Snack's 1967
Tiểu thuyết tình yêu

Tiểu Thuyết Tình Yêu

Đọc truyện tại Tiểu Thuyết Tình Yêu

Loading...

Truyện tình cảm - Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ - trang 4

Chương 11: Người khách lạ đến viếng khu vuờn

Mấy hôm nay hình như có ai đến vườn nhà mình. Bố đi làm đồng về thông báo.

- Sao bố biết?

- Hôm qua, bố nghe tiếng động rất lạ. Khi bố đi ra thì một tiếng soạt rất lớn rồi im luôn. Nhưng mấy lùm cây còn run dữ lắm.

Mẹ tôi cũng thông báo một chuyện tương tự. Tôi rình suốt hai ngày

trời không thấy gì. Nhưng đến ngày thứ tư đi học về, lại nghe bố nói:

- Hôm nay họ lại đến!

Quái lạ! Tôi đi ra vườn. Ngoài vườn mọi thứ vẫn còn nguyên như

những hôm trước. Tôi hẹn thằng Tí đến nhà, mỗi đứa canh một đầu, hễ nghe tiếng động thì huýt sáo báo tin cho nhau. Chờ mãi chẳng thấy con ma

nào. Tôi gọi thằng Tí cũng chẳng nghe nó đáp. Thì ra nó bỏ về từ đời tám hoánh nào rồi. Cái thằng thiếu kiên nhẫn. Tôi gọi thằng Toàn sang. Nó

hỏi bắt trộm hả. Tôi gật đầu. Nó ôm một khúc cây to bảo gặp ăn trộm sẽ

chọi vào giò nó. Lại chờ. Chờ mãi. Chờ đến lúc chẳng ai nói với ai đồng

lúc bỏ cuộc.

Bẵng đi vài hôm, bố tôi lại thông báo:

- Có ai đó khoét hàng rào nhà mình một lỗ rất to.

Tôi chạy ra xem cứ rùng cả mình. Dứt khoát phải có một ai đó hoặc một con gì đó rất lớn. Bố nói nếu tôi canh chỗ này thì sẽ gặp.

Ở lớp, tụi bạn nó đồn nhà tôi có ma. Một con ma ban ngày. Nó vào

vườn rồi ăn hết cả hoa. Không những thế, con ma còn chọc ghẹo bố tôi

khiến bố tè trong quần mà chạy. Có đứa còn hỏi thẳng, con ma có bóp cổ

bố mày không, sao tao thấy mặt bố mày tím tím.

Tôi ức lắm nhưng chẳng có cách gì nói cho chúng tin, đành hậm hực

về méc bố, tưởng được bênh, ai ngờ bố cười ngất. Những buổi trưa, khi

bọn chúng rủ nhau thụt thò trước ngõ nhà tôi thì trong nhà, bố tôi vờ

rên hừ hừ như bị ma nhập. Thế là bọn chúng chạy “bắn khói”.

Mẹ nói, cho dù có quỉ cũng không vật nổi bố. Tuy vậy, tôi vẫn uất ức kinh khủng.

Một buổi trưa khác, sau khi đi học bị tụi bạn chọc tơi bời, tôi

ngồi bên cửa sổ nhìn ra khu vườn. Bất ngờ, tôi thấy lùm bông lài run

lên. Những chiếc lá lay động dữ dội. Tôi vội vàng bò ra nhà sau. Mẹ và

bố còn ở ngoài đồng khiến tôi chột dạ, không biết có nên bò ra ngoài

vườn không. Bỗng dưng tôi thèm có thằng Toàn khủng khiếp. Cuối cùng lấy

hết sức mạnh, tôi bò về phía bụi lài.

Từ bên đây cây hoàng lan, tôi thấy rõ ràng một cái đầu nhô lên, đen thui một chỏm tóc. Tôi bò đến gần nữa thì bất ngờ nhận ra thằng cháu

lão ăn xin. Nó vào vườn nhà tôi để làm gì vậy, thật không hiểu nổi.

Sau khi nhìn tới nhìn lui, nó có vẻ khoan khoái lắm ngồi xuống, mở

túi lấy ra hộp diêm nhỏ. Thì ra nó đi hái cỏ tươi cho món quà của người

khách lạ là chúng tôi. Nó đặt hai bao diêm xuống bãi cỏ, sau đó ngắt

từng ngọn cỏ non, xé nhỏ rồi bỏ vào. Xong xuôi mọi chuyện, nó cất hai

bao diêm vào túi rồi chui vào bụi lài. Nó hái những bông hoa trắng để

lên khắp người của mình. Và cứ như thế… nó ngủ. Giấc ngủ đến với nó

thật nhẹ nhàng và không hiểu nổi.

