Phần 10
Minh Hạnh mệt mỏi thả phịch người nằm dài xuống giường, cô không thèm cởi dép, cũng không thèm thay đồ. Cô mặc kệ cả những cơn gió đang luồn qua chỗ cánh cửa sổ khép hờ thổi những bức tranh treo tường lắc lư trên đầu cô. Trên góc cao, chỗ miếng giấy dán tường đã bị bong ra, vài ba chú Kiến đang chăm chỉ làm việc. Và trên trần, những chú Thạch Sùng đang chơi trò đuổi bắt, Hạnh cứ nằm im ngắm nhìn mãi đôi Thạch Sùng đang đuổi nhau trên tấm trần nhựa cách nhiệt lát ẩu của căn phòng trọ. Giá như cô cứ vô tư lự như những con Thạch Sùng kia biết đâu lại hay hơn? Ít ra thì cũng chẳng phải lo lắng việc chạy đi xin việc như lúc này.
Đã hơn hai tuần từ khi cô nghỉ việc, nộp hồ sơ không dưới chục cái phòng khám, vậy mà kết quả là điện thoại của cô vẫn im lìm, chẳng một cuộc gọi phỏng vấn nào cả. Thật ra cũng không có gì quá khó hiểu, bởi điều những phòng khám tư cần, là kinh nghiệp và tiếng tăm của bác sỹ. Những thứ sẽ giúp họ thu hút được nhiều bệnh nhân hơn. Mà điều đó, thì lại là một đòi hỏi quá xa xỉ đối với một người mới ra trường được hai năm như cô.
Hạnh thở dài, số tiền chắt bóp, dành dụm cho việc học chuyên khoa một của cô chỉ còn đủ cho cô sử dụng trong hơn một tháng nữa, mà tiền nhà thì chưa đóng. Nếu trong vòng một tháng nữa, cô không kiếm được việc thì sao? Liệu cô có còn bám trụ lại được ở nơi này không? Mà cô thì chẳng còn chỗ nào để về nữa, kể cả về quê. Về với căn nhà nhỏ ở vùng đất chiêm trũng nghèo đói. Ở đó còn mẹ và em cô, những người thân yêu đã đặt niềm hi vọng vào cô. Nhưng nếu họ biết cô bị bệnh thì sao? Liệu họ có chịu nổi cú sốc này không? Minh Hạnh thở dài, lắc đầu, cô không dám nghĩ tới điều đó. Rốt cuộc, cô cũng vùng dậy đi nấu cơm, dù sao thì cũng cần phải ăn, ăn để còn có sức mai lại đi xin việc.
***
Bệnh Viện tư nhân Cuộc Sống nằm trong một con ngõ của phố Thái Hà, nói là ngõ nhưng hẳn đó là con ngõ lớn nhất Hà Nội, bởi chiều rộng của nó lên tới 16m, đủ cho hai làn xe chạy. Những dãy nhà văn phòng cao cấp nằm san sát hai bên đường cho thấy đây là con ngõ sầm uất và thành đạt. Hai bên lối vào bệnh viện được trồng rất nhiều loại hoa thông dụng vào bậc nhất ở Hà Nội, hoa Sữa.
Bên phải con đường, ngay sau cổng chính, một tấm biển lớn màu xanh với kích thước 2 x 3m chỉ dẫn cho mọi bệnh nhân biết về sơ đồ bệnh viện. Căn nhà cấp bốn nằm ngay sau tấm biển sơ đồ chỉ dẫn là trung tâm chẩn đoán hình ảnh với san sát những phòng đặt máy siêu âm bốn chiều, phòng đặt máy siêu âm doppler, phòng đặt máy chụp cắt lớp và nhiều phòng đặt các thứ máy khác. Máy X - Quang thì được ưu ái hơn khi có hẳn một phòng rộng với tường dày được bọc Chì cho riêng mình.
