Chương 1 - Hoa tay
Chú Đàn bảo tôi:
- Con xòe tay ra cho chú xem nào!
Tôi co những ngón tay lại, nắm thật chặt và giấu ra sau lưng:
- Tay con sạch cơ mà. Hồi sáng con đã rửa tay rồi.
Chú Đàn phì cười:
- Chú có định khám tay con đâu. Con xòe tay ra để chú xem con có mấy cái hoa tay thôi.
Đằng sau lưng, hai bàn tay tôi lỏng đi. Tôi chìa bàn tay trái ra trước mặt chú Đàn, thắc mắc:
- Hoa tay là gì hở chú?
Chú Đàn dựng mắt nhìn tôi:
- Con lớn từng này rồi mà không biết hoa tay là gì à?
Chú cầm lấy bàn tay tôi, chậm rãi giải thích:
- Hoa tay là những vân tay hình tròn ở đầu mỗi ngón tay. Hoa tay càng nhiều thì vẽ càng đẹp. Nếu con có mười cái hoa tay, con sẽ vẽ đẹp nhất lớp. Con viết chữ cũng đẹp nhất lớp.
Tôi hồi hộp nhìn chú Đàn săm soi từng ngón tay tôi. Có cảm giác như chú đang nghiên cứu những chiếc gân lá trên năm chiếc lá.
Tôi nín thở, hỏi:
- Con có mấy cái hoa tay hả chú?
Chú Đàn lắc đầu, thất vọng:
- Chẳng có cái nào hết.
Tôi lặp lại, buồn rười rượi:
- Chẳng có cái nào hết.
Trong một giây, tôi cảm thấy mắt tôi chợt tối đi. Trái tim tôi quặn thắt và rơi xuống một chỗ nào đó, rất xa, có thể là tận những đầu ngón chân.
- Con đừng lo! - Chú Đàn vừa nói vừa dùng ánh mắt để sưởi ấm tôi - Con đâu có biết vẽ bằng tay trái, đúng không? Tay phải mới quan trọng. Nào, con đưa tay phải ra đây!
Tôi như vừa được vớt lên từ dưới suối.
Tôi lật đật chìa tay phải ra và chú Đàn thận trọng nâng bàn tay tôi lên sát mắt, lần này động tác của chú hết sức từ tốn, như thể chú cho rằng những cử động mạnh sẽ khiến vân tay của tôi xô lệch đi. Ngay cả khi kiếm tìm những đường vân tròn trên từng ngón tay tôi, trông chú cũng chăm chú hơn, tôi thấy môi chú mím chặt và mày chú nhíu lại, tưởng như chú đang quan sát những con bọ qua kính lúp.
- A, có một cái đây rồi! - Chú hét lên sung sướng.
- Hoa tay hở chú? - Tôi nôn nao buột miệng, cố kềm một tiếng reo vì sợ mình nghe nhầm.
- Ờ, hoa tay! - Gương mặt chú Đàn sáng bừng như có một ngọn nến vừa thắp lên trong mắt chú - Có một cái hoa tay trên ngón cái.
Tôi run run hỏi:
- Chú ơi, thế còn những ngón khác?
Chú Đàn chẹp chẹp miệng:
- Chờ đã!
Chú lại nghiêng đầu, mân mê từng ngón tay tôi bằng cả tay lẫn mắt, miệng lẩm bẩm xuýt xoa:
- Ngón trỏ, chậc, hỏng rồi!
- Ngón giữa. Ôi, sao ngón này cũng chẳng thấy gì!
- A, có đây rồi. Một cái hoa tay nữa nè!
Tôi lại hỏi, như người mơ ngủ:
- Hoa tay hở chú?
- Ơ, cái thằng này! - Chú Đàn mắng tôi nhưng mắt chú nói điều ngược lại - Chú đang tìm hoa tay của con mà.
Nhưng đó là cái hoa tay cuối cùng chú tìm được. Ngón út tay phải của tôi chẳng có cái hoa tay nào. Như vậy tôi có cả thảy hai cái hoa tay. Một trên ngón cái và một trên ngón áp út.
Chú Đàn bảo tôi nhìn vào đầu mỗi ngón tay và chú bắt đầu giảng giải. Đúng như chú Đàn nói, những đường vân trên đầu ngón tay áp út bên phải của tôi tròn quay, vòng bên trong nhỏ nhất, bé bằng hạt tấm, rồi tới những vòng lớn hơn xếp thành từng lớp trông hệt như những vòng sóng khi tôi nghịch ngợm ném một hòn sỏi xuống mặt ao. Hoa tay trên ngón cái của tôi không đều đặn bằng, những đường vân xoắn vào nhau như vũng nước xoáy nhưng chú Đàn bảo nó chính là hoa tay đấy con, chỉ có điều cái hoa này không đẹp bằng cái hoa kia. Chú nhìn ra sân nắng, nheo nheo mắt:
- Con nhìn ra sân mà xem. Có rất nhiều loài hoa, nhưng không phải các loài hoa đều đẹp như nhau, đúng không?
Kể từ hôm đó, gặp ai tôi cũng tóm lấy, đòi xem hoa tay.
Thằng Tường em tôi có sáu cái hoa tay khiến tôi sửng sốt:
- Ôi, sao mày nhiều hoa tay thế này. Mai mốt lớn lên mày viết và vẽ đẹp lắm đấy!
- Hoa tay là gì hở anh? - Tới phiên thằng Tường hỏi tôi. Và tôi lại giảng giải cho nó.
Nó tròn mắt nhìn tôi:
- Thế anh có mấy cái hoa tay?
Tôi thở dài:
- Tao chỉ có hai cái à.
Giọng tôi thất vọng như thể tôi chỉ có hai cái răng hoặc hai ngón chân.
Tường kiểng chân lên để có thể bá vai tôi:
- Nhưng dù thế em cũng không thể vẽ đẹp bằng anh. Bao giờ anh cũng là người vẽ đẹp nhất.
Nghe Tường nói vậy, tôi cảm thấy mình được an ủi một chút.
Đến lớp, tôi chộp tay từng đứa bạn, săm soi.
Và tôi buồn nẫu ruột khi nhận ra đứa nào cũng nhiều hoa tay hơn tôi.
Riêng con Mận, ngón tay nào của nó cũng có hoa tay. Các đường vân tròn xoay, đều tăm tắp. Tôi nhìn những ngón tay nở hoa của nó, nói giọng ghen tị:
- Mày nhiều hoa tay thật đấy. Nếu mỗi bàn tay của mày có sáu ngón như ông Năm Ve, chắc mày có tới mười hai cái hoa tay.
Con Mận rụt cổ:
- Eo ôi, mình sợ lắm! Mình không cần tới mười hai cái hoa tay đâu!
Chương 2 - Những ngón tay
Từ hôm đó, tôi có thói quen ngắm nghía hai bàn tay của mình.
Trước nay, tôi chưa bao giờ quan tâm đến chúng. Tôi sai bảo hai bàn tay làm cái này cái nọ, chép bài, gọt bút chì, gãi lưng, đấm nhau với tụi bạn, giật tóc con Mận, đem chiếc ghế từ chỗ này sang chỗ khác, và thường là tôi quên mất chúng.
Bây giờ ngồi phơi nắng một mình ngoài vỉa hè, tôi mới có thì giờ nhìn ngắm hai bàn tay của mình. Có bao giờ bạn nhìn ngắm hai bàn tay của bạn không? Nếu có lần nào bạn nhìn ngắm hai bàn tay của bạn, bạn sẽ thấy chúng thật là ngoan.
