XtGem Forum catalog
Tiểu thuyết tình yêu

Tiểu Thuyết Tình Yêu

Đọc truyện tại Tiểu Thuyết Tình Yêu

Loading...

Tiểu thuyết - Bắt trẻ đồng xanh - trang 5

Chương 18

Khi ra khỏi bãi trượt băng, tôi bỗng thèm ăn nên chạy vào quán, xơi một miếng bánh mỳ kẹp pho mát, uống một cốc sữa, sau đó chui vào trạm điện thoại. Tôi nghĩ - có lẽ vẫn nên gọi cho Jane lần nữa xem nàng đã về nhà chưa. Tôi còn cả một buổi chiều rảnh rỗi kia mà, và tôi nghĩ - nếu nàng ở nhà, tôi sẽ mời nàng đi nhảy ở đâu đó. Tôi chưa nhảy với nàng lần nào từ hồi quen nhau đến giờ. Đó là ngày mồng bốn tháng bảy ở câu lạc bộ. Khi đó chúng tôi mới quen nhau sơ sơ và tôi không dám cướp nàng từ vòng tay của gã kia. Nàng nhảy cùng một gã rất tởm, với El Paik học ở Choate. Tôi cũng biết gã chút đỉnh, từ thời lượn lờ cạnh bể bơi. Gã mặc quần tắm nilông trắng muốt và tứ thời nhảy từ cầu nhảy. Ngày nào gã cũng nhảy đúng một điệu chết tiệt nào đó. Gã chả biết gì hơn, nhưng rõ ràng tự coi mình là vận động viên loại cừ. Toàn những cơ với bắp, và chả có chút chất xám nào hết. Tóm lại, Jane nhảy với gã cả buổi chiều hôm ấy. Tôi chả hiểu gì chuyện này. Khi đã kết bạn với nhau, tôi hỏi sao nàng có thể hẹn hò với loại đê tiện tự cao tự đại như gã El Paik ấy. Nhưng Jane nói, gã hoàn toàn không thế và ngược lại, gã chính là một tổng thể chưa hoàn thiện. Đại để, tôi thấy rõ ràng là nàng thương hại hắn, mà thương thực sự chứ không hề giả bộ. Bọn con gái đúng là loại người kỳ quặc. Lần nào cũng vậy, hễ bạn nhắc đến một gã đê tiện chính cống nào đó, một gã đểu cáng hoặc rất huênh hoang, thể nào chúng cũng nói ngay rằng gã là một tổng thể chưa hoàn thiện. Có thể, điều đó đúng, nhưng cũng chẳng thể giúp gã kia hết đê tiện được. Phải, cái bọn con gái ấy. Bạn sẽ chả bao giờ hiểu nổi đầu óc chúng. Một lần, tôi giới thiệu con bạn gái của Roberta Walsh với một thằng bạn tôi. Tên thằng đó là Bob Robinson, nó đúng là một tổng thể chưa hoàn thiện. Thấy ngay là nó ngượng cho bố mẹ nó vì họ nói "muốn" là "mốn" và đại loại như vậy, ngoài ra, họ lại còn rất nghèo. Nhưng bản thân nó chả hề thua kém ai. Một thằng nhóc rất khá, nhưng con bạn của Roberta Walsh hoàn toàn không ưa nó. Con bé nói với Roberta là thằng kia tự cao tự đại, nó nghĩ vậy vì thằng cha kia tình cờ tự gọi mình là thủ lĩnh một nhóm của câu lạc bộ tranh luận. Mỗi cái chuyện cỏn con ấy mà con bé đã quy chụp cho thằng kia ngay cái tội ấy. Mọi bất hạnh đối với bọn con gái đều ở chỗ, nếu chúng thích một thằng nào đó thì dù thằng kia đê tiện trăm lần, chúng sẽ nói ngay, thằng ấy là tổng thể chưa hoàn thiện, còn nếu chúng không ưa thì dù thằng ấy có giỏi trai nhất thế giới với một tổng thể hoàn thiện, nhất đi nữa, chúng vẫn nói là hắn tự cao. Thậm chí với cả bọn con gái đầu óc thông minh cũng vậy.

Tóm lại, tôi gọi điện cho Jane, nhưng không ai trả lời nên đành phải treo ống nói. Tôi đọc lướt qua cuốn sổ ghi chép, tìm người có thể đánh bạn với mình buổi chiều nay. Thật vô phúc, trong sổ tôi chỉ có ba số điện thoại: của Jane, của ông Antolini, thầy giáo của tôi ở trường Elkton Hills, và nơi làm việc của bố tôi. Suốt đời tôi quên ghi số điện thoại. Cuối cùng, đành phải gọi cho thằng Carl Luce. Nó đã tốt nghiệp trường Whootton khi tôi đã rời nơi đó. Nó hơn tôi ba tuổi, tôi không thích nó lắm, nhưng nó thông minh khiếp vì có chỉ số phát triển trí tuệ cao nhất trường. Tôi nghĩ có thể nó sẽ ăn trưa cùng tôi, cả hai sẽ nói về chuyện gì thông thái một chút. Đôi lúc nó kể chuyện rất hay. Tôi quyết định gọi điện cho nó. Hiện giờ nó học ở trường tổng hợp Columbia nhưng sống ở phố Sáu mươi lăm, và tôi biết nó có nhà. Khi tôi gọi được nó, nó nói sẽ bận vào bữa trưa, nhưng có thể gặp tôi vào 10 giờ tối ở Wikerbar, phố Năm mươi tư. Có vẻ như nó rất ngạc nhiên khi nghe thấy giọng tôi. Một lần tôi đã chửi nó là đồ õng ẹo to mông.

Cần phải giết thời gian cách nào đó cho đến 10 giờ, tôi đành đi xem ở Radio City. Chả còn nghĩ ra điều gì tồi tệ hơn thế, nhưng tôi ở ngay cạnh đó và hoàn toàn không biết chui vào đâu khác.

Tôi vào rạp khi đã bắt đầu phần diễn phụ. Nhóm nhạc Rokett diễn trò gì có trời biết được. Bạn biết họ nhảy ra sao không, tất cả xếp thành hàng ôm eo nhau. Dân chúng vỗ tay như phát cuồng, một gã sau lưng tôi cứ lặp đi lặp lại mãi: "Bạn có biết điệu đó gọi là gì không? Chính xác toán học!". Đến chết mất. Sau nhóm Rokett, một tay bận áo đuôi tôm trượt pa tanh ra sân khấu rồi bắt đầu chui xuống dưới mấy cái bàn con pha trò. Gã trượt rất khá, nhưng tôi thấy chán, vì hình dung thấy gã ngày nào cũng luyện tập để có thể trượt điệu đàng quanh sân khấu. Một việc làm ngu xuẩn. Sau gã là kịch câm về lễ Giáng sinh, năm nào họ cũng diễn cái này ở Radio City vào dịp lễ. Thiên thần chui ra từ cái thùng, rồi những kẻ nào đó vác hình người bị đóng đinh trên cây thánh giá vòng quanh sân khấu, sau đó ra sức gào lên bài Hãy đến đây, hỡi các đấng tin. Thật vướng mắt! Tôi biết, tất cả cảnh ấy được coi là ngoan đạo và đẹp, nhưng quỷ tha ma bắt, ở đây thì tôn giáo và vẻ đẹp ở chỗ quái nào cơ chứ, khi mà cả một đám diễn viên lôi cây thánh giá đi lòng vòng trên sân khấu. Sau khi hát xong, họ rẽ đi các ngả, thấy rõ là đang nóng ruột cuốn xéo đi hút thuốc và nghỉ thả sức. Năm ngoái, tôi đã xem cảnh này cùng Sally Hayes. Nó hân hoan suốt buổi - ôi, đẹp quá, ôi, quần áo mới tuyệt làm sao! Còn tôi thì bảo, chúa Giêsu tội nghiệp chắc sẽ phát buồn nôn khi nhìn vào mấy miếng giẻ hoá trang ấy. Sally nói tôi là kẻ nhạo báng Chúa và là kẻ vô thần. Có lẽ, đúng vậy thật. May ra có một thứ, mà có lẽ là chúa Giêsu có thể ưa được - đó là gã đánh trống của dàn nhạc. Tôi nhớ gã từ lúc mới lên tám tuổi. Khi bố mẹ dẫn tôi và em Allie đến đây, bọn tôi thường ngồi sát dàn nhạc để nhìn gã này. Tôi chưa được thấy ai hay hơn gã. Thực ra, trong suốt tiết mục, gã chỉ được động đến trống có hai lần, nhưng trên mặt chả bao giờ buồn bã vì chờ đợi. Nhưng cuối cùng khi gã đánh vào mặt trống tất cả mới tốt đẹp, trong lành làm sao, thậm chí qua nét mặt cũng thấy rõ gã rất cố gắng. Khi chúng tôi cùng cha đến Washington, Allie gửi cho gã đánh trống này một tấm bưu ảnh, nhưng có lẽ gã chẳng nhận được. Chúng tôi không biết ghi địa chỉ như thế nào cho đúng mà.

Cuối cùng thì kịch câm Giáng Sinh cũng kết thúc và họ bắt đầu chiếu bộ phim chết tiệt ấy. Nó bỉ ổi đến mức tôi không thể rời mắt khỏi nó được. Phim về một gã người Anh tên là Alec, tôi không nhớ họ. Hắn ra trận rồi bị mất trí nhớ ở quân y viện. Xuất viện với cây gậy trong tay, hắn đi khập khiễng, khắp thành London và không biết mình đang ở đâu. Thực tế, hắn là một quận công, nhưng hắn chả nhớ điều đó. Rồi hắn gặp một cô gái không đẹp lắm, giản dị, trung thực, khi cô ấy leo lên xe buýt. Hắn nhặt cho cô cái mũ bị bay, rồi họ cùng nhau leo lên tầng trên và bắt đầu trò chuyện về Charles Dickens. Hoá ra họ cùng yêu thích nhà văn này. Hắn thậm chí còn mang theo cuốn Oliver Twist, cô gái cũng vậy. Tôi suýt nữa phát mửa. Tóm lại, họ phải lòng nhau ngay tức thì, vì cả hai cùng say đắm Dickens, rồi hắn giúp cô gái thu xếp công việc ở nhà xuất bản. Tôi quên nói, cô gái làm nghề xuất bản, nhưng công việc rất tồi tệ vì lão anh trai nghiện ngập, bao nhiêu tiền đều đem đi nốc hết. Gã này rất độc ác, đã từng là bác sĩ phẫu thuật trong chiến tranh và bây giờ không còn mổ được nữa.