Phía đối diện bên kia đường, chỗ căn nhà ba tầng màu vàng luôn có mùi cam thảo đặc trưng là chỗ dành cho khoa dược và y học dân tộc. Còn tòa nhà cao nhất nằm chính diện cổng vào, bắt đầu từ khoảng sân thật rộng với một khuôn viên trồng đầy hoa và cây cảnh, thi thoảng xen vào những chiếc ghế đá dành cho bệnh nhân ngồi nghỉ, là khoảng không gian dành việc khám chữa bệnh tây y, từ tầng trệt lên tới tầng năm. Còn phía trên, tầng sáu và bảy, chỗ vẫn còn vài căn phòng sáng đèn, là trụ sở của Cty TNHH Cuộc Sống. Đó là nơi giám đốc Thái Việt làm việc, và lúc này, anh đang nhìn đồng hồ, đã 20h10 rồi cơ đấy, thời gian trôi thật là nhanh.
Anh nhấc điện thoại, bấm số nội bộ gọi cho cô trợ lý của mình. Phương Thùy là một cô trợ lý giỏi giang, xinh đẹp với dáng người cao ráo, gương mặt sắc sảo và chiếc răng khểnh khiêu khích. Cô giỏi đến nỗi đôi khi Việt phải nghĩ, nếu không có cô thì công việc của anh liệu có trôi chảy như thế này không? Khi mà anh phải điều hành cả một công ty thương mại, kiêm luôn chủ một bệnh viện tư, hai phòng khám lớn ở Hà Nội. Đồng thời lại theo dõi từ xa hệ thống tám phòng khám và bệnh viện tư ở các tỉnh lân cận nữa. Cũng may là anh thực sự có năng khiếu quản lý, cộng với việc tổ chức chặt chẽ, quy củ và khoa học, lại có sự giúp sức nhiệt tình, năng nổ, hiệu quả của Thùy. Nên anh mới có thể theo dõi và nắm bắt được rất sát sao mọi việc của Cty. Việt thường bắt đầu công việc lúc 7h30 sáng, và kết thúc ngày làm việc của mình lúc 20h tối. Chỉ duy nhất có một người trong Công ty làm việc chăm chỉ, ở lại cơ quan trễ hơn anh, đó là Phương Thùy. Cô chính là cánh tay phải, là người giúp việc năng nổ và hiệu quả nhất của anh. Chính sự năng nổ, nhiệt tình và tài giỏi của cô làm anh cứ băn khoăn mãi, việc mình trả cho Thùy mức lương cao gấp đôi người khác có thỏa đáng chưa, hay là vẫn còn quá thấp?
- Em vẫn chưa về hả? Về đi thôi, trễ rồi đấy.
- Em làm cho xong nốt cái công văn, rồi xử lý cho xong cái ủy quyền thầu của dược Yên Bái là em về. Anh cũng nên về nghỉ đi thôi chứ? Hay là đi chơi Bowling? Mai mới là ngày anh đi chơi Bowling mà, đúng không nhỉ?
- Ừ! Thôi, để công việc đấy, đi ăn tối đi, đằng nào em cũng chỉ sống một mình, về nhà ăn qua quýt đâu đảm bảo sức khỏe?
- Em thấy thường thì những ngày đi chơi Bowling anh cũng chạy thẳng từ công ty tới Starbow luôn đấy thôi? Anh làm thế cũng đâu bảo đảm sức khỏe?
- Em đang lên án anh đấy à? - Việt vui vẻ - Thôi, em để công việc đấy, mình cùng đi ăn, dù sao cũng phải giữ gìn sức khỏe. Sức khỏe là của riêng em, nhưng nếu có gì ảnh hưởng tới công việc thì đó lại là vấn đề của anh đấy nhé.
- Chà! Em đang tự hỏi liệu cán cân của Sếp sẽ nghiêng về phía nào? Sức khỏe của nhân viên, hay công việc?
- Mọi ngày em đâu có thường làm khó người khác thế đâu nhỉ? - Việt đùa - Theo em thì cán cân sẽ nghiêng về phía nào?
