Chương 21 - Chuồn chuồn cắn rốn
Những vạt đất quanh giếng đá lúc nào cũng ẩm ướt nên cỏ dại quanh năm tốt tươi. Cỏ lá gừng, cỏ xuyến chi mọc lẫn với rau dền, rau sam, thỉnh thoảng chen vào một cây hoa mào gà đỏ tía.
Cỏ mọc dày, lan cả lên thềm giếng.
Phía xa xa là vạt rau muống, lá sum xuê và xanh ngăn ngắt. Cỏ gà mọc lên chỗ tiếp giáp giữa cỏ và rau. Tôi không biết từ khi nào thằng Tường phát hiện ra chỗ đó. Mọi lần tôi vẫn hái cỏ gà ở chân rào.
Trong khi tôi loay hoay lựa những cọng cỏ gà thật dai thật khỏe, chốc lát đã hái được cả nắm, thằng Tường dường như chưa hái được cọng nào.
Tôi thấy nó ngồi lom khom một chỗ, săm soi cái gì đó trong tay.
- Mày ngồi làm gì đó, sao không hái cỏ gà đi, Tường?
- Anh xem này! - Tường xoay người về phía tôi, chìa tay ra, vẫn ngồi chồm hổm trên hai chân.
Tôi nhìn gương mặt rạng ngời của nó, liếm môi hỏi:
- Dế lửa hả mày?
- Không.
Tôi lại gần, cúi xuống nhìn, thấy con sâu cuốn chiếu đang nằm co trong lòng bàn tay Tường.
- Ghê quá! - Tôi nhăn mặt - Mày chơi sâu à?
- Sâu cuốn chiếu mà, anh Hai. Nó hiền khô à.
Tôi phun nước bọt phèo phèo:
- Cuốn chiếu cũng là sâu. Mày chơi dơ quá, tao không chơi với mày nữa.
Nói xong, tôi cầm mớ cỏ gà quay vào nhà, mặc Tường mải mê lấy ngón tay khều khều con cuốn chiếu để thích thú ngắm nó sợ hãi cuộn tròn người lại.
Trẻ con thôn quê là bạn của các con vật. Con trâu, con bò, con chó, con mèo, các loại chim chóc và các loại côn trùng. Tôi cũng thế. Tôi có những hộp diêm và những hộp các-tông dùng để nhốt dế, cánh quýt, ve sầu và bọ rầy. Nhưng tôi khác thằng Tường.
Tường hồn nhiên chơi với cả kiến, chuồn chuồn, châu chấu, nhền nhện, sâu cuốn chiếu và sâu róm, hiện nay lại đang nuôi một con cóc dưới gầm giường.
Cái cách thằng Tường thân thiện với mọi con vật khiến đôi lúc tôi có cảm giác nó hơi khùng khùng. Chỉ với một cái que trên tay, nó có thể say sưa đùa giỡn hàng giờ với một con sâu róm ngo ngoe trên thân gỗ mục. Nó bênh vực, mỗi khi tôi bĩu môi vào đám bạn của nó: "Anh không biết đó thôi. Nhền nhện giăng tơ để mình có thứ cầm máu khi bị đứt tay. Còn chuồn chuồn cắn rốn giúp mình biết bơi".
Về tơ nhện thì Tường nói đúng. Trước nay mỗi lần đứt tay chảy máu, tôi thường ngậm ngón tay trong miệng rồi ba chân bốn cẳng chạy vô nhà kho hoặc chái bếp để tìm mạng nhện. Tơ nhện quấn quanh vết đứt, máu ngưng chảy liền, chẳng rõ vì sao. Một thời gian dài, đó là thuốc tiên của tuổi thơ lắm trầy xước của bọn tôi.
Nhưng tôi chẳng tin chuyện chuồn chuồn cắn rốn tẹo nào.
Tôi nheo mắt nhìn Tường:
- Mày ngốc quá. Chuồn chuồn cắn rốn mà biết bơi á?
- Dạ.
- Ai bảo mày vậy?
- Chú Đàn bảo.
- Chú Đàn bảo à. - Tôi hạ giọng, ngập ngừng - Mày nói thật không đấy? Để tao chạy đi tìm chú Đàn tao hỏi.
- Thật mà.
Tường nói, và nó chạy vụt ra sau vườn.
Lát sau, nó chạy vô với con chuồn chuồn ớt trên tay.
- Anh vén áo lên đi! - Tường nhìn lom lom vô bụng tôi, hào hứng giục.
- Thôi. - Tôi bước lui một bước - Mày phanh rốn cho nó cắn trước đi!
Tường vạch áo, đặt con chuồn chuồn vào giữa rốn.
Tôi chống tay lên hai đầu gối, ngoẹo đầu nhìn. Tôi thấy con chuồn chuồn đột ngột vểnh đôi cánh mỏng, đuôi cong vòng, chưa kịp nhìn kỹ đã nghe thằng Tường hét lên bài hãi, tay hấp tấp kéo con chuồn chuồn ra xa
- Sao thế? - Tôi giật bắn - Đau lắm à?
Tường cười lỏn lẻn:
- Đau sơ sơ. Như kiến cắn thôi.
- Đau sơ sơ mà mày la muốn bể nhà như thế?
Tôi nhìn Tường nghi ngờ, thậm chí tôi thấy có vẻ nó đang ứa nước mắt vì đau.
Cho nên khi Tường chìa con chuồn chuồn cho tôi, nói "Tới lượt anh nè", tôi đưa tay gạt phắt:
- Tao không chơi trò ngu ngốc này đâu!
- Ngu ngốc á?
- Chứ gì nữa! - Tôi nhún vai - Khi nào tao thấy mày bơi được, tao mới tin.
Chiều đó, hai anh em kéo nhau ra suối.
Tôi đứng trên bờ theo dõi, còn thằng Tường dọ dẫm khúc suối cạn, tìm chỗ nước ngập ngang ngực để tập bơi.
