Trên đường về cả hai chúng tôi đều không nói gì. Thành phố đang giờ tan tầm, xe cộ xếp thành hàng dài trên đường, nửa tiếng sau mới nhích được một đoạn ngắn.
Không gian tĩnh lặng tới mức dường như tôi nghe được cả hơi thở của Kiều Phi.
Tôi cảm thấy lòng mình rất bình yên.
Tôi hy vọng cứ như thế này mãi mãi, vĩnh viễn dừng ở nơi đây.
Dường như cô đã không còn kiên nhẫn thêm được nữa, cứ nhìn trước nhìn sau. Xe cộ xếp thành hàng dài, không có khả năng có thể giải phóng ngay được.
Cô băn khoăn: “Anh thử nghĩ cách gì đi”.
“Thử nghĩ cách gì ư? Chẳng có cách nào cả”. Tôi đáp lại.
Cô nặng nề dựa vào ghế: “Anh có chuyện gì mà cứ phải ra tận bờ biển nói kia chứ? Người ta đã hẹn chơi bài với bạn, anh làm lỡ chuyện của em rồi”.
Cô cầm điện thoại lên gọi cho bạn: “Xin lỗi nhé, xin lỗi nhé, e là mình không thể về ngay được, cậu tìm người thế chỗ mình đi, nhưng chỉ một lát thôi nhé. Mình về là cô ấy sẽ phải ra đấy...”.
Tôi nhìn cô ấy không nói gì. Vì chuyện này mà cũng có thể trách tôi, thì việc tôi ở Paris chờ em tới phát điên chắc em cũng không coi là gì đâu.
Bên cạnh chỗ chúng tôi đang dừng có một quán KFC.
“Em đói rồi”. Kiều Phi nói.
“Để anh đi mua”. Tôi chuẩn bị xuống xe.
“Này”. Cô ấy gọi tôi, “Anh phải lái xe, để em đi. Anh muốn ăn gì?”.
“Humberger cánh gà, ngô, khoai tây nhuyễn, chính là những món như trước đây ấy”.
Tôi buột miệng, sau đó liền cảm thấy hối hận.
Có lẽ lúc đó Kiều Phi đang lơ đễnh nên không nghe rõ, cô đáp: “Được, anh chờ chút nhé”.
Tôi nhìn theo bóng cô đang chạy đi. Cô đã trưởng thành thật rồi, nhưng dáng vẻ vẫn như xưa, dường như cô chưa bao giờ đi đứng cẩn thận.
Xe của tôi lại tiếp tục nhích lên phía trước, chẳng mấy chốc Kiều Phi đã quay lại.
Cô một túi, tôi một túi, đồ ăn thơm phưng phức, tới lúc này tôi mới cảm thấy đói.
Bỗng chuông điện thoại của tôi reo lên, tôi nhìn vào màn hình, là Văn Tiểu Hoa gọi tới. Tôi bấm nút từ chối.
Kiều Phi không ăn mà nhìn ra bên ngoài.
“Em đang nhìn gì thế?” Tôi hỏi.
“A, chỗ này có ga tàu điện ngầm phải không? Cô ấy rất vui, quay ra nói với tôi: “Xin lỗi anh nhé, em phải đi tàu điện ngầm thôi, bài lệnh như sơn mà”.
Tôi không nghe nhầm đấy chứ?
Cô xuống xe rồi, tôi liền gọi với theo: “Kiều Phi!”.
“Sao cơ?” Cô quay lại hỏi.
“Thế còn chuyện công việc hôm nay anh nói với em thì sao?”
“Em biết rồi, chuyện anh nói với em là chuyện tốt, có điều...” Cô ngừng một lát rồi nói, “Em cũng có lựa chọn của riêng mình”.
“Em phải suy nghĩ cho kĩ đấy”.
“Em đi đây. Tạm biệt”.
Kiều Phi vừa đi, Văn Tiểu Hoa lại gọi tới.
Tôi bắt máy.
“Gia Dương à?”
“Ừ”. tôi vẫn nhìn theo bóng Phi đang sang đường.
“Khi nào anh về đấy? Chúng mình đi xem phim nhé!”
“Tối nay anh về nhà”. Tôi đáp, “Anh không đi được”.
“...”
“Xin lỗi em Tiểu Hoa”.
“Ừ, thế cũng được. Thế mai hai bọn mình đi xem nhé, được không? Anh biết mà, em rất thích xem bộ phim 2046 đó”.
“Mai à, được, không vấn đề gì. Anh tới đón em nhé”.
Tôi cúp máy, bắt đầu ăn.
Đoàn xe dần dãn ra, chỉ một lúc sau tôi đã lái được xe về ngôi nhà phía tây thành phố.
Mẹ đang xem thời sự trong phòng khách, tôi chào mẹ rồi lên phòng, bỗng mẹ gọi tôi lại.
“Dạo này con bận lắm à?”
“Con vẫn thế mà”.
“Sao lại không hay về nhà thế?”
Tôi ngồi xuống, thím giúp việc mang đồ uống tới. Tôi không nói gì, rồi bật sang kênh khác.
“Con sống cùng Tiểu Hoa à?”
“Mẹ à, sao cái gì mẹ cũng biết thế?” Tôi thắc mắc.
Mẹ tôi cười nói: “Càng ngày mẹ càng không hiểu nổi con nữa, Gia Dương à, ban đầu bố mẹ chỉ muốn con tiếp xúc nhiều hơn với Tiểu Hoa, con không thích, vậy mà sau này lại dính chặt lấy nhau. Rốt cuộc đã có chuyện gì vậy?”
Tôi nới cà vạt.
“Mẹ thấy cô gái này rất tốt, tuy rằng có chút không xứng với nhà ta, nhưng con cũng đừng nên quà đa tình đấy”.
“Mẹ nói gì vậy? Con không thích nghe mẹ ca cẩm suốt ngày đâu. Mẹ là cán bộ cao cấp, mà sao lại hay nói những chuyện vớ vẩn như vậy chứ?”
Mẹ tôi cười rồi vỗ vai tôi: “Nếu như mẹ không sinh ra hai anh em con thì suốt đời sẽ không phải lo lắng những chuyện như thế”.
Tôi nắm chặt tay mẹ, nhìn vào khuôn mặt được dưỡng trắng mịn, sáng bóng của bà rồi nghiêm túc hỏi: “Mẹ à, vậy mẹ muốn quản lý con tới lúc nào nữa”.
Mẹ tôi suy nghĩ một lúc rồi đáp lại: “Bush bố quản Bush con tới lúc nào? Tưởng Giới Thạch quản Tưởng Kinh Quốc tới lúc nào? Cả đời đấy”.
Tôi lên lầu.
Lên mạng lại vô tình gặp lại cô bạn đã lâu không gặp, Tôi không tin không đăng kí được.
Cô ấy bảo: “Tôi muốn đổi tên”.
“Định đổi là gì?”
“Lê Nhượng Khổng Dung”
“Tại sao?”
“Thay đổi vận may”.
“Gần đây xui xẻo lắm à?”
“Đúng vậy. Phản ứng của độc giả đối với sách mới không tốt lắm. Thế còn anh? Anh thế nào rồi? Lần trước hình như tôi đã đắc tội với anh”.
“Lần trước nào cơ? Tôi quên rồi. Dạo này tôi vẫn bình thường”.
“Chẳng phải anh sắp kết hôn rồi sao”.
“Cô đùa đấy à?”
“Không, bây giờ mới là giai đoạn phù hợp mà, tôi hỏi như vậy là do sợ bạn bè đột nhiên đem chuyện này ra dọa mình”.
“Vậy thì cô phải cẩn thận đấy, thời gian tới tôi cũng chưa có ý định kết hôn”.
“Thế thì tốt. Độc thân không có hại, độc thân muôn năm”.
Tôi châm một điếu thuốc, tiếp tục gõ: “Thực ra, chẳng có ai muốn cô đơn một mình cả”
“?”
“Chỉ là bất đắc dĩ mà thôi. Tôi đang chờ người tới cứu đây”
“Vậy anh thấy tôi thế nào”
“Ha ha”
Tôi offline rồi nằm trên giường đọc sách, xem được một lát thì ngủ thiếp đi, rồi nói mơ: “Em đi xa vậy làm gì chứ?”
KIỀU PHI
Tôi nhận được điện thoại của phòng Nhân sự Bộ Ngoại giao, họ thông báo cho tôi thời gian thi viết. Tôi vẫn rất do dự, mỗi câu Trình Gia Dương nói đều rất có lí. Tôi muốn làm phiên dịch chuyên nghiệp, tôi muốn bố mẹ tự hào về mình. Được làm ở Bộ Ngoại giao là một công việc quá tốt mà trình Gia Dương mang tớ cho tôi.
Đương nhiên rồi, nếu như không tính đến một số yếu tố, tôi sẽ không do dự chút nào mà ngay lập tức tham gia thi viết.
Nếu như tôi trúng tuyển, có phải tôi sẽ làm việc cùng anh?
Nếu vậy sẽ rất nguy hiểm, một sự cá dỗ không thể cưỡng nổi.
Tôi hoàn toàn mất niềm tin vào bản thân, tôi cảm thấy không thể đắc tội với anh được chỉ còn cách trốn trách thôi.
Sáng hôm phải tới dự thi ở Bộ Ngoại giao tôi dậy rất muộn. Tôi cầm đồng hồ lên, hy vọng là quá trễ để mình không phải đi. Kết quả vẫn còn nửa tiếng nữa mới tới giờ thi, tôi chầm chậm mặc quần áo.