Bạn không cần nói ra miệng, bạn chỉ ra lệnh trong đầu thôi, chẳng hạn "Đưa lên", bàn tay sẽ nghe lời bạn ngay tức khắc. Cả hai bàn tay đều đưa lên, nếu bạn muốn cả bàn tay trái lẫn bàn tay phải cùng nghe lời. Nếu bạn muốn chúng nắm lại, chúng sẽ nắm lại. Bạn bảo "Tụi bay đứng im, chỉ ngón tay cái nhúc nhích thôi", ngón tay cái sẽ nhúc nhích trong khi những ngón còn lại không dám cựa quậy.
Bàn tay của bạn không bao giờ chống lại bạn, nên người lớn thường sai bảo bàn tay làm đủ thứ việc, từ những việc tốt như "Đóng cho tao cái đinh này" hoặc "Giặt cho tao chiếc áo kia" đến những việc không tốt như bóp cò súng hay kích nổ một quả bom.
Nếu bạn là trẻ con thì chắc bạn cũng làm như tôi thỉnh thoảng vẫn làm tức là sai ngón tay ngoáy mũi hay sai nó bẹo tai cô bạn học ngồi cạnh, tức là những chuyện mà ba mẹ và cô giáo tôi cấm ngặt.
Nói chung, hai bàn tay của chúng ta rất ngoan, chúng thường nằm im chờ chúng ta sai khiến. Trong khi chúng ta chẳng hề thương xót chúng, thỉnh thoảng lại bắt chúng làm những việc nguy hiểm khiến chúng bị trầy xước hoặc chảy máu rất nhiều.
Tôi yêu hai bàn tay của mình lúc ngồi ngắm chúng, thường là vào lúc mẹ tôi vừa cắt móng tay cho tôi xong. Lúc đó những ngón tay giống như những đứa trẻ vừa được tắm gội, nom sạch sẽ và gọn gàng.
Khi săm soi hai cái hoa tay trên ngón cái và ngót áp út ở bàn tay phải, tôi yêu hai ngón tay này quá, thậm chí có một chút gì đó tự hào. Giống như bạn có mười đứa con, nhưng chỉ hai đứa học giỏi mới có thể khiến bạn nở mặt với hàng xóm "Hai thằng cu nhà tôi mới vừa đỗ đại học đó, chị!", có khi bạn còn hãnh diện khoe thêm: "Chẳng thấy tụi nó ôn bài gì cả mà vẫn thi đỗ như chơi chị à" để được nghe láng giềng của bạn xuýt xoa "Ồ, hai thằng bé thông minh ghê".
Những ngón tay còn lại, tôi cũng yêu, yêu nhiều hơn là đằng khác, theo kiểu bố mẹ yêu những đứa con không may. Tôi lẩn thẩn nghĩ nếu sau này tôi lớn lên, lấy vợ và sinh được mười đứa con tôi sẽ cố yêu mười đứa như nhau dù chắc chắn trong mười đứa đó đứa kém thông minh sẽ kém thông minh hơn đứa thông minh, đứa kém xinh đẹp sẽ kém xinh đẹp hơn đứa xinh đẹp, hẳn thế.
Hai bàn tay của ta giống như những người bạn thân, luôn chia sẻ với ta mọi vui buồn trong cuộc sống. Bạn cứ ngẫm mà xem, có phải khi bạn mừng rỡ hay phấn khích, hai bàn tay hăng hái vỗ vào nhau để nhân đôi niềm vui trong lòng bạn. Khi bạn khóc, hai bàn tay lại thay phiên nhau kiên trì lau khô những giọt lệ lăn tròn trên gò má bạn. Hai bàn tay lúc đó giống như những chú chim vàng anh trong cổ tích, cần mẫn tha từng hạt cườm long lanh trên mặt bạn đem gửi vào nắng, vào gió, vào mưa để một chốc sau sự tươi tỉnh lại nhuộm hồng gương mặt mới đây còn tái xanh của bạn.
Từ khi nhận ra điều đó, tôi có thói quen thò tay ra ngoài cửa sổ bên bàn học.
Tôi tắm hai bàn tay của mình trong mưa để thấy những đầu ngón tay nhăn nheo như câu đố bọn trẻ con chúng tôi hay đố: "Một cây mà có năm cành / Nhúng nước thì héo để dành thì tươi".
Rồi sau đó tôi phơi chúng trong nắng như mẹ tôi vẫn phơi quần áo ngoài bờ dậu để hong khô những ngón tay dưới ánh mặt trời và nghe gió cù mơn man nhồn nhột.
Có lần con Mận qua nhà tôi chơi, thấy tôi đang thò tay ra bên ngoài cửa sổ, liền trố mắt:
- Bạn đang làm gì vậy?
- Tao đang phơi những ngón tay. Mày có bao giờ phơi những ngón tay không?
- Không.
- Thế khi tay mày bị ướt mày làm gì?
- Mình lau vào quần.
Tôi kêu lên:
- Eo ơi, ai lại lau tay vào quần!
Mấy hôm sau tôi qua nhà con Mận mua chai xì dầu (nhà nó bán tạp hóa), thấy nó ngồi trong nhà thò tay ra ngoài cửa sổ y hệt tôi, tôi sung sướng hỏi:
- Mày đang phơi hai bàn tay đấy à?
Để nghe nó sung sướng đáp:
- Ờ, mình vừa rửa chén xong.
Nhưng không phải lúc nào con Mận cũng đáp lời tôi bằng giọng reo vui như vậy.
- Mày đang phơi hai bàn tay theo kiểu mới à?
Lần khác tôi hỏi, khi thấy nó hai tay chống lấy cằm, cùi tay tựa lên bậu cửa sổ, thừ mặt trông ra.
- Không, mình có phơi hai bàn tay đâu. - Nó đáp, giọng rầu rầu - Mình đang phơi khuôn mặt.
- Mặt mày làm sao mà phơi? Mày vừa tắm xong à?
- Không. Mẹ mình vừa đánh đòn mình.
Tôi không hỏi nữa. Vì tôi hiểu rồi. Con Mận đang hong khô những giọt nước mắt. Tội nó ghê!
Chương 3 - Chú Đàn
Chú Đàn lớn hơn tôi tám tuổi.
Chú là em út của ba tôi.
Chú sống với bà tôi, vì chú là người con duy nhất chưa lập gia đình.
Nhà bà tôi và nhà tôi cách nhau không xa lắm nên tôi thường chạy qua chơi với bà tôi và chú Đàn thường qua chơi với hai anh em tôi.
Chú Đàn cụt một tay. Tay phải của chú cụt tới tận khuỷu, lúc chú đi ngoài đường một ống tay áo phất phơ như tay áo thằng bù nhìn giữ dưa, nhưng với cánh tay còn lại chú thổi acmônica hay nhất làng.
Ba tôi bảo trước đây chú phụ việc ở lò mía đường, chả hiểu thế nào (chắc là chú ngủ gục) tay chú bị cuốn vào cối xay mía, dập nát, bác sĩ phải cưa bỏ mới cứu được chú.
Hôm trước, lúc chú xem hoa tay cho tôi, tôi quên hỏi chú có mấy cái hoa tay. Điều đó làm tôi băn khoăn suốt ngày hôm đó.
Tối, tôi định chạy qua nhà bà để tìm chú thì chú đã tằng hắng ầm ĩ trước ngõ. Đó là cách ra hiệu của chú, kiểu như là "Thiều ơi, Tường ơi! Chú Đàn tới chơi nè!".
Tôi chạy bay ra ngõ ngay sau tiếng tằng hắng đầu tiên.
