Old school Swatch Watches
Tiểu thuyết tình yêu

Tiểu Thuyết Tình Yêu

Đọc truyện tại Tiểu Thuyết Tình Yêu

Loading...
Chương 3

Ngày hôm sau và có thể mãi mãi sau này không ai còn xây nhà kiểu nhà như nhà ông đồ Khang hồi ấy. Năm gian nhà xây lợp cỏ tranh và lá mía lùn tịt khiến ai đã gọi là người lớn vào nhà đều phải cúi. Ba mặt và cửa của hai gian buồng xây kín như bưng. Ngày cũng như đêm phải cầm đèn, cầm đóm mới khỏi vướng vấp, va đập. Gian bên phải đựng chum vại, vò, lọ, đồ ăn thức đựng và một cây sào trê treo dọc tường oằn xuống bởi đủ loại quần áo lẫn với bao tải và chiếu rách. Gian bên trái là "buồng vợ chồng thằng Sài ở đấy thì chưa một lần nào Sài quay mặt nhìn vào phía cửa buồng ấy. Nó không chê vợ nữa. Chuyện đó không hoàn toàn do sự ép buộc của ông đồ, cũng không hẳn là sợ chú và anh đe nẹt, nó lo đến vai trò gương mẫu của một liên đội trưởng, nhất là khi được trở thành đội viên "Tháng 8" đầu tiên của xã. Nó rất sợ tiếng xì xào bàn tán ở bất cứ chỗ nào của người lạ cũng như người quen. Thành ra, nó chỉ yêu vợ ở mỗi chỗ đông và bằng sự im lặng. Nghĩa là, trước đám đông, dù chỉ là ba người, nó không được nói, không được làm việc gì để người ta nhận thấy giữa nó và vợ nó có sự hục hặc. Nó vẫn phải đi với vợ đội đĩa xôi, đĩa thịt, bát canh bí đến nhà bố mẹ vợ ngày Tết và vẫn phải "Thưa thầy mẹ, nhân ngày xá tội vong nhân, vợ chồng chúng con có chút lòng thành..." Cả bố mẹ, anh chị cả họ hàng nội ngoại nhà vợ đều thoả mãn về vợ chồng thằng Sài đã yêu thương nhau, "vẫn đi với nhau". Riêng chỉ có Tuyết, cô gái của dòng họ Hoàng ấy là biết rõ thân phận mình. Đã sang tuổi mười bảy, cái tuổi dậy thì của người con gái mỗi ngày như trông thấy cái cơ thể dồi dào của mình cứ phồng lên, cái lớp da mịn màng của mình cứ mát mẻ mà êm ái căng đầy lên, đã thấy khao khát đến cháy khô đôi môi mọng đỏ trước những cái nhìn đăm đăm của người con trai, đã thấy phập phồng chờ đợi mỗi đêm nghe thấy tiếng chân chồng chạy về nhà. Nhưng không. Những lần "đi với nhau" Sài thường chạy đi trước hoặc tụt lại thật xa. Khi đến gần cổng "nhà ấy", Sài mới chạy dấn lên để cùng "vợ" đi vào cổng. Và sau khi nhắm mắt, nhắm mũi nói xong cái câu ông bà đồ bắt học thuộc, Sài xin phép bận đi gọi họp, đi báo anh phụ trách, đi thu tiền nguyệt phí... Bao giờ Sài cũng tìm cách rời khỏi "nhà ấy" nhanh chóng. Còn ở nhà mình, Sài cũng tìm cách ăn trước hoặc ăn sau. Bất đắc dĩ có phải ngồi cùng một lúc Sài cũng không ngồi cùng một phía, không còn đối diện với Tuyết qua đầu nồi, không nhờ xới cơm. Và bát cơm nào Tuyết đã chấm thì nhất định Sài phải tìm bát, rót tương khác, chấm riêng. Tất cả những trò ấy, ông bà đồ biết cả, tìm cách uốn nắn cả nhưng Sài vẫn có cách để làm theo ý mình. Bảo mãi không được, chuyện đó coi như là chuyện trẻ con không chấp. Duy chỉ có việc ở nhà hai đứa, ông bà đồ vẫn còn khổ sở. Thằng Sài hãi tối. Đêm nào đi họp về nó cũng túm lấy áo bạn đợi khi nào mẹ mở cửa đón nó mới buông bạn ra. Nhưng ngủ với mẹ ở dưới bếp bị đuổi chạy lên nhà chui vào bên bố cũng bị đuổi, nó nằm lăn ra tràng kỉ. Nằm đấy cũng không được, nó ra sân đứng, gục đầu vào cái gì đó mà ngủ. Có sáng dậy, bà đồ thấy con ngồi dưới sân, gục đầu lên thềm nhà nằm, bà ứa nước mắt, kéo con vào giường mình và đến tối nó đi họp về lại cho nó ngủ cùng. Được dăm ba hôm lại phải đuổi nó. Cũng có lần phải vào buồng vợ, nó đứng nấp sau cánh cửa, đợi bố mẹ đi ngủ, nó lại rón rén bước ra. Lần căng thẳng nhất cách đây mươi ngày. Đợi cho nó đi họp về, ông bà đồ bắt con vào buồng rồi khoá cửa lại. Suốt năm đêm như thế, thấy yên ắng, chắc là chúng nó quen hơi nhau rồi, nào ngờ đến đêm thứ sáu, khi bà đồ khoá cửa định quay ra thì con dâu thì thào gọi bà mở cửa. Cô chạy xuống bếp khóc và xin nằm với mẹ để anh Sài lên giường kẻo cả năm đêm vừa rồi anh ấy nằm dưới đất.

Tất cả những chuyện đó đều không hề vỡ lở ra ngoài. Bởi vì với Tuyết, dù cô đã mong đợi và sẵn sàng ở tư thế của một người làm vợ nhưng cô là con gái chưa quen mùi đàn ông, chưa có một thói quen như một sự nghiện ngập, phải cồn cào điên loạn khi không có chồng" vẫn đi với nhau". Cô hãnh diện với nó, sống với tất cả sự chấp nhặt của lòng tốt "vun vào" của xung quanh, của sự mong mỏi của người thân thiết và của cả chính mình. Chỉ cần nghe một câu tán tụng, một sự gán ghép, một lời nhắc nhủ có dính líu đến tên Sài và cô, đến "nhà em" và "anh ấy" là cô thấy bừng nóng khắp cả người, nhâm nha sự sung sướng ấy đến hàng tuần, hàng tháng.

Còn ông đồ vẫn là người "quyết liệt" nhất trong sự yêu thương của vợ chồng Sài thì cũng không thể làm gì ồn ã được nữa. Thứ nhất, ông vốn là người hiền, ngoài sự nghiêm ngặt bắt con cái "giấy rách phải giữ lấy lề" ra, bản thân ông ăn gì cũng xong, ai cho con đến học có trả tiền công hay không cũng đều như nhau, đứa giỏi ông trọng, đứa dốt ông thương. Đến bây giờ vẫn có người làm nhà hay ma chay xa hàng mấy chục cây số cũng mời ông đến cho câu đầu, câu đối, chữ thêu trướng. Ông không bao giờ ngần ngại từ chối. Thứ hai, là trong đời, có nhẽ ông chỉ một vài lần nổi nóng như chuyện đuổi đánh thằng Sài mấy năm trước. Sau lần ấy ông thấy xấu hổ với dân làng, vài ba tháng sau không dám ra khỏi nhà. Cuối cùng, ông tin chắc rằng không đời nào ông Hà, thằng Tính và các đoàn thể người ta lại cho thằng Sài bỏ vợ trừ phi nó biết chí thú học hành, ông tin mai kia nó lớn mọi việc sẽ đâu vào đấy, thành thử ông không bó buộc nó gắt gao trong việc này như trước đây.

Nhờ thế, cuộc hôn nhân của hai đứa trẻ cứ "êm ả" trôi đi. Chỉ riêng Sài âm thầm cay đắng không thể kêu ca, không thể giãi bày. Người ngoài khen cô Tuyết càng lớn càng xinh ra, mặt mũi cứ tròn vành vạnh như mặt trăng. Sài lại thấy(đôi khi bất chợt nhìn thoáng qua chứ có bao giờ dám nhìn lâu), cái mặt ấy trông chảy ra, phèn phẹt như mẹt bánh đúc. Người ta bảo: Cô Tuyết khoẻ mạnh, chắc chắn, làm ăn đâu ra đấy. Sài nghĩ bụng có khác gì cái chĩnh đựng đỗ giống, người ngợm mỗi khi chạy trông cứ như lăn. Người ngoài bình phẩm hiếm người hiền lành như cô Tuyết, Sài cho đấy là loại người ngu, cả ngày không mở mồm nổi một câu.

Không phải thế. Cô bé chẳng có tội tình gì và cũng không đến nỗi nào. Thả ra, nếu được lựa chọn, được tìm người ưng ý, có thể lấy khối người, nhưng bố mẹ đã gả bán cô cho nhà ông đồ, cô đã là gái có chồng, cô không ăn đổ làm vỡ, không trai trên gái dưới, không ai có quyền đuổi cô đi khỏi nhà này. Nhất là bây giờ, Sài đã là liên đội trưởng, được đi cắm trại và nhận phần thưởng thiếu nhi ngoan và học giỏi nhất huyện thì không thể nào đuổi cô đi để tự anh ta trở về tay trắng. Hiểu rõ cái thế của mình nên đôi khi Sài nằm đất, nằm hè, đứng bờ, đứng bụi mà ngủ Tuyết cũng thấy tội, nhưng nghĩ lại, anh có tự hành hạ mình đến đâu và đem giao kề cổ, cô cũng không đi kia mà. Làm sao lại không yêu nhau để cô chăm chút cho mà học hành và có vợ có chồng đầm ấm vui vẻ, việc gì phải khổ sở như thế. Bạn bè cùng tuổi với cô ở làng này bao nhiêu đứa có con, có đứa sắp hai con rồi! Cô bé tìm ra chỗ yếu của Sài. Sài đành chịu số phận hẩm hiu để cho mọi người, cả người thân thuộc lẫn kẻ dửng dưng đều hài lòng vì cậu không chê vợ. Nhưng thực sự thì đừng ai bắt, ngay Sài cũng không tài nào bắt mình phải nói cười, phải làm lụng, phải ăn uống, phải sai bảo và đi lại với cô ta được. Từ sáu bảy tháng nay Sài phải sống thành hai con người, mười bốn tuổi đầu đã phải sống hai cuộc đời thật và giả. Ban ngày, chỗ công chứng là con người giả sống cho vừa lòng mọi người: yêu vợ. Ban đêm khi có một mình là con người thật: không thể nào chung sống với con người mình ghét bỏ từ đầu đến chân. Thành ra, bất kể lúc nào, bất kỳ ai có hỏi: "Sài có yêu vợ không?" Sài sẵn sàng nói như cái máy:"Có". Nhưng đêm đêm đi học, đi họp về, có ai cầm dao doạ giết cũng không thể bắt Sài leo lên cái giường ở buồng bên trái nhà. Dù có len vào đấy thì cũng không ai có quyền kiểm soát cái khoảng tự do cuối cùng của tình cảm và quyền làm người của Sài.

Sài cố dồn sức lực, cố phồng mình lên để cái phần sống ở chỗ đông người, chỗ ban ngày được khen ngợi trầm trồ, còn ban đêm với riêng mình, nó tự giết đi những xao xuyến thèm khát một hạnh phúc thực sự.

Nhưng khốn khổ thay, Sài cũng là một con người không thể nào triệt hạ được tình yêu khi con người đang sống, đang khao khát sống bằng sự dồi dào của mình. Bốn năm sau, khi Sài bước sang tuổi mười tám, tuy tốt nghiệp lớp bảy trường huyện và đỗ vào lớp tám của tỉnh nhưng anh lại bỏ về làm trưởng ban phụ trách thiếu niên xã. Năm ấy vỡ đê bồi, làng Hạ Vị thiệt hại chưa từng thấy. Sau trận lụt, chuyện của Sài còn to hơn chuyện vỡ đê bối, còn cuốn hút mọi người hơn cả dòng nước vỡ cuốn mất mười bảy ngôi nhà ở thôn Cam Bồi. Với riêng Sài, có thể đây là một điểm vỡ ra của những năm tháng chắp vá, gượng gạo chăng? Ai sẽ là người ủng hộ Sài dù đó là sự nhen nhóm. Nhưng mà cuối cùng vẫn là quyết định của Sài. Anh đã có một quyết định dũng cảm. Vậy mà biết đâu chính nó lại là sự hèn nhát.

Đã thành lệ, từ giữa tháng sáu ta, khi trời nắng đến mức nước trong giếng, trong bể, trong chum vại cũng như luộc chín đám rêu khiến nó nổi váng lều phều trên mặt và giông bão sẵn sàng nổ ra từ giữa oi ả nồng nặc thì làng phải gấp rút chuẩn bị đối phó với mùa lụt. Người ta bắt đầu pha tre, mua nứa, đi chợ Dầu, chợ Cháy mua sơn. Mỗi nhà phải cố chạy vạy để có một chiếc thúng câu. Những người cuốn vó bè, đánh lưới, thả rọ, đi chợ Cống, chợ Hồi sắm sửa đồ nghề. Trẻ con mua dậm, mua thời, uốn lưỡi câu. Người già chẻ lạt gác gác bếp đánh con xỏ, con nín sẵn sàng bắc gác. Đàn bà dỡ đống cây ngô ở đồng, nhổ hết cây đỗ gánh về đánh đống ở đầu nhà. Sự chuẩn bị vừa hốt hoảng lo sợ, vừa háo hức mong chờ, niềm vui và nỗi buồn xô bồ cẩu thả đang bừa bộn ngổn ngang thì nước sông đã ăn lên lem lém nuốt chửng cả cánh bãi xanh non mênh mông lúa lốc và vừng. Những ngày mưa ngâu ào đến, ào đi như một thứ trò đùa tai dai dẳng. Những đêm chớp nháy liên hồi ở chân trời đằng đông gọi nước lên nhanh như tát, chả mấy chốc mà tràn cả làng. Tiếng trống thúc ngũ liên, tiếng loa hối hả suốt ngày đêm gọi người lớn đi hộ đê quai, giục trẻ con người già, trâu bò, lợn gà chạy vào đê chính. Nồi niêu chăn chiếu gác lên sàn. Nhất thiết mỗi gia đình phải xay ngô lấy lõi đủ mười ngày ăn. Làng quay cuồng mù mịt trong nỗi hoảng loạn, riêng bà đồ Khang gần như mấy ngày hôm qua không hề ngả lưng. Thằng Sài đi thúc loa khản đặc cả cổ, chạy ngược chạy xuôi hò hét, khiêng vác khắp làng, khắp xã, không thèm nhìn nhận đến nhà. Con Tuyết đi hộ đê. Còn ông đồ chỉ quay ra, quay vào với vài cây cau ương mới nhú mầm không biết gác lên đâu. Mọi việc từ đánh lại đống ngô, san vò tương để bê đi gửi, đóng bè cho mẹ con nạ chó, làm gác đặt ổ gà đẻ, đến đào hố chôn phân gio, xúc ngô đỗ đi gửi, bó buộc quần áo, chiếu chăn, xanh nồi bát đũa, lọ nhớn lọ bé, chai to, chai nhỏ, thôi thì đổ hết lên đầu bà. Chỉ có bà, như một con ở của cái nhà này, chỉ có bà phải ăn, phải dùng những thứ đó nên bà lo chứ ai ngó ngàng đến. Thằng Sài mà vác mặt về đây bây giờ thì không yên được với bà.