Kết quả buổi thực tập được đúc kết trong mẫu đối thoại buồn rầu sau đó giữa hai anh em:
- Bơi được không?
- Được.
- Chìm không?
- Chìm.
Chương 22 - Ca nô một tay
Tôi cười khì khì trên đường từ suối về nhà:
- Thấy chưa! Tao đã bảo đây là trò ngu ngốc mà.
Tường chống chế:
- Hay tại chuồn chuồn ớt không linh. Hôm nào em sẽ bắt một con chuồn chuồn ngô.
Nghe thằng Tường nói, tôi sởn cả gai ốc. Chuồn chuồn ngô to gấp hai, ba lần chuồn chuồn ớt, lại rất dữ tợn. Để chuồn chuồn ngô cắn rốn, thủng bụng như chơi.
- Mày đừng có chơi dại. - Tôi nạt Tường.
- Chú Đàn bảo thế mà.
Đúng là chú Đàn có bảo thế thật. Nhưng hôm sau chú Đàn bảo khác.
Tôi và Tường gặp chú, kể chú nghe chuyện thằng Tường tập bơi, chú xoa đầu thằng oắt, áy náy:
- Sao con khờ thế. Chú chỉ nói chơi thôi mà. Hồi bé chú từng cho chuồn chuồn cắn rốn nhưng có bơi được đâu.
Hóa ra hồi bằng tuổi bọn tôi, chú Đàn cũng khờ như thằng Tường.
- Thế bây giờ chú đã biết bơi chưa? - Thằng Tường chớp mắt, ngẩn ngơ hỏi.
Chú Đàn trả lời bằng cách lôi hai anh em tôi ra suối. Trước cặp mắt kinh ngạc của tôi và Tường, chú cởi áo rồi lao mình xuống suối, thoáng mắt biến mất giữa làn nước xanh.
Chú lặn một mạch qua bờ bên kia, trồi đầu lên giữa bụi chuối nước nở hoa đỏ ối ven bờ, cười toe toét:
- Hay không?
Tường vỗ tay bôm bốp:
- Hay quá! Chú dạy tụi con bơi đi.
Chú Đàn bơi ngược trở lại. Tôi phục lăn khi thấy chú bơi nhanh như rái cá dù chỉ quạt nước bằng một tay.
Hôm đó, tôi và Tường thay nhau cưỡi lên tấm lưng trần trơn tuột của chú, thích thú và sợ hãi. Chú làm chiếc ca nô chở hai anh em tôi chạy qua chạy lại giữa hai bờ suối, cả chục lần như vậy.
Chú không dạy bọn tôi bơi, nhưng chỉ như vậy tôi và Tường đã sướng mê.
Chú bảo:
- Bữa nay tụi con chỉ đi ca nô thôi. Bữa sau chú sẽ tập tụi con bơi.
Trước khi rời con suối, chú còn hái lá dứa dại ven bờ quấn thành chiếc kèn đưa cho thằng Tường thổi toe toe dọc đường về. Ý là chú muốn đền bù cho thằng oắt về cái chuyện trót nghe lời chú mời chuồn chuồn xơi rốn của mình đau điếng đó mà.
Chương 23 - Acsmonica buồn
Lúc chú Đàn tặng thằng Tường chiếc kèn lá dứa, chưa xảy ra chuyện thầy Nhãn hầm hầm cầm roi đi kiếm chú và chị Vinh.
Khi biết bữa đó thằng Tường vô cớ lãnh một roi đau thấu xương, mặt chú Đàn buồn thiu.
Chú lại xoa đầu thằng Tường:
- Tội con quá!
Giọng chú bùi ngùi, nghe như tiếng than.
Chú nói với Tường nhưng không nhìn nó, ánh mắt chú đong đầy phiền muộn và đang lang thang đâu đó ngoài rặng tre xa. Gương mặt chú hằng ngày vui tươi là thế, bỗng trở nên khắc khổ, những đường nét sinh động đột ngột cứng lại, như làm bằng gỗ.
Tôi ngồi bên cạnh, không dám nhìn chú, cũng không hé môi tiếng nào. Tường cũng thế, nó bắt chước chú Đàn mơ màng thả mắt ngoài xa xăm.
Một bầu không khí khắc khoải bao quanh ba chú cháu khiến ngực tôi nặng chình chịch.
Đột nhiên tiếng kèn acmônica cất lên.
- Hay quá! - Tiếng Tường reo khẽ - Chú thổi kèn cho tụi con nghe đi.
Tôi hớn hở:
- Lâu quá không thấy chú thổi acmônica.
Nhưng nghe chú Đàn thổi kèn một hồi, lòng tôi lại xẹp ngay xuống. Tiếng kèn của chú bữa nay nghe buồn da diết, chẳng giống mọi ngày.
Tiếng kèn nỉ non, như oán trách ai đó. Chắc chú Đàn đang nghĩ đến mối tình trắc trở với chị Vinh. Chị Vinh và chú yêu nhau, nhưng thầy Nhãn không muốn chị Vinh lấy chồng cụt tay.
Tôi bỗng buột miệng:
- Chú đừng thổi kèn nữa.
Tường cũng nói:
- Nghe buồn quá, chú ơi!
Chú Đàn nhét cây kèn vào túi áo:
- Ờ, chú không thổi nữa. Để chú kể chuyện ma cho các con nghe.
Lúc đó là buổi chiều. Chuyện ma nghe ban đêm mới thích. Nhưng tôi và Tường vẫn hào hứng:
- Đúng rồi đó. Chú kể chuyện thằng Sơn thức dậy thấy chiếc áo màu trắng biến thành màu hồng đi, chú!
Thế là chú Đàn lại quấn ống tay áo vào cánh tay cụt, một động tác quen thuộc trước khi chú tằng hắng hai ba tiếng để lấy giọng:
- Tụi con cũng biết rồi đó, nhà ông Ba Huấn là ngôi nhà lầu hai tầng...
