Old school Easter eggs.
Tiểu thuyết tình yêu

Tiểu Thuyết Tình Yêu

Đọc truyện tại Tiểu Thuyết Tình Yêu

Loading...

Tiểu thuyết - Gia đình ngọt ngào của tôi - Trang 3

Full | Lùi trang 2 | Tiếp trang 4

6. Tai nạn

Màn đêm như mực lan tỏa bốn phía. Chúng tôi ngồi trên chiếc xe rời Nghi Xương tới Trùng Khánh. Mọi cảnh vật lờ mờ ngoài cửa xe đều nhanh chóng bị ném lại phía sau, như thể ném hết những kí ức nát rữa có thể vĩnh viễn quên đi, không chút đáng tiếc.

Năm bố tôi chết, tôi đang học lớp 11, mọi môn học đều rất xuất sắc. Tôi được thầy cô trong trường và cả bố tôi khẳng định rằng một năm sau, tôi có thể ung dung thi đậu vào những trường đại học điểm trong nước như Đại học Bắc Kinh, Đại học Phúc Đán… Bố tôi vừa được phong danh hiệu giáo viên xuất sắc trong trường trung học mà ông đang giảng dạy, đồng thời ông cũng được chính quyền thành phố Thượng Hải bầu chọn vào danh sách hai mươi giáo viên được hưởng chế độ trợ cấp đặc biệt của nhà nước. Mẹ tôi vẫn đẹp như hoa, lặng lẽ, đảm đang. Gia đình tôi mới mua thêm một chiếc xe đạp điện kiểu mới, khá hiện đại. Trung Quốc năm 1993 vẫn rất hiếm những loại xe như vậy. Ông bà nội tôi đã cho một nửa tiền mua xe, coi như là món quà mừng bố tôi được khen thưởng.

Cuộc sống của cả nhà ba người chúng tôi như vừa mở ra một trang mới.

Cho tới một buổi tối, đồng hồ trên tường đã điểm mười giờ, nhưng bố tôi đến trường dạy thêm buổi tối vẫn chưa về. Mẹ tôi bắt đầu sốt ruột, gọi điện tới văn phòng nhà trường nhưng không ai bắt máy.

Tới 11 giờ, tôi vẫn ngồi trong phòng khách, bắt đầu buồn ngủ. Mẹ tôi cũng không còn kiên nhẫn được nữa, cứ đi đi lại lại trước cửa nhà mở toang. Hai tay bà xoắn vào nhau, nét mặt như sắp khóc bất cứ lúc nào. “Bố con đi đâu nhỉ? Rốt cuộc ông ấy đã xảy ra chuyện gì?”. Như thể bà nói với tôi, và cũng như tự hỏi chính mình. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy mẹ bấn loạn như vậy. Cũng rất khó trách, bố tôi luôn nghiêm túc, đáng tin, làm việc gì cũng đúng giờ phăm phắp, mấy chục năm qua ông đều ra khỏi nhà và về nhà rất đúng giờ. Nếu có chuyện gì, chắc chắn ông cũng bật điện về báo.

11h 15 phút, tôi nói mẹ cùng đi tìm. Mẹ tôi gật đầu, mắt đẫm lệ, như đã linh cảm được điều bất thường.

Trên đường vắng tanh không một bóng người. Hai mẹ con tôi nhanh chóng rảo bước men theo con đường mà bố vẫn thường đi. Hôm đó là mùa thu, lá vàng trên đất vỡ ra những tiếng vụn sắc nhọn khi bị chân chúng tôi đạp lên, nghe rắc rắc. Như thể có thứ gì đó không may vừa cùng chạy với chúng tôi trong gió. Chúng tôi chạy rất nhanh, nó cũng chạy rất nhanh, dẫu muốn dứt bỏ cũng không được. Sắp tới trường học, chân càng run hơn. Bố, bố ở đâu? Không có tiếng đáp. Không khí bắt đầu đốt lên thứ gì đó thần bí, từng đốm lửa nhỏ cứ tới gần, hy vọng được bùng lên. Tôi không cảm thấy gương mặt mình đã ướt, cũng không phân biệt nổi đó là nước mắt, mồ hôi, hay là nước mưa từ trên trời rơi xuống.

Trên một con đường nhỏ không có đèn đường, cách trường học rất gần, mẹ con tôi nhìn thấy bố tôi nằm trong vũng máu. Trời như sụp xuống, đất dưới chân như nứt toác.

Tôi không tin cảnh tượng trước mặt, ra sức lấy tay trái cấu mạnh vào tay phải. Nỗi đau da thịt khiến tôi ý thức được mọi thứ té ra là sự thật, không phải là ác mộng, cũng không phải là phần lớn các cảnh được xem trên phim và truyền hình.

Mẹ ngã trên người bố tôi lẫn lộn máu và da thịt, bất động, như ngất đi. Tôi hết lay người này, lại lắc người kia. Mùi máu ngày càng tanh, không khí như thể sắp vỡ tung. Tôi không thể thở nổi, không, tôi phải giành giật để thở, tiếp đó, một tiếng kêu như tia chớp rạch ngang bầu trời đêm. “Cứu bố cháu với. Có ai không? Mau cứu bố cháu với.” Tôi nghe thấy tiếng khóc của mình từ lồng ngực lạnh toát phát ra tiếng vọng ghê người.

Tuyệt vọng, đúng là tay không không thể bắt được gì, chỉ còn lại nỗi tuyệt vọng. Màn đen vô bờ là tấm vải liệm của bố tôi. Đó cũng là lần đầu tiên tôi đối mặt với phần đen tối của cuộc đời khi tôi mới mười sáu tuổi, sau khi trải qua những ngày tháng hạnh phúc và nhạt nhẽo.

Cuối cùng cũng có người khách qua đường có lòng tốt và may thay mang điện thoại di động, giúp chúng tôi gọi cảnh sát 110. Do chúng tôi khẩn cầu, ông lập tức dùng xe của ông đưa bố tôi tới một bệnh viện gần nhất, để lại cái xe nát bấy và một đống máu của bố tôi. Tôi cũng ở lại chờ cảnh sát tới. Mấy phút sau, tiếng còi ụ của cảnh sát đã vang lên cách đó không xa.

Cuối cùng cảnh sát cũng không điều tra được gì.

Mãi tới mười năm sau khi bố tôi qua đời, vào ngày giỗ của ông, tôi mang hoa tới mộ ông như thông lệ hàng năm. Nhưng hôm đó, tôi sững sờ phát hiện thấy một bó hoa tươi do ai đó đã đặt sẵn trước mộ ông. Tôi nhìn kĩ, trong bó hoa còn giấu một mẩu giấy, trên đó đánh máy ba từ “xin lỗi ông”.

Sau đó, tôi lại cầm mẩu giấy đi tìm cảnh sát. Nhưng viên cảnh sát Trương phụ trách án mạng ngày xưa đã bị thuyên chuyển 8, 9 năm trước. Trong mười năm qua cũng không ai nhớ đến vụ tai nạn xe rất phổ biến này, ngay cả việc tìm kiếm hồ sơ cũng không thấy. Màn bi kịch của bố tôi tan như mây khói. Tôi không cam tâm, nghĩ ra đủ cách để tìm viên cảnh sát Trương kia, nhưng không có kết quả.

Theo ba chữ đánh máy trên tờ giấy kia, không đủ để tìm được người lái xe đâm chết bố tôi rồi bỏ chạy. Nhưng theo tôi, sự thật đó dường như quá rõ: Người ấy biết bố tôi, thậm chí còn tới tham dự tang lễ của bố, hoặc nghe ngóng từ những người tới dự tang lễ để dò biết được vị trí mộ của ông.

Ba chữ trên tờ giấy được đánh máy chứ không viết tay, rõ ràng là không muốn để lộ mình qua chữ viết.

Có lẽ đó là một phụ huynh nào đó có xe hơi của lớp bố tôi dạy học. Vì địa điểm bố tôi bị tai nạn cách trường không xa. Xét về mặt thời gian, bố tôi đã kết thúc lớp học thêm ban đêm, đang vội vã đi xe đạp điện về. Có lẽ là do một phụ huynh nào đó lái xe hơi tới đón con hoặc trên đường từ trường đi ra đã đâm phải bố tôi. Hẳn là do không cẩn thận. Nhưng ông ta vứt bố tôi bị thương trên đường, tới mức chết vì chảy máu quá nhiều là điều tôi không thể tha thứ.

“Có thực là vĩnh viễn không thể tha thứ không?”, Triết hỏi tôi. Tôi quen anh đúng thời điểm phát hiện được tờ giấy bí ẩn nọ trên mộ bố tôi. Tôi đã quen anh và nhanh chóng yêu anh. Cùng năm đó, tiệm thời trang của tôi cũng mở. Giờ đây nhớ lại đã tròn mười năm bố tôi qua đời. Ba năm trước, cuộc sống của tôi liên tiếp xảy ra mấy chuyện lớn, vẫn còn ảnh hưởng sâu sắc tới tôi cho đến ngày nay.

Triết vẫn thường nói: không nên nhìn lại quá khứ, vì em không thể thay đổi được điều gì đã qua. Cứ cho là em tới trường tìm ra được tên tuổi của hơn ngàn học sinh mười năm về trước, rồi điều tra từng nhà xem ai có xe hơi, nhưng cuối cùng có thể điều tra được gì nào. Em vẫn thiếu một vài chứng cứ quan trọng nhất, không có vật chứng và nhân chứng. Hơn nữa mất nhiều thời gian và công sức như vậy đi báo thù chả thà dẹp đi những oán hận trong lòng, tha thứ cho người đó đi.

