21
Những ngày cuối tháng Giêng, nhịp độ hành quyết ngoài sân giảm đi khiến một số trong chúng tôi hy vọng rằng đất nước sẽ được giải phóng trước khi họ đến lượt. Khi bọn gác ngục dẫn họ đi, họ hy vọng việc xét xử sẽ hoãn lại, để họ còn có thể chút thời gian nữa, nhưng điều ấy không bao giờ xảy ra và họ bị bắn chết.
Nếu như chúng tôi bị giam giữa những bức tường u ám này, bất lực không thể hành động, thì chúng tôi biết được rằng ở bên ngoài, hành động của bạn bè chúng tôi đang gia tăng. Kháng chiến đan dệt mạng lưới của mình, nó đang mở rộng. Giờ đây đội có những nhóm được tổ chức trong toàn miền, vả chăng cuộc chiến đấu vì tự do đang hình thành khắp nơi trên nước Pháp. Một hôm Charles bảo rằng, chúng tôi đã phát minh ra cuộc chiến tranh đường phố, như vậy là nói quá, chúng tôi không phải là những người duy nhất, nhưng trong miền thì chúng tôi đã nêu gương. Những người khác làm theo chúng tôi và ngày nào công việc của kẻ địch cũng đều bị ngăn trở, bị tê liệt vì con số các hành động của chúng tôi. Không còn một đoàn tàu Đức nào lưu thông mà không gặp nguy cơ một toa, một chuyến hàng bị phá hoại, không còn một nhà máy Pháp nào sản xuất cho quân đội địch mà không bị nổ các bộ biến áp cung cấp dòng điện, mà máy móc không bị phá hủy. Và các chiến hữu càng hành động, dân chúng càng lấy lại được can đảm, và hàng ngũ Kháng chiến càng đông đảo.
Vào giờ đi dạo, những người Tây Ban Nha cho chúng tôi biết là một hành động vang dội của đội vừa được thực hiện hôm qua. Jacques cố tìm hiểu thêm qua một tù nhân chính trị Tây Ban Nha. Anh tên là Boldados, bọn cai ngục hơi sợ anh. Đó là một người Castille 1, giống như mọi người dân Castille, mang trong người niềm tự hào về mảnh đất của mình. Mảnh đất ấy, anh đã bảo vệ nó trong những trận đánh của cuộc chiến Tây Ban Nha, anh đã yêu quý nó trên suốt con đường di cư, đi bộ vượt qua dãy Pyrénées. Và trong những trại miền Tây nơi họ giam giữ anh, anh đã không ngừng ca ngợi nó. Boldados ra hiệu cho Jacques đến bên tấm lưới sắt ngăn khoảnh sân của những người Tây Ban Nha với khoảnh sân của những người Pháp. Và khi Jacques lại gần, anh kể cho Jacques nghe những gì anh biết được từ miệng một người gác ngục có cảm tình với kháng chiến.
- Chính một người trong boọn các cậu đã làm vố này. Tuần trước, anh ta lên chuyến tàu điện cuối cùng hơi muộn, thậm chí không biết rằng chuyến tàu ấy dành riêng cho bọn Đức. Phải cho rằng bạn của cậu để đầu óc ở đâu đâu thì mới làm một chuyện như vậy. Một tên sĩ quan lập tức hât anh ta xuống bằng một cái đá vào *********. Anh bạn cậu không thích cái đó chút nào. Tôi hiểu anh ta, đá vào *********, đó là một sự nhục mạ và không hay ho gì. Thế là anh ta thực hiện một kiểu điều tra và biết được rất nhanh rằng chuyến tàu ấy tối nào cũng đưa bọn sĩ quan từ rạp chiếu bóng Variétés về. Đại khái như thế chuyến cuối cùng là dành cho lũ hijos de putas 2 ấy. Cùng với ba tay trong bọn các cậu, họ trở lại vào mấy hôm sau, tức là tối hôm qua, ở đúng chỗ bạn cậu bị đá *********, và họ đợi.
Jacques chẳng nói gì, anh uống lấy những lời của Boldados. Trong khi nhắm mắt lại, cứ như thể anh đang hành động, như thể anh nghe thấy tiếng của Émile, đoán được nụ cười ranh mãnh phác trên môi cậu khi cậu đánh hơi thấy một vố ra trò. Câu chuyện được kể như thế có thể mang vẻ đơn giản. Vài quả lựu đạn quăng vội lên một chuyến tàu điện, những tên sĩ quan quốc xã sẽ không còn hành nghề sĩ quan, những chú bé đường phố mang diện mạo anh hùng. Nhưng không hề như thế, chuyện không kể như thế.
Họ mai phục, chỉ hơi giấu được mình trong bóng tối của vài cánh cổng ủ dột, nỗi sợ trong lòng, người run lập cập và đêm rét buốt, đêm lạnh đến mức nền gạch lát phủ sương giá của đường phố vắng vẻ lóe sáng dưới ánh trăng. Những giọt nước của một trận mưa trước đó lọt qua một ống máng thủng, mất hút trong thinh lặng. Phía xa không một bóng người. Những đám hơi nước hình thành nơi cửa miệng khi họ vừa thở ra. Chốc chốc phải chà xát hai bàn tay để giữ cho các cón được nhanh nhẹn. Nhưng làm thế nào để chống lại những run rẩy khi cái sợ hòa lẫn cái rét? Chỉ cần một chi tiết nhỏ khiến họ bị lộ, và tất cả sẽ kết thúc ở đó. Émile nhớ đến cậu bạn Ernest, nằm ngửa, ngực bị băm nát, nửa thân trên nhuốm máu đỏ chảy ra từ cổ họng, từ miệng, bắp chân bẻ ngược, cánh tay lủng lẳng và gáy thõng thẹo. Trời ạ người ta mềm dẻo làm sao khi vừa bị bắn chết.
Không, hãy tin tôi, chẳng điều gì trong câu chuyện này diễn ra như người ta tưởng tượng. Nỗi sợ cứ tồn tại trong mỗi ngày của bạn, trong mỗi đêm của bạn, tiếp tục sống, tiếp tục hành động, tiếp tục tỉn ằng mùa xuân sẽ trở lại, điều đó đòi hỏi rất nhiều dũng cảm. Chết vì tự do của những người khác là điều khó khăn khi người ta mới mười sáu tuổi.
Đằng xa, tiếng ầm ào của con tàu cho biết nó đang lại gần. Ánh đèn tàu rọi thành một vệt sáng trong đêm. André tham gia hành động, bên cạnh Émile và François Francois. Chính vì họ bên nhau mà họ có thể hành động. Một người không có những người kia là tất cả sẽ khác đi. Bàn tay họ luồn vào túi áo choàng; họ đã tháo chốt lựu đạn, siết chặt những chiếc ngạc. Chỉ cần một sự vụng về là tất cả kết thúc ở đó. Cảnh sát sẽ nhặt những mảnh của Émile, vương vãi trên mặt đường. Cái chết thật xấu xí, điều này ai cũng biết.
Tàu tiến lại, hình bóng những tên lính phản chiếu trong các cửa kính được đèn các toa chiếu sáng. Còn phải cầm cự nữa, phải nhẫn nại, kiểm soát nhịp tim đập khiến máu dồn đến tận thái dương. "Bây giờ", Émile khẽ nói. Các chốt tuột xuống mặt đường. Lựu đạn phá vỡ các ô cửa kính, và lăn trên sàn toa.
Bọn quốc xã mất sạch vẻ ngạo mạn, chúng tìm cách trốn chạy địa ngục. Émile ra hiệu cho François Francois ở bên kia đường. Các khẩu tiểu liên lên đạn và bắn, các trái lựu đạn nổ tung.
Những từ ngữ Boldados thốt lên chính xác đến mức Jacques tưởng mình gần như chạm lướt cảnh tàn sát. Anh không nói gì hết, sự thinh lặng của anh hòa vào cái im ắng trở lại tối hôm qua nơi con phố tiêu điều. Và trong cảnh im ắấy, anh nghe thấy những tiếng rên la đau đớn.
Boldados nhìna . Jacques gật đầu ra hiệu cảm ơn; hai người rời nhau, mỗi người trở về sân của mình.
"Một ngày kia mùa xuân sẽ trở lại", anh thì thào khi đến gặp chúng tôi.
Chú Thích
1. Một địa phương giàu tính lịch sử, ở miền trung tâm Tây Ban Nha.
2. Tiếng Tây Ban Nha: Con cái của đồ **************.
22
Tháng Giêng đã tàn. Thỉnh thoảng, trong xà lim, tôi lại nghĩ đến Chahine. Claude đã xuống sức rất nhiều. Thỉnh thoảng, một anh bạn mang từ bệnh xá về một viên lưu hoàng. Anh không dùng viên thuốc để làm dịu cổ họng đau rát, mà để gại một que diêm. Thế là bạn bè xúm xít quanh một điếu thuốc do một người gác ngục tuồn cho, chúng tôi cùng hút chung. Nhưng hôm nay, lòng dạ ở đâu đâu.
François và André đi hỗ trợ chiến khu vừa thành lập ở Lot-et-Garonne. Làm xong nhiệm vụ trở về, các anh bị một phân đội hiến binh đón bắt. Hai mươi lăm mũ lính chống hai mũ lưỡi trai nhóc, cuộc chiến không cân sức. Các anh tự nhận mình thuộc lực lượng Kháng chiến; vì từ khi tiếng đồn lan truyền về 1 thất bại có thể xảy đến với bọn Đức, các lực lượng an ninh đôi khi kém tự tin, một số đã nghĩ đến tương lai và tự đặt những câu hỏi. Nhưng những kẻ chờ đợi các chiến hữu của chúng tôi chưa chuyển ý, cũng chưa chuyển hàng ngũ, chúng đưa các anh đi không gượng nhẹ.
Bước vào sở hiến binh, André chẳng sợ hãi. Anh rút chốt lựu đạn và quăng xuống đất. Thậm chí chẳng cố bỏ trốn, trong khi tất cả nằm dán mình xuống đất, anh đứng thẳng, một mình, bất động nhìn trái lựu đạn lăn trên sàn. Cuối cùng nó dừng lại giữa hai tấm ván sàn, nhưng không nổ. Bọn hiến binh xông vào anh và làm anh mất hứng thú can trường.
Mặt bê bết máu, thân thể sưng vù, anh bị tống giam sáng nay. Hiện anh đang ở bệnh xá. Chúng đã làm gãy xương sườn và hàm anh, làm vỡ toạc trán anh, chỉ là chuyện thường ngày.
° ° °
Ở nhà tù Saint-Michel, gã chánh quản ngục tên là Touchin. Chính y mở các xà lim cho buổi đi dạo chiều. Khoảng năm giờ, y khua chùm chìa khóa, và lúc đó bắt đầu hợp âm chói tai của những chốt cửa loảng xoảng. Chúng tôi phải đợi hiệu lệnh của y để ra ngoài. Nhưng khi tiếng còi của tên chánh quản Touchin vang lên, tất cả chúng tôi đều đợi vài giây rồi mới bước qua ngưỡng cửa buồng giam, chỉ cốt làm y bực bội. Các cánh cửa đồng loạt mở ra lối đi hẹp nơi các tù nhân đứng thành hàng sát tường. Tên chánh quản ngục, có hai đồng nghiệp của y tháp tùng, đứng thẳng đuỗn trong bộ đồng phục. Khi thấy tất cả có vẻ đã vào trật tự, y đi ngược lên dọc đoàn tù nhân, cây gậy trong tay.
Mỗi người phải chào y theo kiểu của mình; một cái gật đầu, một bên lông mày nhướng lên, một tiếng thở dài, không quan trọng, tên chánh quản ngục muốn người ta thừa nhận oai quyền của y. Khi cuộc duyệt binh hoàn tất, đoàn người tiến lên theo những hàng khít nhau.
Sau khi chúng tôi đi dạo về, các bạn Tây Ban Nha được quyền thực hiện cũng nghi thức trên. Họ có năm mươi bảy người ở tầng giam dành cho họ.
Mọi người đi qua trước mặt Touchin và mọi người lại chào y. Nhưng các bạn Tây Ban Nha còn phải cởi quần áo ở lối đi nhỏ và để lại quần áo ở lan can. Mỗi người phải trở về xà lim trần như nhộng. Touchin nói là vì các lý do an ninh nên điều lệ buộc tù nhân ban đêm không mặc quần áo. Cả quần đùi cũng phải cởi. Touchin biện minh: "Hiếm khi thấy một người định tồng ngồng mà vượt ngục. Chắc chắn là trong thành phố, hắn sẽ bị phát hiện rất nhanh."
