Mấy hôm nay cậu ngủ nhiều quá, chuyện cần dặn lại không dặn được, cho nên mới phải dùng cách quê mùa này. Bọn tôi không phải sử dụng bút mực bao giờ, nên chữ xấu cũng là đương nhiên thôi, viết được thế này là cả một quá trình cố gắng rồi đấy.
Đừng có nhớ bọn tôi quá mà khóc hằng đêm nhá.
Ký tên: Hoàng Minh Anh đáng yêu, yêu rất đáng.
P/s: nhớ tích cực ăn đậu rồng và giá đỗ đó.”
Bên dưới có thêm một dòng nữa, nét chữ của người khác, xấu theo một kiểu khác.
“Ta là Sếu toàn năng. Chữ ta đẹp hơn chữ Sumô nhiều, mặc dù ta cũng không dùng tới bút bao giờ.
Ký tên: Trần Quang Anh- thiên hạ không đối thủ, đầu không mưng mủ.”
Tôi đọc xong, thoạt tiên chẳng hiểu gì nhưng buồn cười quá nên cứ cười một lúc đã. Phía sau lá thư chữ xấu này là một bức ảnh. Tôi nhận ra mình bé tý đứng giữa, miệng cười toe toét tới tận mang tai, hai tay nhéo tai hai kẻ tội nghiệp nhúi xuống. Một anh chàng bên trái, người to như thùng máy giặt, mắt nhắm tít cả lại. Anh chàng bên phải, tuy biểu diễn bộ dạng nhăn nhó, nhưng vẫn không che giấu vẻ đẹp trai rạng rỡ. Khuôn mặt cả hai có rất nhiều nét tương đồng, nếu không có chênh lệch về trọng lượng, có khi lại rất giống nhau.
Nhìn bức ảnh này một lúc, sau đó sờ lên mặt, thấy tự dưng má ướt đẫm. Tôi ngơ ngác ngồi bệt giữa sàn nhà, sau đó lại ngoảnh lên cái cây nho nhỏ nằm trên bệ cửa sổ. Những chiếc lá xanh mơn mởn đung đưa nhè nhẹ theo gió… Sương Anh, Sương Anh,…
Tuy bác sĩ nói khả năng phục hồi trí nhớ của tôi là 85%, nhưng cả tháng sau tới tái khám, tình hình vẫn không có gì tiến triển. Bác sỹ nói rằng trung khu thần kinh ghi nhớ sự kiện của tôi bị chấn động quá mạnh và tụ máu, nên có thể đã gây ra tổn thương, có thể thời gian sẽ hơi lâu một chút.
Khi ấy tôi dùng trực giác của mình nhận xét rằng, tay bác sĩ này đang nói dối, có lẽ tôi chẳng phục hồi được một năm cuối cấp ấy nữa. Cho nên đành ngày đêm học bù để lấp lại lỗ hổng kiến thức to tướng nếu không muốn ngay năm nhất đại học đã bị đuổi khỏi trường.
Lúc đi khám sức khoẻ để làm giấy nhập học, tôi còn không dám tin khi nhìn vào kết quả chiều cao. Tôi vội nhảy lên cái cân điện tử lần nữa năn nỉ xin đo lại.
-160cm.
Cô y tá đo sức khoẻ có vẻ không được vui lắm.
-Đứa nào tới đo cũng đòi đo lại, làm như cứ đo lại thì sẽ cao được thêm mấy phân vậy. Chiều cao như thế là cũng được rồi, khối đứa có mét tư mét rưỡi nó còn chả phàn nàn gì kìa.
Cô ý không hiểu là tôi đang ngạc nhiên quá độ mà cứ tưởng tôi chưa hài lòng với chiều cao hiện giờ. Sao tôi lại cao thêm cả 7cm thế nhỉ? Lúc nãy đo vòng ngực tôi còn nghĩ có nhầm lẫn vì mình size áo khác, nhưng bây giờ tới cả chiều cao cũng tăng, cứ như phép màu.
-Salad đậu rồng giá đỗ là phép màu, phải ăn nhiều vào.
Đây là lời ông tôi mỗi bữa cơm khi gắp món này cho tôi. Ông bảo đây là lời khuyên của anh chàng bác học nên ông nghe theo. Từ khi chứng kiến cảnh cháu mình rũ ra như tàu lá héo được khiêng lên cáng cứu thương cho tới khi nhìn tôi hoàn toàn lành lặn sau mười ngày Sumô túc trực ở bên, ông đã tin tưởng rằng hai người ấy là một dạng thần tiên nào đó thì phải.
