Tiểu thuyết tình yêu

Tiểu Thuyết Tình Yêu

Đọc truyện tại Tiểu Thuyết Tình Yêu

Loading...

Tiểu thuyết - Những đứa con của tự do - trang 3

11

Kỳ nghỉ cuối tuần đã cáo chung cho tháng Bảy. Sáng thứ Hai hôm ấy là mồng 2 tháng Tám năm 1943. Ngày hôm sau Marcel sẽ được báo thù, chiều hôm nay Lespinasse sẽ bị diệt khi y ra khỏi nhà, vào ba giờ rưỡi như thường lệ, vì đó là lệ thường duy nhất của y.

Buổi sáng thức dậy, Catherine như có một linh cảm kỳ lạ, cô lo lắng cho những người sẽ thực hiện hành động. Có lẽ một chi tiết đã bị cô bỏ qua. Trong chiếc xe hơi đậu bên lề đường có cảnh sát mai phục mà cô đã không nhìn thấy chăng? Cô duyệt lại không ngừng trong óc tuần lễ giám sát của m Đã bao nhiêu lần cô sải bước dọc con phố trung lưu nơi viên biện lý sống, một trăm lần, có lẽ nhiều hơn chăng? Cả Marianne cũng không nhìn thấy gì hết, vậy tại sao lại có nỗi lo âu đột ngột này? Để xua đuổi những ý nghĩ không hay, cô quyết định phóng đến tòa án. Cô tự nhủ ở đó mình sẽ nghe được những tiếng vang đầu tiên của hành động.

Kim chỉ ba giờ kém mười lăm trên chiếc đồng hồ lớn đang tích tắc trên mặt tiền tòa án. Bốn mươi lăm phút nữa, các bạn sẽ nổ súng. Để khỏi bị phát hiện, cô lững thững trong hành lang lớn, xem các thông cáo niêm yết trên tường. Nhưng cố đến mấy, cô vẫn cứ đọc lại một dòng chữ ấy, không sao nhớ nổi lấy một từ. Một người đàn ông tiến đến, bước chân vang trên nền nhà, ông ta mỉm cười, nụ cười kỳ cục. Hai người khác đến gặp ông ta và chào ông ta. Một người nói:

- Thưa ngài phó chưởng lý, xin cho phép tôi được giới thiệu ngài với một người bạn của tôi.

Tò mò băn khoăn, Catherine ngoảnh lại và theo dõi cảnh tượng. Người đàn ông chìa tay cho người đang mỉm cười, người thứ ba tiếp tục giới thiệu.

- Thưa ngài biện lý Lespinasse, đây là ông Dupuis, bạn thân của tôi.

Mặt Catherine sững lại, người đàn ông có nụ cười kỳ lạ chẳng hề là cái người mà cô đã rình rập suốt tuần. Tuy nhiên, chính Jan đã báo cho cô biết địa chỉ, và tên y có trên tấm biển đồng gắn ở cổng vườn nhà y. Đầu Catherine ong ong, tim cô đập gấp gáp trong lồng ngực và dần dần, mọi việc sáng tỏ. Gãống trong ngôi nhà trung lưu ở ngoại thành Toulouse là một kẻ trùng tên trùng họ! Cùng họ, tệ hơn nữa, cùng tên! Làm sao Jan có thể đủ ngớ ngẩn để nghĩ rằng địa chỉ một viên phó chưởng lý quan trọng đến thế lại ở trong cuốn danh bạ được? Và trong khi Catherine nghĩ ngợi, đồng hồ trên tường hành lang lớn tiếp tục hành trình không mệt mỏi của nó. Bây giờ là ba giờ, ba mươi phút nữa các bạn sẽ giết một người vô tội, một gã tội nghiệp chỉ có sai lầm duy nhất là mang tên một kẻ khác. Cô phải bình tĩnh, tỉnh táo lại. Trước hết, cần đi khỏi đây mà không để ai tấhy nỗi bối rối đang làm cô chìm ngợp. Sau đó, ra được ngoài phố rồi, thì chạy, ăn cắp một chiếc xe đạp nếu cần, nhưng bằng bất kỳ giá nào phải đến kịp, để tránh điều xấu nhất. Còn hai mươi chín phút, tuy nhiên với điều kiện là người mà cô đã muốn phải chết và giờ đây cô đang muốn cứu sống không thực hiện thời gian biểu của y sớm hơn... chỉ một lần.

Catherine chạy, đằng trước cô một chiếc xe đạp được một người đàn ông dựa vào tường, thời gian để ông ta mua tờ báo ở quán sách; thời gian thì cô chẳng có, chẳng có để ước lượng rủi may, càng chẳng có để mà do dự, thây kệ, cô cưỡi lên xe và đạp hết sức lực. Sau lưng cô, không ai kêu "Kẻ trộm", chắc người kia chưa nhận ra xe của mình bị cuỗm. Cô vượt một đèn đỏ, khăn quàng của cô đang tuột ra thì một chiếc xe hơi đột ngột xuất hiện, một tiếng còi rú lên. Sườn trái phía trước xe sượt qua đùi Catherine, tay nắm cửa xe quào vào hông cô, cô loạng choạng nhưng giữ lại được thăng bằng. Chẳng có thời gian để dau, chỉ được tí thời gian gọi là để nhăn mặt một cái, chẳng có thời gian để sợ, phải đạp nhanh hơn. Chân cô tăng tốc, các nan hoa bánh xe biến đi trong ánh sáng, nhịp điệu khủng khiếp như địa ngục. Ở lối đi dành cho khách bộ hành, người qua đường chửi bới cô, chẳng có thời gian xin lỗi, thậm chí chẳng có thời gian để hãm phanh ở ngã baChướng ngại vật mới, một chuyến tàu điện, vượt lên trước nó, chú ý đến đường tàu, nếu bánh xe lọt vào đấy là chắc chắn ngã và với tốc độ như thế thì lần này chẳng có cơ may nào ngóc dậy được. Những mặt tiền lướt qua, những lề đường chỉ còn là một vạch dài màu xám. Phổi cô sắp nổ tung, ngực cô đau đến chết, nhưng nỗi bỏng rát nơi cô không thấm vào đâu với cái bỏng rát mà kẻ tội nghiệp kia sẽ cảm thấy, khi nhận năm viên đạn vào lồng ngực. Mấy giờ rồi? Ba giờ mười lăm? Hai mươi? Cô nhận ra con đường dốc in hình xa xa. Trong tuần ngày nào cô cũng đi con đường ấy để đến thực hiện việc điều tra.

Và bảo là cô giận Jan, nhưng làm sao cô lại đủ ngớ ngẩn để nghĩ rằng viên biện lý Lespinasse lại ít đề phòng đến như cái người mà cô theo dõi? Ngày nào cô cũng chế nhạo y, lẩm bẩm trong những giờ chờ đợi đằng đẵng là con mồi quả thực quá dễ dàng. Sự ngu dốt mà cô chế nhạo, chính là sự ngu dốt của cô. Thật logic khi cái gã tội nghiệp ấy chẳng có lý do gì để nghi hoặc, khi gã chẳng cảm thấy mình bị lực lượng Kháng chiến hay người nào khác nhằm vào, cũng logic khi gã chẳng bận tâm điều gì hết, bởi gã vô tội trong mọi điều. Bắp chân cô đau như dần, nhưng Catherine tiếp tục phóng đi, không ngừng nghỉ. Đây rồi, đã vượt qua đường dốc, còn một ngã ba cuối cùng nữa và có thể cô sẽ đến kịp. Nếu hành động đã diễn ra, cô phải nghe thấy tiếng súng, mà lúc này chỉ có một tiếng rít dài vo vo bên tai cô. Đó là mạch đang đập quá mạnh bên thái dương cô, không phải âm thanh của cái chết, chưa phải.

