80s toys - Atari. I still have
Tiểu thuyết tình yêu

Tiểu Thuyết Tình Yêu

Đọc truyện tại Tiểu Thuyết Tình Yêu

Loading...

Truyện tình cảm - Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ - trang 2

Chương 5: Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ

Nhà tôi có khu vườn rất rộng. Bố trồng nhiều hoa. Buổi chiều ra

đồng về, bố thường dẫn tôi ra vườn, hai bố con thi nhau tưới. Bố làm cho tôi một bình tưới nhỏ bằng cái thùng đựng sơn rất vừa tay. Bố lại lấy

hộp lon gò thành cái vòi sen nữa. Bố hay bảo tôi nhắm mắt lại, sau đó

dẫn tôi đi chạm từng bông hoa một. Bố nói:

- Ðố con hoa gì?

Tôi luôn nói sai. Nhưng bố nói không sao cả, dần dần tôi sẽ nói

đúng. Những buổi chiều tôi hay nhắm mắt sờ những bông hoa rồi tập đoán.

Tôi đoán được hai loại hoa: hoa mồng gà và hoa hướng dương. Bố cười khà

khà khen tiến bộ lắm! Một hôm khác, tôi đoán được ba loại hoa. Bố nói:

- Phen này con sẽ đoán được hết các loại hoa của bố mất thôi!

Và đúng như vậy, không bao lâu, tôi đã đoán được hết vườn hoa. Từ

trong nhà ra ngoài vườn, tôi có thể chạm bất cứ loại cây nào và nói đúng tên của nó. Tôi cũng đã thuộc khu vườn. Tôi có thể vừa nhắm vừa đi mà

không chạm vào vật gì. Những lúc rảnh rỗi, bố hay đứng trong vườn rồi đố tôi tìm ra bố. Bố nói:

- Bố thấy con hé mắt!

Tôi cãi lại:

- Không! Con không có hé mắt. Con biết chỗ cây hoàng lan mà!

- Thật không? – Bố giả vờ nghi ngờ.

Trò chơi này không chỉ diễn ra ngoài vườn mà còn trong nhà. Bố hay

giấu cục kẹo đâu đó rồi đố tôi, và lần nào tôi cũng tìm thấy. Bố còn đố

khi tôi nhắm mắt, bố đứng cách tôi bao xa.

Lúc đầu tôi luôn đoán sai nhưng sau thì đúng dần. Mỗi lần như thế, bố đều lấy thước ra đo đàng hoàng.

Bây giờ, khi đang còn vùi đầu trong mền, tôi vẫn biết bố đang cách

xa tôi bao nhiêu mét khi chỉ cần nghe tiếng bước chân. Trò chơi này làm

chú Hùng ngạc nhiên lắm. Chú cứ hay nghi ngờ rằng không thể được, cháu

đã ăn gian. Cháu hé mắt. Thế là tôi lại lặp trò chơi cho đến khi chú

phải thốt lên:

- Thật không thể tin nổi, cháu có con mắt thần!

Trò chơi này, tôi có một kỷ niệm đáng nhớ. Sau nhà tôi có một con

sông nhỏ. Những ngày nghỉ bố hay dẫn tôi ra đó tắm. Bố tôi bơi giỏi lắm. Bố có thể lặn một hơi dài đến mấy phút. Hôm đó, khi cả nhà đang ăn cơm

thì bỗng nghe một tiếng hét lớn. Sau đó hoàn toàn im lặng. Mọi người

nhìn quanh, không biết tiếng hét xuất phát từ hướng nào. Nhưng tôi đã

nói ngay:

- Cách đây khoảng ba chục mét, hướng này!

Mẹ tôi chồm dậy:

- Chết rồi, ngoài bờ sông!

Bố quăng chén cơm rồi băng vườn chạy ra… Tôi và mẹ chạy theo, quả nhiên đúng như vậy. Dưới cái hụp xoáy, một thằng bé chới với chỉ còn

lòi ngón chân.

Nó là thằng Tí, con bà Sáu. Nhân buổi trưa, nó trốn ra bờ sông vọc

nước, không ngờ trượt chân té xuống. Bố tôi ẵm nó về nhà. Bụng nó đầy

nước, bố phải nắm ngược hai chân dốc xuống như làm xiếc. Sau đó cả xóm

mới hay tin chạy ra. Người ta bu quanh tôi, hỏi đủ chuyện. Bà Sáu còn

cám ơn tôi. Bà khóc. Bà nói không có tôi, thằng Tí con bà sẽ chết. Nhiều người không tin rằng tôi có thể lắng nghe âm thanh tài tình như vậy bèn thử tài, thật may phước lần nào tôi cũng đoán trúng. Họ hỏi làm sao

biết hay vậy? Bố nháy mắt và chúng tôi cười ồ. Tôi biết đó là một bí

mật, không thể tiết lộ! Một bí mật giữa bố và tôi. Nhưng tôi đã hứa, tôi sẽ chỉ cho thằng Tí bí mật này. Nó là bạn thân của tôi mà. Tôi thấy tên nó đẹp hơn mọi tên, khi đọc lên, âm thanh cứ du dương như một bài hát.

