16
Ngày đã rạng, tôi phải đi gặp thằng em và tôi bị muộn. Tối qua, khi chia tay sau vụ nổ đầu tàu, chúng tôi đã hẹn nhau cùng đi uống cà phê. Chúng tôi nhớ nhau, vì các cơ hội gặp gỡ ngày càng hiếm. Mặc quần áo vội vàng, tôi phóng đi gặp nó ở một quán giải khát cách quảng trường Esquirol vài bước.
- Này cậu, đúng ra thì cậu học ngành gì vậy?
Tiếng bà chủ nhà vang lên trong hành lang vào lúc tôi sắp sửa ra ngoài. Qua giọng tôi hiểu câu hỏi không liên quan đến mối quan tâm đột ngột của bà lão Dublanc về chuyên môn đại học của tôi. Tôi ngoảnh lại, đối mặt với bà và cố gắng để có sức thuyết phục nhiều hết mức có thể. Nếu bà chủ nhà nghi ngờ căn cước của tôi, thì tôi sẽ phải dọn đi chỗ khác thật nhanh và có lẽ phải rời thành phố hôm nay.
- Vì sao lại có câu hỏi này, thưa bà Dublanc?
- Vì nếu cậu học ngành y, hoặc hay hơn nữa là học thú y, thì sẽ được việc cho tôi lắm. Con mèo nhà tôi bị ốm, nó không muốn dậy.
- Tiếc quá, bà Dublanc ạ, cháu rất muốn giúp bà, à, là giúp con mèo nhà bà, nhưng cháu lại học kế toán.
Tôi tưởng thế là thoát vòng khó khăn, nhưng bà lão Dublanc lập tức nói thêm rằng đáng tiếc thật; bà có vẻ nghĩ ngợi khi tôi bảo như vậy và thái độ của bà khiến tôi lo ngại.
- Cháu có thể giúp bà điều gì khác không, bà Dublanc?
- Dù sao cậu cũng không phiền lòng đến ngó qua con Grribouille nhà tôi một cái chứ?
Bà lão Dublanc khoác ngay lấy cánh tay tôi và kéo tôi vào phòng bà; như thể muốn làm yên lòng tôi, bà khẽ thì thào bên tai tôi rằng nói chuyện trong phòng tốt hơn; tường vách nhà bà không được dày lắm. Nhưng nói như vậy, bà làm được mọi chuyện trừ chuyện khiến tôi yên lòng.
Nơi của bà lão Dublanc giống như phòng tôi, có thêm đồ đạc và một buồng tắm giặt, như thế rốt cuộc cũng là khác biệt rất nhiều. Trên ghế bành, một con mèo xám to đang ngủ, bộ dạng nó xem ra chẳng khỏe mạnh hơn tôi, nhưng tôi tránh không bình luận gì. Bà lão vừa đóng cửa lại vừa nói:
- Nghe tôi này, cậu cả. Tôi mốc cần chuyện cậu học kế toán hay đại số; những sinh viên như cậu, tôi đã thấy vài người nối tiếp nhau, và một số đã mất tăm chẳng quay lại lấy đồ đạc nữa. Cậu thì tôi rất mến cậu, nhưng tôi không muốn có chuyện rầy rà với cảnh sát và càng không muốn rầy rà với Dân binh.
Dạ dày tôi vừa quặn lại, tôi có cảm giác người ta chơi que chuyền trong bụng mình. Tôi lúng búng:
- Tại sao bà lại bảo cháu thế hở bà Dublanc?
- Tại vì trừ phi cậu là một học trò quyết tâm lười nhác, tôi chẳng thấy cậu học hành nhiều. Với lại em cậu thỉnh thoảng đến cùng vài bạn bè khác của cậu, họ có diện mạo của những tên khủng bố; cho nên tôi mới bảo cậu, tôi không muốn rầy rà.
Tôi rất muốn công kích bà lão Dublanc về định nghĩa của bà về sự khủng bố. Niềm thận trọng những muốn tôi im tiếng, đối với tôi bà có những điều còn hơn cả sự nghi ngờ; tuy nhiên, tôi không đừng được.
- Cháu cho rằng những tên khủng bố thực sự là bọn quốc xã và những gã trong Dân binh. Bởi vì nói riêng giữa chúng ta với nhau, bà Dublanc ạ, thì các bạn và cháu chỉ là những sinh viên mơ ước một ế giới yên biình.
- Nhưng tôi cũng muốn yên bình, và trước tiên là yên bình trong nhà mình! Thế thì cháu ạ, nếu không phiền, cháu hãy tránh nói những lời lẽ như thế trong nhà tôi. Bọn dân binh chưa làm gì tôi hết. Và khi tôi gặp họ ngoài đường, thì bao giờ họ cũng ăn mặc tươm tất, rất nhã nhặn và hoàn toàn lịch thiệp; chẳng phải tất cả những người mà ta gặp gỡ ngoài phố đều như vậy cả, còn lâu mới thế, nếu cháu biết tôi muốn nói gì. Tôi không muốn có chuyện ở đây, hiểu chứ?
- Vâng, thưa bà Dublanc, tôi trả lời, rụng rời kinh ngạc.
- Cậu cũng đừng làm tôi phải nói ra những điều tôi chưa nói. Tôi đồng ý rằng, vào thời buổi này, học hành như kiểu cậu và các bạn cậu đang làm đòi hỏi một niềm tin nhất định ở tương lai, thậm chí một sự can đảm nhất định nữa; nhưng tuy nhiên tôi vẫn thích việc học hành của các cậu thực hiện bên ngoài nhà tôi... cậu vẫn theo dõi lý lẽ của tôi đấy chứ?
- Bà muốn cháu đi à, bà Dublanc?
- Chừng nào cậu vẫn trả tiền thuê nhà, thì tôi chẳng có lý do gì đuổi cậu, nhưng cậu hãy tử tế đừng dẫn bạn bè đến ôn bài ở nhà nữa. Hãy thu xếp sao cho có vẻ một anh chàng không lắm chuyện. Như thế sẽ tốt hơn cho tôi và cho cả cậu nữa. Đấy, tất cả chỉ có thế!
bà lão Dublanc nháy mắt với tôi một cái và cũng nhân cơ hội ấy bảo tôi đi qua cửa phòng bà mà ra phố. Tôi chào bà rồi chạy đi gặp thằng em chắc hẳn đã đang cảu nhảu, tin chắc là tôi đã cho nó leo cây.
Tôi thấy nó ngồi gần cửa kính, đang uống cà phê cùng Sophie. Không phải cà phê thực sự, nhưng trước mặt nó, là Sophie thực sự. Cô không nhìn thấy tôi đã đỏ mặt như thế nào khi đến gần cô, tóm lại tôi không cho là như vậy, nhưng tôi nghĩ nên nói rõ rằng mình vừa chạy nước rút vì bị muộn. Thằng em tôi có vẻ bất cần hoàn toàn chuyện ấy. Sophie đứng dậy định để hai chúng tôi ở lại với nhau, nhưng Claude mời cô chung vui khoảnh khắc này cùng chúng tôi. Sáng kiến của nó tung hê cuộc trò chuyện riêng tư giữa hai anh em, nhưng tôi xin thú thật rằng tôi không trách nó chút nào.
Sophie hài lòng cùng chung vui khoảnh khắc này. Cuộc sống liên lạc viên của cô chẳng dễ dàng gì. Cũng như tôi, với bà chủ nhà cô làm như mình là sinh viên. Sáng sớm, cô rời căn phòng cô đang ở trong một ngôi nhà tại Dốc Đá lát và chỉ trở về vào buổi tối muộn, như vậy để tránh phương hại đến vỏ bọc của mình. Khi nào không làm nhiệm vụ theo dõi, khi nào không vận chuyển vũ khí, thì cô sải bước trên các đường phố, đợi tối đến để cuối cùng có thể về nhà. Vào mùa đông, các ngày của cô còn cực hơn. Những khoảnh khắc thư thả duy nhất là khi cô tự cho mình được nghỉ một lát bên quầy một quán giải khát, để cho ấm người. Nhưng không bao giờ cô ở lại đó được lâu, vì có thể gặp nguy hiểm. Một phụ nữ trẻ, xinh đẹp và đi một mình, dễ thu hút sự chú ý.
Thứ Tư, cô tự tặng cho mình một chỗ trong rạp chiếu bóng, và Chủ nhật, cô kể lại cho chúng tôi bộ phim. Rốt cuộc, kể lại ba mươi phút đầu của phim, bởi cô thường hay thiếp đi trước giờ nghỉ giải lao, vì sự ấm áp ru ngủ
Tôi chẳng bao giờ biết được liệu có một giới hạn nào cho sự dũng cảm của Sophie hay không; cô xinh đẹp, cô có một nụ cười làm người ta bối rối trăm bề, và trong mọi trường hợp đều có cách nói năng xử sự hợp thời đúng lúc đến mức khó tin. Nếu với tất cả những điều ấy mà mọi người không chấp nhận vài tình tiết giảm nhẹ cho cái việc tôi đỏ mặt khi cô hiện diện, thì thế gian quả thật quá bất công.
- Tuần trước mình gặp một chuyện không thể tin được, cô vừa nói vừa đưa tay vuốt mái tóc dài.
Chẳng cần phải nói rõ là cả em tôi và tôi đều không có khả năng ngắt lời cô.
- Các cậu làm sao thế? Các cậu câm à?
