Tôi THIẾU.
Và tôi sẽ phải lấp đủ nó bằng những tình yêu bên ngoài.
Tôi sẽ yêu một cô gái giỏi giang, nói tiếng Anh nhanh như gió, hiểu biết và khiến tôi nóng rực lên, muốn phấn đấu hơn nữa để không bị mất mặt.
Tôi sẽ yêu một cô gái luôn biết ôm lấy tôi và im lặng lắng nghe tôi lên án kẻ khác vì những cái sai của mình. Cô ấy sẽ ủng hộ tôi dù tôi đúng hay sai bởi cô ấy yêu tôi.
Tôi cũng sẽ yêu một cô nấu nướng cực tuyệt. Buổi trưa, tôi thay vì ăn cơm tòa soạn, tôi sẽ về nhà cô ấy để ăn những món ăn cô ấy nấu. Chắc chắn đó sẽ là những bữa tiệc mini của hai người. Một chút rượu vang, những đĩa đồ ăn khói nghi ngút và luôn lạ miệng. Cô ấy sẽ chống cằm với đôi mắt long lanh nhìn tôi ăn mà hạnh phúc vô biên.
Tôi cũng sẽ yêu một cô luôn biết kín đáo nhét vào ví tôi số tiền để tôi có thể mời bạn bè cà phê, nhậu nhẹt. Cái ví tôi sẽ phải là ví Thạch Sanh, hết lại đầy.
Chắc chắn, cô gái tôi yêu ngoài vợ mình sẽ biết cách khiến tôi ĐỦ.
Bởi đơn giản, cô ấy không phải vợ tôi.
Cô ấy không đòi hỏi tôi quan tâm đến cô ấy bởi cô ấy biết cách khiến tôi phải quan tâm đến cô ấy. Cách đó đơn giản lắm! Bởi cô ấy ngọt ngào như vậy thì tôi sẽ bị nghiên cô ấy mà chăm chăm quan tâm đến cô ấy thôi.
Vậy thì tại sao vợ tôi không thể ngọt ngào như cô ấy?
Bởi vợ tôi là vợ của tôi.
Bởi cô ấy đâu phải lo tài chính cho gia đình, cho cả bố mẹ tôi và các con tôi.
Bởi cô ấy đâu phải đầu tắt mặt tối vừa ôm con vừa lo nấu nướng, giặt giũ lại đi làm vất vả và nhức đầu với trách nhiệm con dâu trưởng?
Bởi cô ấy chỉ đơn giản là người yêu của tôi.
Dưới chân núi nào cỏ chẳng xanh? Cứ lấy về đi, rồi sẽ thấy, 100 ông chồng và 100 bà vợ thì 99 người không còn như thời đang yêu.
Và nếu cái THIẾU trong tôi làm mờ mắt tôi, tôi sẽ bỏ vợ mình để sống cùng cô gái kia.
Hoặc ít ra, tôi sẽ lừa dối vợ mình, lấy đủ cớ để trốn đi cùng cô gái kia.
Tôi sẽ quẳng con mình cho ông bà nội trông để có thể ở bên cô gái kia nhiều hơn.
Tôi sẽ cảm thấy ĐỦ hơn không khi cùng lúc yêu hai người phụ nữ?
Lòng tham sẽ khiến tôi vẫn có vợ mà vẫn có bồ?
Và tôi sẽ bao biện cho điều này bằng những thứ tôi đã liệt kê ở trên,.
Sẽ chẳng ai trách tôi vì tôi vẫn có trách nhiệm với gia đình đấy thôi.
Nhưng vợ tôi sẽ đau đớn thế nào khi biết chồng mình đã ngủ cùng một người phụ nữ khác?
Và con tôi, nó có thể tốt được không nếu thay vì thời gian tôi có thể bên nó, tôi đã bỏ nó ở nhà ông bà nội để đi với người phụ nữ khác?
Và gia đình của tôi sẽ thế nào?
Nếu tôi như thế, tôi có ĐỦ được không hả tôi?
Cuộc đời chật hẹp.
Trái tim của mỗi người còn chật hẹp hơn.
Một khi nó đã có một ai dó khác, liệu còn chỗ nào nữa để dung chứa những điều khác?
Cho dù tôi có ngụy biện rằng tôi vẫn trách nhiệm với con cái và gia đình.
Thì đó cũng là ngụy biện.
Sự lừa dối là sai dù nó được khoác lên bằng những tấm áo choàng lộng lẫy thế nào đi chăng nữa.
ĐỦ hay THIẾU?
Xét cho cùng nó cũng là thứ định lượng cảm tính.
Nó ĐỦ khi người ta không cảm thấy THIẾU.
Và để không cảm thấy THIẾU, hãy biết định lượng lại những gì bạn đang có thay vì chỉ cân đo những điều bạn muốn có.
Nếu bạn chỉ nghĩ đến những thứ bạn MUỐN thì bạn sẽ không bao giờ thấy những thứ bạn CÓ.
Nó giống như khi bạn cứ muốn bước thật mau trên một con đường quá nhiều những ổ gà.
Nó giống như khi bạn húp một tô cháo nóng.
Một khi bạn không biết trân trọng hiện tại, bạn sẽ chỉ mãi như một con rối chạy đuổi theo những ảo ảnh.
Tháng Hai THIẾU nhưng nó vẫn ĐỦ.
THIẾU ngày cho một tháng nhưng ĐỦ ngày cho một năm.
Nó có 28 ngày nhưng chất chứa trong đó là một lễ Valentine nồng nàn.
Nó cho ta biết rằng hãy sống mỗi ngày của tháng Hai nhiều hơn 24 giờ.
Hãy sônsg 26,5 giờ cho mỗi ngày của tháng Hai để trọn vẹn 744 giờ của những tháng có 31 ngày.
Thay vì bạn ngồi trách cứ tháng Hai chỉ có 28 ngày không ĐỦ cho bạn sống.
Và Pi của bố, hàng năm, cứ đến tháng Hai, hãy nhớ rằng đó là tháng để mình ĐỦ.
Dù có thể mẹ (và cả bố) còn THIẾU nhiều tiêu chí để trở thành người vợ (người chồng) tuyệt vời thì cũng là bởi tuổi đời của cuộc hôn nhân này chỉ mới bằng tuổi của con. Làm sao có thể biết rằng mình đã làm sai điều gì và điều gì là đúng? Cũng như con nói: “Tuyệt đối không thể tha thứ được” hay “phép thuật từ lòng dũng cảm” thì con cũng đã biết đâu về sự THA THỨ và lòng DŨNG CẢM? Thì cuộc HÔN NHN này cũng vậy con ạ, mẹ (và bố) cũng đang phải học mỗi ngày sau những lần làm tổn thương nhau. Có những lúc đã tưởng chừng không thể hàn gắn lại được nữa nhưng bố vẫn tin rằng tháng Hai sẽ ĐỦ nếu như ta sống 26,5 giờ mỗi ngày. Và em ạ, những CHỚP TẮT của tình yêu vẫn là điều thường thấy. Chúng ta đến với nhau đâu phải vừa gặp đã yêu? Chúng ta đã đắp bồi bao nhiêu thì chúng ta mới gắn kết được đến thế chứ? Đừng lo những SAI L̀M sẽ giết chết ta bởi cả anh và em đều còn quá trẻ để có thể làm lại tất cả.
Chọn vợ bên bàn bia
Tít giật gân câu khách, giả dụ có khách bị lừa thì coi như bia nói chứ không phải người viết lừa. Vì quả thật, tối nay có ba anh chàng ngồi uống bia và nói chuyện chọn vợ.
