Disneyland 1972 Love the old s
Tiểu thuyết tình yêu

Tiểu Thuyết Tình Yêu

Đọc truyện tại Tiểu Thuyết Tình Yêu

Loading...

Truyen tinh cam - Cái mền 37 độ - trang 1

Chương 1 ĐI VỀ NƠI ĐÂU

Vụt… Vụt…

Tiếng roi tre vút trong không khí tàn nhẫn quật vào người Lan. Người đàn bà xăm mày xăm môi vừa đánh Lan vừa xổ ra một tràng những từ ngữ tục tĩu:

- Đ.m.m, mày đánh con tao. Thứ mày ăn nhiều cho mập h. @#$&%!%&$#@...

Lan oằn mình trước những nhát roi bén nhọn của bà mẹ ghẻ. Mười năm. Từ khi người đàn bà này về căn nhà này là từng đó thời gian cô phải sống trong sợ hãi. Làm bất kỳ việc gì cũng phải nhìn thái độ của bà ta, ăn cũng không dám ăn no, ngủ cũng không dám ngủ đủ giấc. Ba Lan đi làm xa tuốt ở bên Lào thỉnh thoảng mới về thăm nhà. Những lúc đó bà ta lại nấu những bữa cơm thịnh soạn, ngọt ngào nói cười với cô, ăn đi con, ăn nhiều để có sức mà học. Một bà mẹ kế quá đỗi tuyệt vời thương con chồng như vậy thì làm sao ba có thể tin những gì cô nói về bà ta.

Những giọt nước mắt nóng hổi lăn dài trên má rồi rơi xuống nở bung trên nền gạch. Bất giác, có gì đó trong Lan thôi thúc cô phản kháng lại. Sự phẫn nộ uất ức dồn nén bao năm đã vỡ bụp vì bị quá tải. Lan xô bà mẹ kế vào tường, gào khàn đặc:

- Bà đã dồn tôi tới bước đường này. Được rồi. Tôi đi. Tôi đi ra khỏi cái nhà này là được chớ gì. Tất cả tài sản của ba tôi đều là của bà hết đó. Lụm hết đi.

Bà mẹ kế tức điên vung tay định bạc tai Lan thì cô đã kịp hất mạnh cánh tay bà ta ra rồi ôm Boss chạy thẳng xuống hừng sông.

***

Dòng sông Đakla xanh mát chảy ngược vẫn êm đềm trôi theo hướng Tây – Tây Nam hợp với sông Kroong Po Ko từ hướng Bắc đổ xuống thành sông Se San hùng vĩ. Cuộc hành trình của sông Đakla chưa dừng lại ở đó mà nó còn chảy sang tận xứ sở Campuchia hòa mình vào sông Mê Kông và cuối cùng mới đắm mình trong biển Đông bao la.

Đứng cạnh ngôi mộ mới đắp của Boss bên rẫy bắp xanh rờn, Lan bật khóc nức nở. Gió từ sông thổi lên rất mát, len lách qua những tán lá ngô xào xạt như muốn an ủi Lan.

Ở nhà, Lan vẫn thường chui rúc trong căn gác nhỏ tối như hũ nút sau khi làm xong tất cả việc nhà, không phim, không truyện, cô độc trong không gian u ám quanh mình. Năm lớp mười một, sau khi học tiết văn về tác phẩm Người trong bao của nhà văn A.P.Sê-khốp, mấy đứa trong lớp đã nói Lan rất giống nhân vật “người trong bao” Bê-li-cốp. Cô không đi giày cao su, không cầm ô và cũng không mặc áo bành tô, không đeo kính râm, không nhét bông vào lỗ tai nhưng cô giống ông ta ở điểm thích thu mình vào trong một cái vỏ. Cô câm lặng, cam chịu, để mặc sự đau khổ dày vò bản thân, sống lờ đờ như một bóng ma.

