Ring ring
Tiểu thuyết tình yêu

Tiểu Thuyết Tình Yêu

Đọc truyện tại Tiểu Thuyết Tình Yêu

Loading...

Tiểu thuyết - Tấm Cám, đằng sau một cổ tích - Trang 3

Full | Lùi trang 2 | Tiếp trang 4

Chương 7: Giải thưởng lớn của lễ hội

Cám nghỉ ngơi ở nhà tới khi khỏe hẳn thì vừa đúng lúc chuẩn bị có lễ hội trên phủ, sự kiện quan trọng nhất trong năm bên cạnh ngày Tết. Mọi năm dù bận rộn hay túng thiếu tới đâu, Tấm Cám cũng phải xoay xở để có được bộ cánh thật tươm tất đi dự hội. Nhưng năm nay lại có vẻ không giống như mọi năm.

Các huyện lệnh về từng làng điều động dân đinh lên phủ hỗ trợ tổ chức hội và đặc biệt yêu cầu các cô gái chưa chồng phục sức thật đẹp, bắt buộc phải tham gia. Có người thắc mắc vì sao năm nay lại có vẻ long trọng khác thường như vậy thì huyện lệnh hồ hởi trả lời:

- Hội năm nay nghe nói có Đức Vua thân chinh đến dự. Theo thông lệ qua các đời thì ngoài các cung phi có xuất thân cao quý ra sẽ vẫn tuyển thêm trong dân gian, cho nên nhiều người đồ rằng trong lễ hội này nếu thấy cô nào vừa mắt, Đức Vua sẽ cho tiến cung.

Mọi người xôn xao bình luận, không ít người đưa ánh mắt ghen tị nhìn về phía chị em Tấm Cám. Ngay đến huyện lệnh cũng liếc mắt tới chỗ hai nàng rồi nói thêm:

- Nếu huyện ta có người được tuyển thì thật may mắn!

Cho tới khi huyện lệnh ra về, dân chúng vẫn còn rất sôi nổi bàn tán. Đây quả là cơ hội ngàn năm có một, các cô gái chưa chồng vui mừng khấp khởi, bắt đầu mơ tưởng đến ngày mình được mặc áo phượng, ngồi kiệu lớn, trong khi đám phụ nữ bế con thì lườm nguýt ra chiều coi thường lắm. Ngay những bé gái chín mười tuổi còn hỏi mẹ chúng xem có được may một bộ váy mới thật đẹp đi dự hội không.

Nhà bà Mão cũng không phải ngoại lệ.

Tấm hào hứng chọn mấy mảnh vải đẹp, ướm thử vào người rồi lại xỏ đôi hài Cám thêu cho lần trước. Hội năm nay nàng sẽ may bộ váy đẹp nhất, nổi bật nhất đi dự. Nghĩ đến đó, Tấm lại chứa chan hi vọng, bởi nếu xét về nhan sắc, nàng cảm thấy hoàn toàn tự tin.

- Chị cũng nghĩ tới kỳ tuyển phi này ư? – Cám có chút lo lắng hỏi.

- Tất nhiên rồi, đây không phải ước mơ của tất cả các cô gái hay sao?

- Chị đừng viển vông nữa. Chuông khánh còn chẳng ăn ai, nữa là mảnh chĩnh vứt ngoài bụi tre. Việc đưa một số cô gái bình thường tiến cung chỉ là cách tỏ ra gần gũi với dân của triều đình thôi, không có giá trị gì cả. Trong cung chị không có thế, không có lực thì làm sao mà sống nổi?

- Em thật thiển cận. – Tấm bĩu môi. – Đức vua không phải là người có quyền lực tối thượng sao? Chỉ cần giành được cảm tình của Người thì thế hay lực cũng không bằng.

- Chị…

- Hơn nữa, chị chán cảnh sống nghèo khổ, giật gấu vá vai, vất vả sáng tối thế này lắm rồi. Lần lễ hội này không chỉ có Đức vua, mà còn vô số các quan đại thần, vương tử, quận công theo hầu, không được Đức vua chấm thì cũng còn nhiều cơ hội khác.

Cám im lặng, không muốn tranh luận nữa nhưng thẳm sâu trong lòng nàng xuất hiện một nỗi buồn khó nói. Nàng vừa đọc được sự bất mãn trong lời nói của Tấm, như thể những ngày tháng qua là vô cùng khốn khổ đối với nàng ấy. Đã đành là gia cảnh không phải khấm khá nhưng chẳng phải bà Mão lẫn nàng đều luôn yêu thương, quan tâm tới Tấm sao? Chẳng lẽ những điều đó đều không bằng một đời sống vương giả an nhàn? Bên cạnh đó, nàng lo cho Tấm, nàng thực lòng không muốn chị mình tiến cung hay thành thân với một kẻ quyền quý xa lạ nào đó. Thà rằng sống hơi vất vả một chút nhưng mình tự làm chủ cuộc sống không hơn là phải phụ thuộc vào người khác, nhắm mắt đưa chân tới một tương lai không xác định sao?

Tuy vậy, dù muốn dù không, cũng đã tới ngày lễ hội. Mấy cô gái cùng thôn hẹn nhau thuê một xe ngựa lớn cùng đi, vừa đỡ vất vả, vừa tiết kiệm chi phí.

- Cám, bộ váy của chị đâu? Giầy của chị đâu? – Tấm hốt hoảng kêu lên khi thấy sắp tới lúc lên đường mà tìm mãi không thấy quần áo đâu cả.

- Em không biết. – Cám tỏ vẻ thành thật trả lời. Nàng đang mặc một bộ váy vô cùng xoàng xĩnh, đến đôi giày cũng cũ. Đôi hài thêu hoa kia sau khi đưa cho Khánh một chiếc, nàng không buồn làm thêm nữa. – Hay chị mặc tạm bộ nào khác đi?

Tấm bặm môi tức giận, nghĩ lại chuyện xúc tép lần trước nhưng không cách nào bắt bẻ được Cám. Số là đợt vừa rồi nhà nàng mang thóc đi xát nhưng không may xát không kỹ, gạo bị lẫn thóc rất nhiều. Cả nhà ba người phải chia nhau ra nhặt, rất mất thời gian. Cám chuyên tâm làm sớm nên xong sớm, có thời gian chuẩn bị còn Tấm mải nghĩ tới lễ hội nên mãi mới xong. Lúc đó nàng mới phát hiện ra bộ váy đẹp nhất lẫn đôi hài hoa Cám thêu cho nàng lần trước đều không cánh mà bay từ lúc nào. Trong tủ chỉ còn lại vài bộ váy áo tầm tầm, sót lại từ lễ hội trước.

- Chị Tấm, đi thôi nào, mọi người đến rồi. – Tiếng Cám lại réo rắt.

- Em đi trước đi, chị phải tìm bộ váy đã. – Tấm mím môi đáp.

- Thế em đi trước. – Nàng nhún vai. – Nhưng chị nhớ đến nhé. Huyện lệnh có điểm danh đó.