GIỚI THIỆU NHN ṾT
Mr. X: 32 tuổi. Chưa vợ. Vẫn luôn thèm khát một mái ấm. Sáng sáng dậy vẫn hay bị hai cụ ở nhà cho súc miệng ăn sáng bằng bài ca: Lấy vợ mau lên.
Mr. XX (2X): 32 tuổi. Đang có vợ. Chỉ số hạnh phúc 10/10. Sáng sáng dậy vẫn hay bị vợ cho súc miệng ăn sáng bằng bài ca: Lấy vợ máu lên.
Mr. XXX (3X): 32 tuổi. Đã từng có vợ. Chưa khi nào hết khát thèm một mái ấm. Sáng sáng dậy vẫn hay bị chính bản thân cho súc miệng ăn sáng bằng bài ca: Lấy vợ mau lên.
BỐI CẢNH:
Hàng bia 65 Ngô Thì Nhậm. Tối cuối thu, trăng lạnh mờ sương.
ĐỊNH NGHĨA VỢ
Mr. X: Tớ muốn đó sẽ là người phụ nữa mà tớ có thể trò chuyện. Tất nhiên, còn nhiều yếu tố khác nữa. Nhưng vợ sẽ phải là một người có thể nói chuyện được với mình.
Mr. XX: Quang trọng là nó cần mình. Một khi nó đã không cần mình thì nó là giời là bể thì cũng thế mà thôi.
Mr. XXX: Đã từng qua một tập, tớ cho rằng vợ phải là một người phụ nữ. Tớ cóc muốn cưới đàn ông về làm vợ.
VỢ!
Hẳn nhiên, đó phải là một người phụ nữ. Giữa hơn ba tỉ người phụ nữ trên hành tinh này, người phụ nữ nào sẽ là người khiến ta mong muốn trở thành vợ ta?
Có bao nhiêu tiêu chí để một người phụ nữ khiến đàn ông phát điên lên vì muốn cưới nàng làm vợ?
- Xinh đẹp đủ để chồng tự hào và hãnh diện khi đi bên cạnh
- Thông minh đủ để biết việc nào nên làm và việc nào không nên làm
- Biết nấu ăn, may vá
- Chăm chỉ, hiền lành
- Nhân hậu, tốt bụng
- Biết trân trọng và yêu thương bố mẹ chồng
- Biết tằn tiện chi tiêu
- Có thể lắng nghe và chia sẻ với chồng những chuyện bình thường trong cuộc sống
- Vợ chồng xxx với nhau, vợ đừng vừa nằm vừa nhẩm tính tiền chợ, nghĩ chuyện đâu đâu
- Chung thủy và thật thà
- Có học thức và văn hóa
- ...
Không có cô gái nào có thể hội tụ đủ được những gạch đầu dòng trên. Nhưng đàn ông cũng không quá đòi hỏi phải có tất cả những điều kể trên. Vì thế, nếu cô nào có từ một đến hai gạch đầu dòng trên sẽ yên tâm là không bị ế.
Nhưng. Nhưng nếu giả dụ cô nào không có dù chỉ một cái gạch đầu dòng trên thì sao? Không lẽ ế?
Mr. X: Chắc chắn! Sẽ ế!
Mr. XX: Chưa chắc! Vì đàn ông anh em mình cũng đâu đủ như những gì phụ nữ họ mong ước đâu?
Mr. XXX: Không ế! Vì thực sự, chúng ta cứ đưa ra hàng trăm tiêu chí để rồi ta sẽ cưới người phụ nữ ta yêu chứ không phải người phụ nữ đủ những tiêu chí ta đề ra.
ĐIỀU GÌ KHIẾN MỘT NGƯỜI ĐÀN ÔNG RUNG ĐỘNG?
Mr. X: Trò chuyện thông minh, trên giường tuyệt vời và nghiện mình hết mức.
Mr. XX: Nhiều khi nghĩ bực điên lên được nhưng nghĩ kỹ lại thấy thương nó nhiều hơn. Phụ nữ họ cũng chẳng mạnh mẽ lắm đâu, họ cũng như ta, có nhiều thứ không dễ dàng làm được. Họ cũng cần ta giúp họ một tay. Hôn nhân là người cùng xây đắp chứ không phải chỉ mình ta hay mình nó.
Mr. XXX: Cái cách cô ấy trân trọng cuộc hôn nhân luôn là điều khiến tớ rung động.
Phụ nữ cứ nghĩ họ nấu một bữa ăn thật ngon, chiều chuộng chồng thật thỏa thuê trên giường hay cái cách hy sinh cuộc sống bản thân để chỉ lo làm hậu phương vững chắc cho chồng là sẽ được chồng yêu, sẽ có được cuộc hôn nhân hạnh phúc.
Lại có người cho rằng: Phụ nữ nào cũng thế cả mà thôi. Vợ sẽ là người khiến mình thấy ổn định nhất, cho mình cảm giác ổn định nhất.
Hay cũng có người lại cho rằng: Nếu mình cưới cô ấy, mình sẽ được cái này, cái này, cái này... mình sẽ mất cái này, cái này, cái này... Rồi đem lên bàn cân, cân đong đo đếm xem giữa được và mất bên nào nặng hơn thì sẽ quyết định có cưới hay không.
Người chưa một lần kết hôn sẽ rất phóng khoáng cho rằng ổn là cưới. (Ổn theo quan niệm của họ.)
Người đã từng kết hôn sẽ hiểu rằng trước và sau hôn nhân, phụ nữ khác nhau vô cùng.
Và người đã từng kết hôn nhưng đã đổ vỡ sẽ mang nhiều âu lo khi chạm vào những tình huống cần quyết định.
Dẹp!
Xét cho cùng, hôn nhân sẽ là gì nếu không có tình yêu đủ để người ta muốn cưới nhau?
Tình yêu đủ để cưới nhau không phải chỉ là những thứ hầm bà lằng, lãng mạn kiểu: Côa áy thật tinh tế! Cô ấy thông minh! Cô ấy biết điều! Cô ấy thật thà! Cô ấy ổn định! Cô ấy blah blah...
Xét cho cùng, tình yêu đủ để cưới nhau lại chỉ đơn giản là thứ tình yêu khiến người ta muốn gắn kết với nhau lâu dài và không hối hận.
Nó như một chiếc áo vừa vặn thay vì một chiếc áo sành điệu, hợp mốt hay đắt tiền.
Một chiếc áo vừa vặn.
Ở đó, sở thích, tính cách và phong cách sống có đóng góp gì không?
Nếu hai con người đó cùng sở thích, cùng tính cách, cùng phong cách sống thì có chắc cuộc hôn nhân đó bền vững không? Ai dám chắc xin giơ tay lên! Rồi, bây giờ thì cứ giữ tay như thế đã và nghe hỏi tiếp: Hôn nhân bền vững là do sở thích chung, tính cách chung, phong cách sống giống nhau phải không? Ai thấy lăn tăn không trả lời được thì bỏ tay xuống. Ai mỏi tay quá thì cũng bỏ xuống luôn.
Hôn nhân bền vững được là do điều gì?
