Lamborghini Huracán LP 610-4 t
Tiểu thuyết tình yêu

Tiểu Thuyết Tình Yêu

Đọc truyện tại Tiểu Thuyết Tình Yêu

Loading...

Tiểu thuyết - Bắt trẻ đồng xanh - trang 3

Chương 10

Vẫn còn khá sớm. Tôi chẳng biết đích xác mấy giờ, nhưng đại để vẫn chưa khuya mấy. Tôi chúa ghét phải đi ngủ lúc chưa thấy mệt. Tôi mở va li, lôi ra một chiếc sơmi sạch rồi vào buồng tắm, rửa ráy và thay áo quần. Định bụng xuống dưới nhà, xem thiên hạ đang làm gì dưới "Phòng tử đinh hương" - Tầng dưới khách sạn này có một hộp đêm tên là như vậy.

Lúc đang thay áo, tôi bỗng nảy ra ý nghĩ: hay là cứ gọi điện cho Phoebe, em gái tôi. Tôi muốn nói chuyện với nó kinh khủng. Nó sẽ hiểu hết. Nhưng gọi về nhà thì hơi liều. Bởi dẫu sao Phoebe cũng còn bé,. nên chắc giờ này nó đang ngủ say, không thể ra trả lời ông anh. Có thể đặt ngay máy xuống nếu bố mẹ tôi chạy ra, thế thà đừng gọi cho rồi. Vì bố mẹ sẽ nhận ra mất. Nhất là mẹ. Mẹ giỏi đoán lắm. Bởi mẹ nhạy cảm kinh khủng. Nhưng dẫu sao tôi cũng vẫn muốn được bốc phét dăm câu với Phoebe ngay bây giờ.

Ồ, giá các bạn được nhìn thấy con bé. Kháu khỉnh và thông minh như nó thì tôi chắc các bạn chưa từng gặp bao giờ. Các bạn biết không, từ ngày cắp sách đi học tới giờ, nó toàn được điểm cao, chưa hề bị một điểm kém nào đâu. Nói thực, cả nhà chỉ mỗi tôi là dốt. Anh tôi, anh D.B. đang viết văn, còn em tôi, thằng Allie đã chết thì thần đồng chả chắc đã sánh nổi. Chỉ mỗi tôi là đần. Chà, phải chi các bạn được gặp Phoebe. Tóc nó cũng đỏ rực như tóc Allie vậy. Hè nào nó cũng cắt ngắn, rồi chải tém ra sau mép tai. Hai tai nó vừa nhỏ, vừa xinh. Còn mùa đông thì bỏ tóc xoã. Nhiều bữa, mẹ tôi cũng tết tóc cho nó. Nhưng lắm hôm vẫn cứ để xoã sau lưng. Thế mà vẫn đẹp. Nó mới lên mười, gầy như tôi, nhưng không khẳng khiu. Gầy kiểu các đối thủ trượt tuyết. Một hôm, tôi nhìn qua cửa sổ thì nhác thấy bóng nó băng qua đường phố, chạy ra vườn hoa. Lúc ấy tôi vụt có ý nghĩ, nó được trời sinh để trượt tuyết - mảnh dẻ, hoạt bát. Tôi biết thế nào các bạn cũng sẽ thích Phoebe. Nghe ai nói câu gì, dù rất mơ hồ, nó cũng hiểu ngay. Thậm chí có thể lôi nó đến bất cứ đâu chẳng hề sợ bẽ mặt. Chẳng hạn, nếu bạn đưa nó đến xem một cuốn phim nó sẽ biết ngay cuốn phim ấy hay hoặc dở. Một hôm, tôi nói với anh D.B. có dắt nó đi xem phim Pháp, mang tựa đề Vợ bác thợ nướng bánh mì, do diễn viên Raimu đóng. Nó thích mê mẩn. Nhưng Phoebe thích nhất là Băm chín bước chân, có Robert Donat đóng. Nó gần như thuộc lòng cả cuốn phim, hai anh em phải xem tới xem lui đến cả chục bận còn gì? Chẳng hạn, khi chàng Donat bị cảnh sát lùng bắt, phải đến nương náu tại một nông trại, Phoebe đã nói ầm lên giữa rạp cùng lúc với ông chủ trại người Scotland: "Anh ăn được cá trích chứ nhỉ?" vì thuộc lòng tất cả các câu đối thoại. Còn khi lão giáo sư, nhưng thực ra là một gián điệp Đức, giơ ngón út bị cụt mất một đốt lên chỉ chỏ Robert Donat, thì Phoebe đã giơ ngón tay lên trước cả lão ta và chỉ thẳng vào mặt tôi. Nhất định các bạn sẽ thích nó. Nói của đáng tội, nó cũng hay bắt bẻ. Hiểu được mọi thứ đến nơi đến chốn, chẳng trẻ con chút nào, cứ cắm cúi viết sách suốt. Có điều chẳng chịu viết cái gì cho đến nơi đến chốn. Truyện nào cũng kể về một con bé, tên là Hazle Weatherfield. Có điều Phoebe không viết là Hazle, mà viết thành "Cazle", thế có lạ không? Chính con bé ấy là một gián điệp lợi hại. Mới đầu, cứ tưởng ả mồ côi cha mẹ, nhưng sau chẳng biết bố ả ở đâu tự dưng lại mò ra, "một trang thanh niên hai mươi cao lớn, lịch sự rất hấp dẫn". Ngộ nghĩnh không thể tưởng được! Thế nào các bạn cũng sẽ thích nó. Hồi nó còn nhỏ, chủ nhật nào tôi với Allie cũng dắt nó ra công viên đi dạo, Allie hồi đó có một chiếc thuyền buồm. Nó thích thả thuyền vào chủ nhật, nên lần nào hai anh em cũng dắt con bé theo. Nó diện đôi găng tay trắng đi giữa hai anh, em tôi, trông hệt như một tiểu thư đài các. Hễ thấy tôi với Allie trò truyện là nó dỏng tai lên xem cả hai nói gì. Lắm lúc bọn tôi quên mất Phoebe, vì dẫu sao nó cũng còn nhỏ, nhưng nó nhất định không chịu thế và cứ góp chuyện suốt dọc đường. Thúc tôi hoặc Allie, rồi hỏi to: "Nhưng ai bảo thế? Ai cơ? Bobby hay là cô kia?". Đến lúc nghe được câu trả lời nó liền đáp:"À, em hiểu!" rồi lại lắng tai nghe tiếp hệt như người lớn. Allie cũng rất thích nó. Tôi muốn nói, Allie cũng rất quý Phoebe. Năm nay, nó đã lên mười, chẳng còn bé như độ trước, nhưng vẫn rất ngộ khiến ai cũng thích - dĩ nhiên là nếu hiểu được tính nết nó.

Dẫu sao tôi cũng muốn gọi cho Phoebe quá. Có điều tôi sợ bố mẹ lại nhấc máy, biết ngay tôi đang ở New York, và cả chuyện tôi bị đuổi học lần nữa. Bởi thế, tôi chỉ thay chiếc sơmi, rồi bước ngay vào thang máy, xuống phòng lớn, xem dưới ấy có gì.

Nhưng dưới đó chẳng có ai, ngoài mấy gã trông như ma cô với vài ba ả tóc sẫm, tựa như gái ăn sương. Từ "Phòng tử đinh hương" vọng ra tiếng nhạc, tôi rẽ ngay vào. Khách vắng ngơ vắng ngắt, nhưng người ta lại chỉ cho tôi một chiếc bàn ọp ẹp, kê tít trong góc xa nhất. Phải chi cứ dúi cho gã bồi bàn một đôla thì đâu đến nỗi. Ở New York này cứ có tiền là muốn gì được nấy, tôi chẳng lạ.

Ban nhạc Buddy Singer chơi dở thậm tệ. Họ chơi ầm ĩ khủng khiếp, nhưng ầm đến mức quái đản, chứ không phải một cách điệu nghệ, như các ban nhạc danh tiếng. Nói trắng ra là chẳng có ai, - bởi phần đông đều là những lão già hợm hĩnh ngồi với bồ. Trừ chiếc bàn bên cạnh đang có ba cô gái tuổi suýt soát ba mươi. Cả ba đều khá xấu xí, và nhìn mấy chiếc mũ họ đội, khắc biết họ là dân ở xa tới. Nhưng trong đám ấy có một cô, cô tóc sẫm, trông cũng chẳng đến nỗi khó coi. Gương mặt cô có một vẻ gì ngồ ngộ rất khó tả, nhưng khi tôi bắt đầu thử phân tích, thì gã bồi bàn lại xuất hiện. Tôi gọi một ly Whisky soda, nhưng dặn đừng pha thêm gì hết. - Tôi cố nói thật nhanh, nếu trù trừ, gã nọ sẽ biết ngay bạn chưa tới tuổi, và bạn đừng hòng được uống một giọt rượu nào. Tuy thế, gã vẫn hạch ngay:

- Rất tiếc, thưa ông, nếu ông không đem theo giấy tờ xác nhận đã đủ tuổi.

Chắc ông có mang theo trong túi bằng lái xe chứ ạ?

Tôi ném về phía gã một cái nhìn lạnh như băng, như thể gã vừa sỉ nhục tôi không bằng, rồi nói lớn:

- Tôi thế này mà anh thấy chưa đến tuổi trưởng thành, hả?

- Rất tiếc, thưa ông, nhưng chúng tôi có lệnh.

- Được rồi, được rồi, - tôi nói vậy, nhưng thầm nghĩ: "Quỉ bắt anh đi!" - Cho tôi một chai côcacôla vậy. Gã bắt đầu trở gót, thì tôi gọi giật lại:

- Anh làm ơn cho thêm vài giọt rum, được không? - Tôi nói bằng một giọng hết sức lịch duyệt và mềm mỏng. - Không lẽ đã vào đây ngồi mà vẫn tỉnh táo được à? Thêm có vài giọt, chẳng lẽ cũng bị cấm?

- Rất tiếc, thưa ông, tôi không được phép! - Rồi gã quay đi. Nhưng lỗi đâu phải ở gã? Gã có thể mất việc tức khắc, nếu mang rượu lên cho những khách khứa chưa đến tuổi trưởng thành. Mà tôi, rủi thay lại đúng là loại khách đang ở độ tuổi vị thành niên.

Tôi lại quay về ngắm mấy ả phù thuỷ ngồi bàn bên kia. Đúng hơn là cô có mái tóc khá đen. Chứ hai ả kia thì khác nào loại ma chê quỉ hờn. Nhưng tôi không ngây ra như một tên ngốc. Trái lại, tôi ngắm họ hết sức lãnh đạm. Thế mà các bạn biết họ đã làm gì không? Bắt đầu khúc khích cười, như ba mụ dở hơi chính cống! Chắc họ đinh ninh tôi chưa đủ tuổi để làm cái trò ngắm nghía đàn bà, con gái. Tôi đâm điên tiết, họ làm như tôi đang muốn cưới họ làm vợ không bằng. Lẽ ra tôi phải làm ra bộ khinh thường cho họ biết thân, nhưng ác cái tôi đang muốn nhảy kinh khủng. Thỉnh thoảng, tôi thường thèm nhảy kinh khủng, như lúc này, chẳng hạn. Tôi chồm qua phía họ, mời:

- Các bạn, các bạn có thích nhảy chút đỉnh cho vui không? - Tôi nói rất lịch duyệt, giọng đặc quí phái. Thế mà cả ba ả ngốc lại đâm hoảng. Lại khúc khích cười. - Nào ta nhảy cho vui đi. - tôi tiếp. - Tôi sẽ lần lượt mời từng cô một. Thế nào? Các cô vui lòng chứ? - Tôi thích nhảy kinh khủng.

