Mèo
I.
Chúng ta nên đi bao xa?
Chúng ta có thể đi bao xa?
Và chúng phải đi bao xa?
Khi “vĩnh viễn” chỉ là một từ mà mỗi người nuôi dưỡng thành ảo tưởng cho riêng mình?
Mùa hè xanh thẳm. Trời nóng như đổ lửa. Quạt trần chạy rì rì trên đầu. Ở góc phòng, radio bật một bài hát xưa lời lẽ có phần ẻo lả, ướt át. Tôi nằm gối đầu lên bụng Lâm, nghe kể chuyện. Nhà ở sát phố, buổi trưa thỉnh thoảng có tiếng guốc lộp cộp trên nền gạch, cảm giác thật hoài cổ và mơ hồ.
Năm ba tuổi, tôi không còn bố. Chẳng có gì nhiều nhặn ở lại trong kí ức của một đứa trẻ. Bố vĩnh viễn biến mất sau cánh cửa. Như thế, người ta sẽ gọi là sự bỏ đi. Hoặc giũ bỏ cũng được. Tối nào mẹ cũng ôm tôi vào lòng, xoa xoa lưng, nước mắt chảy ngang thấm vào đêm u uất. Đấy là khi lớn lên tôi nghĩ thế mỗi lần nhớ về những lần ngủ chung giường với mẹ, loay hoay treo màn, vén cho kĩ để muỗi không vào được. Tôi nghĩ mẹ đã khóc vì bà chưa một lần kể lại bất cứ nỗi đau nào liên quan đến bố. Rồi cứ hết mùa này đi qua lại đến mùa khác tới, tôi lớn lên trong căn nhà cổ ở sát phố, thỉnh thoảng bần thần nhìn mưa rũ xuống nhánh lá me vươn vào sát tận phòng. Màu xanh ướt đẫm ấy chắc phải mang trong mình rất nhiều hi vọng trong trẻo.Mẹ hay bảo tôi là bảo bối của mẹ. Dù có ngỗ ngược thì cũng không thể nào giấu được sự yếu đuối lẩn sâu trong đáy mắt. Tôi khi mười hai tuổi đã được nghe câu này. Lúc đấy không hiểu tại sao con người lại phải cố che giấu nỗi buồn của mình để làm gì. Bởi vì người ta có thể khóc để hết đau cơ mà. Mẹ chỉ cười. Bầu trời là một mảng thênh thang không tô vẽ. Thuần khiết. Như nhiên. Cho đến ngày mỗi một người gặp gỡ định mệnh của mình và rơi lệ.
Lâm là một chàng trai quá đỗi xinh đẹp. Thật vậy. Quá đỗi xinh đẹp là tất cả những gì mà tôi có thể nói khi nghĩ về cậu ấy. Đôi mắt buồn với hàng mi dày. Những ngón tay dài và mảnh. Bờ vai rộng. Giọng nói ấm áp và dịu dàng như thể dồn nén, đóng gói mọi yêu thương. Chúng tôi lớn lên cùng nhau. Bốn chữ lớn lên cùng nhau mang trên mình một thanh âm sâu sắc giản dị. Nhà Lâm ở cách nhà tôi một trăm hai mươi lăm bước chân về phía cái trụ gắn loa phát thanh buổi sáng. Hồi đó, vào lúc bây giờ mỗi ngày, mùa đông, tôi mặc áo bông chần màu đỏ, ngồi sau lưng mẹ, loa bắt đầu phát nhạc như chương trình Những bông hoa nhỏ trên ti vi, đi đến trước cổng nhà Lâm thì dừng lại. Mẹ Lâm dắt xe ra. Chúng tôi cùng đi học. Có những hôm mẹ tôi phải đi dạy từ sớm, thế là mẹ Lâm chở cả hai đứa, bám chặt vào nhau. Đến cách trường học hai con phố thì ghé vào, mỗi đứa được một cốc sữa đậu nành nóng hổi. Lâm lớn hơn tôi một lớp. Học chung trường tới tận trung học. Ngần ấy năm, không bỏ lỡ một ngày nào mà không xách hộ cặp cho tôi đến tận cửa lớp rồi mới quay lưng chạy về lớp của mình. Mối tình đầu của tôi là năm mười tuổi, với cậu bạn học cùng lớp. Tôi hỏi: “Nhé?” Lâm gật đầu: “Ừ!” Thế là vẽ một bức tranh hai hình tròn có tai đang nắm tay nhau, chú thích bên dưới là “gấu Cảnh Huân và gấu Yên” thì mới hiểu là vẽ gấu, rồi mang đến chìa thẳng vào mặt. Bạn Cảnh Huân khi ấy rất “có thế lực” vì đẹp trai nhất lớp, lại còn được đại diện trường đi thi cờ vua ở khắp nơi. Mặt đỏ bừng bừng, giật lấy mảnh giấy rồi đi thẳng. Tình yêu kết thúc. Mãi sau này Lâm mới hỏi tại sao. Tôi bảo vì lúc bạn Cảnh Huân đỏ mặt, nhìn không giống hoàng tử.
À phải rồi. Từ lúc mười tuổi đó. Tôi đã luôn tin sẽ gặp được chàng hoàng tử của đời mình. Đùng đùng như kiểu rạch trời rơi xuống hay ngã từ bụi rậm ra cũng được. Nhưng nhất định sẽ rất bất ngờ. Trong khi chờ đợi, tôi càng lớn lại càng có một thêm một cơ số người “đề nghị” đón đưa đi học. Nhưng chỉ thích đi cùng Lâm để mày tao như hồi bé. Có một lần Lâm giận. Rất lâu. Khoảng ba tiếng đồng hồ thì phải. Vì gia đình tôi quyết định chuyển nhà mà đến tận ngày cuối cùng tôi mới nói với Lâm. Mẹ bảo bán nhà để ở phố, vào ngõ sống thì lợi ra được một số tiền để cho tôi đi học. Lâm giận. Không nói một lời nào, chỉ cặm cụi giúp mẹ tôi khuân những thùng các tông lớn chất lên xe tải. Thỉnh thoảng vẫn không quên hỏi mẹ tôi có mệt không. Năm ấy Lâm mười bảy tuổi. Tôi mười sáu. Lâm đã cao hơn tôi một cái đầu. Tóc lúc nào cũng cắt cao sát gáy và hay mặc áo T-shirt màu đen như mấy bạn cùng thời hâm mộ nhạc Rock. Lâm nhảy lên thùng xe tải, tôi cũng mím môi trèo lên cùng. Lâm nhíu mày: “Xuống đi!” Tôi liên tục lắc đầu. Xe chạy. Lâm ngồi lên một cái thùng, tôi rón rén ngồi xuống bên cạnh. Và bắt đầu hát.
Nếu có một ngày chúng ta phải bước đi
Em sẽ đặt tên anh kề cạnh tên em
Trên một hòn đá nhặt từ ngọn đồi cũ
Rồi ném vào thinh không để vĩnh viễn bên nhau
Và sẽ có một ngày em phải quên anh
Quên cách anh hôn, quên cách anh gọi tên em
Cả bàn tay đã từng đặt lên vai em rất khẽ.
Vì anh của ngày hôm qua đã không còn là anh của hôm nay…
Lâm bật cười. Xoa đầu tôi. “Cái gì cũng phổ ra nhạc mà hát được nhỉ!” Tôi cũng cười. Nhặt được một tờ rơi quảng cáo trên sàn xe, xếp thành cái máy bay giấy. Rồi phóng ra bên ngoài không trung. Ngược gió. Chiếc máy bay chao đảo rồi rơi lại phía sau.
“Lâm à, thực ra là nhà tớ chỉ cách xa hơn một tẹo thôi phải không?”
Đến mãi sau này, tôi vẫn tin rằng mình nên nói mọi điều với Lâm vì không bao giờ muốn nhìn thấy Lâm giận nữa. Giống như kiểu bạn nhận thức rõ được mình sẽ tệ thế nào nếu làm đối phương buồn. Mùa xuân năm 2002, mẹ Lâm gặp tai nạn giao thông rất nặng. Một thằng nhóc tầm tuổi chúng tôi say rượu lạng lách trên phố rồi đâm trúng bác. Bác bị hôn mê nhiều ngày liền trong bệnh viện. Bố Lâm lúc ấy đang đi công tác nước ngoài. Nhà chỉ còn các bác bên họ. Tôi cùng mẹ túc trực ở bệnh viện với Lâm. Đó cũng là lần đầu tiên tôi gặp M. Anh là bác sĩ điều trị cho mẹ Lâm. Và anh cũng là anh trai của thằng nhóc đã gây họa. Tôi ngồi cạnh, nắm tay Lâm, ngước mắt nhìn M nói chuyện với mẹ tôi. Tôi không nghe rõ hai người nói gì, tay mỗi lúc một siết chặt tay Lâm hơn và đột nhiên cảm thấy căm ghét M kinh khủng. Bất giác thốt ra thành tiếng: “Đồ xấu xa!” Cả M và mẹ đều quay lại nhìn tôi, thoáng chút giật mình. Mẹ tôi nhíu mày. Còn M thì tiến lại gần. Chững chạc và rành mạch. M bảo: “Anh xin lỗi. Anh nhất định sẽ cố hết sức.” M giữ lời hứa. Hai tuần sau, mẹ Lâm qua cơn nguy kịch. Kể từ đó, mỗi buổi chiều đi học về, tôi mới biết M hay đến đón con ở trường mẫu giáo đầu ngõ nhà tôi. Lần nào M cũng gật đầu chào. Tôi ngoảnh mặt đi đến lần thứ ba… thì cũng gật đầu chào lại rồi đi thẳng.