Thần kinh gã rã rượi, chính thế mà gã nốc rượu như ngựa nốc nước ao, cả đêm lẫn ngày, mặc dù nhìn chung, gã cũng khá thông minh. Tóm lại, Alec viết một cuốn sách nhỏ, còn cô gái xuất bản nó, và họ hốt được cả đống tiền. Họ gần như đã định lấy nhau thì bỗng nhiên xuất hiện một cô Marcia nào đó. Cô này là vợ chưa cưới của Alec trước khi hắn bị mất trí nhớ, nhận ra khi hắn ký tặng cuốn sách nhỏ cho những người hâm mộ mình tại một cửa hiệu. Marcia nói với Alec khốn khổ rằng hắn là quận công thực sự, nhưng hắn không tin và cũng không muốn cùng cô đến thăm mẹ đẻ mình, một người đàn bà mù loà như chuột chũi vậy. Nhưng cô gái kia, cái cô không đẹp ấy, bắt hắn đi. Cô ta tốt bụng kinh khủng. Hắn đi, nhưng trí nhớ chẳng thèm trở về với hắn, thậm chí cả khi con chó gốc Đan Mạch khổng lồ nhảy lên mừng như hoá dại, còn bà mẹ ôm mặt hắn trong đôi tay và mang đến con gấu nhung mà hắn đã từng hôn hít suốt ngày hồi còn nhỏ. Nhưng rồi vào một ngày đẹp trời, bọn trẻ con chơi cricket trên bãi cỏ và đá một cú trời giáng, bóng rơi đúng đầu Alec. Tức thì trí nhớ trở lại, hắn chạy về nhà, hôn trán bà mẹ. Hắn lại trở thành quận công thực sự và quên hẳn cô gái giản dị ở nhà xuất bản kia. Tôi muốn kể tiếp cho các bạn nghe sự việc tiếp theo, nhưng sợ mình phát lộn mửa. Vấn đề không phải chỗ tôi sợ làm hỏng ấn tượng của các bạn, chả có gì ở đó để có thể làm hỏng hết. Mọi sự kết thúc ở cảnh Alec cưới cô gái giản dị kia, còn gã anh của cô ta, lão bác sĩ phẫu thuật nghiện rượu ấy, sắp xếp lại bộ thần kinh của mình và phẫu thuật mắt cho mẹ Alec để bà già nhìn lại được, rồi cái lão nghiện ngập trước kia ấy và Marcia yêu nhau. Cảnh cuối là tất cả ngồi quanh một cái bàn dài khủng khiếp, cười đến vỡ bụng vì con chó Đan Mạch bỗng lôi đến cả một bầy chó con. Ai cũng nghĩ nó là chó đực, hoá ra là chó cái. Tóm lại, tôi có thể khuyên các bạn một lời: nếu các bạn không muốn nôn thẳng vào những người ngồi cạnh thì đừng đi xem phim này.

Nhưng có một người tôi không tài nào hiểu nổi là cái bà ngồi cạnh tôi, bà ta khóc suốt phim. Và càng lắm cảnh giả tạo bao nhiêu, bà ta càng khóc sướt mướt bấy nhiêu. Có thể nghĩ bà ta giàu lòng thương hại, tốt bụng, nhưng tôi ngồi cạnh nên thấy rõ bà ta nhân hậu thế nào. Đi với bà ta có đứa con trai nhỏ, nó chán đến mụ cả người và khóc nhè suốt buổi đòi ra nhà vệ sinh, nhưng bà ta không dẫn nó đi mà cứ luôn miệng nhắc - ngồi yên, cư xử cho phải lẽ. Chó sói có lẽ còn tốt bụng hơn. Tóm lại, nếu có chục người trong số khán giả khóc như cha chết, có thể nói như vậy, khi xem bộ phim giả tạo ấy, thì đến chín kẻ trong bụng lại là đồ súc sinh nhất. Tôi nói với bạn nghiêm chỉnh đấy.

Khi hết phim, tôi đến Wicker bar, nơi hẹn gặp thằng Carl Luce, và nghĩ về chiến tranh. Các phim chiến tranh thường gợi lên sự suy nghĩ. Có lẽ, tôi sẽ không chịu nổi, nếu phải ra trận. Nói chung tôi không thấy sợ nếu bị tống đi đâu và bị giết, nhưng phải vật vờ trong quân đội mất bao nhiêu thì giờ, có trời biết được. Bất hạnh chính là ở chỗ đấy. Anh trai tôi, D.B đã phải vật vờ như một thằng đốn mạt suốt bốn năm liền trong quân đội. Anh ấy đã từng tham gia mặt trận thứ hai, nhưng theo tôi, anh ấy căm thù việc đi lính hơn cả chiến tranh. Hồi đó, tôi còn rất nhỏ, nhưng tôi nhớ khi về nhà nghỉ phép, anh nằm trên giường suốt buổi. Thậm chí anh cũng chả mấy khi bước ra phòng khách. Sau đó anh ấy lại rơi vào chiến tranh châu Âu nhưng không bị thương, thậm chí anh ấy cũng chả phải bắn vào ai hết. Ngày nào cũng chỉ làm mỗi một việc là chở ông tướng cao bồi nào đó trên chiếc xe tham mưu. Có lần, anh ấy nói với tôi và Allie là nếu buộc phải bắn, có lẽ anh ấy cũng không biết nhả đạn vào ai. Anh ấy nói, trong quân đội đầy kẻ súc sinh đê tiện, chẳng kém gì lũ phát xít. Tôi nhớ, Allie hỏi anh- có thể việc anh ấy ra trận là có ích vì bây giờ, anh là nhà văn, có quyền để viết. Thế là anh ấy bắt Allie mang đến cái bao tay chơi quần vợt có chép thơ trên đó rồi hỏi: ai viết về chiến tranh hay hơn: Rupert Brooke hay Emily Dickinson? Allie nói: Emily Dickinson. Tôi không nói được điều gì về chuyện này vì hầu như chả bao giờ đọc thơ. Nhưng tôi biết chắc một điều, tôi chắn chắn sẽ hoá điên nếu phải đi lính cùng những thằng giống Ackley, Stradlater và lão gác thang máy Moric, phải đi đều bước cùng bọn chúng, sống cùng chúng. Có lần phải làm hướng đạo sinh suốt một tuần, tôi bị dằn vặt khốn khổ khi cứ phải nhìn vào gáy thằng đứng trước. Mà lúc nào họ cũng bắt buộc bọn tôi phải nhìn gáy đứa đứng trước. Nói thật chứ, nếu có chiến tranh, hãy cứ để họ lôi tôi ra rồi xử bắn còn hơn. Tôi sẽ chống cự. Nhưng có một điều làm tôi bực mãi ông anh mình: anh ấy căm thù chiến tranh, vậy mà mùa hè năm ngoái lại đưa tôi đọc cuốn Giã từ vũ khí. Anh ấy bảo cuốn sách đó rất xúc động. Tôi không tài nào hiểu nổi truyện này. Có một nhân vật, tay trung uý Henry được coi là người rất tốt. Tôi không hiểu, tại sao anh D.B căm thù chiến tranh, căm thù quân đội mà lại vẫn khâm phục tay làm bộ làm tịch này. Không thể hiểu được tại sao anh ấy lại thích loại giả tạo ấy và đồng thời cũng thích cả Ring Lardner, cả Bố già nữa.

Tóm lại, tôi mừng vì loài người đã chế được bom nguyên tử. Nếu chiến tranh bắt đầu, tôi sẽ ngồi vào chính quả bom ấy. Tình nguyện ngồi, tôi nói thành thực và đầy thiện chí đấy!