Mãi sau cô tóc sẫm mới chịu đứng lên. Trông cũng biết cô ta thừa hiểu tôi mời ai. Chúng tôi dìu nhau ra sàn nhảy. Còn hai ả nọ thì cười ngặt nghẽo như đang lên cơn động kinh. Quả tình, chỉ vì buồn nên tôi mới dây với lũ nỡm kia. Chứ vào lúc khác, dẫu có các vàng tôi cũng mặc xác họ.

Nhưng kể cũng chẳng hoài công lắm, cô tóc sẫm nhảy đẹp lạ lùng! Tôi chưa từng gặp trong đời một vũ nữ tuyệt hơn thế. Các bạn biết đấy: lắm ả rất ngốc, nhưng nhảy thì hết chê. Còn những cô thông minh thì hoặc là bạn phải miễn cưỡng dắt họ đi, hoặc là nhảy tồi tới mức thà cứ ngồi mọc rễ ở bàn mà nốc rượu cho bí tỉ với họ, còn hơn là lôi nhau ra sàn nhảy.

- Cô nhảy chúa thật! - tôi khen cô tóc sẫm. - Cô nên làm một vũ nữ chuyên nghiệp mới xứng tài. Thật đấy! Tôi đã từng nhảy với một cô gái nhà nghề, nhưng còn mệt mới theo kịp cô. Chắc cô có nghe nói về đôi vũ Marco và Miranda chứ?

- Cái gì? - Thậm chí ả cũng chẳng buồn nghe tôi nói, mà cứ đảo mắt nhìn quanh thực khách trong phòng.

- Tôi hỏi, cô đã từng nghe nói tới Marco và Miranda bao giờ chưa?

- Chưa. Tôi không biết. Tôi chưa bao giờ nghe hai cái tên ấy.

- Họ là một đôi vũ chuyên nghiệp. Cô ấy là một nữ nhà nghề. Nhưng nhảy rất xoàng. Nghĩa là tuy vẫn hành nghề đấy, nhưng nhảy chẳng giỏi mấy. Chắc cô biết tâm trạng của cánh nam giới khi được khiêu vũ với một bạn nhảy tuyệt vời?

- Anh bảo gì? - Ả hỏi lại, bỏ ngoài tai chẳng buồn để ý những gì tôi nói.

- Tôi hỏi, cô có biết tâm trạng của cánh đàn ông chúng tôi, khi được nhảy với một bạn nhảy xuất chúng không?

- À, ra vậy...

- Cô thấy đấy, tuy đang ôm cô trong tay, nhưng nếu tôi lại có cảm giác như mình hoàn toàn chẳng còn giữ được thứ gì và chẳng còn biết chân tay lúc này đang ở đâu, thì đó mới đích thị là một bạn nhảy chúa tể.

Ả lại có vẻ không nghe thấy. Tôi quyết định nín thinh một lúc. Chỉ nhảy, thế thôi. Ngậm tăm. Buddy Singer đang chơi bài Chỉ có mỗi một điều... Bản nhạc tuyệt vời. Đến mức cả cái dàn nhạc thổ tả ấy cũng không thể làm nó dở đi nổi. Tôi chỉ nhảy chứ không hề giở những trò quỉ quái, tôi chúa ghét những gã làm vậy. Tuy rằng tôi quay ả như chong chóng, khéo hoa cả mắt, nhưng ả vẫn ngoan ngoãn vâng theo, Tôi ngốc nghếch, đinh ninh rằng ả cũng thích nhảy, thì thình lình ả phun ra một điều khiến tôi ngao ngán quá:

- Tối qua, tôi với bọn bạn vừa được nhìn thấy Peter Lorrer xong. Một tài tử điện ảnh. Bằng xương bằng thịt nhé! Anh ấy đang mua một tờ báo. Bảnh trai khiếp lên được!

- Cô thật may mắn, - tôi nói, - phải, hết sức may mắn. Cô hiểu điều tôi nói chứ? - Một ả thộn đích danh. Nhưng nhảy thì tuyệt vô cùng! Tôi không kìm được, bèn cúi xuống đặt một nụ hôn lên đỉnh đẩu ả, ngay chính giữa đường ngôi của mái tóc đen. Khiếp, ả tức lồng lên, nhấm nhẳng:

- Lại còn trò gì nữa đây?

- Chẳng có gì. Tôi chỉ thán phục cô, thế thôi. - Tôi nói. - Tôi có một đứa em gái khiêu vũ rất tuyệt. Nó chỉ mới học lớp bốn thôi và cô nhảy chẳng kém nó chút nào.

- Xin lỗi, cậu đừng có khoác loác quá thế!

Một tiểu thư chính tông! Ồ, không, một nữ hoàng, trời ạ!

- Cô từ đâu đến vậy? - Tôi hỏi. Nhưng ả không đáp lời. Cứ mắt trước mắt sau, trông cũng thừa biết ả đang mong Peter Lorrer hiện ra.

- Cô từ đâu đến thế? - Tôi lặp lại.

- Cái gì?

- Các cô từ đâu đến thế? Cô chẳng cần trả lời, nếu cảm thấy không thích lộ bí mật. Không việc gì phải cố cả, tôi van cô!

- Từ Seattle, bang Washington, - ả đáp. Giọng như thể hạ cố ban cho tôi một ân huệ lớn!

- Cô quả là một người trò chuyện có duyên - tôi bảo. - Cô biết thế chứ?

- Cái gì?

Tôi không nhắc lại, bởi có nhắc cũng chả chắc ả đã buồn để ý.

- Cô có thích đi vài vũ hình Jitterbug không, khi ban nhạc chơi một bài gì đó nhanh hơn? Nhảy Jitterbug mới đáng gọi là khiêu vũ. Hễ ban nhạc tấu một bản nhanh, thì ta sẽ tha hồ rộng chỗ mà quay, bởi ai nấy đều ngồi xuống cả, trừ mấy lão già dở hơi với lũ con gái béo ị. Cô hẳn vui lòng chứ?

- Tôi thì sao cũng được. - ả nói. - Này, anh mấy tuổi rồi, anh bạn?

Tôi bỗng thấy ấm ức kinh khủng.

- Quỉ thật, cô gặng hỏi chuyện đó làm gì cho mất vui đi? -Tôi bảo - Tôi mới mười hai. Chỉ được cái rất lớn xác.

- Mong anh đừng cáu. Nếu anh nổi cáu, tôi sẽ trở lại với mấy cô bạn kia ngay, anh hiểu không?

Tôi liền rối rít xin lỗi như một gã dở hơi, vì ban nhạc bắt đầu chơi một điệu nhanh kinh khủng. Ả cuốn tôi ngay vào điệu Jitterbug - rất thanh thoát, nhịp nhàng. Ả nhảy tuyệt quá, thật đấy. Bạn chỉ cần đẩy khẽ là ả đã ngoan ngoãn lượn theo ngay, Còn khi quay, cặp mông ả cũng uyển chuyển quay theo, tuyệt vời. Nhảy thế mới đáng gọi là nhảy. Tôi hay dễ xiêu lòng với những thiếu nữ kiểu cô ta. Lắm lúc, đến liếc nhìn bạn cũng chả thiết, vì thấy chúng quá ngốc nghếch; nhưng hễ thấy chúng làm một trò gì đó đẹp mắt, là bạn chết mê chết mệt liền. Cầu mong quỉ sẽ lôi hết những cô ả kiểu ấy đi. Ai chứ bọn chúng thì thừa sức khiến bạn thất điên bát đảo.

Mấy ả nọ không mời tôi đến ngồi cùng bàn - vì thiếu giáo dục, dĩ nhiên - nhưng tôi chả trách, cứ sà xuống ngay. Cô tóc sẫm nhảy với tôi tên là Bernice Crabs hay Krebs gì đó. Còn hai ả xấu xí, thì tên là Marty và Laverne. Tôi tự xưng với họ là Jim Steele - tôi cố ý đánh lừa. Tôi cố khai mào một cuộc trò chuyện thật thông minh, thú vị nhưng bất lực. Không lẽ phải dùng vũ lực bắt họ mở mồm? Tôi tưởng Bernice đã ngốc lắm, nào ngờ còn thông thái hơn cả hai ả kia. Cả ba cứ mắt trước mắt sau, dáo dác nhìn quanh phòng, như thể đang chờ một lô một lốc minh tinh màn bạc. Khéo họ tưởng đã mò được tới New York, thì gã minh tinh nào cũng vác mặt lại "Phòng tử đinh hương", chứ chẳng phải "El Marcocco" hay "Stork - club". Mãi tôi mới dò biết được nghề nghiệp của họ trên Seattle. Hoá ra cả ba đều làm tại một hội bảo hiểm ở đấy. Tôi tính hỏi công việc họ đang làm hẳn thú vị lắm, nhưng vị tất đã dò hỏi được chuyện đó ở mấy ả ngốc nghếch này? Tôi tưởng hai cô xấu xí, Marty và Laverne, là hai chị em, nhưng họ cáu kinh khủng, khi nghe tôi hỏi câu đó. Tôi biết cô này cũng chẳng muốn mình giống với cô kia - kể cũng phải thôi - nhưng dẫu sao tôi vẫn thấy chết cười.

Tôi lần lượt nhảy với cả ba, cho họ khỏi ganh tỵ. Một trong hai cô xấu xí - cô Laverne - nhảy cũng chẳng tệ lắm; nhưng còn Marty thì chán không còn gì sánh bằng. Nhảy với ả thì thà cứ lôi quách Nữ thần Tự Do trên bệ xuống, kéo mụ già ấy đi quanh sàn nhảy còn hơn. Đành phải kiếm chuyện gì đó lừa ả, nếu không muốn chết gục vì buồn tẻ. Thế nên tôi bèn bịa: Tài tử Gary Cooper đang đến kia kìa!

- Đâu, đâu? - Ả xúc động kinh khủng. - Anh ấy đâu?

- Chết thật, cô không mê ngủ đấy chứ? Ông ấy lại vừa ra xong. Sao cô không nhìn ngay lúc tôi bảo?

Ả, thậm chí còn dừng phắt lại, nhón gót nhìn qua đầu mọi người, có lẽ hy vọng còn được thấy phía lưng lão tài tử nọ.

- Anh ấy vừa ở đây bước ra thật chứ? - Ả suýt phát khóc, nên tôi đâm ân hận vô cùng. Tôi thấy thương hại ả kinh khủng, vì đã lừa ả. Có những kẻ chẳng nên lừa gạt họ, dù họ rất đáng được hưởng cái ân huệ đó.

Nhưng buồn cười nhất là lúc tôi đưa ả về bàn. Marty bảo với mấy ả kia là Gary Cooper vừa mới ở đây xong. Hai cô bạn Laverne và Bernice suýt tự tử khi nghe tin đó. Họ rầu rĩ, hỏi Marty có trông rõ gã diễn viên ấy không. Marty đáp có, nhưng chỉ trong thoáng chốc thôi. Đúng là một ả ngốc.

