Polaroid
Tiểu thuyết tình yêu

Tiểu Thuyết Tình Yêu

Đọc truyện tại Tiểu Thuyết Tình Yêu

Loading...

Truyện tình cảm - Độc thân, cần yêu - trang 1

Chương 1

Bốn mùa 1881
Chuyến bay bị hoãn vì sương mù, bên hàng không bố trí cho nàng về một khách sạn cách nhà anh chỉ hai dãy phố. Nhưng nàng không gọi cho anh, nàng sợ phải nhìn lại một lần nữa ánh mắt bình lặng không trách móc của anh. Nàng cũng không báo cho T. bên kia, chỉ mệt mỏi lên nhận phòng. Để nguyên bộ quần áo dày cộp chuẩn bị cho những đợt mưa tuyết xứ người, nàng ngả xuống giường, những hình ảnh vuông tròn lẫn lộn trượt trong đầu. Nằm trằn trọc mãi không thể ngủ nổi, nàng mở va li tìm vỉ thuốc, thời gian gần đây nàng tìm nó thường xuyên. Đập vào mắt nàng, phía trên đống tư trang đã xếp gọn gàng là một vật rất quen thuộc.
Cái túi giấy màu trắng đục có hàng chữ mạ vàng. Đến bây giờ nàng cũng không nhớ đã tặng ông chủ nhà hàng món gì mà ông ta tặng lại nàng túi quà ngoại cỡ đó. Chỉ nhớ là cái túi quá đẹp và nàng đã bắt anh bỏ hết đống đồ trong ngăn kéo ra để lót nó xuống đáy cùng cho đỡ nhàu. Giờ nó không còn đẹp kỳ diệu như lúc ban đầu nàng mang về, nhưng cái màu trắng ngà của giấy và màu vàng nhũ của mấy chữ cái trên đó hợp với chiếc khăn len xanh sẫm của anh vô cùng. Không một bức thư. Không một mẩu giấy nhắn. Món quà chia tay trống trải nhưng vương vấn đến nao lòng...
* * *
Mùa thu năm ngoái, trời đầy gió và mặt đất đầy xác lá, khóa MBA kết thúc nhưng T. không về như đã hẹn, cũng chẳng có tin tức gì. Nàng thôi gửi mail, thôi gửi offline message, thôi nhờ người quen gửi những món đồ khô, buông xuôi mọi nhắn nhủ, đang ngồi thu mình trong căn phòng nhỏ lắng nghe “nỗi im lặng phố khuya” như trong nhạc Phú Quang thì anh đến chìa ra hai tấm vé hòa nhạc. Trong chương trình có ghi: Bản Bốn mùa - Concerto cho Violon của Vivaldi.

- Sao anh biết em thích Vivaldi?
- Anh không biết, tự nhiên có một chú ở đài cho vé...
Nàng nghĩ chẳng ai ở đài truyền hình lại quý một biên dịch viên thời vụ đến mức hào phóng tặng vé xem đ nhạc cổ điển cả năm mới có một lần như vậy, nhưng nàng không hỏi thêm, cũng không trang điểm thêm, chỉ khoác một chiếc áo màu sẫm u buồn rồi lặng lẽ đi theo anh. Nhà hát Lớn đầy những người nước ngoài cao lớn, thanh lịch và lạ lẫm. Anh cầm khuỷu tay nàng, miết nhẹ nhẹ như trấn an. Đã lâu rồi kể từ khi T. đi, nàng mới lại đến những nơi hào nhoáng thế này.
Hai người ngồi trong một lô tầng hai, nơi nghe tốt nhất và xem rõ nhất. Vị nhạc trưởng người Pháp duyên dáng đưa tay mời vị thần âm nhạc từ đâu đó trên mái vòm đậu xuống cây đũa mảnh. Những nốt thăng nốt trầm bay lơ lửng. Nàng nghiêng đầu, khép mắt. Hương thơm của một loại nước hoa lẩn quất giữa hai chiếc ghế của nàng và anh. Nàng không còn lắng nghe nữa mà đang cảm nhận. Tiếng violon réo rắt và mùi man mát trầm lặng của nước hoa đưa nàng tới xứ Lombardi miền Bắc Ý, tới với những cánh đồng hoa oải hương tím ngan ngát trải dài tới chân trời, những vườn cam vườn chanh trĩu quả bên bờ Địa Trung Hải… Giờ nghỉ giải lao, anh ra ngoài rồi trở vào, hương thơm theo những dao động không khí vỗ vào tâm trí nàng như đợt sóng.
- Anh dùng nước hoa?
- Anh vẫn dùng, từ lâu rồi mà.
Anh im lặng vài giây rồi nói ra một cái tên, 1881. Nàng gật đầu lơ đãng nghiêng mặt hướng về phía anh hơn một chút, không nhận ra rằng từ nay cái ám ảnh kết bằng khói thuốc lá của T. sẽ thôi theo mình thường xuyên nữa.
* * *
Mùa đông đến, công việc của cả anh và nàng cuối cùng thì cũng bớt bấp bênh nhờ những bản hợp đồng dài hạn, nàng yên tâm ghi tên học thêm một “cua” tiếng Ý ngoài giờ. Trường ngoại ô, trên một con đường mà ánh đèn lấp sau tán cây. Anh đến đón nàng, chạy xe song song trên quãng đường tối nhất, lắng nghe những câu chuyện không đầu không cuối hay những từ nàng mới học và mỉm cười mỗi khi nàng phát âm sai. Thi thoảng anh kéo nàng đi ăn món Ý ở một nhà hàng quen, ông chủ người Parma hay quàng một chiếc khăn màu ô liu, luôn nói “Ciao, bella”(Chào người xinh đẹp) mỗi khi nàng bước vào. Một lần, bên chiếc bàn trải khăn ca rô, trong khi chờ món pizza với đùi lợn muối kiểu Parma, nàng cười vô tư lự, thì thào:
- Có lẽ em sắp yêu Nino rồi anh ạ.
Bạn đang đọc truyện tại ThichTruyen.VN
Anh hơi ngạc nhiên nhưng chẳng nói gì, chỉ nhìn sâu vào mắt nàng như tìm kiếm một ẩn ý nào đó. Nàng cười phá lên:
- Anh không thấy chiếc khăn len trên cổ ông ấy sexy hay sao?
- Chà, sexy trở thành tiêu chuẩn của em từ bao giờ thế? – Anh nhìn ra ngoài, vẻ mặt lẫn giọng nói đều có nét gì đó bối rối.
Nàng lại cười thành tiếng, gương mặt bừng sắc hồng, có thể vì hơi nóng từ lò nướng bánh ngay gần đấy. Anh ngẩn ra nhìn, chợt nhận ra gò má nàng đã đầy đặn hơn hồi mùa thu rất nhiều. Lát sau, như sực nhớ, nàng lẩm bẩm:
- Ấy, nhưng mà không được.
- Sao thế?
- Nino lúc nào cũng đẫm mùi thịt cừu!
Lần này đến lượt anh cười. Sốt mayonnaise từ chiếc nĩa ăn salad vẽ thành ba vệt nhỏ trên cằm. Nàng vừa nhẹ nhàng quệt ngón tay lên vệt sốt, vừa mỉm cười mơ màng:
- Giá anh ấy cũng có mùi 1881 như anh nhỉ…
- Sao em không ước ngược lại?


