Polaroid
Tiểu thuyết tình yêu

Tiểu Thuyết Tình Yêu

Đọc truyện tại Tiểu Thuyết Tình Yêu

Loading...

Tiểu thuyết - Hãy chăm sóc mẹ - trang 5

Chương 3: Tôi đã về đây! (1)

Trước cánh cửa lớn màu xanh đóng chặt, cô gái đang ngó nghiêng nhìn vào trong ngôi nhà.

“Ai đấy?” Khi nghe ông hắng giọng từ phía sau, cô gái quay lại. Cô có vầng trán mịn màng và mái tóc buộc gọn phía sau, ánh mắt cô sáng lên vẻ mừng rỡ.

“Cháu chào bác!”

Ông nhìn cô chăm chăm, và cô mỉm cười thật tươi. “Bác cho cháu hỏi đây có phải là nhà của cô Park So-nyo không ạ?”

Bảng tên trên cánh cổng của ngôi nhà đã bỏ trống từ lâu chỉ khắc mỗi tên ông. Park So-nyo. Lâu lắm rồi từ khi lấy vợ, hôm nay ông mới nghe có người gọi vợ mình bằng cô chứ không phải là bà.

“Có việc gì không cô.”

“Cô Park không có nhà ạ?”

Ông không nói gì.”

“Có thật là cô ấy bị mất tích không ạ?

Ông nhìn cô gái chằm chằm. “Cô là ai?”

“À, cháu là Hong Tea-hee ở Ngôi nhà Hy vọng của khu Namsan.”

Hong Tea-hee? Ngôi nhà Hy vọng?

“Đó là trại trẻ mồ côi ạ. Cháu rất sốt ruột vì đã lâu lắm rồi không thấy cô nhà mình đến, rồi cháu tình cờ đọc được cái này.” Cô gái chỉ cho ông mẩu quảng cáo trên báo mà con trai ông đã đăng. “Băn khoăn không biết chuyện gì đã xảy ra nên cháu đã đến đây vài lần nhưng cửa cổng cứ đóng suốt. Cháu cứ tưởng hôm nay mình cũng lại phải về không... Cháu chỉ muốn hỏi thăm xem tình hình thế nào. Cháu còn phải đọc sách cho cô ấy nghe nữa mà...”

Ông lật hòn đá đặt trước cổng lên để lấy chìa khóa giấu dưới đó ra mở cửa. Mở cánh cổng ngôi nhà đã bỏ trống từ lâu, ông nhìn khắp nơi lòng đầy hy vọng. Nhưng chỉ có sự im lặng bên trong.

Ông mời cô gái vừa tự giới thiệu là Hong Tea-hee vào nhà. Phải đọc sách cho bà ấy nghe sao? Cho vợ mình ư? Ông chưa bao giờ nghe vợ đề cập đến Ngôi nhà Hy vọng hay Hong Tea-hee cả. Vừa bước vào sân, Hong Tea-hee đã cất tiếng gọi, “Cô ơi.” Có vẻ như cô ấy không thể tin được chuyện vợ ông đã mất tích. Không có câu trả lời, gương mặt của cô Hong Tea-hee trở nên thận trọng hơn. “Cô ấy đã bỏ nhà đi hả bác?

“Không, bà ấy bị lạc.”

“Sao cơ ạ?”

“Bà ấy bị lạc ở Seoul.”

“Thật thế sao?” Đôi mắt Tea-hee mở to kinh ngạc. Cô kể rằng mười năm nay vợ ông thường đến Ngôi nhà Hy vọng để tắm rửa, giặt giũ cho lũ trẻ và chăm sóc mảnh vườn trước sân.

Vợ mình ư?

Tea-hee bảo rằng vợ ông là người rất đáng kính, mỗi tháng bà quyên góp 450.000 uôn cho Ngôi nhà Hy vọng, đều đặn như thế đã mấy năm rồi.

450.000 uôn mỗi tháng ư?

Hằng tháng các con ông ở Seoul chung nhau gửi về cho vợ ông 600.000 uôn. Dường như chúng nghĩ rằng với số tiền đó ở nông thôn thì hai người có thể sống thoải mái. Mà thật, đó không phải khoản tiền nhỏ. Hồi đầu vợ ông chia sẻ khoản tiền đó với ông, nhưng đến một ngày bà bảo bà sẽ sử dụng toàn bộ số tiền đó. Ông băn khoăn không biết sao tự nhiên bà lại thành ra như thế, nhưng vợ ông bảo đừng có hỏi bà dùng số tiền đó vào việc gì. Bà nói bà có quyền sử dụng khoản tiền đó vì bà đã một mình nuôi cả mấy đứa con. Có vẻ như bà đã nghĩ về điều này từ rất lâu rồi. Nếu không, bà đã chẳng bảo, “Tôi thấy mình có quyền sử dụng toàn bộ số tiền đó.” Đó không phải là cách ăn nói của vợ ông. Nó nghe giống như lời thoại trên phim truyền hình. Ông đoán chắc trong mấy ngày liền vợ ông đã một mình tập nói câu đó với không trung.

Có lần, vợ ông yêu cầu ông sang tên ba mảnh ruộng cho bà ấy. Ông hỏi bà ấy sao lại phải làm vậy, thì bà nói vì cuộc sống của bà có cảm giác như chẳng có ý nghĩa gì. Sau khi tất cả con cái đều thoát ly, bà cảm thấy mình thật vô tích sự. Chuyện này xảy ra ngay sau ngày lễ phụ mẫu mồng tám tháng Năm, chẳng có đứa con nào gọi điện về. Hôm đó, vợ ông tự đến cửa hàng văn phòng phẩm trong thị trấn mua hai bông hoa cẩm chướng, mỗi bông đính một dải ruy băng có ghi dòng chữ, Cảm ơn cha mẹ vì đã sinh thành và nuôi dưỡng con.

Thấy ông đang đứng trên con đường mới làm, bà giục ông về nhà. “Lỡ ai nhìn thấy chúng ta thì sao?” Dù đã về đến nhà, bà vẫn nài nỉ ông vào trong phòng đóng cửa lại, rồi cài một bông cẩm chướng lên ngạc áo khoác của ông.

“Mọi người sẽ nói gì khi thấy chúng ta không có hoa cài áo, khi mà ai cũng biết chúng ta có mấy đứa con? Thế nên tôi mua mấy bông hoa này.” Vợ ông cũng cài một bông hoa cẩm chướng lên trước ngực áo khoác của mình. Bông hoa cứ rơi ra khiến bà phải cài lại hai lần mới được. Ông gỡ bỏ bông hoa ngay sau khi ra khỏi nhà, còn bà vẫn đeo bông hoa ấy cho đến hết ngày. Đến ngày hôm sau, bà ốm nằm bẹp trên giường. Bà rên rỉ trằn trọc suốt mấy đêm, rồi bà ngồi phắt dậy và yêu cầu ông sang tên ba mảnh ruộng cho bà. Khi ông giải thích rằng tất cả đất đai của ông cũng đều là đất đai của bà và nếu chỉ có ba mảnh đất sang tên Parl So-nyo thì bà sẽ rất thiệt bởi vì như vậy rõ ràng tất cả phần đất còn lại đều là của ông, bà tỏ ra rất thất vọng và bảo chắc là thế thật.

