CHƯƠNG 4
Chúng tôi chưa đi được bao xa thì chú Tô đã cho người đến đón Tô Linh San rồi. Cô ấy ôm chặt lấy Kì Ngôn không chịu buông tay. Kì Ngôn liền nhẹ nhàng dỗ Tô Linh San: -Linh San ngoan nào, em về nhà trước đi!. Cuối cùng thì Tô Linh San cũng đồng ý tạm biệt Kì Ngôn để ra về.
Cô ấy là một cô gái dám nghĩ dám làm. Nếu đổi lại là tôi, tôi tuyệt đối sẽ không làm như vậy đâu.
Khi Tô Linh San về, tôi khẽ liếc nhìn Kì Nặc. Lúc ấy môi anh đang mỉm cười, liệu có phải anh đang mỉm cười bởi vì Kì Ngôn có được cái phúc như vậy không nhỉ? Hai người chúng tôi, Kì Nặc đẩy xe lăn, tôi thì xách lồng đèn, người đi bên trái, người đi bên phải. Bên cạnh là những con đom đóm lập lòe tỏa ra ánh sáng xanh lè. Tôi thật sự hi vọng thời gian có thể ngừng trôi để cho chúng tôi có thể đi bên nhau mãi mãi như vậy.
Tôi chịu mở miệng nói chuyện, người vui nhất đương nhiên là bố. Tôi ngồi trong phòng khách, ăn canh gà mà Kì Nặc đã hâm nóng lại cho tôi. Canh gà là huyện trưởng mới mua về cho chúng tôi. Tôi vừa mở miệng gọi “bố” là bố liền cười to sung sướng, điệu bộ rối rít như một đứa trẻ con. Bố đi đi lại lại trong phòng, niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt khiến cho mặt mẹ kế như sa sầm xuống.
Bố nói: -Kì Nặc quả là một đứa trẻ ngoan! Tôi biết là lần này đến huyện Thụ Thủy nhất định sẽ có thu hoạch lớn mà! Tôi nhất định sẽ sửa cho xong đường xá, sau này phải thường xuyên tới đây mới được. Mà tôi muốn nhận nuôi Kì Nặc, tôi nghĩ chắc chắn cậu bé sẽ mang lại niềm vui cho Tiểu Mạt!
Bố vừa nói xong câu ấy, miếng canh gà tôi còn chưa kịp nuốt trong miệng lập tức phụt ra ngoài. Kì Ngôn ngã nhào xuống đất. Cánh tay đang xào nấu của Kì Nặc chợt khựng lại.
Mẹ kế nghe vậy liền lên tiếng: -Kì Nặc, còn không mau chạy đến cám ơn chú La đi!
Huyện trưởng nói: -Đây là một chuyện tốt! Kì Nặc à, những ngày tháng vất vả của cháu đến đây là chấm dứt rồi!
Tôi vừa vui mừng vừa vô cùng ngạc nhiên, đưa mắt nhìn sang Kì Nặc . Anh ấy vẫn vừa xào nấu vừa từ tốn hỏi: -Thế còn Kì Ngôn thì sao?
Bố tôi không ngờ Kì Nặc sẽ đưa ra câu hỏi này, ông bối rối nhìn sang Kì Ngôn: -Điều này…
Kì Ngôn liền xua xua tay nói: -Em rất ổn, anh đi rồi em sẽ không bị người khác mang ra so sánh với anh nữa! Như vậy chẳng phải tốt quá còn gì! Yên tâm đi, em sẽ ở đây với huyện trưởng!
Tôi biết trong lòng Kì Ngôn đang rất buồn phiền và hụt hẫng. Mặc dù anh ấy diễn kịch rất giỏi nhưng tôi chỉ nhìn qua là biết ngay. Bởi vì tôi cũng đã từng che dấu sự đau khổ của mình bằng cách ấy. Nhưng tôi biết con người không thể dấu nổi nỗi đau đớn trong lòng.
Kì Ngôn tập tễnh đi lên gác, tôi bước lên trước dìu Kì Ngôn nhưng anh đã hất tay tôi ra và nói: -La Tiểu Mạt, người vui mừng nhất có lẽ là em đấy nhỉ?
Dứt lời Kì Ngôn liền bật cười, cái bóng cô độc của anh ấy khuất dần trên cầu thang.
