XtGem Forum catalog
Tiểu thuyết tình yêu

Tiểu Thuyết Tình Yêu

Đọc truyện tại Tiểu Thuyết Tình Yêu

Loading...

Truyện tình cảm - Độc thân, cần yêu - trang 3

Chương 5

Buổi tối không đến nỗi nào
Phương phóng xe khỏi hầm tòa nhà lao vào đêm mùa đông rét mướt. Số tiền lương overtime vừa lĩnh nóng hổi trong túi nhưng chẳng giúp cô cảm thấy ấm lên chút nào. Thời tiết thay đổi thật đột ngột. Buổi sáng đi làm vẫn thấy nắng hưng hửng, trưa đi ăn mặc một áo len mỏng thậm chí còn có cảm giác nóng, đến cuối buổi chiều không khí lạnh đã gào thét ầm ầm ngoài cửa kính. Bảng điện tử trước cửa trung tâm điện máy ở ngã tư chạy lừ lừ một hàng chữ số: 22:37, đèn giao thông đ
chỉ còn nhấp nháy màu vàng, Phương tăng ga, mặc cho gió mùa đông bắc cùng bụi cát châm những mũi kim nhoi nhói vào mặt vào cổ. Cô còn hơn 20 phút để chạy từ trung tâm thành phố về chỗ cô đang ở - một khu tập thể cũ ven đô, tiết kiệm phút nào hay phút đó. Nhà trông xe duy nhất dưới tầng hầm một của khu tập thể thường chỉ mở cửa đến mười một giờ đêm.
Nhưng không may cho Phương, chưa đến mười một giờ, cánh cổng có tấm biển “Nhận trông xe” đã khóa im ỉm, bên trong đèn tắt, tối om. Có lẽ thời tiết lạnh khiến ông bà chủ nhà không kiên nhẫn thức đợi khách như mọi hôm. Sau khi bấm chuông một đôi lần nhưng không thấy ai trả lời, Phương vòng xe đi ngược trở ra ký túc xá sinh viên cách đó vài trăm mét. Bãi xe của ký túc xá mở cửa đến tận mười một rưỡi hoặc muộn hơn, có lẽ cô vẫn còn thời gian kiếm cái gì đó nóng nóng lót dạ. Gần nửa tiếng đi ngoài đường với chiếc áo len mỏng khiến năng lượng từ chiếc bánh kẹp Gogo Green mà tiệm KFC đưa lên văn phòng lúc sáu giờ tiêu hao sạch. Dạ dày cô réo lên những tiếng óc ách ồn ào, vừa hay mắt cô liếc thấy tấm biển ghi mấy chữ “Bánh khúc gia truyền” dựng bên chiếc chõ ở một góc vỉa hè.
Bà bán hàng thoăn thoắt bới lấy nắm bánh khúc màu sẫm dính hạt xôi trắng lấm tấm đặt vào gói giấy lót nylon, vừa bới thêm xôi bên ngoài vừa xuýt xoa “trời rét thế này ăn bánh khúc là nhất”. Phương mở ví lấy tiền. Chẳng còn đồng lẻ nào, chỉ còn mấy tờ năm trăm nghìn vừa lĩnh lúc chiều. Bà bán hàng đang cầm lọ muối vừng định rắc vào bánh, thấy tờ tiền trong tay cô, liền bỏ luôn lọ xuống, giọng nói đang xởi lởi bỗng lạnh như ướp đá:

- Đưa tiền lẻ đi, không có tiền trả lại đâu.
- Nhưng cháu hết sạch tiền lẻ rồi.
- Thế thì thôi. – Bà ta ụp chỗ xôi bánh khúc trở lại chõ.
- Hay cô bán chịu cho cháu, mai cháu qua cháu trả.
- Biết mày ở đâu mà cho chịu. Ra hiệu tạp hóa đổi tiền đi rồi mua.
Theo hướng tay chỉ của bà bán xôi bánh khúc, Phương đến trước cửa hiệu tạp hóa. Cửa hiệu đã dọn hết hàng vào trong nhưng vẫn mở cửa, một cô bé chừng mười lăm tuổi đang xếp lại mấy hộp các tông.
- Em ơi, đổi cho chị tờ năm trăm với.
Cô bé ngoan ngoãn cầm tờ tiền vào trong nhà. Có tiếng mắng nhiếc vọng ra nhưng cụ thể thế nào thì Phương nghe không rõ. Rồi cô bé quay lại, bối rối đưa trả tờ năm trăm ngàn cho cô, nói qua quýt.
- Cô cháu cầm hết tiền về rồi. Cháu chỉ dọn hàng thôi ạ.
Phương nhìn cử chỉ thiếu tự nhiên của cô bé giúp việc, chỉ thấy tội nghiệp chứ không thấy giận. Có lẽ cô bé mới bị bà chủ ở bên trong mắng cho vì không biết từ chối, đêm hôm khuya khoắt không lo dọn cho xong còn đổi tiền đổi nong, ngớ ngẩn. Ừ mà cô thấy mình cũng ngớ ngẩn thật. Hàng quán quanh đấy đã nghỉ hết, đường càng lúc càng vắng, điện thoại thì đã hết sạch pin, vậy mà vẫn đứng đực ra đây, hy vọng đổi được năm trăm ngàn ra tiền lẻ để mua xôi bánh khúc. Đáng ra cô nên gửi nhanh cái xe cho xong rồi về nhà mới phải.
Bạn đang đọc truyện tại ThichTruyen.VN
Bãi xe của ký túc xá vẫn sáng đèn. Ông trông xe chìa chiếc vé ép plastic cáu bẩn, nhìn Phương chăm chú một lát như nhận dạng tội phạm rồi mới mở lời. Câu nói của ông khiến Phương thực sự lâm vào cảnh dở khóc dở cười:
- Cho xin tiền trước nhé.
- Sáng mai lấy xe cháu trả được không ạ?
- Bọn mày cứ leo lẻo bảo sáng mai con trả rồi sáng mai lại đùn đẩy loạn lên rồi lấy xe đi mất, tao còn lạ gì!
- Cháu không phải sinh viên đâu ạ. Nhà cháu trong B3.
- B3 gì mà B3, không trả tiền trước thì đi chỗ khác mà gửi!
- Giờ này làm gì còn chỗ nào bác ơi. Với cả cháu có tiền chứ không phải không có
- Có tiền sao không trả?
- Nhưng cháu không có tiền lẻ.
- Thì đưa tiền chẵn rồi tao trả lại.


