Lamborghini Huracán LP 610-4 t
Tiểu thuyết tình yêu

Tiểu Thuyết Tình Yêu

Đọc truyện tại Tiểu Thuyết Tình Yêu

Loading...

Tiểu thuyết - Đời không như là mơ - trang 1

Mở đầu

Dựng lên một người bạn trai không phải là điều gì mới mẻ với tôi. Tôi sẽ thẳng thắn mà thú thực luôn. Đâu có thiếu người suốt ngày đi ngắm qua tủ kính những món đồ họ không bao giờ đủ sức mua. Đầy người cũng chỉ ngắm ảnh chụp của các khu nghỉ dưỡng mà họ chẳng bao giờ đặt chân tới. Và rồi thì cũng đầy người tuởng tượng rằng họ đã gặp một anh chàng thật đáng yêu trong khi thực tế lại chẳng phải vậy đấy thôi.

Lần đầu tiên chuyện đó xảy ra là vào năm lớp sáu. Trong giờ nghỉ. Heather B., Heather F. và Jessica A. lúc đó là một nhóm nổi đình đám. Mấy đứa đó đều tô son bóng và đánh mắt, rồi chúng còn có cả mấy cuốn sổ tay và mấy cậu bạn trai bé bỏng nữa. Hồi đó, đi chơi với một đứa con trai chỉ có nghĩa là cậu ta có thể nhận ra bạn lúc đi qua hành lang, nhưng kể cả thế, đó vẫn là một biểu tượng cho địa vị, và là thứ mà tôi không có, đi kèm với cả chuyện đánh mắt. Heather F. đang theo dõi cậu trai của mình, Joey Ames, trong khi cậu này đang cố nhét con ếch vào trong quần vì những lý do mà chỉ có bọn con trai lớp sáu mới hiểu nổi, và nói về chuyện nó định chia tay Joey để hẹn hò với Jason.

Và đột nhiên, không hề suy tính trước, tôi thấy mình đang nói rằng tôi cũng thế, cũng đang hẹn hò với ai đó... Một anh chàng ở thị trấn khác. Ba cô bạn nổi tiếng đột nhiên quay sang tôi tỏ vẻ quan tâm rõ rệt, và tôi thấy mình đang nói về Tyler, rất đáng yêu, thông minh và lịch sự. Một chàng trai 14 tuổi. Đồng thời, gia đình cậu ấy có một trại ngựa và họ muốn tôi đặt tên cho con ngựa non mới chào đời, tôi sẽ huấn luyện để nó làm theo tiếng huýt sáo của tôi, và chỉ của tôi mà thôi.

Chắc chắn chúng ta đều đã từng bịa ra một anh chàng như thế. Phải không? Có tin rằng ở đâu đó ngoài kia, đối trọng với lũ con trai kiểu ếch-trong-quần lại là một cậu kiểu Tyler chủ lũ ngựa thì cũng chẳng chết ai cả. Chuyện đó cũng gần giống như việc tin vào Chúa - bạn phải tin, bởi vì có lựa chọn nào thay thế đâu? Mấy đứa con gái khác tin chuyện đó, đổ dồn cho tôi không biết bao nhiêu câu hỏi, nhìn tôi với sự tôn trọng khác hẳn ngày thường. Heather B. thậm chí còn mời tôi tới buổi tiệc sinh nhật sắp tới của nó, và tôi vui vẻ nhận lời. Tất nhiên, tới lúc đó tôi buộc phải chia sẻ một tin buồn rằng trại ngựa của Tyler đã bị cháy rụi và gia đình cậu phải chuyển tới Oregon, mang cả con ngựa con của tôi, Mặt Trời Nửa Đêm, theo cùng. Có thể Heather và đám còn lại trong lớp tôi cũng đoán ra được sự thật, nhưng tôi thấy mình không thực sự để tâm đến chuyện đó. Việc tưởng tượng ra Tyler thực sự mang lại cho tôi cảm giác... tuyệt vời.

Sau đó, khi tôi đuợc 15 tuổi và chúng tôi đã chuyển khỏi thị trấn Mount Vernon khiêm nhường ở New York tới một thị trấn hào nhoáng hơn ở Avon, Connecticut, nơi tất cả bọn con gái đều có mái tóc suôn mượt và hàm răng trắng bóc, tôi lại bịa ra một cậu bạn trai nữa. Jack, là bạn trai ở quê nhà của tôi. Ồ, cậu ấy rất đẹp trai (minh chứng bằng tấm ảnh trong ví được cắt cẩn thận từ cuốn catalog J. Crew của tôi). Bố của Jack sở hữu một nhà hàng tuyệt đẹp tên là Le Cirque (này, tôi 15 tuổi đấy). Jack và tôi muốn mọi chuyện tiến triển chậm chậm thôi... phải chúng tôi đã hôn; thực ra chúng tôi đã tới giai đoạn hai(1), nhưng cậu ấy lại tỏ ra quá tôn trọng nên cuối cùng mọi việc chỉ dừng lại ở đó. Chúng tôi muốn đợi tới lúc lớn hơn một chút. Có thể chúng tôi sẽ đính hôn trước, và vì gia đình Jack rất quý tôi nên họ muốn cậu mua cho tôi một chiếc nhẫn hiệu Tiffany, không phải là kim cương, nhưng có thể là một viên đá xa phia, giống kiểu của công nương Diana, nhưng nhỏ hơn một chút.

(1) Nguyên văn: second base – thuật ngữ của môn bóng chày dùng để ẩn dụ cho các mức độ trong quan hệ nam nữ, được sử đụng chủ yếu trong giới thanh thiếu niên Mỹ. Trong trường hợp này giai đoạn hai tương ứng với việc có tiếp xúc vào các bộ phận nhạy cảm như ngực.

Rất tiếc phải kể với bạn, tôi đã chia tay với Jack khoảng bốn tháng sau khi bước vào lớp 10 để có thể dành cơ hội cho bọn con trai ở đây. Nhưng chiến lược của tôi lại phản tác dụng... bọn con trai vùng này hoàn toàn không hề quan tâm. Còn với chị tôi thì chắc chắn rồi... Margaret thỉnh thoảng vẫn tới đón tôi khi chị từ trường đại học về, và bọn con trai sẽ câm bặt ngay khi nhìn thấy vẻ đẹp sắc sảo, quyến rũ của chị. Ngay cả em gái tôi, lúc đó mới học lớp bảy, cũng đã cho thấy những dấu hiệu sẽ trở nên xinh đẹp. Nhưng tôi thì vẫn cứ mãi lẻ bóng, ước ao rằng mình chưa bao giờ chia tay cậu bạn trai tưởng tượng và nhớ nhung cái cảm giác mãn nguyện cuộn trào ấm áp khi tưởng tượng rằng một anh chàng như thế thích mình.

Rồi tới Jean-Philippe. Jean-Philippe được sáng tạo ra để ngăn chặn một gã khó chịu, dai như đỉa ở đại học. Một người học chuyên ngành hóa, mà nhớ lại thì có thể gã này bị hội chứng rối loạn tự kỷ, khiến cho hắn miễn dịch với mọi loại sắc thái xã giao mà tôi ném về phía hắn. Thay vì chỉ đơn giản nói thẳng với hắn là tôi không thích hắn (có vẻ tàn nhẫn quá) tôi lại nhờ bạn cùng phòng ghi nguệch ngoạc mấy lời nhắn và gắn nó lên cửa để ai cũng thấy: "Grace - J. P lại gọi nữa, muốn cậu đi nghỉ ở Paris. Gọi cho anh ấy toute suite(2)."

(2) Tiếng Pháp, có nghĩa là "ngay lập tức".

Tôi yêu Jean-Philippe, yêu việc tưởng tượng ra một anh chàng người Pháp ăn vận bảnh bao nào đó có tình cảm với mình! Rằng chàng đang lững thững trên những cây cầu ở Paris, đăm đăm u sầu nhìn dòng sông Seine, mong đến tôi và thở dài ủ dột khi nhấm nháp bánh sừng bò sô cô la và uống rượu hảo hạng. Ôi, tôi say mê Jean-Philippe hàng mấy năm trời, cạnh tranh với tình cảm đó chỉ có mối tình của tôi dành cho Rhett Butler, người tôi phát hiện ra năm 13 tuổi và không bao giờ từ bỏ.

Suốt những năm tuổi 20 của mình, thậm chí cả bây giờ, khi đã 30 tuổi, bịa ra bạn trai vẫn là một kỹ năng sinh tồn của tôi. Mới đây, trong buổi học khiêu vũ ở một lớp tôi đang hướng dẫn, Florence, một trong những bà già nhỏ bé ở khu dưỡng lão Golden Meadows, đã giới thiệu cho tôi cháu trai của bà. "Cháu yêu, cháu sẽ rất mến Bertie cho mà xem!" bà nói thỏ thẻ khi tôi cố gắng giúp bà ngồi vào đúng vị trí. "Bà có thể cho nó số điện thoại của cháu không? Nó là bác sĩ. Một bác sĩ chuyên khoa chân. Thế nên đó là một vấn đề nho nhỏ với nó. Bọn con gái thời nay kén chọn quá. Ở thời của bà, nếu cháu 30 tuổi mà chưa chồng thì cũng coi như chết rồi. Chỉ vì Bertie có ngực đấy, thế thì sao nào? Mẹ nó cũng đẫy đà lắm, ồ, con bé rất nở nang..."

Bạn trai tưởng tượng liền bật ra. "Ổ, anh ấy nghe có vẻ thật tuyệt, bà Flo... nhưng cháu lại vừa mới bắt đầu hẹn hò với một người. Tiếc thật."

Không chỉ khi ở quanh người khác mới thế, tôi phải thừa nhận điều này. Tôi cũng sử dụng bạn trai cấp cứu để làm... chà, hãy cứ gọi là một cơ chế đương đầu đi.

Ví dụ, mấy tuần trước, tôi đang lái xe trên một đoạn đường tối và lẻ loi trên con lộ số 9 của Connecticut, miên man nghĩ về vị hôn phu cũ của mình và tình yêu mới của anh thì lốp xe tôi nổ. Đúng như một trường hợp cận kề cái chết điển hình, cả nghìn ý nghĩ sáng rõ lên trong đầu tôi, ngay cả khi tôi đang đánh vật với bánh lái, cố gắng giữ cho xe không lật nhào, ngay cả khi tôi mơ hồ nhận ra cái giọng the thé "Ối Chúa ơi, ôi Chúa ơi" kia chính là của mình. Thứ nhất, tôi không có gì để mặc trong đám tang của mình (bình tĩnh, bình tĩnh, không muốn lật xe). Thứ hai, nếu quan tài để mở là một lựa chọn, tôi hy vọng lúc chết tóc mình sẽ không xù lên cả đống như lúc còn sống (kéo mạnh hơn, kéo mạnh hơn, mày sắp mất kiểm soát rồi). Chị em tôi sẽ suy sụp, bố mẹ tôi sẽ câm lặng vì đau buồn, những tràng chỉ trích của họ cũng sẽ rơi vào im lặng, ít nhất là trong một ngày (nhấn ga, một tí thôi, sẽ giúp xe đi thẳng lại). Và trời đất quỷ thần ơi, chẳng phải Andrew sẽ chồng chất hối hận ư! Trong suốt phần đời còn lại của mình, anh ấy sẽ ân hận vì đã bỏ rơi tôi (từ từ giảm tốc nào, bật đèn nhấp nháy, tốt, tốt, chúng ta vẫn còn sống).

Khi đã xử lý chiếc xe được an toàn, tôi run bần bật không kiểm soát nổi, tim tôi dội lên lồng ngực như cánh cửa chớp trong cơn cuồng phong. ("Chúa Chúa ơi cảm ơn Người," tôi luôn miệng cầu khẩn, tay lần sờ cái điện thoại.)

Than ôi, tôi đang ở ngoài vùng phủ sóng (tất nhiên rồi). Tôi đợi một lúc, rồi cam chịu và làm điều mình phải làm. Nhảy ra khỏi xe trong cơn mưa rào tháng Ba rét buốt, kiểm tra cái lốp tan nát của mình. Mở cốp, tôi lôi cái kích và lốp dự phòng ra. Dù chưa bao giờ làm công việc này trước đây, tôi cũng tìm ra cách trong khi những chiếc xe khác thỉnh thoảng lại chạy vèo qua, làm tôi càng ướt thêm bởi những tia nước lạnh ngắt. Tôi bị kẹt đến bầm tím cả tay, một móng tay gãy, giày hỏng, người thì lấm lem bùn và dầu xe.