Chương 19

Có lẽ bạn chưa từng sống ở New York nên không biết Wiker bar nằm trong một khách sạn rất sang trọng - Seton Hotel. Trước đây, tôi thường xuyên đến đó, nhưng sau lại thôi. Giờ thì tôi hoàn toàn không lai vãng tới đó nữa. Mọi người cho rằng đó là một khách sạn cực kỳ tao nhã nên tất tật bọn công tử bột đều mò đến. Chiều nào cũng có hai phụ nữ Pháp, Tina và Janine biểu diễn đến ba bận, họ chơi đàn dương cầm và hát. Một ả chơi đàn thối không tưởng được, còn ả kia hát toàn những bài bỉ ổi, không thì lại bằng tiếng Pháp. Ả Janine, ả hát ấy, thoạt đầu bước đến micro nói đớt một hồi, "Còn bây giờ chúng tôi gửi tới các bạn một bài hát nho nhỏ: Voulez-vous France. Bài này nói về một cô gái Pháp nhỏ bé đến một thành phố rất lớn, như Nu Oóc này, và yêu một cậu bé từ Brookeen đến. Chúng tôi tin rằng các bạn sẽ rất thít". Ả ngọng nghịu chán, rồi sau đó hát một bài chết giẫm nửa bằng tiếng Anh, nửa bằng tiếng Pháp, còn bọn công tử bột thì tất tật cả lũ bắt đầu phát cuồng lên vì khoái chí. Giá bạn ngồi đó lâu hơn một chút, nghe cái lũ không kiếp ấy vỗ tay rầm rập, bạn sẽ thấy căm thù cả cái thế giới này, tôi xin lấy danh dự ra thề như vậy. Cả bản thân lão chủ quán bar cũng đểu cáng tuy là một tay tốt mã khủng khiếp. Lão sẽ chẳng thèm nói với bạn câu nào, nếu bạn không phải là một nhân vật quan trọng hoặc nổi tiếng. Còn nếu ngược lại thì lão sẽ chạy ngược chạy xuôi long cả tóc gáy, nhìn mà phát buồn nôn. Hắn sẽ lại gần, cười ngoác miệng, thật hồn nhiên rồi hỏi: "Ở Connecticut các ngài thế nào?" hoặc "Thế còn Florida của ngài ra sao?" Một quán bar đê tiện, thực thế. Tôi hầu như không còn đến đó, cho tới hôm nay. Vẫn còn khá sớm, tôi ngồi xuống bên quầy bán đồăn- đông người quá, rồi uống một cốc whisky pha sô đa, không buồn đợi Luce. Tôi đứng lên khỏi ghế, khi kêu rượu cho họ thấy tôi cao lớn thế nào để khỏi coi tôi là thằng chưa đủ tuổi. Sau đó tôi nhìn quanh một lượt bọn công tử bột. Thằng ngồi cạnh tôi đang ra sức tán tỉnh cô bồ. Nó quả quyết là con bé có đôi tay quý tộc. Tôi nực cười quá thể. Còn ở góc kia của bar, một lũ tâm thần đang ngồi tụ lại. Dáng vẻ của chúng thực ra cũng không điên loạn lắm, không tóc dài, không có gì đại loại như thế, nhưng có thể xếp ngay vào chúng vào loại nào. Cuối cùng, Luce cũng dẫn xác đến.

Luce cùng một duộc. Loại như nó có thể vơ được cả mớ. Hồi bọn tôi còn học ở trường Whootton, nó được coi là đàn anh lớp lớn, phụ đạo tôi. Nhưng nó chỉ làm mỗi một việc là cho đề cập tới đủ thứ chuyện về tình dục lúc đêm khuya, khi bọn nhóc con chúng tôi tụ tập ở phòng nó. Nó biết rất rõ về mọi thứ, nhất là về bọn tâm thần. Tứ thời, nó kể cho tụi tôi nghe về bọn đồi bại nào đó chạy theo mấy con cừu cái hoặc dính quần lót đàn bà vào tấm lót mũ. Cái thằng Luce này thuộc lòng đứa nào pê đê, nửa con trai nửa con gái, biết gần như khắp nước Mỹ. Bạn cứ thử nêu ra một cái tên bất kỳ nào đó xem, Luce sẽ nói cho bạn ngay tức thì người đó có pê đê không. Nhiều lúc cũng thật khó tin rằng tất tật bọn tài tử xinê và bọn người đại loại đều là vậy. Vì nhiều người trong số bọn họ có gia đình. Có quỷ mới hiểu được, nó bịa chuyện đó từ đâu ra. Bạn cứ căn vặn nó đến cả trăm bận: "Không có lẽ Joe Blow cũng thuộc loại này! (Joe Blow một gã cao lớn, lực lưỡng, thường đóng vai một tên gangster hoặc cao bồi). Luce trả lời bạn ngay: "Hẳn thế rồi!". Nó tứ thời nói vậy. Nó bảo, lấy vợ hay không cũng chả có ý nghĩa gì hết. Rằng một nửa số người đã lập gia đình là đồi bại và chính bản thân họ cũng chẳng nghi ngờ gì. Nó nói, ai cũng có thể bất ngờ trở thành pê đê nếu đã tiềm ẩn tư chất đó. Nó doạ bọn tôi sợ gần chết. Nhiều đêm tôi không ngủ cứ sợ hoài, tự dưng tôi thành kẻ tâm thần thì sao? Nhưng nực cười nhất là, theo tôi, chính Luce cũng không được bình thường lắm. Nó ba hoa triền miên những gì có trời biết được, nó sẵn sàng ép chặt bạn đến chảy mỡ ở hành lang cho đến lúc nào bạn chết ngạt mới thôi. Tứ thời nó để ngỏ cửa nhà vệ sinh vào phòng rửa mặt, bạn đánh răng hay rửa tay, còn nó thì tán chuyện với bạn từ đó vọng ra. Theo tôi, đó cũng là một kiểu đồi bại nào đó, lạy Chúa. Trong các trường học, tôi thường gặp bọn tâm thần thực sự, và chúng tứ thời làm đủ trò kỳ cục. Bởi vậy, tôi mới nghi ngờ chính Luce cũng thuộc loại tâm thần. Nhưng nó thông minh cực kỳ, thực thế. Nó chả bao giờ chào hỏi, chả thèm "Hello". Còn lúc này, ngay lập tức nó tuyên bố, rằng nó chỉ đến một phút, rằng nó có hẹn. Sau đó nó tự gọi cho mình rượu Martini. Nó bảo người hầu bàn đừng pha loãng và đừng cho thêm bơ.

- Nghe này, nhắm cho ông anh một tên tâm thần cực kỳ, - tôi nói, - kia kìa, ở góc quầy bán đồ ăn ấy. Ông anh đừng nhìn vội. Em sẽ chỉ nó cho.

- Thật sắc sảo, - nó nói, - Mày vẫn là thằng Caulfield như xưa. Khi nào mày mới lớn, hả?

Rõ ràng là tôi kích động nó. Còn bản thân thì bắt đầu thấy nực cười. Loại người như nó bao giờ cũng làm tôi thấy vậy.

- Thế nào, cuộc sống riêng tư của ông anh ra sao? - Nó rất căm, khi nghe hỏi về vấn đề đó.

- Câm đi, - nó nói, - vì Chúa, mày hãy ngồi yên và đừng có ba hoa nữa.

- Em vẫn ngồi yên đấy chứ, - tôi nói. - Columbia thế nào, ông anh vẫn thích ở đó chứ?

- Hẳn thế rồi. Rất thích. Nếu không, tao đã chẳng đến đó, - nó nói. Đôi khi nó cũng khích được tôi.

- Thế ông anh chọn chuyên ngành nào? - tôi hỏi - Ông anh vẫn nghiên cứu mấy thứ đồi bại đấy chứ? - Tôi muốn trêu chọc nó.

- Hình như mày muốn pha trò phải không? - Nó cáu kỉnh.

- Không đâu, em chỉ hỏi vậy thôi, - tôi nói. - Luce, nghe này, ông anh vốn thông minh học rộng. Em cần một lời khuyên. Em đang lâm vào cảnh khủng khiếp... Nó rống lên:

- Ồ, Caulfield, im đi! Chả lẽ mày không thể ngồi yên một chút, nói...

- Thôi được, thôi được, - tôi nói. - Ông anh đừng lo!

Rõ ràng nó không muốn nói chuyện nghiêm chỉnh với tôi. Thật khốn khổ với những thằng thông minh. Chúng chẳng bao giờ có thể làm được điều đó, dù chỉ một chút với người khác nếu không có tâm trạng phấn khởi. Đành phải tán những chủ đề chung chung với nó vậy.

- Không, em hỏi nghiêm chỉnh đấy, cuộc sống riêng của ông anh dạo này thế nào? Ông anh v ẫn cặp kè như trước với con búp bê ấy chứ hồi còn ở Whootton ấy? Con bé có...

- Ôi lạy Chúa, dĩ nhiên là không!

- Sao lại thế? Thế bây giờ nó ấy ở đâu?

- Tao chả biết tí tẹo nào hết. Nếu mày muốn biết, thì nó, theo tao, đã trở thành loại điếm lang thang của New Hamsphire rồi.

- Thật đê tiện! Nếu nó đã cặp kè với anh lâu đến vậy, ít ra ông anh cũng không nên nói những lời đểu cáng về nó!

- Ôi thằng quỷ! - Luce nói. - Không có lẽ lại sắp sửa bắt đầu cuộc nói chuyện đặc kiểu Caulfield ư? Ít ra mày cũng nên báo trước cho tao chứ...

- Chả bắt đầu gì hết. - tôi nói, - nhưng dù sao cũng thật đê tiện. Nếu con bé đã đối xử với ông anh tốt như vậy, đã cho phép anh...

- Không lẽ mày buộc phải tiếp tục bài diễn văn không ngửi nổi này mãi sao?

Tôi không nói gì nữa. Tôi sợ nếu không im, nó sẽ đứng dậy bỏ đi mất. Đành phải gọi thêm một cốc whisky nữa. Tự dưng tôi muốn nói quá trời.

- Hiện giờ ông anh cặp bồ với ai? Có thể kể cho em nghe được không? Dĩ nhiên nếu anh muốn!

- Mày không biết cô ta đâu.

- Thế bỗng nhiên em biết thì sao? Cô ấy là ai vậy?

- Một nhân vật từ Greenwich Village. Nhà điêu khắc, nếu mày nóng lòng muốn biết.

- Rồi sao? Có nghiêm chỉnh không? Cô ấy bao nhiêu tuổi?

- Trời ơi, chả lẽ tao lại đi hỏi tuổi cô ấy!

- Thế độ khoảng bao nhiêu?

- Ừ, có lẽ khoảng ngoài ba mươi, - Luce nói.

- Ngoài ba mươi? Thật ư? - tôi hỏi - Anh thích già? - Tôi hỏi nó chủ yếu là vì nó thực sự hiểu biết vấn đề này. Ít người hiểu biết được như nó. Nó đã mất trong trắng từ hồi mười bốn tuổi ở Nantucket, thật đấy!

- Mày muốn biết, tao có thích loại đàn bà chín chắn không ư? Hẳn thế rồi!

- Vậy à? Tại sao? Không lẽ với họ lại thú vị hơn?

- Nghe này, tao nhắc lại cho mày một lần nữa, chấm dứt ngay lối lục vấn Caulfield này đi, ít nhất trong tối nay. Tao không thèm trả lời nữa đâu. Bao giờ mày mới người lớn được chứ, quỷ tha ma bắt?

