Disneyland 1972 Love the old s
Tiểu thuyết tình yêu

Tiểu Thuyết Tình Yêu

Đọc truyện tại Tiểu Thuyết Tình Yêu

Loading...

Tiểu thuyết - Quán cà phê XY - trang 7

Full | Lùi trang 6 | Tiếp trang 8

43

Công đứng trước cổng trường nơi mẹ thụ công tác. Anh hơi căng thẳng, định hút thuốc lại nhớ ra đây là trường học, đành phải bỏ qua ý nghĩ đấy.

Những lời muốn nói cứ lặp đi lặp lại trong lòng, nhưng đợi đến lúc tan học, nhìn thấy mẹ Diệp thì đến hai chữ “Bác gái”, anh cũng không sao thốt ra được. Mãi một lúc lâu sau công mới cúi đầu nói nhỏ: “Có thể mời bác đến quán trà nào gần đây để nói chuyện không ạ?”.

Mẹ Diệp nhìn công, mặc dù rất tức giận nhưng cũng đồng ý.

Hai người đến một phòng riêng trong quán trà, công định rót trà cho mẹ thụ lại bị bà đưa tay ngăn lại: “Không cần, tôi đến đây chỉ để nói với cậu, xin cậu từ nay đừng làm phiền con trai tôi nữa. Bây giờ nó đang rất tốt”.

Công khựng lại, rồi vẫn cố chấp rót đầy cốc trà, sau đó cúi người, quỳ hẳn xuống. Mẹ Diệp kinh hãi, vội vàng đứng bật dậy: “Cậu làm gì thế?”.

Công: “Bác gái, bác là mẹ của Chiêu Ninh, bác có đủ tư cách nhận một quỳ này của cháu. Cháu xin bác cho cháu được gặp Chiêu Ninh”.

Mẹ Diệp: “Gặp nó? Sau đó thì sao? Để hai đứa con trai chúng mày tiếp tục làm bừa à? Uổng công lúc đầu ta con hy vọng cậu chăm sóc cho A Ninh, mắt ta đúng là mù rồi!”.

Tim công giật thót một cái, ngẩng đầu dậy, nghiêm túc nhìn mẹ Diệp: “Cháu biết chuyện này rất khó chấp nhận, nhưng cháu yêu Chiêu Ninh. Hơn nữa đối với Chiêu Ninh mà nói, sự đồng thuận của gia đình là vô cùng quan trọng, bởi vậy trước khi nhận được sự cho phép của bác, cháu sẽ không gặp cậu ấy. Cháu chỉ hy vọng bác để cho chúng cháu ở bên nhau”.

Mẹ Diệp cười lạnh một tiếng: “Sự cho phép của ta? Lúc đầu cậu quyến rũ con trai ta, sao không thấy cậu xin ý kiến của ta?”.

Công nghẹn lời.

Mẹ Diệp: “Cậu không cần phải nói gì nữa, cậu cứ luôn miệng nói cậu yêu con trai ta, vậy thì xin cậu cách xa nó một chút”, nói xong bà liền quay người rời đi.

Mẹ Diệp cho rằng đó là lần cuối cùng nhìn thấy mặt công rồi, nhưng đến ngày thứ hai vẫn thấy công đứng trước cổng trường đợi mình. Công không chịu thua. Anh giống như đã bám chặt lấy mẹ Diệp, ngày nào cũng đến cổng trường đợi bà, cầu xin bà cho mình gặp thụ. Cứ đợi như thế đến cả hơn nửa tháng, mưa to gió lớn cũng không bỏ cuộc. Có mấy lần tan học, mẹ Diệp thấy anh lạnh đến mức cứ run rẩy mãi không thôi, thế mà nhìn thấy bà là lại giống như được cổ vũ tinh thần, tiếp tục tiến lên trước nói chuyện với bà. Mẹ Diệp bị làm phiền không chịu nổi nữa bèn gọi điện thoại bảo chồng mình đến đón. Đối mặt với bố Diệp, công vẫn dùng câu nói cũ: “Cầu xin hai bác cho chúng cháu được ở bên nhau”.

Ngoài ra, cứ cách hai ba ngày là công lại gửi đến nhà họ Diệp. Nào thuốc lá, nào rượu, nào quả hạch đào, nào nồi cơm điện, còn cả áo khoác lông vũ, toàn bộ đều gửi EMS đến tận cửa. Cứ tiếp tục thế này thì đồ dùng cả năm đều không cần phải lo nghĩ nữa rồi. Chỗ người nhận cũng không đề tên thụ mà ghi thẳng tên mẹ Diệp. Thụ nhìn thấy đồ gửi cho mẹ mình thì nhận luôn, đợi đến tối bố mẹ về nhìn thấy, đọc được dòng chữ ghi địa chỉ người gửi toàn là tùy tiện ghi bừa mấy chữ, muốn trả lại cũng không được, lại không thể nói với thụ đây là đồ công gửi đến, chỉ có thể tự ôm bực tức vào người mà thôi.

Mặt khác, thụ ngoài mặt cũng rất an phận.

Đúng thế, chỉ là ngoài mặt.

Đường truyền internet bị cắt, số điện thoại cũng bị đổi. Điện thoại bàn thì đặt chế độ ghi nhớ danh sách số gọi đi, bố Diệp còn cố ý kiểm tra, không thấy có phát sinh số lạ. Thụ hằng ngày đều không ra ngoài, ở trong nhà đọc sách hoặc vẽ mấy bản thiết kế, đến giờ thì nấu cơm. Có điều cậu không chủ động nói chuyện với bố mẹ, cũng không giống như trước đây cùng hai bậc phụ huynh ngồi trên sô pha xem tivi, cũng không hề cười nữa. Hơn nữa vào bữa cơm mỗi ngày, cậu đều kể cho bố mẹ mình nghe công là người như thế nào. Từ chuyện gia đình cho đến công việc, lại đến thái độ quan tâm người khác của anh. Mỗi ngày lặp lại một lần. Từ lúc ban đầu bố Diệp cứ nghe thấy là lại giận tím mặt cho đến bây giờ là bỏ ngoài tai. Ông xem như con trai mình chỉ đang xả bức bối trong lòng mà thôi. Đối với ông và mẹ Diệp mà nói, thụ không liên lạc với tên kia thì đã tốt lắm rồi. Tên kia muốn làm thế nào đều không quan trọng. Chuyện đó có lớn đến mấy thì sớm muộn gì cũng sẽ qua mà thôi.

44

Mắt chỉ thấy còn mười ngày nữa là sang năm mới, cuối tháng Một, trường học cuối cùng cũng bắt đầu nghỉ đông. Mẹ Diệp rốt cuộc có thể thở phào một hơi, không cần đi làm, cũng tức là có thể thoát khỏi sự đeo bám của công rồi. Việc cậu đến tìm mẹ Diệp, cả hai vợ chồng đều giấu không cho thụ biết. Cách nghĩ của bọn họ lúc này chính là cố hết sức làm lu mờ sự tồn tại của công. Có điều nói thật, bố mẹ thụ nhìn đứa con như người gỗ của mình, trong lòng cũng không dễ chịu gì. Suốt cả ngày, có mỗi lúc ở bên bàn ăn kể chuyện về công là còn thấy thụ trông có tinh thần. Mà cứ khi nào bố mẹ nhịn không được nhắc đến chuyện này,, mắng mỏ cậu cũng được, phân tích thiệt hơn cũng thế, lần nào thụ cũng rất chăm chú lắng nghe, không khóc lóc, cũng không quậy phá, chỉ là quỳ xuống dập đầu một cái, sau đó cầu xin bố mẹ tha thứ, cầu xin cho mình được ở bên công.

Bố mẹ thụ sắp phát điên rồi. Đã mấy lần, mẹ Diệp vừa lau nước mắt vừa nghĩ, hay là cứ kệ chúng nó đi cho rồi. Nói với bố Diệp việc này, ông lại chỉ hút một đống thuốc, không nói năng gì.