Mr. 3X – người đã từng kinh qua một cuộc hôn nhân cho biết: Sở thích chung, tính cách chung và phong cách sống giống nhau chỉ có thể khiến cho cuộc hôn nhân đó hoàn hảo hơn chứ chưa chắc nó đã khiến cuộc hôn nhân đó bền vững. Bởi đã có những thứ đổ vỡ ngay cả khi hai người đó giống nhau trong sở thích, tính cách và phong cách sống. Bởi sở thích, tính cách và phong cách sống bản thân nó đã không phải là thứ bền vững. Có người hôm trước ghét nơi ồn ào, chỉ thích lang thang một mình hoặc đến những nơi chỉ có hai người với nhau. Nhưng hôm sau có thể thích mê đi sự ồn ã, cuồng nhiệt khi tham gia một buổi party. Có người tính cách sôi nổi, nhiệt huyết nhưng một cú ngoặt (chứ không phải một cú sốc) người đó bỗng khác đi. Phong cách sống cũng vậy. Mọi thứ đều thay đổi theo thời gian và môi trường họ sống. Và cả vì tình yêu của họ với đối phương. Vậy đến khi những thứ giống nhau mất đi thì họ sẽ còn lại cái gì để giữ cho cuộc hôn nhân ấy hoàn hảo như nó đã từng hoàn hảo? Và nếu không còn những thứ giống nhau ấy, họ có còn tiếp tục cuộc hôn nhân đó không? Hay anh sẽ say nắng một cô khác có sở thích, tính cách và phong cách sống giống anh hiện tại và cô cũng thế?
Mr. 2X phản biện: Nhưng nếu không có chung sở thích, tính cách và phong cách sống, hai người đó sẽ khó lòng chia sẻ với nhau đấy! Chồng khoái đi chơi xa, vợ lại chỉ thích ở nhà. Chẹp, thật là đáng sợ!
Mr. 1X: Tớ cóc biết! Chỉ biết rằng từ khi yêu tớ, cô ấy đã chăm chỉ đọc những cuốn sách tớ đọc. Còn tớ thì đã chịu khó ăn cơm không ngậm nữa, hẹn hò thì rất đúng giờ. Tớ nghĩ, khác nhaud dến mấy miễn là yêu nhau, họ sẽ tìm cách để có thể hòa hợp. Hòa hợp tự nguyện vì muốn đem đến cho nhau hạnh phúc chứ không phải bắt buộc để giữ tình yêu.
Hòa hợp. Mr. 2X và Mr. 3X hẳn sẽ giật mình đêm nay.
Bởi tình yêu còn là gì nếu hai người yêu nhau chỉ chăm chăm cho cảm xúc của bản thân mà không thèm đếm xỉa hoặc áp đặt đối phương phải sống như mình?
Bởi hôn nhân còn không nếu như ai cũng giữ rịt quan điểm về gia đình cho riêng mình mà bắt đối phương phải “giống như bố em”, “giống như mẹ anh.”
Bởi hôn nhân là một đứa trẻ nhỏ. Nó cần được lớn lên bằng sự nỗ lực xây dựng của cả hai thay vì như cỏ cây tự lớn rồi tự diệt. Bước vào hôn nhân, dẫu đó là Mr. 1X hay Mr. 3X thì đều như nhau. Bởi không ai có thể lấy kinh nghiệm của cuộc hôn nhân người khác (hoặc đã từng với người khác) để áp dụng cho bản thân cuộc hôn nhân này.
Bia hết rồi!
Trời se lạnh!
Về thôi!
Mr. 1X sẽ tiếp tục một trận rượu khác và vẫn nghĩ rằng: Sau này có gia đình rồi, đừng hòng vợ cho mình đi uống thế này nữa! Phải tranh thủ thôi!
Mr. 2X sẽ về nhà thủ thỉ với vợ rằng: Anh yêu em mỗi ngày mình sống bên nhau. Hôn nhân càng lâu năm sẽ càng như rượu rồng đượm. Anh sẽ say em!
Mr. 3X sẽ về nhà trong hơi men và bật khóc vì y đã từng có một mái ấm để rồi giờ đây, y chỉ còn lại một mình.
Và sáng hôm sau, ba Mr. ấy sẽ lần lượt súc miệng và ăn sáng bằng những điệp khúc quen thuộc xoay quanh một chữ VỢ.
Nghĩ về hạnh phúc
Đọc lúc giao thừa
Có lẽ, sẽ nghĩ thật nhiều về Hạnh Phúc vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Cứ tưởng tượng ra, lúc ấy, bên Hồ Gươm, nhìn pháo hoa rực rỡ, chúng mình sẽ nắm tay nhau và nghĩ về Hạnh Phúc, em nhé!
Nghĩ về Hạnh Phúc là khi chạm tay vào chiếc nhẫn cưới để biết rằng cuộc đời của chúng mình đã có một cam kết gắn bó. Dù có thể, lời cam kết đó có đôi lần khiến chúng ta bật khóc như một đứa trẻ vừa bị ức hiếp. Thì lời cam kết đó cũng không thể mất đi khi anh và em còn cả một quãng đường dài phía trước. Anh nghĩ về những ngày sắp tới thay vì ngoảnh lại phía sau. Anh giữ lại trong tim anh những vết nứt không phải để trách cứ rằng chúng ta đã từng làm tổn thương nhau mà để anh biết rằng, hạnh phúc thật mong manh và cần phải gìn giữ. Hãy cứ cố gắng đi, từng chút một, nhỏ thôi, để một ngày ngoái lại, ta sẽ thấy mình có được bao nhiêu. Hạnh Phúc cần dành dụm và gom góp, phải không em?
Nghĩ về Hạnh Phúc là khi ta cùng nắm tay con để biết rằng đứa con này được sinh ra vì tình yêu mà chúng ta dành cho nhau. Vì em đã từng yêu anh biết bao, vì anh chưa từng ngưng lại tình yêu của mình với em. Chúng ta đã yêu nhau bằng tất cả đam mê và vụng dại của một thời tơ nõn. Và các con của chúng mình đã được sinh ra bằng tình yêu chứ không phải bằng nghĩa vụ. Vậy thì nhìn con không chỉ để thấy tình yêu chúng ta đã có, mà sẽ thấy, tình yêu của chúng ta sẽ không bao giờ mất đi. Có thể đôi lúc, giữa hai lần chớp tắt của trái tim, chúng ta ngỡ tưởng đã hết yêu nhau rồi, thì em ạ, tình yêu ấy vẫn nguyên vẹn và đang lớn lên từng ngày. Là con đấy! Là những gieo mầm vào mùa Xuân, cuồng nhiệt vào mùa Hạ, tha thiết vào mùa Thu và thấu tận cùng nhau vào mùa Đông. Hạnh Phúc là hữu hình phải không em?
Nghĩ về Hạnh Phúc là nghĩ về đau khổ. Đớn đau để chúng mình khôn lớn và trưởng thành. Những ngày qua, anh đã thấy mình khôn lớn và trưởng thành hơn rất nhiều. Những đồng nghiệp của anh đều đã nói thế. Bản thân anh cũng nhận ra thế. Và em, em có thấy điều đó nơi anh?
