XtGem Forum catalog
Tiểu thuyết tình yêu

Tiểu Thuyết Tình Yêu

Đọc truyện tại Tiểu Thuyết Tình Yêu

Loading...

Tiểu thuyết - Bắt trẻ đồng xanh - trang 4

Chương 14

Ả vừa ra khỏi là tôi gieo ngay người xuống ghế, hút hai điếu thuốc liền. Mé ngoài cửa sổ, trời đã hửng sáng. Trời ơi, tôi thấy ngao ngán đến cùng cực... Đầu óc trống rỗng tới mức các bạn không thể hình dung. Thế là tôi bắt đầu trò chuyện thành tiếng với Allie, như vẫn thường làm thế mỗi khi thấy mình trống trải. Tôi bảo nó cứ dắt xe ra sẵn, đợi tôi đằng góc nhà thằng Bobby Fallon. Bobby Fallon là hàng xóm của tôi, hồi tôi còn ở dưới Maine. Số là có lần hai đứa trót hẹn nhau: đạp xe lên hồ Sedebego chơi còn định mang theo cả bữa sáng cùng hết thảy những thứ cần thiết, kể cả hai khẩu súng săn cỡ nhỏ của hai đứa. Vốn còn nhỏ, bọn tôi tưởng loại súng ấy cũng săn được chim muông như ai. Allie nghe lỏm được chuyện hai đứa tôi hò hẹn, nên bắt đầu nài nỉ xin đi theo bằng được, nhưng tôi khước từ. Tôi bảo, em hãy còn bé. Lúc này, khi tôi bị nỗi buồn xâm chiếm, tôi lại bảo nó: "Được, em cứ dắt xe ra sẵn, chờ anh trước nhà Bobby Fallon. Nhớ là đừng có lề mề đấy!"

Chẳng phải là tôi không bao giờ cho Allie đi theo. Ồ, không, tôi vẫn thường lôi nó đi cùng. Nhưng bữa đó, tôi lại không chịu đem nó theo trong chuyến phiêu lưu. Vậy mà Allie chẳng giận, nó có giận ai bao giờ! Nhưng chuyện đó cứ ám ảnh tôi suốt, nhất là những lúc buồn nản.

Mãi sau tôi mới thay quần áo ngủ, định đi nằm. Tôi nằm yên, nghĩ miên man một lúc lâu xem có nên cầu nguyện chút đỉnh không? Nhưng rốt cục chẳng ăn nhằm gì cả. Tôi không thể cầu nguyện được, ngay cả khi rất muốn làm thế. Trước hết, tôi là đứa vô thần. Chúa Cơ đốc đại để tôi rất quí, nhưng lai chẳng ưa toàn bộ những đoạn kinh bổn rất chi là khó hiểu còn lại trong Kinh Thánh. Còn các đấng tông đồ chẳng hạn, lắm lúc họ khiến tôi bực kinh khủng. Dĩ nhiên, khi Chúa đã chết, kể ra họ cũng chẳng đến nỗi nào. Nhưng lúc Chúa còn sống thì họ chẳng giúp ích được gì hệt như một đám vô tích sự chính cống. Đã thế lại cứ chơi khăm Chúa hoài. Những gì khiến tôi chán nhất trong Kinh Thánh thì đó chính là các đấng tông đồ. Sau Chúa Cơ Đốc, người mà tôi thích nhất trong Kinh Thánh chính là cái ông gàn dở, chuyên sống trong hang và cứ toàn lấy đá nhọn rạch nát người để sám hối. Cái ông ngờ nghệch ấy, khiến tôi còn thích gấp trăm lần mười hai vị thánh tông đồ kia. Hồi còn học dưới Whooton, tôi cứ cãi nhau suốt với một thằng bạn ở cùng tầng, thằng Arthur Childs. Nó là tín đồ phái Quaker, nên cứ lẩm nhẩm đọc Kinh Thánh suốt hết ngày này sang ngày khác. Nó là đứa rất tử tế, tôi rất quý nó, nhưng tôi với nó chẳng bao giờ chịu nhau về Kinh Thánh, nhất là về các đấng tông đồ của Chúa Cứu Thế. Arthur cứ một hai với tôi rằng, nếu tôi đã không coi trọng các đấng tông đồ ấy, thì tức là cũng chẳng quí mến gì Chúa Cơ đốc. Nó bảo: một khi Chúa đã tự chọn ra thì có nghĩa là ta phải quí mến các đấng tông đồ. Nhưng tôi bảo, tôi biết là chính Chúa đã chọn họ, nhưng Ngài chọn chẳng qua chỉ vì tình cờ thôi. Tôi bảo nó, Chúa không có đủ thời giờ để suy xét cặn kẽ, nên tôi chẳng nỡ trách Chúa. Vị tất Ngài đã có lỗi, nếu Ngài không đủ thời giờ? Tôi nhớ có hỏi Arthur: ý cậu ra sao - Giu đa có phản Chúa không, có phải xuống hoả ngục sau lúc tự vẫn? Arthur bảo, dĩ nhiên. Tôi không đồng tình với nó chính là ở chỗ ấy. Tôi bảo, tớ dám đánh cuộc một ngàn dollar ăn một là Chúa Cơ đốc chẳng bao giờ nỡ đuổi cái ông Giu đa khốn khổ ấy xuống hoả ngục! Ngay cả bây giờ nữa, tôi cũng dám đánh cuộc từng đó, nếu trong túi tôi có đủ một ngàn. Những ông thánh tông đồ kia thì chắc sẽ đày Giu đa mà chẳng chút phân vân! Chứ Chúa Cơ đốc thì không đời nào! Gì chứ chuyện đó tôi dám đưa đầu ra bảo đảm. Thằng Arthur bảo, tôi nghĩ thế vì tôi chẳng bao giờ đi lễ. Cũng đúng, mà cũng không. Quả tôi chẳng đi lễ bao giờ. Trước hết, vì bố mẹ tôi mỗi người theo một đạo, thành thử mấy anh chị em tôi, chẳng ai theo đạo nào. Thêm nữa, tôi chẳng đi lễ vì không chịu nổi mấy ông linh mục. Tại những trường tôi từng theo học, giọng ông linh mục nào cũng trơn như bôi mỡ, mỗi khi khởi sự giảng giáo lý, nghe đến là chướng tai. Tôi chẳng ghét gì bằng cái giọng trơn tru ấy. Tôi chẳng hiểu, sao họ không chịu dùng cái giọng mọi người vẫn nói, thế có phải dễ nghe không nào. Đằng này, cứ động mở miệng rao giảng là uốn a uốn éo đến phát lợm!

Tóm lại, khi tôi lên giường đi ngủ, trí não tôi vẫn chẳng tài nào nhớ nổi một câu kinh. Tới lúc bắt đầu nhớ được một câu thì ngoài cửa đã nghe léo nhéo giọng Sunny, ả mắng mỏ tôi đủ điều, thậm chí còn gọi tôi là thằng nỡm. Rốt cục, tôi đành ngồi dậy, hút thêm điếu nữa và chờ xem. Chắc tôi đã đốt sạch gần hai gói thuốc kể từ lúc rời khỏi Pencey.

Rồi thình lình có tiếng gõ cửa, lúc tôi vừa ngả lưng xuống, rít điều thuốc mới châm lửa. Tôi hy vong kẻ nào đó gõ nhầm, nhưng chỉ một thoáng tôi đã hiểu ngay, kẻ đó là ai. Linh cảm tôi kể ra chẳng đến nỗi nào.

- Ai đó? - Tôi hỏi. Rồi đâm hoảng. Tôi vốn rất nhát gan với những vụ rắc rối kiểu này. Lại có tiếng gõ cửa. Có điều lần này to hơn. Tôi đành chồm dậy, và cứ mặc nguyên đồ ngủ, ra mở cửa. Chẳng cần phải bật đèn nữa vì trời đã sáng rõ từ lâu. Trước cửa lù lù hai bóng người: Sunny và Moris, lão giữ thang máy.

- Gì thế? - Tôi hỏi. - Các người cần gì? - Giọng tôi run run.

- Chuyện vặt thôi, - Lão Moris lên tiếng. Còn thiếu 5 "đô" nữa. - Lão nói thay cho cả Sunny, còn ả thì đứng đực ra đấy, miệng há hốc.

- Tôi đưa cho cô ấy rồi còn gì? Tôi đưa cô ấy đúng 5 tờ. Ông cứ hỏi cô ấy khắc biết. - Chà giọng tôi run mới khiếp chứ.

- Phải 10 "đô" kia, cậu cả. Tôi chả bảo cậu thế là gì? 10 "đô" - chốc lát, 15 "đô" - suốt đêm. Cậu lú lấp rồi, hả?

- Nói dối. Lúc nãy ông bảo chốc lát thì 5 dollar. Đúng, ông bảo suốt đêm mới 10, tôi nghe rõ ràng, còn hạch gì nữa...

- Xuỳ tiền ra đi, cậu cả!

- Tiền gì? Tim tôi đập loạn xạ, như muốn vọt ra khỏi lồng ngực. Phải chi tôi đã ăn mặc hẳn hoi. Đằng này trên người vẫn chỉ bộ quần áo ngủ mà gặp những chuyện như thế này thì bực thật.

- Thôi, xuỳ ngay đi cho được việc. Moris nói. Rồi ẩy mạnh tôi một cái, khiến tôi suýt ngã ngửa dưới sàn. Lão khoẻ khiếp, cái gã chó đẻ ấy. Và tôi còn chưa kịp ngoảnh lại, lão với cô ả nọ đã vào hẳn phòng. Dáng điệu ngang nhiên, cứ như đây là phòng họ. Sunny ngồi lên bậc cửa sổ. Còn Moris thì gieo người xuống ghế, mở phanh cúc áo cổ, lão đang diện bộ đồng phục của đám giữ thang máy, bó sát người. Trời, tôi tức quá đi mất.

- Thôi, xuỳ tiền ngay đi! Để tôi còn đi làm, kẻo trễ.

- Tôi đã bảo các người rồi: tôi chẳng nợ nần ai, dù một xu. Tôi đã trả cô ấy 5 đô tử tế.

- Câm mồm đi. Rồi để tiền lên bàn kia!

- Tại sao tôi lại phải trả thêm 5 dollar nữa? - Tôi nói. Giọng càng run. - Ông định bịp tôi à?

Moris đã cởi nốt chiếc cúc áo chót cùng. Lão không mặc áo sơmi lót trong, nên phô hết cái bụng phệ đấy lông lá, khoẻ khoắn.

- Chẳng ai định bịp ai hết, - lão nói - Tiền đâu xuỳ ra, cậu cả, xuỳ ra!

- Tôi không đưa!

Tôi vừa dứt câu thì lão đã đứng dậy, đến bên tôi. Mặt lão có cái vẻ như thể đã mệt phờ người hoặc chán chường tới mức chỉ chực nôn thốc nôn tháo. Tôi hoảng quá, trời ạ. Tôi nhớ tôi đã phải bắt chéo hai tay trước ngực. Vì hoảng quá. Tệ nhất là tôi lại đang diện bộ quần áo ngủ trên người.

- Xuỳ ra đi, cậu cả! - Lão tiến tới sát bên tôi. Nhắc đi nhắc lại, độc một câu:

Xuỳ tiền ra đi, cậu cả! - Quân đê tiện diện đồng phục.

- Tôi không trả.

- Này, cậu buộc tôi phải xử tệ với cậu. Tuy tôi chẳng muốn hạ nhục cậu chút nào. Thế mà đành phải giở những trò như cậu vừa thấy. Cậu còn nợ bọn này 5 "đô".

- Tôi chẳng nợ nần ai hết. Ông mà động đến tôi, tôi sẽ gào tướng lên cho xem. Tôi sẽ dựng cả khách sạn này dậy. Gọi cảnh sát, gọi cả thiên hạ tới! - Tôi nói cứng thế mà giọng vẫn run, như thể đang sốt cao.

- Thì cậu cứ gào đi! Gào cho thật to vào. Tuỳ thích! Nếu cậu muốn bố mẹ biết cậu ăn nằm suốt đêm với bọn gái làm tiền tuy vốn con nhà tử tế - Lão láu cá thật, gã chó đẻ ấy. Láu cá kinh khủng.

- Thôi để cho tôi yên! Phải chi ông nói cái giá 10 dollar ngay từ đầu thì đó lại là chuyện khác. Đằng này ông dám chắc với tôi...