Ở trường tôi hay gọi nó:

- Tí, Tí!

Nó hỏi:

- Cái gì?

Tôi mỉm cười:

- Chẳng có gì!

Nó ngạc nhiên lắm. Nó không hề biết rằng tôi đang nghe âm thanh từ cái tên của nó.

Bố tôi nói, mỗi cái tên là một âm thanh tuyệt diệu. Người càng thân với mình bao nhiêu thì âm thanh đó càng tuyệt diệu bấy nhiêu.

Tôi tin bố. Tôi hay gọi tên bố chỉ để nghe âm thanh.

Sau vụ đó, tôi dám cá với các bạn, thằng Tí không dám ra bờ sông

một mình nữa. Lần nào đi, nó cũng chờ bố tôi. Bố tôi cõng nó một bên

vai, cõng tôi một bên vai. Nhưng tôi có qui định với nó, cái cổ của bố

phải để tôi ôm. Bố tôi mà! Nó đồng ý.

Mỗi lần ra sông vui lắm. Bố làm chiếc xuồng, hai chúng tôi cỡi trên lưng. Bố nói, đây là xuồng máy nên không cần phải chèo, chỉ cần xăng,

chúng tôi phải đổ xăng vào. Bố nói, đừng có đổ vào lỗ tai, chỗ đó là cái đèn.

Thằng Tí hay đem cho bố tôi những trái ổi. Nó trèo cây giỏi lắm,

nhà nó có một vườn ổi. Những trái ổi to được nó lựa dể dành cho bố đều

có bịch ni-lông bọc lại đàng hoàng. Những trái ổi như thế bao giờ cũng

vừa to vừa mềm, cắn vào rất đã. Bố tôi ít khi nào ăn ổi, nhưng vì nó, bố ăn.

Tôi nói:

- Sao bố kính trọng nó quá vậy?

Bố cười xòa:

- Không phải đâu, bố không cưỡng lại được trước món quà. Một món

quà bao giờ cũng đẹp. Khi ta nhận hay cho một món quà, ta cũng đẹp lây

vì món quà đó – Bố còn nói thêm – Một nụ hôn cũng là một món quà sang

trọng. Một giấc ngủ của tôi cũng chính là một món quà, cả con người tôi

đều là món quà cho bố.

Tôi đi nhẹ ra vườn. Tôi hiểu, khu vườn là món quà bất tận của tôi.

Mỗi một bông hoa là một món quà nhỏ, một vườn hoa là món quà lớn. Tôi

nhắm mắt và chạm tay rồi gọi tên từng món quà. Tôi chạm phải bố. Tôi la

lên:

- A! Món quà của tui đây rồi. Ôi cái món quà này bự quá!

Bố lại nghĩ ra trò chơi khác. Thay vì chạm vào hoa, bây giờ tôi chỉ ngửi rồi gọi tên nó. Bố đưa bông hoa trước mũi tôi rồi nói, hoa gì? Trò chơi cứ được diễn ra liên tục cho đến hồi tôi nhận diện được tất cả mùi hương của các loài hoa.

Ðêm, tôi mở cửa sổ và nói:

- Hoa hồng đang nở kìa bố ơi!

Bố không tin, xách đèn ra soi và đúng vậy. Những bông hoa cứ đem

hương đến cửa sổ như báo cho tôi biết từng mùa. Hoa gì nở sớm, hoa gì nở muộn. Tôi còn phân biệt đồng một lúc những hoa gì đang nở. Bố nói tôi

có cái mũi tuyệt nhất thế giới!

Bạn hãy tưởng tượng, một buổi sáng mờ sương. Bạn vừa nhắm mắt vừa

mở cửa sổ, và bạn chợt hiểu khu vườn nói gì. Bạn hiểu bây giờ là mùa gì

và bông hoa nào đang nở, tên gì. Từng tiếng bước chân trong vườn, bạn

biết chính xác người có bước chân đó cách xa bạn bao nhiêu mét. Bạn còn

biết tiếng chân đó là của ai, bố hay mẹ. Bạn sẽ giả vờ hỏi:

- Ai đó? Có phải là người khách lạ không?

- Không. Tôi là khách quen! – Người đó trả lời.

Bạn sẽ nói:

- Khách quen sao tui không biết vậy cà? Tui nghe bước chân lạ lắm.

- Ðó là tại vì tui đang hồi hộp. Tui thấy khu vườn nở nhiều hoa quá.

- Hoa hồng và mào gà phải không?

- Ôi! Sao anh biết hay quá vậy?

Bạn sẽ nói to lên:

- Tại vì tôi có con mắt thần.

- Con mắt thần nằm ở đâu vậy?

- Nằm ở mũi tui.

Ðó chính là một điều bí mật mà tôi muốn chia sẻ với bạn. Bạn hãy

thử đi rồi sẽ thấy, khu vườn sẽ lớn lên rất nhiều. Những bông hoa thơm

hơn và khi nhắm mắt, bạn vẫn nhìn thấy nó. Không chỉ vậy, bạn còn thấy

nguyên cả khu vườn. Bạn có thể nhìn thấy bông hồng ngay trong đêm tối.