Từ sau khi trường học nghỉ đông, công không đến trường, cũng không gửi đồ nữa, ngày ngày anh tới trước cổng tiểu khu chỗ thụ ở đứng một lúc, ngóng một lúc. Ban đầu là đến vào ban ngày, hai ngày sau bảo an của tiểu khu cho rằng anh là ăn trộm định đến kiếm chác gì đó, suýt nữa đã báo cảnh sát bắt anh, thế là công liền chuyển sang đến buổi tối. Mỗi lần bị lạnh tới cả người run lẩy bẩy, công lại nhìn lên những khung cửa sổ sáng đèn trong tiểu khu, cứ nghĩ đến khoảng cách giữa anh và thụ chỉ ngắn ngủi có từng ấy thôi là anh lại không thấy lạnh nữa.

Có những khi công nhớ lại lần anh tỏ tình với thụ, anh cũng đứng trước của nhà trọ của thụ đợi cậu trở về như thế này. Lúc đó anh rất sợ, sợ trong phòng thực ra đã chẳng còn lại gì, sợ thụ không chào mà đã đi luôn. Mà hôm nay, thụ có thật sự ở trong nhà không anh cũng không chắc chắn một trăm phần trăm nhưng trong lòng lại an tĩnh đến lạ.

Công nghĩ, chắc có lẽ vì tim mình đã bị thụ lấp tràn đầy, không còn khả năng dao động nữa rồi. Nếu nói có gì cứ quấy phá mãi trong lòng anh, thì đó chính là công thực sự vô cùng nhớ thụ, nhớ đến muốn phát cuồng rồi, nếu không thì sao có thể tối nào cũng chạy tới đây đứng ngẩn ngơ chứ. Ban ngày ít ra còn có thể đợi được bố mẹ thụ, buổi tối thì đến bóng người cũng chẳng thấy. Có điều vào ngày thứ sáu, công bất ngờ gặp được một người.

Lúc Viên Viên đến nhà họ Diệp, bố mẹ thụ đang ngồi trước tivi xem phim, vừa thấy Viên Viên, trên mặt mẹ Diệp nở nụ cười đã lâu không thấy: “Viên Viên, sao cháu lại qua đây?”.

Viên Viên cười tươi, giơ hai tay đang cầm một đống túi của cô lên: “Con vừa đi xem phim về. Mẹ nuôi, hạt dẻ rang đường mới ra lò này, mua dành riêng cho mẹ đấy!”.

Bố Diệp: “Viên Viên đang nghỉ tết đấy à?”.

Viên Viên: “Chưa ạ, chỉ là vừa vặn cuối tuần, mẹ con bảo nhớ con nên mới về thôi ạ”.

Thụ đi từ trong phòng ra nhìn thấy Viên Viên đến chơi, miễn cưỡng nhếch khóe miệng lên một chút, đi rót cho cô cốc nước. Viên Viên dường như hoàn toàn không nhận ra thanh mai trúc mã của mình có gì không ổn, cứ lôi kéo cậu nói chuyện mãi.

Viên Viên: “A, cậu có biết không, tuần trước cuối cùng tớ cũng gặp được A Dương với vợ cậu ấy rồi! Vợ cậu ấy nhìn nhỏ nhắn, xinh xắn lắm”.

Thụ: “Thế à?”.

Viên Viên: “Ừ, bọn tớ còn cùng nhau đi ăn cơm nữa. A Dương nghe nói cậu về nhà rồi, nói là cậu thật chẳng biết điều gì cả, cũng chẳng thèm tìm cậu ấy uống cốc rượu. Không được, tớ phải gửi tin nhắn cho cậu ấy bảo tớ đang ở chỗ cậu, chắc chắn cậu ấy sẽ gọi lại mắng cho cậu một trận cho xem, ha ha”, nói xong cô liền lấy di động ra ấn bàn phím lạch cạch gửi tin.

Quả nhiên chẳng mấy chốc đã nghe thấy nhạc chuông vang lên, Viên Viên vui vẻ nhấc máy: “A lô, A Dương…A lô…A lô…Không có sóng à?”.

Viên Viên nghi hoặc lắc lắc điện thoại, đi ra đến tận ban công mới tiếp tục nói chuyện được. Qua một lúc, cô quay đầu vào phòng gọi thụ: “A Ninh, A Dương muốn cậu nghe điện thoại này”.

Thụ đi đến nhận lấy điện thoại, nhẹ giọng gọi một tiếng: “A Dương à?”.

Đầu bên kia chẳng thấy có phản ứng gì.

Thụ nhíu mày: “A Dương? Cậu không nghe được à?”.

Đầu bên kia vẫn không có phản ứng.

Thụ: “A…”.

Người ở đầu bên kia hình như cười một cái, ngắt lời cậu: “Là anh”.

Thụ bất giác nắm chặt điện thoại. Từ lúc về nhà, cái dây luôn căng ra dường như đứt “phựt” một cái. Cậu muốn gọi tên anh, muốn nói mình rất nhớ anh, muốn nói mình đã thú nhận với bố mẹ rồi, muốn hỏi Dương Thành lúc này còn tuyết không…

Cậu có quá nhiều điều muốn nói với công, thế nhưng đến nữa câu cũng không sao thốt ra lời được.

Qua một lúc rất lâu, cậu nghe thấy công nói: “Bây giờ anh chỉ cách em khoảng mộ nghìn mét thôi. Thụ từ từ dựa người vào tường, ngẩng đầu nhìn lên bầu trời vừa mờ ảo vừa xa xôi: “Sao anh lại đến đây?”.

Công: “Anh đến đón em về nhà”.

Mắt thụ đỏ hoe, thấp giọng nói: “Chúng ta hình như chưa từng đứng ở ban công phòng khách ngắm sao”.

Công: “Đúng thế. Em cũng biết đấy, anh rất sợ lạnh, cũng không thích ra ngoài”.

Thụ: “Vậy đợi ngày nào trời ấm lên một tý thì chúng ta cùng ngắm”.

Công: “Được”.

Thụ: “…Anh đợi em”.

Công chậm rãi thở ra một hơi, giống như đã hạ quyết tâm nào đó: “Không, là em đợi anh”.

Thụ nghe xong điện thoại đi vào, đưa di động cho Viên Viên. Ngoài đôi mắt hơi hơi hồng, trên mặt cậu chẳng có biểu hiện gì khác thường. Mẹ Diệp nhìn con trai mình, lại nhìn Viên Viên, dường như định nói gì đó nhưng cuối cùng lại chẳng mở miệng. Viên Viên thấy thời gian cũng không còn sớm nữa liền chuẩn bị rời đi. Mẹ Diệp đột nhiên nói: “Viên Viên, để bác tiễn con”.

Hai người đi xuống dưới nhà, mẹ Diệp cuối cùng cũng cất tiếng: “Cuộc gọi vừa rồi…”.

Viên Viên trầm mặc một lúc: “Mẹ nuôi, con…”.

Mẹ Diệp: “Hóa ra con cũng biết rồi”.

Viên Viên: “Hướng…Con nói người đàn ông đó, lúc con đến Dương Thành cũng có gặp. Hôm nay lại nhìn thấy trước cửa khu nhà chúng ta, anh ta liều mạng cầu xin con, nói là chỉ cần gọi một cuộc điện thoại là tốt lắm rồi…Mẹ nuôi, xin lỗi, con…”.

Mẹ Diệp nhớ đến con trai mình, không khỏi thấy đau lòng: “Viên Viên, con nói xem, mẹ nuôi phải làm gì mới tốt đây…”.

Viên Viên cũng chẳng biết phải nói thế nào: “A Ninh, cậu ấy hình như gầy đi nhiều quá…Mẹ nuôi, hai người cũng đừng ép cậu ấy quá…”.

Viên Viên nhớ lại dáng vẻ cầu xin thành khẩn của công lúc nãy, mặc dù cô cũng không muốn thụ đi trên con đường này nhưng hai người họ yêu nhau đến thế, bất kể ai cũng không nỡ chia rẽ.

