Old school Swatch Watches
Tiểu thuyết tình yêu

Tiểu Thuyết Tình Yêu

Đọc truyện tại Tiểu Thuyết Tình Yêu

Loading...

Tiểu thuyết - Bắt trẻ đồng xanh - trang 1

Chương 1

Nếu các bạn thực tình muốn nghe câu chuyện tôi sắp kể, chắc hẳn các bạn muốn biết trước nhất tôi sinh ra ở đâu, tuổi nhỏ ngốc nghếch của tôi diễn ra thế nào, cha mẹ tôi trước ngày tôi sinh trưởng làm những gì - tóm lại, là toàn bộ cái mớ lai lịch vớ vẩn kiểu như của David Coperfield, đúng thế không? Nhưng nói thực, tôi chẳng thích bới những thứ ấy ra. Trước hết, không gì chán bằng phải kể lại những điều ngốc nghếch kia. Sau nữa, các bậc cha chú trong họ nhà tôi chắc sẽ bị đứng tim mỗi người ít nhất hai bận liền nếu tôi đem kể hết những chuyện bí mật đó với các bạn. Ai chứ họ, họ không thể nào xực nổi món ấy, nhất là bố tôi. Nói chung, họ đều tử tế cả, và tôi chẳng có gì đáng phải phàn nàn, nhưng ai cũng đều dễ bị chạm nọc kinh người. Vả lại, tôi cũng chẳng định thuật lại lai lịch chính mình, hoặc bất cứ thứ gì vớ vẩn tương tự, tôi chỉ muốn kể cái trò rồ dại mới xảy ra hồi Giáng Sinh vừa rồi. Sau vụ đó, tôi suýt quỵ hẳn, nên cả nhà đã phải tức tốc đưa tôi tới đây để chạy chữa và tĩnh dưỡng chút đỉnh. Hơn nữa, chuyện này tôi mới chỉ kể lại với một mình anh D. B, vì dẫu sao anh ấy cũng là anh ruột tôi. Anh ấy hiện đang ở trên Hollywood. Cách cái nhà an dưỡng chết rấp này chẳng mấy đường đất, và anh ấy vẫn ghé tới đây luôn, gần như hằng tuần. Mai mốt, không khéo chính anh ấy lại đưa tôi về, chắc chỉ vào đầu tháng sau thôi. Anh ấy vừa tậu được một chiếc Jaguar rất oách, mác Anh tử tế; bỏ rẻ cũng phóng được 200 dặm mỗi giờ. Suýt soát bốn ngàn bạc, chứ có phải ít ỏi gì đâu. Hồi này, anh ấy rủng rỉnh tợn. Chứ chẳng như độ nọ. Độ nọ, hồi còn ở nhà, anh ấy chỉ ngồi viết văn. Nghe đồn, anh ấy có viết được một tập truyện mỏng tầm cỡ quốc tế hẳn hoi, đó là Chú cá vàng ẩn danh. Cái truyện tuyệt nhất cũng mang cùng tựa đề đó - Chú cá vàng ẩn danh, - truyện kể về một cậu bé, không cho ai ngắm con cá vàng của mình hết, chỉ vì chính cậu ta đã xuất tiền túi ra mua con cá đó, cái truyện ấy tuyệt đấy chứ! Thế nhưng hồi này anh ấy bỏ sang hẳn bên Hollywood, bán đứng tài nghệ cho đám làm phim. Nếu tôi ghét gì nhất trên đời thì đó chính là xi nê. Gì chứ món đó tôi không tài nào xực nổi.

Tốt nhất có lẽ tôi cứ mở đầu câu chuyện từ việc tôi từ giã Pencey. Pencey là cái trường trung học nội trú ở Agerstown, bên tiểu bang Pennsylvania. Trường đó, chắc các bạn đều nghe tiếng. Không chừng các bạn còn được nhìn thấy cả ảnh chụp trên các mẫu quảng cáo. Vẫn đăng trên trên cả ngàn tờ tạp chí, chụp một thằng đại láu cá, mặt mày vênh váo, cưỡi trên lưng một con tuấn mã đang tung vó, chực vượt một chướng ngại vật rất cao. Cứ như là ở Pencey, học sinh chẳng còn biết làm gì hơn ngoài việc chơi polo! Kỳ thực, trên ấy mắt tôi cóc trông thấy một con ngựa còm nào. Rồi ngay bên dưới thằng nỡm láu cá nọ, họ còn trưng thêm cả cái câu này nữa: "Kể từ năm 1888, trường chúng tôi đã đào tạo được bao chàng trai can đảm và cao thượng!". Láo toét! Trường ấy chưa bao giờ đào tạo được đứa nào ra hồn. Mà cả các trường khác nữa cũng thế. Tôi chưa từng gặp một thằng nào "cao thượng và can đảm". À, mà cũng có một vài thằng đấy, tôi suýt quên. Nhưng kỳ thực, mấy đứa ấy vốn đã thế. Từ trước khi chưa vào học kia. Chứ tại trường đó thì cóc có đứa nào tử tế.

Tóm lại, câu chuyện bắt đầu xảy ra vào hôm thứ bảy, khi đang diễn ra trận đấu với đội Saxon Hall. Phần đông đều coi đó là trận cầu hệ trọng hơn hết thảy mọi thứ trên đời đối với đội Pencey. Bởi đó là trận chung kết, và nếu trường tôi mà thua bọn ấy, thì toàn trường khéo đến phải treo cổ lẫn nhau vì nhục nhã. Tôi nhớ là ngày hôm đó, lúc gần ba giờ rưỡi, tôi đang đứng, họa có trời biết là ở xó xỉnh nào trên chính ngọn đồi Thompson trong khuôn viên nhà trường, kế bên khẩu thần công ngu ngốc, có nhẽ vẫn nằm tênh hênh trên ấy từ thời chiến tranh vì Độc Lập đến giờ. Từ chỗ tôi đứng có thể nhìn rõ toàn bộ sân bóng và cảnh hai đội quần nhau, từ đầu bên nọ đến đầu bên kia. Riêng mặt mũi khán giả thì tôi không tài nào nhìn ra, mà chỉ nghe thấy tiếng hò hét vọng tới. Tiếng hò hét cổ vũ cho đội nhà thiếu nước muốn nổ trời vì cả trường, trừ tôi, đều kéo ra xem đông đủ. Còn phía bọn Saxon Hall thì năm khi mười họa mới có một đứa la hét: đội khách xưa nay bao giờ cũng ít người cổ vũ!

Tới xem các trận đấu bóng đá, bao giờ cũng lèo tèo dăm đứa con gái. Chỉ bọn con trai mấy lớp lớn mới được phép dắt đám bạn gái đi cùng. Đúng là một cái trường tệ lậu hết đường. Nhưng tôi, tôi vốn chúa ghét có mặt ở những chỗ xúm đông xúm đỏ tụi con gái bắng nhắng. Thậm chí cả khi bọn chúng chỉ ngồi suông, chẳng làm quái gì, mà chỉ chải đầu, xì mũi hay cười khúc khích, tôi cũng không chịu nổi. Con gái ông hiệu trưởng, lão Thurmer, là đứa chăm đi xem đá bóng nhất. Nhưng nó thì chẳng phải là thứ có thể khiến thiên hạ phải mê mẩn tâm thần. Tuy rằng nhìn chung, nó cũng chẳng có gì đáng chê. Có lần, tôi đã ngồi cạnh nó trên một chuyến xe buýt, xuất phát từ Agerstown, và trò chuyện huyên thuyên suốt buổi. Trước, tôi rất thích nó. Của đáng tội, mũi con bé kể cũng quá dài, còn mười đầu móng tay thì nó gặm nham nhở, đến mức suýt bật cả máu tươi. Với lại chiếc coocxê của nó, chẳng hiểu sao lúc nào cũng như muốn chĩa hết ra tứ phía. Nhưng tiếng thế chứ nhìn nó, ai cũng lập tức thấy mủi lòng ngay. Còn tôi, tôi thích nó vì nó không hay vặn vẹo bất cứ ai, như cái thói mà lão thân sinh tuyệt diệu của nó vẫn quen làm xưa nay. Chắc chính nó cũng thừa biết bố nó là thứ chày vồ quái đản.

Tôi không xuống dưới bãi bóng, mà lên đồi đứng xem, chẳng qua chỉ vì tôi vừa ở New York về, cùng với đội đấu kiếm của trường. Tôi chính là đội trưởng cái đội thối thây ấy. Một kiếm thủ khiến mọi đối thủ đều phải chùn tay ngay tức khắc. Tôi dẫn toàn đội xuống New York để thi đấu với trường Mc Burney. Có điều cuộc đọ sức đã bị bãi bỏ. Với lại tôi để quên mấy thanh kiếm, cả bộ quần áo, và nói chung mọi thứ đồ lề vớ vẩn dưới tàu điện ngầm ở New York. Nhưng tôi hoàn toàn không có lỗi. Bởi tôi phải đứng lên ngồi xuống suốt, để trông chừng các bảng sơ đồ treo ở các ga, xem lúc nào thì phải dắt cả bọn xuống ga. Tóm lại, bọn tôi về đến Pencey không phải trước giờ ăn trưa như dự định, mà mãi tới tận hai giờ rưỡi chiều hôm đó. Cả đội mắng mỏ, xỉ vả tôi đủ điều suốt dọc đường về. Kể cũng buồn cười thật đấy.

Tôi không xuống bãi bóng, còn vì một lẽ nữa, tôi tính ghé đến thăm thầy Spencer, giáo viên dạy sử lớp tôi, để từ biệt thầy trước lúc ra đi. Thầy bị cúm, nên tôi biết chắc từ giờ tới đầu kỳ nghỉ Giáng Sinh sắp đến, tôi chẳng còn dịp nào để gặp thầy nữa. Vả lại, chính thầy cũng đã gởi thư nhắn rằng thầy muốn gặp tôi trước lúc tôi về nhà. Thầy biết chắc tôi sẽ chẳng bao giờ quay lại đây nữa.

À, tôi quên kể là tôi đã bị đuổi. Tôi sẽ không quay lại trường sau kỳ nghỉ Giáng Sinh này, vì tôi đã thi trượt bốn môn, và nói chung, tôi không chịu học hành gì, chứ chẳng phải chỉ riêng bốn môn kia. Họ đã cảnh cáo tôi đến cả trăm lần - phải cố mà học hành. Bố mẹ tôi, hồi giữa học kỳ cũng đã bị mời lên gặp lão Thurmer hiệu trưởng. Nhưng tôi bất chấp tất, vẫn chẳng chịu học hành gì. Thế nên họ đã đuổi thẳng cánh. Họ đã đuổi khỏi Pencey vô khối đứa. Học lực bọn ấy đều rất chúa, thật đấy; toàn là những học trò giỏi hẳn hoi.

Tóm lại, chuyện đó xảy ra vào hồi tháng Chạp vừa qua, trời rét căm căm, như thể bị một lão phù thủy chui tọt vào sau vạt áo mình. Nhất là trên ngọn đồi chết tiệt tôi đang đứng. Tôi lại chỉ phong phanh có mỗi chiếc blouson mỏng - găng tay không, các thứ đồ ấm khác cũng không. Tuần trước, tôi bị nẫng mất chiếc măng tô bằng lông lạc đà ngay tại phòng. Cả đôi găng tay rất ấm tôi nhét trong túi áo. Trong này vốn nhan nhản bọn ăn cắp. Bố mẹ vô khối đứa rất giàu, thế nhưng trộm cắp vẫn như rươi. Hễ học phí càng cao, thì trường càng nhiều quân trộm cắp hơn. Tóm lại, tôi đứng bên khẩu thần công ngu ngốc ấy, suýt chết cóng đến nơi vì không có áo ấm. Nhưng trận đấu, tôi nào có để mắt đến. Tôi trèo lên đó chẳng qua chỉ vì tôi muốn cảm thấy rõ hơn là mình đã giã từ mãi mãi cái trường chết tiệt này. Gì chứ chuyện bị đuổi tôi chẳng lạ. Nhưng tình thực, tôi chẳng thiết nghĩ tới chuyện phải cuốn gói ra đi. Tôi rất căm chuyện đó. Nhưng không một phút nào thèm nghĩ - đó là chuyện đáng buồn hay chẳng hơi đâu mà buồn. Nhưng mỗi lần chia tay với một nơi nào đó, bao giờ tôi cũng thấy cần phải cảm nhận thật rõ mình đã thực sự đoạn tuyệt với cái nơi mình sắp sửa ra đi. Bằng không, tôi vẫn cảm thấy bứt rứt suốt.

