Tiểu thuyết tình yêu

Tiểu Thuyết Tình Yêu

Đọc truyện tại Tiểu Thuyết Tình Yêu

Loading...

Tiểu thuyết - Người phiên dịch - Trang 8

Full | Lùi trang 7 | Tiếp trang 9

Chương 43

TRÌNH GIA DƯƠNG


Tôi liên tục gọi cho Kiều Phi hết lần này tới lần khác, nhưng chẳng có ai bắt máy.

Rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì rồi?

Cô ấy đã đồng ý tới đây gặp tôi rồi kia mà.

Tôi không biết sắc mặt mình lúc này thế nào nữa. Văn tiểu Hoa ngồi trước mặt tôi, nhìn tôi vừa hút thuốc vừa gọi điện như điên.

Không biết tình trạng đó kéo dài bao lâu. Tôi đứng dậy, tiến tới cửa sổ nhìn ra quảng trường Concorde. Mặc dù đã hoàng hôn rồi, nhưng lượng người đi lại vẫn rất đông.

Từ hoài nghi, thất vọng tôi chuyển sang lo lắng. Cho dù Kiều Phi có tới hay không, thì cô ấy cũng nên gọi điện cho tôi chứ. Cô ấy chỉ có một thân một mình, tôi sợ đã có chuyện xảy ra.

Tôi muốn kể hết sự thật cho Tiểu Hoa nghe, nên khi cô ấy bước vào, tôi liền nói: “Tiểu Hoa à, thực sự anh đang chờ một người bạn khác”.

Cô ấy nói: “Được thôi, chúng mình cùng chờ”. Rồi lại hỏi: “Gặp em ở đây anh có ngạc nhiên không?”.

Tôi gật đầu, lại liên tục gọi điện, cũng chẳng có thời gian nói chuyện với cô ấy nữa.

Có người gõ cửa, tôi chạy ra mở, hóa ra là thư ký đi cùng trong đoàn. Anh ta nói với tôi rằng lãnh đạo bất ngờ thay đổi kế hoạch, tối nay đoàn sẽ rời Paris tới Brussels.

Tôi đáp: “Được”.

Rồi từ từ ngồi xuống ghế, cảm thấy rất đau đầu.

Tiểu Hoa hỏi: “Thế nào? Anh đã liên lạc được với cô ấy chưa?”

“Chưa”. Tôi lắc đầu.

“Thế thì anh mau chóng gọi cho cô ấy đi, chúng ta đi rồi, cô ấy đến lại không gặp thì làm thế nào?”

Tôi nhìn Tiểu Hoa, đặt tay lên vai cô, tôi đã công khai trắng trợn như vậy, thế mà cô ấy vẫn nghĩ cho tôi. “Em nói rất đúng Tiểu Hoa à, cảm ơn em. Anh sẽ bảo cô ấy đừng đến nữa, anh phải đi rồi”.

“Anh mau gọi điện đi. Cố gắng tìm được cô ấy”. Tiểu Hoa đưa điện thoại cho tôi.

Đúng lúc này thì điện thoại của tôi đổ chuông. Tôi nhìn vào màn hình, là số của Kiều Phi. Lúc đó, tôi dẹp bỏ mọi ý nghĩ, trong lòng thầm nghĩ Kiều Phi đến rồi. Vậy tôi sẽ phải nghĩ cách để thoát khỏi đoàn đại biểu, tôi phải tìm cách để được ở lại đây chờ cô.

Tôi liền nghe máy: “A lô”.

“Gia Dương”.

Tôi đứng bật dậy hỏi: “Em đang ở đâu thế?”

“Montpellier. Anh nghe em nói này, em thật sự xin lỗi anh. Bất ngờ, em phải thi một môn rất quan trọng, em vừa thi xong. Em quên không nói cho anh”.

Không sao rồi. Tôi thầm nghĩ, không xảy ra chuyện gì với cô ấy là tốt rồi.

“Thế khi nào em có thể tới đây? Mà thôi, hay là để anh tới gặp em”.

“Không được, em không đi được, anh cũng đừng tới bởi gần đây em rất bận, em còn phải cùng thầy giáo đi thực tập ở chỗ khác, em...”

Tôi không hiểu cô ấy đang nói gì nữa, có phải cô ấy nói lần này chúng tôi không thể gặp được nhau? Tôi cảm thấy sống mũi cay cay, một hồi lâu sau tôi mới hỏi tiếp: “Phi à, tại sao mãi tới giờ em mới gọi cho anh? Anh đã rất lo lắng cho em”.

“Làm gì có chuyện gì chứ? Gia Dương, thôi nhé, chúng mình sẽ liên lạc sau”.

Cô ấy vội vàng tắt máy.

Trên màn hình hiển thị thời gian gọi: Ba mươi sáu giây.

Một lúc lâu sau, tôi vẫn đứng lặng câm.

Tiêu Hoa tò mò: “Là bạn của anh à? Cô ấy gọi điện cho anh à?”.

Tôi gật đầu rồi quay lại nhìn cô.

“Sao rồi?”

“Chẳng sao cả”. Tôi vuốt tóc cô ấy, người phụ nữ này thật đẹp và đáng yêu làm sao, “Cô ấy không tới được”.

“Tiểu Hoa”

“Gì cơ?”

“Chúng mình không còn nhiều thời gian nữa. Anh và em tới nhà hàng ăn cơm nhé, được không?”

“Được thôi”. Cô ấy ôm lấy tôi.

“E rằng lần này chúng ta không thể dạo chơi ở Paris được, nhưng có thể tới Brussels chúng ta sẽ có thời gian. Em có nghĩ vậy không?”

“Được ở cùng anh thì nơi nào cũng đẹp cả”.

Tôi xuống đại sảnh của khách sạn, quản lý nhìn thấy tôi liền bước tới chào.

Tôi nói đang đưa bạn gái đi ăn tối.

Ông ta nói: “Ở góc phố cách đây không xa có nhà hàng Hồng Hạc, món sườn bò ở đó rất ngon. Ngài tới đó thưởng thức xem sao”.

Tôi hỏi ông ta: “Cảm ơn. Xin hỏi chỗ ngài có báo buổi chiều không?”.

Ông ta liền mang cho tôi một tờ.

Tiêu đề trên báo thật khiến người ta phải quan tâm: Gần đây bạo động trong khu vực thành phố Paris tăng nhanh, chính quyền đang tăng cường lực lượng cảnh sát để bảo vệ an toàn cho người dân.

Tiểu Hoa liền giật lấy tờ báo trong tay tôi nhắc nhở: “Đi ăn cùng em còn đọc báo gì nữa, trong mắt anh có em không đấy?”

Tôi cười, để cho cô vứt tờ báo vào sọt rác: “Được, chúng mình sẽ chỉ tập trung vào việc ăn thôi”.


KIỀU PHI

Lúc gọi điện cho Trình Gia Dương, tôi đang ngồi ở ga Lyon chờ chuyến tàu tối về miền Nam.

Lời của bà lão ấy thật chẳng sai chút nào, nếu như tôi xuống tàu về ngay thì có lẽ đã không phải nhìn thấy thứ mình không muốn nhìn. Tới tận lúc này, tim tôi vẫn còn nhói đau.

Gia Dương chẳng có lỗi gì cả, đương nhiên tôi biết anh đang chờ tôi. Nhưng giờ đây anh đã có cuộc sống mới, đã có một cô gái tài sắc rất hợp với anh. Tôi biết rõ mình cũng không sai, tôi không muốn đem phiền phức đến cho anh, từ trước tới giờ luôn là vậy.

Tôi đau đớn nhận ra, khi trở về mình phải tìm nơi thực tập mới, còn phải hoàn thành luận văn. Tháng Bảy, tôi về nước. Về nước rồi, lại phải tìm việc. Đây đều là những việc rất phức tạp trong hiện thực, có điều nghĩ đến những thứ này cũng chẳng có tác dụng gì. Tôi thấy mình còn rất nhiều việc phải làm, những tình cảm phiền não, u sầu vào lúc này thật không phù hợp chút nào.

Đang ngồi ngẩn ra thì bỗng có người nói với tôi: “Cô à, ai cho phép cô chưa được sự đồng ý của hiến binh mà dám tự ý tới Paris vậy?”.

Tôi quay đầu lại, thì ra là ZuZu. Anh ấy mặc đồng phục, đang dắt chó nghiệp vụ đi tuần. Đúng rồi, ga tàu vốn là nơi anh làm việc mà.

Tôi cảm thấy khó thở, tôi nhìn anh, chầm chậm gọi tên anh: “ZuZU”.

Anh nhìn tôi: “Anh đang hỏi em mà, em không hiểu tiếng Pháp à? Sao trước khi tới không gọi điện báo cho đội hiến binh hả? Để anh còn chuẩn bị trải thảm đỏ đón tiếp chứ?”.

