Polly po-cket
Tiểu thuyết tình yêu

Tiểu Thuyết Tình Yêu

Đọc truyện tại Tiểu Thuyết Tình Yêu

Loading...

Tiểu thuyết - Tấm Cám, đằng sau một cổ tích - Trang 1

Full | Tiếp trang 2

Chương 1: Thời niên thiếu

Trên đất Đại Việt, ở một thời điểm chưa xác định.

Tại một làng quê xa xôi nào đó, có một gia đình làm nông rất bình dị như bao nhiêu gia đình nông thôn khác xung quanh. Một nhà chỉ có bà mẹ và hai cô con gái, hoàn toàn thiếu vắng bóng đàn ông, cuộc sống cũng không phải quá dễ dàng, tay làm hàm nhai, quanh năm hết quản lý việc đồng áng tới buôn bán nhỏ lẻ ngoài chợ kiếm thêm thu nhập. Tuy vậy, có một điểm khiến gia đình tưởng như bình dị đó nổi bật hơn bất kỳ nhà nào khác, đó chính là hai cô con gái vô cùng xinh đẹp, không chỉ nhất trong làng mà còn nhất toàn phủ. Hai nàng nổi tiếng đến nỗi, chỉ cần một trong hai nàng ra chợ bán bất cứ thứ gì thì ngay người của huyện khác cũng chạy tới tranh nhau mua hàng, nhờ vậy, dù không phải thuộc hàng có của ăn của để, cũng không đến mức túng thiếu. Hai chị em này, tên Tấm và Cám.

Mặc dù là chị em nhưng Tấm chỉ hơn Cám một tuổi, cha nàng trước kia ngoài mẹ nàng là vợ lớn còn có một vợ lẽ, là mẹ của Cám, cưới về sau mẹ nàng chỉ vài tháng. Mẹ Cám vốn chỉ là một cô gái bán nước ngoài chợ quá lứa lỡ thì, do giúp đỡ lúc ông bị cảm nắng ngoài đường nên ông cho người hỏi cưới để gọi là báo đáp ân tình. Ngược lại với mẹ Tấm là con gái phú ông, gia cảnh trước đây rất khấm khá, trong nhà không thiếu thứ gì. Tuy vậy, cả cha và mẹ ruột Tấm đều không may mất sớm, khi nàng mới khoảng mười tuổi, gửi gắm nàng lại cho mẹ Cám, mà dân gian hay gọi là dì ghẻ.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, chả mấy chốc chị em Tấm Cám bắt đầu bước vào tuổi trăng tròn, cả hai càng lớn càng xinh đẹp dù hai vẻ đẹp hoàn toàn khác nhau. Tấm có khuôn mặt đầy đặn, nước da trắng mịn, đường nét nhẹ nhàng hài hòa, Cám thì ngược lại, khuôn mặt nhỏ gầy thanh tú nhưng đôi mắt to, sáng, sống mũi cao thẳng, đường nét sắc sảo hơn chị rất nhiều. Nhưng do có lẽ là chị em nên vóc dáng cả hai tương đương, quần áo giầy dép cùng cỡ, hoàn toàn có thể dùng chung, tính ra cũng là ưu điểm, tiết kiệm rất nhiều chi phí.

- Tấm, ra ăn cơm. – Tiếng dì Mão réo rắt từ dưới bếp.

- Vâng, dì chờ con một chút. – Nàng uể oải đáp lại.

- Chút chít cái gì, còn không mau ra, để tao vào lôi ra thì đừng trách. – Giọng bà bắt đầu pha chút bực bội.

Tấm chậm chạp ngồi dậy, trong lòng hơi khó chịu, đúng là “Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời mẹ ghẻ lại thương con chồng”. Nàng mới từ chợ về, mấy vuông lụa bán hết, mang tiền về rồi, ngủ một chút cũng không được yên thân.

- Thôi mẹ à, chắc Tấm cũng mệt, mẹ cứ để chị ấy ngủ một chút. – Cám đứng bên cười nói.

- Mệt cái gì, mày lúc nào cũng bênh nó. – Tiếng bà Mão không giấu được xót xa. – Từ tinh mơ mờ sáng mày đã đẩy một xe gạo đi bán, bán hết về lại dọn dẹp nhà cửa, cơm nước tinh tươm, luôn tay luôn chân chưa ngồi nghỉ được chút nào, nó ra chợ bán có mấy miếng vải, về lăn ra ngáy pho pho thế kia, có gọi ra ăn cơm thôi mà cũng uể oải.