Ở đây, chúng tôi biết rõ đó không phải là lý do của quy định tấy; những kẻ lập ra điều này ước lượng được sự nhục nhã mà chúng bắt tù nhân phải chịu.
Cả Touchin cũng biết rõ như thế, nhưng y bất chấp, thú vui trong ngày của y sắp đến, khi những người Tây Ban Nha sẽ đi qua trước mặt y và sẽ chào y, năm mươi bảy cái chào, bởi họ có năm mươi bảy người, năm mươi bảy cái rùng mình thích thú với tên chánh quản ngục Touchin.
Thế là những người Tây Ban Nha đi qua trước mặt y và chào y, vì điều lệ buộc họ làm thế. Với họ, Touchin bao giờ cũng hơi bị thất vọng. Ở những gã này có một cái gì đó mà y sẽ không bao giờ khuất phục nổi.
Đoàn người tiến lên, do anh bạn Rubio dẫn dắt. Bình thường thì Boldados phải dẫn đầu, nhưng tôi đã bảo em rồi, Boldados là người xứ Castille và với tính cách kiêu hãnh của anh, rất có thể anh sẽ quăng nắm đấm vào mặt một tên cai ngục, hoặc thậm chí quăng tên cai ngục qua lan can mà gọi hắn là hijo de puta; thế là, chính Rubio đi đầu, như thế chắc chắn hơn, đặc biệt là tối nay.
Rubio tôi biết anh rõ hơn những người khác, cả hai chúng tôi có chung một cái gì đó, một đặc điểm khiến chúng tôi hầu như không thể bị chia tách. Tóc Rubio đỏ hoe, da anh lấm tấm tàn nhang và mắt anh màu sáng, nhưng tạo hóa hào hiệp với anh hơn vói tôi. Anh có thị lực hoàn hảo, tôi thì cận thị đến mức không có kính, tôi như mù. Rubio có khiếu hài hước chẳng ai bằng, chỉ cần anh mở miệng là tất cả mọi người cười lăn. Tại đây, giữa những bức tường u tối, đó là một năng khiếu quý giá, vì hiếm khi người ta muốn cười dưới lớp kính cáu bẩn bên trên lối đi hẹp.
Với các cô gái, khi Rubio ở bên ngoài, chuyện ắt là rất thuận lợi. Tôi sẽ phải xin anh tiết lộ cho vài mánh, chỉ để nếu một ngày nào đó biết đâu tôi gặp lại Sophie.
Đoàn người Tây Ban Nha mà Touchin đếm từng người một, đang tiến lên. Rubio bước đi, mặt thản nhiên, anh dừng lại, nhún gối vài cái trước tên chánh quản ngục, y hân hoan coi đó là một sự vái chào, trong khi Rubio công khai nhạo báng cái mặt hắn. Đằng sau Rubio, là vị giáo sư già muốn giảng dạy bằng tiếng catalan 1, là bác nông dân đã học chữ trong tù và giờ đây đọc thơ của García Lorca 2, là cựu xã trưởng một làng miền Asturies, là một kỹ sư biết cách tìm ra nguồn nước ngay cả khi nó ẩn mình trong lòng núi, là một thợ mỏ say mê cuộc Cách mạng Pháp và thỉnh thoảng lại hát lên những lời của Rouget de Lisle 3 mà người ta chẳng biết bác có thật hiểu hay không.
Các tù nhân dừng bước trước buồng giam và, từng người một, bắt đầu cởi quần áo.
Quần áo họ đang cởi là những quần áo họ từng mặc khi họ đấu tranh trong trận chiến Tây Ban Nha. Quần vải chỉ còn giữ được nhờ những dây đeo nhỏ cũ kỹ, giày họ khâu trong các trại miền Tây hầu như không còn đế, sơ mi tả tơi, nhưng dù ăn mặc rách rưới, các chiếu hữu Tây Ban Nha vẫn có một dáng dấp kiêu hãnh. Miền Castille thật đẹp và những người con của nó cũng
Touchin xoa bụng, y ợ hơi, đưa tay quệt mũi rồi chùi nước mũi vào ve áo khoác ngắn.
Tối nay, y nhận thấy những người Tây Ban Nha thư thái, họ tỉ mỉ hơn thường lệ. Kìa họ đang gập lại quần, cởi sơ mi và vắt lên lan can; đồng loạt, họ cúi xuống và xếp những đôi giày trên nền đá lát. Touchin khua khua cây gậy, như thể động tác của y có thể đánh nhịp thời gian.
Năm mươi bảy thân hình gầy guộc nhờ nhờ trắng giờ đây quay về phía hắn. Touchin nhìn, chẩn đoán, một chi tiết không ổn, nhưng nó là cái gì? Tên quản gục gãi đầu, nhấc mũ, ngửa người ra đằng sau như thể tư thế ấy sẽ cho y lùi lại được một chút. Y chắc chắn, có một cái gì đó chệch choạc, nhưng cái gì? Một cái liếc nhanh sang trái về phía gã đồng nghiệp đang nhún vai, một cái liếc sang phải về phía gã kia cũng đang làm thế, và Touchin khám phá ra điều không thể chấp nhận: "Thế là cái quái gì những chiếc quần đùi chúng còn đang mặc, trong khi lẽ ra phải tồng ngồng kia mà?!" Chắc chắn rằng y là chỉ huy đâu phải vô cớ, vì hai gã tùy tùng đã chẳng thấy một tí gì ở mưu đồ hết. Touchin nghiêng sang bên để kiểm tra xem, trong hàng người, liệu ít ra có một kẻ tuân lệnh hay không, nhưng không, ai nấy đều còn mặc quần đùi, chẳng có ngoại lệ.
Rubio cố nín cười, dù anh buồn cười khi nhìn bộ dạng bực bội của Touchin. Đây là một trận chiến đang diễn ra, nó có vẻ rất ôn hòa vô hại, nhưng sự được mất lại có tầm cỡ. Đó là trận đầu tiên, và nếu thắng, sẽ có những trận khác nữa.
Rubio, chẳng ai sánh tày anh trong việc nhạo báng Touchin, nhìn y với vẻ ngơ của người đang hỏi còn chờ gì nữa để trở vào xà lim.
Và bởi Touchin, sững sờ kinh ngạc, chẳng nói gì hết, Rubio bèn tiến lên một bước và đoàn tù nhân cũng làm như vậy. Thế là Touchin, hoang mang, lao về cửa buồng giam và, khoanh tay lại chặn lối vào. Không muốn có chuyện rắc rối, Touchin cảnh cáo:
- Nào, nào, các người biết rõ quy định. Tù nhân và quần đùi không được cùng vào xà lim. Quần đùi ngủ trên lan can còn tù nhân ngủ trong buồng giam; xưa nay vẫn thế, tại sao tối nay lại khác đi? Nào, nào, Rubio, đừng làm thằng đần.
Rubio sẽ không đổi ý, anh khinh bỉ ngắm Touchin và bình tĩnh nói với hắn bằng ngôn ngữ của anh rằng anh sẽ không cởi.
Touchin dọa dẫm, y định xô đẩy Rubio, tóm lấy cánh tay anh và lúc lắc người anh. Nhưng dưới chân tên chánh quản ngục, nền đá lát đã mòn vì bước chân các tù nhân trở nên rất trơn trong thời tiết lạnh ẩm này. Touchin lồng lộn và ngã ngửa. Bọn canh ngục vội vã lao đến đỡ y dậy. Điên tiết, Touchin giơ tay lên với Rubio, Boldados bèn tiến một bước và đứng vào giữa. Anh siết chặt nắm tay, nhưng anh đã thề với những người khác là không sử dụng những nắm tay ấy, không phá hỏng mưu kế của họ bằng một cơn giận dữ, dù chính đáng.
- Cả tôi nữa tôi cũng sẽ không cởi quần đùi đâu, chỉ huy ạ!
Touchin, đỏ mặt tía tai, khua gậy và hét toáng lên:
- Một cuộc phản loạn, thế đấy hả? Các người sẽ thấy điều các người sẽ thấy! Giam cả hai vào ngục tối, một tháng, ta sẽ dạy cho các người biết!
Y vừa thốt xong câu nói thì năm mươi lăm người Tây Ban Nha còn lại tiến lên một bước và, cả họ nữa, cùng đi về phía ngục tối. Hai người, trong ngục tối, đã chật chội rồi. Touchin không giỏi hình học lắm, nhưng dù sao y cũng đo được tầm rộng lớn của vấn đề mà y phải đối đầu.
Thời gian ngẫm nghĩ, y tiếp tục khua cây gậy; ngừng động tác sẽ như thể thừa nhận y đã mất mặt. Rubio nhìn bạn bè, anh mỉm cười, và đến lượt anh cũng khua cánh tay song không hề đụng vào một gã canh ngục nào để chúng không có cớ phái lực lượng tăng viện. Rubio khua tay múa chân, tạo những vòng tròn lớn trong không gian, và bạn bè anh cũng làm như anh. Năm mươi bảy đôi cánh tay xoay đảo và từ những tầng bên dưới cất lên tiếng hò la của các tù nhân khác. Chỗ này mọi người hát Marseillaise, chỗ kia hát Quốc tế ca, ở tầng trệt là Bài ca quân du kích.
Tên chánh quản ngục không còn sự chọn lựa, nếu y để vậy, toàn thể nhà tù sẽ làm loạn. Cây gậy của Touchin buông xuống, bất động; y ra hiệu cho các tù nhân vào xà lim của họ.
Em thấy đó, tối hôm ấy, những người Tây Ban Nha đã thắng cuộc chiến quần đùi. Đó chỉ là một trận đầu tiên, nhưng sáng hôm sau trong sân, khi Rubio kể lại cho tôi từng chi tiết, chúng tôi đã siết tay nhau qua tấm lưới. Và khi anh hỏi xem tôi nghĩ gì về tất cả những điều đó, tôi trả lời anh:
- Hãy còn những nhà ngục phải chiếm lấy.
Bác nông dân hát bài Marseillaise một hôm đã chết trong xà lim, vị giáo sư già muốn dạy tiếng catalan không bao giờ trở lại từ Mauthausen 4, Rubio bị đi đày nhưng dù sao đã trở về, Asturies bị bắn chết ở Madrid, xã trưởng ngôi làng miền Asturies đã quay về nhà, và ngày mà người ta hạ các bức tượng của Franco xuống, cháu trai ông sẽ tiếp quản chức xã trưởng.
Còn về Touchin, sau Giải phóng y được cử làm giám thị trưởng nhà tù Agen.
Chú Thích
1. Ngôn ngữ của miền Catalogne, một cộng đồng Tây Ban Nha gồm bốn tỉnh Barcelone, Gérone, Lérida và Tarragone.
2. Federico García Lorca (1898-1936), nhà thơ Tây Ban Nha, xuất thân gia đình tư sản sung túc nhưng đã lập tức đứng về phía những người bị áp bức bóc lột. Trong các tác phẩm, ông kết hợp được di sản văn hóa dân gian và nghệ thuật đương đại. Ông bị bè đảng Franco bắn chết ngay trong những ngày đầu của cuộc nội chiến.
3. Claude Joseph Rouget de Lisie (1760-1836) sĩ quan và nhà soạn nhạc Pháp, tác giả của bài La Marseillaise, quốc ca Pháp.
4. Một thành phố của nước Áo, nơi có trại tập trung do bọn quốc xã lập năm 1938.
23
Mờ sáng ngày 17 tháng Hai, bọn canh ngục đến tìm André. Khi rời xà lim, anh nhún vai và khẽ liếc nhìn chúng tôi. Cánh cửa đóng lại, anh đi giữa hai tên cai ngục về phía tòa án binh đặc biệt xét xử ngay bên trong thành lũy nhà tù. Sẽ không có tranh luận, không có luật sư.
Trong vòng một phút anh bị kết án tử hình. Tiểu đội hành hình đã chờ anh sẵn trong sân.
Những tên hiến binh đặc cử đến từ Grenade-sur-Garonne, từ chính nơi André đang thực hiện nhiệm vụ thì bị chúng bắt. Phải làm cho xong công việc.
André muốn nói lời từ biệt, nhưng điều này trái với quy định. Trước khi chết, André viết một bức thư ngắn cho mẹ, anh trao thư cho tên giám thị trưởng Theil hôm đó thay Touchin.