Nhưng vợ ông rất cương quyết khi nói bà muốn giữ tất cả số tiền các con gửi về. Ông hoàn toàn không có ý phản đối thái độ của vợ khi bà nói vậy. Vì ông nghĩ nếu ông phản ứng thì hai người sẽ cãi nhau to. Ông đã đồng ý với một điều kiện. Vợ ông có thể giữ toàn bộ số tiền đó, bù lại bà không được giám sát ông. Vợ ông bảo như thế cũng được. Ông không thấy vợ bỏ tiền ra mua sắm quần áo để mặc hay làm việc gì đặc biệt, nhưng có lần bí mật kiểm tra sổ tài khoản ông thấy số tiền 450.000 uôn được rút ra từ tài khoản ngân hàng vào cùng một ngày hằng tháng, rút một cục. Nếu tiền về chậm, bà gọi điện cho đứa con gái chịu trách nhiệm thu tiền của anh chị em rồi gửi về nhà, nhắc nhở nó gửi tiền. Vợ ông tự hồi nào tới giờ có vậy đâu. Tuy không hỏi vợ dùng số tiền đó vào việc gì, ông đã hứa sẽ không hỏi, nhưng ông nghĩ bà đang lấy 450.000 uôn mỗi tháng cất vào tài khoản tiết kiệm, để tạo ra mục đích mới cho cuộc sống. Có lần ông đã cố tìm sổ tài khoản tiết kiệm của bà, tin rằng đó là mục đích của khoản tiền kia, nhưng không tìm thấy gì. Nếu những gì cô Hong Tea-hee nói là thật, vợ ông đã ủng hộ cho Ngôi nhà Hy vọng của khu Namsan 450.000 uôn mỗi tháng suốt thời gian qua. Ông vô cùng ngạc nhiên trước người vợ của mình.

Cô Hong Tea-hee nói với ông rằng bọn trẻ còn trông ngóng cô Park hơn cả bản thân cô. Cô kể với ông về cậu bé tên là Kyun, vợ ông đã thực sự trở thành mẹ của thằng bé, thế nên Kyun buồn lắm khi vợ ông đột nhiên không đến trại trẻ mồ côi nữa. Thằng bé bị bỏ rơi trước trại trẻ mồ côi khi chưa đầy sáu tháng, ngay đến cái tên cũng không có, chính vợ ông đã đặt tên cho thằng bé là Kyun.

“Cô bảo bà ấy đặt tên cho nó là Kyun ư?”

“Vâng, Kyun ạ.”

Hong Tea-hee kể sang năm Kyun sẽ vào cấp hai. Vợ ông đã hứa rằng đến ngày đó sẽ mua cặp sách và đồng phục cho nó. Kyun. Một nỗi ớn lạnh tràn ngập lòng ông. Ông yên lặng nghe câu chuyện của cô Hong Tea-hee. Ông không tin nổi vợ ông đã thường xuyên lui tới trại trẻ mồ côi của khu Namsan hơn chục năm nay mà ông không hề hay biết. Ông băn khoăn chẳng biết người vợ mất tích của mình có phải chính là người phụ nữ mà cô Hong Tea-hee đang nói đến hay không. Bà ấy đã tới Ngôi nhà Hy vọng từ khi nào? Sao bà ấy không hề nói gì với ông? Ông nhìn chằm chằm vào tấm ảnh người vợ trên mẩu tin quảng cáo rồi lặng lẽ đi vào trong phòng. Ông lấy cuốn album để tận trong góc ngăn kéo, rút ra một tấm ảnh của vợ mình. Đó là tấm ảnh vợ ông chụp cùng cô con gái khi đứng trên con đê ngoài biển, hai mẹ con giữ chặt tà áo bay phần phật trong gió. Ông đưa tấm ảnh cho cô Hong Tea-hee xem. “Có đúng là người cô đang nói đến đây không?”

“Trời ơi! Đúng là cô Park rồi!” Cô Hong Tea-hee reo lên mừng rỡ như thể gặp được chính vợ ông vậy. Dường như vợ ông trong tấm ảnh, cau mày lại vì nắng, đang nhìn ông.

“Cô nói đã hứa sẽ đọc sách cho bà ấy, chuyện đó là thế nào?”

“Cô Park đã tự nguyện gánh vác mọi việc khó khăn ở Ngôi nhà Hy vọng. Cô đặc biệt thích tắm gội cho bọn trẻ. Cô ấy chịu khó lắm, cứ lần nào cô ấy tới thăm là cả trại mồ côi sáng sủa hẳn lên. Khi cháu hỏi cháu có thể làm gì để cảm ơn cô thì cô ấy nói mọi người không cần phải làm gì cả. Thế nhưng một hôm, cô ấy cầm một quyển sách đến bảo cháu rằng mỗi lần cô tới cháu hãy dành một tiếng đồng hồ đọc cho cô nghe. Cô ấy bảo đó là quyển sách cô ấy rất thích, nhưng do mắt ngày càng kém nên cô ấy không đọc được.”

Ông im lặng.

“Là quyển sách này đây.”

Ông nhìn quyển sách mà cô Hong Tea-hee lấy từ trong cặp ra. Cuốn sách của con gái ông.

“Tác giả của cuốn sách này sinh ra ở vùng này. Cháu nghe nói cô ấy từng học cấp một và cấp hai ở đây. Cháu nghĩ vì thế mà cô nhà mình rất thích nữ tác giả ấy. Cuốn sách gần đây nhất cháu đọc cho cô Park cũng là của tác giả này.”

Ông cầm lấy cuốn sách do chính cô con gái mình viết. Quyển sách có nhan đề Hoàn thiên tình yêu. Thế là vợ ông đã rất muốn đọc tiểu thuyết của cô con gái. Vợ ông chưa bao giờ nói với ông về chuyện đó. Ông thậm chí không lúc nào nghĩ tới việc đọc sách của con gái cho vợ mình nghe. Liệu có ai khác trong gia đình biết chuyện vợ ông không biết đọc không? Khi ông phát hiện ra vợ ông không biết đọc, bà trông rất tổn thương, như thể ông vừa xúc phạm bà vậy. Vợ ông luôn cho rằng mọi việc ông từng gây ra đều là do ông coi thường bà vì bà không biết chữ - bỏ nhà đi hồi trẻ, to tiếng mắng nhiếc bà nhiều lần, trả lời bà một cách thô lỗ, “Bà muốn biết làm gì chứ?” Đó không phải lý do ông làm những việc đó, nhưng ông càng phủ nhận thì vợ ông lại càng quả quyết đó là sự thực. Giờ đây ông tự hỏi không biết thực ra mình có coi thường bà không, một cách vô thức, như bà vẫn khăng khăng khẳng định. Ông hoàn toàn không ngờ rằng một người lạ đang đọc sách của con gái ông cho vợ ông nghe. Vợ ông hẳn đã phải cố gắng bao nhiêu mới giấu được cô gái này chuyện mình không biết đọc. Khao khát đọc cuốn tiểu thuyết của con gái mình, nhưng vợ ông không thể nói với cô gái này rằng nữ tác giả chính là con gái mình, mà lại nói do mắt mình kém nên mới đề nghị cô ấy đọc to lên cho bà nghe. Mắt ông cay xè. Vợ ông đã phải kiềm chế bao nhiêu để không khoe về con gái mình với cô gái này?”

“Chà, bà ấy tồi thật đấy!”

“Sao ạ?” Cô Hong Tea-hee tròn mắt ngạc nhiên nhìn ông.

Nếu đã muốn đọc đến thế thì đáng lẽ bà ấy phải bảo tôi đọc cho mà nghe chứ? Ông xoa xoa hai bàn tay lên khuôn mặt đã chai sạn. Nếu vợ ông nhờ ông đọc cuốn sách đó thì ông có đọc cho bà nghe không? Trước khi vợ ông bị lạc, dường như ông cứ sống thế mà chẳng nhớ gì tới vợ mình. Còn những lúc ông nghĩ đến bà thì chỉ là khi ông yêu cầu bà làm việc gì đó hoặc đổ lỗi hoặc phớt lờ bà mà thôi. Thói quen quả là thứ đáng sợ. Ông thường ăn nói rất nhã nhặn với người khác, nhưng khi nói với vợ mình thì lời lẽ của ông lại trở nên nặng nề. Đôi khi ông còn chửi rủa vợ. Ông hành động cứ như thể có quy định rằng ông không được ăn nói lịch sự với vợ mình. Ông đã làm như thế đấy.