- Tấm khác con, chị ấy vốn không khỏe. – Cám bất giác hơi lo lắng. – Con chỉ sợ sức khỏe chị ấy giống mẹ cả, cho nên mẹ con mình quan tâm chị ấy một chút cũng không thừa đâu.

- Mày lo cái gì, mẹ cả mày mất do chết đuối chứ có phải bệnh tật đâu mà lo Tấm giống thế?

- Thì vì sức khỏe không tốt không tập bơi được nên mới chết đuối chứ. – Cám xua xua tay nói.

Bà Mão hơi bĩu môi nhưng vẫn lấy bát phần riêng đồ ăn cho Tấm, thuận tay gắp mấy miếng ngon nhất bỏ vào đó.

- Nhà hôm nay không có cà sao dì? – Mẹ con Cám ăn gần xong Tấm mới từ phòng trong đi ra, lấy đũa gảy gảy đồ ăn, hỏi.

- Có, nhưng dì với Cám ăn hết rồi. – Bà ráo hoảnh nói.

- Sao dì không phần cho con? Dì biết con thích ăn cà mà? – Tấm ấm ức nhìn dì và em.

- Không đủ để phần!

Cám ngồi bên cạnh mím môi nén cười. Nàng biết mẹ nàng chỉ là con hổ giấy, lúc nào cũng gầm gừ nhưng thật ra rất mềm yếu. Vừa rồi nàng nhắc tới mẹ cả làm bà không tránh được lo lắng, đem đổ hết cà đi không phần cho Tấm, vốn “một quả cà bằng ba thang thuốc” mà. Thế nhưng thà bà mang tiếng dì ghẻ nanh ác còn hơn mở mồm thừa nhận sự quan tâm của mình dành cho hai chị em nàng.

- Con không muốn ăn. – Tấm gác đũa xuống, nói.

- Ăn hết đi, không thừa đồ ăn đổ đi đâu.

- Con không ăn. – Nàng vẫn khăng khăng, ương bướng nói.

- Không ăn thì phải rửa bát, rõ chưa? Con Cám không rửa nữa.

- Dì… - Nàng hơi bực, nhưng cân nhắc lợi hại, đành nói. – để con ăn ạ.

Nói rồi cầm đũa lên. Công bằng mà nói Cám nấu ăn rất ngon, tuy ra vẻ giận dỗi nhưng thật ra nàng ăn rất ngon miệng, nhoáng cái trên mâm đã không còn gì.

Sau bữa cơm, cả nhà ngồi lại với nhau, bắt đầu tính toán số tiền kiếm được trong ngày. Nhà ngoại Tấm trước đây rất giàu có nhưng từ khoảng thời gian mẹ nàng mất, gia đình cũng sa sút, không giúp được gì cho nàng, thậm chí tới tiền cấp dưỡng cũng không có một đồng. Tất cả đều nhờ vào tài thu vén, xoay xở của bà Mão. Tuy vậy, tính cách Tấm so với mẹ nàng không khác là mấy. Trước kia mẹ nàng cậy là vợ cả, lại có xuất thân tốt, thường tự cho mình nhiều quyền lợi trong nhà nhưng những công việc trong ngoài lại rất lơ ngơ không biết gì, bà Mão cũng đều vui vẻ nhường nhịn, tự mình quán xuyến hết. Giờ thì tới lượt Cám thay thế mẹ làm chủ gia đình. Do cả hai mẹ con đều ám ảnh việc Tấm giống mẹ, vốn là một người có thể trạng yếu ớt, lại cộng thêm lo lắng việc nàng tủi thân do mẹ mất sớm, cả bà Mão và Cám đều có phần chiều chuộng, bảo bọc nàng hơi quá, ngoài việc cầm ít đồ có sẵn ra chợ bán, nàng hầu như không phải động tay vào bất cứ việc gì trong nhà.

Thế nhưng tới khi Tấm được mười sáu tuổi, thì bà Mão bắt đầu lo lắng cho tương lai của nàng. Rồi sau này nàng xuất giá, ai sẽ chịu nổi người vợ không biết làm gì chứ? Cuối cùng một ngày, nhịn không được, bà liền gọi cả hai chị em ra:

- Từ giờ việc nhà giao lại cho Tấm làm, dì thấy con cũng rảnh rang, không bận rộn lắm, làm đi cho quen.

- Là…là những việc gì ạ? – Nàng bất giác lắp bắp.

- Vẫn là những việc trước giờ thôi, nấu cơm, rửa bát, quét nhà, giặt quần áo.