Con phố đây rồi, kẻ vô tội đang đóng cửa ra vào và băng qua vườn. Robert tiến lên trên lề đường, tay thọc trong túi, các ngón tay siết lấy báng súng, sẵn sàng bắn. Giờ đây chỉ còn là vấn đề của vài giây. Một cú hãm phanh, chiếc xe đạp trượt đi. Catherine để mặc nó lăn trên lòng đường và lao mình vào vòng tay người kháng chiến.

- Cậu điên à! Cậu làm cái gì thế?

Cô không còn hơi để nói nữa, mặt tái nhợt, cô giữ lấy tay bạn. Bản thân cô cũng không biết mình còn lấy đâu ra chừng ấy sức lực. Và vì bạn không hiểu, cuối cùng Catherine nấc lên được:

- Không phải người ấy!

Tay Lespinasse vô tội đã lên xe hơi của mình, động cơ nổ khẽ và chiếc Peugeot 202 màu đen ra đi bình thản. Khi đi ngang qua cặp gái trai dường như đang quấn quít, người lái khẽ lấy tay ra hiệu với họ. "Thật là đẹp những đôi tình nhân", người đó nghĩ khi liếc nhìn vào kính chiếu hậu.

° ° °

Hôm nay là một ngày tồi tệ. Bọn Đức đã đến khám xét trường đại học. Chúng đã chất vấn mười thanh niên trong đại sảnh, lôi họ về phía bậc thềm, dùng báng súng thúc họ tiến và đã mang họ đi. Em thấy đó, chúng tôi sẽ không bỏ cuộc; ngay cả nếu chúng tôi chết vì đói, ngay cả nếu nỗi sợ hãi ám ảnh chúng tôi đêm đêm, ngay cả nếu các chiến hữu của chúng tôi ngã xuống, chúng tôi vẫn tiếp tục ng chiến.

° ° °

Chúng tôi đã vừa vặn tránh được điều xấu nhất, nhưng em thấy đó, tôi đã bảo em rồi, chúng tôi chưa giờ giết một người vô tội, ngay một kẻ đần độn cũng không. Trong khi chờ đợi, viên biện lý vẫn sống, và phải làm lại cuộc điều tra từ số không. Vì chúng tôi không biết y ở đâu, nên việc theo dõi sẽ bắt đầu từ tòa án. Công việc khó khăn. Gã Lespinasse thật chỉ đi lại bằng chiếc xe Hotchkiss to màu đen, thỉnh thoảng đi xe Renault Primaquatre, nhưng trong mọi trường hợp, đều do tài xế lái. Để khỏi bị phát hiện, Catherine đã sắp đặt đâu ra đấy một phương pháp. Ngày đầu tiên, một anh bạn đi xe đạp theo sau viên biện lý từ lúc y ra khỏi Tòa án và vài phút sau thì bỏ đấy. Ngay hôm sau, một bạn khác, trên một xe đạp khác, tiếp tục con đường ở chỗ nó bị bỏ lại hôm trước. Qua từng khúc liên tiếp, chúng tôi đã đi theo được đến tận nhà viên biện lý. Từ giờ, Catherine có thể lặp lại các cuộc đi bộ dài trên một lề đường khác. Vài ngày mai phục nữa là chúng tôi sẽ biết được mọi điều về các thói quen của tên phó chưởng lý.

12

Đối với chúng tôi, có một kẻ địch còn đáng căm ghét hơn cả bọn quốc xã. Những tên Đức, thì chúng tôi đang có chiến tranh với chúng, còn Dân binh là bè lũ tồi tệ khốn khiếp nhất mà chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cơ hội có thể sản sinh, là sự căm ghét lang thang di động.

Bọn dân binh cưỡng bức, tra tấn, cướp đoạt tài sản của những người mà chúng tống đi dày, dùng quyền lực của chúng đối với cư dân để trục lợi. Biết bao nhiêu người đàn bà đã phải dang chân, mắt nhắm nghiền, hàm nghiến chặt đến mức chết đi được, để đổi lấy lời hứa hão rằng con cái họ sẽ không bị bắt? Biết bao nhiêu người già cả trong những hàng dài chầu chực trước các cửa hiệu thực phẩm trống rỗng đã phải trả tiền cho lũ dân binh hòng chúng để cho yên thân, và biết bao nhiêu người không nộp được tiền đã bị đưa đến các trại để lũ chó hoang đường phố thản nhiên đến khoắng sạch nhà cửa của họ? Không có lũ hèn hạ bẩn thỉu ấy, thì chẳng bao giờ bọn quốc xã có thể bắt đi đầy nhiều người đến thế, chẳng bắt được quá một phần mười những người sẽ không bao giờ trở lại.

Tôi hai mươi tuổi, tôi sợ, tôi đói, lúc nào cũng đói, còn bọn sơ mi đen ấy thì ăn uống tại những tiệm dành riêng cho chúng. Tôi đã quan sát bao nhiêu đứa trong bọn chúng sau những cửa kính mờ hơi nước mùa đông, đang liếm láp ngón tay, no ứ sau bữa ăn mà chỉ mơ đến thôi cũng khiến dạ dày tôi réo lên òọc? Sợ và đói, một hỗn hợp kinh khủng trong bụng.

Nhưng chúng tôi sẽ báo thù được cho mình, em thấy đó, chỉ nói lên cái tiếng ấy thôi, là tôi cảm thấy tim mình lại đập. Ý nghĩ báo thù thật gớm guốc, lẽ ra tôi không nên nói như thế; những hành động mà chúng tôi làm hoàn toàn khác hẳn sự báo thù, những hành động ấy là một bổn phận chân thành nghĩa hiệp, để cứu những ai sẽ không phải nếm trải cái số phận đó, để tham gia cuộc chiến tranh giải phóng.

Đói và sợ, một hỗn hợp có thể nổ tung trong bụng! Thật ghê gớm cái tiếng khe khẽ của quả trứng mà người ta đập ra ở quầy hàng, một ngày kia Prévert, được tự do viết lên điều đó, sẽ nói thế; còn tôi, bị sự sống cầm tù, ngày hôm ấy tôi đã biết điều đó rồi.

Ngày 14 tháng Tám vừa rồi, từ nhà Charles về hơi khuya và bất chấp lệnh giới nghiêm cùng vài chiến hữu, Boris thấy mình chạm trán với một nhóm dân binh.

Boris, từng đích thân quan tâm theo dõi nhiều tên trong bầy đàn của chúng, biết sơ đồ tổ chức của chúng rõ hơn ai hết. Chỉ cần ánh sáng nhân từ của một ngọn đèn đường là anh nhận ra ngay tức khắc bộ mặt hiểm ác của kẻ mang tên Costes. Tại sao lại là y? Vì cái gã đang nói đến này chẳng là ai khác ngoài tên tổng thư ký của bọn "vệ-binh-thuần-túy" 1, một bầy chó man rợ và khát máu.

Trong lúc bọn dân binh đi họ, ngạo mạn như thể đường phố là của chúng, thì Boris đã rút súng khỏi bao. Các bạn cũng làm như vậy và Costes đã gục xuống trong cuộc tắm máu, máu của y, để nói cho chính xác.

Nhưng tối hôm ấy, Boris đã nhằm cao hơn một nấc; anh sẽ tấn công Mas, chỉ huy Dân binh.

Hành động gần như mang tính tự sát. Mas đang ở nhà hắn, cùng nhiều vệ binh. Boris đã khởi đầu bằng việc nện gục tên bảo vệ dữ tợn canh giữ cổng tòa biệt thự phố Pharaon. Ở đầu cầu thang tầng hai, một tên khác lại nhận một báng súng chí mạng. Boris đã không đắn đo tỉ mỉ, anh vào phòng khách, súng cầm tay, và đã bắn. Tất cả bọn chúng đều ngã xuống, phần lớn chỉ bị thương, nhưng Mas đã trúng đạn ở chỗ hiểm. Co quắp dưới bàn giấy, đầu chúi vào giữa các chân ghế bành, tư thế của thân hình cho ta hiểu là chỉ huy Mas sẽ không bao giờ còn cưỡng bức, không bao giờ còn giết chóc, không bao giờ còn khủng bố được bất kỳ ai nữa.