Giờ đây chúng trói André vào cột, anh yêu cầu hoãn vài giây, vừa đủ để tháo chiếc nhẫn anh đeo trên tay. Tên giám thị trưởng Theil càu nhàu đôi chút nhưng cũng nhận chiếc nhẫn mà André giao phó và anh cầu xin y hoàn lại cho mẹ anh. "Đó là nhẫn cưới của bà", anh giải thích, bà đã tặng anh vào ngày anh ra đi để gia nhập đội. Theil hứa, và lần này, chúng trói hai cổ tay anh.
Níu lấy hàng chấn song nhà ngục, chúng tôi tưởng tượng cảnh mười hai kẻ mang mũ cứng xếp thành tiểu đội. André đứng thẳng người. Các khẩu súng giương lên, chúng tôi siết chặt nắm tay và mười hai viên đạn xé tan thân hình gầy guộc của bạn chúng tôi, anh gập đôi người lại và ở đó, thoi thóp thở, bên cây cột, đầu ngả sang bên, mặt rỉ máu.
Việc hành hình kết thúc, bọn hiến binh ra đi. Tên giám thị trưởng Theil xé bức thư của André và cất chiếc nhẫn vào túi. Ngày mai, y sẽ đảm trách một chiến hữu khác của chúng tôi.
Sabatier, sa lưới ở Montauban, bị bắn tại cùng cây cột ấy. Sau lưng, máu của André chỉ mới hơi khô.
Ban đêm, thỉnh thoảng tôi còn thấy những mảnh giấy bị xé nhỏ bay lên trong sân nhà tù Saint-Michel. Trong cơn ác mộng của tôi, chúng lượn đến tận bức tường đằng sau cây cột của những người bị xử bắn và dán lại với nhau để tái tạo những từ ngữ mà André đã viết ngay trước khi chết. Khi đó anh vừa mười tám tuổi.
Khi chiến tranh kết thúc, tên chánh quản ngục Theil được cử làm tổng giám thị tại nhà tù Lens.
° ° °
Vài ngày nữa sẽ đến vụ xét xử Boris và chúng tôi lo sợ điều xấu nhất. Nhưng ở Lyon, chúng tôi có những người anh em.
Nhóm của họ mang tên Carmagnole 1 - Tự do. Hôm qua họ đã thanh toán một viên phó chưởng lý, giống như Lespinasse, y đã làm được cho một người kháng chiến bị xử chém. Chiến hữu Simon Frid chết, nhưng viên biện lý Fauré-Pingelli đã bỏ mạng. Sau miếng đòn ấy, không một quan tòa nào còn dám đòi mạng sống của một người trong chúng tôi nữa. Boris, lĩnh hai mươi năm tù giam, coi khinh hình phạt, cuộc chiến đấu của anh vẫn tiếp tục ở bên ngoài. Chứng cớ là các bạn Tây Ban Nha cho chúng tôi biết ngôi nhà của một tên dân binh nổ tung tối qua. Tôi đã chuyển được cho Boris một mẩu thư để anh biết tin này.
Boris không biết rằng ngày đầu tiên của mùa xuân 1945, anh sẽ chết ở Gusen, trong một trại tập trung.
° ° °
- Đừng có làm cái bộ mặt như thế, Jeannot!
Tiếng nói của Jacques đưa tôi ra khỏi trạng thái đờ đẫn. Tôi ngẩng đầu dậy, cầm điếu thuốc anh đưa và ra hiệu cho Claude để nó lại gần tôi rít vài hơi. Nhưng thằng em tôi, kiệt sức, ưng nằm dài sát tường xà lim hon. Điều làm Claude kiệt sức không phải là sự thiếu ăn, không phải là cái khát, không phải là những con bọ chét đêm đêm cắn xé chúng tôi, cũng không phải sự ngược đãi của bọn cai ngục; không, điều khiến thằng em tôi bần thần cau có đến thế, là cứ ở đó, xa sự hoạt động, và tôi hiểu nó vì tôi cũng cảm thấy cùng nỗi buồn ấy.
- Chúng ta sẽ không bỏ cuộc, Jacques nói tiếp. Ở bên ngoài, các anh em tiếp tục đấu tranh và Đồng minh cuối cùng sẽ đổ bộ, rồi cậu sẽ thấy.
Ngay khi Jacques nói với tôi những lời ấy để động viên an ủi tôi, anh không ngờ rằng các chiến hữu đang chuẩn bị một hành động chống lại rạp chiếu bóng Variétés: ở đấy chỉ chiếu những bộ phim tuyên truyền cho quốc xã.
Rosine, Marius và Enzo tham gia hành động, nhưng lần này không phải Charles chuẩn bị trái bom. Vụ nổ phải xảy ra trong buổi chiếu khi đã kết thúc, rạp không còn ai, để tránh bất kỳ nạn nhân nào là dan thường. Khối thuốc mà Rosine sẽ phải đặt dưới một ghế ngồi ở tầng trệt được trang bị một bộ phận hãm giờ, và anh bạn làm vườn ở Loubers của chúng tôi không có vật liệu cần thiết để chế tác nó. Hành động phải diễn ra tối qua; vào chương trình phim: Gã Do Thái Süss. Nhưng, cảnh sát ở khắp nơi, các lối vào bị khám xét kỹ, túi xách và cặp bị lục lọi, thế thì các chiến hữu không thể mang hàng của mình vào.
Jan quyết định hoãn công việc đến hôm sau. Lần này, cửa soát vé không bị chặn, Rosine vào phòng và ngồi xuống cạnh Marius, cậu tuồn chiếc túi xách đựng bom xuống dưới ghế của cô. Enzo đến ngồi đằng sau họ, để trông nom giữ gìn cho họ không bị phát hiện. Nếu tôi mà biết chuyện, tôi sẽ ghen tỵ với cậu ấy, Marius, vì cậu được cả buổi tối trong rạp chiếu bóng bên cạnh Rosine. Cô thật xinh đẹp, với âm sắc hơi véo von và giọng nói khiến người ta rùng mình không kiểm soát nổi.
Đèn tắt và tin tức thời sự nối tiếp trên màn ảnh rạp chiếu bóng Variétés. Rosine ngồi lún sâu trong ghế bành, mái tóc dài màu nâu xõa nhẹ xuống vai. Enzo không bỏ sót tí gì cử động dịu dàng và yểu điệu của chiếc gáy. Khó lòng tập trung vào bộ phim đang bắt đầu, khi ta có hai ki lô thuốc nổ trước chân mình. Marius hoài công tự thuyết phục mình điều ngược lại, song cậu vẫn hơi căng thẳng. Cậu không ưa làm việc với khí cụ mà cậu chẳng thạo. Khi Charles chuẩn bị các khối thuốc, cậu tin tưởng; chưa bao giờ công trình của bạn cậu sai trật; nhưng ở đây, cơ chế khác biệt, theo sở thích của cậu thì quả bom quá cầu kỳ tinh vi.
Cuối buổi chiếu, cậu sẽ phải luồn tay vào túi xách của Rosine và làm vỡ một ống thủy tinh chứa axit sunfuric. Trong ba mươi phút, axit sẽ ăn mòn thành của một hộp sắt nhỏ nhồi đầy clorat bồ tạt. Hòa trộn vào nhau, hai chất này sẽ làm bật tung kíp nổ được cài trong khối thuốc. Nhưng tất cả những trò hóa học ấy quá phức tạp trong mắt Marius. Cậu thì cậu ưa những cơ cấu đơn giản, những cơ cấu do Charles chế tác với thuốc nổ và một cái ngòi. Khi ngòi lách tách, chỉ cần đếm các giây; trong trường hợp có vấn đề, thì với một chút can đảm và lanh lẹn ta vẫn có thể gỡ bỏ dây bùi nhùi. Hơn nữa, người chế tạo còn thêm một hệ thống khác dưới bụng quả bom; bốn chiếc pin nhỏ và một viên thủy ngân được nối liền với nhau để gây nổ tức khắc nếu một gã canh gác tìm thấy nó và định nhấc nó lên, một khi thiết bị đã được đặt trong trạng thái hoạt động.
Thế là Marius toát mồ hôi và cố gắng chú ý đến bộ phim song vô hiệu. Thay vào đó, cậu liếc những ánh mắt kín đáo nhìn Rosine, cô làm như không thấy gì hết; cho đến lúc cô phát một cái vào chân cậu để nhắc nhở cậu rằng chuyện phim đang diễn ra ở phía trước chứ không phải ở cổ của cô.
Ngay cả bên cạnh Rosine, những giây phút đang trôi đi dườngất dài trong rạp chiếu bóng Variétés. Tất nhiên, Rosine, Enzo và Marius có thể khởi động thiết bị vào lúc nghỉ giải lao và cuốn gói tắp lự. Thế là xong và họ đã về nhà, thay vì khổ sở và toát mồ hôi như họ hiện giờ. Nhưng tôi đã bảo em rồi, chúng tôi chưa bao giờ giết một người vô tội, một kẻ ngu ngốc cũng không. Thế là họ chờ buổi chiếu phim kết thúc, và khi khán phòng hết người, họ sẽ khởi động thiết bị có hãm giờ, và chỉ lúc ấy mà thôi.
Cuối cùng đèn bật sáng lại. Khán giả đứng lên và tiến về phía cửa ra. Ngồi giữa hàng ghế, Marius và Rosine vẫn ở yên chỗ, đợi mọi người đi khỏi. Đằng sau họ, Enzo cũng không động đậy gì hơn. Ở đầu lối đi, một bà già dềnh dàng thư thả mặc lại áo khoác. Người bên cạnh bà không đợi được nữa. Nổi khùng, ông ta xoay người lại và tiến về phía hành lang đối diện.
- Nào, dịch ra chứ, hết phim rồi! ông ta cự.
- Vợ chưa cưới của tôi hơi mệt, Marius trả lời, chúng tôi đang đợi cô ấy lấy lại sức để đứng dậy.
Rosine nạt thầm và ngầm nghĩ rằng Marius thật táo tợn, rồi cô sẽ nói cho cậu biết điều ấy ngay lúc họ ra đến ngoài! Trong khi chờ đợi, cô những muốn trước hết cái gã này hãy quay về chỗ hắn từ đó đến.
Người đàn ông đưa mắt nhìn hàng ghế, bà già đã ra rồi, nhưng lại phải đi qua lần nữa suốt lối đi. Thây kệ, ông ta ép sát mình vào lưng ghế, cố chen qua trước mặt gã con trai ngu ngốc cứ ngồi yên trong khi phần giới thiệu những người tham gia phim đã xong hết, ông bước qua cô gái ngồi cạnh anh chàng, hơi xô đẩy cô một chút, thấy cô còn quá trẻ để mà mệt mỏi, rồi bước ra xa mà chẳng xin lỗi.
Marius từ từ quay đầu sang Rosine, nụ cười của cô kỳ lạ, có điều gì đó không ổn, cậu biết như thế, cậu cảm thấy như thế. Mặt Rosine thất sắc.
- Thằng ngu ấy đã dẫm bẹp túi xách của mình!
Đó là những tiếng cuối cùng Marius còn nghe thấy trong đời; thiết bị đã được khởi động; trong lúc xô đẩy, trái bom lật ngược, viên thủy ngân tiếp xúc với những cục pin và lập tức phát hỏa. Marius, đứt đôi người, chết ngay tức khắc. Enzo, bị hất ra phía sau, nhìn thấy trong lúc ngã thân hình Rosine từ từ cất lên rồi rơi xuống trước đó ba hàng ghế. Cậu định đến cứu cô, nhưng đổ vật xuống ngay, bắp chân rách toác, gần như đứt lìa.
Nằm sóng soài trên đất, màng nhĩ như toác ra, cậu không còn nghe tiếng bọn cảnh sát đang xô đến. Trong phòng, mười dãy ghế tan tác.
Họ nhấc cậu lên và khiêng cậu đi, cậu mất máu, tri giác mù mờ. Đằng trước cậu, dưới đất, Rosine đằm mình trong một vũng nước màu đỏ không ngừng lan rộng, gương mặt sững lại.
Chuyện xảy ra hôm qua, tại rạp chiếu bóng Variétés, vào cuối buổi chiều, Enzo nhớ lại, sắc đẹp của những mùa xuân. Họ được chuyển đến Bệnh viện chính của thành phố.
Mờ sáng, Rosine qua đời mà không hề tỉnh lại lần nào.
Họ đã khâu lại chân cho Enzo, các bác sĩ phẫu thuật làm những gì họ có thể.
