Bốn rưỡi chiều, chiếc xe đường dài chạy tới Nghi Xương đã xuất phát. Xe vắng ghê người, có thể do giờ không phải là dịp Tết hoặc kì nghỉ.
Tôi nằm giường trên, Lộ Phong Thiền nằm giường dưới. Tôi mua vé cho nó và cho thêm bác tài một ít tiền. Tôi và chó lên xe rất thuận lợi.
Gió mùa xuân đặc biệt dịu dàng cứ lọt qua khe cửa kính đóng không chặt. Mặt trời buổi trưa chiếu rọi, khắp nới sáng rỡ nhưng không hề thấy bóng. Chiếc xe cứ lao về phía trước như con thuyền lướt trên mặt biển sáng bóng, thỉnh thoảng lại khẽ lắc lư.
Tôi nằm trong khoang giường chật hẹp và bốc mùi, nghe ca khúc của Hứa Ngụy trong ipod, “Qua cửa sổ xe, ngắm thành phố chuyển động, … chậm rãi bay lên, trên cánh đồng hoang dại, như tỉnh giấc mộng, nhìn rõ thế giới tinh khôi. Khoảnh khắc trái tim tĩnh lặng, tự do và thanh bình…”
Quả thực từ buổi sáng hôm nay lên đường, nhìn thấy cảnh vật ngoài cửa xe đều bị đẩy lùi lại như tên bắn, mỗi khoảng khắc tôi nhìn thấy đều là những cảnh mới. Cảm giác biến hóa dịch chuyển về địa lí như vậy cùng tâm trạng tích cực đã tác động tới tâm lí. Tôi đột nhiên thấy thanh thản vô cùng, tạm quên đi những lo lắng về kết quả chưa thể lường trước, phảng phất như rời xa Thượng Hải đã là một việc đủ vui sướng rồi.
Lẽ nào Triết cũng làm như vậy.
Nghĩ tới đây, tôi lắc đầu, không thể để tâm trạng trở nên tồi tệ.
Nhảy xuống ngồi cạnh Lộ Phong Thiền, nó lập tức vẫy đuôi, liếm tay tôi.
Tôi lấy mấy miếng bánh gạo nướng từ túi xách du lịch. Bánh gạo nướng có mùi thơm đặc biệt là đồ ăn vặt mà tôi thích nhất. Nó khiến tôi nhớ lại thứ bỏng ngô mà bố tôi thường mua cho tôi hồi nhỏ. Đó là đầu thập niên 80 khi thực phẩm còn khan hiếm, phải dùng tem phiếu mau gạo. Miếng bỏng ngô ngọt mềm được làm trong chiếc thùng sắt to nơi đầu đường luôn là điều kì diệu với lũ trẻ.
Tôi chìa mấy chiếc bánh khô cho Lộ. lần trước ngẫu nhiên cho nó ăn, tôi mới phát hiện thấy nó rất thích ăn thứ này. Tôi rất mê tiếng nó cắn bánh rồn rột, hệt như một đứa trẻ. Bố tôi cũng từng rất thích tiếng tôi nhai bỏng ngô.
Từ nhỏ, tôi đã cực kì say mê âm thanh. Trong rất nhiều câu chuyện mà bố tôi kể hồi đó, có một phi tử được hoàng đế Trung Hoa say đắm nhất cách đây hơn bốn nghìn năm chỉ thích ngày ngày được nghe tiếng xé lụa. Bố tôi dạy: điều này còn hơn cả dâm loạn. Vị đó đã nhanh chóng mất đi tình cảm của dân và đất nước ông, cuối cùng ông cũng bị hủy diệt.
Hồi đó, tôi không thể lí giải nổi “dâm loạn” là gì, nhưng câu chuyện vì mảnh lụa mà mất nước cứ in đọng trong trí nhớ tôi. Trong nội tâm thầm kín của tôi không ngừng nghe thấy tiếng lụa bị xé thật thanh nhã và khô gọn. Sau này lớn lên, khi tìm nơi may tấm áo dài bằng lụa đầu tiên, tôi cố tình ngồi chờ ở đó để được nghe thấy một tiếng soạt rất dài không thể hình dung nổi của người thợ may dùng tay xé mảnh lụa. Nó giống hệt như âm thanh mà tôi hằng tưởng tượng. Không , thậm chí có phần còn tuyệt diệu hơn, như tiếng tiên trên núi.
Thực ra, việc mê mẩn âm thanh là do tôi được di truyền từ bố. Chẳng hạn ông hay kể chuyện phi tử thích xé lụa. Bố tôi cũng rất thích tiếng tôi ăn bỏng ngô. Nó xuất phát từ tình phụ tử sâu sắc. Là một giáo viên lịch sử ở một trường cấp 3 nghèo, việc có thể cho tôi ăn bỏng ngô thường xuyên cũng là một điều tuyệt diệu nhất mà ông có thể làm được.
Còn tôi lại thích tiếng chó ăn bánh gạo khô. Có lẽ đó chính là hồi ức của tôi về cuộc sống thời thơ ấu và về người cha kính yêu của tôi.
Nghĩ tới đây, tâm tư tôi lại xốn xang. Nhiều chuyện cũ đã lâu không chạm tới nay bỗng lũ lượt bây về như lốc cuốn, hiện ra trước mặt tôi.
Mẹ tôi.
Trên đời này tôi có hai người không thể tha thứ nhất: một là gã tài xế bỏ trốn sau khi đâm phải bố tôi khiến ông chết bên đường. Năm đó tôi mười sáu tuổi. Hai là mẹ tôi. Sau một năm ở góa, bà đọc được một mẩu tin tìm bạn đời hồi đó còn rất hiếm gặp, liền vội vã chạy tới châu Âu, lấy luôn một gã người Áo hói đầu nhưng lắm tiền. Đó là năm tôi mười bảy tuổi.
Tôi chưa bao giờ xác định giữa bố tôi và mẹ tôi có tình yêu thực sự hay không. Họ cách nhau mười ba tuổi, quen biết và lấy nhau qua bà mối mà ông bà nội tôi nhờ cậy. Cũng giống như chuyện thường gặp ở thời đó, họ là người khác giới đầu tiên của nhau, và trong tình huống thông thường, cũng sẽ là người khác giới cuối cùng của nhau.
Năm sinh hạ tôi, mẹ tôi mới hai mươi mốt tuổi. Mẹ là cô gái đẹp nhất được cả khu phố chúng tôi công nhận. Tóc mẹ dày và đen nhánh, mắt to mũi cao, môi hồng đào, nom rất giống phụ nữ châu Âu trong phim Liên Xô. Mẹ rất biết ăn mặc, tuy nhà nghèo nhưng mẹ luôn thông minh, biết làm ra nhiều thứ rất đẹp. Chẳng hạn như mẹ thường dùng một đống lô cuốn và kẹp tóc để làm ra nhiều kiểu tóc. Mùa hè mẹ thường mặc áo ngắn tay màu trắng tự may phối cùng chiếc váy xanh, giống y hệt một phụ nữ nước ngoài thời thượng. Khi được mẹ trang điểm cho như một công chúa nhỏ, tôi vừa tự hào vừa căng thẳng mỗi khi đi cùng mẹ đi chơi bởi luôn có đám trẻ con trong ngõ đi theo chúng tôi từ phía xa và hét to “bà Tây, bà Tây, mẹ của Ngụy là bà Tây!”
Bố gắng hết sức mình yêu thương tôi và mẹ. Ở nhà chúng tôi như thể chông chúa và hoàng hậu, còn ông như một nô tài biết điều, chuyện gì cũng nhường nhịn chúng tôi trước. Khi các ông bố khác đã dùng xe đạp mới hiệu Vĩnh Cửu, ông vẫn đạp chiếc xe đạp cũ không nhãn hiệu, gồm nhiều thứ do ông tự ráp vào nhau.
Trong ấn tượng của tôi hồi nhỏ, bố mẹ chưa từng cãi nhau, nhưng cũng chưa từng có những biểu hiện quá nồng nàn. Họ luôn khách sáo với nhau, người nọ đối với người kia như khách. CÒn nhớ hồi nhỏ tôi từng ngơ ngác tại sao bố mẹ nhà người khác luôn lớn tiếng cãi cọ, đánh nhau khiến hàng xóm bu xung quanh như xem kịch, còn nhà chúng tôi luôn yên tĩnh?
Trong nhà, do làm thầy giáo, bố phụ trách dạy dỗ tôi, mẹ đảm nhận những việc vặt trong cuộc sống như may quần áo cho tôi. Bố tôi không phải là người nói nhiều, nhưng vì bố thường kể chuyện lịch sử và Phật giáo cho tôi, cũng thường xuyên phụ đạo bài vở, nên vô hình chung thế giới tinh thần của tôi và bố gần gũi hơn. Sau khi trưởng thành, tính cách và phong thái của tôi cũng chịu nhiều ảnh hưởng của bố hơn.
Mẹ tôi lại càng giống một đóa hoa trên giấy dán tường, xinh đẹp và câm lặng. Hầu như mẹ chỉ luôn ngồi trước máy khâu con bướm may quần áo đẹp. Ngoài ra, mẹ không biết làm gì khác. Mẹ xinh đẹp nhưng lạnh nhạt. Bạn vĩnh viễn không thể đi được vào nội tâm sâu thẳm của bà, không thể biết nổi mọi yêu thương thù hận thực sự của bà. Dần dần, bạn sẽ quên mất bà cũng có một thế giới nội tâm được giấu kín, thậm chí quên cả chuyện bà còn có một ý chí riêng. Bất cứ người phụ nữ nào cũng có suy nghĩ bí mật về chuyện tình ái.
Chỉ một năm sau khi bố tôi mất trong một tai nạn giao thông, bà đã cả quyết lấy chồng ở nơi xa tít tắp. Cái ý chí của một người phụ nữ luôn bị giấu kín, bị xem thường, thậm chí cả thân phận của một người phụ nữ cuối cùng khiến tất thảy mọi người xung quanh phải kinh ngạc bởi phương thức thể hiện quá chói lòa.
Trong đó có cả tôi.
Tôi không thể chấp nhận được sự thực đó là: bà luôn trầm lặng và dịu dàng, chồng chết chưa đầy một năm đã vứt bỏ tôi và trách nhiệm một người mẹ, rời bỏ Thượng hải, chạy đi lấy một lão già xa lạ ở Áo.