Hôm đó tôi lại gặp may. Vì tôi chợt nhớ đến một chuyện, và lập tức cảm nhận ngay được cái cảm giác mình sẽ mãi mãi rời khỏi đây. Tôi chợt nhớ một lần - vụ đó xảy ra vào hồi tháng mười - ba đứa tôi - tôi, thằng Robert Tichener với thằng Paul Campbell - đã vờn bóng ngay trước tòa nhà dùng làm phòng học. Hai thằng kia đều là những đứa rất tử tế, nhất là thằng Tichener. Đó là lúc sắp sửa ăn tối, trời đã nhá nhem, nhưng bọn tôi vẫn mải mê với quả bóng da. Của đáng tội, trời cũng đã tối lắm rồi, gần như chẳng còn nhìn thấy gì, nhưng bọn tôi chẳng hiểu sao vẫn chẳng chịu thôi. Tuy vậy, rút cục vẫn phải bỏ cuộc. Vì thầy dạy sinh vật, ông Zambisi, bỗng thò đầu ra ngoài cửa sổ, bảo bọn tôi phải về ngay ký túc, ăn mặc cho tử tế mà đi ăn tối. Vụt nhớ lại chuyện đó, tôi lập tức cảm thấy chẳng có gì đáng phải luyến tiếc ngôi trường. Vừa hiểu ra thế, tôi bèn quay ngoắt lại, co giò lao thẳng xuống nhà thầy Spencer già lão. Thầy ấy không ở ngay trong trường. Mà có căn nhà nằm trên đường Antheny Wayne, cách trường một quãng.

Tôi chạy liền một mạch tới cổng chính, rồi dừng lại một lát cho tới lúc nhịp thở đã đều trở lại. Phổi tôi vốn yếu, thật đấy. Một, là vì tôi rít thuốc lá như một đầu máy xe lửa, nghĩa là tôi đã nghiện ngập từ trước. Còn ở đây, tại cái nhà an dưỡng này, thì họ bắt phải cai thuốc. Hai, là vì chỉ riêng năm ngoái, tôi đã cao thêm lên những hơn mười hai phân. Chắc vì thế nên tôi mới chớm bị lao, và phải tới đây nằm để kiểm tra lại sức khoẻ và chữa chạy với mấy lão bác sĩ chết tiệt. Chứ ngoài hai lá phổi, thể lực tôi nói chung khá ổn.

Tóm lại, vừa đỡ hụt hơi một cái, tôi đã băng ngay qua phố, chạy thẳng tới đường Wayne. Mặt đường phủ kín băng, trơn chết người, nên tôi suýt ngã chổng vó mấy lần liền. Tôi chẳng biết mình chạy thế để làm gì, nhưng vẫn cắm cổ chạy như bị ma đuổi. Lúc tới bên kia đường rồi, tôi bỗng có cảm giác như mình bị mất hút giữa trời đất. Hôm đó là một ngày rất rồ dại, rét như cắt ruột, lại chẳng có lấy một chút nắng nào, chẳng có gì hết, nên tôi dễ có cảm giác: hễ sang tới bên kia đường lập tức bạn sẽ bị mất hút vĩnh viễn.

Khiếp, tôi cứ bấm chuông tưởng như hóa dại, khi mò tới được trước cổng nhà ông Spencer già lão đó! Tôi lạnh cóng toàn thân. Hai tai nhức buốt, ngón tay không còn co duỗi được nữa. "Mau lên! Mau lên cho tôi nhờ một chút! - tôi suýt thét lên thành tiếng, - Mở cửa ra mau!". Mãi, rồi bà Spencer cũng ra mở cửa cho tôi. Nhà hai ông bà không nuôi đầy tớ và cũng chẳng còn ai khác nữa, nên bao giờ hai vợ chồng cũng phải tự tay ra mở cửa cho khách. Lương bổng ông chồng khéo chỉ vừa nuôi sống vợ.

- Cậu Holden! - bà Spencer nói - Rất mừng là được gặp lại cậu! Vào đi, cậu bé đáng mến! Chắc cậu suýt chết cóng ngoài phố chứ gì?

Tôi cảm thấy bà ta thực tình mừng rỡ khi gặp lại tôi. Bà rất quý tôi. Ít ra, tôi cũng có cảm tưởng thế. Tôi lao vào nhà như một phát đạn.

- Cô vẫn khoẻ chứ, thưa cô Spencer? - Tôi nói - Thầy Spencer đã đỡ hẳn chưa, cô?

- Cởi áo ngoài ra đã, Holden! - Bà bảo. Bà không nghe thấy lời tôi vừa hỏi thăm sức khoẻ thầy Spencer. Bà hơi nghễnh ngãng.

Bà treo áo tôi vào tủ, còn tôi, tôi đưa tay lên chải lại mái tóc cho tử tế hơn. Tóc tôi vốn tua tủa như lông nhím trên đầu, hầu như chẳng mấy khi phải bận tâm nhiều với chuyện chải chuốt.

- Cô vẫn mạnh giỏi luôn chứạ? - Tôi lại cất tiếng hỏi, lần này to hơn trước, để bà già nghe thấy điều tôi muốn hỏi thăm.

- Ừ, tuyệt lắm, Holden ạ - Bà đóng tủ lại - Thế còn cậu?

Qua giọng nói, tôi hiểu ngay: rõ ràng ông Spencer đã kể hết với bà vợ chuyện tôi bị đuổi.

- Cũng tuyệt lắm ạ, - Tôi đáp - Thế còn thầy, sức khoẻ thầy thế nào? Chắc đã khỏi hẳn rồi, hả cô?

- Khỏi hẳn? Holden, độ rày ông ấy cư xử cứ như là... như là tôi với ông ấy chưa từng quen biết nhau! Ông ấy đang ngồi trong buồng riêng đấy, cậu cứ việc vào thẳng trong ấy.

Chương 2

Hai ông bà, mỗi người có một phòng riêng. Cả hai đều đã ngót bảy mươi, nếu không hơn. Tuy thế, họ vẫn cố tận hưởng mọi lạc thú cõi trần, dù rằng một chân đã mấp mé bên miệng huyệt. Ăn nói thế là mất dạy, tôi biết, nhưng trong thâm tâm tôi hoàn toàn chẳng muốn nói thế chút nào. Tôi chỉ muốn bảo: tôi nghĩ nhiều về ông thầy giáo già Spencer. Nhưng nếu nghĩ ngợi nhiều quá về ông, bạn sẽ lập tức thấy kinh ngạc sao ông ấy cứ sống mãi thế không biết?! Thì các bạn thấy đấy, lưng ông ấy đã còng gần sát đất, đi đứng thì chậm chạp, đến nỗi hễ đánh rơi cục phấn giữa lớp thì mấy đứa ngồi ở dãy bàn đầu phải lập tức cúi xuống, nhặt giúp và trao lại tận tay. Theo tôi, đã vậy thì còn sống làm quái gì! Nhưng nếu đừng quá bận tâm đến ông ấy, mà chỉ nghĩ qua quít thì hóa ra ông ấy ăn ở cũng chẳng đến nỗi tệ bạc lắm. Chẳng hạn, có lần, vào một ngày chủ nhật, ông ấy đã tự đứng ra thết tôi với mấy đứa nữa, mỗi thằng một cốc sôcôla nóng, rồi đem khoe với bọn tôi tấm chăn Anh điêng sắp nát mủn mà ông ấy với bà Spencer đã mua lại được của một anh chàng người Navaho, tại công viên Yellow Stone. Trông cũng biết ông ấy rất khoái chí vì đã mua được tấm chăn. Đấy, bây giờ hẳn các bạn hiểu điều tôi muốn nói về thầy Spencer rồi chứ? Nghĩa là ở ông già lụ khụ ấy còn có một con người thứ hai nữa, từa tựa như ông ấy. Thế nhưng ông già thứ nhất vẫn khoái chí như ai, vì đã sắm được một tấm chăn lạ mắt của người Anh điêng thuộc bộ tộc Navaho.

Cửa phòng ông Spencer vẫn để ngỏ, nhưng tôi vẫn gõ khẽ cho lịch sự. Tôi cũng nhìn thấy ông ấy hẳn hoi, thầy đang ngồi trong chiếc ghế xa-lông bọc da, rộng thênh thang, người quấn chặt trong tấm chăn tôi vừa kể kia. Ông già quay người lại, khi thoáng nghe mấy tiếng gõ khẽ.

- Ai đó? - Ông lớn tiếng hỏi - Cậu đấy hả Caulfield? Vào đi cậu bé, vào đi!

Giọng thầy vẫn oang oang như lúc giảng bài trên lớp. Nghe rất chối óc, thật đấy. Vừa bước vào là tôi đã ân hận ngay, chẳng biết ma quỷ nào xui mình mò tới đây. Ông đang xem tờ Atlantic Monthly, và nhìn đâu tôi cũng thấy bày la liệt nào thuốc viên, nào thuốc chai. Khắp phòng nồng nặc mùi thuốc nhỏ mũi để chống cảm lạnh. Tôi đâm buồn bã. Tôi, nói chung, không thích nhìn thấy cảnh đau ốm. Tôi càng rầu hơn nữa, bởi nhìn thấy ông già choàng chiếc áo ngủ cũ mèm, sờn rách, thảm hại hết chỗ nói, chắc ông ấy đã dùng nó từ lúc mới lọt lòng, thật đấy. Tôi vốn chúa ghét người già cả lúc họ thắng bộ áo choàng ngủ hoặc pijama. Tứ thời, họ toàn để phanh ngực, phô hết mấy chục chiếc xương sườn ọp ẹp. Lại cả những bộ giò dễ sợ của họ nữa chứ! Thì đã mấy ai được nhìn thấy một ông già nào ngoài bãi biển có bộ giò trơn tru, trắng trẻo, không một sợi lông chưa?

- Chào thầy! Em có nhận được thư thầy. Cảm ơn thầy nhiều lắm - Ông ấy có viết cho tôi một mẩu giấy, nhắn tôi đến chào từ biệt trước lúc về nghỉ đông. Ông già thừa biết tôi chẳng bao giờ thèm quay lại trường - Lẽ ra thầy không cần phải viết đâu. Vì đằng nào em chẳng đến từ giã thầy trước lúc đi hẳn?

- Ngồi xuống đây, chú bé - Thầy Spencer bảo, chỉ tay vào cái giường ngủ kề bên cạnh. Tôi ngồi xuống mép giường.

- Thầy đã đỡ chút nào chưa ạ?

- Em biết đấy, thầy mà thấy đỡ thì thầy còn cho đi mời bác sĩ làm gì? Ông già

Spencer tự giễu mình. Ông cất tiếng cười the thé, như một lão điên. Cười xong, ông già thở lấy hơi, rồi hỏi tiếp: - Này, sao cậu không đi xem đá bóng? Hôm nay nghe bảo là chung kết kia mà?

- Vâng. Nhưng em vừa mới từ New York về cùng đội đấu kiếm.

Khiếp, giường với chiếu! Đá tảng chắc cũng chả rắn bằng!

Rồi thầy đột nhiên nghiêm giọng, như một ông giáo khắt khe. Tôi biết trước sau gì rồi cảnh đó cũng sẽ tới.

- Nghĩa là cậu sắp giã từ chúng tôi đấy hả? - Thầy hỏi.

- Vâng ạ, đại để là thế.

Nghe tôi nói vậy, thầy lập tức lắc đầu triền miên. Từ nhỏ tới giờ, tôi chưa từng thấy ai lắc đầu lâu đến thế. Không biết thầy ấy lắc đầu lắm thế là vì đang ngẫm nghĩ hay chẳng qua chỉ vì đã quá già. Hẳn quỷ sứ họa may mới hiểu!

- Thế tiến sĩ Thurmer đã nói gì với cậu chuyện này? Nghe bảo ông ấy đã trò chuyện với cậu suốt một buổi chiều, đúng không?

- Vâng ạ. Thầy ấy quả có nói chuyện với em. Nhưng em chỉ ngồi đằng phòng làm việc của thầy ấy chừng hai tiếng thôi, không hơn.

- Thế ông ấy nói những gì, Holden?