Báo chí thường gọi chúng tôi là những tên khủng bố, một từ do bọn Đức mang đến và trên các tờ yết thị của chúng thường chỉ những người kháng chiến đã bị chúng bắn chết. Nhưng chúng tôi chỉ khủng bố bọn chúng cùng những tên hợp tác phát xít và tích cực mà thôi. Trở lại nói về Boris, chính sau hành động, sự việc mới thành ra phức tạp. Trong lúc anh xử lý công việc trên gác, thì hai người bạn đảm bảo việc rút lui của anh đã phải đối đầu với bọn dân binh đến tăng viện. Một trận nổ súng khiến cầu thang mù mịt khói. Boris đã nạp thêm đạn vào súng và bước ra đầu cầu thang. Hỡi ôi, các bạn của anh do lực lượng mỏng đã buộc phải rút lui, Boris bị kẹt giữa hai làn đạn. Đạn của những kẻ bắn vào bạn anh và của những kẻ bắn vào anh

Trong lúc anh tìm cách thoát ra khỏi tòa nhà, thì một toán sơ mi đen khác, lần này xuống từ các tầng gác trên, đã thắng được sự kháng cự của anh. Bị ôm ngang lưng và bị nện túi bụi, Boris ngã xuống. Sau khi anh đã xuyên thủng lỗ chỗ lồng ngực tên chỉ huy của chúng và làm bị thương nặng nhiều tên đồng bọn với chúng, có thể đoan chắc rằng chúng sẽ ra tay với anh. Hai anh bạn kia đã thoát được, một anh bị trúng đạn vào hông, nhưng Boris không thể chữa trị cho anh được nữa.

Lại kết thúc một ngày nữa trong những ngày buồn thảm của tháng Tám năm 1943. Một chiến hữu bị bắt, một sinh viên trẻ trung năm thứ ba ngành y, suốt thời thơ ấu đã mơ ước cứu sống những mạng người, bị tống vào một ngục tối trong nhà tù Saint-Michel. Và không ai trong chúng tôi hồ nghi việc viên biện lý Nespinasse, để được chính phủ đánh giá cao hơn, để củng cố vững hơn uy quyền của mình, sẽ muốn đích thân trả thù cho Mas bạn mình, cố chỉ huy Dân binh.

Chú thích

1. Franc-garde: bộ phận vũ trang của Dân binh Pháp, được thành lập đồng thời với tổ chức Dân binh Pháp, vào đầu năm 1943. Ban đầu lực lượng franc-garde chỉ gồm những kẻ tình nguyện, nhưng từ tháng 6 năm 1943, lực lượng chia làm hai, một bộ phận thường trực, tập trung và hưởng phụ cấp, một bộ phận không thường trực, huy động khi cần thiết và không ăn lương. Lực lượng này đã sát cánh cùng quân đội Đức trong các trận đánh chính chống lại các Chiến khu Du kích.

13

Tháng Chín trôi nhanh, những chiếc lá hoe đỏ trên những cây dẻb áo hiệu mùa thu đang đến.

Chúng tôi kiệt sức, đói ăn hơn bao giờ hết, nhưng các hành động gia tăng và cuộc Kháng chiến mỗi ngày lại lan rộng thêm một chút. Trong tháng, chúng tôi đã phá hủy một nhà chứa xe Đức ở đại lộ Strasbourg, rồi chúng tôi đánh vào trại lính Caffarelli nơi một binh đoàn của Quân lực Đức đóng quân; sau đó một chút, đường từ Toulouse đến Carcassonne. Vận may đã ủng hộ chúng tôi hôm ấy; chúng tôi đặt chất nổ bên dưới toa tàu chở một khẩu đại bác, nhưng những trái tạc đạn xếp bên cạnh đã hòa vào đám cháy của chúng tôi, và thế là cả đoàn tàu bốc lên trời. Vào giữa tháng, chúng tôi ăn mừng trận Valmy 1 hơi sớm một chút bằng cách tấn công xưởng chế tạo đạn, khiến cho việc làm ra các vỏ đạn không thể tiến hành trong một thời gian dài nữa; Émile còn đến cả thư viện thành phố tìm những ngày có các trận đánh để ăn mừng theo cùng kiểu ấy.

Nhưng tối nay, sẽ không có hành động. Giá như có phải hạ đích thân tướng Schmoutz, thì chúng tôi cũng sẽ ngẫm nghĩ thận trọng; lý do đơn giản thôi, những con gà mái Charles nuôi trong vườn ắt hẳn đã có một tuần lễ "tuyệc vừi", như anh nói: chúng tôi được mời đến nhà anh ăn trứng tráng.

Chúng tôi gặp nhau vào chập tối tại nhà ga nhỏ bỏ không ở Loubers.

Bàn ăn đã dọn và tất cả mọi người đã ngồi quanh bàn. Xét con số thực khách, Charles cho là không đủ trứng, và quyết định trộn thêm mỡ ngỗng vào món trứng tráng. Bao giờ anh cũng có một bình mỡ ngỗng để đâu đó trong xưởng, thỉnh thoảng anh dùng chất đó để trét cho những trái bom thêm kín bưng, hoặc để bôi trơn lò xo súng của chúng tôi.

Chúng tôi đang liên hoan, các cô gái tình báo có mặt tại đó, và chúng tôi hạnh phúc được ở cùng nhau. Chắc chắn là bữa ăn này vi phạm những quy tắc an toàn sơ đẳng nhất, nhưng Jan biết những khoảnh khắc hiếm hoi ấy chữa lành cho chúng tôi biết chừng nào khỏi trạng thái cô độc mà mỗi người trong chúng tôi đều phải chịu. Nếu những viên đạn của bọn Đức hoặc của lũ dân binh còn chưa phạm đến chúng tôi, thì nó, sự cô đơn, giết chúng tôi dần mòn. Không phải tất cả chúng tôi đều đã được hai mươi tuổi, những người lớn tuổi nhất cũng chỉ gọi là nhỉnh hơn thế chút ít, thế thì vì không làm no đầy được bụng, sự hiện diện của bạn bè làm no đầy tâm hồn chúng tôi.

Cứ nhìn những ánh mắt đắm đuối mà Damira và Marc trao đổi, thì rành rành là họ say mê nhau. Còn tôi, thì tôi không rời mắt khỏi Sophie. Trong lúc Charles từ xưởng quay lại, tay cắp bình mỡ ngỗng, Sophie đã tặng tôi một nụ cười mà cô nắm được điều bí ẩn, một trong những nụ cười đẹp nhất tôi từng thấy trong đời. Cuốn theo cảm giác sảng khoái của khoảnh khắc ấy, tôi tự hứa sẽ tìm được can đảm để mời cô đi chơi với tôi; thậm chí có thể cùng ăn trưa ngay ngày mai. Xét cho cùng, sao lại chờ đợi chứ? Thế là trong lúc Charles đánh trứng, thì tôi tự thuyết phục mình rủ cô trước khi kết thúc buổi tối gặp mặt. Tất nhiên là tôi phải rình lúc kín đáo, Jan không nghe thấy được; cho dù, từ khi Jan bị bắt gặp tại Đĩa Đậu tằm cùng với Catherine, những lệnh cấm liên quan đến an toàn yêu đương có nới lỏng đôi chút trong đội. Nếu ngày mai Sophie không thể, thì cũng không nghiêm trọng, tôi sẽ đề nghị hôm sau. Đã quyết định rồi, tôi sắp chuyển sang hành động thì Jan thông báo là anh cử Sophie vào nhóm giám sát tên biện lý Lespinasse.

Vốn là người can đảm, Sophie nhận lời ngay tức khắc. Jan nói rõ là cô sẽ phụ trách khoảng thời gian từ mười một đến mười lăm giờ. Cái tên biện lý ngu đần này quả thực sẽ gây phiền toái cho tôi tới cùng.