Chương 24 - Cọp thành tinh
Một hôm tôi hỏi thằng Sơn:
- Nhà mày có con ma treo cổ, mày không sợ hả Sơn?
- Làm gì có con ma treo cổ nào! - Sơn nhún vai - Là do người ta đồn thôi.
Nó phun nước bọt, giở giọng mất dạy:
- Chỉ đứa nào ngu mới tin.
Tôi tức uất nhưng không biết làm gì, đành giương mắt ếch:
- Thế do người ta phịa à?
- Dĩ nhiên rồi.
- Thế sao tao nghe nói con gái người chủ cũ lấy phải người chồng cờ bạc, khi người này đi tù, cô vợ buồn tình kiếm dây treo cổ?
Thằng Sơn nhìn tôi như nhìn một bắp cải thối, môi dài ra:
- Cô vợ treo cổ hồi nào. Cô ta chết là do bệnh thương hàn.
- Thấy chưa! - Tôi gần như reo lên, giọng đắc thắng - Hễ có người chết là có ma. Thế mà mày còn chối. Lại dám bảo tao ngu.
Sơn lúng túng, trông nó như kẻ cắp bị bắt quả tang:
- Tao có chối đâu.
Nó e hèm một tiếng, trở lại giọng bướng bỉnh:
- Mày ngu thiệt chứ bộ!
Trước vẻ mặt ngớ ra của tôi, nó chậm rãi giải thích cho tôi biết cái ngu của tôi nằm ở chỗ nào:
- Chết vì bệnh thương hàn khác với chết do treo cổ. Chết do treo cổ mới biến thành ma.
- Mày mới ngu! - Tôi điên tiết vặc lại - Chết vì nguyên nhân gì cũng biến thành ma hết á.
Thằng Sơn có vẻ nhận ra lý lẽ của mình không vững. Nó đưa tay gãi gáy:
- Nhưng ma thương hàn rất hiền. Chỉ có ma treo cổ mới quậy phá.
Chỗ này thì thằng Sơn nói đúng. Tôi nhớ chú Đàn từng bảo những người chết vì treo cổ uất khí rất nặng, linh hồn không siêu thoát được nên phá phách rất ghê.
- Thế chuyện ma treo cổ nhà mày là chuyện phịa à? - Cuối cùng tôi hạ giọng, phân vân.
- Ờ, phịa tất. - Sơn vung tay, hùng hổ - Cả chuyện tao liệng chiếc áo rồi bỏ chạy cũng vậy. Còn khuya chiếc áo của tao mới dính máu!
Không hiểu sao tôi không nghi ngờ gì thằng Sơn, mặc dù nó vừa chửi tôi ngu tới những hai lần. Có lẽ không phải câu nói mà chính vẻ mặt của nó đã thuyết phục tôi.
Tôi liếm môi:
- Thế chuyện cô Thoan đi hái củi bị ma giấu cũng phịa à?
- Cũng phịa. - Sơn gật đầu, nó nói bằng cái giọng như thể trừ cái đứa ngu là tôi ra cả làng này ai cũng biết sự thực cả rồi - Cả chuyện thằng Ghế đi làm rẫy gặp ma trêu cũng thế.
Xác nhận của thằng Sơn làm tôi bất giác cảm thấy nhẹ nhõm. Tôi nghĩ đến cái nghĩa trang mênh mông sau nhà, nhè nhẹ thở ra:
- Thế ra tất cả chuyện ma đều là phịa tất.
- Mày lại ngu nữa! - Sơn hừ mũi - Chỉ có ba chuyện vừa kể là phịa thôi. Còn sau lưng nhà mày là ma thật.
- Sau lưng nhà tao? - Tôi hỏi giọng run run, cảm thấy một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng - Mày muốn nói ma trong nghĩa trang...
- Nghĩa trang cạnh nhà mày chả có ma cỏ nào sất. - Sơn ngắt lời tôi - Nhưng đi hết nghĩa trang là gặp đồi Cỏ Úa, đúng không?
- Ờ.
- Thế đi hết đồi Cỏ Úa là tới chỗ nào?
- Tao không biết. Tao chưa đi tới chỗ đó bao giờ.
Tôi đáp và vểnh tai chờ thằng Sơn tiếp tục chửi tôi ngu. Nhưng lần này nó chỉ nhe răng cười hè hè:
- Bên kia đồi Cỏ Úa là xóm Miễu. Tao cũng chưa đi tới đó nhưng tao nghe ba tao kể. Xóm Miễu trước đây là chốn ma thiêng nước độc, bây giờ cây cối thưa thớt nhưng vẫn còn dấu vết của rừng già. Riêng con ma cọp vẫn còn ở đó.
- Ma cọp? - Mắt tôi trố lên.
- Ờ. - Sơn gật đầu, mắt láo liên, giọng nó đột ngột vo ve khiến tôi gần như cụng tai vào miệng nó để nghe cho rõ - Trong khu rừng thưa ở xóm Miễu có một con cọp già thành tinh vì nó đã ăn thịt đủ một trăm người. Ba tao bảo hồi xưa nó bị phường săn bắn què một chân nên nó rất hung dữ, luôn nuôi mộng báo thù.
- Thế cọp thành tinh khác gì cọp không thành tinh? - Tôi liếm đôi môi khô ran, thì thầm hỏi.
- Cọp thành tinh nghe được tiếng người. Ở xa mấy nó cũng nghe. Mình bàn tính gì nó đều biết hết. - Thằng Sơn vừa nói vừa ngoảnh cổ nhìn dáo dác cứ như thể con cọp ba chân đang rình rập quanh đây làm tôi phải quay đầu nhìn theo nó, lòng chờn chợn.
Tôi tự trấn an mình bằng nhận xét:
- Nhưng nó đâu phải là ma. Ma mới đáng sợ. Chứ cọp thành tinh dù sao cũng...