- Đây ạ. – Phương rút ví chìa nhanh tờ năm trăm nghìn.
- Hả? Mày đùa bố mày à, con ranh con. Biến!
Nói dứt câu, ông trông xe giật lại cái vé trên tay Phương, quày quả bỏ vào trong. Phương vừa bực mình vừa buồn cười, đành rồ ga chạy đi. Nếu không tìm được chỗ gửi xe, có lẽ cô phải nổ máy rồi dắt nó lên tận tầng năm để cất vào nhà. Cầu thang khu tập thể có lối hẹp để dắt xe ở giữa, nhưng từ tầng ba trở lên, cầu thang rất dốc chứ không thoai thoải như tầng một tầng hai. Với một cô gái đang đói và lạnh như cô lúc này, việc lôi chiếc xe ga lên tận tầng năm cũng đồng nghĩa với việc khẳng định mình có vấn đề về tâm thần. Nếu lát nữa vẫn không thể tìm ra chỗ gửi xe, có lẽ cô sẽ phải tính đến chuyện tạt vào nhà nghỉ nào đó để cả người và xe trú tạm qua đêm nay… Không, mấy nhà nghỉ đèn hồng ngoài đường lớn kia không phải chỗ dành cho những người đàng hoàng. Thà cô đi sang tận đầu kia thành phố đập cửa nhà mấy đứa bạn hồi đại học để xin ngủ nhờ còn hơn!
Ánh sáng của một cabin đặt máy ATM của Viettinbank thu hút sự chú ý của Phương. Tại sao cô không nghĩ ra sớm hơn nhỉ? Cô có thẻ của một ngân hàng cùng liên minh thẻ với Viettinbank nên có thể dùng thẻ của mình rút tiền trên máy này. Mà ATM của Viettinbank thì cho phép rút cả tờ tiền polyme mệnh giá nhỏ nhất. Vậy là cô sống rồi, sắp được ăn xôi bánh khúc và gửi xe rồi…
Nhưng thông báo máy ATM ngừng hoạt động hiển thị giữa màn hình đã ngay lập tức dập tắt niềm vui nho nhỏ mới nhen lên trong tâm trí cô. Đêm càng về khuya càng rét, cái áo len cổ tim và chiếc khăn lục không thể ngăn những cơn gió khô buôn buốt lùa sâu vào đường hô hấp, cô bắt đầu ran rát. Có lẽ phải bỏ ý định chạy xe lòng vòng tìm thêm điểm đặt máy ATM thôi, mình ốm đến nơi rồi, cô thầm nhủ, quả quyết dừng xe trước cửa một nhà thuốc.
Cửa cuốn đã hạ xuống một nửa nhưng biển hiệu hộp đèn của nhà thuốc vẫn sáng. Phương dựng xe nhìn vào. Người ngồi sau quầy hình như còn khá trẻ, đang vừa ghi chép nhãn thuốc vừa huýt sáo theo một bản nhạc trong bộ phim Hàn đang nổi. Cô ngập ngừng lên tiếng gọi rồi khom lưng chui qua cửa, vào bên trong. Người kia ngừng huýt sáo, ngẩng lên, có vẻ khá… kinh hãi khi bắt gặp bộ dạng tím tái xơ xác của Phương. Cô nhìn lướt qua thuốc trong tủ kính, dõng dạc nói:
- Anh bán cho em một hộp Strepsils.
- Chị lấy Strepsils cam hay bạc hà? – Người thanh niên bán thuốc hỏi, có vẻ cũng lấy lại bình tĩnh khá nhanh.
- Loại nào cũng được. Bao nhiêu tiền ạ?
- Một hộp hai nhăm nghìn.
- Thế anh cho em hai, à không, bốn hộp đi.
Người thanh niên bán thuốc đang lom khom lấy thuốc trong tủ, thấy Phương nói thế thì ngẩng lên nhìn một cái, như muốn xác định cô nói thật hay đùa. Phương cười gượng gạo, chìa tờ năm trăm nghìn:
- Em còn mỗi tờ này, sợ mua một hộp thì anh phải trả lại nhiều, không bán.
- Bán chứ, - Người kia đứng thẳng dậy, vừa cho thuốc vào túi vừa cười. – nhà thuốc làm gì mà không đủ bốn trăm mấy chục nghìn trả lại chị.
- Thôi, anh cứ bán cho em bốn hộp, đằng nào thì em cũng đang cần.
Nói đến đây Phương hắt xì liền mấy cái nước mắt nước mũi giàn giụa. Người thanh niên định đưa cái túi có bốn hộp Strepsils cho cô, thấy vậy lại bỏ hai hộp ra. Anh chỉ một hộp thuốc khác trong tủ kính.
- Hay là chị mua hai hộp Strepsils và một hộp Cảm Xuyên Hương này, vẫn hết từng ấy tiền mà lại chữa được hai triệu chứng. Chị hắt hơi nhiều như thế chắc là đi gió, bị lạnh. Uống Cảm Xuyên Hương với nước ấm sẽ phòng cảm mạo.
- Vâng, thế cũng được. À, nhà mình có bán giấy không anh
Sau một tiếng cười khẽ, hộp khăn giấy chìa ra trước mặt Phương cùng một lọ thuốc muối sinh lý:
- Chị nhỏ cái này rồi hãy dùng giấy, nhớ xì mũi từ từ từng bên một.
Phương làm theo lời người thanh niên, tự nhiên cảm thấy rưng rưng trong mắt. Người thanh niên cúi xuống tiếp tục kiểm kê số thuốc, không nhận ra rằng những cử chỉ rất bình thường của mình đã khiến người đối diện xúc động thế nào. Xếp mấy tờ tiền vừa được trả lại vào ví, Phương chào người thanh niên bán thuốc rồi vội vã quay về bãi xe ký túc xá, vừa kịp đẩy xe vào bãi gửi trước khi hết giờ. Ông trông xe dù vẫn cằn nhằn “sao không chuẩn bị tiền lẻ” nhưng không xua đuổi tờ năm mươi ngàn mà cô chìa ra. Bà bán xôi bánh khúc đã dọn hàng, cô cũng không thấy thèm hay tiếc chiếc bánh mua hụt nữa. Đồ ăn do một người không biết cảm thông và thay đổi thái độ còn nhanh hơn thời tiết như bà chuẩn bị có lẽ cũng chẳng ngon lành gì.
Phương rảo bước trên con đường nằm giữa hai khối nhà, lắng nghe tiếng chân của chính mình hòa nhịp với tiếng gió đập vào cánh cửa sổ nhà ai đó quên đóng. Từ lúc ở trong hiệu thuốc, cô đã bóc một viên Strepsils ra ngậm. Viên thuốc đang dần tan hết, mang theo vị ngọt của sirô cam và vị đắng của thuốc, cổ họng cô đã bớt đau rát so với lúc phóng xe trên đường. Khi cô mở cửa vào nhà, đồng hồ trên tường đã sắp chỉ mười hai giờ. Một buổi tối tưởng rằng chỉ gặp toàn những thứ lạnh lẽo, cuối cùng lại kết thúc bằng mấy viên Cảm Xuyên Hương uống với nước ấm, cũng chẳng đến nỗi nào. Trước khi chui vào chăn, cô bật điện thoại lên, cắm sạc và đặt lại chuông báo thức thành bản nhạc trong bộ phim Hàn đang nổi.

