Đứa con trai nhỏ mới lên 3 tuổi của tôi từ bên ngoài chạy thẳng vào trong bếp ôm chặt chân tôi. Thằng bé ngước cái mặt nhỏ đẫm nước mắt lên nhìn tôi, giọng nói ngọng nghịu: “Mẹ! Bo bị ngã”.
Tôi vội vàng tắt bếp gas, đặt đôi đũa sang một bên, ngồi xổm xuống ôm lấy thằng bé, xót xa hỏi: “Làm sao con bị ngã? Có phải lại chạy theo anh Thắng đá bóng không?”. Thằng bé phụng phịu, nó ra sức lắc đầu: “Không phải Bo chạy theo anh Thắng đâu, mẹ không được mắng Bo.”
“Ừ, mẹ không mắng Bo” tôi vỗ mấy cái vào mông nó. “Thế làm sao con ngã?”
“Anh Thắng đá bóng vào người con, con ngã.”
Thằng bé dùng bàn tay nhỏ quẹt ngang nước mắt trên cái má hồng hồng, tỏ vẻ ấm ức lắm. Điệu bộ đó làm tôi suýt bật cười nhưng vẫn cố nghiêm giọng: “Con không chạy theo anh Thằng thì làm sao anh Thắng đá bóng vào người con được?”
Nghe tôi nói thế thì nó khóc òa lên. Tôi phủi hết đất cát bám trên quần áo thằng bé rồi ôm nó vào nhà tắm. “Ngoan! Bo là con trai, không được khóc nhè. Lần sau mà còn chạy theo các anh lớn đi đá bóng là mẹ phạt nghe chưa?”
Thằng bé nấc lên một cái, gật gật đầu. Nó rất sợ bị tôi phát hiện ra đi chơi đá bóng với mấy thằng bé lớn hơn trong làng. Con trai tôi rất kỳ lạ, nó không chịu chơi với mấy đứa cùng tuổi mà rất thích chơi với mấy đứa lớn hơn, cũng có thể vì từ lúc nó còn bé xíu thì mấy đứa trẻ trong làng đã hay lôi tha nó đi cùng nên thành quen.
Con trai tôi tên thật là Thành Đạt, nó là đứa trẻ rất đáng yêu, thân hình nhỏ tròn xinh, đôi mắt to đen láy lanh lợi, hai cái má mũm mĩm trắng hồng, lại được cái hay cười, khóc chút là quên ngay.
Mặc dù ai cũng bảo con trai tôi không có nét giống tôi mấy nhưng tôi chẳng quan tâm, tôi chỉ mỉm cười tự hào, thơm lên cái má búng ra sữa của nó và bảo: “Dù sao nó vẫn là con trai tôi.” Mãi mãi là con trai tôi.
Tôi chính là một bà mẹ đơn thân, nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy mặc cảm hay tủi thân. Ngày tôi ôm Bo trở về nhà gặp bố mẹ và nói nó là con trai tôi, bố mẹ tôi đau khổ khóc lóc, thậm chí là muốn đuổi hai mẹ con tôi ra khỏi nhà vì xấu hổ với làng xóm, họ hàng. Tôi cắn răng chịu đựng tất cả những lời trách móc, những ánh mắt khinh bỉ coi thường, những lời dị nghị của hàng xóm xung quanh. Tôi không trách bất kỳ ai, họ có quyền như vậy, không chồng mà có con, là lỗi tại tôi, tôi bất hiếu.
Bố mẹ tôi cũng nhiều lần gặng hỏi về cha đứa bé nhưng tôi thà bị mắng thậm tệ chứ quyết không hé răng nửa lời. Lúc ấy, nghị lực duy nhất giúp tôi vượt qua tất cả chính là đứa con trai nhỏ, dù có chuyện gì đi nữa tôi cũng phải nuôi con trai tôi. Và cuối cùng tôi đã thắng, bố mẹ tôi đành đầu hàng trước sự gan lỳ của tôi. Mẹ tôi bảo: “Con dại thì cái mang” nên mẹ đã bao dung cho tôi, dang tay đón nhận đứa cháu ngoại không mong muốn. Gia đình tôi cũng chẳng phải dư giả gì, bố tôi làm việc trong nhà máy lương không được bao nhiêu, mẹ tôi ở nhà làm nông, chỉ đủ tiền nuôi hai chị em tôi ăn học. Cũng may là còn một mảnh đất ông cha để lại nên bố mẹ tôi đồng ý cho hai mẹ con tôi ra ở đó, tự kiếm sống nuôi nhau. Tôi cũng đã hoàn thanh chương trình cao đẳng Y Tế nên thuận tiện xin vào làm trong bệnh viện huyện, lương đủ nuôi sống hai mẹ con.
Chớp mắt một cái đã 3 năm, thời gian khó khăn nhất cũng đã qua, họ hàng làng xóm cũng đã chấp nhận mẹ con tôi. Ai cũng yêu quý Bo, khen nó vừa xinh vừa ngoan. Nhiều người con bảo tôi trông không giống phụ nữ đã có con, vẫn còn y như thời con gái, chẳng thay đổi gì. Cũng có người mai mối cho tôi, có cả mẹ tôi, bà muốn tôi lấy chồng để có chỗ dựa sau này, bớt vất vả khi nuôi con một mình nhưng tôi cứ lẩn tránh. Làm sao tôi biết được những người đàn ông đó có thật sự tốt với con trai tôi không, tôi không muốn vì tôi mà thằng bé phải sống theo sắc mặt người khác. Dù sao thì cuộc sống của mẹ con tôi cũng rất tốt, không thiếu thốn gì, cho nên không nhất thiết phải dựa dẫm vào một người đàn ông xa lạ nào đó.
Vật lộn với Bo trong nhà tắm ra, người tôi cũng ướt sũng. Thằng bé cười nắc nẻ chạy vòng vòng quanh nhà đùa nghịch để tôi phải đuổi theo sau bắt nó mặc quần áo.
“Bo! Đứng lại mặc quần áo đã. Xấu hổ quá đi thôi.” Tôi túm lấy nó kéo lại làm nó cười giòn tan.
Thằng Thắng, con nhà anh Huy bên cạnh chạy vào sân nhà tôi gọi to: “Cô Vân ơi! Thằng Bo bị ngã có sao không cô? Tại nó cứ đứng gần chỗ bọn cháu nên mới bị ngã.”
Tôi cười, chắc thằng bé sợ tôi trách nên mới sang báo cáo tình hình. Thắng mới học lớp 4, trẻ con nghịch ngợm làm chuyện thường, tôi không quan trọng truyện đó. Vừa mặc áo cho Bo, tôi vừa nói vọng ra: “Em Bo không sao. Lần sau nó còn chạy theo thì Thắng về mách cô nhé!”
Con trai tôi thấy Thắng sang thì hớn hở gọi to: “Anh Thắng!” Nó định chạy ra ngoài nhưng tôi đã nhanh tay kéo ngay lại, cau mày nghiêm khắc: “Đến giờ ăn cơm rồi, con biết chưa?”
Thắng chào tôi một tiếng rồi chạy về nhà, còn thằng nhóc của tôi thì chạy lon ton vào trong bàn, nhón chân trèo lên ghế, xếp chân ngồi nghiêm chỉnh, mặt ỉu xìu. Tôi chỉ tủm tỉm cười rồi đi vào bếp dọn cơm. Không phải con trai tôi đói hay nó thích ăn cơm gì đâu, nó cũng nghịch ngợm, lười ăn như bao đứa trẻ khác, nhưng sau không biết bao nhiêu lần dọa dẫm, có khi là cả đánh đòn nó mới chịu ngồi im cho tôi đút hết bát cơm đầy.
Vừa ăn thằng bé vừa ngửa mặt lên hỏi tôi: “Mai mẹ có phải đi làm không?”
“Có, mai con lại sang ông bà ngoại chơi. Tối mẹ lại đón con về nhà mình. Con phải nghe lời ông bà, nhớ chưa?”
