Polly po-cket
Tiểu thuyết tình yêu

Tiểu Thuyết Tình Yêu

Đọc truyện tại Tiểu Thuyết Tình Yêu

Loading...

Truyện ngôn tình - Sống như Tiểu Cường - trang 1

Chương 1

Thế gian này đầy ắp những lời nói dối, có người nói rằng nói dối để sống tốt hơn, nhưng với tôi, nói dối là để sống.

Bố mẹ tôi là những "nhà kinh doanh", và tôi cũng là "một nhà kinh doanh thiên tài", từ lúc 5 tuổi tôi đã biết giúp bố mẹ làm ăn.

Lần đầu tiên tôi đi làm là một ngày đông giá lạnh, tuyết rơi đầy trời, mẹ dắt tay tôi đứng bên đường cái, từng dòng xe cộ chạy qua, có một chiếc xe chạy không nhanh lắm, rất hợp cho việc làm ăn của chúng tôi khi xe gần đến nơi, mẹ tôi chạy ra lòng đường lao thẳng vào chiếc xe, sau một tiếng thét lớn, bà nằm vật ra trên lòng đường không động đậy. Chủ xe là một người to béo, tuy lúc đó mới năm tuổi nhưng tôi còn nhớ rất rõ dáng vẻ căng thẳng vội vàng của người đàn ông này khi ra khỏi xe, ông ta lo lắng đi từng bước về phía chúng tôi. Lúc này tôi bắt đầu vào vai, tôi ôm chặt lấy mẹ và khóc toáng lên.

Trên nền đất phủ đầy tuyết trắng, một người phụ nữ nằm bất động, thêm vào đó là tiếng khóc đứt ruột đứt gan của một đứa trẻ đáng thương khiến người đàn ông mập mạp ấy mẩt hết ý chí, tôi thấy ông ta đang run, đây là lần đầu tiên tôi thấy một người đàn ông trong bộ dạng sợ hãi đến vậy, ông ta quỳ xuống bên cạnh, hốt hoảng nhìn hai mẹ con tôi. Sau lần đó, mẹ nói: "Tiểu Cường, con không làm một ngôi sao nhí xuất sắc thì quả là đáng tiếc." Thực ra không chỉ tôi diễn xuất tôi mà mẹ tôi cũng là một diễn viên có hạng, bộ dạng của bà làm người ta phải lo lắng, bà thật biết cách kéo tôi vào vở kịch này.

Mẹ khẽ nhúc nhích rồi chầm chậm mở mắt ra, ông lái xe mừng rối rít: "Chị không sao chứ, không sao là tốt rồi, không sao là may lắm rồi." Sau đó mẹ tôi nôn đầy máu, tất nhiên không phải làm máu thật, đó là thứ thuốc nước chú Bảy đưa cho.

Người chú mà tôi quý nhất chính là chú Bảy, những câu chuyện của chú không bao giờ kết thúc, chú là một diễn viên dám nhận những vai diễn quan trọng trong rất nhiều vở kịch, tuy vậy con đường sự nghiệp của chú không bằng phẳng cho lắm, mỗi lần vở diễn sắp kết thúc, vai chú diễn sẽ bị bắn chết bởi một viên đạn, nếu trong kịch cổ trang thì bị người ta chọc thủng bụng bằng một nhát dao hoặc một cây thương dài. Do đó, đạo cụ diễn của chú nhiều lắm, và thứ thuốc nước mà chú cho mẹ tôi là một trong số đó.

Thấy mẹ tôi hộc máu, ông lái xe lại càng cuống hơn.

Mẹ nhìn tôi, đột nhiên rơi nước mắt (bà khóc thật, không phải lúc đó bà dùng thuốc nước, đó là do tài năng diễn xuất): "Tiểu Cường, mẹ không qua được rồi, con phải ngoan, nghe lời bố."

Ông lái xe lo quá, cứ xoa xoa hai tay: "Chị à, tôi xin lỗi chị và gia đình." Ông ta khóc, trông còn thương tâm hơn cả chúng tôi, tiếng khóc cũng to hơn, đúng là người có sức khỏe thì khoang phổi cũng lớn thật.

"Nếu chị có mệnh hệ gì, tôi hứa sẽ thay chị nuôi cháu thành người."

Mẹ tôi thều thào: "Không cần đâu, xem ra tôi phải vào viện khám, chi bằng anh cứ cho tôi ít tiền."

Ông béo lại nói: "Thế sao được chứ, tôi không thể mặc kệ mẹ góa con côi nhà chị ngoài đường thế này, làm vậy tôi cũng chẳng phải con người."

Cuối cùng, lái xe đưa chúng tôi năm mươi đồng và đi, ông này cũng không yên tâm nên quay lại xin địa chỉ của chúng tôi và nói sau này sẽ đến thăm.

Địa chỉ đương nhiên là giả, mẹ bảo làm cái nghề kinh doanh này chỉ gặp một lần thôi, không tiếp khách quay lại.

Mảng kinh doanh của bố mẹ tôi vô cùng phong phú, có khi mẹ tôi trang điểm rất đẹp và cùng bố tôi đi làm việc "giăng bẫy đàn ông", những lúc đấy mẹ chẳng bao giờ cho tôi đi theo, bà bảo trẻ con nhìn thấy những thứ ấy không hay.

Thực ra việc họ làm tôi đều biết cả, mẹ tôi thường cùng dì Quế Hoa đứng bên đường để kiếm khách, việc đong đưa là của dì Quế Hoa, còn mẹ tôi chỉ cần dẫn khách vào phòng, sau đó bố tôi và các chú khác sẽ xông vào, về điểm này thì dì Quế Hoa vô cùng khâm phục mẹ tôi, mỗi lần như thế thu nhập gấp mấy chục lần so với công việc của dì mà không mất sức.

Những lúc không bận công chuyện làm ăn, mẹ tôi thường cùng các dì ngồi đánh mạt chược. Tôi quanh quẩn phục vụ rót trà cho họ, lúc đi qua chỗ mẹ, tôi ra ám hiệu để mẹ biết họ thiếu quân nào, và chiến thắng với mẹ thật dễ dàng.

Khi tôi đến tuổi đi học, mẹ tôi cũng cho tôi đến trường, thực ra lũ trẻ con trong thị trấn Tam Thủy chúng tôi phần lớn không đi học, học ở trường không thú vị bằng học nghệ thuật móc túi. Mẹ nói với tôi công việc làm ăn của chúng ta phải dựa vào cái đầu, học hành làm cho đầu óc linh hoạt, có thể tính chuyện làm ăn lớn, con không giống như Tứ Mao và mấy đứa nhỏ kia.

Bố mẹ Tứ Mao chỉ làm một "trò" duy nhất, ngày nào họ cũng đợi bên đường chờ khi có xe chở khách du lịch nào chạy qua là mẹ Tứ Mao ngồi ở giữa đường, ưỡn cái bụng làm ra vẻ đau quằn quại như sắp sinh em bé. Mẹ tôi không làm vậy, mỗi lần thổ huyết bà đều nhìn tôi bằng dáng vẻ trìu mến nhất khiến người khác cảm thấy hết sức đau lòng. Mẹ Tứ Mao diễn xuất rất tệ, giỏi lắm chỉ biết lăn lộn, nhưng cũng chỉ cần có thế, hầu hết các xe đều dừng lại, ngay lập tức bố Tứ Mao và các anh em xông lên dở trò xin đểu khách.

Có ngày thu nhập của họ rất cao, đến mẹ tôi nhìn còn phải phát ghen, và những lúc như thế bà thường than thở: Xã hội ngày nay giá trị của chất xám bị đảo lộn nghiêm trọng quá....

Tuy thế bà vẫn cho tôi đi học, thành tích học tập của tôi cũng không đến nỗi nào nhưng giáo viên chẳng ai quý tôi, họ chỉ thích những đứa trẻ ăn mặc gọn gàng đẹp đẽ, bố mẹ luôn đến nhà thầy cô chơi vào mỗi dịp lễ tết.

Sauk hi tan học, có thời gian tôi lại đi giúp mẹ trong việc làm ăn, hai mẹ con phối hợp ngày càng ăn ý, nhưng cũng có một lần bị phát hiện, đó là trường hợp ngoài dự tính vì hôm đó mẹ tôi bị cảm cúm. Lẽ ra đối phương đã tin, nhưng sau đó mẹ tôi bị một trận ho dữ dội đến nỗi ho cả túi nilon đựng thuốc nước vốn dĩ được giấu kín trong miệng.

Người lái xe này cũng là một anh béo, tôi phát hiện ra rằng những người lái xe đều béo, lý do có lẽ vì thời gian ngồi trên xe nhiều và lười vận động.

Anh ta lôi cổ mẹ tôi ra ngoài và nối sẽ đưa mẹ đến sở cảnh sát, mẹ tôi khóc như mưa, tôi vừa khóc vừa chạy theo. Tôi nhớ đến cuốn sách về những kẻ tiểu nhân hôm trước viết về việc Bao Công xử vụ Trần Thế Mỹ thế là tôi ôm lấy chân anh béo mà khóc, nói là bố tôi đã bỏ hai mẹ con rồi, ông ấy có vợ bé, còn có cả thằng con trai bé nữa, hai mẹ con tôi đã hai ngày nay đã ăn uống gì đâu, lúc đầu tôi định nói là năm ngày nhưng suy xét đến tính sát thực nên tôi đổi là hai ngày.

Anh chàng béo cuối cùng đã không dẫn mẹ tôi đến trụ sở cảnh sát, trước khi bỏ đi, anh ta đưa cho chúng tôi 20 đồng và còn nói nếu gặp người đàn ông nhẫn tâm như bố tôi, anh ta sẽ đánh cho chết luôn.