Chương 6

Quà
Tối muộn ngày 24, anh đứng trước thang máy của một khu chung cư cao cấp và thấy chính mình trong bộ dạng của một ông già Noel hiện trên vách thép bóng loáng.
Gần một tiếng trước, khi đang chờ “ông già Noel” cuối cùng trở về nhà sách để có thể thở phào vì chiến dịch Giáng sinh năm nay kết thúc thắng lợi, anh nhận được điện thoại từ bệnh viện. Cậu sinh viên đóng vai ông già Noel đi đưa quà bị ngã xe, sọ não tay chân không việc gì nhưng cổ và mặt bị mảnh nhựa của mũ bảo hiểm cứa vào mất máu nhiều nên phải vào cấp cứu. Nh
m sinh viên đóng vai ông già Noel đã nghỉ hết, nhà sách chỉ còn lại ba người là anh cùng hai cô nhân viên bán hàng. Vội vàng báo tên viện và dúi tiền vào tay các cô để đi lo thuốc men, anh thay bộ quần áo đỏ, xách túi quà nhảy lên xe, hơi thở như làn khói bay ra từ bộ râu giả trắng xóa.
Luồn lách giữa dòng xe đông nghẹt, lướt qua những gương mặt xa lạ - những gia đình chở con đi chơi và những chàng trai chở bạn gái đi chơi, tự nhiên anh nghĩ đến một dòng chữ nhỏ in trên bìa sau của một cuốn sách mới phát hành. “Trong những ngày lễ, người hạnh phúc sẽ càng hạnh phúc, người cô đơn sẽ càng cô đơn.” Đã năm năm, ngày lễ cứ sượt qua cuộc sống của anh và không để dấu vết gì đọng lại. Anh nhớ rõ chúng, cảm thấy không khí rộn ràng náo nhiệt của chúng, thậm chí còn hơi căng thẳng mỗi khi chúng sắp đến gần…, nhưng tất cả chỉ vì công việc ở nhà sách yêu cầu anh phải như vậy.