Thằng bé nhai miếng cơm rồi gật đầu, hai mắt sáng rỡ. Nói ra cũng thật buồn cười, con trai tôi thích tôi đi làm ban ngày để còn sang nhà ông bà ngoại quậy phá vì ông bà ngoại chiều nó hơn tôi. Nhưng những ngày tôi phải trực đêm ở bệnh viện thì thật vất vả cho mẹ tôi. Không có hơi mẹ, Bo rất khó dỗ ngủ. Mẹ tôi phải kể chuyện rồi hát ru không biết bao nhiêu lần nó mới chịu ngủ. Có khi cháu chưa ngủ, bà đã ngủ quên mất, thằng bé sợ, khóc to, bà lại tỉnh dậy dỗ cháu ngủ suốt đêm. Mẹ tôi chưa bao giờ cằn nhằn tiếng nào dù cho trước đây bà nói không nhận đứa cháu này nhưng tôi biết thật lòng mẹ rất yêu thương Bo.
Sáng hôm sau, tôi lại đưa Bo sang nhà ông bà ngoại như mọi lần. Thằng bé đeo sau lưng một cái ba lô nhỏ màu xanh. Nó nắm chặt tay tôi, nhảy tung tăng trên con đường làng quanh co, con đường đã trở nên vô cùng quen thuộc với cả hai mẹ con.
Làng tôi vẫn còn giữ được nhiều nét xưa cũ, thuần túy với những rặng tre rợp bóng bên đường, những cây cổ thụ lâu năm mà nhiều người chẳng còn nhớ nổi có từ bao giờ. Những ngôi nhà ngói đỏ cũ kỹ xen giữa những ngôi nhà mới xây xan xát, con đường có đôi chỗ gập ghềnh nhưng chẳng mấy khi làm con trai tôi vấp ngã. Mọi người trong làng sống với nhau bằng chữ “tình”, họ không giàu có nhưng chẳng khi nào trong đôi mắt và trên đôi môi tắt đi nụ cười rạng rỡ mà tôi tin vật chất không thể mua được.
“Mẹ, nhà ông bà ngoại đã ở phía trước.”
Con trai giật giật cánh tay tôi, giơ bàn tay nhỏ bé lên chỉ về phía ngôi nhà 2 tầng màu vàng nhạt, sân gạch đỏ và giàn su su trước cổng. Tôi còn chưa kịp phản ứng thì Bo đã rời khỏi bàn tay tôi, chạy như bay vào cổng. Em trai tôi năm nay học lớp 12, đang dắt xe đạp ra cổng chuẩn bị đi học thì Bo chạy tới ôm chặt lấy chân. Thấy cháu trai, Tuyên gạt chân trống xe, bế thằng bé lên, thơm vào hai má thằng bé: “Hôm nay Bo sang chơi với cậu hả?”
Bo ôm chặt cổ Tuyên nhõng nhẽo: “Cậu cho Bo đi học với cậu đi.”
Tuyên lại thơm vào má Bo thêm cái nữa: “Bo ở nhà với ông bà ngoại ngoan, cậu về sẽ mua bim bim cho Bo.”
Thằng bé gật đầu, cười toe toét rồi chu cái môi đỏ hồng lên thơm vào má cậu nó để nịnh nọt. Nhiều khi tôi cũng không biết nó giống ai mà có cái miệng rất khéo, chắc là giống…
Thấy Bo cứ quấn lấy Tuyên không rời, sợ em muộn học, tôi phải nhắc Bo: “Bo vào nhà chơi cho cậu còn đi học.” Thằng bé quay cái mặt nhỏ bầu bĩnh lại nhìn biểu tình trên gương mặt tôi ra sao, rồi mới chịu tụt xuống khỏi người Tuyên, cùn cụt chạy vào nhà, miệng gọi ông bà ngoại thật to.
Tôi đưa tay lên xoa đầu Tuyên, em tôi lớn thật, đã cao hơn tôi một cái đầu, nom rất chững chạc.
“Đi học đi không muộn.” Tôi nhắc.
“Vâng, vẫn còn sớm mà chị. Tối nay chị có để thằng Bo lại bên này không?”
“Không. Hôm nay chị không phải trực, tối mai cơ.”
Tuyên có vẻ thất vọng khi tôi nói thế, rồi nó nhìn tôi kỳ quặc, hỏi: “Xe máy của chị đâu mà lại dắt thằng cháu yêu của em đi bộ thế này?”
Tôi bật cười: “À, xe chị hỏng, để ở nhà chú Liêm từ hôm qua, chắc sửa xong rồi. Lát qua lấy rồi đi làm luôn.”
“Vậy lên em chở một đoạn.” Tuyên đề nghị.
“Ừ, cũng được.”
Tôi chạy ù vào nhà chào bố mẹ một tiếng, thằng con bé bỏng của tôi thì không thèm đoái hoài gì đến mẹ của nó vì nó đang mải ăn trứng vịt lộn do bà ngoại đã luộc từ sớm.
Quê tôi độ này đang vào mùa lúa chín, chắc chỉ một tháng nữa là các nhà lại bận rộn với công việc gặt hái. Cánh đồng lúa đang dần ngả vàng bát ngát, gió thổi mát lộng, đem theo cả mùi hương hoa cỏ đặc trưng, mùi hương của lúa dìu dịu vừa vặn tạo nên một bức họa đồng quê sinh động. Gió thổi mạnh làm thằng Tuyên phải gồng người lên đạp, còn tôi bám chặt lấy thắt lưng nó, thà hồ thưởng thức hương vị đồng quê dịu ngọt, trong lành.
Ngày trước đi học trên thành phố, giữa thành phố xô bồ, tấp nập xe cộ qua lại, tôi chỉ nhớ cái hương vị đồng nội của quê mình. Cứ đến ngày mùa là tôi lại về giúp gia đình một vài buổi, dù mệt nhưng vẫn có cái vui của nó. Tôi chán ghét cuộc sống nơi đô thị, người người đi qua nhau với nét mặt thờ ơ dù cho họ sống cùng một dãy phố, tôi không hợp vời cuộc sống như thế.
Hồi bé, tôi với đứa bạn thân nhất – cái Trinh, toàn nằm dài trên đống rơm khô cạnh gốc cây nhãn trước cổng nhà tôi để ngủ cho mát. Ngày ấy vô tư kinh khủng, chỉ suốt ngày cười tít mắt với những mơ ước ngây thơ và phi thực tế. Hai đứa toàn bị mọi người trêu là hai con tồ nên chơi thân với nhau. Toàn chống cằm ngồi nghe các mẹ, các chị nói chuyện chồng con, nói lấy chồng rồi khổ lắm, thế là hai đứa nắm tay nhau thề sống thề chết dưới gốc cây nhãn là sẽ không lấy chồng, ước sẽ không bao giờ phải lớn lên.
Nhưng rồi đứa trẻ nào cũng phải lớn lên, những ước mơ ngốc nghếch thời bé tí cũng dần vỡ vụn theo thời gian khi ta phải đối mặt với cuộc sống thực tế khắc nghiệt, để rồi nhận ra cuộc sống không giống như trong những giấc mơ thần tiên. Và khi đã nhận trọn vẹn mặt trái của cuộc sống rồi, ta mới biết không nơi nào bình yên bằng chính quê hương mình, nơi nuôi ta lớn lên, nơi có vòng tay ấm áp của cha mẹ luôn sẵn sàng chào đón dù ta có phạm phải những sai lầm lớn thế nào đi nữa.
Tôi lẩm nhẩm hái bài “Quê hương” của Đỗ Trung Quân mà đã lâu rồi không được nghe, tự dưng thấy yêu quê mình đến lạ.
“Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay
Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông…”
“Chị! Chị đang hát đấy à? Hát to lên em nghe với.” Tuyên quay lại ngó tôi một cái, nó đang cười bà chị của nó.