Tôi không trả lời. Tôi quyết định im một phút. Sau đó, Luce gọi thêm Martini không pha.

- Ông anh nghe này, dẫu sao cũng nói đi chứ, ông anh sống với cô ấy lâu chưa, cái cô nặn tượng ấy? - Tôi thực sự thích thú chuyện này. - Anh quen với cô ấy từ thời ở trường Whootton chứ?

- Không. Nàng mới đến Hoa Kỳ cách đây vài tháng.

- Thật à? Cô ấy từ đâu đến?

- Hãy tưởng tượng xem- từ Thượng Hải đấy.

- Đừng xạo! Người Hoa ư?

- Hẳn thế rồi!

- Ông anh thích thế à? Thích cô gái người Hoa ấy ư?

- Thích chứ, hẳn thế rồi.

- Nhưng tại sao? Em rất muốn biết, tại sao nào?

- Đơn giản là triết học Đông phương làm tao thoả mãn hơn triết học Tây phương, nếu mày nhất định cần phải biết.

- Triết học nào? Tình dục ư? Thế nào, chả lẽ cái đó ở Trung Hoa lại hay hơn sao? Ông anh nói về cái đó phải không?

- Không, tao chẳng nói về Trung Quốc. Tao nói chung về phương Đông. Trời ơi! Không lẽ cứ phải tiếp tục câu chuyện vô lý này sao?

- Ông anh nghe này, em hỏi nghiêm chỉnh đấy - tôi nói. - Em không đùa đâu.

Sao ở phương Đông cái đó lại hay hơn?

- Giải thích rất khó, mày hiểu không? - Luce nói. Đơn giản là họ cho rằng tình yêu - đó là sự giao tiếp không chỉ thể xác mà cả tâm hồn. Ồ, mà tại sao tao lại bắt đầu nói cho mày...

- Nhưng em cũng cho là vậy! Em cũng cho cái đó là, ông anh nói thế nào nhỉ? - cả tâm hồn, lẫn thể xác. Thật đấy, em cũng cho là vậy. Nhưng tất cả đều phụ thuộc vào người mà mình yêu. Nếu với một ai đó mà mình tuyệt nhiên...

- Mày đừng có rống lên như thế, lạy Chúa! Nếu mày không thể nói nhỏ được thì ta sẽ dừng cuộc...

- Thôi được, thôi được, chỉ có điều ông anh hãy nghe hết đã? - Tôi hơi xúc động một chút và đúng là đã nói khá to. Thường khi bị xúc động tôi nói rất to. Ông anh hiểu em muốn nói gì không: em biết, sự giao tiếp cần phải cả thể xác lẫn tâm hồn, và đẹp, nói chung là vậy. Nhưng ông anh hiểu cho, không thể như thế với tất cả bọn con gái mà mình hôn, không thể được! Còn ông anh có thể không?

- Chúng ta dừng lại ở đây nhé, - Luce nói. Mày không phản đối chứ?

- Được thôi, nhưng dẫu sao ông anh hãy nghe hết đã! Ví như cô người Hoa này. Giữa ông anh với cô ấy có cái gì đặc biệt hay nào?

- Tao đã bảo thôi ngay cơ mà!

Dĩ nhiên, không nên thọc vào chuyện đời tư của nó. Tôi biết điều này. Nhưng Luce là thằng quỷ cực kỳ khó chịu. Khi bọn tôi còn học ở Whootton, nó bắt tôi tả những day dứt, ưu tư thầm kín nhất của tôi, vậy mà vừa mới hỏi lại, nó đã nổi khùng. Những thằng thông thái lại hoá ra không thích nói chuyện thông thái chút nào, chúng chỉ thích ba hoa rỗng tuyếch thôi. Chúng cho là, nếu chúng im, bạn cũng phải vậy, nếu chúng bỏ vào phòng mình, thì bạn cũng nên biết điều bỏ đi. Hồi tôi còn học ở Whootton, Luce rất căm, nếu bọn tôi tự mở đầu câu chuyện sau khi nó kể cho tất cả một chuyện gì đó. Thậm chí, nếu bọn tôi tụ tập ở phòng khác, tôi và lũ bạn của mình, Luce cũng không chịu nổi điều đó. Nó tứ thời đòi hỏi tất cả giải tán về phòng mình và ngồi lì ở đó, một khi nó đã thôi ba hoa. Nguyên do là ở chỗ nó sợ bỗng ai đó nói được câu gì thông thái hơn mình. Dẫu sao, nó cũng là loại lố bịch hết sức.

- Có lẽ phải đến Trung Quốc thôi, - tôi nói.- Đời tư của em chẳng ra quái gì hết.

- Đúng thôi. Đầu óc mày chưa được chín chắn.

- Đúng. Rất đúng, tự em biết, - tôi nói.- Nhưng ông anh có hiểu khốn khổ ở chỗ nào không? Em không thể có được hưng phấn thực sự, ông anh hiểu không, hưng phấn thực sự ấy, nếu em không thấy thích đứa con gái ấy, nó phải làm em thích. Còn nếu không thích thì em không thể thèm muốn dù chỉ chút ít. Lạy Chúa! Địa ngục chứ không phải đời!

- Ồ, dĩ nhiên rồi, quỉ tha ma bắt! Tao đã bảo mày từ lần trước rằng mày phải làm gì rồi.

- Đến bác sĩ tâm lý à? - Tôi nói. Lần trước nó khuyên tôi như vậy. Bố nó là bác sĩ phân tích tâm lý.

- Đó là việc của mày, ôi trời! Việc gì tao phải bận tâm về những việc mày làm? Tôi không nói gì hết. Tôi nghĩ.

- Thôi được, cứ cho là em sẽ đến chỗ bố anh và đề nghị bác phân tích tâm lý cho em, - tôi nói. - Thế bác sẽ làm gì em nào? Anh nói đi, bác sẽ làm gì?

- Ông ấy chả làm quái gì mày sất. Sẽ chỉ hỏi chuyện mày, và mày cũng nói với ông ấy. Thế nào, mày không hiểu gì sao? Chủ yếu là ông ấy sẽ giúp mày hiểu được cấu trúc những ý nghĩ của mày.

- Cái gì, cái gì kia chứ?

- Cấu trúc ý nghĩ. Mày bị rối trí trong một mớ bòng bong những cái phức tạp.

Ôi quỷ thần! Chả lẽ tao lại phải giảng lại chương trình phân tích tâm lý cho mày hay sao? Nếu muốn, đến mà ghi tên ở phòng tiếp bệnh nhân của bố tao, còn không muốn thì thôi! Tao không chút bận tâm đến, nói thực tình đấy. Tôi đặt tay lên vai nó. Tôi cảm thấy nực cười kinh khủng.

- Ông anh là một thằng bạn chân chính đấy, đồ chó đẻ ạ? - Tôi nói. - Ông anh biết điều đó chứ? Nó nhìn đồng hồ.

- Tao phải biến đây! - Nó nói rồi đứng lên - Rất hân hạnh gặp mày. - Nó gọi hầu bàn đến tính tiền.

- Nghe này!- tôi nói - Thế ông bố đã bao giờ phân tích tâm lý cho ông anh chưa?

- Tao á? Thế mày hỏi làm gì?

- Hỏi vậy thôi. Đã bao giờ chưa?

- Biết nói thế nào. Không hẳn vậy. Ông ấy chỉ giúp tao tiếp cận với đời thôi, còn phân tích sâu thì chả cần. Thế sao mày lại hỏi vậy?

- Hỏi chơi thôi. Em thấy thú vị.

- Thôi, từ biệt! Chúc hạnh phúc!- Luce đặt tiền xuống bàn, định bỏ đi.

- Uống thêm với em chút nữa! - Tôi năn nỉ. - Xin ông anh đấy. Em đang sầu muốn chết đây. Ở lại đây đi, em nói nghiêm chỉnh đấy!

Luce nói là không thể được, rằng đến bây giờ là nó cũng đã bị muộn mất rồi, sau đó bỏ đi.

Phải, Luce, nó chán chết nhưng có vốn từ thật khổng lồ. Trong tất cả học sinh trường tôi, nó có kho ngôn từ giàu nhất. Người ta đã tiến hành những kiểm nghiệm đặc biệt đối với bọn tôi, và đưa ra kết luận đó.

Chương 20

Tôi ngồi, nốc rượu không ngừng, đợi Tina và Janine bước ra nhưng hoá ra họ không còn ở đây. Một gã giống hệt đàn bà, tóc uốn xoăn tít bắt đầu chơi đàn dương cầm, sau đó một cô nàng duyên dáng, Valencia, bước ra hát. Chả có gì tốt đẹp ở ả cả, nhưng dù sao ả vẫn còn hơn hai chị người Pháp kia, ả còn hát được những bài tử tế. Dương cầm ở sát quầy bán thức ăn, nơi tôi ngồi, và cái ả Valencia ấy đứng khá gần tôi. Tôi nháy mắt với ả chút đỉnh, nhưng ả làm ra vẻ không nhận thấy. Có lẽ bình thường tôi cũng chẳng thèm làm điều đó nhưng tôi đã say mèm. Hát xong ả biến nhanh đến mức tôi không kịp mời ở lại uống chút đỉnh cùng tôi. Tôi gọi đầu bếp đến, bảo gã hỏi xem mụ già Valencia có muốn đi uống với tôi không. Hắn nói, sẽ hỏi ngay tắp lự, nhưng có lẽ hắn chẳng thèm chuyển lời đề nghị của tôi. Chẳng ai buồn chuyển hộ điều gì bao giờ, nếu bạn đề nghị.

