The Soda Pop
Tiểu thuyết tình yêu

Tiểu Thuyết Tình Yêu

Đọc truyện tại Tiểu Thuyết Tình Yêu

Loading...

Tiểu thuyết - Chỉ gọi tên em - Trang 6

Full | Lùi trang 5 | Tiếp trang 7

Chương 11

Công ty có một nhà máy ở Tô Châu, lần này tôi cùng vài kỹ sư nữa đến đó làm việc.

Chủ yếu là về công tác chuyển giao kỹ thuật.

Tôi xuống máy bay ở Thượng Hải, phía Tô Châu cử đến hai chiếc xe, đón chúng tôi về Tô Châu.

Bên nhà máy có khu tập thể, trong ba tháng tới chúng tôi sẽ ở đây.

Đám kỹ sư Đài Loan chúng tôi tuy được gọi đùa là cán bộ Đài Loan, nhưng mọi người đều gọi chúng tôi là “thầy”.

Tôi biết trong cách nói ở Đại lục, gọi người khác là thầy biểu hiện một sự kính trọng.

Nhưng dù gì cả đời này cũng chưa từng được ai gọi là thầy, nên nghe vậy vẫn thấy không tự nhiên.

Dỡ hành lý qua loa, thả lỏng chân tay xong, tôi lập tức cầm lấy điện thoại di động.

Tôi đã ở Tô Châu rồi, lý do này đủ để tôi gọi điện thoại cho Noãn Noãn.

“Xin hỏi cô có quen người đẹp số 1 Bắc Kinh, Tần Noãn Noãn không?” điện thoại vừa thông, tôi nói.

“Dạ?” Đầu dây bên kia dường như giật thót mình. “Tôi chính là Tần Noãn Noãn đây. Xin hỏi ai đấy ạ?”

Tôi nhận ra rồi, là tiếng Noãn Noãn, không sai đi đâu được.

“Giọng cô hay như vậy, lại là người đẹp số 1 Bắc Kinh, trên đời này còn vương pháp nữa không đây?” tôi nói.

“Lương Lương?” Tiếng Noãn Noãn có chút ngập ngừng.

“Xin gọi tôi là thầy Lương Lương” tôi nói.

“Lương Lương!” Noãn Noãn rất phấn khích. “Đúng là anh rồi!”

Tôi cũng rất vui.

Thật chưa từng nghĩ tới chỉ đơn giản ấn vài phím số mà có thể có một niềm vui lớn ngần này.

Noãn Noãn nói tối qua nhận được e-mail của tôi, vốn định gọi điện cho tôi, không ngờ tôi đã gọi trước rồi.

Tôi nói cho Noãn Noãn lý do đến Tô Châu và thời gian lưu lại đây, Noãn Noãn nói Tô Châu rất đẹp, đừng quên đi dạo thăm thú.

“Em đến Tô Châu rồi à?” tôi hỏi.

“Em nghe người ta nói thế.”

“Lại là nghe nói.”

“Tai em tốt mà.” Noãn Noãn bật cười khanh khách.

Xa nhau đã hơn một năm. Chúng tôi đều có rất nhiều điều muốn nói, nhưng nhất thời chẳng thể sắp xếp được thứ tự.

Đành nói mấy chuyện vô vị như ngồi máy bay mất bao lâu, thức ăn trên máy bay có những gì, tiếp viên hàng không chắc đã lấy chồng sinh rồi, hơn nữa con đầu lòng đã học tới cấp III rồi.

Chúng tôi dường như chỉ thuần túy tận hưởng niềm vui được nghe giọng nói của nhau, tận hưởng điều thuần túy ấy, rồi cảm thấy cả hai đều vẫn đang sống thật là một việc đáng chúc mừng.

Không hiểu vì sao, trong lúc nói chuyện với Noãn Noãn, trong đầu tôi lại hiện lên hình ảnh vách hồi âm ở Thiên Đàn.

Có lẽ là vì giờ chúng tôi đang nói chuyện qua di động, nói vào di động, nghe câu trả lời cũng từ di động, so với lúc đối diện với bức vách nói, rồi từ bức vách nghe thấy câu trả lời, cảm giác rất giống nhau.

Cũng nhớ đến dũng khí nói thầm với Noãn Noãn những âm thanh vẫn luôn luẩn quẩn trong lòng - Anh thích em.

Tuy rằng tôi biết Noãn Noãn nhất định không nghe thấy.

“Noãn Noãn” tôi gọi to.

“Hả?”

“Noãn Noãn” tôi thấp giọng xuống.

“Nói đi.”

“Đây là Noãn Noãn ở giọng cao và giọng trầm.”

“Anh nói cái gì thế.”

“He he, Noãn Noãn.”

“Rốt cuộc anh định nói gì?”

“Đây là Noãn Noãn thêm he he.”

“Bại não” Noãn Noãn nói.

Noãn Noãn không hề biết, chỉ cần có thể đơn thuần mở miệng gọi Noãn Noãn, đó đã là một điều hạnh phúc.

Cuộc gọi kéo dài hơn nửa tiếng mới kết thúc.

Ngắt điện thoại rồi, tôi tự nhiên thấy khóe miệng mỏi nhừ.

Có lẽ lúc nghe Noãn Noãn nói, tôi bất giác cứ giữ nguyên nụ cười trên miệng.

Tôi mở va li, sắp xếp qua loa đồ dùng hàng ngày, xem qua một số tài liệu bên nhà máy chuẩn bị.

Dù gì tôi cũng không đến đây chơi, phải làm cho tốt việc nên làm.

Tính chất công việc ở Tô Châu rất đơn giản, thậm chí có thể nói nhẹ nhàng hơn công việc ở Đài Loan.

Ngoài một số rắc rối nhỏ do việc lạ nước lạ cái, chưa quen sinh hoạt, tôi thích ứng rất nhanh.

Chỉ có sau giờ tan làm, thời gian không biết dùng vào đâu mới là vấn đề lớn nhất.