Không ai dừng lại giúp. Không một người nào hết. Thậm chí còn không có một ai thèm nhấn phanh vì tôi. Chửi rủa, khá là bực bội với sự độc ác của thế giới và hơi tự hào vì mình tự thay được lốp, tôi trèo trở lại vào xe, răng va lập cập, môi tím ngắt vì lạnh, vì lấm lem bẩn thỉu. Trên đường lái xe về nhà, tất cả những gì tôi nghĩ tới là một trận tắm rửa, một ngụm rượu mạnh, chương trình Nhà thiết kế thời trang và bộ đồ ngủ êm ái. Nhưng thay vào đó, một thảm họa lại đang chờ đợi tôi.

Xét từ các bằng chứng còn lại, Angus, con chó sục West Highland của tôi, đã nhai thủng cái chốt an toàn trẻ em trên cánh cửa buồng mới sơn của tôi, lôi thùng rác ra ngoài, lật ngược nó và ăn chỗ thịt gà hỏng tôi đã bỏ đi sáng hôm đó. Chắc chắn là không có một chữ nếu nào ở đây. Món gà đã bị hỏng. Con chó tội nghiệp của tôi chắc đã phun dữ dội lắm, đến mức mấy bức tường bếp bị bắn đầy vết chó nôn, cao đến nỗi một đám xanh xanh vàng vàng văng cả lên mặt chiếc đồng hồ con mèo Fritz của tôi. Một vệt phân lỏng dẫn ra đến phòng khách, ở đó tôi thấy Angus nằm dài trên tấm thảm màu lam nhạt mà tôi vừa mới giặt. Con chó ợ những tiếng kinh khủng, sủa đúng một lần và vẫy đuôi với một tình yêu đầy hối lỗi giữa bãi nôn nhầy nhụa.

Không tắm. Không Tim Gunn(3) và Nhà thiết kế thời trang. Không rượu mạnh.

(3) Nhà bình luận thời trang nổi tiếng của Mỹ.

Vậy chuyện này thì có liên quan gì tới bạn trai tưởng tượng? Nó là thế này: trong lúc hì hục cọ tấm thảm với thuốc tẩy và nước, cố gắng để chuẩn bị tinh thần cho Angus trước viên thuốc nhét hậu môn mà bác sĩ thú y hướng dẫn tôi cách đặt, tôi lại thấy mình, thay vào đó, đang tưởng tượng ra cảnh sau.

Tôi đang lái xe về nhà thì lốp xe nổ. Tôi dừng lại, với lấy điện thoại và abcxyz đủ thứ. Nhưng cái gì thế này? Một chiếc xe giảm tốc và tấp vào lề phía sau tôi. Đó là, xem nào, một chiếc xe động cơ hybrid thân thiện với môi trường, và a ha, biển số của nó có ký hiệu M.D(4). Một vị thần hộ mệnh trong lốt một nguời đàn ông cao ráo, 30 tuổi, tiến về phía xe tôi. Anh cúi xuống. Xin chào! Rồi có một... giây phút mà bạn nhận thấy ai đó và rồi... bang bang. Bạn Biết Ngay Rằng Chính Là Anh Ấy.

(4) M.D là viết tắt của Medical Doctor (bác sĩ). Ở Mỹ, ký hiệu này có thể được thêm vào biển số xe của bác sĩ.

Trong cảnh mộng của mình, tôi nhận sự giúp đỡ dịu dàng của vị thần hộ mệnh. Mười phút sau, anh đã đặt ngay ngắn chiếc lốp dự phòng lên trục, nhấc chiếc lốp nổ vào cốp và đưa cho tôi tấm danh thiếp. Wyatt Gì Đó, bác sĩ, khoa phẫu thuật nhi. A ha.

"Về tới nhà thì gọi cho tôi nhé, để tôi biết là cô đã an toàn, được chứ?" anh mỉm cười.

Bang bang! Anh viết nguệch ngoạc số điện thoại nhà vào tấm danh thiếp trong khi tôi hớp lấy hình ảnh má lúm đồng tiền và hàng mi dài quyến rũ.

Giấc mơ ấy khiến việc lau dọn đống nôn mửa dễ chịu hơn nhiều.

Hiển nhiên, tôi ý thức được rằng cái lốp của tôi không phải do một vị bác sĩ đẹp trai tốt bụng thay giùm. Tôi không kể với ai như thế cả. Chỉ là một chút trốn chạy lành mạnh thôi, phải không nào? Không, không có Wyatt nào cả (tôi vẫn luôn thích cái tên đó, nghe rất quyền lục và quý phái). Rủi thay, một anh chàng tuyệt vời như vậy thì không thể nào có thật được. Tôi không đi khắp nơi mà nói về vị bác sĩ phẫu thuật nhi thay lốp cho mình, tất nhiên là không rồi. Không. Chuyện này được giữ cho riêng mình tôi, chỉ là một cơ chế đối đầu nho nhỏ mà thôi, như tôi đã nói đấy. Tôi không còn công khai bịa ra bạn trai trong nhiều năm rồi.

Nhưng đó chỉ là cho tới gần đây.

Chương 1

"VÀ VẬY LÀ, VỚI ĐẠO LUẬT NÀY, Lincoln đã thay đổi lịch sử của toàn nước Mỹ. Là một trong những nhân vật bị khinh ghét trong giới chính trị vào thời đó, nhưng ông đã bảo toàn được Liên minh miền Bắc và được coi là vị tổng thống vĩ đại nhất mà nước ta từng có. Và có thể là mãi mãi về sau."

Mặt tôi đỏ phừng... Chúng tôi vừa mới bắt đầu học phần về Nội chiến, và đây là lớp mà tôi rất thích dạy. Than ôi, các học sinh lớp 12i của tôi còn đang vật vã trong cơn hôn mê chiều thứ Sáu. Tommy Michener, hầu như luôn luôn là học trò giỏi nhất, ngó chăm chằm về phía Kerry Blake đầy mong đợi, Kerry thì đang vươn vai, vừa để hành hạ tinh thần Tommy vì cái diều mà cậu chàng chẳng thể nào có được, vừa nhằm mời gọi Hunter Graystone IV nhận lấy chính xác điều ấy. Cùng lúc đó, Emma Kirk, một cô bé xinh xắn, tốt bụng, chịu cái tiếng là học sinh ngoại trú và bị mấy đứa sành điệu – đều trọ trong trường – cho ra rìa, đang cắm mặt xuống bàn. Cô có cảm tình với Tommy và lại biết quá rõ nỗi ám ảnh của cậu với Kerry, tội nghiệp cô bé. "Vậy em nào có thể tổng kết những quan điểm đối lập? Ai đây?"

Có tiếng cười từ bên ngoài. Tất cả chúng tôi đầu quay ra nhìn. Kiki Comez, giáo viên ngữ văn, đang dạy một tiết ngoài trời, vì ngày hôm đó thật dễ chịu và đẹp trời. Học sinh của cô trông không có vẻ gì là thảng thốt và tả tơi. Khỉ thật. Đáng lẽ tôi cũng nên đưa bọn trẻ ra ngoài.

"Cô sẽ đưa ra một gợi ý", tôi tiếp tục, nhìn xuống những gương mặt thẫn thờ ở dưới. "Quyền của các bang và sự kiểm soát của Liên bang. Đoàn kết và ly khai. Tự do hay không nô lệ. Có gợi lên điều gì không nhỉ?"

Đúng lúc đó, chuông hết tiết vang lên, và đám học ssinh thẫn thờ của tôi choàng sống lại, ào ra cửa. Tôi cố gắng để không chạnh lòng. Bình thường các học sinh cuối cấp của tôi thường tập trung hơn, nhưng đó lại là ngày thứ Sáu. Trong tuần bọn trẻ đã bị các bài kiểm tra dằn cho nhừ tử và tối nay lại có khiêu vũ nữa. Tôi hiểu mà.

Học viện Manning thuộc dạng trường trung học tư thục vốn nhan nhản ở New England. Những toà nhà gạch uy nghi với hình ảnh không thể thiếu của dãy tường vi, hoa mộc lan và cây dương đào, sân bóng đá và bóng vợt màu xanh lục, cùng lời hứa rằng chi phí bằng một căn nhà nhỏ, chúng tôi sẽ đưa con em quý vị vào các trường đại học chúng muốn – Priceton, Harvard, Stanford, Georgetown. Ngôi trường, được sáng lập từ thập niên 1880, tự bản thân nó đã là một thế giới nhỏ. Nhiều giáo viên sống trong khuôn viên trường, nhưng những người không như thế, bao gồm tôi, thì thường cũng tệ không kém lũ trẻ, háo hức chờ cho giờ học cuối cùng kết thúc mỗi chiều thứ Sáu để có thể thẳng tiến về nhà.

Trừ thứ Sáu tuần này. Tôi sẽ hạnh phúc lắm lắm nếu được ở lại trường thứ Sáu này, đi kèm tới buổi khiêu vũ hay hướng dẫn chơi bóng vợt. Hoặc giả tệ lắm thì lau dọc nhà vệ sinh cũng được. Bát cứ việc gì ngoại trừ kế hoạch thực của tôi.

"Chào, Grace!" Kiki bất chợt vào phòng.

"Chào, Kiki. Nghe bên ngoài có vẻ vui nhỉ."

"Bọn tớ đang đọc Chúa Ruồi," cô thông báo.

"Chắc chắn rồi! Chẳng trách mà các cậu cười. Chẳng gì bằng việc săn một con lợn con để mình cảm thấy dễ chịu hơn."

Cô ngoác miêng cười đầy tự hào. "Thế, Grace, cậu tìm được mối hẹn hò nào chưa?"

Tôi nhăn nhó. "Chưa. Tớ chưa. Sẽ chẳng đẹp đẽ gì đâu."

"Ôi, chết, tớ xin lỗi."

"À thì, cũng có phải là tận thế đâu," tôi lầm bầm nói cứng.

"Cậu có chắc không đấy?" Cũng như tôi, Kiki đnag độc thân. Và không ai biết rõ hơn một người phụ nữ độc thân ở tuổi 30 rằng chuyện đi dự đám cưới một mình sẽ chẳng khác nào địa ngục. Trong mấy tiếng nữa, chị họ Kitty của tôi, người đã từng cắt trụi mớ tóc mái ngang trán của tôi khi tôi ngủ lại nhà chị, sẽ kết hôn. Lần thứ ba. Trong bộ đầm kiểu Công nương Diana.

"Nhìn kìa, Eric đấy!" Kiki thốt lên, chỉ về cửa sổ phía Đông. "Ôi, Chúa ơi, xin tạ ơn Người!"

Eric là người lau cửa sổ của Học viện Manning mỗi mùa xuân và thu. Dù mới chỉ là đầu tháng Tư, buổi chiều đã ấm áp và êm dịu, còn Eric thì ở trần. Anh vừa cười thật tươi với chúng tôi, cho thấy một nhận thức rõ ràng về vẻ đẹp của bản thân, vừa xịt nước và lau cửa.

"Rủ anh ấy đi!" Kiki gợi ý trong khi chúng tôi nhìn chăm chú đầy ngưỡng mộ.

"Anh ta có vợ rồi," tôi nói, không rời mắt khỏi anh chàng. Nhìn hau háu vào Eric thế này cũng gần đạt mức thân mật như những gì mà tôi từng làm với một người đàn ông.

"Hôn nhân hạnh phúc ấy à?" Kiki hỏi, sẵn sàng phá tan một hay hai gia đình để giành được một người đàn ông.

"Chính thế. Yêu vợ phát điên."

"Tớ ghét chuyện đấy," cô lẩm bẩm.

"Tớ biết. Thật bất công."

Sự hoàn hảo của giới đàn ông có lẽ thể hiện chính ở việc Eric nháy mắt với chúng tôi. Gửi một nụ hôn gió và kéo miếng giẻ cao su tới lui trên cửa sổ, bắp vai nổi cuồn cuộn, cơ bụng săn chắc khẽ rung rung, ánh mặt trời lấp lánh trên mái tóc.

"Tớ phải đi thật đây," tôi nói, không cử động lấy một thớ thịt. "Tớ phải thay đồ và nhiều việc nữa." Ý nghĩ đó làm dạ dày tôi thắt lại. "Kiki, cậu chắc là cậu không biết có ai có thể đi cùng tớ chứ? Bất cứ ai? Tớ thực sự, thực sự không muốn đi một mình."

"Tớ không có, Grace ạ," cô thở dài. "Có lẽ đáng ra cậu nên thuê ai đó, như trong phim của Debra Messing ấy."

"Thị trấn này bé xíu. Một chàng trai bao chắc chắn sẽ nổi bần bật. Với lại, rất có thể sẽ không tốt cho danh tiếng của tớ. 'Giáo viên Manning bao trai. Các vị phụ huynh cẩn trọng.' Kiểu như thế."