Quầy rượu sắp đóng cửa, nên tôi vội vã gọi hai suất Whitsky cho "anh tôi" với hai chai coca-cola cho "chính tôi". Trên bàn họ vốn đã đầy ly tách. Ả Laverne cứ giễu tôi suốt, vì tôi chỉ uống độc côca. Đến là khôi hài. Ả với Marty thì uống toàn Tom Collinses ướp lạnh trong khi đang sắp hết tháng Chạp, trời ạ! Họ chẳng hiểu quái gì. Còn Bernice thì uống Bourbon pha sôda. Ả uống rượu cứ như ngựa uống nước ao. Cả ba chốc chốc lại mắt trước mắt sau trông chừng đám tài tử. Thậm chí đến trò chuyện với nhau cũng chẳng dám, chỉ sợ bị lỡ mất dịp may. Marty nói nhiều nhất, nhưng toàn những chuyện chẳng đâu vào đâu và lời lẽ rất vô duyên, đại để như gọi hố xí là "chuồng tiêu", còn ông già hói đầu chơi clarinette trong ban nhạc là "bố trẻ", nhất là khi ông nọ đứng dậy, léo nhéo mấy câu gì đó rất chối tai. Còn kèn "cla", ả cứ một hai gọi là "sáo gỗ". Thật vô duyên kinh người! Laverne - Ả xấu xí thì cứ tưởng mình hết sức khôn ngoan. Cứ luôn mồm bảo tôi thử gọi dây nói cho bố, hỏi xem tối nay ông có rảnh không. Ả lải nhải hỏi rằng bố tôi có hay bỏ nhà, đi gặp đám nhân tình? Có mỗi câu ấy mà hỏi tới bốn bận, khôn ngoan thế đấy! Còn Bernice, cô tóc sẫm, thì lại câm như thóc. Hỏi gì ả cũng hạch lại: "Cái gì?". Trò chuyện kiểu ấy chỉ tổ thêm bực, chứ chẳng đi đến đâu.

Rồi thình lình cả ba vội vàng uống nốt chỗ rượu cặn, đứng ngay dậy, bảo: phải về đi ngủ. Họ bảo mai còn phải dậy sớm, để đến xem suất diễn đầu tại một phòng hoà nhạc ở đằng Radio city. Tôi nài họ ngồi thêm chút nữa, nhưng họ khăng khăng từ chối. Đành phải chia tay họ. Tôi hứa nếu có dịp lên Seattle, tôi sẽ tìm gặp họ ngay. Hứa hão hứa huyền! Chứ gặp lại làm gì mấy cô nỡm ấy?

Mọi khoản mất gần 13 " đô", kể cả thuốc thơm. Theo tôi, lẽ ra họ nên tự trả lấy những gì họ đã uống trước lúc tôi sà vào. Dĩ nhiên, tôi chẳng đời nào chịu để vậy, nhưng đáng lý họ phải xử sự thế mới đúng. Vả lại, đó chỉ là chuyện vặt. Bởi lẽ họ đều ngốc nghếch, lại đội mấy chiếc mũ quê kệch thảm hại, thế thì chấp mà làm gì. Tôi ngao ngán quá, khi nghĩ họ muốn dậy sớm để đến xem buổi phát thứ nhất đằng Radio City. Chỉ cần hình dung môt ả diện chiếc mũ kinh tởm thế, ở mãi tận đẩu tận đâu trên Seattle lại lặn lội mà xuống New York chỉ để dậy thật sớm, cốt đến xem một chương trình phát thanh thổ tả là đủ nẫu ruột nẫu gan rồi. Giá họ đừng nói với tôi chuyện đó, tôi xin vui lòng biếu không mỗi ả một trăm cốc rượu ngay!

Họ ra về được một lúc thì tôi cũng rời "Phòng tử đinh hương". Dẫu sao, quầy rượu cũng đang dọn dẹp để đóng cửa, và ban nhạc đã ngừng trình tấu lâu rồi. Trước hết, đó là chỗ rất buồn tẻ, nếu chẳng có ai để nhảy vài vòng. Kế đến, gã bồi bàn chẳng chịu dọn ra một thứ đồ uống nào khác, ngoài thứ nhạt hoét là côca. Đố ai ngồi lâu được trong một tửu điếm, nếu chẳng gọi được rượu để uống cho say bí tỉ. Hoặc nếu không có một đứa bạn gái mà mình thực sự chết mệt chết mê.

Chương 11

Lúc rời "Phòng tử đinh hương", tôi lại chợt nhớ đến Jane. Chợt nhớ bởi không thể xua đuổi hình ảnh nàng ra khỏi tâm trí. Tôi gieo người xuống một chiếc xalông dưới đại sảnh, và nghĩ đến cảnh nàng ngồi với thằng Stradlater trong chiếc xe của lão chết rấp Ed Banky. Và mặc dầu tôi biết chắc giữa Jane với thằng thổ tả đó chẳng có chuyện gì - tôi vốn rõ bụng dạ Jane như một cuốn sách mở, nhưng vẫn không thể xua đuổi được hình ảnh nàng khỏi tâm trí. Các bạn phải nhớ kỹ: Jane chẳng những giỏi cờ nhảy, mà còn rất mê thể thao. Và hồi mới quen nhau, bọn tôi đã chơi quần vợt mỗi buổi sáng và chơi gôn mỗi chiều trong suốt cả dịp hè. Tôi thường xuyên gần gũi nàng. Nhưng đừng hiểu theo cái nghĩa thân xác, dĩ nhiên, chuyện đó chưa bao giờ xảy ra, vì chúng tôi chỉ thường xuyên có mặt bên nhau chứ chẳng bao giờ có chuyện gì hết. Và thường thường, bạn không cần phải tán tỉnh bọn con gái mới kết bạn được với bọn chúng.

Tôi quen Jane vì con doberman nhà nàng hay chạy qua ********* bậy bên bồn hoa nhà tôi, khiến mẹ tôi cáu tiết kinh người. Mẹ tôi liền gọi dây nói cho mẹ Jane, làm ầm ĩ một trận. Mẹ tôi vốn hay làm ầm ĩ về những chuyện không đâu kiểu như thế. Nhưng rồi mấy hôm sau, tôi tình cờ nhìn thấy Jane bên cạnh bể bơi trong câu lạc bộ mà gia đình tôi vẫn thường lui tới lâu nay. Nàng nằm sấp, và tôi chào nàng. Tôi biết nàng mới dọn đến cạnh nhà, nhưng chưa bao giờ trò chuyện với nhau. Lúc tôi mới đánh tiếng chào hỏi, Jane tỏ ra hết sức lạnh nhạt. Tôi phải sống chết chứng tỏ cho Jane biết tôi nhổ toẹt vào chuyện con chó của Jane thích "bĩnh" ở đâu. Dẫu nó có bĩnh ngay giữa phòng khách, tôi cũng mặc xác nó. Đại để là sau lần ấy, tôi và Jane bắt đầu trở thành đôi bạn chí thân. Ngay hôm ấy, tôi bắt đầu chơi gôn với Jane. Nàng thua tám quả, bây giờ tôi vẫn còn nhớ rất rõ, những tám quả! Tôi phải cực nhọc mãi mới dạy được Jane cái chuyện cỏn con là phải mở mắt ra, khi đánh quả bóng đi. Nhưng rồi tôi cũng tập được cho nàng các xảo thuật chơi bóng. Tôi chơi gôn rất chúa. Chắc các bạn không thể nào tin nổi, nếu tôi kể với các bạn, chỉ cần vài keo là thừa sức xơi gọn một bàn. Một lần suýt nữa tôi đã bằng lòng để họ quay một cuốn phim ngắn về tài đánh gôn của tôi, nếu tới phút chót tôi không kịp nghĩ lại. Tôi nghĩ: một khi đã ghét điện ảnh đến thế, thì tốt hơn hết là đừng để cho bọn làm phim chường mặt mình lên màn ảnh, dẫu chỉ trong một cuộn phim cỏn con.

Nàng là một thiếu nữ rất ngộ nghĩnh, Jane của tôi. Tôi chẳng dám bảo Jane sắc nước hương trời. Nhưng nàng là cô gái tôi rất thích. Miệng hơi rộng. Nhất là khi nàng hồi hộp hoặc xúc động vì một chuyện gì đó và bắt đầu nói nhanh. Lúc ấy, môi Jane liền lượn quanh những bốn, năm chục hướng khác nhau. Tôi mê cặp môi ấy kinh khủng. Nàng vẫn chẳng bao giờ mím chặt được chúng nên miệng lúc nào cũng hé mở, nhất là khi đánh gôn hoặc đọc một cuốn sách hay. Nàng đọc chăm lạ thường, mà toàn những cuốn rất chúa. Nhất là thơ thì khỏi nói. Ngoài những người thân thích, Jane là cô gái độc nhất được tôi cho xem chiếc găng của Allie, chiếc găng chép đầy thơ. Nàng không được gặp bé Allie nhà tôi, bởi lẽ đây là mùa hè đầu tiên của nàng ở Maine. Trước, Jane thường nghỉ hè dưới mũi Cod. Nhưng tôi đã kể hết với nàng về bé Allie tội nghiệp. Nàng thích nghe, vì muốn biết rõ tuổi thơ thằng bé nhà tôi.

Mẹ tôi không thích Jane lắm. Chung qui chỉ vì cảm thấy hai mẹ con nhà Jane hay tỏ ra khủng khỉnh và chẳng chịu chào hỏi mẹ tôi bao giờ. Mẹ thường gặp họ trong làng, vì bao giờ Jane cũng phải lái xe cho mẹ xuống chợ dưới xóm mua thức ăn. Mẹ tôi thậm chí cũng chẳng thấy Jane đẹp. Tôi thì khác hẳn. Tôi thích cả dáng dấp, cả mặt mũi Jane. Tất cả.

Tôi nhớ nhất một buổi chiều. Đó là lần duy nhất tôi với Jane hôn nhau. Cũng chỉ hôn bình thường, như một đôi bạn thân. Hôm đó là thứ bảy, trời mưa như trút, còn bọn tôi thì ngồi ngoài hàng hiên nhà nàng. Nhà Jane có một dải hàng hiên rộng thênh thang, ba phía đều lắm kính. Lúc đó hai đứa đang chơi cờ nhảy. Chốc chốc, tôi lại chọc tức Jane, vì nàng không chịu xuất hậu khỏi hàng cuối cùng. Nhưng tôi chẳng cáu chút nào. Hơn nữa, tôi cũng chẳng muốn Jane bực tức. Tuy rằng tôi thường thích trêu bọn con gái cho chúng phát khóc lên, mỗi khi gặp dịp may. Nhưng buồn cười là hễ đã thực sự mến ai, tôi chẳng bao giờ còn thích làm điều đó nữa. Lắm lúc tôi nghĩ họ cũng thích được tôi trêu chọc; thậm chí biết mười mươi là họ thích thế, tôi vẫn không tài nào bắt mình giở những trò tinh quái ấy ra, nếu tôi với họ là chỗ quen thân và xưa nay chưa từng trêu ghẹo họ bao giờ.