“Thôi đi, tại tự dưng nhớ lại mấy chuyện hồi còn nhỏ. Năm nay quê mình được mùa quá nhỉ! Nhà nào lúa cũng trĩu hạt.” Tôi đổi chủ đề để khỏi bị nó trêu.
“Trời! Em thấy năm nào cũng như năm nào, chẳng để ý.” Nói rồi, nó vòng tay lái rẽ lên đường lớn, cánh đồng lúa bát ngát đã ở lại phía sau lưng. Tôi chỉ tay về phía ngôi nhà có biển hiệu màu đỏ to tướng “sửa chữa xe đạp, xe máy” và bảo Tuyên dừng lại. Nó phanh kít một cái, làm tôi dúi đầu vào lưng nó, tôi đánh lên lưng Tuyên, miệng lẩm bẩm mắng vài câu. Nó chỉ cười cười rồi đạp xe đi luôn. Em trai tôi từ nhỏ đã thích trêu chọc bà chị này, rất nghịch ngợm nhưng chẳng khi nào tôi giận được nó cả.
Vào xưởng sửa xe của chú Liêm lấy xe, tôi đi làm ngay, cũng chẳng còn sớm sủa gì nữa. Tôi làm ở khoa sản, ngày nào cũng nghe tiếng trẻ con khóc, tiếng phụ nữ kêu gào trong phòng sinh, có lúc bận đến không ngẩng mặt lên được chứ đừng nói là có thời gian nghĩ đến chuyện gì khác.
Tôi đi một vòng qua các phòng bệnh xem có ai cần gì không, vừa ngồi xuống bàn nghỉ ngơi uống cốc nước thì chị Hoài bưng khay thuốc đặt lên bàn rồi huých vai tôi: “Nhìn kìa! Mới có tí tuổi đầu đã đi phá thai. Trẻ con bây giờ càng ngày càng hư.” Tôi ngẩng đầu nhìn theo hướng chị Hoài. Một cô bé khoảng 15, 16 tuổi mặt mũi bơ phờ, trắng bệch đang đứng dựa vào bờ tường. Những trường hợp thế này không còn là hiếm nhưng người ta vẫn nhìn bằng ánh mắt ái ngại. Tôi không biết nên trách những cô gái trẻ không biết bảo vệ mình kia hay trách những kẻ vô lương tâm vứt bỏ họ, chỉ thương cho những sinh linh còn chưa thành hình trong bụng mẹ đã bị người ta nhẫn tâm gạt đi. Làm việc ở bệnh viện mới thấy nhiều cảnh tượng thương tâm, không chỉ những đứa trẻ chưa ra đời đã bị phá bỏ mà cả những đứa trẻ vừa sinh ra đã bị mẹ chúng bỏ rơi. Những người mẹ thì luôn có lý do chính đáng của riêng mình, nhưng tôi tin những đứa con bé bỏng của họ dù còn ở trần gian hay trên thiên đường đều sẽ tha thứ cho mẹ chúng.
Tôi thở dài: “Bọn trẻ bây giờ bị ảnh hưởng bởi lối sống mới, gia đình lại không biết cách giáo dục cho tốt, không biết tự chịu trách nhiệm việc mình làm.”
“Nếu chị có con gái như vậy, chị sẽ đánh chết nó. Thật không chịu nổi.”
Chị Hoài luôn thấy bức xúc khi chứng kiến những chuyện như thế này. Thật ra những người mẹ vô lương tâm nói là nhiều thì không phải nhiều, nói là ít thì cũng không phải con số nhỏ. Cũng phải nhìn vào mặt khác, có những đứa trẻ vừa chào đời đã chết, có đứa bị bệnh tật bẩm sinh, những người mẹ chứng kiến đứa con mình sinh ra như vậy đã khóc đến chết đi sống lại. Tôi cũng làm mẹ, tôi rất hiểu tâm trạng đó, con đau thì mẹ cũng đau, con khóc thì mẹ cũng khóc.
“Một người mẹ tốt là một người vừa làm mẹ vừa làm bạn thân nhất của con mình. Khi nó đến tuổi muốn cất cánh bay, chúng ta không thể gông kìm nó đâu chị, nó sẽ bị thương. Mình phải dạy nó cách xuất phát sao cho an toàn.” Tôi nhẹ nhàng nói quan điểm của mình cho chị nghe.
Chị nghiêng đầu nhìn tôi, ra vẻ ngạc nhiên lắm: “Ái chà! Cô em tôi hôm nay như bác sĩ tâm lý ấy. Thảo nào thằng Bo nhà em đáng yêu như vậy. Em cũng nên tìm một người cha cho nó, nó sẽ sớm nhận ra sự khác biệt giữa nó và chúng bạn xung quanh.”
Tôi chỉ cười, một nụ cười quen thuộc khi ai đó nhắc đến điều này. Dĩ nhiên là tôi biết nó sẽ sớm nhận ra nhưng tôi không sợ khi phải đối mặt với điều đó.
Chị Hoài đứng dậy, vỗ vai tôi: “Người hâm mộ em đã đến.”
Tôi quay ra nhìn, quả nhiên từ xa anh chàng bác sĩ hiền lành khoa thần kinh đang đi đến. Anh nổi tiếng là người tốt tính, sống phóng khoáng nhưng số phận cũng chẳng được như ý. Anh đã phải từ bỏ cuộc hôn nhân kéo dài 5 năm cùng một đứa con trai nhỏ vì vợ anh ngoại tình, anh cũng rất muốn níu giữ mái ấm nhưng giữ làm sao nổi khi người phụ nữ đã vô tình. Giờ thì vợ và con trai anh đã yên ấm bên người đàn ông khác, còn anh vẫn một mình. Anh rất quý con trai tôi, có lẽ thằng bé làm anh nhớ đến con trai anh. Mọi người đều nói tôi nên mở lòng với anh, tôi cũng biết anh rất tốt với hai mẹ con tôi nhưng tôi luôn có cảm giác không xứng với anh.
Tôi đưa tay lên vẫy: “Anh Trí, qua đây uống nước.” Tôi rót chén nước chè đưa cho anh. Anh ngồi xuống, đón lấy chén, cười tươi: “Hôm nay ít bệnh nhân nên sang đây ngồi chơi với mọi người cho đỡ buồn. Có bận gì thì cứ làm đi nhé, khỏi cần tiếp anh.”
“Được rồi, em cũng vừa nghỉ tay uống cốc nước mà.”
Anh nhấp một ngụm chè xanh rồi hỏi: “Thằng Tuyên nhà em năm nay thi đại học phải không? Nó thi trường nào?”
“Nó thi xây dựng anh ạ! Con trai mà, cũng chẳng biết có đậu không, em lo lắm.”
“Anh thấy nó học giỏi đấy chứ, học trường chuyên thì kiểu gì chẳng đậu. Sao không để nó theo ngành y như em?”
“Không” Tôi lắc đầu “Học y rất vất vả, em không muốn nó theo, nó cũng không hợp lắm.”
“Ừ. Mà tuần trước anh lên Hà Nội thấy quần áo trẻ con đẹp quá nên anh mua cho Bo một bộ. Trưa anh về nhà lấy để em mang về cho nó.”
Tôi tròn mắt nhìn anh, cười khổ: “Trời ạ! Anh cứ hết lần này đến lần khác mua đồ cho nó. Em ngại lắm, chẳng cho anh được cái gì.”
Anh xua tay: “Anh thích thằng bé mà, coi như anh mua quà 1/6 cho nó đi, cũng sắp tới rồi.”
“Anh chu đáo quá!” Tôi cảm kích nói.
Điện thoại của tôi reo trong túi áo, móc tay vào trong túi áo blouse trắng lấy ra chiếc điện thoại nhỏ nhấp nháy báo sắp hết pin và Thúy đang gọi. Tôi đang định bấm nút nghe thì điện thoại tắt ngấm, hết sạch pin, tối qua tôi đã quên không sạc. Bỏ lại điện thoại vào túi, chắc là không có chuyện gì, Thúy vẫn thường gọi điện thoại hỏi thăm tôi, chúng tôi học cùng lớp cao đẳng với nhau, chơi rất thân. Bây giờ Thúy đang làm việc tại một bệnh viện lớn trên Hà Nội, lại sắp sửa lấy chồng, tôi cũng mừng cho nó.