- Nghĩa là thế nào?
Anh nhìn đăm đăm vào những ngón tay mềm mại vừa lướt qua cằm mình, im lặng. Mấy ngày sau, nàng thấy anh cũng quàng một chiếc khăn len màu ô liu.
* * *
Mùa xuân tới mà trời vẫn rét buôn buốt, mưa phùn ẩm ướt. Sau mươi ngày phong phanh dầm mưa dẫn một đoàn chuyên gia đi mấy tỉnh miền núi, anh trở về đem theo tiếng ran ẩm trong phổi và vầng trán nóng giãy. Nàng trực bên chiếc giường đơn trong căn gác anh ở trọ từ thời sinh viên, thay hết chiếc khăn ướt này đến chiếc khăn ướt khác. Đôi lúc nàng nghe anh khẽ gọi tên mình trong cơn sốt, chợt cảm thấy như mưa gió ngoài kia ngấm cả vào người.
Hôm anh ngồi dậy được thì trời đã thôi mưa, gió heo heo khô ráo. Nàng đang đứng bên cửa sổ, mắt nheo nheo như chưa quen với ánh sáng hưng hửng chiếu thẳng vào phòng, vai hơi so lên vì lạnh, miệng lẩm nhẩm đọc một câu vô cùng quen thuộc:
- Non aver paura del dolore che puo’ dare l’amore. (Đừng sợ nỗi đau mà tình yêu đem lại - Trích bài Chiara của Luca Zanna.)
Anh đến bên quàng chiếc khăn len lên cổ nàng, khẽ đọc tiếp:
- Non andare via non lasciarmi solo con la mia malinconia. (Đừng bỏ đi, đừng bỏ lại anh đơn độc với muộn sầu - Chiara – Luca Zanna)
Nàng rùng mình, chẳng rõ vì mùi hương hơi nồng trên khăn hay vì giọng nói trầm ấm, gần như thầm thì của anh. Và sau buổi chiều trong trẻo đó, trên căn gác nhỏ, một góc giá đỗ đầy những libri e taccuini(sách vở) có thêm mấy chiếc đĩa CD Vivaldi của nàng.
* * *
Cuối mùa hè, T. xuất hiện, không phải bằng xương bằng thịt mà chỉ bằng một lá thư sáu trang viết tay bay bướm gửi từ một nơi cách trường đại học cũ nửa vòng trái đất, đúng lúc nàng và anh đang chờ mùa thu tới để về thăm bố mẹ anh rồi sẽ kết thúc cuộc sống chung không danh phận và tiến tới một ràng buộc thiêng liêng hơn. Trong căn phòng hẹp nóng hầm hập vì mất điện, nàng thắp nến đọc thư T., anh nhìn xoáy đôi mắt long lanh nước và lung linh ánh nến của nàng, rồi im lặng ra khỏi phòng.
* * *
Nàng nâng chiếc khăn lên, ấp vào cổ, cái nham nhám của những sợi len cọ lên làn da. Hình như anh đã giặt khăn trước khi bỏ vào túi cho nàng, nhưng hương thơm quen thuộc vẫn thoang thoảng, rụt rè len vào tâm trí. Có cảm giác vẫn như mỗi khi anh đi đâu về để nguyên khăn mũ khẽ cụng đầu vào thái dương nàng. Đến bây giờ nàng mới nhận ra, với nàng, anh cũng giống như chiếc khăn đan bằng sợi len thô, ấm áp chở che nhưng chưa bao đủ dài rộng để quấn và giữ chặt lấy. Anh chỉ biết đến bên kéo nàng ra khỏi nỗi cô đơn lạnh lẽo, làm trái tim nàng ấm lại bằng mọi cách có thể. Và khi T. “trở lại”, trái tim nàng không còn cô đơn, anh lặng lẽ quay đi. Ngay cả việc đưa chiếc khăn với bao nhiêu kỷ niệm cho nàng, anh cũng làm lặng lẽ, như nhất định phải vậy, như một cử chỉ chăm sóc kín đáo cuối cùng. Nàng ngồi thẳng lên hít một hơi dài như để trấn áp sự xao động. Một cái gì đó sộc tới, thôi thúc, giục giã, nàng vùng chạy…
Còn nửa dãy phố nữa là nàng sẽ tới nhà anh. Trên vai nàng, từ những nếp cuộn của chiếc khăn len màu ô liu, mùi hương 1881 tỏa lan dữ dội hơn bao giờ.
Tiệc độc thân cho hai người
Xe của đối tác đưa Yên về đến Hà Nội khi trời đã tối mịt. Trên điện thoại, bảng lịch trình cho ngày thứ Bảy bận rộn này chỉ còn đúng một mục ghi cụt ngủn hai chữ “single party”. Nhà Yên ở một khu đô thị mới ngoài rìa Tây thành phố, nếu bây giờ trở về tắm gội, thay quần áo, cô hoặc sẽ đến muộn ít nhất nửa tiếng, hoặc sẽ thấy cơn lười nổi lên rồi quyết định chẳng đi đâu nữa.
Vậy là, mang nguyên vẻ uể oải pha lẫn cáu kỉnh sau cả một ngày di chuyển qua hết nhà máy này đến khu công nghiệp khác, Yên bước vào một nhà hàng sang trọng nằm trong một biệt thự Pháp cổ chỉ cách hồ Hoàn Kiếm vài trăm mét, để dự bữa tiệc dành cho người độc thân, sự kiện mà đáng lẽ cô phải tham gia từ lâu.
Nhân viên đơn vị tổ chức đón vị khách đầu tiên bằng vẻ ngạc nhiên pha chút ái ngại. Nhìn ánh mắt họ, Yên biết rằng mình đến quá sớm, và trông quá kỳ quặc. Một cô gái có vẻ ngoài sắc sảo, hình như là trưởng nhóm, vừa đưa Yên tờ giấy để điền thông tin cá nhân vừa nghiêng người hỏi nhỏ:
- Chị có cần vào trong kia nghỉ một lúc không ạ?
Yên lắc đầu, cố nở nụ cười đáp lại rồi ngồi xuống một góc nghiên cứu tờ giấy cô gái vừa đưa. Về cơ bản, đó là một dạng sơ yếu lý lịch in sẵn được trình bày vui mắt, với dăm ba câu hỏi bổ sung. Yên điền nhanh, cố gắng tránh cảm giác vừa ghét bỏ vừa thương hại bản thân khi lướt mắt qua phần ghi ngày tháng năm sinh cũng như sở thích. Cô đã 29 tuổi, và thực sự không có thú vui nào đáng kể.