Tôi bật cười.

Anh đưa chó cho đồng nghiệp, rồi nói với họ mấy câu, sau đó tới ngồi bên cạnh tôi.

“Anh không làm nhiệm vụ à?”

“Thì nghỉ một chút mà, không sao đâu”.

“Anh có tin tốt đây”.

“Tin gì vậy?”

“Anh đã được phê chuẩn đi Châu Phi gìn giữ hòa bình rồi”.

Tôi biết đây là lý tưởng của anh, nhưng tôi không thể vui nổi. Nơi đó đang còn chiến loạn, dịch  bệnh thì nhiều không kể xiết. “Thế anh đi bao lâu? Tới nước nào vậy?”

“Kenya. Một năm”.

“ZuZu, anh phải cẩn thận đấy”.

“Đương nhiên.” Anh nói, “Phi à, em làm sao vậy?”

“Làm sao là làm sao hả”.

“Anh đã quan sát em rất lâu rồi. Mặt em tối sầm, nhíu mày nhăn trán, trông em cứ như sắp tự sát ấy”.

“Có anh tự sát thì có”.

“Này, anh còn chưa hỏi em, tại sao lại tới Paris một mình? Mà cũng chẳng gọi điện cho anh nữa, em tới paris làm gì thế? Chắc chắn không phải là vì anh đúng không?”.

Tôi chợt nhớ tới lời của Audeux. Khuôn mặt của ZuZu trước mắt tôi, khuôn mặt tuấn tú trẻ trung không hằn chút sương gió của cuộc đời, ngây thơ như một đứa trẻ.

“ZuZu, đó là một câu chuyện rất dài”.

“Em có muốn chia sẻ không?”

“Em đến gặp một người bạn. Lúc ở TQ, em và anh ấy đã từng yêu nhau. Có điều vừa rồi em không gặp được anh ấy, do vậy em hơi buồn”.

“Bởi vì chúng em có quá nhiều điểm bất đồng nên không thể ờ bên nhau được”

“Thế nhưng em rất yêu anh ấy, tới giờ vẫn vậy”.

“Anh ấy đã lấy đi và cũng để lại một số thứ trong cuộc đời em”.

ZuZu không cười nữa, khuôn mặt lúc này vô cùng nghiêm túc.

Toi kể hết mọi chuyện đã giấu kín trong lòng bấy lâu, những chuyện mà trước đó tôi chưa từng kể cho ai. Lúc này đây, bỗng nhiên tôi có một mong muốn mãnh liệt là được tâm sự, được giãi bày với ai đó. Con người ta khi cất giấu những bí mật sẽ rất khổ sở, tôi không thể chịu được gánh nặng này lâu hơn nữa.

“Em và anh ấy đã từng có với nhau một đứa con, một đứa con còn chưa thành hình. Em không có khả năng để nuôi nó nên đành phải bỏ”.

Anh ấy nhìn tôi.

“Do vậy ZuZu à, thực ra em không như anh nghĩ đâu”.

“Còn nữa, em không phải là một người khỏe mạnh. Lúc phá thai đã xảy ra sự cố, sau này em sẽ không thể có con  được nữa”.

“Em luôn cho rằng cả đời này em sẽ sống một mình, chỉ một mình mà thôi”.

Tôi cứ chậm rãi kể hết mọi chuyện, cảm giác lòng mình thanh thản hơn. Từ trước tới giờ cứ cố giữ gìn bí mật, lại phải tỏ ra kiên cường khiến tôi mệt mỏi vô cùng.

Thậm chí tôi còn chẳng còn nước mắt nữa.

ZuZu im lặng hồi lâu, anh lặng lẽ thở hắt ra, sau đó nhìn tôi hỏi: “Phi à, em có cần một cái ôm không?”.

Đã nhiều năm trôi qua, nhưng tôi vẫn không thể quên cái ôm của ZuZu. Khi trái tim tôi yếu mềm nhất, tôi được ở trong vòng tay ấm áp của anh, dường như có một cơn gió vừa nhẹ nhàng vừa ấm áp khẽ khàng vuốt ve vết thương đang rỉ máu của tôi.

Ngày Mười bảy tháng Tư, Paris, trong ga Lyon, một buổi chiều bình thường.

Trong giây lát.

Bỗng nhiên, tôi có cảm giác cánh tay của ZuZu cứng lại, phút chốc anh đứng bật dậy dùng sức đầy tôi về phía sau, ánh sáng mạnh cùng một tiếng nổ chói tai, tôi bịt mắt lại. Sau đó tôi mất hết cảm giác.

Chương 44

KIỀU PHI

Bỗng nhiên mẹ tôi nói được, mẹ vuốt tóc tôi rồi hỏi: “Có vất vả lắm không con?”.

Tôi cười xòa rồi đáp lại: “Vất vả gì đâu mạ. Con còn sống rất vui vẻ nữa kìa”.

“Phi Phi, con gầy quá”.

“Đó là do con chăm chỉ luyện tập thể thao”. Tôi đứng dậy, “Bây giờ con còn biết trượt ván nữa đấy”.

Dường như tôi muốn gì thì ngay lập tức có thứ đó. Dưới chân tôi xuất hiện một tấm ván trượt, tôi liền dẫm lên rồi bắt đầu biểu diễn cho mẹ xem. Bỗng một làn gió nhẹ lướt qua người tôi, ZuZu Ferrandi trượt qua ngay bên cạnh. Trông anh thật khoáng đạt, tuấn tú biết bao. Phía sau anh chú chó con đang chạy theo.

Tôi nói: “ZuZu, anh trượt chậm lại một chút đi, chờ em với”.

Nói rồi tôi định đuổi theo nhưng ZuZu không quay lại. Dưới bóng cây, một mình anh chơi rất vui, càng lúc anh càng xa tôi. Tôi bắt đầu lo lắng, vội vàng đuổi theo. Bỗng mọi thứ thay đổi, tôi ngã xuống đất, đau tới mức không thể chịu đựng hơn được nữa, tôi liền hét lên.

Sự đau đớn khiến tôi thoát khỏi thế giới trong mơ. Tôi mở mắt, bốn bề trắng toát, một khuôn mặt người nước ngoài rất hiền từ nhẹ nhàng hỏi tôi: “Cô à, cô tên là gì?”.

Hóa ra thượng đế là người Pháp, may mà mình lại học loại ngôn ngữ này.

“Có phải tôi đang ở trên thiên đường không?”

“Bệnh viện Thánh tâm Paris”.

“Tôi đau quá”

“Trên người cô có rất nhiều vết thương nhưng đều là vết thương nhẹ không đáng ngại lắm”.

“Tôi muốn đi ra ngoài”.

“Cô cần phải điều trị một thời gian nữa”

“Cảm ơn. Tôi là lưu học sinh TQ, Kiều PHI. Hiện tôi đang học tại đại học Paul- Vallery”.

“Rất tốt. Đây chính là thông tin chúng tôi muốn biết”. Bác sĩ cười với tôi.

Tôi nằm trên giường, toàn thân đau ê ẩm, thế nhưng tôi vẫn cảm nhận rõ cả người mình đang quấn băng. Tôi muốn chụp lại bộ dạng của mình lúc này, sau này xem lại chắc buồn cười lắm đây.

“Đã xảy ra chuyện gì vậy thưa bác sĩ?”

Vị bác sĩ nói chuyện với tôi từ đầu tới giờ là một người đàn ông trung niên rất dịu dàng. Ông ta trầm ngâm một chút: “Ga Lyon hôm qua bị đánh bom, chính vì thế mà cô bị thương”.

Tôi có cảm giác trái tim mình trĩu xuống: “Tôi muốn hỏi một chút, bên cạnh tôi lúc đó có một hiến binh, bây giờ anh ấy đang ở đâu?”

“Có phải là ZuZu Ferrandi không?”

“Đúng rồi”.

“Lúc xảy ra vụ nổ, vì bảo vệ sự an toàn cho cô và các hành khách khác, anh ấy đã lao vào kẻ xấu...Chúng tôi đã cố hết sức, nhưng rất tiếc”.

Trái tim tôi như ngừng đập.

Hóa ra con người khi chết đi, đúng là có linh hồn thật. Tôi vừa mơ thấy ZuZu, có lẽ anh đến để chào tạm biệt tôi.

Nhưng sao anh lại ngượng ngùng, ít nói đến vậy? Tôi gọi anh nhưng anh không trả lời mà lặng lẽ bỏ đi.

Anh vẫn còn trẻ con lắm, vì giận tôi nên chỉ cho tôi nhìn thấy bóng lưng mà thôi.

ZuZu, em đã làm tổn thương con người ngây thơ thẳng thắn như anh. Chính cái tính tùy tiện và sự lạnh lùng của em đã làm tổn thương anh.