Các đồng nghiệp thỉnh thoảng rủ đi hát karaoke, trong đầu hát phần lớn là các bài nhạc Đài Loan thịnh hành, tôi rất quen thuộc.

Nhưng tôi hát lại không hay, không nỡ lòng nào đem niềm vui của mình xây trên nỗi thống khổ của người khác.

Vì vậy sau khi tan làm, tôi thường một mình ru rú trong nhà tập thể.

Đến ngày nghỉ, tôi bèn đi thăm thú Tô Châu.

Từng có người nói, Tô Châu là thành phố giống Đài Bắc nhất.

Đài Bắc tôi không rõ lắm, nên không biết Tô Châu trước mặt liệu có thật giống với Đài Bắc hay không?

Tôi nghĩ có lẽ là vì người Đài Loan ở Tô Châu đông, tình cảm nhớ quê hương nồng nàn mãnh liệt, nên mới có cảm giác này.

Nhưng cũng có một điểm tương đồng, xe máy ở Tô Châu nhiều và cũng chạy bạt mạng như ở Đài Loan.

Tuy nhiên nói một cách nghiêm túc, xe máy ở Tô Châu quá nửa là xe điện.

Nhớ năm ngoái lúc tôi ở Bắc Kinh, trên đường đến một chiếc xe máy cũng không có.

Đi qua đoạn đường phồn hoa tấp nập, bên tai vang lên bài hát “Nghe biển”, nhưng người hát lại không phải Trương Huệ Muội.

“Nghe kìa… tiếng biển khóc…”

Người khóc chắc phải là Trương Huệ Muội mất.

Nhìn tổng thể mà nói, đây đúng là một thành phố khiến người ta liên tưởng đến Đài Loan.

Tôi hoàn toàn không vì vậy mà có cảm giác nhớ nhà.

Nhưng có lần gặp một người Phúc Châu trong nhà máy, anh ta dùng tiếng Phúc Kiến nói chuyện với tôi.

Ngoài âm điệu có chút khác biệt ra, thì căn bản đó chính là tiếng Đài Loan, tôi giật thót mình.

Trên thực tế có lẽ chuyện chẳng có gì mà tôi cứ kinh ngạc quá lên, tiếng Đài Loan chính là tiếng Mân Nam, đương nhiên cũng giống với tiếng Phúc Kiến.

Thế là mỗi khi nói tiếng Phúc Kiến với anh bạn người Phúc Châu đó, tôi mới bắt đầu nhớ đến mọi chuyện ở Đài Loan.

Tuy nhiên phần lớn thời gian, vẫn là tôi nhớ đến Noãn Noãn.

Lần đầu tiên tôi viết e-mail gửi Noãn Noãn, nhìn bàn phím chẳng hề có dấu chú âm, nhiệt huyết trong tôi nguội đi một nửa.

Ở Đài Loan, khi đánh tiếng Trung thường dựa vào dấu chú âm, nhưng chữ giản thể lại dựa vào phiên âm tiếng Hán.

Ở Đài Loan luôn tuân theo phiên âm thông dụng, còn phiên âm tiếng Hán tôi hoàn toàn không hiểu.

Mới đánh được hai chữ Noãn Noãn (nghiêm khắc mà nói thì là một chữ), tôi đã vã mồ hôi đầu.

Đành phải cầu cứu các đồng nghiệp Tô Châu, nhờ họ dạy tôi gõ từng chữ, từng chữ.

Một bức e-mail 100 chữ, họ đã giúp tôi 88 chữ.

Vốn nghĩ dùng tiếng Anh viết luôn cho rồi, tuy trình độ tiếng Anh của tôi miễn cưỡng có thể biểu đạt sự việc, nhưng nếu để biểu lộ tâm tình thậm chí là tình cảm, sắc thái chắc hẳn sẽ không đúng cho lắm.

Ví dụ như câu này “Lời hỏi han ấm áp của Noãn Noãn đã sưởi ấm trái tim lạnh lẽo của Lương Lương”, dịch sang tiếng Anh e rằng sẽ thiếu mất vài nghĩa cảnh. Dù là câu này gần như chẳng có nghĩa cảnh gì đáng nói.

Vì vậy mỗi khi muốn viết e-mail cho Noãn Noãn, tôi luôn phải thỉnh giáo mấy đồng nghiệp Tô Châu về phiên âm tiếng Hán của từng chữ.

Cũng may hỏi nhiều lần rồi dần dần cũng rút ra được vài kinh nghiệm, tự mình thử phiên âm, thường cũng phiên được ra, chỉ cần thử nhiều lần thôi.

Tôi cũng hay muốn gọi điện cho Noãn Noãn, nhưng vẫn cho rằng phải tìm được lý do gì đặc biệt mới nên gọi.

Noãn Noãn đang làm việc, hoặc đang rất bận, tôi không muốn tấm lòng của mình lại làm phiền tới em.

Thế nhưng hôm nay, khi đã có một lý do đủ đặc biệt để gọi điện cho Noãn Noãn, tôi chợt nhớ ra điện thoại của mình vẫn dùng sim Đài Loan, phí điện thoại gọi đến máy Noãn Noãn rất đắt.

Nếu như lại giống lần trước nói một mạch nửa tiếng đồng hồ, mỗi ngày gọi một cuộc thì tôi phá sản mất.

Tôi ra phố mua một thẻ điện thoại, gọi luôn bằng điện thoại công cộng bên đường, phí điện thoại như vậy cũng tiết kiệm khá nhiều.

“Sinh nhật vui vẻ!” Noãn Noãn vừa nhận điện thoại, tôi đã nói luôn.

“Lương Lương?” Noãn Noãn nói. “Hôm nay có phải sinh nhật em đâu.”

“Không phải ư?” tôi nói.

“Đương nhiên không phải rồi. Sao anh lại nghĩ hôm nay là sinh nhật em?”

“Anh cũng không biết sao nữa. Chỉ nghĩ, nếu em đón sinh nhật mà không có ai chúc mừng thì sẽ rất đáng thương.”