Tôi đi nhẹ đến gần, nghe hơi thở đều đều và những bông lài nhấp nhô như gợn sóng. Chẳng hiểu sao, tôi bỏ vào nhà. Con ma là như vậy.

Chú Hùng hay kể cho tôi nghe về những người khách lạ thường ghé khu vườn nào đó chỉ vì những bông hoa. Có ngờ đâu, không phải là cổ tích

Chương 12: Ngày bí mật

Mẹ ơi! Tôi chạy vụt về nhà. Cô Hồng đau bụng dữ lắm. Cô nói cô sắp sinh em bé, bảo con gọi mẹ gấp.

- Thế chú Hùng đâu?

- Chú Hùng đi ruộng rồi!

Mẹ tôi chạy sang nhà cô Hồng, tóc vụt xõa tung. Ngay cửa ra vào, cô Hồng đang quằn quại bò càng trên nền nhà, tay cô nắm chặt gấu áo, mồ

hôi đầm đìa.

- Con lấy giỏ đồ cô Hồng để dưới gầm giường cho mẹ nhanh lên.

Tôi vội chạy vào buồng. Khi quay ra đã thấy mẹ ẵm cô Hồng đặt vào đống rơm lót sẵn trong xe bò:

- Hây… hây…

Mẹ hét lên như những gã cao bồi thứ thiệt. Con bò lao tới, bổ nước kiệu. Chẳng mấy chốc đã ra đến ngõ.

- Con chạy đi gọi chú Hùng, nói mẹ chở cô Hồng xuống trạm y tế.

Tôi ù té chạy ra đồng. Từ đằng xa đã thấy cái lưng bóng nhẫy của chú:

- Cô Hồng đẻ rồi!

- Cái gì? Chú Hùng hoảng hốt. Sao mà lẹ vậy!

- Mẹ cháu đã chở cô xuống trạm y tế.

Chiều hôm đó tôi, con Phượng, thằng Tí đi bộ xuống trạm. Bố tôi sai tôi xách cơm cho mẹ và chú Hùng, còn tụi kia đi theo chỉ vì nhiều

chuyện. Trong sân, chú Hùng đi đi lại lại, mặt đen xì. Chú cũng không

cười với tôi.

Cô Hồng sinh em bé thiếu tháng. Mẹ nói đáng lý phải 9 tháng 10 ngày nhưng chẳng hiểu làm sao, chưa đầy 8 tháng “nó” đã đòi ra. Cô Hồng đau

dữ lắm. Ðến nỗi bác sĩ giỏi nhất trạm y tế phải chạy lại chăm sóc cô.

Ðứng dưới gốc cây, mắt chú Hùng đỏ hoe. Tôi chưa bao giờ thấy chú

như vậy, đây là lần đầu. Chú không hề rên rỉ cũng không kêu hu hu, chỉ

chớp mắt liên tục. Lâu lâu lấy tay quệt vài giọt nước mắt rồi quay đi

chỗ khác.

Tôi còn nhớ hôm trước, chú hỏi tôi đặt tên em bé là gì thì tôi mới

thương. Tôi nói đặt tên em bé là Thương thì ai cũng phải thương cả. Chú

nói ừ há, chú cũng thích cái tên đó, con gái hay con trai đều hợp. Chú

nói nếu đẻ con gái sẽ làm cho nó cái nôi hình bông hoa, còn con trai thì hình con ngựa. Tôi nói sẽ giữ em bé giùm chú, nhưng với điều kiện chú

phải sang thăm tôi vào mỗi buổi sáng. Chú gật đầu bảo, làm sao chú quên

được người láng giềng.

Từ trong hành lang, một bác sĩ đi ra, hỏi:

- Có ai nhóm máu O không? Cô ấy đang thiếu máu, cần phải truyền gấp.

- Làm sao biết tôi máu gì? – Chú Hùng òa khóc.

Mẹ tôi hét vào tai tôi:

- Chạy về kêu bố nhanh lên, có việc khẩn.

Tôi băng đồng chạy về nhà. Thì ra bố máu O. Có một lần bố bị bệnh

nên mẹ biết. Người ta đưa bố vào phòng, nửa tiếng sau vẫn không thấy ra. Chú Hùng định lỏn vào nhưng bị chận lại.

Chú quát lớn:

- Vợ tôi đang chết, các người không cho vào hay sao!

Cuối cùng người ta phải cho chú vào vì chú gây ầm ĩ quá nhiều. Một

phần chú khỏe lắm, không có cái cửa nào có thể khép trước mặt chú được.

Những người trong xóm cũng đã hay tin, kéo đến trạm y tế đông

nghẹt. Họ ngồi im lặng và chờ đợi, trong khi căn phòng lạnh lẽo vẫn tiếp tục đóng cửa im ỉm.