Tôi đang kể với các bạn về buổi chiều tôi và Jane hôn nhau dạo nào. Trời vẫn mưa tầm mưa tã, và tôi với nàng đang ngồi ngoài hiên, thì thình lình lão dượng ghẻ nghiện ngập của Jane mò tới, hỏi nàng xem ở nhà có còn thuốc lá không. Về lão, tôi chỉ biết qua loa, nhưng lão là hạng người chỉ bắt chuyện với bạn khi nào thấy bạn là người cần cầu cạnh. Thứ người đến là đáng ghét. Jane thậm chí cũng chẳng buồn đáp lại cái câu hỏi lão hỏi. Lão phải hỏi lại lần nữa, nhưng Jane vẫn nín thinh. Thậm chí, chẳng thèm rời mắt khỏi bàn cờ. Thế nên lão đành quay trở vào. Khi lão đi rồi, tôi liền ướm hỏi Jane: sao vậy. Nàng vẫn không đáp mà làm ra vẻ như đang nghĩ nước đi. Bất thần một giọt nước mắt ứa ra, sa xuống bàn cờ. Rơi thẳng vào cái ô vuông màu đỏ. Trời ơi, bây giờ tôi vẫn còn nhớ rõ mồn một cảnh đó! Jane chỉ lấy ngón tay quệt giọt nước mắt trên cái ô vuông màu đỏ ấy, thế thôi. Chẳng hiểu sao, tự dưng tôi cảm thấy rất buồn. Tôi liền đứng dậy, đến bên nàng, đẩy khẽ nàng dịch ra để lấy chỗ, rồi ngồi xuống bên cạnh. Nàng tức thì khóc nấc lên và trước lúc kịp hiểu, tôi đã hôn lên khắp mặt nàng: cả đôi mắt, cả vầng trán, cả tinh mũi, cả đôi mi, thậm chí cả hai vành tai. Chỉ môi là không vì Jane cố tìm mọi cách lẩn tránh. Trước chúng tôi chưa hôn nhau bao giờ cả. Rồi nàng đứng dậy, vào phòng thay chiếc áo len sọc đỏ trắng mà tôi thích nhất, rồi hai đứa dắt tay nhau tới một rạp chiếu bóng thổ tả.

Trên đường tôi hỏi Jane có thường bị ông Cudahy - lão dượng nát rượu ấy - chòng ghẹo gì không. Jane tuy còn ít tuổi, nhưng thân hình trông đã rất nở nang và nói chung, tôi không dám bảo lãnh chút nào cho nhân cách cái lão chó đẻ ấy. Nàng bảo không bao giờ, thế nên tôi càng chẳng rõ vì cớ gì mà Jane lại khóc nấc lên thế!

Tôi không muốn các bạn lầm tưởng Jane lạnh lẽo như một cục nước đá, vì thế mà bọn tôi chẳng bao giờ ôm hôn nhau. Hoàn toàn chẳng phải thế đâu. Chẳng hạn, tôi với Jane vẫn cầm tay nhau suốt. Tôi biết chuyện đó chẳng có gì đáng kể, nhưng được cầm tay nàng là chuyện rất tuyệt vời. Cầm tay những đứa khác, bạn luôn có cảm giác như cầm một súc gỗ, hoặc bọn chúng cứ phải ngọ nguậy suốt, làm như thể sợ bạn phát ngấy, nếu cứ để yên. Còn Jane thì chẳng giống bọn ấy chút nào. Vào rạp là hai đứa liền cầm tay nhau, và để yên thế cho tới lúc hết phim. Với Jane, tôi chẳng bao giờ phải lo tay mình có rịn mồ hôi, có thô ráp không. Với nàng mọi thứ đều dễ chịu kinh khủng.

Tôi bỗng chợt nhớ một chuyện này nữa. Một lần, lúc xem phim. Jane đã có một cử chỉ khiến tôi vô cùng thích. Phim chiếu hôm ấy đâu như là một cuốn phim thời sự hoặc một cái gì đại để thế. Vậy mà bất chợt tôi bỗng thấy có ai đang xoa đầu mình. Ngoảnh lại - hoá ra Jane. Kỳ lạ thế đấy. Bởi lẽ nàng hãy còn nhỏ, mà phụ nữ thì thường chỉ xoa đầu người khác khi đã ngoài ba mươi, hoặc chỉ xoa đầu chồng, đầu con. Thỉnh thoảng, tôi cũng xoa đầu cô em gái nhưng cố nhiên là rất ít. Đằng này Jane hãy còn nhỏ, mà đã bất chợt xoa đầu bạn; cử chỉ ấy tôi cảm thấy đáng yêu quá, đến mức tưởng chừng như mê mẩn cả người!

Đấy, đó là hết thảy những gì tôi chợt nghĩ đến, lúc gieo người xuống chiếc xalông thổ tả dưới gian đại sảnh kia. Phải, tôi nghĩ về Jane. Hễ nghĩ đến chuyện nàng ngồi trong chiếc xe chết rấp với thằng mất dạy Stradlater là tôi chỉ muốn phát điên. Tôi biết nàng không đời nào lại để cho cái thằng khốn kiếp ấy giở trò, nhưng vẫn vô cùng bực bội. Nói thực, chứ cả chuyện buồn ấy, tôi cũng chẳng muốn nhớ nữa.

Dưới đại sảnh lúc này đã vắng. Thậm chí cả mấy ả tóc sẫm, trông như gái làm tiền, cũng đã cuốn xéo. Tôi bỗng muốn đi khỏi đấy ngay. Chán kinh người. Nhưng vẫn chưa thấy buồn ngủ. Thế là tôi liền trở lên phòng, choàng măng tô tử tế. Thử nhìn qua cửa sổ, xem bọn hoá rồ có còn phô bày tiếp những trò quái đản lúc nãy nữa không, nhưng đèn đóm phòng nào phòng nấy đều tắt ngấm. Tôi vào thang máy, xuống phố, gọi taxi, bảo chở tới Ernie - một hộp đêm ở Greenwich Villate. Đó là nơi anh D.B. thường lui tới hồi chưa mò sang Hollywood đánh ************** ngòi bút và từng dắt tôi tới đó một đôi bận. Ernie là tên một ông da đen hộ pháp, chơi dương cầm. Lão hách kinh khủng, và chẳng bao giờ thèm bắt chuyện nếu bạn không phải là một danh sĩ hoặc một yếu nhân; nhưng chơi đàn thì rất hay. Lão chơi khá đến mức lắm lúc bạn phải phát uất lên. Tôi không biết rõ đâu là ngọn nguồn của cảm giác đó, nhưng quả đúng như thế thật. Tôi rất thích nghe lão trình tấu, nhưng lắm lúc chỉ muốn lật úp chiếc đàn thổ tả của lão xuống cho nó nằm phơi bụng giữa sàn. Chắc vì lúc nghe lão chơi bạn vẫn không thể xua được cảm giác là lão hay lên mặt ta đây và chỉ bắt chuyện nếu bạn là một tay có vai vế.

Chương 12

Chiếc xe taxi cũ kỹ và nồng nặc một mùi tanh tưởi, như thể có ai đó vừa chui vào đấy ngốn ngấu bữa chiều xong. Tứ thời, tôi toàn vớ phải những chiếc taxi hôi hám, mỗi lúc có việc phải đi đâu khuya khoắt. Phố xá lúc này yên ắng nên vắng vẻ và càng quạnh hiu thêm. Không một bóng người, tuy rằng hôm nay là thứ bảy. Thỉnh thoảng mới gặp một đôi trai gái ôm nhau cất bước hoặc một tốp du đãng lê gót cùng với đám bồ tèo, vừa đi vừa cười hô hố như một lũ sói tham lam, tuy rằng chả chắc đã có gì đáng nực cười lắm. New York nói chung rất đáng ghét vào những lúc khuya khoắt và có tiếng cười hô hố của ai đó trong cảnh quạnh hiu. Đứng cách cả trăm dặm vẫn nghe rõ tiếng cười. Nên càng hiu hắt và quạnh quẽ. Tôi chẳng muốn gì hơn được bay ngay về nhà, tán gẫu với đứa em gái nhỏ. Nhưng rồi đành bắt chuyện với người lái xe. Tên lão là Horwitz. Lão dễ chịu hơn gã tài xế ban nãy. Thế nên tôi nghĩ bụng: chắc lão sẽ biết chút đỉnh về lũ vịt trời đằng công viên. Tôi bèn lên tiếng:

- Anh Horwitz, chắc thỉnh thoảng anh vẫn qua lại đằng mé hồ trong Công viên trung tâm? Cạnh cửa Nam ấy mà, anh nhớ chứ?

- Cái gì?

- Mé hồ nước. Cái hồ nhỏ, nơi người ta vẫn thả bầy vịt trời. Chắc anh biết cái hồ ấy?

- Biết. Nhưng sao kia?

- Anh có còn thấy lũ vịt trời dưới ấy không? Dạo mùa xuân và hè, chúng vẫn nhởn nhơ dưới đó. Chẳng biết mùa đông chúng sẽ đi đâu nhỉ?

- Ai đi đâu, hả?

- Lũ vịt trời! Chắc anh có nghe nói? Không biết người ta mang xe tới chở chúng hay chúng tự bay về miền Nam.

Horwitz tức thì quay ngoắt lại, nhìn tôi. Trông cũng biết lão nóng tính kinh khủng, tuy rằng nhìn chung lão chẳng có gì đáng ghét lắm.

- Làm sao tôi biết đươc? - Lão nói - Mà biết làm cóc gì những chuyện vớ vẩn ấy cho mệt người?

- Thì thôi. Nhưng anh đừng bực mình. - Trông cũng biết lão đang cáu tiết.

- Ai bực mình, hả? Tôi thèm vào để tâm mấy cái chuyện bá láp của cậu!

Tôi nghĩ bụng: thôi, đừng trò chuyện nữa, một khi lão đã nóng tính đến thế.

Nhưng rồi chính lão lại mở mồm. Lão quay ngoắt lại, nói lớn:

- Cá chẳng phải đi đâu hết. Chúng vẫn ở lại dưới hồ. Sống ngay dưới hồ, cóc phải đi đâu.

- Cá thì nói làm gì. Tôi hỏi là hỏi lũ vịt kia!

- Thì khác gì nhau? Chẳng khác quái gì nhau hết - Horwitz đốp chát và nghe giọng, tôi biết lão đã nổi cáu thực sự - Trời ơi, thực ra, cá còn khốn đốn hơn vịt trong mùa đông. Cậu phải động não một chút chứ, quỉ ạ! Tôi nín thinh một lúc lâu. Mãi mới lại lên tiếng tiếp:

- Thôi được. Thế lũ cá sẽ xoay xở ra sao, khi nước hồ đóng cứng băng, đến mức người có thể chạy nhảy hoặc trượt băng trên ấy? Nghe tôi bảo thế, lão lại lập tức quay ngoắt xuống, nói như quát vào mặt tôi:

- Sao? Cậu hỏi lũ cá sẽ làm gì dưới ấy à? Chúng cứ ở yên dưới ấy, chứ còn biết làm gì nữa, trời đất!

- Chúng phải cảm thấy quanh chúng mọi thứ đếu đóng băng. Gì chứ chuyện đó chúng không thể không nhận thấy.

- Ai bảo cậu chúng không biết? - Horwitz hét lớn. Lão cáu tiết tới mức tôi sợ lão sẽ lao thẳng xe vào cột đèn. - Chúng cứ việc sống trong băng, hiểu chưa? Trời sinh ra thế. Nên chúng cứ nằm yên một chỗ suốt mùa đông, ngay trong băng, hiểu chưa?

- Thật thế à? Thế chúng ăn gì? Nếu cứ bị giam trong băng, thì chúng sẽ làm thế nào mà bơi? Thức ăn đâu để sống?