Tối đến, tôi đi ngang qua phòng ngủ của bố, nghe thấy tiếng bố nói chuyện với huyện trưởng. Bố nói: -Tôi chỉ có thể nhận nuôi một đứa, còn về Kì Ngôn…tôi đành phải xin lỗi…
Huyện trưởng nói: -Anh đừng nhìn cái vẻ bề ngoài tinh quái, nghịch ngợm của Kì Ngôn mà vội đánh giá nó không tốt, thực ra thằng bé cũng là một đứa trẻ rất ngoan, chỉ có điều không chịu khó học hành mà thôi!
-Nhưng mà tôi nhận thấy Tiểu Mạt có vẻ phụ thuộc vào Kì Nặc, vì vậy tôi muốn nhận nuôi Kì Nặc!
……
Trong lòng tôi rất vui, nhưng lại chợt cảm thấy rất lo lắng. Với tính cách của Kì Nặc, anh ấy chắc chắn sẽ không để lại Kì Ngôn một mình ở huyện Thụ Thủy này. Đây chắc chắn là điều không thể!
Tôi đến trước cửa phòng của Kì Ngôn, bởi vì Kì Nặc đã nhường phòng lại cho tôi nên tạm thời trong thời gian này tôi và Kì Ngôn sẽ ở chung với nhau. Lúc ấy Kì Nặc đang băng bó vết thương cho Kì Ngôn, nhưng Kì Ngôn lại co chân loại, ném hết cả băng gạc xuống đất.
Kì Nặc liền nói: -Em đừng bướng bỉnh nữa, sau này chẳng may chân bị tàn phế thì sao?
Kì Ngôn bực mình gắt lên: -Anh không phải lo! Anh đã là người chuẩn bị đến Cảnh An sống rồi, còn lo cho em làm gì? Kì Nặc, em chán cái bộ dạng này của anh lắm rồi, chán cái vẻ ngoan ngoãn hiểu chuyện của anh lắm rồi! Đừng lúc nào cũng tỏ ra mình là anh cả như vậy!
Tôi tức tối đẩy tung cánh cửa, lao vào phòng rồi cầm thuốc lên ấn mạnh vào vết thương của Kì Ngôn.
Kì Ngôn hét lên: -La Tiểu Mạt, cô coi thường mạng người như vậy à?
Tôi lấy bông băng từ trên tay của Kì Nặc rồi nói: -Đáng đời, cho anh đau chết luôn! Ai bảo anh dám tỏ thái độ với anh trai mình!
Kì Ngôn đáp: -Tôi cứ thái độ đấy, cô không nhìn quen mắt thì đừng nhìn nữa!
Tôi tức điên lên, vừa quấn chặt vết thương vừa nói: -Anh nhìn xem người ta tay chân lóng ngóng cũng giúp anh băng bó vết thương. Đây có thể nói là cái phúc mấy đời của anh rồi, còn cáu cái gì mà cáu?
Kì Ngôn nói: -Cái phúc mấy đời này có lẽ cũng chẳng được mấy ngày nữa đâu!
Kì Nặc lấy khăn mặt lau mồ hôi cho Kì Ngôn. Nhìn thấy vết thương của Kì Ngôn bị mình băng bó chẳng ra làm sao, tôi đành cầu cứu Kì Nặc: -Anh giúp em băng lại vết thương đi nhé! Em thấy cứ để em băng thế này anh ấy sẽ chết nhanh hơn đấy!
Kì Ngôn đột nhiên co chân lại, nói: -Không cần bó lại đâu, tôi muốn chết nhanh hơn một chút!
Câu nói này khiến cho cả tôi và Kì Nặc phải bật cười. Kì Nặc mỉm cười chạy xuống nhà lấy nước lên. Tôi ngồi bên mép giường nhìn chằm chằm vào Kì Ngôn, anh ấy cũng ương ngạnh nhìn lại tôi. Những lúc ngồi yên tĩnh, Kì Ngôn chẳng khác Kì Nặc là mấy. Nhưng tại sao tôi lại thích Kì Nặc? Nhất định là do trên người Kì Nặc có một cái gì đó thu hút tôi rồi!
Kì Ngôn đột nhiên lên tiếng: -La Tiểu Mạt, đừng nhìn anh như thế, anh là Lặc Kì Ngôn!
Kì Nặc điềm đạm và thận trọng, còn Kì Ngôn thì tinh nghịch và thích đùa cợt. Lúc buổi chiều, hình như Kì Ngôn vốn định nói với tôi rằng anh ấy không phải là Kì Nặc, nhưng lại muốn trêu chọc tôi nên đã mạo danh là Kì Nặc.