Thật ra bố tôi là người đàn ông rất thật thà, nếu đi trên phố mà ông lỡ nhìn kỹ mấy cô gái đẹp thế nào cũng bị mẹ tôi vả vào miệng, ông chỉ tranh thủ lúc mẹ tôi không có ở đó để nhìn trộm thôi. Bố tôi không nỡ bỏ hai mẹ con vì tôi và mẹ đều rẩt được việc.

Năm ấy tôi tám tuổi

Chương 2

Công việc rất nhiều nhưng nhà tôi không giàu có, bởi bố mẹ tôi hay kén cá chọn canh, những người già nua tàn tật không phải đối tượng của họ, về cơ bản những người này chẳng có chút màu mè gì để kiếm chác. Nền kinh tế địa phương nghèo nàn cũng là một lý do, khi những lái xe qua đấy, chúng tôi phải tốn không biết bao nhiêu nước bọt mới móc được chút tiền từ túi họ.

Có lúc xe đâm người, họ không thèm dừng lại mà vẫn nhẫn tâm phi xe qua, nếu không phải mẹ tôi cao số thì đã bỏ nghề từ lâu rồi.

Mẹ tôi khi ấy vừa nhảy lên vừa chửi bới ầm ĩ ở phía sau: "Đồ trời đánh, đâm phải người ta cũng không biết dừng xe lại xem thế nào à?"

Nhà Tứ Mao còn tệ hại hơn nhà tôi, hầu như các xe chẳng bao giờ thèm đỗ lại, nhưng cũng phải thôi, 10 năm nay ngày nào cũng diễn đi diễn lại 1 trò, họ đã quá quen rồi, đến như chúng tôi xem thôi cũng đã phát chán rồi.

Sau này có "cao nhân" mách nước bảo mẹ Tứ Mao phải ăn mặc gợi cảm một chút, nhưng mẹ Tứ Mao sau khi sinh thêm đứa nữa lại phát phì ra, mặc quần áo càng thiếu vải càng không chấp nhận nổi. Năm lớp 10 tôi bị đuổi học vì tôi đánh giáo viên trong trường. Về nhà tôi cũng bị bố nện cho một trận, ông còn mắng tôi: "Đồ mất nết, không lo học hành tử tế, mà có muốn đánh thầy giáo thì cũng phải đợi tốt nghiệp xong chứ. Chỉ còn hai năm nữa mà cũng không đợi nổi, ngu lắm con ạ."

Mẹ dẫn tôi đến trường tìm thầy giáo, bà cúi mặt ngồi trước mặt thầy, như một người phụ nữ nhẫn nhục và chịu đựng, bà ngồi trước mặt thầy giáo và bắt đầu vai diễn đầy chuyên nghiệp của mình.

Mẹ tôi hỏi: "Thưa thầy, lẽ nào không thể rộng lòng một chút được sao?"

Thầy giáo trả lời: "Không được, việc này nhà trường đã báo cáo lên sở giáo dục rồi."

Mẹ tôi năn nỉ hồi lâu cuối cùng cũng nhận ra đã hết cách.

Bà lại hỏi: "Vậy có thể cấp cho cháu nó một tờ giấy chứng nhận tốt nghiệp được không ạ?"

Thầy giáo hết cả kiên nhẫn tỏ ra bực bội: "Vừa khai giảng được có mấy ngày, con trai chị đã đánh thầy giáo, giờ lại còn đòi giấy chứng nhận nữa à? Tôi khuyên chị về giáo dục lại nó cẩn thận, nếu không chẳng mấy mà trở thành kẻ cặn bã của xã hội."

Mẹ tôi biết xin xỏ cũng vô ích, bà đứng phắt dậy, vung tay tát bốp vào mặt thầy giáo: "Con ông mới là cặn bã của xã hội!"

Cũng vào năm đó, do tình hình làm ăn trong huyện ngày càng khó khăn, bố tôi phải một mình kiếm sống ở lãnh địa mới, ông thường xuyên gửi đồ về cho hai mẹ con tôi. Mỗi lần có người về lại thấy bố tôi ở những nơi khác nhau nên chúng tôi cũng không biết nhiều về tình hình của bố.

Tôi không còn đi học nữa và bắt đầu lang thang khắp thị trấn, tuy vậy tôi không phải là kẻ vô công rồi nghề, dù thế nào chăng nữa, tôi cũng có 9 năm cộng mấy ngày ngồi trên ghế nhà trường, cũng là phần tử tri thức, những người không biết chữ thường đến nhờ tôi viết thư mà toàn viết không công, chỉ có chú Ba là tốt bụng, mỗi lần nhờ tôi xong đều cho tôi mấy thứ đồ rất hay. Chú ấy cần viết rất nhiều thư, mỗi bức đều cực ngắn, đại loại thế này: "Ông chủ Lý, nếu trong 3 ngày mà ông không đem 30 ngàn tới thì con ông sẽ mất mạng." Hoặc là: "Cô Mai, 10 ngàn mua lại bức ảnh đó là rất rẻ, nếu tôi bán nó cho giới báo chí thì chắc tôi còn kiếm được hơn đấy."

Chú Sáu cũng hay nhờ tôi viết thư, nhơng chú toàn mang đến 1 quyển sổ hát, bên trong dán đầy những lời bài hát cắt trên báo, chú ấy cắt từ đống báo phế liệu cô Ba mua về, cô Ba mỗi lần xót của đều nói với chú: "Một chữ bẻ đôi không biết, cắt mấy thứ ấy làm gì cơ chứ!"

Chú Sáu mang quyển vở đến bảo tôi đọc, nghe đến câu nào tâm đắc, chú lại nói với tôi: "Chính câu này đấy, hay lắm, chép lại cho chú", thế là tôi lại chép ra: "Nếu có kiếp sau, chúng ta dù chết cũng sẽ luôn ở bên nhau." Chú Sáu đem máy tờ giấy này của tôi cho một giáo viên trường dân lập tên là Thúy Hoa.

Năm tôi 19 tuổi thì họ kết hôn, không phải hoàn toàn do công của mấy tờ giấy tôi viết mà nghe nói chú Sáu và thím Hoa vào một đêm thanh vắng đã làm cái chuyện "ăn cơm trước kẻng". Một lần nữa chân lý làm thật hơn nói suống đã được chứng minh rõ ràng.

Có lúc tôi cũng mắc phải sai lầm, năm ấy tôi viết cho chính mình một bức thư tình vào một đêm trăng không sao, rồi đem thả vào cửa sổ nàng Tú nhà cô Tư, mãi chẳng thấy nàng hồi âm, gặp tôi vẫn như không có chuyện gì.

Mối tình đầu của tôi thất bại như vậy đấy, sau này tôi đã tìm ra nguyên nhân, thường thì thư tôi viết hộ toàn thư nặc danh nên bức thơ của chính mình tôi cũng quên không ký tên.

Khi tôi viết thư, mẹ thường ngồi bên nhìn một cách đầy tự hào, có lúc bà nói: "Tiểu Cường nhà ta rất có dáng của một vị giáo sư, có trình độ thế này mai sau có thể vào thành phố làm ăn được."

Giấc mơ đầu tiên hồi bé của tôi là được làm một thầy giáo mẫu mực, năm lớp hai tôi bị thầy giáo phạt đứng ngoài sân vận động vì nói chuyện với đứa bạn cùng bạn, khi ấy tôi đã thề sau này lớn lên nhất định phải trở thành thầy giáo, mà phải trở thành giáo viên chủ nhiệm lớp con trai thầy giáo tôi, khi ấy tôi sẽ có cơ hội đuổi con thầy ra khỏi lớp.

Mẹ nấu cho tôi món mì trứng vào dịp sinh nhật tôi tròn 20 tuổi, món này làm đơn giản với một túi mỳ ống mua ở cửa hàng trong thị trấn, hai quả trứng cùng với dầu hào và hành hoa, những lần trước mẹ chỉ cho tôi một quả trứng nhưng lần này lại là hai quả.

Đến chiều, chú Năm tặng tôi món quà, đó là một cái hộp nhỏ được gói bằng giấy màu, tôi háo hức mở quà, bên trong là một chiếc điện thoại di động. Tôi mới chỉ được nhìn di động trên phhim ảnh, giờ đã có một cái của riêng mình, màu hồng xinh xắn, bên trên có dán hình một con mèo, vỏ điện thoại hơi cũ, có lẽ đã dùng qua rồi.

Tôi nhìn chú Năm với chút ngờ vực, chú hơi ngượng ngùng nói: "Hôm qua khi vào thành phố có một cửa hàng mới khai trương, người đông như trảy hội, tao móc trộm được của một cô gái đấy."

Hóa ra là vậy, nhưng dù thế nào đi nữa, nó cũng là một chiếc điện thoại di động, tôi vào phòng, năm trên giường và rút điện thoại ra chơi. Tôi nghe đi nghe lại những bản nhạc chuông vui tai, càng nghe càng mê tít, bỗng chuông điện thoại kêu làm tôi giật bắn cả mình, tôi thử nhận điện thoại xem thế nào, phía đầu dây bên kia là giọng của một đứa con gái nhẹ nhàng: "Alô", thấy có người nghe máy, giọng cô ta có vẻ như hơi lo lắng.

Cô ấy hỏi tôi: "Xin hỏi anh là ai vậy? Đây là điện thoại của tôi."

Tôi trả lời: "Vậy à, tôi mua nó ở cửa hàng điện thoại bên đường."

Tôi nghe tiếng thở dài thườn thượt phía bên kia, cô ấy nói: "Anh có thể trả lại cho tôi được không, đây là món quà mà bố tôi mua tặng, nó rất quan trọng đối với tôi ..."