- Cậu chẳng hiểu cóc gì cả, quỉ thần ạ! Cơ thể chúng tự nuôi chúng, hiểu chưa? Trong băng dưới hồ vẫn có các thứ rong rêu. Lỗ chân lông của chúng sẽ mở rộng, để qua đó, chúng hút thức ăn thức uống. Cậu hiểu chưa nào?

- Ừm. - Tôi không muốn tiếp tục cãi vã vì sợ lão sẽ húc chiếc xe thổ tả đang lái vào một của nợ gì đó thì khốn to. Với lại dễ cáu như lão thì có tranh luận cũng vô bổ. - Này, anh thấy sao? Ta ghé vào đâu đó, uống tí gì cho ấm bụng đi, được không? - tôi ướm hỏi lão.

Nhưng đến trả lời, lão cũng chẳng thèm nhếch mép. Chắc vẫn còn đang nghĩ tới lũ cá dưới hồ. Tôi nhắc lại lời đề nghị. Nói chung, lão còn khá hơn lão trước.

- Tôi không có thời giờ, anh bạn trẻ ạ! - Lão nói. - Vả lại, cậu bao tuổi? Sao giờ này còn chưa lên giường đánh một giấc tới sáng mai?

- Tôi chưa buồn ngủ.

Lúc tôi xu ống xe trước Ernie, rút ví ra trả tiền, lão Horwitz còn bổ sung về lũ cá:

- Này, nếu cậu cũng là cá, chắc trời cũng chẳng bỏ mặc cậu đâu, đúng không? Đã thế sao cậu còn lo lũ cá sẽ chết cóng, mỗi khi đông tới.

- Không, chúng chẳng chết cóng, nhưng...

- Đúng! Nghĩa là chúng sẽ không bao giờ chết cóng! - Horwitz hét lớn thế rồi phóng xe đi tiếp, như một gã rồ. Người dễ cáu như lão, thực tôi chưa từng gặp bao giờ. Động mở miệng là gắt ỏm tỏi.

Khuya khoắt thế, nhưng Ernie vẫn còn chật như nêm. Khách chơi phần lớn đều là bọn đầu trộm đuôi cướp ở các trường trung học và cao đẳng các nơi. Trường nào cũng đều cho học trò nghỉ lễ sớm, trừ cái nơi thổ tả Pencey tôi đang học. Phòng giữ áo khoác chẳng còn một số nào dư cả vì khách đông nghịt. Nhưng rất trật tự bởi chính lão Ernie đang chơi piano. Lão ngồi hết sức uy nghiêm, như thể đang ngồi sau chiếc đại phong cầm giữa một thánh đường bề thế. Ánh mắt mọi người đều đổ dồn vào lão, như thể đang chiêm ngưỡng một bản thánh ca. Kỳ thực, theo tôi cóc có kẻ nào chiêm ngưỡng lão. Chứng cớ, cạnh tôi có mấy cặp thấp thỏm đứng chờ một chiếc bàn trống; bọn họ cứ xô đẩy nhau suốt, gã nào cũng nhón gót, nên trông tưởng như để cố nhìn lão Ernie chơi đàn. Trên đầu lão, người ta treo một chiếc gương rõ to. Lão còn được một ngòn đèn pha rọi thẳng vào, để ai nấy đều nhìn rõ mặt, lúc lão đang trình tấu.

Tôi không nhìn thấy hai tay lão lướt trên dãy phím thế nào, mà chỉ nhìn thấy thân người lão thôi. Khiếp, da lão cứ đen nhẫy như thịt nướng quá lửa! Tôi không biết lão đang tấu bài gì lúc mới bước chân vào tiệm, nhưng nghe giai điệu, tôi biết chắc lão đang tàn sát toàn bộ nền âm nhạc từng có xưa nay. Bởi lẽ lão cứ nện chí tử cả mười ngón tay ngu ngốc của mình xuống dãy phím bên âm vực cao, khiến dòng âm thanh phát ra méo mó cả đi đến mức tôi thấy bụng đau quặn, như ăn phải những thứ thiu thối. Nhưng giá các bạn cũng được nghe những gì đám đông la hét lúc lão kết thúc. Chắc các bạn phải nôn thốc nôn tháo cả mật xanh mật vàng, phải mất trí ngay, chứ chả chơi. Thật hệt như lũ ngu ngốc lúc xem phim ấy, chúng cứ cười như nắc nẻ ở những chỗ chẳng có gì đáng cười. Thề có Chúa, tôi sẽ tự coi là kẻ bị sỉ nhục, nếu chơi đàn hoặc diễn kịch mà lại được lũ nỡm ấy tán thưởng. Tôi cần quái gì những tràng vỗ tay ấy khi toàn vang lên vào những chỗ chẳng đáng vỗ tay. Nếu là danh cầm, nhất định tôi sẽ khoá trái cửa, rồi ngồi chơi một mình trong phòng. Biểu diễn xong bản nhạc và được mọi người vỗ tay như điên dại, lão Ernie liền xoay ghế, đứng dậy, cúi chào đúng kiểu kép hát. Làm ra vẻ ta đây không những là một danh cầm, mà còn là một nghệ sĩ hết sức khiêm tốn. Nhất nhất đều ra vẻ vậy nhưng kỳ thực, tôi chưa từng thấy ai hách bằng lão. Tuy thế, chẳng hiểu sao tôi vẫn thấy lão rất đáng thương bởi chính lão cũng chẳng biết mình chơi dở hay chơi hay. Nhưng ngẫm cho cùng, lão chẳng có tội tình gì. Lỗi là ở cái bọn vô công rồi nghề vỗ tay tán thưởng lão, bọn chúng thì hễ hãm hại được ai là ra tay ngay, cóc cần biết hậu quả ra sao. Chứng kiến cảnh ấy, tôi lại thấy ngao ngán, bực dọc kinh khủng, chỉ muốn vớ lấy áo khoác trong phòng gửi rồi về ngay khách sạn cho xong. Nhưng khốn nỗi hãy còn sớm, và tôi lại chẳng muốn thui thủi một mình trong căn phòng đằng ấy.

Mãi họ mới thu xếp được cho tôi một chiếc bàn chết rấp, kê sát vách tường, khuất sau một chiếc cột rõ to nên chẳng còn thấy quái gì. Đã thế, kích thước nó lại quá nhỏ, chỉ ba góc chứ chẳng được vuông, và nếu muốn vào chỗ ngồi, thì đám khách ở bàn bên phải đứng cả dậy nhường lối, bạn mới len vào nổi. Mà đám khách chó chết kia thì đừng hòng chịu làm thế với những ai chậm chân. Tôi gọi một cốc Whitsky pha sôda - thứ thức uống tôi ưa thích nhất sau Daiquiris pha đá. Ở Ernie, bạn muốn gọi gì tuỳ thích, cho dù chỉ mới lên sáu, vì ở đó đèn đóm rất tù mù. Hơn nữa, cũng chẳng ai thèm bận tâm tuổi bạn bao nhiêu. Đến tụi nghiện xì ke, họ cũng chẳng thèm ngó ngàng, huống hồ chuyện tuổi tác.

Quanh tôi rặt một lũ mất dạy. Bên cái bàn nhỏ mé tay trái, tôi thấy một gã xấu xí đến phát khiếp chễm chệ cạnh một ả cũng xấu xí đến phát kinh. Chắc cả hai đều cùng tuổi tôi, mà cũng có thể lớn hơn. Nhìn chúng, ai cũng phải chết cười. Có mỗi cốc rượu mà cứ rề rà mãi, chẳng dám uống hết. Vì chẳng có việc gì làm, nên tôi thử nghe xem hai đứa trò chuyện những gì. Anh thì kể với ả một trận bóng vừa xem chiều nay. Kể tỉ mỉ, từng phút một, toàn bộ trận đấu. Diễn biến nghe tẻ đến mức tôi chưa từng thấy ai kể dở hơn thế. Trông cũng biết ả nọ chẳng chút bận tâm tới câu chuyện ấy nhưng ả xấu kinh khủng, thậm chí còn tởm hơn gã nọ, nên nếu không nghe kể thì cũng chẳng còn biết làm gì cho qua thời giờ. Làm con gái mà xấu xí thì thường vẫn khốn khổ thế đấy. Lắm lúc, tôi thấy tội nghiệp tới mức không thể đành lòng nhìn họ, nhất là lúc họ phải ngồi với một gã ưa khoe mẽ, động mở miệng là lôi ngay chuyện bóng đá ngu ngốc ra.

Bên phải tôi còn thảm hại hơn. Thằng ngồi bên ấy là một gã công tử bột, học đằng Yale (một viện đại học nổi tiếng của Hoa Kỳ, từng đào tạo được nhiều học giả xuất sắc - ND), diện một bộ vettông xám bên ngoài chiếc gilê rất mốt. Đám con nhà dòng dõi quí phái trói gà không chặt bên ấy, gã nào trông cũng giống hệt nhau. Bố tôi cũng thích gửi tôi xuống ăn học dưới Yale Princeton. Nhưng tôi thề thà chết chứ không đời nào lại để cho ai lôi mình vào nhập bọn với lũ quí phái rởm bên đó. Thì các bạn cứ nhìn con bé đẹp tuyệt vời ngồi với gã quí phái nọ khắc biết. Đúng là một giai nhân. Nhưng cứ thử nghe câu chuyện giữa hai người xem! Một là cả anh lẫn ả đều đã ngà ngà. Hắn cứ luồn tay dưới gậm bàn sờ soạng cô gái suốt, trong khi miệng vẫn ba hoa đủ thứ về một thằng bạn học đã xơi gọn cả một vỉ Aspirine, nên suýt nữa thì đi đời. Còn cô gái cứ luôn mồm: "Trời, khiếp quá. Kìa anh, đừng thế... Em van anh... Có điều đừng thế ở đây".Các bạn thử hình dung xem, người gì mà tay cứ làm trò khỉ, trong khi mồm vẫn thao thao bất tuyệt về một đứa bạn định tự vẫn! Thật đến chết cười!

Tôi ngồi chưa ấm chỗ đã thấy nẫu ruột vì buồn. Và chẳng biết làm gì hơn, tôi đành đánh bạn cùng cốc rượu với gói thuốc lá thơm. Nói của đáng tội, tôi có bảo cậu bồi bàn, tới hỏi đích thân Ernie, xem ông ta có vui lòng chạm cốc với tôi không. Tôi cũng dặn hắn nói hộ tôi là em ruột anh D.B. Nhưng tôi đoán: gã này chắc chẳng thèm chuyển giúp tôi lời mời ấy. Đám súc sinh đó thì có bao giờ làm được gì tử tế cho người khác đâu. Thình lình có một cô cất tiếng gọi lớn tên tôi:

- Holden Caulfield! - Cô ấy tên là Lilian Simmons. Trước, cô ấy là bồ của anh D.B. Khiếp, tôi chưa thấy ai có bộ ngực phổng phao đến mức ấy.

- Chào chị, - tôi nói. Dĩ nhiên, tôi cố đứng dậy, nhưng chật kinh khủng. Cùng đến với cô ấy là một sĩ quan hàng hải, gã ưỡn hẳn ngực ra trước, như thể đang bị ai đó thọc vào chính giữa mông một chiếc que thông lò.

- Gặp lại cậu, tôi mừng quá! - Lilian Simmons nói. Ả nói dối, tôi biết. - Thế anh cậu hồi này thế nào? - Ả chẳng cần biết gì hơn ngoài cái điều vừa hỏi tôi xong.