Nhưng thằng Sài không về. Đến quá nửa đêm đê quai vỡ ở chỗ cây đa còng cách đầu làng đến dăm cây số mà nghe tiếng nước ầm ầm rung chuyển như bom. Tiếng kêu la truyền đi rùng rợn, thảm thiết, làng nọ ríu vào làng kia, tiếng kêu như ong, hàng mấy giờ đồng hồ vẫn chưa thấy được nước chảy đến, lúc ấy thằng Sài chạy về đứng ở đầu nhà hỏi: "Thầy mẹ đã chạy hết mọi thứ chưa"? Bà đồ uất đến lặng người, chỉ chờ nó bước vào sân là sẽ chết với bà. Nhưng nó lại biến mất hút rồi. Không trút được nỗi bực dọc cho con giai bà quát con dâu và chông, cả nhà cuống quýt gánh, đội, ôm, vác mọi thứ chạy lên đê quai. Trong khi đó Sài bế trẻ em, đội ngô, ôm quần áo hết nhà này đến nhà khác và cũng chạy lên đê. Nước đã tràn về ào ạt như gió, trong chốc lát cánhh đồng lởm chởm mấp mô đã trắng băng. Tiếng kêu ré lên, tiếng quát tháo của các xóm phía trong gấp gáp. Sài chạy trên mặt đê, gọi loa, yêu cầu thanh niên đẫn chuối bơi vào đồng cứu bà con chưa chạy sang bên kia sông nhờ đoàn sà lan sang cứu người, cứu của. Đêm ấy Sài cùng các công nhân, chở hết người chưa chạy kịp trong các xóm, xong lại chở nốt người, lợn, gà, trâu bò đã chạy lên đê quai vào đê chính. Chuyến cuối cùng họ "rà" từ đầu làng đến cuối xã nhưng không còn gì. Anh cởi quần dài cuốn lên đầu, nhảy ùm xuống bám vào đoạn chuối nổi mập mờ ở bên cạnh. Anh chỉ cần bơi dăm chục mét đã tới nơi anh định tới. Đó là cái cổng nhà tổng Lơi. Phía trên lối ra vào nó xây thêm một tầng nữa. Tầng ấy và sân thượng dùng làm nơi canh gác của hương dũng. Tổng Lơi chạy đi Nam, toà nhà của nó ta tịch thu làm trường học và một nhà ngang tạm thời làm trụ sở uỷ ban xã. Còn cái cổng được rào lại, phía trong đựng đầy rác rưởi, phân dơi, phân chuột và cóc nhái chết đã khô đen. Đã nhiều buổi chiều và đêm sáng trăng Sài bí mật leo ton tót lên sân thượng. Bước đến nơi quen thuộc Sài còn thích thú hơn cả về nhà mình. Trời gần sáng, trăng vẫn vằng vặc. Năm nào cũng thế, khi nước đã tràn vào đồng là lúc chấm dứt những ngày mưa, trời trở nên quang đãng khô ráo, trên thì vằng vặc về sáng. Khi anh tỉnh dậy mặt trời đã chếch sang tây, ánh nắng đốt vài khuôn mặt nằm nghiêng khiến anh vừa mở mắt ra đã thấy tối sầm lại. Cả nền xi măng, cả quần áo đắp lên người nóng rẫy, không thể nằm tiếp tục được nữa. Phải một lúc lâu anh mới như tỉnh, mới tin vào mắt mình khi nhìn thấy nước đã mấp mé mái tranh của những nhà cao. Những nhà thấp đều đã ngập lưng mái. Những vườn chuối tiêu cũng ngập bủm từ bao giờ. Những rặng tre lơ lửng vô số túi bọt bong bóng của ễnh ương, và kiến kéo nhau vón thành từng ngấn dài đỏ ối như đường ranh giới trên ngọn tre. Một con gà mái không hiểu của nhà ai đang từ nóc nhà"uỷ ban" bay vọt lên, bay quá đà phải gắng gượng chới với mới bám được tầu cau. Nó lẩy bẩy khó nhọc mới lần tới sát bẹ, nép vào đấy nằm một lúc lâu lâu, cái đuôi cong dớn lên rồi cụp xuống, một quả trứng lộ ra, rơi tõm xuống nước. Con gà mãi không hề biết mình đã đẻ vào trống không, nó chỉ còn nhớ một thói quen là "cộc tác" một cách hốt hoảng như có ai đuổi bắt và vội vã bay lao vào bụi tre đầy gai góc, rắn rết.

Ngồi một lúc, anh quyết định phải đi kiếm cái gì ăn. Biết đâu mình chả phải ở đây vài ba ngày nữa mới có thuyền thúng qua lại. Anh vo tròn bộ quần áo dài nhét vào khe tường, nhao xuống ngâm mình trong nước đặc sánh phù sa. Anh có cảm giác đang ở trong một bể nước làm kem sắp sửa đông lại, khắp người thấy khoan khoái tưởng có thể sức này bơi độ hơn ba cây số vào tận đê chính còn thừa. Về đến nhà mình, nhẩy lên đầu hồi quanh quẩn mãi anh không tìm được lối vào nhà. Định rỡ mái chui từ khe đòn tay xuống, anh chợt nhớ trong nhà không có gác, mọi thứ gửi ở nhà mới ngập đến lưng chừng, nhưng cửa khoá, buộc không thể vào nổi. Sài rỡ tranh chui vào gian bếp. Bếp cũng sạch trơn, chỉ có nmột sàng khoai lang mới luộc tối qua, đổ ra gác lên đây cho nguội không kịp ăn và khi chạy bỏ quên. Sài đu mình lên quá giang, ngồi ăn chưa hết một củ đã nghẹn tắc lại. Khoai bở và anh lại ăn ngấu nghiến, làm sao chả bị nấc. Anh mỉm cười về sự tham lam vội vã của, rồi vươn tay xách luôn cái ấm đất thung treo ở tường. Nhét đầy ấm vẫn chưa hết một nửa chỗ khoai, anh giải phóng luôn chiếc quần đùi buộc túm lại. Trở về chỗ cũ trên cổng anh đặt khoai một góc, lấy ấm múc nước dựa nghiêng vào bờ tường đợi lắng, vắt nước quần xuống nền xi măng cho đỡ nóng rồi đội lên đầu dấu đậy điệm. Chợt có tiếng lao xao. Anh nhìn ra cánh đồng nước. Giữa mênh mông nổi lênh đênh những đống cây ngô, cây đỗ và những mảng tranh, những cây đòn tay, cây xoan, cây chuối, thấy chiếc đò ngang đang hướng mũi về phía mình. Vội vã mặc quần áo, chui xuống tầng lô cốt đầy rác và các thứ khác, chỗ con đò đã áp mạn vào đấy. Hương, cô bé duy nhất ngồi trên đò không dấu nổi sự mừng tủi:

- Trời ơi an Sài. Đi sang bên kia sông với tôi đi.

- Có việc gì đấy Hương.

- Sang chỗ anh trai tôi chơi, sáng mai về.

- Thôi có lẽ Hương đi. Tôi ở đây đợi lát nữa có đò vào trong ấy luôn. Hay là Hương lên đây chơi, đợi thuyền ra tôi đưa Hương đi.

- Có lâu không?

- Chưa biết nhưng chắc cũng nhanh thôi.

Đang chần chừ, một anh lái đò giục Hương định thế nào, quàng lên để họ còn về đón khách, Hương hỏi:

- Nhưng có đò thật chứ.

- Nếu lỡ, Hương có dám ở đây chơi lâu không?

Nói xong câu bóng gió ấy mặt Sài đỏ bừng, hơi cúi. Hương lướt nhanh đôi mắt to, rất đẹp, và thông minh nhìn Sài, hai má ửng đỏ, cô cũng mỉm cười hơi cúi. Một trong hai người lái đò khuyên:

- Cứ ở đây chơi, lát nữa thuyền thúng lại chả đầy.

Hương ngần ngừ rồi trả tiền, cám ơn, một tay giữ túi dết và nón, tay kia giơ ra cho Sài kéo lên. Khi con đò đã đi xa, cả hai người cũng nhìn chăm chú như thể mình là người phải lo lắng cho số phận của nó sắp phải ra giữa dòng sông cuồn cuộn sóng dữ. Biết mình im lặng là vô lý nhưng cổ họng cứ khô cứng lại, Sài không biết nên hỏi chuyện gì, nói gì với Hương bây giờ.

Hương là cô bé ở xã phía trong con đê chính, nơi vẫn quen gọi là nội đồng, nơi hàng mấy đời nay người làng bãi ăn thuê làm mướn, nơi đêm đêm những năm lên chín lên mười Sài đã vác vồ chạy theo người lớn vào ngồi dúi dụi vào nhau trên mặt đê hóng đơi người ta đến mướn. Cái nơi ăn trắng mặc trơn ấy con gái đẹp đã thành câu ngạn ngữ: "Trai tổng Thái, gái tổng Ninh". Cái tổng Bái Ninh mà trung tâm là làng Bái Ninh, có chợ Bái sầm uất hơn cả phố huyện, con gái trăm người như một, trắng, thon thả và ăn nói dịu dàng như người trên tỉnh. Sài gặp Hương ở năm đầu tiên của trường cấp hai toàn huyện. Nói đúng ra, bốn huyện mới có một trường cấp hai, đi học lớp năm thời ấy còn oai vệ hãnh diện hơn, quan trọng và hiếm hoi hơn đi nước ngoài học phó tiến sĩ bây giờ. Sài là niềm hãnh diện duy nhất của xã Hạ Vị "lọt" lên được lớp năm, nhưng khi đến đấy, với bộ quần áo cánh nâu, đội nón, chân đất và một chiếc túi dết đã vá hai miếng của anh Tính cho, Sài thấy mình trơ trẽn trước tất cả các bạn trắng trẻo đi guốc, đi giày, đi dép, mặc quần phăng, áo trắng, áo len, áo khoác, đội mũ các kiểu. Con gái cũng mặc áo sơ mi cặp tóc, răng trắng. Sài nhìn họ như nhìn vào ánh nắng mặt trời, vừa rực rỡ lấp lá vừa chói chang phải tìm cách quay đi. Ngày khai giảng, Sài xếp hàng đứng sau cùng, phía trước anh là cô bé tên Hương. Thầy chủ nhiện vừa đọc đến tên cô ta, cả trường đều quay nhìn cô đi từ tốn và tự tin vào hàng. Cô ta còn thấp hơn Sài là khác, nhưng đi guốc cao mà Sài lại chân đất thành ra đứng chào cờ Sài chỉ nhìn vào cái gáy nõn nà của cô do hai hàng tóc rẽ ra cặp gọn ghẽ thành hai mảng đen mướt trùm xuống hai bờ vai. Ngay ngày thứ nhất của năm học mới ấy, Sài đã tìm cách tránh xa cô ta chỉ vì một lẽ giản đơn: Cho đến hôm ấy, Sài mới thấy một cô gái đẹp như thế, mà Sài lại là thằng bé quê mùa đã có vợ. Cả ba năm học cùng lớp, Sài ngồi bàn đầu tiên bên trái, còn cô ta ngồi bàn cuối cùng bên phải. Không bao giờ Sài nhìn xuống phía ấy, ngay cả khi cô ta lên bảng Sài cũng không nhìn. Lớp của Sài năm nào cũng đứng nhất trường vì trong đó có một lý do có lẽ là quan trọng nhất thầy nào giảng cũng hay, cũng tận tình sẵn sàng vất vả ngày đêm vì học trò. Mãi sau này, khi đã có thể coi nhau là bạn bè, anh em Sài mới biết cả mười một thầy trong ba năm học ấy đều bảo: "Vào lớp của cậu, thực ra mình chỉ giảng cho một người. Sài biết người đó là ai chứ. Mỗi khi bước đến lớp cậu, mình rất thấp thỏm sợ và không có gì buồn tẻ hơn nếu giờ ấy vì sao đó mà cô bé vắng mặt". Tất nhiên, thầy nào cũng nói còn một người nữa là niềm tin, là chỗ tựa khiến không thể lơ là cẩu thả với giáo án, và giờ giảng của mình. Người ấy là Sài. Nhưng khi Sài không muốn và biét là không thể xếp sự hấp dẫn của anh ngang bằng với sắc đẹp của Hương. Hơn nữa anh chỉ giỏi tự nhiên, dù các môn tự nhiên của anh cùng ba học sinh của trường khác được coi là xuất sắc nhất tỉnh.

Hương rất ý thức được sắc đẹp của mình nhưng cô vào loại học giỏi. Cô kiêu kỳ nhưng sẵn sàng giúp đỡ bạn học kém. Tính tình kiên quyết đến tàn nhẫn và ngay cả lúc ấy vẫn thấy có duyên, thấy cô ta càng đẹp thêm lên mỗi khi tức giận và quyết đoán một việc gì đấy. ít nói, nhưng chàng trai nào định "nói gì", cô đều mỉm cười và đôi mắt cũng cười như bảo: "Anh bạn ơi, thôi nói chuyện khác thì còn có thể ngồi nói chuyện được với nhau". Riêng có Sài là cô mến. Nhưng cả Sài và cô đều cố "cương" lên một cách không cần thiết. Qua những người làm thuê trong xóm từ mấy năm trước, gia đình cô đã thương tình cảnh một anh Sài nào đó học rất giỏi phải sống ép buộc vì một lời hứa hẹn của bố mẹ, không ngờ đến nay lại cùng học một lớp và Sài vừa thông minh vừa cần cù đến thế. Hương rất thích cái tính chân thật, rụt rè của Sài. anh ta chỉ có một mình để học hoặc bạn nào đi cùng thì phải cùng học với anh ta. Hương tiếc mình bỏ phí đoạn đường đi về song cô lại không kiên trì học được như thế. Cô còn biết sáng sáng Sài phải dậy phải dậy từ ba giờ để học và nấu cháo độn ngô hoặc khoai lang, ăn xong bỏ vào túi dết vài ba củ khoai rồi chạy đi. Cả khi đi và về trên đoạn đường mười cây số, Sài học từng bước. Lúc tối thì nhẩm, nhớ lại bài cũ. Lúc trời sáng giở sách học bài mới. Chiều về chỉ có một bát bánh đúc ngô rồi đi họp, đi làm công tác đội đến khuya. Khi có thể ngủ yên lại phải trốn chạy lẩn tránh, nằm đất, nằm hè để khỏi vào với "vợ". Nghĩa là chuyện gì xảy ra ở Sài các bà dến làm thuê ở làng Bái Ninh, đều kể và có phần thêm bớt cho ly kỳ hấp dẫn. Ai cũng bảo nếu thằng bé ấy nó được ăn uống đầy đủ, không bị cấm đoán quát nạt thì còn giỏi đến đâu!

Hương và hai cô bạn ở huyện khác về nhà cô trọ để cùng học với cô ngày nào đến gốc đa Phú Hoà cũng ngồi nghỉ để ăn mía và cắn hạt dưa. Họ ngồi ở đấy nghỉ và ăn đã thành lệ. Học sinh về đến đây và qua xã Hương chỉ có một mình Sài. Hương rất muốn Sài ngồi lại nghỉ và ăn cơm cùng nhưng không bao giờ cô mời. Lần nào không thể bỏ qua được, cô chỉ xui các cô bạn rủ anh. Không một lần nào trong ba năm học Sài ngồi lại đấy nghỉ với họ. "Đàn ông nhát thế là cùng". Không phải như cô nghĩ. Tính Sài lủi thủi nó quen rồi. Ngoài cái lý do ấy ra, còn một điều Hương không sao hiểu nổi, chính những ngày ngồi trong lớp không qyay xuống nhìn phía bàn Hương thì Sài cũng rất buồn nếu chỗ Hương đi trước, Sài cứ muốn còn đường về đến đầu làng Hương dài ra nữa, để Sài đi mãi. Mải miết học đến đâu thì khi cách cây đa Phú Hoà chừng ba bốn trăm mét Sài cũng lướt mắt nhìn xem có Hương ngồi lại không. Về đến đây Sài vẫn không nhìn ra ngoài trang vở mà hai tai cứ nóng dậy lên. Và thật lòng, Sài rất muốn có cớ ngồi lại, nhưng không bao giờ thấy chợ huyện về trông thấy thì phiền. Thành ra Sài cứ phải nén mình lại vì Sài đã có "vợ" và không muốn mang tiếng là thấy cô này cô kia đẹp về ruồng rẫy vợ con...

Trong khoảng thời gian gần một giờ đồng hồ "chết", đã ba lần Sài mời Hương ăn khoai và uống nước. Chỉ có lần đầu Hương từ chối còn hai lần sau cô im lặng và thở dài như ân hận một điều gì. Cũng trong thời gian ấy có hai lần anh đứng lên chống tay vào thành tường ngắm nhìn đồng nước như lạ lẫm, như mê mải. Cuối cùng chính Hương phải phá tan sự im lặng.

- Gần tối rồi liệu có đò không?

Nhận thấy vẻ sốt ruột có phần bực bội của Hương. Sài lo lắng thực sự. Anh đứng bần thần một lúc rồi mới nghĩ được cách:

- Hay là để tôi bơi ra đê quai. Thế nào cũng có thúng câu. Tôi nhớ tối qua khi mọi người lên xà lan hết rồi vẫn còn mấy cái buộc trên cây bằng chỗ chợ Quán.

- Có xa không?

- Chỉ độ nửa cây số.

- Thôi, Hương không ở lại đây một mình đâu.

Anh lại đứng đần mặt không biết sẽ bằng cách nào để đưa Hương về. Còn Hương thì vẫn cố nén những hơi thở buồn bã và lo lắng. Anh ái ngại:

- Cố đợi Hương ạ. Nếu tối không có thuyền thúng qua đây tôi tìm cách đóng bè chuối đưa Hương ra đê quai rồi ta lấy thuyền nan về, sáng trăng, lo gì.

Hương không đáp. Một lát sau cô mới hỏi:

- Hình như anh không thích Hương đến đây phải không?

- Sao Hương lại nói thế.

- Từ khi Hương đến anh tỏ vẻ không vui.

Lại đến lượt anh cố nén hơi thở, giọng anh buồn buồn của một kẻ yếu thế.

- Có những đêm một mình ngồi chỗ này ngắm trăng rất khuya, tôi chỉ ước có Hương ở đây.

Bỗng cô bé cười phá lên.

- Sài cũng mơ màng thế cơ à.

- Nhưng tôi chỉ ước ao thế thôi. Không bao giờ dám nghĩ là có chuyện đó.

- Thế anh Sài ước có nhiều không?

- Tôi biết thế nào Hương cũng cười tôi là viển vông.