- Không, không, cậu nói đi, cứ tiếp tục đi, em tôi trả lời với một nụ cười hớn hở.
Sophie, phân vân, nhìn hai anh em tôi lần lượt từng người rồi tiếp tục kể chuyện.
- Mình đến Carmaux, mang ba khẩu tiểu liên mà Émile đang chờ. Charles đã giấu súng vào một chiếc va li, dù sao cũng khá nặng. Thế là mình lên tàu ở nhà ga Toulouse; mình mở cửa vào ngăn hành khách và rơi tõm vào tám tên hiến binh! Mình lập tức rón rén đi ra, cầu nguyện sao cho chúng đừng để ý, nhưng một gã đã đứng dậy đề nghị với mình là chúng sẽ ngồi sát lại với nhau để nhường cho mình một chỗ nho nhỏ. Một gã khác thậm chí còn xin đỡ đần mình cái va lào địa vị của mình các cậu sẽ làm gì nào?
- À, mình thì mình sẽ yêu cầu chúng bắn mình ngay tắp lự! em tôi trả lời.
Và nó nói thêm:
- Chờ đợi làm gì chứ? Khi việc đã hỏng, là hỏng, đúng không?
- Này, hỏng thì cho hỏng như cậu nói, mình đã để mặc. Chúng cầm lấy va li, đặt nó cạnh chân mình, dưới gầm ghế. Tàu xuất phát và mình với bọn chúng đã trò chuyện tầm phào cho đến tận Carmaux. Nhưng khoan, chưa hết đâu!
Tôi cho rằng giá lúc ấy Sophie bảo tôi: "Jeannot này, mình rất muốn ôm hôn cậu nếu cậu đổi cái màu tóc kinh khủng kia đi," thì chẳng những tôi sẽ vui lòng chấp nhận, mà còn nhuộm tóc ngay tắp lự. Nhưng thôi, vấn đề đã không được đặt ra, tóc tôi vẫn đỏ hoe và Sophie tiếp tục kể chuyện rôm rả.
- Thế là tàu đến ga Carmaux và ái chà chà, một cuộc kiểm soát! Qua cửa sổ, mình nhìn thấy bọn Đức mở mọi hành lý trên sân ga; lần này, mình tự bảo rằng mình toi thật rồi!
- Nhưng cậu đang ở đây mà! Claude đánh bạo nói và nhúng ngón tay, thay cho miếng đường không có, vào chút cà phê còn sót lại ở đáy tách.
- Bọn hiến binh cười đùa khi nhìn thấy bộ mặt mình, chúng vỗ vỗ vào vai mình và bảo rằng chúng sẽ đưa mình ra tận bên ngoài. Và trước sự ngạc nhiên của mình, gã đội trưởng nói thêm rằng hắn thích một cô gái như mình được hưởng lợi từ những tảng giăm bông và những chiếc xúc xích mà mình giấu trong va li hơn là để vài tên lính trong Quân lực Đức được hưởng. Chuyện có thần tình không nào? Sophie vừa kết luận vừa phá lên cười.
Chúng tôi thì lạnh buốt lưng vì câu chuyện của cô bạn, còn cô lại hớn hở vui cười, thế là chúng tôi thấy hạnh phúc, hạnh phúc chỉ vì được ở đấy gần bên cô. Cứ như thể tất cả những điều này rốt cuộc chỉ là một trò chơi con trẻ, một trò chơi con trẻ trong đó cô có thể bị bắn chết đến mười lần... thực sự.
Năm nay Sophie mười bảy tuổi. Ban đầu, cha cô, một thợ mỏ ở Carmaux, không thật nhiệt tình với việc cô gia nhập đội. Khi Jan đưa cô vào hàng ngũ chúng tôi, thậm chí ông còn đến rầy la anh một trận. Nhưng cha Sophie là một người kháng chiến ngay từ buổi đầu, cho nên ông khó lòng tìm ra một lập luận đích đáng để cấm con gái làm như mình. Việc ông la mắng Jan là để giữ bề ngoài nhiều hơn.
- Khoan đã, đoạn sau còn hay hơn cơ, Sophie nói tiếp, càng vui vẻ hơn.
Claude và tôi sẵn lòng nghe phần kết câu chuyện của cô.
- Tại nhà ga, Émile đang đợi mình ở cuối sân, cậu ấy nhìn thấy mình đi về phía cậu ấy, có tám hiến binh vây quanh, một gã xách va li đựng súng tiểu liên. Giá mà các cậu nhìn thấy bộ mặt của Émile!
- Cậu ấy phản ứng thế nào?
- Mình ra hiệu cho cậu ta rất nhiều, mình gọi cậu ta là "anh yêu" từ xa, và mình đã đâm bổ vào ôm lấy cậu ta theo nghĩa đen để cậu ta khỏi phới mất. Bọn hiến binh giao hành lý của mình cho cậu ta rồi chúng vừa rời đi vừa chúc bọn mình một ngày tốt lành. Vào giờ này, mình cho là Émile vẫn còn run.
- Có lẽ mình sẽ ngừng ăn thức ăn theo quy định của đạo Do Thái nếu như giăm bông đem lại may mắn đến mức ấy, thằng em tôi ca cẩm.
- Đấy là súng tiểu liên, ngốc ạ. Sophie bẻ lại, và rồi lại đúng lúc bọn hiến binh đang vui tính, thế thôi.
Claude đâu có nghĩ đến cái may Sophie đã có được với bọn hiến binh, mà nghĩ đến cái may của Émile...
Cô bạn nhìn đồng hồ đeo tay, đứng bật dậy và bảo "Mình phải đi đây", rồi ôm hôn cả hai chúng tôi và ra đi. Hai anh em tôi ngồi cạnh nhau, chẳng nói gì, một lúc lâu. Đến buổi chiều chúng tôi chia tay, và người nọ biết rõ người kia đang nghĩ gì.
Tôi đề nghị với nó lùi cuộc gặp riêng tư của chúng tôi đến tối mai, để có thể trò chuyện với nhau ít nhiều. Claude bảo:
- Tối mai ư? Em không thể.
Tôi không hỏi han gì, nhưng qua sự im lặng của nó, tôi biết nó đi công tác, còn nó, nhìn vẻ mặt tôi, thấy rõ là lo lắng bắt đầu giày vò tôi từ lúc nó ngừng lời. Nó nói thêm:
- Sau đó em sẽ tạt qua chỗ anh. Nhưng không trước mười giờ.
Về phần nó thật là hào hiệp, vì nhiệm vụ hoàn thành rồi, nó còn phải đạp xe một lúc lâu để đến gặp tôi. Nhưng Claude biết là không thế, tôi sẽ không chợp mắt suốt đêm.
- Thế thì hẹn ngày mai nhé, chú em.
- Hẹn ngày mai.
° ° °
Cuộc trò chuyện nho nhỏ với bà lão Dublanc vẫn khiến tôi lo lắng. Nếu tôi nói điều đó với Jan, anh sẽ buộc tôi rời thành phố. Với tôi không có chuyện đi xa thằng em... và xa Sophie. Mặt khác, nếu tôi không nói điều đó với ai và tôi bị bắt, thì tôi sẽ phạm một sai lầm không thể tha thứ. Tôi lên xe đạp và phóng đến nhà ga nhỏ Loubers. Charles bao giờ cũng có những lời khuyên đúng đắn.
Anh đón tôi với tính tình vui vẻ thường ngày và rủ tôi ra vườn giúp anh một tay. Trước khi tham gia lực lượng Kháng chiến tôi đã trải qua vài tháng làm vườn ở Trang viên và đã đạược một sự thành thạo nhất định trong việc xới đất và giẫy cỏ. Charles đánh giá cao sự giúp đỡ của tôi. Rất nhanh, chúng tôi đi vào chuyện trò trao đổi. Tôi nhắc lại với anh những lời bà lão Dublanc đã nói và Charles lập tức làm tôi yên tâm.
Theo anh, nếu bà chủ nhà không muốn gặp rắc rối, thì bà ta sẽ không đi tố cáo tôi, vì sợ bị làm rầy theo cách này hay cách khác; thế rồi cái câu nói nho nhỏ về giá trị mà bà thừa nhận ở các "sinh viên" cho thấy bà không xấu đến như thế. Charles còn nói thêm rằng không nên quá vội xét đoán sai về mọi người. Nhiều người không làm gì hết, chỉ bởi họ sợ, song không phải vì thế họ thành kẻ tố giác. Bà lão Dublanc là như vậy. Cuộc Chiếm đóng không làm sự sống của bà thay đổi đến mức khiến bà mạo hiểm để có thể mất đi sự sống đó, thế thôi.
Phải có một sự thức nhận đích thực để hiểu ra rằng mình đang sống, anh vừa giải thích vừa nhổ một mớ củ cải.
Charles có lý, phần lớn mọi người bằng lòng với một việc làm, một mái nhà, vài giờ nghỉ ngơi ngày Chủ nhật và họ tự coi mình như thế là hạnh phúc; hạnh phúc vì đang yên ổn, chứ không phải vì đang sống! Dù những người bên cạnh họ đau khổ, song chừng nào nỗi đau chưa thâm nhập nhà họ, thì họ ưng không nhìn thấy gì hết; làm như là những điều xấu xa không tồn tại. Không phải bao giờ cũng là sự hèn nhát. Với một số người, sống đã đòi hỏi nhiều can đảm rồi.