Gần đến bắt đầu, những khách dự tiệc khác lục tục xuất hiện. Những anh chàng khó đoán tuổi, mặc quần bò vào áo khoác nhẹ, trông thoải mái, sáng sủa. Những cô gái trẻ măng, chắc mới ra trường được một hoặc cùng lắm là hai năm, mặc những bộ váy tương đối điệu đà và đi giày cao gót, nom e lệ nhưng vẫn háo hức một cách đáng yêu. Yên cúi xuống nhìn đôi giày đế bệt cùng bộ âu phục tối màu quá mức nghiêm trang, thậm chí là già cay già đắng, của bản thân, tự nhiên thấy mình lạc lõng đến độ buồn cười.
Dù biết chẳng cứu vãn được bao nhiêu Yên vẫn quyết định vào toilette trang điểm lại một chút. Và khi trở ra với mái tóc có thêm chút gel và gương mặt có thêm một chút sắc hồng, cô bắt gặp một người cực kỳ quen thuộc: Chương, sếp của cô. Anh cũng mặc quần bò và áo khoác nhẹ như những khách nam khác, và đang đứng bên bàn thông tin của ban tổ chức với tờ “sơ yếu lý lịch” vừa điền xong. Yên còn đứng im tự hỏi tại sao một người luôn được đánh giá là đào hoa, là “gái theo hàng đàn, đuổi đi không hết” như anh lại có mặt ở đây, trong bữa tiệc dành cho những người cô đơn, thì tiếng MC đã vang lên, đề nghị tất cả các vị khách độc thân dự tiệc bước vào màn giới thiệu, làm quen.
* * *
Chương mỉm cười, mân mê mấy mảnh bìa sặc sỡ cắt theo kích cỡ danh thiếp trong tay. Màn giới thiệu ban đầu thì ra sáng tạo và tế nhị hơn anh nghĩ. Không ai phải đứng trước đám đông để ngượng nghịu và sượng sùng nói về bản thân như khi đi học hay đi họp, mọi người chỉ việc cầm bút, ghi lên mỗi mảnh bìa một thông tin cá nhân bất kỳ như tên hay biệt danh, địa chi email hoặc blog, rồi chạy đi chạy lại trao đổi với nhau xem ai gom đủ số “danh thiếp” trong thời gian nhanh nhất. Dĩ nhiên, người giành chiến thắng trong trò chơi nhỏ này không phải là Chương, số “danh thiếp” anh gom được vẫn thiế>u mất một chiếc, chủ nhân của nó đã lẩn như chạch mỗi khi anh đến gần.
Nhưng đến màn tiếp theo thì không ai có thể làm chạch được nữa. Với thái độ nhã nhặn nhưng không kém phần dứt khoát của MC và những nhân viên khác, nhóm khách nữ được sắp xếp đứng quay lưng vào nhau ở giữa phòng, nhóm khách nam bao vòng xung quanh. Khi tiếng nhạc nổi lên, nhóm khách nam lần lượt di chuyển theo chiều kim đồng hồ và dừng lại ở mỗi khách nữ vài mươi giây để hỏi nhanh đáp gọn những thông tin cơ bản.
“Bạn sinh năm bao nhiêu?” “Bạn học trường nào ra?” “Bạn công tác ở đâu?” Chương máy móc đặt những câu hỏi trên cho từng cô gái một, vừa lơ đãng nghe những câu trả lời vô vị vừa ngóng đợi cho vòng tròn xoay tiếp. Rồi cũng đến lúc anh được đối diện với người mà anh thực sự muốn hỏi. Cô đang cố gắng nhìn anh và mỉm cười với vẻ bình thản như thể hai người không hề quen nhau.
-Hôm nay em đi tỉnh B. với bên E.? - Anh đặt một câu hỏi đánh tan cái cảm giác giả tạo rằng hai người không quen kia.
-Vâng. Họ nói dự án X. ở khu công nghiệp Z. cần phải thẩm tra thêm...
-Mấy giờ về? - Anh cắt ngang đoạn trình bày công việc quen thuộc của cô bằng một câu hỏi hơi xẵng.
-Khoảng gần bảy giờ. - Cô hơi sững lại nhưng vẫn trả lời.
-Rồi em đến đây luôn?
-Vâng.
-Chưa ăn uống gì?
-Vâng, tiệc có ăn nhẹ mà.
-Sao tự nhiên lại thích trò này?
-Trò gì ạ?
-Single party.
Yên còn chưa biết phải trả lời Chương thế nào cho xuôi tai thì MC đã lại bắt vòng xoay chuyển động. Sau đôi lần chuyển nữa thì thời gian hỏi đáp làm quen kết thúc, tất cả nhanh chóng tản ra. Yên lại lẩn đi, hòa ngay vào một đám khách nữ, đến bên chiếc bàn để đồ uống. Chương lui vào một góc phòng, nhìn theo từng cử động của Yên. Giữa đám khách nữ trẻ trung rực rỡ, vẻ ngoài trầm tĩnh và có phần u buồn của cô khiến anh đột nhiên thấy... đau lòng. Lần đầu anh nhìn thấy cô là bảy năm trước. Khi ấy, cô giống hệt như những cô gái đứng quanh cô lúc này, tươi tắn, đầy mộng ước.
Một nhân viên ban tổ chức đến trước mặt Chương, khéo léo nhắc nhở rằng anh nên trò chuyện cởi mở để tranh thủ làm quen vói nhiều người hơn. Chương gật đầu nhưng vẫn đứng yên. Vẻ lễ phép cùng ngữ điệu hơi líu ríu, nũng nịu kiểu trẻ con của cô bé nhân viên không hiểu sao lại làm anh khó chịu. Có lẽ vì anh nhớ đến những mối quan hệ vẫn được gọi là tình yêu trong quá khứ, những mối quan hệ luôn chấm dứt trước khi anh cảm thấy có gì gắn bó. Cũng có thể vì anh đã quá quen với cách nói từ tốn, bình thản của Yên. Thái độ không nóng không lạnh mà cô luôn duy trì nhất quán có lẽ chính là liều thuốc an thần hữu hiệu cho anh trong những thời điểm công ty lâm vào hoàn cảnh khó khăn