“Lương Lương.”

“Hả?”

“Chúc sinh nhật vui vẻ” Noãn Noãn nói.

“Sao em biết hôm nay là sinh nhật anh?” Tôi rất đỗi kinh ngạc.

“Chút ý đó của anh, em còn không đoán ra sao?” Noãn Noãn cười rất vui vẻ.

Tôi nói với Noãn Noãn, đã là sinh nhật tôi, vậy hôm nay có thể nói hết thẻ điện thoại được không?

Noãn Noãn bật cười nói được.

Từ điện thoại phát ra một tiếng tít chói tai chắc chỉ còn mấy giây cuối, Noãn Noãn nói lớn: “Lương Lương! Sinh nhật vui vẻ!” Tôi còn chưa kịp đáp lại, điện thoại đã tự động ngắt mất rồi.

Lúc đó là mùa thu, ngõ phố Tô Châu về đêm hơi lạnh lẽo.

Một câu sinh nhật vui vẻ của Noãn Noãn đã khiến tôi cảm nhận được sự ấm áp từ tận đáy lòng.

“Lời hỏi han ấm áp của Noãn Noãn đã sưởi ấm trái tim lạnh lẽo của Lương Lương”, câu này nếu thực sự có nghĩa cảnh, thì chính là lúc này rồi.

Tôi cất tấm thẻ điện thoại đã dùng hết tiền, coi như quà sinh nhật Noãn Noãn tặng tôi.

Thoắt cái đã tới Tô Châu được ba tháng, chỉ khoảng hai tuần nữa là phải rời khỏi nơi đây.

E-mail của Noãn Noãn lúc nào cũng nhắc “Lâm viên Giang Nam đệ nhất thiên hạ, lâm viên Tô Châu đệ nhất Giang Nam”, giục tôi nhất định phải đi thăm, không thăm sẽ hối hận, hối hận rồi vẫn cứ phải đi.

Chọn một ngày nghỉ, cùng mấy anh bạn kỹ sư Đài Loan khác tới thăm khu thành cổ Tô Châu.

Thành cổ Tô Châu đã có nghìn năm lịch sử, thành ban đầu có cả đường thủy lẫn đường bộ, sông phố tiếp giáp với nhau, bây giờ vẫn vậy.

Đáng quý nhất là khu thành cổ đến nay vẫn tọa lạc ở nguyên chỗ cũ.

Vào trong thành cổ, cứ năm bước thì gặp một cố tích nhỏ, mười bước gặp một cố tích lớn, thỉnh thoảng còn có thể thấy những cố cư của các danh nhân trong lịch sử.

Giữa nơi đây và thành phố Tô Châu mới được xây dựng mà tôi đang ở có một sự khác biệt rất lớn, đây cũng là điểm làm nên đặc điểm tân cổ giao duyên của Tô Châu.

Nếu như bước đi trong thành cổ Tô Châu mà vẫn còn khiến bạn liên tưởng đến Đài Bắc, thì hẳn bạn nên viết truyện viễn tưởng đi thôi.

Chuyết Chính Viên nằm ở phía đông bắc khu thành cổ, là khu lâm viên nổi tiếng nhất trong tứ đại lâm viên của thành Tô Châu.

Trong vườn lấy nước làm chủ thể, dương liễu bên hồ phất phơ trong gió, các dãy hành lang lên xuống, đình các được xây gần nước, cầu đá như một chiếc cầu vồng rực rỡ bắc ngang bầu trời quang sau cơn mưa.

Cảnh sắc khu vườn tự nhiên, vẫn giữ được phong cách sôi nổi mộc mạc của lâm viên đời Minh, đậm chất sông nước Giang Nam.

Bắt đầu từ lúc bước vào cổ thành, cảnh phố xá, cảnh lâm viên đều khiến tôi có một cảm giác quen thuộc.

Về sau mới bàng hoàng nhận ra, đây chẳng phải phố Tô Châu trong Di Hòa Viên hay sao?

Phố Tô Châu vốn được dựng phỏng theo cảnh phố phường Tô Châu, tuy rằng quy mô và quang cảnh đều không bằng lâm viên Tô Châu, nhưng vẫn mang chút nét duyên dáng của lâm viên nơi đây.

Tôi nhớ đến cảnh cùng Noãn Noãn dạo bước ven phố Tô Châu; cũng nhớ đến lầu hai trà quán đã ngồi cùng Noãn Noãn, nhìn ra cây cầu nhỏ cong cong trên mặt nước, với nước sông Tô Châu đang chậm rãi chảy bên dưới; cuối cùng là nhớ đến ông lão coi chữ trên phố Tô Châu.

Lúc ở Đài Loan, thường là những tấm ảnh và những hình ảnh còn lưu lại trong óc gợi nên nỗi nhớ về Noãn Noãn; giờ đây khi cảnh vật cụ thể trước mắt, chẳng phải 2D mà hẳn 3D, tôi thậm chí còn cảm thấy như Noãn Noãn đang ở ngay cạnh mình.

Tôi nhận ra con tim nhung nhớ Noãn Noãn của mình còn nóng bỏng hơn cả tôi tưởng tượng.

Tôi chợt có ý nghĩ đến Bắc Kinh tìm Noãn Noãn.

Nhưng vé máy bay về Đài Loan đã đặt rồi, sau khi trở về vẫn cũng còn rất nhiều công việc đang đợi tôi.

Nếu như từ Tô Châu không bay xuống phía Nam về Đài Loan, mà bay lên phía Bắc tới Bắc Kinh, liệu có quá ngông không?

Hơn nữa chẳng may đúng lúc Noãn Noãn đang bận tối mắt tối mũi, hà tất lại làm khó thêm cho em?

Tôi cứ trăn trở mãi, vẫn không đưa ra được quyết định.