Tôi im lặng không nói. Nhưng mảnh giấy bí ẩn có ghi ba chữ đó được tôi cất kĩ trong két sắt ở nhà, cẩn thận giữ gìn cho tới tận ngày nay.

Trong mấy năm sống cùng Triết, tôi đều bơi lội trong tình yêu hạnh phúc. Nhưng mỗi khi ở một mình hoặc lúc canh khuya nằm mơ, tôi vẫn không thể không nhớ lại chuyện đó. Người viết mảnh giấy đó rốt cuộc là ai? Ai phải chịu trách nhiệm về cái chết của bố tôi? Không ai mách cho tôi cả.

Đừng nghĩ nữa! Tôi hít một hơi sâu, ép mình từ cái đêm khó quên hơn mười năm trước đó quay trở về lại hiện thực.

Những gì đã qua là qua, bạn không có cách nào khác. Cứ ngỡ thời gian có thể xóa nhòa, vết thương lòng có thể hồi phục… Kết quả, thời gian chỉ xóa được những bóng mờ, còn lòng tôi càng rắn rỏi hơn trước, xong vẫn không thể hoàn toàn trở thành thứ như bạn mong đợi.

Tôi từng đọc một cuốn sách khích lệ tinh thần do người Mỹ viết, kể rằng không thể chạy trốn những kí ức buồn, bởi càng chạy, nó càng theo đuổi bạn. Bạn phải đối mặt với nó, thậm chí cùng nó chung sống hòa bình, tha thứ cho nó, rồi mặc kệ nó. Đó là cách cơ bản nhất để chữa trị chính mình.

Tôi lắc lắc đầu, khiến mọi suy nghĩ đang trôi dạt tự do được bình tĩnh lại. Lộ Phong Thiền như hiểu rõ tôi đang nghĩ gì, thò đầu tới liếm tay tôi, khiến tôi thấy nhẹ nhõm vô cùng. Có lúc nhìn cái vòng nhựa xấu xí trên cổ nó, tôi lại thấy vui vui. Cũng may có nó cận kề, tôi mới giữ được tâm trạng bình tĩnh suốt chuyến đi. Tôi thích ngắm nó, có thể nhìn nó rất lâu mà không thấy chán. Đôi mắt nó như biết nói. Sự thực là cả khuôn mặt nó như biết nói. Có lúc nó mệt mỏi như một ông già, nhưng có lúc lại thơ ngây trong sáng như con trẻ. Nó vẫy đuôi, liếm tay tôi tới mức rớt dãi đầy tay tôi. Nó luôn cảnh giác nghe ngóng bốn phía để bảo vệ tôi. Nó đúng là một thiên sứ đội lốt chó. Con chó đột nhiên ngừng động tác liếm tay, rồi tôi nghe thấy giọng nói của bố.

“Ngụy”, bố hạ giọng gọi tôi, “Ở Nghi Xương, con làm rất tốt”. Bố bình phẩm đơn giản.

Tôi ôm con chó, áp sát đầu vào mõm nó, muốn nghe rõ hơn. Nhưng đợi một lúc, bố không nói nữa.

Tôi khẽ hỏi, “Bố còn đó không?”

Không có tiếng trả lời.

“Lẽ nào trên chặng đường này, bố không ở bên con?” . tôi rền rĩ và hơi thất vọng vì không được liên hệ với bố bất kì lúc nào. Nếu có thể, thậm chí tôi còn muốn gặp ông. Còn nhớ trò ảo thuật của David Cooperfield đã gặp và nói chuyện với bố mẹ đã chết. Liệu tình tiết trong phim ảnh và tiêu thuyết có ngẫu nhiên trở thành sự thật không?

“ Bố sẽ nói chuyện với con vào lúc thích hợp nhất”, giọng bố tôi đột ngột lại vang lên, “ vào những lúc khác, còn cần phải tự đối mặt với mọi sự kiện đột xuất xảy ra, tự mình suy nghĩ. Vì dù sao con đường của con, con cũng phải tự đi”.

“Nếu lúc nào đó gặp nguy hiểm, cần bố giúp đỡ, làm thế nào để tìm bố?” , đột nhiên tôi trở nên yếu đuối.

“ Những lúc như vậy, bố sẽ chủ động tìm con”, bố tôi nói chắc như đinh đóng cột.

“ Liệu có ngày con được nhìn thấy bố không?”, trầm ngâm hồi lâu, tôi hỏi.

Bố ho một tiếng rồi cười, như thể câu nói của tôi rất trẻ con. Nhưng ông lại nhanh chóng bình tĩnh, nghiêm túc suy nghĩ vấn đề này.

“Không biết nữa”, ông thực thà đáp, không kịp để ý tới sự thất vọng trong mắt tôi. “ Nhưng bố lúc nào cũng dõi theo con. Bố nhìn thấy tất cả những việc con làm cho cậu sinh viên ở Nghi Xương. Bố rất tự hào về con!” Ông bổ sung thêm, giọng đầy tình cảm, như một câu tán dương mỗi khi tôi có thêm thành tích.

“Cám ơn bố”. Lời tán thưởng của ông quan trọng nhất là ông nói lúc nào cũng nhìn theo tôi. Điều đó khiến tôi thấy ngượng và căng thẳng. Một đứa con gái hai mươi chín tuổi phần lớn thời gian không muốn bố mình nhìn thấy.

“Đừng lo”. Bố như lập tức nhìn thấy tâm tư tôi. “thế giới của bố đang ở, mọi thứ đều trừu tượng hóa rất cao. Ánh mắt những người như bố nhìn sự vật đã khác so với các con. Bố tồn tại trong không gian chín chiều, mọi thứ cảm nhận được vừa tỉ mỉ vừa mãnh liệt, gấp mấy lần so với thế giới của người sống”.

Tôi hiểu lờ mờ, không rõ phải đáp lại ra sao. Cuối cùng, tôi có một câu hỏi: “Bố ơi, bố biến thành chó thế này, hay là linh hồn của bố gửi tạm lên mình chó?”

Có lẽ thấy câu hỏi của tôi quá ngô nghê, bố lại suýt bật cười thành tiếng. Nhưng vì không muốn những hành khách ngồi quanh tôi nghi ngờ, nên ông cố nén, chỉ cười khùng khục vài tiếng, rồi nói nhỏ: “Cứ cho là linh hồn của bố gửi trên thân thể con chó đi nữa, nhưng quan hệ của bố và nó cũng không cố định như các cửa tiệm 24/7 do người Nhật và người Hàn mở. Có lúc bố bay tứ phương, có lúc bố ở trên mình con chó có tên là Lộ Phong Thiền này. Nhưng chỉ khi xung quanh không có ai hoặc có người nhưng không thể nghe thấy tiếng bố, bố mới có thể nói chuyện với con. Bố con mình không cần phải chuốc thêm rắc rối không cần thiết, phải không nào?”

Tôi gật đầu, không thể tưởng tượng nổi khi người khác nghe thấy một con chó nói chuyện sẽ có phản ứng ra sao. Liệu họ có bắt tôi và con chó của tôi đi không ? Tôi không dám nghĩ tiếp.

“Nếu những lúc không thuận tiện nói chuyện với con nhưng có thông tin cần chuyển tới con, bố sẽ nghĩ ra cách khác, ví dụ gửi một giấc mơ cho con. Cần chú ý rằng giấc mơ có nhiều loại khác nhau, có lúc là những dự báo của bố về những việc sắp xảy ra đối với con trên đường đi. Có lúc nó sẽ thể hiện tạng thái tình cảm bên trong của con, như một tấm gương soi giúp con nhìn rõ những khiếp sợ, khát vọng và vui mừng còn giấu kín. Trong mơ cũng học được nhiều điều. Nếu lúc nào khó nằm mơ nổi, bố sẽ viết mấy chữ trong đầu con”, bố tiếp tục nói. Tôi lại gật đầu, cắn ngón tay, cảm thây những câu nói của ông thật thần bí, đầy kinh ngạc. Chuyện gửi gắm vào những giấc mơ, có thể hiểu nổi, nhưng “viết vào đầu con mấy chữ” là cái gì nhỉ?

“Tuy nhiên”, bố tôi nhấn mạnh, “ Dù bố ở đâu, một mắt của bố cũng dõi theo con. Vì vậy khi con gặp nguy hiểm hoặc lúc cần kíp, bố sẽ lập tức về ngay bên cạnh con”.

Thì ra là vậy. Tôi thở phào, thấy bố thật vĩ đại. Thoắt một cái như quay lại thời thơ ấu, thấy bố lục cục ghép linh kiện thành một chiếc xe đạp, rồi ôm tôi cho ngồi lên going xe phía trước, đèo tôi quành đi quành lại trong ngõ. Hoặc ông đội tôi lên đầu, rồi đặt tôi tụt xuống bờ vai rộng rãi của ông, đưa tôi đi chơi phố. Bất kể là bạn năm tuổi hay năm mươi tuổi, hình ảnh bố trong trái tim đứa con gái vĩnh viễn luôn là một anh hùng.