Anh Trí giơ máy điện thoại của anh ra trước mặt tôi: “ Máy em hết pin à? Lấy máy anh mà gọi này.”
Tôi đẩy tay anh lại, từ chối: “Không cần đâu ạ, cũng không có chuyện gì quan trọng đâu.”
“Ừ. Vậy thôi, chắc anh cũng phải quay về làm việc đây.”
“Vâng, chào anh!”
Anh đi rồi, tôi cũng rời bàn, tiếp tục công việc của mình.
Chiều muộn, tôi mới từ bệnh viện trở về nhà, qua nhà bố mẹ đón Bo về luôn. Suốt đường về, chỉ có một đoạn ngắn mà con trai tôi líu lo cái miệng nhỏ không ngừng nghỉ. Bo kể hết chuyện này đến chuyện nọ làm bao nhiêu mệt mỏi suốt một ngày làm việc của tôi bay biến hết.
Đèn xe vừa rọi vào cửa nhà, tôi chưa kịp nhìn gì thì Bo đã reo lên: “Cô Thúy! Cô Thúy mẹ ơi!”
Tôi giật mình, nheo mắt nhìn người đang đứng trước cổng, đúng là là Thúy. Sao nó lại về nhà tôi vào giờ này? Tôi dựng xe trước sân, bế Bo xuống đất, ngạc nhiên hỏi: “Sao mày đến không bao tao một câu.”
Thúy không vội trả lời tôi, nó cúi người ôm Bo vào long cưng nịnh: “Con trai lớn quá! Có nhớ cô không?”
Thằng bé cười toe: “Bo rất nhớ cô Thúy.”
Tôi lấy chìa khóa mở cửa vào nhà, Thúy vừa bế Bo vừa trách tôi: “Lúc sáng tao gọi cho mày mà có được đâu. Gọi mãi không được nên đánh liều xuống đây ngồi chờ, quên mất bệnh viện mày làm chỗ nào nên không đến. Bác hàng xóm cho tao ngồi nhờ cả buổi chiều, vừa mới ra đây đứng chờ.”
Tôi cười áy náy: “Điện thoại tao hết pin, biết mày gọi nhưng cũng chịu.”
“Có mỗi cái điện thoại thì hết pin. Thôi khỏi dùng, mày quăng đi luôn đi.” Thúy nói bằng cái giọng giận dỗi thế nhưng tôi biết nó chẳng có bụng dạ gì, tôi chỉ cười cười, rót cho nó cốc nước. Thúy mở túi lấy ra một bịch sữa và một hộp đồ chơi mới toanh đưa cho Đạt: “Quà của Bo đây, con mang đi chơi nhé!”
Bo ôm lấy đồ chơi mới, cúi đầu xin cô rồi hăm hở trèo lên giường. Tôi cau mày nhìn Thúy: “Lần nào đến chơi mày cũng mua quần áo với đồ chơi cho nó. Mày làm hư con trai tao mất.”
“Sướng bỏ xừ lại còn. Tao thấy từ ngày có Bo, mày chưa bao giờ phải mua đồ chơi cho nó mà đồ chơi vẫn đầy một giường đấy thôi. Nhờ thằng bé mà mọi người mới nhớ đến mày đấy!”
“Vâng, vậy xin chân thành cảm ơn.” Tôi bật cười, nói chuyện với Thúy luôn khiến tôi cảm thấy rất thoải mái. “Tối nay ở đây với mẹ con tao chứ?”
“Không lẽ mày muốn tao bắt xe lên Hà Nội trong đêm? Có gì đãi tao không đấy?”
Tôi chẳng nói gì, cứ thế đi vào trong bếp, Thúy cũng vào theo. Nó vẫn chưa chịu nói cho tôi biết có chuyện gì mà đột ngột đến đây. Tôi biết nó nhất định sẽ tự nói nên không vội hỏi ngay.
“Mày chuẩn bị cưới xin đến đâu rồi?”
Thúy vừa giúp tôi nhặt rau vừa trả lời: “Cưới xin mệt mỏi lắm mày ơi! Tuần trước vừa đi chụp ảnh cưới xong, 12 tháng sau ăn hỏi, 16 cưới luôn.”
Tôi huých vai Thúy: “Nhất mày nhé! Thế mà ngon, kiếm ngay được anh con trai trưởng khoa tim mạch, vừa giỏi vừa đẹp trai.”
Nó không nói gì, chỉ cười hạnh phúc. Thúy bạn tôi không phải thuộc hàng quốc sắc thiên hương gì, nhưng ngoại hình dễ nhìn lại rất nhiện tình, chu đáo không thể không khiến người ta yêu mến.
“Sao mày không hỏi xem tao đến tận đây là có việc gì. Mày không tò mò à?”
Tự dưng nó hỏi tôi như thế, giọng không được tự nhiên. Tôi quay ra nhìn, bắt gặp một ánh mắt mà suốt 4 năm nay tôi chưa thấy lại ở nó, tôi còn tưởng đã quên mất vậy mà bây giờ lại thấy lại. Ánh mắt u buồn ảm đạm báo hiệu một điều không lành, tôi bất giác giật mình, không lẽ lại xảy ra chuyện gì?
“Có chuyện gì thì mày nói luôn đi, đừng nhìn tao như thế.”
Thúy cụp mắt xuống, không dám nhìn tôi nữa, tay vẫn nhặt đều đều từng cọng rau. Giọng nó cất lên trông gian bếp nhỏ hẹp, rất trầm, rất buồn: “Anh ta đang tìm hai mẹ con mày đấy. Sớm muộn cũng tìm ra. Anh ta muốn giành quyền nuôi thằng Bo.”
Tôi nghe nó nói mà như sét đánh ngang tai, bàng hoàng đến rơi cả đôi đũa trên tay. Tôi gần như hét lên: “Cái gì? Anh ta không có quyền! Anh ta không có tư cách nhìn thấy Bo chứ đừng nói là nuôi nó.”
Thúy giữ chặt vai tôi, giúp tôi chấn tĩnh lại: “Mày nói nhỏ thôi, thằng Bo nghe thấy thì sao? Đừng tưởng nó là trẻ con không biết gì.”
Tôi cố tình phớt lờ lời cảnh báo của Thúy, gằn từng tiếng đau thương: “Chẳng phải anh ta đang ung dung bên cạnh người đàn bà phù hợp với anh ta sao? Ngày Bo chào đời, cái ngày đầy nước mắt và đau thương ấy thì anh ta ở đâu? Anh ta vui sướng tổ chức lễ cưới của mình. Bây giờ anh ta lấy tư cách gì giành giật quyền nuôi thằng Bo với tao? Nó là con trai tao, không bao giờ tao để nó rơi vào tay anh ta.”
“Tao biết, tao hiểu, tao cũng không bao giờ quên ngày ấy nhưng cả mày và tao đều phải chấp nhận sự thật là dòng máu đang chảy trong người thằng bé cùng dòng máu với anh ta. Anh ta là bố nó, mày muôn đời cũng không thể phủ nhận được.”
“Anh ta từng nói không nhận thằng bé, không tin nó là con ruột anh ta. Lẽ nào mày lại quên những lời lẽ trắng trợn ấy?” Tôi nhếch môi cười khinh bỉ. Tôi thà coi Bo không có bố còn hơn là nghe nó gọi tên khốn ấy là bố, tôi sẽ đau lòng lắm.
Ngập ngừng một lát, Thúy phân trần: “Thật ra vợ anh ta không có khả năng sinh nở, cho nên anh ta mới…”
“Mới nhớ tới thằng bé tội nghiệp mà anh ta từng ruồng bỏ chứ gì?” Nói rồi tôi mới chợt nhớ ra, vội hỏi: “Chẳng phải vợ anh ta từng mang thai sao? Sao bây giờ lại thành không có khả năng sinh nở?”