Em còn chưa kịp nói lời xin lỗi.

Đúng vậy ZuZu à, anh đã giận em rồi phải  không, nếu không anh đã mang em đi cùng.

Bác sĩ dặn: “Cô à, cô phải nghỉ ngơi cho tốt đấy”.

“Bác sĩ”. Tôi chậm rãi gọi vị bác sĩ xa lạ kia, “Bác sĩ có biết không? Hiến binh Ferrandi mới chỉ mười chín tuổi thôi thế nhưng anh ấy đã xin đi Kenya để gìn giữ hòa bình đấy”.

“Cô à, anh ấy ở đây, cũng đã làm hết trách nhiệm với người dân Paris rồi.” Ông ấy đáp.

Không biết là cơn đau trong tim hay trên thân thể đã khiến tôi ngủ li bì, những lúc tỉnh dậy tôi lại muốn đếm cừu để tiếp tục chìm vào giấc ngủ. Tôi luôn cảm thấy ZuZu rất tốt, lẽ nào anh ấy lại không cho tôi một cơ hội. Liệu anh ấy có tới gặp tôi nữa không?

Lúc tỉnh táo, tôi phát hiện băng quấn trên người ngày càng  ít đi. Bác sĩ tới thăm nói với tôi rằng tôi hồi phục rất nhanh. Còn có một số người tới thăm tôi, đều là người TQ. Họ nói với tôi, họ là giáo viên trong đại sứ quán. Khi biết tình hình của tôi liền tới thăm hỏi. Họ còn nói: “Lưu học sinh gặp nạn cũng chạm tới trái tim của tổ quốc”. Rồi họ hỏi về tình hình điều trị và sinh hoạt của tôi, hỏi yoi6 còn có yêu cầu gì khác không?

Tôi đáp: “Mong mọi người không thông báo chuyện này cho bố mẹ tôi biết”.

Một thời gian sau, tôi có thể xuống giường đi lại. Thế nhưng tay vẫn còn bị băng bó, bác sĩ nói tay tôi bị thương rất nặng phải giữ gìn cẩn thận nếu không sẽ gặp khó khăn khi cử động. Tôi thường đi dạo trong vườn hoa của bệnh viện. Thời gian trôi qua thật nhanh, chẳng mấy chốc đã vào hè. Paris lúc này đã tràn ngập ánh nắng như các thành phố phương Nam. Đôi khi tồi ngồi trên ghế trong vườn hoa của bệnh viện tới tận chiều, trái tim lúc nào cũng không nguôi nhớ về ZuZu.

Có người tới thăm tôi, là Audeux.

Các trường đại học đã nghỉ hè, luận văn của tôi được nhà trường cho nộp sau. Audeux tới Paris sau khi giúp tôi làm mọi thủ túc kết thúc việc học tại trường, trả phòng, thu dọn hành lý cho tôi, rồi gửi ở văn phòng liên lạc của người Hoa. Cô ấy còn mang con chó ZuZu của tôi về chăm sóc.

Cô ấy rất chu đáo, tôi không biết phải làm thế nào để cảm ơn nữa. Tôi nợ cả hai chị em họ quá nhiều. Không hiểu cả đời này tôi có trả hết không.

Audeux đưa cho tôi một điếu thuốc rồi tự châm cho mình một điếu. Chúng tôi đang ngồi trong vườn hoa.

“Lúc ZuZu mới mất mình đã thề sẽ không bao giờ gặp lại cậu nữa”.

“Nhưng sau này mình nghĩ lại, nếu ZuZu còn sống chắc chắn nó sẽ vẫn làm những việc đó vì cậu”.

“...”

“ZuZu được chôn với quốc kì Pháp, còn được các đồng nghiệng khiêng linh cữu. Nó nằm ở nghĩa trang các anh hùng quốc gia tại Paris. Cậu có muốn đi thăm nó không?” Audeux hỏi, cô ấy vẫn tiếp tục hút thuốc.

“Mình có được đi không Audeux?” Tôi hỏi.

Cô ấy nhìn tôi hồi lâu, sau đó dang tay ôm tôi: “Phi à, đây không phải là lỗi của cậu. Thượng đế đưa nó đi, nhất định ngài có việc cho nó làm”.

Tôi tới thăm mộ của ZuZu, nơi anh nằm ở một góc của nghĩa trang. Bia mộ đơn giản không cầu kì chút nào, trên đó chỉ khắc sơ sài mấy chữ: ZuZu Ferrandi, hiến binh trẻ tuổi, hạ sĩ, vì Paris đã lưu lại nơi đây.

Bên cạnh mộ có rất nhiều hoa, không biết ai đã tới thăm anh. Tôi đặt bó hoa ly trắng cạnh những bó hoa khác. Mặt tôi lúc này rất gần với bia mộ của anh, tấm bia bằng đá xanh tỏa ra hơi lạnh. Tôi hôn lên dòng chữ khắc tên anh rồi khẽ hỏi: “ZuZu, anh có lạnh không?”

“ZuZu, lần này hãy để em ôm anh được không?”

Rồi tôi nép người lên mộ anh. Lạnh thật! ZuZu à, lần này hãy để em truyền hơi ấm cho anh nhé.

Có ai đó vừa đi ngang qua, tôi ngẩng đầu lên thì phát hiện ra đó chính là bà lão tôi gặp trên chuyến tàu hôm đó. Tôi nhìn bà, bà cũng nhìn tôi.

“Cô sao vậy?” Bà ấy hỏi.

“Bạn cháu qua đời rồi”.

“Thế thì sao chứ?”

“...”

“Cô xem chỗ này có rất nhiều người, họ sống ở thế giới bên kia còn vui vẻ hơn kìa, cô có tin không?”

“Cháu không tin, bên đó lạnh như vậy. Bạn của cháu lại là người miền Nam, anh ấy sẽ không thích đâu”.

“Sao cô biết? Cô đã tới chỗ đó rồi à?”

“Bên đó rất tốt. Không giống với tưởng tượng của cô đâu”

“Làm sao bà biết được? Bà đã từng tới nơi đó rồi ư?”

“Ừ”.

“Vậy bà đưa cháu đi với”.

Bà nhìn tôi khinh miệt: “Tôi nói cho cô biết, họ chỉ đi tới một nơi khác mà thôi, cũng giống như Francois của tôi”

“Cô hiểu không vậy? Đối với họ, mọi thứ không phải là đã kết thúc mà mới chỉ bắt đầu”.

Bà lão đó vẫn đạp một cách kỳ quái, vẫn điên điên khùng khùng như trước.

Câu nói cuối cùng của bà ta vẫn văng vẳng bên tai tôi:  Mọi thứ không phải là đã kết thúc mà mới chỉ bắt đầu.

Tôi rất muốn tin như vậy.

Mãi tới hôm tôi xuất viện bác sĩ mới tháo băng ở tay tôi. Tôi chăm chú ngắm nhìn bàn tay của mình. Trên đó có một vết sẹo hồng mới liền da.

Tôi cười, rồi nhận ra một điều, ZuZu tốt bụng không hề rời xa tôi, anh ấy sẽ ở lại với tôi vĩnh viễn.

Khi tôi ra khỏi bệnh viện thì xảy ra một chuyện.

Xe cấp cứu hú còi ầm ĩ phóng vào, nạn nhân được khiêng trên cáng mình mẩy bê bất máu. Các bác sĩ thông báo sơ tình hình là có tai nạn giao thông.

Tôi dừng bước, bỗng nghe thấy nạn nhân rên rỉ bằng tiếng Trung: “Mau cứu tôi với!”.

Chương 45

KIỀU PHI


Tôi đi cạnh người TQ bị thương này tới tận phòng cấp cứu, ông ta vẫn rất tỉnh táo và luôn miệng nói bằng tiếng Trung: “Cứu tôi với!”.


Bác sĩ hỏi tôi: “Cô là người nhà của bệnh nhân?”

Tôi trả lời: “Không, tôi cũng là người TQ, do vậy đi cùng xem có thể giúp được gì không thôi?”

“Cảm ơn cô, thế thì tốt quá, vậy cô cứ nói chuyện với ông ta đi nhé”

“Chào ông!”. Tôi nói với đại nhân. “Ông là ai?”

“Hoàng Duy Đức, cố vấn kỹ thuật của công ty Michellin TQ. Hộ chiếu của tôi ở trong túi áo ngực”

Lúc ông ta trả lời, có lẽ do gắng sức, máu trong miệng trào ra.

Tôi nghe thấy bác sĩ bên cạnh nói: “Vết thương không nghiêm trọng, có điều nột số chỗ bị chảy máu trong. Nguy rồi, mất máu quá nhiều”.

