Insane
Tiểu thuyết tình yêu

Tiểu Thuyết Tình Yêu

Đọc truyện tại Tiểu Thuyết Tình Yêu

Loading...

Truyện ngôn tình - Sống như Tiểu Cường - trang 2

Chương 11

Tôi sợ quá vội ôm cái hộp lẩn trốn đám cảnh sát, đúng lúc này thì hai nhân vật đang ầm ĩ trên tầng bỗng dưng im bặt, khiến những người cảnh sát chuyển hướng sang tôi.

"Này, thằng oắt con, đứng lại, mày đang làm gì đấy?" Một tên cảnh sát mặt non choẹt nhìn tôi chằm chằm.

"Tôi đi giao hàng." Tôi trả lời tỉnh bơ, trong lúc nói dối điều cốt yếu là phải giữ được thái độ điềm tĩnh. Tôi đang cười thầm sung sướng, đối phó với tên cảnh sát trẻ này thật đơn giản, chuyện nhỏ như cái móng chân.

Tôi ôm cái hộp giấy đang định đi thì đáy cái hộp phản chủ tự nhiên bục ra, cả đống đĩa rơi tung toé trên mặt đất. Xung quanh toàn cảnh sát nam mà đĩa thì đa số là đĩa sex nên họ tập trung hết vào đống đĩa vương vãi trên mặt đất.

Tên cảnh sát trẻ tóm lấy tôi, những chú cảnh sát đứng cạnh đều rất phấn chấn, vậy là ngày mai trong báo cáo của đội cảnh sát lại có thêm một dòng tin nữa, "cuộc chiến chống văn hóa phẩm đồi truỵ đã gặt hái được thắng lợi bước đầu, hiện đã bắt được một tên."

"Tiểu Lưu! Tiểu Lưu!" Tôi nghe thấy giọng 1 cảnh sát trung tuổi gọi một người trong số họ, xem ra ông này là sếp của bọn họ.

"Có tôi." một giọng nữ trong trẻo cất lên.

Một nữ cảnh sát bước lại, cô có mái tóc ngắn, khuôn mặt thanh tú, làn da mịn màng, tôi nghĩ cô này mà cười chắc phải xinh lắm, cô ta lại dùng thái độ lạnh tanh nhìn tôi.

"Tiểu Lưu, giải cậu ta về đồn." Ông cảnh sát trung niên ra lệnh.

"Tuân lệnh!" Nữ cảnh sát đáp.

"Đừng quên mang theo tang vật." Vị cảnh sát trung niên nhắc nhở.

Tôi nhớ chú Sáu từng dặn tôi rằng đối phó với cảnh sát không có gì khó cả, trong nghề cảnh sát có một quy luật: "Đánh rồi không thể rút tay, chửi rồi không thể rút lời", chỉ cần ép được họ ra đòn là ổn.

Nhưng chiêu của chú Sáu không áp dụng trong hoàn cảnh này được, chú Sáu bảo phải để họ đánh người nơi công cộng nhưng ở cái ngõ cụt không người này thì kẻ lỡ tay, lỡ miệng là tôi chứ không phải họ.

Tôi nhặt những cái đĩa vương vãi lên, những cảnh sát khác tiếp tục đi làm nhiệm vụ, đi thu hoạch thêm những chiến công lừng lẫy hơn nên chỉ còn lại tôi và nữ cảnh sát Tiểu Lưu.

Tôi ôm hộp đĩa đi trước, vị cảnh sát này đi ngay sau lưng tôi, lúc này tôi có hai phương án, một là co giò bỏ chạy, nhưng tay đang ôm hộp đĩa thế này tôi sẽ không thể chạy nhanh vì sợ không chừng cái hộp lại bục đáy lần nữa, thế nên tôi chọn cho mình phương án hai.

Tôi bắt đầu khóc thút thít, sau đó những giọt nước mắt rơi lộp bộp xuống, khóc chẳng có gì khó cả, mẹ tôi vẫn bảo: "Cứ nghĩ về một việc gì đó thật đau lòng, thật bi thương là khóc được ngay."

Lúc chín tuổi tôi đã gặp phải một bi kịch hết sức thương tâm, hôm ấy sinh nhật tôi, bố vào tiệm bánh nướng trong thị trấn mua cho tôi một cái bánh nướng rất ngon, lúc tôi đang cầm trong tay vừa ăn vừa lấy làm tự hào lắm thì con chó ác ôn từ đâu nhảy xổ vào rồi cướp lấy cái bánh của tôi. Từ đó đến nay mỗi lần nghĩ đến chuyện này tôi vẫn thấy xót xa lắm.

Tôi khóc ngày càng to, nữ cảnh sát bắt đầu thấy ngạc nhiên bẻn hỏi: "Cậu sao thế?". Nước mắt tôi tuôn như suối, chị ta dừng bước, tôi bắt đầu mở to âm lượng giống như vặn nút âm thanh ở cái đài.

Chị ta tiếp tục hỏi tôi: "Có vấn đề gì vậy?"

Tôi không trả lời, cứ khóc váng lên, bắt đầu có khán giả vây quanh, tôi nghe có một bà than thở: "Cảnh sát bây giờ càng ngày càng bạo ngược, nhìn thằng nhỏ tội nghiệp quá!".

Lúc đầu chị ta vờ như không để ý gì, nếu tôi là chị ta tôi sẽ đến vỗ vai bà nọ mà rằng: "Bà còn ngây thơ lắm."

"Chị ơi!" Tôi gọi chị ta.

Tôi đắn đo mãi mới chọn được cách xưng hô này, phụ nữ là chúa để ý mấy chuyện xưng hô, nếu như gọi chị ta là đồng chí cảnh sát thì mang nhiều ý nghĩa trách nhiệm và trịch thượng quá cho nên khó đề cập chuyện tình cảm. Nếu gọi là em thì coi thường chị ta quá, vì vừa mới gặp lần đầu.

Tôi vừa thút thít vừa phân bua: "Chị ơi em sai rồi, chị tha cho em lần này đi!".

"Biết sai thì lần sau không được tái phạm nữa đấy." Chị ta bắt đầu trấn tĩnh lại nhưng tôi biết tỏng chị ta đang bị lung lay.

"Lát nữa về sở cảnh sát tôi ghi chép lại sự việc rồi thả cậu ra chứ không nhốt đâu." Chị ta giải thích.

Cùng chị ta về sở cảnh sát ư? Thế tài sản của tôi làm sao mà giữ lại được?

Người xem càng ngày càng đông nên tôi nhân tiện vừa khóc vừa kể cho mọi người nghe một câu chuyện.

Chương 12

Có một cậu bé cuộc đời rất đáng thương, từ nhỏ đã bị bố mẹ bỏ rơi, ngày ngày xin ăn ngoài phố, có khi chẳng xin được gì, cậu đành bới trong thùng rác những thứ người ta ăn thừa để ăn cho qua bữa....

Một hôm, cậu tìm được một khúc xương con chó ăn thừa để lại, cậu cứ nghĩ con chó đã vứt đi rồi nên mới nhặt lấy, cậu đâu ngờ đó là miếng sườn xào còn có thể ăn được, kết quả là bị con chó cắn xé thương tích đầy mình. Cậu bé đó chính là tôi.

Đêm đến tôi nằm co quắp ở góc phố, sờ lên bả vai bị chó cắn, chỗ ấy hãy còn rất đau, khi trở mình, chẳng may động vào chỗ bị thương, đau đến chảy nước mắt. Tôi ngước nhìn ánh điện đường, những con côn trùng đang múa lượn, tuyết rơi, những đêm thế này thường có tuyết, bởi vì tôi sẽ giống cô bé bán diêm, sẽ chết đi trong đêm tuyết lạnh, vào lúc tôi cảm nhận được mình đang dần ra đi thì tôi nhìn thấy một khuôn mặt phúc hậu, một bàn tay ấm áp đỡ lấy mình.

Tôi được dì đưa về nhà, bà làm nghề nhặt rác kiếm sống, chúng tôi tuy rất nghèo nhưng thật hạnh phúc. Tôi ngày càng khôn lớn trưởng thành, những ngày khổ cực của dì cháu tôi sắp kết thúc, tôi sắp đền đáp được công ơn dì. Tiếc thay dì tôi...