- Ồ... đủ thứ. Nào đời là một canh bạc lớn. Nào phải chơi thật trung thực, theo đúng luật lệ. Thầy ấy nói thao thao bất tuyệt. Nghĩa là chẳng có gì đặc sắc cả. Quanh đi quẩn lại vẫn chỉ mỗi một chuyện đời là một canh bạc lớn và vân vân. Gì chứ chuyện đó, em chắc thầy biết cả rồi?

- Nhưng đời quả tình là một canh bạc, chú bé ạ, và phải chơi cho thật đúng luật lệ.

- Vâng. Em biết những thứ ấy, em biết cả đấy.

Hừm! Ví thế mà cũng đòi! Bài với chả bạc! Nếu ở bên phía vận đỏ, thì ví đời là canh bạc, hay gì gì tùy thích cũng chả sao. Nhưng cứ thử đặt mình vào phía bên kia, bên vận đen? Lúc đó, xem đời có còn là một canh bạc nữa không? Chẳng giống nhau chút nào hết. Ví thế mà cũng đòi ví.

- Thế tiến sĩ Thurmer đã báo tin cho bố mẹ cậu chưa? - Thầy Spencer hỏi.

- Chưa ạ, thầy ấy định đến thứ hai mới viết thư.

- Còn cậu, cậu cũng chưa báo tin gì cho bố mẹ cậu à?

- Vâng, em chưa kịp báo tin gì, vì tối thứ năm này em đã có mặt ở nhà.

- Theo cậu, bố mẹ cậu sẽ tỏ thái độ gì khi nghe tin đó?

- Chắc... bố mẹ em sẽ giận lắm - tôi đáp - Có lẽ thế. Vì đây là lần thứ tư em bị đuổi học. Bây giờ thì chính tôi lắc đầu. Tôi quen thế rồi.

- Ái chà! - tôi nói. Đó cũng lại là một cái tật nữa: cứ kêu lên "Ái chà!" hoặc "Ối giời!" trước lúc nói. Phần vì tôi chưa tìm được những lời lẽ cần phải nói; phần vì tôi hay cư xử theo lối trẻ con. Hồi ấy tôi mười sáu, bây giờ thì đã mười bảy, nhưng lắm lúc tôi vẫn xử sự như mới mười hai, mười ba tuổi. Cư xử thế dĩ nhiên hết sức chướng mắt, nhất là vì tôi đã cao tới một mét bảy hai và tóc đã hoa râm. Thật đấy. Một nửa mái tóc, nửa bên phải, đã có tới cả triệu sợi bạc. Từ bé, vốn đã thế rồi. Vậy mà lắm lúc tôi vẫn xử sự như thể mới mười hai tuổi. Ai cũng trách tôi về khoản ấy, nhất là bố tôi. Nhưng chỉ đúng phần nào, chứ không đúng hoàn toàn. Thế nhưng thiên hạ thường ai cũng tưởng mình đi guốc trong bụng người khác. Tôi thì tôi nhổ toẹt vào chuyện đó, tuy rằng tôi rất buồn mỗi khi nghe thiên hạ răn dạy này nọ: phải xử sự cho ra vẻ người lớn một chút chứ! Chán vạn gì lúc tôi cũng đã cư xử như người lớn hẳn hoi, nhưng nào có ai thèm để ý đâu. Nói chung, họ chẳng bao giờ chịu để ý đến bất cứ điều gì.

Ông già Spencer lại lắc đầu. Vừa lắc đầu, vừa cho tay vào mũi ngoáy lấy ngoáy để. Thầy ấy làm như thể chỉ lau mũi qua quít, nhưng kỳ thực đã thọc cả một ngón tay vào ngoáy. Chắc thầy ấy tưởng chuyện đó chẳng sao hết, bởi lẽ ngoài tôi ra, trong phòng chẳng còn ai. Tôi thì cố nhiên, tôi chẳng chấp làm gì, tuy rằng tôi chúa tởm cái trò cứ thọc tay vào mũi mà ngoáy trước mặt người ta. Lát sau thầy lại lên tiếng:

- Thầy có hân hạnh là đã được tiếp xúc với bố lẫn mẹ cậu, khi hai ông bà đến đây gặp tiến sĩ Thurmer, dăm tuần trước đây. Bố mẹ cậu đều là những người hết sức quý hóa.

- Vâng, dĩ nhiên. Bố mẹ em đều rất tử tế ạ.

Quý hóa. Tôi không ghét gì bằng hai chữ đó. Tầm thường hết chỗ nói. Nghe ai nhắc tới nó là tôi thấy lợm giọng ngay. Nét mặt thầy Spencer vụt đổi khác, như thể thầy sắp thốt ra một điều gì rất thông minh, rất hay ho. Thầy rướn người, ngồi lại cho ngay ngắn hơn trước. Nhưng hóa ra tôi bị báo động nhầm. Thầy ấy chỉ cầm lên tờ tạp chí nằm trong lòng, và muốn quẳng nó sang cái giường cứng như đá. Nhưng ý định đó không kết quả. Cái giường chỉ cách chỗ thầy ấy đang ngồi chưa đầy năm tấc; thế mà thầy vẫn ném không tới. Tôi lại phải đứng dậy, nhặt giúp tờ báo đặt nó lên giường. Tôi bỗng muốn chạy ngay ra khỏi căn phòng cho nhẹ cái thân. Tôi cảm thấy sắp phải nghe một bài giảng đạo tồi tệ nhất. Ai muốn nói gì tùy thích, nói chung, tôi không phản đối. Nhưng tôi thấy thật quá quắt, nếu cứ phải ngồi nghe những lời giáo huấn mà chung quanh mình ngập ngụa toàn những thuốc là thuốc và trước mặt là ông già Spencer, thắng bộ pijama và chiếc áo choàng ngủ như thế kia. Nói thật chứ tôi chẳng còn bụng dạ nào mà ngồi nghe thầy ấy nói. Nhưng bài giảng đạo vẫn cứ tuôn ra, bất chấp hết thảy.

- Cậu học hành gì mà lạ thế, hả ông tướng con - Thầy Spencer lên tiếng, giọng nghiêm khắc đến mức tôi chưa từng nghe thấy bao giờ - Học kỳ này, cậu phải thi mấy môn nào?

- Năm.

- Năm môn. Thế cậu trượt mấy môn cả thảy?

- Bốn ạ - Tôi vặn vẹo trên chiếc giường thổ tả. Trên cái giường cứng ngắc mà tôi chưa từng gặp bao giờ. Tiếng Anh tôi thi rất trót lọt vì tôi đã từng học Beowulf và Huân tước Randat, con ta với đủ thứ khác nữa bên trường Whootton. Vả lại, tôi phải động đến tiếng Anh luôn, mỗi khi làm luận.

Ông già bỏ ngoài tai những điều tôi vừa nói. Tính ông ấy vẫn thế: chẳng bao giờ chịu nghe xem người ta nói gì với mình.

- Tôi đánh trượt cậu môn sử, vì cậu chẳng chịu học bài gì hết, dù là một dòng.

- Em biết. Điều đó em biết. Thầy không thể làm khác được.

- Cậu chẳng chịu học, dù chỉ một bài! - Thầy Spencer nhắc lại. Tôi rất tức khi nghe người khác nhắc đi nhắc lại chính cái điều mà ngay từ đầu tôi đã công nhận với họ. Thế nhưng thầy ấy vẫn đay lại câu đó lần thứ ba: - Dù chỉ một bài thôi, cậu cũng chẳng chịu học. Tôi dám đánh cuộc là suốt học kỳ vừa rồi, cậu chưa hề động đến sách giáo khoa lần nào. Đúng không, hả? Nói thật đi, ông tướng con!

- Không đâu ạ, dĩ nhiên là em có xem qua một vài bận - tôi nói. Tôi không nỡ làm thầy ấy giận. Thầy rất mê sử học.

- Chà, có ấy à - thầy giận dữ nói - Xin lỗi cậu nhé, bài thi của cậu còn nằm sờ sờ trên giá kia. Bên trên chồng vở đấy. Nào lấy xuống giúp cho tôi đi!

Đây quả là một vố chơi khăm, nhưng tôi vẫn phải cầm quyển vở của mình xuống, trao cho ông thầy, vì còn biết làm gì khác nữa? Xong đâu đó, tôi lại gieo người xuống cái giường bê tông vẫn ngồi từ nãy. Các bạn hẳn không thể hình dung nổi là tôi ân hận đến mức nào về chuyện đã ghé lại đây từ giã ông già Spencer!

Ông cầm quyển vở của tôi trên tay, như cầm một cục phân khô hoặc một thứ gì đó còn tồi tệ hơn.

- Về Ai Cập, ta học từ hôm mồng 4 tháng Một đến mồng 2 tháng Chạp - ông nói - Cậu đã chọn đầu đề đó cho bài thi học kỳ. Cậu có muốn nghe tôi đọc những gì cậu viết không, Caulfield?

- Không ạ, thầy chẳng cần đọc lại đâu.

Thế nhưng ông ấy vẫn cất tiếng đọc. Thầy ấy mà đã định làm gì thì đố ai ngăn. Muốn là làm, bất chấp tất.

- "Người Ai Cập là tộc người cổ xưa nhất thuộc gốc gác Kavkaz, sinh sống tại một vùng đất thuộc địa phận Bắc Phi. Đó, như ta đã biết là lục địa lớn nhất ở đông bán cầu".

Tôi cứ phải ngồi thừ ra đó mà nghe tất thảy những thứ nhảm nhí chưa từng có. Đúng là một trò chơi khăm, không hơn không kém.

- "Hiện thời, chúng ta rất chú ý đến người Ai Cập vì nhiều nguyên do. Khoa học hiện đại vẫn đang cố tìm cách giải đáp câu hỏi: họ đã dùng những chất bí ẩn gì khi ướp các tử thi, để năm tháng không làm thối rữa những khuôn mặt của tổ tiên. Câu đố hóc hiểm ấy vẫn đang thách thức nền khoa học hiện đại của thế kỷ hai mươi chúng ta đang sống".

Thầy nín bặt, đặt quyển vở của tôi xuống. Tôi gần như căm ghét ông ấy thực sự vào giây phút này.

- Đúng thế đấy, cuộc du ngoạn của cậu vào thế giới khoa học kết thúc ở đây - ông ấy vẫn dùng cái giọng cay độc như trước. Chưa bao giờ tôi nghĩ rằng một ông già lụ khụ đến mức đó lại có lắm trò hiểm độc đến thế - Nhưng chưa hết, ở cuối bài, cậu còn có nhã ý gửi riêng cho tôi mấy dòng - ông thêm.

- Đúng, đúng, chuyện đó em vẫn còn nhớ! - tôi nói. Tôi vội nói lấp đi, để ông ấy đừng đọc câu đó lên. Nhưng vô ích, có họa là thánh may mới ngăn nổi! Lòng ông ấy đang hừng hực khí thế mà lại!

- "Thầy Spencer quý mến! - ông cao giọng đọc - Đấy là tất cả những gì em biết về người Ai Cập. Họ, chẳng hiểu sao không khiến em quan tâm mấy. Tuy rằng thầy giảng về họ rất tuyệt. Sẽ chẳng sao cả, nếu thầy đánh trượt em, bởi vì trừ tiếng Anh, các môn khác em đều bị đánh trượt cả rồi. Kính thư. Holden Caulfield, học trò của thầy".

Đọc xong, ông ấy đặt quyển vở thổ tả của tôi xuống đùi, rồi ngước lên nhìn, như thể vừa hạ tôi một "xéc" bóng bàn với tỷ số 21 - 0. Tôi không bao giờ tha thứ cho việc ông ấy đã đọc to lên mấy câu vớ vẩn đó. Nếu ông ấy mà viết cho tôi mấy dòng như thế, thì dẫu có các vàng tôi cũng dứt khoát từ chối, thật đấy. Vì viết thêm mấy câu chết giẫm ấy, tôi thực tình chỉ muốn cất đỡ cho ông ấy cái gánh nặng khi phải hạ bút đánh trượt một đứa học trò lười.

- Cậu có giận là tôi đã đánh trượt cậu không, ông tướng con?

- Ô, không đâu ạ. Em không hề giận chút nào! - tôi đáp. Chà, sao ông ấy cứ gọi mãi tôi là "cậu tướng con" thế nhỉ?

Ông ấy vứt quyển vở của tôi lên giường. Nhưng lại hụt, cố nhiên, tôi lại phải đứng dậy, nhặt lên. Rồi đặt nó ngay ngắn xuống cạnh tờ tạp chí Atlantic Monthly đang xem dở. Nhưng tôi chả trách, bởi tôi đang thích chốc chốc lại được vặn người cho đỡ mỏi.