Buổi tối không hỏng hoàn toàn, hãy còn món trứng tráng, nhưng tuy vậy, sao mà Sophie đẹp đến thế, với nụ cười chẳng bao giờ rời khỏi cô. Dù sao thì Catherine và Marianne, vẫn chăm sóc các cô gái trong nhóm tình báo như hai người mẹ, cũng chẳng bao giờ để mặc chúng tôi xử sự mà không can thiệp. Vậy rốt cuộc, lặng lẽ nhìn cô mỉm cười thì tốt hơn.

Charles dốc hết bình mỡ ngỗng vào chảo rán, đảo đôi chút rồi đến ngồi cùng chúng tôi và bảo "Bây dừ phãi đễ cho chíng".

Chính trong lúc chúng tôi tìm cách phiên dịch câu nói của anh thì sự cố xảy ra. Tiếng súng nổ ran tứ phía. Chúng tôi lao mình nằm xuống. Jan, vũ khí lăm lăm, giận dữ chửi rủa. Chắc chúng tôi bị theo dõi và bọn Đức đang tấn công chúng tôi. Hai bạn có súng giắt ở thắt lưng can đảm luồn lách giữa làn đạn ra tới gần cửa sổ. Tôi cũng làm như họ, điều này thật ngốc vì tôi không có vũ khí, nhưng nếu một bạn ngã xuống, tôi sẽ cầm lấy súng của bạn ấy và thay thế chiến đấu. Một điều chúng tôi thấy có vẻ khá lạ lùng, là đạn tiếp tục vọt tứ tung trong phòng, những mảnh gỗ bắn trên sàn, tường chi chít lỗ thủng vậy trước mặt chúng tôi, vùng quê vẫn vắng vẻ không người.

Thế rồi tràng tiếng nổ dừng lại. Không còn một tiếng động nào, chỉ có sự thinh lặng. Chúng tôi người nọ nhìn người kia, tất cả đều rất băn khoăn tò mò, thế rồi tôi thấy Charles nhỏm dậy đầu tiên, anh đỏ mặt tía tai và lúng ba lúng búng hơn bao giờ hết. Nước mắt chảy, anh không ngừng lặp đi lặp lại "Xing nhối, xing nhối".

Thực ra, chẳng có một kẻ địch nào ở bên ngoài hết; Charles chỉ quên mất là anh đã dốc những viên đạn 7,65 ly vào bình mỡ ngỗng... để chúng khỏi bị gỉ! Đạn đã được bốc nóng tí chút khi tiếp xúc với chảo rán!

Vì không một ai trong chúng tôi bị thương tổn, có lẽ trừ chuyện bị thương tổn lòng tự ái, chúng tôi nhặt nhạnh những gì còn lại của món trứng tráng, chọn lựa để xác minh nó không còn chứa đựng cái gì bất thường nữa, rồi mọi người lại ngồi vào bàn ăn, như không có chuyện gì hết.

Thôi được, tài nghệ chế tạo đạn dược của anh bạn Charles đáng tin cậy hơn tài nấu nướng của anh, nhưng xét cho cùng, vào thời điểm hiện nay, như thế tốt hơn.

Ngày mai, tháng Mười bắt đầu và chiến tranh tiếp tục, cả cuộc chiến của chúng tôi nữa.

Chú thích:

1. Ngày 20 tháng Chín năm 1972, tại Valmy, chiến thắng của quân đội Pháp trước quân đội Phổ là chiến thắng đầu tiên của nền Cộng hòa Pháp, chấm dứt việc các lực lượng ngoại bang xâm lược nước Pháp cách mạng.

14

Những kẻ hèn hạ có mạng sống dai. Khi cuộc theo dõi lần thứ hai của các cô gái hoàn tất, Jan lập tức giao cho Robert nhiệm vụ diệt tên Lespinasse. Boris, đang ở trong tù, sẽ sớm bị đưa ra xét xử và không được mất thời gian nếu muốn tránh cho anh điều xấu nhất. Bằng cách gửi một tín hiệu mạnh cho các quan tòa, cuối cùng sẽ làm cho họ hiểu ra rằng đánh vào sinh mệnh một người kháng chiến tương đương với ký bản án tử hình cho chính mình. Từ vài tháng nay, hễ bọn Đức niêm yết một thông báo xử tử trên các bức tường của Toulouse, là chúng tôi lập tức diệt các sĩ quan của chúng, và mỗi lần, chúng tôi lại rải truyền đơn giải thích với dân chúng hành động của chúng tôi. Từ vài tuần nay, chúng ít bắn giết hơn và binh sĩ của chúng không dám đi về một mình ban đêm nữa. Em thấy đó, chúng tôi không bỏ cuộc và Kháng chiến mỗi ngày lịa tiến thêm một chút.

Nhiệm vụ phải diễn ra vào sáng thứ Hai, chúng tôi hẹn nhau tại điểm thu quân, nghĩa là ở bến cuối của đường tàu điện số 12. Khi Robert đến, chúng tôi hiểu ngay là việc chưa thực hiện. Có điều gì đó bất ổn và Jan giận điên lên.

Thứ Hai ấy là ngày khai thẩm và tất cả pháp quan đều có mặt tại Tòa án. Tin tức về cái chết của viên biện lý sẽ có được hơn bao giờ hết hiệu quả xiết bao trông đợi. Ta không giếtười như vậy, không phải bất kỳ lúc nào, dù rằng trong trường hợp của Lespinasse, thì ngày nào cũng được việc hết. Robert đợi cho Jan bình tĩnh lại, cho bước chân anh chậm lại.

Jan không chỉ giận dữ vì chúng tôi để lỡ dịp khai thẩm. Marcel bị xử chém đã hơn hai tháng nay, Đài Luân Đôn đã nhiều lần thông báo rằng kẻ chịu trách nhiệm về bản án của anh sẽ phải trả giá cho tội ác ghê tởm của y, và chúng tôi rốt cuộc sẽ bị coi như những kẻ bất lực! Nhưng Robert đã có một cảm giác tồi tệ vào lúc bắt tay hành động, và đây là lần đầu tiên chuyện này xảy ra với anh.

Quyết tâm của anh kết liễu tên biện lý không hề thay đổi, nhưng thế đó, không thể hành động vào hôm nay! Anh thề danh dự là anh không biết gì về tầm quan trọng của ngày mà Jan đã chọn; Robert chưa bao giờ bỏ cuộc; với đặc tính gan góc bình tĩnh, hẳn anh phải có những lý do chính đáng để làm như vậy.

Vào quãng chín giờ anh đã đến con phố nơi Lespinasse cư trú. Theo những tin tức mà các cô gái trong đội thu lượm được, thì ngày nào viên biện lý cũng ra khỏi nhà vào mười giờ đúng. Marius, từng tham gia hành động lần thứ nhất, và đã suýt diệt tay Lespinasse, lần này chỉ đảm bảo việc rút lui.

Robert khoác áo choàng rộng, hai quả lựu đạn trong túi bên trái, một để tấn công và một để phòng ngự, còn súng trong túi phải. Mười giờ, chẳng thấy ai. Mười lăm phút sau, vẫn chẳng thấy Lespinasse. Mười lăm phút trôi qua thật dài dằng dặc khi người ta có hai trái lựu đạn cứ mỗi bước ta đi lại va vào nhau

Một viên cảnh sát đạp xe ngược lên con phố và đi chậm lại ngang tầm với anh. Chắc hẳn là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng với cái mục tiêu vẫn không xuất hiện, thì đáng tự đặt cho mình những câu hỏi.

Thời gian thong thả kéo dài, đường phố yên tĩnh; ngay cả khi mình đi đi lại lại, cũng khó mà không bị phát hiện hoặc sớm hoặc muộn.