Thúy trả lời: “Sau đó bị sảy thai, rồi không sinh con được nữa. Tao cũng không rõ nội tình thế nào.”
Tôi cười giễu cợt: “Đáng đời! Gieo nhân nào gặt quả nấy thôi. Anh ta đáng bị như vậy. Ông trời đúng là có mắt.”
“Tao cũng ghét thằng khốn đó như mày. Tao cũng sợ anh ta cướp mất Bo vì dù sao anh ta cũng là bố nó. Nếu một ngày chúng ta phải đối mặt với chuyện đó, tao sẽ cùng mày giành giật đến cùng.”
“Thế mới là bạn tao chứ!” Tôi nắm tay nó, nụ cười lan dần đến khóe môi.
“Sáng mai mày đưa tao đi gặp cái Trinh nhé! Lâu rồi không ghé thăm nó, chắc nó giận tao lắm.” Thúy cúi đầu, nhẹ nhàng nói, trong mắt có chút áy náy.
“Tất nhiên là mày phải ra thăm nó rồi. Nhớ kể nó nghe nhiều nhiều chuyện, nó vốn thích nghe mày kể chuyện nhất mà. À, nhưng mà không được nhắc chuyện vừa rồi với nó kẻo nó sẽ lo lắng.”
“Tao biết mà.”
Tôi quay đi, cắn chặt răng, mắt hơi cay cay. Còn Thúy, tôi đã kịp nhìn thấy nó đưa tay lên quẹt ngang mắt.
Cả đêm hôm ấy tôi không sao chợp mắt nổi và tôi biết Thúy cũng như thế, chúng tôi từng ngủ chung với nhau suốt 3 năm, hơi thở nó lúc ngủ say thế nào tôi còn nhớ rõ. Bo nằm giữa, tôi và Thúy nằm hai bên. Tôi nhắm mắt nghe hơi thở đều đều của thằng bé, mỗi lần nó trở mình, tôi lại quay sang sờ nắn tay chân nó, vỗ về nó. Tôi yêu đứa con trai bé bỏng này của tôi, yêu từng cử chỉ, nét mặt của nó, dù người ta có cho tôi cả thế giới này thì tôi cũng không cần vì thằng bé chính là cả thế giới với tôi. Suốt năm tháng qua tôi đã nhìn vào thằng bé mà sống, nếu tôi mất nó, tôi sẽ không biết mình phải làm gì nữa, làm sao mà tôi chịu nổi đây?
Sáng hôm sau, tôi dậy sớm để chuẩn bị bữa sáng cho hai cô cháu nó rồi đi chợ mua một ít hoa quả và mấy bông hồng đỏ. Lúc trở về thì hai cô cháu đã dậy và đang ngồi ở bàn ăn sáng rất vui vẻ. Tôi đặt các thứ đã mua lên bàn, xoa đầu Bo: “Sáng nay con không phải sang ông bà ngoại. Mẹ đưa con đi thăm mẹ Trinh, con thích không?”
Thằng bé cười tươi, gật gật đầu. Tôi lấy ra một quả cam chín vàng đưa cho Bo: “Cam của con đây, lát nữa con tự tay đưa cho mẹ Trinh nhé!”
Lần nào đi thăm Trinh, tôi cũng đưa cho nó một quả cam và bảo nó tự mình đưa cho Trinh, thằng bé đã quen và lần nào cũng phải cầm một quả cam rồi mới chịu đi.
“Mẹ, Bo nhớ rồi!”
Nơi Trinh yên nghỉ là một nghĩa trang gần ngôi chùa trong làng. Tôi bế Bo cùng Thúy đi ra giữa nghĩa trang, nơi có một ngôi mộ được lát gạch đỏ, trên bia ghi dòng chữ: “Phan Thanh Trinh” cùng năm sinh năm mất. Tấm ảnh gắn trên đó cũng rất đẹp, một cô gái có đôi mắt trong sáng, mái tóc đen dài cùng nụ cười rạng rỡ như ngày nào khiến người ta đau lòng.
Tôi đặt Bo xuống đất, sắp quả ra đĩa và cắm những bông hồng đỏ tươi vào lọ. Thúy châm hương, khấn vái rồi cắm lên bát hương trên mộ. Bo lon ton đến đặt quả cam lên trước mộ, giọng líu lo: “Quả cam của Bo cho mẹ Trinh, mẹ ăn đi.”
Tôi xoa đầu Bo: “Mẹ Trinh của con sẽ ăn, khi nào mình về thì mẹ sẽ ăn.”
Thúy rơi nước mắt, đặt nhẹ bàn tay lên mộ: “Tao đến thăm mày đây, lâu rồi tao mới lại đến thăm mày được, đừng có giận tao, tại tao bận quá thôi. Mày thì khỏe rồi, cứ thoải mái nằm ở đây, còn chúng tao với bố ****** thì khổ sở. Sướng nhé, bây giờ thì ai cũng nhớ đến mày, chẳng quên nổi. À, mày xem thằng Bo có ngoan không? Trông cái Vân thế mà nuôi con giỏi thật, ai nhìn thằng bé cũng thích.”
Thúy nói nhiều, kể nhiều lắm. Tôi chỉ lặng lẽ đứng bên cạnh nắm bàn tay bé xíu của Bo, trong lòng lại dâng lên nỗi chua xót nặng nề. Ba đứa chúng tôi sao lại ra thế này chứ? Tôi biết trách ai? Giận ai bây giờ? Hay thực sự nó là số phận?
Số phận đã đưa đẩy chúng tôi lên đến cùng cực của nỗi đau và sự mất mát để nhận ra sự sống và cái chết cách nhau quá mong manh, và khi con người ta tuyệt vọng đến một mức độ nào đó thì nước mắt sẽ không còn đủ để diễn tả nữa. Tôi còn nhớ chính trên mảnh đất này, nơi quê hương yêu dấu này, tôi và Trinh đã cùng nhau lớn lên. Hồi nhỏ, Trinh gầy lắm, kinh tế nhà nó cũng chỉ như nhà tôi nhưng đông con hơn nên bố mẹ nó vất vả hơn bố mẹ tôi. Trinh là chị cả, dưới nó còn có một em gái và một em trai. Trinh rất ngoan, lúc nào cũng chỉ chăm chăm làm việc giúp bố mẹ, chắc vì thế nên nó mới gầy. Thế nhưng càng lớn Trinh lại càng xinh ra, tôi cũng là con gái mà nhiều khi cũng phải ngẩn ngơ nhìn nó chứ đừng nói đến đám con trai. Vì gia đình làm nông, suốt ngày phải phơi mặt ra nắng nên da nó không được trắng trẻo như con gái thành phố, nhưng bù lại da dẻ mịn màng, các nét trên gương mặt thanh tú, đẹp một cách thuần khiết.
Ngày ấy tôi hãnh diện lắm vì được làm bạn thân của nó, chơi với nhau rất vô tư, chẳng ganh tị hay cãi nhau bao giờ. Đám con trai trong huyện đứa nào cũng săn đón Trinh, người thích nó nhiều vô kể, thỉnh thoảng tôi cũng được thơm lây vì bọn họ đua nhau nịnh tôi để tôi còn nói giúp. Tôi vênh váo lắm, bắt bọn họ làm hết cái này đến cái khác tôi mới nói giúp. Rất tiếc, Trinh chẳng để ý đến ai, chỉ học với làm phụ giúp gia đình, nó chẳng bao giờ nghĩ chuyện yêu đương trai gái. Những miền quê như ở quê tôi, con gái lấy chồng rất sớm nên khi Trinh vừa tốt nghiệp cấp 3 đã có mấy nhà sang hỏi cưới, nhưng Trinh đều lắc đầu bảo: “Cháu còn phải đi học đại học.”