Gió chợt thổi mạnh. Côn trùng kêu ran rát tấu lên những bản nhạc của đồng quê. Lan dõi mắt ra dòng sông êm đềm. Đôi mắt cô nhuộm một màu nước của dòng Đakla hiền hòa. Phương Hòa – nơi cô cất tiếng khóc chào đời trong vòng tay yêu thương của mẹ. Hồi còn bé xíu, mẹ thường dắt cô xuống đây bẻ bắp về nấu ăn. Cô thường lũn cũn đi trên bờ sông hát vang những bài hát thiếu nhi:

- Đi học về là đi học về, con vào nhà con chào cha mẹ. Cha mẹ khen rằng con rất ngoan, mẹ âu yếm hôn hai má con…

Năm Lan lên bảy, mẹ ốm nặng rồi qua đời bỏ đứa con gái nhỏ lại cho người chồng thường xuyên vắng nhà đi làm ăn xa. Sau đó hàng xóm vun vén rồi bà nội cũng thúc giục, thế là ba Lan lấy người phụ nữ bán thịt heo ở chợ đã ly dị chồng có một đứa con gái nhỏ hơn Lan hai tuổi. Ba yên tâm giao Lan cho người đàn bà đó rồi đi biền biệt, thỉnh thoảng mới tạt về nhà đưa tiền cho bà ta. Những lúc đó ánh mắt bà ta sáng lên, giọng dẻo quẹo như mạch nha: “Dì sẽ mua cho con quần áo mới. Đi chợ với dì con!”. Rồi bà ta cũng chở cô đi mua đồ thật. Thế nhưng sau đó, chúng đều nằm hết trong tủ quần áo của con Duyên. Nhiều khi Lan thèm thuồng cái bánh hay que kem bà ta mua cho con Duyên biết bao và chỉ được ăn phần thừa mứa nó cho. Từ cấp một cho tới cấp ba chẳng bao giờ được bà ta cho tiền tiêu vặt, muốn đóng khoản tiền nào đó cũng phải canh lúc nào bà ta vui mới dám xin. Cô đi học cấp ba bằng chiếc xe đạp cọc cạch đạp bốn cây số để đến ngôi trường trong thị xã. Có lần xe bị gãy cổ lái, cô ngã xe, bị cổ tay lái đập vào ngực đau buốt. Ba không biết vì bà ta không báo. Ông ngoại thương cô lấy tiền tiết kiệm mua cho xe đạp mới. Sau đó ít lâu thì ông mất. Những người yêu thương cô đều lần lượt qua đời. Cô như con tàu mất lái đâm sầm vào đảo hoang, để rồi kì thi đại học và cao đẳng vào tháng bảy vừa rồi cô bỏ trắng bài thi.

Lan nhếch môi cười khẩy. Bà ta muốn cô cút xéo khỏi nhà từ lâu rồi, giống như mấy đứa con gái trong xóm bỏ nhà đi bụi. Sau đó bà ta sẽ móc mỉa với người ta rằng, con đó nó đi theo trai, vài ba bữa vác cái bụng bầu về cho coi. Bà ta thích ngồi lê đôi mách bàn chuyện thiên hạ lắm mà. Mặc dù sống chung dưới một mái nhà nhưng bà ta và đứa con gái xấc láo luôn coi cô như người dưng nước lã, suốt ngày mắng mỏ chì chiết, soi lỗi vặt để đánh đập bằng cái roi quất bò. Mấy con bò bà ta bán hết rồi, bán sắm vàng đeo đầy cổ, đi tái tạo lại dung nhan để kéo dài tuổi xuân. Nhớ mấy con bò của cô quá. Chúng đều hiền lành giống cô. Cô vẫn thường dắt bò xuống bờ sông cho chúng gặm cỏ, còn mình thì nằm dài trên bãi cỏ ngắm trời mây đến xẩm tối mới về.

Ngồi sụp xuống cỏ, Lan úp mặt vào hai đầu gối khóc vùi. Cô nói là cô sẽ đi. Nhưng cô biết đi đâu bây giờ?