- Nhưng anh có vợ rồi kia mà.

Dường như cô bé đã chạm vào chỗ đau nhất mà anh cố tìm cách dìm lấp nó đi, nhất là đối với Hương, anh cứ mong, một nỗi mong cũng rất viển vộng là cô sẽ hiểu rõ hoàn cảnh của anh hoặc là cô sẽ coi như không có chuyện đó ở anh. Như thế để làm gì? Anh không biết! Nhưng anh vẫn cứ mong như thế. Không ngờ cô bé tinh ma này đã giễu cợt và anh đã dại dột để cô ta biết được tất cả những ý nghĩ thầm kín của mình. Sau phút câm lặng vì xấu hổ, anh cố nói để cô hiểu rằng điều anh vừa tâm sự chả hề quan trọng gì đối với chính anh. Anh nói như một quyết định không cần bàn bạc.

- Thôi sắp tối rồi, Hương ngồi đây.

- Anh đi đâu?

- Mình đi tìm cây chuối quanh đây, đóng bè đưa Hương đi.

- Thôi, ngồi đây.

Thế là cái quyết định cứng rắn của anh tan biến ngay sau cái mệnh lệnh âu yếm của cô. Đợi Sài tần ngần ngồi xuống cô mới nói, không nhìn anh, cô nói như cho chính mình nghe cái tình cảm của mình.

- Anh biết không, từ sáng sớm, em đã đi dọc theo đê chỗ những người ở ngoài này chạy vào đêm qua mà không tìm thấy anh. Em hốt hoảng lo không biết anh đã có quyết định liều lĩnh nào đó hoặc vì sao đấy, mà hỏi những người quen đều không ai biết anh ở đâu, sau khi đã đưa mọi người lên đê. - Càng nghe cô nói, Sài càng cảm thấy giữa cô và Sài không có sự cách biệt nào nữa. Cô lo sợ tìm kiếm Sài như một người đã yêu nhau tha thiết, một người vợ lo sợ hoạn nạn của chồng! Cái tình cảm ấy trong cô có từ bao giờ và vì sao cô lại yêu anh, hay chỉ lo cho anh như một người bạn quý trọng nhau, một người em lo cho anh? Cô đi đò sang bên kia sông, nơi ông anh ruột cô ở bộ thuỷ lợi về phụ trách kè đá ở bến lở. Cô sẽ nhờ anh mượn ca nô đi tìm Sài. Nói được cái lý do để có quyền ấm ức khi gặp anh, cô mới kể vì sao cô lại thấy thương và sợ anh chết đến thế.

Nghĩ về anh thì lâu rồi nhưng rất ghét vì anh lúc nào cũng có vẻ như sợ hãi trốn chạy bọn con gái. Mới hơn một tuần nay, kể từ hôm xuống thị xã đến giờ, trong người cô không lúc nào không nghĩ về anh, một con người đáng kính trọng vừa thấy thương hại tội nghiệp. Hôm ấy Hương gặp thầy Chởi, trước là hiệu trưởng trường này, bây giờ là trưởng phòng tổ chức của ty giáo dục. Thầy hỏi Hương: "Em biết tin gì chưa?"- "Thưa thầy chưa ạ"- "Em được vào học đấy. Đợi thầy đến chiều lấy giấy báo luôn". Trời ơi, Hương không thể nào tin vào tai mình nữa. Hương đã viết vì sao mình không đỗ nên không hề nghĩ tới ngày đi xem báo điểm vào lớp tám. Cả mấy tỉnh mới có một trường cấp ba, được vào đấy là mơ ước của hàng vạn học sinh chứ riêng gì ai. Bằng học lực của mình, Hương có phần tin sẽ may mắn được cái vinh dự ấy. Nhưng không hiểu sao Hương lại chép sai đầu bài Lý. Một "chọi" với năm mươi, Hương biết là mình hỏng rồi. Thầy Chởi hỏi: "Em có thân Sài lắm không?" - "Thưa thầy, ngược lại" - "Thế mà Sài nó vô cùng tốt. Hôm đến xem điểm xong, nó tìm thầy, hỏi điểm của em. Thầy bảo là Hương thiếu có nửa điểm, thật tiếc cho cô bé. Nó buồn rầu hỏi thầy có cách nào để Hương được vào học. Thầy bảo huyện ta đỗ chính thức có ba và Hương thiếu nửa điểm, còn lại là thiếu từ hai điểm trở đi. Số học sinh thiếu nửa điểm có mười lăm em. Hội đồng nhà trường và các ty đã thống nhất: nơi nào thiếu sẽ được học dự bị ở nơi ấy. Hương chỉ được học với điều kiện một trong ba học sinh của huyện đỗ chính thức vì lý do gì đấy phải bỏ học" - "Thưa thầy em xin bỏ học" - "Em định thử thầy đấy à?" - "Dạ không ạ. Thưa thầy nhà em neo đơn, túng bấn không thể có tiền gạo lên tỉnh trọ học ạ"- "Thầy hiểu hoàn cảnh của em. Thầy sẽ hướng dẫn em làm đơn xin học bổng. Trường hợp của em thầy tin chắc là được." - "Thưa thầy..." - "Lại sao nữa?" - "Thầy cho bạn Hương vào học ạ" - "Em không đùa với thầy đấy chứ" - "Em không dám thế. En chỉ nghĩ bạn Hương học rất giỏi, giá không nhầm một câu trong bài Lý nhất định bạn ấy đỗ. Năm nay trượt, bạn ấy là con gái, sang năm thi lại khó đỗ. Như thế khỏi tiếc cho bạn Hương thầy ạ". Thật lòng thầy rất quý em, Hương ạ. Nhưng Sài bỏ học thì phí quá. Một cậu học sinh đỗ thứ hai trong năm nay phải bỏ học, thầy nghĩ cứ thấy ái ngại quá. Nhưng khuyên thế nào cậu ấy cũng không nghe. Thầy rất khó hiểu về cậu ta. Đêm ấy hai thầy trò nói chuyện mãi đến gần sáng thầy mới hiểu hết cảnh ngộ của nó. Trước đây thầy cũng có biết nhưng ngờ đâu bên ngoài càng nén bao nhiêu, bên trong càng muốn bật tung bấy nhiêu. Nó quyết định đi bộ đội em ạ. Dù có học tiếp thì đến kỳ tuyển bộ đội cũng đi. Cậu ta sẽ đi càng xa xôi, càng hiểm trở, càng tốt. Đi như thế chỉ cốt để không nhìn thấy cô vợ và những người có trách nhiệm trong gia đình không thể đuổi theo mà bắt cậu ta phải nghe theo ý họ. Thật tội nghiệp cậu bé. Nhưng chuyện ấy bí mật em nhé. Lộ ra, người ta biết động cơ không đúng đắn có khi không được đi nữa đâu. Tội cho Sài quá".

Trời đã tối từ lúc nào không thể biết. Ngẩng lên đã thấy mặt nước cồn cào trăng sáng, thứ ánh sáng rập rờn lấp lánh như bạc. Phía trước mặt là đồng nước đầy ánh trăng thơ mộng, phía sau lưng, nước đã trùm lên các mái nhà, các vườn tược cây cối và sóng ngầm đang thúc vào tường và vách, thúc vào rễ cây để rồi khi rút ra, tất cả sẽ xiêu vẹo mục nát, vàng úa và lụi tàn.

- Nghĩ gì buồn thế anh Sài?

- Có lẽ cả nước này không đâu cực nhọc bằng làng tôi.

- Sài xưng anh sợ thiệt với em à. Nói xong câu đó, Hương như người bước quá đà, cô hơi cúi. Sài cũng trấn tĩnh lại.

- Hương ơi.

- Dạ.

- Em có yêu anh thật không?

Hương nhìn, đôi mắt như táp lửa vào mặt anh và cái đầu cô hơi lúc lắc. Sài như người bước hụt xuống một cái hố quá sâu, anh gục mặt trên hai cánh tay khoanh lấy đầu gối, kiểu ngồi như kiểu người vác vồ ngồi chờ trên mặt đê. Nhưng bây giờ thì không còn chờ đợi gì nữa. Hương chỉ thương hại mình như thương một kẻ ăn mày, một bà chủ thương tình một kẻ làm thuê? Hương vờn vỡn để an ủi mình. An ủi kiểu đó thì ác quá Hương ơi. Anh đang ngồi chết lặng, bỗng Hương nhoài người ôm lấy cổ anh, cô chườm khuôn mặt mắt lạnh vì nước mắt lên lớp da khô cứng ở cổ, ở mặt anh. Sài ngồi sát lại, hai cánh tay anh ghì lấy người con gái tưởng đến ngẹt thở. Lần đầu tiên được va chạm vào thân thể đàn bà, anh cứ run lên. Khắp người rần rật niềm sung sướng. Nhưng hồi ấy họ chưa biết hôn nhau. Nói đúng ra, anh chàng Sài làng Hạ Vị chưa biết hôn. Từ thuở cha ông cho đến thế hệ Sài, người ta chỉ biểu hiện tình yêu nơi tạo hoá đã làm ra như là sự dư thừa ở người con gái. Bằng cái tiềm thức sâu xa ấy, anh đã luồn tay lần cởi hết hàng cúc áo sơ mi. Cô gái cúi rạp người từ chối: "Em sợ. Đừng, đừng làm thế, Sài ơi!" Và hai tay nắm giữ hàng khuy áo tưởng không thể nào cậy nổi đều lơi lỏng mỗi khi bàn tay anh lần tới. Rồi Sài đang cậy cục lúng túng với chiếc áo con chật cứng ninh ních, bàn tay cô ẩy ra nhưng ẩy về phía sau như mách bảo chàng trai ngốc nghếch rằng cái mấu chốt của nó ở phía ấy cơ mà. Dưới ánh trăng vàng rực rỡ, bộ ngực căng phồng lên như chỉ chực bật ra khỏi cái thân thể nõn nà của cô, cô vội khoanh hai cánh tay trước ngực rồi lại ngoan ngoãn theo bàn tay anh tẽ nó ra hai bên, hơi quay mặt để anh thả sức ngắm nhìn nơi thần tiên đó. Chàng học trò làng lụt vốn ít nói bỗng ngây ngất kêu lên:

"Trời ơi, đẹp như tượng phật!" cô hơi quay lại mỉm cười nhìn anh, đôi cánh tay trần mát lạnh hơi khép lại" Lạy phật đi mới cho nhìn" - "Anh lạy phật ạ". Cô sung sướng ôm lấy cổ, ghì áp khuôn mặt anh vào bộ ngực căng đầy và cầm tay anh đặt lên phía ấy. Cô ngẩng mặt mỉm cười ngắm bầu trời đầy trăng, thanh thản như một người mẹ ngồi ôm con bú. Cái phút ngây ngất ấy cũng là giây phút đầu tiên trong đời cô, nó làm cô run bắn lên khi bàn tay anh chạm vào thân thể mình. Nhưng cái giây phút qua rồi, cô cũng như mọi người đàn bà ở trần gian, không còn gì để chống đỡ, để cự tuyệt. Cái sức mạnh phòng thủ vững chắc của người đàn bà phải ở từ xa, từ rất xa kia. Chứ để nó đến gần, rất gần, đã có thể nhìn thấy ánh mắt long lanh của nhau, có thể phấp phỏng về một lời nói, một tiếng cười của nhau thì chỉ còn chờ đợi vào thời gian cho một sự quen dần và lấn tới. Chờ đến một cơ hội có thể là rất tình cờ như đêm nay, cái đêm chỉ còn những tiếng kêu yếu ớt. "Em sợ. Đừng, đừng làm thế". Và cái giây phút ấy có thể đánh đổi cả trời đất, đánh đổi cả cuộc đời để lấy một phút giây, cái phút giây tột cùng của người đàn bà là cái phút tột cùng của sự liều lĩnh và bất chấp. Đã không thể tự phòng vệ từ xa, bây giờ chỉ còn biết đợi chờ cái giây phút được ban phát ấy ở người con trai. Những áp mặt vào bộ ngực nở nang, được toàn quyền sử dụng bàn tay của mình ở nơi ấy là quá sức mơ tưởng, đã quá sức liều lĩnh rồi, anh cũng như người nông dân đang lúc giáp bát được mùa bội thu thì suốt cả đời chỉ có đứng trên thửa ruộng vừa thu hoạch của mình mà thoả mãn, dù sự thèm muốn có đốt cháy cả người mình cũng không dám mơ tới một vùng đất mới lạ hết sức màu mỡ tốt tươi. Cho đến gần sáng, cả hai con người đều cảm thấy nhàm chán, trên bộ ngực dù căng mẩy, vẫn là đơn điệu, cả đêm thức trắng, họ nằm bên nhau, thiếp đi, không thể nào biết rằng lúc mặt trời mọc đã có một người leo lên sân thượng, lướt nhìn khuôn ngực còn lộ liễu của người con gái và người con trai, như một đứa trẻ, nằm úp mặt xuống bầu vú, một tay như là ấp ủ, như là giữ lấy bầu bên kia. Chỉ lướt nhìn, rồi rón rén tụt xuống. Hương linh cảm thấy việc gì đó nên khi nghe tiếng chàng bơi gõ vào thang thúng và câu nói: "Không còn trời đất nào nữa", thì cô nhận ra ngay. Cô nhẹ nhàng khép hai tà áo, lay gọi người yêu: "Anh, Anh ơi, có người anh ạ" Sài vùng dậy theo một phản xạ tự nhiên, anh đứng thẳng người nhìn xuống. Một chiếc thúng câu do một lão đã có tuổi, anh không nhận rõ là ai, đang mải miết bơi đi như một tên ăn cắp chạy trốn.

Cả hàng tháng sau, chuyện "giăng gió" của anh Sài nhà ông đồ Khang được coi như chuyện hệ trọng bậc nhất phổ cập nhất trong toàn dân, từ đứa trẻ con còn nói ngọng cho đến ông bà già rụng hết răng đều thì thào như là giặc giã sắp tràn về, như làng Hạ Vị sẽ lụi bại vì chuyện ấy, như nước sông lại lên to cuốn đi hàng nghìn người, như là nhà nào cũng sẽ chết đói, chết rét vì chuyện ấy. Sức mạnh của những tiếng thì thào, mắt tròn mắt dẹt lan tới huyện, có khi cả người tận trên tỉnh cũng biết chuyện nhà ông đồ Khang gặp vận không may. Cũng cả hàng tháng, nhà ông đồ Khang âm thầm như có người chết. Không ai dám đi đâu xa. Nếu miễn cưỡng phải đi qua chỗ đông người thì hoặc phải che nón, cúi xuống mà đi, hoặc phải dầy mặt lên mới chịu nổi những cái nhìn nhọn như những mũi tên bắn. Tính cũng không về nhà. Phần anh không dám về, phần khác anh phải tiếp các nghành, các giới xung quanh cơ quan huyện đến hỏi thực hư ra sao, đến chia buồn và an ủi, phê phán và khuyên bảo, chỉ còn thiếu tội cơ quan không đem anh ra kiểm điểm vì đã có thằng em hư đốn, liều mạng.

Ông Hà đã được điều về công tác ở tỉnh từ hai năm nay. Nhận được thư Tính than thở, nhân ngày chủ nhật ông về tranh thủ. Qua huyện, ông kéo Tính về luôn. Ông mắng anh tại sao không biết lấy "độc trị độc" mà dẹp đi, lại để tai tiếng đến mức này. Đến nhà, ông cho con cháu đi báo cán bộ xã, nước. Kẻ "phát hiện" ra chuyện Sài cũng được gọi đến. Gần như đông đủ tất cả cán bộ ngành giới trong xã đến ngồi chật ních ở sân như một cuộc họp. Ai đến đây cũng chứng tỏ cho ông biết là mình rất buồn phiền, đã lo toan và nghĩ ngợi, đã làm bao nhiêu là việc cho chuyện đó êm đi nhưng vì nó lớn quá, chưa thể làm ngay được. May mà ông về v.v... và v.v... Ông Hà chăm chú nghe tất cả. Khi kẻ chứng kiến "chuyện ấy" định nói, ông nổi nóng chỉ vào mặt ông ta:

- Tại sao các đồng chí không cho bắt ông này? Mọi người đang ngơ ngác thì ông tiếp: - Tính nào vẫn tật ấy. Ông còn nhớ tôi đã tha tội cho ông mấy vụ rồi không?

- Dạ có ạ.

- Thế mà ông lại lợi dụng lúc bà con lụt lội chạy đi, ông chạy lại vơ vét. Tôi chỉ nói riêng hôm ấy, nếu không có thằng Sài hoa hoán đuổi, ông đã tẩu tán hai nạ gà ấp, một con ngan của dân.

- Dạ. Thưa ông không có, quả thật anh Sài lúc bấy giờ...

Các đồng chí đã ai trực tiếp gặp anh Sài để hỏi về chuyện này chưa?

Lúc bấy giờ mọi người mới ồn ào rằng thì ra chưa ai gặp Sài, rằng đúng là lão này đi ăn trộm bị đuổi rồi "vừa ăn cắp vừa la làng". Rằng...

" Nhà phát hiện" nghe tiếng ồn ào của nhiều người vội vàng hoảng hốt.