- Cọp thành tinh với ma cọp là một. Tinh là yêu tinh, tức là thuộc dạng ma quỷ rồi.
Thằng Sơn đáp bừa, rồi nó nghiêng đầu nó vào đầu tôi, xì xào qua khe răng:
- Ba tao bảo con ma cọp này khôn lắm. Muốn bắt người nào, nó làm cho người đó bị đau bụng, thế là nạn nhân không cố thủ trong nhà được, phải lần sau hè đi ị. Nó nấp sẵn trước cửa, nạn nhân vừa bước ra là nó vồ ngay, trăm người không trật một.
Câu chuyện rùng rợn của thằng Sơn quét lên mặt tôi một thứ màu làm bằng bột mì. Người tôi như gây gây sốt.
Đang lúc muốn lăn ra ốm, tôi chợt nhớ tới một chi tiết, mắt liền sáng lên:
- He he, mày chỉ giỏi phịa. Nếu đúng như mày nói tại sao ông Tám Tàng mổ lợn dám cất nhà ở xóm Miễu?
- Mày chả biết gì mà cũng nói. - Thằng Sơn xì nước bọt qua kẽ răng - Trước khi chuyển sang mổ lợn, ông Tám Tàng hành nghề thầy cúng. Ông Tám Tàng có bùa, ma cọp chẳng làm gì được.
Tôi không thể bắt bẻ thằng Sơn được. Tôi vặn vẹo cỡ nào, nó cũng đáp ro ro. Túng thế, tôi phẩy tay:
- Tao cóc tin mày. Để tao về tao hỏi chú tao.
Chương 25 - Truyền thuyết xóm Miễu
Chú Đàn im lặng nghe tôi thuật lại những gì thằng Sơn nói. Cho đến khi tôi kể xong, chú vẫn không hé môi một tiếng nào.
- Thằng Sơn nói xạo phải không chú? - Tôi bối rối nhìn chú, ngập ngừng lên tiếng.
Tôi hỏi và thấy chú vẫn đang nhìn đi đâu đó ngoài trời. Có lúc tôi ngờ ngợ không biết chú có nghe thấy câu hỏi của tôi không.
Lâu thật lâu chú mới tặc lưỡi đáp:
- Bạn con nói đúng đó, con.
- Đúng là sao, chú? - Tôi sửng sốt hỏi lại, vẫn không tin vào tai mình dù tôi nghĩ tôi nghe rất rõ.
Chú Đàn đặt tay lên vai tôi và thở hắt ra:
- Đúng là ở xóm Miễu có một con cọp thành tinh. Tụi con đừng bao giờ đi về phía đó.
Thằng Tường ngồi cạnh, vọt miệng:
- Vậy sao trước nay chú không nói cho tụi con biết?
- Tại vì chú nghĩ tụi con không có việc gì phải đến xóm Miễu.
- Con cọp đó biết nghe tiếng người thật hả chú? - Tường lại hỏi.
- Ờ, con cọp ba chân đó tinh ranh lắm. Chuyện này rất nhiều người biết.
Ánh mắt chú Đàn đi qua đi lại giữa tôi và Tường, vẻ mặt chú đột nhiên nghiêm trang:
- Tụi con nhớ lại xem. Có phải trẻ con làng mình xưa nay không đứa nào đi xuống xóm Miễu.
Tôi níu tay chú Đàn:
- Ba mẹ tụi nó không cho đi hả, chú?
- Ờ, tụi nó đi đâu thì đi, nhưng xuống xóm Miễu là bị cấm ngặt.
Chú Đàn không gạt tôi. Hôm sau đến lớp, tôi vờ hỏi con Mận:
- Mận này! Ngày mai mày đi xuống xóm Miễu chơi với tao không?
- Eo ôi, mình không dám đâu. Xuống đó cho cọp ăn thịt à? - Con Mận vừa nói vừa rụt cổ.
Tôi rủ con Xin, con Xin cũng lắc đầu nguây nguẩy:
- Mình không đi đâu. Mình sợ lắm.
Tôi giả bộ khờ:
- Sợ gì cơ?
- Ma cọp.
- Ai bảo mày ở xóm Miễu có ma cọp?
- Ba mình bảo.
Nó thè lưỡi:
- Mình mà léng phéng xuống đó, ba mình đánh cho bét đít.
Con Xin đem ba nó ra làm bằng chứng, tôi không thể không tin.
Tôi gật đầu:
- Ờ, ba mày đã nói vậy thì ngày mai tao cũng ở nhà luôn.
Chương 26 - Ba con xin
Ba con Xin là ông Xung hành nghề hốt thuốc Bắc. Nhà ông có dãy tủ gỗ mít đen bóng ốp sát tường, ngăn kéo san sát. Mỗi lần đến nhà con Xin, chạy nhảy ngoài sân chán tôi lại vào nhà xem ông hốt thuốc.
Trước tiên ông nghiêm nghị bắt mạch người bệnh với ba ngón tay, sau đó hỏi han đủ thứ, rồi ông vạch mí mắt người bệnh ra xem, bắt người bệnh thè cả lưỡi ra nữa. Những lúc đó trông ông rất oai, như một ông vua, bảo làm gì là khách làm theo răm rắp.
Nhưng tôi vào nhà không phải để xem ông khám bệnh. Tôi hồi hộp đợi tiết mục tiếp theo. Đó là lúc ông hốt thuốc.
Ông mở ngăn kéo này, hốt một nắm vỏ quýt, mở ngăn kéo kia hốt một nắm cam thảo. Có vô số ngăn như vậy, mỗi ngăn chứa một loại thảo dược khác nhau.
Sau khi hốt đủ các vị thuốc cần thiết, cuối cùng bao giờ ông cũng bắc ghế trèo lên thò tay vào ngăn trên cùng, bốc vài quả táo Tàu cho vào thang thuốc.
