80s toys - Atari. I still have
Tiểu thuyết tình yêu

Tiểu Thuyết Tình Yêu

Đọc truyện tại Tiểu Thuyết Tình Yêu

Loading...

Tiểu thuyết - Ngoảnh lại hoá tro tàn - trang 5

Full | Lùi trang 4 | Tiếp trang 6

Chương 13 Bóng tối và ánh sáng

Phương Học Nông dạo một vòng, đoạn xách theo nửa bình rượu ngon chưa nỡ uống đến một quán cơm nhỏ trên đảo, đánh một bữa no nê bước ra, rồi nghênh ngang cái đầu phà khói thuốc lá. Lão chẳng đi đến đám tang nhà họ Đổng nào cả, mà cứ men theo bãi biển rìa hòn đảo đi về phía Đông.

Mé Tây đảo Qua Âm địa thế bằng phẳng, mật độ dân số dày hơn, các loại nhà ở và kiến trúc thương nghiệp cũng tập trung tại đây. Phía Đông bị bãi biển và mấy sườn dốc chiếm đa số diện tích, trước đây từng có một cảng nhỏ chuyên lưu chuyển hàng hóa, do bến tàu được xây dựng, nên khoảng mười năm nay cảng này nửa như đã hoang phế. Phương Đăng không thông thuộc địa thế nơi này bằng cha, lại thêm đường sá quanh co nhỏ hẹp và những bóng cây xanh rậm rạp khuất lấp, nó không dám theo quá sát.

Vào mùa đông trời tối sớm, nếu gặp thời tiết mưa nhỏ âm u, hòn đảo nhỏ rất nhanh bị cảnh chiều hôm xây xẩm bao trùm. Phương Đăng có lúc nghi ngờ mình đi lạc, phía trước chẳng thấy bóng dáng cha đâu nữa. Qua khỏi công trường xây dựng quán rượu mới, người đi lại thưa dần, đừng nói là dân đảo, ngay cả khách du lịch hiếu kì cũng hiếm khi dạo bước tới tận đây.

Trên triền dốc rải rác mấy tòa kiến trúc đổ nát, phần lớn là nhà gỗ dựng tạm của dân ngoại lai. Rất lâu về trước, khi hòn đảo được quy hoạch lại, các hộ gia đình này phải dọn đi nơi khác, nhưng các khu nhà không được dỡ bỏ, giờ đây chúng thấp thoáng ẩn hiện qua các lùm cây lưng chừng dốc như những bóng ma. A Chiếu từng nói, phía đông đảo có nhà xác của một bệnh viện cổ, lại có một trường tập bắn súng, mỗi khi chiến tranh nổ ra hoặc các sự kiện khác, trên đảo lỡ có người chết bất đắc kỳ tử, sẽ được chôn ngay cạnh trường bắn này. Chẳng biết A Chiếu nghe được từ đâu ra, trước đây Phương Đăng chỉ nửa tin nửa ngờ, thế nhưng… Cơn gió biển thấu buốt hòa lẫn trong trận mưa lạnh rả rích ngấm qua vầng trán nó, gặm nhấm từng ngóc ngách ấm áp sót lại trong cơ thể. Các lùm cây ven dốc vang lên những tiếng kêu gào thảm thiết. Tất cả làm Phương Đăng dần tin lời A Chiếu là thật. Nhưng nó không thể quay lại. Nơi đây không phải nơi người bình thường nên đến, nhưng lại nắm giữ bí mật mà nó muốn khai phá.

Phương Đăng men theo con đường nhỏ lát đá bị che lấp quá nửa bởi cỏ dại, tiến vào nơi sâu nhất của con dốc. Không bao lâu, trước mắt nó hiện ra một tòa nhà nhỏ ba tầng, cửa vào lẫn cửa sổ đều rách nát, dưới màu sắc tranh tối tranh sáng lúc này trông như một con quái thú có vô số cái miệng ngoác ra. Nơi vốn là cửa chính treo một tấm biển xiêu xiêu vẹo vẹo, nó nheo mắt nhìn kỹ, dường như là mấy chữ “Trạm y tế đảo Qua Âm” màu đen, xem ra đây chính là bệnh viện cổ mà A Chiếu nhắc đến. Trong khóm cỏ bên đường có một mẩu thuốc lá hút dở, Phương Đăng nhặt lên, chính là loại thuốc tự làm cha nó thường hút. Ít nhất thì nó không đi lạc. Đáng lẽ phải thở phào nhẹ nhõm, nhưng thực tế, tim nó đập càng nhanh hơn. Đúng lúc đó, có tiếng người loáng thoáng vọng lại.

Tiếng nói chuyện thấp thoáng lúc gần lúc xa theo cơn gió. Nó dừng lại lắng tai nghe kĩ một lúc lâu, dường như âm thanh phát ra từ phía sau trạm y tế. Nghe kĩ hơn một chút, láng máng như là tiếng vài người đàn ông đang thì thầm bàn chuyện, trong đó có một giọng nói nó thấy rất quen. Tiếc rằng không thể nào nghe rõ họ đang nói gì.

Phương Đăng không dám liều xông vào, cũng không muốn bỏ cuộc ở đây, đành cúi người nấp trong đám cỏ lúc rậm rạp ven đường. Tiếng xì xầm kéo dài thêm một lúc thì dừng, không bao lâu lại vang lên, lần này rõ ràng có người tỏ ra tức giận, cuộc nói chuyện trở thành trận tranh cãi nhưng kiềm chế ở một mức nhất định. Nó cuộn mình trong đám cỏ vừa ướt vừa lạnh, trời đã tối sụp, đèn đuốc mé tây đảo sáng trưng, cứ như một thế giới khác. Đỉnh dốc và bầu trời nặng trĩu dường như nối liền một dải, nó cảm giác cơ thể lẫn bùn lầy trong đám cỏ hoang bị đông cứng thành một khối.
Cuộc tranh cãi ngày một dữ dội, có người dận dữ đập vỡ thứ gì đó. Phương Đăng chưa kịp quyết định bản thân có nên lại gần thêm tí nữa để nghe cho rõ cuộc đối thoại hay không, thì những tiếng nói kia bỗng tiến lại gần, kèm theo bước chân nặng nề. Đám người lạ có vẻ như đang đi về phía nó.

Phương Đăng hoảng hồn, vội vàng chạy vào trong trạm y tế, núp mình tại một góc tường xa cửa sổ, ngay trước khi đám người kia lộ mặt. Nó không chắc đối phương có nghe thấy tiếng đọng phát ra khi nó tìm chỗ núp hay không, tim đập như muốn vọt ra khỏi lồng ngực, không dám thở mạnh, càng không dám cử động đôi chân tê rần bởi phải ngồi một tư thế quá lâu.

Tiếng bước chân càng lúc càng gần, đám người kia đã ra phía trước tòa nhà.

“… Tao đã bảo không thể tin lời thằng bỏ đi ấy được mà, cứ tưởng khoắng được một mẻ, ai dè làm ăn lỗ vốn kiểu này, đen con nhà bà đủi, hừ!” Có người khạc ra một bãi đờm ra đất.

Một giọng nói hơi khàn tiếp lời: “Biết thế chó nào được, lúc đầu nó ba hoa chích chòe ai chả sướng, nào thì là thằng ranh con này béo lắm… Bố mày cứ tưởng nó thật thà, nghĩ mà xem, thằng ranh sống ở…”

May ra đám người lạ mải cáu gắt, không để ý có người đang núp cách đó chỉ vài bước chân. Tiếng nói và bước chân của họ xa dần, có lẽ men theo con đường Phương Đăng đi lúc nãy để trở ra.

Từ những gì nghe được, Phương Đăng đoán hai người ban nãy đi qua là đàn ông trung niên, khẩu âm nghe rất lạ tai, chắc chắn là từ ngoài đảo tới. Người nó muốn tìm không có trong đó. Nó ngồi co quắp trong góc tối thêm chừng mười phút, khi chắc chắn hai người nọ đã đi xa, không có vẻ gì sẽ quay trở lại, mới dám cử động thử tay chân. Tay chân nó tê đến nỗi như không còn thuộc về cơ thể. Nó chầm chậm đứng lên.

Lúc này Phương Đăng mới cảm nhận thấy bên trong tòa kiến trúc hoang tàn này tối và lạnh hơn khóm cỏ hoang ngoài kia rất nhiều. Không khí ở đây dậy mùi ẩm mốc lâu năm. Bốn bề bỗng trở nên yên lặng như tờ, đến những tiếng rả rích của côn trùng cũng biến mất. Nó bị cảm giác sợ hãi tột độ bóp nghẹt. Dù thế, con bé không thể chờ đợi thêm, bởi trong một góc tối tăm cách đó không xa, có một thứ khiến nó đau đớn lấn át nỗi khiếp sợ.

Phía sau trạm y tế cũ hơn mười mét có một cái nhà gạch nho nhỏ, diện tích chỉ lớn hơn nhà xí ở bến tàu một chút, nhưng xây lên tận hai tầng. Nơi đây quay lưng vào núi, hai mặt cách nhau một con đường nhỏ, cỏ và cây dại mọc như rừng, chưa nói đến đêm, kể cả giữa thanh thiên bạch nhật có người đi qua, nếu không nhìn kỹ cũng khó phát hiện ra ở đây còn có một căn nhà.

Người đàn ông ngồi bất động trên chiếc ghế cũ ký phía cuối con đường, lưng dựa lên cánh cửa ra vào đóng chặt, vẻ sầu não ảm đạm. Lão vừa dốc nốt giọt rượu cuối cùng trong bình vào miệng. Rượu ngon, tiếc là không đủ khiến lão say. Lão cảm thấy đầu nặng trinh trịch, như thể có người đang chọc máy khoan vào đó. Mỗi mũi khoan giáng xuống, lại như một kẻ thì thầm khích bác “Mấy con đàn bà ấy chẳng coi mày ra gì”. Lão muốn hét thật to, nhưng cái im lặng kéo dài gần hai mươi năm đã khiến lão đánh mất đi cái bản năng phát tiết. Hận lắm, giận lắm, nhưng không thành hình thành tiếng được. Mối căm thù của lão rạp dưới đất, như con rắn ẩn mình giữa đồng cỏ.

Từ chỗ lão ngồi có thể quan sát rõ động tĩnh trước mặt, là vị trí canh gác lý tưởng. Đáng lẽ lão nên tập trung cao độ mới phải, đây suy cho cùng là chuyện lớn gan nhất mà cả đời lão từng làm. Nhưng có ai tới đâu nào? Tên cầm đầu chê cười lão, anh em thì coi lão như phân chó. Lão phải tự đào cái hố to mà rúc vào: có lẽ cả đời này lão vẫn luôn ở dưới đáy hố sâu, chưa bao giờ dám bò lên.