Trước khi bố tôi qua đời, Thượng hải vẫn chưa có những tiệm hàng của Nhật bản như Lawson mở liên tục hai mươi tư giờ trong suốt bảy ngày trong tuần. Tôi lấy làm lạ và thú vị khi nghe ông nói về cụm từ 24/7. Quả thực, ông đã theo kịp thời đại.

Tôi lặng lẽ đắm đuối nghĩ về những cách thức không ngờ mà bố gửi gắm suy nghĩ cho tôi.

Một lát sau, tôi hỏi tiếp: “ Bố ơi, bố có thể đoán được giữa con và Triết có kết cục tốt lành không ?”, thực ra đây là câu mà tôi muốn hỏi từ lâu.

Im lặng.

Để tránh cảnh khó xử, tôi lôi một miếng bánh nướng trong túi du lịch ra, khua khua trước mặt con chó. “ Không có loại bỏng ngô bố vẫn mua cho con hồi bé”, bố tôi đột nhiên phá vỡ im lặng, đánh giá bằng giọng chắc nịch.

Con chó vươn mõm ra ngoạm lấy miếng bánh và nhanh chóng nhai rau ráu. Không khí tỏa mùi thơm rất quen thuộc, khiến người ta nhớ lại về tuổi thơ, về đất, về cuộc sống bình dị và hạnh phúc trong ngõ nhỏ. Tôi nhắm mắt, phút chốc cảm thấy thực ra cuộc sống đối với tôi không tệ. Người bố thân yêu có thể trở về như vậy với cách thức thật thần bí. Trên thế gian này có mấy người được may mắn như tôi?

Thậm chí tôi cũng không nỗ lực muốn biết kết cục giữa tôi và Triết. Vì vạy câu nói cuối cùng của bố tôi “ Bố biết, nhưng con phải tự đi tìm đáp án sau khi đi hết chặng đường này” cũng nằm trong dự đoán của tôi.

Vài tiếng sau, trạm thứ hai – Trùng Khánh – đã tới.

7. Kẻ cướp

Mười một rưỡi, đêm khuya mệt mỏi, tại một thành phố xa lạ. Dưới ánh đèn đường yếu ớt, nhìn thứ gì cũng giống như đang mơ. Tôi và con chó như hai kẻ mộng du tới bến xe taxi ngoài bến xe ô tô, chờ đám người trước mặt chia thành bốn,năm khúc qua hàng rào, xem chừng phải đợi tới hai mươi phút mới đến lượt.

Tôi vác chiếc ba lô nặng trĩu, tựa lên hàng rào, khẽ nhích từng bước một theo dòng người. Con chó cũng không khá hơn bao nhiêu, mõm nó lọt thỏm trong chiếc vòng nhựa màu xanh nhạt đề phòng cắn người, xem ra nó cũng bất lực với thành phố mới tới này.

Lúc này, có tiếng một người đàn ông mang thổ âm Đông Bắc hạ giọng hỏi: “Ai đi taxi không? Không cần xếp hàng, cứ đi thẳng ra đây”. Mấy hành khách bắt đầu hỏi anh ta giá. Người đàn ông đó hình như đưa giá quá cao, sau một hồi mặc cả, anh ta không lôi được khách nào. Lúc này anh ta nhìn thấy tôi, liền bước tới hỏi tôi đi đâu. Từ khi vấp phải chuyện Lí Phương kéo khách ở bến xe Nghi Xương, tôi rất cẩn thận, không thèm để tâm tới lời mời gọi của anh ta.

“Cô ơi, cô đứng xếp hàng như vậy rất mệt. Cô cứ nói địa điểm cần đến, tôi lập tức đưa cô đi là xong”. Anh ta vẫn không buông tha, tiếp tục thuyết phục. Mãi cho tới khi thấy tôi vẫn thờ ơ, anh ta lục túi áo sột soạt tìm kiếm một lúc rồi giơ ra một vật trước mặt tôi. Tôi liếc qua, là một bằng lái xe.

“Cô cứ yên tâm, tôi không phải là người xấu”, anh ta nói giọng rất nặng.

“Xe taxi của anh có đúng là xe của hãng không?”, tôi mở miệng, có phần vẫn chưa yên tâm về người đàn ông ngoại tỉnh thấp tì này. Trên người anh ta có mùi gì đó rất quái lạ, không phải là mùi nghèo khó nhưng sạch sẽ. Nó giống mùi những con bọ xám bám leo lên góc tường vào mùa mưa, khiến người ta vừa thương hại vừa ghê tởm.

“Không phải”, anh ta thực thà đáp, “Nhưng tôi đảm bảo cô sẽ hài lòng. Chỉ cần nói cô muốn đi đâu”.

Tôi buột miệng nói tên một khách sạn năm sao hỏi được từ lễ tân khách sạn ở Nghi Xương.

Anh ta gật đầu, giơ tay đỡ hành lí cho tôi, miệng nói: “Tôi biết rồi, ngay trên đường Trung San Tam thôi. Để tôi đưa cô đi, mười phút thôi”.

Tôi vội vã né tránh, “Làm cái gì thế? Làm cái gì thế? Chắc gì tôi đã để anh đưa tôi đi. Mười phút, anh lấy bao nhiêu tiền?”

“Chẳng phải cô còn con chó sao, tính cả thảy 50 đồng, không nhiều đâu”.

Đột nhiên anh ta rất tò mò về cái vòng chống cắn người của Lộ Phong Thiền, liền thò tay sờ. Con chó hất mạnh đầu, đớp về phía anh ta một cái, anh ta giật mình, vội vã rụt tay về.

Lúc này đám người xếp hàng trước mặt tôi bỗng nhốn nháo, hình như có người cãi nhau rồi đánh nhau. Đám đông hét ầm lên “Đánh nhau rồi” rồi chen nhau lùi lại, nhưng bị hàng rào cản lại. Kẻ xô người đẩy loạn xạ, tiếng kêu khóc chửi bới không ngớt.

Tôi và con chó vội vã lui lại, không ít người đã nhảy qua hàng rào, xung quanh người đàn ông ban nãy thoắt cái đã đầy người. Tôi ngó lung tung, không hề chuẩn bị trước cảnh tượng lộn xộn này, ra sức sờ con Lộ Phong Thiền để trấn tĩnh lại. Không ngờ lần đầu tiên tôi tự tới miền Tây này lại vô dụng như vậy.

Lúc này, người đàn ông nọ lại xuất hiện trước mặt tôi, “Thế nào cô nghĩ kĩ chưa? Rất nhiều người muốn lên xe của tôi, nhưng vừa nãy tôi nói giá với cô trước, nếu cô muốn đi, tôi ưu tiên cho cô”.

“Được rồi, anh nói là năm mươi đồng, 10 phút là đến nơi đấy nhé”. Quả thực tôi rất mệt. Mỗi khi mệt mỏi, người ta thường đưa ra những quyết định sai lầm.

Trước khi lên xe, tôi còn cố ý giả vờ bấm di động để anh ta hiểu rằng tuy tôi là người ngoại tỉnh, lần đầu tới đây, nhưng không phải là thứ để người ta dễ bắt nạt, huống hồ tôi còn có một con chó to.

Tôi nghĩ vậy, bất giác thấy can đảm hẳn.

Nhưng ngay trong tích tắc xe vừa đóng sập cửa, đột nhiên tôi thấy rất bất ổn. Trong xe tối thui và rất hôi. Ghế ngồi không có vải bọc nom thô kệch, phía trước ghế còn rơi vãi lung tung không rõ thứ gì. Khoảng cách giữa ghế ngồi quá ngắn, không thẻ duỗi chân ra nổi. Chiếc lồng sắt thường có trong các xe taxi để ngăn hàng khách phía sau với người lái đã bị tháo ra. Tệ hơn nữa là cửa sổ hai bên đều bị sơn đen, chỉ có thể nhìn thẳng ra con đường phía trước.

Con chó cuộn mình bên cạnh tôi, mắt mở to. Tôi ôm lấy nó, tay nắm chặt điện thoại. Xe phóng như bay, nhưng đảo như lạc rang, giống hệt cảnh tôi và Triết từng lái chiếc taxi vàng đi chơi ở New York.

Theo bản năng vốn có của phụ nữ, tôi khẽ kéo chiếc ba lô đen xuống chân, rồi khẽ kéo khóa, thò tay vào xục sạo một hồi. Mọi thứ bên trong đã không còn thứ tự như lúc vừa ra khỏi nhà. Tôi thầm cẩu khấn, một lúc sau, tôi chạm phải chiếc lọ xịt phòng thân của phụ nữ mà Sa mua từ Nhật về.

Nhưng mong rằng không phải dùng nó. Một tay tôi cầm điện thoại, một tay kia cầm lọ xịt, lòng thầm nhớ tới câu nói của bố: “Bố sẽ tới tìm con khi gặp nguy hiểm”.

10 phút trôi qua vẫn không thấy bóng dáng khách sạn đâu cả. Trái lại, chiếc xe vẫn lao như bay. Từ tấm kinh chắn gió phía trước, tôi thấy chúng tôi ngày càng đi ra chỗ vắng, đường sá đã trống trơn, nhà cửa hai bên đường ngày càng thấp nhỏ, xấu xí.

“Xin hỏi còn phải đi bao xa nữa”, giọng tôi run rẩy.