Tôi liếc mắt nhìn trộm xung quanh, mọi người đều đang rất hồi hộp, không ai dám cất lời.

Tôi dừng lại một chút, cố làm nước mắt tuôn ra và lại tiếp tục câu chuyện: "Tiếc thay dì tôi lâm bệnh nặng, phải dùng đến rất nhiều tiền, tôi chẳng còn cách nào khác đành đi bán đĩa, chỗ đĩa này tôi lấy mà chưa trả tiền, nếu chị giữ lại thì dì em...".

Tôi gào khóc đến thê thảm, câu chuyện này năm nay tôi đã kể mười sáu lần, mỗi lần đều có tiến bộ hơn, sức hấp dẫn ngày càng tăng, nước mắt là vũ khí có hiệu quả lớn nhất.

Cũng tầm này năm ngoái, dì tôi mua về hai quả lê. Quả nhỏ cho tôi còn quả to cho thằng Tiểu Hổ con dì, nếu dì mà biết tôi đã thêu dệt nên câu chuyện và khóc dì như thế này chắc dì sẽ ân hận lắm vì đã bỏ công quan tâm đến tôi như vậy.

Tôi nhận ra mình đang lạc giữa một biển nước mắt, ôi, quen rồi, lần nào chả thế.

"Đáng thương quá, thật đáng thương!". Một bà nói và chìa cho tôi mười tệ.

"Chị ơi chị tha cho em đi!" Tôi khẩn cầu chị cảnh sát.

"Đúng đấy, đúng đấy!" Khán giả đang ủng hộ tôi.

Nữ cảnh sát bắt đầu do dự, chắc chắn là bị ảnh hưởng bởi câu chuyện của tôi.

Tôi ngoác mồm, nhếch nhếch cái mép, và rên rỉ: "Dì ơi! Dì ơi!..."

Xem ra chị ta đang do dự lắm, không biết phải làm sao, tôi đành chuyển sang một cao trào mới.

Đang định bắt đầu thì chị ta ngăn tôi lại, rồi nói: "Đủ rồi, đừng khóc nữa, cầm cái hộp đĩa rồi đi đi!".

Tôi chưa kịp phát huy hết tài năng nên hơi thất vọng, khán giả lũ lượt bỏ đi, tôi thì vẫn ở lại, vì tôi vẫn muốn nói thêm vài lời.

Thấy tôi vẫn chưa đi, chị ta ngạc nhiên hỏi: "Sao vẫn đứng đây?".

Tôi nói: "Chị thật là xinh đẹp, giống như chị họ em, làm cho các anh trong thị trấn mỗi lần nhìn thấy chị ấy là không bước nổi".

Được tôi khen chị ta ngại ngùng đỏ bừng cả mặt.

Mẹ vẫn nói với tôi, lúc cần nói dối thì hãy nói dối nhưng không cần thiết thì hãy nói thật, vì thế lần này là tôi nói thật.

Chị họ tôi được làm mối hơn 80 lần, trong đó 40 lần đối phương khiếp đảm mà chạy mất, hơn 40 lần khác đúng là họ không bước nổi, nhưng là do sợ quá.

Cuối cùng, chị tôi cũng có nơi có chốn, chị lấy một nhà khảo cổ học, anh ấy rất thích cái cảm giác Q.

Anh rể đối xử với tôi rất tốt, hàng đêm anh ấy đi làm công tác khai quật mộ, kiếm được đồ gì bán được anh ấy lại mua cho tôi rất nhiều thứ.

Tôi nói với chị cảnh sát: "Chị ơi em đi đây!" Tôi cúi gập người chào chị.

Làm người phải biết phép lịch sự, tôi đi rồi chị ấy vẫn đứng trân trân nhìn theo, tôi nghĩ chắc chị đang thầm cầu chúc cho thằng bé bất hạnh mà có ý chí kiên cường này.

Tôi rẽ qua góc phố, bây giờ có thể yên tâm mà cười hỉ hả rồi, bỗng có người chặn tôi lại, tôi vội vàng cất ngay nụ cười đang trực rạng rỡ của mình, bộ mặt sầu bi lại bao phủ lấy tôi.

Tôi quan sát kỹ người này, đó là một người đàn ông thô kệch, khi nãy tôi kể chuyện anh ta cũng đứng trong số khán giả.

Anh ta nhìn tôi đầy vẻ cảm thông, vỗ vỗ vai tôi nói: "Người anh em đừng quá đau buồn, dì của cậu sẽ nhanh khỏi thôi, chúng tôi sẽ ủng hộ cậu."

Tôi cúi đầu lí nhí: "Cảm ơn anh, cảm ơn anh nhiều!".

Anh ta rút trong túi ra mấy tờ tiền, tôi nhẩm đếm dễ đến hơn ba trăm tệ.

Trời đất, lẽ nào anh ta không chỉ định ủng hộ tôi về mặt tinh thần? lại còn cho tôi tiền, mà là hơn ba trăm tệ ư?

Trước kia ở thị trấn tôi cũng đã lừa khá nhiều khách qua đường, lần nhiều nhất cũng chỉ được mười lăm tệ, đúng là thành phố lớn có khác, biết thế này tôi đã vào thành phố từ lâu rồi.

Anh ta dúi tiền vào tay tôi, tôi xúc động nhìn quý nhân.

Anh ta nói: "Anh quyết định mua thật nhiều đĩa cho em để em có thêm cơ hội kiếm tiền."

Chương 13

Tôi ôm hộp đĩa vừa đi vừa vui ngây ngất, trong chốc lát bán được hơn ba trăm tệ tiền đĩa, tôi đã kiếm được mấy chục tệ tiền lãi (lấy đĩa trả tiền sau thường chỉ được lãi ít). Vẫn còn sớm, tôi định qua rạp chiếu phim chỗ Tứ Mao xem thế nào...

, Tứ Mao nói đó là rạp Kim Thành, ở đầu đường chỗ tôi bán đĩa, nhưng lúc nãy tôi chạy vào không biết bao nhiêu ngóc ngách nên giờ chả biết định hướng thế nào. Tôi vừa đi vừa tìm, đến đầu đường thứ hai, tôi thấy một cái dáng quen quen, một đứa con gái đang đứng bên đường vẻ như chờ đợi cái gì đó. Tôi tiến lên trước nhìn cô ta, thì ra là cô gái mất điện thoại hôm trước, tôi do dự không biết nên chuồn luôn hay chào hỏi nhau một câu.

Bỗng cô ta quay lại, hơi ngạc nhiên vì hôm nay tôi đóng bộ khác hôm trước quá, cô ấy nhận ra tôi và mỉm cười, cảm giác thân quen lại dồn về trong tôi.

"Chào anh!" Cô ta chủ động mở lời rồi cười với tôi.

"Chào cô!" Tôi đáp, cô gái này tôi gặp lần thứ hai, chẳng hiểu tại sao lại cảm thấy gần gũi đến thế. "Bạn có việc đi qua đây à?" Cô ta hỏi.

"Tôi đến giao hàng." Vừa nói tôi vừa dùng tay đỡ lấy đáy hộp, nhỡ đĩa lại rơi ra.

"Vậy à, mình ở đây chờ một người." Cô ta nói với tôi.

"Cô tên gì nhỉ?" Tự nhiên tôi lại muốn hỏi chứ thực ra tôi cũng không cần thiết phải hỏi làm gì, trong biển người mênh mông đâu phải lúc nào cũng có duyên gặp mặt.

"Mình tên là Lâm Tiểu Hân, "Hân" trong "Hân hân hướng vinh". Cô gái nhiệt thành đáp lại tôi.

Tinh tinh thì tôi biết, nhưng từ "Vinh" trong "Tinh tinh tượng vinh" tôi chẳng hiểu là cái gì?

Một người đàn ông chừng 50 tuổi từ tòa nhà bên đường đi ra, đầu hơi hói, quần áo hàng hiệu, nghề của chúng tôi nhìn là biết ngay người có tiền hay không có tiền. Ông ta đến bên Tiểu Hân, người đàn ông nhìn tôi với vẻ kỳ quái, có lẽ đang ngạc nhiên sao Tiểu Hân lại kết bạn với tôi.