“Đương nhiên tôi phải đi chứ”. Trong lòng Tấm lúc này chỉ còn tràn ngập oán hận. Nàng cho rằng Cám cố tình giấu đồ của nàng đi để nàng không thể xinh đẹp nổi bật, không thể kiếm được một tấm chồng tốt, để nàng mãi mãi phải ở lại đây, làm tôi mọi cho mẹ con Cám.

Lửa giận đang ngùn ngụt trong lòng bỗng vụt tắt khi Tấm sực nhớ ra bộ váy đang ở đâu. Cách đây vài hôm, nàng đã mang bộ váy lẫn đôi hài ra giặt, ngâm nước cánh hoa hồng để tạo hương thơm, sau đó thì gói kỹ rồi cất cẩn thận trong gầm giường, nơi mát mẻ nhất trong nhà, để giữ mùi. Nàng vội vã đi tắm gội sạch sẽ, thay váy áo rồi lấy con ngựa còm Cám vẫn dùng để thồ vải ra chợ huyện chạy tới lễ hội.

Lễ hội năm nay do có tin là Đức vua về dự nên đông hơn hẳn mọi năm, Tấm phải buộc ngựa ở ngoài, đi bộ vào hội. Bên trong người qua lại nườm nượp, dù vẫn như mọi lễ hội khác với đủ mọi hoạt động cúng lễ, trò chơi, người ta vẫn thi nhau ngóng về chỗ đài cao, nơi các quan đang ngồi. Thông tin chính thức gây thất vọng cho mọi người là Đức vua không về dự, thế vào đó là Phan tướng quân, cánh tay phải của Người. Tấm thêm phần chán nản vì trong lúc chen lấn xô đẩy trong đám đông, nàng đã bị rơi mất một chiếc hài, tìm thế nào cũng không ra. Cuối cùng nàng đi tới một chỗ vắng vẻ, ngồi xuống nghỉ. Xem ra hôm nay không phải ngày tốt của nàng, từ sáng tới giờ chuyện gì cũng không được ưng ý.

- Chị Tấm, chị sao vậy? – Vừa khéo Cám đi ngang qua đúng chỗ nàng đang ngồi.

- Chị bị rơi mất một chiếc giầy. – Tấm thở dài, bên chân trần đã có mấy vết trầy xước, nổi bật trên làn da trắng muốt, mềm mại.

- Đây, chị lấy giầy em mà đi. – Cám không nghĩ gì nhiều, cởi giầy đưa luôn cho chị.

- Thế em đi bằng gì? – Tấm áy náy hỏi.

- Em lấy ngựa về trước đây, lát chị đi cùng xe với mẹ và mọi người nhé. Xe sẽ chờ ở cổng chính lúc tan hội.

- Sao em về sớm thế?

- Em điểm danh rồi, về sớm một chút chắc không ai bắt tội đâu. Em còn mấy việc ở nhà phải làm nốt.

Tấm thấy em nói thế thì cũng không thắc mắc nữa, nàng lấy đôi giầy cũ của Cám đi vào, may mà vừa khít. Chiếc hài thêu còn lại, do còn rất mới nên nàng tiếc rẻ bỏ vào túi, tự nhủ sẽ phải nhờ Cám thêu lại cho một chiếc khác.

Cám vừa về được một lúc thì trên đài cao, tri phủ bỗng ra một thông báo quan trọng, đại khái là tuy năm nay Đức vua có việc bận không trực tiếp về dự hội được, nhưng Người có một món quà, một giải thưởng lớn dành cho các cô gái dự hội. Tất cả phụ nữ, không kể là đã có gia thất hay còn chưa trưởng thành đều có thể tham gia, giải thưởng là hai lượng vàng. Mặc dù có chút thất vọng là không phải tuyển phi như các nàng đã mong đợi nhưng hai lượng vàng không phải thứ kém giá trị nên người tham gia đông nườm nượp, trong đó tất nhiên có cả Tấm và bà Mão.

- Thật tiếc Cám về mất rồi không thì nhà ta có thêm cơ hội giành giải. – Bà Mão chép miệng tiếc rẻ.

Cùng lúc đó, bên trên đài, Tri phủ đứng khom lưng nói với Phan tướng quân, mặt lộ rõ vẻ khó xử:

- Bẩm tướng quân, có đúng là cần phải làm như vậy không ạ?

- Ta biết thể lệ hơi kỳ quặc, nhưng đó đúng là yêu cầu của Người. – Phan Bình gật đầu kiên định.

Mặc dù là thân tín nhưng đôi lúc y cũng không thể hiểu nổi những mệnh lệnh kỳ quặc của hắn, như lần này chẳng hạn.

- Thử giày lấy giải thưởng? – Các cô gái ở dưới nhìn nhau ngạc nhiên.

- Phải đó, nghe nói là có tới mấy vòng cơ, vòng đầu là thử giầy, vừa rồi mới được vào diện kiến Phan tướng quân nghe thể lệ vòng trong.

- Chiếc giầy đấy có gì đặc biệt không?

- Không, chỉ là một đôi giầy vải cực kỳ bình thường. Thấy đã có vài cô đủ tiêu chuẩn rồi đó.

Đến lượt Tấm và bà Mão lên thử, kết quả chỉ có nàng là vừa in còn bà Mão ngậm ngùi trở ra, buồn rầu nhìn đôi chân ngoại cỡ nứt nẻ của mình. Tấm tự hỏi chiếc giày tầm thường kia có gì đặc biệt mà lại trở thành tiêu chuẩn vòng loại của một giải thưởng lớn như vậy. Bên cạnh nàng là mấy chục cô gái cùng cỡ chân với nàng, tất cả được dẫn vào trong, yết kiến Tri phủ và Phan tướng quân. Phan Bình quét mắt một lượt, hắng giọng nói:

- Triều đình đưa ra cuộc thi này bởi như các cô biết đó, đôi chân vốn là tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá nhan sắc của một cô gái, thế nhưng Đại Việt chúng ta không chỉ đề cao nhan sắc, mà phải có đủ cả tài lẫn sắc. – Phan Bình vừa nói vừa thầm trách cứ người kia, những lời nói vô lý như thế này mà cũng bắt y phải nói ra. – Cho nên ta có thêm một thử thách. Trong các cô ai có thể đưa ra một chiếc giầy tương xứng với chiếc giầy ta đang có ở đây thì sẽ lấy được giải thưởng.

Y nói rồi lấy trong người ra một chiếc hài thêu khá đẹp. Các cô gái sau một thoáng ngơ ngác thì rút ngay chiếc giầy mình đang đi ra để thử ghép với chiếc giầy kia. Thế nhưng bất kể giầy các cô có thêu kỳ công bắt mắt thế nào cũng không thể hợp với mẫu hoa độc đáo trên chiếc giày kia. Trong lúc nhìn các cô gái vui vẻ so giày, Phan Bình hơi rầu rĩ nhớ lại trọng trách mình đang mang.

- Nhớ cho kỹ, phải treo giải thưởng lớn chứ tuyệt đối không được nhắc tới việc tuyển phi.

- Bẩm, thần xin ghi nhớ nhưng thần có thể hỏi tại sao không? – Y ngạc nhiên hỏi lại.

- Vì người đó chỉ thích tiền chứ không thích ta. – Hắn cười nhẹ nhưng nụ cười hiền lành của hắn lại làm Phan Bình lạnh gáy.