- Em chỉ hi vọng đó không là cái cân với một giọt thủy ngân ở bên trong. Hôm nay sếp trả tiền nhé? - Thùy đáp trả, Việt vẫn thường rất thoải mái với nhân viên của mình - Nếu sếp trả tiền, em sẽ cố ăn thật nhiều, mai khỏi phải ăn sáng.
- Mái thoải - Việt cười to - Cô thật là "gian xảo" đấy nhé. Đi ra Nguyễn Siêu ăn lòng tràng xào nhé? Hay lên Ngũ Xã ăn phở cuốn?
- Tùy Sếp ạ. Nhưng nếu em được chọn, em sẽ không đến những nơi đó, hơi quá bình dân, ồn ào và không sạch sẽ. Kiếm chỗ nào sang trọng, ngon lành một chút anh ạ, tuy có hơi đắt tiền.
- Tiền không thành vấn đề, vấn đề là mình thích hay không?
- Không phải vấn đề là mình thích hay không, sếp ạ, vấn đề ở chỗ, là sếp thì nên đến nơi đúng với "đẳng cấp" của mình.
- Ừm! - Việt lắc đầu, vẫn nghĩ là Thùy đùa nhưng anh vẫn không thích tẹo nào. Thùy nhanh nhẹn, khôn khéo, thông minh và đầy tham vọng. Nhưng cô có một điểm yếu, là luôn nghĩ mình đứng trên những kẻ khác.
- À! Để em đưa đống hồ sơ xin việc lên cho anh, rồi mai anh xem nhé - Giọng Thùy vẫn đều đều, chắc cô nghĩ điều cô vừa nói là hết sức bình thường - tại hôm trước anh bảo em mình cần tuyển thêm bác sỹ mà. Em đưa lên rồi mình đi ăn luôn.
***
Thái Việt ngán ngẩm nhìn đống hồ sơ xin việc dày cả thước mà Thùy để trên bàn anh rồi lắc đầu. Hầu như năm nào anh cũng phải đăng tin tuyển thêm cả chục người, và trong khoảng thời gian đó cũng có khoảng từng ấy kẻ chia tay anh. Không phải vì anh trả công cho họ không xứng đáng, mà chỉ là họ không thể đáp ứng nổi yêu cầu và áp lực của công việc.
Làm việc ở một bệnh viện tư nhân đòi hỏi nhiều điều kiện khá đặc biệt, có khi Việt phải bỏ ra gần hai triệu đồng chỉ để trả cho một ông cựu viện trưởng khám bệnh trong một giờ đồng hồ. Hiệu quả chắc chắn chẳng là bao bởi trong một giờ, nhiều nhất ông cũng chỉ khám được cho hai đến ba người. Thế nhưng cái anh cần là tiếng tăm của ông cựu viện trưởng. Và công việc của cả một ê kíp y bác sỹ đi theo sau dù chỉ để phục vụ và hoàn tất nốt những việc dang dở của ông, cũng nặng nề và nhiều áp lực lắm. Mà điều anh đòi hỏi ở những nhân viên, không phải là bằng cấp, không phải là các mối quan hệ, mà chính là khả năng và sự cống hiến của họ. Điều đó thì không phải ai cũng có, nhất là trong cái xã hội chạy theo bằng cấp phù phiếm này.
Nhưng trong lúc này đây, thì Việt mặc kệ ông cựu viện trưởng và cả đống hồ sơ giấy tờ kia nằm lăn lóc trên bàn. "Mai tao sẽ động tới chúng mày - anh thì thầm - giờ thì tao phải chiều ý anh bạn mang tên là dạ dày cái đã, đói rồi ..."
Phần 11
Tuần ba buổi, đều đặn như vắt chanh, vào những ngày lẻ, Việt lại có mặt ở chốn này, đúng đường băng số 14 sân Bowling Stabow. Thường thì anh đi cùng một cô gái, nhưng hôm nay anh chỉ đi với Phan. Những lúc có Phan đi cùng, Việt không muốn để một cô gái nào chen vào giữa cả hai, kể cả Thảo. Đôi khi Việt thích như vậy, chỉ có anh và Phan. Chỉ có hai người đàn ông và những trái bóng Bowling.