Họ nhìn vào nạn nhân Hoàng Duy Đức vẫn đang còn ý thức, sau đó hỏi tôi: “Cô à, cô hỏi ông ta xem trước đây ông ta đã từng làm phẫu thuật ổ bụng chưa?”.

Tôi dịch lại lời của bác sĩ cho ông ta nghe.

Ông ta chỉ vào túi áo ngực, sau đó bất tỉnh.

Y tá mở túi áo, bên trong có hội chiếu, và giấy khám sức khỏe được ép plastic. Trên đó có ghi rõ tên tuổi, cân nặng, nhóm máu, tiền sử bệnh tật, bên dưới có một dòng in đậm: Tháng Chín năm ngoái tôi đã làm phẫu thuật cắt bỏ một phần lá gan, bác sĩ điều trị là Chủ nhiệm khoa Gan mật bệnh viện Hiệp Hòa- Tiến sĩ Trình Gia Minh, điện thoại xxxxxxxxxx.

Tôi sững người trong giây lát, tôi biết cái tên này.

Tôi nói rõ tình hình cho y tá nghe, cô ấy xin chỉ thị của bác sĩ đang điều trị chính cho nạn nhân Hoàng Duy Đức. Một mặt bác sĩ ra lệnh đưa Hoàng Duy Đức vào phòng phẫu thuật, mặt khác nói với tôi rằng tình trạng của nạn nhân quá phức tạp, mong cô hãy liên lạc với bác sĩ chủ trị của nạn nhân ở TQ. Chúng tôi cần sự hợp tác của ông ấy.

“Cô à, cô có bằng lòng giúp chúng tôi không?”

“Tôi sẽ cố gắng hết sức”. Tôi đáp lại, cứu người quan trọng mà. Tuy lúc này phải đối mặt với tình huống chưa từng gặp, trong lòng tôi chợt thảng thốt bất an, nhưng tôi biết, tôi bây giờ khác hẳn tôi của ngày xưa. “Tôi gọi điện ở đâu được, thưa bác sĩ?”
“Trong phòng phẫu thuật”.

Cảnh tượng sau đó rất giống với cảnh trong phim truyền hình Mỹ, Chuey65n trong phòng cấp cứu.

Tôi ở trong phòng điều khiển điện tử của phòng phẫu thuật, một mặt gọi điện về TQ cho tiến sĩ Gia Minh qua mạng, mặt khác nhanh chóng tìm lại vốn từ vựng đã học từ trước.

Điện thoại được kết nối, không quá ba hồi chuông đã có người bắt máy: “A lô”.

Trước mặt tôi, các bác sĩ Pháp đã mở ổ bụng của Hoàng Duy Đức, tôi nhìn thấy rất nhiều máu. Nhưng bên tai tôi vang lên giọng nói rất giống Trình Gia Dương: “Tiến sĩ Trình Gia Minh xin nghe”.

Tôi giơ ngón cái biểu thị mọi việc đã ổn cho các sĩ Pháp.

“Đây là bệnh viện quốc tế Thánh Tâm Paris, chúng tôi vừa nhận điều trị cho bệnh nhân trước của ngài- Hoàng Duy Đức. Tình trạng hiện tại của ông ấy là bị chảy máu trong, các bác sĩ mới mổ ổ bụng của nạn nhân, họ đang tiến hành phẫu thuật cho ông ấy”.

Đầu dây bên kia im lặng một lúc, chưa tới nửa phút sau Trình Gia Minh nói tiếp: “Đúng, tôi đã mở hồ sơ của bệnh nhân Hoàng Duy Đức. Tôi sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi của các ngài”.

Bác sĩ hai nước Trung -Pháp đối thoại với nhau qua điện thoại để cùng chữa trị, tôi làm phiên dịch cho hai bên.

Bác sĩ Pháp: “Cơ quan nội tạng bị chảy máu, nhưng không nhìn thấy vết thương”.

Trình Gia Minh: “Lúc phẫu thuật cắt bỏ một phần lá gan, khâu ở bên trái tĩnh mạch trung ương. Xin các ngài kiểm tra lại”.

Bác sĩ Pháp: “Miệng vết thương chỗ này vẫn khép kín, không bị rạn nứt”.

“...”

Lời của bác sĩ hai bên giống như khẩu lệnh trong quân đội, cho dù là tiếng Pháp hay tiếng Trung, đều không hề có một chữ nào thừa, tôi cố hết sức để truyền tải.

Tôi nghe thấy tiếng của trợ lý báo cáo với bác sĩ điều trị chính về huyết áp và mạch của bệnh nhân, lúc này tim tôi cũng đang đập thình thịch.

Bác sĩ Pháp: “Vẫn tiếp tục chảy máu trong”.

Trợ lý thay một túi máu khác cho bệnh nhân, tiếp tục truyền máu.

Đầu dây bên kia, Trình Gia Minh không nói gì.

“Bác sỉ trình”. Tôi gọi.

“Tôi đây. Tôi đang nhớ lại”. Giọng của anh ta vẫn rất bình tĩnh, trong giây lát anh ta nói tiếp: “Xin hãy kiểm tra bên trái của lá gan nhỏ, ba tuần trước bệnh nhân tới chỗ tôi kiểm tra, phát hiện có u nang, nhưng vẫn chưa chuẩn đoán được chính xác”.

Tôi dịch lại cho các bác sĩ Pháp nghe.

Một lát sau, bác sĩ nói: “Bên trái lá gan nhỏ có u nang, bị vỡ ở phía sau, phát hiện điểm xuất huyết. Chúng tôi đang tiến hành khâu, cảm ơn tiến sĩ Trình”.

Tôi lại dịch cho Trình Gia Minh nghe, cảm thấy hai bác sĩ dường như đã giải quyết được vấn đề lớn. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Tuy thời gian dịch không dài, hơn nữa cũng không phải nói nhiều, nhưng tôi có cảm giác mình đã dốc toàn bộ sức lực vào việc này.

Người tôi đầm đìa mồ hôi.

“Tôi rất vinh hạnh được giúp đớ các ngài”.

Trình Gia Minh nói.

“Xin chuyển lời hỏi thăm của tôi tới ông Hoàng Duy Đức. Ngoài ra ông Hoàng Duy Đức còn mắc bệnh tiểu đường, sau khi phẫu thuật truyền dịch nên dùng nước muối sinh lý”.

Tôi dịch  lại cho bác sĩ Pháp nghe, trợ lý của ông ấy ghi lại.

“Cảm ơn anh, Tiến sĩ Trình, tình hình đã được khống chế”. Tôi đáp lại.

“Cô dịch rất tốt. Cô là bác sĩ TQ à?”

“Cảm ơn anh, tôi là phiên dịch chuyên nghiệp”.

“Giọng của cô nghe rất quen, dường như tôi đã từng nghe qua”. Trình Gia Minh nói.

Tôi lặng người.

“Rất có thể là như vậy, bởi trên thế giới này vốn có rất nhiều người có giọng nói giống nhau mà. Tạm biệt”.

“Tạm biệt”.


TRÌNH GIA DƯƠNG

Tôi lại đánh dấu gạch chéo trước một cái tên khác, gập hồ sơ lại rồi đưa cho đồng nghiệp bên phòng Nhân sự.

Anh ta nhìn tôi thắc mắc: “Sao người này cũng không được?”

“Nghiệp vụ không đạt”.

“Cứ tiếp tục tuyển chọn kiểu này thì kể cả bọn du học bên Châu Âu về cũng không có ai đạt yêu cầu mất”.

“Thà thiếu còn hơn tuyển tràn lan”.

Tôi đứng dậy đi về phía cửa sổ.

Đây là Học viện Ngoại ngữ, lại là đầu hạ, một năm nữa đã qua, tôi phụ trách đào tạo phiên dịch mới nên tới đây để tuyển những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi cho Bộ Ngoại giao.

Những thí sinh trúng tuyển sẽ được phân tới các chi cục trong Bộ hay Đại sứ quán, Lãnh sự quán ở nước ngoài. Những người giỏi nhất sẽ được giữ lại trong phòng phiên dịch cao cấp để tiếp tục bồi dưỡng và rèn luyện chuyên sâu. Những người này sẽ trở thành những anh tài cốt cán trong giới phi6n dịch cả nước.

“Thôi dừng ở đây đi”. Tôi nói, “Anh về trước nhé, em còn phải đi gặp thầy giáo một chút nữa”.

“Không được. Bên tiếng Pháp chẳng tuyển được một ai. Năm nay phòng phiên dịch cao cấp bên cậu không cần người à?”

“Ai bảo không cần chứ? Suất của em không ai tranh được đâu”. Tôi nhìn anh ta. “Anh quên rồi à, cô gái mà Bộ chúng ta cử đi học đó”.

Tôi tới gặp Giáo sư Vương- Chủ nhiệm khoa. Vừa gặp tôi, thầy liền hỏi: “Gia Dương à, sao rồi? Có tuyển được ai không?”