* * *
Tiếng MC lại vang lên cuốn mọi người vào một màn giao lưu sôi động nữa. Lần này là mấy trò chơi ghép đôi vui nhộn giúp hai bên nam nữ gần gũi nhau hơn, theo đúng nghĩa đen. Lá thăm ngẫu nhiên ghép Yên thành đôi với một anh chàng trông trẻ hơn cô chút ít nhưng cao hơn cô hẳn một cái đầu. Theo quy tắc, Yên bị bịt mắt và phải lần tay nhặt hết những chiếc kẹp nhỏ được gắn lên khắp những chỗ oái ăm trên người bạn chơi.
Trong tiếng nhạc rộn rã và tiếng cổ vũ của MC, trò chơi diễn ra thật sự hào hứng. Anh chàng bạn chơi của Yên cũng nhanh trí nên hai người phối hợp khá ăn ý. Tuy không thể giành phần thưởng cho cặp đôi nhanh tay nhất nhưng cả hai vẫn rất vui. Thậm chí, khi MC hỏi cảm nghĩ, Yên còn mạnh dạn nói đùa vài câu khiến mọi người cười ồ lên. Chỉ đến khi đám đông dần tản đi, cô mới nhận ra có một người đang nhìn cô bằng cặp mắt dường như tóe lửa. Anh bước nhanh đến chỗ cô. Yên quyết định giành một chút quyền chủ động bằng cách đặt câu hỏi trước:
- Anh không chơi trò chơi ạ
- Có, ở ngay sau lưng em. - Anh hơi cau mày, nghĩ ngợi thêm một chút rồi hạ giọng. - Phi công trông cũng được, nhưng em không hợp làm máy bay bà già đâu!
Yên hơi lùi lại nhìn anh, mãi mới buông ra một câu nhẹ hều:
- Em cũng không định làm mà.
- Vậy tại sao em lại dự cái này?
Yên thở dài, khẽ lắc đầu. Cô có rất nhiều lý do để góp mặt ở một bữa tiệc dành cho người độc thân. Nhưng cô biết phải nói với anh lý do nào trước bây giờ? Ngồi xuống một chiếc ghế kê sát tường, cô ngẩng lên nhìn anh, hỏi ngược:
-Thế còn anh, sao anh lại đến ây?
Chương đưa mắt nhìn ra xung quanh. Đám khách độc thân dường như đều đã tìm được đối tượng hợp ý. Vài cặp đôi vừa hình thành chớp nhoáng đang chúi đầu trò chuyện rủ rỉ, một số người khác thì túm tụm lại thành một nhóm đông, tán gẫu say sưa. Anh ngồi xuống bên cạnh cô, mỉm cười, hỏi mà như than thở:
-Nói ra liệu em có tin không?
-Có gì đâu mà không tin!
Yên vẫn nói bằng giọng từ tốn bình thản quen thuộc nhưng không hiểu sao Chương lại cảm nhận được một chút chua chát trong đó. Anh nói nhỏ:
- Bởi vì chính anh cũng thấy khó tin.
Yên quay sang nhìn anh, thoáng băn khoăn. Hôm nay Chương cư xử chẳng giống anh bình thường gì cả.
Một nhân viên phục vụ bưng khay thức ăn nhẹ đi tới trước mặt hai người. Chương nhón tay bốc một miếng nhưng chưa kịp bỏ vào miệng thì đã thấy Yên làm một cử chỉ can ngăn. Cô nói nhỏ nhẹ:
- Món đấy có lạc, anh đừng ăn kẻo dị ứng.
Chương thả lại món ăn vào khay, quay sang nhìn vẻ mặt tĩnh lặng đến không thể tĩnh lặng hơn của Yên. Câu cảm ơn anh định nói cứ tắc lại trong họng. Chương tự hỏi tại sao mãi đến tận hôm nay, anh mới nhận ra, bao năm qua ở cương vị trợ lý, cô đã chăm sóc lo lắng cho anh nhiều đến nhường nào. Anh vụt đứng dậy, bỏ ra ngoài hành lang.
* * *
Vì đa số khách tham dự đều không phải người sành khiêu vũ nên ban tổ chức tiệc độc thân linh động thay bằng màn hát karaoke. Yên không cầm mic lần nào, chỉ đứng yên lặng, lắng nghe những bài hát, phần lớn là song ca, vang lên lãng mạn, tình tứ, để mặc đầu óc nghĩ ngợi lan man về bản thân, về những ngày tháng đã qua, về khoảng thời gian sắp tới, và về một người đã từng có mặt trong phòng nhưng đã đi đâu mất từ nãy.
Việc anh xuất hiện ở đây tối nay thực sự vượt ra ngoài sức tưởng tượng của cô. Suốt bảy năm làm trong công ty và năm năm làm trợ lý cho anh, cô chưa bao giờ thấy anh thực sự độc thân. Chương không phải là người lăng nhăng. Anh không bắt cá hai tay mà chỉ luôn ở trong những cuộc tình nối tiếp nhau không dứt. Đôi khi Yên nghĩ, anh chẳng thực sự yêu ai trong số những cô người yêu luôn luôn xinh đẹp và ngọt ngào kia. Đôi khi cô nghĩ, anh cần một đối tượng khác, một người không quá lộng lẫy nhưng biết đem lại cảm giác ấm áp và an lành. Yên cười buồn, hình như cô lại đang rơi vào trạng thái hoang tưởng mất rồi…
Rồi bữa tiệc cũng tàn. Yên từ chối lời đề nghị đưa về của cậu bạn chơi khi nãy, lấy điện thoại gọi taxi. Cô vừa mới đọc địa chỉ cho tổng đài xong thì một chiếc xe quen thuộc đã dừng ngay trước mặt, xe của Chương.
Hai người im lặng suốt nửa quãng đường dài dằng dặc dẫn về khu đô thị mới. Ra đến ngoại ô, Chương quay kính lên để tránh bụi. Không còn gió thu khô se se mang theo hương hoa man mát và tiếng lao xao của đường phố bên ngoài, không khí trong xe vốn đã ngột ngạt lại càng ngột ngạt hơn. Yên chần chừ thêm một lát rồi quyết định chọn một chủ đề an toàn là công việc để mở lời:
- Hôm nay em đi B., bên E. nói dự án đó có lẽ cần...
- Sao em không để cậu ta đưa về? - Lần thứ hai trong buổi tối hôm nay, Chương cắt ngang chuỗi báo cáo công việc của cô bằng một câu hỏi hơi xẵng.
- Nhà em xa thế này, để bạn ấy đưa không tiện.
- Thế sao còn để anh đưa?
- Anh đưa em về nhiều lần rồi mà, với lại, nhà anh cũng gần đây.
Câu trả lời đơn giản và thản nhiên lại khiến Chương lặng đi mất vài giây. Anh bỗng nhớ ra, căn hộ chung cư Yên đã phải vay ngân hàng một khoản kha khá để mua chỉ cách nhà anh chừng vài phút đi xe máy. Và từ hồi cô chuyển về đây, thỉnh thoảng anh lại mượn cớ rằng bà giúp việc thiếu tinh tế và hay quên để nhờ cô đi chợ mua hộ cái này cái kia. Có lần, anh bị chảy máu dạ dày, thay vì gọi 115, anh đã gọi cho Yên. Và giữa đêm đông rét mướt, cô đã ớt hải chạy ngay sang đưa anh đi cấp cứu, chân cô thậm chí vẫn còn xỏ trong đôi dép bông ở nhà.
Những kỷ niệm nhỏ bé vụn vặt cứ đột ngột xô lại khiến Chương không thể tập trung lái xe. Anh tìm một chỗ cho phép dừng, tấp vào, quay sang nhìn Yên. Cô đang thiu thiu ngủ, đầu ngoẹo qua một bên, gần như chúi vào cửa kính. Sau cả tuần quay cuồng với đối tác nước ngoài khó tính, lẽ ra cô không nên cố tham dự bữa tiệc độc thân tối nay. Nó quá trẻ trung, quá sôi nổi với một người con gái chín chắn luôn ưa sự tĩnh lặng như cô. Nhưng Yên đã đến, và anh cũng vậy. Chương bấm nút ngả ghế để cô ngủ thoải mái hơn rồi ra khỏi xe. Nhìn về phía những khối nhà chung cư càng lúc càng thưa ánh đèn đằng xa, anh tự nhiên bật cười.
* * *
Suốt cả tuần sau đó, Yên thường xuyên ở trong tâm trạng không giống với tên cô chút nào. Việc Chương xuất hiện trong bữa tiệc độc thân và thái độ kỳ lạ của anh khi đưa cô về tối hôm ấy vốn đã khiến cô băn khoăn không dứt. Tuy nhiên, chính những quyết định dứt khoát và bất ngờ mà anh đưa ra trong những ngày tiếp theo mới thực sự là một dấu hỏi lớn trở đi trở lại liên tục trong đầu óc cô. Chương yêu cầu Yên bàn giao một vài dự án nhỏ mà lâu nay cô vẫn gánh thay anh. Anh đích thân đi tỉnh với các đối tác nước ngoài và điều thêm một nhân viên có năng lực ở bộ phận khác sang làm phụ tá cho cô. Cô đoán, bữa tiệc độc thân hẳn đã tác động phần nào đến suy nghĩ của anh...
Thêm hai tuần nữa trôi qua, trời càng lúc càng lạnh. Dự án X. mà đối tác yêu cầu dừng để thẩm tra thêm cuối cùng cũng được triển khai tiếp. Có nhân viên phụ tá, Yên bắt đầu quen dần với nhịp công việc mới. Cô dành nhiều thời gian hơn cho bản thân. Cô nghĩ về tương lai và quyết định đăng ký tham dự một bữa tiệc độc thân nữa. Cô biết mình không thật phù hợp với phong cách tiệc tùng, nhưng nếu không thay đổi bản thân, cô sẽ chẳng phù hợp với cái gì, ngoài công việc, nói đúng hơn là ngoài công việc lặng lẽ đứng sau Chương, làm trợ lý tận tụy của anh.
Lại một tối thứ Bảy, Yên bước vào nhà hàng mà cách đây một tháng cô đã tới. Cả ngôi biệt thự và cô đều không giống như lần trước. Về phía cô, bộ quần áo công sở trông như đưa đám đã được thay bằng một bộ váy len màu tím nhạt nhã nhặn, về phía ngôi biệt thự, hệ thống đèn sáng trưng cùng đội ngũ nhân viên tổ chức tiệc đông đảo đã biến mất, dọc lối đi chỉ có những lồng thủy tinh đựng nến tỏa ánh sáng dìu dịu và những khóm hoa hồng mới nở he hé. Cô gái trưởng nhóm đón cô bằng nụ cười gợi nhớ bức tranh Mona sa:
- Hôm nay tiệc tổ chức ở tầng trên, chị lên đi ạ.
Yên bước lên cầu thang, thoáng rùng mình vì không gian quá ấm áp và tĩnh lặng. Những người dự tiệc hôm nay không có chuyện gì để nói với nhau ư? Cả những chiếc loa nhỏ ở các góc trần nhà nữa, chẳng lẽ người ta không tìm được đĩa nhạc hòa tấu nào để giúp chúng hoạt động? Những thắc mắc của cô nhanh chóng được căn phòng gần như trống trơn ở tầng trên trả lời. Nói gần như trống trơn, bởi bên chiếc bàn duy nhất kê cạnh cửa sổ, có một người đang ngồi trầm ngâm, dáng vẻ mà năm năm nay cô đã quá quen.
- Sao anh lại ở đây? - Yên không thể ngăn mình thốt ra một câu nghe thật ngốc.
- Anh chờ em. - Anh đứng dậy, kéo ghế cho cô.
Yên ngồi xuống đối diện với anh. Trong mắt cô, bóng nước long lanh lay động theo ánh nến. Mãi đến lúc này, những nốt nhạc du dương của một bản tình ca xưa cũ mới vang lên từ chiếc loa nhỏ ở góc trần. “It had to be you, it had to be you. I wandered around, and finally found...” Bữa tiệc độc thân dành riêng cho hai người sắp bắt đầu.