Có một người bạn kể cho anh nghe về bạn của họ. Những người phụ nữ có chồng và có con. Chồng của họ kiếm tiền bạc tỷ. Con của họ có vài ô-sin chăm sóc. Họ chạy ô tô đời mới nhất và tiêu tiền không bao giờ phải nghĩ. Nhưng họ có được hạnh phúc không? Khi chồng họ đi biền biệt. Mỗi chuyến đi tỉ lệ thuận với số tiền mang về. Những người phụ nữ ấy đã tìm đến nhau, trong những quán cà phê sang trọng. Họ cười nói, khoe xe cộ, khoe trang sức nhưng đêm về, họ chỉ còn một mình. Họ cố tìm vui bằng cách đi spa, đi khiêu vũ, mua sắm... Nhưng có thể có được coi là hạnh phúc chăng nếu như họ chỉ là như vậy? Là Sướng chứ không phải là Hạnh Phúc. Là Hưởng Thụ chứ không phải là Thỏa Mãn. Anh cũng nghĩ, liệu có phải vì anh đang AQ bản thân mình? Không em ạ! Hạnh Phúc nào đâu phải mua sắm mũ áo xênh xang trong khi đời sống tinh thần chỉ là như thế? Ừ, họ có tiền, họ cũng có thể kiếm một vài tình yêu để lấp đầy khoảng trống trong họ. Nhưng những thứ tình yêu ngoài hôn nhân chỉ là thứ tình yêu lấp đầy khoảng trống chứ không phải là thứ tình yêu là lẽ sống như chúng ta từng có. Không thể có những đứa trẻ con như Pi – Mỹ – Nguyên và làm sao để cảm thấy cho được sự thiêng liêng của chiếc nhẫn trên tay?
Anh cũng thấy những gia đình cãi nhau ầm ĩ. Thậm chí văng tục. Thậm chí đấm đá nhau. Liệu có thể có Hạnh Phúc nơi những gia đình ấy được chăng? Hạnh Phúc của những người dân trí thấp, thậm chí thiếu văn hóa, văn minh như vậy dường như chỉ là một con số 0 tròn trĩnh. Nhưng không, anh vẫn thấy họ nhoẻn miệng cười với nhau khi cơn giận qua đi. Bởi họ biết rằng dù thế nào, họ cũng cần phải đi cùng nhau tiếp con đường dài phía trước. Hạnh Phúc phải chăng sẽ đến khi ta nhìn xa hơn nơi ta đứng?
Nghĩ về Hạnh Phúc, anh lại nghĩ về những cuộc đời, những gia đình, những số phận mà anh tình cờ gặp trên đường đời. Mỗi con người, mỗi cuộc đời, mỗi gia đình, mỗi số phận đều cho anh một câu chuyện về Hạnh Phúc. Có câu chuyện ồn ào rằng Hạnh Phúc là hai vợ chồng trốn con đi xem phim và về chui vào nhà nghỉ ôn lại tình yêu. Có câu chuyện lại rất nhẹ nhàng cho anh biết, Hạnh Phúc là khi họ cầm tay nhau khi qua đường. Lại có câu chuyện triết lý về một người mẹ có hai đứa con, một đứa bán ô, một đứa bán áo mưa. Trời mưa thì người mẹ thương đứa con bán ô không bán được hàng. Trời nắng thì bà ấy lại thương đứa con bán áo mưa vắng khách. Và cuộc đời của bà sống trong những lo lắng luân phiên. Chỉ đến khi nhà hiền triết đi qua, ông ta bảo: Bà hãy thử nghĩ lại xem, trời mưa hãy mừng cho cậu con trai bán áo mưa sẽ đông khách. Và trời nắng, hãy thấy mừng cho cậu bán ô bán được nhiều ô. Hạnh Phúc cũng thế! Nếu ta nhìn đời bằng đôi mắt tích cực, ta sẽ thấy Hạnh Phúc đang ở rất gần. Cũng như quy luật 80/20. 80 người làm ta đau tưởng chừng muốn chết thì ta hãy nên sống thật kiên cường cho 20 người đang tin ta. Hạnh Phúc có hay không là ở góc nhìn của ta, phải không em?
Chúng ta đã ở đây, bên Hồ Gươm này, xem pháo hoa, bao nhiêu năm rồi em nhỉ? Từ ngày chúng mình yêu nhau... Và năm nay, chúng ta cũng đứng ở đây. Mỗi năm, chúng ta lại lớn thêm. (Hay già đi?)
Và anh vẫn tin rằng Hạnh Phúc là điều có thật.
Bằng chứng là chúng ta còn ở bên nhau.
Bằng chứng là những đứa con của chúng ta mỗi ngày lại khiến chúng ta phát điên lên vì chúng sống quá tình cảm với bố mẹ.
Bằng chứng là chúng ta có hai gia đình lớn, chúng ta có một gia đình nhỏ.
Bằng chứng là anh đã muốn hôn em ngay từ bây giờ, trước giao thừa đến 72 tiếng đồng hồ.
Và em, có chồi non nào bắt đầu nhú lên trong trái tim em chưa? Để anh tưới tắm chồi non ấy bằng nỗi khát khao như đứa trẻ nhỏ, được ở bên em, được tiếp tục đồng hành với em thêm 50 năm nữa kể từ hôm nay.
Lại nói chuyện hôn nhân
Những thương yêu vỡ vụn còn đâu?
Mọi con đường đều không còn điểm cuối
Khi người lớn còn co công kéo lỗi
Đôi mắt con ngơ ngác đến mủn lòng
Bố gặp con theo lịch mỗi cuối tuần
Thương con lắm, nhưng đời là như thế
Bố cũng đau, những hẹn lời dâu bể
Đến bây giờ là trơ khấc đớn đau
Con níu tay: Bố ơi! Đừng bỏ đi
Bố quay mặt tránh cái nhìn của mẹ
Bởi con đường có quá nhiều ngã rẽ
Bố mẹ gặp nhau mùa bồng bột nên đành...
Bố mẹ yêu nhau bằng nông nổi vội vàng
Nên cơn bão đi qua là tan vỡ
Con sinh ra đã chịu nhiều đau khổ
Bố mẹ trót xây một giấc mộng vàng
Hôn nhân là một cú nổ Big Bang
Đôi mắt con một khoảng trống tan hoang...
Có bao nhiêu cuộc hôn nhân được xây dựng bằng ước mơ?
Có bao nhiêu cuộc hôn nhân được đắp bồi bằng hy vọng?
Người ta cưới nhau bằng sự háo hức
Người ta kết hôn bằng sự mơ mộng.
Và ùm một cái.
Hôn nhân là cách để tỉnh giấc mộng.
Trước khi cưới, người phụ nữ nghĩ hôn nhân sẽ khiến chàng trai của họ thay đổi. Chàng trai nghĩ cô gái mình yêu sẽ mãi như khi đang yêu. Và cả hai đều vỡ mộng.
Cô gái mong chờ chàng trai có trách nhiệm hơn, tử tế hơn, chung thủy hơn... sau kết hôn. Nhưng cô đã lầm!
Chàng trai mong cô gái vẫn là cô gái mà anh ta đã từng yêu... sau kết hôn. Và chàng trai cũng lầm.
Tình yêu dù có được thử lửa bằng hàng nghìn cách thì cũng chẳng có cách gì ứng dụng được cho hôn nhân.
Sống thử có thể thấy rất ổn nhưng hôn nhân không phải là chuyện thử.
Và khi đã lấy nhau rồi.
Tôi vẫn đùa (nhưng là nói thật) với bạn bè: Nếu bạn vẫn muốn ngắm và hôn một cô gái khi cô ta vừa ngủ dậy thì tức là bạn đã yêu cô ta thật sự rồi.
Nhưng hôn nhân thì khác.
Điều đó không áp dụng được cho hôn nhân.
Bạn sẽ không có cách nào để biết đâu là một người chồng, người vợ mà bạn thật sự có.
Vì tình yêu nào cũng mang số phận của nó.
Còn hôn nhân thì tự nó làm ra số phận của mình.
Người ta có thể chia tay một tình yêu bằng nhiều lý do, nhiều cách khác nhau.
Nhưng hôn nhân thì không, nó bị hủy hoại bởi chính nó, theo cách của nó.