Quà của bố tặng đúng là rất quan trọng. Nếu tôi làm mất món quà của mẹ tặng, tôi cũng sẽ rất lo lắng và buồn, vì thế tôi nghĩ ngay đến việc bán nó, một vật vừa có giá trị vừa là vật kỷ niệm, nếu đưa ra giá quá thấp chẳng khác nào hạ thấp tình cảm tốt đẹp giữa hai bố con cô ấy, do đó tôi quyết định nâng cao giá bán chiếc điện thoại.

Chương 3

Tôi trả lời: "Cũng được thôi, nhưng tôi đã mua nó với giá 500 đồng đấy."

Tôi bắt đầu gợi ý: "Tôi không thể trả không cho cô được, cô phải chuộc lại." Lúc đầu tôi định đưa ra giá 1000 tệ nhưng nhìn cái điện thoại cũng cũ rồi nên chắc cao nhất cũng chỉ đáng giá 500 tệ.

"Vậy tôi trả cho anh 500 tệ anh sẽ trả lại điện thoại cho tôi chứ?" Cô ấy nói.

Tôi lại nói: "Nhưng hiện tại tôi không ở trong thành phố, tôi ở thị trấn Tam Thủy, nếu bạn muốn lấy lại máy thì tôi phải đến đưa cho bạn, vậy còn tiền phí đi đường thì ..."

Cô ta nói luôn: "Tôi sẽ trả."

"Thế 800 được không?" tôi bắt đầu thăm dò cô ta, cái di động cũ này bán với giá 800 cũng đáng lắm chứ.

"Được!" cô ấy chẳng suy nghĩ gì đồng ý ngay.

Tôi ân hận quá, biết cô ta chấp nhận đề nghị của tôi dễ dàng đến vậy tôi đã đòi cao hơn một chút.

Mẹ tôi đã từng nói: "Làm người không được nhân đạo quá", tiếc là tôi lại quên lời mẹ dạy, thật đáng hổ thẹn.

Tôi tìm mẹ thương lượng về việc tôi vào thành phố. Ngày bé tôi đã vào đó, nghỉ hè phải vừa học vừa làm. Tôi đi dạo trên phố cùng cô Năm và bố cô, nếu thấy người nào thật thà là chúng tôi lao đến, cô Năm nói: "Anh ơi (chị ơi), chúng tôi vào thành phố tiêu đến đồng xu cuối cùng rồi, đứa trẻ này đã mấy ngày phải nhịn đói, xin anh chị làm ơn làm phúc."

Tôi chẳng nói chẳng rằng, chỉ nhìn họ một cách rụt rè, mồm méo xẹo, làm như sắp khóc, chỉ dùng ánh mắt và vài động tác đơn giản là tôi đã thể hiện một cách hoàn hảo nội tâm của một đứa trẻ đã trải qua bao đau thương. Khi tôi làm mọi người rung động bằng ánh mắt đầy thương cảm ấy, thường thì họ chẳng suy nghĩ thêm giây nào nữa mà móc tiền trong túi ra mà giúi vào tay tôi, có người còn cho tôi đồ đạc của họ hoặc cái gì đó, và còn thêm thắt vào đó chút nước mắt thương hại nữa chứ.

Tôi chỉ nhớ có một lần duy nhất tôi thất bại đó là khi gặp một người phụ nữ bị cận rất nặng, do không đeo kính nên phải nhìn gần mới thấy và vì thế diễn xuất của tôi bị bại lộ.

Trong thị trấn có nhiều trẻ con lắm nhưng bố cô và cô Năm thích đem theo tôi nhất, vì trình độ diễn xuất của tôi kiếm được số tiền gấp vào lần những đứa trẻ khác, nhưng mỗi lần trở về thị trấn, họ lại lột sạch tiền của tôi và đưa lại cho bố mẹ tôi một ít.

Tiền thật lạ, để lâu trong người sẽ nảy sinh tình cảm với nó, chính tôi không cam lòng đưa hết toàn bộ số tiền kiếm được cho bố con cô Năm, lần nào tôi cũng giấu một ít vào trong quần áo lót, cô Năm và bố cô chẳng bao giờ biết được điều đó.

Lần nào về nhà bố con cô Năm cũng khen tôi nức nở: "diễn rất có sức truyền cảm", hay "đã đạt đến trình độ không cần diễn đạt bằng lời", thế là mẹ tôi mãn nguyện lắm, vừa xoa tay bà vừa khiêm tốn nói "đâu có, đâu có", có lúc bà lại tru mỏ lên mà rằng: "Tôi đã nói rồi mà."

Tôi bảo với mẹ: "Con định vào thành phố một chuyến mẹ ạ."

Mẹ hơi bất ngờ: "Vào thành phố làm gì vậy?"

Tôi bảo với bà việc tôi định vào thành phố bán lại chiếc điện thoại cho chủ nhân cũ của nó.

Mẹ nói: "Con đúng là người có lương tâm, chỉ nhận được có chút tiền vậy mà đã đem trả lại, thời buổi hỗn loạn này, sống trong giang hồ kỵ nhất là lòng khoan dung!"

Rồi mẹ lại thở dài: "Thật ra mẹ cũng giống con, hay nghĩ cho người khác quá, thôi con cứ yên tâm vào thành phố đi, đôi lúc làm chút việc thiện cũng được, nhưng giờ trong thành phố đang là thời gian hoạt động của bọn tội phạm hình sự nên môi trường không được an toàn, con phải hết sức cẩn trọng."

Tôi trả lời mẹ: "Con biết rồi, con định lần này ở lại thành phố một thời gian để đi chơi, tiện thể đi thăm Tứ Mao luôn mẹ ạ."

Ngành cướp bóc cạnh tranh hết sức quyết liệt, nên lợi nhuận ngày càng nhỏ mà nguy hiểm không ngừng tăng, năm ngoái Tứ Mao cùng mấy chiến hữu vào thành phố hy vọng tìm được công việc gì đó có ý nghĩa một chút. Lần rước chú Năm về cũng mang theo thư của Tứ Mao, trong thư nó mời chúng tôi khi nào có cơ hội vào thành phố chơi.

Chú Năm nói cuộc sống của Tứ Mao và các anh em rất ổn, dạo này làm văn bằng, giấy chưngd nhận giả, do nhu cầu của thị trường lớn nên công việc làm ăn rất phát đạt.

Số tôi đúng là may mắn vì vừa hay chú Hai, chú Sáu và chú Chín vào thành phố có công chuyện nên cho tôi đi cùng luôn. Tôi đem theo mấy bộ quần áo rồi ngồi lên xe các chú nhằm hướng thành phố thẳng tiến.

Trên xe có mùi hơi khó chịu vì các chú để rất nhiều thùng sơn, hàng ngày họ bằng mấy thùng sơn đó mà mưu sinh.

Nhưng đừng nghĩ họ là thợ sơn, những ông chú của Tiểu Cường này sao có thể làm mấy việc đơn giản và kém hấp dẫn thế được.

Chú Hai là một "nhà thư pháp", tuy chú chỉ mới học hết lớp 3 và biết chữ không quá 300 từ, vậy mà chú lại là nhà thư pháp hàng đầu đấy. Chú điêu luyện nhất 8 chữ bởi 8 chữ này chú viết thường xuyên. Mọi người đã đọc truyện ông lão bán dầu chưa? Thường xuyên luyện tập một thứ như nhau sẽ dễ dàng đạt đến trình độ điêu luyện.

Chú Hai tôi viết chữ bằng một phong cách độc đáo, chú không dùng bút mà dùng chổi, như vậy chữ mới có khí thế.

Hình như tôi vẫn chưa nói cho mọi người 8 chữ đó là gì nhỉ, đó là: "Vẫn, không, trả, tiền, giết, sạch, cả, nhà."

Chú Sáu là một "họa sỹ", sở trường của chú ấy là vẽ tranh thủy mặc, sau khi chú Hai đã viết chữ lên tường, chú Sáu sẽ vẩy lên nền đất hoặc cửa nhà những bức tranh thủy mặc bằng sơn đỏ.

"Thư pháp" của chú Hai và "tranh" của chú Sáu được thị trấn Tam Thủy chúng tôi phong là "lương tuyệt thư họa".

Chú Chín còn đáng nể hơn, chú ấy là một kỹ sư chuyên ngành đốt nổ, nếu những lời cảnh cáo của chú Hai và chú Sáu không có tác dụng, chú Chín sẽ khóa cửa nhà đối tượng lại, chú Sáu phụ trách đổ xăng còn chú Chín phụ trách châm lửa.

Chương 4

Đường từ Tam Thủy vào thành phố rất gồ ghề, đến năm nay con đường này đã được sửa bảy lần rồi, sáu lần trước đều do bố cô Tư đảm nhiệm, nhưng đến lần thứ sáu, ông ấy không cẩn thận thế nào lại dùng nhầm xi măng, ba tháng liền đường không bị hỏng, lãnh đạo cơ quan quản lý đường bộ mấy tháng nay không có công ăn việc làm, do vậy mà lần thứ bảy bỏ thầu bố cô Tư không còn cơ hội tham gia nữa.

Chúng tôi đến thành phố sau hai tiếng lắc lư trên xe, các chú thả tôi ở gần nhà Tứ Mao rồi đi công chuyện luôn.

Tôi cầm theo địa chỉ của Tứ Mai và lần mò tìm đường, Tứ Mao sống ở một nơi rất hẻo lánh, tôi tìm mãi mới ra, đó là một ngôi nhà nhỏ cũ nát ba tầng, tôi nhớ chú Năm từng kể rằng cuộc sống của Tứ Mao rất khá, sao giờ lại ở một nơi tồi tàn thế được nhỉ? Lẽ nào cậu ấy đi tu? Sống một cuộc đời thanh đạm sao?