"Còn Julian thì sao?" cô hỏi, xướng tên người bạn lâu năm nhất, người vẫn thường đi chơi với Kiki và tôi trong các cuổi tụ tập của bọn con gái.

"À, gia đình tớ biết anh ấy. Anh ấy không qua nổi đâu."

"Với tư cách là bạn trai, hay là một gã trai không đồng tính?"

"Tớ đoán là cả hai," tôi nói.

"Quá tệ. Ít nhất thì anh ấy cũng nhảy rất giỏi."

"Đúng là thế." Tôi liếc đồng hồ, và cái dòng chảy khiếp sợ vẫn tuôn trào không ngừng suốt tuần biến thành cả một dòng sông. Không chỉ là phải đi một mình tới đám cưới của Kitty già xấu tính. Tôi sẽ gặp Andrew lần thứ ba kể từ khi chúng tôi chia tay, và có người hẹn hò đi cùng chắc hẳn là sẽ rất hữu ích.

Thật ra thì. Dù ước ao có thể ở nhà và đọc Cuốn theo chiều gió hay xem một bộ phim đến mấy, tôi vẫn phải đi. Thêm nữa, gần đây tôi ở nhà nhiều quá. Bố tôi, người bạn thân đồng tính và con chó, dù là những người bạn đồng hành tuyệt vời, nhưng chắc chắn đời tôi cũng không nên chỉ có những người đàn ông ấy. Và luôn có một cơ hội li ti rằng tôi sẽ gặp được ai đó ở chính cái đám cưới này.

"Biết đâu Eric sẽ đi." Kiki nói, lật đật chạy về phía cửa sổ và kéo no mở ra. "Chẳng ai cần phải biết anh ta đã có gia đình cả."

"Kiki, đừng," tôi phản đối.

Cô không nghe. "Eric, tối nay Grace phải dự một đám cưới, chồng chưa cưới cũ của cô ấy cũng sẽ ở đó, và cô ấy lại không có mối hẹn hò nào cả. Anh đi với cô ấy được không? Giả vờ là ngưỡng mộ cô ấy, kiểu kiểu như thế?"

"Dù sao thì cũng cảm ơn, nhưng không cần đâu," tôi gọi với ra, mặt nóng ra.

"Người cũ hả?" Eric nói, lau sạch một ô cửa kính.

"Phải. Đến giờ vẫn còn đau như cắt." Tôi mỉm cười để thể hiện rằng mình không thực sự có ý đó

"Anh chắc là không đi được với cô ấy hả?" Kiki hỏi.

"Vợ tôi chắc sẽ có vấn đề với vụ đó," Eric trả lời. "Xin lỗi nhé Grace. Chúc may mắn."

"Cảm ơn," tôi nói. "Nghe tệ hơn thực tế rồi."

"Cô ấy có dũng cảm không cơ chứ?" Kiki hỏi. Eric đồng ý rằng tôi dũng cảm và chuyển sang cửa sổ tiếp theo, Kiki gần nhoài cả người ra ngoài cửa sổ để nhìn anh rời đi. Cô thụt người vào trong và thở dài. "Vậy là cậu sẽ đi một mình," cô nói với giọng điệu mà một vị bác sĩ sẽ dùng khi thông báo: Tôi rất tiếc, là giai đoạn cuối rồi.

"Thật sự thì tớ đã cố gắng mà, Kiki," tôi nhắc cô. "Johnny, người giao pizza thì đang hẹn hò với tỏi-và-cá trống, nếu cậu có thể tin được điều đó. Brandon ở bệnh xá thì nói anh ấy thà treo cổ còn hơn làm người hẹn hò dự đám cưới. Và tớ vừa phát hiện ra rằng anh chàng đáng yêu ở hiệu thuốc mới chỉ có 17 tuổi, và dù cậu ta nói rằng cậu ta rất vui lòng cùng đi, dược sĩ Betty là mẹ cậu ấy lại nói bâng quơ gì đó liên quan đến luật chống buôn bán phụ nữ mại dâm và những kẻ lạm dụng tình dục, vậy nên từ giờ tớ sẽ tới nhà thuốc CVS ở Farmington."

"Ui chà," Kiki xuýt xoa.

"Quan trọng gì đâu. Kết cục là tớ trắng tay. Thế nên tớ sẽ đi một mình, lộng lẫy và ngoan cường, nhìn khắp lượt căn phòng, kiếm mấy cái chân để ve vãn và ra về với một anh hầu bàn. Nếu may mắn." Tôi nhe răng cười. Ngoan cường.

Kiki cười lớn. "Độc thân thật là chán," cô tuyên bố. "Và Chúa ơi, lẻ bóng trong một đám cưới..." Cô rùng mình.

"Cảm ơn vì ăn nói lung tung," tôi đáp.

BỐN TIẾNG SAU, tôi đã ở giữa địa ngục.

Sự kết hợp đã quá quen thuộc và hơi buồn nôn giữa hy vọng và tuyệt vọng cuộn lên trong dạ dày tôi. Thật lòng, tôi nghĩ mình đã vượt qua những ngày này khá tốt. Phải, tháng trước, vị hôn phu của tôi đã bỏ rơi tôi, nhưng tôi không nằm co quắp trên sàn nhà mà mút ngón tay. Tôi đi làm, dạy học... với tôi như thế là rất ổn. Tôi ra ngoài giao lưu. Cứ cho là phần lớn những buổi di chơi của tôi nếu không phải khiêu vũ với những vị công dân lớn tuổi thì cũng là diễn lại các trận đánh trong cuộc Nội chiến đi chăng nữa, thì cũng đúng là tôi có ra ngoài. Và, phải, tôi cũng (theo lý thuyết) muốn tìm một mẫu đàn ông kiểu Atticus-Finch(1)-kết-hợp-với-Tim-Gunn-và-có-vẻ-ngoài-của-George-Clooner(2).

(1)Vị luật sư trong tiểu thuyết Giết con chim nhạm của Lee Harper, đại diện cho mẫu người kiên cường bảo vệ công lý và cái thiện.

(2) Tài tử điện ảnh nổi tiếng của Mỹ.

Vậy là tôi ngồi đây, tại một đám cưới khác nữa – đám cưới thứ tư trong gia đình kể từ Vụ Bỏ Rơi, đám cưới thứ tư trong gia đình mà tôi không có người đi cùng – liều lĩnh cố gắng toả ra ánh hào quang hạnh phúc để họ hàng thôi không thương hại tôi và cố gắng gán ghép tôi với những anh em họ xa diện mạo kỳ quặc. Đồng thời, tôi cũng cố gắng trau chuốt cái Vẻ Ngoài – mặt ngoài hớn hở, bên trong mãn nguyện và tuyệt đối thoải mái. Kiểu như Xin chào! Tôi thấy hoàn toàn thoải mái khi đi một mình tới dự thêm một đám cưới nữa và không hề khao khát một người đàn ông, nhưng nhỡ may anh không đồng tính, dưới 445 tuổi, hấp dẫn, tài chính ổn định và đạo đức ngay thẳng thì xin mời ngồi! Một khi đã nhuần nhuyễn cái Vẻ Ngoài, tôi định sẽ phân tách luôn cả một nguyên tử vì có lẽ hai việc đó về mức độ kỹ năng cũng chỉ đòi hỏi như nhau mà thôi.

Nhưng ai biết được chứ? Có khi hôm nay, đôi mắt tôi lại đặt được vào ai đó, ai đó cũng đơn côi và tràn trề hy vọng mà không hề thảm hại – vì như một bác sĩ phẫu thuật nhi, chỉ là để dễ nói thôi nhé – và bang bang! Thế là chúng tôi đã nhận ra!

Rủi thay, tóc tai tôi khiến cho tôi đẹp nhất thì cũng chỉ như một cô nàng gipsy xinh đẹp bất cần, nhưng chắc có lẽ sẽ gợi đến Gilda Radner(3) nhiều hơn. Phải nhớ mà gọi người trừ tà đến xem liệu có phải tôi bị ma quỷ ám vào mái tóc cắn gãy đôi lược và nuốt chửng bản chải tóc này không.

(3) Một diễn viên hài của Mỹ

Hừm. Ở đằng kia là một anh chàng đáng yêu. Kiểu mọt sách, hơi gầy, đeo kính, đích thực là gu của tôi. Rồi anh chàng thấy tôi đang nhìn và ngay lập tức quờ ra đằng sau tìm một bàn tay, bàn tay gắn với một cánh tay, và cánh tay ấy thì lại gắn với một cô nàng. Anh chàng cười toe với cô nàng, đặt một nụ hôn lên môi nàng và bắn một tia nhìn lo lắng về phía tôi. Được rồi, được rồi, không cần phải hoảng hốt đâu thưa ngài, tôi nghĩ. Thông điệp đã được nhận.

Quả thực, tất cả đàn ông dưới 40 tuổi dường như đều đã "có chủ". Vài người trạc tuổi bát tuần cũng có mặt, một trong số đó đang nhe răng cười với tôi. Hừm. 80 có già quá không nhỉ? Có khi tôi nên tìm một người già hơn chăng. Có khi tôi đang lãng phí thời giờ với những người mà tuyến tiền liệt còn hoạt động và khớp gối chưa được thay. Có khi lại có gì đó để nói với một ông già hảo ngọt. Ông già nhướng cặp lông mày trắng rậm rịt lên, nhưng cuộc theo đuổi con mồi trẻ trung ngọt ngào, là tôi, của ông lão bị cắt đứt khi bà vợ lấy khuỷu tay thúc cho lão một cái và ném cho tôi một cái lườm không đồng tình.

"Đừng lo, Grace. Sẽ sớm đến lượt cháu thôi," giọng một bà dì oang oang như còi tàu.

"Dì chẳng biết được đâu, dì Mavis," tôi trả lời kèm một nụ cười ngọt ngào. Đó là lần thứ tám trong tối nay tôi nghe cái câu an ủi xã giao đó, và tôi đang tính đến chuyện xăm lên trán mình câu Tôi không lo lắng. Sẽ sớm đến lượt tôi thôi.

"Cứ phải nhìn thấy họ ở bên nhau thế có khó khăn không?" Mavis lớn tiếng.

"Không, không hề," tôi nói dối, vẫn mỉm cười. "Cháu rất mừng vì họ hẹn hò nhau." Cứ cho là mừng thì có lẽ hơi quá, nhưng biết sao được. Tôi còn có thể nói gì nữa? Thật rắc rối.

"Cháu đúng là dũng cảm," Mavis dõng dạc. "Cháu là một người phụ nữ can đảm, Grace Emerson ạ." Rồi bà ì ạch bỏ đi tìm ai khác để hành hạ.

"Rồi, xổ ra đi," chị gái Margaret của tôi gặng hỏi, rồi ngồi ngay vào bàn của tôi. "Có phải em đang tìm một dụng cụ sắc nhọn để cắt cổ tay không. Hay đang nghĩ đến chuyện hít một ít khí cácbon mônôxít đấy?"

"Ặc, nghe chị kìa, tình cảm gớm. Em đến phải rơi lệ trước mối quan tâm đầy tình chị em của chị mất thôi."

Chị nhăn nhở. "Sao? Kể cho bà chị của cô đi nào."

Tôi tu một hơi dài rượu gin pha tonic. "Em bắt đầu hơi mệt mỏi vì mấy người nhận xét em dũng cảm thế nào, như thể em là một dạng lính thuỷ đánh bộ nhảy đè lên một quả lựu đạn vậy. Độc thân đâu phải là điều tệ nhất trên đời."

"Ước gì lúc nào chị cũng độc thân," Margs trả lời khi chồng chị tiến lại.

"Này, Stuart!" tôi ân cần. "Hôm nay em không thấy anh ở trường." Stuart là chuyên gia tâm lý ở trường và sáu năm trước đã báo cho tôi thông tin về vị trí còn trống ở khoa lịch sử. Đại khái, anh là người sống theo kiểu khuôn mẫu... sơ mi kín cổ mặc trong áo gi lê hoa văn hình con thoi, giày lười làm bằng da được trang trí tua rua, một bộ ria đúng kiểu. Một người đàn ông ít nói, dịu dàng, Stuart gặp Margaret khi đang học thạc sĩ và đã trở thành người phục vụ tận tuỵ của chị kể từ đó.

"Em chịu đựng được đến mức nào rồi, Grace?" anh hỏi, đưa cho tôi một phiên bản mới tinh của thứ đồ uống đặc trưng của tôi, rượu gin pha tonic với chanh.

