu cảm một cách đột ngột trên khuôn mặt cô. Điều đó càng khiến anh tò mò và thêm phần chăm chú dõi theo.
Ngoài ra, cuốn tạp chí tháng này còn hướng dẫn nhiều món ăn ngon, đẹp mắt. Trong đó có cả món thịt chiên xốt dứa chua ngọt hay cánh gà nướng tương và mật ong mà Hoàng Minh vẫn thích. Nước mắt lại rỉ ra lần nữa, cô vội vàng lật giở sang trang báo kế tiếp. Rất nhanh và mạnh tay, trang báo phát ra vài tiếng kêu sột soạt. Bà chủ quán tỏ vẻ khá khó chịu và mở giọng cằn nhằn:
- Tôi thấy cô rất thích cuốn báo đó thì phải. Hãy mua nó nếu cô thấy có ích cho bản thân mình. Điều đấy cũng là giúp cho tôi.
- Dạ? – Tâm Lan bặm môi. – Cháu xin lỗi. Cô tính tiền giùm cháu cuốn này, cuốn này, cả cuốn này nữa ạ.
Vừa nói, Tâm Lan vừa luống cuống tay chân lấy thêm vài cuốn tạp chí khác mà bản thân không hề có ý định sẽ cần chúng. Nét mặt bà chủ quán như giãn ra, tươi tỉnh hẳn:
- Cô gái lấy cả cuốn báo thể thao dành cho chồng à? Cô quả là chu đáo quá!
- À không ạ, cháu lấy nhầm. – Tâm Lan sửng sốt. – Phiền cô đổi cuốn đó sang cuốn thời trang và làm đẹp giùm cháu.
Cô thở phào và gửi lại nụ cười méo mó trước khi rời khỏi quầy tạp hóa. Cô quay nhanh người lại và đụng phải vị khách đứng sau. Bình Nguyên nhìn cô, ánh mắt hết sức dịu dàng và nở nụ cười như đã chờ đợi sẵn từ lúc đấy đến giờ. Còn cô chỉ biết bặm đôi môi có phần nhợt nhạt lại. Tâm Lan luống cuống nói lời xin lỗi rồi vội bước đi. Bình Nguyên nheo mắt nhìn theo bóng dáng nhỏ nhắn mà đầy ma lực đang dần khuất bóng ở phía trước mặt. Đồng thời, Bình Nguyên cũng phải trả tiền cho vài cuốn tạp chí về đàn ông, về thể thao hay báo kinh tế khi nhìn thấy thái độ khó chịu của người bán hàng. Lý do là vì thời gian anh đã đứng quá lâu và số lượng đầu báo anh đụng phải dù không có đọc cũng đã quá nhiều. Nhưng anh ngẫm thầm, biết đâu mình sẽ còn gặp lại cô gái xinh đẹp kia thêm nhiều lần về sau nữa, cũng tại địa điểm này, cũng vào thời gian này chẳng hạn, thì việc lấy lòng bà chủ tiệm tạp hóa không còn là vấn đề phức tạp.
***
- Alô… Xin chào! – Kiều Thanh có vẻ lúng túng khi điện thoại trực tiếp tới công ty Tâm Lan đang làm việc. Chần chừ mãi, cô cũng đủ can đảm để đưa ra một yêu cầu hơi tế nhị. – Cảm phiền cô kết nối máy tới cô gái tên là Tâm Lan giúp tôi được chứ?
- Chào mừng bạn đã liên lạc đến văn phòng của chúng tôi. Bạn vui lòng xin chờ trong giây lát…
Khi bộ phận kết nối máy bàn nơi Tâm Lan đang ngồi, cô giật nảy mình, cố hít sâu để lấy lại tinh thần và nhấc điện thoại. Giọng nói niềm nở và dịu dàng như xưa nay vẫn từng thế:
- Vâng. Tâm Lan xin nghe.
- Ồ! Chào cô gái xinh đẹp và có giọng nói ngọt ngào như sữa.
- Chị là… – Tâm Lan mấp máy đôi môi mãi mà không sao dứt nổi được câu phỏng đoán đang hình dung trong đầu.
- Em có thời gian chứ? Chị có chuyện cần gặp em. – Kiều Thanh đi thẳng vào vấn đề. Khi ngắt lời, cô thở hắt ra như người bị thiếu oxi. Hẳn bản thân Kiều Thanh cũng đang rất căng thẳng.