Cho tới giờ, tôi vẫn không thể tin nổi bà đã rời bỏ tôi năm tôi mới mười bảy tuổi. Tôi cảm thấy bà đã phản bội tôi và phản bội cả bố tôi. Thời Trung Quốc cổ đại có phong tục đàn bà góa không được tái giá trong 3 năm. Trung Quốc năm 1994 tuy đã thoáng và khoan dung hơn rất nhiều, nhưng hành vi của mẹ tôi vẫn gây nên không ít sóng gió ở địa phương thời đó. Ông bà tôi thu luôn cuốn hộ khẩu của mẹ tôi, ngăn cản bà tới cục quản lí xuất nhập cảnh Thượng hải làm hộ chiếu.
Nhưng mẹ tôi rốt cuộc vẫn bay được tới nước Áo phía Tây.
Mọi thứ xảy ra quá nhanh. Bất hạnh và bóng đen luôn ập tới nhanh hơn tất thảy. Và tôi như khôn lớn hẳn chỉ qua một đêm.
Lúc đó tôi vừa thi đỗ chuyên ngành Mĩ thuật của trường Đại học Thượng hải, dọn từ nhà ông bà nội tới sống ở kí túc xá. Mỗi tháng tôi được tiêu một số tiền lớn do mẹ gửi về. So với các bạn khác, tôi giàu có nhưng cô độc. Tôi quyết định trụy lạc.
Tôi đánh son đen, nhuộm móng tay đen, đi guốc đế cao như sắp bật cao, hút thuốc, uống rượu, trốn tiết, đánh nhau. Hồi đó có từ mới “siêu” được truyền từ Âu Mỹ tới, vô cùng thịnh hành trong giới trẻ ở một số thành phố lớn Trung Quốc. Tôi chính là “siêu nữ” nổi tiếng ở trường chúng tôi, còn có một bạn trai không hề thua kém.
Bạn trai tôi là ông chủ quán bar duy nhất ở gần trường thời đó, biệt hiệu là “Lão Hổ”. Anh ra rất ngang, tổ chức một nhóm nhạc rock nửa Trung Quốc, nửa phương tây, còn anh tự tay chơi trống. Anh có thể uống hết một lúc nửa két bia, trong một giây có thể đánh được bảy, tám tiếng trống (tôi tin rằng anh ta là tay trống nhanh nhất thế giới), trong một phút có thể cởi tuột hết quần áo của tôi và lồng xong chiếc bao cao su siêu mỏng. Anh là giáo viên đầu tiên của tôi về tình dục, dạy tôi cách tự do thả lỏng nhưng vẫn đồng thời dùng con mắt thứ ba để nhìn một lằn ranh an toàn, không thể vượt qua lằn ranh đó khiến mình rơi vào hiểm nguy.
Khi ở bên anh, tôi chưa bao giờ đụng tới những thứ như ma túy, thuốc lắc. Chúng tôi chỉ vui vẻ uống rượu, hút bồ đà, làm tình, đi khắp nơi lùng sục các đĩa CD nhạc rock phương Tây, mua đủ các loại quần áo kì dị. Chúng tôi có tiền, chúng tôi trẻ trung, chúng tôi xinh đẹp vô song. Vì thế, “Cưng ơi! Đừng khóc…”, chúng tôi thường hát vang bài Thời gian mùa hè của Ella Fitzerald. Sau đó, có người chỉ trích Lão Hổ là tay trống dzỏm, nói rằng tuy kĩ thuật đánh trống của anh khá hay, nhưng anh lại thiếu cái chất Rock bay bổng thực sự. Đó là tinh thần bất chấp tất cả, như lũ bướm lao vào lửa như thiêu thân. Tôi thấy gã đó thật ngu ngốc. Lẽ nào nhạc Rock cứ nhất định cần phải tự sát.? Dù thời đó hay bây giờ, tôi đều thấy vinh hạnh gặp được một anh chàng điển trai, điên rồ, tài hoa vô song nhưng vẫn rất lí trí như Lão Hổ. Lúc đó bố tôi qua đời, mẹ bỏ đi xa lấy chồng, ông bà nội sức khỏe đau yếu, bên cạnh tôi không có ai, chỉ trừ anh.
Anh đã giúp tôi trải qua những tháng ngày thanh xuân đầy ắp phiền muộn đó thật đáng kinh ngạc nhưng vô hại. Anh đã mở ra cho tôi một cánh cửa mở ra thế giới người lớn hoàn toàn mới mẻ, thậm chí còn dạy cho tôi làm thế nào để chống chọi lại những cơn đau thần kinh, đi đâu để mua được thuốc tránh thai khẩn cấp trong 76 tiếng đồng hồ, làm thế nào để dán vết săm giả hình con bướm.
Thời thanh xuân, những cô gái khác có mẹ bên cạnh giúp đỡ, còn tôi chỉ có một tay trống nhạc Rock.
Cuối cùng, cũng nhờ anh tôi hiểu được cái gì là sex, cái gì là ma túy và nhạc Rock, cái gì là tự do an toàn và tự do rút cuộc mang ý nghĩa gì, cái gì là diễn đạt chính mình và bay bổng tuyệt diệu.
Sau đó, tôi không về kí túc xá nữa, cũng không sống cùng anh. Tôi tự thuê một căn hộ hai phòng gần trường, tự mình làm chủ.
Hôm dọn đi, tôi đột nhiên cảm thấy mình thực sự trưởng thành. Hôm đó là ngày 1 tháng 7 năm 1997, cách thời gian tốt nghiệp những một năm. Nhưng cũng ngày đó, Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc đại lục. Truyền hình phát sóng trực tiếp nghi lễ trao trả suốt mấy tiếng đồng hồ. Rất đông người, rất nhiều cuộc trình diễn, cờ hoa rực rỡ, dưới bầu trời trong xanh là ánh sáng và niềm vui.
Thời kì sống một mình thật thoải mái. Cứ tự do chi phối thời gian của mình, tự do giao lưu với đủ dạng người. Và quan trọng nhất là tôi như thể lần đầu tiên thực sự phát hiện ra mình. Trước đây, tôi chỉ là con gái của bố tôi, là học sinh của thầy, là bạn học của bao đứa trẻ khác. Chỉ vậy mà thôi.
Nhưng cũng bắt đầu từ đây, tôi đâm ra mê đọc sách, tôn giáo và triết học. Bố tôi là thầy giáo từng luôn khích lệ tôi nỗ lực về mặt này nhưng không thành công, nhưng sau khi sống một mình, tôi bỗng rất mê đọc. Tôi vẫn là “siêu nữ” điên rồ trong trường, nhưng cũng bớt dần những thứ phù phiếm.
Những ngày tháng thư thái, vui sướng đó kéo dài được mãi cho đến khi tốt nghiệp. Cho tới giờ tôi vẫn không hiểu tại sao phía nhà trường không đuổi học tôi? Làm sao tôi có thể thuận lợi vượt qua hết học kì này đến học kì khác?
Tuy tới giờ tôi vẫn yêu thích chuyên môn hồi đó là hội họa, nhưng tôi hiểu rất rõ mình không thể trở thành một họa sĩ. Trước khi mở cửa tiệm bán đồ thời trang, tôi cũng học thiết kế thời trang, muốn tự làm trang phục mang nhãn hiệu của riêng mình. Nhưng thị trường quả tàn khốc, tôi đành phải rút lui và mở tiệm đồ thời trang, chuyên kinh doanh sản phẩm của các nhà thiết kế trẻ chưa thành danh ở Thượng Hải giống như tôi.
Vừa có kế hoạch mở tiệm được không lâu, tôi quen Triết.. Sự khích lệ nhiệt tình của anh là một trong những động lực của tôi. Thoạt đầu, chúng tôi không hi vọng kiếm được nhiều tiền, nhưng quả thực không ngờ tiệm kinh doanh ngày càng phát đạt. Triết còn giới thiệu bạn thân của anh là Ưu Ưu giúp tôi làm một trang web. Trên đó có thể hiển thị từng tác phẩm của các nhà thiết kế trong tiệm. Khách hàng cũng có thể mua luôn hàng trên mạng. Giới truyền thông Thượng Hải nô nức kéo tới phỏng vấn tôi và các nhà thiết kế. Họ đặt cho tôi một cái tên rất đường phố “Bà chủ của tiệm thời trang tuyệt diệu nhất Thượng Hải”.
Không biết tôi ngủ thiếp đi từ lúc nào. Mấy ngày sau khi Triết bỏ đi, tôi luôn mất ngủ. Trên xe, dù tương lai còn mờ mịt, nhưng cái cảm giác êm ái, khẽ lắc lư như đi trên mặt biển thật khiến người ta mụ mẫm đi.
Tới khi tỉnh giấc, trời đã tối hẳn. bác tài thông báo rõ to tên một địa danh rất lạ sắp tới. Chúng tôi sẽ tạm nghỉ ở đó.
Xe dừng. Nhúm hành khách ít ỏi lười biếng xuống xe,vặn vẹo lưng , ho hắng, khạc nhổ lung tung. Bên đường là vài tiệm cơm nhỏ đèn đóm sáng rực và một nhà vệ sinh công cộng như vừa mới xây xong.
Tôi cũng dắt Lột Phong Thiền xuống xe.Ngẩng mặt đón hơi đất lạ trong gió xuân phả tới. Tôi thấy thật nhẹ nhõm và có một cảm giác thật kì lạ, như thể cả vùng đất mới này luôn có thể đem lại cho người ta cảm giác thật kì lạ, như thể cả vùng đất này luôn có thể đem lại cho người ta niềm hi vọng mới. Có lẽ Triết cũng tới đây dừng chân , hoặc anh đang dùng cơm ở một trong những tiệm ăn kia.
Thình lình lóe ra ý nghĩ đó, tôi lập tức gọi ngay con chó vừa chạy lăng quăng ngửi vật gì đó quay lại, rồi cùng tôi bước vào tiệm ăn lăng quăng đầu tiên . Trong tiệm không rộng , chỉ kê được ba, bốn cái bàn. Liếc một cái là thấy hết tiệm. Chúng tôi đứng trước cửa vài phút, quả nhiên không thấy Triết.
Tiệm thứ hai vẫn nhỏ như thế, bên trong phả ra mùi ớt cay sộc. Chúng tôi vừa ho vừa đi vào , vẫn không thấy anh.