Phép màu này chỉ dừng lại vào cuối năm nhất đại học của tôi, chốt ở giá trị 166cm.
Lò bánh mỳ vẫn hoạt động bình thường. Việc bán thêm bánh Lacti cũng tăng nguồn thu không nhỏ cho ông cháu tôi. Tôi tranh thủ phát triển thêm mặt hàng bánh làm quà tặng, cực kỳ ăn khách. Bây giờ lò bánh của nhà tôi khang trang hơn, cũng là điểm đến thường xuyên của các cặp đôi mỗi khi mua quà cho nhau trong dịp đặc biệt.
May mắn là năm đầu tiên của đại học bài vở không phức tạp, cộng với việc lăn ra học bù, tôi cũng có thể an toàn vượt qua.
Trong thời gian ấy, cây Sương Anh nở hoa.
Đó là một buổi tối mùa xuân ấm áp dễ chịu. Cây hoa nằm ngênh ngang trên bệ cửa sổ, vươn ra hai cái nụ rõ to, nhưng chẳng có dấu hiệu gì sẽ nở. Hồi trước khi thấy nụ nhú lên, tôi đã mừng thầm trong bụng, mong chờ ngày nó bung ra cho tôi biết cái giống hoa mới có tên mình này trông nó thế nào.
Nhưng hai cái khuy áo đó cứ lớn lên mãi, từ khi bé xíu tới nay đã lớn như cái thìa rồi vẫn chẳng chịu xoè ra, chỉ trùm kín như phụ nữ đạo hồi, thành một tảng trông vừa buồn cười vừa lạ lẫm. Hai cái nụ ấy tồn tại như thế đã ba tháng rồi, tôi cũng không đợi chờ gì nữa, chỉ tưới nước cho nó như một thói quen mỗi tối. Ngày xuân phân cũng đã qua được một tuần.
Thế rồi hôm nay khi vừa ư ử hát một bài dân ca tiếng Anh, vừa vớ lấy cốc nước uống dở tưới cho nó, thì tôi nghe một tiếng “tách” rất nhỏ, như thể ai đó vừa đập vỡ một vỏ hạt đậu.
Và lớp phủ xanh đậm của nụ hoa từ từ mở ra. Đây là lần đầu tiên tôi thấy một bông hoa nở nhanh đến thế, và nở ngay trước mắt mình.
Bông hoa phía cành lá sẫm hơn nở trước. Bên trong lớp vỏ xanh từ từ nhú ra một đôi cánh hồng phấn, càng ngày càng tăng rộng diện tích, lớp vỏ bọc bên ngoài lui dần, nhường chỗ cho màu hồng phơn phớt như đoá đào phai.Tôi ngửi thấy một vị thơm nhẹ rất nhẹ như mùi bơ dịu ngọt lan trong không khí. Tới khi bông hoa hoàn toàn bung xoè, tôi nghe một tiếng “tách” nữa.
Bông hoa còn lại nhận được tín hiệu, tiếp tục chu trình dang dở. Những cánh hoa mềm mại cũng từ từ tách vỏ chui ra, như cánh bướm đang trồi ra khỏi kén. Ngạc nhiên là những cánh hoa bên này lại có màu phơn phớt xanh. Những lớp hoa cứ bung dần ra, lộ một vẻ đẹp dịu dàng thuần khiết.
Hai bông hoa một hồng một xanh hơi rập rờn theo cơn gió nhẹ thoảng qua trên bậu cửa sổ. Tôi chợt nhớ lại trong bức thư chữ xấu để lại có một câu “thưởng thức hoa trong bóng tối”, bèn với tay tắt ngọn đèn bàn gần đó. Căn phòng chìm trong màn đêm. Chỉ có tiếng đồng hồ tích tắc ngân lên khúc nhạc đều đặn của thời gian. Trong không khí là mùi thơm nhẹ bẫng.
Và tôi nhìn thấy một đốm sáng nhỏ màu hồng bên cửa sổ. Một đốm sáng ban đầu le lói như con đom đóm lập loè ngày đầu hạ, đốm sáng từ từ lan rộng ra, những đường gân mỏng manh của cánh hoa dần hiện rõ.