Hàng giờ trôi qua trong tiếng gào thét của cô Hồng. Rồi cửa xịch

mở, bố tôi đi ra, mặt tái xanh. Trước đó bố khỏe bao nhiêu thì giờ đây

yếu ớt bấy nhiêu. Bố trèo lên xe bò rồi nằm vắt trên đó. Mẹ mua cho bố

bịch sữa. Bố uống lấy uống để như một kẻ khát nước.

Bố nói:

- Không sao cả. Một chút sẽ khỏe lại. Con bé mất máu nhiều quá, hy vọng là nó qua.

Mẹ tôi im lặng nhưng khuôn mặt xanh xao thấy rõ. Mái tóc đen đúa đổ dài, dài kinh khủng. Từng sợi từng sợi bay lất phất như một bóng ma. Có một ai đó cột tóc cho mẹ, nói:

- Không sao đâu. Ai làm mẹ chẳng trải qua chuyện này. Rồi mọi thứ sẽ qua thôi.

Con Phượng kéo tôi ra một góc:

- Có phải cô Hồng chết không?

- Làm sao tao biết được. Tôi trả lời. Hồi nãy còn nghe cô la dữ

lắm, bây giờ tự nhiên chẳng nghe thấy gì. Mẹ tao khóc, chắc là có chuyện lớn. Cả chú Hùng cũng khóc nữa, có đời nào chú Hùng khóc đâu.

- Sao tao nghi quá à!

- Ừ, tao cũng vậy. Hồi nãy chạy về gọi bố, tao có tạt qua chỗ ông Tư nằm.

- Ông Tư làm sao?

- Ông kêu tao có cách gì đưa ông đến trạm y tế không? Tao đâu dám

nói thiệt. Chỉ nói có mẹ và bố ở đó rồi. Ông dặn tao nếu có chuyện gì

chạy về cho ông hay liền.

- Thôi đừng chạy về chớ!

Cửa phòng xịch mở, chú Hùng ngơ ngác đi ra. Vừa thấy bố tôi, chú ôm chặt rồi khóc ngất:

- Nó chết rồi anh ơi!

Bố tôi quát lên:

- Mày nói ai chết?

- Nó chết.

- Nó là đứa nào?

- Con bé Thương!

- Từ từ nào. Bố vỗ vỗ nhè nhẹ lên vai chú như dỗ dành một đứa bé. Ðể xem lại đã…

- Nó chết thật rồi. Bác sĩ đã gói vào một miếng vải.

- Thế vợ mày làm sao rồi?

- Nó cứ nằm im như vậy.

- Nó còn sống chứ?

- Còn. Bác sĩ bảo em ra ngoài đừng gây kinh động cho cô ấy.

Im lặng và thở dài. Vài người đàn bà cùng với mẹ tôi chạy vào với cô Hồng.

Bố tôi nói:

- Cứng rắn lên. Mày mà như vầy thì sao con Hồng sống nổi. Rồi sẽ có những đứa con khác. Chúng mày còn trẻ mà. Mày phải giúp nó vượt qua.

Người đàn ông cần nhất là lúc này đó.

Ba hôm sau chú Hùng chở cô Hồng về. Cô được trùm trong chiếc mền

lớn. Mẹ ngồi với cô còn chú Hùng thì đánh xe. Tôi chạy tắt về nhà mở

cổng thật rộng. Những người trong xóm cũng ra đứng chờ cô.

Tôi vẫn còn nhớ mẹ thường hay nói với tôi, khi một ai đó buồn, họ

cần rất nhiều người để chia sẻ. Nỗi buồn chỉ vơi đi bằng tình thương chứ không có một phương thuốc nào hết. Khi chia sẻ một nỗi buồn, chúng ta

sẽ không buồn hơn, nhưng người khác lại vui hơn. Và đừng bao giờ quay

lưng lại với một con người như vậy. Họ cần những khuôn mặt hơn là những

viên thuốc. Họ cần những bàn tay, những tô cháo, những quả ổi hái để đầu gường. Họ cần mỗi buổi tối ghé lại ngồi với họ trong im lặng. Họ cần

chúng ta dẫn họ lên đồi cuốc một mảnh vườn, và thỉnh thoảng hỏi có thích ăn bắp rang không…

Xe đã đậu trong sân. Chú Hùng ẵm cô Hồng vào nhà. Tôi chạy theo.

Khuôn mặt cô xanh xao nhìn kinh sợ lắm. Mẹ tôi lấy cái gối dằn cho cô

rồi đốt một lò than.

Mẹ nói lớn:

- Cái thằng Hùng này, lựa than gì mà khói nhiều quá. Kiểu này hấp người ta không bằng.