- ……

- Nàng ấy tên là Bột Gạo, nhưng đó có thể không phải tên thật. Một khi ngươi đã tìm ra rồi thì dù bằng cách nào cũng phải đưa nàng ấy tiến cung, rõ chưa?

- Thần tuân lệnh. – Mồ hôi chảy ướt áo Phan Bình. Trông y giống kẻ lừa đảo, ức hiếp con gái nhà lành đến thế ư?

Tiếng xôn xao từ phía các cô gái kéo Phan Bình trở lại thực tế, phát hiện ra tất cả mọi người trong phòng đang hướng về phía một cô gái rất xinh đẹp. Lúc này trên tay nàng là một chiếc giầy khác, giống hệt chiếc mẫu y đưa ra, ghép lại thành một đôi hoàn hảo.

Ngay từ khi nhìn thấy chiếc giầy Phan Bình đưa ra, Tấm không tự chủ được, người run lên, nàng không nghĩ rằng ngày hôm nay lại may mắn như vậy. Mẫu thêu của Cám tuy không phải tuyệt mỹ nhưng không thể lẫn với ai, nàng có thể nhận ra từ khoảng cách xa. Vì thế khi tới lượt, nàng nhẹ nhàng rút trong túi ra chiếc hài còn lại, dâng lên, dù trong lòng vô cùng thắc mắc, không rõ vì sao Phan tướng quân có thể nhặt được chiếc giầy nàng đánh rơi, và vì đâu chiếc giầy của nàng bỗng trở thành tiêu chí của giải thưởng lớn như vậy?

Phan Bình ra lệnh ban thưởng cho các cô gái ít bạc vụn rồi cho tất cả ra về, chỉ giữ lại một mình Tấm. Y trầm giọng hỏi:

- Cô tên gì?

- Bẩm tướng quân, tiểu nữ tên Đỗ Thị Tấm. – Nàng trả lời, giọng lộ ra chút căng thẳng.

Tấm…Bột Gạo…

Nhìn lại một lần nữa đôi giày thêu hoa hoàn chỉnh trước mặt, Phan Bình biết là mình đã tìm đúng người. Vấn đề còn lại là làm sao để nàng chịu tiến cung?

- Tấm này, – Cuối cùng y quyết định nói thẳng, yêu cầu võ tướng như y nói năng khéo léo, văn hoa thì còn khó hơn bắt voi nhảy múa theo nhạc. – Hoàng thượng có mật chỉ cho ta, giải thưởng lần này, ngoài hai lượng vàng kia ra, cô gái thắng cuộc sẽ được phong Tiệp dư và tiến cung ngay. Cô có đồng ý không?

- Thật sao? – Tấm nghẹn ngào, không dám tin vào tai mình, quỳ sụp xuống. – Đa tạ thánh ân của Hoàng thượng, tiểu nữ xin phép về chào gia đình rồi lập tức sẽ theo Tướng quân.

Phan Bình kinh ngạc, không ngờ công việc của mình lại trôi chảy thế, liền sai người trống giong cờ mở đưa nàng về nhà.

Một tháng sau đó, cả phủ vẫn còn xôn xao câu chuyện cô gái mồ côi nghèo một bước lên bà, tận hưởng vinh hoa phú quý. Người ta hả hê rằng trời cao có mắt, nàng vốn bị dì ghẻ và em gái cùng cha khác mẹ hành hạ, giờ được Đức vua đưa đi, bù đắp bằng một cuộc sống hạnh phúc mãi mãi. Và còn vô số tin đồn khác nữa.

Mặc những gì thiên hạ nói ngoài kia, bà Mão và Cám đóng cửa ở nhà mấy ngày không làm gì vì buồn nhớ Tấm. Cám xót xa thương chị giờ một mình chật vật trong cấm cung xa xôi kia, nàng thầm cầu mong Tấm được bình yên.

Đôi lúc nhìn thấy chiếc hài hoa sót lại, tâm trí nàng lại phảng phất hình bóng ai đó, trong lòng dấy lên một nỗi nghi ngờ mơ hồ và một nỗi buồn sâu kín không thể gọi tên.

Chương 8: Tái ngộ

Trên đường về cung, Tấm hạnh phúc lâng lâng, vẫn chưa tin được vào sự thật rằng giờ đây nàng đã là Đỗ tiệp dư, đứng trên muôn người. Nàng không còn là con Tấm mồ côi nghèo khổ suốt ngày phải lăn lộn tiết kiệm từng đồng như ngày xưa nữa. Tất nhiên lẫn trong niềm hạnh phúc đó hình ảnh lam lũ của bà Mão và Cám có đôi chút làm nàng chạnh lòng nhưng gạt đi nhanh chóng. Xét cho cùng bà Mão không có máu mủ gì với nàng, còn Cám xinh đẹp, sắc sảo như vậy, sau này nhất định sẽ có cuộc sống rất tốt. Tấm tin rằng hai lượng vàng nàng để lại và tương lai cố gắng hỗ trợ chút vật chất trong mức nàng có thể là đủ để báo đáp những gì hai mẹ con đã đối xử với nàng suốt thời gian qua.

Ngay sau khi tiến cung, tắm rửa thay đồ, Tấm được đưa tới ngự thư phòng bái kiến Đức Vua. Khi nàng bước vào thì Người đứng quay lưng lại nên nàng không nhìn thấy mặt, chỉ thấy một bóng dáng cao lớn, dù từ sau lưng vẫn toát ra sự uy nghiêm, mạnh mẽ. Phan Bình khom người nói:

- Bẩm Hoàng thượng, Đỗ tiệp dư đã tới.

Tấm quỳ xuống, trong lòng sợ hãi đến nỗi không thể mở miệng, đành cúi đầu làm thinh.

- Ta biết rồi, ngươi lui ra trước đi, ta muốn nói chuyện với Đỗ tiệp dư.

Bình cúi người chào rồi quay ra. Tấm vẫn không nhúc nhích. Đức vua khẽ hắng giọng, quay lại nhìn nàng, nhưng gần như ngay lập tức, nụ cười lẫn ánh mắt vui vẻ đều biến mất, đôi mày nhíu lại, ánh mắt dò xét pha lẫn khó hiểu nhìn nàng:

- Nàng là Tấm?

- Dạ vâng, thưa Hoàng thượng.

- Nàng là người đã có chiếc giầy ghép đôi với chiếc giầy Phan tướng quân đưa ra?

- Vâng ạ.

Từ đầu tới cuối, Tấm đều không dám ngẩng lên, nàng chỉ mơ hồ cảm thấy giọng nói của Đức vua càng lúc càng lạnh hơn, trong lòng lo sợ không biết mình có làm gì thất thố không.

- Chiếc giầy đó là của nàng?

- Bẩm Hoàng thượng, vâng ạ, là của thiếp, chẳng là thiếp đi hội, có lỡ đánh rơi một chiếc giầy, không hiểu vì sao Phan tướng quân lại nhặt được, còn ưu ái đưa ra làm tiêu chuẩn giải thưởng.