“Tôi về đây rồi,” ông cứ lẩm bẩm với ngôi nhà vắng, sau khi cô Hong Tea-hee đã ra về.

Tất cả những gì ông muốn trong đời là rời khỏi ngôi nhà này - từ khi ông còn trẻ, sau khi đã lập gia đình, và thậm chí sau khi đã có con. Cứ nghĩ đến việc mình sinh ra ở ngôi làng nghèo nàn hiu quạnh ở miền Nam đất nước này, rồi cứ sống như vậy cho đến chết ở trong cùng một ngôi nhà là ông cảm thấy vô cùng chán nản. Mỗi khi như vậy, ông lại bỏ nhà đi phiêu bạt khắp các tỉnh thành, chẳng để lại một lời nhắn nhủ. Mỗi khi sắp đến lễ tết, ông trở về nhà giống như một kẻ lang thang tuân theo mệnh lệnh cài đặt sẵn trong gien. Sau đó, ông lại bỏ nhà ra đi và chỉ bò về nhà khi đã mệt mỏi rã rời. Một hôm, sau khi cơ thể đã bình phục, ông tập đi xe máy. Ông bỏ nhà ra đi lần nữa, đèo theo sau một người phụ nữ không phải vợ ông. Nhiều lần ông đã nghĩ mình sẽ không bao giờ trở về ngôi nhà này nữa. Ông muốn quên hẳn ngôi nhà này, đi đến miền đất lạ và sống cuộc sống mới. Nhưng cuộc sống mới của ông chẳng thể kéo dài được quá ba mùa.

Khi những điều mới lạ dần trở nên quen thuộc, những thứ vợ ông không tiếc công nuôi trồng và chăm sóc lại lởn vởn trước mắt ông. Lũ chó con, đàn gà, những củ khoai tây đào mãi không hết... rồi các con ông.

Trước khi ông mất dấu vợ ở ga tàu điện ngầm Seoul, vợ ông đơn thuần chỉ là mẹ của Hyong-chol. Mẹ của Hyong-chol như cái cây lúc nào cũng đứng nguyên một chỗ, cho đến khi ông thay mình đối mặt với thực tế là có thể không bao giờ gặp lại người vợ nữa. Một cái cây sẽ không bao giờ lay chuyển nếu không bị chặt hay nhổ đi. Sau khi mẹ của Hyong-chol bị mất tích, ông mới nhận ra rằng người mất tích chính là vợ mình. Hình ảnh người vợ mà ông đã gần như lãng quên suốt năm mươi năm qua đang hiện lên rõ ràng trong tâm trí ông. Chỉ sau khi vợ ông biến mất, bà mới trở nên hữu hình với ông, như thể cứ đưa tay ra là ông có thể chạm được vào bà.

Chỉ đến tận bây giờ, ông mới thực sự nhận ra tình cảnh của vợ mình vài ba năm gần đây. Vợ ông đã chìm sâu vào trạng thái vô cảm. Bà thường rơi vào tình trạng không nhớ được bất cứ điều gì. Đôi khi bà ngồi phịch trên con đường làng quen thuộc, không tìm thấy lối về nhà. Cũng có lúc vợ ông cứ nhìn chăm chăm vào cái nồi hay cái chum bà đã dùng suốt năm mươi năm qua, ánh mắt đầy băn khoăn, “Cái này để làm gì thế nhỉ?” Bà không còn quan tâm đến chuyện dọn dẹp nhà cửa nữa, tóc rụng vương vãi khắp nơi cũng chẳng quét đi. Có những lần vợ ông không theo kịp lời thoại của một bộ phim truyền hình ngày nào bà cũng xem. Bà còn quên cả bài hát bà vẫn hay hát mấy chục năm qua, bài hát bắt đầu bằng câu, “Nếu ai hỏi tình yêu là gì...” Cũng có lúc, vợ ông dường như không nhớ nổi ông là ai. Có khi thậm chí quên cả chính mình.

Nhưng không phải lúc nào cũng thế.

Vợ ông có thể nhớ một số chi tiết hết sức nhỏ nhặt, như thể bà giành lại được thứ gì đó từ khối nước đã bốc hơi. Một hôm bà kể lại chuyện có lần ông bọc ít tiền vào một tờ báo và cài vào khe cửa nhà kho trước khi ông bỏ nhà ra đi. Vợ ông nói rằng mặc dù khi đó bà không nói gì, nhưng bà rất biết ơn vì ông đã để lại số tiền đó. Bà bảo nếu không phát hiện ra số tiền gói trong tờ báo đó thì không biết bà sẽ phải xoay xở thế nào. Một lần khác, vợ ông nhắc ông phải chụp lại một tấm ảnh mới cho cả nhà. Vì trong bức ảnh gia đình chụp chung lần trước không có đứa con mà cô con gái thứ của ông bà sinh bên Mỹ.

Phải đến tận bây giờ ông mới đau đớn nhận ra rằng, ông đã thờ ơ trườc tình trạng lẫn lộn của vợ mình.

Khi những cơn đau đầu khiến vợ ông như ngất lịm đi, phải quấn miếng vải quanh đầu cho đỡ đau, ông vẫn nghĩ rằng bà đang ngủ. Ông ước gì bà đừng có bạ đâu nằm đấy ngủ. Khi vợ ông đang loạng choạng, loay hoay mãi không mở được cửa, ông thậm chí còn to tiếng bảo bà phải mở mắt ra mà nhìn xem mình đi đâu chứ. Chưa bao giờ nghĩ tới việc phải chăm sóc vợ, ông không thể hiểu được rằng ý thức về thời gian của vợ ông đang ngày càng trở nên hỗn độn. Khi vợ ông quấy cám đổ vào cái máng trong chuồng lợn trống trơn rồi ngồi xuống bên cạnh gọi tên con lợn mà ông đã nuôi từ hồi xưa và lẩm bẩm, “Lần này mày phải đẻ ba con đấy nhé, đừng có đẻ một con đấy... được thế thì mày ngoan lắm,” ông chỉ nghĩ vợ mình đang đùa vui vớ vẩn. Cách đây rất lâu rồi, con lợn đó đã đẻ một lứa ba con. Vợ ông đã bán lũ lợn con đi để mua cho Hyong-chol một chiếc xe đạp.

“Bà ở trong đó à? Tôi về rồi đây!” Ông gọi to về phía ngôi nhà trống rồi lắng tai nghe.

Ông mong chờ tiếng đáp trả đầy hoan hỉ của người vợ, “Ông về rồi đấy à!” nhưng ngôi nhà trống vẫn hoàn toàn im lặng. Bất cứ khi nào trở về nhà, chỉ cần ông gọi, “Tôi về rồi đây” là ngay lập tức vợ ông sẽ thò đầu ra từ đâu đó trong ngôi nhà này.

Vợ ông không ngừng chì chiết ông. “Sao ông không bỏ rượu đi? Chẳng có tôi ông vẫn sống được, vậy mà không có rượu là ông không sống nổi hay sao? Mấy đứa con lần nào gọi điện về cho tôi cũng rất lo lắng chuyện ông nghiện ngập rượu chè, thế mà sao ông vẫn không bỏ được cái thói ấy đi chứ!” Vợ ông vừa đay nghiến ông vừa giúi vào tay ông cốc nước lá vừng đun với mấy quả nho khô Nhật Bản. “Nếu ông mà còn say rượu rồi vác cái thân tàn về một lần nữa là tôi sẽ bỏ ông đi đấy… Bác sĩ ở bệnh viện chả nói rồi còn gì, rượu là thứ tối kỵ với ông. Nếu ông không còn muốn thấy cuộc đời đẹp đẽ này nữa thì ông cứ việc uống tiếp đi!”