Anh ta không đáp, trái lại còn móc ra một bao thuốc, từ tốn châm 1 điếu và nhả ra một đống khói. “Xin đừng hút thuốc”, tôi tức giận, rồi tiện tay vặn nắm cửa sổ bên cạnh nhưng lạ thay vặn thế nào cũng không mở được. “Mở cửa sổ ra”, tôi quát to.

Lúc này gã đàn ông mới cất tiếng, “Đừng phí công vô ích, quên cái khách sạn của mày đi, nếu ngoan ngoãn ta còn tha cho mạng sống…”

Máu như dồn hết lên đầu tôi, mắt như nhìn thấy một vùng sao vàng nhảy nhót rối rít, tôi ngợp trong kinh hãi và khiếp sợ, suýt nữa không thể thở nổi. Suốt mấy giấy tôi cứ sững ra như vậy, không thốt lên được câu nào.

Gã đột nhiên phanh kít xe, tôi và Lộ Phong Thiền bị va mạnh về phía trước, nhanh như chớp, một bàn tay đã bóp nghẹt cổ tôi. Tôi kêu lên 1 tiếng, xịt loạn xị chiếc lọ xịt phòng thân trong tay. Gã đánh rớt chiếc lọ trong tay tôi, lại đấm một quả vào mặt tôi. Một nửa mặt tôi lạp tức mụ mẫm không còn cảm giác. Có thứ gì đó ùa ra bên miệng, dinh dính. Có lẽ là máu. Tôi lờ mờ nghĩ. Nghe thấy tiếng chó sủa vang, tiếp đó là đến tiếng gã kia chửi, hình như là Lộ Phong Thiền đã đớp gã một cái, không biết vào đâu.

Sự phối hợp kịp thời của Lộ Phong Thiền đã khích lệ tôi. Tôi gắng hết sức mở to mắt, ép mình phải nhanh chóng trấn tĩnh, một tay cố đề phòng gã kia tấn công, tay kia ra sức mở cửa xe, những cửa xe vẫn không tài nào mở được. Lúc này trên tay gã kia đột nhiên có thêm một con dao, thoắt một cái đã kề vào cổ họng tôi.

“Không được động đậy, còn cựa quậy, tao sẽ đâm chết”, gã điên cuồng hét lên, lắc lư thân mình như con ếch xanh. Gã ngồi xổm trên cái ghế lái xe, kề sát mặt vào tôi, hai con mắt long lên những tia sáng xanh như mắt động vặt.

Một lúc sau, mọi thứ đã yên tĩnh lại, như đợt sóng đã lùi lại sau cơn ào ạt, để lộ ra vẻ ngoài băng giá hồng hoang.

Con dao tỏa ánh sáng lành lạnh dưới ánh trăng phản chiếu vào xe. Trái tim tôi đông cứng vì tuyệt vọng. Lẽ nào đã hết nhanh đến vậy? Một tuần trước, tôi còn có bạn trai, có nhà cửa, có một cửa tiệm kinh doanh rất thành công, giờ đây lại phải chết trên một con đường xa lạ phía tây Trung Quốc?

Tiếng con chó rên ư ử như tiếng trẻ con khóc. Tôi nhắm mắt lại, từng dòng nước mắt nóng hổi trào ra.

Triết ơi, anh ở đâu? Bố ơi, bố ở đâu?...

Gã đàn ông với tay nhấc chiếc ba lô của tôi, rồi xoẹt 1 cái giật luôn chiếc túi xách trên vai tôi. Gã lục tìm trong túi xách, lôi ra một chiếc ví tiền. Trong ví có tấm hình chụp chung giữa tôi và Triết. Gã cười phá lên, liếc nhìn tôi rất kệch cỡm, “Xứng đôi lắm, đúng là cặp kim đồng ngọc nữ. Nhưng tao hận nhất là những thằng đẹp trai bên cạnh lũ gái đẹp”, gã căm giận nói, lấy ví tiền quất bốp bốp lên mặt tôi. “Để tao đánh cho rách cái mặt mày ra, xem thằng đẹp trai kia còn muốn có mày nữa hay không? Hả, đồ chó cái.”

Khi làm những việc này, gã vẫn luôn dùng một tay kề dao vào cổ tôi. Đã mấy lần tôi cảm nhận được con dao xọc vào da thịt tôi, nhưng tôi vẫn bất động. Gương mặt tôi vừa nóng rực, vừa đau đớn như bị lửa đốt. Đợi đến khi gã đã đánh mệt, ngừng tay nghỉ, lục tìm xem trong ví tôi có bao nhiêu tiền.

Đúng lúc gã tạm chú tâm vào cái ví tiền, không biết quỷ xui thần khiến thế nào mà tay tôi khẽ túm được một vật gì rất nặng dưới chân. Đồng thời tôi nghe thấy tiếng bố tôi vang lên như tiếng sấm: “Đánh vào đầu hắn!”. Vừa dứt tiếng, vật trong tay tôi đã đập bốp lên đầu gã.

Chỉ nghe một tiếng kêu thảm thiết, con dao kề trên cổ tôi rơi xuống. Gã kia bị ngã ngửa ra sau. “Cứ đánh tiếp!”. Giọng bố đầy vẻ phẫn nộ. Lộ Phong Thiền lao phắt tới, ngoạm ngay vào cổ họng gã.

Tôi phải ngăn nó lại, đề phòng nó cắn chết người. Lúc này, bố tôi nói: “Trong chiếc túi ni lông dưới ghế lái xe có một cuộn dây thừng. hãy trói hắn lại”. Tôi nhìn gã cướp đường, thấy vẫn bất động, không biết do tại tôi đánh ngất hay ngất bởi sợ hãi khi nghe những lời của bố tôi.

Tôi cẩn thận trèo lên chiếc ghế trên, cúi đầu tìm kiếm, quả nhiên có cuộn dây thừng trong một cái túi ni lông. Tôi hít sâu một hơi, trói chặt gã kia lại theo cách đã từng thấy trên phim.

“Bây giờ hãy gọi cảnh sát 110”, bố tôi lạnh lùng nói.

Tôi lấy điện thoại ra, bấm 110. Cảnh sát trực ban vừa nghe tôi kể xong quá trình đánh tên cướp, lập tức hỏi tôi đang ở đâu. Tôi không thể trả lời được vì con đường bên ngoài xe vừa nhỏ hẹp, vừa không một bóng người, cũng không thấy tên phố.

Viên cảnh sát an ủi tôi, khuyên hãy tìm cách ra khỏi xe trước rồi hẵng nói. Anh ta ghi lại tên và số điện thoại của tôi. Tôi đành dập máy, cố mở cửa xe.

Nhưng chiếc xe rách nát này rất khác với chiếc xe Volvo của Triết. Mà tôi từ trước tới giờ chỉ biết ngồi xe, không biết mở cửa xe, mọi kiến thức về xe cộ chỉ bằng con số 0. Tôi hết vặn bên nọ, lại xoay bên kia, mồ hôi toát ra như mưa nhưng vô ích.

“Con lấy cái nắm tay bằng sắt ban nãy đánh vỡ cửa kính xe mà ra”, bố tôi mách nước.

“Cám ơn bố”, tôi nặng nhọc nói, rồi quệt nước mắt, bắt đầu tìm kiếm cái nắm tay cầm ban nãy. Nó chính là vật vừa cứu mạng tôi.

Tôi nhấc nó lên, ra sức đập vào cửa kính xe. Tay đau nhói, nhưng tấm kính trước xe chỉ nứt, chứ chưa hoàn toàn vỡ hẳn.

“Mạnh tay lên!”, bố tôi nghiêm khắc nói. Tôi cắn chặt răng, đập mạnh vào tấm kính xe như một con thú, chỉ nghe thấy tiếng choang choang rồi mọi thứ bên ngoài hiện ra.

Tôi đỡ con chó ra trước, rồi rút chiếc ba lô đen ở dưới người gã đó ra, nhặt lại cái túi xách và cái ví của tôi, vất từng thứ ra ngoài xe. Cuối cùng tôi bò ra khỏi xe, không quên cầm theo cái nắm tay cầm bằng sắt, ngộ nhỡ nếu có chuyện gì còn ứng phó kịp thời.

Tôi rảo bước một lúc mới nhìn thấy tên đường. Thì ra con phố nhỏ tối om này có tên là “Khoa Đao Cảng”, đúng là rất giàu ý nghĩa. Tôi không khỏi rung mình vì ớn lạnh, lại bấm số gọi 110. Mấy phút sau một chiếc xe cảnh sát đi tuần gần đó đã lao tới.

Lấy khẩu cung, chụp hình, lấy vật chứng. Tôi và con chó đáng lẽ phải tới sở cảnh sát để lấy khẩu cung tỉ mỉ, nhưng một viên cảnh sát đứng tuổi thấy trên cổ tôi có máu liền cho người đưa tôi tới bệnh viện trước.

Trong đêm tối, ánh đèn trên xe cảnh sát cứ lóe sáng thập kì quái. Bốn phía như có vô số con dơi giương cánh, khắp người tôi gai gai, chỉ muốn nhanh chóng rời khỏi “Khoa Đao Cảng”. Lúc này đã là một giờ sáng, mệt mỏi khủng khiếp…

8. Trôi dạt

Hôm nay là ngày thứ bảy Triết rời bỏ tôi. Tôi đã viết như vậy vào nhật kí.