- Thế ở vào địa vị tôi thì cậu tính xử trí thế nào? Nói thực đi, cậu tướng con?

Đấy nhé, trông cũng thừa biết ông ấy đang rất áy náy vì đã đánh trượt tôi bài sử. Nhưng dĩ nhiên tôi phải nói trớ sang chuyện khác. Nào là tôi tối dạ, đại để hơi đần độn; nào là ở vào địa vị ông ấy, tôi cũng sẽ làm hệt thế; nào là lắm kẻ vẫn không hiểu làm một ông giáo khó đến bực nào. Và vân vân... Tóm lại, tôi phải nói trớ đi, cho ông ấy đỡ thấy bứt rứt lương tâm.

Nhưng buồn cười nhất là lúc đó đầu óc tôi lại hoàn toàn bận tâm đến chuyện khác. Miệng vẫn nói, nhưng tâm trí lại nghĩ đến một chuyện khác. Mà nghĩ đến một chuyện khác, chẳng dính dáng gì tới điều đang nói. Chả là nhà tôi vốn ở New York, nên tôi bận tâm đến cái hồ nước ở mé cửa nam công viên Trung tâm không biết nó đã đóng băng chưa; mà nếu đã đóng băng rồi, thì bầy vịt nuôi dưới đó không biết sẽ xoay xở thế nào? Tôi không thể hình dung nổi đàn vịt ấy sẽ trốn rét khi hồ nước bị băng phủ kín và giá buốt như cắt thịt. Chắc họ sẽ cho xe tải tới chở chúng sang một sở thú ấm áp? Mà không chừng chúng sẽ tự bay đến cũng nên?

Thành ra dẫu sao tôi cũng thấy đỡ nặng nề hơn. Tôi muốn nói là tôi vừa có thể múa may ba tấc lưỡi về đủ mọi thứ với thầy Spencer già lão, vừa có thể nghĩ đến đàn vịt. Sự thể đã xô đẩy tôi nghĩ đến nước ấy, chứ thực tình, khi đang trò chuyện với thầy giáo, bạn đừng nên nghĩ ngợi điều gì khác. Nhưng rồi thình lình ông ấy lại cắt đứt dòng suy nghĩ của tôi. Đối với ông ấy, đó là chuyện cơm bữa.

- Này, thế cậu nghĩ gì về chuyện đó, cậu bé? Tôi đang muốn biết cậu nghĩ gì.

Tôi không mong gì khác hơn.

- Về chuyện em bị đuổi ấy ư? - Tôi hỏi. Trời ơi, ước gì ông ấy khép ngay cái vạt áo ngủ ngu ngốc kia lại giúp! Chứ trông chướng mắt quá.

- Nếu tôi không nhầm thì hình như cậu cũng đã gặp chính những chuyện lôi thôi đó cả bên trường Whootton, lẫn trường Elkton Hills, đúng không? Câu ấy ông già thốt ra bằng một giọng chẳng những độc địa, mà còn thù địch.

- Em không hề gặp một chuyện lôi thôi nào bên trường Elkton Hills. Em chẳng trượt môn nào bên trường ấy. Em chỉ thôi học - thế thôi. Chứ chẳng phải bị đuổi ạ.

- Tôi hỏi thẳng nhé, tại sao thế?

- Tại sao ư? Đó là cả một câu chuyện dài, thưa thầy - Chuyện đó đại để khá rắc rối ạ.

Tôi chẳng muốn kể với ông ấy chút nào đầu đuôi câu chuyện. Vì có kể hết, ông ấy cũng chẳng chịu hiểu cho. Vượt quá sức tưởng tượng của ông ấy. Tôi từ giã Elkton Hills chẳng qua chỉ vì bên ấy đầy rẫy một lũ rởm đời, thế đấy. Rởm đời lộ liễu đến mức bạn phải chết ngốt tức khắc, nếu cứ học mãi bên ấy. Như lão hiệu trưởng của trường, lão Haass, chẳng hạn. Tôi chưa từng gặp kẻ nào rởm đời, đê tiện đến mức ấy. Còn tệ gấp mười lão Thurmer bên này. Chẳng hạn, chủ nhật nào lão cũng chạy ra, rối rít bắt tay, bắt chân tất cả các vị phụ huynh đến thăm con. Lão tươi cười, lịch duyệt đố ai bằng. Nhưng chẳng phải ai lão cũng tay bắt mặt mừng như nhau bởi vì bố mẹ bọn học trò cũng có kẻ giàu sụ, người túng quẫn. Các bạn cứ nhìn cung cách lão chào hỏi bố mẹ thằng ở cạnh phòng tôi, chẳng hạn, là khắc biết. Nếu mẹ đứa nào quá đẫy đà hoặc ăn mặc quê mùa quá, hoặc bố nó mà thắng bộ com-lê vai hếch quá, còn giầy thì không hợp thời trang chỗ đen, chỗ trắng lam nham, thì lão chỉ chìa cho có đúng hai ngón tay, gượng gạo cười mỉm, rồi quay ngoắt sang trò chuyện với bố mẹ đứa khác, lắm lúc cả nửa tiếng đồng hồ là ít! Gì chứ trò đó thì tôi chịu, xực hết nổi. Máu tôi lập tức sôi lên. Tức đến muốn phát điên. Tôi căm ghét cái trường Elkton Hills thổ tả ấy chẳng biết để đâu cho hết.

Ông già Spencer lại hỏi thêm câu gì đó, nhưng tôi không nghe. Tôi đang mãi nghĩ đến cái lão Haass đê tiện.

- Thầy bảo gì em thế ạ? - tôi hỏi.

- Thế cậu có buồn không, khi phải từ giã Pencey?

- Có chứ, dĩ nhiên cũng chỉ hơi buồn chút đỉnh thôi. Dĩ nhiên... nhưng dẫu sao cũng chỉ chút đỉnh thôi, thưa thầy! Chắc tâm trí em chưa bị nó xâm chiếm. Phải có thời gian cho nó thấm. Lúc này, em chỉ bận tâm đến chuyện sắp được về nhà vào thứ năm này. Dẫu sao em cũng tự thấy mình là đồ bỏ đi!

- Chẳng lẽ cậu không bận tâm chút nào về tương lai ư, ông tướng con?

- Không ạ, em vẫn nghĩ đấy chứ, dĩ nhiên, làm sao không nghĩ đến được? -

Tôi ngừng bặt - Có điều chỉ thỉnh thoảng mới nghĩ. Thỉnh thoảng thôi ạ.

- Phải nghĩ thật kỹ! - ông già Spencer nói - Ngay từ bây giờ. Chứ để ít nữa mới nghĩ e muộn mất! Tôi bỗng thấy khó chịu kinh khủng khi nghe câu đó. Sao ông ấy lại ăn nói thế nhỉ, cứ làm như tôi sắp chết đến nơi không bằng? Khó chịu kinh khủng.

- Nhất định em sẽ ngẫm nghĩ đến điều đó. Em sẽ ngẫm nghĩ.

- Cậu có cần tôi nhồi nhét cho đôi điều cần thiết không, Caulfield? Vì tôi rất muốn giúp cậu, cậu hiểu chứ?

Trông vẻ mặt, tôi thấy ông ấy quả muốn giúp tôi thực. Giúp thực tình. Nhưng tâm trí mỗi người một ngả, thành thử chẳng ăn thua.

- Em biết thầy rất quý em, em cảm ơn thầy rất nhiều. Nói thật, em rất cảm kích, đúng thế đấy!

Dứt lời, tôi liền đứng phắt dậy. Lạy chúa, dẫu có bị xử chém, tôi cũng không thể nào ngồi thêm trên cái giường ấy mười phút nữa.

- Rất tiếc em đang phải vội về trường! Em phải gói ghém đồ đạc trong phòng chơi thể thao. Đằng ấy đang trăm thứ linh tinh, nhưng khốn nỗi em rất cần những thứ ấy. Lạy chúa, em phải về gấp ạ!

Ông già chỉ nhìn tôi, rồi lại lắc đầu triền miên nhưng vẻ mặt hết sức trang nghiêm, phiền muộn lạ lùng. Tôi bỗng thấy tội nghiệp cho ông già quá. Nhưng không thể cứ nấn ná ở đây mãi. Vả lại, ý nghĩ của hai thầy trò cách bức nhau quá nhiều. Không thể ngồi mãi ở đây để ngắm cái cảnh ông già muốn vứt thứ này thứ nọ sang bên kia giường nhưng mười lần đều hụt cả mười, chiếc áo ngủ thảm hại ông ấy đang diện, lẫn bộ ngực lép kẹp cứ phanh trần ra suốt, với lại ngửi cái mùi thuốc chống cúm nồng nặc.

- Thầy biết đấy. - tôi nói, - thầy đừng quá buồn phiền về em. Đừng thầy ạ, em nói thật đấy. Mọi thứ rồi sẽ ổn hết. Em đang trong lứa tuổi chuyển tiếp, chính thầy cũng biết rõ đấy. Ai cũng đều thế cả ấy mà.

- Thầy không biết, thầy không biết.

Tôi chúa ghét cái tật cứ lầu bà lầu bầu kiểu đó.

- Ai mà chả thế - tôi nói - ai mà chả qua cái tuổi đó, hả thầy? Thật đấy, thầy đừng quá buồn phiền về em. - Thậm chí tôi còn vỗ vỗ lên vai ông Spencer - Thầy đừng quá buồn phiền nhé!

- Cậu có muốn uống một cốc sôcôla nóng cho ấm bụng không? Bà Spencer nhà tôi sẽ rất lấy làm sung sướng...

- Em rất muốn, thật đấy, nhưng em đang rất vội. Phải chạy tới phòng tập thể dục gấp. Rất cảm ơn thầy. Cảm ơn thầy nhiều lắm.

Thế là hai thầy trò bắt tay nhau. Rồi cả các thứ lễ nghi lúc chia tay, dĩ nhiên. Nhưng chẳng hiểu sao tôi bỗng thấy buồn khủng khiếp.

- Em sẽ viết thư cho thầy. Thầy nhớ giữ gìn sức khoẻ khi dứt cúm, thầy nhé!

- Thôi, đi nhé, ông tướng con! Nhưng lúc tôi vừa khép cửa, bước ra phòng ăn, thì ông già Spencer liền cất tiếng gọi với theo sau lưng nhưng tôi không nghe ra, tuy rằng ông hét rất to. Hình như ông chúc tôi "Đi mạnh giỏi nhé!". Mà không chừng chẳng phải thế. Tôi hy vọng vậy. Có các vàng mà bảo tôi chúc thế, tôi cũng cóc làm. Một thói quen đến là bỉ ổi, các bạn cứ ngẫm mà xem.

Chương 3

Tôi chúa hay nói dối, trên đời đố ai sánh kịp. Một tật xấu thật đáng tởm. Rõ ràng tôi đang ra hiệu sách để mua một tờ báo vớ vẩn gì đó, nhưng nếu thình lình có ai hỏi đi đâu, tôi sẽ không chút ngần ngại, bảo ngay: đi xem ca kịch đằng rạp Ôpêra. Thật kinh khủng! Tôi bảo với ông già Spencer phải đến phòng tập thể thao gấp để thu dọn các thứ đồ đạc linh tinh, nói dối đấy. Kỳ thực, tôi chẳng đời nào dại dột để một thứ gì đằng cái phòng thổ tả ấy.