Chương 02 Tạm biệt phố núi

Hơn nửa đêm, Lan lê những bước chân nặng nề về nhà. Bà dì ghẻ và con Duyên đã ngủ, cửa không khóa. Lan nhếch môi cười khẩy. Ít ra bà ta còn có chút lòng tốt không bắt cô phải ngủ ngoài đường.

Lan leo lên căn gác xép tối thui rồi ngồi thu lu trên giường trong bóng tối đặc quánh. Suốt mấy tiếng đồng hồ ngồi dưới bờ sông ngẫm về cuộc đời, cô đã hạ quyết tâm phải rời khỏi ngôi nhà này. Cô muốn được như dòng Đakla chảy một hành trình dài rồi đổ ra biển lớn. Những lằn roi rát buốt trên người thôi thúc cô phải bứt ra khỏi cái vỏ ốc nhút nhát, đừng nên sống cuộc sống như thế này nữa. Một blogger đã viết trong blog của anh ấy mà cô tình cờ đọc được khi lướt web trong giờ tin ở trường rằng: “Khi thực sự lâm vào bước đường cùng, người ta sẽ bật dậy và càng mạnh mẽ hơn. Những hạt mầm vẫn có thể đâm chồi dù ở cuối đường hầm tối tăm lạnh lẽo…”1 Cô đã trưởng thành, đủ mười tám tuổi, đã có thể tự quyết định con đường mình sẽ đi. Ở dưới bờ sông, cô đã suy nghĩ rất nhiều và quyết định chọn Sài Gòn làm nơi tìm kiếm cơ hội cho tương lai của mình. Những anh chị sinh viên đi học ở Sài Gòn về đều nói rằng Sài Gòn rất nhộn nhịp và náo nhiệt, có những tòa cao ốc văn phòng hiện đại, những siêu thị rộng thênh thang máy lạnh chạy ro ro mát rượi, những con đường tuyệt đẹp tấp nập người và xe. Các anh chị học xong hầu hết đều ở lại Sài Gòn, số người về quê chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Gió chợt rít gào bên ngoài cửa sổ. Đêm không tĩnh lặng. Lan nghe thấy tiếng lá rơi rào rào, tiếng rặng tre trước nhà vặn mình kẽo kẹt và cô còn nghe rõ mồn một trong gió tiếng mèo hoang kêu gào.

Lan bật điện thoại. Màn hình hiển thị những con số khô khan. 00:59. Đây là chiếc điện thoại Samsung của Viettel tặng kèm khi mua gói cước super sim. Không nhạc nhẽo hay lướt web cành cành, chỉ để nghe, gọi, nhắn tin và rọi đường đi trong đêm tối bằng chức năng đèn pin.

Những ngày đầu đi làm ở siêu thị, việc nhiều vô cùng. Nhiều khi Lan thấy đuối sức ghê gớm nhưng vẫn ráng đi làm vì thời buổi này xin được việc rất gian nan. Công ty MA thuê lại tòa nhà ba tầng Koroco trước đây cũng là siêu thị nhưng đã ngừng hoạt động lâu ngày nên hàng hóa ngổn ngang bám đầy bụi bặm. Lan phải đẩy xe chất đầy hàng di chuyển từ tầng hai xuống tầng một, sau đó cùng với các chị lau chùi hàng trăm kệ hàng. Rồi hàng về, toàn những thùng to, cô phải đẩy xe từ bên ngoài vào trong siêu thị hết chuyến này đến chuyến khác, tối nào về cô cũng ngồi bóp chân. Mấy ngày này siêu thị gấp rút để kịp ngày khai trương nên công việc càng nhiều thêm. Nặng nhất vẫn là đẩy xe chất đầy sách tới các kệ sách rồi vất vả kéo ịch những chồng sách nặng trịch xuống. Nhưng sung sướng nhất vẫn là lúc được nhận tiền lương, cầm cục tiền hơn triệu rưỡi mà rơm rớm nước mắt, bởi vì đó là những đồng tiền kiếm được bằng mồ hôi nước mắt của mình.