Tiếng “đoong” nhẹ nhàng của thang máy kéo anh trở về thực tế. Bên dưới bộ râu, miệng anh hơi nhếch lên thành một nụ cười buồn. Vậy là chỉ còn một món quà phải trao, với anh, đêm Noel sắp kết thúc. Dù sao thì công việc thế chân đột xuất này cũng khiến kỷ niệm Giáng sinh năm nay có một chút khác biệt. Anh chỉnh lại chiếc thắt lưng lỏng lẻo bên ngoài bộ quần áo bằng nỉ đỏ rẻ tiền rồi vươn tay bấm nút. Hy vọng đứa trẻ trên tầng 15 vẫn còn thức và vẫn còn tin ông già Noel.
* * *
Bun ngọ nguậy trên salon. Bà ngoại nó đang vặn vặn cái chổi lau nhà. Vì bà lau nhà nên nó phải ngồi “trật tự” trên salon. Này giờ, nó cố chống lại cơn buồn ngủ bằng cách nhìn ra cửa một chút rồi nhìn màn hình TV một chút. Bun chưa biết xem đồng hồ nhưng biết ước lượng sớm muộn bằng những chương trình quen thuộc. Kênh này bắt đầu có Anh Chuối mà sao mẹ chưa về?
Có tiếng chuông cửa, Bun vẫn ngồi nguyên trên salon. Không phải mẹ, mẹ chẳng bao giờ bấm
Người ra mở cửa làm anh sững lại. Anh chưa gặp bà bao giờ, chỉ xem ảnh, bức ảnh bà chụp với con gái, hai mẹ con rất giống nhau.
- Chú vào đi! – Bà mỉm cười nhã nhặn, cúi xuống lấy đôi dép đi trong nhà đặt trước chân anh, nói bằng giọng gần như thì thào. – Chú đi dép vào, tôi vừa lau nhà.
Anh cúi xuống chân. Đôi dép bông to xụ có hình đầu con tuần lộc trông còn rõ phong vị Giáng sinh hơn cả bộ đồ nỉ đỏ thùng thình và bộ râu giả xộc xệch của anh. Năm năm trước, anh từng có những ngày tháng đẹp trong một căn hộ tập thể nhỏ cũ kỹ, nơi đó cũng có những đôi dép bông ngộ nghĩnh ấm áp thế này…
Một đôi chân lũn cũn đi dép nhỏ hình cây thông xuất hiện trước mặt, anh ngẩng lên. Trong khoảnh khắc, cảm giác đau đến mức muốn nghẹt thở vây lấy lồng ngực anh.
- Bun chào ông già Noel đi! – Bà bó lên tiếng nhắc.
- Con chào ông. – Thằng bé khoanh tay cúi đầu cười bẽn lẽn, cả cử chỉ và giọng nói đều hoàn toàn không giống trẻ con miền Bắc.
Bạn đang đọc truyện tại ThichTruyen.VN
- Chào Bun, Bun năm nay mấy tuổi rồi?
- Dạ, con bốn tuổi.
Một lần nữa, anh cúi xuống, vờ lục lọi trong túi quà lép kẹp để ngăn cơn xúc động đang chực phá ra khỏi cơ thể. Anh cố nói nghe thật bình thường nhưng giọng vẫn không thể không run rẩy.
- Quà Giáng sinh của Bun đây…
Thằng bé nói cảm ơn, nhận hộp đồ chơi trong tay anh, ngoẹo đầu nhìn nhìn nghĩ nghĩ một lát rồi nói ấp úng:
- Ông ơi… chắc ông đưa… lộn rồi. Con… con… hông có xin quà này.
- Sao thế Bun? – Bà nó tiến đến lấy hộp quà mở ra. – Siêu nhân đấy. Bun thích nhất siêu nhân đúng
- Dạ, con thích… nhưng con xin ông già Noel… này nọ cơ! – Thằng bé lắc đầu quầy quậy.
Anh ngồi xuống nhìn vào gương mặt lần đầu gặp nhưng rất quen thuộc của nó, hắng giọng dỗ dành:
- Thế Bun xin ông cái gì? Sao ông nhớ là Bun xin ông siêu nhân nhỉ?