- Dạo này phong độ xuống thấp thế? - Việt hất mặt hỏi Phan như hét trong tiếng nhạc đập chan chát như tiếng trống trận, sau khi anh vừa làm thêm một cú Strike nữa, còn Phan thì dù ném lượt hai vẫn còn chưa đổ hết 10 chai Kegel. - Cậu chả chịu luyện tập gì cả, thua cả mấy cô "chân dài" bên kia mất thôi.
Phan nhìn sang bàn bên cạnh, chỗ có mấy cô gái trẻ đang túm tụm. Cô gái mà Việt chỉ có dáng người cao ráo, nhưng cách trang điểm rất đậm và mái tóc loe hoe nhuộm màu hạt dẻ không phù hợp với cô cho lắm. Cô gái có lối ném bóng vẻ rất thuần thục ấy đang phì phèo điếu thuốc trên môi. Phan nhăn mặt, anh dị ứng với tất cả những kẻ hút thuốc, bất kể đó là nam hay nữ. Nhưng Việt không quan tâm, anh vẫn không rời mắt khỏi cô gái:
- Bao nhiêu?
- Băm rồi.
- Hai bia.
- Đồng ý. - Phan vỗ vào tay Việt.
- Vừa tròn 20. Cậu thua rồi, sao cậu lại nghĩ cô ta già thế nhỉ?
- Không thể nào, trông cô ta lớn tuổi rồi, nếu không muốn nói là già chát.
- Thế cậu có muốn số chứng minh nhân dân, số đo ba vòng, chiều cao, cân nặng, chiều dài cánh tay, độ dày bờ môi, rồi số đo một số thứ khác nữa của cô ta không nào?
- Cậu cũng ghê gớm nhỉ? Nhưng tớ vẫn chả tin được là cô ta mới hai mươi.
- Ôi dào, cậu thử tuần đi vũ trường sáu buổi xem nào? Chả trông như anh chàng 50 ngay ấy chứ.
- Cậu có kinh nghiệm với giới "Play rân" quá nhỉ?
- Không phải, người quen mà - Việt nháy mắt với Phan, rồi đi sang bàn của cô gái, cách chỗ anh hai bàn. Việt bắt tay cô gái rồi thì thầm điều gì đó vẻ thân mật lắm, cô gái cười ré lên, đấm thùm thụp vào lưng Việt.
- Bất cứ một cô nàng sành điệu ăn chơi đua đòi nào cũng là bạn của cậu à? - Phan hỏi khi Việt quay trở lại. - Phải không?
- Còn tùy vào nghĩa của từ "ăn chơi đua đòi" mà cậu vừa nói. Thành phố này chỉ có hơn bốn triệu dân, nhưng may thay cái đám ăn chơi đú đởn theo đúng nghĩa cậu muốn hiểu ấy, chỉ chiếm khoảng một phần vạn. Và Hà Nội cũng không nhiều vũ trường lắm. Cậu có nghĩ là tớ sẽ biết hết bọn họ không?
- Không chỉ biết, mà còn có vẻ thân đấy chứ?
- Thôi nào, tớ chỉ dặn cô ta cẩn thận, đừng để ngã dập mông xuống sàn thôi.
- Tớ có quan tâm tới cái mông của cô ta à?
- À! Nếu cô ta ngã dập mông xuống sàn, tớ sợ cô ta bị chấn thương sọ não.
Việt cười to, Phan lắc đầu, rồi cũng bật cười. Cô gái "chân dài" ở phía bên kia nhìn sang, tuy không hiểu cả hai đang nói gì, nhưng cũng nâng chai bia Heineken lên mời. Việt nâng chai bia của mình lên đáp trả, nháy mắt với Phan. Phan lắc đầu:
- Cậu lạ thật, cậu vẫn hay cặp kè với các cô nàng giống cô ta đấy thôi? Sao giờ lại nói về họ như vậy?