Hàng tháng ba Lan vẫn đều đặn gửi tiền về nhưng bà Nga đều giữ hết, vậy mà thỉnh thoảng lại tru tréo hết tiền hết bạc. Con nhỏ xấc láo lâu lâu khoắn của bà ta một ít đi cho trai. Trên đời có bốn cái ngu nhất là làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu, vậy thì có lẽ dại trai cũng là một trong những cái ngu nằm ở top 10.

Lan bật đèn bàn ngay đầu giường, quơ cuốn tập rứt một đôi giấy rồi kê lên đùi cắm cúi viết đơn xin nghỉ việc.

***

Tầng hai siêu thị M&A được phân ra làm ba khu. Đầu tiên nhìn từ ngoài vào là khu Văn phòng phẩm, kế đó là khu Thời trang và cuối cùng là Nhà sách. Sau khi nộp đơn xin nghỉ việc cho anh chàng tổ trưởng tổ Sách, Lan đi tới mấy kệ sách xếp sách với chị Thơ kiếm thêm một ngày công. Tiền lương tháng này cô sẽ nhờ chị Thơ nhận giùm mình.

Chị Thơ là người Quảng Ngãi từng ở Sài Gòn mấy năm trời. Sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật, chị vào làm cho một công ty Áo cưới. Khi nghe người họ hàng ở Kon Tum thông báo một trường tiểu học tuyển giáo viên Mỹ thuật, chị bỏ việc đến phố núi với mong muốn trở thành giáo viên dạy vẽ. Trong thời gian chờ đợi trường thông báo giảng thử, chị Thơ xin vào làm trong siêu thị. Lan có hỏi chị về thành phố Sài Gòn nhộn nhịp, chị than phiền rằng, thành phố đất chật người đông, kẹt xe quá trời quá đất, đi làm xa lắc xa lơ. Thế nhưng Lan vẫn háo hức lắm, cô muốn đặt chân đến Sài Gòn một lần cho biết. Có một điều thú vị là các chị gái ở trong xóm cô đi học ở Sài Gòn nhiều năm nên về giả tiếng rặc Sài Gòn. Ví dụ như là “chời ơi” hay là “uống rụ” rồi “hổng biết đâu” “hổng dám đâu má”. Lan muốn đi Sài Gòn để thỏa mãn những tưởng tượng được thêu dệt trong cô từ lâu về thành phố năng động và đông dân nhất Việt Nam. Sau vụ bị đập tối qua, Lan đã quyết định “khăn gói quả mướp” đến sống ở thành phố 8 triệu dân đó. Cô sẽ rời xa căn nhà có bà mẹ ghẻ ghê gớm và đứa con gái xấc láo.

- Chị Thơ, tối mai em đi Sài Gòn tìm việc làm.

Lan vui vẻ nói cho Thơ biết về chuyến đi. Vé xe cô mới mua ban sáng. Xe khách Kon Tum – Sài Gòn sẽ lăn bánh vào lúc 7h30 tối mai.

- Em nói thiệt hở Lan? Đi Sài Gòn?

Chị Thơ có vẻ ngạc nhiên trước thông tin mà Lan vừa nói. Bởi lẽ mới ngày nào khi hai chị em ngồi lau rượu xếp lên kệ, Lan tâm sự với chị rằng rất có thể cô sẽ gắn bó lâu dài với công việc bán hàng siêu thị.

- Em muốn sống tự lập. - Lan cười trả lời.