Vì hôn nhân là cả đời.
Còn tình yêu là một giai đoạn.
Đời sống của hôn nhân bắt đầu bằng hai cá thể về sống chung với nhau.
Còn tình yêu bắt đầu bằng cảm xúc.
Tình yêu vẫn thỏa hiệp với cái TÔI của mỗi người.
Nhưng hôn nhân thì không có cái TÔI.
Và hôn nhân đổ vỡ chỉ vì cái TÔI còn sót lại, cái TÔI quá mạnh.
Tôi đã chứng kiến bao nhiêu cuộc hôn nhân vỡ vụn rồi? Tôi không nhớ và không muốn nhớ nữa. Vì tôi sẽ khóc mất khi nhìn thấy những đôi mắt tròn xoe đầy ám ảnh của những đứa con.
Cưới, sao phải cuống?
Một đám cưới đẹp nhất là lúc nào? Không phải khi đi xin dâu, đêm tân hôn hay lúc... đếm phong bì. Hóa ra một đám cưới đẹp nhất là khi người ta quyết định sẽ có một đám cưới vào ngày X tháng Y năm Z. Tức là đã đi hỏi ông bà thầy bói nào đó xem ngày. Vì sao nó đẹp? Vì nó là cái mà người ta chờ đợi. Hóa ra, sự chờ đợi cũng ẩn chứa hạnh phúc trong nó. Vì có điều đáng để ta chờ đợi. Không có sự chờ đợi nào mới thực sự là rỗng. Khi bạn biết mình đang chờ đợi điều gì đó thì bạn hãy vui đi. Bởi bạn sẽ chẳng vui nổi đâu nếu bạn chẳng có điều gì để chờ đợi cả.
Hôn nhân là một câu chuyện dài không có điểm kết (mà chẳng ai khi bắt đầu một cuộc hôn nhân lại mong nó có điểm kết thúc cả). Vì thế, dù buồn hay vui thì nó cũng là cả một hành trình đòi hỏi nhiều hy sinh. Hoa trái sẽ khai sinh từ sự biết điều. Hôn nhân là một chiếc xe chạy nhiên liệu là sự biết điều. Nó sẽ chết máy nếu như bạn không biết điều. Sự biết điều bao gồm cả khả năng diễn kịch làm người thua cuộc. Trong tất cả các cuộc tranh luận, hãy biết lúc nào cần thua cuộc thì mới có thể thắng cuộc ở các chặng sau.
Cảm giác trở về nhà mình sẽ rất rõ rệt với những người bắt đầu cuộc hôn nhân. Bạn biết từ bây giờ, mọi con đường đều dẫn đến một nơi: Ngôi nhà của mình. Điều đó tuyệt vời hơn bất cứ điều gì bạn đã trải qua. Đấy là đích đến cuối mỗi ngày của bạn.
Hôn nhân mang đến cho bạn cả những bữa cơm nữa. Đó là những bữa cơm mà chỉ riêng đôi mắt lấp lánh của người kia cũng đủ khiến bạn không cần đến thịt thà cá mú. Cơm ngon đến tròn lẳn bụng hay vì cảm giác ấm áp khiến bạn no căng? Hôn nhân tuyệt diệu như thế đấy!
Tôi nhớ, ngày tôi đi xin dâu. Tôi nhắn cho một cậu em: Run quá! Cái run của kẻ dại dột lần đầu tiên dám thử sức tại đấu trường lớn: Hôn nhân. Nhưng rồi, sáng hôm sau đêm tân hôn, tỉnh dậy thấy bên cạnh mình là một người phụ nữ, cảm giác ấy rất kỳ diệu. Cái giường khi ấy chẳng khác gì một con tàu chiến và mình biết, mình sẽ phải chỉ huy con tàu đó cho một hải trình lớn. Đối phó với hàng loạt những kẻ thù như sự nhàm chán, sự không biết điều, những mâu thuẫn, khác biệt...
Hôn nhân. Đó là một câu chuyện và thực sự là một câu chuyện nên viết cho cuộc đời mình.
Sẻ chia cuộc sống
Sống để kể lại
Bạn sẽ kể gì vào cuối ngày về một ngày bạn đã đi qua? Vào cuối năm về một năm đã đi qua. Và về cuối đời về một thời gian bạn đã đi qua? Sống để đi qua hay sống để kể lại?
Tôi chọn SỐNG ĐỂ KỂ LẠI.
Đó là cuộc sống được gọi thành tên cho từng mảnh ký ức, dù là nhỏ bé nhất. Là đi qua một ngày vẫn có thể nhắm mắt nhớ lại những điều đã được khắc ghi.
Bạn sẽ hỏi tôi: Có cách nào để ngày đi qua có được nhiều sự kiện đáng nhớ đến mức kể lại được chăng?
Tôi sẽ trả lời rằng: Bạn thân mến, cách nào ngoài cách bạn hãy sống bằng tất cả những gì bạn có được, nhận được, cảm được và thấy được. Bạn hãy sống thêm cả với những điều bạn muốn được, bạn mong được, bạn thích được. Và cả những câu chuyện cổ tích được viết nên từ cái nhìn tích cực của bạn. Triết lý nửa cốc nước đầy chẳng bao giờ là quá cũ và nó chẳng sến đâu một khi bạn muốn.
Tôi sẽ không ngồi đếm sự kiện. Tôi sẽ tham gia trọn vẹn tôi vào mỗi sự kiện.
Tôi sẽ không ước mơ sự kiện. Tôi sẽ hiện thực hóa bất cứ một chút cơ hội nào tạo nên sự kiện.
Vì tôi muốn kể lại ngày tôi sống chứ không phải sống qua ngày.
Là buổi sáng tỉnh giấc trong tai tôi không phải chỉ là tiếng ồn ào đô thị mà là âm thanh cuộc sống. Từ tiếng xe chạy ngoài kia tôi sẽ nhận lại sự chuyển dịch của cuộc đời. Từ tiếng cười trẻ thơ tôi sẽ nhận lại sự hồn nhiên. Từ tiếng í ới gọi nhau tôi sẽ nhận về các mối quan hệ. Từ nụ hôn đánh thức của vợ tôi sẽ nhận về tình yêu của cô ấy dành cho tôi. Cơn ngái ngủ cho tôi biết rằng tôi đã làm việc rất khuya. Hơi ấm của chăn khiến tôi biết mình có một tổ ấm.
Là căn phòng nho nhỏ trên tầng năm tòa nhà số 5 Hòa Mã, tôi sẽ nhận lời chào của những đồng nghiệp và gửi lại cho họ những câu chào cũng những lời đùa nhẹ nhàng đủ thành nụ cười của họ. Với tay bật máy tính, sign in YM để nhận cơn lũ offline messages đầy thông tin và tri thức. Vào blog đọc những comment của mọi người cho entry đêm của tôi. Lướt blog bè bạn để cập nhật những thông tin mới nhất. Cái click chuột của tôi chạm vào từng góc khuất của bạn bè.
Là bữa trưa với những câu chuyện không đầu không cuối.
Là chớp nhoáng cà phê nơi quán Sisi dưới chân cơ quan bên vài ba đồng nghiệp. Có khi chỉ là để tán chuyện thiên hạ hay đôi khi lại tranh cãi nảy lửa về các dự án, công việc.
Là tan sở với háo hức trở về để biết con sẽ chạy ùa ra chào mình, leo lên người bố cưỡi ngựa hay bắt bố làm cái xe taxi, béo mũi bố để bố kêu bim bim. Cái giọng ấy nghe đến lịm người: Bố ơi, bố làm taxi đi! Hay Pi ngã dồi, ngã ùm xuống suối dồi. Bố ơi, bố cứu Pi đi.