Tôi ngồi trong cái bar chết giẫm ấy đến tận một giờ đêm, nốc vô tội vạ như một con sâu rượu. Tôi hoàn toàn say. Nhưng có một điều mà tôi vẫn nhớ rõ, không được làm ồn, không được gây lộn. Tôi không muốn mọi người chú ý đến tôi rồi lại hỏi bao nhiêu tuổi, chả hay ho quái gì hết. Nhưng tôi say quá chừng, thật khủng khiếp! Mà khi đã say thực sự thì tôi lại bắt đầu nghĩ ra cái tích chết giẫm này, cứ như có viên đạn nằm trong ruột tôi. Tôi ngồi ở bar với viên đạn găm trong ổ bụng. Lúc nào tôi cũng để một tay dưới áo để máu không nhỏ xuống sàn vì không muốn để lộ việc mình bị thương. Tôi giấu kín điều tôi, một thằng ngốc, bị thương. Rồi bỗng nhiên tôi muốn gọi điện cho Jane kinh khủng, để biết xem nàng đã về nhà chưa. Tôi bước đi tay vẫn cứ giữ chặt vết thương để máu khỏi nhỏ giọt. Tôi uống đến mức như vậy đấy!

Nhưng khi đã vất vả chui được vào một trạm điện thoại, tôi chẳng còn tâm trạng gọi cho Jane nữa. Có lẽ, tôi đã quá say. Thế vào đó, tôi gọi cho Sally.

- Allo! - Tôi la lên, khi thấy có người nhấc cái máy chết dẫm ấy lên. Thậm chí không phải là la nữa, mà là rống lên, tôi say quá mà.

- Ai gọi đó? - Một giọng đàn bà lạnh ngắt hỏi.

- Cháu đây. Holden Caulfield đây. Làm ơn gọi hộ Sally...

- Sally ngủ rồi. Bà nó đang nói đây. Tại sao anh gọi khuya vậy, Holden? Anh có biết mấy giờ rồi không?

- Cháu biết. Cháu cần nói chuyện với Sally. Rất quan trọng. Bà gọi cô ấy cho cháu.

- Sally ngủ rồi, anh bạn trẻ ạ. Mai gọi lại nhé. Chúc ngủ ngon!

- Đánh thức cô ấy dậy. Này, đánh thức cô ấy dậy. Bà nghe thấy không!

Rồi bỗng nhiên một giọng khác vang lên.

- Holden, tôi đây. - Hoá ra là Sally. - Lại một trò gì nữa đấy?

- Sally? Em đấy ư?

- Phải. Phải. Xin đừng có gào lên! Anh say phải không?

- Aha! Em nghe này! Nghe này, ê! Anh sẽ đến vào ngày trước lễ Giáng Sinh, đồng ý không? Anh sẽ cùng em chuẩn bị cái cây thông chết giẫm ấy.Được không? Này, Sally, được không?

- Được. Anh say quá rồi. Đi ngủ đi. Anh đang ở đâu, và đi với ai?

- Sally? Anh sẽ đến chuẩn bị cây thông, được chứ? Em nghe thấy không? Được chứ? Hả?

- Được mà. Còn bây giờ, anh đi ngủ đi. Anh ở đâu? Anh đi với ai vậy?

- Không ai cả. Anh, con người anh và chính bản thân anh. - Chà! Tôi say quá chừng! Tôi đứng ôm bụng: - Anh bị bắn lén! Bọn cướp Rocky giết anh. Em nghe thấy không. Sally! Sally! Sally này, em nghe thấy anh nói chứ!

- Em chả hiểu gì cả. Em cũng cần đi ngủ. Mai anh gọi lại nhé.

- Nghe này, Sally! Em có muốn anh đến tân trang cây thông không? Muốn không hả?

- Vâng! Vâng. Chúc anh ngủ ngon!- Rồi nó treo ống nói.

- Chúc ngủ ngon! Chúc ngủ ngon, Sally, em thân yêu! Mặt trời bé nhỏ của anh, cô bé đáng yêu của anh! - Tôi rên rỉ. Bạn có hình dung nổi tôi say đến mức nào không?

Sau đó, tôi đành treo ống nghe lên và nghĩ, có lẽ nó mới đi chơi về. Tự nhiên tôi tưởng tượng nó vui vẻ ở nơi nào đó cùng vợ chồng Lunt và thằng công tử bột từ Andover kia. Hình như chúng tụ trong một cái ấm trà khổng lồ và chuyện trò bằng thứ giọng cố tình thanh tao, điệu bộ phô trương, uốn éo. Tôi nguyền rủa mình vì đã gọi điện cho nó. Nhưng khi đã nốc say, tôi cứ như thằng không bình thường vậy.

Tôi đứng trong trạm điện thoại chết giẫm ấy khá lâu, ôm chặt máy để khỏi bất tỉnh. Nói thật, tôi cảm thấy trong người mệt quá chừng. Cuối cùng, tôi cũng ra khỏi được chỗ đó và vào nhà vệ sinh nam, chuệnh choạng như một thằng ngốc. Ở đó, tôi mở nước lạnh chảy đầy bồn rồi chúi đầu xuống cho nước ngập đến tận tai. Sau đó tôi cũng chả thèm lau đầu. Kệ thây nó, tôi nghĩ, cho nước chảy ướt rườn rượt như chuột lột. Sau đó, tôi lại gần máy thông hơi, bên cửa sổ, ngồi lên nó. Nó ấm áp quá chừng. Ngồi đó thật dễ chịu và tôi thì đang lạnh run như chó sói. Thật nực cười, nhưng cứ mỗi lần uống say, tôi lại lên cơn sốt.

Chả có việc gì làm cả, tôi ngồi trên cái máy thông hơi đếm gạch hoa trắng dưới sàn. Tôi ướt quá trời. Nước từ đầu chảy xuống cổ, cà vạt ướt sũng, cả cổ áo nữa, nhưng tôi nhổ toẹt vào chuyện đó. Bỗng gã đệm đàn cho Valencia, cái thứ công tử bột chết giẫm giống hệt đàn bà, có bộ tóc xoăn tít, bước vào, tay vuốt vuốt mái tóc quăn vàng của hắn. Tôi nói chuyện trong lúc gã chải đầu, dù gã chẳng niềm nở với tôi mấy.

- Nghe này, anh sẽ thấy cô Valencia khi trở về gian phòng chính chứ?- Tôi hỏi.

- Không loại trừ khả năng đó! - Gã trả lời. Gã khích đấy, rõ đồ ngu. Tôi thật may với mấy thằng ngu hóm hỉnh.

- Nghe này, anh chuyển hộ lời chào của tôi đến cô ấy nhé. Hỏi hộ xem lão đầu bếp đểu cáng đã chuyển lời của tôi đến cô ấy chưa, được không?

- Sao cậu chưa về nhà hả Mac. Của đáng tội, cậu bao nhiêu tuổi hả?

- Tám mươi sáu. Nghe này, hãy chuyển lời chào của tôi đến cô ấy nhé. Được không?

- Sao cậu không về nhà hả Mac?

- Không về! Ồ anh chơi đàn dương cầm tuyệt thật, quỷ tha ma bắt!

Tôi cố tình nói dối. Thực ra, gã chơi thối không ngửi nổi.

- Lẽ ra anh phải biểu diễn trên Đài mới đúng. - Anh lại đẹp nữa. Tóc vàng quăn tít, và đại loại như vậy. Anh cần người chủ thầu tổ chức biểu diễn hả?

- Về nhà đi, Mac. Hãy tỏ ra thông minh một chút, về nhà đi ngủ đi.

- Tôi chả có nhà cửa nào hết. Thực đấy, anh cần người chủ thầu tổ chức biểu diễn phải không?

Gã thậm chí không buồn trả lời. Gã bước ra, ép mớ tóc quăn xuống rồi bỏ đi. Giống hệt thằng Stradlater. Tất tật lũ chó má đẹp mã ấy giống hệt nhau. Chúng chải tóc, tỉa tót xong rồi bước đi bỏ lại bạn một mình.

Cuối cùng khi rời máy thông hơi về phòng gửi áo ngoài, tôi khóc rống lên. Chả có lý do nào hết, cứ đi và gào lên. Có lẽ, đó là vì tôi rất cô đơn và rầu rĩ. Khi lại gần phòng gửi áo ngoài, tôi không sao tìm được số của mình. Nhưng bà giữ áo hoá ra rất tốt. Bà ấy trả bành tô cho tôi mà không cần số. Và cả chiếc đĩa hát Cô bé Chirley Beans, tôi cứ thế cầm nó theo. Tôi muốn cho bà giữ áo một đô vì lòng tốt của bà, nhưng bà ấy không nhận. Bà ấy ra sức thuyết phục tôi lập tức về nhà đi ngủ. Tôi cố hẹn gặp bà, nhưng bà không muốn. Bà nói bà đáng tuổi mẹ tôi. Lúc đó, tôi cho bà xem túm tóc bạc trắng của mình rồi nói, tôi đã bốn mươi tư tuổi - tôi đùa, dĩ nhiên rồi. Bà ấy thật tốt bụng. Thậm chí bà ấy thích cả cái mũ thợ săn chết dẫm của tôi và nhắc tôi đội vào vì tóc đang ướt đẫm. Một phụ nữ tuyệt vời.

Ngoài trời, cơn say của tôi biến sạch. Lạnh khủng khiếp, răng tôi không đập nổi vào nhau. Tôi run rẩy toàn thân, không sao ghìm được. Tôi đến đại lộ Medison đợi xe buýt, tôi gần như hết sạch tiền nên không thể gọi taxi được. Nhưng tôi ghét lên xe buýt quá chừng. Ngoài ra, chính tôi cũng không biết mình sẽ phải đi đâu. Thế nên thử đi qua cái hồ nhỏ xem lũ vịt quái quỉ có đó không. Đến giờ tôi vẫn chưa biết điều đó. Công viên ở gần đây, mà tôi cũng chả có nơi nào để đi, thậm chí không biết sẽ ngủ đêm ở đâu, nên cắm đầu chạy thẳng đến đó. Tôi không thấy mệt, nói chung, chả cảm thấy gì hết ngoài nỗi buồn khủng khiếp.