Sinh nhật lần thứ mười tám, mẹ hỏi tôi có muốn gặp bố không. Tôi không biết. Nửa muốn nửa không. Vì cảm giác thật hoang đường. Từ “bố” giống như một từ cấm kị trong nhà chúng tôi, như thể nó là một cái nút bấm khởi động của mọi suy nghĩ ngột ngạt. Lâm cũng biết thế nên chưa bao giờ hỏi tôi bất cứ điều gì liên quan. Nhưng tôi thì lại chủ động kể. Một cách gián tiếp qua thư. Ví dụ như này. Một lần nọ, tôi đi chợ hoa Tết. Gần đấy người ta dựng sân khấu ngoài trời cho bọn trẻ con biểu diễn văn nghệ. Tôi thấy một người rất giống bố tôi trong ảnh đang đứng quay camera tiết mục trên sân khấu như nhiều… phụ huynh khác bên dưới. Tôi đứng khoanh tay nhìn người đàn ông đó một lúc. Rồi chạnh lòng. Về nhà viết email cho Lâm. Kết thư bằng một dòng đầy những dấu chấm hỏi day dứt. Hay như hồi lớp Năm, bố Lâm đến đón cả hai chúng tôi đi học về. Tôi buột miệng: “Con cũng muốn có bố đến đón!” Đoạn đường trở nên yên ắng lạ thường và dài ra hun hút. Tôi nói với Lâm tôi rất sợ nhìn thấy ai đó bỏ đi khỏi cuộc đời mình. Nó là thứ tình cảnh hoàn toàn bất lực và có đủ khả năng khiến bản thân tự dằn vặt suốt đời bằng câu hỏi: “Mình không đủ tốt ư?” Hiển nhiên là chẳng có ai trả lời cả. Nên điều đó lại càng tệ. Sau này có yêu ai tôi cũng bắt người ta hứa, dù muốn buông tay, phải để tôi là người đi trước. Lâm gọi tôi là con ngốc. Vì nếu đã muốn ra đi, mọi lí do đều thành vô nghĩa. Huống chi là chuyện ai đi trước, ai đi sau. Lâm đúng. Nhưng tôi không vượt qua được nỗi sợ hãi đấy. Cho đến khi gặp M. Tôi vẫn thấy Lâm đúng. Mà tình yêu của tôi chưa bao giờ hữu hạn cả, nhất là khi tôi trong một thời gian dài đã tin. M chính là hoàng tử “rạch trời rơi xuống” của mình.
Cuối cùng, tôi đi gặp bố. Bố tôi có nhiều tiền. Có gia đình sung túc với một người vợ lấp lánh và ba đứa con đủ trai, đủ gái. Họ sống trong một ngôi nhà to sừng sững trên phố lớn, có hàng rào rất cao. Sinh nhật bố, ông đãi tiệc tại một khách sạn sang trọng. Tôi thấy sự ái ngại của mình trong chiếc váy len màu xám trơn cùng đôi giày thể thao đã cũ khi đặt chân vào nơi như thế. “Giá mà có Lâm ở đây!” Tôi nghĩ vậy. Bố dắt tôi vào căn phòng đã được đặt riêng cho khoảng mười người. Nhưng chỉ có sáu người ngồi sẵn ở đó. Rồi tôi thấy M bên cạnh một người chắc là vợ. Bố giới thiệu từng người một. Vợ bố. Em Sơn đang học lớp Chín, em Linh đang học lớp Bảy và người phụ nữ đang ngồi cạnh M, chị Minh cùng chồng. Một thằng nhóc tầm ba tuổi đang chạy chơi loanh quanh trong phòng, tôi đoán là người mà M đi đón mỗi buổi chiều. Tất cả họ đều nhìn tôi lạ lẫm. Tôi kéo ghế tự ngồi xuống. Bố hỏi tôi những câu theo kiểu “tìm hiểu nhau”. Những người còn lại, không ai nói lời nào với tôi. Tôi biết M nhìn mình. Linh cảm mơ hồ gạch những gạch đầu dòng trong đầu rằng có gì đó không bình thường đang diễn ra trong khoảng cách giữa tôi và người đàn ông đó. Thật kì quặc là tôi biết mình thích cảm giác này. Mọi người cặm cụi ăn. Nhẹ nhàng uống. Thỉnh thoảng thì thầm với người bên cạnh những lời rất khẽ. Bố đã ngà ngà say. Nói lớn tiếng: “Sau này, thỉnh thoảng Yên đến ăn cơm với cả nhà nhé!” Không ai đáp lời. Bố hắng giọng. Vợ bố nhìn tôi: “Khi nào thích thì đến!” Chị Minh cũng nhìn tôi, rồi quay mặt đi chỗ khác. Tôi ngước mắt nhìn lại. “Không cần đâu ạ!” Vợ bố cười khẩy: “Đến đi, lâu lâu được một bữa thịnh soạn cũng tốt mà!” Bố tôi lại hắng giọng. Tôi hiểu mình rõ ràng đã quyết định nhầm. Vội vã kéo ghế đứng lên. Ra về không một lời chào tạm biệt. Tôi muốn gặp Lâm ngay lập tức. Vì tất cả bọn họ. Tất cả bọn họ khiến tôi nghẹt thở.
Lâm đang tập trung sơn lại chiếc xe đạp leo núi của mình trong sân nhà. Gió có màu vàng rất nhẹ. Tôi vứt túi lên sàn gạch, ngồi bệt xuống ở hiên.
- Sao đấy?
- Những con người khó chịu!
- Ừ. Cũng bình thường mà.
- Thế thì họ nên từ chối việc gặp gỡ này chứ?
- Tớ cũng không rõ. Nhưng cậu không thể đòi hỏi họ yêu mến cậu được.
- Vẫn không thể ưa nổi. Tại sao bố tớ lại bỏ đi. Mẹ tớ xinh đẹp hơn… mụ váy hoa đó nhiều.
- Mẹ cậu không kể à?
- Tớ chưa bao giờ hỏi.
- Và cậu không thắc mắc?
- Tớ không dám thắc mắc. Tớ sợ mẹ tớ buồn. À, hay là tớ hỏi mẹ cậu nhỉ? Chắc là mẹ cậu biết.
- Thực ra thì tớ có hỏi mẹ tớ.
- Như nào?
- Hồi xưa xưa, bố cậu đi công tác ra Bắc, gặp mẹ cậu rồi hai người yêu nhau, có cậu. Nhưng mà bố cậu giấu là đã có gia đình trong Nam cho đến khi vợ bố cậu, chính là bác váy hoa hôm nay ấy, xuất hiện. Mẹ tớ bảo là bác ấy khóc lóc rất nhiều, nói nguyên văn rằng mẹ cậu không có bố cậu thì vẫn sống được, chứ bác ấy thì không. Thế rồi mẹ cậu buông tay. Chuyện là như vậy.
Tôi hiểu được tận sâu trong tiềm thức của mình luôn chôn giấu một nỗi giận hờn, uất ức. Mười lăm năm, bố ra đi và chưa từng một lần gọi điện hay nhắn tin hỏi xem tôi thế nào. Nhưng tôi có Lâm, có mẹ. Tôi vẫn nghĩ mình đủ, trừ một đôi lần không thể ngăn bản thân cảm thán vài lời rồi thôi. Nhưng hôm nay thì khác. Giống như một ngày tình cờ, bạn được biết câu chuyện đời mình đã từng được viết không như mình nghĩ. Và rồi sự giận hờn, uất ức bấy lâu vốn giấu kĩ tìm được những nấc thang đầu tiên để leo lên mà chế ngự tất cả các cảm xúc khác trong tim bạn. Tôi muốn hỏi Lâm tại sao cuộc sống lại không công bằng? Mẹ tôi từ năm tôi ba tuổi đã nhận làm tất cả mọi việc có thể, dù là giữ con cho người ta sau giờ dạy, dù là nhận nấu cỗ cưới vào những ngày Chủ nhật, dù là giữa trời rét căm căm vẫn cố đi xa tận mười cây số vì ở đó người ta bán thực phẩm giá rẻ hơn, nhưng chưa từng một lần nói với tôi rằng “Mẹ mệt lắm!” Trong khi người phụ nữ kia chỉ cần khóc lóc, van nài đòi về một người đàn ông để có thể ăn sung mặc sướng, chăn ấm nệm êm? Tôi muốn hỏi Lâm tại sao bố tôi lại có quyền được chọn từ bỏ chỗ yên ấm này để về với chỗ yên ấm khác, còn mẹ tôi lại không có bất kì bến dựa nào để chọn? Phải, tôi đã muốn hỏi Lâm rất nhiều trong buổi chiều hôm đó nhưng không thể nào sắp xếp được ngôn ngữ của mình. Vậy là nước mắt cứ từ từ tuôn ra. Tôi nấc lên từng chặp dài. Lâm ngừng lại. Quay lưng nhìn tôi trìu mến.
“Có nước rơi ra từ mắt cậu kìa!”
Tôi sẽ không để cho họ yên. Tôi không thích. Không thích. “Cậu chỉ mới mười tám tuổi thôi Yên ạ!” Lâm nói. “Liệu cậu có đủ sức chịu đau không?” Lâm xoa đầu tôi cho rối bung lên. Rồi quay về tiếp tục với cái xe đạp của mình. Hai ngày sau, vợ của bố đợi tôi ở cổng trường và bảo đi uống cà phê một lúc, sẽ không nói lâu đâu. Tôi đồng ý đi theo.
- Để bác nói thẳng vào vấn đề nhé! Bác không biết cháu có mục đích gì hay không nhưng hãy để mọi thứ yên như cũ đi!
Tôi thấy người phụ nữ ngồi đối diện mình thật đáng thương. Vì chừng đấy năm đã trôi qua, bà ấy vẫn luôn phải cố gồng mình để bảo vệ những thứ mà tôi thực sự tò mò không biết bà có hạnh phúc với nó hay không.
- Bác sợ đến thế kia ạ?
Vợ bố nhìn tôi. Ánh mắt đanh lại. Đúng kiểu mà những người không ưa nổi nhau có thể hình dung ra được.
- Thật rõ là mẹ nào con nấy!
- À, chắc là vậy mà bác sợ đến mức này!
- Đồ mất dạy!
Tôi đứng lên nhìn thẳng vào mắt người phụ nữ ấy. Và thấy trước mắt mình là cảnh tượng của mười bốn năm về trước, khi bà ta ngồi đối diện mẹ mình, nói những lời bi ai, khốn khổ về tình yêu. Mẹ tôi từng viết: “Đừng chán ghét thiên hạ! Hãy bận rộn với tình cảm của mình trước!” trong một tấm bưu thiếp mẹ nhét dưới gối khi tôi thất tình lần đầu tiên. Vào ngay lúc này, tôi yêu mẹ biết mấy. Chắc mẹ tôi cũng đã khóc nhưng tôi đã rõ không phải lúc nào khóc cũng có thể khiến người ta bớt đau đi được. Tôi đi thật nhanh về nhà tìm mẹ. Chạy ào đến, dụi đầu vào lòng mẹ hít hà.