Chưa kịp đánh răng, thì tôi nhận điện thoại từ nhà, cô hàng xóm nói: “Phi Phi, mẹ cháu đang ở cạnh cô, mẹ cháu có việc muốn nói với cháu”
“Có chuyện gì vậy cô?”
“Cháu về nước rồi sao không về quê hả?”Cô hàng xóm hỏi.
“Cháu muốn tìm việc trước đã”.
“Mẹ cháu muốn cháu đi cảm ơn một người”
“Ai vậy ạ?”
“Là anh chàng trước đây đã tới nhà cháu đấy”
Là Trình Gia Dương.
“Anh ta còn gửi tiền ở hàng thịt, bảo ông chủ mang thịt đến cho bố mẹ cháu”.
“Có phải gần đây anh ấy lại tới nhà cháu phải không ạ?”
“Không, mà là năm ngoái, trước khi cháu đi du học, cháu có ghé qua nhà một lần đúng không? Lúc cháu vừa đi thì anh ta đến. Kết quả là không gặp được cháu, anh ta đưa tiền cho bố cháu, nhưng bố cháu không nhận. Anh ta liền để lại tiền ở chỗ hàng thịt...”
TRÌNH GIA DƯƠNG
Tất cả các thí sinh đã ngồi vào phòng thi, riêng vị trí tiếng Pháp vẫn còn trống, Kiều Phi chưa tới.
Tôi ra ngoài phòng thi đi một vòng, vẫn chẳng thấy bóng dáng cô đâu.
Đồng nghiệp nhắc tôi: “Gia Dương à, bắt đầu kiểm tra thẻ dự thi đi chứ?”
Tôi nhìn đồng hồ: “Chờ thêm một lát nữa đi”
Hồi chuông đầu tiên vang lên, họ bắt đầu kiểm tra chúng minh thư và thẻ dự thi của các thí sinh.
Hồi chuông thứ hai vang lên, phát giấy thi.
Tôi vẫn đứng ở ngoài phòng thi.
KIỀU PHI
“Cô à, cháu không thể tiếp tục nói chuyện tiếp với cô được, cháu phải tham gia một kì thi rất quan trọng. Nhờ cô nói với mẹ cháu rằng hai ngày nữa cháu sẽ về”.
Tôi cúp máy, rửa mặt, mặc quần áo rồi chạy vội ra ngoài bắt taxi. Lúc lên taxi rồi tôi bỗng cảm thấy sao thành phố này lại lớn đến thế. Mồ hôi túa ra, tôi thầm trách Trình Gia Dương, tôi đã nợ anh quá nhiều.
Cuối cùng cũng đã tới Bộ Ngoại giao, không kịp chờ thang máy, tôi ba chân bốn cẳng chạy lên tầng bốn. Tôi nhìn thấy bóng anh ở phía cuối hành lang. Anh đang nhìn về phía thang máy.
Tôi nhẹ nhàng bước tới, lúc đứng sau lưng anh tôi khẽ gọi: “Gia Dương!”.
Anh lập tức quay người lại nhìn tôi, nét mặt anh thật phức tạp: “Em, sao em tới muộn quá vậy?”
“Xin lỗi”
Xin lỗi, Gia Dương à cho em xin lỗi, xin lỗi vì mọi điều anh đã làm cho em.
“Nhanh lên, mau vào phòng thi đi”
Đồng nghiệp của anh ấy chỉ vào đồng hồ: “Đã tới muộn hơn ba mươi phút rồi”.
Quy định phòng thi đã ghi rõ, nếu tới muộn như vậy sẽ không được tham gia thi nữa.
“Hãy để cô ấy vào đi. Đó là chỗ của em Kiều Phi à”.
Gia Dương vẫn lạnh lùng như chưa có chuyện gì xảy ra.
“Đến muộn như thế chắc chắn sẽ không thể trả lời hết được”
Tôi quay lại nói với anh: “Em sẽ làm hết, em biết mà”
Gia Dương mỉm cười, nụ cười nhẹ nhõm.
Chương 49
TRÌNH GIA DƯƠNG
Cuộc thi viết vừa kết thúc, lại bắt đầu vòng khảo hạch cuối cùng đối với Kiều Phi. Người trong phòng Nhân sự đặt câu hỏi về quy định này, quy định kia, tôi không muốn cô phân tâm, nên đứng đợi ngoài cửa phòng thi.
Anh Lý- người cùng tôi tới trường phỏng vấn cô hôm đó, lo lắng đi tới, vừa nhìn thấy tôi liền nói: “Gia Dương à, tôi đang tìm cậu đây”.
“Có chuyện gì vậy?”
“Cái cô Kiều Phi này, chúng tôi vừa nhận được tin từ trường cô ấy. Trước đây khi còn học ở trường, cô ấy có vết đen đấy”.
“Cái gì?”. Tôi nhìn anh ấy.
“Học viện Ngoại ngữ đã nhận được một bức fax, nội dung là trước đây cô gái này đã từng...”
Nghe tới đây, tôi cảm thấy tâm trạng phức tạp vô cùng. Tôi chờ cho anh nói hết rồi hỏi: “Thế học viện Ngoại ngữ lúc đó có điều tra không? Có kết luận gì không?”
“Không điều tra, đương nhiên cũng không có kết luận nào cả”.
“Thế thì coi như chẳng có chuyện gì cả, chỉ là những tin đồn thổi vô căn cứ. Nếu chúng ta cứ suy xét kỹ như vậy thì chẳng quá chúng ta không có trình độ gì sao, phải không anh Lý?”
“Lúc tôi điều tra ở học viện Ngoại ngữ đã biết chuyện này rồi. Tôi không ghi chép lại, mục đích là muốn thảo luận với anh xem làm thế nào?”
“Làm thế nào ư?” Tôi đẩy nhẹ cửa, nhìn thấy Kiều Phi đang trả lời câu hỏi, khuôn mặt ửng đỏ rất đáng yêu, “ Người là do tôi tuyển, tôi xin chịu mọi trách nhiệm”.
“Gia dương à, tôi làm vậy cũng là muốn bàn bạc với anh xem sao thôi mà”
“Tôi biết rồi, cảm ơn anh”. Tôi xua xua tay.
Trưởng phòng tìm tôi hỏi về tình hình tuyển dụng phiên dịch mới ngày hôm nay, tôi báo cáo đơn giản tình hình với ông. Trưởng phòng vô cùng hài lòng, ông nhắc tôi tiếp theo phải làm tốt công việc bồi dưỡng nhân viên mới. Tôi nói rằng trưởng phòng hãy yên tâm.
Sắp tới giờ ăn trưa, Tiểu Hoa gọi điện cho tôi: “Anh ăn trưa ở đâu vậy Gia Dương?”
“Ở nhà ăn. Thế còn em?”
“Nhà ăn? Anh không muốn ăn món súp khoai tây với tôm nõn hương trà à?”
“Nghe cũng hay đấy nhỉ? Nhưng em nói là lúc này ư?”
“Tại sao lúc này lại không được chứ? Em đã mua cả rồi, em đang chờ anh ở ngoài cơ quan anh đây này”.
Tôi nói: “Tiểu Hoa...”
Có người đối tốt với bạn như vậy, làm sao người ta không cảm động kia chứ?
Hôm đó xem phim xong, khi đi ăn cùng cô ấy, tôi chỉ buột miệng khen hai món ăn đó ngon, không ngờ cô ấy lại nhớ đến vậy.
“Được, em chờ một lát, anh sẽ xuống ngay”.
Một anh làm cùng phòng liền hỏi: “Bạn gái tới đưa cơm trưa hả?”
Tôi cười: “Sao anh biết?”
“Cũng chẳng phải lần đầu mà”.
Tôi tìm thấy xe của Tiểu Hoa ở ngoài sân lớn của Bộ Ngoại giao, cô ấy cười vui vẻ nói: “Anh mau cầm lấy đi, buổi chiều em còn phải tới đài truyền hình thu chương trình. Phần này là của anh, kia là của đồng nghiệp. Còn đây là trà đen đá”.
“Thế em phải đi ngay à?” Tôi cầm lấy thức ăn, vừa nhìn cô vừa hỏi.
“Em đang rất vội, còn có việc ở cơ quan nữa. Anh nhớ phải ăn đấy. Thôi em đi đây”. Vừa nói cô vừa khởi động xe, bỗng dưng cô dừng lại nhìn tôi: “Gia Dương à”.
“Sao thế?” Tôi ngó vào cửa xe nhìn cô.
Cô giơ tay ra vuốt má tôi: “Em thấy anh đang rất nóng đấy, đổ nhiều mồ hôi quá cơ”. Cô nói rồi hôn lên môi tôi.
Tôi còn chưa kịp phản ứng thì cô đã phóng xe đi.
Tôi đang cầm túi đồ ăn thơm ngon, khuôn mặt vẫn còn thoảng mùi hương trên tay cô khi cô vuốt ve mặt tôi, nhưng tâm trạng lại vô cùng nặng nề.
Đi làm về tôi liền tớ cơ quan của Tiểu Hoa đón cô đi ăn, buổi tối lại cùng nhau về nhà cô.
Lúc tôi đang nằm trên giường đọc sách, Tiểu Hoa mang tới hai quyển album lớn. Cô ngồi cạnh tôi nói: “Hôm nay khi về nhà lấy đồ, em tìm thấy mấy bức ảnh hồi bé. Anh có muốn xem không?”
“Muốn chứ”
Tôi đỡ lấy quyển album, rồi giở ra. Trang đầu tiên là tấm ảnh Tiểu Hoa lúc tròn một trăm ngày tuổi, một cô bé với khuôn mặt tròn xoe. Người ta tô màu vào những bức ảnh đen trắng, hai má cô hồng hồng.