"Tứ Mao! Tứ Mao!" tôi đứng dưới sân gọi với lên.

Bỗng trên tầng có ai đổ ào một chậu nước xuống, may tôi tránh kịp, một bà với cái mặt to béo ló ra và quát lên: "đứa nào ầm ĩ lên thế? Làm mất giấc ngủ trưa của bà."

Trời đất, đã bốn giờ chiều rồi mà vẫn còn ngủ trưa, chả trách mụ già chết tiệt ấy to béo đến vậy.

"Mụ béo kia gào cái gì đấy?" Đứa như tôi mà phải chịu bỏ qua sao, tôi cãi nhau tay đôi với mụ luôn.

"Thằng nhãi ranh ở đâu ra mà dám gọi ta là mụ béo hả?", bà ta tiếp đòn về phía tôi bằng một chậu nước nữa.

Tôi bắt đầu nhặt đá phản công. Ném đá là sở trường của tôi, ngày bé tôi thường nấp ở bên ngoài cầu tiêu bên sườn dốc rồi lấy đá ném vào trong, mỗi lần tôi chỉ ném một hòn đá, nhằm đúng lúc họ đang sung sướng nhất, đang cao trào nhất mà ném, ném trúng mông họ là tuyệt nhất, còn nếu bị trệch một chút mà trúng vào trong hố, một số thứ sẽ bắn lên và hiệu quả cũng không tồi, rất nhiều người vì thế mà bị táo bón, có người còn vừa ngồi trong nhà tiêu vừa che ô.

Đá từ tay tôi bay ra tới tấp, vừa nhanh vừa chuẩn. Mụ béo bị ném đến nỗi không chịu nổi phải chui vào nhà trốn không dám thò đầu ra, mụ cũng chửi lấy chửi để nhưng lại là mấy câu chửi cũ mèm, nào là "thằng chết tiệt", "thằng con hoang".

Trình độ chửi bới của mụ cũng chỉ bằng trình độ của tôi hồi sáu tuổi. Thím Bảy của tôi được mệnh danh là thiên hạ đệ nhất chửi bới ở Tam Thủy, thím đã từng chửi đến độ làm mấy bà xuất huyết não, có lúc thím còn "giáo dục" mấy ông lái xe không chịu móc tiền ra hoặc cho ít quá đến nỗi mấy ông không dám ngẩng mặt lên.

Hôm nay tôi không muốn đấu khẩu với mụ béo vì tuy trình độ tôi có hơn mụ vài lần nhưng giọng tôi không được tốt bằng, hơn nữa mụ lại có vị trí thuận lợi, mụ đứng trên cao, thính giả sẽ đông hơn và nghe rõ hơn.

Từ nhỏ thím Bảy đã dạy tôi, chửi là một môn nghệ thuật đòi hỏi kỹ năng cao chứ không thể chửi bừa, bài chửi của thím có 7 bước mà mọi người gọi là: "Thím Bảy - nghệ thuật bảy bước nghiên cứu tổng hợp kỹ năng chửi", trong "Sách quý Tam Thủy" có ghi lại chi tiết 7 điều này, tôi giới thiệu qua cho mọi người cùng biết.

Một là: Phải có tính sát thực. Đối phương sợ cái gì thì mình phải chửi cái đó, dùng bí mật đời tư để chửi, mà mấy thứ bí mật đó có thể thu hoạch từ mấy bà ngồi lê đôi mách trong thị trấn. Bạn còn có thể đem bí mật đời tư của cô Ba kể cho cô Năm nghe và cô Năm thế nào cũng tiết lộ cho bạn bí mật của cô Sáu, sau đó lại đem bí mật của cô Sáu buôn với cô Ba thế là lại thu được bí mật của cô Năm.

Hai là: Phải có sức hấp dẫn. Chuyện bắt gà trộm chó là chuyện chẳng mấy ai để ý trong thị trấn này, phỉa lựa chọn được đề tài thật bóng bẩy, có thế những khán giả qua đường mới dừng lại thưởng thức; biểu diễn yêu cầu phải có sức truyền cảm; miêu tả sinh động như thể mắt thấy tai nghe, nói đến đoạn mấu chốt của vấn đề phải nhấn mạnh và ngắt quãng; làm như chuyện đó thật thối tha làm bạn không dám mở miệng ra kể tiếp. Mọi người có hỏi thế nào bạn cũng không nói, trí tưởng tượng của con người vốn rất phong phú, hôm sau trong thị trận sẽ xuất hiện hàng chục câu chuyện được tái bản với nội dng dâm loạn và tồi tệ ngoài sức tưởng tượng của bạn.

Ba là: phải biết thêu dệt câu chuyện. Nếu bạn không có chuyện hấp dẫn nào để kể về đối phương thì lúc ấy bạn phải sáng tác ra một câu chuyện, và một nguyên tắc quan trọng khi sáng tác là bạn không được hoàn toàn bịa đặt, ba câu nói phét phải thêm một câu nói thật. Ví dụ cô Chín hôm ấy vào thị trấn mua son phấn thì bạn nói: "Hôm đó cô Chín vào thị trấn cặp bồ được người tình tặng cho son phấn". Thế nào cũng có người xác nhận rõ ràng hôm đó cô Chín có vào thị trấn, cũng lại có người làm chứng cô ta mang về rất nhiều son phấn, bạn có không ít người làm chứng về thời gian và địa điểm, nên mọi người chắc chắn sẽ tin chuyện cô Chín cặp bồ, chuyện đi mua son phấn chỉ là lấy cớ thôi.

Bốn là: Vừa cương vừa nhu. Bạn tiết lộ chuyện của cô ta, cô ta ắt sẽ tìm cách báo thù, nếu tiếp tục cãi vã với cô ta thì sẽ rơi vào tình thế đọ giọng nói, chi bằng bạn tạm giải lao ít phút xem cô ta gào thét, bạn làm cho người xem thấy rằng bạn không hề muốn kể ra bí mật đó, chỉ là bạn bị cô ta ép quá, bạn hãy thể hiện một thái độ cao thượng nhắc nhở mọi người: Ai bị người khác nói trúng tim đen thường mất bình tĩnh, mong mọi người hãy rộng lượng với cô ấy.

Năm là: Phải biết nguyền rủa. Nếu cô ta mà không điên tiết lên thì coi như kế hoạch của bạn bị sụp đổ, bạn phải biết kết hợp việc nguyền rủa sao cho lượng âm thanh đủ lớn để chỉ mình cô ta nghe thấy mà người khác không nghe thấy, có thế họ mới không nghĩ bạn độc ác. Nội dung nguyền rủa tùy vào đối tượng, nam thanh niên thì rủa kém cỏi về mặt đó, con gái trẻ trung rủa gặp yêu râu xanh, phụ nữ trung niên rủ chồng nuôi bồ nhí. Không được nhầm lẫn các đối tượng này vì nếu chửi mấy bà trung niên gặp yêu râu xanh thì chẳng có tác dụng gì, có khi bà ấy còn vui vì chuyện đó cũng nên.

Sáu là: Xúi giục quần chúng. Dù có là cao thủ cũng không đối phó kịp với một lượng khán giả hùng hậu mồm năm miệng mười, cho nên khi thấy mình yếu thế hơn thì phải biết lợi dụng sức mạnh quần chúng để cùng tấn công, quy trình thực hiện cụ thể như sau: Nếu cô Ba từng ăn trộm một con gà của hàng xóm là một trong những khán giả có mặt ở đây, mà cô Chín không biết chuyện này thì bạn phải kéo câu chuyện sang chủ đề trộm cắp để cô Chín chửi, sau đó lại nói với cô Ba rằng cô Chính đang mượn gió bẻ măng nhằm vào cô Ba, vậy là bạn có thêm nhiều trợ thủ.

Bảy là: Vận dụng linh hoạt, tùy cơ ứng biến. Điểm này khó thực hiện nhất, bạn phải biết kết hợp và xâu chuỗi sáu nguyên tắc trên, thêm sự hiểu biết và kinh nghiệm tích lũy được, bạn mới có thể đạt đến trình độ cao nhất, đó là bí quyết ngầm hiểu chứ không cần diễn đạt bằng lời.

Cuốn "Sách quý Tam Thủy" mà tôi đã nói đến là quyển sách ghi lại tinh hoa của mọi ngành nghề, tôi cũng là một trong những thành viên của ban biên tập.

Ngoài cuốn "Thím Bảy - nghệ thuật bảy bước nghiên cứu tổng hợp kỹ năng chửi" mà tôi vừa giới thiệu còn nhiều những ghi chép khác. Lấy ví dụ như:

"Làm thế nào để nàng yêu - Thời khắc dễ mềm lòng nhất của phụ nữ", tác giả: chú Tám, nghề nghiệp: bám váy vợ.

"Tâm lý học thư tín", tác giả: cô Năm và bố cô Năm, nghề nghiệp: lừa đảo.

"Đánh giá tài sản tống tiền và tính toán mức độ nguy hiểm", tác giả: chú Ba, nghề nghiệp: bắt cóc tống tiền.

"Nghệ thuật đối phó với cảnh sát", tác giả: dì Quế Hoa, nghề nghiệp: gái bán hoa.

"Bút pháp viết thư nặc danh và thư dọa dẫm", tác giả: chú Hai, chú Sáu, chú Chín, nghề nghiệp: đòi nợ.

Những kinh nghiệm này tôi không giới thiệu chi tiết với mọi người nữa, lý luận suông không thể một lần hấp thụ quá nhiều được.

Chương 5

Tôi vẫn ném một cách nhiệt tình, một cái đầu vừa ló ra khỏi cửa sổ liền hứng chịu ngay một viên đá của tôi, hắn kêu "Oái" ngay một tiếng, hóa ra là Tứ Mao.