Mẹ nói vậy thôi, chẳng thấy khói gì cả. Ðể lò than xuống gầm gường, mẹ sai chú Hùng đào củ gừng. Rồi mẹ lấy chổi ra quét nhà soàn soạt.

Mẹ nói:

- Ðóng cái cửa này lại, gió độc lắm!

Mẹ sai chú Hùng mua cá về kho khô. Mẹ bảo cột con bò lại coi chừng

nó ăn đám mì. Mẹ xuống nhà bếp khua chén rổn rảng. Mẹ xắn ống tay áo

lên, sắp đặt mọi việc một cách ồn ào.

Mẹ nói:

- Cứ làm như vậy cho tôi, còn mọi việc tôi lo. Mấy anh đàn ông cứ là vô tích sự!

Tôi đến ngồi bên cô Hồng. Cô nắm chặt lấy tay tôi.

Tôi nói:

- Chừng nào cô khỏi bệnh, cô đan cho con chiếc nón len nhé. Con thích chiếc nón có nhiều tua và cái mũi dài dài.

Cô gật đầu. Tôi nói tiếp:

- Cô có thích ăn bắp rang không?

Cô lắc đầu nhưng mỉm cười với tôi.

Mẹ nói:

- Con đừng hỏi cô nữa, để cô nghỉ mệt.

Tôi đi ra ngoài nhưng vẫn nhớ nụ cười đó, bởi vì nó là nụ cười đầu

tiên từ lúc cô đánh mất em bé. Một nụ cười trên khuôn mặt buồn.

Chiều tối mẹ mới về nhà với vẻ mệt mỏi. Ngồi trên bậc cửa, mẹ lấy

lược ra gỡ tóc. Mẹ cứ chải mãi, chải mãi. Bố thắp đèn lên rồi mắc cái

võng ra nằm. Tôi đến ngồi gần nhưng mẹ chẳng hay, có vẻ đang nghĩ ngợi

cái gì đó. Lâu lâu lại thở dài. Tôi nhìn ra ngoài đường thấy gió cứ thổi suốt. Những ngọn cây như dính lại với nhau trong cái màu tối tối. Ðêm

nay, nếu như trời không mưa, lúc 8 giờ trăng sẽ sáng lắm. Còn như nếu

trời mưa thì tiếng đưa võng của bố sẽ không còn nghe thấy nữa. Những

giọt mưa trên mái nhà luôn ồn ào, nhưng nếu nó không ồn ào có lẽ tôi sẽ

không còn thích chúng.

Tôi nói với mẹ:

- Mẹ ơi, hồi chiều cô Hồng cười với con!

- Ừ. Cô nhắc con mãi đó.

- Cô còn hứa sẽ đan cho con cái nón len.

- Ừ!

- Mẹ có tin cô Hồng sẽ hết buồn khi ngồi đan nón không?

- Mẹ tin.

- Nhưng chú Hùng sẽ không hết buồn. Con thấy chú ra nhà sau ngồi một mình. Chú cũng chẳng thèm cột con bò.

- Không sao đâu con.

- Ngày mai con sang chơi với cô Hồng được không?

- Ðược. Nhưng con phải hỏi cô có đồng ý không đã.

- Con biết rồi.

Trăng đã lên, sáng vằng vặc. Có nghĩa là trời không mưa. Những đám mây trắng tinh như gấu bông bay nhởn nhơ; lúc thì bay qua, lúc thì bay

lại, có lúc dồn ép vào nhau như những núi tuyết.

Lại có một đám mây như

hình em bé trôi nhẹ đi, cổ quàng một chiếc khăn lớn. Mặt trăng tròn vành vạnh nhô ra ở giữa như cái nôi bập bềnh, lúc thì lồng bên dưới đứa trẻ, lúc thì chạy lên phía trên không thể nào đoán trước được. Người ta nói

trong mặt trăng có chị Hằng. Chị đẹp lắm nên lúc nào cũng giấu mặt trong những lưới mây. Tôi chỉ thích trong mặt trăng có một đứa bé như con cô

Hồng chẳng hạn. Một đứa bé sẽ làm cô Hồng cười khi từ trạm xá về, chú

Hùng sẽ không khóc, mọi người đến thăm có cái để bồng, để ha hả. Người

ta sẽ không né câu hỏi: “Em bé đâu rồi?”. Người ta sẽ nói: “Cho tôi ẵm

bé Thương một chút coi”. Cô Hồng sẽ có cớ lâu lâu than phiền: “Dạo này

con bé quậy quá. Em chẳng ngủ gì được”. Chú Hùng đi làm về sẽ hỏi: “Con

gái tui ở nhà có hư không?”, hoặc sẽ đùa: “Cô ở đâu mà cứ đến nhà tui

khóc nhè vậy cà!”.

