Polly po-cket
Tiểu thuyết tình yêu

Tiểu Thuyết Tình Yêu

Đọc truyện tại Tiểu Thuyết Tình Yêu

Loading...

Tiểu thuyết - Bắt trẻ đồng xanh - trang 2

Chương 5

Thứ bảy nào, bọn tôi cũng được cho ăn cùng một thực đơn hết như ngày vừa đặt chân tới Pencey. Khéo ai cũng tưởng đó là bữa cơm thịnh soạn lắm, bởi có món bíttết.

Tôi dám cuộc một ngàn đôla ăn một: sở dĩ bọn tôi được ăn món đó chẳng qua vì chủ nhật nào cũng có phụ huynh đến thăm trường. Và lão Thurmer chắc cũng nghĩ bụng, thế nào cũng sẽ có một bà mẹ gạn hỏi cậu quý tử tối qua trường cho ăn gì, và thằng con sẽ trả lời chẳng kịp ngẫm nghĩ, bittết. Kỳ tình, đó là một trò bịp, y hệt như mọi trò bịp khác của lão ta. Thì các bạn thử ngắm những miếng bíttết kia xem? Rắn như đế giày, đến mức dao cắt cũng không đứt. Ăn kèm với món bít-tết đó tứ thời là một bát súp thịt nấu nhuyễn với khoai tây cắt quân cờ. Còn đồ tráng miệng dọn ra luôn là bánh Brown Betty, bánh pudding rưới mật. Trừ tụi nhóc mới vào học, với những đứa như thằng Ackley thì bạ gì cũng tọng.

Ăn xong, bọn tôi ra ngoài đi dạo. Tiết trời tuyệt đẹp, trên mặt đất là một lớp tuyết mỏng chừng ba đium. Và tuyết vẫn tiếp tục rơi, như thể đang vui. Đẹp kinh khủng. Bọn tôi bắt đầu vo tròn tuyết lại thành từng nắm nhỏ, rồi ném nhau. Những trò trẻ nít, cố nhiên, nhưng đứa nào cũng thấy thích.

Tôi chẳng biết làm gì nên rủ thằng bạn trong đội đấu kiếm là Mal Brossard đáp xe buýt xuống Agerstown, ăn một đĩa thịt băm viên cho đỡ đói, rồi nếu thích, ghé luôn vào rạp chiếu bóng, xem một cuốn phim ngớ ngẩn gì đó cho đỡ buồn. Hai đứa đều không muốn ru rú suốt cả tối thứ bảy ở nhà. Tôi hỏi Mal - có sao không nếu rủ cả thằng Ackley đi? Tôi định bụng rủ nó, vì nó chẳng bao giờ chịu đi đâu ngay cả tối cuối tuần, - mà cứ ngồi lỳ ở nhà nặn mụn trứng cá. Thằng Mal bảo - chả sao cả, dĩ nhiên - tuy rằng nó chẳng thích lắm vì không ưa thằng Ackley. Thế là hai đứa liền kéo về phòng, thay áo quần, rồi vừa xỏ chân vào ủng đi tuyết, tôi vừa gọi thằng Ackley, hỏi nó có thích xem chiếu bóng thì đi cùng. Tôi biết tiếng tôi vọng qua nhà tắm sang tận bên phòng nó, nhưng nó vẫn chưa vội lên tiếng. Loại người như nó thì chẳng bao giờ chịu đáp ngay những câu người ta hỏi mình. Nhưng cuối cùng, nó cũng ló mặt sang. Nó vén tấm rèm che cửa phòng tắm, rồi vẫn đứng nguyên đó, hỏi có những đứa nào đi cùng? Tứ thời, bao giờ nó cũng phải hỏi rõ, cùng đi có những đứa nào? Nói thật chứ nó mà có bị đắm tàu và được thuyền cấp cứu tới vớt, thì chắc nó cũng phải vặn vẹo chán - đã có những ai ngồi bên trên - rồi mới chịu để người ta vớt lên. Tôi bảo, có thằng Mal Brossard. Nó nói:

- Xì, thứ vứt đi...Nhưng thôi được. Chờ tao một lát.

Nó làm như thể đang ban cho bạn một đặc ân to tát không bằng. Nó sửa soạn chừng năm phút. Trong khi chờ nó, tôi đến bên cửa sổ, mở toang hai cánh, lấy tay vo tròn một nắm tuyết. Tuyết dẻo lạ. Nhưng làm xong, tôi lại chẳng biết vất đi đâu, tuy rằng định vo nó để ném chơi cho khoái. Lúc đầu, tôi định ném xuống chiếc xe đang đỗ phía bên kia đường, nghĩ lại thấy nó sạch bong, trắng toát, nên không nỡ. Tiếp đến, tôi tính vất vào cái ống dẫn nước ở rìa tường, nhưng cái ống dẫn đó cũng sạch sẽ, trắng muốt, y hệt chiếc xe kia. Thế là tôi thôi, chẳng ném cục tuyết nữa. Tôi đóng cửa lại, rồi bắt đầu vê tròn cục tuyết trên tay cho nó rắn thêm chút nữa. Tôi cứ giữ nó trong tay thế cho tới lúc cả bọn lên xe. Người bán vé mở cửa xe, bảo tôi vất nó đi. Tôi bảo không định ném ai, nhưng ông ta không chịu tin. Người lớn họ chẳng bao giờ chịu tin bạn, thật đấy.

Cả Brossard lẫn Ackley đều đã xem cuốn phim ấy, nên chén xong ba đĩa thịt băm viên nóng sốt, bọn tôi đưa nhau vào chơi mấy ván rulét trên máy tự động, rồi quay về. Tôi chẳng tiếc là không được xem phim. Vì chắc đó chỉ là cuốn phim quay lại từ một vở hài kịch vớ vẩn gì đó thôi, do Cary Grant đóng. Vả lại, có lần tôi đã cùng Ackley và Brossard đi xem phim rồi. Hai đứa cứ nhe răng ra cười, ngay cả những đoạn chẳng có gì đáng. Ngồi bên chúng, tôi chán kinh khủng.

Chưa đầy mười lăm phút sau, bọn tôi đã về tới ký túc. Brossard thích đánh bridge, nên chạy đi tìm bạn chơi. Thằng Ackley thì mò sang phòng tôi, cố nhiên. Có điều bây giờ nó không ngồi lên tay vịn chiếc salon của thằng Stradlater, mà nằm sấp trên giường tôi, dụi mặt xuống gối. Vừa nằm xuống, nó đã lên ngay dây cót, cất giọng đều đều tẻ ngắt lải nhải khoe về một con bé mà nó nhăng nhít từ hè năm ngoái, trong khi hai tay vẫn nặn mụn trứng cá liên hồi. Tôi nói xa nói gần đến cả trăm lần với nó, nhưng vẫn chẳng ăn thua. Nó cứ lè nhè suốt về con bé ấy bằng cái giọng tẻ ngắt, mà tôi đã nghe đến cả trăm lượt, mỗi lần nó kể một khác. Lần thì nó quần con bé ấy trong thùng chiếc xe tải nhỏ của ông anh họ. Lần thì kể là dưới gậm cầu thang. Cố nhiên, đều bốc phét tất. Tôi độp thẳng vào mặt nó rằng nó chưa bao giờ động được đến đứa nào. Rồi tôi đành phải nói toẹt vào mặt nó, là muốn làm giúp thằng Stradlater bài luận, để nó cuốn xéo đi cho tôi nhờ, kẻo tôi không thể dồn hết tâm trí lúc đang viết. Rốt cục, nó đành phải chuồn về phòng, dĩ nhiên, phải mất một lúc khá lâu. Khiếp, tôi chưa thấy ai lề mề như nó. Nó vừa đi khỏi là tôi choàng cả véttông lẫn áo ngủ vào cho ấm, chụp chiếc mũ đi săn ngộ nghĩnh lên đầu, và ngồi vào bàn, làm bài luận cho Stradlater.

Khốn nỗi, tôi không tài nào bịa ra được một căn phòng hoặc một nếp nhà, rồi ba hoa đủ thứ như thằng Stradlater dặn. Nói chung, tôi chẳng mấy thích thú với chuyện tả mấy thứ vớ vẩn đó. Vì thế, tôi đành miêu tả lại chiếc găng chơi bóng chày của thằng Allie, em trai tôi. Chiếc găng đẹp kinh khủng. Thằng em tôi vốn thuận tay trái, nên đó là găng bên trái. Nó đẹp vì trên chiếc găng ấy, Allie chép đầy thơ. Cả mặt bên này, lẫn mặt bên kia bằng mực xanh lục. Nó chép thế để ngâm nga những lúc không phải bắt bóng và những lúc chẳng biết làm gì trên bãi. Nó chết lâu rồi, bị bệnh máu trắng hôm 18 tháng Bảy năm 1946, hồi cả nhà còn ở dưới bang Maine. Trông Allie chắc bạn phải mê ngay. Nó kém tôi hai tuổi, nhưng thông minh hơn tôi gấp năm chục lần. Thông minh kinh khủng. Thầy cô nào của Allie cũng viết thư khen mẹ, bảo là được dạy dỗ một học trò như nó thật chẳng gì thích bằng. Họ không nói dối, nghĩ thế nào, viết thế ấy. Nhưng Allie không chỉ thông minh nhất nhà. Nó còn là đứa ngoan nhất nhà, về mọi phương diện. Nó không bao giờ nổi cáu, chẳng bao giờ phát khùng. Tóc nó màu hung. Theo lời thiên hạ, người tóc hung thường cục tính, thế nhưng Allie lại không bao giờ nổi cáu. Tôi kể các bạn nghe xem tóc Allie hung đến mức nào. Tôi bắt đầu học đánh golf lúc lên chín. Một lần, vào mùa xuân, hồi đó tôi mười một, tôi đang mải mê đuổi theo quả bóng nhưng lúc nào cũng có cảm giác ngoái cổ lại là nhìn thấy Allie. Tôi thử ngoảnh lại, quả nhiên thấy nó đang ngồi trên chiếc xe đạp, bên kia là cái bờ rào quanh sân golf, cách tôi một trăm năm chục bước, xem tôi đánh. Đấy, tóc nó hung đến mức ấy đấy! Nó cũng nhộn kinh khủng. Thỉnh thoảng, đang ngồi bên bàn học, nó vụt nảy ra một ý nghĩ gì đó và thế là thình lình phá lên cười, cười lăn cười lóc đến mức suýt ngã xuống đất. Hồi tôi mười ba tuổi, bố mẹ đã tính cho tôi đến khám nhà một ông bác sĩ tâm thần, vì tôi đã đạp vỡ hết sạch sành sanh tất cả cửa kính trong nhà để xe, vào đêm Allie chết. Bằng tay không, cũng chẳng biết làm thế để làm gì. Thậm chí tôi còn muốn đập cả cửa kính chiếc xe tải không mui mà mùa hè năm đó nhà tôi vừa sắm. Nhưng vì tay đã bị mảnh kính cứa đứt mấy chỗ nên tôi không thể đập tiếp. Tôi biết làm thế là ngốc ngếch nhưng tôi hoàn toàn chẳng ý thức được mình đang làm gì. Ngay cả bầy giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn thấy đau tay, nhất là những hôm trời chuyển mưa, đến nỗi không thể co duỗi mấy ngón tay. Nhưng đó là chuyện vớ vẩn. Vì đằng nào thì tôi cũng chẳng định làm bác sĩ phẫu thuật, nghệ sĩ vĩ cầm hoặc nói chung bất cứ một danh nhân nào.