Ðêm bạn nằm, đắp chăn kín người nhưng bạn vẫn có thể đi dạo. Bạn sẽ

không bao giờ lạc trong bất cứ một khu vườn nào, bởi vì, những bông hoa

sẽ chỉ lối cho bạn, một lối đi an toàn và thơm ngát.

Và lúc đó, bạn sẽ tiếc lắm nếu thế giới này vắng đi những bông hoa. Bạn sẽ tự hỏi, tại sao trong khu vườn không có người dẫn lối? Người ta

sẽ ngạc nhiên hỏi lại, người dẫn lối nào? Bạn sẽ từ từ nói, đó là NHỮNG

BÔNG HOA…

Những bông hoa chính là người đưa đường!

Chương 6: Ðôi guốc của cô giáo Hà

Cô giáo Hà lùn xịt nên cô mang đôi guốc cao gót. Từ dưới bục giảng

nhìn cô vẫn thấy lùn. Cô chải tóc tém. Mẹ tôi nói, nhờ vậy nhìn cô trẻ

mãi. Có một lần, khi gọi tôi lên bảng, cô nhìn tôi một hồi rồi nói:

- Em lớn nhanh thật, chẳng vài năm em sẽ cao bằng cô.

Tôi nói:

- Ðó là nhờ em chơi thể thao.

Cô trợn mắt hỏi lại:

- Em chơi thể thao?

- Dạ, đúng vậy. Bố em nói, những người chơi thể thao luôn cao ráo và xinh đẹp. Mẹ em không chịu chơi thể thao nên mặt mụn đầy!

Cô cười cười không nói gì.

Tôi hỏi:

- Cô có chơi thể thao không?

Cô nói:

- Có… có… – sau đó nói thêm – chút chút…

Tôi hay quan sát đôi guốc cao gót của cô. Mỗi lần cô bước lên bục

giảng, tim tôi cứ thót lại vì sợ cô ngã. Nhưng cô không ngã, còn đi rất

nhanh. Cô bước những bước chân thật dài. Có lẽ cô phải tập công phu lắm.

Tôi hỏi mẹ, để đi được như cô có lâu lắm không? Mẹ tôi lắc đầu, mẹ

không biết. Mẹ chưa bao giờ đi guốc cao gót vì chân mẹ rất to. Mẹ cũng

rất thích nhưng chưa bao giờ có can đảm mua nó. Mẹ đã quen đi những đôi

dép mỏng và bền. Vả lại, một đôi guốc cao gót không thể đi ruộng và lội

sình. Nó phải đi trên đường nhựa cùng với áo dài. Dáng của mẹ lại xấu,

không thể bận áo dài được. Mẹ nói, ngày mẹ còn trẻ, mẹ có bận áo dài một lần nhưng sau đó thì thôi luôn. Khi bận áo dài, tôi sẽ không nhận ra

mẹ. Mẹ thích tôi phải nhận ra mẹ kia. Thế là tôi không hỏi nữa.

Cô Hà có hai đôi guốc, một đôi màu xanh, một đôi màu đỏ. Cô cứ luân phiên thay đổi nhau, hai ngày đôi này, hai ngày đôi kia. Tôi thích đôi

màu xanh hơn vì nó cao vừa phải, lại trông xinh xắn. Khi đi, nhìn cô ít

gồng hơn, tự nhiên hơn.

Bẵng đi một dạo, không thấy cô mang nữa. Cô chỉ mang đôi guốc cao

gót màu đỏ. Trên bục giảng cao, màu đỏ trông thật nhức mắt. Tôi chờ mãi

vẫn không thấy cô mang đôi màu xanh. Thế là một hôm tôi hỏi cô:

- Cô ơi, sao cô không mang đôi guốc màu xanh?

Cô xòe to con mắt nhìn tôi:

- Em còn nhớ đôi guốc của cô à?

Tôi gật đầu:

- Em thích cô mang đôi guốc đó lắm. Trên bục giảng, trông cô cao vút.

Cô gật gù có vẻ sung sướng lắm:

- Cám ơn em. Nhưng đôi guốc đó quá cũ.

- Không sao cả, trông nó vẫn đẹp. Mẹ em luôn mang những đôi dép cũ. Bố em nói, quăng nó đi. Nhưng mẹ không chịu. Mẹ nói đôi dép đó đã quen

với mẹ rồi, nó là đôi dép đẹp nhất.

- Thế rồi bố em có nói gì không?

- Bố em chịu thua mẹ. Bố em nói, mẹ cứng đầu lắm! Nhưng em biết bố

đùa, bố không bao giờ nói mẹ cứng đầu. Có hôm em còn nghe bố nói mẹ là

cục cưng. Em thắt cười lắm. Mẹ to như vậy mà bảo là cục cưng. Vậy mà bố

vẫn cứ nói cục cưng, cục cưng…

Hôm sau, cô Hà mang đôi màu xanh. Nhìn thấy tôi, cô trợn trợn con

mắt như muốn bảo: bí mật đó nhé! Bí mật này chỉ có cô và em biết thôi.