- Vẫn khoẻ. Anh ấy đang ở bên Hollywood.

- Hollywood ư? Tuyệt nhỉ? Thế anh ấy đang làm gì bên ấy?

- Làm sao em biết được? Đang viết, chắc vậy. - tôi nói. Tôi không muốn ba hoa. Trông cũng biết ả coi chuyện anh ấy sang Hollywood là một thành đạt lớn lao. Ai cũng nghĩ thế, nhất là những người chưa đọc văn chương của anh ấy bao giờ. Chuyện đó khiến tôi cáu tiết kinh khủng.

- Tuyệt nhỉ! - Lilian tiếp, rồi giới thiệu tôi với gã sĩ quan. Gã là đại uý Blop, hoặc một âm gì đại để thế. Gã thuộc loại người luôn sợ bị thiên hạ chê là bà già, nếu không bẻ gãy của bạn chừng bốn chục ngón khi bắt tay bạn. Trời, sao mà tôi ghét gã đến thế không biết! - Cậu ngồi một mình hả, cậu bé? - Lilian hỏi. Ả án ngữ mất lối đi, nhưng trông cũng biết ả chẳng thích có thêm ai khác vào ra. Anh chàng bồi bàn cứ đứng đực ra đó chờ ả nhường lối, nhưng ả chẳng buồn nhận thấy. Ngốc kinh khủng. Trông cũng biết anh bồi nọ chẳng ưa gì ả, cả viên sĩ quan chắc cũng thế, tuy rằng chính gã đã dắt ả tới đây. Tôi, tôi cũng chẳng ưa ả chút nào. Ả chẳng được ai cảm tình.

- Không đi cùng với cô bé nào cả ư? Holden? - Ả hỏi tiếp.

Tôi đứng đã mỏi cả chân, thế nhưng ả vẫn chẳng thèm nhắc tôi ngồi. Loại như ả có thể thừa sức bắt bạn đứng cả giờ để tiếp chuyện cùng. - Trông cậu ấy cũng đã ra dáng rồi đấy, anh nhỉ? - Ả quay sang phía gã sĩ quan hàng hải. - Holden, càng lớn. cậu trông càng xinh trai thêm!

Ả nói đến đó thì gã nọ liền bảo ả đứng tránh sang một bên, chứ ả choán hết lối đi.

- Lại đây ngồi với bọn này đi, - ả rủ. - Cầm cả cốc tới luôn thể, Holden nhé.

- Em sắp phải về rồi, - tôi đáp. - Em có hẹn.

Trông cũng biết ả muốn quấn lấy tôi, để moi thêm tin tức về anh D.B.

- Thôi được, quỉ con! Muốn tránh mặt chị chứ gì? Gặp anh ấy nhớ bảo chị rất ghét cái mặt anh ấy, nhé.

Chưa dứt câu, ả đã quay ngoắt đi. Tôi với gã sĩ quan hàng hải thi nhau đấu hót: "Rất sung sướng được làm quen". Tôi toàn gặp chuyện nực cười. Luôn phải nói: "rất hân hạnh được làm quen với anh", khi chẳng thấy hân hạnh chút nào hết. Khốn nỗi, muốn được lòng thiên hạ bao giờ bạn cũng phải nói những chuyện rất bá láp mới ăn thua.

Tôi chỉ còn nước đứng dậy ra về, bởi vừa bảo với Lilian Simmons phải đến ngay chỗ hẹn. Có thể rốn lại để xem Ernie còn tấu thêm bài gì khá hơn chút đỉnh. Nhưng thà chết rầu còn hơn phải ngồi với ả Lillian Simmons cùng gã sĩ quan hàng hải kia? Thế nên tôi đứng dạy ra về. Nhưng ấm ức kinh khủng trong lúc chờ lấy áo khoác. Thói thường vẫn thế: bạn đang thích thì thế nào cũng bị thiên hạ báo đời!

Chương 13

Tôi cuốc bộ về tận ngôi khách sạn thổ tả đang trọ. Qua những bốn mốt dãy phố, chứ đâu phải đùa! Tôi cuốc bộ, chẳng phải vì thích hóng mát, mà chỉ vì chán cái cảnh phải ngồi taxi. Lắm lúc bạn chẳng thiết đi taxi, thậm chí cả đến thang máy cũng thế. Bỗng dưng bạn muốn cuốc bộ hoặc leo thang gác, dù xa đến mấy hoặc cao đến mấy, mặc lòng. Hồi nhỏ, tôi thường leo bộ lên tận phòng mình. Tít trên tầng mười hai. Nhưng tôi thích thế. Tuồng như tuyết đã ngừng rơi từ lâu. Hè phố không còn một bông tuyết nào. Nhưng rét như cắt, nên tôi đành phải lôi chiếc mũ săn trong túi ra, chụp lên đầu, bất chấp diện mạo mình lúc ấy ra sao. Thậm chí tôi còn phải kéo sụp cả hai cái tai che xuống. Chà, ước gì biết được thằng ôn nào đã thó mất đôi găng của tôi trên Pencey! Hai tay tôi đang tê cóng trong túi áo khoác. Nói thế chứ dẫu có biết đích xác đứa ăn cắp, tôi cũng chẳng biết dám làm gì. Tôi vốn nhát gan lắm. Không dám để lộ ra, nhưng tôi non gan. Chẳng hạn, nếu biết đích xác cái đứa thó đôi găng, tôi cũng chỉ dám đến bảo thằng bịp ấy câu này là cùng: "Này, trả tao đi!". Và nếu thằng bịp ấy đáp: "Găng nào?" bằng giọng bình thản, thì tôi cũng chỉ dám mở tủ, lục tìm đôi găng ấy. Còn nếu nó giấu trong ủng đi tuyết, mà tôi moi ra được, thì tôi cũng chỉ dám bảo: "Đôi này mà mày dám nói là của mày, hả?". Lúc đó, chắc thằng vịt ấy sẽ làm ra vẻ như trẻ mới đẻ, đáp rằng: "Tao chưa từng thấy đôi găng ấy bao giờ. Nếu đúng của mày, thì mày cứ việc lấy đi. Ngữ ấy, mày tưởng báu lắm hả?".

Còn tôi, chắc sẽ đứng đực trước mặt nó chừng năm phút. Giữ đôi găng trong tay, và cảm thấy phải quại cho nó vỡ mõm ra và chừa cái thói đó đi. Nhưng tôi không có gan làm. Chỉ đành đứng yên đó, cau mắt giận dữ. May lắm, tôi cũng chỉ dám mắng thẳng vào mặt nó một câu thật cay độc thay vì nện nó vỡ mặt. Nhưng nếu bị tôi mắng, mà thằng ấy lại đứng phắt dậy, tiến thẳng đến trước mặt tôi, quát to: "Này, Caulfield, mày vừa bảo tao là thằng ăn cắp hả?", thì thay vì mắng tiếp: 'Đúng đấy, tao bảo mày là thằng súc sinh đấy, thằng khốn!" - chắc tôi chỉ dám thốt lên: "Thì tao vừa tìm thấy đôi găng phải gió của tao trong ủng đi tuyết của mày là gì". Thằng bịp ấy lập tức hiểu ngay tôi không dám đánh nó, nên sẽ gân cổ lên quát: "Này, nói thật đi, mày đổ thừa tao là đồ ăn cắp, đúng không?". Lúc ấy, chắc tôi sẽ đấu dịu: "Chả ai gọi ai là đồ ăn cắp. Tao chỉ bảo: đôi găng của tao nằm trong ủng đi tuyết của mày thế thôi". Và cuộc đấu khẩu sẽ cứ thế mà tiếp diễn.

Rốt cục, chắc tôi đành bước ra khỏi phòng thằng bịp ấy, mà chẳng dám làm gì, chứ đừng nói tới chuyện quại nó vỡ quai hàm. Rồi chắc tôi sẽ lẻn vào phòng vệ sinh, hút vụng một điếu thuốc, vừa soi gương, thử ngắm gương mặt giận dữ của mình ra sao. Đại để tôi đã nghĩ thế suốt dọc đường về, cho tới lúc mò tới khách sạn mình trọ. Làm kẻ nhút nhát, tôi chẳng thích gì lắm. Có lẽ, tôi chưa hẳn đã là đứa như thế. Đúng sai thế nào, tôi chưa biết thật đích xác. Cũng có thể tôi chỉ nhát gan một phần, còn một phần nữa, tôi nhổ toẹt vào chuyện đôi găng mất hay còn. Đó là tật xấu nghiêm trọng nhất, tôi nhổ toẹt vào mọi thứ mình đã đánh mất. Tật ấy đã khiến mẹ tôi rất điên tiết ngay từ hồi còn ở nhà. Bởi lẽ những đứa trẻ khác có thể bỏ ra cả mấy ngày trời để tìm những thứ bị thất lạc. Còn tôi, quả thật tôi chưa bao giờ có một thứ gì đáng gọi là quí giá để đến nỗi phải tiếc rẻ, một khi đã đánh mất. Có lẽ vì thế nên tôi đâm ra non gan. Vả chăng, cũng không thể gọi thế là non gan, nếu phải quại vào mõm đứa nào đó mà bạn thì lại không muốn. Với tôi, thà cứ quẳng ai đó qua cửa sổ hoặc chém bay đầu hắn bằng rìu còn hơn là đấm vào giữa mặt hắn. Tôi chúa ghét chuyện trừng trị nhau bằng quả đấm, cho sướng tay. Thôi thì thà cứ để cho người ta đánh mình, tuy rằng chuyện đó chẳng thích chút nào, như các bạn biết đấy, tôi rất ngại chuyện đấm vào mặt kẻ khác, tôi sợ bộ mặt kẻ đó.

Tôi không thể nhìn thẳng vào mặt kẻ đó, khốn khổ thế đấy. Vì khi đã chịu nhìn vào mắt nhau, thì tức là đã chẳng ghét bỏ gì nhau nữa rồi. Một lối sợ đến là lạ đời, nếu ngẫm cho cùng, nhưng đã sợ thì dẫu sao cũng tức là nhát gan. Gì chứ chuyện đó tôi chẳng bao giờ nên dối mình, tôi biết.

Rồi càng nghĩ nhiều về chuyện đôi găng và thói nhút nhát, tôi càng thấy ngao ngán thêm, nên bụng bảo dạ phải ghé vào đâu đó tìm chút gì nhấm nháp cho khuây. Ở đằng Ernie tôi chỉ mới uống ba cốc, và lại, cốc thứ ba tôi còn chưa kịp uống nốt. Có thể nói chắc điều này, tửu lượng tôi rất khá. Tôi có thể uống suốt đêm mà đầu óc vẫn tỉnh, nhất là đang phấn chấn. Hồi còn đi học dưới Whooton, tôi với một đứa bạn, thằng Raymond Goldfarb, đã mua cả nửa lít Scotch, rồi lôi vào nhà nguyện thù tạc suốt cả buổi tối thứ bảy mà chẳng bị ai bắt gặp hết. Nó thì say lử cò bợ, nhưng tôi vẫn tỉnh như không. Chỉ thấy người lâng lâng và tay chân như nhẹ hẳn đi. Tôi đã nôn thốc nôn tháo lúc lên giường đi nằm, nhưng đó là cố ý, chứ kể cố nhịn, chắc cũng chẳng làm sao.