Mười tám tuổi, cái tuổi chưa hẳn đã trưởng thành nhưng vẫn có thể sống tự lập mà không cần gia đình bao bọc, nhất là cái vỏ bọc của bà mẹ ghẻ Lan càng muốn xé bọc thoát ra. Luôn thấy lạc lõng trong chính ngôi nhà của mình thì tiếp tục ở đó làm gì. Cô muốn được trôi đi như dòng Đakla đến một nơi nào đó mà cô thấy thực sự bình yên. Lan lựa chọn Sài Gòn là điểm đến vì muốn trải nghiệm một cuộc sống nhộn nhịp, năng động. Không thể cứ thu mình vào trong vỏ ốc cả cuộc đời. Cô cũng cần phải có ước mơ, có lý tưởng sống, có mục tiêu để phấn đấu. Cô còn trẻ lắm, chỉ mới mười tám tuổi thôi. Cô muốn được đi xa để mở mang tầm mắt, để học thêm nhiều điều mới mẻ. Sống khổ cực quen rồi nên Lan nghĩ rằng mình có thể chịu khổ được khi đến Sài Gòn. Cô có thể đi rửa chén, chạy bàn hay bán hàng siêu thị… việc gì cô cũng làm được. Mấy đứa bạn học chung ở cấp ba đều đang học ở Sài Gòn, tụi nó sẽ giúp cô tìm nhà, tìm việc làm. Dù có khó khăn nhọc nhằn đến mấy Lan cũng quyết không hối hận.

Chỉnh mấy cuốn sách cho ngay ngắn, Thơ quay sang cười cười:

- Nếu em đã quyết định rồi thì chị còn biết nói gì nữa. Nhưng mà chị nói nè, không phải ai cũng sống được ở Sài Gòn đâu. Chị ở rồi nên chị biết. Khói bụi, kẹt xe rồi cướp giựt ghê lắm… Chị về đây xin việc cũng bởi vì chán ngán mấy cảnh như vậy. Ở phố núi chị thấy bình yên hơn Sài Gòn nhiều.

Chị Thơ nộp hồ sơ vào một trường tiểu học ở Măng Đen, nơi được mệnh danh là Đà Lạt phiên bản 2. Măng Đen có khí hậu mát mẻ quanh năm với rừng thông bạt ngàn từ 30 – 70 tuổi đời, có những hồ nước trong xang rộng lớn như Toong Zori, Toong Po, Toong Dam… và cả những con suối, thác nước đẹp nổi tiếng như Paish, Dakke, Lo Ba. Lan vẫn còn bị ấn tưởng bởi cái Tết năm lớp 12 đi Măng Đen với mấy đứa bạn. Sương mù giăng kín rừng thông. Cô đứng co ro dưới tán thông, sương xuống dày đặc bám đầy trên tóc và quần áo nhưng cảm giác tuyệt vô cùng vì chưa từng trải qua bao giờ. Phố núi yên bình là thế nhưng nơi đây không thể chắp cánh cho những ước mơ bay cao và bay xa. Thế nên, Lan mới phải đi dẫu biết rằng con đường cô chọn lắm gian truân và thử thách, không thể biết trước được những nguy hiểm gì sẽ rình rập chực vồ mình.

***

Trời chiều tắt nắng. Gió thổi mạnh qua bãi mía dập dìu như sóng biển. Lan dựng xe đạp rồi đứng trên bờ kè lồng lộng gió dõi mắt nhìn về hướng dòng chảy của sông Đakla. Có một câu chuyện cổ được lưu truyền từ bao đời nay rằng, ngày xưa các ông tiên thường ngồi đánh cờ trên thác Yaly (nay là làng Măng La của người Ba Na, xã Ngọc Bay, T.P Kon Tum), sau đó du ngoạn tới đoạn sông hiền hòa đẹp đẽ2. Thế nên người xưa mới có câu: “Bát tiên quá hải”. Dòng Đakla chảy qua thành phố chính là nơi tám ông tiên dừng chân thưởng ngoạn.

Rút từ trong túi xách ra bức thư viết tay cho ba, Lan đưa tay ra trước gió. Tờ giấy trắng tung bay phần phật bên trên có những chữ được viết nắn nót.

Ba, con sẽ sống tốt ở Sài Gòn…

***

Lan đạp xe về nhà khi trời đã xẩm tối. Không có Boss vẫy đuôi mừng rỡ như mọi khi, lòng cô trĩu nặng. Boss là con cái, hiền khô và rất đáng yêu, hai mắt nó to tròn như hai hòn bi ve. Con Duyên tàn nhẫn quá. Chính nó đã giết Boss của Lan.