Hai ngày sau, nhà họ Diệp vừa ăn xong cơm trưa thì nghe thấy tiếng chuông cửa kêu. Bố Diệp ra mở cửa, là một cặp vợ chồng trung niên không quen biết. Người phụ nữ quấn trên cổ chiếc khăn màu đỏ nhìn bố Diệp một chút, mỉm cười nói: “Chào anh, chúng tôi là cha mẹ của Hướng Viễn, hôm nay mạo muội đến đây làm phiền là muốn giải quyết triệt để chuyện giữa hai đứa con trai nhà chúng ta”.

45

Vừa nghe thấy câu này, phản ứng đầu tiên của bố Diệp là đóng sầm cửa lại: “Cô tìm nhầm người rồi”.

Mẹ Hướng hơi cao giọng, ở ngoài cửa nói tiếp: “Thầy giáo Diệp, xin thầy mở cửa, chúng tôi có chuyện muốn nói với thầy”.

Bố Diệp lướt mắt qua vợ con mình, cả hai đều tỏ vẻ kinh ngạc, rõ ràng cũng đã nghe thấy những gì người bên ngoài nói. Thụ lại càng choáng váng, cậu không ngờ đến cả cha mẹ công cũng tới đây.

Bố Diệp: “Không có gì để nói hết. Các người còn không đi tôi sẽ báo cảnh sát đấy!”.

Mẹ Hướng cười một tiếng: “Thầy giáo Diệp, anh là thầy giáo, dạy dỗ giáo dục người khác thì tôi chịu; nhưng còn khóc lóc ăn vạ thì anh chắc chẳng làm được đâu nhỉ. Anh chắc chắn là mình muốn báo cảnh sát chứ?”.

Bố Diệp: “…”.

Bố Diệp suy nghĩ kỹ càng một lúc, thôi vậy, nếu hôm nay có thể cắt đứt hy vọng của con trai mình thì càng tốt. Thế là ông liền mở cửa cho hai người vào nhà.

Thụ căng thẳng nhìn ra phía sau cha mẹ công xem có còn ai không, mẹ Hướng dường như đọc được ý nghĩ của cậu, nhẹ giọng nói: “Vốn nó cũng định đến cùng, nhưng vì sát giờ lại có việc nên không đến được”.

Bố Diệp nhìn bộ dạng thất thần của con trai, lạnh giọng hỏi: “Hai người có chuyện gì?”.

Mẹ Hướng nhìn vợ chồng nhà họ Diệp, lại nhìn thụ, nói: “Tiểu Diệp, con về phòng trước đi, ta muốn nói chuyện với bố mẹ con một lát”. Thụ sững ra một hồi rồi mới gật đầu quay người rời đi.

Bố Diệp ngăn cậu lại: “A Ninh, con đứng lại đây. Đây là con trai tôi!”.

Từ lúc hai người xa lạ chẳng biết ở đâu chui ra này bước vào nhà, bố Diệp cảm nhận rõ ràng con trai mình đang dao động. Lại nhìn thấy bộ dạng ngoan ngoãn nghe lời của thụ, ông bắt đầu thấy hối hận vì đã để hai người kia vào nhà.

Nghĩ đến đây, sắc mặt bố Diệp cũng trở nên sầm sì: “Hai người thân là bố mẹ thì hãy quản lý chặt chẽ con trai mình đi. A Ninh và con trai hai người đã chẳng còn quan hệ gì nữa rồi, hy vọng các người trở về, từ nay về sau đừng làm phiền nhà chúng tôi nữa”.

Mẹ Hướng cũng chẳng để ý, nói: “Thầy giáo Diệp, tôi muốn nói chuyện riêng với chị nhà có được không?”.

Bố Diệp nhìn sang vợ, mẹ Diệp do dự một lúc rồi cũng gật đầu. Thế là hai người đi vào phòng ngủ, để lại cha Hướng và bố Diệp đứng trừng mắt nhìn nhau. Cha Hướng thì vô cùng tự nhiên thoải mái, tự tìm một cái ghế ngồi xuống, thụ cũng pha một tách trà cho ông. Uống mấy hớp trà, cha Hướng giống như nhớ ra điều gì, nhìn sang bố Diệp đang ngồi tự kỷ một mình bên cạnh, nói: “Cái khăn mẹ đứa nhỏ đang quấn là do Tiểu Diệp mua tặng đấy”.

Bố Diệp nghe thế liền quay sang trừng mắt với cha Hướng một cái.

Cha Hướng: “Còn tặng tôi, là một bộ đồ trà rất đẹp, tôi rất thích”.

Bố Diệp cũng không chịu thua kém: “Con trai tôi mười tuổi đã biết tự làm thiếp chúc mừng sinh nhật tôi rồi!”.

Cha Hướng: “Tôi thích món tôm rang muối của A Ninh, mùi vị rất ngon”.

Bố Diệp: “Đó là món mẹ nó thích nhất, nó còn đi học riêng món đó về nấu đấy”.

Cha Hướng: “Tiểu Diệp quả là một đứa trẻ ngoan!”.

Bố Diệp: “Đó là đương nhiên!”. Tự mãn cái khỉ gì, đó là con trai tôi cơ mà!

Cha Hướng điềm tĩnh nhìn bố Diệp: “Nhưng mà, anh sắp mất nó rồi”.

Mắt bố Diệp đỏ gay: “Đó là tại ai?! Đều là do con trai anh cả!”.

Cha Hướng lắc đầu, cũng không nói gì nữa.

Lại qua một lúc, cha Hướng đột nhiên bày ra vẻ mặt: “Ồ, tôi hiểu rồi” nhìn bố Diệp.

Bố Diệp thật sự thấy phiền rồi: “Lại làm sao thế?”.

Cha Hướng: “Không ngờ anh là giáo viên mà tư tưởng lại cổ hủ như thế”.

Bố Diệp: “Ý anh là gì?”.

Cha Hướng: “Anh cứ nhất quyết không chịu để con tôi và con anh ở bên nhau, là vì muốn được ôm cháu đúng không?”.

Bố Diệp: “Vớ vẩn, bây giờ đang là thời đại nào rồi!”. Cho dù có đúng cũng quyết không thể nói ra được!

Cha Hướng: “Việc đó cũng đơn giản thôi mà, cùng lắm sau này nhận nuôi một đứa, lấy họ Diệp nhà anh là được rồi”.

Bố Diệp cảm thấy tư duy của cái người ngồi trước mặt mình đây quả là không thể hiểu được: “Anh điên rồi à? Anh thật sự muốn chúng nó cả đời này cứ bị người khác chỉ chỉ trỏ trỏ sao?”.

Cha Hướng quay sang thụ nãy giờ vẫn đang đứng một bên: “Tiểu Diệp, nghe nói con muốn mở một quán cà phê?”.

Thụ gật đầu.

Cha Hướng: “Tiểu Diệp ở quán cà phê, Tiểu Hướng viết văn, nhà anh chẳng có họ hàng gì ở Dương Thành đúng không? Hai đứa cũng không cần phải ra ngoài làm việc, tự mình làm chủ thì lấy ai ‘chỉ trỏ’ chúng nó đây?”.

Bố Diệp không nói lời nào.

Lúc này, hai bà mẹ nãy giờ vẫn ở trong phòng ngủ cũng đi ra, mắt cả hai đều đỏ hồng, nhìn điệu bộ chắc là vừa mới khóc một trận. Mẹ Hướng kéo tay mẹ Diệp, thở dài một hơi: “Sự việc cũng đã đến nước này rồi, trải qua từng đó lần tự sát, vợ chồng chúng tôi cũng nghĩ thông suốt rồi. Con mình sống tốt mới là quan trọng nhất”. Mẹ Diệp gật đầu không ngừng.

Bố Diệp lại bàng hoàng sửng sốt: “Tự sát?”.

