Chương 14: Một lỗi lầm
Ngôi mộ ma-xơ Hiền nằm sau nhà thờ, đơn sơ nhưng lạ hơn những ngôi
mộ khác, có một cái cây hình chữ thập cắm bên trên. Phía trước mộ có một ô vuông trải cỏ. Nhưng buổi chiều tôi hay ghé thăm chiếc đàn piano
không có người chơi, rồi vòng ra sau thăm mộ ma-xơ Hiền. Tôi cũng có
tặng ma-xơ một con dế thả vào ô cỏ vuông. Nhưng tôi chưa bao giờ nghe nó gáy dù nằm cạnh, áp tai xuống rất nhiều lần. Có lẽ nó đã bỏ đi. Những
con dế không bao giờ hiểu được thế nào là tình cảm. Chúng vĩnh viễn mang hai chiếc càng chỉ để cắn nhau thay vì hôn nhau.
Từ dạo ma-xơ Hiền mất, nhà thờ trông buồn hẳn. Ba bà ma-xơ còn lại
tối ngày lủi thủi trong phòng. Những buổi chiều, ba bà đứng hát cạnh
chiếc đàn piano, hát trơ, không có người đệm. Chiếc ghế tựa đặt trước
chiếc đàn vẫn còn nằm đó nhưng không có người ngồi, chừa ra một khoảng
rộng. Có hôm tôi thấy ai đó đặt lên ghế bó hoa.
Bà ma-xơ Hạnh nói:
- Chúng ta hát bài “Vinh hiển thuộc về Người” nhé!
Xong bài đó, lại nói:
- Chúng ta hát bài “Nguồn sáng đời đời” nhé!
Họ lặng lẽ hát rồi lặng lẽ nói. Những bài hát không trôi chảy như trước, cứ phải ngắt giữa chừng bằng những câu nói như vậy.
Tôi đứng giữa căn phòng trống nhìn các ma-xơ qua chiếc đàn piano
màu đen. Khuôn mặt ma-xơ Hạnh không buồn không vui, nhưng giọng nói yếu
hẳn. Có hôm tôi thấy ba bà ma-xơ đứng hát trước mộ ma-xơ Hiền. Họ hát
bài “Vinh hiển thuộc về Người”. Bài hát tôi đã được nghe đi nghe lại
nhiều lần nên thuộc, có một số đoạn như vầy:
Người đã ra đi trên những lối cỏ
tươi để lại dấu chân.
Chúng tôi yêu những dấu chân vì
nó đã thuộc về Người.
Và vinh hiển thuộc về Người trong
từng ngọn cỏ.
Trong mỗi buổi sáng, tôi biết Người
đã đi qua trên những vết sương…
Tôi đi vào nhà thờ và nhìn cây đàn, tưởng tượng ma-xơ Hiền đang
ngồi ở đó rồi rùng mình bỏ chạy. Tụi thằng Toàn nói, ma-xơ Hiền đã thành ma rồi. Người chết đều thành ma cả. Họ sẽ luôn hiện về bên những gì mà
lúc sống họ yêu mến. Và từ đó tôi luôn có cảm giác ma-xơ Hiền đi theo
tôi.
Buổi tối tôi trùm kín chăn và từ từ thò một bàn tay ra ngoài, huơ
huơ xung quanh rồi rụt tay lại. Một hôm tôi đang làm như vậy thì chạm
phải một bàn tay, thế là hét ầm cả lên. Thì ra là mẹ tôi. Mẹ có đôi bàn
tay thật giống ma-xơ Hiền, những ngón tay tròn nhỏ, mát dịu. Tôi nhắm
mắt lại và tưởng tượng có hai con người trong bàn tay đó, cả hai con
người đều dịu dàng.
Có hôm tôi cảm thấy như cây đàn piano đang dạo bài “Người mẹ vĩnh
cửu”. Tôi hỏi có phải ma-xơ Hiền không? Không có tiếng trả lời. Tôi vụt
chạy ra phía trước cổng thì bắt gặp thằng cháu lão ăn xin đang đi vào.