- Đừng nhầm lẫn, tớ vẫn chơi với họ, nhưng không có nghĩa là tớ sẽ "bồ kết", hay yêu một cô nào đó. Tớ với bọn họ, thích thì chơi, không thích nữa, thì bye. Rất thoải mái, không ai vướng bận ai. Cộng sinh ấy mà, như cây Tầm Gửi.
- Tầm bậy thì có chứ Tầm Gửi gì? Cây Tầm Gửi đâu phải là cộng sinh? Mà cậu sống thế thì chẳng ổn chút nào? Kiếm một cô yêu đương tử tế đi thôi, "giừ" rồi đấy.
- Tớ xin, tớ đang còn trẻ đấy chứ? Tớ chả muốn cho tay vào cùm sớm làm gì, có khi chả lấy vợ càng hay. Sống cho nó thoải mái. Cậu đã nghe câu "Trẻ không xông pha, già ... mất nết" chưa? Coi cậu kia kìa, không chịu đi với tớ, bây giờ ném dở tệ hơn đàn bà.
- Tớ không quan tâm, thời gian rảnh rỗi, tớ đi học, hoặc làm việc.
- Đó có vẻ là lý do rất thỏa đáng cho việc cậu bở rơi tớ, phải không? Và cả việc phong độ dở tệ của cậu nữa?
- Ừ! ở viện dạo này lắm việc, bệnh nhân rõ là đông - Phan vừa ném tiếp một quả nữa rồi liếc mắt sang đường băng bên kia, cô bé "chân dài" lại chuẩn bị đưa tay ném bóng - Càng ngày càng đông.
- Hát không hay đừng đổ cho sân khấu dở. Cậu chẳng tập trung vào thì ném trúng thế nào được? Làm gì cũng cần để tâm vào, nhìn tớ đây này.
- Thôi mấy cái bài học vỡ lòng của cậu đi. Dạo này tớ có rõ là lắm bệnh nhân, bệnh viện quá tải rồi. - Phan đưa chai bia lên miệng - Tha hồ cho bệnh viện tư của cậu "hốt" bạc nhé. Rồi thì tiền sẽ đè cậu chết ngộp mất thôi.
- Tớ chả ham, cái gì cũng đừng nên quá, kể cả nhiều tiền quá. Nhân tiện nói tới bệnh nhân của cậu, nhớ Minh Hạnh chứ? Cái cô mà đâm vào xe tớ lúc nửa đêm ấy.
- Tớ có hơi đãng trí thật, nhưng mà những chuyện đặc biệt thì tớ không bao giờ quên. Ví như chuyện tớ phải bật dậy trong đêm mưa lạnh rồi chạy như một thằng điên trên đường ấy, tớ xếp nó vào danh mục những chuyện đặc biệt đấy.
- Tớ lại vừa gặp cô ấy sáng nay - Việt vờ như chẳng nghe thấy Phan nói gì, quả bóng anh vừa ném chỉ làm đổ chín chai Kegel - chính xác là tớ vừa đọc hồ sơ xin việc của cô ấy nộp sáng nay. Cô ấy nghỉ việc ở viện rồi, và mới tình cờ làm sao cô ta xin vào chỗ tớ.
- Từ "lại vừa gặp" của cậu có nghĩa gì?
- Tớ chưa kể cho cậu nghe chuyện tớ gặp cô ấy ở cửa hàng băng đĩa à? Hóa ra cô ấy cũng là một người mê Chopin như tớ, hơn nữa cô ấy còn là một nhà thẩm âm đại tài.
- Tớ sẽ hiểu từ "đại tài" của cậu theo nghĩa là cô ấy cũng biết tên một vài giai điệu nhạc cổ điển. Cậu sẽ nhận cô ta chứ? Ý tớ là nhận một bác sỹ giỏi ấy, chứ không phải là một kẻ có cùng sở thích âm nhạc với cậu.
