PHẦN 1. ƯỚC NGUYỆN DƯỚI BÓNG CÂY
_ La Tiểu Mạt , lần gặp đầu tiên
CHƯƠNG 1
Gió nhẹ thổi qua, những cây cỏ khẽ lay động. Chiếc xe khách đã chạy suốt sáu tiếng đồng hồ mới đến huyện Thụ Thủy.
Màn đêm đã bao trùm không gian.
Cả thành phố chìm trong bóng tối. Tôi mở to mắt nhìn cảnh sắc bên ngoài cửa xe: mặt hồ tĩnh lặng, những cây to im lìm trong bóng tối… một cảm giác u uất đến khó tả.
Đêm ấy chính là lần đầu tiên tôi gặp Kì Nặc. Lúc ấy tôi chợt nhớ đến một câu nói: Đời người nơi đâu không thể gặp mặt? Anh ấy đứng bên cạnh huyện trưởng, tay xách một cái lồng đèn, mặc một chiếc áo sơ mi màu trắng, quần bò màu đen. Tôi từ trên xe bước xuống, hai tay nhét vào túi áo. Anh ấy nhìn thấy tôi liền khẽ mỉm cười. Tôi không đáp lại nụ cười ấy, chỉ cúi đầu đi theo sau mẹ kế.
Người đến đón chúng tôi là huyện trưởng của huyện Thụ Thủy. Ông mặc một chiếc áo dài màu đen, trông chẳng khác gì với những ông đồ dạy chữ thời xưa, đầu tóc chải bóng mượt, óng ả dưới ánh trăng sáng. Nhìn huyện trưởng có vẻ đang suy sụp, toàn thân nồng nặc mùi rượu, khi cười để lộ ra chiếc răng vàng chóe.
Mẹ kế nói: -Sao lại tối thế này? Chẳng có đèn đóm gì hết cả!
Huyện trưởng cười đáp: -Cơ sở phát điện của huyện Thụ Thủy không ổn định, thường xuyên bị mất điện. Nhưng mà không sao, thắp cái đèn này lên là được ngay, có tối đến đâu cũng mò được đường vào huyện!
Bố nói: -Thôi được rồi, chúng ta đi thôi! Huyện Thụ Thủy quanh năm đều như vậy mà- Mẹ kế nhíu mày nhìn tôi, tôi cũng nhìn bà ấy, đôi mắt bà ấy sa sầm, nhìn tôi bằng ánh mắt như chất chứa đầy sự oán hận. Bà ấy không ưa gì tôi, điều này tôi đã biết từ lâu rồi!
Tôi không nói chuyện với bà ấy, chưa bao giờ nói chuyện với bà ấy. Hai năm trước, mẹ tôi qua đời, bà ấy trở thành mẹ kế của tôi. Nhưng từ đó cho tới nay, tôi không bao giờ mở miệng nói với bà ấy nửa lời.
Huyện trưởng kéo Kì Nặc đến trước mặt bố, nói: -Đây là Lặc Kì Nặc, con trai của An Lâm, là học sinh có thành tích đứng đầu trong cả huyện, năm nay vừa thi vào trường trung học Cảnh An.
Bố tôi trìu mến nhìn Kì Nặc, xoa xoa đầu anh ấy rồi nói: -Cháu chính là Lặc Kì Nặc à? Năm năm trước ta về đây, cháu vẫn còn nhỏ xíu, thế mà bây giờ đã cao thế này rồi. Hài, nếu bố của cháu còn sống, nhìn thấy cháu thông minh như vậy thì vui phải biết!
Nghe thấy bố nói vậy, tôi đột nhiên ngẩng đầu liếc Kì Nặc. Ánh mắt của anh ấy đang gợn lên chút bi thương. Tôi biết là anh ấy không muốn người khác nhắc đến chuyện này.
Kì Nặc không đáp lời, chỉ khẽ chào bố tôi: -Cháu chào chú ạ!- rồi bước đến trước mặt tôi, đưa chiếc đèn lồng anh đang cầm trên tay cho tôi và nói: -Em cầm lấy cái đèn lồng này đi, nếu không tí nữa lại không nhìn thấy đường đi đâu!
Tôi lắc đầu, chỉ biết lắc đầu mà thôi.
Bố nói: -Kì Nặc, Tiểu Mạt đã nửa năm nay rồi không chịu nói chuyện với ai rồi!
Kì Nặc kinh ngạc nhìn tôi.