- Ý trời chăng? – Đức vua lẩm bẩm như nói với chính mình. – Trẫm đã xem qua, chiếc hài thêu rất đẹp, nàng thật khéo tay.

- Đa tạ Hoàng thượng khen ngợi. – Tấm nhỏ nhẹ đáp, đương nhiên nàng sẽ không nói ra ai là người thêu đôi giầy đó. Số phận đã run rủi cho nàng một cơ hội đổi đời, làm sao nàng có thể tự tay hất nó đi được?

- Trẫm thật may mắn có được một tiệp dư vừa xinh đẹp, vừa khéo léo như nàng. – Tuy lời nói là khen nhưng Tấm chỉ cảm thấy âm sắc lạnh lẽo pha chút gì đó mỉa mai mà nàng không hiểu được. – Ta có nghe Bình nói nàng mồ côi, một thân một mình, cuộc sống hẳn là rất vất vả?

- Đa tạ Hoàng thượng quan tâm thiếp, đúng là cha mẹ thiếp mất sớm, nhưng thiếp có dì và em gái.

- Dì và em gái? – Tay hắn đột nhiên hơi run lên.

- Bẩm, là em gái cùng cha khác mẹ. – Tấm thành thật nói. – Cha thiếp trước đây lấy hai vợ, Cám là con của dì, kém thiếp một tuổi, từ nhỏ đến giờ thiếp sống với dì và em.

Cám…Tấm…đều là bột gạo.

- Sau chuyến đi dài như thế, chắc nàng mệt lắm rồi, về nghỉ ngơi đi. Lễ sắc phong tiệp dư sẽ có quan nội thị phụ trách, nàng không phải lo. – Sau một thoáng, Đức Vua hắng giọng nói.

Tấm về phòng, giờ nàng mới có thời gian ngắm nghía nơi ở mới của mình. Do nàng chỉ là một tiệp dư nhỏ bé nên ở cùng một khu với các Tài nhân, Lương nhân ngang hàng khác chứ không có cung riêng như các phi. Tuy vậy căn phòng nàng đang ở so với nhà nàng ở quê cũng đã là một trời một vực. Giường có đệm êm, chăn gối đều là vải gấm thêu hoa rất tinh xảo, những thứ mà trước đây nàng chỉ có thể mơ ước. Trong phòng, các nô tỳ còn đốt tinh dầu thơm ngào ngạt, một điều quá lạ lẫm, xa xỉ đối với nàng. Tấm biết rằng cuộc sống của nàng từ giờ về sau đã hoàn toàn thay đổi, không còn vất vả chân lấm tay bùn nhưng cũng sẽ không đơn giản.

- Đức vua có phải người rất lạnh lùng không? – Nghĩ lại cuộc gặp chớp nhoáng hồi sáng, Tấm không nhịn được, buột miệng hỏi nô tỳ đang đứng hầu bên cạnh.

- Vâng, đúng vậy ạ. – Tỉu nhanh miệng trả lời. – Hoàng thượng rất lạnh lùng, con nghe người bên điện Cần Chánh kể là đến quan nội thị ngày đêm túc trực còn chưa bao giờ thấy Hoàng thượng cười.

- Ngươi có thể đừng xưng con với ta không? Chắc ta chỉ hơn ngươi có mấy tuổi thôi. – Tấm hơi nhíu mày.

- Bẩm bà, đây là quy định trong cung, nếu con không tuân theo thì sẽ bị phạt. Từ tiệp dư trở lên thì gọi bà, chỉ có quý nhân trở xuống thì mới gọi chị.

- Ừ ta biết rồi. – Tấm khẽ thở dài, xem ra còn rất nhiều điều nàng phải học.

Cùng lúc đó, bên điện Cần Chánh.

Quan nội thị bằng trực giác nhạy bén bản năng, cảm thấy tâm trạng Đức vua hôm nay cực kỳ không tốt, cho dù bề ngoài thì không có gì khác. Các bậc Đế vương thường không bao giờ vui buồn ra mặt nên những người phục vụ như y chỉ có thể phán đoán bằng trực giác, một năng lực bắt buộc phải có nếu muốn tồn tại ở vị trí này.

- Thanh, triệu Phan Bình tới đây. – Người bên trong chợt lên tiếng.

Lý Thanh ba chân bốn cẳng lao đi, lúc này đây y chỉ muốn tránh người kia càng xa càng tốt.

- Sắp tới ta có việc phải ra ngoài, ngươi làm giúp ta mấy chuyện.

- Hoàng thượng lại xuất cung ư? Để thần bố trí người.

- Không cần, lần này ta đi một mình.

- Như vậy quá nguy hiểm… - Phan Bình giật mình, lo lắng nói.

- Ta đi gặp Trần Khắc.

Bình lập tức hiểu vấn đề, không nói thêm câu nào. Trần Thái bảo hiện là một trong những nhân vật lớn nhất, phụ trách cánh quân quan trọng đóng ở vùng cận biên. Thế nhưng, khác với Phan Bình hay những quan lại khác, Trần Khắc không ra mặt ủng hộ Đức vua, cũng không về phe Thái úy, và những người am hiểu tình hình đều cho là việc Trần Khắc ngả về phe ai sẽ quyết định cục diện chính trị cuối cùng. Bình không hỏi thêm câu nào bởi y biết Đức vua đã có tính toán riêng, và đây là việc tối mật, nếu lộ ra thì sẽ không tránh được cảnh đầu rơi máu chảy. Tiên đế băng hà quá sớm, khi vây cánh của Thái tử chưa đủ mạnh, hắn tuy ngồi nơi cao nhưng vẫn phải vài phần chịu lép trước Thái hậu và Thái úy. Hiện tại y còn nghe ngóng được Bình Nguyên vương cũng đang bí mật chiêu mộ binh sĩ, hẳn trước đây đối với việc Thái tử lên ngôi có ý không phục. Mẹ đẻ của Bình Nguyên vương lại là Thái hậu đương triều, Đức vua dù có biết chuyện y thành lập quân đội thì cũng mắt nhắm mắt mở cho qua mà thôi, cùng lắm sẽ chỉ cử thêm người giám sát, đảm bảo không có chuyện vượt quá giới hạn. Bình linh cảm thời gian tới trong triều sẽ có biến động lớn, mong rằng có thể tránh được cảnh mưa máu gió tanh.

- Nhưng trước đó ta sẽ rẽ qua quê của Đỗ Tiệp dư mấy hôm. – Trong thoáng chốc, Bình cảm giác như Đức vua vừa nở nụ cười nhẹ, một vẻ ấm áp lướt qua gương mặt vốn luôn lạnh lùng. – Ta có chút việc giao cho ngươi…

………….