- Chú Đàn ơi! Chú có mấy cái hoa tay hở chú? - Tôi vừa chạy vừa hét lớn.
- Chú hả? - Chú xoa đầu tôi bằng bàn tay duy nhất - Trước đây chú có năm cái hoa tay. Nhưng bây giờ chẳng còn cái nào.
- Sao thế hả chú? - Tôi ngơ ngác - Những cái hoa tay cũng biến mất sao?
- Không phải là biến mất! - Chú Đàn cười khì khì, buông tay khỏi đầu tôi để mân mê mẩu tay cụt - Chỉ vì cả năm cái hoa tay của chú đều nằm ở bàn tay phải.
Bàn tay phải của chú tức là bàn tay dã bị cưa đi.
Đột nhiên tôi nói:
- Nhưng dù bàn tay phải của chú không còn nữa thì chú vẫn là người có năm cái hoa tay chứ?
Chú Đàn có vẻ ngạc nhiên trước lý lẽ của tôi. Chú tròn mắt nhìn tôi chằm chặp như thể mới thấy tôi lần đầu. Chú nhìn như thế một lúc lâu và không nói gì khiến tôi đâm chột dạ.
- Con nói không đúng hả chú? - Tôi lo lắng.
- Không! Con nói rất hay! Điều đơn giản thế mà lâu nay chú không nghĩ ra! Ha ha, hay quá! Thế là tôi vẫn có năm cái hoa tay, bà con ơi!
Tôi xác nhận với các bạn là chú Đàn vẫn còn năm cái hoa tay, dù không ai được nhìn thấy chúng nữa. Vì chú vẽ rất đẹp. Dưới mắt thằng Tường thì tôi là người vẽ đẹp nhất. Nhưng dưới mắt tôi thì chú Đàn mới là người số một. Các bài tập vẽ của tôi, lúc mê chơi tôi vẫn thường nhờ chú vẽ giùm và bao giờ các tranh vẽ của chú cũng đạt điểm cao nhất lớp.
Chương 4 - Chuyện ma của chú Đàn
Hồi đó, nhà tôi ở cạnh đường quốc lộ, sau nhà là một nghĩa trang rộng mênh mông. Nghĩa trang rộng đến mức ngay trong vườn nhà tôi cũng có hai ngôi mộ hoang trú ngụ từ rất lâu trước khi gia đình tôi dọn đến. Buổi tối ngồi trong nhà nhìn ra những đốm nhang lập lòe mẹ tôi vẫn thắp hằng đêm trước mộ, anh em tôi đứa nào cũng cảm thấy rờn rợn.
Đã thế, chú Đàn mỗi khi đến chơi lại hay tụ tập hai anh em tôi lại để nghe chú kể chuyện ma.
Chú Đàn thổi acmônica tuyệt hay nhưng có vẻ chú chẳng hứng thú biểu diễn cho bọn trẻ chúng tôi nghe. Nằn nì lắm, chú mới rút cây kèn trong túi áo ra, lướt khẽ trên môi, nảy ra vài giai điệu ngắn ngủi rồi lại nhét vô túi áo, nói "Chú hết hơi rồi". Trông chú như người vừa gặm phải một trái bắp thối.
Chú Đàn bảo hết hơi rồi nhưng lại nói "Để chú kể chuyện ma cho tụi con nghe" và lúc đó tôi thấy chú chẳng hết hơi chút nào hết. Chú kể liên tu bất tận, hết chuyện này đến chuyện khác. Chuyện nào của chú cũng rùng rợn, tôi chẳng rõ từ đâu chú biết lắm thế.
Chúng tôi ngồi dỏng tai nghe, thinh thích, sờ sợ, chốc chốc lại liếc mắt ra cửa, tim đập thình thịch khi bắt gặp những đốm lửa chỗ hai ngôi mộ ở góc vườn.
Chú Đàn kể chuyện cô Thoan đi hái củi trên rừng, bị ma giấu giữa bụi rậm suốt hai ngày, đến khi người nhà đốt đuốc đi tìm thấy cô ngất xỉu vì đói và vì rét. Về đến nhà, bụng cô mỗi ngày một lùm lùm, ba mẹ cô nghi cô tằng tịu với trai, tra hỏi đến mấy cô cũng chối không có, tức giận đánh cô chết đi sống lại mấy bận rồi giam cô trong nhà kho. Chín tháng sau cô đẻ ra một bọc vải điều mọi người mới biết là cô bị ma làm.
Chú lại kể chuyện thằng Ghế đi làm rẫy, trưa đứng bóng gặp ông Năm Ve dọc đường về, hỏi "Ba đi đâu đây?", nhưng khi về tới nhà thì thấy ba nó đang ngồi đánh cờ tướng với ông Bé hàng xóm, hỏi ra mới biết ba nó ngồi chơi cờ từ sáng đến giờ. Lần đó thằng Ghế bị ốm cả tháng trời, tưởng chết, còn bị ba nó mắng "Sao mày ngu thế? Giờ Ngọ là giờ ma trêu, thấy bất cứ ai quen hoặc nghe bất cứ ai gọi cũng không được lên tiếng. Mày gặp ma, mở miệng hỏi, chưa bị hớp mất hồn là phúc ba đời nhà mày đó".
Trong những câu chuyện của chú Đàn, tôi vẫn thích nhất chuyện ma nhà ông Ba Huấn.
Nhà ông Ba Huấn là ngôi nhà lầu hai tầng duy nhất trong làng, có căn gác gỗ, thằng Sơn con trai ông vẫn ngủ trên đó. Thằng Sơn đi ngủ chỉ mặc áo may-ô, trước khi ngã lưng thường cởi áo sơmi treo trên móc. Một sáng nọ thằng Sơn thức dậy vớ tay lấy chiếc áo, ngạc nhiên thấy chiếc áo màu trắng hôm qua tự nhiên biến thành màu hồng. Nó sờ tay vào, thấy nhơm nhớp, đem chiếc áo ra cửa trước săm soi, thấy chiếc áo dính đầy máu liền thét lên bài hãi, vứt chiếc áo xuống đất rồi co giò bỏ chạy.
Ông Ba Huấn mời thầy cúng tới. Ông thầy cúng sục sạo khắp nhà ba ngày rồi tuyên bố trong nhà có một con ma uất khí rất nặng. Ông Ba Huấn hỏi "Sao áo con tôi dính máu?". Thầy cúng nói "Đó là do nửa đêm con ma lấy áo cậu cả mặc chơi". Thầy cúng hỏi lại "Dạo này đồ ăn trong nhà có hay bị thiu không?". Bà Ba Huấn trợn mắt "Sao thầy biết?". Thầy cúng nhún vai "Biết chứ sao không. Đồ ăn thiu là do ma vọc".
Hôm sau ông Ba Huấn cắp ô đón xe ra thành phố đi tìm người chủ cũ. Lúc về bà vợ hỏi "Sao ông?", ông buồn thiu "Ổng xác nhận rồi. Con gái ổng lấy phải thằng chồng cờ bạc, về sau thằng này đi tù, con gái ổng buồn tình treo cổ chết trên lầu".
Ông Ba Huấn thuật lại cho ông thầy cúng nghe. Ông thầy cúng leo lên căn gác lần nữa, mò mẫm khắp các bức vách, tìm thấy một đường gờ hình chữ nhật, nói "Chỗ này hồi trước là cái cửa sổ, về sau ai đó xây bít lại". Ông giải thích "Trên lầu có bàn thờ phật, con ma không dám ở nên nó chạy xuống đây. Chủ nhà xây bít lại, nó chạy ra không được". Ông Ba Huấn tái mặt "Vậy phải làm sao?". Thầy cúng phán "Đục tường cho nó chui ra, xong mình bít lại như cũ".