"Tiểu Hân, đi thôi chứ?" Ông ta hỏi Tiểu Hân. "Vâng ạ!" Tiểu Hân đáp.

Tiểu Hân cười với tôi, vẫy vẫy tay tạm biệt rồi quay về phía người đàn ông, lúc ngoảnh đầu cô để lộ ra một vệt màu đỏ ở cổ, có lẽ là một cái bớt sau mái tóc bay phất phơ trong gió.

Tôi càng chắc chắn là mình chưa bao giờ gặp cô ấy vì những cái bớt thế này rất hiếm khi gặp, nếu gặp chắc chắn tôi đã có ấn tượng, nhưng sao trong tôi cứ dồn lên một cảm giác thân quen?

Cô ấy nắm tay người đàn ông đi về phía chiếc xe con bên đường, chiếc xe xem ra rất sang trọng, nhưng tôi chẳng biết của hãng nào. Họ rất thân mật nhưng đó là tình cảm giữa người lớn và trẻ con chứ không phải thứ tình cảm khác.

Con bác Trần ở thị trấn tôi cũng đi làm vợ lẽ cho một người giàu có trong thành phố, từ thời Trung Quốc cổ đại đã sớm có khái niệm vợ lẽ rồi. Thời xưa người ta gọi vợ cả là phu nhân, gọi vợ bé là "Như phu nhân", ngày nay chế độ một vợ một chồng thì vợ lẽ cũng chẳng được như vợ bé ngày xưa, vì thế vợ lẽ gọi chuẩn xác nhất là: "Phong tặng danh hiệu xuất thân Như phu nhân".

Con gái bác Trần tuy giàu có nhưng vẫn nhớ về quê hương, có lần chị ấy cùng chồng lái xe con về thị trấn, mang theo rất nhiều đồ, gặp trẻ con trong xóm thì đứa nào cũng được cho kẹo, bác Trần mát mặt lắm.

Chị ấy hồi bé đánh nhau với bọn con trai bằng tuổi chưa chịu thua bao giờ, thế mà lúc đi cùng người đàn ông kia về thị trấn trông cứ như có kẻ nào khác nhập vào xác chị ấy vậy, thân hình cứ lắc lư suốt, hễ ông kia nói câu gì chị ấy lại nở nụ cười khiến cho hoa lá cũng phải ngả nghiêng, cái cổ chị cũng chuyển động theo, khi ông ta tỏ ra thân mật với chị thì chị lại lim dim đôi mắt nhìn ông ta.

Tôi nhìn theo Lâm Tiểu Hân và người đàn ông lên xe, tôi có một cảm giác thích thú đặc biệt với Tiểu Hân, không phải vì cô ấy là người tôi lừa được nhiều tiền nhất mà vì rất ít người đối xử với tôi bình thường như Tiểu Hân.

Rẽ thêm một con phố nữa cuối cùng tôi đã nhìn thấy rạp Kim Thành, tôi không hỏi đường nên lòng vòng mãi, những lúc lừa người ta tôi không có thói quen hỏi đường những người xung quanh, thường thì họ cũng chẳng muốn dây dưa với chúng tôi.

Không phải chỉ mắt mọc trên đầu con chó mới gọi là mắt chó.

Tôi nhớ Tứ Mao bảo phòng thu âm ở tầng ba, nên tôi lên thẳng đó tìm, phòng thu âm mở cửa, tôi ngó vào thấy Tứ Mao đang ngồi một mình xử lý thiết bị.

Tứ Mao từ nhỏ đã lớn lên trong môi trường âm nhạc, ngày đó ông nội cậu đeo kính râm giả mù ngồi bên đường kéo đàn nhị xin tiền, Tứ Mao cứ quấn lấy ông tạo nên bầu không khí thê lương của cảnh ông già cháu cọc, sở thích đó Tứ Mao vẫn duy trì cho đến ngày nay quả không đơn giản chút nào!

Chương 14

Tôi đến bên Tứ Mao gọi: "Tứ Mao!". Tứ Mao quay lại thấy tôi liền hỏi: "Tiểu Cường, sao dọn hàng sớm vậy?". Tôi tóm tắt lại mọi chuyện xảy ra buổi sáng cho Tứ Mao nghe.

Tứ Mao cười đáp: "Chuyện thường ngày là như vậy, coi như số cậu may gặp cảnh sát tay nghề còn non chứ gặp mấy tay cảnh sát lão luyện họ chẳng để cậu thoát đâu."

Tôi cũng chỉ là tuỳ cơ ứng biến thôi, chứ gặp kiểu cảnh sát khác tôi lại có phương án đối phó khác. Nghề của chúng tôi, quan trọng là phải làm kẻ bị lừa cùng cộng hưởng với mình, tất nhiên cũng cần chú ý tới sự ủng hộ của khán giả.

Tứ Mao nói: "Hôm nay nhàn lắm, đang họp mà, họ còn họp đi họp lại cả ngày, mình có thể nghỉ được rồi."

Đây là hội nghị lớn à? Tôi tò mò ngó vào xem, trong phòng thu âm của Tứ Mao có một cái cửa sổ kính từ đó có thể theo dõi tình hình hội nghị, một đám người đông đúc, trên bục là một người đàn ông giọng sang sảng đang đọc một bài phát biểu viết sẵn trong tờ giấy.

Ông ta say sưa đọc những gì viết trong tờ giấy, sau mỗi đoạn lại ngắt một chút, đó là lúc ngắt nghỉ để mọi người vỗ tay, tiếng vỗ tay rất nhiệt liệt và còn kéo dài rất lâu, do đó mà đợt vỗ tay thứ nhất đã đánh thức cả những đại biểu hàng ghế sau đang gà gật, làm họ vừa vỗ tay theo đợt thứ hai vừa lấy làm ấm ức.

Tôi đứng xem một lúc thấy nhạt nhẽo quá, vì nội dung chẳng khác gì những hội nghị trước đã phát trên tivi, chẳng có gì mới mẻ cả, tuy lúc thì phẫn uất, lúc bi ai, lúc lại mừng vui, giá trị nghệ thuật hẳn rất cao nhưng xem đi xem lại thì cũng thành cũ rích.

Tứ Mao bảo tôi: "Tiểu Cường, mình ra ngoài một chút, cậu đứng đây coi hộ mình, nếu có ai vào hỏi cứ bảo mình đi vệ sinh."

Tôi trả lời: "Ừ, cậu cứ đi đi, nhưng nhanh lên nhé, nhỡ có việc gì mình lại không biết xử lý thế nào đâu."

Tứ Mao đáp: "Yên tâm đi, chẳng có chuyện gì đâu."

Cậu ta chỉ cái máy tính ở bàn bảo tôi: "Nếu chán thì ngồi chơi máy vi tính nhé."

Khoản máy tính này tôi cũng rành, nghề tay trái của chú Bảy là mở một quán Net chui, thỉnh thoảng tôi cũng giúp chú trông quán vào buổi đêm nên trình độ vi tính của tôi tiến bộ rất nhanh, về sau tôi còn dạy bọn trẻ con chơi trò chơi qua mạng nữa.

Tứ Mao đi rồi, tôi ngồi vào cái máy vi tính, trong đó chẳng cài một cái gì hay ho cả, tôi chợt nảy ra một ý, ngó quanh chẳng thấy ai, tôi đóng cửa lại, lôi từ trong hộp giấy của mình ra một cái đĩa và nhét vào ổ đĩa.

Chà, hình ảnh của đĩa thật là...Tôi dán mắt vào xem.

Thật ra không chỉ đơn giản là tôi muốn xem đĩa mà tôi muốn chuẩn bị học ngoại ngữ, để đến năm 2008 có thể đến Bắc Kinh làm ăn một chút với người nước ngoài, học ngoại ngữ quan trọng nhất là phải có môi trường.

Tôi nghe thấy trong đĩa những âm thanh rất lạ và tôi chả hiểu gì cả, nhưng nó cũng làm tăng thêm niềm đam mê học ngoại ngữ của tôi.