Đúng rồi, bức ảnh hồi tôi tròn một trăm ngày tuổi cũng tô màu như vậy.
Giở tiếp những trang sau, cô bé lớn dần lên, trở thành một thiếu nữ.
“Này!”
“Gì vậy?”
“Mũi em hồi nhỏ hình như không đẹp như bây giờ”
“Thế à?”
Cô đỡ lấy quyển album, xem rồi nhận xét: “Ai bảo thế, từ nhỏ mũi em đã là mũi dọc dừa rồi mà”.
Tôi cười trêu tiếp: “Mũi dọc dừa cái gì chứ? À thì ra là mũi sâu róm”.
Cô quay ra cù tôi.
“Đó là từ chỉ đôi lông mày rậm của Quan Văn Trường, sao anh lại có thể thiếu hiểu biết thế nhỉ? Anh đang trêu em đúng không?”
Tôi cười ngặt nghẽo, Tiểu Hoa đè lên vai tôi, miệng ghé sát vào tai tôi, hơi thở của cô phả vào tai khiến tôi buồn buồn.
“Mẹ em nói muốn mời anh tới ăn cơm”.
Tôi sững người, ngồi dậy hỏi: “Gần đây anh hơi bận, hay để dịp khác đi, được không? Hơn nữa, nếu ăn cơm thì anh nên mời mới phải chứ?”
Tiểu Hoa cũng ngồi bật dậy nói: “Đúng vậy, em cũng nói như vậy với mẹ. Thôi anh cứ xem ảnh tiếp đi, em đi tắm đây”.
Nhìn thấy cô bước vào phòng tắm rồi, tôi hờ hững đứng dậy uống nước, hút thuốc.
KIỀU PHI
Tiếp theo đó là một chuỗi ngày bận rộn.
Tôi đã được Bộ Ngoại giao tuyển, chỉ mấy ngày trước lễ tốt nghiệp, tôi cầm thư của Bộ Ngoại giao đi tới các phòng ban đóng dấu, rồi khám sức khỏe...
sau đó thì đi tìm nhà bởi khóa sinh viên mới tương đối đông, còn Bộ Ngoại giao không cung cấp chỗ ở. Sau này mỗi tháng được trợ cấp bao nhiêu thì chưa biết còn hiện tại mọi người phải tự giải quyết tìm chỗ ở. Trời thì vô cùng nóng nực mà tôi phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi, cuối cùng cũng thuê được một căn hộ gần ga tàu điện ngầm.
Tôi dùng chung nhà vệ sinh và nhà bếp cùng một chị đã lăn lộn ở thành phố này rất lâu năm rồi.
Ngày thứ hai sau khi dọn nhà là lễ tốt nghiệp.
Sau này tôi nhớ lại, ngày hôm đó rất náo nhiệt, mọi người cùng nhau chụp ảnh, cùng nhau nghe thầy chủ nhiệm dặn dò, đã có rất nhiều sinh viên khóc.
Trong cái thành phố vừa rộng lớn vừa náo nhiệt này, tôi đã rất may mắn vì có hai người bạn ở lại đây làm việc cùng mình. Ba Ba sau khi được nhận vào làm ở một hãng hàng không Pháp cũng đã bắt đầu bước vào giai đoạn bồi dưỡng nghiệp vụ rồi. Ngày thứ ba sau khi tốt nghiệp, lần đầu tiên được bay tới Paris, cô ấy liền gọi điện về: “Các bà có muốn tôi mang thứ gì từ Paris về không?”.
Tiểu Đơn trả lời: “Đừng có khiêu khích bọn tôi”.
Tiểu Đơn cũng đã bắt đầu làm việc trong công ty du lịch, cô ấy làm người điều hành các chuyến đi, hỗ trợ sắp xếp các tour du lịch, đặt vé máy bay, thống kê giá phòng khách sạn...Xem ra công việc vô cùng phức tạp.
Đêm đầu tiên sau khi đi làm cô ấy gọi điện cho tôi: “Mình rất hối hận vì hồi cấp ba đã không chịu học tốt môn Toán”.
Thời tiết vô cùng khó chịu.
Sau khi thi xong, tôi không gặp lại Trình Gia Dương.
Mọi việc cơ bản đã sắp xếp đâu vào đấy, tôi được nghỉ hai tuần trước khi phải tới Bộ Ngoại giao báo cáo.
Tôi về quê.
Tôi vốn đã nổi tiếng ở đây, lần này từ Pháp về lại sắp làm việc trong Bộ Ngoại giao, hàng xóm láng giềng ai cũng đưa con tới để chiêm ngưỡng học tập.
Đến cả tổ trưởng tổ dân phố- người thường xuyên chăm sóc cho bố mẹ tôi cũng đứng ra mượn một lớp học nhỏ trong nhà trẻ để tôi có thể thực hiện buổi giáo dục ý chí phấn đấu đối với toàn bộ trẻ em trong khu dân cư. Bất kể ở độ tuổi nào, từ mẫu giáo tới tiểu học, cấp ba, sinh viên đều bắt buộc phải có mặt, nhưng em quá bé chưa hiểu gì thì yêu cầu phụ huynh tới cùng nghe.
Tôi cố gắng thuyết trình, nhận thấy mình cũng có khả năng hùng biện. Bố mẹ tôi đều rất tự hào.
Đã lâu không về nhà, buổi tối tôi ngủ cùng mẹ.
Mẹ biết tôi về nhà đợt này sau đó sẽ đi làm ở Bộ Ngoại giao, nên nhất quyết đòi mua cho tôi một bộ vest cao cấp.
Tôi nói chưa cần thiết bởi ban đầu con còn phải bồi dưỡng một thời gian nữa, do vậy không được xuất hiện trong các cuộc gặp gỡ quan trọng. Hơn nữa hồi học đại học con cũng mua một bộ vest rồi.
Không được, bộ đó cũ quá rồi, mẹ tôi nói, con sợ bố mẹ tốn tiền à, Phi Phi? Con không phải lo gì cả. Tiền trước đây con gửi về vẫn còn thừa mà, hơn nữa bố mẹ mở tiệm tạp hóa, làm ăn cũng được lắm.
Thôi được, tùy bố mẹ thôi, tôi cười trừ.
À, mà việc lần trước mẹ nhờ cô hàng xóm nói với con, con đã làm chưa đấy? Mẹ tôi hỏi.
Mẹ nói việc gì cơ?
Việc con phải đi cảm ơn anh chàng đã tới nhà chúng ta đó.
Con đã cảm ơn rồi, tôi đáp.
Tôi quay đầu, le lưỡi, quả thật tôi cũng quên béng mất. Có điều tôi không gặp lại Trình Gia Dương nữa.
Thế anh chàng đó có ý gì với con phải không? Mẹ tôi hỏi.
Tôi nhìn mẹ rồi đáp. Đúng ạ.
Thế còn con? Phi Phi.
Con cũng không biết nữa. Mẹ à, nhà anh ấy rất giàu, bố mẹ đều là quan chức.
Vậy con nên sớm nói rõ ràng với người ta đi, Phi Phi à, nhà chúng ta không xứng, không nên tiếp xúc quá thân thiết. Mẹ sẽ đưa con tiền để trả cho cậu ta.
Con biết mà mẹ. Sao con lại không biết chứ?
Song cứ nói về Trình Gia Dương, tôi lại thấy bối rối. Trả tiền cho anh ấy ư? Tôi đã nợ anh quá nhiều, du học, công việc, tấm lòng của anh đối với tôi từ trước tới giờ có muốn trả cũng không trả hết được.
Tôi ra hiệu bằng tay rất nhanh để nói với mẹ rằng: Mẹ đừng quá lo lắng, cái gì mà phải nói rõ ràng, người ta bây giờ có người yêu rồi, rất môn đăng hộ đối. Con tắt đèn nhé, mẹ cũng ngủ sớm thôi.
Tắt đèn xong, tôi kéo chăn trùm kín mặt. Trước mắt tôi lại hiện lên hình ảnh cô gái đó. Mặc dù biết không nên nhưng tôi vẫn so sánh mình với cô ấy, cái gì cô ấy cũng hơn tôi.
Tôi trở lại thành phố.
Sáng hôm đó tôi đã ăn một bữa thịnh soạn, tinh thần sảng khoái tới báo cáo ở Bộ Ngoại giao.
Trong phòng họp của phòng Phiên dịch cao cấp, tôi gặp rất nhiều bạn cùng vào Bộ với tôi đợt này. Họ đều là những anh tài từ các trường ngoại ngữ ở khắp các tỉnh thành đã trúng tuyển trong kỳ thi vừa rồi.
Tôi tìm một chỗ trống rồi ngồi xuống bắt chuyện cùng mấy bạn ngồi xung quanh.
Một bạn nam nói: “Bạn chính là cô gái mà hôm thi đến muộn phải không?”
Đúng là chẳng nể nang gì, tôi nhìn cậu ta đáp: “Thế thì sao?”
“Vẫn trúng tuyển ư?”
“Nếu không tại sao tôi lại tới đây chứ?”
“Đừng có tự ái nhé”. Cậu bạn đó cười thân thiện, “Mình định nói là nghiệp vụ của bạn rất tốt. Mình tên là Triệu Bằng Viễn, bên tiếng Anh”.
“Mình là Kiều Phi, bên tiếng Pháp”. Tôi bắt tay cậu ta.
Lúc này một số người nữa bước vào, Trình Gia Dương đứng ở phía trước.
Anh mặc áo sơ mi cộc tay, quần âu màu đen, trông rất năng động. Anh đã nhìn thấy tôi, nhưng không biểu lộ cảm xúa gì.