“Mẹ ơi, Yên yêu mẹ!”
M vẫn đi đón con đều đặn. Tôi không để ý nữa. Cho đến một ngày ẩm ướt, đường lầy lội những vũng nước mưa. Một chiếc xe hơi phóng nhanh làm nước bắn tung tóe lên người lúc tôi đi ngang qua M. Tôi buộc phải dừng xe lại. M hỏi. Em có sao không? Tôi còn nhớ rõ. M loay hoay cởi áo khoác ngoài của mình ra đưa cho tôi. M lúng túng. Tôi cũng vậy. Lúc nhận lấy chiếc áo, những đầu ngón tay tôi chạm phải đầu ngón tay M. Tôi còn nhớ rõ. Chỉ cần ở gần M trong vòng 5 bước chân, đầu óc tôi đã có thể trở nên váng vất. Tôi kể với Lâm về cuộc gặp gỡ. Đột nhiên nảy sinh một ý định điên rồ không rõ hình hài. Tôi đến phòng mạch của M. M thoáng ngạc nhiên. Rồi hỏi. Em đau ở đâu à? Tôi trả lời không. M lại hỏi. Em muốn uống gì không? Tôi trả lời không. M uhm một tiếng, rồi ngẩng mặt lên. Chúng tôi im lặng. Nhìn nhau. Trong khoảng năm phút. Nhưng rất dài. Thật rất dài. Rồi tôi chào M ra về. Ra đến cửa, bỗng dưng ngừng lại. Ngày mai em lại đến có được không? M đứng lên, mở cửa cho tôi. Đáp lại. Em cứ đến. Tôi đến thật. Suốt một tuần liền, ngày nào tôi cũng xuất hiện rất ngắn như thế ở phòng mạch của M. Hội thoại hầu như chẳng có gì. Nhưng tôi không thấy ái ngại chút nào. Có cảm giác M cũng thế. Vì lần nào chúng tôi cũng cười với nhau. Dịu dàng. Lâm đã phát hiện ra. Một cách dễ dàng. Khi các buổi chiều tôi ghé sang nhà Lâm trễ hơn thường lệ một cách liên tục.
- Cậu đang làm gì thế?
- Mình sẽ yêu anh ta.
Lâm à lên thành tiếng. Khẽ vò phần tóc sau gáy mình rồi khoanh tay trước ngực khá nghiêm trọng.
- Bằng cái gì?
- Ý cậu là sao?
- Cậu biết là anh ta không thể nào mà.
- Mình không thích họ được hạnh phúc.
- Cậu đang bất hạnh à? Họ không thuộc về cuộc đời của cậu. Hạnh phúc của họ cũng thế!
- Nhưng như thế là bất công với gia đình mình!
- Yên à, cậu chỉ mới mười tám tuổi thôi!
- Cậu nói cứ như cậu ba mươi tuổi rồi ấy nhỉ!!!!
Tôi tức giận với Lâm. Lần đầu tiên trong suốt nhiều tháng ngày đã qua giữa hai đứa. Tôi nắm chặt tay mình. Nổi giận. Một cách không tự chủ, nước mắt trào ra. Lâm đứng yên tại chỗ.
Ngày sinh nhật của M. Tôi vét sạch tiền tiết kiệm mua tặng M một chiếc bút tôi đã thích từ rất lâu. Khi nhìn thấy nó, đã tự hứa nhất định nó phải là món quà cho người đàn ông đặc biệt. Lúc đập vỡ con mèo đất, có đôi phần do dự. Chẳng hiểu mình đang làm gì nữa. Nhưng rồi cũng mang đến trước mặt M.
“Em có muốn ra khỏi đây không?”
Tôi gật đầu. Vì không nghĩ được gì nữa. M chỉ đang đứng cách tôi năm bước chân thôi mà. Chúng tôi đến một quán cà phê bên ngoài trung tâm thành phố. Có rất nhiều cây to tôi chưa nhìn thấy bao giờ và sàn nhà thì lát gỗ lành lạnh. M nắm tay tôi. Tôi để yên. M chỉ đang đứng cách tôi một bước chân thôi mà. M cúi xuống hôn tôi. M không còn cách xa nữa. Đôi lúc tình yêu không diễn ra như cách mà tôi từng mơ ước. Nhưng tôi vẫn nhắm mắt đi theo ngay khi trái tim lỗi nhịp. Tôi niệm thần chú của riêng mình“chỉ cần có tình yêu là đủ, chỉ cần có tình yêu là đủ” để bước theo và tin mình không hối hận. Tôi ỷ lại rằng “mình chỉ mới mười tám tuổi thôi mà” để làm bất kì điều rồ dại nào có thể. M hôn tôi. M đã không còn xa nữa. M ở thật gần, thật gần. Hơi thở của anh. Khuôn mặt anh. Những ngón tay tôi run rẩy chạm nhẹ vào cằm anh ram rám. Bất giác tôi đẩy M ra. Đe dọa yếu ớt. Em sẽ nói cho vợ anh biết. Và mọi người sẽ rối tung lên. M bật cười. Kéo tôi sát vào lòng siết chặt. Tôi còn nhớ rất rõ. Tôi chỉ nhìn thấy mỗi M trong bầu trời của mình. Quên hết. Quên hết tất cả xung quanh. Bạn có bao giờ biết thế giới của mình sẽ trở nên thế nào khi với bạn chỉ cần một người là đủ hay chưa? Chính là khi bạn nhắm mắt lại và hơi ấm của người bên cạnh là mọi điều mà bạn hằng ước ao, mong chờ. Cách mà anh ta gọi tên bạn, cách anh ta đặt tay lên hông bạn khi băng qua đường, cách anh ta khẽ chạm lên tóc bạn, cách anh ta hỏi “em đã ăn gì chưa?”, cách anh ta nhìn bạn trìu mến… từng chút một ở lại trong cuộc đời bạn. Mãi mãi.
Tôi và M. Phải. Tên tôi và tên M được xếp cạnh nhau và có thể dùng đại từ “chúng tôi” trong vòng sáu tháng như vậy. Có những lúc tôi muốn M là của riêng mình. Tôi phát điên. Tôi bỏ trốn M. Nhưng rồi lại tự quay lại. Ấp mặt vào ngực M. Cắn cắn. Nhấm nhẳng. Yêu thương vô cùng. Khi không ở bên cạnh M. Tôi biết mình bất hạnh. Tôi tự nhủ. Tôi chỉ đang cố làm loạn lên thôi mà. Nhưng điều đó không đúng nữa. Rồi tôi cãi nhau với M. Tôi gọi anh là kẻ dối trá. Bởi vì tôi không thể nói với M rằng tôi sợ. Tôi không thể nói với M rằng tôi cần M cho riêng tôi mà thôi. Tôi không thể nói với M rằng tôi càng lúc càng hoảng loạn và thấy mình bất lực. Tôi đã yêu M nhiều hơn dự định mất rồi. Sự ngột ngạt như một đứa trẻ dại dột hằn học. M bỏ đi. M nói M đã cố gắng để tôi không bị tổn thương. Nhưng ai cũng biết điểm cuối cùng của chúng tôi sẽ là như vậy.
Lâm ngồi so dây đàn bên cạnh cửa sổ. Mùa đông thực sự đã bắt đầu. Lâm vào đại học. Tôi vừa thi tốt nghiệp xong. Bước vào phòng. Lâm đặt cây đàn dựa vào ghế, đứng quay lưng châm thuốc. Tôi tiến đến từng bước nặng nề, nước mắt rơi lã chã theo mỗi nhịp chân, ôm Lâm từ đằng sau, buồn bã.
“Tớ đã mắng anh ấy, tớ đã gào thét với anh ấy nhưng tớ không thể ghét anh ấy được. Tớ biết anh ấy không phải của tớ, tớ tự nói với mình mỗi đêm rằng anh ấy chỉ là một giấc mơ thôi. Nhưng buổi sáng tỉnh dậy, tớ vẫn còn yêu anh ấy. Tớ tự hứa sẽ quên anh ấy. Tớ hứa rằng mình sẽ quên nhưng trái tim tớ… trái tim tớ thì phải làm thế nào? Tất cả mọi người sẽ ngăn cản tớ. Cậu cũng ngăn cản tớ. Và tớ sẽ ngừng lại. Rồi mọi người sẽ tự hào về tớ có phải không?… Nhưng mà… nhưng mà… tớ nhớ anh ấy…. tớ nhớ anh ấy… tớ nhớ anh ấy…”
Mùa đông nào cũng dài. Tôi có lần nói với Lâm như thế khi Lâm chở tôi khắp nơi tìm mua một cái chậu để thả bèo tấm. Người đi trên phố toàn phải cúi mặt. Lặng lẽ. Chắc vì thế mà nhiều người chẳng thích mùa đông. Nó dấy lên trong lòng họ sự cô độc tan hoang, loang dần ra như những vệt dầu lớn. Giữa biển người mênh mông. Mùa đông càng tệ hại. Lâm đi du học. Tôi cũng sẽ đi. Mỗi đứa một đất nước mới xa lạ. Dọc theo chiều dài kí ức, là niềm thương mến vô bờ không bao giờ đủ ngôn từ để diễn đạt. Bởi đôi khi người cùng bạn chống lại cả thế giới chưa chắc là người mà bạn yêu. Người nắm tay bạn bất chấp mọi thất vọng, mọi điều hiển nhiên vốn có chưa chắc là người yêu bạn bằng tình yêu nam nữ thông thường. Tình cảm đó luôn đủ sức khiến bạn nuôi dưỡng trong mình niềm tin về cuộc đời tươi đẹp. Vì chỉ cần cố nhìn thấy nhau một lúc. Bình thản kể cho nhau nghe rằng bầu trời hôm nay xám xịt, xấu xí và những cuộc chia tay ngăn nắp, gọn gàng. Rằng ai cũng phải nhẫn tâm, buồn bã và chết đi sống lại nhiều lần trong tuổi thanh xuân nếu can đảm sống. Rằng tình yêu ấy mà, chỉ là một thằng bù nhìn xuẩn ngốc, chúng ta cùng đấm nó nhiều phát có được không?