Dù có buồn phiền cách mấy thì cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, bà Mão tiếp tục lo đốc thúc thợ cày còn Cám quay trở lại sạp vải ngoài chợ huyện. Hai lượng vàng Tấm để lại nàng đem chôn một lượng dưới gầm giường, chỗ còn lại đổi ra bạc làm vốn mở rộng chỗ làm ăn. Cái danh người nhà của Tiệp dư có vẻ to chứ chỉ là hữu danh vô thực, không đổi ra tiền hay thức ăn được. Chưa kể, còn có kẻ nào đó ác mồm tung tin rằng bà Mão và nàng trước đây ngược đãi Tấm, nay chỉ còn có thể ghen tỵ, thật đáng đời. Điều này dẫn tới một việc làm Cám hết sức bực bội là người ta nườm nượp kéo tới sạp vải của nàng chỉ để chiêm ngưỡng, bàn tán về “nhân chứng sống” của cái gọi là nhân quả báo ứng hết sức nhảm nhí kia, ảnh hưởng không nhỏ tới việc buôn bán.

Cuối cùng, Cám nhanh nhạy quyết định, nếu không chống lại được điều tiếng thì chẳng bằng tận dụng nó. Nàng thuê người làm một cái biển hiệu lớn, trên đó đề mấy chữ “Tiệm vải Tiệp dư”. Mấy mẫu vải ế khó bán nàng để lên nơi rất trang trọng, khách hàng tới thì nói nhỏ rằng đó chính là loại vải may bộ váy Tấm mặc đi hội, ngoài ra thì còn có cả loại vải “Tiệp dư đặc biệt yêu thích”, loại “Mang lại may mắn cho Tiệp dư”, loại “Tiệp dư dùng để may đồ đi làm đồng” và vô số loại khác. Một đồn mười, mười đồn trăm, chả mấy chốc người ta xếp hàng dài trước sạp vải của nàng năn nỉ mua số lượng lớn.

- Cám này, - Một ngày, bà Mão bỗng nói với nàng. – Tấm giờ coi như đã yên bề gia thất, con cũng không còn nhỏ nữa, nên để ý tới chuyện này đi là vừa.

- Mẹ nói gì vậy? – Nàng hơi nhăn mặt nhìn mẹ.

- Mẹ thấy mấy bà mối có đánh tiếng với mẹ, nếu con ưng thì để mẹ trả lời người ta.

- Theo mẹ thì con có thể dễ dàng có mối tốt không? – Cám cười nhẹ. – Cha mất sớm không người dạy bảo, tính tình xấu xa, ích kỷ, ỷ thế mẹ bắt nạt chị.

- ………

- Thôi mẹ à, con cảm thấy cuộc sống bây giờ rất tốt, con mà xuất giá thì ai sẽ lo công việc nhà? Ai sẽ chăm sóc mẹ?

- Không thể nói thế…

- Mẹ đừng nói chuyện này nữa, con sẽ tự lo cho mình. – Cám cắt ngang trước khi bà Mão kịp nói hết câu.

Không hiểu sao nghe bà Mão nói tới chuyện này làm nàng cảm thấy rất khó chịu nhưng không thể tự lý giải lý do.

Ngày hôm sau, tầm trưa vắng khách, Cám lấy một cái túi nhỏ ra ngắm nghía. Trong đó là ba quan tiền nàng đã để riêng ngay sau khi bán đi lượng vàng kia. Tuy vậy, linh tính mách bảo rằng nàng sẽ không bao giờ gặp lại Khánh nữa, hắn sẽ không vì ba quan tiền này mà quay lại tìm nàng. Có lúc nàng lại nghĩ nếu giờ nàng đi bán con kỳ lân ngọc thì hắn có tức giận như lần nàng bán cái nhẫn kia, có đòi bóp chết nàng như hắn từng nói không?

Thế nhưng, thực tế chứng minh rằng linh tính của con người không phải lúc nào cũng chính xác.

- Nhanh nhạy quá nhỉ? – Giọng nói quen thuộc vang lên. – Xem ra cô tận dụng việc chị gái tiến cung rất tốt.

- Khánh… - Cám ngẩng đầu, trong ngực bỗng nhói lên. Hắn đang đứng ngay trước mặt, nheo mắt nhìn nàng. Nàng không rõ mình vui mừng vì thấy hắn hay vì điều gì khác nữa.

- Gặp lại tôi có vui không? – Hắn mỉm cười.

- Nhìn thấy anh là mất tiền, theo anh tôi có nên vui không? – Cám cũng mỉm cười, lời nói là trách móc nhưng lại mười phần vui vẻ. Rồi nàng chìa cho hắn cái túi vẫn đang cầm ở tay. – Ba quan của anh đây, tôi thấy anh lâu lâu không quay lại, tưởng anh quên rồi.

- Làm sao tôi có thể quên chứ? – Khánh cầm lấy túi bạc nhưng mắt lại nhìn nàng khi nói câu đó. – Với cả tôi tìm cô còn vì một việc nữa.

- Chuyện gì?

- Đôi hài thêu kia.

Cảm giật mình, hắn định nói gì với nàng?

- Từ đầu phủ tôi đã nghe người ta kể câu chuyện tiến cung của chị cô. Có phải đôi giày của Đỗ tiệp dư cũng là cô thêu đúng không?

- Có chuyện gì? – Nàng cảnh giác hỏi lại. Dù nhiều người tới hỏi chuyện đôi hài của Tấm, nàng đều lặng thinh, Tấm đã tự lựa chọn tương lai cho mình, nàng sẽ không nói ra những điều có thể gây sóng gió.

- Nói thật đi. – Khánh tiến đến gần nàng, ánh mắt đột ngột biến đổi, trở nên cực kỳ uy hiếp.

- Là tôi, tôi thêu đôi giầy đấy. – Cám giật mình, và như mọi lần khác, nàng không cách nào chống lại cái nhìn khủng bố kia.

- Tôi đến đây vì việc đó. – Hắn gật gù, vẻ rất thỏa mãn với câu trả lời. – Tôi chẳng bảo là mua giầy của cô về làm mẫu để làm bán hàng loạt, như thế lẽ ra mẫu đó phải là duy nhất, không ngờ cô còn làm đôi khác cho chị cô, nhờ vậy chị cô thành Tiệp dư. Giờ khắp mọi nơi đều bày bán mẫu giầy này, còn gọi là giầy Tiệp dư, cô bảo tôi phải làm sao?

Thời gian vừa rồi Cám luôn cảm thấy trong lòng có một tảng đá vô hình đè lên, dù nàng biết bản thân rất vô lý khi cứ phảng phất một nghi ngờ không thể giải đáp như vậy, giờ những lời của Khánh bỗng xua tan hết tất cả. Một cảm giác nhẹ nhõm dễ chịu lan ra, như mạch nước ngầm len lỏi chảy khắp cơ thể.

- Cô sao thế? – Khánh giật mình nhìn nàng, giọng có phần hơi gấp gáp. – Sao tự nhiên lại khóc?

- Tôi không sao. – Cám mỉm cười gạt đi một giọt nước mắt vừa vô tình rơi xuống. – Do nắng quá chói mắt thôi.

Chương 9: Đỗ Tiệp dư muốn gặp gia đình

- Sao nào, thế cô định giải quyết việc này thế nào? – Khánh vẫn nhìn nàng không rời mắt.

- Tôi có ý này. – Mắt nàng bỗng sáng lên. – Chị tôi vì vô tình đánh rơi chiếc giày mà trở thành Tiệp dư là chuyện ai cũng biết, cho nên hiện giờ, mọi người đang rất quan tâm đến vấn đề may rủi, số phận và những thứ tâm linh khác. Vì thế tôi nghĩ bùa may mắn sẽ là một mặt hàng rất tốt thời gian tới.