Phía trên, hai chiến hữu hẳn cũng không phải hoàn toàn chẳng bị ai để ý, với ba chiếc xe đạp sẵn sàng cho việc chạy trốn.

Một xe tải đầy lính Đức rẽ ở góc phố; hai "trùng hợp ngẫu nhiên" trong thời gian ngắn ngủi đến thế sao, bắt đầu là nhiều rồi đây! Robert cảm thấy bất an. Phía xa, Marius ra hiệu hỏi anh và Robert trả lời cùng một kiểu, rằng lúc này mọi sự vẫn ổn, ta tiếp tục hành động. Chiếc xe tải Đức đi qua không dừng lại, nhưng tốc độ uể oải và lần này Robert tự đặt cho mình càng lúc càng nhiều câu hỏi. Lề đường lại vắng vẻ không người, cuối cùng cửa tòa nhà mở, một người đàn ông đi ra và băng qua vườn. Bàn tay Robert siết chặt báng súng trong túi áo khoác. Robert vẫn không thể nhìn thấy mặt người đàn ông đang khép cánh cửa song sắt của ngôi biệt thự. Người đó đang tiến về phía xe hơi của mình. Robert có một nghi ngờ kinh khủng. Nếu không phải y? Nếu đó chỉ là một thầy thuốc đến thăm bệnh cho viên chưởng lý nằm nhà vì một bệnh cúm tồi tệ? Khó lòng tự giới thiệu như sau: "Xin chào, anh có đúng là cái gã mà tôi phải trút hết ổ đạn vào người không?"

Robert đến gặp người đó và điều duy nhất anh nghĩ ra, là hỏi giờ hắn. Anh muốnười ấy, cái kẻ không thể không biết là mình bị đe dọa, phô bày rõ một dấu hiệu nào đó để lộ ra nỗi sợ hãi của hắn, muốn bàn tay hắn run rẩy, muốn mồ hôi đọng trên trán hắn!

Người đàn ông chỉ vén tay áo và nhã nhặn trả lời "Mười giờ rưỡi". Những ngón tay của Robert rời báng súng, bất lực không thể bắn. Lespinasse chào anh rồi lên xe.

Jan không nói gì nữa, không còn gì để nói nữa. Robert có lý do chính đáng và không ai trách được anh đã bỏ cuộc. Chỉ là vì những kẻ thực sự hèn hạ có mạng sống dai. Lúc chúng tôi chia tay, Jan khẽ nói là phải bắt đầu lại thật nhanh.

° ° °

Nỗi cay đắng không rời anh suốt tuần. Vả chăng, anh không muốn gặp ai hết. Ngày Chủ nhật đến, Robert để đồng hồ báo thức vào sáng sớm. Hương cà phê bà chủ nhà đang pha thoảng lên tận phòng anh. Bình thường, mùi bánh mì nướng sẽ như trêu chọc bụng Robert, nhưng từ thứ Hai vừa rồi, anh thấy buồn nôn. Anh điềm tĩnh mặc quần áo, lấy khẩu súng dưới nệm và giắt vào thắt lưng quần. Anh xỏ tay vào áo vét, đội mũ rồi ra khỏi nhà không bảo ai. Chẳng phải hồi ức về thất bại khiến Robert buồn nôn. Làm nổ các đầu tàu, tháo đinh ốc các đường ray, phá hủy các trụ điện, đặt mìn các trần trục, tiêu hủy máy móc dụng cụ của kẻ địch, ta rất sẵn sàng làm những chuyện ấy, giết người, thì không ai thích cả. Chúng tôi đây, chúng tôi mơ ước một thế giới nơi con người tự do tồn tại. Chúng tôi muốn làm thầy thuốc, công nhân, thợ thủ công, giáo viên. Không phải khi bọn chúng tước đi của chúng tôi những quyền ấy mà chúng tôi cầm lấy vũ khí, đó là về sau; khi chúng bắt trẻ em đi đày, bắn chết bạn bè. Nhưng với chúng tôi giết người vẫn là một công việc bẩn thỉu. Tôi đã bảo em rồi, người ta không bao giờ quên khuôn mặt của kẻ mà ta sắp bắn, ngay với một kẻ hèn hạ như Lespinasse, chuyện cũng khó khăn.

Catherine đã xác nhận lại với Robert rằng sáng Chủ nhật nào, viên biện lý cũng đi lễ nhà thờ vào mười giờ đúng, thế là, quả quyết, Robert đấu tranh chống lại cảm giác lộn mửa đang chiếm lĩnh mình và trèo lên xe đạp. Với lại cần phải cứu Boris.

Lúc Robert đi vào con phố là mười giờ. Viên chưởng lý vừa mới khép cánh cửa song sắt của khu vườn. Cùng vợ và con gái, y đang đi bộ trên lề đường. Robert lẩy cò súng lên, tiến về phía y; nhóm người đến ngang tầm anh và vượt qua anh. Robert rút súng, vòng xe lại và nhắm vào mục tiêu. Không bắn sau lưng, thế là anh hét "Lespinasse!". Kinh ngạc, nhóm người ngoảnh lại, phát hiện khẩu súng đang chĩa tới, nhưng hai phát đạn đã nổ và viên biện lý ngã quỵ xuống, tay ôm bụng. Mắt giương to, Lespinasse chằm chằm nhìn Robert, y nhỏm dậy, loạng choạng, vịn vào một thân cây. Quả thực những kẻ hèn hạ có mạng sống dai!

Robert lại gần, viên biện lý khẩn cầu, y lẩm bẩm "Xin dung tha". Robert nghĩ đến thi hài Marcel, đầu đặt giữa hai bàn tay trong quan tài, anh nhìn thấy gương mặt các bạn bè bị giết. Với tất cả những đứa trẻ đó, đã chẳng có dung tha chẳng có xương; Robert xả hết ổ đạn. Hai người phụ nữ rú lên, một khách qua đường định đến giúp họ, nhưng Robert giơ súng và người đàn ông bỏ chạy.

Và trong khi Robert đạp xe bỏ đi, những tiếng kêu cứu cất lên sau lưng anh.

Vào giữa trưa, anh quay về phòng. Tin tức đã lan khắp thành phố. Cảnh sát đã bao vây khu phố, chúng chất vấn người vợ góa của viên chưởng lý, hỏi xem bà ta có thể nhận ra được người làm chuyện đó hay không. Bà Lespinasse lắc đầu và trả lời rằng có thể, nhưng bà ta chẳng mong điều đó, như thế này đã có quá nhiều người chết rồi.

15

Émile đã xin được việc làm trong ngành đường sắt. Mỗi người trong chúng tôi đều cố kiếm một công việc. Tất cả chúng tôi đều cần một khoản tiền lương, phải trả tiền thuê nhà, tự nuôi sống mình được chăng hay chớ, và lực lượng Kháng chiến đang phải vất vả để phụ cấp hàng tháng cho chúng tôi. Một vàm cũng có cái lợi nữa là đánh lừa được mọi người về các hoạt động ngầm của chúng tôi. Ta sẽ khiến cảnh sát hoặc hàng xóm ít để ý hơn, khi sáng sáng ta đều đi làm. Những ai thất nghiệp không có sự lựa chọn nào khác ngoài cách xem như mình là sih viên, nhưng những người này dễ bị phát hiện hơn nhiều. Dĩ nhiên, nếu công việc kiếm được có thể giúp ích cho sự nghiệp thì thật lý tưởng! Chỗ làm của Émile và Alonso ở nhà ga Toulouse nơi sắp xếp các đoàn tàu là rất quý giá đối với đội. Cùng vài nhân viên hỏa xa các bạn đã thành lập một nhóm nhỏ chuyên trách công việc phá hoại đủ loại. Một trong những chuyên môn của các bạn là bóc ngay trước mặt bọn lính Đức những tờ nhãn trên thành các toa tàu rồi lập tức dán lại trên những toa khác. Như vậy vào lúc tập hợp các đoàn tàu, những máy móc tháo rời mà bọn quốc xa mong ngóng chờ đợi ở Calais lại đang phóng tới Bordeaux, những bộ biến áp mà Nantes hy vọng lại đến Metz, những động cơ gửi sang Đức lại được giao ở Lyon.