Lâm kể về Christian Boltanski cùng hi vọng mở một tiệm bán bánh mì ở Bratislava của ông với một bà vợ béo và mười đứa con. Nhưng Boltanski không bao giờ thực hiện được nó. Bởi đó là một giấc mơ đơn độc. Chúng ta sẽ luôn ước vọng nhiều điều nhưng một số sẽ không bao giờ được thực hiện. Cả chuyện quên hay nhớ cũng thế. Trong một tác phẩm của Proust đã viết: “Một người đàn ông buồn bã có vợ vừa qua đời nhìn thấy bạn mình muốn tự tử. Họ cùng đi qua một khu vườn và anh ta nói với bạn: “Hãy nhìn những đám hoa kia kìa, cả bầu trời nữa. Chúng thật đẹp phải không?” Người bạn mải nhìn và quên mất việc tự tử. Anh ta sống vì anh ta quên. Nhiều lúc chúng ta cần phải quên… để sống một cách trung thực với hiện tại của mình.” Tôi hay chế giễu những câu chuyện già nua của Lâm. Nhưng tôi yêu chúng vì với tôi Lâm luôn luôn đúng. Như bờ vai của cậu ấy cũng vậy. Chúng luôn luôn khiến tôi cảm thấy mình đã đến nơi cần phải đến.
Mười tiếng nữa, máy bay sẽ cất cánh. Tôi đứng phía bên kia đường, muốn nhìn M một lần cuối. Muốn biết hôm nay anh có cười không, có huýt sáo theo một bài hát quen thuộc nào đó không. M cũng nhìn thấy tôi. Nhưng không ai vượt qua khoảng cách trước mặt để nói với nhau lời chào tạm biệt. À mà, những người yêu nhau, họ đã từng phải nói tất cả bao nhiêu lời chào tạm biệt cho đến khi thực sự chia xa? Tôi muốn nói với M rằng tôi xin lỗi. Vào một khoảnh khắc nào đó, tôi đã luôn muốn là một điều kì diệu đối với anh. Nhưng rồi mọi thứ đã trở thành vết thương tệ hại. Nhưng tôi sẽ không băng qua đường. Bởi chúng tôi đã quá xa nhau để anh có thể nghe thấy điều tôi muốn nói. Ngay từ bé, ai cũng được dạy cách làm sao yêu nhưng chẳng ai được dạy cách làm thế nào ngừng lại. Giống như bây giờ, sự kết thúc chẳng phải quá đau đớn đó sao?
Tôi phải đi rồi. Mùa đông nào cũng dài. Tình yêu nào cũng khiến con người ta trải qua nhiều hụt hẫng. Nhưng nỗi buồn nào rồi cũng sẽ tan biến. Ai cũng nhận ra mình có thể tiếp tục sống. Nhưng họ cũng đồng thời nhận ra, không còn nỗi buồn nữa không đồng nghĩa với việc mình sẽ được hạnh phúc… Tôi mỉm cười với M. Rồi quay bước đi. Gió ràn rạt trên những mái nhà bằng gỗ nâu cũ kĩ. Giá mà một lần. M có thể nghe thấy tiếng tôi.
“M à, chúng mình đã từng rất yêu nhau có phải không anh?”
II.
“Ngày mai, em sẽ ở đâu?
Em đã đi
Đi nhiều lắm
Gần hết tuổi hai mươi ngơ ngác…
Hôm qua, em ở bên dòng sông
Ngửa cổ lên trời và hát,
Những lời ca không đầu không cuối
Câu nào… cũng có anh!
Hôm qua, em lại lầm lụi ăn năn
Rưng rưc mùa thu cùng khóc
Hôm qua, hôm qua…
Đầy ắp những ngày khó nhọc.
Con đường nào cũng đến phía không anh.
Hôm nay em ở bên vực sâu,
Phía trước là hư không,
Phía sau là kỉ niệm
Cái nào đáng sợ hơn em không biết nữa.
Cạn mùa đông rồi tàn mùa hạ,
Đi đầu non cuối bể,
Mà không sao qua nổi trái tim mình!…”
-CTTT-
Tôi tự cắt phăng mái tóc dài đã nuôi dưỡng suốt mười năm nay. Vào một buổi chiều mùa thu rơm rớm nắng. Những lọn tóc nham nhở thất thểu buông mình quanh cái bàn rửa mặt bằng gỗ đen lấm chấm. Lúc ngắm mình trong gương, thấy thật lạ lẫm và ngỗ ngược nên khe khẽ nghiêng đầu, cố chành miệng tạo một nụ cười mong tìm cảm giác quen thuộc. Xương gò má nhô lên rồi hạ xuống. Hai lúm đồng tiền lõm sâu. Và tôi khóc. Ngày lạnh. Cũng chẳng cần một lí do gì. Nước mắt cứ tự nhiên ứa ra. Như một phản xạ có điều kiện. Che chở hay tự vệ. Trước những mất mát từ lâu rồi không còn nhớ rõ nữa. Tôi với tay lấy chiếc điện thoại, tự chụp một kiểu nhe răng toe toét rồi ấn nút send gửi mail. Mười phút sau tin nhắn đến. Lâm bảo: “Đẹp trai quá! Cậu đang ở xó xỉnh nào rồi?”
Học xong đại học, tôi xách ba lô đi lòng vòng hang cùng ngõ hẻm. Đi đến đâu cũng cố gửi email hoặc postcard cho Lâm và truyền đạt những điều không đầu không cuối.
“Tớ sắp chết đói ở Thượng Hải rồi!”
“Hôm qua, tớ nhìn thấy một người giống M kinh khủng ở Fukuoka. Thế là tớ cười với anh ta. Anh ta cười lại. Hay là tớ cũng giống người yêu nào đó của anh ấy? Tớ đã nghĩ như thế.”
“Cậu có tin được không? Đi đến đâu tớ cũng hẹn hò đấy. Xong rồi tớ bắt người ta xòe lòng bàn tay cho tớ xem. Tớ nắm tay họ. Nó chẳng vừa gì cả. Thế là tớ buông. Cuộc hẹn kết thúc. Tại sao bàn tay M lại ấm đến thế hả cậu?”
“Cậu nhất định phải nhìn thấy những con gà ở Jamaica. Chúng có cái đuôi màu trắng. Béo ú. Buồn cười lắm! Chúng làm tớ nhớ đến chuyện hồi nhỏ, tớ đã luôn ước ao được nuôi một con gà con màu vàng óng. Mỗi ngày để nó lên chiếc xe máy cày điều khiển từ xa của cậu và dắt đi chơi. Nhưng sợ nó bị lớn lên, sẽ phải vào nồi phở của bác Hạnh. Nên chẳng có được con gà con nào cả! Bây giờ tớ vẫn buồn đấy! Cậu xem, thật không ra sao nhỉ!”
“Hôm nay tớ đã nhớ M một trăm bốn triệu tỉ lần. Nếu mà tớ biết đếm, Lâm ạ!”
Và tôi cũng viết rất nhiều những bức thư cho M nữa. Nhưng tôi không gửi, lặng lẽ cất chúng vào một cái hộp giấy màu đỏ, đi đâu cũng để vào va li. M hẳn nhiên chẳng cần đọc để làm gì. Vì những điều ấy, tôi đã viết trong vô thức, như thể chưa bao giờ có cuộc chia li nào, chưa bao giờ có mất mát, có tổn thương hay xa cách nào. M vẫn luôn thuộc về tôi. Hay là tôi đã luôn cố giữ anh ấy bên cạnh theo một cách riêng có phần nào ngờ nghệch. Người ta hay nói về sự dại dột cô đơn của các cô gái, cứ cố bám víu vào quá khứ, cứ cố giữ chặt lấy những điều vốn dĩ đã không hoặc chưa bao giờ thuộc về mình để hủy hoại hiện tại. Ừ. Có lẽ người ta cũng đúng. Mà có lẽ người ta cũng sai. Hoặc người ta chẳng hiểu quái gì về tình yêu hết cả nếu họ thực sự lắng nghe trái tim mình.
- Lâm này, tớ nghĩ người ta yêu ai đó chỉ vì một lí do đơn giản lắm!
- Thế lí do của cậu là gì?
- Của tớ á?
- Tớ biết nó sẽ là một lí do rất bé.
- Ừ. Tớ chỉ muốn yêu một ai đó vì mỗi sáng thức dậy, lời đầu tiên có thể nói là: “Anh à, đêm qua em đã nằm mơ buồn cười lắm!” Vậy thôi.
Nên tôi cứ mộng mị mãi. Những giấc mơ không đầu không cuối. Về M. Về một đứa trẻ có đôi mắt thông minh cứ hát đi hát lại bài hát tiếng Pháp xung quanh chuyện làm thế nào để trồng những cây súp lơ trong vườn. Về lúc M ôm tôi lần đầu tiên, người cứ run rẩy lạ lùng. Về lúc M quay lưng bỏ đi. Về chuyện tôi ghét ăn cá nhưng trong mơ lại cứ nướng cá và bắt M ăn bằng hết. Về giọng M ấm áp, thủ thỉ “ngoan nào, anh thương”… Nhiều không kể hết những giấc mơ ngổn ngang như thế. Buổi sáng tỉnh dậy, tay quờ quạng tìm điện thoại trong lúc mắt còn chưa mở rõ. Chẳng hiểu để làm gì. Chẳng hiểu chờ đợi gì. Có một lần, tôi ngồi xe buýt ba mươi hai tiếng. Hết ngủ rồi lại tỉnh. Hết đọc sách, nghe nhạc, viết lung tung rồi lại ngủ. Lúc đến nơi mới biết hóa ra mình đã đi qua rất nhiều biên giới và dừng chân ở một nơi heo hút vô cùng. Xe dừng ở trung tâm thị trấn. Có một cái siêu thị (nhưng thực ra là giống một tiệm tạp hóa lớn hơn), một cái bưu điện sơn tường vàng kiểu cổ điển, vài cái ô tô Renault loại xe gia đình đời cũ và một ông già ngồi hút thuốc bên cạnh con chó săn râu bạc thếch. Xuống xe cùng tôi là Chan. Cậu ấy năm đó hai mươi tuổi. Nghĩ rằng cuộc đời chả có gì đặc sắc nếu người ta cứ cắm mũi vào học, đi làm, kiếm tiền, hẹn hò, đám cưới, sinh con rồi chết vì ung thư não hay Alzheimer. Ở một nơi rõ ràng là trơ khấc như nơi này, thật tự nhiên, chúng tôi quay sang nhìn nhau.