Mẹ tôi nói một đứa bé sẽ trao cho người phụ nữ một cái quyền thiêng liêng nhất, quyền làm mẹ. Không có đứa bé, họ sẽ không được làm mẹ. Họ

sẽ đau khổ lắm. Họ sẽ thấy mình mất đi một nửa cuộc đời. Bởi cuộc đời

người phụ nữ luôn gắn liền với những đứa bé, là kho báu quí giá không có gì có thể đánh đổi với họ.

- Rồi cô Hồng sẽ có em bé khác chứ mẹ?

- Ừ. Nhưng cô sẽ không bao giờ quên được bé Thương. Một người mẹ luôn yêu tất cả các con mình dù cho nó không còn có mặt.

Tôi ôm chầm lấy mẹ. Tôi biết mẹ sung sướng hơn cô Hồng vì mẹ có em

bé là tôi. Những lúc có khách lạ đến nhà, mẹ sẽ hãnh diện nói: “Con tôi

đó, con trai, một thằng lỳ ơi là lỳ…”, và mẹ sẽ mỉm cười vì hạnh phúc.

Tôi sang thăm cô Hồng. Cô ngồi đan nón, mắt buồn so. Cô buồn vì

không được làm mẹ. Chú Hùng cũng đã bỏ dở việc ruộng rẫy, ở nhà quanh

quẩn. Chú đi ra đi vào bứt rứt vì không được làm bố. Nhìn cô đan len,

tôi chợt thấy cô thật giống mẹ tôi, dịu dàng từng đôi tay một. Bàn tay

đó khi ẵm đứa bé thì vững vàng, khi làm lụng thì khéo léo. Bàn tay của

người đàn ông sẽ không được như vậy.

Tự dưng tôi muốn nói với cô như vầy: “Cô Hồng ơi, tối hôm qua con

thấy bé Thương. Nó núp trên mặt trăng. Nó đẹp lắm. Mặt sáng bừng như có

điện”. Nhưng tôi chỉ nói: “Cô Hồng ơi, đêm qua trong giấc mơ của con có

cả cô nữa”.

Chương 13: Bà Ma-xơ đàn

Cách nhà tôi khoảng ba cây số có một nhà thờ nhỏ. Tụi thằng Toàn

hay rủ tôi đến đó xem các bà ma-xơ: đầu trùm khăn trắng đi qua đi lại,

không thấy chân. Ðã nhiều lần chúng tôi nói với nhau, cái chân của bà

ma-xơ phải nhỏ lắm nên bà mới giấu trong chiếc áo thụng lùm xùm. Nói là

nhà thờ nhưng chỉ gấp đôi căn nhà tôi, cửa nẻo trống hoác không còn cánh cửa.

Bố tôi nói ngày xưa nhà thờ đẹp lắm, vôi trắng toát, hàng rào gỗ

chạy dọc nhưng chiến tranh đã không chừa thứ gì. Rồi thời gian không

được tu bổ, nó cũ kỹ và tàn úa.

Vùng tôi ở chỉ có một vài nhà theo đạo, người ta gọi họ là những

con chiên. Vì con chiên ít quá nên cũng không giúp được gì nhiều, ngoài

những lúc rảnh rỗi khỏi việc cày cấy, họ tụ tập sau nhà thờ phụ các bà

ma-xơ cuốc đất. Các bà ma-xơ cũng như những người nông dân ở đây, họ

trồng hoa, trồng rau, trồng lúa, chỉ có khác là họ làm việc trong khu

đất của nhà thờ. Người dân ở đây gọi là “đất của ma-xơ”. Ðất màu mỡ lắm, trồng cái gì cũng tốt. Hoa mọc từng luống đỏ chói.

Ngoài việc trồng trọt, các bà ma-xơ luôn ở trong nhà. Có cả thảy là bốn ma-xơ. Họ không nói chuyện với nhau, chưa bao giờ tôi thấy họ nói

chuyện. Họ cứ im lặng đi ra đi vào.

Từ vùng ngoài khu đất ma-xơ, chúng tôi theo dõi họ. Họ có nhiều cái để nhìn. Ví dụ chiếc áo. Thông thường người ta làm ruộng với những

chiếc áo xấu xí, thì các bà ma-xơ ngược lại, lúc nào cũng bận những

chiếc áo trắng tinh, sạch sẽ. Họ giống những người dạo chơi trong vườn

hơn là làm vườn.

Có nhiều lần tôi đi xuống nhà thờ một mình. Tôi thích vậy vì cảm

giác vừa sợ vừa khoái trá khi chui vào một hốc kẹt rồi lắng nghe tiếng

bước chân của các bà đi đi lại, mà không hề biết sự có mặt của tôi. Tôi

ngồi cho đến khi mặt trời gần lặn, thế là sung sướng đi về.