Cuối cùng cũng đến đêm trước ngày rời Tô Châu, phía nhà máy muốn bù đắp cho những khó khăn vất vả của đám kỹ sư Đài Loan chúng tôi, đã phái một xe riêng, đưa chúng tôi đến Tây Hồ Hàng Châu thăm thú, ngay hôm sau sẽ lên máy bay luôn.

Lần đầu nhìn thấy Tây Hồ, tôi quá đỗi sững sờ, lập tức mê mẩn trước vẻ đẹp của nàng.

Nhưng rồi chẳng bao lâu, tôi liền liên tưởng đến hồ Vị Danh trong Bắc Đại, hồ Côn Minh trong Di Hòa Viên, thậm chí là cả Thập Sát Hải.

Tôi biết rõ rằng vẻ đẹp của những hồ này hoàn toàn khác với vẻ đẹp của Tây Hồ, nhưng tôi vẫn bất giác nhớ đến lúc cùng Noãn Noãn bên hồ Vị Danh, hồ Côn Minh, Thập Sát Hải.

Lên xe xích lô, định đi dạo một vòng hồ.

Bác phu xe mới đạp mấy vòng, tôi lại nhớ đến chuyện cùng Noãn Noãn ngồi xích lô đi dạo ngõ cổ ở Bắc Kinh.

Phong cảnh Tây Hồ tuy kiều diễm là vậy, nhưng vẫn chẳng khiến tôi phân tâm.

Nói đúng ra, tâm tư tôi đã hết lên Noãn Noãn, chẳng thể nào tịnh tâm lại thưởng thức cảnh đẹp này.

Có thể nói là: Cảnh đẹp trước mắt nhìn không thấu, Noãn Noãn trước sau vẫn trong lòng.

Ngay đến anh bạn kỹ sư Đài Loan ngồi cạnh tôi đây, tôi cũng suýt chút nữa thì tưởng anh ta là Noãn Noãn.

Rời Tây Hồ về lại phòng ở, sắp xếp ổn thỏa hành lý, đến khi lên giường thì tôi lại mất ngủ.

Hồi ở Đài Loan, dù tôi cũng rất nhớ Noãn Noãn nhưng chưa từng vì thế mà mất ngủ; không ngờ đến khi rời khỏi Bắc Kinh đã sắp một năm rưỡi, tôi lại ở Tô Châu mất ngủ vì Noãn Noãn.

Nhung nhớ có tuổi, bởi nó biết lớn;

Ký ức trường sinh, bởi nó chẳng hề già.

Cũng như nỗi nhớ nhung tôi dành cho Noãn Noãn vẫn tăng thêm tăng thêm theo từng ngày, còn ký ức về khoảng thời gian bên Noãn Noãn, dù có bao lâu chăng nữa, vẫn cứ tươi mới như ngày hôm qua.

Tôi phải tới Bắc Kinh tìm Noãn Noãn.

Chương 12

Tô Châu cách Bắc Kinh gần 1379 km, 8 giờ tối lên tàu hỏa tốc hành ở Tô Châu, đến 7 giờ 20 phút sáng hôm sau mới tới Bắc Kinh, phải ngồi mất 11 tiếng 20 phút đồng hồ.

Quá lâu.

Tôi quyết định trước tiên cứ cùng đồng nghiệp ngồi xe của nhà máy từ Tô Châu đến Thượng Hải, rồi từ Thượng Hải bay đến Bắc Kinh.

Vé máy bay đắt một chút, nhưng nhanh hơn nhiều.

Dù gì tiền kiếm lại là được, còn thời gian thì một đi không trở lại.

Tôi trả vé bay Thượng Hải – Hồng Kông – Đài Loan, đổi thành vé Thượng Hải – Bắc Kinh.

Khách sạn ở Bắc Kinh cũng đã đặt xong, có một đồng nghiệp Tô Châu rất thông thuộc Bắc Kinh, tôi nhờ cậu ta đặt giúp phòng.

Mấy kỹ sư Đài Loan cùng đoàn rất ngạc nhiên chuyện tôi không cùng về Đài Loan với họ, xôn xao hỏi tôi đã xảy ra chuyện gì?

Tôi tưởng tượng mình là võ sĩ Tà Dương * đối diện với biển lớn, thâm trầm nói: “Vì yêu đi đến chân trời.”

*Một bộ phim của New Zealand, tên tiếng Anh: Once Were Warriors.

Chỉ thiếu mỗi chẳng có biển lớn trước mặt.

Tôi nhờ mọi người về đến Đài Loan thì giúp tôi xin nghỉ phép, rồi bọn họ bay về Đài Loan, tôi bay đến Bắc Kinh.

Tôi gọi điện cho Từ Trì, cậu ta vừa nghe thấy tôi sắp tới Bắc Kinh, bèn nói sẽ tới sân bay đón tôi.

“Như thế không tiện lắm” tôi nói.

“Thôi đi,” Từ Trì nói, “anh gọi điện cho em, chẳng phải là mong em đến sân bay đón anh còn gì?”

“He he” tôi bật cười.

Sau đó tôi lại gọi cho “Noãn Noãn,” tôi nói, “anh rời Tô Châu rồi, giờ đang ở sân bay Thượng Hải.”

“Thật không?” Noãn Noãn nói. “Vậy chúc anh thượng lộ bình an.”

“Noãn Noãn,” tôi cố ổn định lại nhịp tim và giọng nói của mình, “mấy hôm nay có bận không?”

“Bận lắm” Noãn Noãn nói.

“Ờ, vậy ngày nào em cũng không có thời gian rảnh nhỉ.”

“Đúng thế. Em còn đang hận không thể mọc thêm hai tay nữa đây.”

“Nhỡ lúc này lại có một người bạn cũ muốn gặp em, em nhất định phải khó xử lắm.”

“Cũng chẳng còn cách nào khác. Đành phải nói: Không may rồi, đang bận lắm.”

Trái tim tôi thoắt cái đã rơi xuống đáy, ngã oạch một cái rõ đau, tôi không nói nổi gì nữa.