Bọn Đức lên án ngành Đường sắt Pháp về tình trạng lộn xộn ấy, chế nhạo sự kém hiệu quả của người Pháp. Nhờ vào Émile, vào Francois và một vài nhân viên hỏa xa đồng nghiệp của các bạn, đồ tiếp tế cần thiết cho kẻ chiếm đóng tản đi mọi hướng, trừ hướng đúng, và lạc đi đâu không biết. Trước khi hàng hóa dành cho kẻ địch được tìm thấy lại và đến đúng chỗ, một hoặc hai tháng trôi qua, và cũng là chừng ấy điều được.

Nhiều lần, vào chập tối, chúng tôi đến gặp các bạn để len lỏi giữa những đoàn tàu đang dừng. Chúng tôi rình mỗi tiếng động xung quanh mình, lợi dụng một tiếng bẻ ghi rin rít hay một xe kéo có động cơ đi qua để tiến tới mục tiêu mà không bị các đội tuần tra Đức bắt gặp.

Tuần trước, chúng tôi đã luồn x dưới một đoàn tàu, trườn ngược lên dưới các trục bánh xe cho đến một toa rất đặc biệt mà chúng tôi thích mê mẩn: Tankwagen, dịch ra là "toa-bồn chứa". Mặc dù bắt tay vào làm mà không để mình bị phát hiện là điều đặc biệt khó khăn, nhưng một khi đã xong xuôi thì thủ thuật phá hoại sẽ hoàn toàn không ai nhận thấy.

Trong lúc một người của chúng tôi canh phòng, thì những người khác leo lên bên trên một bồn chứa, mở nắp rồi trút xuống xăng dầu hàng kilô cát và bã mật. Vài ngày sau, đến nơi, chất lỏng quý hóa mà chúng tôi đã bỏ công pha phách được bơm ra để cung cấp cho các thùng chứa xăng của máy bay ném bom hay máy bay tiêm kích Đức. Kiến thức về cơ khí của chúng tôi cũng đủ để biết rằng ngay sau khi cất cánh, viên phi công chỉ có thể chọn một trong hai giải pháp: tìm hiểu xem tại sao động cơ của hắn vừa tắt ngấm hoặc nhảy dù ngay tức khắc trước khi máy bay của hắn tan tành; trong trường hợp tệ nhất, các máy bay sẽ bị hỏng không dùng được khi chạy đến cuối đường băng, thế cũng là tạm được rồi.

Với một ít cát và cũng chừng ấy liều lĩnh gan góc, các bạn tôi đã hoàn thành được một phương pháp phá hoại không lực địch từ xa hết sức giản đơn, nhưng hết sức hiệu quả. Và khi tôi vừa nghĩ về điều đó vừa cùng các bạn quay về lúc mờ sáng, tôi tự nhủ rằng bằng việc làm của mình, các bạn đã tặng tôi một phần nho nhỏ trong ước mơ thứ hai của tôi: gia nhập Không lực Hoàng gia Anh.

Cũng có khi chúng tôi lướt đi dọc các đường xe lửa tại nhà ga Toulouse-Raynal, để nhấc những tấm vải bạt che các sàn tàu và hành động tùy theo những gì mình thấy được. Khi phát hiện ra các cánh máy bay Messerschmitt, các thân máy bay Junkers hay các cánh bình ổn ở đuôi máy bay Stuka được làm tại các nhà máy Latécoère địa phương, chúng tôi cắt những dây dẫn của các bộ phận điều khiển. Khi gặp các động cơ máy bay, thì chúng tôi dứt bỏ dây điện hoặc các ống dẫn xăng. Tôi không đếm được con số máy bay đã bị chúng tôi giam chân như thế ở mặt đất. Về phần tôi, mỗi lần phá hoại một phi cơ địch theo cách ấy, thì làm cùng một bạn khác bao giờ cũng tốt hơn, vì bản tính lơ đãng của tôi. Hễ vừa bắt tay vào dùi thủng tấm kim loại trên một cái cánh, là tôi lập tức tưởng tượng mình đang ngồi trong khoang chiếc Spitfire, ấn chiếc lẫy của cần lái, với tiếng gió vi vu ở thân máy bay. May mắn cho tôi, bao giờ những bàn tay nhân đức của Émile hay Alonso cũng vỗ vỗ vào vai tôi, và tôi liền thấy vẻ mặt buồn phiền của các bạn vì phải dẫn tôi trở về với thực tế, khi họ bảo tôi "Nào, lại đây, Jeannot, bây giờ phải về thôi."

Chúng tôi đã trải qua mười lăm ngày đầu tháng Mười hoạt động như vậy. Nhưng đêm nay, miếng đòn sẽ hệ trọng hơn thường lệ rất nhiều. Émile đã biết được điều này, ngày mai mười hai đầu máy sẽ được đưa sang Đức.

Nhiệm vụ có tầm cỡ lớn, và để thực hiện, chúng tôi sẽ gồm sáu người. Hiếm khi chúng tôi hành động đông người như thế; nếu bị bắt, đội sẽ mất gần một phần ba số chiến sĩ. Nhưng sự được mất biện minh cho việc mạo hiểm đến như vậy. Nói mười hai đầu máy cũng là nói mười hai trái bom. Tuy nhiên không có hoặc di thành đoàn đến nhà Charles. Chỉ một lần này, chính anh sẽ giao hàng tận nơi.

Trời vừa sáng, anh bạn của tôi đã xếp những kiện hàng quý giá của anh dưới đáy chiếc xe chở hàng nhỏ móc vào xe đạp, phủ lên trên hàng các loại rau sống vừa mái trong vườn và một tấm vải bạt. Anh rời nhà ga nhỏ Loubers, vừa đạp xe vừa hát trong miền quê Toulouse. Chiếc xe đạp của Charles, được làm bằng những bộ phận nhặt nhạnh từ các xe chúng tôi lấy trộm, thật có một không hai trong kiểu loại xe đạp. Với tay lái kềnh càng gần một mét, yên được nâng cao, khung nửa xanh lam nửa vàng cam, bàn đạp không đồng bộ và hai túi da của phụ nữ buộc ở hai bên bánh sau, quả thật nó có một dáng dấp kỳ cục, cái xe đạp của Charles.

Charles cũng có một dáng dấp kỳ cục. Anh không lo lắng khi vào thành phố, thường thường cảnh sát chẳng để ý gì đến anh, tin chắc anh là một gã vô gia cư lang thang trong vùng. Một sự bực mình cho dân chúng, hẳn thế, nhưng nói cho đúng thì không phải là một mối nguy hiểm. Quả thực, với dáng dấp kỳ cục của anh, cảnh sát mặc xác anh, trừ hôm nay, hỡi ôi.

Khi Charles đang băng qua quảng trường Capitole, kéo theo xe hàng hết sức đặc biệt, hai hiến binh chặn anh lại để kiểm soát theo lệ thường. Charles chìa thẻ căn cước trên đó ghi anh sinh ra ở Lens. Cứ như thể gã đội trưởng không biết đọc cái điều tuy thế được viết rõ ràng mực đen giấy trắng, hắn lại hỏi Charles sinh quán ở đâu. Charles, vốn không hay phản bác, trả lời không do dự.

- Lountz!

- Lountz? gã đội trưởng phân vân hỏi.

- Lountz! Charles nhấn mạnh, hai tay khoanh lại.

- Anh bảo anh sinh ở ountz còn tôi, trên giấy tờ của anh đây, tôi đọc thấy mẹ anh sinh ra anh ở Lens, thế thì hoặc anh nói dối, hoặc đây là giấy tờ giả?