Chương 2

Kỷ niệm cơm rang
Vì một tai nạn nghiêm trọng trên cây cầu chính ngay cửa ngõ thành phố, cả đoạn quốc lộ tắc nghẽn. Xe của Thoại cũng ở trong đoàn xe dài dằng dặc đó đến tận gần tối muộn mới thoát. Khi Thoại nhận xong phòng khách sạn và tẩy xong một đống bụi đất đỏ cùng mồ hôi khỏi người, những con phố núi dốc thoai thoải chỉ còn có gió se lạnh cùng ánh đèn đường vàng ấm áp, cả thành phố đã sớm chìm vào giấc ngủ. Thoại lê bước trên đường, cơn đói không thật cồn cào nhưng vẫn chừa lại cho Thoại chẳng mấy sức lực. Vài quán cà phê vẫn bật đèn và nhạc, Thoại ngại ngần một lúc rồi quyết định không bước vào. Xứ này đất rộng nên quán cà phê cũng rộng, nhưng chắc là chỉ bán mỗi cà phê.
Loanh quanh thêm một lúc, Thoại quay về khách sạn, gọi room service. Trong chốc lát, Thoại cảm thấy mình may mắn vì đã không ở tại nhà khách mà cơ quan mời giảng đã bố trí khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao hiếm hoi này của tỉnh còn ra dáng nơi lưu trú với một quyển thực đơn ghi mấy món ăn lót dạ thông thường được phục vụ tận nơi.
“Thoạt nhìn thì cũng không đến nỗi nào.” Đó là ý nghĩ đầu tiên của Thoại khi nhìn thấy đĩa cơm rang trên tay nhân viên khách sạn sau 15 phút chờ đợi. Những hạt cơm vàng nhạt săn bóng, không dính bết, cũng không rời rạc. Mấy thứ rau củ thái hạt lựu có vẻ vừa chín tới. Mùi thì không phải là thơm nức mũi nhưng vẫn đủ làm người ta chảy nước miếng.
Thoại cầm thìa lên, mới đầu còn từ tốn, sau thì cứ xúc từng thìa đầy. Loáng cái, đĩa cơm đã sạch trơn, chỉ còn mấy miếng dưa chuột cắt thật mỏng xếp thành hình cánh quạt và đóa hồng cuốn bằng cà chua trang trí ở một bên mép đĩa. Thoại ghé sát nhìn. Vết dao còn mới. Nhân viên bếp này thật là tận tâm. “Sáng mai phải hỏi xem ai làm.” Đó là ý nghĩ cuối cùng của Thoại, trước khi chìm vào giấc ngủ.