Trước cửa phòng bệnh của cậu, ba dân binh canh gác.
Xác Marius bị ném xuống một lỗ huyệt ở nghĩa địa Toulouse. Nhiều lần, ban đêm trong xà lim nhà tù Saint-Michel, tôi nghĩ đến họ. Để gương mặt họ không bao giờ mờ phai, và cũng để không bao giờ quên lòng dũng cảm của họ.
° ° °
Ngày hôm sau, Stefan đi làm nhiệm vụ ở Agen trở về, gặp Marianne; cô chờ anh nơi tàu hỏa đỗ, mặt thất sắc. Stefan quàng tay ngang người cô và kéo cô ra bên ngoài ga.
- Cậu biết chuyện không? cô hỏi, họng nghẹn thắt.
Nhìn diện mạo Stefan, cô hiểu là anh chẳng biết gì hết về tấn bi kịch diễn ra hôm qua tại kh rạp chiếu bóng Variétés. Trên lề đường nơi họ bước đi, cô báo cho anh về cái chết của Rosine Marius. Stefan hỏi:
- Enzo đang ở đâu?
- Ở Bệnh viện chính thành phố, Marianne đáp.
- Mình quen một bác sĩ làm việc ở khoa ngoại. Ông có tư tưởng khá tự do, mình sẽ xem mình có thể làm được gì.
Marianne đi cùng Stefan đến tận bệnh viện. Suốt dọc đường họ không nói với nhau một lời, mỗi người đều nghĩ đến Rosine và Marius. Đến trước mặt tiền Bệnh viện chính thành phố, Stefan phá vỡ sự thinh lặng.
- Còn Rosine, bạn ấy ở đâu?
- Ở nhà xác. Sáng nay, Jan đã đến thăm cha bạn ấy.
- Mình hiểu. Cậu biết đấy, cái chết của bạn bè chúng ta sẽ chẳng được việc gì nếu chúng ta không đi tới tận cùng.
- Stefan, mình chẳng biết liệu chỗ "tận cùng" mà cậu nói có thực sự tồn tại hay không, liệu một ngày nào đó chúng ta có tỉnh khỏi cơn ác mộng mà chúng ta sống đã nhiều tháng trời hay không. Nhưng nếu cậu muốn biết liệu mình có sợ hay không từ khi Rosine và Marius chết, thì có đấy, Stefan ạ, mình sợ; buổi sáng thức dậy, mình sợ; cả ngày, khi sải bước trên các đường phố để lượm lặt tin tức hay theo dõi một tên dịch, mình sợ; ở mỗi ngã ba, mình sợ họ theo mình, sợ họ bắn mình, sợ họ bắt giữ mình, sợ có những Marius và Rosine khác không trở về sau khi hành động, sợ Jeannot, Jacques và Claude bị xử bắn, sợ có điều gì xảy ra với Damira, với Osna, với Jan, với tất cả các cậu, những người là gia đình của mình. Lúc nào cũng sợ, Stefan ạ, ngay cả khi đang ngủ. Nhưng không nhiều hơn hôm qua hay hôm kia, không nhiều hơn kể từ ngày đầu tiên mình gia nhập đội, không nhiều hơn kể từ ngày họ tước đoạt của chúng ta quyền được tự do. Thế thì ừ, Stefan ạ, mình sẽ tiếp tục sống với nỗi sợ ấy, cho đến chỗ "tận cùng" mà cậu nói với mình, dù mình chẳng biết nó ở nơi nào.
Stefan lại gần Marianne và những cánh tay vụng về của anh ôm lấy cô. Cũng dè dặt e lệ y như thế, cô ngả đầu vào vai anh; và thây kệ nếu Jan thấy sự tự tiện này là nguy hiểm. Ở giữa lòng nỗi cô đơn là tình trạng thường ngày của họ, nếu Stefan muốn, cô sẽ để mặc anh, cô sẽ để mình được yêu, dù chỉ một khoảnh khắc, miễn đó là tình thương mến. Sống một giây lát được an ủi, cảm nhận nơi mình sự hiện diện của một người đàn ông sẽ nói với mình, qua sự dịu dàng của cử chỉ, rằng cuộc sống vẫn tiếp diễn, rằng mình tồn tại, đơn giản thế thôi.
Môi Marianne lướt gần môi Stefan và họ hôn nhau, ở đó, trước các bậc thềm của Bệnh viện chính, nơi Rosine đang yên nghỉ trong một tầng hầm tối tăm.
Trên hè phố, khách qua đường chậm bước, thích thú nhìn đôi trai gái đang ôm nhau mà nụ hôn dường như không bao giờ muốn chấm dứt. Giữa cuộc chiến tranh gớm guốc này, một số người còn tìm ra sức mạnh để yêu nhau. Mùa xuân sẽ trở lại, một hôm Jacques đã nói thế, và nụ hôn thầm vụng trên sân trước của một bệnh viện u ám khiến người ta t có lẽ anh đúng.
- Mình phải đến đó, Stefan khẽ nói.
Marianne nới vòng tay và nhìn bạn trèo lên các bậc. Khi anh tới thềm cửa, cô giơ tay ra hiệu với anh. Một cách để nói với anh "hẹn tối nay", có lẽ.
° ° °
Giáo sư Rieuneau hành nghề ngoại khoa ở Bệnh viện chính. Ông từng là một trong các thầy dạy Stefan và Boris, khi các anh còn có quyền theo học khoa y. Rieuneau không ưa những đạo luật hèn hạ vô liêm sỉ của Vichy; vốn yêu mến tự do, lòng ông thiên về ủng hộ lực lượng Kháng chiến. Ông đón cậu học trò cũ với niềm nhân ái và kéo cậu ra chỗ khuất. Giáo sư hỏi:
- Thầy giúp gì được anh?
- Em có một người bạn, Stefan ngần ngừ đáp, một người bạn rất thân hiện đang ở đâu đó trong này.
- Tại khoa nào?
- Nơi người ta chữa trị những người bị đứt lìa chân vì một trái bom.
- Thế thì, thầy cho là ở khoa ngoại, giáo sư đáp. Cậu ấy đã được phẫu thuật chưa?
- Em cho là tối qua ạ.
- Cậu ấy không ở bộ phận của thầy, nếu có, thì khi đi khám bệnh sáng nay thầy đã thấy. Để thầy đi hỏi tin tức.
- Thưa giáo sư, phải tìm cách để...
- Thầy đã hiểu rõ rồi, Stefan, giáo sư ngắt lời cậu, thầy sẽ xem có thể làm được gì. Hãy đợi thầy ở sảnh, thầy đi hỏi về tình trạng sức khỏe của cậu ta.
Stefan nghe lời và đi xuống cầu thang. Đến tầng trệt, anh nhận ra cánh cửa có những tấm ván tróc sơn; ở phía sau, những bậc thang khác dẫn xuống các tầng hầm. Stefan do dự, nếu mọi người bắt gặp anh, họ sẽ chẳng khỏi đặt cho anh những câu hỏi mà anh rất khó trả lời. Nhưng bổn phận cấp bách hơn là mối nguy hiểm có thể gặp, và không đợi thêm nữa, anh đẩy cánh cửa.
Cuối cầu thang, hành lang tựa như một đường hầm dài thâm nhập đáy lòng bệnh viện. Trên trần, những dây dợ nhằng nhịt chạy quanh hệ thống đường ống ri rỉ nước. Cứ cách mười mét, một ngọn đèn vách lại tỏa quầng sáng nhợt nhạt; có những chỗ bóng đèn bị vỡ và hành lang chìm trong cảnh tranh tối trnah sáng.
Stefan coi khinh bóng tối, anh biết đường. Trước kia, những lần anh đã phải đến đây. Gian phòng anh tìm ở bên phải, anh đi vào.
Rosine nằm trên một chiếc bàn, một mình trong phòng. Stefan lại gần tấm ván phủ, nhuốm màu đen. Mái đầu hơi nghiêng để lộ chỗ gãy bên dưới gáy. Có phải vết thương này đã giết chết cô hay vô số vết thương khác mà anh đang nhìn thấy? Anh đứng tĩnh tâm trước thi hài.
Anh đến thay mặt các chiến hữu để nói với cô lời tạm biệt, nói với cô rằng gương mặt cô sẽ không bao giờ phai mờ trong ký ức chúng tôi và không bao giờ chúng tôi bỏ cuộc.
"Nếu tại nơi bạn ở, bạn gặp André, hãy chào bạn ấy giúp mình."
Stefan hôn lên trái Rosine và rời nhà xác, lòng nặng trĩu.
Khi anh trở lại gian sảnh, giáo sư Rieuneau đang chờ anh.
- Thầy tìm anh, chà, anh ở đâu thế? Bạn anh thoát rồi, các bác sĩ phẫu thuật đã khâu lại chân cho cậu ấy. Hãy hiểu cho rõ rằng thầy không bảo cậu ấy sẽ lại đi được, nhưng cậu ấy sẽ sống sót sau những vết thương.
Và thấy Stefan, lặng lẽ, không rời mắt khỏi mình, vị giáo sư già kết luận:
- Thầy không thể lạm được cho cậu tThường xuyên có ba dân binh canh gác cậu ta, những tên man rợ ấy thậm chí không để thầy vào gian phòng cậu ta nằm. Hãy bảo bạn bè anh đừng mưu toan làm gì ở đây, như vậy quá nguy hiểm đấy.
Sefan cảm ơn ông thầy và ra đi tức khắc. Tối nay, anh sẽ gặp lại Marianne và sẽ thông báo tin tức cho cô.
Chúng chỉ để Enzo được nghỉ ngơi vài ngày trứoc khi đưa cậu ra khỏi giường bệnh để chuyển đến bệnh xá nhà tù. Bọn dân bình mang cậu đi không chút gương nhẹ và trên đường di chuyển Enzo ba lần bất tỉnh.
Số phận cậu đã được định đoạt trước khi cả khi cậu bị tống giam. Hễ cậu hồi phục, là chúng sẽ bắn chết cậu trong sân; vì cậu phải bước đi được đến cây cột hành hình, nên chúng tôi sẽ ra sức làm cho cậu không sớm dứng lên được. Lúc này là đầu tháng Ba năm 1944, những tin đồn về một cuộc đổ bộ sắp tới của đồng minh ngày càng nhiều hơn. Ở đây không ai nghi ngờ rằng đến ngày ấy, những cuộc hành trình sẽ chấm dứt và chúng tôi sẽ được thả. Để cứu anh bạn Enzo, phải đối phó với thời gian.
° ° °
Từ hôm qua, Charles giận điên lên. Jan đã đến thăm anh tại nhà ga nhỏ bỏ không Loubers. Quả thật là cuộc viếng thăm kỳ cục, Jan đến từ biệt anh. Một đội ngũ mới những người kháng chiến Pháp vừa thành lập ở nội địa, họ cần những người có kinh nghiệm, Jan phải đến với họ. Không phải anh quyết định như thế, đó là mệnh lệnh, thế thôi. Anh chỉ phục tùng.
- Nhưng ai ra những lệnh ấy? Charles hỏi, anh chưa hết giận dữ.
Những người kháng chiến ở Pháp, ở Toulouse, bên ngoài đội, chuyện ấy tháng trước còn chưa tồn tại! Thế là một mạng lưới mới đang được tổ chức và người ta lấy đi người trong nhóm của anh! Những người như Jan, đâu có đủ, rất nhiều chiến hữu đã ngã xúông hoặc bị bắt, vậy phải để anh ra đi như thế, Charles thấy chuyện này bất công. Jan nói:
- Mình biết, nhưng chỉ thị là từ bên trên xuống.
Charles bảo rằng anh cũng chẳng biết "bên trên". Đằng đẵng bao tháng nay, cuộc chiến đấu được thực hiện ở bên dưới này. Cuộc chiến tranh đường phố, chính họ sáng tạo ra nó. Bắt chước công việc họ làm là chuyện dễ với những người khác.
Charles không thực sự nghĩ những gì anh nói, chỉ có điều từ biệt chiến hữu Jan, điều ấy gần như làm anh đau hơn cả cái ngày mà anh bảo một phụ nữ rằng cô trở về bên chồng cô thì tốt hơn.
Dĩ nhiên, Jan kém xinh đẹp hơn cô ấy nhiều và Charles sẽ chẳng bao giờ nằm chung giường với Jan cho dù Jan có ốm yếu đến chết. Nhưng trước khi là chỉ huy của Charles, thoạt nhiên Jan là bạn của anh, vậy thì nhìn Jan ra đi như thế...