Tôi hỏi chú Đàn:
- Làm sao biết con ma có chui ra hay không hở chú? Mình đâu có nhìn thấy nó!
Chú Đàn nheo mắt nhìn tôi:
- Người phàm mắt thịt không nhìn thấy ma, nhưng mấy ông thầy cúng thấy tất.
Thằng Tường khẳng định:
- Con ma không dám chui ra đâu.
Tôi hỏi:
- Sao?
Tường nói:
- Nó sợ mấy ông Phật trên lầu.
Chú Đàn nạt:
- Con ngốc quá. Con ma sẽ không sống trên lầu. Nó chỉ lên lầu lạy Phật thôi, sau đó đi đầu thai kiếp khác.
Thằng Tường chưa chịu thôi. Lần nào nó cũng hỏi câu cũ rích:
- Sao con ma không lẻn ra ngoài bằng cửa trước hả chú?
Để được nghe chú Đàn trả lời cũng bằng một câu cũ rích khác:
- Ma không bao giờ ra vào bằng cửa trước. Ma chỉ đi cửa sau hoặc cửa hông.
Chuyện ma nhà ông Ba Huấn chỉ có vậy nhưng hai anh em tôi rất thích. Lần nào nghe câu chuyện này tôi cũng mường tượng ra cảnh con ma lấy áo thằng Sơn mặc vào, lúc cởi ra áo đã dính đầy máu để nghe bụng thắt lại như có ai xoắn lấy. Tôi cũng thích hình dung ra cảnh con ma bị nhốt trong nhà, lúc đó chắc nó giống một đứa con nít, chắc nó cũng khóc hu hu nhưng nhà ông Ba Huấn không ai nghe thấy đó thôi.
Bọn tôi thích câu chuyện này đến nỗi hôm nào chú Đàn mải mê kể chuyện cô Thoan hay thằng Ghế là tôi và thằng Tường nhao nhao:
- Kể chuyện nhà ông Ba Huấn đi chú!
- Kể chuyện thằng Sơn liệng cái áo rồi bỏ chạy ấy.
Thế là chú Đàn chiều bọn tôi. Chú quấn ống tay áo vào cánh tay cụt, ý là sắp xếp tư thế cho gọn gàng rồi mỉm cười hắng giọng:
- Nhà ông Ba Huấn là ngôi nhà lầu hai tầng duy nhất trong làng, có một con ma từ thời chủ cũ...
Chỉ đợi có vậy, hai anh em tôi lập tức xích sát vào nhau, há hốc mồm ra nghe, tóc gáy dựng đứng, thích thú và sợ hãi.
Để nhấn chìm bọn tôi hơn nữa vào cơn sợ, lần nào kể xong chú Đàn cũng láo liên mắt nhìn ra cửa, rú khẽ:
- Ối! Ma! Ma! Nó kìa!
Và lần nào cũng vậy, chú Đàn vừa nhát ma là hai đứa tôi hét lên thất thanh, người bắn lên khỏi chỗ như đang ngồi trên cái cập kênh, hoảng sợ bỏ chạy tán loạn.
Nghe tiếng la bài hãi, ba tôi ở nhà trên hộc tốc lao xuống. Ông chắn ngang đường thoát thân của tôi và thộp lấy cổ tôi:
- Gì thế con?
Mặt cắt không còn hột máu, tôi chỉ tay về phía chú Đàn đang cười hăng hắc, miệng lắp bắp:
- Chú Đàn nhát ma.
Ba tôi chộp vội cây gậy đánh chó dựng bên vách, mắng:
- Tao đập mày nghe Đàn. Lớn đầu rồi mà chơi ngu thế!
Chú Đàn lao ra bóng đêm, nhanh như cắt. Ba tôi cầm gậy rượt theo. Tôi không biết ba tôi có đánh trúng chú Đàn được gậy nào không, chỉ nghe tiếng chân hai anh em đuổi nhau huỳnh huỵch quanh hè.
Chạy một lát, chú Đàn vù ra cổng, vọt lên đường lộ, phi thẳng về nhà bà. Lúc đó ba tôi mới thở phì phò hậm hực quay vô.
Tuổi thơ ấu của tôi, lần kể chuyện ma nào của chú Đàn cũng kết thúc với tiết mục đó. Những cuộc rượt bắt giữa ba tôi và chú chỉ chấm dứt từ ngày chú Đàn bỏ làng lặng lẽ đi tìm chị Vinh.
Chương 5 - Cây gậy của ba tôi
Cây gậy dựng bên vách, ban đêm ra đường ba tôi thường cầm theo để phòng chó dữ.
Tôi không biết ông từng đánh trúng con chó nào xông vào chân ông chưa. Cũng như tôi không biết ông đã lần nào quẹt được đầu gậy vào người chú Đàn.
Nhưng cây gậy đó đã nện lên lưng tôi và mông tôi nhiều lần.
Ba tôi là người hoạt khẩu. Ông nhiều lần chở tôi đi chơi, đến đâu tôi cũng thấy người ta mê tài nói chuyện của ông. Ông nói chuyện hoạt bát và hấp dẫn. Mỗi khi ông kể chuyện Tiết Đinh San hay Chung Vô Diệm, cả mấy chục người xúm xít nghe, mặt đờ ra như bị hút hồn.
Ông lại có tài đặt thơ.
Trong làng có ông Tư Cang góa vợ, sống với đứa con gái tên Bé Na. Ông Tư Cang nuôi hai con trâu, cổ con nào cũng đeo lục lạc, mỗi khi trâu chạy lạc, ông lần theo tiếng leng keng để đi tìm. Lúc đầu hai con trâu của ông đi tới đâu, con nít xúm lại tới đó. Nghe tiếng lục lạc, chúng tưởng xe cà rem dạo. Từ đó người làng gọi ông là "ông già cà rem".
Hai cha con ông Tư Cang sống bằng nghề gặt thuê. Một hôm hai cha con đang lui cui gặt, nhằm bụi lúa có tổ ong lá. Con Bé Na bị ong đốt vào mông, kêu ầm. Ông Tư Cang quýnh quíu xông vô "Chi vậy con? Chi vậy con?", bầy ong bay ra, chích vô háng ông. Ông quăng liềm hái, chạy một mạch. Chạy một đỗi xa, ông vạch háng ra xem, than trời như bộng.
Ba tôi đặt thơ trêu ông, bữa sau bọn con nít chăn bò đi đâu cũng nghêu ngao:
- Ong vừa mới chích Bé Na / Chừ quay sang chích ông già cà rem / Ông già vạch háng ra xem / Mới hai hòn đó chừ thêm một hòn.
Giỡn chơi vậy thôi mà ông Tư Cang xách rựa đi lùng ba tôi suốt một tuần.
Lại chuyện ông Cả Hớn trúng số. Cả Hớn cả đời mới mua một tờ vé số, nghĩ không bao giờ trúng, lấy cơm nguội dán tờ vé số vô cây cột cái giữa nhà để trang trí. Nào ngờ lần đó Cả Hớn trúng thật, lại trúng độc đắc.