“Mau nói cho em biết anh bay chuyến mấy giờ,” Noãn Noãn nói.

“Cái đó không còn ý nghĩa gì nữa rồi” tôi nói.

“Linh tinh gì thế, anh không nói làm sao em đến đón anh được?”

“Hả?” Tôi sững người. “Ơ…”

“Xem anh ngơ ra kìa, em đương nhiên phải tới sân bay đón anh rồi.”

“Em biết anh sẽ tới Bắc Kinh à?”

“Chút ý đó của anh, em còn không đoán ra sao?” Noãn Noãn bật cười.

“Vừa nãy đùa anh cho vui thôi.” Noãn Noãn vẫn cười không dứt.

“Em thật xấu gớm.”

“Anh mới xấu ấy. Định đến Bắc Kinh cũng không nói sớm đi.”

Tim lại đập nhanh, tôi bất giác đưa tay lên vỗ vỗ ngực.

Tôi nói với Noãn Noãn, mình bay chuyến mấy giờ, mấy giờ thì đến Bắc Kinh, Noãn Noãn vừa nghe vừa cười, xem chừng rất vui vẻ.

Tôi cũng rất vui, vừa xuống máy bay là đã có thể nhìn thấy Noãn Noãn, quả thực hạnh phúc hơn nhiều so với dự kiến.

“Noãn Noãn,” tôi nói, “anh sắp tới Bắc Kinh tìm em đây.”

“Ừ. Em đợi anh” Noãn Noãn nói.

Cầm thẻ lên máy bay, vai đeo ba lô, tôi sắp đến bên Noãn Noãn rồi.

Lúc xếp hàng đợi lên máy bay, đột nhiên nhớ ra phải nói với Từ Trì không cần đến đón tôi nữa, vội vội vàng vàng móc điện thoại di động ra.

Tôi nói với Từ Trì, Noãn Noãn sẽ tới đón tôi, không cần làm phiền cậu ta nữa.

“Em hiểu rồi,” Từ Trì cười rất mờ ám, “hi hi.”

“Anh phải lên máy bay đây” tôi nói.

“Muộn thế nào, cũng phải nhớ gọi điện cho em đấy” Từ Trì nói.

Tắt điện thoại, tôi lên máy bay.

Định nhắm mắt nghỉ ngơi, nhưng tâm trạng hào hứng khó mà bình tĩnh cho nổi.

Thời gian chậm rãi trôi qua, máy bay vẫn về phương Bắc, càng lúc càng xa Đài Loan, nhưng cũng càng lúc càng gần Noãn Noãn.

Nhịp tim của tôi tỉ lệ nghịch với khoảng cách giữa máy bay và Bắc Kinh.

Một tiếng động trầm truyền tới, máy bay hạ cánh rồi, chầm chậm chạy trên đường băng, tim tôi đập thình thịch.

Võ sĩ Tà Dương xách kiếm, không, xách ba lô, thở ra một hơi dài, điều hòa lại nhịp tim.

Kéo va li bước về phía trước, tay phải bất giác run run, chiếc va li cũng vì thế hơi lắc lư chao đảo.

Không biết Noãn Noãn giờ nhìn thế nào? Có còn nụ cười như trước đây nữa không?

Tôi rất muốn kích động nhìn quanh bốn phía tìm Noãn Noãn, nhưng đó không phải là phong cách của võ sĩ Tà Dương.

Tôi chỉ có thể giả vờ điềm tĩnh, lợi dụng khóe mắt quét khắp lượt những gương mặt đang đợi chờ ở sân bay.

Thế rồi, tôi nhìn thấy Noãn Noãn.

Cảm thấy như dòng máu đang sôi sục, con tim cũng sắp vọt khỏi miệng ra ngoài.

Chỉ còn vài bước nữa thôi, tôi phải trầm tĩnh, tôi phải lạnh lùng, tôi phải kiên cường.

Tôi không thể vứt xoạch va li, vừa hò hét tên Noãn Noãn vừa dang đôi tay bay đến chỗ em, bởi tôi là võ sĩ Tà Dương.

Noãn Noãn nở nụ cười dịu dàng, hai tay cầm tấm bìa trắng bên trên viết to hai chữ Lương Lương, lắc lắc trước ngực.

Tóc Noãn Noãn có vẻ dài hơn một chút, nhưng nụ cười của em vẫn hệt như trong những bức hình, hay trong ký ức của tôi

Tôi thậm chí còn nghi ngờ dù cho lông mày của em có tăng thêm một sợi, tôi cũng có thể nhận ra được.

Tôi vẫn giữ những bước đi vững chãi, điềm tĩnh bước tới trước mặt Noãn Noãn, rồi dừng lại.

Noãn Noãn cũng dừng lắc lắc tấm bìa trong tay.

“Hi, Lương Lương” Noãn Noãn nói.

“Hi, Noãn Noãn” tôi nói.

“Đi thôi” Noãn Noãn nói.

Tôi kề vai đi bên Noãn Noãn, hai chân vì quá phấn khích mà có chút cứng đờ.

“Cầm bảng làm gì thế?” tôi hỏi.

“Sợ anh không nhận ra em.”

“Em có hóa thành tro anh cũng nhận ra.”

“Câu này không dùng như vậy đâu” Noãn Noãn bật cười khanh khách.

“Ở Đài Loan dùng thế đấy” tôi nói.

“Anh cũng chẳng thay đổi gì cả. Anh vừa đi ra, em đã nhận ra rồi” Noãn Noãn nói.

“Anh vẫn sang trọng thế hả?” tôi nói.

“Lương Lương.” Noãn Noãn phì cười. “Nhớ lấy, đây là câu nói đùa đầu tiên của anh khi tới Bắc Kinh.”

“Cái bảng này cool thật đấy.” Tôi chỉ chỉ tấm bìa trong tay Noãn Noãn.

“Đúng thế,” Noãn Noãn bật cười, “bao nhiêu người đang nhìn em đây.”

“Đó là vì em xinh.”