- Sao, có đưa không thì bảo? - Lão dồn tôi vào sát bên cửa ra vào và dùng chính cái bụng phệ lông lá ấy ẩy tôi vào sát cửa.

- Đừng động đến tôi! Xéo ngay đi! - Tôi nói. Trong khi hai tay vẫn bắt chéo trước ngực, không nhúc nhích. Trời, đến con sâu, cái kiến chắc trông cũng chẳng thảm hại bằng. Thình lình, Sunny bỗng khai khẩu, tuy nãy giờ vẫn nín thinh:

- Moris này, tôi tìm cái ví nhé? Nó nằm kia kìa, ngay trên...

- Phải đấy, lấy đi!

- Đây rồi! - Sunny nói. Và huơ huơ trước mắt tôi tờ giấy bạc 5 dollar. - Thấy rõ rồi chứ? Tôi chỉ lấy chỗ anh nợ, không hơn. Tôi chẳng thèm trấn lột ai bao giờ. Bọn này chẳng phải kẻ cướp! Thế là tôi oà khóc. Bởi tôi không muốn, mà cứ phải nhè thêm 5 đô.

- Chẳng phải kẻ cướp! Thế mà đi thó của người ta 5 dollar, các người rõ là quân...

- Câm ngay! - Moris quát, rồi ẩy mạnh tôi một cái.

- Mặc hắn đấy, Moris!- Sunny bảo. - Ta đã đòi được nợ rồi. Ra thôi. Nghe rõ chứ, ta về thôi!

- Ừ! - Moris đáp. Nhưng vẫn đứng đực ra đấy.

- Moris, anh điếc hả? Thôi, mặc xác hắn!

- Thì ai thèm động tới hắn? - Lão đáp bằng một giọng tỉnh bơ như không.

Nhưng rồi thình lình búng đánh bốp một cái vào chiếc áo ngủ của tôi. Không phải búng vào tôi, mà vào chiếc áo ngủ, nhưng tôi vẫn điếng người. Tôi mắng lão là đồ mất giống, quân chó đểu, bẩn thỉu.

- Mày bảo gì? - Lão hỏi. Rồi khum tay, đưa lên vành tai, như kẻ nghễnh ngãng. - Mày bảo gì, hả? Tao là quân gì, nhắc lại xem. Tôi đứng yên đấy, gào to. Tôi đang điên, hắn làm tôi phải điên tiết.

- Phải, tao bảo mày là đồ mất giống, là quân chó đểu bẩn thỉu đấy. Đồ mất giống bẩn thỉu, đồ bịp bợm. Vài năm nữa rồi mày sẽ khánh kiệt, sẽ phải bị gậy đi ăn mày. Áo xống mày rồi sẽ xác xơ, người mày rồi sẽ hôi như cú, bẩn như chó đói...

Tức thì hắn cho tôi một quả thụi khủng khiếp! Tới mức tôi chưa kịp né đã cảm thấy bụng dưới đau điếng người.

Tôi không bất tỉnh, bởi lẽ từ dưới sàn nhìn lên tôi vẫn còn nhìn thấy hai đứa xăm xăm bước ra, rồi khép cửa lại tử tế. Mãi tôi vẫn không sao gượng dậy được, hệt như hôm ẩu đả với thằng Stradlater trên Pencey... Nhưng lần này tôi có cảm giác như mình đang sắp lìa đời. Thật đấy, tôi tưởng mình sắp ngộp thở, như đang chới với dưới nước, không tài nào hớp được lấy một hớp khí trời. Khi đã ngồi dậy được, lê vào phòng tắm, tôi không thể nào thẳng người lên nổi. Hai tay cứ phải ôm ghì lấy bụng dưới lúc đi.

Nhưng chắc tôi là kẻ bất bình thường. Phải, tôi có lẽ là thằng điên, các bạn ạ. Trên đường vào phòng tắm, tôi bỗng tưởng tượng mình bị ghim một phát đạn vào giữa bụng, tưởng tượng gã Moris ấy đã bắn tôi. Tỉnh lại, tôi lần vào buồng tắm, tợp một ngụm Whitsky rõ lớn để trấn an thần kinh cho có sức mà khởi sự hành động. Tôi hình dung mình rời phòng tắm sau lúc đã ăn mặc tử tế, súng ngắn trong tay, chân cẳng chỉ hơi run. Tôi lần xuống thang gác - thang máy tôi nhổ toẹt vào, dĩ nhiên, tay bám vào hàng lan can, trong khi máu chốc chốc lại trào ra nơi khoé mép. Tôi xuống thêm mấy tầng nữa, tay vẫn ôm chặt bụng dưới, còn máu vẫn nhỏ giọt dưới sàn, rồi lên tiếng gọi thang máy. Lúc Moris vừa mở cửa, hắn đã rú lên, giọng khiếp đảm và man dại, cầu xin tôi tha chết, bởi lẽ thấy ngay khẩu súng ngắn trong tay tôi. Nhưng tôi liền cho hắn biết tay. Sáu phát cả thảy, tất cả đều nhằm thẳng vào cái bụng phệ đầy lông lá của hắn! Rồi tôi quẳng khẩu súng vào góc buồng thang máy, dĩ nhiên là đã chùi sạch mọi dấu tay. Xong, tôi lại bò lên phòng mình, gọi điện cho Jane tới để băng bó giúp các vết thương đang rỉ máu. Tôi hình dung cả cảnh nàng giữ giúp tôi điếu thuốc để tôi rít vài hơi trong lúc máu vẫn chưa thể cầm. Điện ảnh kể đáng nguyền rủa thật! Nó xô đẩy người ta tới chỗ ấy đấy. Chính các bạn cũng biết... Tôi ngồi trong buồng tắm cả tiếng đồng hồ, ngâm mình trong nước chốc lát rồi mới trở về giường. Mãi vẫn không chợp mắt được, tôi chẳng thấy nhọc mệt mấy, nhưng rốt cục rồi cũng ngủ thiếp đi. Tôi lại càng muốn tự vẫn hơn hồi sáng. Nhảy quách qua cửa sổ. Và chắc tôi đã nhảy thật, nếu tôi biết đích xác có ai đó sẽ tới kịp phủ lên người tôi một tấm chăn, khi tôi vừa ngã gục dưới kia. Tôi chẳng thích bị những kẻ ngốc tò mò dòm ngó cảnh mình nằm giữa vũng máu.

Chương 15

Tôi ngủ chẳng được mấy và hình như đã thức giấc lúc mới 10 giờ. Hút xong điếu thuốc, tôi cảm thấy đói bụng kinh khủng. Bữa ăn gần đây nhất, tôi chỉ nuốt vội có hai chiếc hamburger, và thấy như đã xa cách hàng nửa thế kỷ! Sẵn có máy điện thoại bên cạnh, tôi toan nhấc máy, gọi xuống dưới nhà, bảo dọn cho một bữa sáng tại phòng. Nhưng rồi lại sợ họ sai chính lão Moris ấy bưng lên, nên tôi từ bỏ ý định đó ngay. Các bạn sẽ nhầm, nếu tưởng tôi ước ao tái ngộ với hắn. Tôi nằm yên một lúc nữa, hút thêm điếu thuốc thứ hai. Chỉ muốn gọi điện cho Jane, hỏi xem Jane đã về nghỉ lễ chưa, nhưng lòng chẳng phấn chấn mấy, nên lại từ bỏ ý định đó.

Nhưng rồi buồn quá, tôi đành nhấc máy, gọi cho Sally Hayes. Hồi này, Sally đang học trên trường nội trú Mary A Woodruff. Tôi biết chắc nó đã về nhà, vì mới nhận được thư nó cách đây chưa đến tuần lễ. Thực thà mà nói, tôi chẳng mê gì nó, nhưng vì đã quen biết nhau quá lâu, và lúc xưa, do ngờ nghệch, tôi cứ tưởng nó cũng thông minh. Tôi ngộ nhận thế chẳng qua chỉ vì Sally am hiểu sân khấu kinh khủng và nói chung cả văn chương nữa. Gặp một người uyên bác thế, bạn chẳng dễ gì biết ngay được họ thông minh hay ngu đần. Với Sally Hayes, tôi đã phải mất mấy năm trời mới rõ được chân tướng. Vả lại, chắc chẳng cần phải lâu đến thế mới biết nó ngốc nghếch, nếu hai đứa chẳng hôn nhau bao giờ, tuy đã quen biết nhau lâu đến thế. Khổ một nỗi là khi đã hôn đứa nào, bao giờ tôi cũng nghĩ là nó rất thông minh. Đó là hai chuyện chẳng hề dính dáng gì đến nhau, nhưng tôi vẫn bất chấp, cứ tưởng chúng phải liên can mật thiết lắm.

Tóm lại, tôi đã nhấc máy gọi điện cho Sally. Đầu tiên cô hầu phòng nhấc máy lên. Tiếp đến là ông bố. Mãi, tôi mới thấy nó lên tiếng trong ống nghe.

- Cậu đấy hả, Sally? - Tôi hỏi khẽ.

- Tớ đây, ai ở đầu dây thế? - Nó hỏi. Vờ vĩnh kinh khủng. Vì tôi đã xưng tên với ông bố hẳn hoi rồi.

- Holden Caulfield đây. Khoẻ chứ?

- A. Holden! Khoẻ, cảm ơn. Thế còn cậu?

- Rất tuyệt. Này, sống trên ấy dễ chịu chứ? Trường lớp thế nào?

- Cũng như mọi trường khác thôi, cậu thừa biết rồi đấy.

- Tuyệt. Tớ chỉ muốn hỏi, cậu có rỗi không? Hôm nay tuy là chủ nhật, nhưng chắc các rạp vẫn mở cửa đấy. Cậu có thích đi xem không?

- Ồ, thích chứ, lại còn phải hỏi! Tuyệt diệu thế còn đòi gì hơn!

"Tuyệt diệu!". Tôi ghét hai chữ đó! Nghe tầm thường hết chỗ nói! Tôi suýt bảo nó thôi đừng đi đâu nữa cho rồi. Nhưng lại vẫn tiếp tục tràng giang đại hải một lúc qua đường dây. Đúng hơn thì nó mới là đứa làm vậy, còn tôi, tôi nín thinh. Nó chẳng bao giờ để cho ai mở mồm. Mới đầu, nó kể chuyện một thằng đê tiện, bên Havard, chắc mới vào năm thứ nhất, (nhưng nó ỉm khoản đó đi, cố nhiên), tuồng như đang chạy ngược chạy xuôi, mong được lọt mắt xanh. Và gọi điện cho nó suốt cả đêm lẫn ngày. Đúng, cả đêm lẫn ngày, tôi suýt phá lên cười khi nghe câu chuyện ấy. Rồi nó kể tiếp chuyện một thằng nữa, hiện học bên West Point, cái trường võ bị danh tiếng. Gã này thì lúc nào cũng có thể tự thọc dao vào cổ họng, nếu không lấy được cô bạn lòng, khiếp thế đấy. Tôi dặn nó cứ chờ tôi bên cột đồng hồ, cạnh khách sạn Bilmore, lúc hai giờ. Vì các vở diễn suất ban ngày thường mở màn lúc hai rưỡi. Mà nó thì nhiễm phải cái tật quanh năm trễ hẹn. Rồi hai đứa tạm biệt nhau. Trò chuyện với nó khiến tôi thấy ngao ngán, nhưng nó là đứa xinh không thể tả.

Hẹn hò với Sally xong, tôi liền ngồi ngay dậy, thay quần áo, thu xếp vali và các thứ đồ đạc mang theo. Lúc ra khỏi phòng, tôi có thử nhìn vào khung cửa sổ, xem bọn động cỡn hiện đang làm gì bên ấy, nhưng bọn họ đã buông kín rèm. Ban ngày, bọn họ đều hoá thành những kẻ hết sức tử tế. Rồi tôi xuống phòng quản trị, thanh toán các khoản với gã gác cổng. Moris, may quá, chẳng thấy đâu. Tôi thì cũng chẳng hơi đâu tìm gặp, để từ giã cái gã đê tiện ấy.