Quả thực đã nửa năm nay rồi tôi chưa mở miệng nói nửa câu. Kể từ tám tháng trước, sau khi bàn tay phải của tôi bị máy móc ở công trường nghiến nát thành một khối thịt vô dụng, tôi đã không còn có thể mở miệng nói chuyện như trước đây được nữa. Tôi ở nhà đến nửa năm nay, ăn uống rất ít, chỉ suốt ngày đóng cửa trong phòng, nghe nhạc và ngủ. Bố đã mời rất nhiều bác sĩ giỏi đến điều trị cho tôi nhưng không hiệu quả. Tôi biết rằng, bệnh của tôi là tâm bệnh, cho dù có dùng thuốc gì cũng không thể chữa khỏi được.
Cho đến một ngày, bố nói với tôi rằng: -Tiểu Mạt, bố phải đến huyện Thụ Thủy một chuyến, con có muốn đi cùng bố không?
Tôi biết nơi đó. Đó là nơi khi còn sống mẹ luôn miệng nhắc đến, mẹ nói mẹ nhớ món bánh rán đường, nhớ khúc hát ru, nhớ những con đom đóm, nhớ cả cây đa cổ thụ nơi đó. Mẹ nói mẹ từng đứng dưới gốc đa để ước nguyện.
Mẹ nói, Tiểu Mạt à, khi đèn của cả huyện Thụ Thủy tắt phụt, bóng tối bao trùm vạn vật, lúc ấy con mới là chính con!
Tôi không biết cái tôi của chính tôi rốt cuộc đang ở đâu. Tôi muốn biết, khi tất cả những ngọn đèn của huyện Thụ Thủy tắt đi, tôi có thể tìm lại được một La Tiểu Mạt hay cười nữa hay không?
Con đường đi vào huyện khá gồ ghề. Bố và huyện trưởng vừa đi vừa nói chuyện ở phía trước. Mục đích chuyến đi lần này của ông là quyên tiền sửa đường xá. Cả bố và mẹ đều xuất thân từ huyện này, nghe nói họ là bạn thanh mai trúc mã. Bố mở một công xưởng ở Cảnh An, kiếm được rất nhiều tiền, sau đó đón mẹ qua đó sống những tháng ngày hạnh phúc. Khi mẹ còn sống, mỗi lần mẹ muốn dẫn tôi đến huyện Thụ Thủy là tôi lại chê nơi này vừa xa xôi vừa hoang vu, nhất quyết không chịu đi. Giờ nghĩ lại, hối hận thì cũng đã muộn rồi.
Tôi lặng lẽ đi bên cạnh Kì Nặc. Trong rừng cây, những con đom đóm đang bay lượn. Chúng bay qua người tôi, đến bên cạnh chiếc đèn lồng của Kì Nặc. Kì Nặc thò tay ra tóm lấy một con, chìa ra trước mặt tôi rồi nói: -Cho em!
Mặc dù anh ấy chỉ nói với tôi có hai từ đó thôi nhưng tôi cảm thấy đó chính là hai âm tiết đẹp đẽ nhất mà tôi được nghe trong thế giới này. Đom đóm soi sáng khuôn mặt anh, đó là một khuôn mặt sáng sủa, khôi ngô với đôi mắt trong veo như làn nước.
Tôi đưa tay trái ra, định nhận lấy con đom đóm từ trong tay anh.
Mẹ kế ở bên cạnh nói: -Tay của Tiểu Mạt tàn phế rồi, không lấy được con đom đóm từ tay cháu đâu!
Tôi đột nhiên cảm thấy câu nói này chẳng khác gì một cây kim nhọn xuyên vào màng nhĩ của tôi. Nếu đổi lại là trước đây, tôi sẽ không để ý đến chuyện này làm gì. Nhưng hôm nay tôi lại sợ rằng Kì Nặc sẽ biết, mặc dù đó chính là một sự thật không thể thay đổi được.
Kì Nặc mỉm cười nói: -Thế thì có sao đâu, cháu cầm giúp em ấy cũng được!
Trong không gian tối om và tĩnh mịch, nụ cười của anh như đang tỏa sáng. Cơn gió mạnh đột ngột thổi đến khiến cho đám lá cây xào xạc, mẹ kế nói: -Sao gió to thế nhỉ? Chẳng biết có ma quỷ gì không nữa?
Tự nhiên tôi cảm thấy một nỗi sợ hãi len lỏi trong lòng. Kì Nặc đã nhận ra sự sợ hãi trong ánh mắt của tôi. Anh ngoảnh đầu lại, dịu dàng nói: -La Tiểu Mạt, đừng sợ! Những con quỷ thường xuất hiện vào ban đêm ở đây chuyên đi ăn thịt những người đàn bà xấu xa mà thôi!