Cả Hớn mừng quýnh, kẹt nỗi không làm sao gỡ tờ vé số ra khỏi cây cột. Cố gỡ thì sợ rách, Cả Hớn cưa luôn cây cột, vác xuống đường lộ, đón xe ra thành phố lãnh giải. Cuối cùng Cả Hớn cũng lãnh được tiền, nhưng dọc đường đi cây cột trên vai Cả Hớn đụng ngã cả chục người. Không ai chết, nhưng tiền bồi thường cho nạn nhân thuốc men và nằm nhà thương ngốn gần hết tiền trúng số. Mất cây cột cái, mái nhà võng xuống, vài hôm sau gặp mưa lớn, sập luôn. Vợ chồng con cái Cả Hớn nhanh chân chạy thoát, nhưng hôm sau Cả Hớn phải đi vay nợ khắp nơi để dựng lại nhà, mồm miệng lệch qua một bên như bị trúng gió.
Ba tôi tức cảnh sinh tình:
- Trúng số cứ tưởng trúng bom / Hết ôm cây cột tới ôm nợ nần.
Con nít hát trêu hôm trước, hôm sau ông Cả Hớn đến nhà tìm ba tôi. Ông đi tay không, chỉ để mếu máo:
- Anh Sáu nói đúng. Nhà tôi bây giờ tan hoang như thể trúng bom. Anh làm ơn cho tôi vay một ít.
Ba tôi ra ngoài thì hoạt bát, vui vẻ như vậy nhưng về nhà rất hay nổi cộc. Anh em tôi ăn đòn của ba tôi khá thường xuyên. Ba tôi không biết kiếm đâu ra cây roi mây, giắt trên vách. Mỗi lần anh em tôi làm điều gì lầm lỗi, ông bặm môi rút cây roi một cái "sột", quất một cái "vút". Tôi ăn roi mây, đau vãi ra quần, lằn ngang lằn dọc khắp người.
Mẹ tôi hãi quá, len lén rút cây roi trên vách giấu đi. Lúc nổi giận tìm không thấy cây roi, ba tôi vớ cây gậy đánh chó vụt đen đét vào lưng tôi.
Thế là mẹ tôi lại lén lút cắm cây roi vào chỗ cũ.
Từ bữa đó anh em tôi ăn đòn bằng cả roi lẫn gậy.
Chương 6 - Nhà con Mận
Bất cứ đứa trẻ con nào cũng có hàng trăm lý do, hàng trăm tội lỗi để bị ăn đòn.
Một trong những cái tội lớn nhất của tôi là tội sợ ma.
Tôi sợ ma, không dám đi ngang nghĩa trang vào ban đêm, mặc dù ban ngày nghĩa trang là một sân chơi kỳ diệu với bọn trẻ chúng tôi. Tôi theo đám bạn chăn bò chạy nhảy qua những mô đất, nô đùa với trò chơi u, chơi rượt bắt và cuối cùng bao giờ chúng tôi cũng chơi trò ưa thích nhất là thả diều. Cái cảm giác kéo một chú diều giấy chạy ngược gió để sung sướng nhìn nó bay lên, tay không ngừng nới lỏng cuộn dây cước rất giống với cảm giác mình đang nâng đỡ cả bầu trời. Tôi thả hết sợi cước trong tay, cột một đầu dây vào gốc cây dương liễu rồi gối đầu trên khúc gỗ mục, ngửa mặt nhìn lên bầu trời xanh ngắm những cánh diều bay lượn.
Thế nhưng khi bóng đêm thả xuống những mảng tối, thế giới quanh tôi bỗng mang một bộ mặt khác. Nghĩa trang ban đêm đom đóm chập chờn bay lẫn với ma trơi, mỗi lần buộc phải đi ngang tóc gáy tôi dựng đứng. Những câu chuyện ma của chú Đàn lần lượt hiện ra trong óc khiến tôi muốn xỉu.
Tiệm tạp hóa nhà con Mận cách nhà tôi một quãng xa, mẹ tôi lại hay sai tôi sang nhà nó khi thì mua cái hột vịt khi thì mua chai nước mắm, toàn vào những lúc tối mịt. Đối với tôi, đó là một cực hình.
Năm đó tôi học lớp bảy, đã mười ba tuổi, nhưng vẫn còn sợ ma. Tôi sợ sệt đi ngang nghĩa trang dưới ánh sao mờ, cứ có cảm giác ai đang đi sau lưng mình. Khi ngoảnh cổ nhìn ra sau thì không thấy ai. Nhưng hễ quay lại là tôi nghe có tiếng chân bước ngay sau lưng. Tôi sợ quá, co cẳng chạy, người phía sau cũng chạy theo tôi, tiếng chân thình thịch khiến tôi muốn són ra quần. Lần nào cũng vậy, tôi vừa ló đầu vô quán là con Mận ngạc nhiên hỏi "Làm gì Thiều hớt hơ hớt hải thế?". Tôi không dám nói là tôi sợ ma. Tôi bảo chó rượt. Nhìn mặt tôi biết con Mận không tin, nhưng nó không nói gì. Nhà tôi cách nhà nó một nghĩa trang, ở giữa không có nhà nào khác nên không thể có con chó nào khác trừ con Vện nhà nó.
Con Vện nhà con Mận là một con chó già. Mắt nó bị lòa, gần như không nhìn thấy gì. Tai và mũi nó không còn thính nhạy nữa, nhưng dĩ nhiên tôi vào nhà thì nó vẫn biết. Nó nằm yên dưới gầm giường, mông quay về phía tôi và vẫy đuôi chào tôi một cách biếng nhác.
Con Vện giống hệt chủ của nó. Ba con Mận cũng bị bệnh thong manh, tôi nghe ba tôi nói thế. Trước đây, lúc mắt còn tinh, ông hành nghề cắt tóc. Ông là một trong hai người thợ cắt tóc trong làng. Nhưng ông oách hơn, ông cắt tóc ở nhà, có treo tấm giấy các-tông trước cửa, ghi nguệch ngoạc: HỚT TÓC. Ông thợ kia là người hớt tóc dạo. Một thời gian dài, tôi cắt tóc chỗ ba con Mận.
Nhưng rồi ba tôi không cho tôi cắt tóc ở chỗ ông nữa. Một lần ông suýt cắt đứt tai người này, lần khác ông làm chảy máu cằm người khác. Đến một ngày, người làng thấy da ông ửng đỏ, rồi nửa tháng sau trên làng da đỏ hiện lên những vảy trắng. Ông vừa cắt tóc vừa gãi. Khi ông gãi, những vảy trắng tróc ra, bay khắp nơi như bụi phấn. Người ta đồn ông bị bệnh phong. Có người bảo chính bệnh phong đã làm hỏng đôi mắt ông. Chẳng biết điều đó đúng không nhưng khách cắt tóc lảng dần.
Chẳng bao lâu tiệm hớt tóc đóng cửa. Mẹ con Mận mở tiệm tạp hóa để kiếm sống qua ngày.
Tối nào cũng vậy, vừa cầm cái hột vịt hay chai nước mắm con Mận đưa là tôi cắm cổ chạy vù về nhà, hai mắt gần như nhắm tịt để tia nhìn khỏi bị hút về phía nghĩa trang. Rất nhiều lần tôi vấp té dọc đường, đồ cầm trên tay bị vỡ nát, về đến nhà nếu lòng trắng lòng đỏ không nhoe hoét khắp người thì đầu cổ cũng nồng nặc mùi nước mắm.
Ba tôi bắt gặp thế nào cũng vụt gậy vào lưng tôi. Mẹ tôi can "Ông ơi, con nó sợ ma". Ba tôi càng vụt tợn, vừa vụt gậy vừa gầm gừ "Ma với cỏ này! Lớn tồng ngồng rồi mà còn sợ ma này!".
Thế là lưng tôi nổi lằn.