- Hôông phãi mà, Charles ra sức nói với cái âm sắc hơi đặc biệt của anh. Lountz, đún như tui bão mà! Lountz ỡ Pas-dé-Calais!

Tên cảnh sát vừa nhìn anh, vừa tự hỏi liệu có phải cái gã mình đang chất vấn đang chế nhạo mình hay không. Hắn bẻ lại:

- Có lẽ anh cũng tự xưng là người Pháp chắc?

- Túng dồi, hoàng toàng túng! Charles khẳng định... (Xin hãy dịch là: "Đúng rồi, hoàn toàn đúng!")

Lần này tên cảnh sát tự nhủ quả thực nó coi thường cái mặt mình. Hắn hỏi bằng một giọng hách dịch:

- Anh sống ở đâu?

Charles thuộc bài làu làu, trả lời tức khắc: "� Brist!"

- Ở Brist? Thế Brist ở cái chỗ nào? Tôi thì tôi không biết Brist, tên cảnh sát vừa nói vừa quay sang gã đồng nghiệp.

- Brist, ỡ mìn Finistire! Charles đáp với chút bực bội.

- Tôi cho rằng hắn định nói Brest ở miền Finistère, thưa chỉ huy! gã đồng nghiệp thản nhiên nói xo.

Còn Charles, hân hoan, gật đầu ra hiệu đồng ý. Tên đội trưởng, phật lòng, khinh bỉ ngắm anh từ trên xuống dưới. Phải nói rằng với chiếc xe đạp sặc sỡ, tấm áo khoác ngắn của dân vô gia cư và các thứ rau sống đang chuyên chở, Charles không thật có dáng dấp một dân đi biển đánh cá miền Brest. Tên hiến binh, chịu không thể tiếp tục được nữa, bèn ra lệnh cho anh đi theo hắn để kiểm tra căn cước.

Lần này, chính Charles nhìn hắn chằn chằm. Và phải tin rằng những bài học từ vựng của cô bé Camille đã có kết quả, vì anh bạn Charles đang ghé vào tai gã hiến binh và nói khẽ với hăn:

- Ta chở bom trong xe hàng; nếu mi dẫn ta về đồn, họ sẽ bắn chết ta. Và ngay mai chính mi sẽ bị bắn chết, vì bạn bè Kháng chiến sẽ biết được kẻ nào đã bắt ta.

Thế đấy, khi Charles chịu khó, anh nói tiếng Pháp khá ra trò!

Bàn tay tên cảnh sát đặt trên khẩu súng công vụ. Hắn do dự, rồi bàn tay hắn buông báng súng; một cái liếc nhìn trao đổi với gã đồng nghiệp thế là hắn bảo Charles.

- Thôi, cuốn xéo khỏi đây, gã người Brest!

Vào giữa trưa, chúng tôi nhận mười hai trái bom. Charles kể cho chúng tôi sự biến của anh và điều tệ nhất là chuyện ấy làm anh cười lăn.

Jan thì không thấy chuyện đó tười chút nào. Anh khuyến cáo Charles, bảo rằng anh quá mạo hiểm, nhưng Charles vẫn cười cợt và bẻ lại rằng ngay sau đây, mười hai cái đầu máy sẽ không bao giờ còn kéo được những chuyến tàu chở người đi đày nữa. Anh chúc chúng tôi tối nay may mắn rồi lại lên xe. Giờ đây thỉnh thoảng, vào ban đêm, trước khi thiếp ngủ, có khi tôi vẫn còn nghe thấy anh đang đạp xe về phía nhà ga Loubers, ngất nghểu trên chiếc xe cao sặc sỡ, với những tràng cười ha hả cũng đầy màu sắc y như vậy.

° ° °

Mười giờ, lúc này đêm đã đủ tối để chúng tôi có thể hành động. Émile phát tín hiệu và chúng tôi nhảy qua bức tường bao hai bên đường sắt. Cần phải chú ý khi tiếp đất, vì mỗi chúng tôi mang hai trái bom trong đãy vác vai. Trời rét, cái ẩm làm chúng tôi buốt thấu xương. François dẫn đầu, Alonso, Émile, thằng em Claude, Jacques và tôi đi thành hàng len lỏi dọc một đoàn tàu im lìm bất động. Đội gần như đủ mặt.

Phía trước, một tên lính đứng gác và chặn đường tiến của chúng tôi. Thời gian thúc bách, chúng tôi còn phải đi đến tận các đầu máy xếp ở chỗ xa hơn. Chiều nay, chúng tôi đã diễn tập lại nhiệm vụ. Nhờ Émile, chúng tôi biết là tất cả các cỗ máy đều xếp thành hàng trên những đường phân chia nhánh rẽ. Mỗi người sẽ phải phụ trách hai đầu tàu. Trước hết, trèo lên máy phát động, theo cây cầu nhỏ chạy dọc thành máy, leo lên chiếc thang cắt ngang và vươn tới đỉnh nồi hơi. Châm điếu thuốc lá, rồi ngòi nổ, và từ từ thả trái bom vào ống khói nhờ sợi dây sắt giữ bom vào một cái móc. Gài móc vào gờ ống khói, sao cho trái bom lơ lửng cách đáy nồi hơi vài centimét. Sau đó, trèo trở xuống, băng qua đường sắt và bắt đầu lại với đầu tàu tiếp theo. Một khi hai trái bom đã đặt xong, chuồn nhanh về phía bức tường nhỏ ở đằng trước cách đó một trăm mét và, thực tế là, chuồn nhanh thế thôi, trước khi cái đó phát nổ. Trong chừng mực có thể, cố gắng khởi động đồng thời với các chiến hữu, để tránh tình trạng người này còn đang làm nhiệm vụ mà các đầu máy của người kia lại nổ tung. Vào lúc ba mươi tấn kim loại vỡ bung ra, thì tốt hơn là hãy ở xa hết mức có thể.

Alonso nhìn Émile, phải rũ được cái gã ngáng đường chúng tôi. Émile rút súng ra. Tên lính đưa một điếu thuốc lên môi. Hắn đánh diêm và ánh lửa rọi sáng gương mặt hắn. Bất kể bộ quân phục chỉn chu, kẻ địch có vẻ một thằng nhãi tội nghiệp cải trang thành lính hơn là một tên quốc xã hung dữ.

Émile cất khẩu súng và ra hiệu cho chúng tôi là chỉ đánh gục hắn mà thôi. Tất cả đều vui mừng vì tin này, tôi mừng ít hơn mọi người một chút vì tôi phải đảm đương việc ấy. Thật kinh khủng khi phải đánh gục ai đó, kinh khủng khi đập vào đầu hắn, với nỗi sợ nhỡ mình giết chết hắn.

Tên lính bất tỉnh được đem vào một toa tàu và Alonso khép lại cửa, nhẹ nhàng hết mức có thể. Lại đi tiếp. Chúng tôi đã đến nơi. Émile giơ cánh tay ra hiệu, ai nấy đều nín thở, sẵn sàng hành động. Tôi ngẩng đầu nhìn lên trời và tự nhủ rằng đánh trận trên không trung, dù sao cũng có dáng dấp thanh nhã hơn là bò lết trên sỏi vụn và những mẩu than, nhưng một chi tiết bỗng thu hút sự chú ý nơi tôi. Trừ phi tật cận thị của tôi bỗng nặng lên đột ngột, hình như tôi thấy khói tỏa ra từ ống khói của tất cả các đầu máy. Mà nói rằng có khói trong ống khói một đầu máy là coi như nồi hơi đã được đốt. Nhờ kinh nghiệm thu được ở phòng ăn nhà Charles trong bữa liên hoan-trứng tráng (theo cách nói của những người Anh thuộc Không lực Hoàng gia ở phòng ăn sĩ quan), từ nay tôi biết rằng bất kỳ thứ gì có chứa thuốc nổ đều nhạy cực kỳ khi ở gần một nguồn nhiệt. Ngoại trừ một phép màu hoặc một tính chất đặc biệt ở những trái bom của chúng tôi nó vượt khỏi phạm vi kiến thức mà tôi đã thu nhận được về môn hóa cho đến ngưỡng cửa kỳ thi tú tài, thì Charles chắc cũng sẽ nghĩ như tôi rằng "Chún ta có môộc vấng đề nghim chọng."