Tôi vui lắm, không ngờ cô Hà lại tin tôi như vậy. Tôi có cảm giác, cô

mang guốc chỉ để cho một mình tôi nhìn.

Giờ ra chơi, tôi chạy vụt đến chỗ cô, nói:

- Cô đẹp quá!

Cô cười, mặt đỏ lựng. Cô nói:

- Cám ơn. Nhờ em, cô mới biết đôi guốc màu xanh làm cô đẹp ra.

Khoảng một tháng sau bỗng tôi thấy cô xuất hiện trên bục giảng với

đôi guốc màu đỏ. Cô nhún vai nhìn tôi. Thì ra, đôi guốc màu xanh đã gãy

cái gót. Khi mang cô sẽ đi cà thọt.

Cô nói:

- Nó cũ quá rồi. Không thể sửa chữa được nữa.

Tôi an ủi cô:

- Không sao cả, màu đỏ trông cô cũng vẫn đẹp. Em sẽ không nhìn đôi

guốc nữa, em sẽ nhìn khuôn mặt của cô, khuôn mặt sẽ không bao giờ cũ,

khuôn mặt sẽ không bao giờ bị gãy gót.

Cô cười trông vui lắm, nói:

- Em là người hiểu cô nhiều nhất. Khi em hiểu đôi guốc của một

người thì có nghĩa là em hiểu người đó. Em sẽ hiểu, tại sao người ta yêu cái màu xanh này mà lại không yêu cái màu đỏ kia.

- A! Em hiểu rồi. Cô yêu đôi guốc màu xanh này là tại vì cô yêu em.

Từ đó, tôi không còn thắc mắc đôi guốc cao gót của cô Hà nữa. Cô có đi chân không tôi vẫn yêu cô. Mẹ nói chừng nào đến ngày nhà giáo, sẽ

biếu cô một đôi guốc màu xanh.

Và tôi chờ đợi, lâu lắm… Lâu quá trời lâu!

Chương 7: Truớc khi đi học về, hãy để quên một cái gì đó

Một hôm, lớp học của tôi bỗng xôn xao vì một chuyện lạ. Ðầu tiên

không ai để ý cả, nhưng dần dần mọi việc đã quá rõ. Thằng Tí là người

luôn đi học sớm. Ðiều này lạ hoắc vì chưa bao giờ nó siêng năng như vậy. Khi đi học, nó còn không thèm gọi tôi. Nhiều lần lặp lại liên tiếp, thế là tôi ráng dậy sớm để đi theo nó, rình. Nó giở trò gì đây, tôi chẳng

biết. Nó chỉ cắm cúi đi.

Khi đến lớp, nó nhảy xổ đến bàn cô giáo nhặt một cái gì đó rồi đi

về bàn mình. Cầm cái vật nhỏ nhỏ trong tay, nó cứ cười miết. Hỏi cười

cái gì, nó cũng không nói.

Tôi kể mọi chuyện cho tụi bạn nghe. Thế là cả bọn chúng tôi quyết

định sẽ đến sớm hơn. Nhưng thật không may, khi đến lớp đã thấy nó ngồi

chễm chệ, cười cười, không nói. Hôm sau tụi tôi đi sớm hơn nữa, vẫn thấy nó ngồi cười cười. Nó luôn đến trước. Mãi cả tuần sau, tôi mới được hân hạnh là người đến đầu tiên.

Trên bàn cô giáo có một gói giấy nhỏ. Khi mở ra bên trong có một

viên kẹo, chẳng biết ai đã để ở đây và để khi nào. Tôi vừa lột viên kẹo

bỏ vào miệng thì vừa lúc thằng Tí xông vào.

Tôi hét to:

- Tao biết bí mật của mày rồi!

Thằng Tí bĩu môi:

- Tao đã ăn được những hai mươi viên.

- Nhưng ai để lại vậy?

- Tao không biết.

Giờ ra chơi, tụi bạn bu quanh tôi hỏi:

- Cái gì vậy?

Tôi nhìn thằng Tí rồi cười cười. Bọn chúng tức điên lên, hỏi mãi,

tôi cũng chỉ cười cười. Làm sao có thể cho bọn chúng biết điều bí mật

ngọt ngào này được!

Cách vài hôm, lại thêm một đứa mới biết điều bí mật. Chúng tôi cứ

nhìn nhau cười cười… Rồi dần dần, lớp chúng tôi ai cũng biết điều bí

mật. Nhưng ai là người làm ra điều bí mật đó thì không được biết. Chúng

tôi đã phân công nhiều ổ mai phục, nhưng cuối cùng chẳng thu được kết

quả gì. Luôn luôn, vào sáng sớm, trên bàn cô lại xuất hiện một viên kẹo.

Lúc đầu chúng tôi cứ nghĩ là cô giáo Hà. Nhưng không phải. Cô luôn

ra khỏi lớp khi trong phòng vẫn còn chúng tôi. Vậy thì ai? Nghĩ mãi vẫn

không ra.