Nằm một đêm trong phòng cấp cứu tại bệnh viện Trùng Khánh, trên tay tôi còn nối 1 đoạn dây truyền dịch. Không biết họ truyền cái gì, có lẽ là thuốc chống viêm nhiễm, hoặc cũng có thể là đường gluco thông thường. Cổ tôi được quấn băng, cũng không thấy đau, nghe nói vết thương không sâu, vài ngày là sẽ khỏi.

Tôi không hề lo về vết thương của mình. Giờ đây việc tôi muốn làm nhất là vui vẻ rời khỏi Trùng Khánh, nhanh chóng được gặp Triết.

Nhưng xem ra tình hình này vẫn không thể đi ngay. Vừa sáng sớm, cảnh sát đã tới bệnh viện, một già một trẻ. Viên cảnh sát già chính là người tối qua đề nghị đưa tôi tới bệnh viện, trông dáng vẻ rất hiền từ, trên cằm vẫn còn râu chưa cạo sạch, trạc tuổi bố tôi. Họ mang cho tôi một ít hoa quả và đồ điểm tâm, khiến tôi rất bất ngờ. Sáng nay khi hộ lí thông báo tất cả thuốc men viện phí của tôi đều do sở cảnh sát thanh toán, tôi đã rất ngạc nhiên.

Viên cảnh sát già họ Dương kể, gã tài xế phạm pháp hôm qua đã khai hết. Gã là một tên tội phạm trốn trại từ Đông Bắc tới, trên người còn mang vài án rất nặng là cướp của, trộm cắp, cưỡng hiếp và giết người. Vừa tới Trùng Khánh, gã đã ăn trộm xe để làm ăn. Tôi là vụ đầu tiên hắn chủ tâm cướp đoạt, không ngờ lại bị bại.

Viên cảnh sát trẻ có tên Tiểu Vương với khuôn mặt trẻ thơ nhưng luôn cau đôi lông mày trông rất nghiêm nghị. Anh nói với tôi rằng lãnh đạo của sở cảnh sát rất quan tâm tới vụ này và quyết định dùng tôi làm ví dụ điển hình cho người phụ nữ thời đại mới “Không sợ khi gặp nguy khốn, dũng cảm bắt tội phạm”. Báo chí đã đề nghị được phỏng vấn tôi, và anh cho rằng tôi nên trả lời báo chí ở một số mặt… Anh ta nói thao thao bất tuyệt, mấy lần không thèm để tâm tới việc tôi mở miệng định nói. Cuối cùng anh ta nói: “Nhưng việc đầu tiên cô phải làm là phải tới sở cảnh sát để ghi khẩu cung chính thức”.

Cảnh sát Dương cứ đứng bên cạnh quan sát tôi, lúc này ông mới cất tiếng hỏi có phải tôi đang vội lên đường. Tối qua tôi đã kể vắn tắt tình hình chuyến đi của mình. Tôi gật đầu, “Tôi muốn rời Trùng Khánh, càng nhanh càng tốt”.

Ông Dương rõ ràng là một cảnh sát nhiều kinh nghiệm phong phú. Ông cười hiền lành rồi vỗ lên vai tôi, “Cô Ngụy, thực ra cũng không cần đi gấp quá”. Ông nói, “Chỉ cần ở thêm 2,3 hôm nữa. Một là để vết thương trên cổ khỉ hẳn, hai là, dù sao cô cũng chưa từng tới đây. Nhân dịp này đi thăm thú Trùng Khánh và cùng hỗ trợ công việc của chúng tôi, làm một số công tác tuyên truyền với xã hội. Giới truyền thông rất cần sự xuất hiện của những thanh niên dũng cảm, đa mưu túc trí điển hình như cô”.

Nhất thời, tôi không nghĩ ra được lí do để nói “Không ”.

Trước khi ra về, hai viên cảnh sát chúc tôi mau chóng lành bệnh và hẹn tôi sáng hôm sau tới sở cảnh sát để lấy lời khai. Lúc đó, họ sẽ có xe tới đón.

Từ khi Triết bỏ đi tới nay, gần như suốt một tuần tôi hầu như không phút nào được tĩnh tâm, lúc nào đầu óc cũng quay cuồng hoặc sự cố xuất hiện, đặc biệt là sau những chuyện mạo hiểm tối qua, tôi thực sự đã thấm mệt. Tôi lại nhanh chóng chìm trong giấc ngủ trĩu nặng trên giường bệnh, thậm chí bỏ luôn bữa trưa.

Tới chiều khi tỉnh giấc, tôi thấy tinh thần khá hơn rất nhiều, định ra ngoài tìm chỗ lên mạng gửi email. Cô hộ lí trẻ phụ trách chăm sóc tôi lúc đầu nhất định không để tôi đi, nói rằng cảnh sát đã dặn, hôm nay tôi phải được nghỉ ngơi tốt ở bệnh viện. Nhưng tôi và cô ta cứ giằng dai mãi, tôi nói vừa nãy cảnh sát cũng nói tôi cần đi chơi để tìm hiểu thành phố này. Mãi sau, cô ta mới đồng ý.

Lộ Phong Thiền cứ phủ phục bên giường tôi. Trông tinh thần nó vẫn tốt. Cô hộ lí tốt bụng còn đặt trước mặt nó một cái chậu toàn đồ ăn. Thấy tôi tụt xuống giường, thay quần áo giày dép như sắp ra ngoài, nó rất vui. Thì ra chó cũng không thích bệnh viện. Từ nhỏ, tôi đã rất sợ bệnh viện. Người của bệnh viên rất hiếm hoi cười, dù chỉ là cười mỉm. Mùi trong bệnh viện luôn là thứ mùi xộc thẳng vào mũi, khiến người ta nghĩ ngay tới chết chóc, Nhưng vì bố tôi bị hô luôn phải tới bệnh viện, nên hồi đó tôi rất thông cảm với bố.

Lúc ngắm trong gương, tôi thấy mặt mình vẫn còn nhiều vết bầm tím. Dưới ánh đèn, đột nhiên tôi nhìn thấy gương mặt của gã tối qua ra sức lấy chiếc ví tiền đập vào mặt tôi. Toàn thân tôi bất giác run lẩy bẩy. Nếu lúc đó, tôi không vớ được thứ đánh lại, hẳn.. Gã lại là một con thú từng phạm các tội cưỡng hiếp, giết người, cướp của nữa chứ. Tôi lắc đầu rất mạnh, không dám nghĩ tiếp.

Đi trên đường, ánh nắng rực rỡ, không khí có mùi tinh sạch. Tôi hít sâu mấy hơi, cố đẩy lùi cái bóng u ám đêm qua.

Có một quán bar không xa, tôi bước vào. Bên trong lèo tèo dăm người, chủ quán kinh ngạc nhìn vết băng bó trên cổ tôi và con chó đeo vòng tránh cắn người bên cạnh. Nhưng ông ta không nói gì, chỉ cho tôi tới một chiếc máy tính đang trống.

Tôi mở hòm thư, quả nhiên có không ít email, nhưng không hề có thư nào từ Triết mà tôi mong nhớ nhất. Tôi trả lời những lá thư cần thiết, cuối cùng viết cho Triết một lá mail dài.

Nhưng vừa mở đầu “Anh yêu”, đầu óc tôi lại trở nên trống rỗng. Tôi cũng không biết cần nói với anh những gì? Những gì cần nói không phải đã nói hết trong các mail trước và trong các tin nhắn điện thoại rồi sao? Không lẽ lại kể câu chuyện đêm qua? Kể rằng anh có một người đẹp vượt ngàn dặm đuổi theo anh tới mức suýt mất mạng?

Tôi tựa lưng vào thành ghế, nhìn đăm đăm lên màn hình trắng tinh.

Mười phút sau, tôi quyết định bỏ cuộc, không gửi tiếp nữa. Tính tiền xong, tôi và con chó ra khỏi tiệm nét.

Tôi không muốn về bệnh viên chút nào, cứ đi lung tung trên đường. Cũng giống như Nghi Xương, TRùng Khánh cũng giáp song Trường Giang, luôn tanh mùi cá, khiến bạn liên tưởng ngay những thứ như nước, sinh mạng, nguy hiểm… Từ nhỏ tôi đã sợ và mê nước, rất thích ngắm bóng mình dưới nước, nhưng lại không tài nào thở được trong nước. Bất kì chuyện gì cũng có hai mặt của nó.

Vô tình tôi phát hiện mình đang đi trên đường Trung San Tam Lộ và khách sạn năm sao mà tôi cần tìm không xa.

Thoạt đầu, nhân viên khách sạn nhất định không chịu để tôi dắt chó vào. Trên người tôi mặc toàn đồ hiệu, nhưng đáng tiếc đều không phải là những thứ khoa trương, có thể nhìn là biết ngay. Chiếc áo hiệu Comme des Garcons mỏng manh cố tình làm nhàu nhĩ và cắt thêm mấy lỗ rách. Chiếc túi hiệu Cartier trông cũng không thấy rõ tên. Một là do gu thẩm mĩ của tôi, hai là tôi cũng suy tính tới sự an toàn “không nên khoa trương” khi đi xa. Vết thương quấn băng trên cổ tôi và chiếc vòng trên cổ con chó khiến người ta rất nghi ngờ. Huống hồ khách sạn đã có quy định “Không được dắt vật nuôi theo”.

“Thứ nhất, không phải tôi muốn vào ở, chỉ muốn uống 1 ly bên bể bơi. Thứ hai, tôi và con chó của tôi có lí do cần thư giãn cấp thiết”. Cuối cùng tôi nói sẽ đi ngay lập tức nếu còn bị từ chối.