Bài luận tôi làm giúp thằng Stradlater đại để là thế. Về chiếc bao tay của bé Allie đang nằm dưới đáy chiếc vali tôi xách theo. Tôi lôi nó ra, chép lại tất cả những câu thơ ghi trên đó vào bài luận. Tôi chỉ đổi họ của bé đi chút ít, để không ai đoán ra nó là em tôi, thay vì em thằng Stradlater. Tôi không thích thú gì chuyện đổi họ tên nhưng chẳng nghĩ được một cách nào cả. Vả lại, tôi thích tả lại chuyện đó. Tôi ngồi đến cả tiếng đồng hồ bên máy đánh chữ cũ rích của thằng Stradlater, nó cứ nuốt chữ suốt mỗi khi muốn đánh nhanh. Còn chiếc máy của tôi, tôi lại cho một thằng ở đầu hồi đằng kia mượn mất.

Tôi kết thúc bài luận vào lúc gần mười rưỡi nhưng chẳng thấy mệt gì lắm nên đến bên cửa sổ ngắm cảnh vật bên ngoài. Tuyết đã ngừng rơi, xa xa vọng lại tiếng động cơ ọc ạch của một chiếc xe pan. Nghe rõ cả tiếng ngáy của thằng Ackley thổ tả bên phòng nó. Khiếp, cửa phòng tắm đã đóng kín mít thế mà vẫn nghe rõ mồn một những âm thanh khó chịu của nó. Thằng nỡm ấy thôi thì đủ mọi chứng viêm xoang, mụn trứng cá, sâu răng, cả hơi, móng tay sứt sẹo. Đến nỗi tôi phải mủi lòng thương hại nó, cái thằng ngốc khó xơi ấy.

Chương 6

Lắm lúc, bạn không thể nào nhớ nổi tỉ mỉ sự thể đã diễn ra như thế nào. Tôi cố nhớ, nhưng không sao nhớ nổi cái lúc thằng Stradlater quay về sau cuộc hẹn hò. Nghe tiếng chân nó lộp cộp khua ngoài hành lang, chắc lúc đó tôi vẫn đang đứng bên cửa sổ, nhưng không thể nhớ được đích xác, dù có bị xử chém. Tôi hồi hộp kinh khủng, thành thử không thể nhớ nổi những gì xảy ra lúc ấy. Tôi mà đang xúc động thì không phải giả vờ. Thậm chí tôi còn cảm thấy phải vào nhà vệ sinh ngay. Nhưng lúc đó tôi không làm vậy. Hồi hộp quá, nên không thể đi được. Giá biết rõ ruột gan thằng Stradlater, chắc các bạn cũng sẽ xúc động như tôi lúc đó. Tôi đã vài lần đến chỗ hẹn hò với cái thằng đốn đời ấy. Cho nên, những điều tôi nói là những điều tôi biết rõ mười mươi. Nó chẳng có tí lương tâm nào, quỷ ạ. Chẳng một chút nào.

Hành lang chỗ bọn tôi ở chỉ lót vải sơn, nên nghe rất rõ tiếng chân từ lúc cái thằng khốn kiếp ấy xuất hiện ở đầu hành lang dẫn đến phòng tôi. Thậm chí tôi cũng chẳng nhớ mình đang ngồi ở đâu lúc nó bước vào, trên chiếc salon của tôi, bên cửa sổ, hay trên salon của nó. Nói thật đấy, không tài nào nhớ nổi. Vừa bước chân vào, nó đã kêu rét quá. Rồi cất tiếng hỏi:

- Chuồn đâu cả rồi? Sao chẳng thấy ma nào thế này. Nhà mồ chả chắc đã vắng hơn.

Tôi không định lên tiếng. Nó. Cái thằng cà chớn ấy, lẽ nào lại không biết tối thứ bảy, tất cả đều đi chơi hết, đi ngủ sớm, hoặc về thăm nhà. Nói thật, dẫu có bị lột da, chả chắc tôi đã thèm giảng giải cho nó hiểu lý do đó. Nó bắt đầu cởi áo ngoài. Nhưng câm như hến về Jane. Không nói lấy một câu. Tôi mặc kệ chẳng thèm ra miệng. Chỉ giương mắt ngắm nó. Của đáng tội, nó cũng oang oang cảm ơn tôi về chiếc áo blouson. Rồi treo lên mắc, cất vào tủ.

Lúc cởi cà vạt, nó mới lên tiếng hỏi tôi có làm giúp nó bài luận thổ tả ấy không. Tôi bảo: làm rồi, trên giường mày kia kìa. Nó lại ngay giường, rồi vừa đọc, vừa cởi cúc chiếc sơmi đang mặc. Nó đứng đọc, nhưng tay vẫn xoa xoa bộ ngực để trần chắc nịch, mặt nghệt ra. Nó cứ xoa mãi, hết ngực xuống đến bụng, rồi lại lên ngực. Nó tự lấy làm đắc ý lắm. Rồi nó chợt hỏi:

- Quỷ quái gì thế này, Holden? Một chiếc bao tay thổ tả hả?

- Thì đã sao? - Tôi hỏi, giọng lạnh như tiền.

- Thế này mà mày còn bảo là sao nữa, hả? Tao dặn mày tả căn phòng hay ngôi nhà kia mà, đồ ngốc!

- Mày bảo tả gì tuỳ thích, nhớ chưa? Vậy thì tả chiếc găng tay hay cái quái gì mà chẳng được?

- Xì, quỷ bắt mày đi! - Nó cáu, thở hồng hộc như kéo bễ. - Mày toàn làm những cái trò trái khoáy. - Đến đây, nó ngước nhìn tôi. - Thảo nào mà họ đuổi cổ mày, - nó tiếp.- Chưa bao giờ mày làm được một thứ gì tử tế cả. Chưa bao giờ! Mày hiểu chứ?

- Được, được, thế thì trả bài luận lại đây, - tôi nói. rồi tiến lại, giật lấy tờ giấy đó, xé vụn ra từng mảnh.

- Mày làm gì thế? - Nó hỏi. - Sao lại xé đi?

Tôi chẳng thèm trả lời. Vất nắm giấy vào sọt rác, hết chuyện. Rồi tôi lên giường nằm. Cả hai đều nín thinh hồi lâu. Nó cởi áo, chỉ còn một chiếc quần cộc trên người. Tôi vừa nằm, vừa châm một điếu thuốc. Hút trong phòng ngủ vốn bị nghiêm cấm, nhưng khuya khoắt thế này, đứa thì ngủ khoèo, đứa thì đi chơi vắng, nên tôi chẳng có gì phải sợ. Vả lại tôi đang muốn chọc tức thằng khốn kiếp Stradlater. Nó rất hay cáu khi thấy có đứa vi phạm quy chế ký túc. Nó không đời nào dám hút thuốc trong phòng. Còn tôi, vẫn phì phèo điếu thuốc trên môi.

Tôi đã kể, nó không nói lời nào về Jane. Câm như hến. Thế cho nên tôi bèn khai mào:

- Nó chỉ xin phép đến chín rưỡi, sao mãi bây giờ mày mới vác mặt về. Khéo vì mày mà nó bị về trễ chứ chẳng đùa. Tội nghiệp con bé! Lúc tôi nói câu đó, nó đang ngồi bên mép giường cắt móng chân.

- Chỉ chút đỉnh thôi, - nó nói, - ai bảo nó chỉ xin đi đến chín rưỡi, lại vào tối thứ bảy? Trời, lúc đó thật tôi chẳng còn căm ghét ai bằng!

- Mày lôi nó xuống New York đấy à? - Tôi tò mò.

- Mày điên chắc? Chỉ xin phép tới chín rưỡi thì xuống New York thế quái nào được?

- Tiếc nhỉ? - Tôi giả bộ. Nó ngước nhìn tôi.

- Này, muốn hút thì vào nhà xí mà hút, kẻo vì mày mà tao lại bị lôi thôi đấy.

Mày thì cóc cần vì mai mốt đã cuốn gói rồi. Chứ tao còn phải chường mặt ở đây cho đến tận ngày tốt nghiệp.

Tôi bỏ ngoài tai điều nó nói, cứ như thể chẳng hề có nó ở đây. Tôi rít lấy rít để như thiếu thuốc cả tháng nay vậy. Phớt tỉnh. Lát sau tôi còn nghiêng người lại, ngắm nó cắt mấy cái móng chân thổ tả. Xì, học sinh trường này là cái thá gì với tôi! Tứ thời chỉ nặn mụn trứng cá với cắt móng chân chứ làm vương làm tướng gì mà vênh váo!

- Mày nhắn giúp lời hỏi thăm của tao rồi chứ? - Tôi hỏi

- Ừm.

Thằng mặt thớt ấy thì có mà nhắn!

- Thế nó bảo sao? Mày có hỏi nó cái chuyện vẫn còn cho hậu đứng ở hàng chót không?

- Không. Tao chẳng hỏi gì. Mày tưởng tao cũng chơi cờ nhảy với nó như mày hồi trước chắc? Tôi chẳng thèm đáp. Trời, tôi chẳng ghét ai bằng nó lúc này.

- Không mò xuống New York thì từ tối tới giờ mày lôi nó đi đâu? - Tôi hỏi tiếp sau một lúc làm thinh. Tôi phải cố gắng kinh khủng mới khỏi lạc giọng, như đang phải cảm. Ruột gan như lửa đốt, tôi cảm thấy rõ ràng đang có chuyện bất ổn.

Rốt cục nó cũng hoàn thành công việc. Nó đứng dậy, trên người vẫn chỉ trơ khấc có cái quần đùi, rồi thình lình giở trò khỉ trêu tôi. Nó tiến lại phía tôi, cúi xuống, huých khẽ vào tôi. Rõ nỡm!

- Dẹp đi! - Mày lôi nó đi đâu, nếu không mò xuống New York?

- Chẳng đi đâu cả. Tụi tao chui vào xe ngồi, thế thôi! - Nó lại huých tôi, rõ ngốc.