Vì mỗi sự vật đều có một lý do tồn tại, như ông thầy dạy toán của tôi ở trường trung học không ngừng nhắc đi nhắc lại, nên tôi hiểu ra rằng các công nhân hỏa xa, mà chúng tôi quên khhông báo trước về hành động của mình, đã để máy móc vẫn được đốt nóng, được cung cấp than, nhằm duy trì một mức hơi không thay đổi và đảm bảo đúng giờ giấc buổi sáng của đoàn tàu.

Không muốn làm tan vỡ nhiệt tình ái quốc của các đồng chí mình đúng trước khi hành động, song tôi thấy cần báo cho Émile và Alonso biết điều tôi phát hiện. Dĩ nhiên tôi báo tin bằng cách thì thào, để khỏi thu hút một cách vô ích sự chú ý của những gã canh gác khác, vì tôi đặc biệt ghét chuyện vừa rồi mình phải đánh gục một tên lính. Thì thào hay không, thì Alonso cũng có vẻ rụng rời kinh ngạc và giống như tôi, nhìn những ống khói đang bốc khói. Và giống như tôi, cậu phân tích rất rõ tình thế tiến thoái lưỡng nan mà chúng tôi phải đối mặt. Kế hoạch được trù liệu là thả những trái chất nổ qua ống khói, để chúng lơ lửng trong nồi hơi của các đầu máy; thế mà, thậm chí hầu như không thể tính toán được sau bao lâu thì những trái bom, ở nhiệt độ như vậy, sẽ nổ; những chiếc ngòi, trong trường hợp này, đã trở nên một thứ phụ tùng tương đối thừa.

Sau khi hội ý chung, hóa ra là sự nghiệp nhân viên hỏa xa của Émile chưa đủ dài lâu để cho phép chúng tôi ước lượng được tinh xác hơn, và quả thật không ai có thể trách cậu về chuyện đó.

Alonso nghĩ là những trái bom có thể nổ vào mặt chúng tôi khi mới ở lưng chừng ống khói, Émile nhiều tin tưởng hơn, cậu nghĩ là chất nổ ở trong những ống gang, nên việc dẫn nhiệt sẽ phải mất một thời gian nhất định. Trước câu hỏi của Alonso "Ừ, nhưng là bao lâu?", Émile trả lời là cậu không biết tí gì hết. Thằng em tôi kết luận bằng cách nói thêm rằng đã liều đến đây rồi, chi bằng cứ thử làm đi!

Tôi đã nói với em rồi, chúng tôi sẽ không bỏ cuộc. Sáng mai, các đầu máy, bốc khói hay không bốc khói, cũng sẽ vô dụng. Quyết định được đa số tuyệt đối tán thành, chẳng ai không bỏ phiếu, là dù sao cũng cứ làm. Émile lại giơ cánh tay ra hiệu xuất phát, nhưng lần này chính tôi dám đưa ra một câu hỏi, mà rốt cuộc ai nấy đều tự đặt cho mình.

- Thế ta có cứ châm ngòi hay không?

Câu trả lời, bực bội, của Émile là có.

Phần tiếp theo diễn ra rất nhanh. Giờ đây mỗi người chạy đến mục tiêu của mình. Ai nấy đều trèo lên đầu máy thứ nhất của mình, số người này thì cầu nguyện cho điều tốt đẹp nhất, số người kia, ít tín ngưỡng hơn, hy vọng điều xấu nhất đừng xảy ra. Bùi nhùi cháy lách tách, tôi có bốn phút, không tính đến tham số nhiệt lượng mà tôi đã nói kỹ rồi, để đặt khối thuốc đầu tiên, phóng nhanh đến đầu máy sau, lặp lại hành động và chạy tới bức tường nhỏ cứu nguy. Quả bom của tôi đung đưa ở đầu sợi dây sắt và buông xung mục tiêu. Tôi đoán biết việc neo gài quan trọng đến thế nào; với than hồng trong lò, chi bằng tránh mọi tiếp xúc là hơn.

Nếu trí nhớ tôi rành rọt, bất kể cái nóng cái lạnh đang khiến tôi rùng mình, thì hôm trước ba phút đã trôi qua giữa thời điểm Charles đổ mỡ ngỗng vào chảo và thời điểm chúng tôi phải lao mình xuống đất. Thế thì, nếu vận may mỉm cười với tôi, có lẽ tôi sẽ chẳng kết thúc cuộc đời tan xác trên một nồi hơi đầu máy xe lửa, hoặc dù thế nào cũng không kết thúc như thế trước khi đặt được ít ra là khối thuốc nổ thứ hai của mình.

Vả chăng, tôi đã chạy giữa các đường ray và trèo lên mục tiêu thứ hai. Cách đó vài mét, Alonso ra hiệu cho tôi là mọi sự đều ổn. Tôi hơi yên tâm thấy cậu ta còn áy náy lo ngại hơn mình. Tôi biết có những người thường đứng cách xa hơn khi đánh một que diêm trước bếp ga nhà họ, sợ ngọn lửa bật trở lại; tôi những muốn được nhìn thấy họ đang thòng một quả bom nặng ba ki lô vào nồi hơi nóng bỏng của một đầu máy. Nhưng có lẽ điều duy nhất khiến tôi thực sự yên tâm sẽ là biết được thằng em tôi đã xong công việc của nó và đã ở điểm hội tụ xa xa phía trước rồi.

Alonso bị chậm, khi trèo xuống cậu vấp ngã và vướng bàn chân vào giữa đường ray và bánh xe của đầu máy. Ba người chúng tôi cố sức lôi kéo để giải thoát cho cậu và tôi nghe thấy tiếng đồng hồ hồ tử thần cùng tiếng tích tắc của nó bên tai.

Bân Alonso bầm dập nhưng cuối cùng cũng gỡ ra được, chúng tôi chạy về nơi thoát hiểm và luồng khí của vụ nổ đầu tiên vừa bùng lên ầm ầm kinh khủng giúp chúng tôi đôi chút, bởi nó hất cả ba chúng tôi ra tận bức tường nhỏ.

Thằng em đến đỡ tôi dậy, và nhìn bộ mặt non choẹt xám xịt của nó, dù người hơi choáng váng, tôi lại thở được và kéo nó về phía những chiếc xe đạp.

- Anh thấy rồi đấy, ta đã làm được! nó nói, gần như cười đùa.

- Này, bây giờ em tươi cười rồi à?

- Những buổi tối như tối hôm nay, thì vâng! nó vừa đạp vừa trả lời.

Đằng xa, những tiếng nổ kế tiếp nhau, một trận mưa sắt thép từ trên trời rơi trở xuống. Chúng tôi cảm thấy sức nóng đến tận nơi này. Ngồi trên xe đạp trong đêm, chúng tôi chống chân xuống đất và ngoảnh lại.

Em tôi tươi cười là có lý. Không phải đêm 14 tháng Bảy, cũng không phải đêm lễ Thánh-Jean. Chúng tôi đang ở vào đêm 10 tháng Mười năm 1943, nhưng ngày mai, bọn Đức sẽ thiếu mất mười hai đầu máy, đó là trận pháo hoa đẹp nhất mà chúng tôi có thể chứng kiến.

Loading...

Tiểu thuyết tình yêu là website chia sẻ những thể loại truyện hay nhất hiện nay, được nhiều người đọc yêu thích. Truyện được cập nhập hàng ngày. Hãy lưu địa chỉ web để truy cập nhanh hơn!

Chúc các bạn online vui vẻ !

Laptop Tùng Anh

Tour Phú Quốc

Vinhomes Cầu Rào 2

Trang Chủ

Old school Swatch Watches