- Lang thang à? – Chan hỏi.
- Ừ.
- Vậy đi cùng thôi!
- Ừ.
Chúng tôi thuê phòng trong một nhà trọ kiểu địa phương giản tiện. Bữa sáng ăn chung với gia đình chủ nhà. Mỗi phòng có giường gỗ dành cho một người, phòng tắm nước nóng, một bức tranh vẽ bình hoa cũ kĩ và một cái kệ không có mục đích gì cụ thể. Sau bữa tối, Chan hỏi tôi có muốn đi dạo một vòng quanh làng không (bây giờ thì chúng tôi đã biết nó thực ra là một cái làng chứ không phải thị trấn hay thành phố gì cả). Tôi đồng ý. Tour du lịch cơ bản diễn ra nhanh đến nỗi chưa đầy hai mươi phút đã quay lại đúng nơi bắt đầu. Vậy nên, chúng tôi quyết định ghé vào quán rượu vừa nhìn thấy trên đường đi. Quán vắng hoe. Không có nhiều chỗ ngồi lắm ngoài quầy bar, cái bàn con giữa nhà và thêm một cái khác ở gần cửa sổ. Trời mùa hè tháng Bảy nhưng nhiệt độ đã giảm xuống khá thấp do địa hình cao. Chúng tôi gặp lại ông già hút tẩu lúc ban chiều đang ngồi bất động trước một li whisky lớn. Chan khẽ gật đầu chào ông. Ông già vẫy tay ra hiệu “ngồi xuống đi nào!” Hai cái cốc nữa được mang ra. Trên mặt ông có một vết sẹo lớn ngang má. Tôi không kìm được, đưa tay lên vuốt nhẹ nó. “Đẹp quá, nó có hình mặt trăng hả bác?” Ông già hiền từ cười.
- Hai đứa mày bị thất tình à?
- Sao bác lại nghĩ thế ạ? Chúng cháu không giống yêu nhau à? – Chan đùa đùa.
- Không. Một đứa thì u uất. Một đứa thì ngơ ngác. Và kéo nhau đến nơi khỉ ho cò gáy này chỉ có thể là những đứa bị lạc mà thôi.
- Bọn cháu có mua vé đấy!
- Thế các cô, các cậu tưởng cứ làm đúng hướng dẫn sử dụng nghĩa là các cô, các cậu luôn sáng suốt chắc?
Tôi dựa đầu vào vai ông già. Mùi khói thuốc lâu ngày giống như một nỗi ám ảnh cư ngụ trên chiếc áo sơ mi ca rô màu đỏ rượu của ông.
- Con bé này đau lắm hả? Bọn con gái chỉ giống nhau đúng một điểm. Yêu đương vào là nghĩ như mình hết đời rồi!
Chan cười. Để lộ răng khểnh. Giống M. Cả mắt cũng nheo lại. Giống M. Ở đuôi có ba cái vạch be bé. Giống M. Nên tôi cứ nhìn mãi. Cho đến khi Chan phát hiện ra sự kì quặc đó. Nhưng cậu ấy để mặc tôi, tiếp tục chuyện trò với ông già về đủ thứ linh tinh trên đời. Chan kể gia đình cậu có truyền thống làm trà rất lâu đời của Đài Loan nhưng cậu chẳng hứng thú gì với trà. Cậu thích rượu mạnh nên cậu rất hay bị người trong họ mắng, như thể cậu là thằng mất gốc sạch sẽ, trốc hết cả rễ rá lên đầu. Vậy là cậu rút một cục tiền rồi đi khắp nơi. “Thật là một thằng may mắn vì có điều kiện để ngông cuồng!” Ông già nhận định. Tôi gật đầu phụ họa. “Bọn trẻ bây giờ cứ thích coi trời bằng vung. Khà khà.” Ông tiếp luôn.
- Thế lúc ông còn trẻ, ông thế nào ạ? Ông có được cô gái nào yêu theo kiểu “hết đời” không hả ông? – Tôi hỏi.
Ông già trầm ngâm không trả lời, uống cạn li rượu rồi nâng cái tẩu lên rít một hơi dài. Bên ngoài gió đột nhiên trở mạnh, quất ràn rạt vào cửa kính. Quán chỉ còn mỗi ba chúng tôi trong sự yên lặng bất ngờ có đôi phần rầu rĩ. Ông gọi thêm một li whisky nữa. Tôi dùng ngón tay vẽ những chữ M theo nhiều kiểu khác nhau lên mặt bàn. Không ai còn nói với ai lời nào cho đến gần mười một giờ thì đứng lên ra về. Trước lúc rẽ theo hai hướng khác nhau, ông già xoa đầu tôi, bảo: “Ngày xưa, cũng có một con bé ngốc thích “hết đời” và ông thì lạnh lùng bỏ đi. Trong lòng đau xót, nhưng với một người đàn ông, con biết không, được yêu nhiều quá sẽ trở thành một gánh nặng mệt mỏi nếu không thể làm được điều gì cho đối phương. Có phải là con đã quá yêu rồi không cô bé?” Ông nhét vào tay tôi một cây kẹo vị quế, đặc sản của làng rồi quay lưng vẫy tay chào.
Một ngôi sao chết đi, cháy lần cuối cùng vụt ngang qua bầu trời. Tôi đã đi rất nhiều nơi, qua rất nhiều thành phố, gặp gỡ rất nhiều người. Trong lòng vẫn luôn tin rằng mình thực sự muốn tìm hiểu thế giới bao la này cho đến khi chùn bước. Nhưng rốt cuộc tôi đã nhầm. Tôi chỉ đang cố tìm một xó xỉnh nào đó, một cái góc vừa vặn nào đó để nhét mình vào, đóng gói lại, trốn khỏi M. Mãi mãi. Nhưng M hình như chẳng chịu đi đâu cả. Ở lù lù đấy, từ khi là một mầm xanh hi vọng tôi vô tình gieo vào cuộc đời mình, rồi thành một cái cây, một ngọn đồi. Lì lợm và bướng bỉnh như thế. Tối đó, Chan và tôi dựa lưng vào nhau ngủ. Như hai cá thể đơn độc nhất trên hành tinh này. Cô gái của Chan mất cách đây sáu tháng trong một tai nạn giao thông. Cậu bảo đó là lí do duy nhất khiến cậu cảm thấy hóa ra việc già đi rồi chết vì ung thư não hay Alzheimer tuyệt vời hơn rất nhiều việc bị một cái xe tải chèn qua khi hai mươi tuổi. Tự nhiên tôi nhớ có lần đã nói chuyện với Lâm qua điện thoại suốt nhiều tiếng liền.
- Mình nghĩ là anh ta đã quên béng cậu rồi!
- Sao cậu biết?
- Với đàn ông, có một nguyên tắc thế này: bất cứ điều gì xảy ra cách hiện tại sáu tháng đều không còn giá trị. Nếu có thắc mắc về vấn đề nào đó, phụ nữ chỉ nên đưa ra trong vòng bảy ngày trở lại. Và cậu xem đi, đã bao nhiêu lâu rồi? Tất cả những điều cậu luôn giữ chặt trong tay ấy, chỉ là một mớ kỉ niệm mà thôi. Nó không còn hạn sử dụng nữa đâu Yên ạ!
Tôi đi gần Chan. Khẽ nắm lấy bàn tay cậu ấy. Bất giác muốn hỏi cậu ấy về “hạn sử dụng” của tình yêu. Nhưng rồi lại thôi. Có lẽ bởi vì Chan chỉ là một thanh niên hai mươi tuổi bất cần, bị tổn thương và không ràng buộc. Còn M. Người đàn ông ngoài ba mươi tuổi, có gia đình và một đống trách nhiệm không tên quấn quanh cổ. Nếu có thể quên được mọi điều không cần thiết, ví dụ như là tôi, thì đó thật là điều may mắn lắm. Xét cho cùng, một cuộc gặp gỡ, một cái chạm hờ, một lần vội vã mà tôi cứ nghĩ nó là số phận của mình. Vì tình yêu ấy mà, cô gái nào cũng có lần tin mình sẽ đi đến cùng trời cuối đất. Nhưng cùng trời cuối đất là nơi nào khi chỉ cần M gọi tên tôi, cuộc đời đã buông một hơi thở khẽ qua tai? Thế là vào khoảnh khắc đấy, tưởng mình đã đến rồi, cái nơi mà người ta vẫn gọi là “cùng trời cuối đất” ấy. Bảy ngày, sáu tháng, một năm. M đã quên rồi. Hoặc M cũng không thể nghĩ đến nữa. Tôi nên mừng cho M hay là buồn cho tôi?
Tôi nói với Lâm chắc sẽ khó có thể gặp lại Chan. Nhưng Chan chính là người đã chỉ cho tôi thấy rõ ai cũng có một vết thương lòng và cách riêng đối diện với hiện thực. Cả ông già ở ngôi làng trên núi mùa hè năm đó. Đã giúp tôi hiểu, tình yêu của một người có thể trở thành sự phiền muộn của người khác, ngay cả khi giữa họ đã từng có biết bao điều ngọt ngào với nhau. Nhưng tôi vẫn không đành lòng. Tôi đã cố gắng để thỏa hiệp với sự thật, với nỗi nhớ, với khát khao tinh thần lẫn nhục cảm. Và tôi thua. Nên tôi mua vé quay về Hà Nội. Vào giữa mùa đông. Khi cơn gió mùa đầu tiên ồ ạt thổi trên con phố dài co ro quạnh quẽ. Tôi đứng bên kia đường, nhìn sang phòng mạch của M lúc trời còn đầy sương mù buổi sáng. Mọi thứ hầu như chẳng khác đi là mấy. Từ cái vỉa hè gồ ghề lởm khởm cho đến hàng cây bàng gầy trơ thân đỏ ối. Từ cái ban công lắp đầy máy lạnh M đứng hút thuốc mỗi buổi chiều cho đến bãi để xe kín đặc tay ga, tay côn. Chẳng có gì khác. Bởi chẳng ai buồn thay đổi những thứ đã trở thành thói quen còn dùng được, cho dù nói đã xấu xí, cũ mèm. Rồi M xuất hiện. Mặt trời rẽ một lối nhỏ trên trời, xua đám sương mù tản ra nhiều hướng. M nhìn thấy tôi. Trong tầm mười phút, M đứng yên bất động. Tôi bước một chân xuống đường, xong lại thôi. Không đủ can đảm tiến thêm bất kì bước nào nữa. M băng qua đường.