“Bông hoa đang phát sáng.” Tôi hoàn toàn sững sờ trước cảnh tượng đẹp mắt diệu kỳ đó. Ánh sáng từ cánh hoa rất mỏng, nhưng trong bóng đêm lại trở nên nổi bật.
Rồi y như khi bung nở, bông hoa còn lại cũng tiếp nối chu trình bằng cách khe khẽ hiện ra trong màn đêm. Màu xanh lam man mát tựa như nhung mềm, cảm giác chỉ cần chạm tay vào cũng có thể tan biến. Hai bông hoa một hồng một xanh rập rờn bên khung cửa sổ, toả ánh sáng mê hoặc đầy lôi cuốn. Sương Anh… Sương Anh…
Ban ngày nó trông không có gì đặc biệt, chỉ có điểm thú vị đơn giản là hai bông hoa hai màu khác nhau nằm trên cùng một thân cây. Nhưng mỗi khi bóng tối bao trùm, vẻ đẹp huyền ảo của nó có thể làm kinh ngạc bất cứ ai.
Loài hoa kỳ lạ ấy trông mỏng manh như cỏ ba lá, nhưng lại có sức sống cực kỳ bền bỉ, qua một tuần liền vẫn chưa hề có dấu hiệu héo tàn. Gần một tháng sau khi nở, những cánh hoa sáng yếu dần và rơi xuống. Để rồi sau đó tới ngày hạ chí, điều kỳ diệu ấy lại diễn ra.
Người để lại thư nói đúng. Cây có thể nhân giống được, nhưng khó vô cùng. Đợt nở hoa mùa xuân không dấu vết gì, song đợt mùa hạ, sau khi hoa tàn thì xuất hiện quả nhỏ như đầu ngón tay, bên trong có duy nhất một hạt giống.
Từ năm nhất cho tới hết năm cuối đại học sau đó, tôi thu được bốn hạt giống cả thảy, nhưng chỉ gây thành công một cây con mới duy nhất. Tôi hồi hộp đợi chờ. Và nó cũng nở hoa. Thậm chí hoa còn đẹp và sáng hơn cả cây mẹ. Nhưng lại không hề có hạt. Chỉ cây duy nhất đó là có thể nhân giống mà thôi.
Trí nhớ của tôi, dù mong đợi mỏi mòn cũng không trở lại, vì thế những gì tôi biết về anh em nhà Sumô chỉ thông qua một bức thư hai trang chữ xấu và những lời kể của ông tôi và bạn bè, những người hâm mộ xưa của Sếu. Đi học rồi lăn lóc với lò bánh, thi cử, bạn bè mới, thầy cô mới, môn học mới, tất cả cứ xoay như chong chóng. Hai cái sinh nhật nữa cũng dần trôi qua.
Chiều tối nay có tiết Bảo quản sau thu hoạch, tôi đi giao bánh cho nhà hàng làm đám cưới ngoài dự kiến nên cuối cùng bị trễ mười phút. Tuy nói đây là học phần tự chọn, nhưng tôi rất hứng thú, khi nhìn thấy tên là hăm hở đăng ký ngay. Lớp tôi lại khác, đối với những học phần tự chọn đa phần đều ít tham gia, dành thời gian để chơi bời hoặc làm thêm, vì thế để đảm bảo nhân số, lớp tôi học chung với lớp Công Nghệ Sinh Học. Tôi vừa xỏ tay vào áo blouse vừa lẩm bẩm:
-A31.5, ở đâu trời?
Tôi chạy loanh quanh một lúc mà vẫn không tìm thấy lớp ghi trong thời khoá biểu, đã muộn lại càng muộn hơn. Khu vực này mới xây xong đã đưa vào sử dụng ngay, tới biển lớp còn chưa gắn.
-Bạn đang tìm phòng học à?
Giọng ai đó vang lên sau lưng trong lúc tôi đang vò đâu bứt tóc toan trèo lên tầng 5 của toà nhà. Ở đây thang máy còn chưa hoạt động, có lẽ A31.5 là toà nhà A31 tầng 5 chăng? Tôi mừng thầm quay lại.
-Đúng rồi, bạn có biết nó nằm ở đâu không?
-Phòng đó là nhà kho, có phải bạn học lớp Bảo quản sau thu hoạch?