- Dẹp đi! - Tôi bảo - Xe ai, hả?

- Ed Banky.

Ed Banky là giáo viên bóng rổ của bọn tôi. Thằng Stradlater được lão rất cưng chiều. Nó giữ chân trung phong đội, nên lão Ed Banky thường hay cho nó mượn xe. Thường, bọn tôi bị cấm mượn xe các thầy giáo. Nhưng tụi thể thao trời đánh vốn vẫn cùng một giuộc. Ở tất cả các trường tôi học, tụi ấy đều chó đẻ như nhau.

Stradlater vẫn làm ra vẻ như đang đọ găng với cái bóng của mình, huých tới huých lui vai tôi liên tiếp. Tay nó mới rồi còn cầm cái bàn chải, nhưng bây giờ thì đã nhét hẳn vào mồm.

- Thế mày đã giở những trò gì với nó? Quần nhau trong xe lão Banky, đúng không? - Giọng tôi run kinh khủng.

- Chà, chà, sao mày toàn thở cái giọng du côn ra thế? Coi chừng chứ tao lại xát xà phòng vào mõm bây giờ!

- Mày làm thế, đúng không?

- Bí mật nghề nghiệp, cậu em ạ! Đừng gặng hỏi lôi thôi nữa.

Những gì sau đó tôi nhớ lơ mơ lắm. Chỉ biết là tôi chồm dậy, như thể sắp phải đi ngay, rồi thình lình lấy hết sức bình sinh, tống thẳng một quả đấm vào giữa cái bàn chải đánh răng nó ngậm giữa hai môi như để xé nát cái mõm khốn kiếp của thằng chó đẻ. Chỉ có điều tôi tống hụt, nắm đấm chỉ quại vào chính giữa trán. Thế đấy. Chắc nó đau lắm, nhưng quả đấm chưa đúng như tôi ao ước. Chắc cú đấm sẽ trúng đích, nếu tôi kịp đổi tay. Bởi tay phải của tôi không nắm chặt được các ngón. Hẳn các bạn còn nhớ câu chuyện tôi vừa kể - tôi bị mảnh kính cứa nát bên tay phải, hồi em Allie chết.

Nhưng chỉ trong chớp mắt, tôi lại thấy mình đang nằm ngửa dưới sàn, còn thằng Stradlater thì ngồi đè lên trên, mặt mũi đỏ lựng, như con tôm luộc. Các bạn biết đấy, nó đè lên ngực tôi bằng cả hai đầu gối, mà nó thì nặng đến cả tấn, chứ chẳng đùa. Nó còn thít chặt lấy hai tay tôi, để tôi khỏi tiếp tục cho nó ăn thoi. Ước gì tôi giết được nó, thằng đốn mạt.

- Sao, mày điên hả? - Nó lắp bắp, mõm càng lúc càng đỏ, thằng bốc phét

- Tránh ra, đồ ngu! - Tôi suýt nữa hét ầm lên - Tránh ra, đồ lợn, nghe chưa nào? Nhưng nó cứ ngồi trơ như phỗng. Giữ chặt cả hai tay tôi, không chịu thả. Còn tôi, tôi xỉ vả nó là đồ chó đẻ, rồi đủ thứ linh tinh khác nữa. Thậm chí tôi cũng chẳng nhớ mình đã nói những gì. Tôi bảo nó tưởng cứ muốn giở trò dê chó với bất kỳ ai thì giở. Tôi bảo nó cóc cần biết con bé ấy có thích chơi cờ nhảy không, và nói chung, cóc cần biết bất cứ thứ gì, bởi nó ngu xuẩn và mất dạy. Nó căm nhất khi bị mắng là đồ mất dạy. Lũ mất dạy, thằng nào cũng tức khi bị điểm trúng huyệt

- Này, mày có câm ngay không, Holden - Nó hằm hè, cái mặt thớt vẫn đỏ như gấc - Câm ngay, nghe chưa?

- Thậm chí mày cũng cóc thèm biết tên nó là Jeane hay là Jane, đồ mất dạy vô phúc!

- Im ngay, Holden, tao bảo, đồ quỷ tha ma bắt! - Tôi làm nó điên tiết thật sự.

- Mày mà không câm mồm thì đừng trách đấy!

- Bỏ hai cái đầu gối thổ tả của mày xuống, đồ ngốc, đồ bốc phét.

- Mày có câm mõm tao mới bỏ! Câm chưa?

Tôi không trả lời Nó lại hỏi:

- Tao bỏ ra thì mày có chịu câm họng lại không?

- Ừ.

Nó đứng lên. Tôi cũng nhỏm ngay dậy. Ngực tôi đau điếng vì cặp gối chó chết của nó.

- Dẫu sao mày cũng là đứa mất dạy, đồ dốt đặc, quân chó đẻ! - Tôi lại tiếp tục.

Câu đó khiến nó điên tiết thực sự. Nó dí ngón tay chuối mắn trước mũi tôi, doạ dẫm:

- Holden, tao bảo lần chót đấy. Mày mà không câm họng, tao sẽ cho mày một trận.

- Việc gì tao phải câm. - Tôi hỏi, nhưng cứ như thét vào mặt nó.

- Rồi chúng mày sẽ khốn đốn, lũ mất dạy. Chúng mày rồi không còn mở được mồm để nói tiếng người. Phường mất dạy thì đứng cách trăm dặm cũng thấy.

Nó điên tiết thực sự khi nghe câu đó, và tôi lại nằm vật ra giữa sàn. Tôi không nhớ mình có bất tỉnh không, chắc là không. Cho ai đó nốc ao đâu dễ, chẳng phải như phim ảnh. Nhưng máu mũi tôi túa ra như xối. Tôi mở mắt thì thấy thằng nhóc ngốc Stradlater đứng ngay trước mặt. Cầm bình nước rửa trên tay.

Thì tao đã bảo - Nó nói, trông cũng biết đang sợ hết hồn - chắc sợ tôi bị vỡ đầu khi ngã vật xuống sàn. Tiếc là đầu tôi không vỡ quách cho yên chuyện.- tại mày đấy, đồ quỷ! - Nó tiếp. Chà nó sợ tới mức mặt cắt không còn hột máu.

Tôi vẫn không ngồi dậy, cứ nằm ì trên sàn. Tôi căm nó tới mức suýt hét ầm lên chửi nó là đồ ngốc, đồ chó đẻ.

- Thôi, dậy rửa mặt đi! Nghe chưa?

Tôi bảo chính nó mới đáng phải đi rửa cái mặt mẹt của mình. Ăn nói thế, cố nhiên, rất ngốc nghếch, như con nít vẫn chửi nhau. Nhưng tôi tức quá nên cứ bảo nó đi rửa trước đi, rồi tiện đường, vào chim luôn bà Schmith dưới kia. Bà Schmith là vợ ông gác cổng, tuổi đã suýt soát bảy chục.

Tôi cứ ngồi ỳ cho tới lúc thằng Stradlater bỏ đi. Tôi nghe thấy tiếng chân nó lẹp xẹp ngoài dãy hành lang dẫn tới phòng rửa mặt. Mãi lúc đó, tôi mới chịu đứng dậy. Và loanh quanh suốt một hồi, vẫn không sao tìm ra được cái mũ thổ tả lúc chiều. Nhưng rốt cục, vẫn tìm ra. Hoá ra nó lăn xuống gập tít dưới giường kia. Tôi chụp vội nó lên đầu, lưỡi trai xoay ngược, tôi vẫn thích thế, rồi soi gương, ngắm nghía cái mặt ngốc nghếch của chính mình trong ấy. Từ bé, tôi chưa bao giờ thấy máu chảy lắm thế. Mồm miệng bê bết máu, dưới cằm cũng thế, thậm chí cả trên vạt áo vét tông lẫn áo ngủ choàng ngoài. Tôi phát hoảng, nhưng cũng thấy thích thích. Tướng mạo tôi trông kinh thật, như một gã bất trị. Từ bé, tôi chỉ đánh nhau có hai lần, và cả hai lần đều thua. Bẩm sinh, tôi vốn là võ sĩ xoàng. Nói chung, tôi chuộng hoà bình, nếu phải thú thật cùng các bạn.

Tôi có cảm giác thằng Ackley vẫn thức và nghe thấy hết. Tôi lách qua buồng tắm, sang phòng nó, xem nó làm gì. Năm thì mười hoạ tôi mới ghé sang. Phòng nó tứ thời chẳng lúc nào đỡ hôi, bởi nó là đứa chúa ở bẩn.

Chương 7

Nhờ ánh sáng phòng bên le lói lách qua tấm màn, tôi thấy nó đang nằm trên giường. Nhưng tôi thừa biết nãy giờ nó vẫn thức.

- Ackley? - tôi gọi - Mày chưa ngủ hả?

- Chưa.

Tối quá, nên tôi vấp phải chiếc giường một thằng nào đó, suýt ngã lộn cổ. Ackley nhổm dậy tì má lên lòng bàn tay. Mặt nó nhoe nhoét thứ kem trừ mụn trắng nhợt. Trong tối, trông nó như một bóng ma khủng khiếp.

- Mày làm gì đấy? - Tôi hỏi

- Bây giờ mà mày còn hỏi tao làm gì? - Tao muốn ngủ một giấc, nhưng tụi quỷ sứ chúng mày cứ làm ầm ĩ cả lên. Sao mày với nó lại ục nhau thế?

- Công tắc ở đâu nhỉ? - Tôi không tài nào nhìn thấy nên phải sờ soạng khắp tường, chẳng ăn thua gì.

- Mày bật đèn lên làm gì? Nó ở bên cạnh tay mày đấy.

Tôi tìm thấy cái công tắc và bật khẽ. Ackley đưa tay lên che mắt cho khỏi chói.

- Quỷ s-s-sứ! Mày làm sao thế? - Nó thấy tôi máu me đầy người.

- Bị sây sát chút đỉnh với thằng Stradlater, - tôi nói. Rồi ngồi phịch xuống sàn. Phòng nó chẳng bao giờ có ghế. Chẳng biết chúng nó làm gì với cái thứ chuyên dùng để ngồi ấy- Này, mày thích không, ta làm một ván canasta (một thứ bài thịnh hành tại Nam Mỹ) nhé? - Tôi rủ. Nó mê canasta kinh khủng.

- Kìa, máu vẫn đang chảy đấy! Mày tìm cái gì rịt lại ngay đi.

- Rồi nó khắc tự cầm thôi. Thế nào, có chơi không thì bảo?

- Canasta? Mày điên đấy à? Mấy giờ rồi biết không?

- Đã khuya lắm đâu. Chừng mười một giờ, mười một rưỡi chứ mấy!