Mặt nó vênh lên, tóc dựng ngược. Nó không nhìn thấy tôi.
Thế là tôi đi theo nó vòng ra ngôi mộ của ma-xơ Hiền. Thằng này
đang làm trò gì mà lén lút vậy. Nó nhìn trước nhìn sau không thấy ai,
vội lấy hộp dế ra. Nó đào một cái lỗ trên ô cỏ vuông trước mộ ma-xơ Hiền rồi chôn cái hộp diêm vào đó. Sau đó lấp đất lại, trồng hai cây cỏ lên.
Tôi vòng ra trước mặt nó, bất ngờ hét to:
- Tao bắt gặp mày rồi. Mày đang làm cái gì?
Thằng kia té bật ngửa vì hoảng sợ. Khi nhìn thấy tôi, nó lấy lại bình tĩnh rồi mặt vênh lên như cũ:
- Kệ tao. Tao làm gì mắc mớ gì mày?
Nó lấy tay che chỗ đất vừa đào. Nhưng làm sao giấu được con mắt “thần” của tôi. Tôi nói:
- Mày làm như tao không biết á. Con dế bên dưới chứ gì. Tao chỉ cần ngửi mùi là đủ biết. Hay vậy đó!
Nó gân cổ cãi lại:
- Kệ tao! Tao làm gì mắc mớ mày?
- Hôm trước tao thấy mày rình rình đi theo đám ma ma-xơ Hiền, tao
đã nghi rồi. Tao cấm mày không được tặng dế chết cho ma-xơ Hiền. Nếu
không, tao sẽ méc ma-xơ Hạnh rằng mày đến đây mày phá…
- Tao phá hồi nào? Lúc trước ma-xơ Hiền còn cho tao mấy trái mãng cầu nữa kia…
- Hóa ra là mày đã ăn trái mãng cầu mà tao đem đến cho ma-xơ…
- Ừ đó, làm gì tao.
- Cái đồ tham ăn!
- Tham ăn đó, làm gì tao!
Tức điên cả người, nhưng suy nghĩ mãi tôi vẫn không biết mắng nó
cái gì cho hả dạ. Ai đời bao nhiêu đồ ăn ngon tôi đem đến cho ma-xơ Hiền lại chui vào bụng nó, còn gì là thể diện trước mặt tụi thằng Toàn nữa
chứ!
- Hứ – Tôi chợt nhớ ra – Cái đồ ít tiền mà cũng bày đặt mua vườn. Tao còn biết ông mày có một cọc tiền nữa kia!
Không hiểu sao, thằng kia đứng ngớ người một hồi, rồi mặt đỏ bừng lên. Cuối cùng như dồn hết hơi, nó mới bật được thành tiếng:
- Ðồ mách lẻo! Ðồ rình mò! Mày tưởng tao sợ mày à? Tao không sợ thằng nào hết!
- Tao cũng không sợ mày – tôi nói – mày chỉ cần đụng ngón chân út của tao thôi, tao sẽ đánh mày ngay.
Nó lườm lườm nhìn tôi, sau cùng nó lục túi lấy ra hộp diêm, thảy lên bãi cỏ:
- Tao trả con dế cho tụi mày đó. Tao không cần nữa. Tụi mày chỉ bắt nạt người khác thôi. Tụi mày ỷ có khu vườn, tụi mày đuổi tao đi. Mai
mốt ông cháu tao có khu vườn rồi thì tụi mày sẽ thấy. Nó sẽ lớn hơn ngôi nhà tụi mày. Dế sẽ thả đầy nhung nhúc. Tao sẽ không bao giờ nuôi những
con dế chết đâu. Tao chẳng bao giờ cần con dế của tụi mày nữa đâu!
Nói xong, nó đào hộp dế dưới đất lên, phủi sạch, bỏ vào trong túi.
Cái mặt vênh vênh hung hãn, rồi bỏ đi. Vừa đi vừa đá dọc đá ngang những
bụi cỏ. Sau cùng mất hút dưới cánh cổng nhà thờ.