Những ngày còn học ở đó, tôi trọ tại khu ký túc mới, nằm ngay trong toà nhà mang tên lão Ossenburger. Khu ấy chỉ dành cho học sinh các lớp cuối cấp và đầu cấp. Tôi thuộc loại mới vào học, còn thằng ở cùng phòng thuộc loại sắp ra trường. Toà nhà được đặt tên như vậy để ghi nhớ lạo Ossenburger, một học sinh cũ của trường Pencey. Ra trường, lão kiếm được cả đống tiền nhờ mở một văn phòng mai táng. Xó xỉnh nào trong tiểu bang cũng có chi nhánh của lão. Những chi nhánh ấy, chắc ai cũng biết rõ, vì họ vẫn quảng cáo ầm ĩ là có thể giúp các bạn chôn cất thân bằng quyến thuộc với cái giá rất hời, chỉ mất có năm đôla một người. Chà, ước gì các bạn được nhìn thấy tận mắt cái mặt thịt của lão ta! Tôi dám thề độc là lão chỉ tống thi hài người chết vào bao tải, rồi thả trôi sông chứ chẳng thèm chôn cất gì hết. Thành thử lão giàu sụ, rồi đem cúng chút ít cho trường Pencey để họ lấy tên lão đặt cho toà nhà trọ của bọn tôi. Hôm khai diễn mùa bóng năm nay, lão đã ngồi trong chiếc Cadillac choáng lộn tới dự, nên trường đã bắt bọn tôi phải đứng cả dậy và vỗ tay ầm ĩ, nghĩa là để gào thẳng vào mặt lão đến khô cả cổ:"Hurrah!" (Hoan hô). Sáng hôm sau, lão bước lên toà giảng trong nhà nguyện, lớn tiếng đọc một bài diễn văn dài tới mười mấy tiếng đồng hồ. Mở đầu, lão kể gần chục chuyện tiếu lâm bằng một giọng cợt nhả, để tỏ vẻ ta đây cũng còn trai trẻ sung sức như ai! Kế đến, lão kể lể không bao giờ ngượng nghịu, mà sẵn lòng quỳ mọp xuống cầu Chúa, mỗi lần gặp trắc trở hoặc lôi thôi này khác. Lão cũng khuyên bọn tôi nên theo gương lão - quỳ mọp xuống và trò chuyện với Chúa mọi lúc, mọi chỗ. Lão nói:"các em hãy hướng về Chúa, đối đãi với Ngài như với người bạn chí tình. Về phần mình, bao giờ tôi cũng trò chuyện với Đấng Cứu Thế rất mực thành tâm. Ngay cả lúc ngồi sau tay lái, phóng xe đi đây đó." Lão mà nói thêm câu nữa, chắc tôi chết mất. Tôi hình dung trong óc tôi cái cảnh thằng cha mất giống đó, tay thì gạt cần số sang số một, còn miệng thì lẩm nhẩm cầu Chúa gửi xuống cho mình thêm nhiều thi hài cần chôn. Nhưng giữa lúc lão đang múa may ba tấc lưỡi thì thình lình bỗng xảy ra một chuyện tuyệt hay. Đang giữa chừng câu chuyện phét lác rằng lão là một chàng trai xuất chúng, khôn ngoan, thì thằng Eddie Marsalla - ngồi ngay trước mặt tôi - đánh một phát rắm rất to, suýt làm tốc mái ngôi nhà nguyện. Nó làm thế cố nhiên là rất đểu, chẳng còn coi phép tắc xử thế ra gì, nhưng phải nói là "tiếu lâm" hết sảy. Khá thật, cái thẳng quỷ Marsalla! Không đứa nào dám cười thành tiếng. Lão Ossenburger thì làm ra vẻ chẳng nghe thấy gì. Nhưng chỉ nhìn hiệu trưởng Thurmer đang ngồi cạnh lão chủ đòm đám trên bục diễn đàn cao, thì cũng biết là lão đã nghe thấy tất. Khiếp, trông mặt lão mới kinh chứ! Lão chẳng hé răng câu nào, nhưng chiều hôm đó liền lôi cả trường lên giảng đường và quạt cho bọn tôi một trận nên thân. Lão bảo: một học sinh mà cố tình gây rối như thế trong giờ hành lễ thì không còn xứng đáng ngồi học ở đây nữa. Bọn tôi cố bắt thằng Marsalla nổ thêm một loạt đại bác chào mừng như ban sáng, ngay giữa lúc lão Thurmer đang giảng giải, nhưng hắn chịu chết, cố đến mấy cũng cóc ăn thua. Đấy, chỗ tôi trọ là khu ký túc xá mới, nằm trong toà nhà mang tên cái lão Ossenburger đó.

Về lại buồng, tôi thấy nhẹ cả người bởi thoát được ông thầy già Spencer giữa lúc cả trường đều đang ở ngoài bãi bóng dưới kia, và chiếc lò sưởi duy nhất trong cả toà nhà đang toả hơi ấm ra khắp phòng. Thậm chí tôi còn thấy người nóng lên là khác. Tôi cởi blouson, cà vạt, nới bớt mấy cái cúc cổ rồi chụp lên đầu chiếc mũ đỏ mới mua hồi sáng ở New York, chiếc mũ đi săn, có gắn thêm đằng trước một cái lưỡi trai dài tới mười lăm phân. Tôi thấy họ bày bán trong một cửa hiệu trang phục thể thao, khi vừa chui từ dưới đường tàu điện ngầm lên, sau lúc vừa bị mất sạch mấy thanh kiếm thổ tả, giá chỉ một "đô" chẵn. Tôi đội ngược, dĩ nhiên rất chướng mắt, nhưng tôi thích thế. Xong xuôi, tôi vớ lấy quyển sách đang đọc dở, rồi gieo người xuống chiếc ghế salon hỏng. Trong phòng chỉ có hai chiếc, một của tôi, một của thằng bạn cùng phòng, Ward Stradlater. Mấy cái tay vịn đều gãy hết, vì đứa nào cũng toàn đặt đít lên đó, nhưng lần đệm thì còn êm đáo để. Quyển tôi đang đọc là sách thư viện cho mượn nhầm vì họ ghi sai ký hiệu. Mãi tới lúc cầm về nhà, tôi mới biết đã mượn nhầm cuốn khác. Tên cuốn sách là Giữa rừng thẳm Châu Phi của Isal Dinesen. Tôi tưởng đó là của vứt đi, nhưng hoá ra rất khá. Tôi chúa lười học, nhưng sách thì ngốn nhiều vô kể. Nhà văn tôi hâm mộ nhất là D.B. anh ruột tôi. Kế đến - Ring Lardner. Cuốn của Ring Lardner là quà tặng của anh tôi nhân ngày sinh nhật tôi, trước thời điểm bị đày lên cái trường Pencey chết tiệt này. Cuốn sách có in mấy vở kịch, vở nào cũng nhộn kinh khủng kèm một mẩu chuyện ngắn kể về chàng cảnh sát giao thông phải lòng một cô gái rất kháu, nhưng tứ thời toàn vi phạm luật đi đường. Anh chàng cảnh sát nọ đã vợ con đàng hoàng, nên cố nhiên không thể cưới cô kia. Về sau, cô ấy chết, vì vi phạm luật giao thông. Câu chuyện viết rất xúc động. Nói chung, tôi chỉ thích những chuyện nhộn nhộn, loại cổ điển, đại để như Về lại cố hương (Tiểu thuyết của Thomas Hardy). Sách viết về chiến tranh lẫn truyện trinh thám, cố nhiên tôi đều không chê, nhưng chẳng hiểu tại sao chả mê mấy. Những cuốn tôi thích phải là những cuốn mà vừa gấp sách lại, bạn đã lập tức ước ao: ôi phải chi nhà văn ấy là bạn chí thiết của mình, để hễ cần là có thể nhấc máy lên gọi, và trò chuyện chút đỉnh. Nhưng loại đó thì hiếm đấy. Tôi sẽ thích thú lắm, nếu được gọi dây nói cho ông Dinesen, và cố nhiên, cả cho ông Ring Lardner. Có điều anh D.B. bảo ông ta mất lâu rồi. Còn những cuốn như Thân phận con người của Somerset Maugham chẳng hạn thì khác hẳn. Đại để cũng chẳng đến nỗi nào. Nhưng gì chứ chuyện gọi dây nói cho ông ấy thì tôi chẳng ước. Chính tôi cũng chẳng biết tại sao nữa. Chỉ cảm thấy đó không phải là người mình thích chuyện trò. Mà có gọi dây nói, tôi cũng chỉ gọi cho ông Thomas Hardy đã mất thôi. Tôi thích cô Eustacia Vye mà ông ấy tả. Như vậy là tôi chụp chiếc mũ mới lên đầu, gieo người xuống salon, rồi đọc Giữa rừng thẳm Châu Phi. Tôi đã đọc qua một lần rồi, nhưng vẫn còn muốn xem lại vài đoạn. Tôi mới chỉ kịp lật có mấy trang thì thình lình nghe có tiếng chân bước ra khỏi nhà tắm. Chẳng cần ngước mắt, tôi cũng thừa biết đó là thằng Robert Ackley ở buồng bên. Chái nhà phía bên này, hai phòng mới có một buồng tắm. Thành thử thằng ấy ngày nào cũng mó sang khoảng bảy tám chục bận. Ngoài ra, nó là đứa độc nhất ở ký túc không ra bãi xem đấu bóng. Và nói chung, nó chẳng đi đâu bao giờ. Là đứa rất kỳ quặc, đang học năm cuối và đã mài đũng quần tại trường Pencey này suốt bốn năm trời, nhưng tôi chưa từng thấy ai gọi nó bằng tên. Ngay cả thằng Herb Gale, ở cùng phòng với nó, cũng chưa bao giờ gọi nó là "Bob" hay thậm chí "Ack" cả. Hoạ may có vợ nó mới chịu gọi nó là "Ackley", nếu ít nữa nó cũng lấy nổi vợ. Nó cao kinh khủng, những một thước chín, lưng gù dễ sợ, còn răng thì bẩn đến phát tởm lên được. Từ ngày ở chung với nó tới giờ, tôi chưa từng thấy nó đánh răng lần nào. Cả hàm trên lẫn hàm dưới đều bẩn kinh khủng, mốc meo cả, mỗi lần thấy nó ngốn khoai tây hay đậu hầm dưới nhà bếp là tôi suýt lộn mửa. Lại còn trứng cá nữa chứ! Chẳng phải chỉ có trên trán hay dưới cằm, như bọn con trai chúng tôi, mà khắp mặt khắp mũi kia. Nghĩa là cái gì trên người nó trông cũng kinh. Ấy là chưa kể cái thói đê tiện của nó. Nói của đáng tội, nó là đứa tôi chẳng ưa chút nào.

Chẳng cần nhìn, tôi cũng thừa biết nó đang đứng trước cửa nhà tắm, ngay đằng sau chiếc salon tôi đang ngồi, lấc láo nhìn trước ngó sau, xem Stradlater có nhà không. Nó rất ghét thằng Stradlater, nên không đời nào bước chân vào phòng khi thấy có thằng kia. Nói chung thì ai nó cũng ghét. Nó bước hẳn ra khỏi phòng tắm, rồi đi thẳng về phía tôi.

- Hello! Nó lên tiếng, giọng tứ thời uể oải, như thể đang ngao ngán kinh khủng hoặc đang mệt bở hơi tai vậy. Nó không muốn tôi nghĩ là nó ghé sang chơi. Chỉ làm ra vẻ tình cờ tạt vào, thằng quỷ!

Nó bắt đầu lân la khắp mọi xó xỉnh, rất thong thả, như bất cứ lúc nào và lục lọi bất cứ thứ gì tôi để trên bàn học và giường ngủ. Hết thảy những thứ ấy, thứ nào nó cũng đều đã xem qua một lượt, nhưng lần nào sang, nó cũng lại cầm chính cái đó lên, săm soi, ngắm nghía. Thế này khéo tôi đến phát điên mất!

- Sao, đấu gươm đấu ghiếc thế nào? - Nó cất tiếng hỏi. Nó chẳng muốn gì hơn là tôi vứt sách xuống, dừng thưởng thức những thứ hay ho ấy nữa chứ đâu thèm đếm xỉa đến kết quả trận đấu gươm. Bên nào thắng, bọn mày hay chúng nó? - Nó tiếp.

- Cóc bên nào thắng. - tôi đáp, nhưng vẫn chẳng thèm rời mắt khỏi cuốn sách.

- Cóc bên nào thắng. - tôi nhắc lại, liếc mắt về phía thằng bạn xem nó lục lọi những gì trên bàn ngủ. Nó ngắm tấm ảnh con bé tôi mới làm quen dưới New York, tên là Sally Hayes. Nó đã cầm tấm ảnh thổ tả ấy lên ít nhất cả ngàn lần. Nhưng lần nào xem xong cũng không chịu đặt xuống đúng chỗ. Nó cố ý đấy, trông khắc biết.

- Cóc bên nào thắng à? - Nó nói - Thế là thế nào?

- Tao để quên sạch các thứ đồ lề dưới tàu điện ngầm. - Tôi đáp, đầu vẫn cúi gằm xuống trang sách.

- Dưới tàu điện ngầm? Đồ quỷ! Thế mất mẹ nó hết còn gì?

- Bọn tao lên nhầm chuyến. Nên cứ phải đứng lên ngồi xuống, để xem các sơ đồ treo ở các ga. Nó lần đến sát bên tôi, án ngữ ngay trước mặt.