- Hãy tránh dẫn bạn bè về nhà trong vài ngày. Không bao giờ biết được đâu, Charles nói thêm.
Chúng tôi tiếp tục lặng lẽ x đất. Anh chăm đám cải củ, tôi chăm rau sống.
- Không chỉ có bà chủ nhà làm cậu phiền muộn, phải không? Charles vừa hỏi vừa đưa cho tôi chiếc cuốc giẫy cỏ.
Tôi chần chừ chưa trả lời, thế là anh nói tiếp.
- Có lần, một phụ nữ đã đến đây. Chính Robert nhờ mình cho cô ấy trú ngụ. Cô ấy hơn mình mười tuổi, cô ấy ốm và đến để tĩnh dưỡng. Mình bảo mình không phải là thầy thuốc nhưng mình nhận lời. Trên kia chỉ có mỗi một phòng, vậy thì cậu bảo mình làm thế nào? Chúng mình nằm chung giường, cô ấy một phía, mình một phía, gối để ở giữa. Cô ấy đã ở nhà mình hai tuần, chúng mình cười đùa suốt, chúng mình kể cho nhau hàng đống chuyện và mình đã quen với sự có mặt của cô ấy. Một hôm, cô ấy khỏi, thế là cô lại ra đi. Mình không yêu cầu gì hết, nhưng mình phải tập lại cho quen sống lặng lẽ. Ban đêm, khi gió thổi, hai chúng mình cùng nghe. Một mình, gió không thổi điệu nhạc giống như thế nữa.
- Anh không bao giờ gặp lại chị ấy ư?
- Hai tuần sau cô ấy gõ cửa nhà mình và bảo rằng cô muốn ở lại với mình.
- Thế rồi sao?
- Mình bảo rằng cô ấy quay về với chồng thì tốt hơn cho bọn mình.
- Sao anh lại kể cho em nghe chuyện này hở Charles
- Cậu phải lòng cô gái nào trong đội thế?
Tôi không trả lời.
- Jeannot này, mình biết sự cô đơn đè nặng lên chúng ta như thế nào, nhưng đó là cái giá phải trả khi ta hoạt động bất hợp pháp.
Và bởi tôi vẫn im lặng, Charles ngừng xới đất.
Chúng tôi lại quay vào nhà, Charles tặng tôi một bó củ cải để cảm ơn tôi đã giúp anh.
- Cậu biết đấy, Jeannot, cô bạn vừa rồi mình nói với cậu ấy, cô đã cho mình một cơ hội tuyệt vời; cô đã để cho mình yêu cô. Chỉ là mấy ngày thôi, nhưng với cái mặt của mình, thì đó cũng đã là một món quà đẹp đẽ rồi. Giờ đây, mình chỉ cần nghĩ đến cô là tìm được đôi chút hạnh phúc. Cậu phải về thôi, mùa này trời tối sớm.
Và Charles tiễn tôi ra thềm cửa.
Khi trèo lên xe đạp, tôi ngoảnh lại và hỏi liệu anh có nghĩ dù sao tôi cũng có cơ hội với Sophie hay không, trong trường hợp một ngày kia gặp lại cô, sau chiến tranh, khi chúng tôi không còn sống trong tình trạng bất hợp pháp nữa. Charles có vẻ phiền muộn, tôi thấy anh do dự rồi anh trả lời tôi, với nụ cười buồn:
- Nếu sau chiến tranh Sophie Robert không cùng nhau nữa, thì biết đâu? Đi đường may mắn nhé, anh bạn, cẩn thận với bọn tuần tra ở cổng làng đấy.
° ° °
Tối đến, khi đi ngủ, tôi nhớ lại cuộc chuyện trò với Charles. Tôi thừa nhận lẽ phải của anh, Sophie sẽ là một cô bạn tuyệt vời và như vậy có lẽ sẽ tốt hơn. Dù thế nào, tôi cũng ghét nhuộm tóc.
° ° °
Chúng tôi quyết định tiếp tục hành động của Boris chống bọn Dân binh. Từ nay, lũ chó hoang mặc đồ đen, những kẻ rình mò chúng tôi để bắt bớ chúng tôi nhiều hơn, những kẻ tra tấn, những kẻ bán nỗi khốn cùng của nhân loại cho bọn trả giá cao hơn sẽ bị đánh không thương xót. Tối nay, chúng tôi sẽ đến phố Alexandre làm nổ tung hang ổ của chúng.
Trong khi chờ đợi, nằm duỗi dài trên giường, hai bàn tay đặt dưới đầu, Claude vừa nhìn lên trần nh nghĩ đến điều đang chờ đợi mình. Nó nói:
- Tối nay, mình sẽ không trở về.
Jacques bước vào. Anh ngồi xuống bên Claude, nhưng Claude chẳng nói gì; nó dùng ngón tay đo chiếc ngòi nổ cắm vào trái bom - chỉ có mười lăm milimet -, và em tôi thì thầm:
- Thây kệ, dù sao tôi vẫn cứ đi.
Jacques liền mỉm cười buồn bã, anh không ra lệnh gì hết, chính Claude đã đề nghị.
- Cậu chắc chứ? anh hỏi.
Claude chẳng chắc gì hết, nhưng nó vẫn còn nghe thấy câu hỏi của cha tôi ở quán giải khát Torneurs... Tại sao tôi lại kể cho nó chuyện ấy nhỉ? Thế là nó bảo "Vâng".
- Tối nay, mình sẽ không trở về, thằng em tôi thì thầm, nó chỉ vừa xuýt xoát mười bảy tuổi.
Mười lăm milimet bùi nhùi, ngắn lắm; một phút rưỡi sống khi nghe tiếng lách tách của ngòi nổ; chín mươi giây để tẩu thoát.
- Tối nay, mình sống không trở về, nó không ngừng thì thầm, nhưng tối nay, cả bọn dân binh cũng không về nhà chúng. Thế là, hàng bao nhiêu người mà ta không quen biết sẽ được thêm vài tháng để sống, vài tháng để hy vọng, thời gian mà lũ chó khác đến làm đông đảo lại những hang ổ của hằn t
Một phút rưỡi với ta và vài tháng với chúng, cũng bõ công lao, phải không?
Boris đã khởi đầu cuộc chiến của chúng tôi chống bọn Dân binh ngay cái ngày Marcel Langer bị kết án tử hình. Thế thì, chỉ riêng vì anh đang bị giam hãm trong một ngục thất ở nhà lao Saint-Michel, là phải hành động rồi. Cũng vì để cứu anh mà chúng tôi đã hạ tên biện lý Lespinasse. Chiến thuật của chúng tôi đã có tác dụng: trong vụ xử Boris, các thẩm phán hết người này đến người kia lần lượt rút lui, những thẩm phán do tòa cử đã sợ hãi đến mức họ chỉ xử hai mươi năm tù. Tối nay, Claude đã nghĩ đến Boris, và đến cả Ernest. Chính Ernest sẽ đem lại cho Claude lòng can đảm. Ernest chết khi mười sáu tuổi, em có hiểu không? Hình như khi bị bọn dân binh bắt giữ, cậu đã tè ra ở giữa phố; lũ khốn kiếp đã cho phép cậu mở cửa quần, thời gian để làm vơi đi cái sợ, ở đó, trước mặt chúng, nhằm hạ nhục cậu; thực ra, đó là thời gian để tháo chốt trái lựu đạn cậu giấu trong quần và kéo lũ đểu cáng ấy xuống địa ngục. Và Claude thấy lại cặp mắt màu xám của cậu bé hy sinh giữa phố; một cậu bé mới mười sáu tuổi.
Hôm ấy là mồng 5 tháng Mười một, gần một tháng đã trôiq ua kể từ ngày chúng tôi giết Lespinasse. "Mình sẽ không trở về, em tôi nói, nhưng không quan trọng, những người khác sẽ sống thay mình."
Đêm đã xuống, kèm theo mưa. "Đến lúc rồi", Jacques thì thào, và Claude nhấc đầu lên, thả lỏng cánh tay. Hãy đếm các giây phút, em trai, hãy ghi nhớ mỗi khoảnh khắc và để lòng can đảm lan tràn trong em; hãy để sức mạnh ấy dâng đầy bụng em đang trống rỗng hết thảy. Em sẽ không bao giờ quên ánh mắt của mẹ, tình thương mến của mẹ khi mẹ đến ru em ngủ mới cách đây vài tháng. Hãy xem thời gian dài biết mấy kể từ khi đó; thế thì, cho dù em không trở về tối nay, em vẫn còn đôi chút thời gian để sống. Hãy để lồng ngực em đầy ắp mùi của nước mưa, hãy cứ làm những cử chỉ từng lặp lại biết bao lần. Anh những muốn ở bên em, nhưng anh đang ở nơi khác, còn em, em ở đó, Jacques ở cùng em.
Claude siết chặt bọc hàng dưới nách, mấy tác phẩm tài ba, thòi ra những ngòi bùi nhùi. Em cố quên cái ướt dấp dính trên làn da, giống như mưa bụi trên màn đêm. Em không chỉ một mình, ngay dù ở nơi khác, tôi vẫn ở đó.
Đến quảng trường Saint-Paul em cảm thấy mạch đập dồn hai bên thái dương và cố giữ cho nhịp tim theo nhịp những bước chân dẫn em tới niềm can đảm. Em tiếp tục đi. Nếu vận may mỉm cười với em, lát nữa em sẽ thoát theo con phố Créneaux. Nhưng bây giờ không nên nghĩ đến đường rút... nếu như ít ra vận may mỉm cười với em.