Gia Dương bắt đầu nói: “Tôi là phiên dịch viên Trình Gia Dương ở phòng Phiên dịch cao cấp, tôi thay mặt Bộ Ngoại giao chào mừng và chúc mừng tất cả các bạn. Các bạn đã trải qua rất nhiều vòng thi tuyển, do vậy đều là những anh tài xuất sắc. Trong khoảng thời gian hai tháng tới phòng Phiên dịch cao cấp chúng tôi sẽ tiến hành bồi dưỡng và sàng lọc thêm một lần nữa đối với các bạn. Những bạn tiếng Anh, tiếng Pháp xuất sắc nhất sẽ ở lại phòng Phiên dịch cao cấp, các bạn còn lại sẽ được phân tới các vụ, cục trong bộ, các Lãnh sự quán. Trước khi trúng tuyển, các bạn đều đã có những hiểu biết nhất định về Bộ, chúng ta sẽ không lãng phí thời gian nữa. Đầu tiên tôi chúc các bạn thành công. Tôi xin giới thiệu với các bạn thầy giáo phụ trách việc đào tạo các tiếng...”
Phụ trách đào tạo phiên dịch mới của chúng tôi đều là những anh tài đã rời khỏi vị trí công tác trước đây của mình vì lý do tuổi tác cũng như sức khỏe.
Tôi cùng với mười lăm bạn tiếng pháp khác lập thành một lớp mới dưới sự hướng dẫn của thầy Ngô, hơn bốn mươi tuổi.
Buổi tối khi gọi điện cho Tiểu Đơn tôi kể: “Hóa ra lại tiếp tục làm học sinh, cả đời này có lẽ tớ không thể làm cô giáo được rồi”.
“Ôi!”. Cô ấy ngáp một cái rồi mệt mỏi đáp lại, “Mình lại rất ngưỡng mộ cậu, ngày nào mình cũng phải làm cho tới khi mệt lữ. Mình không nói chuyện với cậu nữa. Mình buồn ngủ quá”.
Tôi cúp máy, đứng trên sân thượng ngắm bầu trời mùa hạ, cơn gió đêm thổi tung váy ngủ của tôi xua tan mọi nóng bức. Tôi cảm thấy vô cùng sảng khoái.
Tôi nhớ lại những chuyện ban sáng, sau khi kết thúc, chúng tôi lần lượt rời khỏi phòng họp. Lúc tôi xuống tầng, Trình Gia Dương liền hỏi tôi từ phía sau: “Đã tìm được nhà chưa?”
Tôi quay lại nhìn anh rồi gật gật đầu.
“Xa không?”
“Đường Ngọc Tuyền, cạnh Học viện Khoa học Xã hội”.
“Cũng xa đấy nhỉ”.
“Thế cũng là tốt lắm rồi, ngay cạnh ga tàu điện ngầm”.
Anh không nói nữa, chỉ đứng bên cạnh tôi.
“À, em quên không cảm ơn anh”
“Cảm ơn vì cái gì?”
“Vì công việc này và còn cả cơ hội được đi du học nữa”. Tôi cười rồi nhìn anh, “hai hôm trước em về quê, oai lắm đấy”.
Tôi không nhắc tới chuyện anh tới nhà mình.
Gia Dương mỉm cười rồi nhìn tôi nói: “Kiều Phi à, em rất xuất sắc, em xứng đáng với công việc này. Từ nay về sau hãy cố gắng hơn nữa”.
Đúng vậy, tôi đã đi làm và đã trở thành người lớn.
Gia Dương nói rất đúng, tốt nghiệp chỉ là một cột mốc mà tôi đã vượt qua, tất cả mọi thứ trong quá khứ, đau khổ, vui sướng, kiềm chế, phóng túng, những điều nên và không nên...
Cứ như vậy, mặc kệ đi.
Tôi chắp hai tay ra đằng sau.
Chương 50
KIỀU PHI
Hằng ngày tôi lên lớp, cuối tuần nghỉ. Nói chung chúng tôi chỉ học về những từ và mẫu câu mang đậm sắc thái TQ. Phần lớn thời gian chúng tôi luyện tập dịch đuổi và dịch cabin, giống như thời tôi học ở Montpellier. Có lúc lại đi kiến tập cùng những phiên dịch chủ chốt tại một số buổi gặp gỡ với người nước ngoài. Ngoài việc được bao ăn ba bữa một ngày, tôi còn được hưởng mức lương hơn hai nghìn tệ. Tôi cảm thấy thật sự hài lòng.
Đôi lúc tôi gặp Gia Dương, đôi khi chúng tôi đang học anh lại tới xem. Tôi liền giả bộ hỏi thầy giáo: “Cái anh họ Trình kia sao lại hay tới đây thế hả thầy?”
“Ngoài việc làm phiên dịch, anh ấy còn phụ trách quản lý chúng em nữa sao?”
“Người có năng lực thì phải làm nhiều thôi”. Thầy giáo của tôi đáp lại.
Trong lớp tôi xuất hiện một số bạn hâm mộ Gia Dương. Mỗi khi anh tới, đám con gái lại ồn ào hẳn lên. Tôi cảm thấy vô cùng tức giận, đã tốt nghiệp rồi có biết không hử? Sao cứ như là nữ sinh mãi vậy? Trong một buổi ăn trưa, cô gái tới từ Học viện Ngoại ngữ Thượng Hải đã rất thẳng thắn lên tiếng: “Kiều Phi à, cậu ngoài miệng nói không thích, ai biết được trong lòng cậu đang suy tính gì chứ?”
Không ngờ lại có người mặt dày mày dạn tới vậy? Tôi tuy tức điên lên nhưng vẫn không nhịn được cười.
Bỗng sự chú ý của họ không hướng vào tôi nữa.
Có người vẫy tôi: “Anh à, anh à, tới chỗ này ngồi đi”.
Tôi quay lại thì thấy Trình Gia Dương đang bê khay thức ăn tới chỗ chúng tôi. Trong tay anh là hộp trà xanh đá.
Anh liền tiến đến bàn của chúng tôi, mọi người tranh nhau nói chuyện với anh. Nội dung câu chuyện rất hời hợt, phù phiếm chỉ là nói cho vui nhưng Gia Dương vẫn rất hòa nhã đáp lại.
Tôi ăn xong vừa cắm ống hút uống sữa tham gia nói chuyện, phụ họa, rồi cười.
Triệu Bằng Viễn cùng một số bạn nam nữa cũng vừa ăn xong liền nhập hội tán chuyện. Lúc đó chúng tôi đã rất thân với nhau rồi.
Tiểu Triệu hỏi Gia Dương: “Anh à tới khi nào thì bọn em mới có quyết định phân tới các bộ phận hả anh?”
Gia Dương đáp lại: “Sau Quốc khánh sẽ có. Mọi năm vào đều dịp này”.
Lúc này Gia Dương đưa mắt nhìn tôi.
Ăn xong cơm, anh cầm cốc trà xanh rồi đứng dậy. Trước khi đi còn nói với chúng tôi: “Các bạn cứ ngồi tiếp đi nhé, tôi phải về văn phòng đây”.
Lúc Gia Dương đi ngang qua tôi liền nhắc nhở: “Anh à, ăn cơm xong mà uống trà sẽ rất không tốt cho dạ dày đấy”.
Gia Dương dừng lại nhìn tôi rồi lại nhìn cốc trà trong tay: “Thế ư. Cảm ơn bạn. Tôi lại cứ tưởng như vậy sẽ tỉnh táo hơn”.
Nói rồi anh bỏ đi.
Tôi nhớ anh ấy từng kể, có một hôm đã bị đau dạ dày rất dữ dội.
Chiều hôm đó thầy Ngô đem tới rất nhiều tài liệu để chúng tôi dịch. Mọi người đều ấm ức nhưng vẫn phải làm, cuối tuần rồi mà còn cho nhiều bài tập thế này, không hiểu họ có cho chúng tôi được sống nữa không?
Thầy Ngô nói, làm thế này là tốt cho các bạn. Phiên dịch là gì, phiên dịch tức là phải chuẩn bị tốt hơn bất kì người nào. Bây giờ cho các bạn dịch nhiều còn tốt hơn sau này gặp phải những vấn đề mà cứng cả lưỡi không dịch nổi.
Chắc chắn trước khi hết giờ sẽ không dịch hết được, chúng tôi chia nhỏ ra cho từng người mang về nhà dịch. Tới thứ Hai tuần sau ghép lại rồi nộp cho thầy.
Tôi dịch tương đối nhanh, vì đã định ở lại văn phòng dịch xong mới về. Một là từ điển và các tư liệu ở đây tương đối đầy đủ, hai là tôi rất hiêu thói quen sinh hoạt của chị Đặng, cùng phòng. Cuối tuần bạn trai của chị ấy tới chơi, tôi sẽ cố gắng nhường không gian rộng rãi cho họ.
Tôi ăn cơm ở nhà ăn, sau đó mua một ít đồ ăn vặt rồi trở về phòng làm việc tiếp. Tới khi dịch gần xong thì tôi mơ mơ màng màng ngủ thiếp đi lúc nào không hay.
Có ai đó kéo tay gọi tôi dậy.
Tôi còn tưởng mình đang mơ, bởi trước mắt tôi lúc này là Trình Gia Dương.
Tôi nhìn anh, đầu đau dữ dội.
Gia Dương lấy khăm mùi soa ra lau miệng cho tôi: “Có phải hồi nhỏ em bị người khác nhéo má nhiều quá phải không? Đã lớn thế này rồi mà ngủ còn chảy rãi”.
Hóa ra không phải là tôi đang nằm mơ, vậy là có rất nhiều việc không thể làm được nữa rồi.