Là buổi tối chúng tôi cứ túc tắc đi tìm một chỗ ngồi thương nhớ.
Là bữa cơm năm người vui đến nổ trời.
Dù mọi thứ có lặp lại bao nhiêu thì mỗi ngày, mỗi phút, hành động giống nhau nhưng ý nghĩa lại khác nhau. Tôi đọc thấy những ý nghĩa đó trong mỗi hành động. Chưa có hôm nào giống hôm nào.
Là mỗi cơ hội đến, tôi lại muốn thúc đẩy nó tiến xa hơn nữa. Đến tận cùng. Để trống ngực sẽ lại dập dồn hồi hộp chứ không lạnh tanh. 35 tuổi có phải là đã đủ từng trải để trái tim trầm ổn? Không! Tôi 35 nhưng trái tim này vẫn nguyên vẹn tinh khôi của ngày mới lớn. Bởi hôm qua không bao giờ thành chuẩn mực cho hôm nay. Nó giống như bạn bắt đầu cuộc tình thứ hai bằng tâm thức của sự mới mẻ chứ không phải là của cuộc tình thứ nhất ám ảnh và soi chiếu. Tôi ghét (và sợ nhất) những “kinh nghiệm”. Tôi không cho là cảm xúc được sử dụng kinh nghiệm.
Bạn sẽ hỏi tôi: Làm sao để nhớ cho hết?
Tôi sẽ trả lời: Tôi nhớ nó bằng cách biến nó thành máu thịt của mình. Tôi gọi tên từng sự kiện. Tôi đặt tên cho từng sự kiện. Tôi chính là sự kiện.
If you can
Tiếc rằng, có những người có thể thay đổi được nhưng không dám thay đổi.
Vì họ sợ sự thay đổi không mang đến cho họ một kết quả nào tốt đẹp hơn.
Vì họ ngại ngùng với những thay đổi sẽ làm xáo trộn tất cả những gì họ đang có.
Vì họ lười biếng thay đổi bởi những gì họ đang có đã là đủ cho họ (mặc dù họ vẫn than vãn là họ bị đối xử bất công).
Cũng có thể vì họ chưa thay đổi đã sợ sự thay đổi ấy chẳng đi đến đâu.
Và cũng có thể họ đã từng thay đổi rồi nhận lấy thất bại, và họ đã mất tự tin.
Là gì đi nữa, họ cũng đã không dám, không muốn, không thấy cần phải thay đổi.
Mà cuộc đời này nào có dài rộng gì cho cam, chỉ vài cái ngoảnh đầu là đã thấy mình đi qua cả chục năm.
Mà cuộc sống là một dòng sông chảy xiết, mới đó mà đã khác đi nhiều.
Mà không bước đi có nghĩa là ở lại, là tụt về phía sau chứ không phải còn đứng nguyên một chỗ.
Không có triết lý chiếc lá cuối cùng nào được áp dụng cho người còn cả tương lai phía trước. Chiếc lá cuối cùng chỉ dành cho người không còn lựa chọn.
Và sau nhiều năm gặp lại, vẫn có những người tôi gặp vẫn là họ của nhiều năm trước. Chẳng thay đổi điều gì, thủy chung với những ý tưởng, suy nghĩ và cả lối tư duy của những đứa trẻ mới lớn ngày nào. Cả những câu đùa không thể mới hơn dù một nét cười khác đi.
Tôi cũng đã từng nghe câu “không thể làm khác được” dành cho cái kết quả những vấn đề họ nêu ra. Và tôi luôn tự hỏi: Sau bao nhiêu vấn đề được kết bằng mẫu câu đó thì cuộc đời của họ sẽ chẳng còn là của họ nữa? Và câu trả lời chỉ là một nỗi buồn.
Khi “không thể làm khác được” có nghĩa là bạn đã bị lập trình bởi những điều ngoài bạn. Và cuộc đời ấy sẽ cứ phải làm theo những điều không thể làm khác được ấy.
Vẫn biết rằng có thể, trong một hoàn cảnh nào đấy, có những sự việc quả đúng là không thể làm khác được. Nhưng cũng đâu phải tất cả nếu một khi bạn quyết phải làm khác đi?
Nếu bạn có thể...
Nếu bạn có thể làm khác đi, bạn sẽ khác đi.
Và cho dù cái khác đi có thế nào thì bạn cũng đã lớn thêm một bước nữa.
Vì thất bại không phải là kinh nghiệm cho tương lai mà thất bại chính là bước gần hơn nữa đến thành công.
Có những thứ chúng ta cần đến kinh nghiệm để giải quyết song cũng không phải là tất cả. Vì cuộc sống luôn thay đổi và luôn mới mẻ, đâu phải cái gì cũng có tiền lệ, án lệ và để áp dụng, để quy chiếu và để đúc rút từ những thất bại cũ mà được. Vì có những điều chỉ có thể và đều có thể là lần đầu tiên của bạn. Nó giống như tình yêu. Chẳng thể nói mối tình thứ hai sẽ biết yêu hơn mối tình thứ nhất. Dù đúng là cũng có những điều đúc rút ra song tình yêu trên căn bản, không có những tình yêu giống nhau dù cùng yêu một người nhưng vào hai thời điểm khác nhau.
Một chút thôi, những ý nghĩ viết vội trong lúc chờ bài để duyệt. Một chút thôi khi đụng phải những câu “không thể làm khác được.” Và một chút thôi từ ngọn lửa luôn cháy trong tôi, những khát vọng hôm nay sẽ phải khác hôm qua cho cuộc đời mình không tù đọng, cho ngày đi qua nhiều màu sắc, cho khi nhớ về không lẫn lỗn giữa từng mảng ký ức cùng chủ thể.
Kể tội con gái nhân ngày 20/11
Phóng sự gây ân oán lớn nhất của bố Pi với bút danh Hoàng Lan là “Con gái Hà Nội Bây Giờ.” Các cô gái Hà Nội khi ấy đọc xong chỉ muốn tìm ra cái “con Hoàng Lan” nào đó mà đánh chửi cho một trận. Không lẽ bố Pi đã quên? Không phải vậy sao mà nhằm đúng ngày này lại viết một: KỂ TỘI CON GÁI??? Thì cứ đọc đi, thử xem có đúng là con gái quả đáng tội hay không.
Này thì Y.V, V.A, H.N... đáng ném đá! Những người con gái như vậy không đáng ném đá ư? Ừ, lỗi tại vì yêu. Vì yêu mù quáng mà chấp nhận người yêu quay lại, chụp lại những cảnh đó rồi tung lên mạng. Trên phim, ảnh đâu chỉ có Y.V, V.A, H.N một mình? Nhưng kẻ bị ném đá đến chết... tên là Y.V, V.A, H.N.
Mỗi ngày trung bình có ba phụ nữ bị bạo hành (Thời sự VTV tối nay vừa đưa trong một phóng sự ngắn về Bạo Hành Gia Đình). Nhưng con số đó chẳng là chi. Mỗi ngày, người ta vẫn cười lăn cười bò hoặc kể cho nhau nghe những câu chuyện về tật hay cằn nhằn, nói lắm của các bà vợ. Phải vì điều đó dùng để bao biện cho con số hàng trăm ngàn phụ nữ (những người vợ là chủ yếu) đang bị bạo hành?