Thế là chúng tôi nắm tay nhau rời xa quê hương, lên thành phố với giấc mơ vào đại học. Khi ấy chúng tôi còn ngây thơ lắm, cứ ngỡ cuộc đời này toàn màu hồng, tương lại tươi sáng đang chờ phía trước, nụ cười trên môi chúng tôi rạng rỡ như hoa hướng dương. Nhưng cuộc đời vốn tàn nhẫn, cuộc đời không giống như giấc mơ thời non trẻ, chúng ta càng mơ ước thì lại càng không như là mơ. Chúng ta không thể mãi sống trong ước mơ, nếu nói con đường đi đến ước mơ là một thảm hoa hồng thì dưới thảm hoa ấy chắc chắn có một lớp gai nhọn, chẳng ai chạm đến thành công mà trên người không có vài vết xước. Mọi thứ đều cần phải khôn khéo nhưng chúng tôi nào biết.
Trinh ôn thi đại học rất chăm chỉ, còn tôi thì hơi lười. Ước mơ của Trinh là sau này sẽ trở thành một nhà ngoại giao, một nữ doanh nhân thành đạt, sẽ nuôi các em ăn học để bố mẹ không phải khổ nữa. Còn tôi, tôi thích làm bác sĩ, nhưng rõ ràng chẳng có bác sĩ nào lười mà thành tài được cả.
Chúng tôi xác định sẽ ở đây học tập lâu dài nên thuê hẳn một phòng trọ luôn, tiền nhà chia nhau nên cũng không đến nỗi đắt đỏ lắm. Bố mẹ hai đứa cũng không phải lo lắng nhiều.
Kỳ thi đại học qua đi, chúng tôi không về nhà chờ kết quả như các sĩ tử khác mà ở lại đây kiếm việc làm thêm để khi nào nhập học sẽ không phải lo xin tiền bố mẹ. Chúng tôi xin vào làm trong một quán coffee mang tên “Green coffee”. Sở dĩ chúng tôi xin làm ở đây cũng một phần vì cái tên và không gian nơi này, mang một hương vị đồng quê rất riêng, có nhiều cây xanh, sàn và tường đều được làm bằng gỗ vừa có vẻ ấm áp lại không kém phần sang trọng.
Từ ngày lên thành phố, Trinh trắng và xinh ra rất nhiều. Khách đến uống coffee trong quán dần biết đến nó, có người đến quán chỉ để ngắm nhìn nó. Có mấy anh chàng nhà giàu còn toàn cho Trinh thêm tiền, ngỏ ý muốn làm quen, muốn rủ nó đi chơi, xin số điện thoại nhưng nó đều tìm lí do tránh né. Trong số những người khách ấy, có một anh chàng rất đẹp trai, ăn mặc lịch lãm hợp thời thường xuyên đến quán, ai cũng nói anh ta là con trai của một ông chủ nào đó giàu có ở Hà Nội. Anh ta không giống như những người khách khác đến đây tán tỉnh Trinh, anh ta chỉ ngồi im lặng một góc lặng lẽ quan sát Trinh làm việc. Anh ta cứ lặng lẽ như thế không biết bao nhiêu ngày.
Ông chủ quán Green coffee tên là Quân, đã 40 tuổi, có vợ con rồi nhưng tính tình vẫn như thanh niên, toàn xưng anh với đám nhân viên chúng tôi. Ông ta có 2 quán coffee như thế này trong thành phố, còn có một nhà hàng lớn làm ăn rất phát đạt. Ông ta có vẻ rất quan tâm đến tôi và Trinh, theo các anh chị làm trong quán nói lại thì từ ngày chúng tôi đến đây làm việc ông ta thường xuyên ghé quán. Thấy Trinh được lòng khách thì ông ta vỗ vai nó bảo: “Nhờ em mà quán đông khách, cố gắng làm tốt, anh tăng lương cho. Em nhớ cẩn thận đừng có mà mắc lừa cái đám háo sắc ấy.” Lúc ấy hai đứa tôi cảm động lắm, cảm thấy ông chủ của mình thật tốt, mọi thứ đều thuận lợi hơn mong đợi.
Chúng tôi chưa vui vẻ thoải mái được bao lâu thì đã có kết quả thi đại học. Hôm ấy, Trinh bị mệt nên xin nghỉ làm từ chiều, tối muộn tôi mới từ chỗ làm trở về, mang theo chút đồ ăn cho Trinh. Lúc tôi mở cửa vào nhà thì thấy phòng tối om, không nghĩ Trinh lại đi ngủ sớm thế. Mò mẫm bật đèn lên thì tôi giật mình khi thấy Trinh ngồi thu lu trong góc giường, hai tay bó gối, mặt gục xuống, mái tóc đen dài lòa xòa. Biết tôi đã về, nó liền ngẩng đầu lên, tôi không còn nhận ra con bạn xinh đẹp của mình nữa, hai mắt sưng húp, mặt đỏ ửng. Nó đang khóc, tôi vội đặt các thứ lên bàn, chạy đến ôm lấy nó: “Mày sao thế hả Trinh? Sao lại khóc đến mức này?”
Nó nhỏm người choàng tay ôm lấy tôi: “Tao trượt đại học rồi mày ạ! Làm thế nào bây giờ? Tao thiếu 1 điểm mới vào được trường đó.”
Tôi ngẩn cả người, tôi lười biếng thì chẳng nói làm gì, nhưng Trinh thông minh lại chăm chỉ như thế, trượt thì quá tiếc. Trường nó đăng kí dự thi lấy những 27 điểm, nó chỉ được 26, chẳng trách nó ngồi khóc đến mức này. Tôi vỗ về an ủi nó: “Ừ, thôi, tao biết rồi, không sao đâu. Không vào trường đó thì vào trường khác, điểm của mày cao như vậy thiếu gì trường mà lo.”
Nghe tôi nói xong thì nó cũng có vẻ nguôi nguôi, lau nước mắt hỏi tôi giọng khàn khàn: “Thế mày có vào được trường đại học Y không?”
“Tao á? Mày nghĩ tao đỗ chắc, tao trượt rồi, tao học đâu có giỏi như mày mà vào nổi trường đại học Y, chẳng qua cứ đăng ký vậy thôi. Tao kỳ vọng cao đẳng Y hơn.”
“Con điên.” Nó đánh vào vai tôi một cái: “Bảo thi trường khác không thi, cứ y cơ.”
Cũng may sau đó tôi đỗ cao đẳng Y Tế khoa hộ sinh, thế cũng tốt rồi, tôi tạm hài lòng với chính mình, miễn là học ngành mình yêu thích là được rồi. Tuy nhiên, bố mẹ tôi lại rất thất vọng về đứa con vô tích sự là tôi, gọi điện thoại lên mắng tôi một trận làm tôi 2 tháng không dám về nhà, phải nhờ Trinh về lấy đồ lên giúp. Bây giờ nhớ lại khoảng thời gian ấy vẫn thấy buồn cười, nụ cười lại vô thức nở trên môi.
Trinh cũng dần quên đi nỗi thất vọng khi nó không vào được trường yêu thích sau khi nhập học, đã vui vẻ trở lại, tôi cũng vui lây. Việc nhập học của tôi cũng không có vấn đề gì, các bạn trong lớp toàn là nữ, họ đến từ khắp các tỉnh, tính tình ai cũng rất dễ thương. Người đầu tiên tôi ngồi cạnh cũng là người đầu tiên tôi quen trong lớp chính là Thúy, vừa quen tôi đã cảm thấy yêu mến cái tính hoạt bát hay nói hay cười của nó, chẳng ngờ được rằng sau này lại trở thành bạn thân. Biết nó chưa tìm được nhà trọ phù hợp, đang phải ở nhờ nhà họ hàng nên tôi bảo nó về chỗ tôi ở chung, càng đông càng vui mà tiền nhà cũng rẻ đi nhiều. Được cái cả 3 đứa chúng tôi đều thân thiện, dễ tính nên ở chung với nhau chẳng có xích mích gì. Buổi sáng cả 3 đứa đi học, trưa về nấu tạm gì đó để ăn, chiều và tối thì tôi và Trinh đều đi làm thêm, có mình Thúy ở nhà nên càng dễ hơn. Cứ thế chúng tôi đi qua năm học thứ nhất một cách yên bình.