- Này, vì mày mà tao đã phải đọc câu này tới hai chục lượt rồi đấy.

Ai chắc cũng hiểu ngay điều tôi ngụ ý trong câu vừa nói, trừ thằng Ackley. Chắc trên đời chỉ có mỗi mình nó là một.

- Thế chắc bọn chúng bắt mày chịu cả tiền vé chứ gì? - Nó hỏi.

- Tao cóc biết mà cũng cóc cần biết. Mày ngồi xuống cho tao nhờ chút được không. Ackley nhóc? Chứ nãy giờ mày che hết cả ánh đèn đây này.

Nó rất ức mỗi lần tôi gọi là "Ackley nhóc". Nó vẫn lải nhải suốt: tôi mới là nhóc con, vì tôi mới mười sáu còn nó, nó đã mười tám đôi mươi.

Nhưng nó vẫn đứng trơ ra đó. Nó là hạng người dẫu có được các vàng cũng không đời nào chịu tránh đi chỗ khác, nếu nghe người khác bảo nó che mất ánh đèn. Sớm muộn gì rồi nó đứng dịch ra chỗ khác nhưng nếu nghe ai bảo thế, thì nó sẽ cố ý đứng ỳ ra.

- Mày đọc gì đấy? - Nó hỏi

- Đọc sách, mày mù à?

Nó lật úp cuốn sách xuống, xem tựa đề

- Khá không? - Nó tiếp tục

- Khá, nhất là câu này, cái câu tao đã phải đọc đi đọc lại suốt từ nãy đến giờ.

Thỉnh thoảng tôi cũng biết ăn nói đốp chát, nếu thấy cao hứng. Nhưng với thằng Ackley thì chẳng ăn thua. Nó lại lân la khắp phòng, lại sờ cái này, mó cái nọ, tất cả những thứ đồ đạc, cả của tôi, lẫn của thằng Stradlater. Rốt cục, tôi đành quẳng quyển sách xuống sàn. Nó mà còn ở lì bên này thì có đọc cũng vô ích.

Tôi ngả người ra, và bắt đầu nhìn thằng Ackley lục lọi phòng tôi. Chuyến đi New York khiến tôi mệt bã người, chỉ trực ngáp dài. Nhưng tôi cũng cố gượng làm trò khỉ để chọc tức nó. Tôi xoay cái lưỡi trai ra đằng trước, rồi kéo sụp mũ xuống sát mắt. Tôi như thằng mù, chẳng còn nhìn thấy gì nữa.

- Ối, ối! Không khéo con mù mất thôi! - tôi rống to lên bằng một giọng khản đặc. - Mẹ ơi, sao mà tối tăm thế này, chết cha!

- Mày điên hả, ôn dịch? - Ackley nói

- Mẹ ơi, đưa tay cho con, khổ thân con! Sao mẹ không đưa tay ra giúp con, hở mẹ?

- Thôi đi đồ ngốc!

Tôi bắt đầu quờ quạng tứ phía như một thằng mù thật, nhưng vẫn ngồi nguyên trên ghế salon và mồm vẫn rền rĩ không ngớt.

- Mẹ ơi, mẹ hỡi! Sao mẹ không dắt con?

Dĩ nhiên, tôi chỉ làm trò thế cho đỡ chán. Lắm lúc tôi cũng thấy thích vậy. Vả lại, tôi thừa biết thằng Ackley là đứa dễ cáu nhất trần đời nên thích làm tình làm tội nó bằng những trò đùa tai ác, cho vui. Tìm mọi cách chọc tức nó, cố ý làm cho nó điên tiết nhưng chỉ được một chốc là tôi chán ngay. Tôi lại quay ngược chiếc mũ lại, rồi ngả người xuống ghế.

- Của ai cái này? - Ackley hỏi. Nó cầm cái băng nịt đầu gối của thằng Stradlater lên. Bạ gì nó cũng cầm, cái thằng thổ tả, kể cả mấy sợi dây giày. Tôi bảo nó cái nịt đó là của thằng Stradlater. Thế là nó vất ngay lên giường. Của nợ đó vốn nằm trên bàn ngủ, nó biết thế, nhưng vẫn cố ý vứt ra chỗ khác.

Rồi nó đến bên tôi, ngồi xuống tay vịn chiếc salon. Nó chẳng bao giờ ngồi theo kiểu thiên hạ vẫn ngồi, đã ngồi là thượng ngay lên tay vịn.

- Mày kiếm cái mũ thổ tả ấy ở đâu vậy?

- Dưới New York

- Mất bao nhiêu vậy?

- Một "đô".

- Mày bị hố đấy - và nó bắt đầu vớ lấy que diêm, cạy ghét trên mười đầu móng tay gớm ghiếc của nó. Tứ thời nó chỉ chăm chút có mấy cái móng tay thổ tả ấy. Một thói quen kỳ quặc. Răng thì đầy những **********, ghét đóng vành ngoài hai tai. Thế nhưng chỉ lo trau chuốt có ba cái móng tay. Chắc nó tưởng nó sạch sẽ nhất xứ.

- Ở quê tao, chỉ lúc đi săn người ta mới đội thứ mũ đó, hiểu chứ? Thiên hạ chỉ đội nó khi bắn các thứ thú rừng.

- Chứ sao? - Tôi nói, bỏ chiếc mũ xuống, ngắm nghía một lúc. Tôi nheo một mắt, như thể đang nhắm bắn một con thú. - Nhưng thiên hạ cũng đội nó cả lúc săn người. - tôi bảo, - nên tao đội nó để săn người

- Thế bố mẹ mày biết mày bị đuổi chưa?

- Chưa

- Còn thằng Stradlater nhà mày đi đâu?

- Xem đá bóng. Nó hẹn gặp bồ ngoài bãi - Tôi lại ngáp dài. Không thể kiềm chế được. Trong phòng nóng kinh khủng, tôi lại mệt nữa, nên đâm buồn ngủ. Sống trong cái trường này, bọn tôi chỉ hoặc chết cóng, hoặc là phát ngốt vì bức bối. - Thằng Stradlater sướng thật! - Ackley nói - Này, đưa cái kéo tao mượn một chút. Mày có thủ sẵn trong áo đấy không?

- Không, tao cất nó đi rồi. Ra tủ mà lấy. Ngăn trên cùng ấy.

- Thì lấy ra tao mượn chút không được à? Móng tay tao dài quá, phải cắt cái đã.

Nó cóc cần biết bạn đã cất đồ đạc đi chưa, cất ở ngăn dưới hay ngắn trên. Tôi đành phải đứng dậy, lấy xuống cho nó mượn. Cứ thế này thì tôi đến ngoẻo mất. Tôi vừa mở tủ thì cái vợt của thằng Stradlater, cả cái bàn thấm bằng gỗ nữa, rơi xuống giữa đỉnh đầu đánh cốp một cái, đau kinh khủng. Thằng Ackley chừng khoái chí lắm, cười ngặt nghẽo. Tiếng cười vừa the thé, vừa chua. Trong lúc tôi phải lôi chiếc vali xuống, moi cái kéo cho nó, thì nó lại ôm bụng cười. Cái ngữ như Ackley, thì đừng cho nó ăn bánh làm gì, uổng tiền. Cứ cho nó xem cảnh ai đó bị một hòn đá giáng xuống đầu hoặc một trò gì đại để thế, bởi, nó chỉ biết ôm bụng cười hô hố, khi người khác hoạn nạn.

- Ra mày cũng có khiếu khôi hài đấy chứ, Ackley nhóc - Tôi bảo nó. - Mày cóc bao giờ biết thế, đúng không? - Vừa nói, tôi vừa đưa cho nó cái kéo.

- Mày có muốn tao bảo trợ, cho mày lên biểu diễn trên đài phát thanh không, Ackley nhóc?

Tôi lại gieo người xuống salon, còn nó thì chăm chú tỉa tót ba cái móng tay ghét bẩn.

- Mày ra bàn kia mà cắt cho tao được nhờ tí đi - tôi bảo nó. - Tao không muốn giẫm phải vụn móng tay khi bỏ dép - Tuy nghe rõ tôi nói thế, nhưng nó vẫn cứ vứt bừa xuống sàn. Cái tính nó thế. Kể cũng đáng ghét thật.

- Thế thằng Stradlater hẹn gặp con nào ngoài bãi? - Nó hỏi. Tứ thời nó toàn gạn hỏi tôi và chuyện Stradlater giao du với những ai, tuy rằng nó chúa ghét thằng đó.

- Tao cóc biết. Nhưng bận gì đến mày?

- Tao chỉ hỏi cho biết. Chứ tao cóc chịu nổi cái ngữ thối thây ấy.

- Thế nhưng nó, nó lại mê mày hết biết! Nó bảo với tao, mày là một hoàng tử đích danh! - Tôi nói. Gặp ai tôi cũng khen rằng nó là một hoàng tử đích danh. Đại để tôi vẫn thường giả ngốc, lúc đó, tôi thấy đỡ buồn tẻ chút đỉnh.

- Tứ thời, lúc nào mặt mũi nó cũng vênh vênh váo váo - Thằng Ackley nói

Tao không tài nào xực nổi cái ngữ mất giống ấy. Nó cứ tưởng nó...

- Này, mày không quá bộ lại cái bàn kia mà cắt được sao? - Tôi bực bội - Tao đã năn nỉ mày đến cả năm chục bận...

- Nó cứ vênh mặt lên suốt - Ackley lặp lại - Theo tao, nó chỉ là đứa bốc phét.

Thế nhưng nó cứ tưởng mình rất thông minh. Nó tưởng mình thông minh nhất đời...

- Ackley! Quỷ bắt mày đi! Mày không cắt mấy cái móng tay bẩn thỉu của mày ở đằng bàn kia được sao? Tao đã năn nỉ mày đến năm chục bận rồi, mày điếc hả?

Mãi lúc đó nó mới chịu dẫn xác lại mép bàn. Muốn bắt nó làm gì, chỉ có quát ầm lên thế. may mới ổn. Tôi ngước nhìn nó một chặp, rồi bảo:

- Mày cáu với thằng Stradlater vì nó bảo mày năm thì mười hoạ mới chịu đánh răng, đúng không nào? Chứ kỳ tình, nó chẳng hề muốn sỉ nhục mày! Nó nói thế là hoàn toàn vô tâm, chứ chẳng phải xúc phạm gì mày cả. Nó chỉ muốn mày sẽ thấy dễ chịu và trông dễ coi hơn, nếu đánh răng.

- Nhưng tao không đánh răng bao giờ? Mày đừng về hùa với nó.

- Không, mày không đánh răng, đừng chối. Tao vẫn theo dõi mày suốt, đích thị là mày không hề đánh răng.

Tôi nói bằng một giọng rất thản nhiên. Thậm chí còn thấy thương hại nó nữa. Tôi biết chẳng ai dễ chịu cả khi bị người khác chê là không vệ sinh.

- Thằng Stradlater không phải là đồ thối thây. Nó không xấu đến mức ấy.

- Còn tao, tao bảo nó là quân chó đẻ nên mới tưởng tượng ra thế.

- Có thể nó hay tưởng tượng, nhưng về nhiều điểm, nó là đứa không hẹp bụng. - Đó là sự thật. Rồi ít nữa mày sẽ hiểu ra. Mày thử hình dung, chẳng hạn, thằng Stradlater có một thứ đồ dùng gì đó mà mày rất mê. Nói giả dụ, nó đang thắt một chiếc cà vạt, mà chiếc cà vạt đó mày rất thích, là tao chỉ nói giả dụ thế cho dễ hiểu, mày đồng ý chứ? Mày có biết nó sẽ làm gì với chiếc cà vạt ấy không? Tháo ngay ra rồi tặng mày. Phải, nó sẽ tặng. Hoặc là nó sẽ làm gì nữa, tao đố mày đấy? Nó sẽ không nói không rằng, đặt chiếc cà vạt đó lên giường mày, hay trên bàn mày. Nghĩa là nó vẫn kín đáo tặng mày, hiểu chưa? Còn những thằng khác, không đời nào!

- Xì! - Ackley nói - Tao mà giàu có, tao cũng tặng cà vạt cho khối đứa.

- Không, mày chẳng tặng ai hết! Thậm chí tôi còn vừa lắc đầu vừa nói- Vì chẳng đời nào mày nghĩ tới chuyện đó đâu. Ackley nhóc! Nếu mày cũng giàu có như nó, mày vẫn là đứa đốn mạt như trước...