“Trời lạnh mà sao em mặc phong phanh thế này?”
À, tôi đã thực sự gặp lại M rồi. Giọng nói ấy. Ngôn ngữ ấy. Cử chỉ ấy. Khuôn mặt ấy. Tôi đã gặp lại rồi. Nên tôi muốn ôm chầm lấy M ngay lập tức. Muốn kể cho M nghe những buổi sáng tỉnh dậy, tôi đã nhớ những cuộc gọi của anh đến thế nào. Muốn nắm lấy tay M để xóa sạch đám muộn phiền này. Để lại được yêu anh. Được rúc đầu vào vòng tay M, và bảo: “Đồ mèo hư!” Nhưng M lùi lại.
“Khoảng cách lớn nhất là khi em ở cách anh hàng nghìn cây số và chỉ có thể nhớ anh?
Hay khoảng cách lớn nhất là khi anh đứng trước mặt em, cười với em và em biết mình vĩnh viễn không bao giờ còn chạm vào anh được nữa?”
M nhắn tin. Anh nhớ em. Tôi trả lời. Em cũng nhớ anh. M bảo: “Anh mua gì nóng cho Yên nhé.” Tôi dạ. M chở tôi trên đường. Tôi ngồi sau, đầu hơi cúi, thỉnh thoảng chạm vào vai M. Mùa đông kì lạ. Tôi hỏi M. Anh có yêu em không? M không trả lời. Tôi thấy mình kì lạ. Tôi gọi điện. M ngắt máy. Tôi nhắn tin. M không đáp lại. Hôm sau, M lại xuất hiện. Anh nhớ Yên. Tôi nghĩ mình đang chơi trò nhào lộn. Nhưng bản thân lại không phải là một diễn viên xiếc chuyên nghiệp. Tôi muốn hỏi M tại sao. M bảo đừng hỏi. Tôi ngừng lại. Có phải khi bạn đã từng có một vết thương, trò hỏi đáp nào cũng đều trở thành vô nghĩa? Tôi gửi mail cho Lâm. Kể rằng mình đã về Hà Nôi. Đã đến chào bố mẹ Lâm. Đã đếm đủ một trăm mười lăm bước chân từ nhà cũ về phía cái cột có gắn loa phát thanh buổi sáng. Chỉ có điều người ta không còn phát nhạc Những bông hoa nhỏ nữa, thay vào đó là vô vàn nghị định lẫn lệnh kêu gọi đi nghĩa vụ quân sự.
- Cậu gặp anh ta rồi phải không?
- Ừ. Anh ấy bảo đừng có hỏi gì cả.
- Phải rồi.
- Phải á?
- Ừ. Vì có trả lời rồi cậu cũng sẽ chẳng tin đâu mà. Cái đầu bướng bỉnh của cậu luôn biết cách nhào nặn tình huống một cách diệu kì.
- Tớ?
- Ừ. Như tất cả bọn con gái rắc rối khác.
- Tớ không thế. Tớ chỉ yêu anh ấy thôi.
- Vậy cậu nghĩ là anh ta có còn muốn tình yêu đó hay không?
Tôi không biết. Tôi đã quên mất mình nên tự hỏi bản thân câu này. Ngay từ lúc bắt đầu cũng chưa bao giờ thắc mắc liệu M có cần tình yêu của mình hay không. Cứ cắm cúi xông đến, cứ cắm cúi lao mình rồi đau rồi ngã mà vẫn chưa một lần biết. Liệu M có cần tình yêu của mình hay không. Cũng giống như việc quay trở về vậy. Liệu M có cần tình yêu của mình hay không. Tôi không biết.
Mẹ nấu canh dưa cải chua với thịt bò, món mà tôi có thể ăn mãi không chán. Buổi trưa, nhà yên ắng lạ thường. Rửa bát xong, mẹ rót cho tôi một cốc trà sen lớn, bảo ra phản nằm lên chân mẹ. Ngoài cửa sổ, mưa phùn bay lất phất. Sắp đến Tết, nhà nào cũng vội vã. Buổi sáng đi ra ngõ lại thấy bác An tưới sân, bắc thang lau đi lau lại từng thanh cửa sắt cho đến khi bóng loáng lên mới xoa bụng cười hà hà. Bác An mười năm nay vẫn thế, mỗi lần nhìn thấy tôi đi ngang sẽ lại hồ hởi nói lớn: “Này, hay yêu thằng cháu bác đi con bé kia!” Tôi đáp lại: “Anh ấy đã mọc lại răng cửa chưa ạ?” Thế rồi hai bác cháu cười khì. Chuyện là hồi nhỏ, tôi học chung trường mẫu giáo với cháu bác An. Trẻ con xích mích thế nào, tôi lại còn “nữ quyền đầu gấu”, có lần đấm thẳng vào mặt, làm gãy cả răng cửa của người ta. Kể từ đó, hai bác cháu thường xuyên lôi chuyện đấy ra đùa mặc dù tôi chưa bao giờ đấm vào mặt ai nữa cả. Mà bác An cũng chính là người hay “than phiền” Tết ở nhà tôi giản dị quá thể. Nhưng điều duy nhất khiến tôi yêu Tết là được ngắm những cái chén phủ đầy mạ non xanh mướt của mẹ hay một cái chậu xinh xinh bằng men sứ thả hoa súng trắng. Không giò, không chả, không cỗ, không rượu. Lúc giao thừa xong, sẽ ôm mẹ thật chặt, đèo mẹ lên ngôi chùa nhỏ gần nhà thắp một nén hương. Vậy là hết Tết. Cảm nhận được rõ bàn tay mẹ ngày càng gầy đi. Năm tháng đánh từng dấu nhỏ lên cả vết vân tay. Gối đầu trên chân mẹ, để thời gian luồn qua từng lọn tóc mềm, tôi hỏi.
- Tại sao người ta lại cứ bỏ đi hả mẹ?
- Vì chúng ta đã cho người ta cơ hội nghĩ mình là một lựa chọn.
- Con mệt rồi.
- Mẹ thương.
Tôi nhớ đã từng đọc được ở đâu đó rằng (xin lỗi tác giả vì trí nhớ tệ hại của mình) thật buồn khi biết người ta không còn yêu mình nữa. Giống như giật mình thức dậy sau một giấc ngủ trưa và nhìn ra ngoài thấy trời đang mưa. Rõ ràng là sự u uẩn ấy nó không mạnh mẽ, nó không cồn cào nhưng nó dai dẳng vì bạn biết, ngay bây giờ, ngay lúc này, cho dù bạn có hét lớn lên rằng em yêu anh lắm, người ta cũng chẳng bao giờ nghe thấy tiếng bạn. Khi một tình yêu chết đi, điều đáng tiếc nhất, tôi nghĩ không phải sự đổ vỡ vì ai cũng có thể tiếp tục làm việc, ăn, ngủ, gặp gỡ, facbook, email, hôn, cười, nói dối. Điều đáng tiếc nhất chắc chắn là sự thất vọng ở trong lòng. Cái mầm hi vọng xanh tươi, sau một trận lũ đã héo hắt, hoang tàn. Như vậy đấy. Rồi bạn cảm thấy không đành lòng rời bỏ nơi này. Nhưng điều duy nhất bạn luyến tiếc là một hình ảnh đã đi qua, bạn không bao giờ còn có thể gặp lại được nữa chứ không phải con người đang đứng trước mặt bạn bây giờ, nhìn bạn sụp đổ một cách bất lực.
- Bao giờ thì cậu đi? – Lâm nhắn tin.
- Anh ấy đã hoàn toàn buông tay nên có thể đi bất cứ lúc nào.
- Không đúng. Anh ta chẳng liên quan từ lâu lắm rồi. Cậu mới là người không chịu buông thôi.
Có lần mẹ bảo Lâm giống như một phiên bản sáng suốt và mạnh mẽ của tôi. Những điều Lâm nói ra đều là những thứ mà tôi hiểu rõ nhưng luôn cố tìm cách trốn chạy, chưa bao giờ đủ can đảm để đối mặt. Tôi hỏi M, tôi có thể gặp M một lần trước khi đi hay không. M ừ. Tôi bảo để tôi đến đón M. M ừ. Taxi dừng ở phía bên kia đường của phòng mạch. Tôi bước xuống xe. M đã đứng đợi sẵn. Tôi nhìn M trìu mến rồi mới bước qua đường. Chiều hai mươi chín Tết, người qua lại vội vã. Một chiếc xe máy chở vô số chậu cảnh cồng kềnh tránh một người phụ nữ đi ngược chiều, lảo đảo, ầm ầm lao thẳng vào tôi. Hôm ấy, trời hình như hơi lạnh. Mưa phùn bay nhẹ như tơ trời. M mặc áo sơ mi ca rô màu xanh. Trầm mặc hút thuốc. Hôm ấy, tôi muốn được nhìn M mãi mãi như thế. Để trong lòng mình, anh vĩnh viễn là một giấc mơ. Hôm ấy, tôi nghĩ bầu trời đã rất đẹp. Tôi có thể đi qua sự thất vọng, đi qua những buổi sáng khi tỉnh giấc thì sợ hãi vì biết rằng mình bắt buộc phải tỏ ra mạnh mẽ kiên cường. Có thể khóc một cách tự nhiên trước mặt M và bảo. Em đau lắm, mèo à. Thế là xong. Nỗi tức tưởi bị chôn giấu này. Thế là xong. Trọn vẹn. Thanh bình. Bởi không còn tình yêu nữa, kỉ niệm dẫu có đẹp cũng chỉ là một gánh nặng phải buông.
Nhưng mà, tôi đã ngã xuống trước khi chạm được đến tay M…
Nếu có một ước mơ. Tôi chỉ ước có ai đó nghe thấy tiếng mình trong cuộc đời này. Và trả lời bằng một cái chạm tay thật khẽ. Rồi thôi.
III.
“Quên hay nhớ. Yêu hay không yêu. Cũng tựa hồ như trong lòng có cánh cửa, chỉ không muốn mở ra mà thôi.”