Tôi vẫy taxi ngay trước cửa khách sạn, nhưng hoàn toàn chẳng biết đi đâu. Hoá ra chẳng còn chốn nào để ghé tới lúc này. Hôm nay, chỉ mới chủ nhật, mà tôi thì không thể vác mặt về nhà trước thứ tư, hoặc cùng lắm là trước tối thứ ba. Trọ ở khách sạn khác? Thôi, chuyện đó, tôi xin đủ, bởi chẳng muốn vỡ sọ ở đằng ấy, nên đành bảo ông tài xế cho tới ga trung tâm. Nhà ga vốn kế bên khách sạn Bilmore, nơi tôi hẹn gặp Sally - cứ đến đó là hay nhất. Tôi sẽ đem gửi hành trang vào phòng gửi hành lý, giữ lấy chìa khoá, rồi đi tìm món gì đó điểm tâm vì bụng đang đói cồn cào. Ngồi trên taxi, tôi thử rút ví, kiểm xem tiền còn nhiều ít. Tôi cũng chẳng nhớ mình có được bao nhiêu trước lúc từ giã Pencey nhưng thừa biết chẳng lấy gì làm phong lưu. Nội trong hai tuần mà tôi đã tiêu mất vô khối tiền. Tính tôi vẫn coi tiền như rác. Nếu không vung tay quá trán, thì cũng đánh mất lung tung. Lắm khi tôi quên cả việc lấy tiền thối lại trong các nhà hàng hoặc các tiệm rượu. Bố mẹ tôi thường điên đầu với tôi về thói ấy. Tôi hiểu lòng bố mẹ, nên chẳng chút phàn nàn. Tuy bố tôi khá dư dả, nhưng tôi chẳng biết đích xác các khoản thu nhập hàng tháng của ông là bao nhiêu. Tứ thời bố toàn tung tiền vào các vở diễn này nọ đằng Broadway do bố dàn dựng. Đã kể cũng nên kể hết, là những lần đó phần nhiều đổ bể, và hễ bố tôi dính tới chuyện đó là mẹ tôi liền nổi trận lôi đình. Nhưng rồi mẹ cũng đã đầu hàng, sau ngày gia đình mất Allie. Cũng chính vì chuyện đó mà tôi rất ngại báo cho mẹ biết tôi lại bị đuổi học chuyến nữa.

Tôi gửi hai chiếc vali vào phòng gửi hành lý, rồi ghé vào một cửa hiệu ngay trong khuôn viên nhà ga, điểm tâm. Tôi ăn khá nhiều: nước cam, trứng tráng, bánh mì rán và cả cà phê. Thường tôi chỉ lót dạ một ly nước quả ép. Tôi ăn rất ít, ít lạ lùng. Vì thế nên gầy. Mấy ông thầy thuốc dặn phải tọng thật nhiều các thứ bổ béo, cho chóng lên cân, nhưng tôi chẳng ham. Vào những dịp đi đây đi đó, tôi thường chỉ ăn một mẩu xăng đuých kẹp phó mát Thụy Sĩ, rồi uống một cốc sữa chua, thế là xong. Ăn vậy, tôi biết là đạm bạc quá, nhưng sữa vốn lắm vitamine.

Tôi đang ăn trứng tráng thì có hai nữ tu sĩ, tay vali tay túi xách đi vào, chắc họ chuyển tu viện và đang đợi tàu. Họ ngồi xuống sau quầy, kế bên chỗ tôi. Họ chẳng biết đặt hành lý vào đâu cả, nên tôi bèn đứng ngay dậy giúp họ. Vali của họ đều là loại rẻ tiền, xấu xí, chẳng phải bằng da thật, mà chỉ là những thứ chả ra sao. Tôi thừa biết chuyện đó chẳng hệ trọng gì, nhưng tôi không thể chịu nổi khi nhìn thứ vali cà khổ đó. Nói ra thì ngượng, nhưng tôi rất khó chịu mỗi lần trông thấy ai đó tay mang xách những loại vali rẻ tiền kia. Tôi bất giác nhớ tới một chuyện, từ hồi còn học dưới Elkton Hill. Dạo đó, tôi sống cùng phòng với một đứa, tên nó là Dick Slagle, cũng có mấy chiếc vali cà khổ như thế. Nó luôn nhét mấy chiếc vali ấy xuống gậm giường chứ chẳng chịu để lên giá, để đừng ai trông thấy chúng bên cạnh mấy chiếc vali bảnh bao của tôi. Chuyện đó khiến tôi áy náy tới mức sẵn lòng quẳng hết cả mấy cái của tôi hoặc thậm chí đổi ngang cho nó, để nó đỡ tủi. Mấy chiếc của tôi là loại mua đằng cửa hiệu Mark Cross tử tế, bằng da thật, trong ngoài chẳng thiếu một bộ phận nào, và giá có trời biết là bao nhiêu. Nhưng điều kỳ lạ chẳng phải chuyện đó, mà là chuyện thằng Dick Slagle gàn dở. Khi tôi vất vả lôi vali mình, tống xuống gậm giường cho thằng bạn đỡ tủi bởi những mặc cảm ngu ngốc về gia cảnh khốn quẫn, thì nó, lại lôi mấy chiếc vali thổ tả của cha nó ra, rồi để lên trên giá, cạnh chỗ tôi vừa lấy xuống xong. Tới lúc đó tôi mới hiểu nó làm thế để làm gì? Ra nó muốn ai nấy tưởng đó là những chiếc vali của chính nó! Đúng, đúng như thế đấy. Các bạn thấy có kỳ quặc không? Nó cứ chế giễu mấy chiếc vali của tôi suốt, nào là quá mới, nào là quá trưởng giả. Đó là mấy chữ nó thích nhất trần đời. Chẳng biết nó học lỏm được ở đâu, tôi đến chịu thua. Cái gì của tôi cũng bị nó gọi là "trưởng giả" tất. Thậm chí cả đến chiếc bút máy nữa. Thế nhưng nó vẫn mượn luôn tuy rằng vẫn luôn mồm chê bai. Tôi chỉ ở chung với nó đúng hai tháng. Rồi cả hai đều đâm đơn xin ban giám hiệu tách ra. Và buồn cười nhất là khi xa nhau rồi, tôi lại thấy thiếu nó kinh khủng. Vì nó ăn đứt tụi ở đây về tài châm biếm, và hai đứa đã có những giờ phút vui đùa thoả thích bên nhau. Tôi nghĩ, vắng tôi chắc nó cũng vậy. Hồi mới xa nhau, nó toàn chọc tức tôi, gọi những đồ dùng của tôi là trưởng giả, nhưng tôi mặc kệ, thậm chí còn về hùa với nó nữa. Nhưng ít lâu sau, tôi thấy nó chẳng đùa bỡn bao giờ. Chung qui chỉ vì khó chung sống với một kẻ mà vali anh to hơn hẳn vali nó, và anh thì có những chiếc vali hảo hạng, còn nó lại không. Chắc các bạn sẽ bảo, nếu có đầu óc và có khiếu châm biếm, thì phải nhổ toẹt vào những chuyện vớ vẩn ấy chứ. Chính vì lẽ đó mà tôi đã dọn sang ở với một đứa súc sinh ngu độn, với thằng Stradlater. Dẫu thế nào chăng nữa, thì vali nó cũng chẳng kém vali tôi nhiều lắm.

Tôi trở lại với chuyện hai cô tu sĩ, họ ngồi xuống bên cạnh và chúng tôi bắt đầu trò chuyện linh tinh. Cô ngồi gần tôi hơn cầm trên tay một cái giỏ đan, thứ giỏ mà các nữ tu sĩ và tụi con gái thuộc Giáo đoàn Cứu rỗi vẫn thường cầm đi quyên tiền vào dịp Giáng Sinh hoặc các ngày lễ lớn. Tứ thời, họ toàn đứng ở những góc đường dọc Đại lộ số 5, hoặc các cửa hiệu tạp hoá cực sang. Khi cô bất chợt đánh rơi, tôi vội cúi xuống nhặt giúp. Rồi hỏi: hẳn họ đi quyên tiền để lo quà cáp cho dịp Noel nay mai. Nhưng nữ tu sĩ đáp, không phải. Chẳng qua chỉ vì vali họ chật quá, hết cả chỗ cất nên phải để ngoài. Cô ta niềm nở, ngước nhìn và cười mỉm rất tươi. Mũi cao, đeo chiếc kính cận gọng sắt, tuy cô không xinh lắm, nhưng gương mặt phúc hậu.

- Tôi tưởng nếu các chị đi quyên tiền, tôi có thể đóng góp chút đỉnh, - tôi nói. - Đây, xin cô nhận giúp, rồi lúc nào phải quyên tiền thì bỏ vào giỏ sau.

- Ôi, cậu tử tế quá! - Cô đeo kính nói. Cô bạn kia cũng ngước mắt nhìn. Cô ta đang uống cà phê, nhẩm đọc một cuốn sách khổ nhỏ, từa tựa Kinh Thánh tuy có hơi mỏng. Nhưng chắc cũng là một quyển kinh. Bữa điểm tâm của họ chỉ tách cà phê với mấy lát bánh mì suông. Tôi thấy rất ái ngại cho họ nên đâm căm ghét đĩa trứng tráng với các thức ăn khác, khi người ngồi cạnh chỉ dám lót dạ có vậy.

Họ cầm tờ mười dollar tôi quyên. Nhưng cứ hỏi đi hỏi lại, liệu tôi có đủ tiền để chi tiêu các thứ không. Tôi bảo vẫn còn ít nhiều trong túi, nhưng họ không tin lắm. Tuy thế, vẫn cứ giữ tờ giấy bạc trên tay. Rồi cả hai thi nhau cảm ơn tôi, đến mức tôi đâm ngượng vì thấy mình đâm ra quá hào phóng. Tôi chuyển đề tài câu, hỏi họ định đi đâu. Họ là giáo viên, vừa từ trên Chicago xuống và đang tính tìm chỗ làm tại một trường nội trú, nằm đâu như trên đường Một trăm sáu tám hay gì đó, đại để là một xó xỉnh phải gió nào đó ở tận đầu đằng kia New York. Cô ngồi cạnh, đeo kính, hoá ra là giáo viên tiếng Anh, còn cô kia chuyên dạy sử và hiến pháp Hoa Kỳ. Vì thế, tôi đâm tò mò, chẳng hiểu sao một cô giáo dạy Anh ngữ lại bỏ đi tu, và đã vậy thì có còn được phép thưởng thức các tác phẩm trong văn chương Anh nữa không. Những cuốn thô lỗ thì chẳng nói làm gì. Nhưng những cuốn tỏ tình, tả về các đôi trai gái đắm đuối yêu nhau, hoặc đại để thế, thì sao? Như nàng Eustacia Vye trong The Return of the Native của Thomas Hardy chẳng hạn. Lòng họ cố nhiên chẳng còn bợn một ham muốn nào mãnh liệt nữa, nhưng dẫu sao tôi cũng muốn biết một nữ tu sĩ nghĩ gì khi đọc những trang diễm tình về cô thiếu nữ đa cảm Eustacia. Tuy thế, tôi vẫn chẳng dám hỏi gì, dĩ nhiên. Mà chỉ nói: trong các môn, tôi học trội nhất là Anh ngữ.

- Ồ, thế hả? Tuyệt quá! - cô giáo viên Anh ngữ, reo lên - Thế năm vừa rồi cậu đã đọc được những cuốn nào? Ước gì được cậu tâm sự vài điều nhân gặp gỡ hôm nay. Quả là một thiếu nữ nhân hậu, niềm nở.

- Thực tình, chỉ có các nhà văn Anh, Mỹ là nhiều. Đại để như Bewulf, rồi Randal, con ta, với lại... nghĩa là vớ được gì đọc nấy. Nhưng phần lớn là những thứ thường bắt đọc thêm để cho điểm riêng - điểm ngoại khoá. Năm rồi, tôi có đọc thêm The Return of the Native của Thomas Hardy, Romeo và Juliet, Julius Cesa...

- Ồ, cả Romeo và Juliet nữa! Tuyệt! Hẳn cậu thích lắm? - Câu ấy cô ta nói bằng cái giọng chẳng có vẻ nữ tu sĩ chút nào.

- Vâng, tôi rất thích. Có đôi chỗ tôi chẳng thích mấy, nhưng trên đại thể rất xúc động.

Nói thực, tôi rất bối rối khi phải bàn luận về Romeo và Juliet với một nữ tu sĩ. Vì vở kịch đó toàn nói về chuyện yêu đương và những thứ gần như là vậy. Nhưng vì cô ấy đã hỏi, nên tôi vẫn phải trả lời, tuy cô ấy là tu sĩ.