Vợ ông luôn thất vọng não nề như thế mỗi khi ông đi ăn trưa với mấy người bạn rồi chén chú chén anh đến say khật khưỡng mới về nhà, cứ như thể trời sắp sụp đến nơi. Ông không hề biết rằng một ngày kia ông lại thấy nhớ những lời đay nghiến của vợ mình, vốn trước đây vừa chui vào tai trái thì đã lọt qua tai phải.

Nhưng giờ đây ông không thể nghe gì nữa, mặc dù khi xuống tàu trước nhà ga để làm một chén, chỉ để khi về nhà được nghe thấy tiếng chì chiết đó của vợ.

Chương 3: Tôi đã về đây! (2)

Ông nhìn cái chuồng chó đặt gần cổng vào sân bên. Đáng lẽ con chó phải sủa chứ, đằng này trong nhà hoàn toàn tĩnh lặng. Ông không thấy sợi dây xích dâu; chắc chị gái ông đã mang con chó sang bên nhà vì thấy mệt khi cứ phải qua cho nó ăn. Ông không đóng ngay cổng lại mà cứ để ngỏ rồi bước qua sân vào ngồi xuống thềm. Những lần vợ ông lên Seoul một mình, ông thường ngồi trên thềm như thế này. Khi vợ ông gọi điện từ Seoul về hỏi, “Ông đã ăn uống gì chưa?” thế nào ông cũng hỏi lại, “Thế bao giờ bà về?”

“Sao chứ? Ông nhớ tôi à?”

Ông sẽ trả lời, “Nhớ cái gì mà nhớ, bà không phải lo cho tôi, lần này cứ ở chơi cho chán đi rồi khi nào thích thì hãy về.” Nhưng cho dù ông có nói gì đi nữa, chỉ cần nghe ông hỏi, “Bao giờ bà về?” là vợ ông trở về nhà ngay, bất kể lý do nào đã đưa bà ấy lên Seoul. Khi vợ về, ông lại nói như thể trách móc, “Sao bà về sớm thế? Tôi đã bảo bà cứ ở đấy bao lâu tùy thích mà lại...” Bà vừa lườm ông vừa bảo, “Ông tưởng tôi về vì ông chắc? Tôi về cho con chó nó ăn đấy chứ.”

Chính những gì vợ ông chăm sóc đã khiến ông vứt bỏ hết mọi thứ ông có được ở những nơi mới lạ để trở về nhà. Mỗi khi mở cổng bước vào nhà, ông lại thấy vợ mình đầu quấn cái khăn cáu bẩn, đang vừa bới khoai lang hay làm men rượu vừa để ý Hyong-chol học bài bên bàn. Chị ông thích nói rằng nguyên nhân khiến ông thích đi lang bạt là do hồi còn trẻ ông thường xuyên không ngủ ở nhà để trốn khỏi phải tham gia quân dịch. Mặc dù thực ra không phải ông muốn trốn tránh nhập ngũ. Một lần ông thậm chí còn đi đến đồn cảnh sát vì đã quá mệt mỏi với việc trốn tránh. Chú ông, một cảnh sát chỉ hơn ông năm tuổi, đã đuổi ông về. Ông chú nói: Dù dòng họ có tàn lụi đi chăng nữa, thì người trưởng tộc vẫn phải sống. Dù cả gia tộc có sa sút thì người trưởng tộc vẫn phải sống để duy trì mồ mả tổ tiên và lo giỗ chạp cúng tế. Nhưng đó xem ra chẳng phải lý do đủ chính đáng để chú ông đặt ngón tay trỏ của ông dưới chiếc liềm rồi xẻo đi một đốt. Bởi vì thực ra việc chăm sóc mồ mả tổ tiên và chuẩn bị cúng tế mỗi mùa trong năm đều do một tay vợ ông làm cả. Đó có phải là lý do không? Có phải ông trở thành một kẻ lang thang là bởi vì trước đây ông phải rời nhà ra ngoài ngủ dưới sương dưới tuyết không? Có lẽ đúng như thế thật. Thói quen ngủ ngoài đường có lẽ chính là lý do tại sao ông cứ lang thang xa nhà. Khi ngủ ở nhà ông luôn thấp thỏm lo sợ sẽ có người nhảy bổ qua cổng vào bắt ông đi. Có lần thậm chí ông còn chạy ào ra khỏi ngôi nhà này vào lúc nửa đêm như thể có ai đó đang rượt đuổi.

Một đêm đông, ông trở về nhà thấy các con đều đã lớn tướng. Trời lạnh cắt da cắt thịt nên mấy mẹ con tập trung cả vào một phòng ngủ chung với nhau. Vợ ông lặng lẽ đi lấy bát cơm ủ ở cạnh lò sưởi và lôi cá ở bàn ăn phủ khăn ra đặt trước mặt ông. Đó là một đêm bão tuyết rất to. Vợ ông nướng rong biển trên bếp lò. Mùi thơm nức của dầu tía tô đánh thức từng đứa con ông, cả lũ chúng chạy đến ngồi quanh bố. Ông cuốn cơm với rong biển vợ ông vừa nướng rồi đút vào miệng cho từng đứa con một. Ông lần lượt đút cho thằng lớn, sau đó đến thằng thứ hai, rồi đến cô con gái lớn. Cô con gái thứ và đứa con út vẫn chưa được bố đút miếng nào vào miệng thì thằng anh lớn đã lại há miệng chờ bố cuốn cho miếng khác. Tốc độ cuốn cơm rong biển của ông không kịp so với tốc độ ăn của lũ con. Chẳng mấy chốc, ông đã thấy sợ sự háu ăn của chúng. Ông nghĩ thầm không biết làm thế nào nuôi được cả lũ con này. Đó là khi ông quyết định phải quên đi thế giới bên ngoài, ông không thể rời ngôi nhà này lần nữa.

“Tôi đã về đây!”

Ông mở cửa phòng ngủ nhìn vào trong. Không có ai trong phòng. Mấy chiếc khăn gập ngay ngắn đặt ở góc phòng, vợ ông đã đặt chúng ở đó trước khi ông đưa bà lên Seoul. Cốc nước ông dùng để uống thuốc vào buổi sáng hôm lên thành phố đặt trên sàn nhà giờ đã khô hết nước. Đồng hồ treo tường chỉ đúng ba giờ chiều, bóng bụi trúc ngả lên cánh cửa phòng hướng ra sân sau.

“Tôi bảo tôi về rồi đây.” Ông thì thầm một mình với căn phòng trống, đôi vai ông trĩu xuống. Ông đã nghĩ gì vậy? Ông khước từ cậu con trai cả cứ kiên quyết phản đối chuyện ông bỏ về nhà một mình, và đón chuyến tàu sáng về nhà. Một góc nhỏ trong trái tim ông hy vọng rằng, khi ông bước vào nhà và gọi to, “Bà ở trong đó à? Tôi về rồi đây này!” vợ ông sẽ chào đón ông như ngày xưa, “Ông về rồi đấy à!” Có lẽ khi đó vợ ông đang lau sàn hoặc nhặt rau trong kho hoặc đãi gạo ở bếp. Ông cứ nghĩ điều đó có thể sẽ xảy ra. Nhưng ngôi nhà hoàn toàn trống trải. Cảm giác thật hiu quạnh, cứ như nó đã bị bỏ hoang từ rất lâu rồi.