Sang năm học thứ 2, tôi và Thúy chuyển sang học buổi chiều, nhiều khi cũng phải học suốt cả ngày nên tôi chỉ xin làm thêm ở quán được buổi tối. Tiền lương đương nhiên giảm đi nhưng vẫn đủ chi tiêu, bớt đi một phần gánh nặng cho gia đình. Trinh thì vẫn làm như cũ, nó được ông chủ cưng nhất, chúng tôi nhìn ra được sự ái ngại trong mắt các nhân viên khác nhưng không hiểu lí do là gì.
Một hôm, chị Liên – quản lí của quán gọi chúng tôi ra một góc lúc chúng tôi đang chuẩn bị ra về. Nhìn chị có vẻ bí ẩn mà không biết có việc gì, tôi và Trinh dắt nhau đi theo chị. Chị ngó quanh, không thấy ai mới nói nhỏ: “Hai đứa, nhất là Trinh phải cẩn thận với ông chủ.”
Trinh ngẩn ra, tôi không nhịn được, hỏi: “Tại sao hả chị?”
Chị Liên mím môi rồi bảo: “Chị làm ở đây lâu hơn các em nên có nhiều chuyện hiểu rõ hơn. Ông Quân không tốt bụng như các em nghĩ đâu, xinh đẹp như Trinh nhất định phải tránh xa ông ta ra, càng xa càng tốt. Mặc dù các em vô tư nhưng chẳng nói trước được gì, hơn nữa vợ ông ta cũng chẳng vừa đâu. Chị chỉ nói thế thôi, nhớ lấy.”
Nói xong chị đi luôn vì bạn trai đang chờ bên ngoài. Hai chúng tôi nhìn nhau, chẳng biết phải nói gì. Chị Liên nói không có vẻ gì là dọa nạt mà hoàn toàn là một vẻ quan tâm chân thật, tôi không nghi ngờ gì chị, chỉ là chúng tôi đâu có làm gì đâu. Mãi đến lúc ngồi xe bus về nhà Trinh mới bấu lấy tay tôi, lo lắng hỏi: “Vân ơi, chị Liên nói thế làm tao sợ sợ thế nào ấy. Tao với ông Quân có chuyện gì đâu.”
Tôi khoác vai nó trấn an: “Không có chuyện gì đâu, mày đừng có nghĩ ngợi vớ vẩn. Chị Liên tốt bụng nên chị ấy mới nhắc nhở để mình tránh chứ không phải bảo mày có gì với ông chủ.”
“Ừ. Thôi, tốt nhất là tao tránh xa ông Quân ra một chút.” Ngưng một lát thì Trinh nói tiếp với vẻ hào hứng: “À, cái anh chàng đẹp trai thường xuyên đến quán một mình ấy, mày nhớ không?”
Hẳn là nó đang nhắc đến anh chàng lặng lẽ ngồi một góc ngắm nó mà không hề tấn công. Tôi cười gật đầu: “Nhớ rồi, cái gã rất hay âm thầm ngắm mày, làm sao?”
Trinh hơi xấu hổ: “Ngắm gì mà ngắm! Chiều này anh ta đến quán, lúc ấy quán vắng tanh, tao mang coffee ra cho anh ta. Anh ta hỏi tên tao rồi còn hỏi mấy giờ tao tan ca.”
“Cuối cùng cũng xuất chiêu. Thế mày bảo sao?”
“Thì tao trả lời, anh ta chỉ cười chẳng nói gì. Nói chung tao thấy anh ta không hề giống mấy tên háo sắc khác.”
Đúng là anh ta không hề giống, tôi gật gù. Anh ta cũng có vẻ là con nhà tử tế, dáng dấp đường hoàng, ánh mắt mỗi khi nhìn Trinh đều dịu dàng như nước, tràn ngập yêu thương.
“Mày cũng có cảm tình với anh ta phải không?”
Bị tôi bắt thóp, Trinh ấp úng đáp: “Đã biết gì đâu mà cảm tình, tao còn chả biết tên anh ta. Chỉ cảm thấy anh ta hơi kỳ lạ thôi.”
Lúc đó tôi chưa dám khẳng định anh ta là người như thế nào nhưng tôi có linh cảm giữa họ sẽ đi xa hơn một người xa lạ.
Và đúng như những gì tôi đã nghĩ, mấy hôm sau, khi tôi vừa mới thay đồ chuẩn bị làm việc thì người con trai đó bước vào. Anh ta mang một dáng vẻ rất tự tin, không ngần ngại bước đến chỗ Trinh.
“Tối nay anh mời em đi ăn được không?”
Vẫn là đôi mắt dịu dàng ấm áp ấy, thử hỏi có bao nhiêu cô gái có thể cự tuyệt? Trinh cũng chỉ là một đứa con gái đơn thuần, nó cũng bối rối, ngó quanh rồi bảo: “Em phải làm việc, không thể đi. Xin lỗi anh!”
Anh ta không nói gì, bước thẳng đến chỗ ông chủ của chúng tôi mà hỏi: “Tối nay anh cho Trinh nghỉ làm có được không?”
Tất nhiên ông chủ không đồng ý, ông ta xua tay: “Nhờ có Trinh mà chỗ chúng tôi đông khách. Dù cậu có là con ông to bà lớn nào thì cũng không có quyền ra yêu cầu. Phải không Trinh?”
“Thế nếu Trinh muốn xin nghỉ thì sao?” Anh ta không có ý định bỏ cuộc.
Trinh đưa mắt nhìn tôi cầu cứu, nó chạy đến chỗ ông chủ và nói với người con trai kia: “Anh ơi, mong anh hiểu cho, em còn phải làm việc. Hơn nữa em cũng không biết anh là ai, làm sao đi cùng anh?”
Anh ta mỉm cười, rút chiếc ví da đắt tiền từ túi quần sau, lấy ra chứng minh thư đặt lên bàn. Cả đám nhân viên chúng tôi vây quanh Trinh xem, khách khứa cũng không khỏi hiếu kỳ. Thì ra anh ta tên Đặng Minh Hải, hơn chúng tôi 2 tuổi.
Chúng tôi còn chưa có phản ứng tiếp theo thì anh ta lại nói: “Anh chỉ muốn mời em ăn với anh một bữa cơm, ngoài ra không có ý gì cả. Nếu em cảm thấy như vậy là lãng phí thời gian của em thì anh sẽ trả tiền lương của buổi làm tối nay cho em. Còn nếu như vì em mà quán vắng khách, anh cũng sẽ đền bù tiền cho quán.”
“Nhưng vì sao anh lại muốn mời em ăn cơm?” Trinh hỏi lại anh ta với một vẻ mặt mơ hồ.
“Anh nhắc lại này, anh không có ý gì cả, chỉ là muốn làm bạn với em. Nhiều ngày đến đây uống coffee thấy em làm việc, anh rất muốn kết bạn với em, chỉ thế thôi. Nếu em không muốn đi, cũng không sao, anh có thể mời em vào một dịp khác.” Giọng anh ta rất nồng ấm, kết hợp với một đôi mắt đen dịu dàng chân thành khiến không chỉ Trinh mà những cô gái ở đây cũng phải ngây ra.
Ông chủ không nói câu nào, im lặng tức là đồng ý nhưng sự im lặng này rõ ràng cũng là bất đắc dĩ.
Chị Liên đứng phía sau đẩy lưng Trinh: “Con bé này, còn đứng ngây ra đấy! Ông chủ cho nghỉ rồi, mau vào thay quần áo.”
Trinh vẫn đứng ngẩn ra, tôi phải kéo tay nó chạy vào phòng thay đồ. Nó luống cuống lấy quần áo vừa thay vừa hỏi tôi: “Tao vẫn lo lo, đi thế này có được không?”