- Thế mà chưa khuya, hả? Này, nghe tao bảo đây, mai tao phải dậy sớm đi lễ, quỷ ạ. Còn tụi mày, hai thằng quỷ sứ thì cả đêm cứ ầm ĩ suốt. Kể đi, tại sao chúng mày ục nhau?

- Chuyện dài dòng lắm. Nghe tao kể, mày chỉ tổ chán thôi, Acklay ạ. Mày biết đấy, tao lo là lo cho mày! - Tôi chưa bao giờ tâm sự với nó chuyện riêng tư của chính mình. Một là nó còn ngốc hơn cả thằng Stradlater. Thằng kia, nếu đem so với nó, sẽ nghiễm nhiên trở thành một bậc vĩ nhân đích thực. - Này, tôi tiếp - tối nay, tao ngủ tạm trên giường thằng Ely được chứ? Mai nó mới về, mày đừng lo.

- Có quỷ biết bao giờ thì nó về, - thằng Ackley làu bàu Tôi biết chắc tối nay thằng Ely nhất định không về. Thứ bảy nào nó cũng về chơi với bố mẹ.

- Có quỷ mới biết bao giờ thì nó về - Ackley nhắc lại.

Trời, tôi chán nó quá đi mất!

- Sao lại không biết. - Tôi cười - mày lạ gì nó, chưa bao giờ về trường trước 9 giờ tối chủ nhật.

- Dĩ nhiên. Nhưng tao không thể mời mày cứ ngủ tạm giường nó đi! Tao chưa từng thấy ai làm thế bao giờ.

Tôi muốn cho nó một cái tát quá! Tôi giơ tay lên, nhưng vẫn ngồi nguyên chỗ, vỗ vỗ vào vai nó.

- Mày quả là một hoàng tử, Ackley nhóc. Mày biết thế chứ?

- Không. Nói của đáng tội, tao không thể bảo, mời cậu cứ ngủ tạm trên giường người khác.

- Mày đích thực là một vị hoàng tử. Một chính nhân quân tử, một học giả, con ạ! - Tôi nói. Không chừng nó quả là một học giả đích thực, - mày có điếu thuốc nào đấy không? Tao sẽ chết mất nếu mày không còn.

- Tao cóc có. Này, tại sao hai đứa lại đánh nhau vậy?

Nhưng tôi vẫn nín thinh. Tôi chỉ đứng dậy, lại bên cửa sổ, và chợt thấy buồn kinh khủng, chỉ muốn chết cho rảnh, thật đấy.

- Sao chúng mày lại quại nhau vậy? - thằng Ackley thắc mắc, chẳng biết lần thứ bao nhiêu. Ai chứ nó thừa sức móc cả linh hồn bạn ra.

- Vì mày đấy. - tôi đáp.

- Quỷ sứ! Sao lại vì tao?

- Ừ, vì mày, tao bênh mày. Thằng Stradlater bảo mày là đồ đê tiện. Tao không thể cho phép nó lăng loàn như thế. Nó chồm ngay dậy:

- Mẹ kiếp, không thể có chuyện đó. Thật đấy chứ?

Thấy nó sửng sốt thế, tôi phải cắt nghĩa là vừa nói đùa, rồi ngả lưng xuống giường thằng Ely. Trời, tôi buồn thối ruột và cảm thấy chán ngán kinh khủng.

- Phòng chúng mày nặng mùi quá. - tôi bảo - Nằm tại đây tao vẫn ngửi thấy mùi đôi bít tất của mày. Thỉnh thoảng mày có đem giặt nó đi không đấy?

- Không chịu nổi, thì mày cứ việc xéo về! - thằng Ackley nói. Ranh gớm! - này, tắt hộ tao cái đèn đi được rồi đấy!

Nhưng tôi mặc xác nó, chưa tắt vội. Tôi nằm trên giường đứa khác, nghĩ đến Jane và hết thảy những gì vừa xảy ra. Tôi suýt phát điên khi hình dung cảnh Jane và thằng Stradlater trong chiếc xe thổ tả của lão Ed banky mông to. Cứ nghĩ tới chuyện đó là tôi chỉ muốn lao đầu qua cửa sổ cho vỡ sọ quách. Các bạn thì chắc chẳng thấy sao, bởi chưa biết tâm địa thằng Stradlater chứ tôi đi guốc vào trong nó. Bọn ở Pencey, đứa nào cũng khoác lác là đã ngủ với con này con nọ như thằng Ackley chẳng hạn. Nhưng riêng thằng Stradlater thì làm thật, chứ chẳng phải chỉ là múa may ba tấc lưỡi suông. Chính tôi có quen hai con bé đã từng bị nó giở trò dê cụ ra nên quá rõ.

- Ackley nhóc, kể tao nghe lai lịch của mày tí đi. Chuyện đó hấp dẫn đấy - tôi bảo.

- Tắt cái ngọn đèn trời đánh kia đi! Mai tao phải đi lễ sớm, hiểu chứ?

Tôi ngồi dậy, tắt đèn cho nó khỏi làm ầm ĩ, rồi lại ngả lưng xuống giường thằng Ely như trước.

- Sao, mày tính ngủ lại thật đấy hả? - Ackley hỏi. Gớm mến khách hết chê!

- Chả biết nữa. Để xem đã. Nhưng mày đừng lo.

- Nào tao có lo. Có điều tao cóc biết ăn nói thế nào nếu thằng Ely thình lình mò về, lại thấy giường mình có đứa ngủ.

- Yêu trí. Tao chẳng thèm ngủ lại đâu, đừng sợ. Gì chứ tao cóc thèm lạm dụng lòng mến khách của mày đâu, đừng ngại.

Hai phút sau đó, nó đã ngủ khì, ngáy như bò. Tôi nằm trong bóng tối, cố không nghĩ tới hình ảnh Jane với thằng Stradlater, trong chiếc xe của lão Ed Banky trời đánh kia. Nhưng không thể không nghĩ tới. Khốn nỗi là tôi chẳng lạ gì hành tung của thằng bạn cùng phong thổ tả nọ. Càng nghĩ, tôi càng thấy khổ tâm.

Tôi với nó có lần cùng ngồi với bạn gái trong chiếc xe của lão Banky. Thằng Stradlater với con bồ của nó chiếm hàng ghế trước, còn hai đứa tôi, chiếm hàng ghế sau. Ngón nghề của thằng quỷ sống ấy, thôi, thà đừng nói tới! Nó mở màn bằng cách tỉ tê với con bé hết sức thực lòng rằng nó chẳng những là một trang nam nhi tuấn tú mà còn là một người tốt nết, chân tình. Tôi suýt nôn thốc nôn tháo, lúc nghe nó uốn éo ba tấc lưỡi đáng tởm với con bé kia. Còn cô bé thì cứ khẩn khoản luôn mồm: "Đừng, đừng thế... Đừng thế, đi anh. Đừng...". Giọng nó thủ thỉ hệt như giọng tổng thống Lincoln, rất chi là chân thật. Rồi bất thình lình hai đứa im bặt. Một không khí im ắng khó chịu kinh khủng bao trùm khắp xe. Chẳg biết hôm đó nó có làm ăn được gì với con bé kia không. Nhưng mưu đồ của nó thì chẳng che nổi mắt ai hết. Chắc chắn thế nào nó cũng gỡ gạc được chút đỉnh.

Tôi nằm, cố không nghĩ tới cảnh ấy, thì thình lình nghe thấy tiếng chân nó rời khỏi phòng rửa mặt. Tôi nghe rõ cả tiếng nó thu dọn bàn chải, kem đánh răng rồi mở cửa sổ. Nó vốn thích thoáng đãng. Rồi tiếng nó tắt đèn, có vẻ chẳng thèm nhìn trước, nhìn sau, xem tôi có còn trong phòng không.

Tôi ngán ngẩm kinh khủng, ngay cả với bầu không khí trong lành bên ngoài cửa sổ. Vắng ngơ vắng ngắt. Chẳng có lấy một tiếng động nhỏ, ngay cả tiếng xe hơi xa xa. Tôi thấy cô quạnh và ngao ngán tới mức đành phải đánh thức thằng Ackley đang ngáy o o.

- Ê, Ackley! - tôi gọi khẽ cho thằng Stradlater khỏi nghe thấy.

Nhưng thằng kia vẫn ngủ như chết.

- Ê, Ackley!

Nó vẫn chẳng nghe thấy gì. Cứ ngủ khì như súc gỗ. Nhưng cuối cùng nó cũng tỉnh giấc.

- Quỷ sứ ngoạm phải mày, hả? - Nó hỏi - Tao vừa chợp mắt chưa đầy năm phút đồng hồ.

- Này, phải làm thế nào mới vào tu viện được, hả Ackley? - Tôi chợt nảy ra ý định đi tu quách cho rảnh - Có cần phải theo công giáo không ấy nhỉ?

- Sao lại không, đồ quỷ? Chỉ có mỗi thế mà mày cũng dựng tao dậy đấy à?

- Thôi, được rồi, mày ngủ đi. Đằng nào thì tao cũng chẳng đi tu. Dẫu có rủi ro đến mấy, tao cũng chẳng đời nào chui đầu vào tu viện. Khéo trong ấy cũng rặt một lũ mất dạy như ngoài đời. Không chừng còn đốn mạt hơn là đằng khác. Tôi chỉ nói có thế mà thằng Ackley đã chồm dậy như phải bỏng.

- Nghe tao bảo đây - nó nói - muốn xỉ vả gì, mày cứ tha hồ xỉ vả tao. Nhưng hễ động đến đức tin của tao thi liệu hồn đấy.

- Yên trí, chẳng ai thèm động đến đâu, đừng ngại.

Tôi ngồi dậy, nhảy xuống đất, tiến về phía cửa. Tôi chẳng còn muốn ở lại trong cái bầu không khí ngột ngạt này nữa. Nhưng giữa đường, tôi đứng phắt lại, cầm bàn tay thằng Ackley lên, cố ý trịnh trọng bắt tay. Nó giằng vội ra;

- Lại của nợ gì nữa đấy?

- Chẳng có gì đâu, đừng sợ. Tao chỉ muốn cảm ơn mày bởi lẽ mày là một hoàng tử chính tông, thế thôi! - tôi nói giọng rất mực thành thực - Mày là tay cự phách. Mày có biết mày cự phách đến mức nào không, Ackley nhóc?