- Bùa may mắn?

- Là một cái túi thêu nhỏ xinh đeo trên cổ hay bên hông, bên trong có thể bỏ vào một vật nho nhỏ kiểu đồng bạc kỵ gió hay miếng ngọc để mang lại may mắn.

- Cô nghĩ có thể mang lại may mắn thật sao?

- Tất nhiên là không. – Cám mỉm cười. – Nhưng vấn đề không phải là có hay không, mà chúng ta sẽ thuyết phục khách hàng thế nào. Giống như chỗ vải này của tôi, tôi bảo là Tấm từng dùng cái này cái kia nên bán rất chạy.

- Thực sự chị cô từng dùng mấy loại vải này ư?

- Anh nghĩ nhà tôi trước đây đủ điều kiện dùng mấy loại đắt tiền này sao?

- Thế là lừa dối khách hàng?

- Thuận mua vừa bán. – Nàng nhún vai. – Tôi bán cho họ niềm vui, sự thỏa mãn. Anh nghĩ họ cần vải thôi sao? Không đâu, cái họ muốn là cảm giác được dùng đồ giống của Tiệp dư. Bùa may mắn cũng tương tự như vậy, thứ họ mua là niềm tin chứ không phải vì túi bùa có thể thực sự mang lại may mắn.

- Thôi được, cô làm thử cho tôi xem hai cái, một cho nam, một cho nữ.

Thế là chiều hôm đó Cám vừa bán hàng, vừa gấp rút khâu hai cái túi bùa. Nàng làm rất nhanh, chỉ một lát là xong. Cả hai túi đều có một mặt có chữ Phúc, mặt còn lại thì một túi thêu cây trúc, một túi thêu hoa đào. Khánh gật đầu tán thưởng:

- Cũng không tệ, - Rồi hắn chìa tay về phía nàng. – Đưa cho tôi con kỳ lân nào.

Hắn bỏ con kỳ lân vào chiếc túi hoa đào rồi tự tay đeo lại vào cổ nàng còn chiếc túi của hắn, hắn rút chiếc nhẫn ngày nào ra bỏ vào rồi đeo lên cổ mình.

- Anh chuộc lại chiếc nhẫn rồi ư? – Cám ngạc nhiên nhìn hắn rồi bỗng đỏ bừng mặt, lúng túng nói. – Mà tôi tưởng anh dùng túi này làm mẫu kia mà? Sao lại…?

- Tôi muốn cô là người làm ra, tôi là người bán dùng thử trước xem có tác dụng gì không, tôi không muốn lừa đảo khách hàng. – Hắn thản nhiên nói làm Cám thấy hành động lúng túng vừa xong của mình hết sức vô duyên. – Còn chiếc nhẫn này tôi chuộc ngay khi xuống núi lần trước.

Cám không dám hỏi hắn chuộc lại bao nhiêu tiền bởi nàng e ngại số tiền có thể lớn hơn ba quan. Nghĩ đến đây nàng mới thấy một vấn đề nhỏ mà từ nãy nàng không để ý. Trước kia, mỗi lần gặp Khánh nàng đều thấy hắn mang theo ít nhất vài gia nhân, lần này lại đi một mình.

- Anh đến lần này có việc gì không? Không phải đi đào tam thất nữa đấy chứ?

- Tôi có việc đi ngang qua đây, tiện thể tới thu nợ. – Khánh mỉm cười. – Sáng mai tôi đi sớm rồi.

- Anh đi một mình sao?

- Tôi… - Hắn bỗng có vẻ bối rối. – Đợt này nhà tôi hơi khó khăn, nên tôi cho gia nhân nghỉ hết rồi.

Cám hiểu ra, khẽ gật đầu. Nàng nhớ lại lần Tấm bị người ta lừa hết tiền, cả nhà nghèo tới nỗi phải đi bắt tép ăn, trong lòng không khỏi nảy sinh chút đồng cảm. Hơn nữa, gia cảnh của Khánh trước đây có vẻ rất khấm khá, giờ sa sút đến nỗi một tên gia nhân sai vặt cũng không còn, nên hiện tại cảm giác của hắn có khi còn khổ sở hơn nàng đợt trước. Cám ngẫm nghĩ, cân nhắc một chút rồi nói:

- Anh có cần tiền không? Tôi có thể cho anh vay, chẳng giấu gì anh, đợt này tôi làm ăn khá tốt. Chị tôi trước khi tiến cung cũng để lại cho hai mẹ con ít tiền.

- Theo như tôi nhớ thì cô chỉ thích tiền nhất, sao tự nhiên tốt với tôi như vậy? – Khánh hơi nheo mắt.

- Thành thật thì tôi vẫn nghĩ là tôi mang ơn anh, nhờ hai quan tiền bán nhẫn kia tôi mới có vốn làm ăn như bây giờ. Hơn nữa, tôi cũng chỉ cho anh vay thôi chứ có cho luôn đâu.

- Lỡ tôi trốn mất thì sao?

- Trốn mất thì thôi. – Nàng thở dài một hơi, vẻ buồn rầu. – Sau khi chị tôi tiến cung thì tôi được nghe rất nhiều cái gọi là nhân quả báo ứng. Anh trốn nợ của tôi thì đó là nghiệp của anh, sau này không thể lấy vợ, sinh con, hay là bệnh tật ốm đau, đi ra đường gặp cướp, về nhà gặp hỏa hoạn, qua đò ngã xuống sông, leo núi rơi xuống vực thì tôi cũng chỉ biết thương tiếc cho anh thôi.

- Cô… - Khánh nghiến răng. – Tóm lại cô có cho tôi vay hay là không?

- Tối nay anh qua nhà tôi ăn cơm, tôi sẽ lấy tiền cho anh. – Nàng mỉm cười.

Khánh theo Cám về nhà, hắn hơi nhíu mày nhìn căn nhà tuy gọn gàng sạch sẽ nhưng có phần đơn sơ. Cám bắt được ánh mắt hắn nhưng không nói gì. Nàng không ghét nhưng cũng không thích cách người ta nhìn vào gia cảnh của mình rồi tỏ ra cảm thông, xót xa. Từ xưa tới giờ, ba người nhà nàng dù trong lúc khó khăn nhất cũng đều có thể xoay xở tốt, cuộc sống tuy không dư dả nhưng lại rất thoải mái, không cần nhìn mặt đoán ý ai, trong nhà chưa bao giờ thiếu tiếng cười. Cám biết bản thân đôi khi rất mâu thuẫn, một mặt nàng ra sức kiếm thật nhiều tiền với mong muốn cuộc sống không còn những lo lắng vụn vặt, mặt khác nàng lại rất dửng dưng với những cơ hội đổi đời như tiến cung hay thành thân với một công tử giàu có nào đó. Là người thực tế, nàng luôn giữ trong lòng tâm niệm “con chim sẻ trong tay hơn đại bàng bay trên trời”, thay vì mơ mộng những điều viển vông, chẳng bằng giữ thật chắc những gì đang có.