Còn lại một mình, tôi nhặt hộp dế lên rồi mở ra. Con dế ngơ ngác một hồi rồi nhảy vụt qua kẽ tay tôi. Ðôi cánh đen muốt.
Tôi về nhà. Vừa thấy tôi, bố đã hỏi:
- Con làm sao vậy?
- Con đã lỡ đòi lại món quà mà con đã cho.
- Người đó có lỗi với con lắm à?
- Không, bố à. Chẳng có lỗi gì.
- Thế thì con phải xin lỗi họ thôi.
- Con sẽ không bao giờ xin lỗi nó.
- Nếu vậy, bố sẽ rất xấu hổ vì con. Và con cũng sẽ rất xấu hổ khi gặp lại nó.
Hai hôm sau tôi mò xuống chợ. Tôi cũng không biết có nên xin lỗi
thằng đó không. Xin lỗi thì thấy kì quá. Nhưng tôi cũng muốn biết bữa
giờ nó như thế nào.
Ði lên đi xuống vẫn không gặp, cả mấy cái sạp cũ họ hay ở cũng
không thấy, cuối cùng đành quay về. Tôi nghe con Phượng nói ông cháu lão ăn xin đã đi rồi. Chẳng biết họ đi đâu. Tất nhiên không phải về quê mua vườn. Với xấp tiền đó, ít nhất phải một trăm xấp mới mua được. Vậy thì
họ đi đâu? Thằng Toàn nói có lẽ họ đi vùng khác, nhưng chắc chắn không
đi được xa vì thấy ông lão yếu lắm, đôi chân run rẩy dữ dội mỗi khi bước đi.
- Chẳng biết thằng đó có đem theo con dế tụi mình cho không?
Tôi im bặt khi nghe thằng Toàn nói. Tôi không dám kể cho nó nghe vì sợ nó xem thường mình. Nhưng tôi vẫn vọng, vọng tìm thấy họ bởi một
sự vô tình nào đó.
Những lều bạt, những ván chợ bỏ hoang khiến tôi bơ vơ một lúc. Dọc
theo con đường cái, tôi đi miết. Hình như khi đi theo một con đường thì
tôi sẽ không bao giờ dừng lại được nữa, vì con dường cứ kéo dài ra mãi,
ra đến muôn trùng.
Ông lão ăn xin sẽ dừng ở đâu? Có lẽ ông lão sẽ đi cho đến hồi không thể đi được. Nơi đó sẽ là nơi ông lão dừng lại. Vậy thì bao giờ ông mới đi ngược trở lại để về quê nhà, để tôi còn có cơ hội gặp lại cháu ông?
Có lẽ lúc đó tôi sẽ đủ can đảm để xin lỗi nó. Tôi sẽ dẫn nó về nhà và
cho nó một con dế khác. Nó sẽ không còn vênh mặt lên nhìn tôi nữa, mà sẽ nói: “Tao đã quên rồi”.
- Có thật không? Tôi hỏi lại.
Nó nói:
- Mày có đáng gì để tao nhớ chứ!
Thế là bọn tôi gây lộn với nhau.
Nhưng tất cả chỉ là tưởng tượng thôi. Không hiểu sao, tôi cứ nghĩ nó không thể quên được chuyện đó.
Trên đường dẫn ông lão đi, hẳn nó sẽ nói:
- Bọn chúng đều xấu cả. Bọn chúng tranh giành những con dế, những khu vườn với con.
Rồi hai ông cháu họ vui vẻ dấn bước. Càng đi, họ càng rời xa tôi
mãi, càng bước gần hơn với khu vườn của họ. Tôi vĩnh viễn đứng bên đây,
hun hút xa cùng với nỗi ân hận.
Bố tôi vẫn nói, khi nhìn theo bóng một người mà ta không thể quên được, chúng ta sẽ thấy “nỗi nhớ” của mình.