Tôi lắc đầu nói: “Chỗ thầy có tin tức gì của Kiều Phi không ạ?”

“Tin tức chỗ thầy sao đầy đủ bằng bên em được”. Thầy Chủ nhiệm đáp lại, “Con bé xuất viện rồi cũng chẳng liên lạc gì với thầy. Thầy cũng không biết lúc nào nó về trường nữa. Khóa của con bé sắp sửa tốt nghiệp rồi. Con bé này thật là tùy tiện”.

“Đúng vậy. Thât tùy tiện”.

Tôi hoàn toàn đồng ý với thầy về chuyện này.

Sau khi tôi từ Bỉ về nước mới biết vụ nổ ở ga Lyon, Đại sứ quán gửi tin xác nhận Kiều Phi bị thương trong vụ nổ. Hôm đó chính là ngày 17 tháng 4, hôm đó tôi đang ở Paris còn cô ấy thì nói với tôi rằng, mình đang thi ở Montpellier. Kỳ thực cô ấy cũng đang ở Paris.

Tôi liền mua vé máy bay, muốn tới Paris ngay lập tức.

Trên đường lái xe ra sân bay, bỗng dưng tôi cảm thấy không đâu đầu, cũng chẳng sốt ruột nữa.

Tôi nhớ lại một câu chuyện trong tuyển tập Nghìn lẻ một đêm, ma quỷ bị nhốt trong một cái vò rồi được ném xuống đáy biển. Trong hoàn cảnh như vậy, con ma hy vọng sẽ được giải cứu, nó nguyện sẽ hậu tạ cho người cứu nó. Thời gian trôi qua, mức thưởng càng ngày càng lớn hơn. Bắt đầu từ một số đồ quý giá cho đến trường sinh bất lão rồi đến tất cả của cải quý giá trên thế gian, thế nhưng rốt cuộc vẫn chẳng có ai tới cứu. Mấy trăm năm sau, một ngư dân vớt được cái vò lên, sự báo đáp lúc này của con ma chính là giết chết người đã giải thoát cho nó.

Tôi nhớ tới lúc chúng tôi bên nhau, tôi đã trao gửi hết niềm vui cũng như nỗi buồn cho người con gái này. Nhưng cô ấy chẳng nói gì với tôi, không những thế lại thường xuyên mất tích. Và còn bịa ra cả ngàn lý do để nói dối tôi. Sau khi chúng tôi chia tay, hết lần này tới lần khác tôi tìm cách gặp cô, tôi đến trường, tôi đuổi theo cô vầ quê, tôi đi Paris nhưng đều không gặp được cô.

Không hiểu điều gì đã khiến cô đối xử với tôi tuyệt tình như vậy?

Có điều cô may mắn còn sống, chỉ bị thương nhẹ mà thôi. Ông trời vẫn giúp tôi.

Tôi quay xe về Bộ tiếp tục làm việc.

Tôi chắc chắn Kiều Phi sẽ trở về, cô nhất định sẽ gặp tôi.

Chương 46

KIỀU PHI

Ông Hoàng đã tỉnh lại, ông ta đưa mắt nhìn tôi, dường như đã nhận ra tôi: “Cảm ơn em, cô bé, nếu không có em thật không biết đã ra sao rồi”.

Mặc dù mới phẫu thuật xong nhưng chất giọng phương Bắc đặc trưng của ông ta vẫn oang oang. Có thể thấy được ông ta rất khỏe.

Tôi hỏi: “Chú à, sao không biết tiếng Pháp mà chú vẫn một mình tới Paris vậy?”.

“Ừ”.

Ông ta thở dài một tiếng rồi trả lời.

“Kiếm cho  anh một điếu thuốc được không?”

“Đừng đùa nữa, đây là bệnh viện, đến cháu còn không được hút nữa là chú”.

“Vớ vẩn, lại là lũ quỷ Tây thất đức đó”

Tôi nghĩ thầm, mạng của chú chính là do lũ quỷ Tây đó cứu đấy, vậy mà còn nói người ta như thế. Thật là thô lỗ.

“Chú có việc gì không? Cháu phải đi tìm Đại sứ quán hay tới công ty của chú đây? Có ai chăm sóc chú không?”

“Không cần đâu. Tìm ai cũng vô dụng mà thôi. Anh không tin đám người đó. À, em không sống ở đây phải không?”

“Cháu là lưu học sinh, cháu sắp về nước rồi. Cháu cũng vừa mới nằm ở viện này, hôm cháu xuất viện thì chú được đưa vào, nên cháu mới ở lại để giúp thôi. Vé máy bay đã đặt sẵn, cháu phải về nước.” Tôi đáp lại, đã kéo dài lâu như vậy rồi, tôi phải về trường lấy chứng chỉ tốt nghiệp thôi.

“Sao em không có chút đồng cảm nào vậy?”

“Chú còn muốn cháu phải đồng cảm như thế nào nữa?”

Ông ta cười rồi nói: “Đùa chút thôi, anh sợ không có thời gian để cảm ơn em nữa kìa”

“Không cần đâu”. Tôi nghĩ một lát, “Cháu sẽ tới khu người Hoa tìm cho chú một hộ lý đặc biệt, nơi đó có rất nhiều phụ nữ trung niên, biết làm việc lại biết cả tiếng Pháp nữa”.

“Thế thì lại phiền em nữa rồi. Em tìm giúp anh một người nhanh nhẹn, dễ coi một chút, tiền nhiều hay ít không thành vấn đề”.

“Cháu sẽ cố”.

Tôi đi tàu điện ngầm tới khu phố của người  Hoa cạnh quảng trường Ý. Ở đó có rất nhiều người Hoa tới đây lao động với thân phận dân tị nạn. Tôi giúp chú Hoàng tìm một chị vốn là y tá khi còn ở TQ, chợt tôi nhớ tới mấy câu dặn dò của ông ta, chỉ có mấy câu thôi mà đã lộ rõ ý đồ. Người tôi tìm hơn bốn mươi tuổi, rất phù hợp với ông ta.

Mặc dù đang cắm ống xông trên mũi nhưng ông Hoàng vẫn trợn mắt nhìn tôi: “Chẳng phải tôi đã nói là tìm một người dễ coi một chút kia mà”.

“Chú cũng lắm chuyện thật đấy. Chú tưởng đây là đâu chứ? Tìm được người thạo việc mà lại còn biết nói tiếng Pháp là tốt lắm rồi. Thôi cháu đi đây, ngày kia cháu về nước rồi, tạm biệt chú”.

“Cô bé, anh còn có chuyện muốn hỏi em”.

“Chú nói đi”

“Em về nước là...”

“Cháu tốt nghiệp rồi, về nước tìm việc”. Tôi đáp.

“Em tìm công việc như thế nào?”

“Cháu học phiên dịch, chuyên ngành dịch”

“Việc này anh giúp được em. Sau khi khỏi bệnh anh cũng về nước. Đây là danh thiếp của anh, em hãy tới Thượng Hải tìm anh, anh sẽ bố trí công việc cho em”.

Tôi nghĩ một lát, nhưng chưa trả lời.

Ông Hoàng lại nói tiếp: “Em không tin phải không? Em không biết anh làm gì đúng không?”

Con người này thô tới mức không thể thô hơn được nữa, sao lại có thể làm cố vấn kĩ thuật của công ty Michellin được chứ? Tôi không biết chú làm gì ư? Tôi biết chú chỉ còn nửa lá gan, bị tiểu đường, nhóm máu AB.

“Em còn phân vân điều gì nữa? Tiền lương thì em chỉ cần cho anh một con số, em đã từng cứu mạng anh, điều này có là gì đâu? Em cũng nên biết có rất nhiều sinh viên vừa tốt nghiệp muốn tới các công ty lớn ở Thượng Hải làm việc”.

Xem  ra cũng hấp dẫn thật, dù sao đây cũng là một sự lựa chọn, tôi nói: “Được thôi, chú cho cháu cách thức liên lạc đi. Cháu cũng để lại số điện thoại cũng như cách liên lạc ở TQ cho chú”.

Ông Hoàng đưa danh thiếp cho tôi, dưới danh thiếp là một tập tiền. Tôi nhận lấy, đúng là rất nhiều tiền.

Ông ta nhìn tôi rồi nói: “Số tiền này em hãy cất đi, nếu không gặp em, không có em liên lạc với bác sĩ Trình thì giờ này anh đã chết ở đây rồi”.

Người này thật chẳng ra sao, hơn năm mươi tuổi rồi, còn xưng anh với tôi nữa chứ.

Tôi cầm xấp tiền trong tay, nghĩ mình cũng đã bỏ công bỏ sức rất nhiều, nên cũng có thể yên tâm cầm tiền.