“Đây là câu nói thật đầu tiên của anh khi tới Bắc Kinh,” Noãn Noãn lại cười, “nhớ lấy.”

Vừa bước khỏi cửa sân bay, gió lạnh đã thốc tới, tôi bị lạnh, không khỏi hắt hơi mấy cái.

“Anh mặc thế này phong phanh quá” Noãn Noãn nói.

“Anh nghĩ tới ở Tô Châu sẽ chẳng lạnh lắm, hơn nữa cuối thu đầu đông là về Đài Loan, nên không đem theo áo khoác dày.”

“Bắc Kinh lạnh hơn nhiều. Giờ mới 2 độ thôi.”

“Là 2 độ như mai khai nhị độ * á?”

* Mai khai nhị độ: Thành ngữ, chỉ cùng một việc, hai lần đều thành công.

“Đúng thế.”

“May thật,” tôi nói, “lần này anh đến Bắc Kinh, cũng coi như mai khai nhị độ rồi.”

“Lương Lương.”

“Anh biết rồi. Đây là câu nói nhảm đầu tiên của anh khi tới Bắc Kinh. Anh sẽ ghi nhớ.”

Vào bãi đỗ xe, Noãn Noãn bước về bên trái hơn chục bước rồi dừng lại, quay đầu bước về bên phải.

Nhưng bước được mấy bước, lại dừng lại, nhìn quanh bốn phía.

“Sao thế?” tôi hỏi.

“Em quên mất đỗ xe ở đâu rồi” Noãn Noãn nói.

“Hả?” Tôi vô cùng kinh ngạc. “Quên rồi?”

“Cũng không hẳn là quên sạch,” Noãn Noãn giơ tay vẽ một vòng tròn trên không trung, “chắc là quanh khu này.” Trí nhớ của Noãn Noãn rất rộng, “khu này” mà em nói, ít ra cũng có tới 200 chiếc xe.

“Là xe gì? Biển số là bao nhiêu?” tôi nói. “Anh tìm giúp em.”

“Là xe bốn bánh.” Noãn Noãn nói.

“Này.”

“Là xe của công ty, không phải của em,” Noãn Noãn nói. “Em không biết xe gì, cũng chẳng nhớ biển số.”

“Vậy em biết cái gì?”

“Là xe màu trắng.”

Tôi nhìn quanh bốn phía, tuy tỷ lệ xe màu trắng không cao, nhưng cũng không phải ít.

“Đây…”

“Ui chao, nếu không phải đi muộn quá, trên đường đi còn tắc, em sốt ruột, sợ anh xuống máy bay không thấy em, anh sẽ hoảng, không cũng đâu hồ đồ thế này. Em dừng xe rồi vội vội vàng vàng xông vào sân bay, chỉ mong sớm gặp anh, làm gì còn tâm trí đâu nhớ đến xe để chỗ nào.”

Noãn Noãn liến thoáng nói, giọng có vẻ lo lắng, âm điệu cũng hơi cao.

Từ lúc xuống máy bay nhìn thấy Noãn Noãn, mọi thứ đối với tôi đều như trong mơ, không hề chân thực.

Phải đến lúc này, tôi mới cảm thấy Noãn Noãn thực sự tồn tại.

Noãn Noãn vẫn hệt như trước, chẳng hề có chút cảm giác phương hướng, luôn khiến người khác thấy lòng ấm áp.

Từ Đài Loan tới Tô Châu, từ Tô Châu tới Bắc Kinh, vượt qua 3000 cây số, cuối cùng tôi cũng có thể nhìn thấy Noãn Noãn rồi.

Đây không phải là mơ.

“Hì hì” tôi bật cười.

“Anh cười cái gì?” Noãn Noãn dường như đã hơi đỏ mặt.

“Không có gì,” tôi nói, “chúng ta cùng tìm đi. Nếu không thấy thì cả đời phải ở đây mất.”

“Đừng có nói nhảm.”

Tôi và Noãn Noãn tìm từng chiếc xe một, 20 phút sau, Noãn Noãn mới nhận ra xe mình qua thẻ căn cước trên kính xe.

Nhưng vị trí của chiếc xe màu trắng này, lại chẳng hề nằm trong “khu” mà Noãn Noãn vừa dùng tay vẽ.

“Tháng trước em vừa lấy bằng lái, giờ cho anh trải nghiệm, được không?” vừa lên xe, Noãn Noãn liền nói.

“Đây là vinh hạnh của anh,” tôi nói.

Rời sân bay thủ đô, xe chạy lên đường cao tốc, hai hàng cây bạch dương bên đường dường như đều đã rụng hết lá.

Thân cây thẳng muốt thẳng tắp, cành cây mềm dẻo, lay động trong gió rất đáng yêu, như một mỹ nữ e lệ.

“Anh ở khách sạn nào?” Noãn Noãn hỏi.

“Anh quên rồi,” tôi nói.

“Quên rồi?” Noãn Noãn vô cùng kinh ngạc.

“Ui chao, nếu không phải đột nhiên quyết định không về Đài Loan, vội vội vàng vàng tới Bắc Kinh tìm em, nhưng xuống máy bay xong em lại không tìm thấy xe, anh lo em sẽ hoảng, chẳng tâm trí đâu mà nhớ tới khách sạn nữa, không cũng đâu hồ đồ thế này.”

Noãn Noãn cười rũ ra không dứt, khó khăn lắm mới ngừng cười, nói: “Lương Lương.”

“Ừ.”

“Anh ở khách sạn nảo?”

“Khách sạn Đài Loan ở Vương Phủ Tỉnh” tôi nói.

“Chỗ đấy em biết.”

“Biết thật không?”

“Chớ coi thường em” Noãn Noãn nói.

“Không tìm ra cũng không sao, cùng lắm anh ngủ trong xe cũng được.”

“Không lạc đâu mà sợ” Noãn Noãn bật cười.

Trời dần tối, bắt đầu đổ mưa, không to cũng chẳng nhỏ.