- Không! – Tâm Lan hấp tấp trả lời và tranh thủ một giây để nhìn vào chiếc đồng hồ đeo tay.- Chị biết đấy, chưa đầy vài phút nữa em phải vào phòng thu, chuyên mục sắp bắt đầu rồi.
- Ừ! Chị biết. Chị sẽ chờ em sau ba mươi phút trò chuyện cùng quý thính giả.
Tút… tút… tút. Tín hiệu bị đứt. Tâm Lan ngồi ngẩn ngơ, hai bàn tay lồng vào nhau, ép chặt. Tại sao Kiều Thanh lại điện thoại tới phòng làm việc của cô? Giữa cô và chị ta thì có chuyện gì để nói với nhau ngoài đề tài về người đàn ông tên Lê Hoàng Minh cơ chứ? Hay là, cô ta lại muốn “cướp” bé Nguyên Thảo về để chăm sóc như lời đề nghị ban đầu. Nghĩ đến đây thôi mà đôi vai Tâm Lan run lẩy bẩy.
- Mọi thứ đã sẵn sàng. Mang xấp kịch bản vào phòng thu đi Tâm Lan.
- …
- Tâm Lan…? – Lời gọi của Hoàng Ngân như ra lệnh.
- Dạ. Em…?
- Tới giờ vào phòng thu rồi đây này. Nếu tâm trạng không tốt thì em phải báo trước để chị còn giúp em thay đổi người dẫn chương trình chứ. Dạo này em bị làm sao đấy nhỉ…? – Hoàng Ngân cũng nổi nóng. Bản thân cô cũng đang lo lắng rất nhiều điều về cuộc sống cá nhân của mình.
- Không! – Vừa quơ tay lấy xấp giấy chi chít chữ ở trên bàn, Tâm Lan vừa cười gượng gạo. – Em bất ngờ quá khi nhận được thiệp cưới của chị. Và em cũng đang nghĩ xem mình sẽ mặc chiếc đầm nào vào ngày cưới trong buổi tối cuối tuần tới đó mà.
- Thôi đi cô, cô ăn nói ngọt quá cơ. – Hoàng Ngân cười nheo cả mắt. Nói thì nói thế thôi, chứ trong lòng cô vui hết biết. – Nhớ đưa cả lão Minh và bé Thảo tới nhé. Lâu rồi không gặp hắn, chị thấy nhớ. Cả bé Thảo nữa, chị yêu đôi mắt của nó, nó là thiên thần. Sau này lớn lên, nhất định chị sẽ bắt cóc nó về làm con dâu của chị.
Tâm Lan không nói gì nữa trước đề nghị nửa đùa nửa thật của Hoàng Ngân. Cô kéo ghế lấy đường đi và tiến về phòng thu, những người bạn chưa một lần gặp mặt nhưng lại vô cùng gần gũi đang chờ cô ở đó…
“Tâm Lan rất vui khi được gặp lại quý thính giả của chuyên mục Cùng bạn sẻ chia Radio Tiếng Việt được phát trên Radio tần sóng 100.5 MHz vào 14h Thứ năm hàng tuần và phát lại vào 10h00 Chủ nhật hàng tuần. Chương trình đồng thời được phát trên Radio Robin Hood tần sóng 95,5 MHz vào thứ ba hàng tuần.