- Cứ múa mép đi, múa mép nữa đi! Nhưng liệu thần hồn, kẻo có ngày lại bị tao nện cho vỡ sọ đấy. Nhưng tôi chẳng thèm nghe nữa. Tôi dập mạnh cửa, rồi bước ra hành lang. Trừ những đứa về thăm nhà, tất cả đều ngủ say, nên suốt dãy hành lang đều vắng lặng và ảm đạm kinh khủng. Trước cửa phòng thằng Leaby và thằng Hoffman chơ chỏng một cái vỏ ống kem đánh răng Colhynos rỗng. Tôi lấy mũi chân hất nó suốt dọc con đường dẫn xuống cầu thang vì dưới chân tôi chỉ lẹp xẹp có một đôi băng túp lót lông chiên. Lúc đầu, tôi chỉ định bụng, hay là xuống dưới kia xem thằng bạn chí cốt, thằng Mal Brossard đang làm gì. Nhưng thình lình tôi bỗng đổi ý. Và bất thần quyết, phải chuồn khỏi Pencey ngay từ bây giờ. Cóc cần phải đợi đến thứ tư. Cho nó xong đi. Tôi chẳng muốn quanh quẩn ở đây nữa, dù chỉ một phút. Tôi buồn và cô đơn kinh khủng. Tôi cũng quyết định thế này nữa: thuê quách phòng trọ tại một khách sạn quái quỷ nào đó dưới New York, rẻ tiền thôi, dĩ nhiên, rồi cứ ung dung ở đó cho đến thứ tư. Tới hôm đó, tôi sẽ đàng hoàng mò về nhà sau khi đã nghỉ ngơi tử tế và tâm trí đã thanh thản. Tôi đoán, phải tới thứ ba hoặc thứ tư, bố mẹ tôi mới nhận được thư lão Thurmer báo tin tôi bị đuổi. Thành thử tôi không thích mò về trước ngày bố mẹ tiêu hoá hết cái tin trời đánh kia. Tôi không thích chứng kiến cảnh hai cụ đọc bức thư ấy lần đầu, chắc mẹ tôi sẽ tức khắc lên cơn kinh giật. Nhưng nếu để mẹ tiêu hoá xong chút đỉnh, lúc đó sẽ chẳng hề gì. Hơn nữa tôi cũng phải nghỉ ngơi đôi chút. Thần kinh tôi độ này đâm ra bất trị khủng khiếp.

Tóm lại, tôi quyết định sẽ cứ vậy mà làm. Thế là tôi quay về phòng, bật đèn lên, và bắt tay vào thu xếp đồ đạc ngay. Mọi thứ tôi đã gói ghém đâu vào đấy từ lâu. Thế nhưng thằng Stadlater vẫn ngủ lịm. Tôi châm điếu thuốc, mặc vội quần áo, rồi cất hết đồ đạc vào hai chiếc vali khá lớn. Vài phút sau, mọi thứ đã xong xuôi. Tôi làm rất nhanh vì chẳng còn gì nhiều để thu dọn.

Chỉ có một điều khiến tôi hơi buồn chút ít là phải cất lại đôi giày trượt tuyết mới cứng mà mẹ vừa gửi lên chỉ cách đây mấy bữa. Tôi buồn, bởi hình dung ra cảnh mẹ tôi tới cửa hàng bán dụng cụ thể thao, hỏi tới hỏi lui ông chủ hiệu cả triệu câu hỏi chẳng đâu vào đâu mới chọn được đôi giày trượt ưng ý, thế mà giờ tôi lại bị đuổi khỏi trường! Buồn thật chứ chẳng đùa.

Đôi giày mẹ mua, tuy chẳng phải loại tôi mong vì tôi cần giày trượt tốc độ, chứ chẳng phải loại chơi hockey, nhưng dẫu sao tôi cũng thấy buồn kinh khủng. Lần nào cũng thế, hễ nhận được quà là tôi lại đâm buồn bã.

Dọn dẹp xong các thứ, tôi bắt đầu kiểm lại tiền. Tôi chẳng nhớ trong túi còn được bao nhiêu, nhưng đại để cũng chẳng có gì đáng lo. Mới tuần trước, bà tôi vừa gởi cho một tấm ngân phiếu. Tôi may mắn có được một người bà hào phóng, chẳng biết tiếc tiền là gì. Bà tôi, nói của đáng tội, chẳng còn được minh mẫn như ai. Bà đã ngót trăm tuổi nên năm nào cũng đãng trí bốn, năm lần gửi tiền mừng sinh nhật đứa cháu. Nhưng tuy sẵn tiền, tôi vẫn tự dặn mình đừng vung tay quá trán. Tôi chạy lại cuối dãy hành lang, dựng thằng Frederick Woodroff dậy, đòi lại chiếc máy chữ cho nó mua chịu, hỏi xem nó định trả bao nhiêu. Nó là con nhà giàu. Nó bảo: tao không biết. Rồi nói nó có định mua đâu mà hỏi.Nhưng rồi cũng bằng lòng trả tiền. Chiếc máy trên dưới chín chục đôla. Thế mà nó chỉ trả có hai chục, lại còn cáu tôi đã làm nó mất giấc.

Khi đã xong xuôi mọi thứ, tôi liền xách hai chiếc vali với mọi thứ cần mang về. Lúc đến gần đầu cầu thang, tôi dừng lại; ngoái nhìn lần chót dãy hành lang. Tuồng như tôi ứa nước mắt, nức nở khóc. Vì sao, tôi cũng chẳng biết nữa. Nhưng rồi vẫn chụp chiếc mũ đi săn lên đầu, lưỡi trai quay ngược ra sau, rồi lấy hết sức bình sinh gào to:

- Về nhé, lũ mất dạy!

Tôi dám cả quyết đã dựng tất cả lũ quái thai ấy dậy! Rồi ù té chạy xuống cầu thang. Một thằng ăn hại nào đó đã vất bừa mấy cái vỏ hồ đào trên bậc thang, tôi suýt ngã gãy cổ.

Chương 8

Khuya khoắt thế này, đừng hòng gọi nổi taxi, nên tôi đành cuốc bộ. Nhà ga cách đấy cũng gần, nhưng trời lạnh kinh khủng. Đã thế, đường xá lại đầy những tuyết, hai chiếc vali chốc chốc lại đập vào ống chân, điếng người. Nhưng được cái không khí đỡ ngột ngạt hơn. Chỉ khổ một nỗi là mũi và môi trên tôi rát kinh người.

Nó đã bị đạp nát bởi quả thụi của thằng Stradlater chó đẻ. Nó nện thẳng môi tôi vào mấy chiếc răng cửa, nên bây giờ vẫn còn đau. Tuy thế, hai tai vẫn ấm. Bởi chiếc mũ đi săn có dính một cặp tai che khá lớn, và tôi đã hạ cả hai tai xuống. Tôi cóc cần để ý đên diện mạo mình lúc này thế nào. Quanh đâu chẳng còn ai. Thiên hạ đều ngủ khoèo từ chập tối.

Tới ga, tôi lại gặp may phen nữa. Chỉ phải đợi tàu chưa đầy mười phút đồng hồ. Trong lúc đợi, tôi còn kịp bốc tuyết rửa sơ mặt mũi cho dễ coi.

Nói chung, tôi thích đi tàu, nhất là tàu đêm, khi trong toa đèn đuốc sáng trưng, còn bên ngoài thì tối mịt mù. Cà phê, xăng đuých, và tạp chí thì họ mang tới tận nơi, mời mọc. Tôi thường mua loại xăngđuých thịt xông khói và ba bốn tờ tạp chí một lúc. Đi tàu đêm, bạn có thể ngấu nghiến cả những mẩu chuyện ngu xuẩn nhất in trong tạp chí, mà chẳng sợ buồn nôn. Loại ấy, hắn các bạn đều biết. Truyện nào cũng kể về những gã tốt mã tên là David với những ả cũng tốt mã gọi bằng Linda, hoặc Marcia. Đám sắc nước hương trời nọ thì bao giờ cũng chỉ biết làm mỗi một thứ - nhồi thuốc rồi đánh diêm cho mấy gã David ấy phì phèo những chiếc píp ngu ngốc. Đi tàu đem, tôi có thể tiêu hóa cả những thứ thổ tả ấy mà chẳng sợ gì hết. Nhưng đêm hôm đó thì tôi không thể ngốn nổi những thứ này vì chẳng thấy hứng thú chút nào. Tôi chỉ bỏ mũ ra nhét vào túi. Vì chỉ ngồi suông nên chẳng biết làm quái gì cho đỡ cuồng tay.

Bất thần, đến Trenton bỗng có một bà lên tàu, và ngồi xuống bên tôi. Trong toa vắng ngắt (...làm mình nhớ đến Spirtited away...), nhưng chả hiểu sao bà nọ vẫn không thích ngồi một mình, trên những dãy ghế trống thứ hai, thứ ba...Bà ngồi ngay xuống cạnh tôi, vì tôi đang thu mình ở dãy đầu cũng. Rồi đặt bừa cái túi sách đồ sộ ngay giữa lối đi lại, chẳng cần biết ông bán vé hoặc một hành khách nào có thể xéo phải. Chắc bà ta vừa rời một cuộc hiêu đãi hoặc vũ hội nào đó. Tôi thấy trên áo còn cài một nhánh phong lan tuyệt trần. Bà ta chắc đã bốn mươi, bốn lăm, nhưng vẫn đẹp kinh khủng. Tôi vốn dại gái. Thật đấy. Không, đừng nghĩ oan cho tôi, tôi hoàn toàn chẳng phải là thằng ăn chơi, tuy trông bề ngoài thì có vẻ thế thật. Tôi thích phụ nữ đẹp, chỉ có vậy. Chúng tôi ngồi thế một lúc, rồi thình lình bà ta cất tiếng hỏi:

- Xin lỗi, nhưng hình như tấm biển trên vali cậu là huy hiệu Pencey?

Bà ta ngước nhìn mấy chiếc vali tôi gác trên cái giá bằng lưới, gắn gần nóc toa.

- Vâng. - tôi đáp. Bà ta nói đúng, trên một chiếc vali quả còn đính một cái nhãn của trường Pencey. Của nợ, thật khó lòng nói khác được!

- Ồ, ra cầu học Pencey đấy hử? - Bà ta tiếp, giọng êm ái lạ. Nghe hệt như bà đang trò chuyện qua điện thoại với tôi vậy.

- Vâng cháu học ở đấy. - tôi đáp.

- Tuyệt quá! Chắc cậu biết thằng bé nhà tôi nhỉ? Thằng Ernest Morrow nhà tôi cũng đang học trên Pencey.

- Biết ạ. Nó học cùng lớp với cháu.

Con bà là đứa thuộc loại mất dạy nhất ở cái trường Pencey khốn kiếp. Tắm xong, lần nào nó cũng chạy nhông ngoài hành lang, quật khăn ướt vào bất cứ đứa nào tình cờ bắt gặp. Đấy, nó mất dạy thế đấy.

- Trời, tuyệt quá! - bà tiếp có vẻ thật tình nghĩ sao nói vậy, chẳng chút làm bộ làm tịch. Tính bà chắc vốn rất hồ hởi, cởi mở - Thế nào tôi cũng sẽ kể lại với thằng Ernest về cuộc gặp gỡ hôm nay. Cậu tên là gì, cậu bé?