- Dạ... Thưa các ông quả thật nhà cháu chỉ trót dại bẻ một buồng chuối tiêu của trường học sắp ngập nước. Còn thì...

Ông trưởng công an quát.

- Anh còn cái tội không thành khẩn, rồi tôi sẽ có cách để bắt anh phải nhận hết.

Xã đội trưởng.

- Ngày mai tôi sẽ cho du kích đến khám nhà anh. Chưa chừng còn nhiều chuyện khác.

Phó chủ tịch:

- Mười lăm giờ ngày mai anh phải có mặt ở trụ sở uỷ ban.

Hội trưởng phụ nữ xã.

- Thế mà đi vu oan cho người ta có chết không.

Trưởng ban nông hội:

- Tôi sẽ triệu tập chi hội thôn Quán để kiểm thảo yêu cầu ông phải thành khẩn để sửa chữa tiễn bộ, nếu không, buộc phải khai trừ ông để khỏi mất thanh danh của Hội.

Trưởng ban thông tin:

- Tối mai tôi sẽ cho phát thanh ở tất cả các xóm nói về tội lỗi của ông và để toàn dân phải luôn luôn cảnh giác với mọi hành động trộm cắp phá hoại, tung tin đồn nhảm, mắc mưu kẻ địch. Báo cáo anh Hà ở trên tỉnh chắc anh cũng được nghe, chúng tôi vừa được phổ biến hiện nay bọn Mỹ Diệm đã tung gián điệp biệt kích, chúng giở mọi thủ đoạn xảo quyệt phá hoại ta. Việc ông này tung tin bịa đặt làm mất uy tín của đồng chí Sài. Trưởng ban phụ trách thiếu niên xã ta có khi cũng là do âm mưu của địch, ta phải có thái độ rõ ràng.

Đến đây thì ông ta không ngờ chỉ vì cái tính xoi mói, nhòm ngó đến mọi chỗ nên bắt gặp cái chuyện dan díu ấy. Bây giờ không ngờ to chuyện thế. Không biết cãi ai, không biết nói để ai tin, không biết làm thế nào để được nhẹ tội. Ông ta bỗng khóc oà, nức nở van xin mọi người tha tội cho. Ông Hà bảo ông cứ về suy nghĩ rồi xã quyết luận sau. Khi chỉ còn các cán bộ, ông pha những ấm chè mới, chè ướp sen, một gói thuốc lào Vĩnh Bảo bọc trong lá chuối khô đặt giữa chiếu. Những người phụ nữ đã cạo răng đen nhưng vẫn ăn trầu thì đã có những đĩa cau, trầu lá. Tất cả mới như bắt đầu, những người tâm tình mới gặp nhau. Ông Hà nói như một người anh nói với đàn em.

- Tôi muốn để các đồng chí rút kinh nghiệm. Việc gì cũng phải xem xét kỹ càng.Việc gì cũng phải lãnh đạo. Không phải thằng Sài là cháu tôi tôi nói thế. Thử hỏi nếu mai kia trong anh chị em chúng ta nếu ai bị tiếng xấu nào đồn thổi ầm ã một cách oan ức thì các đồng chí cũng mặc kệ à. Lẽ ra khi thấy chuyện này bùng ra, ta phải dập ngay. Một mặt dẹp dư luận, một mặt xem xét thực hư ra sao. Tôi nói, nếu đây không phải là chuyện bịa đặt của kẻ trộm cắp bị đuổi bắt mà cứ giả thiết là có thật một trăm phần trăm thì các đồng chí cũng phải tìm cách dẹp nó đi. Tội thằng Sài đến đâu ta xử lý nội bộ đến đấy. Xử thật nghiêm nhưng bằng những lý do khác, ở thời điểm khác. Thiếu gì lý do để ta cho nó nghỉ, để ta khai trừ nó ra khỏi đoàn. Chẳng hạn ba bốn tháng sau ta cho anh nghỉ, ta khai trừ anh ta bằng lý do điều đi khai hoang anh ta không đi. Đại loại như thế. Như thế có phải vẫn nghiêm khắck mà giữ được uy tín cán bộ không! Huống hồ đây là chuyện hoàn toàn vu cáo. Tuy các đồng chí còn nể tôi, nể anh Tính đây chưa kỷ luật nó nhưng nó còn mặt mũi nào dám đến chỗ đông người nữa.

Càng nghe ông Hà nói, những cái đầu tán thưởng càng gật gù nhiều. Những khuôn mặt đăm chiêu sâu sắc càng thâm trầm sâu sắc thêm. Cuối cùng ai cũng muốn tỏ thái độ ân hận vì mất cảnh giác, hoặc phẫn nộ với kẻ ăn trộm bịa đặt, hoặc phải có những biện pháp cứng rắn trừng phạt kẻ gian, tung tin đồn nhảm để lấy lại uy tín cho Sài. Những cán bộ già và trẻ, đàn ông và đàn bà là cơ quan lãnh đạo cao nhất của làng Hạ Vị trông mặt mũi ai cũng nghiêm trang, cũng như sắp sửa phải lao vào một công việc vô cùng lớn lao. Ông Hà pha một lượt nước nữa rồi cũng băn khoăn, đồng cảm và nỗi ân hận và bực bội của mọi người.

- Nhưng tôi đề nghị cần giải quyết thế này: ngày mai các đồng chí uỷ ban cho gọi ông ta lên cảnh cáo về tội trộm cắp và tung tin bịa đặt. Không cần nói rõ ăn cắp gì, tung tin gì. Sau đó bắt ông ta phải về kiểm điểm nhận lỗi trước hội nghị Nông hội. Cũng không cần phải bới móc từng việc và đao to búa lớn làm gì. Chỉ bồi dưỡng để ông ta nói: Tôi đã có vụng trộm trong vụ lũ lụt vừa qua và tung tin đồn nhảm, bịa chuyện cho người khác, tôi xin lỗi hội nghị và hứa sẽ sửa chữa. Chỉ cần thế. Đừng sát phạt nữa, ông ta cũng là người túng đói. Còn với cậu Sài cũng không cần đồng chí nào hỏi han động viên gì, làm thế nào quần chúng lại bảo cán bộ mình cảm tình với nhau. Trong cuộc họp liên tịch nay mai đồng chí chủ tịch nói qua vài lời là chuyện đồng chí Sài chúng tôi đã thẩm tra nghiên cứu kỹ, đã xách nhận chuyện ấy do một người ăn trộm bị đồng chí Sài đuổi bắt đã đổ lỗi của mình người khác. Người ấy đã tự kiểm điểm trước hội nghị Nông hội. Uỷ ban cũng đã gọi ông ta lên cảnh cáo về việc làm sai trái đó, còn đồng chí Sài không hề có chuyện gì nên vẫn tiếp tục công tác bình thường. Làm xong các việc đó coi như xong chuyện. Chúng ta đã tập trung vào việc chỉ đạo trồng khoai mùa, đừng mất quá nhiều vào việc không đâu vào đâu này nữa.

Thế là mọi việc cứ nhẹ nhõm như lông hồng, đâu sẽ vào đấy. Khi chỉ còn lại chú cháu, Tính trầm trồ khen không hiểu tại sao ông lại biết tất cả mọi việc rõ ràng đến thế. Ông cười nhạt, nói tục:

- Biết đếch đâu. Tôi chỉ biết bố anh ngày xưa dạy tôi câu chữ nho "Dâm tang gian tích". Trong chuyện này chỉ mình lão ta biết mà không có tang chứng gì thì coi như không.

- Nhưng sao chú biết hôm ấy lão ta ăn trộm.

- Nó ở chỗ ấy. Lão ta ăn trộm đã thành tật. Bịa thêm một lần ăn trộm nữa cũng không sao.

- Ngộ họ lại căn cứ vào đấy bắt lão ta.

- Tôi ngồi đây mà để cho họ làm việc trẻ con ấy. Sao lại bắt người không tang chứng gì. Mà tôi nói nếu thằng Sài không đuổi thì lão ta mới bắt được gà, được ngan kia mà.

- Cháu không ngờ chú lại nghĩ được cách khẳng định là ông ta bắt trộm những thứ đó.

- Lão cũng khẳng định anh em rồi. Hai bên cùng khẳng định không tang chứng, người ta tin kẻ có tội là kẻ ăn cắp đã thành tật, không ai nghi người chưa mắc lần nào. Nhất là sau trận lụt nhà nào không mất gà, mất ngan, do chuột bọ rắn rết, do chết đói chết rét. Không ngờ lão ta lại có cắt trộm chuối và hốt hoảng nhận tội. Đã nhận một việc tức là anh có làm các việc khác và chuyện thật ông ta nhìn thấy trở thành chuyện bịa đặt. Nhưng anh ở nhà chạy đi chạy về nhắc các cậu ấy đừng làm cái gì quá đáng với lão ta. Chuyện em mình là có thật, mình chỉ tìm cách "rửa nhục" cho gia đình mình, nhưng đừng làm hại đến người khác.

- Đằng nào cũng phải tim cách cho thằng Sài thoát ly. Nếu được đi bộ đội người ta rèn cho thì yên tâm hơn.

- Tôi đã biên thư cho ông bạn làm chính trung đoàn và phòng quân lực Quân khu. Đợi một thời gian nữa, khi nào có đợt. Đi bộ đội chắc là được thôi. Trong thời gian ở nhà anh chú ý giữ gìn mọi chuyện về mối quan hệ của nó với vợ con, đừng để cái gì ồn ào lên.

- Qua đợt này chắc cậu ta cũng tỉnh ngộ ra rồi. Cháu cứ mừng mãi về cái kết quả của tôi hôm nay.

Ông Hà không nói gì trước sự trầm trồ của cháu, nhưng quả thật ông là người "lăn lộn" và mưu cao. Dư luận đã bôi nhọ thanh danh anh em con cháu nhà ông thì lại chính dư luận rửa sạch tất cả. Người tung tin đã tự thú nhận là mình bịa đặt. Thú nhận trước đoàn, có biên bản hẳn hoi. Chính quyền cũng đã công bố có chứng cứ hẳn hoi. Chính quyền cũng đã công bố có chứng cứ bằng lời khai và buồng chuối tiêu đã được đem ướm vào cuống, cứ khít như in. Thì ra "Cháy nhà mới ra ra mặt chuột". Thật tội nghiệp cho anh Sài. ờ, mà cũng vô lý, không có nhẽ cả mấy cây số ngập bưng hà như thế không đò giang gì mà cô ta lại đến được đây? Mà ai trông thấy ngoài lão ta? Tại sao nghe cái chuyện vô lý ấy ai cũng tin được nhỉ?

Sự đồn đại cũng đã lan đến tận tỉnh. Chính các thầy cô giáo đều đến an ủi sự oan uổng của Hương. Cô mừng đến nỗi phải đẩy cửa vào buồng nhà mình trọ ngồi khóc và cả đêm lo sợ mừng tủi. "Liệu ở nhà anh đã biết tin này chưa? Em không hiểu tại sao phúc đức lại cứu vớt chúng mình! Em cũng không hiểu chuyện chuyện thực hư nữa. Thầy Chởi bảo xã anh đã làm công văn có kèm theo các biên bản xác nhận việc của chúng mình là bị vu cáo, bị tay chân địch phao tin đồn nhảm. Em không còn nguy cơ bị đuổi học nữa. Gần một tháng nay kể từ khi đến lớp, em bị tai tiếng đi theo. Nhưng em cần gì. Ai muốn xa lánh em khinh bỉ em, em xa hẳn và khinh họ luôn. Em chỉ cần một mình anh yêu em, anh ở bên em... Hầu như không đêm nào em không khóc và đã có lần nằm mê thấy anh bị vây bủa, có hàng trăm hàng nghìn người cầm dao, cầm súng, vòng trong vòng ngoài xô vào chém và bắt anh. Em hét lên lao đến, ôm chầm lấy anh. Em đang giấu mặt anh trong ngực của em và quay lưng ra phía mọi người để che cho anh thì bà cụ chủ nhà lay em dậy. Anh thân yêu ơi, những ngày vừa qua bố mẹ, anh Tính và họ hàng làng xóm có đay nghiến, xỉ vả anh nhiều không? Em chỉ muốn chạy ngay về nhà anh, bảo với mọi người là tại em. Chính em đã tìm đến anh, sẵn sàng trao gửi cả cuộc đời em cho anh. Rồiai muốn băm vằn xâu xé em thế nào cũng được. Nhưng đừng ai hành hạ anh, phải "thả" anh ra cho anh được sống với sự yêu ghét của chính mình. Anh ạ, có lúc em định nghỉ học. Em về nhà làm tất cả mọi việc để anh có thời giờ, có điều kiện ăn học. Khi mọi việc qua rồi thì anh thi lại. Em tin là anh sẽ học để trở thành nhà toán học, vật lý, hoá học, sinh học như các thầy cô ở trường và chính anh đã có lần tâm sự với em điều khao khát ấy. Ôi, nếu được như thế thì còn gì hơn nữa hở anh yêu thương. Em đã dự định nói với gia đình em để nuôi hai chúng mình trong ba năm học, anh hoàn toàn không phải lo nghĩ gì cả, nhưng chú Hà bảo đã xin cho anh đi bộ đội. Hiểu ý định của anh, em nghĩ cũng được thôi. Mấy hôm vừa rồi chú tự tìm đến em. Thì ra chú và anh trai em rất thân nhau, từ thời còn hoạt động bí mật. Chú bảo rất hiểu và thương chúng mình. "Nhưng cháu ạ, trường hợp này thật khó quá" - "Thưa chú đấy là ý của cha mẹ chứ anh ấy có yêu đâu ạ" - "Không những không yêu mà còn căm ghét là khác. Chính chú, cũng không bằng lòng việc làm của bố mẹ Sài và rất thương tâm cảnh ngộ của nó. Nếu không vướng vào chuyện này, chú rất hy vọng ở nó" - "Thưa chú, cháu mới được gặp chú lần này nhưng đã biết tiếng chú từ lâu. Anh Sài cũng đã kể với cháu về chú. Chú cho phép cháu được trình bày hết tình cảm và ý nghĩ vủa cháu có được không ạ" - "Chú rất muốn thế. Chú đã nói, chú thương cháu như thương thằng Sài, như con chú. Chú muốn nói tất cả mọi điều với cháu, có khi ngoài cả chuyện này" - "Cháu nghĩ, nếu chú đứng ra giải quyết việc này thì anh Sài sẽ được cứu thoát" - "Chú nghĩ nhiều rồi. Cứ liều thì cũng có thể được đấy, nhưng sẽ mất hết" - Nếu chúng cháu sẵn sàng như thế" - "Đâu chỉ là các cháu. Còn cả bố mẹ, anh em, chú bác" - "Pháp luật làm gì có quyền làm như thế" - "Pháp luật thì không những dư luận sẽ lên án. Chú nói thật: ngay như bố mẹ anh em ruột của Sài không phải hoàn toàn ưa cô Tuyết, nhất là sự cách biệt giữa hai gia đình. Nhưng dù có ghét bỏ con dâu, thâm thù bố mẹ nó đến đâu thì cũng không dám cho Sài bỏ vợ vì sợ dư luận. Cả cuộc đời làm ăn tu chí, tu nhân tích đức, đấy là chưa kể có người đang phấn đấu để có một vị trí xứng đáng trong xã hội, thì không ai dại gì đánh đổi hàng mấy chục năm tháng gian truân để chịu mang tiếng về cái chuyện vốn dễ gây tai tiếng" - "Nhưng nếu con em mình được giải phóng?" - Họ không cảm thấy thế. Hoặc có thấy thì phải tính toán cân nhắc giữa cái được với cái mất xem hơn kém đến đâu cho chính người đó chứ không phải cho thằng Sài" - "Ôi chú ơi! Đấy là những người ruột thịt của anh Sài!" - "Chú biết. Ông bà ấy và thằng anh trai rất thương con, thương em như một thứ mẫu mực đấy. Nhưng cháu ạ, ở đời này người ta chỉ sắn sàng chết đói, chết rét, chết bom, chết đạn để che chở, nuôi nấng cho con mình tai qua nạn khỏi, con mình được sung sướng, được vinh hoa chứ không ai chịu tai tiếng, chịu xỉ nhục để con mình được tự do theo ý nó" - "Trời ơi ,cháu thật không thể hiểu nổi" - "Đấy là chú nói cái nhẽ đến cùng. chú biết có điều phải mươi mười lăm năm nữa cháu mới hiểu được" - "Cháu cứ nghĩ dự luận chỉ lên án những việc làm sai trái với lương tâm và pháp luật" - "Người ta lên án cả nhữgn gì người ta không muốn" - "Thế họ muốn cho người khác khổ à!" - "Không. Họ chỉ không muốn cho người khác sướng hơn họ. Tại sao họ có thể quên được, đôi khi phải cam chịu những gì đã sắp đặt, vốn đã là thế, như một thứ trời đã sinh ra mà có kẻ lại phá vỡ, lại vượt thoát khỏi nó để mãn nguyện, để sung sướng" "Nếu có người sống không cần dư luận nữa?" - "Người khác sẽ buộc họ phải cần. Chẳng hạn như bố mẹ, anh em của Sài và cả chú nữa. Thực ra chú không phải là người độc ác nhưng chú cũng như đa số bây giờ. Người ta lựa theo dư luận mà sống, chứ ai dám dẫm lên dự luận mà đi theo ý mình!" - "Cháu tưởng bây giờ không ai có quyền ngăn cấm" - "Cá nhân thì không. Không ai có quyền đánh đập, doạ dẫm, nhưng dự luận sẽ lên án. Cái đó còn sợ hơn cả bị nhốt trong buồng, bị quấn tóc vào cột"- "Chú ơi, chú cho phép cháu hỏi một câu nữa có được không ạ" - "Chú đã bảo chú không tiếc bất cữ một điều gì, nếu điều đó giúp cho cháu hiểu ra sự phức tạp của con người và xã hội" - "Thế thì dư luận là gì ạ?" - "Điều này thì chú chịu. Có thể là chú, là cháu, là vô số người bàn tán, bình phẩm, xét đoán, khen chê về cái gì đó. Cũng có thể là chả có ai, không có bất cứ một cái gì mà vẫn có dư luận và người ta áo ào theo nó. Nhưng thôi, chú đến giờ phải về rồi. Hôm nay chú chỉ muốn nói với cháu là chuyện này rất khó, vô cùng khó, không thể nào thay đổi được đâu. Các cháu phải dũng cảm mà vượt qua, phải dũng cảm mà chấm dứt nó đi, cháu ạ".