Trong lúc Bun còn lúng búng câu gì không rõ, đèn phòng khách tự nhiên chập chờn mấy cái rồi tắt phụt. Thằng bé đột nhiên túm chặt lấy cổ anh, khóc mếu máo. Bà nó cuống quít bước gần về phía anh.
- Bun không sợ, không sợ. Bà bật đèn ngay đây.
Chỉ đến khi một bức đèn tranh trên tường phòng khách được bật lên tỏa ánh sáng ấm mờ, hai bàn tay bé tí mới buông lỏng cổ áo anh. Anh bế nó đứng dậy, đờ đẫn vỗ vỗ lưng nó, nhất thời không biết nói gì, chợt thấy cái lốt ông già Noel này thực sự đáng ghét! Nếu không có những thứ rác rưởi này, hẳn anh đã có thể mở miệng hỏi nhiều hơn một chút và biết nhiều hơn một chút.
- Để tôi bế cháu. – Dường như thấy biểu hiện của anh hơi lạ, bà vừa nói nhanh vừa tiến đến giơ tay định đỡ lấy thằng bé.
- Phòng của Bun ở đâu ạ? – Anh nghiêng người tránh, anh không nghĩ bà đủ sức bế thằng bé, nó đã bốn tuổi và phải nặng tới gần 20 kg.
- Đây, lối này… - Bà vừa đi vừa thấp giọng nói như cho một mình mình nghe. – Cháu nó sợ tối, tại hồi trước ở trong Sài Gòn mẹ nó hay đi vắng, không có người trông…
Phòng trẻ con trang trí rất đẹp, đẹp hơn cả phòng đọc cho trẻ em trong nhà sách của anh. Đồ gỗ và gối đệm hình như đều là hàng nhập khẩu. Anh đặt thằng bé xuống giường. Bà nó vội vàng lấy điều khiển từ xa bật điều hòa, vừa đắp chăn cho nó vừa luôn miệng dỗ dành.
Bên ngoài có tiếng mở cửa, thằng bé đang nằm thút thít chợt vùng dậy chạy ra ngoài, vừa chạy vừa hét toáng lên “Mẹ dzìa! Mẹ dzìa
* * *
Bun nhào vào lòng mẹ. Nó đã bốn tuổi rưỡi và rất khỏe. Mấy lần nó bất ngờ lao đến đu lên người mẹ khiến mẹ nó suýt ngã. Lần này cũng vậy, mẹ hơi loạng choạng nhưng cuối cùng vẫn bế được nó. Mẹ thật là thơm! Nó rút vào cổ mẹ, vẫn còn hơi sụt sịt:
- Mẹ hứa dzìa đúng giờ coi Anh Chuối mà sao mẹ hông dzìa?
- Mẹ xin lỗi, mẹ bận đi làm. Hôm nay ông già Noel có đến tặng quà cho Bun không?
- Có, nhưng ông tặng lộn đồ. Mẹ nói ông đổi cho con được hông mẹ?
- Được rồi, mai mẹ sẽ viết thư hỏi ông, nhé.
- Ông còn ở đây nè mẹ.
* * *
Anh đứng một bên nhìn trân trân như kẻ ngốc, ngực vẫn nhân nhẩn đau. Cô lặng lẽ bế thằng bé vào phòng, một lát mới trở ra. Năm năm, có rất nhiều, rất nhiều thứ đã và sẽ thay đổi.
- Mấy năm nay em ở Sài Gòn? – Anh hỏi mà giống như khẳng định.
- Vâng. Anh hiện giờ làm gì? – Cô hỏi, đích thực là hỏi.
- Anh làm cho nhà sách. – Anh trả lời, rất chung chung.
- Mẹ anh dạo này có khỏe không? – Cô hỏi, rất cụ thể.
- Mẹ anh mới mất năm kia, bệnh cũ. Trkhi đi, mẹ có nhắc em. Mẹ bảo hồi đó là vì mẹ… Mẹ muốn xin lỗi em nhưng… - Anh nói, rất dài dòng và ngập ngừng.
- Đều qua cả rồi! – Cô nói, rất ngắn gọn và dứt khoát.
Anh đặt tay lên tay cô, mắt nhìn thẳng băng như ghim vào người đối diện. Cô rút tay, quay đi, cả gương mặt lặng lặng, chỉ có bóng nước trong mắt hơi hơi lay động.
- Còn Bun thì sao? – Anh hỏi thẳng thắn.
- Nó thì liên quan gì đâu… - Cô đáp vòng vo.
- Nó là con anh. – Anh khẳng định.
- Anh nhầm. – Cô cũng khẳng định.
- Anh không nhầm. – Anh phủ định.
- Anh muốn nghĩ thế nào thì tùy! Giờ cũng muộn rồi, anh về đi đã. – Cô buông thõng, vẻ mệt mỏi hiện rõ trong từng chữ.
Nếu vẫn còn tiếp tục nói, chắc hai người sẽ có một đêm Giáng sinh trắng. Nhìn bàn tay cô run run vịn tay nắm cửa, anh muốn kéo cô vào lòng, ôm thật chặt và không bao giờ buông ra. Nhưng có lẽ mọi việc phải cần thêm một chút thời gian, chỉ một chút.
- Bun có đi học không? – Anh hỏi hơi đột ngột.
- Còn chưa tìm được trường. – Cô trả lời hơi thờ ơ.
- Vậy mai anh qua. – Anh nói quả quyết.
- Không cần. Có mẹ em rồi. – Cô từ chối cũng quả quyết.
- Mẹ em không sửa được điện.
Sau năm năm, anh lại nhìn thấy cô mỉm cười, dù nụ cười vô cùng nhợt nhạt
* * *
Bun hé mắt nhìn. Bà ngoại vẫn chưa về phòng. Bà đang xì mũi vào khăn giấy. Nó thò tay giật giật áo bà.
- Mẹ và ông già Noel nói chuyện lâu quá hả bà ngoại!
- Ừ. – Bà nó tiếp tục xì mũi.