Chương 15: Những ngày bình thuờng
Mùa mưa ẩm thấp lại đến. Những cơn mưa đêm lướt qua, vừa lạnh lẽo
vừa ồ ạt. Bằng cái màu trắng của mình, chúng đã biến đổi cả một khoảng
trời trong giấc ngủ tôi
Tôi hay sang nhà chú Hùng, chui vào cái ụ rơm như một con chim chui vào cái tổ. Tôi cũng hay tưởng tượng mình sẽ mọc cánh, những cái cánh
dài vừa vặn với thân thể của tôi. Một buổi chiều đầy gió tôi bay về phía cuối bầu trời. Nơi đó có những đám mây mang gương mặt của bé Thương.
Vào ngày nắng, tôi xếp đôi cánh vào cái sọt nhỏ để dưới gầm gường của mình. Hàng đêm đôi cánh vẫn cứ mọc dài và ngúc ngoắc.
Trong những giấc mơ lơ đãng, tôi cũng có một đôi cánh khác. Ðó là
những đôi cánh vải mềm và trong suốt đưa tôi đi. Nhưng tôi cũng biết
trong những giấc mơ, tôi có bay cao xa cũng không ra khỏi khu vườn. Tôi
đã hiểu thế nào là một khu vườn rồi. Tôi cần đi đến một nơi khác khu
vườn tôi đã có. Tại sao không chứ? Mẹ tôi nói, khi một đứa trẻ lớn lên,
chúng cần biết nhiều điều bên ngoài khu vườn. Mẹ đã hé cho tôi thấy một
khu vườn không bao giờ đủ cho một đứa trẻ.
Tôi đã âm thầm vùi bốn củ khoai vào tro nóng mỗi đêm. Tôi sẽ làm
công việc đó liên tục hàng ngày. Một ngày nào đó, chắc chắn nó sẽ đến,
khi cảm thấy đủ sức rời khỏi khu vườn, tôi sẽ có bốn củ khoai nóng mà
đem theo.
Nhưng mùa mưa cứ dai dẳng và âm ỉ khiến sự chờ đợi của tôi mòn mỏi
dần và tôi quên nó. Một ngày nọ bỗng nhớ đến, ôi thôi, củ khoai đã thành tro rồi còn đâu. Tôi cười xòa rồi quên cái ý định ra đi. Thành thật mà
nói, với bốn củ khoai đó, tôi chỉ có thể xa mẹ đúng một ngày. Một củ cho điểm tâm, ba củ còn lại dành cho sáng, trưa và chiều. Tôi chưa bao giờ
có thể xa mẹ hơn thế nữa. Tôi đành giấu kín chuyện này, xem nó như là
một bí mật của đời tôi.
Từ ngày không được làm bố, chú Hùng ít ghé nhà tôi. Mẹ tôi nói, chú muốn lao vào công việc để quên bé Thương. Tờ mờ sáng, chú đã vác cuốc
ra đồng cho đến tối mịt mới trở về. Cô Hồng đã đi làm lại. Cô có vẻ hơi
ốm, chiếc áo dài màu xanh trông rộng hẳn. Khuôn mặt gầy gầy, âu lo. Tôi
hay sang thăm cô vào mỗi buổi chiều, phụ cô làm một cái gì đó. Cô đã đan xong chiếc nón cho tôi như đã hứa. Những hôm mưa, tôi đem ra đội và
ngồi thu lu nhìn ra khu vườn trong hơi ấm từ chiếc nón phả ra. Tôi thấy
ấm lòng hẳn. Tôi hay nghĩ ngợi nếu có bé Thương, chắc cô Hồng sẽ đan cho nó nhiều cái như vậy, những chiếc nón thật đẹp. Nếu là con gái sẽ thêm
nhiều cái tua, những tua xanh đỏ như tôi vẫn thường thấy người ta bán
ngoài chợ.
Một ngày lạ, vườn tôi bỗng xuất hiện loài hoa mới, cánh vàng nhụy
trắng. Tôi âm thầm chờ đợi nó lớn lên, âm thầm nâng niu như một đứa trẻ. Những bông hoa lạ luôn gây cho tôi cảm giác ai đó đã ghé khu vườn lúc
tôi đang ngủ. Họ ngồi chờ mãi không được, đành gieo mầm hoa xuống đất
rồi bỏ đi mà không kịp gởi gấm hãy chăm sóc giùm tôi, hãy tưới nước ngày ba lần.