Ông đứng dậy mở toang tất cả cửa phòng của ngôi nhà trống trải để nhìn vào trong. Ông mở cửa phòng ngủ rồi phòng ngách rồi nhà bếp và cả cửa phòng sưởi để tìm kiếm. Cứ mở một cánh cửa là ông lại hỏi, “Bà ở trong đấy à?” Từ khi sống trong ngôi nhà này, đây là lần đầu tiên ông sốt sắng đi tìm vợ mình như vậy. Vợ ông có tìm ông như thế này mỗi lần ông bỏ nhà ra đi hay không? Ông chớp chớp đôi mắt khô rang rồi mở cánh cửa nhà bếp, nhìn về phía nhà kho mà lẩm bẩm, “Bà có ở trong đó không?” Chỉ có cái phản gỗ đứng trong đó, chơ vơ.

Trước đây đôi khi ông cũng đứng ở đúng chỗ này quan sát vợ đang luôn tay luôn chân làm việc gì đó trong gian nhà kho, lúc ấy cho dù ông không gọi thì vợ ông vẫn nhìn về phía ông và hỏi, “Gì thế ông? Ông cần cái gì à?” Nếu ông bảo, “Mấy đôi tất của tôi đâu ấy nhỉ, tôi định vào trong thị trấn một lát,” thì vợ ông sẽ vội vàng tháo đôi găng tay cao su ra rồi đi vào trong nhà để lấy quần áo cho ông.

Ông nhìn chăm chăm vào gian nhà kho trống không và lẩm bẩm, “Này... tôi đói bụng rồi. Tôi muốn ăn cái gì đó!”

Mỗi khi ông nói muốn ăn cái gì đó, thì cho dù có đang giã hồ tiêu hay xếp lá vừng hay muối cải thảo đi chăng nữa, vợ ông đều dừng ngay lại không chút lưỡng lự, tiến đến chỗ ông mà nói, “Tôi đã hái được một ít lá ba chưởng trên núi đấy, ông có muốn ăn bánh lá ba chưởng không? Ông đợi tôi rán với bột cho mà ăn!” Tại sao lúc đó ông không nhận ra rằng mình đang có một cuộc sống yên bình và may mắn? Chưa bao giờ ông nấu cho vợ mình một bát canh rong biển, vậy mà tại sao ông lại nhận tất cả những gì vợ làm cho một cách thản nhiên như thế? Một lần vợ ông vào thị trấn về có nói chuyện với ông, “Ông này, ông biết ông hàng thịt ở chợ mà ông hay ghé qua chứ? Hôm nay tôi đi ngang qua đó, vợ ông ấy cứ gọi mãi nên tôi vào chơi. Bà ấy mời tôi một bát canh rong biển, thế là tôi hỏi có dịp gì vậy. Bà ấy nói rằng hôm nay là sinh nhật của bà ấy nên ban sáng ông chồng đã nấu cho bà ấy cả một nồi canh rong biển.” Ông chỉ lặng im lắng nghe, và vợ ông nói tiếp, “Nó không ngon lắm. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy ghen tị với vợ ông hàng thịt.”

Đôi mắt khô cằn của ông chớp chớp. Giờ này bà đang ở đâu... Chỉ cần vợ ông có thể trở về ngôi nhà này thì không chỉ món canh rong biển mà ông còn làm cả bánh cho bà ấy nữa. Bà đang trừng phạt tôi ư... Đôi mắt khô cằn của ông đã đẫm lệ.

Ông bỏ nhà ra đi bất cứ khi nào ông muốn và chỉ trở về nhà lúc ông thích, nhưng ông chưa từng nghĩ rằng vợ mình sẽ là người ra đi trước.

Phải đến khi người vợ bị lạc, ông mới nhớ lại lần đầu tiên ông gặp vợ mình. Đó là sau khi hai gia đình quyết định hôn sự mà hai người chưa hề biết mặt nhau. Chiến tranh đã kết thúc nhờ thỏa thuận ngừng bắn tại Bàn Môn Điếm giữa chỉ huy của đội quân Liên hiệp quốc và chỉ huy của lực lượng cộng sản, nhưng tình hình xã hội còn lộn xộn hơn cả trong thời chiến. Thời gian đó, quân lính Bắc Triều Tiên đói khát cứ tối đến lại kéo ra khỏi chỗ ẩn náu trên núi rồi tràn xuống cướp bóc làng mạc. Khi màn đêm buông xuống, những gia đình có con gái đến độ tuổi gả chồng lại cuống quýt mang con gái đi trốn. Tin đồn lính tráng từ trên núi tràn xuống bắt cóc các cô gái trẻ lan khắp các làng. Có nhà còn đào cả hầm ở gần đường sắt để giấu con gái ở đó. Những nhà khác thì tụ tập cả lại một nhà và nơm nớp suốt cả đêm. Cũng có nhà vội vàng gả chồng sớm cho con gái. Ngôi làng mà vợ ông sinh ra và sống ở đó cho đến khi lấy ông có tên là Chinmoe. Lúc chị cả của ông nói rằng ông sẽ lấy một cô gái ở làng Chinmoe, ông mới tròn hai mươi tuổi. Chị ông nói rằng, đó là cô gái có số tử vi rất hợp với số tử vi của ông. Làng Chinmoe. Đó là một ngôi làng miền núi cách làng của ông chừng mười dặm. Hồi đó, người ta cứ cưới xin khi chưa hề gặp mặt nhau lần nào. Lễ cưới sẽ được tổ chức vào tháng Mười ở sân nhà cô gái trẻ, một thời điểm nào đó sau khi đã thu hoạch hết lúa ngoài cánh đồng. Sau khi ngày kết hôn được ấn định, cứ thấy ông cười là mọi người lại trêu, bảo rằng chắc ông phải vui lắm vì được lấy vợ. Ông chẳng thích mà cũng chẳng không thích chuyện này. Chị ông phải làm hết mọi việc trong nhà, vì thế mọi người đều nói ông phải nhanh chóng lấy vợ để còn có người chăm sóc gia đình. Mặc dù điều này rất đúng, nhưng ông nghĩ ông không thể chung sống với người phụ nữ mà mình chưa hề gặp mặt dù chỉ một lần.

Ông không bao giờ muốn làm nghề nông cả đời tại ngôi làng này và kết thúc cuộc đời ở đó. Vào thời điểm mà ngay cả trẻ con cũng phải ra đồng vì nhà thiếu người làm, ông lại thích lang thang trong thị trấn cùng hội bạn. Ông đã lên kế hoạch bỏ làng tới một thành phố khác gây dựng một xưởng ủ bia với hai người bạn tâm đầu ý hợp. Ông mải mê với việc hùn vốn làm ăn chứ không hề quan tâm đến chuyện cưới xin, vậy điều gì đã khiến ông đi sang làng Chinmoe?

Ngôi nhà của người con gái đã hứa hôn với ông vào tháng Mười này là một túp lều xiêu vẹo, phía sau là một bụi tre rậm rạp bao quanh. Cô mặc chiếc áo choàng bằng vải bông, ngồi ở thềm túp lều thêu hình chim phượng hoàng trên khung thêu. Ánh sáng phủ lên mái lều và sân, nhưng khuôn mặt cô gái vẫn u tối. Thỉnh thoảng cô lại ngước mắt lên nhìn bầu trời. Cô cứ nhìn đàn ngỗng bay thành hàng trên nền trời trong xanh cho đến khi chúng mất dạng. Cô gái đứng dậy đi ra ngoài. Ông theo cô ra ruộng bông phía sau túp lều. Mẹ vợ tương lai của ông đang lom khom hái bông ngoài đó. “Mẹ ơi,” cô gái gọi mẹ từ xa. “Sao thế con?” bà mẹ vợ ông trả lời cô con gái nhưng không quay đầu lại mà vẫn tiếp tục hái bông. Những cục bông trắng xóa cứ bay lượn dập dờn theo cơn gió giữa hai mẹ con. “Mẹ ơi,” cô gái lại gọi mẹ một lần nữa. Bà mẹ vợ tương lai vẫn chỉ đáp lời mà không quay lại, “Sao thế con.”