Đ ột nhiên, lão nghe thấy tiếng chân ai đó lướt trên thảm cỏ. Chúng nó đổi ý rồi ư? Không có đèn, lão bèn bật đèn pin lia qua lia lại hai lượt. Trong quầng sáng nhỏ hẹp, hiện ra một gương mặt mà lão có nằm mơ cũng không ngờ lại xuất hiện ở nơi này.

Dưới ánh đèn trắng ởn, gương mặt đó trông càng nhợt nhạt chẳng có chút huyết sắc. Kẻ lạ lấy tay che mặt vẻ kinh sợ, nhưng không chạy trốn.

“Mày! Sao mày lại đến đây?” Thình lình lão bật dậy, nhưng rượu vào, bước chân loạng choạng, cả thân người lão lắc lư, ánh sáng phát ra từ đèn pin tán ra loạn xạ.

Con bé dường như cũng đang gắng hết sức nhìn cho rõ. Nó bước từng bước lại gần, cuối cùng dừng lại ngay cuối con đường ngắn ngủn.

“Anh ấy còn sống không?” giọng nói của nó khô khốc, như thể bị treo bên bờ vực tuyệt vọng. Lạ quá, cái câu nói này sao mà giống ngày xưa. Ngày ấy, một người phụ nữ khác, cũng bằng giọng điệu kia, cũng sự tuyệt vọng kia, đã hỏi lão một câu y hệt. Lão lú lẫn mất rồi.

“Mày bảo ai? Tao đang hỏi mày đến đây làm gì?” Lão gầm giọng quát, chợt nhận ra giọng nói của mình đang run rẩy y như cột sáng đèn pin, “Mày theo dõi tao đấy à?”

Không nhận được câu trả lời mình cần, nó bắt đầu chầm chậm đi vào nhà.

“Bố nói trước đi, anh ấy còn sống không?” Nó hỏi lại lần nữa, cứ như xung quanh chẳng còn gì quan trọng, nó chỉ quan tâm duy nhất điều đó thôi.

Phương Học Nông điên tiết, “Nó là cái thá gì, đứa con hoang chết yểu ấy quan trọng đến thế? Biết thế ông đã đồng ý khử mẹ cho rồi. Nó chết, chuyện nào chuyện nấy đều gọn gàng sạch sẽ.”

Vẻ mặt Phương Đăng giãn ra như trút được gánh nặng. Ít nhất cậu còn sống, mọi chuyện còn có cơ xoay chuyển.

Nó hỏi cha: “Sao bố lại làm thế? Bố có biết bố đang làm gì không?”

“Mày đừng qua đây.” Phương Học Nông rảo hai bước quanh chiếu nghỉ, trông lão dữ tợn như một con thú cùng đường, “Biết vậy tao đã xọc một nhát cho xong, họ Phó rặt là tai họa. Chúng nó không xứng được sống sung sướng. Muốn giữ mạng thì nộp hết gia sản ra, tao sẽ lấy cái gì tao đáng được hưởng chứ.”

“Trước con tưởng bố chỉ là đồ hèn nhát, ai ngờ giờ bố lại điên cuồng thế này.”

“Mày đứng im, bước tới bước nữa tao đâm nó chết tươi.”

Phương Đăng đứng lại trên hai bậc cuối cùng của cầu thang, chỉ cách phạm vi ra tay của Phương Học Nông đúng một bước chân. Nó ngẩng lên nhìn cha, nói bằng giọng cầu xin.

“Bố, bố thả anh ấy ra đi. Nếu vẫn không tìm thấy cậu chủ, già Thôi thể nào cũng báo cảnh sát, đến lúc đó bố hối hận đã muộn.”

“Thằng già dám! Con rùa già sắp chết ấy mà dám báo cảnh sát, tao sẽ liều cái mạng này, nó cứ tha hồ mà chờ hốt xác chủ. Tao đã bảo không được cử động cơ mà!” Phương Học Nông cứng họng quát, nhưng rõ ràng bên trong lão đang run sợ. Hoặc có lẽ tiếng “bố” của Phương Đăng khiến lão rúng động. Lão trỏ về phía trước nói: “Mày về ngay, chuyện này không liên quan gì đến mày.”

“Sao lại không liên quan? Con xông vào, bố cứ giả vờ làm lơ đi để con cứu người ra ngoài, anh ấy sẽ nể tình mà đồng ý không làm to chuyện, như thế bố còn có đường thoát.”

“Tao cần nó mở đường cho tao thoát á? Bây giờ nó mới là người phải quỳ xuống xin tha! Nhóc con, nghe lời bố, đừng để bị nó hớp hồn, rồi lại giống cô mày thôi, cả lò nhà chugns nó chẳng tốt lành gì đâu….”

“Bố thì tốt lành chắc? Bố xem bố đang làm gì thế này, cô Chu Nhan mà biết chắc chắn sẽ hận bố đến chết thì thôi!” Phương Đăng rơm rớm nước mắt.

Cột sáng phát ra từ đèn pin hoa lên dữ dội: “Chúng mày thì biết cái gì? Tao làm thế này vì chúng mày cả đấy. Còn cái đời tao có hy vọng gì nữa đâu? Ừ tao nhu nhược, chúng mày khinh tao. Nhưng tao sống vì ai? Tao cố khoắng món này để dành mua quan tài chắc? Hồi con Nhan còn sống tao không để nó được đầy đủ thì đành thôi. Chuyến này trót lọt, mày sẽ có một món phòng thân, sẽ được sống đàng hoàng ra người ra ngợm, đỡ phải trách móc bố mẹ chưa làm gì được cho mày!”

Thứ lý lẽ hoang đường kia khiến Phương Đăng tức điên, nó vừa khóc vừa gào lên, “Con thèm vào thứ tiền này! Cô Chu Nhan đi rồi, xương cốt ra tro cả rồi. Bố còn bảo làm thế này vì cô à? Thế hồi cô còn sống bố làm gì thế? Trong kia đang nhốt ai bố biết không? Anh ấy là con của cô, là cháu ruột của bố đấy!”

“Tào lao, nó không phải!” Phương Học Nông mắt long lên, thở dốc: “Tao đã bảo bó là đồ con hoang, là đồ nghiệt chủng!”

“Bố có ghét bỏ, thì anh ta cũng là con của em gái bố. Mở cửa ra, thả anh ấy ra.”

Phương Học Nông há miệng ra lại ngậm vào, cuối cùng nghiến răng nói: “Đứa trẻ cô mày đẻ ra chết ngay lúc mới sinh rồi. Còn thằng ranh trong kia chẳng qua là đồ con hoang, bị vứt trước cửa cô nhi viện. Nếu không phải sợ cô mày lúc ấy không chịu nổi, tao còn lâu mới nhặt nó về! Đó là chuyện tao hối hận nhất. Nếu biết có con rồi thằng súc sinh Phó Duy Nhẫn vẫn đuổi con Nhan đi, thì tao đã để thằng nghiệt chủng kia chết cóng ngay đêm ấy, bây giờ chúng bây đỡ thành oan gia!”

Phương Đăng bị câu chuyện khủng khiếp kia làm cho sợ cứng người, lưng dựa vào cánh cửa bất động. Nhất thời nó quên mất phải tìm cách mở cửa ra.

“Bố điên thật rồi.” Nó không tin vào tai mình.

“Tao tỉnh hơn mấy con đàn bà chúng bây. Cô mày ngu, mày cũng ngu. Cứ tưởng trên người các anh công tử dát đầy vàng. Phó Duy Nhẫn còn có chút dòng dõi quý tộc, cái thứ trong kia thì chả liên quan. Chỉ là cục thịt bị vứt ở đầu đường xó chợ thôi! Tao đã hứa với cô mày suốt đời không bao giờ nhắc đến chuyện này nữa. Cho nên nó mới được ở nhà cao cửa rộng, cứ tưởng mình dòng dõi thế gia, khiến mày như con mất hồn. Nhưng bây giờ thì hết rồi, mấy vị thân thích hờ lắm tiền chắc đã tỏ tường gốc gác mờ ám của nó. Nếu không sao biết nó bị bắt cóc, mà chúng chẳng chịu xì ra một xu, mặc nó ở đây chết cũng được sống cũng được!”

“Bố nói dối, nói dối…” Cả người Phương Đăng mềm nhũn, giọng nói trở nên mảnh mai như sợi tơ. Chẳng nhẽ đây chính là lý do hai người đàn ông kia giữa chừng bỏ đi?

“Không tin à. Để tao nói cho mà nghe, con trai của cô mày năm đó do tao chính tay chôn dưới cây đa phía sau trường tập bắn. Trước khi chết con Nhan xin tao đem tro cốt mình rải ra đấy. Nhưng tao không nghe, nó ngu lắm, cái thằng họ Phó đã hủy hoại cả đời nó. Nó chết tao phải đem nó tránh khỏi lũ ấy càng xa càng tốt… Mày cũng tránh cho xa ra, nếu không kết cuộc sẽ giống cô mày thôi.”

“Con không cần biết, bố thả anh ấy ra!” Phương Đăng sực tỉnh, lao đến lần khắp người cha tìm chìa khóa, bị lão gạt phăng, lưng đập mạnh vào cửa.

“Chìa khóa đâu? … Bố tha cho người ta đi. Cho dù anh ấy không phải con ruột của cô, thì cũng là một con người đang sống sờ sờ ra đó. Anh ấy đã làm chuyện gì hại đến bố đâu.” Nó không bỏ cuộc, túm lấy tay Phương Học Nông không chịu buông.

“Thả thế nào được? Tao tưởng hốt được một món hời, ít nhiều xứng công ngày xưa tao bế nó vào cho cô mày, cho nó được ăn sung mặc sướng mười mấy năm liền. Ai ngờ cái thằng con hoang này chẳng đáng xu nào, để lại cho ông mày một mớ bòng bong. Đám người sống trong cái nhà quái quỷ ấy chẳng ra sao, nó chẳng máu mủ gì với chúng, mà lòng dạ thì tối tăm y hệt. Thả nó ra, tao cũng hết đường sống. Đã thế cá chết lưới rách, mày cũng thoát được dây oan”, Phương Học Nông nghiến răng kèn kẹt, muốn vùng ra.

“Không được, con nói rồi, bố phải cùng con cứu…”

“Cứ nó? Mày chẳng bảo tao nhu nhược còn gì. Cuộc đời tao đặt cược cả vào ván này. Tao chẳng cứu đứa nào hết, không có tiền thì thôi, cùng lắm ôm nhau chết chung! Bỏ tay ra! Không tao đánh chết mày bây giờ?” Phương Đăng cũng là đứa khỏe, lão Phương Học Nông phải hơi rượu, nhất thời không thoát ra nổi. Cái đèn pin rơi xuống đất, lão gào như điên: “Mày mà không cút đi là tao vào giết nó ngay đây!”

“Được thôi, muốn chết thì tất cả cùng chết chung!” Phương Đăng tuyệt vọng giơ bình rượu không ban nãy bị Phương Học Nông ném ra đất lên dứ dứ, “Con nhắc lại lần nữa, thả anh ấy ra!”