Anh thương yêu ơi, anh có nghe thấy hết cuộc đối thoại của em với chú không? Chao ơi, chú Hà quả là người hiểu biết sâu xa, chú thật rộng lượng và bình đẳng. Nhưng em phải nghe chú để dũng cảm mà quên anh không được phép yêu anh nữa ư? Em đã oà khóc ngay khi chú bước ra cửa và cả đêm nay em chỉ ngồi lau nước mắt và viết thư cho anh. Em viết tất cả sự khao khát của một người con gái lần đầu tiên đến với tình yêu (Có nghi ngờ gì cái chữ "đầu tiên" ấy ở trong em không anh?) Em biết rằng không ai hiểu em hơn anh, cũng như em tin ở sự mộc mạc và sức chịu đựng của anh, em tin vào quyết định dũng cảm của anh với tình yêu thiêng liêng của chúng ta. Hãy xuống chỗ em hoặc tìm cách báo tin cho em về trước khi anh đi bộ đội, anh nhé. Em hôn anh thật nhiều.

Có thể một trăm năm sau người ta còn tìm thấy lá thư này trong quan tài của anh!

Có thể trước khi nhắm mắt anh còn trối trăng lại rằng: "Đừng ai ngu xuẩn và hèn nhát như tôi mà giết chết tình yêu đầu tiên vào năm mười tám tuổi!

Nhưng hôm nay, giữa bố và mẹ, giữa anh chị và chú bác, giữa bè bạn và xóm giềng, giữa cái lối đi quen thuộc với lầm lỗi từ làng Hạ Vị vào chợ Bái anh đã lên đường nhập ngũ với sự lặng thinh lầm lũi. Anh im lặng với tất cả mọi người. Anh im lặng với tất cả những đêm ngồi trên sân thượng chờ trăng lên giữa mênh mang đồng nước. Anh im lặng với cả giấc ngủ áp mặt vào khuôn ngực đầy ngồn ngộn ánh trăng! Im lặng với cả tiếng nức nở, tiếng gọi tha thiết yêu thương ở bức thư đang nằm trong túi áo. Anh đi như sự chui luồn chạy trốn với cả hôm qua, hôm nay và ngày mai mà tự bằng lòng với quyết định được coi là vô cùng "dũng cảm" của mình : Hãy im lặng chịu đựng!!!
..................................................
Bạn đang đọc truyện tại Kenhtruyen.Wap.Sh chúc các bạn vui vẻ
.....................................................
Chương 4

Thiếu tá chính uỷ trung đoàn 25 phòng thủ bờ biển người tầm thước, da trắng, tưởng dân thành thị hoá ra người nông thôn thuộc vùng Nam Định. Với cấp trên, ông là thành phần "cơ bản", với cấp dưới "trông cũng nhẹ nhõm, chắc không đến nỗi". Ông và Hà thân nhau từ Bốn sáu, khi gặp ở chiến khu. Khi ấy ông là bí thư huyện uỷ, Hà là trung đội trưởng bộ đội huyện. Ông viết thư cho Hà nói rằng cứ "quẳng" nó cho tôi. Để làm quan thì khó, cho làm lính dù là lính "hảo hạng" nữa, có khó gì. Ông đã làm mọi thủ tục với quân lực Quân khu để đưa Sài về đây nhưng cả ông và Sài đều không biết nhau. Hà cũng không hề nói cho cháu biết ông có quen ai ở đây. Ba tháng sau, vào một buổi tối thứ bảy, chính uỷ lững thững xuống đại đội 12. Đợi một chiến sỹ vừa mới vừa ở trong nhà ra ông hỏi thăm và biết Sài đang ngồi học trong câu lạc bộ. ở một chái nhà thưng cót xung quanh, kê ba chiếc bàn ăn, và đặt lên đó mấy quyển họa báo, dăm quyển sách, ba cặp báo nhân dân, Quân đội, Tiền phong... Tất cả đều đệm miếng cao su đóng đinh chẹt xuống mặt bàn. Độ mười chiến sỹ chăm chú đọc sách báo đó. Sài ngồi phía trái trong cùng, quay mặt vào "xin lửa". Vào tận trong cùng, ông đoán cậu đang ngồi làm toán là Sài. Chú nó bảo thằng này giỏi toán lắm mà. Ông cúi xuống nói nhỏ: "Có lửa cho tớ tí" - "Không" - "Này ngừng tay hút với tớ điếu thuốc". Sài ngẩng lên: "Cháu xin bác" rồi đứng dậy đi xin lửa. Chính uỷ lật quyển sách đang mở xem bìa đó biết là quyển bài tập lượng giác lớp chín. Sài vào đưa thuốc cho ông tiếp: "Bác ở đâu ạ" - "Tớ thủ kho trên trung đoàn bộ. Cậu tự học thế này có khó lắm không?" - "Cái gì chẳng khó, nhưng quen đi lại thấy thích. Bác học lớp mấy" - "Vào khoảng lớp ba lớp bốn hiện nay. Cậu đi bộ đội lâu chưa?" - "Ba tháng"- "Đã quen chưa" - "Thì cũng phải quen nhưng vẫn nhớ" - "Quê cậu ở đâu" - "Hà Nam" - "à thế thì đồng hương với tớ. Ta ra ngoài chút đi" - "Làm gì ạ" - "Để khỏi ảnh hưởng đến anh em khác, ta nói chuyện quê hương với nhau! Sài chần chừ rồi gấp sách, cầm theo. Hai người ra ngồi ghế đá lạnh ngắt bên bờ biển thật không có gì vô duyên bằng hai người đàn ông ngồi với biển mùa đông suốt ngày đêm ầm ầm náo động như bao nhiêu lạnh buốt tái tê của cả đại dương thức ập vào bờ, hai người chỉ ngồi với nhau chừng nửa giờ. Sài biết bà ngoại ông cũng ở Bái Ninh. Anh hỏi những ai ở làng Bái, ông bảo chỉ về đấy có một lần cách đây mấy chục năm. Thành ra chẳng còn gì ở ông để anh hỏi thêm. Ông thì biết từ ngày vào đây Sài chưa nhận được thư của gia đình. (Tất nhiên anh không thể kể là chính anh chưa viết thư về báo địa chỉ cho ai). Đến đây chưa gặp ai quen nên rất buồn. Buồn thì anh dùng sách họ thêm vào lúc nghỉ. Anh cũng trả lời ông cái điều anh ngại nhất ở bộ đội là gác đêm. Anh không sợ "địch", không sợ ma, mà chỉ sợ chỗ đêm tối bất thình lình có ai thụi cho mình một cái rồi chạy. Ông cười xui anh: "Thế thì nhận gác nhiều vào cho nó quen đi".

Ông cho anh bao thuốc bông lúa rồi về. Bao thuốc với một thủ kho thì chẳng nghĩa lý gì, nhưng với anh nếu không chia hết chó bạn bè thì anh có thể hút hàng tháng. Sài nghiện thuốc lào nặng. Vào đây không có điếu phải hút thuốc lá. Lương có năm đồng, gửi tiết kiệm hai đồng. Mỗi ngày chỉ hút có nửa điếu. Hút vài hơi nuốt cả khói rồi lại rụi đi, lựa làm sao trước khi vào màn có cái để kéo vài hơi. Cái cảnh lính "năm đồng" mặc áo "ba mươi sáu đường gian khổ" này thì dù Sài không nói, chính uỷ cũng biết. Khi ông mời điếu thuốc, châm lửa về cho ông tiếp cậu hút thêm hai hơi thật dài nữa rồi kín đáo dụi thuốc vào thành ghế, nhét phần còn lại vào túi quần. Ông biết. Ông biết cả vẻ mặt buồn buồn lặng lẽ của cậu ta đang chứa đựng một uẩn khúc gì đấy. Ngày hôm sau xuống quân lực. "Cho mình xem "trích ngang các chiến sĩ mới", phần nào ông lý giải được vẻ mặt buồn buồn ấy. Cậu ta đã có vợ. Vợ hơn ba tuổi. Ba năm học cấp hai đều xuất sắc nhất trường, được bằng khen của Ty giáo dục. Đỗ lớp tám vào loại ưu nhưng hoàn cảnh neo đơn phải nghỉ học. Về xã làm trưởng ban phụ trách thiếu niên rồi đi bộ đội. Tối qua cậu ta bảo cả ba tháng nay chưa nhận được thư gia đình. Nếu đúng như vậy mấu chốt của nỗi buồn là ở chuyện vợ con và gia định cô ta! Một loạt câu hỏi mới lại đặt ra trong ông: Ba học. Gia đình neo đơn sao lại gửi đi bộ đội! ảnh hưởng gia đình vợ không được học? Không phải. Anh trai và các chú ruột đều là cán bộ hoạt động cách mạng. Gia đình cũng là cơ sở bí mật của "Việt Minh". Xem cung cách ngồi học tối qua thì thấy cậu ta vẫn còn thèm học lắm. Tại sao lại bỏ học? Tại sao? "Gia đình tôi muốn gửi cháu cho các anh rèn giũa giúp". Tuy có gây nên những xáo động trong tình cảm của ông nhưng thói quen nghề nghiệp nhắc bảo ông hãy để cậu ta tự bộc lộ mình trong tình cảm đồng đội và trước những nhiệm vụ đại đội của nó. Nó là con người thế nào, hoàn cảnh gia định thế nào chỉ một thời gian sẽ rõ cả thôi. Đừng nên tác động gì để anh em ở đại đội nó khó làm việc ra. Ngay ở trung đoàn này đã mấy chiến sỹ, cậy bố hoặc chú mình là cán bộ, điều đi hết đại đội này đến đại đội khác. ở đại đội nào cũng chỉ được vài tháng lại phá quấy, làm cho cán bộ đại đội khốn đốn lắm. Kỷ luật cũng bị phê phán: "Các cậu không chiếu cố đến hoàn cảnh của chúng mình, làm gì có điều kiện dạy bảo con cái tử tế". Bỏ qua mọi chuyện lại bị quở mắng: "Căn bản các cậu không nghiêm đẻ cho nó nhờn từ đầu. Giá ngay từ đầu các cậu cứ rèn thật lực hộ tớthì đâu đến nỗi tai tiếng như bây giờ". Nhưng rồi ôn gcũng qưuên lãng ngay chuyện đó trước những bộn bề công việc của một chính uỷ trung đoàn. Hai tháng sau, trong buổi giao ban, ông nghe báo cáo của ban chính trị, cái bào cáo mà ít lâu nay ông đã thấy nhạm chán với những lời lẽ sáo rỗng đã được sắp sẵn, lúc nào ở đâu công việc gì nói cũng được. Nhưng hôm nay sau "tình hình nói chung", ông phải chú ý đến chỗ "đặc biệt". Đặc biệt ở đại đội 12, tiểu đoàn 9 đã xuất hiện tư tưởng nằm ỳ thoái thác nhiệm vụ trong chiến sỹ mới. Chiến sỹ Giang Minh Sài đã có vợ nhưng vẫn quan hệ bất chính với một phụ nữ, có ý định đào ngũ. Đã ghi nhật ký rất bậy bạ, khoác lác, có đoạn mang tư tưởng phản động. Đại đội đã thu cuốn nhật ký đó. Chi đoàn thanh niên đã tổ chức diễn đàn. Hầu hết đoàn viên phát biểu ý kiến phân tích sâu sắc, đả phá mạnh mẽ tư tưởng tiểu tư sản, tư tưởng phong kiến bóc lột muốn "ngồi mát ăn bát vàng", khinh thường lao động chân tay. Chiến sỹ Sài đã nhận rõ lỗi lầm của mình, hứa sửa chữa nhưng một tuần nay toàn báo cháo, không đi lao động. Đơn vị xác định là ốm "tư tưởng". Tiểu đoàn 9 đã chỉ thị cho đại đội tiếp tục theo dõi diễn biến tư tưởng của chiến sỹ Sài. Không để tiếp xúc nhiều với các chiến sỹ mớilàm ảnh hưởng đến tinh thần hăng say và chí tiến thủ của họ. Các chiến sỹ trong tổ "tam tam" cũng được bồi dưỡng hàng ngày và phát hiện kịp thời những ý nghĩ tiêu cực. Chính uỷ ngồi nghe như một bản luận tội về mình. Ông đã nhận và hứa với bạn sẽ giúp thằng cháu dù ông chưa biết giúp cái gì nhưng ông cứ nghĩ chắc là để nó thành người tốt. Nó đã xấu đến thế này sao! Ông nhìn người không đến nỗi tôi, cái cảm giác đầu tiên khkông đến nỗi tồi. Mà cảm giác đầu tiên của ông cách đây hai tháng lại thấy ở thằng bé ấy có cái gì đấy, ông chưa thể biết nhưng nhất định có cái gì ở thằng bé này đáng phải trân trọng... Hoá ra, ngược lại hoàn toàn.

Hết giờ làm việc, dặn cần vụ lấy cơm, ông đạp xe xuống đại đội 12. Hỏi thăm anh nuôi, được chỉ chỗ Sài nằm ông vào thẳng đấy. Lại chỗ câu lạc bộ. Một cái bàn dẹp đi kê vào đấy một cái giường, ngăn cách với phía ngoài bằng tấm tôn dựa vào cọc màn. Họ không cho nằm trong nhà để khỏi ảnh hưởng đến anh em đây mà. Ông lựa, hé tấm tôn và lật màn lên. Trời, không ngờ nó lại xanh và gầy như thế. Cậu ta nằm quay mặt vào, thở mệt mỏi. Ngay cả khi ông cầm lấy cổ tay nó nóng hầm hập, cậu ta cũng không buồn và không đủ sức quay ra nhìn xem người cầm tay mình là ai. Ông bỏ màn, sẽ sàng dựa tấm tôn vào cọc màn, xăm xăm đến nhà ban chỉ huy. Cả bốn người trưởng và phó, chính trị vả quân sự ngồi xỉa răng, uống trà, hút thuốc và nghe đài. Cậu liên lạc pha nước vào phích rồi bê chậu bát đi rửa. Thấy chính uỷ, tất cả đứng dậy như giật lùi, như dạt vào tường. Ông đã cố hết sức bình tĩnh nhưng giọng vẫn không được vồn vã tự nhiên. "Các đồng chí cứ ngồi. Tôi xuống đây đột xuất có hai việc. Một, các đồng chí cho ngay người cáng đồng chí đang ốm nằm ở câu lạc bộ lên trạm xá trung đoàn. Hai, đưa tôi mượn cuốn nhật ký của chiến sỹ Giang Minh Sài". Ông không hề nghe tiếng vâng dạ rối rít, tiếng mời chào ông uống nước, hút thuốc. Cầm cuốn nhật ký, ông cười: "Thôi các đồng chí nghỉ đi. Tôi có việc vội. Đạp xe về trạm xá trung đoàn gặp trung uý bác sĩ đại đội trưởng quân y dặn dò gì đó, ông về đến nhà liễn cơm cần vụ ủ cho đã đóng chóc từng mảng không thể ăn đến bát thứ hai. Ông lại vội vã ra công trường giám sát nghiệm thu công trình của tiểu đoàn 8. Đêm về ông đọc toàn bộ cuốn nhật ký của Sài. Thật là xấu hổ khi đọc nhật ký của người khác. Trường hợp này lại không thể nào không đọc. Có phần lạ, cậu bé này không bao giờ ghi nhật ký về công việc và diễn biến tình cảm xẩy ra ban ngày.