Đúng vào lúc tôi đang trầm tư suy nghĩ thì đột nhiên có cái gì đó động đậy dưới chân mình. Tôi mở to mắt nhìn xuống, một con chuột to đùng, đen sì sì đang bò lên chân tôi. Tôi hét lên thất thanh, đứng bật dậy hất tung con chuột về phía Kì Ngôn. Anh ấy mỉm cười nói: -Chỉ là một con chuột thôi mà, có gì đáng sợ đâu chứ?- nói dứt lời, Kì Ngôn lại đẩy con chuột vào chân tôi.
-Lặc Kì Ngôn, anh là đồ đáng ghét!- tôi hét lên, hoảng hốt nhảy phắt lên cái phản mà Kì Ngôn đang nằm.
Chỉ nghe thấy “rầm” một tiếng, cái phản mà tôi vừa nhảy lên đã lật úp xuống khiến cho tôi ngã lăn ra đất.
Đương nhiên, người cùng ngã lăn ra đất với tôi chính là Kì Ngôn, người vốn đang nằm yên trên cái phản ấy.
Kì Ngôn ngã đè lên người tôi. Tiếng động mạnh vang lên từ trên gác xép khiến cho mọi người dưới lầu hoảng hốt không biết trên gác đã xảy ra chuyện gì. Toàn thân tôi đau ê ẩm, nằm im dưới đất mà khóc. Tôi vừa khóc vừa gào lên:
-Đau quá! Kì Ngôn chết tiệt! Anh còn không mau xuống khỏi người tôi đi!
Kì Ngôn nằm trên người tôi, khổ sở nói: -Em tưởng là anh thích nằm trên người em chắc? Chân của anh bị thương rồi, làm sao mà cử động được?
Người đầu tiên chạy đến là Kì Nặc. Anh vội vàng lôi Kì Ngôn dậy. Tiếp đó, bố tôi, mẹ kế và huyện trưởng cũng chạy lên.
-Tiểu Mạt, con không sao chứ?- bố hoảng hốt ôm tôi vào lòng.
-Cô ấy sợ chuột, liền nhảy lên phản. Nào ngờ phản cập kênh nên cả hai cùng bị ngã lăn xuống đất!-Kì Ngôn giải thích.
Tôi sợ quá chỉ biết khóc thật to. Bố kéo tôi xuống nhà, khẽ nói với tôi: -Từ sau con đừng chơi với Kì Ngôn nữa. Bố thấy mỗi lần con chơi với nó đều bị nó dọa cho chết khiếp. Hết gặp rắn lại đến ngã xuống đất. Từ sau con cứ đi cùng với Kì Nặc thôi, con đi với cậu ấy bố mới yên tâm!
Tôi gật đầu, vừa mới đi đến chân cầu thang đã nghe thấy tiếng hét của Kì Ngôn: -La Tiểu Mạt, đợi chân anh khỏi sẽ lại dẫn em đi chơi xích đu!
Tôi thu mình trong lòng bố, quay lại mắng Kì Ngôn: -Không chơi với anh nữa, anh toàn bắt nạt em thôi!
Mẹ kế nói: -Anh xem Tiểu Mạt vừa biết khóc vừa biết làm nũng. Như vậy chẳng phải rất tốt hay sao? Xem ra cái cậu Kì Ngôn này thật là có bản lĩnh!
Tôi ngoảnh đầu lườm Kì Ngôn một cái, thấy anh ta đang dựa vào cửa cười toe toét với tôi. Kì Nặc liền nói với Kì Ngôn: -Kì Ngôn, mau vào băng bó lại vết thương đi nào!
Tôi thôi không khóc nữa, ngồi xuống bàn ăn món trám trắng xào mà Kì Nặc vừa làm. Món trám trắng xào này thật là ngon, cho thêm một loại cỏ vào xào lẫn để cho có màu xanh, ăn lại có vị bạc hà thoang thoảng. Quan trọng hơn đấy là, món trám trắng này có mùi hương của Kì Nặc.
Nghĩ đến đây tôi cảm thấy rất vui, liền gắp một đũa to bỏ vào miệng.