"Em ổn cả, Stuart," tôi trả lời.

"Chào Margaret, chào Stuart!" dì Reggie gọi từ sàn nhảy. Rồi dì nhìn thấy tôi và sững lại. "Ô, chào Grace, trông cháu có đẹp không cơ chứ. Và ngẩng mặt lên, cháu yêu. Rồi một ngày gần đây cháu sẽ khiêu vũ trong đám cưới của mình thôi."

"Ôi, Chúa, cảm ơn dì Reggie," tôi trả lời, ném sang cho chị mình một cái nhìn đầy ý nghĩa. Dì Reggie cười buồn với tôi rồi đi chỗ khác buôn chuyện.

"Chị vẫn nghĩ như thế hơi kỳ dị," Margs nói. "Làm sao mà Andrew và Natalie lại có thể... Lạy Chúa lòng lành và chiếc vòng gai của Người! Chị thật không thể nào hiểu nổi điều đó. Mà họ đâu rồi nhỉ?"

"Grace, tình hình thế nào? Con chỉ đang đeo bộ mặt vui vẻ thôi hay đang thấy ổn thực sự vậy, con yêu?" Câu này là từ mẹ, giờ đã bước tới bàn chúng tôi. Bố đang đẩy bà nội già khụ của tôi lên xe lăn, lê bước theo sau.

"Con bé ổn mà, Nancy!" bố quát. "Nhìn nó xem! Bà thấy trông nó không ổn sao? Để nó yên! Đừng nói về chuyện đó nữa!"

"Im đi, Jim. Tôi hiểu rõ con mình và đứa này thì đang đau khổ. Một phụ huynh tốt có thể nhận ra điều đó." Mẹ ném cho bố một cái nhìn đầy ẩn ý và lạnh giá.

"Phụ huynh tốt ấy à? Tôi là một phụ huynh tuyệt vời," bố phản pháo.

"Mẹ, con ổn mà. Bố đúng đấy ạ. Con đang mơn mởn đây. Mà không phải trông Kitty thật tuyệt hay sao ạ?"

"Cũng gần đẹp bằng đám cưới đầu tiên của chị ấy," Margaret nói.

"Con đã gặp Adrew chưa?" mẹ hỏi. "Có khó khăn lắm không, con yêu?"

"Con ổn," tôi nhắc lại. "Thật đấy, con cực ổn."

Nội(4), bà nội chín mươi ba tuổi của tôi, lắc lắc đá trong chiếc ly cao của mình. "Nếu Grace không thể giữ được một người đàn ông, thì chứng tỏ, trong tình yêu và chiến tranh, mọi thứ đều công bằng."

(4) Nguyên văn mémé – từ tiếng Pháp để chỉ bà nội. Ở truyện này Mémé được sử dụng như tên thân mật để gọi bà nội Eleanor của nhân vật chính.

"Tuyệt!" Margaret thốt lên.

Nội tảng lờ chị, nhìn chăm chăm vào tôi với con mắt khinh miệt, ướt át. "Ta chưa bao giờ gặp rắc rối trong chuyện tìm một người đàn ông cả. Đàn ông yêu ta. Thời trước, ta khá là xinh đẹp, cháu biết đây."

"Và giờ vẫn vậy." tôi nói. "Nhìn nội kìa! Làm sao bà làm được như vậy. Nội trông không quá 110 tuổi lấy một ngày."

"Thôi nào, Grace," bố tôi mệt mỏi càu nhàu. "Cứ đổ thêm dầu bào lửa."

"Cứ cười đi nếu cháu muốn, Grace. Ít nhất chồng chưa cưới của ta cũng không quẳng ta đi." Nội uống cạn ly Manhattan của mình và giơ cốc ra cho bố, bố ngoan ngoãn đón lấy.

"Con không cần một người đàn ông," mẹ nói quả quyết. "Không một người phụ nữ nào cần hết." Mẹ chĩa ánh mắt nặng nề về phía bố.

"Như vậy là có ý gì đây?" bố ngắt lời.

"Nó nghĩa là như thế chứ còn thế nào," mẹ nói, giọng nặng trịch.

Bố đảo mắt. "Stuart, hãy đi một vòng nữa nào con trai. Grace, bố vừa ghé qua nhà con hôm nay và con thực sự cần mấy cái cửa sổ mới đấy. Margaret, làm vụ Bleeker hay lắm, con yêu." Đó là cách bố để nhồi tối đa thông tin vào cuộc trò chuyện, đại loại là để sớm kết thúc mọi thứ sao cho ông có thể lờ đi mẹ tôi (và cả mẹ ông nữa). "Và, Grace này, đừng quên trận Bull Run cuối tuần sau nhé. Chúng ta là phe Liên minh miền Nam."

Bố và tôi là thành viên hội Anh Em Chống Anh Em, nhóm tái hiện cuộc Nội chiến lớn nhất trong ba bang. Bạn đã biết chúng tôi rồi đấy... chúng tôi là những kẻ lập dị, phục sức để diễu binh và đánh trận giả trên các cánh đồng và các công viên, giả vờ bắn lẫn nhau và ngã xuống đất trong nỗi đớn đau dễ chịu. Bất chấp sự thật là Connecticut chứng kiến cuộc Nội chiến ấy chẳng nhiều nhặn gì (hỡi ôi), những kẻ cuồng tin trong hội Anh Em Chống Anh Em chúng tôi vẫn lờ đi cái sự thật phiền phức ấy. Lịch hoạt động của chúng tôi bắt đầu vào đầu xuân, khi chúng tôi dàn dựng một vài trận đánh tại địa phương, rồi chuyển tới các địa điểm thực ở khắp vùng phía Nam, nhập hội với các nhóm tái hiện khác để thoải mái thoả mãn đam mê của mình. Bạn chắc chắn sẽ phải kinh ngạc vì số lượng những người như chúng tôi.

"Cha con và mấy cái trận đánh ngu ngốc ấy," mẹ lẩm bẩm, chỉnh lại cổ áo cho nội. Nội rõ ràng là đã ngủ gật hoặc đã chết... nhưng không, lồng ngực nội vẫn nâng lên hạ xuống. "Thôi, mẹ không đi đâu, tất nhiên rồi. Mẹ cần phải tập trung vào các tác phẩm nghệ thuật của mình. Con sẽ tới dự buổi trình diễn tuần này, đúng không?"

Margaret và tôi trao nhau ánh nhìn lo ngại và ậm ừ như không muốn xác nhận điều gì. Tác phẩm nghệ thuật của mẹ là một đề tài tốt nhất là không nên đả động đến.

"Grace!" nội gắt lên, đột nhiên bừng tỉnh. "Ra ngoài kia đi! Kitty chuẩn bị ném bó hoa đấy! Đi! Đi ngay!" Nội quay chiếc xe lăn và bắt đầu thúc nó vào ống đồng tôi, thô bạo không kém Rames đánh gục đám nô lệ người Do Thái đang bỏ trốn.

"Ôi cháu xin nội, nội đang làm cháu đau đấy!" Tôi né chân ra, và như thế cũng chẳng khiến nội dừng lại.

"Đi! Cháu cần tất cả sự giúp đỡ có thể tranh thủ được!"

Mẹ trợn mắt. "Để con bé yên. Eleanor. Bà không thấy cháu nó chịu đựng đủ rồi sao. Grace con yêu, nếu thấy buồn thì con không cần phải đi đâu. Mọi người sẽ hiểu mà."

"Con không sao," tôi nói to, lùa tay qua mái tóc nổi loạn của mình, mái tóc vừa làm xổ tung nếp giữ của mấy chiếc cặp kim. "Con sẽ đi." Bởi vì khốn thật, nếu tôi không đi thì chuyện sẽ còn tệ hơn. Tội nghiệp Grace, nhìn cô ấy kìa, cô ấy chỉ ngồi đó như một con chuột nằm chết trên đường, thậm chí còn không thể rời khỏi ghế ngồi. Bên cạnh đó, chiếc xe của bà nội đã bắt đầu để lại vết trên váy của tôi.

Hướng thẳng về phía sàn nhảy tôi bước, phấn khích như Anne Boleyn trên dường tới giá treo cổ. Tôi cố gắng để hoà mình vào giữa những con cừu khác, đứng ở phía cuối, nơi tôi không hẳn có cơ hội bắt được bó hoa. Bài hát "Cơn sốt mèo cào" nổi lên – quá xuất sắc – tôi không thể kìm được một cái cười khẩy.

Rồi tôi nhìn thấy Andrew. Nhìn thẳng vào tôi, tội lỗi đầy mình. Không thấy người đi cùng đâu. Tim tôi lảo đảo.

Tôi biết anh ở đây, tất nhiên rồi. Việc anh ở đây là ý tưởng của tôi. Nhưng nhìn thấy anh, tôi biết rằng hôm nay anh đang ở bên người phụ nữ khác, lần đầu tiên xuất hiện với tư cách là một cặp, tay tôi lại rịm mồ hôi, dạ dày tôi quặn lại. Rốt cuộc thì, Andrew Carson cũng đã từng là người đàn ông tôi nghĩ mình sẽ kết hôn. Người đàn ông chỉ thiếu có ba tuần nữa là đã kết hôn với tôi. Người đàn ông rời bỏ tôi vì đem lòng yêu một người khác.

Hai năm trước, trong đám cưới thứ hai của Kitty, Andrew tới trong vai trò là bạn trai của tôi. Chúng tôi đã ở bên nhau được một thời gian, và tới thời điểm ném hoa, tôi đã tỏ ra khá hạnh phúc, giả vờ ngượng nghịu nhưng không giấu nổi vẻ nãm nguyện tự đắc khi có chàng người yêu chín chắn. Tôi đã không bắt được bó hoa đó, và khi tôi rời sàn nhảy, Andrew vòng cánh tay quanh vai tôi. "Anh nghĩ đáng lẽ em đã có thể cố gắng hơn chút nữa," anh nói, và tôi vẫn nhớ cái cảm giác run rẩy rộn ràng mà những lời đó mang lại.

Giờ thì anh ở đây cũng với bạn gái mới của mình. Natalie tóc vàng, dài, thẳng. Natalie chân dài miên man. Natalie nữ kiến trúc sư.

Natalie, cô em gái được hâm mộ hơn nhiều của tôi, người ẩn mình một cách dễ hiểu trong đám cưới này.

Kitty nâng bó hoa lên. Em gái chị, chị họ Anne của tôi, bắt được nó đúng theo kế hoạch và như đã tập luyện, không nghi ngờ gì. Thời gian hành hạ chấm dứt. Nhưng, không. Kitty nhìn tôi đăm đăm, nhấc váy lên và chen chân bước tới. "Sẽ tới lượt em sớm thôi, Grace," chị lớn tiếng tuyên bố. "Em vẫn chịu được chứ?"

"Chắc chắn rồi," tôi nói. "Đúng là cảm giác déjà vu thêm lần nữa, Kitty! Lại một mùa xuân nữa, lại một đám cưới nữa của chị."

"Em đáng thương." Chị siết chặt cánh tay tôi, một sự cảm thông màu mè rỉ ra khỏi người chị, mắt thì liếc nhìn quả đầu mái bằng của tôi (phải, chúng đã mọc lại trong mười lăm năm đã qua kể từ khi bị chị cắt) và rồi chị quay trở lại với chú rể của mình cùng với ba đứa con từ hai cuộc hôn nhân trước.

BA MƯƠI PHÚT SAU, tôi quyết định rằng mình dũng cảm như thế là đã đủ rồi. Bữa tiệc chiêu đãi của Kitty đang ở cao trào, va trong khi âm nhạc đang rất sôi động còn chân tôi thì ngứa ngáy chỉ muốn nhảy ra đó để chỉ cho đám đông kia biết điệu rumba đáng lẽ ra phải trông như thế nào, tôi đã quyết định về nhà. Nếu như có một anh chàng độc thân, bảnh bao, tài chính ổn định, tâm lý vững vàng ở đây, thì chắc anh ta cũng đang trốn dưới gầm bàn. Chỉ nán lại một chút, tôi bèn lên đường chuẩn bị về nhà.

Tôi đẩy cửa, hoảng hốt đưa mắt liếc nhanh về phía tấm gương – đến tôi cũng không biết tóc mình có thể xoắn xuýt tới như vậy, trời đất quỷ thần ơi, nó gần như quay ngang ra – và cánh cửa căn phòng nhỏ vừa mở thì tôi nghe thấy một tiếng động khe khẽ. Một âm thanh buồn. Tôi hé nhìn xuống khe cửa. Đôi giày đẹp. Có quai, cao gót, da màu xanh dương tinh xảo.