Nhìn thấy ánh mắt của mẹ kế hình như có chút mất tự nhiên, tôi bỗng bật cười. Bố quay đầu lại, nhìn thấy tôi cười liền nói: -Anh xem, Tiểu Mạt cười rồi kìa! Hơn hai năm rồi tôi mới được nhìn thấy nó cười như vậy đấy!
Lúc này tôi mới phát hiện ra rằng mình đang cười. Ngay cả bản thân tôi cũng cảm thấy kinh ngạc về điều này. Ánh trăng nhảy nhót trên mặt đường. Hai tay tôi vẫn đút trong túi áo. Kì Nặc một tay xách đèn một tay nắm chặt lấy con đom đóm anh dành tặng cho tôi. Ánh sáng của con đom đóm lập lòe chiếu lên mặt anh, ánh sáng màu xanh khiến cho khuôn mặt của anh nhìn như trong suốt. Tôi thầm nghĩ không biết anh ấy có phải là người thay mẹ dắt tôi đi hay không? Cuộc đời đã gây ra cho tôi biết bao nhiêu đau khổ, Kì Nặc liệu có phải là người mang lại một chút vui vẻ cho cuộc sống của tôi không?
Đêm nay thật là đẹp! Tôi bắt đầu tin vào những gì mà mẹ kể cho tôi về tất cả mọi thứ ở huyện Thụ Thủy này.
Khi tất cả những ngọn đèn ở đây đều tắt phụt, tôi mới là chính tôi!
Tôi tin là Kì Nặc cũng giống như tôi. Tin rằng khi ánh đèn tắt phụt, chúng tôi mới thực sự là bản thân mình.
Lúc mười hai tuổi, vào một đêm ở huyện Thụ Thủy, tôi đã gặp Kì Nặc lần đầu tiên. Khi đi đến lưng chừng con núi dẫn vào huyện Thụ Thủy, Kì Nặc quay lại nói với tôi: -La Tiểu Mạt, Thụ Thủy là một huyện được bảo vệ bởi đom đóm. Chúng có thể giúp em loại bỏ mọi buồn phiền!
Tôi tin rằng trong cái thế giới này, có một số người đã được vận mệnh an bài sẽ ràng buộc với nhau trọn đời ngay từ cái nhìn đầu tiên .
CHƯƠNG 2
Tôi ngủ một giấc ngủ thật ngon lành. Cái gác nhỏ bằng gỗ trong căn nhà cũ kĩ của huyện trưởng chính là căn phòng của Kì Nặc. Anh cầm lấy chiếc đèn lồng đom đóm, ngồi xuống bậc cầu thang rồi nói: “Tiểu Mạt, em ngủ đi! Có chuyện gì thì cứ gọi anh nhé!”
Tôi thấy anh treo cái đèn lồng lên cái móc trên trần nhà. Bố ngồi xuống đắp lại chăn cho tôi.
Tôi kéo lại chiếc chăn, đắp kín lên người. Chiếc chăn mỏng màu xanh nhạt, căn gác xép nhỏ tỏa ra mùi gỗ mục hòa lẫn với mùi thơm thoang thoảng của các loại dược liệu, còn có cả tiếng chuột kêu “chít chít” khiến cho tôi cảm thấy sờ sợ. Tôi nhìn qua khe cửa, thấy Kì Nặc đang đứng dựa vào cầu thang. Anh khẽ nhắm mắt lại, ánh trăng chiếu sáng trên khuôn mặt anh. Tôi cảm thấy lòng mình ấm áp và yên tâm chìm vào giấc ngủ.
Đã lâu lắm rồi tôi không ngủ một giấc ngon lành đến vậy. Kể từ sau khi mẹ qua đời, tôi thường xuyên nằm mơ thấy ác mộng.
Xưa nay tôi chưa bao giờ nghĩ rằng huyện Thụ Thủy lại là một nơi phong cảnh hữu tình, không khí trong lành và bình yên đến vậy. Tôi cũng chưa bao giờ nghĩ rằng lại có một người có thể giúp cho tôi cảm thấy an toàn và bình yên. Dường như chỉ cần nhìn thấy anh ấy là thế giới của tôi sẽ bình yên trở lại.
Tôi ngủ rất lâu, ngủ tới tận chiều ngày hôm sau. Khi tôi tỉnh giấc, Kì Nặc đã ra ngoài từ lâu. Ánh sáng mặt trời chói chang rọi vào căn gác xép cũ kĩ.