Tiệm cuối cùng là một tiệm mì, sạch sẽ, sáng bóng. Sau khi quan sát một lúc, vẫn không thấy người mà chúng tôi cần tìm nhưng quả thực rất đói bụng. Tôi quyết định ngồi xuống ăn một chút gì.
Tiệm mì kinh doanh rất đơn giản, chỉ có hai cái bàn, kể cả chúng tôi. Nhưng bất kể đồ ăn ngon hay dở, chỉ cần yên tĩnh và sạch sẽ yên tĩnh là được.
Tôi gọi một bát mì thịt. bên trên rắc đầy hành hoa và ớt. Màu xanh và đỏ đối ngược với nhau thật sinh động.Nơi đây đã thuộc biên giới tỉnh Hồ Bắc nên ăn cay đã trở thành phổ biến.
Lộ Phong Thiền đang ăn đồ ăn của chó mà tôi mang từ trên xe xuống. Tôi gắp mấy miếng thịt trong bát , bỏ lên một tờ giấy cho nó ăn thêm, rồi quay lại tiếp tục ăn mì.
“ Ta không ăn cay”. Như thể có ai nói bằng giọng Thượng Hải. Tôi ngẩn người ra hồi lâu, vội ngó xung quanh, nhưng không thấy ai nói gì, liền tiếp tục gắp mì lên ăn .
“ Ta không thích ăn đồ cay” , một giọng nam nói tiếng Thượng Hải rất nhỏ nhưng rõ rang. Tôi đặt đũa xuống, cẩn thận quan sát khắp tiệm. Bàn còn lại vừa thanh toán xong, đang đi ra cửa.
Ánh mắt tôi ngần ngừ dừng trong khoảng không, rồi rơi xuống mình Lộ Phong Thiền.
Nó vẫn nhìn tôi bằng vẻ trầm mặc và ấu yếm, rồi tiếp tục ăn nốt chỗ đồ ăn ít ỏi. Chỗ thịt cay tôi vừa gắp xuống cho nó vẫn để nguyên đó. Nó không hề đụng tới.
Tôi đứng im nhìn nó hồi lâu rồi lóe lên một ý nghĩ rất kinh ngạc. Ý nghĩ đó cứ xoáy vào tim tôi khôn nguôi, tôi vội vã lấy một tay ôm vai, một tay sờ lên môi mình.
Lúc này, con chó đột ngột ngẩng đầu lên, đôi mắt ươn ướt nhìn tôi. Tôi gần như suýt hét ầm lên. Tôi nhìn thấy rõ mấy giọt nước mắt rất lớn trong trịa lăn ra từ má nó.
“Ta đang nói đây”, giọng nam lại khe khẽ cất lên.
Tôi hét lên 1 tiếng, nhảy phắt ra khỏi chỗ ngồi. Bà chủ quán hoảng hốt, luôn miệng hỏi: “Có chuyện gì vậy?”. Tôi chỉ về phía con chó, miệng lắp bắp, đột nhiên không thể nói ra lời. Con chó vẫn im lặng, nom mặt thật vô tội. Tôi nhìn bà chủ quán như cầu cứu. Cũng giống như những người khác, trước tiên, bà bị thu hút bởi cái vòng ngăn không cho cắn người trên đầu nó, rồi lại nhìn tôi, như thể trong khoảnh khắc đã xác định được cả tôi và con chó của tôi đều rất kì quái. Do vậy, bà vội vã bỏ đi.
Tôi trả tiền và dắt con chó ra khỏi tiệm, phải mười phút nữa mới đến giờ xuất phát. Chúng tôi đi vào một con đường nhỏ cây cối xanh rì, con chó vẫn theo sát tôi. Tôi cố tình lờ nó đi, đột ngột đi thật nhanh, nhưng nó cũng rảo bước nhanh hơn. Khi tôi đi chậm lại, nó cũng đi chậm lại.
Tôi quay phắt lại, mở to mắt nhìn nó chằm chằm, nó cũng nhìn lại tôi không hề biểu cảm, rồi quay đầu ngó lung tung như thể không có chuyện gì xảy ra. Tôi vừa định đi tiếp, bỗng lại nghe tiếng ai đó gọi tên tôi: “Ngụy”. Âm thanh đó nghe rất quen.
Tôi lại hét lên lần nữa, co giò bỏ chạy. Một bóng đen nhanh như chớp, lao vút tới chặn trước mặt tôi. Đó chính là con Lộ Phong Thiền của tôi. Tiếng nói đó lại vang hơn, “Đừng sợ, ta đang nói đây”. Giọng đàn ông vang lên.
Tôi run lẩy bẩy, nhìn chằm chằm vào con chó: “Lộ?... là mày sao? Mày biết nói?”
Nó ra sức gật đầu, rồi lại lắc đầu. Đuôi nó vẫy thân thiết.
“Thế là sao??” chân tôi vừa mềm nhũn vừa mất hết cảm giác, như sắp quỵ xuống.
“ Là ta đang nói, con không nhận ra ta sao ?”. gương mặt con chó vẫn không có chút biểu cảm nào , mõm nó vẫn đang ngậm chặt. Chỉ có đỗi mắt lấp lánh như ánh đèn xa rọi chiếu, như đang nói điều gì. Nhưng âm thanh đó ắt phải phát ra từ nó.
Đó là tiếng Thượng hải, đúng là tôi từng nghe trước đây, thậm chí còn rất thân quen, nhưng quả thực giờ không nhớ nổi.
Tôi hít sâu mấy hơi, lại ngó xung quanh, xác định ở đây chỉ có tôi và con chó.
“Được rồi. Là mày đang nói phải không Lộ?” tôi khẽ hỏi.
Con chó gật đầu, rồi lại lắc đầu. Tôi cuống lên, không nhịn nổi tức giận đạp cho nó một cái thật mạnh. Nó loạng choạng suýt ngã, trong họng phát ra mấy tiếng rên rỉ trầm đục.
Tôi vội vã ôm lấy nó, vuốt ve đầu nó, xin lỗi rối rít.
“Là ta, bố con đang nói đây”, âm thanh đột nhiên phát ra từ mõm nó. Lần này tôi nhìn thấy rõ mõm nó không hề động đậy. Tôi vội vã buông nó ra, lùi lại vài bước, hai tay bưng chặt miệng, đề phòng tôi lại kêu thét lên.
“Đừng sợ, con gái của ta”. Tiếng nói tự xưng là ông bố đã chết của tôi tiếp tục vang lên. Lần này, giọng vô cùng dịu dàng, hiền từ, hơi run rẩy nữa.
“… Bố!”, tôi đoán hẳn tôi đã ngã ngất đi đúng lúc vừa thốt lên câu đó.
5. Lí Phương
Khi tỉnh lại, tôi phát hiện thấy mình như đang trôi bồng bềnh trên biển, xung quanh đã tối đen. Ánh đèn đường màu vàng cam hắt lên gương mặt tôi như bụi trần trong giấc mộng. Tôi đã nằm trên chiếc xe cao tốc.
Rồi tôi ý thức được có người đi về phía mình, nên gắng sức mở to mắt, cố dùng cơ bắp nâng cơ thể dậy. Người đó vội vã ra dấu rất dịu dàng ngăn tôi lại, hỏi tôi hiện giờ thấy sức khỏe ra sao. Đó là một người đàn ông.
Người đàn ông đó tên là Đường Cương, có giọng nói rất rít. Anh ta giải thích rằng chó của tôi chạy về phía xe kêu mọi người tới. Anh ta đã học qua ngành y nên kiểm tra mạch cho tôi, thấy không có vấn đề gì, chỉ cần nghỉ ngơi là tự tỉnh lại. Vì thế, tôi được khênh trở lại chỗ nằm trên xe.
Tôi cảm ơn anh. ANh lễ phép nói, không cần cảm ơn. Rồi để tôi nghỉ ngơi. Trước khi đi ra, anh ta đột nhiên nhớ ra điều gì, nói: Con chó của cô rất hiểu tính người. Lần này cũng may mà có nó.
Nói đến chó, đột nhiên tôi nhớ lại chuyện xảy ra trước khi bị ngất. Tôi giật mình ngó xuống giường dưới kiểm tra. Lộ Phong Thiền đang nhắm mắt, nằm co đầu rụt cổ như đang ngủ. Tôi nhìn nó một lúc, không thấy nó phản ứng lại. Tôi gần như tin rằng câu chuyện con chó biết nói như chưa từng xảy ra.
Tôi trở dậy, lấy ra mấy miếng bánh gạo nướng, lại nhớ tới âm thanh kì lạ của người bố đã chết. Quả thực tiếng nói đó khá giống giọng nói của bố tôi thưở trước, nhất là khi gọi tên tôi “Ngụy”, âm trong cổ họng rất nặng. Là một người Thượng Hải điển hình, quả thực bố tôi không thích ăn cay.
Nhớ tới đây, tôi không ngừng tự hỏi: “Nếu âm thanh đó thực sự là của bố, nếu linh hồn của bố thực sự gửi vào con chó bí ẩn này, vậy, lẽ nào mày không thấy may mắn hay sao?”
Đột nhiên tôi rơi nước mắt.
Không biết Lộ Phong Thiền tỉnh dậy từ lúc nào. Nó lại gần dịu dàng liếm tay tôi. Tôi quệt nước mắt bằng tay còn lại, rồi đưa cho nó một mẩu bánh. Nó ngoạm luôn, nhai rau ráu.
“Lộ, lúc nãy có thực là bố tao đang nói không?”, tôi khẽ hỏi nó và cũng tự hỏi chính mình.
Con chó đột nhiên ngừng nhai, nó liếm liếm tay tôi, rồi cố đứng thẳng bằng hai chân sau, ghé mõm vào tai tôi. Tôi vội vã ôm chầm lấy con chó, cúi sát đầu vào nó. Một lần nữa, tôi lại nghe thấy tiếng người nói rất nhỏ: “Ngụy, con còn nhớ lúc nhỏ, khi bố dạy con làm việc nhà, con đã nói muốn mau chóng trở thành người lớn vì khi đã lớn rồi không phải làm việc nhà nữa. Lúc đó, bố đã nói, Không đúng, người lớn cũng phải làm bài tập của người lớn. Con liền hỏi, vậy bố có thể đi theo con suốt không? Cứ cho là con lớn rồi, bố cũng có thể giúp con ứng phó với những bài tập người lớn đáng ghét đó không ?”