Bỗng màn hình đen ngòm lại, đúng vào lúc gay cấn lại gặp phải sự cố gì thế không biết? Tôi vỗ vỗ mấy phát vào cái máy tính, vẫn không động tĩnh gì, tôi rút ra cắm lại đống dây rợ lằng nhằng phía sau một hồi, màn hình cuối cùng đã sáng lên, xem ra tôi đúng thật là thiên tài

Chương 15

Lúc tôi đang xem say mê nhất, Tứ Mao từ đâu phóng như bay vào phòng, rút vội rút vàng một dây nguồn trên máy ra, Tứ Mao mắt trợn tròn nhìn tôi, mặt cậu trắng bệch, hồi chị họ tôi vẫn chưa lấy chồng, có lần chị ấy trêu Tứ Mao: "Tứ Mao, sau này em lớn mình cưới nhau nhé!" Lúc đó trông mặt cậu ta cũng kinh sợ như bây giờ.

Tôi cười hỏi: "Cậu sao thế?" Tứ Mao nói: "Cậu mở âm thanh của máy tính vào hội trường rồi."

Tôi sợ quá, ngó vội xuống thấy cả hội trường đang tập trung cao độ, cả những đại biểu khi nãy ngủ gà ngủ gật cũng đã tỉnh táo rồi, mọi người đang tìm hiểu nguồn gốc của thứ âm thanh ấy, tôi và Tứ Mao nhìn nhau không nói nên lời, giờ không biết phải làm thế nào.

Hai thằng bị ông Giám đốc rạp chiếu phim đuổi cổ ra, nhìn cái mặt ông ta vô cùng đáng sợ, nếu lúc này mà ông ta đang ở ngoài phố thế nào cũng bị tóm gọn bởi mấy ông đạo diễn đang tìm nhân vật chính cho phim khủng bố, chắc chắn sẽ nhanh chóng nổi như cồn.

Tuy bị ông giám đốc hất cẳng nhưng Tứ Mao vẫn rất bênh vực ông ta, thường ngày ông ta quát tháo nhân viên trông oai phong lẫm liệt là thế, vậy mà khi nãy bị một vị đại biểu trẻ mắng cho một bài giáo huấn khiến ông ta không ngẩng mặt lên nổi.

"Giám đốc, cháu..." Tứ Mao định giải thích với ông ta.

Nghe Tứ Mao nói, ông này hàng ngày làm việc cẩn thận lắm, suốt ngày để ý bọn Tứ Mao: "Tứ Mao, sao lại cứ hay phát ngôn bừa bãi thế hả?", "Tứ Mao, chỗ cậu đầy mạng nhện đấy, vẫn còn không quét đi à?", "Tứ Mao! đừng có mạnh tay thế, nhỡ hỏng cái nút chỉnh âm thanh thì làm thế nào? Cái đó đắt lắm đấy!".

Vậy mà hôm nay phong cách của ông có sự thay đổi lớn, không khác gì một con sói bị thương, ông ta hét lên với Tứ Mao: "Cút!".

Tứ Mao bị văng đầy nước bọt vào mặt, cậu lấy tay lau rồi đi ra cùng tôi.

Tứ Mao cúi gằm mặt đi phía trước, trong lòng tôi cũng khó chịu bứt rứt lắm, đây là công việc lương thiện đầu tiên của cậu ấy, lần đầu tiên Tứ Mao quyết tâm thay đổi nghề nghiệp, giờ vì tôi mà cậu ấy thất bại.

"Tứ Mao..." Tôi gọi, định nói một câu xin lỗi nhưng thực lòng chẳng biết phải nói sao dù tôi biết có nói thế nào thì cậu ấy cũng tha thứ cho tôi.

Tứ Mao quay lại nói với tôi: "Cái ông giám đốc này suốt ngày chỉ biết bắt nhân viên làm tăng ca, mắc lỗi thì ông ta chửi bới, nhưng hễ làm được việc thì lúc báo cáo lên cấp trên ông ta lập tức tranh công, công việc này mất cũng không thấy tiếc.

Thực ra những môi trường làm việc cho người thấp cổ bé họng chỗ nào chẳng thế, tôi biết Tứ Mao nói thế cốt để tôi thấy đỡ áy náy hơn mà thôi.

Vừa về đến cửa nhà đã gặp ngay chị Trần, nhìn thấy Tứ Mao chị ta nói: "này Tứ Mao, đừng quên mấy hôm nữa là đến ngày nộp tiền nhà đấy".

Tôi ngạc nhiên hỏi: "Không phải vừa nộp tiền mấy hôm trước rồi sao?", chị ta nói: "Đấy là tiền thuê nhà mấy tháng trước, còn tháng này cũng sắp đến ngày nộp tiền rồi còn gì, tháng này cũng đừng có mà nợ đấy."

Về đến phòng, tôi nằm dài trên giường nói với Tứ Mao: "Tứ Mao, đợt này bán đĩa có lẽ cũng không dễ dàng gì, hôm nay gặp được chị cảnh sát ngốc mới thoát thân được, mai bọn mình ra phố kiếm việc khác thôi, phải kiếm đủ tiền trả tiền thuê phòng trước đã."

Hai thằng hì hục chuẩn bị cho công việc mới mất cả một đêm sau đó cùng vào phố.

Tôi chọn một nhánh đường phụ nhưng đông người, những con đường thế này không có nhiều cảnh sát lắm.

Tứ Mao quỳ bên đường, trên người đeo một cái bảng tôi viết hôm qua.

"Tôi Lâm Đại Tân, 30 tuổi, người thị trấn Thanh Hướng, hôm nay ngày 20 tháng 08, tôi đưa con gái vào thành phố chơi sơ ý lạc mất cháu. Con gái tôi 5 tuổi, cao khoảng 1m, mặt xương, mắt to hai mí, dưới dái tai có một nốt ruồi, khi thất lạc cháu cột tóc bím, mặc áo cộc màu xanh lá cây, quần màu lam nhạt, dép màu trắng. Gia đình chúng tôi hết sức lo lắng cho cháu, ai biết cháu ở đâu xin báo cho chúng tôi, chúng tôi xin cảm ơn và hậu ta. Hôm nay tôi vào thành phố tìm con mà không gặp, trên người không còn một xu, xin những người hảo tâm qua đường làm ơn làm phúc cho tôi chút tiền đi đường, tôi xin đội ơn!".

Tối qua Tứ Mao cũng phản đối: "Sao cậu lại để mình diễn vai một ông bố, lại còn 30 tuổi nữa chứ, mình mới 21 tuổi đầu!". Tôi giải thích: "Đấy là do cậu rất chín chắn, diễn vai từ 20 đến 35 tuổi đều phù hợp."

Nghiệp diễn của Tứ Mao sáng sủa hơn tôi, cậu ta có thể nhập thành công một vai 35 tuổi vì ưu thế thân hình của cậu, cậu ấy cũng có thể diễn tốt một vai chàng trai 20, tất nhiên là kiểu người đã trải qua phong trần. Chứ tôi thì không thể, mặt tôi non choẹt, nhiều lúc đó lại là nhược điểm lớn.

Tôi đã phải vắt óc suy xét mãi mới viết được cái bảng này.

Cái nghề lừa đảo này điểm mấu chốt là không được để lộ một vết tích nào, không thể để họ thấy được ý định của mình. Đầu tiên là phải tạo nên một hoàn cảnh thật, làm cho mọi người tin rằng bạn chính là một ông bố đang hết sức lo lắng vì lạc mất con, sau đó vô tình nói ra ý đồ của bạn. Như thế mới làm cho người ta cảm thấy tuy không giúp được bạn tìm con thì cũng có thể quyên góp cho bạn chút tiền.

Chương 16

Trước mặt Tứ Mao trải một tấm vải trắng, bên trên đặt một cái bát vỡ, chính ra cũng không nhất thiết phải là cái bát vỡ nhưng ở phòng Tứ Mao chẳng có nổi một cái bát lành.

Đầu tóc Tứ Mao để rối, đấy là kết quả của việc tôi vừa vò loạn cả đầu cậu ta lên, đầu Tứ Mao đã nhiều ngày nay không gội nên xoa một lúc tay tôi đã đầy dầu và gầu bắn tung tóe. Tôi lau tay vào áo cậu ta, quần áo nhếch nhác chút cũng tốt, nó thể hiện sự lo lắng sốt ruột của ông bố tìm con đến cả quần áo cũng không kịp thay, tôi lau tay xong thấy hiệu quả vẫn thế vì quần áo cậu ta đã bê bết sẵn rồi, tôi làm thế này cũng chỉ là thêm tí mắm tí muối thôi.