Lúc Lan dắt xe đạp vào trong bếp, bà Nga đang ngồi ăn cơm ngước mắt nhìn cô bằng cái nhìn hằn học. Có lẽ bà ta vẫn đang tức anh ách vì tối qua bị cô xô vào tường. Thấy Lan bước chân lên cầu thang, bà Nga hỏi giật lại:

- Mày không ăn cơm đi con kia. Định để ốm đói rồi về ba mày càm ràm tao hẳn?

Lan lạnh nhạt buông một câu:

- Tôi ăn rồi.

Cầu thang cút kít dẫn Lan lên căn gác xép tối tăm. Không bật điện, cô cứ thế để nguyên túi xách, quần áo ngả người xuống giường. Ngôi nhà thường là nơi ấm êm và yên bình để người ta trở về sau một ngày tất bật. Nhưng với Lan, ngôi nhà này từ lâu đã không còn sự ấm áp mà vốn dĩ một ngôi nhà cần phải có. Lòng cô luôn lạnh khi ở đây, lạnh tái tê khắp mọi ngóc ngách trong tâm hồn. Nắng Kon Tum không thể sưởi ấm được lòng cô, hy vọng rằng nắng Sài Gòn có thể làm được điều đó.

***

Sáng sớm. Khi sương vẫn còn giăng kín quanh những dãy núi, rẫy bắp, phủ lớp màn trắng xoá dọc sông Đakla, Lan trở dậy xuống sân lui hui quét lá. Những chiếc lá tre khô quắt queo xào xạt dưới từng nhát chổi. Hàng tre vẫn rì rào như mọi ngày, phát ra giai điệu êm ái đặc trưng của xóm bờ sông. Những rặng tre có từ rất lâu rồi, từ trước khi Lan sinh ra, chắn gió, chắn bụi khi trời nổi bão. Lan hít vào thật sâu không khí dịu mát của buổi sáng trong lành, lắng tai nghe bản giao hưởng của tre, của gió. Giờ này sáng mai cô đã ở Sài Gòn. Thế nên cô cần phải hít hà cho căng tràn lồng ngực không khí trong lành ở quê nhà làm hành trang khi đến xứ lạ, để rồi mỗi khi thấy nhớ nhà sẽ nhớ lại được cảm giác khoan khoái mà cô đang tận hưởng lúc này.

Roẹt!

Nghe có tiếng kéo cổng, Lan ngẩng đầu lên bắt gặp cái liếc mắt sắc lẻm của con Duyên. Cô cũng lườm lại nó rồi lui hui nhóm lá tre thành đống để đốt. Thằng bồ con Duyên phóng vụt tới trên chiếc Exciter rồi cua đầu xe một vòng rất đẹp như để biểu diễn cho Lan coi. Con Duyên ngồi lên xe ôm eo thằng bồ chặt cứng. Hai đứa nó cười giòn tan rồi chở nhau vù đi mất hút khỏi con đường xanh ngắt một màu tre.

Đốt xong đám lá, Lan đi ra cổng dạo bộ trên con đường làng quen thuộc đẹp đến mơ màng. Những bông hoa muỗng lúp xúp trong đám lá xanh rậm rì trước ngôi nhà của cô Sách hàng xóm sát nhà Lan. Cô mất lâu rồi vì một căn bệnh hiểm nghèo, căn nhà hiện tại được chồng cô cho thuê. Lan vẫn còn nhớ hồi còn bé xíu vẫn thường đu trên yên sau xe đạp của cô Sách để cô chở đi học. Cô hiền giống mẹ Lan và cũng rất thương Lan.