- Trời, ngần đó việc, con biết làm sao? – Tấm liếc đôi bàn tay nõn nà, mịn màng của mình, kêu lên.

- Thế dì với Cám làm bao nhiêu lâu nay có kêu ca gì không? – Bà Mão lạnh lùng nói.

- Nhưng con…

- Thôi mẹ à, Tấm chưa quen đâu, cứ từ từ là được. – Cám khẽ cười rồi quay ra Tấm trấn an. – Tạm thời chị giúp em quét tước sân vườn thôi, cả chỗ vườn sau có cái giếng nước ấy.

- Ừ, cám ơn em. – Tấm khẽ gật đầu còn bà Mão dù còn hơi miễn cưỡng cũng không phản đối.

Chương 2: Bài học đầu tiên

Hôm nay Cám rất vui. Nàng theo xe người ta sang tận phủ bên cạnh, vào sâu trong làng, mua được khá nhiều vải đẹp, đưa cho Tấm bán nhất định đắt hơn tôm tươi. Trong đó, có một mảnh màu đỏ đẹp vô cùng, nhất định nàng sẽ giữ lại, may cho mình và Tấm mỗi đứa một cái yếm. Quanh năm đầu tắt mặt tối rồi, cũng phải tự thưởng cho mình cái gì đó chứ. Tất nhiên nàng không nói với Tấm để gây bất ngờ cho chị.- Chị nghe em dặn nhé. – Cám vừa bày đồ ra vừa giải thích. – Lần này em mua hàng khá nhiều nên sẽ để giá hơi khác một chút. Nếu mua một vuông thì mười đồng tiền, mua hai mươi vuông thì chín đồng một vuông còn mua cả cuộn vải thì là một trăm rưỡi đồng. Chị nhớ chưa?

- Ừ, nhớ rồi, đừng lo.

Tấm nói rồi quầy quả ra chợ. Nàng đã xem qua chỗ vải Cám mua về, quả thật là hàng rất tốt, xem ra hôm nay mua bán sẽ rất mau. Nàng chỉ mong mau chóng bán được nhiều hàng rồi nghỉ chợ về sớm. Từ hôm được giao thêm nhiệm vụ quét dọn sân vườn, lúc nào nàng cũng thấy mệt mỏi, buồn ngủ hơn mọi ngày. Bất giác Tấm cả kinh nghĩ tới khối lượng công việc mà Cám vẫn phụ trách. Một sự sùng bái âm thầm xuất hiện trong lòng.

- Cô ơi, chỗ vải này bán thế nào đấy? – Một bà trung tuổi, nét mặt hiền lành dừng lại trước sạp hàng của Tấm.

- Dạ mời bác xem hàng, một vuông là mười đồng tiền, hai mươi vuông là chín đồng một vuông mà mua cả cuộn là một trăm rưỡi.

- Ừ để tôi xem.

Bà ta lật chỗ vải ra, xem xét rất kỹ, cuối cùng mỉm cười hài lòng:

- Hàng rất tốt, tôi muốn lấy hết.

- Ồ, cám ơn bác, để tôi gói lại giùm bác. – Tấm nhanh nhẹn đứng lên.

- Từ từ đã, - bà ta bỗng giơ tay. – Tôi không mang theo nhiều tiền, chỉ có chưa đầy một trăm đồng ở đây. Cô có bán thiếu không?

- Dạ không, dì và em tôi dặn không được bán thiếu.

- Hay thế này đi, tôi cũng là người buôn bán, trong người đang có sẵn hai thẻ vàng lá, tôi để đây làm tin cho cô, mang vải về, lát quay lại trả tiền được không?

- Cái này… - Nàng hơi băn khoăn nhìn hai thẻ vàng chóe.

- Có gì mà không được nào? Hai thẻ vàng của tôi giá trị bằng mấy lần chỗ vải kia của cô. Chẳng qua tôi cần gấp, cũng là tôi trông cô xinh xắn, thật thà, tin cậy được nên mới chịu để lại thôi.

- Vâng, thế bác cứ cầm về đi, tôi chờ ở đây.

- Cám ơn cô, cô tốt quá. – Bà khách tươi cười ra hiệu cho mấy tay gia nhân tiến tới xách đồ đi.

Tấm vui khấp khởi vì chỗ hàng đã bán hết. Nàng bó gối ngồi chờ bà khách kia quay lại trả tiền nhưng chờ mãi, chờ mãi vẫn không thấy bóng dáng. Cho tới khi mặt trời khuất sau lũy tre, ai nấy cắp thúng ra về rồi nàng mới phủi quần áo đứng dậy đi về.