- Liệu ông già Noel có chịu đổi quà cho con hông?
- Nhưng Bun xin ông cái gì?
- Con xin một daddy.
Mơ không làm ngôi sao
1. Nghi bước nhanh ra khỏi sảnh khách sạn, nơi tổ chức tiệc tất niên của một ngân hàng lớn. Vy, trợ lý của cô, đã gọi sẵn taxi chờ ngay trước cửa. Được ca ngợi là một trong những người thừa kế xứng đáng nhất của danh hiệu diva, Nghi thường xuyên phải góp mặt và hát trong những sự kiện của doanh nghiệp kiểu như thế này. Cô chẳng thích thú gì khi phải đứng hát trên sân khấu không đủ tiêu chuẩn âm thanh ánh sáng, trước những khán giả tò mò hơn là hâm mộ, nhưng mức thù lao quá hậu hĩnh khiến cô thường quyết định trái với suy nghĩ.
- Còn bao nhiêu phút nữa, Vy?
- Còn mười lăm phút, nhưng vẫn kịp, Nghi yên tâm!
Nghi gật đầu thay câu trả lời, co người vào bên trong chiếc áo dạ. Đêm nay, cô sẽ hát ở ba nơi. Giờ chưa đến chín rưỡi, cuộc chạy show của cô lúc này mới chính thức bắt đầu. Đã 29 Tết, những cửa hiệu trên tuyến phố Hàng Ngang - Hàng Đào xả hàng tồn. Quần áo chất đống trên vỉa hè, người mua bu quanh bới bới chọn chọn. Khung cảnh huyên náo này nhắc Nghi nhớ về thời 17, 18 tuổi. Khi đó, cô mới lên thành phố làm thuê, chưa tham gia cuộc thi tuyển chọn tài năng âm nhạc, chưa có ai biết đến, càng chưa được báo chí nhắc đến bằng những lời có cánh như bây giờ. Cuộc sống khi đó tuy vất vả nhưng thật thanh thản…
2. Có một vụ va quệt trên đường, xe cộ đột nhiên dồn lại thành một búi trong đo phố chật hẹp. Đã tối muộn, mãi chưa thấy bóng đồng phục của cảnh sát giao thông hay dân phòng, tự quản. Nghi nhấp nhổm nhìn ra ngoài. Xe máy ken sát chặn cả bốn cánh cửa của chiếc taxi. Nếu muốn đến đúng giờ, cô chỉ còn cách chui qua cửa kính. Bộ váy dạ hội đính hạt cầu kỳ bên trong và chiếc áo dạ nặng nề khoác ngoài không cho phép Nghi làm vậy, cô đành ngồi yên tại chỗ, lơ đãng nghe tiếng nhạc chuông vang lên không dứt, lơ đãng nghe Vy trả lời hết cuộc điện thoại hỏi han nay đến cuộc điện thoại giục giã khác.
Chẳng biết vì mệt mỏi sau mấy tiếng chỉ đứng và cười hay vì trong xe thiếu không khí, Nghi thấy mắt mình sụp xuống. Cô nghĩ thầm: “Tranh thủ ngủ một chút cũng tốt… nhưng giá như bây giờ mình không phải là ca sĩ nổi tiếng thì còn tốt hơn!”. Vài giây sau, cô thiếp đi, không biết rằng chiếc taxi chở cô đang đi ngang một ngôi đền trong hàng ngũ Thăng Long tứ trấn.
Lúc này, vị thần trong đền đang sửa soạn để lên trên trời họp tổng kết. Ngài nghiêng tai lắng nghe điều ước ngái ngủ của cô, thoáng cau mặt: “Hừ, ước ao gì mà cẩu thả quá! Nhưng được rồi, hôm nay ta đang vui, sẽ cho nhà người toại nguyện. Ca sĩ Anh Nghi, chỉ cần xuống khỏi cái xe đó, nhà ngươi sẽ là kẻ vô danh!”
3. Nghi uể oải xuống xe. Giấc ngủ ngắn dường như không khiến cô cảm thấy khá hơn. Cô dừng lại một chút để đợi người của quán bar ra đón, tranh thủ hít sâu không khí lạnh ẩm ướt của miền Bắc. Kể từ khi đoạt giải nhất của cuộc thi tuyển chọn tài năng âm nhạc và ký hợp đồng với một hãng thu âm lớn, cô chuyển vào Sài Gòn. Mới đầu, cô tưởng một đứa con gái không có ai thân thích như cô thì ở đâu cũng thế, nhưng hóa ra không phải. Đất phương Nam tuy ấm áp và cởi mở nhưng lại không thể cho cô cảm giác thân thương, nhất là khi năm hết Tết đến.
m thanh xôn xao chợt vang lên phía sau. Nghi quay lại, thấy mấy nhân viên của quán bar đang đi như chạy ra đón một người ăn mặc giống hệt cô. Vy đang theo sát cô ta, tay đón lấy chiếc áo khoác dạ cô ta vừa cởi ra, miệng không ngừng phân bua với người của quán bar về chuyện chậm trễ ngoài ý muốn. Với Nghi, cảnh này quả là quen đến không thể quen hơn, nhưng thật lạ, hôm nay cô lại đứng một bên, quan sát nó như kẻ ngoài cuộc. Cô định chen lên chặn đường Vy và kẻ giả mạo kia, nhưng một vệ sĩ có vẻ mặt bặm trợn đã ngăn cô lại:
- Buổi hôm nay chỉ dành cho khách VIP, chị vui lòng cho xem thẻ! – Anh ta nói như cái m