-Ừ, đúng là lớp ấy, nhưng sao lại là …nhà kho?
Người kia cười:
-Không hẳn đâu. Vì đặc thù của môn này có rất nhiều giáo cụ trực quan là các loại thực phẩm, nên để tiện cho việc nghiên cứu thì nhà trường đã bố trí luôn phòng đó để giảng dạy.
-Hay đấy, bạn cũng học môn đó sao, ở lớp Công Nghệ Sinh Học hả? Đi chung luôn.
Lúc này tôi mới để ý họ cũng ăn vận giống tôi. Từ năm thứ hai, thời gian trong phòng thí nghiệm của bọn tôi khá nhiều, có một số học phần bắt buộc phải mặc áo blouse khi tham gia. Hoá ra là có đồng bọn đi muộn, tôi hí hửng theo sau hắn. Bạn đồng hành của tôi đi trước, lưng của họ rất to nên che luôn cả tầm mắt tôi, tới khi đến lớp, tôi nghe thấy những tiếng xôn xao trước đó bỗng nhiên im bặt.
Tôi ló đầu ra khỏi lưng bạn học mới, nhìn thấy cái Uyên cùng lớp đang ngồi ở một bàn bên dưới bèn chạy ngay đến đó, cũng may là giáo viên chưa tới, có lẽ cũng không tìm được lớp giống tôi.
Cái Uyên dường như chẳng nhìn thấy tôi, vẫn đang trừng trừng nhìn về phía bục giảng.
-Má ơi, sao mà mập thế.
-Ai?
-Cái ông đi với mày đó.
Tôi buồn cười phẩy tay:
-Tưởng gì. Tao thấy bình thường.
Cái Uyên là bạn tôi mới quen hồi vào đại học. Tính nó rất xởi lởi và có một điểm nổi bật là mê trai đẹp. Nó tuyên bố đời không có mỹ nam để ngắm thì chẳng khác gì ngày không có cơm để ăn. Lúc này nó đang trề môi ra, lén lút liếc phía anh bạn hồi nãy thêm cái nữa.
-Bình thường thế có mà loạn. Chắc cũng phải trên tám mấy kg. Trông khủng bố quá.
-Úi dào, tao còn thấy có người mập hơn nhiều.
-Khoác lác không à bà.
Uyên hích nhẹ vai tôi. Tôi không cãi với nó, quả thật tôi thấy người mập hơn thế mà. Cái tên Sumô mà tôi nhéo tai trong bức ảnh đi biển đó, còn phải nặng hơn gã này nhiều, chẳng qua hắn cao hơn nên trông không mập bằng thôi.
-Các bạn ổn định trật tự chút để chúng ta bắt đầu nhỉ.
Chúng tôi thôi bàn tán vì giọng nói trên bục giảng, cuối cùng không hẹn mà cùng nhìn nhau.
-Trời, là giáo viên môn này mày ơi.
…
Tan học, cái Uyên mặt mũi rất phởn phơ, còn tôi hơi phân vân đi bên cạnh. Nó chém gió bình luận:
-Trông thế mà dạy hay phết nha. Cái gì cũng biết.
-Mày đúng là chỉ trông mặt mà bắt hình dong.
-He he, nhưng nói thật nhìn thấy thầy ý, tối nay chắc tao khỏi ăn cơm quá. Đến giờ vẫn còn rùng mình đây này.
-Đừng có kêu ca nữa, tao buổi đầu đi học muộn lại còn nhầm giáo viên với bạn học đây này.
Đi tới nhà để xe, tôi lục túi lấy chìa khoá lại không thấy đâu, đành quay lại lớp tìm.
Lúc lấy được chìa khoá, đi qua bàn giáo viên thấy đĩa táo đẹp mắt làm vật minh hoạ hồi nãy vẫn còn nguyên, tôi bèn thò tay vào nhón một quả, định cắn.
-Đừng ăn!
Tôi giật mình quay lại, gặp ông thầy giáo đang đứng đó. Sao giờ này còn chưa về trời, ăn vụng lại bị bắt quả tang rồi. Thật ra tôi cũng chẳng ngại ngùng gì, nhưng lúc này giả bộ một tý thì vẫn hơn, tôi bèn vận dụng năng khiếu của mình, dồn máu lên mặt, làm như kiểu mình đang xấu hổ lắm.