Mặt Tứ Mao hơi bẩn là vì sáng nay tôi không cho cậu ấy rửa mặt, hàng ngày thật ra cậu ta cũng chả rửa. Hai mắt quầng thâm ấy là kết quả của việc, tối qua tôi ép cậu ta ngủ ít để hôm nay diễn được tự nhiên hơn, nhưng tôi thì phải ngủ nhiều một chút.

Tay cậu ta đặt trên đùi, không xòe tay ra xin tiền như ăn mày, như thế đúng là lừa đảo, thân phận của chúng tôi hôm nay là đi tìm người thân, tuy sa cơ lỡ vận nhưng vẫn phải có lòng tự trọng.

Tôi nhìn Tứ Mao một cách mãn nguyện, như thể một nghệ sĩ đang ngắm tác phẩm nghệ thuật của mình vậy. Tứ Mao diễn rất tốt những cảm xúc hỗn độn, vừa sốt ruột, vừa lo lắng, vừa sợ sệt. Tôi động viên tinh thần Tứ Mao: "Không còn nghi ngờ gì nữa, cậu đúng là kẻ lừa đảo thành công nhất thiên hạ."

Tôi đứng bên kia đường, đi đi lại lại gần chỗ Tứ Mao, mỗi lần có người đi qua chỗ Tứ Mao tôi lại tiến đến nhìn cậu ấy với ánh mắt tràn đầy sự cảm thông, lắc đầu thương cảm mà rằng: "Trời, đáng thương quá!". Sau đó ném một tệ vào cái bát.

Con người nhiều khi cần có sự dẫn dắt, mấy ông chủ doanh nghiệp ở thị trấn tôi, mỗi tháng rút từ hầu bao ra 50 tệ phát cho mấy công nhân làm việc quên mình, sau đó hô hào mọi người nêu gương học tập, cùng thi đua tăng giờ làm, dĩ nhiên là lương thì không tăng rồi.

Tuy vậy hôm nay không phải một ngày thành công, người qua người lại rất nhiều nhưng đa số chẳng thèm để ý đến chúng tôi, hầu như tôi toàn nói với không khí, tôi lại nhìn Tứ Mao và cảm thấy có gì còn bất ổn ở đây, nhưng cụ thể ở điểm nào thì tôi chưa nhận ra.

Hai thằng làm việc vất và hồi lâu kiếm được 8 tệ 5 hào, thật ra trong đó có một tệ là của người qua đường vô ý làm rơi, đồng xu lăn ngay cạnh bát của Tứ Mao, người này định nhặt nhưng lại sợ bẩn, không nhặt cũng không cam lòng, cuối cùng đành tiếc rẻ mà bỏ đi.

Tôi cứ chạy qua chạy lại mệt phờ, cuối cùng tôi ngồi cạnh Tứ Mao trầm ngâm. Tôi bàn bạc với Tứ Mao: "Này cậu, sao thu nhập lại ít ỏi thế này nhỉ? Hay mọi người giờ đã hết lòng nhân ái rồi chăng?".

Tứ Mao nói: "Mình nghĩ không phải mọi người đã hết lòng nhân ái đâu, mà mình viết nội dung cũ kỹ quá chẳng có gì sáng tạo cả, cũng không nắm bắt được tâm lý mọi người hiện nay. Viết cần phải có sức lôi cuốn hơn, nghe nói bây giờ mấy chuyện tiểu thuyết trên mạng không viết về tình dục thì chẳng ma nào đọc, mình cũng nên thay đổi phong cách đi, viết cái gì đó đang được người ta quan tâm được không? chỉ khi người ta chịu đọc thì người ta mới hiểu được cậu muốn gì!".

Tôi nhìn Tứ Mao một cách ngưỡng mộ: "Chà chà, cậu khá lắm, hiểu vấn đề thật thấu đáo."

Xem ra hôm nay mình không thành công rồi, đành để mai thay đổi cách làm mới vậy.

Tôi đứng lên đi ngó nghiêng xung quanh, bỗng thấy phía trước có một người đang quỳ ở đó, hóa ra chúng tôi cũng có đồng nghiệp.

Tôi không thể giấu được sự bất bình, kẻ nào đây không biết, dám đứng sau lưng mà cướp miếng cơm manh áo của người khác, thảo nào mà công việc làm ăn của tôi lại thất thu đến thế, hóa ra bị hắn cướp mất phân nửa số khách. Lòng nhân ái của con người ta là có hạn chứ đâu có thể đem ra phân phát hết lần này đến lần khác được, cái kiểu này của hắn quả còn gớm hơn Q trong mạt chược.

Tôi xắn tay áo, chuẩn bị xông lên tính sổ với hắn.

Tứ Mao trấn tĩnh tôi: "Tiểu Cường, cậu đừng nên kích động quá, chúng ta là lính mới trên cái đất này, cậu phải cẩn thận nhỡ họ có cả một băng đảng đứng sau, cậu đánh hắn có khi lại mang họa vào thân đấy."

Tôi nói: "Mình đâu có định đánh nhau gì chứ!" Tứ Mao mặt nghệt ra hỏi: "Thế cậu định đi...".

Tôi trả lời cậu ta: "Mình chỉ định đến nói chuyện một cách nghiêm túc thôi."

Tôi tiến đến, hóa ra là một đứa con gái, bộ dạng hóa trang rất giống Tứ Mao, cũng đầu bù tóc rối, mặt mũi lem luốc, mặt nhăn nhó đau khổ cũng hệt Tứ Mao, đúng là đồng nghiệp có khác!

Tôi ngó vào cái bát trước mặt nó, thấy tiền nhiều hơn bọn tôi thật. Chẳng lẽ sự phân biệt về giới lại rõ ràng đến vậy sao?

Tôi nhìn cái biển, nội dung đại loại là không cơm ăn áo mặc, một mình vào thành phố, yêu phải một tên khốn, sau đó bị hắn đá, lại bị hắn móc sạch tiền, hiện không có tiền về nhà, thỉnh cầu sự giúp đỡ của mọi người.

Choáng váng, đúng là đi một ngày đàng học một sàng khôn, thảo nào chúng tôi chả kiếm được đồng nào, một tờ giấy bé xíu của cô ta đã thể hiện được bao nhiêu khó khăn, tình tiết lại li kỳ hấp dẫn, mở ra cho khán giả một không gian tưởng tượng phong phú, yêu phải một tên khốn, không cần hỏi ai cũng biết là bị...

Chương 17

Tôi ngồi chồm hỗm ngay trước mặt nó, rõ ràng nó nhìn thấy tôi nhưng vẫn quỳ như bức tượng, bình tĩnh là tố chất cơ bản của một kẻ lừa đảo, dù sao nó cũng đã đạt đến một trình độ tương đối.

Có người đi qua, thả một đồng xu vào bát của nó, nó vẫn quỳ bất động, đến lông mày cũng không nhướn lên chút nào.

Hóa ra là thế! Suýt chút nữa là tôi đã thốt ra lời, lúc trước tôi cảm thấy Tứ Mao có gì đó chưa ổn nhưng mãi chẳng nghĩ ra, cuối cùng thì tôi cũng phát hiện ra, tất cả những phần khác cậu ta đều thể hiện rất hoàn hảo, nhưng mỗi khi người ta rút tiền từ túi ra, cậu ta xúc động đến nỗi hai mắt sáng quắc lên, nếu người ta thả tiền vào bát thì cậu ta hân hoan ra mặt, chẳng có vẻ gì là đang đau khổ.

Xem ra việc quan sát và học hỏi rất có lợi cho việc tìm ra được khuyết điểm của mình, thảo nào mà cơ hội du học nước ngoài theo diện nhà nước cử đi mọi người lại tranh cướp nhau kịch liệt đến thế, hóa ra nguyên do là ở cái ưu điểm này.

Tôi đứng dậy, dựa vào gốc cây bên cạnh, hai mắt không dời nó.

Có một bác gái đi qua, đứng đọc rất chăm chú cái biển của nó, nhìn nó với vẻ hết sức thông cảm, bác thở dài rồi rút trong túi ra một tệ, đang chuẩn bị thả vào bát thì tôi bỗng lên tiếng: "Ái chà chà!" Bác gái giật bắn mình, nhìn tôi chằm chằm.