- Này, đừng gọi tao là "Ackley nhóc", nghe chưa? Đồ quỷ dữ! Tao đáng tuổi bố mày đấy, ngốc ạ!

- Không, mày cóc đáng! - Nó lồng lộn lên đến nỗi tôi không thể nói tiếp được nũa. Bởi chẳng bao giờ nó chịu bỏ lỡ dịp đốp vào mặt thằng bạn mới chỉ mười sáu còn nó đã mười tám, đôi mươi. - Một là tao không bao giờ cho mày vác mặt tới nhà tao...

- Này, câm ngay cái mõm đi, tao cấm mày gọi tao là...

Đúng lúc đó thì thằng Stradlater đẩy cửa lao vào. Tứ thời, lúc nào nó cũng vội, cũng lao như tên bắn bởi tứ thời nó toàn có những công việc rất hệ trọng. Nó chạy tới bên tôi, tát đánh bốp vào má tôi - cũng lại một thói quen không xực nổi - rồi hỏi lớn:

- Tối nay mày có đi đâu không, Holden?

- Chưa biết. Cũng có thể tao sẽ đi. Thế trời thế nào rồi, tuyết còn xuống không? Người nó bê bết tuyết

- Còn, vẫn xuống. Này, nếu mày không phải đi đâu thì cho tao mượn cái áo blouson da của mày tối nay.

- Thế bên nào thắng? - Tôi hỏi

- Chưa ngã ngũ. Nhưng tụi tao phải đi. Hỏi thật đấy, cho tao mượn cái áo một lúc, nếu mày không đi đâu. Ban sáng, tao trót đánh đổ lọ mực chết tiệt lên cái áo xám của tao.

- Được thôi, nhưng khéo mày làm bục hết chỉ vì mày to ngang như hộ pháp. - Tôi bảo. Tôi cao gần bằng nó nhưng nó nặng gấp đôi tôi, nên vai nó rộng lắm.

- Đừng lo! - Nó lao đến bên tủ áo. - Mày thế nào Ackley? - Nó hỏi, được cái rất hồ hởi. Nó chỉ hỏi cho có lệ, dĩ nhiên. Nhưng dẫu sao, nó vẫn chào hỏi thằng Ackley tử tế.

Ackley không muốn đáp, nhưng dẫu sao vẫn phải ậm à ậm ờ, vì làm thinh thì không đủ can đảm. Rồi quay sang phía tôi, nó bảo:

- Thôi, tao về đây! Lát nữa tao sang!

- Được - tôi đáp. Chẳng ai phải khóc cả khi ngữ nó đứng dậy ra về.

Thằng Stradlater lúc đó đã cởi vét-tông, cà vạt.

- Phải cạo râu đã! - Nó nói - Râu tao mọc khoẻ khiếp. Tua tủa dưới cằm như người lớn.

- Thế con bạn mày đâu rồi?

- Đang đợi dưới hiên, nó vơ vội khăn tắm, hộp dao cạo râu, rồi ra khỏi phòng ngay. Nó toàn ở trần, vì nghĩ người ngợm nó cân đối lắm. Kể đúng thế thật. Gì chứ khoản đó đố ai dám dè bỉu.

Chương 4

Chẳng biết làm gì, tôi cũng đứng dậy, theo nó vào phòng tắm, bốc phét dăm ba câu trong lúc nó cạo mặt. Hơn nữa, ngoài hai đứa, trên này chẳng còn ai, bởi bọn kia đều đang ngồi ngoài sân bóng, chưa về. Nóng như điên, cửa sổ phòng nào cũng hấp hơi. Dọc tường có lắp một dãy chừng mười cái bồn. Stradlater đến bên cái bồn chính giữa, tôi ngồi phịch xuống ngay cái bồn bên cạnh, bắt đầu vặn ra vặn vào cái vòi nước lạnh cho đỡ buồn tay. Tôi đang sốt ruột kinh khủng. Thằng Stradlater vừa cạo râu, vừa dẩu môi huýt sáo Khúc ca Ấn Độ. Nó huýt to kinh khủng và câu nào cũng lạc điệu, nhưng toàn chọn những bài mà những tay chúa nhất cũng thấy khó nhá, chẳng hạn, bài Khúc ca Ấn Độ hoặc Vụ án mạng trên đại lộ số Mười. Bài nào nó cũng thừa sức huýt lạc điệu hết.

Tôi vừa mới kể là Ackley ở bẩn kinh người. Thằng Stradlater cũng thế, nhưng bẩn theo kiểu khác. Bề ngoài thì chẳng có gì đáng chê. Lúc nào cũng bảnh bao như một ông hoàng. Nhưng các bạn cứ xem nó cạo râu khắc biết. Lưỡi dao thì gỉ ngoèn, trông đến phát tởm, lại đầy những lông với tóc và bê bết bọt xà phòng dẻo quánh từ những lần cạo trước vì cấm chịu rửa. Cho nên, trông thì bảnh đấy, nhất là khi nó chải chuốt, nhưng kỳ thực vẫn là đứa ở bẩn. Ai chứ Stradlater thì tôi chẳng lạ. Nó thích chải chuốt, khoe mẽ, vì nó tự mê mình, tự nghĩ mình đẹp trai nhất Tây bán cầu. Thực ra thì nó chỉ trông được thôi, - khoản đó phải nói cho công minh. Nhưng đó chỉ là vẻ đẹp vừa đủ để các ông bố, bà mẹ lật tập album trường ra phải tấm tắc khen: "Con nhà ai thế?" Một vẻ đẹp chỉ hiện rõ trong album thôi, các bạn hiểu chứ? Ở trường Pencey này vô khối đứa, theo tôi, còn đẹp trai bằng vạn nó, nhưng trên ảnh trông lại chẳng ra sao. Bọn đó, đứa thì mũi dường như dài quá, đứa thì tai vểnh lên. Khoản ấy tôi biết rất rõ.

Tôi ngồi trên cái bồn rửa mặt, vặn ra vặn vào cái vòi nước, trên đầu vẫn chiếc mũ săn đội ngược. Tôi khoái nó kinh khủng, cái mũ đi săn ấy.

- Này, - thằng bạn lên tiếng - Tao có chuyện này, mày giúp tao được không?

- Chuyện gì? - Tôi hỏi, chẳng thích thú gì. Bởi tứ thời nó toàn nhờ những việc mệt kinh khủng. Bọn đẹp trai thằng nào vốn cũng tự coi mình là cái rốn của vũ trụ, nên toàn bắt người khác phải hầu hạ chúng đủ điều. Chúng tự mê mình như điếu đổ, thành thử cứ tưởng ai cũng mê chúng và chẳng ao ước gì hơn là được phục dịch chúng đủ thứ. Một lũ dở hơi, thật đấy.

- Tối nay mày có đi đâu không? - Nó hỏi

- Có thể đi, và cũng có thể không. Thế mày cần gì?

- Tao phải học gần một trăm trang sử ký từ giờ tới thứ hai. - Tao muốn mày làm giúp tao một bài luận. Thứ hai này mà chưa thuộc hết sử thì nguy lắm, nên tao mới phải nhờ mày. Được chứ? Nực cười không các bạn? Chết cười, thật đấy!

- Tao bị đuổi vì ngu như chó, thế mà mày còn đi nhờ?

- Tao biết, tao biết. Nhưng khổ nỗi tao sẽ nguy mất, nếu không làm nổi bài sử. Thôi, chỗ anh em bạn giúp tao đi. Tôi không đáp ngay. Hạch nó, càng bắt nó hồi hộp càng tốt.

- Đầu đề thế nào? - Tôi hỏi

- Tự chọn. Mày thích tả gì tuỳ ý. Tả căn phòng cũng tốt. Mà ngôi nhà càng hay. Hoặc nơi nào mày từng trú ngụ trước kia tuỳ mày. Tả tự do, mày hiểu chứ? Có điều phải ngoạn mục một chút, quỷ ạ. - Rồi nó ngoạc mồm ra ngáp. Tôi rất lộn tiết vì nó dám thế! Các bạn biết đấy, - đi nhờ vả bạn, mà làm vậy tức là chẳng còn coi bạn ra gì! - Có điều mày đừng làm hay quá. Ông Hartzell trời đánh thừa biết tiếng Anh mày rất chúa. Ông ấy cũng chẳng lạ gì chuyện tao với mày trọ cùng phòng. Cốt nhất là mày cố chấm phẩy đúng. Cả các dấu câu khác nữa cũng thế.

Nghe nó phán thế, ruột gan tôi tức thì sôi lên. Dám lên lớp tôi về cách dùng dấu câu, một người rất giỏi tiếng Anh. Nhưng dù có cố chứng minh với tôi nó không giỏi văn lắm, chung qui chỉ vì nó không biết đặt dấu phẩy ở đâu cho đúng. Thì ra nó cũng cùng một giuộc với Ackley. Có lần tôi đã ngồi cạnh thằng này trong một trận đấu bóng rổ. Trong đội, có một đứa chơi rất chúa, thằng Howie Coyle. Nó có thể dễ dàng ném bóng vào chính giữa rổ. Thậm chí chả cần nhờ đến tấm bảng gỗ, cũng tung được bóng vào. Vậy mà một buổi, Ackley lại dám lải nhải là thằng Coyle chỉ được cái cao to thế thôi, chứ tài cán thì cóc hơn ai. Đấy, các bạn hiểu lỹ lẽ của bọn chúng rồi chứ? Tôi chúa ghét cái lối bốc phét ấy!

Rốt cục, tôi chán cái trò ngồi bên mép bồn rửa mặt nên nhảy xuống, đi mấy vòng clacket cho đỡ cuồng chân. Chỉ muốn giãn gân cốt, chứ điệu nhảy đó tôi không thạo lắm. Có điều sàn phòng rửa mặt lát toàn gạch men bóng lộn, nên nhảy clacket thì không gì tuyệt bằng. Tôi nhại lại dáng dấp một tài tử trong phim bởi đã từng xem ông ta biểu diễn một vở hài kịch rất vui. Xi nê tôi ghét thượng hạng, nhưng rất khoái bắt chước các ngôi sao điện ảnh. Thằng Stradlater vừa cạo râu, vừa dõi mắt nhìn. Chẳng mong gì hơn là có khán giả chiêm ngưỡng tài nghệ, nói chung tôi rất thích trình diễn các trò vui nhộn.

- Ta là quý nam của chính ngài thống đốc đây! - tôi nói, đoạn này phải rất gắng sức. Tôi nhảy tới, nhảy lui khắp phòng rửa mặt - Cha ta không cho ta làm vũ công. Người gửi ta sang Oxford ăn học. Nhưng điệu vũ clacket này đã ngấm vào máu huyết ta, quỷ ạ! Stradlater phá lên cười ha hả. Dẫu sao nó cũng có máu khôi hài.

- Đêm nay ta khai diễn cuộc đại vũ hội của ta - Đến đấy, tôi bắt đầu thấy hụt hơi. Phổi tôi cóc ra gì - Than ôi! Ta không thể nhảy tiếp được nữa! Ta đang say bí tỉ. Vậy ai là người thế chỗ ta đây? Chỗ của ta - đấng nam tử khốn khổ, đói rách của ngài thống đốc giàu có?

- Mày vớ đâu cái mũ ngộ nghĩnh đó thế? - Stradlater hỏi. Mãi bây giờ nó mới để ý tới chiếc mũ. Tôi thở dốc, ngừng lại, bỏ mũ xuống, ngắm nó đến lần thứ một trăm - Tao vừa mua hồi sáng dưới New York. Giá một "đô". Trông được chứ, hả?

Thằng Stradlater gật đầu - Oách đấy - nó bảo. Nó chỉ nịnh chút đỉnh cho qua chuyện, rồi hỏi ngay cái chuyện đang khiến nó hồi hộp.

- Sao, bài luận đó mày có giúp được tao không? Nói đi, để tao còn liệu nào.

- Rảnh thì tao giúp, còn bận thì thôi.

Tôi lại ngồi phịch xuống mép bồn rửa mặt, cạnh thằng Stradlater như trước.

- Mày hẹn hò với con bé nào đấy? Fitzerald hả?

- Quỷ sứ! Tao hất con lợn ỉ đó từ lâu rồi còn gì!

- Thật chứ? Thế nhường tao đi, người anh em! Nói tử tế đấy. Con bé ấy tao thấy rất được mắt.

- Thì cứ rước đi, xin mời! Có điều nó nhiều tuổi hơn mày đấy.