Nghe tới đây tôi như bị trúng một luồng điện chạm phải, toàn thân nóng rực, đổ mồ hôi, run lẩy bẩy. Đúng là bố tôi rồi. Tôi ôm chặt Lộ Phong Thiền cùng với nó là linh hồn của người bố đã chết, cảm thấy mặt mình ướt đẫm.
“Đúng vậy, con còn nhớ”, tôi nghe thấy tiếng mình rất nhỏ.
“Hồi đó, bố đã nhận lời con, rằng sẽ ở bên con mãi”, bố tôi lại thì thầm.
Tôi nhắm mắt, ra sức gật đầu. Lúc này, tôi như quay về thời đứa con gái chín tuổi vào hai mươi năm trước, luôn khó chịu với vô số bài tập được giao. Còn ông bố trẻ như không hề cạn kiệt sức lực vẫn ngày đêm kiên nhẫn ngồi bên cạnh tôi dạy bảo.
“Trong mười mấy năm qua, tuy bố đi rồi, nhưng ở một thế giới khác, bố vẫn không ngừng quan tâm tới con”, ông tiếp tục nói.
Tôi khẽ dựa vào con chó và rơi vào trạng thái lẫn lộn thời gian và không gian đến kì diệu. Mộng và thực, ý thơ và lí trí, kiếp trước và đời nay, ánh trăng chảy như dòng suối bạc vào mảnh đất rắn đanh cát sỏi tới khô khan. Những thứ đó trong bất kì giờ phút nào cũng kề cận bên tôi và linh hồn bố tôi, quấn quít như cùng nhảy múa, như thể bóng hình trong sương mù khó có thể phân biệt rõ.
Tôi hốt hoảng, không nhớ mình đang ở đâu và khi nào.
“Ngụy, bố sẽ đi cùng con tới Xuyên Tây tìm Triết”, ông ho một tiếng rồi nói. Tiếng ho của ông khiến trái tim tôi ấm áp vô cùng. Còn nhớ, hồi tôi còn nhỏ, có một thời gian ông bị ho dữ dội. Đêm nào mẹ cũng chưng lê tuyết ngâm đường cho ông ăn. Nhân lúc mẹ không chú ý, bố tôi lén cho tôi ăn mấy miếng lê chưng ngọt lịm. Chứng ho của bố không thể khỏi hẳn vì trên lớp thường dùng phấn viết. Và tôi không ngừng được cùng bố ăn món lê chưng đường vừa ngon vừa có tác dụng chữa bệnh đó.
Bố nhắc đến tên bạn trai tôi tự nhiên đến vậy khiến tôi không khỏi rung mình. Một luồng khí nóng ngọt ngào bao phủ lên từng bộ phận trên cơ thể tôi.
“Trên đường đi về phía Tây, con sẽ gặp không ít những chuyện không thể ngờ tới. Đồng thời con sẽ nhanh chóng kiểm chứng được 4 chân lí trong đời người, đó là: lương thiện, chính trực, dũng cảm và niềm tin. Cuối cùng con sẽ học được chân lí thứ năm từ hai con người mà con không thể ngờ được. Đó cũng chính là chân lí khó khăn nhất của đời người, chính là: tha thứ.” Từng câu từng chữ của bố vang lên rất rành rọt.
Lời dự báo đột ngột này khiến tôi hoang mang. Trong phút chốc khiến tôi nhớ đến câu chuyện Đường tăng đi thỉnh kinh đầy khó khăn gian khổ. Xem ra chuyến đi của tôi lần này không chỉ vì nhằm tìm kiếm bạn trai, mà còn có rất nhiều mục đích khác mà tôi chưa lường tới.
Tôi vẫn im lìm tựa vào bố tôi trong hình hài một con chó vì thấy khá mệt mỏi khi được thông báo về một cuộc hành trình đầy bí ẩn như vậy. Đồng thời, một niềm hi vọng không tên và dũng khí nhẹ nhàng len lỏi vào trong cơ thể tôi. Trực giác mách bảo tôi rằng: cuộc sống vốn có của tôi đã tan biến như sóng chiều vào đúng thời điểm ông bố đã chết của tôi đột ngột cất tiếng. Thứ cũ qua đi, thứ mới lại tới. Giai đoạn này vừa bắt đầu có lẽ đã bất ngờ xé bỏ tấm mạng che trong chuyến du hành đầy xúc động và lộ rõ ý tứ sâu sắc. Sau chặng đường mệt mỏi mười bảy tiếng đồng hồ, khoảng chín giờ sáng hôm sau, chiếc xe đã tới Nghi Xương.
Hôm nay là ngày thứ năm Triết ròi bỏ tôi. Tôi đã ghi rõ trong nhật kí như vậy.
Nghi Xương nằm cạnh bờ Trường Giang. Vào tháng năm, bên đường còn vài đám hoa đào nở muộn lắc đác trên cây, nhìn xa như một tờ giấy rách lỗ chỗ rơi xuống trước mặt.
Tôi không thông thạo thành phố này bằng Sydney mà Triết thường đi nghỉ. Chỉ biết rằng thành phố cổ hơn bốn ngàn năm lịch sử này có đập thủy điện Tam Hiệp.
Xách hành lí, tôi hoang mang đứng cùng Lộ Phong Thiền bên ngoài bến xe một lúc, vẫn chưa dám tin rằng đã tới một nơi khác cách Thượng Hải tới hơn một ngàn ba trăm cây số nhanh như vậy. Trước mặt tôi là một con đường lớn gọi là đường Đông Sơn. Đủ các loại xe lao vun vút, tiếng ồn ào, bụi bặm và cả cảm giác tha hương lạ lẫm khiến tôi thấy chóng mặt, đầu óc như vỡ tung. Chỉ khi tới một nơi khác, bạn mời thực sự cảm nhận được sự quốc tế hóa và những ảnh hưởng khác thường của Thượng Hải.
Lúc này có một chàng trai chừng mười bảy mười tám tuổi không biết từ đâu bỗng nhiên hiện ra, tay cầm một tấm biển dán giấy trắng. Anh ta lịch sự giơ tấm biển trước mặt tôi với một khoảng cách phù hợp, rồi ngượng ngùng nhìn tôi cười, để lộ hàm răng không được thẳng thớm lắm cũng nước men tôi tối, tương phản hẳn với gương mặt thanh tú, sạch sẽ của anh ta.
Lộ Phong Thiền đột nhiên lao vọt lên trước như tên bắn. Chàng trai giật mình. Tôi ghìm con chó rõ ràng đang bất an kia, nó bình tĩnh lại, đuôi quặp quặp, gầm gừ nhi nhỏ. Vẻ ngượng ngùng và căng thẳng trong đôi mắt chàng trai khiến tôi tiến lên, cẩn thận nhìn kĩ dòng chữ trên tấm biển trong tay anh ta. Bên trên viết, “Khách sạn năm sao, giảm giá 30%, có xe đưa đón”.
“Khách sạn tên gì?” tôi hỏi.
“Long Đằng”, tiếng anh ta rất nhỏ, mang âm địa phương rất nặng. Khi nói, mắt không dám nhìn tôi.
“Giảm giá rồi, còn khoảng bao nhiêu?”, tôi hỏi.
“Năm trăm đồng”, giọng anh ta lúc này nhỏ như con kiến, đầu cũng cúi gằm xuống.
Trước đây, tôi từng nghe nói những thành phố dọc bờ Trường Giang chủ yếu sinh sống bằng ngành du lịch đôi khi cũng có nhiều chuyện lừa đảo du khách. Chàng trai tướng mạo sạch sẽ, đầy vẻ ngượng ngùng này cũng có rất nhiều điểm đáng ngờ. Một khách sạn năm sao lẽ nào lại để một thanh niên trẻ rõ ràng chưa từng được đào tạo chuyên nghiệp tới bến xe kéo khách? Vả lại, tôi cũng chưa từng nghe nói tên khách sạn năm sao nào lại đi chào mời ở những nơi công cộng như vậy.
“Có thật là năm sao không?”, tôi hỏi, cũng không rõ tại sao mình lại mất công đi nói chuyện phức tạp trong mắt anh ta, nó đầy hy vọng nhưng cũng rất tuyệt vọng, nó vừa căng thẳng nhưng cũng đầy thành ý cầu khẩn. Anh ta còn trẻ như vậy, chắc chắn vẫn còn đang đi học.
“… đúng ạ”. Anh ta nói, giọng có phần khẳng định hơn. “Nếu cô có hứng thú, cũng có thể bớt chút ít”
Thấy tôi có vẻ nghĩ ngợi, anh ta vội thêm một câu: “Phòng vừa to vừa sạch ạ”.
“Trên đường nào? Cách đây xa không?". Cơn mệt mỏi bò lên khắp người tôi như những con côn trùng vô hình. Đột nhiên tôi muốn nhanh chóng tìm được một chỗ có thể nghỉ ngơi. Con chó đã ngồi xuống bên cạnh, gác đầu lên chân trước.
“Không xa! ở ngay trước mặt thôi”, anh ta chỉ, bộ dạng nom hưng phấn hẳn, “Đi bộ đến cũng chỉ mất ba mươi phút thôi”
Lúc này xách theo hành lí, dắt theo con chó đi bộ đối với tôi là điều không tưởng. Kết quả, chúng tôi thuê một chiếc taxi. Chiếc xe lách ngoằn nghèo trong các ngõ ngách, tôi không phân biệt nổi đâu ra đâu nữa. Rồi chiếc xe vòng ngoặt một cái rất mạnh ở một con đường nhỏ. Tôi chưa kịp định thần, khách sạn đã ở trước mặt.
Vừa nhìn thấy cửa khách sạn qua cửa sổ xe taxi, tôi đã dám quả quyết đây không phải là khách sạn năm sao. Mệt mỏi và bực tức, tôi chỉ vào chàng trai bên cạnh đang định xuống xe, lớn tiếng trách bằng giọng mũi: “Thế này là thế nào? Khách sạn năm sao cái gì? Nhìn cậu thật thà như vậy, hóa ra là đồ lừa đảo”.
Chàng trai mặt đỏ bừng, mắt như long lanh nước, nhưng không giải thích, tay trái vặn vẹo tay phải, ngồi im trong xe.