- Cô biết đấy, tôi không thích Romeo và Juliet lắm, nghĩa là tôi chẳng mê họ.

Tại sao ư?... Cũng chẳng biết! Thậm chí có lúc tôi còn bực nữa là khác. Tôi muốn nói, - tôi xúc động hơn khi Mercutio bị giết, tôi thương họ hơn là thương hai nhân vật kia. Cô hiểu đấy, tôi hết thấy xót anh chàng Romeo ấy, sau lúc Mercutio tội nghiệp bị đâm chết. Vì kẻ đâm vào ngực chàng trai đó chính là anh họ cô Juliet, tên gã đó là gì tôi quên mất rồi...

- Tybalt.

- Đúng, Tybalt. Chẳng hiểu sao tôi cứ quên mất. Nhưng Romeo mới là người có lỗi. Nên người tôi thích hơn cả chính là chàng trai ấy, Mercutio. Người của hai dòng họ Montague và Capulet, dĩ nhiên, tôi chẳng có cảm tình, ngoại trừ Juliet, nhưng Mercutio thì... không, tôi chịu chết, không thể cắt nghĩa tại sao cả. Chắc vì anh ấy thông minh, vui tính. Cô biết đấy, tôi rất ức khi thấy người ta giết chết như vậy hơn nữa họ lại chẳng hề có tội tình gì. Còn Romeo và Juliet lại là chuyện khác, vì chính họ có lỗi.

- Cậu học trường nào thế, anh bạn? - Cô đeo kính hỏi, chắc thấy chán những điều tôi nói về vở kịch của Shakespeare.

Tôi đáp - trường Pencey. Hoá ra cô ấy biết tiếng cái trường thổ tả này và bảo đó là nơi rất danh tiếng. Tôi nín thinh. Đúng lúc ấy thì cô dạy sử và hiến pháp chen vào, - đã đến lúc phải lên đường. Tôi giành lấy hai tấm phiếu ghi tiền, nhưng họ nhất định không chịu để tôi trả thay hai tách cà phê với đĩa bánh. Cô đeo kính nhanh nhẹn giằng lấy tấm phiếu từ tay tôi:

- Cậu đã quá hào phóng với chúng tôi rồi. Cậu quả là một cậu bé đáng mến.

Chính cô ấy mới đáng mến. Rất giống mẹ thằng Ernest Morrow tôi gặp trên chuyến tàu đêm. Nhất là lúc mỉm cười - Trò chuyện với cậu thật lý thú, - cô ấy tiếp.

Tôi bảo tôi rất lấy làm thích thú được tiếp chuyện cùng họ. Tôi nói rất thực bụng. Nhưng chắc hẳn sẽ thấy thú vị hơn, nếu không nơm nớp sợ họ bất chợt hỏi tôi có theo công giáo nào không. Tín đồ công giáo nào thường bao giờ cũng cố dò hỏi điều đó. Tôi hay gặp chuyện đó lắm, chủ yếu vì cái họ tôi vốn gốc Ái Nhĩ Lan; mà phàm đã là dân Ái Nhĩ Lan thì ai cũng đều là tín đồ công giáo. Bố tôi trước cũng là người công giáo. Đến lúc lấy mẹ, bố mới bỏ đạo cũ đi. Những người công giáo bao giờ cũng thích dò hỏi bạn có phải là tín đồ cùng dòng đạo, ngay cả khi họ chưa hay biết gì họ tên bạn. Hồi còn học dưới Whooton độ trước, tôi có quen thằng bạn cùng lớp theo đạo, thằng Louis Gorman. Nó là đứa tôi biết trước tiên. Tôi nói với nó tình cờ đã ngồi cùng dãy hôm đến khám sức khỏe, việc đầu tiên trước ngày nhập học, và hai đứa thủ thỉ trò chuyện về quần vợt, trong lúc chờ bác sĩ gọi vào. Nó mê quần vợt kinh người, y hệt tôi. Nó khoe với tôi, hè nào nó cũng thi đấu trên những sân cỏ ở Forest Hill. Còn tôi bảo nó cũng đã từng lên đó. Rồi hai đứa bắt đầu bàn nhau xem ai là cây vợt hay nhất mùa thi đấu vừa qua. Tuy còn ít tuổi, nhưng nó đã sành sỏi về quần vợt kinh người và thật sự say mê quả bóng nỉ. Rồi giữa chừng câu chuyện, nó bất chợt hỏi: "Mày có biết nhà thờ công giáo thành phố nằm ở ngả nào không?". Tôi thừa biết nó muốn hỏi dò, tôi có phải là tín đồ công giáo không? Nó chỉ muốn biết thế, chứ chẳng phải thích người theo công giáo hơn các giáo phái khác. Nó vẫn say sưa trò chuyện về quần vợt, nhưng tôi đoán biết câu chuyện về quả bóng nỉ sẽ khiến nó thích thú hơn, nếu biết đích xác tôi cũng cùng đạo với nó. Những khoản đó chỉ khiến tôi thêm bực mình. Tuy chẳng nói ra mồm, nhưng điều đó đã khiến toàn bộ câu chuyện giữa hai đứa đâm nhạt nhẽo hẳn: cả tôi lẫn nó đều cụt hứng, mặc dầu vẫn tiếp tục câu chuyện bỏ dở. Bởi vậy, tôi rất mừng là hai cô tu sĩ nọ không đả động gì tới chuyện tôi có phải là tín đồ công giáo không. Câu hỏi ấy chắc cũng chẳng khiến cuộc trò chuyện giữa ba chúng tôi kém mặn mà đâu, nhưng dẫu thế nào chăng nữa tình thế chắc cũng đổi khác. Tôi chẳng trách cứ gì người công giáo cả. Ví thử tôi là người như vậy, có lẽ tôi cũng sẽ hỏi chính câu kia. Chuyện này, đại để cũng rất giống chuyện mấy chiếc vali tôi vừa kể xong. Điều tôi muốn nói ở đây chung qui là: những thứ đó thường chỉ khiến cuộc trò chuyện kém lí thú. Có vậy thôi, chứ chẳng ngụ ý gì.

Lúc hai cô tu sĩ đứng dậy, thình lình tôi đã phạm phải một chuyện ngu ngốc và khó xử kinh người. Vì đang hút thuốc, nên lúc đứng dậy từ biệt, chẳng may tôi đã phả khói vào giữa mặt hai cô bạn mới mà hoàn toàn chẳng chủ tâm. Tôi rối rít xin lỗi họ như một thằng rồ. Họ lịch sự và khoan dung bỏ qua cái cử chỉ khiếm nhã ấy của tôi, nhưng dẫu sao vẫn hết sức bối rối.

Lúc họ đã đi hẳn, tôi đâm hối là chỉ quyên cho họ có 10 dollar. Nhưng thực tình, tôi không thể hào phóng hơn, vì đã trót hẹn với Sally Hayes đi xem kịch, nên không thể tiêu hết chỗ tiền còn lại trong ví. Dẫu sao tôi cũng thấy buồn. Chính vì ba đồng tiền chết giẫm ấy mà chẳng bao giờ thấy vui.

Chương 16

Ăn xong bữa sáng thì đã gần 12 giờ trưa, nhưng đến hai giờ mới gặp Sally nên tôi quyết định đi dạo. Hình ảnh hai cô tu sĩ vẫn ám ảnh. Tôi nhớ hoài cái giỏ đan cũ kỹ mà họ dùng để quyên tiền, khi họ không kiếm được việc làm. Tôi cố hình dung mẹ tôi hoặc một ai đó trong số người quen, cô tôi hay như cái bà khinh khỉnh, mẹ của Sally Hayes đứng gần cửa hàng bách hóa tổng hợp quyên tiền cho người nghèo khổ rồi nhét vào những cái giỏ mây đan đã sờn kia. Thậm chí ngay cả hình dung cũng khó. Mẹ tôi còn tưởng tượng ra nổi, chứ hai bà kia thì đừng hòng. Mặc dù, cô tôi cũng làm nhiều việc từ thiện ra phết, tỉ như cho Hội chữ thập đỏ, nhưng bao giờ cô cũng mặc rất chỉnh tề, tô môi và trang điểm cẩn thận. Tôi sẽ không thể tượng tượng nổi cô tôi làm việc từ thiện mà lại khoác áo choàng tu sĩ và không tô môi. Còn mẹ của Sally, bà ta có thể đồng ý đi quyên tiền lắm chứ, nhưng chỉ với điều kiện người nào đưa tiền cũng phải xun xoe bợ đỡ mình. Còn nếu như mọi người chỉ im lặng thả tiền vào giỏ rồi đi ngay, không nói câu nào, không để ý gì đến bà, thì có lẽ chỉ sau một giờ bà cũng biến luôn. Bà ta sẽ chán ngay lập tức. Sẽ trả lại giỏ rồi đi ăn sáng ngay tức thì ở một nhà hàng nào đó. Chính vì thế mà tôi thấy thích hai cô tu sĩ kia. Có thể nói ngay là họ chả bao giờ ăn sáng ở những nơi sang trọng. Và tôi chợt thấy buồn khi nghĩ họ sẽ không bao giờ đủ điều kiện vào một nhà hàng sang trọng nào. Tôi hiểu chuyện đó chả có gì quan trọng, nhưng dẫu sao cũng thấy buồn.

Tôi đến Broadway chỉ để giải sầu, dường như cả trăm năm rồi tôi chưa đến đó. Ngoài ra, tôi còn muốn tìm một hiệu bán đĩa hát mở cửa vào chủ nhật vì muốn mua cho Phoebe đĩa Cô bé Chirley Beans. Cái đĩa này rất khó kiếm. Đĩa hát về một cô bé ngượng không muốn ra khỏi nhà vì bị sún răng. Tôi đã nghe bài hát này ở Pencey, của một thằng nhóc sống ở tầng trên. Tôi rất muốn mua lại vì biết Phoebe sẽ sướng điên người, nhưng thằng nhóc đó không chịu bán. Đĩa hát ấy gây xúc động mãnh liệt, dù đã cách đây hai chục năm, do ca sĩ da đến Estelle Fletcher hát. Cô hát theo kiểu miền Nam, thậm chí pha trộn cả phong cách hát rong nữa, thế mà chẳng sướt mướt, sầu thảm chút nào. Nếu một cô ca sĩ da trắng tầm thường nào hát, có lẽ đã nhổ đầu dãi ra rồi, còn Estelle Fletcher này lại biết rõ việc của mình. Trong đời tôi chưa từng nghe một đĩa hát nào tuyệt đến thế. Tôi quyết định sẽ mua cho được tại một cửa hàng nào đó bán cả vào chủ nhật, sau đó sẽ đem vào công viên. Chủ nhật Phoebe rất hay đến đó trượt băng.

Trời ấm hơn hôm qua, nhưng vẫn không có nắng, đi dạo thật chả thú chút nào, tôi chỉ khoái mỗi một điểm. Phía trước tôi, có một gia đình - bố, mẹ, một thằng bé chứng sáu tuổi, trông như vừa ở nhà thờ ra. Nhìn họ cũng biết là khá nghèo túng. Ông bố đội một chiếc mũ màu xám nhạt, như bất cứ người nghèo nào khi muốn trưng diện. Anh ta đi bên vợ, trò chuyện với chị ta và chả để ý gì đến thằng con. Còn thằng bé thật ngoan. Nó không đi trên vỉa hè mà đi trên mặt đường nhựa dọc sát lề đường. Nó cố đi thật thẳng, chính xác, tụi con nít thường vậy. Nó đi và hát thầm bằng giọng mũi suốt. Tôi cố ý tiến lại gần hơn để nghe nó hát gì. "Nếu bạn tóm được con gì đó trong đồng lúa mạch đen buổi chiều..." Giọng nó thật nực cười. Nó hát chỉ để vui riêng mình, cái đó thì rõ ngay từ phút đầu. Xe cộ qua lại nườm nượp, phanh lại ken két, bố mẹ chả bận tâm gì đến thằng con, còn nó vẫn đi riêng một mình sát lề đường và hát "Buổi chiều trong đồng mạch đen...", tôi thấy vui lây. Tâm trạng chán chường biến mất.