“Nó là cái gì của mày?” Chiếc đèn pin lăn lông lốc trên đất phản chiếu lên, khiến hai gương mặt méo mó như ma quỷ. Phương Học Nông thò tay ra nắm lấy tay con gái, chỉ thẳng vào mặt nó quát: “Còn tao là gì của mày, hả? Mày đê tiện từ trong trứng nước rồi, mày đánh đi! Ông mày không muốn sống nữa từ lâu rồi!”

“Mở cửa ra!” Phương Đăng không lùi lại được, nó thét lên, âm thanh chói tai đến độ chính nó cũng không nhận ra.

Phương Học Nông vằn mắt lên, lão tiến thêm một bước, hơi rượu nóng hừng hực từ miệng lão phả thẳng vào mặt Phương Đăng, “Mày dám? Mày làm đi, bây giờ mày không giết tao thì tao giết mày, cái loại mặt trơ trán….”

Phương Đăng giơ tay lên, cái bình rượu rỗng không vỡ vụn trên đầu lão ma men, chỉ nghe “xoảng” một tiếng nặng trĩu. Phương Học Nông ngây ra một lúc, đưa tay sờ lên đỉnh đầu, cứ như vẫn chưa thể tin được. Ngón tay lão chạm phải một thứ chất lỏng đặc sánh, dấp dính. Lão như phát điên, rống lên một tiếng, lao vào Phương Đăng. Nó dùng hết sức bình sinh đẩy lão ra. Lảo đảo rồi hụt chân, lão ngã ra cầu thang, may chưa lăn một mạch xuống tầng trệt. Lão nằm bệt ra bậc thềm lưng chừng cầu thang, lưng tựa vào tường thở hồng hộc ra từng hơi nặng nhọc, trong chốc lát không thể nhúc nhích được nữa.

Phương Đăng sững người, chai rượu vỡ một nửa đánh rơi xuống đất. Nó nhặt cây đèn pin lên, vừa bần thần vừa hoảng hốt định chạy đến xem vết thương cho cha, Phương Học Nông nhấc cánh tay mềm nhũn ngăn lại. Lão chửi rủa nó bằng những lời lẽ khó nghe nhất, định bò dậy nhưng không cách nào nhấc nổi người. Phương Đăng lục được chùm chìa khóa móc bên thắt lưng cha, nhân lúc lão nửa tỉnh nửa mê, bèn tháo lấy, lập cập tra từng chiếc vào ổ.

Tạ ơn trời đất, chùm chìa khóa của Phương Học Nông chỉ có vài cái, trừ ra hai chiếc dùng ở nhà thì chỉ còn mấy chiếc nữa. Tim Phương Đăng đập thình thịch như sấm nổi, nghe rõ một tiếng “cạch” vang lên, bèn vội vã vặn cửa bước vào, dùng đèn pin quét quanh phòng.

Đó là một căn phòng chật hẹp chưa đến mười lăm mét vuông, không rõ trước đây được dùng làm gì, lúc này bốn bề trống không. Ngoại trừ một bó rơm dưới đất, mấy hộp cơm vứt chỏng chơ, còn có một người bị trói vào ghế ngồi trong góc tường.

Vừa nhìn thấy Phó Kính Thù, nước mắt Phương Đăng chảy ra ròng ròng, nó không buồn lau, cứ thế dò dẫm lao đến trong làn nước mắt. Xé vội miếng băng dính trên miệng hắn, nó ngồi xuống loay hoay tháo tiếp sợi dây trói tay.

Đôi tay Phó Kính Thù bị trói gô ra sau bằng một cuộn dây thừng thô ráp, cổ tay bị cứa bê bết máu. Phương Đăng dùng hết sức bình sinh, nhưng sợi dây trói thắt nút chặt lạ thường, nó lại không mang theo vật gì sắc bén. Vừa nghiến răng cởi dây, nó vừa thi thoảng soi đèn ra cửa canh chừng. Cuối cùng sau một phút, sợi dây thừng đã lỏng ra. Đúng lúc đó, ánh sáng chiếc đèn pin rọi ra phía cửa bỗng nhiên bị vật gì che lấp. Phương Học Nông ôm đầu, loạng choạng bước vào.

Những tiếng lẩm bẩm từ miệng lão vang lên liên miên bất tuyệt, hết “Thằng nghiệt chủng” lại tới “con đĩ con”. Phương Đăng dốc hết sức kéo sợi dây một cái, Phó Kính Thù cũng thuận thế vùng ra, nửa thân trên coi như thoát khỏi bị trói. Phương Học Nông thấy thế, vội vã lao vào, trên tay khư khư chia rượu vỡ một nửa.

Hai chân Phó Kính Thù bị trói chặt vào chân ghế, cậu nghiêng mình tránh, cả người lẫn ghế đổ sập xuống đất. Phương Đăng tức thời từ đằng sau lao tới ôm eo, giữ chặt lấy cha mình.

“Bố, đừng thế nữa, người làm bố bị thương là con, bố tha người ta đi.”

Không biết Phương Học Nông lấy đâu ra sức lực lớn đến thế. Vết máu thấm đẫm nửa mặt lão đang dần quánh lại. Cổ họng lão toàn đờm, phát ra thứ âm thanh khàn đục, trong lúc hỗn loạn Phương Đăng chỉ nghe thấy: “… Nó một lòng một dạ yêu mày, cứ tưởng đứa con sẽ giữ được mày lại… Mày lại dám bảo nó vụng trộm… Đến chết nó vẫn hỏi tao, cuộc đời nó sao lại đến nông nỗi… Ai trả lời giúp tao xem…. Mày xuống dưới ấy phải làm trâu làm ngựa cho nó mới đáng tội…”

Trông lão có vẻ không phân biệt được người trước mặt rốt cuộc là ai nữa. Phương Đăng sức yếu, bị lão kéo lê về phía Phó Kính Thù.

“Bố tỉnh lại đi, đó không phải Phó Duy Nhẫn. Con đưa bố đi bệnh viện, bố tha cho anh ấy đi được không?”

Phương Học Nông như thể bị ma nhập, không mảy may phản ứng nào.

Phó Kính Thù nằm  trên đất, cong người gắng sức thoát khỏi sợi dây trói chân. Trước khi Phương Học Nông kịp giáng cái bình vỡ xuống, Phương Đăng lách tới chắn giữa hai người. định đẩy Phương Học Nông ra.

Phương Học Nông bỗng nhìn đăm đăm vào mặt nó.

“Chuyện gì làm được anh đều làm cho em cả, anh không lừa em đâu. Đứa bé chết đi, anh không muốn em đau lòng, mới tìm một đứa khác mang đến. Anh biết em muốn nó ở lại bên em và đứa nhỏ… Em bảo anh đưa em rời khỏi đảo Qua Âm, bảo anh không bao giờ nói ra đứa trẻ kia không phải máu mủ nhà họ Phó… Anh đều tận tâm tận lực làm vì em. Anh là đồ vô dụng, phế vật, anh chỉ làm được đến thế…. Em nghĩ cho người ta, có ai nghĩ cho em?”

“Em biết mà, em biết mà”, Phương Đăng không dám làm căng, hy vọng có thể cầm cự cho người phía sau thêm chút thời gian.

“Chu Nhan, giờ em còn coi thường anh không?”, Phương Học Nông thở mạnh, vẫn chỉ chú ý vào Phương Đăng.

Phó Kính Thù gần gỡ được dây trói dưới chân, gắng ngồi gượng dậy. Trước đó cậu đã bị trói trên ghế gần một ngày một đêm, chẳng được giọt nước nào vào miệng, cả người không thể cử động, giờ đây chân tay tê cứng như chân tay người khác. Phương Học Nông nghe động, liền đẩy Phương Đăng ra.

“Phó Thất, chạy mau.”

Phương Đăng định cản cha lại, liền bị Phương Học Nông nắm cổ gí lên tường, đưa cái chai vỡ sắc nhọn kề vào cổ.

“Mày không phải Chu Nhan! Con đĩ con ăn cây táo rào cây sung, tưởng ông không dám làm gì mày à.” Vẻ mặt Phương Học Nông dữ tợn, bàn tay cầm chai siết thật chặt.

Phó Kính Thù không thể bỏ mặc Phương Đăng mà chạy, quơ lấy cái ghế mục đập thẳng vào lưng Phương Học Nông, muốn lão phải dừng tay.

“Ông nói láo!” Phó Kính Thù thét lên, “Đồ bịp bợm, ăn nói lung tung!”

Dù vừa thoát thân, đứng còn chưa vững, nhưng sức lực Phó Kính Thù giáng xuống không hề nhỏ. Phương Học Nông rên lên một tiếng, tay vẫn không chịu buông. Phương Đăng thấy Phó Kính Thù giơ cái ghế lên lần nữa, liền thét lên van xin: “Ông ấy điên rồi! Anh mau đi đi, còn đồng bọn của ông ấy nữa!”

Phó Kính Thù do dự một lát, quăng cái ghế sang một bên, định tay không lôi Phương Học Nông ra. Phương Học Nông đánh chết cũng không chịu buông, Phương Đăng cảm thấy cổ đau nhói, trong lòng biết cái bình vỡ sắc như dao kia có thể cứa đứt cổ họng mình như chơi. Mũi nó xộc lên toàn mùi máu tanh, không rõ của cha hay của mình. Cái đầu trống rỗng của nó có một giây lóe lên suy nghĩ hoang đường rằng, người đàn ông này có lẽ là cha ruột của nó thật, nếu không sao mùi máu lại giống nhau đến thế.

Không rõ vì sao, vào khoảnh khắc máu trên cổ Phương Đăng nhỉ ra, lỗ miệng lởm chởm nhọn hoắt của mình rượu vỡ bỗng buông lỏng. Phương Đăng thừa cơ đẩy mạnh một cái, Phó Kính Thù phía trước đồng thời nắm lấy cánh tay Phương Học Nông lôi ra. Trong lúc hỗn loạn, Phương Học Nông té nhào ra đất, xác thịt ngồn ngộn va chạm với mặt đất sũng bùn, gây ra một tiếng “bịch” nặng nề. Không thấy lão động đậy gì nữa.

“Em có sao không?” Phó Kính Thù nhặt đèn pin soi vào vết thương trên cổ Phương Đăng.

Phương Đăng giữ rịt chỗ đau, máu ra không nhiều như nó tưởng, có lẽ không chạm tới động mạch.

“Chưa chết được đâu.” Nó thất thần đáp, gỡ tay Phó Kính Thù ra, không rõ kinh ngạc hay hoảng hốt, bước tới chỗ Phương Học Nông.

Phó Kính Thù kéo Phương Đăng ra, cảnh giác tự mình cúi xuống, chậm chạp kéo bả vai Phương Học Nông lật người lão lại. Phương Đăng bỗng bịt miệng thét lên một tiếng. Phó Kính Thù bất giác thở ra. Cái bình rượu vỡ đã cắm vào cổ Phương Học Nông tự lúc nào. MẶt đất lênh láng máu, Phương Học Nông co giật vài cái, rồi dần bất động.