“Con không đi lấy chồng có được không hả mẹ?”

Ông chết điếng người.

“Cái gì?”

“Con cứ sống với mẹ thế này không được à?”

Những cục bông trắng xóa bay vút lên cao theo cơn gió.

“Không được!”

“Sao lại không được!” cô gái nói như muốn bật khóc.

“Chẳng nhẽ mày muốn bọn người trên núi xuống bắt mày đi thì mày mới sướng à?”

Vợ tương lai của ông không nói thêm câu gì, ngồi bệt xuống cánh đồng bông, xoãi chân ra rồi òa khóc. Lúc này, cô không còn là cô gái nghiêm trang, e lệ như lúc ngồi thêu trên thềm túp lều nữa. Cô khóc nức nở sầu thảm đến mức chỉ đứng quan sát cô từ phía sau mà ông cũng muốn bật khóc theo. Khi đó bà mẹ vợ tương lai của ông bước ra khỏi ruộng bông và tiến lại chỗ con gái.

“Nào nào, con có cảm giác như thế là vì con hãy còn trẻ. Nếu không vì chiến tranh, mẹ sẽ giữ con ở lại với mẹ thêm vài năm nữa, nhưng chúng ta có thể làm gì được khi mà thế giới đáng sợ nhường này? Đi lấy chồng không phải là việc xấu xa đâu. Đó là việc con không thể tránh được vì con sinh ra ở vùng sơn cốc này. Mẹ không cho con đi học được, thế nên nếu không lấy chồng thì con có thể làm được gì? Mẹ đã xem bói cho hai đứa rồi, họ bảo hai đứa sẽ có rất nhiều phúc lộc. Con sẽ có đông con cái và không mất một đứa nào, chúng lớn lên đều khôn trưởng và thành đạt. Con còn mong muốn gì hơn nữa? Con người ta đến với thế gian này đều phải kết thành đôi lứa để chung sống hạnh phúc và sinh con đẻ cái rồi nuôi dạy con cái trưởng thành. Mẹ sẽ lấy bông trong ruộng này làm những tấm chăn đặc biệt cho chúng mày, thôi nín đi con.”

Cô con gái vẫn cứ khóc rưng rức còn bà mẹ đưa tay vỗ vỗ lưng cô. “Thôi nào, nín đi nào...”

Nhưng cô con gái vẫn không nín, đến lúc đó cả bà mẹ vợ ông cũng bật khóc nức nở.

Nếu không chứng kiến cảnh hai mẹ con ôm nhau khóc ngoài cánh đồng bông, có lẽ ông đã bỏ nhà ra đi trước tháng Mười. Khi ông nghĩ đến cô gái trẻ ngồi thêu trên thềm căn lều ấy, cô gái đã cất tiếng gọi mẹ ngoài cánh đồng bông rồi ngồi phịch xuống đất khóc lóc thảm thiết, khi ông nghĩ rằng có thể một đêm nào đó cô gái sẽ bị lính trên núi xuống bắt đi mà không để lại dấu vết gì, ông đã không thể cất bước ra đi.

Trở về ngôi nhà trống sau khi vợ đi lạc, ông ngủ ba ngày liền. Ông đã không tài nào ngủ được ở nhà Hyong-chol, cứ đêm đến ông lại nhắm mắt nằm yên lặng. Đôi tai ông đâm ra rất nhạy, chỉ cần ai đó mở cửa phòng đi vệ sinh ngang qua là ông mở mắt tỉnh ngay. Trong suốt thời gian ở đó, cứ mỗi khi đến bữa là ông đành phải ngồi xuống bàn ăn vì nghĩ đến những người khác, mặc dù ông không thiết ăn mà cũng chẳng thấy đói. Nhưng khi ở trong ngôi nhà trống trải của mình, ông không ăn uống gì mà chỉ ngủ như chết.

Ông đã nghĩ rằng tình cảm của ông dành cho vợ mình không sâu sắc lắm, vì ông lấy bà sau chỉ đúng một lần gặp mặt, khi bà ngồi thêu chim phượng trên thềm rồi ra khóc nức nở ở ngoài cánh đồng bông. Nhưng mỗi lần bỏ nhà đi lang bạt, cứ sau một thời gian là hình ảnh người vợ lại hiện ra trong suy nghĩ của ông. Vợ ông mát tay nuôi bất cứ thứ gì. Nhà ông vốn không có duyên nuôi súc vật. Trước khi vợ ông về ngôi nhà này, cứ có con chó nào là con ấy chết mà chưa kịp sinh lứa nào. Con thì ăn phải bả chuột, con thì lăn xuống nhà vệ sinh. Có một lần, chẳng hiểu sao không ai để ý thấy con chó lết vào tận trong lò sưởi rồi chết thiêu trong lò. Mãi tới lúc ngửi thấy mùi thối bốc lên, ông mới đi nâng cái nắp lò để kéo xác con chó ra. Dù chị gái ông nói rằng cái nhà này không nuôi được chó, nhưng vợ ông vẫn sang hàng xóm bắt một con chó con mới đẻ, bịt mắt nó mang về nhà nuôi. Vợ ông tin là lũ chó rất thông minh, nếu không bịt mắt nó khi bắt đi, thế nào nó cũng sẽ tìm được đường về với mẹ nó. Vợ ông nuôi con chó ở phía dưới thềm, nó lớn nhanh như thổi và đẻ đến năm sáu lứa. Có những khi dưới thềm nhà ông có tới mười tám con chó con nô đùa. Vào mùa xuân, vợ ông cho lũ gà ấp trứng rồi nuôi ba mươi hoặc bốn mươi con, chỉ trừ mấy con bị diều hâu tha, còn lại đều sống cả. Vợ ông cũng rất mát tay trồng trọt. Khi bà gieo hạt giống ngoài vườn rau, chồi non mơn mởn sẽ tranh nhau đâm ra tua tủa, ăn chẳng kịp. Vợ ông trồng trọt rồi thu hoạch hết khoai tây, cà rốt lại tới khoai lang. Bà mà trồng cà tím thì suốt hè sang thu những trái cà cứ lúc lỉu đầy cành. Bàn tay vợ ông chạm vào cây nào là cây đó lớn nhanh như thổi. Bà bận luôn chân luôn tay, chẳng có cả thời gian để cởi chiếc khăn đẫm mồ hôi trên đầu ra. Cỏ dại ngoài đồng vừa mới nhú lên là đôi bàn tay của vợ ông đã nhổ đi ngay, thức ăn thừa trên bàn ăn sẽ được bà dồn vào bát của lũ chó. Vợ ông bắt ếch mang nấu chín rồi nghiền nhỏ để cho đàn gà ăn, sau đó lại hót phân gà mang ra rắc ngoài vườn rau, cứ như thế và như thế. Dưới bàn tay của bà, mọi thứ đều trở nên phì nhiêu màu mỡ, đâm chồi nảy lộc, ra hoa kết quả trĩu cành. Vợ ông mát tay đến mức ngay cả bà chị gái luôn tỏ ra khó chịu với bà cũng thường xuyên nhờ bà gieo hạt giống ngoài ruộng vườn hay trồng giúp cây hồ tiêu non.

Đêm thứ ba kể từ khi về nhà, nửa đêm ông chợt tỉnh giấc, nằm im lặng nhìn chăm chăm lên trần nhà.