Thế là bất thình lình, chẳng có lý do gì chính đáng cả, tôi bỗng muốn nhảy xuống, vặn ngoéo cái cổ thằng ngốc Stradlater ấy. Đó là một miếng võ hiểm: chộp lấy cổ địch thủ, bẻ gục xuống cho tới lúc nó nghẹt thở, nếu cần. Tôi nhảy phốc về phía thằng nỡm, nhanh như một con báo gấm!

- Buông ra, Holden, đồ ngu! - Thằng Stradlater hét. Nó không thích bị khoá cổ thế. Hơn nữa nó đang cạo mặt - Mày muốn tao thiến cả vào cổ à? Nhưng tôi vẫn không buông, tay vẫn thít chặt lấy cổ nó.

- Mày giãy thử đi, - Tôi bảo, - xem có gỡ nổi hai cánh tay sắt của tao không?

- Đồ quỷ! - Nó đặt con dao cạo xuống, rồi thình lình giơ cao tay, giẫy mạnh, vùng ra khỏi hai cánh tay đang khoá chặt. Nó khoẻ thật. Sức tôi thì chẳng được mấy nả. - Dẹp cái trò ấy đi! - nó nói. Rồi cạo thêm lần nữa. Bao giờ nó cũng cạo hai lần, cho mày râu thật nhẵn nhụi. Vả lại, con dao của nó bẩn quá.

- Thế bỏ rơi Fitzgerald thì đi với con bé nào? - Tôi hỏi, lại gieo người xuống mép bồn rửa. Hay là với con Phyllis Schmitt?

- Không. Lẽ ra là với nó nhưng rồi mọi thứ đâm lộn tùng phèo cả. Con bé đang chờ tao hôm nay là bạn của Bud Thaw. Chết, suýt nữa quên, nó biết mày đấy.

- Ai mà còn biết cả tao nữa thế?

- Con bạn tao.

- Ra là thế! - tôi nói - thế nó tên là gì? - Tôi thấy hồi hộp thực sự.

- Để tao nhớ đã... đúng rồi Jeanne Gallagher. Trời, tôi suýt ngất xỉu khi nghe cái tên ấy.

- Jane Gallagher! - tôi nói, thậm chí nhảy phắt xuống đất khi nghe nhắc đến tên nàng. Tôi suýt ngất, thật đấy! - Tưởng ai chứ con bé ấy thì tao có quen! Hè năm kia, nhà nó với nhà tao ở sát vách nhau. Hồi đó, nhà nó có nuôi một con Debermanpinscher to kinh khủng. Chính vì con chó ấy mà tụi tao quen nhau đấy. Chả là ông tướng mò sang vườn nhà tao đi *********.

- Mày chắn hết ánh đèn của tao rồi, Holden, - Stradlater nói.

- Đứng dịch ra tí, hết chỗ rồi hả?

Chà, tôi hồi hộp lạ!

- Thế nó đâu rồi? Đứng dưới mái hiên, hả?

- Ừm.

- Sao nó lại nhắc tới tao? Hồi này, nghe đâu nó đang học bên Brean Moore, đúng không? Nó bảo với tao chắc sẽ chuyển sang đó, hoặc là sang Shipley. Sao nó lại nhắc tới tao, hả?

- Làm sao tao biết được, quỷ sứ! Dịch ra chỗ khác, nghe chưa?

Tôi đang ngồi đè lên chiếc khăn tắm của nó.

- Jane Gallagher! - Tôi reo lên, không thể không nhớ tới những kỷ niệm cũ - Thật không thể ngờ! Thằng Stradlater bôi sáp thơm lên tóc. Sáp thơm của chính tôi.

- Nó khiêu vũ khá lắm - Tôi nói, - Chả là nó có học balet. Ngày nào cũng tập hai giờ, cả những hôm trời nóng khủng khiếp nhất. Nó sợ càng lớn, chân cẳng càng cứng. Vì nó đang phát phì, nên sợ đủ thứ. Tao với nó vẫn chơi cờ nhảy suốt.

- Chơi trò gì-ì-ì?

- Cờ nhảy.

- Trời đất quỷ thần ơi, ai đời con gái lai đi chơi cờ nha-aảy. Bỏ mẹ thật!

- Chứ sao. Nó chẳng đời nào chịu động đến mấy quân hậu. Quân nào đổi được, nó đều đổi tất thành quân hậu, rồi cứ để yên đó, sau lúc đẩy xuống hàng cuối cùng. Nó sắp các quân hậu ở vị trí đó thôi.

Stadlater làm thinh. Những điều tôi nói, của đáng tội, thường chẳng khiến ai chú ý.

- Mẹ nó với mẹ tao cùng là hội viên một câu lạc bộ - tôi nói - Hồi đó, tao có lãnh thêm việc mang gậy đánh gôn tới, để kiếm thêm chút ít. Tao có mang gậy cho mẹ nó mấy lần. Khiếp, có chín cái hố mà bà ta phải đánh tới gần một trăm bảy chục lần, bóng mới xuống hết.

Stradlater hầu như bỏ ngoài tai câu chuyện. Nó cứ chải tới chải lui bộ tóc lộng lẫy của mình.

- Phải xuống hỏi han dăm câu chứ nhỉ? - Tôi dò ý nó.

- Thì mày cứ việc, còn chần chừ gì?

- Được, tao đi ngay đây.

Nó lại rẽ lại đường ngôi. Trò đó xưa nay nó vẫn làm cả tiếng đồng hồ.

- Bố mẹ nó bỏ nhau lâu rồi. Về sau, bà ấy lại vớ phải một gã nghiện rượu, - lão gầy như quỷ đói. Chân cẳng thì toàn những lông là lông. Tao còn nhớ lão như in. Tứ thời chỉ diện độc quần đùi. Nó kể, lão là văn sĩ, viết kịch bản, kịch biếc gì đấy, nhưng tao thì tao thấy lão chỉ toàn uống rượu với lại ngồi nghe đọc đủ thứ truyện trinh thám ngu ngốc bên radio. Thỉnh thoảng lão còn ở truồng nồng nỗng chạy lung tung trước mặt cả nhà nó.

- Thật hả? - Stradlater hỏi. Nó hoạt bát hẳn, khi nghe tôi kể về lão dượng ghẻ nghiện ngập của Jane.

- Tuổi nhỏ của nó kinh khủng lắm. Thật đấy.

Nhưng chuyện đó nó lại càng chẳng chút bận tâm, thằng dê già Stradlater. Nó chỉ khoái những chuyện tục tĩu.

- Quỷ thật! Jane Gallagher! - Bao kỷ niệm cứ ập đến với tôi. Không thể nào xua đuổi nổi. - Phải xuống gặp nó một lát mới được.

- Thì xuống đi, ai cấm? Sợ mày chỉ được cái bốc phét là giỏi.

Tôi đến bên một khung cửa sổ. Nhưng chẳng trông thấy gì. - kính cửa mù mịt mồ hôi.

- Tao chưa thấy hứng - tôi bảo. Tự nhiên tôi chẳng còn chút hứng thú gặp nàng. - Tao tưởng nó đã chuyển sang Shipley. Thế là tao cứ đinh ninh nó học bên Shipley. - Tôi đi tới đi lui trong phòng. - Nó thích bóng đá chứ?

- Thích, hình như thế. Tao cũng chả rõ lắm.

- Nó có kể với mày chuyện nó với tao chơi cờ nhảy không? Hay những chuyện đại để thế?

- Tao chả nhớ. Bọn tao mới quen nhau có mấy bữa. Thôi, đừng ám tao! -

Stradlater đã chải xong mái tóc lộng lẫy và đang thu dọn bộ dao cạo.

- Này, chuyển giúp tao lời chào nhé?

- Được, - thằng Stradlater nói, nhưng tôi biết tỏng là nó sẽ cóc làm.

Hạng nó thì có bao giờ thèm chuyển lời chào hộ ai? Nó quay về phòng, còn tôi vẫn quanh quẩn trong buồng rửa mặt, nhớ lại những kỷ niệm cũ về Jane, cô bạn thời xưa, Được một lát, tôi cũng đành quay lại phòng ngủ. Tôi bước vào đúng lúc thằng Stradlater đang đứng trước gương thắt cà vạt. Nó mất đứt cả nửa cuộc đời để soi gương. Tôi gieo người xuống chiếc salon của mình, ngồi ngắm.

- Này - tôi bảo, - có điều đừng nói với nó là tao bị đuổi đấy

- Được, tao sẽ không kể đâu.

Stradlater còn được một cái nết nữa: nó không hay căn vặn những chuyện vặt vãnh như thằng Ackley. Chắc vì mọi thứ nó đều bất cần. Còn thằng Ackley thì khác hẳn. Bạ gì cũng thọc mũi vào tất. Thằng bạn choàng lên người chiếc blouson mượn của tôi.

- Đừng xài ẩu quá, nhớ không? - Tôi nói, - Tao mới xỏ tay có đúng hai lần đấy.

- Đừng lo, tao sẽ nương nhẹ. Thuốc lá, tao vất đâu rồi ấy nhỉ?

- Trên bàn kia kìa!...- Chẳng bao giờ nó nhớ thứ gì vứt ở đâu.- Dưới cái khăn phula của mày ấy. - Nó cho bao thuốc vào túi áo - chiếc áo mượn của tôi.

Thình lình, tôi quay ngược chiếc mũ đỏ lại, đội xuôi chĩa cái lưỡi trai ra đằng trước, bắt đầu thấy bứt rứt vô cớ. Thần kinh tôi, nói chung, chẳng ra gì.

- Này, thế mày định dẫn nó đi đâu tối nay? - Tôi hỏi.- Mày định sẵn cả rồi chứ?

- Tao cũng chưa biết nữa. Nếu có thời giờ, bọn tao sẽ xuống New York một lúc. Nó ngốc quá, chỉ xin phép đi đến chín rưỡi tối. Tôi không thích điều nó vừa thổ lộ, nên cay độc:

- Nó chỉ xin phép đến chín rưỡi, vì nó có ngờ đâu gặp được một gã bảnh bao, trai lơ như mày, chó đẻ như mày. Giá biết trước thế, chắc nó sẽ xin phép đi đến tận chín rưỡi sáng mai là ít

- Đúng! - Stradlater nói. Không gì có thể khiến nó bối rối. Mặt nó trơ quá mặt thớt.- Đừng lảm nhảm nữa đi, - nó nói tiếp, - có làm giúp tao bài luận không, bảo đi! - Nó đã choàng cái áo khoác lên người, tính bước ra ngoài. - Đừng hay quá, miễn cứ lưu loát là ổn, hiểu chứ? Có làm không thì bảo? Tôi nín thinh. Tôi không còn bụng dạ nào để trả lời Stradlater nên chỉ lí nhí:

- Hỏi nó xem hồi này nó có còn cho hậu đứng hàng chót nữa không nhé!

- Được, - Stradlater đáp, nhưng tôi thừa biết nó sẽ không hỏi. - Tạm biệt! -

Nó đập mạnh cửa, rồi chuồn thẳng. Tôi cứ ngồi thừ ra đó nửa tiếng nữa. Chỉ ngồi trong salon, chẳng làm gì. Tâm trí cứ vương vấn mãi về Jane và cuộc hò hẹn giữa nó với thằng Stradlater. Tôi bồn chồn đến mức suýt phát điên. Tôi đã kể rồi đấy - nó là thằng tục tĩu, đốn mạt về khoản gái gủng.

Thình lình thằng Ackley từ nhà tắm mò sang. Lần đầu tiên trong suốt quãng đời trọ học tại đây, tôi mừng rỡ khi thấy nó. Xua đuổi giúp tôi mọi ý nghĩ rối bời trong óc.

Nó ngồi lỳ bên phòng tôi cho đến lúc đi ăn tối, lảm nhảm về những đứa nó ghét, nặn ra cả một đống tướng mụn trứng cá ở dưới cằm mà cóc thèm dùng khăn tay. Tôi chưa thấy nó dùng khăn tay bao giờ, thật đấy.

Loading...

Tiểu thuyết tình yêu là website chia sẻ những thể loại truyện hay nhất hiện nay, được nhiều người đọc yêu thích. Truyện được cập nhập hàng ngày. Hãy lưu địa chỉ web để truy cập nhanh hơn!

Chúc các bạn online vui vẻ !

Laptop Tùng Anh

Tour Phú Quốc

Vinhomes Cầu Rào 2

Trang Chủ