- Cậu có thời gian ăn một đĩa trứng tráng không? Mình có trứng đấy, Charles lầm bầm.
- Hãy giữ lại cho những người khác, quả thật mình phải đi đây, Jan đáp.
- Người khác nào chứ? Cứ cái đà này, thì rồi tớ sẽ chỉ còn mỗi một mình trong đội!
- Những người khác sẽ đến, Charles ạ, đừng lo. Cuộc chiến mới chỉ bắt đầu, lực lượng Kháng chiến đang tổ chức và giúp đỡ một tay ở nơi mà mình có thể hữu ích là chuyện bình thường. Nào, tạm biệt mình đi và đừng có làm bộ mặt như thế nữa.
Charles tiễn Jan ra con đường nhỏ.
Họ ôm hôn nhau, thề một ngày kia sẽ gặp lại nhau, khi đất nước được giải phóng. Jan lên xe đạp và Charles gọi anh lần cuối.
- Catherine đi với cậu chứ?
- Phải, Jan đ
- Thế thì, hôn cô ấy giúp mình.
- Jan gật đầu hứa và mặt Charles rạng lên trong khi anh hỏi Jan một câu cuối cùng.
- Vậy về phương diện chuyên môn, từ lúc chúng mình nói lời tạm biệt, cậu không còn là chỉ huy của mình nữa?
- Về phương diện chuyên môn, không! Jan đáp.
- Thế thì, đồ ngốc ạ, nếu ta thắng trong cuộc chiến này, các cậu hãy cố mà sống hạnh phúc, Catherine và cậu ấy. Và chính tớ, người chế tạo thiết bị ở Loubers, sẽ ra lệnh này cho cậu!
Jan chào Charles như ta chào một người lính mà ta kính trọng, rồi anh ra đi trên chiếc xe đạp.
Charles đáp lại cái chào của Jan và anh ở lại đấy, cuối con đường của nhà ga cũ bỏ không, cho đến khi chiếc xe của Jan khuất dạng phía chân trời.
° ° °
Trong k chết vì đói ở xà lim, trong khi Enzo quằn quại vì đau đớn ở bệnh xá nhà tù Saint-Michel, thì cuộc chiến vẫn tiếp tục trên đường phố. Và không một ngày nào trôi qua mà kẻ địch không thấy những đoàn tàu của chúng bị phá hoại, những trụ điện bị đánh bật, những cần trục gục xuống dòng kênh, những xe tải Đức đột nhiên có vài quả lựu đạn rơi vào.
Nhưng, tại Limoges, một kẻ cáo giác đã báo cho chính quyền rằng có những thanh niên, chắc chắn là người Do Thái, thường hội họp lén lút ở một căn hộ trong tòa nhà y ở. Cảnh sát lập tức tiến hành bắt bớ. Chính phủ Vichy bèn quyết định cử đến tại chỗ một trong những tên chó săn giỏi nhất của nó.
Viên cẩm Gillard, phụ trách việc đàn áp chống khủng bố, được cử đi cùng nhóm cộng sự dưới quyền y để điều tra về những gì cuối cùng có thể giúp chúng lần lên tận mạng lưới Kháng chiến miền Tây Nam mà chúng cần tiêu diệt bằng mọi giá.
Ở Lyon, Gillard đã chứng tỏ khả năng của mình, y quen thẩm vấn, y sẽ chẳng chịu tho ở Limoges. Y quay lại sở cảnh sát để đích thân đảm trách câu hỏi cần đặt ra. Hết ngược đãi đến hành hạ, cuối cùng y biết được rằng có những "kiện hàng" được gửi theo phương thức hòm thư lưu đến Toulouse. Lần này, y biết buông lưỡi câu ở chỗ nào, sau đó chỉ cần canh chừng con cá sẽ đến cắn câu.
Đã đến lúc rũ một lần cho sạch hết những tên kiều dân làm rối loạn trật tự công cộng và đặt vấn đề nghi ngờ uy quyền của Nhà nước
Trời vừa sáng, Gillard bỏ các nạn nhân của y lại cho sở cảnh sát Limoges và lên tàu đi Toulouse cùng nhóm cộng sự dưới quyền y.
Chú Thích
1. La Carmagnole, bài ca và điệu vũ của quần chúng trong thời kỳ Cách mạng Pháp, được sáng tác năm 1792, khuyết danh tác giả, đến năm 1799 bị Bonaparte cấm.
24
Vừa đến nơi là Gillard gạt các cảnh sát Toulouse ra khỏi con đường của y và tự cô lập trong một văn phòng ở tầng hai sở cảnh sát. Nếu bọn cớm Toulouse có năng lực, thì người ta đã chẳng cần vời đến y, và đám thanh niên khủng bố đã bị bắt giam rồi. Với lại chẳng phải Gillard không biết rằng ngay trong hàng ngũ cảnh sát, cũng như ở cục, người ta vẫn thấy đây đó một vài người có cảm tình với lý tưởng kháng chiến, đôi khi chính là nguồn gốc rò rỉ thông tin. Thỉnh thoảng người ta chẳng báo trước cho một số tên Do Thái rằng chúng sắp bị bắt giữ đấy sao? Nếu không thế, thì các dân binh đã chẳng thấy những căn hộ không người ở, khi họ tiến hành xét hỏi. Gillard nhắc nhở các cộng sự của y đề phòng, đâu đâu cũng có bọn Do Thái và Cộng sản. Trong khuôn khổ cuộc điều tra của y, y không muốn mạo hiểm chút nào hết. Cuộc họp kết thúc, việc giám sát sở bưu điện lập tức được tổ chức.
° ° °
Sáng hôm ấy, Sophie bị ốm. Một trận cúm khiến cô không rời khỏi giường được. Tuy nhiên phải đi lấy kiện hàng được gửi đến, như mỗi ngày thứ Năm, nếu không các chiến hữu sẽ không nhận được khoản phụ cấp; họ phải trả tiền nhà, mua chút gì nuôi sống mình ở mức tối thiểu. Simone, một bạn mới được tuyển, vừa từ Bỉ sang, sẽ đi thay cô. Khi bước vào trạm bưu điện, Simone không phát hiện ra hai gã đàn ông đang giả vờ điền vào các giấy tờ. Bọn chúng thì xác định được ngay con bé đang mở hòm thư số 27, để lấy cái gói trong đó. Simone ra về, chúng đi theo cô. Hai tên cớm từng trải chống lại một thiếu nữ mười bảy tuổi, trò chơi trốn tìm đã định trước thắng thua. Một giờ sau, Simone quay về nhà Sophie mang cho bạn "hàng đi mua về", cô không biết mình vừa để cho tay chân của Gillard xác định được chỗ ở của bạn.
Cô gái rất tài ẩn nấp để theo dõi kẻ khác, cô gái sải bước không mệt mỏi trên các đường phố để mình không bị phát hiện, cô gái biết ghi lại, giỏi hơn chúng tôi, những thời gian biểu, những sự di chuyển, những cuộc tiếp xúc, và những chi tiết nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống của những kẻ mình theo dõi, không ngờ rằng trước cửa sổ nhà mình, hai gã đàn ông đang rình rập và từ nay chính mình là người bị truy lùng. Mèo và chuột vừa đảo ngược vai trò.
Ngay chiều hôm ấy, Marianne tới thăm Sophie. Tối đến, khi cô ra về, đến lượt cô bị tay chân của Gillard theo dõi
° ° °
Họ đã hẹn nhau ở ven con kênh Phương Nam. Stefan ngồi đợi cô trên một chiếc ghế dài. Marianne do dự rồi mỉm cười với anh từ xa. Anh đứng lên chào lại cô. Vài bước nữa thôi và cô sẽ ở trong vòng tay anh. Kể từ hôm qua, cuộc sống không hoàn toàn giống như trước nữa. Rosine và Marius đã chết và không thể làm gì để thôi nghĩ đến chuyện đó, nhưng Marianne không cô đơn nữa. Người ta có thể yêu rất mãnh liệt ở tuổi mười bảy, người ta có thể yêu đến mức quên rằng mình đang đói, người ta có thể yêu đến quên rằng mới hôm qua người ta còn sợ hãi. Nhưng kể từ hôm qua cuộc sống không như trước nữa, bởi từ nay cô nghĩ đến một người nào đó.
Ngồi bên nhau, trên chiếc ghế dài gần cây cầu Thiếu nữ, Marianne và Stefan hôn nhau và chẳng điều gì cũng như chẳng ai có thể đến cướp đi của họ những phút giây hạnh phúc ấy. Thời gian trôi và giờ giới nghiêm sắp đến. Đằng sau họ, các ngọn đèn khí đã thắp sáng, phải chia tay. Ngày mai, mình sẽ gặp lại nhau, và tất cả các buổi tối sau đó, ven con kênh Phương Nam, bọn tay chân của viên cẩm Gillard tha hồ do thám đôi thanh niên yêu nhau giữa cuộc chiến tranh.
Ngày hôm sau, Marianne gặpi họ chia tay, Damira bị theo dõi. Hôm sau, hay muộn hơn? Damira gặp Osna, buổi tối Osna hẹn với Antoine. Trong vài ngày, gần như cả đội bị tay chân của Gillard định vị. Gọng kìm siết lại quanh họ.
Chúng tôi chưa đầy hai mươi tuổi, một vài người trong chúng tôi chỉ nhỉnh hơn đôi chút, và chúng tôi còn rất nhiều điều cần phải học để chiến đấu mà không bị phát hiện, những điều mà lũ chó săn của cảnh sát Vichy thuộc vanh vách.
° ° °
Mẻ lưới đang được chuẩn bị, viên cẩm Gillard tập hợp tất cả bọn tay chân trong văn phòng mà chúng đã chiếm lấy tại sở cảnh sát Toulouse. Tuy nhiên để tiến hành bắt giữ, sẽ phải yêu cầu các cảnh sát thuộc đội số 8 tăng viện. Ở trên gác, một viên thanh tra không bỏ sót chút gì trong những điều đang được âm mưu. Anh kín đáo rời nhiệm sở và đến trạm bưu điện trung tâm. Anh tới trước quầy và yêu cầu cô nhân viên một số ở Lyon. Người ta nối liên lạc cho anh trong một buồng điện thoại.
Một cái liếc nhìn qua cửa kính, cô nhân viên đang bàn luận cùng một nữ đồng nghiệp, đường dây liên lạc chắc chắn.
Người mà anh gọi điện không nói, người đó chỉ nghe cái tin kinh khủng. Hai ngày nữa, đội 35 Marcel Langer sẽ bị bắt giữ toàn bộ. Tin tức đó là chắc chắn, cần phải cấp tốc báo trước cho họ. Viên thanh tra gác máy và cầu nguyện để tin tức được chuyển tiếp.
Trong một căn hộ ở Lyon, một trung úy thuộc lực lượng Kháng chiến Pháp đặt ống nghe xuống giá đỡ. Viên chỉ huy anh nói:
- Ai đấy?
- Một đầu mối liên lạc ở Toulouse.
- Anh ta muốn gì?
- Báo tin cho chúng ta rằng hai ngày nữa các thành viên đội 35 sẽ bị hạ.
- Dân binh à?
- Không, bọn cớm do Vichy cử đến.
- Thế thì họ chẳng có một cơ may nào hết.
- Không phải vậy nếu ta báo động cho họ; ta hãy còn thì giờ giúp họ lọt lưới.
- Có thể, nhưng ta sẽ không làm thế, viên chỉ huy đáp.
- Nhưng tại sao? người kia hỏi, sững sờ kinh ngạc.
- Tại vì chiến tranh sẽ không kéo dài. Bọn Đức đã mất hai mươi vạn quân ở Stalingrad, người ta bảo là mười vạn quân nữa đang nằm trong tay người Nga, trong số đó có hàng ngàn sĩ quan và khoảng hai chục viên tướng. Quân đội của chúng đang tan tác tại các mặt trận phía Đông còn ở phía Tây và phía Nam, Đồng minh sẽ sớm đổ bộ. Chúng ta biết rằng Luân Đôn đang chuẩn bị cho chuyện này.
- Tôi biết tất cả những tin ấy, nhưng có liên quan gì tới những người trong đội Langer?
- Từ nay đó là một vấn đề về ý thức chính trị tỉnh táo. Tất cả những người đàn ông và đàn bà mà chúng ta đang nói đến đều là người Hungari, Tây Ban Nha, Italia, Ba Lan và còn nữa; hết thảy hoặc hầu hết là người ngoài. Sau này khi nước Pháp được giải phóng, sẽ hay hơn khi Lịch sử kể lại rằng chính những người Pháp đã chiến đấu vì đất nước.