Tôi vừa vào công viên thì xảy ra một việc khốn kiếp. Tôi đánh rơi đĩa hát của em tôi. Nó vỡ tan thành nghìn mảnh, tuy vẫn nằm trong cái bao giấy rộng nhưng đã nát vụn. Tôi suýt khóc rống lên, tôi tiếc cái đĩa quá chừng, nhưng chỉ móc những mảnh vụn ra khỏi bao giấy, nhét vào túi áo. Chả còn gì cứu vãn được nữa, nhưng tôi không muốn vứt đi. Tôi đi dọc công viên. Bóng tối ở đây thật khủng khiếp.

Cả đời tôi sống ở New York và biết rõ công viên trung tâm này như lòng bàn tay mình. Từ nhỏ tôi đã trượt băng trên đôi giày trượt có bánh, rồi đi xe đạp ở đấy - thế mà tôi không tài nào tìm nổi cái hồ nhỏ. Tôi biết rành rành - nó ở gần Cửa Nam, nh ưng không sao tìm ra nổi. Có lẽ tôi say hơn mình tưởng. Tôi cứ đi mãi, trời tối hơn, và mỗi lúc càng khủng khiếp. Tôi không gặp phải ai hết, lạy Chúa, có lẽ tôi sẽ nhảy dựng lên vì sợ nếu chẳng may gặp phải kẻ nào. Cuối cùng tôi cũng tìm ra được cái hồ. Nhưng chả có lũ vịt nào ở đó. Tôi đi vòng quanh hồ suốt lượt, thiếu chút nữa thì ngã xuống đó, nhưng không thấy một con nào. Tôi nghĩ, có thể chúng đang ngủ bên bờ, trong các lùm cây, nếu vẫn còn ở đây. Chút nữa tôi lộn cổ xuống nước, vậy mà chả tìm ra nổi con vịt nào.

Cuối cùng tôi ngồi xuống ghế băng, chỗ đó không đến nỗi tối tăm lắm. Tôi run như một thằng khốn nạn, tóc ở gáy biến thành những que băng nhỏ dù đã đội mũ săn. Tôi phát hoảng, bỗng nhiên tôi bị sưng phổi rồi chết thì sao? Tôi hình dung cả triệu thằng giả đối đến dự đám tang tôi. Cả ông nữa, ông từ Detroit đến, ông thường gào lên tên đường phố, khi tôi đi xe buýt cùng ông, còn các bà cô sẽ chạy lại - chỉ riêng các bà cô tôi đã có đến năm chục người, và tất tật đều là cặn bã. Sẽ có một đám đông khổng lồ, chả có thể nói thêm được điều gì nữa. Tất tật bọn họ đã bổ nhào đến khi Allie chết, cái lũ chết giẫm ấy. Anh D.B kể, có một bà cô ngu xuẩn, mồm tứ thời bốc mùi, cứ khóc mãi rằng thằng bé nằm ngoan quá. Tôi không có ở đó, lúc đó tôi nằm viện vì cứa phải tay sâu quá, buộc phải chữa chạy.

Còn lúc này tự nhiên tôi lại nghĩ mình sẽ bị sưng phổi, tóc hoá thành băng hoàn toàn và tôi sẽ chết. Tôi thấy thương bố mẹ. Nhất là mẹ, bà vẫn chưa kịp trấn tĩnh sau cái chết của Allie. Tôi hình dung bà đứng mãi không biết cất quần áo và đồ thể thao của tôi vào đâu. Chỉ có một điều an ủi tôi, người ta sẽ không để em gái tôi đến dự đám ma chết giẫm của tôi, vì nó còn quá nhỏ. Một sự an ủi duy nhất. Nhưng rồi tôi lại hình dung thấy cả đoàn người quái quỷ ấy vùi tôi trong nghĩa địa, đặt tôi lên tảng đá có khắc tên. Xung quanh rặt thây ma. Phải, vừa mới chết, họ đã vùi ngay bạn xuống đất! Chỉ còn một hy vọng, khi tôi chết sẽ tìm được một người thông minh và hắn sẽ quẳng tôi xuống sông. Quẳng đâu cũng được, miễn là đừng có bị ném vào cái nghĩa địa ngàn lần đáng nguyền rủa ấy. Lại còn đến viếng thăm bạn mỗi chủ nhật, đặt hoa lên bụng bạn nữa. Cùng một trò vớ vẩn chết giẫm! Người chết thì cần quái gì hoa cơ chứ? Ai còn cần đến chúng?

Lúc trời đẹp, cha mẹ tôi thường ra nghĩa địa đặt hoa lên mộ Allie. Tôi đi cùng họ hai lần rồi thôi. Thứ nhất chả vui vẻ gì khi phải thấy nó trong cái nghĩa trang đê tiện này. Nó nằm đó, xung quanh toàn thây ma cùng bia kỷ niệm. Khi có nắng thì không sao, nhưng cả hai lần, chúng tôi ở đó, tự nhiên trời bắt đầu mưa. Không thể chịu nổi. Mưa rơi thẳng xuống mộ, xuống đám cỏ mọc trên bụng thằng bé. Mưa như trút nước. Tất cả những người thăm mộ bỗng chạy ra xe như phát cuồng, bật ra điô rồi phóng đến một nhà hàng khá giả nào đó ăn trưa. Với ai cũng có thể làm như vậy được, trừ Allie của tôi. Thật đê tiện không chịu nổi. Tôi biết, ở ngoài đó, chỉ có thân xác nó, còn linh hồn nó đã lên trời, nhưng tôi vẫn không chịu đựng nổi. Tôi không muốn nó nằm đó chút nào. Các bạn không biết nó chứ, nếu biết thì đã hiểu cho tôi. Khi trời nắng, thì không đến nỗi não, nhưng trời chỉ nắng khi trời muốn mà thôi.

Rồi bỗng nhiên, để khỏi nghĩ đến chứng sưng phổi, tôi móc tiền ra đếm, dù đèn đường hầu như chả có. Tôi còn cả thảy ba đô, tôi đã phung phí cả một gia tài từ lúc rời Pencey. Tôi lại gần hồ, lần lượt thả từng đồng xuống chỗ nước không đóng băng. Tôi không biết mình làm thế để làm gì, có lẽ để lãng quên mọi ý nghĩ về bệnh sưng phổi và cái chết. Nhưng tôi không quên nổi.

Tôi lại nghĩ, chuyện gì sẽ xảy ra với Phoebe khi tôi có kết cục khủng khiếp thế. Dĩ nhiên, nghĩ đến chuyện này thật ấu trĩ. Nhưng tôi đã không thể dừng lại được. Con bé đối xử với tôi rất tốt. Nó yêu tôi thực sự. Tôi không tài nào vứt bỏ được những ý nghĩ ngu xuẩn chết giẫm ấy ra khỏi đầu óc và cuối cùng quyết định làm việc này, về nhà nhìn nó dù sau đó có thể thực sự bị sưng phổi rồi chết. Chìa khoá nhà tôi có mang theo người, và tôi định hành động như sau, mò vào nhà thật khẽ rồi nói với Phoebe dù chỉ một lời. Chỉ có một điều làm tôi lo ngại, cửa chính nhà tôi cứ rít lên cọt kẹt suốt. Toà nhà ấy khá cũ, người quản lý lười như quỷ. Cửa vào tất cả các hộ đều cọt kẹt. Tôi sợ bỗng cha mẹ tôi nghe thấy tôi về thì sao. Nhưng tôi vẫn quyết thử xem sao.

Tôi ra khỏi công viên, đi về nhà. Tôi đi bộ suốt. Chúng tôi sống không xa công viên lắm, và tôi chẳng mệt mỏi chút nào, cả cơn say cũng biến mất. Chỉ có điều, tôi đang lạnh ghê người và xung quanh chả có ma nào hết.

Chương 21

Đã lâu, tôi không được may mắn như lần này. Khi về đến nhà, tôi phát hiện nhân viên gác thang máy đêm thường xuyên của chúng tôi, gã Peter, không trực. Cạnh thang máy là một gã mới, lạ hoắc, tôi hình dung nếu không đụng ngay phải bố hoặc mẹ, tôi có thể gặp em gái một lúc rồi chuồn để không ai thấy tôi về. Tôi gặp may, chả phải bàn thêm về vào đó, gã mới này rất ngờ nghệch. Tôi khinh khỉnh nói với gã rằng tôi cần lên hộ Dicksteins. Gia đình này sống cùng tầng tôi. Không bỏ mũ thợ săn ra để khỏi có bộ dạng khả nghi, tôi nhảy bổ vào thang máy, làm như có việc khẩn cấp lắm. Gã đã đóng cửa và định bấm nút, nhưng bỗng nhiên quay lại nói:

- Họ không có nhà đâu. Họ lên tầng 14 chơi.

- Không sao, - tôi nói. - Họ dặn tôi chờ, tôi là cháu họ.

Gã đờ đẫn và nghi ngờ nhìn tôi.

- Vậy thì tốt hơn cậu chờ ở dưới, ngay phòng ngoài ấy, anh bạn trẻ ạ!

- Tôi sẵn lòng thôi! Dĩ nhiên, như vậy thì hay hơn - tôi nói, - nhưng chân tôi đau, phải giữ nó ở vị trí ổn định. Tốt hơn là tôi sẽ ngồi ở ghế băng cạnh cửa nhà họ.

Hắn thậm chí chả hiểu nổi tôi nói gì, chỉ trả lời: "Vậy thì thôi!" - rồi đưa tôi lên. Không đến nỗi tồi đấy chứ. Thật nực cười, chỉ cần nói tầm bậy với ai đó một cái gì khó hiểu là hắn làm theo ý bạn ngay.