Em tôi đi vào phố Alexandre, lòng can đảm đã đến với em. Tên dân binh canh gác hang ổ tự nhủ rằng để tiến lên với bước chân hết sức quả quyết như thế, thì Jacques và em đều cùng bầy đàn với hắn. Cánh cổng đóng lại sau lưng hai người. Em bật diêm, các đầu mút cháy sáng lách tách, và tiếng tích tắc của tử thần đang lảng vảng gõ trong đầu hai anh em. Ở cuối sân, một chiếc xe đạp dựa sát cửa sổ; một chiếc xe đạp với giỏ đựng hàng nơi đặt trái bom thứ nhất do Charles chế tạo. Một cánh cửa. Em vào hành lang, tiếng tích tắc nối tiếp, còn bao nhiêu giây nữa? Mỗi giây hai bước, tất cả là ba mươi bước, đừng tính đếm, em trai, hãy vạch con đường em đi, sự thoát hiểm ở phía sau, nhưng em, thì em còn phải tiến lên
Trong hành lang, hai tên dân binh đang nói chuyện, chẳng để ý đến Claude, em vào phòng, đặt cái gói của mình gần một máy sưởi, làm bộ lục lọi trong túi, như thể quên cái gì đó. Em nhún vai, sao người ta có thể đoảng đến thế nhỉ, gã dân binh nép mình sát tường lấy lối cho em trở ra.
Tích tắc, phải giữ bước đi đều đặn, không để lộ tí gì cái ướt dấp dính bên dưới áo quần. Tích tắc, em đã ở ngoài sân, Jacques chỉ cho em chiếc xe đạp và Claude thấy cái ngòi cháy sáng mất dạng dưới lớp giấy báo. Tích tắc, còn bao nhiêu thời gian nữa? Jacques đoán được câu hỏi và môi anh thì thầm "Ba mươi giây, có khi ít hơn?" Tích tắc, bọn canh gác để họ đi qua, người ta bảo chúng giám sát người vào, chứ không giám sát người ra.
Đường phố đây rồi và Claude run lập cập khi mồ hôi đến hòa với cái rét. Em còn chưa mỉm cười vì sự cả gan của mình, như hôm trước sau vụ các đầu máy. Nếu em tính toán đúng, thì phải vượt qua được sở cảnh sát trước khi vụ nổ chọc thủng màn đêm. Lúc ấy, trời sẽ sáng rõ như ban ngày đối với những đứa con của chiến tranh và em sẽ bị kẻ địch nhìn thấy.
"Bây giờ đấy!" Jacques vừa nói vừa siết chặt cánh tay em. Và vòng siết của Jacques nới ra như một gọng kìm lúc có tiếng nổ đầu tiên. Hơi bom nóng bỏng làm long lở những bức tường, các cửa kính vỡ tan, một phụ nữ hét lên nỗi sợ của mình, bọn cảnh sát huýt lên nỗi sợ của chúng, chạy tứ tung mọi ngả. Đến ngã ba, Jacques và Claude chia tay; đầu lút sâu trong cổ áo khoác ngắn, thằng em tôi lại thành kẻ ra về từ nhà máy, một trong hàng ngàn người đi làm về.
Jacques đã đi xa rồi, đến đại lộ Carnot, dáng hình anh tan vào chốn mịt mù, và Claude, chẳng hiểu tại sao, tưởng tượng là anh đã chết, em lại cảm thấy sợ. Em nghĩ đến ngày mà một trong hai người sẽ bảo "Tối hôm ấy, tôi từng có một người bạn", và em tự giận mình khi nghĩ rằng mình sẽ là kẻ sống sót.
Em trai, hãy đến gặp anh ở nhà bà lão Dublanc. Ngày mai Jacques sẽ đến bến cuối của đường tàu điện số 12 và khi nhìn thấy anh ấy, cuối cùng em sẽ yên tâm. Đêm nay, nép mình dưới tấm khăn phủ giường, vùi đầu trong gối, ký ức sẽ tặng em mùi hương của mẹ, một mẩu nhỏ tuổi thơ mà ký ức còn giữ ở nơi sâu thẳm trong em. Ngủ đi, em trai của anh, Jacques đã về nhà sau hành động. Và cả em cả anh đều không biết rằng một tối tháng Tám năm 1944, trên một chuyến tàu đày chúng ta sang Đức, chúng ta sẽ nhìn thấy Jacques, nằm sóng soài, một viên đạn xuyên thủng lưng.
° ° °
Tôi đã mời bà chủ nhà đến nhà hát Nhạc kịch, không phải để cảm ơn thiện chí tương đối của bà, thậm chí cũng không phải để có một chứng cớ ngoại phạm, mà vì theo lời Charles dặn dò, thì tốt hơn là không nên để bà gặp em tôi vào lúc nó đến nhà tôi, khi làm xong nhiệm vụ trở về. Có trời biết được nó sẽ ở trong tình trạng thế nào.
Màn kéo lên và tôi, trong bóng tối ấy, ngồi trên bao lơn nhà hát lớn, tôi nghĩ đến nó không ngừng. Tôi đã giấu chìa khóa dưới tấm thảm chùi chân, nó biết tìm chìa khóa ở đâu. Tuy nhiên, nếu nỗi lo lắng giày vò tôi, và tôi chẳng theo dõi gì vở diễn, thì tôi lại cảm thấy dễ chịu lạ lùng chỉ vì mình đang ở đâu đó. Điều ấy dường như chẳng đáng kể gì, nhưng khi ta đang là kẻ trốn tránh, thì có chốn nương náu là một sự thuyên giảm bệnh tình. Biết được rằng suốt hai giờ đồng hồ, mình sẽ không phải ẩn nấp, không phải chạy trốn, khiến tôi chìm vào một tình trạng khoan khoái kỳ lạ. Dĩ nhiên, tôi dự cảm rằng sau quãng nghỉ giải lao, nỗi sợ của việc quay về sẽ làm hao mòn cái khoảng tự do tôi được hưởng; vở diễn mới được một giờ đồng hồ, song chỉ cần một sự thinh lặng là đủ để dẫn tôi trở lại với cái thực tế ấy, với sự cô đơn vốn thuộc về tôi giữa khán phòng đang cuốn theo thế giới diệu kỳ của sân khấu. Điều tôi không thể tưởng tượng, là việc một nhúm hiến binh Đức và dân binh xông vào đột ngột khiến bà chủ nhà của tôi nghiêng về phía Kháng chiến. Các cánh cửa mở ra ầm ầm và tiếng sủa của bọn hiến binh Đức đã chấm dứt nhạc kịch. Và nhạc kịch, chính thế, với bà lão Dublanc là cái gì đó thiêng liêng. Ba năm ngược đãi, tước đoạt tự do, giết chóc trắng trợn, toàn bộ sự tàn ác và bạo ngược của thời Chiếm đóng quốc xã đã không khơi dậy được niềm công phẫn nơi bà chủ nhà của tôi. Nhưng cắt ngang buổi công diễn đầu tiên vở Pelléas và Mélisande 1, thì quá lắm! Thế là, bà lão Dublanc lẩm bẩm "Thật là đồ man rợ!".
Nhớ lại cuộc trò chuyện hôm trước với Claude, tối nay tôi hiểu ra rằng khoảnh khắc một con người thức nhận về sự sống của chính mình, đối với tôi, sẽ mãi mãi là một bí ẩn.
Từ bao lơn, chúng tôi nhìn những con chó dữ đang xua khán giả ra khỏi khán phòng với sự hối hả mà chỉ có sự hung bạo của chúng mới vượt được. Quả htực chúng có vẻ như chó dữ, những tên lính đang sủa lên với tấm thẻ lủng lẳng ở một sợi dây to đeo quanh cổ. Còn bọn dân binh mặc đồ đen đi theo chúng thì giống như những con chó khốn khổ, loại chó ta gặp ngoài đường ở những thành phố hoang phế, rớt dãi chảy ròng ròng bên mép, mắt trợn trừng trợn trạo và thèm cắn, vì thù ghét hơn vì đói. Nếu Debussy bị nhạo báng, nếu bọn dân binh điên giận, đó là Claude đã thành công trong hành động.
- Ta đi thôi, bà lão Dublanc nói, uy nghi trong tấm áo choàng màu son được bà dùng để tôn lên phong thể đường hoàng.
Để đứng lên, tôi còn phải làm dịu trái tim đang đập thình thình trong lồng ngực, mạnh đến nỗi khiến chân tôi quỵ xuống. Thế nếu Claude đã bị bắt? Nếu em đang bị giam trong một nhà hầm ẩm ướt, đối mặt với những kẻ tra tấn em?
- Ta đi chứ? bà lão Dublanc nói tiếp, dù sao ta cũng không đợi lũ súc vật ấy đến đuổi mình.
- Rốt cuộc, thế là xong rồi hở bà? tôi nói, với nụ cười bên khóe miệng.
- Xong rồi cái gì cơ? bà chủ nhà tôi hỏi, giận dữ hơn bao giờ hết.
- Cả bà nữa, bà cũng bắt tay vào việc "học hành" hở bà? tôi trả lời và cuối cùng cũng đứng dậy được.
Chú Thích
1. Vở nhạc kịch nổi tiếng, lời thơ của nhà văn Bỉ Maurice Maetelinck (1862-1949), nhạc của nhạc sĩ Pháp Claude Debussy (1862-1918).