Nhưng rồi mấy ngày sau, chương trình dày đặc của khóa học, các tour tham quan đơn vị mời tổ chức và các cuộc gặp mặt doanh nghiệp cũng như cán bộ trong tỉnh chiếm hết thời gian cũng như tâm trí Thoại. Mãi đến khi trả phòng, Thoại mới sực nhớ ra. Lúc này, sau những bữa tiệc ê hề rượu thịt do học viên hoặc quan chức chiêu đãi, món cơm rang đêm hôm ấy dường như cũng không phải quá xuất sắc còn đầu bếp cũng không đến mức không gặp thì rất tiếc nữa. Thoại tặc lưỡi bỏ qua, lên xe về lại thành phố lớn nơi có những khóa học tổ chức ở phòng hội thảo của khách sạn 5 sao và những bữa tiệc buffet trong đó món cơm rang luôn thừa mứa.
Bẵng đi vài năm, khủng hoảng kinh tế ập đến mạnh và dai dẳng như cơn bão mãi không chịu tan. Tất cả các chủ doanh nghiệp bận lo lắng về tiền lương nhân viên tháng này và tiền trả lãi ngân hàng tháng sau, không mấy ai còn bận tâm đến những thứ thuộc về mấy tầng trên của tháp Maslow nữa. Những lời mời đi giảng hay đi nói chuyện vãn hẳn. Những khóa học vẫn con đủ học viên đăng ký thì chỉ có thể tiến hành ở những địa điểm khiêm tốn như hội trường của các cơ quan nhà nước hay nhà văn hóa cấp quận huyện.
Thoại bán căn biệt thự thuộc khu đô thị sang trọng bên quận mới, chuyển về một căn chung cư vừa tầm cách trung tâm không quá xa. Không còn những kỳ nghỉ dài ngày ở Langkawi hay Phuket, thỉnh thoảng, vào cuối tuần, Thoại lái xe về một vùng quê sông nước bình dị ở tỉnh bên hoặc đi tàu cánh ngầm ra thành phố biển gần nhất, gọi là đổi
Một cuối tuần nọ, có lẽ đã quá chán sông nước và biển, Thoại bắt xe khách lên cao nguyên. Xuống bến lúc trời vừa sáng, không còn ánh đèn vàng nhưng phố núi vẫn dốc và đầy gió, Thoại gọi taxi về lại khách sạn đã từng ở. Phòng ốc có thay đổi đôi chút, quyển thực đơn thì còn nguyên nhưng phần ghi giá đã được dán đè lên. Món nào cũng tăng gấp rưỡi hoặc gấp đôi. Thoại mở cửa sổ nhìn nắng chậm chạp lách qua những đám mây che trên ngọn núi phía xa, tự hỏi không biết món cơm rang còn ngon như năm ấy.
Cô gái lễ tân mỉm cười chỉ cho Thoại đường đi tới sảnh mà khách sạn tổ chức buffet sáng. Những món ăn sáng của cả u lẫn Á đặt ngay ngắn trên mấy dãy bàn. Ở góc phòng, một người đàn ông cao lớn mặc đồ trắng của đầu bếp đang túc trực bên nồi nước dùng nghi ngút khói. Dù không thích món nước, Thoại vẫn lấy một bát phở đưa tới cho anh ta chan để thử bắt chuyện. Nghe câu hỏi về món cơm rang phục vụ tận phòng vài năm trước, anh ta hơi dừng lại nhìn Thoại một lát rồi mới trả lời:
- Là ông già tôi đấy. Ông già tôi làm cho khách sạn này từ ngày đầu thành lập.
- Cụ… vẫn khỏe chứ ạ?
- Mới đi rồi.
“Giá như năm đó, giá như năm đó…” Trong lúc ăn phở, đầu óc Thoại không ngừng vọng lên những lời này. Thoại chẳng biết đoạn sau của “giá như năm đó” sẽ là gì. Sảnh ăn đông dần rồi vắng dần. Tiếng ồn ào dâng lên rồi hạ xuống. Bát phở chỉ còn chút nước dùng nguội ngắt. Người chan phở đang thu dọn, điệu bộ dứt khoát mà vẫn thận trọng. Nhìn cách anh ta làm việc, Thoại có cảm giác như những miếng dưa chuột xếp hình cánh quạt và đóa hồng cuốn bằng cà chua đang xuất hiện tươi rói trước mắt. Đột nhiên, Thoại đứng dậy, đi về phía anh ta, hỏi nhanh:
- Tối nay anh rảnh không? Tôi muốn mời anh uống cà phê.
Bạn đang đọc truyện tại ThichTruyen.VN
Nói xong, Thoại thấy mừng vì ở xứ này có rất nhiều quán cà phê mở muộn.
Đem Tết về
Tặng Ổi Xanh và con mèo đã đi máy bay cùng bạn.
Ai mà ngờ được, con mèo chỉ nhỉnh hơn nắm tay một chút đang là vật cản to lớn ngăn cô và mọi thứ thân quen! Cô run rẩy nghĩ như vậy trong lúc kéo lê chiếc va li dọc con hẻm trong cái nắng mùa khô ran rát. Bây giờ đã là 11 giờ trưa ngày 29 Tết, trời càng lúc càng oi bức, còn cô thì đang ở cách gia đình, cách cái rét ngọt và mùa xuân Hà Nội hơn 2000 cây số, với một nhúm lông vàng đen nhôm nhoam có cặp mắt màu hổ phách và cái miệng ngoác ra như ăn vạ này.
23 Tết, từ một xã vùng sâu, cô trở lên thành phố khi trời đã tối mịt. Những mâm cúng với nhang đèn đơn sơ bày ngoài cửa nhà dân ven đườngnhắc cô về một việc cần làm ngay: tạt qua chợ mua ít hoa trái về tiễn ông Táo. Dù chỉ ở thuê và cũng sắp rời đi, cô vẫn cố gắng để nơi mình trú ngụ có không khí của một mái nhà ấm cúng chứ không phải phòng trọ tạm bợ. Giờ đây, khi dự án do cô phụ trách đã thu được những kết quả khả quan, cô mới nhìn lại khoảng thời gian gần hai năm sống và làm việc hoàn toàn đơn độc ở vùng đất miền Tây xa lạ này. Cô nhận ra những cố gắng đó chính là nguyên nhân đã giúp cô trụ lại đây chứ không bỏ cuộc sau vài tuần hoặc đôi ba tháng như những người đi trước.
Nhưng vào buổi tối ngày 23 tháng Chạp, một trong những cố gắng cuối cùng của cô không thu được kết quả như cô mong muốn. Sau nửa tiếng đảo quanh mấy điểm chợ vắng tanh, thay vì hương hoa và bánh trái, tất cả những gì cô đặt vào giỏ xe chỉ là một chiếc bao tải cũ buộc kín không ngừng phát ra tiếng “ngoeo ngoeo” yếu ớt.
Suốt mấy ngày sau đó, trong lịch làm việc vốn đã kín đặc những buổi họp bàn giao dự án, những cuộc gặp chia tay cán bộ địa phương cũng như những cái hẹn liên quan đến chuyện thanh lý đồ đạc của cô, thỉnh thoảng lại xuất hiện một đôi dòng nhắc nhở về số phận con mèo. Mua lồng, mua đồ ăn khô, hỏi thủ tục để đem lên máy bay, hẹn phòng khám thú y đủ tiêu chuẩn trên Sài Gòn để đến khám và lấy giấy chứng nhận sức khỏe trước khi ra sân bay…, cô đã lo hết các bước cần thiết để nó được ra Hà Nội cùng mình.
Cô cũng đã báo với bố mẹ cô ngoài đó là sẽ đem mèo ra và không vấp phải sự phản đối nào, ngoài một lời cằn nhằn muôn thuở của mẹ về chuyện mèo bây giờ chỉ nghiện đồ khô, không con nào thèm ăn cá tươi. Cô thậm chí còn tính đến việc phải làm sao không lấy yên xe máy va ghế salon giả da làm nơi mài móng. Nhưng cô đã không tính đến một chuyện tưởng như vô cùng đơn giản, đó là làm sao để đưa con mèo từ đây lên Sài Gòn.
Bây giờ là 11 rưỡi trưa ngày 29 Tết, đã có bốn chiếc taxi của ba hãng khác nhau từ chối để cô và con mèo lên xe, với cùng một lý do “chị thông cảm, tục lệ kiêng cữ hồi nào giờ như vậy”. Xe đò hay xe tư nhân thì không cần nói giảm nói tránh, họ thẳng thừng bảo cô “xui lắm, không chở” rồi dập máy hoặc sập cửa xe, không để cô thuyết phục hay năn nỉ thêm chút nào. Từ khi nhặt được con mèo, chưa lúc nào cô nghĩ đến chuyện bỏ nó lại, nhưng lúc này, ý nghĩ đó vụt đến như một vết cứa bất ngờ vào tâm trí, đau nhoi nhói. Ngồi ghé xuống bậc thềm một tiệm ăn lớn đã đóng cửa nghỉ Tết, cô mở túi lấy hộp bánh sandwich, vừa ăn vừa nhá cho con mèo. Nhìn nó ăn từng miếng nhỏ từ tốn nhưng ngon lành, thỉnh thoảng lại ngước lên nhìn mình đầy tin tưởng, cô nghẹn giọng, muốn khóc. Giá như cô chưa bán chiếc xe máy, cô có thể tự chở nó lên Sài Gòn. Giá như con mèo lớn hơn một chút để cô có thể cho nó uống thuốc ngủ và lén đem lên xe…
Tiếng điện thoại vang lên cắt ngang mạch suy nghĩ đầy những chữ “giá như” của cô. Người gọi là Lucas, một điều phối viên của văn phòng Hà Nội.