Ở Broadway, ai cũng xô đẩy, gào thét. Chủ nhật, 12 giờ trưa nhưng vẫn cứ ồn ào. Mọi người vào các rạp xi nê: Paramnount hay Astor và Strand Capitol, tóm lại, lao tới bất cứ một đám đông chen chúc nào. Ai cũng mặc diện, chủ nhật mà! Thật kinh tởm. Nhưng khó chịu nhất là họ rất nóng ruột chui vào rạp. Nhìn họ mà phát lộn mửa. Tôi hiểu họ đi xem phim khi chả có việc gì để làm, nhưng đơn giản là tôi thấy tởm khi nhớ đến cảnh họ chạy, vội vã cuống cuồng đi xem phim, rằng họ thực sự muốn chui được vào rạp. Nhất là đứng sau cả tỉ người xếp hàng dài bằng cả dãy phố để mua vé, cần phải kiên nhẫn nhường nào! Tôi thì không thể chờ nổi, chỉ muốn mau chóng tếch khỏi Broadway chết tiệt này.

Nhưng tôi gặp may, ngay ở hiệu đĩa hát đầu tiên tôi đã tìm được Cô bé Chirley Beans. Họ lột của tôi năm đô, đĩa hát hiếm nên tôi cũng chẳng tiếc. Tôi bỗng sung sướng đến mức không thể chờ đợi được nữa, phải nhanh chóng đến ngay công viên, tặng đĩa hát này cho bé Phoebe của tôi.

Tôi ra khỏi hiệu, thấy ngay một quán cà phê và rẽ luôn vào đó. Tôi nghĩ, có tiện gọi cho Jane không nhỉ, có thể nàng đã về nhà nghỉ đông. Tôi chui vào trạm điện thoại tự động và gọi. Thật hẩm hiu, mẹ nàng cầm máy. Tôi buộc lòng phải treo ống nghe lên. Tôi chẳng muốn rơi vào những cuộc nói chuyện dài lòng thòng. Nói chung, tôi không ưa trò chuyện với mẹ của bọn con gái. Lẽ ra cũng nên hỏi Jane có nhà không. Tôi sẽ chẳng chết vì câu hỏi ấy. Nhưng chả hiểu sao lại không muốn. Cần phải có hứng mới nói được những câu chuyện loại này.

Dẫu sao cũng phải cố mà mua được hai cái vé chết tiệt vào nhà hát, trước tiên là phải mua một tờ báo xem hôm nay diễn vở gì. Vì là chủ nhật nên chỉ diễn có ba vở. Tôi mua hai vé ở tầng dưới cùng, xem Tôi biết tình yêu. Vở kịch này khá từ thiện, có ích ở mặt nào đó. Tôi thì chả có ham muốn đặc biệt đối với vở này, nhưng tôi biết, Sally không sống nổi nếu thiếu những thói rởm - nó sẽ sướng phát cuồng lên khi tôi có vợ chồng Lunt diễn trong vở này. Sally sùng bái những vở kịch được coi là thanh tao, nghiêm chỉnh, có sự tham gia của hai vợ chồng Lunt và đại loại như vậy. Còn tôi thì không. Tóm lại, tôi không khoái đi nhà hát lắm. Dĩ nhiên, phim ảnh còn tồi tệ hơn, nhưng trong nhà hát cũng chả có gì hay hớm cả. Thứ nhất, tôi căm ghét bọn nghệ sĩ. Họ cư xử trên sân khấu chả ra mẽ người. Chỉ tượng tượng là giống. Những nghệ sĩ khá thỉnh thoảng cũng diễn đạt giống hơn, nhưng không đến mức gây thú vị. Ngoài ra nếu có người nào khá một chút, lập tức rõ ngay là anh ta tự nhận thức được điều ấy, mà cái đó sẽ làm hỏng bét mọi sự tức thì. Tỉ dụ như ngài Laurence Olivier chẳng hạn. Tôi thấy ông ta trong phim Hămlét mà anh D.B dẫn tôi và Phoebe đi xem hồi năm ngoái. Thoạt đầu anh ấy dẫn tụi tôi đi ăn sáng, sau đó đi xem phim. Anh ấy đã xem Hamlet rồi và kể về nó trong bữa sáng hay đến mức tôi cuồng phát lên vì muốn xem phim. Nhưng, nói chung tôi lại không ưa lắm. Chả hiểu ngài Laurence Olivier này đặc biệt ở chỗ nào. Giọng ông ta gây xúc động và ông ta đẹp trai ghê gớm, nhìn ông ta đi lại hoặc đấu súng cũng khá thú vị, nhưng hoàn toàn khác Hamlet, theo lời anh D.B. Có vẻ giống một lão tướng nào đó hơn là một gã kỳ dị hơi điên điên. Trong phim này, tôi thích hơn cả là lúc anh trai của Ophelia, người đấu kiếm với Hamlet ở đoạn kết, ra đi, còn ông bố khuyên anh đủ mọi điều. Trong lúc ấy, Ophelia cứ nũng nịu suốt. Lúc thì tuốt dao của anh khỏi bao, lúc lại chọc tức anh, còn người anh thì cố tỏ ra vẻ lắng nghe những lời khuyên ngu xuẩn kia. Cảnh đó thật tuyệt. Nhưng những cảnh như vậy thật hiếm. Còn con em gái Phoebe của tôi chỉ thích mỗi cảnh Hamlet xoa đầu chó, chắc nó nói thật. Dẫu sao tôi cũng phải đọc Hamlet. Đáng ghét ở chỗ tôi nhất định phải đọc kịch đó, đọc thầm. Khi nghệ sĩ diễn xuất, tôi hầu như không nghe nổi. Lúc nào tôi cũng lo hắn ta bắt đầu làm bộ và nói chung, làm mọi cử chỉ để khoa trương.

Tôi mua vé xem vở kịch có vợ chồng Lunt diễn rồi ngồi taxi đến công viên. Lẽ ra, phải đi tàu điện ngầm, tiền còn ít quá, nhưng tôi lại rất muốn cuốn xéo khỏi Broadway chết dẫm này càng nhanh càng tốt.

Trong công viên khó chịu ghê người. Không lạnh lắm nhưng cũng chẳng có nắng, và chẳng có ai xung quanh hết, chỉ toàn phân chó, đờm và những mẩu xì gà hút dở bên cái ghế băng, nơi các cụ già vẫn ngồi. Dường như tất cả ghế đều ẩm ướt, nếu bạn ngồi xuống đó thì sẽ bị ướt sũng. Tôi bỗng thấy buồn, đôi lúc còn run cả người lên, chả biết vì đâu. Không có gì gợi nhớ lễ Giáng sinh sắp đến. Tóm lại, dường như sẽ chẳng bao giờ có cái gì cả. Nhưng dù sao tôi cũng đến gần con đường chạy đua nho nhỏ. Phoebe luôn đến đấy, cô bé thích trượt băng gần dàn nhạc. Thật nực cười, chúng tôi cùng đã thích trượt băng ở đó hồi còn nhỏ.

Nhưng khi tôi đến con đường đua nhỏ, em tôi không có đó. Một lũ nhóc con nào đó đang trượt băng, còn mấy thằng nhóc chơi bóng, nhưng chả thấy Phoebe đâu cả. Bỗng tôi thấy một con bé trạc tuổi em tôi, nó ngồi bên ghế băng một mình kẹp giày trượt. Tôi nghĩ có lẽ nó biết Phoebe và sẽ bảo tôi tìm cô bé ở đâu. Tôi lại gần ngồi xuống bên cạnh, hỏi:

- Em có biết Phoebe Caulfield không?

- Ai cơ?- Con bé hỏi. Nó mặc quần và có lẽ đến hai chục cái áo len. Rõ ràng là nó được người nhà đan áo cho, nhưng chiếc áo thô kệch, to xù.

- Phoebe Caulfield ấy. Sống ở đường Bảy mươi mốt. Nó học lớp 4.

- Thế anh biết Phoebe ư?

- Đúng thế. Anh là anh nó mà. Em có biết nó đang ở đâu không?

- Bạn ấy học lớp cô Callon à?- Con bé hỏi.

- Anh không biết, có lẽ đúng vậy.

- Vậy thì bây giờ họ đang ở viện bảo tàng. Lớp em đến đó thứ bảy tuần trước.

- Bảo tàng nào?- Tôi hỏi.

Con bé nhún vai.

- Em không biết,- nó nói.- Đơn giản là ở viện bảo tàng.

- Anh hiểu, nhưng đó là viện bảo tàng treo tranh hay viện bảo tàng có người da đỏ?

- Có người da đỏ.

- Cám ơn em nhiều.

Tôi đứng dậy, muốn đi, nhưng chợt nhớ hôm nay là chủ nhật.

- Nhưng hôm nay là chủ nhật cơ mà!- Tôi nói với con bé.

- À. Thế thì họ không có ở đó.

Nó không sao kẹp đựơc giày trượt. Tôi giúp nó kẹp chặt giày. Thật quái đản, đến cả trăm năm rồi tôi không động đến khóa. Nhưng cái đó chẳng có nghĩa l ý gì. Có thể năm mươi năm sau, đặt khóa kéo vào tay tôi, dù vào ban đêm, trong bóng tối, tôi cũng nhận ra ngay rằng đó là khóa giày trượt băng. Con bé cảm ơn tôi, khi tôi vặn chặt giày. Một đứa lịch sự, niềm nở đấy chứ. Thật thú vị khi bạn giúp một con bé và nó nói với bạn câu cảm ơn lịch sự, đáng yêu đến vậy. Bọn nhóc, nói chung, rất khá. Tôi hỏi con bé có muốn uống chút đỉnh sôcôla nóng không nhưng nó đáp: "Cám ơn, em không muốn". Nó nói một cô bạn gái đang đợi nó. Cái lũ nhóc con này tứ thời có ai đó chờ đợi. Thật nực cười.