17
Dòng người kéo dài trước cửa hiệu thực phẩm. Ai nấy đều đang chờ đợi, phiếu lương thực trong túi, màu tím để mua mỡ thực vật, đỏ để mua đường, nâu để mua thịt - nhưng từ đầu năm thịt đã không thấy trên quầy hàng, mỗi tuần chỉ có được một lần -, xanh lục cho trà hay cà phê, và từ lâu cà phê đã bị thay bằng rau diếp hay lúa mạch rang. Ba giờ chờ đợi trước khi nhích tới quầy, để được đúng chút gì nuôi sống mình, nhưng mọi người không còn đếm thời gian đang trôi qua nữa, họ nhìn cánh cổng đối diện hiệu thực phòng hẩm. Ở cuối hàng, một khách quen không có đấy. "Một bà thật trung hậu", những người này nói, "Một phụ nữ can đảm", số khác than thở. Vào buổi sáng nhợt nhạt này, hai xe hơi màu đen đang đỗ trước tòa nhà nơi gia đình Lormond sinh sống. Một bà nội trợ thì thào:
- Vừa nãy họ đưa chồng bà ấy đi, lúc đó tôi đã ở đây rồi.
- Họ đang giữ bà Lormond trên đó. Họ muốn bắt con bé, nó không có nhà khi họ đến, bà gác cổng của tòa nhà nói rõ, cả bà cũng đang xếp hàng
Con bé họ đang nói đến tên là Gisèle. Gisèle không phải tên thật của em, họ thật của em cũng không phải là Lormond. Ở khu phố này, tất cả mọi người đều biết họ là người Do Thái, nhưng điều duy nhất quan trọng, đó là cảnh sát và Gestapo không biết. Cuối cùng chúng cũng khám phá ra.
- Thật gớm guốc những gì họ làm với người Do Thái, một bà vừa nói vừa khóc.
- Bà Lormond bà ấy dễ thương hết sức, một bà khác vừa đáp vừa chìa cho bà nọ chiếc khăn tay.
Tuy vậy, ở trên kia, trên gác, bọn dân binh chỉ có hai tên, bọn Gestapo đi cùng chúng cũng chừng ấy tên. Tất cả là bốn người với sơ mi đen, quân phục súng tay thế mà nhiều sức mạnh hơn một trăm người khác, im lìm bất động trong dòng người kéo dài trước hiệu thực phẩm. Nhưng mọi người khiếp sợ, họ chỉ dám nói đôi chút gọi là, còn hành động thì...
Chính bà Pilguez, ở tầng sáu, đã cứu cô bé. Bà đang đứng bên cửa sổ, thì thấy những chiếc xe đi tới từ đầu phố. Bà đã lao vào nhà Lormond để báo cho họ về vụ bắt bớ. Mẹ của Gisèle khẩn cầu bà hãy đưa con gái mình đi, hãy che giấu nó. Con bé mới mười tuổi đầu! Bà Pilguez đồng ý ngay lập tức.
Gisèle không kịp ôm hôn mẹ, vả chăng cả cha em nữa. Bà Pilguez đã nắm lấy tay em lôi về nhà mình.
- Tôi đã thấy nhiều người Do Thái ra đi, đến giờ chưa thấy người nào trở về!ông già nói trong khi hàng người nhích lên một chút.
- Ông cho là hôm nay có cá trích hay không? một phụ nữ hỏi.
- Tôi chẳng biết được; thứ Hai hãy còn vài hộp, ông già trả lời.
- Họ vẫn không tìm thấy con bé và như thế càng tốt! một phụ nữ thở dài đằng sau họ.
- Phải, như thế thì hay hơn, ông già trang trọng trả lời.
- Hình như họ đưa mọi người đến các trại và ở đấy họ giết nhiều người lắm; một đồng nghiệp công nhân người Ba Lan đã nói điều này với chồng tôi ở nhà máy.
- Tôi chẳng biết gì hết, nhưng tốt hơn là bà đừng nói đến loại chuyện như thế và cả chồng bà nữa.
- Chúng ta sẽ nhớ ông ấy, ông Lormond, bà này lại thở dài. Khi có câu khôi hài nào ở chỗ đông người, bao giờ cũng là ông ấy nói đấy.
Sáng sớm, cố quấn chiếc khăn quàng màu đỏ, ông vẫn đến xếp hàng trước cửa hiệu thực phẩm. Chính ông đã an ủi họ trong thời gian dài chờ đợi vào những sáng sớm giá buốt. Ông chẳng dâng tặng gì ngoài lòng nhiệt tình của con người nhưng trong mùa đông ấy, đó là thứ mọi người thiếu thốn hơn cả. Thế đấy, hết rồi, ông Lormond sẽ không bao giờ nói gì nữa. Những lời lẽ hài hước khi nào cũng khơi lêntiếng cười, một sự nhẹ nhõm, những câu nói nho nhỏ ngộ nghĩnh hay dịu dàng chuyển nỗi nhục của việc hạn chế khẩu phần thành chuyện để giễu cợt, tất cả đã ra đi trong chiếc xe của bọn Gestapo cách đây hai giờ rồi.
Đám đông im bặt, chỉ thoang thoảng một tiếng rì rầm. Đoàn người vừa ra khỏi tòa nhà. Tóc bà Lormond xõa xuống, bọn dân binh vây lấy bà. Bà bước đi, đầu ngẩng cao, bà không sợ. Họ đã cướp mất chồng của bà, họ đã bắt con gái của bà, song họ sẽ không thể tước đoạt phẩm cách làm mẹ, cũng như phẩm cách làm vợ của bà. Tất cả mọi người nhìn bà, thế là bà mỉm cười; những người đang xếp hàng chẳng can dự gì trong chuyện này, đó chỉ là cách để bà chào tạm biệt họ.
Những tên dân binh đẩy bà về phía xe hơi. Đột nhiên, sau lưng, bà đoán được sự hiện diện của con mình. Cô bé Gisèle đang ở trên kia, dán mặt vào cửa sổ tầng sáu; bà Lormond cảm thấy điều ấy, bà biết. Bà những muốn ngoảnh lại, để tặng con gái một nụ cười cuối cùng, một cử chỉ âu yếm nói lên rằng bà yêu con biết chừng nào; một ánh nhìn, chỉ trong một phần giây đồng hồ, nhưng đủ để em biết rằng cả chiến tranh, cả sự điên rồ của con người cũng sẽ không lấy đi được của em tình yêu của mẹ.
Nhưng thế đấy, nếu ngoảnh lại bà sẽ khiến họ chú ý đến con mình. Một bàn tay bè bạn đã cứu con gái bé bỏng của bà, bà không thể liều để bàn tay ấy gặp nguy hiểm. Lòng như bị kìm kẹp, bà nhắm mắt và tiến về phía chiếc xe, không ngoảnh lại.
Trên tầng gác thứ sáu của một tòa nhà, ở Toulouse, một cô bé lên mười nhìn mẹ mình ra đi mãi mãi. Em biết rằng mẹ sẽ không trở lại, cha bảo em điều ấy; những người Do Thái bị người ta đem đi không bao giờ trở lại, chính vì thế mà không bao giờ được nhầm lẫn khi em nói ra tên họ mới của mình.
Bà Pilguez đặt tay lên vai em, còn tay kia bà giữ tấm rèm che cửa, để từ bên dưới, người ta không nhìn thấy họ. Tuy thế Gisèle nhìn thấy mẹ em bước lên chiếc xe màu đen. Em những muốn nói với mẹ rằng em yêu mẹ và em sẽ mãi yêu mẹ, rằng trong tất cả các bà mẹ thì mẹ là bà mẹ tốt nhất trên đời, rằng em sẽ không có người mẹ nào khác. Nói là điều bị cấm, thế là em nghĩ bằng tất cả sức lực của em rằng nhiều tình yêu đến như thế nhất định phải xuyên qua được một lớp kính. Em tự nhủ rằng, dưới phố, mẹ em nghe thấy những tiếng em đang thì thầm giữa đôi môi, cho dù em mím chặt môi đến thế.
Bà Pilguez áp má lên đầu em, cùng với một nụ hôn. Em cảm thấy nước mắt bà Pilguez chảy trên gáy mình. Em thì em sẽ không khóc. Em chỉ muốn nhìn đến tận cùng, và em thề với mình sẽ không bao giờ quên buổi sáng tháng Chạp năm 1943 ấy, buổi sáng mẹ em ra đi mãi mãi.
Cánh cửa xe vừa đóng lại và đoàn người ra đi. Cô bé giơ hai cánh tay, trong một cử chỉ yêu thương cuối cùng.
Bà Pilguez quỳ xuống để sát gần em hơn.
- Gisèle bé bỏng của bác, bác rất đau buồn.
Bà Pilguez khóc nức nở. Cô bé nhìn bà, em có nụ cười mong manh. Em lau đôi má bà Pilguez và bảo- Tên cháu là Sarah.
° ° °
Tại phòng ăn nhà hắn, gã ở tầng gác thứ năm rời cửa sổ, cáu kỉnh. Đang đi, hắn dừng lại và thổi vào khung ảnh đặt trên tủ. Một lớp bụi đáng ghét đã vương vào ảnh thống chế Pétain. Từ nay, đám hàng xóm tầng dưới sẽ không làm ồn nữa, hắn sẽ không phải nghe tiếng tập đàn dương cầm nữa. Và, trong khi thổi bụi, hắn cũng nghĩ là sẽ phải tiếp tục giám sát và giờ đây tìm ra kẻ nào có thể giấu con bé Do Thái bẩn thỉu.