- Thế ta sẽ bỏ rơi họ như thế nào? người đàn ông bất bình, anh nghĩ đến những thanh niên mới lớn kia, những chiến sĩ của giờ phút đầu.
- Không có gì nói rằng họ sẽ nhất thiết bị giết...
Và trước ánh mắt ngao ngán của viên trung úy người chỉ huy lực lượng Kháng chiến Pháp thở dài và kết luận:
- Cậu hãy nghe đây. Một thời gian nữa, đất nước phải hồi phục từ cuộc chiến tranh này, và rất cần để đất nước ngẩng cao đầu, để dân chúng hòa giải xung quanh một người lãnh đạo duy nhất, và đó sẽ là De Gaulle. Chiến thắng phải là chiến thắng của chúng ta.iều này thật đáng tiếc, tôi thừa nhận như vậy, nhưng nước Pháp sẽ cần để các anh hùng của nó là người Pháp, không phải là người nước ngoài!
° ° °
Tại nhà ga nhỏ Loubers của anh, Charles thấy chán lợm. Vào đầu tuần, người ta đã cho anh biết là đội sẽ không nhận được tiền nữa. Cũng sẽ không có vũ khí gửi đến nữa. Những mối liên hệ đã tạo lập với với các mạng lưới Kháng chiến được tổ chức trong miền bị cắt đứt. Lý do nêu lên là cuộc tấn công rạp chiếu bóng Variétés. Báo chí tránh không nói rằng nạn nhân là những người kháng chiến. Trước mắt dư luận, Rosine và Marius được coi như hai thường dân, hai đứa trẻ nạn nhân của một vụ xâm hại hèn nhát, và chẳng ai thèm quan tâm là đứa trẻ - anh hùng thứ ba cùng đi với họ đang quằn quại đau đớn trên một chiếc giường ở bệnh xá nhà tù Saint-Michel. Người ta đã bảo Charles rằng những hành động như thế khiến toàn bộ lực lượng Kháng chiến bị ô nhục, và lực lượng này muốn cắt đứt liên lạc.
Anh thấy sự bỏ rơi này có một hơi hướng phản bội. Tối hôm ấy, ngồi cùng Robert, chỉ huy đội từ khi Jan ra đi, anh phát biểu toàn bộ nỗi chán lợm của mình. Tại sao người ta có thể bỏ rơi họ, quay lưng lại với họ, những người đã tham gia từ lúc khởi đầu? Robert chẳng biết nói gì, anh yêu quý Charles như người ta yêu quý một người anh, và anh làm Charles yên lòng về điểm mà Charles chắc hẳn bâm nhiều nhất, điểm khiến Charles đau đớn nhiều nhất.
- Nghe này, Charles, chẳng ai mắc lừa những gì báo chí viết đâu. Mọi người đều biết điều gì đã thực sự xảy ra ở rạp chiếu bóng Variétés, biết ai đã mất mạng ở đó.
- Với cái giá như thế nào chứ! Charles làu bàu.
- Cái giá của tự do cho họ, Robert đáp, và tất cả mọi người trong thành phố đều biết điều này.
Marc đến với họ sau đó một lát. Nhìn thấy cậu, Charles nhún vai và ra ngoài đi vài bước trong mảnh vườn sau nhà. Vừa đập vào một ụ đất, Charles vừa tự nhủ chắc hẳn Jacques đã nhầm, chúng ta đang ở vào cuối tháng Ba năm 1944 và mùa xuân vẫn chưa thấy đến.
° ° °
Viên cẩm Gillard và tên phụ tá Sirinelli tập hợp tất cả bọn tay chân. Ở gác hai sở cảnh sát, đã đến thời gian chuẩn bị. Ngày hôm nay sẽ thực hiện các vụ bắt giữ. Ám hiệu đã ban ra, im lặng tuyệt đối, phải tránh không để ai đó có thể báo động cho những người, vài giờ nữa, sẽ rơi vào lưới của chúng. Tuy nhiên, trong phòng làm việc kề bên, một viên cẩm trẻ tuổi nghe thấy những điều đang nói ở bên kia vách ngăn. Công việc của anh ta, đó là những thường phạm, chiến tranh không làm bọn vô lại biến mất và cũng phải có ai đó coi sóc chuyện ấy. Nhưng viên cẩm Esparbié chưa bao giờ cho bắt bớ người kháng chiến, trái lại là khác. Khi có điều gì đó đang được chuẩn bị, chính anh báo trước cho họ, đó là cách tham gia Kháng chiến của anh.
Báo cho họ về sự nguy cấp họ đang gặp chẳng phải sẽ không khó khăn, không mạo hiểm, vì thời hạn rất gấp; Esparbié không đơn độc, một trong các đồng nghiệp cũng là người đồng mưu với anh. Viên cẩm trẻ tuổi rời ghế ngồi và lập tức đi tìm người kia.
- Hãy phóng ngay đến văn phòng thủ quỹ chính. Ở bộ phận trợ cấp, cậu xin gặp một cô Madeleine nào đó, bảo cô ta rằng anh bạn Stefan của cô phải đi du lịch ngay.
Esparbié giao nhiệm vụ này cho đồng nghiệp vì anh phải đến một cuộc gặp khác. Mượn một chiếc xe hơi thì nửa giờ nữa anh sẽ tới Loubers. Tại đấy anh phải trò chuyện với một người bạn; anh đã trông thấy phiếu nhận dạng người bạn này trong một hồ sơ, mà phiếu ấy giá đừng ở đó thì hay hơn.
Mười hai giờ, Madeleine rời văn phòng thủ quỹ chính và đi tìm Stefan, nhưng cô hoài công đến tất cả những nơi anh thường lui tới, cô không tìm thấy anh. Khi cô về nhà cha mẹ, bọn cảnh sát đang chờ cô. Chúng chẳng biết điều gì về cô hết, trừ việc Stefan hầu như ngày nào cũng ghé thăm cô. Trong lúc bọn cảnh sát lục lọi khám xét, Madeleợi dụng một phút chúng sơ ý, nguệch ngoạc vội vài chữ và giấu vào một bao diêm. Cô bảo cô thấy khó chịu trong người và hỏi xem có thể hóng khí trời bên cửa sổ hay không...
Một trong những người bạn sống bên dưới cửa sổ nhà cô, một người Italia bán hàng thực phẩm, biết cô rõ hơn ai hết. Một bao diêm rơi xuống bên chân anh. Giovanni nhặt lên, ngẩng đầu và mỉm cười với Madeleine. Đến giờ đóng cửa hiệu! Trả lời vị khách mua hàng đang ngạc nhiên về việc này, Giovanni bảo rằng dù sao chăng nữa thì từ lâu rồi anh cũng chẳng còn gì trên quầy mà bán nữa. Buông bức rèm xuống, anh leo lên xe đạp và đi báo cho người trong cuộc.
Cùng lúc ấy, Charles tiễn Esparbié. Anh ta vừa đi khỏi, Charles liền gói ghém đồ đạc, lòng nặng trĩu, đóng lại lần cuối cánh cửa nhà ga bỏ không của mình. Trước khi vặn chìa khóa, anh đưa mắt nhìn gian phòng lần cuối. Trên bếp lò, một chiếc chảo cũ nhắc anh nhớ lại một bữa tối mà món trứng tráng của anh đã suýt chuyển thành thảm họa. Tối hôm ấy, tất cả bạn bè đều họp mặt. Đó là một trong những ngày kinh khủng, nhưng thời thế tốt đẹp hơn bây giờ.
Trên chiếc xe đạp kỳ cục của anh, Charles đạp nhanh hết mức có thể. Có biết bao chiến hữu cần gặp. Thì giờ trôi vùn vụt và bạn bè anh đang lâm nguy.
Được người Italia bán thực phẩm báo tin, Stefan đã lên đường rồi. Anh sẽ không kịp tạm biệt Marianne, cũng chẳng kịp ôm hôn Madeleine, cô bạn mà sự táo tợn cứu mạng cho anh, liều cho tính mạng cô lâm nguy.
Charles gặp Marc trong một tiệm giải khát. Anh cho Marc biết âm mưu đang tiến hành và ra lệnh cho cậu đi ngay tức khắc, đến với các du kích ở gần Montauban.
- Hãy đến đấy cùng Damira, họ sẽ đón nhận các cậu vào đội ngũ.
Trước khi chia tay, anh giao cho Marc một chiếc phong bì. Anh nói:
- Hết sức cẩn thận nhé. Mình đã ghi lại phần lớn các chiến công của chúng ta trong cuốn nhật ký này. Mình nhờ cậu giao nó cho những người cậu sẽ gặp ở đằng ấy.
- Giữ những tài liệu này không nguy hiểm sao?
- Có chứ, nhưng nếu tất cả chúng mình chết đi, sẽ phải có ai đó một ngày kia biết được những gì chúng mình đã làm. Mình chấp nhận để chúng giết mình, nhưng không chấp nhận để chúng làm mình biến mất tăm.
Đôi bạn chia tya nhau, Marc phải tức tốc tìm gặp Damira. Chuyến tàu của họ khởi hành vào chập tối.
° ° °
Charles đã giấu một số vũ khí ở phố Dalmatie, số khác giấu tại một nhà thờ không xa đó lắm. Phải cố cứu vãn những gì còn có thể cứu vãn. Khi đến gần chỗ cất giấu đồng tiền, Charles nhận thấy, ở ngã ba, có hai gã đàn ông, một gã đang đọc báo.
"Cứt thật, hỏng rồi", anh nghĩ.
Còn ngôi nhà thờ, nhưng khi anh đang tiến lại gần, thì một chiếc Citroen đen trờ tới sân trươc,sẽ bốn gã đàn ông vọt ra và lao vào anh. Charles hết sức vùng vẫy chống lại, cuộc chiến không cân sức, những miếng đòn tới tấp giáng xuống, Charles thổ máu, loạng choạng, bọn tay chân của Gillard đáng gục anh; chúng mang anh đi.
° ° °
Ngày tàn, Sophie trở về nhà. Hai gã rình cô ở đầu đường. Cô phát hiện ra chúng, vòng trở lại, nhưng hai gã khác đã tíên về phía cô. Một gã mở áo khoác ngắn, rút súng và nhắn vào cô. Sophie chẳng có đường nào thoát, cô mỉm cười và không chịu giơ tay l
° ° °
Tối nay, Marianne đến ăn với mẹ, thực đơn có một món xúp rau cúc vu đại khái. Chẳng ngon lành lắm, nhưng dù sao cũng giúp quên được cái đói cho đến hôm sau. Có tiếng gõ cửa dữ dằn. Cô gái giật mình, cô đã nhận ra cái kiểu đập dồn dập như vậy và chẳng có một ảo tưởng nào về bản chất của khách viếng thăm. Mẹ nhìn cô, lo lắng. Marianne vừa đặt chiếc khăn ăn xuống vừa nói:
- Mẹ cứ ngồi yên, họ tìm con đấy.
Cô đi vòng quanh bàn, ôm lấy mẹ và siết chặt mẹ vào người.
- Dù người ta có nói gì chăng nữa, con không hối tiếc chút nào về những gì con đã làm, mẹ ạ. Con đã hành động vì một chính nghĩa đúng đắn.
Mẹ Marianne chăm chú nhìn con, bà vuốt má cô, như thể cử chỉ yêu thương cuối cùng ấy giúp bà cầm được nước mắt.
- Dù người ta có nói gì chăng nữa, con yêu, con là con gái của mẹ và mẹ tự hào về con.
Cánh cửa rung lên vì những tiếng đập, Marianne hôn mẹ lần cuối cùng và ra mở cử
° ° °
Buổi tối êm dịu; Osna tựa mình bên cửa sổ, cô đang hút thuốc lá. Một chiếc xe hơi ngược lên con phố và đỗ trước cửa nhà cô. Bốn gã đàn ông mặc áo khoác xuống xe. Osna hiểu. Thời gian chúng lên thang gác, có lẽ cô còn lẩn trốn được, nhưng sự mệt mỏi quá lớn, sau tất cả những tháng hoạt động ngấm ngầm bất hợp pháp ấy. Với lại lẩn trốn ở đâu? Thế là Osna đóng lại cánh cửa kính. Cô đến bên bồn rửa mặt, vặn ra chút nước và xoa lên mặt.