Bà Mão và Cám thở dài ngao ngán nghe Tấm thuật lại câu chuyện. Họ đã đoán ra chín phần.

- Nhưng mà bà ta có để lại hai thẻ vàng lá làm tin. – Nàng yếu ớt nói rồi rút ra đưa cho em.

- Vậy mà chị cũng tin sao? – Cám cầm hai thẻ vàng xem xét rất kỹ. Nàng thậm chí còn đưa lên miệng cắn nhẹ để kiểm tra. – Đây là vàng giả, cái này con nít cũng phân biệt được.

Nói rồi nàng thuận tay ném vào sọt rác, bỏ vào buồng trong không nói lời nào.

- Dì…con xin lỗi. – Tấm run run nói.

- Con xin lỗi dì làm gì? – Bà Mão thở dài. – Chỗ tiền vốn bỏ ra lần này Cám phải gom phần tiết kiệm mấy tháng nay, nó lại lặn lội đi xa lấy hàng, nên không tránh được bực bội. Còn con đấy, con cũng không còn nhỏ, đừng hành xử ngây thơ như vậy nữa.

Tấm nước mắt lưng tròng trở về buồng, lòng nặng trĩu. Nàng biết lần này mình gây họa lớn rồi, nhà đã không lấy gì làm khá giả, lại còn làm mất một khoản tiền lớn như vậy. Mải suy nghĩ, nàng chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay.

Ngược lại với Tấm, Cám nằm trằn trọc không ngủ được. Cuối cùng nàng trở dậy, sợ làm cả nhà thức giấc, đành nhẹ nhàng ra sân sau, ngồi bên giếng ngắm trăng. Ánh trăng sáng vằng vặc cũng không làm lòng nàng dịu lại một chút nào.

- Thôi, chuyện xảy ra đã xảy ra rồi, con nghĩ nhiều làm gì? – Từ lúc nào bà Mão đã tới bên nàng khẽ nói.

- Nhà mình không còn tiền nữa. – Nàng khẽ thở dài. – Toàn bộ vốn liếng con đã dồn vào đợt hàng này. Giờ muốn nhập thêm về bán gỡ vốn cũng không xoay đâu ra tiền.

- Đồ ăn trong nhà… - Bà Mão định nói gì đó nhưng lại thôi.

- Con biết, đến ngay cả tiền mua đồ ăn cũng không có, thật thảm. – Nàng khẽ cười, nhưng cái cười méo mó. – Chắc mai con sẽ ra đồng bắt tép về ăn đỡ mấy ngày, rồi mang bán thêm được đồng nào thì được.

- Mẹ sẽ đi cùng con.

- Không được đâu mẹ, sức khỏe mẹ không tốt, ra đồng bắt tép dễ ốm lắm. Con sẽ bảo Tấm đi cùng.

- Tấm? Đã bao giờ nó làm việc này đâu? Chẳng phải con vẫn khăng khăng không cho Tấm ra đồng, dù là chăn trâu hay cắt cỏ hay mò tôm bắt tép kia mà?

- Mẹ con mình sai rồi. – Nàng nhún vai. – Chúng ta đã quá bảo bọc Tấm khiến chị ấy mãi như một đứa trẻ, không biết gì cả. Chuyện hôm nay là bằng chứng rõ ràng nhất. Từ giờ con sẽ khác, Tấm cần phải trưởng thành, không thể dựa dẫm vào mẹ con mình mãi được, như thế là hại chị ấy chứ không phải thương.

- Mẹ cũng nghĩ thế.

Nói là làm, sáng sớm hôm sau, Tấm vừa mở mắt đã thấy dì và Cám ngồi sẵn ở nhà ngoài chờ. Bà Mão ra lệnh cho hai chị em ra đồng bắt tép, vừa để ăn, vừa để bán. Dù không dám phản đối vì bản thân mình mới gây họa, Tấm vẫn cảm thấy khá ấm ức. Nàng chưa từng phải làm việc nặng nhọc như vậy. Chưa kể ngoài đồng nắng cháy sẽ làm làn da trắng trẻo của nàng sạm đi đáng kể. Trước giờ việc đồng áng nặng nhọc Cám thường thuê thợ cày trong làng, chỉ có mấy việc nhẹ nhẹ kiểu chăn trâu, cắt cỏ thì mới tự làm, mà cũng là bà Mão hoặc Cám làm chứ không tới tay Tấm. Đây là lần hiếm hoi Tấm phải ra đồng làm việc.