Một hôm tôi ngồi lì trong lớp, định ngồi đến sáng để chờ người lạ

mặt nhưng vì đói bụng quá đành ôm sách về. Rồi tôi chợt nghĩ, tại sao

mình không gởi cho người lạ mặt một lá thư. Thế là tôi viết ngay. “Gởi

người lạ mặt. Anh là ai vậy, có thể cho tôi biết được không?”.

Hôm sau tôi vào lớp sớm, trên bàn vẫn như thường lệ có một viên kẹo gói trong tờ giấy nhỏ. không có thư trả lời, còn lá thư của tôi thì

biến mất. Chứng tỏ người lạ mặt đã lấy nó đi.

Tôi suy nghĩ lung lắm. Tại sao người lạ mặt không trả lời tôi? Một ý định khác chợt đến với tôi, tôi sẽ là người lạ mặt. Tại sao không chứ?

Tôi cũng làm được vậy.

Hôm đó tôi giấu một trái ổi to trong cặp. Ðợi tụi bạn đi học về

hết, gói nó lại bằng một tờ báo rồi đề chữ lên: Tôi – Người lạ mặt – có

món quà nhỏ tặng người đến sớm.

Hôm sau, tôi nghe bọn chúng kháo nhau:

- Ðến hai người lạ mặt. Một người để trái ổi, một người để cục kẹo.

Hôm sau nữa bỗng xuất hiện ba người lạ mặt, rồi bốn, rồi năm, rồi

sáu, bảy… Bây giờ thì chúng tôi vỡ lẽ ra rồi. Người lạ mặt đang ở

trong lớp. Những buổi đi học về, đứa này cứ nhìn đứa kia nấn ná không

muốn rời lớp. Chúng chính là những kẻ lạ mặt.

Nhưng người lạ mặt đầu tiên là ai, vẫn không biết.

Những buổi sáng đi học sớm, chúng tôi – những người lạ mặt – người

lạ mặt này ăn món quà của người lạ mặt kia. Lâu lâu trong món quà còn

kèm những câu hỏi rất vui. Và chúng tôi ngầm thỏa thuận trả lời những

câu hỏi của nhau bằng những món quà. Nhưng chúng tôi vẫn ấm ức một điều, ai là người lạ mặt đầu tiên?

Tôi kể chuyện này cho bố nghe. Bố nói:

- Ðó mới là điều bí mật. Trong mỗi người bạn của con đều có một

điều bí mật và một món quà, đúng chưa? Khi biết món quà của ai, ta sẽ

yêu người đó mà không yêu những người khác. Khi nhận một món quà không

biết ai gởi, con sẽ yêu tất cả những người con quen. Vì biết đâu, một

trong số họ đã gởi món quà đó. Chúng ta không nên biết người lạ mặt để

làm gì cũng là một điều hay…

Tôi đi học và tôi biết, mỗi buổi sáng luôn có một người bạn nào đó

tặng tôi một món quà. Bạn có thấy điều đó thú vị không? Bạn hãy tưởng

tượng đi. Những người xung quanh chúng ta đều có thể là người lạ mặt. Và tất nhiên, trước khi đi học về, bạn hãy nhớ quên một cái gì đó. Và bạn

sẽ thấy, người lạ mặt từ từ xuất hiện thật nhiều, cho đến lúc tất cả

chúng ta đều là người lạ mặt.

Chương 8: Một ngày kinh hoàng

Từ ngày lấy cô Hồng làm vợ, chú Hùng ít sang nhà tôi. Bố tôi nói

chú rất bận. Với lại khi lấy vợ, chú phải chăm sóc vợ, vợ là người chú

yêu mà!

Thỉnh thoảng chú mới ghé đầu vào cái mền của tôi, nói:

- Ôi! Lâu quá tôi mới gặp người láng giềng.

Tôi cũng đã quen những buổi sáng không có chú; những lần chú sang,

tôi cứ thấy là lạ, hình như không phải. Tôi nằm im lắng nghe bước chân

nhè nhẹ đang đi đến giường.

Tôi chồm dậy, hỏi:

- Chú Hùng phải không?

Chú ngúc ngoắc cái đầu. Tôi thương chú vô cùng. Mẹ nói, những người có “gia đình” vất vả lắm. Tôi thấy chú vẫn như ngày nào, vui nhộn và dễ gần. Chú chỉ hơi đen. Cô Hồng cũng đã chuyển chỗ về làm ngay trong xã.

Buổi sáng, cô vấn tóc củ tỏi như những người già, trong khi khuôn mặt

lại trẻ măng, nhìn cứ ngờ ngợ, buồn cười! Suốt cả ngày, chú Hùng đánh

vật với đám đất phía sau.

Tôi ghé sang, múc cho chú ca nước.

Chú nói:

- Cháu xem chú cứ như khách.

Tôi lật những tổ dế, thấy con nào con nấy tròn đen. Tôi đem chúng

về thả trong vườn. Ðêm tiếng gáy nghe lanh lảnh và hơi buồn. Buổi sáng

tôi chăn bò giùm chú.

Chú đã sắm chiếc xe, chừng nào dỡ xong đám đất, chú sẽ đánh vào

rừng. Trong rừng thú vị lắm, chú hứa sẽ cho tôi đi theo. Nhưng trước đó

tôi phải tập nấu cơm và làm những việc lặt vặt.