Tôi thở dài, thu dọn đồ đạc của mình.
Vẫn còn một ít tài liệu chưa dịch xong, đành phải mang về nhà dịch tiếp vậy.
“Sao em chăm chỉ vậy?” Gia Dương hỏi.
“Chẳng có cách nào cả, bài tập nhiều quá. Mấy giờ rồi anh?”
“Mười giờ”.
“Thế anh còn ở đây làm gì nữa? Đã muộn thế này rồi”.
“Anh đang viết một văn bản, nhìn thấy chỗ bọn em vẫn sáng đèn, anh liền qua xem sao”.
Anh tắt đèn, hai chúng tôi cùng xuống cầu thang.
Lúc này trong Bộ Ngoại giao, một số phòng ban vẫn sáng đèn, các đồng nghiệp vội vàng ra vào làm việc. Chú đầu bếp vẫn còn mang đồ ăn đêm lên.
Chúng tôi đi ra bên ngoài, Gia Dương hỏi tôi: “Em đi về bằng gì?”.
“Đi tàu điện ngầm thôi”.
Anh ấy nhìn tôi: “Để anh đưa em về”
“Có tiện không anh?”
“Em nói gì thế?”
Tôi đi cùng anh ra bãi đỗ xe, sau đó ngồi lên xe.
Anh ấy cúi đầu, không nói gì, sau đó giúp tôi thắt dây an toàn. Cánh tay anh nóng rực.
“Nhà em ở đường Ngọc Tuyền”
“Ừ”.
tôi ngồi trên chiếc xe đã từng rất quen thuộc. Bên cạnh tôi là người đàn ông cũng từng rất quen thuộc. Chúng tôi đi xuyên qua thành phố.
Thành phố giờ này đã không còn huyên náo, nhộn nhịp như ban ngày nữa mà bỗng trở nên im ắng và dịu dàng vô cùng.
Tôi mở cửa sổ, dựa vào ghế, sau đó đưa mắt chăm chú quan sát màn đêm bên ngoài, cảm nhận được sự mơn trớn, ẩm ướt của những cơn gió đêm.
Chúng tôi cứ như vậy cho đến khi tới tòa nhà xây kiểu thời xưa mà tôi ở.
Tôi nói: “Sao anh biết em sống ở đây?”
“Anh thấy địa chỉ em điền trong bảng đăng kí”.
“Ồ”
“Ở tầng mấy?”
“Tầng ba”.
Trong màn đêm, ánh đèn trong xe phát ra những tia sáng màu vàng nhạt, khuôn mặt anh, đôi mắt anh lúc này bỗng trở nên sinh động, đẹp đẽ vô cùng.
“Đã khuya lắm rồi”. Tôi nói.
“Đúng vậy”. Anh trả lời.
“Em về đi”
“Vâng”
Tôi mở cửa xuống xe, tớ cổng toà nhà tôi quay lại nói: “Cảm ơn anh”.
Trong xe, anh lắc lắc đầu.
Tôi về nhà chị Đặng đang ngồi xem ti vi trong phòng, người yêu chị vẫn chưa tới.
Tôi chạy lên sân thượng, nhìn xe của Gia Dương phóng đi.
Nào ngờ chị Đặng cũng chạy theo lên sân thượng, chị hỏi: “Sao thế? Ai đưa em về vậy?”
“Chị quan tâm đến nhiều việc như vậy làm gì thế?”
“Một chiếc xe hạng sang”.
Tôi đi xuống phòng, bỗng cảm thấy rất đói, liền đun nước nấu mì ăn.
Tôi hỏi: “Sao hôm nay bạn trai chị không tới?”.
Chị không trả lời nét mặt chị trông rất lạ.
Chị Đặng ngồi xếp tròn trên ghế sô pha, hai tay đặt trên hai đầu gối, nhắm mắt hít thở sâu.
“Sao chị lại luyện khí công giờ này?”
“Trẻ con biết gì mà nói, chị đang luyện yoga”. Chị chậm rãi trả lời.
Lúc chúng tôi cùng đánh răng trước khi đi ngủ, chị Đặng nói: “Chị và anh ấy đã chia tay nhau rồi”.
“Tại sao? Nguyên nhân là gì vậy? Tuần trước anh chị còn quấn quít bên nhau kia mà, anh chị yêu nhau đã được sáu năm rồi phải không?”
“Them vào ba năm cấp ba tổng cộng đã chín năm rồi”.
“Cũng chẳng có cách nào nữa, chị cảm thấy ở cùng anh ấy rất gian nan, vất vả. Tiền kiếm không được bao nhiêu lại suốt ngày đi ngoại tỉnh, tới lúc nào bọn chị mới có đủ tiền để làm đám cưới, để mua nhà chứ? Con cái sau này sẽ nuôi dạy thế nào?”
“Thế chia tay với anh ấy rồi, chị thấy thế nào?”
“Ít nhất chị thấy áp lực đối với mình giảm hẳn, không cần phải suy nghĩ cho người khác nữa, chỉ cần mình cảm thấy vu là tốt rồi”.
Chị rửa mặt, lau mặt, nhìn tôi trong gương.
“Chị sẽ tìm một người có tiền. Ít nhất phải có xe, có nhà ở thành phố này”.
Chị Đặng nói chẳng sai chút nào, hiện thực cuốc sống khiến mọi thứ đều dễ dàng đổi thay, huống hồ bản thân con người vốn đã vô thường.
Chương 51
TRÌNH GIA DƯƠNG
Tháng Chín, nhà nước khai mạc Đại hội tuyên truyền đối ngoại, có cả khách nước ngoài tham gia. Ngoài tin tức thông báo còn phải dịch bình luận của khác nước ngoài, chúng tôi bận rộn cả một tháng trời. Nhóm Kiều Phi sau khi được học nâng cao, thành tích cũng tiến bộ rõ rệt. Lúc họp, Kiều Phi cũng tham gia vào công tác dịch, trình độ của cô ấy khiến nhiều người phải đưa mắt ngưỡng mộ. Sau Quốc khánh, chúng tôi sẽ căn cứ thành tích của họ để bổ nhiệm. Kiều Phi sẽ được giữ lại phòng Phiên dịch cao cấp, cơ bản đã sắp xếp rồi, đương nhiên đây không phải là ý kiến của riêng một mình tôi.
Trong thời gian diễn ra hội nghị đã xảy ra một chuyện rất thú vị, Kiều Phi gây được sự chú ý với trưởng phòng của tôi.
Đoàn đại biểu cấp cao Đảng cộng sản Pháp do quan sát viên mới được bổ nhiệm tới tham dự, ông ta đi cùng mẹ mình tới TQ.
Bà vốn là người câm điếc, chúng tôi đã không chuẩn bị nên quá trình tiếp đón gặp rất nhiều khó khăn. Kiều Phi vốn đang làm việc trong hội nghị, sau khi biết được tình hình liền tức tốc về khách sạn hỗ trợ. Mấy ngày sau cô cùng với đoàn đại biểu và bà mẹ kia đi thăm quan, thăm hỏi. Những vị khách nước ngoài rất ấn tượng với cô, trước khi về nước họ chuyển lời cảm ơn sâu sắc tới Bộ cũng như với cá nhân Kiều Phi.
Sau này tôi mới biết. Trưởng phòng hỏi tôi, cô gái đó mới tuyển đợt này đúng không? Sao cô ấy lại biết thủ ngữ vậy?
Tôi đáp: “Trưởng phòng quên rồi à, tôi đã từng nhắc về cô ấy với anh rồi. Cô ấy học ở Học viện ngoại ngữ Quốc gia, cô ấy chính là cô gái được cử đi Pháp học theo dự án liên kết giữa Bộ ta và Bộ Giáo dục”.
“Thế à?” Trưởng phòng rất vui, “Cô gái này được đấy, tôi thấy tiếng Pháp của cô ấy rất tốt. Gia Dương à, chúng ta sẽ giữ cô ấy lại, một người kiêm hai nhiệm vụ phiên dịch”.
“Trưởng phòng cũng thật biết kinh doanh, thế anh định trả mấy lần lương đây ạ?” Tôi vừa cười vừa nói.
Đôi khi tôi nghĩ, những người mới thật trẻ trung, tiềm lực cũng như sức sống của họ thật khiến người ta phải hâm mộ. Có rất nhiều cơ hội bày ra trước mắt Phi. Cô ấy nói cảm ơn tôi, nhưng tôi thấy rõ cho dù có tôi hay không, thì dù ở trong Bộ Ngoại giao đầy rẫy những nhân tài này hay ở bất kỳ một nơi nào khác, cô ấy vẫn luôn là cô gái xuất sắc khiến người khác không thể xem thường.
Tiết trời se se lạnh, Tiểu Hoa bị cảm. Ban đầu chỉ là những triệu chứng nhẹ, nhưng cô ấy vẫn cố đi làm nên bệnh càng nặng thêm, kết quả là mắc viêm phổi cấp.
May mà đại hội khiến tôi bận rộn bấy lâu đã kết thúc, tôi có thể thở phào nhẹ nhõm để tới chăm sóc cô. Cô mới nằm viện nhưng tôi đã đón cô về nhà.
Buổi tối tôi nấu cháo rồi bón cho cô, thổi cho thật nguội mới đưa thìa tới trước miệng cô. Tiểu Hoa há miệng nhưng không ăn mà lại khóc.
“Em sao vậy? Có việc gì phải khóc nào?” Tôi đặt thìa cháo xuống, “Chẳng qua là không được đi làm mấy hôm thôi mà, thì em cứ coi như nghỉ lễ Quốc khánh đi. Em bận rộn cả năm, chẳng nghỉ ngơi gì, được nghỉ như thế này chẳng phải quá tốt rồi sao?”