Hai con người trẻ tuổi hoàn toàn bị cảnh tượng trước mắt làm cho kinh ngạc đến đờ người. Cả hai sững sờ đứng đó, quên cả chạy trốn, cũng không cất tiếng kêu cứu. Lúc này tất cả đều vô dụng. Những giọt nước mắt trên mặt Phương Đăng đã bị không khí lạnh lẽo thổi khô từ lâu. Nó cứ như quên hết mọi thứ xung quanh, chỉ cảm giác được duy nhất bàn tay lạnh lẽo của lão, bàn tay vẫn nắm chặt lấy nó. Như thể người này là chỗ dựa duy nhất cho người kia, như thể từ trước đến giờ hai người họ chỉ có đối phương mà thôi.

“Đi mau.” Phó Kính Thù sực tỉnh, nhận ra nơi này không thể ở lâu, chưa biết chừng đồng bọn của Phương Học Nông sắp sửa quay lại.

Phương Đăng bị lôi ra khỏi ngôi nhà nhỏ. Mọi chuyện vừa xảy ra cứ như cơn ác mộng. Hai đứa men theo con đường nhỏ vượt dốc, lại chạy như điên qua vịnh nước hoang vu. Đảo Qua Âm của đêm, tĩnh lặng và an lành, đang chờ chúng ở phía trước.

Khi Phương Đăng và Phó Kính Thù chạy đến ngọn đèn sáng đầu tiên gặp được bên đường, chúng phát hiện tối nay đảo Qua Âm chăng đèn kết hoa, con đường cái trung tâm đảo người người đi lại như mắc cửi. Đèn đuốc sáng trưng như ban ngày, nụ cười trên mặt mọi người và những lồng đèn đỏ treo trên các mái hiên vẽ ra một không khí náo nhiệt và hân hoan. Hai đứa quên bẵng đi, hôm nay là Tết, một năm mới đã bắt đầu.

Những hàng bán rong đêm đầu năm ném về phía hai đứa cái nhìn sửng sốt. Chúng không hẹn mà cùng ngoái đầu nhìn về nơi mình vừa liều mạng xông ra, mới phát hiện bóng tối ở cõi địa ngục trần gian đó so với khung cảnh náo nhiệt ấm áp tràn trề sức sống trước mắt không xa xôi như chúng tưởng. Phóng tầm mắt ra khỏi đám đèn đuốc nhỏ nhoi này, chúng thấy biển, biển đêm tối đen như mực vô bờ vô bến.

Chúng thoát rồi ư? Hay chỉ vừa đặt chân lên một con đường xa lạ dài đằng đẵng?

Chúng đã sống. Vậy thứ vĩnh viễn vùi chôn sau lưng kia là gì?

Chúng từ đâu đến, và sẽ đi về đâu?

Chương 14 Em chính là anh

Chiều, Phương Đăng ngồi trong phòng khách tầng hai của nhà họ Phó, ánh nắng từ ô cửa sổ chiếu vào, dát vàng chiếc bàn gỗ tếch ghép hoa. Những tia nắng đó chắc hẳn rất ấm áp. Ánh nắng mùa đông dễ khiến người ta trở nên uể oải, mặc dù nó ngồi ở nơi khuất ánh sáng.

Trên ghế sofa trừ nó, còn có Phó Kính Thù và một viên công an, lại thêm một người lạ ngồi ở ghế dựa phía đối diện. Gọi là người lạ cũng không hoàn toàn đích đáng, nếu nhớ không nhầm, Phương Đăng từng gặp người đàn ông này ở sân của cô nhi viện. Thật không ngờ đó lại là luật sư của nhà họ Phó.

Già Thôi chắp tay đứng phía sau Phó Kính Thù không xa, trên mặt vẫn chẳng có cảm xúc gì như mọi khi. Viên cảnh sát to béo vừa thẩm vấn Phó Kính Thù, vừa cắm cúi ghi ghi chép chép. Vị luật sư họ Lục thi thoảng xen vào một câu, già Thôi đứng phía sau liền gật gù ra chiều tán đồng.

Phương Đăng không nhớ rõ đây là lần thứ bao nhiêu nó bị công an triệu đến thẩm vấn. Từ khi xảy ra chuyện đến nay đã một tuần trôi qua. Vết thương trên cổ nó đã đóng vảy, sợi dây thừng bị cởi bỏ khỏi tay Phó Thất từ lâu, nhưng vết tích xấu xí ở đó vẫn còn y nguyên.

“… Cậu cởi được dây trói, rồi nhặt bình rượu không lên, đập vào đầu ông ta, ông ta giằng lại chai rượu…”

Mấy câu nói của ông cảnh sát béo mập khoan thẳng vào tai Phương Đăng, lúc này đầu óc đang để đâu đâu. Nó nhìn Phó Thất một cái, cậu bèn hướng về viên cảnh sát khẽ gật đầu, thần thái như bình thường.

Hôm đó sau khi hai đứa chạy được về nơi an toàn, già Thôi mau chóng dẫn cảnh sát tới. Tiếp theo ấy chúng phải tới đồn công an, bệnh viện, nhà xác… Hàng loạt người khác nhau xuất hiện bên cạnh, hỏi hết câu này tới câu kia. Nó không thể nhớ kỹ từng diễn biến cụ thể trong cả quá trình, cứ như bản thân đang lơ lửng giữa từng không nhìn xuống, thấy chính mình ‘diễn xuất’ như cái máy dưới sự chỉ đạo của người khác, trong một bộ phim cổ xưa nào đó.

Trước khi những người kia xuất hiện, Phó Thất đã dặn dò nó rất rõ ràng. Cậu ta bảo, trước mặt cảnh sát hay bất cứ ai, đều phải khai người đánh Phương Học Nông là cậu, nó chỉ vì muốn cứu người mà đến nơi đó, chính vì vậy đã bị Phương Học Nông làm bị thương. Phương Học Nông nổi dã tâm giết người, trong lúc cả ba giằng co, lão bị ngã, vô tình ngã đúng vào cái bình vỡ sắc nhọn khiến cổ họng bị chọc thủng, rồi táng mạng.

“Cho dù họ không muốn bỏ số tiền lớn chuộc tôi về, nhưng có luật sư đại diện ở đây, họ sẽ không để nhà họ Phó có người dính líu vào một vụ án mờ ám. Chuyện này sẽ trở nên đơn giản hơn nhiều.” Khi nói những lời này, Phó Thất tỏ ra bình tĩnh như thường, nhưng sắc mặt xanh xám lạ kỳ. Vừa thoát thân, mà trông Phó Kính Thù chẳng có chút nào là vui mừng. chỉ có nỗi tuyệt vọng ở đó, như thể trái tim cậu đã hóa tàn tro. “Dĩ nhiên, với điều kiện họ còn cho tôi là người họ Phó.”

Theo lời phía cảnh sát, nơi Phó Kính Thù bị giam giữ là nhà xác của trạm y tế cũ. Phương Học Nông là chủ mưu, lão còn có hai tên đồng bọn, đều là công nhân từ nơi khác đến. Ngày thứ hai sau khi Phương Đăng và Phó Kính Thù chạy thoát, hai tên này đã bị bắt, chúng mau chóng khai nhận mọi việc. Hai gã quen biết Phương Học Nông trên bàn rượu, nghe nói nhà họ Phó có tiền, ở hải ngoại vẫn còn người thân là cự phú, chúng liền nhập bọn với Phương Học Nông, nung nấu ý định kiếm chác. Nhân lúc già Thôi ra ngoài, cả ba lẻn vào nhà uy hiếp Phó Kính Thù, bắt bỏ vào bao tải, lấy lý do vận chuyển vật liệu, dùng xe của công trường đưa Phó Kính Thù đến nhốt ở nhà xác. Sau đó chúng tìm cách liên lạc với già Thôi và nhà họ Phó đòi tiền chuộc giá cao. Chẳng ngờ nhà họ Phó cự tuyệt, ba tên xảy ra chia rẽ, Phương Học Nông đề nghị diệt khẩu, hai tên kia thấy sợ nên giữa đường rút lui, chuyện xảy ra sau đó chúng không hề hay biết.

Phương Học Nông chết ngay taijc hỗ, nên hai người kia có nói gì, cũng không còn ai đứng ra đối chất. Phương Đăng không hề đưa ra câu hỏi chất vấn, nhưng trong lòng nó biết hai người kia chắc chắn nói dối. Nó rất hiểu người cha cùng chung sống mười sáu năm trời của mình. Lão là thứ cặn bã, chẳng được nết gì, sẽ không thể có đủ can đảm và quyết tâm để làm việc này, càng không có khả năng vạch ra một kế hoạch bắt cóc. Phương Học Nông hận nhà họ Phó không phải chuyện một sớm một chiều, nếu có gan lão đã ra tay từ lâu, việc gì phải chờ đến hôm nay. Nếu nói xô xát cãi cọ giữa hai cha con lúc Phương Đăng sang Phó gia viện chăm Phó Thất đã làm kích động lão, vậy tại sao ngay lúc ấy lão không giở chứng? Nếu nói không có ai xúi giục, đứng đằng sau tính toán đường đi nước bước cho lão, có đánh chết Phương Đăng cũng không tin. Sau khi đòi tiền chuộc không thành, rốt cuộc ai muốn diệt khẩu, ai ngăn cản ai ra tay diệt khẩu, người thì đã chết, không có kẻ đối chứng, kẻ còn sống nói gì ta đành tin vậy. Hai tên đồng bọn kia chỉ thừa nhận nhất thời nông nổi nghe theo lời xúi giục của Phương Học Nông tham gia vào vụ bắt cóc, những chuyện còn lại chúng chối bay chối biến, cũng không khai báo về đồng bọn nào khác. Giả sử tên chủ mưu thật sự tồn tại như suy đoán của Phương Đăng, vậy thì tên này ắt hẳn thông minh hơn đám Phương Học Nông rất nhiều. Có như vậy, sau khi mọi chuyện bại lộ, hắn vẫn có thể ung dung phủi sạch mọi điều liên lụy.

Về sau Phương Đăng giả vờ vô tình hỏi già Thôi mấy ngày nay có gặp Thôi Mẫn Hành trên đảo không, già Thôi nói Thôi Mẫn Hành không hề tới thăm lão lần nào. Cậu nhóc A Chiếu ngay lúc đó liền buột miệng, hôm trước Tết Tây một ngày, nó có trông thấy chú thôi ở gần nhà họ Phó, chú Thôi còn cho nó mấy cái kẹo để ăn.