Từ nhà tôi đến rừng chỉ độ hai tiếng đồng hồ đi xe bò, đi bộ chỉ

một tiếng. Chú nói khi ở rừng, người ta luôn hú gọi nhau như con vượn,

con khỉ. Thằng Tí cũng nằng nặc đòi đi theo và chú đồng ý.

Chú nói:

- Miễn sao chúng mày không quậy phá thì được.

Chúng tôi đi rừng được vài ba chuyến thì cả lớp ai cũng biết. Chúng ngưỡng mộ lắm, đòi tôi và thằng Tí dẫn vào rừng. Tôi không chịu và

chúng bắt đầu nói kháy. Chúng nói bọn tôi nhát, bọn tôi giống lũ con gái hay khóc nhè. Ði vào rừng không có người lớn thì đã sao, còn thú vị nữa là! Trong rừng hoa lan rất đẹp.

Thế là chạm tự ái, tôi bằng lòng. Chúng tôi hẹn nhau vào ngày lao

động cuối tuần và chỉ đi trong vòng một buổi sáng. Làm gì thì làm, hết

buổi sáng phải về ngay. Ðêm hôm đó, tôi lùi ba củ khoai vào đống tro,

lại lén bọc theo con dao của mẹ. Khoai là để đề phòng bất trắc, còn con

dao là để chiến đấu với những “thế lực huyền bí”.

Ðúng giờ gặp nhau tại điểm hẹn. Bọn con gái mang theo đồ ăn, dọc

đường cứ nhai lách chách. Chúng kể đủ thứ chuyện chẳng biết nghe từ đâu. Nào là ma lai, nào là ma sói. Ớn lắm! Rồi chúng lại cho rằng, con nít ở rừng sẽ hót như chim.

Khoảng tám giờ thì đến rừng, cả bọn nhảy nhót hỗn loạn như được cho ăn. Mạnh đứa nào đứa đó đi một nẻo. Có đứa còn bạo gan đuổi theo những

con kì nhông. Tôi đi kè kè thằng Tí vì sợ lạc. Mà quả thật cái điều tôi

lo lắng đã xảy ra.

- Con Lan đâu rồi? Thằng Tí hét lớn.

Bọn con gái khóc òa. Chúng quáng quàng tụm lại như những con sâu. Tôi bắt đầu thấy sợ.

Một đứa nói:

- Mình phải về báo cho người lớn hay.

- Không được – thằng Tí quát lên – mẹ tao sẽ đánh chết.

- Thế mình phải ở đây à?

- Ừ, đi tìm nó đi.

Chúng tôi hú gọi nhưng chẳng nghe tiếng trả lời.

- Coi chừng nó chết rồi đó!

Con Hương khóc òa khiến đám con gái lại khóc theo.

- Tụi mày mà khóc nữa, tao sẽ bỏ trong rừng luôn. Thằng Tí quát.

Lần theo con suối, chúng tôi nắm tay nhau đi. Ði mãi vẫn không thấy con Lan. Mặt trời đã lên đến đỉnh đầu.

Thằng Hùng mặt tái xanh nói:

- Hình như mình đi xa lắm rồi.

Chúng tôi hoảng hồn quay trở lại nhưng con đường cũ đã biến mất.

Những lùm cây càng lúc càng hẹp dần. Chúng ép sát vào nhau cho đến hồi

không còn lối đi. Bây giờ thì tất cả con gái con trai đều khóc òa.

- Làm sao bây giờ đây?

Chúng tôi hú gọi đến khản cổ vẫn không nghe tiếng trả lời. Rừng cứ âm âm vọng lại những âm thanh ma quái.

Vừa đói khát, vừa mệt mỏi, cả bọn nằm dài lên đống lá mục. Nằm được một lúc, không ai bảo ai cùng đứng dậy.

- Ði thôi, nếu không trời sẽ tối.

Từ phía mặt trời, những đám mây đen bắt đầu kéo đến. Chúng phủ dần cho đến hồi đen kịt.

- Chết rồi! Mưa tụi bây ơi!

Nhớ đến bài học của chú Hùng, thằng Tí hướng dẫn cả bọn bẻ nhánh cây kết lại làm mái che.

Khi lo cho cơn mưa sắp đến, chúng tôi không hề biết rằng con Dung

không còn ngồi dậy được nữa. Khi đứng lên, nó bỗng hoa mắt rồi ngã vật

ra đất. Tóc nó ướt đẫm mồ hôi. Bình thường nó là đứa ốm yếu nhất lớp.

Bây giờ lại đi đường xa trong lúc bụng đói, thế là nó xỉu. Chui vào mái

che, chúng tôi phát hiện ra con Dung.

- Eo ôi! Con Dung kìa?

- Hình như nó chết rồi!

Cả bọn không ai dám nhúc nhích. Bỗng tôi nhìn thấy một ngón tay của con Dung động đậy.

- Ngón tay nó kìa. Thấy chưa, nó đang nhúc nhích.

- Ðứa nào gan, ẵm nó dậy đi, nếu không nó chết đó.