Cô lắc đầu: “Không, Gia Dương à, không phải em khóc vì chuyện này đâu”.
Dưới ánh đèn, cô nhìn tôi rồi nắm chặt tay tôi đặt lên má mình nói: “Cảm ơn anh. Không có anh, em không biết phải làm sao nữa”.
Lời của Tiểu Hoa, tôi có thể hiểu được.
Những người nhưu chúng tôi, sống trong cảnh đủ đầy, nổi tiếng khắp nơi nhưng trái tim lại vô cùng mềm yếu, chỉ muốn được bao bọc, được an ủi, chở che những lúc khổ đau.
Tôi đỡ cô ngồi thẳng dậy, lau nước mắt cho cô, rồi dịu dàng dỗ dành cô ăn cháo.
Giống như một người khác đã từng làm cho tôi.
Trước kì nghỉ lễ Quốc khánh, sức khỏe của Tiểu Hoa đã hồi phục tương đối. Cô ấy bàn với tôi về việc muốn đi nghỉ mát ở Đại Liên. Lúc nghe thấy cô ấy nói, tôi đang uống nước thì bị sặc. Tôi phải cố gắng nuốt xuống để không ho.
“Chúng mình được nghỉ lâu như vậy sao em lại muốn đi Đại Liên chứ? Gần quá”.
“Lần trước khi anh tham gia chương trình của em, em hỏi anh thích đi du lịch nơi nào nhất, anh trả lời là Đại Liên. Anh không nhớ à?”
Tôi không nói gì, trong trí nhớ của tôi đúng là có chuyện như cô ấy nói.
Đã hai năm kể từ lần tôi đi Đại Liên cùng Kiều Phi. Thời gian trôi thật nhanh, vậy mà đã hai năm rồi. “Anh không muốn đi ăn à?” Tiểu hoa hỏi.
“Không, tùy em thôi, em muốn đi thì anh sẽ đi. Phong cảnh ở Đại Liên rất đẹp”.
Cô ấy vui mừng reo lên: “Thế thì chúng ta cứ quyết định như vậy nhé Gia Dương”.
Trong nhà ăn, tôi lại gặp đội ngũ nhân viên mới tuyển, lúc đang lấy cơm thì tôi nhìn thấy Kiều Phi đang nói chuyện. Trong cô ấy kể chuyện rất có sức hút, mọi người đều tập trung lắng nghe, sau đó thì cười bò ra. Cô ấy tiếp tục kể chuyện cười.
Họ gọi tôi tới ăn cơm cùng.
Tiểu Triệu nói: “Kiều Phi à, cậu kể lại chuyện vừa rồi cho anh ấy nghe đi”.
Kiều Phi nói với cậu ta: “Cậu kể lại đi, mình muốn kiểm tra xem cậu có nhớ không?”
Tôi liền nói: “Anh sẽ kể một câu chuyện”.
Mọi người vô cùng hồ hởi.
A: Gần đây mình đang làm thêm.
B: Ở đâu thế?
A: Bệnh viện tâm thần.
B: Làm gì đó?
A: Bị nghiên cứu.
Mọi người cười to, chỉ có Kiều Phi là bình thản như không hỏi tôi: “Sau đó thì sao hả anh?”.
Tiếng cười lại rộ to hơn nữa, tôi cũng bật cười, vừa cười vừa nhìn cô ấy.
Lúc ăn cơm, mọi người thảo luận về kế hoạch nghỉ lễ Quốc khánh. Theo thông lệ, Bộ sẽ sắp xếp cho họ đi chơi công viên nước ở ngoại ô.
Một cô gái hỏi tôi: “Anh à, anh có đi không?”
“Anh ư? Anh không đi được”. Tôi trả lời, “Đây là phúc lợi dành riêng cho các nhân viên mới được tuyển dụng”.
“Thế anh định đi đâu”
“Anh sẽ đi Đại Liên”
Kiều Phi cúi đầu ăn cơm, trông cô ấy ăn thật ngon miệng.
“Chắc không phải đi một mình đấy chứ?” Có người tò mò.
Tôi cười, lắc lắc đầu không trả lời.
“Anh à, em tốt nghiệp Học viện ngoại ngữ Đại liên đấy, thế anh có cần hướng dẫn viên không?” Một cô gái khác chêm vào.
“Cám ơn, cám ơn”. Tôi đáp lại,” Nếu cần nhất định anh sẽ tìm em”.
Kiều Phi nói: “Triệu Bằng Viễn, cậu không ăn sữa chua à? Cho mình nhé!”.
Nhưng tôi và Tiểu Hoa không đi nghỉ ở Đại Liên nữa, cô ấy thay đổi kế hoạch, muốn đi một hải đảo.
“Tại sao không đi Đại Liên nữa?” Toi thắc mắc.
“Vào dịp nghỉ lễ, số người tới Đại Liên chắc chắn sẽ rất đông. Chúng ta đi hải đảo sẽ hay hơn, vừa yên tĩnh không khí lại trong lành”.
“Tùy em thôi”
“Em biết anh bằng lòng đi cùng em tới Đại Liên là được rồi”. Cô ấy đáp lại. Cô đội thử chiếc mũ đặt làm tại một cửa hàng nổi tiếng, “Điều này đối với em rất quan trọng”, cô vừa cười vừa nói.
“Gia Dương, anh nhìn xem, cái mũ này dường như có cái gì đó khọng ổn”
Tôi nhìn cô: “Rất đẹp mà. Sao vậy?”
“Anh xem, bên này hơi lệch thì phải”.
“Đâu có”
“Đúng mà”
Cô đặt mũ xuống rồi gọi điện cho ông chủ cửa hàng. Họ nói chuyện với nhau một lúc, ông chủ cửa hàng nói rằng bây giờ đang là thời điểm bán chạy nhất trong năm nên các nghệ nhân hơi bận không thể tới chỗ cô được. Cảm phiền cô mang mũ tới cửa hàng để sửa.
Tiểu Hoa tức giận nói: “Đã làm không ra gì, lại còn yêu cầu tôi mang mũ tới sửa à”.
Tôi bảo: “Được rồi, em không cần phải đi, em vừa ốm dậy. Để anh đi cho”.
Tiểu Hoa đáp: “thế cũng được, có điều Gia Dương à, anh đừng có chờ nhé, phải bắt bọn họ mang tới nhà cho em”.
Trên đường đi, tôi lái xe rất chậm, ánh mặt tời tháng Chín rất đẹp chiếu rọi khiến mọi người cảm thấy vô cùng sảng khoái.
Cửa hàng đó nằm ở con hẻm sâu trong khu phố buôn bán cũ. Cuối cùng tôi đã tìm thấy. Vừa dừng xe tôi đã nhìn thấy Kiều Phi.
Cô xách túi, mặc một chiếc váy màu xanh lá cây, đang đi dạo trên phố, mắt hết nghiêng sang trái rồi lại ngó sang phải.
Đây là người con gái trong tim tôi.
Tôi nhấn còi xe để cô nhìn thấy mình.
“Chúng ta tìm một chỗ nào đó ngồi nói chuyện đi. Em có rảnh không?” Tôi hỏi.
“Được thôi” Cô đáp lại, ánh mắt long lanh.
“Nhưng đi đâu đây?”
“Em có đói không? Mình đi ăn lẩu đi”.
“Đi ăn lẩu bò đi, em biết một quán, em mời”.
“Được, em dẫn đường nhé”.
Nhìn thấy cô ấy, thật khiến người ta vui vẻ. Tôi mở cửa xe cho cô, cô chỉ vào bên trong xe rồi nhìn tôi.
Trên chiếc ghế phụ ngay gần chỗ tôi ngồi đặt chiếc hộp đựng chiếc mũ hàng hiệu của Tiểu Hoa.
Tôi ngượng ngùng đặt chiếc hộp vào ghế sau.
Nơi Phi dẫn tôi tới không xa lắm, là một quán nhỏ nhưng rất sạch sẽ. Mùi lẩu bò rất hấp dẫn, chúng tôi gọi rất nhiều món, còn gọi cả rượu trắng nữa.
Tôi và cô cũng đói, chúng tôi không nói với nhau câu gì, trước tiên phải giải quyết vấn đề cái dạ dày đã.
Phi uống rất nhiều rượu, tôi nhớ tửu lượng cô rất khá.
Tôi rót cho mình một ít, nhưng cô ấn tay tôi xuống nhắc: “Anh không nên uống, anh uống nước ngọt đi, lát nữa còn phải lái xe nữa mà”.
Tôi không biết mình đã làm thế nào để ấn bàn tay đang đặt trên tay mình xuống nữa, tôi không nói gì, tim đập rất nhanh.
May mà lúc đó cô ấy đã không rụt tay lại.
Tôi nhìn cô ấy, cô ấy cũng đang nhìn tôi, giữa chúng tôi là nồi lẩu đang sôi sùng sục.
Khuôn mặt của Phi đỏ rần, ánh mắt cô mênh mang.
“Phi, anh muốn hỏi em một chuyện”. Tôi chầm chậm lên tiếng.
Cô vẫn đang nhìn tôi.
“Hôm đó, cái hôm chúng mình hẹn với nhau ấy. Hôm em đã đi Paris đó, em nhớ không?”
Cô ấy gật đầu.
“Sao em lại nói dối anh chứ, sao lại nói em không đi? Sao em không tới gặp anh? Làm sao em gặp phải vụ nổ bom đó?”
hôm nay, tôi nhất định phải hỏi cho rõ chuyện này.
Cô không trả lời ngay. Từ từ lật bàn tay đang bị đè dưới tay tôi lên.