- Cám về đấy hả con? – Bà Mão nghe tiếng người bước vào thì đi ra, hơi sững lại khi thấy Khánh.

- Chào bác. – Hắn mỉm cười thân thiện.

- Đây là Khánh, người quen của con. Lần Tấm làm mất tiền, chính anh ấy đã cho nhà mình vay để mở lại sạp vải.

- Ra thế, cám ơn cậu nhiều. – Bà tươi cười nói, mắt nhìn kỹ Khánh rồi sáng lên một tia vui vẻ, hơi…bí hiểm. Bà nhanh nhẹn đi pha ấm trà rồi bưng ra cùng đĩa trầu. – Cậu ngồi chơi, tôi đi nấu cơm.

- À, anh đã ăn tép rang khế bao giờ chưa? Món quê thôi nhưng ngon lắm.

- Tôi chưa. – Khánh thành thật lắc đầu.

- Thế anh đợi tôi, tôi ra sông vớt ít tép. Giờ chiều rồi, chợ không họp nữa.

Trước khi Khánh kịp nói gì, Cám đã cầm nón và rổ lên đi ra ngoài, hướng về phía bờ sông. Món tép rang khế vốn là món nàng làm ngon nhất, đã mời người ta ăn cơm thì cũng nên cố làm tử tế một chút.

Cám đang chăm chú đãi tép thì bỗng nghe thấy tiếng ùm cách đó không xa. Nàng ngẩng lên, nheo mắt cố nhìn cho rõ thì thấy một đứa trẻ đang đứng trên bờ dáng vẻ cuống quýt, còn dưới sông là hai cánh tay nhỏ xíu đang chơi vơi. Quét mắt một lượt, thấy xung quanh vắng lặng không có ai, Cám không nghĩ ngợi gì nhiều, chạy thẳng về phía đó. Sau khi mẹ cả mất vì đuối nước, nàng đã cố công tập bơi nên khả năng bơi lội của nàng không tệ, chỉ chưa từng cứu người chết đuối bao giờ. Và do không có kinh nghiệm, nàng hoàn toàn không biết phải xử trí thế nào, chỉ theo bản năng bơi ra túm lấy đứa bé đang tuyệt vọng quẫy đạp kia, không ngờ rằng đứa trẻ còn nhỏ nhưng khi ở giữa ranh giới sống chết lại trở nên khỏe phi thường. Nó quắp chặt lấy nàng không sao gỡ ra, kéo theo nàng chìm xuống. Cám phải dùng hết sức bình sinh quẫy đạp đưa nó vào, tới khi đẩy được nó tới chỗ an toàn thì bản thân nàng đã kiệt sức, không chống lại nổi dòng chảy nữa, cứ thế bị cuốn ra xa.

- Mẹ, con xin lỗi.

Đó là suy nghĩ cuối cùng của nàng trước khi bản thân dần mất đi ý thức.

………..

Ánh nắng cuối chiều bên sông hắt lại, soi rõ hai bóng người trên bờ, một ngồi, một nằm.

Cám cảm thấy rất mệt, mí mắt ríu lại, tay chân nặng tới nỗi không nhấc lên được. Nàng cố nghiêng người thì thấy cổ họng rờn rợn, ho mấy tiếng, nôn ra hai ngụm nước, sau đó thì tỉnh táo hơn, bắt đầu nhớ lại chuyện gì đã xảy ra.

- Tỉnh hẳn chưa? – Tiếng ai đó lạnh băng làm nàng bất giác rùng mình.

- Khánh… – Nàng cố mở to mắt nhìn người ngồi cạnh, nhận ra hắn cũng đang ướt sũng như nàng. – Anh đã cứu tôi?

- Nếu mẹ cô không nhờ tôi ra tìm cô thì giờ chắc cô đã trôi xuống tận hạ nguồn rồi. – Khánh hừ một tiếng. – Cô có biết hành động vừa rồi của cô ngu ngốc đến mức nào không?

- Tôi biết, lần sau tôi sẽ cẩn thận hơn, cám ơn anh đã cứu tôi. – Cám mỉm cười vẻ biết ơn, rồi bất giác sờ vào cái túi đang đeo trên cổ. – Có khi vừa rồi tôi thoát nạn cũng nhờ cái túi bùa may mắn này. Anh còn nghi ngờ tác dụng của nó nữa không?

- Thế lần sau bảo nó cứu cô nhé. – Giọng hắn vẫn không có vẻ gì nguôi giận.

Khánh nói rồi nhấc người đứng dậy, đi thẳng về nhà nàng, không nói thêm câu nào. Cám cố sức đi theo, vừa đưa tay vuốt lên mặt, gạt bớt chỗ nước còn dính lại.

- A, - Nàng hơi giật mình, buột miệng kêu lên.

- Sao thế? – Hắn quay phắt lại.

- À, tôi không sao. – Nàng lúng túng nói, tay sờ nhẹ lại vào môi. – Nhưng không hiểu sao môi tôi đau thế nhỉ?

Khánh nhún vai không nói gì, xoay người đi tiếp khiến Cám không kịp nhìn thấy nụ cười mỉm và đôi mắt vừa lộ ra chút ấm áp.

………….

Về đến nhà, Cám kể qua loa mọi chuyện rồi mặc bà Mão la rầy, nàng lẳng lặng đi nấu cơm, mùi tép rang thơm nức căn bếp nhỏ.

Khánh loay hoay cầm cái áo ướt tìm chỗ phơi, đang định vứt tạm lên bờ rào thì nghe thấy tiếng Cám đằng sau:

- Anh đưa đây tôi phơi cho, phơi lên rào dễ rách lắm.

Cám đi ra đằng sau nhà, thoăn thoắt trèo lên một cây xoan lớn cạnh giếng, rồi treo áo hắn lên một cành cao. Thấy nàng ngồi vắt vẻo trên đó chưa xuống ngay, Khánh cũng nhanh chóng trèo lên, ngồi vào một cành vững chắc gần nàng.

- Cây xoan này cha tôi trồng khi mẹ cả sinh Tấm. Nó đã lớn lên cùng chị em tôi. – Cám mỉm cười. – Hồi nhỏ chúng tôi hay trèo lên đây ngóng cha và hai mẹ. Sau này thì chỉ còn mình tôi, Tấm không trèo cây nữa. Chị ấy nói con gái cần thùy mị, dịu dàng hơn.

- Hình như hai chị em cô không giống nhau lắm? – Khánh chăm chú nhìn nàng, lúc này trông nàng giống một đứa trẻ vui vẻ, gương mặt hồn nhiên tươi tắn, không vương chút gì lo toan thường ngày.

- Đúng thế, Tấm là con mẹ cả. Chị ấy rất xinh đẹp, dịu dàng. – Nàng nói rồi khẽ thở dài. – Tôi hi vọng Đức Vua sẽ đối xử tốt với chị ấy.

- Cô có vẻ vẫn thành kiến với Đức Vua quá nhỉ?