"Ừm... mọi việc ổn cả chứ?" tôi chau mày hỏi. Đôi giày trông quen quen.

"Grace hà?" một giọng nói nhỏ vang lên. Chả trách đôi giày nhìn quen. Em gái tôi và tôi đã cùng đi mua, mùa đông năm ngoái.

"Nat? Em yêu, em ổn chứ?"

Có tiếng vải sột soạt; rồi em gái tôi đẩy cửa mở ra. Con bé cố mỉm cười, nhưng đôi mắt xanh sáng thì đang ướt đẫm những giọt nước lấp lánh. Tôi để ý thấy mascara của con bé còn chưa hạ cố mà trôi mất. Nó trông bi thảm và lộng lẫy, như thể Ilsa đang nói lời tạm biệt với Rick ở sân bay Casablanca.

"Chuyện gì vậy, Nat?" tôi hỏi.

"Ồ, không có gì..." Miệng con bé run run. "Ổn cả."

Tôi ngừng lại. "Có phải liên quan tới Andrew không?"

Vỏ bọc của Natalie sụp đổ. "Ừm... à... em không nghĩ là chuyện giữa bọn em sẽ tiến triển được," con bé nói, giọng hơi run rẩy, không giấu được cảm xúc thật. Con bé cắn môi nhìn xuống.

"Vì sao?" tôi hỏi. Cảm giác thanh thản và lo lắng vật lộ nhau trong tim tôi. Dĩ nhiên, nếu Nat và Andrew không đi tới đâu thì tôi cũng không lấy gì làm khổ sở vật vã, nhưng sướt mướt thì lại chẳng giống Natalie chút nào. Thực tế, lần cuối cùng tôi thấy nó khóc là khi tôi rời nhà đi học đại học cách đây mười hai năm.

"Ừm... chỉ là một ý tưởng tệ hại thôi," con bé thì thầm. "Nhưng không sao."

"Có chuyện gì?" tôi hỏi. Ham muốn treo cổ Andrew bùng lên trong lòng. "Anh ta đã làm gì?"

"Không có gì," con bé vội vàng trấn an tôi. "Chỉ là... ừm..."

"Cái gì?" tôi hỏi lại, lần này quyết liệt hơn. Con bé không nhìn tôi. A, quỷ tha ma bắt. "Là vì chị hả, Nat?"

Con bé không trả lời.

Tôi thở dài. "Natalie. Trả lời chị nào."

Mắt con bé dán chặt vào tôi, rồi lại rơi xuống sàn nhà. "Chị chưa quên anh ấy, đúng không?" nò thì thầm. "Dù chị có nói là chị đã quên... Em nhìn thấy khuôn mặt chị ngoài đó, trong lúc ném hoa, và ôi, Grace, em xin lỗi. Đáng ra em không bao giờ nên cố..."

"Natalie," tôi cắt ngang. "Chị đã quên anh ta rồi. Thật đấy. Chị hứa."

Con bé nhìn tôi với ánh mắt đầy ắp cảm giác tội lỗi, khổ sở và thiểu não chân thành đến nỗi những lời tiếp theo vuột ra khỏi miệng mình mà tôi cũng không nhận thức được đầy đủ về chúng. "Nat, sự thật là, chị đang gặp gỡ một người."

Ối. Nói bừa mà hiệu quả kỳ diệu ghê. Natalie chớp mắt nhìn tôi, hai giọt nước nữa lăn xuống, đôi má ửng hồng, hy vọng bừng lên trên khuôn mặt, mắt con bé mở to. "Thật ư?" nó hỏi.

"Phải," tôi nói dối, chụp láy cái khăn giấy để chấm nhẹ lên mặt con bé. "Mấy tuần nay rồi."

Biểu hiện bi thảm của Nat biến mất dần. "Sao tối nay chị không đưa anh ấy tới?" nó hỏi.

"Ồ, em biết đấy. Cưới xin. Mọi người ai cũng sẽ quá khích khi em đi cùng với ai đó mà."

"Chị không kể cho em," nó nói, trán hơi nhăn lại.

"Ừ thì chị không muốn nói bất cứ điều gì cho tới khi chị biết là nó đáng để đề cập tới." Tôi lại mỉm cười, củng cố cho cái ý tưởng đó – đúng như ngày xưa – và lần này, Nat cười đáp trả.

"Tên anh ấy là gì?" con bé hỏi.

Tôi khựng lại trong tích tắc. "Wyatt," tôi trả lời, nhớ tới kịch bản thay lốp của mình. "Anh ấy là một bác sĩ."

Chương 2

Cho phép tôi nói rằng thời gian còn lại của đem hôm đó diễn ra tốt đẹp hơn với tất cả mọi người. Natalie kéo tôi trở lại cái bàn mà cả nhà tôi đang ngồi, khăng khăng nói rằng chúng tôi phải ngồi chơi với nhau một chút, vì hôm nay con bé quá căng thẳng nên chưa dám nói chuyện với tôi.

"Chị Grace, đang gặp gỡ một người!" con bé nhẹ nhàng thông báo, mắt lấp lánh. Margaret đang đau đớn nghe nội miêu tả bệnh polyp mũi(1), sực tỉnh. Mẹ và bố dừng cuộc cãi nhau dở chừng để chất vấn tôi với hàng đống câu hỏi, nhưng tôi trung thành với câu chuyện "vẫn còn hơi sớm để kể chuyện đó". Margaret nhướng một bên lông mày lên nhưng không nói gì. Qua khoé mắt, tôi thấy Andrew – anh ta và Natalie đã giữ một chút khoảng cách vì lo lắng cho những cảm giác yếu mềm của tôi. Không cần bận tâm đến anh ta.

(1) Polyp mũi: kết quả của chứng viêm mãn tính trong khoang mũi, Polyp tạo nên các cục thịt u trong khoang mũi và xoang và có thể gây nghẽn hoàn toàn.

"Vậy người ấy là nghề gì?" nội kèo nhèo. "Anh ta không phải là một tay giáo viên nghèo kiết xác chứ? Các chị em của cháy đã xoay sở để tìm được công việc trả lương tử tế, Grace ạ. Ta không biết làm sao mà cháu thì lại không thể."

"Anh ấy là bác sĩ," tôi nói, nhấp một ngụm rượu gin pha tonic mà người bồi bàn vừa mang tới.

"Bác sĩ gì thế, con gái rượu?" bố hỏi.

"Một bác sĩ phẫu thuật nhi khoa," tôi trả lời trôi chảy. Nhấp, nhấp chút cooktail. Hy vọng tràn trề rằng màu ửng đỏ trên mặt tôi có thể được đổ cho ly cooktail chứ không phải do nói dối.

"Ôoiiii," Nat thở dài, gương mặt nó bừng lên một nụ cười thiên thần. "Ôi, Grace."

"Tuyệt vời," bố nói. "Giữ lấy người này đi, Grace."

"Con bé không cần phải níu giữ bất cứ cái gì hết, Jim," mẹ cự lại. "Thẳng thắng mà nói, anh là cha nó! Anh có thực sự cần phải đánh giá thấp nó như thế không?" Rồi hai người lại bị cuốn vào một cuộc tranh cãi khác. Thật dễ chịu vì Grace Tội Nghiệp cuối cùng cũng ra khỏi danh sách những điều cần phải lo lắng.

TÔI BẮT TAXI VỀ NHÀ, viện cớ để điện thoại nhầm chỗ và đang có nhu cầu khẩn thiết phải gọi về cho anh bạn trai bác sĩ tuyệt vời của mình. Tôi còn cố gắng tránh nói chuyện trực tiếp với Andrew. Tống cổ Natalie và Andrew ra khỏi đầu theo phong cách Scarlett O'Hara – Mình sẽ nghĩ tới chuyện đó vào ngày mai(2) – thay vào đó, tôi tập trung vào chàng người yêu tưởng tượng mới của mình. May mà lốp xe của tôi mới nổ mấy tuần trước, không thì tôi đã không thể phản ứng nhanh như thế.

(2) Câu nói cửa miệng của nhân vật Scarlett O'Hara trong truyện Cuốn theo chiều gió.

Sẽ thật tuyệt nếu Wyatt, bác sĩ phẫu thuật nhi khoa, là một anh chàng có thật. Nếu chàng lại là một người khiêu vũ giỏi, kể cả chỉ là bước box-step cơ bản. Nếu chàng có thể quyến rũ được bà nội, hỏi thăm mẹ về những tác phẩm điêu khắc của bà và không co rúm người khi mẹ mô tả chúng. Nếu chàng là một tay golf như Stuart và hai người lên kế hoạch cho một buổi sáng trên các sân golf. Nếu chàng tình cờ lại biết một chút về Nội chiến. Nếu chàng thi thoảng lại bỏ lửng giữa câu khi đang nói vì mải nhìn tôi và đơn giản là quên mất mình đang nói gì. Nếu chàng đang ở đây để dắt tôi lên gác, kéo khoá cái bộ váy vướng víu này rồi quấn lấy tôi mà chẳng nghĩ suy gì.

Taxi rẽ vào phố nhà tôi và chầm chậm tìm chỗ đó. Tôi trả tiền cho lái xe, bước ra và đứng một lát, ngắm nhìn ngôi nhà của mình. Đó là một ngôi nhà ba tầng bé xíu theo kiến trúc Victoria, cao và hẹp. Mấy cây thuỷ tiên kiêu hãnh đứng lô nhô dọc theo lối đi, thảm tulip sẽ sớm nhú lên màu hồng và vàng. Tháng Năm, đám tử đinh hương không gì sánh được tràn ngập khắp nhà. Tôi sẽ dành gần cả mùa hè trên chiếc ghế bành, đọc sách, viết bài cho mấy tờ tạp chí, tưới nước cho mấy cây dương xỉ Boston và thu hải đường. Mái nhà của tôi. Khi tôi mua ngôi nhà này – nói lại cho đúng, khi Andrew và tôi mua nó – nó thật tả tơi và nhếch nhác. Giờ, nó đã thành một chốn trưng bày. Chốn trưng bày của tôi, khi mà Andrew đã bỏ tôi trước khi hệ thống cách nhiệt được lắp đặt, trước khi những bức tường được dỡ đi và sơn lại.

Tiếng giày cao gót của tôi trên lối đi lát đá, Angus thò ngay đầu lên cửa sổ khiến tôi cười ngoác... và rồi rung rung cả người. Có vẻ như tôi hơi phấn khích, điều đó càng thể hiện rõ nét khi tôi lần sờ vô ích để cắm mấy cái chìa khoá. Đó. Chìa đã vào cửa, xoay thôi. "Chào cưng, Angus McFangus! Mẹ về rồi đây."

Chú chó nhỏ chạy vọt đến bên tôi, rồi, quá khích vì sự có mặt kỳ diệu của tôi, nó lao quang cầu thang theo kiểu chạy ăn mừng – phòng khách, phòng ăn, bếp, hành lang, rồi lặp lại. "Mày nhớ mẹ chứ hả?" tôi hỏi mỗi lần nó lướt vèo qua mình. "Nhớ... mẹ... chứ... hả?" Cuối cùng năng lượng cũng cạn, cu cậu mang cho tôi nạn nhân đêm nay của mình, một chiếc hộp giấy ăn bị cắn te tua được đặt ngay dưới chân tôi đầy tự hào.

"Cảm ơn mày, Angus," tôi nói, hiểu rằng đây là một món quà. Nó rạp xuống trước mặt tôi, thở hổn hển, đôi mắt đen tha thiết, duỗi hai chân sau ra, như thể nó đang bay, trong cái tư thế khiến tôi nghĩ ngay đến cái dáng Siêu Khuyển của nó. Tôi ngồi xuống, tuột giày ra và gãi gãi lên cái đầu nhỏ đáng yêu của Angus. "Đoán xem? Giờ tao có bạn trai rồi nhé," tôi nói. Con chó vui vẻ liếm tay tôi, ợ một cái, rồi chạy vào bếp. Ý hay đấy. Tôi sẽ bóc một gói Ben & Jerry để ăn nhẹ một chút. Nhấc mình ra khỏi ghế, tôi liếc ra ngoài cửa sổ và đờ cả người.

Một người đàn ông đang lén lút đi dọc bức tường nhà bên.

Hiển nhiên là bên ngoài rất tốt, nhưng ánh đèn đường rọi thẳng vào hắn đi chầm chậm dọc theo ngôi nhà kế bên nhà tôi. Hắn nhìn ra cả hai hướng, dừng lại, rồi tiếp tục vòng ra đằng sau ngôi nhà, trèo lên mấy bậc cấp, chậm rãi, thăm dò, rồi thử vặn núm cửa. Khoá, tất nhiên rồi. Hắn nhìn xuống thảm chùi chân. Chẳng có gì. Lại thử vặn núm cửa, mạnh hơn lần trước.