Bố ngồi bên cạnh xoa xoa đầu tôi. Tôi ngẩng đầu, trìu mến nhìn bố. Trong suốt khoảng thời gian tôi không nói chuyện, bố không lúc nào cảm thấy vui vẻ. Tôi chưa từng trông thấy vẻ mặt của bố nhẹ nhõm và dễ chịu như thế này bao giờ.
Có người bố nào không hi vọng con cái mình có thể khóc, có thể cười, có thể làm nũng cơ chứ?
Tôi gắp một miếng trám xào nhét vào miệng bố: -Bố à, có ngon không?
Nhìn thấy đôi mắt của bố đỏ lên tôi liền vội vàng ôm lấy cổ bố: -Bố ơi, bố khóc vì vui quá phải không?
Bố hiền từ nói:
-Đúng thế, bố hi vọng Tiểu Mạt mãi mãi hạnh phúc!
CHƯƠNG 5
Tối hôm đó, tôi đã ngồi rất lâu trong nhà bếp.
Bố và mẹ kế đã đi ngủ từ lâu rồi, Kì Nặc đang ở trong phòng chăm sóc cho Kì Ngôn. Màn đêm đã buông xuống, tôi nhẹ nhàng ra khỏi phòng. Không gian chìm trong sự tĩnh mịch. Trước phòng khách có một bậc thềm lộ ra bên ngoài. Ánh trăng từ trên bầu trời dìu dịu chiếu xuống mặt đất, len qua cửa sổ vào phòng khách. Tôi bước xuống nhà bếp, lấy một cái ghế nhỏ ngồi trước cái bếp lò.
Mấy tiếng trước, Kì Nặc đã đứng ở đây để xào trám trắng cho tôi ăn. Khi nghe tin bố sẽ nhận nuôi anh ấy, Kì Nặc vẫn rất bình tĩnh hỏi: Thế Kì Ngôn thì sao?
Không hiểu tại sao, câu hỏi này cứ lởn vởn trong đầu tôi, không sao xóa đi được.
Một lúc sau huyện trưởng đến. Ông ngồi xuống bên cạnh tôi, nhẹ nhàng châm một điếu thuốc rồi bắt đầu kể chuyện về Kì Nặc và Kì Ngôn cho tôi nghe.
Bố mẹ Kì Nặc và Kì Ngôn đã cho hai anh em đến trạm y tế học y ngay từ khi cả hai còn nhỏ với hi vọng sau này lớn lên họ có thể chữa bệnh cho mọi người. Hai anh em họ luôn ganh đua trong học hành, ai cũng học tập rất giỏi. Nhưng nào ai ngờ, nửa năm trước bố mẹ hai người đã tử vong trong một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Lúc thi thể của bố mẹ được đưa về, hai anh em đã ôm nhau khóc suốt cả đêm, ai khuyên nhủ cũng không được. Ngày hôm sau, cả hai cùng không khóc nữa mà bắt tay vào việc vệ sinh cho thi thể của bố mẹ. Cảnh tượng ấy cảm động đến mức tất cả mọi người xung quanh đều rơi nước mắt. Kể từ đó về sau, Kì Ngôn không bao giờ chịu đến trạm y tế để học y nữa. Ngày nào cậu ấy cũng đi đánh bạc với người khác, thành tích học tập vì thế mà sa sút nghiêm trọng. Chỉ có Kì Nặc là vẫn tiếp tục cố gắng. Cậu ấy không những tiến bộ vượt bậc trong học tập mà còn rất chăm chỉ học y.
Huyện trưởng rít điếu thuốc rồi nói tiếp: -Thực ra hai cậu bé ấy đều là những đứa trẻ ngoan ngoãn. Kì Ngôn bình thường vẫn tỏ ra nghịch ngợm, phá phách, chẳng quan tâm đến chuyện gì nhưng thực ra cậu ấy lại là người cố chấp hơn ai hết. Sau khi bố mẹ hai đứa qua đời, tôi đã bảo hai cậu bé ấy đến sống chung với tôi. Kì Nặc thì đồng ý đến, nhưng Kì Ngôn thì không. Tôi biết, cậu ấy thực chất không nỡ rời xa căn nhà của mình”.
Tôi nhớ lại từng cử chỉ, lời nói của Kì Ngôn. Anh ấy chẳng qua chỉ là một đứa trẻ 12 tuổi, thế mà phải chịu đựng nỗi đau khổ mất đi cả hai người thân thiết nhất, vậy mà anh ấy vẫn ép buộc bản thân mình phải mỉm cười.