Tôi co rúm người lại. Chân tê cứng. Nhắm chặt mắt, rồi cảm thấy có gì không ổn lại từ từ hé mắt ra nhìn.

Con Dung vẫn nằm đó. Nhưng thằng Toàn đã đứng dậy. Nó là thằng cả

lớp vẫn cho là mít ướt, đụng một chút là vãi ***** trong quần. Lúc sáng

cả bọn định cho nó ở nhà. “Mày thì đi đâu. Ði chỉ rách việc”. Nhưng

không ngờ giây phút này nó lại là đứa anh hùng nhất.

- Dung ơi! – Thằng Toàn từ từ đến gần, thều thào gọi. Dậy đi Dung, mày đừng làm tao sợ.

Nó lấy một ngón tay khẽ chạm vào vai con Dung, rồi thụt lại. Nó khóc òa.

- Dung ơi! Mày đừng chết. Tao sợ lắm mà!

Rồi như ma quỉ khiến, nó nắm lấy tay con Dung, lúc đầu còn lay nhẹ, sau mạnh dần. Con Dung hơi he hé con mắt ra. Xốc con Dung dậy, người nó cứ rũ xuống.

- Ðứa nào ra phụ tao với. Thằng Toàn lăm lăm nhìn chúng tôi.

Cả bọn im phăng phắc.

Nó hét lớn:

- Ðồ hèn, đồ hèn.

- Nó còn… còn… sống hả?

- Ừ, nhanh lên.

- Thật không đó? Ðừng có lừa bọn tao à nghen!

Lúc này chúng tôi mới từ từ đến gần. Thằng Toàn nói như ra lệnh:

- Ði kiếm nước nhanh lên.

Thằng Tí bừng tỉnh, nó chạy vụt ra khe suối gần đó, cởi phăng chiếc áo nhúng xuống nước rồi chạy vào. Chúng tôi xoa nước lên khắp người con Dung. Một hồi sau nó từ từ tỉnh lại.

Cả bọn cười ồ:

- Nó dậy rồi kìa!

Con Dung òa khóc. Nó ôm chặt thằng Toàn khi chúng tôi dìu nó vào mái che.

Mưa. Mưa khủng khiếp, không biết cơ man nào là nước. Nước xối xả.

Nước chảy tràn. Nước lùa vào chân lạnh ngắt. Chúng tôi ôm lấy nhau.

Chúng tôi ôm nhau chặt lắm. Hơi ấm từ đứa này cứ phả sang đứa kia và

cùng khóc.

Tôi khóc đầu tiên và sau đó là những đứa khác. Tôi tưởng tượng con

Lan đang lạc đâu đó một mình trong rừng. Nó sẽ ôm ai đây? Nó sẽ lạnh

lắm. Nó có biết bẻ lá cây làm mái che không? Hay nó xỉu như con Dung,

hay nó đã tìm được đường ra bìa rừng?

Nước mắt tôi chảy dài lên lưng những đứa khác. Tôi nhớ mẹ và bố.

Giờ này bố mẹ chắc đang lo sợ lắm. Ðang đi tìm tôi. Mẹ sẽ khóc thật

nhiều. Mẹ bao giờ cũng vậy. Cái gì chạm phải tôi là mẹ khóc. Tôi nhớ đến cô giáo Hà. Chẳng biết bao giờ tôi mới được gặp lại cô. Tôi có tìm được đường về nhà không?

Những giọt nước bắt đầu thấm vào người tôi lạnh ngắt. Tôi cũng cảm

thấy xấu hổ cho những gì hồi sáng mình làm. Thằng Toàn có ghét, có xem

thường tôi không? Những ngón chân tôi bắt đầu tê dại. Nó chuyển dần dần

lên đến bắp đùi, người tôi run bần bật.

- Chết tao rồi tụi bây ơi!

Những đứa khác cũng đồng loạt kêu lên.

- Tao cũng vậy!

Thằng Toàn nói:

- Mình ngồi đây sẽ chết vì lạnh, cần phải làm cho nóng người lên.

- Tao không biết làm nóng!

- Mình cứ chạy như tập thể dục ấy.

- Nhưng tao chạy không được! – Con Dung mếu máo.

- Ðược rồi, để tao cõng.

- Mày cõng tao hả Toàn! Tao mang ơn mày lắm đó!

Mặc cho mưa gió, chúng tôi lầm lũi chạy. Thằng Toàn chạy trước mở

đường, cả bọn chạy theo sau. Thế rồi chẳng ai bảo ai, cả đám thay phiên

nhau cõng con Dung, đứa này mệt thì đứa kia thế.

Trên đầu, bóng tối bắt đầu đổ ập xuống. Một nỗi buồn khôn tả tràn

ngập khu rừng. Nhìn những hàng cây, tôi bỗng nhớ khu vườn. Tôi sợ không

bao giờ nhìn thấy nó nữa. Chân tôi mỏi khuỵu xuống, người như muốn ngất

đi. Tôi thấy khu rừng cứ chao qua chao lại. Những người bạn của tôi cũng chao qua chao lại. Có lúc chúng nhòe đi như làm bằng nước mưa. Rồi tôi

thấy một cái bóng đổ xuống trước mặt quen lắm. Mắt tôi mờ hẳn. Tôi đứng

khựng lại. Tôi vuốt nước trên mặt nhiều lần. Cuối cùng tôi nhận ra thằng Toàn. Nó đang quằn quại dưới một vũng nước.