Dù là chủ nhật, Phoebe với lớp học của nó không đến viện bảo tàng và dù thời tiết xấu tồi tệ, ướt át, tôi vẫn cứ cuốc bộ qua suốt công viên đến Viện bảo tàng dân tộc học. Con bé với cái khóa giày trượt băng đã nói về chính nơi này. Tôi chả lạ lẫm gì với các cuộc viếng thăm kiểu đó. Phoebe đang theo học ở trường tiểu học, nơi tôi cũng từng chạy đến đó hồi nhỏ. Cô giáo của chúng tôi, cô Aigletinger hầu như thứ bẩy nào cũng lôi học sinh đến đó. Lúc thì tụi tôi ngắm những con vật, lúc thì xem tất tật sản phẩm của người da đỏ cổ đại: chén, bát, giỏ đan và nhiều đồ khác. Đến giờ tôi vẫn khoái nơi này. Tôi nhớ, sau mỗi lần thăm các đồ vật của người da đỏ, tụi tôi lại được xem phim trong hội trường lớn. Gần như lần nào người ta cũng cho chúng tôi xem Columb, người khám phá ra châu Mỹ, đau khổ dằn vặt vì không vòi được tiền của Ferdinand và Isabella để đòng tàu, rồi sau đó thủy thủ còn nổi loạn chống lại ông ta. Cái ông Columb này chả có gì thú vị đặc biệt cả, nhưng bọn tôi thường đem kẹo caramen và kẹo gôm nên trong hội trường có mùi rất dễ chịu. Dễ chịu như đang mưa ngoài phố, còn bạn thì ngồi đấy, ngồi tại một nơi ấm áp khô ráo duy nhất trên đời. Tôi rất thích viện bảo tàng đó, thật đấy. Tôi nhớ, thoạt đầu tụi tôi đi ngang qua gian da đỏ, rồi từ đó vào hội trường. Đó là một gian phòng dài kinh khủng, nói chuyện ở đó cứ phải thì thầm. Cô giáo đi trước, cả lớp theo sau. Đi từng đôi, tôi cũng có đôi. Thường người ta xếp tôi đi với con bé Gertrude Levine. Tứ thời nó túm tay tôi, mà tay nó thì nhớp nháp đầy mồ hôi. Sàn ở đó lát gạch hoa, nếu bạn có những quả cầu thủy tinh trong tay và bạn đánh rơi chúng, thì tiếng động sẽ rất chúa, rồi cô giáo bắt cả lớp đứng lại và đến gần xem có chuyện gì xảy ra. Nhưng cô chả bao giờ nổi giận cả, cô Aigletinger của bọn tôi ấy. Sau đó, bọn tôi lại đi ngang qua một cái thuyền dài phát khiếp của dân da đỏ - bằng cả ba chiếc Cadillac nối đuôi nhau. Trong thuyền có đến hai chục người da đỏ, người cầm mái chèo, người chỉ đứng không, dáng vẻ thật hung tợn. Ở đuôi thuyền có một người rất khiếp đảm trong chiếc mặt nạ. Đó là thầy phù thủy của họ. Nhìn lão, tôi sợ lạnh sống lưng, nhưng dẫu sao cũng thích lão. Và còn nữa, nếu bạn đi ngang qua gian này mà đụng vào bất cứ vật gì, mái chèo hay cái gì đó đại loại, ngay lập tức người trông coi sẽ cất giọng: "Các cháu, không được động vào!", nhưng giọng của ông ta hiền lành chứ không ghê gớm như bất cứ một gã cảnh sát nào. Bọn tôi tiếp tục đi qua những tủ kính khổng lồ, trong có những người da đỏ đang cọ sát gậy để lấy lửa, có cả một người đàn bà dệt thảm nữa. Đúng, người đang dệt thảm là đàn bà, vì bà ta cúi xuống, ngực lộ rõ. Tất tất tụi tôi đều ngó bà ấy, cả bọn con gái - dù chúng còn bé xíu và chưa có ngực, phẳng lì như bọn con trai. Ngay dưới cửa vào hội trường, tụi tôi đi ngang qua một người Eskimo. Hắn ta ngồi trên mặt hồ, cạnh một lỗ đục xuyên mặt băng, câu cá. Ngay cạnh lỗ đục ấy có hai chú cá hắn đã câu được. Viện bảo tàng có nhiều vô kể những tủ kính như vậy! Ở tầng trên còn nhiều hơn, có cả những con hươu uống nước bên suối, cả chim chóc bay về miền Nam trú đông. Những con gần hơn là chim nhồi treo trên dây thép mảnh, còn lũ chim phía sau chỉ là những hình vẽ trên tường nhưng có cảm giác như tất cả chúng đang thực sự bay về miền Nam, còn nếu nhìn chúng từ dưới lên thì tưởng như chúng đang lao vụt về phía Nam vậy. Nhưng cái hay nhất của viện bảo tàng là tất cả lúc nào cũng ở nguyên chỗ cũ. Không xê dịch gì cả. Nếu có đến đó cả trăm ngàn lần đi chăng nữa thì vẫn thấy cái gã người Eskimo câu cá, chim chóc vẫn suốt đời bay về phía Nam, hươu uống nước bên suối, sừng vẫn đẹp, chân vẫn thanh mảnh và cả mụ đàn bà da đỏ với bộ ngực trần vẫn triền miên đan mãi tấm thảm. Chả có gì thay đổi hết. Chỉ có bạn là thay đổi. Và chẳng phải vì bạn già đi rất nhiều. Bạn thay đổi, chỉ vậy thôi. Lúc thì mặc áo bành tô mới, lúc thì cặp kè với một đứa khác vì thằng bạn cũ của bạn bị sốt phát ban. Mà cũng có lúc, một bà giáo khác thế chỗ vào chỗ cô Aigletinger dẫn lớp đến viện bảo tàng. Hoặc là buổi sáng bạn thấy ngoài phố có một vũng nước với những vết xăng loang loáng đủ sắc màu như cầu vồng. Tóm lại, bạn đã khác trước, vì cái gì đó, tôi không biết đường cắt nghĩa. Mà có lẽ tôi biết đấy, nhưng chả hiểu sao lại không muốn giải thích.

Trên đường đi, tôi lôi cái mũ săn trong túi ra rồi đội nó lên. Tôi biết sẽ chẳng gặp ai quen biết đâu, và trời thì ẩm ướt quá. Tôi cứ đi và nghĩ triền miên rằng em gái tôi thứ bảy nào cũng đến chính cái viện bảo tàng này, giống tôi thuở bé. Tôi nghĩ, nó cũng nhìn đúng những gì tôi đã từng nhìn và bản thân nó sau mỗi lần ấy cũng trở nên khác đi. Vì những ý nghĩ ấy, tâm trạng tôi không đến nỗi tồi tệ nhưng cũng chả có chút niềm vui nào. Giá như có một số vật đừng thay đổi. Nếu có thể đặt chúng vào tủ kính và không động đến thì tốt hơn. Tôi biết, không thể thế được, nhưng chính điều đó mới tồi tệ. Tôi cứ nghĩ mãi điều này khi đi trong công viên.

Ngang qua sân chơi nhỏ, tôi dừng lại nhìn hai đứa bé bập bênh trên tấm ván. Một đứa béo phị, tôi đặt tay vào đầu ván, chỗ thằng gầy ngồi để chúng được cân bằng, nhưng ngay lập tức hiểu rằng đang quấy rầy chúng, tôi bỏ đi.

Rồi sau đó xảy ra một chuyện ngu xuẩn nhất trần đời. Tôi lại gần viện bảo tàng và cảm thấy ngay tức thì: các vàng tôi cũng sẽ không vào đó. Không muốn vào đó, chỉ thế thôi. Vậy mà tôi đã đi qua suốt công viên và đã nóng lòng chờ đợi! Dĩ nhiên, nếu Phoebe ở đó, có lẽ tôi sẽ rẽ vào, nhưng chắc chắn nó không có đó. Tôi gọi taxi ở lối vào viện bảo tàng đến khách sạn "Biltmore". Chả muốn đi chút nào, nhưng tôi đã hẹn gặp Sally ở đó.

Chương 17

Tôi đến khách sạn khá sớm, ngồi xuống xalông bọc da kê ngay dưới đồng hồ rồi bắt đầu ngó bọn con gái. Ở nhiều học xá, trường bắt đầu nghỉ đông, nên có đến cả ngàn đứa tụ tập, chờ đợi bồ mình đến đón. Một số đứa ngồi chân bắt chéo nhau, những đứa khác giữ thẳng chân. Một số có chân rất tuyệt, những đứa khác - chân xấu như quỷ, có những đứa ngay từ cái nhìn đầu tiên đã thấy đẹp, có những đứa xấu như ma, chả cần nhìn gần mới biết. Tóm lại, nhìn bọn con gái này thật thú vị, bạn hiểu tôi chứ. Thú vị, nhưng đồng thời lại cảm thấy buồn, vì lúc nào cũng có ý nghĩ: cái gì sẽ đến với tất cả bọn chúng? Phải, chúng sẽ tốt nghiệp trường cao đẳng. Tôi nghĩ, có lẽ phần lớn bọn chúng sẽ lấy chồng, lấy những loại thối tha tồi tệ. Thằng thì chỉ sống bằng mỗi việc khoe khoang đi được bao nhiêu dặm trên cái xe thổ tả của mình mà chỉ tốn có một gallon xăng. Thằng thì tự ái như con nít khi thắng bạn không chỉ trong trò golf mà trong bất cứ trò chơi ngu xuẩn nào, tỉ như bóng bàn chẳng hạn. Lũ con gái ấy sẽ lấy những thằng đểu cáng nhất. Những thằng cả đời chả động đến một cuốn sách mỏng. Những thằng chán mớ đời. Nhưng dĩ nhiên, khái niệm này cũng tương đối thôi, thằng nào có thể coi là chán ngấy, thằng nào không. Khi còn học ở Elkton Hills, hai tháng liền tôi sống cùng phòng với một thằng nhóc, tên là Harris Maclin. Nó rất thông minh và mồm mép nhưng tôi chưa từng thấy có ai đáng chán như nó. Giọng thì the thé phát khiếp, vậy mà nó nói suốt ngày không nghỉ, và cái khủng khiếp nhất là nó chả bao giờ nói được điều gì hay hớm. Nhưng nó lại biết làm một việc, biết huýt sáo hay không ai bằng. Khi xếp dọn giường hay treo đồ trong tủ- nó tứ thời treo đồ của nó khắp trong tủ làm tôi bực điên người, tóm lại, nó sẽ vừa làm vừa huýt sáo, nếu không đầu độc bạn bằng cái giọng the thé của mình. Thậm chí, nó biết huýt cả nhạc cổ điển, nhưng hay hơn cả là nhạc jazz. Một bản nhạc jazz tồi tệ nào đó như kiểu Blues trên mái nhà trong lúc nó treo đồ, được thể hiện tuyệt vời đến mức bạn chỉ có thể cảm thấy sung sướng mà thôi. Dĩ nhiên, tôi chả bao giờ lại đi nói cho nó biết điều đó. Ai lại đi nói thẳng vào mặt người ta: "Mày huýt sáo hay lắm!". Nhưng dù sao tôi đã suýt phát rồ lên vì cái thằng chán mớ đời ấy, tôi vẫn sống cùng phòng với nó được những hai tháng liền, chỉ vì chưa từng được nghe trong đời ai huýt sáo tuyệt như nó. Vậy là vấn đề: thằng nào chán ngấy, thằng nào không. Có thể chẳng việc gì phải quá thương xót nếu một con bé kháu khỉnh nào đó lấy phải thằng chồng thuộc loại chán ngắt khi nói chung, chúng khá vô hại, mà không chừng, lại âm thầm biết huýt sáo hay tuyệt hoặc giỏi làm cái gì đó. Có trời mà biết được, tôi chẳng có quyền xét đoán điều đó. Cuối cùng, con bé Sally của tôi cũng xuất hiện dưới cầu thang, tôi bước xuống gặp nó. Ồ, nó đẹp mê hồn! Nó mặc áo bành tô đen và đội chiếc bêrê nhỏ cùng màu. Thường nó không đội mũ, nhưng xem ra bêrê hợp với nó kinh khủng. Thật nực cười là vừa trông thấy nó, tôi đã muốn lấy nó ngay. Không, tôi dẫu sao cũng là một thằng không bình thường. Thậm chí tôi thấy thích nó, rồi bỗng cảm thấy phải lòng và sẵn sàng lấy nó. Trời, tôi đúng là bất bình thường.

- Holden!- Nó nói.- Em sung sướng quá. Dễ đến trăm năm rồi, bọn mình chả nhìn thấy nhau!- Giọng nó to phát khiếp, thậm chí tôi thấy gặp nó ở đâu cũng thấy bất tiện. Nó thì thế nào cũng được, vì nó đẹp, còn tôi, ruột gan cứ lộn tùng phèo vì ngượng.

- Anh cũng mừng được gặp em,- tôi nói và không hề xạo, thề có trời.- Thế em sống ra sao?

- Tuyệt vời! Em không đến muộn chứ?

- Không, - tôi nói. Thực ra nó muộn đến mươi phút, nhưng tôi nhổ toẹt vào cái đó. Tất cả đều là vớ vẩn, những bức tranh châm biếm ở Saturday Evening Post về một gã thanh niên đứng ở góc phố với bộ mặt thảm hại vì bồ đến muộn, chỉ là bịa đặt. Nếu một cô gái đẹp tuyệt đến nơi hẹn thì ai còn bực vì cô đến muộn nữa chứ? Chẳng ai cả!

- Phải đi taxi thôi.- Tôi nói.- Kịch bắt đầu vào 2 giờ 40.- Chúng tôi xuống cầu thang đến bên taxi.

- Bọn mình sẽ xem gì?- Nó hỏi.

- Không biết. Có vợ chồng Lunt đóng. Anh chẳng thể mua nổi vé nào khác.

- Ôi, vợ chồng Lunt, tuyệt làm sao!

Tôi đã nói với các bạn là nó sẽ phát rồ lên khi nghe đến cặp diễn viên này. Chúng tôi hôn nhau chút đỉnh trên đường đến nhà hát, trong taxi. Thoạt đầu nó không muốn, vì sợ hỏng môi son, nhưng tôi xử sự như một thằng tán gái có nghề và nó chẳng thể từ chối được. Hai lần xe dừng lại trước đèn đỏ, tôi suýt ngã. Bọn tài xế khốn kiếp, chẳng bao giờ chịu để mắt nhìn mình làm gì. Tôi thề là họ không biết lái xe. Nhưng các bạn có muốn biết tôi điên rồ đến mức nào không? Vừa mới ôm nhau chặt hơn một chút, tôi đã thao thao bất tuyệt với nó đủ điều rằng tôi yêu nó. Dĩ nhiên, đó chỉ là dối trá, nhưng thú vị ở chỗ chính tôi vào phút đó lại rất tin tưởng điều này. Tôi đúng là thằng khác thường! Lạy Chúa, tôi điên rồi!