Tôi dừng tay gọi với lên: "Tứ Mao!"

Tứ Mao nhận ra tôi vội chạy xuống cầu thang, rồi hỏi: "Tiểu Cường, cậu đến đây bằng cách nào đấy? Mình nhớ cậu quá!"

Tôi kể lại cuộc hành trình cho Tứ Mao nghe.

Rồi tôi nói: "Lần này mình đến mục đích chính là thăm các cậu, nhân tiện kiếm chút tiền mặt."

Tứ Mao cảm động khoác vai tôi nói: "Tiểu Cường, mình biết mấy lời cậu nói là giả tạo nhưng vẫn thấy cảm động. Tuy không khóc nhưng hãy tin là trong tim mình những giọt nước mắt đang rơi." Nghe xem lời cậu ta nói còn giả tạo hơn tôi nhiều.

Tứ Mao dẫn tôi lên gác, hành lang vừa bẩn thỉu vừa ngổn ngang, góc cầu thang chất đầy rác rưởi.

Tôi nghi ngờ hỏi lại Tứ Mao: "Mình nhớ là cô Năm kể cuộc sống của cậu ổn lắm mà, sao lại ở cái nơi ổ chuột này?"

Tứ Mao thở dài đánh thượt: "đúng là mấy ai học được chữ ngờ".

Đang leo lên cầu thang tôi gặp ngay mụ béo ban nãy hai tay chống nạnh đứng giữa lối đi, thân hình phì nộn của mụ chắn cả cái lối đi bé tẹo. Mụ ta nhìn tôi với vẻ rất tức tối, những tảng thịt núng nính trên cái mặt béo múp cứ như lồi ra thêm, Tứ Mao vừa nhìn thấy mụ đã co rúm như chuột nhắt thấy mèo làm tôi vô cùng ngạc nhiên, bởi ở thị trấn chúng tôi Tứ Mao trước nay vẫn được coi là kẻ không biết sợ trời đất là gì.

"Tứ Mao, bạn mày hả?" mụ béo hỏi Tứ Mao rồi nhìn tôi dò xét, xong mụ nhoẻn miệng cười, đưa tay định vuốt má tôi nói: "Thằng nhỏ nhìn dễ thương quá!"

Tôi lùi ngay lại tránh bàn tay to béo của mụ.

Tứ Mao trả lời: "Chị Trần, đây là bạn cùng quê của em", nói rồi cậu ấy kéo tôi tuột vào phòng.

Bà chị Trần kia không vuốt má tôi được một cái nên có vẻ không hài lòng, mụ đứng ngoài cửa nói toáng lên: "Tứ Mao, cho mày thêm 5 ngày nữa, nếu vẫn không trả tiền thì ...!" mụ ta chần chừ rồi bỏ đi.

"Ai đấy?", tôi hỏi Tứ Mao, bà chị Trần mà Tứ Mao sợ kia có lẽ là chủ nợ của cậu ấy.

"Chị ta là chủ nhà, mấy tháng nay tớ chưa trả tiền thuê nhà rồi." Tứ Mao đáp.

Thảo nào mà cậu ấy lại tỏ ra sợ sệt đến thế.

Tôi liếc qua căn phòng tồi tàn, phòng chật chội chỉ đặt một cái giường và một cái bàn, vài thứ đồ dùng ném lung tung khắp nhà. Tôi lại liếc qua Tứ Mao, trông cậu gầy và đen so với trước, trên người là chiếc áo may ô thủng lỗ chỗ.

"Tứ Mao, nhìn cậu dạo này cũng thời trang nhỉ, còn học đòi ăn mặc gợi cảm nữa chứ?" Tôi chọc Tứ Mao.

Cậu ấy cười méo mó, chẳng đáp lời tôi.

Tôi lại hỏi: "Phòng này thuê bao nhiêu một tháng?"

Tứ Mao nói: "Hai trăm tệ".

Tôi nói: "Gì mà đắt thế, phòng thì tồi tàn mà cũng 200 tệ à?"

Tứ Mao trả lời: "Thế vẫn còn rẻ chán, chẳng qua ở đây phòng cũ nát quá lại gần nhà xác nên mới rẻ."

Tôi hỏi: "Dạo này cậu sống thế nào?", hỏi thế chứ nhìn cậu ta cũng đủ biết.

Tứ Mao thở dài đáp: "Thời gian trước mình cùng mấy đứa làm văn bằng, chứng nhận giả, nhưng mình ít chữ nên không được làm bên kỹ thuật, chỉ toàn dán tờ rơi quảng cáo ngoài phố. Ba tháng trước, sở công an ra cáo thị cấm dán quảng cáo ngoài phố, họ còn thuê một lực lượng lớn đi bóc quảng cáo bọn tớ dán, có lúc còn giả làm khách hàng để tóm cổ tụi tớ, làm ăn thất bát quá nên chỉ còn cách tạm dừng."

"Thế giờ cậu sống bằng gì?" Tôi hỏi.

Tứ Mao trả lời: "Tớ vừa tòm được một công việc mới, bật tắt nhạc trong rạp chiếu phim, nhưng mới làm được nửa tháng mà lương thì cuối tháng mới được lĩnh."

Nghĩ đến cậu bạn đã nợ mấy tháng tiền nhà tôi tính đợi bán xong điện thoại sẽ trả nợ cho cậu ấy.

Tứ Mao lại thở dài than với tôi: "Giờ mình bắt đầu hối hận vì không chịu học hành như cậu, mẹ cậu đúng là sáng suốt thật!"

Ha ha, tôi lại thêm một lần tự hào về mẹ.

Chương 6

Tôi bắt xe buýt đến quảng trường trên đường Đại Sơn. Tối qua, tôi đã hẹn với chủ nhân của chiếc điện thoại. Tôi lắc lắc cái cổ, tối qua nằm chen chúc với Tứ Mao trên cái giường chật chội chẳng thoải mái chút nào nên ngủ không được ngon lắm, Tứ Mao thì ngáy như sấm rền, đến nỗi từng lớp bụi trên trần nhà lần lượt rơi xuống. Thêm vào đó là những tiếng lạch cạch làm tôi lo lắng, chẳng biết nửa đêm từ mấy lỗ hổng trên trần nhà có rơi xuống một con chuột nhắt hay con rắn không.

Tứ Mao ngay từ khi mười mấy tuổi đã ngáy rất siêu đẳng, hồi còn bé có lần bố mẹ tôi đi công tác xa nên gửi tôi qua bên nhà Tứ Mao. Tôi, Tứ Mao và bố cậu ấy ngủ trong một căn phòng, họ có trình độ kéo gỗ ngang ngửa nhau đến nỗi vừa đặt lưng cái là phải ngủ ngay chứ nếu một người đã ngủ rồi thì người kia đừng hòng ngủ nổi. Thế mà sáng ra, họ vẫn cằn nhằn tiếng ngáy của người kia làm mất giấc ngủ của mình.

Bố Tứ Mao nói: "Tứ Mao, mày mới tí tuổi đầu mà đã ngáy kinh như vậy coi sao được, học tập Tiểu Cường kia kìa, ngủ phải im lặng thế mới gọi là ngủ chứ."

Tôi chẳng biết khi ngủ mình có ngáy không nhưng tôi biết là những người thức trắng đêm thì không bao giờ ngáy cả.

Tôi dựa vào cửa xe ngủ gật, xe không đông lắm, chỉ có vài người phải đứng. Lại qua một bến nữa, tôi ngó lên bảng lịch trình, cũng còn khá nhiều bến nữa mới đến.

Xe dừng lại, một ông già tóc hoa râm bước lên và run rẩy tiến vào trong xe, hành khách ai nấy ngồi bất động như núi Thái Sơn, có vài người thấy ngần ngại bèn quay ra ngoài cửa sổ.

Dáng dấp ông cụ rất giống ông Tôn ở thôn Đông Đầu, mỗi lần tôi đi qua nhà ông đều được ông cho quà bánh. Lúc này ông lão đang dần tiến về phía tôi, tôi đứng dậy nhìn về phía ông lão để ông biết rằng tôi sẽ nhường chỗ, ông ta nhìn tôi đầy ngờ vực và không ngồi.

Tôi đành ngồi xuống ghế và quan sát ông lão tiếp tục run rẩy bước về phía cuối xe, ông già này thật kỳ quặc. Sắp đến cuối xe lại có một gã thanh niên đứng lên nhường chỗ, lần này ông lão ngồi thật.

Tôi ngồi trên ghế nhìn vào cái quần vừa bẩn vừa rách của mình, và chợt hiểu hóa ra ông già chê tôi bẩn thỉu!

Tôi mặc cái quần này đã mấy năm rồi, năm ấy chúng tôi gặp nạn, người thành phố đã quyên góp rất nhiều quần áo tặng dân thị trấn, lúc quần áo đưa về đến thị trấn, mấy ông cán bộ thị trấn đem quần áo tốt chia cho họ hàng, bạn bè, còn quần áo rách nát của họ lại được đem đi phân phát cho dân. Mẹ tôi mồm miệng vốn khéo léo lại có mối quan hệ tốt với mấy ông cán bộ, nên cái quần được phân này là cái quần thải ra của cậu ruột Chủ tịch thị trấn nhưng vẫn còn rất mới, tuổi đời mới chỉ có sáu năm.

Tôi ấm ức lắm nhưng đúng lúc này còi xe buýt báo hiệu đã đến quảng trường Đại Sơn.