Mẹ Hướng đau khổ nhìn bố Diệp: “Đúng thế, trên thời sự cũng nói mỗi năm có rất nhiều những người đồng tính tự sát, hơn chín mươi phần trăm là vì bị các bậc phụ huynh ép buộc quá mức, lúc đầu chúng tôi cũng…”, mẹ Hướng dường như nghẹn lời, rúc vào lòng cha Hướng bật khóc.

Khóe miệng thụ giật giật.

Bố Diệp ngập ngừng hỏi: “Vậy…trước đó hai người không nhận ra nó muốn…”.

Mẹ Hướng: “Trước đó nó cũng như bình thường thôi, rất yên lặng. Chúng tôi nghĩ là chắc một thời gian nữa sẽ ổn, đến lúc đó lại tìm một đứa con gái giới thiệu cho nó, ai ngờ…”.

Mẹ Hướng uống một ngụm nước, điều hòa hơi thở một lúc mới nói tiếp: “Con trai nhà chúng tôi rất cố chấp, lúc đó đã nghĩ luôn đến phương pháp cực đoan rồi. Sau này tìm hiểu thêm các tài liệu mới biết, tâm trí những người trẻ tuổi hiện nay rất yếu đuối, nếu xuất hiện áp lực nặng nề không thể chịu đựng được rất dễ xảy ra phản ứng tiêu cực, ví dụ như hút ma túy, giết người, mại dâm,…”.

Bố Diệp dường như bị những lời nói của mẹ Hướng làm cho choáng váng cả người.

Mẹ Hướng: “Nói thật thì, thầy giáo Diệp à, từ khi con trai tôi còn rất nhỏ, tôi và cha nó cũng chỉ có một nguyện vọng, đó là mong cháu có thể trưởng thành bình an, khỏe mạnh. Bây giờ chúng tôi đã đạt được nguyện vọng của mình rồi, không chỉ thân thể khỏe mạnh mà sự nghiệp cũng thành công, thân là cha mẹ, còn có thể cầu mong gì hơn? Tiểu Hướng cũng thế, Tiểu Diệp cũng vậy, chúng đều là những người bình thường, chẳng qua chỉ là yêu một lần, làm những việc mình thích mà thôi, không ảnh hưởng gì đến người khác, cũng chẳng làm hại ai cả. Đợi qua vài năm nữa lại bảo bọn chúng nhận con nuôi, có thời gian thì về thăm chúng ta, cùng chúng ta uống rượu, đánh bài là được. Chúng ta, từ từ rồi cũng già cả thôi”.

Nghe lời nói của mẹ Hướng, thần sắc bố Diệp dường như có phần cảm khái.

Mẹ Hướng nhìn bộ dạng bố Diệp như thế, thở dài: “Con cái tự có phúc phận của chúng nó. Thầy giáo Diệp, anh thật sự muốn ép nó…”.

Bố Diệp giật mình: “Sao thế được! Cô đừng nói bừa! Tôi chỉ có mỗi thằng con trai này, tôi…”.

Bố Diệp không dám nghĩ tiếp, cũng không nói gì thêm nữa. Bố mẹ công nhìn nhau một cái, cha Hướng hắng giọng: “Chúng tôi đã đặt bàn ở nhà hàng Nam Sơn, sáu giờ tối nay, nếu không ngại, hy vọng cả nhà anh chị nể mặt đến dùng bữa cơm”, nói rồi hai người liền cáo từ ra về.

Cả buổi chiều, nhà họ Diệp đều im lặng vô cùng, bố mẹ thụ trầm mặt không nói gì, thụ thì lại vào phòng ngồi nhìn thời gian trôi qua từng giây, từng phút một.

Thời gian dài đằng đẵng khiến người ta cảm thấy hoảng hốt..

Mắt thấy cũng sắp đến sáu giờ, thụ cuối cùng cũng đứng lên, đi đến trước phòng bố mẹ. Trong phòng khói thuốc lượn lờ, thụ gọi một tiếng: “Bố…”.

Bố Diệp dáng vẻ tiều tụy ngẩng đầu lên nhìn cậu một cái.

Mắt thụ đỏ hồng: “Bố…”.

Bố Diệp im lặng rất lâu, cuối cùng vẫn lắc đầu, nói: “Bố mẹ không đi đâu…con…đi đi…”.

Sáu giờ tối mùa đông, trời đã tối rồi, ánh sáng nhấp nháy phía xa kia là những ánh đèn trong các mái ấm. Thụ dường như chạy một mạch xuống lầu, còn chưa ra đến cổng khu nhà thì cậu đã khựng lại.

Công đang đứng đó.

Thụ nhìn thấy anh, không biết tại sao lại bật cười. Rõ ràng chỉ mới hơn một tháng không gặp, nhưng vào thời khắc nhìn thấy anh, cậu dường như lại một lần nữa làm quen anh từ đầu vậy. Cậu nghĩ, ồ, hóa ra đây là người mà mình vẫn luôn chờ đợi. Thụ thấy công đang từng bước từng bước lại gần mình, không nhịn được mà thầm đoán anh sẽ nói gì.

Nói: Anh đã đến đón em về rồi đây?

Nói: Để em đợi lâu rồi?

Nói: Anh yêu em?

Cậu nhìn công bước đến trước mặt mình, chậm rãi vươn tay ra ôm chặt lấy cậu.

Anh nói:

“Anh muốn ăn canh sườn em nấu.”

Thụ nghĩ, có lẽ, câu mà cậu muốn nghe nhất chính là câu nói này.

Ngoại truyện 1: Cứu viện mạnh mẽ

Mẹ Hướng cùng cha Hướng vừa mới xuống xe đã thấy con trai mình bộ dáng đau khổ đứng đợi ở bến. Mẹ Hướng lườm anh một cái: “Thật vô dụng!”

Chuyện công đến Thanh Châu, bố mẹ anh cũng biết nhưng họ lại không ngờ rằng, đã hơn một tháng rồi mà đến mặt thụ công còn chưa thấy. Công mặt mày đáng thương nhìn mẹ mình: “Con nhớ Chiêu Ninh quá.”

Cả nhà ngồi xuống ăn bữa cơm, công kể qua về tình huống hiện tại, mẹ Hướng vừa nghe vừa lắc đầu: “Không được, mặt không đủ dày, tay chân cũng bám không chặt lấy người ta gì cả.”

Cha Hướng liếc mẹ Hướng một cái: “Hay là chúng ta đi một chuyến vậy. Phản ứng của bố mẹ Tiểu Diệp như thế cũng rất bình thường thôi”.

Công vừa nghe thế đã lắc đầu quầy quậy: “Không được, không được, con gọi hai người đến là để làm cố vấn, đưa ra kế hoạch. Nếu cha mẹ tìm đến tận nhà thì không ổn đâu”.

Mẹ Hướng: “Nếu Tiểu Diệp là nữ thì cái đoạn tình cảm này của hai đứa có đến gian đoạn nào, mẹ đây cũng không thèm quan tâm. Nhưng tình cảnh của hai đứa dù sao cũng hơi đặc biệt, cha mẹ chỉ hy vọng con sớm có thể ổn định lại. Yên tâm đi, cha mẹ lộ diện càng thể hiện chúng ta rất có thành ý à?”

Công vẫn hơi do dự. Cha Hướng dường như nhận ra công đang nghĩ gì, an ủi: “Không sao đâu, còn có cha mà”.

Công: “...”.

Chẳng thèm đợi công nói thêm gì, cha Hướng đã rút từ trong túi ra một quyển sổ tay, bắt đầu bàn bạc kế hoạch với mẹ Hướng: Bắt đầu từ những lý do chủ yếu khiến bố mẹ thụ không chấp nhận được việc con mình đồng tính, lần lượt giải quyết từng vấn đề một khiến họ sau này không cần phải lo nghĩ nhiều nữa. Cha Hướng còn nêu ý kiến, trong quá trình trao đổi, mẹ Hướng phải nhắc đi nhắc lại, nhấn mạnh những hậu quả gây ra do áp lực từ phía gia đình nhằm khiến bố mẹ thụ cảnh giác, đến lúc phù hợp cũng có thể lấy công ra làm ví dụ.