A Chiếu trước nay rất có thiện với Thôi Mẫn Hành bèn lục túi ra một cái kẹo đưa cho Phương Đăng xem. Phương Đăng tin lời nó, cũng tin già Thôi không nói dối, chính con bé cũng trông thấy Thôi Mẫn Hành lảng vảng trên đảo một lần. Hắn rời nhà họ Phó chẳng mấy vẻ vang, nếu lên đảo không phải để đi thăm ông chú tuổi cao của mình, thế thì vì cái gì? Ai đã mua thuốc ngon rượu ngon cho Phương Học Nông? Ai có thể nắm rõ tình hình nhà họ Phó lẫn thói quen sinh hoạt của Phó Kính Thù như lòng bàn tay? Cảnh sát nói cửa lớn Lầu Đông không ề có dấu vết đập phá, kẻ cả đời căm ghét nhưng chưa đặt chân vào nhà họ Phó bao giờ lấy đâu ra chìa khó?

Phương Đăng nói qua những nghi ngờ của mình với Phó Kính Thù, nghe xong, cậu im lặng hồi lâu mới nói: Lúc bị bắt cóc, cậu đang ở tầng hai tưới cây, mọi chuyện xảy ra quá nhanh, khi nghe thấy tiếng động, thì lũ khách không mời đã lên trên tầng. Bọn chúng có  ít nhất ba người, cậu không cách nào trốn thoát được, chỉ kịp đẩy chậu hoa chuối tây xuống đất. Phó Thất đích thực không tận mắt nhìn thấy Thôi Mẫn Hành, cũng không nghe thấy giọng hắn. Suy nghĩ của Phương Đăng không phải không có lý, nhưng không có chứng cứ không có cơ sở cũng vô ích. Thôi Mẫn Hành không phải người ngốc nghếch, nếu trong chuyện này hắn thực sự nhúng vào, chiếu theo tình hình hiện tại, hắn sẽ có sự cảnh giác nhất định.

Luật sư nhà họ Phó quả nhiên mau chóng xuất hiện, y như Phó Kính Thù dự liệu. Nghe già Thôi nói, trưa ngày thứ hai kể từ khi Phó Kính Thù mất tích, già nhận được một lá thư nặc danh di ai đó nhét vào cửa nhà. Kẻ viết thư tuyên bố Phó Kính Thù đang ở trong tay bọn chúng, yêu cầu già Thôi và người nhà họ Phó trong vòng một ngày phải gom đủ năm mươi vạn đồng tiền chuộc, nếu đến thời gian đã định mà không có tiền, thì cứ chờ mà nhặt xác Phó Kính Thù.

Già Thôi ruột nóng như lửa đốt, nhưng không dám tự tiện quyết định, vội vàng đánh điện sang Malaysia. Bà Trịnh không có nhà, chỉ có quản gia nhấc máy. Đợi thêm hai tiếng, phía Malaysia mới điện lại truyền đạt ý của bà Trịnh, đó là phải lập tức báo cảnh sát, không được dung túng cho tội phạm.

Già Thôi không ngờ người ta lại trả lời tuyệt tình đến thế, không mảy may chừa lại nửa phần cơ hội thương lượng. Phó Thất dẫu sao cũng do già một tay nuôi nấng, không thể để cậu xảy ra chuyện, vì thế già không dám tùy tiện báo cảnh sát. Nhưng năm mươi vạn đồng đối với già mà nói thực sự không phải là khoản tiền có thể gom đủ trong chốc lát. Vào lúc tuyệt vọng, già sực nhớ ra trước đó không lâu từng gặp luật sư Lục Ninh Hải, mong vào giây phút đơn độc không ai giúp đỡ này người đó có thể giúp được mình.

Lục Ninh Hải nhận được điện thoại lập tức lên đảo, ông nói ấn tường của mình với Phó Kính Thù vô cùng tốt đẹp, rất mong có thể giúp đỡ, có điều về khoản tiền thừa kế, ông thật sự không có cách nào giúp già Thôi rút sớm được, tỏ ý rất tiếc. đối với thái độ nhà họ Phó trong chuyện này, ông không tiện bình luận, chỉ khuyên già Thôi rằng, chuyện đã tới nước này, báo cảnh sát có lẽ là cách duy nhất.

Dưới sự động viên của Lục Ninh Hải, già Thôi liền đến sở cảnh sát báo án. Trở về nhà chưa được bao lâu, đã thấy bọn bắt cóc gọi điện tới, hỏi già Thôi bao giờ giao tiền. Già Thôi khổ sở nói, mình thực sự không kiếm đâu đủ năm mươi vạn. Kẻ ở đầu dây bên kia nổi giận đùng đùng, vẻ như không tin vào tai mình, nói đúng là bọn nhà giàu, chưa thấy quan tài chưa nhỏ lệ, nhà họ Phó cơ nghiệp lớn như thế, có một tí tiền làm gì mà “không kiếm đâu đủ”, đã như vậy, đừng trách bọn chúng làm thịt Phó Kính Thù. Già Thôi nước mắt ngắn nước mắt dài cầu xin, bên kia chẳng biết làm thế nào, nèm dập máy.

Lục Ninh Hải khuyên già Thôi không vội hoảng hốt, cuộc điện thoại này của bọn bắt cóc chưa biết chừng lại là manh mối tốt cho cảnh sát điều tra. Hai người vừa báo cho viên cảnh sát phụ trách vụ việc về cuộc điện thoại, thì được báo lại, rằng Phó Kính Thù và Phương Đăng mình đầy thương tích không biết từ đâu đã trở về.

Đây là tất cả những gì Phó Kính Thù được nghe từ già Thôi. Khi nhắc đến thái độ của phía Malaysia với cuộc bắt cóc, già Thôi đã rất khéo léo, nhưng dù cho có nói giảm nói tránh đến đâu, đều không thể xóa bỏ sự thật rằng, những người bà con ở bờ bên kia đại dương không mấy quan tâm đến an nguy của Phó Kính Thù. Đối với điều này, Phó Kính Thù có vẻ bình thản. cậu đã nghe nói từ lâu, rằng bà Trịnh thời trẻ làm việc dứt khoát mạnh mẽ, tinh minh quyết đoán không thua đấng mày râu, cho nên sự việc lần này cũng thể hiện tác phong thường thấy của bà, nâng lên được thì đặt xuống được, không bao giờ dây dưa lằng nhằng. Đã tuyên bố sau khi trao quyền thừa kế khoản tiền kia cho Phó Kính Thù, hai bên sẽ không còn liên hệ gì về mặt kinh tế, vậy thì việc gì bà phải giao ra năm mươi vạn?

Khi tới bệnh viện, Lục Ninh Hải cũng an ủi Phó Kính Thù, nói trong hoàn cảnh lúc đó, thỏa hiệp với bọn bắt cóc chưa chắc đã an toàn, báo cảnh sát mới là cách tốt nhất, có lẽ bà Trịnh cũng cảm thấy như vậy. Phó Kính Thù nghe xong chỉ lặng lẽ gật đầu. Trước mặt Phương Đăng cậu mới cười khổ mà cười: “Đừng nói tôi không phải họ Phó, kể cả họ Phó thì đã sao. Cái thân phận ấy không đáng nổi năm mươi vạn đồng bạc.”

Phương Đăng không biết nên nói gì, một người sáng suốt như Phó Kính Thù, mấy câu an ủi phù phiếm chẳng giúp ích mảy may. Có điều nghĩ thông suốt là một chuyện, cảm thấy thoải mái hay không lại là chuyện khác. Cậu đã quen thu mình, vậy mà nói ra câu ấy, ánh mắt vẫn ngập vẻ quạnh hiu.

Điều duy nhất đáng vui mừng là, Phương Học Nông không hề kể cho ai khác ngoài Phó Kính Thù và Phương Đăng về “bí mật” kia. Ít nhất thì hai tên tòng phạm trong quá trình thẩm vấn, chỉ than thở về tính kẹt xỉ của nhà họ Phó, chứ không thấy nhắc điều gì liên quan đến thân thế Phó Kính Thù. Ngày Phó Kính Thù ra viện, con gái bà Trịnh, cũng tức là “cô” của Phó Kính Thù thay mặt nhà họ Phó ở Malaysia gọi điện hỏi thăm, khuyên cậu ta không nên nghĩ nhiều, yên tâm nghỉ ngơi, những thủ tục pháp lý có thể giao phó cả cho luật sư Lục giải quyết.

Lục Ninh Hải là một luật sư giỏi, rất đáng để phó thác công việc. Dưới sự tác động của ông, trận xô xát giữa Phó Kính Thù, Phương Đăng và Phương Học Nông trước khi chạy thoát mau chóng được quy kết là hành vi tự vệ hợp pháp, cái chết của Phương Học Nông là kết quả bất ngờ của quá trình tự vệ, không phải do hai đứa trẻ gây nên. Những lập luận và lời khai Lục Ninh Hải đưa ra vô cùng kín kẽ, phía cảnh sát trừ việc không hài lòng với hành vi liều lĩnh theo dõi tội phạm của Phương Đăng, thì không còn ý kiến về bất cứ vấn đề nào. Hôm nay là lần thẩm vấn cuối cùng theo thủ tục, sau lần này sẽ tiến hành kết án. Kẻ xấu hoặc sa lưới hoặc đi đời nhà ma, người tốt rút lui an toàn, mọi việc xong xuôi, cả làng vui vẻ.

Chiều cùng ngày kết án, thi thể Phương Học Nông được đem ra khỏi đảo hỏa thiêu, Phương Đăng phải đi lĩnh tro cốt về. Phó Kính Thù đưa Phương Đăng đem chôn tro cốt cha ở nghĩa địa trên đảo. Giúp người khác nhặt xác, cả đời Phương Học Nông làm nhiều nhất là lo việc ma chay cho người ta, ai mà ngờ chuyện hậu sự của chính lão lại sơ sài giản đơn đến vậy.

Mười sáu năm trời Phương Đăng không ngừng hỏi bản thân, tại sao trên đời lại có một người cha tệ hại đến vậy. Khi lão còn sống, nó thường rủa cho lão chết, cũng từng nghĩ rằng nếu một ngày lão chết thật, nó không những chẳng mảy may buồn thương, mà còn mừng vui vì được giải thoát. Nhưng khi cầm cái bình tro cốt trên tay, nó lại không cầm nổi khóc một trận thật to. Cái bình trông giản tiện quá đỗi. Dẫu gì, đó cũng là người nuôi nó lớn khôn, có khi còn là người sinh ra nó. Dù lão có xấu xa vô sỉ hơn, thì cả hai cũng đã cùng chung sống biết bao năm. Có những thứ phải tới tận khi mình bước vào đường cùng, người ta mới nhận ra, dù mình có căm ghét nó hơn chăng nữa, vẫn không cách nào dứt bỏ. Bởi thế, nó mới không thể giương mắt nhìn lão chỉ vì lòng tham nhất thời mà không thể quay đầu lại, cứ mong khuyên được lão bỏ cuộc. Phương Học Nông có tham lam ngu dại, cũng không quên để dành một món nhỏ làm tiền phòng thân cho con gái. Vào giây phút cuối cùng lão do dự không xuống tay, là vì nhớ đến em gái Chu Nhan, hay vì không quên Phương Đăng là cốt nhục của mình? Hận nhau, phản bội nhau, liều mạng làm đau nhau, mà dứt không được bận lòng mong manh. Chỉ đáng tiếc chính là sợi tơ lòng tưởng dứt được ấy lại đưa cha con họ về hai nẻo.