- Ôi anh yêu, em cũng yêu anh!- Nó nói và ngay lập tức bổ sung thêm, cũng bằng cái giọng ấy.- Chỉ có điều, anh hãy hứa sẽ để tóc dài đi. Bây giờ đầu nhím hết mốt rồi, mà tóc anh dễ thương quá. "Tóc dễ thương".- đến nổ tung mất! Vở kịch không đến nỗi vứt đi như những thứ tôi đã xem trước đây. Nhưng nói chung cũng là điều vớ vẩn. Hai vợ chồng già nào đó sống bên nhau lâu đến cả ngàn năm trời. Kịch bắt đầu khi họ còn trẻ, bố mẹ cô gái không muốn cô lấy gã kia. Nhưng cô ta vẫn làm theo ý mình. Rồi sau đó họ trở nên già cả. Ông chồng ra trận, bà vợ có một người em trai nghiện ngập. Nói chung, chả thú vị, tôi thì thế nào cũng xong, ai trong gia đình ấy chết hay không cũng mặc. Chả có quái gì sự thực ở đó cả, chỉ là diễn xuất mà thôi. Thực ra, hai vợ chồng này cũng khá, hóm hỉnh, nhưng họ chẳng khiến được tôi bận tâm. Thứ nhất là suốt vở kịch mọi người cứ triền miên uống trà. Màn vừa mở, gã hầu đã dâng trà cho ai đó hoặc bà vợ rót trà cho người nào đó. Rồi suốt buổi họ cứ ra rồi vào, chóng cả mặt vì họ đứng lên ngồi xuống không ngừng. Alfred Lunt và Lina Fontain đảm nhiệm hai vợ chồng già, họ đóng rất khá, nhưng tôi chả khoái. Tôi hiểu, họ không giống các nghệ sĩ còn lại. Họ diễn xuất như những người bình thường ngoài đời chứ không phải là diễn viên, tôi thấy khó giảng giải điều này. Tuồng như họ lúc nào cũng hiểu rằng mình là những người nổi tiếng. Bạn hiểu không, họ diễn được, chỉ có điều quá được. Một người còn chưa kịp nói hết, người kia đã nhanh chóng hòa theo. Cứ như những người thực sự đang nói chuyện cứ ngắt lời nhau và vân vân. Tất cả đều quá giống cảnh mọi người nói chuyện và ngắt lời nhau ngoài đời, chính cái đó làm hỏng bét vở kịch. Họ thủ vai của mình gần giống Ernie ở Greenitch Village chơi đàn dương cầm vậy. Khi bạn có thể làm một việc gì đó quá đạt, thì nếu bạn không chịu theo dõi mình, bạn sẽ bắt đầu phô trương bản thân mình. Và khi ấy thì chả tốt đẹp gì. Tóm lại, dù sao chăng nữa, trong vở này chỉ có họ- tôi nói vợ chồng Lunt còn có vẻ giống người biết nghĩ, phải công nhận điều đó.

Sau giờ nghỉ đầu tiên, tôi cùng một lũ công tử bột đi hút thuốc. Quang cảnh mới khiếp chứ! Chưa bao giờ tôi thấy lắm kẻ õng ẹo, phô trương đến thế! Chúng hút thuốc cật lực, cố tình nói về vở kịch thật to, để tất cả đều có thể thấy chúng thông minh nhường nào. Một gã tài tử xinê giả mạo nào đó đứng cạnh bọn tôi cùng hút thuốc. Tôi không biết tên, nhưng trong các phim về chiến tranh, gã tứ thời đóng vai một tên vô lại run như cầy sấy ngay trước trận đánh. Một cô gái tóc vàng kỳ dị đứng cùng gã, cả hai đều làm ra vẻ thân thiện, làm ra vẻ không nhận ra mình đang được ngắm nhìn. Khiêm tốn gớm, rõ lũ quỷ! Tôi thấy nực cười. Con bé Sally của tôi hầu như không trò chuyện gì, có lẽ vì không có thì giờ. Nó đưa mắt cho tất cả, làm điệu làm bộ. Bỗng nó nhìn thấy người quen ở đầu kia phòng hút thuốc, một công tử bột mặc comple xanh sẫm và gilê kẻ. Một con sư tử lịch duyệt. Một tay quý tộc. Hắn đứng, rít đến tận cùng điếu thuốc, mặt hắn buồn bã, khinh khỉnh, Sally lặp đi lặp lai:

- Em đã làm quen với anh ta ở đâu rồi, em biết anh ấy!

Lúc nào nó cũng nói, nó biết tất tật mọi người. Tôi phát chán tận cổ khi thấy nó cứ nhai mãi câu ấy.

- Em biết không, em cứ việc đến đó, hôn hắn ta, có lẽ, hắn sẽ mừng đấy.

Con bé giận tôi khủng khiếp. Cuối cùng gã kia cũng nhận ra nó, gã lại gần chúng tôi chào hỏi. Giá bạn thấy cảnh hai đứa chào nhau. Làm như hai chục năm nay không hề được gặp nhau. Mà cũng có thể nghĩ là hồi còn nhỏ chúng đã từng tắm chung trong một bồn tắm. Bạn bè cái kiểu thế, nhìn mà phát khiếp. Nực cười nhất là chúng có lẽ chỉ gặp nhau mới có một lần ở buổi dạ hội chết tiệt nào đó. Cuối cùng, khi đã xả hết lòng vui sướng, Sally giới thiệu tôi với hắn. Tên hắn là George, tôi không nhớ họ. Hắn học ở Andover, đúng là một gã quý tộc! Giá bạn thấy hắn lúc Sally hỏi có thích vở kịch không. Một kẻ như hắn lúc nào cũng phô trương, thậm chí còn dọn sạch chỗ cho mình trước khi trả lời. Hắn lùi một bước- và giẫm phải chân một bà đứng sau. Có lẽ, hắn làm bà ta khuỵu cả chân! Hắn thốt lên: Vở kịch không phải là kiệt tác, nhưng dĩ nhiên, vợ chồng Lunt là những thiên thần thực sự. Thiên thần- quỷ hành tội hắn! Có thể tắt thở được.

Sau đó, hắn bắt đầu cùng Sally hồi tưởng lại tất tật người quen của cả hai. Cảnh làm bộ làm tịch ấy, tôi chưa từng thấy trong đời. Hai đứa tranh nhau gọi tên một thành phố nào đó, rồi lập tức nhớ ngay những ai quen chúng sống ở đó. Khi hết giờ nghỉ, tôi phát lộn mửa vì chúng. Đến giờ nghỉ sau, chúng lại tiếp tục dằng dai chủ đề này. Lại ra sức hồi tưởng địa danh và tên những người nào đó. Tồi tệ hơn cả là gã công tử bột này có cái giọng rất giả tạo, ra vẻ quý tộc, bạn biết đấy, cái giọng nhát gừng, õng ẹo ấy mà. Hệt như bọn con gái. Và hắn, cái thằng đê tiện ấy, cướp bồ của tôi mà chẳng biết ngượng. Thậm chí tôi còn nghĩ, hắn sẽ vào ngồi cùng chúng tôi trong một taxi, bởi lẽ, sau buổi diễn, hắn dẫn xác theo bọn tôi suốt hai dãy phố. Nhưng hắn phải đến gặp những thằng công tử bột khác ở một tiệm coctail. Tôi hình dung lũ chúng ngồi trong một cái bar nào đó, mặc những chiếc gilê sọc kiểu công tử bột, và phê phán các vở kịch, sách vở, cả đàn bà nữa, giọng tất tật đều nhát gừng, õng ẹo như nhau. Có thể chết vì những loại người như vậy.

Tôi thấy buồn nôn cả khi ngó sang Sally, lúc bọn tôi đã ngồi vào taxi. Việc gì nó phải nghe cái thằng công tử ở Andover ấy đến cả chục tiếng đồng hồ? Tôi quyết định đưa nó về nhà, thực đấy! Nhưng bỗng nhiên nó nói:

- Em có một ý nghĩ tuyệt diệu!- Lúc nào nó cũng có sẵn những ý nghĩ tuyệt diệu.

- Này anh, - nó nói, - khi nào anh phải về nhà ăn trưa? Anh có vội lắm không? Có ai đợi anh ở nhà không?

- Anh ấy à? Không, chả có ai đợi anh hết!- Tôi nói. Và đó là sự thật hiển nhiên.- Thế sao?

- Bọn mình đi trượt băng ở Radio City đi.- Đấy, những ý nghĩ tuyệt diệu của nó là như vậy đấy.

- Trượt băng ở Radio City ư? Ngay bây giờ?

- Một tiếng thôi cũng được, không hơn đâu. Anh không muốn sao? Dĩ nhiên, nếu anh không muốn...

- Chả có lẽ anh đã nói không muốn?- Tôi nói.- Tốt thôi. Nếu em muốn.

- Anh thực sự có muốn không? Nếu không thì thôi, không cần. Em thì thế nào cũng được. Cái đó rõ quá!

- Ở đó, họ cho mượn những chiếc váy ngắn tuyệt vời.- Sally nói.- Tuần trước Janne Kalts đã mượn rồi đấy.

Hóa ra vì vậy mà nóng ruột đến đó. Nó muốn khoe mẽ trong cái váy ngắn chết dẫm chỉ che vừa đủ mông.

Tóm lại, bọn tôi tới đó, mượn giày trượt, Sally mặc váy xanh, che mỗi cái mông, nhún nhảy. Nhưng cái váy lại hợp với nó hết sức, phải công nhận như vậy. Và bạn đừng có nghĩ là nó không hiểu điều đó. Nó cố tình đi phía trước tôi để tôi thấy nó có bộ mông tròn đẹp ra sao. Phải công nhận là mông nó đúng như vậy.

Nhưng nực cười nhất là ở cái sân trượt khốn kiếp này, bọn tôi trượt tồi hơn tất cả. Đúng vậy, tồi nhất! Thật kinh khủng! Sally bị sái mắt cá chân, vì quệt vào mặt băng. Có lẽ, không chỉ dáng vẻ nó trông cực kỳ ngu xuẩn mà nó còn rất đau đớn, có trời biết được. Ít nhất tôi cũng bị điều đó hành hạ. Giá các bạn thấy bọn tôi lúc đó! Tởm lợm hơn là có đến cả hai trăm đứa khốn kiếp đứng nhìn- lũ chúng thì chả có gì để làm, chỉ đứng nhìn kẻ khác ngã.

- Có lẽ, nếu em muốn, chúng ta vào bar kiếm cái bàn nhỏ và uống gì đó chút đỉnh đi, - cuối cùng tôi bảo nó.

- Ồ, anh nghĩ hay đấy!- Đơn giản là nó bị hành hạ khiếp quá. Hành hạ dã man, tôi thấy thương hại nó.

Bọn tôi cởi đôi giày trượt chết tiệt ra, chui vào bar ngồi không giày và nhìn bọn trượt băng từ xa. Sally cởi bao tay, tôi đưa nó một điếu thuốc. Mặt nó khá thảm hại. Người hầu bàn lại gần, tôi gọi một ly côca-côla cho nó, whisky cho mình, nhưng gã đểu cáng này từ chối mang rượu cho tôi, đành uống côca-côla vậy. Sau đó tôi đốt diêm. Tôi thường chơi trò này mỗi khi thấy chán chường. Tôi để diêm cháy đến hết, tới mức không thể giữ thêm được nữa, rồi ném vào gạt tàn. Một thói quen nóng nảy. Bỗng nhiên, chẳng có đầu đũa gì hết. Sally hỏi:

- Anh nghe này, em muốn biết chính xác anh có đến nhà em trang hoàng hộ cây thông hôm trước lễ Giáng Sinh hay không. Em cần biết trước. Rõ ràng nó đang bực mình vì đau chân do đôi giày trượt chết tiệt kia.

- Anh đã viết cho em là sẽ đến mà. Em hỏi anh dễ đến hai chục lần rồi. Chắc chắn anh sẽ đến.

- Anh hiểu không, em cần biết chắc,- nó nói, nhưng lại đảo mắt tứ phía xem có người quen ở đây không.

Bỗng tôi ngừng đốt diêm, và cúi người qua bàn về phía nó. Tôi cần nói với nó rất nhiều.

- Em nghe này Sally!- Tôi nói.