“Học viện Ngoại ngữ Quốc gia? Chả trách nào...”

Tôi tạm biệt ông ta, rồi rời bệnh viện, hai ngày nữa tôi phải về nước rồi. Thế là sắp kết thúc cuộc sống lưu học sinh ở Pháp. Tôi nghĩ mình cũng nên cám ơn ông Hoàng. Bởi trước khi rời khỏi đâội làm được một việc tốt. Những tháng ngày vui vẻ trước kia của tôi đã kết thúc theo cái chết của ZuZu rồi.

Tôi đi về hướng Versailles, tạm biệt hàng phong đỏ với những giọt sương trắng long lanh. Trước khi về nước, tôi mua rất nhiều hoa tới thăm mộ của ZuZu, rồi thì thầm với anh rằng sau này em sẽ chơi ván trượt, em sẽ lại tới thăm anh, và mãi mãi nhớ anh.
Đặt chân lên đất TQ, nhẩm tính chênh lệch thời gian bất ngờ nhận thấy trong cuộc đời đã thiếu mất một ngày.

Xuất cảnh, nhập cảnh, một chân trời mới.

Hành khách trên sân bay Thủ Đô rất đông, nhìn thấy khuôn mặt của đồng bào, họ nói thứ ngôn ngữ thân thuộc nhất, có người đoàn viên, có người chia xa, những tiếng cười xen lẫn nước mắt, và cả những khuôn mặt vô cảm, tôi như gặp lại cảnh tượng năm xưa khi tôi ra đi. Sân bay giống như một xã hội thu nhỏ.

Trước tiên tôi gọi điện cho cô hàng xóm ở quê, tôi nhờ cô ấy báo cho bố mẹ biết tôi đã bình an trở về. Sau đó về trường báo cáo.

Ngẫu nhiên lại vào Chủ nhật, trong khu  giảng đường không có ai. Tôi kéo hành lí về phía kí túc xá. Đi ngang qua sân tập, ở đó đang rất náo nhiệt, một số bạn đang chơi bóng rổ, còn các cổ động viên thì cổ vũ ầm ĩ.

Tới lúc này tôi mới thấm mệt, đặt hành lý xuống định nghỉ một chút. Vừa nghỉ  vừa xem trận đấu, tôi chưa kịp ngồi xuống đã nghe thấy đằng sau có tiếng: “Cấm phóng uế bừa bãi!”.

Tôi tức giận, liềm quay lại kẹp chặt cổ của người đó: “Nói ai đấy? Cậu nói ai đấy hả Ba Ba? Một năm nay mình không xử lý cậu, cậu lại to gan rồi đấy nhỉ?”

Cô nàng đẩy mạnh tôi ra, một năm không gặp công phu của cô nàng đã tới mức này rồi. Cô nàng nhắc khéo: “Vẫn còn mặt mũi mà nói kia đấy. Cậu về lúc nào mà không báo cho mình một tiếng, cả thế giới này cứ tưởng cậu đang mất tích kia đấy”.

Chúng tôi vừa hét lên vừa ôm chồm lấy nhau, Tiểu Đơn đột nhiên xuất hiện. Cô nàng bắt chước giọng của Crayon- Shin Chan: “Sao khắp nơi lại thả cho động vật phóng uế bừa bãi ra thế này? Lại còn trêu đùa nhau trong phòng vệ sinh nữa chứ?”

Tiểu Đơn nói: “Ba bông hoa chúng ta lại được ở cùng nhau rồi”.

Tôi nhắc: “Ba bông hoa, quê quá, phải nói là ba kiếm khách”.

Ba Ba chêm vào: “Cậu mới quê thì có. Rõ ràng là ba quả núi chứ”.

Sắp tốt nghiệp rồi, chuyện công việc về cơ bản đã được sắp xếp ổn thỏa. Tiểu Đơn làm tại Tổng công ty Du lịch Thanh Niên, Ba Ba trúng tuyển làm phiên dịch cho hãng hàng không Pháp, lương cao chót vót khiến mọi người đều ngưỡng mộ. Các bạn trong lớp tôi đều đã tìm được công việc tốt. Họ hỏi về công việc của tôi- con người lúc nào cũng đến muộn về sớm. Tôi vẫn nói chưa có nơi chốn nào, họ đều an ủi rằng Kiều Phi học giỏi nhất lại mới đi du học về, chắc chắn sẽ tìm được một công việc tốt mà chẳng có bất kỳ trở ngại nào. Có điều bây giờ sinh viên và du học sinh mới tốt nghiệp quá nhiều, việc ít người nhiều nên cũng phải nhanh chân lên mới được. Qua tháng Bảy, một khi đã hoàn tất mọi thủ tục ở trường, hồ sơ được gửi về quê, tới lúc đó có muốn được điều về thành phố cũng rất khó khăn.

Chúng tôi nói về chuyện này trong bữa tiệc chào đón tôi trở về. Nghe các bạn nói chuyện tôi bỗng cảm thấy vô cùng sốt ruột. Cứ tới đâu hay tới đó như thế này, rồi lại sắp tốt nghiệp rồi, cuộc sống sau này không biết phải làm sao đây?”

“Cậu muốn tìm công việc như thế nào?” Một bạn nam hỏi tôi, “Nói đi, bọn mình sẽ lưu ý tìm giúp cho”.

“Mình cũng không rõ nữa, có lẽ mình sẽ đi Thượng Hải xem tình hình thế nào, cũng có thể sẽ có cơ hội tìm được một công việc tốt ở đó. Có điều mình vẫn muốn làm phiên dịch chuyên nghiệp”.

“Được làm phiên dịch chuyên nghiệp cũng đáng nể đó, có điều...” Một bạn nam khác nói xen vào, “Bây giờ chúng mình tìm việc, đa số đều gắn với một nghiệp vụ cụ thể, tiếng Pháp chỉ là phương tiện để hỗ trợ hoặc là yêu cầu căn bản mà thôi”.

“Có bạn còn tìm được việc mà chẳng dùng gì tới tiếng Pháp nữa”. Một bạn khác nói thêm. “Bạn ấy làm đại lý cho một hãng dược phẩm cho Quảng Châu, có thể nói là vĩnh biệt tiếng Pháp luôn”.

“Bốn năm ngồi trên ghế nhà trường, kỳ thực cũng chỉ là nền tảng cơ bản mà thôi. Quan trọng là phải quen biết rộng, biết ăn nói và làm được việc. Sau này làm trái ngành có khi lại kiếm được nhiều tiền hơn ấy chứ”.

“Đúng, chúng mình uống rượu đi”.

Mọi người đều nâng cốc.

Tôi đã uống rất nhiều, tâm trạng vừa vui lại vừa buồn. Có thể nói mọi người trong lớp tôi sống với nhau rất tình cảm, bây giờ khi tôi trở về, chúng tôi lại sắp phân tán mỗi đứa một phương.

Thời đại học, bầu trời xanh quá, thời gian hãy trôi đi thật chậm.

Có điều không bao giờ có thể trở lại được nữa.

Đêm đó, tôi nằm mơ, dường như mọi tình tiết tôi đều quên hết. Tôi chỉ nhớ mình cứ liên tục nói tạm biệt, tạm biệt, tạm biệt...nói mãi tới tận sáng hôm sau.

Chương 47

KIỀU PHI

Sáng hôm sau, tôi gặp thầy Chủ nhiệm Khoa, vừa nhìn thấy tôi thầy đã ngạc nhiên thốt lên: “Kiều Phi, em về rồi à? Sao không liên lạc sớm với khoa chứ?”.

“Sau khi em xuất viện, ở Paris lại không có thẻ điện thoại, nên em không liên lạc được ạ”. tôi trả lời.

“Thế em đã khỏe hẳn chưa?”

“Em đã khỏe hẳn rồi thưa thầy”. Tôi giơ tay lên, một vết sẹo in trên đó.

“Thế thì tốt quá, mấy ngày nữa là tới buổi lễ tốt nghiệp của các em rồi đấy. Vậy chuyện công việc của em...”

“Em muốn đi Thượng Hải tìm việc”. Tôi đáp lại.

Thầy Chủ nhiệm nhìn tôi hỏi: “Em không muốn ở lại đây sao?”.

“Em cũng không biết nữa”.

“Được, vậy em đi trước đi, cố gắng nghĩ ngơi cho tốt rồi đi gặp gỡ bạn bè. Có việc gì thầy sẽ tìm em”.

Tôi ra khỏi văn phòng rồi đi tới bốt điện thoại bên ngoài trường gọi một cú diện thoại đường dài. Trong tay tôi là tấm danh thiếp của Hoàng Duy Đức, tôi muốn thử vận may xem sao.

Cô gái bắt máy có chất giọng rất hay: “Xin chào! Văn phòng của Kỹ sư trưởng Hoàng Duy Đức xin nghe”.