Tôi biết tính Trinh hay lo nên nói cứng: “Đi đi, không vấn đề gì. Ăn một bữa thôi mà. Mày xem chứng minh thư của anh ta rồi còn gì. Tao thấy anh ta là người tử tế đấy, không khéo mày lại đổi đời.”
Tôi cười ha hả làm gương mặt nó cũng giãn ra chút ít. Nó cười đánh vào vai tôi: “Đổi cái gì mà đổi, chỉ là một bữa ăn thôi mà.”
Thế là Trinh cũng chịu đi cùng cái tên công tử nhà giàu đẹp mã đó. Tôi và mọi người tiếp tục công việc như bình thường, trong lòng tôi hoan hỉ reo mừng vì cuối cùng bạn mình cũng tìm được một người ưng ý, chưa biết tương lai sẽ thế nào nhưng thấy nó vui tôi cũng vui.
Tối ấy tôi cứ nghĩ nó sẽ về nhà muộn hơn tôi nhưng khi tôi về thì đã thấy nó về nhà cười nói vui vẻ với Thúy, hai đứa còn đang ăn đồ ăn Trinh mang về. Trinh kể lại đầu đuôi buổi hẹn cho tôi và Thúy nghe. Nó nói Hải là sinh viên năm cuối ngành quản trị, hè tới là ra trường, anh ta rất lịch sự, ăn nói dễ nghe, lại nhất mực giữ khoảng cách với nó, không hề xâm phạm, còn chủ động đưa nó về nhà sớm nữa. Nghe xong tôi cũng thầm thở phào nhẹ nhõm, cũng may anh ta là người tử tế, không thì có chết tôi cũng không để Trinh đến gần.
Còn nhớ khi đó Thúy nhéo tay tôi trêu đùa: “Hôm nào cho tao nhìn mặt cái gã cướp mất con bé xinh đẹp này đi!”
“Được thôi!” Tôi vênh mặt lên hứng trí: “Hôm nào ra quán chơi, tao chỉ cho.”
Thúy gật đầu lia lịa. Chúng tôi bắt Trinh hôm nào đó phải bảo anh ta mời hai chúng tôi một bữa. Trinh bĩu môi: “Tao với anh ta có gì đâu mà chúng mày cứ như vớ được vàng thế?”
Thúy vỗ đùi một cái: “Lại chả vàng nữa. Anh ta đang cua mày, phải nịnh bọn tao là đúng rồi. Vân nhỉ?”
Tôi đồng tình: “Đúng rồi. Mà không sao, bọn tao có thể đợi đến khi hai người chính thức.”
“Mày nghĩ Hải thích tao thật à?”
Lúc đó tôi không thế nào hiểu nổi sao Trinh lại hỏi một câu đương nhiên như thế, tôi cười ngoác miệng: “Chứ còn gì nữa. Ai mà thừa hơi ngày nào cũng đến quán gọi một tách coffee để ngắm mày?”
Trinh chỉ ậm ừ, nó bảo chưa tin lắm, cũng không dám nghĩ bừa, chuyện đến đâu tính đến đó. Trinh là thế, tính nó vốn thận trọng, chuyện chưa rõ ràng, nó không bao giờ nghĩ quá xa vời thực tế. Chơi với nó từ nhỏ, tôi rất rõ, nó đã động lòng anh chàng tên Đặng Minh Hải kia. Nếu như anh ta là một người tử tế thì chẳng có gì phải bàn, nhưng nếu mọi chuyện không như những gì chúng tôi nghĩ thì sao?
Những ngày tiếp sau đó, Hải thường xuyên đến quán gặp gỡ Trinh, thỉnh thoảng lại nói ông chủ cho Trinh nghỉ làm để hai người đi chơi. Ông chủ không dám không cho nhưng tất cả chúng tôi đều nhìn ra ông ta không hề vừa lòng, ông ta hay nói bóng nói gió về Trinh nhưng chúng tôi mặc kệ, cũng không ai nói lại với Trinh. Mãi sau tôi mời biết vì ông ta nể gia đình nhà Hải nên mới thả cho anh ta đưa Trinh đi như thế.
Thế rồi cái gì đến cũng phải đến, ngày valentine đã xảy ra một sự kiện mà cho đến giờ tôi vẫn nhớ đến từng chi tiết và có lẽ là Trinh cũng vậy. Ngày hôm ấy, quán Green coffee cũng như bao nhiêu quán khác, trang hoàng đẹp đẽ để chào đón các đôi tình nhân. Mọi thứ đều được nhân viên chúng tôi chuẩn bị tươm tất, nào nến, nào hoa hồng tươi ở các bàn, còn treo cả những hình trái tim nho nhỏ.
Đúng 8h tối, có một nhóm thanh niên bước vào quán, trông họ không có vẻ gì là đến đây gây chuyện nhưng lại thu hút hoàn toàn sự chú ý của mọi người vì không những họ ăn mặc bảnh bao mà trên tay mỗi người đều cầm một bó hồng nhỏ. Họ vừa vào đã hỏi thăm ngay Trinh đang ở đâu, tôi nghe được liền kéo Trinh ra. Trinh vừa xuất hiện thì họ lại ra hiệu cho Trinh đứng nguyên tại chỗ, chúng tôi chẳng hiểu ra làm sao, Trinh cũng ngơ ngác chẳng kém nhưng vẫn rất hiếu kỳ theo dõi. Chỉ thấy họ dải những cành hoa hồng dọc từ chỗ Trinh đứng tới cửa chính của quán thành hai hàng tạo ra một lối đi, rồi cũng đứng dàn hai bên. Từ cửa, một người con trai tay cầm một bó hồng lớn bước vào. Anh ta mặc áo sơ mi bên trong, khoác ngoài là áo vest tối màu, quần jean xanh bao lấy đôi chân dài vững chãi càng làm anh ta thêm lịch lãm lại không hề kém đi phần trẻ trung. Tôi phải thừa nhận là anh ta khá đẹp trai với nụ cười tỏa nắng, đó chính là Đặng Minh Hải.
Khách khứa trong quán, cả nhân viên chúng tôi đều dừng hết mọi hoạt động để theo dõi một màn trước mắt giống như xem một bộ phim điện ảnh hấp dẫn. Hải từ từ từng bước tiến đến chỗ Trinh, trao bó hoa cho nó và nói ngắn gọn: “Có lẽ anh không cần phải nói nhiều, những gì anh muốn cho em biết chỉ là, anh yêu em.”
Anh ta nói không lớn nhưng ngữ điệu đều rất tự tin, mắt nhìn thẳng vào Trinh, không một chút bối rối, chất chứa đủ tình cảm yêu thương nồng nàn. Tôi không biết những người khác như thế nào nhưng khi nhìn Trinh, tôi biết nó đang vô vàn hạnh phúc, lúng túng trước đôi mắt quá thành thật của Hải.
“Hãy làm bạn gái của anh!” Hải lại nói khiến cho chúng tôi được một phen nín thở chờ đợi, dồn hết mắt về phía Trinh.
Trinh đưa mắt sang nhìn tôi, có vẻ bối rối, tôi kiên định gật đầu. Nó cắn môi, cúi đầu nhìn bó hoa hồng trong tay, nhẹ nhàng gật đầu. Và cũng chỉ đợi có thế, tất cả mọi người có mặt ở đó đều vỡ òa trong niềm vui. Hải cúi đầu, hôn nhẹ lên môi Trinh rồi ôm nó quay một vòng. Tôi cũng sướng rơn như chính mình được tỏ tình, ôm chặt chị bạn làm cùng. Có lẽ từ nhỏ chúng tôi đã lớn lên bên nhau, quá thân nhau nên có những cảm xúc đặc biệt hơn. Dù sao thì đó cũng là một valentine rất trọn vẹn và đáng nhớ.
Chúc các bạn online vui vẻ !