Tôi nhìn thấy trong lòng bàn tay cô có một vết sẹo hồng hồng. Một vết sẹo rất rõ.
“Em đã đi Paris, có điều em ở cùng một người khác, một người đàn ông khác Gia Dương ạ. Chúng em rất hợp với nhau”. Cô nói với tôi rất rõ ràng, từng lời từng lời như cứa vào tim tôi, “Lúc đó bọn em đang ở ga Lyon, khi xảy ra vụ nổ bom, vì cứu sống em nên anh ấy đã chết. Em không thể quên anh ấy được”.
“ZuZu Ferrandi, hiến binh thực tập, được chôn cùng quốc kỳ, chắc anh đã đọc được đoạn này trên báo”.
“Mỗi lần em nhớ tới anh ấy, em luôn có cảm giác anh ấy vẫn chưa chết. Anh có nhìn thấy vết sẹo trên tay em không? Là anh ấy đang đi cùng em đấy. Gia Dương à, em vốn là như vậy mà”.
Tôi thả tay cô ra, có cảm giác như lục phủ ngũ tạng của mình sau khi đông cứng lại rồi bị Phi dùng búa gõ cho vỡ vụn.
Kiều Phi uống một hơi hết cốc rượu trắng, cô cười rất tươi rồi yêu cầu: “Anh đưa em về nhà nhé Gia Dương”.
Về tới nhà, hình như Tiểu Hoa hỏi tôi về chuyện chiếc mũ, tôi trả lời là tôi cũng không biết nữa, sau đó đổ gục lên giường rồi ngủ thiếp đi.
Tiểu Hoa không gọi tôi nữa, trong dịp Quốc khánh, chúng tôi đã tới một hòn đảo không xa lắm. Trên đảo rất ít người sinh sống, một nơi lí tưởng, chỉ dành riêng cho các cán bộ cao cấp nghĩ ngơi.
Phòng của chúng tôi ở tầng ba, hướng ra biển và những tảng đá ngầm.
Tôi và Tiểu Hoa cùng ngắm cảnh biển trên sân thượng, cô ấy dựa vào lòng tôi hỏi: “Gia Dương à, em hy vọng chúng ta sẽ mãi như thế này ở bên nhau chỉ có hai chúng ta mà thôi”.
Tôi nắm lấy tay cô rồi đáp lại: “Được thôi, Tiểu Hoa à”.
thế nhưng vào tối hôm đó, tôi lại mơ thấy mình không ở nơi này.
Ở Đại Liên, trên bãi cát vào buổi đêm, trời mưa, tôi và Kiều Phi quấn quýt bân nhau. Bỗng nhiên nơi đó biến thành ga Lyon, bên cạnh người con gai tôi yêu là một người đàn ông tôi không nhìn rõ mặt. Tôi biết nơi này sắp xảy ra vụ nổ, thế nhưng tôi không biết phải làm sao để anh ta không ở bên cô ấy nữa, tôi muốn chạy về phía họ. Chết , chắc chắn tôi sẽ chết, tôi sẽ chết để cứu cô ấy. Có diều tôi không thể chạy đua được với thời gian, bỗng một tiếng nổ rất lớn. Sóng nóng ập tới, tôi hét lên, Kiều Phi!
Tôi tỉnh dậy, tưởng mình vẫn nằm mơ.
Chỉ thấy trong phòng rất nóng, khói lửa bao trùm.
Chương 52
KIỀU PHI
Cuối cùng cũng tới dịp nghĩ lễ Quốc khánh, tôi dành hai ngày để ngủ cho thật đã. Mãi tới lúc không còn gì ăn nữa, tôi mới quyết định rửa mặt rồi xuống lầu ra siêu thị mua đồ.
Ở quầy sữa chua có một nhãn hiệu nổi tiếng đang khuyến mại. Nhưng dường như tiêu thụ vẫn không được tốt lắm. Tôi bước tới, nhân viên bán hàng bưng một cốc cho tôi nếm thử, là sữa chua gương bạc hà.
Tôi nói: “Giống hệt mùi kem đánh răng,ai mà thích loại sưa chua này chứ?”
Nhân viên bán hàng nhìn tôi, cười rất bí ẩn rồi nói: “Sau khi ăn xong, miệng rất thơm, có thể tăng hứng thú. Cô thử nghĩ mà xem, ai lại không muốn hôn người vừa đánh răng xong chứ?”
Kể ra họ nói cũng có lý.
Tôi nhớ lại lúc trước, khi yêu Gia Dương, có một hôm anh ăn kem vị bạc hà, sau đó lại đòi hôn tôi, miệng anh rất thơm.
Dáng vẻ nghĩ ngợi xa xăm của tôi lúc đó khiến nhân viên bán hàng hiểu nhầm. Anh ta lấy một lốc sữa chua cho tôi rồi nói: “Thế nào? Mua ba tặng một”.
“Cảm ơn anh. Tôi vẫn đang độc thân”. Tôi mỉm cười từ chối, sau đó đẩy xe đi tiếp.
Có ai đó gọi điện cho tôi, số máy lạ.
Tôi bắt máy: “A lô”
“Cô Kiều à”.
“Chào chú! Kỹ sư trưởng Hoàng Duy Đức”.
“Ôi, sao em lại có thể nhận ra giọng anh nhanh như thế được?”
Ông ta cười hì hì rồi nói: “Có rảnh không, anh mời em ra ngoài ăn cơm”.
“Bây giờ chú đang ở đây sao?”
“Nếu không anh tìm em làm gì chứ?”
“Được thôi”.
Bất luận là ai, chỉ cẩn xuất hiện vào đúng lúc tôi cô đơn như thế này đều được chào đón, huống hồ lại là người quen cũ ở Paris. Nghe giọng ông Hoàng có vẻ rất vui. Tôi vui vẻ nhận lời, chúng tôi hẹn nhau ở một câu lạc bộ Tây Ban Nha.
Tôi sửa soạn một chút rồi bắt taxi tới chỗ hẹn. Lúc tới nơi, ông Hoàng đã có mặt. Có một người ngồi đối diện với ông ở đó, lưng quay về phía tôi, nhìn từ đằng sau đã khiến tôi có cảm giác vô cùng quen thuộc.
Ông Hoàng bước tới ôm hôn tôi rồi khen: “Kiều Phi à, sắc mặt em rất tốt”.
“Được nghỉ mà, ngủ rất ngon”.
Tuy miệng nói với ông Hoàng nhưng mắt tôi lại nhìn người kia, anh ta quay lại rồi đứng lên.
“Em cũng nên làm quen một chút, đây là bác sĩ, bạn tốt của anh, tiến sĩ Trình Gia minh. Hai người đã từng nói chuyện với nhau qua điện thoại đó”.
Ông Hoàng giới thiệu tôi với người kia: “Gia Minh à, đây là em gái tôi, em gái ruột Kiều Phi”.
Đúng vậy, khuôn mặt này, cái tên này, tôi rất quen.
Chúng tôi đã từng gặp nhau một lần trên bãi biển ở ngoại ô. Hôm đó Gia Dương uống say bí tỉ, anh trai của anh tới đưa về.
Chúng tôi từng nói chuyện với nhau qua điện thoại, tôi làm phiên dịch cho anh ấy và bác sĩ Pháp. Giọng của anh cũng rất quen.
Lúc này tôi và Trình Gia Minh ngồi đối diện với nhau, tôi bắt tay anh, ngắm nhìn khuôn mặt rất giống Gia Dương của anh.
Sự việc phức tạp như thế này, tôi thực sự không biết phải nói gì nữa.
Tôi luôn miệng cầu mong người này sẽ không có trí nhớ tốt như tôi.
“Em nói em là lưu học sinh, vậy em đã tìm được việc chư?” Gia Minh hỏi tôi.
“Em đã tốt nghiệp rồi, hiện tại em đang làm ở Bộ Ngoại giao”. Tôi thật thà trả lời.
“Chả trách không tới làm việc ở chỗ anh”. Ông Hoàng rót trà cho tôi, “Em làm phiên dịch chuyên nghiệp ở đó à? Anh biết những người như em còn có thể được phái ra nước ngoài làm ở các đại sứ quán nữa đúng không?”
“Trước Quốc khánh bọn em chỉ tập huấn thôi, sau đợt nghỉ lễ mới biết được ai ở lại phòng Phiên dịch cao cấp, ai sẽ được phái ra nước ngoài”. Tôi đáp lại.
Ông Hoàng xúc một thìa lớn đường cho vào cốc trà của mình.
“Chú Hoàng à, chẳng phải chú bị tiểu đường hay sao?” Tôi nói.
“Em nói to như vậy, có phải muốn nói cho tất cả mọi người ở đây biết không vậy?” Trình Gia Minh nói.
Tôi nhìn anh không hiểu: “Anh là bác sĩ của chú Hoàng mà cũng không lo sao?”.
Chú Hoàng cười khà khà, một mình uống trà, cứ như thể muốn xem cảnh Trình Gia Minh đối phó với tôi như thế nào.
“Lo cái gì chứ?” Anh hỏi.
“Phải ăn uống điều độ, đảm bảo sức khỏe”.
“Tại sao?”
“Như thế mới có thể sống lâu trăm tuổi được”
“Em nghĩ có thể sống lâu được như vậy không?”
“Cũng không hoàn toàn nhưng chí ít có thể sống lâu hơn một chút, cảm thấy dễ chịu hơn”.
“Như thế nào mới được coi là dễ chịu?”
Tôi không thể tranh luận được với anh.
“Vậy anh nói xem sống thế nào mới được coi là thoải mái dễ chịu đi”.