Bà Mão tất nhiên thấy vẻ mặt không vui của Tấm, liền nhanh trí nói:

- Hai đứa đi bắt tép, đứa nào bắt được nhiều sẽ được thưởng một cái yếm đỏ!

Thật ra là hôm qua bà không ngủ được đã lấy miếng vải Cám để sẵn ra khâu hai chiếc yếm cho cả hai chị em. Bà biết Tấm thích trưng diện nên nghe tới yếm đỏ sẽ làm nàng vui hơn.

- Tấm nè, để tránh lặp lại sự việc hôm qua, từ giờ làm gì chị cũng cần phải để tâm suy nghĩ, cần phải quan sát. Em và mẹ đâu thể suốt ngày theo sát chị được. – Cám dặn dò chị trên đường ra đồng.

- Ừ, chị biết rồi. – Dù mồm nói vậy nhưng Cám thấy rõ thái độ của nàng là đáp quấy quá cho xong.

Cám cắn môi, cảm thấy đối với Tấm vốn quen được cưng chiều, không sử dụng biện pháp mạnh thì không thể thay đổi.

Ra tới đồng, nàng hướng dẫn Tấm cách xúc tép rồi đi ra một góc xa quan sát. Thật ra Cám bắt được không ít tép nhưng nàng cố tình bỏ vào hai cái giỏ nhỏ đeo ở chân rồi trùm váy che đi, cái giỏ lớn thì vẫn để không. Mỗi lần Tấm quay ra tìm thì giả bộ mải chơi, đuổi bướm hái hoa. Tấm có được lời hứa về cái yếm đỏ thì hăng hái vô cùng, ra sức cào tép, tới chiều tối đã được một giỏ đầy.

- Cám, về thôi. – Tấm ôm giỏ tép đầy, liếc qua thấy giỏ của Cám gần như trống không, phấn khởi nói.

- Vâng.

Cám uể oải ngồi dậy, nàng nhìn Tấm rồi chợt như nghĩ ra điều gì đó liền bảo với chị:

- Đầu chị lấm bẩn quá, mấy hôm nay nhà đang hết nước, chị mau xuống tắm gội đi kẻo về dùng hết nước dự trữ tắm gội mẹ lại mắng cho.

- Ừ.

Tấm không nghĩ ngợi gì nhiều, bỏ lại giỏ tép trên bờ, cởi đồ lội xuống góc sông tắm gội. Nàng không nhìn thấy vẻ mặt hơi thất vọng của Cám sau lưng.

Tới khi Tấm tinh tươm sạch sẽ lên bờ thì đã không còn bóng dáng Cám, nàng càng sửng sốt thấy giỏ của mình trống không, chỉ còn sót lại một con cá bống. Tấm tất tả chạy về, đầu óc mông lung không hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Mẹ con Cám đang ngồi sẵn trên sập chờ nàng, nét mặt rất không vui.

- Cám, đã xảy ra chuyện gì? – Nàng thở hổn hển hỏi.

- Chị còn hỏi à? – Cám khẽ lắc đầu. – Chị bị em lừa hết cả tép, lấy mất cái yếm đỏ rồi mà còn chưa biết?

- Vì…vì sao?

- Em không phải đã dặn là chị làm gì cũng phải để ý quan sát và suy nghĩ ư? Thứ nhất đầu chị không hề lấm bẩn, thứ hai là nước dự trữ mà em nói là nước mưa tinh khiết chỉ dùng để nấu ăn, còn nước tắm giặt là nước em vẫn múc từ giếng lên.

- ……

Tấm không nói gì nhưng người hơi run lên vì tức giận. Nàng vốn quen được mọi người xoay quanh mình, làm sao chịu nổi việc bị đối xử như thế này? Phút chốc, nàng bỗng cảm thấy một sự căm ghét ngấm ngầm đối với bà Mão và Cám, đồng thời sự tủi thân cũng trào ra:

- Tôi biết là tôi đánh mất tiền, muốn đánh muốn mắng thì cứ việc, sao phải bày chuyện làm khó tôi? Trong nhà này tôi chả là gì, dù sao thì tôi cũng không phải con ruột của dì, cô cũng chưa bao giờ coi tôi là chị cả.

Nói rồi nàng òa khóc chạy vào buồng trong. Bà Mão có vẻ áy náy còn Cám thì vẫn cố giữ vẻ mặt cứng rắn.

- Mẹ mặc chị ấy, chị ấy phải học cách trưởng thành thôi.