Một người phục vụ mặc bộ đồ đồng phục cũ kĩ kiểu người dạy thú trong đoàn xiếc bước tới, giúp chúng tôi mở cửa xe. Anh ta nói câu: “Xin hoan nghênh” rất nặng, rồi bỏ đi với nét mặt không chút biểu cảm, y hệt một người máy. Lửa giận trong tôi bùng lên, tôi đóng sầm cửa xe lại, hỏi anh tài xế: “ Xin phiền anh cho hỏi ở đây có khách sạn năm sao thực sự nào không?” Anh tài có phần ngơ ngác không hiểu rõ sự thể ra sao. Ngần ngừ một lúc, anh đáp: “ Có thì cũng có, nhưng hơi xa”
“Xa cũng được, đi thôi!”, tôi nói.
Chàng trai đang lạnh tanh ngồi bên thoắt một cái bỗng chộp lấy tay tôi. Tôi giật mình, chợt nhớ ra bên cạnh còn có người. “ Cậu xuống được rồi đấy”, tôi cố gắng giữ lịch sự. Nước mắt trong mắt anh ta khiến lửa giận trong tôi giảm xuống phần nào.
“Chị ơi, xin chị!”, anh ta nói, “ Khách sạn này quả thực rất sạch. Bọn họ có thể giảm giá cho chị nữa. Xin chị đấy, chị có thể xuống xe xem phòng thế nào rồi đi cũng chưa muộn mà. Xin chị hãy giúp em với!”, anh ta nắm chặt lấy tay tôi, khóc như một đứa trẻ. Tôi nhìn anh ta một lúc, rồi kêu tài xế tính tiền.
Cuối cùng tôi cũng ở lại khách sạn 3 sao này. Đúng như anh ta nói, phòng không nhỏ, cũng rất sạch sẽ. Ngoại trừ nước không nóng lắm, mọi thứ đều khá ổn.
Chàng trai tên là Lí Phương, mười tám tuổi, là sinh viên năm thứ nhất ngành y đại học Tam Hiệp. Gia đình rất khó khăn, bố mất khi anh mới chào đời. Mẹ vốn là công nhân của xưởng Ngũ Kim, sáu năm trước đã nghỉ hưu, hàng tháng nhận hơn bốn trăm đồng lương hưu, phải đi làm thuê một số việc vặt cho nhà người khác kiếm tiền để trang trải cuộc sống. Nhưng mấy tuần trước, bà bị trúng gió rất nặng phải nằm nhà. Hai mẹ con đành sống lay lắt, tiết kiệm, cuộc sống sắp rơi vào cảnh khốn cùng.
Lí Phương đành phải vừa đi học vừa tìm việc làm thuê, và vừa may tìm được việc kéo khách cho khách sạn này. Họ thỏa thuận kéo được một người khách sẽ thưởng ba mươi đồng. Hôm nay là ngày đầu tiên anh làm việc này và tôi cùng là người khách đầu tiên.
Những chuyện này do tôi tìm hiểu được sau khi mời anh ta ăn tối.
Thoạt đầu, anh ta nhất định không chịu ăn cùng, còn muốn ra bến xe kiếm thêm khách. Mãi cho đến khi tôi nói: “ Đừng giơ cái biển quảng cáo khách sạn năm sao đi kéo khách nữa. Huống hồ tôi muốn tìm hiểu gia cảnh của cậu, có thể tôi sẽ giúp được gì chăng?”
Thế là 2 chúng tôi cùng con chó, xuống nhà hàng ở tầng trệt khách sạn thưởng thức đồ ăn địa phương. Tôi gọi bánh nhân cá rán mềm, vịt nhồi, đậu phụ, rau trộn. Vị hơi mặn, hơi cay, rất khác với đồ ăn Thượng Hải.
Con chó chăm chú ăn đồ ăn của nó mang theo từ Thượng Hải. Nó không chút hứng thú với đồ ăn cay trên bàn. Tôi gọi nhiều đồ ăn chủ yếu vì Lí Phương nhưng anh ta ăn không được nhiều. Cả tôi cũng vậy, mỗi người mải miết một tâm trạng riêng.
Uống hết chỗ bia, nghe xong câu chuyện của anh, trái tim tôi như mềm ra, như thể mặt biển gợn sóng bởi gió vừa thổi ào. Chúng ta luôn vội vã khi qua đường, chỉ chú tâm tới con đường dưới chân chúng ta, chứ không nhìn con người và phong cảnh khác. Chúng ta luôn cho rằng mình là trung tâm của thế giới, cũng là nơi tập trung tất cả niềm hoan lạc và bi thương trong thiên hạ. Và giờ đây do một cơ hội ngẫu nhiên, tôi phải làm quen và hiểu được một con người đang trải nghiệm những biến đổi ghê gớm trong cuộc sống, cũng ngồi một bàn, cùng nói chuyện, cùng uống. Cuộc sống thực chất có thể gần gũi và thông thoáng như vậy.
Đột nhiên tôi nảy ra một ý tưởng.
“Thế này vậy”, tôi nói chậm rãi, “Cậu đi làm thuê như vậy rất khó kiếm được tiền, lại vừa ảnh hưởng đến học tập”. Tôi nhìn anh ta, rõ ràng nom anh ta đã tự nhiên hơn so với lúc gặp ban đầu, nhưng đầu vẫn có thói quen cúi gằm xuống, mắt nhìn chăm chăm vào cái bát nhỏ trước mặt, mi mắt dài chớp chớp. Tôi biết anh ta đang chăm chú lẵng nghe.
“Trong bốn nắm tới, hàng năm tôi sẽ gửi tiền học phí và tiền ăn cho cậu, cho đến khi cậu tốt nghiệp đại học, có thể tự kiếm việc”, tôi nói tiếp, cố ý dùng giọng điệu nhẹ nhàng, không muốn khiến anh ta thấy đây là chuyện vô cùng kì quái.
Quả nhiên anh ta rùng mình , ngẩng phắt đầu lên. Lần đầu tôi được nhìn thấy đôi mắt sáng như vậy, trong đó đầy vẻ hưng phấn và cũng có không ít kinh ngạc.
Nhưng rất nhanh sau đó, anh ta tự cho rằng mình nghe lầm, vuốt mũi , cúi đầu xuống, lẩm bẩm: “Cuộc sống bây giờ quả thực không dễ dàng , nhưng em đã lớn rồi, là đàn ông phải gánh vác trách nhiệm, chỉ cần nỗ lực, không sợ gian khổ. Em nghĩ mọi thứ sẽ dần khá hơn”.
“Tôi sẽ giúp cậu”, tôi khẳng định lại. Một khi đã quyết định xong điều gì, toi đều làm theo. Triết rất thích tố chất này của tôi. Con người hành động luôn đáng được kính trọng hơn những người vĩnh viễn chỉ biết nói chứ không làm, anh từng nói như vậy.
Trong một khoảnh khắc thật không ngờ như vậy, tôi lại nhớ tới Triết. Điều này khiến tâm trạng tôi có những biến đổi nho nhỏ . Tôi lại nhớ tới chặng đường trước mặt là vì nhằm tìm kiếm người bạn trai đã gắn bó với tôi suốt ba năm qua.
Tôi bình tâm lại , vùi mình vào trong những tâm tư riêng, không nói thêm câu nào nữa.
Lí Phương nhìn trộm tôi hồi lâu, rồi khẽ rót bia cho tôi.
“Không uống nữa. Tôi mệt rồi”, tôi lấy tay che miệng ngáp dài, mượn cớ để tránh không khí ngượng ngập.
“Lí Phương”, tôi nhìn vào mắt anh ta, nói rõ từng từ, “Lúc nãy tôi không hề nói đùa. Nếu cậu chấp thuận, ngày mai tôi sẽ đưa cậu tiền học và tiền ăn cho một năm. Sáng sớm mai, cậu có thể tới đây không ?”
Anh ta trở nên căng thẳng, làm đổ cả cái cốc trước mặt. Bia thấm ướt cả khăn bàn. Anh ta vội lấy giấy ăn lau, long ngóng chùi hết lần này đến lần khác. Tôi nhìn một lúc lâu, rồi đưa tay ra, khẽ đập lên tay anh ta, ngắn không cho làm những động tác vô nghĩa đó. Anh ta ngước mắt lên nhìn tôi. Thoắt 1 cái, mắt anh ta ngập nước như mưa.
“Em không thể, em không thể”, anh ta ra sức lắc đầu, giọng nói méo xệch, “Chiều nay em đã hại chị lừa chị, không trung thực. Em không thể nhận lòng tốt của chị”.
Tôi khẽ vỗ vỗ lên tay anh, ra hiệu bình tĩnh lại.
“Sáng mai cậu tới sớm nhé, trong người tôi không mang nhiều tiền mặt. Sáng mai phải ra máy ATM để rút. Rồi cậu để lại địa chỉ và phương thức liên hệ. Tôi sẽ liên hệ lại. Tôi mệt rồi. Mai gặp nhé, được không?”
Cuối cùng, anh ta gật đầu, nước mắt vẫn không ngừng tuôn. Tôi nhanh chóng viết tên mình và số di động lên một tờ giấy, nhét vào tay anh ta.
Buổi tối, tôi nằm trên chiếc giường cũng khá êm ái và ngủ thiếp đi. Con chó cứ trở mình liên tục trên tấm thảm cạnh giường. Có lẽ cái vòng ngừa cắn bậy quanh cổ khiến nó không quen. Thỉnh thoảng, nghe thấy tiếng nó khịt mũi và tiếng nghiến răng rất nhỏ. Cơn mệt mỏi của nó lúc này nhắc nhở tôi rằng nó thực sự là một con chó già.
Tôi lặng nghe tất cả, lòng thầm chờ đợi tiếng nói của bố tôi lại xuất hiện, để sưởi ấm cho tôi như một cơn mưa vàng, như ánh đèn trong sương mù soi rọi tôi.
Nhưng khoảng 2 tiếng đồng hồ đã trôi qua, con chó vẫn không có động tĩnh gì, ngoài vài tiếng rên rỉ đau đớn. Có lẽ nó mơ thấy một đoạn gì đó không vui trong cuộc sống lang thang đầu đường xó chợ trước kia hoặc mơ thấy người chủ cũ đã từng hắt hủi nó?
Màn đêm khe khẽ lay động như biển cả không bờ không bến. Tôi nằm trên hòn đảo cô độc mất ngủ, bị dằn vặt bởi hàng trăm ý nghĩ. Sau khi mở to mắt hồi lâu, tôi nhỏm dậy gọi điện xuống lễ tân, hỏi thăm chuyến xe đường dài từ Nghi Xương tới Xuyên Tây.