Tôi bước lên tầng nhà mình, khập khễnh như một con chó què vậy, rồi bước tiếp đến cửa nhà Dicksteins. Nhưng khi cửa thang máy vừa sập lại, tôi quay ngay về phía nhà mình. Mọi sự đều tốt đẹp. Cơn say đã biến sạch. Tôi móc lấy chìa khoá, mở cửa ra vào khẽ như chuột. Sau đó, tôi khép cửa thật thận trọng rồi vào hành lang. Tôi cũng có thể làm một tên gangster đấy chứ! Ở hành lang tối như hũ nút, mà tôi thì các bạn hiểu đấy, không được bật đèn. Phải đi thật thận trọng và không được va vào đồ đạc để khỏi gây ra tiếng động. Nhưng tôi đã cảm thấy mình đang ở nhà. Phòng ngoài nhà tôi có mùi rất riêng biệt, chẳng nơi nào có hết. Tự tôi cũng không biết mùi gì, không hẳn mùi đồ ăn, chẳng hẳn mùi nước hoa, thật khó mà hiểu nổi, nhưng cảm thấy ngay là mình ở nhà. Thoạt đầu, tôi muốn cởi bành tô, treo vào tủ, nhưng trong đó đầy những mắc áo, chúng sẽ rền rĩ lên như một lũ điên khi bạn mở cửa tủ, tôi đành mặc nguyên như cũ. Sau đó, tôi bước khẽ khàng trên đầu ngón chân, đến phòng Phoebe. Tôi biết, chị hầu phòng nhà tôi không nghe thấy, vì có lẽ chỉ có màng trống chứ không phải màng nhĩ. Thằng em trai chọc rơm thủng tai chị từ hồi còn nhỏ, chính chị đã kể cho tôi. Chị ấy thì hoàn toàn điếc đặc. Nhưng bù vào đó, bố mẹ tôi, đúng hơn là mẹ tôi lại thính tai kinh khủng. Khi qua phòng ngủ của bố mẹ, tôi cố thận trọng hết mức. Thậm chí tôi còn cố nín thở. Bố tôi thì không sao, có đụng cả ghế vào đầu ông cũng chẳng tỉnh dậy, nhưng mẹ thì dù có ho tận Xibêri, bà cũng nghe thấy. Thần kinh bà thì có trời biết được. Đêm, bà không ngủ được và cứ hút thuốc vô độ.

Tôi mò mẫm cả tiếng đồng hồ mới đến được phòng Phoebe. Nhưng nó không có ở đó. Tôi quên đứt là nó luôn ngủ ở phòng anh D.B khi anh đến Hollywood hoặc đi đâu đó. Nó thích ngủ ở phòng anh ấy, vì đó là phòng rộng nhất nhà tôi. Và còn vì ở đó có cái bàn cũ rộng khiếp người. Anh D.B mua nó của một mụ nghiện ngập ở Philadelphia. Cả giường ở đó cũng khổng lồ, dễ đến mười dặm chiều rộng, mười rặm chiều dài. Tôi không biết, anh ấy kiếm đâu ra cái giường này. Tóm lại, Phoebe thích ngủ ở phòng anh D.B khi anh ấy không có nhà mà anh cũng chẳng phản đối. Giá bạn thấy con bé học bài bên cái bàn chết giẫm ấy, nó cũng có kích cỡ như cái giường vậy. Hầu như chả thấy Phoebe đâu, khi nó học bài ở đó. Thế mà nó lại thích cái bàn. Nó không thích phòng mình vì phòng nó chật. Nó nói, nó thích "lan toả". Thật nực cười, nó thì lan toả gì ở đó mới được chứ, cái con nhỏ ngốc nghếch ấy?

Tôi mò thật khẽ vào phòng anh D.B, bật đèn trên bàn làm việc. Phoebe của tôi vẫn không tỉnh dậy. Tôi nhìn nó rất lâu trong ánh đèn. Nó ngủ say, làm gập cả góc gối, miệng nó hé mở. Thật kỳ quặc: nếu người lớn ngủ há miệng thì trông thật gớm ghiếc, nhưng trẻ con thì không. Với trẻ con cái gì cũng khác. Thậm chí chúng có nhỏ dãi trong mơ trông cũng chả khó chịu chút nào.

Tôi đi lại trong phòng rất nhẹ, nhìn quanh. Tự nhiên tâm trạng tôi trở nên phần khởi và thậm chí cũng không còn nghĩ đến sưng phổi nữa. Đơn giản là tôi lại thấy vui. Trên chiếc ghế gần giường có áo đầm của Phoebe. Nó thực ngăn nắp, ở lứa tuổi ấy. Bạn hiểu không, nó chả bao giờ quăng đồ bừa bãi như những đứa trẻ khác. Trên lưng ghế treo cái áo vét nâu nhạt trong bộ váy áo mẹ tôi mua cho nó ở Canada. Áo choàng nằm trên mặt ghế, còn giày với đôi tất gấp cẩn thận bên trong để ngay dưới gầm ghế. Tôi còn chưa biết đôi giày này. Nó mới được mua. Một đôi giày nâu sẫm, mềm mại, tôi cũng có một đôi như thế. Đôi giày rất hợp với bộ váy áo kia. Mẹ tôi cho nó ăn mặc rất diện, rất đẹp. Khiếu thẩm mỹ của mẹ tôi thật đáng kinh ngạc, dĩ nhiên là không phải trong mọi vấn đề. Tỉ như giày trượt băng chẳng hạn thì mẹ tôi không biết mua, nhưng trong mọi thứ còn lại, khiếu thẩm mỹ của bà thật hoàn hảo. Phoebe bao giờ cũng mặc những chiếc áo váy tuyệt vời, nhìn bà có thể chết ngất đi được! Bạn cứ thử nhìn những đứa trẻ khác mà xem, quần áo chúng thật ghê người, cho dù bố mẹ chúng giàu có thực sự đi nữa. Giá bạn được nhìn thấy Phoebe trong bộ váy áo tôi vừa nhìn, nó thật dễ chịu, nói có trời chứng giám.

Tôi ngồi xuống bàn làm việc của ông anh, nhìn xem có những gì trên bàn, Phoebe đặt sách vở, giáo trình của nó ở đó. Rất nhiều sách giáo khoa. Trên cùng có cuốn sách nhỏ với tên gọi "Số học lý thú". Tôi mở cuốn sách ra và nhìn thấy trang đầu tiên có hàng chứ: Phoebe Weatherfield Caulfield 4B - 1 Suýt nữa thì tôi phá lên cười. Tên thứ hai của nó là Joserphine chứ không phải là Weatherfield! Nhưng nó không thích cái tên đó. Lúc nào nó cũng nghĩ ra cho mình một cái tên thứ hai mới.

Số học này, địa lý này, rồi đến sách giáo khoa môn chính tả. Nó viết rất đẹp, rất đúng. Nói chung, con bé học rất khá, nhưng nó viết khá nhất. Cả một đống sổ tay nằm dưới sách dạy chính tả, có vẻ như nó có đến cả năm ngàn sổ tay, nếu không hơn. Chưa bao giờ tôi thấy đứa trẻ nào có lắm sổ như nó. Tôi mở cuốn sổ trên cùng, đọc những dòng chữ ghi chép ở trang đầu tiên. "Bernis, hãy chờ mình vào giờ nghỉ, cần nói một chuỵên cực kỳ quan trọng". Chả còn chữ nào khác ở trang nào. Tôi lật trang sau, ở đó có ghi: "Tại sao ở đông nam Alasca lắm nhà máy đồ hộp thế? Bởi vì ở đó có nhiều cá hồi. Tại sao ở đó có gỗ quý? Bởi vì ở đó có khí hậu thích hợp. Chính phủ ta đã làm gì để cải thiện đời sống cho người Eskimo ở Alaska?

Học thuộc ngày mai. Phoebe Weartherfield Caulfield Phoebe W. Caulfield Bà Phoebe Weatherfield Caulfield Hãy chuyển cho Shirley!!! Shirley, bạn nói hành tinh của bạn là sao Thổ, nhưng đó chỉ là sao Hoả, hãy đem theo giày trượt băng khi bạn đến rủ mình". Tôi ngồi bên bàn viết của anh D.B lần lượt đọc toàn bộ cuốn sổ ghi chép ấy. Tôi đọc xong rất nhanh. Nói chung, tôi có thể đọc những dòng gà bới của trẻ con kiểu này từ sáng đến tối, của đứa nào cũng được. Những gì chúng viết đều nực cười, cái lũ con nít ấy. Sau đó, tôi hút thuốc, điếu cuối cùng trong bao. Có lẽ tôi đã hút đến ba chục bao trong cái ngày này. Cuối cùng, tôi quyết định đánh thức Phoebe. Không thể ngồi cả đời bên bàn viết, ngoài ra, tôi còn sợ nếu nhỡ cha mẹ tôi xuất hiện, mà tôi thì chỉ muốn gặp riêng nó. Thế là tôi đánh thức nó dậy.

Nó rất dễ tính. Chả cần gào lên, chả cần lay nó. Chỉ cần ngồi xuống giường và nói: "Phoebe, dạy đi nào"! Nó đã - hấp! và tỉnh ngay.

- Holden! - Nó nhận ra tôi ngay. Rồi đưa tay ôm chặt lấy cổ tôi. Nó rất hay âu yếm. Thậm chí nhiều lúc còn quá ư âu yếm. Tôi hôn nó, nó nói: "Anh về lúc nào?". Nó sung sướng vì tôi quá chừng. Thấy rõ ngay là vậy.

- Khẽ thôi! Anh mới về. Còn em thế nào?

- Tuyệt! Anh có nhận được thư em không? Em viết cho anh đến cả năm trang ấy.

- Có, có. Đừng làm ầm lên. Anh có nhận được. Cám ơn.

- Tôi có nhận được nhưng không kịp trả lời. Trong thư toàn nói về vở kịch ở trường mà nó tham gia. Nó viết tôi phải thu xếp chiều thứ sáu để đến xem bằng được vở đó.

- Thế kịch của bọn em ra sao? - Tôi hỏi - Anh quên tên rồi.