Bố tôi vẫn nói phần thưởng cho người làm vườn là hoa quả.
Cuối mùa mưa, cây hoa đó nảy ra nhiều nhánh và hạt của nó đã mọc ra nhiều cây con. Tôi đã hái tặng cô Hồng đóa hoa đẹp nhất, vào một ngày
đẹp nhất. Cô trìu mến nhìn tôi. Ngay cả đêm về, co mình trong chăn, tôi
cũng không thể nào quên được ánh mắt ấy. Ðó là cái nhìn của một người mẹ dành cho con. Tôi đã ngủ suốt đêm ngon giấc chỉ vì cái nhìn đó.
Sáng ra, cảm giác là lạ choáng váng cả phòng. Một bàn tay ai đó đang nắm cái chân tôi, giọng nói quen quen:
- Ai đang “nướng” trong cái mền vậy cà!
Tôi hét lớn:
- Chú Hùng!
Chú cười sằng sặc dưới cái chân tôi.
- Tại sao chú không báo trước cho cháu biết chú sẽ sang đây? Cháu sẽ thức nguyên đêm chờ chú.
- Ðể làm gì vậy cà! Ai mướn vậy cà! – Chú cười khùng khục.
Lâu lắm rồi tôi quên luôn cái cảm giác ôm cổ chú, cái cần cổ của người anh hùng, to lớn, vững chãi.
Tôi nói:
- Lâu rồi, cháu chưa được ôm cái cổ của chú. Chú cũng không chịu ăn cái chân của cháu nữa.
Mẹ tôi nói khi chú Hùng sang đây tức là chú đã nguôi ngoai chuyện bé Thương.
Chương 16: Những người lạ
Quê tôi thỉnh thoảng hay có một đoàn sơn đông mãi võ ghé sang. Họ
đi một đoàn khoảng chục người trên một chiếc xe ngựa kéo. Phía trước cắm lá cờ đầy chữ Tàu, lại vẽ rằn ri những hình thù kỳ dị. Họ treo bên hông xe những cái bồ lát bịt kín. Ði đến đâu, gây huyên náo đến đó bằng
tiếng phèn la, tiếng rao ơi ới… Họ mang theo cả những bà vợ, những đứa con. Người lớn thì ngồi bên ngoài, trẻ con được lèn chặt bên trong cùng những cái thùng, có khi cả mùng mền chiếu gối đổ sập lên đầu chúng. Lâu lâu bọn trẻ khóc ré lên, thế là bà mẹ dí cái đầu nó ra ngoài cho nhìn
một chặp. Hết khóc lại kéo tuột vào trong. Mẹ tôi kể ngày xưa họ đi đông lắm, càng ngày số lượng người càng ít dần, lâu lắm mới ghé lại.
Có rất nhiều đứa trẻ được nuôi lớn lên trên chiếc xe ngựa như vậy.
Còn nhỏ chút xíu, chúng đã biết cho ngựa ăn. Ba tuổi đã cầm ca đi bán
thuốc, lẫm chẫm theo người lớn. Những đoàn ít người hơn thì đi đến đâu
tìm thêm người đến đó. Họ dụ dỗ trẻ con hay lắm, có nhiều đứa bé đi
theo, thế là quên cả đường về.
Ðây là lần đầu tôi thấy họ. Họ quây một góc chợ bằng những tấm bạt
cho trẻ con có chỗ nằm ngồi, sau đó dọn dẹp một miếng đất trống lớn hơn, cắm cây cờ chính giữa. Những cái bồ lát bịt kín được đem bày ra. Con
nít bu đen, họ cấm ngặt.
- Ê, thằng kia, tránh ra. Mày có biết cái bồ đó chứa gì không? Rắn độc, rắn độc đấy!
Thế là cả bọn hoảng kinh lên.