Tôi vội xuống xe, lúc đi qua ông già khi nãy trong đầu tôi lại nảy ra mấy trò đùa tai ác. Thế là tôi hít một miệng đờm, nhổ "toẹt" ra cạnh chân ông già, ông ta giật bắn mình vội rụt chân lại, đám đờm vàng lầy nhầy ngay cạnh chân ông, tôi nở một nụ cười quái ác, thực ra ông ta không rụt chân lại thì tôi cũng không nhổ trúng. Kỹ thuật khạc đờm tôi đã luyện nhiều, hồi nhỏ tôi và bọn Tứ Mao toàn trốn trên nóc nhà Ủy ban thị trấn và nhổ nước bọt xuống người đi đường. Cán bộ cấp cao nhất dính chưởng nước bọt của tôi là một ông cán bộ tỉnh về địa phương điều tra. Nhổ nước bọt không khó nhưng nhổ có kỹ thuật thì không dễ, phải biết kết hợp hài hòa sức gió và độ đậm đặc của nước bọt. Hôm đó, trên xe buýt cũng phải chú ý đến quán tính, tôi nhổ ở vị trí cách chân ông ta là 3,8cm, ông lão nhìn tôi đầy vẻ sợ sệt, tôi chẳng nhìn lại nữa mà vênh mặt bước xuống xe trước những ánh mắt oán trách.

Tôi đến quảng trường, ngồi đợi bên đài phun nước, ngắm dòng người ăn mặc sang trọng đi qua đi lại.

Chuông điện thoại reo, tôi chợt nghe thấy có tiếng gọi mình.

"Chào anh!", âm thanh không phải phát ra từ điện thoại mà ngay sau lưng tôi, tôi ngoái lại, thì ra là một cô bé dáng gầy gò.

Cô gái không cao, mặt trái xoan xương xương, tóc dài chấm vai, da trắng bủng, vừa nhìn đã biết là kiểu con gái thành thị, trông cũng tàm tạm nhưng không hấp dẫn, mặc dù đã chuẩn bị tâm lí từ trước tôi vẫn hơi thất vọng.

Cô ta có thân hình gầy guộc, mà ở thị trấn tôi kiểu người ấy là mất điểm nhất, vì được liệt vào loại sinh đẻ kém. Quê tôi con gái xuất giá được nhận lễ của nhà trai theo trọng lượng cơ thể, một tháng trước khi lấy chồng phải ăn tống ăn táng để kiếm thêm chút lễ cho bố mẹ.

"Anh đợi lâu rồi phải không?" cô ta thỏ thẻ hỏi.

"Cũng vừa đến thôi" Tôi trả lời.

Tôi đưa cái điện thoại cho cô ta: "Điện thoại của cô đây."

Tôi không hề lo lắng cô ta sẽ không trả tiền vì dựa vào trình độ của mình tôi biết cô ta có muốn cũng không lừa được tôi.

Cô ta cảm ơn, nhận lại điện thoại, vội rút trong túi xách ra một xấp tiền, không đếm lại, xem ra đã chuẩn bị sẵn từ trước.

Tôi nhận tiền, vừa chạm vào là biết ngay tiền thật, cô Tám thường mua tiền giả ở nơi khác về tiêu, kỹ thuật nhận biết tiền giả của tôi cũng là học từ mấy chuyên gia tiền giả ở thị trấn.

Lúc cầm tiền tôi tiện thể vuốt tay cô ta một cái, tuy chỉ là một bàn tay khô gầy, cảm giác kém xa so với cầm tay em Hoa nhà cô Tám, nhưng kể ra đây cũng là một cơ hội không tồi để trải nghiệm cuộc sống.

Cô ta sợ quá vội rụt tay lại, mặt mày hốt hoảng khiến tôi hả hê.

Tôi nhìn cô gái, tuy vẫn đang sợ nhưng rõ ràng tôi thấy quen lắm, lẽ nào đã gặp ở đâu?

"Cô đến thị trấn Tam Thủy bao giờ chưa?" Tôi thăm dò.

"Chưa." Cô gái trả lời tôi.

Cô ta hơi ngại ngùng khi tiếp lời: "Tôi chưa bao giờ ra khỏi thành phố."

Chương 7

Tôi cầm tiền, quay lại chỗ Tứ Mao, hình ảnh cô gái cứ quanh quẩn trong đầu tôi, tại sao lại có cảm giác quen thuộc nhỉ? Tôi cũng không rõ tôi đã gặp cô ta bao giờ chưa, những người bị tôi lừa không đếm hết được nên không nhớ ra cũng là lẽ thường tình. Thôi, bỏ qua chả nghĩ nữa.

Tôi đứng dưới nhà Tứ Mao đã nghe thấy tiếng gào thét của mụ béo.

Lên đến phòng Tứ Mao gặp ngay mụ đang đứng chắn cửa phòng.

Mụ nói: "Tao đã bảo mày rồi, không trả tiền nhà thì biến đi chỗ khác".

Tứ Mao đáng thương cứ lắp ba lắp bắp: "Hôm qua chị đã hạn cho em thêm năm ngày nữa mà."

Mụ tiếp luôn: "Hôm qua là hôm qua, giờ mày không trả tiền thì năm ngày nữa cũng vậy thôi, cho mày thêm thời gian cũng bằng thừa."

Tôi sấn đến trước mặt mụ, nhìn thấy tôi, những khối thịt đang đanh lại trên mặt chị ta lập tức giãn ra.

"Tên là Tiểu Cường hả em? Về rồi đấy à?" Chị ta chống tay lên bậu cửa thành tư thế hình chữ S rồi cứ thế nhìn tôi, cửa nhà phòng Tứ Mao vốn đã không chắc chắn gì, giờ tôi lại càng thấy lo hơn.

Mụ nhìn tôi đầy vẻ dịu dàng, tiếc là nghiệp dư quá.

Dì Quế Hoa đã từng nói, phương pháp chuẩn xác là tạo một góc 15 độ giữa người và bậu cửa, sau đó tạo dáng liễu mềm vịn gió, ánh mắt chứa đựng vẻ thuần khiết và ưu sầu, vài sợi tóc trước mắt lất phất bay, nếu chúng không động đậy thì dùng miệng thổi.

Khi anh ta chăm chú nhìn bạn, hãy để miệng nhoẻn cười (nếu kết hợp với má lúm đồng tiền thì hiệu quả càng cao), tiếp đến mắt lim dim khép hờ, bắt đầu đong đưa.

Đợi anh ta tiến gần hơn một bước thì tỏ ra ngượng ngùng e lệ rồi kéo anh ta vào phòng.

Nếu xung quanh không có người có thể bỏ qua bước này, lập tức ngã vào lòng anh ta.

Người càng mảnh mai tạo dáng này càng cuốn hút, chứ cứ như mụ béo này cả người toàn những thịt là thịt thì chẳng thể nhìn nổi.

Tôi hỏi mụ: "Tứ Mao nợ chị bao nhiêu?"

"Bốn tháng tiền thuê phòng, tổng cộng là tám trăm tệ." Mụ đáp.

Tôi lôi trong túi tám trăm vừa kiếm được đưa cho mụ.

Chị ta đếm tiền rồi bỏ đi với vẻ không được mãn nguyện lắm.

Tứ Mao rất cảm kích, cậu ta nhìn tôi nhưng không nói gì bởi Tứ Mao cũng hiểu rằng có những điều nhiều khi không cần thiết phải nói ra.

Tôi nói: "Giờ công việc chính đang bị đình đốn, đành phải tìm một việc phụ để làm. Cậu có báo không?"

Tứ Mao gom nhặt khắp phòng được rất nhiều báo cũ.

Cậu ta nói: "Báo này mình trộm từ phòng thu phát về đấy."

Tôi lật bừa đống báo, có rất nhiều quảng cáo tìm nhân viên, nhưng báo toàn bị xé mất một nửa, chỗ mất đều là thông tin tuyển dụng.

Tôi hỏi Tứ Mao: "Sao mấy tờ báo này còn mỗi nửa thế?"

Cậu ta ngại ngùng đáp: "Mình dùng đi vệ sinh."

Trong đống báo tôi còn tìm thấy nửa quyển tiểu thuyết có tên Nụ hôn đầu thất lạc trên xe buýt của tôi, giở trang đầu thấy tên tác giả Bukla, quyển sách cũng bị mất đi nhiều trang.

Tôi ngạc nhiên hỏi cậu ta: "Nửa quyển kia cũng bị cậu đi vệ sinh rồi hả?"

Tứ Mao trả lời tôi: "Ừ."

Tôi bực mình đứng phắt dậy nói: "Tứ Mao, cậu đã dùng sách của Bukla để làm giấy vệ sinh ư?"

Tứ Mao đỏ mặt đáp: "Ừ, có lẽ là vậy, mà cũng có thể mình dùng để kê chân bàn."

Tôi thở dài nói với cậu ta: "Cậu không biết là mực in sách chứa hàm lượng chì rất cao à, dùng làm giấy vệ sinh rất dễ bị viêm nhiễm, trĩ, thậm chí còn dẫn đến ung thư đấy! Nếu nó theo đường máu lên não còn gây ra tổn thương về não nữa, sao cậu dám dùng nó đi vệ sinh chứ?"

Tứ Mao nói: "Nghiêm trọng thế cơ à, vậy lần sau chỉ còn cách lấy báo một mặt về dùng thôi?"

Chương 8

Tôi tìm trên báo công việc thích hợp với mình, vừa đọc vừa cười vì mấy ông cùng nghề với tôi cũng đăng quảng cáo, tuy cũng nghề nói phét với nhau nhưng cũng phân thành các trường phái, chúng tôi là phái điền viên, thường công tác ở vùng xa xôi, còn ở thành thị xa hoa họ mạnh hơn chúng tôi về thực lực, thành viên có cả quan chức cao cấp, ông chủ lớn và kỹ sư tài năng...