"Đêm... tôi quyết định phải ghi nhật ký từ đêm nay. Đây là công việc đầu tiên của đời tôi. Giá hồi đi học tôi cũng ghi nhật ký như các bạn khác hoặc học giỏi văn như Hương thì đâu đến nỗi chật vật khó khăn. Ngày ấy đã có bạn để than vãn kêu ca. Yêu ai, ghét ai, cáu giận ai có thể chạy đến hàng ngày, gặp gỡ hàng ngày, việc gì phải viết nhật ký cho mất thì giờ. Nhưng từ hơn nửa tháng nay thành "anh bộ đội" tôi không có ai để chia sẻ . Tổ "tam tam" ngày nào cũng "tâm sự" nhưng để tổ trưởng nắm bắt tư tưởng đi phản ánh, làm sao có thể nói rằng tôi đang khổ sở quá. Người tôi yêu không bao giờ được tới, kẻ tôi ghét không được phép tránh xa. Nhật ký có thể giúp tôi ghi nhớ những ngày tháng này. Tôi không có gì để ghi vào ban ngày cả. Ban ngày học xạ kích, làm công trình quốc phòng, toàn những điều bí mật không được phép nói, không được phép ghi. Với lại, tôi có nghĩ ngợi gì ban ngày đâu, không có thời gian và cũng không được phép nảy sinh tư tưởng".

"Đêm..." Anh thương yêu của riêng em. Từ khi anh ra đi đến nay đã được sáu tháng, năm ngày. Em tự lần hỏi mà biết chứ anh có hề cho anh hay biết gì ngày anh ra đi! Sao anh tàn nhẫn thế! Anh có biết em khóc ròng rã hàng tháng trời không! Chỉ dám khóc về đêm. Vừa làm bài vừa khóc. Nhớ thương anh càng nhiều, em càng phải học giỏi. Em là người duy nhất của trường không có điểm 8 trở xuống trong tất cả các môn. Em được chọn là học sinh xuất sắc nhất, được bằng khen của bộ giáo dục. Cả thảy cô đều bảo chỉ có Sài ở đây thì Hương mới chịu đứng thứ hai, còn không ai có thể sung sướng đến phải chạy khắp đường phố mà gào lên cho ai cũng có thể nghe, ai cũng phải mừng rỡ chúc mừng hạnh phúc của chúng ta. Đấy là cái tin chú Hà và anh Tính đến báo cho em. Cả chú và anh đều rất âu yếm coi em như là đứa em, đứa cháu dâu thực sự: "Từ nay các em được hoàn toàn tự do rồi. Chú và anh đã đề nghị với toà án. Người ta đã điều tra kỹ và nhất trí cho Sài được ly hôn để khỏi giết cả ba con người cùng một lúc". Nghe xong em ôm chầm lấy cổ anh Tính, gục vào vai anh ấy mà khóc và nói:"Cháu vô cùng cảm ơn chú, em vô cùng cảm ơn anh". Anh vuốt tóc dặn: "Chủ nhật này em xin phép về qua nhà, bố mẹ đang rất mong gặp em. Và đến hè ba chú cháu mình đi thăm Sài". Còi báo động kiểm tra trang bị. May mà vẫn đi giầy sẵn và chưa mắc màn!...

"Đêm... toàn tiểu đoàn bắn đạn thật bài một. Có đến hàng trăm sĩ quan cấp uý, cấp tá và cả thiếu tướng Tư lệnh Quân khu cũng về theo dõi cuộc bắn thí điểm cho toàn quân khu. Chú Hà và đoàn thăm quan của tỉnh mình cũng đến. Mình không nheo được mắt trái, đại đội đã báo cáo dự kiến chỉ đạt chín mươi lăm phần trăm. Mình ở trong số năm phần trăm còn lại nên xếp mình bắn "vét" trong khi đoàn tham quan đã xáo xác quay ra xe. Nhưng đột nhiên thấy tin báo cả ba viên trúng vòng mười, tất cả đều đổ xô lại. Đây là trường hợp duy nhất của cả trung đoàn có một tân binh bắn đạt 30 điểm. Mình được bắn lại cho thiếu tướng trực tiếp xem. Cờ báo bia lại báo kết quả như cũ. Cả trường bắn hoan hô rầm rầm. Thiếu tướng đến bắt tay và quàng vai mình trước con mắt trầm trồ của hàng trăm người. Chú Hà nhìn mình cười và gật gật rất hài lòng....

Chính uỷ cau mày vẻ bực bội. Ông đặt cuốn nhật ký của Sài xuống, mở túi lấy tập "lịch công tác" có ghi kết quả công việc của các tiểu đoàn từ bốn rồi lật từng trang so ngày giờ xem những đêm ghi trong nhật ký thì ban ngày đại đội 12 làm gì...

Ngày 25 đại đội 12 sàng cát và gánh nước trộn bê tông ở H1. Bảo đảm quân số 100%. Năng suất vượt 15% so với chỉ tiêu.

Đêm 25... Hương đến. Cô ta bảo được đi trong đoàn học sinh giỏi tham quan biển. Đại đội mình được phân công đón tiếp "các em" học sinh. Khi cô thay mặt các bạn kể chuyện học tập xong mới nhìn thấy mình đang bê chậu cám cho lợn ăn. Hương chạy ào đến reo "Anh Sài. Trời ơi, anh ở đây ư?" Cô cười nói ríu rít. Khi các bạn ùa đến Hương rất hãnh diện giới thiệu: "Anh Sài, mình vẫn kể với các bạn đấy." Quần áo mặt mũi mình đang nhem nhuốc cứ phải quay mặt đi. Hương nũng nịu: Anh ở đây, các bạn em rất quý anh. Bộ đội càng gian khổ chúng em càng thương. Tất cả cười vang lên. Anh em trong đại đội mình cứ tấm tắc. Không ngờ cậu Sài có cô người yêu tuyệt vời thế. Ai cũng quý mến, săn sóc Hương. Họ bắt Hương "cô dâu của đơn vị" phải tiếp khách hết rổ bứa họ đi bộ chín cây số lấy về từ tối hôm qua..."

Chính uỷ bỏ cuốn nhật ký xuống, quay máy gọi điện cho trạm xá. Ông hỏi bác sĩ về bệnh tình của Sài xem có biểu hiện gì của bệnh tâm thần! Bác sĩ cho ông biết bệnh nhân chỉ bị suy nhược cơ thể và sốt cao do viêm phổi sơ nhiễm.

Ngày 29... đại đội 12 học xạ kích bài một cả buổi sáng. Chiều nghỉ. Đêm xe nước.

Đêm 29... Hương và tôi cùng đi thi vào đại học. Hương tốt nghiệp cấp ba thì tôi cũng tự học xong chương trình lớp 10. Em rất lo việc tự học của tôi nên khi thấy tôi đột ngột đến nơi tập trung em kêu lên: "Trời ơi, anh! Em không ngờ anh lại học hết chương trình trong ba năm ở bộ đội. Nhưng... thôi tối nay anh em mình "lược" toàn bộ kiến thức anh nhé". Ngược lại, tôi lại lo cho Hương: "Em có bảo đảm chắc chắn đỗ không?" - "Học tài thi phận" biết thế nào. Nhưng nếu có mười phần trăm số người thi đỗ, chắc là có em" - "Thế thì yên tâm. Đêm nay chúng mình đi chụp một kiểu ảnh anh nhé! Chiều em một chút cho em bõ những ngày vò võ trông chờ suốt ba năm qua". Cả hai ngày thi, tôi chỉ làm hết nửa thời gian quy định cho mỗi bài. Còn Hương, sau mỗi buổi hỏi đáp số, kết luận ở tôi xong, lại reo lên: "Cứ nhìn thấy anh ra từ giữa giờ em tin anh sẽ xếp cao. Em cũng thừa thời gian nhưng phải ngồi xem lại, con gái bỏ ra sớm quá không tiện".

Thi xong chúng tôi ở lại nhà nhà anh trai của Hương. Em bắt tôi phải may quần áo, tập đi xe đạp, rồi hai đứa đưa nhau về quê. Lúc bấy giờ mọi người mới biết tôi đã ra khỏi bộ đội. Tôi đi thi đại học và về nhà, cô Tuyết đã chết vì bệnh ung thư ở cổ. Tuyết chết, tôi lại thấy thương, thấy tội nghiệp cho cô ta. Giá cô ta đừng làm khổ tôi mấy năm đằng đẵng có phải tôi cũng quý mến cô ta như tất cả bao người khác không? Tôi bảo bố mẹ tôi bán cả nhà cửa làm ma cho cô ta thật to và năm nào đến ngày giỗ tôi cũng làm mấy mâm cơm mời cả bố mẹ, anh chị cô ta đến, như những người thân thiết khác. Ôi, không thể nghĩ gì tiếp được nữa. Kinh khủng quá.

Ngày 4... đại đội 12 tiếp tục vận chuyển đất đá ra cửa K5. Quân số: Trừ hai đi viện, một đi công tác còn đầy đủ.

Đêm 4... Tôi bỏ trốn khỏi đơn vị. Ngày lao động kéo dài từ sáng sớm đến chiều tối, có hôm mệt, tôi không ăn được. Đêm lại tập xạ kích và báo động. Vốn dân bùn lầy nước đọng làm thuê làm mướn nên vất vả gấp năm gấp bảy thế nào tôi cũng vẫn theo được. Tôi rất khổ tâm và nhiều đêm không thể ngủ được vì không biết Hương có hiểu hết việc tôi ra đi như thế này không. Tôi chỉ định về thị xã gặp Hương xem tình hình thế nào, rồi lại đi ngay ngày hôm sau. Nhưng Hương bắt tôi ở lại để đến thứ bảy cùng tôi lên đơn vị. Hương có ông chú ruột là trung đoàn trưởng trung đoàn này. Trung đoàn giữ cả hai chúng tôi ăn cơm với ông, nhưng tôi từ chối để về đại đội. Hương cũng chạy theo. Trung đoàn trưởng phải chiều chúng tôi. Cả ba xuống đại đội 12. Từ hôm ấy, anh em ai cũng nể, không "tra khảo" chuyện vợ con của tôi và hết sức vun vào tình yêu giữa tôi và Hương.

Chính uỷ kêu thốt lên: "Một thằng điên!" Ông quẳng cuốn nhật ký ra bàn, tắt điện, nằm như kiểu nằm ngủ nhưng hai mắt vẫn mở trừng trừng nhìn vào khoảng tối mung lung trên mái nhà. Quả thật, nó đã như một thằng điên. Nhưng tại sao nó lại bịa ra tất cả những chuyện ấy! Cái gì thật, cái gì giả trong những trang nhật ký này và thằng bé ấy là người thế nào? Ông không thể hiểu nổi nữa. Ngày hôm sau cả chính trị viên và "xê" trưởng xê mười hai trả lời những câu lục vấn của chính uỷ. Đại thể chính trị viên nói như thế này.

- Chúng tôi thấy có nhiều biểu hiện xấu trong cuốn nhật ký nên thống nhất trong ban chỉ huy phải thu lại. Sở dĩ biết được điều đó vì có một lần đang ghi, cậu ta đau bụng đi ngoài. Cậu ta thường ghi vào những đêm sau khi thay gác nên anh em biết phát hiện cho tôi. Tôi đã để ý theo dõi từ lâu nên tranh thủ đọc. Không thể ngờ được là cậu ta lại ghi như thế. Ngay hôm sau đợi cậu ta đi làm, chúng tôi giở ba lô xem thì tất cả anh em trong ban chỉ huy đều giật mình về những việc làm nguy hiểm và khoác lác của cậu ta.

- Cậu ấy đã làm gì như đã ghi trong nhật ký chưa?

- Báo cáo chưa! Chúng tôi bảo nhau thằng cha này tưởng tượng ra những cảnh nên cũng thơ lắm. Nhưng đặc mùi tư sản viển vông.

- Viển vông - Đại đội trưởng chen vào. Nếu không kịp thời ngăn chặn, nó sẽ thành sự thật. Báo cáo chính uỷ, cậu này trông vẻ lì lì hiền lành, nhưng dễ làm những trò mạo hiểm lắm. Hôm diễn đàn thanh niên anh em cũng phân tích sâu sắc nguy cơ của nó. Chính cậu ta cũng phải công nhận như thế.

- ý thức lao động và học tập của cậu ta như thế nào?

- Báo cáo có vẻ tốt.

- Thực chất là không tốt!

- Báo cáo, cũng chưa có biểu hiện gì xấu.

- Nghĩa là thế nào?

- Thưa, nghĩa là ngày nào cũng được biểu dương là chịu khó, hăng hái nhận việc nặng nhọc. Nhưng đến đêm...

- Thôi được rồi. Theo các đồng chí thì cậu ta ốm thật hay ốm tư tưởng.

- Có ý kiến cho là ốm tư tưởng.

- Tôi hỏi ý kiến đồng chí kia.

Chính trị viên.

- Báo cáo, lúc đầu chúng tôi cũng cho là cậu này nằm ỳ, nhưng sau này.

- Từ bao giờ?

Im lặng. Chính uỷ:

- Từ hôm qua, đưa cậu ta đi viện! Chắc các anh cũng chưa biết là bệnh gì. Đại đội quân y người ta đã khám và phát hiện bị viêm phổi sơ nhiễm đấy. Bị từ hôm đơn vị các anh rửa đá. Cả một ngày cậu ta ngâm mình dưới nước lạnh, về không ăn được cơm, các anh còn xỉ vả nhốt riêng một chỗ sợ ảnh hưởng đến tư tưởng người khác. Đúng là các anh tinh thật. Không cách ly như thế bệnh lao là dễ lây nhanh lắm. Giọng ông nghiêm lại - Ngày mai các anh nộp cho tôi tất cả thư từ của người yêu và vợ các anh. Cả thư của các anh gửi cho các cô ấy. Nếu không đủ tôi sẽ cho trợ lý bảo vệ kiểm tra lục soát tất cả những nơi nghi ngờ là có những lá thư ấy. Tôi dám chắc trong những lá thư qua thư lại như thế sẽ có điều bậy bạ hoặc sự lừa dối. Tôi biết mỗi anh có yêu một vài cô trước khi lấy vợ. Khi yêu thể nào cũng hứa hẹn hàng trăm thứ nhất. Yêu nhau nhất, chung thuỷ nhất, đẹp nhất đời... Nhưng vì lý do gì đấy các anh đã chọn người yêu khác. Thành ra những lời hứa hẹn với người yê cũ trở nên giả dối. Nói tóm lại, bằng quyền lực của mình, tôi đã có lý do, biện pháp để làm cái công việc quái gở ấy nấp sau danh nghĩa là làm cho cán bộ chúng ta trong sạch, thật thà. Các anh không thể cãi được, hoặc có cãi, có kiện tụng cũng chỉ đem lại hậu quả xấu do sợ "trả đũa" tôi chứ kiện mà các anh "hạ bệ" tôi khó lắm. Với cấp trên, tôi có thiện cảm hơn các anh, gần cận hơn các anh, có điều kiện để dãi bày hơn các anh. Và phần chắc chắn là tiếng nói của tôi với cấp trên "trọng lượng" hơn các anh. Ông dừng lại. Sự im lặng ngơ ngác của hai người chưa biết điều gì sẽ xảy ra. Ông ôn tồn tiếp: Các anh nghĩ gì nếu tôi làm như thế thật. Dù có phải "về vườn" mà cày ruộng thì trong đời các anh có bao giờ phai mờ hình ảnh một lão chính uỷ điên đầu thô bạo và như một kẻ bất nhân này không? Thế mà các anh đã làm như thế với một chiến sĩ của mình. Chưa nói đến sự cư xử cua con người, của tinh cảm đồng chí, đồng đội, chỉ nói lý với nhau các anh đã xâm phạm thô bạo đến tự do tối thiểu của con người mà luật pháp chúng ta đã quy định. Ai hướng dẫn các anh cách làm chính trị, nắm tư tưởng cái kiểu ấy? Tôi đồng ý là những ý nghĩ của cậu ta viển vông, cứ tạm coi như thế. Nó có thể dẫn đến những việc làm xấu và trước mắt bằng sự ghi chép ấy, chúng ta thấy cậu này không đơn giản, có phần phức tạp quá. Nhưng không thể hiểu như thể qua phản ảnh của tổ "tam tam". Tôi không nghĩ có lẽ phải xem xét hình thức sinh hoạt này. Nó có giúp ta phần này nắm sát anh em nhưng không nghĩ cách nào để nó nội dung hấp dẫn, thật là cần thiết, đôi khi họ làm chiếu lệ cho xong, làm để khỏi bị nhắc nhở là không làm. Cũng có khi để trên được chú ý, họ đem thổi phồng chuyện nhỏ thành to, bịa ra khuyết điểm và bịa ra cả tiến bộ để trên thấy là qua tổ "tam tam cũng phải xem xét cân nhắc, và kiểm. Kiểm tra không có nghĩa là rình rập, thập thò, mắt tròn, mắt dẹt hô báo nhau về những việc làm của cá nhân. Những biểu hiện nào của cá nhân, kể cả lời nói và việc làm xâm phạm đến kỷ luật quân nhân, đến phẩm chất người lính, đến ý chí chiến đấu và nhân cách con người, phải được theo dõi, quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm khắc. Nhưng những gì thuộc tình cảm riêng tư phải được tìm nhiều cách mà hiểu, phải kiên trì nhẫn nại và có khi phải nhẫn nhục gian khổ mới hiểu hết con người, nếu mình muốn hiểu và thực tâm giúp họ. Vội vàng, thô thiển, kết luận nhân cách người khác, rèn giũa người khác để đạt được mục đích cá nhân mình, có khi giết người ta mình mình vẫn phởn phơ như không hề can dự, không có tội tình, quá lắm chỉ là nhận khuyết điểm rút kinh nghiệm. Các anh đã chán tôi nói chưa. Nếu là cương vị một công dân, một công dân có quyền bắt người khác phải tuân theo luật lệ thì tôi đã đưa ra toà các anh đã xâm phạm quyền làm người của người khác. Các anh đã dùng áp lực cái gọi là diễn đàn để truy bức người ta. Caca nh đã tạo nên một định kiến xấu, đối xử thậm tệ, có thể nói như thế khi các anh không thèm nhìn ngó đến một chiến sĩ sốt 40 độ suốt cả tuần mà vẫn bị coi là ốm tư tưởng, phải "cách ly". Thử hỏi nếu không có phản ánh "tư tưởng của các anh để trên trung đoàn biết và rất may là đưa đi viện kịp thời thì một vài ngày sau, số phận của người chiến sĩ sẽ ra sao! Thật là phẫn nộ về việc làm của các anh. Nhưng với cương vị một chính uỷ tôi cũng chỉ phê bình để các anh rút kinh nghiệm. Vì rằng không thể vì một chiến sĩ mà tôi phải đi cả bốn cán bộ đại đội, không thể bỏ cái thành tích lao động thứ nhất sáu tháng của đại đội 12 khi chúng ta cần làm xong công trình trước mùa mưa. Và quan trọng hơn, tôi không thể bỏ quá nửa số cán bộ trong đoàn có quan niệm về công tác tư tưởng con người như kiểu các anh. Thành ra cứ phải cho êm đi. Các anh cầm quyển nhật ký này trả cậu ta bằng cách nào cho "êm" để vừa đỡ xấu hổ, vừa không mất "khí thế" chung của đại đội. Nhưng tôi nói ngay rằng, tôi không để hiện tượng này lan tràn trong trung đoàn và không thể "tha" khi các anh không thương chiến sĩ thật lòng, không yêu nhiệm vụ thật lòng, làm việc cốt đối phó với thành tích từng ngày, cốt được khen, còn lính tráng "sống chết mặc bay". Nhớ chưa. Thôi, quá trưa rồi, các anh về đi.