Thế là tối đó mẹ tôi vừa khóc vừa lấy muối đắp lên lưng tôi
Chương 7 - Thằng Tường
Thực ra tuổi thơ tôi không ăn đòn thường xuyên bằng thằng Tường, em tôi.
Tường là một thằng nhóc rất đẹp trai. Nó đẹp ngay từ khi còn bé. Tường mang khuôn mặt thanh mảnh của mẹ tôi và đôi mắt to với cặp lông mi dài của ba tôi. Tóc nó dày, mịn như tơ, da trắng hồng, miệng rộng với hàm răng trắng và đều tăm tắp như những viên đá cuội được mài dũa và sắp xếp cẩn thận. Mỗi khi Tường cười có cảm giác gương mặt nó đang tỏa sáng. Nụ cười đó, gương mặt đẹp như thiên thần đó luôn đem lại cho người đối diện một niềm vui khó giải thích.
Thế nhưng trong hai anh em tôi, nó là đứa ăn đòn của ba tôi nhiều nhất, không phải vì nó quỷ quái gì mà vì nó có một ông anh quỷ quái.
Một lần, tôi rủ nó trốn ngủ trưa chạy qua bãi đất trống cạnh nhà chơi trò ném đá.
Làng định xây trạm xá trên bãi đất này, đá ba lát mua về chất đống nhưng rồi thiếu tiền nên cứ để mãi.
Đá ba lát to bằng nắm tay, rắn như thép, các cạnh lại nhọn sắc, ném trúng là vỡ đầu, thằng Tường hãi lắm.
Nó tần ngần nhìn đống đá, rụt cổ:
- Em không chơi trò này đâu. Rủi trúng vào đầu thì chết!
- Chết sao được mà chết. - Tôi trấn an nó - Tao và mày đứng thật xa ném nhau, thấy hòn đá bay tới là mình nhảy tránh. Đứng xa thì rủi đá trúng vào người cũng chẳng hề hấn gì.
Tường có vẻ không bị tôi thuyết phục. Nó nhìn lên cành phượng đỏ rực bên kia đường:
- Hay mình hái nhụy hoa phượng chơi trò đá gà đi, anh.
Nhụy hoa phượng có cọng dài và mảnh, đầu hình hạt gạo, màu nâu. Trẻ con bọn tôi hay chơi trò đá gà bằng nhụy hoa phượng. Hai con gà là hai cái nhụy móc đầu vào nhau, giựt mạnh, đầu gà nào đứt trước là gà ấy thua. Mỗi độ hè về, tôi cũng hay chơi trò đá gà bằng nhụy hoa phượng, nhưng lúc này tôi đang thích trò ném đá.
Tôi bĩu môi:
- Đó là trò con gái. Tao và mày là con trai. Con trai phải chơi trò ném đá hoặc phóng dao.
Tôi nhìn thằng Tường qua khóe mắt, láu lỉnh:
- Hay mày muốn chơi trò phóng dao?
Nghe hai chữ phóng dao, thằng Tường sợ run:
- Thôi, anh và em chơi trò ném đá đi!
Nói xong, thằng Tường co giò chạy ra thật xa. Nó chạy tuốt ra sát đường lộ rồi quay đầu lại:
- Em đứng chỗ này được chưa?
- Ờ, mày đứng đó đi. Bắt đầu ném nha.
Tôi nói, và cuối xuống lượm hai hòn đá ba lát, mỗi tay một hòn.
Thằng Tường cũng lật đật thủ đá trong tay.
Tôi đứng sát rìa nghĩa trang, thằng Tường đứng cạnh đường lộ thi nhau ném. Suốt một tiếng đồng hồ cứ như có một cơn mưa đá trút xuống buổi chiều chói chang. Những hòn đá bay lấp lánh trong nắng, kêu vù vù.
Thằng Tường ném khỏe hơn tôi. Những hòn đá nó ném ra bay nhanh và chính xác.
Tôi càng chơi càng quýnh, bị thằng Tường ném trúng cả chục lần. Đá bay sắp hết đà, chỉ va vào người, không đau lắm nhưng vẫn khiến tôi điên tiết. Điên nhất là tôi vẫn chưa ném trúng nó được lần nào.
Đã thế, cứ mỗi lần ném trúng tôi, thằng Tường lại thõng tay, giọng áy náy:
- Thôi, mình ngừng chơi nghe anh.
Tôi tự ái ghê gớm mỗi lần nghe nó nói thế.
- Không ngừng gì hết!
Tôi hậm hực đáp và nghiến răng liệng đá ra.
Thằng Tường có vẻ lúng túng trước sự hăng máu của tôi. Nó vẫn tiếp tục cuộc chơi để chiều tôi, nhưng những hòn đá của nó bắt đầu bay ngập ngừng và toàn lạc đi đâu xa lắc.
Biết nó cố tình ném trật, tôi lại càng sôi gan. Nhưng tôi không biết làm gì để trút giận.
Cuối cùng tôi nghĩ được một kế.
- Thôi, tao đầu hàng. - Tôi nói, ỉu xìu, và hạ tay xuống.
Tường mừng quýnh, nó đã muốn chấm dứt cuộc chiến không mong đợi này quá lâu rồi.
Nó chạy xô lại phía tôi, không mảy may ngờ vực, giọng ân cần:
- Anh có bị bầm chỗ nào không, để em vô nhà lấy dầu xức cho anh.
Tường không biết tôi vẫn nắm khư khư hòn đá ba lát trong tay.
Đợi nó lại gần, tôi mím môi vung tay ra.
Hoàn toàn bất ngờ, Tường không kịp né. Hòn đá đập ngay màng tang nó.
Thực lòng tôi không cố ý ném vào đầu Tường. Tôi chỉ hành động theo sự xúi giục của cơn giận.
Tường ngã bệt xuống đất, hai tay ôm đầu:
- Ối, đau em quá!
Tôi hoảng hốt chạy lại gỡ tay nó ra, giọng hồi hộp:
- Mày bỏ tay ra tao xem thử nào.
Tường bỏ tay ra, tôi xám mặt thấy những ngón tay nó dính đầy máu.
- Chết rồi! Chảy máu, mày ơi!
Tường lo lắng:
- Nhiều không anh?
- Hơi hơi thôi.
Tôi nói dối và một tay bịt vết thương trên đầu nó, tay kia đỡ lưng nó, tôi nói tiếp:
- Mày đứng lên đi. Tao dìu mày vô nhà lấy thuốc xức.
Tường đi bên cạnh tôi, mếu máo:
- Sao anh lại ném em? Anh bảo là anh đầu hàng rồi kia mà!
- Cái đó là trá hàng, tức là giả vờ đầu hàng đó, mày hiểu chưa? - Tôi chống chế - Khi đánh nhau, người ta phải dùng mọi mưu mẹo để giành chiến thắng. Có thế mới gọi là tướng tài.
Thằng Tường nghe tôi ba hoa, phục lăn. Nó quên mất cơn đau âm ỉ chỗ màng tang, miệng xuýt xoa:
- Mưu mẹo của anh hay thật. Em chả nghi ngờ gì cả. Lớn lên nếu đi đánh giặc thế nào anh cũng làm tới đại tướng.
- Chắc chắn rồi!
Tôi đáp, bụng ngập tràn hối hận. Tôi đã lừa em tôi, đã làm nó bị thương, thế nhưng nó vẫn luôn hồn nhiên tin tưởng tôi, kể cả những lời bốc phét khó tin nhất.