Tôi phải công nhận với lũ bạn, các bà ma-xơ là những người khó hiểu nhất. Chúng tôi hay mò vào nhà thờ lúc các bà đang trồng trọt. Qua cánh cửa chính là một gian phòng rộng mênh mông. Ngoài cái bàn thờ lớn để

trên bục ra, nhà thờ chỉ có vài hàng ghế và một cái hộp gỗ vuông. Tôi

chưa bao giờ thấy một căn phòng rộng và trống trải như vậy. Sau gian

phòng là những cái phòng nhỏ, nơi các bà ma-xơ ngủ. Gia tài của các bà

là những cuốn sách dày và những bộ quần áo dài màu trắng. Bố tôi nói cái hộp gỗ vuông mà tôi thấy là cây đàn piano.

Những buổi chiều hoặc tối, các bà hay chơi đàn. Tiếng đàn vọng ra

bên ngoài hàng rào nghe thật xa lạ và buồn thiu. Cả nhà thờ như chìm vào trong bóng tối, ngoại trừ tiếng đàn là lung lay, là động đậy. Cây đèn

dầu đặt trên bàn thờ nhỏ xíu và đó cũng là nguồn sáng chính cho căn nhà.

Nhưng buổi chiều thứ bảy, các bà chơi đàn sớm hơn thường lệ, nên

thằng Toàn hay rủ tôi đi xem. Qua cái lỗ tò vò, tôi thấy một bà ngồi đàn và ba bà ma-xơ còn lại đứng hát như trên sân khấu. Khi hát, thỉnh

thoảng họ đưa hai bàn tay về phía trước rồi lại úp vào ngực. Cử chỉ đó

luôn luôn không đổi trong mọi bài hát. Khuôn mặt các bà ngẩng lên cao,

trang nghiêm, say đắm. Sau mỗi bài hát, họ cũng không nói chuyện với

nhau. Người chơi đàn dạo qua bản khác như có sự thỏa thuận từ trước.

Cuốn nhạc dày cộm đặt trên cây đàn, màu vàng úa được các bà lật nhẹ,

thận trọng như sợ rách. Cử chỉ đó đã cho các bà một dáng vẻ khác người.

Chúng tôi thường bỏ về giữa chừng vì không còn cái gì để xem. Khi

đến, các bà đã chơi đàn rồi và khi về các bà vẫn đang còn chơi đàn. Dầu

vậy phải công nhận, các bà ma-xơ có cái gì đó đã lôi cuốn tôi kinh

khủng. Cứ cách một vài hôm là tôi lại mò xuống nhà thờ. Ði quẩn quanh

trong ngôi nhà trống hoác, rồi chui vào hốc kẹt khi thấy những cái bóng

trắng thấp thoáng; hoặc nhìn các bà ma-xơ chơi đàn qua cái lỗ tò vò. Có

hôm, tiếng nhạc du dương làm tôi ngủ lúc nào không hay, khi đang ngồi

trong hốc kẹt. Khi thức dậy thì trời đã tối, các bà ma-xơ cũng không

thấy đâu, tôi thấy nhà thờ như một lâu đài bỏ hoang trong những câu

chuyện cổ tích. Dầu mọi ngóc ngách bên trong tôi đều biết, nhưng vẫn có

một cái gì đó bí ẩn mà tôi cần phải khám phá thêm.

Mùa mưa năm đó kéo dài lê thê. Mẹ tôi nói chưa bao giờ thấy một mùa mưa dài như vậy. Cây ngoài vườn xanh mướt vì liên tục được tắm gội.

Trong những trận mưa như vậy, tôi hay rủ thằng Toàn xuống nhà thờ. Chúng tôi chui vào góc kẹt quen thuộc, rồi lắng nghe tiếng mưa lẫn tiếng đàn. Tôi phát hiện ra một điều: những hôm mưa các bà luôn chơi đàn và luôn

chơi hay hơn. Tôi đã tìm được một chỗ ngồi gần các bà nhất mà vẫn không

bị phát hiện. Chỗ ngồi đó chỉ cách các bà một vách mỏng. Các bà ma-xơ

đang vừa đàn vừa hát say mê.

Bỗng một bà đi đến chỗ chúng tôi ngồi, nói vọng qua lỗ tò vò:

- Ai đó, vào đi.

Vụt một cái, thằng Toàn nhảy phắt qua bờ rào chạy thoát. Tôi chạy

theo nhưng vấp phải một vật gì đó, té nhào, nằm bẹp. Khi tôi ngóc đầu

lên đã thấy đôi chân của bà ma-xơ đứng trước mặt. Ðó là một đôi chân nhỏ xíu, trắng hồng. Một đôi chân hoàn toàn chạm đất.