Quả táo Tàu to bằng ngón tay cái, khô quắt queo và đen thùi lùi nhưng cắn vào nghe sừng sực và ngọt lịm, con nít đứa nào cũng mê tơi.
Lần nào cũng vậy, thấy tôi đứng thập thò sau quầy ngăn giương cặp mắt thèm thuồng ra nhìn ông, thế nào ông Xung cũng lấy thêm một quả táo chìa ra trước mặt tôi, vui vẻ:
- Bác cho con nè.
Trăm lần như một, hễ tôi có mặt lúc ba con Xin hốt thuốc bao giờ tôi cũng có phần.
Nhưng không phải lúc nào ông Xung cũng có khách. Những lúc đó, thèm táo quá, tôi nhìn dáo dác không thấy ai liền đánh liều bắc ghế trèo lên các ngăn tủ. Ngăn đựng táo quá cao, tôi phải chồng một lúc ba cái ghế mới vói tới.
Ba lần ăn vụng táo đều trót lọt.
Tới lần thứ tư, tôi kiễng chân mạnh quá, chồng ghế lộn nhào hất tôi lăn kềnh dưới nền nhà, ê ẩm cả người.
Sợ ông Xung nghe tiếng động chạy ra, tôi nén đau tập tễnh chuồn ra trước sân, rồi chân thấp chân cao vù thẳng một mạch về nhà.
Hôm sau gặp con Xin trên lớp, mặt tôi cứ lấm la lấm lét. Tôi chờ nó chửi tôi là đồ ăn vụng. Ghét tôi, nó quàng ba chữ "đồ trộm cắp" lên đầu tôi, tôi chỉ có khóc.
Nhưng tôi rình nó suốt cả buổi sáng, chẳng thấy nó có thái độ gì khác lạ. Con Xin vẫn nói cười tỉnh bơ, cứ như thể nhà nó chưa từng có trộm đột nhập.
Chắc là ông Xung không biết tôi đã vào nhà trộm táo. Nhìn thấy mấy chiếc ghế đổ chổng kềnh, chắc ông nghĩ do bọn chó mèo gây ra. Tôi thở phào nhẹ nhõm và vài ngày sau tôi lại lơn tơn mò sang nhà nó.
Chơi u, chơi cướp cờ với tụi bạn chán, đến trò trốn tìm tôi nhìn quanh không thấy đứa nào để ý lại chui tọt vào nhà.
Phòng khám của ông Xung vắng hoe, ba chiếc ghế con xếp thành một hàng ngay ngắn trong góc.
Tôi liếc lên dãy ngăn kéo im lìm, phân vân không biết có nên bắc ghế leo lên một lần nữa không.
Đang lưỡng lự, ánh mắt tôi chợt chạm phải một ngăn kéo dưới thấp và lập tức mắc kẹt luôn ở đó.
Đó là ngăn kéo duy nhất có dán nhãn bên ngoài, độc một chữ "TÁO".
Trong một phút, không khí chung quanh tôi như đông cứng lại, mọi âm thanh xôn xao vọng vào từ ngoài sân đột ngột tắt ngấm trong tai tôi.
Tất cả những gì tôi nghe thấy trong lúc đó là tiếng trái tim tôi đang nện thình thịch trong lồng ngực, không, không phải lồng ngực, nó đang đập binh binh ở chỗ nào khác, thấp hơn, có thể trái tim tôi vừa rơi xuống một chỗ nào đó gần dạ dày.
Tay chân tôi tê liệt có đến một lúc. Đến khi cử động được, điều duy nhất tôi có thể làm là vùng chạy ra khỏi nhà con Xin. Chạy tuốt ra đường. Xa thật xa.
Tôi cảm thấy xấu hổ, cứ như thể tôi vừa bị bắt quả tang thò tay vào ngăn kéo, mặc dù tôi biết ba con Xin không trách cứ gì tôi. Thậm chí ông cố tình đổi ngăn kéo đựng táo xuống phía dưới và ghi rõ chữ "TÁO" bên ngoài để tôi có thể dễ dàng lấy trộm.
Ông "vẽ đường cho hươu chạy" chẳng qua ông sợ tôi té ngã khi phải bắc ghế trèo lên cao.
Nhưng kể từ hôm đó tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện lấy trộm táo của ông nữa, chẳng hiểu tại sao!
Chương 27 - Ba con Mận
So với nhà con Xin, nhà con Mận ở gần nhà tôi hơn, chỉ cách một nghĩa trang chạy dọc theo đường lộ về phía biển.
Nhưng tôi chưa bao giờ thực sự có ý định qua chơi với con Mận (chỉ có nó hay qua nhà tôi, khi thì mượn tập khi thì nhờ tôi giải giùm một bài toán khó).
Trước đây tôi có qua nhà con Mận cũng là để cắt tóc, bây giờ tôi chỉ qua nhà nó khi mẹ tôi sai tôi (vào những lúc thằng Tường vắng nhà) đi mua đường, nước mắm, hột vịt, xì dầu hay những thứ linh tinh khác.
Từ ngày tiệm hớt tóc của ba con Mận đóng cửa, thế vào đó là tiệm tạp hóa bày bán đủ thứ lặt vặt, không ai còn nhìn thấy ba nó nữa. Người ta nghi ông bị bệnh phong, mẹ con Mận không dám để ông lảng vảng ở nhà trước. Ai hỏi, bà cũng bảo ông đang chữa bệnh trên thành phố.
Chỉ có tôi biết ba con Mận vẫn ở trong nhà.
Một lần tôi tới tìm con Mận để đòi cuốn tập nó mượn của tôi. Nó học dốt ơi là dốt. Nó lớn hơn tôi một tuổi, mặt mày xinh đẹp nhưng hơi bị ngu, gần đây tháng nào cũng đứng gần bét lớp. Mỗi khi thầy cô giáo ra bài tập, sắp đến ngày nộp bài, nó toàn mượn tập của tôi để chép. Lần đó tôi hỏi con Mận "Sao mày học ngu thế?". Nó không đáp, chỉ cúi đầu nhìn xuống chân. Tôi lại hỏi: "Về nhà mày không bao giờ học bài làm bài à?". Nó vẫn không đáp nhưng tôi thấy nó lấy tay quệt nước mắt.