- Rudolf Schmidt, - tôi đáp. Chẳng dại gì mà khai thật lai lịch với bà ấy.

Rudolf Schmidt là tên ông già gác đan của khu nhà tôi.

- Cậu thích Pencey chứ? - Bà hỏi.

- Pencey ấy ạ? Biết nói với bác thế nào? Cũng chẳng đến nỗi. Dẫu sao đấy cũng chẳng phải là thiên đàng, cố nhiên, nhưng chẳng tồi tệ gì hơn các trường khác đâu, bác ạ. Các thầy giáo đều rất tận tâm dạy dỗ.

- Thằng Ernest nhà tôi thì lại mê Pencey kinh người!

- Vâng, cháu biết. - tôi nói. Rồi tôi bắt đầu ba hoa cho bà ta vừa lòng. - Cậu ấy sống rất thoải mái. Cháu muốn nói Ernest rất chan hoà với chúng bạn.

- Thật hả? Cậu nghĩ thế thật chứ? - Bà ta hỏi. Trông cũng biết bà ta háo hức muốn biết ý tôi.

- Về Ernesr ấy ạ? Ồ, dĩ nhiên! - Tôi nói. Nhưng mắt thì nhìn bà ta cởi đôi găng. Khiếp, nhẫn to nhẫn bé, thôi thì vô khối!

- Tôi vừa làm gẫy một cái móng tay trong taxi, - bà ta vừa nói, vừa nhìn tôi, miệng mỉm cười. Một nụ cười đáng yêu quá đi mất. Đáng yêu kinh khủng. Thường, thiên hạ chẳng ai chịu cười, hoặc khi cười trông rất đáng ghét.

- Vợ chồng tôi rất lo cho nó. Lắm lúc, tôi có cảm tưởng nó rất khó hoà hợp với chúng bạn.

- Hiểu theo nghĩa nào hả bác?

- Cậu thấy đấy, nó là thằng bé rất nhạy cảm. Chẳng bao giờ chịu kết bạn thực sự với những đứa cùng trường. Chắc nó coi trọng mọi thứ quá cái mức lứa tuổi nó đòi hỏi.

"Nhạy cảm"! Thật chết cười! Cái nắp đậy hố xí khéo còn nhạy cảm hơn thằng Ernesr thổ tả kia!

Tôi nhìn bà ta. Trông thì bà ta chẳng ngốc chút nào. Thậm chí có thể tưởng bà ta thừa biết thằng con mình là đứa khốn kiếp. Nhưng trong chuyện này hẳn có điều gì bí hiểm, tôi nói về các bà mẹ tôi vẫn gặp. Tất cả các bà mẹ ít nhiều đều hơi điên điên. Dẫu sao, bà mẹ thằng Morrow đê tiện này cũng rất đáng yêu. Bà ta tử tế kinh khủng.

- Bác hút với cháu điếu thuốc nhé? - Tôi ướm hỏi.

Bà ta nhìn quanh tàu một vòng.

- Dường như đây là toa dành cho người không hút thuốc thì phải, cậu Rudolf ạ! - bà nói "Rudolf"! Thế này thì khéo tôi chết mất.

- Chả sao đâu ạ! Ta cứ hút, bao giờ họ kêu thì thôi, ngại gì?

Bà ta nhón lấy điếu thuốc tôi mời, tôi đánh diêm cho bà ta. Cách bà ta hút trông thật đáng yêu. Cũng rất cẩn thận, dĩ nhiên, nhưng chẳng chút thèm thuồng không như các mệnh phụ khác trạc tuôi ấy. Dáng điệu hết sức duyên dáng, quyến rũ. Cũng như nhiều ngừơi đàn bà đẹp khác, nếu tôi nói thực điều mình nghĩ. Bất thần bà ta nhìn tôi chằm chằm, rồi khẽ thốt lên:

- Cậu đang bị chảy máu cam đấy, cậu bé.

Tôi gật đầu, rút khăn tay ra lau.

- Cháu bị mấy thằng bạn ném cho một cục tuyết vào chính giữa mũi - tôi nói một cục tuyết vo viên, bác biết chứ?

Chắc tôi sẽ kể hết với bà ta, nếu như câu chuyện không quá dài dòng bởi thấy rất quý bà. Thậm chí còn ân hận là đã bịa cho mình cái tên Rudolf Schmidt.

- Ernest nhà bác, vâng, - tôi nói rất được chúng bạn ở Pencey quý mến. Bác biết chứ ạ?

- Không, tôi chả hay biết chút gì!

Tôi gật đầu

- Lúc đầu, chúng cháu chưa hiểu ra! Bạn ấy suốt ngày chẳng rời cuốn sách trên tay. Nói của đáng tội, tính bạn ấy cũng hơi lạ, - bác hiểu chứ ạ? Đây, cháu lấy chuyện cháu làm quen với bạn ấy làm ví dụ là bác khắc biết. Hồi mới gặp, cháu thấy bạn ấy hơi lên mặt, ra vẻ ta đây với cháu lắm. Cháu đã nghĩ thế đấy. Nhưng bạn ấy chẳng phải thế, đó chỉ là do bạn ấy rất độc đáo. Nhưng người ngoài thì không dễ gì nhận biết ngay được.

Bà Morrow không nói gì. Nhưng trời ơi, giá lúc đấy các bạn cũng được nhìn thấy nét mặt bà ta! Bà ta sững sờ, ngồi bất động. Bà mẹ nào cũng thế hết, chỉ cần một lời khen con trai họ là xuất chúng. Đến đấy thì tôi chẳng còn e dè gì.

- bạn ấy có kể với bác chuyện bầu bán ở lớp không ạ? - tôi hỏi - bầu lớp trưởng lớp chúng cháu ấy mà?

Bà ta lắc đầu máy cái liền. Chà, đúng là tôi đã thôi miên được bà Morrow tội nghiệp.

- Bác biết đấy, nhiều đứa muốn bầu Ernest nhà bác làm đội trưởng. Đúng, cả lớp đều tán thành đề cử bạn ấy. Bác biết đấy, làm gì còn đứa nào cáng đáng nổi phận sự đó, hơn Ernest? - Tôi nói. Ối giời, nói dóc vô tội vạ! - Nhưng rồi bọn cháu đã bầu đứa khác, thằng Harry Fencer, bác chắc cũng biết cậu ta? Bọn cháu làm vậy chẳng qua chỉ vì Ernest nhà bác không chịu để bọn cháu đề cử. Mà chung quy chỉ vì bạn ấy quá khiêm tốn, quá cả thẹn, nên đã khước từ... Bác nên bảo bạn ấy bỏ cái tật đó, thật đấy! - tôi nhìn bà ta - chẳng lẽ bạn ấy lại chẳng hề kể gì với bác chuyện đó?

- Vâng, chẳng hề.

Tôi gật

- Tính bạn ấy vốn thế đấy. Phải, thiếu sót chính của bạn ấy là khiêm tốn quá, rụt rè quá. Bác phải bảo bạn ấy.

Đúng lúc ấy, người soát vé bước vào kiểm tra vé bà Morrow nên tôi đành nín thinh. Tôi khoái chí vì nãy giờ đã thao túng được bà ta. Những đứa như thằng Morrow vốn chỉ chuyên quật khăn ướt vào mặt chúng bạn và thậm chí còn cố quật thật đau, thì không chỉ đốn mạt lúc bé dại, mà còn đốn mạt cho tới lúc về già, dĩ nhiên. Nhưng tôi thầm đánh cuộc với mình là sau lúc nghe tôi ba hoa xong, bà Morrow sẽ đinh ninh con mình là đứa hết sức khiêm tốn, rụt rè đến mức không chịu cho chúng tôi đề cử làm lớp trưởng. Rất có thể sẽ như thế lắm. Ai biết được họ? Về khoản này, các bà mẹ thường chẳng khôn ngoan mấy.

- Bác ghé xuống toa giải khát, uống với cháu một ly cốc tai nhé! - Tôi mời, bởi cũng đang khát khô cả cổ. Đằng toa bán hàng kia thôi. Bác vui lòng chứ?

- Nhưng, cậu bé dễ thương ơi, chắc gì họ đã cho phép cậu gọi cốc tai? - bà ta cất tiếng hỏi. Không hề cao giọng. Bà ta tử tế đến mức không thể tự cho phép mình làm thế.

- Nói chung chẳng ai cho phép thế thật. Nhưng dẫu sao họ vẫn sẽ mang lên vì cháu cao lớn thế này kia mà! Với lại tóc cháu đã hoa râm già nửa, - tôi nghiêng đầu lại, chìa cho bà ta xem cái phần tóc lốm đốm bạc. Bà ta sững người, - vì lẽ gì mà bác cháu ta lại không uống với nhau một ly nhỉ? - tôi nói. Tôi thích được nhấm nháp tí gì cùng bà ta quá đi mất.

- Thôi, có lẽ chả nên đâu, cậu bé ạ. Cảm ơn cậu, nhưng đừng uống thì hơn.

Vả lại, giờ này toa bán hàng chắc đã đóng cửa rồi. Khuya lắm còn gì, chắc cậu biết? Bà ta nói đúng. Tôi quen khuấy mất bây giờ đã mấy giờ. Bỗng bà ta ngước nhìn tôi, rồi hỏi chính cái điều đang khiến tôi sợ nhất.

- Ernest có viết thư về cho tôi, bảo đến thứ tư mới về, vì mãi tối hôm đó, kỳ nghỉ Giáng sinh mới bắt đầu. Còn cậu, tôi hy vọng cậu không phải là người nhà đau ốm mà về sớm đấy chứ? Trông cũng biết bà ta thực tình lo lắng.

- Không ạ, ở nhà bố mẹ cháu vẫn bình yên, cháu về thế này chẳng qua vì chính bản thân mình. Cháu sắp phải lên bàn mổ.

- Rõ khổ! - Tôi thấy bà ta thực sự ái ngại và thực lòng lấy làm tiếc là đã ăn nói nhăng nhít. Nhưng hối hận thì đã muộn.

- Nhưng chẳng có gì trầm trọng lắm đâu ạ. Cháu chỉ bị một khối u bé tí trong sọ não ấy mà.

- Không thể thế được! - Bà ta hoảng hốt đưa tay lên che miệng.

- Ồ, một khối u xoàng thôi! Ngay dưới da đầu. Với lại nhỏ lắm, chả chắc đã lớn hơn một hạt đậu lép. Mất vài phút là gắp được ngay.

Rồi tôi lôi trong túi bảng thời khoá biểu ra, đọc rõ to lên để chấm dứt cái trò phét lác kia. Hễ đã mở miệng nói láo là tôi sa đà hàng giờ, không sao câm miệng được nữa. Hàng tiếng liền, thật đấy!