18
Đã tháng ở trong đội và gần như ngày nào chúng tôi cũng hành động. Chỉ riêng tuần qua, tôi đã thực hiện bốn nhiệm vụ. Từ đầu năm tôi đã sụt mười ki lô, và tinh thần tôi cũng khổ sở ngang với thân thể tôi khổ sở vì đói và kiệt sức. Cuối ngày, tôi tạt qua nhà thằng em tìm nó và, chẳng báo trước gì, tôi dẫn nó đi ăn một bữa thật sự ở một nhà hàng trong thành phố. Claude giương to mắt khi đọc thực đơn. Thịt bò hầm, rau và bánh nhân táo; giá cả ở hiệu Bà Hoàng Pédauque vượt ngoài tầm với và tôi bỏ vào đấy toàn bộ số tiền mình còn, nhưng tôi đã đinh ninh trong óc rằng mình sẽ chết trước khi hết năm và chúng tôi đang ở đầu tháng Chạp rồi!
Bước vào hiệu ăn chỉ hợp với túi tiền của bọn dân binh và bọn Đức, Claude tưởng tôi dẫn nó đi đánh một đòn. Khi hiểu ra rằng chúng tôi ở đó để ăn uống thỏa thích, tôi thấy sống lại trên gương mặt Claude những thần sắc của tuổi thơ em. Tôi thấy nó lại nở nụ cười như khi mẹ chơi trốn tìm trong căn hộ của chúng tôi, thấy lại niềm vui trong mắt nó khi mẹ đi qua chiếc tủ, vờ như không nhìn thấy nó đang ở trong đó.
- Chúng ta ăn mừng điều gì thế? nó thì thào.
- Điều gì tùy ý em! Mùa đông này, chúng mình này, được sống này, anh chẳng biết.
- Mà anh định trả tiền như thế nào?
- Em đừng lo chuyện ấy và hãy thưởng thức đi.
Claude nhìn chòng chọc những chiếc bánh mì giòn tan trong giỏ, với nỗi thèm thuồng của một tên cư nhìn thấy những đồng tiền vàng trong một cái tráp. Cuối bữa ăn, tinh thần phấn chấn lại vì thấy thằng em hạnh phúc đến thế, tôi gọi thanh toán trong khi nó vào nhà vệ sinh.
Tôi thấy nó quay lại với vẻ mặt giễu cợt. Nó không muốn ngồi xuống, chúng ta phải đi ngay lập tức, nó bảo tôi thế. Tôi chưa uống hết tách cà phê, nhưng em tôi nài nỉ để chúng tôi gấp gáp lên. Hẳn nó dễ cảm thấy một mối nguy hiểm mà tôi còn chưa biết. Tôi trả tiền, mặc áo khoác và cả hai chúng tôi đi ra. Ở ngoài phố, nó níu cánh tay tôi và kéo tôi về phía trước, ép tôi rảo bước.
- Nhanh lên, em bảo anh thế mà!
Tôi liếc nhìn qua vai mình, chắc có ai đó đi theo chúng tôi, nhưng đường phố vắng vẻ không người và tôi thấy rõ thằng em cưỡng lại một cách khó khăn cái cười như nắc nẻ đang muốn bật ra.
- Nhưng mẹ kiếp, có chuyện gì thế? Cuối cùng em làm anh sợ đấy!
- Đi nào! nó nài nỉ. Đến kia kìa, ở con phố hẻm, em sẽ giải thích với anh.
Nó dẫn tôi đến cuối một ngõ cụt và, chuẩn bị hiệu quả, nó mở áo khoác ra. Ở phòng treo quần áo của tiệm Bà Hoàng Pédauque, nó đã cuỗm đai lưng của một tên sĩ quan Đức cùng khẩu Mauser, lủng lẳng trong bao súng.
Hai chúng tôi bước đi trong thành phố, đồng lõ hơn bao giờ hết. Buổi tối đẹp trời, thức ăn đã đem lại cho chúng tôi đôi ba sức lực và cũng chừng ấy hy vọng. Lúc chia tay, tôi đề nghị ngay ngày mai lại gặp nhau. Claude khẽ nói:
- Em không đến được, em đi hành động. Ồ, với lại mẹ kiếp lệnh cấm chứ, anh là anh trai em mà. Nếu với anh mà em không kể được những gì em làm, thì tất cả những cái đó để làm gì chứ?
Tôi không nói gì hết, tôi không muốn ép nó nói, cũng không muốn ngăn nó tâm sự với mình.
- Ngày mai, em phải đi cuỗm tiền của bưu điện. Chắc Jan nghĩ rằng em thực sự được tạo ra để ăn cắp vặt đủ kiểu! Nếu anh biết được điều ấy làm em bực bội thế nào!
Tôi hiểu nỗi bối rối của nó, nhưng chúng tôi cần tiền ghê gớm. Những người là "sinh viên" trong chúng tôi cũng phải ăn uống chút ít nếu họ muốn có thể tiếp tục chiến đấu.
- Nguy hiểm lắm phải không?
- Thậm chí không! Có lẽ đó chính là điều xúc phạm nhất, Claude càu nhàu.
Và nó giải thích với tôi kế hoạch thực thi nhiệm vụ.
Mỗi sáng, một nữ nhân viên bưu điện một mình đến bưu cục phố Balzac. Người ấy vận chuyển một đãy đựng tiền mặt đủ để tất cả chúng tôi có thể cầự được thêm vài tháng. Claude phải đánh gục người ấy để lấy đãy tiền. Émile sẽ che chắn.
- Em đã từ chối dùng dùi cui! Claude nói gần như giận dữ.
- Thế em định làm như thế nào?
- Em sẽ không bao giờ đánh một phụ nữ! Em sẽ dọa cho bà ta sợ, tệ nhất là xô đẩy bà ấy một tí; em giằng lấy cái đãy và chỉ thế thôi.
Tôi chẳng biết rõ lắm mình nên nói gì. Chắc Jan phải hiểu là Claude sẽ không bao giờ nện một phụ nữ. Nhưng tôi sợ mọi việc không diễn ra như Claude trông đợi.
- Em phải chuyên chở tiền đến tận Albi. Hai ngày sau em mới quay về.
Tôi ôm lấy nó, và trước khi ra đi tôi bắt nó hứa là sẽ thận trọng. Chúng tôi vẫy tay tạm biệt nhau lần cuối. Cả tôi nữa tôi cũng có một nhiệm vụ phải thực hiện vào ngày kia và tôi phải đến nhà Claude lấy đạn dược.
° ° °
Như dự kiến, vào bảy giờ sáng, Claude ngồi xổm sau một bụi cây trong vườn nhỏ ven bưu cục. Như dự kiến, vào tám giờ mười phút, cậu nghe tiếng chiếc xe tải nhỏ chở người nữ nhân viên đến và tiếng sỏi ở lối đi lạo xạo dưới chân người đó. Như dự kiến, Claude nhảy bật dậy, nắm đấm đe dọa. Không hề như dự kiến chút nào, người nữ nhân viên nặng một trăm ki lô, và bà ta đeo kính!
Phần còn lại diễn ra rất nhanh. Claude đã thử xô đẩy bà ta bằng cách sấn vào bà ta; nếu cậu có lao vào một bức tường, thì hiệu quả có lẽ cũng thế thôi! Cậu thấy mình nằm dưới đất, hơi choáng váng. Cậu không còn giải pháp nào khác ngoài cách trở lại với kế hoạch của Jan và đánh gục bà nhân viên. Nhưng nhìn cặp kính của bà ta, Claude nghĩ đến tật cận thị kinh khủng của tôi; ý nghĩ làm những mảnh kính vỡ bắn vào mắt nạn nhân khiến cậu từ bỏ hẳn dự định.
"Cướp!" bà nhân viên rú lên. Claude tập trung mọi sức lực và cố giằng lấy cái đãy mà bà ta đang siết chặt vào bộ ngực có kích thước quá cỡ. Có phải lỗi do một xúc động thoáng qua? Do tương quan lực lượng không đồng đều? Cuộc vật lộn bắt đầu và Claude thấy mình nằm dưới đất, với một trăm kilô nữ tính trên lồng ngực. Cậu cố sức giãy giụa, vùng ra được, níu chặt lấy cái đãy, và, trước ánh mắt rụng rời của Émile, nhảy lên xe đạp. Cậu chạy trốn mà không người nào đuổi theo. Émile kiểm tra cho chắc điều này rồi đi theo hướng ngược lại. Vài người qua đường tụ tập, bà nhân viên bưu điện đã đứng dậy, mọi người an ủi bà.
Một tên cảnh sát đi xe máy phóng ra từ một con phố chạy ngang và hiểu hết;n phát hiện Claude ở đằng xa, nhấn ga và lập tức truy đuổi cậu. Vài giây sau, thằng em tôi cảm thấy cái quật như sét đánh của cây dùi cui hất nó xuống đất. Tên cảnh sát xuống xe và lao vào nó. Những cái đá hung bạo lạ thường tới tấp trên người nó. Súng lục kề bên thái dương. Claude đã bị còng tay, nó coi khinh chuyện đó, nó đã bất tỉnh.