Tôi cứ thủng thẳng nói một mình: "Giờ bọn lừa đảo thêu dệt nên mấy chuyện lừa đảo trình độ ngày càng tinh vi, có thể dựng thành phim được rồi."

Bác gái bắt đầu nghi ngờ, nhìn tôi hỏi: "Không thể nào?".

Tôi nói: "Tại sao lại không thể chứ, biết người biết mặt mấy ai biết lòng."

Cuối cùng bác gái đã bỏ đi mà không để một tệ lại.

Nó vẫn không nhúc nhích, kiên cường quá, tự đáy lòng tôi thấy khâm phục nó, nếu có người chọc gậy bánh xe thế này tôi và Tứ Mao đã vặn cổ hắn rồi, tất nhiên là chúng tôi cũng có cái lợi thế lấy số đông bắt nạt số ít.

Tính hiếu thắng trong tôi trỗi dậy, trong lòng nghĩ: "Xem cô em kiên định được đến mức nào."

Tôi đuổi một chú cho tiền khác, nó vẫn quỳ như tượng.

Tôi lại đuổi một con nhóc đi, nó vẫn bất động.

Tôi đuổi tiếp một thím, nó tiếp tục không nhúc nhích.

Tôi thất bại, đành ngồi bệt xuống đất mà quan sát nó, lúc này tính hiếu kỳ của tôi đã mạnh hơn tính hiếu thắng.

Khuôn mặt nó phảng phất một nỗi buồn, không phải, đúng hơn là sự bi thương, vài sợi tóc của nó phất phơ trên khuôn mặt, có lúc che lấp cả gò má, nó cúi gục đầu, đôi mắt lúc nào cũng cụp xuống, xung quanh xảy ra sự kiện gì nó cũng chẳng hề hay biết, đấy là cái mà tôi thấy khâm phục nhất.

Gió nổi lên, lá vàng nhẹ bay như múa lượn, những chiếc lá rơi bay lên mái tóc nó, nó co rúm người lại trông càng hiu quạnh đáng thương.

Tim tôi rung động, lẽ nào nó chọn cái cây này làm bối cảnh cũng là có nguyên nhân sao? Để tạo nên một khung cảnh hữu tình chăng? Lẽ nào một con bé vắt mũi chưa sạch như nó lại là một cao thủ mai danh ẩn tích?

Tôi không kìm được lòng, tôi thấy lo lắng cho tiền đồ của mình quá, trình độ của các đồng nghiệp được nâng cao nhanh hơn cả giá nhà đất, liệu còn con đường sống cho tôi không?

Khoé miệng nó nhúc nhích, một nỗi đau khổ hiện ra trên khuôn mặt nó, đầu nó hơi lắc lư, cảm giác như nước mắt đang chực tuôn ra.

Một năm nọ, Chủ tịch thị trấn đến nhà tôi phát gạo cứu đói, lúc ấy, mẹ tôi bằng chính cái cảm xúc này đã làm xiêu lòng ông Chủ tịch, hình ảnh mẹ lúc ấy được một phóng viên chụp lại, sau đó đăng trên tờ nhật báo lớn nhất của tỉnh với tiêu đề: "Tấm lòng của Chủ tịch thị trấn sưởi ấm lòng người", ông Chủ tịch vui đến nỗi lấy luôn chỗ gạo lẽ ra phát cho nhà cô Sáu phát hết cho nhà tôi.

Lúc mẹ tôi biết mình được lên báo bà chẳng vui tẹo nào, vì bức ảnh sẽ ảnh hưởng đến công việc làm ăn sau này, nhưng sau thấy mọi người trong thị trấn bàn tán quá nhiều, mẹ tôi lại thấy đắc ý lắm, sau này cứ nói chuyện gì là bà phải lái bằng được câu chuyện sang cái chủ đề bức ảnh rồi mới chịu kết thúc. Tất nhiên không phải là bà muốn kết thúc, mà hễ bà nói đến chủ đề này là mọi người lẩn đi như chạch.

Tôi ngó quanh, chẳng có ma nào, không phải nó định khóc cho tôi xem đấy chứ? Chẳng lẽ nó đã đạt đến trình độ nhập vai ngay cả lúc đời thường?

Tứ Mao thấy tôi đi lâu quá bèn bỏ cả đồ nghề chạy đi tìm tôi, vừa nhìn thấy con bé cậu ta "A!" lên một tiếng. Tôi giật mình, hay là Tứ Mao quen nó?

Tứ Mao gọi đứa con gái: "Tiểu Thuý, Tiểu Thuý!"

Cái đứa tên Tiểu Thuý này vẫn cứ như không nghe thấy gì, vẫn quỳ như tượng ở đó.

Tứ Mao thấy thế chạy lại lay lay nó, nó ngẩng lên, thấy Tứ Mao, con bé hơi bất ngờ

Tứ Mao hỏi: "Tiểu Thuý! Sao em lại ở đây?"

Con bé vuốt mái tóc lòa xòa che kín mặt sang một bên, tôi thấy tai nó bịt kín bằng bông gòn, tôi choáng hẳn, thảo nào tôi chọc phá nó suốt buổi mà nó chẳng phản ứng gì.

Chương 18

Thắc mắc của tôi đã được giải đáp, nhưng nói thật tôi vẫn rất phục nó, một diễn viên có thể nhập mình vào vai diễn đau khổ quả không đơn giản chút nào.

Tiểu Thuý nhìn Tứ Mao cười: "Tứ Mao, anh cũng ở đây à?"

Tôi nhìn Tứ Mao dò xét: "Cô này là ai vậy?"

Tứ Mao hơi ngượng ngùng trả lời tôi: "Một người bạn."

Tôi nhìn bộ dạng của Tứ Mao, không nhịn được cười, hồi Tứ Mao 14 tuổi cũng thích con gái thím Bảy, mỗi lần gặp nó trông cậu ta cũng y như thế này.

Tôi lại hỏi Tứ Mao: "Lẽ nào là hồng nhan tri kỷ của cậu?"

Tứ Mao ngây ra, cậu ta phủ nhận ngay lập tức: "Đâu có, đâu có, không phải thế đâu." Nhưng nhìn là biết ngay trong lòng cậu ta đang sung sướng lắm.

Bộ dạng này làm sao có thể trở thành một kẻ lừa đảo thành công chứ? Tôi lại bắt đầu lo lắng cho tiền đồ của Tứ Mao.

Tứ Mao giới thiệu tôi với Tiểu Thuý: "Đây là Tiểu Cường, huynh đệ của anh."

Tôi cung kính nhìn Tiểu Thuý, khiêm tốn thỉnh giáo cô bé: "Tiểu Thuý, khi nãy em diễn thật xuất thần!"

Tiểu Thuý khiêm tốn nói: "Có gì đâu anh." Thái độ khiêm tốn đúng là rất hợp gu với Tứ Mao.

Tiểu Thuý lôi cái bông tai ra, còn có cả dây nối nữa, hóa ra không phải bông tai, mà là tai nghe.

Tiểu Thuý lôi cái MP3 trong túi ra tắt đi.

Tôi tò mò hỏi Tiểu Thuý: "Em đang nghe gì thế?"

Khuôn mặt của Tiểu Thuý lai lộ vẻ bi thương, cô bé trả lời tôi: "Băng thu lời của chủ nhiệm Hà trong hội nghị báo cáo thành tích."

Trời đất, hóa ra là thế! Thảo nào khi nãy trông cô bé thật buồn thảm. Thị trấn tôi cũng có lần tổ chức mời Chủ nhiệm Hà về nói chuyện để học tập kinh nghiệm. Báo cáo thành tích ảnh hưởng rất nhiều đến cảm nghĩ của mọi người, ai nấy đều thấy không thể hấp thụ nổi, tối hôm đó sau khi nghe thuyết giảng xong, đồng chí Chủ tịch thị trấn đem tiền cứu trợ khó khăn kinh tế mua một chai Mao Đài uống sạch trong phiền muộn, sau đó đồng chí đứng ngay cạnh Ủy ban thị trấn khóc lóc, còn nói sau này nhất định phải học hỏi đồng chí Chủ nhiệm Hà, phải làm nhiều hơn nữa những việc tốt, việc thiết thực cho quần chúng.