-Em xin lỗi thầy. Thấy táo ngon quá em không kìm được.
-Bạch Tuyết ơi không phải mọi quả táo đẹp đều ngon. Đừng bị vẻ bề ngoài đánh lừa.
Nói xong thầy lấy một quả ở trong rổ khác, rửa qua dưới vòi nước, lau khô rồi đưa cho tôi.
-Ăn quả này đi. Bên kia là táo tẩm hoá chất, minh hoạ cho bài sáng mai. Trái cây tẩm hóa chất thường có đặc điểm riêng. Ví dụ những quả xoài vỏ bên ngoài màu xanh hoặc xanh vàng nhạt, nhưng bên trong ruột lại chín vàng là không nên dùng. Chuối thường ngâm tẩm và dấm bằng amoniac hay sulfur dioxide để vỏ chín vàng đẹp nhưng bên trong thường không ngọt mà có vị chát. Riêng đối với táo,…
Tôi thấy bỏ đi trong lúc thầy giáo đang cao hứng giảng ngoài giờ thì cũng kỳ, nên cứ đứng vừa gặm táo vừa nghe, đầu gật gật ra vẻ đồng tình. Thi thoảng chèn vài câu á, ố cho phải phép.
Ông thầy nói xong về cách phân biệt hoa quả bảo quản bằng hoá chất thì tôi cũng xơi hết quả táo. Thầy nhìn tôi cầm cái lõi, ngẩn người một chút rồi bảo:
-Có muốn ăn nữa không?
Tôi gật đầu theo phản xạ, không ngờ thầy lại đưa luôn cho một quả nữa. Tôi thành thật hỏi:
-Em ăn hết thế này mai lấy gì thầy dạy?
-Không sao, tôi hái thêm.
-Nhà thầy trồng được á?
-Ừm, táo vườn đấy, nên không sợ thuốc kích thích đâu.
Dọn dẹp xong, chúng tôi đi ra ngoài. Thầy đưa thêm cho tôi hai quả táo nữa, tôi vui vẻ nhận hết.
-Sao thầy không mua ngoài chợ ấy. Thế này thì lỗ vốn rồi, nhà trường đâu có chi trả tiền giáo cụ trực quan đâu.
-Không sao, dạy xong tôi lại mang ra đầu chợ bán. Một công đôi việc.
-Á, sao cơ?
-Ha ha, tôi đùa thôi.
Kiểu cười sang sảng và không khí con đường ra cổng trường không còn mùi lớp học khiến tôi cảm thấy thoải mái hơn. Lại có cảm giác người trẻ tuổi đi bên cạnh mình chỉ là bạn học chứ không phải giáo viên.
-Táo nhà thầy trồng chắc chắn không có hoá chất đấy chứ?
-Chẳng có loại cây nào mà không sử dụng hoá chất cả, đây là một phần của công nghệ trồng trọt. Nhưng tôi đảm bảo với em, là mấy quả táo này hết sức an toàn.
-Vậy sao thầy không ăn?
-Tôi đang giảm cân. Không ăn vặt sau tám giờ tối.
-Ối chao…
Tôi phun miếng táo ra ngoài, vội lau lau miệng, sau đó nhìn sang ông thầy đang cười rất vui vẻ.
-Thừa cân quá khiến hệ tim mạch yếu đi, cholesterol cao và hàm lượng mỡ thừa gây tắc các tĩnh mạch, dẫn tới việc các bộ phận cơ thể không nhận được lượng máu cần thiết, đặc biệt là não. Đó là nguyên nhân hàng đầu gây ra tai biến và đột quỵ. Cho nên dù lười biếng nhưng tôi cũng phải luyện tập thôi. Tôi muốn sống thêm ít năm để còn hái táo cho Bạch Tuyết.
Nếu cứ để im cho thầy nói chuyện khoa học chắc tôi ù tai mất, nên bèn hỏi lảng qua chuyện khác:
-Trước đây em không thấy thầy trong trường.
-Tôi mới ở Nga về, bên đó thời tiết lạnh, đồ ăn thì rất nhiều chất đạm và chất béo. Kết quả là cái thùng phuy này nè. Thiếu kiềm chế rất dễ gây ra hậu quả, em hãy nhớ điều đó.