Trên báo đăng những công ty thương mại tuyển người mẫu bán hàng trực tiếp, gián tiếp, nhân viên nam nữ quán bar, không hỏi tôi cũng biết nói cho hay vậy thôi chứ cũng chẳng tử tế gì. Cũng có không ít nơi lương cao, đòi hỏi thấp nhưng lúc đến phỏng vấn bạn phải đóng đủ thứ phí, nào là phí tin tức, phí tư vấn, phí hòa mạng nhân tài, phí trang phục... Sau đó, họ lặn mất tăm mất tích luôn.

Tôi tìm trong đó vài công việc phù hợp với điều kiện của mình, hỏi đường Tứ Mao rồi bắt đầu xuất phát.

Công ty đầu tiên tôi ngắm là công ty TNHH Phú Thông Trung Quốc, tôi đứng trước cửa công ty, một cánh cổng sắt hoen rỉ rách nát, công ty rất nhỏ nhưng xem ra rất có chí hướng, ít nhất họ cũng lấy hai chữ "Trung Quốc" để đặt tên công ty.

Đây chắc chắn không phải công ty kinh doanh ngành nghề cùng lĩnh vực với tôi, nếu là công ty ma thì lúc nào cũng trang hoàng phòng khách thật sang trọng, đẹp đẽ rồi ngồi đợi cá cắn câu.

Tôi gõ cửa bước vào, một phụ nữ trang điểm loè loẹt ngồi trong phòng, vừa cắn hạt hướng dương vừa đọc sách bói toán. Tôi tiến đến và hỏi: "Chị làm ơn cho hỏi ở đây đang tuyển nhân viên phải không ạ?"

Tôi ngửi thấy mùi nước hoa nồng nặc toả ra, trộn lẫn với một thứ mùi rất kỳ quặc, tôi thấy quen quen, có một lần lãnh đạo tỉnh về thị trấn tham quan thành quả áp dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp, trại nuôi lợn nhà anh Trương Đại Minh được chọn làm điểm khảo sát, anh ta đến cửa hàng tạp hóa thị trấn mua rất nhiều nước hoa về xịt khắp trại, chính là cái mùi đặc biệt này.

Chị ta ngẩng lên nhìn tôi, đưa cho tôi một tờ mẫu đơn đăng ký và nói: "Điền lí lịch bản thân vào."

Tôi nhìn tờ khai, nội dung không nhiều, toàn chữ tôi đọc được, tôi hăm vào và nộp lại.

Chị ta xem lí lịch của tôi rồi đọc: "Trương Tiểu Cường, 20 tuổi".

Đột nhiên chị ta dừng lại, hết sức ngạc nhiên hỏi: "Trình độ văn hóa tốt nghiệp phổ thông cơ sở?"

Tôi trả lời: "Vâng ạ."

Chị ta nói: "Chúng tôi cần người đã tốt ngiệp đại học."

Chết ngất mất, họ đâu có nói yêu cầu trình độ đại học. Mà một công việc giao hàng thì đòi hỏi trình độ đại học làm gì cơ chứ?

Khi tôi ra đến cửa chị ta còn nói với theo: "Giờ tốt nghiệp đại học ra thất nghiệp nhiều hơn chó chạy rông ngoài đường, tốt nghiệp cấp II như cậu đừng nghĩ đến chuyện tìm việc làm gì nữa."

Suốt một buổi chiều tôi bị từ chối hết lần này đến lần khác, tôi ngồi ngoài sảnh công ty cuối cùng mà tôi bị họ đuổi ra, ngắm nhìn dòng người qua lại, xem ra sống ở thành phố cũng không đơn giản gì, có một cô bé đi qua ném đồng xu một nhân dân tệ xuống chân tôi, nhìn tôi đầy thương hại, đồng xu lăn ra xa chỗ tôi một chút, cô bé đá đồng xu lại phía tôi, tôi nhìn đồng xu một cách say sưa. Cô bé nhìn tôi đầy nghi hoặc, tôi nhặt đồng tiền lên nhìn cô bé cười, cô bé rất hài lòng và chạy đi.

Có người thích làm điều thiện thì tôi phải cho họ được thoả mãn, đây chính là sự tôn trọng người khác.

Tôi về phòng trọ của Tứ Mao, thấy hơi mệt nhưng không thấy nản.

Mẹ đã nói: "Con người luôn gặp rất nhiều thất bại và trắc trở, phải nhớ dù thế nào cũng không được lùi bước, lừa người ta bị phát hiện cả trăm lần cũng không sao, nhưng chỉ cần lần thứ 101 thành công là được, làm việc gì cũng không được cố chấp, nếu không lừa được một người, đừng cố để lừa tiếp người đó, hãy chuyển sang một đối tượng khác."

Tứ Mao hỏi tôi: "Không tìm được việc gì phù hợp à?"

Tôi cười buồn trả lời: "Ừ!"

Tứ Mao nói: "Mình cũng mất bao công sức mới tìm được việc, nhưng mình nghĩ cậu nên đánh bóng bản thân lên một chút, như vậy có lẽ dễ tìm việc hơn."

"Đánh bóng thế nào?" Tôi hiếu kỳ hỏi.

Tứ Mao đáp: "Đầu tiên phải mua một bộ cánh diện, sau đó làm một tấm bằng đại học."

Tôi hơi ái ngại hỏi cậu ta: "Quần áo mình có thể mua, một tấm bằng có trình độ cao có thể nhờ bạn cậu làm hộ, nhưng có bằng cấp rồi mà trình độ mới hết cấp hai, làm sao có thể giả làm sinh viên tốt nghiệp đại học được?"

Tứ Mao trả lời: "Cái đó thì cậu yên tâm đi, cậu thông minh thế lại hiểu biết nhiều, bây giờ tụi sinh viên đại học ngoài việc đánh bài và rượu chè ra thì chỉ có tán gái thôi chứ học hành gì đâu, trình độ của cậu có thể không bằng bọn học sinh cấp ba, nhưng vẫn có thể bằng bọn có bằng đại học đấy."

Chương 9

Từ một cái chợ nhỏ trong thành phố, tôi đã có được một bộ cánh sang trọng. Tứ Mao ngạc nhiên ngắm nghía, cậu ta sờ vào bộ quần áo của tôi, miệng không ngớt xuýt xoa khen ngợi: "Đúng là hàng cao cấp có khác, mà này, cậu mặc comple trông đẹp trai ghê!". Cậu ta hỏi tôi: "Bộ cánh bao nhiêu?", tôi nói: "ba mươi tệ."

Tứ Mao lại xuýt xoa: "Đúng là tiền nào của nấy!"

Kỳ thực, người bán hàng ra giá ba trăm tệ nhưng tôi trả xuống còn ba mươi tệ.

Cô Năm và mấy người đã từng buôn thuốc giả trong thành phố thường treo đầu dê bán thịt chó, cao bò thì bảo là cao hổ. Những kinh nghiệm mặc cả họ tích luỹ được khá phong phú, mặc cả thực chất không khó, chủ yếu cần to gan, mạnh mồm, mặt dày. Một quy trình mặc cả hoàn thiện nhất gồm các bước sau:

Bước một: Nhìn một cách coi thường. Bạn phải là một kẻ đứng trên, nếu họ thấp hơn bạn thì hãy nhìn họ bằng ánh mắt của kẻ bầy tôi, nếu họ cao hơn bạn thì bạn nhìn món hàng của họ một cách coi thường. Nếu người bán hàng là một đứa trẻ con thì bạn không cần áp dụng bước thứ nhất này.

Bước hai: Nhìn hàng hóa một cách đau lòng. Để cho họ biết rằng, bạn đang cầm một mớ rác và đang giúp họ xử lí chúng, đó chẳng qua là hành động hi sinh của một người cao thượng cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ môi trường. Họ còn mặt mũi nào mà tính tiền bạn.

Bước ba: Nhìn một cách chân thành. Tuy đồ của họ chẳng ra gì nhưng bạn vẫn quyết định mua, hãy để họ thấy được trong ánh mắt bạn một tấm lòng cao cả, trước khi nhìn họ hãy dụi lại mắt thật kỹ, nếu để họ thấy dỉ mắt bạn coi như bước này thất bại.

Bước bốn: Nhìn một cách xúc động. Một số thứ tưởng là đồ bỏ đi nhưng nếu nó ở trong tay của người biết sử dụng thì nó vẫn có thể tạo ra giá trị bất ngờ. Giờ đây, bạn có thể thực hiện một hành động cao cả là tái sinh rác để bảo vệ môi trường, và hành động đầu tiên là hãy bán nó cho tôi bằng một cái giá thật rẻ.

Bước năm: Nhìn một cách vô hồn. Những gì cần làm bạn thể hiện cả rồi, giờ chỉ còn chờ đợi. Mặt trời lúc nào cũng xuất hiện rất lặng lẽ, bạn hãy dõi theo nó, chờ đợi và chờ đợi. Sự chờ đợi của bạn sẽ phá vỡ bầu không gian tĩnh lặng và xuyên chiếu những tia nắng.

Sau đó bạn nói: "Ba mươi tệ nhé?" họ sẽ rất xúc động mà rằng: "Tất nhiên là được rồi, cảm ơn bạn nhiều!".

Ánh mắt Tứ Mao lại xoáy vào cái cà vạt tôi đang đeo, "chiếc cà vạt màu đỏ thắm và bộ cánh mới của cậu là một sự kết hợp hoàn hảo, cậu thật biết phối màu đấy Tiểu Cường ạ."

Tôi khiêm tốn nói: "Cậu quá khen rồi!"

Đúng là gu thẩm mỹ của tôi rất ổn, nhưng lần này thật sự là chó ngáp phải ruồi.

Lúc mua bộ cánh này, bà chủ cửa hàng đang mải cắm mặt vào xem bộ phim "Siêu Nữ" trên tivi nên tôi tiện tay kéo trộm cái cà vạt gần mình nhất, thật ra chiếc áo hoa màu tím hợp với màu bộ cánh của tôi nhất nhưng tôi không có đủ thời gian để trộm nó.