“Kia là cái gì thế nhỉ,” ông thầm nghĩ rồi ngồi bật dậy nhìn kỹ cái hòm có vẽ hình lá cờ thái cực đặt trên nóc tủ quần áo. Ông vẫn còn nhớ có một buổi sáng vợ ông thức giấc rất sớm và đánh thức ông dậy. Ông đã tỉnh nhưng vì bực mình với vợ nên ông không thèm trả lời.

“Chắc là ông vẫn còn đang ngủ.” Vợ ông thở dài thườn thượt. “Ông đừng có chết sau tôi đấy.”

Ông vẫn không nói gì.

“Tôi đã sắm sẵn vải liệm rồi. Tôi cất trong cái hòm có vẽ hình cờ thái cực để trên nóc tủ quần áo ấy. Bộ của tôi cũng cất trong đó. Nếu như tôi chết trước thì ông cũng đừng có ầm ĩ lên, nhớ là phải lấy vải liệm xuống trước tiên đấy. Lần này tôi cũng phóng tay một chút, mua loại vải gai dầu tốt nhất đấy. Người bán hàng nói họ tự tay trồng cây gai dầu rồi dệt thành vải. Ông mà nhìn thấy chắc cũng lác mắt cho mà xem. Đẹp lắm!” Vợ ông cứ lẩm bẩm như đọc thần chú mà không cần biết là ông có nghe hay không.

“Hồi xưa vợ của bác Tamyang mất, bác ấy khóc rống cả lên. Bác ấy kể lại rằng trước lúc mất bác gái đã dặn đi dặn lại bác trai là không được mua vải đắt tiền để liệm. Bác gái bảo rằng bác ấy đã là sẵn bộ hanbok mặc hồi cưới, chỉ cần phủ tấm áo đó lên người bác gái để tiễn sang thế giới bên kia là được. Rồi bác gái còn bảo bác ấy xin lỗi vì ra đi trước, lại còn chưa kịp nhìn thấy con gái lấy chồng, cho nên bác trai không phải tiêu pha tốn kém làm gì. Bác trai cứ gục vào người tôi khi kể lại chuyện đó, bác ấy khóc nhiều đến nỗi ướt hết cả vai áo tôi. Bác ấy bảo bác ấy đã làm cho bác gái khổ nhiều. Thật đau xót khi nhà vừa có điều kiện hơn một chút thì bác gái đã ra đi, mà lại còn bắt bác trai hứa là không được tốn tiền mua lấy một chiếc áo đẹp cho bác ấy cho dù vào lúc bác ấy chết. Tôi thì tôi chẳng muốn như thế đâu! Tôi mà chết thì sẽ mặc áo đẹp đi cơ! Ông muốn ngắm thử không?”

Thấy ông không nhúc nhích, vợ ông lại thở dài.

“Ông nên đi trước tôi. Như thế là tốt nhất. Các cụ có bảo là người đến thì lần lượt chứ đi thì chẳng định ai trước ai sau đâu. Nhưng tôi với ông đi theo thứ tự nhé! Ông hơn tôi ba tuổi, vậy ông hãy đi trước tôi ba năm. Nếu còn tiếc nuối gì thì đi trước tôi độ ba bốn ngày cũng được. Tôi thì vẫn cứ sống trong ngôi nhà này thôi, rồi nếu thực sự không thể sống được một mình nữa thì qua nhà thằng cả ở để bóc tỏi hay lau nhà cho nó cũng được, chứ ông mà còn lại một mình thì biết làm gì? Sống đến ngần này tuổi rồi mà ông có biết làm cái gì đâu cơ chứ. Có người đã phục dịch ông cả cuộc đời rồi. Chẳng cần nhìn cũng rành rành ra đấy còn gì! Ông già nói chẳng ra hơi, lại chỉ nằm ườn trong phòng làm dậy mùi dậy mẽ thì ai mà ưa cho được? Tôi với ông giờ là gánh nặng cho mấy đứa rồi, chẳng còn ích gì cho chúng nó nữa. Người ta chả bảo, nhà nào có người già chỉ cần vào đến hiên là đã phát hiện ra ngay. Vì mùi mẽ bay ra chứ sao! Thế nhưng phụ nữ chúng tôi còn rửa ráy tắm táp, chứ mấy ông đàn ông nhà các ông mà còn có một mình thì bừa bãi bẩn thỉu lắm. Ông có muốn sống dai thì cũng đừng có sống lâu hơn tôi. Tôi chôn cất ông xong xuôi đâu đấy thì cũng theo ông ngay thôi... Tôi làm được thế mà.”

Ông bắc ghế trèo lên để lấy xuống cái hòm có vẽ hình cờ thái cực trên nóc tủ quần áo. Không phải một, mà có đến hai cái hòm. Hình như cái hòm to đặt trước là của ông, còn cái ở đằng sau là của vợ ông thì phải. Kích cỡ của cái hòm trông cũng to hơn nhiều so với lúc ông nằm nhìn nó. Ông mang cái hòm xuống dưới nền nhà và mở nắp ra. Vợ ông bảo từ lúc cha sinh mẹ đẻ chưa bao giờ thấy miếng vải nào đẹp đến thế, bà ấy đã phải đi xa lắm mới kiếm về được. Ông mở nắp hòm ra, đập vào mắt ông là miếng vải trắng lóa, gói bên trong là mấy thứ đồ tang bằng vải gai. Ông mở từng nút buộc, rồi lấy từng thứ ra ngắm. Nào là miếng bọc đệm, bọc chăn, miếng bọc chân, bọc tay, tất cả đều được xếp theo thứ tự ngăn nắp.Bà đã bảo chôn cất tôi xong xuôi rồi mới đi cơ mà... Ông chớp chớp mắt nhìn chằm chằm vào cái túi sẽ đựng ngón tay và ngón chân của ông và vợ sau khi chết.

“Ông ơi!” Hai đứa bé gái chạy ào qua cổng phụ tới chỗ ông và cất tiếng gọi. Đó là những đứa trẻ nhà Tae-sop sống ở gần con mương. Chẳng mấy chốc hai đứa rời chỗ ông rồi ngó nghiêng quanh nhà. Có lẽ chúng đang tìm vợ ông. Tea-sop bố lũ trẻ mở tiệm đồ Tàu ở Teajon, chẳng hiểu có việc gì không ổn mà lại đem hai đứa trẻ về gửi nhà bà chúng nó. Bà ấy tuổi cao, sức yếu đến chăm sóc cho bản thân còn khó, vậy mà từ hồi gửi chúng nó về chưa thấy bố chúng xuống hỏi thăm lần nào. Vợ ông cứ mỗi lần trông thấy hai đứa trẻ là lại chép miệng lẩm bẩm, Cho dù thằng bố Tae-sop của chúng nó có như thế đi nữa, nhưng con mẹ chúng nó là kiểu người gì mà cũng làm như vậy chứ? Hàng xóm đồn là vợ của Tae-sop phải lòng gã bếp trưởng nên cả hai đã rủ nhau bỏ đi rồi. Vợ ông mới chính là người lo cho hai đứa trẻ ăn uống chứ không phải bà nội chúng. Có lần, vợ ông thấy lũ trẻ không được ăn cơm bèn dẫn về nhà cho ăn sáng, thế là sáng hôm sau, lũ trẻ lại vác khuôn mặt ngái ngủ với đôi mắt đầy nhử kéo sang nhà ông. Vợ ông lấy thêm hai cái thìa và cho bọn trẻ ngồi trước bàn ăn, từ đó cứ mỗi khi đến bữa là lũ trẻ lại tìm sang nhà ông. Những lúc đến mà chưa có gì ăn bọn trẻ thường nằm sấp trên nền nhà chơi với nhau, rồi khi cơm vừa được dọn lên thì chúng liền tranh nhau chạy tới ngồi trước bàn ăn. Chúng phồng mồm trợn má lên ăn trông đến là khổ, cứ như thể chúng sẽ không bao giờ được nhìn thấy thức ăn nữa. Ông nhìn chúng với vẻ ái ngại; nhưng vợ ông lại đến bên chỗ hai đứa trẻ mà bà coi như hai đứa cháu mà xuýt xoa, “Chắc chúng đói lắm nên mới ăn uống như vậy.” Vợ ông còn nói, “Bây giờ đâu phải như thời đói ăn ngày xưa... lũ trẻ tìm đến với chúng ta thì chúng ta cũng bớt cô đơn.”