- Cậu đùa à? Sao tớ lại không nhận cô ta được, bọn tớ rất có duyên với nhau - Việt cười to - Nhìn cái bản mặt của cậu kìa, thôi cái kiểu nhìn ấy đi, ý tớ là sao tớ có thể bỏ qua một người tài giỏi như vậy được? Giá như cậu xem hồ sơ của cô ấy, học cực kỳ "tanh tưởi", lại được toàn những lời nhận xét tốt của các giáo sư, bác sỹ đã từng làm cùng. Tớ chắc là cậu cũng chưa từng được như thế, đừng ganh tỵ. Có lẽ tớ nên chủ động gọi cho cô ấy, để mời cô ấy đến làm chỗ tớ, cậu có nghĩ như thế là tốt hơn không?
- Cậu nên gọi, nếu ngày mai bầu trời sẽ sập xuống vì cậu không có một cô nhân viên biết nghe nhạc của Chopin.
- Cậu có cách thể hiện sự đồng ý thật đáng yêu. Thế nhưng, cậu có biết là Việt Nam đang thiếu bác sỹ nhi khoa trầm trọng không? Sự khác biệt giữa người thành công và kẻ thất bại là cách họ tìm kiếm và nắm lấy cơ hội đấy. Vậy nên tớ sẽ không bỏ qua cơ hội được hợp tác với một bác sỹ nhi khoa chính hiệu đâu. Nhưng mà, - Việt lắc đầu - tớ không hiểu lắm, vì sao cô ấy lại nghỉ việc nhỉ?
- Cái này thì tớ có thể hiểu - Phan trả lời với vẻ trầm ngâm - Cô ấy muốn chạy trốn những kỷ niệm cũ, chạy trốn gã đàn ông tệ bạc mà cô đã từng yêu, cô ấy không đủ sự nhẫn tâm để căm thù gã, nên đành chọn cách chạy trốn. Nhưng quan trọng hơn, theo tớ nghĩ, có lẽ cô ấy hiểu mình nên phải làm vậy, vì mục tiêu bây giờ của cô ấy không còn là kiếm một chỗ để vừa làm, vừa học tập, nâng cao chuyên môn nữa rồi. Cô ấy đã không còn sự lựa chọn nào khác, cô ấy cần một chỗ kiếm được nhiều tiền, thật nhiều tiền để dành dụm cho việc điều trị của cô ấy sau này. Mà việc đó, thì một đơn vị nhà nước như cái viện châm cứu trung ương kia không thể đáp ứng được. Cả thời gian nữa, cậu biết đấy, thời gian cũng không chịu chờ đợi cô ấy ...
Việt ném nốt quả thứ hai, cần gạt hạ xuống và gạt đổ chai kygel lỳ lợm vừa tránh được quả bóng của anh.
Phần 12
Gật đầu cảm ơn Việt khi anh lịch sự kéo ghế cho mình, Minh Hạnh ngồi xuống chiếc ghế đối diện với anh. Ánh mắt cô ánh lên vẻ tò mò như đang tự hỏi không biết sao tự nhiên Việt lại hẹn cô ra quán Café này? Cô ghét cái vẻ lấp lửng, ra điều bí mật của anh khi nói chuyện với cô qua điện thoại. Cô nhìn anh, ánh mắt chờ đợi một câu trả lời, và để đáp lại, anh cười nụ.
- Tôi có chút việc muốn trao đổi, à không, muốn nhờ cô, không phiền chứ?
- Không phiền, nhưng hơi bất ngờ, vì tôi cũng đang muốn gặp anh thì anh lại gọi cho tôi. Anh làm thế nào mà trùng hợp thế?
- Cô muốn gặp tôi có chuyện gì?
- Chúng ta hãy nói chuyện của anh trước nhé, vì anh gọi tôi ra đây mà. Đồng ý không? - Hạnh quàng lại chiếc khăn quàng màu hồng nhạt trên cổ, dù đang là mùa thu, nhưng những cơn gió mùa đông bắc tràn về khiến thời tiết trở nên giá rét như đang giữa mùa đông. Hai bàn tay cô khum khum ôm lấy cốc nước ấm vừa mới đưa lên còn bốc hơi nghi ngút như cố tìm chút hơi ấm xua đi cái lạnh giá đang làm tay cô cóng lại - Tôi đang nghe đây.