Ông thầy chỉ vào bụng mình, làm vẻ mặt ra bộ nghiêm trọng khi nói câu này, kết quả làm tôi cười phì. Thầy nhìn tôi, ánh mắt thú vị.
-Em dường như không ngạc nhiên khi thấy tôi nhỉ. Những người khác khi mới gặp tôi đều trố mắt ra…như vậy nè.
Vừa nói thầy vừa trợn hai mắt lên, mồm há ra giống y bộ dạng cái Uyên lúc đầu buổi học.
-Hi hi. Em thấy bình thường. Trước đây bạn em có người còn bự hơn thầy nữa.
-Thật sao?
-Đúng thế, bạn ấy chín mươi hai kg, đứng lên làm xiêu vẹo cái cân bột mỳ nhà em luôn. Còn cái cầu thang nhà em thì võng xuống một đoạn, cái ghế bạn ấy hay ngồi cũng biến thành hình lòng chảo, cái giường thì hỡi ôi, gần chạm xuống sàn nhà luôn.
-Ha ha, em lại trêu tôi rồi.
-Em nói thật mà!
….
Một hôm, ở trạm chờ xe bus, tôi thấy tấm biển quảng cáo mới. Cái Uyên ở bên trầm trồ.
-Poster đẹp quá mày ơi. Dòng nước hoa mới đấy.
-S’ayapo!
-Của L’Oreal. Có lẽ phải để dành tiền mua một lọ thôi. Hôm trước vào siêu thị người ta cho thử một tý mà thích mê luôn.
-S’ayapo!
Tôi lẩm bẩm lại tên của dòng sản phẩm mới, cứ thấy có chút ngờ ngợ. Cái Uyên bên cạnh mắt đã sắp biến thành hai cái đèn pha, miệng vẫn tiếp tục luyên thuyên:
-Ừm, cái tên rất lãng mạn. Tiếng Hy Lạp đó mày. Nước hoa này là quà mà Anchiese dành tặng cho Aprodite.
S’ayapo, về sau thầy giáo dạy Công nghệ bảo quản có tặng tôi một lọ như thế trong dịp sinh nhật. Anh nói với tôi, lúc em nhắm mắt lại và hơi nhướn chân mày bên này lên một tý, anh không kìm được mà thốt ra câu ấy.
“S’ayapo!”
Quên nói nữa. Thầy ấy tên là Hoàng Minh Anh. Đúng là thế giới lúc nào cũng tồn tại những điều ngẫu nhiên khó đoán.
Món quà từ tương lai (Ngoại truyện) HOÀN!
Ngoài lề 1:
-Hot boy bơm lốp xe dễ đi hơn hẳn mày ơi.
-Thôi mày đừng có sến quá nữa đi, ai bơm mà chả như nhau.
-Tao nói thật mà, bạn Sếu bơm xe thấy đi êm ru à. Bình thường qua chỗ này lúc nào tao cũng bị xóc đau cả hông luôn.
-Lốp sau là lốp chịu tải nhiều hơn, cần áp lực tốt hơn nên cần bơm căng hơn lốp trước 0,3kg/cm2. Thường thì bánh trước là 2-2,3kg, bánh sau tối đa là 2,5kg.
-Đó, thấy chưa, đúng là siêu nhân vật lý có khác, đến cả bơm xe cũng hơn người.
…….
-Làm gì mà giặt đồ nửa giờ rồi chưa chịu ra?
-Cái vết bẩn quái quỷ này là sao, chà mãi không đi. Muốn rách cả áo rồi.
-Chất bẩn nào phải có chất tẩy nấy.
-Áo quần của hai cậu, chẳng phải bẩn kiểu gì cũng chỉ dùng nước là sạch đó sao? Tôi không tin từ giờ đến tối tôi không giặt được sạch cái áo này.
-Loại vải sanspierenano này trước khi may thành quần áo sẽ được tẩm vật liệu nano oxytitan, đây là loại nguyên liệu có khả năng hoạt động trong điều kiện ánh sáng yếu, thậm chí là trong bóng tối. Vì sợi bông có kích thước nhỏ, nên vải bông phủ nano oxytitan là một môi trường có hoạt tính sinh học, hoá học cao. Loại vải này vừa có khả năng hút dính các vật thể nhỏ vừa có khả năng phân huỷ các chất hữu cơ độc hại trong môi trường không khí theo cơ chế phản ứng oxy hoá khử. Khi gặp điều kiện ánh sáng bình thường, các hạt nano bám trên vải bị kích thích tạo thành mối liên kết vững chắc. Các chất độc có cấu trúc phức tạp sẽ được phân huỷ thành khí CO2 hoặc hơi nước, các loại vi trùng, vi khuẩn sẽ bị phân huỷ nhờ liên kết này.