Tóm lại, trên đường về khách sạn, tôi đã toan ghé vào một cái bar nào đó làm thêm vài ly, nhưng bỗng gặp hai người say bí tỉ từ trong đó bước ra, hỏi tôi ga tàu điện ngầm ở ngả nào. Một người, trông thì đích thị là dân Tây Ban Nha, cứ phả vào mặt tôi hơi rượu chua lòm trong lúc tôi chỉ đường cho ông ta. Thành thử tôi chẳng thèm ghé vào cái bar trời đánh đó nữa, mà cứ xăm xăm cuốc bộ về khách sạn.

Dưới đại sảnh không còn một bóng người. Ngự trị trong phòng chỉ có cái mùi tởm lợm của hơn năm chục triệu đầu thuốc xì gà hạng bét vứt đi. Khó ngửi kinh khủng. Tôi vẫn chưa thấy buồn ngủ nhưng mệt bã người. Tâm trạng chán ngán không biết để đâu cho hết. Chẳng thiết sống nữa. Đúng lúc ấy, tôi bỗng vướng phải một chuyện khó chịu kinh khủng. Tôi chưa kịp lách người vào thang máy, thì lão gác thang máy đã gọi giật lại:

- Này, muốn giải buồn chút không, anh bạn trẻ? Hẳn anh bạn tưởng khuya quá rồi chứ gì?

- Ông định nói gì? - Tôi hỏi lão, chẳng hiểu chút gì điều lão ám chỉ.

- Có thích được một thiếu nữ đầu ấp tay gối qua đêm không?

- Tôi ấy à? - Câu hỏi thật ngốc nghếch. Nhưng ai mà chẳng ngớ người ra thế, khi bị hỏi thẳng cái chuyện vớ vẩn ấy, như chuyện lão hỏi tôi.

- Cậu bao nhiêu tuổi rồi, cậu cả? - Lão bất chợt hỏi.

- Gì kia? - Tôi nói. - Hăm hai.

- Thế rồi kia à? Gật chứ? Chỉ chốc lát thôi, 5 "đô". Còn 15 "đô" thì suốt từ giờ tới sáng. 5 tờ - chốc lát - 15 tờ - suốt đêm. Lão nhắc lại.

- Được thôi. Về nguyên tắc, tôi chống lại những trò bẩn thỉu kiểu ấy. Nhưng tôi đang chán tới mức chẳng còn thiết để đầu óc phải bận tâm tới chuyện đó. Tai họa là ở chỗ: khi đã ngao ngán, thì đến nghĩ ngợi, bạn cũng chả muốn chút nào.

- Được là thế nào? Chốc lát hay suốt đêm?

- Chốc lát thôi.

- Xong ngay. Anh bạn trọ phòng nào đấy?

Tôi nhìn hàng chữ số đỏ chót chạm trên chuôi chìa khóa:

- Mười hai - hăm hai - Nói xong, tôi đâm ân hận ngay, vì đã để cho cơ sự xoay chuyển ra thế này. Nhưng hối thì đã muộn.

- Được, mười lăm phút nữa, cô ấy sẽ có mặt trên phòng anh. - Lão mở cửa thang máy cho tôi bước vào trong. Nhưng tôi gọi giật lão lại liền.

- Này, khoan đã, cô ấy mặt mũi có kháu không hả? Tôi không cần bà già đâu đấy, hiểu chưa!

- Già là thế nào! Đừng lo, anh bạn trẻ!

- Thế tiền thì trả cho ai?

- Cô ấy, - lão đáp. - Thôi, lên phòng đi, cậu cả! - Rồi lão đập mạnh cửa thang máy ngay trước mũi tôi.

Tôi trở lên phòng, dấp nước lên tóc, nhưng tóc tôi cứng quá lông nhím, nên có chải mấy cũng chẳng chịu mượt cho. Rồi tôi thử hà hơi, xem mồm miệng có còn mùi thuốc lá với Whitsky pha soda đằng Ernie không. Tôi áp tay vào miệng, cho hơi thở bay lên mũi. Mùi rượu với thuốc lá chẳng còn mấy nữa, nhưng tôi vẫn cứ đánh răng. Rồi thay sơmi sạch vào cho tươm tất.

Tôi chẳng biết có cần phải sửa soạn mẽ ngoài không, mỗi khi đi chơi gái, nhưng dẫu sao cũng lăng xăng thế cho đỡ bồn chồn. Của đáng tội, tôi không hồi hộp lắm, nhưng dẫu sao vẫn cứ lo lo. Chẳng giấu gì các bạn, tôi đã mười sáu, nhưng vẫn trong trắng. Thật đấy. Đã bao lần, tôi cố tìm cơ hội để đánh mất sự trong trắng đó, nhưng chẳng ăn thua. Chẳng hạn, sợ bố mẹ con bé ấy về không đúng lúc, đúng hơn là sợ họ về đúng lúc. Còn nếu đang ngồi với một đứa khác đằng ghế sau xe hơi, thì ghế trước lại có một đứa khác, chốc chốc cứ ngoái lại xem hai đứa đằng sau đang làm gì. Tóm lại, cứ trắc trở hoài, không thế này thì thế nọ. Dẫu sao tôi cũng đã gặp hai dịp khá may mắn, suýt nữa thì đã thành công, nhất là cái lần mà tôi còn nhớ như in sau đây. Vẫn bị trắc trở, có điều tôi quên biến đi là bị cái gì cản mũi. Cái chính là khi sắp sửa hành sự, thì con bé thế nào cũng bảo bạn: "Đừng, anh", - nếu nó không phải là đứa ************** tính hoặc phường bán phấn buôn hương. Và khốn khổ cho tôi là bao giờ tôi cũng lập tức chấp thuận lời cầu xin đó. Với bọn con trai khác thì đừng hòng nhé, chúng cứ mặc tất! Nhưng tôi không nỡ lòng nào. Tôi đã ngoan ngoãn vâng theo. Và chẳng bao giờ biết rõ - con bé ấy không thích thực, hay nó chỉ sợ thế thôi, hoặc cố ý bảo "đừng" để nếu cơ sự xảy đến thì người có lỗi là tôi, chứ chẳng phải nó. Tóm lại, tôi ngoan ngoãn vâng theo tức khắc, khi nó vừa mở miệng cầu khẩn. Cái chính là bao giờ tôi cũng thấy thương hại bọn con gái. Bọn chúng vốn rất ngốc nghếch, khổ thế đấy, chuyện đó chắc các bạn chẳng lạ. Hễ được hôn một cái là mụ đầu mụ óc đi ngay. Thì bạn cứ thử âu yếm một đứa mà xem thì khắc biết chúng ngốc đến mức nào: hễ được vuốt ve chút đỉnh là đã phát cuống phát cuồng, y như một con mụ dại! Tôi không biết chúng bảo "đừng" là vờ hay thực, nhưng bao giờ tôi cũng thôi ngay.

Rồi tíếc ngẩn tiếc ngơ, sau khi tiễn chúng về nhà, nhưng dẫu sao vẫn tiếp tục ngoan ngoãn nghe theo lời bọn chúng.

Như vậy là vừa thay áo, tôi vừa nghĩ: rốt cục, cơ hội rồi cũng đã tới tìm tôi. Tôi nghĩ, dẫu ả là gái giang hồ thì cũng chẳng sao vì đằng nào mình cũng phải học ít nhiều, biết đâu mai mốt mình lại chẳng lấy vợ? Chuyện đó lắm lúc khiến tôi thấy băn khoăn. Hồi còn học dưới Whooton, tôi có vớ được một cuốn sách mỏng nói về một gã rất trác táng nhưng rất sành điệu về khoản làm tình. Tên gã là Monsieur Blanchard, bây giờ tôi vẫn nhớ rất rõ. Cuốn sách rất đáng tởm, nhưng lão Blanchard ấy thì không sao cả. Lão có một lâu đài khá bề thế ở Rivera, bên châu Âu, và những lúc rảnh rỗi lão chẳng còn biết làm gì ngoài chuyện dùng batoong nện hết bà này tới bà khác. Nhìn đại thể, lão rất can đảm này nọ, nhưng cũng rất hay đánh đàn bà, con gái đến quẫn trí. Trong sách có một đoạn lão nói về đàn bà. Thân thể đàn bà, theo lời lão cũng như một chiếc violon, phải vào tay một nhạc sĩ điêu luyện mới khiến được nó réo rắt. Cuốn sách thổ tả đó nói chung rất dở, tôi biết, nhưng hình ảnh chiếc violon ấy thì chẳng lúc nào rời khỏi tâm trí tôi. Vì thế, tôi muốn tập sự chút đỉnh, để phòng ít nữa còn có cái đem ra thi thố lúc lập gia đình. Caulfield và chiếc violon thần kỳ, trời ạ! Đại để, tôi cũng là đứa rất lớ ngớ, nhưng chắc cũng chưa đến nỗi vứt đi. Thành ra tôi muốn mình thật sành sỏi trong bất cứ thứ gì động vào. Bằng không, khi gặp một đứa con gái, thực tình tôi vẫn chưa biết phải xoay sở thế nào với nó. Chẳng hạn, tôi đã phải chật vật cả tiếng đồng hồ với cô ả mà tôi sắp kể, cô ả tôi sắp ăn nằm tại khách sạn, mà vẫn chẳng đi đến đâu, cho tới lúc lão gác thang máy chết rấp ấy mò tới lôi ả đi. Cuối cùng, trước khi cuốn xéo đi, ả ta thiếu đường muốn nhổ toẹt nước bọt vào mặt tôi cho hả giận.

Trở lại chuyện tôi thay xong chiếc áo rồi đi đi lại lại trong phòng chờ cô gái giang hồ nọ mò lên. Tôi cứ khấn thầm suốt, cầu mong sao cho ả thật kháu khỉnh. Nhưng rồi lại bất chấp tuốt. Chỉ mong sao mọi chuyện sớm kết liễu cho rảnh nợ đi. Rốt cục rồi cũng có tiếng gõ cửa phòng. Tôi tiến vội ra mở cửa nhưng lại vấp phải chiếc vali nằm ngay giữa đường, suýt nữa thì gãy đời nó một cẳng. Số tôi thật hẩm, toàn chọn những lúc như thế để vấp ngã!

Tôi mở cửa thì thấy ả giang hồ nọ đã đứng đấy rồi. Đầu không mũ, người choàng một chiếc áo măng-tô thể thao, tóc sáng màu, nhưng chắc đó là tóc nhuộm. Và chẳng già lão chút nào hết.

- Xin chào! - Tôi dùng cái giọng đài các nhất mà mình có được chào ả ta.

- Anh là người Moris bảo tôi lên gặp? - Ả hỏi, chẳng lấy gì làm niềm nở.

- Ông giữ thang máy?

- Đúng, - ả đáp.

- Phải, chính tôi. Cô vào đi! - Giọng tôi rất ỡm ờ, nói có trời chứng giám!

Càng nói, càng ỡm ờ kinh khủng.

Ả tiến vào, cởi phăng áo măngtô, vất lên giường. Trên người chỉ còn độc chiếc áo dài xanh. Ả gieo người đánh phịch xuống chiếc xalông kê sát bên bàn viết, và bắt đầu đung đưa một bên chân, lúc xuống, lúc lên. Có vẻ hồi hộp, chẳng giống chút nào với gái bán hoa. Chắc vì ả chỉ là gái mới lớn, quỉ thần ạ. Tuồng như còn ít tuổi hơn cả tôi. Tôi bèn ngồi xuống chiếc ghế lớn kế bên và, rút thuốc mời ả.