- Thôi được, tôi nghe thiên hạ đồn rằng cô tốt nghiệp chuyên khoa Nhi?
- Anh nghe đồn, hay anh đã biết?
- Tôi biết!
- Vậy thì đúng rồi, nhưng chuyện đó có gì quan trọng bây giờ nữa đâu - Hạnh thở dài, hơi tỏa ra từ miệng cô như một làn khỏi mỏng, cô buồn bã - Sao anh lại hỏi tôi thế?
- Là vì tôi đang điều hành một bệnh viện tư, có lẽ cô cũng biết nó, bệnh viện tư nhân Cuộc Sống.
- Anh đang làm ở đó à? - Hạnh thốt lên kinh ngạc - Anh làm gì ở đó?
- Một vị trí be bé thôi, giám đốc chẳng hạn?
- Anh đang giễu cợt tôi, - giọng Hạnh trở nên gay gắt - phải vậy không?
- Tại sao tôi lại giễu cợt cô nhỉ? - Việt ngạc nhiên.
- Vì tôi vừa mới nộp hồ sơ xin việc ở đó ngày hôm trước, nhưng thú thật mà nói, đó chỉ vì lời khuyên của bạn, và tôi cũng không tin tưởng lắm vào khả năng trúng tuyển của mình. Tôi biết các bệnh viện tư lớn như các anh cần gì, Bệnh viện của anh lớn như vậy, lấy đâu chẳng có bác sỹ giỏi? Cần đến một đứa như tôi để làm gì? Vậy mà đột nhiên hôm nay anh gọi tôi ra đây nói chuyện. Hoặc là anh đang đùa giỡn tôi, hoặc anh đang thương hại tôi?
- "Đứa như tôi" nghĩa là sao? Tại sao tôi lại thương hại cô nào? Cô đang tự hạ thấp mình quá đấy. Tin tôi đi, chúng tôi cần khả năng chuyên môn của cô, chúng tôi cần một bác sỹ nhi khoa giỏi, đó mới là lý do tôi gọi cho cô hôm nay.
Hạnh nhìn sâu vào mắt Việt, ánh mắt đầy vẻ nghi ngờ và anh nhún vai.
- Tôi hoàn toàn không có vấn đề gì với việc cô mắc bệnh, tôi biết lý do vì sao cô mắc bệnh, nhưng không phải vì thế mà cô có thể tự thu mình lại như con Ốc thế. - Chợt Việt hạ giọng, anh nhìn quanh, quán vắng tanh, chỉ có hai người với nhau, nhưng anh vẫn nói với giọng thì thầm - Tự cô đang cô lập mình với thế giới, trước khi người ta kỳ thị và cô lập cô đấy. Nếu muốn người khác hòa đồng với cô, cô phải hòa đồng với mọi người đã chứ? Những người bị bệnh là những người rất đáng thương, nhưng đó không phải là lý do tôi mời cô làm việc cho tôi, tài năng của cô mới là thứ mà bọn tôi quan tâm. Hơn nữa, ai cũng có quyền được lao động. Cô cần việc làm và tôi cần có cộng sự giỏi. Đó là một lý do hoàn toàn khách quan. Trong công việc, một người chủ giỏi là một kẻ biết dùng người theo khả năng chứ không phải theo cảm tính. Với lại, tôi không phải là người quen thân gì của cô, hơn nữa, chúng ta chỉ mới gặp nhau có vài lần, cô lại không phải là bạn bè, cũng chẳng phải là chị em họ hàng gì của tôi. Vậy, cô thử cho tôi một lý do gì để tôi phải thương hại cô xem nào?