- Con có sao không? Ðừng sợ. Bà không bắt con nít bao giờ.

Tôi khóc òa. Bà dẫn tôi vào nhà, đặt ngồi trên chiếc ghế gần cây piano.

Một bà hỏi:

- Con có thích nghe hát không?

Tôi gật đầu:

- Nhưng bà đừng đến gần con, con sợ lắm đó!

- Rồi rồi, không sao cả! Các bà cười hiền hậu. Con có thể đến đây chơi bất cứ lúc nào con muốn.

Tôi khoe với thằng Toàn là đã quen với bà ma-xơ. Nó không tin. Nó

còn thông báo với cả lớp rằng tôi đã nói xạo như thế nào. Thế là tôi

phải dẫn bọn chúng xuống nhà thờ. Chúng tụ tập bên ngoài hàng rào còn

một mình tôi đi vào bên trong. Tôi nắm tay ma-xơ Hiền, dắt ra phía trước rồi chỉ vào bọn chúng. Thế là bọn chúng ù té chạy quắn đít.

Từ đó chúng thần tượng tôi lắm. Chúng nhờ tôi cho chúng làm quen

với các bà ma-xơ. Nhưng ngu gì, tôi nói là ma-xơ rất ghét con nít. Ðứa

nào héo lánh sẽ bị bà lấy cù nèo móc giò.

Kể từ đó, vào ra nhà thờ chỉ độc quyền cho một mình tôi. Những buổi chiều rảnh rỗi, tôi đến thăm các bà ma-xơ, ngồi nghe họ hát. Những bài

hát lạ lùng ca tụng về một nguồn sáng nào đó.

- Con có biết hát không? Ma-xơ hỏi.

- Có. Nhưng không giống những bài của ma-xơ.

- Chẳng sao cả!

Tôi hát bài “Người mẹ vĩnh cửu” mà bố tôi dạy:

Mẹ có đôi tay rộng lớn ôm cả thế

gian con nít.

Mẹ có đôi mắt màu xanh lơ lúc da

trời vừa đổ mưa xong.

Mẹ là hoàng hôn của một ngày luôn

luôn là buổi chiều.

Mẹ, mẹ tôi, người mẹ vĩnh cửu…

Có một lần tôi gặp thằng cháu ông lão ăn xin trong nhà thờ. Mặt nó

vẫn vậy, vênh lên, nhưng đôi mắt không còn căm phẫn như tôi gặp lần

trước. Vừa thấy tôi, nó bỏ đi. Tôi biết trong túi nó có hai hộp diêm.

Từ dạo phát hiện nó ngủ trong vườn, bố tôi bảo kệ nó, làm lơ cho

nó. Thỉnh thoảng bố còn để một vài trái ổi dưới bụi lài. Bố chơi trò

người lạ mặt. Có hôm tôi còn thấy bố ra vườn nhìn nó ngủ. Bố nói, nó là

món quà của bố. Khi trồng một khu vườn mà không có ai đến thăm, không có ai yêu nó thì đó là một nỗi buồn hơn là niềm vui. Những buổi trưa, bố

cấm ngặt tôi ra vườn. Bố để dành khu vườn cho nó. Tự dưng tôi thấy ghen

tức. Tôi kể mọi chuyện cho thằng Tí nghe. Thế là chúng tôi làm một cái

bẫy: cột những hộp lon với nhau rồi dẫn một đầu dây vào nhà. Khi nó xuất hiện dưới bụi lài, chúng tôi giật dây loạn xạ. Tiếng động vang lên khắp vườn và nó bỏ chạy trối chết… Hôm sau tôi thấy mặt mũi tay chân nó

đầy vết xước, có lẽ bị gai cào khi chạy trốn. Chúng tôi ân hận vô cùng.

Tôi hứa không tái diễn trò đó nữa. Nhưng cũng từ đó không thấy nó ghé

lại nhà tôi. Bố tôi hỏi và tôi giấu biến. Tôi không có can đảm nhận lỗi

về mình. Khi nhận lỗi, tôi thấy mình hổ thẹn nhiều lắm. Có nhiều lần tôi muốn bắt chuyện với nó, nhưng khi gặp khuôn mặt vênh vênh, tôi lại

thôi.

Một lần khác tôi gặp nó lảng vảng trong nhà thờ hôm bà ma-xơ Hiền

bị bịnh. Bà nằm thiêm thiếp trên chiếc gường gỗ. Người nhỏ thó như bị

rút lại. Những ma-xơ khác đắp khăn ướt cho bà. Có người ngồi đầu giường

đọc kinh.