Trải qua mấy ngày, Tấm trong lúc quét sân phát hiện ra cái yếm đỏ mới toanh rơi bên thành giếng. Nàng đoán đây hẳn là cái yếm của Cám phơi bị gió cuốn ra đây. Nàng nắm chặt lấy cái yếm, mắt lóe lên một tia tính toán.

Trong nhà, Cám gấp cái yếm của mình, cất kỹ vào trong tủ rồi làm bộ như không nhìn thấy quai yếm đỏ hơi lộ ra dưới bộ đồ nâu giản dị của Tấm.

Chương 3: Quán nước đầu làng

Sau sự kiện chiếc yếm đỏ, Tấm có giữ lại con cá bống còn sót trong giỏ, bỏ vào giếng nuôi. Cám và bà Mão thì nhanh chóng quên chuyện đó đi, chỉ có Tấm mỗi lần cho cá ăn, thường hay lẩm bẩm một mình:- Bống bống bang bang, lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta; Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người.

Câu nói cũng không có ý gì, chẳng qua nghe nó hơi vần điệu nên nàng thuận miệng kêu ra như thế. Nàng nuôi con cá bống này không phải vì điều gì sâu xa, chỉ là mỗi lần nàng nhìn thấy nó thì lập tức nhớ lại ngày hôm đó, về lần đầu vừa phải lao động cực nhọc, vừa bị Cám lừa mất mặt. Cơn giận trong lòng dù đã được chiếc yếm đỏ rơi bên giếng xoa dịu, cũng không thể hoàn toàn quên đi.

Cám cùng Tấm mò cua bắt tép được hơn một tuần thì nàng nhận ra việc này là hết sức tạm bợ, vừa phí sức vừa không kiếm được là bao, “phi thương bất phú”, thế là nàng quyết định trở lại công việc gia truyền: Bán nước. Cho tới khi gom đủ vốn để quay trở lại buôn vải hay cái gì đó thì tạm thời nàng đặt ở cổng chợ một bàn nước nhỏ, bán trà xanh, nước vối, trầu cau và ít đồ ăn vặt. Tấm giúp nàng bán quán còn bà Mão lo quán xuyến việc nhà. Nhờ hai cô gái xinh đẹp bán hàng, quán nước của hai nàng rất đông khách. Cám bắt đầu hướng dẫn Tấm cách mua hàng, pha nước, têm trầu.

- Đây là cái gì vậy chị? – Cám hơi nhăn mặt nhìn cái Tấm đang chìa cho nàng xem.

- Trầu têm cánh phượng… – Tấm lí nhí nói.

Cám nhìn chăm chú miếng trầu trên tay Tấm, bật cười:

- Chúc mừng chị đã sáng tạo ra phương pháp têm trầu kiểu mới chưa từng có.

- … – Biết Cám hơi có ý giễu cợt, khuôn mặt Tấm liền ửng lên.

- Chị nhìn này, - Nàng không nỡ nói nặng hơn với chị, đổi giọng. – Têm trầu cánh phượng không khó lắm, chỉ cần chị chú ý một chút là được, nhìn em nhé.

Nói rồi nàng chỉ cho Tấm rất kỹ càng, sau vài lần tập luyện thì tác phẩm của Tấm cũng có thể tạm chấp nhận, dù so với của Cám thì còn cách xa nhiều lắm.

- Cám, chị về nhà nghỉ nhé, hôm nay nắng làm chị chóng mặt quá.

Cám hơi lưỡng lự, sau giờ trưa này quán sẽ rất đông khách, quả thực nàng rất cần Tấm phụ giúp nhưng nhìn khuôn mặt mệt mỏi của chị thì nàng lại mềm lòng.

- Được rồi, chị về đi, em trông hàng một mình cũng được.

Tấm không cần đợi nói tới lần thứ hai, nhanh chóng đội nón ra về, dáng vẻ không có gì là uể oải như vừa nãy. Cám tất nhiên là biết chị mình không yếu đuối tới mức không trông được hàng nhưng nàng không nói gì. Kể từ sau bài học về chiếc yếm đỏ, Tấm bắt đầu biết quan sát, để ý, làm việc chu toàn hơn, biết tính toán hơn. Cám bèn coi như việc cho Tấm nghỉ chiều nay như một phần thưởng nhỏ cho nàng.

- Người thì đẹp mà sao trầu têm xấu thế này? – Một giọng nói mang âm điệu hách dịch khiến nàng giật mình.