° ° °
Khi Claude tỉnh lại, nó bị trói vào chiếc ghế dựa, hai tay quặt sau lưng. Nó không tỉnh lâu, trận đòn đầu tiên của viên cẩm tra hỏi nó khiến nó bật ngã ngửa. Sọ nó đập xuống đất và bóng tối trở lại. Đã bao nhiêu thời gian trôi qua cho đến khi nó lại mở mắt? Một tấm màn màu đỏ che ờ mắt nó. Các mí sưng phồng dính bết máu, miệng nó kêu răng rắc và méo mó dưới những miếng đòng. Claude chẳng nói gì hết, không một tiếng rên, thậm chí không một tiếng thì thầm. Chỉ vài lúc ngất lịm tránh cho nó sự bạo hành, còn khi nó vừa ngóc đầu dậy, là những cây gậy của các viên thanh tra hăm hở giáng xuống.
- Mày, mày là một thằng Do Thái bẩn thỉu, hử? viên cẩm tra Fourna hỏi. Còn tiền, là để cho ai?
Claude bịa ra một câu chuyện, một câu chuyện trong đó không có những đứa trẻ chiến đấu cho tự do, một câu chuyện không có các chiến hữu, không có ai để tố giác. Câu chuyện ấy chẳng đứng vững; Fourna thét lên
- Cái ổ của mày ở chỗ nào?
Phải trụ được hai ngày trước khi trả lời câu hỏi ấy. Đó là chỉ thị, thời gian cần thiết cho những người khác để đến "dọn dẹp". Fourna đánh tiếp, ngọn đèn treo trên trần nhà chao đảo và kéo em tôi theo điệu vũ quay tròn của nó. Claude nôn mửa và đầu lại gục xuống.
° ° °
- Hôm nay là ngày bao nhiêu? Claude hỏi.
- Đằng ấy ở đây được hai ngày rồi, người canh ngục đáp. Họ đã giã đằng ấy ra trò, nếu đằng ấy nhìn thấy bộ mặt mình.
Claude giơ tay lên mặt, nhưng chỉ vừa chạm nhẹ là cái đau lại làm em chìm ngợp. Người canh ngục lẩm bẩm "Tớ chẳng thích cái đó." Anh ta để suất ăn lại cho em và đóng cánh cửa lại sau lưng mình.
° ° °
Vậy là hai ngày đã qua. Cuối cùng Claude có thể buông ra địa chỉ của mình.
Émile đảm bảo rằng cậu đã nhìn thấy Claude tẩu thoát. Tất cả mọi người đều nghĩ chắc cậu lần chần ở Albi. Sau đêm thứ hai chờ đợi, đã quá muộn để đến dọn sạch phòng cậu, Fourna và người của y đã bao vây nó rồi.
Bọn cảnh sát thèm khát ngửi thấy mùi của người kháng chiến. Nhưng trong căn phòng tồi tàn chẳng có gì nhiều để mà tìm ra, gần như chẳng có gì để mà phá hủy. Đệm bị rạch tung, không gì hết! Chúng xé gối, lại không gì hết! Chúng bẻ gãy ngăn kéo tủ, vẫn không gì hết! Chỉ còn cái lò sưởi ở góc phòng. Fourna đẩy tấm giá đỡ than bằng gang. Y hét lên, mừng như điên:
- Lại xem ta tìm thấy cái gì này!
Y cầm một trái lựu đạn. Nó được giấu trong lò sưởi nguội tắt.
Y cúi xuống, gần như thò cả đầu vào; y lần lượt lấy ra từ lò sưởi những mảnh của một bức thư em tôi viết cho tôi. Tôi đã không bao giờ nhận được bức thư ấy. Vì biện pháp an toàn, em đã ưng xé nó ra. Chỉ thiếu tiền mua một ít than để đốt nó.
° ° °
Khi tôi chia tay Claude, anh vui vẻ như thường lệ. Lúc này, tôi không biết em tôi đã bị bắt, tôi hy vọng nó đang ẩn náu ở Albi. Charles và tôi đã trò chuyện đôi chút trong vườn rau, nhưng chúng tôi đã vào nhà vì trời lạnh buốt. Trước khi tôi đi, anh đã giao tôi vũ khí cho nhiệm vụ mà ngày mai tôi phải thực hiện.
Tôi có hai trái lựu đạn trong túi, một khẩu súng ở thắt lưng quần. Đạp xe trên con đường Loubers không dễ, với đồ lề như thế.
Đêm đã xuống, con phố tôi ở vắng vẻ không người. Tôi để xe đạp trong hành lang và tìm chìa khóa phòng. Tôi mệt lử vì đoạn đường vừa đi. Đây rồi, tôi cảm thấy chiếc chìa khóa ở đáy túi. Mười phút nữa là tôi sẽ nằm trong chăn. Ánh đèn hành lang vụt tắt. Không hề gì, tôi biết tìm ra chỗ của ổ khóa trong bóng tối.
Một tiếng động sau lưng. Tôi không kịp ngoảnh lại; tôi bị đè gí xuống đất. Trong vài giây, cánh tay tôi bị vặn, hai bàn tay bị còng, mặt tóe máu. Bên trong phòng tôi, sáu tên cảnh sát đang đợi. Cũng chừng ấy tên ngoài vườn, không kể bọn baoây con phố. Tôi nghe thấy bà lão Dublanc hét lên. Tiếng lốp xe lạo xạo, đâu đâu cũng là cảnh sát.
Quả thật là ngu ngốc, trên bức thư em tôi viết cho tôi có địa chỉ của tôi. Em chỉ thiếu vài mẩu than để đốt thư. Sự sống chỉ tùy thuộc có vậy.
° ° °
Mờ sáng, Jacques không thấy tôi đến chỗ hẹn làm nhiệm vụ. Chắc điều gì đó đã xảy ra với tôi dọc đường, một vụ kiểm soát đã xoay chiều bất lợi. Anh lên xe đạp và phóng đến nhà tôi để "dọn sạch" phòng tôi, đó là quy định.
Hai tên cảnh sát mai phục đã bắt anh.
° ° °
Tôi cũng bị đối xử như em tôi. Viên cẩm tra Fourna nổi tiếng hung tợn, tiếng tăm ấy không phải là đồn thổi quá mức. Mười tám ngày tra hỏi, đấm đá, nện dùi cui; mười tám đêm tiếp nối những vết bỏng vì thuốc lá đốt và những đợt tra tấn đủ kiểu. Khi nào vui tính, tên cẩm Fourna bắt tôi quỳ, hai tay dang ra, mỗi tay cầm một quyển danh bạ. Hễ tôi vừa khuỵu xuống, là bàn chân y vung lên đá vào tôi, đôi khi giữa hai xương bả vai, đôi khi trúng bụng, đôi khi vào mặt. Khi cáu kỉnh, y nhằm đũng quần. Tôi không nói. Chúng tôi có hai người trong các phòng giam của sở cảnh sát phố Lũy-Saint-Étienne. Đôi khi, ban đêm, tôi nghe tiếng Jacques rên. Cả anh cũng không nói gì hết.
° ° °
23 tháng Chạp, hai mươi ngày rồi, chúng tôi vẫn không nói. Giận dữ điên cuồng, cuối cùng tên cẩm Fourna ký lệnh tạm giam chúng tôi. Sau một ngày cuối cùng khảo đả đúng quy củ, Jacques và tôi được giải đi.
Trong chiếc xe mui kín chở chúng tôi đến nhà tù Saint-Michel, tôi còn chưa biết rằng vài ngày nữa, các tòa án binh đặc biệt sẽ được thiết lập, tôi không biết rằng họ sẽ xử tức thì tại sân nhà tù ngay sau khi tuyên án vì đó là số phận dành cho tất cả những người kháng chiến bị bắt.
Xa lắm bầu trời nước Anh, dưới vầng sọ bầm dập của mình, tôi không còn nghe thấy tiếng động cơ vù vù từ chiếc máy bay Spitfire của tôi.
Trong chiếc mui kín chở chúng tôi đến điểm cuối hành trình, tôi nhớ lại những giấc mơ trẻ con của mình. Mới cách đây chưa đầy tám tháng.
° ° °
Và một ngày 23 tháng Chạp, năm 1943, người canh ngục ở nhà tù Saint-Michel đóng lại sau lưng tôi cánh cửa phòng giam bọn tôi. Khó lòng nhìn thấy gì trong cảnh tranh tối tranh sáng này. Ánh sáng chỉ hơi lọt qua những mi mắt sưng tấy. Chúng phồng lên đến mức chúng tôi chỉ hơi hé được mắt.
Nhưng trong bóng tối xà lim ở nhà ngục Saint-Michel, giờ đây tôi hãy còn nhớ, tôi đã nhận ra một giọng nói mong manh yếu ớt, một giọng nói thân quen với tôi.
- Chúc Noel vui vẻ.
- Chúc Noel vui vẻ, em trai.
19
Không thể nào quen với chấn song nhà tù, không thể không giật nảy mình trước những tiếng cánh cửa xà lim đóng lại, không thể chịu đựng những phiên gác của bọn cai ngục. Tất cả những điều đó là không thể, khi người ta say mê tự do. Làm sao tìm được một ý nghĩa cho việc chúng tôi có mặt giữa những bức tường này? Chúng tôi đã bị cảnh sát Pháp bắt giữ, chúng tôi sắp bị đưa ra xử trước một tòa án binh đặc biệt, và những kẻ sẽ bắnc tôi trong sân, ngay sau đó, cả chúng cũng sẽ là người Pháp. Nếu như có một ý nghĩa cho tất cả những điều ấy, thì tôi không tìm ra được nó ở đáy sâu nhà ngục của tôi.