Bạn có biết đôi lúc bạn sẽ thất lạc một thứ gì đó mà bạn cần. Như một cái váy hoa mùa xuân hay chùm chìa khóa để mở hộp nhạc bí mật. Bạn đi tìm, đi tìm. Và rồi bỗng nhiên bạn thấy một thứ khác thân thuộc mà bạn vô tình quên mất lâu rồi. Vậy là bạn ngừng lại. Có thể vào khoảnh khắc ấy, bạn cảm thấy bạn không cần phải tiếp tục kiếm tìm, hoặc giả sự thay thế vừa có được là đủ. Nhưng dẫu lí do là gì, tôi nghĩ, tất cả chúng ta đều có một gia tài những điều bị lãng quên. Mà tình yêu chính là điều mang lại cho bạn niềm tin rằng nơi mình thuộc về là trong gia tài lãng quên của người nào đó. Giống như khi tôi yêu M. Vẫn luôn nghĩ. Có một ngày anh ấy sẽ tìm thấy mình trong tất cả những điều đã mất.
Bầu trời tháng Ba thực sự rất đẹp. Gió nhẹ và nắng dịu dàng đến mức một sợi tơ trời vương qua cũng ngỡ mùa xuân đang thở. Tôi đi bộ cùng Lâm dọc con đường rải sỏi cạnh bờ sông. Một lúc đã thấy mệt. Kéo tay Lâm ngồi xuống cạnh mình. Nước cứ táp vào lòng bàn chân trần mát lạnh. Cảm giác thật mãn nguyện. Bất giác quên mình đã có lần tự hỏi. Cuộc đời thứ hai rồi sẽ thế nào. Bất giác quên mình đã từng là một cô gái hết mực bình thường, ôm ấp tình yêu có đôi phần huyễn hoặc mà hủy hoại bản thân. Vào thời khắc ấy, bất cứ người đàn ông nào bước ngang qua đời, cũng chỉ mong anh ta hãy như tất thảy mọi dòng sông khác. Đừng ngừng lại. Cứ bình thản mà đổ ra biển lớn.
Tôi tỉnh dậy vào lúc mười một giờ bốn mươi lăm phút. Đầu óc váng vất. Xung quanh, mọi thứ chỉ lờ mờ và không rõ hình hài cụ thể, nhưng ồn ào và chộn rộn. Hình như có ai đó đang gọi bác sĩ. Rồi người ta cũng làm đầy đủ các thủ tục kiểm tra cần thiết. Mẹ ngồi bên cạnh nắm tay tôi. Lâm đứng ở đầu giường, cạnh một người đàn ông mặc áo blouse trắng có lẽ là bác sĩ. Tất cả đều đang nhìn tôi trìu mến. Tôi khẽ cựa mình, ngập ngừng mở lời “… uhm chào ạ!” Lâm khẽ gõ nhẹ vào trán tôi. “Chỉ biết làm người khác hết hồn là giỏi!” Ở đầu giường, người đàn ông mặc áo blouse trắng cũng cười. Hình như ai cũng đều vừa thở phào nhẹ nhõm. Anh ta hỏi: “Em có đau ở đâu một cách đặc biệt không?” Tôi chỉ cảm thấy chóng mặt và không nhớ rõ ba người đang vây quanh mình là ai. Phụ nữ lớn tuổi thì hẳn là mẹ rồi. Lâm có thể là người đàn ông của cuộc đời hoặc anh trai. Áo trắng đương nhiên là bác sĩ. Chẩn đoán tôi bị mất trí nhớ tạm thời do va chạm mạnh. Không gì đáng lo ngại.
Buổi sáng trong lành, Lâm hỏi tôi có muốn ra ngoài một lúc, thoát khỏi mùi thuốc sát trùng này hay không. Tôi ừ. Kể cũng kì quặc. Cảm giác hoang mang khi người khác cứ quan tâm và lo lắng cho mình nhưng bản thân lại chẳng hiểu tại sao họ làm như thế. Chẳng hiểu tình cảm giữa mình và đối phương đã từng sâu sắc đến mức nào để có thể cởi mở lòng mình mà đáp lại. Hiển nhiên là có chút e dè, có chút tò mò. Chúng tôi ngồi xuống ghế đá trong vườn hoa bệnh viện. Lâm đột nhiên tự giới thiệu.
- Tớ là người cực kì quan trọng với cậu.
- Đến mức nào?
- Đến mức tớ có thể biết, bây giờ, cậu đang lẩm nhẩm trong đầu: “Thằng cha ngớ ngẩn tên Lâm này hình như tự tin quá thì phải!”
Tôi cười lớn. Đưa tay vò đầu Lâm cho rối tung lên.
- À đấy. Có vẻ như đã bắt đầu nhớ mình là ai rồi đấy!
Lâm choàng tay qua vai, kéo tôi gần hơn về phía cậu ấy một cách hết sức tự nhiên.
- Tớ có hạnh phúc không?
Câu hỏi của tôi khiến Lâm do dự một khoảnh khắc.
- Cậu có những lựa chọn của cậu. Đôi khi nó hơi khác mọi người. Nhưng cậu rất dũng cảm.
- Ví dụ?
- Uhm. Ví dụ như cậu có thể tự cắt phăng mái tóc dài bao năm chẳng hạn, mặc kệ việc lúc ấy trông cậu chả khác gì một đứa con gái bị ngược đãi.
- Tớ á?
- Ừ. Chính là cậu đấy.
- Thế thì có ai yêu tớ không?
- Đương nhiên rồi.
- Trông kinh thế cơ mà?
- Chỉ là tóc thôi. Còn cậu lúc nào cũng là cậu chứ!
- Tôi khẽ cúi đầu, dùng chân trần vẽ những chữ M trong vô thức lên nền đá. Bỗng nhiên bác sĩ xuất hiện. Anh ta tiến đến rất nhanh, nhẹ nhàng đặt một tay lên trán tôi rồi hỏi.
- Hôm nay em thấy thế nào?
Giọng anh ta ấm và gần gũi. Cuối mỗi câu như có tiếng gì âm vang vọng lại khiến tôi có cảm giác mình đã nghe anh ta nói một vạn lần rồi (nếu như một vạn là từ đủ nhiều để miêu tả chính xác). Cả những ngón tay nữa. Lúc chúng chạm nhẹ vào da thịt, một làn hơi ấm toát ra không phải ở chỗ va chạm ấy, mà ở đây này, đâu đó, gần gần bên ngực phải. Tôi chớp mắt. Anh ta mỉm cười.
- Bác sĩ tên gì?
- M.
- Chúng ta có thân nhau không?
- Về một khía cạnh nào đó thì có.
- Giống việc bác sĩ có thể tự nhiên đặt tay lên trán bệnh nhân như vừa rồi?
- À. Đủ để có một sự quan tâm nhất định.
Lâm hắng giọng cắt ngang cuộc chuyện trò. Đã đến giờ tái khám và uống thuốc. Lâm đưa tay cho tôi bám vào để đứng lên. M ở nguyên chỗ cũ nhìn chúng tôi hướng về phía khu nhà A. Tôi ngoái lại nhìn M. Anh ấy cười, gật đầu ra hiệu “em cứ đi đi”. Tôi muốn hỏi Lâm ngay tức khắc nhưng linh cảm mách bảo rằng cậu ấy chắc sẽ không trả lời. Tôi ở lại bệnh viện thêm một tuần vì mẹ muốn mọi thứ được chắc chắn rồi mới cho về nhà. Trong suốt bảy ngày đó, hết mẹ đến Lâm thay phiên nhau xuất hiện bên cạnh để chuyện trò. Mẹ kể hồi bé tôi là đứa lì lợm đến mức có bị đánh gãy cả cái sào móc quần áo cũng vẫn cứ đứng trơ trơ ra không nói một lời. Cả những lí lẽ khác người như nước tăng lực có mùi giống y kẹo cao su nhai dở, bọn con gái phát rồ lên với con mèo không có miệng Kitty là bọn nông cạn, không chính kiến hay một mực quả quyết rằng “nếu Lâm ốm thì mình cũng sẽ ốm theo”. Mẹ còn đùa bây giờ không nhớ gì cũng tốt, biết đâu trở nên hiền lành bình thường như con cái nhà người khác. Lâm dắt bạn gái đến thăm tôi một vài lần. An Lê là một cái tên xinh xắn, hết mực phù hợp với sự thanh mảnh đầy khí chất. Lê dịu dàng gỡ những lọn tóc rối rồi tết tóc cho tôi. Cứ hồn nhiên hát khe khẽ, đôi chỗ quên lời vẫn không do dự, ngượng ngùng. Lâm đứng khoanh chân cạnh cửa sổ, hai tay đút túi, mỉm cười.
- Này, đây là cách mà cậu vẫn thường hẹn hò với bạn gái đấy à?
- Cậu đùa đấy à? Kiếm đâu ra thường xuyên được người mất trí nhớ để vào thăm mà cậu bảo là hay hẹn hò kiểu này.
- Bác sĩ của tớ đâu?
- Ai cơ?
- Cái người tên M ấy.
- Anh ta không phải là bác sĩ của cậu.
Câu trả lời của Lâm khiến tôi thình lình rơi vào trạng thái hụt hẫng. Trong suốt nhiều ngày qua, M như thể đã biến mất vào không khí. Người ta đến kiểm tra, phát thuốc, thăm hỏi… không thiếu bất kì thủ tục nào. Nhưng tuyệt nhiên, tôi không nhìn thấy M thêm lần nào nữa kể từ lúc ở vườn hoa. Có một buổi chiều tôi tự đi lang thang dọc các sảnh lớn, sảnh bé xem có “vô tình” chạm mặt M không nhưng vô vọng. Thế là đành đánh liều đến quầy làm thủ tục, mạnh dạn điều tra. Hóa ra mọi việc nếu làm theo lẽ tự nhiên thì đơn giản hơn nhiều. Cô y tá sau khi nghe lời trình bày lí do rằng tôi nhất định phải đến cảm ơn “anh bác sĩ tên M, mắt cười nheo nheo, có răng khểnh, cứu tôi ngoài phố, nếu không giờ này tôi đang ngồi xem người ta cầu nguyện cho mình rồi”, đã nhiệt tình đưa tôi đến tận phòng làm việc của M. Tôi hít một hơi thật sâu rồi gõ cửa. Giọng M trầm trầm: “Mời vào”. Tôi khẽ vặn tay nắm, từ từ đẩy cửa, thẳng lưng bước tới. M ngẩng đầu lên, nhìn thấy tôi thì ngừng viết, đặt cây bút xuống bàn. Tôi đến gần hơn, cất giọng hỏi.