Tôi không biết phải làm gì. Tôi chưa bao giờ chứng kiến một ngôi nhà bị đột nhập cả. Chẳng có ai sống trong ngôi nhà đó, ngôi nhà số 36 Maple. Tôi chưa bao giờ thấy ai ngó ngàng tới nó trong suốt hai năm sống ở Peterson. Đó là căn nhà gỗ một tầng, đã hỏng hóc kha khá, cần phải cải thiện tương đối. Tôi thường băn khoăn vì sao không có ai mua hay sửa chữa nó cả. Chắc chắn bên trong chẳng có gì đang để đánh thó...

Nuốt ực một tiếng rõ to, tôi nhận ra rằng nếu tên trộm nhìn về phía này, hắn sẽ thấy tôi khá rõ vì đèn đang bật và rèm thì mở. Chậm rãi với tay ra, không rời mắt khỏi hắn, tôi tắt đèn đi.

Nghi phạm, tôi đã gọi hắn như thế rồi, sau đó dùng vai huých vào cánh cửa. Hắn lặp lại hành động đó, lần này mạnh hơn, tôi rùng mình khi vai hắn chạm vào cửa. Không ăn thua. Hắn thử lần nữa, lùi lại, rồi đi về phía cửa sổ, khum tay quanh mắt và nhòm vào trong.

Đối với tôi, tất cả những việc này đều có vẻ quá đáng ngờ. Chắc chắn là tên này cố mở cửa sổ. Lần nữa, không có tí may mắn nào. Có lẽ, phải, tôi đã xem quá nhiều tập phim truyền hình Luật pháp và trật tự, bạn của phụ nữ độc thân mọi nơi, nhưng trường hợp này thì lại rõ như ban ngày. Một tội ác đang diễn ra ở ngôi nhà trống kế bên. Hẳn là điều này chẳng tốt đẹp gì. Nhỡ may tên trộm lại đằng này thì sao? Tuổi đời đã lên hai, nhưng Angus chưa bao giờ được làm thử bài kiểm tra bảo vệ căn nhà này cả. Nhá giày và lăn giấy vệ sinh, đó là những gì nó sành sỏi. Bảo vệ tôi khỏi một gã đàn ông tầm trung? Không chắc lắm. Và liệu tên trộm có ở tầm trung không? Với tôi hắn trông có vẻ vạm vỡ. Khá là săn chắc.

Tôi để cho chuỗi hình ảnh rùng rợn lướt qua đầu và nhận thức được cơ hội mong manh chúng thành hiện thực. Gã đàn ông, giờ đang thử khung cửa sổ khác, có lẽ không phải là một tên sát nhân đang tìm nơi để giấu xác. Hắn có lẽ không có gói heroin trị giá một triệu đô la nào trong xe. Và tôi hy vọng, một cách khá mãnh liệt, rằng hắn không có kế hoạch tới một phụ nữ tầm trung trong một cái hố dưới tầng hầm và chờ cho cô nàng sụt đủ cân để hắn có thể dùng da cô may thành một cái áo mới, như cái gã trong phim Sự im lặng của bầy cừu.

Tên trộm thử mở cửa lần thứ hai. Được rồi, anh bạn, tôi nghĩ. Thế là đủ lắm rồi. Đã đến lúc để gọi nhà chức trách. Ngay cả nếu hắn không phải một tên sát nhân, rõ ràng hắn đang tìm một ngôi nhà để đục khoét. Có đúng là động từ không nhỉ? Đục khoét? Từ này nghe thật nhộn. Ừ thì quả là tôi có làm hai ly rượu gin với tonic tối nay (hay là ba nhỉ?), và uống thì không phải là sở trường của tôi, nhưng sự thật vẫn là thế. Tôi có phân tích kiểu gì thì cái hành động ở nhà bân kia trông cũng vẫn cứ quá đen tối. Gã đàn ông lại biến mất phía sau nhà, chắc là vẫn tìm chỗ để đột nhập vào, tôi đoán vậy. Cái quái gì thế. Đã đến lúc tôi bắt mấy đồng thuế phát huy tác dụng và gọi cho cảnh sát.

"911 xin nghe, xin hãy báo trường hợp khẩn cấp của bạn."

"Chào, chị khoẻ không?" tôi hỏi.

"Xin hỏi bà có vấn đề gì khẩn cấp không?"

"Ồ, thực ra là, chị biết đấy, tôi cũng không chắc," tôi trả lời, nheo một mắt lại để nhìn tên trộm rõ hơn. Không thấy gì, hắn đã biến mất phía góc xa của căn nhà. "Tôi nghĩ là căn nhà bên cạnh đang bị trộm. Tôi ở số 34 đương Maple, Peterson. Tên là Grace Emerson."

"Xin chờ một lát." Tôi nghe tiếng lạo xạo của bộ đàm đằng sau. "Chúng tôi có một xe tuần tra ở khu vực của bà," sau một lát cô nói. "Chúng tôi sẽ phái một đơn vị tới ngay bây giờ. Chính xác thì bà nhìn thấy gì?"

"Ừm, ngay bây giờ thì không có gì. Nhưng hắn đang... rình rập, chị biết không?" tôi cau có nói. Rình rập ấy à? Tôi là Tony Soprano(3) chắc? "Ý tôi là, anh ta đang đi vòng xung quanh, cố mở cửa ra vào và cửa sổ. Không ai sống ở đó cả, chị biết đấy."

(3) Một nhân vật trong loạt phim truyền hình về Mafia The Soprano.

"Cảm ơn bà. Cảnh sát sẽ có mặt ở đó bất cứ lúc nào. Bà có muốn giữ liên lạc không?" cô hỏi.

"Không, không cần đâu," tôi nói, không muốn tỏ ra quá ăn hại. "Cảm ơn." Tôi dập máy, có phần cảm thấy thật anh dũng. Người luôn trông chừng cho láng giềng, chính là tôi.

Từ bếp, tôi không trông thấy gã đàn ông nữa, vậy là tôi nhẹ nhàng lách vào phòng ăn (oái, hơi chóng mặt... chắc là do ba ly rượu gin với tonic). Hé nhìn qua cửa sổ, tôi chẳng thấy gì bất thường lúc đó cả. Và tôi cũng không nghe thấy cả tiếng còi hú. Cảnh sát đâu cả rồi? Có lẽ đáng ra tôi nên giữ đường dây. Nhỡ tên trộm nhận ra là chẳng có gì mà ăn cắp ở đằng đó, nhưng rồi lại nhòm ngó sang đây thì sao? Tôi có rất nhiều đồ đẹp đẽ. Cái ghế xô pha kia tiêu của tôi mất gần hai ngàn. Máy tính thì thời thượng. Và sinh nhật năm ngoái, bố mẹ đã tặng cho tôi một chiếc tivi màn hình plasma tuyệt hảo.

Tôi nhìn quanh. Chắc chắn rồi, thế thật là ngốc, nhưng tôi sẽ cảm thấy an toàn hơn nếu... thực ra thì, không phải là có vũ khí, nhưng cũng là có cái gì đó. Tôi không có khẩu súng ngắn nào, có Chúa chứng giám... tôi không phải kiểu người đó. Tôi liếc nhìn bộ dao của mình. Không. Như thế có vẻ hơi quá đà, ngay cả với tôi. Vẫn biết là tôi có hai khẩu súng trường Springfield trên gác mái, chưa kể đến một cái lưỡi lê, cùng với tất cả các phụ kiện thời Nội chiến khác, nhưng chúng tôi lại không dùng đạn, và dù trong mấy màn tái hiện trận chiến, tôi có tỏ vẻ khoái chí đến mức nào đi chăng nữa, tôi cũng không thể hình dung ra nổi cảnh đâm lê vào ai đó.

Rón rén ra khỏi phòng khác, tôi mở tủ và xem xét các lựa chọn của mình. Mắc treo, không ăn thua. Ô, quá nhẹ. Nhưng khoan đã. Kìa, ở phía sau, là cây gậy chơi hockey cũ từ hồi trung học của tôi. Toi đã gữ nó trong suốt những năm qua vì nhiều lý do tình cảm, ôn lại quãng thời gian ngắn ngủi làm vận động viên của mình, và giờ thì tôi thấy mừng. Không hẳn là một thứ vũ khí, nhưng ít nhiều cũng dùng để tự vệ được, Hoàn hảo.

Angus đang ngủ trong bếp, trên giường của nó, một tấm nệm nhung đỏ trong một chiếc giỏ bằng liễu gai. Nó nằm ngửa, mấy cái chân trắng bông giơ lên không, mấy chiếc răng nhỏ ở hàm dưới khoá cứng lấy hàm trên. Trông nó không có vẻ sẽ có ích nhiều trong trường hợp nhà bị đột nhập. "Cứng cỏi lên, Angus," tôi thì thầm. "Dễ thương không phải là tất cả, mày biết đấy."

Nó hắt hơi, tôi cúi xuống. Tên trộm có nghe thấy không? Mà nếu thế, hắn có nghe tôi nói chuyện điên thoại không? Tôi nhìn ra cửa sổ phòng ăn cầu may. Vẫn không có bóng cảnh sát nào. Cũng chẳng có động tĩnh gì từ phía nhà bên. Có khi hắn đi mất rồi.

Hay là đang tới. Đang đi tới chỗ tôi. À thì, tới chỗ đồ của tôi. Hoặc tôi. Ai mà biết được.

Tôi thấy trấn tĩnh hơn nhờ cầm chắc cây gậy hockey. Có lẽ mình nên trườn lên nhà, chui vào tầng áp mái và khoá trái cửa, tôi nghĩ. Ngồi bên cạnh máy khẩu súng trường đó, không có đạn cũng được. Chắc chắn cảnh sát có thể xử lý tên trộm nhà bên. Vừa nói đến cảnh sát, một chiếc xe tuần tra đen trắng lướt xuống phố, đỗ ngay trước cửa nhà của gia đình Darren. Tuyệt. Tôi an toàn rồi. Tôi rón rén vào phòng ăn, xem liệu có trông thấy Ngài Kẻ Trộm không.

Không. Chẳng có gì. Chỉ có tiếng mấy cành tử đinh hương lào rào cọ vào cửa sổ. Nói tới cửa sổ. Bố đã đúng. Chúng cần phải được thay. Tôi có thể cảm thấy luồng không khí, mà trời thì không gió đến thế. Hoá đơn sưởi năm nay của tôi đã cao chết người rồi.

Ngay lúc đó, vang lên một tiếng gõ cửa khe khẽ. A, cảnh sát. Ai bảo họ sẽ không bao giờ có mặt khi bạn cần tới họ? Angus bật dậy như bị giật điện và lao tới cửa, nhảy lên sung sướng, bật tưng tưng, cả bốn chân đều không chạm đất, sủa loạn xị. Ẳng! Ẳngẳngẳngẳngẳngẳng! "Suỵt!" tôi bảo nó. "Ngồi xuống. Ở đó. Bình tĩnh nào cún yêu."

Chương 3

Vẫn cây gậy trong tay, tôi mở cửa trước.

Không phải cảnh sát. Tên trộm đang đứng ngay trước mặt tôi. "Chào," hắn mở lời.

Tôi nghe thấy tiếng chiếc gậy đập vào hắn trước khi nhận ra mình đã di chuyển, rồi bộ não tê dại của tôi nhận thức tất cả mọi thứ cùng một lúc – âm thanh trầm đục của gỗ đập vào người. Cảm giác rung bật trở lên cánh tay. Biểu hiện sững sờ trên mặt tên trộm khi giơ tay lên che mắt. Chân tôi run lên. Cái bộ dạng sụp xuống của tên trộm. Tiếng sủa cuồng loạn của Angus.

"Ối chao," tên trộm kêu lên yếu ớt.

"Lùi lại," tôi rít lên, chiếc gậy hockey vung vẩy trên tay. Toàn bộ cơ thể tôi run lên đầy bạo lực.

"Chúa ơi, cái cô này," hắn thì thầm, giọng nói phần nhiều là sự ngạc nhiên. Angus, gầm gừ như một con sư tử nhỏ đang giận dữ, bám lấy tay áo tên trộm và quăng cái đầu nhỏ tới lui, cố gắng phá hoại cái gì đó, đuôi ve vẩy sung sướng, toàn thân run lên vì niềm phấn khích khi bảo vệ cho cô chủ của mình.