Những người ở đây đã nhiều tuần bảo tôi rằng rồi sẽ quen, rằng một cuộc sống mới sẽ sắp đặt theo dòng thời gian trôi đi. Tôi thì tôi nghĩ đến thời gian uổng phí, tôi đếm thời gian. Tôi sẽ không bao giờ biết được tuổi hai mươi của mình, tuổi mười tám của tôi đã mất tăm, mà tôi chẳng bao giờ sống nó. Tất nhiên, có suất ăn buổi tối, Claude bảo. Thức ăn tởm lợm, canh bắp cải, thỉnh thoảng mấy hạt đậu đã bị mối mọt chén ruỗng, chẳng có gì cho chúng tôi tí chút sức lực, chúng tôi đói đến chết. Chúng tôi không chỉ là vài bạn lũ thuộc dân lao động nhập cư hoặc nghĩa quân du kích, chung nhau không gian xà lim. Chúng tôi còn phải chung đụng với cả lũ chấy, lũ rận và bệnh ghẻ đang gặm mòn chúng tôi.
Ban đêm, Claude đeo dính lấy tôi. Tường nhà ngục lấp lánh băng giá. Trong cái lạnh ấy, chúng tôi nằm sát vào nhau để kiếm chút hơi ấm.
Jacques đã không còn như trước. Hễ thức giấc là anh lại đi bách bộ, lặng lẽ. Cả anh nữa cũng đếm những giờ uổng phí, mất toi mãi mãi. Có thể anh cũng nghĩ đến cả một phụ nữ, ở bên ngoài. Sự thiếu vắng người kia là một vực thẳm; đôi khi, ban đêm, bàn tay anh giơ lên và cố giữ lấy điều không thể, cái vuốt ve không còn nữa, ký ức về một làn da mà hương vị đã tan biến, một ánh mắt nơi đồng tình êm đềm tồn tại.
Có khi một người canh ngục thiện chí tuồn cho chúng tôi một tờ in bí mật của các chiến hữu nghĩa quân du kích. Jacques đọc cho chúng tôi. Điều ấy bù đắp cho anh cảm giác bị tước đoạt đeo đẳng anh không rời. Tình trạng bất lực không thể hành động cứ mỗi ngày lại làm anh hao mòn thêm một tí. Tôi cho rằng cả sự thiếu vắng Osna nữa.
Tuy nhiên chính khi nhìn anh giam mình trong nỗi tuyệt vọng, ngay tại đây, giữa cái thế giới nhớp nhúa này, tôi lại thấy được một trong những vẻ đẹp chính đáng nhất của nhân gian: một con người có thể quyết chịu mất đi mạng sống của mình, song không thể quyết chịu thiếu vắng những người mà mình yêu quý.
Jacques nín lặng một lúc, anh lại đọc tiếp và cho chúng tôi hay tin tức của bè bạn. Khi chúng tôi biết được rằng một đôi cánh máy bay bị phá hoại, một trụ điện nằm gục, bị trái bom của một chiến hữu đánh bật, khi một tên dân binh ngã xuống trên phố, khi mười toa tàu thành vô dụng, những toa tàu thường chở những người vô tội đi đày, chúng tôi cùng chung đôi chút thắng lợi của các bạn.
Nơi đây, chúng tôi ở chốn tận cùng thế giới, trong một không gian tối tăm và chật hẹp; một lãnh thổ chỉ có bệnh tật là chúa tể ngự trị. Nhưng giữa hang hốc bẩn thỉu này, trong đáy sâu đen ngòm nhất của vực thẳm, hãy còn một mảnh nhỏ nhoi ánh sáng, nó như một tiếng thì thầm. Những người Tây Ban Nha ở phòng giam bên cạnh đôi khi hát lên gọi nó vào buổi tối, họ đặt tên nó là Hy vọng.
20
Ngày đầu năm, không hề có lễ mừng, chúng tôi chẳng có gì mà mừng. Chính ở đây, giữa không nơi nào hết, tôi đã gặp Chahine. Tháng Giêng đang đi nhanh, một số trong chúng tôi đã bị đưa ra trước các thẩm phán và trong khi diễn ra một phiên tòa vờ vĩnh, thì một xe tải nhỏ đến đặt các quan tài của họ ngoài sân. Sau đó có tiếng súng, tiếng hét của tù nhân, và thinh lặng lại rơi xuống cái chết của họ và cái chết sắp tới của chúng tôi.
Tôi chưa bao giờ biết tên thật của Chahine, anh không còn sức thốt ra nó nữa. Tôi đã đặt cho anh biệt danh trên vì những cơn mê sảng do sốt khiến đêm đêm anh quằn quại giãy giụa, đôi khi làm anh nói. Lúc đó anh gọi đến với mình một con chim trắng nó sẽ tới giải thoát cho anh. Trong tiếng Ẳ Rập, Chahine là tên gọi của loài chim ưng có bộ lông màu trắng. Sau chiến tranh tôi đã đi tìm con chim ấy, vì nhớ đến những khoảnh khắc này.
Bị giam giữ từ nhiều tháng nay, Chahine chết dần chết mòn mỗi ngày. Thân thể anh đau ốm vì thiếu thốn vô số chất và dạ dày anh đã co lại quá nhỏ thậm chí không còn chịu được cả nước xúp.
Một buổi sáng, trong khi tôi đang bắt rận, mắt anh bắt gặp mắt tôi và anh phải tập trung rất nhiều sức lực để mỉm cười với tôi; một chút thôi, nhưng dù sao cũng là một nụ cười. Ánh mắt anh chuyển hướng nhìn xuống hai bắp chân của mình. Ghẻ lở đang hoành hành ở đó. Tôi hiểu điều anh thỉnh cầu. Cái chết sẽ sớm đă anh đi khỏi đây, nhưng Chahine muốn đón gặp nó một cách đường hoàng có phẩm giá, sạch sẽ đến chừng nào còn có thể. Tôi đã chuyển chỗ nằm lại gần anh, và đêm đến, tôi bắt bọ chét cho anh, gỡ những con rận khỏi các nếp áo sơ mi anh mặc.
Thỉnh thoảng, Chahine gửi đến tôi một trong những nụ cười mong manh yếu ớt đòi hỏi bao nhiêu cố gắng nơi anh, nhưng chúng nói lên lời cảm ơn theo cách của anh. Chính tôi lại muốn cảm ơn anh biết mấy.
Khi suất ăn tóố được phân phát, anh ra hiệu bảo tôi đưa suất của anh cho Claude. Anh thì thầm:
- Nuôi cái thân thể này làm gì, bởi nó đã chết rồi. Hãy cứu lấy em cậu, nó còn trẻ, nó còn phải sống.
Chahine đợi ngày tàn để nói vài tiếng. Chắc hẳn anh cần thinh lặng ban đêm bao quanh mình mới tìm lại được đôi chút sức lực. Ở bên nhau trong những khoảng thinh lặng ấy, chúng tôi cùng chia sẻ chút tình người.
Cha Joseph, linh mục tư tế trong nhà tù, hy sinh phiếu lương thực của ông để giúp đỡ anh. Mỗi tuần, ông mang đến cho anh một bọc nhỏ bích quy. Để nuôi Chahine, tôi bẻ vụn bánh và ép anh ăn. Anh phải mất hơn một giờ đồng hồ mới nhấm nổi một chiếc bánh, đôi khi gấp đôi thời gian. Kiệt sức, anh van nài tôi đem số còn lại cho các bạn, để sự hy sinh của cha Joseph giúp được điều gì đấy.
Em thấy đó, đấy là câu chuyện về một cha xứ nhịn ăn để cứu một người Ẳ Rập, về một người Ẳ Rập cứu một người Do Thái bằng cách cho anh ta lý do để mà tin tưởng, về một người Do Thái ôm người Ẳ Rập trong vòng tay, trong lúc người ấy sắp chết, còn anh ta cũng đang đợi đến lượt mình; em thấy đó, đây là câu chuyện về thế giới những con người với những khoảnh khắc diệu kỳ không ngờ.
Đêm 20 tháng Giêng băng giá, cái lạnh thấu tận xương tủy chúng tôi. Chahine run lập cập, tôi ôm siết lấy anh, những cơn run rẩy làm anh kiệt sức. Đêm đó, anh không chịu ăn thức ăn tôi đưa đến miệng anh. Đột nhiên anh bảo tôi:
- Giúp tôi với, tôi chỉ muốn tìm lại được tự do của mình.
Tôi hỏi anh làm thế nào trao tặng được thứ mà mình không có. Chahine mỉm cười đáp:
- Bằng cách tưởng tượng ra nó.
Đó là những lời cuối cùng của anh. Tôi giữ lời hứa và lau rửa thi thể anh cho đến rạng đông; rồi tôi mặc quần áo cho anh, đúng trước lúc trời sáng. Những ai trong chúng tôi có tín ngưỡng đều cầu nguyện cho anh; và có quan trọng gì từ ngữ trong lời cầu nguyện bởi lời ấy đến từ con tim. Tôi, người chưa bao giờ tin Chúa, trong một khoảnh khắc tôi cũng cầu nguyện, để điều ước của Chahine được chuẩn nhận, để anh được tự do ở chốn khác.
Chúc các bạn online vui vẻ !