- Tôi không biết hút, - ả nói, giọng thanh kinh khủng. Nói khẽ nghe cũng rõ ràng. Ả thậm chí cũng chẳng thèm cảm ơn, khi tôi rộng rãi mời điếu thuốc thơm. Hẳn ả chưa được ai dạy về chuyện đó.

- Cho phép giới thiệu, - tôi nói, - tôi là Jim Stale.

- Anh hẳn có đồng hồ đấy chứ? - Ả nhổ toẹt vào chuyện tôi là Jim hay John - Anh bao tuổi, anh bạn?

- Tôi ấy à? Hăm hai.

- Nói dối nhé!

Câu ả nói khiến tôi sững sờ. Nghe như từ miệng một nữ sinh chính tông chứ chẳng phải từ miệng đám gái làm tiền trơ tráo: "Bịp đời, đồ quỉ đói!" hoặc: "Thôi đi, đừng phịa, ranh con!"

- Thế thì cô bao nhiêu? - Tôi hỏi.

- Anh muốn chừng nào, được chừng nấy! - ả đáp. Thậm chí mồm mép nữa là khác! - Anh có đồng hồ đấy không? - Ả hỏi, rồi đứng bật dậy, cởi nốt chiếc áo màu xanh nọ qua đầu, vứt bừa bên cạnh chiếc áo khoác.

Tôi phát hoảng khi thấy ả cởi nốt chiếc áo cuối cùng. Tôi biết con trai đứa nào cũng phải thấy thèm muốn, nhột nhạt hoặc một cảm xúc gì đại để thế, khi được chứng kiến một thiếu nữ tốc áo, kéo ngược vạt qua đầu. Thế nhưng tôi chẳng hề có một cảm xúc nào loại đó trước cảnh tượng xảy ra kia. Trái lại tôi chỉ thấy bối rối và cụt hứng.

- Anh có đồng hồ đấy chứ?

- Không, không, tôi không mang theo. - Tôi đáp ngay. Trời, tôi thấy lúng túng kinh khủng! - Cô tên gì? - Tôi hỏi. Trên thân thể ả chỉ còn trơ một chiếc áo lót cánh sen. Lúng túng kinh khủng.

- Sunny, - ả đáp nhanh. - Thôi, mau lên nào, để người ta còn đi làm ăn nữa...

- Thế cô không muốn trò truyện chút đỉnh trước khi vào cuộc? - Đến là trẻ nít, dĩ nhiên. Nhưng khốn nỗi tôi cứ rối tung cả đầu. - Việc gì cô lại phải hấp tấp vậy? Ả nhìn tôi, như nhìn một gã hoá rồ.

- Nhưng biết nói chuyện gì bây giờ? - Ả hỏi.

- Tôi cũng chẳng biết nữa. Chỉ muốn trò chuyện chốc lát. Tôi nghĩ, chắc cô cũng thích vậy.

Ả lại gieo người xuống chiếc ghế bên bàn. Nhưng trông cũng biết ả chẳng thích thế. Lại đung đưa chân, đích thị là một cô ả nóng nảy.

- Chắc cô thích hút thuốc? - Tôi hỏi. Quên biến là ả vừa bảo không biết hút.

- Tôi có biết hút đâu. Này, nếu anh có chuyện cần nói, thì nói nhanh đi, tôi nghe đây. Chứ tôi ít thì giờ lắm.

Nhưng khốn nỗi tôi không còn biết nói gì hơn với ả. Tính tôi hỏi ả sao lại đi làm gái giang hồ; nhưng lại sợ ả khùng lên. Mà dù không nổi khùng, thì chắc gì ả đã chịu tâm sự.

- Cô hình như chẳng phải người New York? - Tôi chẳng còn nghĩ được chuyện gì thú vị hơn.

- Đúng, tôi quê tận Hollywood kia, ả nói. Rồi đứng dậy, bước lại giường cạnh chỗ chiếc áo dài đang vứt chơ chỏng. - Anh còn chiếc mắc áo nào rảnh rỗi không nhỉ? Kẻo áo tôi lại nhàu nát mất bây giờ. Tôi vừa lấy đằng hiệu giặt là về xong.

- Có chứ, dĩ nhiên.

Tôi mừng quýnh bởi có việc để làm. Tôi cầm ngay chiếc áo lên lồng vào một cái mắc trong tủ. Kể cũng lạ, nhưng chẳng hiểu sao tôi bỗng thấy buồn quá khi treo giúp ả chiếc áo dài. Tôi hình dung cảnh ả ghé vào đó là gái ăn sương. Người bán áo chắc nghi ả là con gái nhà lành, đi mua sắm. Buồn kinh khủng, mà chẳng hiểu tại sao.

Rồi tôi lại ngồi xuống ghế, cố khơi chuyện. Nhưng gặp một cô gái như ả, mời các bạn cứ thử trò chuyện?

- Tối nào cô cũng phải đi làm cả sao? - tôi hỏi tiếp, và thấy ngay câu vừa hỏi là thất sách.

- Ừm, - ả đáp giữa lúc đang đi tới đi lui trong phòng. Rồi ả cầm tờ thực đơn lên lẩm nhẩm đọc chơi.

- Thế ban ngày thì cô làm gì?

Ả nhún vai. Đôi vai gầy, ngọn hoắt.

- Ngủ. Đi xem chiếu bóng. - Ả đặt tờ thực đơn xuống, rồi ngước nhìn tôi -

Này, sao anh cứ đà đận mãi vậy? Tôi chẳng có nhiều thời giờ để mà cà kê dê ngỗng với anh...

- Mong cô hiểu cho... Tôi cảm thấy hơi khó ở trong người. Suốt ngày hôm nay, tôi toàn vướng phải chuyện rất dở. Nói có trời làm chứng. Nhưng tôi sẽ trang trải mọi thứ cho cô. Chỉ xin cô đừng bực mình, nếu ta không làm chuyện đó. Cô không bực mình chứ?

Khốn khổ cho tôi là tôi chẳng thấy tí chút hứng thú nào. Thực thà mà nói, tôi đang bị xâm chiếm bởi nỗi buồn bã, chứ chẳng phải sự thèm muốn. Ả khiến tôi buồn rầu rĩ. Nhất là lúc nhìn thấy chiếc áo dài màu xanh lục treo trong tủ. Vả lại, làm sao vui thú nổi với một kẻ suốt từ sáng tới tối cứ ngồi lì trong các rạp chiếu bóng ngu xuẩn và mê mải xem phim? Ai chẳng biết, chứ phải thú thực tôi là xin hàng đấy.

Ả bước tới và ngước nhìn tôi với ánh mắt kỳ dị, như thể không còn tin nổi mắt mình.

- Sao vậy, anh bạn? - Ả hỏi.

- Chả sao cả, - tôi đáp. Và tới lượt tôi phát hoảng. - Nhưng của đáng tội, tôi vừa mới mổ xong.

- Thế à? Thế anh có bị cắt mất thứ gì không, hả?

- Chính thế đấy - bị cắt mất một thứ gọi là clavicorde!

- Thật chứ? Thế thứ đó nó nằm ở đâu trong người?

- Cái clavicorde ấy à? Ồ, cô biết đấy, thứ ấy vốn nằm rất sâu, tận đáy tuỷ sống kia. Sâu lắm, cô biết đấy, tít trong tiểu não.

- Thế hả? Thế thì phiền thật! - Rồi thình lình ả ngả người, sà vào tôi. - Kể ra anh ngộ thật đấy! Tôi phát hoảng. Nên lại nói dối tràn lan.

- Tôi vẫn chưa bình phục hẳn, - tôi bảo.

- Anh trông giống một diễn viên điện ảnh quá đi mất. Anh biết chứ? Sao không nhớ à? Anh phải biết chứ, tên anh ta là gì ấy nhỉ anh chàng tài tử ấy mới phải chứ nhỉ.

- Chịu, tôi không tài nào nhớ nổi. Thực tình, tôi gần như chẳng đi xem phim bao giờ... Nghe câu ấy, ả lập tức phá lên cười. Dáng điệu trông sỗ sàng hết chỗ nói.

- Thôi đi, tôi van cô. Tôi đang thấy mệt trong người. Tôi vừa bảo cô ấy: Tôi mới bị mổ.

Thế nhưng ả vẫn chẳng chịu đứng dậy, mà còn lườm tôi, hai mắt long lên sòng sọc.

- Này, nghe tôi bảo đây: tôi đã ngủ rồi, nhưng lão Moris quỉ sứ cứ một hai lôi tôi dậy, bắt đi. Nếu anh mà giở...

- Thì tôi đã bảo sẽ trả tiền sòng phẳng rồi còn gì! Tiền, tôi hiện còn cả đống, chứ có nghèo túng gì cho cam. Ác cái tôi vừa bị mổ, nên chưa lại sức hẳn.

- Đã thế sao còn mở mồm bảo lão Moris ngu ngốc là đang cần gái, hả? Nếu đã bị cắt mất cái của nọ gì đó... trong tuỷ sống... thì còn sai hắn đi kiếm làm gì?

- Tôi tưởng sức khoẻ sẽ khấm khá lên. Nào ngờ chỉ hy vọng hão huyền. Tôi nói tử tế đấy. Cô đừng giận. Bây giờ, cô làm ơn đứng dậy một phút! Nào...

Ả lồng lộn như con quỉ cái, nhưng rồi vẫn đứng dậy, để tôi chạy đi lấy chiếc ví, vất trong cái tủ đứng đằng góc phòng. Rồi tôi rút ví, lôi ra năm tờ, trao tận tay.

- Cảm ơn - tôi nói - Đa tạ, cô bạn.

- Sao đây có 5? Giá những 10 "đô" kia mà.

Trông cũng biết ả đang tính giở quẻ. Tôi đã lo từ ban nãy, biết tỏng thế nào rồi cũng gặp chuyện tương tự.

- Lão Moris bảo: chỉ 5 " đô" thôi. Lão nói: 15 - thì suốt đêm, còn chốc lát - chỉ 5 "đô" là cùng.

- Không, giá cả xưa nay vẫn là 10.

- Lão chỉ bảo 5 thôi. Nói cô bỏ quá, chứ tôi không thể nào đưa hơn cái mức đó. Ả lại nhún vai, nhưng lần này đầy vẻ khinh bỉ.

- Làm ơn lấy giúp tôi cái áo. Nếu anh không thấy quá vất vả, dĩ nhiên!

Một cô ả thật xấu. Nói năng thì thánh thót, mà hay cáu gắt kinh khủng. Giá là một mụ già phì nộn, mặt trát bự phần, chắc ả chẳng đến nỗi bẳn tính thế! Tôi lôi chiếc áo dài lụa ra. Ả thong thả mặc vào, rồi cầm nốt chiếc măng tô trên giường.

- Thôi, anh bạn ngốc, tôi chuồn nhé!

- Đi nhé! - tôi nói. Tôi cũng chẳng buồn cảm ơn. Cũng may là tôi đã chẳng cảm ơn...

Loading...

Tiểu thuyết tình yêu là website chia sẻ những thể loại truyện hay nhất hiện nay, được nhiều người đọc yêu thích. Truyện được cập nhập hàng ngày. Hãy lưu địa chỉ web để truy cập nhanh hơn!

Chúc các bạn online vui vẻ !

Laptop Tùng Anh

Tour Phú Quốc

Vinhomes Cầu Rào 2

Trang Chủ