Những giọt nước mắt của con Mận làm mềm trái tim tôi. Tôi tò mò ngắm khuôn mặt nó, cảm thấy tâm hồn nó dường như xa vắng lắm. Tự nhiên tôi ước giá như tôi chưa từng thốt ra những lời lẽ lỗ mãng vừa rồi.
Ngần ngừ một hồi, tôi khẽ tặc lưỡi và lúc lắc đầu như thể có một con ruồi đang đậu trên chóp mũi:
- Mày đừng buồn nữa. Mày chép bài chưa xong thì cứ giữ tập của tao. Tao không đòi nữa đâu.
- Mình chép xong rồi. - Con Mận mỉm cười yếu ớt.
Tôi gãi gáy, nhìn con Mận như nhìn một dấu hỏi to tướng:
- Thế sao mày khóc?
- Mình phải lo cho ba mình.
Thoạt đầu, tôi không hiểu con Mận nói gì. Thậm chí tôi bắt đầu nghĩ nó hơi điên điên.
- Mày phải lo cho ba mày? - Tôi hỏi lại một cách máy móc.
- Ờ. Vì vậy mình không có thì giờ để coi lại bài vở.
Tôi tròn xoe mắt:
- Ba mày lên thành phố chữa bệnh rồi mà?
Con Mận sụt sịt đáp, trong một phút tôi thấy mặt nó như héo đi:
- Ba mình vẫn ở trong nhà. Mẹ mình nhốt ba mình trên gác.
Con Mận hạ giọng vo ve như sợ ai nghe lỏm khiến tôi vừa dỏng tai vừa nhìn chằm chằm đôi môi nó để vừa nghe vừa đoán xem nó nói gì.
- À, ra thế.
Tôi đưa mắt tìm căn gác nhà con Mận nhưng tôi không nhìn thấy vì căn gác nằm ở phía sau, người bất giác run lên vì tiết lộ bất ngờ của nó.
Ánh mắt tôi lại rớt xuống gương mặt u sầu của con Mận, đọng lại ở đó một lúc lâu, lòng rất đỗi hoang mang, chỉ đến khi nó ngừng khóc để bắt đầu xì mũi thì tôi mới quay mặt đi chỗ khác.
Chương 28 - Tôi không thể giữ bí mật
Từ khi biết được bí mật đó, lần nào đi ngang nhà con Mận hoặc ghé nhà nó mua đồ, tôi đều có thói quen ngước mắt nhìn lên, dù căn gác nơi ba nó ở bị che khuất bởi mái nhà ngang phía trước.
Bữa đó khi chia tay, con Mận nhìn tôi bằng đôi mắt ướt:
- Bạn nhớ giữ kín chuyện này nha.
- Dĩ nhiên rồi.
Tôi gật đầu, nhận ra giọng mình khẳng khái hơn bình thường, có lẽ do câu chuyện buồn bã của nó, phần khác do đôi mắt nó đột nhiên xám và lạnh đi trong bóng chiều khiến tôi thấy lòng se lại.
Tôi nghĩ lung suốt dọc đường về nhà. Tôi không biết mẹ con Mận làm thế có đúng không, nhưng tôi nghĩ chắc bà khổ tâm lắm.
Sau này đã nhiều lần tôi định hỏi con Mận rằng mẹ nó nhốt ba nó bằng cách nào, nhưng cứ mỗi lần tôi định mở miệng lại như có một cái gì đó chẹn ngang họng. Tôi thấy câu hỏi đó nhẫn tâm quá, mặc dù tôi chỉ bị sự tò mò kích thích.
Tôi đành phải hình dung trong đầu. Tôi mường tượng mẹ con Mận xích ba con Mận vào chân giường, hoặc là vào cột nhà để ông không thể tự do đi lại. Cũng có thể bà không cần làm thế, chỉ khóa trái cửa lại là ba con Mận không thể tháo thân.
Một thời gian dài đầu óc tôi cứ bị cột chặt vào các hình ảnh đó, ngay cả trong giấc ngủ, đến mức nỗi bứt rứt của tôi có lẽ đã không kém gì con Mận.
Một chuyện ly kỳ như vậy mà không thể thổ lộ với ai càng khiến tôi khổ tâm ghê gớm. Nhưng tôi đã trót quả quyết với con Mận và cay đắng nhận ra mình đang bị cầm tù bởi lời hứa của chính mình.
Cho đến một ngày, tôi có cảm giác nếu tôi không nói ra được với ai về chuyện đó thì tôi sẽ chết, người tôi sẽ nổ tung ra mất, tôi bèn ngoắt thằng Tường ra sau hè.
- Chuyện gì quan trọng vậy, anh Hai? - Tường giương mắt nhìn tôi khi hai anh em đã ngồi xuống chiếc đòn kê cạnh chuồn gà.
- Ờ, chuyện này quan trọng lắm.
Tôi liếc Tường, nhấn mạnh:
- Quan trọng nhất trong những chuyện quan trọng tao từng nói với mày.
Tôi thấy thằng Tường rùng mình một cái, không rõ nó rùng mình thật hay cố tình làm ra thế.
Tôi nhắm mắt lại, như không muốn nhìn thẳng vào bí mật tôi sắp tiết lộ, và hấp tấp kể cho nó nghe chuyện nhà con Mận.
Nếu trước đây tôi đã từng nói nhanh thì cũng chẳng thấm tháp gì so với lúc này, giọng tôi vấp váp và đôi chỗ lưỡi như líu lại, nhưng tôi biết nếu tôi thong thả có thể tôi sẽ không đủ can đảm dốc ra hết những ý nghĩ u ám trong đầu. Phần khác, tôi tin nếu tôi nói như gió thì đó cũng là cách làm cho câu chuyện tồi tệ này qua phứt cho rồi.