Tôi đi ra dãy nhà ngoài thì gặp thằng cháu lão ăn xin đang lảng

vảng bên chiếc piano. Nó chạm tay vào những cái phím rồi vụt bỏ chạy khi thấy tôi. Tôi đến ngồi trước chiếc đàn rồi cũng như nó, chạm nhẹ từng

phím một. Những âm thanh vang lên khiến tôi nhớ mới hôm qua bà ma-xơ

Hiền vẫn còn ngồi đây điều khiển chiếc đàn. Bây giờ không có bà, những

bài hát như nằm sâu bên trong, không người đánh thức. Chúng sẽ ngủ mê

mệt và quên cả thức dậy để ca ngợi sự du dương trầm bổng. Những bài hát

trong cuốn sổ ố vàng đặt bên trên, khép lại, giơ cái bìa dán đầy băng

keo. Như một đứa trẻ, người ta băng bó những vết thương cho nó.

Hai hôm sau tôi ghé lại, ma-xơ Hiền vẫn chưa hết bệnh. Tôi đến bên gường, nắm bàn tay nhăn nheo của bà:

- Ma-xơ Hiền ơi! Bà có nhớ cây đàn không?

Kê cái đầu cao trên chiếc gối, bà nhìn tôi, đôi mắt chớp chớp, mờ đục:

- Nhớ chứ con! Âm nhạc là một phần đời của bà.

Tôi nói:

- Con cũng nhớ lắm! Không có bà, cây đàn thật vô tích sự. Chúng chẳng biết hát, chẳng biết reo lên như khi bà chạm vào.

Tôi đi về nhà. Ðêm ngủ tôi mơ thấy chiếc piano gõ từng nhịp một.

Những bài hát từ trong đó tuôn ra như dòng suối. Một giấc mơ toàn âm

thanh. Khi tỉnh dậy vào lúc nửa khuya, tôi vẫn như còn nghe thấy tiếng

đàn. Tôi đi nhẹ ra vườn, trèo lên cây vú sữa, nhìn về hướng nhà thờ. Tôi biết nơi đó những bài hát đang còn trong giấc ngủ, đang nằm trong những chiếc phím ngà chờ người đánh thức. Chờ ma-xơ Hiền.

Những ngày sau, căn bệnh của ma-xơ Hiền càng lúc càng nặng thêm.

Chiếc áo như rộng hơn, thò ra những ngón tay khẳng khiu gầy rộc. Bà bảo

tôi hát cho bà nghe bài “Người mẹ vĩnh cửu”. Hát rất nhiều lần. Hát đi

rồi hát lại. Lần nào nghe bà cũng khóc. Bà nói, bài hát nhắc bà nhớ tuổi thơ của mình. Bà lại nói, trong mỗi người già đều có một đứa trẻ được

nuôi lớn lên.

Ba hôm sau, ma-xơ Hiền mất. Trước đó một ngày, ước nguyện chơi đàn

lần cuối của bà đã được thực hiện. Hôm ấy, mọi người kéo đến đông lắm,

đa phần là những người không có đạo, có cả bố tôi.

Bố nói:

- Chúng ta đến không phải để nghe nhạc. Chúng ta đến để đưa tiễn một con người.

Dãy ghế dài đã được ngồi kín. Người ta đặt ma-xơ Hiền lên ghế như

cái cách đối xử với một đứa bé vừa yếu ớt vừa mệt mỏi. Rồi im lặng. Rồi

thở dài. Người ta chờ đợi âm thanh cuối cùng từ ngón tay bà. Những ngón

tay một lần cho tất thảy.

Sau này tôi được biết, những ngày cuối cùng của cuộc đời, ma-xơ

Hiền bị mù. Bà đàn khúc nhạc “Người mẹ vĩnh cửu” trong bóng tối mờ mịt.

Mẹ có đôi tay rộng lớn ôm cả thế gian con nít.

Mẹ có đôi mắt màu xanh lơ lúc da trời vừa đổ mưa xong…

Những buổi tối leo lên cây vú sữa, tôi hay nhìn về phía nhà thờ.

Tôi biết nơi đó có một cây đàn im lìm dưới bụi bặm, có những bài hát

lặng lẽ trong giấc ngủ mê…

Bố tôi nói, âm nhạc chính là bà mẹ vĩnh cửu.

Loading...

Tiểu thuyết tình yêu là website chia sẻ những thể loại truyện hay nhất hiện nay, được nhiều người đọc yêu thích. Truyện được cập nhập hàng ngày. Hãy lưu địa chỉ web để truy cập nhanh hơn!

Chúc các bạn online vui vẻ !

Laptop Tùng Anh

Tour Phú Quốc

Vinhomes Cầu Rào 2

Trang Chủ