Sài đã ngồi dậy đi lại được. Vẫn là cố gượng đi lại cho quen. Nằm mãi, đau ê ẩm từng khớp xương, nhất là chân tay, tưởng như đã rời ra khỏi thân mình. Suốt một tháng qua, ngày nào cũng tiêm kháng sinh liều cao, làm hai cánh tay, hai bắp đùi và mông thành chai, rắn đanh lại. Có hôm người tiêm đẩy kim đến vã mồ hôi, thuốc vẫn không chạy. Rất nhiều đêm buồn, mỏi, vật vã Sài phải uống thuốc ngủ mới thiếp đi. Hôm nay anh cố lần tới ghế đá. Người thấy rã rời, nhưng ngồi không thì buồn, không chịu nổi, anh rút quyển lượng giác tròn bụng ra đọc lại các công thức, và kiểm tra lại bài tập đã làm. Đang mải mê đọc như kiểu đọc sách Sài bỗng giật mình: "Anh Sài. Em bảo chưa đọc được kia mà. Em lại thu quyển sách ấy cho mà xem". Nói rồi, cô đến bên ngồi xuống cạnh Sài, dúi quyển sách trong tay anh xuống chứ không thu. Cô y tá ấy tên là Kim, Kim có dáng người nhỏ nhắn, và xinh. Ngay từ hôm Sài mới đến trạm xá, Kim đã taháy ở anh có thể tin cậy và cũng vào loại đẹp giai nữa. Càng về sau cô càng tự phục mình có tài nhận xét người. Sài ít nói, e dè như con gái, sẵn sàng phục tùng tất cả mệnh lệnh gắt gỏng và ngọt ngào của các cô. Nghe nói anh ta giỏi toán lắm. Kim chưa biết nhưng cứ mỗi lần anh ta mở mắt ra, nhắc được tay lên, lại thấy quyển lượng giác và quyển bài tập cũng là lượng giác. Anh ta mê mải khiến nhiều lần cô phải "tịch thu". Tịch thu rồi trả lại, cứ tự cô quyết định, khi nào cô muốn. Còn anh, chỉ im lặng "nộp" và nhận lại. Bản tính của con gái là muốn khám phá và chiếm lĩnh sự bí ẩn ở người con trai, có thể theo hút nó cả cuộc đời mình, để cuối cùng nhận lấy sự thất bại nặng nề, cũng vẫn sẵn sàng. Đến ngày thứ bảy kể từ khi Sài đến đây, Kim đã lục tìm bệnh án của anh. Cô ngẩn người, ngồi lặng đi đến ba phút trước dòng chữ: Khi cần báo tin cho vợ: Hoàng Thị Tuyết. Nhưng cô phản đối mấy ông bệnh nhân lớn tuổi ở ban hậu cần và quân khí ngồi bàn nhau về vấn đề không có tình bạn lâu dài, không có anh em, chú cháu kết nghĩa giữa con gái với con trai, nếu không có tình yêu; đã và sẽ xảy ra hoặc lợi dụng lẫn nhau về một cái gì đó. "Đừng nhận làm cháu nuôi, cháu ơi. "Chú sẽ "ăn thịt" cháu có ngày đấy". Sao mấy ông đã già còn ăn nói phức tạp. Mặc. Kim thấy ai tốt, cứ chơi. Mình trong sáng, thì lo gì. Kim đã không lầm khi cô quý Sài như một người anh, dù Sài chỉ hơn cô chừng sáu bảy tháng tuổi. Nhưng sự "trong sáng" của Sài không giống như cô. Lòng anh đang "đen tối" về một cô gái không có ai có thể thay thế, nên với bất cứ người con gái nào anh cũng quý mến lịch sự như với một thằng bạn. Kim ngồi một lúc rồi hỏi:

- Anh có hay nhận được thư chị Tuyết không,

- Có.

- Cho em xem nào?

- Anh để ở đơn vị.

- Hôm nào khoẻ về lấy cho em xem nhé. Anh ghi thư bảo chị ấy ra đây đi.

- Chị đang bận. Sắp thi học kỳ rồi còn gì.

- Eo ơi, đang học đã lấy chồng.

- Chị bằng tuổi anh mà. Chị ấy học giỏi văn và hát hay lắm.

- Thế thì viết thư hay phải biết.

- Thư nào của chị ấy anh cũng thuộc từng chữ.

- Ôi, thích nhỉ, lúc nào anh đọc cho em nghe đi.

Sài hứa làm việc đó những không bao giờ anh đọc thư cho ai nghe. Cũng như quyển nhật ký, vẫn để trong ba lô, nhưng không bao giờ anh dám ghi nữa, dù chính trị viên có xin lỗi và bảo mãi mãi về sau không cho phép ai xem nhật ký của Sài nếu không được Sài đồng ý. Trước đây, đêm nào không ngủ được, Sài cũng nghĩ ra một chuyện gì đó có thể giúp Sài sống được ở đại đội những ngày bị hẫng, tưởng như không thể chịu nổi cuộc đời bộ đội tự mình buộc vào. Nghĩ đi nghĩ lại nhiều đêm, thấy cứ tiếc nó, anh dành những giờ hết phiên gác, ghi nó lại mà anh tự gọi là nhật ký. Tưởng đã phải đi tù về cuốn nhật ký đó ("trời ơi, những đêm "diễn đàn" anh cứ run bắn lên vì những từ phản động, chống đối, phá hoại, tư sản, phong kiến, bóc lột, ăn bám...), không hiểu sao sau lại được trả và bảo "không có gì". Cứ vài lần "không có gì" là hết đời chứ còn gì. Từ nay không ngủ được, Sài phải tìm cách mà học vậy. Chắc chả ai đấu tố, cạo vét người tranh thủ học lúc không có việc làm. Với lại, học đối với Sài là nỗi khát khao từ nhỏ. Không có niềm vui nào của trẻ con hấp dẫn Sài bằng học làm tính và đọc cái gì đó. Nửa tháng sau ra viện, anh được điều lên trung đoàn bộ làm tạp vù cho ban Năm và dậy văn hoá. Trợ lý văn hoá của trung đoàn đau răng nằm ở trạm xá mấy ngày, thấy việc ham mê học hành của Sài, anh đã phát hiện ra một "nguồn" rất có triển vọng bổ sung cho tổ giáo viên chuyên nghiệp của Trung đoàn sau này. Một tuần Sài dạy hai buổi cho các sĩ quan toàn trung đoàn học chương trình toán dạy lớp bốn và hai buổi được nghỉ để soạn giáo án. Anh dùng hai buổi được nghỉ để học và làm bài tập. Được lên trung đoàn bộ so với ở đại đội đã thấy sướng như tiên, anh có rất nhiều thời gian để học. Đêm có thức thêm vài giờ cũng không bị nhắc nhở, cấm đoán. Trước khi lên lớp, anh để mười lăm phút viết "giáo án" do tự anh thấy chỗ nào cần đi sâu và học viên cần nắm cái gì trong bài học hôm ấy và cốt cho đủ "lệ bộ" theo quy định chứ không bao giờ Sài nhìn vào đó. Những người thấp thoáng biết Sài đến lớp uể oải, tuy chưa nói ra nhưng cho là trung đoàn coi thường lớp học này. Chưa có lý do để phản ảnh, họ tạo ra lý do để nghỉ học. Ba buổi đầu chỉ có từ ba đến bảy học viên trong số hai mươi người. Vốn tính dút dát, lại con mắt khinh khỉnh của những cán bộ, ít ra cũng từ trung đội trưởng trở lên, buổi đầu mở mồm nói câu nào là Sài "Thưa các thủ trưởng" câu ấy, trợ lý dự giảng xong khen: "Được đấy. Hiểu khá kỹ và sâu. Nhưng bỏ :"thưa các thủ trưởng" đi. Thủ trưởng đâu mà lắm thế. Tất cả họ ngồi đấy là học trò, còn mình là thầy. Không việc gì phải khúm núm, xun xoe, cứ đàng hoàng mà dạy. Anh nào không lắng nghe, không chịu học, cứ phê bình thẳng thắn". Sau ba buổi đầu, tức là gần nửa tháng Sài dạy học, chủ nhiệm chính trị gọi trợ lý văn hoá lên để hỏi.

- Cậu xem thế nào. Cái lớp bốn, anh em họ phản ứng ghê lắm. Họ bảo khinh thường họ, cho thằng trẻ con tâm thần dạy dỗ những anh đã từng đánh nhau sứt đầu mẻ trán.

Anh trợ lý nổi nóng, giọng anh lặng đi:

- Báo cáo anh, nếu nghĩ như vậy với hàm thiếu uý, tôi không thể dạy cho anh Mạnh và anh được nữa.

- Thì anh em họ phản ánh, mình cũng phải xem xét.

- Tôi muốn báo cáo với chủ nhiệm việc đó. Nếu xem xét kỹ những ý kiến ấy và kết luận, tôi đề nghị chủ nhiệm biết đích xác ai kêu ca phàn nàn, xin kỷ luật anh ta. Lý do như sau: Thứ nhất: những anh ấy đã bỏ học ba buổi liền bằng những lý do không chính đáng. Thứ hai: ngay buổi đầu tiên khôi phục lại lớp, có đến năm người trông thấy cậu Sài đã tự bỏ về. Như vậy vừa không tôn trọng con người, vừa vô kỷ luật. Còn những người đã học buổi đầu thì không ai bỏ buổi thứ hai, thứ ba, và họ không bao giờ nói như thế. Đã dự giảng buổi đầu tiên và thấy lớp đông dần hẳn lên, tôi rất yên tâm. Tôi xin đề nghị chủ nhiệm ký cho cái điện yêu cầu tất cả những đơn vị cán bộ học chương trình lớp bốn chiều thứ sáu này phải có mặt đầy đủ, hôm ấy mời chủ nhiệm đến dự lớp, cho ý kiến.

Không phải chỉ giảng riêng cho lớp bốn được yêu và tin cậy, những buổi giáo viên chuyên nghiệp đi vắng hoặc bận việc. Sài dạy thay cả lớp năm, lớp sáu, thậm chí ở lớp bảy nữa. ở lớp nào, anh cũng để cho học viên một ấn tượng không thể là người mới tốt nghiệp lớp bảy phổ thông. Vì chương trình bổ túc trong quân đội có chỗ cao hơn phổ thông, làm sao giảng được trơn tru dễ hiểu và giải đáp được tất cả thắc mắc của học viên, không cần phải đợi đến buổi khác "nghiên cứu thêm".

Sài được chuyển hẳn sang sinh hoạt với tổ giáo viên vì phải dạy nhiều hơn và để anh có nhiều thời gian tự học. Vừa dạy, vừa phải học thêm nhưng tất cả công việc từ đánh rửa thau chậu, giúp anh nuôi vào sáng thứ bảy hàng tuần, lấy gạo, kiếm củi, lao động xã hội chủ nghĩa ngày chủ nhật, chiều chiều xách nước tưới rau... nghĩa là phần việc gì của cả tổ giáo viên của cả ban chính trị, anh cũng được gọi đến và làm hết mà vẫn thấy như không hề vất vả khó nhọc gì. Yêu mến anh như một thằng em út, các giáo viên đã tốt nghiệp đại học sư phạm đều tận tình và sẵn sàng giảng cho anh hàng buổi liền. Tháng sáu năm sau, tức là anh đã công tác ở trung đoàn bộ được hơn một năm, trung đoàn cho anh đi thi tốt nghiệp lớp mười ở trường bổ túc văn hoá của Quân khu. Anh đỗ vào loại ưu, được chọn gửi đi học trường đại học sư phạm ở Hà Nội.

Sự kiện ấy, cộng với lòng yêu mến của cán bộ đã học anh, cả trung đoàn 25 xôn xao, có phần quá đáng, về một tài năng, một tấm gương và những chuyện đồn đại về cuốn nhật ký hơn một năm trước đây được coi như là dấu hiệu của một tài năng suýt bị vùi dập. Nhưng những người điềm tĩnh hơn hiểu anh hơn như Hiểu, thiếu uý trợ lý văn hoá trung đoàn thì coi đó là sự tất nhiên của một người có chí, ham học và chịu đựng nhẫn nhục mà học. Anh, cũng như tổ giáo viên của anh, không hề bàn luận, xem như chuyện đó mình không tường tận cho lắm. Riêng chính uỷ Đỗ Mạnh biết rõ từ chuyện cô Kim y tá trạm xá lo lắng cho "anh Sài" như anh trai mình (ừ, con bé ấy cũng thật là tinh) đến chuyện từ ngày đi bộ đội đến nay Sài không hề gửi thư cho ai, cốt để mọi người coi mình như đã "biệt tăm" và cô Hương có thật hay là sự tưởng tượng...! Nhưng ông lại coi như mình không hề biết gì. Ngoài ba người là: trưởng trạm xá và hai cán bộ đại đội 12 được ông nhắc nhở phê phán như là sự quan tâm đến một chiến sỹ bất kỳ nào đấy, không ai biết ông với Sài có mối liên quan gì đến nhau. Ông cũng chưa hề viết lá thư nào cho Hà. Chắc hiểu ông, Hà cũng không hề hỏi han gì cháu mình. Còn với Sài, khi lên trung đoàn, cậu ta nhận ra "ông thủ kho", ông cũng coi như không có chuyện đó. Thái độ của ông hơn một năm qua là "kệ nó". Còn ông thì cứ lặng lẽ mà tìm hiểu, lặng lẽ mà xem xét. Ngay hôm Sài mới ở trường văn hóa Quân khu về để chuẩn bị vào trường đại học. Hiểu bảo ông: "Tối nay tôi đưa cậu Sài lên báo cáo anh" ông cũng gạt đi: "Mình cũng như mọi người, mừng cho cậu ấy thôi. Các anh lo cho cậu ấy đi, đừng vẽ chuyện đến mìnhh, mất thì giờ của cậu ấy ra". Những ngày còn lại ở trung đoàn đối với Sài quý như vàng, bao nhiêu việc phải làm, bao nhiêu người cần phải chia tay, bao nhiêu điều muốn nói với anh Hiểu và các anh trong tổ giáo viên đều chưa làm được. Đang chộn rộn rối bời bỗng Sài giật thót nghe Hiểu reo lên: "Sài đâu rồi ra chiêu đãi sơ, vợ đến". Thật hay hư? Ai mách bảo địa chỉ để cô ta tìm đến đây. Mồ hôi vã ra như tắm, mặt tái đi, Sài đứng chết lặng giữa nhà. Hiểu từ phía nhà trực ban cười cười bước vào. Hơi sững lại một thoáng, giọng anh hờ hững: "Thôi chuẩn bị mà đi đi. Cơm chiều xong bọn mình kéo nhau ra". Sài muốn gục mặt xuống giường oà khóc nhưng lại phải bật lên tiếng "vâng" nghẹn ứ giữa cổ.