Thằng Tường cụp mắt xuống, mặt nó tối lại khi nghe tôi kể xong câu chuyện. Trông nó như ngọn đèn vừa bị ai thình lình vặn tắt.
Vai rũ xuống, lâu thật lâu nó mới mở miệng:
- Chị Mận kể chuyện này với anh hả?
- Ờ. Nó kể với tao. Vừa kể vừa khóc. Nó bảo suốt ngày nó phải chăm sóc ba nó nên nó chẳng có thì giờ ôn tập.
- Tội nghiệp chị Mận quá há.
Tôi chép miệng:
- Tội nghiệp ba nó nữa.
Tôi vò đầu, băn khoăn:
- Tao nghĩ mãi không biết rốt cuộc thì mẹ con Mận nhốt ba nó bằng cách nào.
- Em nghĩ là mẹ chị Mận khóa trái cửa phòng.
- Thế mẹ nó để ba nó được tự do trong phòng à? Nhỡ ba nó phá cửa xông ra thì sao?
- Ba chị Mận sẽ không làm thế. - Tường tươi tỉnh đáp, sắc hồng đột ngột quay lại trên gương mặt tái nhợt của nó.
Tôi nhìn Tường ngờ vực:
- Mày dựa vào đâu...
Tường giải thích, không đợi tôi nói hết câu:
- Nếu muốn, ba chị Mận đã la hét hay cầu cứu inh ỏi rồi, ông đâu có cần phá cửa, anh Hai.
Cứ như thể có một tia chớp vừa xẹt ngang óc tôi. Như kẻ vừa thoát ra được ngoài rìa của cơn ác mộng, tôi nhìn Tường như nhìn một kỳ quan, mặt nở ra:
- Mày thông minh thật đấy. Có thế mà tao không nghĩ ra.
Đang hào hứng, tôi chợt khựng lại:
- Thế chẳng lẽ ba nó lại thích bị nhốt?
Vừa buột ra câu hỏi, tôi đưa tay véo môi một cái và tự trả lời, gần như ngay lập tức:
- Tao hiểu rồi. Chẳng ai thích bị nhốt cả. Ba con Mận cũng thế. Nhưng vì vợ con nên ông sẵn sàng sống trên gác đó thôi.
Đôi mắt thằng Tường thốt nhiên xa xăm:
- Suốt đời sống trên gác, không đặt chân xuống đất chắc ba chị Mận khổ lắm anh há?
Tôi vỗ vai Tường, như bằng cái đập đó dập tắt nỗi lo trong lòng nó:
- Mày yên tâm đi. Nửa đêm thế nào mẹ con Mận cũng mở cửa cho ba nó xuống nhà đi tiểu.
Chương 29 - Tôi bắt đầu thích con Mận
Con Mận rất ngạc nhiên khi thấy dạo này tôi không chửi nó ngu nữa.
Đã thế, mỗi lần có bài tập mới, vừa giải xong là tôi lật đật chạy qua nhà nó, giúi cuốn tập của tôi vào tay nó, nhiệt tình:
- Tao giải xong rồi nè. Mày chép đi!
Con Mận đón lấy cuốn tập, giọng cảm động:
- Sao dạo này bạn tốt với mình thế?
Tôi cười hì hì:
- Tao tốt với mày lâu rồi, tại mày ng... ng...
Tôi tính nói "Tại mày ngu nên mày không biết đó thôi" nhưng đến phút chót tôi tốp lại kịp. Nhưng con Mận đâu có ngu như tôi vẫn mắng nó:
Nó nhìn tôi, cười méo xẹo:
- Tại mình ngu nên không nhận ra hở?
- Tao đâu có định nói thế. - Tôi ấp úng đáp, mặt đỏ lên, đầu xoay như chong chóng để nghĩ cách nói dối - Thực ra thì... thì...
Thấy tôi ngắc ngứ một cách khổ sở, con Mận động lòng:
- Bạn không cần nói nữa. Mình hiểu rồi.
- Mày hiểu sao? - Tôi thót bụng lại, mắt vẫn bám cứng khuôn mặt dịu dàng của nó.
- Mình hiểu tại sao gần đây bạn tốt với mình.
Con Mận trả lời thật mơ hồ, nhưng cái cách nó nhìn tôi thăm thẳm đầy vẻ biết ơn cho tôi biết nó đang nghĩ gì.
Tôi bẽn lẽn đưa mắt nhìn lên tán cây trước sân nhà nó, cố lảng chuyện:
- Cây bời lời nhà mày trái nhiều quá há?
- Ờ, Thiều trèo lên hái đi!
- Đợi hôm nào chơi trò đánh trận giả, tao sẽ qua hái.
Trẻ con làng tôi thường chơi trò này. Chỉ cần một ống trúc bằng hai gang tay, chúng tôi chế ra một nòng súng rỗng và một que thụt. Khi bắn, chúng tôi nhét trái bời lời ở hai đầu ống trúc rồi dùng que thụt mạnh: đạn bời lời bắn ra kèm theo một tiếng "bốp".
Trúng phải đạn bời lời không đau lắm, nhưng vạt áo dính lốm đốm nhựa xanh, lần nào chơi trò đánh trận giả bằng súng bời lời, tôi cũng bị mẹ mắng khi bà đem quần áo ra giặt.
Không biết nói thêm gì nữa, tôi nhìn con Mận:
- Tao đi nhé.
- Thiều qua nhà bạn Xin à?
Con Mận tự nhiên hỏi một câu cắc cớ làm tôi sững người. Nhớ đến lá thư hôm nào tôi gửi con Xin, mặt tôi lập tức nóng ran.