Mải suy nghĩ, Cám không để ý một tốp đàn ông mới tới ngồi vào quán từ lúc nào. Cả sáu người đều ăn vận khá đẹp, quần áo toàn là hàng tốt, nhưng người đi giữa nổi bật hơn tất cả, khiến những người xung quanh như lu mờ. Anh ta khoảng trên dưới hai mươi tuổi, vóc dáng cao ráo, ngũ quan sắc sảo, đặc biệt là đôi mắt rất sáng, trong veo nhưng lại sâu thăm thẳm. Người vừa lên tiếng chê bai là một trong những người đi bên cạnh còn anh ta không nói gì, chỉ nhìn Cám, nét mặt cười mà như không cười. Miếng trầu đó vốn là miếng trầu Tấm têm, bị nàng dồn vào một đĩa riêng, chưa kịp sửa, thực ra bị chê cũng không oan nhưng nàng hơi khó chịu với giọng điệu hách dịch kia. Cố nén xuống cảm giác bực bội, Cám nhoẻn cười nhỏ nhẹ lên tiếng:

- Mời các anh ngồi nghỉ uống chén nước. Mấy miếng trầu đó là chị tôi mới tập têm, tôi chưa kịp sửa. – Nàng nói rồi chìa ra đĩa trầu của nàng. – Mời các anh dùng trầu này.

- Ừ, cái này trông cũng được, bao tiền vậy?

Cám hơi nhíu mày, không phải vì miếng trầu têm cánh phượng nổi tiếng của nàng bị nói là “cũng được” mà chủ yếu vì thái độ rất khó chịu của người kia. Tuy vậy, nàng vẫn nhẹ nhàng:

- Thưa, ba xu một miếng, các anh đi sáu người, nếu mua sáu miếng thì tôi lấy hai đồng thôi.

Người này nghe thấy thì gật gù, định lấy tiền ra trả thì người đàn ông ra dáng cậu chủ kia chợt bật cười, nói với nàng:

- Không ngờ trên đất Đại Việt vẫn có kiểu buôn gian bán lận như vậy.

- Anh nhầm rồi, - Cám mỉm cười. – Tôi nào có lừa đảo gì, hoàn toàn là thuận mua vừa bán mà thôi.

- Ngươi ra góc kia tính kỹ lại cho ta xem, ba xu một miếng thì sáu miếng chính xác là bao nhiêu tiền. – Anh ta nói rồi quay ra nàng. – Cô lợi dụng sự ngu ngốc của người khác kiếm tiền không phải gian lận thì là gì?

- Tôi không có trách nhiệm với sự ngu ngốc của người khác, anh nói có phải không? Nếu vì ngu ngốc mà phải chịu thiệt thòi thì nên tự trách mình trước khi đổ lỗi cho người khác.

- Sắc sảo lắm. Đúng là lỗi do gia nhân của ta không được thông minh. – Người kia nói rồi bỗng mỉm cười. – Cô thông minh thế, hay là làm gia nhân cho ta đi?

- Vậy anh trả công tôi thế nào?

- Tương đương gia nhân thân tín nhất của ta, một quan một năm, thế nào?

- Anh tính sai rồi! – Nàng cười đáp lời. – Ngoài việc làm công cho anh, tôi còn phải chịu mất tự do, xa gia đình, chưa kể phải bỏ mất khoản tiền tôi kiếm được nếu tự buôn bán. Anh trả cho tôi mười quan tiền một năm thì tôi mới làm.

- Này… - Một trong những người còn lại khẽ quát lên nhưng bị người đàn ông kia cản lại. Anh ta tiếp tục cười nói. – Mười quan cũng không thành vấn đề, nhưng như vậy cô sẽ phải làm thêm việc.

- Việc gì vậy?

- Việc mà chỉ phụ nữ mới có thể làm được… - Hắn nói lấp lửng nhưng mắt híp lại nhìn nàng như đang cười.

- Anh… - Cám hơi đỏ mặt nhưng nhanh chóng trấn tĩnh. – Tôi vốn không thích nhận không tiền của người khác, lương tâm tôi không cho phép. Nhìn anh thì tôi nghĩ mười quan đó nên trả cho đàn ông chắc sẽ có ích hơn!

Người kia nhất thời cứng họng, mặt hơi tái đi còn đám gia nhân thì làm bộ nhìn ngó trước sau coi như không nghe thấy gì. Cám biết mình hơi quá lời nhưng nói thì cũng đã nói rồi nên nàng đành lờ đi, rót mấy chén trà xanh đưa ra, xem như an ủi.

- Ha ha.. – Cuối cùng người đó bật cười. – Ta chưa từng gặp ai như cô, nói chuyện với cô đúng là rất thú vị.