Tôi đi xuống nhà, cả căn phòng im lặng không một bóng người. Tôi nghĩ chắc chắn bố đã ra ngoài đi bàn bạc chuyện sửa đường xá rồi. Tôi đi đi lại lại trong phòng, muốn tìm kiếm cái gì đó để bỏ bụng. Trên chiếc bàn ở phòng khách, tôi nhìn thấy một bát cháo kê đậy nắp cẩn thận. Một mảnh giấy bị đè ở dưới cái bát. Trên giấy có viết: -Tiểu Mạt, khi nào tỉnh lại nhớ ăn hết cháo nhé!
Chữ của Kì Nặc viết rất đẹp. Giọng điệu của anh khi nói với tôi chẳng giống như hai người mới gặp mặt lần đầu, khiến cho tôi cảm thấy thật quen thuộc.
Tôi ngồi trên ghế ăn hết bát cháo. Ánh sáng mặt trời buổi chiều vàng rộm như mật ong. Cháo này có vị ngọt thì phải? Tôi nghĩ chắc chắn là như vậy, nếu không sao miệng tôi lại có vị ngọt ngào đến vậy? Vừa ăn hết bát cháo thì tôi nhìn thấy Kì Nặc về.
Anh ấy mặc một chiếc áo cộc tay màu xanh, quần ngố màu đen, tay đang xách một con thỏ hoang. Anh nhìn con thỏ rồi nói: -Mày đừng có chạy, đừng có chạy, tối nay tao sẽ nướng mày ăn thịt!
Tôi im lặng nhìn anh ấy đi từ ngoài vào. Khi anh ấy mỉm cười, một nét tinh nghịch hiện lên trên khuôn mặt. Nước từ cái vòi rơi tí tách, tôi vẫn yên lặng nhìn Kì Nặc, trầm ngâm suy nghĩ không biết hôm nay gặp tôi anh sẽ nói gì? Liệu anh có tỏ ra thân thiết như người thân của tôi nữa hay không?
Ngẩng đầu nhìn thấy tôi, anh chợt ngây người, sau đó ngạc nhiên hỏi: -La Tiểu Mạt?
Tôi gật đầu, đi đến trước mặt anh, lấy giấy ăn giúp anh lau sạch mồ hôi trên trán. Tóc của anh hơi rối, không giống như một Kì Nặc gọn gàng ngày hôm qua.
Mặt anh đỏ lựng lên, bối rối hỏi tôi: -Em không ra ngoài à?
Tôi lắc đầu.
Anh nghiêng nghiêng đầu rồi cúi xuống nhìn tôi, đôi môi khẽ mỉm cười, ánh mắt pha chút tinh nghịch:
-Vậy anh dẫn em đi chơi nhé! Nhân tiện thịt con thỏ này luôn!
Tôi nhìn con thỏ tội nghiệp, lắc lắc đầu.
Anh mỉm cười nói: -Vậy thì cho em đấy! Anh cầm cả buổi chiều, mệt lắm rồi! Em vuốt nó thử xem, rất đáng yêu đấy!
Tôi đột nhiên nhớ lại con đom đóm ngày hôm qua, không biết nó đã bay đi mất hay chưa, không biết nó có còn sáng không nữa? Tôi lại nhớ đến bàn tay bị Kì Nặc nhìn thấy ngày hôm qua, không biết tại sao, tôi đột nhiên cảm thấy hoảng sợ. Tôi thò tay ra cho anh xem, hai bàn tay, một bàn tay thì hoàn chỉnh, bàn tay còn lại…giờ chỉ còn là một khối tròn…
Tôi nhìn thấy đôi mắt anh trợn tròn như hai quả bóng, anh ấy thấy sợ ư? Đó cũng là chuyện bình thường. Ngay cả bản thân tôi lần đầu tiên nhìn thấy bàn tay ấy cũng cảm thấy kinh hãi nữa là.
Tôi xoay người lại, đi về phía gác xép. Tôi rất sợ phải nghe thấy những điều anh ấy sẽ nói tiếp theo. Nhưng vừa bước đến bước thứ bảy thì tôi đột nhiên nghe thấy một giọng nói trong veo vang lên: -Ở trên đó chẳng có gì thú vị cả! Để anh dẫn em đi chơi!
Tôi quay đầu lại, Kì Nặc đang ôm chặt con thỏ trong lòng, ngẩng đầu nhìn tôi. Đôi mắt của anh ấy vẫn trong veo như vậy, điều này khiến cho tôi cảm thấy rất vui! Tôi chạy ào xuống dưới cầu thang, ôm chặt con thỏ. Sinh vật bé nhỏ ấy nằm yên trong lòng tôi, trông thật là đáng yêu!
Kì Nặc nói: -Đi thôi, không đi nhanh thì trời tối mất!