Công nghe thấy rất kỳ lạ: “Sao lại để mẹ nói? Cha nói không phải càng có sức thuyết phục sao?”

Cha Hướng: “Lúc phụ nữ nói dối trông đều vô cùng thành khẩn, lời nói cũng rất dễ tác động đến người khác”.

Công: “... Vừa nhìn đã biết cha rất có kinh nghiệm rồi”.

Ngày đến nhà thụ, mới sáng sớm công đã dậy, đi xuống nhờ nhà bếp khách sạn, tự mình nấu ăn. Bữa trưa, mẹ Hướng nhìn một bàn đầy thức ăn, dường như có phần cảm khái: “Con sinh vào buổi đêm nên đặt tên là Vãn[1]. Mẹ vẫn còn nhớ bộ dạng lúc nhỏ của con, thế mà chớp mắt một cái đã sắp thành gia lập thất rồi...”.

[1] Vãn: Có nghĩa là muộn hoặc buổi tối.

Công thấy mẹ mình đột nhiên trở nên đa sầu đa cảm, nhất thời không biết làm thế nào: “Mẹ...”

Cha Hướng chậm rãi thổi nguội đồ ăn: “Vừa vừa thôi, lỡ đến chiều lại không phát huy được thì chết.”

Mẹ Hướng lập tức đắc ý nói: “Lão Hướng, vừa rồi tôi làm thế nào? Cảm xúc rất chuẩn đúng không. Ồ, A Vãn, thật ra con sinh vào buổi sáng, lúc đó mẹ giận dỗi với bà con nên nhất định đặt tên con là “Vãn”. Cũng không nhớ lúc đó có chuyện gì nữa, giờ quên mất rồi...”

Công: “...”.

Buổi chiều, cha mẹ công đi vào tòa nhà nơi Diệp gia ở, còn công thì đứng dưới đợi, sốt hết cả ruột cả gan. Không biết bao lâu sau mới thấy cha mẹ đi ra. Công vội vàng chạy đến trước hỏi: “Sao rồi? Hai bác đã đồng ý chưa?”. Phụ mẫu hai người mặt không chút biểu cảm nhìn công.

Lòng công lập tức lạnh buốt: “Con biết mà, sao có thể nghe hai người nói một cái là đã thông suốt ngay được... Con biết mà...”.

Nhị vị phụ huynh đưa mắt nhìn nhau.

Thực ra tình hình lúc ban chiều có phần nằm ngoài dự liệu của mẹ Hướng. Lúc mẹ Hướng ở trong phòng nói chuyện với mẹ Diệp, bà phát hiện thái độ của nhà họ Diệp thực ra cũng đã lung lay rồi, xem ra bất kể là mấy chiêu “thà chết không chịu bỏ cuộc” của công hay là hành vi kiên trì của thụ, thì cũng đều có kết quả nhất định cả. Thế là mẹ Hướng liền khóc lóc bịa ra một câu chuyện công lúc trước đã tự sát rồi được cứu như thế nào. Có lẽ là do nhân vật chính trong câu chuyện bịa đặt này là con trai ruột của mình nên bà nói càng thuận miệng, thật giả lẫn lộn, nói tới mức mẹ Diệp cũng thấy đồng cảm, cả hai cùng khóc rưng rức.

Mẹ Hướng vỗ vai con trai: “Sáu giờ tối, nhớ đưa Tiểu Diệp về ăn cơm đấy”, sau đó không đợi con trai phản ứng lại được với tin tức giật gân này, hai người đã rời đi.

Trên đường về khách sạn, mẹ Hướng không nhịn được mà than một câu: “Tôi thật nhớ bộ dạng lúc con mình còn nhỏ, mà giờ nó quả thật cũng sắp thành gia lập thất rồi...”

Cha Hướng đứng khựng lại. Ông chăm chú quan sát vợ một hồi, sau đó tay hơi cong lại bên sườn. Mẹ Hướng lập tức bật cười, vươn tay ôm chặt lấy cánh tay chồng.

Ngoại truyện 2: Cuộc sống vợ chồng hạnh phúc (1)

Dạo gần đây B rất đau đầu. Anh cãi nhau với A rồi, nguyên do chỉ vì một bức tranh.

Từ sau khi A, B hai người chính thức xác định mối quan hệ, A liền thường xuyên chạy qua chỗ B ở, vì thế B cũng dành riêng một góc trong phòng làm việc của mình cho A vẽ tranh. Hôm đó là vào cuối tuần, A ra ngoài mua ít màu vẽ, B thì tiếp một người bạn đến thăm. Con gái người bạn đó cũng đi cùng, rất hiếu động, người lớn nói chuyện còn cô bé thì tự mình chơi đùa, chui cả vào phòng làm việc như đang chơi trốn tìm vậy. Gần đến lúc về, cô bé cầm một bức tranh từ phòng làm việc đến trước mặt B, mắt chớp chớp nhìn lên: “Chú ơi, chú có thể tặng cháu bức tranh này không?”

B nhìn một cái, là bức tranh lần trước khi anh bắt A ở lại tăng ca, cậu chán quá mà vẽ ra, bức tranh “Trong mắt”. A dường như đặc biệt thích bức tranh này, dựa trên bản phác thảo gốc đó đã vẽ thêm rất nhiều bức tranh khác, bức sau đẹp hơn bức trước, càng ngày càng dụng tâm.

B ôm cô bé lên: “Sao cháu lại muốn có bức tranh này?”.

Cô nhóc chỉ vào hình người bé bé trong tranh: “Bởi vì bức tranh này rất đẹp, cháu cũng muốn được vào đó giống như người này này”.

B nhìn kỹ lại lần nữa, bức tranh này cũng mang lại cảm giác kỳ diệu như truyện cổ tích vậy, chắc bởi thế mới được các bạn nhỏ yêu thích. B nghĩ ngợi một lúc, dù sao A cũng đã có những bức tranh mới hơn, đẹp hơn rồi, bức phác thảo cũ này chắc cũng chẳng cần đến nữa đâu, thế nên anh quyết định tặng cho con gái bạn mình.

Đến tối A trở về, bộ dạng có vẻ đang rất vui, báo là cuối cùng cũng tìm được màu mình muốn rồi. B chợt nhớ đến bức tranh lúc sáng, nói: “Anh đem bản phác thảo của em cho con gái người bạn rồi”.

A sững ra: “Bản phác thảo nào?”.

B: “Chính là bức em ngồi ở phòng làm việc của anh vẽ ấy, tên là “Trong mắt”. Anh thấy dù sao em cũng có những bản mới hơn rồi, bản thảo đó chắc chẳng cần nữa đúng không?”

A: “Anh đùa gì thế? Sao anh có thể tùy tiện đem đồ của em cho người khác?”.

B giật mình. Anh biết mình tự ý lấy tranh của cậu tặng cho người khác là không đúng, nhưng anh không ngờ A lại phản ứng dữ dội như thế.

B: “Sao thế? Không phải chỉ là một bức tranh thôi sao?”.

A vừa gấp vừa giận: “Anh thì hiểu cái gì chứ! Trên bàn em anh muốn tặng bức nào thì tặng, chỉ riêng bức đó là không được!”.

B: “Tại sao? Đó chỉ là bản phác thảo thôi mà”.

A: “Anh đi tìm người đó đòi lại tranh ngay đi!”.

B có phần chẳng hiểu ra sao nhìn A: “Em đùa à? Anh đã tặng con gái người ta rồi”.

A nhìn B, cố gắng kiềm chế lửa giận: “Đi đòi về đây. Bức tranh đó quả thật là không thể tặng cho người khác. Em vẽ cho nó bức khác, mười bức cũng được!”.