- Gì cơ?- Nó hỏi, nhưng vẫn cứ nhìn một con bé nào đó ở góc phòng.

- Đã bao giờ xảy ra trường hợp bỗng nhiên em thấy chán ngấy mọi sự chưa?-

Em hiểu không, có lúc nào em cảm thấy mọi cái em làm đều hỏng sạch và thấy khủng khiếp không? Nói đi, em có yêu trường không?

- Không, dĩ nhiên, ở đó buồn muốn chết.

- Nhưng em có căm thù nó không? Anh biết, ở đó chán lắm, nhưng em có căm ghét tất cả những cái đó không?

- Biết nói với anh thế nào? Mọi sự đâu phải ở chỗ ghét. Vì lúc nào cũng phải...

- Còn anh thì anh căm thù. Lạy Chúa, anh căm ghét tất cả mọi thứ ở đó một cách ghê gớm. Và không riêng trường học. Anh ghét sống ở New York. Thù ghét taxi, xe bus, nơi lão bán vé thường gào anh phải xuống cửa sau, anh căm thù phải làm quen với lũ õng ẹo gọi vợ chồng Lunt là "thiên thần", anh căm ghét đi thang máy khi chỉ muốn ra góc phố, anh ghét thử quần áo liên miên ở chỗ Brooks, khi anh phải...

- Xin anh đừng có gào lên! Sally ngắt lời.

Thật ngu xuẩn, tôi thậm chí cũng chả nghĩ đến việc đó.

- Ví như, xe hơi chả hạn,- tôi nói bằng một giọng nhỏ đến phát khiếp.- Em nhìn xem, mọi người phát cuồng lên vì nó. Đối với họ, sẽ là cả một thảm họa nếu xe bị xước dù chỉ một vết nhỏ, rồi họ tứ thời kể lể một gallon xăng chạy được mấy dặm, còn nếu có thể mua được xe mới, ngay lập tức họ vò đầu bứt tai ngẫm nghĩ nên đổi nó lấy kiểu nào mới nhất. Anh thì cả xe cũ cũng không ưa. Em hiểu không, anh chả quan tâm đến. Thà anh cưỡi ngựa còn hơn, quỷ tha ma bắt. Ngựa còn có chút giống người. Với ngựa còn có thể nói được dăm ba câu...

- Em không hiểu, anh nói gì... Anh cứ nhảy từ chuyện này sang chuyện khác...

- Em biết anh sẽ nói gì với em không!- Nếu không có em, thì anh đã chẳng ngồi ở New York lúc này. Nếu như không có em, có lẽ anh đã cuốn xéo đi nơi nào không biết. Vào rừng hoặc xa hơn. Em là lý do duy nhất khiến anh còn láng cháng ở đây.

- Anh thật đáng yêu.- Nó nói. Nhưng thấy rõ ngay là nó muốn nói sang chuyện khác.

- Giá em học ở trường con trai. Giá em được thử một lần!- tôi nói- Rặt những phường giả tạo. Mà học cũng chỉ để trở thành những kẻ ranh vặt, để kiếm tiền mua lấy một chiếc Cadillac chết tiệt nào đó, lại còn tứ thời giả bộ coi trọng đội bóng của chúng thắng hay thua. Tối ngày tán gẫu về rượu chè, đàn bà, tình dục, đứa nào cũng có hội hè cũng có một bè lũ đê tiện nào đó. Cầu thủ bóng rổ người theo đạo Thiên Chúa cả cái bọn tri thức trời đánh này lẫn lũ chơi bridge cũng có hội hè cả. Thậm chí đến cả bọn mượn sách của câu lạc bộ sách ngu xuẩn này cũng có hội. Cứ thử nói chuyện tiệc tùng với một đứa nào xem...

- Không, điều đó không đúng!- Sally nói.- Trường học làm cho nhiều người khá hơn chứ.

- Đồng ý! Anh đồng ý, nhiều đứa cũng khá hơn đấy. Còn anh- chẳng được gì cả? Hiểu không? Anh nói điều đó. Chính về cái đó, quỉ tha ma bắt! Anh chẳng nhận được gì sất. Anh đang ở trong một tình cảnh tồi tệ, vô cũng tồi tệ!

- Đúng, em cũng nghĩ vậy.

Một ý nghĩ chợt lóe lên trong óc tôi.

- Nghe đây!- Tôi nói- Em có muốn biến khỏi đây không? Anh đã nghĩ ra điều này. Anh có một người quen ở Greenwich Village, và có thể mượn xe hơi của nó hai tuần. Nó học ở trường anh, đến giờ vẫn còn nợ anh 10 đô. Chúng ta có thể đi du lịch. Sáng mai, hai ta có thể đến Massachusetls, tới Vermont, đi xem mọi thứ ở đó. Ở đó đẹp kinh khủng, em hiểu không? Mê hồn!- Tôi càng nói, càng hồi hộp. Thậm chí tôi còn cúi xuống, nắm tay Sally, đúng là thằng đại ngốc! - Không, anh không đùa, anh có gần 180$ trong sổ. Sáng mai, khi nhà băng vừa mở cửa, anh sẽ lấy số tiền đó, rồi ta có thể đi và mượn xe thằng bạn anh. Không đùa đâu. Chúng ta sẽ sống trong các trại du lịch, và mọi nơi tương tự cho đến lúc hết tiền. Khi nào tiền hết, anh có thể kiếm được việc làm, sẽ sống đâu đó gần suối, rồi lúc nào đó bọn mình có thể lấy nhau, mọi sự sẽ đâu vào đó. Anh sẽ tự bổ củi cho tới mùa đông. Chúng ta sẽ rất thoải mái, vui vẻ! Thế nào! Em sẽ đi chứ! Sẽ đi với anh chứ? Em sẽ đi, phải không?

- Lại có thể thế được ư? - Sally nói, giọng nó phát bẳn.

- Sao lại không? Sao nào, quỷ tha ma bắt?

- Xin đừng có quát em! - Thật ra nó nói dỗi thế thôi chứ tôi chả hề quát nó.

- Tại sao?

- Vì không thể, - Vậy thôi. Thứ nhất, anh với em thực chất vẫn là trẻ con.

Anh nghĩ bọn mình sẽ làm gì khi tiền hết, mà anh không có cửa nào kiếm được. Bọn mình sẽ chết đói. Mà tóm lại, đó chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng, chả có gì đáng nói...

- Không đúng. Đó không phải là tưởng tượng. Anh sẽ tìm được việc. Em đừng lo! Chả việc gì em phải lo chuyện ấy! Vậy thì tại sao? Em không muốn đi với anh chứ gì? Cứ nói thẳng đi!

- Vấn đề không phải ở chỗ đó. Hoàn toàn không phải thế - Sally nói. Tôi cảm thấy bắt đầu căm thù nó - Chúng ta sẽ còn khối thì giờ, khi đó mọi sự sẽ đâu vào đó. Anh hiểu không? Sau khi anh tốt nghiệp trường tổng hợp, bọn mình sẽ lấy nhau. Chúng mình có thể đến hàng nghìn nơi kỳ lạ. Còn bây giờ thì...

- Không, chúng ta không thể, chả thể đi đâu hết, chả đến nghìn nơi nào hết. -

Tôi chán nản hoàn toàn.

- Gì cơ? Em không nghe rõ. Lúc thì anh gào lên với em, lúc lại thầm thì...

- Anh nói là không, bọn mình sẽ không đi đâu cả, không đến "Những nơi kỳ lạ " nào hết, khi anh tốt nghiệp trường tổng hợp. Em hãy căng tai ra mà nghe! Mọi sự sẽ khác đi. Bọn mình sẽ phải xuống bằng thang máy với một đống vali đồ đạc. Sẽ phải gọi điện cho tất tật họ hàng, phải tạm biệt rồi sau đó gửi cho họ bưu thiếp từ mỗi khách sạn. Anh sẽ làm việc ở một văn phòng nào đó, sẽ kiếm ra vô số tiền, sẽ đi làm bằng xe hơi hoặc xe buýt theo đại lộ Madison, sẽ đọc báo, sẽ chơi bridge mỗi chiều, sẽ đến rạp xinê xem những bộ phim ngắn chết tiệt, xem quảng cáo phim hay và cả phim thời sự. Cả phim thời sự nữa! Ôi trời! Thoạt đầu là bãi công, tiếp đó là một bà ném chai lọ lên tầu, sau đó là con khỉ mặc quần đùi đi xe đạp. Không, mọi sự sẽ không thế! Mà dù thế nào thì em cũng quái hiểu gì cả.

- Có thể là em không hiểu. Mà cũng có thể, chính anh cũng chả hiểu gì hết! - Sally nói. Hai đứa đã bực tức nhau ghê gớm, rõ ràng nói chuyện kiểu người với người chỉ vô ích. Tôi giận mình kinh khủng vì đã dính vào câu chuyện này.

- Thôi được, hãy cuốn xéo khỏi đây! - Tôi nói. - Và nói chung, hãy cút đi cho rảnh...

Ôi trời, khi tôi nói câu đó, nó nổi khùng lên mới khiếp! Tôi biết là không được nói vậy, và tôi chưa bao giờ chửi rủa phụ nữ như thế, nếu nó không làm tôi bực. Thường thì với bọn con gái, tôi chả bao giờ cư xử như thế cả. Ôi, nó phát khùng kinh khủng. Tôi xin lỗi như điên, nhưng nó chả thèm nghe. Thậm chí còn khóc lóc. Thật ra mà nói, tôi cũng hơi hoảng, sợ nó sẽ chạy về nhà mách bố nó rằng tôi chửi rủa nó hết lời. Bố nó là một gã cao lêu đêu, im lặng suốt ngày, lão ta hoàn toàn không ưa gì tôi, cái lão đểu cáng ấy. Lão nói với Sally rằng tôi rất ồn ào.

- Không, nghiêm chỉnh đấy, hãy tha lỗi cho anh! - Tôi ra sức thuyết phục nó.

- Tha thứ! Tha thứ cho anh! Đến là lạ! - Nó vẫn khóc sướt mướt. Bỗng tôi thấy tiếc vì đã chọc tức nó.

- Chúng ta đi đi, anh sẽ tiễn em về nhà. Thật đấy.

- Tôi tự về được! Cảm ơn. - Nếu anh nghĩ là tôi cho phép anh tiễn tôi, có nghĩa anh là thằng ngốc. Suốt đời chả có một anh chàng nào dám chửi rủa tôi như vậy.

Có gì đó thật nực cười trong chuyện này, nếu ngẫm nghĩ và tôi bỗng làm cái điều khiếm nhã mà nhẽ ra không nên làm. Tôi cười phá lên. Tiếng cười của tôi to phát khiếp và ngu xuẩn. Bạn hiểu không, nếu như chính tôi ngồi sau tôi trong rạp xinê hay một nơi nào đó, có lẽ tôi đã cúi xuống và tự bảo mình là đừng có hô hố lên như vậy. Sally lúc ấy nổi khùng thật sự.

Tôi không bỏ đi, vẫn xin nó tha lỗi, nhưng nó không hề có ý định làm vậy với tôi. Cứ một mực, hãy để tôi yên. Cuối cùng tôi bỏ đi. Thu nhặt giầy dép, quần áo rồi bỏ đi không có nó. Lẽ ra không được bỏ nó lại đấy nhưng tôi cũng đã chán ngấy tất cả rồi.

Thực ra, ngay chính tôi cũng không hiểu nổi, mình nói tất cả những điều đó với Sally để làm gì. Cả chuyến đi Massachusetts, đi Vermont, tóm lại là tất cả, có lẽ, tôi không nên rủ nó đi theo, thậm chí nếu tự nó có xin xỏ đi chăng nữa. Không có lẽ, với những đứa như nó, lại có thể chu du khắp thiên hạ được? Nhưng điều gớm ghiếc nhất là tôi thực lòng đề nghị nó đi với tôi. Đó mới là điều khủng khiếp. Không, có lẽ tôi là một đứa không bình thường.

Loading...

Tiểu thuyết tình yêu là website chia sẻ những thể loại truyện hay nhất hiện nay, được nhiều người đọc yêu thích. Truyện được cập nhập hàng ngày. Hãy lưu địa chỉ web để truy cập nhanh hơn!

Chúc các bạn online vui vẻ !

Laptop Tùng Anh

Tour Phú Quốc

Vinhomes Cầu Rào 2

Trang Chủ