Những bà mẹ kế thì gọi là dì ghẻ, mẹ ghẻ còn những ông bố dượng thì không bao giờ bị gọi là cậu ghẻ, bố ghẻ. Có phải vì chỉ có phụ nữ mới độc ác và tàn nhẫn với con riêng của chồng? Thế còn những ông bố dượng cưỡng hiếp con riêng của vợ? Những ông bố dượng bán con riêng của vợ lấy tiền uống rượu? Những ông bố dượng đánh đập con riêng của vợ thì sao?
Phụ nữ tóc vàng hoe luôn là những câu chuyện cười được nhiều người ưa thích. Thế còn các chàng trai tóc vàng hoe thì sao? Không lẽ chỉ có phụ nữ ngu ngốc còn không có đàn ông ngu ngốc?
Mà nói đến tóc, sao con gái thời nay đú đởn và mất gốc đến thế? Còn đâu những mái tóc dài truyền thống? Truyền thống ơi! Người cũng không bao giờ nhắc đến búi tó củ hành truyền thống ở nam giới hay sao? Truyền thống ơi, người thiên vị các cô gái hay người là cái mác để lắm kẻ mượn vào dán lên những nhân danh mà bức hiếp, áp đặt phụ nữ?
Vũ khí mạnh nhất của phụ nữ tại sao không phải là sự tinh tế hay là cái gì mà lại là nước mắt? Phải vì chết danh phái yếu mà nước mắt trở thành quyền năng tối thượng? Nước mắt để mua lòng thương hại của đàn ông chăng? Sao lại vô lý thế?
Đến cả yêu một người kém tuổi mình cũng bị VTV6 – một đài nhân danh giới trẻ lên tiếng nhắc nhở như một sự khác biệt cần xem xét lại. Sao lại thế? Phụ nữ chỉ được yêu kẻ hơn tuổi mình thôi sao? Cùng là 50 tuổi, một cụ ông có thể lấy một cô gái 18 thì tại sao cụ bà ấy lại bị cho là quái sự???
Rồi những ông chồng đáng kính ơi, nếu ông ở lại nhậu nhẹt thì đó là sự quảng giao còn phụ nữ thì bị quy là vô trách nhiệm, là gái đốn, đàn bà hư hỏng, vợ thối nát...
Ôi, người ta nhân danh cái gọi là “thuần phong mỹ tục” để ném đá những người phụ nữ không chính chuyên, ăn mặc hở hang hay gì gì đó trong khi các đấng nam nhi tha hồ trần trùng trục chạy xe trên đường.
Không phải vì quá yêu phụ nữ mà họ đòi hỏi người phụ nữ phải mang những phẩm chất này kia. Ngụy biện! Chỉ là sự ích kỷ và ham muốn thể hiện quyền lực mà định ra những quy tắc đạo đức, những dấu hiệu nhi nữ thường tình để bắt phụ nữ thuần phục theo.
Buôn bán phụ nữ không phải là cung cấp cho các quý ông hay sao? Phụ nữ trở thành món hàng là bởi đàn ông là các chủ thương.
Cứ ầm ầm đòi bình đẳng giới nhưng chính phụ nữ lại là người từ chối quyền bình đẳng. Đó là những người luôn tự nhắc mình: “Là phụ nữ thì phải chịu thôi...”, “là phụ nữ khổ lắm...”... Hay những người phụ nữ hiểu nhầm về bình đẳng giới như có thể hút thuốc, đua xe, đánh nhau... như nam giới thì mới gọi là bình đẳng giới. Rồi những người phụ nữ cam chịu đời đau khổ chỉ vì “là phụ nữ cuối cùng vẫn là người khổ nhất...”.
Thân em như tấm lụa đào. Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?
Phận đàn bà mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu.
Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng.
...
Ôi kho tàng ca dao tục ngữ dạy ta bằng ám chỉ toàn vàng ròng đấy mà không dạy ta rằng còn có cả những kim loại cũng màu vàng nhưng không phải là vàng.
Có khi nào chợt hỏi: Tại sao Việt Nam có Bà Trưng, Bà Triệu, có u Cơ, Lê Ngọc Hân, Nguyên Phi Ỷ Lan, Bà Chúa Kho, Bà Chúa Liễu...? Trong khi Trung Quốc từ Võ Tắc Thiên, Từ Hi Thái Hậu, Chung Vô Diệm... đều chỉ là loại đàn bà làm tan hoang đất nước?
Và vì Đất Việt xưa theo chế độ Mẫu Hệ.
Là vì nền văn minh lúa nước.
Tôn vinh phụ nữ!
Còn Trung Quốc là văn minh Thảo Nguyên, săn bắn. Tôn vinh nam nhi.
Nhưng rồi, vì cớ can chi mà phụ nữ càng về sau càng cơ cực và bị hạ thấp? Vì Bắc Thuộc 1000 năm. Nhưng thời đó đã qua lâu rồi sao vẫn còn nhiều kẻ cố níu?
Ôi, phụ nữ!
Người đã bao giờ nhớ ra mình cũng 9 tháng 10 ngày trong bụng mẹ không ít hơn, chẳng nhiều hơn nam giới. Sao càng lớn, người càng thiệt thòi quá đỗi?
Bởi người không biết?
Bởi người bị giáo dục để hiểu sai đi?
Bởi người bị bịt mắt bằng những lời khen xấu xí. Họ khen người eo ót là bắt người chịu nhịn, ăn kiêng làm cây kiểng cho nam giới ngắm vuốt. Họ khen người dịu dàng để người hung dữ là bỗng nhiên xấu hổ. Họ khen người chịu thương, chịu khó, cần mẫn, chăm chỉ là để người làm lao dịch suốt đời cho họ. Họ khen người xinh vì họ không muốn ngắm người khi xấu. Họ khen người có đức bao dung và hy sinh là để người tha thứ, bỏ qua, thậm chí thỏa hiệp, chấp nhận những cái xấu nơi họ.
Bởi người biết nhưng người yếu mềm chấp nhận?
Hay bởi người biết nhưng người không muốn phản kháng?
Ai biết người biết hay không biết?
Ta thì biết.
Ta biết.
Ta biết người có một trái tim dễ rung động.
Trái tim ấy biết cất giữ, nuôi nấng, và đặt trọn sinh mạng mình suốt 9 tháng 10 ngày đeo một mầm sống bên mình.
Trái tim ấy biết cắn răng chịu đau đớn vô hạn để hoài thai ra những anh hùng, chính trị gia, nhà thơ, nhà báo, và kể cả lưu manh.
Nếu như ai đã từng khóc nhìn vợ nằm thiêm thiếp sau khi sinh để biết rằng cuộc vượt cạn ấy can đảm không thôi không đủ. Cuộc vượt cạn nào cũng cần đến sự yêu thương, kỳ vọng đến cháy bỏng. Mới thấy rằng đau đớn của cuộc hoài thai chỉ là một cái mỉm cười bị méo một chút.
Vì người có một trái tim.
Một trái tim đẹp chưa từng thấy.
Chỉ có người mới sở hữu trái tim ấy.
Còn đàn ông, họ cũng có trái tim, nhưng trái tim ấy chỉ là bản sao vụng về mà thoi. Trái tim của phụ nữ cứng rắn hơn kim cương, giá trị hơn vàng ròng, rực rỡ hơn mặt trời nhưng cũng dịu dàng hơn cả mặt trăng.
Ta biết.
Chỉ vì trái tim ấy mà mọi thống khổ đã đến.
Và cả ta, kẻ làm đàn ông... Xét cho cùng, toàn lũ ích ỷ, vô trách nhiệm và bạc bẽo.