Tôi vui vẻ gật đầu và mỉm cười với anh. Tôi phát hiện ra tôi lại cười rồi! Điều này khiến cho tôi cảm thấy rất vui vẻ trên suốt quãng đường.
Huyện Thụ Thủy có rất nhiều đèn lồng đom đóm. Những cái lồng được làm từ những nan tre nhỏ xíu, xung quanh dán kín giấy màu vàng nhạt, treo lủng lẳng trước cổng mỗi gia đình.
Kì Nặc nói: -Những chiếc đèn lồng này là điềm báo cho sự bình an, vì vậy nhà nào cũng đều treo đèn lồng. Huyện Thụ Thủy mất điện quanh năm, vì vậy dán những chiếc đèn lồng này để tiện cho việc đi lại.
Tôi và Kì Nặc đi vòng qua những chiếc đèn lồng này, suốt cả dọc đường, anh ấy cứ nói chuyện luôn miệng.
-La Tiểu Mạt , em không thích nói chuyện hay là vì em không biết nói chuyện?
-La Tiểu Mạt, em cười trông xinh lắm, tại sao không cười nhiều vào?
-La Tiểu Mạt, những đứa trẻ trong thành phố đều trầm tính như em sao? Nhưng mà cô bé đến đây mấy hôm trước rất hoạt bát mà?
………
Anh nói chuyện liên tục như một chú chim non mới tập hót vậy, dường như anh đã trở thành một người khác hẳn với một Kì Nặc dịu dàng và điềm đạm của ngày hôm qua. Chúng tôi cứ đi mãi, đi mãi, đi đến một rừng cây. Kì Nặc treo một sợi dây thừng lên cành cây to rồi nói: -Được rồi, chúng ta chơi xích đu thôi!
Tôi bối rối lắc đầu, anh ấy quả nhiên là một cậu bé 12 tuổi hiếu động và nghịch ngợm.
Anh nói: -Em không tin anh đu cho em xem!
Kì Nặc vừa ngồi lên “xích đu” thì “rắc” một tiếng, cành cây gãy lìa ra, Kì Nặc nhã nhào trên đất, toàn thân lấm lem bùn đất.
-Sao lại thế? Hôm qua vẫn còn chơi được mà? Có khi tại hôm qua chơi lâu quá nên cành cây này mới bị gãy!- anh vừa giải thích với tôi vừa lồm cồm bò dậy.
Tôi ôm con thỏ trong tay, không nhịn được cười. Hoàng hôn, những ánh mặt trời yếu ớt len lỏi vào rừng cây và mất hút trong đám lá cây rậm rạp.
Kì Nặc lẩm bẩm nói: -Giá như em có thể nói chuyện thì tốt biết mấy!
Sao tôi không muốn nói chuyện với anh ấy cơ chứ? Chỉ có điều lâu quá rồi không nói chuyện, dường như tôi đã mất đi khả năng nói rồi, điều này khiến cho tôi vô cùng phiền muộn.
Lúc Kì Nặc đang thử xích đu thì có một con rắn màu xanh lục bò qua, trái tim tôi như muốn hét lên “Cẩn thận” nhưng con rắn ấy đã trườn nhanh về phía anh và mổ vào chân anh rồi. Anh ngã lăn ra đất, nằm yên bất động. Tôi buông con thỏ ra, chạy như bay về phía anh. Môi anh đã trắng bệch ra, vết thương bắt đầu sưng tấy.
Anh nói bằng giọng yếu ớt: -Hết rồi, La Tiểu Mạt, anh sắp chết rồi!
Tôi cúi đầu định hút nọc độc ở vết thương của anh nhưng Kì Nặc đã đẩy tôi ra: -Em muốn chết à! Chẳng may trúng độc thì sao? Nhân lúc anh vẫn còn chưa làm sao, em hãy chạy đến phố Thanh Đường, ở đó có một trạm y tế!
Tôi định dìu anh đứng dậy nhưng tay tôi chẳng có chút sức lực nào, cuối cùng cả hai chúng tôi cùng ngã lăn ra đất. Giọng nói của anh trở nên cực kì yếu ớt:
-La Tiểu Mạt, anh không muốn chết! Anh mới quen em thôi, sao có thể chết nhanh như vậy được?
Tôi ngồi trên đám cỏ, mắt trân trân nhìn anh. Anh ấy sẽ chết thật sao? “Chết”, cái từ đáng sợ này lại vụt lên trong đầu tôi. Tôi lắc đầu, lao đến ôm chặt lấy anh.
Kì Nặc nói: -Em làm gì mà ôm anh chặt thế? Anh lại la lên bây giờ!- giọng nói của anh vô cùng yếu ớt nhưng vẫn nhưng vẫn mang vẻ hài hước, anh đang cố gắng chọc cho tôi cười.