Tứ Mao lôi từ gầm giường ra một cái hộp giấy, tôi bèn hỏi: "Gì vậy?".

Cậu ta trả lời: "Đĩa", tôi mở hộp giấy ra, bên trong toàn là đĩa, không hỏi cũng biết toàn là đĩa lậu.

Tôi tò mò hỏi: "Cái này dùng để làm gì thế?"

Tứ Mao tít mắt đáp: "Cái này mình chuẩn bị cho cậu, giờ công việc chẳng dễ gì tìm được chi bằng đi bán đĩa, mình nghe anh em làm nghề này nói cũng dễ kiếm tiền, nhưng cũng dễ bị tóm cổ lắm, cậu phải cẩn thận đấy, chỗ đĩa này mình lấy chịu trước đấy."

Tứ Mao lật lật chỗ đĩa trong hộp rồi giới thiệu với tôi: "Bên trái là phim chiến tranh viễn tưởng, bên phải là phim tình cảm, bên dưới là phim sex...".

Cái gì cơ? Phim sex cơ à? Lúc tôi còn rất nhỏ mẹ bảo tôi: "Rượu chè, cờ bạc, hại người, lừa đảo, cài bẫy đều xuất phát từ gái gú, chữ sắc trên đầu treo một lưỡi dao đấy con ạ!". Có lúc tôi cũng nghĩ không phải mẹ nói với tôi mà đang ngầm ám chỉ để bố tôi biết.

Nghe lời dạy của mẹ tôi cũng tránh tiếp xúc với mấy thứ nhạy cảm đó.

Tôi lật đống đĩa bên dưới và nhìn với ánh mắt đầy phê phán.

Tuy nhiên, mấy cái đĩa này bề ngoài xem ra chẳng có gì là bắt mắt cả, tôi lấy lại tinh thần.

Tứ Mao dặn: "Mai đến bán ở khu bán đồ điện tử xem, bán xong qua công ty mình chơi, cái rạp chiếu phim ở đầu phố nhé. Đợt này ở đó đang tổ chức đại hội ở chính quyền địa phương nên công việc cũng nhàn".

Tôi nhìn đống đĩa và tính nếu làm ăn được thì mình làm cái công việc lành mạnh này kể cũng không tồi.

Chương 10

Tôi ôm hộp đĩa vào khu chợ điện tử mới, làm ăn buôn bán là phải biết quan sát khách hàng, nếu gặp vị nào cứ nhìn mình chằm chằm rồi lượn qua lượn lại đầy tâm trạng thì lập tức phải ân cần hỏi ngay: "Mua đĩa sex phải không?".

Họ sẽ nhìn bạn hết sức ngạc nhiên rồi làm ra vẻ bạn vừa xỉ nhục họ, sau đó sẽ hỏi lại đầy khinh bỉ: "Bao nhiêu một đĩa?". Bạn báo giá xong đừng quên tiện thể nói với họ: "Anh là nghệ sĩ phải không ạ? Nhìn anh là em biết ngay, anh mua đĩa này chắc chắn là để nghiên cứu sâu hơn về con người trên phương diện nghệ thuật chứ không phải như mục đích mua đĩa của những người dung tục khác." Khách chỉ còn biết há hốc mồm, tròn xoe mắt mà nhìn bạn, ngạc nhiên vì thằng nhãi bán đĩa lậu mà có con mắt nhìn người tinh tường ghê. Bạn cũng đừng vì mấy câu khen ngợi đó mà ngủ quên trong chiến thắng, phải tranh thủ giới thiệu thêm nhiều đĩa có giá trị nghệ thuật và giá trị nghiên cứu sâu sắc khác nữa.

Khách trả tiền xong đừng quên nói với theo để anh ta giới thiệu bạn bè đến mua đĩa về nghiên cứu. Cũng đừng quên vẫy tay chào khách thật lịch thiệp, đợi khách khuất bóng ở góc đường thì hãy khạc miếng đờm đã giữ trong cổ họng nãy giờ ra.

Tôi lượn mấy vòng trên phố và bán được khá nhiều đĩa, tự thấy sung sướng khi nghĩ đến vẻ mặt của Tứ Mao sẽ vui thế nào khi biết tôi bán được nhiều đĩa như thế.

Bỗng tôi nghe thấy có tiếng còi, thấy các đồng nghiệp của tôi cuống cuồng thu dọn đĩa mặt mũi đầy lo lắng, tiếng còi vẫn réo lên, họ ôm đĩa chạy tán loạn, một thím lúc chạy qua phía tôi gào lên: "Không chạy nhanh đi, cảnh sát đến kia kìa!".

Cảnh sát ập đến bằng tốc độ tên lửa. Có câu không nên dồn người ta đến bước đường cùng có nghĩa là kẻ nào còn sức chống cự, có vũ khí trong tay thì không nên dồn đến cùng nhưng nếu gặp những kẻ tay không thanh sắt không có sức chiến đấu thì có thể rượt đuổi.

Tôi chạy đằng trước cảnh sát, phố đông người quá tôi bèn quẹo vào ngõ nhỏ, trên phố rất nhiều người đang chạy, tôi tin là các chú không chú ý đến tôi. Lại chạy vòng vèo thêm mấy cái ngõ ngách nữa thì trước mặt hiện ra một cái ngõ cụt bẩn thỉu. Tôi ngoái cổ lại nhìn không thấy ai đuổi theo cả, tôi thở phào đứng trong ngõ thò cổ ra ngó, chẳng thấy bóng dáng chú cảnh sát nào.

Bị họ càn quét cho một trận là mất đường làm ăn, tôi ôm cái hộp đĩa định đi đến chỗ Tứ Mao, vừa ra đến đầu ngõ, bỗng cánh cửa sổ một nhà trên gác hai mở toang ra, tiếp đó là một chai rượu bay vèo vào chân tôi, tí nữa thì trúng ngay phải đầu.

Tôi thót tim, chẳng hiểu người đâu mà ý thức kém thế chứ, ném rác lung tung.

Vừa mở mồm định cho một bài thì tôi thấy từ trên cửa sổ thò ra một cái đầu đàn ông, chúc xuống dưới, tiếp đó là giọng chanh chua của một người phụ nữ vang lên: "Anh nói đi, anh và con hồ li tinh ấy có quan hệ thế nào?" Tôi thấy chị ta đang túm cổ ấn anh kia xuống.

Anh kia phân bua: "Tôi với cô ta chỉ là quan hệ bạn bè xã giao thôi."

Nếu tôi mà đang ở trên đó tôi sẽ rỉ tai cô kia rằng: "Sự thật là họ lăng nhăng với nhau lâu rồi, chị đang bị lừa đấy, loại đàn ông dối trá đấy chị mà không làm ầm lên thì anh ta không sợ đâu". Tiếp đó tôi lại rỉ tai anh chồng: "Loại đàn bà hung ác ấy anh còn cần gì chị ta nữa chứ, nếu anh là đàn ông thì anh hãy vùng dậy cho chị ta vài cái bạt tai đi!".

Thật tiếc tôi lại đang đứng bên dưới, tâm trạng tôi như lửa đốt.

Cũng may là họ không làm tôi thất vọng, tôi nghe thấy tiếng cãi cọ dữ dội trên tầng hai cộng với tiếng ném đồ đạc, họ càng đánh càng tiến sâu vào trong nhà! Tôi cũng lùi dần ra phía sau rồi tìm một chỗ cao kiễng chân lên, ở đó có thể nhìn rõ hơn một chút.

Bà vợ ra một đòn chí mạng về phía ông chồng, một đòn phải nói là trời giáng, nhìn như sắp táng vào người ông chồng đến nơi rồi nhưng rất tiếc ông ta đã né được.

Ông này bóp cổ bà vợ, động tác như thể thần trảo cướp mệnh bấy lâu vắng bóng giang hồ, tiếc là cũng chưa được kịch tính cho lắm, giá mà có màn móc mắt chắc hẳn hiệu quả hơn nhiều.

Khán giả càng lúc càng đông, tuy vậy kỹ thuật tấn công của hai vị trên lầu không được chuyên nghiệp nên làm người xem thất vọng hết lần này đến lần khác. Mỗi cú đánh trượt lại đi kèm một loạt tiếng thở dài thất vọng của khán giả.

Lẽ ra họ nên học mẹ tôi khoản này mới đúng, ở nhà mẹ tôi đánh bố tôi chưa bao giờ xuất hai chiêu mà không trúng phát nào, thật ra cũng có vô khối lần đánh trượt nhưng những đòn đó chỉ là lấy đà thôi vì cú tiếp theo mới gọi là kinh khủng.

Cuối cùng, bà vợ cũng tát được vào mặt ông chồng đánh bốp một cái, một tiếng kêu chí tử vang lên.

Có người nói: "Đòn này nếu đánh cao hơn một chút đúng vào mang tai thì còn đã hơn nhiều."

Quá tuyệt, lời nhận xét thật là chuyên nghiệp, tôi tò mò ngẩng lên tìm chủ nhân, hóa ra là một cảnh sát.

Và tôi phát hiện ra xung quanh vị trí lí tưởng tôi chọn đứng đã có rất đông người.

Loading...

Tiểu thuyết tình yêu là website chia sẻ những thể loại truyện hay nhất hiện nay, được nhiều người đọc yêu thích. Truyện được cập nhập hàng ngày. Hãy lưu địa chỉ web để truy cập nhanh hơn!

Chúc các bạn online vui vẻ !

Laptop Tùng Anh

Tour Phú Quốc

Vinhomes Cầu Rào 2

Trang Chủ