-Chóng mặt quá! Chẳng qua tôi chỉ giặt mấy vết bút bi thôi, không cần phải phân tích nhiều như thế đâu.
-Tẩy vết mực bút bi thì dùng chút cồn 90 độ là được.
-Cái tên mập này, sao không nói sớm hả???????
Ngoài lề 2:
-Ối chao, lại đậu rồng à, phải ăn thứ khác nữa coi chừng thiếu chất.
-Ông ơi cháu phải cao lên nữa.
-Bây giờ đã cao lắm rồi, không thấy quần áo đều ngắn hết đó ư. Lớn còn nhanh hơn thổi nữa. Hồi lớp chín cũng không lớn nhanh đến thế. Thôi ông sợ lắm rồi.
-Nhưng mét sáu tư mới đi thi hoa khôi thể thao của quận được. Cháu thiếu đúng 1 centimét.
-Cháu thi cái đó làm gì?
-Ahhhhh, cháu phải thi hoa khôi thể thao. Không biết đâu.
Xé lịch, xé lịch…
-Hú hú, không chịu đâu, tại sao lại được giải này?
-Chao ơi, Miss ăn ảnh. Tao tưởng mày đi thi chơi chơi vậy mà được giải thật. Công nhận mấy con mụ tham gia giải này xấu dã man.
-Tao thích cái giải Miss nỗ lực cơ mà. Tại sao lại được cái ăn ảnh chán quá.
-Lạy mẹ. Được hẳn một năm Spa miễn phí thế này còn chưa sướng à. Còn tiền thưởng nữa.
-Giải thưởng thì giả tiền thuê quần áo đã mất một nửa rồi. Tao muốn cái giải nỗ lực cơ.
-Rùa ơi, tao thua mày luôn. Ai đời lại thích cái tủ lạnh làm phần thưởng cơ chứ.
-Nhưng vì nó tao mới sống chết tham gia. Không biết đâu, tao muốn cái tủ lạnh đó.
-Thì tới thương lượng với bà Nỗ lực kia kìa. Tao nghĩ bà ấy cũng cần spa khẩn cấp lắm rồi.
-Ừ ha, có thế mà không nghĩ ra, hí hí…
Ngoài lề 3:
-Rõ ràng anh có cái gì cất trong hộp đen đó. Đừng giấu nữa.
-Một tế bào trứng.
-Hả? Tế bào trứng? Ở đâu ra?
-Tế bào trứng này tuổi thọ hơi bị cao đấy nha. Hơn một trăm năm mươi năm.
-Cái gì, anh về quá khứ lâu như thế, một cái đồ cổ cũng không có, lại mang tế bào trứng về làm gì?
-Có phải đã xảy ra vấn đề với IQ 192 của em không vậy, việc nhỏ như thế mà cũng không nghĩ ra.
-Hả, anh đi đâu vậy?
-Tới phòng thí nghiệm.
-Khoan đã, cái tế bào trứng ấy là ở đâu ra?
-Còn ở đâu nữa?
-Ơ, á…. Ahhhhhh….
-Em học được cái kiểu gào điếc tai kia của Rùa đấy à? Còn đâu phong thái hot boy nữa.
-Không được, như thế là không được.
-Cái gì mà không được? Pháp luật đâu có cấm thụ tinh nhân tạo.
-Không được, phải là với con giống của em.
-Dẹp đi.
-Em IQ 192, em cao to đẹp trai, chất lượng gene của em tốt. Gene của anh nguy cơ tim mạch.
-Âm thanh quá ngưỡng 90 decibel rồi đó. Coi chừng tổn thương hệ thống thính giác của anh.
-Em muốn cái tế bào đó.
-Có muốn sau này làm cha nuôi của một bé Rùa con đáng yêu không hả?
-Em muốn làm cha ruột.
-Không đến lượt đâu.
-Ahhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh!!!!
HẾT
Chúc các bạn online vui vẻ !