Một người đàn ông đeo biển “Giám đốc sảnh” đi tới, đột nhiên hỏi tôi và con chó của tôi có phải là nhân vật chính đêm qua đã đánh nhau ác liệt với tên tội phạm truy nã được đăng trên báo sáng nay không ? Tôi sững người , mặt đỏ bừng. Có lẽ cả thành phố khó tìm được cô gái ngoại hình thứ hai nào có vết thương trên cổ và dắt chó theo. Chúng tôi lại xuất hiện rõ như thế.

Tôi ngượng ngập, vừa định quay đầu bỏ đi, giám đốc đã gọi tôi lại, nói rằng có thể đáp ứng yêu cầu của tôi.

Nơi bán vé bơi có bán đồ tắm. Tôi chọn một bộ đồ tắm màu đen, mặc xong tôi dắt con chó ra bên làn nước xanh mê hồn.

Cảnh vật xung quanh thật đẹp và duyên dáng, sạch sẽ. Tất cả đều khẽ khàng, nhìn thấy gương mặt mọi người đều khoác một nụ cười mỉm lịch sự, thật văn minh.

Đi thẳng tới bể bơi, hai tay tì trên hai going sắt, tôi khoan khoái ngồi xuống bậc tam cấp ngập trong nước. Nước ùa lên, lập tức đem lại một cảm giác khoái cảm không thể nào tả nổi. Tôi thở phào nhẹ nhõm, đột nhiên thấy thật an toàn, tôi lại tìm được một lát cắt của cuộc sống Thượng Hải sung túc ở khách sạn năm sao nơi xa lạ này. Dẫu nó chỉ là một khoảnh khắc ngắn ngủi cũng tốt.

Thoắt một cái, tôi như đứa trẻ sơ sinh quay về trong tử cung của mẹ, ấm áp, được yêu thương. Mọi thứ ở thế giới bên kia không còn tồn tại nữa. Sẽ không còn chuyến du hành mệt mỏi không ngưng nghỉ, không còn toàn thân đau nhức lắc lư trên chiếc xe ô tô đường dài u buồn, không có không khí, lại càng không phải gặp những hiểm họa không thể lường trước đằng sao những gương mặt xa lạ nơi đất khách quê người. Kinh nghiệm mấy ngày trời ngắn ngủi hầu như khiến tôi trở nên nghi ngờ tất cả những người xa lạ. Bạn sẽ vĩnh viễn không biết họ sẽ làm gì bạn. Những câu mà họ nói đáng tin bao nhiêu phần trăm.

Tôi nhắm mắt, để nước mơn man khắp da thịt, đồng thời cũng ngửa cổ lên không để dính nước.

Lộ Phong Thiền cũng ngồi gần nước, hiếu kì nhìn tôi, rồi lại nhìn bóng nó dưới nước. Một lúc sau, nó thò một chân xuống nước vờn khẽ, rồi nhanh như chớp rụt chân lại, như thể bị giật mình. Một lúc sau, nó lại quyết định thì lưỡi xuống nước tợp một cái, có lẽ là uống hẳn một ngụm. Tôi vội ngăn nó lại, chất tẩy trong nước ở bể bơi không tốt lành đối với nó. Nhưng nó rất lanh lẹ, mọi thứ đều làm như ăn trộm, như thể biết được những hành động đó không phù hợp với quy định của khách sạn.

Lúc này điện thoại chợt réo vang, tôi vội vã chạy tới chiếc ghế dựa bên hồ bơi, nhìn số máy, là Sa gọi tới. Tôi quấn khăn, ngồi xuống ghế, gọi lại cho cô. Ngay lập tức tôi được nghe một giọng lảnh lót. “Xin chào công chúa Thượng Hải”, cô ta hào hứng, “Rất vui khi thấy cậu còn sống!”

Tôi húng hắng ho: “Đúng thế, cũng may mình vẫn còn sống”, bụng bảo dạ hẳn cô ta nhất định không tin câu chuyện đêm qua tôi đã trải qua.

“Kể đi, rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì? Dì Lí chỉ nói là cậu đi du lịch về phía Tây. Nhưng mình nghĩ không đơn giản như vậy. Cậu và Triết đã xảy ra chuyện gì?”

“… Còn có thể xảy ra chuyện gì nữa? Triết đột ngột bỏ mình” Tôi gắng dùng giọng lạnh nhạt, như thể câu chuyện đã xảy ra cách đây một trăm năm.

“Mình đoán ngay mà”, cô thở dài, “Nếu không cậu lại chả tự dưng chạy về phía Tây làm gì? Phía Tây không liên quan gì tới cậu, trừ gia đình bạn trai cậu ở đó”.

“Cậu cũng đoán được Triết đột ngột bỏ mình như vậy sao?”, tôi hỏi vặn lại, không khỏi cảm thấy đau khổ khi phải đối diện với đề tài vẫn đang né tránh.

“Không , mình không nói chuyện đó”. Sa nói, “Nhưng từ trước tới giờ cậu vẫn không hề để lộ ý định muốn sống chết với anh ta cơ mà?”

Tôi im bặt, không thốt nổi câu nào.

Lẽ nào cô ta nói không đúng? Trong mấy năm qua khi nói chuyện với cô ta và với những người khác, tôi chưa bao giờ khẳng định rằng tôi muốn chung sống với Triết mãi mãi. Ngay cả khi cùng bạn bè đùa giỡn, trêu tôi khi nào lấy Triết, tôi cũng né tránh không đáp. Tôi vốn nghĩ rằng đó là chuyện riêng của tôi và Triết, không muốn nói với người ngoài, dù đó là bạn bè chăng nữa. Có lẽ, điều này liên quan tới thói quen được hình thành từ nhỏ. Tôi không bao giờ để ý tới chuyện của người khác, và cũng không thông báo chuyện của gia đình chúng tôi cho người không có liên quan.

Giờ đây nghĩ lại, việc tôi cự tuyệt lời cầu hôn với Triết lần này phải chăng có liên quan tới cái bóng đen u tối còn đọng lại của bố mẹ tôi mười mấy năm trước? Đầu tiên là cái chết bất ngờ của bố tôi. Tiếp đó một năm sau, mẹ tôi bỏ tất cả lại Thượng hải, lấy chồng đi xa. Một gia đình tưởng chừng hoàn mỹ, được nhiều người ngưỡng mộ bỗng chốc vỡ tan. Một cặp vợ chồng hòa thuận yêu thương nhau, chưa từng cãi vã một lần bỗng sinh tử phân ly. Nghe nói tái hôn là tái hôn, chứ chưa nói đến dượng tôi lại là một lão già nước ngoài lớn tuổi hơn mẹ tôi rất nhiều lần và hai người mới gặp nhau có một lần.

Những điều này khiến tôi nghi ngờ tính bền vững của hạnh phúc.

Huống hồ thái độ của thanh niên hiện đại đối với hôn nhân cũng phức tạp và thông thoáng hơn thời đại của bố mẹ tôi. Báo chí truyền thông chỉ trích các câu chuyện ngoại tình và tỉ lệ li hôn không ngừng tăng. Chồng của Sa cũng vì ngoại tình mà ly dị vợ. Cứ nghĩ lại lúc anh ta vụng trộm với người đàn bà khác, trong khi gia đình vừa thêm một bé trai kháu khỉnh.

Tôi yêu Triết. Ông trời thấu hiểu được tôi yêu anh sâu đậm đến thế nào. Nhưng tôi cần phải dũng cảm hơn, phải tiến thêm một bước mang ý nghĩa phi phàm. Và chuyến đi dài tìm kiếm anh lần này có thể chính là bước mở đầu quan trọng.

Sa lặng lẽ nghe tôi kể lại lí do trước khi Triết bỏ đi. Sau khi nghe xong, cô không vội phát biểu ngay, như thể đang nghĩ điều gì. Bẵng đi hồi lâu, cô nói: “Mình thấy cậu có thể tìm được anh ta. Và… chẳng bao lâu sẽ lấy anh ấy”.

Tôi bật cười. “Cậu cười cái gì?”, Sa cũng cười.

“Mình cười vì cậu ngất ngây trong niềm vui nên đã tự tin quá mức, lạc quan với tất cả mọi việc. Mà xin chúc mừng cậu nhé. Chúc mừng cậu đã dành được giải nhất. Chúc mừng giấc mộng của cậu đã trở thành hiện thực!”.

“Cám ơn cậu!”, Sa đáp, “Suốt chặng đường qua cũng may có người bạn như cậu hết lòng ủng hộ. Nếu lần này cần mình giúp gì, cậu cứ nói nhé, mình đã quay về Thượng hải rồi”. Giọng cô rất chân thành, “Ngoài ra, trên đường phải cực kì cẩn thận. Có bao nhiêu người đi xa như cậu mà mang theo chó không ? Nhớ luôn xạc điện thoại đấy!”

Tôi cám ơn cô rồi dập máy. Sự quan tâm của bạn bè khiến tôi cảm kích, chỉ có điều những chuyện như đêm qua, tôi tạm thời chưa kể với họ. Tôi vẫn phải tự đi trên con đường này, cũng giống như bố tôi đã từng nói trên xe hôm nọ. Phải dũng cảm chấp nhận và đối mặt với mọi gian khổ vất vả trên đường. Không được trốn chạy và oán than, bởi không có tác dụng.