B nhíu mày: “Em cứ nhất quyết phải làm thế à?”.

A im lặng nhìn B, sau đó cũng chẳng quay đầu lại, đi thẳng ra cửa.

B: “...”.

Chiến tranh lạnh hai ngày, B cuối cùng cũng không chịu được nữa. Nói thế nào thì người sai trước cũng là anh, B đành mặt dày đòi lại bức tranh từ chỗ bạn mình, sau đó lại chạy đến nhà A. Anh đứng trước cửa gọi điện thoại cho A: “Anh lấy lại bức tranh rồi”.

A: “Vậy đưa cho em”.

B: “Em mở cửa ra, mở ra anh mới đưa được cho em chứ”.

A: “Nhét vào khe cửa đi”.

B: “...”

Cuối cùng A vẫn không chịu mở cửa, hơn nữa mặc dù đã lấy lại bức tranh nhưng cậu dường như không có ý định tha thứ cho B: Trong giờ làm thì lạnh nhạt, hết giờ thì ai về nhà nấy.

Cứ thế lại qua thêm hai ngày nữa, đến ngày thứ Sáu, A còn chẳng thèm đến làm, trực tiếp xin nghỉ! B quả thực là đầy một bụng tức giận, anh nghĩ kỹ rồi, nếu hôm nay A mà không mở cửa cho anh thì anh sẽ gọi thẳng cho công ty lắp khóa. Vừa nghĩ đến đó thì bảo an ở trước cửa đưa cho anh một bọc hàng. Anh hơi nghi hoặc, mình cũng đâu có đặt hàng gì trên mạng đâu. Nhìn kỹ lại một chút, B phát hiện gói quà này hình như không phải là được gửi đến mà chỉ ghi tên người nhận là anh, sau đó để trước cổng thôi. Anh nghĩ một lúc, chậm rãi mở ra, là một bức tranh màu nước đã được đóng khung hoàn thiện: Một chiếc thuyền trôi lờ lững trên mặt sông, một người nằm ngủ an lành trên thuyền; Hai bên bờ sông là những căn nhà hình cây nấm đầy màu sắc sặc sỡ, những hàng cây ven sông thì treo đầy những ngôi sao; Không trung yên tĩnh nhưng dường như lại có những cuộn xoáy ở phía xa.

Bức tranh này tên là “Nhà”.

B ngắm bức họa, cả người ngơ ngẩn. Sau đó anh chợt nhớ ra điều gì đó, cẩn thận mở khung tranh ra, bên trong còn kẹp một tờ giấy, đó là bản phác họa “Trong mắt”. B nhẹ nhàng xem xét tờ giấy, thấy ở mặt sau, chỗ góc bên phải phía dưới bức tranh là một hàng chữ:

Chỉ nguyện mãi mãi được ở trong mắt anh.

Ngoại truyện 3: Cuộc sống vợ chồng hạnh phúc (2)

A ngồi trong xe B, chốc lại chỉnh chỉnh tóc, chốc lại kéo kéo quần áo. B hiếu kỳ hỏi: “Em đang làm gì thế?”

A: “Lát nữa phải ăn cơm với mấy người kia, em hơi căng thẳng”.

B: “Em căng thẳng cái gì chứ, Hướng Vãn với Diệp Chiêu Ninh đâu phải người ngoài, mà cũng có phải lần đầu tiên ăn cơm với nhau đâu.”

A: “Anh không hiểu! Dù sao hai chúng ta mới...”.

B: “Mới làm sao?”

A: “Thì mới xác định mối quan hệ mà! Dựa theo hiểu biết của em với Hướng Vãn, cậu ta nhất định sẽ không nhịn được cười đâu!”.

Tay trái B vẫn đặt trên tay lái, tay phải vươn sang nắm chặt lấy tay A: “Em còn nhớ lần đầu tiên Hướng Vãn đưa Chiêu Ninh đến ăn cơm cùng chúng ta không?”

A gật đầu: “Tý nữa thì làm mù mắt em!”.

B: “Hôm nay chúng ta làm mù mắt bọn họ!”.

Hai người vừa xuống xe đã gặp ngay công và thụ ở cửa quán. Quả như A dự đoán, nhìn thấy B nắm tay A xuất hiện trước mặt mình, công phì một cái cười ra tiếng. Mặt A đỏ bừng, không thốt nổi câu nào.

Thụ thấy tình hình như thế vội thúc công: “Chúng ta mau vào trong gọi món đi, đều đói hết cả rồi”.

Bốn người vào phòng riêng ngồi xuống, công vẫn đang không nhịn được mà cười mãi. Mặt A đỏ bừng, căm giận nhìn công: “Ông cười cái gì thế!”.

Công nhịn cười, lắc đầu: “Không có gì, chỉ là nhìn hai người thật sự ở bên nhau, tôi thấy rất vui thôi”.

B như không nghe thấy lời nói của công, rót bốn cốc trà, sau đó để một cốc vào tay A: “Mau sưởi ấm tay đi, em là họa sĩ, không thể để tay bị lạnh cóng được”.

Công & thụ:...

A vừa nhận cốc trà, vừa lật giở quyển thực đơn, quay đầu sang nhìn B: “Anh muốn ăn gì?”

B nghĩ một lát: “Tôm rang muối tiêu đi. Anh nhớ tuần trước em nói muốn ăn mà”.

A: “Nhưng anh bảo anh sẽ tự mình nấu cho em ăn.”

B: “Anh đổi sang nấu món tôm xào cà tím, món đó em cũng thích mà”.

A: “Ồ? Thật á?”

B: “Ừ, căn bản là tuần này bận quá, tuần sau rảnh hơn một chút, anh sẽ có thời gian nấu”.

...

Công nói thầm với thụ: “Em xem, anh đã bảo mà, kiểu gì chúng ta cũng phải ăn món ‘da gà’ lót dạ trước bữa chính”.

Mấy người ngồi nói chuyện phiếm một lúc, đồ ăn cũng dần dần được mang lên. Đợi đến khi món tôm được đưa đến, liền thấy B cẩn thận bóc vỏ tôm, sau đó để phần thịt vào bát A, quay sang nhìn bộ mặt “bó tay toàn tập” của công và thụ đang nhìn mình, B cười khẽ: “Vỏ tôm cứng lắm, không cẩn thận dễ bị cứa vào tay”.

Công: “... Sao anh không lo thịt tôm cứng cứa vào họng cậu ta?”.

Qua bữa ăn này, hiểu biết của công đối với biên tập của mình đã nâng lên một tầm cao mới. Anh chưa từng nghĩ sẽ có ngày thấy B tỏ ra tỉ mỉ, cẩn thận bất thường đối với những thứ ngoài công việc như thế này. Công cuối cùng cũng có thể hiểu được cảm giác của A và B trong bữa cơm lần trước: Thật sự là mù mắt luôn rồi!

Ăn xong bữa, A chạy đi thanh toán, ba người còn lại đứng ở cửa quán đợi. Công nhìn B đầy ẩn ý: “Người bạn này của tôi, anh phải đối xử cho tốt đấy”.

B cười: “Cậu cho rằng những gì hôm nay tôi làm đều là diễn trò cho hai người xem chắc?”

Công: “Chẳng lẽ không phải sao?”

B: “Cậu ấy rất sợ lạnh, nhất là tay. Bình thường lúc vẽ tranh buổi tối không những phải bật điều hòa mà còn chuẩn bị cả một túi chườm nóng. Cậu ấy ăn tôm đúng là có một lần bị cứa vào tay, tay chân hậu đậu, vụng về lắm. Cậu ấy còn cực kỳ ghét ăn gừng, cứ món gì có gừng là sẽ tự động vứt hết ra”.

Công nhìn B đầy kinh ngạc. B nhìn người vừa thanh toán xong đang từ tốn đi bộ về phía bọn hạ, chậm rãi nở nụ cười: “Thích một người chính là như thế đúng không. Làm bao nhiêu chuyện cho người đó thì vẫn cứ thấy quá ít”.