Nhưng còn Kì Nặc thì sao? Anh ấy phải gánh vác trách nhiệm của người làm anh, gánh vác trách nhiệm của cả gia đình. Anh ấy không thể tự ý bỏ mặc bản thân, bỏ mặc tất cả như Kì Ngôn. Anh ấy biết mình là một người không có sự lựa chọn nào khác, ngoài việc phải kiên cường đối diện với sự thật, anh ấy không còn cách nào khác cả.
Ngày hôm đó, tôi đã ngủ gục bên cánh cửa. Tôi còn nhớ trước khi tôi chìm vào giấc ngủ, huyện trưởng có nói với tôi rằng:
-Tiểu Mạt, nếu như cháu chính là người có thể thay đổi được cậu ấy…
Câu nói ấy thật mơ hồ, tôi không sao nghe rõ được.
Sáng sớm, Kì Ngôn đã đánh thức tôi dậy. Anh ấy nói: -Cái tốt em không học, đi học cái xấu! Thói quen xấu nhất của Kì Nặc là ngồi dựa vào cửa mà ngủ đấy! Tại sao mới chỉ có một ngày mà em đã học được thế hả?
Tôi vươn vai một cái rồi đáp:
-Anh thấy đây là một nhược điểm, nhưng em lại cho đó là ưu điểm!
Kì Ngôn đang định phản bác thì giọng nói quen thuộc của Tô Linh San đã vang lên bên tai:
-Kì Ngôn ơi…. Kì Ngôn à…
Tôi và Kì Ngôn nhìn nhau. Đột nhiên, Kì Ngôn ngã vào người tôi, giả vờ yếu ớt.
Tôi nói: “Anh giả vờ gì chứ? Mau dậy đi!”
Kì Ngôn vội vàng nói:
-La Tiểu Mạt, mau mau giúp anh đi….
Anh ấy còn chưa kịp nói hết thì Tô Linh San đã vào đến tận cửa rồi. Nhìn thấy Kì Ngôn đang dựa vào người tôi, cô ấy lập tức kéo tay tôi ra, đỡ lấy Kì Ngôn rồi nói:
-Sao anh vẫn còn yếu thế này? Chất độc vẫn chưa hết hay sao?
Tôi nói: -Đúng vậy, anh ấy cần phải có nhân sâm bồi bổ mới có thể hồi phục được. Tô Linh San, cậu mau đi bảo bố cậu kiếm một ít đến đây!
Tô Linh San lạnh lùng đáp:
-Cái đồ xấu xí, ai cho cậu chõ mũi vào thế hả?
Tôi như bị tạt một gáo nước lạnh vào mặt, đứng yên không nói được câu gì.
Mặt Kì Ngôn chợt biến sắc.Anh đứng bật dậy nói:
-Tô Linh San, thật không ngờ cô lại là người người như vậy! Tôi đúng là đã nhìn nhầm người!
Tô Linh San ngẩn người ra trước phản ứng của Kì Ngôn, sau đó vội vàng lao về phía Kì Ngôn:
-Tại sao anh lại nói thay cho nó như vậy?
Tôi xua xua tay nói:
-Cô ấy chỉ nói sự thật thôi mà, cậu đừng giận cô ấy!
Khi nói ra câu này, tôi phát hiện ra mình chẳng buồn rầu chút nào, cũng không chút tự ti. Điều này khiến cho tôi phải kinh ngạc về sự thay đổi của chính bản thân mình!
Sau đó, tôi nhìn thấy bố của Tô Linh San. Đó chính là ông chủ Tô buôn bán dược liệu rất nổi tiếng ở Cảnh An. Bố tôi và chú Tô chào hỏi lẫn nhau, nhưng tôi biết đó chẳng qua chỉ là xã giao. Họ đều là niềm kiêu ngạo của huyện Thụ Thủy này. Bố của Tô Linh San đã từng học đại học, lấy một người vợ giàu có, làm ăn rất lớn. Còn bố của tôi gây dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng, xây dựng nên một công xưởng chế biến dược liệu, cũng có thể coi là không tồi.
Còn về mối thù oán giữa hai người trước đây, tôi cũng không biết rõ lắm.
Mà lần này, họ đến đây là vì việc sửa chữa đường xá. Đó cũng có thể coi như là một việc tốt cho huyện Thụ Thủy.