- Tôi không có thẻ. Tôi là Anh Nghi, đến biểu diễn. Người kia không phải là tôi.
Tay vệ sĩ nhìn cô không kiên nhẫn. Anh ta ra hiệu với đồng sự. Mươi giây sau, Nghi “được” hai gã trai to cao hộ tống ra đường.
4. Quá nửa đêm, Nghi quay về khách sạn. Cô đã đi qua ba tụ điểm mà lẽ ra cô phải biểu diễn trong đêm nay. Ở cả ba nơi, người ta đều đối xử với cô như một kẻ hoang tưởng nặng. Có người nhìn cô bằng ánh mắt tội nghiệp, có người thì cười nhạo, có kẻ thì chửi cô bằng những từ ngữ mà từ khi đổi đời cô không còn phải nghe. Không ai tin cô là Anh Nghi, quán quân cuộc thi tài năng âm nhạc, ca sĩ có cát-xê hàng đầu hiện nay, người thừa kế xứng đáng của danh hiệu diva… Kinh khủng hơn, khi cô túm được Vy và cố hỏi xem chuyện gì xảy ra, Vy – người trợ lý nhã nhặn ngọt ngào lâu nay vẫn chăm sóc cô tận tụy từng li từng tí – đã xô cô ngã rồi lạnh lùng bước qua, không quên bỏ lại một câu chửi tục.
Như để bồi thêm một cú đánh vào tinh thần đang hoang mang của Nghi, nhân viên lễ tân từ chối cho cô lên phòng, vì “chị Anh Nghi vừa về cách đây mấy phút và đang ở trên phòng rồi”. Đúng lúc nhân viên bảo vệ khách sạn đi về phía quầy lễ tân để đối xử với Nghi theo cách mà đám vệ sĩ ở các tụ điểm tối nay từng làm, một người mặc complet đuôi tôm đã đi ra từ quán bar của khách sạn đã lên tiếng gọi cô. Nghi quay lại và nhận ra Trung, người đệm đàn piano cho các thí sinh trong vòng sơ khảo cuộc thu tuyển chọn tài năng âm nhạc, thì ra anh làm thêm ở đây.
5. – Chuyện này hoang đường quá phải không anh?
Nghi hỏi khi xe bắt đầu rẽ vào ngõ nhà Trung. Trên đường về, cô đã kể cho anh nghe mọi chuyện diễn ra hồi tối.
- Có thể anh hơi duy tâm… - Giọng Trung hơi bạt đi trong gió – nhưng mấy ngày này là lúc thần cai quản công việc năm cũ đã đi, thần phụ trách năm mới chưa về, chuyện hoang đường cũng dễ phát sinh lắm. Mai anh sẽ chở em qua đoạn phố đó xem có gì lạ không.
Trước những lời mơ hồ của Trung, Nghi chẳng biết nói gì hơn là “vâng” một tiếng quấy quá. Dù Trung đã nhận ra cô và lấy danh dự ra ảm bảo, tất cả mọi người trong khách sạn, bao gồm cả viên quản lý lâu nay vẫn xưng với cô là anh nuôi, vẫn không mảy may tin tưởng. Họ đều đứng về phía Vy và kẻ giả mạo. Trung đủ tỉnh táo để không sa vào cuộc tranh cãi thâu đêm trước quầy lễ tân khách sạn. Anh quyết định đưa Nghi về nhà mình nghỉ tạm.
Nhà Trung ở một ngõ ven đô. Tuy đã lên phường lên quận nhưng nơi này vẫn mang nặng dấu ấn làng xã với cổng làng, đình làng, ao làng… Người dân trong làng vẫn giữ lệ tự gói, tự luộc bánh chưng. Gia đình Trung cũng vậy. Khi Nghi đi vào cổng, bố và anh trai anh đang mở vung nồi bánh quyện với khói củi khiến hai người như ở trong một màn sương mờ ảo. Trên chiếc chiếu trải gần nồi bánh, mẹ và chị dâu Trung vừa nhặt nấm hương mộc nhĩ đã ngâm vừa tính chuyện tối mai ăn cơm sớm để kịp rửa dọn xong trước chương trình Gặp nhau cuối năm. Nghi đứng lặng nhìn cảnh đó, thấy mắt mũi cay xè.
6. Hôm sau, sau bữa sáng có thực đơn đặc biệt là bánh chưng mới vớt, Trung đưa Nghi quay lại đoạn phố gần quán bar thứ nhất, nơi cô bị kẹt trong đám ùn tắc. Khi nhìn thấy ngôi đền đóng cửa im ỉm, cả hai tự nhiên đều khẽ rùng mình. Vậy là điều mà Nghi ước trước khi thiếp đi ấy đã thành hiện thực! Phải mất một lúc đi bộ lòng vòng kết hợp hỏi thăm, hai người mới tìm được người trông đền. Ông lão đang bận phụ con cháu bán hàng bánh mứt kẹo Tết, không cần nghe Nghi trình bày đã xua tay, nói khơi khơi:
- Đền đóng cửa thần đi vắng. Đơn từ khiếu nại xin xỏ gì để Giao thừa đền mở cửa lại rồi ngài về ngài xét.