Nhớ tới bố, tôi không khỏi thấy khắp người ấm áp hẳn. Vừa nãy Sa còn lo ngại tôi mang chó đi đường sẽ bất tiện. Nếu cô biết được linh hồn bố tôi đã gửi gắm lên con chó, không hiểu nom cô ấy ra sao nhỉ? Tôi thấy vui hớn hở như trẻ con. Thế giới này ít nhiều cũng có công bằng. Những thứ bị mất đi trong đau đớn cuối cùng vẫn có cơ hội quay về. Niềm tin trong tôi ngày càng vững mạnh, bao gồm cả niềm tin vào Triết.

Tôi uống một li nước sinh tố chanh. Sau khi uống một ngụm lớn, tôi đổ trộm một ít ra tay, cho Lộ Phong Thiền uống, rồi quay lại bể bơi. Trừ cái cổ bị thương, cả người tôi ngâm trong nước. Thỉnh thoảng khẽ động đậy cánh tay, vui sướng khi thấy nước trượt khẽ như mơn trớn trên làn da. Cảm giác mê đắm cũng đến từ đây: môi trường an toàn, nước không quá sâu, cảm nhận rõ bóng mình dưới nước, và dòng nước ấm áp như nước ối chảy ra đùi.

Mãi đến khi da tôi bợt màu, tôi mới đứng dậy, lười nhác đi ra khỏi bể bơi, dắt chó đi ra cửa.

Bên ngoài trời đã tối. Từng dãy đèn đường sáng như tô điểm thêm nét đẹp và đầy kịch tính cho cả thành phố mà ban ngày không hề thấy. Tôi vẫn chưa muốn về bệnh viện, vẫn cảm thấy kinh ngạc về việc tôi đã từng ngủ lại bệnh viện. Mặt tôi có lẽ vẫn bị bầm tím, cổ tôi có lẽ vẫn còn sưng, nhưng tôi thực sự không cảm thấy mình là một bệnh nhân.

Kiểm tra điện thoại, quả nhiên có một tin nhắn do Ưu Ưu từ Thượng Hải gửi tới.

Nội dung rất đơn giản, “Triết đã biết về chuyến đi của cô. Chúc may mắn!”

Tôi xem đi xem lại cái tin nhắn chưa đầy mười chữ này, như thể khẽ nhấm nháp từng từ trong miệng, rồi lại đặt chúng dưới mũi, chậm rãi ngửi. Tôi còn vuốt ve lên phần hiển thị nội dung tin nhắn hết lần này tới lần khác. Tôi thấy mình như sắp điên. Tin nhắn này do người bạn thân nhất của Triết gửi tới là thông tin duy nhất cho tới nay có liên quan mật thiết tới việc giữa tôi và Triết.

Mấy chữ cuối cùng “Chúc may mắn” khiến tôi như kẻ lữ hành lâu ngày trong sa mạc bỗng ngửi thấy được hương thơm tỏa ra từ cây xanh. Ưu ưu là người thông minh như vây, chỉ viết mấy chữ này là có lí do của anh ta. Có thể giúp tôi nhận được thông tin cần có nhưng không có quá vất vả, đồng thời cũng có thể khiến Triết tiếp tục đứng sau tấm màn bí ẩn, vì toàn bộ vở kịch vẫn chưa tới màn cuối kết thúc.

Nhưng theo trực giác của tôi và những gì hiểu về Triết, tôi tin chắc rằng tin này được nhắn là do ý của Triết.

Qua Ưu Ưu, hẳn Triết biết được tôi mang theo con chó anh tặng, đuổi theo anh từ Thượng hải tới quê nhà anh tại Xuyên Tây, nên anh lo lắng cho tôi và nhờ người bạn thân gửi cho tôi một cái tin để tiết lộ một số thông tin.

Tôi nghĩ như vậy.

Nước mắt tuôn xuống chiếc điện thoại như mưa. Lộ Phong Thiền đứng bên chăm chú ngắm tôi. Nó đâu có lạ lẫm gì với dáng vẻ tôi khóc cơ chứ? Không nhớ nổi một tuần qua tôi đã khóc bao nhiêu lần.

Triết, nhất định anh có nghe thấy tôi khẽ gọi tên anh vì tuyệt vọng trong lúc gặp hiểm nguy tối qua. Tôi nghĩ như vậy, chính là như vậy.

Vậy giờ anh ở đâu? Cũng mệt mỏi trên đường như tôi? Hay đã tới nhà bố mẹ anh rồi? Lái xe đi đường có gặp chuyện gì không ? Nhất định phải chú ý an toàn, chăm sóc mình nhé.

Đúng lúc tôi đang lơ ngơ không biết mình ở đâu thì điện thoại reo. Đó là bệnh viện gọi tới, tôi nghe máy. Tiếng cô hộ lí phụ trách truyền dịch cho tôi tối qua rất sốt ruột, kêu tôi phải về ngay, bệnh viện đã phê bình cô tự tiện để tôi ra ngoài. “Xin cô đấy, mau về ngay nhé”, cô nhấn mạnh.

Thoắt một cái lại quay về hiện thực.

Tôi đành nói, Được, tôi lập tức về ngay.

Hôm nay là ngày thứ tám Triết rời bỏ tôi. Tôi đã viết trong nhật kí như vậy.

Sáng hôm nay, xe cảnh sát tới đón tôi tới Sở, làm theo đúng trình tự, chụp ảnh, điền bảng, lấy khẩu cung, rồi đối chất với tội phạm. Tới mục cuối cùng, tôi rất căng thẳng, nhưng bác Dương – viên cảnh sát hòa nhã – đã động viên tôi. Cuối cùng tôi cũng can đảm đi đối chất. Những gì trải qua đêm đó lại một lần nữa được lật lại. cái nắm tay cầm bằng sắt mà tôi sử dụng làm vũ khí phòng thân lúc đó được cất trong một bao ni lông. Tôi không dám nhìn. Tôi cũng không muốn nhìn tên phạm nhân đầu quấn băng trắng. Không ngờ một kẻ thấp lùn như gã lại ẩn chứa nội tâm đầy bạo lực như vậy.

Nhưng tôi đã thắng gã. Nghĩ tới đây, đột nhiên tôi ý thức được trong cơ thể mình ẩn chứa một sức mạnh mà từ trước tới giờ tôi vẫn chưa phát hiện ra. Sự việc lần này có lẽ đã giúp phơi bày một tôi hoàn toàn mới.

Tôi giữ vững tinh thần, lần lượt trả lời từng câu một. Con chó nằm bên cạnh tôi, vì nó cũng đóng một vai quan trọng trong vụ án. Nhưng khi tên tội phạm kể tới đoạn tôi lấy cái nắm tay cầm đập lên đầu gã, không biết từ đâu có tiếng một người đàn ông vọng tới, nói rằng: “đánh vào đầu nó”, tôi lập tức phủ nhận.

“Tôi không nghe thấy”, tôi nói.

“Tóm lại có người thứ ba tại hiện trường hay không ? Một người đàn ông ấy”, cảnh sát hỏi.

“Không có”, tôi nghĩ rằng mình nói thật. Linh hồn của bố tôi không thể nói thành “một người đàn ông” được.

Cảnh sát lại hỏi tên tội phạm cùng một câu đó. Gã cũng khá thành thực, trả lời rằng quả thực không có người đàn ông như vậy. Nhưng gã có nói sau khi bị tôi đánh ngất đi, không biết rõ những chuyện tiếp theo.

Cả quá trình tiến hành nhanh hơn tôi dự kiến. Cuối cùng, họ thông báo cho tôi tên tội phạm này mấy tháng sau sẽ bị xử tại Đông Bắc vì mấy tội nặng, cần có tôi tham gia làm nhân chứng lúc đó.

“Được”, tôi đáp rất đơn giản, rồi thở phào như trút được một gánh nặng. Tuy cảnh sát rất thân thiện, hòa nhã với tôi, nhưng Sở cảnh sát cũng giống như bệnh viện, nếu không cần lui tới thì không nên tới.

Cữ ngỡ mọi việc đều kết thúc, không ngờ trước khi ra khỏi Sở cảnh sát tôi còn có một buổi họp báo. Sau khi được họ đã hứa là không chụp ảnh và tiết lộ tên tuổi thật của tôi, tôi mới yên tâm dắt con chó vào phòng họp.

Các phóng viên hình như rất thích tôi và con chó. Một cô gái trẻ từ Thượng Hải và một con chó có quấn vòng chống cắn người màu xanh nhạt. Giới truyền thông liệu có thể tìm ra những gì ngọt ngào hơn chủ nhân câu chuyện không ? Những câu hỏi họ đưa ra cũng rất thân thiện, phần lớn hỏi về tình hình lúc đó, sao tôi có được lòng dũng cảm như vậy… Cuối cùng, một phóng viên khá duyên dáng hỏi: “Nghe nói cô từ Thượng Hải qua Trùng Khánh là có một nguyên nhân rất quan trọng. Phải chăng cô đi tìm một người có liên quan mật thiết tới số phận của cô?”

“Chuyện riêng tư, không thể tiết lộ”, tôi nói. Rồi nhìn bác Dương như cầu cứu. Ông tuyên bố buổi họp báo kết thúc.