Tôi có nên bỏ gậy xuống không? Chẳng phải đó là khoảnh khắc vàng để hắn tóm lấy tôi sao? Liệu đó có phải sai lầm mà hầu hết chị em phụ nữ mắc phải ngay trước khi họ bị ném xuống cái lỗ trong tầng hầm và bị bỏ đói cho tới khi da họ dãn ra không?

"Cảnh sát đây! Giơ tay lên!"

Phải rồi! Cảnh sát! Ơn Chúa! Hai viên cảnh sát đang chạy qua bãi cỏ nhà tôi.

"Giơ tay lên! Ngay!"

Tôi tuân lệnh, cây gậy hockey trượt khỏi tay, nảy khỏi đầu tên trộm và rơi xuống thềm. "Vì Chúa," tên trộm rên rỉ nhăn nhó. Angus nhả tay áo hắn ra và thay vào đó, đâm bổ vào cây gậy, hân hoan gầm gừ và sủa ăng ẳng.

Tên trộm liếc mắt lên nhìn tôi. Da quanh mắt hắn giờ đã ngả sang màu đỏ bầm. Và, ôi trời, đó là máu ư?

"Đưa tay lên đầu đi, anh bạn," một trong hai viên cảnh sát nói, lôi ra chiếc còng tay.

"Không thể tin được chuyện này," tên trộm nói, tuân theo với (như tôi tưởng tượng) một sự cam chịu chán ngán của người đã từng trải qua việc này trước đây. "Tôi đã làm gì nào?"

Viên cảnh sát đầu tiên không trả lời, chỉ động tách một cái chiếc còng tay. "Xin cô hãy vào trong," người còn lại nói.

Cuối cùng thì tôi cũng hết cứng đơ trong tư thế tay giơ lên đầu và liêu xiêu đi vào nhà. Angus lôi chiếc gậy hockey theo đằng sau tôi trước khi bỏ lại nó để lao mấy vòng quanh chân tôi. Tôi đổ sập xuống ghế, kéo con chó vào lòng. Nó liếm cằm tôi đầy khí thế, sủa hai tiếng, rồi cắn lấy tóc tôi.

"Cô là Emerson?" viên cảnh sát hỏi, lẹ làng bước qua cây gậy hockey.

Tôi gật đầu, vẫn còn run bần bật, tim tôi phi nước đại trong lồng ngực như chú ngựa Seabiscuit trong cú rướn cuối cùng.

"Vậy ở đây có chuyện gì?"

"Tôi nhìn thấy người đàn ông đó đột nhập vào căn nhà bên cạnh," tôi trả lời, gỡ tóc ra khỏi răng Angus. Giọng tôi gấp và cao. "Mà ở đó không có ai sống cả. Vậy nên tôi gọi các anh, và rồi anh ta tới ngay trên thềm nhà tôi. Thế là tôi đánh anh ta bằng cây gậy hockey. Tôi chơi từ hồi trung học."

Tôi ngồi lại, nuốt nước bọt và liếc nhìn ra cửa sổ, hít vài hơi thật sâu, cố gắng để không thở quá nhanh. Người cảnh sát cho tôi ít phút, tôi vuốt đám lông lởm chởm của Angus, khiến nó sung sướng rên lên khe khẽ. Giờ nghĩ lại chuyện này, tôi thấy có lẽ phang vào tên trộm không hẳn là... việc cần thiết. Rõ ràng là hắn nói "Chào." Dù sao thì tôi cũng nghĩ thế. Hắn ta nói chào. Trộm có hay chào nạn nhân của mình không nhỉ? Xin chào, tôi rất muốn cướp nhà của bạn. Như thế có được không?

"Cô ổn chứ?" viên cảnh sát hỏi. "Anh ta có làm cô bị thương không? Có đe doạ cô không?" Tôi lắc đầu. "Sao cô lại mở cửa? Làm thế thật là không thông minh chút nào?" Anh ta cau mày không đồng ý.

"Ừ, à, tôi đã nghĩ đó là các anh. Tôi nhìn thấy xe của các anh. Và, không, anh ta không làm tôi bị thương. Anh ta chỉ..." nói xin chào. "Trông anh ta, ừm,... đáng nghi? Kiểu thế? Anh biết đấy, anh ta đã lẩn quất quanh ngôi nhà đó, chỉ vậy thôi. Lén lút và nhìn ngó, kiểu như là nhìn lén? Và chẳng có ai sống ở đó cả. Không ai sống ở đó kể từ khi tôi tới đây. Và tôi thực sự không cố tình đánh anh ta."

Có lẽ, tôi nói nghe không thông minh chút nào!

Viên cảnh sát nhìn tôi hồ nghi và viết mất thứ vào cuốn sổ nhỏ màu đên. "Mới đây cô có uống rượu không?" anh ta hỏi.

"Một chút xíu," tôi trả lời đầy tội lỗi. "Tôi không lái xe, tất nhiên rồi. Tôi đã đi dự một đám cưới. Chị họ tôi. Chị ấy cũng không tử tế lắm. Dù sao thì tôi cũng đã uống một ly cocktail. Rượu gin với tonic. À, thực ra thì khoảng hai ly rưỡi. Cũng có thể là ba?"

Anh cảnh sát gập cuốn sổ lại và thở dài.

"Butch?" Viên cảnh sát thứ hai thò đầu vào cửa. "Chúng ta có vấn đề rồi."

"Hắn chạy rồi hả?" tôi buột miệng. "Hắn thoát rồi phải không?"

Anh cảnh sát thứ hai nhìn tôi thương hại. "Không, thưa cô, anh ta đang ngồi trên bậc cấp nhà cô. Chúng tôi đã còng tay anh ta rồi, cô không cần phải lo lắng gì cả. Butch, cậu ra đây một chút được không?"

Butch đi ra, súng loé lên dưới ánh đèn. Ôm chặt Angus, tôi rón rến đi ra cửa sổ phòng khách và mở hé tấm rèm (lụa thô xanh dương, rất đẹp). Kia là tên trộm, vẫn ngồi trên bậc cấp, quay lưng lại phía tôi, trong khi sĩ quan Butch cùng đồng sự hội ý.

Giờ, không còn thấy sợ hãi cực độ, tôi nhìn kỹ hắn. Mái tóc nâu ôm lấy đầu, có vẻ hấp dẫn, thật sự. Vai rộng... thật may là tôi không dính vào ẩu đả với anh ta. Thật ra, ý tôi là lún sâu hơn vào ẩu đả. Cánh tay vạm vỡ, thể hiện qua độ căng của vải quanh bắp tay. Cũng có thể đó chỉ là vì cái tư thế bị còng tay ra sau lưng mà thôi.

Như thể cảm nhận được sự có mặt của tôi, tên trộm quay về phía tôi. Tôi né khỏi cửa sổ, nhăn mặt. Mắt anh ta sưng vù. Khỉ thật. Tôi không hề có ý định đánh anh ta. Tôi không có kế hoạch gì hết, thực sự là thế... chỉ hành động bột phát lúc đó, tôi đoán vậy.

Sĩ quan Butch quay trở vào.

"Anh ta có cần chút đá không?" tôi thì thầm.

"Anh ta sẽ ổn thôi, thưa cô. Anh ta nói là anh ta sống ở nhà bên, nhưng chúng tôi sẽ đưa anh ta về đồn và xác minh câu chuyện của anh ta. Cô có thể cho tôi thông tin liên hệ không?"

"Chắc chắn rồi," tôi trả lời rồi ghi lại số điện thoại của mình. Bấy giờ mấy lời của anh cảnh sát mới ngấm. Sống ở nhà bên.

Có nghĩa là tôi vừa hành hung hàng xóm mới của mình.

Chương 4

Andrew và tôi gặp nhau ở Gettysburg – đúng ra là trong một màn tái hiện cuộc chiến ở hội chợ Connecticut. Anh được cử vào vai một người lính không tên ở phe miền Nam, được hướng dẫn hét, "Cầu Chúa trừng phạt cuộc chiến của lũ xâm lược miền Bắc này!" rồi ngã xuống chết sau loạt đại bác đầu tiên. Tôi là đại tá Buford, người anh hùng thầm lặng của ngày đầu tiên trong trận Gettysburg, và bố tôi là Đại tướng Meade. Đó là cuộc tái diễn lớn nhất ở ba bang và chúng tôi có đến hàng trăm người (đừng ngạc nhiên quá, những chuyện này rất phổ biến mà). Năm đó, tôi là thư ký của Hội Anh Em Chống Anh Em và trước trận chiến, tôi chạy qua chạy lại với tấm bìa kẹp hồ sơ, đảm bảo là mọi người đều đã sẵn sàng. Rõ ràng, tôi đã rất dễ thương... ít nhất đó là điều mà về sau Andrew Chase Carson nói lại với tôi.

Tám tiếng sau khi chúng tôi bắt đầu và khi đã có đủ xác lính rải rác trên chiến trường, bố cho phép những người chết đứng dậy và một người lính miền Nam tiến lại phía tôi. Khi tôi chỉ ra rằng hầu hết lính Nội chiến không đi giày hãng Nikes, anh ta cười to, tự giới thiệu và mời tôi đi uống cà phê. Hai tuần sau, tôi yêu.

Về mọi mặt, đó là mối quan hệ tôi vẫn luôn hình dung. Andrew thận trọng, ít nói, trông dễ mến hơn là đẹp trai, với tiếng cười truyền cảm và vẻ ngoài tươi vui. Anh thuộc dạng người gầy khẳng khiu, với cái cổ mỏng manh ngọt ngào, tôi thích ôm chặt lấy anh, cảm giác về mấy chiếc xương sườn khiến tôi thấy muốn chăm sóc và bảo vệ anh. Cũng giống như tôi, anh là người hâm mộ lịch sử - anh là một luật sư về bất động sản cho một hãng lớn ở New York. Chúng tôi thích những món ăn giống nhau, những bộ phim giống nhau và đọc những cuốn sách giống nhau.

Bạn thắc mắc về quan hệ thể xác? Cũng ổn. Thường xuyên, nồng nhiệt vừa đủ, tương đối thỏa mãn. Andrew và tôi đều thấy người kia hấp dẫn, có chung sở thích và những cuộc trò chuyện tuyệt vời. Chúng tôi cười. Chúng tôi nghe những câu chuyện về công việc và gia đình của nhau. Chúng tôi thực sự, thực sự đã rất hạnh phúc. Dù sao tôi cũng đã nghĩ vậy.

Nếu có sự ngần ngừ nào từ phía Andrew thì tôi cũng chỉ nhận ra về sau này. Nếu như anh có nói điều gì với chỉ chút xíu nghi ngại thì tôi cũng chả nhận ra. Không nhận ra cho tới tận sau này.

Natalie ở Standford suốt quãng thời gian tôi yêu Andrew, con bé đã tốt nghiệp trường Georgetown một năm trước. Do kinh nghiệm suýt chết của con bé, nó trở nên càng quý báu hơn với tôi, và em gái tôi tiếp tục khiến cả nhà rạng danh vì những thành tích học tập của mình. Trí thông minh của tôi không được thể hiện rõ ràng lắm, chỉ trừ với môn lịch sử Mỹ. Tôi giỏi giải đáp, những câu hỏi kiến thức tổng hợp và có thể làm chủ bản thân trong những bữa tiệc cocktail, những việc kiểu như vậy. Margaret, mặt khác, lại thông minh kiểu sắc bén, đáng sợ. Chị tốt nghiệp ở vị trí thứ hai của trường luật Harvard và đầu quân cho phòng bào chữa tội phạm ở hãng luật mà cha tôi là đối tác, khiến ông tự hào không sao nói hết.

Nat pha trộn giữa cả hai. Thông minh một cách nhẹ nhàng, có năng khiếu một cách thầm lặng, con bé chọn kiến trúc, một sự hòa trộn hoàn hảo giữa nghệ thuật, cái đẹp và khoa học. Tôi nói chuyện với nó ít nhất hai lần một tuần, gửi thư điện tử hàng ngày và ghe thăm mỗi khi nó chọn ở lại California trong kỳ hè. Con bé mới thích nghe kể về Andrew làm sao! Con bé mới vui mừng làm sao khi chị của mình đã gặp được Người Đó!

"Cảm giác đó như thế nào ạ?" một đêm nọ con bé hỏi tôi trên điện thoại.

"Cái gì cảm giác thế nào?" tôi hỏi.

"Ở bên tình yêu của đời chị, ngốc ạ." Tôi có thể nghe thấy giọng cười của con bé và cười hết cỡ đáp trả.

"Ôi, tuyệt lắm. Rất là... hoàn hảo.Và dễ dàng nữa, em biết không? Bọn chị chẳng bao giờ cãi nhau, không giống như bố với mẹ." Khác với bố mẹ tôi là một dấu hiệu rõ ràng rằng Andrew và tôi đã đi đúng hướng.