Lan lững thững đi xuống mấy bậc thang đất rồi băng qua rẫy mía, rẫy ngô để đến bờ sông nơi tối qua cô đắp mộ cho Boss. Ngồi xuống bãi cỏ xanh mướt vẫn còn đẫm hơi sương lành lạnh cạnh ngôi mộ bé nhỏ, Lan bó gối nhìn dòng Đakla trôi lững lờ. Sương dần tan. Ngục Kon Tum thấp thoáng bên kia bờ sau những tàng cây cổ thụ. Những hình ảnh này sẽ mãi khắc sâu trong tâm trí cô. Và dù cho ở bất kỳ đâu đi chăng nữa cô vẫn sẽ luôn nhớ về phố núi yên bình có dòng sông Đakla hiền hòa chảy quanh.

***

Sáu giờ chiều, Lan xách ba lô to đùng đi xuống cầu thang. Bà Nga đang nướng thịt gà thơm lừng dưới bếp. Chất ba lô lên yên sau xe đạp, Lan nói với bà dì ghẻ:

- Tối nay tôi đi Sài Gòn.

Bà ta quay phắt lại trừng mắt:

- Ba mày cho chưa mà mày đi?

Lan không trả lời, lúi húi quấn dây thun quanh ba lô.

- Sao tao hỏi mày không trả lời con kia? Mặt mày vô tích sự đi Sài Gòn làm được gì ở đó. Sướng không muốn mà muốn khổ. Ở nhà có lúa gạo ăn, đi Sài Gòn phải kiếm từng đồng mua gạo đó mày biết chưa? Thứ mặt mày ăn gì mà ngu dữ?

Bà ta muốn chửi, Lan cứ để cho bà ta chửi. Có lẽ bà ta nghĩ tới mùa lúa không ai phơi nên hăm he để cô không đi nữa. Bức thư viết tay đã được gửi bảo đảm sang Lào cho ba Lan. Cô kể trong thư chuyện Boss chết, bà ta đánh cô bằng roi quất bò, mắng chửi cô như thế nào… Ba sẽ nửa tin nửa ngờ thậm chí là không tin những gì cô nói. Và dù ba có can ngăn, cô cũng đã hạ quyết tâm phải rời khỏi căn nhà này.

Dắt xe ra khỏi cổng rồi vẫn nghe thấy tiếng chửi mắng tục tĩu của bà Nga, Lan ngán ngẩm trèo lên xe dông thẳng.

***

Bến xe Kon Tum nhộp nhịp. Tiếng những người phụ xe gọi khách í ới. Có rất nhiều người mang ba lô, tay xách nách mang đủ thứ đồ tập trung cạnh những chiếc xe khách đã quay sẵn đầu xe. Vài người trẻ vai đeo balo, tay lướt điện thoại. Lan nghĩ chắc hắn đó là sinh viên ở các trường Đại học trong Sài Gòn. Xe đạp của Lan được mấy anh phụ xe chất lên trần cột dây với một chiếc xe máy, còn ba lô to đùng thì được quăng ịch ra đằng sau xe. Cô trèo lên xe ngồi xuống ghế ghi trong vé, ghế kế bên cạnh cửa sổ có một người con trai tai gắn earphones ngả đầu, mắt nhắm nghiền.

Đúng 7h30, xe lăn bánh. Quay mặt về phía cửa kính, Lan ngắm nhìn những cửa hiệu sáng choang trong ánh đèn nê ong, ngắm đường phố chìm trong ánh đèn đường vàng ấm cúng. Rồi xe đi ngang qua cầu Đakla. Mặt nước sông óng ánh dưới hàng điện thắp sáng dọc bờ kè. Lan thầm thỉ trong lòng. Tạm biệt phố núi.

-----------------------

Loading...

Tiểu thuyết tình yêu là website chia sẻ những thể loại truyện hay nhất hiện nay, được nhiều người đọc yêu thích. Truyện được cập nhập hàng ngày. Hãy lưu địa chỉ web để truy cập nhanh hơn!

Chúc các bạn online vui vẻ !

Laptop Tùng Anh

Tour Phú Quốc

Vinhomes Cầu Rào 2

Trang Chủ