Cảnh sát Dương và viên cảnh sát trẻ Tiểu Vương đưa tôi đi ăn trưa. Trên đường đi, bác xin lỗi tôi về chuyện vừa rồi và nói, lúc đầu cho rằng tôi có thể tận dụng sức mạnh truyền thông báo chí để tìm kiếm người mà tôi cần tìm. Nhưng thực ra việc tôi cương quyết từ chối là rất đúng. “Cô là một đứa con gái có ý chí”, bác vỗ lên vai tôi. Tôi biết bác rất quý mến tôi. Có lẽ bác cũng có một đứa con gái lớn như tôi? Tôi nghĩ như vậy, nhưng không hỏi.

Xin xỏ mãi tới chiều, tôi cũng được xuất viện. Trước khi ra viện, tôi được cung cấp một số vitamin tăng sức đề kháng và thuốc mỡ chống viêm cùng bông băng. Dù nhóm bác Dương ra sức khuyên tôi ở trong nhà nghỉ của cảnh sát, mọi ăn ở đều miễn phí, nhưng tôi vẫn kiên quyết cùng con chó sang ở một khách sạn năm sao ở đó cho phép khách ở được mang theo vật nuôi.

Mấy ngày sau khi rời Thượng Hải vất vả hơn tôi tưởng tượng rất nhiều. Chặng đường phía trước còn dài, tôi phải cố gắng giữ sức khỏe và tinh thần để tới Tứ Xuyên tìm cho bằng được bạn trai. Khách sạn năm sao không chỉ bảo đảm phục vụ chu đáo, mà quan trọng hơn là tôi cần có một không gian riêng tư an toàn, không muốn bị làm phiền trước khi rời Trùng Khánh.

Khi làm thủ tục nhận phòng, tôi đưa cho lễ tân khách sạn chứng minh thư của tôi cùng bảng đăng kí đã điền sẵn. Thoáng một cái, tôi lại nhìn thấy tấm hình chụp chung giữa tôi và Triết kẹp trong ví. Triết cũng như tôi, khi ra khỏi nhà rất thích tìm tới khách sạn năm sao. Tôi rút tấm hình ra, đưa cho cô nhân viên lễ tân, hỏi đã từng gặp người này chưa. Cô ta nhìn kĩ, lắc đầu nói chưa. Tôi cám ơn cô, rồi cẩn thận cất tấm hình vào ví.

Xem ra, nơi có thể tìm thấy anh ấy nhất chính là vùng quê Đan Ba của anh.

Nhân viên khách sạn giúp tôi đặt vé ô tô trưa ngày mai tới huyện Đan Ba. Xe chạy khoảng 9 tiếng, nhưng không có giường nằm, chỉ có ghế ngồi. Tôi cũng không để tâm, bụng nghĩ cuối cùng cũng tới được nơi cần đến, lòng không khỏi vui sướng.

Tôi check mail trong phòng dịch vụ khách sạn, vẫn không thấy bóng dáng Triết. Tôi thất thần, đầu óc trống rỗng, rơi vào cảnh giới không vui cũng không buồn. Mãi lâu sau tôi mới định thần lại, quyết định gọi điện cho bố mẹ anh.

Cầm tờ giấy ghi số điện thoại và địa chỉ nhà bố mẹ anh, tôi bấm máy theo các con số, chỉ nghe thấy tiếng âm thanh tu tu khô khốc. Tôi vỗ vỗ lên ngực, ra sức an ủi con tim đang đập cuồng loạn. Đây là lần đầu tiên tôi gọi điện đến nhà bố mẹ anh. Vì trước đây họ và tôi không mấy hợp nhau, hơn nữa tôi không thể nghe nổi tiếng địa phương của họ. Đừng nói là gọi điện, ngay cả nhìn mặt họ, tôi cũng không muốn nhìn nữa.

Chờ rất lâu. Không ai nghe máy.

Tôi gác máy, không rõ thất vọng hay vui mừng. Xét về một ý nghĩa nào đó, có lẽ tôi muốn trực tiếp gõ cửa nhà bố mẹ Triết, đối diện với anh hơn là giữa đường gọi điện cho họ.

Lại quyết định đi bơi. Mặc lại chiếc áo bơi màu đen mua hôm qua, ngâm trong nước một lúc. Nhìn thấy một bộ phận trên cơ thể mình bị ánh sáng xuyên qua nước rọi chiếu, nom thật xấu xí lặng người.

Tay tôi cầm khư khư chiếc điện thoại di động. Nó luôn được mở, nhưng không ai gọi.

Đúng lúc đang nghĩ xem có cần gửi thêm tin nhắn cho Triết không, dù sao suốt một tuần qua tôi cũng đã gửi cho anh phải tới hơn một trăm tin nhắn, thì Lộ Phong Thiền đột ngột liếm tay tôi.

Tôi nghĩ tới bố. Nhìn xung quanh không thấy ai, tôi dịch người sát lại gần con chó. Quả nhiên, giọng bố tôi rất nhỏ vẳng tới: “Con gái của ta”. Giọng ông tràn đầy yêu thương, “Con làm rất tốt”, ông nói.

Tôi hiểu ông muốn nói tới chuyện đánh nhau với tên tội phạm trong xe vào đêm trước, và phản ứng của tôi khi phối hợp với cảnh sát, bao gồm cả việc khi tên tội phạm nhắc tới chuyện nghe thấy giọng đàn ông trong đêm đó.

“Bố”, tôi khẽ úp mặt lên đầu con chó, mắt ướt đẫm, một lúc sau mới nói tiếp được, “Bố có thể quay về, thật tốt quá!”

“Cảm tạ ông trời”, trầm ngâm rất lâu, ông nói.

“Nhưng hơn mười năm trước, tại sao ông trời lại cướp mất sinh mạng của bố?”, giọng tôi đầy tức giận. Trong những năm tháng qua, chưa một khắc giây nào tôi có thể quên được vũng máu bên đường nơi bố tôi bị cán chết.

Đột nhiên bố tôi thút thít khóc. Tôi sững sờ, cũng bất giác khóc theo.

Hai bố con thi nhau khóc. Lúc này tôi đang rất hoang mang, không biết đây là đâu, vẫn còn ở nhân gian hay trên thiên đường hoặc ở ranh giới của địa ngục? Nước mắt của Lộ Phong Thiền không ngừng tuôn. Tôi vừa khóc, vừa lấy tay lau nước mắt cho nó. Một lúc sau, chúng tôi bình tĩnh lại.

“Bố, con muốn tìm kẻ gây ra vụ án mạng của bố”, tôi nói, “Bố có thể giúp con không ?”

“Hãy quên người đó đi”, bố tôi trầm ngâm hồi lâu rồi đáp.

Câu nói của ông làm tôi kinh ngạc, “Tại sao? Nhất định bố biết người đó là ai, đúng không ?”

“Nói sang chuyện khác đi”, bố tôi nói bằng giọng bình tĩnh.

“Con vẫn còn mẩu giấy của người đó để lại. Con vẫn cất cẩn thận trong két sắt. Đó có thể chính là bằng chứng có thể giúp chúng ta tìm được hung thủ”. Tôi cuống lên, nói ra mẩu giấy nhặt được trên mộ bố.

“Bố biết”, bố tôi vẫn bình tĩnh nói, “Nhưng không được nói người lái xe đó là hung thủ. Anh ta không cố tình đâm bố. Sau khi đâm phải, anh ta chạy trốn vì quá sợ hãi”

“Tại sao bố lại nói thay cho người ta? Con không hiểu? Lại là một người cướp mất sinh mạng của bố nữa chứ”, tôi phẫn nộ nói.

“Ngụy, con gái của bố. Chúng ta thực sự không nên nói về chuyện đó và về người đó nữa, được không. Giờ phút này, chúng ta phải vui mừng mới đúng. Rốt cuộc chúng ta lại được ở bên nhau”, ông vui vẻ nói.

Tôi điều chỉnh lại tâm trạng, nhưng một lúc sau, “Con rất nhớ bố…”

“Hơn mười năm qua, ngày nào đêm nào bố cũng nhớ con, và…”, nói tới đây, ông ngần ngừ một lúc, rồi nói tiếp, “mẹ con”.

“… Mẹ?”, tôi cũng ngần ngừ, không biết nói gì. Có lẽ bố cũng biết chuyện mẹ đã tái hôn.

“Bố, ở thế giới bên kia, bố có biết tất cả mọi chuyện xảy ra ở đây không? Ý con nói đến những chuyện xảy ra sau khi bố đi không ?”, tôi thử thăm dò.

“Bố đều biết cả”, ông nói, “Con vẫn không thể tha thứ cho mẹ con sao? Thực ra, bên Austria mẹ con sống cũng không vui vẻ”.

Tôi sững lại nhìn chằm chằm vào con chó một lúc, như thể nó chính là bố tôi. Nghe giọng của bố, xem ra bố không thù ghét mẹ.

“Mẹ con sẽ gọi điện cho con, rất nhanh thôi!”, bố tôi quả quyết nói.

Full | Lùi trang 2 | Tiếp trang 4

Loading...

Tiểu thuyết tình yêu là website chia sẻ những thể loại truyện hay nhất hiện nay, được nhiều người đọc yêu thích. Truyện được cập nhập hàng ngày. Hãy lưu địa chỉ web để truy cập nhanh hơn!

Chúc các bạn online vui vẻ !

Laptop Tùng Anh

Tour Phú Quốc

Vinhomes Cầu Rào 2

Trang Chủ