Tôi đột nhiên bật khóc và gào to: -Lặc Kì Nặc, anh sẽ không chết đâu, em không cho anh chết!
Nửa năm nay, đây là lần đầu tiên tôi mở miệng nói chuyện. Tôi khóc, khóc thảm thiết như năm xưa lúc mẹ qua đời. Tôi không thể tưởng tượng rằng cuộc sống của mình vừa mới có một đốm sáng xuất hiện nay bỗng chốc lại bị dập tắt. Chuyện này quá đột ngột, tôi không sao có thể chấp nhận được!
Tôi nghe thấy tiếng anh đang cười. Anh đưa tay lên vỗ vỗ vào vai tôi, nói: -La Tiểu Mạt, cuối cùng anh cũng được nghe em nói rồi! Nhưng mà, anh không thích em nói câu đó, em nói sai rồi, phải đổi lại là…
Kì Nặc còn chưa kịp nói hết thì đã ngất đi rồi. Tôi lay lay người anh nhưng anh vẫn không tỉnh lại. Tôi cố gắng lôi anh ra khỏi khu rừng đó mà không được. Tôi bàng hoàng, không biết phải làm thế nào. Tôi hét thật to “Cứu tôi với! Cứu tôi với”. Tôi cứ hét to như vậy cho đến khi cổ họng khản đặc lại, không thể phát ra tiếng được nữa.
Cuối cùng cũng có một người tốt bụng đi ngang qua. Người đó vội vàng cõng Kì Nặc lên lưng rồi chạy nhanh về phía trạm y tế ở trên đường Thanh Đường.
CHƯƠNG 3
Tôi ngồi bên cửa trạm y tế, nước mắt giàn dụa. Đêm nay huyện Thụ Thủy không bị cắt điện. Lúc Kì Nặc được đưa vào phòng cấp cứu, toàn thân tôi run lên vì sợ hãi. Tôi sợ anh ấy sẽ giống như mẹ mình, sẽ không bao giờ tỉnh lại được nữa.
Tôi không biết mình đã khóc bao lâu. Mãi đến khi có người xoa xoa đầu và quỳ xuống bên cạnh nói chuyện với tôi, tôi mới chợt sực tỉnh.
-Tiểu Mạt, sao em lại ở đây?
Một giọng nói rất quen thuộc. Tôi nín khóc, ngẩng đầu nhìn lên người vừa nói chuyện với mình. Người ấy không phải ai khác mà chính là Kì Nặc, anh đang ngồi ngay trước mặt tôi. Tôi chồm dậy ôm chặt lấy anh, òa khóc nức nở.
-Không sao là tốt rồi, em thấy anh bị rắn cắn, gọi mãi mà không tỉnh, em sợ anh sẽ không tỉnh lại nữa! Lặc Kì Nặc, em rất sợ anh sẽ không tỉnh lại nữa!
Trên người Kì Nặc tỏa ra mùi thảo dược thơm thoang thoảng. Anh nhẹ nhàng xoa xoa vào lưng tôi rồi nói:
-Anh vẫn ổn mà, có chuyện gì xảy ra đâu. Ban nãy nghe nói Kì Ngôn xảy ra chuyện nên mọi người mới chạy đến đây!
Như bừng tỉnh khỏi cơn mê, tôi lau sạch nước mắt rồi nhìn Kì Nặc đang ngồi trước mặt mình. Anh ấy vẫn mặc một chiếc áo màu trắng và quần màu đen, rất sạch sẽ và gọn gàng. Anh ấy khác hẳn với Kì Nặc đã đi chơi cùng tôi lúc buổi chiều. Mặc dù khuôn mặt giống hệt nhau nhưng phong thái lại hoàn toàn khác nhau. Một người thì hoạt bát, cởi mở, một người thì điềm đạm, dịu dàng.
Tôi lấy tay chỉ chỉ vào bên trong, ngập ngừng hỏi: -Thế người ở trong đó…?
Kì Nặc nói: -Đó là Kì Ngôn, là anh em song sinh với anh. Cậu ấy vẫn ở ngôi nhà cũ của bọn anh chứ không sang bên này. Chiều nay anh có việc nên mới bảo cậu ấy qua dẫn em đi chơi!
Hóa ra là như vậy! Bây giờ tôi mới hiểu ra mọi chuyện.
Kì Nặc kéo tôi đi vào trong trạm y tế. Các bác sĩ đang rửa vết thương cho Kì Ngôn. Kì Ngôn lúc này đã dần dần hồi phục ý thức. Anh ấy mở mắt nhìn tôi, nói: -La Tiểu Mạt, anh thật không dám tin một đứa ngốc như em lại có thể đưa anh tới bệnh viện đấy!