Tiếc là những lời nói ra trong lúc say không phải lúc nào cũng là những lời chân thật, nó có thể là những lời hàm hồ.

Tôi ghé tai hỏi Tứ Mao về lai lịch Tiểu Thuý, hóa ra Tứ Mao và Tiểu Thuý quen nhau hồi đi dán quảng cáo lên tường, sau đó bị công an làm chặt quá, mọi người không thể tiếp tục nghề đó nữa, từ đấy cũng không gặp lại nhau.

Chào mừng sự kiện gặp lại cố nhân chúng tôi rủ nhau đi ăn mừng một trận ra trò. Nhưng từ sáng đến giờ hai thằng mới thu hoạch được 8 đồng rưỡi, nếu có ăn cơm hộp 3 đồng một suất cũng vẫn thiếu 5 hào.

Sắp đến giờ ăn tối rồi mà cả ba vẫn đang thất thểu ngoài đường.

Lúc này tôi chỉ mong sao Tứ Mao đột nhiên nói với tôi: "Tiểu Cường, thật ra mình vẫn giấu một ít quỹ đen, mình quyết định mang ra dùng vào tình huống quan trọng này!" Đáng tiếc là Tứ Mao chưa lấy vợ nên chưa có môi trường để đào tạo thói quen này.

Chúng tôi đi ngang qua một nhà hàng khá lớn, Tiểu Thuý nói rất to với chúng tôi: "Các anh xem cô dâu kia trông xinh không kìa!"

Tôi nhìn thấy một đôi tân lang tân nương đứng trước cửa nhà hàng, nói thật lòng tôi chẳng thấy cô dâu xinh tẹo nào, chỉ thấy mặt trát đầy phấn, tóc vuốt đầy keo. Con gái mỗi lần nhìn thấy cô dâu đều hay tò mò soi xét thế đấy.

Trong đầu tôi bắt đầu hình thành ý tưởng, trước kia tôi, cô Năm và bố cô vào thành phố làm ăn mỗi khi gặp tiệc cưới cũng thường hòa vào mà đánh chén, người vừa đông vừa lộn xộn, hầu như không thể biết chúng tôi là ai, nếu có người hỏi chúng tôi lập tức hỏi lại anh ta trước, nếu anh ta là họ hàng phía nhà gái chúng tôi sẽ nói mình là họ hàng nhà trai, ngược lại nếu anh ta là người thân của nhà trai chúng tôi sẽ trở thành người thân của nhà gái.

Hôm nay đúng là gặp được cơ hội tốt đây! Tôi nói với Tứ Mao và Tiểu Thuý: "Chúng ta vào làm một bữa đi!" Cả hai gật như bổ củi.

Ba chúng tôi tiến lên phía trước, cặp uyên ương đang bận rộn chào hỏi khách khứa, chú rể là một anh chàng hơi phốp pháp, trông dáng của một người trung hậu, khi tận mắt nhìn thấy cô dâu ba đứa hoảng hồn, ban nãy nhìn từ xa không thấy được tướng mạo cô ta, bây giờ nhìn gần mới thấy, mắt ti hí, răng vổ, mũi cà chua, tuy mặt đã được nguỵ trang bởi lớp phấn dầy nhưng vẫn nhìn thấy tàn nhang chi chít khắp mặt.

Trước nay tôi vẫn nghĩ chị họ tôi xấu nhất, nhưng đến hôm nay tôi cũng đã tìm được một người so tài với chị. Tôi nghĩ khi chị ta đi lấy chồng, người nhà chắc chắn phải khóc lóc một trận đã đời vì mừng vui, giống như bách hóa thị trấn đại hạ giá bán tống bán tháo đống hàng kém chất lượng.

Thấy chúng tôi đi đến, chú rể tiến lên bắt tay chúng tôi, tôi bắt tay đầy thành ý với chú rể, xúc động đến nỗi còn lắc lắc mấy cái, tôi chân thành nói: "Người anh em, anh vất vả quá, anh thật dũng cảm. Vợ chồng anh khi tiếp xúc...chắc là phải tắt đèn."

Chương 19

Chúng tôi hùng dũng tiến vào nhà hàng, lúc vào cửa còn được mời chụp ảnh với cô dâu chú rể, tôi thật lòng không muốn chụp, cái nghề của chúng tôi là tập trung vào việc, không để bị phân tán tư tưởng bởi chuyện tình cảm. Khổ nỗi Tiểu Thuý lại cứ nhiệt tình chụp ảnh, chụp xong còn xán lấy anh thợ ảnh lèo nhèo đòi gửi cho một bức khi có ảnh.

Nhà hàng trông rất hoành tráng, sảnh rộng có rất nhiều người trong đám cưới, nhưng chẳng thấy ai đến hướng dẫn chúng tôi, chỉ có một thanh niên chỉ đường qua loa, may mà phòng bày tiệc cưới cũng dễ tìm, chúng tôi tìm một chỗ ngồi trong góc khuất nhất, như thế cô dâu chú rể có đến bàn này chúc rượu thì cũng đã lâng lâng rồi. Tôi ngó nghiêng xung quanh, thấy mấy người này chẳng lịch sự chút nào, chưa đợi cô dâu chú rể đến đã chén rồi.

Cái bàn chúng tôi ngồi cũng không đông người lắm, món ăn rất hấp dẫn, tôi và Tứ Mao thích nhất món chân giò ninh, trông béo ngậy, chỉ cần cắn một miếng là miệng ngập trong mỡ, tết năm nào mẹ cũng mua một cái chân giò béo nhất cho tôi ăn.

Chúng tôi nhiệt tình thưởng thức, nhưng không hiểu sao hôn lễ mãi vẫn chưa bắt đầu, chúng tôi cũng không để ý được mọi thứ vì nhiệm vụ của chúng tôi đến đây không phải để dự lễ thành hôn. Chúng tôi liên tục nâng cốc chúc mừng cùng với những người xung quanh, cũng may chẳng có ai hỏi đến lai lịch của mấy đứa.

Bỗng tôi nghe thấy có người nói một câu, "người thân đến cảm ơn", tôi ngây ra, phong tục ở đây sao lạ thế nhỉ? Chưa bắt đầu hôn lễ đã chúc rượu rồi. Tôi lập tức dừng đũa, cô dâu chú rể đến chúc rượu rồi, ăn của người ta thì cũng phải lịch sự với người ta là điều nên làm.

Tôi đứng lên quay lại, nhưng không phải đôi uyên ương khi nãy, một phụ nữ tầm năm mươi xuất hiện, tôi giật mình, ở thị trấn tôi khi tổ chức tiệc cưới cô dâu chú rể đến chúc rượu trước rồi mới đến bố mẹ chúc rượu, xem ra phong tục của thành phố quả có nhiều khác biệt.

Người phụ nữ mắt đỏ hoe, nếu bà là mẹ cô dâu, chắc khóc vì niềm vui xuất kho được hàng tồn; nếu bà là mẹ chú rể, chắc hẳn khóc vì lo lắng cho chất lượng đời cháu chắt đây.

Tôi cố gắng nặn ra một nụ cười quyến rũ, bắt tay người phụ nữ một cách thắm đượm tình cảm và nói với bà: "Chúc mừng! Xin chân thành chúc mừng!".

Tôi nhận ra không khí xung quanh có vẻ khác thường, mọi người bỗng đổ dồn sự chú ý về phía chúng tôi cứ như trong phim ý. Tôi liếc mắt nhìn mọi người cùng bàn, tất cả đều kinh ngạc há hốc miệng nhìn tôi.

Tôi nhìn kỹ lại cánh tay của bác mình vừa bắt tay, thấy một miếng vải đen quấn quanh tay áo, lẽ nào tôi vào nhầm phòng, đi ăn tiệc tang chứ không phải tiệc cưới?

Tuy tôi cũng có khá nhiều kinh nghiệm đi ăn tiệc kiểu thế này, nhưng thường tôi kém trong khoản phân biệt tiệc cưới với tiệc tang, sự khác biệt là ở phần mở đầu chứ không phải ở phần ăn uống, khách đến dự đám tang náo nhiệt chẳng kém gì đến ăn cưới.