Thật may mắn và hạnh phúc cho tôi khi tuần này lại tiếp tục được trò chuyện cùng quý vị trong những giây phút còn lại của một ngày. Những nỗi băn khoăn, trăn trở, những ý tưởng chưa được thực hiện hay nỗi niềm riêng tư mà bạn ngại ngùng giấu kín… Các bạn hãy nói với chúng tôi. Chuyên mục ”Cùng bạn sẻ chia” mong muốn thông qua những câu chuyện, những thắc mắc, những thông điệp yêu thương từ các thính giả nghe đài có thể cảm nhận được, bên cạnh những khó khăn, thử thách của cuộc sống, còn có những giây phút vui vẻ, và hạnh phúc giống như nhâm nhi một tách trà nóng cùng mật ong vậy. Không những thế, chúng tôi còn cung cấp những thông tin về mẹo vặt trong đời sống thường ngày, để giúp các bạn tiết kiệm được thời gian…
Sẽ không làm mất thời gian của quý thính giả thêm nữa, Tâm Lan xin được điểm qua một số cuộc gọi mà tổng đài đã ghi lại hoặc những lá thư thắc mắc được gửi đến. Hãy lắng nghe nhé! Rất thú vị, đầy hài hước và cả cái nhíu mày đầy tâm trạng nữa đấy, các bạn ạ…”
- Kính koong… Mình là bà nội trợ… bị ép buộc và không có chứng chỉ hành nghề nấu ăn. Mình đã rất bực tức khi chồng hứa suông và hậu quả là đã cãi nhau suốt mấy ngày hôm nay rồi. Anh ta bảo sau khi cưới sẽ dọn ra khỏi nhà để ở riêng… Vậy mà bây giờ, anh ta nói, anh ta không thể ở xa mẹ đẻ được. Còn nếu mình yêu anh ta thì hãy ở lại và cùng chăm sóc mẹ chồng… Thật quái quỷ, mình đã bảo mình là bà nội trợ bị ép buộc và không được qua một lớp đào tạo nào cơ mà…, tại sao mẹ chồng cứ cằn nhằn hoài vì sao món này quá cay, món kia thì lại ngọt quá…, hoặc ngâm muối vô rau lâu quá khiến chúng nhìn như rau héo chứ nào phải do tiếc tiền nên mua của rẻ đồ thiu vào bữa chợ chiều … Mình cần lời khuyên, mình cần giúp đỡ. Mình phải làm gì để chống chế mẹ chồng, và cả với ông chồng điêu ngoa của mình nữa…
- Kính koong… Tâm Lan ơi! Cô gái có giọng nói ngọt ngào vẫn đang nghe mình nói đấy chứ? Mình rất cần chia sẻ với bạn, với thính đài. Mình không biết phải đối mặt hoặc làm gì khi mình luôn có cảm giác ông chồng hư đốn đang lén lút ngoại tình. Hãy giúp mình, hãy cho mình biết biểu hiện của việc ngoại tình và giải quyết như thế nào đi…!
- Kính koong… Xin chào chương trình. Mình là một gã trai đã có vợ, còn cô vợ của mình thì bất trị mất rồi. Cô ta hút thuốc như điên. Mùi thuốc ngấm vào gối chăn phòng ngủ, bịn vào từng thớ quần áo…, những mẩu thuốc vứt tung tóe mọi ngóc ngách trong căn nhà. Mỗi ngày đi làm về, mình đều có cảm giác phải chui vào một cái hang sâu hun hút và mờ mịt với khói sương. Cô ta rít thuốc còn nhiều hơn cả đàn ông nữa. Mình thật hết chịu nổi mất rồi… Mình chán vợ. Ôi thưa Chúa, thật tội lỗi. Mình biết điều này chẳng thể tha thứ nổi, mình càng không thể đổ lỗi là vì vợ mình trở nên hư đốn và có những thói quen hết sức đàn ông nên khiến mình phải ngoại tình. Bây giờ sự việc vỡ lở, vợ mình đay nghiến và lặng im. Mình luôn có cảm giác cô ấy sẽ mua cả một lít axit và làm điều dại dột. Điều quan trọng là, mình còn thương vợ nhiều lắm, và cũng không đủ bản lĩnh để đưa người tình đi bỏ trốn. Hãy giúp mình…Cám ơn chương trình nhiều lắm…
- Kính koong…
- …
Sau buổi ghi âm, Tâm Lan buột miệng cười nhạo chính bản thân mình. Khi mà cô đã sống gần ba mươi tuổi đầu, trò chuyện tâm tình hay chia sẻ với hàng trăm độc giả nhưng vẫn không thể hiểu khái niệm của tình yêu và hôn nhân. Hai bàn tay lồng vào nhau, cô ngồi bất động trước một chồng thư chưa đọc từ khách hàng gửi tới.
- Tâm Lan, chị tưởng buổi thu hôm nay sẽ thất bại cơ đấy! Có nhiều tình huống thật nực cười và chị cũng không thể hiểu nổi…- Hoàng Ngân nói gần như rít lên. – Lạy chúa, đã có lúc chị nghĩ một người gần bốn mươi tuổi như mình sẽ sẵn sàng hô vang khẩu hiệu: “Em độc thân, em quyến rũ”. Vậy mà anh ấy đã xuất hiện, anh ấy là mặt trời của riêng chị, anh ấy sẽ dắt chị đi tới những thiên đàng…- Hoàng Ngân chớp chớp mắt – Ôi, hãy cho chị một phút thôi… một phút để “điên” ý mà.