CHƯƠNG 6
Tôi đã trải qua một mùa hè rất vui vẻ và thú vị ở huyện Thụ Thủy. Không có những buồn phiền, không có những ác mộng. Ban ngày, tôi cùng Kì Nặc đến trạm y tế. Lúc thì giúp anh ấy giã thuốc, khi thì ngồi nhìn anh ấy bắt mạch và bốc thuốc cho bệnh nhân. Kể từ sau khi tay phải của tôi bị tàn phế, tôi không còn cầm bút viết nữa. Trong khoảng thời gian đó thường xuyên có người bị cảm cúm, thế nên tôi thường xuyên dùng tay trái để sao chép một đơn thuốc trị cảm cúm giúp Kì Nặc. Anh ấy có chút kinh ngạc vì không ngờ tôi có thể viết bằng tay trái đẹp đến vậy. Có người nhìn thấy chúng tôi vui vẻ bên nhau liền cười hỏi:
-Kì Nặc, kiếm được một cô dâu tương lai ở đâu thế hả?
Tôi ngồi bên cạnh, chỉ biết cười bối rối. Còn Kì Nặc thì lắp bắp giải thích:
-Không phải đâu, cô ấy là con gái của bạn bố cháu.
Thỉnh thoảng Kì Nặc dẫn tôi đi xem hát kịch. Gần đây huyện Thụ Thủy có một đoàn hát từ phương Nam tới. Họ dựng sân khấu trong quán trà. Thế là tôi và Kì Nặc liền rủ nhau đi xem. Lúc đó chúng tôi uống hết hai cốc trà, cắn hết nửa cân hạt dưa, nhưng cả hai đều trầm ngâm không nói. Mỗi lần ở bên cạnh Kì Nặc, tôi đều trở nên trầm ngâm như vậy. Bởi vì tôi sợ âm thanh sẽ phá vỡ bầu không khí yên tĩnh và lấy đi mất sự bình tâm khó khăn lắm mà tôi mới có được này.
Thỉnh thoảng tôi nhìn thấy Kì Ngôn đánh bạc ở ngoài đường. Anh ấy hò hét ầm ĩ, còn Tô Linh San đứng bên cạnh cổ vũ cho anh.
Bởi vì chân của Kì Ngôn bị thương nên anh ấy đã chuyển đến ở trong căn nhà của huyện trưởng. Mỗi buổi tối, cứ mỗi khi phải thay thuốc là anh ấy nằm ì trên giường, kêu lên như thể ông tướng: -La Tiểu Mạt, mau lên thay thuốc cho anh đi! Nếu không anh mà tàn phế thì em chịu trách nhiệm đấy!
Tôi vì sợ chân anh ấy bị tàn phế thật sẽ ỷ lại vào tôi nên nghe thấy anh ta kêu lên như vậy là tôi lập tức bưng thuốc lên gác.Nhưng quả thật khả năng đắp thuốc ủa tôi quá tồi, mỗi lần đắp thuốc đều khiến cho Kì Ngôn phải kêu cứu ầm ĩ.
Huyện trưởng suốt ngày cười vui vẻ. Lúc ngồi ăn cơm, huyện trưởng hào hứng nói:
-Kể từ khi Tiểu Mạt đến đây, nhà ta náo nhiệt hẳn lên, cũng có sinh khí hơn hẳn đấy!
Kì Ngôn nói chen vào:
-Có mà đang làm loạn thì có!
Tôi lấy chân đá mạnh vào chân Kì Ngôn dưới gầm bàn. Anh ấy liền nhăn mày kêu lên:
-Lặc Kì Nặc, La Tiểu Mạt đá em, anh mau nói cho cô ấy biết em là bệnh nhân đi!
Tôi thản nhiên đáp:
-Anh đừng giả bộ nữa, em đã phải hầu hạ anh lâu lắm rồi đấy!Anh cũng sắp khỏi đến nơi rồi!
Tôi cho rằng vết thương của Kì Ngôn đã khỏi từ lâu, bởi vì anh ấy ngày nào cũng ở nhà, đi vào rừng hay chạy ra bờ suối cùng với tôi.
Còn Tô Linh San thì lúc nào cũng bám lấy Kì Ngôn.Ngày nào cô ấy cũng chạy từ phía Bắc của huyện sang phía Nam, rồi lại đánh một chiếc xe ngựa từ phía Nam quay về.