Bên ngoài hẳn phải rất lạnh, nhưng trong xe có máy sưởi, lại thêm cả Noãn Noãn, nên rất ấm áp.

Tôi và Noãn Noãn tán chuyện trong xe, nói đông nói tây, trời nam đất bắc, rồi đông tây nam bắc đều nói cả.

Trời đã tối hẳn, dưới ánh đèn đường, tôi có thể nhìn rõ từng làn mưa.

Có thể là ảo giác, tôi bỗng thấy mưa ở trên cao khá mảnh và nhỏ, rơi gần xuống đất lại trở nên lớn và thô, tốc độ cũng chậm đi.

“Đường Nhị Hoàn lại tắc rồi” Noãn Noãn nói.

“Dù gì chúng ta cũng đã gặp nhau rồi,” tôi nói, “có tắc đến thiên hoang địa lão cũng chẳng sao.”

Xe đã dừng hẳn lại, Noãn Noãn quay sang tôi cười khổ.

“Nếu nghĩ đến con lăn bánh xe, là tường thành cổ nhà Nguyên, anh sẽ có cảm giác gì?” Noãn Noãn nói.

Tôi nhất thời không nói được gì, có câu thành ngữ “thế sự xoay vần”, dường như miễn cưỡng có thể đem hình dung được.

Xe cuối cùng cũng xuống khỏi đường Nhị Hoàn, rất nhanh đã đến khách sạn Đài Loan.

Mưa đã tạnh, tôi thấy bên biên kính xe bị gạt nước quét qua hơi lấp lánh, tò mò bèn kề sát vào nhìn cho kỹ.

Đó hình như là những hạt băng nhỏ đóng kết lại, tôi lấy ngón tay quét nhẹ một cái, đúng thật là băng vụn.

Lẽ nào vừa rồi từ trời rơi xuống, không chỉ có mưa?

“Lát nữa có khi còn có tuyết rơi” Noãn Noãn nói.

“Ý em là thứ rơi xuống khi mùa đông cực lạnh á?”

“Đúng thế.”

“Thứ rơi từ trên trời xuống, trắng trắng á?”

“Đúng thế.”

“Thứ có thể đắp người tuyết, nặn cầu tuyết á ?”

“Đúng thế.”

“Đúng là tuyết rồi!” Tôi gần như kêu lên thất thanh.

Noãn Noãn không buồn để ý đến tôi, đưa tay chỉ vào cửa khách sạn.

Tôi kéo va li, đeo ba lô, tới quầy lễ tân làm thủ tục check in.

Noãn Noãn muốn xem phòng tôi thế nào, nên cũng đi cùng tôi vào thang máy.

“Phòng này cũng được đấy” Noãn Noãn bước vào phòng, ngó nghiêng bốn phía xong, nói.

“Oa,” tôi nói, “chỗ này tuy là khách sạn ba sao, nhưng lại cung cấp hoa quả tận năm sao.”

“Hoa quả năm sao cái gì?” Noãn Noãn nghi hoặc hỏi.

“Quả khế này” tôi nói.

“Hả?”

Tôi cầm dao gọt hoa quả, cắt một lát khế, rồi chỉ hình (ngôi sao) trên bàn, nói: “Đây chẳng phải sao còn gì?”

Noãn Noãn vừa tức vừa buồn cười, nói: “Thế cũng chỉ mới một sao.”

Tôi xoẹt xoẹt thêm bốn nhát nữa, nói: “Thế này là năm sao rồi, nên đây là hoa quả năm sao.”

“Anh định tiếp tục nói nhảm,” Noãn Noãn nói, “hay là xuống lầu ăn cơm.”

Khách sạn Đài Loan ở ngay đầu phố Vương Phủ Tỉnh, đi thẳng phố Vương Phủ Tỉnh rồi rẽ phải là đến Thiên An Môn

Tôi và Noãn Noãn đi trên phố Vương Phủ Tỉnh, trời càng lúc càng lạnh, tôi không khỏi rụt rụt cổ.

“Mai em mang khăn quàng cho anh” Noãn Noãn nói.

Sau đó Noãn Noãn dẫn tôi vào tiệm thịt dê nhúng Đông Lai Thuận, nói: “Thời tiết này ăn dê nhúng là ngon nhất đó.” Trong tiệm đông nghịt người, chúng tôi ngồi xuống một góc quán, bàn bên cạnh là một cặp vợ chồng ngoại quốc.

Nước dùng lẩu rất thanh đạm, rau cải dập dềnh trên mặt nước.

Chúng tôi gọi thịt bò và thịt dê, cả hai cái bánh rán, hai bình nước ép táo chua, không gọi rau.

Noãn Noãn nói chúng tôi hãy chuyên tâm vào nhúng thịt ăn.

Thịt dê thái mỏng vừa mềm, nhúng vài cái là chín, bỏ luôn vào mồm nhai.

Gia vị được chế biến đặc biệt khiến mùi vị thịt thêm thơm ngọt, cứ thế ăn rồi lại ăn rồi lại nhúng, nhúng rồi lại ăn.

Nếu như thấy hơi ngây ngấy, uống một ngụm nước ép táo chua vào, là lại hừng hực sức chiến đấu ngay.

Noãn Noãn hỏi tôi, em có thay đổi gì không?

Tôi nói ngoài trở nên càng xinh đẹp ra, còn lại chẳng có gì đổi khác cả.

Noãn Noãn nói bệnh nói nhảm của tôi vẫn không sửa nổi, chỉ có dáng đi là hình như điềm tĩnh hơn.

“Đấy là vì lạnh,” tôi cười cười, “chân đông cứng lại.”

Liếc thấy cặ vợ chồng ngoại quốc bàn bên vụng về cầm đũa nhúng thụt dê, tôi và Noãn Noãn bụm miệng lén cười.

Anh chồng đột nhiên cầm chiếc bánh rán lên, hình như định thả luôn vào nồi lẩu.

“No!” Tôi và Noãn Noãn đồng thanh hét lên.