B quay đầu nhìn công: “Cảm giác này, hai người nhất định hiểu rõ.”

A đi đến nơi: “Mọi người đang nói gì đấy? Cười vui vẻ thế”.

B nắm lấy tay cậu: “Không có gì. Đang nói mùa đông năm nay hình như không lạnh lắm”.

A: a? Thật hả? Em thấy lạnh lắm mà...”

B: “Đó là tại vì em mặc ít quá”.

A: “Không thể nào, cái áo khoác này của em dày cực kỳ đấy”.

B: “Quần áo bên trong em mặc mỏng quá”.

...

Công, thụ hai người nhìn nhau, đều bật cười.

Ông chủ và kiến trúc sư

A

Xe của kiến trúc sư phải đem đi bảo dưỡng rồi, vì thế anh quyết định ngồi xe buýt đi làm.

Nhưng đến lúc lên trên xe rồi, lật hết túi này đến túi nọ mới phát hiện trên người, trừ các loại thẻ ngân hàng thì chẳng có đồng tiền nào cả, anh bắt đầu nghĩ đây có phải là một sự lựa chọn sai lầm không.

Mà lúc này, xe đã bắt đầu chạy.

Bởi vậy, anh cũng chẳng còn cách nào.

Kiến trúc sư nghĩ thế, nên đành dày mặt nhìn bác lái xe: Xin lỗi, hình như tôi không mang tiền.

Toàn bộ những người có mặt trên xe đều dùng ánh mắt kỳ quái nhìn kiến trúc sư, chắc họ trước nay chưa từng thấy ai ăn mặc bảnh bao như thế mà đến một đồng cũng không có, cuối cùng còn trâng tráo không biết ngượng mà bày ra bộ dạng “Ta đây chính là muốn đi xe chùa đấy”.

Bác lái xe nhìn anh một cái: Lần này bỏ qua. Anh bạn trẻ, phải biết tự trọng chứ.

Kiến trúc sư thật buồn bực.

Anh vốn định đợi đến trạm sau thì xuống xe cho rồi, mà lời nói của bác lái xe lại như muốn nói là anh cố ý làm vậy không bằng. Kiến trúc sư muốn mở miệng giải thích lại thấy làm như thế có vẻ “có tật giật mình” quá, nhất thời chỉ có thể đứng im giả như không nghe thấy gì.

Ánh mắt những người trên xe nhìn anh đã chuyển từ kỳ quái sang khinh thường: Bộ dạng thật vô liêm sỉ, da mặt dày thật đấy.

Keng.

Chỉ thấy một đồng xu rơi vào hộp đựng tiền, sau đó là một giọng nói ấm áp vang lên: Bác tài, để tôi trả tiền hộ anh ấy cho.

B

Thật ra lần ở trên xe buýt đó không phải là lần đầu tiên ông chủ nhìn thấy kiến trúc sư.

Ông chủ có quán cà phê gần một tòa nhà văn phòng cao cấp, thường xuyên phải đưa đồ uống vào trong khu văn phòng đó.

Có một lần đến đưa cà phê, ông chỉ nhìn thấy một bức ảnh trên tường của công ty kiến trúc nọ: Một người đàn ông cao lớn tuấn tú, một tay ôm bó hoa, một tay cầm giải thưởng, nhìn qua chắc là nhận được giải gì đó.

Theo lý mà nói, nhận được giải thưởng là một việc đáng mừng, thế nhưng cái người kia nhìn lại rất bình thản, trên mặt chẳng hề có nét cười.

Cô gái gọi cà phê bảo, đó là tổng giám đốc của công ty cô.

Ông chủ có ấn tượng sâu sắc với bức ảnh đó, bởi vậy lúc lên xe vừa liếc một cái đã nhận ra anh ta.

Đương nhiên, chấp nhận bỏ ra một đồng giúp anh ta, thực ra cũng chỉ để có lý do mà đường đường chính chính nhét vào tay anh ta một xấp phiếu ưu đãi thôi.

Ông chủ cũng chẳng hy vọng vị tổng giám đốc này vì muốn cảm ơn mình mà ngày ngày đến quán cà phê tiêu tiền. Ông chủ thực ra chỉ cho rằng, loại người như anh ta chắc sẽ tiện tay đưa chỗ phiếu giảm giá này cho cấp dưới.

Đó mới là mục đích chính.

Không sai, ông chủ chính là loại người cực kỳ yêu tiền.

Ông chủ thường xuyên nhét phiếu ưu đãi của quán cà phê bên người là để bất cứ lúc nào cũng có thể cho đi vài cái, phát triển kinh doanh.

Ông chủ sơn quán cà phê màu đỏ cam, là vì người đoán mệnh trên cầu vượt nói màu này sẽ đem tiền tài đến.

Sách ông chủ thích nhất là “Dạy bạn trở thành chuyên gia quản lý tài sản”, “Kiếm tiền dễ dàng như thế đấy!” và “Năm mươi bí quyết mở tiệm”.

Ông chủ mua chậu hoa trang trí quán cà phê là để tiết kiệm tiền. Chỉ mua loại cây vạn niên thanh có giá thành rẻ nhất, sau đó chiết cành từ đó ra, trồng vào các bình, các chậu khác...

...

Sở thích lớn nhất của ông chủ là tiết kiệm tiền. Câu nói yêu thích nhất chính là: Kiếm tiền không tích cực, đầu óc có vấn đề.

Có điều, ông chủ rốt cuộc cũng chỉ có thể miễn cưỡng xếp vào hạng ông chủ nhỏ mà thôi.

Ông chủ là người rất khó tính. Máy làm cà phê, hạt cà phê, các loại vật dụng và nguyên liệu làm cà phê, thậm chí ngay cả chất lượng của cốc thủy tinh bình thường, ông chủ đều muốn phải là loại tốt nhất. Lại công thêm tiền thuê cửa hàng.

Bởi vậy, so với người có tiền thật sự, ông chủ quả là còn cách rất xa.

Cũng có lúc ông chủ đột nhiên nhớ lại cái vị tổng giám đốc nhìn thấy ở công ty kiến trúc kia, anh ta nhìn có vẻ vừa có tiền vừa có tiếng, thật khiến người khác hâm mộ. Thế nhưng, sao anh ta chẳng cười lấy một cái nhỉ?

Ngày thứ tư sau lần gặp gỡ vô tình với vị kiến trúc sư kia, chín giờ tối, ông chủ nhận được một cuộc điện thoại gọi đưa hàng: Phòng làm việc trong công ty kiến trúc Hán Thiên ở tầng ba, khu B tòa nhà văn phòng Đông Ngân, gọi một phần thức ăn nhanh.

Ông chủ: “...Không có vấn đề”.

Quán cà phê chín giờ tối đổi sang bán đồ ăn nhanh chắc? Bị điên hả?

Nhưng sở dĩ ông chủ được gọi là ông chủ, chính là bởi vì ông chủ chưa bao giờ bỏ lỡ bất cứ cơ hội kiếm tiền nào.

“A lô, Giang Nam Xuân đúng không? Một phần cơm hộp. Loại hai mươi tệ là được rồi. Quán cà phê XY, được rồi, nhanh lên đấy”.

Hai mươi phút sau, ông chủ tay cầm hộp cơm, mặt cười tươi roi rói đi đến trước mặt kiến trúc sư:

“Chào anh, đồ ăn nhanh của anh, tất cả ba mươi tệ”.

C

Thật ra kiến trúc sư cũng không phải lần đầu tiên nhìn thấy ông chủ.

Kiến trúc sư thích yên tĩnh, phòng làm việc của anh nằm ở góc trong cùng của văn phòng công ty. Có những lúc làm việc mệt mỏi, anh sẽ ra ngoài cửa sổ ngắm phong cảnh. Tiệm cà phê của ông chủ cũng là một phong cảnh trong tầm ngắm của kiến trúc sư.