"Thời điểm đến rồi," cô khẽ nói với bóng mình trong gương.
Và cô đã nghe tiếng chân bước trong cầu thang.
° ° °
Trên sân ga, đồng hồ chỉ bảy giờ ba mươi phút. Damira căng thẳng, côười, hy vọng thấy xuất hiện con tàu sẽ đưa họ đi xa khỏi đây.
- Nó muộn giờ, phải không?
- Không, Marc điềm tĩnh đáp, năm phút nữa nó sẽ đến.
- Cậu cho là các bạn khác thoát chứ?
- Mình chẳng biết gì hết, nhưng về Charles thì mình không quá lo lắng.
- Mình thì lo lắng cho Osna, Sophie và Marianne.
Marc biết rằng không lời lẽ nào làm yên lòng được người phụ nữ mà cậu yêu. Cậu ôm lấy cô trong vòng tay và hôn cô.
- Đừng lo, mình chắc chắn các bạn ấy sẽ được báo trước kịp thời. Cũng như bọn mình ấy.
- Thế nếu chúng bắt giữ bọn mình?
- Thế thì ít ra bọn mình cũng sẽ được bên nhau, nhưng chúng sẽ không bắt giữ bọn mình đâu.
- Mình không nghĩ đến chuyện ấy, mà nghĩ đến cuốn nhật ký của Charles, dù sao thì chính mình đang mang theo nó đây.
- À
Damira nhìn Marc và âu yếm mỉm cười với cậu.
- Mình rất tiếc, đó không phải là điều mình muốn nói, mình sợ quá thành thử đâm ra nói lung tung.
Xa xa, phần nhô ra phía trước của đầu máy thấp thoáng nơi đường ray lượn vòng.
- Cậu thấy đấy, mọi sự sẽ ổn, Marc nói.
- Cho đến bao giờ?
- Một ngày kia mùa xuân sẽ trở lại, cậu sẽ thấy, Damira ạ.
Đoàn tàu đi qua trước mặt họ, các bánh xe của đầu máy hãm lại, làm bắn ra phía sau vài chùm tia lửa, và tàu dừng lại trong tiếng phanh ken két.
- Cậu có cho là cậu sẽ vẫn yêu mình, khi chiến tranh kết thúc hay không? Marc nói.
- Ai bảo cậu là mình từng yêu cậu chứ? Damira đáp với một nụ cười láu lỉnh.
Và thế là, trong lúc cô kéo Marc về phía bậc lên xuống toa tàu, một bàn tay nặng nề chụp xuống vai cô.
Marc bị đè gí người xuống đất, hai gã đang còng tay cậu. Damira vùng vẫy, một cái tát cực mạnh hất cã ập vào thành toa. Mặt cô đập vào tấm biển của đoàn tàu. Đúng trước khi bất tỉnh, cô đọc thấy viết bằng chữ to "Montauban."
Ở sở cẩm, bọn cảnh sát tìm thấy trên người cô chiếc phong bì mà Charles đã giao cho Marc.
° ° °
Ngày mồng 4 tháng tư năm 1944, gần như toàn đội rơi vào tay cảnh sát. Một vài người vượt qua được. Catherine và Jan thoát khỏi mê lưới. Bọn cảnh sát không tìm ra chỗ của Alonso. Còn Émile, cậu ra đi vừa kịp.
Tối mồng 4 tháng Tư năm 1944, Gillard và tên phụ tá Sirinelli ghê gớm của y uống sâm banh chúc mừng. Trong khi nâng cốc, chúng tự ca ngợi cùng các cảnh sát đồng nghiệp là đã chấm dứt những hoạt động của một bè nhóm "những tên khủng bố" trẻ tuổi.
Nhờ công việc bọn chúng đã thực hiện, những kẻ ngoại quốc gây hại cho nước Pháp sẽ sống phần đời còn lại sau song sắt. "Mặc dù...! y nói thêm trong khi săm soi cuốn nhật ký của Charles, với chừng này bằng chứng hiển nhiên, ta có thể chắc chắn rằng đời những tên kiều dân kia sẽ không kéo dài trước khi người ta xử bắn chúng
Trong khi bọn chúng bắt đầu tra tấn Marianne, Sophie, Osna và tất cả những ai bị bắt ngày hôm ấy, con người đã phản bội họ bởi sự im lặng của mình, con người đã quyết định, vì những lý do chính trị, không chuyển đi các tin tức được những người kháng chiến làm việc ở cục cảnh sát thông báo, chính con người ấy đã đang chuẩn bị tham gia bộ tham mưu quân Giải phóng.
Ngày hôm sau, khi được tin đội 35 Marcel Langer, thuộc dân Lao động Nhập cư, bị bắt gần như toàn bộ, nga áy nhún vai và phủi phủi bụi trên áo vét; đúng chỗ mà, vài tháng nữa, người ta sẽ cài vào đấy một Huân chương Bắc đẩu. Giờ đây là tư lệnh của Lực lượng nội địa Pháp, chẳng bao lâu người ấy sẽ được phong đại tá.
Còn về viên cẩm Gillard, được chính quyền khen ngợi, khi chiến tranh chấm dứt người ta giao cho y chỉ huy đội chống ma túy. Y kết thúc bình yên sự nghiệp tại đó.
25
Tôi đã bảo em, chúng tôi chưa bao giờ bỏ cuộc. Những người thoát nạn hiếm hoi đã tổ chức lại rồi. Một số chiến hữu ở Grenoble gia nhập cùng họ. Chỉ huy họ từ nay, Urman sẽ không cho kẻ địch ngơi nghỉ chút nào và tuần lễ sau đó, các hành động lại tiếp tục.
° ° °
Trời tối đã lâu, Claude đang ngủ, như phần lớn anh em chúng tôi; còn tôi cố gắng để nhìn thấy những ngôi sao trên bầu trời, bên kia các chấn song sắt.
Giữa thinh lặng, tôi nghe tiếng nức nở của một người bạn. Tôi lại gần anh.
- Vì sao cậu khóc?
- Em trai tôi, cậu biết đấy, nó không thể giết người, không bao giờ nó có thể giơ vũ khí lên với ai đó, dù là một gã dân binh cứt đái.
Ở Samuel có một sự hòa trộn lạ lùng của hiền minh và giận dữ. Tôi cứ tưởng hai điều ấy xung khắc, cho đến khi tôi gặp a
Samuel đưa tay xoa mặt, khi vuốt nước mắt như thế anh để lộ vẻ nhợt nhạt của đôi má hốc hác. Mắt anh trũng sâu trong hốc mắt, có thể nói chúng còn ở được đấy là nhờ phép màu, trên mặt anh gần như không còn thịt, chỉ có làn da trong mờ cho tấhy cả xương. Anh nói tiếp bằng giọng thì thầm chỉ hơi nghe được.
- Chuyện đã lâu lắm rồi. Cậu biết không, chúng mình chỉ có năm người thôi. Năm người kháng chiến trong toàn thành phố và cộng chung lại, tuổi chúng mình chưa được một trăm. Tôi thì tôi mới bắn có một lần, mũi súng gí sát đích, nhưng đó là một thằng đê tiện, một trong những kẻ tố giác, cưỡng bức và tra tấn. Em tôi thì không thể làm hại ai, ngay cả những kẻ như thế.
Samuel bắt đầu cười gằn và ngực anh, bị bệnh lao ăn ruỗng, không ngừng khò khè hổn hển. Anh có một giọng nói kỳ lạ, đôi khi mâng am sắc người lớn, đôi khi trong vắt như trẻ thơ, Samuel hai mươi tuổi.
- Lẽ ra tôi không nên kể cho cậu, tôi biết, như thế không tốt, nó khơi lại đau buồn, nhưng khi tôi nói về em tôi, là tôi làm sống thêm một chút, cậu có nghĩ vậy không?
Tôi chẳng biết gì hết, nhưng tôi gật đầu đồng ý. Quan trọng gì đâu điều anh bạn nói, anh cần người ta nghe mình. Trên bầu trời chẳng có sao và tôi thì quá đói nên không ngủ được.
- Đấy là vào thời kỳ đầu. Em tôi có tấm lòng của một thiên thần, bộ mặt của một thằng nhãi. Nó tin vào điều thiện và điều ác. Cậu biết đấy, ngay từ đầu tôi đã biết là nó gay rồi. Với một tâm hồn trong veo như thế, người ta không thể tham chiến. Mà nó, thì tâm hồn nó đẹp đến mức sáng ngời lên bên trên sự bẩn thỉu của xưởng máy, bên dưới sự bẩn thỉu của nhà tù; nó soi tỏ những con đường ban mai, khi cậu đi làm với hơi ấm của giường ngủ hãy còn dính sau lưng.
Với nó, không thể yêu cầu giết người được. Tôi đã bảo cậu rồi, phải không nào? Nó tin ở sự tha thứ. Chú ý này, nó có lòng can đảm, thằng em tôi, không bao giờ nó từ chối ra đi hành động, nhưng không bao giờ mang vũ khí. "Để làm gì chứ, em có biết bắn đâu?" nó vừa nói vừa chế giễu tôi. Chính tấm lòng nó ngăn nó nhằm bắn, một tấm lòng rộng lớn như thế này, tôi bảo cậu thế đấy, Samuel nhấn mạnh và dang hai cánh tay. Nó đi chiến đấu tay không, bình thản, tin chắc vào thắng lợi của mình.
Họ đã yêu cầu chúng tôi phá hoại một dây chuyền lắp ráp tại một nhà máy trong vùng. Ở đấy người ta chế tạo đạn. Thằng em tôi bảo cần phải đi, đối với nó điều ấy là logic, bao nhiêu đạn sẽ không làm ra nữa là bấy nhiêu mạng sống được cứu.
Chúng tôi đã cùng nhau điều tra. Chúng tôi không bao giờ rời nhau. Nó mười bốn tuổi, tôi rất cần coi sóc nó, chăm lo cho nó. Nếu cậu muốn biết sự thật, thì tôi nghĩ là trong suốt thời gian ấy, chính nó che chở tôi.
Nó có hai bàn tay hết sức tài hoa, giá như cậu nhìn thấy nó cầm cây bút chì, vẽ được mọi thứ và bất kỳ cái gì. Chỉ hai nét chì than là nó họa xong bức chân dung cậu và mẹ cậu có thể treo trong phòng khách. Thế là, vắt vẻo trên bức tường bao thấp, giữa đêm khuya, nó đã vẽ hình thế nhà máy, đã tô màu các tòa nhà, mỗi tòa cứ mọ lên trên tờ giấy của nó như lúa mì mọc ra từ đất. Còn tôi thì canh gác và đợi nó bên dưới. Thế rồi bỗng nhiên, nó bật cười, như thế đấy, giữa đêm khuya, một tiếng cười tròn đầy và trong trẻo, tiếng cười mà tôi sẽ mãi mang theo bên mình, cho đến tận nấm mồ khi bệnh lao của tôi chiến thắng. Thằng em tôi cười vì đã vẽ một thằng người ở giữa nhà máy, một gã có đôi chân vòng kiềng giống như ông hiệu trưởng trường nó.
Vẽ xong, nó nhảy xuống đường và bảo tôi "lại đây anh, giờ ta đi được rồi." Cậu thấy đó, thằng em tôi như thế đấy; bọn hiến binh có thể đi qua nơi ấy, chắc chắn là chúng tôi sẽ vào tù, nhưng nó thì nó hoàn toàn mốc cần; nó nhìn sơ đồ nhà máy, với thằng người chân vòng kiềng và nó cười rũ rượi; cái cười ấy; cậu hãy tin tôi đi, tôi thề với cậu, cái cười đầy ắp đêm khuya.
Một hôm khác, trong khi nó đi học, tôi đến thăm thú nhà máy. Tôi đang la cà ngoài sân, cố gắng để mình đừng bị chú ý quá, thì một người thợ đi về phía tôi. Anh ấy bảo tôi rằng nếu tôi đến xin việc, thì phải đi con đường chạy dọc theo các máy biến áp, mà anh đưa ngón tay chỉ cho tôi; và vì anh nói thêm "đồng chí ạ", tôi hiểu thông điệp của anh.
Trở về, tôi kể hết cho thằng em, nó đã bổ sung vào sơ đồ. Và lần này, khi nhìn bức vẽ hoàn tất, nó không cười nữa, ngay cả khi tôi chỉ cho nó thằng người có đôi chân vòng kiềng.