Tiếng nói của họ ồm ồm như sấm. Khuôn mặt đầy râu bặm trợn, tay
chân vạm vỡ khiến cái trừng mắt của họ uy lực khủng khiếp. Nhưng họ cũng rất vui tính, lâu lâu lại đùa với trẻ con, đá đít đứa này, đá đít đứa
kia.
Thằng Tí kéo tôi lọt thỏm vào trong gian hàng của họ. Nó lanh lẹ
hơn tôi nên thỉnh thoảng được những người trong đoàn nhờ vịn cái này,
vịn cái kia cho họ giăng dây hoặc lèn những vật nặng.
Sung sướng lắm, mặt vênh lên, nó bảo tôi:
- Mày có muốn vịn không, tao cho mày vịn đấy!
Tôi làm như bất cần.
Loáng một cái họ đã sắp đặt mọi thứ trông rất oách. Ðầu bên này là
ba cây giáo dài chụm lại, cột nơ đỏ. Ðầu bên kia là cái bàn chông kèm
theo mấy trái dừa khô. Họ mở những cái bồ lát, quả thật, bên trong đầy
rắn độc. Những con rắn ngóc cổ cao.
Họ bảo thằng Tí:
- Mày có thích đánh trống không? Cho mày đánh đó.
Thế là tôi và thằng Tí nhảy tót vào, mỗi thằng một cái dùi, đánh, đấm, chặt, ỏm tỏi.
Cả khu chợ náo động hẳn. Người lớn trẻ con bu đông nghẹt. Nhưng họ
luôn luôn không vội vàng gì, cứ từ từ nhẩn nha. Ðến một lúc nào đó,
người trưởng đoàn vỗ tay, thế là đồng loạt những người thanh niên cởi
phăng áo, cột ngang bụng một dải lụa nhỏ. Người nào bán thuốc sẽ cột
thêm một cái khăn vàng lên cổ. Có người còn quấn lên người thêm một con
trăn to đùng.
Ðầu tiên họ sẽ biểu diễn một trò phù phép. Chẳng hạn như bỏ một
đồng tiền cắc vào lỗ tai này, sau đó lấy nó ra ở lỗ tai kia. Thật tài
tình. Họ còn nhờ trẻ con lên xem có đúng là lỗ tai họ hoàn toàn bình
thường không. Sau đó vui vẻ biểu diễn tiếp. Họ có những viên thuốc gia
truyền từ nhiều đời đựng trong những chiếc hộp tròn nhỏ. Ðây là loại
thuốc thần kỳ, da vừa bị rạch, chảy máu đầm đìa, bôi vào sẽ lành ngay.
Họ biểu diễn ngay trước mọi người khiến ai nấy cũng phải tái mặt vì sợ.
Cầm con dao cạo râu bén ngót, họ từ từ rạch một đường nhỏ ở bụng.
Tay bịt vết thương, mặc cho máu chảy ra, họ cứ thản nhiên quảng cáo
thuốc, có khi còn nhờ ai đó pha giùm ly nước chanh để nhấp giọng.
- Phương thuốc này, chúng tôi chỉ bán một số lượng có hạn thôi vì cần phải đem đến những chỗ khác chia đều cho mỗi người một ít.
Ngày nào cũng vậy, cái bụng của họ bị rạch ra, sau đó lại lành.
Những lúc mãn chợ, họ quây quần trong lều. Ðàn ông nằm vắt vẻo đàn hát
nghêu ngao. Ðàn bà thì lo cơm nước, giặt giũ, tắm rửa cho trẻ con.
Thấy chúng tôi, họ vui lắm, ngoắc vào cho ngồi gần. Lâu lâu lại
quay lưng cù đứa này, cù đứa kia. Cũng có lúc họ làm chúng tôi vã mồ hôi khi hăm he sẽ làm biến mất “con chim” của một đứa nào đó. Cả bọn ù té
chạy về, vừa chạy vừa thò tay xuống quần bụm chặt. Về đến nhà mới hay là còn. Khiếp!
Chúc các bạn online vui vẻ !