- Đâu có. - Tôi cắn môi, tự nhiên nói thêm - Tao hết thích chơi với con Xin rồi.
Con Mận có vẻ ngạc nhiên. Nó nheo mắt như thể bị chói nắng:
- Sao vậy?
- Tao cũng chẳng biết nữa. Bây giờ tao chỉ thích chơi với mày.
Tôi không hiểu tại sao tôi lại nói như vậy, vì thực ra tôi cũng không chắc lắm về điều đó. Trước đây, tình cảm tôi dành cho con Mận có lẽ không đủ cho một muỗng cà phê.
Nói xong, chợt nhận ra ý tứ trong câu nói, tôi lúng túng đưa tay xoa đầu, lại nhìn lên tán lá bời lời xanh ngắt.
Con Mận có vẻ cảm động lắm. Nó khẽ đụng tay nó vào tay tôi, thật thà:
- Mình thích chơi với bạn lâu rồi.
Chương 30 - Thằng Sơn
Thằng Sơn con ông Ba Huấn cũng thích con Mận. Tôi hoàn toàn không biết chuyện đó.
Ông Ba Huấn giàu sụ, cả làng chỉ mỗi ông cất được nhà lầu. Nhưng thằng Sơn lại học hành dốt đặc cán mai. So với nó, con Mận vẫn còn giỏi chán.
Sơn chơi bời lêu lổng nổi tiếng, lại giỏi chọc làng phá xóm, ăn nói thì hỗn láo xấc xược nên ai cũng ghét.
Nó chả bao giờ liếc tới cuốn tập nên học đúp liền tù tì mấy năm. Hè nào cũng vậy, cứ đến ngày niên học bế giảng, bọn tôi lại thấy ba nó rượt nó chạy lòng vòng quanh làng. Ba nó cầm roi chạy phía sau, nó chạy phía trước, vừa chạy vừa hai tay bụm đít.
Nó lớn hơn tôi tới ba tuổi nhưng đến giờ vẫn ngồi cùng lớp với tôi là vì vậy.
Xưa nay tôi cứ tưởng thằng Sơn thích Bé Na, con ông Tư Cang.
Bé Na nghỉ học từ năm lớp ba. Nó ở nhà phụ ba mẹ đi giẫy cỏ, gieo mạ, cấy lúa, bón phân, quanh năm lầm lũi ngoài đồng nên da dẻ đen thui. Bù lại, do lao động chân tay nhiều, nó lớn vượt, người phổng phao, ra dáng thiếu nữ còn hơn cả chị Vinh.
Tôi không biết con Bé Na có thích lại thằng Sơn thật hay không, hay bị thằng này đem tiền ra dụ dỗ mà người ta đồn thằng Sơn nhiều lần rủ con Bé Na chui vô bụi cây tâm sự, bị ông Tư Cang xách rựa đi lùng như lùng mấy thằng đánh bả chó.
Có lần tôi hỏi nó:
- Mày thích con Bé Na thật à?
Mặt nó vênh vênh:
- Tao thích nó ít thôi. Nó thích tao nhiều hơn.
- Có người bảo ba nó xách rựa đi lùng mày nhiều lần, có không?
Thằng Sơn không đáp có hay không, chỉ nhún vai:
- Tao đâu có sợ ổng.
Nó nói vậy tức là nó thừa nhận rồi. Tự nhiên tôi nhớ tới hôm thầy Nhãn xách roi đi kiếm chú Đàn. Nhưng roi quất chỉ đau thôi chứ không làm chết người.
Mày mà để ổng chém trúng một rựa là tiêu đời! - Tôi rụt cổ.
- Tiêu cái này này! - Thằng Sơn giở giọng mất dạy, vừa nói nó vừa hẩy quần ra phía trước - Nếu con Bé Na không khóc lóc năn nỉ, tao đã nện ba nó từ lâu rồi.
Tôi không biết Sơn có nói dóc không nhưng nhìn cườm tay chắc nịch của nó, tôi nghĩ nếu đánh nhau với ông Tư Cang thật, Sơn chưa chắc đã chịu lép vế.
So với tôi, thằng Sơn to xác gần gấp đôi. Bộ dạng nó lại du côn, lúc nào cũng như sắp sửa gây gổ với ai.
Thấy tôi đực mặt nghĩ ngợi, nó hấp háy mắt:
- Mày hẹn nhau với con Xin bao giờ chưa?
Tôi khịt mũi:
- Tao chỉ ra nhà nó chơi u, chơi rồng rắn lên mây...
- Ngu! - Sơn phun nước bọt - Thích tụi con gái là phải hẹn nhau với nó. Phải rủ nó chui vô bụi cây rậm rạp, vắng vẻ.
- Mày mới ngu! - Bị thằng Sơn mắng ngu, tôi nổi khùng vặc lại - Chui vô mấy chỗ đó cho muỗi cắn à?
Sơn lắc đầu, nó chán ngán phẩy tay về phía tôi theo cái cách người ta phẩy một con ruồi:
- Mày đúng là con nít. Nói chuyện với con nít chán bỏ xừ.
- Thế mày và con Bé Na chui vô bụi rậm làm gì? - Tôi liếm môi hỏi lại, cố kềm tự ái.
Sơn nhếch môi, giọng khinh thị:
- Tụi tao làm trò người lớn. Mày con nít không biết đâu!
Tôi ngẩn người ra:
- Trò người lớn là trò gì?
- Là trò này này!
Sơn cười hề hề, hai bàn tay làm một cử chỉ hết sức tục tĩu.
- Đồ mất dạy! - Tôi đỏ mặt - Thế nào cũng có ngày ông Tư Cang chém chết mày!
Nói xong, tôi quay mình bỏ đi.
Cách một đỗi xa, tôi đưa hai ngón tay bịt lỗ tai. Tiếng cười hô hố của thằng Sơn đuổi theo phía sau làm tôi gai cả người.
Chúc các bạn online vui vẻ !