Cô gái lễ tân rất kiên nhẫn kiểm tra lịch xe chạy và trả lời không có xe tới thẳng đó, nhưng có thể theo hương đó, từ Nghi Xương đi vài tiếng đồng hồ tới Trùng Khánh. Rồi từ Trùng Khánh ắt có xe tới nơi tôi muốn đến – huyện Đan Ba của Xuyên Tây. Thời gian xe khởi hành ở Nghi Xương là chiều tối.
Cuối cùng cô ta góp ý sáng mai tôi nên gọi lại cho tổng đài, nhờ đặt vé hộ.
Tôi cảm ơn cô, lại hỏi gần khách sạn có máy ATM nào không và bữa sáng tại khách sạn bắt đầu từ mấy giờ. Sau đó tôi gác máy.
Con chó đã tỉnh dậy, quan sát khắp căn phòng theo thói quen dưới ánh đèn yếu ớt. Sau khi đã xác định mọi thứ vẫn ổn, nó vẫy đuôi đi về phía tôi. Tôi vuốt đầu nó, gọi tên nó, “Mày khỏe không?”, rồi khẽ hỏi tiếp, “Còn bố nữa? Mày có biết bố tao giờ đang phiêu bạt nơi đâu không?”
Con chó câm lặng.
Tôi xuống giường, bước vào toilet, uống một ít nước, ngắm bóng mình trong gương. Gương mặt trắng bệch, đôi mắt hơi sưng lên vì thiếu ngủ. Tôi khẽ vuốt mới tóc rối bời, nhấc chiếc điện thoại bên cạnh đặt lên nắp lavabo, bấm một số máy mà tôi quá quen thuộc. Sau một hồi tút dài, tôi nghe thấy một giọng nữ tự động trả lời thật đáng ghét: Xin lỗi, số máy bạn gọi đã tắt máy. Xin gọi lại.
Tôi đặt máy điện thoại về vị trí cũ quay lại buồng ngủ.
Đêm đó, tôi mơ một giấc mơ kì quái vừa “khủng bố” vừa khiến người ta phải tĩnh lặng. Tôi mơ thấy thế giới xung quanh bị nhận chìm trong nước, đường sá, nhà lầu, xe hơi đều bị chìm nghỉm xuống đáy. Cây cối hai bên đường khẽ lay động trong nước như thực vật nước. Tất cả đều mang màu xám xanh, như cảnh nền u buồn và đầy ý thơ trong các bộ phim. Tôi đi một mình trên con đường quen thuộc nhưng cũng rất xa lạ, lòng đầy mơ hồ, nhưng không hề thấy sợ hãi như đáng ra phải thế. Không, nói cho cùng thì có lẽ cũng có một chút cô độc và đau buồn. Đột nhiên tôi thấy một chiếc tàu lặn đang lướt trên đầu tôi. Đúng lúc tôi dừng chân ngẩng lên nhìn, chợt vang lên một tiếng nói quen thuộc từ chiếc micro trên chiếc tàu đó: “Đừng sợ, ta đến cứu con!“
Tôi lập tức được ru ngủ bởi tiếng nói quen thuộc đó, cứ đứng im không động đậy, lòng tràn đầy hoan hỉ và bình yên. Tôi tin rằng dù người trong tàu không hiện ra trước mặt tôi, nhưng tôi đã an toàn. Đó hầu như chính là khoảnh khắc mà tôi chờ đợi rất lâu.
Hôm nay là ngày thứ sáu Triết rời bỏ tôi. Tôi đã viết như vậy trong nhật kí.
Buổi sáng tôi dậy rất sớm, đầu tiên gọi xuống lễ tân đặt hai tấm vé ô tô từ Nghi Xương tới Trùng Khánh lúc sáu giờ bốn mươi phút chiều. Rồi tôi đặt một ít thức ăn cho chó trên một tờ báo và một ly nước đầy cho Lộ Phong Thiền.
Từ khi khởi hành, nó ăn không ngon, nên ăn rất ít. Tôi lại kiểm tra một lượt chỗ da viêm của nó, hình như đã khỏi. Tôi thay thuốc mới cho nó, ép nó uống thêm một viên thuốc đau bụng.
Từ buổi tối nó phát ra được tiếng nói của người bố đã mất của tôi hơn mười năm qua, tỉnh cảm giữa tôi và nó càng thân thiết vô bờ. Những đau đớn vì bệnh tật của nó cùng những đau đớn của chính tôi. Niềm vui sướng của nó cũng là niềm vui sướng của tôi. Nhớ lại cách đây không lâu con chó này đã được Triết nhặt trên đường, đưa về nhà chúng tôi và tặng tôi làm món quà đính hôn ra sao, tôi không ngừng cảm thấy những mối quan hệ chẳng chịt như mạng nhện giữa các sự kiện lớn nhỏ. Không có sự kiện nào hoặc một người nào là tồn tại độc lập. Bạn bắt buộc phải liên hệ nó ít hoặc nhiều với những thứ khác, thậm chí cả với những người hoặc sự việc mà bạn không thể ngờ tới. Đằng sau bất kì một dấu hiệu nào trong cuộc sống cũng có ẩn ý sâu sắc, và bất kì vật gì đi vào thế giới của bạn đều có lí do và tính thần bí độc đáo riêng.
Khi nằm trong bồn tắm, tôi lại thử dùng máy di động liên lạc với Triết nhưng bên kia vẫn tắt máy. Tôi lại nhịn không nổi, gửi cho anh một tin nhắn. Thế nào sẽ có lúc anh mở máy. Tôi thầm cầu như vậy. Trong tin nhắn, tôi nói cho anh biết tôi đang trên đường về quê anh, giờ đây tôi đang về Nghi Xương, tối sẽ tới Trùng Khánh. Nếu anh tới bất kì nơi nào ở vùng đó, hãy liên hệ với tôi ngay.
Thậm chí tôi còn xúc động muốn gọi điện ngay cho bố mẹ anh. Số điện thoại của họ được tôi cất cẩn thận trong ví, cạnh tấm hình chụp chung giữa tôi và Triết. Nhưng không biết cái gì đã ngăn cản tôi. Có lẽ lúc này vẫn chưa thích hợp. Hơn nữa, thứ tiếng địa phương của họ rất khó nghe, từ trước tới giờ tôi chưa hề nghe được thứ tiếng đó ra sao.
Nhớ lại một năm trước khi nhận lời mời của Triết lần đầu và cũng là lần duy nhất cho tới nay, tôi cùng anh về thăm nhà bố mẹ anh ở khu núi Đan Ba. Tôi thực sự như được đến một nơi kỳ quái như hỏa tinh hoặc thứ gì đó tương tự, đồ ăn, thức uống, sinh hoạt, nói năng, tôi đều không quen. Ghê gớm nhất là hội chứng vùng cao. Ở đó cao hơn mực nước biển rất nhiều, thuộc khí hậu cao nguyên.
Ngày đầu tiên vừa tới nơi, đầu tôi nhức như búa bổ, không nuốt nổi thứ gì. Ngày thứ hai tuy có khá hơn nhưng một ngày tôi sống ở đây tưởng chừng dài lê thê như một năm. Nhà vệ sinh khủng khiếp tới cực điểm, như thể bị đẩy lùi lại thời kì nguyên thủy. Tôi không dám tưởng tượng anh bạn trai tuấn tú, đẹp đẽ, được giáo dục bài bản của mình lại trưởng thành cùng với nhà vệ sinh như vậy. Hai ngày ở đó tôi gần như nhịn ăn nhịn uống chỉ vì không muốn vào nhà vệ sinh.
Triết hầu như không rời tôi nửa bước, hết phiên dịch, dẫn đường, lái xe và quan trọng nhất là làm cầu nối quan hệ. Lúc nào anh cũng bôi trơn mối quan hệ giữa tôi và bố mẹ anh. Tôi còn nhớ ngày thứ hai bố mẹ anh đã gọi cô gái có tên là Ích Tây Trác Mã tới nhà. Họ luôn hi vọng anh lấy cô ta, dù biết rõ Triết đã ở với tôi mấy năm qua.
Cô gái đó cùng học, cùng nô đùa và cùng khôn lớn với anh. Cô luôn là người bạn thân nhất của anh nơi đây. Chỉ vì sau đó Triết thi đỗ và trường đại học lớn nhất nước, ra khỏi ngọn núi này, rời bỏ vùng đất xa xôi và nghèo đói này. Còn cô ta tiếp tục ở lại thôn. Nghe nói làm giáo viên tiểu học trong vùng.
Cô ta ở lại nhà Triết một lát. Tôi không nhớ rõ đã nói những gì. Nhưng nét hoạt bát, hoang dã trên gương mặt rám nắng và gió lâu ngày của cô đã để lại ấn tượng đặc biệt trong tôi. Tuy tôi không nhớ rõ mắt, mũi, mồm, miệng cô ra sao.
Tóm lại cô ta là một cố gái rất đáng yêu. Tôi đoán chắc bất kì chàng trai nào bị sự lạnh lùng và phức tạp của thành phố dày vò tới kiệt sức và mệt mỏi cũng sẽ dễ dàng yêu cô.
Sang ngày thứ ba, cuối cùng tôi cũng yêu cầu rời khỏi nhà bố mẹ anh. Triết kẹp giữa tôi và bố mẹ anh, rơi vào tình thế khó xử. Cuối cùng anh cũng nghĩ được một biện pháp xoa dịu, đầu tiên anh đưa tôi tới một nhà nghỉ tốt nhất trong huyện Đan Ba, rồi anh quay về nhà bố mẹ ở tiếp hai ngày.
Lúc tôi rời khỏi nhà anh, mẹ Triết tặng tôi một tấm vải quấn do bà tự dệt lấy. Thường nhật, bà mang những đồ mỹ nghệ làm bằng tay tới huyện bán. Lúc đó, tôi lịch sự nhận, nhưng sau đó về Thượng Hải tôi vứt nó vào đáy chiếc va ly đựng đồ thừa, không hề đụng tới. Tôi biết Triết đã để ý tới những khó chịu của tôi với gia đình anh, nhưng anh chưa bao giờ nói tới. Tôi cũng giả bộ như không có gì xảy ra. Bởi không ai chịu nói, mọi thứ vẫn trơn tuột và bình thường.