Mai táng xong xuôi, Phương Đăng và Phó Kính Thù nhân lúc trời tối trời tìm đến cây đa ở trường tập bắn. Chúng dùng dụng cụ đã chuẩn bị sẵn đào men theo rễ cây xuống sâu dần. Phó Kính Thù vẫn còn ấp ủ một tia hy vọng. Đào được một lúc, cái cuốc nhỏ bỗng đụng phải vật gì đó, hai đứa dùng tay bới lớp bùn phủ quanh ra, một bộ xương trẻ con lồ lộ ra giữa lớp đất vàng. Phó Kính Thù dường như bị rút cạn sức lực, ngã quỳ xuống bên gốc đa. Lòng Phương Đăng dở dang trăm mối, cũng chầm chậm quỳ xuống, ôm chặt lấy đầu Phó Thất.

“Phương Đăng, em thấy buồn cười không, cha em nửa đời nói xằng nói bậy, chỉ duy nhất có chuyện này ông không nói dối.” Giọng nói Phó Kính Thù vang lên từ sau gáy Phương Đăng, không rõ đang cười hay đang khóc, “Lúc bị gọi là thằng con hoang, tôi luôn tự nhủ, mình họ “Phó”. Cha tôi mất rồi, người ta không nhận tôi cũng được, tôi vẫn là tôi. Nhưng giờ đến cái “tôi” ấy cũng chẳng còn. Bộ xương vùi ở đây mới là Phó Kính Thù. Còn tôi là ai?”

Con chim đương đậu trên cây đa nghe động, hót lên mấy tiếng thảng thốt rồi sải cánh bay đi. Đến con chim còn tìm được chốn đậu, mà người dưới gốc cây thì sao? Nhỡ bí mật này truyền ra, cậu ta biết lánh thân nơi nào? Phương Đăng cúi xuống, dùng tay vôc từng nắm bùn phủ lên bộ xương cốt trẻ con, cứ như vùi sâu bí mật kia từng chút một.

Phó Kính Thù ngồi thẳng dậy, ngẩn ngơ nhìn từng động tác của Phương Đăng.

Cậu hỏi cậu là ai. Kỳ thực nó chẳng quan tâm lắm. Trong lòng nó, cậu chỉ là Tiểu Thất, họ gì cũng được, không cùng huyết thống cũng được, thế nào cũng được.

“Bố tôi đã ra tro rồi, chẳng ai biết dưới gốc cây này chôn cái gì nữa. Tin tôi đi, anh mãi mãi là Phó Kính Thù.” Nó nói với kẻ ngốc đang quỳ ở bên.

“Tôi là Phó Kính Thù ư?” cậu khe khẽ thốt lên.

Ánh trăng trắng bệch, dát lên mặt người một màn sương mỏng. Phương Đăng rất muốn đưa tay đánh tan làn sương đang nhuộm trắng gương mặt Phó Thất.

Nó không kiềm được thầm nghĩ, nếu cậu không là Phó Kính Thù, vậy hau đứa là gì của nhau? Không không không, chỉ cần cậu ấy vui, thì là ai cũng được.

“Anh có tin tôi không, Tiểu Thất? Tôi sẽ là người duy nhất sống trên đời biết bí mật này. Anh có tin tôi sẽ giữ chặt bí mât này tới tận ngày chết không?”

Phó Kính Thù cúi đầu, học theo nó chậm rãi vốc đất lấp xuống.

“Phương Đăng, nếu là lời thật lòng, tôi cho rằng đừng tin bất cứ ai, trừ bản thân mình.” Cậu nện nện mặt đất cho bằng phẳng như cũ, quay sang cười với nó, “Nhưng em cũng chính là tôi.”

Sau khi Phương Học Nông chết, người của tổ dân phố đến thăm Phương Đăng một lần. Nó chưa đủ mười tám tuổi, theo quy định vì cha mẹ đều mất, không có bà con họ hàng để nương nhờ, nó có thể vào cô nhi viện Thánh Ân sống một thời gian cho đến khi trưởng thành.

Phó Kính Thù từng ngỏ ý muốn nó dọn vào Phó gia viện, già Thôi cũng ngầm đồng ý, nhưng Phương Đăng không làm như vậy.

Chuyện trôi qua không lâu, nó nghe Phó Chí Thời rêu rao nó là “Con gái kẻ bắt cóc”, mọi người say sưa bàn tán về vụ án động trời, không tránh được chỉ chỉ trỏ trỏ sau lưng nó.

Phương Đăng tự trào nghĩ bụng, từ “con gái lão nát rượu” sang “con gái kẻ bắt cóc”, có nên coi là được “thăng chức” không đây? Có điều dù là danh hiệu trước hay sau, trước mặt người khác, nó có lẽ nên tránh xa Phó Thất một chút. Chẳng ai thích thú khi thấy nạn nhân vụ bắt cóc và con gái kẻ bắt cóc chơi với nhau, lại còn thân thiết như người nhà.

Ly kì hơn, vị luật sư đại diện kia sau khi xử lý xong vụ án đã đến tìm Phương Đăng. Ông nói mình luôn muốn nhận nuôi một đứa con gái, nếu như Phương Đăng bằng lòng, ông có thể làm cha nuôi, cho nó một gia đình mới.

Vẻ mặt Phương Đăng lúc đó chẳng khác nào đang nghe truyện Nghìn lẻ một đêm. Trước khi Phó Thất gặp chuyện, nó và cái người họ Lục này chẳng hề có liên hệ, sao ông ta lại muốn nhận nuôi nó? Cho dù ông thèm con gái đến phát điên đi nữa, cũng phải hiểu nó đã mười sáu tuổi, chẳng mấy chốc sẽ trưởng thành, đã không còn ở lứa tuổi phù hợp để nhận nuôi nữa.

Phương Đăng tựa người vào lan can bến tàu, nghe tiếng còi rời bến, không tiện nói thẳng thừng nghi ngờ của mình với vị luật sư trước mặt.

Nó cảm thấy, Lục Ninh Hải không phải là một người tùy tiện. Quyết định này đối với ông mà nói là một quyết định vô cùng khó khăn. Ông nói thêm: “Có lẽ cháu rất giống vợ chú, người vợ trước đã mất của chú. Khi gặp tai nạn cô ấy đang có bầu, chú nghĩ, nếu đứa con gái ấy còn, lớn lên trông sẽ giống cháu bây giờ.”

Phương Đăng ngả đầu cười ngất, “Vậy chú muốn cháu làm con gái hay làm vợ chú?”

Câu hỏi này khiến vị luật sư lúng túng vô cùng. Lần gặp mặt trước ở sân của cô nhi viện, dù chỉ thoáng qua, nhưng ông vẫn nhớ mãi dáng vẻ ngất ngưởng khi cưỡi trên bờ tường cùng nụ cười lấp lánh của con bé. Nụ cười ấy dường như đã lay động một tình cảm sâu sắc trong ông. Về sau khi phát hiện con bé dính líu đến vụ án bắt có Phó Kính Thù, ông bèn tận tâm tận lực giúp hai đứa xử lý mọi việc đâu vào đó. Khi biết cha con bé đã chết, nó trở thành đứa cô nhi không nơi nương tựa, cái ý nghĩ nhận nuôi con bé bỗng chốc trở nên thôi thúc mà cũng rất kiên quyết trong ông.

Lục Ninh Hải cảm giác, Phương Đăng lẫn Phó Kính Thù đều giống nhau, tuy tuổi nhỏ, mà cứ như người đã sống mấy trăm năm.

“Cháu không muốn đi với chú à? Chú có đứa con tuổi cũng xấp xỉ cháu, hai đứa nhất định chơi với nhau rất vui.”

Phương Đăng vén lại mái tóc bị gió thổi tung, lắc đầu đáp: “Cháu không muốn rời hòn đảo này.”

Vị luật sư hơi thất vọng, không biết làm thế nào đành lặng lẽ gật đầu.

Chuyến tàu tiếp theo đã tới, Phương Đăng tưởng vậy là xong, ai ngờ Lục Ninh Hải lại hỏi thêm một câu.

“Là vì trên đảo này có người cháu không nỡ rời xa? Là cậu thiếu niên ở Phó gia viện… Hai đứa có vẻ thân thiết.”

Phương Đăng sững người, đang định phủ nhận, lại nghe vị luật sư tiếp: “Chú hiểu cháu. Nếu tính ra, cậu ấy là em họ cháu, Hai đứa đều là cô nhi, có một người thân ở bên, dù sao vẫn cảm thấy chút an ủi.”

Phương Đăng chỉ cười cười, không nói gì nữa. Vị luật sư đi rồi, nó vẫy tay tiễn biệt. Nó đã tiễn người muốn cho mình một gia đình ra đi.

Nửa năm sau, ông luật sư họ Lục lại xuất hiện trước mặt Phương Đăng.

Lúc này Phương Đăng đã vào sống trong cô nhi viện. Căn gác xép thuê của lão Đỗ đến kỳ nộp tiền, nhưng nó không còn đồng nào để trả nữa. Dù Phó Thất có nói, cậu có cơm ăn thì nó không lo bị đói, nhưng vào cô nhi viện, nó sẽ nhận được trợ cấp của chính phủ. A Chiếu là người cảm thấy vui nhất trong chuyện này, cu cậu đã cao lên rất nhiều, tính cách cũng không còn yếu đuối như xưa, có Phương Đăng, cô nhi viện với nó bỗng giống một mái nhà hơn.

Từ gác xép đến cô nhi viện, kỳ thực chỉ là khoảng cách mười mấy mét, đáng tiếc căn phòng của Phương Đăng ở cô nhi viện không có cửa sổ mở ra phía ngõ, nếu không nó vẫn có thể ngắm Phó Thất đặt chậu hoa chuối tây mới lên bậu cửa.

“Bây giờ cháu có thể suy nghĩ tiếp về việc đi cùng chú. Thủ tục nhận nuôi chú sẽ làm rất nhanh thôi.” Lục Ninh Hải nói với Phương Đăng như vậy.

Đúng là một người cố chấp, Phương Đăng thầm nghĩ.

Thấy cô bé lắc đầu lần nữa, Lục Ninh Hải nói: “Cháu không chịu rời đảo là vì Phó Kính Thù, vậy nếu chú tiết lộ rằng, cậu ta có thể sắp rời đi thì sao?”

Chương 15 Anh nên đi

Lần này Lục Ninh Hải lên đảo, mang theo tin tử của Phó Duy Tín. Mỗi chuyến viếng thăm của ông dường như đều có mối liên hệ lạ lùng với những con chết.