Tôi trợn mắt hung dữ nhìn Kì Ngôn: -Em không tin là Kì Nặc lại có một đứa em trai kém cỏi như vậy đấy!
Kì Ngôn liếc nhìn Kì Nặc, nói: -Bị em phát hiện rồi à, mất hứng quá!
Kì Nặc nghiêm mặt nói: -Lúc nào cũng chỉ biết chơi đùa, bảo em về nhà chăm sóc Tiểu Mạt. Thế mà em lại dẫn cô ấy vào rừng. Đã nói với em bao nhiêu lần rồi, mùa hè có nhiều rắn lục xuất hiện lắm, thế mà em không chịu nghe! May mà có người qua đường cứu kịp, không thì biết làm sao?
Kì Ngôn cứng đầu đáp: -Em chết rồi chẳng phải càng tốt hơn sao? Giảm bớt cho anh biết bao nhiêu là phiền toái!
Cái tên Kì Ngôn này quả là một đứa trẻ không biết nghe lời. Anh ta nhất định đã khiến cho Kì Nặc phải hao tổn không ít tâm sức, tôi thầm nhủ trong bụng.
Khi tôi đang định nói điều gì thì đột nhiên một cơn gió ào đến, một cô gái mặc chiếc váy màu vàng lao vào, ôm chầm lấy Kì Ngôn và hấp tấp hỏi: -Kì Ngôn, anh không sao chứ? Anh thật là đáng thương! Sắc mặt khó coi quá! Ai làm anh ra nông nỗi này hả?, cô ấy ngoảnh đầu lại, lấy tay chỉ vào tôi rồi hỏi: -Là nó đúng không?
“Không liên quan đến Tiểu Mạt!”
Cả Kì Nặc và Kì Ngôn cùng lên tiếng một lúc khiến cho ông bác sĩ đang tiêm thuốc khử trùng cho Kì Ngôn cũng phải bật cười: “Lần đầu tiên thấy hai anh em cậu cùng đồng thanh một câu đấy!”
Kì Ngôn nói: -Anh hiện giờ rất ổn, Tô Linh San, em đừng có làm ầm ĩ lên nữa!
Ông bác sĩ khi nãy nói chen vào: -Tô Linh San chẳng phải vì lo lắng cho cậu nên mới vậy hay sao? Cậu đúng là chẳng ra sao cả!
Tô Linh San cúi đầu ngại ngùng nói: -Bác sĩ đừng nói Kì Ngôn như vậy, là tại cháu lắm chuyện thôi! Anh ấy không sao là tốt rồi!
Bác sĩ lắc lắc đầu: -Kì Nặc, cậu thử xem xem! Hóa ra tôi lại
thành kẻ lắm chuyện rồi! Bây giờ muốn làm người tốt sao mà khó thế?
Tô Linh San….nhìn cách ăn mặc và trang điểm của cô ấy, tôi biết cô ấy xuất thân trong một gia đình giàu có. Tô Linh San mặc một chiếc váy liền màu vàng, trên đầu đeo một chiếc bờm màu hồng, từ giọng nói, cử chỉ đều toát lên phong thái của một tiểu thư đài các.
Lúc cô ấy lao vào phòng bệnh này, điệu bộ quả là giống người bạn tốt Hạ Đóa Tuyết của tôi ở Cảnh An, vừa bộp chộp, nóng nảy, vừa kiêu ngạo, tự tin.
Kì Nặc nói: -Đây là con gái của chú Tô Giang, cô ấy đến sớm hơn em hai ngày. Bố của cô ấy, bố của anh và bố của em đã từng là bạn thân. Lần này đến đều là để thắp hương cho bố mẹ anh. Hai ngày trước Kì Ngôn đã đi đón cô ấy, thế nên hai người họ đặc biệt thân thiết!
Tôi nhớ mang máng ngày xưa bố đã từng nhắc đến chú Tô Giang, đấy là khi mẹ hãy còn sống. Chú Tô trước đây cùng làm ăn chung với bố. Không hiểu sau này là vì chuyện gì mà hai người cãi nhau ầm ĩ rồi cả hai cùng tách ra làm ăn riêng. Chú ấy làm ăn rất lớn, đã có địa vị và danh vọng nhất định ở Cảnh An. Chỉ có điều hiện giờ chú đã không còn đi lại với bố nữa. Tôi cũng nghe có người nhắc đến Tô Linh San, nói rằng cô ấy được ngồi xe hơi đến trường, là một nhân vật cực kì đình đám trong trường.