Tô Linh San đúng là một cô gái hoạt bát và phóng khoáng. Cô ấy nói thẳng trước mặt mọi người:
-Không ai được phép cướp Kì Ngôn của tôi hết! Tôi sẽ theo anh ấy cả đời này!
Đã là ngày thứ 27 kể từ khi tôi đến huyện Thụ Thủy này.Vậy là chỉ còn ba ngày nữa thôi là phải trở về Cảnh An rồi!
Chúng tôi cùng đến thắp hương trước nấm mộ của bố mẹ Kì Nặc và Kì Ngôn. Mộ của họ nằm trên một ngọn núi rất cao, cây cối xanh tươi. Chúng tôi không ai nói điều gì, chỉ lặng lẽ đi trên con đường núi heo hút.
Về sau tôi mới biết đó chính là ngày sinh nhật của Kì Nặc và Kì Ngôn.
Ngày 27 tháng 8, tôi xách lồng đèn đi từ cầu Thanh Phong sang cầu Tử Nhứ. Trên đường đi chúng tôi đã đi qua 27 hộ gia đình với 27 chiếc đèn lồng treo ở trước cổng.
Tôi đứng ước nguyện dưới gốc cây đa cổ thụ. Tôi chưa bao giờ thành tâm cầu nguyện như vậy. Kì Nặc giúp tôi cầm lồng đèn. Tô Linh San cũng tò mò thử ước nguyện. Bố tôi và chú Tô đứng yên lặng dưới gốc đa, không nói nửa lời, nhưng ánh mắt lại vô cùng mông lung như đang nhớ lại một hồi ức xa xưa nào đó.
Hai tay của tôi không chắp vào nhau được, thế nên tôi đành phải lấy tay trái năm chặt lấy tay phải Kì Ngôn lầm bầm nói:
-Con gái đúng là phiền phức!
Tôi nhìn Kì Nặc, nói:
-Một phút thôi, mọi người hãy cho tôi một phút!
Tôi quay người lại, khép chặt hai hàng mi. Bên tai tôi vang lên tiếng gió thổi và tiếng kêu râm ran của các loại côn trùng. Tôi thầm ước ở trong lòng, Kì Nặc có thể ở bên cạnh tôi mãi mãi.
Những con đom đóm lập lòe đang bay đến chỗ chúng tôi, bay lượn xung quanh người tôi. Tôi lặng người nhìn vào ánh sáng xanh yếu ớt phát ra từ cơ thể những con đom đóm nhỏ xíu.
Bỗng nhiên một cơn mưa lớn đổ ập xuống. Những ngọn đèn trong huyện tắt phụt, đèn lồng cũng không sáng nổi bởi ướt nước mưa. Huyện trưởng nói:
-Sợ nhất là mưa mà lại mất điện! Thôi để tôi đi trước, mọi người đi theo sát phía sau, cẩn thận không lạc nhau nhé!
Trong bóng tối, cái bóng của ai cũng trở nên thật nhạt nhòa. Tô Linh San nắm chặt lấy tay của Kì Ngôn, tôi có thể nhìn thấy rất rõ động tác này của cô ấy. Đôi mắt của Kì Nặc rất sáng. Anh nhẹ nhàng đi đến bên cạnh tôi, nắm chặt lấy tay phải của tôi, bàn tay đã bị tàn phế ấy, bàn tay mà tôi phải mất rất nhiều thời gian mới có thể làm quen ấy.
Anh khẽ nói:
-Theo sát anh nhé, cẩn thận kẻo lạc!- giọng nói của anh vừa dịu dàng vừa ấm áp, chẳng mấy chốc đã sưởi ấm trái tim đang hoang mang của tôi.
Trời tối đen như mực. Không gian như một bức tranh thủy mặc màu đen còn chúng tôi chính là những bóng người nhỏ nhoi trong bức tranh đen tối ấy. Bàn tay ấm áp của Kì Nặc nắm chặt lấy bàn tay tàn phế của tôi. Một đoàn người lặng lẽ đi trong đêm đen, đội mưa đội gió trở về nhà. Những con đom đóm đã đi tránh mưa hết rồi. Bên cạnh tôi lúc này, chỉ còn lại một chàng trai mà tôi thầm thích.
Nhưng mà, nước mắt tôi đang tuôn rơi. Tôi có một dự cảm không lành rằng mình sắp phải rời xa anh ấy!
Tôi cảm thấy thật sự khó chịu!
Chúc các bạn online vui vẻ !