- Anh là ai thế?
M nheo mắt, cười lớn, người hơi nghiêng nhẹ sang bên trái một chút.
- Làm gì có ai vào phòng của người khác rồi hỏi người ta là ai hả Yên?
- Anh là ai?
Tôi vẫn kiên quyết không buông tha.
- Chúng ta quen biết nhau. Có thể nói chuyện được với nhau.
- Anh yêu thầm tôi?
- Sao em lại nghĩ thế?
- Vì cái kiểu xuất hiện rồi biến mất một cách bí ẩn của anh. Nó chẳng khác gì bọn học sinh yêu đương lén lút nhưng vẫn muốn người khác phải tò mò.
- Anh có biến mất đâu.
- Tôi không nhìn thấy anh. Nghĩa là anh biến mất. Thật khó chịu!
Tôi nhận ra mình vô lí. Chỉ ước giá như trí não được cài sẵn một cái máy định vị GPS, chỉ cần ra lệnh thôi thì trái tim sẽ ngoan ngoãn đi theo đúng hướng để không bao giờ bị lạc. M biết tôi đang bối rối. Anh đứng lên, kéo tay tôi ra khỏi phòng, “Nào, chúng ta uống một cốc trà đi!”
Mùa xuân. Tôi hình như đã từng nhắc về nó. Nhiều lần. Thay vì muốn bày tỏ rằng “tôi hi vọng”. Những cái mầm xanh giống y hệt cô gái trẻ vừa mới chạm vào tình yêu, thường thích làm nhiều điều giản dị cho người đàn ông của mình. Cả mơ mộng nữa. Rồi cô sẽ đổ vỡ, sẽ đau buồn, sẽ bị cuộc đời đấm thẳng vào mặt và sẽ lại yêu. Nhưng liệu cô có đủ can đảm gặp lại người mà mình đã từng có tình cảm hay không? Tôi không dám chắc. Giống như Gorki viết rằng may mắn nhất là không bao giờ phải gặp lại những người mà mình đã để họ phải ghi lại dấu vết trong tim. Bởi đấy là những lần gặp gỡ tệ hại. Chẳng khác gì bạn phải đối diện với một cá thể đã chết, đã úa tàn, đã héo rũ bên trong bạn suốt một thời gian dài.
M đưa cốc trà bằng giấy lên miệng thổi nhẹ cho bớt nóng trước khi ân cần đặt nó vào tay tôi. Một lọn tóc dài bị gió thổi bay lòa xòa chắn ngang mắt. M dịu dàng vén nó ra sau vành tai. M hỏi tôi có còn thấy đau ở đâu nữa không, trong ngày có còn chóng mặt hay hoa mắt nữa không. Tôi cứ bình yên chớp mắt ngắm nhìn M. Đôi lúc, sự thanh thản tiếp xúc với nỗi cô đơn vây quanh cuộc đời bạn không phải bởi trà anh đào mật ong còn ấm hay sự thỏa mãn giản dị sau một vòng đi bộ đủ dài vào một ngày Chủ nhật vàng giòn nắng. Mà bởi giọng nói của người đàn ông ngồi bên cạnh. Anh ta bảo. Anh ở đây mà. Bốn chữ ấy buông mình vào không gian, phá vỡ mọi hoài nghi, e sợ, dè dặt, bức bối, tổn thương. Bốn chữ ấy, tôi tin, chúng là lí do mà những mầm xanh chưa bao giờ hoàn toàn biến mất ở trong lòng. M bảo tôi không nhất thiết phải ép mình nhớ rõ mọi chuyện. Có những việc tự nhiên đến, tự nhiên xảy ra sẽ tốt hơn.
- Em có cảm giác chắc chắn vô cùng về tình cảm đối với một người mà em không nhớ nổi mặt.
- Nó có làm em đau không?
- Anh ta xuất hiện ở khắp nơi trong đầu em, trong tim em và khiến em ngạt thở.
- Vậy em hãy thôi mà cố nhớ đi!
- Em có cố nhớ đâu. Nhưng mọi thứ nó cứ diễn ra đấy chứ. Nó từ từ xuất hiện trước mắt em cho đến khi điều duy nhất em muốn làm đó là gặp anh ấy cho dù em biết thế nào em cũng sẽ khóc. Có lẽ anh ta là một thằng tồi, anh có nghĩ thế không?
- Uhm, dám lắm!
- Em đoán là nếu gặp mặt, em sẽ đấm anh ta. Hoặc là dùng một cái giỏ xách lớn để đánh cũng được.
- Tại sao?
- Chẳng biết nữa. Em cứ mong muốn như thế thôi!
- Việc đó cũng khá nguy hiểm. Nó có thể làm em đau.
- Anh có giúp em không?
- Giúp gì?
- Đấm vào mặt cái gã tồi làm em khóc đấy!
M bật cười. Tôi ước vào khoảnh khắc đó mình có một chiếc máy ảnh để ghi lại biểu cảm trên khuôn mặt anh. Việc ngắm nhìn mê mải người bên cạnh khiến tôi nảy sinh khát khao được vuốt ve lên từng nếp da gấp bé xíu xiu ấy. Tôi đưa tay lên nhưng rồi lại rút về. Có gì đó thật kì lạ ngăn cản bản thân mà không tài nào định hình cụ thể tại sao. Tôi đột ngột đứng dậy, ra về. Mặc kệ M ngồi lại một mình trên băng ghế đá.
Sao tuổi trẻ lại quá buồn như vậy? Bởi một người vốn dĩ sinh ra bên ngoài vũ trụ của riêng ta. Tôi tự hỏi khi trở về nhà, mở va li và đối diện với cái hộp đựng đầy những lá thư viết mà không gửi cho M. Có một đoạn thế này.
“Em nhớ anh. Đồ ngốc. Đồ lạnh lùng như một con… thú nhún. Đồ nhẫn tâm. Đồ mèo hư sứt tai rơi cả mắt. Đồ bạc tình.
Buổi sáng nay em phân vân một điều thật ngớ ngẩn. Chấm dứt cuộc đời mình hay là dậy pha một cốc cà phê. Rồi Belle đến gõ cửa, nhét vào phòng một chiếc phong bì nhỏ cùng một phần hai cái bánh mì baguette còn nóng hổi. Vậy là em ra khỏi giường. Mở toang cửa. Nắng mùa hè như một nỗi ám ảnh. Chợt giật mình, hôm nay là ngày đầu tiên của tháng Sáu. Em nhớ chúng ta đã bắt đầu yêu nhau. Tình cờ. Giống thế.
Cà phê thật thơm, mèo ạ!”
Ừ. Sao tuổi trẻ lại quá buồn như vậy. Giông, mưa xối xả đập vào cửa kính. Bầu trời đen kịt. Mẹ bước vào phòng hỏi tôi có muốn uống một cốc trà gạo hay không. Phát hiện ra tôi đang ngồi sụp dưới sàn mà khóc. Xung quanh vương vãi đầy thư và ảnh. Mẹ ngồi xuống bên cạnh, thở dài. Gió lạnh lùa qua khe cửa tràn vào nhà. Tôi nằm lên chân mẹ. Không còn nhớ rõ mình ngủ thiếp đi từ lúc nào. Chỉ biết khi mở mắt ra đã thấy nằm trên giường, bên cạnh, M đang ngồi, nắm tay tôi, lo lắng. Tôi cựa mình ngồi dậy. M với tay kê một chiếc gối sau lưng cho tôi.
- Sao anh lại ở đây?
- Mẹ em gọi anh đến.
- Để làm gì?
- Anh không biết.
- Vậy anh đi gặp anh ta với em đi!
M khẽ nhíu mày rồi gật đầu. Tôi bảo M đưa tôi ra quán cà phê có sàn gỗ ở ngoại ô thành phố. Rồi đưa cho M cái hộp và nhờ anh bỏ nó đi. Tôi nói với M, tôi thực ra không còn muốn tìm hiểu người đàn ông kia là ai, có còn yêu mình hay mặt mũi ra sao nữa. Bởi vì cho dù có tìm được câu trả lời, anh ta vẫn chưa bao giờ hoặc không bao giờ có thể làm gì để nắm tay tôi giữ lại trong cuộc đời. Tuổi trẻ của tôi đã buồn như vậy. Khi ngần ấy thời gian chỉ đắm chìm vào những tình cảm tự xây dựng, tự huyễn hoặc. Người đàn ông nói lời yêu mình nhưng việc duy nhất có thể làm là bất lực nhìn mình bỏ đi. Người đàn ông nói lời yêu mình nhưng sẵn sàng biến mất khỏi thế giới của mình nếu có gì khủng hoảng. Người đàn ông nói lời yêu mình lại đành lòng buông lời “thôi em đừng hỏi gì cả”. Rốt cuộc, cho dù tôi có quên khuôn mặt người ấy nhưng nỗi đau vẫn chưa một phút giây nào lành lặn.
Tôi ôm M. Giọt nước mắt rơi trên vai anh. Cho đến tận phút giây ấy, trong lòng vẫn thắp lên một hi vọng bé nhỏ. M có thể xoa lưng tôi mà nói: “Anh xin lỗi. Anh biết là em đã đau lắm mà.” Nhưng M im lặng. Sự bao dung của một con người, hóa ra không phải là vô hạn. Nhất là khi mọi việc đã làm, mọi tình cảm đã trao cũng chỉ như hòn đá ném ra biển lớn. Vĩnh viễn chỉ có sự im lặng lạnh lẽo trả lời.
Mùa xuân. Tôi ngồi ở một tiệm trà nhỏ trên gác cao phố cổ. Uống một bình nguyệt quế hoa để hi vọng về Mùa Hè. Ở góc phòng, máy đĩa than cũ phát nhạc rè rè nhưng dịu dàng quá đỗi. Khúc ca. Của những người yêu nhau. Mộc mạc.
“Thì thôi
ta hãy ở với nhau
qua những ngày gió lạnh
trên tường có những ô cửa xanh
và chiều mây về rất trắng
chuyện bạn chẳng thành
chuyện mình cũng chẳng xong
thì thôi
ta hãy ở với nhau…”[1]
[1] Lời bài thơ Phía bên kia nơi mặt trời mọc mà tôi không tìm ra tên tác giả.
Chúc các bạn online vui vẻ !