Chỉ sau khi cùng tôi từ Xuyên Tây quay về Thượng Hải không lâu, Triết gửi tiền cho bố mẹ, nhờ người tới sửa lại nhà, về cơ bản là giật đổ căn nhà cũ, xây lên một căn nhà hoàn toàn mới, có ba lầu kiên cố và thoải mái. Nghe nói phòng tắm được thiết kế rất tỉ mỉ, sàn lát gạch Đại Lí. Bồn tắm và lavabo được nhập từ Đức về. Ngày tân gia thu hút rất nhiều dân địa phương, thậm chí có cả các quan ở huyện xuống xem (Triết có quan hệ rất tốt với chính quyền địa phương). Cũng có không ít phóng viên tới chụp ảnh. Việc Triết nổi tiếng ở Thượng Hải luôn là niềm tự hào của địa phương.
Sau đó, Triết chỉ đơn giản báo cho tôi biết chuyện đó. Và tôi cũng chỉ đơn giản bình luận hai từ: Rất tốt. Chúng tôi ai bận việc người nấy, nhanh chóng quên đi câu chuyện ở vùng núi cách Thượng Hải tới hơn hai nghìn cây số đó.
Tôi đột nhiên ý thức rằng lúc này, khi nhớ tới bố mẹ Triết, tôi không hề cảm thấy xa lạ như trước kia. Trái lại, tôi lại thấy rất gần gũi khó nói. Có lẽ việc Triết bỏ đi không lời giã từ, và việc tôi mang theo chú chó vượt ngàn dặm xa xôi chạy về hướng gia đình anh, đuổi theo anh… tất cả đã vô hình chung kéo gần khoảng cách tâm lí giữa tôi và bố mẹ Triết. Tôi không còn là cô công chúa Thượng Hải đỏng đảnh nữa. Như vậy liệu có đổi được trái tim của người tôi yêu? Liệu tôi vẫn có cảm giác xa lạ và lạnh lùng với hai ông bà già miền núi đó không?
Tôi dắt Lộ Phong Thiền ra khỏi khách sạn, theo chỉ dẫn của nhân viên lễ tân, tôi tìm được một máy ATM không xa, nhanh chóng dùng hai chiếc thẻ ngân hàng khác nhau, rút được một tập tiền dày cộp. Tôi đếm cẩn thận rồi nhét vào túi, giữ chặt miệng túi, cùng con chó chạy về khách sạn.
Vừa bước vào đại sảnh, tôi đã thấy ngay chàng trai Lí Phương vừa quen hôm qua. Hôm nay anh ta ăn bận sạch sẽ, trên mặt vẫn còn vẻ ngượng ngùng và căng thẳng.
Tôi đi tới, vỗ lên vai anh ta. “Chào Lí Phương, nom cậu khá lắm. Ăn sáng nhé?”
“Chị Ngụy”, mặt anh ta hơi đỏ, rút một thứ gì đó bọc giấy sạch sẽ từ trong chiếc ba lô đen ra, đẩy tới trước mặt tôi.
“Cái gì thế?”, tôi ngạc nhiên hỏi, ngửi thử, hình như là đồ ăn.
“Quế hoa”, anh ta đáp, “Tối qua em tự làm đấy, làm không được ngon lắm. Chị cứ nếm thử, nếu thấy không thích, không ăn cũng không sao”. Thấy vẻ mặt tôi sững sờ, anh ta vội vã bổ sung: “Đây là đặc sản của quên chúng em, rất nổi tiếng. Hiện lại đúng mùa.”
Tôi nhận lấy bọc quế hoa, bước lên trên khẽ ôm lấy anh ta, cảm động không biết nói gì, chỉ biết kéo anh ta vào tiệm ăn mà tối qua chúng tôi cùng ăn. Ở đó đang phục vụ bữa sáng.
Tiền phòng của tôi chỉ bao gồm bữa sáng cho một người. Tôi kêu người phục vụ ghi suất sáng của Lí Phương lại để thanh toán. Chúng tôi yên tâm ngồi xuống. Tôi không nhịn nổi mở bọc đồ ăn do Lí phương tự tay làm, nhón lấy một cái đưa lên miệng. Thật ngọt ngào, quả nhiên rất khác thường. Hỏi anh ta làm ra sao, anh ta đáp từ nhỏ mẹ anh ta luôn làm thứ này cho anh ta ăn, nên anh đứng bên cạnh nhìn nhiều cũng học thuộc cách làm.
Không còn nghi ngờ gì nữa, anh ta là một đứa trẻ thông minh và rất hiểu đời. Tôi thấy mình thật may mắn khi có cơ hội gặp được những thanh niên trẻ như anh ta.
Tôi rút ra tập tiền dày, đặt trước mặt anh. Mặt anh ta đỏ bừng, mắt lại ướt, cúi gầm mặt không dám đụng đến tiền. Tôi vỗ lên đôi tay đang lồng chặt vào nhau của anh, rồi lấy chiếc ba lô đen 2 quai của anh, nhét tiền vào trong.
Sau bữa sáng, Lí Phương mời tôi tới nhà anh uống trà vì anh ta muốn gặp tôi. Tôi nhận lời.
Theo gợi ý của Lí Phương, chúng tôi chậm rãi đi bộ. Hôm nay là cuối tuần, anh ta không cần đến trường, còn tôi chỉ đợi đến chiều tối sẽ lên xe tới Trùng Khánh.
Con đường chúng tôi đi vừa vặn lại đi qua phố ẩm thực đường Trung Sơn, bên đường bán rất nhiều đồ đặc sản địa phương. Lộ Phong Thiền rất vui, không ngừng cử động mũi. Nhất là khi đi qua một tiệm có tên: “Tiệm gà thần tiên Tam Du”, nó dừng lại nhất quyết không đi, mặc cho tôi lôi kéo thế nào. Tôi đành phải mua một hộp thịt gà có xương, ngồi xuống bên đường nhìn nó ăn. Nó ăn rất ngon lành. Cái dáng vẻ tham lam nhai rau ráu của nó làm tôi rất vui. Đột nhiên tôi nhớ ra bố cũng rất thích ăn thịt gà, nhất là những phần có nhiều xương như đầu gà, cánh gà là thứ ông mê nhất, còn phần ngon nhất là đùi gà luôn nhường cho tôi và mẹ mỗi người một cái.
Tôi vuốt ve đầu con chó, nở một nụ cười. Đó là nụ cười đầu tiên trên chặng hành trình.
Lí Phương hỏi có thể vuốt con chó mọt cái được không. Tôi gật đầu. Anh ta dịu dàng vuốt lên lưng chó, hỏi tôi cái vòng nhựa trên cổ nó dùng để làm gì. Tôi giải thích da nó đang bị viêm. “Chị nhất định là một người cực kì lương thiện”, trầm ngâm hồi lâu, anh ta đột ngột nói, ánh mắt nhìn tôi với vẻ tò mò.
Tôi không đáp lại, cầm chiếc hộp rỗng vứt vào thùng rác. “Tôi chỉ là một người như cậu thôi, đi nào!”, tôi ngẩng đầu nhìn bầu trời đầy các cụm mây, hình như sắp mưa.
Đi lên trước một đoạn, nhìn thấy một đám người đang vây tròn. Lí Phương nói mấy hôm nay có một gánh tạp kĩ lang thang qua đây, và hỏi tôi có muốn đi xem không. Tôi gật đầu.
Khó khăn lắm mới dắt chó chen được vào đám đông. Trước mắt tôi là cảnh náo nhiệt và hơi hỗn loạn. Hai cậu thanh niên mình trần để lộ bắp thịt cuồn cuộn đang biểu diễn đập gạch. Đầu tiên họ dùng một tay đập vỡ gạch, rồi lại lấy gạch đập lên trán. Mấy viên gạch đỏ hồng đều vỡ tan. Mọi người xung quanh ồ lên tán thưởng.
Cùng biểu diễn với họ có 3 cô gái trẻ, nhìn bề ngoài chỉ mới mười ba, mười bốn tuổi, mặc bộ đồ màu hồng nom cũ kĩ, biểu diễn những trò khiến người xem hoa cả mắt. Họ lắc lư thân mình thành những kiểu thật không ngờ, rồi dùng chân đội bát, dùng miệng cắn bông hoa nhựa. Người xem vỗ tay nhiệt liệt, ra sức ném tiền lẻ vào cái hộp giấy đặt trước mặt.
ở gần phía chúng tôi có một ông già đang chơi đùa với con khỉ. Lũ khỉ được mặc quần áo, không ngừng lộn nhào và làm những động tác chọc cười rất khó, thu hút rất nhiều trẻ con bu lại xem.
Đột nhiên, một con khỉ lao tới con chó của tôi. Tôi hoảng hốt, đẩy vội Lộ Phong Thiền ra phía sau lưng. Con khỉ nhe răng trước tôi, kêu keng kéc đầy điên loạn.
Cả đám người lập tức cười phá lên. Lúc này ông già nuôi khỉ cầm cái nón rách tới, ra hiệu xin tôi ít tiền, nhưng tôi từ chối. Rồi ông ta lại cố tình đi vòng ra sau lưng tôi, muốn chộp bằng được con chó của tôi, miệng không ngừng lớn tiếng: “Ai muốn ăn thịt chó nào?”, khiến cả đám người lại cười phá lên. Rõ ràng chó của tôi biến thành một phần biểu diễn của ông ta.
Tôi kinh ngạc tới toàn thân run rẩy. Không ngờ lại có loại người như vậy. Tôi chỉ muốn tát lên gương mặt già nua không biết ngượng ngùng kia, nhưng do quá kinh ngạc, tôi không thể làm nổi điều gì, chỉ ra sức kéo con chó ra khỏi đám đông. Lí Phương giúp tôi đẩy hết đám người ồn ào hiếu kì kia. Rốt cuộc chúng tôi cũng an toàn rút ra ngoài, tới được một ngõ nhỏ yên tĩnh.
“Xin lỗi”, Lí Phương cúi đầu lí nhí.
Tôi lắc đầu, không nói gì, chỉ muốn nhanh chóng quên đi cảnh tượng quái dị ban nãy. Con chó đáng thương cũng bị khiếp sợ, đuôi nó quặp chặt phía sau.
Có người lại dám ăn chó của tôi sao? Chúng tôi đi trên đường lặng lẽ hồi lâu, tôi vẫn tiếp tục bị dày vò bởi suy nghĩ này, rồi đột nhiên cười phá lên. Con chó nhìn tôi, Lí Phương cũng kinh ngạc nhìn tôi. Tôi ngưng bặt, thầm nghĩ nếu được gặp Triết, sẽ kể ngay cho anh chuyện hài vừa rồi.