- Tôi chỉ là một con bé nhà quê loanh quanh bên lũy tre làng, bán nước qua ngày, đâu dám nhận lời khen của anh.

- Không cần phải khách sáo. Nhưng giờ ta phải đi rồi, hi vọng sau này sẽ còn có dịp gặp lại. – Nói rồi hắn ra hiệu cho thuộc hạ ra trả tiền.

- Mười đồng tiền. – Nàng tỉnh bơ nói.

- Cái gì? Chỉ có mấy cốc nước với mấy miếng trầu, sao lại đắt thế?

- Cậu anh vừa nói rằng nói chuyện với tôi rất thú vị, do đó tiền trà nước là ba đồng, chỗ còn lại là tiền công tiếp chuyện của tôi.

- Được, ta đã nói thì không nuốt lời. – Người kia liền xen vào. – Có điều ta không có đủ tiền, cô cầm giúp ta cái này thay thế được không?

Hắn rút chiếc nhẫn ngọc xanh đang đeo ở ngón tay út ra đưa cho nàng. Cám nghi hoặc cầm lấy xem rất kỹ rồi gật đầu, đeo vào tay:

- Thôi được, hơi thiếu một chút nhưng nể mặt anh là khách mới tới làng lần đầu, tôi đồng ý.

- Này… - Không biết là lần thứ mấy đám gia nhân kia trừng mắt với nàng.

- Cám ơn sự hào hiệp của cô. – Ngược lại, hắn vẫn rất vui vẻ nhìn nàng. – Tôi có thể hỏi tên cô không?

- Tôi tên là… - Nàng hơi dừng một chút. – Bột Gạo.

- Tên cô thật kỳ lạ, còn ta tên Khánh. – Hắn nói rồi mỉm cười. – Đừng quên nhé.

Ngay sau đó đoàn người lên đường ngay, Cám cũng nhanh chóng thu dọn quán nước ra về.

Sáng sớm hôm sau, nàng theo xe người ta đi sớm, tìm tới nhà buôn đồ trang sức lớn nhất trong phủ.

- Ta muốn bán chiếc nhẫn này! – Nàng giơ chiếc nhẫn “gán nợ” kia ra.

Ông chủ tiệm nhìn thấy chiếc nhẫn có vẻ hơi giật mình, xem xét kỹ lưỡng thì mắt sáng lên, giọng không giấu được hào hứng:

- Một quan tiền.

Tim Cám nhảy lên một cái. Nàng vốn biết chiếc nhẫn kia là ngọc thật nhưng cũng không nghĩ giá trị của nó cao như vậy. Quan sát ông chủ một hồi, nàng lên tiếng một cách dứt khoát:

- Hai quan!

- Hai quan đắt quá.

- Tùy ông thôi, nếu ông không mua thì ta lại cầm về vậy.

- Không cần phải ép tôi như thế. – Ông chủ nheo mắt nhìn nàng. – Nhìn cô thì không phải người giàu có gì, tôi đây rất thắc mắc vì sao cô có thể có chiếc nhẫn đắt giá như vậy?

- Ta không giàu nhưng huyện nhà ta rất nhiều công tử giàu có. Có người năn nỉ sống chết tặng ta cái nhẫn này, không cho phép ta từ chối, ông bảo ta phải làm sao? Ta lại không thích giữ vì mỗi lần nhìn thấy thì khó chịu nên mới bán.

- Cái này… - Ông chủ tiệm hơi ngập ngừng. – Một quan rưỡi.

- Hai quan là hai quan. – Cám lạnh lùng nói. – Ta biết có nhiều người sẽ trả cao hơn, ông đừng tưởng ta không biết gì mà chèn ép nhé.

- Thôi được rồi. – Ông ta lấy hai quan tiền đưa cho Cám, đổi lấy chiếc nhẫn ngọc xanh trong vắt kia.

Cám vui vẻ ôm tay nải đựng hai quan tiền về nhà. Nhẫn vàng nhẫn ngọc gì cũng thế, chỉ là thứ phù phiếm ngoài thân, thứ quan trọng là thức ăn, là quần áo, chỗ ở của ba mẹ con kìa.

Full | Tiếp trang 2

Loading...

Tiểu thuyết tình yêu là website chia sẻ những thể loại truyện hay nhất hiện nay, được nhiều người đọc yêu thích. Truyện được cập nhập hàng ngày. Hãy lưu địa chỉ web để truy cập nhanh hơn!

Chúc các bạn online vui vẻ !

Laptop Tùng Anh

Tour Phú Quốc

Vinhomes Cầu Rào 2

Trang Chủ