Đã bao giờ nhìn thấy phụ nữ bằng đôi mắt thần kính, biết ơn?
Hay chỉ rao giảng những mớ triết lý, đạo đức ngụy biện và vị kỷ???
Thì kể tội phụ nữ vậy thôi!
Vì tội lớn nhất của người là vì người đã làm ta khóc hôm nay!
Có một người phụ nữ sau lưng tôi...
Tôi đã yêu bao nhiêu người trước, trong và sau khi lấy vợ? Liệu họ có được nhắc tên ở đây không? Sao không? Tôi sợ gì chứ! Tôi sẽ kể hết. Hy vọng vợ tôi sẽ không vì thế mà nổi cơn tam bành.
Mọi người đã sẵn sàng chưa?
Chuẩn bị gọi 115 cho tôi nhé!
Nào, tôi kể đây!
Sau lưng người đàn ông thành đạt luôn có bóng dáng của một người phụ nữ. Và tất nhiên, sau lưng một người đàn ông chẳng ra gì thì cũng vẫn có một người phụ nữ. Xét cho cùng, người phụ nữ sinh ra đàn ông nhưng lại chẳng bao giờ thay đổi được đàn ông. Là thật đấy! Ai có ý nghĩ thay đổi bạn trai mình thì nghĩ trong khi ngủ cho nó ngọt ngào. Chứ nghĩ thế khi thức có ngày bị tình nghi là gián điệp cho người ngoài trái đất đấy ạ!
Nghiêm túc mà nghĩ rằng: sau lưng người đàn ông thành đạt luôn có mặt người phụ nữ cho ra phụ nữ. Còn sau lưng người đàn ông chẳng ra gì thì vẫn có cái mông của người phụ nữ cho ra phụ nữ (vì cô ấy bỏ đi nên chỉ nhìn thấy cái mông), không loại trừ, sẽ thấy nguyên cái mặt của một người phụ nữ... chẳng giống phụ nữ. Nói thế mọi người sẽ hỏi: Thế người phụ nữ cho ra phụ nữ khác gì với người phụ nữ chẳng giống phụ nữ? Chà, hỏi thế mà cũng hỏi. Ngừng lại một chút, suy nghĩ đi và đọc tiếp nhé!
Họ khác nhau vì một đằng là phụ nữ và một đằng giống phụ nữ về tất cả nhưng chẳng phải là phụ nữ. Vậy họ là ai? Giới tính thứ tư chăng? Cũng có thể, nếu được phép.
Họ – những người trong vỏ bọc phụ nữ nhưng chẳng phải là phụ nữ – là ai? Họ không có lấy nổi một người bạn thân. Vì sao thế? Vì họ không chơi được với ai, họ không chia sẻ được với ai, chính xác, họ không có nhu cầu chia sẻ với bất cứ ai, chính xác, họ không có. Họ thích làm việc một mình. Mọi mối quan hệ đều bằng nhau. Không ai hơn ai. Không thân thiết với ai. Họ là một cá thể không cô đơn dù không có bạn thân. Không cô đơn. Không khi nào họ cảm thấy cô đơn. Kỳ lạ không? Vì họ có những toan tính, bận bịu với những toan tính riêng của họ. Họ sợ phải chia sẻ. Có lẽ, đó là cái duy nhất khiến họ sợ.
Phải, họ không sợ bất kể một thứ gì khác ngoài sự phải chia sẻ với ai đó. Họ không có nhu cầu chia sẻ. Họ không sợ bất cứ một điều gì. Với họ. Tất cả những việc xảy ra dù thế nào cũng có thể giải quyết được hết. Ngưỡng mộ họ là điều mà nhiều chàng trai (trong đó có cả bố Pi) đã từng. Vì thấy ở họ sự dũng cảm, bản lĩnh hơn người và rất khác biệt với đa số những phụ nữ khác. Nhưng nếu tỉnh táo hoặc chơi lâu, sẽ thấy lạnh toát người, sẽ thấy sợ hãi họ. Dù họ chẳng làm gì ta nhưng dường như ta đang gặp một con người không có trái tim.
Họ không có trái tim thật. Họ chỉ có cái bộ phận bơm máu lên thôi. Làm những nhiệm vụ đúng nghĩa đen của nó. Ở họ không có sự yêu thương nào hết. Tất cả đều được đổ đồng, cào bằng và xét trên mức độ ích lợi cho bản thân họ.
Vậy họ có yêu không? Có! Họ có yêu chứ! Họ yêu như những người bình thường khác. Nhưng tình yêu ấy không có chút nào mù quáng cả. Mà rất tỉnh táo! Thực sự là rất tỉnh táo. Họ cắt đặt, lên lịch tình yêu một cách hoàn hảo. Họ yêu một chàng trai 5 năm, 10 năm hay lâu hơn thế cũng được. Họ thờ ơ nếu như chàng trai của họ còn mơ tưởng đến một cô gái nào khác ngoài họ. Họ chỉ mỉm cười khi có ai đó tố giác chồng họ đang cặp với em này em kia. Họ chẳng quan tâm. Trừ khi chàng trai ấy nói ra quyết định bỏ họ. Cái đó mới khiến họ điên lên. Nhưng nếu họ không thu xếp được chàng trai ấy ở lại với họ được, họ sẽ chấp nhận cho chàng trai đó ra đi. Họ có thể buồn. Nhưng đó là cái buồn vì đánh mất một vật sở hữu thay vì buồn vì tình yêu ra đi. Nếu ở họ có sự hiếu thắng, họ sẽ càng tỉnh bơ và làm những điều chứng tỏ họ vững vàng. Là vì họ hiếu thắng chứ không phải vì họ diễn một vai vững vàng trong kh họ đang vỡ vụn. Giá như họ vỡ vụn, họ sứt mẻ thôi cũng được thì đã là chuyện khác. Nhưng không, họ chỉ là hiếu thắng. Phải, hiếu thắng!
Họ cũng sẽ có con. Tất nhiên! Bằng cách này hay cách khác họ sẽ phải có con như việc hít thở không khí hàng này. Nghiễm nhiên thế! Nhưng đứa con được sinh ra không phải bằng sự đau đớn, hoang mang, sợ hãi hay lúng túng như hàng triệu bà mẹ khác. Họ sinh con ra và bắt đầu công cuộc cài đặt đời sống cho con mình. Biến con mình thành thứ đồ trang sức của họ. Tức là đứa trẻ phải sạch sẽ, học giỏi, sau này giỏi giang... Họ yêu con bằng thứ tình yêu chăm sóc và bảo quản... đồ trang sức. Nghe giống như chuyện lạ mà không lạ chút nào. Vì đã có cả trăm đứa trẻ đang bị lớn lên theo kiểu đó hàng ngày. Những đứa trẻ chỉn chu và phải sống theo sự dàn xếp của mẹ. Từ việc phải giữ quần áo luôn sạch sẽ, luôn mặc quần áo hàng hiệu cao cấp (nếu họ đủ kinh tế) đến việc phải học thật giỏi để họ có thể... vênh mặt với đời. Đến việc chúng phải yêu và cưới người phụ nữ môn đăng hộ đối...
Và rồi, họ có cách (họ gọi là yêu) quan tâm đến đứa con của mình như thể nó là thứ đồ vật thuộc sở hữu của họ. Họ cũng sẽ giận điên lên nếu như đứa trẻ ấy tìm cách thoát ra khỏi vòng tay (hay vòng vây?) của họ.
Người phụ nữ như vậy không nhiều nhưng là có.
Chúc các bạn online vui vẻ !