Trước vẻ mặt khó hiểu pha lẫn bực bội của Nghi, Trung đành phải cười trừ rồi rủ cô đi dạo phố, mua sắm. Hai người đi xuôi theo những con phố bàn cờ, rẽ ra Hàng Chiếu, Hàng Mã rồi Hàng Lược, Hàng Gà. Dọc dường đi, anh nhắc lại những điều vụn vặt vui vẻ diễn ra trong vòng sơ khảo cuộc thi tài năng âm nhạc và chọc cô cười thành tiếng không biết bao nhiêu lần. Không có người nhận ra, không có người lại gần xin chữ ký, không có người tò mò dùng điện thoại quay chụp, Nghi thả lỏng hoàn toàn những cảm xúc bản thân. Khi hai người quay về nhà Trung với mấy chiếc túi căng phồng đựng toàn những món lặt vặt rẻ tiền, cô đã gần như quên mất thân phận ca sĩ của mình. Nghi sẽ còn tiếp tục quên, nếu như sau bữa cơm tất niên, đứa cháu mới học lớp 2 của Trung không chạy tới kéo áo cô và bắt đầu mẩu đối thoại bên dưới:
- Tại sao cô lại mặc quần áo của m
- Vì quần áo của cô bẩn, mẹ cháu cho cô mượn mặc tạm.
- Tại sao cô lại ở nhà cháu?
- Tại nhà cô ở xa, cô không về kịp nên phải xin ông bà cho ở nhờ mấy hôm.
- Cô muốn ở nhà cháu, cô phải hát cho cháu nghe cơ!
- Cháu biết cô à?
- Vâng ạ. Cô hát bài… này, bài… này, cả bài… nữa. Cháu thích lắm!
- Sao cháu biết?
- Chú cháu ngày nào cũng xem cờ líp (clip) của cô mà.
Nói qua nói lại thêm một lát, con bé chạy vụt đi, bỏ lại Nghi với những cảm xúc sững sờ, bối rối. Dường như sau khi đoạt giải cuộc thi, cô đã tiến quá nhanh và bỏ qua điều gì đó rất đẹp.
7. Gần Giao thừa, những con phố quanh Hồ Gươm tắc nghẽn, tiếng người, tiếng xe, tiếng nhạc và những ánh đèn màu, đèn laser loang loáng khiến người vốn quá quen với sân khấu lớn như Nghi cũng choáng ngợp. Nhưng chỉ cách đó một đoạn, trước cửa ngôi đền nọ, đường thật quang đãng, không khí sực mùi hương trầm và mùi khói đốt vàng mã. Cửa đền đã mở. Trong đền có rất nhiều người đứng khấn. Trung kéo Nghi len vào bên trong.
Ông từ giữ đền lúc sáng đã thay bộ quần áo lao động lúc sáng bằng một bộ áo the khăn xếp là lượt, đang hướng dẫn mọi người thắp hương, đặt lễ. Nghi lóng ngóng làm theo lời ông, cô khấn vái đơn giản rồi lùi ra một góc chờ Giao thừa, Trung đứng bên cô, trong vẻ mặt trầm ngâm có lẫn sự bồn chồn và dường như tiếc nuối.
Rồi thời khắc chuyển giao cũ – mới cũng đến. Khi tiếng trống dồn dập vang lên trong đền, Nghi thấy mình ngả vào vai Trung và thiếp đi. Trong mơ, cô thấy một người mặc áo bào trắng đi lướt qua cô và cười, tiếng cười hi hí như tiếng ngựa. Cô vội vàng kêu lên:
- Ngài cho cho con hỏi ạ!
- Hỏi gì hỏi luôn đi, ta bận lắm! – Người đó không quay lại.
- Tại sao ngoài anh Trung và cháu anh ấy, không ai nhận ra và tin con ạ?
- Con ngốc, có thế mà cũng phải hỏi tại sao! Vì đó là hai kẻ yêu người chỉ vì người là ngươi, yêu vô điều kiện…
8. Khi Nghi tỉnh lại, cô thấy mình đang ngồi trong phòng hóa trang của một nhà hát sang trọng. Bên cạnh cô, Vy đang cằn nhằn liên tu bất tận về việc đơn vị tổ chức tự ý thay đổi phần nhạc đệm của tiết mục cô sắp trình diễn, từ đệm saxophone biến thành đệm piano. Nghe đến chữ piano, Nghi chợt ngẩng lên. Cô nhìn đăm đăm vào gương mặt lúc nào cũng nhiệt thành đến mức xu nịnh của Vy, hỏi nhỏ:
- Sáng nay mình đi những chỗ nào Vy nhỉ?
- Nghi quên hả? Sáng nay Nghi dự giao lưu trực tuyến với báo điện tử P., rồi đi chụp hình với nhiếp ảnh gia T…
- À, ra thế! – Nghi nhìn vào gương mặt mình trong gương một lát rồi hỏi thêm – Vậy tối qua mình diễn ở những đâu?
- Ở C, G và F.
- Có chuyện gì bất thường không?
- Không, vẫn bình thường mà.
- Ừ, mình biết rồi, cảm ơn Vy!
Nghi đứng dậy, đi về phía cửa. Trước khi ra khỏi phòng, cô quay lại nhìn thẳng vào gương mặt cúc cung của Vy, thoáng rùng mình, chẳng rõ vì lạnh hay vì sao. Ở bên ngoài, nhân viên tổ chức đã đợi sẵn để chỉ đường ra sân khấu cho cô. Nghi vừa bước chậm rãi vừa nghiêng tai lắng nghe. Dường như tim cô đang đập theo tiếng trống Giao thừa trong đền Bạch Mã.

Loading...

Tiểu thuyết tình yêu là website chia sẻ những thể loại truyện hay nhất hiện nay, được nhiều người đọc yêu thích. Truyện được cập nhập hàng ngày. Hãy lưu địa chỉ web để truy cập nhanh hơn!

Chúc các bạn online vui vẻ !

Laptop Tùng Anh

Tour Phú Quốc

Vinhomes Cầu Rào 2

Trang Chủ