Từ khi lũ trẻ bắt đầu sang nhà ông bà ăn cơm, dù là vào bữa sáng, vợ ông cũng sẽ làm thêm một đĩa cà tím và cá thu nướng. Khi con cháu trên Seoul về thăm mang theo hoa quả bánh kẹo, bà sẽ để dành cho đến khi lũ trẻ thò đầu sang nhà bà vào tầm bốn giờ chiều. Chẳng mấy chốc, không chỉ có ba bữa cơm mà lũ trẻ còn trông ngóng cả phần quà vặt nữa, và vợ ông cũng bắt đầu đảm nhiệm việc chăm sóc cho chúng. Đó là thời điểm vợ ông hay được người khác dắt về nhà. Ông không hiểu làm thế nào mà vợ mình có thể nuôi được lũ trẻ trong khi có lần cậu Pyong-sik, chủ cửa hàng tạp hóa ở ngoài thị trấn, phải đưa bà về vì cậu ta thấy bà cứ ngồi thần ra ở trạm xe buýt mà chẳng biết tuyến nào chạy qua nhà. Rồi có lần, vợ ông bảo đi lấy củ cải ở vườn nhưng lại ra tận mảnh ruộng bên kia con đê và ngồi lì ở đấy. Lần ấy, cô Ok-chol tình cờ đi qua phải dẫn vợ ông về nhà. Trong thời gian ông đi vắng, hai đứa bé này đã ăn uống thế nào không rõ? Những ngày ở Seoul ông đã không hề nghĩ đến lũ trẻ.

“Ông ơi, bà đâu rồi ạ?” Đứa lớn hỏi ông, mãi sau khi tìm kiếm hết quanh giếng, nhà kho, sân sau và thậm chí mở cả cửa các phòng ngủ, nó mới nghĩ ra là vợ ông không ở đây. Trong lúc đứa lớn hỏi, đứa bé đã xán lại gần để đợi câu trả lời của ông. Chính ông cũng đang muốn hỏi điều đó. Thực ra, vợ ông đang ở đâu? Bà ấy có còn sống nữa hay không đây? Ông bảo lũ trẻ đợi ông nấu cơm cho ăn, ông lấy gạo mang ra chậu vo rồi cho vào nồi cơm điện. Lũ trẻ chạy vòng quanh, mở hết cửa phòng này đến phòng kia, cứ như chúng sẽ tìm được vợ ông từ một phòng nào đó. Chưa bao giờ động tay động chân tới chuyện cơm nước, ông cứ đứng ngẩn người ra không biết phải đổ bao nhiêu nước cho vừa, rồi ông đổ thêm khoảng nửa cốc nước nữa rồi ấn nút.

Hôm đó, trên con tàu rời ga Seoul, phải mất mấy phút ông mới nhận ra mọi chuyện? Phải mất bao nhiêu thời gian sau khi đoàn tàu bắt đầu chuyển bánh ông mới nhận ra rằng vợ mình đã không kịp lên chuyến tàu đó? Ông cứ đinh ninh vợ mình đã lên tàu ngay sau mình. Khi đoàn tàu dừng lại ở ga Namyong rồi nhanh chóng chạy tiếp, ông đột nhiên cảm thấy hoảng sợ. Trước khi ông có thể kiểm tra được nguồn gốc của cảm giác ấy, một điều gì đó tựa hồ như nỗi tuyệt vọng vì đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng không thể sửa chữa giáng xuống tâm trí ông. Tiếng tim đập thình thịch tới mức ông có thể nghe rõ mồn một. Ông sợ không cả dám nhìn lại phía sau. Khoảnh khắc ông phải thừa nhận rằng ông đã bỏ rơi vợ ở nhà ga Seoul, rằng ông đã một mình bước lên tàu và đi qua một ga, khoảnh khắc ông quay lại và lỡ huých vào vai người khách ngồi cạnh, ông mới nhận ra cuộc đời mình đã tan vỡ không thể cứu vãn. Ông chẳng mất đến một một phút để nhận ra rằng cuộc đời ông đã rẽ ngoặt sang hướng khác bởi vì ông đã bước đi quá nhanh. Suốt năm mươi năm kể từ khi lấy vợ, ông luôn đi trước vợ từ ngày cưới, từ khi bà còn trẻ cho tới lúc bà đã già. Nếu ngay khi lên tàu điện ngầm ông cẩn thận quay lại kiểm tra xem vợ đã lên chưa thì mọi chuyện có ra cơ sự này không? Vợ ông đi chậm nên lúc nào vợ chồng đi cùng nhau bà cũng tuột lại phía sau. Mỗi lần như vậy bà lại vừa cằn nhằn sau lưng ông vừa mồ hôi mồ kê nhễ nhại cố bám theo, thế nên câu ca thán suốt nhiều năm qua của vợ ông là, “Tôi chỉ mong ông đi chậm lại một chút thôi, giá như ông đi cùng với tôi thì có phải tốt hơn không... Có việc gì mà ông vội vàng thế?” Nếu thấy ông miễn cưỡng dừng lại để chờ, thế nào vợ ông cũng mỉm cười xấu hổ và nói, “Tôi đi chậm quá phải không?”

Vợ ông sẽ bảo, “Tôi xin lỗi... nhưng ông cũng phải biết là nếu người khác trông thấy chúng ta thế này thì thể nào họ cũng sẽ nói này nói nọ cho mà xem. Nếu thấy hai người chúng ta tuy sống chung một nhà mà lại người đi trước kẻ đi sau, họ sẽ bảo chắc ông bà ấy ghét nhau lắm nên mới không thể đi cạnh nhau. Người ta trông thấy như thế thì có gì hay ho đâu, ông có công nhận không? Tôi không cần phải nắm tay ông hay gì hết, chỉ cần ông đi chậm lại một chút là được. Ông cứ đi nhanh như thế, nếu lạc mất tôi thì ông tính sao?”

Ông nghĩ chắc bà biết rồi có ngày chuyện thế này sẽ xảy ra nên đã báo trước cho ông. Trong suốt năm mươi năm qua kể từ lần đầu gặp nhau khi ông mới hai mươi tuổi, câu nói “Ông đi chậm một chút” là câu mà ông nghe nhiều nhất từ vợ mình. Sao ông không đi chậm lại khi mà suốt đời vợ ông luôn bảo ông đi chậm lại một chút cơ chứ? Ông có thể dừng lại đợi vợ mình, nhưng ông chưa bao giờ sải bước đi bên cạnh chuyện trò với bà như bà muốn, chưa bao giờ, dù chỉ một lần.

Loading...

Tiểu thuyết tình yêu là website chia sẻ những thể loại truyện hay nhất hiện nay, được nhiều người đọc yêu thích. Truyện được cập nhập hàng ngày. Hãy lưu địa chỉ web để truy cập nhanh hơn!

Chúc các bạn online vui vẻ !

Laptop Tùng Anh

Tour Phú Quốc

Vinhomes Cầu Rào 2

Trang Chủ