“Ăn được, uống được, chơi được, ngủ được thì sẽ thoải mái dễ chịu thôi mà”. Trình Gia Minh đáp lại, “Anh Hoàng bị bệnh, anh chỉ lo chuyện kê đơn, điều trị, còn việc anh ấy muốn ăn gì thì ăn nấy, cảm thấy mình thoải mái là được rồi”.
Hay thật đấy! Đúng là nhiều khi cũng không nên coi thường thầy lang.
Anh ta nhìn tôi rất đắc ý, mỉm cười rồi nói với ông Hoàng: “Anh nhìn thấy chưa? Vẫn còn là trẻ con”.
“Trước đây anh là luật sư, sau đó chuyển nghề phải không?”
“Ý em muốn nói anh có tài ăn nói phải không, cô bé?” Trình Gia Minh chỉ vào mình nói, trông càng đắc ý hơn.
“Ý em là anh rất giảo biện, đổi trắng thay đen”
Ông Hoàng khoái chí cười to, vẫy tay gọi bồi bàn tới để gọi món.
Cái gì mà cholesterol với mỡ, ông Hoàng chẳng kiêng gì hết, những món ăn Tây Ban Nha có lượng calo cao rất hợp khẩu vị của ông. Món lươn nướng mỡ chảy ròng ròng ông còn ăn những hai suất, thêm một chai rượu vang trắng. Ông chỉ dùng có một nửa lá gan cùng với lượng máu nhiễm mỡ của mình để tiêu hóa những món này, tôi chỉ biết tròn mắt nhìn.
Trên sân khấu có một nữ ca sĩ biểu diễn bài hát tiếng Tây Ban Nha và một đôi nam nữ đang múa minh họa.
Trình Gia minh bị thu hút bởi nữ ca sĩ, anh nghiêng tai lắng nghe tiếng hát của cô.
Tôi hỏi: “Họ đang hát gì vậy?”
“Cuộc sống tươi đẹp”
“Sao anh biết tiếng Tây Ban Nha”.
Trình Gia Minh nhìn tôi trả lời: “Sao em không nhìn vào màn hình bên cạnh sân khấu ấy?”.
Đúng vậy, tôi thật sơ ý. Rõ ràng trên màn hình chạy phụ đề tiếng Trung nội dung bài hát.
Trình Gia Minh không ăn nhiều, anh lấy bút, viết cái gì đó lên danh thiếp của mình sau đó đưa cho người phục vụ cùng với tiền: “Nhờ anh đưa cái này cho nữ ca sĩ, sau đó giúp tôi mua một bó hoa tặng cô ấy nhé”.
Ông Hoàng liền nói: “Gia Minh à, cậu thật là vẫn chứng nào tật ấy”.
Anh cười nhạt rồi nói: “Anh vẫn chưa nghe bài hát đó ư? Cuộc sống tươi đẹp, cuộc sống tươi đẹp”.
Anh xoay người ngắm cô ca sĩ, cô ấy đã nhận được hoa và dòng nhắn của anh, cô cười với anh, anh hướng chiếc ly về phía cô nâng cốc.
Sau đó là màn khiêu vũ, cô ca sĩ trở thành bạn nhảy của anh. Hai người nhảy thật nhẹ nhàng uyển chuyển. Quả thật anh nhảy rất đẹp.
Mặc dù đã cố kiềm chế, nhưng tôi vẫn chăm chú ngắm anh.
Khuôn mặt, mắt mũi của người này đều rất giống Gia Dương.
Trán cao, mũi thẳng, đôi môi mỏng, và làn da trắng tới mức tưởng như trong suốt.
Có điều tính cách của anh thì trái ngược hẳn. Anh ăn nói phóng túng, thoải mái, nhảy rất giỏi, dường như trong mắt anh không có người nào khác, chỉ có cuộc sống tươi đẹp của mình mà thôi.
Ông Hoàng đã say rồi, cứ lãi nhãi với tôi: “Kiều Phi à, mai anh về Thượng Hải rồi, sau này sẽ lại tới thăm em. Em cũng phải như vậy nhé, nếu có tới Thượng Hải, nhất định phải tìm anh đấy”.
“Anh có cảm thấy em giống con trai không?”
“Đúng, em giống như em trai của anh vậy.”
Rất nhiều người đều cảm thấy như vậy, tôi thở dài.
Khúc nhạc kết thúc, Gia Minh hôn tay cô ca sĩ, rồi bước tới nhìn tôi và ông Hoàng.
“Để tôi tiễn hai người về nhé!”
“Về ư?” Ông Hoàng ngạc nhiên lảo đảo đứng dậy: “Đi chỗ khác chơi tiếp đi”.
“Anh có sức, nhưng cô gái này còn phải nghỉ ngơi nữa”. Trình Gia Minh vỗ vào vai tôi, “Đi thôi, đi thôi, nào anh Hoàng, chúng ta về thôi!”.
Tôi và Trình Gia Minh đưa ông Hoàng về khách sạn. Trước khi rời khỏi phòng, anh còn lấy thuốc đưa cho ông uống.
Chúng tôi cùng đi thang máy xuống.
Tôi ngắm mình trong thang máy, Trình Gia Minh cũng vậy.
Sau đó hai chúng tôi cùng nhau nhìn.
“Kiều Phi à, em bao nhiêu tuổi rồi?”
“Sao anh lại hỏi chuyện này?” Tôi nhìn anh.
“Năm trước anh đã hai mươi chín rồi”
“Vậy em sẽ không nói cho anh biết đâu”.
“Kì lạ thật đấy”.
“Sao cơ?”
“Sao anh có cảm giác em rất giống với bí thư chi đoàn hồi cấp hai của anh”. Dường như anh đang nói với chính mình.
Tôi thầm nghĩ, chú à, khi chú học cấp hai cháu còn chưa tốt nghiệp mẫu giáo nữa kìa.
“Anh cũng lớn tuổi rồi, mà vẫn còn nhớ tới bạn học thời cấp hai của mình cơ à?” Tôi chậm rãi nói, cố nhấn mạnh vào từ “lớn tuổi”.
Dường như chưa có ai hỏi anh như thế bao giờ nét mặt anh bỗng nhiên giống như ăn phải một con ruồi.
“Thực ra, em gợi lại hồi ức của anh về cô ấy...”
“Tại sao vậy? Anh nói đi...” Tôi chờ xem người này sẽ nói những gì.
“Chuyện gì cũng muốn quản, chuyện xưa bỏ mẹ”
Tôi rất muốn phản bác, nhưng vì cảm thấy câu nói này buồn cười quá nên cố tình trêu anh: “Lần đầu em nghe thấy cụm từ chuyện xưa bỏ mẹ đấy, ha ha ha... nghe sắc sảo ghê”.
Thang máy xuống tới tầng một, chúng tôi đi ra.
Lúc ra khỏi thang máy, Trình Gia Minh nói với tôi: “Lên xe đi, nhà em ở đây vậy?”
Tôi đứng lại: “Không cần đâu, cảm ơn anh. Em đi tàu điện ngầm về nhà cũng được”.
“Còn tưởng mình trẻ lắm à, mới nói một tí đã giận rồi. Lại đây anh chở về nhà”.
“Thật sự không cần đâu ạ. Cảm ơn anh, bác sĩ trình. Chú Hoàng không ở đây nữa, em không ngồi xe của người lạ đâu”. Tôi đáp lại.
Trình Gia Minh đứng bên cạnh xe, cười rất ý nhị.
“Anh cũng không được xem là quen thân, có điều chúng ta có thể coi là người lạ không Kiều Phi?”
Tôi không hiểu anh có ý gì.
Chắc là có hàm ý gì nữa.
Tôi nhìn anh.
Đúng lúc đó điện thoại của anh đổ chuông.
Anh xin lỗi tôi rồi bắt máy: “Chuyện gì vậy?”
“...Khi nào?”
“...Bây giờ ư?”
“...Được, tôi sẽ tới ngay”.
Anh nói với tôi: “Rất xin lỗi em, anh có chút việc phải đi ngay”.
Tôi gật đầu, có cảm giác dường như đã xảy ra chuyện gì đó rất nghiêm trọng.
“Không có gì đâu, anh mau đi đi”.
Anh lên xe, rồi quay lại nói với tôi: “Thật sự xin lỗi vì không đưa em về được, nhà anh xảy ra chuyện”.
Tôi ngồi trên tàu điện ngầm, nhớ lại câu Trình Gia Minh vừa nói với mình, anh ấy nói nhà anh có chuyện rồi.
Dạ dày tôi hơi đâu, tôi ấn nhẹ, chợt nhận ra ban nãy mình vẫn chưa ăn gì. Nhưng cơn đau dần quặn lên, cuối cùng tôi chỉ biết ngồi co ro một góc trên tàu.
Tôi ôm bụng về nhà, nôn thốc nôn tháo, mãi tới khi nô ra cả mật xanh mật vàng. Chị Đặng sợ quá cứ vỗ vỗ vào lưng tôi: “Phi Phi em sao vậy? Chị đưa em tới bệnh viện nhé!”.
Tôi xua xua tay, vịn tường đứng dậy, tôi nhìn mình trong gương. Khuôn mặt trắng bệch, chỉ thấy mỗi quầng mắt xanh đen. Thật kì lạ, trước đây tôi chưa từng bị như thế này.
Tôi bỗng nhớ ra, lúc tôi phá thai, vứt bỏ đứa con của mình và gia Dương, anh kể cho tôi lúc đó anh đã bị đau dạ dày.
Tiểu thuyết tình yêu là website chia sẻ những thể loại truyện hay nhất hiện nay, được nhiều người đọc yêu thích. Truyện được cập nhập hàng ngày. Hãy lưu địa chỉ web để truy cập nhanh hơn!