Rất chi là may mắn, nhờ anh bộ đội đi cùng chuyến đò, Tuyết dò dẫm hỏi được địa chỉ, cô đi thăm chồng với sự trải chuốt ăn diện có thể gọi là nhất làng Bái hồi bấy giờ. Một áo sơ mi màu nõn chuối, một áo lót "đông xuân" màu hồng mặc phía trong nhưng vẫn thể hiện được cái màu hồng hoe ấy lộ ra ở cổ và cả một đoạn thừa chừng nửa đốt ngón tay thò dưới áo ngoài. Đầu chải bê xăng tin nhếnh nháng lật ngược và được đè ập xuống bởi vòng khăn vấn bằng vải toan nhuộm màu nâu non còn mới trông nó chặt chằng như một cái đai. Chiếc quần láng súng sính dài quét gót, nhưng lại xắn vận vào cạp kéo ống lên ngang cổ chân để lộ đôi bàn to bè bè, chi chít từng vệt đen như gai cào. Nó căng lên, nứt nở bởi những quai dép cao su chằng cả phía trước và phía sau. Mới đến trạm chưa được hai tiếng đồng hồ, cô đã chạy đi các phòng cười rối rít, gặp ai cũng chào, thấy việc gì cũng làm giúp. Sài đến cổng thấy cô đang chổng mông cúi xuống giếng thơi kéo nước cho một chị con mọn cũng đến thăm chồng. Cả áo trong, áo ngoài kéo lên để lộ mảng lưng đen, lằn từng múi thịt. Chị con mọn đợi cô đổ cho gầu nước vào thùng sẽ sàng nhắc: "Em cho áo trong vào quần cho nó gọn". Cô cười thoải mái, nói như cho cả người ngoài đường nghe: "ở quê em, người ta cứ để thế cho nó mát chị ợ" - "Muốn mát thì mặc áo ngoài không cũng được" - "Leo ơi, thế thì nó thồng thỗng, trong quỷnh lắm, em chịu" Thấy cô nói to, chị con mọn ngượng vội nhìn ra phía cổng chị quay vào nhắc khẽ: "Có chú bộ đội ở ngoài kia, xem có phải chú ấy không?" Cô quay ra reo: "Đúng nhà em rồi chị ạ. Em về chị nhớ". Cô nói cười thoải mái khiến một vòng cốt trầu quành trên môi từ lúc nào cô vô ý chưa lau như kéo vào cái miệng rộng ra, trông càng toe toét. Cô son són đi trước, Sài lầm lũi theo sau. Anh định rẽ vào phòng câu lạc bộ đọc sách, cô gọi "Nhà mình đằng này cơ anh ơi". Miễn cưỡng Sài quay theo, anh rảo bước như muốn chui tọt vào phòng để khỏi ai trông thấy. Trên mặt chiếc bàn con đầu giường, cô đã bày đủ thứ: ấm, chén, ca, chanh, đường, chuối, bọc thư, bọc quà, bó mía. Rót nước ra ca xong, cô chạy lạch bạch ra ngoài cười nói hớn hở cách ba bốn dãy còn nghe thấy.

- Bác có dao cho em mượn, em bổ quả chanh pha cho nhà em ca nước.

- Mời bác sang chơi. Nhà em ra rồi bác ạ.

- Anh chị mời cơm xong sang nhà em xơi nước.

- Nhà này lấy cơm sớm để tối đi xem phim hả? Dạ! Vâng! Ngoài bến xe có phim bác ạ. Lúc nào đi các bác gọi chúng em với. Hé, hé, còn cả đêm, xem phim một lúc, lo gì hả các bác!

Cô lại lạch bạch chạy về, nói cười hổn hển.

Sài đang bóp tay vào hai thái dương gục xuống mặt bàn vội đứng dậy cầm quyển sách đi ra cửa.

- Để pha nước cho anh uống rồi hẵng đi.

Nhưng anh không thể nói nổi lấy một lời, lùi lũi ra ngồi đọc sách ở câu lạc bộ. Ăn cơm chiều xong, anh em giáo viên và ban Năm, có cả Kim và mấy y tá trạm xá kéo đến chật ních phòng. Họ cứ hùn vào để cô ta nói huyên thuyên đủ mọi chuyện. Nào làng em đã vào hợp tác hết tất cả phần trăm ("chắc là trăm phần trăm đấy"). Vâng, tất ráo cả phần trăm đấy ạ. Nào lợn không thả rông ỉa đầy đường, đầy ngõ mà vẫn không có phân. Lợn đã có chuồng, người lớn trẻ con cũng phải đi nhà xí không được bậy bạ. Cánh đồng bãi là cứ chính sách giồng lúa lốc tất tật. Nào hai gia đinh thương binh liệt sỹ được một cái chăn bông, còn nhân dân mười gia đình một cái (tỷ lệ một phần hai và một phần mười). Vâng, hai phần một mười đấy ạ. Nào vụ ngô vừa rồi bội thực chưa từng thấy. Đến đây thì mọi người không thể nén được, họ bung ra cười rũ rượi, gật đầu lia lịa và tán thưởng. "Bội thu chưa từng thấy. Thế thì yên tâm, quê ta không bị đói nữa chị nhỉ" - "Khá khá, khá thật". Tuyết là con nhà khá giả những lại là con vợ lẽ và bắt đầu đến tuổi thiếu niên cô đã đi làm dâu. Cô học bình dân hơn năm năm mới đánh vần sách in, một giờ được một trang, mà vật vã như người vật nhau. Còn đoàn thể: cô có tên trong đội thiếu niên nhưng chưa bao giờ đi họp. Lớn lên cô cũng lại có tên trong cả hội phụ nữ và đoàn thanh niên nhưng biết chẳng bao giờ cô đi họp nên người nào làm cán bộ cũng quên cô là người của đoàn thể mình. Tất cả chính sách, chủ trương cô nghe được ối. Nghe lõm bõm câu được câu chăng, nhớ đoạn này chắp và đoạn kia, được đến đâu hay đến đấy, chứ không dám hỏi ai vì cô dè dặt, không biết đối đáp. Hơn mọt năm nay, Sài đi bộ đội, chị em mới bảo Sài chê cô là ít nói và cả thẹn. Bởi thế cô phải luyện. Ra đồng cô cũng táo tợn tán tỉnh đủ mọi chuyện xô bồ tục tĩu, tán cả chuyện thời cuộc làm ăn đầy những danh từ mới lạ, có khi chả hiểu nó là cái gì, quen mồm thì nói. Mới lỵ cũng phải nói để không ai có thể chê cười mình là đần độn thu chị kém em. Nói lắm thành nghiện. Càng nghiện càng tưởng mình hay ho, càng tưởng mình hay ho, càng muốn nói nhiều. Đến hôm nay thì cô càng tin mình tiếp chuyện bạn bè của chồng cũng không đến nỗi nào. Bởi thế mới khổ. Giá cô ta cứ câm đi còn đỡ nhục nhã. Kim vừa bước ra khỏi cổng khu gia đình đã trách: "Thế mà ông Sài bịa là vợ học cấp ba, cấp bốn giỏi văn lắm", cánh ban Năm và giáo viên thì tha hồ kể đến hàng tuần để cho cả cơ quan trung đoàn bộ cứ lăn ra cười. Nhưng ai cũng hết sức vun vào, khuyên Sài chính lúc này lại cần phải yêu vợ để khỏi mang tiếng được học hành tiến bộ chê cô vợ quê mùa. Có anh nói tục: Ôi dà, cần thì úp cái chăn vào mặt là xong tất". Nhưng Sài không thể nào "cố gắng" được. Ba đêm cô ta ở chiêu đãi sở, cả ba đêm Sài thức trắng ngồi đọc sách. Cô trở lại cái bản tính yếu đuối của mình. Không thể nằm yên, hết thở ngắn, thở dài, giở mình ra, giở mình vào, rồi ngồi dậy đi ra, khi trở vào thổi phụt ngọn đèn dầu. Sài lặng lẽ châm lại. Bao nhiêu lần vẫn thế, cô ta không dám nói một lời vì vẫn có phần sợ Sài. Còn Sài, cũng không thể như khi còn ở nhà, nghĩ là anh vẫn ngồi ăn cơm chung khi mỗi bữa cô mang cơm ở nhà bếp về phòng. Dù tự tay mình xới lấy, Sài vẫn phải trả lời những đòi hỏi của cô: "Người ta bảo trong kia đẹp lắm, mai vào xem đi" - "Cô thích thì cứ đi, tôi đang bận học" - "Ngày mai mua ít cua bể về ăn, nghe bảo bổ lắm, có tiền thầy mẹ cho rằng hai nhà cho đây" - "Tôi không thích loại đó" - "Thế anh thích tôm he không?" - "Tôi lạy cô, để im cho tôi nhờ một tý". Chỉ đến hôm hai người "cùng về quê" là Sài phải mua vé chung. Đến khi ngồi, anh lại đổi chỗ xuống dưới cùng. Hôm ấy, chính uỷ Đỗ Mạnh như là từ đâu về, qua bến xe rất sớm, ông chào cô rồi bảo Sài ra một chỗ vắng. Ông đưa cho Sài hai chục và nói một câu: "Cầm lấy đi đường uống nước". Sài rụt tay lại, ông cứ đặt tiền vào tay anh và nói câu nữa: "Tất cả phải cố nén lại mà học đã". Nói xong ông chào Tuyết rồi đạp xe đi, không để cho Sài kịp nói lời nào

Sài không về nhà. Anh đi thẳng lên Hà Nội, vào trạm 66 nộp giấy tờ, làm các thủ tục. Chờ ngày vào trường, anh đến trường cấp III của Hương. Năm nay Hương lên lớp mười. Học sinh đến trường trước một tuần để kiểm tra chất lượng học hè. Vừa xuống xe, nghe tin ấy, Sài không còn thậm thọt lo cho bao nhiêu câu hỏi suốt dọc đường về sự rủi ro không gặp được Hương. Hẳn rằng thầy Chởi, các thầy cô giáo và bạn bè của Hương không ngờ là Sài được vào đại học trong năm nay. Còn Hương, khỏi phải nói đến nỗi sung sướng mừng tủi của cô như thế nào! Sài đã không nhần khi các thầy cô và bạn bè Hương đều quấn quýt trầm trồ khen ngợi anh. Duy chỉ có Hương là lẩn tránh. Lúc ở lớp về đến đầu ngõ, đã thấy Sài ở trong nhà trọ của cô, cô quay đi ngay, để suốt ngày hôm ấy không ai biết cô đi đâu. Mãi đến khoảng tám giờ tối cô mới cùng một thanh niên trông trắng trẻo và hiền lành đi về. Trẻ con nhà chủ reo: "Chị Hương đây rồi, ối giời ơi, chị Hương bỏ đi đâu cả nhà mong. Anh Sài cũng đến có việc gì đấy". Sài đứng chết lặng. Cả gia đình chủ nhà ngơ ngác. Mới thấy tháng trước, khi chưa về nghỉ hè, không mấy hôm là cả nhà không nghe cô kể một chuyện gì đấy về Sài, về cái làng Bái lụt lội của anh. Nỗi thổn thức, thấp thỏm của cô chờ tin Sài, nỗi đau khổ buồn rầu tại sao anh lại ra đi không hề viết cho cô vài dòng, cô cũng thổ lộ với người con gái lớn của nhà chủ mà cô coi như một người chị. Có lẽ nó giận quá đấy mà. Cả nhà nghĩ như thế.

Ba người ngồi ba hòn đá ở chiếc chiếu trẻ con đem dải ở giữa sân. Họ im lặng lâu đến mức không thề ngồi im lặng được. Sài hỏi:

- Hương về hè có vui không?

- Cũng vui.

- Mùa màng quê mình độ này thế nào?

- Cũng như mọi khi.

- Cụ ở nhà có khoẻ không.

- Bình thường.

- Chắc khi chú Hà tôi đi học Hương đã nghi hè rồi.

- Không rõ lắm.

- Nghe nói thầy đi học ở Hà Nội.

- Tôi cũng không được biết.

Những câu đối thoại nghe nhạt nhẽo đến mức có "cố đấm anư xôi" đến đâu cũng không thể tiếp tục được nữa. Sài đứng dậy vào nhà chào cụ chủ để ra đi. Mọi người ngỡ ngàng, khuyên anh. Cô gái lớn chạy ra sân. "Thế nào Hương?" - Anh ấy chả có việc gì ở đây, để anh ấy đi thôi". Từ hôm ấy đến đây, thấy Hương rầu rĩ im lặng, chị chưa có dịp hỏi "tình hình thế nào". Vẫn tưởng chỉ là nỗi giận dỗi tích tụ của Hương khiến cô xử sự như thế. Chị quyết định: "Kệ mày, tao giữ nó lại" - "Nếu chị định đuổi em đi thì tuỳ chị" - "Nhưng đang đêm hôm thế này" - "Việc đó không phải của em". Biết đã có chuyện gì xảy ra không thể can ngăn, chị con gái lớn nhà chủ đành đứng im. Sài bước xuống sân: "Chào Hương". Hương như không nghe thấy, cô bảo người con trai kia: "Chúng mình đi đi". Đến hai mươi mốt năm sau, cô còn ân hận những giây phút này. Nhưng cô rất thoả mãn về câu nói cảu mình đã như một phát đại bác bắn vào Sài. Cô không thể ngẫm nghĩ, phân tích và chờ đợi khi có một hiện tượng, dù chỉ là sự đồn đại về người yêu mình không còn chung thuỷ. Huống hồ đang lúc cô đau đớn và hy vọng. Đã mấy năm trời đau đớn và hy vọng. về sự ra đi biệt tăm của Sài. Về nghỉ hè lại bỗng nghe tin vợ Sài sắp sửa đi thăm chồng. Cả hàng tháng nay người ngoài biết vợ Sài đã có địa chỉ của anh ta. Chỉ có riêng cô ấy biết và sắp sửa đến đấy. Rồi trước ngày xuống trường Hương đã biết đích xác sáng sớm ngày hôm ấy Tuyết gánh hai túi xách trên một cây mía rõ to đi thăm Sài. Nghe tất cả tin tức ấy, cô không phát điên lên là may. Cũng may cô đã đến đây hơn một tuần. Nhờ có bạn bè, thầy cô, và gia đình bác chủ vồ vập ríu rít, khuây khoả được bao nhiêu. Nhưng không thể nguôi nỗi hận trào lên khi nghe tin anh ta đến. Cô bỏ đi lang thang cả ngày rồi "mượn" anh bạn cùng lớp vẫn được cô phụ đạo và sai bảo, châm chọc như đối với một thằng em mặc dầu anh ta hơn cả tuổi cô và Sài. Anh im lặng như chứa đầy mưu đồ, ngoan ngoãn như rất chiều nhau. Ra khỏi cổng anh lại rảo bước theo mệnh lệnh ngắn gọn của Hương: "Về nhé" Cô lặng lẽ giấu mình đi theo và chiêm ngưỡng nỗi đau đớn của anh chàng Sài. Phải đến tám giờ sáng mai mới có chuyến xe đầu tiên chạy về Hà Nội. Đêm nay anh sẽ đi đâu giữa cái thị xã của tỉnh mình mà không hề một người thân thuộc. Ngoài Hương ra rõ ràng anh không thể đến đây với người nào khác, với mục đích nào khác. Nhưng anh ta đến để thanh minh, xin lỗi hay là để tiếp tục một tình yêu song song với một người vợ. Máu trong người Hương lại sôi lên. ừ, nếu anh ta biết khéo léo giữ gìn kín đáo thì có cả gia đình, có cả tình yêu, vừa thoả mãn được ý muốn bố mẹ, anh em chú bác lại không ảnh hưởng đến tiến bộ của bản thân. Còn Hương, cứ "đánh đu" với anh ta để mà chán chường! Chồng con và học hành! Hừ, đời hay thật. Kẻ hèn nhát không dám mất đi cái gì thì được tât cả. Người sẵn sàng đánh đổi tất cả cho một cái gì chỉ còn bản thân tàn ma dại. Cái anh chàng "rù rờ" làng bãi láu cá đến thế là cùng. Chả trách anh ra len lén ra đi và câm lặng với mình như kẻ mất tích. Hàng năm trời nghe ngóng thấy êm êm mới bí mật báo tin cho vợ đến thăm! Có thằng đàn ông nào đểu cáng, xảo quyệt như thế nữa không? Cô muốn chạy dấn lên, xé nát kẻ mất dạy ấy ra. Nhưng vốn là người không thể bước theo sự uất hận của mình nên cô đành đứng lại nhìn trân trân con đường tối mờ mịt phía trước. Nhìn mà không thấy gì, ngay cả anh ta đi đến chỗ nào cô cũng không thấy. Đứng rất lâu như thế, bỗng cô quay ngoắt lai, chạy như có người đuổi. Về đến nhà, cô gục xuống giường mà khóc nức nở khóc như vừa chôn lấp xong một người ruột thịt trở về.