Nat cười lớn. "Dễ dàng hả? Nhưng cuồng nhiệt nữa, đúng không ạ? Tim chị có đập nhanh hơn khi anh ấy bước vào phòng chị không? Chị có đỏ mặt khi nghe giọng anh ấy trên điện thoại không? Da chị có râm ran khi anh ấy chạm vào chị không?"

Tôi ngừng một chút. "Hẳn rồi." Tôi có cảm thấy những thứ đó không? Chắc chắn là có rồi. Tất nhiên là có chứ. Hay tôi đã từng, những cảm giác mới mẻ đê mê đó đã lớn lên thành một cái gì đó khác, đúng ra là... thoải mái hơn.

Sau bảy tháng gắn bó, tôi chuyển tới căn hộ của Andrew ở West Harford. Ba tuần sau, chúng tôi đang xem phim Phù thủy xứ Oz trên kênh HBO – được rồi, không phải là chương trình lãnh mạn nhất, nhưng dù sao, chúng tôi cũng đã âu yếm nhau trên ghế bành, và điều đó thật đáng yêu – thì Andrew quay sang tôi và nói, "Anh nghĩ là chúng mình có lẽ nên kết hôn, em nghĩ sao?"

Anh mua cho tôi một chiếc nhẫn xinh xắn. Chúng tôi nói chuyện với hai gia đình và chọn ngày Lễ Tình nhân, sáu tháng nữa, làm ngày cưới. Cha mẹ tôi rất hài lòng – Andrew có vẻ vững vàng và chắc chắn, rất đáng tin cậy. Anh là một luật sư cho doanh nghiệp, một công việc rất ổn định, lương rất cao, điều đó giúp xua đi nỗi lo của bố tôi rằng đồng lương giáo viên rồi sẽ khiến tôi thành vô gia cư. Andrew, là con một, được cha mẹ hết mực tôn thờ, và dù không thăng hoa như kiểu cha mẹ tôi, họ cũng đủ thân thiện. Margaret và anh nói chuyện về luật, Stuart có vẻ thích công ty của anh. Ngay cả nội cũng thích anh như thích một con người.

Chỉ có Natalie là chưa từng gặp anh, con bé vẫn mắc kẹt ở Standford như mọi khi. Con bé nói chuyện với Andrew trên điện thoại khi tôi gọi để thông báo rằng chúng tôi đã đính hôn, nhưng chỉ có thế.

Cuối cùng, con bé về nhà. Đó là dịp Lễ Tạ ơn, và khi Andrew cùng tôi tới buổi gặp gia đình, mẹ chào đón chúng tôi ở cửa cùng với cả tràng phàn nàn thường trực về việc mẹ phải dậy sớm thế nào để đặt "cái con chim chết tiệt" vào lò nướng, mẹ phải nôn khan trong lúc nhồi nó ra sao, còn bố thì thật là vô dụng thế nào. Bố đang xem một trận bóng và lờ mẹ đi, Stuart chơi piano trong phòng khách còn Margaret ngồi đọc.

Và rồi Natalie lao như bay xuống cầu thang, hai cánh tay dang rộng vồ lấy tôi trong một cái ôm thật chặt. "Gissy!" con bé hét lên.

"Nattie Bumppo!" tôi thốt lên, ghì chặt con bé.

"Đừng có hôn em, em đang bị cảm," con bé nói, đứng lùi ra. Mũi con bé đỏ ửng, da hơi khô, được bọc trong bộ quần chun ấm và áo khoác dài của bố, thế nhưng con bé vẫn xoay xở được để trông xinh đẹp hơn cả cô bé Lọ Lem trong buổi dạ hội, mái tóc vàng hoe mềm mại được buộc đuôi ngựa cao, đôi mắt xanh trong không bị lớp trang điểm át đi.

Andrew nhìn con bé một cái và đánh rơi cái bánh mà anh đang cầm đúng theo nghĩa đen.

Tất nhiên, dĩa đựng bánh rất trơn. Đĩa hãng Pyrex, bạn có biết không? Và mặt Natalie ửng lên như thế là bởi vì... à, vì con bé bị cảm, và không phải đỏ ửng và nóng ran là một phần hậu quả của cảm hay sao? Tất nhiên là thế rồi. Sau đó, đương nhiên, tôi công nhận rằng chẳng phải do cái đĩa Pyrex trơn tuột nào hết. Nhìn một cái tôi đã biết đó là tiếng sét ái tình.

Natalie và Andrew ngồi đối diện ở hai đầu của bàn ăn trong Lễ Tạ ơn. Khi Stuart mở một trò chơi đố chữ ra và hỏi họ có muốn chơi sau bữa tối không, Andrew nhận lời và Natalie ngay lập tức từ chối. Ngày hôm sau, chúng tôi đi chơi bowling, và họ không hề nói chuyện với nhau. Sau đó, chúng tôi đi xem phim, và họ ngồi cách xa nhau hết sức. Họ tránh đi vào phòng nếu người kia đang ở đó.

"Thế em nghĩ sao?" tôi hỏi Natalie, vờ như mọi chuyện đều bình thường.

"Anh ấy rất tuyệt," con bé nói, gương mặt lại đỏ bừng lần nữa. "Rất đáng yêu."

Với tôi thế là đủ tốt rồi. Tôi không cần phải nghe thêm nữa. Rốt cuộc thì sao lại nói chuyện về Andrew chứ? Tôi hỏi con bé về trường học, chúc mừng vì con bé giành được suất thực tập ở Cesar Pelli và một lần nữa kinh ngạc vì sự hoàn hảo, vì khối óc và trái tim nhân hậu của con bé. Cuối cùng thì tôi vẫn luôn là người hâm mộ cuồng nhiệt nhất của em gái mình.

Andrew và Natalie gặp nhau lần nữa trong dịp Giáng sinh, ở đó, họ tránh nhánh tầm gửi như thể nó là cây quyền trượng hào nhoáng bằng uranium vậy, và tôi vờ như không thấy phiền hà gì. Giữa họ chẳng thể có gì hết, bởi vì anh là chồng chưa cưới của tôi còn con bé là em gái tôi. Khi bố bảo Nat đưa Andrew xuống ngọn đồi phía sau bằng chiếc xe trượt tuyết cũ của chúng tôi và cả hai đều không thể tìm được cách ra khỏi xe, tôi đã cười nghiêng ngả khi họ đâm sầm và lăn lông lốc, rồi thành ra quấn lấy nhau. Không, không, chẳng có gì ở đó cả.

Chẳng có gì cái khỉ mốc ấy.

Tôi không định nói gì hết. Mỗi lần cái giọng nói khe khẽ châm chích trong đầu tôi gợi chuyện đó lên, thường là vào lúc ba giờ sáng, tôi lại bảo nó rằng nó đã sai. Andrew vẫn ở ngay đây với tôi. Anh yêu tôi. Tôi với tay ra và chạm vào khuỷu tay gồ ghề của anh, cái cổ ngọt ngào của anh. Những gì có giữa chúng tôi là thật. Nếu Nat có lỡ phải lòng anh... thì thật ra... Ai có thể trách con bé được chứ?

Lễ cưới của tôi sẽ diễn ra trong mười tuần nữa, rồi tám, rồi năm. Thiệp mời đã gửi đi. Thực đơn đã chốt. Váy áo đã chọn.

Và rồi, hai mươi ngày trước lễ cưới, Andrew đi làm về. Tôi có cả chồng bài kiểm tra đặt cạnh trên mặt bàn bếp, và anh đã rất chu đáo mang về nhà một ít đồ ăn Ấn Độ. Anh thậm chí còn bày thức ăn ra, rưới nước sốt thơm lừng lên cơm, đúng như cách tôi thích. Và rồi những lời khủng khiếp tuôn ra.

"Grace... chúng ta cần phải nói chuyện," anh nói, nhìn chằm chằm vào món hành kulcha. Giọng anh run run. "Em biết là anh quan tâm đến em rất nhiều mà."

Tôi đông cứng, không ngẩng lên khỏi xấp bài kiểm tra, mấy từ đó mang điềm báo xấu không kém gì những lời Sherman nói tại Georgia(1). Cái giây phút tôi vẫn tránh để không nghĩ tới cuối cùng đã ập đến. Biết rằng mình sẽ không bao giờ còn nhìn Andrew như cũ được nữa, tôi không thể thở được bình thường. Tim tôi nổi trống điên cuồng.

(1) Ở đây nhân vật nói đến trường Sherman trong chiến dịch Savannah của Cuộc Nội chiến.

Anh quan tâm tới tôi. Tôi không biết các bạn thì thế nào, các cô gái của tôi, nhưng khi một anh chàng nói Anh quan tâm tới em nhiều lắm thì với tôi nó có vẻ như những điều tồi tệ nhất sắp sửa ào ào tuôn xuống. "Grace," anh thì thầm, tôi cố gắng không nhìn anh. Trong khi món bánh mì tỏi Ấn Độ chưa hề được đụng tới của chúng tôi nguội dần, anh nói với tôi rằng anh không biết chắc phải nói điều này thế nào, nhưng anh không thể cưới tôi.

"Em hiểu," tôi nói xa xăm. "Em hiểu."

"Anh rất xin lỗi, Grace," anh thì thầm, và quý hóa thay, mắt anh rơm rớm nước.

"Có phải vì Natalie không?" tôi hỏi, giọng bình thản và vô cảm.

Ánh nhìn của anh rơi xuống sàn, mặt anh đỏ ran, và bàn tay run lên khi anh lùa nó qua mái tóc mềm của mình. "Tất nhiên là không rồi," anh nói dối.

Và chuyện là như thế đấy.

Hai chúng tôi mới mua căn nhà trên phố Maple, mặc dù vậy chúng tôi còn chưa ở đó ngày nào. Như là một phần trong thỏa thuận ly hôn của chúng tôi hoặc theo cách mọi người vẫn nói – tiền bồi thường, tiền đền bù, phí tổn tinh thần – anh để tôi giữ phần tiền đặt cọc của anh. Bố tôi rà soát lại tinh hình tài chính của tôi nhằm khai thác một vài khoản chung mà ông nội tôi để lại cho tôi, qua đó làm giảm phần tiền thế chấp để tôi có thể giành quyền sở hữu và chuyển về ở trong ngôi nhà này. Một mình.

Natalie hoàn toàn suy sụp khi biết chuyện. Tất nhiên tôi không kể cho nó về lý do chia tay. Con bé lắng nghe tôi nói dối về lý do chia tay... có gì không đúng... chưa thực sự sẵn sàng... chưa thực sự chắc chắn.

Nó chỉ có đúng một câu hỏi nhỏ khi tôi giải thích xong. "Anh ấy có nói gì nữa không?"

Chắc chắn là vì nó biết tôi không phải người nói lời chia tay. Con bé biết tôi rõ hơn ai hết. "Không," tôi trả lời dứt khoát. "Chỉ là... không có duyên phận thôi. Sao cũng được."

Natalie không có liên quan gì cả, tôi quả quyết với bản thân như vậy. Đó chỉ là vì tôi chưa tìm đúng. Người Đó, bởi Andrew trông có hoàn hỏa đến đâu, cảm xúc tôi dành cho Andrew có hoàn hảo đến đâu cũng chỉ là giả dối. "Không phải thế," tôi nghĩ khi ngồi đây giữa phòng khách mới sơn trong ngôi nhà mới mua của mình, thưởng thức bánh sô cô la và xem phim tài liệu của Ken Burn về cuộc Nội chiến cho đến khi tôi nhớ lại được. Andrew không phải Người Đó. Tốt thôi. Tôi sẽ tìm ra Người Đó, bất kể anh ta ở đâu, và, hây. Sau đó, cả thế giới sẽ biết tình yêu là thế nào, khốn nạn thật.

Natalie hoàn thành việc học và trở lại khu Đông. Con bé sở hữu một căn nhà nhỏ xinh xắn ở New Haven và bắt đầu công việc. Chúng tôi thường xuyên gặp nhau, và tôi rất vui vì điều đó. Con bé không phải là người phụ nữ khác... nó là em gái tôi. Người tôi yêu nhất trên đời. Món quà sinh nhật của tôi.

Loading...

Tiểu thuyết tình yêu là website chia sẻ những thể loại truyện hay nhất hiện nay, được nhiều người đọc yêu thích. Truyện được cập nhập hàng ngày. Hãy lưu địa chỉ web để truy cập nhanh hơn!

Chúc các bạn online vui vẻ !

Laptop Tùng Anh

Tour Phú Quốc

Vinhomes Cầu Rào 2

Trang Chủ