Tôi dìu Tường dọc bờ rào, đầu loay hoay nghĩ cách chuộc lỗi với nó. Tôi tự hứa với mình: mai mốt nếu thằng Tường gặp phải hoạn nạn gì, bị ba tôi phạt đánh đòn vì tội ham chơi bỏ bê bài vở chẳng hạn, tôi sẽ xung phong nhận tội thay nó, tôi sẽ nói với ba tôi là chính tôi xúi thằng Tường đi chơi...
Một giọng nói sang sảng thình lình vang lên cắt ngang những ý nghĩ tốt đẹp trong đầu tôi:
- Hai đứa bay không ngủ trưa trốn ra đây làm gì đó?
Không cần ngước mắt lên, chỉ nghe giọng nói lạnh lẽo kia xát vào tai, tôi đã run như cầy sấy, biết địa ngục sắp sửa trút xuống đầu.
Để ba tôi bắt quả tang hai anh em lang thang ngoài trưa nắng, cũng gần như để thần chết tóm được gáy.
Thế là không nói không rằng, tôi buông ngay thằng Tường ra, co giò phi một mạch qua nhà bà tôi.
Tôi trốn ở nhà bà tôi đến tối mịt, khi biết chắc ba tôi đã đi ngủ, tôi mới dám mò về nhà.
Tôi thậm thụt vô nhà bằng ngả sau, len lén đi về phía giường ngủ trên những đầu ngón chân, sè sẹ phủi chân rồi vén mùng rón rén chui vô.
- Anh hai hả? - Tiếng thằng Tường thì thào.
- Ờ, tao đây. - Tôi thì thào lại - Ba mẹ ngủ hết rồi hả?
- Dạ.
- Đầu mày hết đau chưa?
- Còn đau sơ sơ.
Đang nói, thằng Tường bỗng la "oái" một tiếng.
- Khe khẽ thôi mày! - Tôi giật mình - Gì vậy? Tao có đụng vô đầu mày đâu.
- Nhưng anh đụng vô người em.
Tôi sực nhớ ra:
- Hồi trưa chắc mày te tua với ba hả?
- Anh cũng biết rồi mà.
Tôi rùng mình nhớ đến cây gậy đánh chó dựng ở góc nhà và cây roi mây ba tôi giắt trên vách, bỗng thấy thương em tôi vô vàn. Tôi nói và nghe cay cay nơi mắt:
- Mày đừng giận tao nghe. Hồi trưa đáng lẽ tao không nên bỏ chạy. Nếu ba đánh đòn cùng lúc hai đứa, tao đã san sẻ được với mày. Và mày sẽ ăn đòn ít hơn.
- Anh bỏ chạy là đúng rồi. - Thằng Tường thò tay nắm tay tôi - Anh là anh Hai, nếu anh đứng đó, em ăn đòn ít hơn nhưng anh sẽ chết với ba.
Thằng Tường không trách móc gì, tôi càng bứt rứt tợn.
Tôi lục lọi trong óc những từ ngữ tồi tệ nhất để rủa sả mình. Và mấy ngày sau, nhân cả nhà đi vắng tôi rủ Tường ra sau hè ngồi đánh bài cát tê, bị ba tôi tình lình về nhà nhìn thấy, tôi lập tức quên hết những lời tự thề thốt, lại ba chân bốn cẳng vù ra cổng để mặc thằng Tường ở lại một mình chịu trận.
Chương 8 - Mê truyện
Đôi khi tôi có cảm tưởng tôi là em, còn thằng Tường là anh.
Mẹ tôi hay mắng tôi mỗi khi tôi tranh ăn với Tường:
- Con là anh, con phải nhường nhịn em!
Nhưng trên thực tế, toàn thằng Tường nhường nhịn tôi, từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ.
Chẳng phải Tường sợ gì tôi, dù tôi luôn bắt nạt nó. Tường nhường tôi chỉ vì nó là đứa em rất thương anh.
Nó thương tôi và phục vụ tôi. Vì tôi học giỏi, năm nào cũng lãnh phần thưởng đem về.
Tường mân mê hộp bút chì và những cuốn tập gói trong giấy kiếng màu tôi đặt trên chiếc bàn chính giữa nhà, rồi ngước nhìn tôi, mắt lấp lánh niềm vui và sự ngưỡng mộ, miệng không ngớt xuýt xoa:
- Thích quá! Không biết bao giờ em mới học giỏi được như anh.
Một đứa con học giỏi luôn luôn là đứa con được hưởng lợi nhiều nhất trong nhà.
Mẹ tôi hay mắng tôi, hay bảo tôi nhường nhịn Tường nhưng khi trong nhà có việc mẹ tôi ít khi đụng đến tôi. Chạy qua nhà bà mượn cái thúng, cái nia, qua nhà hàng xóm xin rơm về lót ổ cho gà đẻ hay xách nước đổ vô lu mẹ tôi toàn sai thằng Tường. Chỉ vì lý do: "Để cho anh Hai con học bài!".
Thằng Tường thay tôi gánh hết việc nặng việc nhẹ trong nhà, mặt mày lúc nào cũng vui vẻ, tuyệt không oán thán một câu.
Vì nó cũng nghĩ như mẹ tôi: "Để cho anh Hai học bài!".
Trừ những lúc ba tôi nổi cộc trút mưa roi lên người tôi, thời gian còn lại tôi chẳng khác nào ông vua con trong nhà, chả phải mó tay vào việc gì. Sau này, ba tôi đi xin việc ngoài thành phố, mỗi cuối tuần mới về nhà, những trận mưa roi gần như tạnh hẳn.
Trong hoàn cảnh đó, tôi đã giỏi càng học giỏi, thằng Tường đã kém càng học kém.
Tường gồng gánh nhiều việc nên ít có thì giờ mó tay vào bài vở, nhưng nó xem đó như là số phận của mình và nó chấp nhận cái phần số hẩm hiu đó một cách nhẹ nhõm, miễn sao tôi học cao thiệt cao, mai mốt trở thành bác sĩ hay kỹ sư và nếu có giặc giã thì tôi ráng làm tới đại tướng để nó có lý do để tự hào.
Tường học hành ì ạch nhưng rất mê đọc sách.
Trong khi tôi chả bao giờ sờ tới một quyển sách thì thằng Tường đi đâu cũng nhét sách trong túi quần. Quần không có túi thì nó lận sách vào thắt lưng.
Bất cứ lúc nào rảnh là nó lôi sách ra say sưa dán mắt vào những trang chữ. Nằm bò ra trên cỏ hàng giờ để đọc sách đối với nó là một điều vô cùng thú vị. Nó đọc sách cả khi ngồi thõng chân trên thành giếng hay đang vắt vẻo trên cành ổi sau vườn.
Lần nào bắt gặp cảnh đó, tôi cũng gắt om:
- Mày không sợ té gãy cổ hả Tường!
Bạch Tuyết và bảy chú lùn, Công chúa ngủ trong rừng, Cô bé Lọ Lem và hàng mớ những chuyện khác, Tường thuộc vanh vách.
Những chuyện đó tất nhiên tôi cũng biết. Nhưng tôi toàn nghe ba tôi và chú Đàn kể. Tự mình mày mò trên những trang sách đặc chữ để lượm từng mẩu chuyện nhét vào trí nhớ là một gánh nặng đối với tôi.
Tường mê đọc sách, tự nhiên tôi được hưởng lợi.
Tôi không cần rớ tới một quyển sách nào vẫn biết được bao nhiêu là chuyện hay.
Tối, lúc hai anh em đã chui vô giường, tôi thường gạ nó kể chuyện cho tôi nghe. Tôi nghe và tôi ngủ lúc nào không hay.
Tối hôm sau tôi lại hỏi "Hôm qua mày kể đến chỗ nào hả Tường?".