Người phụ nữ đứng ngây ra, tôi nghĩ hôm nay tôi là người duy nhất chúc mừng bà ta.

Tôi thu vội nụ cười tươi tắn lại, đẩy lên khuôn mặt một vẻ bi thương, tôi nói với bà: "Bác ạ, mình phải sớm để đau thương qua đi, người chết sang thế giới bên kia là đã được siêu thoát, ấy cũng là sự vui!".

Tôi không dám nói gì nhiều vì không biết người chết là đối tượng như thế nào, mà tôi không thể phạm sai lầm thêm lần nữa.

Người phụ nữ khóc thê thảm: "Anh trai cháu ở nơi suối vàng chắc sẽ rất an lòng."

Không khí nặng nề xung quanh cuối cùng đã được phá tan, mọi người đều thở phào nhẹ nhõm. Tôi đánh mắt về phía Tứ Mao, ý bảo cậu ta nhìn tôi mà học tập, đấy là nước cờ cao tay trong nghệ thuật tuỳ cơ ứng biến.

Tôi chửi thầm: "Anh trai bà chết thì có!" dù gì thì cuối cùng tôi cũng đã biết được người chết là một thanh niên khoảng hơn 20 tuổi.

Nhìn người phụ nữ khóc trông thật đáng thương, nỗi cảm thông trong tôi lại trỗi dậy, ăn của người ta từng ấy món, ít nhất cũng phải cho người ta được vài câu an ủi suông chứ.

Tôi an ủi: "Anh cháu tốt với mọi người là thế, người tốt nhất định sẽ gặp được may mắn!"

Mọi người lại lần nữa đổ dồn ánh mắt về phía tôi, tôi ngửi thấy trong bầu không khí là một mùi rất quen thuộc, tôi hít hít, mùi cực kỳ quen thuộc, tết năm nào ở thị trấn tôi cũng có cái mùi này, chình là mùi thuốc nổ.

Phía sau người phụ nữ còn có cả một đội quân thanh niên thân hình lực lưỡng, vẻ mặt dữ tợn, trên người họ còn săm trổ đầy hình kỳ quái. Trời ơi, lẽ nào tôi đã làm điều gì đó rất tồi tệ

Chương 20

Tôi, Tứ Mao và Tiểu Thuý bị người ta đuổi ra khỏi nhà hàng, Tứ Mao có vẻ hơi ngượng một chút, tuy mới được nửa bữa nhưng tôi đã rất no rồi, thậm chí còn hơi tức bụng, tôi nghĩ Tiểu Thuý cũng thế, nhưng xem ra Tứ Mao vẫn còn đói.

"Tứ Mao!" tôi gọi, Tứ Mao quay lại.

Tôi giải thích với cậu ta: "Thật ra đây chỉ là nhầm lẫn nhỏ thôi mà, mình cũng không ngờ phạm nhân bị tử hình mà người nhà lại làm mấy chục mâm cỗ thế này."

Tình hình ban nãy thật nguy hiểm, lúc có mấy anh hùng hảo hán xông lên định cho chúng tôi một trận, người phụ nữ kia đã ngăn lại, bà ta nói: "Hôm nay là tang lễ của con trai ta, lần sau mà để ta nhìn thấy chúng mày thế nào ta cũng đem nướng."

Tứ Mao thở dài, lúc bị đuổi ra cậu ta đang gặm cái móng giò thứ tư, thật đau xót khi miếng ăn trong miệng còn bị giằng ra.

Tiểu Thuý sống ở phía Đông thành phố, tôi nói với con bé: "Tiểu Thuý, khả năng diễn xuất của em khá tốt, từ nay anh em mình cùng kết hợp làm ăn nhé!"

Tiểu Thúy đáp: "Vâng ạ, em thấy một mình thân cô thế cô làm ăn cũng khó!"

Tôi thấy rất vui, đây đúng là sự kết hợp hoàn hảo! gọi là "độc biển bất như chúng biển" (một người lừa không bằng số đông cùng làm).

Nghề của bọn tôi cũng giống nhiều ngành nghề khác, đòi hỏi làm việc tập thể, đội ngũ càng lớn mạnh càng tốt, diễn viên càng đông càng lợi thế, tiếng tăm cũng lừng lẫy hơn, ngày nay hầu hết mọi người đều giỏi làm ăn buôn bán, cho nên cứ nói dối đến nghìn lần thì lúc đó giả cũng sẽ thành thật.

Tôi và Tứ Mao trở về khu trọ, tôi nằm dài trên giường, chẳng biết Tứ Mao chạy đâu, gió thổi tung mấy tờ giấy dán chỗ cửa kính vỡ bay loạt xoạt.

Tôi đang nghĩ không biết có phải thằng khỉ ăn chưa no nên lại ra ngoài đi kiếm cái gì đó ăn rồi không. Hy vọng hắn có chút lương tâm, lát nữa cũng mang về cho tôi ít đồ ăn, miễn không phải món phao câu gà khoái khẩu của cậu ta là được.

Khá lâu sau, Tứ Mao từ ngoài bước vào, mặt mày rạng rỡ, xem ra cái dáng vẻ này là ăn uống rất no say rồi đây, tôi dò xét, hy vọng cậu ta đang giấu trong người cái đùi gà hay một món gì đó.

Kết quả là cậu ta lôi ra mấy trang giấy, tôi tò mò nhổm qua xem.

Tứ Mao nói với tôi: "Mình nhờ mấy người bạn cũ làm hộ cậu mấy cái bằng rồi đây này, cậu xem đi."

Tứ Mao đưa qua mấy tấm bằng cho tôi xem, tôi lật xem đúng là có mấy tấm liền, có bằng của Đại học Bắc Kinh, bằng của Thanh Hoa, còn có bằng của nhiều trường đại học nổi tiếng khác, mà ngành học nào cũng có một tấm.

Tứ Mao nói: "Mấy tờ giấy này giờ rẻ như bèo, mình cứ nhiều cho cậu, ngày trước bọn mình bán mười mấy tệ một cái đấy".

"Mười mấy tệ?" Tôi ngạc nhiên, "Lợi nhuận cao đến thế cơ à?".

Tứ Mao đáp: "Gì mà đã gọi là lợi nhuận cao chứ? Có người còn bán loại bằng cấp này mấy chục nghìn tệ một cái, thế mà người ta vẫn tranh nhau mua, người mua móc tiền túi ra mà vẫn thấy mình thật may mắn, sung sướng như đang ở trên thiên đường vậy".

Tôi tiếp tục hào hứng lật đống bằng của mình, bỗng nhìn thấy cả chứng chỉ tiếng Anh cấp 4.

Tôi khen Tứ Mao: "Cậu thật chu đáo quá, cái này cậu cũng làm hộ mình."

Tứ Mao hãnh diện đáp: "Nói gì đến cấp 4, chứng chỉ cấp 6 mình cũng làm luôn cho cậu rồi đấy thôi."

"Thật không?" Tôi xúc động lật tiếp, bên dưới đúng là có cái chứng chỉ tiếng Anh cấp 6, tôi biết mấy thứ này rất có ích, nghe nói có cái chứng chỉ này là tương đương trình độ tiếng Anh của một thạc sỹ.

Con gái dì Quế Hoa cùng mấy chị em nó ra nước ngoài làm ăn mấy năm, trình độ tiếng Anh cũng được cải thiện rất khá, về nước cũng thi được cấp 6, giờ tiền boa cao hơn rất nhiều. Họ còn tổ chức trình diễn hàng trên mạng, và có rất nhiều đàn ông tranh nhau tham gia đăng ký.

Tôi cầm đống bằng cấp, trong lòng phấn khởi nghĩ đến ngày mai cầm chúng đi thi tuyển công việc mới, hoặc tôi có thể bước vào một thế giới mới, hoặc mở ra cho công việc lừa đảo của tôi một chân trời mới.

Loading...

Tiểu thuyết tình yêu là website chia sẻ những thể loại truyện hay nhất hiện nay, được nhiều người đọc yêu thích. Truyện được cập nhập hàng ngày. Hãy lưu địa chỉ web để truy cập nhanh hơn!

Chúc các bạn online vui vẻ !

Laptop Tùng Anh

Tour Phú Quốc

Vinhomes Cầu Rào 2

Trang Chủ