Màu chủ đạo của quán cà phê là màu đỏ cam, quán không lớn, chốc chốc lại có người ra ra vào vào. Trước cửa tiệm có rất nhiều loại thực vật, còn treo một cái bình thủy tinh trong suốt lên trên, bên trong trồng mấy cành vạn niên thanh, có những cành mọc dài quá, còn rủ cả xuống dưới. Sân trước của quán này bày mấy cái bàn cà phê đơn giản, xếp cùng hai cái ghế và một cái dù to che nắng bên trên.

Thỉnh thoảng cũng nhìn thấy có người từ trong quán ra tưới nước cho đám cây cối bên ngoài. Kiến trúc sư đoán đó chắc là ông chủ rồi. Bởi vì cậu ta tưới nước xong còn hay ngồi trên ghế, nhàn rỗi đọc sách nữa.

Quán cà phê hình như đóng cửa rất muộn. Nghĩ cũng đúng, xung quanh khu vực này toàn là những người đi làm bận rộn suốt trong các tòa nhà văn phòng, dăm bữa nửa tháng lại phải tăng ca, chuyện làm ăn phát đạt là chuyện đương nhiên.

Có những hôm kiến trúc sư bận đến tận tảng sáng, đi qua vẫn thấy trong quán còn ánh đèn, lúc đó anh thường nhịn không được mà nghĩ: Hay mình đi vào đó mua cốc cà phê nhỉ?

Có điều, kiến trúc sư trước nay không uống cà phê bao giờ. Bởi thế tuy bụng nghĩ vậy, nhưng anh cũng chưa bao giờ vào quán cà phê lần nào.

Sau đó chính là một ngày, kiến trúc sư vô tình gặp ông chủ trên xe buýt.

Kiến trúc sư thật ảo não.

Anh vẫn luôn nghĩ đến một ngày nào đó, anh tiến vào quán cà phê, đứng trước quầy hàng, sau đó ông chủ ngẩng đầu lên hỏi: “Quý khách muốn dùng gì?”; hoặc là có thể hai người gặp nhau trong thang máy của tòa nhà văn phòng nơi anh làm việc, trên tay ông chủ đang cầm mấy cốc cà phê, đến lúc đó nhất định anh sẽ nói một câu: “Cà phê thơm quá!”.

Tóm lại, dù thế nào cũng không phải là gặp mặt trong tình huống khó xử như thế này.

Thậm chí đến câu “Cảm ơn”, kiến trúc sư cũng quên không nói, chỉ có thể ngây ra nhìn ông chủ mỉm cười nhét vào tay mình một tập phiếu giảm giá mà thôi.

D

Kiến trúc sư nhìn suất cơm trước mặt. Anh chắc là bận đến phát điên rồi nên mới gọi điện đến quán cà phê đặt một phần thức ăn nhanh. Mà không ngờ ông chủ cũng mang đến thật.

Ông chủ đợi cả nửa ngày, thấy kiến trúc sư chẳng có phản ứng gì, nụ cười trên mặt có phần cứng ngắc:

Tổng cộng... ba mươi tệ.

Lúc này kiến trúc sư rốt cuộc cũng có phản ứng, rút tiền trong ngăn kéo đưa cho ông chủ.

Ông chủ nhận tiền xong liền vô cùng vui vẻ, quay người chuẩn bị rời đi.

Kiến trúc sư đột nhiên đứng bật dậy, trông bộ dạng có vẻ hoảng loạn, còn bất cẩn làm đổ cốc nước trên bàn. Nước trong cốc nhỏ tí tách từng giọt xuống đất. Ông chủ kinh ngạc nhìn kiến trúc sư: “Anh sao thế?”

Kiến trúc sư im lặng một lúc, cuối cùng mới lắc đầu: “Không có gì”.

Mấy ngày tiếp theo, cứ đến chín giờ tối là kiến trúc sư lại gọi điện đến quán cà phê kêu một suất cơm.

Mà cơ hội kiếm tiền đã dâng đến tận cửa như thế, không lấy cũng uổng, vì thế ông chủ vẫn cứ theo lệ cũ mà làm.

Hôm nay, như mọi khi, đưa cơm đến, lấy tiền xong ông chủ đang chuẩn bị rời đi thì bị kiến trúc sư gọi lại:

“Cậu... có thể tặng tôi mấy cây vạn niên thanh không?”

“Vạn niên thanh?”

Câu trồng trước quán cậu chính là vạn niên thanh, bởi vì loại này vừa rẻ vừa dễ trồng. Ông chủ nghi hoặc liếc một vòng đánh giá phòng làm việc của kiến trúc sư, thấy bày không ít những bồn hoa giá cả thuộc hàng xa xỉ phẩm.

Cậu vẫn nghe nói người có tiền ăn sơn hào hải vị mãi cũng chán, đôi lúc lại muốn thưởng thức cháo trắng dưa cải, nhẽ nào đến trồng cây cũng thế? Có điều ông chủ vẫn cười đáp: “Được thôi, ngày mai tôi đem đến cho anh”.

Có điều, “ngày mai” đã là cuối tuần, công ty của kiến trúc sư không làm việc, mà bản thân kiến trúc sư cũng phải đi công tác ở tỉnh khác đến tận thứ Ba tuần sau đó mới trở lại.

Sáng đến làm, vừa mở cửa văn phòng làm việc đã thấy trên bàn mình đặt một gốc cây vạn niên thanh be bé, được nuôi trong cốc giấy dùng một lần. Kiến trúc sư đứng ngay cửa phòng, mím chặt môi.

Thư ký thấy vậy tưởng sếp tổng không hài lòng, vội nói: “Tổng giám đốc Kỷ, hôm qua có một người đàn ông nhờ tôi chuyển cho anh. Vừa đúng lúc phó tổng giám đốc Dương mở cửa phòng anh lấy tài liệu nên tôi mới tranh thủ để luôn trên đó. Hay để tôi tìm một cái bình thủy tinh trồng nó vào nhé?”.

Kiến trúc sư lắc đầu: “Không cần đâu”.

Qua một lúc sau, anh lại nói: “Thế này rất đẹp”.

Thư ký thấy thế, lại chuyển cho anh một túi giấy nhỏ: “Đây cũng là đồ mà vị khách đó nhờ tôi chuyển cho anh”.

Kiến trúc sư nhìn một cái: Là một tập phiếu ưu đãi còn dày hơn lần trước!

E

Ông chủ đứng sau quầy thu ngân tính toán số tiền kiếm được hôm nay, tiếp đó lại nhìn lên đồng hồ, đã đến chín giờ tối rồi.

Người ở công ty kiến trúc hôm qua nói tổng giám đốc của họ hôm nay sẽ về, tức là tối nay mình lại sắp phải qua đó đưa cơm rồi?

Có điều người kia lại chẳng hề gọi điện đến.

Ông chủ do dự liệu có nên gọi điện đặt trước luôn không, lát đỡ mất công đợi lâu. Dù sao nếu vị tổng giám đốc đó không cần thì bản thân cũng có thể giải quyết mà.

Đang nghĩ thế thì nghe thấy tiếng cửa quán cà phê mở ra. Ông chủ còn chẳng thèm ngẩng đầu lên: “Chào quý khách, xin hỏi quý khách muốn dùng gì?”.

Một tờ phiếu ưu đãi xuất hiện trước mắt ông chủ, cậu lập tức ngẩng đầu lên.

Kiến trúc sư nghĩ: Cuối cùng cũng có một khởi đầu được một tý rồi.

Full | Lùi trang 6 | Tiếp trang 8

Loading...

Tiểu thuyết tình yêu là website chia sẻ những thể loại truyện hay nhất hiện nay, được nhiều người đọc yêu thích. Truyện được cập nhập hàng ngày. Hãy lưu địa chỉ web để truy cập nhanh hơn!

Chúc các bạn online vui vẻ !

Laptop Tùng Anh

Tour Phú Quốc

Vinhomes Cầu Rào 2

Trang Chủ