- Chết cái chân tao rồi. Nó nói.

- Mày sao vậy?

Nó thều thào:

- Chạy nhanh đi!

- Nhưng làm sao mới được chứ? Tôi liên tiếp vuốt nước trên mặt.

- Hình như tao bị trật chân. Mày chạy về kêu mẹ tao nhanh lên.

Tôi chồm người tới kéo nó khỏi vũng nước, nhưng rồi cả hai nhào

xuống. Tôi gồng mình đứng dậy lần nữa. Thằng Toàn khóc rống. Chúng tôi

choàng lấy vai nhau rồi lần từng bước. Cứ bước tới như người đang ngủ.

Rồi bỗng dưng tôi nghe một âm thanh vang lên, không biết đó là cái

gì nhưng quen thuộc lắm. Bố, có phải bố không? Tôi hét to: Bố ơi! Nhưng

không có tiếng trả lời. Nhìn quanh cũng chẳng có ai. Thằng Toàn đổ sụp

xuống.

- Tao sẽ chết, Dũng ơi!

- Ðừng! Mày chết tao sợ lắm. Mày thành con ma đó.

- Tao sắp thành con ma thiệt rồi!

Tôi lay người nó:

- Mày thành con ma là tao bỏ chạy đó.

- Mày đừng bỏ tao nha!

- Ừ, tao không bỏ mày đâu. Hồi sáng mày có ghét tao không?

- Không!

- Mày nói láo.

- Thiệt mà.

- Nếu mày không ghét tao, tao sẽ dạy mày trò đoán bước chân.

- Ừ.

- Tao lạnh quá!

- Ừ, tao cũng vậy.

Thế là tôi và thằng Toàn ôm lấy nhau, rồi cả hai cứ ngồi khóc. Khóc lâu lắm. Khóc đến hồi mưa tạnh. Người tôi bỗng chuyển sang nóng hổi.

Nóng khủng khiếp. Môi lại lập cập đánh vào nhau. Bỗng trong mơ màng tôi

nhận ra một mùi thơm quen thuộc, chúng cứ thoang thoảng trên mũi tôi. Ðó là một làn hương trong nỗi nhớ từ khu vườn, có bố có mẹ và làng mạc, có những gì thân quen của tôi.

Tôi la lên:

- Hoa lài!

- Cái gì?

- Hoa lài. Mày có ngửi thấy không? Mùi hoa lài hướng này.

- Ừ, ừ! Ðúng rồi. Hồi sáng chúng mình đã gặp chúng ngoài bìa rừng.

Theo hướng hoa lài, chúng tôi trì kéo nhau đi. Mùi hoa càng lúc

càng gần lại. Cây rừng giãn ra từ từ và chúng tôi đã nhìn thấy đốm sáng

từ những ngôi nhà.

Chưa bao giờ tôi thấy những ngôi nhà sao mà quen thuộc đến vậy. Tôi có thể yêu bất cứ con người nào từ ngôi nhà bước ra. Cũng không cần

biết người đó có quen không, tôi sẽ ôm lấy họ nếu như có thể chạm đến.

Tôi cũng chưa bao giờ thấy mùi hoa lài thân thương đến vậy. Tôi

biết mình sẽ không bao giờ ghét nó được nữa. Thằng Toàn cũng như những

bông hoa lài, tôi sẽ không bao giờ ghét nó được nữa.

Chúng tôi miên man nhìn những đốm sáng từ những ngôi nhà như nhìn

những vì sao. Chúng là những vì sao đẹp nhất trong đêm hôm ấy. Những vì

sao lung linh càng lúc càng nhiều rồi họp lại thành một chuỗi sáng đi về phía chúng tôi. Thế có nghĩa là đã có người đến cứu. Công này thuộc về

bọn thằng Tí. Chúng đã đến được những ngôi nhà để báo tin, và họ đã tức

tốc đi tìm.

Ðêm đó, con Lan cũng được tìm thấy trong một đống lá vụn. Nó đã

khóc khan cả cổ và chúng tôi cũng thế. Ðây là một kỉ niệm nhớ đời của

tôi. Và tôi cũng biết trong tận đáy lòng, từ nay chúng tôi sẽ không bao

giờ xa nhau được nữa.

Bố tôi nói:

- Chỉ có hoạn nạn con người mới có thể học được một bài học về sự yêu thương.

Tôi hy vọng là như vậy.

Loading...

Tiểu thuyết tình yêu là website chia sẻ những thể loại truyện hay nhất hiện nay, được nhiều người đọc yêu thích. Truyện được cập nhập hàng ngày. Hãy lưu địa chỉ web để truy cập nhanh hơn!

Chúc các bạn online vui vẻ !

Laptop Tùng Anh

Tour Phú Quốc

Vinhomes Cầu Rào 2

Trang Chủ