Hạnh lại nhìn sâu vào mắt Việt, ánh mắt đã bớt đi vẻ nghi ngờ, tay cô xoắn vào nhau, vẻ mông lung lắm. Việt mỉm cười, chìa tay ra:
- Thế nào?
- Thôi được - Cô bắt tay anh - Có vẻ như tôi đang nợ anh một lời xin lỗi.
- Tuyệt vời. Tôi sẽ cho cô trả nợ lời xin lỗi đó sau. Bây giờ, hãy nói đến việc cô muốn gặp tôi đi nào, có việc gì thế?
- Tôi có cái này cho anh - Hạnh đưa cho Việt một gói quà được bọc cẩn thận - Bạn tôi ở Pháp về chơi, và tặng tôi một vài đĩa nhạc hay, tôi nghĩ sẽ thật bất công khi anh không được thưởng thức nó.
- Cô có gì cho tôi vậy? - Việt ngạc nhiên - Hối lộ sếp là một tội lớn đấy nhé.
- Tôi đâu đã ký hợp đồng lao động? Sao anh đã vội tự cho mình là sếp rồi?
- Cô đã đồng ý làm việc cho tôi rồi mà. "Lời nói đọi máu" đấy nhé.
- Thôi được, hoặc sếp nhận hối lộ, hoặc sếp sẽ mất CD Chopin của Vladimir Horowitz trình tấu, sếp sẽ chọn cái nào?
- CD của Horowitz à? Sao cô không nói sớm? - Việt gần như hét lên vì sung sướng, mắt anh lấp lánh niềm vui không thể kìm chế - cô không biết là tôi đã mơ ước và tìm nó khó khăn thế nào đâu?
- Vậy, để đổi lại, tôi hi vọng sếp sẽ xóa tội hối lộ cho tôi, được không ạ? Đó là một tội quá lớn.
- Trái lại chứ, cảm ơn em. - Việt không để ý rằng mình vừa thay đổi cách xưng hô với Hạnh - Cảm ơn em.
- Em chỉ trả Roma lại cho Caesar. CD của Horowitz nên được nghe với giàn loa Tannoy tuyệt hảo của anh, thay vì chiếc đài đĩa Trung Quốc tậm tịt của em. Nghe bằng chiếc đài cà tàng của em cũng là một sự bất công với nhà soạn nhạc đại tài của chúng ta.
- Quan trọng là ở sự cảm nhận chứ em, nhưng phải công nhận, nghe ở đài đĩa là một ý tưởng tồi. Hay là vậy đi, hôm nào anh sẽ mời em, Phan và Thảo, có lẽ em không biết Thảo, cô ấy là bạn gái của Phan. Mọi người sẽ đến nhà anh, nấu món gì đó và thưởng thức đĩa nhạc tuyệt vời này, thế nào?
- Rất tuyệt ạ, em cũng chưa có dịp cảm ơn anh Phan.
- Đừng quá câu nệ như thế, anh chỉ hi vọng em coi bọn anh là bạn, điều đó không khó khăn với em chứ? - Việt vui vẻ.
Ánh mặt trời đã bắt đầu ló được mình ra khỏi sự bủa vây của những đám mây xám xịt trên bầu trời, tỏa chút nắng ấm xuống mặt đất. Ánh nắng ùa vào bên trong quán, tô điểm lên bức tranh phiên bản copy "Thiếu nữ bên hoa huệ" của danh họa Tô Ngọc Vân những mảng màu thật mới lạ.
Hạnh ngắm nhìn quanh, tay chủ quán đúng là một người chơi tranh sành sỏi, dù tất cả những bức tranh được treo trên tường chỉ là phiên bản vẽ lại, nhưng chúng đều mang một phong cách trang nhã, nhẹ nhàng và hết sức tinh tế. Cô nhìn sang chỗ Việt đang bận mân mê món quà bất ngờ mà anh vừa nhận được, gương mặt ánh lên vẻ vui sướng như một đứa trẻ vừa đón mẹ đi chợ về và được mẹ cho quà.
Cô mỉm cười.
Chúc các bạn online vui vẻ !