Tô Linh San cảnh giác nhìn tôi hỏi: -Cô là ai?
Kì Ngôn nói: “Đây là La Tiểu Mạt, con gái của chú La, vừa mới đến hôm qua!”
-Nó vừa mới đến ngày hôm qua mà hôm nay anh đã dẫn nó đi chơi ư? Em tìm anh suốt hai ngày liền, thế mà cứ nhìn thấy em là anh chạy, anh có ý gì thế hả?-Tô Linh San bất mãn nói.
Kì Ngôn đáp: -Bà cô của tôi ơi, em đừng có làm ầm lên nữa có được không? Ngày mai anh sẽ dẫn em đi chơi! Em muốn đi đâu cũng được, thế đã được chưa?
Nghe thấy vậy, Tô Linh San liền cười toe toét. Cô ôm chặt lấy cánh tay Kì Ngôn và reo lên thích thú:-Được ạ!
Chúng tôi dìu Kì Ngôn lên chiếc xe lăn dưới giường. Kì Nặc liền lấy cái chăn kê làm đệm kê sau lưng cho Kì Ngôn. Kì Ngôn thấy vậy liền nói: -Kì Nặc, sao anh đàn bà thế? Đàn ông cần gì phải kê đệm sau lưng?
Không để cho Kì Nặc kịp lên tiếng, tôi liền gõ mạnh một cái vào đầu Kì Ngôn: -Cái đồ trẻ con sao mà lắm lời thế? Ngoan ngoãn ngồi xuống xe lăn đi cho em nhờ!”
Kì Ngôn thấy vậy liền ngồi im không nói năng gì. Tôi nghĩ có lẽ giọng nói của tôi đã chấn áp được anh ấy rồi.
Tôi đưa tay ra chỉnh lại cái chăn cho ngay ngắn. Hai bàn tay của tôi phối hợp không được nhịp nhàng cho lắm. Nhưng tôi nghĩ là tôi có thể dần dần cải thiện được tình trạng này.
Nhìn thấy bàn tay phải kì dị của tôi, Tô Linh San đột nhiên thét lên: -Ối, ghê quá!
Cô ấy vừa hét xong thì ánh đèn của huyện Thụ Thủy tắt phụt, không gian chìm vào bóng tối. Kì Nặc chạy ra cửa trạm y tế lấy một cái đèn lồng và châm đèn lên. Anh ấy nói rằng con người chỉ cần có một trái tim lương thiện thì sẽ không có chuyện gì phải sợ hãi nữa rồi.
Anh đưa chiếc đèn lồng cho tôi, giống y như hôm qua. Nhưng hôm nay tôi không hề lắc đầu mà tự nhiên đưa tay ra đón lấy chiếc đèn từ tay anh. Dưới ánh đèn, khuôn mặt anh như được phủ bởi màu vàng lóng lánh. Tôi không bao giờ nghĩ rằng sẽ có lúc mình lại thích thứ màu này, thứ màu sắc bí ẩn và thần kì. Tôi cúi đầu, môi hơi mím lại, hít một hơi thật sâu…Đêm tối ở huyện Thụ Thủy, ngay cả không khí cũng có vị ngọt!
Kì Nặc lặng lẽ đẩy xe lăn, Kì Ngôn cũng không nói thêm điều gì, Tô Linh San cũng ngoan ngoãn đi bên cạnh. Trong cái ao nước của làng, những bông hoa sen đang bắt đầu hé nở. Tôi dần dần nhìn rõ khuôn mặt của Kì Nặc trong bóng đêm. Tôi nghĩ, nhất định anh ấy chính là người thay mẹ mang lại sự ấm áp và dịu dàng đến cho tôi. Tôi tự nhủ với lòng mình như vậy. Cho dù tôi có giơ ra cánh tay không còn bàn tay trước mặt Kì Nặc thì anh ấy cũng sẽ không ghê sợ, nhất định anh ấy sẽ thản nhiên nắm lấy bàn tay ấy!
Tôi cần người này, một người có thể cho tôi hơi ấm và sự dũng cảm.
Tôi tin Kì Nặc là người như vậy, tôi tin vào truyền thuyết về cây đa cổ thụ của huyện Thụ Thủy. Họ nói rằng, chỉ cần đứng dưới gốc cây đa ấy và thầm cầu nguyện một trăm lần điều ước của mình, rồi thành tâm dập đầu một cái thì điều ước ấy nhất định sẽ thành hiện thực.
Trước khi ra đi nhất định tôi sẽ ước điều này, nhất định tôi sẽ làm như vậy!
Chúc các bạn online vui vẻ !