Samuel ngừng nói, để có thời gian lấy lại chút hơi. Tôi giữ trong túi một đầu mẩu thuốc lá, tôi châm nó nhưng không rủ anh cùng hút, vì anh bị ho. Anh để tôi có thì giờ thưởng thức hơi thuốc đầu tiên rồi anh tiếp tục kể chuyện, với giọng nói thay đổi âm điệu tùy theo anh nói đến mình hay đến em trai.
- Tám ngày sau, cô bạn Louise của tôi xuống ga tàu với một hộp bìa cứng cắp dưới nách. Trong hộp, có mười hai quả lựu đạn. Có Chúa mới biết cô làm thế nào mà tìm ra chúng.
Cậu biết đấy, chúng tôi không được quyền nhận đồ tiếp tế thả dù, chúng tôi đơn độc, xiết bao đơn độc. Louise, đó là một cô gái rất cừ, tôi phải lòng cô và cô phải lòng tôi. Thỉnh thoảng chúng tôi đến yêu nhau ở phía nhà ga nơi phân nhánh các đường tàu, và phải yêu nhau ghê lắm mới không chú ý đến khung cảnh, nhưng dù sao chăng nữa, chúng tôi cũng chẳng khi nào có thì giờ. Hôm sau ngày Louise trở về với bọc hàng của cô, chúng tôi ra đi để hành động; đó là một đêm rét mướt và tối tăm, như đêm nay, à khác chứ, vì thằng em tôi hãy còn sống. Louise đi cùng chúng tôi, đến tận nhà máy. Chúng tôi có hai khẩu súng tay, lấy của những tên cảnh sát mà tôi đã nện mỗi tên ít nhiều, ở mỗi một phố hẻm. Em tôi không muốn mang vũ khí, thế là tôi có hai khẩu súng trong túi da treo ở xe đạp.
Tôi cần phải nói với cậu điều xảy ra với tôi, vì cậu sẽ không tin đâu, dù tôi có thề trước mặt cậu thế này. Chúng tôi đang đi, xe đạp rung rung trên những viên đá lát đường thì sau lưng mình, tôi nghe thấy một người đàn ông bảo mình "Ông ơi, ông đánh rơi cái gì đó." Tôi không muốn nghe người ấy, nhưng một kẻ bị mất cái gì đó mà cứ tiếp tục đi thì thật khả nghi. Tôi đặt chân xuống đất và ngoảnh lại. Trên lề đường chạy dọc theo nhà ga, những người thợ từ nhà máy về, túi vải đeo vai. Họ đi từng tốp ba người một, vì lề đường khôngộng cho hàng bốn. Cậu phải hiểu rằng toàn bộ công nhân nhà máy đang đi ngược con phố. Và trước mặt tôi, cách ba mươi mét, có khẩu súng của tôi, rơi ra từ túi da, khẩu súng của tôi sáng loáng trên mặt đường. Tôi dựng xe sát tường và đi về phía người đàn ông đang cúi xuống, nhặt súng lên rồi đưa trả tôi như thể đó là một chiếc khăn tay. Anh chàng chào tôi rồi vừa đi đến với bạn bè đang đợi vừa chúc tôi một buổi tối tốt lành. Tối hôm ấy, anh ta về nhà với vợ và với bữa ăn cô ta sửa soạn cho chồng. Còn tôi, thì lại lên xe, vũ khí để dưới áo vét, và tôi đạp để đuổi kịp em trai mình. Cậu có tưởng tượng được không? Cậu thấy bộ mặt cậu như thế nào nếu cậu đánh mất súng khi đi hành động và có ai đó đem trả lại nó cho cậu?
Tôi chẳng nói gì với Samuel, tôi không muốn ngắt lời anh, nhưng lập tức trong ký ức tôi hiển hiện ánh mắt của một viên sĩ quan Đức, hai cánh tay dang ra một bên nhà tiểu, ánh mắt của Robert và cả của Boris bạn tôi nữa.
- Trước mặt chúng tôi, xưởng đạn in hình một nét vẽ bằng mực tàu trong đêm tối. Chúng tôi đi dọc bức tường bao. Thằng em tôi leo lên, bàn chân nó bám vào những viên đá như thể nó đang lên cầu thang. Trước khi nhảy sang bên kia tường, nó mỉm cười với tôi và bảo tôi rằng chẳng chuyện gì có thể xảy ra với nó đâu, rằng nó yêu quý Louise và tôi. Đến lượt tôi trèo và gặp lại nó như đã thỏa thuận trong sân, sau một trụ điện đã được nó đánh dấu trên sơ đồ. Trong đãy vác vai của chúng tôi, nghe thấy tiếng lựu đạn va vào nhau.
Phải chú ý đến người bảo vệ. Anh ta ngủ ở xa tòa nhà chúng tôi sắp đốt cháy và tiếng nổ sẽ kến anh ta ra ngoài kịp thời để không gặp nguy hiểm gì, nhưng chúng tôi, chúng tôi sẽ gặp mối nguy hiểm nào nếu anh ta nhìn thấy chúng tôi?
Thằng em tôi đã len lỏi, tiến lên trong làn mưa bụi, tôi theo sau nó cho đến chỗ những con đường của chúng tôi tách khỏi nhau; nó lo nhà kho còn tôi lo xưởng máy và các văn phòng. Tôi có sơ đồ của nó trong đầu và đêm tối không làm tôi sợ. Tôi vào tòa nhà, đi dọc theo dây chuyền lắp ráp và lên các bậc của cầu thang nhỏ dẫn tới khu văn phòng. Cửa được cài một thanh ngang bằng thép, có ổ khóa chốt lại chắc chắn; thây kệ, các ô kính dễ vỡ. Tôi lấy hai trái lựu đạn, rút chốt và ném mỗi tay một quả. Cửa kính vỡ tung, vừa kịp thời gian để tôi ngồi sụp xuống, luồng khí quạt đến chỗ tôi. Tôi bị hất lên và rơi xuống tay dang ra. Choáng váng, màng nhĩ ù ù, sỏi trong miệng, phổi đầy khói, tôi cố nhổ ra những gì nhổ được. Tôi định đứng dậy, áo sơ mi của tôi đang bốc cháy, tôi sắp bị thiêu sống. Tôi nghe thấy những tiếng nổ khác vang lên đằng xa, phía các nhà kho. Cả tôi nữa tôi cũng phải hoàn thành công việc.
Tôi thả cho mình lăn theo các bậc thang sắt và đập xuống trước một cửa sổ. Bầu trời ánh đỏ vì hành động của em tôi, đến lượt những tòa nhà khác rực sáng, theo những tiếng nổ khiến chúng bốc cháy trong đêm đen. Tôi lấy lựu đạn trong đãy, rút chốt và vừa ném từng quả một, vừa chạy trong làn khói về phía lối ra.
Sau lưng tôi, những vụ nổ nối tiếp nhau; mỗi lần như vậy, toàn thể thân hình tôi lại lảo đảo. Lửa cháy nhiều đến mức sáng như ban ngày, và từng lúc, ánh sáng mờ đi, nhường chỗ cho đêm đen dày đặc nhất. Đó là do mắt tôi không nhìn thấy gì, những dòng nước mắt chảy chan hòa đều nóng bỏng
Tôi muốn sống, tôi muốn thoát khỏi địa ngục, ra khỏi đây. Tôi muốn nhìn thấy thằng em, ôm chặt nó trong vòng tay, bảo nó rằng tất cả chỉ là một cơn ác mộng phi lý; rằng khi tỉnh dậy tôi tìm thấy lại những cuộc sống của chúng tôi, như thế đấy, một cách tình cờ trong chiếc rương nơi mẹ cất đồ đạc áo quần của tôi. Hai cuộc sống ấy, cuộc sống của nó, của tôi, cuộc sống trong đó chúng tôi đi thó những chiếc kẹo của ông bán hàng thực phẩm ở khu phố, cuộc sống trong đó mẹ đợi chúng tôi khi tan trường, cuộc sống trong đó mẹ ôn bài cho chúng tôi; đúng trước khi chúng nó đến bắt mẹ đi và cướp cuộc sống của chúng tôi.
Đằng trước tôi, một thanh xà gỗ vừa sập xuống, nó bốc cháy và chặn đường tôi. Sức nóng thật khủng khiếp nhưng ngoài kia, em tôi đang đợi và, tôi biết điều này, không có tôi nó sẽ không ra đi. Thế là tôi nắm lấy những ngọn lửa trong tay và đẩy cây xà ra.
Sự cắn xé của lửa, người ta không thể tưởng tượng được nó khi nó còn chưa tóm lấy mình. Cậu biết đấy, tôi đã rú lên, như một con chó bị đánh đập, tôi đã rú lên đến chết, nhưng tôi muốn sống, tôi đã bảo cậu rồi; thế là tôi tiếp tục con đường của mình giữa lò lửa rừng rực, cầu khấn người ta hãy chặt bỏ cổ tay mình để cái đau ngừng lại. Và trước mặt tôi, cuối cùng xuất hiện khoảnh sân nhỏ, như em tôi đã vẽ. Xa hơn một chút, chiếc thang nó đã dựa sẵn vào tường. "Em đang tự hỏi anh làm cái gì vậy, anh biết không?" nó bảo tôi khi thấy mặt mũi tôi đen sì như mặt người đốt than. Và nó nói thêm "Anh đã lâm vào một tình trạng kỳ cục". Nó hạ lệnh cho tôi ra trước, vì các vết thương của tôi. Tôi cố hết sức trèo lên, tì vào các khuỷu tay, vì hai bàn tay . Ở trên cao rồi, tôi ngoảnh lại và gọi nó để bảo là đến lượt nó, không được lề mề.
Một lần nữa, Samuel ngừng lời. Như để lấy thêm sức kể cho tôi đoạn cuối câu chuyện của anh. Rồi anh xòe hai bàn tay và cho tôi xem lòng tay anh; đó là lòng bàn tay của một con người đã cuốc xới đất suốt đời mình, một con người trăm tuổi; Samuel chỉ mới hai mươi.
- Thằng em tôi ở đấy, trong sân, nhưng khi tôi gọi, tiếng một người khác đáp lại. Người bảo vệ nhà máy giương súng và hét "Dừng lại, dừng lại". Tôi rút súng khỏi đãy, tôi quên cái đau ở bàn tay, và tôi nhằm bắn; nhưng đến lượt thằng em tôi hét "Anh đừng làm thế!". Tôi nhìn nó và khẩu súng tuột giữa những ngón tay tôi. Khi súng rơi xuống chân em tôi, nó mỉm cười, như yên lòng vì tôi không thể làm điều hại. Cậu thấy đó, tôi đã bảo cậu rồi, nó có tấm lòng của một thiên thần. Hai bàn tay không, nó ngoảnh lại và mỉm cười với người bảo vệ. "Anh đừng bắn, nó bảo người ấy, đừng bắn, đây là lực lượng Kháng chiến." Nó nói như để làm anh ta yên lòng, cái người thấp lùn tròn trịa với khẩu súng giương lên, như bảo anh ta rằng mọi người không muốn làm hại anh ta đâu.
Thằng em tôi nói thêm "Sau chiến tranh, mọi người sẽ xây dựng lại cho anh một nhà máy mới tinh, nó sẽ còn đẹp đẽ hơn để mà bảo vệ." Rồi nó quay người lại và đặt chân lên thanh đầu tiên của chiếc thang. Cái người tròn trịa lại hét "Dừng lại, dừng lại", nhưng em tôi tiếp tục tiến bước lên trời cao. Người bảo vệ bóp cò. Tôi nhìn thấy ngực nó nổ ra, ánh mắt nó sững lại. Nó mỉm cười với tôi và đôi môi đẫm máu thì thầm "Ch đi anh, em yêu anh". Thân hình nó rơi xuống phía sau.
Tôi ở bên trên bức tường, nó ở dưới, đằm mình trong cái vũng thắm đỏ đang lan ra bên dưới nó, thắm đỏ toàn bộ tình yêu thương đang cuốn xéo mất.
Suốt đêm Samuel không nói gì nữa. Khi anh kể xong cho tôi câu chuyện của anh, tôi đến nằm bên Claude, nó hơi càu nhàu vì tôi làm nó thức giấc.
Từ ổ rơm của mình, tôi nhìn thấy bên ngoài chấn song vài ngôi sao rốt cuộc cũng sáng lên trên bầu trời. Tôi không tin Chúa, nhưng tối hôm ấy tôi tưởng tượng trên một trong những ngôi sao ấy, đang lấp lánh linh hồn em trai của Samuel.
Chúc các bạn online vui vẻ !