Tôi với bà ta từ đó chẳng còn chuyện trò gì. Bà ta đọc tờ Vogue; còn tôi nhìn ra cửa sổ, ngắm cảnh vật. Đến Neweik, bà ta xuống tàu. Lúc chia tay, bà ta chúc tôi gặp nhiều may mắn trong ca mổ nay mai, cùng trăm thứ linh tinh. Và vẫn gọi tôi là Rudolf như trước. Cuối cùng, bà mời tôi hè này nhớ xuống chơi với Ernest dưới Massachusetts, làng Glaucester, bảo là nhà mình nằm ngay trên bãi biển, cạnh nhà còn có cả sân quần vợt. Nhưng tôi chỉ cảm ơn, bảo là phải sang Nam Mỹ với bà tôi ít lâu. Tôi nói dối đấy, chứ nà tôi đén nửa bước cũng chẳng rời khỏi nhà, trừ những hôm phải đi lễ sáng. Nhưng dù gì chăng nữa, tôi cũng chẳng đợi nào chịu thí một xu nhỏ, dẫu trong tay đang có bạc triệu, để xuống Massachusetts với cái thằng Ernest đốn mạt nọ.

Đến ga Pensylvannia, tôi xuống tàu, ghé ngay vào cái chòi điện thoại công cộng đầu tiên bắt gặp. Tôi muốn gọi điện quá, cho ai cũng được. Tôi đặt hai chiếc vali xuống bên chân để dễ trông chừng. Nhưng đến lúc nhấc máy lên mới hiểu ra chẳng biết gọi cho ai. D.B thì ở tận Hollywood xa lắc xa lơ. Còn Phoebe, em gái tôi thì mới chín giờ đã phải lên giường, gọi cho nó cũng vô ích. Nó sẽ chẳng giận, nếu có bị tôi dựng dậy. Nhưng ác cái là nó không thể đến bên máy nên người nhấc ống nghe sẽ là bố hoặc mẹ tôi. Tóm lại là chẳng còn biết gọi cho ai. Tôi cũng đã tính quay số cho mẹ Jane Gallagher, hỏi xem hôm nào thì cô về, nhưng rồi đâm chán chẳng buồn gọi nữa. Vả lại, bây giờ mà gọi xuống dưới đó thì khuya quá. Hay là gọi cho cô bé thỉnh thoảng tôi vẫn gặp - Sally Hayes. Tôi biết nó đã về nghỉ Giáng Sinh, vì nó có gửi cho tôi một lá thư ngớ ngẩn, dài kinh người, mời tôi tới chơi, nhân thể giúp nó trang hoàng cây thông mừng lễ. Nhưng tôi lại sợ mẹ của Sally, chứ không phải nó nhấc ống nghe.. Bà ta với mẹ tôi là chỗ quen biết, nên tôi hình dung rất dễ dàng cảnh bà ta vội vàng vồ lấy máy, gọi cho mẹ tôi, báp tin tôi hiện đang ở New York. Ngoài ra, tôi cũng chẳng thích thú gì cái khoản trò chuyện qua dây nói cùng bà khi bà ta đã có lần bảo với Sally rằng tôi là đứa bất trị. Một là bất trị, hai là sống không mục đích rõ ràng. Kế đó, tôi nghĩ tới một thằng bạn, trước cùng học trên trường Whooton, thằng Carl Luwc, nhưng nó chẳng phải là đứa tôi quý mến lắm. Rốt cục, tôi chẳng gọi cho ai. Chừng hai mươi phút sau, tôi rời chòi điện thoại công cộng, băng xuống một dải đường ngầm, đến bến taxi.

Tôi đãng trí đến mức cứ quen mồm cho ông lái xe địa chỉ nhà tôi mà quên biến mất cái dự định sẽ lưu lại khách sạn vài bữa nữa, rồi mới mò về nhà vào đầu dịp nghỉ Giáng Sinh. Tôi chợt nhớ ra điều đó khi xe đã chạy gần hết công viên rồi. Tôi liền bảo ông tài xế:

- Bác làm ơn quay xe lại giúp, nếu được. Vì cháu cho nhầm địa chỉ đấy ạ. Bây giờ, cháu phải về lại khu trung tâm. Nhưng ông tài xế khá tinh ma.

- Chịu thôi, Mark ạ, vì đây là đường một chiều. Muốn quay lại phải chạy đến cuối đường Chín Mươi đã. Tôi chẳng buồn cãi.

- Thôi, cũng được, - tôi nói. Rồi vụt nhớ, - bác có còn thấy lũ vịt dưới hồ cạnh của Nam công viên Trung tâm không? Chắc bác biết lũ vịt ấy trốn đi đâu khi mặt hồ đóng băng chứ? Tôi thừa biết, đó chẳng qua chỉ là chuyện hoàn toàn ngẫu nhiên. Nhưng ông tài ngoảnh lại nhìn tôi với anh mắt như thể tôi hơi "mát dây" rồi nói:

- Này, cậu em, cậu giễu tôi đấy hả?

- Không ạ, cháu thực tình muốn biết.

Ông ta chẳng nói gì thêm. Cả tôi cũng vậy. Lúc rời khỏi công viên tại cuối đường Chín Mươi, ông ta ngoảnh lại hỏi:

- Này, bây giờ thì đi ngả nào đây, cậu cả?

- Bác biết đấy, tôi không muốn tới khách sạn trên đường East Side vì sợ chạm trán với người quen. Tôi muốn đi vi hành một chuyến. Tôi chúa ghét những kiểu nói nhàm chán, như "vi hành ẩn danh".. Nhưng với những người ngốc nghếch như gã tài xế này, thì chẳng còn biết nói năng ra sao, - Chắc bác biết dàn nhạc nào đang diễn đằng Talf hay New York chứ ạ?

- Khoản ấy tôi mù tịt, cậu Mark ạ

- Thôi được. Đã thế bác cứ cho tôi đến Edmont đi, - tôi nói, - Bác không từ chối chứ, nếu ta dừng lại dọc đường, nhấp một ly cốc tai cho ấm bụng? Tôi xin thết bác. Tôi đang còn khối tiền trong túi. Đúng là một ông bạn đường hết ý. Một nhân cách tuyệt trần. Tôi xuống xe trước Edmont, và thuê ngay một phòng riêng. Ngồi trong taxi, tôi vẫn đội cái mũ săn đỏ chói, cho lạ mắt chơi. Nhưng đến lúc đặt chân vào tiền sảnh, tôi phải vội bỏ ngay ra để thiên hạ khỏi tưởng tôi là đứa mất trí. Kể cũng nực cười bởi hồi ấy, tôi chưa biết, chứ trong cái khách sạn đốn mạt này vốn đầy rẫy một lũ điên loạn. Một nhà thương điên trá hình.

Chương 9

Căn phòng họ cho tôi thuê chán kinh người, chỉ nhìn cũng đủ thấy chán nản. Từ cửa sổ nhìn ra bạn chẳng thể thấy gì, ngoài mặt hậu của khách sạn. Nhưng tôi thây kệ. Khi tâm trạng đã chán ngán, thì cảnh vật bên ngoài thế nào đâu có nghĩa lý gì. Dẫn tôi lên phòng là một ông già khú đế, tuổi khéo không dưới bảy mươi. Nhìn ông lão, tôi còn chán hơn là nhìn căn phòng sắp trọ. Lắm người hói đầu cứ chải lật tóc sang bên, để che bớt chỗ hói đi. Tôi thì thà chịu hói chứ chẳng đời nào chịu làm như thế. Còn công việc người ta giao cho ông lại càng chán, xách vali cho khách và chờ nhận tiền puốc boa. Chắc ông ta chẳng còn biết làm gì khác nhưng dẫu sao tôi cũng thấy chán kinh khủng.

Ông ta đi rồi, tôi bèn đến bên cửa sổ nhìn tứ phía, trên người vẫn tùm hụp chiếc măngtô. Cũng chẳng còn biết làm gì khác hơn bởi các bạn thậm chí không thể nào hình dung nổi người ta làm gì trong toà nhà đối diện. Thậm chí họ cũng chẳng thèm cất công buông rèm xuống nữa. Tôi nhìn thấy một gã đàn ông, tóc hoa râm, trông cũng tử tế như ai, nhưng chỉ diện độc quần đùi, và đang làm cái trò mà nếu kể lại, chắc chẳng ai tin nổi. Mới đầu, lão đặt vali xuống giường. Tiếp đến, lão lôi áo xống đàn bà trong ấy ra, rồi lần lượt diện hết lên người. Bít tất lụa, giầy cao gót, rồi yếm bó, rồi nịt vú, với dây treo bằng thun như phụ nữ vậy. Xong đâu đấy, lão bèn diện thêm chiếc áo dài thâm chật bó ra ngoài, thứ áo vẫn mặc buổi tối ấy, trời ạ! Đoạn, lão bắt đầu đi đi lại lại trong phòng, bằng những bước ngắn, hệt như phụ nữ, rồi vừa hút thuốc, vừa soi gương, ngắm vuốt hồi lâu. Trong phòng lão chẳng còn ai khác, trừ phi trong buồng tắm vẫn còn ai đó nữa, mà tôi chưa trông thấy mặt, từ lúc đứng ngắm. Còn ở khung cửa sổ ngay trên đầu lão, tôi thấy một người đàn ông với một người đàn bà đang phun nước vào nhau. Chắc đó chẳng phải nước, mà là rượu côctai, có điều tôi không trông thấy tay họ cầm cốc. Lúc đầu, gã đàn ông ngậm đầy một mồm nước, rồi phun vào ả đàn bà! Kế đến, ả nọ phun trả lão ta. Họ cứ lần lượt thay phiên nhau, trời ạ! Chà, giá các bạn được chứng kiến nhỉ? Cả hai cứ cười như nắc nẻ, làm như thể chưa từng thấy trò gì nực cười hơn. Rặt một lũ dở người, trong khách sạn! Tôi chắc mình là khách trọ độc nhất bình thường. Suýt nữa tôi đã đánh điện cho thằng Stradlater dặn nó đến ngay bằng chuyến xe lửa đầu tiên bắt gặp. Bởi lẽ dầu sao nó vẫn là vua của cái xứ này, cái khách sạn thổ tả.