Thực ra, trong vòng vài giây đầu nghe thấy cái tên “Phó Duy Tín”, Phó Kính Thù thậm chí còn chưa nghĩ ra người này là ai. Mặt Lục Ninh Hải bắt đầu xị ra, Phó Kính Thù chợt à lên, Phó Duy Tín là con trai ruột của bà Trịnh, người em cùng cha khác mẹ của ông Phó Duy Nhẫn. Như vậy xét về vai vế, cậu phải gọi người ta một tiếng “chú”.

Tiếc là ông chú này cậu còn chưa được thấy mặt đã phải nghe tin tử.

Thời trẻ bà Trịnh hiếm muộn, không có con vẫn luôn là nỗi đau âm ỉ trong lòng bà cho đến khi trung tuổi, may mắn sinh được một cặp song sinh trai gái, bà coi đây là đặc ân lớn nhất mà ông trời ban tặng. Hai đứa con của bà nhỏ hơn Phó Duy Nhẫn mười tuổi, đều là con ông Phó Truyền Thanh, nhưng môi trường lớn lên của ba đứa trẻ hoàn toàn khác nhau, đặc biệt là cậu trai trong cặp song sinh, được bà Trịnh coi như cục vàng cục bạc, từ nhỏ ẵm bế trong tay, chỉ hận không mang tất cả mọi thứ tốt nhất trên đời dành hết cho con.

Nghe nói người con trai Phó Duy Tín này không khiến bà Trịnh thất vọng, sinh ra đã như viên ngọc báu, lớn lên trông càng đẹp trai phong độ, dáng người cao lớn, thông minh lanh lợi, so với Phó Duy Nhẫn mặt mũi trắng bệch lúc nào cũng âu sầu mà nói, người anh em Phó Duy Tín ngược lại khỏe khoắn lanh lợi như mặt trời. Khi còn sống, ông Phó Truyền Thanh luôn áy náy về đứa con riêng Phó Duy Nhẫn, nhưng người ông thương yêu hơn dĩ nhiên là cậu con trai lớn lên bên mình, tính cách nhiều phần giống mình. Điều này khiến bà Trịnh rất vui mừng, càng giải tỏa được phần nào mối hận với đứa con riêng của chồng.
Lúc lâm chung ông Phó Truyền Thanh hy vọng vợ đón Phó Duy Nhẫn về Malaysia, đồng thời, sau khi cả ông lẫn bà Trịnh khuất núi, tất cả sản nghiệp của nhà họ Phó đều giao cho Phó Duy Tín tiếp quản, đây là điều hai vợ chồng đã ngầm ước định.

Phó Duy Tín sinh tại Malaysia, mười mấy tuổi đã sang Châu Âu du học, tính cách lẫn sở thích đều tương đối Tây hóa. Ông không mấy bận tâm đến việc kế thừa gia nghiệp tổ tông. Cha mất, thì trong nhà lại có một bà mẹ sáng suốt mạnh mẽ đứng lên, ông có thể ung dung tự tại làm điều mình thích. Cuộc sống của ông xoay quanh việc hưởng thụ: là gái đẹp, là tất cả những thứ kích thích thần kinh con người ta nhất. Bà Trịnh cũng thường kín đáo phê bình cuộc sống chơi bời hưởng thụ của con trai, bà mong con kiềm bớt bản tính hoang tàn, chịu khó tiếp xúc với công việc của gia tộc, tránh sau này khi tiếp quản chân tay lại lóng ngóng. Phó Duy Tín lại cảm thấy, ông anh cùng cha khác mẹ Phó Duy Nhẫn và người chị sinh đôi Phó Duy Mẫn phù hợp với những việc đó hơn.

Phó Duy Tín tâm tính tự do phóng túng như con ngựa bất kham, nhưng lại khá nặng tình nặng nghĩa, yêu thương quấn quýt người chị song sinh đã đành, mà đến ông anh Phó Duy Nhẫn lúc nào cũng u ám không vui chẳng được mẹ yêu quý, ông cũng đối xử không tệ. Khi Phó Duy Nhẫn lâm bệnh, ông từng tới thăm viếng nhiều lần, còn mấy phen khuyên mẹ nên đối tốt với con trai của anh mình đang sống trong nước. Việc này thực sự đã chạm vào một nỗi đau khác của bà Trịnh. Phó Duy Nhẫn èo uột đáng chán, nhưng vẫn có đứa con nối dõi, Phó Duy Tín thì tuổi không còn trẻ, lại chẳng hề có ý định lấy vợ sinh con, một người đàn bà truyền thống như bà Trịnh không khỏi sốt ruột bất an. Mặc dù con gái đã lấy chồng sinh được con trai, nhưng chỉ có con của Phó Duy Tín mới là cháu nội của bà, là người kế thừa danh chính ngôn thuận của Phòng Ba nhà họ Phó.

Thật không may, điều bà Trịnh lo sợ nhất đã trở thành sự thật. Hai tháng trước, Phó Duy Tín cùng bạn bè chơi thuyền buồm tại Nam Mỹ gặp phải tai nạn, khi vớt được lên đã không còn cứu kịp nữa. Lúc đó ông vừa tròn ba mươi sáu tuổi, bạn gái hàng tá, nhưng không có lấy một đứa con.

Cái chết của Phó Duy Tín là một đòn chí mạng với bà Trịnh lúc này tuổi đã xế chiều. Nỗi đau thương khôn xiết khiến bà ngã bệnh không thể gượng dậy, căn bệnh tim chuyển biến xấu. Con gái con rể và nhà ngoại đều sợ bà không qua khỏi, người đại diện Phòng Nhì bay tới Kuala Lumpur thăm hỏi, luật sư cùng đội ngũ cán bộ cấp cao thuộc các xí nghiệp vây quanh đầu giường, mọi người nháo nhác chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Không ngờ cuối cùng bà Trịnh lại qua cơn nguy kịch, cách đây không lâu bà đã có thể xuống giường hoạt động nhẹ. Cùng lúc đó, luật sư đại diện trong nước, tức ông Lục Ninh Hải, theo chỉ thị của bà Trịnh lại lần nữa tìm đến nhà tổ trên đảo Qua Âm.

Nghe Lục Ninh Hải truyền đạt xong, Phó Kính Thù bỗng chốc lặng thinh, chiếc kéo đang tỉa tót chậu cây cảnh trong tay cậu không ngừng phát ra tiếng ken két. Lục Ninh Hải đang đợi một câu trả lời, ông cảm thấy, câu trả lời này rất rõ ràng.

“Một cái họ có quan trọng đến thế không?” Phó Kính Thù ngẩng đầu nhìn vị luật sư hỏi.

Lục Ninh Hải nhìn thẳng vào mắt người thiếu niên đứng kế bên, phát hiện ra bản thân mình hoàn toàn không đọc ra tâm tư của cậu ta. Nói chuyện với người thông minh là một việc vừa nhàn hạ vừa mệt mỏi. Nhàn ở chỗ bớt được rất nhiều những lối nói quanh co hay mâu thuẫn vô vị phiền phức, mệt ở chỗ khi đã xé cái vẻ khách sáo ra rồi, những điểm trọng yếu trở nên lồ lộ khiến người ta khó tránh khỏi lúng túng.

Lục Ninh Hải nói: “Quan trọng với ai mới được.”

Ít nhất giờ đây hai người họ đều hiểu, họ “Phó” và huyết thống chính tông nhà họ Phó đối với bà Trịnh quan trọng hơn cả. Khi Phó Duy Tín còn sống, bà chẳng coi Phó Duy Nhẫn ra gì, càng có thể vờ như không biết đến sự tồn tại của đứa trẻ đang sống lay lắt ở nhà tổ. Bởi vì con ruột bà còn trẻ, sau này chắc chắn sẽ sinh cho bà một đàn cháu. Ngày “rửa tay gác kiếm”, bà sẽ mang cơ nghiệp bao năm khổ sở duy trì giao vào tay con cháu mình, tổ nghiệp sẽ đời đời truyền qua tay những hậu nhân của đứa con ruột do chính bà và chồng mình sinh ra.

Vậy nhưng cái chết của Phó Duy Tín đã phá hỏng tất cả. Người đàn bà tuổi xế chiều ấy bước tới lằn ranh sống chết lại quay đầu trở về, chấp nhận sự thật rằng con trai đã vĩnh viễn ra đi, đồng thời, bà còn phải đối mặt với tình huống Phòng Ba không có người nối dõi. Phó Duy Tín không để lại đứa con nào, con gái con rể của bà Trịnh bỗng chốc nóng lòng nóng ruột. Nhưng con gái dù thân, cháu ngoại dù sao vẫn là người nhà người ta. Bà chết đi, Phòng Ba nhà họ Phó coi như chẳng còn tồn tại, tất cả mọi thứ đều chuyển sang tên con rể. Tâm huyết và vinh quang cả đời hai vợ chồng dốc sức làm ra trong thoáng chốc biến thành tro bụi.

Dĩ nhiên, bà Trịnh vẫn còn sự lựa chọn khác. Nhà ngoại có danh vọng nhưng đã tàn lụi có người sôi sục dã tâm, Phòng Nhì ở đài loan cũng đang rục rịch ngóc dậy, tỏ ý mời bà Trịnh chọn trong vô số các cháu bên đó ra một người làm con nuôi Phó Duy Tín, dù sao cũng vẫn là người nhà họ Phó.

Mỗi lúc một mình, bà Trịnh cảm thấy trong lòng vô cùng đau xót. Bà cả đời háo thắng, duy nhất có hai việc buồn phiền, thứ nhất là người chồng bà nhất mực yêu thương lại có con với người hầu, một chuyện khác là hậu nhân quá ít ỏi. Nếu bà có thêm một đứa con trai, nếu Phó Duy Tín vẫn còn sống, nếu nó chỉ cần để lại một giọt máu thôi, thì bà đâu phải đến bước đường này.

Bà Trịnh tuổi tác đã cao, đặc biệt trận ốm nặng vừa qua khiến bà ngộ ra rằng, con người có mạnh mẽ đến mấy rồi cũng có ngày lực bất tòng tâm, bà buộc phải tính toán mọi chuyện sau khi mình ra đi. Bà nhớ khi bà hôn mê, dường như bản thân đã đi tới vùng ranh giới mịt mùng của sự sống và cái chết, ở đó bà gặp lại người chồng Phó Truyền Thanh tạ thế đã lâu. Vẻ nói vẻ cười, dáng điệu bên ngoài của ông vẫn y như thời còn trẻ. Người đàn ông trẻ tuổi ấy đã khiến cô tiểu thư họ Trịnh chẳng hề do dự phó thác cả đời mình, từ ấy gắn bó nương tựa lẫn nhau, bà lao tâm khổ tứ bỏ bao tâm huyết giúp ông duy trì nền móng Phòng Ba nhà họ Phó.