Anh ta giật bắn cả người, bàn tay phải đang cầm chiếc bánh khựng lại trên cao.

“Tiếng Anh của em ổn không?” tôi hỏi Noãn Noãn.

“Hì hì.” Noãn Noãn cười cười.

“Thế ý là không ổn rồi.” Tôi nói xong bèn vội vàng đứng dậy, đi sang bàn bên cạnh.

“Don’t think too much, just eat it,” tôi nói.

Anh Tây sững người, thu tay phải lại, rồi thử thăm dò đưa chiếc bánh lên miệng.

“Very good” tôi nói.

Anh ta cắn một miếng bánh, khẽ mỉm cười, dùng vốn tiếng Trung bập bõm nói: “Cảm ơn.”

“Nothing.” Tôi cũng mỉm cười, gật gật đầu.

Tôi trở lại chỗ ngồi, Noãn Noãn hỏi: “Anh vừa nói gì đấy?”

“Đừng nghĩ nhiều quá, cứ ăn là được rồi,” tôi trả lời.

“Câu ‘nothing’ cuối cùng cơ?”

“Anh ta đã nói cảm ơn, anh đương nhiên là nói không có gì rồi.”

“Anh gặp người nước ngoài cũng nói nhảm nữa?” Noãn Noãn trợn tròn mắt.

“Anh ta nghe hiểu đấy thôi,phải sao?” tôi nói.

Noãn Noãn nhìn tôi một hồi, không nhịn nổi phá lên cười.

Tôi cũng cười, không ngờ nói nhảm một hồi, Tây cũng hiểu.

Bữa này ăn vừa ấm vừa no, tôi và Noãn Noãn không giấu nổi nụ cười thỏa mãn.

Lúc thanh toán, Noãn Noãn định rút tiền, tôi vội vàng ngăn lại.

“Lương Lương,” Noãn Noãn nói, “đừng có tranh với em.”

“Em biết không,” tôi nói, “ở Đài Loan có một truyền thống, nếu như lần đầu ăn cơm với con gái mà để con gái trả tiền, thì người con trai sẽ xui xẻo suốt ba tháng.”

“Lại nói nhảm.”

“Em không tin cũng được, dù gì người xui xẻo cũng là anh mà.”

“Anh nói thật không?” Noãn Noãn ngừng tay lại.

“Anh trả xong rồi nói.”

Tôi trả tiền xong, mới đi được hai bước, Noãn Noãn lại hỏi: “Truyền thống đó của Đài Loan có phải thật không?”

Tôi cười cười, vừa đẩy cửa bước ra ngoài, lúc sau định trả lời câu hỏi đó, lại không nói nổi lời nào.

Vì thế giới tối thui bên ngoài đột nhiên đã chuyển sang sắc trắng.

Trên cây, trên mặt đất, đều một màu trắng, trong không gi­an lất phất những đốm trắng trắng.

“Có thể nào…” tôi lắp bắp, “lẽ nào...”

“Tuyết rơi rồi,” Noãn Noãn nói.

Chẳng trách người ta đều nói hoa tuyết hoa tuyết, tuyết thật giống những bông hoa li ti, lững thững rơi xuống.

Trong một tình huống hoàn toàn bất ngờ, tôi bắt gặp trận tuyết đầu tiên trong đời.

“Noãn Noãn,” tôi vẫn không dám tin, hỏi: “có thật là tuyết không?”

“Ừ.” Noãn Noãn gật đầu.

“Đây gọi là tuyết rơi hả?” Giọng tôi run run.

“Lương Lương,” Noãn Noãn bật cười, “tuyết rơi rồi.”

Tôi không thể khống chế bản thân được nữa, rảo bước xông ra giữa trời tuyết, xòe rộng hai lòng bàn tay hướng lên trên, ngửa cổ nhìn trời.

Cảm giác lạnh băng nhẹ nhàng rơi trên mặt, trên tay nói với tôi rằng, đây đúng là tuyết rồi.

“Oa!” tôi kêu lớn một tiếng, rồi cười sằng sặc như bị điên.

“Noãn Noãn,” tôi nói, “tuyết rơi rồi này!”

“Cẩn thận cảm lạnh đấy!” Noãn Noãn nói.

“Hôm nay được thấy Noãn Noãn, lại lần đầu tiên thấy tuyết, như tự dưng được thông báo đạt giải Nobel, rồi bước xống nhà mua vé số, kết quả lại trúng độc đắc. Noãn Noãn, còn người anh ưa hư danh, không ham tiền bạc, vì vậy Noãn Noãn, em là giải Nobel.” Tôi nói năng hơi lộn xộn, nhưng vẫn ra sức nói.

“Lương Lương,” Noãn Noãn chỉ mỉm cười, “ đấy.”

Một năm rưỡi nay, tôi ôm hy vọng rồi sẽ có một ngày gặp lại Noãn Noãn mà chăm chỉ sống.

Tôi chăm chỉ giữ gìn sự thuần khiết của mình, cũng chăm chỉ nhớ tới Noãn Noãn, tôi thực sự đã rất chăm chỉ.

Ông trời rủ lòng thương, hôm nay cuối cùng cũng đã để tôi được gặp Noãn Noãn.

Trong cảnh khắp trời tuyết bay này, tôi chẳng còn cách nào duy trì kiểu gượng gạo của võ sĩ Tà Dương được nữa.

Khóe mắt tôi đột nhiên ươn ướt, không rõ là tuyết hay nước mắt.

Full | Lùi trang 5 | Tiếp trang 7

Loading...

Tiểu thuyết tình yêu là website chia sẻ những thể loại truyện hay nhất hiện nay, được nhiều người đọc yêu thích. Truyện được cập nhập hàng ngày. Hãy lưu địa chỉ web để truy cập nhanh hơn!

Chúc các bạn online vui vẻ !

Laptop Tùng Anh

Tour Phú Quốc

Vinhomes Cầu Rào 2

Trang Chủ