Tôi nhún vai, quyết định cho qua mọi chuyện. Chuyến hành trình vừa mới bắt đầu, chúng tôi cần mạnh mẽ hơn.
Nơi ở của hai mẹ con Lí Phương chật chội hơn tôi tưởng tượng rất nhiều. Cả nhà chỉ có một gian phòng, ăn, ngủ, bao gồm cả việc anh ta học tập xem sách cũng tại đây. Ở đó chỉ có một gian bếp trống trải và một nhà vệ sinh thiếu ánh sáng, tối tăm. Tôi đoán hẳn Lí Phương đã làm cho tôi món Quế hoa ngay trong căn phòng chật đến một người cũng khó xoay cựa được này.
Được cái, phòng khá sạch, có lẽ do tôi tới chơi nên mọi thứ được thu dọn cẩn thận. Bà mẹ nằm trên giường, tóc chải ngay ngắn. Vừa nhìn thấy tôi, người bà hơi động đậy như thẻ muốn gượng ngồi dậy, miệng phát ra âm thanh nghe không rõ. Tôi vội vã đi tới nắm chặt tay bà, nhìn thấy nước mắt của bà từ từ lăn xuống.
Người phụ nữ đáng thương này gầy yếu đến nỗi chỉ còn da bọc xương, đột nhiên trúng gió tới mức mắt phải không thể nhìn rõ, toàn thân bên trái không thể cử động. Tay phải của bà nắm chặt tay tôi, miệng lắp bắp mấy tiếng cảm ơn rất khó nghe.
Tôi thấy tay chân thật luống cuống, thấy mình không thể đón nhận tình cảm biết ơn của gia đình xa lạ này. Tám nghìn tệ tôi vừa đưa cho Lí Phương, chẳng qua chỉ là món tiền mua mấy bộ đồ hiệu mặc chơi, nhưng lại có thể đủ cho một sinh viên nghèo có thể trả được tiền ăn học suốt một năm. Như vậy, tiền đưa cho anh ta có ý nghĩa hơn rất nhiều.
Con chó lặng lẽ ngồi bên cạnh tôi. Tôi ngồi bên giường bà mẹ Lí Phương. Anh ta bê tới một ly thủy tinh, thấy rõ loại trà bên trong rất khác thường, những cánh trà như bàn tay xòe nở, xanh non và ngát hương. Lí Phương tự hào giới thiệu: Đây là trà Tiên Nhân Chưởng. Hơn 1.200 năm trước thuộc đời Đường, ở Nghi Xương đã bắt đầu trồng loại trà này.
“Thật ngại quá, làm cả nhà phải phá sản”, tôi nói.
“Chú em làm việc ở xưởng trà. Mấy hôm trước khi tới thăm mẹ em có mang tới biếu”, Lí Phương nói, “Khi nào chị đi, mang theo một ít nhé”.
Tôi vội vàng xua tay, “Cảm ơn, không cần đâu. Tối nay tôi phải vội đi ngay, mang nhiều đồ theo không tiện”. Tôi cũng hiểu hai mẹ con này cố đem hết mọi thứ quý giá nhất trong nhà ra đãi tôi.
Lúc này, mẹ của Lí Phương vội vã cất tiếng và cử động tay phải, nắm lấy tay tôi. “Mẹ em nói không biết chị phải vội đi đâu, có gì cần 2 mẹ con em giúp, xin cứ nói. Chúng em là người địa phương, dù sao cũng thông thạo hơn”, Lí Phương cắt nghĩa lại.
“Không có gì, vé đã mua rồi”, tôi nói với bà mẹ, cố tình nói cao giọng, nhưng lòng thầm kinh ngạc một người phụ nữ bệnh tật, yếu đuối, chưa từng được học hành lại có ý thức tỉnh táo và lễ nghĩa tiếp đón khách đến chu toàn như vậy. Bạn giúp bà, bà cảm ơn lại và đem những đồ quý giá nhất ra tiếp đãi. Bạn có khó khăn gì bà cũng cố gắng hết sức giúp đỡ. Xem ra, người phụ nữ nghèo khổ và đau ốm này còn mạnh mẽ hơn gấp nhiều lần so với những người giàu có và khỏe mạnh.
Mẹ Lí Phương lại nói thêm mấy câu, trước khi dịch lại, Lí Phương nói nhỏ với tôi: “Chị Ngụy, hôm nay mẹ em nói rất nhiều. Thấy chị đến, mẹ em mừng quá!”. Thì ra bà thấy trước khi tôi lên xe còn nhiều thời gian nên sai con trai đưa tôi đi chơi, ngắm công trình thủy điện Tam Hiệp. Và nếu tôi muốn, Lí Phương có thể dẫn tôi tới xưởng sản xuất trà nơi chú anh đang làm việc. Bà cũng dặn Lí Phương giúp tôi mang hành lí ra bến xe đường dài.
Tôi từ chối lòng tốt của 2 mẹ con, nói dối rằng tôi và con chó đều mệt, muốn về nghỉ. Thế rồi, tôi viết tên tôi và số điện thoại lên một tờ giấy cho họ. Lí Phương cũng đưa cho tôi số tài khoản của anh và địa chỉ liên lạc. Tôi cẩn thận cất tờ giấy vào ví tiền, rồi tạm biệt hai mẹ con.
Họ lại khóc. Tôi ôm họ rất chặt, nói mấy câu an ủi và dặn dò Lí Phương đi gửi ngay số tiền tôi vừa cho vào ngân hàng. Rồi tôi dắt chó rời khỏi nhà họ Lí.
Không biết mưa xuống từ lúc nào, giờ mưa đã tạnh hẳn. Ánh nắng xuyên qua đám mây, rọi xuống mặt đường ướt nhẹp. Không khí ngát mùi thơm diệu kì và hơi ẩm mùa xuân. Tôi cầm theo chiếc bản đồ do lễ tân khách sạn tặng, thư thái đi trên phố.
Thành phố cổ này cũng như bao thành phố khác của Trung Quốc, đang ra sức lao lên phía trước trong cơn sóng phát triển kinh tế. Những quang cảnh mới và cũ đan xen lẫn lộn, không theo trình tự, như thể một li côctail hổ lốn. Nhưng cũng chính trong mớ hỗn độn đó lại ẩn chứa một sức lực và ý chí to lớn không thể ngờ nổi.
Đường phố rất đông du khách ồn ào qua lại, nói đủ thứ tiếng địa phương. Họ túm tụm thành từng nhóm đi hết từ bên này đường sang bên kia đường, không ngừng bấm máy ảnh tách tách.
Lúc này điện thoại của tôi chợt réo vang. Tôi sung sướng, cuống cuồng lúc tìm trong túi xách. Lẽ ra tôi chỉ cần hai phút là có thể tìm thấy. Nhưng lần này quá tệ, tay run rẩy khủng khiếp nên không tài nào tim ra nổi. Lộ Phong Thiền ở bên cạnh hết nhảy lên lại lắc đầu, như thể cười cái dáng vẻ xúc động long ngóng của tôi.
Cuối cùng tôi cũng tìm được điện thoại, nhìn số máy vừa gọi nhỡ, thì ra là dì Lí trong nom cửa tiệm thời trang của tôi. Nghĩ một lát, tôi bấm máy gọi lại. Nghe thấy tiếng tôi, dì Lí rất vui: “Cô Vệ à, cô vẫn khỏe chứ?”
“Tôi vẫn khỏe”, tôi nói. Trên chuyến hành trình, được nghe thấy giọng nói của người quen cũng cảm thấy ấm áp. Hơn nữa, dì cũng gần bằng tuổi mẹ tôi.
Dì Lí vui vẻ báo, Sa – nhà thiết kế thời trang của của tiệm và cũng là bạn tôi – vừa đoạt giải nhất dành cho Nhà thiết kế trẻ xuất sắc nhất châu Á trong cuộc thi ở Tokyo. Liệu có nên nâng giá tất cả trang phục của cô đang gửi bán tại tiệm chúng ta không?
Tin bất ngờ này không khiến tôi xúc động như dì, dù tôi cũng thấy tự hào khi mơ ước của bạn tôi bao năm qua rốt cuộc cũng thành hiện thực. “Dì ơi, dì cứ tự định liệu. Trước khi đi, cháu đã nói rồi, dì được toàn quyền xử lí mọi việc trong tiệm”, tôi đáp. Tôi rất tin vào con người đã hết lòng vì cửa tiệm suốt mấy năm qua này.
Rồi dì hỏi khi nào tôi về Thượng Hải, tôi thở dài, nói chưa biết.
“Cô Vệ, đi đường cẩn thận, nhớ chăm sóc mình, có chuyện gì phải gọi điện ngay, đừng để chúng tôi lo lắng. À, còn nữa, cô Sa nghe nói cô không ở tiệm, liền hỏi cô đi đâu. Chúng tôi đã kể thật là cô đi xuống miền Tây. Hiện cô ấy đang ở Tokyo, nhưng có thể gọi về cho cô bất kì lúc nào”.
“Được rồi, dì, cảm ơn dì”, tôi tạm biệt bà và dập máy, tiếp tục đi trên đường phố của một thành phố xa lạ. Cảnh vật xa lạ 2 bên đối với tôi không có nhiều ý nghĩa lắm. Tôi chỉ là một khách qua đường vội vã, trên đường hầu như không ngừng gót chân chỉ vì một mục đích: tìm bằng được Triết – anh bạn trai mà tôi yêu say đắm – trở về bên cạnh tôi.
Cuộc trò chuyện với dì Lí vừa rồi giúp tôi quay trở lại tất cả những gì quen thuộc ở Thượng Hải, tiệm thời trang của tôi, gia đình của tôi, bạn bè của tôi. Tôi bứt mình ra khỏi những tưởng tượng trầm lặng, lấy hai tay xoa mặt, thử giúp mình phấn chấn hơn, rồi quay lại gọi chó, rảo bước về khách sạn cách đó không xa.
Tiểu thuyết tình yêu là website chia sẻ những thể loại truyện hay nhất hiện nay, được nhiều người đọc yêu thích. Truyện được cập nhập hàng ngày. Hãy lưu địa chỉ web để truy cập nhanh hơn!