Hóa ra là thật, tôi liền hỏi: “Chào cô! Tôi muốn tìm kỹ sư Hoàng”.

“Hiện tại Kỹ sư trưởng không có ở đây, xin hỏi cô là ai ạ? Cô có muốn để lại lời nhắn không?”

“Ồ tôi là bạn của ông ấy”. Tôi ấp úng, cảm thấy bây giờ mà yêu cầu, đòi hỏi ông ấy thì không nên, bởi xét cho cùng chúng tôi không phải là bạn. “Tôi là Kiều...”

“Cô là Kiều Phi phải không ạ? Cô học ở Học viện Ngoại ngữ Quốc gia phải không?” Tôi còn chưa nói hết câu thì cô gái ở đầu dây bên kia đã liến thoắng.

“Vâng, chính là tôi”

“Ông Hoàng bây giờ đang ở Paris, ông ấy vẫn chưa về. Có điều ông ấy có nhắc tới cô rồi”.

Rốt cuộc vẫn là người Đông Bắc, con người ông ta tuy có hơi thô lỗ một chút, nhưng rất thực tế. Bệnh tình của bản thân  vẫn chưa khỏi hẳn mà đã gọi điện về nước bảo cấp dưới đón tiếp tôi rồi.

“Bất cứ khi nào cô Kiều muốn tới Thượng Hải, xin hãy liên lạc với tôi qua số này, chúng tôi sẽ lo chi phí đi lại và ăn ở. Tôi là Kiệt Thụy Mễ, thư kí của ông Hoàng”.

Thật là chu đáo biết bao, khiến tôi cảm thấy rất bối rối. Tôi đáp lại: “Cảm ơn. Chắc phải mấy ngày nữa tôi mới đi được”.

Lần này mình có thể lên mặt dạy dỗ bọn đàn em rồi, phải biết làm việc thiện  vì người khác, làm nhiều việc tốt thì con đường tương lai của mình sẽ ngày càng rộng mở.

Có điều trong lòng tôi vẫn vướng bận một điều gì đó, nó cứ lờ mờ xuất hiện, nhưng lại không rõ nó là gì và cũng không nắm bắt được, khiến tôi rất bất an.

Ra khỏi bốt điện thoại, trời bắt đầu mưa, tuy không lớn lắm nhưng cứ rả rích suốt. Tôi về kí túc xá, đi qua vườn trường, qua sân tập luyện. Những giọt mưa rơi xuống nền sân, bắn tung lên rồi vỡ òa ra, kêu lộp bộp.

Tôi chợt nhận ra điều gì đã khiến tôi cảm thấy bất an.

Trình Gia Dương.

Lúc sắp rời khỏi đây, tôi phải đi gặp anh ấy. Tôi có một số chuyện muốn nói với anh, tôi không hề ân hận vì đã yêu anh, những thứ anh mang đến cho tôi còn nhiều hơn tất thảy nhưng gì tôi mong đợi trong cuộc đời này.

Nhưng tôi không ngờ rằng mình sẽ gặp anh trong một tình huống khác, thực sự tôi không ngờ sự việc lại diễn ra nhanh tới mức đó.

Sáng vừa gặp thầy Chủ nhiệm, vậy mà buổi chiều thầy lại gọi tôi lên văn phòng.

Trong văn phòng còn có hai người nữa, một người lạ, và người kia cũng xa lạ không kém. Trình Gia Dương lạnh lùng không biểu lộ cảm xúc, thậm chí còn chẳng thèm nhìn tôi lấy một cái. Cứ cúi đầu, ghi chép vào bảng biểu.

Chuyện này là thế nào?

Tôi không đoán được tình huống này là như thế nào.

Thầy Chủ nhiệm bước tới nói với tôi: “Không quen sao? Đây là Trình Gia Dương, học khóa trên em. Còn đồng chí này là cán bộ trong phòng nhân sự của Bộ Ngoại giao. Hai người họ tới đây để phỏng vấn em”.

Bộ Ngoại giao? Phỏng vấn?

Tôi chầm chậm ngồi xuống.

Tôi cứ như kẻ ngoài cuộc, không ai nói với tôi một tiếng nào. Họ tới để phỏng vấn tôi ư? Sao tôi lại phải tới Bộ Ngoại giao làm việc chứ?

Bản thân tôi từ trước tới giờ rất có năng lực ứng phó với những tình huống xảy đến bất ngờ, nhưng trước mặt tôi lúc này là Trình Gia Dương. Hễ nhìn thấy anh là đầu óc tôi lại u u mê mê. Đây là tật xấu của tôi. Tôi có cảm giác đầu mình như đang chìm trong làn sương mù dày đặc và trống rỗng. Tôi ngẩng đầu nhìn anh, anh vẫn cúi đầu chăm chú điền vào bảng biểu trong tay. Tôi không nhìn thấy mặt anh, chỉ thấy những ngón tay, anh vẫn gầy như xưa. Trong khi tôi nhìn anh, anh bỗng thở dài, cây bút trong tay anh chợt dừng lại. Nhưng anh vẫn không ngẩng đầu lên nhìn tôi.

Anh Lý đứng đằng sau anh rất hòa nhã hỏi tôi: “Vết thương trên người cô thế nào rồi?”

Hình như cả thế giới đều biết chuyện này thì phải.

“Không sao rồi anh ạ”

“Chúng tôi tới là để tuyển phiên dịch trẻ cho Bộ, trường đã tiến cử cô. Thành tích của cô đúng là rất xuất sắc, có điều vẫn phải vượt qua vòng phỏng vấn này đã. Anh Trình, anh Trình...”

Gia Dương dừng bút, từ lúc đó cuộc nói chuyện của chúng tôi diễn ra bằng tiếng Pháp.

“Mời cô hãy giới thiệu về mình bằng tiếng Pháp”.

“Tôi tên là Kiều Phi, hai mươi hai tuổi, vừa đi du học tại Đại học Paul- Vallery về”.

“Chuyên ngành?

“Văn hóa Pháp”

“Nguyên quán?”

“Liêu Ninh”

“Sở thích hoặc sở trường?”

“Không có”

“...”

Giọng của Gia Dương rất lạnh lùng, không hề có chút tình cảm. Tâm trạng tôi thay cảm, từ cảm giác băn khoăn, khó hiểu ban đều chuyển sang phẫn nộ.

“Thưa ngài, tôi không hiểu”. Tôi nói, vẫn dùng tiếng Pháp.

Lúc này anh mới ngẩng lên nhìn tôi, khuôn mặt trắng trẻo, lông mày hơi chau lại, đôi mắt sâu thăm thẳm, tôi có cảm giác mình giống như một kẻ tội đồ.

“Tôi không hề nộp đơn vào Bộ Ngoại giao.”

“Nếu không thì sao? Nếu không thì cô muốn làm gì?” Anh hỏi.

“Tôi đã quyết định đi Thượng Hải tìm việc, có điều tôi nghĩ cũng không cần thiết phải báo cáo việc này”.

“Thượng Hải ư?” Anh nhìn đi chỗ khác, cười khẩy một cái rồi hỏi tiếp: “Đi làm gì vậy? Làm phiên dịch hay là nhân viên văn phòng?”

“Tôi đã liên hệ với công ty Michelllin ở Thượng Hải”. Tôi giận dỗi đáp lại. Tôi thật sự không thích thái độ của anh lúc này nên tiếp tục nói, “CÓ làm gì thì cũng tốt hơn ở lại đây”.

Bỗng nhiên anh ngẩng đầu lên và nhìn chằm chằm vào tôi: “Cô vừa nói gì? Cô có thể nói lại một lần nữa không? Cái gì mà làm ở đâu cũng tốt hơn ở lại đây? Ở đây có cái gì đã đắc tội với cô à?”

Anh ấy chưa bao giờ nói với tôi như vậy, nhìn dáng vẻ của anh thì dường như anh đã không kìm được cơn  giận nữa rồi. Tôi không biết phải nói gì, sững sờ nhìn anh.

Tuy chúng tôi nói chuyện bằng tiếng Pháp, nhưng nhìn thái độ cũng như ngữ điệu thì có thể khẳng định là không bình thường. Anh Lý đứng bên cạnh cất tiếng hòi: “Anh Dương? Anh vẫn đang đặt câu hỏi đó chứ?”.

Trình Gia Dương chau mày sau đó đưa tờ bảng biểu cho đồng nghiệp, rồi ra ngoài.

Anh Lý nhìn tôi, rồi nhìn vào tờ bảng biểu nhận xét Gia Dương vừa đưa cho mình, có thể anh cũng cảm thấy rất kì quặc. “Kiều Phi à, cuộc phỏng vấn hôm nay em đã đỗ rồi, một tuần nữa tới Bộ làm nài thi viết và nói nhé”.