Sau khi tỉnh lại, kỳ thực trong lòng bà đã có câu trả lời. Bà sẽ cho con gái con rể phần mà chúng xứng đáng được nhận, để chúng không phải lo lắng gì về cuộc sống sau này. Người nhà ngoại mấy chục năm nay cũng đã nhận từ chỗ bà không ít. “Ý tốt” của  Phòng Nhì bà xin nhận nhưng không thể đồng ý, bởi người anh Phòng Nhì của chồng bà vốn là con nuôi, vẻn vẹn có cái danh họ Phó mà thôi. Chỉ duy nhất đứa con trai ở nhà tổ kia, dù bà chẳng hề muốn thấy mặt cha con nó, dù hận đó là vết nhơ trong cuộc hôn nhân thắm thiết giữa mình và chồng, nhưng đến nước này bà buộc phải thừa nhận, nó mới là huyết thống chính tông Phòng Ba nhà họ Phó, cũng là giọt máu duy nhất mà người chồng thân yêu của bà để lại trên đời.

Chuyện bà Trịnh đã quyết tuyệt không phải chuyện đùa. Lúc đứa trẻ đó vẫn chưa thành niên, cha mẹ đều mất, được đón về bên này nó thể nào cũng cảm kích rơi nước mắt. Chỉ cần bà ân cần chỉ bảo hằng ngày, chắc chắn nó sẽ trở thành một hạt giống tốt. Huống hồ bà nghe Lục Ninh Hải nhắc qua, rằng đứa bé này tính cách khác hẳn cha mình, thông minh trầm tĩnh, biết cách tiến lùi, đây chính là điều mà bà và nhà họ Phó hiện tại đang cần. Không biết chừng trong cõi u minh, trời xanh đã sớm an bài mọi chuyện.

“Bà Trịnh bảo tôi chuyển lời với cậu, mấy năm nay bà luôn rất quan tâm tình hình trưởng thành của cậu. Những kinh nghiệm sống thu được ở đây, hãy coi là một trải nghiệm của bản thân mình.” Lục Ninh Hải nói với Phó Kính Thù.

“Vâng?” bàn tay đang mải miết cắt tỉa của Phó Kính Thù dừng lại giây lát. Lục Ninh Hải cười khổ, nói mấy câu dối lòng với một đứa trẻ sớm lĩnh ngộ vốn là một hành vi rất buồn cười, nhưng vì chức trách của mình, ông không thể không làm.

“Cám ơn ông, luật sư Lục.”

“Đừng khách sáo.” Lục Ninh Hải trầm ngâm giây lát, mới quay sang nói với cậu thanh niên đang tỏ ra chăm chú và bận rộn kia rằng, “Tôi hiểu… vì việc này quan trọng, tôi sẽ đợi đến khi cậu ra quyết định.”

Phó Kính Thù im lặng không đáp, một cành hoa mọc cao vồng lên đứt lìa khỏi cây kéo của cậu. Thật đáng tiếc, ai bảo lá trên cành ấy sum suê quá làm chi.

“Đừng giày vò hoa của anh nữa.”

Phó Kính Thù quay đầu lại, thấy Phương Đăng đang ngồi trên bờ tường nhìn cậu mà cười. Lục Ninh Hải đã rời khỏi được một lúc.

“Xem ra em không bao giờ bỏ được sở thích leo tường.” Phó Kính Thù nói.

Phương Đăng đung đưa đôi chân, giọng điệu thản nhiên, “Thì đã sao, sau này chẳng biết có còn được leo hay không.”

Nó nhảy xuống, bước vài bước đến dàn hoa, giành lấy cái kéo trong tay Phó Kính Thù, khua tay múa chân một hồi, mới tỏ vẻ dửng dưng nói: “Anh nên đi đi.”
“Em muốn tôi đi à?” Phó Kính Thù dĩ nhiên không tin đây là lời thật lòng của Phương Đăng. Hai đứa đều không thể quên, chính tại khu vườn nhỏ này, cậu đã thề không rời khỏi, hồ ly đá và cơn gió ngày ấy có thể làm chứng.

“Bây giờ đã khác xưa rồi.” Phương Đăng cười hi hi đáp, “Ngày trước anh không đi được, bây giờ có bà lão nóng lòng đợi anh đến… Hơn nữa, anh không đi, tôi cũng sẽ đi.”

“Cái gì ?”

“Ông luật sư họ Lục muốn nhận tôi làm con nuôi, đón về thành phố sống cùng. Phó Thất, anh bảo bọn mình có phải trúng số độc đắc cùng lúc không ?”

“Lục Ninh Hải ?” Phó Kính Thù khẽ cau mày, những gì Phương Đăng vừa nói khiến cậu thực sự bất ngờ.

Phương Đăng huých huých khuỷu tay vào người Phó Thất, “Sao thế, không tin à ? Tôi đi một chuyến sao mà không được ? ‘con gái của luật sư’, nghe hay hơn hẳn ‘Con gái của lão nát rượu’ hay ‘Con gái của kẻ bắt cóc’.”

Phó Kính Thù tỏ ý hoài nghi : “Em đồng ý rồi à ?”

“Sao lại không nhỉ ?” Phương Đăng đáp, “Làm người phải biết vươn lên chứ ?”

Nó bắt chước điệu bộ quen thuộc của cậu ta, nghiêng đầu cười. Phó Kính Thù bỗng cảm thấy buồn bã.

“Em không phải không biết là…”

“Tôi biết !” Phương Đăng mau mắn trả lời, “Chính vì biết nên tôi mới nói anh nên đi.”

Những lo lắng của Phó Kính Thù chỉ Phương Đăng là rõ nhất. Nỗi oán giận biết bao năm bị lãng quên hoàn toàn, vết xe đổ của cha còn đó, thân thế không mấy rõ ràng… đều là nguyên nhân khiến cậu ta do dự.

“Anh cam chịu cả đời thế này ư ? Bị vứt ở nơi hoang tàn này, phó thác sống chết cho trời, bị cả nhà Phó Chí Thời coi thường, nó bảo chúng ta là chuột cùng một tổ. Anh biết chuột cống thế nào không ? Chẳng bao giờ được thấy ánh mặt trời, bị người người ghét bỏ, phải ăn rác rưởi người ta vứt ra, nghe thấy động là chạy trối chết. Phó Thất, chúng ta phải thay đổi chứ ? Lần này anh đi, sẽ là cơ hội tốt nhất thay đổi vận mệnh, vận mệnh cả hai chúng ta.”

“Thật ư ?” Phó Kính Thù nhắm mắt lại. Những gì Phương Đăng nói chẳng lẽ cậu không hiểu, nhưng phía trước có quá nhiều thứ không thể đoán định, tại sao ngay vào lúc đã chấp nhận số mệnh an bài, cơ hội lại đột ngột đến khiến cậu trở tay không kịp như thế ?

“Anh sống tốt, tôi mới sống tốt.” Phương Đăng vỗ về chậu hoa hải đường Thùy Ti, giờ đây bị tỉa chẳng ra hình thù gì. Nó ngắt xuống một chiếc lá héo khô, “anh từng nói, một chậu cây sinh trưởng không tốt, là do nó có bệnh, có cắt tỉa thế nào cũng vô dựng, căn bệnh vốn dĩ bắt nguồn từ bên trong.”

Tối đến, A Chiếu sốt sình sịch kéo Phương Đăng ra một góc.

“Chị, em nghe nói Thất Ca sắp đi cái chỗ gì gì… tóm lại là đi nước ngoài phải không ?”

“Thông tin của thằng em nhanh nhạy đấy.” Phương Đăng thủng thẳng ăn  tiếp bữa tối.

“Sao lại thế được !” Trông A Chiếu như sắp khóc đến nơi, “Chị khuyên anh ý đừng đi có được không.”

Phương Đăng liếc A Chiếu một cái. Nó đã cao hơn, hai sợi nước mũi không còn lòng thòng trước mặt, nhưng cái vẻ ngây thơ vô tội vẫn nguyên văn. Mới mười ba tuổi, nó cứ cho là mình lớn lắm, bây giờ đánh nhau còn ác liệt hơn Phương Đăng. Người tuy có gầy, nhưng gan lì cóc tía, hễ mà đánh ai, không đánh đến khi người ta bò lăn bò toài ra chịu thua thì không thôi. Hiện nay mấy đứa cầm đầu cô nhi viện hoặc các khu vực lân cận đều phải nể sợ nó. Phương Đăng chẳng rõ bài học ngày xưa mình dạy thằng bé rốt cuộc là đúng hay sai. Bé chuồn chuồn ngày nào giờ đây không còn bị ai bắt nạt, cả ngày cứ nghĩ cách bảo vệ Phương Đăng. Đứa trẻ này khắc cốt ghi tâm một điều, trogn thế giới của nó, có nó, có chị, có Thất ca. Đó  như cái chạc sắt ba chân không thể đánh đổ, cả ba đều có mặt, nó mới có gia đình.

Phương Đăng sợ A Chiếu rồ lên đến ngăn Phó Kính Thù, bỗng dưng sẽ trở thành bịch bông cho Phó Thất trút giận, liền nói thẳng : “Đi thì đi, chị cho người ta đi.”

“Sao lại thế ?” A Chiếu chẳng hiểu ra sao.

“Sao sao cái gì ?” Phương Đăng giả vờ ngây ngô.

“Chị, chị ngốc lắm. Chị và Thất ca bây giờ như thế, anh ý đi có khi không quay về nữa thì sao ?”

A Chiếu nói xong, thấy Phương Đăng vẫn lặng thinh và cơm, liền giật giật ve áo bà chị, Phương Đăng ẩy ra, ngoảnh mặt đi ra chỗ khác.

Con bé tìm đến một góc không có ai, và từng miếng cơm thật to vào miệng. Cứ như thế, sẽ ngăn được nỗi buồn ập đến trong từng hơi thở. Đến A Chiếu còn hiểu, người kia mà đi, chẳng biết bao giờ mới quay trở lại. Ở trên đảo, cậu ta là Tiểu Thất của nó, nó vẫn có thể ôm bí mật của mình, thi thoảng để cho bản thân được hy vọng hão huyền một tí. Một khi rời đi, cậu sẽ là Phó Kính Thù, đường đường chính chính là người nhà họ Phó. Nó sẽ chỉ còn là kẻ thân thích chẳng mấy sáng giá sau lưng cậu, là cô chị họ đê hèn, và giữa chúng từ đây… chẳng thể nào được nữa.

Full | Lùi trang 4 | Tiếp trang 6

Loading...

Tiểu thuyết tình yêu là website chia sẻ những thể loại truyện hay nhất hiện nay, được nhiều người đọc yêu thích. Truyện được cập nhập hàng ngày. Hãy lưu địa chỉ web để truy cập nhanh hơn!

Chúc các bạn online vui vẻ !

Laptop Tùng Anh

Tour Phú Quốc

Vinhomes Cầu Rào 2

Trang Chủ