Chương 9 - Chuyện cóc tía
Thằng Tường đọc được rất nhiều chuyện hay. Nhưng nó đặc biệt thích chuyện Cóc tía. Trong khi tôi thấy chuyện đó dở tệ.
Chuyện kể về một chàng thư sinh nhà nghèo nhưng chăm học.
Ban ngày chàng thư sinh vào rừng hái củi đem bán để lấy tiền mua gạo và mua dầu đèn. Ban đêm chàng cặm cụi đọc sách cho đến lúc gà hàng xóm gáy lần thứ hai mới đi ngủ.
(Chắc chắn chàng thư sinh này đọc sách giáo khoa để đi thi chứ chẳng phải đọc truyện như thằng Tường).
Nhà chàng chỉ là một túp lều con, tài sản vỏn vẹn một con dao quắm và một chồng sách.
Làm bạn với chàng chỉ có một con cóc tía, những buổi chàng học khuya con cóc nhảy ra quanh quẩn ở dưới chân chàng, đớp gọn những con muỗi bay vo ve.
(Thằng Tường đặc biệt thích đoạn này, nó có thể đọc thuộc lòng đoạn văn bằng giọng ngân nga thích thú).
Rồi tới ngày chàng lên kinh ứng thí, cóc tía cũng đi theo. Dọc đường chàng dùng viên ngọc thần của cóc tía để cứu sống một người bạn xấu.
Khi biết đó là viên ngọc có khả năng cải tử hoàn sinh, người bạn xấu liền ra tay chiếm đoạt viên ngọc của chàng thư sinh.
Lúc ấy, công chúa trong cung tự nhiên lâm trọng bệnh. Nhà vua và hoàng hậu vội gọi ngự y tới cứu chữa, nhưng các quan ngự y đều bó tay. Nhà vua hấp tấp treo bảng tìm danh y, thông báo khắp kinh thành: "Ai cứu sống công chúa sẽ được tuyển làm phò mã".
Tin đó tới tai cóc tía. Cóc tía nói với chủ: "Đây là dịp tốt để ta lấy lại viên ngọc và tìm ra kẻ cắp". Hôm sau, tên ăn cắp ngọc đội lốt danh y vào cung chữa bệnh cho công chúa, chàng thư sinh và cóc tía tìm cách lẫn vào hàng các quan văn võ để đi theo.
Tới nơi, tên bạn xấu rút viên ngọc ở trong túi ra đặt vào mũi công chúa nhưng công chúa vẫn nằm bất động trước sự sốt ruột của nhà vua và hoàng hậu.
Giữa lúc đó, chàng thư sinh rẽ đám đông tiến lại trước mặt nhà vua, chàng vừa nói vừa chỉ vào mặt tên cắp:
- Tâu bệ hạ, trước hết xin bệ hạ hãy cho bắt giam tên này lại.
Chàng cầm lấy viên ngọc rồi chỉ vào cóc tía – bây giờ đã nằm gọn trên bàn tay của chàng – giảng giải cho mọi người nghe đây là viên ngọc cải tử hoàn sinh của cóc thần. Chỉ có cóc thần và chàng mới dùng được viên ngọc này để cứu sống người chết. Tên kia là kẻ cắp nên không biết rằng viên ngọc chỉ phát huy tác dụng nếu được sự đồng ý của cóc thần.
Đoạn, người thư sinh nhẹ tay đặt viên ngọc vào mũi công chúa. Quả nhiên, công chúa bỗng cựa mình và dần dần hồi tỉnh trước sự reo mừng của mọi người.
Đoạn kết thì dĩ nhiên là thế này:
Sau khi công chúa được cứu sống, nhà vua bèn nhận chàng thư sinh làm phò mã.
Sau đó, chàng làm bài xuất sắc nhất trong trường thi và đỗ trạng nguyên.
Sau đó nữa thì chàng lại được toàn thể triều thần tôn lên giữ chức tể tướng.
Chương 10 - Cu cậu
Tôi không hiểu tại sao thằng Tường lại thích câu chuyện dở ẹc đó.
Lần nào cũng vậy, hễ tôi kêu nó kể chuyện bao giờ nó cũng kể chuyện Cóc tía trước tiên.
- Thôi, kể chuyện khác đi! - Tôi gạt phắt - Cóc tía, cóc tía hoài!
Tường kể chuyện khác. Nhưng qua hôm sau, khi hai anh em phủi chân chui vô mùng là nó lại lôi chuyện Cóc tía ra kể.
Nó cóc tía hoài đến mức tôi bực mình tuyên bố thẳng:
- Từ nay về sau mày đừng bao giờ kể chuyện Cóc tía với tao nữa nghe Tường!
Chỉ đến hôm tình cờ nhìn thấy một con cóc dưới gầm giường, tôi mới vỡ lẽ tại sao Tường thích câu chuyện này đến vậy.
Con cóc tôi nhìn thấy dĩ nhiên không phải là cóc tía. Chú Đàn bảo cóc tía chỉ sống trên những ngọn núi cao, ven bờ nước hay ao hồ có nhiều cây cỏ, da có màu đỏ tía hay đỏ vàng.
Con cóc đang ngồi chồm chỗm trước mặt tôi giống như mọi con cóc tôi từng nhìn thấy: da xam xám, xù xì, dáng ngồi giống như vận động viên đang thủ thế trên bục xuất phát để chuẩn bị thi chạy 100 mét. Khi tôi ngồi xổm xuống trước mặt nó tò mò quan sát thì nó cũng giương cặp mắt lồi ra nhìn tôi đầy tư lự, có vẻ đang tự hỏi tôi là ai mà bây giờ nó mới nhìn thấy.
Tôi đang ngắm nghía con cóc thì Tường ở ngoài bước vô.
- Con cóc mày nuôi đấy à? - Tôi hỏi.
- Dạ.
- Mày đem ở đâu về thế?
- Nó ở đây từ hồi nào đến giờ, tại anh không thấy đó thôi. Hang của nó ở dưới chân giường mình.
Tường đáp và thảy xuống trước mặt con cóc bảy, tám xác ruồi nó vừa kiếm được bằng cái vỉ đập ruồi đan bằng nan tre còn cầm trên tay.
- Thức ăn của mày nè, Cu Cậu?
Con cóc nhảy tới, cái lưỡi nhọn thò ra thụt vào nhanh như chớp, nhoáng một cái mớ ruồi đã biến sạch.
- Nó tên Cu Cậu à?
- Dạ. Em đặt tên cho nó đó. Nó là thằng cu nhưng nó cũng là cậu ông trời. - Tường vừa nói vừa ngồi xuống cạnh tôi, mắt không ngừng dán vào Cu Cậu lúc này đang quay lưng ì ạch nhảy về hang sau khi chén xong bữa tiệc ruồi.
Chắc Cu Cậu đói bụng nên mò ra đợi Tường. Tôi nghĩ, và hỏi:
- Nhưng nó đâu phải là cóc tía?
- Dạ.
- Vậy nó đâu có viên ngọc cải tử hoàn sinh để tặng mày?
- Dạ.
Tôi vỗ vai Tường, cười khì:
- Cho nên mày đừng có mơ đến chuyện cưới công chúa.
Tường không đáp trả câu trêu của tôi. Nó hỏi, mắt mơ màng:
- Công chúa có thật trên đời không anh Hai?
Tôi vò tóc, ngập ngừng:
- Tao cũng chẳng biết nữa. Hồi xưa thì có, bây giờ tao nghĩ chắc là không có.
Chúc các bạn online vui vẻ !