Tôi đứng dậy, dõng dạc nói với Trình Gia Dương: “Tôi sẽ không đi đâu”.

Gia Dương mới đi ra tới cửa, nghe thấy thế liền quay phắt lại nhìn tôi. Dường như anh muốn nói gì đó, nhưng tước mặt đồng nghiệp anh không thể tùy tiện được, nên chỉ có thể tức giận nghiến răng bước đi.

Chỉ còn mình tôi thẫn thờ đứng đó, tôi tự hỏi rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì? Tại sao Gia Dương lại đối xử với tôi như vậy?

Tôi tìm một góc khuất trên sân tập hút thuốc, nhớ lại những lời ngọt ngào anh đã từng nói với mình và thái độ lạnh lùng ban nãy của anh. Người ta nói phụ nữ hay thya đổi, thực ra đàn ông mới không thể nắm bắt được.

Cho dù tình cảm có đằm thắm tới mức nào, làm tình có nồng nhiệt đến thế nào thì cũng không thể bù đắp được khoảng cách đang tồn tại giữa hai chúng tôi. Chúng tôi không thể ở bên nhau được, điều này tôi biết rõ hơn ai hết.

Có điều nếu không thể làm người yêu của nhau thì cùng lắm là đường ai nấy đi. Như vậy tốt hơn nhiều so với thái độ ban nãy của anh.

Thế nhưng khuôn mặt anh thật là, sao lúc nào tôi cũng cảm thấy nó rất đẹp.

Tôi nhắm mắt lại suy nghĩ.

Có lẽ nào anh ấy vẫn còn yêu tôi? Do vậy mới cùng tôi diễn vở kịch vừa rồi.

Ý nghĩ này giống như một con ruồi từ đâu vo ve bay ra, nhưng tôi đã nhanh chóng tìm thấy cái vỉ ruồi đập cho nó một cái.

Kiều Phi, mày đừng có nghĩ Trình Gia Dương cũng giống như mày.

Hút thuốc xong tôi lạnh lùng vứt đầu lọc xuống đất rồi đứng dậy vươn vai. Cơn mưa mùa hè vừa đến đã qua đi rất nhanh. Lúc này ánh nắng đã le lói sau những đám mây.

Tôi định tới nhà ăn ăn những món ăn trong thời đại học, hiện giờ tôi ăn uống rất thất thường.

Bỗng một chiếc xe dừng lại bên cạnh tôi, người từ trên xe bước xuống ra lệnh cho tôi: “Lên xe!”.

Tôi không rõ tại sao mắt mình lúc đó như nhòe đi, không biết có phải là do ánh nắng sau cơn mưa quá gay gắt hay là do người đàn ông đó luôn xuất hiện trong tâm trí tôi.


TRÌNH GIA DƯƠNG

Kiều Phi chau mày lại, cô chăm chú nhìn tôi, nét mặt rất kỳ lạ.

“Kiều Phi, lên xe đi, đừng để anh phải nói tới lần thứ ba”.

Bỗng dưng cô cười to: “Sư huynh à, anh muốn mời em ăn cơm à? Được thôi”. Cô ngoan ngoãn bước lên xe, tôi bỗng hiểu ra mọi chuyện. Sở trường của cô là: Luôn giả vờ như không có chuyện gì.

Tôi khởi động xe, cũng chẳng nhìn cô.

“Đi đâu vậy anh?  Tới chỗ nào gần đây thôi, được không anh? Em đã hẹn lát nữa sẽ cùng chơi bài với các bạn rồi”. Cô ấy đã bắt đầu lo lắng, có điều khuôn mặt vẫn tươi cười.

“Em đừng nói gì nữa”. Nỗi hận trong lòng tôi lúc đó trỗi dậy, “Mau thắt dây an toàn vào”.

Tôi lái xe như điên ra khỏi thành phố, thực sự tôi không muốn mất kiềm chế như vậy. Tôi vẫn cho rằng mình có thể điều khiển được bản thân. Có điều, nói cho cùng tôi không phải là thầy tu. Không biết cách kìm chế bản thân, không biết lúc nào nên giả nai, còn cái người tu hành ngồi bên cạnh tôi, lúc này cũng không nói gì nữa, dường như đang nghĩ cách đối phó.

Tới bãi biển tôi dừng xe lại, xuống xe hóng gió biển rồi châm thuốc hút.

Cuối cùng tôi cũng nhìn Kiều Phi, khoảng cách giữa chúng tôi lúc này còn xa hơn cả khoảng cách một năm vừa qua.

Tôi có rất nhiều chuyện muốn làm rõ với cô ấy, có điều không biết phải bắt đầu từ đâu.

Nhưng có một chuyện tôi biết rất rõ đó là Kiều Phi vô cùng xuất sắc, cô ấy nên ở lại Bộ Ngoại giao. Đây là con đường tốt nhất cho cô, ờ đó cô sẽ có tiền đồ.

Không hiểu tôi làm thế là vì cô hay là vì bản thân mình nữa, đầu óc tôi bỗng chốc trở nên mơ hồ.

Cô bước ra khỏi xe, đứng sau tôi.

Tôi quay lại nói: “Ban nãy anh đã ớn tiếng với em, xin lỗi em. Anh ...”. tôi khẽ cười rồi giải thích tiếp, “Tâm trạng không được tốt ấy mà”.

Thái độ của tôi nằm ngoài dự đoán của người tu hành kia, cô ấy sững người một lát rồi đáp: “Không có gì”.

“Kiều Phi em hãy suy nghĩ một cách nghiêm túc về chuyện làm ở Bộ Ngoại giao. Anh coi em là bạn nên mới khuyên am như vậy. Em thử nghĩ mà xem, đây là cơ hội tốt, người khác muốn vào còn không vào được, lẽ nào em không tiếc ư?”

“Em cảm thấy việc đó không phù hợp với mình lắm”.

“Chẳng phải em luôn mong muốn trở thành phiên dịch chuyên nghiệp sao? Nếu được vào Bộ rồi, muốn bồi dưỡng sẽ được bồi dưỡng, muốn rèn luyện sẽ được rèn luyện. Còn nếu em đi làm ở dioanh nghiệp thì sẽ không được như vậy đâu. Chuyên ngành đã học ít nhiều sẽ bị mai một đi. Anh nói thật đấy, hơn nữa thành tích của em xuất sắc như vậy, nếu phải làm ở doanh nghiệp thì quả là đáng tiếc”.

“Ở nơi khác cũng có thể làm phiên dịch chuyên nghiệp mà”. Cô ấy ngang ngạnh trả lời.

“Có phải em đang lo lắng chuyện gì đúng không?”

“...”

Tôi nói rất chậm, có những lời còn chưa được định hình trong đầu: “Đừng lo lắng quá nhiều, tốt nghiệp rồi, em sẽ trưởng thành hơn, những chuyện trước đây không đáng phải suy nghĩ đâu”.

Dường như những lời này đã có tác dụng. Phi ngẩng đầu nhìn tôi, đôi mắt mèo màu hạt dẻ. Nhìn vào đôi mắt ấy tôi lại thấy mơ màng.

“Hơn nữa em không nghĩ tới gia đình mình sao? Dù gì làm việc ở đây cũng vẫn gần nhà em hơn, vẫn có thể chăm sóc bố mẹ em được. Còn nếu em đi xa như vậy, bố mẹ em có xảy ra chuyện gì thì biết tìm ai đây?”

Cô cúi đầu: “Cảm ơn anh, có điều em phải suy nghĩ đã, hiện giờ em không thể quyết định ngay được. Chúng ta về thôi”. Nói rồi cô bước vào xe.

Cô không nhìn tôi nữa, nhưng tôi vẫn chăm chú nhìn cô. Cô gầy quá, người như đang bơi trong chiếc váy. Tóc cô vẫn đẹp như trước, mềm mại mà chắc khỏe, từ trước tới giờ tôi chưa từng nắm bắt được.

Tôi biết những lời nói ban nãy của mình sẽ phát huy tác dụng.

Xa xa có người đang thả diều, diều bay rất cao, thoắt cái đã biến thành một chấm đen trên bầu trời.

Tôi cảm thấy mệt mỏi vô cùng, giống như người thả diều không có trục cuốn dây, phải dùng tay không để kéo dây diều, kéo cho đến khi tay tứa máu.

Full | Lùi trang 7 | Tiếp trang 9

Loading...

Tiểu thuyết tình yêu là website chia sẻ những thể loại truyện hay nhất hiện nay, được nhiều người đọc yêu thích. Truyện được cập nhập hàng ngày. Hãy lưu địa chỉ web để truy cập nhanh hơn!

Chúc các bạn online vui vẻ !

Laptop Tùng Anh

Tour Phú Quốc

Vinhomes Cầu Rào 2

Trang Chủ

XtGem Forum catalog