- Tại sao chị lại chỉ xin em một phút chứ? Em sẵn sàng nhường phòng này, chiếc bàn này, và cả cái ghế này nữa cho chị hàng giờ đồng hồ. Em sẽ ra ban công, ngột ngạt quá, ngột thở với người sắp được rước về dinh quá đi mất thôi…
Tâm Lan nửa đùa, nửa thật. Nụ cười méo mó của cô bị che lấp một nửa bởi mái tóc đang rủ về phía trước. Hoàng Ngân sẽ không thể nào phát hiện được cô đang rất buồn.
- Lấy chồng? Chúa ơi! Và cả những đứa con nữa chứ! Chị đang ước ao mình sẽ hạnh phúc tới tận lúc về già đây. Em biết ở Paris đó, những ông bà bước sang tuổi tám mươi vẫn có thể ôm và hôn nhau như nam thanh nữ tú bây giờ. Thật ngây dại…
Hoàng Ngân nhắm hờ đôi mắt, cô đang tưởng tượng về nụ hôn ở tuổi của những ông bà già bên Paris. Môi hôn đó có khác gì với tuổi trẻ. Cái ôm nồng ở tuổi đó sẽ khác với bây giờ ra sao… Hẳn rất ngọt, hẳn rất nồng nàn…
Mối tình thời sinh viên thất bại đã trở thành vết chém đau thương và khổ sở nhất khiến cô thấy “ghê tởm” mỗi khi ai nhắc tới câu“ đợi chờ là hạnh phúc”. Cô chấp nhận hẹn hò với bất kể chàng trai nào ngay sau thời gian đó, dù đẹp mã hay xấu dạng, dù giàu sang hay nghèo hèn. Thời gian cho những cuộc tình đó được tính bằng tháng, bằng tuần, thậm chí là bằng một hay hai bữa cơm rồi đường ai người ấy bước.
Vậy mà ngày ngày, cô vẫn cùng Tâm Lan chia sẻ với quý thính đài, bạn đọc về chuyện tình yêu, chia sẻ những rắc rối. Câu chuyện của độc giả khiến các cô phải coi đó như câu chuyện của chính mình, phải tự nhập vai thành nhân vật trong câu chuyện để đưa ra quyết định và hướng giải quyết. Nhưng Hoàng Ngân không có kinh nghiệm, Hoàng Ngân máy móc và có phần khô khan. Bởi vậy, cô là một kỹ thuật viên phòng thu xuất sắc. Ngần đấy thời gian, đã có lúc cô thốt lên rằng: “Chẳng có chàng trai nào hợp với mình hết trơn hết trọi…”.
- Sắp đến lượt chị rồi. Lấy chồng là biết hết những trái thơm ở đời mà Chúa đã sắp đặt. Đừng nôn nóng, chị ạ. – Tâm Lan bật cười. Những người đang yêu thường có nhiều hành động vô cùng khó hiểu. Cô ngẫm thầm, ngày xưa, cũng có thời gian cô như thế.
- Nhìn gia đình em hạnh phúc thế, chị chẳng lo. Lẽ nào, chị không làm được ư? Nếu có khúc mắc nào, chị hứa sẽ mang giấy bút sang nhà em để xin tí kinh nghiệm.
Nói xong, Hoàng Ngân quàng ba lô ra phía sau và ôm chồng tài liệu tiến về phía cửa văn phòng: “Cũng nên về sớm đi mà lo cơm nước cho gia đình. Chị phải tranh thủ chuẩn bị cho ngày cưới. Ngày kia sẽ có người đến thay chị, em cố gắng làm việc với cô ả này nhé. Nghe sếp nói, đó là người có năng lực nhưng trong vấn đề giao tiếp thì khá kiệm lời. Chị tin tưởng ở em mà. À, nhớ đưa chồng và con bé đến dự tiệc cưới của chị, rất mong mỏi gia đình em”.
Tâm Lan nhoẻn miệng cười thay lời chào tạm biệt. Cô thu lại một chồng thư của khách hàng để gọn vào túi xách. Đó là bạn của cô mỗi khi đêm về… Cô bỗng dưng nhớ đến những câu thơ:
“Chém cha cái kiếp lấy chồng chung
Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng
Năm thì mười họa, nên chăng chớ
Một tháng đôi lần, có cũng không…”.
Chúc các bạn online vui vẻ !