Khốn nỗi ai cũng phải dán mắt vào những cảnh ấy, cho dù chẳng muốn nhìn. Hơn nữa, cái ả bị gã kia phun nước đầy mặt lại là một cô rất xinh. Khốn khổ cho tôi chính là ở chỗ đó. Trong thâm tâm, tôi chắc mình là đứa trác táng kinh khủng. Lắm lúc, tôi tự thấy mình là kẻ cực kỳ đốn mạt, và chắc tôi cũng thừa sức làm như thế, nếu có dịp. Thậm chí, tôi bỗng có cảm giác có lẽ làm thế rất khoái, tuy có hơi đốn mạt chút đỉnh. Chẳng hạn, thậm chí tôi còn nghĩ rằng có lẽ tôi cũng sẽ làm cái trò ấy, nếu cả hai đều say, với cô gái tôi dắt theo. Nếu ngẫm nghĩ kỹ, đấy quả là trò đốn mạt. Theo tôi, nếu bạn đã thích một cô gái nào đó, thì không nên chòng ghẹo cô ta. Còn nếu đã thích cô ta, thì bạn không nên làm cho nó xấu xí, và nhổ vào gương mặt đó bất cứ thứ gì mà bạn ngậm trong mồm. Khốn nỗi, những trò ngu ngốc lắm khi lại khiến bạn thấy thích thú. Mà lắm đứa con gái cũng chẳng hơn gì, - chúng sẽ điên tiết, khi bạn cố tự ngăn mình giở những trò ngu ngốc kia ra vì sợ sẽ huỷ hoại mất một cái gì thực sự tốt dẹp. Tôi có một con bạn cũ, tôi quen nó cách đây hai năm. Nó còn tệ hơn cả tôi. Khiếp, đúng là thứ rác rưởi. Nên thỉnh thoảng bọn tôi, cũng hay làm những trò vớ vẩn. Nói chung, tôi chẳng sành sỏi mấy về cái món tình dục và không bao giờ lường hết nó sẽ dẫn đến những gì. Chính tôi, tôi cũng đã tự đặt cho mình những qui tắc xử thế rất khôn ngoan, nhưng rồi tôi đã vi phạm chúng ngay. Năm ngoái, tôi tự đặt cho mình một cái lệ là không dan díu với những con bé khiến mình buồn nôn mỗi khi gần gũi chúng. Nhưng rồi chính lại tự vi phạm ngay cái lệ đó đúng vào cái tuần, thậm chí vào cái hôm mình vừa tự đề ra. Thật đấy, suốt tối, tôi đã ôm hôn một con bé đỏng đảnh kinh khủng, tên nó là Anne Louise Sherman. Ồ, không, tôi chẳng hiểu quái gì về tình dục.

Tôi đứng bên cửa sổ, ngẫm nghĩ cách làm thế nào để gọi điện cho Jane. Hay cứ gọi thẳng về trường, bằng điện thoại liên tỉnh, thay vì gọi cho bà mẹ, để hỏi Jane bao giờ thì về nhà? Dĩ nhiên, nữ sinh thường vẫn bị cấm gọi điện vào giữa đêm hôm khuya khoắt, nhưng tôi vẫn không sao xua đuổi được ý nghĩ đó. Tôi sẽ bảo họ rằng bà cô Jane vừa bị xe cán chết, nên tôi phải nói chuyện với Jane gấp. Chắc họ sẽ đánh thức ngay cô ấy. Nhưng tôi vẫn không gọi cho Jane, bởi chẳng thấy thích. Mà khi đã chẳng thích, thì đừng hòng làm nổi trò trống gì.

Rồi tôi quay vào, gieo người xuống xalông và hút hai điếu thuốc liền. Tôi cảm thấy mình đáng ghét, tôi biết lắm. Bất thần tôi nghĩ được một cách. Tôi móc ngay ví, lục tìm địa chỉ một thằng bạn cũ, hiện đang học dưới Princeton mà tôi quen trong một buổi dạ hội vào dịp hè vừa qua. Rốt cục, cũng moi được mẩu giấy nó trao cho dạo đó, nát dưới đáy ví, nhưng dẫu sao vẫn còn đọc được. Đó là địa chỉ một cô ả không hẳn là gái làm tiền, nhưng thỉnh thoảng vẫn đi ăn mảnh, như lời thằng bạn dưới Princeton bảo tôi. Một lần, nó đã dắt ả đến trường khiêu vũ và suýt nữa thì bị đuổi vì chuyện đó, ả hiện đang làm gái nhảy tại một tửu điếm kiêm phòng gửi áo ngoài hoặc một cái gì đại để thế. Tóm lại, tôi nhấc máy, gọi ả, Faith Cavendish, trọ tại khách sạn Stanford, trên góc đường Sáu Sáu và đại lộ Broadway. Chắc đó cũng là một khách sạn tồi tệ, chẳng khác gì nơi tôi đang trọ.

Lúc đầu, tôi đinh ninh ả không có nhà, vì chẳng thấy ai trả lời. Nhưng sau rồi ả cũng nhấc máy lên:

- Allo! - Tôi lên tiếng, lấy giọng thật trầm để ả khỏi ngờ tôi là thằng nhóc.

Nhưng nói chung giọng tôi khá trầm, chẳng cần phải giả điếc gì lôi thôi.

- Allo! - Một giọng phụ nữ chẳng lấy gì làm niềm nở đáp lời.

- Cô Faith Cavendish đấy à?

- Đúng. Ai thế? - Ả hỏi - Ai mà lại dựng người ta dậy vào lúc nửa đêm thế này, hở trời? Tôi hơi hoảng.

- Vâng, tôi biết, giờ này đã khuya. - Tôi lên giọng người lớn. - Hy vọng cô sẽ thứ lỗi cho, nhưng tôi có câu chuyện muốn nói với cô! - Tôi nói rất màu mè.

- Nhưng anh là ai mới được chứ? - Ả hỏi.

- Cô không quen tôi lắm, nhưng tôi là bạn của Eddi Birdsell. Cậu ấy bảo nếu có dịp về thành phố, thì nên gặp cô và ta cùng nhấm nháp với nhau vài ly cốc tai cho vui.

- Ai bảo? Anh là bạn của ai, hở? - Một con hổ cái, trời ạ! Ả quát tôi thiếu đường muốn vỡ cái ống máy tôi đang cầm.

- Của Edmund Birdsell, của Eddie, - tôi nhắc lại, không nhớ đích xác là Edmund hay Edward. Tôi chỉ gặp cậu ấy đúng một lần, tại một cuộc dạ hội ngu ngốc năm ngoái.

- Tôi không quen biết người có cái tên đó. Và nếu anh tưởng tôi thích bị dựng dậy giữa đêm khuya...

- Eddi Birdsell, ở trường Princeton. Cô nhớ chứ? - Tôi cố gỡ gạc chút đỉnh.

Chỉ nghe ả nhắc lại họ tên kẻ tôi vừa dựng lên.

- Birdsell... Birdsell... trường Princeton à?

- Đúng, đúng! - Tôi cuống lên.

- Thế anh cũng học dưới đó?

- Đại để thế.

- À, Eddie thế nào? - Ả hỏi. - Dẫu sao cũng rất quái đản vì nhè giờ này mà gọi điện!

- Cậu ấy vẫn khoẻ. Có nhờ tôi chuyển đến cô lời hỏi thăm.

- Cảm ơn, nhắn giúp anh ấy tôi gởi lời thăm, nhé. - Ả tiếp - Anh ấy rất tuyệt.

Thế hiện anh ấy đang làm gì? - Ả ăn nói càng lúc càng thêm thân mật, quỉ bắt ả đi cho rảnh!

- Ồ, vẫn thế, cô biết cả đấy, - tôi đáp. Tôi làm sao biết hắn đang làm gì dưới đó? Tôi quen hắn rất lơ mơ. - Này, tôi tiếp, - ta gặp nhau, uống với nhau ly cốc tai được chứ, cô Faith quí mến?

- Anh biết mấy giờ rồi không? - Ả nói. - Xin lỗi anh tên là gì ấy nhỉ? - Ả bất thần chuyển sang dùng một thứ tiếng Anh ngọng nghịu kinh khủng - Giọng anh sao có vẻ rất con nít.

- Cảm ơn lời khen tuyệt vời của cô! - Tôi lại lấy giọng hết sức quí phái. - Tên tôi là Holden Caulfield - Đáng lẽ phải bịa một cái tên khác, nhưng tôi không tài nào nghĩ ra được một cái tên nào khả dĩ hơn.

- Ông biết đấy, ông Cawffle, tôi không quen hẹn hò giữa lúc nửa đêm. Ngày mai tôi phải đi làm.

- Mai là chủ nhật. - tôi nói.

- Dẫu sao tôi cũng phải ngủ thật đẫy giấc. Ông hiểu đấy.

- Chà, thế mà tôi cứ đinh ninh ta có thể uống với nhau một ly côctai! Bây giờ thì đã muộn gì.

- Ông rất khả ái, thật đấy, - ả nói. - Ông đang gọi từ đâu và hiện trọ ở đâu thế?

- Tôi ấy à? Từ một trạm điện thoại tự động.

- À, ra thế, - ả nói, rồi nín thinh một lúc mới tiếp. - Ông biết đấy, tôi rất sung sướng được gặp ông, ông Cawffle. Nghe giọng ông, tôi nghĩ ông rất dễ thương. Nhưng bây giờ dẫu sao cũng khuya quá rồi.

- Tôi sẽ tự đến, cô đừng ngại.

- Ồ, giá lúc khác, tôi sẽ reo lên - tuyệt vời! Nhưng cô bạn cùng phòng vừa mới ốm. Cô ấy suốt từ tối giờ cứ vật vã suốt, chưa được chợp mắt chút nào. Mãi lúc này mới ngủ được một lát. Ông thông cảm nhé, ông Cawffle.

- Vâng, gay thật.

- Ông đang trọ ở đâu? Có lẽ mai ta hẵng gặp nhau thì hơn.

- Không, mai thì tôi bận mất rồi. Tôi chỉ được rảnh từ giờ tới sáng.

Ngốc quá đi mất! Ai lại đi ăn nói thế bao giờ.

- Ồ, rất tiếc!

- Tôi sẽ chuyển lời hỏi thăm của cô cho Eddie.

- Thật chứ? Ông chuyển giúp nhé! Hy vọng ông sẽ vui vẻ trong dịp lên New York lần này. Một thành phố tuyệt vời.

- Tôi biết. Cảm ơn. Chào cô, - tôi nói, rồi dập ống nghe.

Ngốc quá, tự mình làm hỏng hết mọi chuyện. Phải chi cứ hẹn mai gặp, thết ả một cốc rượu, thế có phải hơn không nào?

Loading...

Tiểu thuyết tình yêu là website chia sẻ những thể loại truyện hay nhất hiện nay, được nhiều người đọc yêu thích. Truyện được cập nhập hàng ngày. Hãy lưu địa chỉ web để truy cập nhanh hơn!

Chúc các bạn online vui vẻ !

Laptop Tùng Anh

Tour Phú Quốc

Vinhomes Cầu Rào 2

Trang Chủ