- "Tuồng câm lễ Giáng Sinh cho người Mỹ", - nó nói. - Kịch bản tồi lắm, nhưng em đóng vai Benedict Arnold. Vai của em lớn nhất đấy! - Cơn buồn ngủ biến mất! Mặt nó đỏ bừng, rõ ràng là rất thích kể lể. - Anh biết không, vở kịch mở đầu với cảnh em đang hấp hối. Ngày trước lễ Giáng Sinh, vị thần đến hỏi xem em có thấy xấu hổ không, khi phản bội Tổ quốc ấy, đại loại như vậy. Anh sẽ đến chứ?

- Nó thậm chí còn nhảy lên trên giường. - Em đã viết cho anh hết rồi. Anh đến chứ?

- Dĩ nhiên rồi, anh sẽ đến!

- Bố không đến được. Bố phải bay đến California. - Mới chưa đầy một phút mà nó đã hoàn toàn tỉnh như sáo! Nó nhỏm dậy, quỳ đầu gối, giữ tay tôi. - Anh nghe này, - nó nói, - mẹ bảo anh đến thứ tư mới về. Đúng thế, thứ tư!

- Họ cho về sớm hơn. Đừng có ầm lên thế. Em làm tất cả thức giấc bây giờ.

- Mấy giờ rồi? Mẹ bảo, bố mẹ sẽ về rất muộn. Bố mẹ đến Norwalk, Connecticut chơi. Anh đoán xem em làm gì hôm nay nào? Anh biết em xem phim gì không?

- Anh không biết. Em nghe này, thế bố mẹ không nói, lúc nào...

- "Đốc tờ", - một bộ phim đặc biệt. Đang chiếu ở hội Lister. Chỉ một ngày thôi, chỉ một ngày, anh hiểu không? Phim nói về một đốc tờ từ Kentucky, ông ấy phủ chăn lên mặt một cô bé, cô bé bị tàn tật, không đi được. Ông ta bị tống giam vào tù, đại loại như vậy. Phim rất hay!

- Gượm đã nào! Bố mẹ không nói, bao giờ...

- Vậy mà ông đốc tờ này lại thương cô bé kinh khủng. Vì vậy mà ông ấy phủ chăn lên mặt để giúp cô bé chết ngạt. Ông ấy bị tù chung thân, nhưng cô bé ấy thì luôn luôn hiện về trong mơ cám ơn ông ta. Hoá ra, đó là lòng nhân từ chứ chả phải vụ sát nhân. Nhưng dẫu sao ông ấy cũng biết là mình đáng bị đi tù vì con người không được quyền làm những việc gì thuộc quyền Chúa. Bọn em được mẹ Alice Homborg cùng lớp dẫn đi. Nó là bạn gái tốt nhất của em đấy. Cả lớp chỉ có mình nó biết làm...

- Khoan nào, em có nghe thấy không? Anh đang hỏi em, bố mẹ có nói sẽ về nhà lúc mấy giờ không?

- Không, không nói, mẹ chỉ bảo về rất muộn. Bố lấy xe hơi đi để khỏi phải vội vàng ra tàu. Xe hơi nhà mình có radio đấy. Chỉ có điều mẹ nói là không được bật khi đang chạy tốc độ lớn.

Tôi cảm thấy bình tĩnh. Không còn lo bị bắt quả tang ở nhà nữa. Mà nói chung, tôi nghĩ nếu có bị bắt quả tang thì cũng mặc!

Giá bạn thấy Phoebe của tôi bây giờ, tuyệt thật. Nó mặc áo ngủ màu xanh nước biển, quanh cổ có những con voi đỏ nhỏ xíu. Nó thích voi mê mệt.

- Có nghĩa là phim hay phải không? - Tôi hỏi.

- Tuyệt vời, chỉ có điều Alice bị sổ mũi, mẹ nó ám nó suốt buổi, sợ nó lên cơn sốt. Phim đang chiếu mà bà ấy cứ hỏi hoài. Vừa mới bắt đầu cảnh hay nhất, bà cứ cúi qua cả em mà hỏi: "Con có sốt không?" khiến em bực cả mình. Bỗng tôi nhớ đến cái đĩa hát.

- Em biết không, anh đã mua cho em cái đĩa hát hay lắm nhưng lại đánh vỡ dọc đường. - Tôi lôi những mảnh vụn từ túi áo ra cho nó xem. - Lúc đó anh say rượu.

- Cho em những mảnh ấy đi, - nó nói. - Em sưu tập chúng. - Nó cầm những mảnh vụn rồi giấu ngay xuống bàn ngủ. Thật buồn cười!

- Anh D.B có về dự Giáng Sinh không? - Tôi hỏi.

- Mẹ nói, có thể có mà cũng có thể không. Còn phụ thuộc vào công việc. Có thể, anh ấy buộc phải ở lại Hollywood viết kịch bản về Annapolis.

- Lạy Chúa, tại sao lại về Annapolis?

- Về cả tình yêu, và về tất cả. Anh đoán xem, ai sẽ đóng phim ấy? Minh tinh màn bạc nào? Đấy, anh không đoán nổi đâu!

- Anh chả quan tâm đến. Em thử nghĩ xem, anh ấy thì biết gì về Annapolis, lạy Chúa! Cái đó thì có liên quan gì đến chuyện ngắn của anh ấy cơ chứ? - Phì, đến mụ cả người vì những trò nhảm nhí của Hollywood chết giẫm! - Mà tay em làm sao đấy? - Tôi thấy ở khuỷu tay nó dán băng dính. Áo ngủ nó không tay nên tôi nhìn thấy.

- Một thằng ở lớp em, Curtis Weintraub va phải khi em chạy trên cầu thang ở công viên. Anh muốn không, em cho xem? - Rồi nó bắt đầu bóc băng dính ra.

- Đừng động đến! Thế sao nó lại va phải em?

- Em không biết. Hình như nó rất ghét em, - Phoebe nói. Em cùng với một đứa nữa, Selma Etterbery ấy mà đã bôi mực lên khắp áo nó.

- Không tốt đâu.

- Nhưng lúc nào nó cũng đi theo em. Em vừa vào công viên, nó đã ở đằng sau rồi. Nó làm em phát cáu.

- Thế ngộ nhỡ nó thích em. Không nên bôi mực lên áo người ta chỉ vì chuyện đó.

- Em không muốn nó thích em, - nó nói. Rồi bỗng nhiên nó nhìn tôi nghi hoặc - Holden, anh nghe này! Sao anh lại về trước thứ tư?

- Gì cơ?

Đúng, phải cảnh giác với nó. Nếu bạn nghĩ rằng nó là một con ngốc, thì có lẽ bạn điên.

- Sao anh lại về trước thứ tư? - Nó lặp lại- Chắc anh lại bị đuổi chứ gì?

- Anh đã giải thích cho em rồi mà. Họ cho bọn anh về sớm hơn. Cả lớp...

- Không, anh vừa bị đuổi học! Bị đuổi học! - Nó nhắc lại, lấy hết sức đấm vào đầu gối tôi. Nó đánh nhau rất khiếp, nếu bị ai gây sự. - Bị đuổi học. Ôi, Holden!- Nó đưa tay lên bịt miệng mình có vẻ phiền muộn kinh khủng.

- Ai nói với em là vậy? Không ai...

- Không, anh bị đuổi! Anh bị đuổi! - Và nó lại đấm vào đầu gối tôi. Nếu bạn nghĩ là tôi không đau thì bạn nhầm to. - Bố sẽ giết anh! - Rồi bỗng nhiên nó ngã đánh uỵch, sấp mặt xuống giường rồi rúc đầu xuống gối. Nó thường làm như vậy. Đơn giản là phát điên lên được, thật đấy.

- Thây kệ! - Tôi nói. - Chả ai giết anh cả, thậm chí là động tay vào anh... thôi nào, im đi, Phoebe, bỏ cái gối chết giẫm kia ra. Chả ai có ý định đánh anh đâu.

Nhưng nó vẫn không bỏ gối ra. Chả ai đủ sức chống chọi với cái tính bướng như bò của nó. Nó nằm và khẳng định.

- Bố sẽ giết anh, bố sẽ giết anh, - giọng nó từ dưới gối vọng lên khe khẽ.

- Chả ai làm thế hết. Đừng có tưởng tượng ra. Thứ nhất, anh sẽ bỏ đi. Em có biết anh sẽ làm gì không? Anh sẽ kiếm việc ở một trại chăn nuôi gia súc nào đó, dù chỉ tạm thời thôi. Anh quen một thằng, ông nó có trại như thế ở Colorado. Có thể, ở đó họ sẽ cho anh làm việc. Anh sẽ viết cho em ngay từ nơi đó, nếu anh đi. Nào, thôi đi! Bỏ cái gối quái quỷ kia ra! Nghe thấy không, Phoebe, anh xin em! Thây kệ nó, em nghe thấy không?

Nhưng nó vẫn giữ cái gối. Tôi muốn kéo ra, nhưng con bé khoẻ như quỷ. Đánh nhau với nó sẽ mệt đấy. Một khi đã úp gối lên đầu thì đừng có hòng nó chịu bỏ ra.

- Nào, Phoebe, anh xin mà. Em ra đi, nghe thấy không? - Tôi cầu xin. - Này, Weatherfield, chui ra đi, lẹ lên!

Không, nó không muốn. Chả bao giờ có thể thoả thuận được với nó. Cuối cùng tôi đứng dậy, bỏ sang phòng khách, lấy thuốc lá trong ống trên bàn nhét vào túi. Tôi mệt bở hơi tai.

Loading...

Tiểu thuyết tình yêu là website chia sẻ những thể loại truyện hay nhất hiện nay, được nhiều người đọc yêu thích. Truyện được cập nhập hàng ngày. Hãy lưu địa chỉ web để truy cập nhanh hơn!

Chúc các bạn online vui vẻ !

Laptop Tùng Anh

Tour Phú Quốc

Vinhomes Cầu Rào 2

Trang Chủ