- Chào anh, Lucas.
- Cô đang ở đâu?
- Tôi vẫn ở Cần Thơ, vừa mới…
- Tôi biết. – Lucas nôn nóng cắt ngang. – Tôi hỏi cô đang ở chỗ nào của Cần Thơ. Tôi đang đứng trước cửa nhà cô, ý tôi là nhà cô đã từng thuê.
- Hả? Anh làm gì ở đây, vào ngày này, Lucas?
- Đừng hỏi nữa, quay lại “hẽm nhõ” đi!
Chiếc Land Rover kềnh càng choán gần hết đoạn đường hẹp phía trước ngôi nhà. Cổng vẫn còn mở, bà chủ nhà đang kê dọn mấy chậu kiểng trong sân. Lucas thì đang nhăn nhó co kéo thân hình cao lớn sao cho vừa với bóng râm khiêm tốn của cây trứng cá còi cọc trước cổng. Thấy cô, anh mở cửa sau xe rồi đi nhanh đến nhấc bổng chiếc va li to đùng của cô lên. Vừa tống nó vào xe, anh vừa lầu bầu gì đó về thời tiết nóng nực. Cô còn chưa k trả lời thì bà chủ đã bỏ mặc mấy chậu kiểng, chạy ra “nhiều chuyện”:
- Tui biểu ổng cứ vô nhà chờ cô mà ổng ngồi có chút xíu lại đòi đi kiếm cô.
Cô mỉm cười, Lucas ở Việt Nam đã năm năm. Trình độ tiếng Việt của anh tuy chưa đến mức viết blog được như anh chàng Joe nổi tiếng nhưng cũng đủ để giao tiếp với mọi người, kể cả những người dân đồng bằng sông Cửu Long vốn có cách phát âm mà anh vẫn miêu tả là “như nhiều con chim đang hót rất vội vã”. Thỉnh thoảng, xen giữa những câu tiếng Anh, anh hay thêm vào một vài từ theo giọng địa phương mà anh bắt chước được, chẳng hạn như từ “hẽm nhõ” vừa nãy. Cô quay sang nhìn gương mặt nhễ nhại mồ hôi của anh, hỏi bằng tiếng Việt:
- Anh có muốn vào nhà uống nước không?
- Không cần đâu, tôi đủ rồi.
- Ổng uống hết nguyên bình nước sấu cô để lại cho tui đó. - Bà chủ nhà mách.
Đến đây thì cô bật cười, nói bằng tiếng Anh:
- Tôi nghĩ anh vẫn nên vào nhà, ít nhất là một phòng nào đó trong nhà, Lucas. Chúng ta sẽ ở trên xe hơn ba tiếng đấy!
Lucas nhăn nhó nhưng vẫn nghe theo lời khuyên tế nhị thẳng thừng của cô. Khi anh lách được thân hình quá khổ khỏi khuôn cửa hẹp của phòng tắm để ra xe, cô đã yên vị bên cạnh ghế lái, tay vẫn ôm khư khư chiếc lồng kim loại được dán giấy bìa kín ba mặt.
- Này, cô không bỏ nó ra đằng sau được à? - Anh cúi nhìn con mèo đang lục sục trong lồng, nhăn mũi. - Tôi không nghĩ nó đủ đẹp để ai đó muốn ăn trộm đâu.
- Thôi nào, Lucas! Đừng xấu tính thế! Anh nhìn xem, nó mới chỉ chín tuần tuổi hoặc ít hơn, và đang rất stress khi nhìn thấy một người đàn ông nước ngoài cao lớn xa lạ không chút thân thiện...
- Ok ok. - Lucas giơ tay làm điệu bộ chào thua rồi cho xe lùi dần khỏi hẻm. - Cô cứ ôm nó đi, nhưng đừng quên thắt dây an toàn
Phần còn lại của hành trình diễn ra suôn sẻ. Cô lên Sài Gòn kịp giờ hẹn với phòng khám thú y và sau đó còn đủ thời gian dẫn Lucas đến ăn tối ở một quán ốc trên đường Bạch Đằng gần sân bay. Sau khi đã biến những đĩa ốc móng tay, ốc len, ốc nhảy... thành một đống vỏ ốc lẫn lộn, cô mới quay sang hỏi anh:
- Lucas, anh định đón Tết ở Sài Gòn hả?
- Không, tôi thích là “thịt đông”, không thích trở thành “thịt quay”. - Lucas nói lẫn lộn Anh - Việt, cầm tờ giấy quệt quệt những ngón tay dính mỡ. Những vụn giấy dính cả vào tay khiến anh lại nhăn nhó.
Cô lấy trong túi xách ra một lọ gel rửa tay không dùng nước, đưa cho anh. Lucas nhận lọ gel bé tí như bao diêm, loay hoay mãi không cạy được phần nắp nhựa. Cô nhìn vẻ lóng ngóng của anh, lắc đầu cười. Nếu cô không giúp anh, có lẽ anh sẽ đem hết số hành mỡ cốt dừa và vụn giấy kia quệt vào áo mất! Vừa dùng gel vẽ bừa một hình trái tim lên lòng bàn tay anh, cô vừa hỏi tiếp:
- Vậy tại sao anh vào đây?
Lucas nhìn chằm chằm vào hình vẽ trong suốt trên tay, không trả lời.
Khi hai người quay lại xe, con mèo đã dọn sạch chỗ thức ăn khô trong bát và đang nằm cuộn tròn, lim dim gà gật. Thấy ánh đèn từ màn hình điện thoại của cô, nó hé mắt ra nhìn rồi rúc sâu hơn vào góc lồng dán bìa kín mít.
- Nó ổn chứ? - Lucas lên tiếng hỏi ngay phía sau.
- Vâng, tốt lắm. Bố mẹ tôi rất thích mèo và… - Cô đóng cửa xe quay lại, chợt bỏ lửng câu nói vì khoảng cách giữa cô và anh hơi gần quá so với mối quan hệ dù vui vẻ nhưng vẫn chỉ trong giới hạn công việc lâu nay.
- Bố mẹ cô thích mèo và… sao nữa? – Lucas hỏi tiếp, lùi lại tránh đường, đồng thời mở cửa trước của xe cho cô.
- Không có gì. - Cô liếc nhìn gương mặt giờ đây không còn nét nhăn nhó hay đùa cợt nào của anh, tự nhiên thấy tim đập nhanh hơn một chút.
Con đường dẫn ra sân bay đông nghẹt xe cộ. Phải mất nửa tiếng, chiếc Land Rover mới bò qua đoạn đường bình thường chỉ cần đi trong mươi phút. Cô lục túi lấy vé và chứng minh thư, chợt nhớ ra điều gì:
- Lucas, anh không định nghỉ Tết ở Sài Gòn, vậy anh sẽ bay ra Hà Nội trong ngày mai?
- Hôm nay.
- Anh đùa đấy à?
- Không, tôi đi chuyến... - Anh mở điện thoại xem tin nhắn. - VN...
- Tức là cùng chuyến với tôi? Tôi phải đặt vé trước đến hai tháng. Làm sao anh có thể?
- Tôi đi bằng vé và hộ chiếu của bạn tôi. Chúng tôi trông khá giống nhau.
- Ôi trời ơi, anh điên mât rồi! Vậy còn xe này thì sao?
- Cũng là của anh ấy, chắc anh ấy đang ở đâu đó quanh đây rồi. - Lucas tháo dây an toàn, giơ tay định mở cửa xe.
- Khoan đã, Lucas! – Cô đột nhiên trở nên khẩn trương và kiên quyết hơn bao giờ hết. - Tôi muốn biết...
- Ok, nghe này! - Lucas quay hẳn sang nhìn đăm đăm vào mắt cô, vẻ mặt cũng khẩn trương và kiên quyết không kém. - Tôi đã từng ở Cần Thơ và tôi biết người ta sẽ không cho phép mèo lên “xe đò” hay bất cứ xe gì. Hôm qua, tôi nghe mọi người ở văn phòng Hà Nội “buôn dưa lê” về con mèo. Tôi lo lắng nên…
- Nên anh bay từ Hà Nội vào đây, mượn xe bạn anh đi xuống Cần Thơ, chỉ để đón nó?
- Và em nữa. - Lucas nói bằng tiếng Việt, rành rọt.
Không còn câu hỏi nào khác! Cô thấy mình ngồi đờ ra, như kẻ ngốc. Lucas cũng im lặng, ngẩng đầu nhìn ánh đènnhững chiếc máy bay cất hạ cánh. Hai người có lẽ sẽ vẫn ngồi yên như thế mãi, nếu không có một bàn tay gõ cộp cộp vào cửa kính. Là người bạn ở lãnh sự quán đã cho Lucas mượn xe. Sau vài câu chào hỏi xã giao, để mặc hai người đàn ông với câu chuyện bằng tiếng mẹ đẻ của họ, cô kéo hành lý đi vào quầy check-in.
m thanh sôi ào ào của sân bay ngày cuối năm làm con mèo hơi hoảng. Nó lục sục trong lồng và bắt đầu kêu i ỉ như khóc. Cô đứng vào hàng, không ngừng vỗ nhẹ vào lồng và kêu “meo meo” để trấn an nó. Những người khách xếp hàng phía trước quay lại nhìn, nhiều người mỉm cười, vài người thì nhăn mặt. Một đứa bé từ đằng sau nhoài người lên, kiễng chân ngó vào lồng. Một lát, dường như tính tò mò đã thắng tính nhút nhát, nó giật gấu áo cô:
- Con mèo của cô tên là gì ạ?
- Tết, cô nghĩ nó tên là Tết.
Hơn hai tiếng sau, ở nơi nhận hành lý của sân bay Nội Bài, một anh chàng tóc vàng cao lớn nhoài người nhấc chiếc lồng inox quây giấy bìa khỏi băng chuyền rồi trao lại cho cô gái đứng bên. Tết của họ đang nhảy nhót như điên trong đó.

Loading...

Tiểu thuyết tình yêu là website chia sẻ những thể loại truyện hay nhất hiện nay, được nhiều người đọc yêu thích. Truyện được cập nhập hàng ngày. Hãy lưu địa chỉ web để truy cập nhanh hơn!

Chúc các bạn online vui vẻ !

Laptop Tùng Anh

Tour Phú Quốc

Vinhomes Cầu Rào 2

Trang Chủ