Cám chưa kịp trả lời thì có tiếng bà Mão gọi nàng và Khánh vào ăn cơm. Bữa cơm rất đơn giản chỉ có rau luộc, tép rang, cá kho và mấy quả cà nhưng Khánh cảm thấy đó là bữa cơm ngon nhất hắn từng ăn. Bà Mão thân tình hỏi han hắn mấy câu giống như cách mọi người dân hiếu khách hay làm, qua đó Cám mới biết nhà hắn ở kinh thành, gia đình cũng khá giả nhưng cha mẹ mất sớm, hắn ở với mẹ kế và em trai, cùng vô số chuyện khác.

Bên ngoài bỗng có tiếng người, bà Mão nghiêng người nhìn ra thì hơi giật mình, vội kéo Cám đứng dậy chạy tới, Khánh đi đằng sau.

- Tham kiến Phan tướng quân.

- Ta đến truyền thánh chỉ. – Phan Bình lạnh lùng nói, rồi nhìn thấy Khánh cũng vừa từ trong nhà đi ra, khóe miệng hơi giật một cái.

Bà Mão lẫn Cám nhất loạt quỳ xuống, Khánh cũng làm theo, chỉ có ánh mắt nhìn y mang theo vẻ trào phúng. Có trời biết được lúc này Phan Bình tội nghiệp phải cố gắng trấn định thế nào mới không ngất ngay tại chỗ. Có cho vàng hắn cũng không bao giờ dám nằm mơ giấc mơ phạm thượng tới vậy.

- Hoàng Thượng có chỉ. – Bình cảm thấy giọng mình run tới mức ngắt nghỉ lung tung. – Do Đỗ tiệp dư mới tiến cung, mọi thứ đều lạ lẫm, không tránh được chút buồn phiền, nay lập tức cho triệu người nhà Đỗ tiệp dư vào cung, để nàng bớt phần thương nhớ.

- Đa tạ ân điển của Hoàng thượng. – Bà Mão nhận chỉ rồi xúc động nói với Cám. – Đức Vua thật là tốt, hẳn là Người rất yêu thương Tấm nên mới quan tâm đến nó như vậy.

- Phu nhân, - Phan Bình hắng giọng, cố lấy vẻ tự nhiên. – Có thể cho ta ngủ nhờ một đêm không? Từ đây đi vào trấn xa quá.

- Vậy… - Bà Mão hơi khó xử, quay ra nói với Khánh. – Hay cậu cũng ở lại đây luôn nhé, tôi sẽ bố trí cho hai người ngủ trong buồng của Tấm.

- Ta…ta có thể ngủ ngoài sân. – Bình lại thêm một lần thót tim. Có lẽ sau chuyến này, y sẽ xin tới đầu quân dưới trướng Trần Thái bảo, không thì y sẽ đoản thọ mất.

- Tướng quân không nên ngủ bên ngoài, thành ra bọn ta bất kính với đại nhân. – Khánh nhìn y, êm ái nói.

- Dạ…à…được được.

Tối hôm đó, Bình rất ngoan ngoãn vào buồng trải chiếu nằm dưới đất, trong giây lát đã ngủ say, trời rung đất chuyển cũng coi như không biết gì hết. Bà Mão sửa soạn quần áo tư trang còn Cám tất bật dọn dẹp, thu xếp lại nhà cửa. Mặc hai mẹ con phản đối, Khánh vẫn nhiệt tình xắn tay áo sửa lại hàng rào, gia cố cửa nẻo, những việc vốn thuộc về đàn ông mà lâu nay đã bị bỏ quên.

- Trông cô có vẻ không được vui. – Khánh tò mò gợi chuyện khi cả hai đứng ngoài sân. – Tôi tưởng cô mong gặp Đỗ Tiệp dư chứ? Hay cô lo mất đi khoản tiền bán hàng do phải tạm đóng sạp vải mấy ngày?

- Anh hiểu tôi thật đấy. – Cám mỉm cười.

Thật ra Cám không hề lo lắng cho sạp vải hay việc đồng áng, nàng không hám tiền tới mức đó, hơn nữa nàng còn có thể cậy nhờ người giúp đỡ, chỉ cần đánh tiếng thì số người muốn giúp nhà nàng sẽ xếp hàng đến tận chợ, đây chính là mặt tốt của cái gọi là “người nhà Tiệp dư”. Điều khiến Cám không vui là vì từ ngày Tấm tiến cung, nàng cảm thấy giữa Tấm và mẹ con nàng đã có một cái hố vô hình, và nàng không muốn phải đối mặt với nó. Sâu thẳm trong tâm khảm, Cám cảm thấy không mấy tin tưởng việc Tấm vì nhớ hai mẹ con mình mà sầu khổ đến mức Đức Vua phải ra thánh chỉ triệu cả hai vào cung, thế nhưng nàng cũng không tìm được câu trả lời nào khác.

- Mà lần này cô vào cung, lỡ có gặp Đức Vua, biết đâu… - Khánh cười nhẹ nhìn nàng. – Tôi không nghĩ nhan sắc của cô có gì kém Đỗ tiệp dư hay các phi tần khác.

- Nghe hơi giống Phi Yến và Hợp Đức nhỉ? – Cám cười lạnh. – Nhưng sẽ chẳng bao giờ có chuyện đó xảy ra đâu.

- Sao cô dám chắc thế? Cô dám chống lại thánh chỉ chăng?

- Mẹ cả tôi mất từ khi Tấm mười tuổi, chị ấy đã thiệt thòi lắm rồi. – Nàng trầm giọng nói. – Đến lúc cha tôi lâm chung, cũng chỉ dặn dò mẹ và tôi đối xử tốt với Tấm. Từ ngày hôm đó tôi đã thề với lòng rằng cái gì có thể nhường Tấm tôi sẽ nhường, cái gì có thể làm được cho chị ấy tôi sẽ làm. Bảo tôi tranh chồng với Tấm, anh nghĩ tôi có làm không? Còn Thánh chỉ? Tôi không có gì để Đức Vua có thể tạo sức ép, tôi cũng không nghĩ Người sẽ nỡ chặt đầu tôi vì chuyện này.

- Cô đâu cần cực đoan thế, dù sao Đức Vua cũng có tam cung lục viện rồi, thêm cô nữa cũng không tính là thiệt thòi gì lớn đối với Đỗ Tiệp dư. – Khánh nhún vai.

- Anh có vẻ rất mong chờ tôi sẽ được tiến cung nhỉ? – Một vẻ mất mát rất nhanh thoảng qua khuôn mặt Cám. – Tam cung lục viện gì cũng vậy, tôi sẽ đứng cùng chiến tuyến với Tấm, giúp chị ấy chống lại người khác chứ không muốn ghi danh vào phe đối lập.

Nói rồi Cám quay người đi vào nhà, bỏ lại Khánh vẫn còn đứng đó, ánh mắt lộ rõ vẻ bất lực.

Full | Lùi trang 2 | Tiếp trang 4

Loading...

Tiểu thuyết tình yêu là website chia sẻ những thể loại truyện hay nhất hiện nay, được nhiều người đọc yêu thích. Truyện được cập nhập hàng ngày. Hãy lưu địa chỉ web để truy cập nhanh hơn!

Chúc các bạn online vui vẻ !

Laptop Tùng Anh

Tour Phú Quốc

Vinhomes Cầu Rào 2

Trang Chủ